. .

Saturday, November 28, 2009

Viết Về Người Anh Em Linh Mục - Lm Nguyễn Hữu Lễ

Viết Về Người Anh Em Linh Mục

Lm Nguyễn Hữu Lễ

Tin Linh mục Nguyễn Văn Lý bị tai biến mạch máu não, bị liệt nửa người và được đưa từ trại tù Nam Hà về bệnh viện ở Hà Nội điều trị đã làm nhiều người quan tâm và bày tỏ lòng thương mến. Trong nước, số đông thân nhân và giáo dân tới bệnh viện thăm. Ờ hải ngoại tin cha Lý bị “stroke” được truyền đi nhanh chóng trên các cơ quan truyền thông Việt ngữ với lời cầu nguyện cho Cha được bình phục, tai qua nạn khỏi. Một vài tờ báo ngoại quốc cũng đăng tin này và nhân dịp này có sáu Dân biểu Mỹ, trong đó có Dân biểu gốc Việt, Cao Quang Ánh, lên tiếng kêu gọi cộng sản Việt Nam trả tự do cho Linh mục Nguyễn Văn Lý.

Một lần nữa, tên tuổi Linh mục Nguyễn Văn Lý lại trở thành đề tài thời sự, sau sự kiện “phiên tòa bịt miệng” ngày 30 tháng 3 năm 2007, và chắc chắn là đề tài này sẽ còn được nhiều người nhắc tới. Cụ thể là có thông báo trên các diễn đàn điện tử về cuộc Paltalk vào ngày Chúa Nhật 21 tháng 11 trên diễn đàn của Khối 8406 nói về Linh mục Nguyễn Văn Lý mà diễn giả là Linh mục Phan Văn Lợi ở Huế và nhà văn Trần PhongVũ ở Hoa Kỳ, cuộc hội luận này sẽ do Mục sư Huỳnh Quốc Bình điều khiển chương trình.

Về phần tôi, dĩ nhiên tôi rất đau xót và cảm thương khi biết tin cha Lý bị cơn bệnh hiểm nghèo, và tôi cầu nguyện cách riêng cho cha Lý được ơn chữa lành để vượt qua cơn bệnh. Tôi thương cha Lý vì là Ngài là một anh em linh mục của tôi. Tôi thương cha Lý vì Ngài là người bạn tù nhiều năm với tôi trong trại Thanh Cẩm và Nam Hà . Tôi thương cha Lý vì Ngài cùng chung lý tưởng với tôi trong việc tranh đấu cho Dân tộc và Tôn giáo. Ngoài ra tôi còn kính phục ý chí kiên cường bất khuất của Ngài trong vai trò của một linh mục đã hiên ngang đứng thẳng người, cất cao đầu để làm chứng nhân cho SỰ THẬTgiữa lòng một chế độ chủ trương gian dối, cổ võ cho sự lưu manh và lừa đảo.













Cha Lý trong phiên tòa bịt miệng của VC 30 tháng 3 năm 2007

Để làm trọn vai trò chứng nhân cho SỰ THẬT, cha Lý vui lòng chấp nhận cuộc sống lao tù dưới chế độ cộng sản. (Tôi viết thêm mấy dòng này cho những ai may mắn chưa bị rơi vào nhà cộng sản: xin đừng quá “đơn sơ” đem so sánh nhà tù Mỹ, Úc, Canada … với nhà tù cộng sản.) Dù vậy trong loại nhà tù mang tính chất trả thù và tiêu diệt của Việt cộng đó, tôi nghĩ là thân xác cha Lý không cảm thấy đau khổ bằng tinh thần, với tâm trạng cô đơn, bị hiểu lầm và bị bỏ rơi, ngay cả bởi những anh em linh mục và một số chức sắc cao cấp của Giáo Hội Việt Nam. Tôi rất đau lòng khi nghe một số người, kể cả giáo sĩ, để biện minh cho thái độ “khôn ngoan và biết sống hợp thời” của họ đã không tiếc lời chỉ trích và kết án cha Lý. Những lời kết án này, so với lời buộc tội của loại tòa án rừng rú, như kiểu phiên tòa “bịt miệng” của Việt cộng, còn nặng nề hơn gấp bội. Về điểm này, tôi cảm thấy thương và xót xa cho cha Lý nhiều hơn.

Là một người Việt Nam, tôi tạ ơn hồn thiêng sông núi đã sản sinh ra một người con Việt Nam Nguyễn Văn Lý, người đã quên cuộc đời mình, nêu tấm gương anh dũng thách thức bạo quyền để nói SỰ THẬT về số phận dân tộc Việt Nam đang phải chịu đựng dưới chế độ vô nhân và quỷ quyệt nhất trong lịch sử dân tộc. Là một linh mục, tôi cảm thấy hãnh diện vì trong giai đoạn lịch sử khi mà Giáo hội phải sống dưới chế độ vô thần cộng sản, một chế độ quyết tâm tiêu diệt các tôn giáo, dưới hình thức này hoặc quỷ kế khác, có được một Linh mục Nguyễn Văn Lý hiên ngang nói lên SỰ THẬT về tình trạng của Giáo hội Công giáo và các tôn giáo nói chung, một điều mà ai cũng biết nhưng vì quá “khôn ngoan” nên đành im tiếng.

Ngày nay, nếu nhìn vào Giáo Hội tại quê nhà, chắc hẳn những người công giáo sẽ vui mừng hớn hở trước cảnh tượng trăm hoa đua nở. Các buổi lễ, các cuộc rước kiệu, các dịp hành hương, các Đại Hội thật rầm rộ. Các cơ sở tôn giáo, các cơ quan từ thiện, các dòng tu đã được chỉnh trang. Nhờ vào công khó của các linh mục và sự yểm trợ tài chánh của đồng bào hải ngoại, các nhà thờ được sửa sang, một số nhà thờ mới được xây lên, có nơi thật nguy nga tráng lệ, và chắc là còn nhiều nhà thờ khác đang nằm trong bản vẽ. Trải qua 4 thể chế chính trị, từ thời Pháp thuộc, đến thời Đệ Nhất Cộng Hoà rồi Đệ Nhị Cộng Hoà và chế độ cộng sản ngày nay, tôi có thể khẳng định chưa bao giờ Giáo hội Công Giáo Việt Nam “được mùa” và nở rộ như dưới chế độ cộng sản vô thần như hiện nay. Xin nói cho rõ, tôi không bao giờ phản đối nhu cầu sửa sang và xây nhà thờ tại Việt Nam, nhưng hiện tượng này làm cho tôi phải suy nghĩ.

Sự suy nghĩ của tôi rất đơn giản, dựa trên những gì tôi hiểu biết khi nghiên cứu về lịch sử Giáo hội. Bài học trong lịch sử Giáo hội cho tôi biết một điều mà tôi cho là một chân lý:

Thời đại nào mà Giáo hội bị bắt bớ, bị ngược đãi, giáo sĩ và giáo dân bị cầm tù, bị chém giết: Đó là lúc Giáo hội mạnh nhất. Ngược lại thời đại nào mà Giáo hội dựa vào các các thế lực chính trị và được chánh quyền ban cho nhiều quyền lợi, nhiều bổng lộc, nhiều ưu tiên: Đó là lúc Giáo hội sa đọa nhất.

Trong chiều hướng đó, tôi ước mong rằng bên cạnh những ngôi nhà thờ bằng gạch đá, được xây dựng khá nhiều giữa lòng một dân tộc nghèo khổ đang sống dưới chế độ đầy dẫy sự bất công, và chế độ đó luôn tìm khai thác mâu thuẫn giữa các tôn giáo, Giáo hội Việt Nam cần phải có một ngôi ĐẠI THÁNH ĐƯỜNG xây bằng SỰ THẬT. Ngôi Đại Thánh Đường này rất cần thiết cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam để soi đường chỉ lối cho đàn chiên đang sống dưới nanh vuốt của loài lang sói, biết đi theo đúng con đường của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nói: “Ta là Đàng, là SỰ THẬT và là Sự Sống”.

Tôi rất vui mừng được biết ngôi Đại thánh Đường của SỰ THẬT đang được một số người ra công xây dựng tại Việt Nam và Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, trong bao nhiêu năm tù tội dưới chế độ vô thần cộng sản, đã âm thầm làm công việc của người thợ cái.

Lễ Chúa Kitô Vua 2009
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...