. .

Saturday, May 2, 2009

Cảm Nghĩ Khi Đọc “Đêm Giữa Ban Ngày” - Uyên Thao

Cảm Nghĩ Khi Đọc “Đêm Giữa Ban Ngày”

Uyên Thao



Đêm giữa ban ngày, hồi ký của Vũ Thư Hiên
do Tủ sách Tiếng Quê Hương (*) tái bản, 2008


Tác phẩm hồi ký Đêm giữa ban ngày ấn hành lần đầu tại California năm 1997 đã trở thành cuốn sách Việt ngữ bán chạy nhất nhiều năm tại hải ngoại, vì tiết lộ nhiều sự việc giấu kín trong hành động và chủ trương của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tác giả Vũ Thư Hiên không phải đảng viên Cộng Sản nhưng có nhiều năm kề cận bên cạnh Hồ Chí Minh, vì là con của ông Vũ Đình Huỳnh, một đảng viên Cộng Sản từ thập niên 1930 và bí thư của Hồ Chí Minh từ 1945. Ông Vũ Đình Huỳnh chống lại các chủ trương Cải Cách Ruộng Đất, đàn áp trí thức trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm và cho rằng đảng Cộng Sản đã phản bội quyền lợi đất nước nên năm 1967 bị bắt giam.

Lúc đó, Vũ Thư Hiên mới du học từ Nga về, hoạt động trong ngành báo chí và điện ảnh miền Bắc Việt Nam cũng bị bắt giam cùng với cha và nhiều nhân vật Cộng Sản tên tuổi khác cho tới năm 1976.

Sau nhiều năm sống dưới kiềm chế, Vũ Thư Hiên trốn được sang Nga năm 1991 và mấy năm sau trốn qua Ba Lan, rồi qua Pháp. Cuốn hồi ký hoàn thành trong thời gian này được tác giả coi như lời sám hối của chính cha mình vì đã lầm tin theo đảng Cộng Sản bỏ cả cuộc đời đấu tranh cho một mục tiêu biến chính mình và đồng bào thành những nạn nhân bị đày đoạ.

₪₪₪


Cho tới tháng 4, 2003, với tôi, Vũ Thư Hiên chỉ là một cái tên như mọi tên gọi khác. Tôi chưa hề biết gì về người mang tên này, kể cả khi bắt tay nhau lần đầu sau lời giới thiệu của người bạn. Đó là một buổi tối tại San Jose khi chúng tôi cùng có mặt tại nhà bạn tôi.

Ngày đó, tôi vừa thoát khỏi cuộc sống bít bùng tại Sài Gòn nhưng lại phải qua một thời khoảng biệt lập giữa những bức tường bệnh viện tại Virginia. Cơ hội mở rộng tầm nhìn đối với tôi hết sức hạn chế, nhất là để xác định về người và việc ở xung quanh.

Nhưng thật lạ là chỉ sau cái bắt tay, cả hai chúng tôi đều không có thái độ e dè thường có giữa những người xa lạ. Vì thế, mấy ngày sau gặp lại Vũ Thư Hiên tại toà soạn Người Việt ở Nam California, tôi có cảm tưởng gặp lại một người bạn cũ. Dịp này, Vũ Thư Hiên đi cùng một bạn trẻ được giới thiệu vừa từ Ba Lan qua. Cả hai chắc chắn cũng chỉ biết về tôi qua cái tên gọi, nhưng chúng tôi đã quây lại như ba người từng quen biết lâu năm vừa có dịp tái hội. Từ ngày đó, tuy đường ai nấy đi, tôi luôn thấy giữa chúng tôi như có một ràng buộc nào đó.

Cảm giác này khiến tôi thường thắc mắc: Tại sao?

Trên thực tế, giữa chúng tôi là những khoảng cách vời vợi về không gian và càng vời vợi hơn về hướng sống kể từ khi tất cả chưa rời khỏi tuổi trẻ thơ.

Nếu có một tương đồng, tôi chắc không ngoài tâm trạng hồn nhiên của hầu hết lớp tuổi chúng tôi vào thời gian diễn ra cuộc thế chiến thứ hai. Thời đó, dù chưa biết chính trị là gì, thậm chí chưa thể có một ý nghĩ nhỏ nhoi nào về dân tộc, về chủ quyền – vì chỉ là những đứa trẻ mới bước vào các lớp Moyen Un, Moyen Deux, Supérieur tức chưa qua bậc tiểu học – hầu hết chúng tôi đều ghét người Pháp. Nguồn cỗi nào, tác động nào đưa đến tâm trạng này là điều tới nay tôi chưa xác định nổi. Ngay giữa khi bị cuốn hút trong những trò chơi thơ dại, chúng tôi đã ghét người Pháp một cách tự nhiên như ghét các mụ phù thuỷ trong truyện của Perrault, của anh em nhà Grimm hoặc loài ma quái trong cổ tích – một tâm trạng gần như hồn nhiên tự tại.

Tâm-trạng-tương-đồng-nếu-có này chính là động lực đẩy chúng tôi vào các hướng ngược chiều khi tới tuổi trưởng thành.

Nhiều người chọn hàng ngũ kháng Pháp do cộng sản lãnh đạo, nhiều người lại thấy cộng sản là hiểm hoạ cần loại trừ trước khi loại trừ người Pháp. Giữa hai chọn lựa đó là những người xác định cần đương đầu cùng một lúc với cả hai kẻ thù Pháp và cộng sản. Các hướng đi này hiển nhiên không ràng buộc chúng tôi mà đã đặt chúng tôi vào thế đứng thù nghịch.

Thắc mắc về cảm giác ràng buộc còn thêm dấu hỏi vì bên cạnh chúng tôi là người bạn thuộc lớp tuổi không mang chung tâm trạng hồn nhiên của chúng tôi, không hề có quyền chọn lựa – vì chỉ là sản phẩm tất yếu của thời thế.

Qua nhiều thời điểm, tôi đã gặp nhiều câu trả lời.

Năm 2004, ngồi bên lề đường Bà Triệu tại Hà Nội với Kiều Duy Vĩnh và Nguyễn Thiệu Giang, tôi nghe Kiều Duy Vĩnh phát biểu: “Vũ Thư Hiên đúng là nghệ sĩ, lúc nào cũng lao theo những hứng cảm của mình.”

Không lâu sau, tôi nhận được một lời than cho bạn của Bùi Ngọc Tấn sau khi có dịp nhìn rõ cảnh sống của Vũ Thư Hiên trên đất Pháp. Theo Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên phải chấp nhận quá nhiều mất mát để có thể được làm theo tâm nguyện. Vì nếu ở lại, dù bị ngược đãi cách nào Vũ Thư Hiên chắc chắn vẫn luôn có người thân ở kế bên để tránh khỏi những phút cô đơn câm nín tới hãi hùng. Tuy nhiên, buổi tối cuối năm 2007 bên bờ sông Sài Gòn, Bùi Ngọc Tấn lại xốn xang khi nhắc tới một loạt bạn bè – Mạc Lân, Vũ Bão, Dương Tường … – do nỗi khao khát tự do bị vùi dập tới nghẹn thở.

Vậy, phải chăng chất nghệ sĩ và nỗi khao khát tự do đã ràng buộc chúng tôi?

Những điều này có thể rất gần với thực tế, nhưng không hoàn toàn là thực tế.

Bởi không có gì bảo đảm rằng những điều này không mang cùng tác động của tâm trạng hồn nhiên mà chúng tôi từng có để sẽ đẩy chúng tôi vào những hướng khác biệt. Vả lại, bên cạnh chúng tôi, chưa hẳn người bạn trẻ sẽ đáp ứng trọn vẹn các điều nêu từ những câu trả lời trên. Cuối cùng, tôi chỉ có thể dừng lại với câu trả lời cất lên từ những trang sách của Vũ Thư Hiên.

₪₪₪



Đêm Giữa Ban Ngày, như tác giả ghi, chỉ là “một chút ánh sáng soi rọi vào một vụ án biểu hiện tính điển hình cho nền cai trị của đảng Cộng Sản tại miền Bắc Việt Nam.”

Vụ án đẩy nhiều người vào nhà tù và chính tác giả đã trải 9 năm đày đọa.

Nhưng cả vụ án lẫn cảnh sống lao tù đều không phải chủ điểm của tác phẩm mà “chỉ là cái cớ để nói lên những ghi nhận, những cảm nghĩ về một thể chế xã hội” từng có nhiều thế hệ con dân Việt Nam một thời mơ ước và không ít người đã hy sinh mạng sống trong cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền đất nước để tạo điều kiện cho nó hiện hình trên thực tế.

Sự từng trải của bản thân và những cảnh ngộ phát hiện từ ngục tù cho thấy thể chế xã hội đó không chỉ có “hành động phi nhân của những vua chúa mới” mà còn “ép buộc con người dù muốn dù không đều phải đánh mất chính mình.”

Khởi từ ý muốn tốt đẹp của những người lương thiện sẵn sàng dâng hiến cả sinh mạng, con đường đấu tranh đã dẫn đến “một thể chế được áp đặt lên mọi số phận người bị tước đoạt mọi quyền lựa chọn để được sống xứng đáng là người.”

Từng trang sách nhắc tôi nhớ về màn kịch bi hài tại trại tù X.15 Sài Gòn vào một ngày đầu năm 1976.

Viên giám thị dắt theo con chó tới trước một phòng biệt giam, ngoắc người tù lại gần, chỉ con chó nói:

– Đây là con voi!

Trước cái nhìn ngỡ ngàng của người tù, anh ta lập lại:

– Đây là con voi! Nghe rõ chưa?

Người tù thắc mắc:

– Nhưng … nó là con chó.

Viên giám thị dõng dạc nhấn mạnh từng lời:

– Tôi là cán bộ cách mạng. Tôi ra lệnh cho anh phải triệt để tuân hành mọi chỉ thị của cách mạng. Anh phải nói nó là con voi. Nói đi! Nó là con voi!
Người tù băn khoăn, cuối cùng, chậm rãi lên tiếng:

– Nó… là con… chó!

Câu nói mà bất kỳ ai cũng không thể nói khác khiến người tù lãnh một trận đòn tới bất tỉnh, cộng thêm hình phạt cùm cả hai chân và cấm không được nói một lời nào để trở thành người câm suốt hai năm 1976-1977.

Màn kịch bi hài từ một góc trại tù khuất lấp tối tăm có thể coi là lời diễn tả rõ ràng và trung thực nhất về mô hình đời sống mà người cộng sản cố tạo dựng để tự hào “hoàn thành sự nghiệp cách mạng!”

Cho nên không có gì ngạc nhiên khi Vũ Thư Hiên coi 9 năm tù như điều “hữu ích cho bản thân… là giã từ được ảo ảnh về một xã hội cộng sản.” Và những lời tự thú không dễ có về chính mình đã cất lên cùng một câu tâm sự nhuốm đầy đau đớn:

– “Xin hãy coi cuốn sách này là lời sám hối trước đồng bào của cha tôi nay đã không còn.”

₪₪₪


Tôi nghĩ về những người mà thân xác đã thành tro bụi.

Từ trong lòng đất lạnh hoặc từ những cõi xa xăm mù mịt, hết thẩy có thoát khỏi nỗi chua xót khi nhìn rõ thân phận tràn ngập oan khiên của đồng loại đã hiện hình một phần do các nỗ lực hy sinh của chính mình?

Gần trọn thế kỷ 20, đất nước liên tục bị xô vào thảm cảnh tàn phá bởi đạn bom, chém giết và tới nay vẫn đang lún sâu dưới đáy vực phân ly, thù hận chỉ do tình trạng mê muội khởi phát từ một con người và trở thành một bệnh dịch lan truyền qua nhiều thế hệ.

Tôi nhớ tới lời nói cuối đời của một người bạn khác cũng là một người đã đặt trọn cuộc đời vào hướng đường do cộng sản chỉ đạo. Năm 2002, trước khi vĩnh viễn ra đi, Nguyễn Nguyên (một nhà văn và cũng là một thượng tá công an CS) từ Việt Nam điện thoại qua Mỹ cho tôi chỉ để nói một câu, câu trối cuối cùng:

– “Dân tộc mình bất hạnh cùng cực vì đã có một lãnh tụ là ông Hồ.”

Thực ra, dù mức cuồng tín chủ nghĩa cộng sản và tham vọng tạo sự nghiệp “dắt năm châu đến đại đồng” của Hồ Chí Minh là điều hiển nhiên thì nỗi bất hạnh thực sự của dân tộc Việt Nam phải được nhìn rõ là đã có những người nhẹ dạ đặt trọn lòng tin vào con người ấy. Khát vọng tạo sự nghiệp cá nhân của Hồ Chí Minh bằng mọi thủ đoạn tàn khốc kể cả núi xương sông máu sẽ không thể tác hại đến ai nếu không có tình trạng mê lầm tán trợ như đã có.

Đoạn đường đó đã qua rồi không thể làm lại bằng bất kỳ cách nào.

Vấn đề thực sự đáng kể vào lúc này là thân phận oan khiên của cả dân tộc chưa tìm được ngõ thoát và sự thành tâm thú nhận mê lầm vẫn hiếm hoi.

₪₪₪


Vũ Thư Hiên ghi lại ý nghĩ của một người bộ đội về lãnh tụ Hồ Chí Minh:

– “Chúng ta nhầm. Bây giờ tôi mới hiểu: Ông Hồ không phải đồng chí của ta, ông ấy cũng là vua như các ông vua khác, lại không phải vua hiền. Ông ấy biến những con người lương thiện thành những con quỷ. Ông ấy là quỷ vương”.

Riêng Vũ Thư Hiên vẫn nhớ kỷ niệm tuổi thiếu thời nhởn nhơ trong Bắc Bộ Phủ bên “bác Hồ tôn kính, bác Hồ yêu mến”:

– “Thấy tôi quanh quẩn ở đấy, ông gọi vào phòng, giao cho tôi mấy mảnh giấy nhỏ để tôi chạy xuống đưa cho các chú các bác làm việc ở tầng dưới, hoặc đang chờ ở phòng cảnh vệ…”

Tuy nhiên, nhớ chỉ để buồn, vì “khi nhìn lại, tôi thấy trong tôi chỉ còn trơ trọi một nhận định duy lý, một tình cảm lạnh lẽo đối với ông, như đối với một nhân vật lịch sử.”

Thực tế biểu hiện một chân tướng phi nhân và thúc đẩy sự đoạn tuyệt tình cảm với một kẻ tàn độc không hiếm hoi hay đáng ngờ vực. Nhưng ý nghĩ, thái độ như Vũ Thư Hiên ghi trong Đêm Giữa Ban Ngày chưa thoát khỏi bị vùi lấp.

Giữa lúc cả thế giới coi chế độ cộng sản như một cỗi nguồn tội ác thì tại Việt Nam vẫn vang vọng lời tung hô cỗi nguồn tội ác đó, vẫn kéo dài tình trạng buộc con người từ bỏ cuộc sống để “hoàn thành sự nghiệp cách mạng” chỉ là quyền uy tối thượng của những quỷ vương, bạo chúa.

Mọi con dân Việt Nam, vì thế, đều trở thành nạn nhân bi thảm vì bị tước đoạt mọi quyền sống, bao gồm trong đó không ít nạn nhân đã và đang còn đóng vai thủ phạm gieo rắc tội ác không chỉ cho đồng loại mà cho ngay cả bản thân.

₪₪₪



Tôi nghĩ chính cái thân phận nạn nhân chất ngất oan khiên này đã là động lực ràng buộc mọi người trong đó có chúng tôi. Chúng tôi dễ dàng gần gũi tin cậy lẫn nhau bởi đã thấy dù ở hướng đi nào, tất cả đều bị xô vào ngõ cụt do một tình trạng mê lầm khốc hại. Điều đáng tiếc là tình trạng mê lầm kéo dài từ đầu thế kỷ trước vẫn chưa chấm dứt vì những lý do hoàn toàn vô nghĩa.

Cho nên, tác phẩm này được tái bản với mong mỏi góp một phần nhỏ vào việc gióng lại tiếng nói từ thực tế nhắc nhở tầm cần thiết của sự nhìn lại mọi lý do vô nghĩa đang có nơi mỗi cá nhân để kịp thời định thái độ thích nghi cho yêu cầu tự cứu của hết thẩy và tránh cho con cháu chúng ta cảnh dãy dụa trong cõi chết.

Và mong mỏi trước hết của chúng tôi, là gửi được tới những người đang vì bất kỳ lý do gì vẫn cố bám vào cái thân phận vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, lời tâm sự của tác giả – người đã có một thời mang cái thân phận đó:
“Bị bắt năm 1967, những người tù không có án, còn gọi là tù “xử lý nội bộ”, tới năm 1973 mới lần lượt được thả… Người cuối cùng trong số tù nhân được Đảng ban cho ân sủng “xử lý nội bộ” mãi tới tháng Chín năm 1976 mới được ra khỏi cổng nhà tù.

Người tù ấy là kẻ viết những dòng này…

Trong chín năm tù, tôi chỉ làm được một việc có ích cho bản thân và cho những người mà tôi thương yêu là giã từ được ảo ảnh về một xã hội cộng sản được tô vẽ như là thiên đường dưới thế.

Sự nhìn lại đời mình cũng như sự quan sát số phận của đồng bào trong những nhà tù tôi đi qua đã mang lại cho tôi cái nhìn tỉnh táo không riêng với hành động phi nhân của những vua chúa mới, mà cả một thể chế xã hội trong đó con người dù muốn dù không đều đánh mất mình.

Cuốn sách mà bạn đang cầm trong tay là một phần những quan sát của tôi, một phần những suy nghĩ của tôi về cái xã hội khó hiểu mà số mệnh đã an bài cho tôi sống trong lòng nó. Xã hội này là khó hiểu, bởi vì căn cứ những gì tôi biết, nó khởi sinh từ những ý muốn tốt đẹp, bắt đầu bởi những con người lương thiện… Trong sự biến dạng của những người cộng sản, trong sự tha hóa của họ, cái gì là tác nhân? Chủ thuyết mà họ theo đã nhào nặn con người họ thành ra như thế hay chính họ tự biến đổi để trở lại nguyên hình, cho đúng với bản thể do trời đất tạo ra?...

Cuốn sách này chỉ là một chút ánh sáng soi rọi vào một vụ án cụ thể nhưng mang tính tiêu biểu cho nền cai trị của Đảng Cộng Sản…Cho nên, vụ án chỉ là cái cớ để nói về cái lớn hơn – về một thể chế được áp đặt lên mọi số phận người đã bị tước đoạt mọi quyền lựa chọn để được sống xứng đáng là người…

Trong cuốn sách này chỉ có sự thật theo cách mà tôi hiểu…

Văn học đích thực không có chỗ nơi đây.

Cuốn sách này không phải là lời lên án một xã hội nay mai sẽ trôi vào quá khứ.

Tôi không dám đặt cho mình mục đích buộc tội…

Tôi cũng không thể đóng vai người buộc tội…

Bởi trong cái xã hội được miêu tả, tôi không đơn thuần là nạn nhân.

Về mặt nào đó, trong chừng mực nào đó, tôi còn là thủ phạm.

Tôi viết vì tôi không thể không nói lên tiếng nói của mình.

Tôi quan niệm kẻ không dám nói “không” trước tội ác là kẻ đồng lõa với tội ác…

Số phận tôi được nói đến trong cuốn sách này cũng là số phận của nhiều người cùng thế hệ. Xin hãy coi cuốn sách này là lời sám hối trước đồng bào của cha tôi nay đã không còn. Nó được thực hiện theo lời trăn trối của Người.

Cuốn sách này là một vòng hoa muộn, một nén hương thêm đặt lên mồ những nạn nhân xấu số của một thời kỳ đen tối, những con người bất hạnh đã không chờ được đến ngày cuộc đời lập lại công bằng cho họ.”
Virginia August 3, 2008


© DCVOnline

________________________________________
(*) Tiếng Quê Hương, P.O Box 4653, Falls Church – VA 22044
E-mail: uyenthao1@juno.com

17-01-2009

* * *

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...