. .

Monday, July 20, 2009

Từ “Thiền Ôm” Thọ Nạn đến Luật Sư “Hồi Ðầu” - Giáo Già

Thư Cho Con

Ngày 15 tháng 7 năm 2009

H,

Vấn đề Tu Viện Bát Nhã ở Lâm Ðồng cho tới nay tuy chưa êm, nhưng có thể coi đây như sự thất bại của sư ông Thích Nhất Hạnh; vì thực tế phũ phàng đã phơi bày bức tranh trái ngược với viễn cảnh ngày “hoành tráng” [xin lỗi phải dùng chữ của Việt cộng] sư ông ngồi chứng minh cho cái được gọi là “ước nguyện cao cả” của Thượng Tọa Ðức Nghi và bốn chúng đệ tử của ông này, khi họ quỳ lạy ở chánh điện Tu Viện Bát Nhã mùa Xuân 2005. Bởi ước nguyện cao cả đó đã hiện thành sự phản bội trắng trợn, như những bước “thiền hành” của không ít “thiền sư” hiện thành thứ “thiền ôm” trầm luân trong “tục lụy” [xin hiểu đủ mọi nghĩa của chữ “ôm”].

Bởi Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được “sư ông” tưởng như trị dân bằng Pháp quyền nên hớn hở đưa “sư bà” cờ lộng về quê giúp chúng thoát vòng CPC của Hoa Kỳ, bất kể mọi mỉa mai của dư luận, nhưng đó chỉ là hệ thống Pháp luật của công an chớ không phải Luật pháp của lẽ phải. Bởi Giới luật mà Ðức Phật dạy là Luật pháp cao quý nhứt trong tất cả các Luật pháp trần gian; còn Giới luật nằm trong tay Cộng sản Việt Nam là thứ “Luật rừng” trong cả “rừng Luật” Xã hội Chủ nghĩa, lúc nào cũng phải nằm im dưới sự lũng đoạn và thao túng của quyền lực cá nhân, của tham vọng cầm quyền và của sợ hãi của người dân, hay nói ngắn gọn là của “độc đảng độc tài”. Từ đó, dư luận mới ngỡ ngàng nhìn cảnh “thiền ôm” thọ nạn; cái nạn cũng được nhận diện xuất phát từ Bắc Kinh, từ sự chỉ đạo của Trung Quốc, vì sư ông dám đứng về phía Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, phía quê hương Tây Tạng bất hạnh, mà không chịu thuần phục Trung Quốc như bọn Thái thú đang cầm quyền ở Việt Nam.

Trong lúc “thiền ôm” thọ nạn ở Lâm Ðồng, sư ông chưa biết có “hồi đầu” để “thị ngạn” hay chưa [xin ghi lời Phật “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn: Biển khổ minh mông, quay đầu thấy bến”]; nhưng điều ai cũng biết rõ là các Luật sư dũng cảm đấu tranh Dân Chủ Hóa Việt Nam nơi quê nhà đã và đang “hồi đầu” để mong “thấy bến” độc lập, tự do, dân chủ..., khiến bọn Thái thú Cộng sản Việt Nam phải lúng túng đối phó theo lịnh truyền từng hồi của bá quyền Trung Cộng, để nhục nhã nhận chịu những phản đối quyết liệt của các quốc gia từng dành cho chúng nhiều hảo cảm vì bị đánh lừa, trong và sau cuộc chiến xâm lăng Miền Nam Việt Nam của Cộng sản Bắc Việt, kết thúc ngày 30-4-1975.

Ðiển hình mới nhứt được ghi nhận từ tin vừa được đài BBC phát đi ngày hôm nay, 15-7-2009, cho biết Liên Hiệp Âu Châu vừa bày tỏ quan ngại về việc Cộng sản Việt Nam bắt giữ 2 người hoạt động dân chủ là Thạc sĩ [Cao học?] Nguyễn Tiến Trung và cựu Trung tá Việt cộng Trần Anh Kim. Bản tin nói rằng “Trong một thông điệp ngắn gởi tới Bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam, ba Ðại sứ Thụy Ðiển, Tây Ban Nha và Ủy Hội Âu Châu nói họ ‘vô cùng quan ngại’ về vụ bắt giữ này”[Thụy Ðiển đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU].

Còn nhớ, ngày 22-6-2009, EU cũng từng lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ Cộng sản Việt Nam bắt khẩn cấp Luật sư Lê Công Ðịnh ngày 13-6-2009; và Thông tấn xã Pháp AFP cũng có bài phản ảnh quan điểm của một số nhà phân tích về chiến dịch trấn áp các nhà đấu tranh Dân Chủ Hóa Việt Nam của Việt cộng. Họ cho rằng vu bắt giữ Luật sư Ðịnh nằm trong chiến dịch đã kéo dài một thời gian và cho thấy Nhà nước hết sức “nhạy cảm” trước những hoạt động liên quan tới các thế lực ở nước ngoài mà chúng cho là thù địch; bên cạnh một số nhà quan sát nói đó là do lịnh của Trung Quốc. Ðiều cũng nên biết thêm là chỉ chưa đầy 2 tháng, ngoài Luật sư Ðịnh còn có tới 6 người khác cũng bị bắt vì tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Chính ông Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc cũng nói rằng chiến dịch hiện nay của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cho thấy “tầm quan trọng của mạng Internet và sự quan hệ với bên ngoài trong duy trì mạng lưới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam”. Ngoài ra, AFP cũng trích lời một nhà ngoại giao ẩn danh cho biết “có yếu tố Trung Quốc trong chiến dịch trấn áp” này.

Mặt khác, tin được phóng viên Trân Văn phát đi trên đài RFA, ngày 14-7-2009, cho biết: Bản Kết luận Ðiều tra vụ án ‘Nguyễn Xuân Nghĩa cùng đồng bọn tuyên truyền chống Nhà nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam’, ký ngày 17 tháng 5 năm 2009, vừa được công bố trên nhiều diễn đàn điện tử. nói rằng các ông: Nguyễn Xuân Nghĩa, 60 tuổi, ngụ tại Hải Phòng, Nguyễn Văn Túc, 45 tuổi, ngụ tại Thái Bình, Ngô Quỳnh, 25 tuổi, ngụ tại Bắc Giang, Nguyễn Mạnh Sơn, 67 tuổi, ngụ tại Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tính, 67 tuổi, ngụ ở Hải Phòng, ông Nguyễn Kim Nhàn, 60 tuổi ngụ tại Nghệ An, cùng bị cơ quan An ninh Ðiều tra của Bộ Công an Việt Nam đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố vì đã có hành vi ‘Tuyên truyền chống Nhà nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam’, vi phạm Ðiều 88 Bộ Luật Hình sự”.

Trong Kết luận Ðiều tra vừa đề cập, Công an cho rằng, việc cả 6 ông tổ chức treo biểu ngữ có nội dung Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo Việt Nam. Dân chủ, nhân quyền cho nhân dân Việt Nam. Ða nguyên, đa đảng cho Việt Nam”, hồi tháng 8 năm 2008 ở Hải Phòng, hoặc “Khối 8406; lạm phát; dân nghèo khổ là do chính quyền cộng sản; mất dân chủ, tự do, nhân quyền là do chính quyền cộng sản: yêu cầu đa nguyên, đa đảng”; đồng thời với việc rải truyền đơn có nội dung “Phản đối chính quyền Hà Nội đàn áp giáo dân Thái Hà” hồi tháng 9 năm 2008 ở Hải Dương... hay “Vận động sinh viên một số trường đại học ở Hà Nội biểu tình trước Ðại sứ quán Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào thành phố Tam Sa của Trung Quốc”, hồi tháng 12 năm 2007, hay “Kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh – Trung Quốc”, “yêu cầu bồi thường cho những ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc sát hại hồi tháng 4 năm 2008, rồi chụp ảnh, viết bài, đưa lên Internet... là những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia rất nghiêm trọng... Họ bị buộc tội vi phạm Ðiều 88 Bộ luật Hình Sự.

Nhưng, khi nói với đài RFA, Luật sư Lê Trần Luật cho rằng: “...Ðối với tôi thì Ðiều 88 là một điều luật do nhà nước tưởng tuợng ra và chính điều luật này đã là một bức tường ngăn cản những người có quyền bày tỏ chính kiến. Với tôi, những người đó không bao giờ phạm tội. Với tôi, đơn thuần những người đó là những người muốn bày tỏ chính kiến một cách ôn hoà, chỉ ra những sai trái của chính quyền, chỉ ra những cái không phù hợp quy luật khách quan để cùng nhau đi đến một xã hội công bằng và dân chủ, thì đó không phải là phạm tội... Xin khẳng định, đối với tôi, Ðiều 88 rõ ràng là vi hiến... Khi làm việc với cơ quan an ninh tôi cũng khẳng định rằng đối với tôi là cần phải xoá bỏ Ðiều 88 để thúc đẩy tiến trình dân chủ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có một quyền nhất định, đó là quyền được bày tỏ chính kiến đối lập”.

Chính vì vậy mà Cộng sản Việt Nam hết sức sợ các Luật sư. Ðiều này đã được cựu Ðại Tá Việt cộng Bùi Tín ghi lại như sau:

Ở nước Việt Nam ta, sau tháng 8-1945, trường Ðại học Luật đóng cửa, giải thể, nghề luật sư trong xã hội biến mất... Trong Cải cách ruộng đất từ 1953 đến 1955, đã có hàng chục vạn phiên “tòa án nhân dân” xử tử hơn 23 ngàn nông dân (theo thống kê mật), sau khi chụp cho họ chiếc mũ: 'địa chủ cường hào ác bá” theo lệnh của cố vấn cộng sản Tàu... Năm 1956, khi “sửa sai” (để không sửa gì hết về não trạng phủ nhận pháp luật), ông Trường Chinh mời luật sư Nguyễn Mạnh Tường phát biểu về sai lầm trong Cải cách ruộng đất. Luật sư Tường đậu tiến sỹ Luật ở Pháp khi 23 tuổi, liền ngay thật phê phán kiểu độc tài đảng trị khinh thị pháp luật đang thịnh hành, trong một phiên họp của Mặt trận Tổ quốc. Thế là ông Hồ và Bộ Chính trị cộng sản nổi giận, lập tức trả thù. Ông Tường bị tước hết chức vụ (giáo sư, hiệu trưởng đại học, đuổi khỏi Ủy ban trung ương Mặt trận, đuổi khỏi đảng Xã hội do đảng CS lập ra) không cho cả dạy tiếng Pháp tại nhà, cúp lương và trợ cấp, triệt mọi đường sống. Ông phải lén lút bán mấy bộ com-plê quý giá cho đoàn kịch nói trung ương theo giá bèo để mua gạo, chăm nuôi một con gà mái đẻ lấy trứng cho vợ, con gái đều đang ốm yếu...

Ngày nay, ... khi vẫn còn độc quyền đảng trị, vẫn còn nền “dân chủ một đảng”, “đảng chọn dân bầu” thì vẫn chỉ là “tự do què quặt”, là nền “dân chủ bị thiến”, vẫn là pháp luật bị cưỡng chiếm, chà đạp, và giới luật sư cùng với giới báo chí tự do vẫn còn bị lườm nguýt, bị thâm thù... Luật sư Lê Chí Quang nổi lên từ bài viết nảy lửa “Hãy cảnh giác với Bắc triều”, bị lãnh đạo đảng bỏ tù 2 năm - từ 2002 đến 2004 - nhằm xoa dịu cơn giận của Bắc triều, nay anh vẫn là nguồn cảm hứng cho các luật sư trẻ. Luật sư Bùi Kim Thành bênh vực dân oan liền bị trói đưa vào bệnh viện tâm thần và bị tiêm thuốc để tâm thần thật sự rối loạn, rồi đẩy ra nước ngoài. Luật sư Lê Thị Công Nhân nhỏ nhắn tuyên bố đanh thép “dù chỉ còn một mình tôi, tôi vẫn đấu tranh đến cùng cho tự do và quyền làm người của đồng bào tôi”. Luật sư Nguyễn Văn Ðài vững tin ở nền pháp lý quốc tế hiện đại khi chỉ rõ: “chính quyền này đã ký và cam kết tôn trọng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, họ buộc phải thực hiện đúng và đầy đủ. Ðây là danh dự quốc gia và nhân cách làm con người của họ! Không vậy, họ là kẻ phạm pháp!” Họ bắt giam luật sư Lê Công Ðịnh vì anh dám hô hào cả xã hội “Quyết không khiếp nhược!”, với lời than đầy tâm huyết: “Tiếc thay! Sự nhu nhược đã thế chỗ cho tinh thần quật khởi!”, và anh kêu gọi: “Xin đừng để sự nhu nhược của những cá nhân thành sự bạc nhược của cả một dân tộc!”. Họ thâm thù luật sư cứng cỏi Lê Trần Luật và nữ luật sư gan góc Tạ Phong Tần vì 2 luật sư này đứng ra bênh vực dân oan bị đảng viên-địa tặc hiếp đáp, còn chuẩn bị cãi cho bà con Thái Hà bị vu cáo là đã cúi đầu nhận tội! Họ phát điên lên khi thấy trong số trí thức ký kiến nghị đòi ngừng ngay việc khai thác bôxít độc hại, có không ít luật sư trong nước. Số này, bên cạnh Lê Công Ðịnh, Tạ Phong Tần, còn có LS Hà Huy Sơn, LS Hoàng Minh Thanh (Sài Gòn), LS Bùi Trần Ðăng Khoa (Lâm Ðồng), LS Nguyễn Chính (Hà Nội), LS Phùng Tường Vân, LS Ngô Ðình Thuần (Sài Gòn), LS Phan Hồ Thiên Vũ (Sài Gòn), LS Bùi Tường Vũ, LS Hoàng Gia (Hà Nội)... Một số LS trên đây khi ký cho biết đã đắn đo, biết trước những hệ luỵ có thể xảy đến, nhưng vì trách nhiệm xã hội, vì nghĩa vụ công dân, sống chết theo nghề, nghiệp đã chọn, tin ở pháp luật và cán cân công lý cuối cùng sẽ thắng, nên dấn thân với sự đồng tình của gia đình, bạn bè, cả khách hàng quen biết và nhân viên trong công ty mình... Cuộc đọ sức giữa nhóm lãnh đạo đảng trị có trong tay công cụ hung dữ gồm: công an, cảnh sát, nhà tù, tòa án và bộ máy tuyên truyền lừa dối chống lại luật pháp nghiêm minh và các luật sư ngay thẳng đang diễn ra quyết liệt...”.

Cái quyết liệt đáng sợ nhứt hiện nay của Trung Quốc và Cộng sản Việt Nam là chuyện biến loạn ở Tân Cương, khiến Hồ Cẩm Ðào phải bỏ Hội nghị G8 ở Ý đề về Bắc Kinh giải quyết vẫn chưa yên, vẫn còn nhiều căng thẳng. Tin tức do các hãng thông tấn quốc tế truyền đi từ Urumqi cho hay, tiếng súng vẫn vang vọng, có thêm người chết và bị thương. Binh lính vẫn tuần tra ngày đêm, các cửa hàng còn đóng cửa... các loa phóng thanh đặt trên xe tải chạy khắp đường phố, phát đi liên tục lời kêu gọi từ chánh quyền trung ương yêu cầu người dân Uyghur và Hán tại đây phải đoàn kết và duy trì an ninh, trật tự xã hội... Hàng trăm binh lính và cảnh sát chống bạo động đã phong toả một khu vực trong phạm vi thủ phủ Urumqi, sau khi một toán tuần tra gồm công an võ trang Trung Quốc nổ súng vào nhóm người Uyghur cầm dao và gậy gộc tiến đến gần đơn vị này và có ý muốn tấn công họ... Một bác sĩ làm việc gần nơi ấy cũng nói là ông nghe 10 phát súng nỗ vang, cùng nhiều tiếng nỗ phụ khác vọng lại... Sau khi có vụ nổ súng, nhiều cửa hiệu và nhà hàng mở cửa từ sáng sớm đã vội đóng cửa... Hàng chục ngàn binh lính Trung Quốc được lệnh điều động đến Tân Cưong. Nhà báo nước ngoài cũng được công an yêu cầu hãy rời khỏi khu vực được xem là nguy hiểm và có thể gặp bất trắc... Tình hình chưa được thật sự ổn định theo như lời khẳng định của chánh quyền Tân Cương... Tại các sứ quán Trung Quốc ở Ankara, Oslo, Munich và Hà Lan, đoàn người biểu tình đã ném trứng, bom xăng, và gạch đá vào bên trong những nhiệm sở ngoại giao này... Cơ quan truyền thông Trung Quốc nhiều lần cáo buộc bà Rebiya Kadeer, một nữ doanh nhân và là một trong những lãnh tụ Uyghur lưu vong đã dàn dựng cuộc nổi loạn ở Urumqi, hôm chủ nhật 5-7-2009 vừa qua... Lên tiếng với các hãng thông tấn quốc tế, bà Kadeer tuyên bố rằng Trung Quốc đã bất lực trong việc đối phó với một cuộc biểu tình ôn hoà, gây ra cái chết của hàng trăm thường dân, đó là trách nhiệm mà Bắc Kinh không thể chối cãi được... Cuộc bạo động xảy ra chủ nhật vừa rồi tại thị trấn Urumqi đã gây tử vong cho hơn 180 người và gây thương tích cho trên 1600 người khác, ngoài ra còn có chừng 1500 người bị bắt giữ.

Trong cuộc tiếp xúc với đài Á Châu Tự Do, với tư cách nhân chứng, một người đàn ông Uyghur kể lại những điều mắt thấy tai nghe khi xảy ra bạo động khiến hàng trăm người chết, hàng ngàn người bị thương, hàng ngàn cảnh sát, công an, bộ đội đã đánh đập người biểu tình không nương tay, trong đó có nhiều bé gái. Rồi họ còn rượt đuổi, hành hung và bắt hàng trăm người khác dẫn đi. Trong khi đó, chánh phủ Bắc Kinh cảnh cáo, những người chủ mưu hoặc tham gia biểu tình sẽ bị trừng trị thích đáng, kể cả bản án tử hình.

Trong khi đó, Thái thú Việt cộng vẫn không quên nịnh bợ Bắc triều qua bản tin gởi đi từ Bắc Kinh cho hayTrong cuộc hội kiến với ông Ismail Tiliwaldi, phó chủ tịch uỷ ban thường vụ quốc hội Trung Quốc, ông Ksor Phước, chủ nhiệm ủy ban sắc tộc, quốc hội Việt Nam, lên tiếng ủng hộ chủ trương của Trung Quốc về cách ứng xử ở khu vực Tân Cương”.

Trong lúc Hồ Cẩm Ðào điên đầu vì Tân Cương như vậy thì tin Cựu Tổng Thống Charles Taylor của Liberia 61 tuổi bị đưa ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Haye, Hòa Lan, về tội hậu thuẫn cho Mặt Trận Cách Mạng Thống Nhất tại Sierra Leone, buôn lậu võ khí cho các phiến quân để đổi lấy thứ thường được gọi là 'kim cương vấy máu trong cuộc nội chiến gây nhiều đổ máu tại nước láng giềng Sierra Leone, chấm dứt hồi năm 2002.

Trên khía cạnh luật pháp, Charles Taylor chỉ “hậu thuẫn cho... hành động giết người”, còn Trung Quốc thì “trực tiếp giết người”, trực tiếp giết chết ngư dân Việt, trực tiếp cướp đoạt cá của ngư dân Việt như thứ “hải tặc có giấy phép”, trực tiếp hủy hoại tài sản của ngư dân Việt, ngay trên lãnh hải của Việt Nam, thì chuyện bị truy tố trước Tòa án Hình sự Quộc tế hẳn là chuyện rất dễ tiến hành. Do vậy, Trung Quốc rất sợ khi nghe tin Luật sư Lê Công Ðịnh dự tính kiện Trung Quốc với tội trạng trầm trọng hơn Charles Taylor, nên Trung Quốc phải tức tốc cử Ủy viên Bộ Chánh Trị Lý Nguyên Triều đích thân tới Hà Nội ngày 12-7-2009 chỉ thị Thái thú Nông Ðức Mạnh ngày hôm sau, 13-7-2009, ra lịnh cho công an ào ạt bắt khẩn cấp Luật sư Ðịnh và tiếp theo sau đó là những trấn áp khác nhắm vào những nhà đấu tranh Dân Chủ Hóa Việt Nam, những người từng có những hành động cụ thể chống Trung Quốc nêu trên.

Nhưng, bắt giam Luật sư Ðịnh, Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc có ém được vụ kiện không, khi mà Ðiều 88 Bộ luật Hình Sự càng lúc càng lộ rõ bộ mặt vi phạm Hiến Pháp, để trở thành “vô giá trị”, như Luật sư Lê Trần Luật đã phân tích, khiến những nhà đấu tranh Dân Chủ Hóa Việt Nam bị kết tội trở thành vô tội. Ðồng thời, các Luật sư trẻ ở quốc nội và những Luật sư thành danh ở hải ngoại, cho dầu còn mang quốc tịch Việt Nam hay không, vẫn có thể ráo riết tiến hành vụ kiện để đưa Trung Quốc và kẻ đồng lõa cầm quyền ở Việt Nam ra trước Tòa án Hình Sự Quốc tế trong một ngày không xa.

Hẹn con thư sau
Giáo Già

Nguồn : NSVNonline

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...