. .

Monday, May 6, 2019

Hồi ký chánh trị "Đất Nước Tôi"


của cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn [1930 - 2009] - Derwood, MD: Hoa Hao Press, 2003

trong post này:
- audio trọn bộ cuốn Hồi ký Đất Nước Tôi (20 Chương, 587 trang) của cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn (gồm cả thảy 65 parts, mỗi part lối từ 22 - 25 phút) by SAIGON RADIO 890AM DALLAS 2013
- Đọc Hồi ký chánh trị "Đất Nước Tôi" của cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn by Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh 2002 (các ghi chú về niên kỷ hoặc ghi chú khác trong ngoặc vuông màu xanh [ ] là của LTC
- một vài nhận định và ghi chú thêm của LTC 2019
- trong những ngày tháng tới, sẽ update phần Text (do tôi typing lại, khi làm xong sẽ có PDF book kèm downloadable link tặng cho bạn đọc) và nguyên bản physical book (đang chờ nhận sách). Mong quý bạn đón đọc.


$pageIn
Tân Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn (trái) ký nhận bàn giao chức vụ Thủ Tướng VNCH từ cựu Thủ Tướng là Đại Tướng Trần Thiện Khiêm (phải) vào ngày 14-4-1975.
...
LỜI TỰA

Suốt 35 năm dài kể từ năm 1940, thế hệ đồng lứa tuổi chúng tôi chỉ biết có chiến tranh từ khi học xong tiểu học cho đến khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam hồi năm 1975.
Thật vậy, tôi trúng tuyển vào trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, giữa lúc phát xít Đức chiếm xong Âu Châu và đang tiến đánh Nga Sô và Phi Châu.
Còn bên này vòm trời Á Châu, Nhật Bản đang chiếm hầu hết Trung Hoa Lục Điạ và các nước Đông Nam Á như Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba và bán đảo Đông Dương. Tại Việt Nam, quân đội Nhật Bản trú đóng khắp nơi từ Bắc chí Nam, do đó máy bay Hoa Kỳ không ngớt dội bom Sài Gòn. Một số trường học tại đây đóng cửa và một số đông dân chúng tản cư về tỉnh để được an toàn.
Đến ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó vài tháng thì đầu hàng Hoa Kỳ, quân đội Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương.
Chiến tranh chống Pháp, rồi sau đó chiến tranh Quốc Cộng kéo dài cho đến năm 1975. Chiến tranh diễn ra ngay tại các thành phố, kể cả Sài Gòn và lẽ dĩ nhiên lan rộng khắp khắp vùng nông thôn. Người dân không ngừng hy sinh. Chiến đấu cho lý tưởng thì chết với khẩu súng trên tay, còn thường dân vô tội thì chết giữa hai làn đạn.
Chiến cuộc không kết liễu mà vẫn kéo dài sau khi quân đội Pháp, rồi sau đó Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam. Chiến cuộc càng leo thang khốc liệt hơn nữa sau khi Nga Sô và Trung Cộng biết chắc Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, bèn triệt để yểm trợ cho Bắc Việt tung toàn bộ quân chủ lực đánh chiếm miền Nam.
Hậu quả là ngày nay bên nhà, đất nước chìm đắm cho nghèo đói, và người dân đang chịu đựng mọi thống khổ và quằn quại dưới ách độc tài áp bức của cộng sản.
Ở hải ngoại, hàng triệu người Việt đang sống lênh đênh khắp Nam Châu, trong số có rất đông người đang mong đợi ngày về một khi đất nước được tự do dân chủ trở lại như trước năm 1975.
Nhưng ngày ấy vẫn chưa đến, sau hơn 30 năm mong đợi, trong nước cũng mong đợi, mong đợi còn hơn người tị nạn ở hải ngoại.
Các thế hệ tiếp nối nhau ra đi. Những chứng nhân bên trong hay bên lề dòng lịch sử cận đại của đất nước, chứng nhân bằng mắt thấy hay tai nghe, bằng nắm vững sự kiện hay chỉ biết qua truyền khẩu, cũng lần lượt ra đi. Trong cũng như ngoài nước, rất ít người còn sống sót biết rõ câu chuyện.

Nếu kể từ ngày Cộng sản Việt Nam áp đặt độc tài đảng trị tại miền Bắc là 50 năm và tại miền Nam 28 năm nay, thì có hơn 80% người Việt ngày nay trong nước không biết tự do, dân chủ là gì. Nếu họ có tò mò tìm hiểu thì cũng chỉ tìm đọc được sách vở tài liệu của Cộng sản, bóp méo sự thật hoặc hoàn toàn bịa đặt để tự vinh danh và đề cao chủ nghĩa xã hội.
Ở hải ngoại, con cháu của những chiến sĩ quốc gia và thuyền nhân tìm tự do, với thời gian, cũng sẽ hội nhập vào đời sống và văn hóa của nước ngoài, nơi sinh quán của họ. Nếu số người này muốn tìm hiểu thì cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sách vở tài liệu của phản chiến, khuynh tả, thân cộng của ngoại quốc y như tài liệu cộng sản trong nước vậy.

Tập sách này ghi lại một cách trung thực những điều tôi trông thấy, những nhận xét trong suốt thời gian tôi dấn thân phục vụ đất nước, từ lãnh đạo hành chánh địa phương đến các trách vụ lãnh đạo tại Trung ương, cùng những vấn đề mà tôi đã có trách nhiệm phải đối phó, những khó khăn mà tôi đã chia sẻ và góp phần giải quyết.

Tập sách này khắc hẳn với một số sách viết về Việt Nam mà tác giả chỉ nhìn cuộc chiến tại Việt Nam dưới khía cạnh thuần túy quân sự hay chính trị tùy môi trường tranh đấu của tác giả.
Tất nhiên tập sách này cũng không giống một số sách mà tác giả chỉ có công biên khảo. “Đất Nước Tôi” đúc kết trọn cuộc đời dấn thân tranh đấu của tôi từ địa bàn sinh lầy của xã ấp tranh giành từng tất đất, từng người dân với cộng sản, đến môi trường thành thị mà chế độ miền Nam đã tỏ ra không thích ứng vì đã để quá nhiều kẽ hở cho địch khai thác đánh ngược lại ta. Và sau cùng, tại cấp bậc quốc gia mà những thất bại chính trị và ngoại giao của cấp lãnh đạo miền Nam đã dẫn dắt đến sự sụp đổ của đất nước.

Tuy nhiên, tôi phải thú thật tôi không thể biết hết mọi sự việc, cũng không ở trong cuộc của mọi biến cố. Cho nên với tập sách này, tôi chỉ mong độc giả của thế hệ trẻ hiện thời và sau này được nghe thêm một tiếng chuông, có thêm một nhận định về đất nước nói chung qua các thời kỳ từ lệ thuộc Pháp đến thời kỳ kháng chiến giành độc lập, tiếp theo là chiến đấu để bảo vệ nếp sống tự do dân chủ, để rồi sau cùng rớt vào tình trạng lệ thuộc chủ nghĩa cộng sản ngoại lai, ác độc và tàn bạo gấp trăm lần chủ nghĩa thực dân và đế quốc tư bản.

Ngoài ra, với hàng triệu người trẻ hải ngoại khi còn ở trong nước, chỉ biết có thành thị, chưa hề bước chân đến thôn quê, tôi muốn thuật lại đời sống trong đồng ruộng, nơi sinh sống của hơn 90% đồng bào mình. Đời sống của con cháu nông dân, đời sống cần cù lao động của ông cha ngoài đồng, thiếu thốn mọi tiện nghi tối thiểu, không có phương tiện học hành để mở mang trí tuệ, trong lúc họ là lực lượng lao động chính, nuôi sống đồng bào và bồi đắp quê hương bằng mổ hôi nước mắt của họ. Trước 1975, họ cũng là thành phần đông nhất trong quân lực và mọi ngành dân chính của Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng, hào hùng cho chính nghĩa tự do dân chủ và họ là thành phần đã góp phần hi sinh xương máu nhiều nhất cho Đại Nghĩa.

Tôi may mắn được phục vụ đồng bào ở Xã Ấp, bên cạnh chiến sĩ đủ mọi cấp bậc, từ tá, úy đến binh nhì, từ chủ lực quân đến địa phương quân và nghĩa quân, cùng Cảnh sát Quốc gia và Nhân dân Tự vệ, nhân viên dân chính … trực tiếp làm việc với tôi ở cấp tỉnh quận Xã Ấp, thuộc đủ mọi ngành hành chánh và chuyên môn, đã đến tận các nơi xa xôi hẻo lánh để phục vụ người dân về mọi mặt, từ giáo dục, y tế và vệ sinh cộng đồng đến những tiện nghi tối thiểu như điện, nước, cùng giúp đỡ nông dân phương tiện canh tác ruộng nương, từ phân bón, thuốc sát trùng cho đến máy bơm nước, máy cày, tiền vay Nông Tín v. v...

Không sao kể xíết công lao và hy sinh cao quý của chiến sĩ, công chức và cán bộ quốc gia miền Nam đã hết lòng bảo vệ và tích cực phục vụ đồng bào tái thiết trùng tu những đổ vỡ do hành động phá hoại triền miên của cộng sản gây ra trong mấy chục năm dài.

Hàng hàng lớp lớp cán bộ cùng lứa tuổi với tôi hoặc trên dưới từ 5 đến 10 tuổi đã tự nguyện dấn thân hiến trọn đời họ để mong cho đồng bào miền Nam được sinh sống trong tự do dân chủ và mong cho đất nước được thanh bình sau chuỗi dài binh lửa. Những hi sinh cao cả của họ đã giúp cho 20 triệu dân miền Nam sống dưới chế độ quốc gia từ năm 1954 đến 1975 được hưởng nhiều tự do dân chủ nhất suốt trọn chuỗi dài lịch sử của dân tộc.

Nên mục đích chính của tập hồi ký này là để vinh danh chiến sĩ quốc gia miền Nam đồng thời cực lực lên án tội ác tầy trời của cộng sản Việt Nam.

Viết dưới lăng kính của người trong cuộc và với những cảm xúc thường tình của con người, tập hồi ký không khỏi có những sơ suất thiếu sót, kính mong độc giả lượng tình bỏ qua

Nguyễn Bá Cẩn





$pageOut$pageIn Phân đoạn 02
Audio files trọn bộ cuốn Hồi ký Đất Nước Tôi (20 Chương, 587 trang) của cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn (gồm cả thảy 65 parts, mỗi part lối từ 22 - 25 phút) by SAIGON RADIO 890AM DALLAS 2013


$pageOut$pageIn Phân đoạn 03

Đọc Hồi ký chánh trị Đất Nước Tôi của cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn

by Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

Tôi là một trong số ít những người được đọc cuốn hồi ký chánh trị của cựu Thủ tuớng Nguyễn Bá Cẩn khi tập sách quan trọng này còn đang ở dạng bản thảo. Nói như vậy không có nghĩa là tôi là một người bạn thân với ông Cẩn hay là một người từng cộng sự mật thiết trong thời gian ông tham chính nên được ông tham khảo ý kiến khi viết hồi ký.

Như phần lớn những người Việt Nam, tôi được nghe thấy nói đến tác giả lần đầu tiên khi ông đắc cử làm dân biểu Hạ viện và được giao phó những chức vụ có tầm vóc quốc gia. Từ ngày ly hương vì nạn nước, cũng như bao nhiêu người khác phải tự lực cánh sinh, ông Nguyễn Bá Cẩn đã học được một ngành chuyên môn về kỹ thuật cao và làm việc cho một công ty điện toán Hoa Kỳ ở một thị trấn không có đông người Việt ở gần San Francisco. Có lẽ cũng vì thế mà từ khi ông về hưu cách đây mấy năm và dọn về San Jose, là thủ đô văn hóa của người Việt ở miền Bắc Cali, người ta mới thường xuyên gặp ông tại những sinh hoạt văn hóa và chánh trị của cộng đồng. Tôi đã gặp ông cựu Thủ tướng trong khoảng thời gian này và được biết rằng, tuy bận công việc làm nhưng trong những năm qua ông vẫn thường xuyên viết bài nói về chính nghĩa quốc gia cho những báo Việt và Mỹ, và để tâm soạn lại những hồ sơ còn lưu giữ cùng sưu tầm thêm được nhiều tài liệu hành chánh và lịch sử và sẽ viết hồi ký chánh trị để nói những đóng góp của mình trong cuộc chiến giữa quốcgia và cộng sản, khi đất nước ở trong cảnh dầu sôi lửa bỏng của những năm vừa qua.

Tháng Tư năm 2002, khi nghe tôi giới thiệu một cách rất vô tư, trước một cử tọa đông đảo, cuốn hồi ký “The Twenty-Five Year Century” của Trung tướng Lâm Quang Thi, ông Nguyễn Bá Cẩn mới ngỏ lời muốn tôi viết một bài nhận định về cuốn sách của ông dự trù sẽ ra mắt độc giả người Việt trong năm tới.

Ông Nguyễn Bá Cẩn, khi viết tập hồi ký chánh trị của mình, đã không theo khuôn mẫu đưa ra của những nhân vật Mỹ và Việt đã viết tự truyện trước ông và trong đó họ đã nhìn đất nước Việt Nam trong nửa thế kỷ trước dưới một góc nhìn rất giới hạn, đặt trọng tâm vào nhiệm vụ của người viết, thường thì là một nhà báo, một cựu viên chức cao cấp trong chánh quyền hay là một vị chỉ huy quân sự. Ở đây, ông Nguyễn Bá Cẩn đã trình bày sự việc một cách toàn diện hơn vì tác giả có một kinh nghiệm đặc biệt là ở chỗ ông được phục vụ đất nước ở cả hai ngành: Hành pháp và Lập pháp.

Trong ngành Hành chánh, tác giả đã bắt đầu cuộc đời dấn thân phụng sự đất nước vào năm 1958 như là Quận trưởng Cái Bè, một đơn vị mà vào thời điểm ấy đang ở trong tình trạng bị Việt cộng lũng đoạn bê bết đến nỗi tên Bí thư Huyện ủy đã giữa ban ngày rượt đuổi Quận trưởng của ta để ám sát ngay tại chợ quận lỵ. Chỉ trong vòng nửa năm kể từ ngày nhậm chức, ông tân Quận trưởng, tuổi vừa 28, đã thực hiện được kế hoạch đề ra, là tận diệt được Huyện ủy và 16 Xã ủy của Việt cộng trong điạ hạt của mình. Từ trách vụ nhỏ đến trách vụ lớn, trong gần 10 năm trời, người thanh niên từng tốt nghiệp thủ khoa Khóa I Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, và cùng một lúc được huấn luyện quân sự tại hai quân trường sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức và Liên quân Đà Lạt, ông Nguyễn Bá Cẩn đã tận dụng khả năng của mình để phục vụ đất nước khi lần lượt giữ những chức vụ Phó Tỉnh Trưởng Định Tường, Phước Tuy và sau cùng là Long An trước khi xin nghỉ giả hạn không lương để ứng cử Dân biểu Pháp nhiệm I.

Trong ngành Lập pháp, suốt hai nhiệm kỳ vói sự hiểu biết về Hiến pháp và thông thạo hành chánh, ông Nguyễn Bá Cẩn đã được bầu làm Đệ nhị Phó chủ tịch Hạ nghị viện và sau là Chủ tịch Hạ nghị viện để rồi trong những ngày tuyệt vọng của đất nước, vào tháng Tư năm 1975, ông can đảm nhận trọng trách làm Thủ tướng và thành lập một chính phủ mới khi mà thủ đô Sài Gòn đã bị hơn mười sư đoàn cộng quân bao vây khắp ngả và Đồng minh đã bỏ mặc chúng ta để chỉ còn có thể lựa chọn giữa hai đường tử thủ hay đầu hàng.

Giờ đây, viết lại những sự việc đã xẩy ra, khoảng thời gian bốn mươi lăm năm trong cuộc đời của cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn sống trên quê hương đã được tác giả ghi lại một cách trung thực trong cuốn Hồi ký “ĐẤT NƯỚC TÔI” dầy gần 600 trang. Cuốn Hồi ký này gồm có 20 chương và có thể chia làm 4 phần với một chương cuối là những lời kết luận coi như là tâm sự của tác giả gửi cho thế hệ sau.

1- Phần Một, dài 141 trang và gồm có 6 chương đầu như sau:

Ch 1. Đất Nước Tôi
Ch 2. Chính Nghĩa Quốc Gia
Ch 3. Dấn Thân
Ch 4. Quận Trưởng
Ch 5. Phó Tỉnh Trưởng
Ch 6. Đất Nước Ngửa Nghiêng.

Trong phần đầu của cuốn sách tác giả đã kể lại cuộc sống của mình từ thuở ấu thơ như là một cậu học trò ở miền Hậu giang. Ông đã hết sức thành thực khi nói đến gia cảnh nghèo của mình, bản chất là nông dân, thân phụ lại mất sớm, bà mẹ phải tần tảo nuôi một đàn con. Tuy vậy cậu bé học trò đã cố gắng học tập và ước mơ phục vụ đất nước trong ngành hành chánh đã được thực hiện khi ông tốt nghiệp thủ khoa Khóa I Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và được bổ nhiệm làm Quận trưởng quận Cái Bè, thuộc tỉnh Định Tường. Nơi đây ông phải đối phó với cái gọi là “chiến tranh giải phóng” của Cộng sản và có khi giữa đêm khuya người Quận trưởng trẻ tuổi đã phải lội ruộng công tác giữa Đồng Tháp với vỏn vẹn hai tiểu đội địa phương quân đi kèm. Sự mẫn cán khi làm việc và sự thông hiểu lòng dân đã giúp ông ổn định mau chóng địa phương thuộc quyền mình quản trị, và cũng đưa lại cho ông những trách vụ hành chánh nặng nề hơn ở cấp tỉnh. Với cương vị Phó tỉnh trưởng Định Tường, Phước Tuy và Long An, ngưòi đốc sự hành chánh trẻ tuổi đã làm được khá nhiều việc về bình định, cải tiến hành chánh và chỉnh trang những thị xã ông phục vụ. Trong khoảng 10 năm trong ngành hành pháp, tác giả đã hoạt động với các chiến sĩ chính quy, địa phương quân, nghĩa quân, cảnh sát, công chức và cán bộ, từ cấp xã đến cấp tỉnh và vùng chiến thuật, đã khéo léo phối hợp các viên chức ở cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp để chống lại sự lan tràn và phá hoại của cộng sản một cách hữu hiệu.
Đọc những trang hồi ký này ta có thể nhận thấy rằng ông luôn luôn nghĩ đến việc giúp cho dân nghèo trở thành hữu sản để đời sống của người dân lành trở nên phong phú hơn.Cũng trong phần này tác giả đã nói đến những khó khăn và những rối loạn trên đất nước qua những binh biến đã xẩy ra trong thời gian chuyển tiếp giữa hai nền Cộng hòa.

2- Phần Hai nói về thời gian ông Nguyễn Bá Cẩn phục vụ quốc gia và dân tộcở trong ngành Lập pháp và gồm có 4 chương kế tiếp với tổng cộng là 99 trang. Những chương sách này được xếp theo thứ tự thời gian 8 năm tác giả ở trong Quốc hội của Đệ nhị Cộng hòa:

Ch 7. Phó Chủ Tịch Hạ Viện
Ch 8. Đảng Công Nông
Ch 9. Chủ Tịch Hạ Nghị Viện
Ch 10. Đảng Dân Chủ

Qua nhưng chương sách này tác giả đã cho ta biết rất nhiều về những vấn đề phức tạp ở lưỡng viện trong Quốc hội. Cũng vì muốn bài trừ những tệ đoan trong Hạ nghị viện mà ông đã cùng một số những bạn đồng viện thành lập Đảng Công Nông, và sau đó ra ứng cử trách vụ Chủ tịch Hạ Nghị Viện khi được tái cử dân biểu Hạ Nghị Viện Pháp nhiệm 2. Khi viết hồi ký, và phải nhắc lại một cách trung thực những sự việc đã xẩy ra, tất nhiên phải nói đến nhân sự, kẻ hay người dở. Tôi nhận thấy về điểm này, tác giả đã hết mực ôn hòa, không chỉ trích hay tâng bốc cá nhân, mà chỉ nêu ra những sự việc, dù tốt hay xấu, mà đã được ghi nhận trên báo chí hay côngvăn của thời đại, hay có thể kiểm điểm lại với những nhân chứng còn sống. Cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn vừa có kinh nghiệm chiến đấu chống Việt cộng trong khoảng thời gian phục vụ trong ngành Hành pháp, vừa ở vị thế trung ương trong ngành Lập pháp và được các nhà lãnh đạo quốc gia thườngxuyên mời tới hỏi ý kiến nên ông rất thấu đáo những sự thật đã xẩy ra trong việc liên hệ chánh trị giữa đồng minh Hoa Kỳ và nội bộ Việt Nam CộngHòa.

3- Gần 200 trang sách trong Phần Ba của cuốn Hồi ký đã được tác giả dành để nói về tình hình chánh trị và quân sự đã đưa đến sự sụp đổ của nền Cộng Hòa Việt Nam. Những chương sách liên hệ là:

Ch 11. Hiệp Định Ba Lê 29
Ch 12. Bản Chất Cộng Sản
Ch 13. Chính Tình Suy Sụp
Ch 14. Bên Bờ Vực Thẳm
Ch 15. Sự Sụp Đổ
Ch 16. Thủ Tướng Chính Phủ
Ch 17. Tổ Quốc Lâm Nguy

Qua những chương sách này, và qua góc nhìn của một người đã biết rõ bản tính lường gạt của cộng sản gian manh, tác giả đã cho ta thấy rằng cuộc chiến xâm lăng do Cộng sản Bắc Việt gây ra là một cuộc chiến toàn diện, ba mặt giáp công chính trị, quân sự và ngoại giao, từ giành đất giành dân tại nông thôn đến đấu tranh chính trị trực diện tại cấp đô tỉnh thị trong nước vàsau cùng là chiến tranh chánh trị ngoại giao giữa hai phe tự do và độc tài trêntầm mức toàn cầu. Người đọc có thể theo dõi từng ngày, từng giờ nhữngbiến chuyễn quân sự trên quê hương, những vận động ngoại giao giữa các chính phủ liên hệ, những gì thương thuyết giữa Henri Kissinger với Lê Đức Thọvà với Chánh phủ quốc gia, và những lý do đã khiến cho ông Nguyễn Bá Cẩn nhận làm Thủ tướng để thành lập một chánh phủ mới vào giờ thứ hai mươi lăm. Hai chương tiếp theo là sự phân tách của tác giả về những lý do đã làm cho Việt cộng chiếm trọn được miền Nam Việt Nam với âm mưu của Trung cộng trên bàn cờ quốc tế.

4- Hơn 100 trang sách đã dành cho Phần Bốn là phần cuối cùng của cuốn sách.

Ch 18. Tại Sao Miền Nam Thua
Ch 19. VNCH Bị Bán Đứng

Trong những năm cuối cùng của nền Đệ nhị Cộng hòa, với phong trào phản lại chiến tranh tại Việt Nam tới mức cao độ tại Hoa Kỳ, Quốc Hội ở đây đã gây nhiều khó khăn cho Tổng thống Nixon. Với tư cách là Chủ tịch Hạ nghị viện ở Việt Nam, ông Nguyẽn Bá Cẩn luôn luôn được chính phủ tham khảo ý kiến và nhờ đó mà có một hiểu biết thấu đáo về nội tình thương thuyết giữa hai chính phủ.

Đọc Phần Bốn của hồi ký “ĐẤT NƯỚC TÔI” ta sẽ hiểu rõ việc di tản chiến thuật của Vùng 2 có cần thiết không, và biết được rõ ràng những ai là người chịu trách nhiệm về việc đổ vỡ của hai cuộc triệt thoái Vùng 2 và Vùng 1. Tác giả cũng nêu rõ sự việc miền Nam mất vào tay Cộng sản là vì miền Nam đã bị bán đứng, khi các đại cường quốc đã thỏa hiệp với nhau về một sự phân chia quyền lợi và ảnh hưởng mới.

Đoạn hồi ký chánh trị của cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn được dừng ở đây, với 19 chương sách đã được liệt kê ở trên. Nhưng chúng ta không thể nào không đọc tiếp chương cuối cùng, là Chương 20, mà tác giả viết là Đoạn Kết. Đây là 30 trang sách, ông Nguyễn Bá Cẩn không nói về cuộc đời của mình, nhưng ghi những lời tâm tình ông gửi đến các bạn trẻ, mà ông cho sẽ là thế hệ lãnh đạo của một nước Việt Nam dân chủ, tươi sáng trong tương lai khi không còn chế độ cộng sản áp đặt trên quê hương. Từ một cậu học sinh nghèo ở miền Hậu Giang, và cố gắng học hành để rồi sau này tốt nghiệp thủ khoa Khóa I của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, và cùng một lúc được huấn luyện quân sự tại hai quân trường sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức và Liên Quân Đà Lạt, ông Nguyễn Bá Cẩn đã tận dụng khả năng của mình và những kiến thức thâu thập được để dấn thân phục vụ đất nước.

Cuốn hồi ký “ĐẤT NƯỚC TÔI” đã ghi lại một cách trung thực cuộc đời của tác giả từ thuở ấu thơ cho đến lúc tham chính, từ lãnh đạo hành chánh địa phương ở cấp quận và tỉnh cho đến những trách vụ lãnh đạo Trung Ương trong những ngày khó khăn nhất của quốc gia.

Tuy là một hồi ký chánh trị nhưng cuốn sách đọc rất hấp dẫn vì lời văn giản dị, trình bầy một cách trung thực những sự việc đã xẩy ra. Trước đây tôi đã được đôi lần nghe tác giả thuyết trình trong những buổi họp văn hóa và chánh trị và ông luôn luôn nhấn mạnh ở điểm là khi nước nhà trở lại được thể chế dân chủ thì phần lãnh đạo sẽ ở trong tay giới trẻ hiện nay. Tôi cũng chia sẻ ý nghĩ này với ông Nguyễn Bá Cẩn, vì chúng tôi cùng một lứa tuổi và cùng một số bằng hữu khác đã được gọi đi Khóa I sĩ quan trừ bị ở những Quân trường Thủ Đức và Nam Định, khi chúng tôi ở vào tuổi trên dưới ba mươi, nhiều người đã giữ những chức vụ chỉ huy Đại đơn vị cấp quân khu, quân đoàn hay quân chủng, đã có những trọng trách lãnh đạo hành chánh hay đã có dịp hướng dẫn những phái đoàn của Chánh phủ trung ương hay Quốc hội đi tiếp xúc với những chánh phủ của các cường quốc. Giờ đây, ở trong và ngoài nước, cả một thế hệ trẻ ở vào tuổi trên dưới ba mươi cũng đã lên đường. Là những người tiếp nối thế hệ phụ huynh, các bạn rất cần biết những bài học thành công hay thất bại của những người đi trước.

Cuốn sách của cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn thật là một tài liệu lịch sử qúy giá cho những nhà nghiên cứu và cũng là một cuốn tự truyện của một nhân tài đất nước đã nêu gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Tôi nghĩ đây là một cuốn sách các bạn trẻ nên đọc.


Hoa Kỳ 2002
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
$pageOut$pageIn Phân đoạn 04: Vào sách
Mục Lục
"Đất Nước Tôi"
- Hồi Ký Chánh Trị
by Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn - 2003



Chương I Đất Nước Tôi 01 => (01) là số thứ tự của audio file, dành cho độc giả nào muốn nghe xướng ngôn viên đọc sách (xin quay lại Phân đoạn 2)
1- Quê tôi 02
2- Mẹ tôi 03
3- Trường tôi 03, 04

Chương II Chính Nghĩa Quốc Gia
1- Đi tìm chính nghĩa 04, 05
2- Khóa I Thủ Đức Nam Định 05, 06
3- Khóa I Học viện Quốc gia Hành chánh 06, 07

Chương III Dấn Thân
1- Định Tường - Bên bờ sông Tiền 07
2- Thế cá nước và chiến tranh du kích 07, 08

Chương IV Quận trưởng
1- Môi trường dụng võ 08, 09
2- Khắc tinh của ‘chiến tranh giải phóng’ 10
3- Quận chọi huyện 10, 11
Chương V Phó Tỉnh Trưởng

1- Quan trường hay phục vụ 12
2- Sai lầm Chiến lược 13
3- Khuynh hướng công nông 14

Chương VI Đất Nước Ngửa Nghiêng
1- Đảo Chánh 14
2- Phước Tuy, Núi rừng và Biển cả 15
3- Long An, Đoạn cuối Cuộc đời Hành chánh 15, 16

Chương VII Phó Chủ tịch Hạ Nghị Viện 17
1- Hạ Nghị Viện 17
2- Liên Hoàn với Thượng Nghị Viện 18
3- Tối Cao Pháp Viện 18
4- Vận Động Ngoại Giao 18, 19
(Bảng Mục Lục này sẽ được update dần ...)

Chương I


Đất Nước Tôi


29 tháng 4 năm 1975
Chiếc phi cơ chở tôi đang bay trên không phận Thái Bình Dương, bên nhà đang là ngày 30 tháng 4. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ không thấy gì khác hơn là màn đêm đèn thẫm đang bao trùm vạn vật. Tối nay, trên đường đi tị nạn, đối với tôi cái gì cũng bị tô đen, từ cuộc đời của tôi cho đến viễn ảnh của đất nước tôi. Bỗng nhiên những gì bàng hoàng chấn động đã đến với tôi trong các ngày qua, hiện trở lại trong trí, đôi khi xen lẫn với những ký ức xa xôi về cuộc đời niên thiếu của tôi, như một cuốn phim quay chậm lại theo dòng liên tưởng của các sự việc.
Đầu óc đang quay cuồng với quá khứ, khi một nhân viên phi hành đoàn Hoa Kỳ bước tới để kéo tôi trở về với hiện tại, khi anh ta thông báo cho tôi rõ: “thưa Thủ tướng, bọn chúng đã vào chiếm Sài Gòn.” Tôi lặng người, mím chặt môi lại, vừa buồn tủi, vừa đau đớn, vừa oán hận. Buồn cho đất nước rồi đây, còn sẽ ngửa nghiêng hơn nữa dưới ách độc tài đảng trị của cộng sản, vì đồng bào sẽ tiếp tục chịu đựng thêm nhiều thống khổ và nhất là vì chiến sĩ và cán bộ Việt Nam rồi đây sẽ bị trả thù và ngược đãi.
Tủi cho thân phận một nước Việt Nam Cộng Hòa bé nhỏ, tủi cho đồng bào khi muốn vươn lên tìm một nếp sống tự do dân chủ, đã không làm chủ được việc nước của mình mà phải cam chịu dày vò bởi những thế lực siêu cường đã coi quyền lợi của họ cao nặng hơn cả vận mệnh của một dân tộc. Oán hận nước bạn đồng minh đã thay lòng đổi dạ, phán bội và bán đứng miền Nam qua những cuộc trao đổi nhơ nhớp trong một thế cờ quốc tế bất lương tàn nhẫn.
Cách đây không đầy hai tháng, lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn còn bay phất phới khắp 55 Đô Tỉnh Thị, 246 quận, 2500 xã và 25 ngàn phường ấp của Việt Nam Cộng Hòa. Lúc bấy giờ lá cờ hùng vĩ này vẫn còn tung bay ngạo nghĩa trên cổ thành Quảng Trị như thách thức với sư đoàn cộng sản tràn qua vĩ tuyến để nhận lấy những đòn chí tử của các sư đoàn dù và thủy quân lục chiến anh hùng của miền Nam. Có ai tưởng tượng được vào giờ phút này, không đầy 2 tháng sau, cờ máu của cộng sản đã thay thế ngọn cờ chính nghĩa của nhân dân miền Nam.

Rồi bỗng nhiên tôi thụt lùi vào dĩ vãng xa xôi hơn, cách đây 20 năm, khi ông quận trưởng Tân Bình ủy nhiệm tôi chăm lo toàn bộ chương trình cứu trợ và định cư đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Những gì tôi đã làm và cảm nghĩ tại Tân Bình hiện lên rõ rệt như mới xảy ra gần đây lắm, quen thuộc lắm.
Lúc bấy giờ tôi là sinh viên năm thứ 2 học Viện Quốc gia Hành Chánh được chỉ định đi thực tập tại tỉnh Gia Định trong thời gian 6 tháng. Sau 3 tháng học tập tại Tòa Hành Chánh Tỉnh và thăm viếng các quận, tôi được gửi đến Tân Bình để thực sự làm việc tại môi trường xã ấp giữa lúc đồng bào tì nạn tạm trú trong các lều vải bắt đầu nhận lãnh nền nhà và tiền trợ cấp xây cất nhà cửa trong các trại di cư mọc lên khắp các vùng Phú Nhuận, Chí Hòa và Phú Thọ Hòa trong quận.
Trước cảnh đồng bào bỏ nhà cửa ruộng vườn cùng làng mạc của mình để phiêu lưu vào Nam tìm tự do, tôi cảm thấy gần gũi và mến phục đồng bào miền Bắc đã chịu đựng quá nhiều thống khổ, nhất là đã sáng suốt phân biệt đâu là chính nghĩa để chen vai góp sức với đồng bào miền Nam bảo vệ nếp sống tự do mà ai nấy đều khao khát.
Tôi tận lực huy động mọi nỗ lực của chính quyền xã ấp cùng phương tiện ngoại viện để giúp đỡ đồng bào mà bao nhiêu tôi cũng chưa cho là đủ, chưa cho là xứng đáng với những hi sinh mất mát của đồng bào cũng như chưa làm đủ bổn phận lá lành đùm lá rách để thể hiện tình yêu thương với đồng bào.
Tôi cần nhớ rõ lúc bây giờ về trợ cấp định cư, đồng bào phải trải qua 3 giai đoạn đắp nền, dựng vách và lợp nhà. Sau mỗi đợt hoàn thành mới lãnh được 1/3 số tiền trợ cấp. Thủ tục đòi hỏi trên đây là nguyên tắc tài chính được áp dụng lúc bây giờ. Nhưng trước cảnh khốn cực của đồng bào, tôi nghĩ là thủ tục này quá khắt khe, nếu thủ tục này thích đáng đối với các nhà thầu, vốn dĩ có sẵn tiền nhà hay vay mượn ngân hàng dễ dàng, thì ngược lại đã tỏ ra không thích hợp đối với đồng bào di cư vào Nam với hai bàn tay trắng, đào đâu ra tiền để mua sắm vật dụng như tre, gỗ, lá đinh v.v.
Tôi liền chỉ thị xã ấp, phát tiền mỗi đợt trước khi khởi công thay vì phải đợi cho đến khi hoàn thành. Ngoài ra, gia đình nào được Cha Chánh Xứ bảo đảm thì được lãnh trước phân nửa, còn phân nửa sẽ lãnh khi khởi sự lợp nóc là đợt chót. Ông Quận trưởng gốc Đốc Phủ sứ lưu ý tôi: “Ông đang đi thực tập làm Quận trưởng mà đã đốt hết nguyên tắc cả.” Tôi còn nhớ tôi nói với ông rằng, mục tiêu tối hậu của hành chánh là để giúp dân, chứ không phải để tôn thờ nguyên tắc. Ngoài ra nguyên tắc cũng nên được áp dụng uyển chuyển, tùy hoàn cảnh để thích nghi và đạt được tối đa hiệu quả. Tuy bản tính của quý ông Đốc Phủ rất kín đáo nhưng tôi cũng đoán được là ông Quận trưởng chưa được hài lòng về cách giải thích của tôi.
Sau 3 tháng công tác tại các trại, tôi theo dõi được biết tại các quận khác đồng bảo không có phương tiện mua sắm để xây cất cho nên chương trình định cư tiến chậm và ì ạch. Đợi tới ngày phủ Tổng ủy Định cư gửi giấy ban khen chương trình định cư của quận Tân Bình đã hoàn thành theo đúng hạn định và trước các quận khác trong tỉnh, ông Quận trưởng mới mời tôi dùng cơm trưa để khoản đãi tôi trở về học viện sau khi tôi hoàn tất chương trình thực tập. Luận án thực tập của tôi đã được Ban Giáo sư Học viện Quốc gia Hành chánh chấm điểm cao nhất lớp.

Từ một sinh viên sớm ý thức dấn thân để giúp nước giúp dân, tôi đã đi qua 20 năm cuộc cuộc đời phục vụ với một chuỗi dài trách nhiệm từ nhỏ tới lớn để rồi cuối cùng ngồi trên máy bay tì nạn tối hôm nay, tôi cảm thấy mình đã thất bại. Thất bại đau đớn vì đã kiên trì cùng toàn dân tranh đấu nhưng không đạt được mục tiêu tối hậu là tự do dân chủ cho đất nước. Thất bại e chề là vì nghĩ cho cùng, nắm chính nghĩa như miền Nam hay không có chính nghĩa như miền Bắc, thắng như miền Bắc hay bại như miền Nam, người Việt nào cũng chỉ là một con chốt trong trận cờ được sắp xếp thật độc kế của các cao thủ đại cường. Miền Nam mất tự do dân chủ nhưng không để mất một tấc đất nào cho “giặc Mỹ xâm lăng”, còn miền Bắc thắng cuộc nhưng chưa chi đã phải ký nhượng quần đảo Hoàng Sa cho Trung cộng. Rồi một ý nghĩ vẩn vơ khác lại đến với tôi. Phải chăng linh tính đã báo trước cho tôi cách đây 20 năm là rồi đây số phận tôi sẽ phải lưu vong khiến tôi cảm thông và đối xử vô cùng thân thương đối với đồng bằng miền Bắc Di Cư năm 1954?

Mãi miên man với quá khứ xa gần mà quên để ý mặt trời vừa ló dạng từ đằng xa trên trời với luồng ánh sáng vàng rực cho ai nấy đều nhận thấy máy bay đang hạ dần để đáp xuống căn cứ không quân Wheeler của Hoa Kỳ trên đảo Honolulu thuộc quần đảo Hawaii. Tôi nhận ra ngay địa thế của hai dãy núi kẹp chặt một cái thung lũng nhỏ hẹp đã được máy bay của Nhật Hoàng dùng làm hành lang bay đến bất ngờ tấn công căn cứ hải quân Pearl Harbor và phi trường quân sự Hickam, đánh chìm gần 10 thiết giáp hạm và chiến đỉnh lớn nhỏ cùng phá huỷ hàng trăm chiến đấu cơ và máy bay đủ loại của quân đội Hoa Kỳ trong Đệ nhị Thế chiến. Tôi tự nhủ, tuy chưa hề bị ngoại quốc xâm lăng, nhưng Hoa Kỳ đã biết đau đớn khi bị bị tấn công giết hại hàng ngàn binh sĩ, thì tại sao lại nhẫn tâm bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, là một đồng minh đã từng hy sinh hàng triệu người dân để mong được sống tự do, cùng lúc giúp thế giới tự do ngăn chặn sức bành trướng của cộng sản tại Đông Nam Á. Cay nghiệt nhất là phần thưởng mà Hoa Kỳ dành cho đồng minh Việt Nam lại là đời sống nô lệ dưới chế độ cộng sản. Chính cái chế độ man rợ đã thúc đẩy Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu chống lại suốt một phần tư thế kỷ vừa qua.


Máy bay lượn vòng để đáp xuống phi đạo phô bày trước mắt tôi bãi biển Waikiki nổi tiếng nhất nhì thế giới. Mặt biển màu ngọc bích cùng vớii vòm trời xanh biếc của tiết xuân làm nổi bật một dãy khách sạn cao ngất đến hai ba chục tầng lầu trải dài hàng hai ba cây số tượng trưng cho sự cường thịnh của một đế quốc cường thịnh chưa hề thấy trong lịch sử loài người. Nhưng có ai đặt câu hỏi là khi Hoa Kỳ đã hưởng được bề mặt rạng rỡ của chiếc huy chương thì có bao nhiêu nước nhược tiểu đã phải trả cái giá khốn nhục của mặt trái huy chương? Và nếu nước Mỹ nhất là tiểu bang Hawaii được thế giới coi như là thiên đàng hạ giới thì có bao nhiêu nước nhược tiểu đã bị hy sinh và vùi sâu xuống địa ngục trần gian? Bãi biển Waikiki nhắc tôi nhớ lại những bờ biển miền Nam Việt Nam mà tôi có dịp đi qua, từ biển Hà Tiên với thạch động huyền bí, đến biển Vũng Tàu với ngọn hải đăng trên núi nhỏ để cân bằng với Thích Ca Phật Đài, bên triền Núi Lớn cùng với bãi biển Hồ Linh, Cà Ná, Nha Trang, Sơn Trà v.v. dọc duyên hải miền Trung. Những địa danh trân quý với rừng thông tô màu xanh đậm trên bãi cát trắng tinh, với gió lộng quanh năm xua đuổi đàn hải âu tung bay lào đào trên mặt biển. Hàng dừa trồng dọc bãi biển Waikiki làm cảnh cho các khách sạn và che mát khách nhàn du của các xứ thừa bạc, thừa tiền này, làm cho tôi nhớ đến những vườn dừa được trồng quy mô ở Tiền Giang, nuôi sống người dân quê của một nước nghèo nàn và bất hạnh. Rồi tôi chỉ còn biết thầm trách tạo hóa đã bất công ngay từ khi ban bố tài nguyên thiên nhiên cho các nước, cùng dành cho một số dân tộc những định mệnh quá ư khắc nghiệt. Trên thế giới này, có rất nhiều quốc gia được may mắn yên sống trong cảnh thanh bình thịnh trị. Thế mà tại sao đất nước tôi phải lắm cảnh nghiệt ngã, đọa đầy suốt dòng thời gian từ ngày lập quốc cách đây mấy ngàn năm?

$pageOut$pageIn Phân đoạn 05

Chương I.1 - Quê Tôi

“Maréchal, nous voilà!
Devant toi, le sauveur de la France”


Đoàn học sinh tuổi trung bình từ 12-18 đang bước đều trên lộ mới, là một trong những con đường nhộn nhịp nhất chạy từ trung tâm thành phố Cần Thơ đến sông Cái Khế. Con đường này nay được gọi là “Xô Viết Nghệ Tĩnh”. Cách 60 năm, người Pháp cai trị Đông Dương nên đã có thời kỳ, con lộ mới này được đổi tên là Chapitien du hommes. Sau nữa đổi thành thành Phan Thanh Giản cho đến năm 1975. Nó chạy xuyên ngang một khu đông đúc gồm có trại Gia binh và trường trung học Phan Thanh Giản ở phía nam và khu gia cư ở phía bắc lên đến tận sông Cái Khế. Cứ mỗi buổi chiều đến giờ thể dục thì học sinh trung học tập đi diễn hành ngoài đường phố. Đi vừa hát đồng nhịp những bài ca quen thuộc với học đường và ca ngợi nước Pháp.
Hai câu hát vừa kể trên trích từ một bài hát lúc bấy giờ được chính phủ Pháp tung ra để vinh danh Thống chế Pétain, vị anh hùng của trận Verdun hồi Đệ nhất Thế chiến. Năm 1941, khi Phát xít Đức xâm chiếm các nước Âu Châu trong đó có Pháp. Chánh phủ Cộng hòa Pháp kể cả Quốc hội tự động giải tán. Quốc gia Pháp được thành lập tại miền nam nước Pháp dưới quyền lãnh đạo của Thống chế Pétain, chủ trương hợp tác với Phát xít Đức để cứu vãn nước Pháp, ít lắm là theo lời tuyên bố của ông ta. Trong lúc đại đa số người dân Pháp quốc hướng về Thiếu tướng de Gaulle đang kêu gọi toàn quốc kháng chiến từ Luân Đôn là nơi ông đã thành lập chính phủ Pháp tự do và lãnh đạo cuộc chiến đánh đuổi Đức Quốc Xã để giải phóng nước Pháp.

Nhà tôi nghèo, quê tôi là làng Phú Hữu, ở tận cực nam của tỉnh Cần Thơ, cách tỉnh lỵ độ 18 cây số. Bên nội tôi sống bằng nghề nông. Trước năm 1945, xã Phú Hữu cũng như tất cả các xã khác, trừ xã tại quận lỵ chỉ vỏn vẹn có một lớp đồng ấu để dạy trẻ con biết đọc và biết viết mà thôi.
Với hoài bão cho các con ăn học để tương lai được sáng sủa hơn là cứ miệt mài với ruộng vườn năm suốt tháng mà cũng không thoát cảnh nghèo nàn. Ba mẹ tôi dời lên ở tỉnh lỵ Cần Thơ, nhà sát bên cạnh trường trung học tại lộ mới tiện cho việc học hành của các con sau này.

Quê tôi nghèo, bên nội tôi gồm khoảng 50 gia đình thuộc 3-4 thế hệ chia nhau chiếm trọn con kinh nhỏ là nơi phát nguồn của Rạch Mái Gầm giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng. Toàn dân trong xã làm ruộng, hết mùa lúa ở quê nhà thì rủ nhau bơi xuồng xuống Ba Xuyên gặt lúa mướn để kiếm thêm chút đỉnh, hoặc bằng tiền hoặc bằng hiện vật là lúa để tăng cường lợi tức thấp kém của mình. Lúc bấy giờ trong nước chỉ còn ruộng một mùa. Người nào siêng năng cần cù thì trồng thêm vài luống khoai hoặc bắp, kiếm thêm thức ăn độn cho gia đình. Nông thôn ta lúc bây giờ chưa biết làm lúa hai mùa hoặc trồng rẫy quy mô để sinh lợi. Sau khi gặt hái, còn lại nửa năm không biết làm gì nên dân làng thường tổ chức cờ bạc và đá gà.

Đất nước tôi nghèo, nghèo lắm. Hơn 90% nhân dân sống lam lũ ở nông thôn, ngoại trừ một thiểu số làm công chức và nghề tiểu công nghệ hoặc tiểu thương. Đa số quần chúng sống trong cảnh nghèo đói theo định nghĩa “nghèo đói” của Liên Hiệp Quốc ngày nay. Nước nghèo lại gặp cảnh thế chiến, gạo thừa thãi chút đỉnh nhưng xuất cảng không được. Ngoài ra Pháp và Nhật tung đòn phá về kinh tế gây nạn đói ở Bắc Việt chết hàng triệu người. Có đủ gạo thì ăn cơm, thiếu gạo thì phải độn khoai cho đỡ đói và đừng mong mua được đồ biến chế ngoại quốc vì các phe lâm chiến phong tỏa khắp các mặt biển và hải trình. Trong trọn tỉnh lỵ Cần Thơ, tôi chỉ thấy một chiếc xe hơi của Chánh Tham Biện tức Tỉnh trưởng người Pháp. Lúc bấy giờ thế giới chưa có máy lạnh và máy truyền hình. Tôi cũng chỉ thấy có một tủ lạnh nơi tư thất của một trong mười gia đình giàu nhất ở chợ Cần Thơ. Ngoài ra, từ trường trung học cho đến sông Cái Khế, trọn một khu gia cư dọc theo đại lộ Phan Thanh Giản gồm có cả trăm gia đình mà chỉ có nhà của ông giáo trưởng, thầy dạy tôi lớp vỡ lòng tại trường tiểu học tỉnh lỵ, là có một máy phát thanh duy nhất.
Chiều nhật nào, lộ mới cũng đông nghẹt nơi đây vì lối xóm ngồi chiếm nửa mặt lộ trước nhà ông giáo này để nghe Huyền Vũ tường thuật các trận túc cầu quốc tế ở Sài Gòn. Anh cả tôi dạy học, lương khoảng 100 đồng bạc Đông Dương. Một người anh khác làm thợ máy cho công chánh, lương khoảng 70 đồng. Từng ấy lợi thức giúp ba tôi nuôi một gia đình gồm má tôi và 8 anh em. Cho đến khi học năm thứ 3 trung học, tôi vẫn còn mặc bà ba và mang quốc cây để đi học hơn 90% bạn bè cùng trường. Một vài học sinh giàu mới mua sắm được sơ mi và quần tây ngắn. Ngay cả giáo sư trung học và các công chức cũng đều mặc quần ngắn, lý do là vì hàng 4-5 năm kể từ ngày thế chiến bùng nổ không có nhập cảng hàng vải được nữa. Công tư chức mới mua được một chiếc xe đạp để đi làm và dùng cho mọi cuộc di chuyển khác nhau giờ làm việc hoặc quý tuần.

Trong lúc học của tôi chỉ có một học sinh duy nhất là anh Lê Đình Thêm, em vợ kỹ sư Phan Khắc Sửu, người sau cuộc Cách mạng và Chỉnh lý đảm nhận vai trò Quốc Trưởng Việt Nam, mới có xe đạp. Toàn dân mang guốc cuốc bộ. Cho đến đường cát, sữa đặc và diêm quẹt cũng phải đến quận Châu Thành hoặc Tòa Hành chánh tỉnh xin phiếu mua dùng.

Nêu lên một vài cảnh sinh hoạt kinh tế tại tỉnh lỵ mỹ miều Cần Thơ để biết mức độ nghèo khổ của quê hương yêu dấu trước năm 1945. Tại tỉnh lỵ thì còn thấy người dân ăn no mặc ấm. Nhưng khi đi sâu vào nông thôn, như tôi năm nào cũng sống hai tháng hè tại quê nội, là nơi mà 90% dân ta sinh sống, thì cảnh nghèo khó biến thành bần cùng. Đa số nhân chân ăn mặc rách rưới vì không có vải nhập cảng, nên đã bắt đầu thấy vải ta xuất hiện. Mình vải hết sức thô vì được dệt bằng bông vải nội địa và dệt bằng tay theo có lối tiểu công nghệ. Nhiều gia đình nghèo không mua nổi vải phải thay quần áo bằng bố tời, loại bao bố chỉ gai màu sắc lợt để làm cho cái bao đựng lúa hoặc là đựng gạo. Chính mắt tôi chứng kiến nhiều gia đình nghèo đến nỗi chỉ mua sắm được có một bộ quần áo, dù là bằng bố tời. Khi có việc phải ra khỏi nhà thì vợ hoặc chồng mới dùng đến bộ quần áo duy nhất đó. Ở thôn quê chí rận nhiều, vì vừa nghèo vừa thiếu điều kiện vệ sinh, cho nên trước khi mặc quần áo bằng bố thì phải trải nó lên trên mặt phản và lấy ve chai, loại một lít, đè thật mạnh và lăn qua lăn lại để giết chí rận, đè nát lên bọn chúng, tiếng nghe răng rắc. Đó là thực tế đời sống ở miền Nam trước khi Thế Chiến thứ hai chấm dứt. Những mỹ từ thường được dùng như là Hòn Ngọc Viễn Đông để ám chỉ Sài Gòn, bao lơn Thái Bình Dương khi nói đến Việt Nam, và Tây Đô bên bờ sông Hậu, cũng chỉ nhằm an ủi niềm đau khổ thấp hèn của người dân thuộc địa mà thôi. Có lẽ độc giả thắc mắc tại sao ai cũng nói miền Nam Việt Nam, nhất là miền Tây, là một vùng giàu có nhất trong nước. Thế mà tại sao tôi lại mô tả đen tối đến như thế?
Miền Tây Nam Việt Nam còn được gọi là Hậu Giang, chỉ có lúa ruộng. Phần lớn đất đai do người Pháp khai khẩn. Như tại Cần Thơ có một số đồn điền người Pháp canh tác ruộng lúa tại những vùng Thới Lai, Cờ Đỏ và miệt Kinh Sáng như là Kinh Bảy Ngàn. Nếu không ở trong tay của Pháp thì cũng ở trong tay của Hoa kiều vốn dĩ có nhiều vốn liếng lại còn được hưởng đặc quyền đặc lợi thủ đắc qua các hiệp ước ký kết với Triều Thanh trong tinh thần Pháp Hoa lưỡng lợi, chia sẻ miếng mồi thuộc địa.
Có một số chủ điền Việt Nam có từ 10-15 cho đến vài trăm mẫu ruộng do hai ba đời cần cù làm lụng tiết kiệm để tậu mãi. Còn lại đa số là tiểu điền chủ có từ một vài sào cho đến một hai mẫu ruộng là cùng. Gạt hái xong được vài chục hoặc là vài trăm giạ lúa, một số để dành làm giống cho mùa sau, còn lại để ăn trong năm, thiếu trước hụt sau. Đại đa số người dân trong xã không có ruộng phải xin thuê ruộng để canh tác, hoặc được gọi là tá điền, là còn nghèo hơn là tiểu điền chủ hai ba bậc. Trong đại đa số này, có một số khá đông không thuê được ruộng, thì đi làm công cho chủ điền, từ công việc cày bừa, gieo cấy cho đến khi gặt hái, được trả lương chết đói bằng hiện vật là lúa.
Đừng đánh giá Hậu Giang giàu khi nhìn thấy một số đại điền chủ người Việt hoặc Minh Hương, tức là Việt lai Tàu, sinh sống thảnh thơi, hoặc khi đọc chuyện các công tử Bạc Liêu phung phí tài sản, trong đó có cậu Ba Quy, con của một đại điện chủ giàu khách tiếng miền Tây, mỗi cuối tuần tự lái máy bay riêng lên Sài Gòn khiêu vũ trác tán với gái hạng sang tột bực đến chiều thứ Hai mới lái về nhà. Do đó mỗi chiều thứ Hai trẻ con chúng tôi ở lộ mới thường tụ tập để đón xem máy bay của cậu Ba bay ngang tỉnh lỵ trên đường về Bạc Liêu.
Trong thời gian Thế Chiến thứ hai, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương không theo đường lối của nước Pháp tự do do de Gaulle lãnh đạo mà lại nghiêng về chính phủ Vichy, tức là chính phủ hợp tác với phe trục Đức Ý Nhật, ngỡ mong được Nhật Bản để yên. Hi vọng này trở nên hão huyền vì ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật Bản đảo chính Đông Dương để làm bàn đạp tiến chiếm Mã Lai và Tân Gia Ba.
Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, rồi tiếp đến Cách mạng Mùa Thu. Hoàng đế Bảo Đại thoái vị để làm công dân một nước độc lập.
Từ trước năm 1944, Đảng Cộng sản Đông Dương, với một số cán bộ nòng cốt được huấn luyện tại Moscow về đấu tranh giai cấp và cách mạng lật đổ chính quyền, đã biết lợi dụng thời cơ tổ chức kháng chiến đánh phá Nhật Bản, mục đích là mua lòng Trung Hoa và Hoa Kỳ để được viện trợ vũ khí của hai nước này hầu phát triển lực lượng võ trang của họ. Cộng sản đã lấn lướt các phe phái quốc gia trên bình diện chính trị ngoại giao. Về nội bộ thì Cộng sản sẵn có cái vốn kỹ thuật xách động quần chúng đấu tranh nên đã chiếm ưu thế lãnh đạo trong các tổ chức cứu quốc, ủy ban giải phóng dân tộc và sau đó là Việt Nam độc lập Đồng minh hội. Trong đó Cộng sản liên minh với Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội của Nguyễn Hải Thần, Quốc Dân Đảng và Vũ Hồng Khanh và Đại Việt Dân chính của Nguyễn Tường Tam.
Đến khi Nhật Bản đầu hàng và Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, thì thời thế đó chín muồi cho Cộng sản Hồ Chí Minh phát động quần chúng, biểu tình áp lực Bảo Đại và dư luận toàn quốc và để cho Việt Minh thành lập chính phủ. Cộng sản vừa có kế hoạch, vừa có cán bộ cuồng nhiệt và liều lĩnh để thực thi kế hoạch. Bọn chúng đã biến cuộc biểu tình tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, thay vì để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim thành ủng hộ Việt Minh và bất thần cho cán bộ đến chiếm Tòa Thông sứ một cách dễ dàng.
Tại Sài Gòn cũng vậy. Trong lúc cán bộ Cộng sản do Moscow đào tạo, Trần Văn Giàu thuyết phục mặt trận quốc gia thống nhất gồm có Đại Việt, Cao Đài và Hòa Hảo gia nhập Việt Nam đồng minh Các mạng hội để giải phóng đất nước thì được tin Bảo Đại mời Việt Minh thành lập chính phủ. Do đó mà mặt trận tuyên bố tự giải tán để trở thành ủy ban lâm thời nam bộ do Trần Văn Giàu cầm đầu. Cứ như thế mà cộng sản nhờ núp dưới chiêu bài Việt Minh kháng chiến, lần lượt tiếm thâu quyền hành từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, và các tỉnh trên toàn quốc.
Tại Nam Kỳ, lúc bấy giờ Phật giáo Hòa Hảo, do Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ sáng lập, thu hút hàng triệu tín đồ. Phật giáo Hòa Hảo chủ trương hành đạo giúp đời và đặt Ân đất nước lên hàng đầu trong Tứ Ân hiếu nghĩa. Do đó, các tôn giáo khác, các chánh đảng và đoàn thể yêu nước quy tụ lại thành Mặt trận Quốc gia Liên hiệp do Đức Thầy lãnh đạo với sứ mạng đánh đuổi Pháp để tranh thủ độc lập cho nước nhà. Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Nam bộ của Việt Minh là đảng viên Cộng sản Trần Văn Giàu, lo ngại uy thế của Đức Thầy và Mặt trận Quốc gia Liên hiệp. Sẵn dịp ngày mùng 8 tháng 9 năm 1945, Lãnh tụ Phật giáo Hòa Hảo Năm Lửa ở miền Tây tổ chức biểu tình hàng ngàn người tại Cần Thơ để kêu gọi nhân dân ủng hộ Chính phủ Việt Minh và yêu cầu võ trang quần chúng để chống xâm lăng. Trần Văn Giàu chụp mũ Hòa Hảo nổi loạn để đàn áp cuộc biểu tình và bắt giữ một số tín đổ Phật giáo Hòa Hảo, mặc dù cuộc biểu tình đã được thông báo trước cho nhà cầm quyền địa phương. Ngày hôm sau tức ngày 9 tháng 9, Trần Văn Giàu cho quốc gia tự vệ cuộc, bao vây trụ sở Phật giáo Hòa Hảo tại Sài Gòn để lùng bắt Đức Thầy, nhưng Đức Thầy thoát nạn.
Thế Chiến thứ hai vừa chấm dứt, thì chính phủ Pháp do de Gaulle lãnh đạo, mang quân qua tái chiếm thuộc địa cũ là Nam Kỳ. Tuy Việt Minh chưa có lệnh tiêu thổ kháng chiến, nhưng chỉ thị dân chúng thi hành chánh sách vườn không nhà trống, bỏ trống thành thị để tản cư về quê.

$pageOut các Phần tiếp theo ==>
.

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...