. .

Monday, March 30, 2009

MỘT NGÀY TẠI HÀ NỘI -Bút Ký- Trung Tá PHẠM HUẤN



Tài Liệu đặc biệt của Lê Tùng Châu

....Không phải chúng ta chỉ biết đo sự thịnh vượng của một quốc gia bằng những chiếc xe hơi, nhưng quả thật suốt một ngày ở Hà Nội chúng tôi chỉ nhìn thấy độ một chục chiếc xe hơi, hầu hết đều của các phái đoàn ngoại giao ở Hà Nội, còn toàn thể dân Hà Nội đều di chuyển bằng xe đạp, tàu điện hoặc đi bộ. Năm 1954, số xe hơi ở Hà Nội đâu có ít?
Những thiếu nữ yêu kiều, thướt tha của Hà Nội xưa, đã biến hết, chỉ còn lại mấy cô nữ cán bộ mặc đồng phục màu xám nhạt, hoặc những nữ công nhân quần đen bạc, áo cháo lòng. Cả thành phố không có lấy một người mặt áo dài.
Như thế, chẳng phải là nhà chuyên gia về kinh tế, người ta cũng nhận thấy ngay rằng, Hà Nội đã quá nghèo khổ mất rồi. Cả thành phố không lấy một cửa hàng mở cửa. Tất cả sinh hoạt thương mãi của thủ đô tập trung ở một cửa hiệu bách hóa của nhà nước. Một nền kinh tế như thế còn lấy đâu ra cơ hội phát triển?......


- trích bút ký Một Ngày Tại Hà Nội by Phạm Huấn & Nguyễn Đình Toàn, Saigon 1973

Trung Tá PHẠM HUẤN, Hanoi 1973


MỘT NGÀY TẠI HÀ NỘI


(18-2-1973)

PHẠM HUẤN
NGUYỄN ĐÌNH TOÀN

PHẠM HUẤN
TÁI NGỘ HÀ NỘI SAU
19 NĂM TRONG CHUYẾN HÀNH TRÌNH
ĐẶC BIỆT NGÀY 18 - 2- 1973
VÀ NHỮNG HÌNH ẢNH HÀ NỘI NGÀY NAY


NGUYỄN ĐÌNH TOÀN
HÀ NỘI TRONG KỶ NIỆM
VỚI PHẦN THƠ VĂN, HÌNH ẢNH
CỦA VŨ BẰNG, THẠCH LAM, VŨ HOÀNG CHƯƠNG,
NHẤT TUẤN, NGUYỄN MẠNH CÔN
MAI THẢO, ĐINH HÙNG, TRẦN
QUỐC LỊCH, DƯƠNG NGHIỄM MẬU
HỒ HỮU TƯỜNG, THANH TÂM TUYỀN, NGUYỄN CAO ĐÀM



MỘT NGÀY TẠI HÀ NỘI

MAI CHỬNG
TRÌNH BÀY VÀ PHỤ TRÁCH KỸ THUẬT

DIỀU HÂU XUẤT BẢN VÀ GIỮ BẢN QUYỀN
GP Số 607 / PTUDV / PHBCNT / KSALP NGÀY 21-3-1973



Front Cover of Pham Huan Mot Ngay Tai Ha Noi third edition by DAT Inc. USA 1987


Cuốn sách mỏng này được hoàn tất và ấn hành trong một thời gian kỷ lục, chắc chắn nó có những thiếu sót. Nhưng chúng tôi hy vọng nó vẫn đáp ứng được phần nào sự mong đợi của tất cả những ai muốn biết những tin tức xác thực về Hà Nội, sau 19 năm Hà Nội bị đặt dưới sự thống trị của chế độ Cộng Sản Bắc Việt.
Cũng như tất cả những người yêu Hà Nội, tất cả những người Việt Nam yêu nước, mong ước một ngày tổ quốc thống nhất, dù được chỉ định thi hành một công tác với những nhiệm vụ rõ rệt, chúng tôi vẫn cảm thấy một nỗi bồi hồi và sung sướng riêng của một người được trở lại cố hương sau gần hai mươi năm cách biệt.
Cố hương? Vâng, đúng như thế, không còn cái chữ nào khác để chỉ Hà Nội, đối với một triệu người rời bỏ đất Bắc vào năm 1954. Nhưng với cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài gần hai mươi năm đó, với kinh nghiệm của tất cả các nước bị phân chia vì cuộc tranh chấp giữa chủ nghĩa Cộng Sản và chủ nghĩa Quốc Gia, ở đâu và người nào phía nào cũng vẫn chỉ muốn coi đó như một cuộc chia cắt tạm thời, song người ta đều hiểu rằng, chưa biết đến bao giờ mới có thể giải quyết được cái tình trạng chia cắt tạm thời ấy, sự tạm thời do đó, tự nó, đã nhuốm tính cách vĩnh viễn.
Chính ở trong các Quốc Gia mà sự mong ước thống nhất bộc phát tích cực nhất -- thường thường là phía Cộng Sản muốn thôn tính nốt phần đất còn lại, phía quốc gia ôn hòa hơn, chỉ làm công việc tự vệ, -- nghĩa là có chiến tranh, mà cuộc chiến tranh tại Việt Nam có thể coi như điển hình, về cả hai phương diện : sự quyết tâm của hai bên và sự thiệt hại do cuộc chiến gây ra, đã chiếm hết những kỷ lục của lịch sử chiến tranh nhân loại.
Miền Nam nhận được sự ủng hộ tích cực và công khai của phe thế giới tự do, miền Bắc cũng nhận được sự viện trợ không kém của phe Cộng Sản, dù kín đáo hơn.
Thỏa ước ngưng bắn – nhưng bắn tại chỗ và nguyên trạng – vừa được các phe tham chiến ký kết, đạt được, sau mười chín năm đánh nhau không ngừng nghỉ, và từ ngày thỏa ước ngưng bắn được chính thức ký kết, sự vi phạm của phe Cộng Sản đã làm cho Ủy Hội Quốc Tế nản chí, thậm chí có phái đoàn phải tuyên bố bất lực, dự định bỏ về nước, như phái đoàn Gia Nã Đại.
Ngưng bắn đã được ký kết nhưng số người chết vì chiến tranh vẫn không giảm.
Một thực trạng tranh chấp như vậy, viễn tượng một ngày hòa bình là cả muôn chung ngàn khó, ngày thống nhất đất nước, gần như chỉ còn là một ảo tưởng.


*********


Tuy nhiên, sự tuyệt vọng quá sớm ấy, hình như chỉ là bài học của cuộc chiến tranh cay đắng đang diễn ra trên đất nước dạy cho chúng ta.
Cuộc trở về Hà Nội ngày 18 tháng 2 năm 1973 vừa qua, của ba sĩ quan VNCH, mà tôi là một, giống như một hy vọng lớn lao, lớn lao nhất ở chỗ hình như cái niềm hy vọng ấy đã thay thế được cho sự tuyệt vọng.
Thật chẳng khác một giấc mơ, khi máy bay đáp xuống phi trường Gia Lâm, chúng tôi với quân phục và huy hiệu của QLVNCH trên người, và bước xuống giữa một rừng sĩ quan và cán bộ Bắc Việt, mà không phải nổ súng và ngược lại, đối với tôi, một người ở trong quân ngũ 17, 18 năm liên tiếp, một sĩ quan với huy hiệu Nhảy Dù trên ngực áo, đã có quá nhiều kinh nghiệm với Cộng Sản, cái giây phút chúng tôi đặt chân xuống Gia Lâm là một giây phút kỳ lạ đáng ghi nhớ.

Ngồi trên chuyến xe di chuyển từ Gia Lâm về Hà Nội, nhìn thấy Hồ Gươm, Tháp Rùa, tôi có trong lòng một nỗi xao xuyến muốn làm ứa lệ.
Tôi biết rằng, nhìn thấy Hà Nội đây, là nhìn thấy bằng một triệu đôi mắt của người xa Hà Nội năm nào. Tôi đang di chuyển an lành trên những đường phố Hà Nội đây, là đòi hỏi bằng xương máu của bao nhiêu bằng hữu, bao nhiêu huynh đệ, bao nhiêu người quen biết và không quen biết, đã chết và còn sống, của 17 triệu dân miền Nam yêu nước đang trông ngóng một ngày hòa bình, thống nhất, nhưng không phải là hòa bình với bất cứ giá nào, thống nhất với bất cứ giá nào.

Tôi hiểu được tại sao con người có tình riêng nhưng không thể tách rời ra khỏi tập thể.

Con đường này, xưa chúng tôi hằng ngày đi qua, cắp sách đến trường. Căn nhà này, xưa, tôi đã ở. Bạn bè tôi xưa, những ai còn, ai mất ? Người yêu tôi xưa bây giờ bao tuổi, bao già ? Tôi có thể gọi tên từng đứa bạn, gọi tên từng người con gái đẹp của Hà Nội khi xưa, tôi có thể chỉ đúng căn nhà họ ở, bây giờ họ còn ở đấy chăng ? Ngồi trên máy bay nhìn xuống, Hà Nội giống như một khuôn mặt kiều diễm, Tháp Rùa chẳng khác cái nốt ruồi của thành phố ! Tôi biết rằng, nếu biết được tôi nghĩ như thế, ai sẽ mỉm cười. Cái cậu con ttrai nhảy chân sáo trên lối đi này khi xưa là tên vẫn còn ẩn núp trong tôi thật sao ? Tôi mừng biết bao, khi nhận ra, vài ba mươi năm liền nghe tiếng nổ, nhìn thấy khói, ngửi mùi tử khí, tai tôi chưa điếc, mắt tôi chưa mờ, mũi tôi vẫn còn phân biệt được những mùi hương phảng phất của sương mù tháng giêng Hà Nội.

Nỗi nhớ thương Hà Nội đã choáng ngợp tâm trí đến độ trong khoảnh khắc tôi không còn nhận ra Hà Nội đã không còn là Hà Nội nữa.

Nước hồ vẫn xanh. Tháp Rùa vẫn như tự bao giờ giữ màu vôi cũ kỹ. Nhưng tất cả vẻ đẹp của Hà Nội, màu sắc của Hà Nội đã mất hết. Những người dân tôi nhìn thấy quanh hồ, chỉ còn là những người dân lam lũ, nghèo khổ, quần thâm, áo cánh, cắm cúi đi lại, hoặc đứng đợi những chuyến tàu điện, khăn gói vắt vai, quang gánh xếp bên lề đường, người nào cũng chỉ còn lại trên vẻ mặt một sự âm thầm, tất tưởi, gần như không còn ai có thì giờ hoặc muốn trò chuyện với ai nữa.


Hanoi Map pre 1954

Ngày 18 tháng 2 chúng tôi trở về Hà Nội là ngày chủ nhật, nhưng Hà Nội không có một vẻ gì là được nghỉ ngơi cả.

Không phải chúng ta chỉ biết đo sự thịnh vượng của một quốc gia bằng những chiếc xe hơi, nhưng quả thật suốt một ngày ở Hà Nội chúng tôi chỉ nhìn thấy độ một chục chiếc xe hơi, hầu hết đều của các phái đoàn ngoại giao ở Hà Nội, còn toàn thể dân Hà Nội đều di chuyển bằng xe đạp, tàu điện hoặc đi bộ. Năm 1954, số xe hơi ở Hà Nội đâu có ít ?

Những thiếu nữ yêu kiều, thướt tha của Hà Nội xưa, đã biến hết, chỉ còn lại mấy cô nữ cán bộ mặc đồng phục màu xám nhạt, hoặc những nữ công nhân quần đen bạc, áo cháo lòng. Cả thành phố không có lấy một người mặt áo dài.

Như thế, chẳng phải là nhà chuyên gia về kinh tế, người ta cũng nhận thấy ngay rằng, Hà Nội đã quá nghèo khổ mất rồi. Cả thành phố không lấy một cửa hàng mở cửa. Tất cả sinh hoạt thương mãi của thủ đô tập trung ở một cửa hiệu bách hóa của nhà nước. Một nền kinh tế như thế còn lấy đâu ra cơ hội phát triển ?

Khi đi qua công viên Thống Nhất, công viên mới được nhà nước Cộng Sản Bắc Việt lấp một phần hồ Bẩy Mẩu, lập nên sau 1954 và đó cũng là kiến trúc duy nhất tại Hà Nội kể từ 1954 đến giờ, chúng tôi đã nhìn thấy những em bé, trong cái rét tháng giêng ở Hà Nội, cái rét cắt thịt như vậy, nhưng các em chỉ mặc phong phanh có một chiếc áo cánh mỏng hoặc một chiếc áo len cũ, và đi chân đất.
Thấy khách lạ, các em chỉ giương những cặp mắt ngây thơ ngó nhìn, chứ không nói cũng không em nào cười, như bản tính hồn nhiên thường thấy ở các em nhỏ.
Nói chuyện với các cán bộ, sĩ quan Bắc Việt được đề cử đón tiếp phái đoàn tới quan sát và dự lễ trao đổi tù binh tại Hỏa Lò Hà Nội là một việc hết sức chán nản. Đó không phải là những lời nói chuyện. Họ chỉ muốn hỏi, hỏi những câu hỏi đã được học sẵn, vì quanh đi quẩn lại, chỉ có ngần ấy câu hỏi, chốc chốc lại được nghe một người nhắc lại.
Ở khía cạnh nào tôi cũng cảm tưởng như đời sống của người dân miền Bắc đang tự thắt lại.
Khi nỗi nhớ Hà Nội như một kỷ niệm riêng, đã tạm lắng xuống, nhìn Hà Nội như một thủ đô chính trị, đối nghịch với chúng ta, có lẽ tôi nói như vậy không được chính xác lắm đối với tâm trạng của tôi lúc đó, mà phải nói rằng, nhìn Hà Nội như một thủ đô, một căn cứ, nơi những người cầm quyền Cộng Sản đặt cái guồng máy cai trị non một nữa dân tộc chúng ta, tôi cảm thấy ớn lạnh khắp người.
Tôi không biết có bao nhiêu người hiện sống ở miền Bắc thực sự tin theo chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng nghĩ đến những người bạn, những người quen, họ hàng thân thích, năm 1954 đã không rời bỏ được Hà Nội để ra đi, vì lý do này hay lý do khác, tôi rùng mình kinh sợ.
Tôi muốn gặp và hỏi thẳng một vài người, nhưng tôi đã không làm được việc ấy. Người ta đã không cho chúng tôi ra khỏi những lộ trình đã được định trước. Mà giả thử người ta có đi được, gặo được những người mình muốn gặp, chúng tôi cũng không dám làm việc này, bởi vì, chúng tôi không thể biết liệu những người ấy có dám nói thật những điều họ nghĩ không, và nhất là sau khi chúng tôi đi khỏi, những người cầm quyền Cộng Sản sẽ làm gì họ?

Không còn phải là những lời tuyên truyền hay đồn đãi nữa, tôi đã về tận nơi, đến tận chốn, đang đứng trên Hà Nội, nhìn Hà Nội bằng chính mắt mình, một nửa ngày ở tại Hà Nội, tôi thấy hơi thở của tôi không còn được điều hòa nữa, tôi nhận ra Hà Nội bằng mỗi đầu cảm giác của mình, bằng linh tính và trí óc của một người đã vào sinh ra tử 17, 18 năm trên khắp mọi chiến trường, chỉ huy và lăn mình vào những chốn tai họa, cạm bẫy đó, tôi có thể quả quyết rằng, Hà Nội không còn là chỗ có thể sống được nữa.

Chủ nghĩa Cộng Sản bị áp đặt lên Hà Nội đã nặng hơn cả không khí người ta thở.

Hà Nội phải được giải thoát khỏi cái bầu không khí nhiễm độc đó.

Đó là một công việc gian nan, lâu dài. Hai mươi năm chưa đủ lâu dài, vậy cái thời gian cần thiết đó, độ bao lâu ? Hai mươi năm quả thật là một thời gian đáng kể đối với một đời người. Nhưng đối với lịch sử lập quốc của một dân tộc có đáng kể chăng?

Chính cái câu hỏi đau đớn đó đã thắp lên như một hy vọng trong cùng tận đáy hồn chúng tôi, khi chúng tôi rời bỏ Hà Nội một lần nữa, trên chiếc phi cơ trở lại Sài Gòn.
Tôi nhớ lại khuôn mặt những sĩ quan Cộng Sản tôi đã gặp tại Hà Nội. Họ có những cung cách đi đứng, nói năng, biểu lộ thái độ một cách tưởng chừng như họ chỉ còn là những con người hình nộm.
Tôi nhớ đến Huế, đến Sài Gòn, đến cái Tết Mậu Thân, đến Đại Lộ Kinh Hoàng, đến những sĩ quan, cán bộ cao cấp của Cộng Sản đã về hồi chánh.
Tôi nhớ đến nụ cười, tôi cho là nụ cười thật sự độc nhất tôi nhìn thấy trong suốt một ngày ở Hà Nội, là nụ cười của cô nữ phục dịch trong một bữa ăn của phái đoàn ở Hà Nội.
Có bao nhiêu nụ cười bị giam giữ trong Hà Nội như thế?
Hà Nội trong thơ văn, Hà Nội trong âm nhạc, Hà Nội trong trí nhớ, một lần nữa lại làm dấy động tâm khảm tôi. Cái Hà Nội thơ mộng tuyệt vời mới chỉ trong vòng hai mươi năm đã bị người ta làm cho biến đi không còn một dấu vết nào đó, liệu còn có một ngày nào có thể sống lại?
Những ý nghĩ không mạch lạc đó đã chiếm trọn đầu óc tôi trong suốt chuyến bay trở lại Sài Gòn.
Tôi cho ấn hành nguyên vẹn bài phỏng vấn của các phóng viên Đài Phát Thanh Sài Gòn ngay khi tôi từ Hà Nội trở về, không sửa chữa một câu nào. Vì đó là những câu nói, câu trả lời hoàn toàn xuất phát từ những xúc động và suy nghĩ thành thật của tôi trong ngày trở lại chốn cũ.
Những tấm hình in trong tập sách này, là quà tặng cho những người yêu Hà Nội, một vài hình ảnh còn sót của Hà Nội, tôi đã đem ra được khỏi Hà Nội.
Tôi rất muốn được ấn hành cuốn sách này đẹp đẽ và đầy đủ, xứng đáng với thành phố nay đã trở thành một biểu tượng của những người đã bỏ Hà Nội, và vì họ đã bỏ Hà Nội cho nên Hà Nội không còn là Hà Nội nữa, cái Hà Nội của họ, họ đã mang theo trong lòng, -- đúng nhứ ý muốn của các anh Mai Thảo, Pham Duy, và Văn Quang đã nói với tôi.

Nhưng cuốn sách này không phải là một tác phẩm văn chương, nó chỉ nhằm đưa đến tay bạn đọc những tin tức và hình ảnh xác thực về một thành phố, một thủ đô chính trị, đã gây ra không biết bao nhiêu đau thương tang tóc trên đất nuớc, sau hai mươi năm bị che kín lần đầu tiên được vén mở lên, chúng tôi nghĩ rằng, những tin tức và hình ảnh ấy chỉ cần được đưa đến tay người đọc một cách nhanh chóng.

Thành phố Hà Nội đẹp, thời tiết Hà Nội đẹp, người Hà Nội đẹp, đẹp cho đến nỗi, hầu như tất cả các văn nghệ sĩ của chúng ta, đã sống ở Hà Nội hay có dịp nhìn thấy Hà Nội, đều không ít thì nhiều không tiếc lời ca ngợi Hà Nội.

Chúng tôi đã xin phép được nhiều vị để trích dẫn một vài điều quý vị ấy viết về Hà Nội, nhân đây chúng tôi cũng xin ngỏ lời xin phép chung quý vị có tác phẩm trích dẫn trong tập sách này mà chúng tôi đã nhiều lần tìm gặp không gặp được, hoặc vì đường xá xa xôi, hoặc vì có người đã mất như thi sĩ Đinh Hùng, chúng tôi tin rằng quý vị cũng vui lòng lượng thứ và cho phép chúng tôi làm công việc này, vì cái ý nghĩa mất, còn của Hà Nội.

Riêng đối với bạn đọc, chúng tôi xin xác định, phần thứ hai của tập sách này là phần văn chương, nghệ thuật nói về Hà Nội, chúng tôi rất tiếc vì khuôn khổ của cuốn sách chúng tôi không thể trích dẫn nhiều hơn các tác phẩm của nhiều tác giả khác nữa. Nhưng bấy nhiêu đây thiết tưởng cũng đủ để quý vị so sánh một Hà Nội xưa và nay.

Sau cùng tôi xin cám ơn nhà văn Nguyễn Đình Toàn và nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm hết sức giúp tôi hoàn thành cuốn sách này.



Sài Gòn, ngày 20 - 2 - 1973
PHẠM HUẤN





PHẠM HUẤN



HÀ NỘI SAU 19 NĂM


Thiếu tá Phạm Huấn, thiếu tá Đinh Công Chất, thiếu úy Dương Phục, 3 sĩ quan QLVNCH đầu tiên, thành viên của ban liên hợp quân sự 4 bên đã đi Hà Nội để quan sát vụ trao trả tù binh Mỹ ngày 18-2-1973. Ba sĩ quan trên là những người đã ở Hà Nội nhiều năm, và nay trở lại Hà Nội để thấy sự tiêu điều, buồn thảm của Hà Nội. Thành phố Hà Nội còn nguyên vẹn, nhưng gần 20 năm dưới chế độ Cộng Sản, Hà Nội 36 phố phường của những ngày trước năm 1954 không còn nữa; hay nói cách khác Hà Nội của chúng ta, của những người không Cộng Sản, đã chết thật.
Thiếu tá Phạm Huấn và thiếu úy Dương Phục trong hơn một giờ đồng hồ đã cho biết rất nhiều hình ảnh của Hà Nội ngày nay trong cuộc mạn đàm với các văn nghệ sĩ. Chương trình này được đài Saigon truyền đi tối thứ hai 19-2-1973. Dưới đây là các chi tiết trong chuyến trở lại Hà Nội của ba người Việt Nam tự do đầu tiên trong cuộc hành trình đặc biệt.
Hà Nội bài hát của Hoàng Dương là Hà Nội 20 năm trước, Hà Nội của một triệu người rời bỏ vào năm 1954, Hà Nội với những tà áo màu tung gió, với những tiếng guốc reo vui. Hà Nội mà những người đứt ruột bỏ đi, đã nuôi nấng một mong ước, giữ chặt một niềm tin, Hoàng Dương đã nói trong bài hát của ông : “hãy tin ngày ấy anh về”. Hà Nội 36 phố phường, Hà Nội mà nhạc sĩ Trần Văn Nhơn của chúng ta đã gọi là “Trái tim của Việt Nam”, Hà Nội mà với mùa thu cuối cùng ta bỏ đi xanh xao như mất máu đó, Hà Nội bây giờ ra sao ? Trong hai mươi năm chiến tranh tàn phá, trong hai mươi năm người Hà Nội bỏ đi, hai mươi năm Hà Nội sống dưới chế độ Cộng Sản cái trái tim của Việt Nam đó đã đập như thế nào, những Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai, Hồ Gươm, Hồ Trúc Bạch, Hồ Bẩy Mẫu có những gì thay đổi. Người Hà Nội bây giờ sinh sống ra sao, trong phóng sự này chúng tôi xin mời quý vị độc giả trở lại Hà Nội, nhìn lại Hà Nội qua những tiết lộ của thiếu tá Phạm Huấn và thiếu úy Dương Phục, hai trong số ba sĩ quan VNCH đầu tiên đã đáp máy bay ra Hà Nội dự cuộc phóng thích tù binh ngày 18-2-1973.

Hỏi : Thưa anh Phạm Huấn, hôm chúa nhật vừa qua, anh là một trong những người Việt Nam tự do đầu tiên đã ở Hà Nội, trở lại Hà Nội, xin anh cho biết cuộc hành trình từ Saigon đi Hà Nội như thế nào và anh đã ghé những đâu ở Hà Nội?
Đáp : Trước hết, tôi phải nói ngay với các anh, đối với những người khác thì chuyến đi vừa qua người ta có thể nói là ra Bắc hay ra Hà Nội, nhưng đối với tôi một người từng sống ở Hà Nội nhiều năm, thì tôi gọi đó là một chuyến trở về Hà Nội. Tôi được lệnh đi vào lúc 10 giờ sáng ngày 17-2-1973, sau khi sửa soạn cũng như thông báo cho một số bạn bè thân của tôi, dù biết trước giờ khởi hành là 5 giờ sáng 18-2-1973, nhưng tôi đã vào căn cứ Tân Sơn Nhất lúc 10 giờ đêm để ngủ tại đó. Khoảng thời gian từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng tôi chỉ chợp mắt được hơn một tiếng đồng hồ, còn lúc nào cũng trằn trọc nghĩ đến chuyến trở về Hà Nội của mình. Cũng nói thật với các anh đây là chuyến đi đặc biệt, bất ngờ và kỳ thú nhất trong cuộc đời của tôi. 5 giờ sáng thì các phái đoàn tới Tân Sơn Nhất, và đúng 5g30 máy bay cất cánh.
Chúng tôi trở về Hà Nội bằng chiếc C130 của không lực Hoa Kỳ, sau 3 giờ rưỡi bay thì tới phi trường Gia Lâm của Hà Nội. Đây là một chuyến đi rất sớm cho nên những người khác thì đều ngủ, nhưng tôi và hai sĩ quan Việt Nam khác thì hầu như không có phút nào chúng tôi nhắm mắt được, bởi vì, lòng lúc nào cũng bồi hồi xúc động và chỉ mong cho sớm đến Hà Nội.
Chúng tôi đến phi trường Gia Lâm lúc 9 giờ sáng. 9 giờ trong Nam tức là 8 giờ ở ngoài Bắc.
- Khi anh tới phi trường Gia Lâm, anh có thấy phi trường và nhà cửa chung quanh bị hư hại nhiều không ?
- Phi trường Gia Lâm bây giờ, sau những trận mưa bom của HK trước đây, nhà ga chính bị sập một góc cũng như phi đạo đầy những vết bom mới được sửa chữa tạm. Tôi nhìn thấy ở một góc phi trường có vài ba cái máy bay tương tự như loại DC3, tức là C47 của quân đội mình, các máy bay dân sự hầu như không có một cái nào hết. Chúng tôi ở đó khoảng một giờ đồng hồ và đến buổi chiều khi trở lại Gia Lâm dự lễ phóng thích tù binh, cũng không có một máy bay nào khác hơn mấy cái máy bay của Hoa Kỳ, trong đó có một chiếc C141 đón tù binh.
- Từ Gia Lâm anh về Hà Nội bằng xe gì ?
- Chúng tôi di chuyển bằng loại xe bus nhỏ, tương tự như xe Air Việt Nam để chở các phi công và nữ tiếp viên của mình ở Saigon.
- Tôi xin lỗi được cắt ngang câu trả lời của anh để hỏi thêm anh về hình ảnh của thị trấn Gia Lâm tức khu vực mà anh từ phi trường Gia Lâm qua đó lên cầu Long Biên về Hà Nội đó ?
- Thị trấn Gia Lâm hiện bị ảnh hưởng rất nặng sau các vụ không tập phi trường Gia Lâm trước kia, khu vực này hoang tàn sụp đổ. Những thửa ruộng hai bên đường từ thị trấn Gia Lâm về tới Sông Hồng đầy những hố bom, các cơ sở quân sự, theo tôi biết, đã bị tàn phá rất nặng.
- Ở ngay cuối thị trấn Gia Lâm tức là cái dốc nối liền cầu Long Biên, ngày xưa có một nhà máy rượu, thời kỳ người Pháp ở Việt Nam, họ dùng đó làm trụ sở phòng Nhì. Bây giờ nhà máy rượu đó họ làm rượu trở lại hay vẫn là cơ quan Quân Sự và có bị oanh lạc không ?
- Thưa anh, tôi không có nhận rõ, nhưng các sĩ quan Bắc Việt chỉ cho tôi một số cơ sở, họ nói cơ sở dệt, có thể họ nói khác đi chăng (?). Nhưng hầu hết các cơ sở quân sự ở khu vực này đều bị hủy diệt.
- Thưa anh, họ đưa phái đoàn quân sự của mình về Hà Nội thì họ đưa tới đâu ?
- Tôi kể tiếp chặng đường từ Gia Lâm về Hà Nội. Chúng tôi di chuyển bằng loại xe buýt nhỏ, khi tới sông Hồng thì cầu Long Biên ngày xưa của mình đã bị máy bay dội bom sập mất ba, bốn nhịp rồi. Bây giờ có một vài đoạn đã được sửa chữa, tôi thấy những đoạn rất dài vẫn chưa sửa xong. Thành thử ngang sông Hồng Hà _ các anh nhớ sông Hồng rất rộng, bề ngang tới non hai cây số_ họ làm hai cái cầu nổi, cũng như cầu dã chiến của công binh QLVNCH làm để vượt sông trong các cuộc hành quân, một cái đi về Hà Nội và một cái ngược lại. Ngày xưa mỗi lần đi từ Gia Lâm về Hà Nội, chúng mình di chuyển mất mười phút xe chạy, bây giờ thì mất khoảng độ nửa giờ; và con đường từ ở bên kia sông vào thành phố cho đến khi tôi nhìn thấy nhà Bác Cổ, đây là một con đường rất nhỏ, bụi mù và bẩn thỉu.
- Như vậy, họ đưa các anh về nơi trú ngụ bằng đường bờ Sông chứ không phải dốc hàng Đậu ?
- Không phải chúng tôi ra Hà Nội để được đi chơi hay được cư ngụ tại đâu hết. Đây là một chuyến công tác hẳn hoi và chúng tôi chỉ đến địa điểm chính tại Hà Nội tức là Gia Lâm (nơi trao trả tù binh Mỹ) và Hỏa Lò mà chính quyền Hà Nội đặt là khách sạn Hilton của Mỹ để nhốt tù binh tại Hà Nội. Chỉ có 2 địa điểm thôi, nhưng vì tôi, như các anh đều biết, chúng mình ở Hà Nội quá lâu thành thử những con đường, những danh lam thắng cảnh của Hà Nội mình đều nhớ tất cả. Cho nên tôi cũng lợi dụng lúc di chuyển từ Gia Lâm về Hỏa Lò quan sát để biết rõ Hà Nội ngày nay.
- Thế anh đi bằng con đường đó, cây cột Đồng Hồ ở đường bờ sông có còn không ?
- Chỗ đó tôi không được đi qua. Tôi có thể nói ngay với các anh là trung tâm thành phố Hà Nội, ngoài tòa tổng lãnh sự Pháp ở đường Trần Hưng Đạo (Gambetta cũ) là bị sập, còn những đường phố chính mà trước kia mình biết rất sang trọng như đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Gia Long, Tràng Tiền, chung quanh hồ Hoàn Kiếm v.v… thì còn nguyên vẹn. Nhưng rất tiếc tôi không hiểu tại sao, thủ đô Hà Nội sau 19 năm dưới chế độ Cộng Sản, bây giờ tiêu điều và xơ xác quá. Không có một kiến trúc nào đặc biệt tại Hà Nội so với trước năm 1954. Tôi tưởng Hà Nội tiêu điều nhưng không ngờ đến quá sức tưởng tượng như tôi nghĩ. Khu trung tâm thành phố như Gia Long, Lý Thường Kiệt, Tràng Tiền ... nhà cửa trông rất là cũ kỹ, không có sửa sang quét vôi gì hết. Tôi có cảm tưởng như đã 10, 15 năm nay không được quét vôi lại. Những con đường đó đi đường nhìn thấy dân chúng phơi quần áo, tôi xin lỗi được tả chân, phơi cả những cái quần đen, những áo màu cháo lòng trên cửa sổ thì còn gì là phố xá, nhà cửa của Hà Nội ?
- Anh có đi ngang qua căn nhà mà anh ở khi xưa không ?
- Tôi có được đi ngang qua căn nhà trước khi di cư vào Nam tôi trọ học, tôi xúc động lắm, muốn khóc được. Còn y hệt nhưng tiêu điều xơ xác hơn nhiều.
- Nói như vậy Hà Nội của ba mươi sáu phố phường thuở xưa bây giờ không còn nữa ?
- Hà Nội thuở xưa bây giờ không còn nữa, so sánh Hà Nội trước năm 1954 với bây giờ, nghĩa là sau 19 năm, sinh hoạt của Hà Nội, quang cảnh của Hà Nội – dù là khu trung tâm thành phố - không bị phá hủy bằng bom đạn, nhưng hiện nay trông tiêu điều và so với trước tôi nghĩ chỉ bằng 2 phần 10. Các anh tưởng tượng một ngày ở Hà Nội, khoảng năm, sáu giờ đồng hồ đi ngoài phố, tôi chỉ đếm được mười hai, mười ba cái xe du lịch loại nhỏ, và theo các sĩ quan Bắc Việt, thì hầu hết là xe của chính quyền Hà Nội. Và tôi cũng không nhìn thấy một thiếu nữ nào mặc áo dài, thiếu nữ duy nhất của miền Bắc mặc áo dài mà tôi nhìn thấy trong ngày công tác ở Hà Nội là cô nữ ký giả gặp ở Gia Lâm. Còn tất cả là quần đen, áo cánh vải thô màu xám, hoặc màu trắng cháo lòng. Cũng như phương tiện di chuyển “văn minh” của Hà Nội bây giờ là những chiếc xe đạp cũ kỹ.
- Những tàu điện thuở xưa có còn hay không ?
- Có, khi đi ngang hồ Hoàn Kiếm tôi chụp được hình 2 cái tàu điện. Đây, các anh có thể nhìn quang cảnh tàu điện. Trời lạnh các anh biết đầu năm miền Bắc của mình “rét tháng ba bà già còn chết rét”, thế mà ngày đầu năm có người đi chân không, mặc áo mỏng manh.
- Cái hình anh chụp đây ở đường Bờ Hồ còn thấy rõ cả nhà Bưu Điện và hình như còn xích lô đạp nữa, chếch sang đây là nhà Godard này, như thế vẫn còn cả, anh chụp bức hình này vào lúc nào mà hình như tôi thấy ở trên hồ Hoàn Kiếm có sương mù nữa.
- Thưa anh, tôi được đi qua hồ Hoàn Kiếm, có lẽ nhờ sự khéo léo của chúng tôi và sự may mắn của 3 sĩ quan QLVNCH sinh trưởng tại miền Bắc muốn được thấy lại hồ Hoàn Kiếm thân yêu của mình ngày xưa. Cho nên khi ăn bữa trưa chung với các phái đoàn, tôi có gạ với một ông trung tá của BV, tôi nói nịnh ông ta : “Trung tá đáng lẽ phải là một nhà ngoại giao mới đúng”. Tại vì ông ta nói rất nhiều, từ lúc chúng tôi rời Saigon cho đến khi tới Gia Lâm, rồi Hỏa Lò trong các phái đoàn chỉ có một mình ông ấy nói nhiều nhất mà thôi. Tôi nói : “Trung tá là một sĩ quan cao cấp của BV không đúng, trung tá phải là một nhà ngoại giao và một nhà ngoại giao rất giỏi mới phải”. Vì thế, mà ông ta ra lệnh cho xe đi một vòng Hồ Gươm. Xe chạy với một tốc độ rất mau nhưng nhờ ngồi sát cửa sổ, mấy bức hình tôi chụp được thấy rõ cả Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc. Và khi thấy tàu điện ở đầu hồ mừng quá, tôi bấm hình liền, anh thấy mấy tấm hình bị hư đó.
- Đó là xe điện chạy từ phía chợ Hôm lên không phải hàng Đào xuống ?
- Vâng đúng như vậy, nhìn hình ảnh hai chiếc xe điện và đồng bào miền Bắc bây giờ các anh thấy có đau xót không. Giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, đồng bào toàn quần đen, áo xám chân đất, mong manh, đội nón đi xe đạp. Hà Nội không bao giờ kẹt đường hết, tại vì xe đạp bây giờ vẫn như hồi trước bọn mình đi học; trước mình đi hàng ba, bây giờ họ đi hàng bốn, hàng năm, vì đường xá đâu có xe cộ gì. Chẳng hạn như khi chúng tôi đi qua khách sạn Métropole hồi trước, bây giờ họ gọi là khách sạn Hòa Bình, những con đường rất lớn, như đường Lý Thường Kiệt, đường Ngô Quyền, bây giờ trống trơn, như các anh nhìn mấy bức hình, tôi có chụp bức hình tôi đứng ở giữa ngã tư hai đường đó.
- Đúng như bức hình này, đây là kế cận với khách sạn Phú Gia nếu tôi không lầm, Pharmacie Vũ Đỗ Long, Vũ Đỗ Thìn ngày xưa đó, tức là trước nhà của nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm, bây giờ anh đi ngang đó anh có thấy cái cầu Thê Húc thay đổi ? Đền Ngọc Sơn vẫn như thế, cái cầu có còn sơn màu đỏ không ?
- Nó không có màu gì cả, nó xám theo với thời gian, cũ kỹ … và không là màu gì hết. Tôi đã quan sát kỹ lưỡng cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn nhưng cái nổi bật nhất ở hồ Hoàn Kiếm bây giờ, nói ra thì các anh buồn, nhưng sự thật cái nổi bật nhất ở hồ Hoàn Kiếm bây giờ không phải là Tháp Rùa, mà là cái khẩu hiệu tuyên truyền của nhà nước Cộng Sản, họ làm một cái bảng rất lớn sơn màu đỏ chót viết khẩu hiệu tuyên truyền. Và tại đền Ngọc Sơn cũng thật vắng vẻ, hôm chúng tôi ra là 16 tháng giêng mà không thấy các bà mẹ, các cô gái đi lễ đầu năm như trước kia.
- Thưa anh có lẽ anh chú ý về phía mặt hồ quá, phía tay trái phía rạp xi nê Philarmonique có còn không ?
- Còn nguyên, tôi đã nói với các anh cả khu trung tâm thành phố Hà Nội trừ tòa tổng lãnh sự Pháp, và theo các sĩ quan Bắc Việt, phía sau chợ Hôm, khu Khâm Thiên, các phi trường Bạch Mai, Gia Lâm bị bom mà thôi. Hà Nội vẫn còn đây nhưng buồn nản, Hồ Gươm với những ghế đá từ mấy chục năm về trước nhưng không có một ai ngồi cả.
Trước khi tôi tới Hà Nội, tôi chờ đợi và bị xúc động đến cùng cực khi biết được Hà Nội của mình tiêu điều. Tất nhiên tình cảm của mình để trong lòng, mình thấy đau đớn, cái đau đớn riêng tư của những người đã xa Hà Nội 19, 20 năm, trở về mà thấy thành phố yêu dấu ngày xưa bây giờ tiêu điều xơ xác, rách nát như vậy. Khi trả lời các cán bộ Cộng Sản khi họ đề cao Hà Nội, họ nói : “Một ngày về Hà Nội của các anh, một ngày về Hà Nội huy hoàng. Đây công viên Thống Nhất đẹp như thế này, hy vọng lần sau vợ anh sẽ được ra, anh sẽ dắt vợ con anh trong những buổi sáng chủ nhật hay là những ngày nghỉ ra đây để tâm sự hàn huyên …” Tôi thấy đó là cả một sự tuyên truyền rỗng tuếch không thể nghe được, tất cả Hà Nội bây giờ nói ra càng thêm đau lòng, vì ngay cả cái công viên Thống Nhất trong một sáng chủ nhật đầu năm cũng vắng hoe rất ít người tới.
- Anh đi qua đường phố có cón thấy các cô gái má hồng nữa không ?
- Hết rồi, các anh ạ. Hồi trước không biết các anh học ở trường nào. Tôi học ở trường Chu Văn An, có những buổi “bát” một vài giờ để đi đón các cô nữ sinh Trưng Vương. Bây giờ ngay cả các nữ sinh của hai trường nổi tiếng nhất của Hà Nội ngày trước là trường trung học Trưng Vương, Tây Sơn, theo các sĩ quan Bắc Việt cho biết, Trưng Vương không còn đồng phục áo dài màu lam, và các cô Tây Sơn cũng không còn thướt tha áo dài trắng nữa. Tất cả quần đen, áo cánh.
Trước kia, khi chưa được trở lại Hà Nội tôi tưởng phụ nữ miền Bắc ăn mặc như phụ nữ Trung Cộng đều mặc áo cổ cao hoặc áo ngắn đồng màu. Tôi nghĩ như vậy coi còn gọn ghẽ trông được, ai ngờ bây giờ học mặc quần đen áo cánh màu cháo lòng, hoặc màu xám nhạt vải Nam Định.
- Theo như hình ảnh công viên này thì trước năm 1954 không có, hoặc một công viên khác được sửa đổi đi phải không ?
- Đúng, công viên này là công viên được kiến tạo sau này, với một phần của hồ Bẩy Mẫu, nhưng các anh thấy vắng hoe không có ai hết, chỉ có số cán bộ của họ.
- Trong dịp anh đi ra ngoài đó anh có dịp tiếp xúc với người dân nào hay không ?
- Tôi lạc vào rừng cán bộ của họ từ Gia Lâm cũng như ở Hỏa Lò, lúc nào tôi cũng bị họ vây lấy.
Họ hỏi và đặc biệt nhất là ai cũng hỏi tôi những câu hỏi giống nhau hệt như đã học thuộc lòng trước. Tôi cảnh giác tránh được những chuyện họ gài bẫy tuyên truyền. Cũng như các anh em phóng viên ở Saigon mỗi người có một cái cassette; nhưng họ thì không thẳng thắn như mấy anh em phóng viên đài Saigon đâu. Máy thu bande họ dấu trong áo lạnh, trong áo mưa mặc ngoài. Micrô họ đút túi khi nào bất thình lình mở ra, để thâu lén. Nhưng khi tôi trả lời họ thì với tư cách một người ở Hà Nội, sống ở Hà Nội rất lâu, tôi trả lời họ một cách cởi mở, còn chuyện họ gài tôi để tuyên truyền, để mua chuộc thì tôi đã có chuẩn bị trước, tôi hóa giải ngay. Cũng có thể với cái nghệ thuật cắt xén, các phóng viên đài Hà Nội có thể làm được một vài điều. Chẳng hạn như câu tôi nói : “tôi cũng như nhiều người khác mơ ước được thấy lại Hà Nội, nhưng trở lại đây, thấy thành phố tiêu điều tôi lẻ loi cô độc, và thương Hà Nội ngày xưa của tôi nhiều quá”. Tôi nói với một phóng viên của đài Hà Nội như vậy và tôi hy vọng họ không cắt câu này ra làm hai.
Tôi cũng đã nhiều lần bảo họ đừng tuyên truyền tôi vô ích. Tôi ở trong quân đội 17, 18 năm rồi, tôi biết họ là cán bộ chìm, là những phóng viên của đài Hà Nội, đấy là một bộ máy tuyên truyền rất là ngược ngạo (tôi nói nguyên văn với họ như vậy); trong những cuộc hành quân ở Hạ Lào, hồi đánh nhau lớn ngoài Quảng Trị tôi thỉnh thoảng có vặn đài Hà Nội nghe, để thấy sự thật họ tuyên truyền như thế nào ? Nghe riết rồi chúng tôi muốn đập bể cái máy thu thanh ra.
Các anh nghĩ xem họ tuyên truyền tôi như thế nào ? Họ nói nguyên văn thế này : “Anh có biết sở thú đất nước chúng ta bây giờ có thêm một con thú mới chưa ?”. Tôi chưa hiểu họ định nói gì nhưng vẫn bảo “các anh cứ nói đi”. Họ tiếp : “Đó là xác một chiếc B52 bị bắn rớt ở Hà Nội”. Ai chẳng biết có B52 bị bắn rơi ở Hà Nội, không phải một cái mà là mười mấy cái, nhưng các anh thử tưởng tượng họ nói phi lý như thế này : “B52 đối với dân Hà Nội chẳng ăn thua gì, có khi B¬52 thả cách nhà tôi 50 thước, và cả nửa giờ liền mà tôi không sao hết”. Tôi buồn cười quá và trả lời : “Thôi các anh im đi, mình nói chuyện khác, đừng nói chuyện B52 hay là nói chuyện để tuyên truyền. Tôi ở trong quân đội 17, 18 năm, ít nhất cũng biết tầm ảnh hưởng của bom B52 cả 1, 2 cây số. Tôi đã gặp các sĩ quan tù binh Bắc Việt ở An Lộc, Tây Nguyên, Hạ Lào, Quảng Trị tôi biết họ sợ B52 ¬như thế nào rồi, ở xa cả cây số còn muốn ói máu nữa huống là … “
- Đó là những câu chuyện mà anh tiếp xúc với các cán bộ của họ, trong dịp ở Hà Nội anh có dịp tiếp xúc với một người dân nào hay không ?
- Đây cũng có thể nói là chuyện đau buồn nhất của tôi. Ngoài những câu chuyện với cán bộ Cộng Sản hay là cách đối chọi của tôi với những lối tuyên truyền trắng trợn của họ, thú thực với anh khi đi ngang qua các đường phố, gặp đồng bào miền Bắc của mình, tôi rất vui mừng và biểu lộ sự vui mừng để có một sự thông cảm với họ. Nhưng tất cả những người dân Hà Nội đều cúi gầm mặt xuống khi đoàn xe của chúng tôi đi ngang, mặc dù đoàn xe của chuúng tôi là một đoàn xe rất đặc biệt nhất là trong một ngày chủ nhật ở Hà Nội. Trên lộ trình đi tới Hỏa Lò, có một số trẻ em và các thiếu nữ lam lũ, nếu tôi nói đó là các thiếu nữ đáng yêu nhất của Hà Nội thì sợ các anh buồn, thì họ cũng reo hò, la hét khi thấy đoàn xe đi ngang. Tôi có đủ thông minh để hiểu chuyện này, tôi cũng muốn chờ đợi phản ứng của dân chúng, một nửa hình như họ muốn biểu lộ sự vui mừng khi thấy những người khách lạ tới Hà Nội, một nửa hầu như đã được huấn luyện học tập phải làm như vậy. Họ la hét vậy thôi, tôi cũng không thấy họ có một hành động gì hết, về sau các ông “cớm” chìm của Bắc Việt giải thích rằng đó là dân chúng phẫn uất người Mỹ đã ném bom Bắc Việt nhưng họ cũng chỉ biểu lộ bằng thái độ ôn hòa.
Họ luôn luôn cố gài về vụ đồng bào ta biểu tình chống họ ở Ban Mê Thuột, Huế, v.v… Tôi đã trả lời là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa rất tiếc các vụ đó xảy ra và đã làm mọi cách để ngăn cản các vụ tương tự. Tôi cũng cho họ biết vụ Ban Mê Thuột do các đồng bào di cư chủ xướng, đó là những người từng phải bỏ cả sản nghiệp vào Nam năm 1954 và rồi khi vừa gầy dựng được một chút của cải; nhà cửa, làng mạc của họ lại bị chính các đồng chí của các anh thiêu hủy và tàn phá mặc dầu lệnh ngưng bắn lúc đó đã có hiệu lực.
- Như vậy, rốt cuộc trong chuyến đi đó anh không được nghe một lời nói nào không có tính cách chính trị ?
- Trong một ngày của tôi ở Hà Nội, không được nghe một lời nói chân thật nào của người dân ở đó, nhưng tôi hiểu được một lời nói, được diễn tả bằng một nụ cười của người thiếu nữ chừng 17, 18 tuổi. Trong bữa ăn trưa tôi được gặp cô đó, gọi là nữ phục dịch hay nữ phục vụ gì đó, khi nghe ông sĩ quan Bắc Việt gọi tên và cấp bậc tôi, vô tình tôi ngửng đầu lên thì tôi thấy cô ấy mỉm cười với tôi bằng một nụ cười chân thật
- Anh có nói anh có gặp một nữ ký giả, người mặc áo dài duy nhất ở Hà Nội khi đến phi trường Gia Lâm, cô ấy nói chuyện gì với anh không ?
- Người nữ ký giả áo dài thì không, nhưng một nữ ký giả khác tôi gặp ở Hỏa Lò, cô này mặc áo cánh, và đã nói chuyện với tôi ở Hỏa Lò. Buổi chiều ở phi trường Gia Lâm, cô ta lại hỏi tôi : “trước anh học ở đâu ?”, nghĩa là những câu hỏi y hệt những người khác đã hỏi tôi, cô ta cho biết là làm ở đài phát thanh Hà Nội. Tôi đã trả lời tôi học Chu Văn An. Cô ta hỏi tiếp : “Anh có còn nhớ các thầy cũ ở đây không ?” Tôi đã trả lời : “May quá, thầy của tôi hồi đó là cụ Vũ Ngô Sán, hiệu trưởng trường Chu Văn An, sau khi di cư thầy tôi cũng lại vẫn làm hiệu trưởng trường Chu Văn An ở Saigon; các thầy khác như thầy Bùi Đình Tấn, Hùng Lân, Lê Trung Nhiên … thì cũng đều ở Saigon hết, tôi đâu còn thầy nào ở Hà Nội.” Tôi nói như thế không biết cô ta có buồn tôi không, nhưng tôi thấy mắt cô ấy quắc lên nhìn. Cô ta còn hỏi tôi là đồng bào ta ở trong Nam nghe đài Hà Nội có rõ không ? Tôi trả lời là “các sĩ quan cao cấp như chúng tôi, đôi khi đi trận cũng mở đài Hà Nội để xem các anh chị, ngoài này tuyên truyền như thế nào, nhưng riết rồi thấy các anh các chị toàn nói sai sự thật, thành thử tụi tôi còn ít khi mở huống chi đồng bào, sức mấy mà đồng bào thèm mở. Trong Nam đồng bào nghe đài quốc gia, đài quân đội, hay đồng bào coi truyền hình, mà đồng bào thích tân nhạc, thích cải lương chứ đồng bào không thích tuyên truyền.”
- Anh nói tiếng “sức mấy” thành thử tôi thắc mắc về ngôn ngữ của họ ngoài đó, họ có khác chúng ta không ?
- Ngôn ngữ của họ cũng không có gì khác nhưng có một số từ ngữ họ sửa đổi, chẳng hạn như thăm viếng thì họ gọi là đi tham quan, khai triển vấn đề thì họ gọi là triển khai, đồng ý thì gọi là nhất trí hoặc là, xin lỗi các anh nghe không được …”đồng tình”.
- Nãy giờ anh nói nhiều về quang cảnh trong thành phố, về những nới mà anh đi qua, anh chưa nói đến Hỏa Lò nơi giam tù binh ?
- Đúng ra thì tôi không được phép nói vấn đề này với các anh, nhưng với tư cách người về từ Hà Nội, biết gì nói cái đó, mạn đàm với các anh cũng không có tính cách chính trị hay tuyên truyền gì hết, tôi cũng không đề cao một bên nào thành thử tôi cũng có thể kể chuyện Hỏa Lò cho các anh nghe. Khi chúng tôi vượt qua nhữn “ông” lính Bắc Việt “lỏi tì” chừng 15, 16 tuổi gác cổng. Cửa Hỏa Lò mở ra và gặp một ông “cai ngục”, đúng ra phải gọi là ông đại úy chỉ huy trưởng Hòa Lò. Mặt rất là dữ, ông ta toàn gọi các anh em tù binh Mỹ bằng “chúng nó”, “những thằng tù” hay “những tên tù” chứ không khi nào gọi là tù binh. Ngoài đó họ gọi Hỏa Lò là “khách sạn Hilton” (Hilton là tên hệ thống khách sạn sang trọng nhất của nước Mỹ, tiền phòng mỗi ngày hạng chót 30 đô la)
(Vào lúc này thiếu úy Dương Phục mở cửa bước vào và được mọi người tiếp đón ân cần. Thiếu tá Phạm Huấn ngừng lại vài giây chờ đợi.)
Thiếu tá Phạm Huấn nói tiếp : “có nhiều chuyện bịp lố bịch ở Hỏa Lò, chẳng hạn như sau khi các phái đoàn tới, đại diện Bắc Việt cho biết là 20 tù binh Mỹ được phóng thích hôm nay không chịu về vì lý do họ không muốn phòng thích trước các đồng đội của họ đã bị giam lâu ngày hơn”. Các sĩ quan Mỹ trong ban liên hợp quân sự rất lo lắng, nhưng tôi và thiếu tá Chất nghi ngờ lại có một chút tiểu xảo gì đây, nhưng tôi tin chắc là vào giai đoạn này Bắc Việt không còn dám lật lọng với Mỹ. Cuộc thương thuyết diễn ra trong 1 tiếng 15 phút, và rồi thì 20 tù binh Mỹ đã được thuyết phục.
Tù binh ở Hỏa Lò bị mang ra trình diễn theo lệnh của các sĩ quan Bắc Việt, họ cứ làm như không có sửa soạn gì trước; khi phái đoàn vào thấy cảnh một số tù binh đang tắm truồng, một người cạo râu, một vài người khác đang được lính Bắc Việt hớt tóc. Đây là những cảnh họ trình diễn ai cũng hiểu như vậy cả. Khi phái đoàn vào, viên trung tá Bắc Việt hướng dẫn làm bộ la ông đại úy : “hôm nay phái đoàn đến tại sao không cho chúng nó sửa soạn gì cả?”. Nói như thế rồi ông ta lại tự trả lời ngay : “ừ mà thôi cứ kệ chúng nó, để chúng nó tự nhiên”.
Tù binh Mỹ có một cái gì lo sợ ghê gớm, chắc là sự hành hạ tinh thần và thể xác mà nhà cầm quyền Bắc Việt đã dày vò họ trong những năm tháng địa ngục ở Hà Nội. Qua mắt cáo lưới sắt, khi tôi vào và chào các tù binh, trong một thoáng rất nhanh, tất cả anh em tù binh mắt như có ngấn lệ. Nhưng rồi họ lại cúi gầm xuống ngay. Một sĩ quan trong ủy ban quốc tế có hỏi một sĩ quan tù binh là anh ta được đưa về “Hilton Hà Nội” này từ bao lâu ? Trả lời 2 ngày. Viên cai ngục trừng mắt nhìn người tù binh. Sĩ quan ủy ban quốc tế yêu cầu lặp lại câu trả lời nhưng người tù binh Mỹ không dám lặp lại. Khi trở ra, đi ngang chỗ mấy người tù binh đang tắm khỏa thân gần một hồ nước, tôi đã nghiêm trang nói với họ : “Các anh là những anh hùng của nước Mỹ, các anh đã hy sinh cho sự đứng vững của VNCH và cả thế giới tự do nữa”. Người tù binh Mỹ đang xát xà bông đã đứng nghiêm chào tôi theo quân cách, những giây phút này muôn vàn xúc động.
- Tôi muốn đặt câu hỏi này với anh Dương Phục, anh đi qua những đường phố của Hà Nội anh có thấy một sạp báo nào ở đó không và anh có thấy báo chí được bày bán không ?
- Tôi xin nói ngay là tôi không thấy một sạp báo nào hết trên tất cả những con đường mà tôi đi qua. Về vấn đề báo chí thì qua các cuộc tiếp xúc với những phóng viên nhà nước ở Hà Nội, tôi được biết ngoài đó chỉ có một vài tờ báo chính thức của nhà nước mà thôi.
- Khi anh tiếp xúc với họ anh có đề cập tới những người làm văn học nghệ thuật ở ngoài Bắc không. Những người thuộc lớp cũ như Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn, Ngọc Giao … các ca sĩ lớp trước ở đài Hà Nội như Ngọc Bảo, Minh Đỗ, Thanh Hiếu, Thanh Hằng còn không ?
- Chính họ đã hỏi tôi rất nhiều, vì họ cũng biết tôi là phóng viên và đi theo phái đoàn với tư cách sĩ quan báo chí. Tôi đã được nói chuyện với một phóng viên của đài phát thanh Hà Nội, chúng tôi đã nhận ra nhau sau một hồi nói chuyện và biết rằng cùng một nghề. Chúng tôi đã bàn chuyện báo chí, văn học nghệ thuật. Họ có nói rằng họ theo dõi chương trình phát thanh của chúng tôi rất là xít xao, họ biết rõ cả những chương trình nào hay dở, ăn khách … tên ca sĩ và tên các chương trình nổi tiếng của mình. Họ cũng biết tên tuổi một số các nhà văn, nhà báo đang nổi tiếng ở trong Nam, họ cũng hỏi đến một số các nhà văn cũ, những nghệ sĩ cũ như anh Phạm Duy, Chu Tử, Thanh Nam, Mai Thảo, cô Thái Thanh … về tình trạng của những người đó bây giờ ra sao.
Tôi định hỏi họ rất nhiều nhưng họ không để tôi kịp hỏi, đến một chục ông phóng viên của đài Hà Nội đi theo phái đoàn đã vây kín tôi để “truy” liên miên. Họ phỏng vấn tôi đến không kịp trả lời và họ khai thác toàn là vấn đề chính trị. Họ đã thâu băng một cách không đứng đắn, nghĩa là tôi không đồng ý. Nhưng họ đã thu lén, trời lạnh họ dấu máy trong áo mưa, micro dấu dưới áo hay trong túi, cùng nghề tôi nhận ra ngay và tôi bảo họ không nên làm như vậy.
Mới đầu họ rất hòa nhã, hỏi chuyện tôi về vấn đề thân thế, gia đình vợ con, nghe giọng Bắc thì họ hỏi chắc là cũng di cư. Họ hỏi và họ ghi chép đàng hoàng. Mới đầu gặp một người tôi tưởng họ hòa nhã hỏi thăm, nhưng về sau cả chục người khác lại cũng chỉ hỏi tôi những câu hỏi giống nhau từng chữ một. Không thể có sự trùng hợp như thế, nghĩa là họ đã có học tập và sắp xếp.
- Anh là người trẻ nhất trong phái đoàn trở lại Hà Nội, vậy anh có thể cho biết cảm tưởng của anh khi nhìn lại thành phố Hà Nội ?
- Tôi rời xa đất Bắc khi còn quá nhỏ (10 tuổi) cho nên tôi không có nhiều kỷ niệm ở Hà Nội hoặc những kỷ niệm rất là mù mờ tôi không có dịp so sánh chính xác Hà Nội xưa và nay. Nhưng chúng tôi cũng được đọc, được nghe các đàn anh nói về Hà Nội, vì thế khi mà trở về Hà Nội cũng có một nỗi xúc động rất lớn lao; chúng tôi được nghe, được tả một Hà Nội rất óng ả và thơ mộng, thế nhưng mà chúng tôi không nhìn thấy những hình ảnh như vậy, tôi cố ý nhìn mà không thấy một cô gái nào mặc áo dài đi trên đường phố, toàn là quần áo cán bộ hoặc là quần áo cánh.
- Các anh phóng viên đài Hà Nội mà anh tiếp xúc, họ ở lớp tuổi nào ?
- Họ phần đông lớn tuổi, có một anh tôi biết tên là Bội, mới đầu tôi hỏi tên anh ấy không nói, anh hỏi tên tôi, lẽ dĩ nhiên tôi chả có việc gì phải dấu, anh ghi chép tên tuổi tôi đoàng hoàng lắm, chỉ thiếu … số quân thôi. Tôi hỏi tên anh ấy mấy lần anh không nói, tôi bảo nếu anh thấy có gì trở ngại thì tôi cũng không tha thiết để biết quý danh. Về sau tôi biết anh ấy là Bội, tôi nhận ra giọng anh ta, là một chuyên viên trực tiếp truyền thanh như anh Nguyễn Mạnh Tiến của đài Saigon vậy. Tôi đã từng nghe anh ta trực tiếp ttruyền thanh đá banh, cũng như tôi đã từng nghe một phóng sự của anh ấy tường thuật trận đánh Quảng Trị. Anh ta nói nhanh lắm.
Anh đó là cứ đi theo tôi đều đều, anh ta nói cùng nghề mình sẽ gặp nhau trong một dịp khác, anh ta hỏi đủ thứ chuyện và luôn gài vấn đề chính trị vào. Tôi có nói : “chúng ta chỉ gặp nhau trong chốc lát mà thôi, tối nay tôi về Saigon, anh vẫn còn ở Hà Nội, chỉ nên nói những chuyện mưa gió, trời Hà Nội lạnh, nắng Saigon đẹp vậy thôi.”
- Ở ngoài đó họ có đài truyền hình không ?
- Có, họ có đài truyền hình và có gửi người tới làm việc, đó là theo như lời họ nói, nhưng vì họ gửi nhiều người quá tới vây chúng tôi nên cũng có người hớ nói ra cho chúng tôi biết. Chúng tôi có hỏi họ đài truyền hình lập lâu chưa, có bao nhiêu máy của dân chúng. Họ nói mới thành lập và có hằng mấy vạn máy thu hình. Chúng tôi cười mới lập mà sao có nhiều máy thế. Nhưng rồi lại có ông cho biết đài phát hình một ngày có một tiếng đồng hồ và còn trong thời gian trắc nghiệm. Để biết rõ những điều đó chúng tôi quan sát trong thành phố thì chẳng thấy một cái ăng ten nào trên các nóc nhà dân chúng, nếu có máy là phải có ăng ten. Chúng tôi hỏi họ về tiết mục trong chương trình truyền hình thì họ ầm ừ không ai biết, chúng tôi hỏi máy truyền hình của dân chúng hiệu gì, Nhật Bản hay Nga Sô, họ cũng không trả lời được.
Học đã có những thái độ lấp liếm rất buồn cười, chẳng hạn như khi tôi tường thuật vào máy ghi âm quang cảnh thành phố, tôi nói chẳng thấy một bóng áo dài nào trên đường phố, toàn là quần đen áo cánh, thì ngay lúc đó một ông sĩ quan nói chõ vào micro của tôi là ở ngoài này mặc áo cánh cho dễ làm việc, mặc áo cánh nhung không có áo rách. Thật là khôi hài.
- Các anh có thấy các cửa hàng buôn bán, các hàng rong đặc biệt như Sấu Dầm, Phá Sa Lạc Rang của Hà Nội thuở xưa không ?
- Chúng tôi có đi xe phớt ngang cửa hàng bách hóa Hà Nội nhưng không vào, các cửa hàng buôn bán thì hầu như không thấy hay là rất ít, tôi có thấy một vài hàng quán nhưng chỉ kiểu các quán cóc đầu đường của mình ở Saigon. Hàng rong như ngày xưa thì tôi không thấy. Tôi có thấy một vài quán cóc trên đường Lý Thường Kiệt, gần trường Nguyễn Trãi, nhà thủy tạ vẫn còn nguyên.
- Hồi nãy anh Phạm Huấn có nói về chuyến đi thăm anh em tù binh Mỹ ở Hỏa Lò tôi thắc mắc là ở đó có anh em quân đội mình bị bắt giữ hay không ?
- Tôi không thấy bóng dáng một chiến hữu nào của ta bị họ giam giữ ở đó cả.
- Trong ngày trở lại Hà Nội, anh cho biết về thành phố Hà Nội như thế cũng quá đủ, khi anh lên phi cơ nhìn lại thành phố Hà Nội lần cuối cùng anh nghĩ gì. Đây cũng là câu hỏi chót của chúng tôi.
- Đây là một câu hỏi cũng có ý nghĩa tương tự như các cán bộ CSBV hỏi tôi. Tôi cũng thành thực trả lời với họ rằng tôi chờ đợi sự trở về Hà Nội từ mười mấy năm nay. Khi tôi biết được sẽ đi Hà Nội tôi đã trằn trọc suốt đêm không ngủ, cũng như suốt ba tiếng rưỡi đồng hồ trời gần sáng trên máy bay, tôi vẫn từng phút từng phút mong đợi được đến Hà Nội để thấy lại thủ đô yêu dấu khi trước của mình. Nơi tôi đã lớn lên và sống những chuỗi ngày tươi đẹp nhất hồi 17, 18 tuổi. Khi thấy phi trường Gia Lâm đổ nát, tôi vẫn an ủi đây là khu vực quân sự là những mục tiêu oanh tạc, thành thử hoang tàn đổ nát thì cũng không ngạc nhiên, và không thất vọng.
Nhưng thú thực với các anh sau 5, 6 tiếng đồng hồ di chuyển trong thành phố, nhất là xem những phong cảnh mà mình yêu thích ngày xưa tôi thấy đau buồn và cô đơn vô cùng. Trước khi tới Hà Nội đã nhiều lần tôi muốn khóc. Tới Hà Nội như các anh biết, nhiệm vụ và vai trò tôi đã được ấn định rõ ràng, dù có xúc động có thương nhớ Hà Nội ngày xưa của mình tôi vẫn phải che dấu tình cảm đi. Nhưng sau một ngày về Hà Nội nhìn thấy cảnh tiêu điều của thành phố xưa, nhiều lúc vào trong phòng rửa mặt, tôi đã nấc lên để cố dằn những giọt nước mắt trào ra. Tôi nghĩ rằng nếu về Hà Nội để mà nhìn thấy những cảnh tiêu điều xơ xác, những cảnh sống cùng cực của người dân bây giờ, mà tôi thưa với các anh, còn kém những người dân ở Cao Nguyên miền Nam Việt Nam như ở Phú Bổn, Kontum, tôi có nói với họ câu này - cũng để trả lời anh luôn - với nhiệm vụ một quân nhân nếu được chỉ định thì đương nhiên tôi thi hành công tác; còn nếu không, không bao giờ tôi trở về Hà Nội một mình như vậy nữa. Tôi đã trả lời thế và lời nói này đã được các phóng viên đài Hà Nội ghi âm.
“Hà Nội, cái phần thân thể đó của đất nước chúng ta, sau gần hai mươi năm chiến tranh, xa cách, tưởng chừng đã đứt rời khỏi tổ quốc.
Nhưng cuộc trở về Hà Nội của ba sĩ quan QLVNCH như một lời nhắc nhở bàng hoàng rằng Hà Nội vẫn còn, Hà Nội chỉ bị dìm ngập trong bóng tối chứ Hà Nội không mất.

  


Hà Nội còn đó, nhưng Hà Nội ra sao ?
Những hình ảnh của Hà Nội, được mang ra khỏi Hà Nội mới nhất, những bức ảnh chụp Hồ Gươm vào ngày 18 tháng 2 năm 1973 vừa qua, cho thấy rằng Hà Nội còn đó, nhưng Hà Nội đã làm chảy nước mắt tất cả những người nhìn thấy lại Hà Nội.
Hà Nội nghèo, nhưng người ta không thể tưởng tượng Hà Nội có thể nghèo đến thế !
Hà Nội già, nhưng người ta không thể tưởng tượng Hà Nội có thể già đến thế !
Người ta đã làm gì Hà Nội sau gần hai mươi năm đóng kín cửa Hà Nội, để khi chúng ta đẩy được cái cánh cửa quá khứ ra, Hà Nội chỉ còn như một cái xác không hồn như thế ?
Tất cả những lời khoa trương, dối trá cho Hà Nội, không còn che dấu được cho Hà Nội nữa. Bởi vì Hà Nội đã được nhìn tận mắt của một người yêu Hà Nội, muốn biết những sự thật về Hà Nội.
Sự thực là Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn, nhưng từ mỗi góc phố, mỗi con đường người ta chừng đều nghe thấy, nhìn thấy, tiếng thở than ngậm ngùi, vẻ điêu linh bạc nhược của Hà Nội.
Những tiên nga Hoàng Dương nói đến trong nhạc của ông hai mươi năm trước đâu ?
Những thanh niên đẹp trai đã khiến Xuân Diệu xưa cả quyết rằng “không gì đẹp bằng đẹp trai” đâu ?
Hơn một trăm bức hình Hà Nội, được mang ra khỏi Hà Nội, không ghi được của Hà Nội một nụ cười !
Người ta nhìn thấy gì trên các khuôn mặt của những người dân đi trên đường phố Hà Nội ?
Cái điều người ta đọc được đầu tiên và cũng làm cho người ta đứt ruột đau đớn là hình như người dân Hà Nội không còn ai có cá tính nữa. Họ cùng mang trên nét mặt một vẻ lạnh lẽo, âm thầm. Không một cô gái nào có nổi một chiếc áo dài. Cũng không một thiếu nữ nào có nổi một đôi giầy. Họ đều mặt quần thâm, áo cánh, áo cánh nâu, áo cánh xám, áo cánh trắng màu cháo lòng, đi dép, thứ dép được cắt bằng lốp xe hơi cũ, quai bằng cao su và thứ dép bằng plastic màu ngà, hoặc đi chân đất. Đàn ông thì hầu hết mặc quần áo đại quân, hay đồng phục cán bộ màu xám. Riêng các thiếu nhi, các em đều phong phanh những chiếc áo vải mỏng, áo len cũ kỹ, dù ai cũng biết rằng, cái rét ở Hà Nội vào tháng giêng còn là cái rét cắt da, cắt thịt, các em phần lớn đi đất, và đất ở miền Bắc vào những ngày chưa hết tết này, phải được ví như những tảng nước đá.
Hà Nội quả thật đã kiệt quệ, đã hết màu sắc, dấu hiệu đầu tiên của những xã hội vui tươi, sung túc.
Các sĩ quan có dịp trở lại cố đô của chúng ta, nói rằng, hai mươi năm mà Hà Nội không có được một kiến trúc nào mới, ngoại trừ một cái công viên, đó là công viên Thống Nhất. Họ đã đi qua nhiều khu phố chính của Hà Nội, nhưng không hề thấy một cửa hàng nào mở cửa, không trông thấy một sạp bán sách báo nào ngoài đường.
Hai mươi sáu năm trước đây, nhạc sĩ Trần Văn Nhơn, từng đảm nhiệm chức vụ nhạc trưởng đài phát thanh Hà Nội, đã phác họa cảnh Hồ Gươm trong một nhạc phẩm của ông, bản Hà Nội 49, không ngờ đó lại cũng là bức chân dung của Hà Nội, của Hồ Gươm năm 1973 nữa :

Khắp chốn nay điêu tàn nhà xiêu đổ một cảnh nát tan
Hồ xanh nay vẫn xanh nhưng liễu xưa hồ đâu tá
Tôi đứng im lặng nhìn, nhìn tháp cũ bóng soi hồ Gươm
Tháp kia sao lạnh lùng như dấu muôn e thẹn căm hờn.

Ba người của Hà Nội ngày trước vừa trở lại Hà Nội, chẳng khác những giọt máu vừa chạy lại được về tim.
Ba giọt máu không đủ làm tươi lại trái tim khô héo, nhưng dù sao cũng đem lại một hy vọng !
Hai mươi năm với những núi xương, sông máu, những người có trách nhiệm với Hà Nội, đã không làm được cho Hà Nội lớn lên, lại làm cho Hà Nội trở thành èo uột, giống như một thành phố hấp hối như thế, đối với bất cứ một người Việt Nam đứng ở đâu đi chăng nữa vẫn là có tội.
Ôi ! “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” câu thơ ấy của Quang Dũng đã trở thành mũi dao đâm vào chính trái tim Hà Nội !
Hết rồi Hà Nội gót son.
Hết rồi Hà Nội, chân trắng ra về lối đẹp hơn của Văn Cao.
Hết rồi Hà Nội bay đến bên em điểm tô quầng mắt. Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung của Đoàn Chuẩn.
Hà Nội bây giờ là Hà Nội quần thâm áo cháo lòng, Hà Nội chân đất, chân dép nhựa, Hà Nội còng lưng đạp xe đạp.
Hà Nội đã chết!!!

Phụ Lục Ảnh














(All Photos by Phạm Huấn)




Thiếu Nữ Hà Nội (trước khi Miền Bắc rơi vào tay Cộng sản 1954), photo by Cao Đàm





NGUYỄN ĐÌNH TOÀN
HÀ NỘI TRONG KỶ NIỆM


NGUYỄN ĐÌNH TOÀN


… Phút chốc cả khu phố sáng rực trong ánh nắng, những hơi sương mỏng manh tan biến mau chóng, màu vôi nám đen của Tháp Rùa hiện rõ ràng đến nỗi thoạt trông thấy người ta có cảm tưởng trông thấy những mảnh vôi khô cong, bong ra khỏi tường, và mặt hồ trong xanh như một con mắt long lanh nước mắt, những ngọn nước chói ánh mặt trời giống như đồng tiền mới, và bên kia hồ, những biệt thự, những ngôi nhà mái đỏ vừa mới đây còn khuất sau những bụi cây, còn được che phủ bởi những đám sương chợt hiện ra rạng rỡ, những viên ngói đỏ tươi mà hơi sương đang dần dà bốc đi mỗi lúc như càng lấy thêm được màu son thắm, trên những lối đi quanh hồ, tiếng guốc reo vang như mang cùng một nhịp với những trái tim, thiếu nữ, sớm chủ nhật nghỉ học đi dạo phố, đi thăm bạn, đi lo những công việc nhỏ nhặt cho gia đình, những cặp tình nhân trời mới hửng nắng đã mỏi chân rủ nhau vào ngồi trên những chiếc ghế nhỏ trong mấy quán nước bên bờ hồ, trước những ly nước đá.
Nhìn sâu về phía sau công viên, nhà ngân hàng cao, xây bằng đá xám trông như một pháo đài kiên cố.
Đó là nơi Lan mỗi buổi sáng đi học đều đạp xe ngang qua, con đường sạch sẽ, rộng và quang đãng nhất thành phố, những ngày nghỉ học các cô nữ sinh, thường dựa xe trên vỉa hè trèo lên những bực cấp đứng chụp hình, phơi nắng, rồi từ đó ríu rít đi tới nhà Bác Cổ, ra bờ sông, băng ngược lên nhà hát lớn thành phố, vào mùa sấu trổ bông, hoa sấu rơi lấm tấm trên mặt đường, hoa sấu nhỏ màu ngà pha lẫn màu cẩm thạch, thơm mùi thơm của trái nhiều hơn hoa, cái mùi thơm rơn rớt chua, vào mùa sấu chín, những trái sấu chín vàng biến dần sang màu hồng đỏ lốm đốm những vết thâm, đó là lúc tất cả hương hoa và chất chua đã biến thành chất ngọt và rụng trên mặt đường, các cô học trò đi qua có thể ngừng xe xuống, nhặt bỏ trong cặp, mang vào lớp học.
Những chiếc áo tím, những tiếng cười trong trẻo của các thiếu nữ vui đùa với nhau, dường như được cái êm ả của sớm mai, sớm mai mà cái lạnh đã làm cho không khí trong hơn, giọng cười như những mũi nhọn xuyên thẳng vào quảng không mềm dịu, và sương mai cùng với mặt trời vừa tẩm lạnh vừa hơ khô, những tiếng cười dường như đang tan biến thành những giọt ánh sáng bay loang loáng trên mặt bóng của các đám lá trên lưng chừng các hàng cây, và trong những cơn mê hoặc, những thời khắc lạ lùng mà chỉ sống ở Hà Nội người ta mới thấy được những phút mà sự mùa màng và thời tiết đã ảnh hưởng nặng nề đến cảm giác và thần trí, người ta bỗng như nghe thấy cả mùa thu cười nói, lớn lên, nồng nàn, óng chuốt cái óng chuốt của những sợi lông măng trên những trái mơ, căng đầy thứ nước ngọt dưới lớp da mỏng của những trái nhót chín trên nhữn cây lúc lắc, những trái lúc lắc xanh đang bắt đầu cong lên và khô đen lại, nhưng màu đen phần lớn chỉ mới lan hết phân nửa trái, nửa kia vẫn còn giữ nguyên màu xanh, đó cũng là dấu hiệu mùa thu chưa già, cái nắng rực rỡ mau chóng làm khô không khí, làm cho hơi thở nhẹ hơn, những tia nắng chiếu lọt qua đám lá sồi to bản bắt đầu loang trên các lối đi trên công viên, tiếng hắc tiêu nghe gắt hơn, và các khán giả ngồi nghe buổi hòa nhạc cuối cùng, đã cảm thấy hơi nắng thấm vào trong ngực đang dần dà làm cho ấm.
… Hồ Gươm vào những ngày nắng ấm, vào mùa xuân hay mùa hè trông giống như trái tim của Hà Nội, lao xao những đợt sóng xanh biếc, nhịp máu rộn ràng đập theo cơn vui hay ít nhất không vướng chút phiền muộn của thành phố. Về mùa thu, hồ lại giống như con mắt buồn bã, và mùa đông đôi khi mặt trời in bóng của bầu trời sáng lạn một cách khác thường, hồ như nước mắt còn sót của bao thế hệ điêu linh và hùng tráng, lúc nào cũng long lanh, cũng còn không ngừng xúc động.
Cũng có hôm mặt hồ phẳng lặng như một tờ giấy, cả đến những con cá nhỏ cũng lặn đâu mất, mùa đông lạnh cóng dường muốn làm cho khối nước đông lại thành một cái hồ bằng cẩm thạch. Cả hồ, cả người, cả thành phố thở chung một sự giá buốt, mặt trời có khi cả ngày không thấy bóng. Các đám mây mang nặng những trận mưa rào, những trận mưa trút xuống như thác lũ, nhưng trận mưa không thể rơi xuống vì lạnh, những buổi chiều gió và sự băng giá đã làm cho khô se da mặt dù không có một chút nắng và mọi vật cứ tưởng tượng thì dường như có vẻ ẩm ướt, mà thực vậy, mọi người đều thở ra khói ở miệng, người ta có cảm tưởng những đám khói do mình thở ra đó sẽ biến thành hơi nước bám trên mặt nhưng sờ tay chỉ thấy sự giá lạnh khô khan.
… Tiếng gót giày vang dưới các mái hiên phút chốc như dội lại trong lòng người một nỗi bồi hồi. Những tiếng động nhỏ ấy, những hương vị mờ nhạt ngửi thấy, cây cối trong mùa mưa, phấn hương của người quen thuộc, những món ăn, thức uống, những câu thơ, những bài hát, Hà Nội giống như một cái chuông và những tiếng kêu ấy là những cách khua động, người ta tự gõ vào trí tưởng mình, tự xé lòng mình, để nhẹ bớt nỗi nhớ mong, ám ảnh của Hà Nội, Hà Nội đã biến thành khuôn mặt người tình đầu tiên, khi người ta ghé môi hôn thì cũng là lúc cái hình ảnh ấy khắc sâu vào tâm khảm. Những khu phố dịu dàng dưới sương đêm, sáng cái ánh sáng của vầng trăng lúc nào cũng giống như, trăng khi còn thơ ấu, và những cơn gió nhẹ thổi trên các lối đi, thổi lên các cành cây, chẳng khác những hơi thở nồng nàn tình ái, người ta không thể biết rõ cái vẻ dịu dàng của Hà Nội được tẩm đẫm nhan sắc, dáng vẻ của những người đàn bà, những cô gái Hà Nội, hay chính những người này thừa hưởng cái không khí êm đềm đó, những trận gió mang đầy hơi phù sa của sông Hồng, mùi cỏ của con đê Yên Phụ, mùi rượu ngang, rêu phong của những mái nhà cũ kỹ, của những bức tường thành của ngày Hà Nội bị xâm chiếm xa xưa, của các xưởng máy, của hoa đào, hoa sấu, sắc đỏ của những bông gạo vừa tàn rụng hết trong ngày hè với muôn ngàn tiếng chim kêu hót, tất cả dường như đã tan biến trong mùa thu vừa khởi đầu thành những màn sương mỗi ngày thêm dày đặc, những lớp sương nối liền hơi thở của những người tình, những lớp sương đang dần dà biến thành làn sương mù của mùa đông sắp tới, những làn sương che kín các khu phố, mà sớm mai cùng đi trên một vỉa hè người ta có thể không nhìn rõ mặt nhau, và những đám sương có vẻ như không còn là những đám sương nữa mà đã trở thành một cơn mộng vây lấy mọi người, mùa màng đã biến đổi thời tiết, thời tiết đã biến đổi nhan sắc, tâm tính con người, trong cái lạnh lẽo người ta ao ước được gần nhau hơn, người ta cưới nhau vào mùa thu và mùa đông đến là vừa ấm áp, lớp sương che kín cả con sông rộng lớn, phải đợi đến chín giờ, mười giờ, mặt trời mới làm tan đi được, và màu sắc thật của mọi vật mới hiện ra, những viên ngói đỏ tươi, những đóa hoa, lá cỏ, lá cây trong cái ánh nắng của mặt trời chói lòa tưởng như muôn ngàn con mắt vừa bừng mở ngó nhau, và ánh sáng, và những cơn gió thổi qua giống như những nụ cười rạng rỡ …

(trích ÁO MƠ PHAI_NGUYỄN ĐÌNH VƯỢNG X.B)




VŨ BẰNG


Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống trèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát hữu tình của cô gái đẹp như thơ mộng …
Người yêu cảnh, vào những đất trời mang mang như vậy, khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu, mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái nhớ nhung và không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa một cái gì đó – có lẽ là sự sống !
Anh có thể đạp cỏ trên Hồ Gươm, đợi đến sâm sẩm tối ra ngồi ở Thủy Tạ nhìn các cô gái đẹp như tiên mặc áo nhung, áo len trăm màu ngàn sắc, in bóng hình dưới đáy nước lung linh, anh có thể vào nhà hát thưởng vài khẩu trống, “mở quả mứt” phong bao cho các chị em, rồi uống với mỗi em một ly rượu “lấy may”; anh có thể đi vào một ngôi chùa khói nhang nghi ngút, đưa mắt nhìn xem có cô nào thực xinh thì quỳ ngay xuống bên cạnh cầu trời khấn Phật cho cô càng ngày càng đẹp và trong năm lấy được người chồng xứng ý như … anh vậy.
Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi nó làm cho người tu muốn phát điên lên như thế đấy. Ngồi yên không nhịn được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lực của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trổi ra thành những cái lá nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.
Cùng với mùa xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ thêm ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá. Lúc ấy đường xá không còn lầy lội nữa, mà cái rét ngọt ngào, chứ không còn tê buốt căm căm nữa.
Y như những con vật thu mình một nơi trốn rét, thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra nhẩy nhót kiếm ăn, anh cũng “sống” lại và thèm khát yêu thương thật sự. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa.
Nhang trầm, đèn nến, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ thánh, bàn thờ tổ tiên, làm cho lòng anh ấm lạ ấm lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra giàng mở hội liên hoan.
Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu – của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng. Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại nức một mùi hương man mác.
Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vật xanh tươi hiện ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lý, con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sóng hồng hồng rung động như cánh con ve sầu mới lột.
… Ờ, cứ vào dạo này đây, ở Bắc người ta đi lễ vui đáo để. Chiều chiều, đứng ở nhà Khai Trí Tiến Đức nhìn lên cầu Thê Húc sơn đỏ ở giữa đám cây xanh đông đảo, những người đi lễ trong ngôi đền Ngọc Sơn trắng toát, anh cảm thấy có những lúc nước lộn lên trời, trời rơi xuống đất khi nhìn những bóng người hiện ra huyền ảo ở dưới những làn nước xanh mơ.
Qua ngõ Hồ là đến Hàng Trống có tiếng là “hương ngát của trời”; quá ra đến Hàng Hài là đền Quan Phước, ai mất người, mất của đến cầu xin thì thấy; từ đó ngược lên ra lối tòa án là chùa Quán Sứ - Ờ, chắc bây giờ mấy cây thông bách tán ở trước chùa đã lớn lắm rồi đấy nhỉ ! Thế rồi là chùa Dâu, chùa Kim Cổ, đền Quan Thánh, chùa Trấn Quốc thờ ông thánh Đồng đen, chùa Bà Đá, chùa Liên … Trời ! biết bao là chùa đẹp, biết bao nhiêu là cảnh nên thơ, biết bao nhiêu người đi lễ cầu con, cầu của !
(trích THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - NGUYỄN ĐÌNH VƯỢNG X.B)



THẠCH LAM


Kể về các thứ quà mặn, thì Hà Nội có nhiều : nào bún riêu, bún chả, thang cuốn, nem chua, nào miến lươn và bún ốc. Mỗi thứ, tất nhiên có một vị riêng, và cả đến mỗi hàng, lại cũng có cái ngon riêng.
Tôi thích nhất cô hàng bún ốc; không phải vì món hàng cô tôi thích ăn – xin thú thực rằng tôi sợ các bác ốc lắm – nhưng vì tôi thích nhìn người ta ăn, vì nghĩ thức quà của cô là cái điểm không thể thiếu được của một cảnh bình dân hoạt động trong cái ngõ con và trên các bờ hè. Người ta xúm lại ăn quà bún ốc một cách mới ngon lành làm sao ! Có ai buổi trưa vắng hay buổi chiều đêm khuya, đi qua các nhà cô đầu, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không ? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm soa suýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình.
Cô hàng ốc có một cái dụng cụ, một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gõ nhẹ, và một cái trở tay, là con ốc nguyên cả ruột đã gọn gàng rơi mình vào bát nước. Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp, trông thấy người ta ăn ngon lành chính cô sinh thèm. Ấy có lúc cô thú thực với tôi như thế.
Cùng họ nhà bún, riêu cua và thang cuốn vốn là quà sở trường của các bà. (Mà nghiệm ra cái triết lý sâu sắc này : thứ quà nào bán cho các bà bao giờ cũng đắt hàng, vì hai lẽ : một là vì các bà nội trợ bao giờ cũng sẵn tiền, hai là các bà ăn quà đã thành tục ngữ, ca dao). Lạ có một điều : nhà mình làm lấy, dù bà vợ khéo tay đến đâu, ăn cũng không thấy ngon bằng mua của hàng rong, nhất là hai thứ thang và riêu. Tại sao vậy ? Có ai tìm ra cái triết lý thứ ba không ?
Miến lươn là thứ quà ăn bổ âm, nhiều người bảo thế. Đàn ông thì không tin, nhưng đàn bà thì dễ tin lắm. Thế cho nên đã thấy nhiều ông chồng không thích ăn lươn mà vẫn bị các bà vợ ép cho ăn dù tiền các bà ấy trả lấy. Tình nghĩa đằm thắm của vợ chồng, đôi khi có thể lấy nhiều ít miến lươn mà đo được.
Ấy, suýt nữa đi khỏi các thứ quà cốt bún, mà tôi quên nói đến thứ quà bún quan trọng và đặc điểm nhất của Hà Nội ba mươi sáu phố phường : đó là thức quà bún chả.
Phải, cái thức quà tầm thường đó, sáu tỉnh đường trong, bốn tỉnh đường ngoài, chẳng có đâu ngon bằng kinh đô. Ai cũng phải công nhận như thế, hay ít ra những người sành thưởng thức. Một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói, ô lên Hà Nội, đã phải ứng khẩu đọc hai câu thơ như thế này, khi ngửi thấy mùi khói chả.
Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long
Bún chả là đây có phải không ?
Mà cảm hứng thế là chí phải. Khi ngồi cuối chiều gió, đói bụng mà đón lấy cái khói chả thơm, thì ngài dễ thành thi sĩ lắm. Khói lam cuộn như sương mờ ở sườn núi, giọt mỡ chả xèo trên than hồng như một tiếng thở dài, và tiếng quạt khẽ đập như cành cây rung động, quà bún chả có nhiều cái quyến rũ đáng gọi là mê hồn, nếu không gọi là mê bụng.
Những thứ rất là tầm thường, rất là giản dị mà đi gần nhau sao lại sinh ra được mùi vị riêng như thế ? Ai là người đầu tiên đẻ ra bún chả ? Người đó đáng được ta nhớ ơn và kính trọng ngang, hay là hơn với người tạo tác phẩm văn chương… Có lẽ người kia còn làm ích cho nhân loại hơn là người này nữa. Tiếc thay tên người tài tử đó thất truyền, để không kê liệt vào cái sổ vàng của những danh nhân “thực vi đạo”.
Thứ bún để ăn bún chả, sợi mảnh và cuộn từng lá mỏng, khác với các thứ bún thường. Chả phải có thịt ba chỉ, mà phải dùng cặp tre tươi nướng mới ngon. Quái, sao cái nước chấm của các hàng bún chả ngon thế ! Có lẽ vì họ dùng nước mắm hạng vừa, nghĩa là không mặn, pha với dấm hạng vừa, nghĩa là không quá chua, cho nên thành ngon chăng ? Nước chấm ấy mà điểm thêm mấy giọt chanh vào thì tuyệt : có thể thấm nhuần được cả bún lẫn rau, cả chả mà không mặn, không gắt như nước chấm ở nhà.
Nhưng bún chả Hà Nội đặc biệt có lẽ vì cái rau húng Láng. Vì chỉ có rau húng ở Láng là có mùi vị húng, đem trồng chỗ đất khác, sớm chậm rồi cũng đổi ra mùi bạc hà – (Viết đến đây tôi lại nhớ đến bác Tú Mỡ thường mời bạn hữu ăn và thường khoe là mình ẩn dật trong rừng húng) … Thế cho nên bún chả thì phải là bún chả Hà Nội mới đủ vị cho người thưởng thức và phải là bà bún chả xưa vẫn ngồi trước đền Bạch Mã, hàng Buồm mới là bán hàng ngon. (Tất nhiên còn nhiều các hàng khác ở phố khác cũng ngon không kém, nhưng tiếng tăm chưa nổi đó thôi).
Tôi đã toan chấm hết cái bài nói về quà bún, thì một bà – hẳn cũng là một người sành ăn – đến trách rằng : anh nói đến quà bún mà quên không nói đến quà bún bung thì hẳn là một sự bất công. Vì bún bung là một thứ quà ngon lắm, mà lại là một thứ quà rất An Nam.
Tôi biểu đồng tình và vội vã bổ vào chỗ khuyết điểm ấy để khỏi phụ lòng những bà sành ăn bún, và để khỏi phụ công cô hàng xóm gánh nồi bún nóng đi ra khắp phố phường. Tôi còn nhớ rõ trên đầu lưỡi, tê như một lượt rùng mình nhẹ, cái vị đậm ngọt và hơi ngứa ngứa của những miếng dọc sơn hà. Cái thứ rau này, sao mà khéo đi với bún thế, tựa như trời sinh ra để nấu bún, và cái hòa hợp dịu dàng không ở đâu là không có, trong một tác phẩm văn chương cũng như trong một nồi bún nấu khéo.
Cây sơn hà (cây mùng) vốn là một giống tựa như cây khoai mà lá to, củ thì nhỏ và tròn như quả trứng, luộc lên ăn cũng ngon. Dọc cây, người ta tước vỏ và chẻ nhỏ, nấu kỹ cho rõ nhừ. Một vài miếng mẫu đầu sườn nấu để lấy nước ngọt, một ít nghệ để nhuộm các thức ăn ấy một màu vàng của dáng chiều những ngày mùa hạ. Thêm dăm quả cà chua đỏ, một vài miếng đu đủ xắt xuông, màu trong mỡ như ngọc quý. Chừng ấy thứ mà có sợi bún trắng vắt qua như cái giây liên lạc những thức thực xa nhau, mà vì sự sành ăn của loài người bỗng chợt trở nên gần gũi. Thế là bát bún bung không biết bao nhiêu vị điểm lẫn cho nhau như các tiếng của một bản đàn. Nếu ngài lại thích ăn cay nữa, thì mấy lát quả ớt chỉ thiên, đủ khiến cho vị quà thêm cái nóng rực rỡ và thẳm màu của những gia vị lạ nơi Ấn Độ.
Lại có một vị khác hẳn ấy là hai thứ bún sườn và canh bún. Bún sườn thì hiền lành thôi, vẻ sắc xảo chẳng có gì. Cứ quý hồ nước cho ngọt, bún cho dẻo là được rồi. Người ta ăn bún sườn cũng như đọc những tiểu thuyết ngon ngọt, thích thôi chứ không ham mê. Không có người ghét nhưng cũng như không có người tha thiết quá. Cái gì cũng nửa chừng.
Canh bún thì đã cao hơn một bực : vì có rau cần, sánh và gắt, và nhất là có cá rô con, lạng từng miếng một, cũng có nơi nấu với cải, nhưng không ngon bằng. Thịt rô ấy đem lại cho thức ăn một vị đậm khác thường, không hiền lành, bởi vì chỉ ngon trong một độ nào đó, khiến người ăn có cái cảm tưởng đi gần một vị ghê lợm ở đầu này và ở đầu kia, và bởi thế, càng khiến cho thức quà thêm ngon hơn, có cái ngon của sự chênh vênh lo sợ … Thực vậy, canh bún để nguội thì tanh mà đun nóng quá thì nồng. Ấy bún chỉ ngon lúc nóng vừa độ miệng ăn vừa suýt soa. Và người ta cho hồ tiêu vào, để thêm cái cay nóng có mực thước.

(trích HÀ NỘI BA MƯƠI SÁU PHỐ PHƯỜNG, ĐỜI NAY xuất bản, Saigon 1962)


DẠ HỘI
ĐINH HÙNG


Đèn quanh Thủy Tạ, hội đêm hè,
Em đến phương nào ? Đây ngựa xe
Đáy nước hoa chìm, giăng ẩn hiện
Thơ phòng khánh tiết, nhạc Schubert

Mời các cô em trang điểm vào
Má hồng gợn chút mới thanh tao
Thuyền thơ anh đợi nghiêng tình tứ
Nghìn chiếc hôn bay, thoảng phấn đào.

Khiêu vũ đêm nay, mộng trá hình,
Trong vườn Quên Lãng, áo ai xanh ?
Lòng ai hóa bướm phù tang nhỉ !
Ta chọn nhầm hoa, lẫn Ái Tình.

Tha thướt trời Tây gái đẹp về,
Phương này ta hẹn với Tây Thi.
Thẹn đâu trinh bạch bàn tay phấn ?
Tuyết nguyệt dài chăng, phải đợi kỳ ?

Tuổi hạc giăng tròn em vẫn si,
Lẳng lơ, ai nép mặt hoa quỳ ?
Phượng Liên nàng ấy điên vì mộng,
Lạc gió thần tiên, kịch Shakebseare …
(ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ_NAM CHI X.B)


TÂM SỰ PHỐ PHƯỜNG
VŨ HOÀNG CHƯƠNG


Tâm sự chìm sâu bụi phố phường
Nghẹn ngào hơi thở lớp tang thương
Hỡi ơi ! Hà Nội bao đêm trắng
Từng đón lòng ta mỗi ngả đường.

Vì ta nghe thấu vào hơi thở
Nhìn thấu vào tâm sự bốn phương
Tiềm thức đêm đêm trời rộng mở
Ta chờ linh cảm ý quê hương

Không gian từng kết hình trong mộng
Và sắc thời gian ở chiếu giường
Sông núi xa xưa về hiên bóng
Hồn say ta vượt hết biên cương.

Lẽ đâu và nỡ nào ta để
Cổ quận riêng mình xót nhiểu nhương
Trận gió ghê tanh mùi chiến địa
Thành mây rợn đỏ máu tà dương

Hồ gươm đáy sóng rùa chân tháp !
Ta hiểu rồi, ngươi, nỗi đoạn trường !
Gió lại còn tanh mùi phấn sáp
Và mây còn đỏ máu hiền lương

Ngõ cụt nào kia trăng lạnh lắm ?
Ngả ba này nữa sám màu sương !
Thanh bình cõi ấy xa nghìn dặm
Gạch ngói nằm rên rỉ vết thương

Từng con mắt gỗ hoen dòng lệ
Tiếng khóc thầm dâng mỗi nách tường
Đá cũng nhàu gan bia tiến sĩ
Cây vườn bách thảo tóc pha hương

Chợt tiếng ai gào muôn điệp khúc
Tự hồ Tây lại Đống Đa sang
Cầu Long Biên với Cầu Thê Húc
Bền sắt tươi son hẹn đá vàng

Tâm sự bấy lâu đà cởi mở :
Thanh bình không phải giấc mơ xuông !
Đêm nay Hà Nội đằm hơi thở
Vào nhịp cười say một gã cuồng.



THANH TÂM TUYỀN

Mùa xuân còn mới nguyên, thành phố có vẻ thay đổi nhiều. Không hiểu vì mấy tháng Đồng mới lên đến phố hay dư âm của mấy ngày tết còn lại. Mưa bụi bám trên áo, Đồng bỏ tay trong túi quần đi lẫn với đám đông trên vỉa hè. Lẫn trong những màu áo phụ nữ và y phục tề chỉnh của thanh niên, Đồng khám phá những gương mặt ngớ ngẩn với quần áo cũ kỹ, những màu nâu quê mùa lạc lỏng của những người mới hồi cư. Những nhà đổ nát hai ba năm trước đã biến mất từ lúc nào, thành phố đông hơn đang cố gắng xóa mờ dấu vết chiến tranh. Đồng hút lại thuốc lá sau mấy tháng kiêng cử, hơi thuốc nồng đậm. Đồng nghĩ đến một người để chuyện trò, một người để có thể mình ngồi im nghe tiếng nói. Có ai không ? Trên bảng dán báo của phòng thông tin, Đồng nhìn thấy ảnh ông bố nga trong một buổi lễ. Souvenic Souvenir que me veux tu ? Giọng âm thầm trong cơn say của Thạch. Người ta đứng cạnh thúc vào mạng sườn Đồng rồi nhe răng ra cười. “Không nhớ tôi à ? Nhai đây ?”. Đồng nhìn khuôn mặt dài, cặp mắt nhỏ hơi lác chỉ nhớ mang máng. “Quên hả ? Học cùng với nhau ở Sinh từ. Nhớ thằng Thạch không ?” Đồng gật đầu. Nhai nói huyên thuyên, mừng rỡ rủ Đồng về nhà chơi. Nhai hỏi có gặp Thạch không. Đồng nói gọn : nó bị động viên. Còn cậu ? Inapte définitif. Nhai cười hềnh hệch xấu xí : cũng như tôi. Nhai dẫn Đồng về phố hàng Bè, đi vào một cửa hiệu bán sơn ta, những thúng chum màu đen, màu sơn nâu đỏ đặc quánh – lên gác. Gia đình Nhai đông người, gian gác bề bộn chật chội, mới hồi cư đầu năm ngoái, Nhai đang học rút để bắt kịp những năm chậm trễ. “Cậu học đến đâu rồi ?”. “Văn khoa” Nhai đưa Đồng ra đứng ngoài ban công, trông xuống phố chỉ khoe với Đồng những nhà hàng xóm có con gái đẹp. “Đến chơi với tớ luôn tớ giới thiệu cho …” Xế cửa là một lớp học tư tấp nập suốt ngày nhiều nữ sinh. “Phố này tập trung nhiều hoa khôi ở Hà Nội”. Đồng tựa tay vào lan can, nhìn được suốt phố vào giờ vắng vẻ. “Nếu gặp Thạch rủ nó đến chơi với tớ … “ Đời sống với Thạch hiện tại đã quá cách xa cái đời sống của Nhai. Chúng ta chỉ có chung một vài kỷ niệm của thời ấu thơ mà thôi – ngay với tôi cũng vậy, có lẽ tôi cũng đã mất hẳn đứa bạn thân nhất. “Tớ định ra thư viện học cho tỉnh lại gặp cậu … “ Đồng cười nghĩ đến, thật đã xa xôi thời bốn đứa gặp gỡ hằng ngày tại phòng đọc sách. Òu sontles neiges d’antan ? quá khứ rất gần bị đẩy lui thành dĩ vãng, tôi phóng đi trong thời gian và tưởng như sắp đến ngày cuối.
(trích ƯNG THY)


NHẤT TUẤN
HÀ NỘI ƠI !

Lần cuối cùng tôi giã từ Hà Nội
Buổi đi chơi hôm đó … bỗng dưng buồn
Chiều mùa thu mây đầu núi dâng lên
Trông thấp thoáng những hình thù vô nghĩa
Gió hồ Tây chạy trên hàng phượng vỹ
Nghe u trầm như tiếng nhạc xa xôi
Nhìn nhấp nhô trên nước cụm bèo trôi
Theo lớp sóng nghiêng mình phơi nắng biếc
Tôi sợ rằng giã từ là vĩnh biệt
Rồi bao giờ mới gặp lại Thăng Long ? …

Bao năm qua tôi vẫn cứ chờ mong
Ngày trở lại nẻo đường thành phố cũ
Ở miền Nam … có nhiều đêm không ngủ
Nhớ vô cùng … Hà Nội của ngày xưa !
Đường Cổ Ngư còn những cảnh nên thơ
Hồ Tháp Bút nước xanh hay ngả đục ?
Những nẻo phố xưa có còn tấp nập
Trường Trưng Vương còn vạt áo lam bay
Sáng mùa xuân chim có hót trên cây
Phượng vĩ vẫn nở đều khi hạ tới ?

Và mùa thu (những chiều mưa phơi phới
Những chiều mưa … Hà Nội có còn mưa ?)
Để từng đêm trong giấc ngủ say sưa
Chợt tỉnh dậy khi đông về lạnh lẽo
Nghe gió sông Hồng bay từ muôn nẻo
Nghe sóng sông Hồng tấu khúc nhạc thơ
Và sáng ra, khi chậm bước quanh hồ
Thấy Hà Nội bỗng nhiên thêm rực rỡ
Vì màu áo của những người dạo phố
Len xanh … rồi dạ tím … với nhung hồng
Hà Nội ơi ! Hà Nội có buồn không
Khi thấy mất những người quen thuộc trước.

Hà Nội ơi ! ta vẫn còn nguyện ước
Một ngày mai về giải phóng kinh thành
Ta sẽ đi tìm một khoảng trời xanh
Một góc phố buồn với tàn cây kỷ niệm
Ta sẽ đi trên những con đường mà ta hằng nhớ đến
Và soi gương trên mặt nước Hồ Gươm
Để lòng ta rào rạt những tình thương
Hà Nội nhé … chờ ta về giải phóng.



NHỮNG MÙA HÈ HÀ NỘI

Bây giờ là mùa hạ
Hoa phượng đỏ một trời
Gợi cho anh kỷ niệm
Của quãng ngày xa xôi

Ngày ấy hai đứa mình
Còn ở ngoài Hà Nội
Ngày ấy em và anh
Tan học về chung lối

Con đường Phan Bội Châu
Đầy lá me, lá sấu
Nắng thêu hoa trên đầu
Bướm vẽ vòng bên dậu

Những buổi chiều Cổ Ngư
Mình sóng đôi bẽn lẽn
Rồi ngồi nhìn vẩn vơ
Từng cánh buồm chuyển bến

Bóng tối dìm xuống hồ
Một trời sao lấp lánh
Nhạc gió êm như thơ
Tan trong làn sương lạnh

Những mùa hè Hà Nội
Của anh và của em
Bao nhiêu là kỷ niệm
Ôi dĩ vãng thần tiên

Bây giờ là mùa hạ
Mười chín năm qua rồi
Bắc Nam chia đôi ngả
Mỗi đứa một hướng trời

Rưng rưng anh nhớ lại
Những mùa hè xa xôi

(TRUYỆN CHÚNG MÌNH)


NHỚ VỀ HÀ NỘI
TRẦN QUỐC LỊCH

Gió thu về mặt Hồ Gươm gợn sóng
Nhìn liễu xanh em có thấy xôn xao
Vẫn vầng trăng của mười mấy năm nào
Em có thấy đáng anh buồn trong đó.

Đê Yên Phụ im lìm bên Bác Cổ
Đường Cổ Ngư còn lộng gió hồ Tây
Đền Voi Phục đâu còn ngày chủ nhật
Của mùa xuân hái lộc má hây hây

Đường Ngọc Hà còn người lên Bách Thảo
Cầu Long Biên xe lửa có còn qua
Ngọc Sơn xuân về còn ai xin thẻ
Còn cụ già viết liễn cạnh cây đa

Rồi đông sang em có còn đan áo
Gởi cho anh như thuở mới yêu nhau
Và giấc mơ làm chú rể cô dâu
Còn ấp ủ hay đã thành thiếu phụ.

Phố Bạch Mai con đường tàu điện cũ ?
Qua chợ Hôm, phố Huế đến hàng Khay
Dạo quanh hồ qua hàng Trống hàng Gai
Em có thấy chợ Đồng Xuân còn họp

Chu Văn An ngày nay còn tấp nập
Và Trưng Vương, Nguyễn Trãi với Hàn Thuyên
Chuông đổ hồi khai thánh lễ nửa đêm
Ai đi lễ nơi nhà thờ Dũng Lạc

Ôi thương nhớ biết làm sao nói được
Em của anh và Hà Nội ngày xưa
Chiều hôm nay khi nghe gió sang mùa
Xin cầu nguyện cho chúng mình gặp lại.


NGUYỄN MẠNH CÔN

Hà Nội! Tôi muốn hiểu tại sao, mỗi khi nhắc đến Hà Nội, từ đâu đó trong tim tôi lại dâng lên mối hoài cảm man mác. Nói rằng tiếc, rằng thương, chưa chắc đã đúng bao nhiêu. Vì tuổi trẻ của tôi tuy có đẹp, vì tuổi trẻ ấy đã mất rồi – tôi cũng không muốn dối lòng rằng quá khứ thanh niên ấy chẳng có gì đáng được gọi là tươi tốt. Còn nói rằng Hà Nội mang nhiều kỷ niệm yêu thương, nên cứ mỗi lúc nghĩ đón người xưa, thì tất nhiên kẻ vong tình đến đâu cũng phải bùi ngùi se sắt … nếu nói thế, tôi thiết tưởng cũng không đúng bao nhiêu. Vì thật sư tôi đã suốt đời thèm khát mà không được yêu – nghĩa là yêu được một tâm hồn hay thân thể diễm kiều nào.
Nói như thế nghĩa là tôi rất ít kỷ niệm làm cho tôi rung động về đô thành Hà Nội. Nhưng tôi vẫn không sao ngăn chặn được cái cảm giác bồi hồi khó tả của một người đang lúc phân vân : nửa muốn gặp để thỏa tình ao ước, nửa muốn không, vì một niềm suy tư tàn nhẫn. Rằng bao nhiêu tình cảm là bấy nhiêu bị lừa.
Tình cảm là một thói quen thống trị, một sự man trá khổng lồ. Nếu người ta hỏi từ thuở lớn lên mà không nghe nói, không đọc sách nói về thương yêu, thì bạn hay tôi liệu có tự gán cho mình cái bổn phận phải phục tùng chế độ, hay tự huyễn hoặc chính mình về một thứ si mê hoàn toàn nhục thể hay không ? Tôi có cảm tưởng như đã có lúc tôi tin theo một lời nói vô tình. Nhưng chỉ trong một khoảng tháng năm ngắn ngủi mà thôi : tôi không cãi được, nhưng tôi cũng không thể nhìn ngược đường đi, đoạn ngắn nhất cũng không thiếu gì bằng chứng …
Tôi muốn thật với tâm tôi. Vả lại thà không biết không sao, còn đã trót biết, tôi cam nhận trả lời. Quê hương tôi kia! Tổ quốc tôi đây! Hà Nội phải chăng là biểu tượng của một tự ái nghèo nàn, ở những kẻ hẹp hòi ích kỷ? Vì đáng lẽ hôm nay tôi phải ghét bỏ, thâm thù Hà Nội. Vì đã hơn mười năm rồi mà Hà Nội chẳng hề nổi loạn. Thủ đô của quê hương đã chấp nhận kỷ luật, đã hòa theo kẻ thắng trận rồi sao?
Tôi không biết, vả có biết cũng thiếu dữ kiện đáng tin, vả có dữ kiện đáng tin cũng phải nhận ngay trong tâm tư của tôi cũng có nhiều thay đổi. Giá được về Hà Nội hôm nay, tôi đã chắc gì tìm thấy những xúc động mà tôi chờ đợi ?
Một lô câu hỏi về Hà Nội tương tự như nhau. Tôi không còn được yên ăn, yên ngủ. Tôi phải cố trả lời. Để ít nhất cũng được yên tâm. Cái đáng xấu hổ trong con người không phải là sự sai lầm hay bị đánh lừa nơi tình cảm. Tôi chỉ sợ một điều, là đã biết rồi mà không dám nói. Hà Nội! Hà Nội! có thật không, “mi có một linh quấn quít lấy hồn ta và bắt nó phải thương yêu quí mến”.
(NHỚ VỀ HÀ NỘI - Tạp chí VĂN số 42)



DƯƠNG NGHIỄM MẬU

Em hỏi anh: Tại sao viết văn gì mà toàn những chuyện ở đâu mãi ngoài Hà Nội, trong này không có chuyện gì để viết sao ? Hồi ấy còn em anh đã nói: vì anh yêu em như yêu Hà Nội. Câu nói đùa cợt ấy ngờ đâu lại là sự thật của tâm khảm anh. Có thể nói khác, vì Hà Nội ám ảnh anh, cũng như hình ảnh em những ngày tháng này. Những ám ảnh mang một tâm trạng luyến tiếc nhớ mong lây lất trong cùng tận tâm não. Một ý nảy ra trong óc; một câu chuyện xuất hiện, ngồi vào bàn viết thì cùng một lúc những hình ảnh cũ của cuộc sống cũng sáng theo, xứ là thành phố cũ thành nơi sinh sống, một căn nhà làm nơi trú ngụ và những đường phố hàng Đào, hàng Than, Ô Yên Phụ nhân vật phải đi qua. Cũng như một nhân vật con gái trước mặt, thì hình ảnh em hiện lên cho anh tô vẽ nét đậm đà, vẻ buồn bã hay dáng tung tăng. Ở quanh đây những chuyện vẫn xảy ra, vẫn có những người con gái khác, nhưng Hà Nội và em đã ngự trị trong anh, xua đuổi, tràn ngập những khung cảnh mới, những khuôn mặt lạ. Sự ngự trị nhiều khi anh tưởng không còn hay đã cố đánh bạt, nó vẫn xuất hiện ngang nhiên không sao kềm hãm được, nó thấp thoáng ẩn hiện khi nhiều khi ít. Có ai dám chắc rằng mình đã hoàn toàn quên lãng được quá khứ ? Có nhà văn nào tự cho trong tác phẩm của mình không hề cho nhân vật mượn cuộc sống, kỷ niệm của mình trải qua ?
(trích QUYÊN, DĨ VÃNG HÀ NỘI, VĂN số 42)


HỒ HỮU TƯỜNG

Thế là chúng tôi về Hà Nội, Khuê đưa tôi vào một căn phố ở hẻm Sinh Từ, cả ngày không có ai lai vãng, đến quá khuya mới có người vẻ lật đật thay đồ ngủ, để sớm lại đi. Ở lâu, tôi mới biết người ấy là Phạm Ngọc Khôi, vừa làm công chức, vừa là đạo diễn cho một ban ca kịch, nên mới đi sớm về khuya và cả tháng chưa nói với tôi một câu. Mỗi ngày hai lượt, tôi đi độ dăm mươi thước theo phố Sinh Từ, mà đến nhà họa sĩ Hoàng Tích Chù để ăn cơm. Thế là mỗi ngày bốn lượt tôi đếm bước trên con đường mà Tú Uyên gặp Giáng Kiều lần đầu.
Ngay bữa đầu, khi Khuê dắt tôi đi trên phố Sinh Từ, để cho biết nhà Hoàng Tích Chù, việc Tú Uyên gặp Giáng Kiều nơi này đã được nhắc lại. Và Khuê bí mật nói:
- Rồi đây anh sẽ gặp Giáng Kiều của anh.
(trích PHỐ SINH TỪ)


HÀ NỘI MỘT ÁNH LỬA ĐÃ TẮT
MAI THẢO

Thời kỳ tản cư ra khỏi thủ đô Hà Nội, bấy giờ là 46, toàn quốc kháng chiến lang thang suốt ba bốn năm liền ở mấy tỉnh phụ cận với năm cửa ô và ba mươi sáu phố phường là Sơn Tây, Hà Đông, Phủ Lý, buổi tối nào với tôi cũng có một khoảng thời gian nhỏ dành cho nhìn về Hà Nội.
Đứng dưới một gốc cây, tôi trèo lên cành. Ở giữa một cánh đồng, tôi leo lên mặt đê. Một bụi tre làm cho khuất lấp? Tôi lần ra khỏi ngõ. Và như thế, đứng cái thế đứng chênh vênh trên một ụ đất, một gò đống, tôi mê mải ném tầm mắt cho bay qua một khoảng trống trải rộng nhìn về cái phía có một vùng ánh sáng lung linh hư ảo bốc lên.
Trời của chiến thời mới khởi dấy hồi đó, đêm nào cũng tối đặc như trời ba mươi tết. Tiêu thổ lướt qua như một bóng rợp khổng lồ, tất cả những thị trấn đã nằm xuống thành bình địa. Duy Hà Nội còn đứng vững với những kiến trúc tiền chiến và tiền khởi nghĩa, duy Hà Nội còn ánh sáng, còn mái ngói, còn cửa sổ, hàng hiên và những ngọn điện đường.
Cho nên, giữa một địa hình làng xóm tối đen hoa mắt, bên này một vòng đai trắng, mà đứng ở đâu, tôi cũng quy định phương hướng Hà Nội thật dễ dàng, bằng vùng hào quang của Hà Nội ở xa xa, vùng hào quang chập chờn, nghi ngút, như dấy bốc lên từ một miệng lò vĩ đại. Màu hồng của lửa ném lên khoảng không mịt mùng ở một góc trời, đó là cái ấn tượng, cái hình ảnh cuối cùng Hà Nội còn gửi đến cho tôi, tôi đã ở xa rồi, đêm tối vây quanh, nhưng tôi còn nhìn thấy lửa của Hà Nội, và lửa ấy đã cháy sáng trong hồn tôi thành một tình yêu lớn.
Kẻ thức với đêm dài đến chán ngấy, đợi chờ một ánh nắng bình minh thấy cái đĩa mặt trời đỏ lửa hiển hiện, niềm vui có lẽ cũng chỉ ngang bằng với niềm vui mừng đầy xúc động của tôi, khi nhìn thấy vùng lửa xa của Hà Nội trong đêm.
Suốt mấy năm đầu của một lưu động trường kỳ, tôi không rời được mấy khu vực kế cận với Hà Nội, tôi quẩn quanh với những hàng xóm Hồng Hà, tôi lưu luyến với những bãi bờ sông Đáy, nguyên nhân tình cảm sâu nặng kín thầm là ở đó, nơi tôi không rời xa một ánh lửa đêm, ánh lửa tạo cho tôi cái cảm giác Hà Nội còn gần, và phía lửa Hà Nội còn kia, tôi còn có thể một ngày trở về Hà Nội. Lửa của trời Hà Nội. Lửa hồng bên trên, Hà Nội dưới lửa. Lửa cháy thành năm ngọn, mỗi ngọn một cửa ô. Lửa đỏ ba mươi sáu tầng. Mỗi tầng một phường cũ. Nhìn thấy lửa Hà Nội xa xa chập chờn dấy bốc với tưởng tượng dẫn đường và hình dung phóng lớn, kết tụ từ một tổng hợp của áng sáng muôn nghìn thành một vùng lửa lớn, tôi đã thấy được Hà Nội, qua từng khu phố, từng con đường. Lửa kia là của những ánh điện thấp thoáng tơ liễu buông rũ bên bờ Hoàn Kiếm, phản chiếu lên từ mặt nước Hồ Gươm. Chỗ sáng rỡ nhất của hào quang ném thẳng lên trời kia, không thể khác hơn là khu trung tâm đông chật của Hà Nội, lửa nhiều như vậy là lửa của Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Đào. Những đường viền mờ nhạt hơn, lúc có, lúc không, lúc ngời lúc tắt kia là lửa ngoại ô, với những ngọn đèn cao trên đê Yên Phụ, những chụp bóng thấp lối vào Cổ Ngư. Và cái hàng dài như một cánh tay, lan xa thành một mũi tên vàng trong bóng tối kia, là dẫy lửa hai hàng lấp lánh chạy từ phố Huế chạy tới Bạch Mai, giữa leng keng tàu điện Kim Liên trong chuyến cuối cùng về Ô Đống Mác. Lửa Hà Nội nhìn xa như thế, mê đắm nghìn lần hơn khi Hà Nội nhìn gần. Trời cứ tối đặc ở ba phương. Riêng lửa một phương Hà Nội sáng. Nhiều đêm tôi không nhìn thấy vùng lửa ấy của Hà Nội. Đó là những buổi tối có sương mù, có mưa dăng, và trời hậu phương những đêm đó, đã không còn một quê hương nào cho tầm mắt nữa.
Rời xa Hà Nội thêm, thêm những cây số đường vào miền trong, thêm những cây số đường lên miền ngược, lửa Hà Nội bỏ lại bên kia những triền núi, và những cánh rừng, tôi không còn nhìn thấy. Nhưng đi xa thuở đó, tôi đã mang lửa Hà Nội lên đường.
Trong mắt đã nhạt nhòa, mà đêm đêm nhớ về Hà Nội, lửa ba mươi sáu phố phường vẫn cháy sáng rực rỡ, một vùng trời lý tưởng. Hội lửa trong tôi về Hà Nội những năm đó chưa tắt. Còn bập bùng. Còn sáng rỡ. Những đêm đứng ở một đầu núi Thanh Hóa, những buổi tối đứng ở một lưng đèo Phú Thọ, xa cách với Hà Nội đã bằng một xa cách nghìn trùng, mà tầm mắt lữ thứ của tôi vẫn còn như sáng mãi vùng lửa ấy của địa hình Hà Nội trên trời Việt Nam đêm. Nói một cách khác, có thể là hết thấy, nhưng tôi vẫn nhìn về, nên Hà Nội vẫn sáng. Nói cho đúng hơn, lửa của Hà Nội đã có thể chỉ còn là thuần túy một ánh sáng tưởng tượng, nhưng tình yêu cũng lửa đỏ mà, tôi còn yêu, tôi còn lưu luyến, tôi còn gắn bó, nên giữa tối đen nào, Hà Nội vẫn sáng ngời, vẫn lấp lánh trong tôi.
Rồi tôi trở về Hà Nội. Rồi tôi vào Nam. Và một đêm lửa Hà Nội không còn cháy nữa. Bấy giờ là vào khoảng ba bốn giờ sáng. Bốn giờ sáng của một ngày tháng bảy của năm Việt Nam mang tên là đứt rời hai miền. Chiếc máy bay bốn động cơ vừa cất cánh từ phi trường Gia Lâm. Nửa đêm về sáng của khởi hành kín đặc sương mù. Phi cơ vừa rời khỏi phi đạo, lũ cỏ bãi nơi phi trường đã nhạt nhòa thành một biển sương đặc quánh. Chiếc phi cơ lượn vượt qua Hồng Hà, nghiêng cánh từ bên này Gia Lâm hướng về bên kia Giá Nứa lượn một vòng trên Hà Nội. Trên máy bay ngó xuống dưới biển sao tháng bảy hằng hà lấp lánh chưa từng bao giờ tôi được thấy lửa của Hà Nội lại dày đặc, trập trùng, muôn vàn như vậy.
Mỗi ánh đèn của Hà Nội đêm đó là một điểm lân tinh. Muôn vàn lân tinh của Hà Nội đã hóa thân thành biển. Có điều là, cùng với cháy sáng đồng loạt của lửa mà từ trên cái đường kính của một nghiêng cánh vĩnh biệt, tôi đã đồng thời nhìn thấy trong cái cõi ba mươi sáu phố phường lấp lánh động ảnh phía dưới, từng ánh lân tinh của Hà Nội tàn dần. Đêm lên đường, cái hệ thống đèn lửa lỗ đỗ của Hà Nội đang dần dần khép mắt. Từng ngọn một. Từ Yên Phụ tới Kim Liên. Từ Quan Chưởng tới cầu Rền. Từ Mã Mây tới Bẩy Mẫu. Bay lên khỏi địa hình Hà Nội, mỗi đốm lửa Hà Nội, trong tâm tưởng đã rời đứt vĩnh viễn với thủ đô cũ ở nơi tôi, là một ánh tinh thể xuất thoát khỏi một tử thi đã lâm chung, đã ngừng thở. Khi người nữ chiêu đãi viên bảo tôi là máy bay lên cao, đã bay vào một đường thẳng, đang hướng về những vì sao phương Nam, tôi nhắm mắt lại. Đầu óc tôi phút đó tối đen. Với tôi, đêm đó lửa Hà Nội đã tắt. Tắt tới cái điểm le lói cuối cùng của lửa.




GP Số 607 / PTUDV / PHBCNT / KSALP NGÀY 21-3-1973

Bản Đánh Máy thực hiện tại Biên Hòa tháng 7/2005 bởi Lê thị Khải Hoàn






>> Google drive downloadable link [Ấn bản tái bản lần thứ ba tại Hoa Kỳ 1987]




PHỤ LỤC

Nhà báo Phạm Huấn, sĩ quan cao cấp đầu tiên có mặt tại Hà Nội hơn 30 năm về trước
2005-10-30
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/literature_PhamHuan_PDien-20051030.html

Phạm Ðiền, phóng viên đài RFA

Nhà báo Quân đội Phạm Huấn vừa từ trần tại San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ. Nói về Phạm Huấn chúng ta còn nhớ cuốn bút ký “Một Ngày Tại Hà Nội”, ông viết về chuyến ra Hà Nội trong đợt giao trả tù binh giữa hai phía Hoa Kỳ và Bắc Việt vào năm 1973.


Vị Sĩ quan cấp tá duy nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà mặc quân phục đứng giữa thủ đô Hà Nội tháng 2 năm 1973 nhân chuyến ra Bắc dự khán và tuờng trình việc trao đổi tù binh Mỹ, là thiếu tá Phạm Huấn, đã vĩnh viễn ra đi tại San Jose, để lại tiếc nhớ cho bạn bè, đồng đội.

Phạm Huấn “Rock Hudson”

Khi chia sẻ cảm nghĩ, cảm tình với Phạm Huấn, nhà văn Hoàng Hải Thủy (hiện đang ngụ cư tại Virginia) cho biết một số chi tiết như sau:

“Phạm Huấn, năm 1960 lúc đó mới thiếu úy hay trung úy gì đó thôi. Hắn ta đẹp trai, đẹp trai nhất trong bọn chúng tôi đó, trắng trẻo, mà đời sống sạch sẽ. Ở trong quân đội không có tiếng tăm gì. Có một thời gọi Phạm Huấn là Rock Hudson, theo như tên của tài tử đẹp trai của Hollywood. Chỉ có một cái đau thương và buồn đó là, người ta mỗi người có một cái số, không thể nói trước được cuộc đời con người sau này sẽ ra làm sao.
Cái mà tôi muốn nói bị cái bệnh AlZeimer thì mấy năm sau yếu đuối, cái đó thật là đau thương mà chúng tôi không nói trước được, bây giờ mất rồi thì cũng chỉ than thở thế thôi cứ so tôi với Phạm Huấn thôi thì Phạm Huấn, đáng nhẽ số phải khỏe mạnh, phải hơn tôi mới phải chứ vì Phạm Huấn không có ăn chơi sa dọa. Tôi với Phạm Hậu thì bằng tuổi nhau.
Phạm Hậu, Phạm Huấn, Phạm Hùng rồi Phạm Long, Phạm Long kẹt lại, có một thời gian ở tù cộng sản với tôi, cùng trại tù ở số 4 Phan Đăng Lưu những năm 1977-1980, có 3 người trong 4 anh đó đi sang Mỹ trước là Pham Hậu, Phạm Huấn, Phạm Hùng và một cô em nữa đi qua Mỹ trước, Phạm Long bị ở tù tiếp, sau này mới đi được.
Khi Phạm Huấn còn sống thì tôi cũng có quyển đó mà tôi không thấy xúc động gì nhưng khi Phạm Huấn mất một cái, tôi mở ra tôi xem thì tơi thấy cái hình Phạm Huấn, đứng chụp, trong quân phục mà giữa lòng thành phố Hà Nội, tự nhiên tôi thấy xúc động.
Tôi lại có cái duyên mới đây tôi lại có quyển "Một Ngày Tại Hà Nội", bút ký viết năm 1973 của Phạm Huấn cùng với Phan Nhật Nam và Dương Phục lá 3 sĩ quan Việt Nam đã đi trên một cái máy bay của Ủy Ban Liên Hợp 4 bên về Hà Nội chứng kiến cuộc trả tù binh đợt thứ hai ở Gia Lâm ngày hôm đó.
Khi Phạm Huấn còn sống thì tôi cũng có quyển đó mà tôi không thấy xúc động gì nhưng khi Phạm Huấn mất một cái, tôi mở ra tôi xem thì tơi thấy cái hình Phạm Huấn, đứng chụp, trong quân phục mà giữa lòng thành phố Hà Nội, tự nhiên tôi thấy xúc động.
Và tôi thấy rằng trong 30 năm chúng ta chiến đấu chống cộng sản mà tôi uớc lượng là sĩ quan của chúng ta, từ thiếu úy cho đến cấp tướng, tôi không biết rõ bao nhiêu nhưng có thể 7, 8 chục ngàn đến 100 ngàn gì đó mà chỉ có một Phạm Huấn thôi là đã mặc bộ quân phục, lúc đó Phạm Huấn Thiếu Tá.
Mặc quân phục sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà đứng chụp ảnh ở giữa lòng thành phố Hà Nội. Tôi không thấy ảnh của Phan Nhật Nam, tôi không thấy ảnh của Dương Phục, tôi chỉ thấy ảnh đó, cái ảnh đó làm tôi xúc động và tôi có viết bài về đó và sẽ viết một bài về Phạm Huấn về Hà Nội và nhìn thấy những sĩ quan tù binh Mỹ bị giam ở Hỏa Lò và cảm nghĩ ra làm sao và tôi sẽ viết một bài.”


Cuốn hồi ký “Một Ngày Tại Hà Nội”

Cũng như nhà văn Hoàng Hải Thủy, điều gây ấn tượng mạnh cho nhà báo Đào Trường Phúc, hiện đang lo chăm sóc tuần báo Phố Nhỏ thì đó là cuốn “Một Ngày Tại Hà Nội”, một hồi ký được viết ngay vào ngày 19 tháng 2 năm 1973 sau khi một số quân nhân Việt Nam ra Bắc trong sứ mạng trao đổi tù binh Mỹ.
Cuốn sách đó được tái bản tại Mỹ năm 1984, nhà thơ Đào Trường Phúc đọc lại và cho biết vẫn còn giữ được ấn tượng đặc biệt khi ông đọc ban đầu bởi vì theo ông “Một ngày Tại Hà Nội” viết bởi một ký giả chiến trường kỳ cựu, không hề nói đến súng đạn chết chóc mà vẫn còn đầy đủ giá trị của một tài liệu sống thực và thâm thúy về chiến tranh Việt Nam.
Năm 1973, Phạm Huấn chứng kiến sự kết thúc cuộc chiến đối với Mỹ, khẳng định ngay tức khắc rằng đối với người Việt cuộc chiến chưa thể chấm dứt. Ba mươi năm sau ngày đất nước bị cưỡng chiếm, tình trạng chỉ thay đổi trên bề mặt, nhưng bản chất cuộc chiến vẫn còn nguyên như thế.
Và vì lý do đó, tác giả Đào Trường Phúc cho hay khi ông ngồi đọc lại những giòng ghi chép của Phạm Huấn trong “Một Ngày Tại Hà Nội”, ông đã đọc lại với tất cả cảm xúc còn nguyên vẹn như mấy chục năm về trước.


Từ Việt Nam khi được tin người em của ông Phạm Huấn báo tin Phạm Huấn đã “Về với Chúa”, nhà văn Văn Quang trong bài viết mang tựa đề phóng viên chiến trường năm xưa đã ra đi đã ghi lại một vào hoài niệm thuở Phạm Huấn đóng phim Ngàn Năm Mây Bay dựa trên một chuyện dài của Văn Quang.
Ông cho biết không nhớ chính xác đã quen nhau từ ngày nào nhưng dễ cũng có hơn nửa thế kỷ, và cho hay đầu thập niên 1960, Phạm Huấn đã phục vụ tại Phòng Báo Chí, Cục Tâm Lý Chiến, khi ấy ông vừa rời bỏ chức Đại Đội Trưởng Đại Đội Văn Nghệ vùng 1 đồn trú tại Quảng Ngãi.
Nỗi gian khổ của phóng viên chiến trường
Phạm Huấn có lẽ yêu đời phóng viên nên xin về làm báo quân đội. Phạm Huấn từng nói với nhà văn Văn Quang “sẵn sàng đi bất cứ chiến trường nào chứ không muốn ngồi bàn giấy làm biên tập viên.”. Câu nói này đưa ra vào lúc chiến trường sôi bỏng khắp nơi.
Nhân bài viết của Văn Quang đăng trên báo chí Việt Ngữ hải ngọai cuối tuần này về Phạm Huấn, những người ngoài quân đội và không ở trong giới truyền thông và phóng viên chiến trường thời trước, mới biết được thêm sự gian khổ của các ê kíp phóng viên chiến trường trong khi được cử đi viết tin trong 4 vùng chiến thuật. Họ đều có những nỗ lực và sức chịu đựng cao vì phần lớn các phóng viên chiến trường trẻ ngoài gian khổ còn “đều rách như cái mền”
Quan hệ giữa nhà văn Văn Quang và phóng viên chiến trường Phạm Huấn thân đến độ gọi nhau là mày mày tao tao được, nên trong một phần gợi lại kỷ niệm, ông Văn Quang gợi nhớ cả con người hào hoa của Phạm Huấn.
Sau những giây phút căng thẳng trên chiến trường, Phạm Huấn trở về thành phố Sài Gòn “rũ áo phong trần, khoác áo hào hoa, thấy dáng thư sinh công tử của Phạm Huấn, không ai nghĩ ông mới thoát chết trên đại lộ kinh hoàng với hai đồng nghiệp Dương Phục và Thanh Thủy.
Phạm Huấn được rất nhiều bông hoa hương sắc của Sài Gòn ngày xưa đem lòng ái mộ. Trên phương diện một phóng viên chiến trường thì theo lời nhà văn Văn Quang, tháng 2 năm 1973, Phạm Huấn, Phan Nhật Nam, Dương Phục đi theo phái đoàn ra Hà Nội làm phóng sự trao tra tù binh đợt 2 diễn ra tại phi trường Gia Lâm.
Vào thời gian đó Hà Nội đối với người dân Miền Nam hoàn toàn xa lạ cho nên việc có dịp ra Hà Nội là chuyện hầu như không thể xảy ra. Toàn bộ bài tường thuật được đưa lên đài Phát Thanh Quân Đội. Phóng sự đặc sắc được thính giả đón nhận nồng nhiệt khiến Đài Phát Thanh Quân Đội phải phát lại đến 3 lần nữa.
Thưa chúng tôi cũng đã sống với anh Phạm Huấn, những cái ngày của tháng 2, tháng 3 năm 1973, những người ký giả đầu tiên ra miền Bắc tại Hà Nội trong lần trao trả tù binh Mỹ theo Hiệp Định Paris và anh đã vẽ nên một cái thực trạng, anh đã báo động cho miền Nam biết qua phóng sự “Một Ngày Tại Hà Nội”, đó là một thành phố vô tính, thành phố không có tính người.
Sau này khi sang đến Mỹ, cựu phóng viên chiến trường Phạm Huấn còn viết thêm 4 cuốn sách nữa về Việt Nam, đó là: - "Triệt Thoái Cao Nguyên" năm 1987 - "Những Trận Đánh Lớn Trước Khi Mất Miền Nam" năm 1988 - "Điện Biên Phủ 54-Ban Mê Thuột 75" (1988) và – "Trận Hạ Lào" (1990).
Nhà văn Văn Quang ghi nhận một đời sống thật ý nghĩa nơi Phạm Huấn, một người mà ông cho rằng với 5 tác phẩm đã để lại, thế hệ sau này sẽ có dịp nhìn rõ hơn những điều sống động, xác thật đã và đang xảy ra trong lịch sử dân tộc mình. Văn Quang cho rằng không phải ai cũng làm được điều như thế. Người phóng viên chiến trường năm xưa đã ra đi, nhưng những gì để lại vẫn còn sống mãi.

Bức chân dung thật của Hà Nội

Tình chiến hữu và sự yêu mến của những đồng đội dành cho Phạm Huấn rất lớn, đã được tác giả Mùa Hè Đỏ Lửa Phan Nhật Nam một phóng viên chiến trường nổi tiếng trong bài viết tiễn đưa người quá cố như sau: “Chúng tôi, những người bạn của anh Phạm Huấn đang ở San Jose.. Anh Huấn không phải là niên trưởng, mà là người bạn lớn của chúng tôi, những người làm báo, những người làm phóng viên chiến trường của miền Nam ngày trước.
Chúng tôi đã chứng kiến anh những cái ngày đẹp nhất năm 1962 khi anh làm phóng sự cho ngày lễ mãn khoá khoá 16 trường Đà Lạt, chúng tôi sống với anh những ngày năm 1970 khi tấn công qua Kampuchia, chúng tôi sống với anh năm 1971 Lam Sơn 719 đánh qua Hạ Lào. Chính năm này, phóng viên chiến trường Phạm Huấn, đã nói lên tiếng nói của người lính miền Nam với Phó Thủ Tướng Trần Văn Hương.
Thưa chúng tôi cũng đã sống với anh Phạm Huấn, những cái ngày của tháng 2, tháng 3 năm 1973, những người ký giả đầu tiên ra miền Bắc tại Hà Nội trong lần trao trả tù binh Mỹ theo Hiệp Định Paris và anh đã vẽ nên một cái thực trạng, anh đã báo động cho miền Nam biết qua phóng sự “Một Ngày Tại Hà Nội”, đó là một thành phố vô tính, thành phố không có tính người.
Hơn thế nữa, anh là một người báo động cho miền Nam sự bức tử của cao nguyên, sau cái buổi họp 14 tháng 3 năm 1975 tại Cam Ranh và ông Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao Văn Viên đã rút ra khỏi Tây Nguyên trong khi đang tăng viện Phước An và trên cái chiếc tàu bay khi đến Phước An ngày 12 tháng 3.
Anh Phạm Huấn là người đã chuyển lệnh đến chuẩn tướng Trường, Tư lệnh Sư Đoàn 23 để rút khỏi Phước An đi về Khánh Dương, rút khỏi Khánh Dương chuyển về Dục Mỹ và lần lần là cuộc bức tử Tây Nguyên và anh Pham Huấn chính là người báo động lần bức tử của miền Nam.
Thưa quý vị thính giả, thưa tất cả các bạn, chúng tôi là những người lính, chúng tôi là những người dụng văn để viết nên những cái chữ, về người lính, về cuộc chiến và tôi nghĩ rằng, trong 40 năm qua, anh Phạm Huấn hơn là một người phóng viên của chiến trường, anh đã báo động cho chúng ta biết, những cái lần bức tử Huế.
Anh đã vẽ ra chân dung thật của Hà Nội, anh cũng là người cộng tác báo Diều Hâu, thật sự ra chỉ là hai cá nhân Phạm Huấn và Nguyễn Đạt Thịnh, hợp cùng với kẻ sĩ của miền Nam, cụ Trần Văn Hương và thiếu tuớng Nguyễn Văn Hiếu để đưa vụ án tham nhũng tai tiếng của miền Nam tức vụ án "Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội" ra trước ánh sáng.”


Lễ Tiễn Biệt

Bạn bè của Phạm Huấn tứ xứ và khắp nơi trên đất Mỹ đã đổ về San Jose để có dip từ giã Phạm Huấn. Lễ cầu hồn cho Phạm Huấn được cử hành trong thể vào lúc 2 giờ chiều ngày Thứ Bảy tại thánh đường St Patrick ở thành phố San Jose, Bắc California. Và tiếp sau đó là Lễ Hỏa Táng theo ý gia đình.
Tình gia đình, tình đồng đội, tình bạn được bào đệ của người nằm xuống là Phạm Hùng trong điếu văn tiễn biệt nêu lên như điều đáng yêu nhất của người đã khuất, ông nói:
“Triết lý sống của Pham Huấn giản dị như con người của anh, anh luôn tâm niệm không bỏ anh em, không bỏ bạn bè, vì vậy trong suốt cuộc đời của anh, anh đã làm con, làm cha, làm chồng, làm em, làm thuộc cấp, làm thượng cấp nhưng tôi nghĩ, vai trò anh xuất sắc nhất là làm bạn. Anh đối xử với mọi người bằng thứ tình người chân thật.”


© 2005 Radio Free Asia


* * *


.

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...