. .

Wednesday, March 18, 2009

THÂN PHẬN TRÍ THỨC -Biên Khảo- Vũ Tài Lục (part 1)

Biên khảo của Vũ Tài Lục - VIỆT CHIẾN XUẤT BẢN Saigon 1970

VŨ TÀI LỤC


THÂN PHẬN
TRÍ THỨC

PHẦN TỬ TRÍ THỨC
DƯỚI NHÃN QUAN CHÍNH TRỊ
VIỆT CHIẾN XUẤT BẢN
1970



Viết cho
Trương Tú Việt

PHẦN MỘT

THÂN PHẬN

CHƯƠNG THỨ NHẤT

PHẨM ĐỨC

Phần tử trí thức?
Là người đem lại giá trị cho
những gì mà tự chúng không có.
PAUL VALÉRY
Phần tử trí thức?
Tôi muốn nói đến những người
suy tư, không phải bọn lộng chữ,
lợi dụng, bịp bợm và ăn bám…
HENRI BARBUSSE

Dẫn

Thảm kịch của ngày hôm nay
là do chính trị
NAPOLÉON


Trước những việc xảy ra trong cuộc vận động tuyển cử ở Mỹ năm 1968, giáo sư Lewis S. Feuer nhận định:
Đây là lần đầu tiên phần tử trí thức đã làm đủ mọi cách để cho trí thức thành một lực lượng ảnh hưởng đến sự quyết định các chính sách của chính phủ.
Thật vậy, dân chúng Hoa Kỳ và hết thảy những người theo dõi thời cục trên thế giới đều thấy rằng, người trí thức Mỹ đã nổi dậy, họ không muốn giữ cái vai trò chính trị lỗi thời như là viết những bài diễn văn cho các ông lớn bà lớn, hoặc như là một nhân sĩ để được mời vào “brain trust” hay ủy ban tư vấn. Bây giờ rõ rệt họ đòi hỏi và tự coi họ như một đoàn thể, một tổ chức, và một lực lượng chính trị.
Chính bởi hàng loạt vụ nổi loạn của trí thức trên khắp nước Mỹ mà Tổng thống Johnson đã đành phải rút lui không ra ứng cử thêm một lần nữa. Trong buổi họp của đảng Dân-chủ, các bạn thân nhất của ông Lyndon Johnson đã nói với ông:
Anh có thể dễ dàng mở cuộc phản công, tuy nhiên anh chớ nên coi thường bọn trí thức đó. Bọn chúng hiện tại tuy chẳng có quyền lực gì cả nhưng hình như dư luận số đông đã nghe theo chúng.
Giờ đây không ai không nhận rằng: Chẳng còn phải là một hiện tượng nhất thời nữa, việc phần từ trí thức trở thành một lực lượng chính trị là một sự thực, một khuynh hướng đang tiến rất mau, rất mạnh. Mọi người đã biết tường tận những hành động nhằm ngăn chặn của ông John và của toàn thể chính trị gia bảo thủ Hoa Kỳ đối với cuộc dấy lên của giới trí thức, kết quả ông Johnson cùng tập đoàn của ông phải chịu thất bại.
Nếu mở lại trang sử cũ thì đã từ lâu lắm rồi người trí thức Mỹ bực bội vì ảnh hưởng của họ vào chính trị chẳng được bao nhiêu, các điều họ nghĩ, các điều họ nói, xã hội chẳng thèm lưu ý. Sau thế chiến I, trí thức Mỹ là những chàng trẻ tuổi buồn tủi (sad young men)), họ xô nhau sang Âu Châu vì ở đây trí thức được tôn trọng. Đứng bên trời Âu họ quay về nhìn đất Mỹ của hai vị Tổng thống Harding và Coolidge bằng thái độ chế giễu. Giữa lúc ấy thì nhạc Jazz thịnh hành, nhịp điệu Jazz như xui đẩy họ vào với tư tưởng và hành vi phóng túng cho cái sống cá nhân, nhà văn Scott Fitgerald nhận xét tâm trạng văn hóa Hoa Kỳ trong thời này như sau: “Thời đại của nhạc Jazz, chính trị hết là điều đáng chú ý”. Kẻ đi khỏi quê cũng như người còn ở lại, tất cả đi chung vào một lối nổi loạn bằng vui thú cá nhân đặt trên triết lý vứt bỏ trách nhiệm.
Năm 1930, trí thức Hoa Kỳ trải qua thời gian sống với cuộc khủng hoảng đen tối nhất lịch sử nên có phong trào trở lại với trách nhiệm. Nhiều nhà văn hội họp nhau tổ chức ủy ban, nhữung buổi thuyết trình, những đám biểu tình và ra tuyên ngôn. Năm 1932-1933 nhiều nhà văn danh tiếng ký vào bản nhận định cuộc khủng hoảng với văn hóa (Culture and the Crisis). Bản nhận định này nổi bật với chủ trương thiên tả, mục đích là để hoạt động tranh cử cho hai ứng cử viên cộng sản William Foster và James Ford. Nó đã không đạt được mục đích. Tuy thế trong thời gian mà dân chúng Mỹ hãy còn chưa quên cơn ác mộng 1929, trong thời gian mà chính sách New Deal của Tổng thống Roosevelt mới bắt đầu chuyển bánh thì ảnh hưởng tả phái vẫn được mến chuộng. Dần dần Hoa Kỳ hàn gắn vết thương cũ rồi mạnh bạo phát triển sang con đường tư bản mới, tinh thần New Deal nguội bớt đến chỉ là cái bóng mờ mỗi khi nhắc lại cốt làm cái việc mị dân mà thôi, tả phái Hoa Kỳ bị bóp chết.
Giữa lúc giới trí thức một lần nữa bị chính trị cho thụt soáy hơi (trou d’air) thì vụ cách mạng và nội chiến Espagne bùng nổ (1936) lôi cuốn trí thức Âu châu cũng như Mỹ quốc làm thành một phong trào dấn thân với Espagne để biểu đạt ý hướng mình. Phong trào này nhà báo Benson mệnh danh là phong trào các nhà văn cầm súng (writers in arms). Bức tranh đẹp nhất của phong trào này đã được Hemingway viết thành cuốn tiểu thuyết dài rất nổi tiếng là “For whom the Bell Toll!”
Sôi nổi chưa được bao lâu thì phong trào bị một biến cố trọng đại hơn nuốt mất. Hitler, Mussolini làm dữ tạo ra nguy cơ chiến tranh thế giới lần nữa. Lý tưởng hy vọng của phần tử trí thức đối với nội chiến Espagne là chống chủ nghĩa Phát xít. Nguy cơ chiến tranh làm cho trí thức bị lôi cuốn về đối phó với họa xâm lược của Đức quốc. Cái lý tưởng chống phát xít ở một xứ ngoài trở nên mơ hồ không cấp thiết nên nó bị gạt ra khỏi bộ máy tuyên truyền chánh thức của mỗi chánh phủ các nước Âu châu, nhân danh Tổ quốc chống xâm lược. Mặc dầu gót giày Đức quốc xã không thể nào đặt lên lãnh thổ Hiệp chủng quốc, nhưng một khi trí thức Âu châu bị hẫng thì hoạt động riêng lẻ của trí thức Hoa Kỳ cũng chẳng còn lý do gì tồn tại trong vụ Espagne. Vả lại nhờ giúp đỡ của Đức quốc xã, Phát xít Espagne đã thắng cách mạng thiên tả rõ rệt. Thêm nữa giáo hội công giáo quyết định không đứng về phe cách mạng đồng thời thỏa thuận cới Hitler trên vụ Espagne thì cuộc cách mạng Espagne kể như hoàn toàn tiêu hủy.
Tham dự thế chiến lần thứ hai, Hoa Kỳ nghiễm nhiên là quốc gia quan trong bậc nhất cho chính trị quốc tế. Để hoạt động hiệu quả, nhu cầu trí thức của quốc gia tăng lên vùn vụt, phần tử trí thức rất cần vào các công việc nghiên cứu, thông tin tuyên truyền, gián điệp, vân vân… Chiến tranh nóng chấm dứt, chiến tranh lạnh mở màn thì nhu cầu kia càng lớn lên gấp bội. Từ 1950-1953 trí thức ở vào thế ưu việt của xã hội Hoa Kỳ.
Nếu đà này kéo dài thêm, Hoa Kỳ chắc chẳng tránh khỏi một cuộc cách mạng, nên phe bảo thủ đi đôi với phe phản động khởi sự phản công, theo họ thì mục đích là làm cho Hoa Kỳ không rơi vào tay cộng sản.
Người được đưa lên lãnh đạo cuộc phản công là nghị sĩ Mac Carthy. Mac Carthy cùng tập đoàn của ông đã dựng hẳn lên ở nước Mỹ một triều đại gọi là triều đại Mac Carthy với chủ trương và chiến lược chống trí thức (anti-intellectualism).
Mac Carthy cùng tập đoàn buộc trí thức phải phục tòng phục vụ hệ thống tư bản, hệ thống áp phe. Dưới danh nghĩa bài cộng, chính phủ đã phải theo Mac Carthy để thanh trừng mọi người mà nghị sĩ Mac Carthy gọi là cần phải trừ khử (les indésirables). Phe Carthy có hai thứ vũ khí đáng sợ:
a) chụp mũ gián điệp
b) tẩy chay
Với cái chụp mũ bị cáo làm gián điệp nên biết bao phần tử trí thức bị theo dõi đe dọa, đời sống ngột ngạt không kém thân phận người Do thái trong lưới Gestapo. Carthy lên án tới 1456 người. Với lối tẩy chay này mà một nhà văn tiến bộ viết sách không ai dám xuất bản, dạy học không ai dám thuê, xuất ngoại không được phép, cuối cùng phải tự tử chết. Bằng quyền lực của ngôi vị chủ tịch Ủy ban điều tra, Mac Carthy hét ra lửa, làm mưa làm gió trên chính trường vượt quyền Tổng thống. Có lần Mac Carthy cùng cánh cực hữu đòi đuổi cả Oppenheimer nhà vật lý học nguyên tử cột trụ, đòi chống lại việc cử Charles Bohlen nhà ngoại giao tên tuổi vì ông Bohlen có tội làm cố vấn cho Roosevelt ký hiệp ước Yalta mà Carthy cho rằng hiệp ước Yalta làm Mỹ thua thiệt.
Quá lộng hành, Mac Carthy phạm mấy lỗi lầm to lớn đáng kể nhất là vụ ông đòi đốt sách. Trong số sách bị đốt có cả tên tác giả Foster Rhee Dulles bộ trưởng ngoại giao. Đến mức này, Tổng thống Eisenhower không nhịn được nữa, Eisenhower đến Darmouth nói ở trường đại học:
"Anh em đừng a dua với bọn đốt sách. Chớ tưởng chúng ta có thể dấu các lầm lỗi của chúng ta bằng cách đốt hết mọi chứng cớ. Làm sao chúng ta thắng được cộng sản nếu ta không hiểu ý hướng cộng sản cùng sức quyến rũ của chủ nghĩa đó!".
Qua lời trên, người ta nhận ra ngay Eisenhower chưa dám chửi thẳng Mac Carthy, thế lực Carthy còn mạnh lắm. Nhưng Carthy vẫn tiếp tục đi quá trớn, ông đụng chạm giáo hội, quân đội, luật sư đoàn, Carthy gây thù khắp nơi. Dư luận chán ghét ông lan rộng. Ngón đòn chí mạng đầu tiên đánh thẳng xuống đầu Carthy là vụ án chàng trí thức trẻ tuổi Fisher, bị cáo là hội viên của một tổ chức khả nghi. Luật sư Welch bênh vực cho bị cá đã chỉ vào nghị sĩ Mac Carthy mà nói:
Chúng ta không nên ám sát người trẻ tuổi này, thưa thượng nghị sĩ ngài đã đi quá trớn rồi, ngài không còn chút lương tâm nào nữa sao?
Khắp nước hài lòng câu nói của luật sư Welch, với cái hăng say rất trí thức, luật sư Welch đã đem dưỡng khí vào trong cơn tức giận của dân chúng bấy lâu dồn nén bùng cháy. Đâu đâu cũng rục rịch biểu lộ sự khó chịu với Carthy. Tháng 12 năm 1954 với 67 phiếu thuận với 22 phiếu chống, Mac Carthy bị Thượng viện cất hết quyền. Như bị gáo nước lạnh dội bất thần Carthy ấp úng trước Thượng viện: Tôi đã làm gì nên nỗi! Mấy năm sau Carthy chết vì rượu.
John F. Kennedy làm Tổng thống Hoa Kỳ, vận động trí thức bước vào trang sử mới. Kennedy là người được giải thưởng Putlizer, ông là một phần tử trí thức. Ngày Kennedy tuyên thệ nhiệm chức cũng là ngày giới trí thức tràn ngập hy vọng. Các nhà văn như John Steineck, Arthur Miller, W. H. Auden, v.v… được mời dự buổi tiếp tân đầu tiên của Kennedy tại tòa Bạch ốc, và người được dành nhiều danh dự nhất là thi sĩ 80 tuổi Robert Frost. Ngay nhà văn khinh bạc nổi loạn Norman Mailer cũng ngả theo thái độ trí thức quyến rũ của Kennedy, Mailer tuyên bố:
Trí thức Hoa Kỳ đang bước tới một biên cương mới, từ lâu chúng tôi bị lịch sử cấm đoán, từ lâu chúng tôi đã bỏ mặc chính trị vào tay bọn người đã không làm lịch sử lại còn kéo lịch sử đi trật đường rầy.
Hướng về Kennedy, trí thức đổ xô tới Hoa Thịnh Đốn. Họ gia nhập đoàn quân Hòa bình, họ làm việc cho Bộ quốc phòng cùng những sự vụ ngoại giao.
Ở thời Kennedy phần tử trí thức ra sao? Carey Mc Wiiliams nhận định như sau:
Họ vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn ước nguyện, bây giờ họ thành những chuyên viên chống nổi dậy, chuyên viên nghiên cứu về Kremlin, chuyên viên nghiên cứu các vụ khủng hoảng, hoặc quá quắt hơn là kẻ cắp cặp cho mấy ông mi-li-te (military flunkies).
Williams muốn nói là người trí thức ít nhiều đành phải từ bỏ những gì tốt đẹp của sứ mạng trí thức để lột xác thành một thứ quan liêu (bureaucrate) hay giai tầng chuyên viên (technocrate). Nhưng đổi lại trí thức thu hoạch cái lợi không nhỏ là học tập kinh nghiệm chính quyền, thứ kinh nghiệm hết sức mới mẻ rất hữu ích cho cuộc đấu tranh sau này.
Nếu như Kennedy còn nắm giữ quyền điều khiển quốc gia, trí thức tuy chưa mười phần mãn nguyện nhưng vẫn còn gửi nhiều tin tưởng vào tương lai.
Vụ Dallas xảy đến, vị Tổng thống trí thức nhất Mỹ quốc ngã gục bởi mấy viên đạn bắn ra với lỹ thuật tinh vi với tổ chức bí mật chu đáo, biên cương mới của trí thức bị phe phản động đánh phá.
Trước cơn bão tố, phải chọn giữa Goldwater và Lyndon Johnson, giới trí thức ào ạt ủng hộ Johnson, họ nghĩ Johnson dù sao cũng còn mang chút di tích chút âm hưởng Kennedy. Do đó Johnson thắng lợi vẻ vang tại khắp nơi vận động tuyển cử.
Tuần trăng mật của Kennedy với trí thức Hoa Kỳ không kéo dài được bao lâu đã gặp biến cố gây nên lủng củng. Johnson quyết liệt leo thang chiến tranh V.N. Trí thức nhất loạt phản đối, nhiều người tên tuổi rời bỏ chính quyền Johnson. Thâm tâm Johnson rất hài lòng coi việc trí thức bỏ ông như một sự thoát nợ, ông là tay chính trị nhà nghề ít hợp với tâm tưởng trí thức, ông chọn phe bên kia hẳn nhiên nhiều quyền lực hơn. Hoa Kỳ phân thành hai chiến tuyến, trí thức Hoa Kỳ sau thời gian ở chính quyền đã nhìn thấy nhược điểm chính quyền nên họ dùng kinh nghiệm đó vào cuộc đấu tranh tạo ra nhiều kết quả khiến cho Johnson khó lòng ăn ngủ ngon lành. Trái với ý ông nghĩ, Johnson bây giờ mới thấy sức công phá của trí thức cũng chẳng yếu ớt gì.
Giả sử vấn đề V.N. hanh thông không sa lầy chắc Johnson không ngại cho lắm. Đằng này vấn đề V.N. lại là nước chiếu bí nên chính quyền Johnson mắc kẹt. Để đối phó với mặt trận trí thức Johnson mời bác sĩ Eric Goldman vào Bạch cung với chức vụ cố vấn đặc trách các vấn đề liên hệ đến phần tử trí thức. Ông Goldman được quyền bổ nhiệm ba phụ tá. Nhưng Goldman hoàn toàn thất bại, trước hết ông thất bại ngay trong nội bộ, ba phụ tá bất đồng ý kiến với ông nên xin từ chức, từ chức xong họ đứng về bên kia. Đối ngoại chẳng những không làm chông đối giảm bớt mà hố sâu chia cách chính quyền Johnson với trí thức bị đào sâu hơn. Thất bại nặng nhất xảy ra trong đại hội nghệ thuật tại Bạch cung, giữa đại hội trí thức ầm ĩ công kích chính sách ngoại giao của Johnson. Lẽ ra mục tiêu của đại hội này là để làm một cuộc dàn hòa thì lại biến thành cơ hội găng thêm. Bác sĩ Goldman từ chức với lời trách móc cả hai bên đã ngoan cố cứ đi đến thảm trạng xa lánh nhau (a tragic strangement). Bực tức Johnson ra thông cáo cách chức Goldman vì cớ ông này chẳng làm được việc gì đúng lúc cả. Vừa lúc phó Tổng hống Humphrey giới thiệu giáo sư John. P. Roche đến thay thế Goldman. Lúc thi hành sứ mạng, thay vì đấu dịu, Roche đổ thêm dầu vào lửa bằng những lời công kích gần như nhục mạ:
"Bọn trí thức riêng rẽ ấy là bọn nào vậy? Phần lớn họ ở Nữu Ước làm cái nghề nghệ thuật. Họ tụ tập nhau chẳng được bao nhiêu ở Cape Cod để nhảy múa reo hò trươcó sự hoan hô của đám quần chúng dốt nát".
(Lưu ý Cape Cod là nơi giới thượng lưu nghỉ ngơi. Văn gia John O'hara có viết một tập truyện ngắn về những thảm kịch đã xảy ra ở đây. Truyện mang đề là: The Cape Cod lighter).
Tại hội nghị báo chí Liên Hiệp Quốc nói về đề tài Trí thức và vấn đề Việt Nam, Roche miêu tả người trí thức Hoa Kỳ như hình ảnh trí thức Nga thuộc thế kỷ 19 nghĩa là bọn người tự thị, tự cao, tự tô vẽ cho mình nâng lên địa vị ưu tú về văn hóa và có bổn phận bảo vệ xã hội giải quyết mọi vấn đề gay cấn. Chính bọn trí thức đó đã rùm beng chống chiến tranh, họ quan trọng hóa quá cỡ cuộc chiến, thực ra cuộc chiến đó không hơn không kém chỉ là cuộc đụng độ biên cương như nước Anh từng gặp phải ở Ấn Độ hay Nhật ở Mãn Châu.
Roche làm thế do tự ý hay Johnson muốn rửa hận? Dù thế nào chăng nữa, những lời tuyên bố của Roche được dư luận coi như lời thách thức khai chiến của chính quyền Johnson với trí thức.
Mặc dầu trên một mặt khác ông Johnson vẫn tiếp tục thi hành chính sách ve vãn bằng những mời mọc ân cần phần tử trí thức vào Bạch cung đàm đạo. Nhưng bất cứ gặo gỡ nói chuyện nào cũng thế, chỉ thấy một mình ông Johnson độc thoại, cuối cùng khi ông đặt câu hỏi: Tại sao trí thức chống ông? Ông đã làm rất nhiều cho trí thức mà? Các thực khách không trả lời thẳng câu hỏi ấy, họ cười, hoan hô bữa ăn ngon rồi im lặng. Cứ vậy kéo dài, đến ngày Tổng thống Johnson đọc diễn văn cho toàn quốc biết ông không định tái ứng cử Tổng thống lần nữa.
Bây giờ chính quyền Mỹ đã đổi tay, cuộc chiến giữa lực lượng trí thức và lực lượng chính quyền vẫn tiếp tục mà chiến trường chủ yếu vẫn còn là vấn đề Việt Nam, vì vấn đề này là nhược điểm của chính quyền Hoa Kỳ.
o0o
Không phải chỉ ở Hoa Kỳ mà thôi, vận động trí thức còn bùng nổ tại nhiều nơi khác trên thế giới như Prague, Warsaw, Rome, Mexico City, Belgrade, Tây Berlin với nhiều hiện tượng khác lạ khiến cho các nhà xã hội học nghiên cứu vấn đề phải đem xét lại nhiều định luật cũ họ đã đưa ra. Trước đây bác sĩ Keller khoa trưởng đại học đường Columbia viết:
"Marx và Lénine sẽ cười vào mũi kẻ nào nghĩ rằng cách mạng xã hội có thể khởi sự bằng lực lượng trường ốc, một nơi ẩn dật bọc ngà không súng đạn, không quyền lực, không tiền bạc".
" Nay thì cái ý nghĩ đó không đáng ngạc nhiên chút nào hết, Bộ trưởng Edgard Pisani trong chính phủ Pompidou đã nói với quốc hội như thế". Lịch sử dạy chúng ta các cuộc nổi dậy lớn lao luôn luôn dấy lên từ các giai cấp rõ rệt, đủ lực lượng quyết định như ngày xưa là nông dân, 1789 là giai cấp tư sản, thế kỷ 19 là thợ thuyền nhưng bây giờ là ở các tổ trí thức, cán bộ và sinh viên.
Pisani nói không quá đáng, cuộc nổi dậy tháng 5 bên Pháp làm cho chế độ De Gaulle lung lay rồi De Gaulle thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, khởi lên từ các trường đại học Nanterre, Sorbonne. Tả phái chỉ dựa vào đấy để đình công để ăn theo lợi thế sẵn có. Vận động trí thức ồ ạt lan tràn đưa vào sinh hoạt chính trị thời đại một lực lượng chính trị rõ ràng hội đủ điều kiện một giai cấp hẳn hòi. Không thành lực lượng sao được khi mà một quốc gia có tới 2000 học viện, 6 triệu sinh viên và 4 trăm ngàn giáo sư? Không thành lực lượng sao được khi con số trí thức phục vụ mọi cơ sở quốc gia nay đông gấp hơn trăm lần thế kỷ trước. Không thành lực lượng sao được khi ngân sách quốc gia tăng đến 17 tỷ Mỹ kim năm 1969 riêng cho công cuộc tìm kiếm khoa học so với gần 100 triệu Mỹ kim năm 1940.

o0o

Vấn đề trí thức là vấn đề vẫn có từ ngàn xưa, nhưng nó luôn luôn đổi mới và gắn liền với lịch sử. Có thể nói lịch sử là một đại cơ kim của trí thức và trí tuệ chúng ta. Trước đây vẫn lưu hành quan niệm diễn viến lịch sử phải theo một mô thức cố định tỉ dụ người Ấn, Ba Tư, Hy Lạp cổ cho biến hóa lịch sử là luân hồi, thiên chúa giáo cho lịch sử xoay chuyển theo ý muốn của Thượng đế.
Quan niệm mô thức cố định bị thực tế lịch sử đánh bạt dần cho đến lúc những tư tưởng lịch sử của Spengler và Toynbee ra đời người ta hẳn nhiên chấp nhận quy luật biến hình sinh-trưởng-suy-vong của lịch sử. Cộng thêm vào đó là những tư tưởng Hégel, Marx cho rằng chính con người có thể cải tạo lịch sử, chỉ có bọn nô lệ mới chịu làm bù nhìn trước lịch sử.
Biến động lịch sử tuân theo hoàn cảnh hay ý chí con người? Hỏi như thế cũng là hỏi:
Tồn tại quyết định ý thức hay ý thức quyết định tồn tại? Tư tưởng quyết định sinh hoạt hay sinh hoạt quyết định tư tưởng. Nhiều thế kỷ qua, triết học đã đáp câu hỏi này một cách ngược hẳn nhau, mỗi bên đứng về một điểm cực.
Hiện tại thực tiễn đã chứng minh lịch sử biến động do tác dụng tương hằng (interaction) giữa người với hoàn cảnh. Do tác dụng tương hằng ấy sản sinh ra văn hóa. Phương hướng và tốc độ văn hóa là kết quả của các loại nhân duyên nội ngoại của tác dụng tương hằng kia. Tổ tiên chúng ta càng về xa xưa càng chịu sự chi phối của hoàn cảnh, nhưng càng về sau con người đối với hoàn cảnh một mặt tìm cách một mặt càng ra công chống lại, tiến xa hơn còn tìm cách cải tạo và lợi dụng hoàn cảnh nữa. Văn hóa là gì? Là sự tích lũy, gọt dũa từ đời này qua đời khác những hiểu biết để hoàn thành công việc chống đối, cải tạo và lợi dụng hoàn cảnh vậy.
Ai trực tiếp đảm nhiệm công việc sáng tạo, tìm tòi xây đắp văn hóa?
Phần tử trí thức!

o0o

Vậy hành lịch sử không đi theo con đường bằng phẳng và thẳng tuột, cũng như không có những giai đoạn nhất định (như kiểu Marx chủ trương). Các nhân tố hữu lợi, bất lợi luôn luôn can thiệp làm cho cuộc vận hành tăng, giảm, thừa, trừ.
Nói riêng mặt chủ quan, khi nào văn hóa tích súc, nội bộ hài hòa thì mới sản sinh ra quốc lực hùng mạnh tấn bộ tốt đẹp. Khi nào tự mãn, cô lập, lười biếng, đồi trụy tất nhiên lịch sử đi vào suy vong. Theo với tăng giảm thừa trừ của vận hành lịch sử là những vận động của phần tử trí thức.
Như thế nói lịch sử mà không nói đến vận động trí thức, nói chính trị mà không đề cập đến cuộc đấu tranh của phần tử trí thức thì thật là một thiếu sót lớn.
Hoặc tìm xét quan hệ giữa phần tử trí thức với lịch sử với chính trị chỉ bằng ánh sáng của lý luận thời thế với anh hùng hay bằng thành kiến tú tài tạo phản tam niên bất thành thì vẫn chưa thật đầy đủ.
Ta có thể khẳng định, một cuộc cách mạng xã hội có nghĩa là một thay đổi tương đối nhanh chóng trong sự kết hợp thành phần và cơ cấu phần tử trí thức cùng mối quan hệ của phần tử này với quảng đại quần chúng vậy.





Nguồn gốc của danh từ

Phần tử trí thức là trực nghĩa dịch từ chữ Intelletuel của Pháp. Tra tự điển để tìm lời giải của chữ đó thì chỉ thấy ghi vắn tắt: phần tử trí thức là người hoặc vì thị hảo hoặc vì nghề nghiệp quan tâm đến những công việc tinh thần. (Personne qui s'occupe par goũt ou par profession des choses de l'esprit). Theo Hồ Thu Nguyên viết trong tập Trung Quốc cổ đại trí thức phần tử thì phần tử trí thức là những người hiểu trước biết trước (tiên tri tiên giác) rồi đem sự hiểu biết học hỏi của mình sống hiến cho tiến bộ nhân loại xã hội dân tộc. Nói chung người sáng tạo tư tưởng kỹ thuật, tri thức gọi là phần tử trí thức.
Cổ xưa Hy Lạp dùng danh từ trí giả (sophist) hay ái trí giả (philosopher). Người La Mã dùng danh từ văn sĩ (idéologue). Ở Trung Quốc có nhiều danh từ khác nhau để chỉ phần tử trí thức: Nhi\o, Sĩ, Thánh, Hiền, Văn nhân Học sĩ rồi gộp chung lại dưới danh từ người đọc sách (độc thư nhân).
Người trí thức rất khó có một hình dạng rõ rệt, nếu bảo những người có bằng cấp là trí thức thì những người tự học (autodidacte) thì sao? Vả lại các bậc Thầy của nhiều thuyết lớn xưa nay đa số chẳng có bằng cấp chi hết. Cũng không thể bảo nhất định một ông giáo sư đại học trí thức hơn ông giáo sư trung học v.v…
Hình dạng người trí thức lại càng không rõ rệt khi người ta muốn tìm nó thuộc giai cấp nào? Mức sống ra sao? thường làm nghề nghiệp gì? Bên Pháp chẳng hạn đa số chấp nhận phần tử trí thức quy tụ vào hai loại hình (type).
a- Trí thức giáo dục (intellectuel enseignant)
a- trí thức viết văn (intellectuel écrivant)
Nhưng vẫn có một số người không chịu, và cho rằng những bác sĩ kỹ sư làm nghề chuyên môn của mình vẫn có thể là một phần tử trí thức chớ. Tại các nước chậm tiến tùy theo trình độ có nơi với sức học bổ túc đã được kính trọng tôn xưng là phần tử trí thức rồi.
Câu hỏi ai được kể làm phần tử trí thức là câu hỏi khá phức tạp đã làm rức đầu các sử gia và các nhà xã hội học không ít, rút cục đến bây giờ họ vẫn phàn nàn chưa tìm được một thực thể cho trí thức (substantifier).
Nhưng về đời sống của người trí thức thì rõ rệt nó liên quan rất nhiều đến chính trị. Tại Âu Châu nó ra đời bởi một vụ chính trị sôi nổi. Các nhà văn Emile Zola, Anatole France, Halévy, Buinot, Léon Blum v.v… ký chung bản kháng nghị đối với vụ sử oan đại úy Dreyfuss. Thủ tướng Clémenceau đã gọi kháng nghị này là Tuyên ngôn của trí thức (manifeste des intellectuels). Từ đó chữ intellectuel được mọi người thưởng thức, nó được kể như một danh từ mới mẻ vì danh từ này không hề thấy ghi trong tự điển Larousse in năm 1866-78 hay cuốn đại bách khoa in năm 1885-1902, người ta chỉ thấy chữ intellectuatisme ghi trong cuốn Vocabulaire philosophigue của Lalande mà thôi. Như vậy là chữ phần tử trí thức khai sinh bằng một thái độ chính trị. Edgar Morin đã nghĩ rất đúng khi viết câu này:
Nhà văn viết cuốn tiểu thuyết là nhà văn, nhưng khi ông ta nói về những tra tấn đau khổ ở Algérie thì ông ta là một người trí thức.
(L' écrivain qui écrit un roman est écrivain, maiss' ilparle de la torture en Algérie, il est intellectuel).
Phương Tây như thế, phương Đông cũng vậy, theo tâm lý cổ truyền của người Trung Quốc thì những danh từ có chứa chất tính cách về trí thức thường dành cho những người có sự nghiệp tốt. Tỉ dụ gọi vua Nghêu vua Thuấn là Thánh Vương, bọi các tể tướng Quản Trọng, Lưu Bá Ôn, Ngụy Trưng v.v… là Hiền.
Tất nhiên Nghiêu, Thuấn, Quản Trọng, Lưu Bá Ôn, Ngụy Trưng là những người học vấn cả thì không nói làm chi. Đến như Triệu Phổ suốt đời chưa đọc hết quyển sách rưỡi cũng được gọi là hiền trong khi Trần Hậu Chủ, Thạch Kính Đường, Tần Cối đều là các tay học vấn cự phách mà người đời sau chỉ nhắc đến với ý niệm ghét bỏ hôn quân, gian thần Hán gian. Còn các bậc vạn thế sư như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Đào Uyên Minh, v.v… thì trên dưới một lòng yêu kính.
Từ lâu người phương Đông yêu kính phần tử trí thức ở sứ mạng kỹ sư tâm hồn, kiến trúc sư lụch sử và giồng cấy văn hóa nghĩ là những phần tử trí thức có liên quan đến chính trị.

Khởi điểm

“Weber là một khoa học gia, ông chưa hề làm chính trị hay đã là một chính khách, chỉ đôi ba lần viết báo chính trị thôi. Thế nhưng suốt cả đời ông, ông rất say mê lo lắng tới vấn đề của quần chúng, không lúc nào ông nguôi nỗi nhớ nhung chính trị”.
Trên đây là tâm sự Max Weber do Raymond Aron nhận xét. Tâm sự đó cũng là tâm sự chung của hết thảy phần tử trí thức dưới vòm trời này. Thật vậy trí thức thường là những người quên không được chính trị. Họ luôn luôn có mặt ở tầng lãnh đạo (tầng lãnh đạo thống trị cũng như tầng lãnh đạo cách mạng) mà đã ở tầng lãnh đạo thì điều phải nghĩ trước hết hẳn là chính trị. Đối tượng của trí thức là hiện tượng nhân sinh, chính trị, xã hội, giáo dục, văn nghệ. Trong tất cả chính trị được chú ý bậc nhất, gần như có thể nói rằng sự nhảy vào tham dự chính trị là con đường hiệu lực nhất cho hoài bão lý tưởng đối với xã hội nhân sinh. Bởi lẽ ấy Khổng Tử không bao giờ ngồi nóng chiếu, ông đi khắp nơi để mong dùng thuyết của ông nắm chính quyền. Ông Mặc Tử, Mạnh Tử bôn tẩu liệt quốc. Việc giảng học viết sách của các vị này bất quá chỉ là công tác làm sau khi không được thi triển ý của mình bằng chính quyền, và giảng học trước thư cũng vẫn là sự tiếp nối nghiệp chính trị và đã đào tạo biết bao chính khách sau này. Ngay đến Lão Đam, Trang Chu nổi tiếng với triết thuyết vô vị ẩn dật cũng không quên được chính trị bằng những lời công kích tiêu cực đối với chính trị. Ông Trần Trọng Tử ẩn tích mai danh nơi hoang dã nhất định không ngó ngàng đến chính trị, nhưng chính ông cũng phải thừa nhận nếu không nhảy lên vũ đài chính trị thì khó lòng mà thực hiện nổi hoài bão lớn đối với xã hội nhân sinh. Ông Nguyễn Trãi theo cha lên biên ải, cha quay lại nói: Nếu con muốn trả thù nhà thì hãy tìm cách trả nợ nước.
Trí thức là vũ khí để loài người chống lại hoàn cảnh. Trí thức tức là quyền lực. Khi đã gọi là quyền lực thì phải làm sao sử dụng được quyền lực đến mức tối đa. Trong cuộc sống xã hội, chính trị bao trùm lên tất cả các sinh hoạt khác, chính trị là công việc toàn chỉnh (la politique est une affaire de tous), chính trị là hoạt động tinh hoa của con người, chính trị là sự sống của xã hội. Cho nên khi người trí thức không lưu tâm đến chính trị là lúc ấy họ đã tự khước bỏ phần lớn đời sống trí thức. Joseph Shumpeter viết: Người trí thức ở khắp mọi nơi, họ nhận nhau qua một thái độ nào đó, chớ họ chẳng hề có chung một quy chế, tinh thần của họ tạo thành mối ràng buộc.
Thái độ ở đây là thái độ đối với chính trị vì chỉ có chính trị mới mang khuôn khổ rộng lớn thôi. Quái gở đến mức nào đây, nếu một người trí thức không mang một thái độ chính trị gì hết.

Phẩm Đức, Giá Trị và Thân Phận

Đứng trên chính trị mà nhìn nhận trí thức phần tử người ta phải nhìn tách biệt ba mặt:
a/ Phẩm đức
b/ Giá trị
c/ Thân phận
Phẩm đức của trí thức là gì? Hãy nghe, nhóm ông Đoàn Phu Tứ định nghĩa:
Trí thức tức sáng suốt, tức tự do toàn vẹn của tinh thần tức biệt lập của tinh thần tức biệt lập cái biệt lập của áng danh son tức thanh cao cái thanh cao không đổi dời của kẻ sĩ, cái thanh cao không vụ ích lợi của ngọc châu.
Trí thức là sáng tạo. Cuộc sáng tạo đầu tiên của trí thức là tự tạo. Tự trong một đợt tình trác tuyệt, khi hồn tan trên một nét anh đào.
Tự tạo trong một thế hệ nhập thiền, trong một đường thánh giá.
Tự tạo trong một ngọn gió đùa, trong một cành hoa nắng dỡn.
Trí thức là tinh thần tiên phong. Cốt cách tài tử.
Cá tính độc lập. Phong độ trượng phu.
Không hề trưởng giả nhưng vương giả.
Không lo thành đạt, nhưng bao giờ cũng thông đạt.
Không làm thượng nhân, nhưng làm tao nhân.
Phẩm đức của phần tử trí thức nói theo lý tướng thực là viên ngọc không tì vết. Tuy nhiên không phải cứ có phẩm đức là có luôn giá trị. Trên chính trị, phẩm đức, giá trị và thân phận của người trí thức là ba vấn đề tách biệt nhau. Đó là cái lý do tại sao đôi lúc người ta phải nhận rằng người trí thức không bằng cục cứt là đúng.
Phẩm đức là lương tâm người trí thức không vào con đường phản chính nghĩa, phản động, không làm tay sai cho ác thế lực.
Giá trị là khả năng người trí thức, phải có cái biết có thể biến thành quyền lực, bởi vì khi dấn thân vào thực tế tàn nhẫn, khả năng là điều kiện không thể thiếu được.
Thân phận trí thức sẽ tùy sự lựa chọn lý tưởng với thực tế, tùy sự yếu kém, phẩm đức hay giá trị, tùy theo sự mâu thuẫn giữa phẩm đức và giá trị mà biến đổi.

Quên không được chính trị

Một khi đã say mê chính trị và nhận chính trị như người tình không thể thiếu được thì lúc tuyệt vọng với chính trị người trí thức như mất hết lẽ sống. Cái chết của Khuất Nguyên là điển hình khai mở cho thân phận trí thức với chính trị.
Kể trong các nhà thơ lớn của Trung Quốc thì:
Đỗ Tử Mỹ, người đời xưng tụng là thi thánh.
Lý Thái Bạch là thi tiên.
Vương Ma Cật là thi Phật
Lý Trường Cát là thi quỷ
Đỗ Tử Mỹ thuộc phái tả thực.
Lý Thái Bạch thuộc phái lãng mạn.
Vương Ma Cật thuộc phái tự nhiên.
Lý Trường Cát thuộc phái duy mỹ.
Tất cả các phái trên đều có chung một nguồn là Kinh Thi và tập thơ Ly Tao của Khuất Linh Quân tức Khuất Nguyên. Lý Tao có một ngôi vị cao nhất trên thi đàn Trung Quốc, tập thơ ấy được coi như vị vua hay bài ca trong các bài ca, hay nhã ca là cái đẹp tuyệt độ không thể đẹp hơn nữa.
Ly Tao là gì? Là nỗi buồn ly biệt. Nỗi buồn ly biệt với chính trị. Khuất Nguyên sáng tác tập thơ này khi bị Sở Vương đuổi lần thứ hai. Lần ông về Giang Nam, nơi có rất nhiều cảnh sắc riêng biệt của nước Sở, những cánh đồng cỏ bao la xanh ngắt, chim oanh bay từng đàn. Giang sơn Sở càng đẹp càng làm cho Khuất Nguyên lo lắng, ông biết cường Tần thế nào cũng xâm lượng Giang Nam, cái đẹp kia sẽ ra sao nếu gót giầy xâm lược dẫm lên, bao nhiêu vui ca rồi đây sẽ thanh hoang phế điêu tàn. Nhưng làm thế nào gọi tỉnh được người Sở đang ở trong cơn mê muội. Trong triều toàn một bọn nịnh thần, nơi điền dã chưa ai biết nỗi thống khổ mất nước. Còn phận mình lại chỉ là một kẻ vong thần, cô lập, bị lưu đày. Ông tự nghĩ tâm linh trung kiên khả dĩ tiến đến chân lý. Tuy vậy chân lý của một người thì làm sao chống lại với cái hư ngụy của số đông? Chân lý với gian tà, tinh khiết và sú uế lẫn lộn làm rối loạn cõi trần thế. Bỏ trần thế mà đi bỏ không đành. Vất chân lý ra khỏi tâm hồn, vất không nỡ. Khuất Nguyên vùng vẫy trong tuyệt vọng giống như con thiên lý mã bị sa vào cát lầy.
Có lần ông hỏi Trịnh Thiềm Đoãn:
“Thưa Thái phó, trung với tà, thiện với ác, chân lý với hư ngụy, trinh khiết với sú uế có thật là không thể sống chung với nhau chăng? Tôi rất yêu nhân gian mà tôi cũng rất thù hận nhân gian, tôi phải chọn điều nào đây? Tôi nên giữ tấm lòng trinh khiết để tự cô lập bằng thái độ cao thượng hay tôi nên hòa mình với số đông tùy tục phù trầm theo thời thế?
Trịnh Thiềm Đoãn nói:
“Thức đại phu, xin ngài hãy làm theo tâm ý của chính ngài, tôi làm sao hồi đáp được vấn đề quá to tát như vậy.
Ít năm sau, binh Tần mang quân công hãm Sở quốc, Sở mất nước, nhân dân Sở lầm than. Khuất Nguyên nhìn nước non gấm vóc, đâu đâu cũng chỉ thấy hoang loạn, đâu đâu cũng đầy vết tích diệt vong. Đau nhục, Khuất Nguyên thả chiếc thuyền nhỏ trên động Đình Hồ mặc sóng gió giận dữ. Ông thầm nghĩ: ta phải chết, ta phải có một cái chết lỗi lạc. Chết không để giải thoát mà chết để phản kháng. Phản kháng tà ác gian nịnh trên thế gian này. Hỡi người nước Sở thân yêu, người nước Sở đáng thương, tại sao các người không tiếp nhận tấm lòng thành của ta? Tại sao không chịu hiểu nỗi trinh kiên âm thầm của ta?
Nước non ơi, những bài ca u hoài của nhân dân nước Sở, người có biết sự hung bạo của vó ngựa xâm lăng bạo Tần không? Trời xanh hỡi quả thật có chính nghĩa không? Tại sao không lưu lại cho nhân gian nhất điểm chính nghĩa? Các thần linh của Sở quốc! Các người nhẫn tâm để cho dân Sở bị dày xéo bị diệt vong ư? Không thể thế được, nhân dân Sở không thể tiêu diệt, giang sơn Sở không thể bị nô lệ. Cái lỗi của Khuất Nguyên là đã để mọi người say mà riêng mình tỉnh.
Qua động Đình Hồ, Khuất Nguyên cho thuyền rẽ vào sông Mịch La, nước mắt tràn trụa, ông lặng yên nhìn mây trời mông mênh hồi lâu rồi lao mình xuống sông. Ông đi tìm cái chết vì sinh mệnh của ông từ lâu đã mất rồi, sinh mệnh ấy là sinh mệnh chính trị.

Phẩm vị của phần tử trí thức

Sinh mệnh của một quốc gia ở văn hóa học thuật của quốc gia đó. Sinh mệnh lực của một quốc gia đại bộ phận do phần tử trí thức nắm giữ. Sự sinh tồn và tiến bộ của đất nước do nơi tôn trọng học vấn, do nơi phần tử trí thức trong xã hội có trách nhiệm và tự tôn tâm hay không.
“Hiếu học cận hồ trí”. Chuộng sự học vấn, tôn trọng người đọc sách là căn bản xây dựng đất nước. Trường học bao giờ cũng là cơ sở của chính trị. Nước văn hiến là nước tôn trọng học vấn, yêu chuộng trí thức, nước văn hiến là nơi thường có hiện tượng “cường đạo không xâm phạm người đọc sách” như giặc Hoàng Cân không đốt phá quê hương ông Trịnh Huyền. Hoàng Sào không giết các nho sinh.
Tôn trọng người có học và trí thức có lòng tự tôn không phải là tâm lý tự cao tự đại của phần tử trí thức. Ở nước ta xưa sĩ đứng đầu hàng tứ dân nên có câu “sĩ, nông công, thương và ngư, tiều, canh, độc”. Học vấn là nền móng của tất cả mọi nghề nghiệp. Tôn trọng người đọc sách tuyệt nhiên không phải là bảo trì địa vị hay giai cấp đặc thù mà là tôn trọng học vấn và trí thức, nghĩa là tôn trọng hai thứ vũ khí hiệu lực nhất để cải tạo sinh hoạt, cải tạo xã hội và cải tạo quốc vận.
Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao. Cao đây là cao phẩm giá không phải cao quyền thế hay cao tiền bạc.
An đắc quảng hạ thiên vạn gian.
Đại tì thiên hạ hàn sĩ tận hoan nhan.
(nghĩa là: mong mỏi sao cho có căn nhà lớn hàng trăm ngàn gian, để che chở cho kẻ hàn sĩ trong thiên hạ ai ai cũng mang vẻ mặt hân hoan). Câu thơ của Đỗ Công Bộ nói rõ lên cảnh nghèo của kẻ sĩ. Cụ Nguyễn Khuyến cũng có bài phú để tả tình trạng thầy đồ:
Vài khoa thi hỏng xót ruột tiềncơm, mấy tháng công non bấm gan thóc nợ.
Vách ông Khổng còn hòm khoa đẩu mở một vài con ngõ thầy Nhan treo túi đan biều bảo dăm ba đứa.
Nón sơn úp ngực đi liểu đi liều , bút thùy cài tai sơn sơ sớn sở.
Nghĩ sểnh nhà ra thất nghiệp, cũng bật như cười e nằm mát ăn bát đầy ai nuôi không hở.
Nhan Hồi được tôn lên hàng nhân vật điển hình của chủ trương an bần lạc đạo do Nho gia đề xướng. Ngụ nơi ngõ hẹp, một lẵng cơm, một bầu nước, người đời lo còn Hồi thì lúc nào cũng vui. Người trí thức thường nghèo, tuy vậy không phải cứ nghèo mới là tốt. Khổng Tử có lần nói: “Nếu cái giàu mà có thể cầu được thì dù làm một kẻ cầm roi ngựa ta cũng làm”. Rồi ông nói thêm: “cái phú quí bất nghĩa đối với ta chẳng khác gì mây nổi, người quân tử kiên trì với cảnh nghèo, kẻ tiểu nhân hễ nghèo là kiếm cách làm bậy”. Thực tế hơn, Mạnh Tử cho rằng: “nghèo khổ đến với kẻ sĩ là bởi trời muốn thử thách, dùng nghèo để động tâm nhẫn tính, dùng khổ để tăng thêm tài năng”.
Nói chung chữ trí thức trong tâm tưởng mọi người hình như nó mang một thứ phép nhiệm màu làm cao giá người được nó nhận, ai ai cũng muốn nó đến với mình ngay. Lúc người ta mang gán nó cho kẻ khác với chủ ý chế giễu hay công kích mà sâu kín trong lòng lại thấy tủi hổ nếu nó từ chối mình. Nghĩ đến trí thức, mọi người đều cảm nhận ở nó một cái gì gọi là tao nhã và cao quí.
Chính vì thế nên xưa kia tể tướng Cao Lực Sĩ mới phải mài mực cho Lý Thái Bạch viết vào bài thơ của họ Lý bài thơ ca tụng cái đẹp của Dương Quý Phi, cao hứng rồi giả say Lý Thái Bạch dơ chân đạp cho Cao Lực Sĩ ngã lăn. Đời sau nghe chuyện chẳng người nào không thích thú, thích thú như một người được hả cơn giận.
Nếu tham vọng chính yếu của phần tử trí thức là tham vọng trị quốc bình thiên hạ thì ngược lại tham vọng chính yếu của các chính khách là tham vọng muốn tỏ ra mình là trí thức. Raymond Aron rất có lý khi viết câu này: Tham vọng chính trị của các nhà văn thành công đã đụng đầu với những tham vọng văn chương của các chính khách. Người thì mơ viết một cuốn tiểu thuyết tuyệt tác, người thì mơ làm bộ trưởng.
(Les ambitions politiques des romanciers à succès se heurtent aux ambitions littéraires des hommes d’État Ceux ci rêvent d’écrire et ceux là de devenir ministres)

Ít nhiều khác biệt giữa Đông và Tây

Trí thức Đông và Tây đều không quên được chính trị.
Trí thức Đông và Tây đếu vào chính trị bằng con đường yêu nước và cách mạng.
Ở lòng yêu nước họ gặp nhau, nhưng ở cách mạng họ có điểm khác biệt. Khác biệt bởi hai nền văn hóa.
Trở về với thần thoại, Prométheé sau một trận giặc nhất định không đứng về phe người trời olympien nữa, Prométheé muốn ngả về phe người trần. Để cho loài người mạnh lên, Prométheé thấy lửa sấm sét của Jupiter là thứ vũ khí lợi hại nên quyết lấy cắp lửa mang xuống cho loài người. Từ đấy nhờ Prométheé mà loài người có lửa dùng. Jupiter biết giận lắm cho gọi thần thợ rèn Vulcain đến bắt Prométheé và cùm ở chân núi Caucase. Chưa nguội Jupiter còn thả chim ưng hằng ngày đến moi ruột rỉa gan Prométheé. Hết năm này qua tháng khác, đau đớn Prométheé kêu gào vang động.
Đời vua Nghiêu, có tới mười mặt trời thiêu đốt nhân gian khiến mùa màng khô héo, sông nước cạn. Vua cho rao khắp thiên hạ cần người hiền tài đến giúp. Có Hậu Nghệ bắn cung cực giỏi. Hậu Nghệ lên một đỉnh núi cao chót vót giương cung bắn chín lần chín mặt trời rơi xuống đất. Từ đấy ở trần gian sông hồ lại đầy nước, cây cỏ tốt tươi.
Ngay thời kỳ thần thoại, đông phương đã kiến thiết rất vững chắc tinh thần nhân văn. Prométheé mới chỉ phạm tội ăn cắp chút lửa trời mang xuống nhân gian mà đã phải chịu một hình phạt nặng đó. Trái lại Hậu Nghệ đã nhân danh loài người đánh bật những ác độc của thượng đế.
Sau này Tây phương một thời gian khá dài bị úp chụp trong vòng kiềm tỏa của tôn giáo. Điều này tạo nên điểm khác biệt cho vận động trí thức của Tây phương với Đông phương (khu vực văn minh Trung Quốc).
Với quan niệm đại tự nhiên của chủ nghĩa nhân văn, mọi cuộc đấu tranh lịch sử đều là quy luật đại tự nhiên hết Xuân sang Hạ, hết Thu sang Đông thuận lẽ trời. Lẽ thuận tự sẽ thực hiện trong xã hội nhân loại khi nào đa số đồng ý gọi là hợp lòng người. Cho nên những biến động lịch sử thường mang tiêu đề: diệt kẻ vô đạo mà không bao giờ có tiêu đề dành Tự Do.
Trái lại, ở phương Tây mỗi biến động lịch sử đều chịu ảnh hưởng của hai thế lực Thế quyền và Thần quyền. Kẻ thống trị phải có thỏa thậun của giáo hội. Hết thảy quyền phán xét bất cứ mặt nào của sinh hoạt của sự sống đều phải dành cho giáo quyền. Những cấm điều do giáo hội đưa ra làm thành chuỗi xích nặng nó trói buộc con người. Muốn lật đổ chính quyền phải đủ khả năng lật đổ thống trị tâm lý tinh thần của giáo quyền nếu không thì biến động chỉ loanh quanh trong cái vòng luẩn quẩn giữa âm mưu của các lực lượng khác nhau trong chính quyền và giáo quyền nghĩa là quí tộc phong kiến và tập đoàn tăng lữ. Vận động trí thức vì lẽ trên phải trải qua giai đoạn đấu tranh giải phóng tư tưởng chống thần quyền mà Tự Do là tiêu đề. Tự do mang một ý nghĩa thiêng liêng trong tâm khảm của người Tây phương.
Tinh thần người trí thức của chủ nghĩa nhân văn Nho đạo là: Giáo hóa quốc dân đoàn kết quốc dân, bảo vệ giang sơn mang trách nhiệm tâm cực lớn phấn đầu cho lợi ích bình dân, có một tấm lòng tự tôn mãnh liệt để phấn đấu cho địa vị của phần tử trí thức. Đề cao địa vị trí thức không phải là đề cao lợi ích vật chất và quyền hành bản thân mà là dùng trí lực để áp đảo vũ lực, cùng kim lực của quý tộc, đề cao địa vị bình dân là đem học vấn ra làm công cụ xây dựng hạnh phúc cho bình dân.
Phong độ người trí thức của chủ nghĩa nhân văn Nho đạo là : Nho và Hiệp.
Ông Cao-Dao đưa ra chín nguyên tắc cho việc tu thân:
Khoan thứ mà không để thành hỗn loạn.
Mềm dẻo mà vẫn vững lập trường.
Căm giận nhưng không mất vẻ khiêm cung.
Hòa đồng nhưng vẫn nghiêm nghị.
Thẳng băng mà vẫn ôn nhu.
Giản dị và liêm khiết.
Cứng rắn m à vẫn khéo léo.
Mạnh bạo nhưng không bất nghĩa.
Khổng Tử nói nho sĩ phải là người có đủ ba tầng nhân cách:
1) Trách nhiệm tâm (người quân tử tu thân mình để bảo vệ người và trăm họ)
2) Tự tôn tâm (không lo, không sợ, không lầm lẫn)
3) Dũng cảm
(Trong thiên Nho hạnh của sách Lê ký Khổng Tử luận phong độ nhà Nho như sau: thân có thể nguy mà chí không thể đoạt, chịu chết chứ không chịu nhục)
Ngoài ra phải kể thêm cả trạng thái tiêu cực của cả Nho lẫn Hiệp là Ẩn. Mỗi lúc thấy thời thế hỗn loạn nhiễu nhương chưa thể làm gì cứu đời giúp nước thì ở Ẩn.

Thượng Khuynh Tính

Tính thượng khuynh là một biến tướng của tinh thần và phong độ nói trên.
Có hai nguyên nhân:
Thứ nhất: Do chế độ thi cử khai khoa thủ sĩ, học giỏi ra làm quan.
Thứ hai: Quan niệm trị quốc bình thiên hạ cần ở ngôi vị cao, ảnh hưởng chính trị từ thượng tầng xã hội đi xuống mạnh hơn ảnh hưởng từ hạ tầng xã hội đi lên.
Thượng khuynh tính là gì?
Là chỉ chăm chú tranh dành tước vị.
Vì chăm chú tranh dành tước vị cho nên phần tử trí thức thường phải dựa dẫm vào bọn đạt quan quí nhân để làm bước thang tiến thân. Văn hay chữ tốt nhưng chỉ là công cụ của bọn hào quí.
Nhan Chi Suy viết gia huấn lưu lại cho con cháu đã hết sức thống mạ tính thượng khuynh qua nhân vật Trần Lâm. Ông nói người quân tử tuyệt giao không khi nào gây tiếng ác một ngày kia quỳ gối thờ người thật là một điều sỉ nhục. Trần Lâm ở với Viên Thiệu thì mắng Tào Tháo là lang sói, sang với Tào Tháo thì lại chửi Viên Thiệu là cua cáy. Tình cảnh ấy thật đáng lo cho văn nhân vậy. Do tâm chất thượng khuynh quá mạnh nên phần tử trí thức đành cam chịu cảnh:

Tung hoành chính hữu lăng vân bút.
Thủ ngưỡng tùy nhân diệc khả lân.
(Bút pháp tung hoành át cả mây trời.
Thế mà phải cúi đầu theo người thật đáng thương).

Tính thượng khuynh vào cách mạng đã tạo nên người cách mạng kiểu Nguyễn Hữu Cầu chứ không tạo nên mẫu người như Robespierre, nghĩa là cách mạng để đoạt ngôi vị không có cách mạng theo đuổi một lý tưởng một ý hệ một chủ nghĩa cách mạng, để thay đổi hoàn cảnh cá nhân không phải cách mạng cho một quan niệm sống.
Tư tưởng cách mạng của Nguyễn Hữu Cầu là làm loạn đã nảy sinh từ lúc ông còn đang đi học qua những lời đối đáp với thầy học:
Nếu Trần Bình làm tể tướng.
Ai cấm Hàn tín xưng vương.
Nằm thì bốn phương yên gối chiếu.
Dậy thì thiên hạ sướt thịt da.
Nguyễn Hữu Cầu có người bạn học ngang tài mình là Phạm Đình Trọng. Bước ra đời Trọng vì là danh gia tử đệ nên bước vào chính quyền rất dễ dàng. Cầu với gốc tích dân dã chài lưới đương nhiên Cầu phải đi vào chính quyền bằng ngả khác. Khi nghe tin Tuyển Cừ nổi lên ở Chí Linh Cầu liền theo giúp. Thanh thế Cầu về sau mỗi ngày thêm lừng lẫy tự xưng là Đông đạo tổng quốc bảo dân đại tướng. Cho đến lúc hoàn toàn thất bại, suốt quá trình khởi loạn của Cầu chỉ theo đuổi mục đích:
Ngọc tàng nhất điểm, xuất vi chúa nhập vi vương (Chữ ngọc dấu đi nét chấm, thò lên thì là Chủ thụt xuống là chữ Vương).
Thua trận bị bắt nhồt trong cũi Cầu có mấy câu thơ sau đây:
Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán.
Phá vòng vây bạn với kim ô.
Giang sơn khách diệc tri hồ.
Những câu thơ ấy ngụ ý mong mỏi thoát thân hơn là ngụ ý mong một lý tưởng tự do.
Trái lại Robespierre chịu ảnh hưởng tư tưởng Rousseau lúc nào cũng say sưa với hoài bão thực hiện tư tưởng Rousseau kể cả lúc ông ở địa vị cao nhất chính vì quá khích với tự do Robespierre đã trở thành nhà độc tài của Tự Do, rồi hoài bão ấy cũng đưa ông lên máy chém.
Bởi tính chất thượng khuynh quá mạnh nên Thi Nại Am đã không thành công về sự miêu tả nhân vật Ngô Dụng một phần tử trí thức trên Lương Sơn Bạc.
Chế độ thi cử với phương châm học nhi ưu tắc sĩ (học giỏi ra làm quan). Triều đình căn cứ vào thi phú mà tuyển người nên ai nấy sống chết với văn thơ.
Thiên tử trọng anh hào.
Văn chương giáo nhi tào.
Biết nhân hoài bảo kiếm.
Ngã hữu bút như đao.
(Nghĩa là vua quí trọng kẻ anh hào. Văn chương ta đem vậy các anh thậy kệ người kia mang bảo kiếm. Ta có cây bút sắc kém chi dao).
Với quan niệm ấy, phần tử trí thức dần dần không coi tinh thần hiệp là yếu tố căn bản của phẩm đức nữa. Cái tâm hùng vạn phu của Lý Bạch chẳng còn, chỉ thấy cái mặt trắng của thư sinh trói gà không chặt, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.

Chủ Nghĩa Nhân Văn Đại Tự Nhiên
Và Chủ Nghĩa Nhân Văn Tự Do

Nền tảng văn hóa và văn minh của T.Q. là nền tảng văn hóa văn minh nông nghiệp nên lý luận cơ sở nó là lý luận đại tự nhiên. Phần tử trí thức trải nhiều ngàn năm tuy có chuyển mình nhưng cũng vẫn ở trong cái vòng đại tự nhiên ấy thôi.
Trong thi ca của Đào Uyên Minh người ta tìm thấy khá đầy đủ lý luận đại tự nhiên này.
Vũ trụ quan của ông như sau:
- Trời đất không bao giờ diệt, sông núi chẳng bao giờ dời đổi.
- Vũ trụ vô tư, vạn tượng tự lý (vũ trụ không biết thiên tư muôn ngàn hiện tượng đều tự xếp đặt lấy).
- Bốn mùa thứ tự đổi thay, phó cho tự nhiên.
Về xã hội quan ông nghĩ:
- Mấy mẫu ruộng với gian nhà cở, một rặng liễu rủ một lũy tre xanh, vài khóm hoa nở, làn khói lam mờ, tiếng gà gáy sáng, ít người nông dân hiền lành.
- Hòa với tự nhiên khai khẩn lao tác tìm cái sống.
- Sinh hoạt cốt sao cho thích ý hãy vui cho hết ngày hôm nay, ngày mai chưa cần gì vội.
Về nhân sinh quan ông nhận định:
- Vui với thiên nhiên.
- Thuận với thiên nhiên.
Đại tự nhiên là chân lý đã sẵn có trước mắt. Tại Tây phương không như vậy, trong thời gian khá lâu, tôn giáo Ki Tô giam buộc con người theo đuổi mục đích phượng thờ thượng đế, không có gì thành tựu ngay trên trần tục này hết, sinh mệnh con người sẽ hoàn thành sau khi chết lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Bởi thế phần tử trí thức phải đấu tranh giải phóng khỏi sự giam buộc đó bằng cách tìm tòi chân lý và đòi tự do.
Chủ nghĩa nhân văn phương Tây kiến lập trên hai hoạt động này cho nên phẩm đức trí thức là phẩm đức của một chiến sĩ tha thiết với tự do. Họ không bao giờ chịu thuận với thiên nhiên hay vui với thiên nhiên. Họ không vui khi được sống, họ muốn suy tư và phê phán sự có mặt của họ trên cõi đời này. (Ilsne se contentent pas de vivre, ils veulent penserleur existence-Raymond Aron).
Để chứng minh vũ trụ Lodge phải do Thượng đế làm ra trong bảy ngày mà vũ trụ tạo dựng với quy luật vật lý. Copernic đưa ra lập luận trái đất quay chung quanh mặt trời Giáo hội liền bắt giam. Bruno tiếp tục công việc của Copernic bị giáo hội kết tội phù thủy đưa lên giàn thiêu. Galilee không sợ uy lực ngang nhiên theo gót Bruno.
Những thảm kịch của Corneille đều là thảm kịch của Tự Do (drame de la Liberté). Con người không lúc nào ngừng tìm đến tự do. Trong cái tuyệt đối của Noirceuil kết tội Thượng đế là tên sát nhân, như vậy tất cả những điều lệ của Thượng đế đặt ra từ trước đến giờ đều vô giá trị, như vậy chỉ có lòng ham muốn của chính ta là đáng kể. Sade đi đến chỗ điên cuồng gào thét giết người để thực hiện tự do. Để chống với tín điều trinh bạch (chasteté) của Ki Tô giáo, Sade cổ vũ sự cuồng phóng lòng dục. Ảnh hưởng Sade ngày nay rất lớn đối với phong trào Hippies hay người hoa (flower people) đang bành trướng. Hippies ngày nay không chống Thượng đế nữa mà chống cái nghẹt thở của xã hội hậu công nghiệp vì hệ thống tổ chức quá chặt.

o0o

Dostoievsky hô lên: Tout est permis (Tha hồ hành động) bởi vì Thượng đế và bất diệt là láo nên bây giờ con người chính là Thượng đế.
Tha hồ hành động mở đầu cho trang sử của chủ nghĩa hư vô cận đại (nihilisme contemporaine).
Chủ nghĩa hư vô chẻ làm hai ngả.
a) con người làm Thượng đế bằng “logigue”.
b) con người làm Thượng đế bằng ý lực siêu nhân.
Ngả siêu nhân đã sản xuất ra chế độ Quốc Xã.
Trước hết hãy nói về cố gắng siêu nhân.
Năm 1884 Frederic Nietzsche ra đời. Ông trở thành triết gia danh tiếng với thuyết ý chí quyền lực và siêu nhân theo Nietzsche: “Tất cả mọi đam mê đều đưa con người đến một cái gì. Đam mê có thể tàn phá những kẻ yếu hén nhưng đam mê lại thêm sức mạnh cho người dũng cảm. Tội lỗi đức hạnh không tạo ra quyền uy hay sa đọa mà chính quyền uy hay sa đọa tạo ra đức hạnh hay tội lỗi. Thượng đế chết rồi. Trên trái đất chỉ còn lại những siêu nhân. Nếu được làm siêu nhân dù giây phút thôi tôi cũng cam chịu tất cả. Những điều Nietzsche nói trong tác phẩm ảnh hưởng ghê gớm vào đầu óc thanh niên Đức. Ảnh hưởng ấy đã biến thành quyền lực vật chất xây dựng thành chế độ Quốc xã lúc chế độ này thua trận. Hitler và Goebbels đều tự tử chết cùng với gia đình. Họ đã thực hiện cái chết đúng như lời Nietzsche nói.
“Ta gửi các ngươi cái chết của ta, cái chết tự nguyện nó đến với ta bởi ta muốn thế”.


CHƯƠNG THỨ HAI


GIÁ TRỊ




Vào cõi Phật dễ, vào cõi ma khó.
NHẤT HƯU THIỀN SƯ


Marx nói: “Các triết gia từ trước đến nay chỉ mới suy nghĩ và diễn dịch cuộc sống qua nhiều lối khác nhau, nhưng điều quan trọng chính là phải làm thay đổi cuộc sống”. Người ta thấy rất ít người đi tới cùng công việc này.


Căn bản của vấn đề giá trị

Trí thức là quyền lực.
Với chính trị tính chết quyền lực càng nặng hơn.
Trong chính trị, trí thức chỉ có giá trị khi nào nó có thể biến thành quyền lực vật chất. Giá trị của phần tử trí thức trong chính trị cũng chỉ được thừa nhận theo tiêu chuẩn này.
Chính trị là một sự nghiệp thực tại tàn nhẫn và cam go, vận dụng trí thức để giải quyết bế tắt sinh hoạt xã hội, dọn quang chướng ngại trên đường đi của lịch sử.
Căn bản giá trị của trí thức ở thực tiễn mà đến.
Căn bản giá trị của phần tử trí thức ở đấu tranh mà ra.

Vai trò trí thức phần tử trong các biến cố lớn của lịch sử

Biến cố chính trị thường là kết quả của tranh chấp giữa tập đoàn đang nắm chính quyền và những người bên ngoài chính quyền. Tập đoàn đó có hai thành trì bảo vệ:
a- Chính thống gồm những tổ chức và sức mạnh cai trị.
b- Đạo thống gồm những tổ chức trấn áp tư tưởng dùng tư tưởng đạo thống để bênh vực quyền cai trị hiện hữu.
Tập đoàn bên ngoài chính quyền thì khởi sự bằng phản kháng chống đạo thống rồi vận dụng tư tưởng tổ chức đối kháng với bộ máy thống trị nghĩa là đem trí thức biến thành quyền lực. Như vậy dẫn đầu các biến cố lớn hầu hết là một cuộc nổi loạn siêu hình (révolte métaphysique) nói theo kiểu Camus.
Để đánh đổ phần tử trí thức không thể không dựa vào một phần tử trí thức khác. Cuộc nổi loạn này có hai trận tuyến.
1- Tình cảm.
2- Lý trí.
Cả hai đầu nhằm mục tiêu hủy diệt uy quyền chính trị của đối phương.
Ở đây phần tử trí thức là những người của từ ngữ (men of words), đi cao hơn bậc nữa họ là những người xây dựng lý thuyết (theoricien).
Để gây phong trào quần chúng phẫn nộ không thể không có những nhà thơ nhà văn như: Pouchkine, Ryleev, Tchekov, Gorki, Maiakovski, những hùng biện gia như: Fichte, Kakhovsky, Netcheev, Trozsky, Vanden Bruch.
Để chống lại lý thuyết vương quyền thần thụ cửa Bossuet cách mạng Pháp không thể không có cuốn xã hội khế ước của Rousseau và vạn Pháp tinh lý của Montesgnieu.
Trước cách mạng Pháp, đa số dân chúng Âu Châu đều tin tưởng lời Bossuet nói:
- Thiếu bàn tay Thượng đế thì thế giới này sẽ rơi xuống vực thẳm, thiếu vương quyền thì xã hội này sẽ chìm vào hỗn loạn (Qua dieu retire sa main, le monde retombera dans le néant que l’ autorité cesse dans le Royaume tout sera en confusion).
- Phải nhìn cho rõ để thấy bàn tay Thượng đế trong lịch sử nhân loại ở bất kỳ thời đại nào, tất cả những biến chuyển lớn lao của lịch sử đều tuân thủ các nguyên tắc thần học bao là khắp mọi nơi.
(Il fallait donc faire voir dans les differentes époques de l’histoire humaine la main de Dieu, il fallait que les grands faits de l’histoire se pliassent à une interpretation universelle et théologiphe).
Muốn làm mờ Bossuet, cách mạng Pháp cần có trí thức lớn lao của Montesquieu. Do hiểu biết bao la của ông, ông đã chứng minh cho mọi người thấy rõ lý luận thần học của Bossuet lỗi thời rồi. Trong cái thế giới chính trị càng ngày thêm phức tạp, biết bao nhân vật, biết bao xung đột, biết bao quyền lợi riêng tư đối chọi nhau, làm sao tìm thấy bàn tay Thượng đế. Nhịp điệu thế giới biến chuyển theo với thủ đoạn, với mưu cơ của thực tế chính trị. Hàng trăm ngàn đầu dây mối rợ khó lòng mà nhìn nhận ra một nguyên tắc chỉ đạo như một mẫu số chung thì đương nhiên không thể đam chính trị thu hẹp vào nguyên tắc tê liệt của thần học. Chân trời lịch sử mở rộng, thế giới không còn là của Rome hay Jerusalem nữa. Á Châu, Phi Châu, Mỹ Châu đang đòi địa vị lịch sử của họ và dĩ nhiên không thể buộc họ vào sứ mạng Ki Tô. Vũ trụ không còn thu hẹp trong lối suy diễn thần học, nó đang tràn ngập và phá vỡ con đê lý thuyết Bossuet.


Intelligentzia

Tiền phong của cách mạng 1917 là những hoạt động trí thức. Từ những phong trào này sản sinh ra danh từ intelligentzia (khoảng cuối thế kỷ 19).
Theo Nicolas Berdiaev thì người Tây phương đã nhận xét lầm về Intelligentzia coi giống hệt như Intellectuel. Thực ra nó rất khác biệt. Đây không hảăn là một tổ chức nhưng nó cũng không buông thả ai muốn làm gì thì làm như trí thức Âu Châu. Intelligentzia ở Nga sống gần như một tôn giáo nhỏ với giáo điều tập quán phong tục và hình dáng bề ngoài riêng biệt và có cùng một quan niệm vũ trụ nhân sinh. Đó là một tập thể sông cho lý tưởng không phân biệt nghề nghiệp giàu nghèo. Mới đầu họ là tầng lớp học thức rồi lan đến các công tử quí tộc, sau xuống đến các tiểu công chức, tiểu thương đôi lúc còn thấy cả nông dân nữa. Sơ khai vì không thể trực tiếp hoạt động chính trị, họ gói chính trị vào hoạt động văn học. Lâu dần các buỗi hội đều là sự tụ tập để phê phán chính trị. Tinh thần của họ là tinh thần Raskol (tên tắt nhân vật tiểu thuyết của Dostoievsky, một sinh viên cấp tiến đã giết mụ cầm đồ cay nghiệt tượng trưng cho thể chế bất công bấy giờ). Tinh thần Raskol là tinh thần cuồng tín.
Thái độ táo bạo đầu tiên của intelligentzia là tước bỏ hết những quyền tôn giáo đối với họ. Raditchev đưa ra phương châm: Tâm hồn tôi bây giờ hướng cả về đau khổ của con người. Raditchev tìm mọi cách để truyền bá tư tưởng Rousseau, Diderot, Voltaire. Tư tưởng của cách mạng Pháp vào Nga phá vỡ đức tin cổ truyền. Pestel viết cuốn: Vérité russe một trong những đà móng của chủ nghĩa xã hội tại Nga.
Tinh thần Raskol cuồng nhiệt hơn sau việc chính quyền treo cổ các người cầm đầu vụ tháng 12 (les decembriste) là vụ nổi loạn mưu sát Nicolas 1er. Trong số người bị treo cổ có hai thi sĩ danh tiếng: Ryl 1er và Pestel.
Các phần tử trí thức intellegitzia thề nguyện một mất một còn với chính quyền thống trị đương thời, họ chân thành nghe theo tiếng gọi của thi sĩ Ryleev:
Không thể có thỏa hiệp nào
Giữa bầy nô lệ với bạo chúa
Chúng ta hãy viết ngay những trang sử máu
và vung gươm tiến bước.
Khắp dân gian những bản viết tay, in thạch lời cuối của Kakhovsky người cầm đầu vụ tháng 12, được truyền cho nhau đọc:
“Số tôi đã định đoạt. Tôi không than van, thản nhiên nhận bản cáo trạng. Sống hay chết với tôi gần như chẳng có gì đáng kể. Tôi không muốn nói đến tôi nhưng tôi muốn nói đến Tổ quốc của tôi, nếu ngày nào tim tôi còn đập thì Tổ quốc mãi mãi là điều linh thiêng nhất. Tổ chức hội kín của chúng ta đã bị khám phá. Chúng tôi chống lại ngài (chỉ Nicolas) với mục đích duy nhất là tiêu diệt bằng được cái gia đình đang ngự trị dù phải tắm trong máu để xây dựng một chính quyền nhân dân. Tôi say sưa trong tình yêu Tổ quốc trong tình yêu tự do. Với tôi không có gì gọi là tội lỗi khi đấu tranh.
Và hình ảnh những bộ mặt thản nhiên bước lên giàn treo cổ đã thành những hình ảnh đẹp nhất. Trên ngôn ngữ hàng ngày trên các sáng tác văn học chính quyền được mệnh danh là chúng nó đối lại với chúng ta là Intelligentzia. Cái gì chúng nó tin thì chúng ta phải phỉ nhổ, cái gì chúng nó cho là giá trị thì chúng ta khinh rẻ. Tất cả đều tập trung vào sự giải phóng con người trên thế gian, giải phóng thợ thuyền tạo điều kiện sinh hoạt mới, tiêu hủy hết thảy thành kiến, mộ đạo mê tín, lệ luật trói buộc và thứ nhất là những tư tưởng “trên trời” thứ tư tưởng làm cho nô lệ, thứ tư tưởng đánh cắp hạnh phúc nhân loại.
Đà cuồng tín lên cao, để cung ứng cho cuồng tín có một đường hướng khỏi rơi vào vực sâu yếu thế lãng mạn Netchaev sáng tác cuốn: Kinh bổn cách mạng (cathechisme révolutionnaire) ấn định một tinh thần mới:
“Chỉ biết cách mạng, cách mạng thay thế Thượng đế. Lấy luật lệ cách mạng làm nguyên tắc sống, lấy sức mạnh sắt thép hoạt động. Người cách mạng không còn tình cảm, quyền lợi công việc, liên hệ riêng tư nữa”.
Cái xã hội khốn nạn này phải phân chia ra làm nhiều loại, loại thứ nhất là bọn phải đem hành hình ngay, trước hết là những kẻ nguy hại trực tiếp cho tổ chức cách mạng. Bằng lối giết chóc tàn nhẫn luôn rình rập chúng ta có thể làm lung lay chính quyền thống trị bằng cách tiêu hủy những tay sai khôn giỏi của nó.
Hưởng ứng lời khuyên của Netchaev là hàng loạt vụ khủng bố khắp nơi, nhiều nhân vật cao cấp chính quyền và tay sai từ thành thị đến thôn quê bị giết. (ngược lại tổ chức cách mạng cũng bị chính quyền sát hại khá đông).
Khủng bố biến chết trở nên bừa bãi, thường vì lý do cá nhân thù hận khiến cho mọi người mất tin tưởng và chán ghét. Khúng bố làm cho cách mạng gần thành người mất trí. Nhìn thấy nguy cơ này, A. D. Mikhailov viết một số bài luận về ý nghĩa của tổ chức và kỹ thuật hoạt động bí mật. Theo Mikhailov thì:
“Làm việc vô tổ chức là lãng phí sức mạnh”.
Kỷ luật, phương pháp, tự chế, làm việc đều đặn, chu đáo đúng giờ giấc đó là những đức tính mới rất cần cho người cách mạng trong giai đoạn hiện thời.
“Tất cả mưu đồ chính trị đều phải loại bỏ được mọi bất ngờ may rủi mới có thể thành tựu. Phải tổ chức tất cả bí quyết thành công ở đấy.
Tư tưởng Mikhailov tạo nên nhiều vụ làm chấn động tâm lý toàn quốc, nhất là vụ theo đuổi giết vua Alexandre đệ nhị. Bị nhiều lần chết hụt, Alexandre phải trốn chạy, tăng cường canh gác xa lánh xung quanh, nghi ngờ đồ ăn thức uống. Dân gian thích thú truyền khẩu nhau: Alexandre ra lệnh như một vị bạo chúa nhưng run rẽ như một tên nô lệ. Tư tưởng Mikhailov có ảnh hưởng lớn, nhưng không đi ra ngoài phương pháp và hoạt động khủng bố. Cách mạng vẫn nguyên vẹn là những âm mưu tụ tập ít người nhỏ hẹp cho đến khi một chuyện quan trọng xảy tới. Ngày 9 tháng 1 năm 1905 dưới sự lãnh đạo của cha Gapone, chừng hơn trăm ngàn thợ thuyền từ Saint Petersbourg biểu tình tiến về lâu đài mùa Đông. Họ không mang khí giới, họ nắm tay nhau hát bài: Xin Thượng đế phù hộ cho Tsar. Cha Gapone đưa lời thỉnh cầu lên Tsar hoàng:
“Chúng tôi không dòi hỏi chi nhiều. Chúng tôi chỉ xin được làm việc 8 giờ một ngày, xin tăng tiền công hàng ngày lên một đồng rúp. Xin hãy cứu giúp dân chúng và hãy phá bỏ hàng rào ngăn cách giữa dân chúng với Ngài”.
Tsar hoàng rời Saint Petersbourg, quyền hành trao trọn vào ít tướng lãnh, giám đốc công an và quận công Vladimir Quân đội hạ lệnh bắn, đám người biểu tình ngã xuống như sung rụng. Tổng kết có 500 người chết 3000 người bị thương đàn bà con trẻ la liệt trên đất, máu đổ nhuộm hồng màu tuyết.
Tại Genève trong căn gác tối, Lénine nhận được tin và nhìn qua biến cố này ông nhìn thấy một trời ánh sáng hy vọng cách mạng đã tràn vào quảng đại quần chúng. Ông nghĩ lòng hăng say và căm hận đã nổi dậy trên khắp nước nếu con thiếu gì chỉ là thiếu lý luận đấu tranh, kỹ thuật đấu tranh. Lénine tự cho mình có bổn phận cung ứng những thứ đó. Thế là hàng loạt văn phẩm cách mạng do Lénine viết thành hình, chúng đã giúp cho cuộc đấu tranh rất nhiều. Cùng lúc ấy một bộ óc khác cần thiết cho cách mạng tháng mười và đã đóng góp nhiều công lao là bộ óc của Léon Bronstein tức Trotzky cũng hoạt động dữ dội.
Malaparte khi nhận định về Lénine có viết câu này: Lénine était survenu pour donner une logique au peuple Russe (Lénine hiện ra đem cho dân tộc Nga cách luận lý).
Câu ấy thật không có chi quá đáng.

Vũ khí sắc bén của trí thức phần tử

Bất cứ vận động chính trị nào, bất cứ phong trào quần chúng nào cũng đều khởi sự bằng một hiểu số quyết tâm chiến đấu và bất cứ cuộc khởi sự nào cũng bắt đầu bằng các hoạt động phá hoại uy tín đối phương, kẻ thống trị sẽ bị mất lòng tin tưởng (l”ordre existant est tombé en discret). Ngược lại nếu chính quyền không quét sạch sức mạnh kẻ phản kháng để buộc phải vâng lệnh mình, cứ để tình trạng phá hoại uy tín lan rộng là thua.
Sự mất uy tín hay uy quyền chính trị không hẳn do ở những hành động sai lầm hoặc những quá lạm của kẻ cầm quyền mà bởi sự phê phán sắc nhọn của đối phương, của những người có khả năng hiệu triệu đặt vấn đề quá lạm và sai lầm ấy để vạch vòi ra hình ảnh thối rửa và bất lực. Nếu không có những phê phán nguy hiểm ấy thì kẻ thống trị dù quá lạm gấp đôi sai lầm gấp đôi cũng không bao giờ tự nó sụp đổ cả. Bởi lẽ ấy Tào Tháo mới nhìn thấy cái nguy hiểm của Dương Tu, Tháo giết Dương Tu là nhận ra cái tài phê phán tinh tường của Dương Tu, chỉ có Tu là biết đến ruột của ông, giết Dương Tu là giết mầm mống ác hại.
“Công việc tiền phong để đánh phá những thể chế thống trị, để quần chúng muốn đổi thay, để quần chúng chấp nhận một tin tưởng mới là công việc của những nhà văn, những nhà hùng biện tài giỏi, có danh tiếng”.
(Le travail préliminaire tendant à saper les institutions existantes, à familiariser les masses avec l’idée du changement et à créer en faveur de la nouvelle Foi un état de receptivité, ne peut, être accompli que par les hommes qui sont d’abord et avant tout, des orateurs ou des écrivains et qui sont reconnus comme cela par tout le monde).
Eric Hoffer viết tiếp:
“và những người cuồng tín (người hành động) chỉ nhảy vào cuộc chiếm giữ chính quyền khi nào trật tự, uy quyền cũ đã bị bất tín nhiệm, đã không được quần chúng nghe theo nữa”
(Les Fanatiques ne peuvent entrer en scène et prendre le pouvoir que si l’ordre existant est tombé endiscredit et a perdu l’audience des masses)
Do tính chất nguy hiểm của phê phán mà trên chính trị có vấn đề tư tưởng và khống chế tư tưởng. Vấn đề này bao giờ cũng trái ngược như trắng với đen giữa thực tế và ước mong. Ai cũng ước mong tự do tư tưởng, nhưng khi ngồi vào thực tế chính quyền là thi hành khống chế tư tưởng. Thậm chí ngay cả trên tư tưởng cũng mang nặng chủ trương khống chế tư tưởng nữa.
Khổng Tử nói:
“Nếu đạo của ta không được thực hành ta sẽ chèo thuyền dạo chơi ngoài biển, có Tử Lộ cùng đi với ta”.
Thật là một phong độ phóng khoáng vĩ đại, nhưng đồng thời nó cũng chỉ là một phong độ mong ước lý tưởng thôi. Thật thế, ngay các đồ đệ trực tiếp thụ huấn Khổng Tử như Tử Hạ, Tử Trương đã nghĩ khác rồi.
Tử Hạ nói: “Có thể thì ta chơi với, không thể thì ta cự tuyệt”.
Tử Trương: Khác với ta, ta lấy thái độ quân tử dung chúng không dung người không phải kẻ hiền, người cứ việc cự lại ta, ta có gì mà phải chống với người đâu”.
Đến như ông Mạnh Tử thì cái chuyện khống chế tư tưởng tăng cao lên nhiều lắm. Ông mắng Trần Trọng Tử là con giun, sỉ vả Hứa Hành là cái lưỡi con vẹt miền Nam công kích phái Dương, Mặc là súc sinh.
Lénine và tập đoàn của ông đã mang sinh mạng mình vào cuộc đấu tranh cho giai cấp vô sản thoát ách độc đoán của chế độ Tsar hoàng, nhưng khi nắm được chính quyền rồi ông dồn hết cả tâm lực vào việc xây dựng chế độ vô sản chuyên chính (dictature du prolétariat).
Lénine và tập đoàn của ông cũng đã từng rất say sưa với những bài thơ trong sáng Tự Do của Pouchkine và Ryleev nhưng khi thực sự bước vào cách mạng mỗi lần đề cập đến hai chữ Tự Do ông thường nói: “Ở chỗ nào có Tự Do thì chỗ ấy không thể có nhà nước”.
Lúc chế độ Cộng Sản đã thiết lập ở Nga, một nhà báo Ý sang Nga hỏi Lonnatcharsky ủy viên giáo dục rằng: Những người Bôn-sê-vích sẽ đối đãi ra sao với loại người như nhân vật Candide của Voltaire hay loại người thấm nhuần tư tưởng Niezstche?
Lounatcharsky thản nhiên đáp:
Chúng tôi sẽ không để bọn đó sinh sôi nảy nở.
Câu trả lời đó cho thấy Lounatcharsky thực thụ là một “léniniste”.
Mấy chục năm trước cách mạng tháng 10, Pouchkine, Gogol, Ogarinoff, Bielinski v.v… cùng chung sức kiến thiết cho nước Nga một tinh thần Tự Do Gió cách mạng Pháp đổi tới. Tinh thần Tự Do nảy nở trong long mỗi người để trở thành quan niệm tôn thờ Tự Do cá nhân. Lénine nhận thấy với tinh thần ấy cuộc cách mạng C.S Nga không thể nào thành tựu được. Lénine cho rằng: những ảo tưởng nhân đạo lý tưởng dân chủ, chủ nghĩa ái quốc lãng mạn, những ước vọng tự do của người “decembriste” không đủ khả năng chống trả với tổ chức đàn áp cách mạng, cho nên ông chối bỏ, ông xây dựng một quan niệm cách mạng khác. Lénine không hứa với dân chúng Nga hai chữ Tự Do mà kêu gọi trả thù và hòa bình. Với đám nông dân Lénine không hức Tư Do mà xui giục rửa hận và ruộng đất. Với thợ thuyền ông không hứa Tự Do mà gào thét báo oán nắm chính quyền. Ông nhìn rõ chân tướng tình cảm lê thê và lý trí rụt rè của phần tử trí thức lúc đó. Đã có lần Lénine nói với Kamenev:
“Đồng chí tin người ta có thể làm cách mạng mà không xử bắn ai hết sao?”.
Để biện hộ cho việc ông đã nghĩ đúng điều cần thiết của lịch sử, một lần ông thổ lộ với nhà văn Maxime Gorki:
“Sự độc ác tàn nhẫn của tôi sau này mọi người sẽ hiểu và tha thứ”.

Ba mặt của phê phán

Phê phán một thể chế thống trị có ba mặt:
- Phê phán tinh thần, đạo đức (critique morale)
- Phê phán chuyên môn, kỹ thuật (critique technique)
- Phê phán ý hệ hay phê phán lịch sử (critique historique ou idéologique)
Phê phán tinh thần đạo đức là chống lại những bất công, những sa đọa, những bế tắc trong quan hệ người với người như nhà viết kịch vĩ đại Ibsen ngụ ý trong các vở kịch của ông. Ông nhìn xã hội Norvège bấy giờ như một xã hội gồm toàn con người “nhân thân thú diện” (kịch When the dead awaken), trai ăn cắp gái làm đĩ. Gia đình người Norvège đầy bệnh hoạn tự tư, tự lợi, ỷ lại, nô lệ giả đạo đức (kịch La maison des poupées). Ở các vở kịch khác ông mở cuộc tổng công kích vào ba thế lực lớn nhất là pháp luật, tôn giáo, đạo đức. Với pháp luật ông vạch vòi sự gian lận của nó, tình cảnh chết cứng độc ác bất cố nhân tình của nó, pháp luật là sự lừa đảo những người cô thế. Với tôn giáo, Ibsen chế giễu nó qua nhân vật. Rosmersholm vị linh mục bỏ đạo chạy theo thế lực vật chất. Mất hết lòng tin Chúa, linh mục gia nhập đảng Tự Do nhưng đảng Tự Do lại buộc linh mục không được từ bỏ chức vụ tôn giáo, công tác của ông là hãy lợi dụng tôn giáo lôi kéo mê hoặc giáo dân làm lợi cho đảng. Với đạo đức Ibsen chua xót đưa vào vở kịch L’enne mi du peuple một người bị cả xã hội xua đuổi nhân danh đạo đức, dân chúng vì áp lực và gian tạo của cường quyền mà sôi nổi phỉ báng kẻ vì mình mà tranh đấu. Bằng vở kịch Wild duck ông nhìn nhận rằng những phần tử anh hùng của xã hội không còn nữa, chúng bây giờ đã được nuôi béo vỗ về nên bằng lòng cái kiếp chim lồng cá chậu mà quên hẳn sông hổ mây trời.
Thời kỳ Tưởng Giới Thạch cai quản Trung Quốc có rất nhiều vở kịch được nhiệt liệt hưởng ứng chĩa mũi dùi phê phán cuộc sống khốn khổ dưới chế độ Tưởng đáng kể như:
- Lôi Vũ của Tào Ngu phơi bày tội ác của gia đình phong kiến, tình trạng ngột ngạt khó thở của cái sinh hoạt áp bức lừa dối.
- Nhật Xuất của Tào Ngu nói lên hy vọng của một ngày mai đẹp đẽ sau cái chết âm thầm của cô gái nhảy đáng thương Bạch Lộ.
- Hồng Thủy của Điền Hán lấy cảnh lụt mà diễn tả nổi ai oán của một gia đình nông dân. Đói khổ ông lão đã lừa lúc con dâu và cháu ngủ để tự trầm dành phần cơm manh áo cho cháu.
- Vãn Yến của Viên Mục Chi kêu gọi nổi dậy đấu tranh nếu không thì chỉ là tăm tối, tù ngục, chết chóc.
Phê phán lịch sử hay ỷ hệ là xét lại toàn bộ xã hội hiện đại để đặt định một xã hội tương lai, phong kiến, trung cổ giáo quyền được thay thế bằng dân chủ tam quyền phân lập tự do bình đẳng v.v…
Những tác phẩm lớn thuộc loại phê phán này có thể lược kể như sau:
- Quân Vương (Le prince) của Machiavel.
- Sáu tập luận về nền cộng hòa của Jean Bodin.
- Leviathan của Thomas Hobbes.
- Triết học chính trị rút tỉa từ Thánh thư của Bossue.
- Khảo luận về chính quyền dân sự của John Loeke.
- Vạn pháp tinh lý của Montesquieu.
- Xã hội công ước của Jean Jacques Rousseau.
- Lực lượng bình dân của Sieyès.
- Diễn văn tập về quốc gia Đức của Hichte.
- Nền dân chủ tại Mỹ của Rocqueville.
- Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản của Karl Marx.
- Điều tra chế độ dân chủ của Charles Maurras.
- Cảm nghĩ vầ bạo lực của Georges Sorel.
- Nhà nước và cách mạng của Lénine.
- Mein Kampf của Adolf Hitler.

o0o

Phê phán kỹ thuật là chỉ trích những chính sách, những biện pháp của chế độ vì bất lực vì không thích nghi nên tạo ra sự lệch lạc, hỗn độn, tổn phí nguy hiểm.
Phê phán thuộc loại này thường thấy trên báo chí, trong các cuộc hội họp, hoặc ghi lên bảng qua hình thức biểu ngữ v.v… Giá trị của phê phán chỉ có thể tạo nên sức mạnh khi nó thu thập được sự hưởng ứng và đồng tình, mỗi ý kiến mỗi tư tưởng nêu ra là đều có những “Môn sinh” quy tụ, hay làm xúc động tâm lý số đông. Tào Ngu lúc nào cũng chú trọng vào pháp bảo “phải làm cho khán giả phổ thông bị hấp dẫn”, quần chúng chính trị chẳng có gì khác quần chúng kịch trường, người viết kịch cũng như những người phê phán chính trị đều phải nhìn nhận quần chúng là sinh mệnh của kịch trường.

Sáng tạo và giáo dục

Không phải chỉ có sáng tạo là quan trọng.
Giáo dục cũng quan trọng không kém.
Phần tử trí thức được phân công gánh vác hai nhiệm vụ đó. Alfred Sauvy viết:
Có hai loại tài năng, một gieo giống, một để cho sinh nở. (Il y a deux sortes de génies l’un qui avant tout engendrer et veut angendrer, l’autre qui aime à se laisser féconder et qui enfante).
Giáo dục là sự môi giới giữa quần chúng với lịch sử, giữa quần chúng với tiến bộ, giữa quần chúng với trật tự. Thất bại trên giáo dục tức là thất bại toàn bộ. Chính với giáo không tách rời nhau cũng như cách mạng và huấn luyện phải gắn liền.
Nếu ta đặt câu hỏi: Lịch sử xây dựng bởi trí thức phần tử?
Trong phạm vi cục bộ thì lịch sử xây dựng bởi anh hùng hào kiệt, nhưng trên toàn chỉnh thì lịch sử được xây dựng bởi phần tử trí thức. Sinh hoạt là kế tục thích ứng, muốn thích ứng với hoàn cảnh mới tất phải điều chỉnh nội bộ và ngoại bộ, nhiệm vụ điều chỉnh nằm trong tay phần tử trí thức. Lãnh đạo quyền là gì? Chỉ là sự nắm vững nguyên lý giáo dục. Hỗn loạn và lạc hậu bao giờ cũng là miếng đất tốt cho ác thế lực và hèn yếu nảy nở. Kẻ vô sỉ làm quan to không đáng sợ bằng kẻ vô sỉ đi giảng dạy học vấn. Thời kỳ tối tăm nhất lịch sử thảy đều là thời kỳ giáo dục phá sản, lịch sử chỉ lại sáng sủa khi giáo dục khởi sắc. Cái cảnh tưng bừng phấn khởi dưới những gốc đa, những tàn muỗm, ở làng Quang làng Mọc, làng Bưởi, các ông già bà cả, các thanh niên trai gái chăm chú nghe lời giảng của các vị sáng lập ra Đông Kinh Nghĩa Thục chính là dấu hiệu cho hy vọng quật khởi vậy.


CHƯƠNG THỨ BA


THÂN PHẬN

Chính bởi cái bản chất nhã quí mà phần tữ trí thức khi dấn thân vào thực tế tàn nhẫn thường bị gạt ra ngoài để mang cái hình hài thất bại. Hình hài của Phan Đình Phùng trước bộ mặt vô sỉ của Hoàng Cao Khải, hình hài của Antonio Mella trước vẻ đắc thắng của tên độc tài Machado (Cuba), hình hài của Maiakowsky trước tiếng cưới ngạo nghễ của loại Prisypkine, hình hài bần hàn trước thái độ huênh hoang của bọn bạo lợi.


Hai chiều thân phận

Nói đến thân phận phần tử trí thức cần xét trên hai chiều của thân phận.
1) Thân phận cái tôi riêng lẻ
2) Thân phận liên quan đến giai cấp.

o0o

Thân vô thái phương song phi dực.
Tâm hữu linh tê nhất điểm thông.
Thân phận cái tôi riêng lẻ của phần tử trí thức bắt đầu bằng con người lý tưởng, vì con người lý tưởng đó mà phần tử trí thức thường bất lực trong cuộc đấu tranh thực tế, tâm chất linh thông nhưng lại không có đôi cánh của con phượng hoàng đấy chính là bi kịch của thân phận trí thức.
Tối cao lý tưởng chính trí phương đông về vấn đề trị bình thiên hạ là làm sao cho mỗi người đều thành thánh nhân. Thánh nhân chỉ là một điển hình một phạm trù chung cho mọi người. Chính trị không thiên lệnh về phía ứng phó với hiện thực, mà chính trị là công cụ lý tưởng để hoàn thành văn hóa nhân sinh. Nếu đem chính trị thoát ly toàn thể con người, đem chính trị vì tâm chất lý tưởng quá hỏa biến thành không tưởng, phần tử trí thức không mang vào chính trị cái lạc thú chính trị mà chỉ mang vào cái lạc thú nhân sinh, cho nên phần tử trí thức đối với chính trị vẫn hằng có cái lầm của Đường Tam Tạng.
Đường Tam Tạng phải dựa vào Tôn Hành Giả cũng như nhân loại cần phải được chính trị bảo vệ. Tôn Hành Giả quay quắt có 72 phép biến hình. Nhờ Tôn Hành Giả nên Đường Tăng mới qua khỏi nhiều nguy nan mang kinh về. Chính trị biến hóa vô lường có thần thông quảng đại mới đối chọi với bọn Ngưu Ma Vương ở Hỏa Viêm Sơn, cự địch với quạt ba tiêu của Thiết Phiến công chúa. Đường Tăng chẳng lúc nào không cần thiết có Tôn Hành Giả, cũng như nhân loại không thể thiếu chính trị dù phút chốc. Đường Tăng cũng biết vậy, nhưng do lý tưởng thúc đẩy Đường Tăng đã có lần đuổi Tôn Hành Giả đi. Lần ấy là lần Tôn Hành Giả dùng phép quật chết Bạch Cốt phu nhân, Đường Tăng chỉ trông bề ngoài tốt đẹp của Bạch Cốt phu nhân mà không biết là con tinh đội lốt nên cho rằng Tôn Hành Giả làm một công việc tán thiên hại lý nên nhất định vất bỏ Tôn Hành Giả. Đến khi Đường Tăng đi vào khu rừng tùng đen bị quái Hoàng Bào vây hãm không làm sao ra thoát, vô kế Đường Tăng phải cho mời Tôn Hành Giả.
Tâm chất lý tưởng và không tưởng khiến cho phần tử trí thức dễ tuyệt vọng với hiện thực chính trị. Cái chết của thi sĩ Vladimir Maiakovsky là một điển hình. Maiakovsky thuộc thế hệ tiền phong của cách mạng tháng 10.
Vì cầm đầu vụ bãi công, Maiakovsky bị đuổi ra khỏi trường cao đẳng mỹ thuật rồi bị tù. Được gội rữa bởi nhà giam, thơ Maiakovsky sáng lên với giọng điệu công phá chế độ đưa chàng trở thành nhà thơ cách mạng.
Cách mạng thành công, trong dân chúng lưu truyền rộng rãi câu thơ:
Với tất cả sức lực của thơ,
Ta xin hiến dâng
Cho giai cấp nổi lên mà reo hò tấn công
Nhưng cũng chính Maiakovsky là người đầu tiên tuyệt vọng với chế độ mới. Bởi Maiakovsky trong sạch quá mên chàng không thể chịu đựng nổi sự đau lòng khi trông thấy các chiến sĩ Cộng sản đang tìm cách tư sản hóa, sự ngộp thở của bộ máy quan liêu đỏ. Chế độ mới không chấp nhận thiên tài dù cho thiên tài ấy đã từng là kẻ dẫn đầu xây dựng chế độ.
Ngày 14 tháng 4 năm 1930, Maiakovsky vừa tròn 36 tuổi lấy súng tự bắn vào đầu, trước đấy ba năm là nhà văn Essinine chết tương tự.
Tại sao các chiến sĩ xã hội, chiến sĩ Cộng sản cùng một lúc lại là bọn côn đồ bóc lột, thích tư hữu. Càng nặng với chủ nghĩa xã hội bao nhiêu lại càng ham vơ vét bấy nhiêu. Tại sao thế?
Đó là câu hỏi mà Dostoievsky nêu ra, bây giờ nó như nhát búa đập suốt ngày đêm trong đầu óc nhà thơ trẻ tuổi. Đâu đâu Maiakovsky nhìn thấy bộ mặt tên Prissipkine (Nhân vật kịch đại biểu cho người cán bộ Cộng sản ham giàu sang trong vở Lũ Rệp của Maiakovssky). Bây giờ chàng mới hiểu: Chủ nghĩa, lý thuyết, lý tưởng Cộng sản là một chuyện nhưng đảng C.S với cái guồng máy quan liêu nặng áp bức lại là chuyện khác. Người ta chỉ có thể là Cộng sản thuần túy và từ giã đảng để rồi rơi vào tình trạng cô đơn vất lực.
Maiakovsky buồn nản nhận xét nông dân thợ thuyền vẫn rách trong khi các chiến sĩ Cộng sản đầy quyền uy đi trong xe hơi lộng lẫy, ở tại các lâu đài của Tsar hoàng.
Cái chết của Maiakovsky là một thảm kịch chính trị. Mặc dù nhà đương cục tung tin Maiakovsky tự sát vì bị khủng hoảng tinh thần ông sợ mình đã cạn nguồn sáng tạo, chẳng ai tin.
Không dừng được, Stalinne phải lên tiếng:
“Maiakovsky mãi mãi là nhà thơ vĩ đại tài ba của kỷ nguyên sô viết chúng ta”.
Tâm chất lý tưởng và không tưởng biến người trí thức thàng Abélard bị thực tế hay thực quyền hoạn thiến.
Abélard giáo sư đầu tiên có những tư tưởng cấp tiến của thời Trung Cổ Pháp, ông dạy thần học ở nhà thờ Đức Mẹ Paris và ở đây ông sáng lập chủ nghĩa duy danh (nominalisme), ông được nhiều thanh niên Âu Châu tán thưởng. Lúc ấy (1116) quyền tu viện còn mạnh lắm, giáo hội không mấy ưa tư tưởng của Abélard.
Héloise vừa mười chín tuổi, nàng mới tốt nghiệp trường nhà dòng và ở với chú là Fullbert quí tộc phong kiến. Héloise đẹp lắm lại nổi tiếng trí thức.
Abélard vận động đến dạy Héloise về môn triết. Hai người yêu nhau. Xã hội thế lực phản đối cuộc tình này. Abélard và Héloise bất chấp, họ cùng nhau bỏ trốn sự nghiệp bỏ trốn gia đình. Họ muốn tìm tự do trong tình yêu. Họ muốn chứng minh tình yêu không phải là kết quả của trái cấm của quỷ cám dỗ. Một đêm kia, Abélard đang nằm ngủ, bỗng số đông người ập tới đè cứng Abélard mà thiến. Đau khổ Héloise xin vào tu viện còn Abélard bị kẻ thù săn đuổi cho đến phút cuối cùng. Thượng Đế nhất quyết trừng tội cả hai.
Tâm chất lý tưởng và không tưởng đẩy phần tử trí thức vào tình trạng một kẻ lưu đầy, họ lạc lỏng trong cuộc đời thực tế bao vây bởi ngàn vạn phi lý như các nhân vật của Albert Camus (l’exil et son Royaume, l’Etranger), họ là những con thuyền say giữa cuộc đời.
Hình sáng người trí thức đã được các nhà văn lớn miêu tả như Trofimov trong vở kịch Vườn anh đào (La cerisaie). Antone Tchekov mảnh khành, đôi mắt buồn tượi, mắc bệnh lao nên không thể nóng rét lúc nào củng có chiếc khăn quàng cổ, thể xác yếu ớt nhưng tinh thần lại tràn đầy sức sống.
- Như Pierre trong tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình (La guerre et le paix- Léon Tolstoi) đại lượng, suy tư tha thiết không thể gần gũi với xã hội quí tộc thối nát.
- Nhưng Mychkine trong tiểu thuyết “Kẻ đầu ngu” (L’idiot Dostoievsky) trong sạch và ngơ ngác trước những bẩn thỉu của đời.
Đôi khi nhưũng “con thuyền say” đó trở thành cuồng sĩ thầy đồ ngông, hoặc họ tự nhận chìm mình trong thú vui ma túy.

Ngũ độc thư

Nếu ai đã từng nghiên cứu về khoa tướng số đều phải biết câu này:
Nhất mệnh
Nhị vận
Tam phong thủy
Tứ âm công
Ngũ độc thư
Người đọc sách hay là phần tử trí thức đã rớt xuống hàng thứ năm không phải là hàng thứ nhất như các nhà trí thức vẫn lầm tưởng đâu. Người đọc sách rớt xuống hàng thứ năm nghĩa là đọc sách có giỏi vẫn thua thằng số tốt, vận tốt, mồ mả tốt và âm đức tốt.
Trên thực tế điều này rất đúng, nhưng theo khoa học xã hội người ta có thể giải thích hiện tượng ấy mà không căn cứ vào số tốt, mồ mả tốt và âm đức tốt. Từ trước tới nay đa số thường nhận lầm phần tử ưu tú (élite) với phần tử trí thức (intellectuel) là một. Dĩ nhiên phần tử trí thức là phần tử ưu tú mà không hề là phần tử trí thức. Nếu không quan niệm được rõ rệt sự khác biệt giữa ưu tú và trí thức rất khó lòng nhận biết tường tận thân phận trí thức.
Danh từ ưu tú để dịch chứ élite ở đây không được chỉnh cho lắm nên cần phải nói thêm rộng cho rõ nghĩa hơn. Ưu tú trong quan niệm của chúng ta qua thói quen thường kiêm nhiệm cả cái nghĩa phẩm hạnh nữa, còn ưu tú ở đây xin hiểu bằng sự loại bỏ phẩm hạnh rồi thu nó vào nghĩa tài giỏi trên mặt nào đó. Đọc chuyện Đông chu liệt quốc trí hồi Mạnh Thường Quân trốn ra khỏi cửa ải Hàm Cốc, lúc đó trời chưa sáng mà quân thù nghịch thì đã đuổi đến nơi. Mạnh Thường Quân lo lắng nhìn các mưu sĩ xung quanh mình xem có kế gì thoát chăng. Các vị trí thức mưu thần ngơ ngác hỏi nhau, rút cuộc ai cũng chịu bó tay. Bỗng có hai người tiến lên nói mỗi người có một sở trường đặc biệt khả dĩ cứu cơn nguy nan này, một người biết bắt chước tiếng gà gáy và một người biết chui giậu rất giỏi. Mạnh Thường Quân y kế cho hai người chui ra ngoài cửa ải cất tiếng gáy, gà các nơi thi nhau gáy theo, quân sĩ canh gác tưởng đã sáng rồi mở các cửa ải, Mạnh Thường Quân thoát. Đời sau gọi chuyện ấy là chuyện “Kê minh cẩu đậu” ý chỉ những người tài vặt.
Sự so sánh tuy không được chuốt lắm vì nó hãy còn quá thiếu sót, nhưng nó cũng giúp ít nhiều hình tượng để nhận thức danh từ ưu tú (élite) ở đây. Sau đây là những định lý mà một nhà xã hội học Ý đưa ra để làm tiêu chuẩn phân biệt đối với phần tử ưu tú, Paréto tuy có luận điệu khinh bạc nhưng rất đúng sự thật. Ông viết:
Bây giờ hãy đưa ra một giả thuyết là phê điểm về khả năng của mỗi cá nhân trong từng ngành hoạt động xã hội như ta phê điểm bài vở học sinh.
Tỉ dụ: một luật sư nổi tiếng đông thân chủ phê 10 điểm, con số “không” thì dành cho kẻ hoàn toàn ngu (les idiots).
- Người kiếm nhiều tiền bạc(lương thiện hay bất lương không thành vấn đề) phê 10 điểm. Người kiếm chừng vài trăm ngàn phê 6 điểm và người chỉ kiếm đủ hai tay vầy lỗ miệng cực nhọc phê 1 điểim, số không dành cho kẻ ăn xin.
(Nếu Paréto mà sống ở Saigon ngày nay, ông sẽ nhìn thấy phần tử tinh hoa trong giới ăn xin, lưng vốn chừng mươi vạn bạc cho vay lấy lời).
- Tên lưu manh chuyên sống nghề lừa đảo mà chưa lần nào mắc kẹt bị bỏ tù, phê 8 hoặc 9 điểm. Tùy theo con mồi nó đã săn được và số tiền đã kiếm được. tên ăn cướp vặt dăm bảy trăm bạc rồi rơi vào tay cảnh sát phê 1 điểm.
- Một nhà thơ được xưng tụng như Musset phê 8 hay 9 điểm và phê cho kẻ làm thơ con cóc 1 điểm.
- Các “bà lớn” kiểu Aspasie de Peridès, Maintenon (de Louis 14) Pompadour (Louis 15) đã từng dùng tình nhân quyền thế để tạo địa vị làm mưa làm gió cho mình phê 8 hay 9 điểm. Còn các bà được Vua yêu, chúa dấu một thời rồi bỏ rơi chẳng được hưởng chút tăm tiếng lợi lộc phê 0 điểm.
Muốn diễn nôm na định lý Pareto, có thể đưa ra một hình ảnh của xã hội mà chúng ta đang sống hiện tại, Mỹ ào ạt đổ sang V.N, Mỹ cần tài xế lái xe cho các cơ sở tiếp vận, các phần tử ưu tú của ngành hoạt động này tổ chức nhảy dù hàng Mỹ kiếm cả chục triệu bạc, trong khi các tài xế khác vẫn lương ba cọc ba đồng. Đem anh chàng tài xế thành công kia đặt cạnh một phần tử trí thức nào đó, trên bình diện tư tưởng trí thức, người tài xế thua sút hẳn nhưng trên một mặt khác phần tử trí thức phải chịu kém vế, và trong trường hợp phần tử trí thức lại nghèo nữa thì càng hiện lên cái cảnh bần hàn trí thức bên cạnh huênh hoang của ưu tú bạo lợi.
Hai vị bác sĩ, một vị giỏi xoay hành nghề bơm mông bơm vú kiếm gấp mười lần vị bác sĩ lọc cọc cho đơn thuốc hàng ngày. Anh chàng bác sĩ bơm vú bơm mông là loại ưu tú của giới bác sĩ.
Những người mà Pareto phê nhiều điểm nhất đa số thuộc hai loại:
a) Quỷ quyệt (chuyên rình rập cơ hội đoạt quyền đoạt lợi bất cần gia đình, tổ quốc, tôn giáo nhưng lại rất giỏi về môn lợi dụng các lý tưởng đó. Bọn này sống quay quắt không sợ thay đổi, hỗn loạn vì họ luôn luôn đủ sức phụ họa với thời thế mới.
b) Táo bạo (chuyên xông xáo, phiêu lưu làm đã rồi mới nghĩ tỉ dụ kẻ đi tìm vàng tìm mỏ dầu ở miền Tây Hoa Kỳ, bọn lính đánh thuê tại Katanga).
Trong mọi cuộc đấu tranh, phần tử trí thức và phần tử ưu tú cùng đứng hàng tiền phong, nhưng rồi dần dần phần tử trí thức bị đẩy lui để mang cái hình hài thất bại.
Phần tử trí thức mải mê với chân thiện mỹ nên đã trở thành kẻ lưu đày trong cuộc sống, họ thiếu những gì cần thiết để sống trong xứ ma.
Phần tử trí thức đa số là loại người thiên hướng về lý tưởng, mặc dầu họ không phải không nhìn thấy thực tế, nhưng nhìn để mà chối bỏ, để mong bắt nó vào lý tưởng cho nên họ rất yếu khi đối diện với sự phũ phàng của thực tế.
Đó cũng là một điều giải thích cái thói quen nếu phải nhận giữa Hitler và Thomas Mann ai là trí thức thì người ta nghĩ ngay Mann, giữa Kroutchev và Pasternak thì Pasternak, giữa Henri Ford và Scott Fitzerald thì Fitzerald mặc dầu chẳng ai nghĩ rằng Ford, Hitler, Kroutchev là bọn vô trí thức. Trotzky nhổ bọt vào tay Staline khi Staline chìa tay ra chào đó là lý tưởng muốn biểu lộ sự khinh khi cái tàn nhẫn của thực tế. Trotzky bị Staline đánh bại khi bỏ nước ra đi đó là điều chứng minh thất bại của mẫu người trí thức khi đối chọi với mẫu người hành động.

Thay bậc đổi ngôi

Mỗi biến động xã hội, biến động lịch sử đều có sự lưu hành của các phần tử ưu tú (circulation des élites). Ca dao nước ta có câu:
Trời làm một trận lăng nhăng
Ông xuống làm thằng, thằng lại lên ông
Hai kẻ tiền phong ưu tú và trí thức mỗi kẻ đóng vai trò quan trọng ngang nhau, kẻ nói người làm, người nghĩ kẻ thực hiện họ sát bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung.
Đình trưởng Lưu Bang và tập đoàn giang hồ phong bái đứng bên trí thức Trương Lương. Tiêu Hà, Tào Tham.
Bảo tiêu Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi liên kết với Khổng Minh, Phượng Sồ, Từ Thứ.
Con người lão luyện Tào Tháo kết tập với Quách Gia, Giả Hủ, Tuân Úc.
Hồng Tú Toàn có Tiền Giang làm phò tá.
Trên Lương Sơn Bạc có ông tú Ngô Dụng.
Lưu Bang mà không có Trương Lương Tiêu Hà chắc chắn khó lập thành cơ nghiệp Hán. Trương Lương Tiêu Hà không phò Lưu Bang chắc chắn suốt đời chỉ là thư sinh bất mãn.
Khổng Minh không có Lưu Bị tất quanh năm nằm co thôn dã, Lưu Bị thiếu Khổng Minh thì chẳng bao giờ làm vua đất Thục.
Sát cánh như thế, nhưng khi sắp lại ngôi thứ quyền binh phần tử trí thức bao giờ cũng đứng thụt xuống. Lưu Bị tuy ba lần gội tuyết đạp mưa chầu chực nơi ngôi nhà lá của Gia Cát Lượng, gặp lúc Gia Cát Lượng đang ngủ phải chắp tay đứng chờ, rốt cuộc khi cùng nhau lo việc nước thì Lưu Bị là vua còn Khổng Minh là bầy tôi.
Trí thức đứng thụt xuống là vì trí thức hay so đo cho nên kém dũng khí. Theo Từ Lượng Chi thì đấy cũng là cái lý do tại sao ở lịch sử Trung Quốc phần tử trí thức chỉ làm đến tể tướng thôi mà lưu manh nhiều lúc lên ngôi hoàng đế.
Trường hợp trí thức kết hợp với hanh động trên một con người như Lénine, Mao Trạch Đông, Mustapha Kémal, Tào Tháo rất hiếm, vả lại dù có thế thì cái địa vị tột đỉnh của họ vẫn do con người hành động mà ra. Trong quá trình diễn biến từ trí thức sang quyền lực để thực hiện kẻ làm đã hơn người nghĩ.
Goathe nói: “Nghĩ thì dễ, làm mới khó, làm được những điều mình nghĩ lại càng khó hơn”. Phần tử trí thức có một nhược điểm lớn là muốn tính trước tất cả nhưng rồi không tính trước được tất cả nên trù trừ không dám hành động. Nhược điểm này tạo thành ngôi vị thứ năm của người đọc sách vậy.

Bị ngược đãi và bị đồ sát

Tô Đông Pha nhiều lần bị giáng chức và bị lưu đày vì chống không lại với tập đoàn chính trị Vương An Thạch, ông chán chường với thân phận trí thức bằng bài thơ sau đây:
Nhân gia dưỡng tử yêu thông minh
Ngã bị thông minh ngộ nhất sinh
Đãn nguyện sinh nhi ngu thả lỗ
Vô tai vô nạn đáo công khanh.
( : người ta nuôi con, mong con thông minh, như ta đây thì thông minh chính là một điều lầm to cho đời ta. Ta chỉ mong sinh ra đứa con vừa ngu vừa lỗ mãng. Như vậy nó vẫn có thể làm quan to mà không bị tai nạn khốn khổ).
Sứ mạng của trí thức là đi tìm chân lý và phê phán (L’intellectuel a mission de chercher la vérité et de Juger). Chính vì phải thực hiện sứ mạng này mà phần tử trí thức bị bạc đãi và bị đổ sát.
Chính vì mang sứ mạng này mà phần tử trí thức đã bắt với một loại thói quen là thường xuyên đối lập.
Phê phán tất đụng chạm, kẻ ngồi tại quyền ở lãnh vực nào cũng thế rất không hài lòng với chỉ trích và phê phán bao giờ. Họ sẵn sàng nếu có cơ hội hoặc sẽ cố tạo ra cơ hội để tiêu diệt phê phán. Kẻ tại quyền thù hận phê phán của phần tử trí thức như thế nào?
Hãy đọc những lời của Barrès:
“Không có gì đáng ghét bằng lũ trí thức nửa mùa tự nhận làm những tay quí tộc tư tưởng, tự cho ta khác xa với đám quần chúng tanh hôi… Bọn ấy đúng là rơm rác mà xã hội đang cố gắng tạo thành tinh hoa. Những thiên tài thiếu tháng những tâm hồn bị đầu độc đáng cho ta thương như lũ heo, người ta đưa về viện Pasteur để thử thuốc điên rồ. Đương nhiên người ta phải hạ chúng không thì cũng giam nhốt chúng”.
Trung Quốc có danh từ “văn tự ngục” để chỉ sự việc vì văn chương mà bị giam cầm. Văn tự ngục là thân phận trí thức thời phong kiến, văn nhân tham dự hoạt động chính trị, các chính trị gia dã tâm một mặt triệt để lợi dụng họ, mặt khác lại triệt để ghét bỏ họ. Tần Thủy Hoàng định thiên hạ xong, liền thi hành chính sách đốt sách chôn nho, lấy cớ là bọn nho sĩ thường đem cái xưa cũ ra để chống chế bài bác cái mới mẻ. Lưu Bang bỉ thị phần tử trí thức, ông thường nói: “Trẫm được thiên hạ trên lưng ngựa việc gì trẫm phải quý trọng bọn sách làm thơ”. Minh Thái Tổ còn ghét phần tử trí thức hơn nữa, ông lo ngại văn nhân dùng văn chương lưu truyền những vụ phản bội của ông, cùng gốc gác hòa thượng của ông. Chỉ một chút nghi ngờ thôi, ông đem bỏ ngục liền.
Phê phán của phần tử trí thức nguy hiểm và khó chịu như nọc độc của con bọ cạp. Lấy một tỉ dụ kể sau đây:
Nước Tống có một người tên Tào Thương, Vua phái y đến nước Tần, y đi với vẻ mặt muôn phần đắc ý. Tào Thương giỏi nịnh hót lắm cho nên đến nước Tần, Tần Vương cấp cho ba bốn cỗ xe. Tào Thương vênh váo gặp ai cũng khoe, có lần y đến chơi ông Trang Tử nói bốc trời “mới năm trước đây tôi sống hết sức cơ cực dệt dép cỏ sinh nhai, mặt võ vàng tiều tụy, ở nơi ngõ hẹp mà bây giờ khác hẳn, trong phút chốc được vua một nước lớn thưởng cho hàng trăm cỗ xe, thiết tưởng con người đắc ý chỉ đến thế là cùng.
Trang Tử cười nói:
Tôi nghe vua Tần có bệnh trĩ, mời thầy đến chữa thầy nào chữa khá thì cho cỗ xe, nếu tận tâm hơn lấy lưỡi mà liếm chỗ trĩ thì cho đến năm cỗ lận, như tiên sinh vua Tần ban tới trăm cỗ xe chắc cũng đã liếm trĩ nhiều lần lắm nhỉ.
Tào Thương xấu hổ mặt đỏ nhừ. Trang Tử nói nhỏ: Thôi tiên sinh, tôi xin tiên sinh khoác lác ít chứ. Thứ nọc độc phê phán ấy gây thành thù hận giữa phần tử trí thức với kẻ đương quyền. Thù hận mặc, phê phán vẫn cứ phê phán, người trí thức thà chịu đổ sát ngược đãi chứ không chịu thiên hạ ngó lơ mình. Chân hành tẩu đã làm Cao Bá Quát bực dọc, ông tự coi như bị thờ ơ lãnh đạm nên bằng hai câu phê phán thi đàn của Tự Đức:
Ngán thay cái mũi vô duyên
Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An
Người trí thức thà chịu ngược đãi chứ không chịu không nói lên sự thật. Milovan Djilas dù đã ở ngôi vị phó chủ tịch nhà nước ông vẫn viết cuốn giai cấp mới để vào ngồi trong tù.
Đối với kẻ cầm quyền Djilas và Cao Bá Quát đáng hận ngang nhau.

Sát long chi bối

Sách Trang Tử chép:
Có người tên là Chu Bình Man chí lớn lắm muốn học điều gì khác thiên hạ, tìm kiếm mấy năm mới tìm ra ông thầy tên là Chi Ly Ích rất giỏi về khoa giết rồng. Chu Bình Man mừng quá, đến bái tôn làm tôn sư.
Chi Ly Ích đem tất cả bí quyết giết rồng dạy Chu Bình Man. Người họ Chu cũng cực chăm chỉ học, ông bán hết gia nghiệp quyết thành tài chẳng ngại tổn phí.
Thành tài rồi, gặp ai họ Chu cũng nói về cách giết rồng mổ rồng, cắt tiết, móc mắt, lọc xương rồng thế nào. Khốn nỗi chưa ai trông thấy rồng bao giờ nên mọi người chỉ cười, Chu Bính Man vẫn hứa hẹn sẽ có một ngày giết rồng cho bà con xem để mà khâm phục tuyệt kỹ duy nhất trên đời. Nhưng ngày đó chẳng bao giờ tới với người họ Chu.
Đa số phần tử trí thức cũng chịu thân phận giết rồng của Chu Bình Man mà ôm tài năng lạc lõng bơ vơ giữa cuộc đời, cuối cùng đem theo nó vào hòm chôn xuống đất. Là phần tử trí thức với nhiệm vụ hiểu trước biết trước, họ phải đi ra ngoài những tầm thường để tự đứng vào cái thế thiểu số (Je suis de ces intellectuels pour qui le rôle est d’être dans la minorité Drieu là Ro chelle) Karl Marl là một người giết rồng vĩ đại, cuốn tuyên ngôn của chủ nghĩa C.S. thời đó thực là một kỹ thuật giết rồng tuyệt diệu. Lạc lõng bơ vơ, người trí thức đau khổ vì bất lực không thay đổi được thực tại, nhưng thật ra ảnh hưởng của nó rất lớn. Nhiều chính khách đã từng là học trò của các vị giáo sư, đã chịu ảnh hưởng của các văn phẩm. J.F. Kennedy luôn luôn nhắc đến Harold Laski. Rất nhiều điều giảng dạy ở Đại học đã được đem áp dụng vào hành chính. Chủ nghĩa kinh tế “keynessienne” từng bị chế bỏ năm 1935 nhưng đến năm 1955 nó lại là kinh điển cho tư bản mới, là khuôn vàng thước ngọc của các nhà lãnh đạo Tây phương. Rồng không mấy khi hiện ra cho con người có thuật giết nó, được tỏ tài năng.

Thân phận giai cấp

Trí thức phần tử thuộc giai cấp tiểu tư sản đó là một sự thật. Hồ Thu Nguyên viết: Đại đa số phần tử trí thức có thể nói là ở giai cấp tiểu tư sản vì lẽ kẻ phú quí không đọc sách, người nghèo khổ không có phương tiện đọc sách, cho nên người đọc sách hầu hết xuất thân từ những gia đình “tiểu khang”.
Jean Kanapa viết: Nguồn gốc xã hội của phần tử trí thức bây giờ một phần là tư sản nhưng đại đa số thuộc giai cấp trung sản, tất cả những phân tích về trí thức phải khởi từ điểm này.
Sự thật ấy đưa lên chính trị, Cộng sản nhận định trí thức tiểu tư sản như một trong tội vì tâm lý hay giao động, dễ phản bội và không vững lập trường giao cấp. Trong khi phát xít và chủ nghĩa Mac Carthisme đối đãi với phần tử trí thức bằng chủ trương: Hoặc ngươi phải làm tay sai cho ta, hoặc ta cho ngươi vào tù, ta đốt hết sách của ngươi (Ou vous serez mes agents ou je vous jette en prison et brule vos livres).
Phần tử trí thức trên phương diện giai cấp đã có một đời sống đầy mâu thuẫn thù nghịch từ mọi phía. Còn sự thật nữa mà không ai có thể phủ nhận là chính đáng: những phần tử thuộc giai cấp tiểu tư sản ấy đã là tiền phong của cách mạng tháng 10, ai dám nói Lénine, Trorsky không phải là trí thức tiểu tư sản? Cũng lại chính những phần tử tiểu tư sản ấy đã là những rường cột bảo vệ cho thống trị tư sản, ai dám chối bỏ thân phận trí thức tiểu tư sản của Hitler, của Mussolini?
Phần tử trí thức thuộc giai cấp tiểu tư sản đó là một sự thật, nhưng thù nghịch đối với phần tử trí thức lại bắt nguồn từ một sự thật khác: đó là mâu thuẫn thường xuyên giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị, người tại quyền người tại dã, kẻ ở trong chính quyền và kẻ ở ngoài chính quyền; ở đấy trí thức lúc nào cũng là quyền lực đáng sợ nếu nó lãnh đạo được phía bị trị nổi lên. Đổ lỗi lên đầu phần tử trí thức mục đích tạo nên tâm lý tự ty và ý thức phạm tội để biến họ thành công cụ cho quyền thống trị. Nếu đem so sánh chủ trương của Phát-xít: “Hoặc ngươi làm tay sai cho ta, hoặc ta cho ngươi vào tù” với chủ trương của Lénine:
VĂn học phải trở thành văn học đảng. Đả đảo bọn văn học vô đảng, đả đảo những siêu nhân của văn học.
(La littérature doit devenir une littérature de parti. À bas les litterateurs sans parti, à bas les surhommes de la littérature).
Người ta chẳng thấy nó khác nhau bao nhiêu.
Cả hai đều làm công việc cần thiết lúc nào cũng thấy trên chính trị đó là hoạt động “định ư nhất” (Uniformity) bằng cách khống chế tư tưởng, bằng cách đào tạo một đội ngũ trí thức mới.

Quan hệ giữa phần tử trí thức và chính quyền trong chính trị sử

Có hai loại:
a/ quan hệ bình thường là hợp tác
b/ quan hệ biến thái là mâu thuẫn
Chính quyền với phần tử trí thức hợp tác tất quốc gia hưng thịnh, ổn định.
Chính quyền với phần tử trí thức mâu thuẫn tất quốc gia suy vong, bạc nhược (nhu yếu một cuộc cách mạng).
Khi người đọc sách tuyệt vọng với thời thế là lúc đất nước khởi sự phục hưng.
Trên đại thể lịch sử, phần tử trí thức bao giờ cũng là đại biểu của quảng đại quần chúng với nhiệm vụ kháng độc, bảo vệ an định. Những quan kiện lớn lao của chính trị quá nửa do phần tử trí thức gánh vác.
Nếu người đọc sách còn giữ được hoạt lực và trí tuệ thì gốc của nước không lay chuyển.
Nếu người đọc sách lãnh đạo điều hòa giỏi hiện thực thì quốc thể cường thịnh.
Nếu người đọc sách còn tự tín đoàn kết nhất chí thì dù cho văn hóa có suy kiết vẫn hy vọng cứu vãn.
Có bốn tình hình nguy hiểm:
a) Chính quyền nhục bách trí thức, giam cầm trí thức làm cho lực lượng trí thức còi cọp.
b) Chính quyền hủ bại khiến cho chính bản thân trí thức cũng hủ bại hay phân hóa chân giả.
c) Đội ngũ trí thức cũ tan rã, trí thức mới chưa thành đội ngũ.
d) Chính quyền hoàn toàn không được phần tử trí thức hợp tác.

Withdraw and Return

Là một quy luật lịch sử do nhà sử học Toynbee xướng xuất, nghĩa là thoái ẩn và trùng lai. Lịch sử như nước thủy triều dâng lên rút xuống. Rút xuống do thoái lạc của chính quyền hủ bại, dâng lên do lực lượng mới nổi dậy- kết quả phấn đấu của phần tử trí thức.
Cuộc phấn đấu nổi dậy (trùng lai) này hiện trên ba mặt vận động:
1) Ngay tại trung ương những vị trung liệt, tuẫn đạo.
2) Tại dân gian giáo dân hóa tục gìn giữ sinh mệnh văn hóa quốc gia.
3) Tổ chức chủ lực phục hưng đề xướng phương hướng mới, học vấn mới, tinh thần mới.


PHẦN HAI

VẬN ĐỘNG


CHƯƠNG THỨ BỐN



CHUYỂN H ÌNH K Ỳ



Sự cường thịnh phồn vinh của quốc gia không phải chỉ đạt tới bằng quân hùng tướng mạnh, sự suy lạc của quốc gia không phải là suy lạc của vũ lực. Nguyên nhân tạo nên hưng suy có nhiều mặt, văn hóa, chính trị, kinh tế, quân sự kết tụ với nahu như dây xích, một mắc xích rơi lỏng là khiến tất cả rã rời.


Chuyển hình kỳ là gì?

Lịch sử có những chuyển hình kỳ. Thế giới đầu thế kỷ 19 là một chuyển hình kỳ. Do công nghiệp phát triển ở Âu Châu ảnh hưởng đến đông phương làm cho lịch sử đông phương chuyển theo tạo thành chuyển hình kỳ. Nước ta cuối đợi Tự Đức quốc thế chuyển suy là một chuyển hình kỳ. Pháp lên thống trị là một chuyển hình kỳ. Tháng tám 1945 là một chuyển hình kỳ. Tháng sáu 1954 đất nước phân chia là một chuyển hình kỳ v.v… Lịch sử chuyển hình dẫn các mặt sinh hoạt khác chuyển hình. Quan hệ phần tử trí thức với lịch sử rất hệ trọng, chuyển hình kỳ của trí thức phần tử mang nhiều quyết định cho vận mạng lịch sử. Chính bởi lẽ đó nên giáo sư Fichte mới nói: Cuộc cải tạo nước Đức, là Luther (là réforme allemande, c’est Luther).
Sinh mệnh lực của quốc gia là phần tử trí thức nói thế không có nghĩa là đặt vấn đề tâm vật. Vấn đề ấy ngày nay đã quá lỗi thời rồi. Bây giờ không còn phải là lúc đưa ra hai thái cực một là tư tưởng Tự Do, bình đẳng, hai là sưu cao thuế nặng bóc lột để giải thích cho cách mạng Pháp theo hai chiều nữa, cũng như không ai còn cãi vả vô ích để biết gasoline hay tia lửa làm cho ô tô chạy. Và tất cả đã đồng ý nếu không có cả hai gasoline và tia lửa thì chẳng ô tô nào chạy cả, cũng như không có tư tưởng và sinh hoạt thực tế thì cũng chẳng làm gì có lịch sử. Vả lại ở trên đã nói, nay xin nhắc lại, trong chính trị, trí thức chỉ có giá trị khi nào nó có thể biến thành quyền lực vật chất. Giá trị của phần tử trí thức trong chính trị cũng chỉ được thừa nhận qua tiêu chuẩn này.
o0o
Louis Bodin viết: Trí thức sinh xuất bởi Đại học. Các trường đại học là nguồn gốc phân phát cho tinh thần nhân loại một mô thức giáo huấn, truyền đạt và bày tỏ. Nếu chỉ dùng đại học như Bodin thì quá hạn chế, vậy phải nói thay bằng phần tử trí thức được sản xuất từ các nơi giảng học. Một tủ sách cũng có thể là nơi giảng học nếu người đọc sách thấu hiểu và tự giảng cho mình. Một tiểu tổ nghiên cứu cũng là một nơi giảng học. Tuy nhiên khi ngành ấn loát chưa phát triển, khi những phương tiện học tập và truyền bá còn quá thiếu thì vai trò đại học (université) quả là rất hệ trọng.
Thời kỳ Trung cổ tây phương, những trường dòng và trường đạo nắm độc quyền mọi nghiên cứu, tư tưởng mới được viết tay chứng vài chục cuốn được đóng kỹ lưỡng và chừng vài trăm người được quyền tham khảo.
Thời kỳ này được gọi là thời kỳ quan học và tăng học. Giai cấp giáo sĩ, giai cấp quý tộc thống trị nắm trọn quyền học vấn.
Khoảng giữa thế kỷ 13, các trường đại học Âu châu gặp gỡ nhau và trao cho nhau những tư tưởng mới lạ. Xung đột giữa trí thức già trẻ gây thành phong trào phản y qui (anticonformisme) hay phản truyền thống (antitraditionalisme). Phái trẻ nổi lên chế giễu xã hội tôn giáo, ca tụng phong tục tự do. Người ta đọc thấy tư tưởng này trong những thi phẩm của Rutebeuf hay tiểu thuyết Roman de la Rose của Jean de Meung.
Thế kỷ thứ 14 và 15 có sự biến chuyển lớn của phần tử trí thức. Khắp Âu châu ngoài văn hóa đại học còn phát triển văn hóa đại chúng. Ở cấp đại học, chủ nghĩa tự nhiên (naturalisme) lan tràn mạnh, tất cả khao khát tìm tòi mới mẻ và tất cả ngờ vực những uy quyền bí hiểm của thần thánh.
Kỹ thuật ấn loát phát minh làm đảo lộn sinh hoạt văn hóa. Sách thay thế cho bản viết tay làm cho số người đọc tăng mau. Người trước tác không phải sống bám các thế lực quyền quý nữa. Họ có thể độc lập sáng tác, trí thức phần từ có thể sống bằng nghề sáng tạo hay truyền bá tư tưởng.
Thời kỳ này lịch sử mệnh danh là thời kỳ Phục hưng về mặt tôn giáo, còn gọi là thời kỳ cải tạo (Réformme), Rabelais Montaigne, Ronsard, Luther, Calvin là những ngôi sao sáng lúc ấy.
Âm mưu chính trị của Richelieu trong việc thành lập Hàn-lâm-viện là muốn công chức hóa trí thức phần tử, cho trí thức một ngôi cao để biến họ thành công cụ chính quyền. Nhưng phần tử trí thức mỗi ngày mỗi đông và nhu cầu khai sáng mỗi lúc càng mạnh. Hiểu biết lan đến đâu, dân chúng đòi giải phóng đến đó. Diderot viết bài về con người (Homme) trong cuốn Bách Khoa, treo lá cờ khiêu chiến đầu tiên với thần quyền vũ trụ không ở tay thượng đế mà ở trong tay con người. Nhà triết học Kant đưa ra khẩu hiệu Sapere aude (Hãy bạo dạn phê phán).
Thế kỷ 18, chủ nghĩa Voltairisme, tư tưởng Rousseau ngự trị, các nguồn học vấn đều đổ về sự xây dựng chủ nghĩa nhân văn. Cho đến nay chủ nghĩa ấy đã trải qua những thời kỳ lãng mạn, phóng nhiệm, tự nhiên, xã hội. Hết thảy các chủ nghĩa trên đều đắm mình trong không khí tái tạo nhân loại bằng chính con người. (La regéneration de l’homme par l’home).


Chuyển hình kỳ của phần tử trí thức Trung Quốc

Hãy bắt đầu lịch sử vận động của phần tử trí thức Trung Quốc từ thời đại xuân thu chiến quốc bởi kẽ giai cấp sĩ chỉ thực sự thành hình và học vấn thực sự phổ cập vào thời đại này, bởi lẽ kể từ nhà Chu thiên sang Đông, Trung Quốc đã trải qua một đại biến hóa trên chính trị, văn hóa, kinh tế.
Chiến tranh và thương nghiệp kinh tế là những lực lượng hữu hình đẩy cho băng hoại xã hội phong kiến. Đồng thời hai lực lượng ấy lại sản sinh ra lực lượng vô hình văn hóa mới. Khi lực lượng vô hình này biểu lộ tức là sự xuất hiện giai cấp sĩ và sự phổ cập của học vấn từ Tây Chu đến Xuân Thu, chính trị hoàn toàn là công việc riêng của quí tộc, công việc của các vương công đại nhân, cha truyền con nối kế tiếp nhau cai quản. Nhưng từ Xuân Thu đến Chiến Quốc thì chính trị luôn luôn xảy ra các vụ dưới đoạt trên. Ban đầu chư hầu không nhận vương thất, rồi đại phu không nhận chư hầu, rồi gia thân không thừa nhận đại phu. Tôn pháp mất dần uy quyền. Hơi một chút là đòi đánh nhau. Muốn tranh thắng phải nhiều vũ sĩ cho nên mới có câu “đắc sĩ giả sương thất sĩ giả vong”. Sĩ như vậy khởi sơ vốn là con nhà võ. Tuy nhiên vũ lực không phải là vạn năng, vũ lực phải được lãnh đạo bởi học thuật, đâu đâu cũng khát vọng chân tài học vấn. Quí tộc không đủ cống hiến loại nhân tài học vấn đó, đương nhiên muốn giang sơn tồn tại tất phải phá luật lệ về việc dùng người nghĩa là không hạn chế trong phạm vi quí tộc nữa. Bạch Lý Hề, Tôn Thúc Ngao, Quản Trọng thảy đều xuất thân từ đám bình dân.
Do phỉnh nịnh của ngôi vị, quí tộc bỏ học vấn cho bình dân thừa kế. Do thối nát của quyền thế, quí tộc sa đọa thất đức, lễ nghĩa phép tắc tàn rụi, bình dân phải đứng lên tiếp nối sinh mạng quốc gia bằng nền tảng đạo đức mới để cứu đời. Liệt quốc cạnh tranh nên bình dân thông qua trí thức mà tham dự chính trị, cướp chính trị từ tay quí tộc, từ nay chính trị hết còn là việc của các vương công đại nhân.

Tần thống nhất, đốt sách chôn nho

Đời sau chỉ biết việc Tần Thủy Hoàng tiêu diệt trí thức nhưng không biết trước đấy hai mươi năm nước Tần là trung tâm hoạt động của phần tử trí thức mà chính nhờ trung tâm đó Tần mới mạnh để tiêu diệt lục quốc thống nhất sơn hà.
Lý do hai mươi năm sau Tần Thủy Hoàng hạ lệnh đốt sách chôn nho là phần tử trí thức chủ trương một nước dân chủ đại đồng, chính quyền không chịu nhất định dùng vũ lực khống chế tư tưởng. Biện pháp dùng vũ lực phân chia phần tử trí thức ra làm hai giới tuyến và xóa bỏ thái độ khoan hòa hào hiệp khinh thị chức quyền của thời kỳ chiến quốc xa xưa. Giờ đây chỉ còn lại kẻ a dua xu phụ bạo chính với người chống đối bạo chính. Phe chống đối phần đông là những phần tử lý tưởng tiếc nuối thời oanh liệt “đi dép cỏ đội nón lá nghênh ngang vào gặp vương hầu”. Phe xu phụ toàn thị những người chủ trương đặt lại trật tự kỷ cương cho thời thế mới. Phe chống đối che phe xu phụ là tự tiêu diệt cái chí khí của phần tử trí thức để đánh bóng cái uy phong của đế vương, đã đi vào âm mưu “dùng sĩ chế sĩ” của bạo quyền. Phe su phụ chê phe chống đối là khuấy loạn và vô dụng không biết đến nhu yếu mới của thời thế. Trong khi đó thì Tần Thủy Hhoàng cùng dòng họ ông lại nghĩ khác, ông cho rằng chỉ cần lấy uy, lợi danh mà câu nhử là có thể muốn làm cái gì cũng xong. Vì nghĩ thấ nên Tần Thủy Hoàng càng ngày càng bạo ngược, ông giết luôn cả những phần tử trí thức theo ông thành lập trật tự mới theo ông vì muốn thực hiện một chính sách. Phần tử trí thức nhất loạt phản kháng, họ bỏ về các nơi thôn dã, rừng sâu tụ tập, giảng dạy rồi vũ trang đấu tranh. Kết quả Tần triều sụp đổ. Lưu Bang tranh thiên hạ thắng Hạng Võ lập nên nhà Hán.

Phần tử trí thức thời Tây Hán

Học giả đời tây Hán, trên truyền thống tinh thần không mấy khác Chiến Quốc, nhưng vì hình thế xã hội thay đổi nên ảnh hưởng tới tính cách và ý thức phần tử trí thức rất lớn. Chiến quốc là lúc liệt quốc phân tranh, phần tử trí thức tham gia chính trị không phải chịu sự trói buộc của một pháp chế nhất định nào. Đi dép cỏ đội nón lá gặp vương hầu thuyết phục xong là nắm tướng ấn. Lúc ấy chẳng cứ quốc vương trọng hiền lễ sĩ ngay các đại gia quí tộc nghe danh cũng ngưỡng mộ. Kẻ sĩ thời Chiến Quốc được ưu đãi khi tác khách ở nhà các vương công đại nhân, họ mặc áo đẹp, đi xe tốt đeo bảo kiếm nhàn du. Bởi thế phần tử trí thức Chiến Quốc trên sinh hoạt thật là phóng túng, lãng mạn khoáng đạt không bị câu thúc, sáng Tần tối Sở tung hoành.
Chính phủ đại nhất thống của Tần của Hán thành lập, phong kiến quí tộc lần lần bị tiêu diệt. Muốn nhảy vào chính trị, phần tử trí thức chỉ còn một con đường duy nhất là ra làm quan mà con đường này lại có pháp định và thuận tự chặt chẽ không ai có thể phút chốc vi phạm. Bây giờ kể từ tấm bé vác sách đi học, lớn lên từ huyện học thăng tới quốc lập đại học. Tốt nghiệp quay về quê hương bản quán vùi đầu làm việc với địa vị tiểu chức của hành chính địa phương. Lập thành tích rồi mới được đề bạt lên dần. Với thời gian đằng đẵng ấy nên xuất thần của học giả Tây Hán đa số là nông dân thuần phác. Do đó phong khí chính trị Tây Hán là phong khí đôn đốc, ẩn trọng, khiêm thoái bình thực. Do phong khí ấy tâm lý tự hào “nhân nhân khả dĩ vi thánh nhân” của Chiến Quốc cũng tan mất. Chỉ có Khổng Tử mới đáng là thánh mà thôi. Khổng Tử lập tức được thần thánh hóa và được suy tôn làm giáo chủ. Bên cạnh chính thống nay đã có thêm đạo thống, việc nhất thống thêm một vũ khí mới. Hào khí Chiến Quốc có một lần trỗi dậy, vào giữa đời Hán, uy tín hoàng thất suy lạc, phần tử trí thức ủng hộ Vương Mãng buộc hán triều nhường ngôi. Vương Mãng là một học giả danh tiếng đương thời. Nhưng Vương Mãng thất bại vì không được thế lực thương nhân ủng hộ lại không giải quyết nỗi khó khăn trên nông nghiệp. Sau vụ Vương Mãng phần tử trí thức bị nghi kỵ rơi vào cảnh u tối kìm kẹp.

Đông Hán

Vua Quang Vũ xây dựng lại cơ đồ nhà Hán gọi là đời Đông Hán. Cũng như Vương Mãng, Quang Vũ xuất thân từ Thái học sinh. Gốc gác vị vua mới làm phấn khởi phần tử trí thức, họ đã không thất vọng với lòng mong mỏi, Quang Vũ ngay khi nắm chính quyền liền chấn chỉnh học phong của thời Hán còn thịnh. Khắp nơi giảng đường được mở ra, một ông thầy tụ tập từ 500 đến 1000 học trò là chuyện trí thức rất thường. Thái học sinh cuối đời Đông Hán lên tới số 30.000 môn đệ. Nhưng phần tử trí thức Đông Hán lại mang sắc thái khác hẳn “cao thượng bất sĩ” (làm cao sĩ mà không làm quan). Lý do: bản thân Thái học sinh đã thành một xã hội lớn luôn luôn ở bên cạnh chính phủ trung ương, thế lực rất mạnh. Người đến học đa số vào tuổi trung niên, con những thương gia giàu có, họ không cần tốt nghiệp sớm để mưu xuất lộ. Họ ở trường Thái học sinh cả mươi năm ngao du dùng trường làm nơi phát biểu ý kiến rồi từ đấy tỏa ra lãnh đạo dư luận toàn quốc, ảnh hưởng đến chính trị. Giá trị Thái học sinh càng lên cao thì phần tử trí thức Thái học sinh càng đem học vấn vào hoa mỹ, đến nỗi họ biến hẳn Thái học thành ra điểm tập trung của hân thưởng cao cấp. Học phong Đông Hán chuyển từ ý thức tôn giáo (Khổng Tử làm giáo chủ) sang thú vị nghệ thuật. Mỗi sinh hoạt tư nhân đều là một nghệ thuật phẩm. Phần tử trí thức Đông Hán mang hình hài mới: thư sinh quí tộc không giống vẻ kiếm bạt nỗ trương của chiến quốc cũng chẳng còn dáng thuần phác của Tây Hán. Họ trọng danh vọng xã hội hơn tước vị chánh phủ, trọng bằng hữu hơn quân thần. Toàn bộ sinh hoạt của họ là một mỹ thuật phẩm cho nên họ không chịu được gian khổ chiến đấu, khiến cho chính trị dễ và chóng hủy hoại. Khi xung đột xã hội bùng nổ khắp nơi thì Đông Hán là thời kỳ có nhiều sanh sĩ tuẫn tiết nhất. Với thử thách của loạn ly bạo tàn, sang đời Tam quốc thư sinh quí tộc đã lột xác thành ra hào kiệt. Tam quốc với cục thế chính trị gay go có thể gọi là một tiểu Xuân Thu Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Lỗ Túc, Chu Du, Bàng Thống, Tư Mã Đức Thái v.v… đều là những thư sinh trong cơn loạn lạc nhảy lên vũ đài chính trị. Cho nên tuy ở các địa vị thừa tướng nguyên soái, đại sứ ngoại giao má không mất phong cách nho nhã phong lưu.

Nam Bắc triều thời đại

Tiền Mục viết:
Bắc Triều ở hoàn cảnh khó khăn vì muốn bảo toàn môn đệ nên một mặt phải tiếp cận với hạ tầng dân chúng để khoáng đại lực lượng, một mặt trên chính trị phải nỗ lực phấn đấu để tranh thủ an toàn. Còn phương Nam hoàn cảnh tương đối dễ dàng hơn nên môn đệ chỉ việc giữ chặt lấy tính bảo thủ. Tiến thủ ở phương Bắc cũng như bảo thủ ở phương Nam tuy tính chất trái ngược nhưng cùng một kết quả là duy hộ được di sản truyền thống nhân văn của lịch sử trong cơn đại loạn.
Từ thời Chiến quốc các học giả đối với lý tưởng nhân văn đã chia ra làm hai dòng. Nho mặc thiên về thượng khuynh tính, Trang Lão thiên về hạ khuynh tính. Trrang lão phái chủ trương “quy chân phản phác” muốn lôi kéo phần tử trí thức kết tập tại thành thị về nông thôn, muốn lôi kéo trào lưu lịch sử quay lại chất phác thời cổ. Chủ trương của Trang Lão ăn rễ sâu vào tư tưởng thời Tây Hán, cho nên phần tử trí thức Tây Hán tuy ngoài mặt nho gia hóa mà nội tâm rất nhiều ý vị đạo gia. Đông Hán là chuyển lệ điểm gây ra những phản ứng khác nhau của hai hệ tư tưởng Nho Mặc và Lão Trang. Tuy thiên hướng hạ khuynh tính nhưng tiết tháo phong độ của phần tử trí thức lại trở thành cá nhân chủ nghĩa chứ không chú tâm vào quần chúng lớn nữa. Sĩ Đại phu đời Tam Quốc trọng bằng hữu hơn quần thần, họ chia ba đi theo Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị không vì danh phân vua tôi mà vì tình bằng hữu. Khổng Minh cúc cung tận tụy với Lưu Bị chẳng phải vì quan điểm chính trị phò Hán mà chính là vì ba lần đến gian nhà cỏ của Lưu Bị. Giả thử không có tam cố thảo lư chắc Khổng Minh sẽ mãi mãi ngày xuân đẫy giấc trong am cỏ cầu toàn tính mệnh trước đời loạn, chẳng màng danh tiếng với thiên hạ, đó thực là thái độ của một đạo gia, không phải là thái độ của một nho gia. Đời Tam Quốc trí thức vẫn mang tâm chất của Tây Hán và Đông Hán, Nho là mặt Đạo là lòng. Sang Lưỡng Tấn (tức Nam Bắc Triều) tư thái ấy càng rõ rệt hơn. Từ chủ nghĩa cá nhân mở cửa thì bè bạn đóng cửa, thì gia tộc, tư tưởng đạo gia đời Tây Hán còn trương cờ Hoàng Lão nghĩa là còn nhiều chính trị tính, đến Ngụy Tấn thì hoàn toàn đi vào con đường cá nhân Trang Lão. Cá nhân chủ nghĩa không quay về ý hướng thái cổ thuần phác mà chỉ lẩn tránh để truy cầu cho sự viên mãn cá nhân, bên ngoài nghệ thuật chẳng cón gì khác nữa.
Trái lại tuy thiên hướng thượng khuynh tính nhưng Nho Mặc vốn say mê với chính trị nên lúc này không thể không lăn vào đại chúng phất cờ chiến đấu. Nho Mặc chống lại quan niệm nghệ thuật hóa nhân sinh đang bành trướng, mảnh trăng treo khó lòng đẹp trước sóng bể gào thét, bông hoa xinh khó lòng chăm bón giữa bụi gai cũng như sự an lạc gia đình khó có thể tồn tại trong cơn loạn lạc. Hoàn cảnh phương Bắc không có đất cho nghệ thuật nhân sinh, chỉ có đất cho chính trị nhân sinh. Bởi vậy đạo Tang Lão mới di chuyển về phương Nam, còn phưong Bắc quay về với Khổng Tử, thu tập lực lượng tranh thủ chính trị, dựa vào chính trị tranh thủ xã hội. Tâm tư họ hết chỗ cho cá nhân cho gia đình trừ phi xã hội đã tái tạo một chánh phủ hợp lý. Giữa lúc ấy thì Phật giáo du nhập Traung Quốc, dù không hẹn nhưng phần tử trí thức cả Nam lẫn Bắc đều cùng nhau nhìn nhận tôn giáo mới. Chủ nghĩa cá nhân hy vọng ở tôn giáo siêu thế một phương tiện để trốn hiện thực, ký thác tinh thần. Tập đoàn chủ nghĩa thì hy vọng tôn giáo làm chất keo khôi phục lực lượng. Phương Nam tiếp thụ Phật giáo bằng tinh thần bi khổ. Tuy vậy Phật giáo đi vào Trung Quốc vẫn không khỏi đi vào cái thế thượng khuynh thắng hạ khuynh. Phật giáo nhanh chóng phát triển và cũng mau chóng vị trí thức hóa, lý luận hóa, triết học hóa, cho nên Tiểu thừa không đắc thế còn đại thừa như sóng dâng. Phật giáo ở đây đã không trực tiếp gieo mầm giống nơi hạ tầng dân chúng rồi dần qua tay phần tử trí thức Phật giáo hoàn toàn Trung Quốc hóa. Do là một công hiến của trí thức phần tử Trung Quốc cho văn hóa nước này.

Tùy Đường thời đại

Đời Tùy đời Đường phần tử trí thức ngoài môn đệ ra còn có các cao tăng ở tự miếu. Hán và Đường trên chính trị đều là thời đại tốt đẹp của thống nhất, nhưng khí phách và ý cảnh của phần tử trí thức đời Đường khác hẳn đời Tây Hán. Phần tử trí thức Tây Hán đa số xuất thân nông dân còn môn đệ Đường thường mang khí phận quí tộc, gốc gác gia tộc cha truyền con nối kể tới sáu bảy chục một trăm năm, nhà nào gia sử cũng ghi lắm thời kỳ vàng son. Thêm nữa địa vị của họ do tích lũy lâu đời bành trướng thế lực mà có, không phải dựa vào đặc quyền do chính phủ ban phát cho. Bởi vậy họ tự cao ngạo vô cùng. Nhà họ Lý vốn cũng chỉ là một môn phiệt khởi nghiệp xây dựng nhà Đường tất nhiên không có cái thế của Lưu Bang từ bình dân quật khởi làm hoàng đế cho nên đối với môn phiệt Đường triều chỉ có thể dùng thủ đoạn điều chỉnh chứ không thể dùng quyền lựcchấn áp. Ngược lại các môn đệ cũng vì địa vị mình lăn lưng ủng hộ chính phủ, thiên hạ mới thái bình thì môn đệ mới mong hưởng thú vui an thái. Dưới nguyên tắc cầu hiền cộng trị, chính quyền và trí thức cùng nhau kiến thiết chính trị làm cho Đường thịnh trị thi hành được nhiều chính sách lớn. Nhờ thái độ tích cực đối với chính trị nên phần tử trí thức đời Đường rất đa năng, đa tài. Những kế hoạch to tát những nghị luận khôi vĩ nảy sinh mọi nơi. Đời sau mới có câu: Hán nhân hậu Đường nhân đạo là thế. Phần tử trí thức đời Đường không chỉ có những cống hiến lớn lao trên chính trị mà còn trên văn hóa và tôn giáo nữa. Các môn đệ theo Phật giáo đã hoàn tất ba phái:
Thiên đài

Thiền

Hoa Nghiêm

Họ đã dùng truyền thống văn hóa bản quốc chế biến Phật giáo thành tôn giáo mới. Họ đã điều hòa được tâm lý say mê của tôn giáo với cái sáng suốt của lý trí. Câu nói “Nếu tôi gặp Như Lai tôi sẽ cho một búa chết tốt rồi vứt xác cho chó ăn” của Lục tổ Huệ Năng thật đáng tiêu biểu cho sự can đảm và sáng suốt của lý trí.
Từ giữ đến cuối đời Đường ngoài môn đệ và thiền có thêm một lực lượng trí thức khác là các tấn sĩ đắc thế. Đây là kết quả của chế độ khảo thí, chính quyền khai phóng tấn sĩ thông qua khảo thí gia nhập chính trị thì môn đệ thế lực cũng dần dần thoái nhượng. Trí thức tấn sĩ không xuất thân môn đệ nên rất non kém với vần đề chính quyền, thêm nữa chế độ khảo thí đương thời thuần chú trọng đến thi phú phù hoa càng khiến cho thế lực trí thức mới lúng túng trước chính trị. Chế độ khảo thí bày đặt nhiều thủ tục khắc khe như trình lý lịch, tra khám thân phận, chờ nghe điểm danh, vác lều chiếu ống quyển, chuẩn bị dầu đèn thực phẩm v.v… đã làm cho lòng tự tôn thương tổn. Thi không đỗ thì chịu thiệt thòi về những lúc bị nha môn khinh miệt mắng nhiếc. Một sớm bảng vàng có tên thì bước đường phú quí trải ra trước mặt muốn chóng, muốn vững tất phải bôn tẩu tuồn lọt. Để trả thù những phút khổ sở ấy nên vừa hiển đạt là lập tức mở yến tiệc gọi đĩ xướng ca, ăn chơi thỏa thích cho bõ lúc sớm hôm đèn sách sáng tối chầu chực. Người đắc thế thì vậy, người yếu thế thì tỏ thái độ khinh bạc cưỡi lừa qua cầu dưới mưa rơi tuyết lạnh tìm vần thơ. Phần tử trí thức cuối Đường tiến mãi vào cái hố trụy lạc.

Đời Tống

Bắc Tống khai thủy, môn đệ không còn, cao tăng cũng hết, nhân tài cạn hiếm. Đa số theo học các thiền tự, quay về đời tục. Tấn sĩ khinh bạc không đảm đương nổi đại sự thiên hạ. Trong tình hình này, phải đợi phần tử trí thức mới nổi dậy, sự nổi dậy đó lịch sử mệnh danh là trí thức đời Bắc Tống.
Trí thức Bắc Tống mang tinh thần tôn giáo Thiền chính thức chuyển đi vào xã hội hiện thực, đem quan niệm thanh tĩnh tịch diệt cứu cánh Niết bàn chính thức chuyển biến thành lý tưởng nhân văn truyền thống tu thân, trị quốc, bình thiên hạ.
Việc thứ hai là cổ xúy giáo dục tự do thay thế cho chế độ giáo dục môn đệ, một mặt đốc thúc chính phủ xây dựng học hiệu công lập, mặt khác hô hào tư nhân giảng học, đồng thời thành lập thư viện, tạo thành vận động giáo dục vĩ đại.
Phần tử trí thức đã gặp nhiều khó khăn vì giáo dục tự do tức là không chịu sự khiển chê của chính quyền, không chịu quan liêu hóa nên chính quyền quí tộc đều không ưa. Thoát hóa tôn giáo khiến cho lực lượng tăng lữ tự miếu ghét bỏ. Tống nho tám hương thụ địch, nhưng nhờ tinh thần lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ, nên họ đã vượt nhiều trở ngại mà tạo được sinh mệnh mới phong khí mới. Nhưng thắng lợi huy hoàng chẳng được bao lâu vì Tống Nho đi quá trớn, đặt danh giáo cao hơn quan tước triều đình, họ yêu cầu cả Hoàng Đế cũng phải học đạo tu đức, phải cúi đầu tôn sư trọng đạo. Họ không thuần phác như Tây Hán, không thanh cao như Đông Hán, không khoát đạt như đời Đường, Tống Nho quá nghiêm túc đến độ ngoan cố. Ở thái độ ngoan cố họ thành ra bất cận nhân tình, phân ly chính trị nên trước sức tấn công ào ạt như cuồng phong của Mông Cổ, pp trí thức Bắc Tông thu rút lại chỉ còn là bọn khua môi múa mép thanh đàm cao luận.
Dưới thống trị Mông Cổ nho sinh bị coi ngang loại “ăn mày” kém hòa thượng một bậc. Nhà nho tìm mọi cách mai danh ẩn tích không trực tiếp dúng vào chính trị cho nên mất hết tất cả mọi địa vị lãnh đạo. Họ chuyên chú vào việc sáng tạo văn học, do đó Nguyên đại có nhiều tác phẩm về kịch từ, thơ, họa, y khoa, toán số, cơ giới rất quí báu. Họ cũng mai danh ẩn tích để xoay vào thương mại tiểu công nghệ và đã gây nhiều thành quả tốt đẹp.

Đời Minh

Chính quyền Mông Cổ băng hoại, cách mạng dân tộc bùng lên gọi nhân dân Trung Quốc hướng về thời oanh liệt Hán Đường xưa.
Lý học gia đời Minh cũng cùng một cách điệu với Tống nhưng lại khác Tống ở điểm xa cách giữa giàu với nghèo, gia đình thư sinh đời Minh so với đời Tống giàu có hơn nhiều, tại Giang Nam có nhà đầy tớ người hầu dư cả trăm. Chế độ khoa cử cũng khác xưa, một khi trúng tấn sĩ là thành quan to ngay không phải giữ tiểu chức nữa, vì vậy phần tử trí thức đời Minh có khí độ hào kiệt. Các trường do phái Vương Đường Minh và Long Khê được hoan nghênh nhiệt liệt, giảng đài thường đông nghẹt người nghe. Người đến nghe giảng có hai lớp, lớp học thức và lớp bình dân. Lớp bình dân gồm nam phụ lão ấu, phu khuân vác và mã phu, thương cố cứ đúng kỳ hội tập. Học vấn đời Minh không đi theo thượng khuynh tính để giảng dạy trị quốc bình thiên hạ mà đi theo hạ khuynh tính vào lộ tuyến xã hội tìm đến chính tâm thành ý. Học thuyết lương tri của Vương Đường Minh do những buổi diễn giảng đã thành ra một thứ triết học đại chúng, đại chúng cũng nhờ thế mà mở mang kiến thức rất nhiều.
Huy hoàng được một thời gian thì phát lộ ra nhược điểm: đại chúng thấm nhuần học vấn nhưng thượng tầng bỏ ngơ. Để bổ khuyết phái Thiền Tông chỗi dậy phất cờ văn học, bỏ giáo dục xã hội thành lập chính diện văn chương nhưng vì cố lên cao lại nhiều mùi vị tôn giáo nên văn chương đâm ra cuồng quái như kiểu trường phái của Lý Trác Ngô gây nhiều ảnh hưởng phá hoại.
Giữa đời Minh về sau, chế độ khoa cử lâm vào cái bệnh “bát cổ” tức là đường chết của học vấn mở đường cho Mãn Thanh xâm lăng.

Đời Thanh

Xu thế học phong đời Thanh tập trung vào phái bác học, các học giả chú ý khai phá cổ học để tìm thực học nhưng lại bỏ quên sinh hoạt hiện thực trước mắt. Chính quyền Thanh triều luôn luôn dòm dỏ áp bức khiến cho tinh thần giảng học khó phục hưng. Nội tâm phần tử trí thức nung nấu chí khí phản chính phủ, nhưng họ đã đi tìm học vấn qua một phương pháp không chính xác là đào bới quá khứ lịch sử để chẩn bệnh hiện tại mong phát hiện phương thuốc chờ thời hưng vương phục quốc. Khốn nỗi điều họ chờ lại xuất hiện quá chậm trễ khiến cho hy vọng mỗi lýc thêm ảm đạm mơ hồ. Quay về nghiên cứu kinh điển cũ, tìm hiểu cái hay cái đẹp của người xưa mà xao lãng cái thực tế trước mắt là quay về chồng sách mọt để làm con mọt sách. Bệnh nặng nhất của phần tử trí thức đời Thanh là: coi nhẹ chính trị tính, xã hội tính, lịch sử tính để chui vào cái củi “thuần học” vị học thuật nhi học thuật. Họ không cao vọng làm thầy lãnh đạo làm tướng chỉ huy, họ không tha thiết với nhân quần tập thể, họ không chú ý đến sinh hoạt hiện thực, bao nhiêu hứng thú họ đem đổ dồn vào mấy quyển cổ thư. Trái hẳn với Hán nho đem thánh nhân thần hóa, Thánh nhân đem thánh nhân thư bản hóa. Vùi đầu vào cổ thư để kiểm thảo là phản ứng tiêu cực của phần tử trí thức thống hận Thanh triều cướp nước, thái độ tiêu cực này không phải là thái độ chính thường của Nho gia vì nho gia đối với chính trị bao giờ cũng tích cực. Trên chính trị thì mất nước, trên văn hóa thì bị cắt đoạn không tiếp nối vươn lên, đó là lỗi lầm to tát của phần tử trí thức vậy (1).

(1) Những kỳ chuyền hình của phần tử trí thức T.Q. ở chương này viết dựa theo ý kiến của các học giả Tiền Mục, Mạnh Vũ, Hồ Thu Nguyên.


CHƯƠNG THỨ NĂM


NGỦ MÊ VÀ TỈNH GIẤC


Vuông nhiễu đỏ chờ chờ hoen nét rỉ
Thẹn những phường tranh chấp mượn tay ai
Gương Minh vào Thanh đến, đến tay lai
Ngai vàng nặng để ê chề non nước
THÁI DỊCH LÝ-ĐÔNG-A

Võ tướng tiêu sầu duy hữu tửu
Văn thần thoái lỗ cánh vô thi
TỰ ĐỨC



Xu hướng suy loạn của nước ta bắt đầu từ cuối đời Thiệu Trị sang đầu đời Tự Đức (1840-1848), xu hướng suy loạn của Trung Quốc cũng khởi từ đời vua Đạo Quang (1840), cả hai đều có những nội loạn và ngoại loạn, trên đại thế lịch sử mang nhiều điểm giống nhau cho nên phần hai cuốn sách kể từ chương thứ năm đến chương thứ tám chúng tôi sẽ phân tích và nghiên cứu, so sánh để nhìn vấn đề rộng rãi hơn.

Gây gỗ để xâm lược

Vua Càn Long trả lời Anh hoàng George III về việc xin giao thương có câu: “Vương quốc chúng tôi dư dụ, chúng tôi không cần gì hết”. Nhưng lúc ấy thế lực thương mại Anh đã rất lớn, họ nắm hết thị trường Ấn Độ và tràn xuống miền Nam Trung Hoa, nhiều nơi tại vùng Á Đông biếin ra lãnh thổ Anh quốc dĩ nhiên phải kéo theo sự tràn ngập hóa phẩm. Dần dần mặc dầu triều đình Thanh không chính thức ký kết mậu dịch, việc giao thương vẫn trở thành sự thực không thể xóa bỏ được. Không ngăn chặn nổi sự buôn bán, Thanh triều tìm mọi cách làm khó dễ khiến cho căm hận ở mỗi bên âm ỉ cháy chỉ đợi là bùng lên. Dịp ấy là vụ thuốc phiện, người Anh đem thuốc phiện vào Trung Quốc và người Trung Quốc rất hoan hỉ với vui thú mới, chính quyền Trung Quốc thì lo sợ nạn nghiền lan rộng. Lâm Tắc Từ được cử làm Tổng đốc với sứ mạng tiêu diệt nạn nha phiến. Ông ra lệnh cấm buôn bán thuốc phiện. Người Anh khi nào chịu nhả món lợi to lớn đó nên phân tán lề lối tiêu thụ, một mặt cho qua đường bộ, một mặt chở bằng đường thủy bằng chiến thuyền. Lâm Tắc Từ quyết liệt, ông dùng vũ lực tịch thu tất cả các thùng thuốc phiện mà ông khám phá, chừng 20.000 thùng rồi cho làm lễ hỏa thiêu. Tình hình căng thẳng. Hai tuần sau vụ khác xảy đến, mấy thủy thủ Anh say rượu giết một người Tàu. Lâm Tắc Từ yêu cầu Anh giao cho ông xử kẻ sát nhân đồng thời đòi người Anh phải rời các chiến thuyền, thương thuyền ra khỏi các giang khẩu để vào hẳn các thương cảng. Người Anh không trả lời, cho pháo hạm oanh kích đánh chìm một số thuyền bè thuộc hạm đội Thanh triều, mở màn cho cuộc chiến tranh nha phiến (1839). Năm 1842 ngày 13-6, lực lượng Anh chiếm cứ Thượng Hải men theo Dương Tử Giang tiến về Nam Kinh. Thanh triều bại phải ký kết hiệp ước Nam Kinh với nhiều thua thiệt.
Cuối thế kỷ 18, Nguyễn Ánh cầu viện Pháp dựa vào lực lượng nước ngoài tiêu diệt Tây Sơn, mở đầu cho xâm lược của thực dân Pháp sau này.
Năm 1847 Pháp đem hai chiến thuyền vào Đà Nẵng xin bỏ những chỉ dụ cấm đạo và để cho người trong nước được tư do theo đạo mới. Lúc hai bên đang thương nghị thì người Pháp thấy thuyền của ta đóng gần thuyền của Pháp và ở trên bờ lại thấy có quân ta sắp sửa đồi lũy, bèn nổ súng bắn đắm cả những thuyền ấy rồi nhổ neo ra biển. Vua Thiệu Trị thấy sự trạng như thế, tức giận nên ban dụ cấm người ngoại quốc vào giảng đạo và trị tội những người trong nước đi theo đạo.
Năm 1856 (Tự Đức cửu niên) nước Pháp đã hồi lại sau thất bại của công xã 1848, liền phái chiến thuyền Catinat vào Đà Nẵng bắn phá các đồn lũy, sau đây ít lâu có Montiguy đưa thư xin cho người Pháp được tự do vào buôn bán, đặt lãnh sự ở Huế, cho các giáo sĩ được tự do đi giảng đạo. Triều đình nước ta không chịu.
Tháng 7 năm 1858, Pháp sai Trung tướng Genouilly cùng 3007 ngàn quân với 14 chiến thuyền đánh phá Đà Nẵng đổ bộ chiếm thành An Hải và Tôn Hải. Genouilly có ý định cướp toàn tỉnh Đà Nẵng rồi tiến lên đánh Huế. Ý định bất thành vì không rõ địa thế lại bị quân ta khống chế lại bị quân ta chống cự dữ dội. Gonouilly đổi chiến lược quay Việt Nam về tấn công Gia Định ở Nam kỳ. Tại đây quân Pháp cả thắng lấy thêm nhiều tỉnh nữa. Triều đình phải giảng hòa ký hiệp ước Nhâm Tuất với Pháp nhường hẳn cho Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và tỉnh Định Tường (1862). Trước đấy hai năm, ở Tàu triều đình nhà Thanh cũng chịu ký kết nhường cho Tây phương năm hải cảng thương mại là Quảng Châu, Hạ Mô, Ninh Ba, Phúc Châu, Thượng Hải. Năm 1867 tức là năm Tự Đức thứ 20, Pháp lại gây sự chiếm Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Ông Phan Thanh Giản nộp thành trì cho Pháp rồi uống thuốc độc tự tận.
o0o

Mê đắm bộ xương khô

Cuối thế kỷ 18, tình hình Âu châu biến hóa, nước Anh dùng máy móc để thay thế nhân lực. Nhân dân toàn thế giới do cơ khí xuất hiện đã thay đổi hẳn phương thức sinh hoạt. Do công nghiệp phát triển, nhân khẩu đô thị tăng vọt, nhu cầu thị trường bành trướng, nền hàng hải mở rộng để đáp ứng với đòi hỏi của thương mại ảnh hưởng đến các quốc gia từ trước đến nay vẫn đóng cửa không giao thiệp với bên ngoài. Hoàng đế Mãn Thanh so với tiến bộ cơ khí Âu châu thật là một chính quyền thống trị lạc hậu nhưng vẫn vênh vang với danh nghĩa thiên triều áp dụng chính sách “bế quan tỏa cảng” không chịu mở mắt nhìn văn minh mới. Thái độ đó tạo thành sỉ nhục chiến tranh nha phiến.
Nghe ngóng thiên triều, hoàng triều nhà Nguyễn đời Tự Đức cũng có cùng một thái độ để rước lấy quốc sĩ 1856 và Nhâm Tuất. Sau chiến tranh nha phiến, đa số phần tử trí thức TQ cùng giai cấp thống trị vẫn còn mê đắm bộ xương khô nhất định tự cao tự đại không chịu tìm hiểu nguyên nhân suy lạc biến loạn, một phần nhỏ khác nhìn thấy tình cảnh đáng buồn, nhưng họ chỉ cho là vì thời thế thiếu anh hùng hào kiệt.
Sau hòa ước Nhâm Tuất, tập đoàn thống trị nhà Nguyễn mặt đối ngoại hy vọng Pháp hài lòng, trên mặt trị vẫn giữ nguyên nề nếp cũ, trên mặt văn hóa vẫn thiển lậu với thi phú tiểu xảo. Riêng tại Nam kỳ phần tử trí thức đã tỉnh cơn mê, nhưng họ không còn thì giờ để tìm hiểu văn minh cơ khí nữa vì họa vong quốc, họ chỉ có thì giờ tổ chức và vận động kháng Pháp. Khi thực dân Pháp tấn công tỉnh Gia Định, triều đình Huế cắt đất ba tỉnh miền đông cho Pháp thì phong trào kháng Pháp bùng dậy lãnh đạo bởi sĩ phu yêu nước như Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Phan Tòng, Nguyễn Trung Trực. Nổi bật nhất là ông Nguyễn Đình Chiểu, ông đem ngòi bút yêu nước và chính nghĩa ra phục vụ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Nam kỳ suốt hai mươi năm trường. Ông Nguyễn Đình Chiểu là người trí thức đáng yêu kính nhất và cũng là nhà thơ lớn nhất trong hậu bán thế kỷ 19, ông dùng văn thơ để khích lệ đấu tranh và ghi lại những nét tuyệt đẹp của bản anh hùng ca kháng Pháp suốt cả thời kỳ đầu cuộc xâm lược. Bên cạnh cụ Đồ Chiểu còn có những người trí thức tên tuổi khác như Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị v.v… Các ông này mở mặt trận văn thơ để chống lại bọn sĩ phu cúi đầu làm tay sai cho giặc Pháp như Tôn Thọ Trường, Trương Vĩnh Ký. Phong trào yêu nước chống Pháp lan từ Nam ra Bắc theo với sự trở mặt của Pháp để thôn tính toàn cõi Việt Nam.
Hòa ước Thiên Tân ký giữa Patenôtre và Lý Hồng Chương nhận cho Pháp bảo hộ Việt Nam thì Pháp không còn kiêng dè gì nữa, họ làm áp lực đủ điều bằng những thái độ khinh mạn.
Về phía Việt Nam, chính quyền hoàn toàn ở trong tay hai ông Nguyễn Văn Trường và Tôn Thất Thuyết sau khi hai ông này thủ tiêu liền một lúc mấy ông vua triều Nguyễn.
Ngày 19 tháng 5 năm 1885 thống tướng De Courey từ Pháp qua để buộc triều đình Huế chấp nhận bảo hộ. Đến nơi De Courey cho đòi Tường và Thuyết sang bên tòa khâm để ấn định việc vào yết kiến vua Hàm Nghi. Thuyết thấy Pháp có cử chỉ vô lễ cáo ốm không sang chỉ có mình Tường sang thôi. De Courey không chịu nói “nếu ốm thì khiêng sang”. Thuyết tức giận quyết định đánh Pháp. Đến chương trình yết kiến vua, De Courey đòi phải mở cửa chính. Triều đình thấy điều ấy trái với quốc lễ xin để De Courey đi cửa giữa còn quân đội thì xin đi cửa hai bên, De Courey không chịu. Hai bên dằng co. Tôn Thất Thuyết đưa ra chủ trương sống chết cũng liều một trận họa may trời có giúp kẻ hèn yếu này chăng. Chiều hôm ấy De Courey mở tiệc, khi tàn thì súng ở trong thành phố nổ ra đùng đùng, rồi những nhà ở chung quanh dinh Khâm sứ cháy, lửa đỏ rực trời. Sáng hôm sau quân Pháp phản công, quân ta thua chạy. Tường ra đầu thú còn Thuyết rước Vua Hàm Nghi chạy về Quảng Bình. Ở đây Vua Hàm Nghi phát hịch Cần Vương truyền đi các nơi. Phần tử trí thức hưởng ứng hịch Cần Vương nổi lên đánh phá khắp nơi nhưng vì thiếu sự phối hợp chặt chẽ nên phong trào Cần Vương thất bại. Các ông Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật v.v…người thì bị bọn Việt gian bắt giết, người thì trốn sang Tàu, chôn vùi theo phong trào Cần Vương là tư tưởng tôn quân phong kiến.

Hiện thực tố cáo và thoát ly

Sau khi phong trào Cần Vương bị dân chúng dập tắt vua Hàm Nghi bị bắt, thống trị thuộc địa và bảo hộ của Pháp mỗi ngày thêm vững chãi thì phần tử trí thức trở về với khí tiết nhà nho triệt để áp dụng thái độ bất hợp tác đồng thời dùng văn thơ trào phúng để tiếp nối cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và trước cảnh triều đình bù nhìn, họ chống luôn chế độ phong kiến. Nhưng văn thơ châm biếm của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Học Lạc, v.v… đều nhằm một đối tượng là bọn đầu hàng giặc, bán nước buôn dân để bảo toàn đời sống mưu cầu danh vị, mặt khác những văn thơ ấy cũng miêu tả cái xã hội mới do thực dân Pháp tạo nên với tất cả những xấu xa lố lăng của nó, nhất là ở thành thị như bài hội Tây và lấy Tây của cụ Nguyễn Khuyến. Cùng lúc đó lại có một số nhà nho tiêu cực không dám chống lại bọn thực dân tiêu cực và bọn phong kiến đầu hàng đã đi tìm một lối thoát trong thiên nhiên hay trong một cuộc đời nhàn tản, tiêu biểu cho phần tử trí thức loại này phải kể đến các ông Dương Lâm, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, v.v… Mặc dầu họ ca tụng cảnh gấm vóc của giang sơn nhưng vẫn chỉ là lòng yêu nước tiêu cực trong tư tưởng thoát ly hưởng lạc.

Biến pháp và Duy Tân

Năm 1898 tại Trung Quốc có một chính biến mệnh danh là chính biến Mậu Tuất. Đó là hành động đầu tiên của phần tử trí thức T.Q. đối với việc cải cách. Chính biến này là kết quả thất trận nhục nhã trước Nhật Bản do nội tranh giữa tập đoàn Tây Thái Hậu và Quang Tự gây ra.
Tây Thái Hậu là một mụ tham lam còn Quang Tự tương đối là một hoàng đế tiến bộ. Tây Thái Hậu nắm trọn thực lực chính phủ. Còn Quang Tự chí có đám thư sinh làm vây cánh. Tập đoàn thư sinh lấy phê phán chỉ trích làm vũ khí tấn công phái thực lực. Với lòng yêu nước nhiệt liệt thư sinh đem lại thắng lợi ban đầu cho Vua Quang Tự là bắt Lý Hồng Chương đánh Nhật. Bị thua nên dân đâm chán nản khiến cho phái thư sinh mất đà, thư sinh trên tinh thần lãnh đạo chiến tranh, nhưng vào thực tế họ chỉ là những kẻ đánh nhau trên giấy, lại thêm bị bọn chính trị cáo già thuộc đảng Tây Thái Hậu phá phách nên những dự tính của đế đảng biến ra mây khói.
Lý Hồng Chương khuất phục ký điều ướoc Mã Quan cắt nhượng cho Nhật Bản đảo Đài Loan.
Phần tử trí thức đối với đảng của Tây Thái Hậu cũng như đảng của Quang Tự đều cảm thấy thất vọng nhưng nếu đem so sánh thì đế đảng vẫn hơn cho nên họ ủng hộ Quang Tự. Vì các nhân vật cao cấp còn mãi giữ miếng nhau nên trung tầng trí thức giữ vai trò chủ chốt trong vận động mới. Nhà Mãn Thanh lúc mới vào thống trị T.Q. đã triệt để cấm sử sĩ hoành nghị (kẻ sĩ bàn bạc), bây giờ thất trận nên sự khống chế lỏng lẻo, cho nên kẻ sĩ thừa thế vươn lên.
Người tiền phong của vận dụng biến pháp là Richard Timothy quốc tịch Anh rất thạo chữ Hán, tác giả mấy cuốn sách viết bằng Hán tự: Thái Tây Tân sử lãm yếu, Liệt Quốc biến thông hưng thịnh ký, Thất quốc tân học bị yếu, đều là những tác phẩm quan trọng thời bấy giờ, bắc cầu cho trí thức phần tử tìm hiểu ngoại quốc. Timothy đề nghị với Vua Quang Tự sửa đổi chính trị, lập một hội đồng gồm các đại thần triều đình với mấy người ngoại quốc hợp lực thi hành cải cách. Sửa đổi chính trị đành rằng là nhu yếu bách thiết nhưng để người ngoại quốc tham dự vào nội chính là một điều không thể nào chấp nhận được. Việc không thành, tuy nhiên sáng kiến tốt được lưu ý.
Tiếp theo là Khang Hữu Vi dân thơ yêu cầu biến pháp với hơn một ngàn ba trăm chữ ký. Nhóm Khang Hữu Vi kịch liệt công kích Lý Hồng Chương về lề lối tiến bộ quan liêu của ông này. Nội dung bức thư đưa ra ba điều:
a) Sửa đổi những phép tắc sẵn có (biến thành pháp)
b) Tìm hiểu tình cảnh của dân chúng (thông hạ tình)
c) Cẩn thận việc dùng người (thân tả hữu)
Thế lực Lý Hồng Chương quá lớn nên không ai dám đem việc Khang Hữu Vi trình tấu lên vua, chẳng những vậy Khang Hữu Vi còn không được ghi tên ứng thi nữa. Tuy nhiên nhờ tiếng đồn đại lưu truyền nên thanh danh Khang Hữu Vi nổi như sóng rồi qua sự vang danh đó biến thành vận động chính trị toàn quốc. Thanh triều không dám coi Khang Hữu Vi là tên cuồng sĩ nữa, đành phải cho Khang Hữu Vi ứng thi, ông đỗ tiến sĩ và được bổ làm chủ sự công bộ, liền tiếp tục công việc vận động biến pháp từ dân gian chuyển vào chính phủ. Quang Tự sai Văn Đình Thức tổ chức Cường học hội. Khang Hữu Vi kéo học trò giỏi của ông là Lương Khải Siêu vào lãnh đạo. Biến pháp vốn dĩ là chủ trương chính trị của trí thức hạ tầng, qua Cường học hội nó bị cuốn vào xoáy thực tế chính trị, phe Khang Hữu Vi chuyển thành đế đảng và là đầu mối xung đột với đảng của Tây Thế Hậu.
Khi Cường học hội chưa thành lập, phe Khang Hữu Vi chưa có bối cảnh (background) chính trị cũng chưa hề tiếp xúc với thế lực ngoại quốc nào hết. Đến lúc phe Khang Hữu Vi thành đế đảng rồi thì tình hình khác hẳn. Timothy liên lạc ngay với Khang Hữu Vi. Đây là lần đầu tiên phần tử trí thức Trung Quốc kết hợp với người ngoại quốc hoạt động chính trị.
Đảng của Vua Quang Tự khuynh hướng thân Anh Mỹ, sự kết hợp giữa Khang Hữu Vi với Timothy là việc dĩ nhiên, vận động biến pháp bây giờ mang bộ mặt mới, đế đảng lãnh đạo và Anh Mỹ làm bối cảnh, gây thêm vây cánh với đám đạo thần trong triều, họ gia nhập vận động để thích ứng trào lưu gây thêm thế lực bản thân.
Trước sự bành trướng của vận động biến pháp, đảng Tây Thái Hậu khó ngồi yên, thế tất phải phản công lại nhân Lý Hồng Chương ngoại giao với Nga thành công, khiến Nhật e dè tuyên bố trả lại cho Trung Quốc tỉnh Liêu Đông, như vậy trên thanh thế đảng Tây Thái Hậu khôi phục uy tín. Mở đầu phản công, Tây Thái Hậu cho Từ Đồng công khai bài bác biến pháp Đồng lý luận “thà mất nước chứ không biến pháp”. Thấy ngọn gió xoay chiều các đại thần liền trở cờ, đình chỉ mọi sự giúp đỡ nhân lực tài lực cho Cường học hội. Rồi đến lượt ngự sử Dương Sùng Doãn khai pháo tố cáo Cường học hội là một hội đảng tư lập mưu đồ gây lại phong khí sử sĩ hoành nghị. Tây Thái Hậu ra lệnh giải tán, đế đảng yếu thế khoanh tay. Mới thành lập có bốn tháng trời, cơ sở gây chưa được bao nhiêu, phe đỡ đầu là đế đảng thì quá yếu, Tây Thái Hậu lại tấn công ngay vào cơ quan đầu não, nên Cường học hội không thể chống đỡ nổi. Cường học hội giải tán, cơ sở bị niêm phong nhưng chính vì thế Vận động biến pháp Duy Tân tràn ra ngoài làm thành yêu cầu chính trị của hết thảy phần tử trí thức trong nước. Riêng ở Bắc Kinh nó im hơi thôi, các nơi khác nó sôi động. Đáng kể nhất là tỉnh Hồ Nam, nhờ các người cai trị tỉnh này ủng hộ biến pháp nên Đàm Tự Đồng, Đường Tài Thướng mới hoạt động dễ dàng. Hai ông cho mở tại Hồ Nam trường Thời Vụ rồi mời Lương Khải Siêu về làm giám đốc, hai ông cũng thuyết phục được người cầm quyền áp dụng chính sách cai trị mới. Đi xa hơn Khang Hữu Vi, nhóm Đồng, Thường loại bỏ chủ trương quân chủ lập hiến và thay thế vào đó thể thức dân chủ Anh Mỹ. Biến pháp dần dần ngả màu cách mạng. Khuynh hướng cách mạng gây lo ngại cho đến cả phần tử trí thức tiến bộ nhưng bất đồng ý kiến với Thường, Đồng và Siêu, họ kết thành trận tuyến chống đối. Các lãnh tụ trí thức bảo thủ như Diệp Đức Huy, Vương Tiên Khiêm từng tung ra khẩu hiệu bảo vệ thánh đạo, mượn miếu Khổng Tử khai hội đòi đem lăng trì tùng xẻo Lương Khải Siêu. Cuộc hội họp này tổ chức ngay tại tỉnh Hồ Nam.
Phần Khang Hữu Vi bỏ Bắc Kinh xuống Quảng Đông hoạt động thu hoạch nhiều thành công, ông giảng học ở Vạn Mộc thảo đường, đào tạo khá đông cán bộ, thành công của Khang Hữu Vi sau Cường học hội giải tán chứng tỏ phần tử trí thức trong khốn ách mông muội vẫn nhiệt thành đi tìm xuất lộ.

Tây Thái Hậu tiêu diệt phái Duy Tân

Năm Quang Tự thứ 24 tức năm Mậu Tuất (1898), đế đảng quyết liệt thi hành tân chính ban bố một đạo dụ do Khang Hữu Vi viết:
“Phong khí chưa khơi mở, các bậc lão thành lấy cớ lo cho nước vẫn ngoan cố với thái độ mặc thủ thành không chịu theo tân pháp, toàn nói toàn làm những việc vô ích. Thử hỏi thời cục như vậy, quốc thế như vậy mà đem binh lực thiếu luyện tập, sĩ nhân vô thực học để chống lại với giáp lới binh thì làm sao thắng nổi?...
Nay trẫm tuyên thị rõ ràng kể từ đây các đại thần Vương công và sĩ thứ phải nỗ lực, căm giận gây hùng chí dùng đạo nghĩa thánh hiền để tìm học Tây học mà cứu nước nhà.
Ban dụ rồi, Vua Quang Tự cho triệu Khang Hữu Vi về chính thức giao cho công tác sửa đổi pháp chế. Bên cạnh Khang Hữu Vi là đại thần Ông Đồng Hòa. Đảng Tây Thái Hậu lập tức phản ứng không cho đối phương đủ thời gian chuẩn bị, hạ lệnh bãi chức Ô. Đồng. Lệnh được thi hành hết sức bí mật giữa lúc Ông Đồng Hòa đang mãi vui với bữa tiệc thọ. Mưu kế cầm tặc cầm vương của Tây Thái Hậu rất hiệu quả. Mất Ông Đồng Hòa phái Duy Tân như rồng mất đầu.
Trong khi đó dụ của Vua Quang Tự chẳng ai thi hành nghiêm chỉnh vì lẽ phái cũ còn quá mạnh. Ba tháng qua công việc tân chính không hề nhúc nhích. Đế đảng hội họp tìm kế hoạch đối phó, hội nghị quyết định cách chức thượng thư bộ Lễ là người đầu sỏ của mọi trì hoãn. Dụng ý của việc cách chức là lập uy, không ngờ nó tạo ra kết quả khốc hại. Thấy thượng thư bộ Lễ bị cách chức, phe cánh Tây Thái Hậu đòi hỏi bà phải dứt khoát với Vua Quang Tự.
Tây Thái Hậu bèn mật lệnh Dương Sùng Doãn lên Thiên Tân thương nghị vớiVinh Lộc mưu nhân cuộc duyệt binh tháng 9 ở Thiên Tân phát động binh biến bắt Vua Quang Tự giết đi. Tin này lọt vào tai Vua Quang Tự, ông cũng mật triệu phái Duy Tân bàn định kế sách. Khang Hữu Vi được giao sứ mạng du thuyết Viên Thế Khải, mong dùng quân mới tuyển của họ Viên làm lực lượng bảo vệ. Viên Thế Khải thỏa thuận đem quân cứu Vua xuất hiểm, ông bẻ mũi tên thề tiêu diệt Hậu đảng khôi phục đế quyền. Mấy nhà trí thức Duy Tân quá chân thật đã tin tưởng họ Viên, trong khi Viên vừa tiễn chân Khang Hữu Vi, Đàm Tự Đồng liền quay vào cải trang đi ngay lên Thiên Tân báo cáo cho Vinh Lộc. Vinh Lộc chuyển tin về Bắc Kinh cho Tây Thái Hậu.
Chính biến vì thế xảy ra sớm hơn, Vua Quang Tự bị bắt. Tây Thái Hậu truyền đem xử tử, mặt khác cho tay chân đuổi bắt Khang Hữu Vi.
Phái Duy Tân đến gõ cửa các đại sứ Anh, Nhật, Mỹ yêu cầu tìm biện pháp cứu Vua Quang Tự nhưng các đại sứ cự tuyệt, thế là mạnh ai nấy trốn. Lương Khải Siêu tá túc ở toà đại sứ Nhật thoát thân, còn các người khác bị bắt hết, người nào nhẹ nhất cũng chịu cái án chung thân giam cấm. Tân chính sống vỏn vẹn một trăm ngày, Thái Hậu nắm lại quyền hành khôi phục nếp cũ văn thì bát cổ, võ thì ngực, cung.

Phê phán và phân tích tập đoàn Duy Tân

Ban sơ chủ trương biến pháp là nhóm sử sĩ không có liên hệ gì với ngoại quốc thế lực, hay tập đoàn quan liêu hay chính phủ. Nhưng từ khi chủ trương biến pháp được đa số lưu ý ủng hộ thì bản thân tập đoàn biến chất.
Khang Hữu Vi từ thân phận sử sĩ biến thanh quan lại, đương nhiên lãnh đạo quyền dù muốn hay không cũng rơi vào tay “quan lại” và biến pháp ngay từ đầu đã do hạ hướng thượng. Đế đảng nắm lấy vận động biến pháp không nhân danh chính phủ tiếp thụ biến pháp mà nhân danh phe phái biến pháp để thêm vốn chính trị. Do đó vận dụng biến pháp thành ra khẩu hiệu và công cụ đấu tranh phái hệ. Đại đa số phần tử trí thức không mấy hài lòng vì sự gia nhập quan lại của Khang Hữu Vi. Còn một số người khác cũng khá đông trái lại rất mãn ý, tâm lý cơ hội nên nhìn đây là dịp hiếm có để dựa vào một tổ chức đủ thế lực, tâm lý này cũng là tâm lý phan long phụ phượng truyền thống vậy.
Vận động Duy Tân sau khi gia nhập đế đảng, hệ thống lãnh đạo chia ra như sau:
a) Phái Ông Đồng Hòa. Hòa là sư phó của vua, suốt đời tuân theo tôn chỉ tôn vương, trí thức thiển lậu đầu óc cẩn thận không bao giờ dám vượt khuôn sáo cũ. Chưa nói đến cánh mạng vội. Ông Đồng Hòa cũng không thể xem như một người cải cách nữa. Hòa cùng tập đoàn đế đảng chỉ muốn dùng phái biến pháp để đoạt mục tiêu chính của họ là cướp về cho Vua quyền hành, yêu cầu Thái Hậu đừng can dự chính sự.
b) Phái Khang, Lương, phái chính tôn của Duy Tân biến pháp, tuy hai ông xướng xuất chủ trương biến pháp, nhưng xuất pháp quan điểm vẫn không đi ra ngoài giai cấp của hai ông.
c) Phái Đàm Tự Đồng- quá khích Đàm Tự Đồng muốn lưu huyết cách mệnh, ông thường hô hào: “Chỉ có đấu tranh đổ máu giữa tân, cựu thì Trung Quốc mới có hy vọng tiến bộ”.
d) Phái Dung Hoằnng- Hoằng là người mang quốc tịch Mỹ lấy vợ Mỹ, theo đạo cơ đốc. Lý lịch như thế thì quan hệ của Hoằng với tổ chức cũng không thể rõ rệt. Ông ta không nhiệt thành hoạt động cho biến pháp Duy Tân.
e) Du lý phái. Du ly có nghĩa theo đấy bỏ đấy. Phái này đa số là đám quan liêu cầu lợi, chân nọ chân kia chính bọn du ly làm hại vận động Duy Tân nhiều nhất.
Tập đoàn Duy Tân xem vậy quá ư phức tạp, đã không có chủ trương nhất quán lại vô thực lực mà đương đầu với tập đoàn bảo thủ đang nắm hết binh quyền, chính quyền thì khác nào đem trứng chọi đá. Tuy thảm hại nhưng vận động Duy Tân nói lên một điều rất quan trọng là lòng dũng cảm của phần tử trí thức mở đường cho cách mạng.

Duy Tân và Đông Du

Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp mở rộng chương trình khai thác Đông dương và củng cố thế lực của chúng. Bên cạnh biện pháp bạo lực, chúng triệt để sử dụng văn hóa giáo dục nô dịch làm lợi khi thống trị.
Phần tử trí thức trước những thất bại của cha anh trong các phong trào văn thân, cần vương nhận thấy rằng cần phải tìm một đường lối tranh đấu khác. Tiếng dội của biến pháp Duy Tân ở Trung Quốc và Nhật bản vang sang nước ta nên họ đã nhìn thấy nhu cầu đổi mới để cứu nước.
Chiến tranh Nga Nhật bùng nổ, các nhà nho hay tin nước Nhật bé nhỏ dám tuyên chiến với Nga khổng lồ thế mà hạm đội Nga thua lớn ở Lữ Thuận, lục quân Nga tan tành. Các cụ bàng hoàng như tỉnh một cơn mê. Từ đó trở đi dân ta hướng cả về Nhật muốn noi gương Duy Tân để nước mạnh lên. Sĩ phu trong nước truyền tay nhau đọc những cuốn: Nhật Bản Tam thập niên duy tân sử. Nhật Bản Duy Tân khảng khái sử. Các cụ còn làm thơ ca tụng Nhật Bản nữa. Bởi thế, phong trào Duy Tân nước ta đi cùng với phong trào Đông Du một lúc.
Do Tăng Bạt Hổ dẫn đường, Phan Bội Châu và Cường Để qua Nhật để cầu ngoại viện đồng thời tổ chức phong trào Đông Du. Cầu viện không thành nhưng Đông Du thì có kết quả.
Ở Nhật, Sào Nam Phan Bội Châu viết bài khuyên thanh niên du học giao cho Tăng Bạt Hổ mang về nước phát hành. Thanh niên trong nước hưởng ứng phong trào Đông Du rất đông, chừng nin hai năm số học sinh tại Nhật có tới chừng hai trăm.
Đầu mối của Đông Du là Tăng Bạt Hổ, sau khi kháng Pháp không thành, ông đã lẻn sang Thái Lan sang Trung Quốc xin làm thủy thủ vượt biển tới Nhật đăng vào thủy binh Nhật. Trong chiến tranh Nhật Nga, ông đã ghi được nhiều chiến công do lòng quả cảm và cũng do tâm lý căm thù người Âu. Ngày khải hoàn, ông được mời dự đại yến do Nhật Hoàng khoản đãi. Đỡ chén rượu của Vua Nhật tự tay rót mời, ông uống một hơi cạn rồi khóc lớn. Nhật Hoàng hỏi nguyên do ông giải bày tâm sự:
“Tôi vốn không phải là người Nhật, mà là người Việt Nam lưu vong, chống Pháp thua rồi tới đây phục vụ Thiên Hoàng. Nay thấy quý quốc thắng Nga làm vẻ vang cho giống da vàng, tôi nghĩ tới tình cảnh nước tôi mà không ngăn được giọt lệ. Bao giờ dân nước tôi mới có đượng bữa tiệc này của quý quốc!”.
Các người dự yến thấy đều cảm động trước vẻ mặt cương nghị và những lời khảng khái của ông, từ đó các nhà cầm quyền Nhật rất có cảm tình với Tăng Bạt Hổ, họ khuyên ông nên phát triển phong trào Duy Tân để nâng cao dân trí. Muốn duy tân không thể trông cậy ở Pháp được vì Pháp không thực tâm khai hóa nên phải lựa chọn thanh niên tuấn tú đưa qua đây, nước Nhật sẽ đào tạo cho.
Sự tin tưởng thành thực vào Nhật của cá nhà trí thức lãnh đạo Đông Du cũng giống như Khang Hữu Vi và Đàm Tư Đồng tin tưởng vào Viên Thế Khải. Khi thực dân Pháp nhận thấy nguy hại của phong trào liền tìm cách đàn áp. Một mặt Pháp cưỡng ép phụ huynh gọi con em về, một mặt điều đình với chính phủ Nhật đề nghị nhường một số quyền lợi buôn bán ở Đông Dương với điều kiện chính phủ Nhật trục xuất những người Việt Nam ra khỏi Nhật Bản. Ngay sau khi hiệp ước Pháp Nhật được ký kết, chính phủ Nhật lập tức giải tán tổ chức học sinh V.N., các học sinh nhận được lệnh cút ngay ra khỏi nước Nhật. Cuối cùng đến lượt cụ Phan Bội Châu bị trục xuất, thế là phong trào Đông Du tan rã. Phan Bội Châu đi với các đồng chí qua Trung Quốc, ở đây ông thành lập Việt Nam quang phục hội.
Năm 1913 xảy ra vụ ném bom ở Thái Bình, Hà Nội, thực dân Pháp lên án tử hình ông Phan Bội Châu. Năm 1925 ông bị mật thám Pháp bắt cóc ở ga Bắc Trạm rồi giải về Hà Nội để thọ án tử hình, nhưng trước cao trào của nhân dân đòi ân xá, toàn quyền Varenne nhượng bộ, cho đưa ông về giam lỏng ở Huế. Từ đó ông sống những ngày tàn trong một ngôi nhà nhỏ âm thầm hiu quạnh với tất cả những nỗi đắng cay, kiểm điểm lại cuộc đời trăm ngàn thất bại của mình.
o0o
Trong ngục trung thư, ông Phan Bội Châu nhắc đến Tây Hồ Phan Chu Trinh nói với ông như sau:
Xem dân trí Nhật Bản rồi đem dân trí ra so sánh thật không khác gì đem con gà con đọ với con cắt già. Giờ bác ở đây, nên chuyên tâm ra sức về việc văn, thức tỉnh đồng bào cho khỏi tai điếc, mắt đui, còn việc mởo mang dìu dắt ở trong nước nhà thì tôi xin lãnh. Lưỡi tôi còn người Pháp chẳng làm gì được tôi mà lo.
Rồi Phan Bội Châu đưa tập hải ngoại huyết thư cho Phan Chu Trinh mang về nước. Tới Hà Nội, Phan Chu Trinh lại thăm Lương Văn Can bày tõ tình hình ở Nhật và cùng nhau sáng lập một nghĩa thục tựa như Khánh Ưng Nghĩa Thục của Nhật để mở mang dân trí và đào tạo đồng chí, mưu việc lâu dài. Ít tháng sau, Phan Bội Châu cũng ở Nhật về lần thứ nhì, mục đích tìm gặp Hoàng Hoa Thám.
Nhân cơ hội này các ông Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Tăng Bạt Hổ họp nhau ở phố hàng Đào , Hà Nội. Từ cuộc hội họp này mà có quyết định mở Đông Kinh nghĩa thục gây một phong trào duy tân trong nước.
Chương trình của Đông Kinh nghĩa thục do Phan Chu Trinh thảo ra, ấn định mở những lớp dạy học không lấy tiền, tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng, để cùng cổ động trong dân chúng. Trường sẽ dạy cả Việt văn, Hán văn, Pháp văn. Ban tiểu học chuyên dạy Việt văn, lên trung học đại học mới dạy Hán văn và Pháp văn. Triệt để bỏ lối học từ chương khoa cử mà chú trọng vào thường thức và thực nghiệp.
Năm 1907 là năm phong trào duy tân lên mạnh nhất, cuộc vận động cách mạng tư tưởng nhằm vào mấy điểm căn bản kể dưới đây:
- Lột vỏ hủ nho.
- Thay đổi giáo dục và học thuật.
- Cổ động cho chữ Quốc ngữ.
- Sửa đổi nếp sống,xã hội.
Ngay từ đầu phong trào đã mang tính cách triệt để chống phong kiến, cách mạng văn hóa để đắp con đường đưa tới chống thực dân, đấu tranh giành độc lập.
Phong trào Đông Kinh nghĩa thực hoạt động theo một thể thức hợp pháp, công khai nên bành trướng rất mau. Nhận thấy phong trào này càng ngày càng nguy hại, thực dân không thể để yên cho nó thả cửa hoạt động, phải đập chết. Đầu năm 1908 thực dân Pháp thu giấy phép của nghĩa thục, viện cớ nghĩa thục đã đi quá trớn làm lòng dân náo động. Để lung lạc các giáo sư, viên thống sứ ra nghị định bổ nhiệm hai ông Hoàng Tích Phụng và Nguyễn Quyền làm trong ty giáo huấn, hai ông Lương Trúc Đàm và Dương Bá Trạc được bổ nhiệm làm tri huyện nhưng cả hai khước từ.
Ai cũng tưởng thế là xong, chẳng ngờ mấy tháng sau nhiều vụ chính trị nghiêm trọng xảy ra, làm cho thực dân đối đãi gắt gao hơn với các phần tử trí thức yêu nước của Đông Kinh nghĩa thục.
Vụ thứ nhất biểu tình kháng thuế ở Quảng Nam làn vào các tỉnh miền Trung. Chính phủ Pháp và Nam triều đổ tội cho ông Phan Bội Châu, Tây Hồ, Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đã xui dân làm loạn. Bọn quan lại Việt ghét nhất Trần Quí Cáp vì tính khinh mạn của ông nên đem ra chém đầu ngay, ông Tây Hồ Phan Chu Trinh ở Hà Nội bị xích tay giải về Huế.
Vụ thứ hai là âm mưu bạo động Đề Thám.
Vụ thứ ba là vụ đầu độc quan binh Pháp ở Hà Nội.
Lần lượt đến cá công khác, người thì bỏ trốn, người thì bị đi an trí, người thì bị khổ sai chung thân, đẩy ra Côn Lôn. Tới Côn Lôn họ gặp nhau, Phan Chu Trinh đã ứng khẩu ngâm bốn câu thơ (Chữ Hán, Phan Khôi dịch như sau):
Mang xiềng xích bước khỏi đô môn
Hăng hái cười reo lưỡi vẫn còn
Đất nước hãm chìm dân tộc héo
Làm trai chi sá thứ Côn Lôn
Ông Nguyễn Thượng Hiền thoát sang Tàu, chán ngán vì bọn phản bội, vào chùa đi tu ở Hàng Châu, bài thơ Lữ Ngô (ở trọ đất Ngô) tả thân phận của cụ lúc ấy:
Nước thẳm non xanh lắng bóng chiều
Chơi vơi hồn nước biết nơi nào
Sống làm hạc lẽ về vô ích
Hoàng hải chống gươm thu sóng réo
Ngô môn thổi sáo tối trăng treo
Còn chăng tráng chí nguyên như cũ
Lên vút tầng mây muôn trượng cao
Giọng thơ của ông vừa bi hùng, vừa phiêu diêu nửa như tiếng hạc, nửa như tiếng quyên, nửa như tiếng sóng, nửa như ánh trăng, giống như đời ông (trích của Nguyễn Hiến Lê) thật đúng với thân phận người trí thức yêu nước lưu vong ôm mối hận quốc phá gia vong.

Nghĩa Hòa Đoàn

Phim “Năm mươi ngày ở Bắc Kinh” do David Niven, Charlton Heston và Ava Garner thủ diễn là phim nói về cuộc bạo động ở Bắc Kinh chống các nước Tây phương. Cầm đầu vụ bạo động ấy chính là Nghĩa hòa đoàn. Sau khi các quan lại, quí tộc đi mãi vào chính sách nhượng bộ, họ hoàn toàn bị mất tín nhiệm thì quyền lãnh đạo phản kháng xâm nhập của Tây phương chuyển sang tay những hội kín có tính chất mê tín thần giáo, những hội kín (soeiété secrète) này đã đáp ứng đúng nguyện vọng của dân chúng trên tôn giáo cũng như trên kinh tế và chính trị. Trên chính trị đây là một vận động tự phát của nhân dân chống xâm lược ngoại quốc, trên tôn giáo đây là một vận động tiêu diệt công giáo cùng các phái bộ truyền đạo, trên kinh tế đây là kết quả mất mùa đói khát của nông dân và thợ thuyền. Về bản chất nghĩa hòa đoàn tương tự như vận động Hoàng Cân đời Tam Quốc, vận động Hoàng Sào đời Đường và vận động Lý Sấm đời Minh. Người ta có thể tùy theo lập trường chính trị mà mệnh danh nó là cách mạng, là giặc, là tạo phản hay là gì khác, nhưng thực tế nó chỉ là vận động xông vào cái chết để tìm cái sống trước một bước đường cùng. Hoàng Cân, Hoàng Sào, Lý Sấm chỉ có một đối tượng là bọn thống trị bản quốc còn Nghĩa hòa đoàn thì đối tượng lại là xâm lược ngoại quốc văn minh Tây phương, tôn giáo xung kích, vì vậy nếu có điểm sai dị nào thì chỉ là do biến thiên của hình thế khách quan. Đối với phần tử trí thức tuy Nghĩa hòa đoàn không phải do họ lãnh đạo, sách động hay tổ chức, nhưng vận động của Nghĩa hòa đoàn bộc lộ tính chất theo đuôi, ngan ngạnh, hủ lậu của lớp trí thức cố cựu.
Nguyên nhân thứ nhất của Nghĩa hòa đoàn là sự phá sản của kinh tế nông thôn do thiên tai, sưu cao thuế nặng, bóc lột con buôn, tham nhũng của quan lại, và sau rốt là dương tai tức là tại nạn Tây phương. Hàng hóa ngoại quốc ồ ạt vào Trung Quốc bóp chết nền tiểu công nước này. Ở nông thôn đa số phụ nữ làm nghề dệt vải. Trước tấn công của hàng hóa bông vải họ đành khoanh tay chịu đói. Đường giao thông hàng hải, đường sắt phát triển khiến loại người chuyên mưu sinh bằng vận tải thất nghiệp. Số thất nghiệp tăng rất mau, trong vòng vài tháng lên mấy triệu người. Văn minh mà không tiến bộ thì thật là một đại bi kịch. Nguyên nhân thứ hai là tôn giáo Tây phương. Ai cũng biết tôn giao Tây phương truyền vào Trung Quốc bằng súng đạn và tàu chiến chứ không phải dựa vào giáo nghĩa để lôi kéo dân chúng. Tôn giáo Tây phương là thiên chúa giáo và cơ đốc giáo thờ một vị thượng đế, lối thờ trái ngược với quan niệm thờ của người Trung Quốc. Người Trung Quốc dù theo Nho, Thích Đạo đều nhìn chỗ nào cũng có một vị thần có thể lễ được, ngay cả quỉ cũng có thể bái được. Bây giờ đòi hỏi phải bỏ hết để chỉ thờ một thượng đế thì thật là câu chuyện cực khó. Quan trọng hơn nữa là người Trung Quốc rất sùng bái tổ tiên từ lâu đời lắm rồi. Nay thiên chúa giáo và cơ đốc giáo yêu cầu từ bỏ sùng bái tổ tiên, đó là câu chuyện không thể nghe được. Để đối phó với những trở ngại trên, các nhà truyền giáo ngoại quốc tung ra nhiều thủ đoạn không mấy đàng hoàng để dụ người vào đạo như:
a- Xuất tiền mua chuộc bọn vô lại theo đạo rồi đem bọn đó mang lương thực dẫn dụ dân chúng.
b- Người ngoại quốc đem đặc quyền của họ giành được ở T.Q. chia sẻ với hoạt động tín ngưỡng, biến giáo dân thành một giai cấp đặc quyền tân hưng, nếu giáo dân bị khó khăn điều gì phái bộ truyền giáo lập tức ra mặt cứu gỡ.
Thấy giáo dân lợi thế như vậy nên trong dân gian gọi giễu là “ngật giáo”, ngật là ăn như bên ta thường nói đi đạo lấy gạo mà ăn. Dựa vào thế lực, các giáo dân từ được bênh vực tiến lên bắt nạt, áp bách quần chúng đông đảo. Về phía quần chúng đông đảo chịu bao tai trời ách nước không biết bấu víu vào đâu, trông cậy vào ai nên quay ra mê tín thần quyền.
Nghĩa hòa đoàn là một thứ hội đảng bí mật của dân gian mang tính chất tôn giáo. Gốc gác của nó từ đời Đường khi Mani giáo của Ba Tư nhập Trung Quốc. Về sau Mani giáo bị cấm, nó liền chuyển biến và hợp lưu với các giáo ở Trung Quốc thành ra thứ đạo giáo thờ phụng cực đa thần. Đời Minh có Bạch Liên giáo sinh ra Nghĩa hòa môn và Nghĩa hòa môn là tiền thân của Nghĩa hòa đoàn.
Theo sách Từ Hi ngoại ký thì Nghĩa hòa đoàn có một đạo bùa bí mật lúc lâm chiến đeo ở người, đạo bùa mang hình vẽ bằng chu sa không ra người, không ra quỉ, không ra thần, không ra yêu, có đầu không chân, mặt nhọn mắt mũi lạ lùng trên đầu tỏa ra hào quang, quanh là bùa viết chữ đại ý nói là thiên binh thiên tướng.
Đa số nông dân vốn ít học, suốt đời chỉ nhìn thấy quan và thần. Khổng học đã lâu đời gần như chỉ dành cho quan và trí thức. Lúc thời cuộc rối loạn cực điểm không còn thể giảng đạo lý dài dòng, nông dân không biết chứ cấp thiết đòi hỏi cái gì dễ tin, đơn giản nên họ dễ mắc vào sự xui giục của Nghĩa hòa đoàn. Nông dân theo Nghĩa hòa đoàn để tìm vị thần che chở, thần ấy nếu nhìn kỹ ra chẳng qua chỉ là sức mạnh của sự quần tụ.
Nông dân gia nhập Nghĩa hòa đoàn hy vọng mang vị thần T.Q. để đả đảo thần ngoại quốc nghĩa là làm thỏa lòng căm thù đối với cái bọn ngật giáo đang ở địa vị đặc quyền, đang là giai cấp mới bên kia.
Về mặt chính trị Nghĩa hòa đoàn đưa ra khẩu hiệu: Cừu giáo diệt dương (thù tôn giáo tiêu diệt bọn Tây). Nhân trời nắng hạn nói: càng diệt nhiều Tây trời càng sớm mưa.
Phần tử trí thức bị lôi cuốn vào Nghĩa hòa đoàn rất ít, đó là một bộ phận nhỏ gồm toàn phần tử trí thức lạc hậu. Còn đa số áp dụng thái độ khoanh tay nhìn thế sự, nhưng thâm tâm ai cũng mong mỏi Nghĩa hòa đoàn thành công. Tại sao vậy? Từ Mậu Tuất, phần tử trí thức nhất loạt toàn lực cầu biến kết quả thất bại, nhiều chán nản. Nay thấy vận động Nghĩa hòa đoàn lan rộng thì họ quan niệm thôi nếu ta không làm được thì nhường cho người khác làm. Giả thử phần tử trí thức tích cực tham gia, chắc bộ mặt của vận động đã đổi khác. Bởi chưng vận động lọt vào tay đám trí thức lạc hậu ngang ngạnh bài ngoại và bọn quí tộc thối nát nên mới thành bi kịch.

Từ phản Thanh phục Minh đến phù Thanh diệt dương

Bạch Liên giáo xưa kia hoạt động cho chính sách phản Thanh phục Minh, cho nên khi Nghĩa hòa đoàn nổi dậy, quan quân nhà Thanh đem binh đi tiểu trừ. Về phía Nghĩa hòa đoàn cũng trương a danh nghĩa “giết tặc quan”. Đất khởi nghiệp của Nghĩa hòa đoàn là tỉnh Sơn Đông do Chu Hồng Đăng lãnh đạo. Quan địa phương tiến đánh đều thất bại. Mỗi thất bại một ông quan lại bị cách chức. Đến đời tuần phủ Sơ Hiền đến trị nhậm, ông thấy mình cũng không làm được gì hơn nên áp dụng lối chiêu dụ, rồi từ chiêu cụ đến tiến cử lên Tây Thái Hậu. Triều đình Thanh muốn tạm thỏa hiệp cho yên nên dùng bọn Chu Hồng Đăng giữ nhiệm vụ huấn luyện dân quân. Nghĩa hòa đoàn liền đổi chủ trương ra phù Thanh diệt dương, tôn Sơ Hiền làm lãnh tụ.
Bắt tay vào việc, Nghĩa hòa đoàn cho lập ở mỗi thôn trang một nhà dạy đánh quyền (nên Tây phương mới gọi là Boxer tức quyền phỉ), tụ tập dạy võ rồi công khai phá phách nhà thờ gây sự đánh đập giáo dân, giáo dân cũng chẳng vừa, vũ trang chống cự. Khắp nơi va chạm đổ máu xảy ra như cơm bữa. Không lâu, ngoại quốc quyết liệt kháng nghị, dọa dẫm triều đình và chính phủ. Thanh triều nhượng bộ cách chức Sơ Hiền cử Viên Thế Khải lên thay. Nghĩa hòa đoàn làm dữ giết mất mấy nhà truyền giáo người Anh. Thanh triều thúc Viên Thế Khải tiến đánh Nghĩa hòa đoàn. Viên Thế Khải mở chiến dịch tổng công kích, đánh bật chủ lực Nghĩa hòa đoàn ra khỏi Sơn Đông. Chu Hồng Đăng tử trận. Thoát khỏi Sơn Đông, Nghĩa hòa đoàn xâm nhập Hà Bắc, lấy Thiên Tân, Bảo Định, Thông Châu làm trung tâm hoạt động. Tổng đốc Dụ Lộc đem quân tiễu phạt nhưng thất bại. Thắng Dụ Lộc, uy tín Nghĩa hòa đoàn lên mạnh, liền động viên toàn thể nam phụ lão ấu nông dân có tới mấy trăm ngàn. Trước tình thế tràn ngập như nước vỡ bờ, Dụ Lộc bắt chước Sơ Hiền thừa nhận Nghĩa hòa đoàn là đoàn thể hợp pháp. Dụ Lộc đến lễ miếu thờ Hoàng Thánh Liên Mẫu.
Lãnh tụ Nghĩa hòa đoàn bây giờ là Lý Lai Trung. Trung là em nuôi của tướng Đổng Phúc Tường, qua liên hệ quân Nghĩa hòa đoàn chuyển nhập quân đội chính phủ rất đồng rồi sinh sôi nảy nở ở đây.
Thấy Nghĩa hòa đoàn thế mạnh phe quí tộc Tây Thái Hậu nảy ý muốn dùng làm công cụ chính trị cho mình. Vốn sẵn ghét Quang Tự như một kẻ theo Tây nên họ hết sức bằng lòng khẩu hiệu diệt Tây của Nghĩa hòa đoàn. Thêm nữa bọn ngoại quốc mỗi ngày mỗi khó khăn cơ hồ không thể chịu hơn được. Phe Tây Thái Hậu bèn ngầm đưa Nghĩa hòa đoàn về Bắc Kinh.
Ngày 17 tháng 6 năm 1909, Tây Thái Hậu triệu tập quần thần mở ngự tiền hội nghị quyết định tuyên chiến với ngoại quốc. Súng nổ đạn bay, Nghĩa hòa đoàn dù có bùa phép kỵ đạn cũng vẫn lăn ra chết như ngã rạ. Liên quân tám nước đánh ập vào Bắc Kinh kết thúc bi kịch Nghĩa hòa đoàn.

Chính trị Thần Quyền ở Việt Nam

Đặc tính thần quyền ở Việt Nam là đồng cốt hay đồng bóng. Không rõ đồng bóng có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó không được phần tử trí thức chấp nhận. Riêng các đền để thực hiện việc lên đồng vì mang ý nghĩa tôn thờ các vị anh hùng liệt nữ dân tộc thì phần tử trí thức sùng kính mà thôi. Ở các đền này nhiều vị danh nhi thường là để ca tụng anh linh người xưa có công với đất nước. Tuy nhiên trên toàn bộ lịch sử, chưa hề có vụ nào khả dĩ gọi là vận động lớn lao với chính trị tính do đạo lên đồng lãnh đạo. Đem thần thánh trực tiếp gây phong trào chính trị chỉ mới xảy tại miền Nam Việt Nam. Muốn hiểu thì phải trở lại nguồn gốc.
Năm 1669 có quan nhà Minh là tổng binh chấn thủ đất Long Môn (Quảng Tây) tên là Dương Ngạn Địch cùng phó tướng Hoàng Tiến, phó tướng Trần An Bình không chịu làm tôi nhà Thanh, đem 3000 quân cùng 50 chiến thuyền sang xin làm dân Việt Nam. Chúa Hiền (nhà Nguyễn) nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp bèn cho vào đất Đông Phố. 15 năm sau, Mạc Cửu người Quảng Đông trong khi nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh bên Tàu bỏ sang Chân Lạp, mở sòng đánh bạc lấy tiền chiêu mộ lưu dân lập ra Hà Tiên. Mạc Cửu xin thuộc chúa Nguyễn, chúa phong cho làm chức tổng binh giữ đất Hà Tiên.
Trong khi ấy ngay tại Trung Quốc, các di thần chí sĩ hoài bão đại nghĩa, không chịu sỉ nhục trốn đi ẩn vào các tổ chức hải hồ. Để sách động đại chúng, họ dùng nghi thức thần đạo, để tổ chức họ dùng nghĩa khí hào hiệp, để áp dụng hoạt động họ áp dụng hành nhân kết nghĩa. Tất cả quy vào phục vụ cho chủ trương chính trị phản Thanh phục Minh. Đảng hội bí mật này gọi là Hồng Môn. Nghĩa hòa môn của Bạch Liên giáo cũng là một chi phái. Hồng Môn hội đã vượt biển đến với những người Trung Quốc chống Thanh ở Việt Nam.
Nghĩa hòa đoàn bị liên minh tám nước đập tan thì cái đuôi của nó quấy ở miền Nam Việt Nam. Ngay từ đầu thế kỷ 20 chung quanh Saigon có nhiều hội đảng bí mật như Nghĩa Hòa, Thiên Địa hội, Lương Hữu hội, Nhân hòa đường. Các hội đảng này mang màu sắc thờ phụng miếu tự. Các đảng hội viên hội họp ban đêm ở các đền chùa với mục tiêu chống Pháp. Như đã nói đây chỉ là cái đuôi của Nghĩa hòa đoàn bên Tàu nên không làm nên chuyện gì cả, mặc dầu đám nông dân, tá điền và ít nhiều phần tử trí cựu trí thức gia nhập các hội đoàn này để mưu việc cứu nước. Bị Pháp đánh dẹp các hội đoàn bí mật kể trên biến chất hóa thành các hội đảng của những tay anh chị đánh thuê chém mướn trong xã hội Hoa Kiều.
Đặc biết nhất là vụ Phan Xích Long xảy ra vào năm 1913. Một đêm bỗng có tám trái bom nổ Saigon Chợ lớn, rồi chừng 600 nông dân ăn mặc đồ trắng, đeo bùa phá phách khắp nơi, bởi vì đêm đó Phan Xích Long sẽ từ trên trời giáng lâm để lên ngôi cửu ngũ. Người Pháp bắt được Phan Xích Long, ông tự nhận là con vua Hàm Nghi, ông bị giam vào khám lớn Saigon.
Ba năm sau vụ Phan Xích Long tái khởi, nhiều người tấn công khám lớn Saigon và khám Biên Hòa để giải cứu Phan Xích Long. Ở Saigon họ thất bại, nhưng ở Biên Hòa họ chiếm được trại giam và thả hết tù. Cầm đầu vụ này là ông Nguyễn Văn Mùi. Từ vận động Phan Xích Long tiêu tan, không còn vụ to lớn khác nào nữa, tuy bùa phép vẫn còn hoạt động nhưng không đáng kể. Còn như Cao Đài, Hòa Hảo thì tính chất lại khác hẳn.

THÂN PHẬN TRÍ THỨC -Biên Khảo- Vũ Tài Lục (part 2)



* *
*

9 comments:

  1. XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THÚ VẬT ÂM BINH MAFIA CSVN ĐẢNG XÃ HỘI CỦA LOÀI CHÓ ĐEO MẶT NẠ NGƯỜI …TIN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ TỪ CÁI NHÀ NƯỚC THÚ VẬT ÂM BINH MAFIA CSVN ĐẢNG NÀY LÀ TỰ SÁT Sai lầm nghiêm trọng của hoa kỳ là đã để cho những con chó đen MAFIA CS mở toang cánh cổng thiên đường tự do tư bản hoa kỳ cho hàng trăm ngàn tên âm binh mafia csvn đảng con đẻ tay sai mafia c strung cộng tràn vào ẩn phục ứng chờ ,cài cắm giăng bẩy câu mồi,thu hồn đoạt vía ,gieo truyền phát tán mạnh mẻ hạt giống đỏ ra toàn nước mỹ ,tạo dựng nên những đại gia đình âm binh mafia cs rúc rĩa gậm nhấm ,ăn luồn ăn sâu vào lục phủ ngủ tạng đất nước của nử thần tự do …lũng đoạn kinh tế khuynh đảo chính trị,ngấm ngầm lèo lái con thuyền tự do tư bản hoa kỳ vào quỷ đạo của chủ nghĩa cộng sản ,nếu nước mỹ không kịp thời thức tỉnh cực kỳ cảnh giác,để có biện pháp đề phòng hửu hiệu ,phát hiện kịp thời hành động thủ ác trong bóng tối ngấm ngầm thực hiện mưu đồ ..đê hèn và sâu độc của bọn mafia cs đen trung cộng và bọn âm binh mafia cs vn đảng con đẻ tay sai của chúng,thì chắc chắn trong tương lai gần chế độ tự do tư bản hoa kỳ sẻ gục chết mà vẩn chưa kịp hiểu …SỨC MẠNH ĐEN VÔ ĐỊCH ÂM BINH MA FIA CS ….là gì…?XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THÚ VẬT ÂM BINH MAFIA CSVN ĐẢNG XÃ HỘI CỦA LOÀI CHÓ ĐEO MẶT NẠ NGƯỜI …TIN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ TỪ CÁI NHÀ NƯỚC THÚ VẬT ÂM BINH MAFIA CSVN ĐẢNG NÀY LÀ TỰ SÁT Trong cái nhà nước súc vật âm binh mafia csvn đảng này , tất cả phải bò bốn chân truyền kiếp làm chó phục vụ cho mưu đồ sự nghiệp của đảng …trong cái xã hội của loài thú đeo mặt nạ người này ,tất cả những thành phần từ trí thức đến dân đen …ma cô đỉ điếm ..các tổ chức tôn giáo ..các tổ chức chính trị kêu gọi tự do dân chủ ..hay ngay cả những tổ chức chống cộng …đều đưoc đảng cấp giấy phép hoạt động , đều được quốc doanh hóa ..chúng là những cái mặt nạ không thể thiếu trong việc bảo đảm tôn trọng nhân quyền …tự do tín ngưởng …..quyền tự do ngôn luận ,như một xã hội bình thường của các quốc gia khác trước cái nhìn của công luận quốc tế ….và sự thật đằng sau những tấm mặt nạ này …không một ông sư hay linh mục ,nhà dân chủ kẻ chống cộng ,hay cả bọn trí thức ..đỉ điếm ma cô nào dám tự phát mà không có sự đạo diển dàn dựng điều hành và chỉ đạo chặc chẻ của bọn thú vật cộng sản đen …và nếu có một ai đó dám đi ngoài quỷ đạo đó thì cũng không thể nào sống sót được trong cái xã hội chủ nghĩa thú vật âm binh mafia csvn đảng này …..XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THÚ VẬT ÂM BINH MAFIA CSVN ĐẢNG XÃ HỘI CỦA LOÀI CHÓ ĐEO MẶT NẠ NGƯỜI …TIN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ TỪ CÁI NHÀ NƯỚC THÚ VẬT ÂM BINH MAFIA CSVN ĐẢNG NÀY LÀ TỰ SÁT Nước mỹ hãy cực kỳ cảnh giác lủ súc vật âm binh ma fia csvn đảng con đẻ tay sai mafia cs trung cộng …kịp thời phát hiện và ngăn chặn lủ âm binh mafia cs chui lòn ngấm ngầm hành động thủ ác rúc rĩagậm nhấm ruột gan lục phủ ngủ tạng của các bạn trong bóng tối ….đừng để đến khi các bạn hấp hối giãy chết mà vẩn chưa hiểu đưoqực sức mạnh đen súc vật âm binh mafia cs là gì …

    ReplyDelete
  2. -TỐ CÁO NHÀ NƯỚC XHCN THÚ VÂT ÂM BINH M FIA CSVN ĐẢNG XÃ HỘI CỦA LOÀI CHÓ ĐEO MẶT NẠ NGƯỜI …TIN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ TỪ CÁI NHÀ NƯỚC SÚC VẬT ÂM BINH MA FIA CS VN ĐẢNG NÀY LÀ TỰ SÁT hãy cực kỳ cảnh giác lủ âm binh ma fia cộng sản với biệt tài bắt hồn nhân loại bằng những thủ đoạn vô cùng tinh vi và phức tạp với đội ngủ âm binh ma fia hùng hậu giàn trãi khắp.nơi lai vô ảnh khứ vô tung những con thú đeo mặt nạ người một loại rô bốt người được điều khiển từ xa …. âm thầm cùng nhau phối hợp chầu chực trong bóng tối cùng nhau hợp sức hành động cài cắm câu mồi giăng bẩy nam nữ nhân kế moi móc đời tư…xui khiến phạm tội khống chế bắt hồn đưa vào tổ chức trở thành một thành viên âm binh ma fia âm thầm bán linh hồn và thể xác cam tâm làm súc vật phục vụ cho đảng những con mồi chúng thường nhắm đến để bắt lấy linh hồn là giới cầm quyền lảnh đao cao cấp vợ con em của thành phần chúng xem là kẻ thù sử dụng họ làm ang ten tình báo về kinh tế chính trị v…v theo lệnh đảng ngấm ngầm âm thầm tiếp sức cho cộng sản tiêu diệt cha chồng người thân của chúng trong kế sách gậy ông đập lưng ông hay chính xác hơn theo như thằng lê duẩn đã phát biểu trong công cuộc giải phóng miền nam và thực hiện chính sách âm binh súc vật MA FIA HÓA hóa toàn bộ quân dân cán chính ngụy quân ngụy quyền sau giải phóng ngăn ngùa DẬP TẮT MỌI SỰ sự trổi dậy của vnch TRONG TRỨNG NƯỚC bằng lực lượng âm binh ma fia vợ con em của kẻ thù …DÙNG MỞ NÓ ĐỂ RÁN NÓ tiếp tục sự nghiệp gieo truyền lan tỏa hạt giống đỏ hạt giống của ác quỷ ra toàn cầu nhất là trong cộng đồng người việt hãi ngoại và người bản xứ HOA KỲ nhằm xây dựng những đại gia đình âm binh ma fia cộng sản ngấm ngầm mai phục ứng chờ thời cơ trổi dậy thực hiện mưu đồ sự nghiệp đại đồng vĩ đại của đảng … CỰC ĐỘ CẢNH GIÁC NHỮNG GÌ ĐẾN từNHÀ NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THÚ VẬT MA FIA CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐẢNG DÙ LÀ GIỚI TRÍ THỨC HAY LÀ ĐÁM ĐỈ ĐIẾM MA CÔ ĐẦU ĐƯỜNG XÓ CHỢ….VỢ CON DIỆN HO.. NHỮNG CÔ DÂU TỘI NGHIÊP V..V VÀ V..V CHÚNG ĐƯỢC ĐƯA ĐẾN NHỮNG NƠI CẦN ĐẾN ..TỔ CHỨC LUÔN LUÔN ĐÓN CHỜ ………TẤT CẢ CHÚNG ĐỀU LÀ NHỮNG CON THÚ ĐEO MẶT NẠ NGƯỜI VỚI MUÔN VÀN TẤM MẶT NẠ ….TIN LỦ ÁC QUỶ MA FIA CỘNG SẢN LÀ TỰ SÁT nói rằng cộng sản ngu dân hóa để trị là chưa đúng.. phải nói chính xác là chính sách súc vật ma xó âm binh ma fia hóa toàn dân để trị vô cùng tàn bạo và man rợ của lủ thú vật ma fia cộng sản …chúng đã biến con dân thành nhũng con thú bò bốn chân đeo mặt nạ người bán cả linh hồn và thể xác hy sinh tất cả cho đảng trong nhũng đại gia đình ma fia cộng sản đảng chui rúc trong bóng tối đẻ bảo vệ và phát triển chủ nghĩa cộng sản ra toàn cầu … cũng vì bọn ma fia cộng sản đen này mà hiện nay đám thú vật ma fia cs … nhũng con rô bốt người được điều khiển từ xa đã lan tràn như nhũng xác sống gieo truyền hạt giồng đỏ rộng khắp năm châu mà nhất là đang phát triển mạnh mẻ tại đất nước của nữ thần tự do …nếu không kịp thời cảnh giác âm mưu sâu độc và đê hèn của lủ âm binh ma fia cộng sản ..lai vô ảnh khứ vô tung này thì một ngày không xa tượng nử thần tự do sẻ bị đạp đổ thay thế bằng tượng ông mao ông mác ông lê tay cầm búa liềm thống lỉnh nhân loại

    ReplyDelete
  3. -TỐ CÁO NHÀ NƯỚC XHCN THÚ VÂT ÂM BINH M FIA CSVN ĐẢNG XÃ HỘI CỦA LOÀI CHÓ ĐEO MẶT NẠ NGƯỜI …TIN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ TỪ CÁI NHÀ NƯỚC SÚC VẬT ÂM BINH MA FIA CS VN ĐẢNG NÀY LÀ TỰ SÁT hãy cực kỳ cảnh giác lủ âm binh ma fia cộng sản với biệt tài bắt hồn nhân loại bằng những thủ đoạn vô cùng tinh vi và phức tạp với đội ngủ âm binh ma fia hùng hậu giàn trãi khắp.nơi lai vô ảnh khứ vô tung những con thú đeo mặt nạ người một loại rô bốt người được điều khiển từ xa …. âm thầm cùng nhau phối hợp chầu chực trong bóng tối cùng nhau hợp sức hành động cài cắm câu mồi giăng bẩy nam nữ nhân kế moi móc đời tư…xui khiến phạm tội khống chế bắt hồn đưa vào tổ chức trở thành một thành viên âm binh ma fia âm thầm bán linh hồn và thể xác cam tâm làm súc vật phục vụ cho đảng những con mồi chúng thường nhắm đến để bắt lấy linh hồn là giới cầm quyền lảnh đao cao cấp vợ con em của thành phần chúng xem là kẻ thù sử dụng họ làm ang ten tình báo về kinh tế chính trị v…v theo lệnh đảng ngấm ngầm âm thầm tiếp sức cho cộng sản tiêu diệt cha chồng người thân của chúng trong kế sách gậy ông đập lưng ông hay chính xác hơn theo như thằng lê duẩn đã phát biểu trong công cuộc giải phóng miền nam và thực hiện chính sách âm binh súc vật MA FIA HÓA hóa toàn bộ quân dân cán chính ngụy quân ngụy quyền sau giải phóng ngăn ngùa DẬP TẮT MỌI SỰ sự trổi dậy của vnch TRONG TRỨNG NƯỚC bằng lực lượng âm binh ma fia vợ con em của kẻ thù …DÙNG MỞ NÓ ĐỂ RÁN NÓ tiếp tục sự nghiệp gieo truyền lan tỏa hạt giống đỏ hạt giống của ác quỷ ra toàn cầu nhất là trong cộng đồng người việt hãi ngoại và người bản xứ HOA KỲ nhằm xây dựng những đại gia đình âm binh ma fia cộng sản ngấm ngầm mai phục ứng chờ thời cơ trổi dậy thực hiện mưu đồ sự nghiệp đại đồng vĩ đại của đảng … CỰC ĐỘ CẢNH GIÁC NHỮNG GÌ ĐẾN từNHÀ NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THÚ VẬT MA FIA CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐẢNG DÙ LÀ GIỚI TRÍ THỨC HAY LÀ ĐÁM ĐỈ ĐIẾM MA CÔ ĐẦU ĐƯỜNG XÓ CHỢ….VỢ CON DIỆN HO.. NHỮNG CÔ DÂU TỘI NGHIÊP V..V VÀ V..V CHÚNG ĐƯỢC ĐƯA ĐẾN NHỮNG NƠI CẦN ĐẾN ..TỔ CHỨC LUÔN LUÔN ĐÓN CHỜ ………TẤT CẢ CHÚNG ĐỀU LÀ NHỮNG CON THÚ ĐEO MẶT NẠ NGƯỜI VỚI MUÔN VÀN TẤM MẶT NẠ ….TIN LỦ ÁC QUỶ MA FIA CỘNG SẢN LÀ TỰ SÁT nói rằng cộng sản ngu dân hóa để trị là chưa đúng.. phải nói chính xác là chính sách súc vật ma xó âm binh ma fia hóa toàn dân để trị vô cùng tàn bạo và man rợ của lủ thú vật ma fia cộng sản …chúng đã biến con dân thành nhũng con thú bò bốn chân đeo mặt nạ người bán cả linh hồn và thể xác hy sinh tất cả cho đảng trong nhũng đại gia đình ma fia cộng sản đảng chui rúc trong bóng tối đẻ bảo vệ và phát triển chủ nghĩa cộng sản ra toàn cầu … cũng vì bọn ma fia cộng sản đen này mà hiện nay đám thú vật ma fia cs … nhũng con rô bốt người được điều khiển từ xa đã lan tràn như nhũng xác sống gieo truyền hạt giồng đỏ rộng khắp năm châu mà nhất là đang phát triển mạnh mẻ tại đất nước của nữ thần tự do …nếu không kịp thời cảnh giác âm mưu sâu độc và đê hèn của lủ âm binh ma fia cộng sản ..lai vô ảnh khứ vô tung này thì một ngày không xa tượng nử thần tự do sẻ bị đạp đổ thay thế bằng tượng ông mao ông mác ông lê tay cầm búa liềm thống lỉnh nhân loại

    ReplyDelete
  4. …Thằng thú vật vật ma fia csvn đảng nguyễn văn linh tay sai của lủ ma fia mèođen trung cộng tại sao nó mở mõm tru sủa xin đảng cởi trói cho giới văn nghệ sỉ mở rộng cửa chào đón chấp nhận nền văn minh phồn vinh của tư bản nhất là nước mỹ để khai Sáng thay đổi cảnh nghèo đói lạc hậu man rợ của chế độ cs đã tồn tại gần tám chục năm nay kể từ khi con cẩu họ hồ mang vác cái ách cs về đè đầu cởi cổ dân tộc vn này những người không hiểu và không biết gì là âm binh ma fia cs thì cứ tưởng là lủ thú vật ma fia cs vn đảng chúng cũng biết hối cải muốn đem tự do dân chủ thật sự cho dân tộc việt nhưng đối với những người biết rỏ hành tung của lũ súc vật này trong bong tối thì họ hiểu rất rỏ bộ mặt thật của những con thú đội lốt người này chúng là lủ ma fia cs lien kết chặc chẻ cấp nhà nước trong bong tối ngấm ngầm thực hiện giấc mơ đại đồng sự nghiệp vĩ đại chân lý bất di bất dịch của lủ tổ tiên mao mác lê stalin cha ông thằng hồ …vậy sự thật của cái gọi là mở rộng cửa chào đón luồng gió mới hòa mà không tan là gì …và cởi trói cho văn nghệ sỉ là như thế nào … là chúng chỉ cởi trói cho cái xác phàm còn linh hồn thì ma fia cs nó bắt trói chặt lấy .thì trí thức giới văn nghệ sỉ sau khi được đảng cởi trói cái xác phàm thu mất linh hồn thì họ đã trở thành một lủ thú vật không hơn không kém … không có linh hồn không còn trái tim chỉ biết ngoan ngoản bò bốn cẳng triệt để tuân phục theo mọi hiệu lệnh của chủ ….một nhà nước với chính sách súc vật âmbinh ma xó ma fia hóa dân tộc mình bién con dân thành lủ súc vật đeo vòng kim cô cam tâm làm chó chỉ biết bò bốn chân dâng hiến cả thể xác và linh hồn cho mưu đồ sự nghiệp vĩ đại của đảng thì hòa vào đâu nó đều lan tỏa ra màu đỏ màu của lủ xác sống{không có linh hồn} âm binh ma fia cs đến đấy Chỉ có những người sống trong tim óc ruột gan của lủ súc vật cộng sản vn ….sống giửa bầy thú đeo mặt nạ người của cái xã hội chủ nghĩa thú vật âm binh ma fia cs …tự do làm chó muôn năm này .. mới hiểu biết thế nào là chính sách súc vật âm binh MA FIA hóa con người để trị và phát triển chủ nghĩa cs ra toàn cầu CỦA LỦ THÚ VẬT MA FIA CSVN ĐẢNG …. Sau 75 cả một chế độ ngụy quân ngụy quyền và con em của họ bị cs súc vật âm binh ma fia hóa đén tận gốc..chúng đã biến họ thành những con thú đeo mặt nạ người …một loại người mà khi có lệnh của tổ chức thì ngay đến CẢ cha mẹ ÔNG BÀ anh chị em ruột thịt của chúng ,,,,chúng cũng sẳn sàng trói đầu giao nộp cho cộng sản như một con chó ….. …thì CHUYỆN những con thú đeo mặt nạ người tranh đấu cho tự do theo sự giật giây chỉ đạo của đảng với những màn kịch vô tiền khoáng hậu bịt mắt cả thế giới chứ không riêng gì người việt hãi ngoại ….tin bất cứ điều gì từ cái nhà nước ma fia csvn đảng này là tự sát ……..một hình thức giành quyền đấu tranh cho một nước vn tự do dân chủ thực sự từ tay của của những người vnch và hậu duệ của họ…. gạt ra ngoài và từ từ dập tắt tiêu diệt những tổ chức vnch chống cộng thực tâm vì một nền tự do dân chủ cho tổ quốc dân tộc vn…thay vào đó bằng một tập đoàn âm binh ma fia cộng sản đeo mặt nạ diển kịch đấu tranh cho tự do dân chủ .. âm thầm trong bóng tối gieo truyền hạt giống đỏ trong cộng đồng người việt có nguồn gốc vnch ….đến khi đạt được mục tiêu giành lấy nắm được hoàn toàn sự chỉ đạo điều hành tất cả mọi phong trào đấu tranh ở hãi ngoại …không còn thế lực nào khả dỉ đe dọa đến sự an nguy của cs vn nửa thì chúng lại hiện nguyên hình . những con ác quỷ cs đỏ …tin lủ súc vật âm binh ma fia csvn đảng là tự sát …. tự sát …. Cực kỳ cảnh giác lủ âm binh ma fia cs ….chúng là ác quỷ lủ ác thú đến từ địa ngục với muôn vàn tấm mặt nạ nhân nghĩa đạo lý nhân bản nhân hiền vv…. Với muôn vàn mưu sâu kế hiểm giăng mồi câu bẩy …. Được sự huấn luyện và điều hanh của lủ ma fia mèo đen trung cộng …..tin lủ súc vật âm binh ma fia cs châu á là tự sát

    ReplyDelete
  5. .thầy tu linh mục quan quyền nhà chính trị hay sinh viên hay bất cứ ai ..cũng dều là con người cũng hỉ nộ ái ố tham san si nằm trong lục dục thất tình bọn ác ma ma fia cs đã triệt để lợi dụng vào cái cốt lỏi này của con người sử dụng chiêu thức câu bẩy giăng mồi đưa kẻ bị câu vào tròng rồi khống chế quy nạp vào tổ chức để đời đời làm súc vật âm binh ma fia cs cho chúng sai khiến ..bất cư ai đều không thể thoát khỏi nanh vuốt một khi đả lọt vào tầm ngắm của bọn chung . tổ chức của bọn chúng ngày càng lớn mạnh cùng với các đám ma fi a chư hầu chúng âm thầm bành trướng khắp thế giới , ngấm ngầm ăn sâu vào lục phủ ngủ tạng của các nước như một căn bệnh ung thư di căn từ từ nếu không kịp thời chữa trị thì chỉ còn chờ một ngày nào đó sẻ lọt vào vòng tay của ác quỷ có hối cũng đả muộn… với những âm mưu đen tối ngấm ngấm tấn công khống chế toàn bộ thế giới bọn ác ma cùng vơí bọn đàn em tay sai đã tạo ra những con robot người điều khiển từ xa rồi tung ra khắp toàn cầu bằng các con đường kết hôn , di dân tỵ nạn vượt biên ; vợ con của diện HO vv.. chủ yếu xâm nhập vào nước mỹ có đến hàng trăm ngàn tên kế đến là nươc úc hàn quốc đài loan nhật bản vvv qua con đường kết hôn buôn nguoi, ty nan ..v..v.hình thức hoạt động ngấm ngầm luồn lách ăn sâu lan toả rộng khắp của bọn này, có thể phân chia ra ba nhóm gia đình mafia hoat động như sau………. 1./-ma fia công tác về tài chính [ ban tay đen ] hoạt động trong các phi vu làm ăn phi pháp buôn lậu rửa tiền buôn người mãi dâm vv..nói chung tất cả mọi công việc miển là làm ra tiền bằng mọi thủ đoạn tội ác trên đời chúng đều không tư với vai trò đảm nhiệm về tài chính cho tổ chức hoạt động …. 2/- bon ma fia chuyên ngành lừa đảo [hoa hồng đen ] câu bẩy giăng mồi mồi chài gồm một lũ ma cô đỉ điếm trong đó có lực lượng chủ động là thành phần trong giới trẻ sinh viên học sinh bị lừa đảo gia nhập phục vụ cho tổ chức được huấn luyện tinh vi về nghệ thuật giăng bẩy câu mồi cùng các kỹ năng thiện nghệ trong chuyện phong the chuyên lừa đảo nhắm vào giới quan chức trong chính quyền sở tại dùng nam- nữ nhân kế tiền bạc giăng bẩy tình mua chuộc hối lộ khiến họ sa chân vào lổi lầm phạm tội sau đó khống chế ép buộc họ gia nhập phục vụ cho tổ chức mục đích nắm bắt thông tin trong các hệ thống tài chính chính trị khoa học của nước sở tại ‘…và nhắm vào em cháu vợ con của các thành phần bị chúng liệt kê vào danh sách kẻ thù.. nhất là đối với các gia đình có con em là sinh viên học sinh đi học xa nhà chúng du dỗ mồ chài vợ con của kẻ thù sa vào lầm lổi xui khiến phạm tội rồi khống chế gia nhập tổ chức một khi đả là thành viên của bon ác quỷ thì chỉ còn phần xác ,còn phần hồn thì do chủ nhân nắm giử, khống chế suốt đời ,tuyêt đối trung thành đến khi lập gia đình cũng trong sự sắp xếp của bọn chủ nhân, chúng mang tính kế thừa truyền kiếp từ đòi này sang đòi khác , phục vụ cho chủ nhân vô điều kiện ,dưới mọi hình thức chúng đuợc sử dụng dể giám sát cha anh của chúng ,phục vụ bán dâm mòi chài câu nhử những mục tiêu do tổ chức chỉ định , đóng góp tự nguyện tài chính cho tổ chức góp phần vào mục tiêu làm phân hoá tan rả những tổ chức kiều nhân chống đối tại hải ngoại và lủng đoạn chính trị của nước sở tại theo chiều hướng có lợi cho mục đích thâu tóm toàn thế giới về sau nay của chủ nhân ……

    ReplyDelete
  6. .3/ nghiệm vu của các thành phần ma fia trí thức chủ yếu công tác về mặt chinh trị nằm yên chờ thời ngấm ngầm che dấu bảo vệ và ủng hộ cho các thành phần khác trong tổ chức gây sức ép về các hoạt động trong chính tri hậu thuẩn cài cắm người của chúng vào các cơ quan công quyền kết hợp với các vị quan chức bị mua chuộc chúng lũng đoạn chính trị kinh tế của nước sở tại theo chiều hướng có lợi cho chủ nhân của chúng …với một bon người bị lấy mất trai tim, không còn lương tâm, lương tri không còn biết phân biệt phải trái đúng sai , tuyệt đối chấp hành lệnh của chủ nhân vô điều kiện , các gia đình ma fia này truyền kiếp từ đòi cha sang đời con, đời cháu ,mãi mãi phuc vụ cho bọn ác ma này để giử bí mật tuyệt đối ,hiện nay với tình hình phát triển công nghê cao tôi đang nghi vấn bọn này đang được hổ trợ mọt loại vủ khí bí mật công nghệ cực kỳ cao siêu ,có thể điều khiển con người từ xa mọi lúc nọi nơi thông qua tín hiêu não ,ở trung tâm điều khiển bi mật…. tóm lại chỉ vì một mục đích điên cuồng bọn chúng đả và đang biến con người thanh nhửng xác sống vô tri vô giác như những zoombi lay lan lan toả khăp địa càu chi biết nghe theo lệnh và phụcvụ trung thành tuyệt đối để tiến đến mục đích cuối cùng thu tóm năm châu năm giử quả đất trong tay đương đến vinh quang không còn xa sẽ đưa loài người lên dỉnh cao rừng rú của thời đai nguyên thuỷ sống bầy đàn trong sự chăm sóc và giám sát tận tình,không một kẻ nào có thể ra khỏi tầm tay chăn dắt của bọn ác ma ….thời đại đó sắp đến

    ReplyDelete
  7. CẢNH BÁO …….quốc nội ,,,một con kiến cũng không thoát được mọi con mắt của lủ súc vật ma xó… âm binh mafia cs ,,,, và bọn súc vật âm binh mafia csvn đảng chó đeo mạt nạ người này đang được tổ chức tung ra tòan cầu để thực thi mưu đồ cực kì thâm độc sâu hiểm,,,,của bọn quan thầy mafia cs trung cộng ,,,,,nhất là nước mỹ ,,,chúng đang ngày đêm rúc rĩa gậm nhấm ngấm ngầm đục ruổng ăn luồng ăn sâu ăn hết lục phủ ngủ tạng của các bạn ,,,độc hại nhất là thành phần thường được chúng tự hào..lai vô ảnh khứ vô tung …..là lủ chó ẩn mình dấu mặt sau những tấm mặt nạ nhân hiền trí đạo ..v…v đang nằm yên chờ thời … ủng hộ điều hành toàn bộ các thành phần khác…. hoạt động ngầm trong bong tối ..dưới sự trực tiếp chỉ đạo cầm tay chỉ việc của lủ chó csvn và quan thay bắc kinh khi hửu sự ,, nếu không có biện pháp hữu hiệu ,phát hiện được những hành động thủ ác trong bóng tối của chúng thì e rằng tư bản tự do hoa kỳ ,một ngày không xa ,sẻ giãy chết mà vân chưa hiểu được sức mạnh đen vô địch âm binh mafia cs là gì ,,,,,,những người thù ghét khinh bỉ cái nhà nước súc vậtXHCN đem cả sinh mạng ra TỐ GIÁC BÈ LỦ SÚC VẬT NÀY…. nằm yên không nhuc nhich được ngay cả vào face book ,,,google ,,, đều bị xóa ngay tài khoản ,,,duy chỉ còn có thể duy nhất tố cáo lủ súc vật mafia cs vn thông qua trang mạng g+ này …… hãy cực kỳ cảnh giác chiêu trò khốn nạn bỉ ổi thường được sư dụng của bọn súc vật âm binh mafia csvn đảng cẩu nô chó tay sai tuyệt đối trung thành của bọn thú vật quan thầy mafia c s tàu ,,,,,,chúng giăng mồi câu bẫy ….khống chế thu hồn đoạt vía …. cấy hạt giống súc vật vào bà mẹ vợ con em của kẻ thù ,,,,,biến họ thành chó đeo vòng kim cô bò bốn chân phục vụ cho mưu đồ sự nghiệp vĩ đại của bọn quan thầy mafia cs meo đen trung cộng ….hay chúng thường cấy chim mái vào bọn chim trống thù địch ….nằm yên dưới lớp vỏ mẹ hiền dâu thảo ……vào các nhân vật quyền chức .các nhà chính trị có tương lai …..các nhà tài phiệt ..v..v… vì thế chúng nắm bắt tất cả thông tin tuyệt mật nhạy cảm về quân sự kinh tế chính trị ..v..v của các nước sở tại một cách dể dáng thông qua lủ gà mái âmbinh mafia cs này ……. chúng sinh sôi nảy nở truyền kiếp tư đời này sang đời khác đến khi giòng giống ác quỷ nắm đa số thì chúng lại hiện nguyên hình bầy ác quỷ đỏ ..một khi chúng nắm thóp được lủ chóp bu và khi đám bậu sậu nhũng nhiểu bên dưới đủ lông đủ cánh …chúng sẻ bóp chết các thế lực yêu chuộng tư bản tự do, xoay chuyển sang XHCN một cách dể dàng ……….Dù có cố diển tả thế nào đi nửa các bạn cũng không thể nào hiểu hết ĐƯỢC mọi mưu đồ cực kỳ thâm độc cuả lủ súc vật chó đeo mặt nạ người này ,,duy chỉ nhắn nhủ cùng các bạn ,,,một câu ,,,,,,TIN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ TỪ CÁI NHÀ NƯỚC XHCN THÚ VẬT Âm BINH MAFIA CS VN ĐẢNG NÀY LÀ TỰ SÁT ,,,,TỰ SÁT


    ReplyDelete
  8. Nhà nước cộng sản vn là một tổ chức ma fia …. Cựckỳ chặc chẻ từ trên xuống dưới trong mọi tầng lớp trong xã hội …. đén tận từng người dân một …. Một xã hội của loài thú đeo mặt nạ người ….một nhà nước âm binh ma fia cs vn đảng …. Tự do làm chó muôn năm …..tin bất cứ điều gì vào cái xã hội chủ nghĩa thú vật âm binh ma fia cs vn đảng này là tự sát…..TỰ SÁT trong xã hội mà con dân chỉ là một loại công cụ đặt biệt có nghiệm vụ hy sinh tất cả vì lý tưởng và để làm được điều đó ngoài tổ chúc nhà nước đơn thuần để điều hành xã hội nó còn một hệ điều hành dấu mặt thứ hai [ bong ma ] anh em sinh đôi với nó luôn luốn song hành với nhau như hình với bóng để làm những việc mà một xã hội bình thường không thể làm được hiểu đơn giản nó là một tổ chức nằm ngòai vòng kiểm soát của pháp luật không ai dám công nhận sự hiên hửu và chịu trách nhiệm về nó nhưng nhà nước đó luôn luôn dấu mạt đứng đàng sau chỉ đạo và bảo vệ nó mà pháp luật trong nước cũng không bao giờ dám đụng đến nó… NÓ thay mặt nhà cầm quyền điều hành tất cả mọi công dân trong nước bằng luật ma fia người dân một cổ hai tròng sống không còn con đường nào khác phải cam chịu số phận kiếp đời súc vật âm binh ma xó nôlệ cho bọn ác ma những côgái mới lớn kể cả các em sinh viên hoc sinh còn ngồi ghế nhà trường phải dâng hiến tuổi thanh xuân chịu sự sai khiến làm nôlệ tình dục ngoại giao giăng bẫy câu mồi các đối tác kinh tế hay moi móc tin tình báo từ các chính trị gia và du khách đủ mọi thành phần đến đất nước nầy có kẻ vì dính bẩy tình phải chịu sự lợi dụng của bọn nầy trong những mục tiêu chúng nhắm đến hay phải bị buộc gia nhập tổ chức để rồi suốt đời làm con vật cho chúng sai khiến và nhìn bọn trẻ nhan nhãn ngoài đương đầu tóc xanh đỏ xâm mình khắp người hay từ đám đỉ rạt đứng đường đến đám gà móng đỏ lủ ma cô trí thức chúng đều là những con ma xó di động là loại ma cô an ten chúng đang làm nghĩa vụ công dân của một đất nước ma fia còn lớp người trung niên và có tuổi cũng đã qua thời nghĩa vụ chẳng ai dám làm thế nào cho con cháu mai sau thoát được cảnh địa ngục trần gian nầy … còn chế độ này là còn nghĩa vụ ma quỷ ..có lẻ hiện nay quan trọng nhất là nghĩa vụ quôc tế theo lệnh và mưu đồ của quan thầy mafia cs trung cộng trong công cuộc tây tiến từ con ma xó trong nước khi xâm nhập ra các nước trên thế giới chúng là một loại xác sống lây lan trong cộng đồng người hãi ngoại hay đúng hơn là một thứ robot người được điều khiển từ xa với vai diển của đủ mọi thành phần trong xã hội đội quân của chúng ngày càng phát triển mảnh liệt và lớn mạnh trong cộng đồng các quốc gia tự do trên toàn thế giới cảnh giác đặc biệt với loại ma fia này nhất là con em vợ con của cácthành phần chống đối chúng tại hải ngoại là mục tiêu chính trong việc câu mồi lừa đảo bằng mọi thủ đoạn khiến con em quý vị sa vào lỗi lầm hay phạm tội để rồi chúng khống chế gia nhập vào tổ chức của chúng sống chết theo luật ma fia biến họ thành một loại súc vật vô hồn không còn trái tim chỉ biết vâng lệnh của bọn ác ma thủ đoạn chúng thường dùng là nam nữ nhân kế khi lừa được người nào chúng tiếp tục sử dung chính những người đó để tiép tục lừa bẩy kẻ khác.. ngày càng nhân rộng mạng lưới của chúng lên có thể gọi chúng là hoa hồng đen ..bàn tay đen hay là robot người được điều khiển từ xa hành tung của chung rất khó phát hiện dù có theo dõi kỷ càng thế nào đi nữa vì chúng được hổ trợ của công nghệ cao tối mật và cả một hệ thống tổ chức khổng lổ bưng bít bao che hổ trợ cho nhau…. cả thế giới đang bị mắc mưu sa bẩy lọt vào quỷ kế gian manh hiểm độc chúng hãy chung tay lột mặt nạ cái xã hội chủ nghĩa thú vật mang mặt nạ người này ngoài mặt nhân danh kêu gào yêu chuộng hoà bình công lý mà ngấm ngầm mưu đồ đen tối đứng đàng sau hổ trợ và nuôi dưỡng điêu hành và chỉ đạo trong bong tối vì mục tiêu và lý tưởng đại đồng tâm thần hoang tưởng của chúng

    ReplyDelete
  9. Xã hội VN là con đẻ ….một bản sao chính xác của xã hội TQ trong cái xã hội mà người dân chỉ là một thứ công cụ hay là một phương tiện người ta lợi dụng để đat được mục đích cuối cùng con dân được hợp quần trong những tổ chức đen [ BÓNG MA ] trong vòng kềm toả chỉ đạo của một chuyên ngành đặt biệt không ai dám đụng vào kể cả pháp luật được kết thành một khối theo luật ma fia tuyệt đối trung thành với chủ nhân có thể ví cái xã hội đó như một tảng băng mà phần nổi là chính phủ của một nhà nước độc lập với phần chìm là một khối đen khổng lồ bao gồm. các tổ chức hoạt động ngấm ngầm trong bong tối để bảo vệ và giữ vững nhà nước đó cùng với thế lực đen [ bong ma ] của các nước anh em cs tiếp tục con đường giải phóng nhân loại tiến vào thế giới đại đồng … . Vào cuối thế kỷ 20 các nước cs … liên xô và đông âu lần lược bị sụp đổ chỉ còn lại TQ và vài ba nước chư hầu trước sự kiện nguy cơ bị tan rả dây chuyền nên TQ đã ráo riết cùng với bọn chư hầu tay sai phát triển các tổ chức ma fia ra rộng khắp thế giới bằng các con đường di dân kết hôn tỵ nan buôn người v..v … ngấm ngầm cài căm người vào các chức vụ quan trọng trong cơ quan công quyền của các nước hoạt động phi pháp lấy tài chính cho tổ chức hoạt động giăng mồi cài bẩy mua chuộc đủ mọi tầng lớp từ thấp đến cao nhằm thu lượm tin tức trong nội bộ hiện tình của các nước về kinh tế chính trị quân sự phục vụ cho ý đồ thâu tóm thế giới trong một tương lai gần và cuộc chiến ngầm của TQ cùng với đám đàn em chư hầu tay sai đã tỏ ra vô cùng hiệu quả trong kế hoạch và mưu đồ vô cùng sâu hiểm thâm độc với một lực lượng khổng lồ nhũng tổ chức hoạt động trong bóng tối với vô vàn bàn tay đen và hoa hồng đen trung thành tuyệt đối theo luật ma fia đã thực sự hửu dụng đem lại kết quả tuyệt vời trên mọi lĩnh vực với sức mạnh khủng khiếp của các thế lực ĐEN có thể khuynh loát chính tri kinh tế quân sự của một đất nước theo chiều hướng có lợi cho những kẻ dấu mặt đang âm thầm chỉ đạo trong bong tối VÀ NỘI VỤ trong nước bảo đảm chỉ có những thành phần tự do dân chủ cuội được dảng đạo diển dàn dựng cho phép diển kịch để lừa bịp che mắt thế giới… kể cả mọi hoạt động phi phàp buôn lậu mãi dâmv..v.. tất tần tật mọi thứ đều phải theo sự chỉ đạo phân công của KẺ ĐIỀÙ HÀNH đạo diển muốn xã hội yên ổn hay bán yên ổn hay bất cứ xã hội nào dưới hình thức gì miển che mắt được thế giới để chúng dể dàng tạo được vỏ bọc bên ngoài vô hại …thân thiện …yêu hòa bình ghét chiến tranh nhân bản trí đạo nhân hiền nhằm đánh lừa nhân loại khiến họ mất cảnh giác không mảy may nghi ngờ hiểm họa cs để chúng dể dàng ngấm ngầm rúc rỉa ăn luồn ăn sâu làm phân rả hoàn toàn tất cả thế lực thù địch ,… dưới chế độxã hội chủ nghĩa thú vật âm binh ma fia cs vn đang chỉ có những kẻ cam tâm làm súc vật cho chúng sai khiến mới được phép tồn tại để phục vụ chiến đấu không ngừng nghỉ cho lý tưởng và mưu đồ sự nghiệp đại đồng vĩ đại của bọn quan thầy tâm thần hoang tưởng mao mác lê chúng sẳn sang triệt hạ và tiêu diệt cứ ai dân tộc nào dất nước nào đi ngược lại mục tiêu và lý tưởng của bọn chúng không từ một thủ đoạn nham hiểm sâu độc và tàn ác nào chúng một lũ ác quỹ đội lốt người, cả nhân loại nên nhớ rằng CÓ CỘNG SẢN THÌ KHÔNG CÓ TỰ DO ,CÒN CỘNG SẢN THÌ KHÔNG BAO GIỜ CÓ HOÀ BÌNH ,TIN CỘNG SẢN LÀ TỰ SÁT ,NGHE THEO LỜI CỘNG SẢN LÀ TỰ NỘP MÌNH VÀO MIỆNG LANG SÓI CỌP BEO tất cả chúng ta hảy cùng chung tay góp sức cho một thế giới không cộng sản tất cả vì công lý tự do và quyền làm người được thực thi trên trái đất này

    ReplyDelete

Enter you comment ...