. .

Wednesday, October 19, 2011

Đôi Dòng Tâm Tư ...(1)-LTC


Đôi Dòng Tâm Tư ...(1)
-LTC-, ...Oct, 19, 2011

Đất nước vẫn bế tắc, không thấy đâu lối ra...
Từng ngày, quê hương bể nát, người đâu không thấy chỉ thấy ngợm, nhân vắng biệt chỉ thấy quỷ, nghĩa mất dạng chỉ còn chữ, ý chìm sâu chỉ còn mớ ngôn từ rỗng tuếch lên ngôi, u ám, đè áp lên sông núi và muôn triệu đồng bào...
Mình từng nói nhiều năm trước, xứ này chẳng còn Trời hoặc y ta đã bị mù mắt, điếc tai hay bị biệt giam rồi...
Tối 17/10/2011 khi thông báo "có khoảng 26 đến 28 người đứng đợi ở cổng công an quân Hoàn Kiếm để hỏi về tình trạng (bị) giam giữ của chị Bùi Minh Hằng", B.T.Hiếu (Blogger NguoiBuonGio) đã nói y hệt vậy: "...Mắt trời để ở đâu, Bàng Mông, Hậu Nghệ ở đâu?"...Sao câu hỏi giản dị mà thảng thốt đớn đau lạ thường??? Hỡi hóa công, dân Việt Nam có tội tình gì mà ông nỡ đọa đày ác nghiệt đến thế???

Hơn bao giờ hết, nay là lúc đất nước vô cùng cần "Những người sống là những người biết sống"...[thơ Ðằng Phương, tức Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy (1927-1990)]:


Những người sống là những người biết sống:
Là những người không chịu đứng khoanh tay
Phó đời mình cho cuộc thế vần xoay;

Là những người không để ngày mình trống,
Không để thân mình dạt theo làn sóng
Trôi chập chờn như những bóng trong đêm,
Không cam tâm nhắm mắt chẳng trông tìm
Ðể mãn kiếp đóng vai tuồng thụ động.

Những người sống là những người dám sống:
Là những người không biết sợ gian nguy,
Không cúi đầu khuất phục trước quyền uy,
Không vì cớ khó khăn mà trở bước,
Mà nép mình nằm trong vòng bó buộc
Của một cuộc đời chật hẹp nhỏ nhen;
Là những người không chịu sống ươn hèn,
Sống thừa thãi, qua ngày, không triển vọng.

Những người sống nghĩa là người quyết sống:
Là những người nhất định ở tiền khu,
Lãnh vai tuồng vén ngút, quét mây mù
Và phá lối mở đường cho cả nước,
Ðể tiếp tục công nghiệp người lớp trước,
Ðể bảo toàn đời sống kẻ sinh sau;
Là những người khinh khổ cực đớn đau
Dám liều mạng hy sinh cho nòi giống.

Những người sống là những người biết sống,
Là những người dám sống ra hồn người,
Là những người quyết sống, bạn lòng ơi
Mà Quyết Sống có nghĩa là Tranh Ðấu!

(Ðằng Phương, trích Thi tập Hồn Việt, Thanh Phương thư quán, 1986, trang 30)
--------------------------

Một nén hương tưởng niệm (Nguyễn Đức Cung)
Nhân lễ mãn tang nhà cách mạng Hà Thúc Ký 16/10/2008 – 16/10/2011

Cách đây hơn nửa thế kỷ, ngày 16 tháng 10 năm 1958, trong khi chế độ Ðệ I Cộng Hòa của Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm chuẩn bị đón mừng ngày Quốc khánh 26/10, để ca ngợi những thành tựu trong công cuộc xây dựng quốc gia thì lịch sử của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng, tiền thân của Ðại Việt Cách Mạng Ðảng, một chính đảng quốc gia có lập trường dân tộc và yêu nước chân chính đã bước vào một khúc quanh quan trọng với việc ông HÀ THÚC KÝ, do biến cố Ba Lòng, sau nhiều ngày bị cơ quan mật vụ theo dõi, đã sa vào lưới của chính quyền đương thời khi ông đang trên đường công tác tại một địa điểm trên đường Cao Thắng, chỗ ngã ba với đường Trần Quý Cáp, trước rạp xi-nê Việt-Long, Sài Gòn. Sự kiện đó, xin được nhắc lại, xảy ra vào ngày 16/10/1958, chấm dứt một cuộc săn đuổi kéo dài gần hai năm đã khiến cho chính quyền của nền đệ I Cộng Hòa lúc bấy giờ vất vả không ít. Trong thời điểm đó tuy không một ai trong những tầng lớp cán bộ thuộc đảng Ðại Việt đoán trước được ngày nào ông HÀ THÚC KÝ sẽ được tháo cũi sổ lồng, hội ngộ lại với gia đình, cùng cơ sở và đồng bào nhưng cũng vẫn nuôi đôi chút hy vọng có ngày sẽ thấy cảnh trời quang mây tạnh, nghĩa là vẫn còn mơ một ngày về của ông như tinh thần luôn luôn lạc quan của chính ông vậy. Và quả thật, hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân, chỉ sau 5 năm 6 ngày diện bích, ông HÀ THÚC KÝ được giải thoát khỏi cảnh tù đày, trở về với Tổ chức Cách mạng và gia đình thân thương.

Từ biến cố đó tính lui đúng năm mươi năm sau, lạ thay cũng vào ngày 16 tháng 10, nhưng là năm 2008, ông HÀ THÚC KÝ đã thanh thản lên đường trong một cuộc viễn du vô hạn định và lần này rũ áo ra đi, nhẹ nhàng, bỏ cả gia đình cùng anh em đồng chí thuộc nhiều thế hệ, trao trả gánh cách mạng còn thiếu người nghiêng vai, để một mình thênh thang về chốn non Bồng nước Nhược, lần này vĩnh viễn ra đi, một đi không trở lại, “ nhất khứ bất phục phản” như câu thơ của người xưa từng viết.

Sau đây là bản tiểu sử của nhà cách mạng HÀ THÚC KÝ trích trong cuốn hồi ký Sống Còn Với Dân Tộc do Phương Nghi ấn hành năm 2009:

“Sinh năm Canh Thân (1920), tại làng La Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ðỗ Kỹ Sư Thủy Lâm, làm Phó Quận Trưởng Thủy Lâm tại Cà Mau, Miền Nam Việt Nam năm 1943.

Tham gia Kháng Chiến tại Mặt Trận Lào trên con đường số 9, với tư cách là Trưởng Ban Ðặc Vụ Quân Sự. Rời bỏ hàng ngũ Kháng Chiến và ra Hà Nội và gia nhập Ðại Việt Quốc Dân Ðảng do Ông Trương Tử Anh thành lập năm 1939. Năm 1946, làm Phụ Tá cho ông Bửu Hiệp, Xứ Bộ Trưởng Xứ Bộ Miền Trung, ông thay thế ông Bửu Hiệp khi ông Bửu Hiệp bị Việt Minh ám sát. Năm 1953, được bầu vào Hội Ðồng Chủ Tịch Trung Ương Ðại Việt Quốc Dân Ðảng. Tham gia Phong Trào Ðại Ðoàn Kết và Hoà Bình năm 1954.

Năm 1955, vì bất đồng chính kiến với chính phủ của Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm, và vì có liên quan đến vụ Ba Lòng ở Miền Trung, ông bị kết án (vắng mặt) khổ sai chung thân; đến tháng 11/1958 thì bị bắt và biệt giam cho đến sau ngày đảo chính ngày 1/11/1963 mới được ra khỏi tù.

Năm 1963, tham gia Hội Ðồng Nhân Sĩ. Năm 1964 là Tổng Trưởng Nội Vụ nhưng chỉ ít lâu sau vào đầu tháng 4, ông từ chức vì bất đồng ý kiến với Tướng Nguyễn Khánh.

Tháng 05/1965, ông công bố một bản Tuyên Ngôn 9 điểm, chủ trương chống Cộng, đòi thực hiện đại đoàn kết quốc gia, cải cách về kinh tế, chính trị và xã hội rồi sau đó tổ chức những cuộc biểu tình tại Quảng Tín, Thừa Thiên, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tây Ninh để ủng hộ Tuyên Ngôn này. Tháng 12/1965 Ðảng Ðại Việt Cách Mạng được thành lập, họp tại Sài Gòn và tại đại hội này ông được bầu làm Tổng Bí Thư Ðảng.

Sau Tết Mậu Thân, để đối phó với Cộng Sản, ông vận động 6 đảng lớn có thực lực ở Việt Nam là Dân Xã Ðảng (Hoà Hảo), Lực Lượng Ðại Ðoàn Kết, Nhân Xã Cách Mạng Ðảng, Lực Lượng Tự Do Dân Chủ, Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt Cách Mạng Ðảng để thành lập Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội với mục đích đoàn kết lại những chính đảng chống Cộng. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó là Chủ Tịch Chủ Tịch Ðoàn của Mặt Trận.

Năm 1972, ông cùng với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và ông Trần Quốc Bửu thành lập Mặt Trận Tự Quyết.

Tháng Tư năm 1975, sau khi Cộng Sản đã chiếm được Miền Nam, ông vượt biển, định cư tị nạn tại Hoa Kỳ và tìm cách tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Năm 1978, cùng một số nhân sĩ, đảng viên cũ và một số bạn thuộc thế hệ trẻ, ông thành lập Mặt Trận Việt Nam Tự Do và sau đó tập trung nỗ lực để củng cố những cơ sở nồng cốt cho Ðại Việt Cách Mạng Ðảng.

Trong 3 kỳ Ðại Hội liên tiếp 1995, 1999, và 2003 của Ðại Việt Cách Mạng Ðảng, ông được bầu làm Chủ Tịch Ðảng.

Ông Hà Thúc Ký qua đời lúc 12 giờ 10 chiều ngày 16 tháng 10, năm 2008 (18 tháng 9 năm Mậu Tý) tại bệnh viện Holy Cross, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, hưởng thọ 89 tuổi.”

Trong một cuộc gặp gỡ với anh em đảng viên, cán bộ tại Thành bộ Ðại Việt Cách Mạng Ðảng Ðà Nẵng và Tỉnh Bộ Quảng Nam khoảng tháng 08/1967, ông HÀ THÚC KÝ đã giải thích một trong số những việc làm của mình rằng trong khi đa số anh em cán bộ Ðại Việt bị chính quyền của Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bắt giam tại các trung tâm lao xá của chế độ Ðệ I Cộng Hòa từ Huế vào cho tới Sài Gòn, thì những hoạt động của ông lúc bấy giờ, thí dụ tới lui đây đó liên hệ phối hợp với các đường dây cơ sở, rải truyền đơn, thiết lập Ðài phát thanh bí mật, vận dụng tất cả mọi nguồn tài lực, trí thông minh và lòng yêu nước để ra Hắc thư tố giác chính quyền đương nhiệm là những động tác của một con gà mẹ đang chạy xục xạo, lồng lộn, xông xáo quanh chiếc lồng nhốt bầy gà con, cố gắng dùng mỏ mổ, chân bươi, cánh đập nhằm đá tung, phá vỡ, bẻ gãy chiếc lồng để giải thoát cho bầy con thân yêu của mình. Cái hình ảnh tạo biểu tượng rất sinh động đó đã đóng một dấu ấn bất tử vào tâm hồn của người nghe và của hàng hàng lớp lớp những người thanh niên trí thức đang đứng giữa ngã ba đường, hay vừa bước vào con đường cách mạng do ông Hà Thúc Ký cùng một số đồng chí lớn tuổi vạch ra không chỉ bằng những lời tâm huyết mà cả bằng hành động của mình nữa.

Trong nền chính trị Á đông, Khổng Tử cũng đã từng khuyên thực hiện một nền chính trị nhân chính với những người ra cáng đáng việc nước hay những kẻ dấn thân vào các tổ chức đấu tranh phải biết “Vi chính dĩ đức thí như bắc-thần cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi.” nghĩa là lấy đức độ mà làm chính trị cũng giống như sao Bắc-đẩu đứng nguyên một chỗ mà các sao khác chầu về nó. Chính ông HÀ THÚC KÝ đã thể hiện tinh thần “vi chính dĩ đức” tượng trưng qua tinh thần hy sinh, cô đọng trong phong cách làm việc của mình kéo dài suốt cả một cuộc đời người. Tinh thần tự nguyện chấp nhận hy sinh bản thân mình cùng quyền lợi vật chất của cá nhân để xây dựng, bồi đắp và phát triển tổ chức là yếu tố nối kết anh em đảng viên lại với nhau hướng về con đường phục vụ lý tưởng của mình. Là con người thẳng thắn, bộc trực, ông HÀ THÚC KÝ đã chứng minh tinh thần cương trực của một bậc chính nhân quân tử khi từ chức Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ, năm 1964, một chức vị có thể đưa ông đến cảnh vinh thân phì gia suốt đời, nếu chịu chấp nhận vai trò bù nhìn, chịu nhắm mắt bưng tai trước những cảnh khổ đau của đất nước.

Trong tư thế lãnh tụ của một chính đảng quốc gia có thực lực, ông HÀ THÚC KÝ chắc chắn có nhiều cơ hội để dành cho mình một chức vụ công cử hay dân cử trong guồng máy của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, một chế độ dân chủ tự do mà ông cùng nhiều đồng chí đã từng góp công xây dựng, nhưng ông tỏ rõ ý muốn hy sinh, đã không làm như vậy mà khôn khéo sắp đặt cho thế hệ đàn em đảm nhận các chức vụ ấy hầu đóng góp khả năng vào công tác xây dựng đất nước. Nhờ đó, ông đã được nhiều người tiếp tay giúp Ðảng bành trướng cơ sở vốn là mục tiêu trọng yếu mà ông luôn luôn cổ võ, đề cao.

Một số nhà báo ngoại quốc trước năm 1975 đã ngạc nhiên khi biết ông HÀ THÚC KÝ xuất thân từ một đại gia đình quan lại của triều Nguyễn, nhưng thay vì chấp nhận cuộc đời phẳng lặng của một công chức, an nhàn với chế độ lương cao bổng hậu mà câu nói truyền tụng lúc bấy giờ lột tả được giá trị vật chất do nghề nghiệp của ông “Nhất Thủy lâm, nhì Khâm sứ”, lại dấn thân vào một cuộc đời cách mạng, chìm nổi nhiều phen trong cảnh tù tội, cá chậu chim lồng, mới thấy ra được sự hy sinh cao quý của một tấm lòng cách mạng trong con người của ông. Một tư tưởng gia Hoa Kỳ, Henry David Thoreau (1817-1862) đã nói: “Sống dưới một chính quyền bắt giam người một cách bất công, nơi chính đáng nhất cho một người chính trực lại chính là nhà tù” (Under a government which imprisons any unjustsly, the true place for a just man is also a prison). Câu này có lẽ nghiệm đúng phần nào so với tình hình chính trị Việt Nam nửa thế kỷ trước đây liên hệ với bản thân con người HÀ THÚC KÝ và chắc chắn còn gấp trăm lần hơn thế nữa nếu so với thực trạng của đất nước Việt-Nam dưới chế độ Cộng Sản hiện tại.

Trong một khía cạnh khác chúng tôi thấy được nơi ông HÀ THÚC KÝ nét khá trổi bật đó là đức tính khiêm tốn trải dài trong cuộc đời hoạt động cách mạng khó khăn và nguy hiểm thời Pháp thuộc, nhất là khi Việt Minh cướp được chính quyền và trong thời gian Tổng Thống Ngô Ðình Diệm mới về nước chấp chánh. Phong cách hoạt động bí mật của một đảng cách mạng dĩ nhiên là môi trường thuận lợi cho sự khiêm tốn vì cần phải che dấu hành tung của mình và cẩn trọng trong lúc phát ngôn. Tuy vậy uy danh của ông vẫn lan tới bạn hữu, anh chị em đồng chí, chính quyền và những nhà hoạt động chính trị trong nước cùng các giới hữu trách ngoại quốc. Trong những năm tháng chung sức hoạt động với ông HÀ THÚC KÝ, chúng tôi thường nghe dặn là phải luôn luôn khiêm tốn trong cách cư xử cá nhân và trong khi thi hành các công tác đảng vụ. Nhưng quả thật khiêm tốn là bài học quá khó khăn, vì đó là nỗ lực để dẹp được lòng tự ái, thắng được chính mình, mà nói như Ðại đế Augusto “Chiến thắng bản thân là chiến thắng vĩ đại nhất” (Maxima Victoria, sui Victoria). Người xưa cũng có nói “Công thành bất như công tâm” nghĩa là đánh được thành không bằng đánh được lòng mình, lòng người. Làm cách mạng hay hoạt động trong một chính đảng lấy tinh thần cách mạng làm vũ khí tiến công đầu tiên, giữa biết bao khó khăn phải tả xung hữu đột để tranh thủ nhân tâm, dĩ nhiên thắng được chính mình cũng là điều khó khăn nên cũng phải khổ công tu luyện lắm mới đạt được. Ông HÀ THÚC KÝ là người biết trọng nhân tài, “chiêu hiền đãi sĩ” nghĩa là biết mình, biết người (tri kỷ, tri bỉ) thể hiện rõ đức tính khiêm cung, nên cũng đã từng cất công đi nhiều nơi, thăm viếng, mời mọc nhiều người, kể cả những anh chị em đồng chí cũ từ Việt Nam mới qua trong những ngày đầu tiên tị nạn Cộng Sản theo chương trình O.D.P hay H.O., cho chí những người có tiếng tăm trong nhiều lãnh vực, thật giống như Lưu Bị ngày xưa “tam cố thảo lư” đối với Khổng Minh. Ông ân cần với anh em cán bộ, đảng viên, giúp đỡ, chia xẻ tinh thần và vật chất với số anh em túng thiếu, một phần cũng do đức tính cố hữu của người công chính, phần khác cũng do là cái hằng-tâm hiếm có của một lãnh tụ cách mạng luôn nghĩ đến tiền đồ của dân tộc.

Một tư tưởng gia Pháp, Blaise Pascal (1623-1662) có nói một câu khá hay rằng “Ai tự cho mình là thiên thần, kẻ đó trở thành thú vật” (Qui se fait l’ange, fait l’animal). Chí lý thay lời dạy của bậc vĩ nhân phương Tây và chúng tôi muốn đem tư tưởng đó chia xẻ qua cung cách khiêm tốn trong cư xử của ông HÀ THÚC KÝ, cảm nhận với nhiều nỗi phong trần của một con người làm cách mạng nhưng bất hạnh “sinh bất phùng thời” , để cùng tôn quý đạo làm người, nhất là đạo sống của một kẻ đi theo lý tưởng cách mạng.

Ngoài ra, đức tính đặc biệt chúng tôi ghi nhận được nơi con người của ông HÀ THÚC KÝ đó là tính kiên nhẫn, miệt mài, bền bĩ, liên tục đấu tranh không mệt mỏi cho lý tưởng Dân Tộc Sinh Tồn của mình. Năm 1992, chúng tôi có dịp tháp tùng ông HÀ THÚC KÝ trong một chuyến đi công tác tại San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ trong nỗ lực thống nhất làm việc với nhóm Ðại Việt Quốc Dân Ðảng của Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn. Ngồi trên xe hơi do tự mình lái lấy, ông HÀ THÚC KÝ kể chuyện: “Hồi trước 1975 ở Việt Nam, một hôm có một số anh em trí thức trẻ trong đó có anh Lê Ðình C. đến thăm tôi, và sau đó tôi kéo anh em đi ăn phở. Ngồi trên xe, thấy xe của tôi không có cassette nghe nhạc, anh C. buột miệng đề nghị: “Thưa anh, xin anh bắt thêm bộ phận nghe tân nhạc để thỉnh thoảng nghe cho vui!”. Tôi nói ngay để trả lời anh C. : “Cuộc đời tôi hơn ba mươi năm nay toàn nghe Ðảng ca, nên không quen nghe một thứ nhạc nào nữa hết”.

Một yếu nhân của đảng Ðại Việt cũng có lần nhận xét: “Bác Cả Hà Thúc Ký buổi sáng Ðại Việt Cách Mạng, buổi chiều Cách Mạng Ðại Việt, còn tôi chỉ là amateur, không như Bác Cả nhà ta được…”

Nghĩ rằng tinh thần khắc khổ và lối sống giản dị đó bây giờ đã phần nào không còn hợp thời nữa nhất là đối với một lãnh tụ chính trị của thế kỷ 21, tuy nhiên chúng tôi nhắc lại giai thoại đó để thấy được nơi ông HÀ THÚC KÝ tinh thần khắc khổ của sự tận hiến cả một đời cho lý tưởng cách mạng, không thua gì bất cứ một tu sĩ tôn giáo nào thí dụ tu sĩ của dòng khổ tu Phước Sơn (chiêm niệm, hermit) của Công Giáo ở Quảng Trị, VN hay một thiền sư của Phật Giáo ở một thiền môn nào đó trên Ðà-Lạt. Anh chị em chúng tôi dấn thân đi theo ông HÀ THÚC KÝ, ngoài sự thúc dục của lòng yêu nước, còn là do tấm lòng cảm phục về tư cách hơn người của ông vang dội từ huyền thoại Ba Lòng đến những năm tháng chấp nhận ở lại sống chết cùng anh em sau khi chiến khu tan vỡ, coi nhẹ tù đày và hiên ngang kiên nhẫn trong lao lý, mặc dù có nhiều điều kiện để trốn ra ngoại quốc trong thời Ðệ I Cộng Hòa. Tinh thần dấn thân đó còn là do việc ông từ chức Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ năm 1964, vang vọng qua bản Tuyên Ngôn 9 Ðiểm, kết tinh sức sống với các Ðại hội Ðảng, đến biến cố Mậu Ngọ (1978) tại Huế với sự thung dung tựu nghĩa của các anh hùng Phan Ngọc Lương, Trần Ngọc Quờn, Bùi Thị Cặn, Phạm Lự, Tống Châu Khang, Nguyễn Ngọc Con, Phan Thiên Linh, Huỳnh Lai v.v... mở đường cho cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ của đồng bào VN tại hải ngoại năm 1976, Mặt Trận Việt Nam Tự Do năm 1978, và cởi mở chân tình với giới trẻ Việt Nam thuộc các thế hệ mới lớn lên.

Còn nhiều đức tính khác nữa nơi ông HÀ THÚC KÝ mà chúng tôi không có đủ có điều kiện để nhắc đến, nhưng tin chắc rằng một số người quen ông đều đã biết và suy nghĩ đến để rút ra được những bài học, những lời khuyên bổ ích cho cá nhân trong chủ đích sống đúng đạo làm người và trọn vẹn với mục tiêu xây dựng đất nước.

Nhân ngày lễ giỗ mãn tang (16/10/2008-16/10/2011) một nhà cách mạng của quê hương Miền Trung, chúng tôi không quan niệm âm dương là hai ngã, là cách biệt theo một ý hướng tuyệt đối của đời thường vì đã thấy được trong cuộc đời ông HÀ THÚC KÝ cả một niềm khoan dung bao la chứa chất trong một nhân cách lớn còn tác động, quấn quít trong tâm khảm nhiều người, những ai biết đến ông.

Ba năm về trước, khi hay tin ông HÀ THÚC KÝ lâm chung, chúng tôi chợt nhớ đến những câu thơ tức tưởi của thi sĩ Huy Cận viết về một cuộc ra đi:

Ai chết đó? nhạc buồn chi lắm thế,
Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương
Của cuộc đời? Ai rút tự trong xương
Tiếng nức nở gởi gió đường quạnh quẽ!
Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thế!

Ðây là những lời thơ hay tuy nhiên trong bối cảnh của một dòng đời cách mạng thì đó cũng chỉ là những vần lạc lõng, đơn điệu của đời thường bên cạnh niềm bức xúc đang trào lên như nước vỡ bờ của những con người muốn cống hiến nhiều cho đất nước nhưng bạn đồng tâm, đồng chí đã vội ra đi…

Người xưa thường hay nói: “Cái quan định luận” nghĩa là “đậy nắp quan tài mới bình luận.” Cuộc đời 89 năm của ông HÀ THÚC KÝ được nối tiếp với cuộc đời chúng tôi đều hướng về lẽ đấu tranh cho sự Sống còn của Dân tộc, thực thi chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn mà Cố Ðảng Trưởng Trương Tử Anh vạch ra mà Ðại Việt Cách Mạng Ðảng đã và đang nỗ lực theo đuổi. Người đảng viên tâm nguyện cố sức tiếp tục công trình chưa hoàn tất kẻ đi trước để lại, tiếp nhận các di sản quý báu thể hiện trong sự nghiệp cách mạng của ông HÀ THÚA KÝ với tinh thần phấn đấu trước vận nước dứt khoát còn lắm đổi thay.

Ðể làm kết từ cho bài tưởng niệm này hóa thân cùng dòng huyết lệ mà nhà thơ Ðằng Phương, tức Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy (1927-1990) đã hòa mực viết lên rất dõng dạc qua những vần thơ chân tình, tràn đầy sức sống, có thể dùng để họa lại chân dung của ông HÀ THÚC KÝ, người đã ra đi cách đây ba năm nhưng vẫn luôn hiện diện trong tâm khảm những người hiến thân cho lý tưởng đấu tranh cách mạng:

Những người sống là những người biết sống:
Là những người không chịu đứng khoanh tay
Phó đời mình cho cuộc thế vần xoay;
Là những người không để ngày mình trống,
Không để thân mình dạt theo làn sóng
Trôi chập chờn như những bóng trong đêm,
Không cam tâm nhắm mắt chẳng trông tìm
Ðể mãn kiếp đóng vai tuồng thụ động.

Những người sống là những người dám sống:
Là những người không biết sợ gian nguy,
Không cúi đầu khuất phục trước quyền uy,
Không vì cớ khó khăn mà trở bước,
Mà nép mình nằm trong vòng bó buộc
Của một cuộc đời chật hẹp nhỏ nhen;
Là những người không chịu sống ươn hèn,
Sống thừa thãi, qua ngày, không triển vọng.

Những người sống nghĩa là người quyết sống:
Là những người nhất định ở tiền khu,
Lãnh vai tuồng vén ngút, quét mây mù
Và phá lối mở đường cho cả nước,
Ðể tiếp tục công nghiệp người lớp trước,
Ðể bảo toàn đời sống kẻ sinh sau;
Là những người khinh khổ cực đớn đau
Dám liều mạng hy sinh cho nòi giống.

Những người sống là những người biết sống,
Là những người dám sống ra hồn người,
Là những người quyết sống, bạn lòng ơi
Mà Quyết Sống có nghĩa là Tranh Ðấu!

(Ðằng Phương, trích Thi tập Hồn Việt,
Thanh Phương thư quán, 1986, trang 30)

Ðem những vần thơ cháy bỏng của Ðằng Phương soi giọi vào cõi tâm thức cá biệt trong con người HÀ THÚC KÝ chúng ta có thể nói rằng bài thơ đã đạt tới mức tuyệt kỹ của một bút pháp mô tả về một mẩu người cách mạng rất đỗi hiếm có trong cuộc thế hôm nay.

Nguyễn Ðức Cung
New Jersey 01/10/2011

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...