. .

Friday, July 16, 2010

Cảm Nghĩ qua Bài Viết về Cờ Vàng của Nguyễn gia Kiểng

by Lê Tùng Châu July 17, 2010


Cảm Nghĩ qua Bài Viết về Cờ Vàng của Nguyễn gia Kiểng


Nhân đọc bài viết về Cờ Vàng quốc gia của
ông Nguyễn gia Kiểng: Tình Cảm và Chỗ
Đứng nào cho Cờ Vàng? đăng trên Thông
Luận ngày 14/7/2010

Saigon, Saturday, July 17, 2010

Kính gởi ông Nguyen Gia Kiểng
Kính gởi Thông Luận (TL),

Bài viết về Cờ vàng, Cờ Quốc Gia của ông Nguyen Gia Kiểng đăng trên TL hôm 14/7/2010 đã làm tôi –và tôi tin là rất nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước cũng như tôi- buồn lòng quá nhiều, mặc dù tôi luôn có nhiều hảo cảm với TL trong mục tiêu chung của tất cả những người Việt Nam hôm nay : lật đổ cộng sản và chung tay xây lại một Việt Nam tự do dân chủ. Hảo cảm là vì cùng chí hướng cho đại sự ấy chứ không phải vì thiên hướng cá nhân.

Trong tình thế ngày càng bước gần tới giờ phút hấp hối, cộng sản hanoi đang thở những hơi tàn thoi thóp trong suốt chặng dài tội ác, phản nước hại dân của tập đoàn máu Ba đình, lẽ ra chúng ta phải thật thận trọng và tỉnh táo khôn ngoan mưu trí để thắt chặt triệu cánh tay đoàn kết tiếp nhận, tái thiết quốc gia trong những giờ phút lịch sử sắp đến …., thì ông Kiểng đã làm ngược lại.

CẢM TÍNH

Trước hết, qua bài viết ấy của ông Kiểng, tôi nói về phạm vi Cảm Tính :

- Ngay vào đầu bài, ông Kiểng viết [ trích:
“…di sản đau buồn của cuộc nội chiến điên dại 1945-1975 cần phải trút bỏ, đó là chế độ cộng sản”
rồi
“…….một di sản khác cần được vượt qua: cờ vàng ba sọc đỏ”
hết trích ]
là ông Kiểng đã sai khi so sánh một cách máy móc và xúc phạm như thế. Cộng sản là một bứu ung thư, một đại họa, một ác mộng quá dài của dân tộc, dài dằng đẵng hơn nhiều trăm năm giặc Tây đô hộ, mà bất cứ một tổ chức đảng đoàn nào (như Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, đảng Dân Chủ Nhân Dân, đảng Công Bằng, đảng Vì Dân, đảng Thăng Tiến, Khối 8406, Cao Trào Nhân Bản ...) có trách vụ với quốc gia lẫn những “thất phu” đi nữa cũng nóng lòng muốn tiêu diệt nó đi bởi vì:
-
Đảng như hòn đá tảng
Đè lên vận mệnh quê hương
Muốn sống trong hòa hợp yêu thương
Trước hết phải tìm phương hất xuống (Nguyễn Chí Thiện)

Trong khi chế độ quốc gia, dù chỉ thọ có 20 năm, từ 1955 – 1975, nhưng cũng đã kịp xây dựng được một phong khí tự do, quốc gia dân chủ, lẫn biết bao thành quả, biết bao hiền tài về đủ mọi lĩnh vực từ vùng không gian thời gian đó. Sự tốt đẹp sáng chói chính nghĩa đó của chế độ quốc gia đã hấp dẫn, thu hút và cảnh tỉnh cho rất nhiều hiền sĩ sinh ra và lớn lên dưới chế độ cộng sản phi nhân hanoi từ ngay sau khi miền Nam quốc gia bị Mỹ phản bội và cộng sản Nga, Tàu hãm hại (qua cánh tay của bọn vong nô cộng sản hanoi) hồi 1975 (mà hanoi luôn mồm rêu rao là chiến thắng). Đó là một sự thực hiển nhiên. Những chủng tử của 20 năm hi hữu đó, vẫn còn lưa đến hôm nay -trong đó có tôi, có ông Kiểng- đó là những tố chất tôn trọng tự do, chí nguyện cao thượng, hướng thượng…..ở sâu bên trong con người “làm chính trị” của ông hiện tại. Thử hỏi nếu không trưởng thành dưới bóng cờ vàng quốc gia đó trong 20 năm vàng son của dân tộc này ở miền Nam, mà là lớn lên ở miền Bắc cộng sản, ngày nay có ai thấy một Nguyễn Gia Kiểng “làm chính trị” với lý tưởng tự do dân chủ hay không? Vì thế về cảm tính, ông Kiểng đã tự mâu thuẫn, nếu không muốn nói là đã phản bội với chính cái nguồn mà ông xuất thân. Một kẻ phản trắc với cội nguồn thiết thân với mình như thế có còn xứng đáng làm chuyện lớn không, và nếu vẫn còn rêu rao bao tiêu ngữ chính trị, kẻ đó có mắc bệnh ngụy tín hay không?

- Quốc kỳ là biểu tượng quốc hồn của một quốc gia. Quốc gia đẹp thì quốc kỳ đẹp, và thiêng liêng. Quốc kỳ là nơi hướng về của bao tấm lòng chung của bao người sinh sống dưới quốc gia ấy, của bao người có lý tưởng xây dựng và tôn tạo lãnh thổ ấy, cho dù phải nếm bao gian khổ đàn áp tù tội, đang rên siết dưới ách bạo tàn của Cộng sản trong nước hay đang tạm lưu vong, tự do ở ngoài nước. Chạm vào quốc kỳ là đụng vào mỗi cá nhân hướng thượng kia. Chế độ quốc gia đã bị bức tử nhưng hồn thiêng của Quốc gia VNCH vẫn còn nguyên vẹn qua hình ảnh quốc kỳ cờ vàng ngày càng được dương cao rộng khắp nơi nào đàn con lưu vong của đất Mẹ Việt Nam tạm cư ngụ. Ông Kiểng đã không có khả năng nhận ra những tinh túy rất đặc thù ấy của 20 năm chế độ quốc gia, cho nên mới máy móc và xúc phạm so sánh ung thư cộng sản với quốc kỳ của quốc gia.
Một đoạn, như để cân bằng trong lập luận, ông Kiểng viết [ trích:
“…..Cờ vàng vì vậy phải được tôn trọng, không phải vì những người đã tạo ra nó, hay vì chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mà vì những người đã hy sinh cho đất nước. (Một lý luận tương tự cũng phải được áp dụng cho lá cờ đỏ sao vàng của chế độ cộng sản Việt Nam).
hết trích ]
Chỗ này ông Kiểng đã sai nặng vì quá máy móc ấu trĩ. Cờ máu của Việt Cộng không được tôn trọng! Trong tương lai khi công sản bị loại khỏi xứ sở, và ngay cả ở hiện tại, những người Việt Nam dù đang là đảng viên Cộng sản hay quần chúng đều không hề có một liên đới như ông Kiểng nói như thế mà là ngược lại, bởi vì chế độ ngu si bạo ngược bất công sát nhân ra sao thì cái lá cờ của chúng chỉ gợi rõ thêm lên những tính chất dã man đau thương thế đó. Người ta ghê tởm nó, không 'chào' nó. Đó là một sự thực mà những anh em đang chiến đấu dù công khai hay âm thầm ở quốc nội đều biết, đều thấy và qua những bày tỏ phản kháng của mình, rất nhiều nhân sĩ miền Bắc Cộng sản đã gần như nói thẳng là họ từ chối lá cờ đó:

ở miền Bắc qua Vụ Nhân Văn Giai Phẩm 1956 :

Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ
(Nhất Định Thắng - Trần Dần)

ở miền Nam sau 1975 :

“Ơi em gái Trường Sơn mười tám tuổi
Cùng đồng đội đêm nao truy điệu sống cho mình
Và cứ thế dấn thân vào lửa dội
Em nghĩ gì sau cặp mắt kiên trinh?
Em nghĩ tới tương lai tươi thắm ngọt lành?
Tương lai ấy bây giờ tôi sống dở
Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi
Tôi bước đi trên đất nước nghẹn lời” (Bài Thơ Tháng Tám - Bùi Minh Quốc)

“Tổ quốc trong anh máu thắm tận nguồn
Tổ quốc chúng gào đầu lưỡi
Hãy cảnh giác!
Khi anh đầm mình máu mê trận mạc
Chúng đưa con du học nước ngoài
rúc kín lâu đài du hý trên ngai
Hãy cảnh giác!
Bọn mặt bự dẻo mồm
thời nào chẳng nhân danh Tổ quốc
cao giọng hùng hồn không tiếc máu xương
máu xương lầy đỏ nghiệp đế vương” (Phản Chiến - Bùi Minh Quốc)

“Cái guồng máy nhục mạ con người
Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất
Ù lì quay
Quay
Thao thao bài đạo đức
Liệu mấy ai còn ngây ?
Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cỗ máy này” (Cay Đắng Thay – Bùi Minh Quốc)

Một biểu tượng của những ghê tởm ói mửa như thế, của những nhận chân máu xương lầy đỏ nghiệp đế vương như thế của một lớp hiền sĩ từng sống chiến đấu hết thời trai trẻ như thế cho “lí tưởng cộng sản” … thì sẽ không hề có một chỗ đứng nào trong trong tâm khảm con người được ông Kiểng ơi, cho dù cộng sản chúng đang còn tại vị. Họa chăng là nó chỉ còn là cái khẩu hiệu máu của một nhúm nhỏ tập đòan Ba đình hiện nay mà thôi, chúng dùng nó hòng lừa nốt, vắt nốt những gì còn lừa còn vắt được sinh lực của những ai còn mê muội chưa nhận ra chúng, chứ ngay trong bản thân chúng cũng không hề còn thấy cái “giẻ máu” kia là lá cờ thiêng liêng như bao người Việt tị nạn ở hải ngoại và đông đảo đồng bào quốc nội đang ngóng về lá cờ vàng, là quốc kỳ thiêng liêng biểu tượng cho cái đối trọng với cộng sản phi nhân: Tự Do, Dân Chủ, Nhân Bản.

Ông Kiểng quả là chẳng khôn ngoan tí nào khi viết bài như thể tự triệt tiêu mình giữa cộng đồng quốc gia dân tộc.

LÝ TÍNH

Về Lý tính, lẽ ra viết ngắn gọn tinh lược thật kỹ để nêu vấn đề muốn nói thôi, thì ngược lại tôi thấy ông Kiểng đã viết lộn xộn, lung tung, rời rạc chắp vá, tùy tiện, và …..rườm quá, rối quá, khi đụng chạm tới một biểu tượng quốc hồn thiêng liêng của nước Việt Nam như thế -mà không một cộng đồng lưu vong nào trên thế giới có (mất nước nhưng không mất Lý Tưởng, không mất chí nguyện)-, hiện tà quyền Ba đình hanoi điên đầu nhức mắt khi thấy cờ vàng đang ngày càng mạnh lên khi được lấy làm biểu tượng chắc chắn cho Tập Hợp quần chúng đối trọng với chế độ gian tà phi nhân của chúng.

Tôi chỉ xin nêu vài điểm sau đây:

Về “câu hỏi thứ nhất” trong bài ông viết (“có nên lấy cờ vàng làm biểu tượng cho cuộc vận động dân chủ hay không?”) đã trình bày ý ông về Việt Nam Cọng Hòa, tôi thấy ông Kiểng đã rất thiển cận khi có vẻ như đồng nhất nó với các chính phủ điều hành 2 thời Cộng Hòa (“…Các chính quyền lấy cờ vàng làm biểu tượng cũng không phải là những chính quyền dân chủ…..”). Thưa ông Kiểng, Ông Diệm, ông Thiệu và nhân sự Hành Pháp của 2 thời đó có thể xấu, dở, tệ (dù khá hơn trăm ngàn lần chế độ toàn trị độc tài cộng sản, để có thể mang nặng đẻ đau ra những trí thức “làm chính trị” như ông Kiểng) nhưng đâu có phải là đại diện duy nhất, độc tôn cho lãnh thổ Việt Nam Cọng Hòa, lại cũng đâu có ham nói thay cho ý chí Tự Do, Công Bằng, Hòa Bình, Nhân Bản của toàn dân miền Nam đâu!!!. Ý chí ấy phải do toàn dân quyết định, bằng lá phiếu, bằng một định chế dân chủ, bằng một sự nỗ lực đấu tranh không ngừng đối mặt với những manh tâm độc tài, bằng một quá trình oằn mình đau đớn có thể nhiều chục năm với bao trả giá đớn đau đàn áp ngục tù ám sát…....như diễn trình Dân Chủ hóa ở Nam Hàn –đỉnh cao là thời Tổng Thống Kim Dae Yung cũng như nơi ngay chính hành trạng bền bỉ kiên trung với Lý Tưởng của vị Tổng Thống đáng kính này!

[ trích ông Kiểng:
“…..những người kế tiếp nhau cầm quyền, từ 1948 đến 1975, từ Nguyễn Văn Xuân đến Nguyễn Văn Thiệu, đều chống dân chủ. Do áp lực của Hoa Kỳ, từ 1954 về sau họ bị bắt buộc phải chấp nhận một hình thức dân chủ bề ngoài nhưng họ dùng đủ trò gian trá để biến dân chủ thành một trò hề. Các chính quyền quốc gia đều hoặc tham nhũng hoặc quan liêu, đa số vừa tham nhũng vừa quan liêu. Cũng không có chính quyền nào lấy xây dựng dân chủ làm mục tiêu cả, chỉ có những người chấp nhận chế độ Việt Nam Cộng Hòa với hy vọng thay đổi được nó để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ nhưng họ chưa bao giờ nắm được vai trò chủ động. Như vậy cờ vàng từ lúc được kéo lên năm 1948 đến lúc bị hạ xuống năm 1975 chưa bao giờ là biểu tượng của dân chủ cả. Đây chỉ là một ý nghĩa mà một số người gán ghép cho nó từ sau 1975…….”
hết trích ]
Ở đoạn này ông Kiểng bộc lộ một sự ấu trĩ lạ thường. Dân chủ là gì, công bằng là gì? Độc tài là chi? Thưa ông, bao lâu còn con người trên trái đất này thì còn bất công, còn độc tài. Còn muốn ăn một mình. Thô nhẹ thì như thời miền Nam quốc gia, chính khách nào, chính đảng nào cũng muốn phe đảng mình độc nắm quyền hành. Tinh vi và độc ác tàn nhẫn thì như miền Bắc cộng sản của Hồ chí Minh và đồng bọn. Tham Lam và Ngu Muội, Vong Thân và Độc Ác là những căn tính truyền kiếp của con người. Chỉ có qua các định chế dân chủ mà với Tam Quyền Phân Lập thực sự như hiện nay ở Mỹ và các quốc gia Âu, Úc…cho phép quần chúng Phổ thông Đầu Phiếu –bỏ phiếu kín- may ra khả dĩ ngăn chận phần nào những xấu xa đó của con người, thậm chí còn không cho ai ra ứng cử Tổng Thống quá 2 nhiệm kỳ, là gì??? Tôi nghĩ tếu (xin lỗi ông) là bây giờ mà Việt Nam đưa ông Kiểng làm Tổng Thống thì chẳng chóng thì chầy ông cũng sẽ thích độc tài à, bởi vì chẳng mấy ai muốn san sớt cái Lợi Thế mình đang có cho người khác, trừ phi là những Triết Gia, những hiền nhân vô cùng hiếm hoi trong lịch sử nhân loại. Phải thấy rõ là, Dân Chủ, Tự Do, Công Bằng là những ước vọng cháy bỏng ngàn đời của con người, và phải đấu tranh không ngừng mới có được, phải được trao truyền, dẫn dắt bởi một thiểu số Trí Thức tâm huyết với xứ sở. Đó là một sự nghiệp Nhân Bản phải được duy trì một cách liên lỉ, tỉnh táo. Chỉ cần thiếu đi một trong các yếu tố trọng yếu kể trên là coi như nền Dân Chủ dù đã được thiết lập được chăng nữa, vẫn bị đe dọa tiêu vong. Ý chí Dân Chủ của dân miền Nam không may, vì tình thế, vì những yếu tố “bất khả tri” nào….mà thành ra chết yểu 1975. Bây giờ, để “vo tròn” cho lập luận của mình, ông Kiểng nói “cờ vàng chưa bao giờ là biểu tượng của dân chủ”!!! Thì miền Nam, dân Việt Nam đã bao giờ thực sự có dân chủ đâu, nhưng biểu tượng cho Ý Chí Dân Chủ thì có từ lâu chứ! Ông không nhận ra sao? Ông đã lạc đề xa lắm!

Nói với ông câu chót chắc nịch về vấn đề này: Dân Chủ luôn là một Ý chí, một biểu tượng, một Kim Chỉ Nam lập quốc, luôn là cái Đang Là mà thôi, thưa ông, và tự nó luôn có đòi hỏi hoàn thiện không dứt nữa, mới mong trường tồn!!! Nếu nó có sẵn rồi cứ thế mà tọa hưởng kỳ thành thì đã chẳng có ông, hay tôi hay Thông Luận ….Lúc đó chúng ta tha hồ ở ẩn, lên non đánh cờ với tiên, hay sớm uống trà đón ánh dương, tối tiêu dao với tiếng đàn thoát tục…..

Ông Kiểng nói chế độ Việt Nam Cọng Hòa là “một chế độ bạc nhược đã thất bại và đầu hàng” là càng sai. Ai cũng biết là Việt Nam Cọng Hòa không thua không đầu hàng, mà bị loại bởi thế cục quốc tế -cục diện toàn cầu, cũng như cục bộ Đông Nam Á thời đó-, dễ thấy nhất là Mỹ và cộng sản Nga Trung cộng trao đổi nhau vì quyền lợi riêng của chúng. Cái thời thắng thế của tà mỵ. Miền Nam quốc gia bị hy sinh oan uổng. Trong khi Nam Hàn lại may mắn hơn không bị rơi vào nẻo làm vật hy sinh như thế cho dù họ cũng là nước nhược tiểu như chúng ta, để bây giờ họ hùng cường và phải chở gạo đều đều ra miền Bắc cứu tế cho dân Bắc Hàn xã hội chủ nghĩa khỏi chết đói.

Về “câu hỏi thứ hai” ông nêu trong bài ông viết (“có nên lấy cờ vàng làm cờ của cộng đồng người Việt hải ngoại không”), tôi thấy cộng đồng đã trả lời rồi đó! Tuy vẫn tôn trọng ý kiến của ông bảo rằng: “tôi cũng nghĩ là không nên”, tôi thấy cần phải nói thêm rằng, sao ông vội vã thế? Nếu ông không hài lòng với sự trả lời của cộng đồng, sao ông và Thông Luận không thử mạo hiểm mở một cuộc trưng cầu ý kiến toàn thể bạn đọc Thông Luận về Cờ Vàng? Sau khi “kiểm phiếu” qua đợt Trung Cầu Ý Kiến này, ta hãy làm theo lương năng của cộng đồng chứ ông? Và xin TL mở đầu với việc đăng bài phản biện này của tôi lên quý báo, là quân tử minh bạch nhất, nghiêm chỉnh nhất! Chúng ta sẽ thấy tiếp theo sau đấy là sự hưởng ứng bày tỏ ý kiến của đông đảo bạn đọc TL, là những người đã từng vất bỏ tất cả vượt biển đông tìm Tự Do “trời sương làm chăn chiếu, vào nỗi chết thản nhiên”Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa, nhạc Lê Uyên Phương- hay bao đồng bào trên hai miền Nam Bắc còn đang gồng mình chịu nạn trên chính quê hương mình “Triệu người đi trong cuộc sống/Mà thể xác như không hồn/Triệu người lao trong cùng khốn/Và buồn vui như bao lần”Hai Mươi Năm, nhạc Phan Văn Hưng. Sau đó chúng ta hãy nói hãy nghĩ hãy hướng theo thế thịnh của thời mà có phương châm, tôn chỉ hành động cho phù hợp chứ ông?

TẠM KẾT

Chứ tôi thấy ông lập luận nhiều quá. Lập luận lắm lời mà làm chi thưa ông? Rồi lại dễ sa đà vào cái “độc tài” ý niệm mà “tỉa ngón chân cho vừa chiếc giày”, vừa vô vọng vừa lẩn quẩn mâu thuẫn thương đau nữa mà thôi ông Kiểng ah! Bởi trong đấu tranh chính trị, lập luận luận lý chỉ có giá trị ít nhiều nào đấy thôi chứ không tuyệt đối đúng hẳn sai hẳn thành hẳn bại hẳn như trong Toán học. Và thường không là kim chỉ nam cho các diễn biến lịch sử. Ông bình tĩnh coi lại vì sao miền Nam văn minh tự do dân chủ như thế mà lại rơi vào tay cộng sản man rợ phi nhân? Thật là ấu trĩ nông cạn nếu nói là do bởi miền Nam tệ, dở. Nói thế là “phù thịnh” là “về hùa” là nói bậy! Và hãy nghĩ kỹ đi vì sao phi nhân dối lừa sát nhân như thế mà tập đoàn Hồ Duẩn Thọ…..lại thắng thế? Nếu bảo rằng chúng hay thế này giỏi thế nọ….là lại càng nói bậy, dối mình dối người.

Những lời luận giải lịch sử, nếu muốn tiến sát với chân thực nhất khả dĩ, rất cần phải tổng hợp bao yếu tố khác nữa, cả những điều có thể thấy biết được lẫn những yếu tố “bất khả tri” khó thấy hoặc lắm khi dấu mặt hoặc biến hình biến dạng dễ đưa con người ta vô chỗ mê hồn trận.

Quá trình đấu tranh cho một nền chính trị công chính của nhân loại thực ra cũng chỉ là một diễn trình ở mức thô của việc tìm lại những giá trị hướng thượng chân chính cho con người, nghĩa là nó nhiều thô lậu, mê muội hơn là khôn ngoan thông thái; tiềm thức chiếm phần nhiều hơn ý thức. Nói cách khác, tâm thức cộng đồng thường mù mờ và chịu nhiều tác động tức thời, dễ thấy biết nhất (ta đã thấy tâm thức quần chúng qua các hình thức vận động tranh cử Tổng Thống ở Mỹ chẳng hạn. Các ứng cử viên gần như là một tài tử màn bạc giỏi diễn giỏi nói giỏi hứa giỏi dẫn dụ v.v…Khi đắc phiếu, thì theo hiến định, họ đã là Tổng Thống, thời khác hẳn cái thời cái lúc còn đi xin phiếu cử tri, còn quần chúng thì vẫn lại là quần chúng).
Miền Nam quốc gia là nơi sản sinh xuất phát ra biết bao hiền tài cũng như bao giá trị Nhân Bản mà cho tới ngày nay sau bao tàn phá của cộng sản và thời gian, vẫn đứng vững, và tiếp tục trao truyền, thì thử hỏi vì sao đồng bào hải ngoại chịu bỏ cái chân giá trị đó?
Lá quốc kỳ cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng quốc gia của miền Nam thuở 1955 – 1975 thì giờ đây lại là biểu tượng cho sự đối kháng với cộng sản độc tài phi nhân trong nước, đã và đang sống mạnh 35 năm nay, đang là một cái đích cho mọi hướng tới, tìm về dưới bóng cờ Lý Tưởng Tự Do. Cho nên đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước –số đông- sẵn sàng có thiện cảm với lá cờ thiêng! Sao ông phải nhọc công lập luận để loại bỏ nó? Ông không thấy giờ đây nếu không có cờ vàng thì sẽ lập tức không có tiêu điểm chung để đoàn kết trong đại cuộc lật đổ tập đoàn máu Ba đình hay sao? Việc ông trình bày lập luận quá ít hảo cảm với cờ vàng càng không cần thiết. Khối công đồng người Việt quốc gia hải ngoại có thể khẳng định ý chí Tự Do Dân Chủ Công Bằng tiếp nối của dân miền Nam Việt Nam 35 năm trước với việc lấy cờ vàng làm quốc kỳ tạm. Nếu ông hay bất kỳ nhóm nào không đồng ý thì có thể tự tạo biểu tượng cho riêng mình. Miễn là cùng chung mục tiêu loại bỏ cộng sản và kiến tạo Dân Chủ. Sau khi lật đổ cộng sản, toàn dân Việt sẽ bầu Quốc Hội lập hiến và sẽ chọn Quốc Kỳ thực sự cho quốc gia bởi một cuộc trưng cầu (hợp pháp, hợp hiến). Từ đây mọi sự cứ y cứ theo Hiến Pháp. Nếu Cờ Vàng được toàn dân chọn làm quốc kỳ, thì quả là tuyệt vời qua ý nghĩa gắn bó thiêng liêng thực sự của Cờ: ba miền Nam Trung Bắc –ba vạch đỏ- trên nền vàng –màu da vàng của dân tộc. Nếu Cờ Vàng được thay bởi một Cờ khác thì Cờ Vàng sẽ vẫn là một kỷ niệm thiêng liêng khó quên trong chặng dài lịch sử thương đau của dân tộc vì là biểu tượng của một Ý Chí Tự Do không may bị bức tử.

Riêng tôi nghĩ rằng, dù dưới bóng cờ vàng (cho dù với không nhiều “ưu điểm”, không “hợp lý” “hợp thời” như ông nói) hay không đi nữa, mà miễn là tất cả chúng ta cùng đoàn kết, tỉnh táo, mưu trí, nhẫn nại sao cho lật đổ được cộng sản là việc làm cần kíp trước hết, thì vẫn không có vấn đề gì cả, vì tất cả cũng chỉ là phương tiện. Tranh luận, tranh chấp biểu tượng lắm khi cũng chỉ là một trạng thái cố chấp (thuộc tính khó bỏ của con người), trong khi chúng ta đang mưu cầu việc lớn cho xứ sở, cho đồng bào, xin hãy tạm gác bỏ những ý hướng riêng của một cá nhân!

Tôi còn muốn viết nhiều ý khác nhưng thư đã dài và những ý chính cũng đã trình bày gần đủ. Tôi thành thật xin lỗi ông nếu trong thư có chỗ nào vì muốn diễn ý mà tôi đã có ngôn từ không làm ông hài lòng. Tôi gởi thư riêng cho ông qua mail box của anh Phạm Đỉnh, và chờ trong 2 ngày để ông và TL xem. Nếu không thấy quý báo đăng, tôi sẽ gởi bài đi cho các báo khác. Ngay sau khi gởi thư này cho ông, tôi cũng sẽ đăng nó lên Blog của tôi.

Kính chào ông!

Lê Tùng Châu

Mời bạn đọc xem thêm vài tài liệu cần biết về Quốc Kỳ Việt Nam Tự Do :




.

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...