Hãy Biểu Dương Cùng Tận
Vinh hiển lầm than một kiếp người.
Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định, học qua Pétrus Ký và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, cấp bậc Thiếu Tá trong quân đội Miền Nam trước 1975. Tô Thùy Yên lập gia đình với vợ chánh là bà Huỳnh Diệu Bích. Còn có thời gian chung sống và có mấy con với nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ. Sau 1975 Tô Thùy Yên ở tù gần 13 năm. Cùng bà Hùynh Diệu Bích sang Mỹ theo diện cựu tù nhân chính trị. Hiện đang cư ngụ tại Houston
Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng, là những người nòng cốt của nhóm Sáng Tạo. Một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ Tự Do" trên văn đàn Miền Nam vào thập niên 1960. Cả hai tập thơ Tuyển Tập Thơ Thùy Yên (1995) và Thắp Tạ (2004) đều được xuất bản ở Hoa Kỳ sau khi ông đi tỵ nạn chính trị tại quốc gia này vào năm 1993.
7 tháng 9, 1981 nơi Trại 5 Lam Sơn, Thanh Hóa, Việt Nam
Cửa thứ nhất khu kỹ luật mở ra.. Anh ngó trân trân lên khối sắt sơn xanh không cảm giác, vô hồn bước vào khoảng sân vắng tanh, lau sậy khô teo, vàng úa, xao xác hỗn loạn. Viên cán bộ kỹ luật và gã tù hình sự phải vạch lối đi qua để dẫn anh tới trước tấm cửa bên ngoài dãy buồng giam. Thanh sắt chắn ngang khung cửa gỗ thứ hai được kéo ra, rút bỏ xuống.. Âm rền rĩ siết lê gay gắt, gào chìm rờn rợn. Đi tiếp vào căn phòng tối lạnh, chiếc bàn gỗ xiêu vẹo dựa vách tường trên có chiếc chén nhựa bẩn, cơm, khoai, sắn đọng khô nâu quanh vành chén (có lẻ từ lâu không được dùng đến), anh nhìn quanh, dãy buồng kỹ luật tối im chập choạng, kín như khối nhà mồ chất chứa xương cốt của những người chết để lâu không chôn cất. Tử khí ẩm ẩm tanh tanh. Cuối cùng, anh bước vào căn buồng hẹp sau cánh cửa thứ ba (đúng nghĩa chỉ là chiếc hộp dựng đứng), đặt chân vào khoen cùm hình chữ U. Bên ngoài, tiếng động ổ khóa khóa lục cục, xong thanh sắt giữ chân cùm chuyển động, day day chạy ngang cổ chân anh. Căn phòng hoàn toàn chìm đẫm vũng tối sau loạt động âm do những tấm cửa đóng lại. Không biết bây giờ là mấy giờ? Hôm nay thứ mấy?! Anh quên ngay ý nhiệm thời gian, ngày, tháng vừa tách rời. Nơi nầy năm trước, 1979 anh đã một lần vào, và khoảng một năm sau anh được cho ra, trở về trại chung với đồng ngũ. Nhưng lúc ấy thân thể anh bền bỉ, rắn chắc; trí tuệ mạnh mẽ cương nghị.. và nhất là chung quanh, bên ngoài, ở cạnh những bức tường phòng giam nầy còn có một tập thể bạn tù Miền Nam - Những người bạn anh mà có thể phân biệt cụ thể, chính xác từng âm nói của mỗi người.. Cách phát âm của Phan Văn Giỏi (với âm sắc Quảng Nam được nhấn mạnh) đang múc nước ở khu nhà bếp (sát tường buồng kiên giam).. nhớ nghe không..Nhớ uống cà phê.. nghe Phượng (“Cà-phê phượng”- biệt danh các bạn đặt cho, do anh uống cà phê pha chế bằng những hạt phượng rang cháy). Trước kia, năm ngàn người của lần chuyển trại đến đây (tháng Tám, năm 1978) đã chiếm dụng toàn thể bốn dãy nhà giam chính của khu giam giữ; nay chỉ còn hai-mươi-hai người ở gọn đúng vào một chiếc buồng (của dãy nhà cuối cùng) luôn khóa kín sau giờ lao động. Đúng hai mươi-hai người. Anh là người cuối cùng của nhóm người khốn khổ còn lại nơi Miền Bắc nầy. Chung quanh anh nay không còn ai. Chung quanh anh nay không có người. Có ai chia sẻ với mình đây?! Anh cố gắng nghĩ đến điều xót xa nầy nhưng không nổi. Hình như ý nghĩ cũng gây đau. Anh sờ tay lên bức tường.. Động tác vô nghĩa nhưng để chứng tỏ mình đang còn sống, biết suy tính. Là con người biết xê dịch bàn tay.. Có ai chia sẻ với mình không? Ý nghĩ được kết thúc như thể hoàn thành xong lần cố gắng.
.. Ta ngồi dậy
và như một thói tật,
Gõ gõ hỏi han
Hai bên tường tả hữu.
Có ai không?
Không có ai sao?
Ta khắc khoải chờ nghe
Những tiếng động của người
Tiếng động nào bất kể
..
Ta phải cố quên quên bằng mọi cách
Nỗi điêu đứng sống còn
Trong hằng hằng tĩnh chết..
(Thức giấc trong biệt giam, Thơ Tuyển - Hoa Kỳ, Thu 1996; trang168)
Năm 1992, nơi khu vườn của Như Phong ở Nhị Bình, Hốc Môn, Gia Định, trước ngày ra khỏi nước, anh nói cùng Tô Thùy Yên: Cám ơn Bạn đã viết những giòng Thơ chính xác, với ý nghĩa Thơ là Sức Nâng Đỡ. Anh nói không quá lời, e rằng bày tỏ chưa đủ ý, chưa diễn tả được hết lòng tin cậy đối với Thơ. Đối với Bạn. Lời kẻ chết là lời thiêng. Lời kẻ kinh qua cơn khốn cùng là lời thật. Người Viết Thơ Tô Thùy Yên là người làm chứng thuần thành nhất – Làm chứng về Sự Khổ – Cảnh Chết.
Thơ là cớ chứng thật nhất
Anh đến đây từ Houston (Texas), trên đường đi lên một nơi thuộc vùng bắc lục địa Bắc Mỹ. Một nơi nào đó. Anh không cố ý tìm hiểu chốn ấy ở đâu, như thế nào, dẫu đã là người chuyên nghiệp xử dụng bản đồ, tìm hiểu địa hình trong nhiệm vụ quân sự ở những năm tháng cách đây không mấy xa. Người bạn dặn, cứ theo chỉ dẫn trong vé máy bay mà đi.. Sẽ đến nơi đây, tiếp tới nơi kia. Trời đang mùa xuân nhưng ẩm ướt, giá rét. Tuyết đóng dày đẩy ùn ra hai bêân hệ thống những đường băng phụ thành đống khối lớn. Anh ngó mông ra phi đạo mù mù. Anh nhìn quanh quẩn khối người đông đảo di chuyển, thúc hối, nhưng rì rầm yên nặng.. À đây là New York, chỗ nầy có bức tượng Nữ Thần Tự Do. Tượng đó ở đâu? (Anh đảo mắt qua lại như thể đang cố ý tìm kiếm một điều gì đã rành rẽ, một người thân quen).. Chắc đâu đó ngoài khu bến tàu, tượng ấy đâu ở phi trường. (Anh cười thành tiếng chứng tỏ đã hiểu biết về một nơi chốn, một tình thế). Tượng nhìn ra cửa biển vào New York mà, thành phố nầy to nhất nước Mỹ đấy. To nhất thế giới nữa..” Anh tự hỏi, xong trả lời, buộc trí não phải bận rộn; cũng như để chứng tỏ không bị khuất lấp bởi hoạt động lôi cuốn ầm ầm chuyển dịch đang vây bọc. Không ai biết mình là ai cả? Và mình đi đâu đây? Cuối cùng, anh mở Tập Thơ Tuyển, viết lên phần trống những tờ giấy sau trang bìa.
Tôi đọc Thơ ông,
Tận trống trải..
Trống vơ, trống vốc.
Khi đến New York vừa rời Houston.
...
Phi trường xuống,
Không một ai.
Thật.
Không một ai.
Chỉ Tập Thơ ấm sâu trong ngực.
Và anh sống lại. Sống đầy đủ. Sống cùng tận nỗi bàng hoàng xa xót khi đọc qua những chữ nghĩa bình thản đến lạ lùng - Những chữ nghĩa nói về một cuộc sống-chết mà bản thân anh (cũ#ng của nhiều người) hằng mang nặng, nhưng không khả năng xóa mờ, vất bỏ. Mà vất bỏ nơi đâu? Xóa bỏ xong thì trí nhớ anh còn những gì?
Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dính gió bao la
Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét
Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa
....
Tiếp tế khó – đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó – sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên.
(Qua Sông; sđd, trang25)
Vào buổi chiều mù tối nơi chốn xa lạ hôm nay, qua những giòng thơ, cảnh sống tàn nhẫn tội nghiệp một cách bình thường trong chiến tranh kia thoắt trở lại tận đầy đủ.. Và anh nghe ra tiếng cười, giọng nói của những người lính; âm âm báng súng, giây đeo đạn, nón sắt.. va chạm lục cục trên mặt đất, nơi thành bàn, dưới chiếc ghế gỗ của một chòi quán ẩm ướt nào đó ở Long Sơn, Long Định vùng quê Long An ngày mới ra đơn vị, 1963; hoặc nơi Bồng Sơn, Lại Giang, Bình Định cuối năm sáu-mươi sáu, sau kỳ sinh nhật hai mươi-ba tuổi. Có thể anh không nhớ đủ hết tên họ, nét mặt những người đã cùng sống, kẻ đã chết thuộc những đơn vị nhảy dù mà anh hằng dự phần, có mặt. Nhưng lạ thay, anh nhớ chính xác mỗi chi tiết nhỏ nhặt của tiếng động, mùi nước bùn ẩm ướt thấm qua lớp áo trận, từng khuôn mặt của những người lính (quen và lạ) dồn chật trong chiếc quán nhỏ, lần dừng quân ngày mưa năm xưa. Và anh nghe lại giọng chậm, đục của hạ sĩ Ty vác súng trung liên khi mở lời xin anh điếu thuốc giải khuây cùng sắc mắt vô hồn, buồn phiền của những người lính địa phương quân đồn Long Sơn khi họ thoáng nghe, nhìn lướt qua trao đổi thân mật, gần gũi của thầy trò anh.. Sinh hoạt ngắn ngủi, nhỏ nhặt mà họ không thể có do phải ở lại đây giữ trách nhiệm ngặt nghèo giữa vũng tối sũng nước của vùng ruộng đồng hoang vắng, nơi chiếc đồn đang im im bốc khói cháy ngầm khi đơn vị nhảy dù cứu viện rút đi.. Hỏi chủ quán còn chai bia nào không, mời luôn mấy anh nầy. Anh đưa bao thuốc cho Ty, chỉ về phía những người lính địa phương.. Dạ, cám ơn, cám ơn thiếu úy,
Thiệt tình tên bạn ta không nhớ
Nhưng mà trông mặt thấy quen quen
Hề chi, ta uống cho say đã
Nào có ra gì một cái tên.
.....
Người thuở trước tìm vàng khẩn đất
Tiêu xác thân, để lại oan hồn.
Ngày nay ta bạn đến đây nữa,
Đất thì không khẩn, vàng không tìm.
(Anh Hùng Tận; sđd, trg 28)
Tuy nhiên, hoạt cảnh lặng lẽ kể trên dẫu sao cũng là lần “ bình an, hạnh phúc”, khi chiến tranh chưa nặng độ (đầu thập niên 60), và lần dừng quân còn có một chái quán lợp lá dừa, chai bia, điếu thuốc của vùng thôn quê Miền Nam – vùng đầt trù phú với sức sống ứ tràn trong mạch nước dầm dề phù sa. Vì tiếp liền theo sau đó, chiến tranh mở rộng, giăng dầy, chụp xuống chiếc cánh âm u tai họa.. Và Thơ không chỉ là lời miêu tả cảnh Khổ, nhưng chạm đến mối Đau khi con người bị ném vào lần tận tàn sát, thực hiện cuộc tận diệt.
Ta ngó thấy ghe thuyền quần tụ
Từng đoàn như trẻ nhỏ ghê ma
.....
Ta ngó thấy nhà cửa trốc nốc
Từng ngôi như mặt đất đang gào..
Nhưng cũng không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên, nhà cửa tang hoang, tiêu hủy mà đã đến lúc, đôi tượng hứng chịu tai ương - Con người trong chiến tranh - Người lính của hai bên lâm chiến, kẻ thụ nạn của một cuộc tương tranh tàn tệ, phải đối diện (thực sự đối diện) câu hỏi sững sờ vì mức độ phi lý, phi nghĩa, tận vô ích, và cực độ phí phạm của nhiệm vụ họ phải nhận lãnh..
Vì sao ngươi tới đây?
Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói
..
Vì sao ta tới đây?
Lòng xót xa thân xác mõi mòn.
Câu trả lời không có. Nếu có chăng cũng chỉ tăng thêm cường độ cay đắng của một vấn đề đã hư hoại, độc địa từ khởi đầu.
Ví dầu ngươi bắn rụng ta
Như tiếng thét
Xé hư không bặt im
Chuyện cũng thành vô ích.
Ví dầu ngươi gục
Nào có chi đáng kể.
Bi thảm hơn hẳn những nhân vật trong kịch và tiểu thuyết “phi lý” của Samuel Beckett – Trong đó, con người còn khả năng luận lý (cho dù luận về một điều “phi lý”); hoặc còn có điều chờ đợi (dẫu là một điều không tưởng).. Đấy, đời sống cứ qua đi.. Cũng vậy, chẳng có quan hệ gì nếu tôi đã sinh ra đời hay không, tôi đã chết đi hay đang lâm tử.. (Malone meurt; Minuit, Paris, Fr. 1952); hoặc trong kịch En attendant Godot; Minuit, Paris, Fr. 1953, hai nhân vật Estragon và Gladimir, sau một loạt đối thoại không mạch lạc, rối mù về những bàn tay, bàn chân, cái bàn, chiếc ghế.. xoay qua đối tượng gọi là Godot – Bất ngờ xuất hiện như một đồ vật cốt làm đầy cho câu chuyện vô nghĩa, của lần chờ đợi (không biết đợi cái gì).. Bởi: Godot khi là một nguồn động lực bắt con người phải chờ đợi, phải nói đến..Nhưng cũng chính là con người với sự chờ mong (vô vọng, vô nghĩa) của chính họ. Godot chỉ là điều tưởng tượng. Ở Việt Nam, trong chiến tranh, qua Thơ Tô Thùy Yên, diễn tiến sống-chết cụ thể với chính thịt xương con người, qua từng giờ khắc chịu đựng, bày ra như một điều hài hước. Bi kịch và hài tính đã nhập lại thành một khi cùng đối diện với sự chết. Kết thúc bởi sự chết.
Ta phá lên cười, ta phá lên cười
Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ
Ở cõi âm nào người vốn không tin,
Hỏi nhau chơi thỏa chút tính bông đùa:
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho Tổ Quốc Việt Nam- một tổ quốc..?
Các việc ngươi làm,
Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm
Các việc ta làm
Ta xét thấy chẳng ra chi
Nên người hăng điên, còn ta ảm đạm
Khi cùng làm những việc như nhau.
Và kết luận cuối cùng không thểâ khác,
..Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng
Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm
Có cùng gom góp lại,
Mặt đất nầy đổi khác được bao nhiêu?
Người há chẳng thấy sao
Phá Tam giang, phá Tam Giang ngày nầy đâu đã cạn?
(Chiều trên Phá Tam Giang; sđd, trg 74)
Cuộc máu lửa, súng đạn chấm dứt với ngày 30 tháng Tư, 1975, Thi Sĩ kẻ thụ nạn khốc liệt nhất trong mọi tầng lớp xã hội Miền Nam-cùng một lúc thực hiện hai chức năng, nạn nhân lẫn chứng nhân của lần xĩ nhục, đọa đày Con Người – Sinh vật nhận biết đau trong trái tim, trên xác thân.
Thức dậy, những ai còn sống đó,
Nhìn ra nhớ lấy phút giây này.
Tàu đi như một cơn giông lửa
Cuồn cuộn sao từ ống khói bay
.......
Toa nêm lúc nhúc hồn oan khốc,
Đèn bão mờ soi chẳng thấy ai.
Ta gọi rụng rời ta thất lạc.
Ta còn chẳng đủ nửa ta đây.
.......
Dường như ta chợt khóc đau đớn.
Lệ nóng cường toan cháy ruột gan
Lệ chảy không ra ngoài khóe mắt.
Nghẹn ngào đến cả tiếng than van.
(Tàu Đêm; sđd 117)
Người phải sống và Thơ phải viết bởi lần đau không chỉ riêng đối với một cá nhân, nhiều giới người, hoặc giai cấp cầm quyền chính trị, hay một tầng lớp xã hội.. mà toàn bộ lịch sử – đời sống bị xáo tung, ngụy trá, mạo danh, miệt thị và hủy hoại. Không chỉ nơi Miền Nam, không riêng của Việt Nam, mà chung cho cả địa cầu, lần con người tận diệt.
Mà thôi hãy nuốt lệ còn nghẹn
Tỉnh thức, lòng ơi nhìn tận tường
Thời đại đang đi từng mảng lớn
Rào rào những cụm khói miên man
.....
Người bạn đường kia chắc vẫn thức
Mong tàu đi đến chỗ đêm tan
Có nghe lịch sử mài thê thiết
Cho sáng lên đời những rỉ han
Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục
Cho tiếng rền vang dậy địa cầu
Lay động những tầng mê sảng tối
Loài người, hãy thức, thức cùng nhau.
(Tàu Đêm; sđd 117)
Thi Sĩ phải sống để đi cho hết cuộc hành trình tưởng như không hề có thật- Hành trình băng qua thống khổ máu lệ cường toan - Khóc không nỗi, nói không nên lời, chỉ biết cúi đầu im lặng trước bi thương chập chùng oan nghiệp mà phận người phải gánh nặng từ một thuở bắt đầu vòng sinh-diệt.. Cũng để tận thấm hiểu nghĩa xa xót mong manh từ hạt sương, tiếng dế, giếng nước, sợi tơ trời nơi bản quán đã thật sự nhạt nhòa, hư vỡ.
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
........
Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển đời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt.
Tội tình chi lắm nữa, người ơi!
(Ta Về; sđd 126)
Người ơi! Người nào? Không người nào cả. Chỉ riêng ta với tiếng gọi xé lòng.. Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ- Thanh Tâm Tuyền. Hãy gọi lên một lần. Cho gọi thêm đến nhiều lần.. Gọi đến lay động chiếc bóng của chính ta ngã dài trên dặm trường thăm thẳm cô quạnh. Hãy gọi lên. Kêu lên.. Không còn ai.
Thi Sĩ luôn hiện sống - Sống ròng
Nếu những năm tháng trước đây trong chiến tranh, tiếp tù ngục và cảnh khổ Việt Nam (sau 1975) đã hé mở ra những vấn nạn không thể nào trốn thoát.. Gõ lấy đầu mình như gõ cửa. Liên hồi kêu cứu giữa đêm khuya.. (Mùa Hạn; Thơ Tuyển, trg 103); hoặc phải chứng kiến những kinh hoàng không thể quên.. Trăm họ lần lượt bỏ xứ trốn. Biển thì hung hãn, thuyền mong manh. Ta nghe kể lại xác lên bãi. Nằm dài dài như lúc chiến tranh. (Nỗi Đợi; TT, trg 163). Nhưng dẫu gì tại lúc nguy nan kia con người cũng còn đôi chút hy vọng - cách hy vọng bền bỉ của người không chịu khuất phục (bởi khuất phục có nghĩa tiêu vong) - nên người lại kiên nhẫn lên đường, vẫn luôn trên đường đi, dẫu đường vô hạn lẻ loi.. Con đường vô định chưa ai tới. Hay tới nơi, thôi chẳng trở về. Hởi gã du hành, hãy nói lại. Những điều người thoáng thấy như mê. (Và Rồi Tất Cả Sẽ Nguôi Ngoai; TT, trg 53). Nhưng hôm nay, cuối thế kỷ bão táp, sang đầu thời đại mạt pháp, Con Người tự tìm ra và phải tìm ra với sáng suốt, tận bình yên, bởi người hiểu nên rằng, sẽ không đi tới đâu cuối cuộc hành trình miên viễn khó nhọc suốt một cuộc đời. Không xa, không gần, không non cao, không biển rộng, không biên giới và cũng “không còn biên giới”.
Đi như đi lạc trong rời đất,
Thủy tận sơn cùng, xí xóa ta.
Cõi chiều, đứng lại, khóc như liễu:
Có thật là ta đã đi xa?
(Đi Xa; Thắp Tạ - Hoa Kỳ, 2004, trg 10).
Điều chứng ngộ nầy không đâu xa..
Chỉ là một bước, bước trờ..
Hỏi chưa ra, đã trăm năm sững sờ
(BiệtTăm; sđd, trg 11).
Phải, chỉ một bước thôi, bước ngắn ngủi, chóng vánh, cô đọng như một công án thiền đạo –Thi Sĩ thấy ra (thấy chính xác, cụ thể) kích thước tận cùng trong phần, đoạn hữu hạn.
Tưởng thôi, nháng tưởng thôi.
Trí năng nào chạy kịp
(Sát Na; sđd, trg 11).
Công phá tuyệt luân nầy phải do mỗi cá nhân tự chứng – Đây là Sự Thường nhưng không hề tầm thường - Chỉ được xác lập bởi những trí tuệ thật sự khắc khoải mới hiểu nên điều nguyên lý: Sự thất vọng về hữu hạn là do thiếu đi tính vô hạn (Soren Kierkegaard); hoặc chỉ từ khổ đau vô lượng của kiếp người - Bất cứ người nào khi gặp những cảnh ngộ.. Buồn trông nội cỏ dàu dàu, chân mây mặt đất một màu xanh xanh; hay khi đối diện, Bốn phương mây trắng một màu, trông vời cố quốc biết đâu là nhà – Mà thiển nghĩ (chắc nghĩ không sai), đây không là tình cảnh của một cô gái tên gọi Vương Thúy Kiều, nhưng thật phải là của người đã viết nên những giòng chữ xót xa nầy - Tâm cảnh thắt thỏm của Nguyễn Du lúc ở Huế nhìn về phương Bắc với lòng quặn đau: Bắc thành thập khẩu khẩn đề cơ – Mười miệng người kêu đói ấy không ai xa lạ, chính là vợ, đúng là con. Là đứa con mà Đỗ Phủ đã phải ôm chặt vào người, bịt miệng lại do trẻ quá đói cứ nhè ông mà cắn, và để đứa bé bớt la khóc (sợ hùm, sói nghe được) trên đường chạy loạn ngã Bành Nha: Si nữ cơ giảo ngã. Đề úy hổ lang văn. Hoài trung yểm kỳ khẩu.. Kinh qua những giờ khắc thương tâm đáng sợ nầy (không phải chỉ trong một khoảng thời hạn tại một hoàn cảnh nhất định), con người phải tự cứu.. Và không còn con đường nào khác ngoài thái độ bình thản vô vàn cao thượng trong tất cả mọi tình huống, cho dẫu gặp phải kết thúc đậm dấu bi ai nơi một chốn mịt mùng không định hướng.
Mai có ai về ngang quãng sông nầy
Xin ném cho hòn đất hỏi thăm.
......
Những nấm mộ đá chồng rỗng kiệt
Hình hài người chết đã tiêu tan.
Nhưng chắc đâu hồn mộng chẳng còn chạy giỡn bạt ngàn
Cho tàn hã cuộc mê man cùng Vô Biên độc nghiệt.
(Viễn Tây; sđd, trg 45).
Thế nên, không cần đến giải oan nơi sông Tiền Đường, cũng chẳng nên khóc than người nằm dưới nấm mộ dàu dàu ngọn cỏ bên đường, cuộc nhân sinh ai cũng thế mà thôi, mỗi người một cảnh, vô vọng , đơn lẻ như gió thổi qua cõi ngoài.
Một mai, ngoài cõi gió hao đuối
Ai hỏi ai về ai trước kia?
(Chim Kêu Bãi Quạnh; sđd, trg 32)
Ai hỏi ai? Và hỏi về ai? Không phải là cách chơi chữ nghĩa nhưng quả thật Người Viết Thơ đã nắm bắt được tiêu điểm tận cùng của biên giới tâm cảnh mà con người luôn gọi tên bằng những tính tự “tuyệt vọng, đau thương”. Và tuy biết bên ngoài vùng mông mênh “ngoài cõi gió” kia không còn nữa những “đơn vị gọi là ai”, nhưng Thi Sĩ không hề tuyệt vọng (như khi Tây Phương kiêu ngạo đối diện với Hư Vô; kẻ chinh phục thấy ra điều suy hoại, sụp đỗ đế quốc xây dựng bởi thành quả bạo tàn) - Vẫn vững tin và bình thản cậy trông.
Khắc khoải chim kêu mùa hóa giải
Hành nhân về bên giếng quê nhà
Ngõ trúc chiều ngát hoa gạo mới
Ngọn đèn thắp đợi đã rền hoa
.....
Chiêm bao, âu cũng chiêm bao cả
Mưa lớn chừng như rợp hải hà.
(Chim Kêu Bãi Quạnh; sđd, trg 33)
Đau thương thay và đáng được kính trọng thay, qua suốt cuộc biển dâu ba mươi năm với những cảnh huống trầm luân, khi hái rau nơi vực suối triền núi sâu đất Bắc.
Làm người, đã phải làm sao?
Thêm bề rau thấp, cỏ cao, tội người.
.......
Giá cho ta hỏi một lời
Rau nầy trăm họ mấy người đã ăn?
(Hái Rau; sđd, 37-38)
và khi thảng thốt về Nam chứng kiến cảnh xé lòng.
Làng đã cháy, im lìm bất trắc..
Người nhớ người mà cũng sợ người.
Trời ơi, những xác thây la liệt,
Con ai, chồng ai, anh em ai?
(Nhớ có lần, trên bến bắc khuya.; sđd, 70)
Nhưng Con Người đi hết chặng đường bão táp ấy vẫn sắc son bền bỉ vẫn tận sống từng khắc giây sung mãn với lòng yêu thương con người, hoa cỏ, lá cây, lát gừng cay, hạt muối mặn lấy ra từ Đất. Người còn, trời đất còn chan chứa.. Muối mặn, gừng cay trắng tóc xanh.. cho dẫu đã hơn một lần (rất nhiều lần) hiểu rõ nghĩa “được-mất; có-không”sau những lần bị tước đoạt trần trụi như tình cảnh của Job trong Cựu Ước; bị lấy đi cả tiếng sáo hót thắm thiết trong buổi ngày thơ.. Tình cảnh của miền Nam, của cả nước bị bóc vỡ đến những ngưồn vui trong sáng nhỏ bé sau 1975.
Con sáo trong lòng con đã chết
Bé ơi, sao bé còn đi tìm?
Còn kêu lạc giọng sáo ơi sáo.
(Con Sáo; sđd, trg 29)
Chẳng phải đợi đến khi có lời nguyền rủa từ Tây Phương về lần bức tử Thượng Đế, những dân tộc Đông Phương (điển hình cảnh huống người Việt, các dân tộc trên Bán Đảo Đông Dương suốt bao thế kỷ lầm than do những cuộc phân tranh khởi từ đời Lê Mạt, thế kỷ 16, 17 kéo dài đến cuối thế kỷ 20) đã hằng thấm cơn đau về một, “Lão tạo hóa đành hanh qua ngán. Giết đuối người trên cạn mà chơi” (Nguyễn Gia Thiều- Cung Oán Ngâm Khúc) – Giết vì một đố kỵ khắc nghiệt, “Trời xanh quen thoái má hồng đánh ghen” (Nguyễn Du- Kiều) – Giết như một trò chơi. Nhưng những con người thuần phác bền bỉ chịu đựng kia vẫn hằng nuôi dưỡng đức tin nhu thuận: “Trời luôn đến cùng người khốn cùng, kẻ khờ dại, và những trẻ thơ” Nên dẫu, Tạo hóa tham công hay lỗi lầm? Hoặc giả, Vũ trụ tạo hủy dở dang mãi, Con Người qua tuyên ngôn của Thi Sĩ vẫn nhận ra điều kỳ diệu:
Mới hay sống chết dễ mà khó,
Mệnh nghiệp không là chuyện dững dưng.
(Hành Giả Âu Sầu; sđd, trg 109)
Có Dân Tộc nào bản lãnh đến ngần ấy? Có Con Người nào mạnh mẽ đến nhường kia? Quả thật, chỉ riêng Thi Sĩ đã hoàn tất xử dụng chữ, nghĩa thanh khiết tạo nên lời ca ngợi vô vàn:
Thế nhưng ngươi sẽ vẫn yêu đến giọt nước mắt cuối,
......
Cũng như ngươi sẽ vẫn yêu đến giọt nước mắt cuối.
Kể từ khi “người vượn- homo erectu” dựng đứng được xương sống và dùng hai tay để viết nên những ký hiệu đầu tiên, đến nay trong những trước tác của tổ chức nhân loại văn minh với Bộ Bách Khoa Toàn Thư (Encyclopedia Britannica) gồm hai mươi-chín cuốn, hoặc Tự Điển Từ Nguyên, Từ Hải đồ sộ của người Trung Hoa.. Tất cả nội dung trình bày trong những ấn phẩm to lớn nầy không gì khác hơn do một NÉT VẠCH ĐƯỢC SẮP XẾP theo một hệ thống từ con người dần xác lập, và đồng thuận xử dụng. Hệ thống nầy do Hai Mươi- Bốn chữ cái La-tinh, hoặc Bảy nét cơ bản của Hán Tự cấu tạo nên thành Chữ Viết tồn tại bền vững qua hàng ngàn năm cho đến nay. Và chắc chắn dẫu tiến đến một tương lai kỹ thuật cao đến bao nhiêu – CHỮ VIẾT-CON NGƯỜI (dưới nhiều dạng tự khác nhau, Phạn Ngữ. Á-Rập Ngữ..) VẪN VĨNH HẰNG TỒN TẠI. Thế nên, chúng tôi vô cùng tin cậy rằng: Trong những ký hiệu Chữ Viết kia ẩn chứa Thần Tính – Siêu Việt Tính nhưng cũng là Nhân Tính.
Chúng ta nhắc nhở với nhau như thế, đồng thời xác lập điều tự hào cảm động: Tiếng Việt qua vận động của Thi Sĩ đã trở nên thành nguồn nội lực đủ sức cất chứa những rung cảm tế vi của tâm hồn, và biểu hiện nên Lời Thơ hùng vĩ.
Chúng ta vẫn sống như rừng cây
Chúng ta vẫn sống như mặt biển
Bởi vì đã đi nên sẽ đến
Người và bóng tối phải chia tay.
Cảm ơn Người Bạn Viết Thơ Đinh Thành Tiên – Thi Sĩ Tô Thùy Yên.
PHAN NHẬT NAM
Mùa Lễ Tạ Ơn. Cali, tháng 11, 2004.
.
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...