Hồi Ký của Ký Giả Lê Tử Hùng - Đồng Nai xuất bản, Saigon 1971 - tư liệu của LTChau
==> ==> download PDF book (Mediafire, best quality, 89MB)
Sách cùng chủ đề: Nhật Ký Đỗ Thọ
by Đỗ Thọ, Sĩ Quan Tùy Viên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đồng Nai xuất bản, Saigon 1970, tư liệu của LTChau
HỒI ĐÓ, TÁM NĂM QUA… -TỰA của Hoàng Anh Tuấn
Tháng 8/63, tình hình căng thẳng, ngột ngạt, các phóng viên các báo được đặt trong hoàn cảnh “báo động”, thường trực sẵn sàng làm nhiệm vụ săn tin bất cứ lúc nào. Anh em ít có dịp họp nhau bù khú trong quán cà-phê như trước, vì ai cũng tất tưởi ngược xuôi, chỉ gặp nhau trong Chùa Xá Lợi, im lặng ra dấu chào nhau. Những tin tức quan trọng hồi đó đều liên quan tới sự chống đối nhà Ngô, không tờ báo nào xuất bản ở Saigon dám đăng tải, trừ khi giản lược tới mức tối đa, đến mức sai lạc thành vô nghĩa. Nhưng, anh em vẫn cố gắng săn tin, để thoả mãn tự ái nghề nghiệp.
Cái tin ông H.Cabot Lodge qua VN, thay thế chức vụ đại sứ Hoa Kỳ của ông F.Nolting, anh em đều biết, anh em cũng đều được nghe nói ông Lodge là một thứ “chuyên viên khuynh đảo” một tay “thợ” tài tình về đảo chánh lật đổ chế độ.
Vì vậy anh em đều nóng lòng chờ đợi ông Lodge tới VN. Tất nhiên vì vấn đề an ninh, ông ta sẽ tới Saigon thật bất ngờ. Tất cả sẽ được giữ bí mật cho tới khi ông trình uỷ nhiện thư lên Tổng Thống Ngô- Đình- Diệm.
Trong không khí nặng nề của Saigon đặt trong tình trạng thiết quân luật dưới quyền Tổng Trấn của Thiếu tướng Tôn Thất Đính, không ai bảo ai, anh em phóng viên đều coi anh nào đón được ông Lodge khi ông vừa tới phi trường Tân Sơn Nhứt là tay “bảnh”, ăn trùm anh em.
Anh em phóng viên hồi đó, bây giờ phần đông đều có một tờ báo trong tay để thao túng, như các anh Việt Định Phương, Dương Hà, Trương Hồng Sơn hay cũng là ký giả có ảnh hưởng lớn với báo chí như các anh Từ Chung, Anh Quân, Phan Nghị, Hồ Nam, Tô Văn, Cát Hữu…
Khoảng từ 20-8-1963, tin ông Lodge tới VN đã thành chắc chắn. Ngày giờ ông tới Saigon được giới hạn trong vòng 3, 4 ngày.
Anh em phóng viên đành bỏ hết mọi công việc ngày đêm luẩn quẩn trước cơ quan Thông Tin Hoa Kỳ ở gần rạp Ciné Rex, để dò la, theo dõi tình hình động tĩnh.
Rút cuộc, tất cả đều phải chào thua anh Hồ Nam, người đã kiên gan chờ đợi cả đêm 21-8-1963, để quá giang xe hơi của Sở Thông Tin Hoa Kỳ, có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất khi ông Lodge tới vào lúc rạng ngày 22 tháng 8 năm 1963.
Tuy chỉ được nghe “ké” những lời tuyên bố của ông Lodge, chứ không hề phỏng vấn ông ta được câu nào, anh Hồ Nam vẫn là ký giả VN độc nhất có mặt trong cuộc họp báo ngắn ngủi của viên tân Đại-sứ Hoa Kỳ hồi đó ở phi trường Tân Sơn Nhất. Anh em không thể không khâm phục người đồng nghiệp “láu táu một cách ì ạch rắc rối” đó.
Anh em đã không lầm về sự có mặt quan trọng của ông Lodge trên đất nước này. Đúng như sự dự đoán chung, cuộc đảo chánh ông Diệm đã xảy ra.
Vai trò của ông Lodge trong cuộc đảo chánh 1-11-1963 dù chưa thể xác nhận vị trí thật chính xác, nhưng ai cũng biết đó là vai trò chủ động, khá quan trọng, có tính cách quyết định, tuy ông luôn luôn phủ nhận bằng những lời lẽ khôn khéo.
Những tướng lãnh chủ chốt trong cuộc đảo chánh 1-11-63 ấy cũng đều phủ nhận vai trò của Hoa Kỳ nói chung, của ông Lodge nói riêng trong việc lật đổ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, nhưng dư luận khắp nơi mà cụ thể là một cuốn sách mang tựa đề “ông Đại sứ” lại xác nhận sự “xía vô” của Hoa Kỳ, qua nhân vật Lodge, vào tình hình VN từ năm 63.
Không hiểu vô tình hay cố ý, đối với một người như ông Lodge, thì chắc chắn đến 99 phần trăm là cố ý, ông Lodge trong dịp rời chức vụ Đại sứ nhiệm kỳ thứ nhất, đã tuyên bố với báo chí “điều ông đáng tiếc hơn cả là không ngăn cản được cái chết của Tổng Thống Diệm”.
Tuyên bố như vậy là xác nhận.
Ông xác nhận những gì thì chưa được trình bày rõ ràng.
Dựa vào các tài liệu, các bằng chứng, những lời kể lại của người “trong cuộc”, Lê Tử Hùng đã ghi chép một cách khách quan những trang sử cận đại trong cuốn sách mang tựa đề “Công Dân Áo Gấm Henry Cabot Lodge”.
Được Lê Tử Hùng cậy nhờ viết ít trang mở đầu cho cuốn sách của anh, tôi, trong tư cách người làm báo, nhắc lại ở trên ít nét đơn giản về liên hệ nghề nghiệp và tình hình trong thời gian vai trò Cabot Lodge chuẩn bị xuất hiện trên sân khấu chánh trị miền Nam này.
Saigon, 5-1971
HOÀNG ANH TUẤN
Lời Tác Giả
Năm 1954, hiệp định Genène ra đời ngày 20 tháng 7. Ông Diệm từ Hoa Kỳ qua Pháp rồi về Nam Việt Nam lập nội các theo lời mời của Quốc trưởng Bảo Đại. Mặc dù Thủ Tướng Ngô Đình Diệm về nước trước ngày hội nghị Genève, nhưng ông không thể cưỡng nổi tình hình mà các cường quốc Pháp, Mỹ, Anh, Nga, Trung cộng đã quyết định chia cắt Việt Nam ra thành hai phần: Miền Bắc thuộc Cộng Sản, miền Nam thuộc quyền Quốc Gia. Người Pháp được coi là thất bại ở Việt Nam với mặt trận Điện Biên Phủ, nơi chôn mồ giặc Pháp ở Thượng du Tây Nam Bắc Bộ. Lúc bấy giờ ảnh hưởng của người Hoa Kỳ không mấy sâu rộng ở Việt Nam. Song người Mỹ đang chủ tâm hất ảnh hưởng người Pháp (Thực dân) trên bán đảo Đông Dương. Bằng chứng Tổng Thống Hoa Kỳ Eisenhower cảnh cáo nước Pháp về chiến cuộc Đông Dương. Cho nên Hoa Kỳ không thực tâm viện trợ sâu rộng kinh phí cho Pháp giải quyết chiến trận bằng quân sự.
Lá bài Ngô Đình Diệm là bước đầu ảnh hưởng Hoa Kỳ du nhập vào Nam Việt Nam. Vì ông Ngô Đình Diệm là nhân vật thân Hoa Kỳ và quốc gia này ủng hộ triệt để hầu khuất phục tình trạng vừa ngưng chiến tại Nam Việt Nam.
Khi ông Diệm về nước nắm chức Thủ Tướng thì ông Rheinart thay Đại sứ Donald Heat là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Để gây thêm hậu thuẫn cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và mở rộng ảnh hưởng lớn tại Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ liền cử ông Elbridge Durbrow thay thế Rheinart giữ chức Đại sứ bên cạnh chính phủ Diệm.
Song song với chính trị, quân sự Mỹ cũng hoạt động để hợp với tình thế. Từ Tướng O’Daniel huấn luyện chỉ huy phái đoàn quân sự đầu tiên ở Việt Nam đến Tướng Lionel McGarr rồi Tướng Samuel T. William. Cuối nữa Tướng Paul Harkins Tư lệnh quân sự Mỹ, kế đó nhường lại cho Westmoreland. Lúc đó người Mỹ đã quá quen thuộc và nếm mùi với Việt Nam đậm đà lắm rồi.
Vị Đại sứ Hoa Kỳ Elbrige Durbrow là người có công củng cố chiếc ghế Thủ Tướng. Vị Đại sứ này đã hậu thuẫn cho Thủ Tướng Diệm.
Chống lại những phe phái thân Pháp như Nguyễn Văn Hinh, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Lê Văn Viễn, Phan Văn Giáo v.v… Và cũng vị Đại sứ này khuyến cáo với ông Diệm và ông Nhu nên lật đổ chế độ quân chủ để thay vào đó chế độ Cộng Hòa.
Sau khi tình hình khá ổn định, ngày 8-5-1961, sau vụ đảo chánh hụt 11-11- 1960, Đại sứ Elbridge Durbrow ra đi để tân Đại sứ Frederich Nolting đến Saigon với một kế hoạch mới của người Hoa Kỳ.
Từ ngày Nolting giữ chức Đại sứ tại Việt Nam tình hình xoay chiều rõ rệt. Nội bộ VNCH yên tĩnh nhưng VC bắt đầu khuấy rối ở các tỉnh miền Trung dọc theo dãy núi Trường Sơn và miền đồng bằng sông Cửu Long.
Đại sứ Nolting là một nhân vật rất được lòng chế độ Ngô Đình Diệm. Và ngược lại, chế độ Ngô Đình Diệm trọng đãi Nolting hết lòng. Nguyên nhân này làm cho ông Nolting nhận định chế độ một chiều mà cá cơ quan tình báo Mỹ không đồng quan điểm.
Tuy nhiên những vị Đại sứ trên không nổi tiếng bằng Đại sứ Henry Cabot Lodge (thay thế Nolting) trong những ngày lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.
Ông Lodge đã hai lần giữ chức Đại sứ trong khúc quanh lịch sử sóng gió Nam Việt Nam (trước và sau đảo chánh 1-11-1963). Và ông ta đã trở thành công dân danh dự dưới thời Tướng Nguyễn Khánh. Ông Lodge rời Việt Nam lần cuối cùng ngày 23-6-1964 với nghi thức tiễn đưa chưa hề xảy ra trong lịch sử ngoại giao đoàn Việt Nam. Ông Lodge đã mặc quốc phục Việt Nam với áo dài khăn đóng chít trên đầu.
Từ đó ông Lodge được danh hiệu CÔNG DÂN ÁO GẤM.
Công dân áo gấm Lodge đi vào lịch sử Việt Nam với nhiều thủ đoạn khuynh đảo, vắt chanh bỏ vỏ Chính khách Tướng lãnh. Công dân áo gấm Lodge khuất phục cố Tổng Thống Diệm bất thành nên phải đồng ý lật đổ bằng quân sự. Ông Lodge đã phủ nhận các tiền nhiệm của các Đại sứ Rheinart, Elbrow, Nolting để mở ra một thời đại đen tối Việt Nam dưới bàn tay của Hoa Kỳ.
Lê Tử Hùng
1.
CHUYÊN VIÊN THỜI CUỘC
ĐẠI SỨ LODGE ĐẾN SAIGON NGÀY 22-8-1963 THAY THẾ ĐẠI SỨ NOLTING bị Hoa Thịnh Đốn triệu về Mỹ vì lý do ủng hộ một chế độ dị biệt tôn giáo, chà đạp tín ngưỡng, nhân quyền và ông Nolting đã đem lại những bản phúc trình gửi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với sự bênh vực chế độ Saigon quá đáng.
Ông Henry Cabot Lodge đến Saigon với lời nói đầu tiên cùng các ký giả trong và ngoài nước tại phòng khách danh dự Tân Sơn Nhất: “Tôi không muốn phát biểu ý kiến gì trong lúc này về tình hình Việt Nam”, một câu ngắn, đầy bí mật của những người thâm hiểm hành động trước khi nói.
Đó là một lối khôn ngoan của nhà ngoại giao sắp nhận lãnh nhiệm vụ ở xứ người trong một tình thế nóng bỏng, khó khăn. Sự dè dặt của ông Lodge đã cho thấy tầm quan trọng của nhân vật này khi Hoa Thịnh Đốn hầu như tuyển chọn đưa đến Nam Việt Nam đối phó với chế độ Ngô Đình Diệm.
Tình hình Saigon trước ngày ông Lodge đến Nam Việt Nam đã nghiêm trọng lắm rồi. Những vụ tự thiêu của Phật giáo, dẫn đầu là Thượng Tọa Thích Quảng Đức đã làm xúc động nhân dân thế giới, nhất là những quốc gia mộ đạo Phật trong vùng Á châu.
Trước một ngày ông Lodge đặt chân lên giải đất Nam Việt Nam, nghĩa là ngày 21-8-1963, Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Văn Mẫu xuống tóc phản đối chính quyền đàn áp Phật giáo.
Phía quân đội, Thiếu tướng Tôn Thất Đính được cử giữ chức Tổng Trấn Đô thành Saigon Gia Định và có nhiệm vụ thi hành lệnh giới nghiêm. Dân chúng bị cấm đi lại ban đêm từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng.
Ngày Đại sứ Lodge đến Saigon cũng là ngày biến động khá lớn. Ở Hoa Thịnh Đốn, luật sư Trần Văn Chương từ chức Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Trong đêm hôm ấy, cảnh sát chiến đấu hành quân vào các chùa chiền.
Sáng ngày 23-8-1963 chính phủ Ngô Đình Diệm cho báo chí dân chúng biết là bắt được một số vũ khí trong chùa Therevada ở đường Trương Minh Giảng và chùa Xá Lợi.
Trong 24 giờ đặt chân đến đất Nam Việt Nam, Đại sứ Lodge đã thấy hốc hác trước nhiều vấn đề phải giải quyết. Cho nên sự vội vàng ở phòng khách danh dự phi trường Tân Sơn Nhất đã làm cho các quan sát viên quốc tế theo dõi hành động của Lodge mà chính phủ Hoa Kỳ Kenedy giao phó.
Đại sứ Lodge đến Saigon với một câu tuyên bố, tuy không hằn học, nhưng ở đó cũng bộc lộ được sự quyết liệt của ông đã bước hẳn vào thời cuộc Nam Việt Nam.
Ông Lodge lên xe về tòa đaị sứ Hoa Kỳ trên đường Hàm Nghi ngay lúc đó. Người ta tính với kim đồng hồ thì Đại sứ Lodge vỏn vẹn dừng lại phòng khách danh dự phi trường Tân Sơn Nhất khoảng trên dưới 10 phút.
Đại sứ Lodge bắt tay vào việc ngay từ giờ phút đó. Những gì của Nolting để lại, Lodge đều duyệt qua tất cả. Ông gọi các cộng sự viên mới cũng như cũ vào trình diện và yêu cầu điều tra phúc trình rõ ràng cho ông rõ về các vụ tự thiêu và cuộc lùng bố chùa chiền trước kia.
Đại sứ Lodge cũng chuẩn bị trình ủy nhiệm thư lên Tổng Thống Diệm càng chóng càng tốt. Hôm sau vì vụ chính quyền loan tin bắt được vũ khí trong các chùa, Đại sứ Lodge liên lạc với giám đốc nghi lễ Phủ Tổng Thống xin trình ủy nhiệm thư trong nội nhật. Cơ quan này trả lời sẽ xét lại khi trình lên Tổng Thống Diệm.
Nhưng rồi Phủ Tổng Thống im hơi lặng tiếng. Đại sứ Lodge biết ngay là Phủ Tổng Thống đang làm trở ngại ông ở bước đầu với cốt ý dằn mặt. Vì thế trong những ngày kế tiếp ông Lodge chưa hoạt động được bên ngoài. Mặc dầu ông đã được Tổng Thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu tiếp kiến qua lối xã giao nghi lễ của một vị tân Đại sứ.
Ngày 26-8-1963 (4 ngày sau đến Saigon) ông Lodge trình ủy nhiệm thư lên Tổng Thống Diệm để trở thành Đại sứ chính thức của chính phủ Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam.
Trong 4 ngày qua, ông Lodge tỏ thái độ mềm dẻo với chính phủ Diệm. Nhưng sau lễ trình ủy nhiệm thư, Đại sứ Lodge đã có thái độ khuyến cáo chính phủ Diệm trong lúc ông và Tổng Thống Diệm hàn huyên ở phòng khách.
Đại sứ Lodge yêu cầu Tổng Thống Diệm ngừng ngay việc đàn áp Phật giáo, thực thi thực tình nguyện vọng của đoàn thể này, đồng thời mở rộng chính phủ và đưa ông bà Ngô Đình Nhu ra ngoại quốc một thời gian.
Tổng Thống Diệm nghe ông Lodge nói thế thì mặt mày đỏ gay. Ông Diệm phủ nhận chính quyền đàn áp Phật giáo đồ. Và nguyện vọng Phật giáo đã chính tay ông ấn ký. Như vậy với chức vụ Tổng Thống, ông đã lùi một bước cho nguyện vọng đó thỏa đáng, nhưng Phật giáo đã kiếm cách này cách nọ gây rối với chính quyền.
Tổng Thống Diệm yêu cầu Đại sứ Lodge đừng nhúng tay sâu vào nội bộ Việt Nam bằng lối áp lực, như yêu cầu đưa Ngô Đình Nhu ra nước ngoài. Anh em chúng tôi không tham quyền cố vị, nhưng làm như thế chủ quyền quốc gia chúng tôi sẽ mất hết.
Sự chống đối, ương ngạnh của Tổng Thống Diệm như vậy đã làm cho ông Lodge khó chịu. Thế là buổi gặp gỡ sau lễ trình ủy nhiệm thư của ông Lodge với Tổng Thống Diệm đã bắt đầu đào hố sâu ngăn cách.
Thật sự trong lúc bấy giờ, Đại sứ Lodge mong muốn mình là một “chuyên viên nắn bóp thời cuộc” mà thôi. Ông Lodge cố thuyết phục Tổng Thống Diệm để thay đổi tình trạng hỗn độn đang chờ sẵn mà chỉ có lợi cho C.S.
Nhưng ông Lodge không ngờ Tổng Thống Diệm cứng rắn và dường như bất cần vị đại diện của chính phủ Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam. Có thể nói rằng đây là lần đầu tiên chuyên viên hòa giải Lodge gặp một vị Tổng Thống địa phương chịu viện trợ lớn của Hoa Kỳ mà lại ương ngạnh với vị Đại sứ của quốc gia đưa viện trợ đến.
Tự ái của “một Quốc Gia khổng lồ” ăn sâu vào trí ông Lodge. Và ông đã không chịu đựng được lối “trịch thượng” của Tổng Thống Diệm. Đại sứ Lodge ra về, lòng không mấy thanh thản, nếu không muốn nói một sự mất cảm tình đang lan rộng, xâm chiếm trí óc ông.
Những vụ tự thiêu của sư sãi nối tiếp dù đã có sự hiện diện của ông Lodge ở Saigon. Một vị tu hành tự thiêu ngay trước cửa nhà thờ Đức Bà làm xôn xao thêm. Đại sứ Lodge thân hành đi xem xét vụ này.
Ông Lodge đã chứng kiến nhân viên công lực dập tắt ngọn lửa tự thiêu đó. Thi thể nạn nhân được xe cảnh sát đưa đi khỏi vùng địa điểm đốt liền. Đồng bào hiếu kỳ đứng xem rất đông, cảnh sát chiến đấu giải tán mau chóng.
Kế tiếp những ngày sau, Đại sứ Lodge xin được Tổng Thống Diệm tiếp kiến. Trong buổi gặp mặt này rất căng thẳng. Tổng Thống Diệm lại yêu cầu Đại sứ Lodge đừng nhúng tay vào nội bộ Việt Nam. Hoa Kỳ giải tỏa cúp viện trợ cho Lực Lượng Đặc Biệt.
Nếu Hoa Kỳ còn tiếp tục hành động như vậy sẽ mang tai họa CS. Ông Lodge trả lời với Tổng Thống Diệm là viện trợ của Hoa Kỳ để chống CS chứ không phải để đàn áp tôn giáo, nhân quyền, tín ngưỡng.
Tổng Thống Diệm không bằng lòng cử chỉ của Đại sứ Lodge như vậy. Ông nói với Đại sứ Lodge rằng, nhân dân ủng hộ tôi, bầu tôi làm Tổng Thống thì không có lý do gì để đầu hàng một đoàn thể có ngoại bang và Cộng sản giật dây.
Đại sứ Lodge hỏi ngược lại Tổng Thống Diệm tình trạng như thế này thì trong bao lâu Tổng Thống mới thắng được chiến tranh Cộng sản? Tổng Thống Diệm đáp: hai ba năm nữa, nếu Hoa Kỳ canh tân vũ khí cho tôi. người Mỹ đứng đắn đứng vào cương vị cố vấn cho các cấp chỉ huy quân đội VNCH.
Đại sứ Lodge lắc đầu, tỏ vẻ không tin tưởng lời nói của Tổng Thống Diệm. Đại sứ Lodge nói với Tổng Thống tôi hết sức xúc động chứng kiến một cảnh tự thiêu của một sư sãi ở trước nhà thờ Đức Bà.
Tổng Thống Diệm trả lời ông Lodge là Tổng Thống là người Việt Nam thì xúc động gấp hàng trăm lần ông Đại sứ. Nhưng đứng cương vị của một Tổng Thống và uy quyền quốc gia, Tổng Thống không còn hành động gì hơn. Ông đã thấy chính phủ nhượng bộ rồi chưa?
Đại sứ Lodge bị câu hỏi ngược bất ngờ. Nhưng ông Lodge cũng trả lời ngay chính quyền không thực tâm giải quyết về Phật giáo.
Tình trạng dằng do giữa Tổng Thống Diệm và ông Đại sứ Lodge kéo dài mãi. Những cuộc gặp gỡ ở dinh Gia Long trở nên lạnh nhạt giữa hai nhân vật trong một thời kỳ khủng hoảng. Những đòi hỏi của ông Lodge, Tổng Thống Diệm cho là quá đáng. Trái lại ông Lodge thì nghĩ rắng công lao của Hoa Kỳ, tốn công tốn tiền, hao mòn sinh mạng chỉ vì uy quyền của Tổng Thống Diệm và ông Nhu khuynh đảo.
Ý nghĩ của một người Hoa Kỳ như ông Lodge thì Nam Việt Nam bị chính quyền độc tài ngự trị.
Và ông nghiêng hẳn về phía Phật giáo để chống đối lại chính quyền mà ông được phúc trình báo cáo là "gia đình trị".
Ngày 21-9-1963, Tổng Thống Diệm cứng rắn thêm với hai chuyên viên thời cuộc Đại sứ Henry Cabot Lodge. Có thể nói rằng kể từ ngày trình ủy nhiệm thư (26-8-1963), Đại sứ Lodge chưa thành quả một công việc nhỏ nào về hòa giải với chính phủ Diệm cả.
Tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ, nhân viên bắt đầu chia ra thành hai nhóm rõ rệt: Nhóm thứ nhất do viên phó Đại sứ (người của Nolting để lại) cầm đầu ủng hộ chế độ Diệm, và nhóm thứ hai gồm những nhân viên trung cấp khuyến cáo Đại sứ Lodge lật đổ chính phủ Diệm. Lúc này ông Lodge còn giữ lập trường lừng khừng. Nhưng đến ngày 6 quân nhân Mỹ bị Việt cộng giết trong cuộc hành quân ở phía Nam thị xã Đà Nẵng thì lập trường của Lodge bắt đầu xoay chiều.
Sự xoay chiều này rõ rệt, khi Tổng Thống Diệm thất lời hứa không dự buổi tiễn đưa linh cữu 6 quân nhân vị giết về Mỹ ở phi trường quân sự Tân sơn nhất.
Sau buổi lễ này trở về Đại sứ Lodge đánh điện xin Hoa Thịnh Đốn Bộ ngoại giao thế vị Phó Đại sứ tại Saigon của cựu Đại sứ Nolting để lại. Hoa Thịnh Đốn chấp nhận ngay. Vì chính phủ Hoa Kỳ muốn ông Lodge có "Jeu d'équipe" sẽ lật đổ chính quyền Diệm.
Chính quyền Ngô Đình Diệm đã mặc nhiên đặt cái cầy trước con trâu để lũng đoạn tinh thần Đại sứ Lodge. Vị tân Đại sứ Hoa Kỳ đã gặp một chính phủ có thực lực uy quyền và không theo lệnh của Hoa Kỳ như ông đã quá mơ tưởng trước khi đặt chân đến Saigon.
Vào thời bấy giờ ông Lodge là nhân vật lớn của Hoa Kỳ. Ông Lodge là bạn của cố Tổng Thống Kenedy. Hai người dinh quán ở Boston. Tại đây có hai gia đình nổi tiếng là Kenedy va Lodge.
Ông Lodge đã từng là "Đại sứ bí mật hòa giải" tại nước Cộng hòa Saint Dominique khi Tổng Thống độc tài của xứ Trung Mỹ Raphael Trujillo bị ám sát tại thủ đô San Domingo ngày 31-5-19…
Đại sứ Lodge đã thành công rực rỡ ở Saint Domingo với chính sách Hoa Kỳ loại ảnh hưởng thân Cộng sản Cuba ở quốc gia này.
Từ đó Đại sứ Lodge được nổi tiếng cáo già chính trị về các cuộc xáo trộn của quốc gia chịu ảnh hưởng viện trợ. Và cũng từ đó Lodge là nhân vật phòng hờ của chính phủ Hoa Kỳ chực chờ gửi đến những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng Mỹ mà lại chống chính sách Mỹ.
Thời kỳ Phật giáo dưới chính quyền Ngô Đình Diệm được coi là tình thế nghiêm trọng cờ Nam Việt Nam. Đại sứ Nolting không khuyến cáo chế độ đàn áp Phật giáo mà còn bênh vực chế độ này.
Chính phủ Hoa Kỳ gửi Henry Cabot Lodge đến giữ chức Đại sứ tại Saigon.
Khi nghe tin Lodge đến thay Nolting, tiếng đồn đã gán cho ông Lodge là chuyên viên đảo chánh.
Và người ta tiên liệu thế nào cũng có đảo chánh nhưng không biết thành hay bại với chế độ vững như trụ đồng Ngô Đình Diệm.
Những cuộc bố ráp chùa chiền, bắt bớ các nhà sư, Đại sứ Henry Cabot Lodge cảm thấy chính quyền Ngô Đình Diệm đã phủ nhận những lời khuyến cáo của ông hầu ổn định tình hình. Khuyến cáo của Đại sứ Lodge không ngoài mục đích yêu cầu Tổng Thống Diệm nhượng bộ Phật giáo.
Chính quyền Ngô Đình Diệm một mực nói rằng nguyện vọng 5 điểm của Ủy ban liên phái đã được thỏa mãn thì không có lý do gì Tòa Đại sứ Hoa Kỳ lại chấp chứa hai nhà sư lánh nạn.
Như vậy chứng tỏ Ngài Đại sứ đã tỏ thái độ chống lại chính quyền. Đó là một điều tối kỵ không thể nào dung nạp một đại diện ngoại giao đoàn có hành động như vậy trên lãnh thổ quốc qia địa phương.
Đại sứ Lodge từ chối về việc trả lại hai nhà sư, trong đó có Thượng tọa Thích Trí Quang. Ông Lodge trình bày là bảo vệ nhân quyền, tôn giáo dị biệt ở Nam Việt Nam.
Ông không muốn thấy cảnh hai nhà sư này bị đánh đập hoặc bị giết hoặc bị chụp mũ Cộng sản khi trao trả lại cho chính quyền Việt Nam. Hơn nữa hai vị sư lánh nạn ở Tòa Đại sứ là theo lời yêu cầu của họ. Như vậy Tòa Đại sứ Hoa Kỳ không đi ra ngoài luật lệ quốc tế về ngoại giao đoàn trong lãnh vực dân địa phương tỵ nạn chính trị.
Tổng Thống Diệm cùng với ông Đại sứ Lodge đã to tiếng trong phòng khách tại dinh Gia Long. Bên ngoài các sĩ quan tùy tùng của Tổng Thống Diệm đã nghe thấy sự ồn ào ở bên trong. Tiếng nói bằng Pháp ngữ của Tổng Thống Diệm hầu như át tiếng của Đại sứ Lodge.
Sau đó người ta thấy cánh cửa mở rộng. Đại sứ Lodge lùi ra ngoài, mặt đỏ gay, bắt tay Tổng Thống Diệm để cáo biệt và xin Tổng Thống sẽ yết kiến trở lại khi thấy cần thiết.
Tổng Thống Diệm không tiễn đưa ông Lodge ra bậc tam cấp như thường lệ. Đại sứ âm thầm ra xe. Ông ta bước nhanh, lưng hơi khom ra xe về thẳng tòa Đại sứ ở đường Hàm Nghi. Đó là buổi tiếp kiến ngày 30-8-1963.
Qua ngày hôm sau, Đại sứ Lodge xin Tổng Thống Diệm vào trình bày nốt công việc mà hôm qua dường như Tổng Thống nóng giận nên không đi đến kết quả.
Bộ Nghi lễ từ chối, viện lẽ hôm nay 31-8-1963 Tổng Thống bận rộn đi kinh lý. Luôn tiện xin mời ông Đại sứ tháp tùng. Đại sứ Lodge lại từ chối ngược lại. Và ông cho biết Văn phòng Tổng Thống không báo trước nên ông không kịp chuẩn bị.
Tổng Thống Diệm không đi kinh lý như viên chức Nghi lễ đã nói. Vì trong thời gian đó một vị Tổng Thống khôn ngoan như ông Ngô Đình Diệm không thể rời thủ đô Saigon được. Nhiều công việc phải giải quyết, nhiều công việc để đề phòng. Và cố nhiên ông Ngô Đình Nhu không để cho ông Diệm đi kinh lý xa. Vì ông Ngô Đình Nhi đang tổ chức đảo chánh giả qua hai chiến dịch Bravo I và Bravo II.
Hai chiến dịch này nhằm lấy uy thế quân đội trị lại quân đội với mục đích thanh lọc hàng ngũ. Đồng thời gây thêm uy tín của Tổng Thống Diệm đứng trước tình trạng nổi loạn của Phật giáo mà ông Nhu cho rằng Cộng sản ẩn núp ở bên trong giật dây.
Nhưng việc làm của ông Nhu cơ quan CIA đã nắm vững vấn đề. Ông Đại sứ Lodge đã được tường trình rõ ràng. Nên lúc đó Đại sứ Lodge đã cho nhiều chuyên viên trung cấp tiếp xúc với Tướng T.V.Đ. người đã gặp ông Lodge để xin hậu thuẫn làm đảo chánh chế độ Diệm.
Cho nên việc từ chối tháp tùng Tổng Thống Diệm đi kinh lý là điểm vô tình chia rẽ thật sự giữa vị Đại sứ Mỹ tại Saigon và chính phủ.
Đúng như vậy Tổng Thống Diệm không rời Thủ đô Saigon. Ông đã đi thăm một ngôi chùa Phật giáo ở Phú Nhuận. Việc thăm viếng này có tính cách chính trị, ru ngủ Phật giáo và để chứng tỏ chính quyền rất quan tâm đến những vị sư sãi của tôn giáo này.
Thành kiến của ông Lodge qua Phật giáoo đối với Tổng Thống Diệm càng lúc càng khuếch tán. Tân Đại sứ Lodge tự đặt vấn đề thanh toán chế độ Diệm nhanh chóng.
Bản phúc trình đầu tiên của ông Lodge gửi về Hoa Kỳ cho chính phủ Kenedy đã nhấn mạnh rằng chế độ Ngô Đình Diệm quả tình đàn áp Phật giáo, chống lại những khuyến cáo cấp thời của Đại sứ Mỹ tại Saigon. Cố vấn Tổng Thống Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Nhu đã thúc đẩy Tổng Thống Diệm hành động như thế.
Trong khi đó, thượng tuần tháng 10-1963, bà Ngô Đình Nhu tới ba Lê giải độc bị sinh viên đả đảo quyết liệt. Tình hình Saigon chín muồi, xin Hoa Thịnh Đốn "cải tổ" Saigon có bộ mặt mới.
Chính phủ Kenedy trả lời Lodge tùy nghi hành động cho việc lật đổ chế độ Diệm được trọn vẹn mà dư luận quốc tế không gán cho Hoa Kỳ nhúng tay vào nội bộ Nam Việt Nam.
Đại sứ Lodge nhận được điện văn đó giữa trung tuần tháng 10 năm 1963. Thế là Lodge nhúng tay vào tổ chức đảo chánh.
2.
MẦM MỐNG ĐẢO CHÁNH
TÒA ĐẠI SỨ HOA KỲ Ở SAIGON ĐÃ THU NHẬP ĐƯỢC TIN CÓ ĐẢO CHÁNH trước khi Lodge đến nhận chức Đại sứ. Tuy nhiên tin này vẫn vô căn cứ. Và tòa Đại sứ Hoa Kỳ hết sức dè dặt.
Cuối tháng 9-1963 lần đầu tiên Đại sứ Lodge gặp một nhân vật tướng lãnh VNCH trong buổi lễ tiễn linh cữu 6 quân nhân Mỹ tử nạn đầu tiên về cố quốc. Vị tướng lãnh này đại diện Quân lực VNCH đến dự lễ. Vị tướng đó là Trung tướng T.V.Đ., quyền Tham mưu trưởng Liên quân kiêm Tư lệnh Lục quân.
Trong buổi lễ gặp gỡ giữa ông Lodge và Tướng T.V.Đ. hầu như không đạt được kết quả. Đại sứ Lodge "quá giữ lời" với Tướng T.V.Đ. Điều đó dễ hiểu vì Tướng T.V.Đ. đang là người thân tín của chế độ. Đại sứ Lodge đã dè dặt theo dõi với vị Tướng quyền Tham mưu trưởng này.
Tướng T.V.Đ. trình bày với Lodge kế hoạch đảo chánh. Một số lớn quân nhân, sĩ quan, tướng lãnh đã hưởng ứng. Mong người Mỹ đứng vai trò hậu thuẫn chính trị hoặc làm trọng tài mà thôi.
Đại sứ Lodge từ chối với Tướng T.V.Đ. về một cuộc đảo chánh có tính cách hạ bệ Tổng Thống Diệm như thế. Vì làm như thế tình hình thêm khẩn trương, khủng hoảng chính trị lớn lao.
Tướng T.V.Đ. yêu cầu Đại sứ Lodge suy nghĩ lại và ông sẽ liên lạc với Tòa Đại sứ Mỹ. Đại sứ Lodge nghe Tướng T.V.Đ. nói thế thì trả lời: tôi sẽ phái người đến gặp ông sau.
Sau cuộc chia tay với Tướng T.V.Đ., Đại sứ Lodge cảm thấy khó khăn hành động lật chế độ Diệm. Tướng T.V.Đ. đã làm cho ông Lodge hồ nghi là một cạm bẫy có thể đến với Lodge.
Hôm sau Đại sứ Lodge đến Bộ Tư lệnh quân sự Hoa Kỳ trên đường Trần Hưng Đạo để gặp Tướng Paul Harkins.
Đại sứ Lodge hỏi Tướng Harkins về Tướng T.V.Đ. Tướng Harkins không cho Tướng T.V.Đ. là người có tài chỉ huy quân sự. Ông ta chỉ có một bộ vó bề ngoài lẫm liệt mà thôi.
Và Tướng Harkins cũng cho Lodge biết hầu hết các tướng lãnh Việt Nam do người Pháp đào tạo, họ đi lính lâu năm lên đến hàng Tướng chứ không có chiến lược chiến thuật gì cả. Nếu ông Đại sứ đảo chánh chế độ Diệm chỉ có Tướng T.T.K. làm được. Song trở ngại lớn lao là các tướng lãnh đều là thân tín của Tổng Thống Diệm. Ngay cả Tướng T.T.K. cũng thế.
Ông Lodge hỏi Harkins liệu Tướng T.V.Đ. thực tâm đảo chánh không? Paul Harkins dè dặt trả lời, chắc phải vì ông ta vừa mất Tư lệnh Quân đoàn I, chức quyền Tham mưu trưởng không cố định nên T.V.Đ. đã bất mãn.
Ông Lodge nghe Paul Harkins trình bày như thế thì mở cờ trong lòng. Lodge nói: Ta cần T.V.Đ. trong giai đoạn này để lôi cuốn các cấp sĩ quan trẻ tuổi gia nhập đảo chánh.
Từ hôm đó trở về sau, Đại sứ Lodge cho những viên cấp CIA tiếp xúc với T.V.Đ. để thâu thập kế hoạch.
Trong khi đó Tổng Thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu hầu như không quan tâm đến những cuộc tiếp kiến vô bổ với Đại sứ Henry Cabot Lodge. Tư tưởng của hai bên càng ngày càng xa cách rõ ràng. Nhưng Tổng Thống Diệm cố hàn gắn đổ vỡ đó bằng cách mời Đại sứ Lodge đến dùng cơm thân mật vào những buổi trưa hoặc buổi tối khi hai người đàm đạo quá giờ.
Nhưng trong những bữa ăn đó tẻ nhạt, xã giao và không ai muốn đả động đến tình hình chính trị. Có lẽ giữa hai người không muốn làm bữa ăn mất ngon qua sự chống đối lẫn nhau.
Riêng về Đại sứ Lodge đến dinh Gia Long để hiểu thêm thái độ của Tổng Thống Diệm.
Ông Tổng Thống vẫn chủ quan, nắm được quân đội và nhân dân. Đại sứ Mỹ không thể lung lạc ông bằng mọi thủ đoạn được. Ông Lodge cho rằng, thái độ đó sẽ đưa đến sự sụp đổ hoàn toàn mà do ông giữ vai trò thúc đẩy, then chốt ở Saigon.
Chuyên viên đảo chánh Henry Cabot Lodge đã lộ hình mà Tổng Thống Diệm không hay biết. Qua những xã giao ngoại giao đoàn của Lodge, Tổng Thống Diệm ngỡ rằng vị Đại sứ Hoa Kỳ đã lùi bước trước lập trường của chính quyền đối với Phật giáo và cương vị của người Mỹ tại Việt Nam.
Chính phủ Hoa Kỳ Kenedy theo phúc trình Lodge không giải tỏa viện trợ đã cắt từ thượng tuần tháng 9-1963 của Lực lượng đặc biệt và cảnh sát chiến đấu. Chính phủ Diệm rất nao núng về việc này. Song ông Ngô Đình Nhu kêu gọi quân đội, nhân viên chính phủ thực thi kế hoạch tự túc và tổ chức tổ tam tam hầu tiết kiệm ngân quỹ.
Trong thời gian đó, nhiều cấp chỉ huy quân đội trên toàn quốc đã báo động với trung ương là chiến trường thiếu đạn dược đánh Việt cộng.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã trình bày với Đại sứ Lodge về sự sống còn của Đông Nam Á nhất là Việt Nam đang bấp bênh nếu chính phủ Hoa Kỳ cắt viện trợ như thế. Hậu quả đó là do chính sách sai lầm của người Mỹ ở Việt Nam.
Ông Lodge với bản báo cáo tin chiến sự trong ngày trên toàn quốc đang cầm trên tay, trình với Tổng Thống Diệm: Thưa Tổng Thống, từ chiến trường và ở hậu phương, toàn dân toàn quân đều xuống tinh thần.
Tôi biết VC đang gia tăng, nguy hiểm cho quốc gia này, song chính phủ của chúng tôi viện trợ để chống cộng, chứ không phải súng đạn đó dùng để đàn áp một tôn giáo. Tôi thiết tha yêu cầu triệt thoái binh chủng. Lực lượng đặc biệt ra khỏi Thủ đô Saigon để cho họ có cơ hội đánh CS hơn là đàn áp Phật giáo.
Tổng Thống Diệm mặt đỏ gay, vẻ tức giận hiện rõ. Tổng Thống Diệm nói: Lực lượng đặc biệt giữ gìn an ninh Thủ đô, không đàn áp ai cả. Ông Đại sứ có thấy quân đội đã khám phá một số vũ khí trong hai ngôi chùa lớn ở Saigon trong ngày 31-8-1963 không?
Đại sứ đáp: Vũ khí tìm ra ở chùa chiền là một "chiến thuật" của chính quyền. Điều đó dù thật đi nữa thì với phong trào Phật giáo như vậy, dân chúng vận tự nghĩ, chính quyền vu khống. Chúng tôi mong ước ông bà Ngô Đình Nhu rời khỏi Nam Việt Nam càng chóng càng tốt. Đồng thời Tổng Thống cố gắng giải hòa với Phật giáo.
Tổng Thống Diệm nói: Những đòi hỏi của ông Đại sứ cùng chính phủ Mỹ quá đáng. Và rõ ràng đã chi phối vào nội bộ chính phủ của chúng tôi.
Ông Ngô Đình Nhu là em của tôi, không ai có quyền bắt buộc ông ta rời bỏ quê hương này. Người bắt buộc ông Nhu rời Việt Nam là người Mỹ thì đó là một điều quá phi lý. Luôn tiện đây tôi tiết lộ cùng ông Đại sứ là ông Nhu dự định sẽ rời Saigon trước ngày Quốc khành 26-10 sắp tới. Ông Nhu đã chán chính trị lắm rồi. Ông ấy đi, tôi mất một người cộng sự viên đắc lực.
Nhưng dự định đó nay đã tiêu tan theo mây khói. Ông Nhu đã quyết định ở lại vài ông ta mặc cảm người Hoa Kỳ "dám" đuổi ông ta trên đất nước này.
Đại sứ Lodge hết sức ngạc nhiên những tiết lộ của Tổng Thống Diệm. Đại sứ Lodge trình bày thêm: Chúng tôi không nghĩ như những lời của Tổng Thống vừa nói, song sự ra đi của ông Nhu cần thiết cho giai đoạn này. Chúng tôi nghĩ rằng Tổng Thống và ông Nhu xét kỹ điều kiện đó.
Tổng Thống Diệm vốn chủ quan với quân đội nhân dân ủng hộ ông nên những lời của Lodge hầu như có tính cách hăm dọa. Thành ra Tổng Thống cương quyết chống ngược lại với chính phủ Hoa Kỳ.
Trong lúc đó ông Ngô Đình Nhu cho Tổng Thống Diệm biết, tiền tồn kho và vũ khí còn lại, chính phủ đứng vững ít nhất là sáu tháng để tìm một viện trợ khác thay thế viện trợ Mỹ.
Đồng thời ông Nhu đang vận động một số mại bản Cholon cho chính phủ vay một số tiền lớn để trang trải kinh phí trong thời gian khủng hoảng viện trợ.
Kế hoạch của ông Nhu có vẻ mù mờ, không mấy tin tưởng. Tuy nhiên Tổng Thống Diệm cũng tạm gọi là một sáng kiến đáng thực hiện trong lúc đó.
Sự liên hệ giữa cá nhân ông Lodge và Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng như giữa tòa Đại sứ Mỹ và chính quyền Diệm được phân chia hẳn vào đầu thượng tuần tháng 10-1963.
Đại sứ Lodge mỗi khi rời dinh Gia Long đều mang theo sự tức tối, hậm hực trong lòng. Nhân viên thân cận Tổng Thống Diệm đã chứng kiến những cảnh ấy từ ngày ông Lodge trở thành vị Đại sứ chính thức ở Saigon.
Thật sự chính quyền Ngô Đình Diệm đã nao núng lắm rồi. Bên ngoài, Phật giáo đấu tranh quyết liệt. Bên trong, viện trợ Mỹ gián đoạn. Và chính quyền Diệm đã gặp một vị Đại sứ Hoa Kỳ có thành kiến với chế độ.
Tổng Thống Diệm đã bày tỏ nỗi khó khăn với ông Ngô Đình Nhu. Lúc bấy giờ tính tình ông Nhu thay đổi đột ngột. Cái trầm tư mặc tưởng của ông Nhu dính liền cuộc đời ông ta. Nhưng với thái độ ông Lodge như thế, nên cái trầm tư mặc tưởng đó trở thành quá khích ngấm ngầm.
Ông Nhu trình bày với Tổng Thống Diệm: Chúng ta phải làm một cái gì cho người Mỹ mất mặt. Người Mỹ mà ông Nhu nói là không ai khác tân Đại sứ Henry Cabot Lodge.
Kế hoạch Lodge làm mất uy tín của Lodge là chính quyền đảo chánh.
Một lối đảo chánh ngụy tạo gây thanh thế cho chế độ. Đảo chánh của chính quyền sẽ mang đến nhiều mối lợi: thanh lọc hàng ngũ quân đội, gây tiếng vang quốc tế là chế độ vẫn còn được quân và dân tuyệt đối ủng hộ. Sau cùng là người Mỹ sáng mắt về uy lực của chính phủ Diệm.
Đảo chánh ông Nhu được lập thành 2 giai đoạn: Bravo I và Bravo II. Bravo I do Lực lượng Đặc biệt và Cảnh sát Chiến đấu cùng một vài đơn vị Bộ binh tấn công các yếu điểm của chính quyền trong thủ đô. Tấn công mãnh liệt vào Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống phủ.
Như vậy là Bravo I được coi là quân chính phủ đảo chánh quân chính. Nếu những phần tử quân đội nhất là cấp Tướng lãnh ủng hộ đảo chánh lật đổ chế độ Diệm thì những phần tử đó được coi là phản bội, khi Bravo I thành công.
Nếu các cấp chỉ huy L.B.P.V.T.T.P. đầu hàng nhanh chóng, nghĩa là không chống lại đảo chánh thì cũng bị kết tội phản chế độ.
Bravo II được mô tả về phía đảo chánh không thành công. Quân đội chống đảo chánh quyết liệt để củng cố chế độ Diệm thì một điều đáng mừng. Và người Mỹ không còn phương tiện nào lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Tóm lại, Bravo I và Bravo II thất bại hay thành công, chế độ Ngô Đình Diệm vẫn thu vào mối lợi trong tay.
Tổng Thống Diệm rất bằng lòng kế hoạch đảo chánh giả của ông Nhu. Song vốn nhân từ, đạo đức, ông Diệm đã tưởng tượng đến cảnh máu đổ. Và ông không quên nhắc nhở ông Nhu điều đó. Nhưng ông Nhu trình bày rằng, chính trị muôn mặt như thế. Hơn nữa, tình trạng trước thái độ của ông Lodge, chúng ta không thể làm điều gì khác được.
Chính vì Bravo I và Bravo II đã đưa đẩy chế độ Diệm sụp đổ và mang theo cái chất cho ông Diệm và ông Nhu. Nói như thế vì bấy giờ tin đồn đảo chánh lan rộng trong quân đội, nhân dân như một câu ca dao truyền khẩu.
Nha Tổng Giám đốc Cảnh sát, Nha An ninh Quân đội, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo và ngay cả sở Nghiên cứu Chính trị đang tung người đi tìm đầu tơ mối chỉ của một cuộc đảo chánh lật đổ chế độ. Nhưng tuyệt nhiên các cấp thừa hành chỉ nghi tiếng đồn mà không hay biết phe phái nào sẽ đứng dậy đảo chánh.
Trong lúc đó, thật sự một số tướng lãnh đã hội họp kín, dựa theo Phật giáo lật đổ chế độ Diệm mà Tổng Thống Diệm và ông Nhu chẳng hề hay biết. Nguyên nhân chỉ vì ông Nhu chủ quan.
Ông ta cho rằng tin đồn đảo chánh là do Bravo I và Bravo II mà ra, chứ không ai dám đi vào vết xe đổ của ngày 11-11-1960 nữa. Ông Nhu suy nghĩ như vậy, vô tình bỏ ngỏ cho các tướng lãnh âm mưu quyết liệt lật đổ Tổng Thống Diệm.
Ngay cả bà Nhu sau cuộc giải độc được coi là buổi ra mắt cuối cùng với sinh viên Mỹ vào đầu tháng 10 năm 1963 vẫn chỉ trích chính sách Mỹ tại Nam Việt Nam.
Và khi đảo chánh 1-11-63 bùng nổ, bà Nhu rất mực bình tĩnh vì bà ta nghĩ rằng đó là kế hoạch Bravo I và Bravo II của ông Nhu. Cho nên bà tuyên bố, đảo chánh thì đảo chánh, chế độ Diệm hãy còn tồn tại.
Bravo I và Bravo II là một thủ đoạn chính trị bao quát cả chiến lược lẫn chiến thuật. Cách mạng 1-11-1963 không sớm nổ súng thì Bravo I và Bravo II được tưởng tượng là một cuộc thanh trừng đổ máu với những bằng chứng hiển nhiên mà một số tướng lãnh, chánh khách mắc bẫy ông Ngô Đình Nhu.
Riêng về Đại sứ Lodge sẽ không biết tính toán thế nào với chế độ Diệm. Chắc chắn rằng vị tân Đại sứ này cũng bị lừa trong hai chiến dịch Bravo I và Bravo II mà chính quyền tạo thành đảo chánh giả.
Ông Lodge sẽ điên đầu, đành phải lững lờ, mất uy tín với cái đảo chánh mà ông ta đang âm thầm nhúng tay vào với các tướng lãnh. Đồng thời, ông Nhu, ông Diệm viện cớ ông Lodge đã xúi giục một số sĩ quan cao cấp lật đổ chế độ mà trục xuất ông ta.
Nhưng số trời không chiều lòng ông Ngô Đình Nhu. Mệnh trời không cho ông Nhu hành động với mưu đồ tham vọng làm cho một số sinh linh binh sĩ ngã gục. Ông Nhu đã không thực hiện được Bravo I và Bravo II.
Tất cả đều muộn màng đối với cách mạng 1-11-1963. Đại sứ Lodge đã tiến trước ông Nhu một bước, một bước chính trị trong tình thế sôi bỏng là ngàn dặm xa thẳm.
Trong thế cuộc bùng nổ cách mạng công lật đổ chế độ Diệm, Đại sứ Lodge là người then chốt, là bàn tay đang nhấc từng con cờ trên bình diện của một cuộc xóa bỏ dấu vết của chế độ Diệm.
Cho nên sau ngày 1-11-1963, Lodge hiên ngang dạo phố Saigon. Đó cũng là một hình thức ra mắt quần chúng trong một thế đứng được gọi là bình dân, phổ thông của ngài Đại sứ.
Trước đảo chánh 1-11-1963 ngày gặp gỡ đầu tiên một vài tướng lãnh Việt Nam, Đại sứ Lodge không mấy tin tưởng sẽ lật đổ chế độ Diệm nhanh chóng được. Quan niệm của Lodge phải túc số những cấp lãnh đạo then chốt. Đơn phương một Tướng T.V.Đ. hoặc L.V.K. không hợp với cá tính cuả “người đám đông” như Đại sứ Lodge.
Người Mỹ rất thích tập đoàn làm việc. Một cá nhân, một đơn vị không thể thành công ở Hoa Kỳ. Cho nên ở Hoa Kỳ chung quanh một vị Tổng Thống được bao bọc một số lớn phụ trách nhiều lãnh vực. Lắm lúc một vị Tổng Thống tuyên bố, dân chúng cho là dấu kín vấn đề hơn là một nghị sĩ dân biểu.
Cho nên Đại sứ Lodge yêu cầu Tướng T.V.Đ. và L.V.K. hợp sức cùng một số lớn tướng lãnh thì Tòa Đại sứ Hoa Kỳ mới làm hậu thuẫn. Và Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam sẽ yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ công nhận chế độ mới ngay khi đảo chánh thành công.
Tướng T.V.Đ. đã tiên liệu điều đó. Tướng T.V.Đ. khó hiểu rõ về cá tính những người Mỹ “giàu có” và “xấu xí” nên ông ta đã đưa cho ông Lodge một danh sách hầu hết các tướng lãnh tham gia đại cuộc.
Sau đó Đại sứ Lodge đòi hỏi Tướng T.V.Đ. về chiến thuật và chiến lược trong cuộc lật đổ chế độ Diệm. Tướng T.V.Đ. trình bày cặn kẽ những nhịp đổ quân binh chủng tiến vào thủ đô Saigon bằng ba mũi dùi chính. Từ xa lộ vào. Từ mạn Long An lên. Từ các đường chính ở Tây Ninh xuống. Án ngữ ở Saigon không cần thiết vì Hải quân đã lo liệu.
Những đơn vị tham gia đều không đeo phù hiệu, kể cả quân xa, thiết vận xa. Ở Thủ Đức và TTM đặt một số đại bác 105 ly, súng cối đẻ xả láng với dinh Gia Long nếu tình hình quân đảo chánh không thanh toán vài mục tiêu yếu điểm của chế độ Diệm, nhất là thành Cộng hòa tọa lạc trên đường Thống Nhất.
Ông Lodge chấp thuận những điều Tướng T.V.Đ. đều hữu hiệu. Nhưng ông Lodge vẫn hỏi lại đại tướng Paul Harkins lần cuối cùng. Tuy nhiên hầu như tướng Paul Harkins không có ý kiến và muốn đổ trách nhiệm cho Lodge hành động. Có lẽ Harkins khá thiên về chế độ Diệm mà không tin tưởng các tướng tá Việt Nam mà ông quan niệm là những người thừa hưởng huấn luyện của thực dân Pháp để lại.
Đại tướng Paul Harkins đã làm cho Lodge không mấy bằng lòng về thái độ lừng khừng đó. Cũng từ đấy, Lodge quan niệm Harkins cùng một quan điểm với cựu Đại sứ Nolting về hành xử trước chế độ Diệm. Nghĩa là Nolting và Harkins ủng hộ sự tồn tại của chế độ Diệm tại Nam Việt Nam.
Sau khi tường tận kế hoạch của Tướng T.V.Đ. hành quân vào thủ đô Saigon, Đại sứ Lodge có hỏi về Tướng T.T.K. Tướng T.V.Đ. quả quyết vị Tướng này nhiệt tình tham gia đảo chánh. Nhưng về việc bầu thủ lãnh QĐ thì chưa thành hình. Tướng T.V.Đ. cho biết sẽ mở một phiên họp bí mật của tướng lãnh để bầu vị chủ tịch. Và đảo chánh sẽ lấy tên Hội đồng Quân nhân Cách mạng, đứng đầu là một vị tướng lãnh chủ tịch.
Hội đồng này hoàn toàn là quân nhân, không cho chính khách tham gia vì kinh nghiệm gãy đổ của ngày 1-11-1960. Nếu có mặt các chính khách dân sự thì vai trò đảo chánh không được giữ bí mật hoàn toàn.
Buổi gặp mặt cuối cùng này để đi vào chi tiết, Đại sứ Lodge thỏa mãn. Song ông ta đòi hỏi, Hội đồng Tướng lãnh không được giết một vị Bộ trưởng nào. Cá nhân Tổng Thống Diệm phải được bảo đảm an toàn rồi đưa ra ngoại quốc.
Đồng thời ông Lodge cho biết là ông lánh mặt các vị Tướng lãnh để khỏi bị mật vụ chính phủ theo dõi. Vì Tổng Thống Diệm đã kết tội Lodge nhúng tay vào nội bộ chính phủ Nam Việt Nam, vi phạm thuần túy phạm vi qui ước ngoại giao đoàn quốc tế. Tuy nhiên các nhân viên thừa hành Đại sứ Lodge được lệnh ông ta liên lạc với Hội đồng Quân nhân Cách mạng.
Ông Lodge rất nóng lòng biết được lý lịch tiểu sử của vị Chủ tịch HĐQNCM. Nhưng mãi đến thượng tuần tháng 10 năm 1963 vị Chủ tịch đó chưa được đặt vào ghế ngồi.
Trong lúc đó bên giới tướng lãnh Việt Nam mỗi ngày mỗi thu hút nhiều sĩ quan tham gia đảo chánh cùng ba nhóm đảo chánh: Trần Văn Đôn, Đỗ Mậu, Trần Kim Tuyến đã kết hợp với nhau rồi.
Song tìm một vị tướng lãnh cao niên đầy uy tín. Một vài vị trong nhóm Đỗ Mậu đề nghị Tướng Lê Văn Nghiêm, nhưng ông Tướng này từ chối vì lo sợ. Sau đó đề nghị Tướng T.T.K. nhưng ông này cho rằng mình chưa đủ tài sức. Tuy nhiên T.T.K. đoan kết sẽ là rường cột cuộc đảo chánh.
Sau cùng Tướng Trần Văn Đôn tiến cử ông Dương Văn Minh. Các cấp tướng lãnh đều đồng ý. Lúc đó cuốn lịch trên tường đã điểm thời gian trung tuần tháng 10 năm 1963.
Thật sự, trong bí mật, Tướng Dương Văn Minh không biểu lộ lập trường dứt khoát khi một số tướng lãnh yêu cầu ông tham gia đảo chánh. Ban đầu ông Dương Văn Minh từ chối. Sự từ chối này đều dễ hiểu vì lúc bấy giờ thanh thế của chế độ Diệm rất mạnh mẽ.
Nhưng về sau nghe Tướng Trần Văn Đôn cho biết là tòa Đại sứ Mỹ đã ủng hộ đảo chánh. Họ sẽ làm hậu thuẫn cho các tướng lãnh. Tướng Dương Văn Minh thấy danh sách rất nhiều tướng lãnh, sĩ quan cao cấp then chốt của chế độ Diệm tham gia, lại có người Mỹ yểm trợ, nên ông tham gia. Và chính Tướng T.T.K. chấp nhận cho Tướng Dương Văn Minh hưởng ứng và yêu cầu vị Tướng này giữ chức Chủ tịch HĐQNCM.
Trung tuầun tháng 10 năm 1963, Đại sứ Henry Cabot Lodge được phúc trình rõ về danh tánh, lý lịch của vị chủ tịch HĐQNCM. Trong bản phúc trình đó được ghi nhận một vài điểm chính cuộc đời binh nghiệp rực rỡ của Tướng Dương Văn Minh.
Vị Tướng này được mô tả là anh hùng quân đội trong các chiến dịch Rừng Sát, Thoại Ngọc Hầu, Hoàng Diệu, và tảo thanh phiến loạn Ba Cụt vào những năm đầu của thể chế Ngô Đình Diệm nắm giữ ở Nam Việt Nam.
Tướng Dương Văn Minh được coi là vị Tướng cao tuổi nhất là thâm niên quân vụ. Trong bản phúc trình còn nhấn mạnh về thành tích chống Pháp và từng bị Pháp bắt, tra tấn đến thương tích, lập trường chính trị trong bản phúc trình đó không mấy rõ rệt. Song các nhân viên hữu trách tòa Đại sứ Mỹ và CIA quả quyết rằng Tướng Dương Văn Minh đi theo chiều hướng thân Mỹ.
Đại sứ Lodge đọc bản phúc trình ấy nhiều lần và tỏ vẻ lo ngại, một thể chế quân nhân lãnh đạo trong giai đoạn giao thời.
Những biến cố đảo chánh xảy ra đầu tiên trong một quốc gia bị kềm kẹp lâu năm thường hay bị xáo trộn liên tiếp. Nguyên nhân chỉ vì cấp lãnh đạo mới không có chính trị, kinh nghiệm. Bằng chứng hiển nhiên là việc hạ bệ Tổng Thống Lý Thừa Vãn ở Đại Hàn Dân Quốc. Phái quân nhân ở nước này lên cầm đầu và mở màn cho những khủng hoảng liên tiếp.
Đại sứ Lodge là chuyên viên đảo chánh, bóp méo thời cuộc của Hoa Kỳ đối với các quốc gia chậm tiến chịu ảnh hưởng lớn lao vào viện trợ Mỹ. Ông Lodge là chuyên viên bí mật họp cùng ông Bunker điều giải khủng hoảng ở Saint Dominique, một quốc gia châu Mỹ ở La Tinh.
Ông Lodge đã thành công. Vì thế ông được cử đến Việt Nam trong một tình thế nghiêm trọng do nhân dân Phật giáo khuấy động, đồng thời đối với một chính phủ “cứng đầu” Ngô Đình Diệm đang “phủ nhận” công lao và tiền bạc của người Mỹ ở xứ này.
Chủ tịch Hội đồng Quân nhân đảo chánh Dương Văn Minh dưới mắt Lodge chưa hẳn đầy đủ của một cấp lãnh đạo, lãnh tụ. Song Lodge phải chấp nhận vì mỗi ngày chính sách chế độ Diệm hầu như tách khỏi đường lối của Hoa Kỳ không những ở Việt Nam và cả Đông Nam Á nữa.
Hoa Kỳ không muốn tình trạng của chế độ Diệm sẽ là bước mở đầu gây ảnh hưởng tai hại cho những quốc gia láng giềng Việt Nam như Lào, Thái Lan đối với nước Mỹ sau này. Hơn nữa đứng sau Tướng Dương Văn Minh là một số tướng hỗ trợ.
Tuy rằng xác nhận có 2 vị Chỉ huy Quân đoàn hưởng ứng, đó là Quân đoàn I và Quân đoàn III. Tuy nhiên sự hưởng ứng này còn mù mờ, vì HĐTL cho Lodge biết là Tướng ĐCT ở vùng I yêu cầu giữ bí mật đối với các Tướng lãnh Trung ương là có sự ủng hộ của ông ta. Còn Tư lệnh Quân đoàn III kiêm Tổng trấn Saigon-Cholon-Giađinh, Tướng Tôn Thất Đính đang ở trong giai đoạn thuyết phục và chắc chắn sẽ thành công. Về Quân đoàn III và Quân đoàn IV là những Tướng quá thân với Tổng Thống Diệm, nên khó lòng thuyết phục. Song HĐQNCM sẽ phong tỏa chặt chẽ, đồng thời bí mật quản thúc các Tướng này để chận nút kéo quân về thủ đô.
Đại sứ Lodge đang đứng trước mọi thứ phức tạp. Phức tạp đó từ giới quân nhân đến đảng phái chính trị tại miền Nam. Nhờ ở cá tính người Mỹ tin ở tập đoàn lãnh đạo, nên Lodge cảm thấy một số đông Tướng lãnh trung ương đoàn kết lại như thế với sự hỗ tương Phật giáo thì sẽ thành công.
Lodge nẩy sinh “kế hoạch giai đoạn” trong trí. Một kế hoạch dụng nhân và thử thách cho những tên tuổi lãnh tụ khi chế độ Diệm cáo chung. Cho nên Lodge quyết định, hỗ trợ bí mật trong một trang sử mới tại Nam Việt Nam.
Hội đồng Quân nhân Cách mạng sau những cuộc họp bầu chủ tịch xong xuôi đã báo cho tòa Đại sứ Mỹ là ngày X, giờ Y sẽ nổ súng. Ngày và giờ đó định vào 9 giờ sáng ngày 26 tháng 10 năm 1963, tức là ngày lễ Quốc khánh. Lúc bấy giờ Tướng Trần Văn Đôn và Đại tá Đỗ Mậu đã thuyết phục được Tướng Tôn Thất Đính và đặt vị Tướng này điều khiển hành quân chuyển vận trong việc binh sĩ vào thủ đô.
Trước ngày và giờ Y, Tướng Tôn Thất Đính yết kiến Tổng Thống Diệm xin đưa thiết vận xa vào thủ đô trấn giữ an ninh cho ngày Quốc khánh vì nghe phong phanh đảo chánh, Tổng Thống Diệm bằng lòng ngay.
Trong lúc đó đại tá Đỗ Mậu, quyền Giám đốc Nha An ninh Quân đội cũng báo cáo tình hình chung quanh thủ đô yên tĩnh. VC hầu như ngưng hoạt động.
Bản lượng độ tình hình đó một phần nào nguyên nhân khiến Tổng Thống Diệm bằng lòng cho Tướng Đính đưa một số binh sĩ và xe tăng, thiết giáp xâm nhập thủ đô Saigon với lý do chính đáng. Nhưng Tổng Thống Diệm có ngờ đâu đã mắc bẫy các tướng lãnh âm mưu đảo chánh.
Về phía Phật giáo, sau ngày Thượng tọa Trí Quang lánh nạn tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ, Đại sứ Lodge cho người liên lạc rất chặt chẽ với tôn giáo này, nhất là vị lãnh sự Hoa Kỳ ở Huế với chùa Từ Đàm. Người Mỹ chú trọng nổi lửa Phật giáo ở Huế rất kỹ lưỡng nơi mà trung tâm điểm quần chúng đa số là Phật giáo đồ và có tinh thần bất khuất lật đổ chế độ Diệm.
Chính phủ Ngô Đình Diệm không nói trắng trợn với Đại sứ Lodge là người Mỹ đang cổ súy Phật giáo chống chính phủ, song Tổng Thống Diệm nói với Đại sứ Lodge là tòa Đại sứ thờ ơ với chính phủ thì chẳng khác nào ủng hộ Phật giáo.
Ông Lodge lại trả lời: Chúng tôi không nhúng vào nội bộ chính quyền miền Nam. Chúng tôi cắt viện trợ vì chính quyền coi lời khuyến cáo của Hoa Thịnh Đốn không ra gì cả. Tổng Thống Diệm cho Lodge biết là chính sách Hoa Kỳ đang sai lầm, dân tộc chúng tôi sẽ áp dụng chính sách khắc khổ để bảo vệ quê hương.
Phật giáo mỗi ngày mỗi làm dữ với những phát động biểu tình, tuyệt thực. Báo chí trong và ngoài nước không được phép vào ra các chùa chiền gặp các vị tu hành. Các thông tín viên Âu Mỹ thuộc vùng Đông Nam Á đổ xô đến Việt Nam đông đảo.
Chính quyền Ngô Đình Diệm cảnh cáo các ký giả ngoại quốc với nhiều lời lẽ hăm dọa trục xuất, nếu họ viết những bài có ý bôi nhọ chính quyền. Chế độ Ngô Đình Diệm nhấn mạnh rằng, đối với kỷ luật Quốc tế tường thuật trung thực, chính quyền lấy đó làm vinh dự, và nếu ký giả nào mạ lỵ, hỗ trợ Phật giáo, công kích cá nhân những nhân vật miền Nam thì bị đuổi ra khỏi nước. Chính quyền không muốn tại xứ này xảy ra thêm một trường hợp Francois Sully (I). Ký giả Francois Sully đã bị trục xuất trong giai đoạn Phật giáo đấu tranh. Chính quyền Diệm gán cho Sully về tội tường thuật không đứng đắn tình hình Việt Nam. Sự thật, Sully bị trục xuất là do bà cố vấn Ngô Đình Nhu. Bà Nhu giận và ghét Sully lắm. bà ta đã yêu cầu ông Nhu và ông Diệm đuổi Sully ra khỏi nước vì cho hắn lưu trú không có lợi khi tình hình Phật giáo bùng nổ. Francois Sully rời Việt Nam đến Hồng-kong làm thông tín viên Đông Nam Á. Sau cách mạng 1-11-1963 vài tuần, Francois Sully lại được phép nhập nội Việt Nam khi đó chế độ Diệm sụp đổ hoàn toàn.
Đại sứ Lodge đã trình với Tổng Thống Diệm chính quyền áp dụng những đường lối đàn áp ký giả, thông tín viên của các hãng thông tấn ngoại quốc. Chính quyền Diệm phủ nhận điều đó. Chính Tổng Thống Diệm và ông Nhu bác bỏ lời của Đại sứ Lodge. Và Tổng Thống Diệm bảo rằng, ký giả ngoại quốc đã có thành kiến hiềm khích anh em, gia đình Tổng Thống và luôn cả chế độ. Chế độ này không cần đến họ trong việc thông tin thông tức nữa. Chính quyền sẽ đạt lời yêu cầu đến ông U Thant mời một phái đoàn Liên hiệp quốc đến Nam Việt Nam điều tra về vụ gọi là đàn áp Phật giáo.
Đại sứ Lodge thầm nghĩ rằng chế độ Diệm thật sự đàn áp Phật giáo nên ông lấy làm bằng lòng mà nói, Tổng Thống và ông cố vấn mời phái đoàn Liên hiệp quốc đến xứ này là hợp lý, hợp tình. Đại sứ Lodge nói như vậy vì ông chắc chắn rằng với sự vô tư đối với Quốc tế, phái đoàn điều tra chắc chắn sẽ kết tội chế độ Diệm kỳ thị tôn giáo.
Tuy thế, việc làm riêng tư của người Mỹ vẫn diễn tiến đều đặn trong việc xóa tan chế độ Ngô Đình Diệm.
Chính phủ Kennedy đã quyết như vậy thì Lodge phải thực thi cấp tốc.
Đảng Dân chủ ở Mỹ cầm quyền đã làm mất lợi cho chính quyền Diệm ở Nam Việt Nam. Tổng thống Kennedy với đa số ghế đảng Dân chủ ở lưỡng viện Quốc hội đã thúc đẩy Hoa Kỳ thay đổi một chính sách hầu Nam Việt Nam có một bộ mặt mới. Bộ mặt mới hẳn nhiên theo quan niệm của Hoa Kỳ là không làm chấn động dư luận thế giới về Nam Việt Nam đang đàn áp Phật giáo.
Người Mỹ đã như thế, Đại sứ Trần Văn Chương là vị Đại sứ lâu năm ở Hoa Kỳ và lại có tình thông gia với gia đình Tổng Thống Diệm đột ngột từ chức. Ngay trên đất Mỹ, ông Trần Văn Chương tỏ rõ thái độ chống chế độ Diệm làm cho chánh phủ và nhân dân Hoa Kỳ cảm thấy rằng không còn tiếc nuối duy trì chế độ Diệm tại Nam Việt Nam.
Trong lúc đó, sự nhờ cậy của chế độ Diệm qua trung gian với Đức Hồng Y Spellman thuyết phục vị Tổng thống công giáo Kennedy.
Song Đức Hồng Y Spellman đã thất bại vì chính quyền Kennedy chorằng quần chúng Việt Nam không còn tin tưởng ở chế độ cũ mèm Ngô Đình Diệm nữa. Tổng Thống Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo làm cho tình hình Việt Nam bệ rạc và tình trạng này còn kéo dài, chẳng mấy chốc Việt cộng thắng thế mà uy tín Hoa Kỳ sẽ mất tan trong thế giới tự do.
Đại sứ Lodge đầu dây mối nhợ qua những bản phúc trình được coi là chính xác từ Việt Nam gửi về Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là những thúc giục cấp bách kết thúc chế độ Diệm.
Cố nhiên với một chuyên viên đảo chánh lỗi lạc, một chính khách uy tín đang lên, Tổng Thống Kennedy đồng ý và ra lệnh cho Lodge tranh thủ thời gian thanh toán chế độ Diệm ngay tức thời.
Trong một phiên họp khoáng đại Hội đồng Liên hiệp quốc, những quốc gia sùng đạo Phật đã yêu cầu ghi vào nghị trình vấn đề chính phủ Diệm kỳ thị tôn giáo ở Nam Việt Nam. Rất nhiều các đại diện quan sát viên ở Hội đồng này cho rằng Hoa Kỳ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề đó tại Việt Nam. Người Mỹ vốn qui tắc, qui luật, họ không muốn ở diễn đàn quốc tế này là nơi các đại diện mọi quốc gia nhắm mũi dùi vào chính sách Hoa Kỳ.
Và nếu bị tấn công thì Hoa Kỳ mất uy tín, các nước Cộng sản sẽ thừa cơ hội tố khổ trên diễn đàn mạnh mẽ đối với chính phủ non ngày non tháng Kennedy.
Nhiều dồn dập chất đống cho chính quyền đảng Dân chủ kennedy trong những tháng đầu cướp được quyền Tổng Thống mà đảng Cộng hòa đã giữ trong nhiều năm qua.
Cho nên Lodge được cử làm Đại sứ tại Saigon để giải quyết trọn vẹn vấn đề. Vấn đề này không ngoài lật đổ chế độ Diệm đã đứng vững trong 9 năm tại Nam Việt Nam.
Sứ mạng của Lodge không dễ dàng như quan niệm của tư bản Hoa Kỳ đối với các quốc gia chậm tiến vì ngài Đại sứ đã gặp một vị Tổng Thống ương ngạnh Ngô Đình Diệm mà bên trong ông cố vấn Ngô Đình Nhu làm linh hồn cho chế độ Saigon.
Đại sứ Lodge là một người Mỹ lãnh sứ mạng chinh phục chứ không phải bị khuất phục. Với một quốc gia lãnh đạo thế giới tự do như nước Mỹ thì ngài Đại sứ Lodge luôn luôn có thái độ “người khổng lồ”.
Lodge đến Saigon gặp phải một vị Tổng Thống đã coi “người khổng lồ” đó là hình nộm. Ngài Đại sứ, công dân áo gấm dưới thời Nguyễn Khánh đã tự ái nổi dậy. Thành kiến với một quốc gia chậm tiến chịu áp lực viện trợ Mỹ là tay sai làm cho người Đại sứ đụng trở lực lớn.
Dị đồng cá tính giữa Âu Á, sự mặc cảm bị đè nén, Tổng Thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu đã có thái độ gây hấn với Lodge. Gây hấn bất đồng ý kiến với Lodge tức là chống đối chính phủ Hoa Kỳ, phụ lòng công của tiền bạc của người Mỹ viện trợ cho chế độ Ngô Đình Diệm.
Người Hoa Kỳ quá thực tế, máy móc nên đã ví các quốc gia đồng minh như một cái máy nổ. Người Mỹ chỉ cần vặn nút là chuyển động theo ý muốn. Tổng Thống Diệm không muốn lệ thuộc trong guồng máy đó.
Tòa Đại sứ Mỹ tại Saigon không tin tưởng đường lối hành động của chế độ đối với Phật giáo thì Tổng Thống Diệm không thể để mất uy tín riêng biệt cho người Hoa Kỳ thao túng ở xứ này.
Đại sứ Lodge là một chuyên viên ngoại giao kiên nhẫn. Ông vẫn đợi chờ từ hạ tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 10-1963. Tổng Thống Diệm thay đổi thái độ mà người Hoa Kỳ cho rằng hợp với một quốc gia phần đông là Phật tử.
Trung tuần tháng 10-1963 Đại sứ Lodge hoàn toàn thất vọng với Tổng Thống Diệm. Đại sứ Lodge có cảm tưởng Tổng Thống Diệm quá thủ cựu độc tài, không chịu uyển chuyển theo tình thế chính trị xoay chiều toàn cõi Nam Việt Nam.
Đại sứ Lodge kiên nhẫn như thế vì ngài Đại sứ là một tín đồ đạo Zen. Người ta đồn đãi triết lý đạo Zen ăn sâu vào tâm tính ông Lodge. Trong cuốn L’ Ambassadeur của văn sĩ Moris West người Úc đại lợi mô tả Lodge đã từng tới tham thiền với một nhà hiền triết Zen ở miền Bắc Đông kinh. Điều này đúng chăng?
Nếu Lodge quả thật là một người tham thiền đạo Zen thì rất đúng hẳn tâm tính trầm lặng của ông ta. Có thể ảnh hưởng Zen nên Lodge đến Việt Nam mà không lật đổ chế độ Diệm ngay mà ông phải tìm một chân lý sự thật. Và ông đang tìm cách dung hòa với cá tính Á Đông ảnh hưởng Khổng Mạnh chấp chứa ở con người Tổng Thống Diệm. Nhưng Lodge khá nhầm lẫn.
Tư tưởng của Tổng Thống Diệm là xuất cứ trên hoạn lộ rồi mới hưởng nhàn ở nơi yên tĩnh. Còn vốn của Zen đã tìm nơi vắng vẻ, thiên nặng về trầm tư mặc tưởng đào luyện tâm tình. Cho nên hai con đường Lodge và Diệm chia thành lối. Thêm vào đó quan niệm Đông và Tây không bao giờ gặp nhau.
Cho nên Lodge đã chờ đợi. Chờ đợi trong chủ quan của một người Mỹ ngoại giao thông thạo nếp sống thấm nhuần tư tướng Á Đông.
Nhưng cái thông thạo của Lodge là lý thuyết qua một thứ triết học của Nhật bản.
Đó là đi tìm chân lý Zen. Vì vậy Lodge hoàn toàn lệch lạc về tính Tổng Thống Diệm. Ngài Đại sứ đã mơ tưởng đến một cuộc đàm trà về triết lý đạo Zen trước một ảnh hướng nặng nề Khổng Mạnh trong bối cảnh sửa soạn đảo chánh của Lodge. Tổng Thống Diệm đặt Lodge vào con đường cùng. Con đường cùng đó, Lodge đứng trước trở ngại dồn ép. Ngay sau buổi lễ trình ủy nhiệm thư, Lodge đã thấy như thế.
Tổng Thống Diệm không mấy ưa thích khi ngài Đại sứ trình bày cuộc nổi dậy của Phật giáo đồ. Tổng Thống nói với Lodge rằng, chắc rằng tôi hiểu thấu triệt Phật giáo hơn ngài Đại sứ, ngài cứ yên tâm cho chính phủ làm việc.
Cố nhiên Lodge không bằng lòng. Lodge là người nghiên cứu đạo Zen. Đạo Zen là một phần nào nằm trong triết lý đạo Phật. Lodge say mê Zen. Tin tưởng ở Zen là đường thoát thân, đem sự trầm tĩnh thuyết phục kẻ đối diện.
Với Tổng Thống Diệm không coi Lodge là một Tô Tần, một tín đồ của Zen. Ngài Đại sứ đến đây để nuốt chửng chính sách nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm.
Từ những điểm bất đồng tiềm tàng trong tư tưởng đến dáng điệu của một ngài Đại sứ Mỹ vội vàng đến Saigon và yêu cầu cấp bách trình ủy nhiệm thư. Hành động đó là muốn ăn thua đủ với Tổng Thống Ngô Đình Diệm rồi.
Vô tình Tổng Thống Diệm đưa lên bàn cân giữa ông cựu Đại sứ Nolting và tân Đại sứ Henry Cabot Lodge. Theo ông Diệm thì Noloting mới xứng đáng một nhà ngoại giao. Một vị ngoại giao đoàn xử sự đúng với câu ở ống thì dài, ở bầu thì tròn. Còn Lodge bước chân đến Saigon với bề ngoài hoàn toàn người Mỹ trầm lặng.
Nhưng Tổng Thống Diệm lượng được cái trầm lặng đó. Cái trầm lặng nguy hiểm nhất của kẻ hành động rồi nói sau. Và người Mỹ trầm lặng chẳng khác gì “người Mỹ xấu xí” đang chập chờn trước một thể chế được coi là chà đạp tôn giáo.
Tổng Thống Diệm vốn là người coi mặt bắt hình dung. Nói nôm na là Tổng Thống Diệm chú trọng đến tướng người đối diện. Nên trong cuộc tiếp kiến đầu tiên tại dinh Gia Long, Tổng Thống Diệm đã chú ý đến cách ăn nói dáng điệu của Lodge rất kỹ. Khi Lodge ra về Tổng Thống Diệm đã nói với ông cố vấn Ngô Đình Nhu rằng, Lodge là hạng người dữ, thủ đoạn vô cùng.
Tổng Thống Diệm thấy dáng đi của Lodge vai và lưng cong, dáng điệu của sư tử vồ mồi. Ông Nhu nghe Tổng Thống Diệm nói vậy thì mỉm cười. Nụ cười gắng gượng, khô khan nếu ai nhìn thấy sẽ cho rằng, đó là cái cười kiêu ngạo, khinh mạn. Nhưng những nhân viên Tổng Thống phủ nghĩ rằng, ông Nhu cố gắng một nụ cười như thế không phải là dễ dàng trong cuộc đời ông ta. Hơn nữa ông Nhu cười là cho Lodge chứ không phải cười cho Tổng Thống Diệm. Cho nên ở bước đầu cuộc hội kiến ông Nhu đã thấy chế độ chịu ảnh hưởng Hoa Kỳ nhưng lại cách xa ngài tân Đại sứ.
Một người Mỹ ngư Lodge tự hào nhiều phương diện. Một người Mỹ như Lodge sâu sắc ở trong một tập đoàn mà ông ta đã chọn lựa sau khi Nolting rời Việt Nam. Lodge là người đảng Cộng hòa lại được đảng Dân chủ và Tổng Thống Kennedy cử đến nhậm chức Đại sứ tại Việt Nam trong một tình hình được coi là nghiêm trọng, khủng hoảng chính trị nội bộ. Như thế Lodge không tự hào cái uy tín của mình sao được.
Vì những tự hào cá nhân, tự hào ngoại giao tột đỉnh, tự hào là chuyên viên hòa giải, ngài Đại sứ quyết liệt khuyến cáo Tổng Thống Diệm ngay buổi hội kiến đầu tiên.
Một người như Tổng Thống Diệm với sự cố vấn của ông em Ngô Đình Nhu đã mất cảm tình với ngài tân Đại sứ Mỹ vừa chân ướt chân ráo đến Saigon. Tổng Thống Diệm cho hành động của Lodge quá hấp tấp, chưa thấu triệt vấn đề Phật giáo. Ngài Đại sứ chỉ đọc trên giấy tờ, báo chí và nghe vào tai những dư luận khi còn trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Ý nghĩ tiên đoán của Tổng Thống Diệm rất đúng. Trước khi đến Saigon, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cung cấp cho Lodge hàng chục xấp tài liệu về Việt Nam, trong đó có ghi rõ không những biến động Phật giáo mà còn có những cá tính của Tổng Thống Diệm, ông Ngô Đình Nhu, các Bộ trưởng, chính khách có máu mặt và các tướng lãnh Quân lực Việt Nam.
Tuy nhiên Lodge không mấy chú trọng đến nhân sự chung quanh Tổng Thống Diệm. Lodge quanh quẩn trong hai nhân vật: Tổng Thống Diệm, ông Ngô Đình Nhu mà thôi.
Cho nên khi đến Saigon tình hình phức tạp giữa chính quyền và quân đội, Đại sứ Lodge phải nhờ cậy đến Đại tướng Paul Harkins qua sự tìm hiểu mau chóng về các tướng lãnh Việt Nam. Khi gặp Tướng Trần Văn Đôn trong thâm tâm Lodge rất bằng lòng cái uy phong bề ngaòi của vị Tướng quyền Tham mưu trưởng Liên quân này. Đó là một điều làm Lodge ngạc nhiên đầu tiên. Lodge ngỡ rằng với vóc dáng người Việt Nam chắc rằng các tướng lãnh không lấy gì làm lẫm liệt.
Vì thế Lodge mất cảm tình với anh em Tổng Thống Diệm nhưng ông lại có cảm tình với tướng lãnh và quân đội.
Đó là một phần bé nhỏ. Lodge đồng ý làm hậu thuẫn cho các cấp quân đội nào vì Phật giáo đảo chánh chế độ Ngô Đình Diệm.
Tổng Thống Diệm được sự hỗ trợ của cố vấn Ngô Đình Nhu hầu như đã bất cần sự có mặt của ông Lodge kể từ ngày ông Đại sứ Nolting bị triệu hồi, chấm dứt nhiệm vụ tại Việt Nam.
Đó là những ngày rắc rối của chế độ Diệm vào trung tuần tháng 7-1963 với Phật giáo đồ ở Huế rồi lan tràn các tỉnh miền Trung, Trung nguyên Trung phần và cuối cùng ngay tại thủ đô Saigon.
Trong khi đó chính quyền mới Kennedy không muốn kéo dài chiến tranh ở Việt Nam nữa. Tổng Thống Kennedy trong thời kỳ vận động tranh cử đã hứa với quần chúng Mỹ sẽ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam nếu ông được dồn phiếu để đắc cử.
Đồng thời Tổng Thống Kennedy muốn thắng lợi tại Việt Nam để đền bù mối thất bại trong cuộc đổ bộ Cuba đã làm uy tín đảng Dân Chủ xuống thấp và làm các Thượng nghị sĩ chỉ trích quyết liệt tại diễn đàn Thượng viện.
Tổng Thống Kennedy vốn tin tưởng lực lượng quân sự Mỹ, nên CIA đã huấn luyện một số biệt kích của những người Cuba lưu vong đang sống ở Florida để cướp chính quyền CS. Fidel Castro, nhưng thất bại làm cho trùm CIA Dulles từ chức.
Đối với Việt Nam, Tổng Thống Kennedy yêu cầu Tổng Thống Diệm cho quân lực Mỹ đến Việt Nam thanh toán VC vì giới cố vấn Mỹ tại Saigon không còn thích hợp chế độ chiến tranh đang mỗi ngày mỗi cao.
Tổng Thống Diệm đã từ chối. Tổng Thống Kennedy đã không muốn một quốc gia chịu viện trợ lớn lao lại phản đối chính sách quân sự của Mỹ về chiến tranh.
Nên Lodge đến Saigon đã một công hai việc. Hỗ trợ Phật giáo và mở chương trình quân Mỹ đến Việt Nam.
Nội bộ nước Mỹ ảnh hưởng phần lớn cho chế độ Ngô Đình Diệm, nhất là khi đảng Cộng hòa với anh hùng nước Mỹ Tổng Thống Eisenhower hết nhiệm kỳ để lại con “gà nòi” Nixon tranh ghế Tổng Thống với kennedy. Ông Nixon thất bại.
Đảng Dân chủ lên cầm quyền, có thể nói rằng đã xa lạ đầu tiên với chế độ Ngô Đình Diệm trong suốt 9 năm. Lúc đó người ta đã đặt câu hỏi Tổng Thống Kennedy có còn ủng hộ Tổng Thống Diệm như Tổng Thống Eisenhower không?
Những thay đổi lớn lao ở Hoa Kỳ như thế, song ông cố vấn Ngô Đình Nhu vấn an Tổng Thống Diệm không nên quan tâm đến tình hình nội bộ nước Mỹ. Tổng Thống Diệm cho ông Ngô Đình Nhu là đúng. Vì dầu sao Hoa Kỳ phải ủng hộ Tổng Thống, một chế độ được nhân dân ủng hộ triệt để và Dân chủ hoặc Cộng hòa ở Mỹ đều là một.
Chủ quan của ông Nhu không phải là vô lý. Ông đã đặt nền tảng nhân dân Việt Nam đối với lãnh tụ Diệm là khí giới sắc bén trước sự thay đổi chính trị ở Hoa Kỳ khi Tổng Thống Kennedy lên nắm quyền ở Tòa bạch cung.
Nhân dân hậu thẫn Tổng Thống Diệm thì việc ông tân Đại sứ Lodge đến Saigon không nghĩa lý gì cả. Dù ông Lodge dựa vào Phật giáo đấu tranh để khuyến cáo chính quyền thì ông Nhu, một cố vấn chính trị sẽ ra tay.
Thật vậy, ngày ông Lodge đến Saigon, trong đêm đó, ông Nhu ra lệnh Lực lượng đặc biệt của Đại tá Lê Quang Tung, Cảnh sát chiến đấu phong tỏa các chùa chiền, bắt bớ các sư sãi vào những nơi giam bí mật ở Tổng Nha Cảnh sát, trại Lê Văn Duyệt và ngôi hầm bí mật ở sở thú mà người ta gọi ám số ngôi hầm này là P.42.
Trên toàn cõi Nam Việt Nam đều xảy ra tình trạng này. Ở Huế, một số sư sãi, công chức bị giam ở Năm Căn, một ngôi hầm dự trữ đạn dược của quân đội Nhật trong thế chiến thứ II.
Ở Saigon sau khi bắt xong các sư sãi, chùa chiền vắng ngắt. Ông Ngô Đình Nhu đã tung một số nhà sư vào các chùa lớn như Xá Lợi ngồi tụng kinh gõ mõ. Những vị sư này là mật vụ trá hình thành kẻ tu hành.
Khi chùa Xá Lợi được giải tỏa 50% tín đồ, Phật tử đến cúng bái Đức Thế Tôn đã gặp mấy vị sư này. Ban đầu người ta ngỡ là những vị tu hành này ở các tỉnh đưa về thủ đô để thay thế vào những Thượng tọa, Đại đức đã bị chính quyền bắt giữ. Nhưng các Phật tử thấy các sư sãi này không thuộc kinh kệ. Tay chân các vị sư này lại thô kệch. Lễ vật cúng mới dâng Đức Phật hồi sáng, đến chiều đãt hấy các sư sãi ăn hết. Các Phật tử bắt đầu nghi ngờ. Và cũng từ đó tiếng đồn ở chùa Xá Lợi đều là sư giả của mật vụ trá hình.
Khi phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc đến Saigon, một vị Thượng tọa Miến Điện đã không quan tâm các vụ đàn áp. Vị Thượng tọa này khi tháp tùng phái đoàn đến chùa Xá Lợi, ông chỉ hỏi các vị sư chùa này về Đạo pháp kinh kệ.
Cố nhiên các vị sư sãi giả này không biết gì cả.
Vị Thượng tọa này còn “khám” lòng bàn tay một ông sư chùa Xá Lợi. Khi thấy bàn tay vị sư này đầy những mụn chai, vị Thượng tọa Miến Điện biết ngay vị sư này là người hành nghề nặng nhọc tay chân chứ không phải tu hành.
Đại sứ Lodge do cơ quan CIA cung cấp đã biết trước một số mật vụ của ông Ngô Đình Nhu trá hình thành các vị sư ở các ngôi chùa lớn trong thủ đô Saigon trước khi phái đoàn Liên hiệp quốc đến Việt Nam, cho nên Lodge gài bẫy cho chế độ Diệm càng sa lầy bằng cách để tự do phái đoàn điều tra được thăm viếng nhiều chùa chiền và những nơi giam giữ các vị Thượng tọa, Đại đức. Ban đầu Tổng Thống Diệm chấp nhận hoàn toàn do sự điều tra trung thực của phái đoàn Liên hiệp quốc vì Tổng Thống Diệm tin tưởng rằng chế độ không hề dị biệt tôn giáo.
Trong khi đó ông Ngô Đình Nhu hợp tay cùng mật vụ, vạch sẵn chương trình lôi kéo phái đoàn điều tra một cách rất khoa học theo đường lối cảu ông ta.
Trước khi phái đoàn đến Tổng Nha Cảnh sát, Trại Lê Văn Duyệt, An dưỡng địa, mật vụ quét dọn sạch sẽ, yêu cầu các sư sãi mặc áo quần tươm tất. Trong ngày đó những phương tiện vật chất như ăn uống đều đầy đủ mong mua chuộc lòng sư sãi và lừa gạt được phái đoàn điều tra. Mật vụ còn tổ chức chỉ định những câu hỏi phái đoàn điều đề ra.
Về phía phái đoàn Liên hiệp quốc được chế độ o bế đến mức tối đa. Mật vụ của ông Nhu bao trùm cả nhà hàng Majestic, nơi phái đoàn điều tra lưu ngụ.
Tổng Thống Diệm tiếp đãi phái đoàn rất nồng hậu mà nhân viên Phủ Tổng thống cảm thấy rằng trong 9 năm qua chưa có một đoàn ngoại quốc nào được trọng đãi như thế. Dưới mắt các quan sát viên trong nước và quốc tế thời bấy giờ có cảm tưởng phái đoàn điều tra đã làm việc cho có lệ mà thôi.
Tuy nhiên ông Ngô Đình Nhu vẫn cho mật vụ canh chừng đường đi nước bước của các Thượng tọa Miến Điện và Tích Lan. Mật vụ còn mua chuộc phái đoàn bằng cách dâng hiến một số gái đẹp cho các nhân viên điều tra trong những đêm thâu canh vắng.
Theo một cựu nhân viên mật vụ thì đây là một cái bẫy gài phái đoàn điều tra vào thế bí, nếu phái đoàn này phúc trình bản điều tra không theo chiều hướng của chế độ.
Mật vụ đã chụp hình quay phim các cuộc trăng gió của từng cá nhân trong phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc. Một số ảnh được phóng lớn cỡ Carte Postale hình vị điều tra viên người Tích Lan và Miến Điện đang dở trò dâm đãng, hết sức tồi tệ. Số hình này được gửi về Sở Nghiên cứu Chính trị Phủ Tổng Thống, Tổng Nha Cảnh sát, Trung ương Tình báo và Nha An ninh Quân đội.
Cuộc ăn chơi của phái đoàn LHQ tại Saigon đã lọt vào tay mật vụ với bằng chứng cụ thể, không chối cãi mà phái đoàn không hề hay biết.
Khí giới ấy mật vụ của chế độ định tung ra cho phái đoàn khi sửa soạn rời Việt Nam, kết thúc cuộc điều tra trước khi tường trình ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc U Thant.
Những nhà sư giả đội lốt tu hành bị khám phá dễ dàng. Lúc đầu khách thập phương đến cúng bái ở chùa Xá Lợi không tin tưởng điều này là sự thật.
Mãi đến khi một nhà sư bị dân chúng vây đánh ở gần chùa Xá Lợi thì công chuyện mới đổ bể. Mật vụ của ông Ngô Đình Nhu liền bí mật gọi các tên đội lốt sư trở về các nhiệm sở. Tuy nhiên lúc bấy giờ CIA đã hợp lực với quân đội quyết định lật đổ Diệm nên tiếng đồn các sư giả ở các chùa vẫn vọng vào quần chúng. Vì thế một số lớn chùa chiền trong thủ đô chẳng có khách thập phương đến cúng dường Tam Bảo.
Phái đoàn điều tra LHQ vẫn tiếp tục điều tra với những cuộc thăm viếng. Nhưng phái đoàn này trông vẻ ăn chơi, nhàn tản cho đến ngày đảo chánh bất thần bùng nổ. Phái đoàn điều tra LHQ chứng kiến cuộc đảo chánh và vụ điều tra coi như hủy bỏ.
Về sau này bản phúc trình của phái đoàn này lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc về vụ đàn áp Phật giáo rất đơn sơ. Và xác nhận ở Việt Nam dưới thời Tổng Thống Diệm có dị đồng tôn giao.
Tuy nhiên, bản phúc trình đó không được thế giới chú ý. Có lẽ vì chế độ Ngô Đình Diệm đã cáo chung thì bản điều tra ấy không còn giá trị tồn tại nữa.
3.
ĐẠI SỨ LODGE VÀ CON HỔ GIẤY HOA KỲ
KỂ TỪ NGÀY THỀ GIỚI CHIA RA HAI CHỦ THUYẾT RÕ RỆT: TỰ DO VÀ Cộng sản thì Hoa Kỳ bị phe CS liệt vào hạng con hổ giấy Tự do. Chiến tranh Triều tiên bùng nổ, Trung cộng tranh chấp với Hoa Kỳ ở quốc gia này mãnh liệt. Cả hai bên đều gia tăng quân số, vũ khí, hầu đem đến thắng lợi. Hoa Kỳ đã tung một lực lượng quân sự đáng kể, nhưng Trung cộng vẫn liệt Hoa Kỳ vào hạng “hổ giấy thế giới tự do”.
Đại sứ Lodge đến Saigon với uy lực lớn lao, nhưng dưới mắt ông Ngô Đình Nhu, nhìn Lodge cũng là thứ hổ giấy Hoa Kỳ. Bằng chứng qua lần gâp gỡ Tổng Thống Diệm ngài tân Đại sứ Lodge đều thất bại trước những sự phản đối của chính quyền Việt Nam về việc người Mỹ đang nhúng tay vào nội bộ dân bản xứ. Ông Ngô Đình Nhu nghiên cứu kỹ càng bằng máy thu băng những cuộc đối thoại giữa Tổng Thống Diệm và ngài Đại sứ henry Cabot Lodge. Ông Nhu tin tưởng chế độ sẽ thắng chuyên viên ngoại giao Lodge một cách hợp lý và hợp tình.
Nhưng ông Nhu chủ quan và nhầm lẫn khá nhiều về con người của tân Đại sứ Henry Cabot Lodge. Đại sứ Lodge mang vào thân với sự tự tôn của người đi “chinh phục”. Cho nên khi một vị Tổng Thống địa phương bất đồng ý kiến, coi lời khuyến cáo của Lodge không ra gì thì ngài Đại sứ không dung tha được.
Lodge sẽ hành động với mọi uy lực trong tay, lật đổ chính quyền ương ngạnh đó bằng được. Chính quyền Ngô Đình Diệm với chính sách được gọi là “xả láng” phản bội viện trợ Mỹ thì không còn lý do gì để lãnh đạo một quốc gia chậm tiến đứng trước nanh vuốt Cộng sản.
Người đạo Zen được phong làm con hổ giấy trong tập đoàn lãnh đạo Hoa Kỳ, Đại sứ Henry Cabot Lodge đã tỏ ra con người phong độ chính trị nhưng không lộ hẳn ở mặt ngoài.
Ông Ngô Đình Nhu đã hời hợt với người Mỹ Lodge thấu triệt Zen mà đi đến chỗ thất bại oan uổng. Và người ta nghĩ rằng Lodge đã làm cho cuộc 9ời ông Nhu tiêu tan kéo theo Tổng Thống 9 năm Ngô Đình Diệm.
Con hổ giấy Lodge biết cử động trong biến tình Phật giáo đã làm cho quần chúng, Chính khách Việt Nam không còn khinh khi con cọp giấy Hoa Kỳ nữa.
Năm 1954 ông Diệm, ông Nhu dựa vào thế lực của Hoa Kỳ bao nhiêu thì những năm cuối cùng của chế độ, hầu như muốn tránh khỏi ảnh hưởng Hoa Kỳ. Thái độ này khá kiêu ngạo khi ông Nhu hoàn thành một số ấp chiến lược trên toàn quốc.
Thắng lợi về ấp chiến lược làm cho Cộng sản la hoảng và tuyên truyền rằng: Mỹ Diệm tập trung dân chúng trong ấp chiến lược là những trại tù vĩ đại ở Việt Nam. Ông Ngô Đình Nhu am hiểu chiến thuật, chiến lược của Cộng sản. Cho nên khi bị phía bên kia chỉ trích chính sách ấp chiến lược, ông Ngô Đình Nhu sung sướng coi đó là thành công to lớn.
Theo kinh nghiệm của những người đã sống và chống đối CS đều hiểu rằng, những gì Nam Việt Nam gây trở lực cho Việt cộng thì bị đài phát thanh Hà Nội, đài bí mật Giải phóng miền Nam chỉ trích quyết liệt. Ấp chiến lược lại còn phá rối hạ tầng cơ sở thôn quê mà Việt cộng thường lấy làm căn bản. Nên Việt cộng rối rít đả phá Ấp chiến lược về kế hoạch lâu dài.
Người Mỹ bên cạnh chính phủ Ngô Đình Diệm như chuyên viên điệp báo Đại tá Lansdale, phải công nhận ông Ngô Đình Nhu thành công rất lớn trong việc bình đình nông thôn và chế độ đang đứng vững ở hạ tầng cơ sở.
Nhưng ở Hoa Thịnh Đốn, thu thập qua tin các thông tín viên, thông tấn xã, nhất là tuần báo nổi danh News Week lại chỉ trích ấp chiến lược. Những cơ quan này cho rằng ông Nhu rập theo khuôn khổ kế hoạch của Sir Thompson, một chuyên gia du kích người Anh đã thắng lợi ở chiến trướng Mã lai Á. Hoa Thịnh Đốn không coi ấp chiến lược là sáng kiến của ông Nhu và ngay cả thuyết Nhân vị, người Mỹ cũng cho là mơ hồ trong Thế giới Tự do tư bản.
Tân Đại sứ Lodge là đơn vị đứng trong tập đoàn điều khiển chính sách Mỹ từ Hoa Thịnh Đốn đến, đến để mang theo sự coi thường ông cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu bên cạnh Tổng Thống Diệm.
Cho nên Lodge chỉ gặp ông Nhu một lần cùng bàn bạc, thảo luận giữa ba người, Tổng Thống Diệm, ông Nhu và ngài Đại sứ. Ông Lodge cho rằng Nhu là một chính trị gia lý tưởng chứ không thực tế trên cõi đời một ngày một biến chuyển muôn mặt này.
Một lần duy nhất đó mà thôi, rồi những cuộc thảo luận kế tiếp Lodge gặp riêng Tổng Thống Diệm. Những lần gặp như thế này, dù ở Tổng Thống Diệm giữ vững lập trường từ việc nổi loạn Phật giáo đến việc Hoa Thịnh Đốn yêu cầu cho quân lực Mỹ đổ bộ lên Nam Việt Nam. Ông Diệm tự chối, viện cớ chính quyền không thể lùi bước có hại cho uy lực như thế được. Thái độ Tổng Thống Diệm như vậy, nghĩa là cứng rắn, đương đầu với ngài Đại sứ. Song Lodge nhận xét trong những buổi đàm luận, Tổng Thống Diệm trông vẻ cô đơn vì lối lập luận của ông một chiều. Một chiều đó chắc chắn đã sửa soạn trong những ngày hôm trước qua sự bí mật của ông Nhu thúc đẩy Tổng Thống Diệm. Vì vậy lắm lúc Tổng Thống Diệm lúng túng khi ông Lodge hỏi một điểm ngoài cuộc thảo luận. Như thế để chứng tỏ, thiếu ông Nhu bên cạnh, Tổng Thống Diệm đã lộ hẳn sự lạc lỏng.
Đại sứ Lodge mà ông Nhu quan niệm là con hổ giấy đã đánh đúng vào yếu huyệt của ông Diệm, nên ông Nhu bị gạt ra ngoài vòng những cuộc thảo luận. Một phần nào dữ kiện này, Nhu cay cú với tân Đại sứ Lodge.
Vì sự cay cú đó ông Nhu đã mất khôn, đẩy Tổng Thống Diệm vào con đường được gọi là: “chống Mỹ”. Cho nên cuộc cách mạng 1-11-1963 bùng nổ chẳng có gì lạ đối với các chính trị gia trong và ngoài nước đang theo dõi biến chuyển tình hình lúc bấy giờ.
Ông Nhu thất bại vì không nghĩ đến con hổ giấy Hoa Kỳ Lodge có tư tưởng. Còn phía Trung cộng gán cho Hoa Kỳ là con hổ giấy là chiến thuật tuyên truyền vững lòng các quốc gia chậm tiến. Hơn nữa, Trung cộng đứng ngoài vòng ảnh hưởng ngoại giao, kinh tế với Hoa Kỳ nên dễ dàng gán cái xấu cho đối thủ để nâng cao địa vị của mình.
Còn Nam Việt Nam đứng vững hay không đều do người Mỹ. Ông Diệm trở thành Tổng Thống cũng do người Mỹ và bị chết cũng do người Mỹ mà ông Nhu lẫn ông Diệm không lượng được tầm quan trọng đó mà muốn ỡm ờ chống hổ giấy Hoa Kỳ.
Ông Nhu và Tổng Thống Diệm tin tưởng dầu sao đi nữa, người Mỹ (chính phủ Kennedy) cũng phải áp dụng chính sách ủng hộ chính quyền miền Nam như dưới thời đảng Cộng hòa Eisenhower. Lập trường của Hoa Kỳ phải tiên quyết như vậy vì chính quyền Diệm đã có thể đứng vững mạnh trong 9 năm qua. Bằng chứng cụ thể thấy rõ thì không vì lý do Phật giáo gây rối loạn mà người Mỹ lại bạo gan phá bĩnh công lao trong 9 năm giúp đỡ tận tình chế độ vững mạnh tại Saigon.
Về việc Lodge đến Saigon cũng như Hoa Kỳ đột ngột triệu hồi Đại sứ Nolting, các quan sát viên Nam Việt Nam tiên đoán Hoa Kỳ đang thay đổi thái độ với chính quyền Diệm.
Ông cố vấn Ngô Đình Nhu linh hồn của chế độ Đệ nhất Cộng hòa, không nhận định đó là một mối nguy cơ mà lại nghĩ rằng, Hoa Kỳ đang dằn mặt chính quyền miền Nam phải nhượng bộ những đòi hỏi của người Mỹ.
Trong khi đó dư luận quần chúng nghĩ rằng, Đại sứ Lodge thay thế Đại sứ Nolting vì chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.
Ông Lodge cho chỉ thị của chính phủ Hoa Kỳ khuyến cáo Tổng Thống Diệm hầu xóa tan khủng hoảng nội bộ nếu ông Diệm, ông Nhu nhận định tình hình đang trên bờ vực thẳm qua nhiều khía cạnh, nhưng thật ra, ngoài cuộc rối loạn Phật giáo, ngài Đại sứ Lodge đến Saigon với nhiều mục địch hầu như bắt buộc Tổng Thống cải tổ mở rộng chính phủ với nhiều tầng lớp chính khách đối lập tham dự, đồng thời nên chấp nhận một vài tướng lãnh tham gia nội các để quân bình thế đứng của chính quyền. Ngoài ra, người Mỹ mong mỏi Tổng Thống Diệm gạt bỏ những phần tử liên hệ đến dòng họ Ngô Đình Diệm ra ngoài chính quyền. Nhất là ông bà Ngô Đình Nhu đang làm mưa làm gió trên chính trường Nam Việt Nam. Cuối cùng, người Mỹ không muốn duy trì các cố vấn quân sự Hoa Kỳ đã có từ lâu nữa và thay thế vào đó một số quân lực rõ rệt. Nói rõ ràng hơn quân đội Mỹ sẽ đến Nam Việt Nam chiến đấu hơn là cố vấn. Có như vậy mới chấm dứt chiến tranh mau chóng mà không tiêu hao lực lượng.
Như vậy, dựa trên cao trào Phật giáo đấu tranh, người Mỹ đòi hỏi điều kiện mới với chính quyền Ngô Đình Diệm. Vì vậy, tân Đại sứ Lodge thay thế cựu Đại sứ Nolting không phải đơn phương về vấn đề khủng hoảng Phật giáo mà thôi như dưới mắt quần chúng Việt Nam sống trong biến động lịch sử 1-11-1963.
Chuyên viên Lodge lãnh sứ mạng nặng nề đến Nam Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ và ngay cả Lodge đặt tin tưởng sẽ thắng lợi hoàn toàn. Cái kiêu ngạo của Hoa Kỳ cũng như cá nhân của ngài Đại sứ Lodge là thế đấy.
Tự tôn một quốc gia giàu mạnh, nhiều nhân sự lỗi lạc, người Mỹ nhúng tay vào nội bộ các dân tộc đồng minh địa phương. Hành động của Hoa Kỳ nhiều khi cũng đem vào mối lợi như các vụ Indonésia và gần đây là Cambodge.
Nhưng có những vụ thất bại chua cay như Cuba, Cộng hóa Á-rập (thời Nasser), Kuweit (xứ dầu hỏa Địa Trung Hải) và chính biến 1-11-1963 được coi trong những chính sách sai lầm, thất bại đó.
Tuy nhiên, mỗi lần thất bại như thế, dân chúng, Quốc hội Hoa Kỳ náo loạn phản đối thì chính phủ lại đổ lỗi cho những hoạt động CIA. Và cái tầm quan trọng của sự thất bại đó lắng xuống để mưu đồ một trận đánh gián điệp mới.
Cho nên Nam Việt Nam trong mùa hạ 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đang đứng trước nanh vuốt Hoa Kỳ mà ngài Đại sứ làm tiêu biểu bước chân đến Saigon với không khí nặng nề, im tiếng.
Ngài Đại sứ Lodge mở đầu những cuộc hội đàm với Tổng Thống Diệm có tính cách nghi lễ của một vị Đại sứ vừa nhậm chức. Chủ đích Hoa Thịnh Đốn và Lodge đã định sẵn trước khi ông ta đến Saigon.
Kế hoạch của Lodge đối với chế độ Diệm gồm hai giai đoạn: Bắt đầu khuyến cáo, thuyết phục bằng miệng theo lối Tô Tần, nếu thất bại sẽ chuyển qua giai đoạn hai, lật đổ chính quyền Diệm bất cứ bằng giá nào.
Lúc bấy giờ Lodge chú ý đến các chính khách đối lập và những đoàn thể hoạt động bán chính thức lộ mặt chống chính quyền. Đó là các ông Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Tuyên và nhóm trí thức được mệnh danh là Caravella (nhóm này họp mặt ở khách sạn Caravella ra bản tuyên cáo tỏ ý chống chế độ).
Riêng hai ông Phan Khắc Sửu và Phan Quang Đán được dân chúng ủng hộ triệt để trong vụ bầu cử vào Quốc hội. Nhưng chế độ Diệm viện cớ vi phạm luật bầu cử nên bị loại.
Vì sự sai lầm của chế độ trong trường hợp này đã vô tình làm nổi tiếng hai vị chính khách này. Mãi đến sau cách mạng 1-11-1963 thành công, dân chúng mới hiểu được tài năng của hai vị này trên chính trường miền Nam.
Ngài Đại sứ Lodge không thuyết phục được Tổng Thống Diệm. Chỉ còn một đường đảo chánh. Tuy nhiên thượng tuần tháng 10, Đại sứ Lodge vẫn còn lừng khừng chưa gọi gì là ra tay hành động.
Nhưng thật sự Đại sứ Lodge hầu như khuyến khích những cuộc biểu tình của Phật giáo khắp mọi nơi trên toàn cõi Nam Việt Nam. Những lãnh sự Mỹ ở các tỉnh, Đại sứ Lodge triệu hồi về Saigon hội họp thường xuyên.
Đại sứ Lodge chỉ thị cho những vị này đứng ngoài những cuộc biểu tình đó và không một lời nào xây dựng hoặc chỉ trích các chính quyền địa phương. Hành động này phải được lộ hẳn ra ngoài mặt chi dân chúng thấy rõ.
Ông Lodge có thái độ như vậy không khác gì đốc thúc Phật giáo làm dữ để ngài Đại sứ dễ ăn nói với Tổng Thống Diệm đứng trước tình hình rối loạn.
Đại sứ Lodge trong khoảng thời gian này chưa có ý định vào quân đội Việt Nam lật đổ chế độ. Ngài Đại sứ chủ trương một cuộc cách mạng nhân dân đứng lên đảo chánh mới mạnh mẽ để Tổng Thống Diệm thấy rằng đồng bào đã xa lánh vị Tổng Thống của họ.
Về phía quân đội sẽ tiếp ứng vào phút chót khi thấy tình hình chín muồi, Đại sứ Lodge mong mỏi như vậy vì người Hoa Kỳ dè dặt về một chế độ quân nhân thành hình, nếu để các tướng lãnh khởi xướng cách mạng. Kinh nghiệm này đã xảy ra ở Đại Hàn khi người Mỹ xúi giục quân đội nước này hạ bệ chế độ Tổng Thống Lý Thừa Vãn. Tiếp theo đó Đại Hàn khủng hoảng chính trị và những tướng lãnh tranh quyền nhau.
Tại Việt Nam, người Mỹ Cabot Lodge tránh vết xe sa lầy đó. Song đến tháng 10-1963, Phật giáo đồ tiếp tục tự thiêu, xuống đường. Phía chính quyền bắt bớ giam cầm. Tình hình náo động vô cùng nhưng chính quyền vẫn thắng thế, dư luận quốc tế lên án chính quyền miền Nam chà đạp tôn giáo nhân quyền. Sự lên án đó kết tội Hoa Kỳ phải gánh lấy hậu quả, trách nhiệm hoàn toàn.
Người Mỹ chuyên viên bóp méo, sửa sai thời cuộc Henry Cabot Lodge gấp rút thanh toán chế độ Diệm vì diễn đàn Liên hiệp quốc sắp họp phiên khoáng đại.
Dư luận ngoài hành lang LHQ là các quốc gia Phật giáo sẽ biểu quyết yêu cầu các đại biểu ghi vào chương trình bàn luận về chính quyền miền Nam đàn áp tôn giáo. Cố nhiên khi ghi vào nghị trình phiên họp thì Hoa Kỳ sẽ bị chỉ trích nhiều nhất. Và mất ảnh hưởng với các quốc gia đã có cảm tình với Hoa Kỳ từ trước.
Tình trạng như thế, nên khi những bản phúc trình của CIA ở Saigon đệ trình Đại sứ Lodge là một số tướng lãnh Việt Nam đứng lên làm đảo chánh.
Đại sứ Lodge buông xuơi sự suy tính hầu cướp thời gian cho uy tín ràng buộc của người Mỹ tại Nam Việt Nam.
Đại sứ Lodge chấp nhận một cuộc đảo chánh do quân đội đứng đầu, ngài Đại sứ vội vàng như vậy vì thấy biến động Phật giáo đã sâu rộng mà không đi đến đâu.
Nếu cứ dựa vào Phật giáo qua ngày tháng thì e rằng phong trào này sẽ mỏi mệt và tàn rụi. Nếu biến động tàn rụi, chính quyền Diệm sẽ hống hách và coi thường Đại sứ Lodge cùng cả người Hoa Kỳ lôi cuốn theo.
Đại sứ Lodge chứng tỏ cá nhân ông cùng với sự liên đới chánh phủ của ông không phải là thứ hổ giấy trong Thế giới Tự do đứng trước tập đoàn Cộng sản quốc tế. Dù người ta nghĩ rằng Hoa Kỳ là một con hổ giấy thì con hổ giấy ấy có tầm lực cho người bàng quang chú ý với lòng sợ sệt.
Nhưng trong giai đoạn thời bấy giờ, Đại sứ Lodge tỏ thái độ đó nhằm vào chính quyền Ngô Đình Diệm và riêng cá nhân ông Nhu nhiều hơn cả. Cho nên cá nhân Lodge tiềm tàng sự ngông nghênh của một vị Đại sứ vĩ đại đến một quốc gia đang “được ơn” viện trợ lớn lao của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.
Đại sứ Lodge tự ái chính trị, nhắm mũi dùi vào ông Ngô Đình Nhu mà ngài Đại sứ cho rằng ông em của Tổng Thống Diệm đang dẫn dắt chế độ đến con đường cùng, gẫy đổ. Sự gãy đổ, nguyên nhân coi thường chính sách khuyến cáo của tập đoàn chính phủ Kennedy, một chính phủ được coi là đối thủ trẻ trung với Cộng sản trong lịch sử nước Mỹ.
Trong đó ông Lodge bảo thủ uy tín cá nhân nhiều hơn cả. Lodge đã không tuyên bố một lời nào về sự chống đối địa phương. Tư phong đó là một sự dồn ép tâm lý của một hạng người lão thành về chính trị.
Ông Ngô Đình Nhu bị cúp viện trợ trang trải cho Lực lượng Đặc biệt. Lodge cho rằng lực lượng này đối với người Mỹ, là phụng sự riêng tư cho ông Nhu. Quân đội phục vụ cho một cá nhân, chính phủ Hoa Kỳ không thể chấp nhận được.
Chính phủ Mỹ bỏ qua những ngân sách thâm lủng về Ấp chiến lược mà dư luận Hoa Kỳ cho rằng bao nhiêu tiền bạc của chính sách đó, lọt vào túi riêng vợ chồng ông Nhu.
Theo một số người liên quan đến chính sách Ấp chiến lược cho rằng những lời khuyến cáo của Đại sứ Lodge rất đúng. Lỗi lầm này không phải ông Nhu, nhưng vì các cấp dưới tham nhũng, nên số tiền xây dựng Ấp chiến lược bị mất mát rất lớn.
Dưới mắt người dân hồi bấy giờ đối với Ấp chiến lược rất thờ ơ. Trên toàn quốc nhiều nhất là khoảng 10 đến 15 ấp được coi là hoàn hảo, đúng nghĩa, đúng thực lực. Những ấp kiên cố này phần nhiều nằm ở vùng cao nguyên Trung phần. Còn số lớn các ấp khác xây dựng có tính cách tượng trưng.
Từ bên ngoài nhìn vào thấy rất đầy đủ. Nhưng nhìn kỹ mới rõ rằng yếu đuối vô cùng. Những hàng rào tre vót nhọn cắm xuống bùn mỏng manh không thể tưởng tượng được. Có nhiều ấp sau nửa tháng xây dựng đã thấy hư hỏng.
Những nhân vật hữu trách Hoa Kỳ đến Nam Việt Nam ông Nhu thường khoe khoang hữu hiệu chính sách Ấp chiến lược. Ông Nhu hướng dẫn đi xem xét vài ấp tiêu biểu.
Cố nhiên những ấp này ở cửa vùng Cao nguyên, Kiến Hòa, khu trù mật Vị Thanh. Người Mỹ thấy những ấp này đều nghĩ rằng trên toàn quốc đều như vậy cả.
Tuy nhiên Đại sứ Lodge không quan tâm đến. Lodge lại cho rằng Nhu là con người “lừa đảo” người Mỹ. Lodge không thể chấp nhận được.
Vì thế Lodge coi thường ấp chiến lược đến nỗi không cần khuyến cáo tân chế độ sau ngày 1-11-1963 đừng phá đổ chương trình.
Thật ra ấp chiến lược trong kế hoạch rất tốt đẹp và hữu dụng với chiến tranh du kích Cộng sản. Nhưng ông Nhu quá thiên nặng về lý thuyết mà bỏ rơi mất thực tế, thực trạng để cho người ta gán cho vợ chồng ông đã tham nhũng một số lớn Mỹ kim trong chương trình này.
Quan điểm của Đại sứ Lodge đối với chế độ Ngô Đình Diệm đi đến chỗ “vạch lá tìm sâu” những khuyết điểm. Người Mỹ có nếp sống thực tế, phân minh, nên họ rất mực thước về vấn đề tiền bạc.
Tiền bạc này là số tiền khổng lồ viện trợ cho Nam Việt Nam trong 9 năm chế độ Diệm cầm quyền. Số tiền đó người Mỹ cho rằng đã mất mát cho một chính thể gia đình trị mà ông Nhu đứng đầu chứ không phải Tổng Thống Diệm.
Đại sứ Lodge khuyến cáo, thuyết phục Tổng Thống Diệm nhưng đó là những lời nhắn nhủ đến ông Ngô Đình Nhu. Ông Nhu không thể cưỡng được người Mỹ mà ngài Đại sứ đang đại diện tại Saigon. Những hành động của ông Nhu, Đại sứ Lodge cho Tổng Thống Diệm biết là Tòa Đại sứ Mỹ đều thông suốt. Những lời nói mập mờ này, Tổng Thống Diệm không hiểu ông Lodge đòi hỏi điều kiện gì? Một người đạo đức như ông Diệm rất ghét những điều ám muội như vậy. Cho nên Tổng Thống giận lắm.
Mặt đỏ gay, những câu nói Pháp ngữ ngập ngừng lúng túng. Đó là thói quen của ông khi không bằng lòng điều gì.
Cố nhiên, sau cuộc hội đàm không bổ ích với Đại sứ Lodge, Tổng Thống thường gọi “chú Nhu” để mổ xẻ về ngài Đại sứ.
Riêng ông Nhu hiểu hơn ai hết. Ngài Đại sứ đang dằn mặt ông Nhu cố xoay chiều chính sách Mỹ ở Nam Việt Nam. Ông Nhu đang lo lắng, suy nghĩ, bộ mặt chảy dài ngàn năm càng thêm kéo dài đối với hình thù khó chịu.
Những việc làm của ông đã bị CIA theo dõi. Những lời của Đại sứ Lodge nói với Tổng Thống Diệm rất rõ ràng không đến nỗi mờ ám như Tổng Thống Diệm đang thờ ơ.
Ông Nhu tự kiểm điểm bản thân trong giây lát. Ông đâm ra nghi ngờ mọi người chung quanh công tác với ông. Sở Nghiên cứu Chính trị Phủ Tổng thống với nhiều bộ mặt lần lượt hiện rõ trong tâm trí ông Ngô Đình Nhu.
Ông Nhu tự hỏi ai đã tiết lộ bí mật của ông. Những bí mật đó là những cuộc tiếp xúc thầm kín giữa ông cố vấn với các đại diện Ba Lan bên cạnh Ủy hội Quốc tế tại Saigon. Ông Nhu đang dụ định mở cuộc tiếp xúc với hà Nội như trường hợp “Hiệp thương Bắc Nam” mà chế độ miền Bắc đã khởi xướng vào năm 1956. Theo giới thông thạo bên cạnh Sở Nghiên cứu Chính trị Phủ Tổng thống thì ông Nhu đã từng gặp đại diện Việt cộng ở rừng Trảng Bom và tây Ninh.
Công việc đang tiến hành thì vụ Phật giáo bùng nổ vào mùa hạ 1963 nên bị trì hoãn và Hà Nội thay đổi thái độ chính trị chế độ Diệm ở miền Nam. Ngược lại thời gian 1956, khi Hà Nội đòi hỏi “Hiệp Thương” Hoa Kỳ phá bĩnh lời yêu cầu đó qua chính quyền Ngô Đình Diệm đang thời kỳ thịnh vượng.
Lúc bấy giờ chính quyền Diệm đòi hỏi Hà Nội phải giảm quân số xuống 2/3 ngang hàng với VNCH mới nói đến Hiệp Thương Nam Bắc.
Trong giai đoạn này miền Bắc đang khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Hòa bình vừa mới vãn hồi, miền Bắc đòi hỏi nhiều cố gắng xây dựng. Tuy nhiên họ vẫn chú trọng đến huấn luyện quân sự ngày đêm và tăng quân số. Quân lính Bắc Việt vào khoảng 150 ngàn người tại hàng.
Miền Nam, chính quyền Diệm được coi là mới mẻ. Số quân lính Pháp chuyển qua chủ lực quân còn yếu kém, hỗm tạp không mấy hoàn hảo và thiện chiến. Ngoại trừ vài tiểu đoàn nhảy dù người Nùng Thượng du Bắc Việt mà ông Diệm cho đó là nòng cốt chủ lực quân VNCH. Trong hàng quân VNCH vào khoảng 40 đến 45 ngàn người.
Sự chênh lệch rõ ràng như thế, song Hoa Kỳ tin tưởng Tổng Thống Diệm đang được lòng dân và đang đường đi lên đến thành công. Hơn nữa, Hoa Kỳ vững tin vào những cố vấn Mỹ đến Việt Nam huấn luyện đạo binh VNCH từ hỗn tạp chiến thuật của Pháp để lại tiến đến tinh nhuệ quân đội.
Chính quyền Nam Việt Nam cấp bách tăng cường, huấn luyện quân số. Trường Võ bị Đà Lạt và trường Sĩ quan Thủ Đức tiếp tục thâu nhận sinh viên để đào tạo cấp lãnh đạo quân đội trọng đại.
Khóa 12 Võ bị Đà Lạt là khóa đầu tiên xuất thân dưới chế độ Ngô Đình Diệm kể từ ngày Hiệp định Genève ra đời. Tổng Thống Diệm đích thân chủ tọa lễ mãn khóa và đặt tên là Cộng hòa.
Đang ở thế vững mạnh, tiến bộ của VNCH, người Mỹ phá rối hiệp thương và thúc giục Nam Việt Nam gửi gián điệp ra Bắc phá nền kinh tế, quân sự Hà Nội. Những đội gián điệp này nằm trong Lực lượng Đặc biệt của Đại tá Lê Quang Tung.
Những toán Lực lượng Đặc biệt đó còn được gọi là biệt kích xâm nhập. Lúc bấy giờ thỉnh thoảng dân chúng được nghe tin những cơ sở quân sự, cầu cống, đường sá ở miền Bắc bị phá hoại.
Chính quyền miền Bắc kết tội là “bọn phản động” gián điệp đang âm mưu tê liệt nhà nước. Các cuộc phá hoại này cố nhiên do chính phủ Diệm và người Hoa Kỳ tổ chức tung người ra Bắc lập chiến khu, mặt trận du kích chống Cộng sản.
Tuy nhiên, những công tác này dưới thời Ngô Đình Diệm dấu kín để tránh sự tuyên truyền quốc tế do miền Bắc tung ra. Mãi đến cuối năm 1958 bước sang mùa hạ 1959, miền Bắc tung tin trên đài phát thanh Hà Nội là quân đội nhà nước vừa bắn hạ 1 máy bay DAKOTA ở mạn Thái Bình, Ninh Bình. Chiếc máy bay này không mang cờ, không mang số, mình phi cơ sơn màu đen để thực hiện phi vụ trong đêm. Đội phi pháo đã hạ phi cơ vào khoảng từ 2 giờ đến 3 giờ sáng.
Phi hành đoàn gồm 2 sĩ quan quân đội miền Nam và một sĩ quan người Mỹ. Xác chiếc phi cơ đem về Hà Nội trưng bày cho dân chúng xem và kết tội “Mỹ Diệm” vi phạm miền trời đất Bắc.
Trong 2 phi công sĩ quan, một người bị Bắc Việt đưa lên đài phát thanh phát biểu cảm tưởng. Và cố nhiên Cộng sản bắt buộc anh ta kết tội chính quyền “ngụy miền Nam”. Còn viên phi công kia không nghe nói đến.
Vị phi công không được nói đến tên là Trung úy T. về sau phi hành đoàn này ra tòa án Bắc Việt và bị kết án tù. Số phận của Trung úy T. đến những năm sau cùng của chế độ Ngô Đình Diệm cũng không biết sống chết như thế nào.
Theo những người của chế độ cũ (Ngô Đình Diệm) kể lại thì việc xâm nhập miền Bắc lúc bấy giờ tổ chức rất qui mô và hoàn hảo. Chính quyền Diệm đã đặt được nhiều cơ sở bí mật trên miền Thượng du, Trung du dọc theo biên giới Lào Việt, Hoa Việt. Thế đứng của các tổ biệt kích rất vững. Có toán thả ra Bắc từ 12 đến 30 người đã trở lại miền Nam rất an toàn.
Những người thả dù đó phần nhiều là người Nùng và họ được xâm nhập vào quê quán của chính họ. Tất cả đều hoạt động về đêm.
Chính quyền miền Nam cấp đủ giấy tờ giả của miền Bắc cho họ để dễ dàng di chuyển. Cũng có nhiều toán biệt kích vùng Phát Diệm, Bùi Chu và được các họ đạo Công giáo che chở bằng cách dấu trong các nhà thờ. Đặc biệt một toán 30 người xâm nhập vùng Bến Hải vào đến huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nơi quê hường của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Người trưởng toán này đã trở lại miền Nam ba tháng sau.
Anh ta làm một bản báo cáo rất kỹ, với nhiều trang giấy đệ trình Đại tá Tung về tình hình quê hương Tổng Thống. Bản tường trình này được xây dựng do sự yêu cầu của Tổng Thống và ông Ngô Đình Nhu. Nhưng về sau này không hiểu thái độ của Tổng Thống Diệm thế nào? Vì không thấy tiết lộ gì cả.
Mãi đến đời Tướng Khánh có sự Bắc phạt với bề ngoài rầm rộ cho dân chúng lên tinh thần. Tuy nhiên, trong giới tình báo cho rằng việc đó chẳng có gì mới mẻ, vì chính quyền Ngô Đình Diệm đã từng làm trong âm thầm.
Bắc phạt dưới thời Nguyễn Khánh, Tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ dẫn đầu phi vụ Skyraider. Đây là một việc làm dễ dàng đối với Tướng Kỳ. Vì đời Ngô Đình Diệm chính ông là người phi công xâm nhập đất Bắc nhiều lần. Trong vụ Bắc Việt hạ một phi cơ đã viết ở trên là bạn đồng hành với Tướng Kỳ (hồi đó ông mang cấp bậc Trung tá).
Trung tá Nguyễn Cao Kỳ dẫn đầu 2 phi cơ Dakota thả biệt kích ra Bắc. Chính ông lái một chiếc, còn chiếc kia là Trung úy T. (tự là T. râu) cầm đầu. Mỗi chiếc chở từ 15 đến 20 lính người Nùng được huấn luyện ở Long Thành rất kỹ càng trong 6 tháng.
Hai phi cơ không mang số cất cánh ngoài 1 giờ sáng ở Tân Sơn Nhất. Theo đường bay từ bờ biển vịnh Bắc Việt xâm nhập nội địa miền Bắc. Theo các nhân viên tình báo lúc bấy giờ đã có mặt trong buổi tiễn đưa kể rằng, tinh thần lính Nùng rất cao. Nghĩa là họ không sợ sệt gì cả. Họ trang bị khí giới tối tân. Mỗi một anh lính ngoài súng đạn máy móc chung quanh giây nịt lưng của họ mang theo rất nhiều rượu đế và bia. Trông họ dắt vào lưng những thứ ấy rất buồn cười.
Và trước khi thi hành công tác, gia đình họ không được biết. Gia đình họ được lãnh một số tiền lớn và 12 tháng lương, nên cá nhân mỗi người lính cảm tử này rất yên chí.
Máy bay của Trung tá Kỳ và Trung úy T. vào nội địa Bắc Việt rất dễ dàng. Hai viên phi công này bay rất cao. Khoảng 4 giờ sáng thì thả xong quân biệt kích xuống miền Trung du.
Công tác hoàn thành mỹ mãn, nhưng trên con đường về bị lộ mục tiêu nên máy bay Trung úy T. bị đạn, chính vị sĩ quan này đã báo cho Trung tá Kỳ rằng: “Trung tá, tôi bị bắn rồi”.
Phi cơ mất đường bay. Trung tá Kỳ nói vài câu trấn tĩnh Trung úy T. rồi bay lên cao hầu quan sát bạn đồng hành nhưng trong đêm tối không thấy gì cả. Trung tá Kỳ vội vàng lên cao nữa để tránh cao xạ và tìm đường trở về Nam Việt Nam.
Những cuộc thả biệt kích ra Bắc bị khám phá từ đó. Song những chuyến bay gây cơ sở cho biệt kích quân gây rối miền Bắc vẫn được tổ chức đều đặn bằng cách Hoa Kỳ tung ra loại phi cơ thám thính U2, không người lái và có người lái trên không phận Bắc Việt.
Loại phi cơ thám thính, chụp hình này bay với độ cao, mắt trần không thể thấy được. Hoa Kỳ đã sử dụng dưới đời Ngô Đình Diệm trong công tác gián điệp miền Bắc. Phi cơ U2 đã thành công lớn lao trong việc chụp hình các đồn binh và các dàn phi pháo Bắc Việt.
Chính Đại tá Lê Quang Tung là một sĩ quan trong bộ tham mưu Lực lượng Đặc biệt của ông đã ra hạm đội thứ 7 quan sát loại phi cơ U2. Kể từ ngày có U2 hoạt động, những chuyến bay thả biệt kích trên lãnh thổ Bắc Việt tránh được cao xạ. Và cũng kể từ đó không còn nghe Bắc Việt loan truyền trên đài phát thanh Hà Nội là bắn hạ thêm máy bay Dakota nữa.
Hoạt động của U2 trôi chảy đến năm 1959 thì Nga sô phát giác loại phi cơ này. Nga sô nhờ máy radar cực mạnh đặt theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sô. Máy radar hoạt động đêm ngày ở biên giới này vì vào thời đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu nước Mỹ đặt nhiều hỏa tiễn Hawk bảo vệ xứ này trước sự đe dọa của Nga sô. Khi U2 từ một căn cứ quân Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập lãnh thổ Nga sô thám thính thì bị bắn hạ. Viên phi công điều khiển máy bay này là Đại tá Power nhảy dù với độ cao kinh khủng và bị Nga sô bắt giữ cầm tù. Hai tháng sau trên diễn đàn Liên hiệp quốc, Thủ tướng Nga sô Khrouchev tháo giầy cầm tay đập lên bàn phản đối hành động gián điệp của Hoa Kỳ. Các quan sát viên theo dõi hoạt độnt Liên hiệp quốc cho rằng hành động của Thủ tướng Nga làm hoen ố cơ quan hòa bình này và đã xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử LHQ.
Mãi đến đời Kennedy, viên phi công Đại tá Power mới được Nga sô phóng thích trong một cuộc trao đổi viên Đại tá gián điệp người Nga bị bắt tại Nữu Ước. Cuộc trao đổi này được diễm ra về đêm giữa Tây Đức và Đông Đức.
Hiện nay Đại tá Power đã giải ngũ. Ông là một trong những phi công lãnh lương cao nhất của hãng Pan-Am. Nhiệm vụ của Power là bay thử những chiếc phi cơ vừa mới hoàn thành, trước khi sử dụng trên đường bay thương mại quốc tế.
Nga sô hạ được U2, Bắc Việt đề cao cảnh giác, nghi ngờ rằng Hoa Kỳ cũng đang sử dụng loại máy bay này trên lãnh thổ miền Bắc. Thật thế, một năm sau, Bắc Việt la hoảng. Hoa Kỳ vi phạm chủ quyền nền trời Bắc bằng phi cơ không người lái.
Thỉnh thoảng Hà Nội tuyên bố bắn được loại phi cơ này mà Bắc Việt gọi là phi cơ không người lái. Từ đó U2 không còn là loại phi cơ bí mật đối với chiến trường gián điệp. Song Hoa Kỳ đã tung ra một bộ óc gián điệp làm điên đầu thế giới Cộng sản một thời.
U2 là một tên gián điệp điện tử cuối cùng để bước sang một kỷ nguyên mới vệ tinh nhân tạo gián điệp mà hiện nay Hoa Kỳ và Nga sô đang sử dụng.
Lực lượng Đặc biệt do ông Ngô Đình Nhu tổ chức, Đại tá Lê Quang Tung điều khiển đã được Hoa Kỳ hỗ trợ như thế. Nên ông Nhu bận tâm phát triển Lực lượng này. Phát triển đến độ ông Nhu dùng binh chủng này làm nòng cốt bên cạnh chế độ Ngô Đình Diệm.
Và khi Phật giáo nổi loạn, ông Nhu dìng lính Lực lượng Đặc biệt thao túng thủ đô Saigon làm sai nguyên tắc nhiệm vụ của những người lính này. Người Hoa Kỳ không bằng lòng như vậy.
Nói đúng nghĩa Lực lượng Đặc biệt dưới thời Ngô Đình Diệm chưa đúng hẳn là một lực lượng mạnh. Nhưng phải nói rằng một tổ chức quy củ, nguy hiểm cho chính quyền Bắc Việt. Bên ngoài, người ta cho rằng ông Nhu và Đại tá Lê Quang Tung là nòng cốt, thật ra Lực lượng Đặc biệt này bị ràng buộc vào sự tổ chức của số lớn sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ.
Ban đầu, Lực lượng Đặc biệt tuyển dụng những quân chính quy dù nguyên quán ở miền Bắc. Nhưng chỉ tuyển chọn một số ít làm căn bản mà thôi. Còn lại, cố vấn Hoa Kỳ yêu cầu Đại tá Tung thâu nhận dân sự để huấn luyện.
Cho nên, phần lớn Lực lượng Đặc biệt được gọi với danh từ bán quân sự. Những người lính được coi là dân sự chiến đấu. Người Mỹ gọi tắt là CIDG. Vào thời đó, thỉnh thoảng người ta thấy một vài ông lính với vận phục lạ lùng thả bộ trên đường phố với bộ đồ dơi đen, trên ngực dính huy hiệu đầu lâu có hai xương gác chéo phía dưới trắng hếu. Đó là lính Lực lượng Đặc biệt.
Lực lượng Đặc biệt của ông Ngô Đình Nhu có hai loại. Loại thứ nhất là đi Bắc, và loại thứ hai ở nội địa. Những người lính đi Bắc được huấn luyện ở Long Thành. Trong thời gian huấn luyện, được tiếp xúc với gia đình. Nhưng đến giai đoạn sắp hết và chuẩun bị công tác thì mọi cuộc tiếp xúc với bên ngoài bị gián đoạn. Họ được đối đãi sung sướng, muốn gì được nấy.
Mỗi tuần được xuống hồ tắm quân đội Lido (Gia Định) bơi lội một lần. Mọi sự di chuyển ra khỏi Long Thành đầu dùng xe bít bùng (loại xe chở tù nhân ở Khám Chí Hòa). Trong thời gian này, người ta gọi những lính đi Bắc vào “nhà điên”. Danh từ này đặt ra một cách đứng đắn trong trại huấn luyện Long Thành.
Ngôi nhà điên là dãy phòng phong tỏa có biêin giới cho những lính đi Bắc trú ngụ. Khu vực này cấm chỉ những người qua lại. Thỉnh thoảng người ta thấy rất nhiều đoàn văn nghệ với đầy đủ ca sĩ nổi tiếng đến dãy nhà điên trình diễn cho lính đi Bắc thưởng thức.
Vào thời gian đó, khu nhà điên rất nhộn, những tiếng la hét, cười nói vang dậy hầu như mất trật tự. Theo một số nghệ sĩ cho biết thì số lính này đều cạo trọc, đầu nhẵn bóng, trông bướng bỉnh vô cùng. Nhiều khi làm trở ngại cuộc trình diễn, nhưng vị trại trưởng vẫn thả lỏng cho họ.
Đó là điều ngạc nhiên hết sức đối với nhóm nghệ sĩ đến trình diễn ở một đồn binh quân sự. Nhưng họ không ngờ đám lính đó sắp thi hành những công tác nguy hiểm. Vị trại trưởng đã vấn an với nghệ sĩ và yêu cầu hết sức tha thiết là đừng làm mất lòng đám lính mà bên ngoài rõ ràng “ô hợp”.
Người Mỹ đóng vai trò tuyển dụng binh sĩ và trả lương cho mỗi người lính đặc biệt. Sĩ quan Việt Nam bên cạnh chỉ lo về thủ tục giấy tờ mà thôi. Vì vậy những lính Lực lượng Đặc biệt này thường gọi mình là “lính đánh thuê” (Mercenaire). Một danh từ hài hước phủ phàng.
Những sai lầm cỏn con của người Mỹ như thế, nên một số lính dân sự chiến đấu này ở trong hàng ngũ một thời gian hoặc sau khi vào nhà điên đã trốn đi biệt tích.
Trường hợp này gọi là trốn chứ không phải đào ngũ vì Lực lượng Đặc biệt là thứ nửa quân sự, nửa dân sự. Số tiền lương mỗi người lính Đặc biệt rất cao. Nghĩa là gấp 3 người lính VNCH dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Những trại Lực lượng Đặc biệt binh sĩ chia thành từng toán 9 người Việt và cố vấn Mỹ. Ba người Mỹ này không phân định cấp bực rõ ràng, nghĩa là có toán 2 sĩ quan và một hạ sĩ quan. Có toán hoàn toàn 3 hạ sĩ quan.
Trong 3 người Mỹ này, một làm cố vấn trươỏng, một làm cố vấn phó và người cuối cùng trông coi về máy truyền tin khi hành quân xâm nhập ngoại địa VNCH. Về phía 9 người Việt Nam gồm có: một sĩ quan từ cấp Chuẩn úy đến Đại úy trưởng toán, một Trung sĩ hoặc Thượng sĩ làm phó toán. Các người còn lại là dân sự chiến đấu.
Dười thời Ngô Đình Diệm, Lực lượng Đặc biệt đã dùng một số ít tiểu liên AR16 và tiểu liên SK Thụy Điển. Có nhiều toán lại dùng vũ khí AK47 đã lấy được của Việt cộng. Mỗi toán Lực lượng Đặc biệt đều lấy tên mỗi tiểu bang Hoa Kỳ. Vào thời bấy giờ, toán nổi tiếng nhất là toán Texas, Kansas, Oregon.
Những tổ chức Lực lượng Đặc biệt tổ chức qui mô, vững chắc như vậy. Sonfg hầu hết lệ thuộc vào ngân sách của người Mỹ chi tiêu. Đây là một khoảng tiền không nằm trong hệ thống viện trợ Mỹ, mà là một ngân sách riêng biệt của CIA. Cho nên số lượng không đặt được tiêu chuẩn nhất định.
Vì những nguyên nhân đó, trước ngày cách mạng 1-11-1963, người Mỹ đe dọa cắt tiềin chi dụng Lực lượng Đặc biệt làm cho ông Ngô Đình Nhu điên đầu vì việc trả lương cho đơn vị này. Ông Nhu phải lấy một số tiền lớn trong ngân sách quốc gia mà trang trải. Nên việc tài chánh của chính phủ được coi là thâm lủng không biết làm sao hàn gắn được. Ông Ngô Đình Nhu gắng gượng với đường lối, còn nước còn tát, phản đối Đại sứ Lodge về hành động “đưa con bỏ chợ” của người Mỹ.
Đại sứ Lodge chẳng quan tâm đến lời khuyến cáo của ông Nhu mà còn nói rằng, ông lo lắng sự thiếu thốn đạn dược, lương hướng sẽ đưa đến cuộc nổi loạn của Lực lượng Đặc biệt.
Ông Nhu tức giận Đại sứ Lodge đến tột độ, nhưng lại tránh mặt ngài Đại sứ. Ông Nhu ngấm ngầm nhắn nhủ Đại sứ Lodge qua Tổng Thống Diệm là người Mỹ chịu trách nhiệm với Thế giới Tự do nếu miền Nam lọt vào tay Cộng sản. Tuy nhiên Đại sứ Lodge không mấy quan tâm đến lời đe dọa viển vông đó, trong trí ông đã có kế hoạch san bằng chế độ Diệm cấp tốc rồi.
Nói đến Lực lượng Đặc biệt thời đệ nhất Cộng hòa là mối ràng buộc duy nhất, ngoài viện trợ giữa chính quyền và người Hoa Kỳ. Người Mỹ rấ muốn nhúng tay vào việc điều khiển quân lực Việt Nam. Nhưng Tổng Thống Diệm đã hạn chế và chỉ chấp thuận cố vấn mà thôi. Riêng Lực lượng Đặc biệt người Mỹ đã thao túng mọi việc, mọi ngành trong cơ quan này.
Sự vững mạnh và công hiệu của đơn vị này đã làm cho ông Ngô Đình Nhu không đặt vấn đề tương quan Mỹ-Việt. Vì ông Nhu thấy cái lợi rõ ràng mà những toán xâm nhập đã gặt hái trên đất Bắc, gây rối chính quyền Hà Nội.
Nên Hoa Kỳ không chấp nhận Hiệp thương Bắc Nam, ông Nhu lẫn ông Diệm đều cho là hữu lý trên bình diện quân sự, kinh tế Nam Việt Nam trên đường phát triển.
Thế đứng đang lên. Hà Nội yêu cầu được “nói chuyện” với miền Nam. Miền Nam từ chối rồi đến năm 1960 Nam Việt Nam trở thành mặt trận du kích Cộng sản. Nội bộ lủng củng từ vụ đảo chánh hụt 11-11-1960 đến các đoàn thể, chánh khách kết tội chế độ Diệm gia đình trị, độc tài. Báo chí Mỹ khai thác triệt để các tin đó và dần dần chế độ đó bước vào con đường cùng. Và con đường cùng đó, quân đội khai thác thành ngày cách mạng 1-11-1963.
Từ Lực lượng Đặc biệt đến Hiệp thương Nam Bắc, người Hoa Kỳ không tiên liệu đến sự đứng vững của một chế độ. Một chế độ được coi là vững mạnh rồi cũng chế độ đó người Hoa Kỳ kết tội, thanh toán vì độc tài.
Dưới ánh mặt trời Nam Việt Nam, bàn tay sắt bọc nhung của Đại sứ Lodge đã thi hành kế hoạch ấy. Lực lượng Đặc biệt với mối hoài bão của ông Nhu trong việc chống Cộng. Cũng lực lướng đó phong tỏa chùa chiền tại thủ đô Saigon, ông Nhu hãnh diện về lực lượng đó bao nhiêu thì cũng lực lượng đó đưa ông đến cái chết đau đớn nhất.
Và người chỉ huy Lực lượng Đặc biệt, Đại tá Lê Quang Tung, dư luận cho rằng đã bị giết trong ngày cách mạng 1-11-1963. Nhưng đâu là sự thật? Cái chết của Đại tá Lê Quang Tung hoàn toàn bí mật.
Vì thi thể của ông đến giờ phút này vẫn chưa tìm được. Chúng tôi sẽ bàn đến Đại tá Lê Quang Tung trong một vài chương sắp đến để biết ông ta sống hay chết.
4.
LODGE VỚI TIÊNG SÚNG CÁCH MẠNG
LÚC 13G30 NGÀY 1-11-1963, TIẾNG SÚNG CÁCH MẠNG BẮT ĐẦU NỔ vang trong thủ đô Saigon. Ngài Đại sứ bình tâm ngồi ở bàn giấy Tòa Đại sứ chờ đợi những phúc trình, báo cáo về diễn biến bên ngoài. Gương mặt ngài Đại sứ trông mệt mỏi của một người thiếu ngủ. Một viên chức Tòa Đại sứ cho biết kể từ ngày đến Việt Nam, Lodge đã làm việc mỗi ngày trên 20 tiếng đồng hồ.
Kể từ sáng 1-11-1963 đến giờ đảo chánh, Đại sứ Lodge không còn liên lạc với Phủ Tổng Thống nữa. Hơn nữa, trong ngày này là Lễ Các Thánh, Đại sứ Lodge viện lẽ Tổng Thống Diệm là người mộ đạo thì rất bận về lễ nghi Công giáo.
Trong khi đó Đô đốc Felt, Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương có mặt tại Saigon và Đại sứ Lodge đã mở tiệc khoản đãi ông ta từ tối hôm trước tại tư dinh. Cố nhiên Đại sứ Lodge đã cho Đô đốc Felt biết rõ cuộc lật đổ Tổng Thống Diệm sẽ khởi đầu vào buổi trưa trong ngày Lễ Các Thánh.
Đô đốc Felt là người rất có cảm tình với cá nhân Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong thâm tâm, Felt không muốn có một cuộc cách mạng quân đội như vậy. Dù rằng ông đã chứng kiến tận mắt, tận cỗ những cuộc náo động của Phật giáo trên đường phố Saigon.
Đô đốc Felt không mấy đặt tầm quan trọng của đoàn thể này có thể làm rung chuyển chế độ Diệm. Đại sứ Lodge cho Felt biết tuy lật đổ Tổng Thống Diệm nhưng cá nhân Tổng Thống vẫn đượoc bảo đảm.
Lật đổ này nhằm vào chế độ, thanh lọc các phần tử chống lại chính sách Hoa Kỳ mà dẫn đầu là ông Ngô Đình nhu. Luôn tiện chứng minh cho Tổng Thống Diệm hiểu rõ, quần chúng đã rời ông ta quá xa vì chế độ đã cũ mèm, không tiến bộ.
Đô đốc Felt nghe Lodge trình bày như thế thì tin chắc rằng tánh mạng Tổng Thống Diệm được bảo đảm hoàn toàn. Và ông cũng đồng ý rằng chính sách Mỹ tại Việt Nam đã xoay chiều vì chế độ Diệm đã đụng chạm đòan thể Phật giáo mà quần chúng chiếim đa số 2/3.
Cảm tình tiêng với Tổng Thống Diệm, Đô đốc Felt lại là một nhân sự trong tập đoàn Mỹ thi hành chính sách Hoa Thịnh Đốn ở Đông Nam Á.
Nên, vì quyền lợi nước Mỹ, ông phải nhúng tay vào kế hoạch đảo chánh của Đại sứ địa phương Henry Cabot Lodge. Có thể nói rằng, đó là việc ngoài ý muốn của viên Tư lệnh Hải quân Đô đốc Felt.
Sáng ngày 1-11-1963, lúc 9 giờ 30, Đô đốc Felt vào dinh Gia Long yết kiến Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong cuộc đàm luận thân mật, Đô đốc Felt chúc tụng Tổng Thống Diệm và xác nhận chính sách Mỹ ủng hộ Việt Nam. Đô đốc Felt rất vui vẻ kính trọng Tổng Thống Diệm như những lần trước ông ta đến quan sát tình hình Nam Việt Nam.
Tổng Thống Diệm đã than thở với Đô đốc Felt về người Mỹ không thực tâm đối với chính phủ trong các vụ biến động Phật giáo.
Ông Diệm trình bày về uy quyền chính phủ, sự nhượng bộ những điểm Hội đồng Liên phái Phật giáo đòi hỏi. Ông Diệm nói nhiều nhất về lá cờ quốc gia và lá cờ Phật giáo.
Đô đốc Felt nghe rất chăm chú và vấn an luôn miệng sự ủng hộ chánh phủ tuyệt đối. Những nhân viên thân cận Tổng Thống Diệm thấy cuộc mạn đàm rất lạc quan.
Nhưng sau những ngày cách mạng thành công, những người này ngó lại cuộc hội đàm đó thì cho rằng lúc đó Đô đốc Felt trông ngượng ngập và thoáng vẻ buồn. Họ cũng không ngờ dáng điệu đó là Đô đốc Felt đang lo ngại cho Tổng Thống Diệm.
Cuộc thăm viếng dinh Gia Long sáng ngày 1-11-1963 của Đô đốc Felt được coi là nhân vật mà Tổng Thống Diệm tiếp kiến cuối cùng trong 9 năm tại vị Tổng Thống đệ nhất Cộng hòa Việt Nam. Có hai giả thuyết về sự yết kiến của Đô đốc Felt:
Giả thuyết thứ nhất là do sự dàn xếp của Đại sứ Lodge, để Đô đốc Felt dò la tình hình dinh Gia Long. Sau khi nói chuyện với Tổng Thống Diệm, Đô đốc Felt cho ông Lodge biết là Tổng Thống Diệm không hề biết gì về cuộc đảo chánh sắp khởi sự vài tiếng đồng hồ sau.
Tổng Thống Diệm vẫn cứng rắn, tin tưởng ở ý chí của ông. Nói như thế để biết rằng, ông Diệm lúc nào cũng lạc quan về quần chúng đa số đứng về phía chính quyền mà cá nhân ông Diệm là tiêu biểu.
Giả thuyết thứ hai là cuộc thăm viếng của Đô đốc Felt có tính cách tình cảm thân thiết ngưỡng mộ riêng tư. Đô đốc Felt muốn gặp ông Diệm một lần cuối trước khi ông ta mất hẳn chiếc ghế Tổng Thống.
Trong vấn đề yết kiến xã giao của Đô đốc Felt, sau ngày cách mạng, các quan sát viên cho đó là sự bày trò của Đại sứ Lodge. Đại sứ Lodge thâm ý gài bẫy Đô đốc Felt vào cuộc chính biến miền Nam mà Lodge là người chủ mưu. Đô đốc Felt là một nhà quân sự không mấy cao vọng.
Ông đặt vấn đề thắng Cộng sản ở Đông Nam Á lên làm hàng đầu hơn là thao túng chính trị tại các chính phủ địa phương. Cho nên Đô đốc Felt đứng ngoài vòng chính biến nội bộ Nam Việt Nam. Vì vậy, sau khi yết kiến Tổng Thống Diệm, Đô đốc Felt hủy bỏ các cuộc thăm viếng binh sĩ theo thường lệ. Ông vội vàng lên máy bay về hạm đội thứ bảy trên đường đến Hạ Uy Di.
Lúc bấy giờ người ta cho rằng Đô đốc Felt lẳng lặng rời Việt Nam ra hạm đội thứ bảy trên Thái Bình Dương là để huy động lực lượng này canh chừng bờ bể Nam Việt Nam trong khi nội bộ trên đất liền của chính phủ Saigon sẽ kéo dài cuộc hỗn loạn và khủng hoảng chính trị lâu dài. Điều này có thể sác thực vì Đô đốc Felt trở lại Bộ Tư lệnh hầu đối phó với Việt cộng lợi dụng cơ hội VNCH rối ren để tấn công.
Đại sứ Felt rời Việt Nam để lại nhiều chi tiết vui mừng cho Đại sứ Lodge. Chắc chắn ông Diệm và ông Nhu không hay biết một mảy may nào về đảo chánh sắp bùng nổ. Ông Lodge thấy rõ sự thành công và chính quyền Diệm bất chợt bị lật đổ.
Sự lật đổ đó chẳng qua không đi theo lời khuyến cáo của Đại sứ Lodge trước thảm trạng do những nhà tu hành Phật giáo bạo động bằng phương pháp tự thiêu.
Những cuộc tiếp xúc giữa Lodge và Hội đồng Quân nhân Cách mạng được coi như gián đoạn hẳn kể từ buổi sáng tinh sương 1-11-1963. Những dự trù, xếp đặt đã xong xuôi từ hôm 26-10-1963, chỉ còn đợi cơ hội thuận tiện thi hành.
Đại sứ Lodge gián đoạn liên lạc với HĐQHCM vào ngày Lễ Các Thánh là một hành động ném đá dấu tay. Đó là việc trừ bị dư luận quốc tế gán cho Hoa Kỳ khuynh đảo chính phủ miền Nam.
Và Đại sứ Lodge cũng phòng ngừa đến sự thất bại mà tiếng tăm Hoa Kỳ không bị chỉ trích của chính phủ.
Giờ hành động điểim. Lúc 13g30 văn phòng Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt của Đại tá Lê Quang Tung trú đóng bên cạnh vận động trường quân đội Tiểu đoàn 2 Truyền tin do Đại úy Đỗ Như Luân và Đại úy Chu Văn Trung chỉ huy tấn công và chiếm đóng. Một số đông quân chính qui và dân sự chiến đấu của lực lượng này đầu hàng. Trong khi đó, Đại tá Lê Quang Tung bị Hội đồng Quân nhân Cách mạng gạt vào Tổng Tham mưu họp ngày cuối tuần và bị quản thúc tại đó.
Một phút sau, vài phát súng lẻ tẻ ở mạn đường Trần Hưng Đạo, đường Võ Tành Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia bị quân đảo chánh chiếm giữ. Tiếp theo đó, nền trời thủ đô, chung quanh dinh Tổng Thống nặc mùi thuốc súng. Thành Cộng hòa bị phong tỏa. Đài phát thanh Saigon bị quân đảo chánh rầm rộ từ mạn xa lộ Biên Hòa uy hiếp.
14 giờ ngày 1-11-1963, đài phát thanh bị Thủy quân Lục chiến do Thiếu tá Nguyễn Bá Liên cầm đầu bốn tiểu đoàn dân công đầu tiên lên HĐQNCM đã chiếm đài phát thanh.
Những bản hùng ca của tiếng nói Thủy quân Lục chiến phát thanh trên làn sóng ngắn và làn sóng dài trên toàn quốc.
Đài phát thanh, cơ quan đầu não tuyên truyền đã bị quân đảo chánh cướp được thì chế độ coi như nguy nan. Bốn vùng chiến thuật, nhất là các Tư lệnh Quân đoàn bắt được làn sóng điện đài Saigon, nghe tiếng nói của Quân Cách mạng, không chóng thì chầy, họ phải hưởng ứng vì coi như chế độ Diệm đã bị lật đổ hoàn toàn.
Trên thực tế, tại Saigon, Thủy quân Lục chiến cướp được Đài phát thanh, song tình hình chưa lấy gì làm ngã ngũ. Dinh Gia Long, thành Cộng hòa của quân Liên binh Phòng vệ Tổng Thống Phủ đang chuẩn bị bố trí phản công.
Đại sứ Lodge được tin báo cáo quân đảo chánh lấy được Đài phát thanh, kêu gọi Tổng Thống Diệm đầu hàng. Và Hội đồng Quân nhân Cách mạng chuẩn bị phi cơ đưa Tổng Thống ra ngoại quốc. Đại sứ Lodge toại nguyện vì phía Tướng lãnh đã thực thi đúng như lời giao ước của người Mỹ đối với cá nhân, gia đình Tổng Thống Diệm.
Đến 14g15 Phòng vệ Tổng Thống Phủ xuất quân một phần nhỏ ra khỏi thành Cộng hòa với nhiều thiết vận xa yểm trợ. Số quân lính này tiến về mặt Sở Thú theo lộ trình Nguyễn Bỉnh Khiêm uy hiếp lên mạn cầu xa lộ Phan Thanh Giản bên cạnh Đài phát thanh Saigon.
Thiết vận xa, quân lính đảo chánh thấy vậy dừng lại phía ngoài xa lộ. Trước Đài phát thanh, 4 chiếc thiết vận xa án ngữ. Liên binh Phòng vệ cứ tiến tới mãi và hai bên nổ súng. Quân đảo chánh do một sĩ quan cấp úy Thủy quân Lục chiến bắt máy phóng thanh nói rằng Liên binh Phòng vệ Tổng Thống Phủ làm phản Tổng Thống, chúng tôi về đây bảo vệ thủ đô. Vị chỉ huy LBPV được lệnh giải tỏa Đài phát thanh bất cứ giá nào để trả lời anh em đã bị lừa gạt, chúng ta đều ủng hộ Tổng Thống Diệm cả.
Đừng bị mắc lừa. Tiếng qua lời lại, cuối cùng hai bên án binh bất động. Đài phát thanh yên lặng không còn nghe tiếng súng nữa. Hai vị sĩ quan hai bên đến gặp nhau, bắt tay chuyện trò vui vẻ.
Kết cuộc, Thủy quân Lục chiến, chiến xa, lùi ra ngoài, trao trả Đài phát thanh cho Liên binh Phòng vệ. Nhưng từ đó Đài phát thanh im lặng những bài bình luận, chỉ phát thanh nhạc hùng. Vì Liên binh Phòng vệ Tổng Thống Phủ còn phải đợi lệnh.
Tổng Thống Diệm và ông Nhu được tin đã chiếm lại Đài phát thanh thì bắt đầu khinh lực lượng đảo chánh. Tổng Thống Diệm lạc quan hơn ai hết và đợi chờ sự đối phó thêm lên của ông Nhu trước tình hình được coi là thuận lợi.
Những lời hăm dọa Tổng Thống phải đầu hàng, ra ngoại quốc không còn vương vấn trong trí ông ta nữa. Chính các sĩ quan thân cận bên Tổng Thống Diệm cũng rất lạc quan.
Vì cướp lại được Đài phát thanh là cú “phản pháo” đầu tiên để đo lường lực lượng đảo chánh, họ tin tưởng Tổng Thống Diệm sẽ thắng cuộc đảo chánh thứ hai này kể từ ngày 11-11-1960.
Khi được loan báo Đài phát thanh Saigon bị “quân phản loạn” chiếm, Tổng Thống Diệm giận bao nhiêu thì khi quân chính phủ chiếm lại thì trông chiều ông vui hẳn lên bấy nhiêu. Riêng về Đại sứ Lodge, bắt đầu e ngại sự thất bại sẽ đến không còn xa nữa. Đại sứ Lodge đốc thúc một số nhân viên trung cấp Tòa Đại sứ Hoa Kỳ liên lạc thẳng với Tổng Tham Mưu, nơi bản doanh của Hội đồng Quân nhân Cách mạng.
Lúc bấy giờ mọi việc trong Tòa Đại sứ Mỹ đều ngưng lại hầu để dồn tất cả cho từng giây phút biến cố đảo chánh chế độ Diệm. Ủy viên liên lạc ngoại giao của Hội đồng Quân nhân Cách mạng nói chuyện với Tòa Đại sứ Mỹ là trong vài phút đồng hồ nữa, quân cách mạng sẽ mở cuộc tấn công, chiếm cho kỳ được Đài phát thanh trở lại, Tòa Đại sứ cho biết Đại sứ Lodge yêu cầu thanh toán gấp rút biến động, dù phải bị tiêu hao vật chất và nhân sự.
Sự thúc giục của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ đã thành quả. Đến 15 giờ, quân đảo chánh chiếm hoàn toàn Đài phát thanh Saigon trong lần thứ hai. Thủy quân Lục chiến phát thanh rằng: “Thủy quân Lục chiến Việt Nam đứng lên lật đổ chế độ Diệm và đứng sau lưng Hội đồng Quân nhân Cách mạng do Trung tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch”.
Qua đến 15g30, quân đảo chánh uy hiếp thật sự thành Cộng hòa của Liên binh Phòng vệ Tổng Thống Phủ. Trong khi đó Đại sứ Lodge gọi giây nói cho Tổng Thống Diệm và điệm đàm giữa hai người trong vòng 4 phút đồng hồ. Nội dung cuộc điện đàm này là Đại sứ Lodge mong mỏi được bảo đảm tính mạng cho Tổng Thống rời khỏi dinh Gia Long lánh nạn tại Tòa Đại sứ Mỹ, Đại sứ Lodge sẽ thân chinh vào dinh Gia Long đưa Tổng Thống ra ngoài.
Tổng Thống Diệm đã từ chối trong sự căm tức. Đại sứ Lodge thuyết phục thêm, dong Tổng Thống Diệm cám ơn và dằn ống nói xuống giá. Từ giờ phút đó trở đi, Tổng Thống Diệm cảm thấy nguy hiểm, nên ông xuống trú ẩn trong ngôi hầm bí mật được cất xây dưới đất sâu ở sau dinh Gia Long.
Thành Cộng hòa vẫn nổ rền tiếng súng giữa sự tranh chấp hai bên quân lính, ủng hộ và lật đổ chế độ Diệm. Lúc đó 16 giờ, hai chiếc máy bay Skyraider lượn trên nền trời Phủ Tổng Thống và thành Cộng hòa.
Hai chiếc phóng pháo này đảo vài vòng và bắn 2 quả Rocket xuống thành Cộng hòa. Đó là mở màn của binh chủng không ủng hộ Hội đồng Quân nhân Cách mạng và tăng thêm tinh thần cho quân đảo chánh gấp rút thanh toán mục tiêu.
Sau những lời đe dọa của Tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh cuộc hành quân Thủ đô Saigon thông báo với Tổng Thống Diệm là nếu không đầu hàng, Tướng Đính sẽ ra lệnh cho Trung úy phi công Phạm Phú Quốc thả bom san bằng dinh Gia Long. Hiện Trung úy Quốc đang sửa soạn máy bay cất cánh, nếu Tổng Thống Diệm, ông Nhu còn ngoan cố.
Đến 17g15, Đại sứ Lodge liên lạc với Tổng Thống Diệm thêm một lần nữa với luận điệu cũ. Tổng Thống Diệm không trả lời mà chỉ thị cho sĩ quan tùy viên cho ông Đại sứ biết, Tổng Thống bận rộn.
Theo Tổng Thống Diệm và ông Nhu thì hành động của Đại sứ Lodge muốn gài bẫy để hạ bệ chế độ nhanh chóng. Sự lánh nạn tại Tòa Đại sứ Mỹ không còn bảo đảm theo tính chất quốc tế nữa.
Người Mỹ đã nhúng tay vào nội bộ chính phủ thì việc đến lánh nạn bên cạnh Lodge là một sự ươn hèn. Tổng Thống Diệm là người tự ái và uy lực, chủ quyền, nên ông không thể chấp nhận lối ngoại giao của Lodge được.
Người Mỹ Henry Cabot Lodge đến giờ đảo chánh mới lường được thủ đoạn gian hùng mà trước đó vào tháng 8-1963 Tổng Thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu coi thường để tách rời chính sách đè nén của Hoa Kỳ với chính quyền Nam Việt Nam.
Đại sứ Lodge đã đánh ván bài Pocker xả láng với chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngài Đại sứ che dấu một con cờ gian lận với lịch sử Việt Nam sau này. Sự che dấu đó bằng lối nhân đạo “bảo đảm tính mạng” và chứa chấp Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong Tòa Đại sứ Mỹ.
Sự tháo cáy âm thầm của Lodge bị lộ hẳn ra ngoài làm cho Tổng Thống Diệm e dè. Vì thế, ông Nhu từ chối sự bảo đảm của Lodge được coi lè vẻ vang trong đời chính trị của hai ông ở xứ này.
Không đến Tòa Đại sứ Mỹ, gạt phăng những ý kiến vào giờ đảo chánh của Lodge, Tổng Thống Diệm và ông Nhu đã hành động hợp lý. Về phía Lodge thất bại thêm một lần nữa đối với Tổng Thống Diệm. Thâm ý của Lodge muốn “chiêu hàng” Tổng Thống Diệm về Tòa Đại sứ là ru ngủ quần chúng Việt Nam qua sự độ lượng, khoan dung của người Mỹ. Đồng thời dằn mặt Tổng Thống Diệm về sự ương ngạnh, nên hậu quả mới đến mức này. Tổng Thống Diệm và ông Nhu đã tiên liệu được điều đó, nên không muốn thấy bộ mặt “phách lối” của nhà chính trị lão thành Lodge.
Tổng Thống Diệm tin tưởng, mơ ước quần chúng ở sau lưng ông thì việc lánh ở Tòa Đại sứ Mỹ là điều sỉ nhục đối với vị nguyên thủ quốc gia, Tổng Thống Diệm là người “Tôi tiến, tiến theo tôi, tôi lùi, hãy giết tôi, tôi chết hãy trả thù cho tôi…”
Cho nên kết luận rằng từ ngày đến Việt Nam trong chính thể Diệm cho đến khi chính thể này gục ngã, ngài Đại sứ Lodge vẫn thất bại trước hai ông Nhu và ông Diệm.
Tổng Thống Diệm và ông Nhu đã chọn đường rời dinh Gia Long khi thành Cộng hòa sắp bị đảo chánh chiếm giữ. Ông Diệm và ông Nhu thoát khỏi dinh Gia Long vào hồi 19g15 ngày 1-11-1963 (Đọc những bí mật cách mạng 1-11-1963 đã đăng tải và sắp xuất bản thành sách).
Với cơ quan CIA đang tung hoành, theo sát tình hình đảo chánh nhưng không thể khám phá ra được nơi trú ẩn của Tổng Thống Diệm, như vậy ngài Đại sứ lại thất bại thêm một lần nữa với Tổng Thống Diệm, dù Tổng Thống ở vào tình trạng bôn đào thất sủng.
5.
TRỞ THÀNH CÔNG DÂN ÁO GẤM
NGÀY 2-11-1963, LÚC 9 GIỜ SÁNG, DÂN CHÚNG TOÀN CÕI NAM VIỆT Nam được Đài phát thanh Saigon loan báo “Tổng Thống Diệm và ông Nhu tự tử”.
Những người ủng hộ chế độ cũ, cũng như các người oán thù chế độ đều ngỡ ngàng về hai cái chết nhanh chóng như thế. Và chẳng mấy chốc ai ai cũng muốn tìm hiểu cái chết của Tổng Thống Diệm như thế nào? Đâu là sự thật?
Về phía Tòa Đại sứ Mỹ im lặng, không một thông cáo, bình luận về cái chết đầy bí ẩn của anh em Tổng Thống Diệm. Các ký giả trong và ngoài nước sốt nóng về đề tài đó. Nhưng bức màn bí mật vẫn phủ kín ở Hội đồng Quân nhân Cách mạng và ngay cả Đại sứ chuyên viên đảo chánh Henry Cabot Lodge.
Cũng sáng ngày 2-11-1963, dân chúng Saigon được thấy sự xuất hiện của ngài Đại sứ trên đường Tự Do và Lê Lợi. Nét mặt ngài Đại sứ tươi hẳn lên. Ông thả bộ trên vỉa hè như một kẻ chiến thắng đã hoàn toàn thư thả sau trách nhiệm đè nặng trên vai từu hai tháng qua ở Saigon. Các nhiếp ảnh viên báo chí đã chụp được một tấm hình Lodge đang hỏi han trò chuyện với một thiếu nữ trên đường phố.
Thái độ ra mắt tự nhiên đã thu hút quần chúng Việt Nam một phần nào. Song cái chết của Tổng Thống Diệm đã làm cho người dân nhìn Lodge với sự hiếu kỳ ở kích thước đa mưu, túc kế của vị chuyên viên thời cuộc.
Trong lúc đó tại Hoa Kỳ, bà góa phụ Ngô Đình Nhu tuyên bố với báo chí “ông Diệm, ông Nhu không thể tự tử được. Đạo Công giáo không cho phép hủy hoại thân thể. Chính phủ Hoa Thịnh Đốn và Tòa Đại sứ Mỹ ở Saigon phải chịu trách nhiệm về cái chết đó”.
Lời tuyên bố của góa phụ Ngô Đình Nhu đã làm cho quần chúng Phật tử Việt Nam đi tìm sự thật cái chết của Tổng Thống Diệm. Và cố nhiên, ở tình thế ban đầu, người ta cho Tòa Đại sứ Mỹ đã quyết định với Hội đồng Quân nhân Cách mạng giết ông Diệm, ông Nhu.
Đến giữa trưa ngày 2-11-1963, dân chúng Saigon quả quyết rằng Tổng Thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị ám hại. Dư luận đồng bào công giáo phẫn uất, nhất là các họ đạo ở Hố Nai và các họ đạo trên toàn quốc thuộc dân chúng Bắc Việt di cư vào Nam từ năm 1954.
Sôi nổi, bàn tán về cái chết của Tổng Thống Diệm mỗi lúc càng lan rộng. Những nghi vấn, huyền thoại chung quanh cái chết đó mà hầu như trách nhiệm những cá nhân, đoàn thể, người Mỹ đều từ chối, không đưa ra ánh sáng sự thật ấy.
Chế độ Ngô Đình Diệm hoàn toàn sụp đổ, cá nhân Tổng Thống Diệm trở về với cát bụi mây ngàn. Người thiên cổ không thể cất tiếng nói vào đời lần thứ hai. Song uy tín, tiếng tăm của Tổng Thống Diệm chết rồi vẫn làm cho người Mỹ (Henry Cabot Lodge) và Hội đồng Quân nhân Cách mạng phải nể nang.
Người ta thử hỏi, tại sao cao trào cách mạng 1-11-1963 không phổ biến một thông cáo chính thức, minh bạch về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm? Nếu các giới cách mạng cùng Tòa Đại sứ Mỹ đưa ra cái chết đó một cách chính xác thì chắc rằng dân chúng không đến phải đi tìm để làm trọng đại về một cái chết của vị Tổng Thống bị cách mạng nhân dân và quân đội lật đổ.
Những im lặng nặng nề, những sự dấu diếm ấy đã giảm tư cách, uy thế của Hội đồng Quân nhân Cách mạng và mất đi chứ Tín trong hậu trướng chính trị mà người Mỹ thường được dân chúng đề cập tới.
Đại sứ Lodge là con hổ vồ được xác người tiều phu Ngô Đình Diệm (chặt gỗ xây dựng căn nhà chế độ). Ông ta hãnh diện đứng về phía đám đông Phật giáo, thanh toán một chế độ ương ngạnh với chính phủ Mỹ.
Tiếp sau những khủng hoảng chính trị, những vụ xuống đường liên tiếp, bày thêm cảnh hỗn độn như cảnh đói năm Dần lúc Nhật lan tràn trên toàn cõi Đông Dương.
Trước tình thế hiểm nghèo đó, chế độ Ngô Đình Diệm lại được quật mồ để so sánh với cách mạng đương thời. Chẳng mấy chốc hào quang cách mạng là chiếc bánh vẽ, một ảo tưởng kinh hoàng trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Ngài Đại sứ Lodge không ngờ công chuyện đổ vỡ tai hại như thế. Ông thúc đẩy Hội đồng Quân nhân Cách mạng thành lập chính phủ dân sự. Đồng thời nhúng tay bí mật vào một cuộc đảo chánh mới được gọi là chỉnh lý.
Cuộc chỉnh lý này do Tướng TTK và Nguyễn Khánh cầm đầu (đã đăng tải vụ Bốn Tướng Đà Lạt và sắp xuất bản thành sách trong năm 1971).
Sau cuộc chỉnh lý 31-1-1964 lằn xe đổ nát chính trị kéo dài mãi. Phía người Mỹ bắt đầu rục rịch thay đổi nhân sự từ Bộ Tư lệnh đến Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon.
Ngày 18-6-1964, tướng Paul Harkins, Tư lệnh Quân đoàn Mỹ tại Việt Nam trở về Mỹ hưu trí. Viên phụ tá của ông là Tướng Williams Westmoreland lên thay thế. Tướng Westmoreland hoạch định chương trình đánh mạnh và đánh dữ với Cộng sản.
Ông yêu cầu Hoa Thịnh Đốn vạch chương trình đổ bộ quân đội Mỹ lên Việt Nam.
Tướng Westy viện lẽ, quân số đông đúc là điều cần thiết đánh bại Cộng sản.
Ngày 24-6-1964, Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson chính thức cử Tướng Maxwell Taylor thay thế Henry Cabot Lodge chức vụ Đại sứ tại Việt Nam, một số đồng bào Phật tử sinh viên, nhân vật ngoại giao đoàn và Thủ Tương chính phủ Nguyễn Khánh tiễn đưa.
Tại phòng khách danh dự phi trường Tân Sơn Nhất, Nguyễn Khánh đã trao tặng Lodge khăn đen, áo dài, tượng trưng quốc phục Việt Nam. Lodge đã mặc vào, lên máy bay hô khẩu hiệu :”Việt Nam muôn năm” trước khi cửa phi cơ đóng chặt lại, đưa Lodge trở về nước Mỹ.
Thế là nhiệm vụ của một Đại sứ, chuyên viên đảo chánh đã chấm dứt. Lodge đến Nam Việt Nam trong tình hình sôi sục giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và Phật giáo, ngài Đại sứ đã bóp nắn thời cuộc. Nhưng thời cuộc đó cũng không sáng sủa mà còn tệ hại khi chính quyền Ngô Đình Diệm cáo chung. Cho nên khi ông Nixon đắc cử Tổng Thống nước Mỹ năm 1968 đã ngụ ý rằng, người Mỹ hạ bệ và giết Tổng Thống Diệm là một điểm hoen ố trên đường ngoại giao ở Đông Nam Á Châu, nơi mà Tổng Thống Diệm là lãnh tụ chống Cộng sản đến cùng.
Lê Tử Hùng
Tiểu sử
CÔNG DÂN ÁO GẤM VIỆT NAM
“Henry Cabot Lodge”
Đại sứ Henry Cabot Lodge sinh ngày 5 tháng 7 năm 1902, tại Nahant Massachusetts. Tốt nghiệp Đại học trường Harvard. Năm 1924 cộng tác với các báo The Boston Transcrip và The New York Herald Tribune.
Đắc cử hai nhiệm kỳ tại cơ quan lập pháp Massachusetts. Năm 1933-1936 đánh bại James M. Curley vào Thượng viện Hoa Kỳ. Đã từng phục vụ ở Lục quân trong Thế chiến thứ 2. Tái đắc cử thượng viện và lại từ chức khỏi Thượng viện để trở lại Lục quân. Được ân thưởng huy chương Bronze star (sao đồng), Croix de Guerre (Pháp) cùng các huy chương khác. Sau đó lại đắc cử vào Thượng viện năm 1946. Ông ta có ảnh hưởng lớn trong việc thuyết phục Tướng Eisenhower ra ứng cử Tổng Thống và đứng ra làm giám đốc tranh cử cho ông này.
Mất ghế Thượng viện năm 1950 vào tay John F. Kennedy. Năm 1953 Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Năm 1960 ứng cử viên TT của đảng Cộng hòa. Đại sứ tại Nam Việt Nam vào tháng 8 năm 1963 đến tháng 7 năm 1964. Rồi trở lại xứ này tái giữ chức Đại sứ từ tháng 8 năm 1965 đến 1967.
Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ 1967-1968. Đại sứ tại Cộng hòa Liên bang Đức 1968-1969. Trưởng phái đoàn thương thuyết tại Hội đàm Ba Lê về Việt Nam từ tháng giêng đến tháng chạp 1969.
Hiện nay (1971) là Đặc sứ của TT Nixon tại Tòa Thánh Vatican.
(Theo tài liệu mật Ngũ Giác Đài)
ĐỒNG NAI XUẤT BẢN, TỔNG PHÁT HÀNH SÁCH BÁO TÒAN QUỐC
270, đường Đề Thám, 270 Saigon
CÔNG DÂN ÁO GẤM, In tại Nhà In NẮNG MỚI, 45 Bùi Viện, Saigon,
ĐT 20050, Giấy Phép xuất bản số 2822 BTT-PHNT ngày 20-6-1971
Bản đánh máy thực hiện tại Saigon, tháng 7-2007 bởi Lê Thị Thanh Nguyệt
CÔNG DÂN ÁO GẤM
==> ==> download PDF book (Mediafire, best quality, 89MB)
...tất cả đều phải chào thua anh Hồ Nam, người đã kiên gan chờ đợi cả đêm 21-8-1963, để quá giang xe hơi của Sở Thông Tin Hoa Kỳ, có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất khi ông Lodge tới vào lúc rạng ngày 22 tháng 8 năm 1963.[trích "Lời Tựa" sách CÔNG DÂN ÁO GẤM (Hồi Ký của Ký Giả Lê Tử Hùng) của Hoàng Anh Tuấn]
Tuy chỉ được nghe “ké” những lời tuyên bố của ông Lodge, chứ không hề phỏng vấn ông ta được câu nào, anh Hồ Nam vẫn là ký giả VN độc nhất có mặt trong cuộc họp báo ngắn ngủi của viên tân Đại-sứ Hoa Kỳ hồi đó ở phi trường Tân Sơn Nhất. Anh em không thể không khâm phục người đồng nghiệp “láu táu một cách ì ạch rắc rối” đó.
Anh em đã không lầm về sự có mặt quan trọng của ông Lodge trên đất nước này. Đúng như sự dự đoán chung, cuộc đảo chánh ông Diệm đã xảy ra.
Vai trò của ông Lodge trong cuộc đảo chánh 1-11-1963 dù chưa thể xác nhận vị trí thật chính xác, nhưng ai cũng biết đó là vai trò chủ động, khá quan trọng, có tính cách quyết định...
Sách cùng chủ đề: Nhật Ký Đỗ Thọ
by Đỗ Thọ, Sĩ Quan Tùy Viên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đồng Nai xuất bản, Saigon 1970, tư liệu của LTChau
HỒI ĐÓ, TÁM NĂM QUA… -TỰA của Hoàng Anh Tuấn
Tháng 8/63, tình hình căng thẳng, ngột ngạt, các phóng viên các báo được đặt trong hoàn cảnh “báo động”, thường trực sẵn sàng làm nhiệm vụ săn tin bất cứ lúc nào. Anh em ít có dịp họp nhau bù khú trong quán cà-phê như trước, vì ai cũng tất tưởi ngược xuôi, chỉ gặp nhau trong Chùa Xá Lợi, im lặng ra dấu chào nhau. Những tin tức quan trọng hồi đó đều liên quan tới sự chống đối nhà Ngô, không tờ báo nào xuất bản ở Saigon dám đăng tải, trừ khi giản lược tới mức tối đa, đến mức sai lạc thành vô nghĩa. Nhưng, anh em vẫn cố gắng săn tin, để thoả mãn tự ái nghề nghiệp.
Cái tin ông H.Cabot Lodge qua VN, thay thế chức vụ đại sứ Hoa Kỳ của ông F.Nolting, anh em đều biết, anh em cũng đều được nghe nói ông Lodge là một thứ “chuyên viên khuynh đảo” một tay “thợ” tài tình về đảo chánh lật đổ chế độ.
Vì vậy anh em đều nóng lòng chờ đợi ông Lodge tới VN. Tất nhiên vì vấn đề an ninh, ông ta sẽ tới Saigon thật bất ngờ. Tất cả sẽ được giữ bí mật cho tới khi ông trình uỷ nhiện thư lên Tổng Thống Ngô- Đình- Diệm.
Trong không khí nặng nề của Saigon đặt trong tình trạng thiết quân luật dưới quyền Tổng Trấn của Thiếu tướng Tôn Thất Đính, không ai bảo ai, anh em phóng viên đều coi anh nào đón được ông Lodge khi ông vừa tới phi trường Tân Sơn Nhứt là tay “bảnh”, ăn trùm anh em.
Anh em phóng viên hồi đó, bây giờ phần đông đều có một tờ báo trong tay để thao túng, như các anh Việt Định Phương, Dương Hà, Trương Hồng Sơn hay cũng là ký giả có ảnh hưởng lớn với báo chí như các anh Từ Chung, Anh Quân, Phan Nghị, Hồ Nam, Tô Văn, Cát Hữu…
Khoảng từ 20-8-1963, tin ông Lodge tới VN đã thành chắc chắn. Ngày giờ ông tới Saigon được giới hạn trong vòng 3, 4 ngày.
Anh em phóng viên đành bỏ hết mọi công việc ngày đêm luẩn quẩn trước cơ quan Thông Tin Hoa Kỳ ở gần rạp Ciné Rex, để dò la, theo dõi tình hình động tĩnh.
Rút cuộc, tất cả đều phải chào thua anh Hồ Nam, người đã kiên gan chờ đợi cả đêm 21-8-1963, để quá giang xe hơi của Sở Thông Tin Hoa Kỳ, có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất khi ông Lodge tới vào lúc rạng ngày 22 tháng 8 năm 1963.
Tuy chỉ được nghe “ké” những lời tuyên bố của ông Lodge, chứ không hề phỏng vấn ông ta được câu nào, anh Hồ Nam vẫn là ký giả VN độc nhất có mặt trong cuộc họp báo ngắn ngủi của viên tân Đại-sứ Hoa Kỳ hồi đó ở phi trường Tân Sơn Nhất. Anh em không thể không khâm phục người đồng nghiệp “láu táu một cách ì ạch rắc rối” đó.
Anh em đã không lầm về sự có mặt quan trọng của ông Lodge trên đất nước này. Đúng như sự dự đoán chung, cuộc đảo chánh ông Diệm đã xảy ra.
Vai trò của ông Lodge trong cuộc đảo chánh 1-11-1963 dù chưa thể xác nhận vị trí thật chính xác, nhưng ai cũng biết đó là vai trò chủ động, khá quan trọng, có tính cách quyết định, tuy ông luôn luôn phủ nhận bằng những lời lẽ khôn khéo.
Những tướng lãnh chủ chốt trong cuộc đảo chánh 1-11-63 ấy cũng đều phủ nhận vai trò của Hoa Kỳ nói chung, của ông Lodge nói riêng trong việc lật đổ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, nhưng dư luận khắp nơi mà cụ thể là một cuốn sách mang tựa đề “ông Đại sứ” lại xác nhận sự “xía vô” của Hoa Kỳ, qua nhân vật Lodge, vào tình hình VN từ năm 63.
Không hiểu vô tình hay cố ý, đối với một người như ông Lodge, thì chắc chắn đến 99 phần trăm là cố ý, ông Lodge trong dịp rời chức vụ Đại sứ nhiệm kỳ thứ nhất, đã tuyên bố với báo chí “điều ông đáng tiếc hơn cả là không ngăn cản được cái chết của Tổng Thống Diệm”.
Tuyên bố như vậy là xác nhận.
Ông xác nhận những gì thì chưa được trình bày rõ ràng.
Dựa vào các tài liệu, các bằng chứng, những lời kể lại của người “trong cuộc”, Lê Tử Hùng đã ghi chép một cách khách quan những trang sử cận đại trong cuốn sách mang tựa đề “Công Dân Áo Gấm Henry Cabot Lodge”.
Được Lê Tử Hùng cậy nhờ viết ít trang mở đầu cho cuốn sách của anh, tôi, trong tư cách người làm báo, nhắc lại ở trên ít nét đơn giản về liên hệ nghề nghiệp và tình hình trong thời gian vai trò Cabot Lodge chuẩn bị xuất hiện trên sân khấu chánh trị miền Nam này.
Saigon, 5-1971
HOÀNG ANH TUẤN
Lời Tác Giả
Năm 1954, hiệp định Genène ra đời ngày 20 tháng 7. Ông Diệm từ Hoa Kỳ qua Pháp rồi về Nam Việt Nam lập nội các theo lời mời của Quốc trưởng Bảo Đại. Mặc dù Thủ Tướng Ngô Đình Diệm về nước trước ngày hội nghị Genève, nhưng ông không thể cưỡng nổi tình hình mà các cường quốc Pháp, Mỹ, Anh, Nga, Trung cộng đã quyết định chia cắt Việt Nam ra thành hai phần: Miền Bắc thuộc Cộng Sản, miền Nam thuộc quyền Quốc Gia. Người Pháp được coi là thất bại ở Việt Nam với mặt trận Điện Biên Phủ, nơi chôn mồ giặc Pháp ở Thượng du Tây Nam Bắc Bộ. Lúc bấy giờ ảnh hưởng của người Hoa Kỳ không mấy sâu rộng ở Việt Nam. Song người Mỹ đang chủ tâm hất ảnh hưởng người Pháp (Thực dân) trên bán đảo Đông Dương. Bằng chứng Tổng Thống Hoa Kỳ Eisenhower cảnh cáo nước Pháp về chiến cuộc Đông Dương. Cho nên Hoa Kỳ không thực tâm viện trợ sâu rộng kinh phí cho Pháp giải quyết chiến trận bằng quân sự.
Lá bài Ngô Đình Diệm là bước đầu ảnh hưởng Hoa Kỳ du nhập vào Nam Việt Nam. Vì ông Ngô Đình Diệm là nhân vật thân Hoa Kỳ và quốc gia này ủng hộ triệt để hầu khuất phục tình trạng vừa ngưng chiến tại Nam Việt Nam.
Khi ông Diệm về nước nắm chức Thủ Tướng thì ông Rheinart thay Đại sứ Donald Heat là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Để gây thêm hậu thuẫn cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và mở rộng ảnh hưởng lớn tại Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ liền cử ông Elbridge Durbrow thay thế Rheinart giữ chức Đại sứ bên cạnh chính phủ Diệm.
Song song với chính trị, quân sự Mỹ cũng hoạt động để hợp với tình thế. Từ Tướng O’Daniel huấn luyện chỉ huy phái đoàn quân sự đầu tiên ở Việt Nam đến Tướng Lionel McGarr rồi Tướng Samuel T. William. Cuối nữa Tướng Paul Harkins Tư lệnh quân sự Mỹ, kế đó nhường lại cho Westmoreland. Lúc đó người Mỹ đã quá quen thuộc và nếm mùi với Việt Nam đậm đà lắm rồi.
Vị Đại sứ Hoa Kỳ Elbrige Durbrow là người có công củng cố chiếc ghế Thủ Tướng. Vị Đại sứ này đã hậu thuẫn cho Thủ Tướng Diệm.
Chống lại những phe phái thân Pháp như Nguyễn Văn Hinh, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Lê Văn Viễn, Phan Văn Giáo v.v… Và cũng vị Đại sứ này khuyến cáo với ông Diệm và ông Nhu nên lật đổ chế độ quân chủ để thay vào đó chế độ Cộng Hòa.
Sau khi tình hình khá ổn định, ngày 8-5-1961, sau vụ đảo chánh hụt 11-11- 1960, Đại sứ Elbridge Durbrow ra đi để tân Đại sứ Frederich Nolting đến Saigon với một kế hoạch mới của người Hoa Kỳ.
Từ ngày Nolting giữ chức Đại sứ tại Việt Nam tình hình xoay chiều rõ rệt. Nội bộ VNCH yên tĩnh nhưng VC bắt đầu khuấy rối ở các tỉnh miền Trung dọc theo dãy núi Trường Sơn và miền đồng bằng sông Cửu Long.
Đại sứ Nolting là một nhân vật rất được lòng chế độ Ngô Đình Diệm. Và ngược lại, chế độ Ngô Đình Diệm trọng đãi Nolting hết lòng. Nguyên nhân này làm cho ông Nolting nhận định chế độ một chiều mà cá cơ quan tình báo Mỹ không đồng quan điểm.
Tuy nhiên những vị Đại sứ trên không nổi tiếng bằng Đại sứ Henry Cabot Lodge (thay thế Nolting) trong những ngày lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.
Ông Lodge đã hai lần giữ chức Đại sứ trong khúc quanh lịch sử sóng gió Nam Việt Nam (trước và sau đảo chánh 1-11-1963). Và ông ta đã trở thành công dân danh dự dưới thời Tướng Nguyễn Khánh. Ông Lodge rời Việt Nam lần cuối cùng ngày 23-6-1964 với nghi thức tiễn đưa chưa hề xảy ra trong lịch sử ngoại giao đoàn Việt Nam. Ông Lodge đã mặc quốc phục Việt Nam với áo dài khăn đóng chít trên đầu.
Từ đó ông Lodge được danh hiệu CÔNG DÂN ÁO GẤM.
Công dân áo gấm Lodge đi vào lịch sử Việt Nam với nhiều thủ đoạn khuynh đảo, vắt chanh bỏ vỏ Chính khách Tướng lãnh. Công dân áo gấm Lodge khuất phục cố Tổng Thống Diệm bất thành nên phải đồng ý lật đổ bằng quân sự. Ông Lodge đã phủ nhận các tiền nhiệm của các Đại sứ Rheinart, Elbrow, Nolting để mở ra một thời đại đen tối Việt Nam dưới bàn tay của Hoa Kỳ.
Lê Tử Hùng
1.
CHUYÊN VIÊN THỜI CUỘC
ĐẠI SỨ LODGE ĐẾN SAIGON NGÀY 22-8-1963 THAY THẾ ĐẠI SỨ NOLTING bị Hoa Thịnh Đốn triệu về Mỹ vì lý do ủng hộ một chế độ dị biệt tôn giáo, chà đạp tín ngưỡng, nhân quyền và ông Nolting đã đem lại những bản phúc trình gửi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với sự bênh vực chế độ Saigon quá đáng.
Ông Henry Cabot Lodge đến Saigon với lời nói đầu tiên cùng các ký giả trong và ngoài nước tại phòng khách danh dự Tân Sơn Nhất: “Tôi không muốn phát biểu ý kiến gì trong lúc này về tình hình Việt Nam”, một câu ngắn, đầy bí mật của những người thâm hiểm hành động trước khi nói.
Đó là một lối khôn ngoan của nhà ngoại giao sắp nhận lãnh nhiệm vụ ở xứ người trong một tình thế nóng bỏng, khó khăn. Sự dè dặt của ông Lodge đã cho thấy tầm quan trọng của nhân vật này khi Hoa Thịnh Đốn hầu như tuyển chọn đưa đến Nam Việt Nam đối phó với chế độ Ngô Đình Diệm.
Tình hình Saigon trước ngày ông Lodge đến Nam Việt Nam đã nghiêm trọng lắm rồi. Những vụ tự thiêu của Phật giáo, dẫn đầu là Thượng Tọa Thích Quảng Đức đã làm xúc động nhân dân thế giới, nhất là những quốc gia mộ đạo Phật trong vùng Á châu.
Trước một ngày ông Lodge đặt chân lên giải đất Nam Việt Nam, nghĩa là ngày 21-8-1963, Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Văn Mẫu xuống tóc phản đối chính quyền đàn áp Phật giáo.
Phía quân đội, Thiếu tướng Tôn Thất Đính được cử giữ chức Tổng Trấn Đô thành Saigon Gia Định và có nhiệm vụ thi hành lệnh giới nghiêm. Dân chúng bị cấm đi lại ban đêm từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng.
Ngày Đại sứ Lodge đến Saigon cũng là ngày biến động khá lớn. Ở Hoa Thịnh Đốn, luật sư Trần Văn Chương từ chức Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Trong đêm hôm ấy, cảnh sát chiến đấu hành quân vào các chùa chiền.
Sáng ngày 23-8-1963 chính phủ Ngô Đình Diệm cho báo chí dân chúng biết là bắt được một số vũ khí trong chùa Therevada ở đường Trương Minh Giảng và chùa Xá Lợi.
Trong 24 giờ đặt chân đến đất Nam Việt Nam, Đại sứ Lodge đã thấy hốc hác trước nhiều vấn đề phải giải quyết. Cho nên sự vội vàng ở phòng khách danh dự phi trường Tân Sơn Nhất đã làm cho các quan sát viên quốc tế theo dõi hành động của Lodge mà chính phủ Hoa Kỳ Kenedy giao phó.
Đại sứ Lodge đến Saigon với một câu tuyên bố, tuy không hằn học, nhưng ở đó cũng bộc lộ được sự quyết liệt của ông đã bước hẳn vào thời cuộc Nam Việt Nam.
Ông Lodge lên xe về tòa đaị sứ Hoa Kỳ trên đường Hàm Nghi ngay lúc đó. Người ta tính với kim đồng hồ thì Đại sứ Lodge vỏn vẹn dừng lại phòng khách danh dự phi trường Tân Sơn Nhất khoảng trên dưới 10 phút.
Đại sứ Lodge bắt tay vào việc ngay từ giờ phút đó. Những gì của Nolting để lại, Lodge đều duyệt qua tất cả. Ông gọi các cộng sự viên mới cũng như cũ vào trình diện và yêu cầu điều tra phúc trình rõ ràng cho ông rõ về các vụ tự thiêu và cuộc lùng bố chùa chiền trước kia.
Đại sứ Lodge cũng chuẩn bị trình ủy nhiệm thư lên Tổng Thống Diệm càng chóng càng tốt. Hôm sau vì vụ chính quyền loan tin bắt được vũ khí trong các chùa, Đại sứ Lodge liên lạc với giám đốc nghi lễ Phủ Tổng Thống xin trình ủy nhiệm thư trong nội nhật. Cơ quan này trả lời sẽ xét lại khi trình lên Tổng Thống Diệm.
Nhưng rồi Phủ Tổng Thống im hơi lặng tiếng. Đại sứ Lodge biết ngay là Phủ Tổng Thống đang làm trở ngại ông ở bước đầu với cốt ý dằn mặt. Vì thế trong những ngày kế tiếp ông Lodge chưa hoạt động được bên ngoài. Mặc dầu ông đã được Tổng Thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu tiếp kiến qua lối xã giao nghi lễ của một vị tân Đại sứ.
Ngày 26-8-1963 (4 ngày sau đến Saigon) ông Lodge trình ủy nhiệm thư lên Tổng Thống Diệm để trở thành Đại sứ chính thức của chính phủ Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam.
Trong 4 ngày qua, ông Lodge tỏ thái độ mềm dẻo với chính phủ Diệm. Nhưng sau lễ trình ủy nhiệm thư, Đại sứ Lodge đã có thái độ khuyến cáo chính phủ Diệm trong lúc ông và Tổng Thống Diệm hàn huyên ở phòng khách.
Đại sứ Lodge yêu cầu Tổng Thống Diệm ngừng ngay việc đàn áp Phật giáo, thực thi thực tình nguyện vọng của đoàn thể này, đồng thời mở rộng chính phủ và đưa ông bà Ngô Đình Nhu ra ngoại quốc một thời gian.
Tổng Thống Diệm nghe ông Lodge nói thế thì mặt mày đỏ gay. Ông Diệm phủ nhận chính quyền đàn áp Phật giáo đồ. Và nguyện vọng Phật giáo đã chính tay ông ấn ký. Như vậy với chức vụ Tổng Thống, ông đã lùi một bước cho nguyện vọng đó thỏa đáng, nhưng Phật giáo đã kiếm cách này cách nọ gây rối với chính quyền.
Tổng Thống Diệm yêu cầu Đại sứ Lodge đừng nhúng tay sâu vào nội bộ Việt Nam bằng lối áp lực, như yêu cầu đưa Ngô Đình Nhu ra nước ngoài. Anh em chúng tôi không tham quyền cố vị, nhưng làm như thế chủ quyền quốc gia chúng tôi sẽ mất hết.
Sự chống đối, ương ngạnh của Tổng Thống Diệm như vậy đã làm cho ông Lodge khó chịu. Thế là buổi gặp gỡ sau lễ trình ủy nhiệm thư của ông Lodge với Tổng Thống Diệm đã bắt đầu đào hố sâu ngăn cách.
Thật sự trong lúc bấy giờ, Đại sứ Lodge mong muốn mình là một “chuyên viên nắn bóp thời cuộc” mà thôi. Ông Lodge cố thuyết phục Tổng Thống Diệm để thay đổi tình trạng hỗn độn đang chờ sẵn mà chỉ có lợi cho C.S.
Nhưng ông Lodge không ngờ Tổng Thống Diệm cứng rắn và dường như bất cần vị đại diện của chính phủ Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam. Có thể nói rằng đây là lần đầu tiên chuyên viên hòa giải Lodge gặp một vị Tổng Thống địa phương chịu viện trợ lớn của Hoa Kỳ mà lại ương ngạnh với vị Đại sứ của quốc gia đưa viện trợ đến.
Tự ái của “một Quốc Gia khổng lồ” ăn sâu vào trí ông Lodge. Và ông đã không chịu đựng được lối “trịch thượng” của Tổng Thống Diệm. Đại sứ Lodge ra về, lòng không mấy thanh thản, nếu không muốn nói một sự mất cảm tình đang lan rộng, xâm chiếm trí óc ông.
Những vụ tự thiêu của sư sãi nối tiếp dù đã có sự hiện diện của ông Lodge ở Saigon. Một vị tu hành tự thiêu ngay trước cửa nhà thờ Đức Bà làm xôn xao thêm. Đại sứ Lodge thân hành đi xem xét vụ này.
Ông Lodge đã chứng kiến nhân viên công lực dập tắt ngọn lửa tự thiêu đó. Thi thể nạn nhân được xe cảnh sát đưa đi khỏi vùng địa điểm đốt liền. Đồng bào hiếu kỳ đứng xem rất đông, cảnh sát chiến đấu giải tán mau chóng.
Kế tiếp những ngày sau, Đại sứ Lodge xin được Tổng Thống Diệm tiếp kiến. Trong buổi gặp mặt này rất căng thẳng. Tổng Thống Diệm lại yêu cầu Đại sứ Lodge đừng nhúng tay vào nội bộ Việt Nam. Hoa Kỳ giải tỏa cúp viện trợ cho Lực Lượng Đặc Biệt.
Nếu Hoa Kỳ còn tiếp tục hành động như vậy sẽ mang tai họa CS. Ông Lodge trả lời với Tổng Thống Diệm là viện trợ của Hoa Kỳ để chống CS chứ không phải để đàn áp tôn giáo, nhân quyền, tín ngưỡng.
Tổng Thống Diệm không bằng lòng cử chỉ của Đại sứ Lodge như vậy. Ông nói với Đại sứ Lodge rằng, nhân dân ủng hộ tôi, bầu tôi làm Tổng Thống thì không có lý do gì để đầu hàng một đoàn thể có ngoại bang và Cộng sản giật dây.
Đại sứ Lodge hỏi ngược lại Tổng Thống Diệm tình trạng như thế này thì trong bao lâu Tổng Thống mới thắng được chiến tranh Cộng sản? Tổng Thống Diệm đáp: hai ba năm nữa, nếu Hoa Kỳ canh tân vũ khí cho tôi. người Mỹ đứng đắn đứng vào cương vị cố vấn cho các cấp chỉ huy quân đội VNCH.
Đại sứ Lodge lắc đầu, tỏ vẻ không tin tưởng lời nói của Tổng Thống Diệm. Đại sứ Lodge nói với Tổng Thống tôi hết sức xúc động chứng kiến một cảnh tự thiêu của một sư sãi ở trước nhà thờ Đức Bà.
Tổng Thống Diệm trả lời ông Lodge là Tổng Thống là người Việt Nam thì xúc động gấp hàng trăm lần ông Đại sứ. Nhưng đứng cương vị của một Tổng Thống và uy quyền quốc gia, Tổng Thống không còn hành động gì hơn. Ông đã thấy chính phủ nhượng bộ rồi chưa?
Đại sứ Lodge bị câu hỏi ngược bất ngờ. Nhưng ông Lodge cũng trả lời ngay chính quyền không thực tâm giải quyết về Phật giáo.
Tình trạng dằng do giữa Tổng Thống Diệm và ông Đại sứ Lodge kéo dài mãi. Những cuộc gặp gỡ ở dinh Gia Long trở nên lạnh nhạt giữa hai nhân vật trong một thời kỳ khủng hoảng. Những đòi hỏi của ông Lodge, Tổng Thống Diệm cho là quá đáng. Trái lại ông Lodge thì nghĩ rắng công lao của Hoa Kỳ, tốn công tốn tiền, hao mòn sinh mạng chỉ vì uy quyền của Tổng Thống Diệm và ông Nhu khuynh đảo.
Ý nghĩ của một người Hoa Kỳ như ông Lodge thì Nam Việt Nam bị chính quyền độc tài ngự trị.
Và ông nghiêng hẳn về phía Phật giáo để chống đối lại chính quyền mà ông được phúc trình báo cáo là "gia đình trị".
Ngày 21-9-1963, Tổng Thống Diệm cứng rắn thêm với hai chuyên viên thời cuộc Đại sứ Henry Cabot Lodge. Có thể nói rằng kể từ ngày trình ủy nhiệm thư (26-8-1963), Đại sứ Lodge chưa thành quả một công việc nhỏ nào về hòa giải với chính phủ Diệm cả.
Tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ, nhân viên bắt đầu chia ra thành hai nhóm rõ rệt: Nhóm thứ nhất do viên phó Đại sứ (người của Nolting để lại) cầm đầu ủng hộ chế độ Diệm, và nhóm thứ hai gồm những nhân viên trung cấp khuyến cáo Đại sứ Lodge lật đổ chính phủ Diệm. Lúc này ông Lodge còn giữ lập trường lừng khừng. Nhưng đến ngày 6 quân nhân Mỹ bị Việt cộng giết trong cuộc hành quân ở phía Nam thị xã Đà Nẵng thì lập trường của Lodge bắt đầu xoay chiều.
Sự xoay chiều này rõ rệt, khi Tổng Thống Diệm thất lời hứa không dự buổi tiễn đưa linh cữu 6 quân nhân vị giết về Mỹ ở phi trường quân sự Tân sơn nhất.
Sau buổi lễ này trở về Đại sứ Lodge đánh điện xin Hoa Thịnh Đốn Bộ ngoại giao thế vị Phó Đại sứ tại Saigon của cựu Đại sứ Nolting để lại. Hoa Thịnh Đốn chấp nhận ngay. Vì chính phủ Hoa Kỳ muốn ông Lodge có "Jeu d'équipe" sẽ lật đổ chính quyền Diệm.
Chính quyền Ngô Đình Diệm đã mặc nhiên đặt cái cầy trước con trâu để lũng đoạn tinh thần Đại sứ Lodge. Vị tân Đại sứ Hoa Kỳ đã gặp một chính phủ có thực lực uy quyền và không theo lệnh của Hoa Kỳ như ông đã quá mơ tưởng trước khi đặt chân đến Saigon.
Vào thời bấy giờ ông Lodge là nhân vật lớn của Hoa Kỳ. Ông Lodge là bạn của cố Tổng Thống Kenedy. Hai người dinh quán ở Boston. Tại đây có hai gia đình nổi tiếng là Kenedy va Lodge.
Ông Lodge đã từng là "Đại sứ bí mật hòa giải" tại nước Cộng hòa Saint Dominique khi Tổng Thống độc tài của xứ Trung Mỹ Raphael Trujillo bị ám sát tại thủ đô San Domingo ngày 31-5-19…
Đại sứ Lodge đã thành công rực rỡ ở Saint Domingo với chính sách Hoa Kỳ loại ảnh hưởng thân Cộng sản Cuba ở quốc gia này.
Từ đó Đại sứ Lodge được nổi tiếng cáo già chính trị về các cuộc xáo trộn của quốc gia chịu ảnh hưởng viện trợ. Và cũng từ đó Lodge là nhân vật phòng hờ của chính phủ Hoa Kỳ chực chờ gửi đến những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng Mỹ mà lại chống chính sách Mỹ.
Thời kỳ Phật giáo dưới chính quyền Ngô Đình Diệm được coi là tình thế nghiêm trọng cờ Nam Việt Nam. Đại sứ Nolting không khuyến cáo chế độ đàn áp Phật giáo mà còn bênh vực chế độ này.
Chính phủ Hoa Kỳ gửi Henry Cabot Lodge đến giữ chức Đại sứ tại Saigon.
Khi nghe tin Lodge đến thay Nolting, tiếng đồn đã gán cho ông Lodge là chuyên viên đảo chánh.
Và người ta tiên liệu thế nào cũng có đảo chánh nhưng không biết thành hay bại với chế độ vững như trụ đồng Ngô Đình Diệm.
Những cuộc bố ráp chùa chiền, bắt bớ các nhà sư, Đại sứ Henry Cabot Lodge cảm thấy chính quyền Ngô Đình Diệm đã phủ nhận những lời khuyến cáo của ông hầu ổn định tình hình. Khuyến cáo của Đại sứ Lodge không ngoài mục đích yêu cầu Tổng Thống Diệm nhượng bộ Phật giáo.
Chính quyền Ngô Đình Diệm một mực nói rằng nguyện vọng 5 điểm của Ủy ban liên phái đã được thỏa mãn thì không có lý do gì Tòa Đại sứ Hoa Kỳ lại chấp chứa hai nhà sư lánh nạn.
Như vậy chứng tỏ Ngài Đại sứ đã tỏ thái độ chống lại chính quyền. Đó là một điều tối kỵ không thể nào dung nạp một đại diện ngoại giao đoàn có hành động như vậy trên lãnh thổ quốc qia địa phương.
Đại sứ Lodge từ chối về việc trả lại hai nhà sư, trong đó có Thượng tọa Thích Trí Quang. Ông Lodge trình bày là bảo vệ nhân quyền, tôn giáo dị biệt ở Nam Việt Nam.
Ông không muốn thấy cảnh hai nhà sư này bị đánh đập hoặc bị giết hoặc bị chụp mũ Cộng sản khi trao trả lại cho chính quyền Việt Nam. Hơn nữa hai vị sư lánh nạn ở Tòa Đại sứ là theo lời yêu cầu của họ. Như vậy Tòa Đại sứ Hoa Kỳ không đi ra ngoài luật lệ quốc tế về ngoại giao đoàn trong lãnh vực dân địa phương tỵ nạn chính trị.
Tổng Thống Diệm cùng với ông Đại sứ Lodge đã to tiếng trong phòng khách tại dinh Gia Long. Bên ngoài các sĩ quan tùy tùng của Tổng Thống Diệm đã nghe thấy sự ồn ào ở bên trong. Tiếng nói bằng Pháp ngữ của Tổng Thống Diệm hầu như át tiếng của Đại sứ Lodge.
Sau đó người ta thấy cánh cửa mở rộng. Đại sứ Lodge lùi ra ngoài, mặt đỏ gay, bắt tay Tổng Thống Diệm để cáo biệt và xin Tổng Thống sẽ yết kiến trở lại khi thấy cần thiết.
Tổng Thống Diệm không tiễn đưa ông Lodge ra bậc tam cấp như thường lệ. Đại sứ âm thầm ra xe. Ông ta bước nhanh, lưng hơi khom ra xe về thẳng tòa Đại sứ ở đường Hàm Nghi. Đó là buổi tiếp kiến ngày 30-8-1963.
Qua ngày hôm sau, Đại sứ Lodge xin Tổng Thống Diệm vào trình bày nốt công việc mà hôm qua dường như Tổng Thống nóng giận nên không đi đến kết quả.
Bộ Nghi lễ từ chối, viện lẽ hôm nay 31-8-1963 Tổng Thống bận rộn đi kinh lý. Luôn tiện xin mời ông Đại sứ tháp tùng. Đại sứ Lodge lại từ chối ngược lại. Và ông cho biết Văn phòng Tổng Thống không báo trước nên ông không kịp chuẩn bị.
Tổng Thống Diệm không đi kinh lý như viên chức Nghi lễ đã nói. Vì trong thời gian đó một vị Tổng Thống khôn ngoan như ông Ngô Đình Diệm không thể rời thủ đô Saigon được. Nhiều công việc phải giải quyết, nhiều công việc để đề phòng. Và cố nhiên ông Ngô Đình Nhu không để cho ông Diệm đi kinh lý xa. Vì ông Ngô Đình Nhi đang tổ chức đảo chánh giả qua hai chiến dịch Bravo I và Bravo II.
Hai chiến dịch này nhằm lấy uy thế quân đội trị lại quân đội với mục đích thanh lọc hàng ngũ. Đồng thời gây thêm uy tín của Tổng Thống Diệm đứng trước tình trạng nổi loạn của Phật giáo mà ông Nhu cho rằng Cộng sản ẩn núp ở bên trong giật dây.
Nhưng việc làm của ông Nhu cơ quan CIA đã nắm vững vấn đề. Ông Đại sứ Lodge đã được tường trình rõ ràng. Nên lúc đó Đại sứ Lodge đã cho nhiều chuyên viên trung cấp tiếp xúc với Tướng T.V.Đ. người đã gặp ông Lodge để xin hậu thuẫn làm đảo chánh chế độ Diệm.
Cho nên việc từ chối tháp tùng Tổng Thống Diệm đi kinh lý là điểm vô tình chia rẽ thật sự giữa vị Đại sứ Mỹ tại Saigon và chính phủ.
Đúng như vậy Tổng Thống Diệm không rời Thủ đô Saigon. Ông đã đi thăm một ngôi chùa Phật giáo ở Phú Nhuận. Việc thăm viếng này có tính cách chính trị, ru ngủ Phật giáo và để chứng tỏ chính quyền rất quan tâm đến những vị sư sãi của tôn giáo này.
Thành kiến của ông Lodge qua Phật giáoo đối với Tổng Thống Diệm càng lúc càng khuếch tán. Tân Đại sứ Lodge tự đặt vấn đề thanh toán chế độ Diệm nhanh chóng.
Bản phúc trình đầu tiên của ông Lodge gửi về Hoa Kỳ cho chính phủ Kenedy đã nhấn mạnh rằng chế độ Ngô Đình Diệm quả tình đàn áp Phật giáo, chống lại những khuyến cáo cấp thời của Đại sứ Mỹ tại Saigon. Cố vấn Tổng Thống Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Nhu đã thúc đẩy Tổng Thống Diệm hành động như thế.
Trong khi đó, thượng tuần tháng 10-1963, bà Ngô Đình Nhu tới ba Lê giải độc bị sinh viên đả đảo quyết liệt. Tình hình Saigon chín muồi, xin Hoa Thịnh Đốn "cải tổ" Saigon có bộ mặt mới.
Chính phủ Kenedy trả lời Lodge tùy nghi hành động cho việc lật đổ chế độ Diệm được trọn vẹn mà dư luận quốc tế không gán cho Hoa Kỳ nhúng tay vào nội bộ Nam Việt Nam.
Đại sứ Lodge nhận được điện văn đó giữa trung tuần tháng 10 năm 1963. Thế là Lodge nhúng tay vào tổ chức đảo chánh.
2.
MẦM MỐNG ĐẢO CHÁNH
TÒA ĐẠI SỨ HOA KỲ Ở SAIGON ĐÃ THU NHẬP ĐƯỢC TIN CÓ ĐẢO CHÁNH trước khi Lodge đến nhận chức Đại sứ. Tuy nhiên tin này vẫn vô căn cứ. Và tòa Đại sứ Hoa Kỳ hết sức dè dặt.
Cuối tháng 9-1963 lần đầu tiên Đại sứ Lodge gặp một nhân vật tướng lãnh VNCH trong buổi lễ tiễn linh cữu 6 quân nhân Mỹ tử nạn đầu tiên về cố quốc. Vị tướng lãnh này đại diện Quân lực VNCH đến dự lễ. Vị tướng đó là Trung tướng T.V.Đ., quyền Tham mưu trưởng Liên quân kiêm Tư lệnh Lục quân.
Trong buổi lễ gặp gỡ giữa ông Lodge và Tướng T.V.Đ. hầu như không đạt được kết quả. Đại sứ Lodge "quá giữ lời" với Tướng T.V.Đ. Điều đó dễ hiểu vì Tướng T.V.Đ. đang là người thân tín của chế độ. Đại sứ Lodge đã dè dặt theo dõi với vị Tướng quyền Tham mưu trưởng này.
Tướng T.V.Đ. trình bày với Lodge kế hoạch đảo chánh. Một số lớn quân nhân, sĩ quan, tướng lãnh đã hưởng ứng. Mong người Mỹ đứng vai trò hậu thuẫn chính trị hoặc làm trọng tài mà thôi.
Đại sứ Lodge từ chối với Tướng T.V.Đ. về một cuộc đảo chánh có tính cách hạ bệ Tổng Thống Diệm như thế. Vì làm như thế tình hình thêm khẩn trương, khủng hoảng chính trị lớn lao.
Tướng T.V.Đ. yêu cầu Đại sứ Lodge suy nghĩ lại và ông sẽ liên lạc với Tòa Đại sứ Mỹ. Đại sứ Lodge nghe Tướng T.V.Đ. nói thế thì trả lời: tôi sẽ phái người đến gặp ông sau.
Sau cuộc chia tay với Tướng T.V.Đ., Đại sứ Lodge cảm thấy khó khăn hành động lật chế độ Diệm. Tướng T.V.Đ. đã làm cho ông Lodge hồ nghi là một cạm bẫy có thể đến với Lodge.
Hôm sau Đại sứ Lodge đến Bộ Tư lệnh quân sự Hoa Kỳ trên đường Trần Hưng Đạo để gặp Tướng Paul Harkins.
Đại sứ Lodge hỏi Tướng Harkins về Tướng T.V.Đ. Tướng Harkins không cho Tướng T.V.Đ. là người có tài chỉ huy quân sự. Ông ta chỉ có một bộ vó bề ngoài lẫm liệt mà thôi.
Và Tướng Harkins cũng cho Lodge biết hầu hết các tướng lãnh Việt Nam do người Pháp đào tạo, họ đi lính lâu năm lên đến hàng Tướng chứ không có chiến lược chiến thuật gì cả. Nếu ông Đại sứ đảo chánh chế độ Diệm chỉ có Tướng T.T.K. làm được. Song trở ngại lớn lao là các tướng lãnh đều là thân tín của Tổng Thống Diệm. Ngay cả Tướng T.T.K. cũng thế.
Ông Lodge hỏi Harkins liệu Tướng T.V.Đ. thực tâm đảo chánh không? Paul Harkins dè dặt trả lời, chắc phải vì ông ta vừa mất Tư lệnh Quân đoàn I, chức quyền Tham mưu trưởng không cố định nên T.V.Đ. đã bất mãn.
Ông Lodge nghe Paul Harkins trình bày như thế thì mở cờ trong lòng. Lodge nói: Ta cần T.V.Đ. trong giai đoạn này để lôi cuốn các cấp sĩ quan trẻ tuổi gia nhập đảo chánh.
Từ hôm đó trở về sau, Đại sứ Lodge cho những viên cấp CIA tiếp xúc với T.V.Đ. để thâu thập kế hoạch.
Trong khi đó Tổng Thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu hầu như không quan tâm đến những cuộc tiếp kiến vô bổ với Đại sứ Henry Cabot Lodge. Tư tưởng của hai bên càng ngày càng xa cách rõ ràng. Nhưng Tổng Thống Diệm cố hàn gắn đổ vỡ đó bằng cách mời Đại sứ Lodge đến dùng cơm thân mật vào những buổi trưa hoặc buổi tối khi hai người đàm đạo quá giờ.
Nhưng trong những bữa ăn đó tẻ nhạt, xã giao và không ai muốn đả động đến tình hình chính trị. Có lẽ giữa hai người không muốn làm bữa ăn mất ngon qua sự chống đối lẫn nhau.
Riêng về Đại sứ Lodge đến dinh Gia Long để hiểu thêm thái độ của Tổng Thống Diệm.
Ông Tổng Thống vẫn chủ quan, nắm được quân đội và nhân dân. Đại sứ Mỹ không thể lung lạc ông bằng mọi thủ đoạn được. Ông Lodge cho rằng, thái độ đó sẽ đưa đến sự sụp đổ hoàn toàn mà do ông giữ vai trò thúc đẩy, then chốt ở Saigon.
Chuyên viên đảo chánh Henry Cabot Lodge đã lộ hình mà Tổng Thống Diệm không hay biết. Qua những xã giao ngoại giao đoàn của Lodge, Tổng Thống Diệm ngỡ rằng vị Đại sứ Hoa Kỳ đã lùi bước trước lập trường của chính quyền đối với Phật giáo và cương vị của người Mỹ tại Việt Nam.
Chính phủ Hoa Kỳ Kenedy theo phúc trình Lodge không giải tỏa viện trợ đã cắt từ thượng tuần tháng 9-1963 của Lực lượng đặc biệt và cảnh sát chiến đấu. Chính phủ Diệm rất nao núng về việc này. Song ông Ngô Đình Nhu kêu gọi quân đội, nhân viên chính phủ thực thi kế hoạch tự túc và tổ chức tổ tam tam hầu tiết kiệm ngân quỹ.
Trong thời gian đó, nhiều cấp chỉ huy quân đội trên toàn quốc đã báo động với trung ương là chiến trường thiếu đạn dược đánh Việt cộng.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã trình bày với Đại sứ Lodge về sự sống còn của Đông Nam Á nhất là Việt Nam đang bấp bênh nếu chính phủ Hoa Kỳ cắt viện trợ như thế. Hậu quả đó là do chính sách sai lầm của người Mỹ ở Việt Nam.
Ông Lodge với bản báo cáo tin chiến sự trong ngày trên toàn quốc đang cầm trên tay, trình với Tổng Thống Diệm: Thưa Tổng Thống, từ chiến trường và ở hậu phương, toàn dân toàn quân đều xuống tinh thần.
Tôi biết VC đang gia tăng, nguy hiểm cho quốc gia này, song chính phủ của chúng tôi viện trợ để chống cộng, chứ không phải súng đạn đó dùng để đàn áp một tôn giáo. Tôi thiết tha yêu cầu triệt thoái binh chủng. Lực lượng đặc biệt ra khỏi Thủ đô Saigon để cho họ có cơ hội đánh CS hơn là đàn áp Phật giáo.
Tổng Thống Diệm mặt đỏ gay, vẻ tức giận hiện rõ. Tổng Thống Diệm nói: Lực lượng đặc biệt giữ gìn an ninh Thủ đô, không đàn áp ai cả. Ông Đại sứ có thấy quân đội đã khám phá một số vũ khí trong hai ngôi chùa lớn ở Saigon trong ngày 31-8-1963 không?
Đại sứ đáp: Vũ khí tìm ra ở chùa chiền là một "chiến thuật" của chính quyền. Điều đó dù thật đi nữa thì với phong trào Phật giáo như vậy, dân chúng vận tự nghĩ, chính quyền vu khống. Chúng tôi mong ước ông bà Ngô Đình Nhu rời khỏi Nam Việt Nam càng chóng càng tốt. Đồng thời Tổng Thống cố gắng giải hòa với Phật giáo.
Tổng Thống Diệm nói: Những đòi hỏi của ông Đại sứ cùng chính phủ Mỹ quá đáng. Và rõ ràng đã chi phối vào nội bộ chính phủ của chúng tôi.
Ông Ngô Đình Nhu là em của tôi, không ai có quyền bắt buộc ông ta rời bỏ quê hương này. Người bắt buộc ông Nhu rời Việt Nam là người Mỹ thì đó là một điều quá phi lý. Luôn tiện đây tôi tiết lộ cùng ông Đại sứ là ông Nhu dự định sẽ rời Saigon trước ngày Quốc khành 26-10 sắp tới. Ông Nhu đã chán chính trị lắm rồi. Ông ấy đi, tôi mất một người cộng sự viên đắc lực.
Nhưng dự định đó nay đã tiêu tan theo mây khói. Ông Nhu đã quyết định ở lại vài ông ta mặc cảm người Hoa Kỳ "dám" đuổi ông ta trên đất nước này.
Đại sứ Lodge hết sức ngạc nhiên những tiết lộ của Tổng Thống Diệm. Đại sứ Lodge trình bày thêm: Chúng tôi không nghĩ như những lời của Tổng Thống vừa nói, song sự ra đi của ông Nhu cần thiết cho giai đoạn này. Chúng tôi nghĩ rằng Tổng Thống và ông Nhu xét kỹ điều kiện đó.
Tổng Thống Diệm vốn chủ quan với quân đội nhân dân ủng hộ ông nên những lời của Lodge hầu như có tính cách hăm dọa. Thành ra Tổng Thống cương quyết chống ngược lại với chính phủ Hoa Kỳ.
Trong lúc đó ông Ngô Đình Nhu cho Tổng Thống Diệm biết, tiền tồn kho và vũ khí còn lại, chính phủ đứng vững ít nhất là sáu tháng để tìm một viện trợ khác thay thế viện trợ Mỹ.
Đồng thời ông Nhu đang vận động một số mại bản Cholon cho chính phủ vay một số tiền lớn để trang trải kinh phí trong thời gian khủng hoảng viện trợ.
Kế hoạch của ông Nhu có vẻ mù mờ, không mấy tin tưởng. Tuy nhiên Tổng Thống Diệm cũng tạm gọi là một sáng kiến đáng thực hiện trong lúc đó.
Sự liên hệ giữa cá nhân ông Lodge và Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng như giữa tòa Đại sứ Mỹ và chính quyền Diệm được phân chia hẳn vào đầu thượng tuần tháng 10-1963.
Đại sứ Lodge mỗi khi rời dinh Gia Long đều mang theo sự tức tối, hậm hực trong lòng. Nhân viên thân cận Tổng Thống Diệm đã chứng kiến những cảnh ấy từ ngày ông Lodge trở thành vị Đại sứ chính thức ở Saigon.
Thật sự chính quyền Ngô Đình Diệm đã nao núng lắm rồi. Bên ngoài, Phật giáo đấu tranh quyết liệt. Bên trong, viện trợ Mỹ gián đoạn. Và chính quyền Diệm đã gặp một vị Đại sứ Hoa Kỳ có thành kiến với chế độ.
Tổng Thống Diệm đã bày tỏ nỗi khó khăn với ông Ngô Đình Nhu. Lúc bấy giờ tính tình ông Nhu thay đổi đột ngột. Cái trầm tư mặc tưởng của ông Nhu dính liền cuộc đời ông ta. Nhưng với thái độ ông Lodge như thế, nên cái trầm tư mặc tưởng đó trở thành quá khích ngấm ngầm.
Ông Nhu trình bày với Tổng Thống Diệm: Chúng ta phải làm một cái gì cho người Mỹ mất mặt. Người Mỹ mà ông Nhu nói là không ai khác tân Đại sứ Henry Cabot Lodge.
Kế hoạch Lodge làm mất uy tín của Lodge là chính quyền đảo chánh.
Một lối đảo chánh ngụy tạo gây thanh thế cho chế độ. Đảo chánh của chính quyền sẽ mang đến nhiều mối lợi: thanh lọc hàng ngũ quân đội, gây tiếng vang quốc tế là chế độ vẫn còn được quân và dân tuyệt đối ủng hộ. Sau cùng là người Mỹ sáng mắt về uy lực của chính phủ Diệm.
Đảo chánh ông Nhu được lập thành 2 giai đoạn: Bravo I và Bravo II. Bravo I do Lực lượng Đặc biệt và Cảnh sát Chiến đấu cùng một vài đơn vị Bộ binh tấn công các yếu điểm của chính quyền trong thủ đô. Tấn công mãnh liệt vào Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống phủ.
Như vậy là Bravo I được coi là quân chính phủ đảo chánh quân chính. Nếu những phần tử quân đội nhất là cấp Tướng lãnh ủng hộ đảo chánh lật đổ chế độ Diệm thì những phần tử đó được coi là phản bội, khi Bravo I thành công.
Nếu các cấp chỉ huy L.B.P.V.T.T.P. đầu hàng nhanh chóng, nghĩa là không chống lại đảo chánh thì cũng bị kết tội phản chế độ.
Bravo II được mô tả về phía đảo chánh không thành công. Quân đội chống đảo chánh quyết liệt để củng cố chế độ Diệm thì một điều đáng mừng. Và người Mỹ không còn phương tiện nào lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Tóm lại, Bravo I và Bravo II thất bại hay thành công, chế độ Ngô Đình Diệm vẫn thu vào mối lợi trong tay.
Tổng Thống Diệm rất bằng lòng kế hoạch đảo chánh giả của ông Nhu. Song vốn nhân từ, đạo đức, ông Diệm đã tưởng tượng đến cảnh máu đổ. Và ông không quên nhắc nhở ông Nhu điều đó. Nhưng ông Nhu trình bày rằng, chính trị muôn mặt như thế. Hơn nữa, tình trạng trước thái độ của ông Lodge, chúng ta không thể làm điều gì khác được.
Chính vì Bravo I và Bravo II đã đưa đẩy chế độ Diệm sụp đổ và mang theo cái chất cho ông Diệm và ông Nhu. Nói như thế vì bấy giờ tin đồn đảo chánh lan rộng trong quân đội, nhân dân như một câu ca dao truyền khẩu.
Nha Tổng Giám đốc Cảnh sát, Nha An ninh Quân đội, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo và ngay cả sở Nghiên cứu Chính trị đang tung người đi tìm đầu tơ mối chỉ của một cuộc đảo chánh lật đổ chế độ. Nhưng tuyệt nhiên các cấp thừa hành chỉ nghi tiếng đồn mà không hay biết phe phái nào sẽ đứng dậy đảo chánh.
Trong lúc đó, thật sự một số tướng lãnh đã hội họp kín, dựa theo Phật giáo lật đổ chế độ Diệm mà Tổng Thống Diệm và ông Nhu chẳng hề hay biết. Nguyên nhân chỉ vì ông Nhu chủ quan.
Ông ta cho rằng tin đồn đảo chánh là do Bravo I và Bravo II mà ra, chứ không ai dám đi vào vết xe đổ của ngày 11-11-1960 nữa. Ông Nhu suy nghĩ như vậy, vô tình bỏ ngỏ cho các tướng lãnh âm mưu quyết liệt lật đổ Tổng Thống Diệm.
Ngay cả bà Nhu sau cuộc giải độc được coi là buổi ra mắt cuối cùng với sinh viên Mỹ vào đầu tháng 10 năm 1963 vẫn chỉ trích chính sách Mỹ tại Nam Việt Nam.
Và khi đảo chánh 1-11-63 bùng nổ, bà Nhu rất mực bình tĩnh vì bà ta nghĩ rằng đó là kế hoạch Bravo I và Bravo II của ông Nhu. Cho nên bà tuyên bố, đảo chánh thì đảo chánh, chế độ Diệm hãy còn tồn tại.
Bravo I và Bravo II là một thủ đoạn chính trị bao quát cả chiến lược lẫn chiến thuật. Cách mạng 1-11-1963 không sớm nổ súng thì Bravo I và Bravo II được tưởng tượng là một cuộc thanh trừng đổ máu với những bằng chứng hiển nhiên mà một số tướng lãnh, chánh khách mắc bẫy ông Ngô Đình Nhu.
Riêng về Đại sứ Lodge sẽ không biết tính toán thế nào với chế độ Diệm. Chắc chắn rằng vị tân Đại sứ này cũng bị lừa trong hai chiến dịch Bravo I và Bravo II mà chính quyền tạo thành đảo chánh giả.
Ông Lodge sẽ điên đầu, đành phải lững lờ, mất uy tín với cái đảo chánh mà ông ta đang âm thầm nhúng tay vào với các tướng lãnh. Đồng thời, ông Nhu, ông Diệm viện cớ ông Lodge đã xúi giục một số sĩ quan cao cấp lật đổ chế độ mà trục xuất ông ta.
Nhưng số trời không chiều lòng ông Ngô Đình Nhu. Mệnh trời không cho ông Nhu hành động với mưu đồ tham vọng làm cho một số sinh linh binh sĩ ngã gục. Ông Nhu đã không thực hiện được Bravo I và Bravo II.
Tất cả đều muộn màng đối với cách mạng 1-11-1963. Đại sứ Lodge đã tiến trước ông Nhu một bước, một bước chính trị trong tình thế sôi bỏng là ngàn dặm xa thẳm.
Trong thế cuộc bùng nổ cách mạng công lật đổ chế độ Diệm, Đại sứ Lodge là người then chốt, là bàn tay đang nhấc từng con cờ trên bình diện của một cuộc xóa bỏ dấu vết của chế độ Diệm.
Cho nên sau ngày 1-11-1963, Lodge hiên ngang dạo phố Saigon. Đó cũng là một hình thức ra mắt quần chúng trong một thế đứng được gọi là bình dân, phổ thông của ngài Đại sứ.
Trước đảo chánh 1-11-1963 ngày gặp gỡ đầu tiên một vài tướng lãnh Việt Nam, Đại sứ Lodge không mấy tin tưởng sẽ lật đổ chế độ Diệm nhanh chóng được. Quan niệm của Lodge phải túc số những cấp lãnh đạo then chốt. Đơn phương một Tướng T.V.Đ. hoặc L.V.K. không hợp với cá tính cuả “người đám đông” như Đại sứ Lodge.
Người Mỹ rất thích tập đoàn làm việc. Một cá nhân, một đơn vị không thể thành công ở Hoa Kỳ. Cho nên ở Hoa Kỳ chung quanh một vị Tổng Thống được bao bọc một số lớn phụ trách nhiều lãnh vực. Lắm lúc một vị Tổng Thống tuyên bố, dân chúng cho là dấu kín vấn đề hơn là một nghị sĩ dân biểu.
Cho nên Đại sứ Lodge yêu cầu Tướng T.V.Đ. và L.V.K. hợp sức cùng một số lớn tướng lãnh thì Tòa Đại sứ Hoa Kỳ mới làm hậu thuẫn. Và Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam sẽ yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ công nhận chế độ mới ngay khi đảo chánh thành công.
Tướng T.V.Đ. đã tiên liệu điều đó. Tướng T.V.Đ. khó hiểu rõ về cá tính những người Mỹ “giàu có” và “xấu xí” nên ông ta đã đưa cho ông Lodge một danh sách hầu hết các tướng lãnh tham gia đại cuộc.
Sau đó Đại sứ Lodge đòi hỏi Tướng T.V.Đ. về chiến thuật và chiến lược trong cuộc lật đổ chế độ Diệm. Tướng T.V.Đ. trình bày cặn kẽ những nhịp đổ quân binh chủng tiến vào thủ đô Saigon bằng ba mũi dùi chính. Từ xa lộ vào. Từ mạn Long An lên. Từ các đường chính ở Tây Ninh xuống. Án ngữ ở Saigon không cần thiết vì Hải quân đã lo liệu.
Những đơn vị tham gia đều không đeo phù hiệu, kể cả quân xa, thiết vận xa. Ở Thủ Đức và TTM đặt một số đại bác 105 ly, súng cối đẻ xả láng với dinh Gia Long nếu tình hình quân đảo chánh không thanh toán vài mục tiêu yếu điểm của chế độ Diệm, nhất là thành Cộng hòa tọa lạc trên đường Thống Nhất.
Ông Lodge chấp thuận những điều Tướng T.V.Đ. đều hữu hiệu. Nhưng ông Lodge vẫn hỏi lại đại tướng Paul Harkins lần cuối cùng. Tuy nhiên hầu như tướng Paul Harkins không có ý kiến và muốn đổ trách nhiệm cho Lodge hành động. Có lẽ Harkins khá thiên về chế độ Diệm mà không tin tưởng các tướng tá Việt Nam mà ông quan niệm là những người thừa hưởng huấn luyện của thực dân Pháp để lại.
Đại tướng Paul Harkins đã làm cho Lodge không mấy bằng lòng về thái độ lừng khừng đó. Cũng từ đấy, Lodge quan niệm Harkins cùng một quan điểm với cựu Đại sứ Nolting về hành xử trước chế độ Diệm. Nghĩa là Nolting và Harkins ủng hộ sự tồn tại của chế độ Diệm tại Nam Việt Nam.
Sau khi tường tận kế hoạch của Tướng T.V.Đ. hành quân vào thủ đô Saigon, Đại sứ Lodge có hỏi về Tướng T.T.K. Tướng T.V.Đ. quả quyết vị Tướng này nhiệt tình tham gia đảo chánh. Nhưng về việc bầu thủ lãnh QĐ thì chưa thành hình. Tướng T.V.Đ. cho biết sẽ mở một phiên họp bí mật của tướng lãnh để bầu vị chủ tịch. Và đảo chánh sẽ lấy tên Hội đồng Quân nhân Cách mạng, đứng đầu là một vị tướng lãnh chủ tịch.
Hội đồng này hoàn toàn là quân nhân, không cho chính khách tham gia vì kinh nghiệm gãy đổ của ngày 1-11-1960. Nếu có mặt các chính khách dân sự thì vai trò đảo chánh không được giữ bí mật hoàn toàn.
Buổi gặp mặt cuối cùng này để đi vào chi tiết, Đại sứ Lodge thỏa mãn. Song ông ta đòi hỏi, Hội đồng Tướng lãnh không được giết một vị Bộ trưởng nào. Cá nhân Tổng Thống Diệm phải được bảo đảm an toàn rồi đưa ra ngoại quốc.
Đồng thời ông Lodge cho biết là ông lánh mặt các vị Tướng lãnh để khỏi bị mật vụ chính phủ theo dõi. Vì Tổng Thống Diệm đã kết tội Lodge nhúng tay vào nội bộ chính phủ Nam Việt Nam, vi phạm thuần túy phạm vi qui ước ngoại giao đoàn quốc tế. Tuy nhiên các nhân viên thừa hành Đại sứ Lodge được lệnh ông ta liên lạc với Hội đồng Quân nhân Cách mạng.
Ông Lodge rất nóng lòng biết được lý lịch tiểu sử của vị Chủ tịch HĐQNCM. Nhưng mãi đến thượng tuần tháng 10 năm 1963 vị Chủ tịch đó chưa được đặt vào ghế ngồi.
Trong lúc đó bên giới tướng lãnh Việt Nam mỗi ngày mỗi thu hút nhiều sĩ quan tham gia đảo chánh cùng ba nhóm đảo chánh: Trần Văn Đôn, Đỗ Mậu, Trần Kim Tuyến đã kết hợp với nhau rồi.
Song tìm một vị tướng lãnh cao niên đầy uy tín. Một vài vị trong nhóm Đỗ Mậu đề nghị Tướng Lê Văn Nghiêm, nhưng ông Tướng này từ chối vì lo sợ. Sau đó đề nghị Tướng T.T.K. nhưng ông này cho rằng mình chưa đủ tài sức. Tuy nhiên T.T.K. đoan kết sẽ là rường cột cuộc đảo chánh.
Sau cùng Tướng Trần Văn Đôn tiến cử ông Dương Văn Minh. Các cấp tướng lãnh đều đồng ý. Lúc đó cuốn lịch trên tường đã điểm thời gian trung tuần tháng 10 năm 1963.
Thật sự, trong bí mật, Tướng Dương Văn Minh không biểu lộ lập trường dứt khoát khi một số tướng lãnh yêu cầu ông tham gia đảo chánh. Ban đầu ông Dương Văn Minh từ chối. Sự từ chối này đều dễ hiểu vì lúc bấy giờ thanh thế của chế độ Diệm rất mạnh mẽ.
Nhưng về sau nghe Tướng Trần Văn Đôn cho biết là tòa Đại sứ Mỹ đã ủng hộ đảo chánh. Họ sẽ làm hậu thuẫn cho các tướng lãnh. Tướng Dương Văn Minh thấy danh sách rất nhiều tướng lãnh, sĩ quan cao cấp then chốt của chế độ Diệm tham gia, lại có người Mỹ yểm trợ, nên ông tham gia. Và chính Tướng T.T.K. chấp nhận cho Tướng Dương Văn Minh hưởng ứng và yêu cầu vị Tướng này giữ chức Chủ tịch HĐQNCM.
Trung tuầun tháng 10 năm 1963, Đại sứ Henry Cabot Lodge được phúc trình rõ về danh tánh, lý lịch của vị chủ tịch HĐQNCM. Trong bản phúc trình đó được ghi nhận một vài điểm chính cuộc đời binh nghiệp rực rỡ của Tướng Dương Văn Minh.
Vị Tướng này được mô tả là anh hùng quân đội trong các chiến dịch Rừng Sát, Thoại Ngọc Hầu, Hoàng Diệu, và tảo thanh phiến loạn Ba Cụt vào những năm đầu của thể chế Ngô Đình Diệm nắm giữ ở Nam Việt Nam.
Tướng Dương Văn Minh được coi là vị Tướng cao tuổi nhất là thâm niên quân vụ. Trong bản phúc trình còn nhấn mạnh về thành tích chống Pháp và từng bị Pháp bắt, tra tấn đến thương tích, lập trường chính trị trong bản phúc trình đó không mấy rõ rệt. Song các nhân viên hữu trách tòa Đại sứ Mỹ và CIA quả quyết rằng Tướng Dương Văn Minh đi theo chiều hướng thân Mỹ.
Đại sứ Lodge đọc bản phúc trình ấy nhiều lần và tỏ vẻ lo ngại, một thể chế quân nhân lãnh đạo trong giai đoạn giao thời.
Những biến cố đảo chánh xảy ra đầu tiên trong một quốc gia bị kềm kẹp lâu năm thường hay bị xáo trộn liên tiếp. Nguyên nhân chỉ vì cấp lãnh đạo mới không có chính trị, kinh nghiệm. Bằng chứng hiển nhiên là việc hạ bệ Tổng Thống Lý Thừa Vãn ở Đại Hàn Dân Quốc. Phái quân nhân ở nước này lên cầm đầu và mở màn cho những khủng hoảng liên tiếp.
Đại sứ Lodge là chuyên viên đảo chánh, bóp méo thời cuộc của Hoa Kỳ đối với các quốc gia chậm tiến chịu ảnh hưởng lớn lao vào viện trợ Mỹ. Ông Lodge là chuyên viên bí mật họp cùng ông Bunker điều giải khủng hoảng ở Saint Dominique, một quốc gia châu Mỹ ở La Tinh.
Ông Lodge đã thành công. Vì thế ông được cử đến Việt Nam trong một tình thế nghiêm trọng do nhân dân Phật giáo khuấy động, đồng thời đối với một chính phủ “cứng đầu” Ngô Đình Diệm đang “phủ nhận” công lao và tiền bạc của người Mỹ ở xứ này.
Chủ tịch Hội đồng Quân nhân đảo chánh Dương Văn Minh dưới mắt Lodge chưa hẳn đầy đủ của một cấp lãnh đạo, lãnh tụ. Song Lodge phải chấp nhận vì mỗi ngày chính sách chế độ Diệm hầu như tách khỏi đường lối của Hoa Kỳ không những ở Việt Nam và cả Đông Nam Á nữa.
Hoa Kỳ không muốn tình trạng của chế độ Diệm sẽ là bước mở đầu gây ảnh hưởng tai hại cho những quốc gia láng giềng Việt Nam như Lào, Thái Lan đối với nước Mỹ sau này. Hơn nữa đứng sau Tướng Dương Văn Minh là một số tướng hỗ trợ.
Tuy rằng xác nhận có 2 vị Chỉ huy Quân đoàn hưởng ứng, đó là Quân đoàn I và Quân đoàn III. Tuy nhiên sự hưởng ứng này còn mù mờ, vì HĐTL cho Lodge biết là Tướng ĐCT ở vùng I yêu cầu giữ bí mật đối với các Tướng lãnh Trung ương là có sự ủng hộ của ông ta. Còn Tư lệnh Quân đoàn III kiêm Tổng trấn Saigon-Cholon-Giađinh, Tướng Tôn Thất Đính đang ở trong giai đoạn thuyết phục và chắc chắn sẽ thành công. Về Quân đoàn III và Quân đoàn IV là những Tướng quá thân với Tổng Thống Diệm, nên khó lòng thuyết phục. Song HĐQNCM sẽ phong tỏa chặt chẽ, đồng thời bí mật quản thúc các Tướng này để chận nút kéo quân về thủ đô.
Đại sứ Lodge đang đứng trước mọi thứ phức tạp. Phức tạp đó từ giới quân nhân đến đảng phái chính trị tại miền Nam. Nhờ ở cá tính người Mỹ tin ở tập đoàn lãnh đạo, nên Lodge cảm thấy một số đông Tướng lãnh trung ương đoàn kết lại như thế với sự hỗ tương Phật giáo thì sẽ thành công.
Lodge nẩy sinh “kế hoạch giai đoạn” trong trí. Một kế hoạch dụng nhân và thử thách cho những tên tuổi lãnh tụ khi chế độ Diệm cáo chung. Cho nên Lodge quyết định, hỗ trợ bí mật trong một trang sử mới tại Nam Việt Nam.
Hội đồng Quân nhân Cách mạng sau những cuộc họp bầu chủ tịch xong xuôi đã báo cho tòa Đại sứ Mỹ là ngày X, giờ Y sẽ nổ súng. Ngày và giờ đó định vào 9 giờ sáng ngày 26 tháng 10 năm 1963, tức là ngày lễ Quốc khánh. Lúc bấy giờ Tướng Trần Văn Đôn và Đại tá Đỗ Mậu đã thuyết phục được Tướng Tôn Thất Đính và đặt vị Tướng này điều khiển hành quân chuyển vận trong việc binh sĩ vào thủ đô.
Trước ngày và giờ Y, Tướng Tôn Thất Đính yết kiến Tổng Thống Diệm xin đưa thiết vận xa vào thủ đô trấn giữ an ninh cho ngày Quốc khánh vì nghe phong phanh đảo chánh, Tổng Thống Diệm bằng lòng ngay.
Trong lúc đó đại tá Đỗ Mậu, quyền Giám đốc Nha An ninh Quân đội cũng báo cáo tình hình chung quanh thủ đô yên tĩnh. VC hầu như ngưng hoạt động.
Bản lượng độ tình hình đó một phần nào nguyên nhân khiến Tổng Thống Diệm bằng lòng cho Tướng Đính đưa một số binh sĩ và xe tăng, thiết giáp xâm nhập thủ đô Saigon với lý do chính đáng. Nhưng Tổng Thống Diệm có ngờ đâu đã mắc bẫy các tướng lãnh âm mưu đảo chánh.
Về phía Phật giáo, sau ngày Thượng tọa Trí Quang lánh nạn tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ, Đại sứ Lodge cho người liên lạc rất chặt chẽ với tôn giáo này, nhất là vị lãnh sự Hoa Kỳ ở Huế với chùa Từ Đàm. Người Mỹ chú trọng nổi lửa Phật giáo ở Huế rất kỹ lưỡng nơi mà trung tâm điểm quần chúng đa số là Phật giáo đồ và có tinh thần bất khuất lật đổ chế độ Diệm.
Chính phủ Ngô Đình Diệm không nói trắng trợn với Đại sứ Lodge là người Mỹ đang cổ súy Phật giáo chống chính phủ, song Tổng Thống Diệm nói với Đại sứ Lodge là tòa Đại sứ thờ ơ với chính phủ thì chẳng khác nào ủng hộ Phật giáo.
Ông Lodge lại trả lời: Chúng tôi không nhúng vào nội bộ chính quyền miền Nam. Chúng tôi cắt viện trợ vì chính quyền coi lời khuyến cáo của Hoa Thịnh Đốn không ra gì cả. Tổng Thống Diệm cho Lodge biết là chính sách Hoa Kỳ đang sai lầm, dân tộc chúng tôi sẽ áp dụng chính sách khắc khổ để bảo vệ quê hương.
Phật giáo mỗi ngày mỗi làm dữ với những phát động biểu tình, tuyệt thực. Báo chí trong và ngoài nước không được phép vào ra các chùa chiền gặp các vị tu hành. Các thông tín viên Âu Mỹ thuộc vùng Đông Nam Á đổ xô đến Việt Nam đông đảo.
Chính quyền Ngô Đình Diệm cảnh cáo các ký giả ngoại quốc với nhiều lời lẽ hăm dọa trục xuất, nếu họ viết những bài có ý bôi nhọ chính quyền. Chế độ Ngô Đình Diệm nhấn mạnh rằng, đối với kỷ luật Quốc tế tường thuật trung thực, chính quyền lấy đó làm vinh dự, và nếu ký giả nào mạ lỵ, hỗ trợ Phật giáo, công kích cá nhân những nhân vật miền Nam thì bị đuổi ra khỏi nước. Chính quyền không muốn tại xứ này xảy ra thêm một trường hợp Francois Sully (I). Ký giả Francois Sully đã bị trục xuất trong giai đoạn Phật giáo đấu tranh. Chính quyền Diệm gán cho Sully về tội tường thuật không đứng đắn tình hình Việt Nam. Sự thật, Sully bị trục xuất là do bà cố vấn Ngô Đình Nhu. Bà Nhu giận và ghét Sully lắm. bà ta đã yêu cầu ông Nhu và ông Diệm đuổi Sully ra khỏi nước vì cho hắn lưu trú không có lợi khi tình hình Phật giáo bùng nổ. Francois Sully rời Việt Nam đến Hồng-kong làm thông tín viên Đông Nam Á. Sau cách mạng 1-11-1963 vài tuần, Francois Sully lại được phép nhập nội Việt Nam khi đó chế độ Diệm sụp đổ hoàn toàn.
Đại sứ Lodge đã trình với Tổng Thống Diệm chính quyền áp dụng những đường lối đàn áp ký giả, thông tín viên của các hãng thông tấn ngoại quốc. Chính quyền Diệm phủ nhận điều đó. Chính Tổng Thống Diệm và ông Nhu bác bỏ lời của Đại sứ Lodge. Và Tổng Thống Diệm bảo rằng, ký giả ngoại quốc đã có thành kiến hiềm khích anh em, gia đình Tổng Thống và luôn cả chế độ. Chế độ này không cần đến họ trong việc thông tin thông tức nữa. Chính quyền sẽ đạt lời yêu cầu đến ông U Thant mời một phái đoàn Liên hiệp quốc đến Nam Việt Nam điều tra về vụ gọi là đàn áp Phật giáo.
Đại sứ Lodge thầm nghĩ rằng chế độ Diệm thật sự đàn áp Phật giáo nên ông lấy làm bằng lòng mà nói, Tổng Thống và ông cố vấn mời phái đoàn Liên hiệp quốc đến xứ này là hợp lý, hợp tình. Đại sứ Lodge nói như vậy vì ông chắc chắn rằng với sự vô tư đối với Quốc tế, phái đoàn điều tra chắc chắn sẽ kết tội chế độ Diệm kỳ thị tôn giáo.
Tuy thế, việc làm riêng tư của người Mỹ vẫn diễn tiến đều đặn trong việc xóa tan chế độ Ngô Đình Diệm.
Chính phủ Kennedy đã quyết như vậy thì Lodge phải thực thi cấp tốc.
Đảng Dân chủ ở Mỹ cầm quyền đã làm mất lợi cho chính quyền Diệm ở Nam Việt Nam. Tổng thống Kennedy với đa số ghế đảng Dân chủ ở lưỡng viện Quốc hội đã thúc đẩy Hoa Kỳ thay đổi một chính sách hầu Nam Việt Nam có một bộ mặt mới. Bộ mặt mới hẳn nhiên theo quan niệm của Hoa Kỳ là không làm chấn động dư luận thế giới về Nam Việt Nam đang đàn áp Phật giáo.
Người Mỹ đã như thế, Đại sứ Trần Văn Chương là vị Đại sứ lâu năm ở Hoa Kỳ và lại có tình thông gia với gia đình Tổng Thống Diệm đột ngột từ chức. Ngay trên đất Mỹ, ông Trần Văn Chương tỏ rõ thái độ chống chế độ Diệm làm cho chánh phủ và nhân dân Hoa Kỳ cảm thấy rằng không còn tiếc nuối duy trì chế độ Diệm tại Nam Việt Nam.
Trong lúc đó, sự nhờ cậy của chế độ Diệm qua trung gian với Đức Hồng Y Spellman thuyết phục vị Tổng thống công giáo Kennedy.
Song Đức Hồng Y Spellman đã thất bại vì chính quyền Kennedy chorằng quần chúng Việt Nam không còn tin tưởng ở chế độ cũ mèm Ngô Đình Diệm nữa. Tổng Thống Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo làm cho tình hình Việt Nam bệ rạc và tình trạng này còn kéo dài, chẳng mấy chốc Việt cộng thắng thế mà uy tín Hoa Kỳ sẽ mất tan trong thế giới tự do.
Đại sứ Lodge đầu dây mối nhợ qua những bản phúc trình được coi là chính xác từ Việt Nam gửi về Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là những thúc giục cấp bách kết thúc chế độ Diệm.
Cố nhiên với một chuyên viên đảo chánh lỗi lạc, một chính khách uy tín đang lên, Tổng Thống Kennedy đồng ý và ra lệnh cho Lodge tranh thủ thời gian thanh toán chế độ Diệm ngay tức thời.
Trong một phiên họp khoáng đại Hội đồng Liên hiệp quốc, những quốc gia sùng đạo Phật đã yêu cầu ghi vào nghị trình vấn đề chính phủ Diệm kỳ thị tôn giáo ở Nam Việt Nam. Rất nhiều các đại diện quan sát viên ở Hội đồng này cho rằng Hoa Kỳ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề đó tại Việt Nam. Người Mỹ vốn qui tắc, qui luật, họ không muốn ở diễn đàn quốc tế này là nơi các đại diện mọi quốc gia nhắm mũi dùi vào chính sách Hoa Kỳ.
Và nếu bị tấn công thì Hoa Kỳ mất uy tín, các nước Cộng sản sẽ thừa cơ hội tố khổ trên diễn đàn mạnh mẽ đối với chính phủ non ngày non tháng Kennedy.
Nhiều dồn dập chất đống cho chính quyền đảng Dân chủ kennedy trong những tháng đầu cướp được quyền Tổng Thống mà đảng Cộng hòa đã giữ trong nhiều năm qua.
Cho nên Lodge được cử làm Đại sứ tại Saigon để giải quyết trọn vẹn vấn đề. Vấn đề này không ngoài lật đổ chế độ Diệm đã đứng vững trong 9 năm tại Nam Việt Nam.
Sứ mạng của Lodge không dễ dàng như quan niệm của tư bản Hoa Kỳ đối với các quốc gia chậm tiến vì ngài Đại sứ đã gặp một vị Tổng Thống ương ngạnh Ngô Đình Diệm mà bên trong ông cố vấn Ngô Đình Nhu làm linh hồn cho chế độ Saigon.
Đại sứ Lodge là một người Mỹ lãnh sứ mạng chinh phục chứ không phải bị khuất phục. Với một quốc gia lãnh đạo thế giới tự do như nước Mỹ thì ngài Đại sứ Lodge luôn luôn có thái độ “người khổng lồ”.
Lodge đến Saigon gặp phải một vị Tổng Thống đã coi “người khổng lồ” đó là hình nộm. Ngài Đại sứ, công dân áo gấm dưới thời Nguyễn Khánh đã tự ái nổi dậy. Thành kiến với một quốc gia chậm tiến chịu áp lực viện trợ Mỹ là tay sai làm cho người Đại sứ đụng trở lực lớn.
Dị đồng cá tính giữa Âu Á, sự mặc cảm bị đè nén, Tổng Thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu đã có thái độ gây hấn với Lodge. Gây hấn bất đồng ý kiến với Lodge tức là chống đối chính phủ Hoa Kỳ, phụ lòng công của tiền bạc của người Mỹ viện trợ cho chế độ Ngô Đình Diệm.
Người Hoa Kỳ quá thực tế, máy móc nên đã ví các quốc gia đồng minh như một cái máy nổ. Người Mỹ chỉ cần vặn nút là chuyển động theo ý muốn. Tổng Thống Diệm không muốn lệ thuộc trong guồng máy đó.
Tòa Đại sứ Mỹ tại Saigon không tin tưởng đường lối hành động của chế độ đối với Phật giáo thì Tổng Thống Diệm không thể để mất uy tín riêng biệt cho người Hoa Kỳ thao túng ở xứ này.
Đại sứ Lodge là một chuyên viên ngoại giao kiên nhẫn. Ông vẫn đợi chờ từ hạ tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 10-1963. Tổng Thống Diệm thay đổi thái độ mà người Hoa Kỳ cho rằng hợp với một quốc gia phần đông là Phật tử.
Trung tuần tháng 10-1963 Đại sứ Lodge hoàn toàn thất vọng với Tổng Thống Diệm. Đại sứ Lodge có cảm tưởng Tổng Thống Diệm quá thủ cựu độc tài, không chịu uyển chuyển theo tình thế chính trị xoay chiều toàn cõi Nam Việt Nam.
Đại sứ Lodge kiên nhẫn như thế vì ngài Đại sứ là một tín đồ đạo Zen. Người ta đồn đãi triết lý đạo Zen ăn sâu vào tâm tính ông Lodge. Trong cuốn L’ Ambassadeur của văn sĩ Moris West người Úc đại lợi mô tả Lodge đã từng tới tham thiền với một nhà hiền triết Zen ở miền Bắc Đông kinh. Điều này đúng chăng?
Nếu Lodge quả thật là một người tham thiền đạo Zen thì rất đúng hẳn tâm tính trầm lặng của ông ta. Có thể ảnh hưởng Zen nên Lodge đến Việt Nam mà không lật đổ chế độ Diệm ngay mà ông phải tìm một chân lý sự thật. Và ông đang tìm cách dung hòa với cá tính Á Đông ảnh hưởng Khổng Mạnh chấp chứa ở con người Tổng Thống Diệm. Nhưng Lodge khá nhầm lẫn.
Tư tưởng của Tổng Thống Diệm là xuất cứ trên hoạn lộ rồi mới hưởng nhàn ở nơi yên tĩnh. Còn vốn của Zen đã tìm nơi vắng vẻ, thiên nặng về trầm tư mặc tưởng đào luyện tâm tình. Cho nên hai con đường Lodge và Diệm chia thành lối. Thêm vào đó quan niệm Đông và Tây không bao giờ gặp nhau.
Cho nên Lodge đã chờ đợi. Chờ đợi trong chủ quan của một người Mỹ ngoại giao thông thạo nếp sống thấm nhuần tư tướng Á Đông.
Nhưng cái thông thạo của Lodge là lý thuyết qua một thứ triết học của Nhật bản.
Đó là đi tìm chân lý Zen. Vì vậy Lodge hoàn toàn lệch lạc về tính Tổng Thống Diệm. Ngài Đại sứ đã mơ tưởng đến một cuộc đàm trà về triết lý đạo Zen trước một ảnh hướng nặng nề Khổng Mạnh trong bối cảnh sửa soạn đảo chánh của Lodge. Tổng Thống Diệm đặt Lodge vào con đường cùng. Con đường cùng đó, Lodge đứng trước trở ngại dồn ép. Ngay sau buổi lễ trình ủy nhiệm thư, Lodge đã thấy như thế.
Tổng Thống Diệm không mấy ưa thích khi ngài Đại sứ trình bày cuộc nổi dậy của Phật giáo đồ. Tổng Thống nói với Lodge rằng, chắc rằng tôi hiểu thấu triệt Phật giáo hơn ngài Đại sứ, ngài cứ yên tâm cho chính phủ làm việc.
Cố nhiên Lodge không bằng lòng. Lodge là người nghiên cứu đạo Zen. Đạo Zen là một phần nào nằm trong triết lý đạo Phật. Lodge say mê Zen. Tin tưởng ở Zen là đường thoát thân, đem sự trầm tĩnh thuyết phục kẻ đối diện.
Với Tổng Thống Diệm không coi Lodge là một Tô Tần, một tín đồ của Zen. Ngài Đại sứ đến đây để nuốt chửng chính sách nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm.
Từ những điểm bất đồng tiềm tàng trong tư tưởng đến dáng điệu của một ngài Đại sứ Mỹ vội vàng đến Saigon và yêu cầu cấp bách trình ủy nhiệm thư. Hành động đó là muốn ăn thua đủ với Tổng Thống Ngô Đình Diệm rồi.
Vô tình Tổng Thống Diệm đưa lên bàn cân giữa ông cựu Đại sứ Nolting và tân Đại sứ Henry Cabot Lodge. Theo ông Diệm thì Noloting mới xứng đáng một nhà ngoại giao. Một vị ngoại giao đoàn xử sự đúng với câu ở ống thì dài, ở bầu thì tròn. Còn Lodge bước chân đến Saigon với bề ngoài hoàn toàn người Mỹ trầm lặng.
Nhưng Tổng Thống Diệm lượng được cái trầm lặng đó. Cái trầm lặng nguy hiểm nhất của kẻ hành động rồi nói sau. Và người Mỹ trầm lặng chẳng khác gì “người Mỹ xấu xí” đang chập chờn trước một thể chế được coi là chà đạp tôn giáo.
Tổng Thống Diệm vốn là người coi mặt bắt hình dung. Nói nôm na là Tổng Thống Diệm chú trọng đến tướng người đối diện. Nên trong cuộc tiếp kiến đầu tiên tại dinh Gia Long, Tổng Thống Diệm đã chú ý đến cách ăn nói dáng điệu của Lodge rất kỹ. Khi Lodge ra về Tổng Thống Diệm đã nói với ông cố vấn Ngô Đình Nhu rằng, Lodge là hạng người dữ, thủ đoạn vô cùng.
Tổng Thống Diệm thấy dáng đi của Lodge vai và lưng cong, dáng điệu của sư tử vồ mồi. Ông Nhu nghe Tổng Thống Diệm nói vậy thì mỉm cười. Nụ cười gắng gượng, khô khan nếu ai nhìn thấy sẽ cho rằng, đó là cái cười kiêu ngạo, khinh mạn. Nhưng những nhân viên Tổng Thống phủ nghĩ rằng, ông Nhu cố gắng một nụ cười như thế không phải là dễ dàng trong cuộc đời ông ta. Hơn nữa ông Nhu cười là cho Lodge chứ không phải cười cho Tổng Thống Diệm. Cho nên ở bước đầu cuộc hội kiến ông Nhu đã thấy chế độ chịu ảnh hưởng Hoa Kỳ nhưng lại cách xa ngài tân Đại sứ.
Một người Mỹ ngư Lodge tự hào nhiều phương diện. Một người Mỹ như Lodge sâu sắc ở trong một tập đoàn mà ông ta đã chọn lựa sau khi Nolting rời Việt Nam. Lodge là người đảng Cộng hòa lại được đảng Dân chủ và Tổng Thống Kennedy cử đến nhậm chức Đại sứ tại Việt Nam trong một tình hình được coi là nghiêm trọng, khủng hoảng chính trị nội bộ. Như thế Lodge không tự hào cái uy tín của mình sao được.
Vì những tự hào cá nhân, tự hào ngoại giao tột đỉnh, tự hào là chuyên viên hòa giải, ngài Đại sứ quyết liệt khuyến cáo Tổng Thống Diệm ngay buổi hội kiến đầu tiên.
Một người như Tổng Thống Diệm với sự cố vấn của ông em Ngô Đình Nhu đã mất cảm tình với ngài tân Đại sứ Mỹ vừa chân ướt chân ráo đến Saigon. Tổng Thống Diệm cho hành động của Lodge quá hấp tấp, chưa thấu triệt vấn đề Phật giáo. Ngài Đại sứ chỉ đọc trên giấy tờ, báo chí và nghe vào tai những dư luận khi còn trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Ý nghĩ tiên đoán của Tổng Thống Diệm rất đúng. Trước khi đến Saigon, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cung cấp cho Lodge hàng chục xấp tài liệu về Việt Nam, trong đó có ghi rõ không những biến động Phật giáo mà còn có những cá tính của Tổng Thống Diệm, ông Ngô Đình Nhu, các Bộ trưởng, chính khách có máu mặt và các tướng lãnh Quân lực Việt Nam.
Tuy nhiên Lodge không mấy chú trọng đến nhân sự chung quanh Tổng Thống Diệm. Lodge quanh quẩn trong hai nhân vật: Tổng Thống Diệm, ông Ngô Đình Nhu mà thôi.
Cho nên khi đến Saigon tình hình phức tạp giữa chính quyền và quân đội, Đại sứ Lodge phải nhờ cậy đến Đại tướng Paul Harkins qua sự tìm hiểu mau chóng về các tướng lãnh Việt Nam. Khi gặp Tướng Trần Văn Đôn trong thâm tâm Lodge rất bằng lòng cái uy phong bề ngaòi của vị Tướng quyền Tham mưu trưởng Liên quân này. Đó là một điều làm Lodge ngạc nhiên đầu tiên. Lodge ngỡ rằng với vóc dáng người Việt Nam chắc rằng các tướng lãnh không lấy gì làm lẫm liệt.
Vì thế Lodge mất cảm tình với anh em Tổng Thống Diệm nhưng ông lại có cảm tình với tướng lãnh và quân đội.
Đó là một phần bé nhỏ. Lodge đồng ý làm hậu thuẫn cho các cấp quân đội nào vì Phật giáo đảo chánh chế độ Ngô Đình Diệm.
Tổng Thống Diệm được sự hỗ trợ của cố vấn Ngô Đình Nhu hầu như đã bất cần sự có mặt của ông Lodge kể từ ngày ông Đại sứ Nolting bị triệu hồi, chấm dứt nhiệm vụ tại Việt Nam.
Đó là những ngày rắc rối của chế độ Diệm vào trung tuần tháng 7-1963 với Phật giáo đồ ở Huế rồi lan tràn các tỉnh miền Trung, Trung nguyên Trung phần và cuối cùng ngay tại thủ đô Saigon.
Trong khi đó chính quyền mới Kennedy không muốn kéo dài chiến tranh ở Việt Nam nữa. Tổng Thống Kennedy trong thời kỳ vận động tranh cử đã hứa với quần chúng Mỹ sẽ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam nếu ông được dồn phiếu để đắc cử.
Đồng thời Tổng Thống Kennedy muốn thắng lợi tại Việt Nam để đền bù mối thất bại trong cuộc đổ bộ Cuba đã làm uy tín đảng Dân Chủ xuống thấp và làm các Thượng nghị sĩ chỉ trích quyết liệt tại diễn đàn Thượng viện.
Tổng Thống Kennedy vốn tin tưởng lực lượng quân sự Mỹ, nên CIA đã huấn luyện một số biệt kích của những người Cuba lưu vong đang sống ở Florida để cướp chính quyền CS. Fidel Castro, nhưng thất bại làm cho trùm CIA Dulles từ chức.
Đối với Việt Nam, Tổng Thống Kennedy yêu cầu Tổng Thống Diệm cho quân lực Mỹ đến Việt Nam thanh toán VC vì giới cố vấn Mỹ tại Saigon không còn thích hợp chế độ chiến tranh đang mỗi ngày mỗi cao.
Tổng Thống Diệm đã từ chối. Tổng Thống Kennedy đã không muốn một quốc gia chịu viện trợ lớn lao lại phản đối chính sách quân sự của Mỹ về chiến tranh.
Nên Lodge đến Saigon đã một công hai việc. Hỗ trợ Phật giáo và mở chương trình quân Mỹ đến Việt Nam.
Nội bộ nước Mỹ ảnh hưởng phần lớn cho chế độ Ngô Đình Diệm, nhất là khi đảng Cộng hòa với anh hùng nước Mỹ Tổng Thống Eisenhower hết nhiệm kỳ để lại con “gà nòi” Nixon tranh ghế Tổng Thống với kennedy. Ông Nixon thất bại.
Đảng Dân chủ lên cầm quyền, có thể nói rằng đã xa lạ đầu tiên với chế độ Ngô Đình Diệm trong suốt 9 năm. Lúc đó người ta đã đặt câu hỏi Tổng Thống Kennedy có còn ủng hộ Tổng Thống Diệm như Tổng Thống Eisenhower không?
Những thay đổi lớn lao ở Hoa Kỳ như thế, song ông cố vấn Ngô Đình Nhu vấn an Tổng Thống Diệm không nên quan tâm đến tình hình nội bộ nước Mỹ. Tổng Thống Diệm cho ông Ngô Đình Nhu là đúng. Vì dầu sao Hoa Kỳ phải ủng hộ Tổng Thống, một chế độ được nhân dân ủng hộ triệt để và Dân chủ hoặc Cộng hòa ở Mỹ đều là một.
Chủ quan của ông Nhu không phải là vô lý. Ông đã đặt nền tảng nhân dân Việt Nam đối với lãnh tụ Diệm là khí giới sắc bén trước sự thay đổi chính trị ở Hoa Kỳ khi Tổng Thống Kennedy lên nắm quyền ở Tòa bạch cung.
Nhân dân hậu thẫn Tổng Thống Diệm thì việc ông tân Đại sứ Lodge đến Saigon không nghĩa lý gì cả. Dù ông Lodge dựa vào Phật giáo đấu tranh để khuyến cáo chính quyền thì ông Nhu, một cố vấn chính trị sẽ ra tay.
Thật vậy, ngày ông Lodge đến Saigon, trong đêm đó, ông Nhu ra lệnh Lực lượng đặc biệt của Đại tá Lê Quang Tung, Cảnh sát chiến đấu phong tỏa các chùa chiền, bắt bớ các sư sãi vào những nơi giam bí mật ở Tổng Nha Cảnh sát, trại Lê Văn Duyệt và ngôi hầm bí mật ở sở thú mà người ta gọi ám số ngôi hầm này là P.42.
Trên toàn cõi Nam Việt Nam đều xảy ra tình trạng này. Ở Huế, một số sư sãi, công chức bị giam ở Năm Căn, một ngôi hầm dự trữ đạn dược của quân đội Nhật trong thế chiến thứ II.
Ở Saigon sau khi bắt xong các sư sãi, chùa chiền vắng ngắt. Ông Ngô Đình Nhu đã tung một số nhà sư vào các chùa lớn như Xá Lợi ngồi tụng kinh gõ mõ. Những vị sư này là mật vụ trá hình thành kẻ tu hành.
Khi chùa Xá Lợi được giải tỏa 50% tín đồ, Phật tử đến cúng bái Đức Thế Tôn đã gặp mấy vị sư này. Ban đầu người ta ngỡ là những vị tu hành này ở các tỉnh đưa về thủ đô để thay thế vào những Thượng tọa, Đại đức đã bị chính quyền bắt giữ. Nhưng các Phật tử thấy các sư sãi này không thuộc kinh kệ. Tay chân các vị sư này lại thô kệch. Lễ vật cúng mới dâng Đức Phật hồi sáng, đến chiều đãt hấy các sư sãi ăn hết. Các Phật tử bắt đầu nghi ngờ. Và cũng từ đó tiếng đồn ở chùa Xá Lợi đều là sư giả của mật vụ trá hình.
Khi phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc đến Saigon, một vị Thượng tọa Miến Điện đã không quan tâm các vụ đàn áp. Vị Thượng tọa này khi tháp tùng phái đoàn đến chùa Xá Lợi, ông chỉ hỏi các vị sư chùa này về Đạo pháp kinh kệ.
Cố nhiên các vị sư sãi giả này không biết gì cả.
Vị Thượng tọa này còn “khám” lòng bàn tay một ông sư chùa Xá Lợi. Khi thấy bàn tay vị sư này đầy những mụn chai, vị Thượng tọa Miến Điện biết ngay vị sư này là người hành nghề nặng nhọc tay chân chứ không phải tu hành.
Đại sứ Lodge do cơ quan CIA cung cấp đã biết trước một số mật vụ của ông Ngô Đình Nhu trá hình thành các vị sư ở các ngôi chùa lớn trong thủ đô Saigon trước khi phái đoàn Liên hiệp quốc đến Việt Nam, cho nên Lodge gài bẫy cho chế độ Diệm càng sa lầy bằng cách để tự do phái đoàn điều tra được thăm viếng nhiều chùa chiền và những nơi giam giữ các vị Thượng tọa, Đại đức. Ban đầu Tổng Thống Diệm chấp nhận hoàn toàn do sự điều tra trung thực của phái đoàn Liên hiệp quốc vì Tổng Thống Diệm tin tưởng rằng chế độ không hề dị biệt tôn giáo.
Trong khi đó ông Ngô Đình Nhu hợp tay cùng mật vụ, vạch sẵn chương trình lôi kéo phái đoàn điều tra một cách rất khoa học theo đường lối cảu ông ta.
Trước khi phái đoàn đến Tổng Nha Cảnh sát, Trại Lê Văn Duyệt, An dưỡng địa, mật vụ quét dọn sạch sẽ, yêu cầu các sư sãi mặc áo quần tươm tất. Trong ngày đó những phương tiện vật chất như ăn uống đều đầy đủ mong mua chuộc lòng sư sãi và lừa gạt được phái đoàn điều tra. Mật vụ còn tổ chức chỉ định những câu hỏi phái đoàn điều đề ra.
Về phía phái đoàn Liên hiệp quốc được chế độ o bế đến mức tối đa. Mật vụ của ông Nhu bao trùm cả nhà hàng Majestic, nơi phái đoàn điều tra lưu ngụ.
Tổng Thống Diệm tiếp đãi phái đoàn rất nồng hậu mà nhân viên Phủ Tổng thống cảm thấy rằng trong 9 năm qua chưa có một đoàn ngoại quốc nào được trọng đãi như thế. Dưới mắt các quan sát viên trong nước và quốc tế thời bấy giờ có cảm tưởng phái đoàn điều tra đã làm việc cho có lệ mà thôi.
Tuy nhiên ông Ngô Đình Nhu vẫn cho mật vụ canh chừng đường đi nước bước của các Thượng tọa Miến Điện và Tích Lan. Mật vụ còn mua chuộc phái đoàn bằng cách dâng hiến một số gái đẹp cho các nhân viên điều tra trong những đêm thâu canh vắng.
Theo một cựu nhân viên mật vụ thì đây là một cái bẫy gài phái đoàn điều tra vào thế bí, nếu phái đoàn này phúc trình bản điều tra không theo chiều hướng của chế độ.
Mật vụ đã chụp hình quay phim các cuộc trăng gió của từng cá nhân trong phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc. Một số ảnh được phóng lớn cỡ Carte Postale hình vị điều tra viên người Tích Lan và Miến Điện đang dở trò dâm đãng, hết sức tồi tệ. Số hình này được gửi về Sở Nghiên cứu Chính trị Phủ Tổng Thống, Tổng Nha Cảnh sát, Trung ương Tình báo và Nha An ninh Quân đội.
Cuộc ăn chơi của phái đoàn LHQ tại Saigon đã lọt vào tay mật vụ với bằng chứng cụ thể, không chối cãi mà phái đoàn không hề hay biết.
Khí giới ấy mật vụ của chế độ định tung ra cho phái đoàn khi sửa soạn rời Việt Nam, kết thúc cuộc điều tra trước khi tường trình ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc U Thant.
Những nhà sư giả đội lốt tu hành bị khám phá dễ dàng. Lúc đầu khách thập phương đến cúng bái ở chùa Xá Lợi không tin tưởng điều này là sự thật.
Mãi đến khi một nhà sư bị dân chúng vây đánh ở gần chùa Xá Lợi thì công chuyện mới đổ bể. Mật vụ của ông Ngô Đình Nhu liền bí mật gọi các tên đội lốt sư trở về các nhiệm sở. Tuy nhiên lúc bấy giờ CIA đã hợp lực với quân đội quyết định lật đổ Diệm nên tiếng đồn các sư giả ở các chùa vẫn vọng vào quần chúng. Vì thế một số lớn chùa chiền trong thủ đô chẳng có khách thập phương đến cúng dường Tam Bảo.
Phái đoàn điều tra LHQ vẫn tiếp tục điều tra với những cuộc thăm viếng. Nhưng phái đoàn này trông vẻ ăn chơi, nhàn tản cho đến ngày đảo chánh bất thần bùng nổ. Phái đoàn điều tra LHQ chứng kiến cuộc đảo chánh và vụ điều tra coi như hủy bỏ.
Về sau này bản phúc trình của phái đoàn này lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc về vụ đàn áp Phật giáo rất đơn sơ. Và xác nhận ở Việt Nam dưới thời Tổng Thống Diệm có dị đồng tôn giao.
Tuy nhiên, bản phúc trình đó không được thế giới chú ý. Có lẽ vì chế độ Ngô Đình Diệm đã cáo chung thì bản điều tra ấy không còn giá trị tồn tại nữa.
3.
ĐẠI SỨ LODGE VÀ CON HỔ GIẤY HOA KỲ
KỂ TỪ NGÀY THỀ GIỚI CHIA RA HAI CHỦ THUYẾT RÕ RỆT: TỰ DO VÀ Cộng sản thì Hoa Kỳ bị phe CS liệt vào hạng con hổ giấy Tự do. Chiến tranh Triều tiên bùng nổ, Trung cộng tranh chấp với Hoa Kỳ ở quốc gia này mãnh liệt. Cả hai bên đều gia tăng quân số, vũ khí, hầu đem đến thắng lợi. Hoa Kỳ đã tung một lực lượng quân sự đáng kể, nhưng Trung cộng vẫn liệt Hoa Kỳ vào hạng “hổ giấy thế giới tự do”.
Đại sứ Lodge đến Saigon với uy lực lớn lao, nhưng dưới mắt ông Ngô Đình Nhu, nhìn Lodge cũng là thứ hổ giấy Hoa Kỳ. Bằng chứng qua lần gâp gỡ Tổng Thống Diệm ngài tân Đại sứ Lodge đều thất bại trước những sự phản đối của chính quyền Việt Nam về việc người Mỹ đang nhúng tay vào nội bộ dân bản xứ. Ông Ngô Đình Nhu nghiên cứu kỹ càng bằng máy thu băng những cuộc đối thoại giữa Tổng Thống Diệm và ngài Đại sứ henry Cabot Lodge. Ông Nhu tin tưởng chế độ sẽ thắng chuyên viên ngoại giao Lodge một cách hợp lý và hợp tình.
Nhưng ông Nhu chủ quan và nhầm lẫn khá nhiều về con người của tân Đại sứ Henry Cabot Lodge. Đại sứ Lodge mang vào thân với sự tự tôn của người đi “chinh phục”. Cho nên khi một vị Tổng Thống địa phương bất đồng ý kiến, coi lời khuyến cáo của Lodge không ra gì thì ngài Đại sứ không dung tha được.
Lodge sẽ hành động với mọi uy lực trong tay, lật đổ chính quyền ương ngạnh đó bằng được. Chính quyền Ngô Đình Diệm với chính sách được gọi là “xả láng” phản bội viện trợ Mỹ thì không còn lý do gì để lãnh đạo một quốc gia chậm tiến đứng trước nanh vuốt Cộng sản.
Người đạo Zen được phong làm con hổ giấy trong tập đoàn lãnh đạo Hoa Kỳ, Đại sứ Henry Cabot Lodge đã tỏ ra con người phong độ chính trị nhưng không lộ hẳn ở mặt ngoài.
Ông Ngô Đình Nhu đã hời hợt với người Mỹ Lodge thấu triệt Zen mà đi đến chỗ thất bại oan uổng. Và người ta nghĩ rằng Lodge đã làm cho cuộc 9ời ông Nhu tiêu tan kéo theo Tổng Thống 9 năm Ngô Đình Diệm.
Con hổ giấy Lodge biết cử động trong biến tình Phật giáo đã làm cho quần chúng, Chính khách Việt Nam không còn khinh khi con cọp giấy Hoa Kỳ nữa.
Năm 1954 ông Diệm, ông Nhu dựa vào thế lực của Hoa Kỳ bao nhiêu thì những năm cuối cùng của chế độ, hầu như muốn tránh khỏi ảnh hưởng Hoa Kỳ. Thái độ này khá kiêu ngạo khi ông Nhu hoàn thành một số ấp chiến lược trên toàn quốc.
Thắng lợi về ấp chiến lược làm cho Cộng sản la hoảng và tuyên truyền rằng: Mỹ Diệm tập trung dân chúng trong ấp chiến lược là những trại tù vĩ đại ở Việt Nam. Ông Ngô Đình Nhu am hiểu chiến thuật, chiến lược của Cộng sản. Cho nên khi bị phía bên kia chỉ trích chính sách ấp chiến lược, ông Ngô Đình Nhu sung sướng coi đó là thành công to lớn.
Theo kinh nghiệm của những người đã sống và chống đối CS đều hiểu rằng, những gì Nam Việt Nam gây trở lực cho Việt cộng thì bị đài phát thanh Hà Nội, đài bí mật Giải phóng miền Nam chỉ trích quyết liệt. Ấp chiến lược lại còn phá rối hạ tầng cơ sở thôn quê mà Việt cộng thường lấy làm căn bản. Nên Việt cộng rối rít đả phá Ấp chiến lược về kế hoạch lâu dài.
Người Mỹ bên cạnh chính phủ Ngô Đình Diệm như chuyên viên điệp báo Đại tá Lansdale, phải công nhận ông Ngô Đình Nhu thành công rất lớn trong việc bình đình nông thôn và chế độ đang đứng vững ở hạ tầng cơ sở.
Nhưng ở Hoa Thịnh Đốn, thu thập qua tin các thông tín viên, thông tấn xã, nhất là tuần báo nổi danh News Week lại chỉ trích ấp chiến lược. Những cơ quan này cho rằng ông Nhu rập theo khuôn khổ kế hoạch của Sir Thompson, một chuyên gia du kích người Anh đã thắng lợi ở chiến trướng Mã lai Á. Hoa Thịnh Đốn không coi ấp chiến lược là sáng kiến của ông Nhu và ngay cả thuyết Nhân vị, người Mỹ cũng cho là mơ hồ trong Thế giới Tự do tư bản.
Tân Đại sứ Lodge là đơn vị đứng trong tập đoàn điều khiển chính sách Mỹ từ Hoa Thịnh Đốn đến, đến để mang theo sự coi thường ông cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu bên cạnh Tổng Thống Diệm.
Cho nên Lodge chỉ gặp ông Nhu một lần cùng bàn bạc, thảo luận giữa ba người, Tổng Thống Diệm, ông Nhu và ngài Đại sứ. Ông Lodge cho rằng Nhu là một chính trị gia lý tưởng chứ không thực tế trên cõi đời một ngày một biến chuyển muôn mặt này.
Một lần duy nhất đó mà thôi, rồi những cuộc thảo luận kế tiếp Lodge gặp riêng Tổng Thống Diệm. Những lần gặp như thế này, dù ở Tổng Thống Diệm giữ vững lập trường từ việc nổi loạn Phật giáo đến việc Hoa Thịnh Đốn yêu cầu cho quân lực Mỹ đổ bộ lên Nam Việt Nam. Ông Diệm tự chối, viện cớ chính quyền không thể lùi bước có hại cho uy lực như thế được. Thái độ Tổng Thống Diệm như vậy, nghĩa là cứng rắn, đương đầu với ngài Đại sứ. Song Lodge nhận xét trong những buổi đàm luận, Tổng Thống Diệm trông vẻ cô đơn vì lối lập luận của ông một chiều. Một chiều đó chắc chắn đã sửa soạn trong những ngày hôm trước qua sự bí mật của ông Nhu thúc đẩy Tổng Thống Diệm. Vì vậy lắm lúc Tổng Thống Diệm lúng túng khi ông Lodge hỏi một điểm ngoài cuộc thảo luận. Như thế để chứng tỏ, thiếu ông Nhu bên cạnh, Tổng Thống Diệm đã lộ hẳn sự lạc lỏng.
Đại sứ Lodge mà ông Nhu quan niệm là con hổ giấy đã đánh đúng vào yếu huyệt của ông Diệm, nên ông Nhu bị gạt ra ngoài vòng những cuộc thảo luận. Một phần nào dữ kiện này, Nhu cay cú với tân Đại sứ Lodge.
Vì sự cay cú đó ông Nhu đã mất khôn, đẩy Tổng Thống Diệm vào con đường được gọi là: “chống Mỹ”. Cho nên cuộc cách mạng 1-11-1963 bùng nổ chẳng có gì lạ đối với các chính trị gia trong và ngoài nước đang theo dõi biến chuyển tình hình lúc bấy giờ.
Ông Nhu thất bại vì không nghĩ đến con hổ giấy Hoa Kỳ Lodge có tư tưởng. Còn phía Trung cộng gán cho Hoa Kỳ là con hổ giấy là chiến thuật tuyên truyền vững lòng các quốc gia chậm tiến. Hơn nữa, Trung cộng đứng ngoài vòng ảnh hưởng ngoại giao, kinh tế với Hoa Kỳ nên dễ dàng gán cái xấu cho đối thủ để nâng cao địa vị của mình.
Còn Nam Việt Nam đứng vững hay không đều do người Mỹ. Ông Diệm trở thành Tổng Thống cũng do người Mỹ và bị chết cũng do người Mỹ mà ông Nhu lẫn ông Diệm không lượng được tầm quan trọng đó mà muốn ỡm ờ chống hổ giấy Hoa Kỳ.
Ông Nhu và Tổng Thống Diệm tin tưởng dầu sao đi nữa, người Mỹ (chính phủ Kennedy) cũng phải áp dụng chính sách ủng hộ chính quyền miền Nam như dưới thời đảng Cộng hòa Eisenhower. Lập trường của Hoa Kỳ phải tiên quyết như vậy vì chính quyền Diệm đã có thể đứng vững mạnh trong 9 năm qua. Bằng chứng cụ thể thấy rõ thì không vì lý do Phật giáo gây rối loạn mà người Mỹ lại bạo gan phá bĩnh công lao trong 9 năm giúp đỡ tận tình chế độ vững mạnh tại Saigon.
Về việc Lodge đến Saigon cũng như Hoa Kỳ đột ngột triệu hồi Đại sứ Nolting, các quan sát viên Nam Việt Nam tiên đoán Hoa Kỳ đang thay đổi thái độ với chính quyền Diệm.
Ông cố vấn Ngô Đình Nhu linh hồn của chế độ Đệ nhất Cộng hòa, không nhận định đó là một mối nguy cơ mà lại nghĩ rằng, Hoa Kỳ đang dằn mặt chính quyền miền Nam phải nhượng bộ những đòi hỏi của người Mỹ.
Trong khi đó dư luận quần chúng nghĩ rằng, Đại sứ Lodge thay thế Đại sứ Nolting vì chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.
Ông Lodge cho chỉ thị của chính phủ Hoa Kỳ khuyến cáo Tổng Thống Diệm hầu xóa tan khủng hoảng nội bộ nếu ông Diệm, ông Nhu nhận định tình hình đang trên bờ vực thẳm qua nhiều khía cạnh, nhưng thật ra, ngoài cuộc rối loạn Phật giáo, ngài Đại sứ Lodge đến Saigon với nhiều mục địch hầu như bắt buộc Tổng Thống cải tổ mở rộng chính phủ với nhiều tầng lớp chính khách đối lập tham dự, đồng thời nên chấp nhận một vài tướng lãnh tham gia nội các để quân bình thế đứng của chính quyền. Ngoài ra, người Mỹ mong mỏi Tổng Thống Diệm gạt bỏ những phần tử liên hệ đến dòng họ Ngô Đình Diệm ra ngoài chính quyền. Nhất là ông bà Ngô Đình Nhu đang làm mưa làm gió trên chính trường Nam Việt Nam. Cuối cùng, người Mỹ không muốn duy trì các cố vấn quân sự Hoa Kỳ đã có từ lâu nữa và thay thế vào đó một số quân lực rõ rệt. Nói rõ ràng hơn quân đội Mỹ sẽ đến Nam Việt Nam chiến đấu hơn là cố vấn. Có như vậy mới chấm dứt chiến tranh mau chóng mà không tiêu hao lực lượng.
Như vậy, dựa trên cao trào Phật giáo đấu tranh, người Mỹ đòi hỏi điều kiện mới với chính quyền Ngô Đình Diệm. Vì vậy, tân Đại sứ Lodge thay thế cựu Đại sứ Nolting không phải đơn phương về vấn đề khủng hoảng Phật giáo mà thôi như dưới mắt quần chúng Việt Nam sống trong biến động lịch sử 1-11-1963.
Chuyên viên Lodge lãnh sứ mạng nặng nề đến Nam Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ và ngay cả Lodge đặt tin tưởng sẽ thắng lợi hoàn toàn. Cái kiêu ngạo của Hoa Kỳ cũng như cá nhân của ngài Đại sứ Lodge là thế đấy.
Tự tôn một quốc gia giàu mạnh, nhiều nhân sự lỗi lạc, người Mỹ nhúng tay vào nội bộ các dân tộc đồng minh địa phương. Hành động của Hoa Kỳ nhiều khi cũng đem vào mối lợi như các vụ Indonésia và gần đây là Cambodge.
Nhưng có những vụ thất bại chua cay như Cuba, Cộng hóa Á-rập (thời Nasser), Kuweit (xứ dầu hỏa Địa Trung Hải) và chính biến 1-11-1963 được coi trong những chính sách sai lầm, thất bại đó.
Tuy nhiên, mỗi lần thất bại như thế, dân chúng, Quốc hội Hoa Kỳ náo loạn phản đối thì chính phủ lại đổ lỗi cho những hoạt động CIA. Và cái tầm quan trọng của sự thất bại đó lắng xuống để mưu đồ một trận đánh gián điệp mới.
Cho nên Nam Việt Nam trong mùa hạ 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đang đứng trước nanh vuốt Hoa Kỳ mà ngài Đại sứ làm tiêu biểu bước chân đến Saigon với không khí nặng nề, im tiếng.
Ngài Đại sứ Lodge mở đầu những cuộc hội đàm với Tổng Thống Diệm có tính cách nghi lễ của một vị Đại sứ vừa nhậm chức. Chủ đích Hoa Thịnh Đốn và Lodge đã định sẵn trước khi ông ta đến Saigon.
Kế hoạch của Lodge đối với chế độ Diệm gồm hai giai đoạn: Bắt đầu khuyến cáo, thuyết phục bằng miệng theo lối Tô Tần, nếu thất bại sẽ chuyển qua giai đoạn hai, lật đổ chính quyền Diệm bất cứ bằng giá nào.
Lúc bấy giờ Lodge chú ý đến các chính khách đối lập và những đoàn thể hoạt động bán chính thức lộ mặt chống chính quyền. Đó là các ông Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Tuyên và nhóm trí thức được mệnh danh là Caravella (nhóm này họp mặt ở khách sạn Caravella ra bản tuyên cáo tỏ ý chống chế độ).
Riêng hai ông Phan Khắc Sửu và Phan Quang Đán được dân chúng ủng hộ triệt để trong vụ bầu cử vào Quốc hội. Nhưng chế độ Diệm viện cớ vi phạm luật bầu cử nên bị loại.
Vì sự sai lầm của chế độ trong trường hợp này đã vô tình làm nổi tiếng hai vị chính khách này. Mãi đến sau cách mạng 1-11-1963 thành công, dân chúng mới hiểu được tài năng của hai vị này trên chính trường miền Nam.
Ngài Đại sứ Lodge không thuyết phục được Tổng Thống Diệm. Chỉ còn một đường đảo chánh. Tuy nhiên thượng tuần tháng 10, Đại sứ Lodge vẫn còn lừng khừng chưa gọi gì là ra tay hành động.
Nhưng thật sự Đại sứ Lodge hầu như khuyến khích những cuộc biểu tình của Phật giáo khắp mọi nơi trên toàn cõi Nam Việt Nam. Những lãnh sự Mỹ ở các tỉnh, Đại sứ Lodge triệu hồi về Saigon hội họp thường xuyên.
Đại sứ Lodge chỉ thị cho những vị này đứng ngoài những cuộc biểu tình đó và không một lời nào xây dựng hoặc chỉ trích các chính quyền địa phương. Hành động này phải được lộ hẳn ra ngoài mặt chi dân chúng thấy rõ.
Ông Lodge có thái độ như vậy không khác gì đốc thúc Phật giáo làm dữ để ngài Đại sứ dễ ăn nói với Tổng Thống Diệm đứng trước tình hình rối loạn.
Đại sứ Lodge trong khoảng thời gian này chưa có ý định vào quân đội Việt Nam lật đổ chế độ. Ngài Đại sứ chủ trương một cuộc cách mạng nhân dân đứng lên đảo chánh mới mạnh mẽ để Tổng Thống Diệm thấy rằng đồng bào đã xa lánh vị Tổng Thống của họ.
Về phía quân đội sẽ tiếp ứng vào phút chót khi thấy tình hình chín muồi, Đại sứ Lodge mong mỏi như vậy vì người Hoa Kỳ dè dặt về một chế độ quân nhân thành hình, nếu để các tướng lãnh khởi xướng cách mạng. Kinh nghiệm này đã xảy ra ở Đại Hàn khi người Mỹ xúi giục quân đội nước này hạ bệ chế độ Tổng Thống Lý Thừa Vãn. Tiếp theo đó Đại Hàn khủng hoảng chính trị và những tướng lãnh tranh quyền nhau.
Tại Việt Nam, người Mỹ Cabot Lodge tránh vết xe sa lầy đó. Song đến tháng 10-1963, Phật giáo đồ tiếp tục tự thiêu, xuống đường. Phía chính quyền bắt bớ giam cầm. Tình hình náo động vô cùng nhưng chính quyền vẫn thắng thế, dư luận quốc tế lên án chính quyền miền Nam chà đạp tôn giáo nhân quyền. Sự lên án đó kết tội Hoa Kỳ phải gánh lấy hậu quả, trách nhiệm hoàn toàn.
Người Mỹ chuyên viên bóp méo, sửa sai thời cuộc Henry Cabot Lodge gấp rút thanh toán chế độ Diệm vì diễn đàn Liên hiệp quốc sắp họp phiên khoáng đại.
Dư luận ngoài hành lang LHQ là các quốc gia Phật giáo sẽ biểu quyết yêu cầu các đại biểu ghi vào chương trình bàn luận về chính quyền miền Nam đàn áp tôn giáo. Cố nhiên khi ghi vào nghị trình phiên họp thì Hoa Kỳ sẽ bị chỉ trích nhiều nhất. Và mất ảnh hưởng với các quốc gia đã có cảm tình với Hoa Kỳ từ trước.
Tình trạng như thế, nên khi những bản phúc trình của CIA ở Saigon đệ trình Đại sứ Lodge là một số tướng lãnh Việt Nam đứng lên làm đảo chánh.
Đại sứ Lodge buông xuơi sự suy tính hầu cướp thời gian cho uy tín ràng buộc của người Mỹ tại Nam Việt Nam.
Đại sứ Lodge chấp nhận một cuộc đảo chánh do quân đội đứng đầu, ngài Đại sứ vội vàng như vậy vì thấy biến động Phật giáo đã sâu rộng mà không đi đến đâu.
Nếu cứ dựa vào Phật giáo qua ngày tháng thì e rằng phong trào này sẽ mỏi mệt và tàn rụi. Nếu biến động tàn rụi, chính quyền Diệm sẽ hống hách và coi thường Đại sứ Lodge cùng cả người Hoa Kỳ lôi cuốn theo.
Đại sứ Lodge chứng tỏ cá nhân ông cùng với sự liên đới chánh phủ của ông không phải là thứ hổ giấy trong Thế giới Tự do đứng trước tập đoàn Cộng sản quốc tế. Dù người ta nghĩ rằng Hoa Kỳ là một con hổ giấy thì con hổ giấy ấy có tầm lực cho người bàng quang chú ý với lòng sợ sệt.
Nhưng trong giai đoạn thời bấy giờ, Đại sứ Lodge tỏ thái độ đó nhằm vào chính quyền Ngô Đình Diệm và riêng cá nhân ông Nhu nhiều hơn cả. Cho nên cá nhân Lodge tiềm tàng sự ngông nghênh của một vị Đại sứ vĩ đại đến một quốc gia đang “được ơn” viện trợ lớn lao của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.
Đại sứ Lodge tự ái chính trị, nhắm mũi dùi vào ông Ngô Đình Nhu mà ngài Đại sứ cho rằng ông em của Tổng Thống Diệm đang dẫn dắt chế độ đến con đường cùng, gẫy đổ. Sự gãy đổ, nguyên nhân coi thường chính sách khuyến cáo của tập đoàn chính phủ Kennedy, một chính phủ được coi là đối thủ trẻ trung với Cộng sản trong lịch sử nước Mỹ.
Trong đó ông Lodge bảo thủ uy tín cá nhân nhiều hơn cả. Lodge đã không tuyên bố một lời nào về sự chống đối địa phương. Tư phong đó là một sự dồn ép tâm lý của một hạng người lão thành về chính trị.
Ông Ngô Đình Nhu bị cúp viện trợ trang trải cho Lực lượng Đặc biệt. Lodge cho rằng lực lượng này đối với người Mỹ, là phụng sự riêng tư cho ông Nhu. Quân đội phục vụ cho một cá nhân, chính phủ Hoa Kỳ không thể chấp nhận được.
Chính phủ Mỹ bỏ qua những ngân sách thâm lủng về Ấp chiến lược mà dư luận Hoa Kỳ cho rằng bao nhiêu tiền bạc của chính sách đó, lọt vào túi riêng vợ chồng ông Nhu.
Theo một số người liên quan đến chính sách Ấp chiến lược cho rằng những lời khuyến cáo của Đại sứ Lodge rất đúng. Lỗi lầm này không phải ông Nhu, nhưng vì các cấp dưới tham nhũng, nên số tiền xây dựng Ấp chiến lược bị mất mát rất lớn.
Dưới mắt người dân hồi bấy giờ đối với Ấp chiến lược rất thờ ơ. Trên toàn quốc nhiều nhất là khoảng 10 đến 15 ấp được coi là hoàn hảo, đúng nghĩa, đúng thực lực. Những ấp kiên cố này phần nhiều nằm ở vùng cao nguyên Trung phần. Còn số lớn các ấp khác xây dựng có tính cách tượng trưng.
Từ bên ngoài nhìn vào thấy rất đầy đủ. Nhưng nhìn kỹ mới rõ rằng yếu đuối vô cùng. Những hàng rào tre vót nhọn cắm xuống bùn mỏng manh không thể tưởng tượng được. Có nhiều ấp sau nửa tháng xây dựng đã thấy hư hỏng.
Những nhân vật hữu trách Hoa Kỳ đến Nam Việt Nam ông Nhu thường khoe khoang hữu hiệu chính sách Ấp chiến lược. Ông Nhu hướng dẫn đi xem xét vài ấp tiêu biểu.
Cố nhiên những ấp này ở cửa vùng Cao nguyên, Kiến Hòa, khu trù mật Vị Thanh. Người Mỹ thấy những ấp này đều nghĩ rằng trên toàn quốc đều như vậy cả.
Tuy nhiên Đại sứ Lodge không quan tâm đến. Lodge lại cho rằng Nhu là con người “lừa đảo” người Mỹ. Lodge không thể chấp nhận được.
Vì thế Lodge coi thường ấp chiến lược đến nỗi không cần khuyến cáo tân chế độ sau ngày 1-11-1963 đừng phá đổ chương trình.
Thật ra ấp chiến lược trong kế hoạch rất tốt đẹp và hữu dụng với chiến tranh du kích Cộng sản. Nhưng ông Nhu quá thiên nặng về lý thuyết mà bỏ rơi mất thực tế, thực trạng để cho người ta gán cho vợ chồng ông đã tham nhũng một số lớn Mỹ kim trong chương trình này.
Quan điểm của Đại sứ Lodge đối với chế độ Ngô Đình Diệm đi đến chỗ “vạch lá tìm sâu” những khuyết điểm. Người Mỹ có nếp sống thực tế, phân minh, nên họ rất mực thước về vấn đề tiền bạc.
Tiền bạc này là số tiền khổng lồ viện trợ cho Nam Việt Nam trong 9 năm chế độ Diệm cầm quyền. Số tiền đó người Mỹ cho rằng đã mất mát cho một chính thể gia đình trị mà ông Nhu đứng đầu chứ không phải Tổng Thống Diệm.
Đại sứ Lodge khuyến cáo, thuyết phục Tổng Thống Diệm nhưng đó là những lời nhắn nhủ đến ông Ngô Đình Nhu. Ông Nhu không thể cưỡng được người Mỹ mà ngài Đại sứ đang đại diện tại Saigon. Những hành động của ông Nhu, Đại sứ Lodge cho Tổng Thống Diệm biết là Tòa Đại sứ Mỹ đều thông suốt. Những lời nói mập mờ này, Tổng Thống Diệm không hiểu ông Lodge đòi hỏi điều kiện gì? Một người đạo đức như ông Diệm rất ghét những điều ám muội như vậy. Cho nên Tổng Thống giận lắm.
Mặt đỏ gay, những câu nói Pháp ngữ ngập ngừng lúng túng. Đó là thói quen của ông khi không bằng lòng điều gì.
Cố nhiên, sau cuộc hội đàm không bổ ích với Đại sứ Lodge, Tổng Thống thường gọi “chú Nhu” để mổ xẻ về ngài Đại sứ.
Riêng ông Nhu hiểu hơn ai hết. Ngài Đại sứ đang dằn mặt ông Nhu cố xoay chiều chính sách Mỹ ở Nam Việt Nam. Ông Nhu đang lo lắng, suy nghĩ, bộ mặt chảy dài ngàn năm càng thêm kéo dài đối với hình thù khó chịu.
Những việc làm của ông đã bị CIA theo dõi. Những lời của Đại sứ Lodge nói với Tổng Thống Diệm rất rõ ràng không đến nỗi mờ ám như Tổng Thống Diệm đang thờ ơ.
Ông Nhu tự kiểm điểm bản thân trong giây lát. Ông đâm ra nghi ngờ mọi người chung quanh công tác với ông. Sở Nghiên cứu Chính trị Phủ Tổng thống với nhiều bộ mặt lần lượt hiện rõ trong tâm trí ông Ngô Đình Nhu.
Ông Nhu tự hỏi ai đã tiết lộ bí mật của ông. Những bí mật đó là những cuộc tiếp xúc thầm kín giữa ông cố vấn với các đại diện Ba Lan bên cạnh Ủy hội Quốc tế tại Saigon. Ông Nhu đang dụ định mở cuộc tiếp xúc với hà Nội như trường hợp “Hiệp thương Bắc Nam” mà chế độ miền Bắc đã khởi xướng vào năm 1956. Theo giới thông thạo bên cạnh Sở Nghiên cứu Chính trị Phủ Tổng thống thì ông Nhu đã từng gặp đại diện Việt cộng ở rừng Trảng Bom và tây Ninh.
Công việc đang tiến hành thì vụ Phật giáo bùng nổ vào mùa hạ 1963 nên bị trì hoãn và Hà Nội thay đổi thái độ chính trị chế độ Diệm ở miền Nam. Ngược lại thời gian 1956, khi Hà Nội đòi hỏi “Hiệp Thương” Hoa Kỳ phá bĩnh lời yêu cầu đó qua chính quyền Ngô Đình Diệm đang thời kỳ thịnh vượng.
Lúc bấy giờ chính quyền Diệm đòi hỏi Hà Nội phải giảm quân số xuống 2/3 ngang hàng với VNCH mới nói đến Hiệp Thương Nam Bắc.
Trong giai đoạn này miền Bắc đang khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Hòa bình vừa mới vãn hồi, miền Bắc đòi hỏi nhiều cố gắng xây dựng. Tuy nhiên họ vẫn chú trọng đến huấn luyện quân sự ngày đêm và tăng quân số. Quân lính Bắc Việt vào khoảng 150 ngàn người tại hàng.
Miền Nam, chính quyền Diệm được coi là mới mẻ. Số quân lính Pháp chuyển qua chủ lực quân còn yếu kém, hỗm tạp không mấy hoàn hảo và thiện chiến. Ngoại trừ vài tiểu đoàn nhảy dù người Nùng Thượng du Bắc Việt mà ông Diệm cho đó là nòng cốt chủ lực quân VNCH. Trong hàng quân VNCH vào khoảng 40 đến 45 ngàn người.
Sự chênh lệch rõ ràng như thế, song Hoa Kỳ tin tưởng Tổng Thống Diệm đang được lòng dân và đang đường đi lên đến thành công. Hơn nữa, Hoa Kỳ vững tin vào những cố vấn Mỹ đến Việt Nam huấn luyện đạo binh VNCH từ hỗn tạp chiến thuật của Pháp để lại tiến đến tinh nhuệ quân đội.
Chính quyền Nam Việt Nam cấp bách tăng cường, huấn luyện quân số. Trường Võ bị Đà Lạt và trường Sĩ quan Thủ Đức tiếp tục thâu nhận sinh viên để đào tạo cấp lãnh đạo quân đội trọng đại.
Khóa 12 Võ bị Đà Lạt là khóa đầu tiên xuất thân dưới chế độ Ngô Đình Diệm kể từ ngày Hiệp định Genève ra đời. Tổng Thống Diệm đích thân chủ tọa lễ mãn khóa và đặt tên là Cộng hòa.
Đang ở thế vững mạnh, tiến bộ của VNCH, người Mỹ phá rối hiệp thương và thúc giục Nam Việt Nam gửi gián điệp ra Bắc phá nền kinh tế, quân sự Hà Nội. Những đội gián điệp này nằm trong Lực lượng Đặc biệt của Đại tá Lê Quang Tung.
Những toán Lực lượng Đặc biệt đó còn được gọi là biệt kích xâm nhập. Lúc bấy giờ thỉnh thoảng dân chúng được nghe tin những cơ sở quân sự, cầu cống, đường sá ở miền Bắc bị phá hoại.
Chính quyền miền Bắc kết tội là “bọn phản động” gián điệp đang âm mưu tê liệt nhà nước. Các cuộc phá hoại này cố nhiên do chính phủ Diệm và người Hoa Kỳ tổ chức tung người ra Bắc lập chiến khu, mặt trận du kích chống Cộng sản.
Tuy nhiên, những công tác này dưới thời Ngô Đình Diệm dấu kín để tránh sự tuyên truyền quốc tế do miền Bắc tung ra. Mãi đến cuối năm 1958 bước sang mùa hạ 1959, miền Bắc tung tin trên đài phát thanh Hà Nội là quân đội nhà nước vừa bắn hạ 1 máy bay DAKOTA ở mạn Thái Bình, Ninh Bình. Chiếc máy bay này không mang cờ, không mang số, mình phi cơ sơn màu đen để thực hiện phi vụ trong đêm. Đội phi pháo đã hạ phi cơ vào khoảng từ 2 giờ đến 3 giờ sáng.
Phi hành đoàn gồm 2 sĩ quan quân đội miền Nam và một sĩ quan người Mỹ. Xác chiếc phi cơ đem về Hà Nội trưng bày cho dân chúng xem và kết tội “Mỹ Diệm” vi phạm miền trời đất Bắc.
Trong 2 phi công sĩ quan, một người bị Bắc Việt đưa lên đài phát thanh phát biểu cảm tưởng. Và cố nhiên Cộng sản bắt buộc anh ta kết tội chính quyền “ngụy miền Nam”. Còn viên phi công kia không nghe nói đến.
Vị phi công không được nói đến tên là Trung úy T. về sau phi hành đoàn này ra tòa án Bắc Việt và bị kết án tù. Số phận của Trung úy T. đến những năm sau cùng của chế độ Ngô Đình Diệm cũng không biết sống chết như thế nào.
Theo những người của chế độ cũ (Ngô Đình Diệm) kể lại thì việc xâm nhập miền Bắc lúc bấy giờ tổ chức rất qui mô và hoàn hảo. Chính quyền Diệm đã đặt được nhiều cơ sở bí mật trên miền Thượng du, Trung du dọc theo biên giới Lào Việt, Hoa Việt. Thế đứng của các tổ biệt kích rất vững. Có toán thả ra Bắc từ 12 đến 30 người đã trở lại miền Nam rất an toàn.
Những người thả dù đó phần nhiều là người Nùng và họ được xâm nhập vào quê quán của chính họ. Tất cả đều hoạt động về đêm.
Chính quyền miền Nam cấp đủ giấy tờ giả của miền Bắc cho họ để dễ dàng di chuyển. Cũng có nhiều toán biệt kích vùng Phát Diệm, Bùi Chu và được các họ đạo Công giáo che chở bằng cách dấu trong các nhà thờ. Đặc biệt một toán 30 người xâm nhập vùng Bến Hải vào đến huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nơi quê hường của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Người trưởng toán này đã trở lại miền Nam ba tháng sau.
Anh ta làm một bản báo cáo rất kỹ, với nhiều trang giấy đệ trình Đại tá Tung về tình hình quê hương Tổng Thống. Bản tường trình này được xây dựng do sự yêu cầu của Tổng Thống và ông Ngô Đình Nhu. Nhưng về sau này không hiểu thái độ của Tổng Thống Diệm thế nào? Vì không thấy tiết lộ gì cả.
Mãi đến đời Tướng Khánh có sự Bắc phạt với bề ngoài rầm rộ cho dân chúng lên tinh thần. Tuy nhiên, trong giới tình báo cho rằng việc đó chẳng có gì mới mẻ, vì chính quyền Ngô Đình Diệm đã từng làm trong âm thầm.
Bắc phạt dưới thời Nguyễn Khánh, Tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ dẫn đầu phi vụ Skyraider. Đây là một việc làm dễ dàng đối với Tướng Kỳ. Vì đời Ngô Đình Diệm chính ông là người phi công xâm nhập đất Bắc nhiều lần. Trong vụ Bắc Việt hạ một phi cơ đã viết ở trên là bạn đồng hành với Tướng Kỳ (hồi đó ông mang cấp bậc Trung tá).
Trung tá Nguyễn Cao Kỳ dẫn đầu 2 phi cơ Dakota thả biệt kích ra Bắc. Chính ông lái một chiếc, còn chiếc kia là Trung úy T. (tự là T. râu) cầm đầu. Mỗi chiếc chở từ 15 đến 20 lính người Nùng được huấn luyện ở Long Thành rất kỹ càng trong 6 tháng.
Hai phi cơ không mang số cất cánh ngoài 1 giờ sáng ở Tân Sơn Nhất. Theo đường bay từ bờ biển vịnh Bắc Việt xâm nhập nội địa miền Bắc. Theo các nhân viên tình báo lúc bấy giờ đã có mặt trong buổi tiễn đưa kể rằng, tinh thần lính Nùng rất cao. Nghĩa là họ không sợ sệt gì cả. Họ trang bị khí giới tối tân. Mỗi một anh lính ngoài súng đạn máy móc chung quanh giây nịt lưng của họ mang theo rất nhiều rượu đế và bia. Trông họ dắt vào lưng những thứ ấy rất buồn cười.
Và trước khi thi hành công tác, gia đình họ không được biết. Gia đình họ được lãnh một số tiền lớn và 12 tháng lương, nên cá nhân mỗi người lính cảm tử này rất yên chí.
Máy bay của Trung tá Kỳ và Trung úy T. vào nội địa Bắc Việt rất dễ dàng. Hai viên phi công này bay rất cao. Khoảng 4 giờ sáng thì thả xong quân biệt kích xuống miền Trung du.
Công tác hoàn thành mỹ mãn, nhưng trên con đường về bị lộ mục tiêu nên máy bay Trung úy T. bị đạn, chính vị sĩ quan này đã báo cho Trung tá Kỳ rằng: “Trung tá, tôi bị bắn rồi”.
Phi cơ mất đường bay. Trung tá Kỳ nói vài câu trấn tĩnh Trung úy T. rồi bay lên cao hầu quan sát bạn đồng hành nhưng trong đêm tối không thấy gì cả. Trung tá Kỳ vội vàng lên cao nữa để tránh cao xạ và tìm đường trở về Nam Việt Nam.
Những cuộc thả biệt kích ra Bắc bị khám phá từ đó. Song những chuyến bay gây cơ sở cho biệt kích quân gây rối miền Bắc vẫn được tổ chức đều đặn bằng cách Hoa Kỳ tung ra loại phi cơ thám thính U2, không người lái và có người lái trên không phận Bắc Việt.
Loại phi cơ thám thính, chụp hình này bay với độ cao, mắt trần không thể thấy được. Hoa Kỳ đã sử dụng dưới đời Ngô Đình Diệm trong công tác gián điệp miền Bắc. Phi cơ U2 đã thành công lớn lao trong việc chụp hình các đồn binh và các dàn phi pháo Bắc Việt.
Chính Đại tá Lê Quang Tung là một sĩ quan trong bộ tham mưu Lực lượng Đặc biệt của ông đã ra hạm đội thứ 7 quan sát loại phi cơ U2. Kể từ ngày có U2 hoạt động, những chuyến bay thả biệt kích trên lãnh thổ Bắc Việt tránh được cao xạ. Và cũng kể từ đó không còn nghe Bắc Việt loan truyền trên đài phát thanh Hà Nội là bắn hạ thêm máy bay Dakota nữa.
Hoạt động của U2 trôi chảy đến năm 1959 thì Nga sô phát giác loại phi cơ này. Nga sô nhờ máy radar cực mạnh đặt theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sô. Máy radar hoạt động đêm ngày ở biên giới này vì vào thời đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu nước Mỹ đặt nhiều hỏa tiễn Hawk bảo vệ xứ này trước sự đe dọa của Nga sô. Khi U2 từ một căn cứ quân Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập lãnh thổ Nga sô thám thính thì bị bắn hạ. Viên phi công điều khiển máy bay này là Đại tá Power nhảy dù với độ cao kinh khủng và bị Nga sô bắt giữ cầm tù. Hai tháng sau trên diễn đàn Liên hiệp quốc, Thủ tướng Nga sô Khrouchev tháo giầy cầm tay đập lên bàn phản đối hành động gián điệp của Hoa Kỳ. Các quan sát viên theo dõi hoạt độnt Liên hiệp quốc cho rằng hành động của Thủ tướng Nga làm hoen ố cơ quan hòa bình này và đã xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử LHQ.
Mãi đến đời Kennedy, viên phi công Đại tá Power mới được Nga sô phóng thích trong một cuộc trao đổi viên Đại tá gián điệp người Nga bị bắt tại Nữu Ước. Cuộc trao đổi này được diễm ra về đêm giữa Tây Đức và Đông Đức.
Hiện nay Đại tá Power đã giải ngũ. Ông là một trong những phi công lãnh lương cao nhất của hãng Pan-Am. Nhiệm vụ của Power là bay thử những chiếc phi cơ vừa mới hoàn thành, trước khi sử dụng trên đường bay thương mại quốc tế.
Nga sô hạ được U2, Bắc Việt đề cao cảnh giác, nghi ngờ rằng Hoa Kỳ cũng đang sử dụng loại máy bay này trên lãnh thổ miền Bắc. Thật thế, một năm sau, Bắc Việt la hoảng. Hoa Kỳ vi phạm chủ quyền nền trời Bắc bằng phi cơ không người lái.
Thỉnh thoảng Hà Nội tuyên bố bắn được loại phi cơ này mà Bắc Việt gọi là phi cơ không người lái. Từ đó U2 không còn là loại phi cơ bí mật đối với chiến trường gián điệp. Song Hoa Kỳ đã tung ra một bộ óc gián điệp làm điên đầu thế giới Cộng sản một thời.
U2 là một tên gián điệp điện tử cuối cùng để bước sang một kỷ nguyên mới vệ tinh nhân tạo gián điệp mà hiện nay Hoa Kỳ và Nga sô đang sử dụng.
Lực lượng Đặc biệt do ông Ngô Đình Nhu tổ chức, Đại tá Lê Quang Tung điều khiển đã được Hoa Kỳ hỗ trợ như thế. Nên ông Nhu bận tâm phát triển Lực lượng này. Phát triển đến độ ông Nhu dùng binh chủng này làm nòng cốt bên cạnh chế độ Ngô Đình Diệm.
Và khi Phật giáo nổi loạn, ông Nhu dìng lính Lực lượng Đặc biệt thao túng thủ đô Saigon làm sai nguyên tắc nhiệm vụ của những người lính này. Người Hoa Kỳ không bằng lòng như vậy.
Nói đúng nghĩa Lực lượng Đặc biệt dưới thời Ngô Đình Diệm chưa đúng hẳn là một lực lượng mạnh. Nhưng phải nói rằng một tổ chức quy củ, nguy hiểm cho chính quyền Bắc Việt. Bên ngoài, người ta cho rằng ông Nhu và Đại tá Lê Quang Tung là nòng cốt, thật ra Lực lượng Đặc biệt này bị ràng buộc vào sự tổ chức của số lớn sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ.
Ban đầu, Lực lượng Đặc biệt tuyển dụng những quân chính quy dù nguyên quán ở miền Bắc. Nhưng chỉ tuyển chọn một số ít làm căn bản mà thôi. Còn lại, cố vấn Hoa Kỳ yêu cầu Đại tá Tung thâu nhận dân sự để huấn luyện.
Cho nên, phần lớn Lực lượng Đặc biệt được gọi với danh từ bán quân sự. Những người lính được coi là dân sự chiến đấu. Người Mỹ gọi tắt là CIDG. Vào thời đó, thỉnh thoảng người ta thấy một vài ông lính với vận phục lạ lùng thả bộ trên đường phố với bộ đồ dơi đen, trên ngực dính huy hiệu đầu lâu có hai xương gác chéo phía dưới trắng hếu. Đó là lính Lực lượng Đặc biệt.
Lực lượng Đặc biệt của ông Ngô Đình Nhu có hai loại. Loại thứ nhất là đi Bắc, và loại thứ hai ở nội địa. Những người lính đi Bắc được huấn luyện ở Long Thành. Trong thời gian huấn luyện, được tiếp xúc với gia đình. Nhưng đến giai đoạn sắp hết và chuẩun bị công tác thì mọi cuộc tiếp xúc với bên ngoài bị gián đoạn. Họ được đối đãi sung sướng, muốn gì được nấy.
Mỗi tuần được xuống hồ tắm quân đội Lido (Gia Định) bơi lội một lần. Mọi sự di chuyển ra khỏi Long Thành đầu dùng xe bít bùng (loại xe chở tù nhân ở Khám Chí Hòa). Trong thời gian này, người ta gọi những lính đi Bắc vào “nhà điên”. Danh từ này đặt ra một cách đứng đắn trong trại huấn luyện Long Thành.
Ngôi nhà điên là dãy phòng phong tỏa có biêin giới cho những lính đi Bắc trú ngụ. Khu vực này cấm chỉ những người qua lại. Thỉnh thoảng người ta thấy rất nhiều đoàn văn nghệ với đầy đủ ca sĩ nổi tiếng đến dãy nhà điên trình diễn cho lính đi Bắc thưởng thức.
Vào thời gian đó, khu nhà điên rất nhộn, những tiếng la hét, cười nói vang dậy hầu như mất trật tự. Theo một số nghệ sĩ cho biết thì số lính này đều cạo trọc, đầu nhẵn bóng, trông bướng bỉnh vô cùng. Nhiều khi làm trở ngại cuộc trình diễn, nhưng vị trại trưởng vẫn thả lỏng cho họ.
Đó là điều ngạc nhiên hết sức đối với nhóm nghệ sĩ đến trình diễn ở một đồn binh quân sự. Nhưng họ không ngờ đám lính đó sắp thi hành những công tác nguy hiểm. Vị trại trưởng đã vấn an với nghệ sĩ và yêu cầu hết sức tha thiết là đừng làm mất lòng đám lính mà bên ngoài rõ ràng “ô hợp”.
Người Mỹ đóng vai trò tuyển dụng binh sĩ và trả lương cho mỗi người lính đặc biệt. Sĩ quan Việt Nam bên cạnh chỉ lo về thủ tục giấy tờ mà thôi. Vì vậy những lính Lực lượng Đặc biệt này thường gọi mình là “lính đánh thuê” (Mercenaire). Một danh từ hài hước phủ phàng.
Những sai lầm cỏn con của người Mỹ như thế, nên một số lính dân sự chiến đấu này ở trong hàng ngũ một thời gian hoặc sau khi vào nhà điên đã trốn đi biệt tích.
Trường hợp này gọi là trốn chứ không phải đào ngũ vì Lực lượng Đặc biệt là thứ nửa quân sự, nửa dân sự. Số tiền lương mỗi người lính Đặc biệt rất cao. Nghĩa là gấp 3 người lính VNCH dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Những trại Lực lượng Đặc biệt binh sĩ chia thành từng toán 9 người Việt và cố vấn Mỹ. Ba người Mỹ này không phân định cấp bực rõ ràng, nghĩa là có toán 2 sĩ quan và một hạ sĩ quan. Có toán hoàn toàn 3 hạ sĩ quan.
Trong 3 người Mỹ này, một làm cố vấn trươỏng, một làm cố vấn phó và người cuối cùng trông coi về máy truyền tin khi hành quân xâm nhập ngoại địa VNCH. Về phía 9 người Việt Nam gồm có: một sĩ quan từ cấp Chuẩn úy đến Đại úy trưởng toán, một Trung sĩ hoặc Thượng sĩ làm phó toán. Các người còn lại là dân sự chiến đấu.
Dười thời Ngô Đình Diệm, Lực lượng Đặc biệt đã dùng một số ít tiểu liên AR16 và tiểu liên SK Thụy Điển. Có nhiều toán lại dùng vũ khí AK47 đã lấy được của Việt cộng. Mỗi toán Lực lượng Đặc biệt đều lấy tên mỗi tiểu bang Hoa Kỳ. Vào thời bấy giờ, toán nổi tiếng nhất là toán Texas, Kansas, Oregon.
Những tổ chức Lực lượng Đặc biệt tổ chức qui mô, vững chắc như vậy. Sonfg hầu hết lệ thuộc vào ngân sách của người Mỹ chi tiêu. Đây là một khoảng tiền không nằm trong hệ thống viện trợ Mỹ, mà là một ngân sách riêng biệt của CIA. Cho nên số lượng không đặt được tiêu chuẩn nhất định.
Vì những nguyên nhân đó, trước ngày cách mạng 1-11-1963, người Mỹ đe dọa cắt tiềin chi dụng Lực lượng Đặc biệt làm cho ông Ngô Đình Nhu điên đầu vì việc trả lương cho đơn vị này. Ông Nhu phải lấy một số tiền lớn trong ngân sách quốc gia mà trang trải. Nên việc tài chánh của chính phủ được coi là thâm lủng không biết làm sao hàn gắn được. Ông Ngô Đình Nhu gắng gượng với đường lối, còn nước còn tát, phản đối Đại sứ Lodge về hành động “đưa con bỏ chợ” của người Mỹ.
Đại sứ Lodge chẳng quan tâm đến lời khuyến cáo của ông Nhu mà còn nói rằng, ông lo lắng sự thiếu thốn đạn dược, lương hướng sẽ đưa đến cuộc nổi loạn của Lực lượng Đặc biệt.
Ông Nhu tức giận Đại sứ Lodge đến tột độ, nhưng lại tránh mặt ngài Đại sứ. Ông Nhu ngấm ngầm nhắn nhủ Đại sứ Lodge qua Tổng Thống Diệm là người Mỹ chịu trách nhiệm với Thế giới Tự do nếu miền Nam lọt vào tay Cộng sản. Tuy nhiên Đại sứ Lodge không mấy quan tâm đến lời đe dọa viển vông đó, trong trí ông đã có kế hoạch san bằng chế độ Diệm cấp tốc rồi.
Nói đến Lực lượng Đặc biệt thời đệ nhất Cộng hòa là mối ràng buộc duy nhất, ngoài viện trợ giữa chính quyền và người Hoa Kỳ. Người Mỹ rấ muốn nhúng tay vào việc điều khiển quân lực Việt Nam. Nhưng Tổng Thống Diệm đã hạn chế và chỉ chấp thuận cố vấn mà thôi. Riêng Lực lượng Đặc biệt người Mỹ đã thao túng mọi việc, mọi ngành trong cơ quan này.
Sự vững mạnh và công hiệu của đơn vị này đã làm cho ông Ngô Đình Nhu không đặt vấn đề tương quan Mỹ-Việt. Vì ông Nhu thấy cái lợi rõ ràng mà những toán xâm nhập đã gặt hái trên đất Bắc, gây rối chính quyền Hà Nội.
Nên Hoa Kỳ không chấp nhận Hiệp thương Bắc Nam, ông Nhu lẫn ông Diệm đều cho là hữu lý trên bình diện quân sự, kinh tế Nam Việt Nam trên đường phát triển.
Thế đứng đang lên. Hà Nội yêu cầu được “nói chuyện” với miền Nam. Miền Nam từ chối rồi đến năm 1960 Nam Việt Nam trở thành mặt trận du kích Cộng sản. Nội bộ lủng củng từ vụ đảo chánh hụt 11-11-1960 đến các đoàn thể, chánh khách kết tội chế độ Diệm gia đình trị, độc tài. Báo chí Mỹ khai thác triệt để các tin đó và dần dần chế độ đó bước vào con đường cùng. Và con đường cùng đó, quân đội khai thác thành ngày cách mạng 1-11-1963.
Từ Lực lượng Đặc biệt đến Hiệp thương Nam Bắc, người Hoa Kỳ không tiên liệu đến sự đứng vững của một chế độ. Một chế độ được coi là vững mạnh rồi cũng chế độ đó người Hoa Kỳ kết tội, thanh toán vì độc tài.
Dưới ánh mặt trời Nam Việt Nam, bàn tay sắt bọc nhung của Đại sứ Lodge đã thi hành kế hoạch ấy. Lực lượng Đặc biệt với mối hoài bão của ông Nhu trong việc chống Cộng. Cũng lực lướng đó phong tỏa chùa chiền tại thủ đô Saigon, ông Nhu hãnh diện về lực lượng đó bao nhiêu thì cũng lực lượng đó đưa ông đến cái chết đau đớn nhất.
Và người chỉ huy Lực lượng Đặc biệt, Đại tá Lê Quang Tung, dư luận cho rằng đã bị giết trong ngày cách mạng 1-11-1963. Nhưng đâu là sự thật? Cái chết của Đại tá Lê Quang Tung hoàn toàn bí mật.
Vì thi thể của ông đến giờ phút này vẫn chưa tìm được. Chúng tôi sẽ bàn đến Đại tá Lê Quang Tung trong một vài chương sắp đến để biết ông ta sống hay chết.
4.
LODGE VỚI TIÊNG SÚNG CÁCH MẠNG
LÚC 13G30 NGÀY 1-11-1963, TIẾNG SÚNG CÁCH MẠNG BẮT ĐẦU NỔ vang trong thủ đô Saigon. Ngài Đại sứ bình tâm ngồi ở bàn giấy Tòa Đại sứ chờ đợi những phúc trình, báo cáo về diễn biến bên ngoài. Gương mặt ngài Đại sứ trông mệt mỏi của một người thiếu ngủ. Một viên chức Tòa Đại sứ cho biết kể từ ngày đến Việt Nam, Lodge đã làm việc mỗi ngày trên 20 tiếng đồng hồ.
Kể từ sáng 1-11-1963 đến giờ đảo chánh, Đại sứ Lodge không còn liên lạc với Phủ Tổng Thống nữa. Hơn nữa, trong ngày này là Lễ Các Thánh, Đại sứ Lodge viện lẽ Tổng Thống Diệm là người mộ đạo thì rất bận về lễ nghi Công giáo.
Trong khi đó Đô đốc Felt, Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương có mặt tại Saigon và Đại sứ Lodge đã mở tiệc khoản đãi ông ta từ tối hôm trước tại tư dinh. Cố nhiên Đại sứ Lodge đã cho Đô đốc Felt biết rõ cuộc lật đổ Tổng Thống Diệm sẽ khởi đầu vào buổi trưa trong ngày Lễ Các Thánh.
Đô đốc Felt là người rất có cảm tình với cá nhân Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong thâm tâm, Felt không muốn có một cuộc cách mạng quân đội như vậy. Dù rằng ông đã chứng kiến tận mắt, tận cỗ những cuộc náo động của Phật giáo trên đường phố Saigon.
Đô đốc Felt không mấy đặt tầm quan trọng của đoàn thể này có thể làm rung chuyển chế độ Diệm. Đại sứ Lodge cho Felt biết tuy lật đổ Tổng Thống Diệm nhưng cá nhân Tổng Thống vẫn đượoc bảo đảm.
Lật đổ này nhằm vào chế độ, thanh lọc các phần tử chống lại chính sách Hoa Kỳ mà dẫn đầu là ông Ngô Đình nhu. Luôn tiện chứng minh cho Tổng Thống Diệm hiểu rõ, quần chúng đã rời ông ta quá xa vì chế độ đã cũ mèm, không tiến bộ.
Đô đốc Felt nghe Lodge trình bày như thế thì tin chắc rằng tánh mạng Tổng Thống Diệm được bảo đảm hoàn toàn. Và ông cũng đồng ý rằng chính sách Mỹ tại Việt Nam đã xoay chiều vì chế độ Diệm đã đụng chạm đòan thể Phật giáo mà quần chúng chiếim đa số 2/3.
Cảm tình tiêng với Tổng Thống Diệm, Đô đốc Felt lại là một nhân sự trong tập đoàn Mỹ thi hành chính sách Hoa Thịnh Đốn ở Đông Nam Á.
Nên, vì quyền lợi nước Mỹ, ông phải nhúng tay vào kế hoạch đảo chánh của Đại sứ địa phương Henry Cabot Lodge. Có thể nói rằng, đó là việc ngoài ý muốn của viên Tư lệnh Hải quân Đô đốc Felt.
Sáng ngày 1-11-1963, lúc 9 giờ 30, Đô đốc Felt vào dinh Gia Long yết kiến Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong cuộc đàm luận thân mật, Đô đốc Felt chúc tụng Tổng Thống Diệm và xác nhận chính sách Mỹ ủng hộ Việt Nam. Đô đốc Felt rất vui vẻ kính trọng Tổng Thống Diệm như những lần trước ông ta đến quan sát tình hình Nam Việt Nam.
Tổng Thống Diệm đã than thở với Đô đốc Felt về người Mỹ không thực tâm đối với chính phủ trong các vụ biến động Phật giáo.
Ông Diệm trình bày về uy quyền chính phủ, sự nhượng bộ những điểm Hội đồng Liên phái Phật giáo đòi hỏi. Ông Diệm nói nhiều nhất về lá cờ quốc gia và lá cờ Phật giáo.
Đô đốc Felt nghe rất chăm chú và vấn an luôn miệng sự ủng hộ chánh phủ tuyệt đối. Những nhân viên thân cận Tổng Thống Diệm thấy cuộc mạn đàm rất lạc quan.
Nhưng sau những ngày cách mạng thành công, những người này ngó lại cuộc hội đàm đó thì cho rằng lúc đó Đô đốc Felt trông ngượng ngập và thoáng vẻ buồn. Họ cũng không ngờ dáng điệu đó là Đô đốc Felt đang lo ngại cho Tổng Thống Diệm.
Cuộc thăm viếng dinh Gia Long sáng ngày 1-11-1963 của Đô đốc Felt được coi là nhân vật mà Tổng Thống Diệm tiếp kiến cuối cùng trong 9 năm tại vị Tổng Thống đệ nhất Cộng hòa Việt Nam. Có hai giả thuyết về sự yết kiến của Đô đốc Felt:
Giả thuyết thứ nhất là do sự dàn xếp của Đại sứ Lodge, để Đô đốc Felt dò la tình hình dinh Gia Long. Sau khi nói chuyện với Tổng Thống Diệm, Đô đốc Felt cho ông Lodge biết là Tổng Thống Diệm không hề biết gì về cuộc đảo chánh sắp khởi sự vài tiếng đồng hồ sau.
Tổng Thống Diệm vẫn cứng rắn, tin tưởng ở ý chí của ông. Nói như thế để biết rằng, ông Diệm lúc nào cũng lạc quan về quần chúng đa số đứng về phía chính quyền mà cá nhân ông Diệm là tiêu biểu.
Giả thuyết thứ hai là cuộc thăm viếng của Đô đốc Felt có tính cách tình cảm thân thiết ngưỡng mộ riêng tư. Đô đốc Felt muốn gặp ông Diệm một lần cuối trước khi ông ta mất hẳn chiếc ghế Tổng Thống.
Trong vấn đề yết kiến xã giao của Đô đốc Felt, sau ngày cách mạng, các quan sát viên cho đó là sự bày trò của Đại sứ Lodge. Đại sứ Lodge thâm ý gài bẫy Đô đốc Felt vào cuộc chính biến miền Nam mà Lodge là người chủ mưu. Đô đốc Felt là một nhà quân sự không mấy cao vọng.
Ông đặt vấn đề thắng Cộng sản ở Đông Nam Á lên làm hàng đầu hơn là thao túng chính trị tại các chính phủ địa phương. Cho nên Đô đốc Felt đứng ngoài vòng chính biến nội bộ Nam Việt Nam. Vì vậy, sau khi yết kiến Tổng Thống Diệm, Đô đốc Felt hủy bỏ các cuộc thăm viếng binh sĩ theo thường lệ. Ông vội vàng lên máy bay về hạm đội thứ bảy trên đường đến Hạ Uy Di.
Lúc bấy giờ người ta cho rằng Đô đốc Felt lẳng lặng rời Việt Nam ra hạm đội thứ bảy trên Thái Bình Dương là để huy động lực lượng này canh chừng bờ bể Nam Việt Nam trong khi nội bộ trên đất liền của chính phủ Saigon sẽ kéo dài cuộc hỗn loạn và khủng hoảng chính trị lâu dài. Điều này có thể sác thực vì Đô đốc Felt trở lại Bộ Tư lệnh hầu đối phó với Việt cộng lợi dụng cơ hội VNCH rối ren để tấn công.
Đại sứ Felt rời Việt Nam để lại nhiều chi tiết vui mừng cho Đại sứ Lodge. Chắc chắn ông Diệm và ông Nhu không hay biết một mảy may nào về đảo chánh sắp bùng nổ. Ông Lodge thấy rõ sự thành công và chính quyền Diệm bất chợt bị lật đổ.
Sự lật đổ đó chẳng qua không đi theo lời khuyến cáo của Đại sứ Lodge trước thảm trạng do những nhà tu hành Phật giáo bạo động bằng phương pháp tự thiêu.
Những cuộc tiếp xúc giữa Lodge và Hội đồng Quân nhân Cách mạng được coi như gián đoạn hẳn kể từ buổi sáng tinh sương 1-11-1963. Những dự trù, xếp đặt đã xong xuôi từ hôm 26-10-1963, chỉ còn đợi cơ hội thuận tiện thi hành.
Đại sứ Lodge gián đoạn liên lạc với HĐQHCM vào ngày Lễ Các Thánh là một hành động ném đá dấu tay. Đó là việc trừ bị dư luận quốc tế gán cho Hoa Kỳ khuynh đảo chính phủ miền Nam.
Và Đại sứ Lodge cũng phòng ngừa đến sự thất bại mà tiếng tăm Hoa Kỳ không bị chỉ trích của chính phủ.
Giờ hành động điểim. Lúc 13g30 văn phòng Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt của Đại tá Lê Quang Tung trú đóng bên cạnh vận động trường quân đội Tiểu đoàn 2 Truyền tin do Đại úy Đỗ Như Luân và Đại úy Chu Văn Trung chỉ huy tấn công và chiếm đóng. Một số đông quân chính qui và dân sự chiến đấu của lực lượng này đầu hàng. Trong khi đó, Đại tá Lê Quang Tung bị Hội đồng Quân nhân Cách mạng gạt vào Tổng Tham mưu họp ngày cuối tuần và bị quản thúc tại đó.
Một phút sau, vài phát súng lẻ tẻ ở mạn đường Trần Hưng Đạo, đường Võ Tành Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia bị quân đảo chánh chiếm giữ. Tiếp theo đó, nền trời thủ đô, chung quanh dinh Tổng Thống nặc mùi thuốc súng. Thành Cộng hòa bị phong tỏa. Đài phát thanh Saigon bị quân đảo chánh rầm rộ từ mạn xa lộ Biên Hòa uy hiếp.
14 giờ ngày 1-11-1963, đài phát thanh bị Thủy quân Lục chiến do Thiếu tá Nguyễn Bá Liên cầm đầu bốn tiểu đoàn dân công đầu tiên lên HĐQNCM đã chiếm đài phát thanh.
Những bản hùng ca của tiếng nói Thủy quân Lục chiến phát thanh trên làn sóng ngắn và làn sóng dài trên toàn quốc.
Đài phát thanh, cơ quan đầu não tuyên truyền đã bị quân đảo chánh cướp được thì chế độ coi như nguy nan. Bốn vùng chiến thuật, nhất là các Tư lệnh Quân đoàn bắt được làn sóng điện đài Saigon, nghe tiếng nói của Quân Cách mạng, không chóng thì chầy, họ phải hưởng ứng vì coi như chế độ Diệm đã bị lật đổ hoàn toàn.
Trên thực tế, tại Saigon, Thủy quân Lục chiến cướp được Đài phát thanh, song tình hình chưa lấy gì làm ngã ngũ. Dinh Gia Long, thành Cộng hòa của quân Liên binh Phòng vệ Tổng Thống Phủ đang chuẩn bị bố trí phản công.
Đại sứ Lodge được tin báo cáo quân đảo chánh lấy được Đài phát thanh, kêu gọi Tổng Thống Diệm đầu hàng. Và Hội đồng Quân nhân Cách mạng chuẩn bị phi cơ đưa Tổng Thống ra ngoại quốc. Đại sứ Lodge toại nguyện vì phía Tướng lãnh đã thực thi đúng như lời giao ước của người Mỹ đối với cá nhân, gia đình Tổng Thống Diệm.
Đến 14g15 Phòng vệ Tổng Thống Phủ xuất quân một phần nhỏ ra khỏi thành Cộng hòa với nhiều thiết vận xa yểm trợ. Số quân lính này tiến về mặt Sở Thú theo lộ trình Nguyễn Bỉnh Khiêm uy hiếp lên mạn cầu xa lộ Phan Thanh Giản bên cạnh Đài phát thanh Saigon.
Thiết vận xa, quân lính đảo chánh thấy vậy dừng lại phía ngoài xa lộ. Trước Đài phát thanh, 4 chiếc thiết vận xa án ngữ. Liên binh Phòng vệ cứ tiến tới mãi và hai bên nổ súng. Quân đảo chánh do một sĩ quan cấp úy Thủy quân Lục chiến bắt máy phóng thanh nói rằng Liên binh Phòng vệ Tổng Thống Phủ làm phản Tổng Thống, chúng tôi về đây bảo vệ thủ đô. Vị chỉ huy LBPV được lệnh giải tỏa Đài phát thanh bất cứ giá nào để trả lời anh em đã bị lừa gạt, chúng ta đều ủng hộ Tổng Thống Diệm cả.
Đừng bị mắc lừa. Tiếng qua lời lại, cuối cùng hai bên án binh bất động. Đài phát thanh yên lặng không còn nghe tiếng súng nữa. Hai vị sĩ quan hai bên đến gặp nhau, bắt tay chuyện trò vui vẻ.
Kết cuộc, Thủy quân Lục chiến, chiến xa, lùi ra ngoài, trao trả Đài phát thanh cho Liên binh Phòng vệ. Nhưng từ đó Đài phát thanh im lặng những bài bình luận, chỉ phát thanh nhạc hùng. Vì Liên binh Phòng vệ Tổng Thống Phủ còn phải đợi lệnh.
Tổng Thống Diệm và ông Nhu được tin đã chiếm lại Đài phát thanh thì bắt đầu khinh lực lượng đảo chánh. Tổng Thống Diệm lạc quan hơn ai hết và đợi chờ sự đối phó thêm lên của ông Nhu trước tình hình được coi là thuận lợi.
Những lời hăm dọa Tổng Thống phải đầu hàng, ra ngoại quốc không còn vương vấn trong trí ông ta nữa. Chính các sĩ quan thân cận bên Tổng Thống Diệm cũng rất lạc quan.
Vì cướp lại được Đài phát thanh là cú “phản pháo” đầu tiên để đo lường lực lượng đảo chánh, họ tin tưởng Tổng Thống Diệm sẽ thắng cuộc đảo chánh thứ hai này kể từ ngày 11-11-1960.
Khi được loan báo Đài phát thanh Saigon bị “quân phản loạn” chiếm, Tổng Thống Diệm giận bao nhiêu thì khi quân chính phủ chiếm lại thì trông chiều ông vui hẳn lên bấy nhiêu. Riêng về Đại sứ Lodge, bắt đầu e ngại sự thất bại sẽ đến không còn xa nữa. Đại sứ Lodge đốc thúc một số nhân viên trung cấp Tòa Đại sứ Hoa Kỳ liên lạc thẳng với Tổng Tham Mưu, nơi bản doanh của Hội đồng Quân nhân Cách mạng.
Lúc bấy giờ mọi việc trong Tòa Đại sứ Mỹ đều ngưng lại hầu để dồn tất cả cho từng giây phút biến cố đảo chánh chế độ Diệm. Ủy viên liên lạc ngoại giao của Hội đồng Quân nhân Cách mạng nói chuyện với Tòa Đại sứ Mỹ là trong vài phút đồng hồ nữa, quân cách mạng sẽ mở cuộc tấn công, chiếm cho kỳ được Đài phát thanh trở lại, Tòa Đại sứ cho biết Đại sứ Lodge yêu cầu thanh toán gấp rút biến động, dù phải bị tiêu hao vật chất và nhân sự.
Sự thúc giục của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ đã thành quả. Đến 15 giờ, quân đảo chánh chiếm hoàn toàn Đài phát thanh Saigon trong lần thứ hai. Thủy quân Lục chiến phát thanh rằng: “Thủy quân Lục chiến Việt Nam đứng lên lật đổ chế độ Diệm và đứng sau lưng Hội đồng Quân nhân Cách mạng do Trung tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch”.
Qua đến 15g30, quân đảo chánh uy hiếp thật sự thành Cộng hòa của Liên binh Phòng vệ Tổng Thống Phủ. Trong khi đó Đại sứ Lodge gọi giây nói cho Tổng Thống Diệm và điệm đàm giữa hai người trong vòng 4 phút đồng hồ. Nội dung cuộc điện đàm này là Đại sứ Lodge mong mỏi được bảo đảm tính mạng cho Tổng Thống rời khỏi dinh Gia Long lánh nạn tại Tòa Đại sứ Mỹ, Đại sứ Lodge sẽ thân chinh vào dinh Gia Long đưa Tổng Thống ra ngoài.
Tổng Thống Diệm đã từ chối trong sự căm tức. Đại sứ Lodge thuyết phục thêm, dong Tổng Thống Diệm cám ơn và dằn ống nói xuống giá. Từ giờ phút đó trở đi, Tổng Thống Diệm cảm thấy nguy hiểm, nên ông xuống trú ẩn trong ngôi hầm bí mật được cất xây dưới đất sâu ở sau dinh Gia Long.
Thành Cộng hòa vẫn nổ rền tiếng súng giữa sự tranh chấp hai bên quân lính, ủng hộ và lật đổ chế độ Diệm. Lúc đó 16 giờ, hai chiếc máy bay Skyraider lượn trên nền trời Phủ Tổng Thống và thành Cộng hòa.
Hai chiếc phóng pháo này đảo vài vòng và bắn 2 quả Rocket xuống thành Cộng hòa. Đó là mở màn của binh chủng không ủng hộ Hội đồng Quân nhân Cách mạng và tăng thêm tinh thần cho quân đảo chánh gấp rút thanh toán mục tiêu.
Sau những lời đe dọa của Tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh cuộc hành quân Thủ đô Saigon thông báo với Tổng Thống Diệm là nếu không đầu hàng, Tướng Đính sẽ ra lệnh cho Trung úy phi công Phạm Phú Quốc thả bom san bằng dinh Gia Long. Hiện Trung úy Quốc đang sửa soạn máy bay cất cánh, nếu Tổng Thống Diệm, ông Nhu còn ngoan cố.
Đến 17g15, Đại sứ Lodge liên lạc với Tổng Thống Diệm thêm một lần nữa với luận điệu cũ. Tổng Thống Diệm không trả lời mà chỉ thị cho sĩ quan tùy viên cho ông Đại sứ biết, Tổng Thống bận rộn.
Theo Tổng Thống Diệm và ông Nhu thì hành động của Đại sứ Lodge muốn gài bẫy để hạ bệ chế độ nhanh chóng. Sự lánh nạn tại Tòa Đại sứ Mỹ không còn bảo đảm theo tính chất quốc tế nữa.
Người Mỹ đã nhúng tay vào nội bộ chính phủ thì việc đến lánh nạn bên cạnh Lodge là một sự ươn hèn. Tổng Thống Diệm là người tự ái và uy lực, chủ quyền, nên ông không thể chấp nhận lối ngoại giao của Lodge được.
Người Mỹ Henry Cabot Lodge đến giờ đảo chánh mới lường được thủ đoạn gian hùng mà trước đó vào tháng 8-1963 Tổng Thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu coi thường để tách rời chính sách đè nén của Hoa Kỳ với chính quyền Nam Việt Nam.
Đại sứ Lodge đã đánh ván bài Pocker xả láng với chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngài Đại sứ che dấu một con cờ gian lận với lịch sử Việt Nam sau này. Sự che dấu đó bằng lối nhân đạo “bảo đảm tính mạng” và chứa chấp Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong Tòa Đại sứ Mỹ.
Sự tháo cáy âm thầm của Lodge bị lộ hẳn ra ngoài làm cho Tổng Thống Diệm e dè. Vì thế, ông Nhu từ chối sự bảo đảm của Lodge được coi lè vẻ vang trong đời chính trị của hai ông ở xứ này.
Không đến Tòa Đại sứ Mỹ, gạt phăng những ý kiến vào giờ đảo chánh của Lodge, Tổng Thống Diệm và ông Nhu đã hành động hợp lý. Về phía Lodge thất bại thêm một lần nữa đối với Tổng Thống Diệm. Thâm ý của Lodge muốn “chiêu hàng” Tổng Thống Diệm về Tòa Đại sứ là ru ngủ quần chúng Việt Nam qua sự độ lượng, khoan dung của người Mỹ. Đồng thời dằn mặt Tổng Thống Diệm về sự ương ngạnh, nên hậu quả mới đến mức này. Tổng Thống Diệm và ông Nhu đã tiên liệu được điều đó, nên không muốn thấy bộ mặt “phách lối” của nhà chính trị lão thành Lodge.
Tổng Thống Diệm tin tưởng, mơ ước quần chúng ở sau lưng ông thì việc lánh ở Tòa Đại sứ Mỹ là điều sỉ nhục đối với vị nguyên thủ quốc gia, Tổng Thống Diệm là người “Tôi tiến, tiến theo tôi, tôi lùi, hãy giết tôi, tôi chết hãy trả thù cho tôi…”
Cho nên kết luận rằng từ ngày đến Việt Nam trong chính thể Diệm cho đến khi chính thể này gục ngã, ngài Đại sứ Lodge vẫn thất bại trước hai ông Nhu và ông Diệm.
Tổng Thống Diệm và ông Nhu đã chọn đường rời dinh Gia Long khi thành Cộng hòa sắp bị đảo chánh chiếm giữ. Ông Diệm và ông Nhu thoát khỏi dinh Gia Long vào hồi 19g15 ngày 1-11-1963 (Đọc những bí mật cách mạng 1-11-1963 đã đăng tải và sắp xuất bản thành sách).
Với cơ quan CIA đang tung hoành, theo sát tình hình đảo chánh nhưng không thể khám phá ra được nơi trú ẩn của Tổng Thống Diệm, như vậy ngài Đại sứ lại thất bại thêm một lần nữa với Tổng Thống Diệm, dù Tổng Thống ở vào tình trạng bôn đào thất sủng.
5.
TRỞ THÀNH CÔNG DÂN ÁO GẤM
NGÀY 2-11-1963, LÚC 9 GIỜ SÁNG, DÂN CHÚNG TOÀN CÕI NAM VIỆT Nam được Đài phát thanh Saigon loan báo “Tổng Thống Diệm và ông Nhu tự tử”.
Những người ủng hộ chế độ cũ, cũng như các người oán thù chế độ đều ngỡ ngàng về hai cái chết nhanh chóng như thế. Và chẳng mấy chốc ai ai cũng muốn tìm hiểu cái chết của Tổng Thống Diệm như thế nào? Đâu là sự thật?
Về phía Tòa Đại sứ Mỹ im lặng, không một thông cáo, bình luận về cái chết đầy bí ẩn của anh em Tổng Thống Diệm. Các ký giả trong và ngoài nước sốt nóng về đề tài đó. Nhưng bức màn bí mật vẫn phủ kín ở Hội đồng Quân nhân Cách mạng và ngay cả Đại sứ chuyên viên đảo chánh Henry Cabot Lodge.
Cũng sáng ngày 2-11-1963, dân chúng Saigon được thấy sự xuất hiện của ngài Đại sứ trên đường Tự Do và Lê Lợi. Nét mặt ngài Đại sứ tươi hẳn lên. Ông thả bộ trên vỉa hè như một kẻ chiến thắng đã hoàn toàn thư thả sau trách nhiệm đè nặng trên vai từu hai tháng qua ở Saigon. Các nhiếp ảnh viên báo chí đã chụp được một tấm hình Lodge đang hỏi han trò chuyện với một thiếu nữ trên đường phố.
Thái độ ra mắt tự nhiên đã thu hút quần chúng Việt Nam một phần nào. Song cái chết của Tổng Thống Diệm đã làm cho người dân nhìn Lodge với sự hiếu kỳ ở kích thước đa mưu, túc kế của vị chuyên viên thời cuộc.
Trong lúc đó tại Hoa Kỳ, bà góa phụ Ngô Đình Nhu tuyên bố với báo chí “ông Diệm, ông Nhu không thể tự tử được. Đạo Công giáo không cho phép hủy hoại thân thể. Chính phủ Hoa Thịnh Đốn và Tòa Đại sứ Mỹ ở Saigon phải chịu trách nhiệm về cái chết đó”.
Lời tuyên bố của góa phụ Ngô Đình Nhu đã làm cho quần chúng Phật tử Việt Nam đi tìm sự thật cái chết của Tổng Thống Diệm. Và cố nhiên, ở tình thế ban đầu, người ta cho Tòa Đại sứ Mỹ đã quyết định với Hội đồng Quân nhân Cách mạng giết ông Diệm, ông Nhu.
Đến giữa trưa ngày 2-11-1963, dân chúng Saigon quả quyết rằng Tổng Thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị ám hại. Dư luận đồng bào công giáo phẫn uất, nhất là các họ đạo ở Hố Nai và các họ đạo trên toàn quốc thuộc dân chúng Bắc Việt di cư vào Nam từ năm 1954.
Sôi nổi, bàn tán về cái chết của Tổng Thống Diệm mỗi lúc càng lan rộng. Những nghi vấn, huyền thoại chung quanh cái chết đó mà hầu như trách nhiệm những cá nhân, đoàn thể, người Mỹ đều từ chối, không đưa ra ánh sáng sự thật ấy.
Chế độ Ngô Đình Diệm hoàn toàn sụp đổ, cá nhân Tổng Thống Diệm trở về với cát bụi mây ngàn. Người thiên cổ không thể cất tiếng nói vào đời lần thứ hai. Song uy tín, tiếng tăm của Tổng Thống Diệm chết rồi vẫn làm cho người Mỹ (Henry Cabot Lodge) và Hội đồng Quân nhân Cách mạng phải nể nang.
Người ta thử hỏi, tại sao cao trào cách mạng 1-11-1963 không phổ biến một thông cáo chính thức, minh bạch về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm? Nếu các giới cách mạng cùng Tòa Đại sứ Mỹ đưa ra cái chết đó một cách chính xác thì chắc rằng dân chúng không đến phải đi tìm để làm trọng đại về một cái chết của vị Tổng Thống bị cách mạng nhân dân và quân đội lật đổ.
Những im lặng nặng nề, những sự dấu diếm ấy đã giảm tư cách, uy thế của Hội đồng Quân nhân Cách mạng và mất đi chứ Tín trong hậu trướng chính trị mà người Mỹ thường được dân chúng đề cập tới.
Đại sứ Lodge là con hổ vồ được xác người tiều phu Ngô Đình Diệm (chặt gỗ xây dựng căn nhà chế độ). Ông ta hãnh diện đứng về phía đám đông Phật giáo, thanh toán một chế độ ương ngạnh với chính phủ Mỹ.
Tiếp sau những khủng hoảng chính trị, những vụ xuống đường liên tiếp, bày thêm cảnh hỗn độn như cảnh đói năm Dần lúc Nhật lan tràn trên toàn cõi Đông Dương.
Trước tình thế hiểm nghèo đó, chế độ Ngô Đình Diệm lại được quật mồ để so sánh với cách mạng đương thời. Chẳng mấy chốc hào quang cách mạng là chiếc bánh vẽ, một ảo tưởng kinh hoàng trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Ngài Đại sứ Lodge không ngờ công chuyện đổ vỡ tai hại như thế. Ông thúc đẩy Hội đồng Quân nhân Cách mạng thành lập chính phủ dân sự. Đồng thời nhúng tay bí mật vào một cuộc đảo chánh mới được gọi là chỉnh lý.
Cuộc chỉnh lý này do Tướng TTK và Nguyễn Khánh cầm đầu (đã đăng tải vụ Bốn Tướng Đà Lạt và sắp xuất bản thành sách trong năm 1971).
Sau cuộc chỉnh lý 31-1-1964 lằn xe đổ nát chính trị kéo dài mãi. Phía người Mỹ bắt đầu rục rịch thay đổi nhân sự từ Bộ Tư lệnh đến Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon.
Ngày 18-6-1964, tướng Paul Harkins, Tư lệnh Quân đoàn Mỹ tại Việt Nam trở về Mỹ hưu trí. Viên phụ tá của ông là Tướng Williams Westmoreland lên thay thế. Tướng Westmoreland hoạch định chương trình đánh mạnh và đánh dữ với Cộng sản.
Ông yêu cầu Hoa Thịnh Đốn vạch chương trình đổ bộ quân đội Mỹ lên Việt Nam.
Tướng Westy viện lẽ, quân số đông đúc là điều cần thiết đánh bại Cộng sản.
Ngày 24-6-1964, Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson chính thức cử Tướng Maxwell Taylor thay thế Henry Cabot Lodge chức vụ Đại sứ tại Việt Nam, một số đồng bào Phật tử sinh viên, nhân vật ngoại giao đoàn và Thủ Tương chính phủ Nguyễn Khánh tiễn đưa.
Tại phòng khách danh dự phi trường Tân Sơn Nhất, Nguyễn Khánh đã trao tặng Lodge khăn đen, áo dài, tượng trưng quốc phục Việt Nam. Lodge đã mặc vào, lên máy bay hô khẩu hiệu :”Việt Nam muôn năm” trước khi cửa phi cơ đóng chặt lại, đưa Lodge trở về nước Mỹ.
Thế là nhiệm vụ của một Đại sứ, chuyên viên đảo chánh đã chấm dứt. Lodge đến Nam Việt Nam trong tình hình sôi sục giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và Phật giáo, ngài Đại sứ đã bóp nắn thời cuộc. Nhưng thời cuộc đó cũng không sáng sủa mà còn tệ hại khi chính quyền Ngô Đình Diệm cáo chung. Cho nên khi ông Nixon đắc cử Tổng Thống nước Mỹ năm 1968 đã ngụ ý rằng, người Mỹ hạ bệ và giết Tổng Thống Diệm là một điểm hoen ố trên đường ngoại giao ở Đông Nam Á Châu, nơi mà Tổng Thống Diệm là lãnh tụ chống Cộng sản đến cùng.
Lê Tử Hùng
Tiểu sử
CÔNG DÂN ÁO GẤM VIỆT NAM
“Henry Cabot Lodge”
Đại sứ Henry Cabot Lodge sinh ngày 5 tháng 7 năm 1902, tại Nahant Massachusetts. Tốt nghiệp Đại học trường Harvard. Năm 1924 cộng tác với các báo The Boston Transcrip và The New York Herald Tribune.
Đắc cử hai nhiệm kỳ tại cơ quan lập pháp Massachusetts. Năm 1933-1936 đánh bại James M. Curley vào Thượng viện Hoa Kỳ. Đã từng phục vụ ở Lục quân trong Thế chiến thứ 2. Tái đắc cử thượng viện và lại từ chức khỏi Thượng viện để trở lại Lục quân. Được ân thưởng huy chương Bronze star (sao đồng), Croix de Guerre (Pháp) cùng các huy chương khác. Sau đó lại đắc cử vào Thượng viện năm 1946. Ông ta có ảnh hưởng lớn trong việc thuyết phục Tướng Eisenhower ra ứng cử Tổng Thống và đứng ra làm giám đốc tranh cử cho ông này.
Mất ghế Thượng viện năm 1950 vào tay John F. Kennedy. Năm 1953 Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Năm 1960 ứng cử viên TT của đảng Cộng hòa. Đại sứ tại Nam Việt Nam vào tháng 8 năm 1963 đến tháng 7 năm 1964. Rồi trở lại xứ này tái giữ chức Đại sứ từ tháng 8 năm 1965 đến 1967.
Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ 1967-1968. Đại sứ tại Cộng hòa Liên bang Đức 1968-1969. Trưởng phái đoàn thương thuyết tại Hội đàm Ba Lê về Việt Nam từ tháng giêng đến tháng chạp 1969.
Hiện nay (1971) là Đặc sứ của TT Nixon tại Tòa Thánh Vatican.
(Theo tài liệu mật Ngũ Giác Đài)
ĐỒNG NAI XUẤT BẢN, TỔNG PHÁT HÀNH SÁCH BÁO TÒAN QUỐC
270, đường Đề Thám, 270 Saigon
CÔNG DÂN ÁO GẤM, In tại Nhà In NẮNG MỚI, 45 Bùi Viện, Saigon,
ĐT 20050, Giấy Phép xuất bản số 2822 BTT-PHNT ngày 20-6-1971
Bản đánh máy thực hiện tại Saigon, tháng 7-2007 bởi Lê Thị Thanh Nguyệt
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...