. .

Sunday, April 19, 2009

GIỚI THIỆU SÁCH “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” -Tô Hải

Tác Giả NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC
________________________________________
DCVOnline: (*) Nhạc sĩ Tô Hải, tên thật là Tô Đình Hải (1927), tác giả ca khúc Nụ cười sơn cước, Giải thưởng Nhà nước đợt 1 (năm 2001), Theo Nhịp cầu âm nhạc còn là tác giả của hơn 500 bài báo và hơn chục đầu sách dịch, trong đó có tác phẩm của những nhà văn lớn: Victor Hugo, John Ernst Steinbeck III, Peter Adam.

Trả lời Hà Đình Nguyên của Việt Báo.vn, Tô hải nói: “Thời tiểu học, tôi học hát và tham gia ban đồng ca Saint Joseph, từng đoạt giải thưởng âm nhạc Chim Sơn Ca của Hướng đạo sinh toàn Đông Dương. Đang học dở tú tài 2 thì tôi nhập ngũ ngày 19/08/1945. Tôi viết ca khúc đầu tay Trở về đô thành (1946) rồi Nụ cười sơn cước (1947) đều do bản năng và mê nhạc mà thành. Tôi luôn tự cho mình là một người lính làm nhạc cho mình, cho đồng đội mình hát.”

Trả lời một câu hỏi khác Tô Hải nói, “Kim Bôi là một dãy núi thuộc tỉnh Hòa Bình. Dạo đó đơn vị tôi ở nhờ một làng dân tộc Mường. Tôi được ở trong một gia đình có cô con gái rất đẹp, nàng tên là Phẩm. Cũng chỉ là "để ý" thầm vậy thôi! Khi đơn vị tôi chuyển quân, với tình cảm lưu luyến hết sức chân thành tôi đã: "hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trăng, một chiếc vòng sáng lóng lánh với nụ cười nàng quá xinh!" và chuyển những tình cảm này thành ca khúc, ca ngợi chung những bông hoa rừng mà tôi đã từng gặp... Cô Phẩm ngày xưa giờ đã là một thiếu phụ luống tuổi, ăn mặc theo kiểu người Kinh và... chẳng biết tôi là ai cả! Nhắc lại chỉ thêm buồn... Biết vậy, cứ hãy sống với kỷ niệm xưa.”

Người hướng Tô Hải vào nghiệp âm nhạc là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.

HỒI KÝ của một Thằng Hèn
Nguồn: Tiếng Quê Hương




LỜI MỞ


Vì sao tôi viết hồi ký?


“Khi bắt tay vào viết hồi ký, ấy là lúc
mọi khát vọng sáng tạo đã cạn, mọi
ham mê, hoài bão đã tắt, và thần
chết đã cầm lưỡi hái hiện trước cửa sổ... ”
_______________________________________
Câu mở đầu đó, nếu tôi không nhầm, là của George Sand (1) mà tôi đã đọc, đã thương cảm và đã tự nhủ rằng rồi đây chính mình cũng sẽ phải để lại cho đời ít dòng nói thật khi bước vào tuổi 70, nếu như cái chết lãng nhách không đến bất chợt!

Biết đâu đấy, rồi đây lịch sử sẽ có thêm được một số chi tiết trong “tội ác diệt văn hóa” của nhà cầm quyền Việt Nam trong một thời gian dài trên nửa thế kỷ nhờ những chứng liệu được ghi trong hồi ký của một kẻ từng làm thứ văn nghệ gọi là “vì Đảng vì dân” trong suốt đời mình.

Hãy nhìn lại lịch sử văn học nghệ thuật ở miền Bắc Việt Nam mà xem.

Một lỗ hổng lớn!

Đúng vậy! Hậu thế sẽ thắc mắc: làm sao mà từ năm 1945 đến đầu thế kỷ 21, nhân tài đất Việt ở miền Bắc Việt Nam ‒ một thứ Đàng Ngoài của lịch sử lặp lại ‒ ít ỏi đến thế?

Tác phẩm của họ đâu rồi, ngoài lèo tèo mấy bài thơ của Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán...và chẳng có một tiểu thuyết, một đoạn văn nào đáng được trích giảng trong các trường từ tiểu, trung đến đại học? Vậy mà suốt thời kỳ đất nước nằm dưới “sự lãnh đạo vô cùng sáng suốt” và “duy nhất đúng đắn” của những tên “xuất thân thành phần cơ bản”, trình độ học thức ở mức “đánh vần được chữ quốc ngữ”, các văn nghệ sĩ công chức ở nơi này vẫn được nhà cầm quyền trao tặng “Giải thưởng Nhà Nước”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và đủ thứ bằng khen giấy khen, được trang trọng lồng kính treo kín những bức tường phòng khách!

Thử hỏi những tác phẩm được khen nức khen nở ấy giờ ra sao?

Té ra tất cả đã bị lịch sử xếp xó.

Hơn thế nữa, những tác giả được Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa khen hàng loạt nọ, trong thực tế, còn là những kẻ bán rẻ lương tâm đã lợi dụng các loại hình văn nghệ để ca ngợi những điều bất nhân, bất nghĩa bị cả nhân loại phỉ nhổ: khuyến khích con đấu cha, vợ tố chồng; hô hào kích động người cùng một nước chém giết lẫn nhau; ra sức ngợi ca những tên sát nhân khét tiếng như Stalin, Mao Trạch Đông… thậm chí, còn quỳ gối khấu đầu tạ ơn những tên đao phủ và cái tổ chức tội ác là “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, dạy những đứa trẻ bập bẹ biết nói: “tiếng đầu lòng con gọi Stalin!” Nhục nhã thay cho những kẻ cam tâm bợ đít, luồn trôn kẻ giết cha mình! Cho tới cuối thế kỷ 20 vẫn còn những kẻ u mê cứ tưởng các “tác phẩm” tuyên truyền cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cho hận thù dân tộc, cho đấu tranh giai cấp của chúng là giá trị lắm! Cứ xem chúng tâng bốc nhau, nịnh bợ nhau, bôi xấu nhau, kiện cáo nhau, để được nhận cái… vết nhơ một thời làm lính văn nghệ của Đảng thì thấy.

Không thể nín nhịn mãi, nhân dịp người ta tổ chức mừng sinh nhật 70 tuổi của tôi để ghi công những năm làm nô bộc của tôi, tôi đã công khai phủ nhận tuốt tuột những gì tôi gọi là “tranh cổ động bằng âm thanh” trên Tivi Sài Gòn. Tôi kiên quyết không cho phát lại những gì tôi được nhà cầm quyền ngợi khen suốt quá trình sáng tác. Để nhắc đến những tác phẩm của tôi, tôi chỉ đồng ý lên một chương trình do chính tôi soạn thảo và đặt tên. Nó gồm những tiếng nói của trái tim bị cấm đoán, bị lên án, thậm chí bị trù dập suốt nửa thế kỷ.

Sau hết, dựa vào thời cơ “Đổi Mới”, nhờ những bạn bè đồng tình với tôi và còn giữ được một số quyền hành cuối cùng trước khi về hưu, chương trình Nửa Trái Tim Tôi của Tô Hải đã ra mắt trọn một tiếng đồng hồ với toàn những “tác phẩm bỏ tủ lạnh”, với những lời tuyên bố gây “sốc” mạnh trong giới làm nhạc ăn lương.

Những đồng nghiệp thực sự có tài và có tâm sự giống tôi thì hài lòng. Số này, khi trả lời phỏng vấn, cũng chỉ dám nhận một cách khiêm tốn con số ít ỏi những gì mình làm ra xứng đáng được gọi là tác phẩm.

Còn số khác, những “nhạc sĩ” bám chặt thành tích 500, 1000 bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác, động viên con em ra chiến trường hiện còn tiếp tục lải nhải kể công với Đảng để xin “tí tiền còm” nhân danh giải này giải nọ thì tự ái, nổi khùng, gọi tôi là “tên phản động”.

Trả lời những câu hỏi của báo chí hoặc truyền thanh truyền hình, tôi luôn nhắc lại nguyên lý bất diệt của nghệ thuật: “Chỉ những gì từ trái tim mới đến được trái tim”! Nhưng trái tim của tôi, hỡi ôi, gần một thế kỷ qua lại không đập vì...tôi! Nó bị trói buộc, bị cưỡng bức phải đập vì những cái xa lạ với tôi: vì Đảng, vì hai cuộc chiến, vì những tín điều nhập khẩu từ các nước cộng sản Nga, Tầu.

May thay, thời thế rồi cũng đổi thay.

Liên Xô, “quê hương của cách mạng vô sản toàn thế giới”, “ngọn đuốc soi đường cho nhân loại” sụp đổ cái rụp. Thần tượng Marx, Lenin, Stalin gần 70 năm được tôn thờ hơn cả Chúa Trời bị đập tan!

Đọc hồi ký, di bút của các văn nghệ sĩ vĩ đại của mọi thời đại như Beethoven, Modigliani, Rubinstein, Stravinsky, Litz, ... hay của các nhà chính trị như de Gaulle, Khrutchev, Nixon, ... càng thấy cái cao thượng của họ bao nhiêu càng thấy cái bẩn thỉu, thấp hèn của các nhà “chính chọe” (politicaillerie) bấy nhiêu.

Biết bao tên tuổi lớn đã chịu sự hắt hủi, lên án, thậm chí săn đuổi, cách ly của một thể chế, của tập đoàn nắm quyền lực, kể cả bị lên án là “phản bội” đã để lại cho chúng ta các tác phẩm ghi lại những gì họ suy ngẫm qua những trải nghiệm trong cuộc đời, những buồn đau, khổ cực, những chịu đựng ghê gớm cả về vật chất lẫn tinh thần để tồn tại, để tìm tòi và sáng tạo.

Trong khi đó, hồi ký của các “lãnh tụ cách mạng” chỉ là những cuốn sách viết ra cốt tự đề cao mình một lần cuối, để giải thích (chống chế thì đúng hơn) cho những hành động sai lầm, đổ tội cho người khác về những thất bại mang tính lịch sử mà kẻ viết hồi ký chính là tội phạm. Vậy thì, tôi, Tô Hải, một cái tên được nhiều người biết ở cái thời “âm nhạc phục vụ công nông binh”, ở cái thời mà âm nhạc, nếu không làm đúng yêu cầu của Đảng sẽ lập tức bị bọn “quan văn nghệ” lên án là “mất lập trường”, là “cá nhân tiểu tư sản”, thậm chí là “âm nhạc phản động”, có gì để mà hồi với ký?

Bánh xe lịch sử quay với tốc độ kinh hoàng đã cuốn phăng những “tác phẩm”, và cả những tác giả của chúng từng đoạt giải thưởng này huân chương nọ lại than ôi, có cả tôi trong đó!

Lẽ công bằng chậm chạp cho đến nay đã phục hồi một cách rụt rè (không cần một quyết định hành chính nào hết) những tác phẩm và những tác giả một thời bị đoạ đầy, bị cấm đoán. Cuộc Đổi Mới ‒ thực tế là trở lại như cũ ‒ với các quan niệm về cái đẹp đã cho những “tên tuổi lớn” một thời trong mọi lãnh vực quân sự, chính trị, văn học, nghệ thuật những cái tát tỉnh người!

Trong “cơn đau cuối đời”, một số cựu uỷ viên trung ương đảng không còn chỗ ngồi ghé trong các ban chấp hành mới, mấy ông tướng bị cho ra rìa, ngồi chơi xơi nước hoặc bị khai trừ khỏi đảng vì bất tuân thượng lệnh, đã tỉnh ngộ. Kinh nghiệm một đời theo Đảng đã cho họ cái để viết nên những trang “sám hối” có phần nào giá trị. Họ phải trả giá cho sự dám nhìn lại cuộc đời bằng con mắt khách quan và tỉnh táo bằng sự trừng trị tương đối nhẹ nhàng so với người đối kháng khác: bị giam lỏng tại nhà, bị cắt điện thoại, tịch thu computer...

Trong khi đó ‒ tôi xin nhắc lại ‒ mấy anh văn nghệ sĩ mơ ngủ vẫn xúm đen xúm đỏ chen lấn nhau để giành bằng được mấy cái giải thưởng cho những tác phẩm mà con cháu ngày nay chẳng còn coi là cái giống gì. Ấy là chưa kể những kẻ chẳng bao giờ góp mặt trong nền văn nghệ, kể cả văn nghệ “phục vụ cách mạng”, nhân dịp này dịp khác cũng được nhà nước vô sản hào phóng ban thưởng về “sáng tác”!

Một bức tranh cười ra nước mắt.

Riêng tôi, khi chẳng còn lao động nghệ thuật được nữa (đúng hơn là không còn muốn lao động nghệ thuật nữa) bỗng dưng lại được cái Nhà Nước công nông binh tặng cho cái “Huân Chương Lao Động Hạng Nhất”.

Và khi không còn sáng tác nữa (đúng ra là không muốn sáng tác nữa) lại được người ta treo lên cổ cái mề-đay “Giải thưởng Nhà Nước”! Sướng chưa?
(với Trần Hoàn)

Tội nghiệp cho mấy anh Văn Chung, Nguyễn Đình Phúc, Lê Yên, Vũ Trọng Hối, Trần Ngọc Xương, ... chẳng còn sống ở trên đời để mà hưởng cái “Giải thưởng Nhà Nước” nọ. Nói thêm chút cho vui: Cái giải thưởng này quy ra tiền cũng được gần bằng một phần mười giải thưởng tặng cho hoa hậu đấy. Mà để làm hoa hậu thì cần quái gì phải có học.

Bi kịch hay hài kịch đây?

Dù sao cái giải thưởng đáng giá hai năm lương hưu của tôi cũng là món tiền thêm vào cho hai năm tôi ngồi viết những trang tiếc nuối cuộc đời mà các bạn đang cầm trong tay. Không có nó tôi đành ôm cả núi ân hận mà về với đất. Vì không có nó thì lấy gì ăn để mà viết? Cho nên tôi cũng thấy cần ghi lại ở đây “lời tri ân” đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tạo điều kiện cho tôi viết nên những dòng hồi ký này.

Thế là, với sức tàn còn lại, tôi bắt đầu...

________________________________________
Những hình ảnh đầu tiên đến với tôi rõ nét nhất chính là những thời gian, không gian, sự kiện và những con người đã mang lại cho tôi những cảm xúc, những niềm vui và nỗi buồn.

Trong đầu tôi tràn ngập hồi ức đòi được thoát ra.

Vì thế trong khi viết, tôi luôn phải cố gắng sao cho khỏi lạc “chủ đề tư tưởng” (cách nói méo mó trong ngôn từ văn nghệ cộng sản). Và trước hết, tôi phải đè bẹp được sự “hèn nhát” trong tôi là cái đã bén rễ sâu chặt do thời gian quá dài sống trong lồng kín, cách ly bầu trời tự do.

Tôi sẽ viết để bạn bè, con cháu hiểu và thông cảm nỗi đau của những người cả cuộc đời phải sống và làm việc với cái đầu và trái tim của tên nô lệ.

Tôi tình nguyện làm một trong những người vạch trần những bộ mặt chính trị dỏm, văn nghệ dỏm, những tên cơ hội, đã cản trở, giết chết tác phẩm, đẩy những tài năng vào hố sâu quên lãng.

Đáng buồn là những chuyện được giấu kín đó, tôi đều được biết, thậm chí còn được tham dự các kế hoạch hại người (được gọi là kiểm điểm, học tập, thu hoạch... ) ngay từ khi chúng mới được phác hoạ, trong suốt quá trình tôi ở cương vị cấp uỷ, lãnh đạo chỉ đạo nghệ thuật.

Để bảo vệ chỗ đứng của mình, tôi đã không dám cãi lại những lời chửi rủa bố tôi là đồ “phản động”, mẹ tôi là “Việt gian”, họ hàng nhà tôi là “tay sai đế quốc”!

Vậy thì làm sao tôi dám bảo vệ cho một Đoàn Phú Tứ là không phản bội, một Phạm Duy là không phải “dinh tê” chỉ vì không chịu được gian khổ”?

Tôi đã chọn con đường cúi đầu nín lặng mặc dù tôi biết rõ nguyên nhân vì sao ông cậu Đoàn Phú Tứ của tôi phải về Thành, biết rõ không ai không sợ chết mà lại dám một mình vác đàn, nhịn đói vượt U Bò, Ba Rền vào chiến trường Bình Trị Thiên ác liệt nhất để viết nên Bà Mẹ Gio Linh, Về Miền Trung như Phạm Duy. Tôi đã là thế đấy. Những âm mưu hạ tiện đó, tôi không phải không biết. Trái lại, tôi hiểu ra ngay từ lúc chúng mới được bàn bạc trong “nội bộ”. Lòng tôi chống lại thủ đoạn hại người, nhưng miệng tôi lại không dám nói ra.

Nỗi bất bình bị dồn nén ám ảnh tôi suốt mấy chục năm trời. Dần dà, nó biến tôi thành một núi mâu thuẫn. Mặc dầu tôi tự nguyện dồn nén, miệng núi lửa kia thỉnh thoảng lại bục ra. Những phản ứng không kìm được xảy ra ngày một nhiều và được các công bộc mẫn cán của Đảng ghi lại bằng giấy trắng mực đen trong lý lịch đảng viên của tôi, kèm theo nhận xét “không có ý thức bảo vệ Đảng”, “hay phát ngôn vô trách nhiệm”. Tôi mang tội “không có ý thức bảo vệ Đảng” chẳng qua vì tôi không chịu bảo vệ Đảng và những đảng viên có chức có quyền làm những điều sai trái.

Ngay cả với trưởng ban Tổ Chức Trung Ương Lê Đức Thọ quyền sinh quyền sát là thế mà tôi cũng có lần nói thẳng mặt: “Tại sao khi những người nhân danh Đảng làm bậy, chúng tôi phê phán họ thì lại bị ghép vào tội chống Đảng, chống chủ nghĩa cộng sản? Tại sao lẽ phải bao giờ cũng thuộc về họ, mặc dầu họ không có một xu kiến thức để đối thoại với chúng tôi?”

Đó là một trong những “cú liều” đem lại cho tôi nhiều thiệt thòi, cay đắng. Với những “cú liều” này, bạn bè bảo: “Tô Hải là thằng ‘có bản lãnh’”. Những người cùng nghĩ như tôi nhưng biết giữ mồm giữ miệng thì khoái lắm, vì đã có Tô Hải nói thay! Số còn chức còn quyền nhưng không đến nỗi tồi tệ quá thì cố tìm cách “hãm phanh” tôi lại để các “anh trên” đỡ vì đau đầu mà phạng lung tung. Còn tôi, ở cái tuổi ngoài 70, chẳng còn gì để mất, lại được sự cổ vũ của số lớn bạn bè, tôi cứ “nổ” khi có điều kiện.

Cũng có người cho rằng tôi “dại” có cỡ, có kẻ nhắc là “cẩn thận kẻo vào tù!” Nhưng tôi đã quyết: 55 năm miệng bị lắp khoá kéo, nay đã già, đã về hưu, có chia xẻ với bạn đọc những hồi ức của đời mình thì cũng chẳng còn phải e ngại các lời ong tiếng ve rằng mình vì tư lợi, muốn kiếm chác cái gì.

Còn về Đảng ư? Tôi đã cóc cần nó từ khuya rồi và hết sức vinh dự được trở lại hàng ngũ nhân dân đang bị một nhóm người bắt sống cuộc sống trại lính, ăn gì, mặc gì, xem gì, đọc gì, thậm chí chết kiểu gì cũng đều do họ quy định và cho phép!

Tôi đã nói và sẽ nói, nói tất, nói với bạn bè, với người thân, với con cháu, chắt, chút, chít những gì mà bộ não ông già 70 còn ghi nhớ được về cái thời tưởng mình là một cánh đại bàng bay bổng giữa trời.

Nhưng, than ôi! Gần hết cuộc đời, tôi vẫn chỉ là “con đại bàng... cánh cụt”, chạy lè tè trên mặt đất mà vẫn vấp ngã đến gãy mỏ, trụi lông.

Hi vọng rằng sau khi đọc hồi ký này người đọc sẽ thương cảm cho tôi, cho các bạn tôi, những người ngây thơ, tội nghiệp, cả cuộc đời bị lừa dối và đi dối lừa người khác một cách vô ý thức.

Biết đâu chẳng có ngày đất nước này hoàn toàn “đổi mới” thật sự, hồi ký này sẽ được in ra để làm tài liệu lưu trữ về một thời cay đắng và tủi nhục nhất trong lịch sử Việt Nam. Và, may ra, lạy trời, những “đại bàng cánh cụt” chúng tôi sẽ được nhắc tới, như những chứng nhân lịch sử.

Nhưng, “vừa là tội đồ vừa là tòng phạm” làm sao những con đại bàng cánh cụt kia có thể bay cao, bay xa? Thôi thì xin làm con sói của Alfred de Vigny, con bói cá của Musset tru lên tiếng rú cuối cùng, phanh ngực, xé lòng, hiến cho lịch sử một mẩu trái tim, một mẩu trí óc, một chút hơi tàn của thân xác.

Với niềm tin vô bờ bến rằng ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam đã đến rất gần, dù có chậm hơn ở các nước bậc cha ông, anh cả, anh hai đến vài ba thập kỷ, niềm tin ấy vẫn cháy bỏng trong tôi thúc giục tôi vứt bỏ mọi sợ hãi, mọi hèn kém để ngồi vào computer.

Tôi bắt đầu...

Đôi điều phi lộ viết … sau cùng

Tập Hồi Ký này tôi viết xong từ năm 2000, nhưng do... hèn, tôi đã không dám cho nó ra mắt bạn đọc. Vâng, do... hèn, chứ chẳng phải do cái gì khác, tôi đã giấu nó đi, lại còn cẩn thận ghi thêm một dòng ở ngoài bìa “Để xuất bản vào năm 2010”.

Như một lời di chúc dặn vợ con, khi tôi đã... chết!

Tới năm 2003, mang bản thảo ra đọc lại, thấy ngòi bút của mình sao vẫn rụt rè, vẫn lấp lửng mới biết mình vẫn chưa hết sợ sức mạnh tàn bạo của nền “chuyên chính vô sản” mà mình từng nếm trải. Nhất là sợ rồi đây vợ con mình phải chịu đựng những đòn thù bẩn thỉu của bầy dã thú đội lốt người, nếu chẳng may những gì mình viết ra rơi vào tay chúng.

Tôi thấy cần phải sửa lại cuốn sách ‒ từ cách viết, từ cái nhìn chưa đủ tinh tường về những sự kiện lịch sử ‒ và viết thêm về những con người cần được nhắc tới, mỗi người là một mảnh gương nhỏ, nhưng gộp lại người đọc có thể thấy hình ảnh một thời đại.

Và tôi viết thêm chương Tôi đã hết hèn!

Nhưng đã đến chưa, cái thời cơ có thể đưa cuốn sách mà tôi ấp ủ bấy lâu ra trình diện người đọc? Vẫn chưa phải lúc chăng? Ngẫm ra, tuy viết là “Tôi đã hết hèn”, nhưng trong thực tế cái hèn vẫn còn đó, nó vẫn bám chằng chằng, như một bộ phận của cơ thể, cái sự mình khẳng định với mình rằng đã hết hèn mới chỉ là sự mạnh dạn với bản thân khi cầm bút mà thôi! Còn đấu tranh trực diện với cái sức mạnh tăm tối đang cai trị đất nước, kìm hãm sự phát triển của cả một dân tộc là chuyện khác, không phải là điều ai cũng dám làm!

Đặc biệt, ba bốn năm gần đây tôi may mắn có điều kiện làm quen với Internet, nhờ đó được tiếp cận với rất nhiều người mà tôi vô cùng cảm phục. Dù đang sống ở trong nước, họ không hề sợ hãi trước đàn áp, ngục tù. Đó là những Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu. Bùi Minh Quốc. Đó là những Hoàng Tiến, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận... Đó là những nhà sư, những linh mục thà chết không chịu đứng chung hàng với lũ tu sĩ “quốc doanh”, và nhiều, rất nhiều người khác nữa!

Cũng không thể không nói đến ảnh hưởng của hàng chục website cổ võ dân chủ trên khắp thế giới, cũng như những gì bạn bè tôi, đồng đội, “đồng chí” cũ của tôi như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên phải bỏ nước, bỏ cả vợ con ra đi để được viết lên Sự Thật, mở mắt cho bao người còn đang sống hèn như tôi.

Không có những cái đó thì nhân dân còn tiếp tục bị lừa dối bởi lũ bồi bút cho đến nay vẫn ra rả ca tụng một chủ nghĩa phi nhân đã lỗi thời với cả nhân loại.

Tôi cũng mong sao mỗi người trong số các văn nghệ sĩ sắp giã từ cõi đời nhầy nhụa này hãy để lại một “bản di chúc” nói lên Sự Thật, dù chỉ là 1/1000 Sự Thật, để tạ tội với đồng bào, về những gì mình đã vì miếng cơm manh áo, vì yếu hèn mà phải cúi đầu làm thân trâu ngựa. Được như Ba Người Khác của Tô Hoài cũng đã là tốt, làm được thế thì người viết cũng có thể được nhân dân “xá tội” cho phần nào.

Người đọc đang chờ xem “di cảo” của một Chế Lan Viên, một Nguyễn Đình Thi ‒ hai nhân vật đứng đầu bầy nô lệ cầm bút. Đáng ngạc nhiên là theo Nguyễn Đình Chính (con trai Nguyễn Đình Thi) thì cuốn hồi ký của Nguyễn Đình Thi sẽ chỉ được phép công bố vào năm... 2014?!

Sao lại lâu đến thế? Nguyễn Đình Chính vẫn còn sợ, còn tính toán thiệt hơn, còn bắt linh hồn người cha ở thế giới bên kia tiếp tục đóng kịch mãi sao? Hay chính tác giả cuốn hồi ký doạ sẽ in năm 2014 vẫn còn chưa tin là chủ nghĩa cộng sản đã đến ngày tuyệt diệt?

Tôi sẽ phải đưa vào chương sẽ viết những nhận thức mới, tình cảm mới, những sự kiện bổ sung dưới ánh sáng mới, một chương gần như tóm tắt tất cả những gì tôi đã viết vào lúc chưa có được sự tiếp xúc và tiếp sức của phong trào đòi tự do, dân chủ, đòi quyền con người đang ào ào dâng lên mỗi giờ, mỗi ngày trong cái xã hội độc tài đảng trị đáng nguyền rủa này.

Viết xong chương bổ sung cần thiết, tôi sẽ công bố cuốn hồi ký của đời mình trên mạng Internet toàn cầu để mọi người nếu đã biết rồi sẽ biết thêm về mặt trái với những góc khuất của một xã hội tồi tệ được sơn son thếp vàng bởi một lũ bồi bút hèn hạ, trong đó, than ôi, có cả bàn tay của kẻ viết những dòng này.

Tại sao lại phải công bố trên Internet?


Bởi vì không thể trông chờ sự xuất hiện của một nhà xuất bản tư nhân nhờ “ơn trên” nào đó sẽ ra đời trong một cuộc đổi mới giả hiệu, và tập hồi ký này sẽ được in. Trong cái quái thai “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn độc tài với tự do tư tưởng, với nhân quyền tối thiểu, chuyện đó quyết không thể xảy ra.

Thật tình, tôi những ước mong lời nhắn gửi của tôi sẽ đến tay đồng bào, bè bạn, đồng đội, “đồng chí” cũ của tôi, những thế hệ sau tôi, kể cả “kẻ thù” của tôi nữa, trong dạng một cuốn sách bằng giấy trắng mực đen hơn là một cuốn sách trên màn hình máy tính. Mạng thông tin toàn cầu cho tới nay vẫn còn là một cái gì xa lạ với tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam, kể cả nhiều người gọi là có học nhưng đã về già, không còn sức để đọc mấy trăm trang trên computer!

Cuối cùng, xin người đọc, nhất là các bậc thức giả, hãy lượng thứ cho những thiếu sót, những nhầm lẫn ở chỗ này chỗ khác về tên tuổi, địa danh, ngày, tháng... mà một cây bút “trẻ” ở tuổi 80, tài vốn hèn, sức đã kiệt, có thể mắc phải.

Sài Gòn ngày 1 tháng 5 năm 2007

Nguồn : Đàn Chim Việt

DCVOnline: Để không phải đợi xem cuốn “Hồi ký của một thằng hèn” trên mạng internet, ban đọc có thể liên lạc mua sách (bằng giấy trắng mực đen) tại :

Tủ sách Tiếng Quê Hương
P.O. Box 4653
Falls Church – VA 22044 ‒ E-mail: uyenthao1@juno.com

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

Lời Tựa “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn”

Lê Phú Khải (*)

________________________________________
Đọc Hồi Ký Của Một Thằng Hèn của nhạc sĩ Tô Hải, tôi bất giác nhớ đến bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Ông là một trí thức Việt kiều, rất hăng hái hoạt động trong phong trào mác-xít, đảng viên Đảng cộng sản Pháp, đã tình nguyện về nước để tham gia kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hăng hái là thế, mà ở tuổi ngoài tám mươi, khi làm bản tổng kết đời mình, ông đã phải thốt lên: “Đời tôi là đời một thằng ngây thơ”. Trong hai chữ “thơ” và chữ “ngây”, tôi xin giữ lại cho mình chữ “thơ” vì đã đi theo kháng chiến, còn cái chữ “ngây” để chỉ cái sự đi theo chủ nghĩa xã hội thì xin… vứt nó đi!”

Nguyễn Khắc Viện tự đánh giá như thế là khách quan, là công bằng. Cần phải tách bạch hai chuyện ‒cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cái gọi là xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Một đàng là hành động theo lương tâm, một đàng là hành động theo lý thuyết được người khác khuyến dụ, và cả ép buộc nữa.

Tô Hải và Nguyễn Khắc Viện ‒ hai con người, hai số phận, cả hai đều được Nhà Nước Cộng Sản tặng nhiều huân chương “cao quý”, nhưng cái tương đồng giữa hai người là ở chỗ họ đều thiết tha yêu nước, nhưng không thể yêu xã hội chủ nghĩa.

Cậu học trò Tô Hải gia nhập Vệ Quốc Đoàn ngay từ những ngày đầu cách mạng. Là người yêu nhạc bẩm sinh, Tô Hải khởi đầu cuộc đời nghệ thuật của mình bằng các ca khúc vui nhộn theo các điệu swing, rumba ‒ thứ nhạc bị coi là phi vô sản ‒ để giúp đồng đội quên đi những thiếu thốn, gian khổ trong cuộc chiến đấu không cân sức với quân xâm lược. Lúc ấy người ta rộng lượng tha cho Tô Hải cái tội làm nhạc theo cách của bọn đế quốc, tội ấy để đấy cái đã, tính sau. Cuộc đời binh nghiệp của Tô Hải có đủ niềm vui và nỗi buồn, vinh quang và tủi nhục, được ông trung thực ghi lại trong cuốn sách mà bạn đang cầm trong tay. Nó là cuốn sách cần cho những ai muốn biết về chủ nghĩa cộng sản trong hiện thực. Nó cần cho những ai chưa tỉnh giấc nồng của những mộng mị được sơn phết vàng son.

Tôi có cái duyên được làm bạn với tác giả cuốn sách. Là người hâm mộ nhạc sĩ Tô Hải, lại là học trò của ông (ông là thầy dạy tôi tiếng Pháp), nên mỗi lần có hội hè, tết nhất, bạn bè, đồng ngũ, đồng khóa Lục Quân Trần Quốc Tuấn tụ tập ở nhà ông, tôi thường được hân hạnh cùng dự. Những cuộc gặp mặt như thế thật cảm động. Những người lính của một thời kháng chiến đã trôi xa vui mừng gặp lại nhau, cùng nhau ôn lại các kỷ niệm chung. Tô Hải và các bạn ông đã là những ông lão, nhưng nhìn họ ngồi bên nhau, say sưa hát vang những bài ca chiến đấu cũ, những bản tình ca không thể nào quên của Tô Hải, tôi vẫn thấy trong họ bóng dáng của những chàng trai một thuở “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”.

Không khí trầm hẳn xuống khi những chiến sĩ năm xưa đụng đến thời cuộc hôm nay. Đâu rồi, cái thời những con người hết lòng xả thân vì nghĩa lớn? Đâu rồi tình đồng chí, đồng đội tử sinh không rời? Tất cả những cái đó đã có, nhưng tưởng chừng không có. Như thể một giấc mơ.

Cái “chủ nghĩa xã hội đáng phải vứt đi” như Nguyễn Khắc Viện nói, đã dần dần, từng chút một để không ai nhận thấy, được bàn tay phù thuỷ dựng lên thành bức bình phong che giấu những gì bẩn thỉu nhất mà lịch sử từng biết, trong sự tước đoạt tất cả thành quả máu xương của bao chiến sĩ, đồng bào đã đổ ra. Những người ngồi đây, trước mắt tôi, là chứng nhân cuối cùng còn sống. Một trong những chứng nhân ấy là Nguyễn Khải, đại tá nhà văn, giải thưởng Hồ Chí Minh. Trước khi chết ông đã gửi lại lời trối của kẻ lạc đường trong mấy câu: “Quả thật dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do, công bằng và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến thế!”

Có thể nói không ngoa rằng Hồi Ký Của Một Thằng Hèn là cuốn biên niên sử ghi lại quá trình từng bước, từng bước, nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ bị tước đoạt đi cái quý giá nhất đối với con người là Tự Do. Là chứng nhân của lịch sử, Tô Hải ghi lại trung thực, sống động cả một quá trình nhào nặn, đấu tố, cưỡng bức tư tưởng để biến văn học nghệ thuật thành “vũ khí đấu tranh” của Đảng, cho Đảng, vì Đảng. Hồi Ký Của Một Thằng Hèn là những trang viết bằng máu và nước mắt ghi lại tỉ mỉ tấn bi kịch của chính tác giả và bạn bè ông, nay kẻ còn, người mất, để mọi người được biết họ đã phải sống như thế nào, phải… “hèn nhát” ra sao chỉ cốt để tồn tại.

Trong hồi ký của ông có biết bao gương mặt tiêu biểu cho một nền văn nghệ cổ vũ cho bạo lực, cho chém giết. Ông đau lòng kêu lên: “Biến cả dân tộc vốn hiền hòa thành một sa mạc vô cảm. Một đất nước mà tất cả đàn ông trai tráng đều đi làm nghĩa vụ quân sự không những trong nước mà còn ở…cả quốc tế vì…“lịch sử đã chọn ta làm điểm tựa”! (Tố Hữu ‒ [sic!]) Ở hậu phương chỉ còn những em bé mà mới lên năm đã bình thản…cắt tiết gà, và phụ nữ “ba đảm đang” phải sắn quần lợp mái nhà, chọc tiết lợn…

Ông không ngu để không nhận thấy ông và những người như ông, nói rộng ra là tất cả văn nghệ sĩ thuộc mọi ngành, muốn tồn tại đều bắt buộc phải làm nô bộc cho đảng cầm quyền. Là người được kết nạp vào đảng cộng sản rất sớm (1949), ông đã nhận ra rằng “Chưa bao giờ ở nước này có chủ nghĩa cộng sản cả!”, kể cả chủ nghĩa cộng sản trong lý thuyết kinh điển. Tất cả đều chỉ là sự lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân để củng cố địa vị ăn trên ngồi trốc cho một nhóm người thậm chí chẳng đọc nổi và cũng chẳng hiểu nổi những lý luận xét cho cùng là rất tào lao của mấy ông Tây cuối thế kỷ thứ 19. Và, trải qua những đại bi kịch được đảng cộng sản luôn say máu đấu tranh tạo ra như Cải Cách Ruộng Đất, Chỉnh Đảng Chỉnh Quân, Nhân Văn Giai Phẩm, Xét Lại Chống Đảng, Cải Tạo Tư Sản, Cải Tạo Công Thương Nghiệp… Tô Hải đã thấy đàng sau nó thực sự là cái gì. Nó chẳng phải cái gì khác ngoài mưu đồ của một lũ cơ hội chuyên nghề lừa bịp, trấn áp nhằm chiếm bằng được quyền cai trị đất nước. Tất cả những thủ đoạn đó được lôi ra ánh sáng bằng ngòi bút trung thực. Ông không che giấu những việc đáng xấu hổ khi tả lại cảnh phải đóng vai “đại hèn” để vợ con có miếng ăn, không bị cắt sổ gạo, bị đuổi khỏi biên chế hay tệ hại hơn nữa, bị đi cải tạo, vào tù. Ông thẳng thắn chỉ ra những bộ mặt cơ hội trong giới văn nghệ sĩ đã nhẫn tâm bước qua xác đồng nghiệp để kiếm chút đỉnh chung.

Ông không ngần ngại nói về những công việc được gọi là “văn nghệ phục vụ giai cấp vô sản”, trong đó có ông tham gia, cho thấy những tác phẩm được tạo ra trong một nền văn nghệ như thế chỉ là “một mớ táp nham không có một chút giá trị nghệ thuật”.

Nhìn thấu tâm can của những tên cơ hội cách mạng, và cả tính phi nhân của chính cuộc cách mạng gọi là xã hội chủ nghĩa nữa, Tô Hải quyết tìm cách thoát khỏi mọi ràng buộc với cái Đảng quyền lực vô song, quyết không chịu ép mình “sáng tác theo yêu cầu của Đảng” thêm nữa.

Giữa lúc những “cán bộ cách mạng” lăn xả vào cuộc đại kiếm chác sau ngày đất nước thống nhất, ông bỏ về hưu non, sống cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn, nhưng giữ lương tâm trong sạch.

Vì hai tiếng TỰ DO, tác giả Nụ Cười Sơn Cước, giao hưởng hợp xướng Tiếng Hát Biên Thùy sẵn sàng đánh đổi tất cả. Thế hệ sinh viên Hà Nội chúng tôi vào thập niên 1960, những Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu), Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo, Lê Phú Khải... đều biết Tô Hải. Chúng tôi từng đứng trong các dàn hợp xướng sinh viên, cất cao lời ca gìn giữ biên cương của tổ quốc với niềm vui và niềm phấn khởi vô bờ. Tiếng Hát Biên Thuỳ và Trở Lại Đô Thành (từng bị cấm) và nhiều tác phẩm khác của Tô Hải ngày nay ít người biết đến, chúng chỉ còn lại như những kỷ niệm nằm chung với rất nhiều tác phẩm sáng tác sau này của Tô Hải, mà ông cay đắng gọi chúng là những sáng tác “bỏ tủ lạnh”. Mà đâu phải chỉ có mình Tô Hải. Còn biết bao nhiêu nhân tài của đất nước cũng đã bị vùi dập như thế?

Khi gặp ông ở một xóm nhỏ Nha Trang, tôi mới biết ông đang làm gì. Thì ra ông dành toàn bộ thời gian cho cuốn hồi ký mà ông ấp ủ nhiều năm. Ông viết trong tình trạng sức khoẻ tồi tệ, phải chống nạng đi trong nhà, cuộc sống của cả gia đình trông vào chiếc xe bánh mì ở đầu đường của người vợ rất mực thương yêu chồng, chia sẻ hoài bão của chồng… Ông kì cạch viết mỗi ngày một vài trang, viết rồi xóa, xóa rồi lại viết vì… như ông thú nhận: cái nỗi Hèn vẫn cứ ám ảnh ông không thôi! Là người cũng sống nhiều năm trong xã hội chuyên chế, tôi hiểu: vượt qua nỗi Hèn chẳng hề là chuyện dễ.
Đại hợp xướng Tiếng hát biên thuỳ của Tô Hải. Đây là bản hợp xướng bị “bỏ tủ lạnh” cả nửa thế kỷ, khi mà biên cương giữa hai nước Việt Nam-Trung Hoa đang được người ta ca ngợi là... “núi liền núi sông liền sông ..chung một biển Đông. Mối tình hữu nghị sáng như rạng đông...” hoặc “Bác Mao nào ở đâu xa/Bác Hồ ta đó chính là...Bác Mao”
Nguồn: luyenkim.net
________________________________________
Mười năm ròng, mỗi ngày một ít, vừa viết vừa phải đấu tranh kịch liệt cái Sợ, cái Hèn để có thể viết đúng, viết thực, không nhân nhượng với cái gì, kể cả bản thân, cuối cùng ông đã hoàn thành cuốn hồi ký chỉ với mục đích “để lại cho con cháu và đời sau biết về nhiều sự thật bị giấu kín, mà điều cay đắng nhất là để mọi người hiểu được Vì Đâu? Vì Ai? Vì Cái Gì?”

Tô Hải không đặt cho mình mục đích lên án cái chủ nghĩa Mác-Lê đã bị lịch sử chôn vùi, đã bị toàn thế giới lên án, và cái đảng đã đưa đất nước tới tình trạng hôm nay ‒ một nước chậm tiến, nghèo khổ, lạc hậu hơn các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Ông viết ra những suy ngẫm của mình, kêu gọi mọi người cùng suy ngẫm với ông, về hiện tình đất nước, về một nền văn nghệ không còn bản sắc, đến nỗi một nửa thế kỷ qua chẳng có một tác phẩm xứng đáng được xếp vào di sản văn hoá dân tộc, xứng đáng để đời sau con cháu tự hào. Ông không chối bỏ tư cách “vừa là nạn nhân, vừa là tội đồ”, ông nhận ông là kẻ có tội vì chính ông cũng đã tham gia vào cuộc lừa bịp vĩ đại. Qua hồi ký của ông, ta thấy quả thật, đời ông quá nhiều cay đắng. Nhưng, cũng với cuốn hồi ký này ông sẽ được đền bù ‒ những người đọc ông sẽ hiểu ông và yêu mến ông. Mà có hạnh phúc nào lớn hơn thế đối với một con người đau khổ.

Ông là trí thức đúng nghĩa vì đã vượt qua chính mình, cái mình bị nhào nặn bởi bàn tay kẻ khác, để công bố tất cả, không phải chỉ những gì là Tội Ác của kẻ khác mà cả cái Hèn của chính mình. Việc làm đó, ngay khi ông còn sống trong lòng chế độ chuyên chế, là việc làm dũng cảm, nếu không muốn gọi là anh hùng. Bằng việc làm này, ông đã vượt xa những kẻ cũng mang danh trí thức, cũng gọi là nhà văn, nhưng suốt đời chẳng dám viết một cái gì theo tiếng gọi của trái tim mình. Gần đây, tôi lại càng ngạc nhiên khi biết Tô Hải trở thành blogger ở tuổi 80 với những bài viết được lớp trẻ đón nhận chưa từng thấy (200.000 người đọc trong vòng 18 tháng). Tôi càng khâm phục khi ở tuổi 81, ông đã cùng sinh viên, thanh niên xuống đường đi biểu tình phản đối bọn xâm lược Trung Quốc, khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của tổ quốc Việt Nam. Đi biểu tình về đến nhà, ông ngồi xuống viết ngay một entry “Tớ đi tụ tập đông người không có phép” được hơn 20 báo điện tử và đài phát thanh nước ngoài phát lại.

* * *

Tập hồi ký này không phải chỉ để cho các thế hệ sau này, mà cho cả chúng ta nữa, hiểu rõ thêm những trang lịch sử đau buồn đã nhiều năm bị che giấu. Hi vọng trong một tương lai gần, nền văn nghệ Việt Nam sẽ vứt bỏ được cái quá khứ đáng nguyền rủa ở thế kỷ trước để bước vào con đường sáng sủa, con đường của Chân, Thiện, Mỹ, con đường của Tự Do, như Tô Hải hằng mơ ước.

________________________________________
DCVOnline: Bạn đọc có thể liên lạc mua sách tại
Tủ sách Tiếng Quê Hương
P.O. Box 4653
Falls Church – VA 22044 ‒ E-mail: uyenthao1@juno.com
-----------------------------------------------------------------------------------
Lê Phú Khải (phải) và Võ Tòng Xuân
nguồn ảnh

(*) Lê Phú Khải sinh năm 1942 tại Hà Nội, Ông được độc giả trong nước biết đến qua những trang viết về đồng bằng sông Cửu Long.

Tác phẩm chính: Đồng Tháp Mười hôm nay, Viết từ đồng bằng Sông Cửu Long, Rắn độc trong tay người, Hồ sơ đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 18/3/2009 Lê Phú Khải viết :
Thư ngỏ của một công dân ngoài Đảng (tại BBC)

hoặc tại Báo Tổ Quốc
***

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC VÀ TÂM SỰ CỦA NHẠC SĨ TÔ HẢI
Phan Anh Dũng

(Nguồn)

Cách đây 2 tuần, Nhà Văn, Nhà Báo Uyên Thao, người chủ trương Tủ Sách Tiếng Quê Hương ở Virginia cho tôi biết quyển hồi ký của Nhạc Sĩ Tô Hải sẽ được phát hành vào khoảng tháng 5 năm nay. Anh có gởi 3 bài viết với lời bạt về quyển hồi ký của NS Tô Hải, lời giới thiệu của Nhà Báo Lê Phú Khải và của chính anh. Đề tựa "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn" đem đến cho tôi một sự chú ý đặc biệt!

Nhắc đến Nhạc Sĩ Tô Hải, tôi không khỏi không nhớ đến bản nhạc "Nụ Cười Sơn Cước", được nhiều ca sĩ trình bày và thính giả yêu thích. Trong một thời gian ngắn, tôi đã tìm thấy nhiều tài liệu về Ông trên internet: Ông là một trong những thanh niên với bầu nhiệt huyết hăng hái tham gia kháng chiến chống Pháp, ở lại miền Bắc sau hiệp định Genève, gia nhập đảng và được nhiều tưởng thưởng từ chế độ Cộng Sản. Sau 1975, Ông đã nhận thấy sự thật não nề khi vào Sài Gòn (Ông gọi là "Đi Thực Tế Miền Nam sau Gỉải Phóng"). Sau thời kỳ "Đổi Mới", Ông đã không ngại lên tiếng cho biết đã "phí nửa con tim" để viết hàng trăm bản nhạc tuyên truyền phục vụ đảng trong thời chiến tranh. Tiếc thay, các bản nhạc ấy chỉ nhất thời, không thể tồn tại với thời gian!
Thích thú nhất là được biết tuy nay trên 80 tuổi nhưng Ông rất cấp tiến, sử dụng máy tính "laptop" mỗi ngày (hình ở dưới) và có trang blog bắt đầu từ năm 2007 trên yahoo để đăng các bài viết rất nóng bỏng và chân thật từ Sài Gòn. Ông cũng dùng phương tiện này để viết thư qua lại với nhiều người - Ông kêu họ là "Bạn, (friend)" và Ông xưng là "Tớ"! Ông có lối viết giản dị, tếu, tự diễu mình và rất thật tình nên được nhiều bạn trẻ, đáng tuổi con cháu yêu mến. Sau 1975, Ông bắt đầu công việc dịch thuật vì thông thạo nhiều ngoại ngữ. Khi tôi khởi sự viết trang này thì mới đây Ông vẫn tiếp tục "dấn thân" chẳng hạn như xuống đường biểu tình phản đối Trung Cộng về Hoàng Sa và Trường Sa. Ông cũng vừa gởi một bài viết cho Đài BBC Luân Đôn trong đó nhắc lại một bản giao hưởng hợp xướng mà Ông bỏ nhiều tâm huyết viết thời còn trẻ nhưng sau đó vì lý do chính trị không được phổ biến. Các bản nhạc tình cảm mà Ông cho là từ "nửa trái tim còn lại" cũng cùng chung số phận: bị dìm và "bỏ tủ lạnh"!
Nhạc Sĩ Tô Hải viết: "Nhà văn quân đội - Đại Tá Nguyễn Khải, trước khi qua đời đã tuyên bố: ”Miền Bắc đã cho tôi Độc Lập, miền Nam đã cho tôi Tự do…” Còn tớ, vẫn còn sống nhăn răng đây, tuyên bố: ”Miền Nam đã cho tớ cả Độc Lập, cả Tự Do và cả Hạnh phúc nữa”. Độc lập về tư duy, Tự do về viết lách và… không viết lách. Còn Hạnh Phúc thì … ”độc lập và tự do tìm kiếm hạnh phúc cho mình"… Tuy nhiên để có được ba điều thiêng liêng đó, tớ đã phải vứt bỏ biết bao điều mà trước kia, có cho… kẹo cũng chẳng dám nghĩ, dám làm ..."

Phan Anh Dũng (Richmond, Virginia USA - 15 tháng 4, 2009)


NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC
Tô Hải

Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi,
mây mờ buông xuống núi đồi
và trong lòng mưa hơn cả ngoài trời.
Cỏ cây hoa lá, thương nhớ mãi người đi
và dâng sầu lên mi mắt người về.
Thơ thẩn đàn chim ngừng tiếng hót,
mưa Xuân đang tưới luống u sầu,
buồn cho dòng nước mờ xóa bóng chim uyên
và gió chiều còn khóc thương mãi
mối tình còn vấn vương.
Ai về sau dãy núi Kim Bôi,
nhắn giùm tim tôi chưa phai mờ,
hình dung một chiếc thắt lưng xanh,
một chiếc khăn màu trắng trăng,
một chiếc vòng sáng lóng lánh,
với nụ cười nàng quá xinh.
Nàng ơi, tôi đã rút tơ lòng,
dệt mấy cung yêu thương
gởi lòng trong trắng,
của mấy bông hoa rừng
đời đời không tàn với khúc nhạc lòng tôi

Ghi chú: lời trong bản nhạc không đúng hoàn toàn với bản nguyên thủy


*********************************************



50 năm cùng "Tiếng hát biên thùy"

" Năm nay 83 tuổi, nhạc sĩ Tô Hải được coi là blogger thuộc nhóm cao tuổi nhất ở Việt Nam, và ông cũng là tác giả của một bản hợp xướng giao hưởng đã song hành suốt 50 năm cùng lịch sử ngành biên phòng, cũng có thể coi là bản giao hưởng thuộc hàng đầu tiên của Việt Nam, một kỷ niệm mà ông muốn chia sẻ riêng với độc giả BBC tiếng Việt"

Đó là những năm 1957-1958:
- Khi Miền bắc Việt Nam vừa ra khỏi một cuộc chiến trường kỳ chín năm gian khổ,
- Khi mà nông thôn đã bị đảo lộn bởi cuộc "cách mạng long trời lở đất" là "cải cách ruộng đất + chấn chỉnh tổ chức" gây nên sự xào xáo, đảo lộn, đấu tố đến phá hoại mọi công bằng, đạo lý của toàn thể cơ cấu xã hội, gia đình... ở nông thôn,
- Khi mà người dân vừa mới cắm thẻ nhận ruộng lại bị bắt buộc nộp từ con trâu, cái cày đến miếng ruộng vừa được chia cho "tập thể" để hàng ngày nghe kẻng đi làm ăn công, chấm điểm,
- Khi mà ở các thành phố, mọi hoạt động kinh doanh buôn bán đều bị cải tạo, tất cả chỉ còn là "quốc doanh". Từ cái tã cho trẻ sơ sinh đến cái tiểu sành khi cải táng, tất cả đều có tiêu chuẩn nhà nước quy định, có tem, có phiếu,
- Khi mọi sự cố gắng để giành lấy một chút tự do trong sáng tác mà điển hình là nhóm "nhân văn giai phẩm" bị lên án và đàn áp, cho đi cải tạo, đuổi ra khỏi biên chế, cấm sáng tác...
- Khi mà hầu hết các nhạc sỹ kháng chiến trở về thành phố với hành trang chẳng có gì ngoài mấy bài hát tuyên truyền động viên toàn dân kháng chiến, chưa một ai được học qua một trường lớp chính quy nào, chưa hề biết, chưa hề nghe một tác phẩm âm nhạc thuần túy nào, chưa biết dàn nhạc giao hưởng gồm có những nhạc cụ gì. Thậm chí có người chưa thể ghi chuẩn xác chính sáng tác của mình lên giấy.

Khủng hoảng lý luận

Mỗi ngày phải học 16h mới đủ cho từ hòa thanh, phức điệu đến phối khí, piano
Và quan trọng hơn hết là cách mạng Việt Nam sẽ đi theo hướng nào đây: "theo Tây hay theo Tàu"?
Đặc biệt sau hội nghị các đảng cộng sản Bucarest (1956) ở Rumani thì chủ nghĩa cộng sản đã bị chia rẽ sâu sắc đến nỗi khẩu hiệu "Vô sản thế giới liên hiệp lại" đã được thay thế bằng " Vô sản thế giới giải tán đi" (prolétaires de tous les pays, dispersez vous!) thì tại những cơ quan lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, "tiến nhanh, tiến vững chắc LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI" là thế nào đây???
Rõ ràng là... tùy nghi ứng xử. Nói trắng ra rằng, một cuộc khủng hoảng về lí luận chưa từng có đã làm chia rẽ ngay các vị lãnh đạo cao nhất, từ trong nhận thức đến hành động.
Do đó, ai nắm quyền ở lãnh vực nào thì cứ vận dụng lí luận theo kiểu mình hiểu.
Phải mãi đến khi người ta ra mặt chống chủ nghĩa xét lại và đi theo con đường của... Mao chủ tịch thì trắng đen mới thật rõ ràng.
Chính trong thời kỳ "nửa dơi nửa chuột" này mà giới văn nghệ mới có dịp làm quen với những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của thế giới, kể cả những tác phẩm sau này bị lên án là xét lại, thậm chí là "phản động", qua con đường công khai nhập vào Việt Nam bởi chính những đoàn nghệ thuật, những xuất bản phẩm, báo chí, những bộ phim, những tiểu thuyết của "các nước anh em" mà muốn phê phán, cấm đoán cũng..."há miệng mắc quai".
Lớp học kỹ thuật âm nhạc do các chuyên gia nước ngoài phụ trách để giúp những người viết ca khúc (song writer) Việt Nam trở thành "nhạc sỹ" đích thực (composer) được ra đời chính ở cái thời này chính là nhờ sự nhận thức khá đúng đắn của một số lãnh đạo cấp cao nhất như Võ Nguyên Giáp, Lê Liêm...

Chuyên gia Bắc Triều Tiên

Không phải là không có nhiều ý kiến của những kẻ ngu dốt, cơ hội, cho rằng "âm nhạc Việt Nam không nên phát triển theo đường lối phương Tây. Phải dạy cho trẻ em hò, sừ, sang, cống, líu... chứ tại sao lại phải đồ, rê, mi, pha son? Sonate, giao hưởng, opera là sản phẩm văn hóa của giai cấp tư sản, việc gì ta phải bắt chước. Giai cấp vô sản không cần đến những hình thức nghệ thuật chỉ dành cho vua chúa và bọn tư bản làm gì"...

Tác phẩm huy động hơn 100 diễn viên và nhạc công từ nhiều đoàn nghệ thuật
Cứ như thế, tranh cãi, đấu đá tới mức khi thành lập hội nhạc sỹ Việt Nam (1957), âm nhạc Việt Nam hiện đại vẫn chỉ dừng ở mấy bài "lời ca hát lên hát xuống" hoặc mấy "bài hát dài" với cái tên sáng tạo rất... Việt Nam là... trường ca như "Sông Lô", "Du kích Sông Thao"... mà chủ yếu là hát đồng ca, thỉnh thoảng có 2 bè đã là... "đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc" rồi.
Tóm lại, âm nhạc Việt Nam những năm cuối của thập niên 50 của thế kỷ trước vẫn chỉ là thứ âm nhạc của thế kỷ thứ XV- XVI của các nước tiên tiến, thậm chí còn đang nằm ở tình trạng "hát lên những câu ca dao"như kiểu các cụ ta thời xưa đã làm nên những bài dân ca truyền khẩu mà những gì hay nhất còn lại cho con cháu hôm nay cũng chỉ nhờ... truyền khẩu, chẳng hề có văn bản bao giờ.
Có thể nói, khi đặt vấn đề mời chuyên gia nước ngoài dạy hòa thanh, phối khí, phức điệu và các hình thức âm nhạc chính quy như rondo, sonate, symphony... trong bối cảnh lịch sử như đã trình bày ở trên là một thắng lợi của những đầu óc cấp tiến.
Tuy nhiên, cũng từ những thắng lợi bước đầu này mà nảy sinh ra những mâu thuẫn ngay trong nội bộ giữa những "nhạc sỹ có học", "nhạc sỹ chưa được học" hoặc "nhạc sỹ... không cần học".

Quá trình rèn luyện

Tôi thuộc lại nhạc sỹ "thèm học" nên đã đấu tranh bản thân, vượt qua mọi sự khó khăn, ép mình nuốt trôi tất cả các môn học kể trên trong 18 tháng.
Có ngày phải làm việc đến 16 tiếng mới lo trả đủ bài cho các thầy từ hòa thanh, phức điệu, phối khí, đến piano.
Mặc kệ mọi lời bàn ra tán vào, ý kiến ý cò, tôi đã chọn một hình thức âm nhạc vừa với sức mình, vừa dễ đến với công chúng để thể nghiệm tất cả các môn đã học là Cantate - vừa viết cho dàn nhạc vừa viết cho giọng người.

Để thực hiện được ý đồ "táo bạo"này, tôi đã phải dán các tờ giấy viết ca khúc lại để có được tờ tổng phổ 24 dòng, và cặm cụi suốt gần một năm trời viết cho một dàn hợp xướng bốn đến sáu bè (lúc này ở Việt Nam chưa biết dàn nhạc giao hưởng là cái gì).
Trước sự quyết tâm và say mê học tập để trở thành một "nhà soạn nhạc" đích thực, các thầy dạy tôi và một số đồng học như Nguyễn Văn Thương, Lương Ngọc Trác... và một số cán bộ lãnh đạo đã ra sức ủng hộ để tác phẩm được ra đời.
Chỉ riêng việc huy động một số lượng hơn 100 diễn viên và nhạc công ở nhiều đoàn nghệ thuật, kể cả quân nhạc, theo đúng yêu cầu của tổng phổ về tập trung tại 17 Lý Nam Đế để dàn dựng (dưới sự chỉ huy của chuyên gia CHDCND Triều Tiên) và biểu diễn báo cáo đúng ngày 22 tháng 12 năm 1959 đã là một việc làm chưa từng có trong bối cảnh xã hội và chính trị vô cùng khó khăn và phức tạp lúc bấy giờ.
Tác phẩm Tiếng hát biên thùy được ra mắt công khai và rất hoành tráng giữa nhà hát lớn thành phố Hà Nội.
Đến dự không thiếu một ai trong các vị lãnh đạo (trừ cụ Hồ), toàn bộ khán giả đứng lên vỗ tay hồi lâu.
Chuyên gia Mao Vĩnh Nhất (dạy sáng tác) và GS Triệu Đại Nguyên ̣(dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc) cúi chào khán giả và ngẩng lên lô giành cho tác giả (như thông lệ ở các nước) thì... chẳng có ai. Vì tôi đâu có được mời.

Dư luận công chúng

Sau đó "dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng" vay mượn tạm thời đó còn được biểu diễn mấy tối tại "Nhà hát nhân dân" để đông đảo quần chúng được lần đầu tiên thưởng thức "thử" hình thức âm nhạc mà người ta gọi là "xa lạ", không "quảng đại quần chúng" và đầy "kỹ thuật chủ nghĩa", thậm chí "sặc mùi tư sản phương Tây"... này.

Nào ngờ, tất cả các phương tiện truyền thông (thời đó chỉ có báo chí và đài phát thanh) đều không tiếc lời khen ngợi.
Đặc biệt, tất cả đều nhấn vào vấn đề: không phải là quần chúng không biết nghe âm nhạc nhiều bè, không biết thưởng thức ngôn ngữ của bộ gõ, bộ đồng, bộ dây, vấn đề chỉ là nghe có hay hay không, có truyền cảm hay không?
Sau khi được phát lên sóng thì chiến sỹ ở đủ các quân chủng (đặc biệt là bộ đội biên phòng) đều gửi thư về khen ngợi tới mức ông đưa thư cũng phát ngạc nhiên vì chưa thấy có cá nhân nào nhận một lúc nhiều thư đến thế.
Sau những ngày "hoàng kim" ngắn ngủi đó, các diễn viên hợp xướng, nhạc công được trả lại đơn vị cũ, Tiếng hát biên thùy chỉ tồn tại nhờ NSND Lê Đóa tại Đoàn ca múa Tổng cục chính trị.
Nhưng chỉ còn lại có hai chương 2 và 4, chẳng kể gì đến hình thức âm nhạc chính qui, chẳng cần đối tỷ đối tiếc gì hết, miễn là "không làm mềm lòng chiến sỹ" ở cái chương 3.

Ba chìm bảy nổi

Thời gian qua đi, lớp nhạc sỹ Hoàng Vân, Chu Minh, Đàm Linh... từ các nhạc viện nước ngoài sau đó lục tục về nước, và thế hệ tiếp theo thuộc lớp con em chúng tôi như Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc, Trọng Đài... cũng tiếp tục theo nhau trở về.
Họ đã viết được nhiều tác phẩm dài hơi, những loại hình sáng tác còn "kỹ thuật chủ nghĩa, tư sản phương Tây" hơn tôi nhiều.
Nhưng kỷ niệm về cái thời xa xưa của "Tiếng hát biên thùy", những năm nước ta không biết gì về âm nhạc ngoài các bài hát đơn điệu hoặc đồng ca có bè (mà nhiều người cứ gọi nhầm là hợp xướng), té ra vẫn còn trong tâm trí của khá nhiều người như GS Nguyễn Lân Hùng.
Bao thế hệ chiến sỹ biên phòng ngày nay, kẻ mất người còn, liệu còn mấy ai nhớ tới "Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy" nữa.
Ngay bản thân tôi cũng chẳng còn thắc mắc băn khoăn gì, vì chẳng phải chỉ một mình tôi phải chịu "ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh" cùng tác phẩm của mình.

"Chẳng phải một mình tôi phải chịu ba chìm bảy nổi cùng các phẩm"

GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC của một tác giả, của một tác phẩm (nếu nó thật là giá trị thì) dù có ai muốn vùi dập thế nào, trước sau sẽ được lịch sử ghi nhận và phục hồi.
Gõ đến đây, tự nhiên tôi lại nhớ đến những đồng nghiệp, đồng ngũ đã một thời "phục vụ quân đội giải phóng quê hương", nhưng vì không chịu nổi những cách phê phán ngu dốt và "lạp xường tù mù hách xì xằng" về "văn nghệ vô sản" mà đành phải gác bút, chuyển nghề, thậm chí "come back to Hànội, to Saigon", mang cái tiếng là "phản bội", là "không chịu đựng được gian khổ" nên... trở cờ, tôi tự thấy mình đang còn có... Chúa và nhiều người ủng hộ thật.

50 năm lịch sử biên phòng

Tôi thật sự cảm động khi kỉ niệm 20 năm, 30 năm thành lập bộ đội biên phòng đều được các "đồng chí" cũ, các lãnh đạo cũ gửi thư thăm hỏi, thậm chí đến tận nhà tặng quà, tặng tiền và cùng tôi ngồi nghe lại bản cantate viết 52 năm trước.
Câu: "Một vị tướng đã nói với tôi là khi nghe bản hợp xướng của Tô Hải nhiều anh em chúng tôi đã ứa nước mắt" (của Nguyễn Lân Hùng viết trên TTVH) chỉ là một ví dụ có thật đã diễn ra ngay ở nhà tôi.
Nhưng những giọt nước mắt đó đối với mỗi người đều có một ý nghĩa riêng.
Người thì nghĩ tới một thời oanh liệt xa xưa nay còn đâu nữa.
Người thì nghĩ tới những đồng đội đã ngã xuống vì bảo vệ từng tấc đất Tổ Quốc mà hôm nay không được ai nhắc tới, không được kỷ niệm lễ lạt gì.
Đối với tôi, khi cùng nhỏ nước mắt với họ trong những dịp này chính là những giọt nước mắt nhớ về số phận truân chuyên, lên voi xuống chó của những văn nghệ sỹ muốn làm văn nghệ đích thực nhưng đôi khi phải đánh đổi bằng cả số phận khốn khổ cay đắng của mình..
Sự đánh đổi đó là những nhận xét sau đây trong lý lịch: "luôn phản ứng có hệ thống đối với cấp ủy", "luôn phản ứng với cấp trên", là hai năm chịu đựng, ngậm đắng nuốt cay, bị "đày"đến một đoàn văn công vùng đầu cầu giới tuyến Nam-Bắc, không giao hưởng, không hợp xướng, không còn được viết những gì mà mình muốn viết.
Nó đưa tôi tới một quyết định liều mạng là quyết tâm rời khỏi quân ngũ và rời luôn cái danh vị "đảng viên Đảng lao động Việt Nam" bằng mọi cách có thể.
Và tôi đã tạm thời thành công trong một thời gian khá dài... (xin chờ đọc tiếp trong hồi ký tôi sắp công bố một ngày gần đây).

*************************

Đi thực tế miền Nam mới "giải phóng"
Tô Hải

Đi Thăm...Giàu Hỏi... Sướng!

Tớ lợi dụng một loạt entries sau đây để giải đáp một số câu hỏi đặt ra về những vấn đề so sánh văn nghệ giữa hai miền mà người đọc chưa rõ, về sự đánh giá chưa chính xác của tớ về sự khác biệt giữa hai miền trong lãnh vực âm nhạc, về cái "gu" thẩm mỹ "không thể thống nhất"....vv..vv.. Vì thế, nếu có dông dài...các friends chịu khó đọc nhé. Blog chứ có phải viết tiểu thuyết, hồi ký, hồi kiếc,...gì đâu!

Có một điều cơ bản nhất của chủ trương "đi thực tế sáng tác" mà các nhà lãnh đạo văn nghệ vô sản không tính đến: Đó là những phản tác dụng mà bọn tớ còn gọi là "phản ứng ngược" mà rất nhiều những Thực Tế Thật (vérité vraie) đã vả vào mặt anh em văn nghệ những cái tát tỉnh người! Đó là những thực tế không giống hoặc hoàn toàn trái ngược với thực tế mà các vị ngồi một chỗ, tưởng tượng ra qua các báo cáo.. láo!
Khỏi nói đến Cải cách ruộng đất, đi thực tế để viết được ra một sự thật nhỏ (rất nhỏ) như "Ba người khác"của Tô Hoài, hoặc như bài thơ như "Tôi? Ai?, "Bánh vẽ", "Trừ đi" của Chế Lan Viên hoặc như "Nỗi buồn chiến tranh", "Mảnh đất lắm người nhiều ma" thì có lẽ các nhà chủ trương "xua" văn nghệ sỹ đi về với công nông sẽ... ra lệnh stop liền!

Buồn thay, chỉ vì ..."sợ" (chữ của cụ Nguyễn Tuân) nên những thực tế thật đó đều phải chờ cả gần nửa thế kỷ mới được phản ảnh thật (tuy chưa đến lúc thật 100%) lên giấy trắng mực đen...

Riêng tớ thì đã có lần viết một entry khá dài "Vì sao tớ mất cái mẩu hạnh phúc cỏn con" được nhiều người comment, được nhiều blog copy, được đăng lại trên cả những website của nước ngoài và cả trên "Ngôi sao net" nữa!
Chính cái thực tế gớm ghiếc của cải cách ruộng đất và của cuộc chiến ghê rợn trên đường Trường Sơn đã làm tớ không sao tiếp tục viết láo, viết để "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" được nữa mà chỉ viết những gì rung động của trái tim mình.
Thế rồi nào các phong trào xây dựng hợp tác xã cấp cao, nào "Sóng duyên hải", "gió đại phong", "cờ ba nhất", rồi "cải tạo tư sản"... Tất cả đều được động viên đi vào thực tế, nắm bắt thực tế để có những tác phẩm "xứng tầm thời đại"...
Nhưng hôm nay đây,có ai in lại "Mùa lạc" hay "Hòa Vang" của Nguyễn Khải, "Cái sân gạch" của Đào Vũ, hát lại "Miền Nam đau thương và anh dũng", "Không cho chúng nó thoát", "Tiến về Sài gòn"...?
Lịch sử đã chôn vùi hết những gì là văn nghệ phi nhân bản mà chính các tác giả của nó cũng phủ nhận và nhận "tội" lúc cuối đời như Chế Lan Viên, Nguyễn đình Thi và rồi đây theo tớ được biết, sẽ còn nhiều người nũa viết nhiều sự thật.
THẬT như những câu:

"Ai chịu trách nhiệm về 2.000 người đó/
Tôi! tôi người viết những câu thơ cổ võ/
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong/

....Ai chịu trách nhiệm vậy?/
Lại chính tôi/
Người lính kia cần một câu thơ giải đáp về đời/
Tôi ú ớ...
(xem toàn bài thơ trên entry nói trên)

Và tớ tin hoàn toàn vào những gì mà các bạn trẻ hôm nay và mai sau sẽ còn được đọc nhiều "những trang đời" rất thật của nhiều tác giả khác nữa sau này... trong đó có tớ!
Tóm lại là, như tớ đã viết trong một entry, văn nghệ sỹ miền Bắc chúng tớ, so với anh em ở miền Nam thì...thua đứt đi cái Tự Do Sáng Tác! Họ không phải viết theo yêu cầu của một cơ quan, đảng phái hay một tổ chức, nhà nước nào, không ăn lương của ai để làm văn nghệ! (tất nhiên không thể tránh được cũng có một số nào đó dùng văn nghệ để kiếm chác tí chính trị). Nhưng phải khảng định là họ tự do, tự do và tự do... kể cả tự do làm... hại cái chính thể mà họ đang phải sống! Có người còn mang tiếng "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản!?" (Tội nghiệp Trịnh công Sơn, cho đến nay vẫn bị gán là "Đặc công Đỏ" mà chết rồi vẫn chưa được Đỏ tặng cho một danh hiệu, một giải thưởng gì so với các nghệ sỹ cải lương Phùng Há, Diệp Lang, Bạch Tuyết!)!

Cái thứ quý nhất trên đời đối với người nghệ sỹ là Tự Do, tớ sẽ kể dần dần trong những lần bọn tớ tiếp xúc với anh em"tại chỗ"!
Vì thế một loạt ẻntríes sau này có cái tên chung là "Thăm giầu hỏi...sướng"!! Và cũng chính vì những cái thực tế hiện hữu ở khắp nơi đang diễn ra trên khắp các ruộng đồng, nhà máy hiên nay ở cả hai miền đất nước mà gần đây, chẳng thấy mấy đoàn văn nghệ sỹ được tổ chức đi thực tế sáng tác như xưa nữa. Thậm chí, càng mong các nhà "kỹ sư tâm hồn" càng tránh xa thực tế càng...tốt!
Dẫn chứng gân đây nhất là nhà báo, (có thẻ đàng hoàng) Tùng Quang của báo Đại Đoàn Kết đi thực tế viết bài ở Quân 2, đã không những không được mời mọc, chiêu đãi như xưa còn bị chính quyền hạng bét nhất ở địa phương tịch thu luôn cả phương tiện hành nghề, câu lưu tại chỗ !!?!
Phải chăng thực tế THẬT đã khiến cho những người đang nhân danh cách mạng làm những điều hoàn toàn trái ngược với luật pháp, chẳng coi người cầm bút là cái...cục phân gì?
Thôi! Bỏ đi mấy cái chuyện nhức đầu thường ngày ở phường, ở quận,...trở lại với "chuyện xưa" để đọc mà ...ngẫm nghĩ cái sự đời "Xưa Sai Nay Đúng, Xưa Đúng nay Sai", nó đã "làm loạn" trong đầu biết bao người như tớ!

Thế là....sau khi dẹp tiệm "Nhà Xuất bản âm nhạc giải phóng", tiện có Đoàn nhạc sỹ của Trung Ương do chủ tịch Nguyễn Xuân Khoát và Tổng thư ký Huy Du vào, tớ có dịp nhập bọn đi thực tế miền Nam, đi sâu vào từng gia đình, họ hàng bà con, bạn bè cũ, mới.
Tớ đi ra tận đất mũi Cà Mâu, ăn dầm nằm dề cả tháng ở đồng bằng sông Cửu Long... Và đi đâu tớ đều thấy cái THỰC TẾ RÀNH RÀNH là miền Nam sướng gấp trăm lần miền Bắc, dù tiếng súng chỉ mới im lặng sau miền Bắc có hơn 2 năm trời (chỉ tính từ khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc). Hàng hóa, thực phẩm từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng thấy thừa mứa, rẻ rề.
Trong khi ở miền Bắc, miếng đậu phụ, lạng thịt cũng phải có phiếu thì ở miền Nam, bác ngư dân, Hai Tường, ở Cà Mâu có thể ngồi tại nhà quờ tay xuống nước vớt lên cả một cần xé cá, tôm đang còn giãy đành đạch, chiêu đãi đoàn nhạc sỹ cánh tớ nhậu suốt một ngày! Buồn cười Huy Du, có tiếng là thật thà còn hỏi nhỏ bác chủ nhà: "Ba bữa nhậu ngày, một bữa cháo rắn hổ mang đêm, thế này, có làm bác tốn kém lắm không"? Bác ta cười ha hả trả lời "Tôm cá dưới sông, rắn nằm trong bụi, có mất tiền mua đâu mà tốn với kém!" Nói rồi, bác cầm bao "555", rút một điếu, xé giấy, vứt đầu lọc, nhồi thuốc vào... nõ điếu thuốc lào, rít một hơi dài, rồi nói thêm trong khói thuốc: "các chú thế là chưa biết gì về miệt Cà Mâu này rồi! Chim trên trời, cá tôm dưới nước, thiên nhiên này nuôi sống chúng tôi bao đời nay! Chẳng lo phải thiếu miếng ăn đâu mấy chú ạ! Bây giờ hòa bình rồi, tha hồ mà đi khơi, đi lộng, chẳng lo tên bay đạn lạc ,lo tàu Hải Quân xục sạo tìm Việt Cộng, cản trở làm ăn, thế là sướng rồi! Nào! nhậu đi mấy chú! "

Thế đấy ,một người ngư dân bình thường đã "tuyên truyền"về cái sướng vật chất (và có lẽ cả tinh thần?) hơn hẳn của miền Nam bị "kìm kẹp", cho chúng tớ quá đơn giản nhưng cực kỳ .. thuyết phục!

Tớ không đến nỗi bất ngờ mà phải "ngồi xuống vệ đường mà khóc vì thấy mình bị đánh lừa" như Dương Thu Hương.

Trái lại tớ lo, lo cho tương lai của bác ngư dân này khi " bị" vào hợp tác xã, phải bán sản phẩm cho Mậu Dịch, phải cấm cả miệng mình ăn một con tôm do chính tay mình câu lên, (một trong những điều cấm của các hợp tác xã đánh bắt thủy hải sản ở Đồ Sơn,ở Cát Bà, Cát Hải mà Sở Thủy Sản Hải Phòng đã tổ chức cho một Đoàn nhạc sỹ chúng tớ đi thực tế để ...trái tim thấy nhiều lần nhói lên về cái thực tế phũ phàng này!)

Trên đường về, trên xe, một trong những đề tài thường được chúng tớ tranh luận là: Miền Nam có thể nào đi theo con đường tiến lên XHCN kiểu miền Bắc không? Và gần như ai cũng nhận thức được "Cái mảnh đất giầu có trời cho", cái con người miền Nam sống Tự do như dân vùng Cà Mâu này khó có thể chịu cái cảnh sống của ngư dân Đồ Sơn, Cát Hải được!

Trở về thành phố, lại lang thang đi khắp chợ Bến Thành, đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ...anh nào anh nấy đều ù tai, hoa mắt về những hàng hóa, về những câu chào hỏi "1 đồng (tiền mới) một mét mua dzô!"
Còn vào đên Chợ lớn thì ...cứ như ...lạc sang Tầu! Đặc biệt ngon và rẻ thì có lẽ không anh nào đã được hưởng cái thú ăn cơm Tầu như ở đây! Huy Du, 5 năm học bên Tầu cũng chưa bao giờ được hưởng những món sang trọng mà lại rẻ rề đến thế! Bữa ăn có cả bào ngư, kim tiền kê mà đứng lên trả tiền, 4 vị chỉ mất có 4 đồng rưỡi!...

Một giấc mơ? một ảo giác? Không, thực sự là như vậy!

Tuy nhiên, đêm đó tài căn hộ của tớ cũng nổ ra một cuộc tranh luận về đề tài: Liệu "Ta"có cải tạo tư sản,có cầm buôn bán, liệu có đóng cửa hết mọi cửa hàng ăn, các cafeteria, các bar như Rex, Givral, Maxim's,,, không? Chỉ riêng tớ là dám nói :"Sẽ cấm!" Còn tất cả đều ngờ vực... Vì tớ là một anh ăn nói liều mạng nhất nên tớ dám phát ngôn "vô trách nhiệm" là ...Trong tay ông X,ông Z thì... mười Chợ Lớn các ông ấy cũng phá tan như không! Chủ nghĩa xã hội đâu chấp nhận cái cảnh giai cấp trung gian (tức là thương nghiệp) đâu có chấp nhận công cụ sản xuất (nhà máy) nằm trong tay bọn tư sản!

Nhân đây cũng xin kể một chuyện vui mà có thật 100%. Em ruột tớ, nhân có dịp các văn nghệ sỹ miền Bắc vào cũng có ý "khoe" tớ và đám bạn bè tớ cho mấy anh em trí thức văn nghệ sỹ miền Nam, bèn tổ chức một bữa tiệc mừng tại Biệt Thự Tĩnh Tâm của bố tớ để lại. Trong lúc Tô Hiền đang còn dài giòng giới thiệu chưa xong thì, họa sỹ Lưu Công Nhân, bạn học của Hiền thời kỳ Pháp thuộc, bỗng cầm cốc rượu Napoléon lên, đứng phắt dạy, ngắt lời: "Này thôi thôi! Mời các vị nâng cốc uống mau đi, kẻo ít nữa chẳng có.. đéo gì nữa mà tiệc với tùng đâu!!" Cử tọa lặng người vì câu nói quá "bá láp" của cái ông họa sỹ cộng sản này !

Kể ra LCN nói cũng thiếu... văn nghệ một chút nhưng những điều anh nói ra rõ ràng là sau này trở thành sự thật (!) khi nhu yếu phẩm, từng lạng thịt, thìa bột ngọt cũng phải chia về cơ quan, khối phố!

Cũng xin nói thêm sau này chính anh là người thứ hai, sau Dương Bích Liên xin ra Đảng và còn cười giỡn và nói :"Tao vào Đảng sau mà lại được ra trước, khối thằng vào trước tao mà cũng chưa được ra!" Chuyện này trong giới văn nghệ miền Bắc còn kể cho nhau nghe mãi về sau... khi anh đã không chiụ "lệnh trục xuất" về Bắc của ông Bảy Bảo Định Giang (*) mà sẵn sàng ra khỏi biên chế để được ở lại miền Nam làm một anh "họa sỹ tự do" cho đến năm 2007 thì qua đời ở Đà lạt..

Thực tế ở miền Nam nó phản tỉnh vào tâm hồn con người văn nghệ sỹ bằng nhiều cách nhưng nói chung là mọi nhân sinh quan, mọi lập trường, quan điểm nó đảo lộn tất cả trong mọi cái đầu và trái tim của những người đã từng làm văn nghệ minh họa (mà đại tá nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết lời ai điếu).

Dẫn chứng gần nhất là lời tuyên bố của nhà văn nổi tiếng là khôn, Nguyễn Khải, trên giường bệnh lúc sắp giã từ cuộc đời được đăng trên Tuổi Trẻ ngày 11/1/2008 là: "Miền Bắc cho tôi Độc Lập, miền Nam cho tôi Dân chủ và Tự do" ,"thì đủ biết THỰC TẾ MIÊN NAM đã giải phóng cái đầu và trái tim tụi tớ như thế nào!
Và... chẳng phải một mình giới văn nghệ, giới chính trị cũng phải nhận thức ra "Không thay đổi cách nhìn, cách lãnh đạo là...nguy to! Và... "Đổi Mới" đã ra đời...Cả hai miền đã đuợc... "cởi trói" tiến vào kinh tế thị trường nhưng....đang còn vướng cái đuôi...XHCN ????????

*Ở miền Bắc, một số văn nghệ sỹ được "giải phóng sáng tác"
100%, nghĩa là ăn lương của Hội nhưng không phải làm việc gì ngoài sáng tác.Tuy nhiên, đi đâu, làm gì, kế hoạch sáng tác, sinh hoạt Đảng vẫn phải do Đảng Đoàn quản lý. Lưu Công Nhân, Phan Huỳnh Điểu... là hai văn nghệ sỹ tuy vào miền Nam rất sớm nhưng không thuộc bất cứ Hội nào của thành phố. Riêng LCN, vì "quậy" quá mới có cái "lệnh trục xuất" của Đảng Đoàn Hội Liên Hiệp V.H.N.T thành phố vô lý này...

24 tháng 3, 2008

*****************************************************************************************************************************



Bấm vào dưới đây để xem và nghe NS Tô Hải nói chuyện với người cháu là Andrew Lam năm 2004 (Andrew Lam tên thật là Lâm Quang Dũng, con của Tướng VNCH Lâm Quang Thi, mẹ Andrew là em ruột của NS Tô Hải) :


Tớ Đi Thăm Những Người ... Không Chiến Bại

Mới đầu, tớ chỉ coi những người không trực tiếp cầm súng ở miền Nam chống lại quân đội miền Bắc là những người không chiến bại.... vì theo tớ, họ có vào sân đá banh đâu mà bảo họ thua...?
Cho nên, giao tiếp với những gia đình, bạn bè không có con phải đi "học tập" nó làm tớ thoải mái hơn cả. Đỡ phải trả lời những câu hỏi mà chính các bố "tuyên bố một đằng làm một nẻo" cũng chẳng đủ sức trả lời!
Tớ thấy những phương châm dặn dò của Ban Thống Nhất khi tiếp xúc với đồng bào, nhất là văn nghệ sỹ miền Nam là luôn ở "tư thế của kẻ chiến thắng", là "cần đoàn kết nhưng kiên quyết, cởi mở, nhưng cảnh giác" không để sa vào những cám dỗ vật chất của chủ nghĩa thực dân mới vv....vv... bằng một thái độ duy nhất: "Đến với mọi người với cả một tấm lòng trung thực nhất, không bao giờ tỏ ra một người ở phe thắng tới với phe thua”!
Tớ không thể hiểu nổi các nhà làm ra những câu như "thế ta là thế đứng trên đầu thù", những người chủ trương vừa tiếp quản thành phố đã bắt toàn dân "treo ảnh lãnh tụ, treo cờ Tổ Quốc", đã đêm đêm bắt các em nhỏ phải đi tập trung học "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ!" có một chút nghĩ suy gì về tình cảm con người không chứ chưa nói đến tâm lý học. Làm sao mà người ta có thể bị áp đặt phải yêu những thứ mà người ta không những không thích mà còn sợ hãi, thù oán nữa? Làm sao mấy em nhỏ có bố đi "cải tạo" chưa có ngày về lại có thể mơ thấy gì ngoài bố chúng nó chứ! Tớ phải cố quên đi những lời hợm hĩnh kiêu binh (sufisance) trên Đài, trên báo, trên những khẩu hiệu giăng đỏ đường để có đủ can đảm bước vào những gia đình mà tớ biết trước sẽ phải đối diện với trăm ngàn thắc mắc đủ loại....

Tớ không đến nỗi vào loại nói dối ngu ngốc là: "miền Bắc có cả trăm máy lạnh mắc ở công viên Lê Nin"! Tớ cũng không đủ can đảm để nói miền Bắc sống sung sướng vì ...không bị "kìm kẹp" dù không có tủ lạnh, tivi, xe máy..., dù miếng ăn nào cũng phải có phiếu có tem!
Tớ muốn chửi cha cái thằng dám viết báo nói rằng "phong cách trẻ em khoanh tay, cúi đầu khi chào người lớn ở miền Nam là...rơi rớt từ chế độ phong kiến!"
Đặc biệt là đối với giới trí thức miền Nam, tớ luôn tâm niệm là: Họ có được cái đầu và trái tim phóng khoáng, tự do hơn chúng tớ nhiều. Hơn thế nữa họ có nhiều điều kiện để trau dồi trí thức, được đọc nhiều, xem nhiều, đi nhiều hơn hẳn mấy anh lý luận văn nghệ mà chỉ được đọc tác phẩm qua bản dịch, học lý luận qua các tổng kết triết học-chính trị-kinh tế học từ cuối thế kỷ thứ XIX!
Và một điều tớ cho là văn nghệ sỹ miền Nam hơn hẳn mấy anh văn nghệ sỹ miền Bắc ở chỗ: 10 anh thì 9 anh dùng được từ 1 đến 2 ngoại ngữ để tự trau dồi kiến thức của mình. Điều này ở miền Bắc tỷ lệ dùng được ngoại ngữ là ngược lại 1/10! Mà hầu hết cái số 1 đó lại là ngoại ngữ học từ thời Pháp thuộc. Còn lại trí thức từ 50 tuổi trở xuống (tính đến năm 1975) thì ....đều trông chờ vào sách dịch nhỏ giọt mỗi năm dăm bảy cuốn.
Ấy vậy mà các vị "kiêu binh văn nghệ" đó vẫn dám tổ chức tọa đàm, hội thảo đủ mọi thứ nghe có vẻ..."người lớn" ra phết: Nào "Sự khác biệt giữa chủ nghĩa hiện thực phê phán và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa", nào "Ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân mới tới văn học nghệ thuật miền Nam"... nào Hiện Sinh, Ca Muýt, Bôn Sác, tùm lum cứ như ta đây đã biết thừa "ba cái thứ bậy bạ" đó từ lâu rồi!
Tớ nhớ mãi một buổi hội thảo về văn học nghệ thuật tại 190 Phan đình Phùng mà mấy vị hãnh diện chiến thắng đứng lên ăn nói bậy bạ đã bị anh em phản đối bỏ ra về! Riêng tớ cũng đứng dậy ra về theo vì cũng cảm thấy bị xúc phạm luôn nhất là kẻ xúc phạm mình lại là một thằng Ngu!
Ai đời phân tích một tác phẩm của phía mà anh ta cho là "người thua", mời người ta tới mà lại nói là: "Anh có bao nhiêu cái đầu để tạ tội với cách mạng?" (Phan Khắc Lập phê phán cuốn "Tiền Đồn "của Thế Uyên).
Còn về âm nhạc thì còn có ông tệ hơn nữa, dám phát ngôn một câu là: "Âm nhạc miền Nam là âm nhạc ....vô học". Tớ nhớ mãi truyện này vì chính sau đó một hôm, nhạc sỹ Phạm Đình Chương, người tớ đã quen biết từ thời kháng chiến chống Pháp đã đến gặp tớ ở 23 Lý Tự Trọng để nhờ phản ảnh sự bất bình của anh em "tại chỗ" về thái độ lời ăn tiếng nói của một số "cán bộ cách mạng". Tớ đã nói chuyện với nhạc sỹ Phạm Đình Chương gần 3 tiếng đồng hồ về những gì chúng tớ đã trải qua để tồn tại đến ngày hôm nay,... Rồi cuối cùng... Các bạn có biết tớ đã khuyên ông ấy cái gì không: “Anh Chương ạ! Tôi khuyên anh... nếu còn khả năng, hãy..."ra đi" đi! Sớm ngày nào hay ngày ấy! Các anh không thể sống an lành với thái độ thẳng thắn này đâu. Hơn nữa, với cái đầu và trái tim quen với tự do rồi, các anh không thể làm nghề sáng tác được dưới thể chế chính trị này đâu!”
Và cũng chính với cái bài thuyết phục tích cực một cách cực kỳ ...tiêu cực này tớ đã chỉ sửa đi mấy chữ "không thể buôn bán", không thể hành nghề", "không thể phát triển tài năng" v..vv... mỗi khi đến đâu gặp những người thân đang có vấn đề bế tắc trong tư tưởng, đời sống, vật chất hay tinh thần... Có thể nói, gần như cả gia đình nội ngoại xa, gần nhà tớ, từ bà cô, bán phở Bắc ở chợ An Đông đến ông giáo sư Đại Học Trường Y Dược, sau này ra đi, đều có công "thúc đẩy" của tớ ít nhiều.
Riêng giới nhạc, những người còn ở lại do còn lấn cấn vấn đề vợ con, tài sản hoặc còn hy vọng điều gì đó thì, sau cuộc cải tạo tư sản đều ra đi hàng loạt.
Riêng cái dàn nhạc đã từng cộng tác với tớ suốt những ngày đầu tiên cố làm nên một thứ "âm nhạc giải phóng" thì ...ra đi không sót lấy một người!
Riêng đối với Nghiêm Phú Phi, một người tớ đặc biệt quan tâm, theo giới thiệu của Phạm Trọng Cầu, tớ đã từng gặp để trao đổi nhiều về vấn đề có thể đẩy mạnh nền âm nhạc kinh viện (accadémique) ở Sài gòn này không thì ông cho biết: “Ông đã có giấy tờ chính thức ra đi, không thể ở lại được, dù lúc đó người ta đã "cơ cấu" ông vào Ban Chấp Hành Hội Âm nhạc thành phố sắp được thành lập”. Tớ mừng cho ông vì những thứ ông học mà tớ đã được biết, (được xem và được nghe qua một cái quartet cho đàn giây) quả là hiếm hoi ở đất Sài gòn này nhưng ông sẽ chịu sao nổi sự lãnh đạo của mấy ông đáng tuổi con, tuổi em ông đang sắp từ Liên Sô, Trung Quốc... trở về với cả một hệ thống tư duy về thẩm mỹ (và cả kỹ thuật nữa) hoàn toàn khác biệt, nhất là cái đầu óc hợm hĩnh (sufisance) mang từ "cái nôi của cách mạng tháng 10" về thì... chỉ có làm ông tăng-xông mà chết sớm!
Một làn sóng văn nghệ sỹ, diễn viên ở cả hai miền di tản, vượt biên càng tăng lên khi có vụ "Nạn Kiều". Hàng loạt diễn viên của Nhà hát giao hưởng (cả gia đình họ hàng nhà Cóong (Trombone), Đài Phát Thanh (Vân Khánh, Mộng Dung, riêng Ngọc Tân..bị bắt, ở tù rồi được thả)) Nhà hát Kịch (Giáng Hương, Phạm Bốn) Trường Nhạc (vợ chồng pianist Hàn-Vy-Hoa...V.Hiệp...) thậm chí cả sau này gia đình nghệ sỹ nhân dân(!!!) Thái Thị Liên-Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh... theo tớ chẳng qua cũng chỉ là một thứ "di tản chính thức", được chấp nhận để họ có đủ điều kiện phát triển tài năng mà thôi! Còn họ phục vụ nhân dân được cái gì thì ngay cái "nhăn răng" tớ đây cũng chẳng được ba vị "nghệ sỹ lớn" quanh năm sống ở nước ngoài cho nghe lấy một nốt nhạc nào!
Tớ chỉ ân hận có một điều là không giúp đỡ "giải thoát" được cho chính em ruột tớ: Tô Hiền. Một phần vì bản thân em tớ nó quá yếu đuối cả về tinh thần lẫn thể xác, một phần nó cũng hơi có tí..."cách mạng" hơn cả ông anh vì nó cũng đã từng trải qua những ngày sống với "cách mạng" thời học tú tài ở trường cấp ba Nguyễn Thượng Hiền, trong vùng kháng chiến. Phần nữa nó quá lo cho cuộc sống càng ngày càng khó khăn của một anh "giáo sư cấp ba" và một bà vợ giáo viên cấp 2 làm sao nuôi nổi 6 con ăn học trước tình hình ngày càng xuống cấp trầm trọng của xã hội những năm 76-77. Có thể nói gia đình Tô Hiền, em tớ là điển hình cho một lớp trí thức tiểu tư sản thành thị bị "chết lây" bởi các phong trào cách mạng đánh vào...người khác! Thoạt tiên là bán đổ bán tháo cái ô-tô hàng ngày, giáo sư dùng để chở vợ con đi dạy, đi học và chở mình đến lớp! Sau đó là tậu ngay ...8 cái xe đạp, mỗi người một cái, ngày ngày cọc cạch đạp từ hẻm Long Vân Tự (Bình Thạnh) đi khắp các Quận để học, để lên lớp, giảng bài! Mỗi lần tớ về thăm lại thấy thiếu đi một cái gì đó, thậm chí đến 3 cái quạt trần cũng từ từ đội nón ra đi. Bữa ăn thì toàn bo bo, bột mì... rau xanh là chính. Các cháu sinh ra ghẻ ngứa, mặt mày đứa nào đứa nấy ngơ ngác chẳng còn hột máu! Mỗi lần về, qua chợ bà Chiểu, tớ luôn xách theo cân thịt lợn, thịt bò về để bồi dưỡng cả nhà. Đang tính chuyện bán nhà để có "cây" vượt biên thì...., ngay trên bục gỉảng tại trường phổ thông cấp Ba Nguyễn Huệ Quận 4, giáo sư Hiền đã gục xuống, đứng tim và không bao giờ tỉnh lại nữa! Đó là ngày 24 tháng 10 ta năm 1976, sau đúng có hơn một năm trời cố gắng làm anh giáo sư cấp 3 XHCN! ... Và vợ Hiền, sau đó ít năm, cũng chết vì tăng xông luôn... 6 đứa con nay đã trưởng thành, chẳng nên ông nên bà, có chức danh to lớn gì ,nhưng cũng sống được, một phần vì có ba đứa đã quyết tâm làm "boat people" (may không đứa nào bị cá ăn), hiện đang sống bên Canada, bên Mỹ, hỗ trợ ít nhiều!

Đúng là tớ có cái "số" sống cô độc, không bà con họ hàng để luôn luôn có thời giờ mà... nghĩ ngợi, mà buồn chán cho cuộc đời, mà trao đổi với bạn bè những tình cảm, nghĩ suy... như tớ đang giải sầu bằng blogging hôm nay đây.

Trở lại với cuộc đi lang thang với nhạc sỹ Lê Thương (không có ông, rất khó tiếp cận với các loại "sống ẩn" như Dương Thiệu Tước) tới rất nhiều các nhạc sỹ đang còn ở lại. Tớ luôn ca ngợi cái tự do của họ và nhận hết những gì mà người khác làm sai như của mình làm sai. Xong xuôi rồi, bao giờ tớ cũng tìm cách nhắn nhủ một cách tế nhị "Nên chọn con đường "ra đi" là tốt nhất vì các anh không có đủ sức chịu đựng được những gì chúng tớ đã chịu đựng đâu!” Trừ một số anh quyết tâm ở lại vì đã quá già, trong đó có anh Lê Thương, Hùng Lân, Dương Thiệu Tước...tất cả những người trẻ, trong đó có cả Duy Quang, trước khi ra đi đều đến chào tớ rất cảm động, chân thành. Tớ chỉ thương có một mình Y Vân, một con người nghệ sỹ quá tình cảm, quá bình dân và quá... nghèo, không sao có khả năng tìm đường "tự cứu" được. Ngay những năm 75, 76, anh cũng tự mình cuốn lấy thuốc hút, ăn mặc xuềnh xoàng. Anh thường đến tớ chơi trao đổi nhiều điều rất tâm tình (chuyện gia đình, chuyện vì sao anh làm ở Đài Mẹ Việt Nam ... Anh không được phổ biến tác phẩm, không được kết nạp vào Hội cho đến ngày anh qua đời...)
Đối với tớ, không có nhạc sỹ phe ta hay phe nó gì hết. Chỉ có một cái chức danh đáng tự hào NGHỆ SỸ VIỆT NAM mà số phận đã bị các nhà chính trị đẩy họ đến chỗ phải cầm đàn, cầm bút, cất cao tiếng ... chửi nhau, gây nên chia rẽ, thù hằn cho mãi đến bây giờ vẫn chưa sao mà xí xóa đi cho được!
Vài năm gần đây, thỉnh thoảng có người trở lại cố hương, găp lại tớ, thấy tớ vẫn sống có phần thoải mái tự do, lại còn lên net, gõ blog hàng ngày, gặp bạn bè, mét xịch khắp bốn phương, tuy không có được nhà lầu, xe hơi nhưng vẫn vui tươi trong cuộc sống hoàn toàn tự do, thoải mái, tớ đã không ngần ngại tuyên bố: "Ngày xưa các bạn sống sướng hơn tớ nhiều“! Còn bây giờ thì đến phiên được bắt đầu cái sự... sướng tự tạo ra đây! Chỉ phải cái chữ "giầu" thì có lẽ không bao giờ tớ có được ở cái nền... kinh thế (!) thị trường quái đản này! Thôi thì thay "thăm nghèo hỏi khổ" tớ bằng... "thăm cái lão già nghèo mà sướng vậy"!
Tô Hải
27/03/2008

Tài liệu tham khảo:
Blog của nhạc sĩ TÔ HẢI
Trang Khánh Ly
Đàn Chim Việt
BBC
***
------------------------------


Đọc “HỒI KÝ CỦA MỘT THẰNG HÈN” của TÔ HẢI
14/04/2009
UYÊN THAO

Nỗi khát khao nhỏ bé được cùng gia đình lo đón
Tết mà người sĩ quan thiết giáp vừa thốt lên
bỗng như vầng khói sương hư ảo. Ngay cái
đỉnh đèo mà tôi vừa đứng bên anh cũng chìm
dưới hình ảnh những xác chết ngổn ngang để xoá
nhoà hẳn nét đẹp mà anh nhìn thấy. Cảnh sắc
thiên nhiên không bao giờ thay đổi, nhưng tôi
không thể quên những cuộc tàn sát từng diễn ra
chính trên đoạn đường này, nhất là không thể
quên những thân xác vào nhiều ngày tháng trước
đã nằm gục theo mọi tư thế bên những gốc cây,
những mô đất mà chúng tôi vừa bước qua...
____________________________________________

NGÕ CỤT VIỆT NAM
và giấc mơ về Thằng Hèn CHILON CHILONIDES

UYÊN THAO


Từng trang “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” đưa tôi lui dần về bốn mươi năm trước.

Thuở đó, một buổi sáng cuối năm 1969, tại toà soạn tuần báo Diễn Đàn trên đường Tạ Thu Thâu Sài Gòn, anh Mặc Đỗ nhắc tôi thực hiện ngay số báo đặc biệt về Hồ Chí Minh vừa có tin đã chết.

Anh Mặc Đỗ là chủ bút và tôi là người điều khiển toà soạn.

Lời nhắc của anh tự nhiên làm bừng dậy một loạt hình ảnh từ ký ức.

Trước mắt tôi không còn khung cảnh toà soạn mà là đoạn đường đèo Mang Yang.

Đối diện với tôi không còn nhà văn Mặc Đỗ mà là người lính đầy bụi đất — một đại uý thiết giáp mà tôi nhớ tên là Đào Trọng Trấn. Tôi tới đây khi trận Đức Cơ đã dứt, nhưng toàn Vùng 2 đang căng thẳng vì cuộc nổi dậy của Fulro vào tuần lễ trước –– đêm Giáng Sinh 1965. Chúng tôi bước dọc hàng chiến xa rồi dừng bên một lùm cây. Đại uý Trấn bỗng chỉ tay xuống dải thung lũng bên quốc lộ bật la:

- Đẹp quá! Cảnh đẹp quá!

Rồi anh thở dài:

- Lúc này được cùng gia đình lo đón Tết mới thú!

Câu nói bất ngờ tỏ nỗi khát khao của vị chỉ huy đơn vị đang bảo vệ an ninh cho một điểm xung yếu nối cao nguyên với duyên hải đã theo tôi suốt đoạn đường trở lại thị xã Pleiku sau đó.

Tôi như nghẹn thở vì những hình ảnh hỗn loạn, vừa thấy mình dừng giữa dòng suối nhỏ tại Dakto đã lập tức ngồi bên một sân bóng tại Lệ Thanh, rồi chết sững tại một căn cứ địa phương quân Phú Bổn…

Bên tai tôi dội lên tiếng la của người lính vừa cùng tôi vục tay vào dòng suối.

Dòng suối hiện ra như nguồn hạnh phúc cho những kẻ thất thểu gần mười ngày giữa núi rừng khô khốc. Tất cả đang lao xuống suối như bày thú đói lao vào con mồi bỗng sững lại vì tiếng la và nhìn theo bàn tay chỏ một lùm cỏ đen lù lù trôi tới. Giữa đống cỏ và đám lá khô bập bềnh hiện lên một đám tóc rồi một gương mặt đen kịt ruồi muỗi giòi bọ — một đầu người xám xịt nhớp nhúa.

Chiếc đầu theo dòng nước từ từ trôi trước mắt chúng tôi để về đâu không ai biết.

Cũng chẳng bao giờ chúng tôi biết chiếc đầu đó là của ai, bị cắt lìa lúc nào, trong tình cảnh ra sao…

Rồi ngay trước mắt tôi là một phụ nữ với mớ tóc rối mù phủ dài phía trước.

Sợi thừng quấn quanh ngực buộc chiếc xác lên một nhánh cây khiến người đã chết không được nằm yên mà phải đứng gục đầu với hai bàn chân lửng lơ chạm hờ trên mặt đất. Những vệt máu tím ngắt kết dính mấy mảnh áo tả tơi vào bộ ngực nát bấy vì vết đạn.

Chỉ hơn mười tiếng đồng hồ trước đây, chắc chắn người phụ nữ này không thể nghĩ về điều xẩy ra cho chị như tôi đang thấy. Có thể chị vẫn thấy cuộc đời đầy tươi đẹp vì đang xum họp bên chồng con giữa buổi tối mừng lễ Giáng Sinh, dù ở một tiền đồn heo hút trên mảnh đất Phú Bổn xác sơ này.

Dù sao chị cũng may mắn vì chồng con chị đã chia chung mọi điều với chị và hẳn đang ở bên chị dưới mấy nhánh cây không xa. May mắn hơn nữa là chị cùng chồng con rồi sẽ có một nấm mồ vì thân xác còn treo tại đây thay vì trôi trên một dòng suối.

Dù quá quen với cảnh chết chóc, tôi vẫn không thể dừng lâu giữa những xác người dựng đứng bao quanh.

— Không cách gì trốn khỏi được!

Đó là mấy lời ngắn ngủi của một thiếu tá Biệt Động Quân.

Chúng tôi quen nhau từ tuổi học trò và gặp lại sau nhiều năm xa cách giữa vùng núi Chư Prong sặc mùi tử khí. Thằng bạn hiền hoà học cùng lớp với tôi từ trường Thăng Long qua trường Văn Lang Hà Nội mấy năm 1950-1953 mang gương mặt cằn cỗi khó ngờ.

Ngồi bệt trên bờ hào, nhìn quanh lơ đãng, anh nói với tôi mà như đang nói với chính mình:

— Tao không sợ hành quân mà chỉ sợ lúc trở về. Những lúc đó tao chỉ muốn trốn mà… không cách gì trốn khỏi được!

Tôi không ngạc nhiên về sự muốn trốn khi một cuộc hành quân chấm dứt.

Không muốn trốn sao được khi biết chắc đang chờ phía trước là những gương mặt căng thẳng đón xem trong số người về còn có người thân của mình không?

Càng muốn trốn hơn nữa khi phải nhìn nỗi đau oà vỡ của những người vợ yếu đuối, những đứa trẻ ngây thơ thấy chồng, cha trở về trong gói poncho, nhất là lúc cả đám đông chan hoà nước mắt vây quanh người chỉ huy để cùng nhao nhao cất lên một câu hỏi như đang mê sảng:

— Thiếu tá ơi, chồng tôi đâu?

Chẳng ai cần trả lời nhưng những câu hỏi cứ vang lên như những lằn đạn kinh hoàng không một lằn đạn kinh hoàng nào giữa trận địa so nổi.

Một rừng hoang ký ức vây hãm tôi trên đoạn đường dài do câu nói bất ngờ của đại uý Trấn.

Tôi không tìm nổi lý do chính đáng cho việc cần xô mọi người vào những cảnh sống mà tôi đã gặp.

Không lý do nào đứng vững khi trút cả tràng đạn vào ngực một phụ nữ yếu đuối và lúc nạn nhân đã gục xuống lại dựng đứng cái xác dưới một nhánh cây. Người phụ nữ đó phải sống giữa một tiền đồn chỉ vì có chồng là lính địa phương quân.

Càng không có lý do nào đứng vững khi những đứa trẻ chưa quá 5 tuổi đầu vẫn bị bắn hạ và treo xác chỉ vì cha chúng là người cầm súng.

Chỉ những con tim gạch đá và những bộ óc ngập đất bùn mới tạo nổi lý do chính đáng cho các hành động này, nhất là những nạn nhân còn trở thành con số ghi dấu chiến công đã diệt bao nhiêu tên địch!

Nỗi khát khao nhỏ bé được cùng gia đình lo đón Tết mà người sĩ quan thiết giáp vừa thốt lên bỗng như vầng khói sương hư ảo. Ngay cái đỉnh đèo mà tôi vừa đứng bên anh cũng chìm dưới hình ảnh những xác chết ngổn ngang để xoá nhoà hẳn nét đẹp mà anh nhìn thấy. Cảnh sắc thiên nhiên không bao giờ thay đổi, nhưng tôi không thể quên những cuộc tàn sát từng diễn ra chính trên đoạn đường này, nhất là không thể quên những thân xác vào nhiều ngày tháng trước đã nằm gục theo mọi tư thế bên những gốc cây, những mô đất mà chúng tôi vừa bước qua...

Những hình ảnh đó đã trở thành đời sống Việt Nam do ý hướng của một con người mà anh Mặc Đỗ vừa nhắc tôi thực hiện số báo đặc biệt về con người ấy..

Lúc nhấc điện thoại liên lạc với các cộng tác viên, tôi nhớ lại mấy câu thơ “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua — Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà…” của Hồ Chí Minh mà đài Hà Nội truyền đi và bên tai vang lên câu nói của người tuỳ viên văn hoá toà đại sứ Mỹ vào dịp tiếp xúc với một nhóm cầm bút trẻ tại Sài Gòn mấy năm trước, năm 1964. Chưa bao giờ tôi nghĩ người Mỹ hiểu thấu hoặc ưu tư về tâm cảnh người dân Việt Nam , nhưng câu nói của người tuỳ viên đã khiến tôi chấn động thực sự. Ông ta hỏi: “Giới trẻ Sài Gòn nghĩ gì về nhân vật Hồ Chí Minh?” Bạn tôi, Vũ Ngọc Đĩnh, trả lời: “Hồ Chí Minh là người yêu nước, nhưng đã lầm đường.” Người tuỳ viên văn hoá mà đa số lớp trẻ Sài Gòn nghĩ là mù mịt về văn hoá Đông Phương đã lắc đầu nói ông ta không nghĩ vậy, vì theo ông ta, người yêu nước trước hết phải thương dân. “Hồ Chí Minh đam mê sự nghiệp của ông ta chứ không thương dân. Không thể bảo ông ta là người yêu nước!”

Kể từ ngày đó, tôi luôn cố tìm con tim rung động trước nỗi đau của đồng bào nơi những con người được tôn xưng là yêu nước và không ngớt thắc mắc về sự viện dẫn tình yêu nước để đẩy đất nước vào vòng lửa đạn với hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu cái chết oan khiên đau đớn.

Ít ngày trước khi ghé Mang Yang, tôi ghé một quán nước gần khoảnh đất trống bên quận lỵ Lệ Thanh cũng là sân bóng chuyền của những người lính đồn trú gần đó và đám trai trẻ địa phương. Niềm vui quây quanh trái bóng tại đây đã biến một nhóm sáu chàng trai thành tâm điểm thu hút. Tôi gặp những chàng trai này khi họ vừa qua một trận đấu, đang ngồi với đám học sinh nhỏ ngưỡng mộ họ. Thấy tôi đeo máy ghi âm, cả nhóm đề nghị mở cho nghe một bài ca. Cuốn băng đang nằm trong máy của tôi chỉ ghi phần kết bản trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy. Tôi không tin đám trẻ mười tám, hai mươi sống giữa vùng gió bụi mưa mù này thích nghe bản nhạc, nhưng vẫn chiều ý. Không ngờ họ đòi tôi cho nghe lại, và hết thẩy đều như chết lặng trước từng lời ca. Rồi một chàng trai vừa chấm mấy giọt nước mắt trên gò má vừa xin tôi cuốn băng. Nỗi xúc động hiện trên từng khuôn mặt khiến tôi hứa sẽ trở lại vào tuần sau và tặng cuốn băng ghi trọn ba phần của bản trường ca thay vì cuốn băng này..

Tôi trở lại như đã hứa, nhưng quán nước bên đường chỉ còn là đống dấu tích tan hoang.

Đợt pháo kích bất ngờ vào buổi chiều ba ngày trước đã biến cả sáu chàng cầu thủ bóng chuyền, đám học sinh nhỏ và gia đình chủ quán thành tro bụi, khi họ đang ngồi quây bên nhau như thường lệ.

Các nạn nhân vừa được chôn cất ngày hôm trước.

Tôi quay ra xe như kẻ vô hồn, thay vì mở máy xe, đã mở đoạn cuối cuốn băng với những lời ca mà tôi ngỡ chỉ là tiếng nấc nghẹn của Thái Thanh:

Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi!

Mấy giọt nước mắt trên gò má chàng trai chỉ một lần thoáng gặp tại xó rừng mịt mù bụi đỏ như có ma lực thúc đẩy một nỗi bứt rứt khó tả. Tôi cứ thấy những giọt nước mắt đó khởi từ con tim đằm thắm của một tâm hồn nhân hậu chỉ hứa hẹn sự tốt lành. Những con tim và những hứa hẹn đó hẳn có ở nhiều nơi nhưng số phận dành cho tất cả chỉ là tro bụi.

Cuộc chiến tự nguyện

Và, những dòng chữ của Tô Hải hiện lên:

“Tôi đã thấy…Cả một xã không còn bóng đàn ông, trắng xóa khăn tang của các chị, các mẹ... Cả một đơn vị, một chuyến phà, một đoàn xe, một gương mặt, thậm chí một bà mẹ già còng lưng chở lính qua sông, mẹ Suốt, một tiểu đội con gái đêm đêm san đường, lấp hố bom, mới gặp mặt hôm trước thì hôm sau đã thành tro bụi. Đố ai tìm được cái xác nào sau khi bom B52 rơi trúng bến phà Xuân Sơn nhỏ bé ở Quảng Bình, ở ngã ba Đồng Lộc ấy! Bản thân tôi, khi trực tiếp gặp họ, tôi đều nghĩ: “Chắc đây là lần gặp... cuối cùng.” Và, quả là như vậy”. (HKCMTH – tr. 279)

Đó là quê hương Việt Nam trong cuộc chiến dài gần nửa thế kỷ mà chính người tự nguyện bước vào cuộc chiến như Tô Hải đã nhận định: “Với tôi cũng như với nhiều người được đọc, được nghe và có được tí chút độc lập suy nghĩ thì cuộc chiến chống Mỹ chẳng có gì là bất ngờ… Đâu phải nó nổ ra từ vụ hải quân tí hon Bắc Kỳ dám “đánh cú liều” vào tầu Maddox ở vịnh Bắc Bộ! Quần áo, mũ, giày, thắt lưng, bao đạn, lương khô.... tất cả là...Tàu! Kalachnikoff, T54, Sam I, Sam II, Mig 17 hay Mig 21...tất cả đều đến từ Matxcơva... Còn dân Việt Nam chỉ có.... người mà con người Việt Nam thì chỉ cần đứng trước hai chữ “xâm lược” là sẵn sàng, kẻ thù nào cũng... “oánh”!” (HKCMTH – tr. 266)

Nỗi đau

Cảm giác nhục nhã vì mang thân nô lệ khiến nỗi uất hận do cảnh sống bất công những ngày tháng trước vẫn chưa nguôi, dù chế độ thực dân Pháp đã chấm dứt từ đầu tháng 3-1945 và đất nước đã có một chính quyền tự chủ khi người Nhật buông súng đầu hàng. Cảm giác này khiến một thế hệ trẻ dễ dàng biến thành công cụ trong tấn tuồng lường gạt bi thảm mà nạn nhân gồm cả bản thân họ.

Tô Hải kể về cái ngày khởi đầu sa hố đó:

“Đúng ngày 17 tháng 8 năm 1945, chúng tôi kéo nhau đến quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội mít-tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc mít-tinh bắt đầu được mấy phút bỗng hàng loạt cờ đỏ sao vàng được tung ra, cờ quẻ ly bị giật xuống và trên bục diễn giả xuất hiện một người đeo poọc-hoọc, đăng đàn diễn thuyết, kêu gọi đồng bào đi theo Việt Minh, đánh Pháp, đuổi Nhật, đòi lại áo cơm, tự do, xóa bỏ gông xiềng... Những khẩu hiệu vừa phát ra đã có hàng ngàn người hô to hưởng ứng. Không một tiếng súng. Không một sự phản kháng từ ai, từ đâu, dù trại lính Nhật ở cách đó chỉ khoảng 300 mét!

Cuộc khởi nghĩa thành công nhanh như thế đó!

Sau này, loại thanh niên “yêu nước hồn nhiên” bọn tôi đâu có dám lên tiếng khi nghe người ta tự tâng bốc kể công với lịch sử rằng “Đảng đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật dành tự do, độc lập cho đất nước!”

Và các nhà viết sử Nhà Nước Cộng Sản cũng lờ tịt luôn cái chuyện Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ quân chủ lập hiến Trần Trọng Kim — không khác vụ lật đổ chính phủ Kerensky ở nước Nga trong lúc nội tình nước này đang bối rối.

Thực tế lúc ấy là…. chúng tôi có biết gì đến cái đảng cộng sản cộng xiếc, nhất là ông Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh sau đó còn công khai tuyên bố GIẢI TÁN ĐẢNG của ông ta trước thế giới và đồng bào cả nước! Trong chính phủ có đầy đủ các vị Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh.... và cả “cố vấn” Bảo Đại nữa.

“Quả lừa lịch sử” bắt đầu chính là từ đây! Vận nước khốn nạn nhất cũng bắt đầu từ đây!

Tại sao Việt Nam không độc lập như Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ, Thái Lan, Phi Luật Tân... mà phải qua 30 năm chém giết kẻ thù thì ít.... mà chém giết nhau thì nhiều?”… Đây là sự hy sinh cực kỳ vô duyên cho cái chủ nghĩa không tưởng, cho sự tiếm quyền của một lớp người âm mưu làm VUA của cái nước Việt Nam khốn khổ này bằng chiêu bài Độc Lập, Tự Do mà ở các nước, người ta đã có từ nửa thế kỷ nay rồi vì may mắn thay, họ không có Đảng Cộng Sản cầm quyền! Bi kịch lớn của triệu tấn bi kịch nhỏ chính là đây! (HKCMTH – tr. 424 - 425)

Bi kịch đã phủ trùm đất nước do lệnh truyền chém giết viện dẫn lý do “đế quốc Mỹ đang xâm chiếm miền Nam, đồng bào bị bóc lột, đày đọa”, dù nhiều người sắm vai trong tấn kịch luôn tái tê tự vấn: “Từ nay đến ngày “ngụy nhào… miền Bắc còn bao nhiêu xương rơi, máu đổ? Phía bên kia thì thằng Phát, thằng Đạt, những đứa em tôi; thằng Định, thằng Thọ, những bạn học của tôi ... bao giờ sẽ trở thành món “thịt băm” trước cái quyết tâm “còn cái lai quần cũng đánh” của “ta”? (HKCMTH – tr.291 - 292)

Vì họ đã thấy không đế quốc nào xâm lược, không có ai bị đọa đày mà cuộc chiến đã khởi từ mưu đồ độc bá của chỉ một nhóm, thậm chí của chỉ một người:

“Không có ông Hồ, không có cái đảng này thì đâu đến nỗi cả dân tộc tôi bị chiến tranh tàn phá, anh em, họ hàng đâu đến nỗi chia lìa, chém giết lẫn nhau, đâu đến nỗi thua xa những nước cũng thuộc địa như nước tôi đến cả thế kỷ về mọi mặt.” (HKCMTH tr. 388).

Mục tiêu thực sự của cuộc chiến đã được nêu hàng ngày bằng mọi lời lẽ có thể tóm gọn trong mấy câu thơ:

Giết! Giết nữa! Bàn tay không phút nghỉ!
Cho đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt!
(Tố Hữu)

Không gì phi lý bằng phải đổ máu để tạo sự bền lâu cho một phe đảng và càng phi lý hơn là đổ máu để phụng thờ những kẻ xa lạ ở những góc trời mù mịt. Nhưng, nhìn rõ thực tế lại chỉ để bó tay đối diện với một tự vấn không kém đau xót: “…Rũ bỏ những nhận thức sai lầm, chịu nhận là mình đã lạc lối, kiên quyết giã từ cái chủ nghĩa nặng mùi xác chết ấy đi, sao nó khó khăn, vất vả đến thế?” (HKCMTH – tr. 388)


Đây là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu và từng khiến bản thân tôi trong thập niên 1960 bị coi là côn đồ láo xược do đã gán cho các nhân vật đại danh của thế kỷ cái biệt danh “đồ chó”. Đến lúc này, tôi vẫn nghĩ bất kể lãnh phản ứng nào, tôi sẽ không bao giờ thay nổi thái độ từng có với những Bertrand Russel, những Jean Paul Sartre … Chữ “đồ chó” chính là chữ Sartre viết ra để gán cho ai không chịu cúi đầu trước các chính quyền Cộng Sản. Sartre gọi những người này là “đồ chó” vì họ đã chống lại một lý thuyết, mà theo Sartre, sẽ đem lại tốt lành cho đời sống và cũng theo Sartre, “đảng Cộng Sản không bao giờ lầm lẫn!”

Giữa thời điểm mà Staline đã lộ hình bạo chúa thủ tiêu hàng chục triệu nạn nhân vô tội; giữa thời điểm mà hồng quân Liên Xô chiếm đóng Budapest, treo cổ những người Hung yêu nước Imre Nagy, Pal Maleter, tàn sát những người Tiệp đòi hỏi tự do tại Praha, những công nhân Ba Lan nổi dậy tại Poznan; giữa thời điểm mà miền Bắc Việt Nam chưa xoá hết dấu vết tội ác Cải Cách Ruộng Đất, trong khi cuộc chiến đẩy hàng triệu người dân miền Nam vào cảnh vất vưởng trên đường chạy loạn với nỗi đau không ít người thân bị cướp đoạt mạng sống… mà có kẻ nhục mạ những người không muốn cảnh đó tiếp diễn là chó má thì không thể chịu nổi –– nhất là còn nhân danh giải Nobel, nhân danh hào quang trí thức đòi đưa ra xét xử những người ngăn chống các hành vi tàn sát đồng bào với lập luận đảng Cộng Sản Việt Nam đang bảo vệ chính nghĩa dân tộc và đời sống của người dân! Càng không chịu nổi khi chính Bertrand Russel, chính Jean Paul Sartre… đều phản đối các sự việc tại Đông Âu, nhưng lại bưng tai bịt mắt trước hàng ngàn vành khăn tang tại Huế, trước những xác trẻ thơ Việt Nam bị xé nát bởi đạn pháo, bởi mìn bẫy, trong khi từng ngày từng giờ ở khắp nơi vẫn đề cao từng câu nói của Russel như thánh chỉ, chẳng hạn “toàn bộ vấn đề với thế giới chỉ do những kẻ điên rồ và cuồng tín luôn tin là mình đúng!..” hoặc đề cao nỗi khát khao của Russel là “không có gì khác hơn tình yêu và lòng thương xót trước sự cùng khốn của con người!..”

Tôi chỉ thấy hiển hiện những kẻ cùng cực ngu si trước thực tế hoặc cùng cực xảo trá trong ý đồ mượn các sắc màu rực rỡ che giấu một thực chất tởm lợm và nhớ tới nỗi ô nhục của Russel năm 1940 khi bị người dân Mỹ đuổi khỏi ghế giáo sư một trường đại học New York do lối sống vô đạo đức, nhớ tới sự hằn học của Sartre với Raymond Aron do Aron vạch ra sự ngu độn đề cao chủ nghĩa Cộng Sản của Sartre. Có thể vì những điều này mà Russel luôn xuyên tạc để bôi bẩn mọi sự kiện dính tới người Mỹ và Sartre trút ra lời lẽ đê tiện với ai chia xẻ quan điểm của Raymond Aron. Và, tôi đã khẳng định chính các nhân vật đại danh ấy mới xứng đáng nhận cái từ “đồ chó” do Sartre viết ra. Bởi, đâu còn là người khi vì bất kỳ lý do nào đã cúi đầu tôn xưng kẻ gây tội ác bằng cách trút tội ác cho các nạn nhân, trong khi mọi việc xảy ra ngay trước mắt.


Tôi chỉ có thể đổi ý với Jean Paul Sartre vì cuối cùng, ông ta đã nghĩ đến những người Việt Nam khốn khổ phải đối đầu với mọi hiểm nghèo giữa biển cả, giữa rừng sâu để mong thoát khỏi cảnh sống địa ngục trên quê hương mình. Hành động cuối đời của Sartre có thể kể như ngầm chứa một câu tự thú đầy ý nghĩa rằng “kể cả là chó vẫn đáng quí hơn kẻ cúi đầu tuân phục Cộng Sản.” Sartre đã trở thành chứng liệu cụ thể cho lời phát biểu từ hơn 300 năm trước của William Penn về một chân lý không bao giờ thay đổi: “Lẽ phải luôn là lẽ phải ngay cả khi bị mọi người chống đối; lỗi lầm luôn là lỗi lầm ngay cả khi được mọi người tán trợRight is right, even if everyone is against it; and wrong is wrong, even if everyone is for it.”

Là người xa lạ và từng tôn sùng Cộng Sản, Sartre vẫn không thể dằn lòng trước gánh nặng oan khiên của người dân Việt Nam và phải công khai nhìn nhận nỗi nhục ngu si của bản thân mình.

Sartre hành động từ năm 1979 tức là tròn 30 năm trôi qua tính tới hôm nay.

Tại sao lại có tình trạng kéo dài nỗi đau xót như Tô Hải đã nhắc?

Tại sao chính những kẻ đã sống với cái chủ nghĩa nặng mùi xác chết ngay trên đất nước Việt Nam lại không thể thú nhận mình lạc lối dù ý thức rõ về sự lạc lối của mình?

Tô Hải gọi những trang viết của mình là hồi ký và ghi lại nhiều đoạn đời khởi từ 1945, nhưng nổi bật lên chỉ là nỗi dày vò trong tâm khảm của một người ý thức mình đi lạc mà không thể nào dừng bước. Dù viết về các lời lẽ gian trá hay hành vi tàn bạo của chế độ, dù viết về những kẻ ngu xuẩn tận cùng hay lưu manh ghê tởm, dù viết về toan tính của bản thân hay tâm tư của bè bạn, Tô Hải không bao giờ rời nổi nỗi đau đã thành cực hình vò xé tim óc. Đó là nỗi đau phải sống cuộc sống không còn là cuộc sống con người. Nỗi đau càng lớn hơn khi luôn phải gặp gỡ không ít kẻ mệnh danh trí thức vẫn vênh váo tự hào với cuộc sống đó.

Thực ra, những trang viết của Tô Hải và thực tế Việt Nam đã cho thấy không ít sự biểu lộ thái độ của nhiều người từng có tên trong giới sinh hoạt văn chương nghệ thuật…

Đó là những câu thơ viết lúc sắp giã từ cõi sống của những Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi:

Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi, tôi người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong …
(Chế Lan Viên)

hoặc:

Tất cả người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh, nhuốm đỏ
Tay tôi vương nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình

Thôi! Xin tha cho mọi lỗi lầm

Quên cho những dối lừa khoác lác

Tôi biết tôi đã nhiều lần tàn ác

Và ngu dại còn nhiều lần hơn…

(Nguyễn Đình Thi)

Đó là những dòng chữ cũng viết vào lúc cuối đời của những Nguyễn Khải, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Minh Châu… hay các tác phẩm như Ba Người Khác của Tô Hoài, Ba Phút Sự Thật của Phùng Quán…


Chữ HÈN


Dù luôn mong có thêm nhiều biểu hiện như thế ở mọi người, Tô Hải đã không ngần ngại cho rằng tất cả đều chưa xa nổi chữ HÈN. Bởi những thái độ đã biểu hiện hay những tác phẩm đã có chỉ gói tròn trong mục đích phân trần mình đã trải nhiều ray rứt, không hề thanh thản khi cúi đầu nhận phận tôi đòi. Điều này không còn cần thiết, tương tự sự tố giác hay kết án bản chất phi nhân của các chế độ Cộng Sản.


Thực tế đã nói quá rõ rằng bất kỳ ở nơi nào hiện diện chủ nghĩa Cộng Sản thì ở nơi đó sự sống bị huỷ hoại. Không còn cần phải chờ nghe phân giải của Lâm Ngữ Đường về hậu quả tất yếu của việc thay đổi các quy luật diễn hoá tự nhiên như Marx hô hào hay chờ nghe phân giải về tính phi lý của chủ trương đấu tranh giai cấp đặt con người vô sản thành mục tiêu phụng sự thay thế cho con người.

Thực tế đã khẳng định bằng những tai hoạ mà chủ nghĩa Cộng Sản mang lại cho con người khắp thế giới từ cuộc Cách Mạng Vô Sản 1917 tới nay. Cho nên tố giác Cộng Sản hay phân trần về lý do trở thành công cụ đều vô nghĩa. Thực tế đã làm xong việc đó và đang khẩn thiết kêu gọi hành động vượt thoát mọi di họa mà Cộng Sản đã gieo rắc để đưa cuộc sống trở lại đúng vị thế cuộc sống con người.

Thực tế cũng nói quá rõ về tình trạng bị lường gạt bi thảm của người dân Việt Nam suốt đoạn đường lịch sử mở ra từ mùa Thu 1945 để tới nay vẫn dãy dụa trong ngõ cụt. Một thiểu số giành được quyền lực còn cố giữ quyền lực bằng cách ôm chặt cái chủ thuyết nồng nặc mùi xác chết, và những người đang biện bạch về hành vi dối trá từng làm trong quá khứ vẫn chưa từ bỏ vai trò công cụ lường gạt của mình.

Một chọn lựa cần có chưa hề xẩy ra, một đáp ứng đúng mong mỏi vẫn gần như vắng bặt.


Khi ghi lại nỗi đau riêng của bản thân qua cuộc sống cá nhân nhỏ bé, Tô Hải đã góp thêm chứng tích vào cái kho thực tế đang kêu gào thức tỉnh về một thái độ từng có và vẫn đang có để vùi dập con người giữa vô vàn tai ách. Bởi thái độ mà những Bertrand Russel, những Jean Paul Sartre bày tỏ từ nửa thế kỷ trước đây –– và chính Sartre đã từ bỏ — vẫn phổ biến trên đất nước Việt Nam .

Mù quáng và hèn mạt do những động cơ cá nhân tiếp tục là thực tế duy trì nhịp đập của những con tim ác thú. Không còn là tiếng than của một cá nhân cho chỉ riêng bản thân khi những lời này được cất lên:

“Tinh hoa đất nước giờ đâu tá?
Ai cũng hèn như tôi sao?...

Ai sẽ đưa con thuyền Việt Nam khỏi con đường vô định này, nếu những người hèn vẫn không dám nhận là mình hèn, không kiên quyết giã từ cái ngu dại, không lên án những gì mà mình làm tưởng là “vinh quang rực sáng” lại chính là “tội lỗi ngút trời”, không biết khuyên nhủ con cái chớ có dẫm vào vết chân đầy máu và nước mắt mà mình đã đi qua…

Phải kiên quyết giã từ cái quá khứ đầy vinh quang vô ích của mình. Chỉ có sự giác ngộ chính trị cuối cùng này mới giải toả được mọi nỗi đau.

Sự “trở cờ”, “phản bội” để “đi tìm một sự trung thành mới” như Jean Paul Sartre nói không ai dám làm ư? Vì còn... sĩ diện! Vì còn bị quá khứ níu kéo?

Bỏ một thứ tà đạo, một niềm tin mù quáng, vứt vào sọt rác cái chiêu bài hoen rỉ, mốc meo, chẳng khác gì ly dị một con vợ độc ác, chẳng yêu gì mình khó lắm sao? Sao rất ít “thức giả” dám tuyên bố công khai: “Tôi từ bỏ chủ nghĩa cộng sản?” (HKCMTH – tr. 411)

Sợ để tồn tại

Những lớp lớp cá nhân Tô Hải qua Hồi Ký Của Một Thằng Hèn dù có đáng thương mức nào, đáng tội nghiệp tới đâu thì cảm xúc xót thương, tội nghiệp dành cho họ sẽ hoàn toàn vô ích. Bởi nỗi đau mà Tô Hải gánh chịu không phải nỗi đau riêng của Tô Hải, không phải hậu quả chỉ đến với một cá nhân do những chọn lựa của bản thân mà chính là một nét thực tế biểu hiện cái thân phận oan khiên mà dân tộc Việt Nam đang gánh chịu. Thực tế này khiến nỗi đau tăng gấp ngàn vạn lần so với nỗi đau bị dập vùi, khi không thể chối cãi rằng cái thân phận oan khiên kia sở dĩ đã có chỉ do cái HÈN và NGU của nhiều thế hệ.


Diễn trình lịch sử từng cho thấy hàng loạt dân tộc lâm vào những đoạn đường trở thành nô lệ, bị buộc phải mang thân phận tôi đòi với cuộc sống súc vật để dấy lên nhiều cảm xúc xót thương, chia xẻ. Nhưng không vì thế mà bài bác nổi thái độ miệt thị những kẻ vì mưu cầu, ham muốn sẵn sàng quỳ gối trước bả lợi danh, sẵn sàng nói không thành có để giúp hoàn tất một ý đồ lường gạt, nhất là tự mãn về những thủ đoạt của bản thân bất kể do đó đã gieo tai rắc họa cho đồng loại.

Con người đáng được thương cảm khi thất thế cùng đường bị dồn vào cảnh sống tối tăm, nhưng phải bị nguyền rủa, coi khinh khi tự nguyện khoanh tay cúi đầu bước vào cảnh sống tối tăm đó. Cảm giác nhức nhối mà những dòng tự sỉ mạ của Tô Hải khơi lên nơi người đọc chính là cảm giác này khi đối chiếu với giai đoạn lịch sử mở ra cho đất nước Việt Nam từ giữa thế kỷ trước.

Cái NGU đã mở đường xâm nhập cho một tà thuyết trong khi cái HÈN đã giúp tà thuyết đó mặc tình thao túng và vẫn vạch đường chỉ lối buộc cả dân tộc phải noi theo đến giờ này. Thực tế không thể phủ nhận là không riêng cá nhân này hay cá nhân khác lâm cảnh trầm luân, tủi nhục mà là toàn thể dân tộc đã rơi vào một ngõ cụt thảm thương do cái lỗi lầm HÈN, NGU mà nhiều thế hệ đã mắc.

Cho nên thay vì bày tỏ cảm giác tội nghiệp xót thương cho cá nhân này hay cá nhân khác, cần nhìn thẳng vào nỗi nhục tự biến mình thành công cụ tôi đòi, nỗi nhục vận dụng tới tận cùng khả năng trí óc để ngụy biện cho sự tình nguyện khom lưng uốn gối là thức thời — theo kiểu Nguyễn Tuân với câu nói từng được lập lại “phải biết sợ để tồn tại.”

Vì bất kể lý do nào, việc tránh né nhìn thẳng vào các nỗi nhục này chỉ kéo dài thêm thời gian giam hãm đất nước trong ngõ cụt để sẽ biến nhiều thế hệ tiếp nối thành những đàn lũ súc vật...
Bởi hiểm hoạ chôn vùi cuộc sống lúc nào cũng đầy rẫy nhưng nặng nề hơn hết luôn là động lực NGU, HÈN sẵn có nơi mỗi con người.

Tấn thảm kịch diệt chủng Campuchia thời gian 1975-1979 chính là lời khẳng định về tác hại kinh hoàng của các động lực này. Cái tên Pol Pot tới nay luôn gợi sự ghê tởm, nhưng vẫn phải công bằng nhìn nhận ý hướng phụng sự xã hội của Saloth Sar khi còn là một sinh viên trường EFR — École Francaise de Radioélectricité — tại Paris thuở 1949-1953. Thiếu ý hướng này, Saloth Sar sẽ không gia nhập đảng Cộng Sản Pháp, không thể nghĩ đến giai cấp đấu tranh và mơ tưởng về một xã hội cộng sản trong sáng, coi hết thẩy người sống tại thành thị đều là kẻ thù cần tiêu diệt theo chủ trương đã công khai phổ biến là chỉ cần giữ lại một phần ba dân số.
Vì thế năm 1975, khi đổi tên thành Pol Pot và nắm chính quyền, Saloth Sar đã tức khắc tiến hành cuộc diệt chủng tàn khốc với đối tượng không chỉ là thị dân mà là mọi giới tu sĩ, trí thức… Tiêu chuẩn trở thành tử tội đơn giản tới mức ngoài tính thành phần xã hội, chỉ cần đeo kiếng hoặc có bệnh là đủ để đem ra rút lưỡi hoặc dùng búa đập vỡ sọ, bất kể già nua hay trẻ nít.

Theo Pol Pot, đời sống chỉ tốt lành khi con người tham gia sản xuất nên kẻ bệnh hoạn, tật nguyền hoặc bất thường như mắt phải nhờ kiếng mới nhìn rõ… đều thiếu điều kiện tham gia sản xuất nên là thứ ký sinh cần loại trừ.

Hai triệu mạng sống đã bị huỷ hoại do cái chủ trương man rợ điên cuồng này và không thể nói khác về nguồn gốc của nó ngoài động lực NGU và HÈN.

Ngu tối đã khiến lao đầu xuống đáy vực mà vẫn tự hào đang nhàn tản dạo mát giữa đồng xanh, trong khi rũ liệt dưới sức khống chế của hèn mạt thì không thể đón chờ tương lai nào khác ngoài sự tự biến thành con mồi cho mọi dã tâm xâu xé.

Con đường ngu tối mà Pol Pot mở ra trên đất Campuchia chính là con đường đã mở ra cho đất nước Việt Nam từ giữa thế kỷ trước, và tình trạng rũ liệt trong vòng vây hèn mạt không còn là điều ngờ vực.

Chủ trương xây dựng “Xã Hội Cộng Sản Nông Thôn Trong Sáng” chỉ là sự lập lại những chủ trương Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Thương Nghiệp và nhiều chủ trương khác của Cộng Sản Việt Nam với điểm khác biệt duy nhất là không cần che đậy bằng hình thức pháp luật vô pháp luật.
Số nạn nhân bị cướp đoạt mạng sống tại Việt Nam nếu tính từ năm 1945 chắc chắn gấp bốn, năm lần số nạn nhân tại Campuchia.

Giữa hai vùng đất đau thương này chỉ Campuchia có thể đang khởi đầu trở lại đoạn đường phục hồi sự sống còn Việt Nam vẫn nằm trong ngõ cụt giữa những bức tường NGU – HÈN sừng sững khắp nơi.

* * *

Những trang cuối hồi ký của Tô Hải kể lại chọn lựa cuối cùng của hoạ sĩ Dương Bích Liên năm 1988.
Họa Sĩ DƯƠNG BÍCH LIÊN

Dương Bích Liên quyết định rời khỏi đảng Cộng Sản mà ông tham gia từ 40 năm trước, rồi đốt tất cả tác phẩm và tuyệt thực cho đến chết. Bên cạnh xác của ông chỉ còn duy nhất một bức chân dung tự họa chưa hoàn tất với cái tên Ngõ Cụt.

Chọn lựa của Dương Bích Liên là chọn lựa của hàng loạt người Nga vào thời điểm 1991-1992, sau khi chế độ Cộng Sản Nga sụp đổ từng được nữ ký giả Svetlana Alexievitch ghi lại trong tác phẩm Ensorcelés par la mort. Chứng tích từ những người tự tử sưu tập được cho thấy tất cả đều không chịu đựng nổi nỗi dằn vặt đã vì ngu hèn tự biến thành công cụ bị lường gạt, bị sai phái và bị hành hạ. Một sinh viên vừa hoàn thành bản luận án tiến sĩ về chủ nghĩa Marx đã lao khỏi cửa sổ từ tầng lầu 11. Bản luận án còn lưu lại cho thấy mỗi trang đều bị gạch chéo với những chữ lớn viết bằng mực đỏ: Lừa gạt, khoác lác, xảo trá…

Tuy cùng chọn cái chết nhưng nỗi đau của những người này không nặng nề như nỗi đau của Dương Bích Liên. Bởi Dương Bích Liên không chỉ đối diện riêng với cảm giác hổ nhục vì ngu hèn của bản thân mà còn đối diện với tương lai mù mịt của đất nước. Anh sinh viên Ivan Ivachovest có thể hoàn toàn thanh thản khi phóng qua khung cửa sổ tầng lầu 11 vì cái thời của những lời lẽ lường gạt trên đất nước Nga đang lùi vào dĩ vãng và cái chết chắc chắn sẽ chấm dứt nỗi hổ nhục vì ngu hèn của bản thân anh. Với Dương Bích Liên, suốt thời gian dài dặc hành hạ thân xác bằng quyết định tuyệt thực vẫn phải từng giây đối mặt với cảm giác tuyệt vọng vì cảnh ngộ đất nước nằm trong ngõ cụt. Cảm giác này không hề thay đổi hay giảm sút cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vì vây quanh vẫn là những bức vách Ngu Hèn cao ngất. Đến lúc này những bức vách vẫn hiển hiện để thúc đẩy tâm trạng dày vò tự sỉ mạ, tự lăng nhục chua xót “cái Hèn vẫn bao trùm nhiều khía cạnh, nhiều trang đời, nhiều suy nghĩ của tôi…” — như Tô Hải đã ghi lại.

* * * * *

Tự nhiên, tôi bỗng nhớ tới khung cảnh kinh thành La Mã bốc cháy trong tác phẩm Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz và thấy những trùng hợp kỳ lạ với hiện trạng Việt Nam.

Giữa thập niên 60 của thế kỷ công nguyên đầu tiên ấy, những người nghèo khó La Mã hướng về ngọn đuốc sáng Yêu Thương đã bị nhìn như kẻ tử thù bởi triều đình của một bạo chúa.

Gần như không có cách biệt khi so sánh thân phận những người nghèo khó ấy với 80 triệu con dân Việt Nam hiện nay.. Cũng tương tự, nếu so sánh tập đoàn lãnh đạo Việt Nam với triều đình Neron thuở đó.

Neron luôn ngùn ngụt tham vọng biến mình thành kẻ vĩ đại bậc nhất trên mặt địa cầu tới mức thản nhiên hạ sát cả vợ, cả mẹ để giảm bớt cản trở trong nếp sống xa hoa tàn bạo.. Con người phi nhân tới mức đó lại được một đám cận thần tung hô, tôn xưng như thần thánh và sẵn sàng tuân theo mọi lệnh chỉ. Vì thế, khi Neron muốn tìm cảm hứng nhìn lửa cháy để tạo một tác phẩm nghệ thuật mà y tin sẽ vượt xa các tác phẩm lẫy lừng Illiade và Odyssée, đám cận thần đã dâng sáng kiến hoả thiêu La Mã. Toàn bộ kinh thành bốc cháy khơi dậy sự giận dữ trong quần chúng, sự giận dữ mà Neron và đám cận thần không ngờ tới. Kế sách đối phó được đề ra là lập tức rao truyền chính đám người nghèo khó theo chúa Jesus đã nổi lửa và cái triều đình ác thú ấy ban lệnh “ném ngay lũ Thiên Chúa Giáo cho sư tử.”

Cơn uất hận vì cơ ngơi bị huỷ hoại, người thân bị chết thảm đã khiến từng đám đông cuồng nộ trở thành hung thú lao vào tàn sát những kẻ cũng là nạn nhân như mình theo lệnh truyền của chính các thủ phạm gây tội ác. Đây đúng là cảnh đã kéo dài trên đất nước Việt Nam từ 1945 qua mọi biến cố do chỉ hai động lực Ngu – Hèn. Cái Ngu đã khiến nhiều thế hệ lao vào xâu xé lẫn nhau bởi không nhận chân nổi thủ đoạn lường gạt của một bạo chúa, đồng thời cái Hèn đã liên tục tạo thêm sức mạnh cho bạo chúa mặc tình thao túng. Ai cũng dễ dàng nhận thấy nếu không có những Tigellinus và đội ngự lâm quân, không có những Chilon Chilonides … thì dù Neron có ba đầu sáu tay cũng không thể gieo tai rắc hoạ, không thể chỉ một giây phút phù du thiêu hủy cả một kinh thành…

Chilon Chilonides


Khác biệt giữa hai thảm cảnh La Mã thuở nào và Việt Nam hiện nay là La Mã có sự hiện diện của thằng hèn Chilon Chilonides. Thằng hèn Chilon đã nhúng tay vào đủ thứ nhơ nhuốc, bạo ngược để được trở thành cận thần của bạo chúa. Thằng hèn Chilon cũng là kẻ đi ban bố lệnh truyền “ném bọn Thiên Chúa Giáo cho sư tử”. Nhưng, chính thằng hèn Chilon đã đứng thẳng, vươn tay chỉ vào giữa mặt Neron, cáo giác kẻ chủ mưu đích thực vụ đốt phá kinh thành là ai.

Một thời tôi đã bị cuốn hút tới mức đọc đi đọc lại nhiều lần hai chương Quo Vadis nói về giây phút cuối cùng của thằng hèn Chilon Chilonides — một chương chấm dứt với sự thản nhiên trước cực hình rút lưỡi để được đứng bên đám người nghèo khó vẫn giữ vững nhịp con tim chan chứa tình người và một chương chấm dứt với nụ cười mãn nguyện cùng những dòng nước mắt đón nhận niềm vui của nạn nhân vào giây phút lìa đời.

Nhưng vượt lên trên hết vẫn là hình ảnh thằng hèn Chilon đứng thẳng, vươn tay chỉ vào giữa mặt bạo chúa, hình ảnh ghi lại bước khởi đầu sự cáo chung của một triều đại man rợ ghê tởm để những con tim của đám người nghèo khó La Mã đang bị treo trên thập tự giá, bị quăng vào móng vuốt ác thú, bị moi gan rút lưỡi… tiếp tục gửi tình Yêu Thương tới khắp năm châu.

Ý nghĩ cuối cùng dấy lên từ những trang “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” lại là sự trở về với một thằng hèn trong hình ảnh một ước mơ.

Mong sao sớm xuất hiện tại Việt Nam những thằng hèn Chilon Chilonides!

Virginia, March 09, 2009

UYÊN THAO

** * * * * * * * * * * * * * * * *

Tiểu sử cực thiệt thà
(do chính nhạc sĩ Tô Hải viết ngày 24 tháng 8, 2007)

Hôm nay tớ xuýt đứt hơi, xụn lưng vì nhạc Rap, vì cô "phò-ren" (friend) Ho (?) dọa đến học làm rap-pơ. Tớ quá lo lòi cái dốt ông già. Nên vội vã mang sáng tác ra thực nghiệm! Ai ngờ đâu bịa nó ra là một chuyện. Còn thực hành nó mới khó làm sao. Quả rap-pơ phải vất vả biết bao. Vừa phải hát, vừa phải lộn, phải nhào... Không có sức chỉ có mà ... củ tỏi! Thế mới biết vì sao Rap nổi trội: Một bé Kim bỗng sáng chói bầu trời. Được tán dương trên báo chí, trên Đài. Môt thần tượng của các phăng (tê) âm nhạt (à quên âm nhạc). Thôi thì đã định nổi danh bằng Rap, Tớ cũng liều, nhưng chỉ viết mà thôi! Lấy Tình Yêu, Hôn Hít... làm đề tài. Thề đến chết không dám làm ráp sỹ. Biết đâu đấy sẽ có người để ý, lấy vài bài trên blốc tớ hát chơi. Và biết đâu có nhà báo, nhà đài...tung lên sóng, lên khuôn thì thật.. tuyệt! Bạn thấy đấy, hôm nay dù không viết Rap số 3 nhưng quen viết có vần. Nghề viết Rap tớ đã bị nhập tâm. Nên tiểu sử tớ cũng thành bài...Rắp!

Tiểu sử tớ rất chi là "phức tạp". Chỉ xin khai tóm tắt một vài dòng. Còn các bạn trẻ có tin hay không, Thì già này cũng đành lòng cam chịu!...

Tớ sinh ra tháng 9 năm Đinh Mão. Tính đến nay (81 tuổi ta.)! Sự học hành rất thiếu thốn, qua loa. Vì Đế Quốc chỉ cho học vừa đủ. Một cái bằng ông tú chưa hoàn thành (tú tài 2 chưa có!) Có nghĩa là bằng trình độ học sinh Lớp 11, nên tớ dốt hoàn dốt. Không những thế tớ cả đời bị nhốt: trong trường sơ (soeur), trường đạo, trường giòng. Ở gia đình tớ lại bị cấm cung. Cấm đủ thứ, trừ việc đi học nhạc... Đủ các món nào xướng âm, hòa thanh, sáng tác...Tớ chán quá nên bỏ ngang tìm đọc, đủ thứ văn chương, triết học hầm bà làng... Từ Von-te, Ban Dăc, đến Sa-Găng. Nên ảnh hưởng đủ thứ ba lăng nhăng trong đầu óc.
Gia đình tớ, một gia đình công chức. Suốt cả đời hầu ngoại quốc kiếm ăn...
Nên sau này từ cách mạng 45, được xếp loại là gia đình theo "Địch" ! Cá nhân tớ sau này trong lý lịch: Ghi thành phần "tiểu tư sản" rất to.

Có nghĩa là luôn chao đảo, mơ hồ, kém "lập trường" dù đã bỏ nhà theo cách mạng! Dù đã được kết nạp Đảng rất sớm! Dù có vài trăm sáng tác đựoc khen.
Tớ sống được vượt qua nhiều thành kiến. Nhờ làm ăn tử tế, nhờ sáng tác liên miên. "Tuần chay" nào cũng có nuớc mắt đổ liền. Chiến thắng nào chẳng có tên thằng tớ.
Cho đến ngày 30 tháng tư năm đó. Tớ được về Thành phố Bác Hồ... Thì tớ bỗng giật mình rồi nhận ra, coong của mình chính là công con cốc. Cái tên mình chỉ gắn độc môt bài "Nụ cười sơn cước" viết từ thuở 20. Còn tất cả... thế thời đã... xếp só!
Tháng 9 mồng 2, nói chung là "ngày giỗ". Đựợc lôi ra để "cúng cụ" mà thôi. Chiến tranh qua đi, Nhạc của tớ hết thời.. Tuổi của tớ 60 không còn kịp "cưa sừng làm nghé". Gặp thời thế, thế thời phải thế. Tớ xoay sang nghề dịch sách kiếm ăn... Sách tớ dịch sáu cuốn in chạy ầm ầm. Tớ sống khỏe cho đến ngày... hưu trí.
Về âm nhạc? Vì còn là nhạc sỹ, một vài năm tớ xuất hiện vài lần... Công xéc tô, sô nát theo com-măng... Mong vực dậy nhạc thính phòng, giao hưởng. Nhưng tiếc thay, tất cả là ảo tưởng. Vì thời nay có lẩm cẩm có điên khùng. Mới vùi đầu trong tổng phổ suốt năm để viết ra những thứ chẳng ai nghe ai dựng! Thế là tớ im re,tớ chịu đựng. Kiếp sống nghèo nhờ vợ bán bánh mỳ. Thêm vào lương hưu trí cứ teo đi...Tớ quyết tâm ẩn danh cho đến chết.
Nào ai ngờ gặp thời Internet. Tớ tiêu sầu bằng các trang web đủ mầu! Đang chán phè các câu truyện đâu đâu trên Niu uých, trên Lơ poăng, trên Lô-xờ-ăng gơ lét...Thì gặp ngay một ông cụ blốc blếc. "Bạn đánh nhau" của tớ từ khi xưa. Tớ quyết định phen này làm blôc-gơ.
Mong giúp đỡ lớp trẻ bằng lý thuyết, bằng thực hành, bằng kinh nghiệm, cuộc đời. Và trước mắt tớ chú trọng đề tài vào nhạc rap, đang là nhạc thời thượng. Tiểu sử tớ viết ra mà phát... ngượng. Nhưng cũng xin lớp trẻ hãy luợng tình...
Tin? Không tin? Tùy mạng mỡ của mình. Muốn biết thêm xin cứ đến building Miếu Nổi hỏi thăm tớ chính danh là Tô Hải./.

**************

Lại Cái Chuyện Nụ Cười Sơn Cước
Tô Hải

Hôm nay, ngồi vào computer thấy mất tiêu đâu bài hát này, phục hồi lại để người nghe bản chính gốc thì lại mất tiêu đâu môt phần chính của bản thuyết minh. Đành viết lại có bổ xung thêm một số đau khổ mới khi vào Google gõ cái tên tớ và tên bài hát đó.. vì những bài tán láo về nó.
Rằng thì là: 1-Tớ cầm ghi ta hát lên (chứ không phải "viết lên" như cô bé Kim -rap-pơ tuyên bố viết (?) nhạc rap trên Tinhvi đâu?) Cái ngày đông rét mướt năm đó Tây nó đánh dữ dội lắm... Bộ Tư Lệnh III mà tớ làm "lính kiểng" lúc đó phải rút vào tận Kim Bôi (Hòa Bình). Tớ đóng quân trong nhà một cô con gái có tên Đinh thị Phẩm, 24 tuổi đời. Thích thì có thích nhưng chưa biết "tán gái" mà chỉ biết làm thơ, làm vài câu thơ rồi ngâm nó lên theo kiểu riêng của tớ gọi là ca khúc (như các cụ ngày xưa khi hát "Chèo lên trên núi thiên thai..."ấy mà.) Thế là, trước khi rời rừng núi về học Lục Quân Trần Quốc Tuấn tớ muốn nói lên mối "tình câm" của mình bằng ... vài câu thơ có giai điệu ... Thế thôi! Như tớ đã viết trong bài "Khai lý lịch thật thà" trên blog, tớ là một kẻ đã bị tiêm nhiễm từ bé bởi những bài ca ở trường sơ, trường giòng, rồi sau này, làm "sói con ("louveteau), "hướng đạo" (scout) bị các thứ âm nhạc đủ loại nó ăn sâu vào đầu óc, vào trái tim. Tớ hát và thuộc lòng đủ thứ, từ a capella nhà thờ "Gloria in excelsis đê..ê,ề...ồ", đến "Laissez moi vous aimer", "Oh! Rose Marie I love you!" "But where are you?" rồi đến đến cả "Maréchal nous voilà" (thời chính phủ Vichy) sau đó là Aikoku","Shina no yoru" (thời Nhật lật Pháp). Nghĩa là tớ hát tất cả, thích đủ thứ âm nhạc chứ chẳng bao giờ chú ý đến cái "nhời" nó nói cái quái gì. Tóm lại tớ là một thanh niên yêu nước, ghét Tây, mê âm nhạc (mélomane)"...không có định hướng! Cho nên, sau này, đi lính, bí bài hát cho bộ đội nghe, tớ cứ "bịa"ra đủ thứ ca khúc, rập khuôn theo các bài hát đã hát để tự hát, tự xuất bản bằng mồm. Sáng tác của tớ đều ảnh hưởng của Nhà thờ, của Tây, của Nhật và đặc biệt của Mỹ với Bing Crosby, Bob Hope,.. với các nhịp điệu, tiết tấu của swing,blues ... rất thịnh hành những năm 40. Tớ với Ngọc Bích là "vua swing"ở sư đoàn 304 và Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn... Chẳng có biết dân tộc, hiên đại là cái quái gi! Ấy vậy mà bài nào mới "bịa" ra cũng được "quân chúng" hoan nghênh ra phết! Những lần xúc cảm về chuyện gì tớ đều "bịa" ra những "câu thơ có giai điệu", nhưng theo một khuôn khổ, hình thức nhất định mà tớ nhặt nhạnh được trong quá trình hát lên cho mình, cho bạn bè, đồng đội nghe...cho vui. Thế thôi!
Nào ngờ..."Nụ cười sơn cước" lại được hoan nghênh đến thế và Ngọc Bích, Canh Thân, Hoàng Thi Thơ.. khi trút áo "lính cụ Hồ", thôi làm "đồng chí", đã mang nó vô thành (dân gian gọi là "dinh-tê") phổ biến khắp nơi. Để cho nó được chấp nhận bởi các cơ quan kiểm duyệt, họ xếp tớ vào loại tác giả tiền chiến! Và từ đó "Nụ cười sơn cước", một trong những "tình ca thời kháng chiến" của bọn tớ sống nhờ cái mác nhạc tiền chiến đến ngày nay! Lại còn cái chuyện "địch" thu đĩa 78 vòng (chung với "Dư âm"của Nguyễn văn Tý) nữa chứ! Tớ bị "đánh hội đồng" khắp nơi, nhất là tiền bản quyền thu đĩa (đúng một chỉ vàng) được gửi từ trong thành ra lại rơi vào đúng tay một CUV cùng chi bộ, "đông chí" (nhưng không đồng hướng) đã nhận được từ tay bà chị hắn chuyên làm kinh tài cho khu ủy Liên khu III, ra vào Thành như đi chợ! Tớ không mang tội "liên hệ với địch" là nhờ có hàng trăm "bức tranh cổ động bằng âm thanh" động viên lính chiến đấu trường kỳ có hiệu quả! Từ đó một loạt bài "thiếu tính chiến đấu"của tớ (sau này có được thu thanh trong cuốn băng cát-xét "Nửa trái tim tôi" mà tớ đã chuyển sang CD nhưng chưa biết cách làm thế nào để các friends nghe thử ???) đều bị cấm bằng mồm, mặc dầu các tướng, tá lớn, bé trong Quân Đội vẫn nhớ tớ với những bài hát đã làm các vị ấy xúc động một thời. (Tháng 5/007 vừa qua, có một ông tướng mê nhạc của tớ, trước lúc qua đời, có thu thanh 3 bài của tớ trong một đĩa VCD, và dặn lại rằng "Thôi Nụ cười..." vì cần giới thiệu những cái "cấm" khác hơn - Ông tướng này chỉ lên có đến Thiếu thôi, có lẽ vì cái "lập trường văn nghệ" của ông ta thiếu ...vững vàng chăng? (VCD này tớ đang giữ nhưng cũng "ngu lâu" về computer nên chả biết làm sao để các friends nghe và xem đươc! Có ai đến giúp được tớ không?)
Trở lại với "Nụ cười sơn cước" Nó ra đời như thế đó. Tình thì có, nhưng mà là tình câm, tình nhát (vì sợ kỷ luật) đã có gì đâu mà nhiều người viết về bài hát này cứ thêu dệt ra lắm chuyện, thậm chí còn đặt cả những cái tên Lò thị nọ, NôngThị kia ra rồi thay cả địa điểm, nơi sinh, ngày sinh của nó nữa mới khổ tớ chứ! Làm bà xã cứ trách tớ": "Có thế mà anh cứ giấu em!" Tớ định kiện báo vì "vi phạm luật báo chí "xâm phạm đến đời tư không được phép" của tớ mấy lần. Nhưng đọc đi, đọc lại thì thấy: họ đều xuất phát từ tình yêu đối với một sáng tác của tớ đã bao năm tưởng chết nay lại hồi sinh, từ tình yêu đối với tớ. Đặc biệt có nhiều đồng đội cũ, nay về già, nghĩ về quá khứ tươi đẹp đã qua, đã viết về "Nụ cười sơn cước" như để tranh thủ viết về một thời một thanh xuân đẹp nhất của chúng tớ mà thôi. Vì vậy tớ lại lặng im ... (trừ một lần tớ lên tiếng phản đối và được xin lỗi và cải chính trên báo An Ninh Thế Giới do quá nhiều điều bịa đặt không có lợi cho gia đình (cũ và mới) của tớ mà thôi).
Tuy nhiên cái "sự tam sao thất bản" thì kiện ai? Hội Nhạc Sỹ VN, rất nhiều Nhà Xuất Bản đã công bố bản chinh thức của tớ trên các "Tuyển tập ca khúc trữ tinh"..."Ca khúc vượt thời gian"... đăng đi, đăng lại trên báo chí... Vậy mà, các ca sỹ thời nay vẫn không chịu hát theo bản nhạc của tác giả! Trừ 2 người là Lê Dung và Đông Đào. Còn trên Tivi, trong các tiệm cà phê-ca nhạc, họ tha hồ "phiêu"bất tử, ngắt câu, ngắt đoạn tùy thích, nhất là bôi mỡ, đánh bóng các nốt nhạc nghe đến rợn người (Ánh Tuyết). Ngay trong câu "Và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời..." của tớ, bà Lê Dung vẫn còn "nhịu"ra "mơ" (?) hơn ở ngoài trời".. nữa là! Huống hồ những vị ca sỹ không biết xướng âm thì làm sao sửa được những gì đã trót hát sai qua bản... truyền khẩu. Tớ chán quá nhưng lại nghĩ: Ôi dào! thời buổi này họ nhắc đến tên mấy ông nhạc sỹ già đã là may lắm rồi! Cứ kênh kiệu mãi chúng nó cho cả tác phẩm lẫn người vào sọt rác lịch sử như đã từng cho cả hàng ngàn bài ca ra đời cái thời "Tiếng hát át tiếng bom" cho biết mặt! Thua! Thua! Xin chào thua!

Tiện đây xin post lên bài báo của Thanh Niên tương đối chính xác vì có sự thông qua của "khổ chủ":

Nhạc sĩ Tô Hải với hồi ức buồn Nụ cười sơn cước
28/05/2007 - Hà Đình Nguyên

Nhân dịp đến dự lễ trao tặng xe lăn các tướng lĩnh và cán bộ có công do Báo Quân Đội Nhân Dân tổ chức, tôi thật sự xúc động khi thấy một ông già quân phục chỉnh tề, huân chương đỏ ngực, chống gậy lập cập lên nhận xe. Đó chính là nhạc sĩ Tô Hải, tác giả ca khúc nổi tiếng một thời" Nụ cười sơn cước"... Sau buổi đó, tôi đã đến gặp ông tại nhà riêng.
Nhà của ông là căn hộ tập thể tận tầng lầu thứ 11 của chung cư Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh - TP.HCM). 81 tuổi, đi đứng khó khăn do từng bị hoại tử khớp xương hông phải thay xương chậu, xương đùi bằng chất liệu titan do Pháp chữa trị... vì những lý do đó nên nhạc sĩ Tô Hải rất ít xuất hiện nơi này, nơi nọ.

Thế nhưng, dù không đi đâu ông lại biết rất nhiều những sự kiện đang diễn ra trên toàn cầu. Với khả năng thông thạo 3 ngoại ngữ, mỗi ngày ông dành từ 10 đến 12 tiếng để đọc tin tức trên internet. Cô Lâm Ái, vợ ông, khoe: "Chỉ một mình anh ấy đọc nhưng sau bữa cơm trưa hoặc tối là tôi và con gái Tô Lâm Phượng (sinh năm 1993) đều biết hết mọi chuyện xảy ra trên thế giới...".

*Thế ông không còn cảm hứng để viết nhạc?
- Đã hơn 20 năm nay tôi không còn làm âm nhạc, vì âm nhạc của lứa chúng tôi không còn đất sống. Thời buổi bây giờ chẳng ai sử dụng ca khúc của lớp già chúng tôi: Chu Minh, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Hồ Bắc, Doãn Nho... trừ những ngày lễ lạt gì đó họ mới hát lại! Bọn chúng tôi trở nên lạc lõng, hỏi tên chẳng ai biết. Thôi thì, tự an ủi là bọn tôi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với một thời kỳ lịch sử.

* Ông đến với âm nhạc từ lúc nào?
- Thời tiểu học, tôi học hát và tham gia ban đồng ca Saint Joseph, từng đoạt giải thưởng âm nhạc Chim Sơn Ca của Hướng đạo sinh toàn Đông Dương. Đang học dở tú tài 2 thì tôi nhập ngũ ngày 19.8.1945. Tôi viết ca khúc đầu tay "Trở về đô thành" (1946) rồi "Nụ cười sơn cước" (1947) đều do bản năng và mê nhạc mà thành. Tôi luôn tự cho mình là một người lính làm nhạc cho mình, cho đồng đội mình hát.
Chỉ đến năm 1951, khi về Đoàn văn công Khu 4, tôi có dịp gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Được ông động viên khuyến khích, tôi thấy tự tin hơn để chuyên tâm vào sự nghiệp âm nhạc. Khi hòa bình lập lại, tôi được tham dự lớp sáng tác 18 tháng đầu tiên của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (1957-1958) do các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên dạy. Cùng lớp với tôi có các nhạc sĩ: Trọng Loan, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Lưu Cầu, Vũ Trọng Hối, Lương Ngọc Trác, Văn Chung, Nguyên Nhung, Vân Đông...
Năm 1958, tôi là người đầu tiên viết bản giao hưởng đại hợp xướng gồm 4 phần (thể loại cantale) "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy". Dạo ấy, ở nước mình làm gì có trống định âm (Timpani), hạc cầm... nhưng tôi vẫn cứ viết. Bản giao hưởng này được biểu diễn năm 1959 và được hàng loạt giải thưởng. Có lẽ vì thế mà trong Bách khoa từ điển của Pháp (Encyclopédie de la Musique) xuất bản năm 1960 có tên tôi, họ ghi là "nhà soạn nhạc" (compositeur) cùng với 11 người viết ca khúc (chansonnier) thời ấy...

* Ca khúc Nụ cười sơn cước đã được ông sáng tác trong hoàn cảnh nào? Và "Ai về sau dãy núi Kim Bôi..." là ở đâu vậy?
- Kim Bôi là một dãy núi thuộc tỉnh Hòa Bình. Dạo đó đơn vị tôi ở nhờ một làng dân tộc Mường. Tôi được ở trong một gia đình có cô con gái rất đẹp, nàng tên là Phẩm. Cũng chỉ là "để ý" thầm vậy thôi! Khi đơn vị tôi chuyển quân, với tình cảm lưu luyến hết sức chân thành tôi đã: "hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trăng, một chiếc vòng sáng lóng lánh với nụ cười nàng quá xinh !" và chuyển những tình cảm này thành ca khúc, ca ngợi chung những bông hoa rừng mà tôi đã từng gặp.

* Sau này có bao giờ ông gặp lại nàng "sơn nữ" này?
- Có, và đó là nỗi ân hận của tôi. Năm 1973 hay 1974 gì đó tôi có lên Hòa Bình tìm lại "người xưa" dù biết rằng cô ấy đã có chồng con. Sau dãy núi Kim Bôi đã biến thành vùng công nghiệp khai thác suối nước nóng, đường sá mở rộng, người miền xuôi lên ở nhiều. Cô Phẩm ngày xưa giờ đã là một thiếu phụ luống tuổi, ăn mặc theo kiểu người Kinh và... chẳng biết tôi là ai cả ! Nhắc lại chỉ thêm buồn... Biết vậy, cứ hãy sống với kỷ niệm xưa.

* Đã ở bên kia ngưỡng tuổi 80. Nhìn lại hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, ông có điều gì muốn tâm sự?
- Phương châm sống của tôi hiện nay là hãy quên đi quá khứ (để khỏi tiếc nuối, kể công với lịch sử), hãy sống với hiện tại (để luôn vui với những gì mình đang có) và đừng nghĩ đến tương lai (để khỏi thấy mình quá già, sắp chết). Tôi có một valy tác phẩm chưa hề sử dụng. Tôi dặn vợ: khi tôi chết hãy vẫn cứ để chiếc valy ở đấy cho đến khi nó có "duyên" tìm được tri kỷ hoặc có ai cần nghiên cứu về cái thời đẹp nhất đã xa xưa của lũ nhạc sĩ già chúng tôi thì cho mượn... Nhược bằng chẳng ai rỗi hơi "tìm về quá khứ" thì con gái tôi (Tô Lâm Phượng - chơi piano tàm tạm) sau này có điều kiện sẽ dựng lại... cho cháu chắt tôi nghe vậy.

* * * * *

--------------

PHỤ LỤC

MỤC LỤC BLOG của Nhạc Sĩ TÔ HẢI

* * *

Từ 1 – 5 :
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=1&u=5&mx=91&lmt=5
LÀ "NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG " ẢO KHỔ ƠI LÀ KHỔ
Gặp lại các "Cụ Chiến Sỹ"...
BẢN HỢP XƯỚNG BỊ BỎ QUÊN RỒI ĐƯỢC THAY THẾ...
Nhớ Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy
(#)NỖI TRUÂN CHUYÊN CỦA MỘT TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ CỦA NÓ

Từ 6 – 10
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=6&u=10&mx=91&lmt=5
17 THÁNG 2 NGÀY DZÌ DZẬY?
XUÂN QUÝ TỴ, MỘT MÙA XUÂN ĐAU BUỒN
LÀM VĂN VẦN CUỐI NĂM
CÚ ĐIỆN THOẠI VUI GIỮA NỬA ĐÊM
Nỗi buồn cuối năm

Từ 11 – 15
http://blog.360.yahoo.com/blog-JtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=11&u=15&mx=91&lmt=5
Tớ trở lại sau 100 ngày
thông báo số 4
thông báo số 3
THÔNG BÁO SỐ 2
THÔNG BÁO

Từ 16 – 20
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=16&u=20&mx=91&lmt=5
CÓ MỘT GIÁM ĐỐC XUẤT BẢN TƯ NHÂN
VĂN NGHỆ "DÁN TEM"
TRỞ LAỊ VỚI CHUYỆN NÓNG BỎNG
MỘT VỤ ÁN VĂN NGHỆ
CÓ THỂ TỚ ....TỪ CHỨC ẢO

Từ 21 – 25
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=21&u=25&mx=91&lmt=5
NẾU TỚ ĐƯOC LÀM BỘ TRƯỔNG NGOẠI GIAO….NHẬT !
NẾU TỚ LẠI CÓ QUYÊN NHƯ ANH T.H. R
THƯ NGỎ GỬI ĐỒNG CHÍ VŨ CAO QUẬN
CÓ QUYỀN ẢO TIẾP TỤC
Nếu tớ lại tiếp tục có quyền (ảo)

Từ 26 – 30
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=26&u=30&mx=91&lmt=5
Mặt hàng mới đây !
TỚ HÁT XÌ HƠI ĐÂY NÀY!
CÓ 1 NHẠC SỸ THỨ THIỆT ĐÃ BỐC HƠI
CÓ MỘT VAN GOGH VIỆT NAM ???
AI LÀ NGƯỜI KHỔ NHẤT

Từ 31 – 35
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=31&u=35&mx=91&lmt=5
Ai sướng ai khổ???
Thông báo không...khẩn cấp!
Tớ đi tìm hạnh phúc
Vẫn những chuyện thực tế làm sáng mắt... đau lòng
Âm nhạc góp phần cứu rỗi con người?

Từ 36 – 40
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=36&u=40&mx=91&lmt=5
Viết tiếp "Những thực tế sáng mắt,.... đau lòng"
Những thục tế làm tớ sáng mắt
Tiếp tục thăm giầu hỏi sướng
Đi thực tế miền Nam mới "giải phóng"
Những ngày bèo dạt mây trôi!....

Từ 41 – 45
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=41&u=45&mx=91&lmt=5
Đây! Những bài hát bị lên án
Viết tiếp bài "Bình Mới Rươu cũ" (bài 2)
Thay thế món ăn tinh thần có dễ không?(Bài 2)
Bài 1-Tâm trạng bứt rứt của một người lính ra trận
Vào cuộc chiến chống âm nhạc "phản động đồi trụy"

Từ 46 – 50
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=46&u=50&mx=91&lmt=5
Saigon,những cú sốc liên tiếp làm tớ mắc bệnh....ngọng.
Thần tốc vô Sài Gòn
hai năm nằm chờ chiến thắng
Ai bảo "mù thông tin" là khổ?
Niềm vui tìm thấy trong....sọt rác

Từ 51 – 55
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=51&u=55&mx=91&lmt=5
Kiểm điểm lạp xường!
Suy nghĩ lẩm cẩm đầu năm.
Hanội...ơi quê hương...
Nỗi đau cuối năm
đáp ứng yêu cầu upload

Từ 56 – 60
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=56&u=60&mx=91&lmt=5
MỘT BÀI HÁT CHỐNG "BÀNH TRƯỚNG" ĐÃ BỊ XẾP XÓ
Vài hình ảnh về tớ lúc đang tố cáo con mụ chỉ điểm với anh em biểu tình ^_^
Tớ tỉnh quá mất rồi
Tớ tỉnh ra rồi
Tớ đi bầy tỏ lòng yêu nước

Từ 61 – 65
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=61&u=65&mx=91&lmt=5
có đi có lại mới khoái làm blốc-ghơ
Cái mẩu hạnh phúc cỏn con....
Những năm xưa ấy năm gì?
Một entry "lạc đề"
Có một thời được nếm mùi hạnh phúc!

Từ 66 – 70
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=66&u=70&mx=91&lmt=5
Viết tiếp cái thời "Hậu Hoàng KiM"
CÁI THỜI HẬU HOÀNG KIM
Viết tiếp cái Thời Hoàng Kim
MỘT THỜI HOÀNG KIM
Tớ tồn tại như thế nào?

Từ 71 – 75
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=71&u=75&mx=91&lmt=5
CÓ NHIỀU NỀN VĂN HÓA ÂM NHẠC?
Entry for October 16, 2007
ĐÂM LAO TỚ PHẢI THEO LAO...
GIỚI THIỆU MỘT CD TỰ LÀM
Tớ đã đạp phải "Tổ kiến lửa"
Gĩa từ cái xe văn hóa "made in France"

Từ 76 – 80
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=76&u=80&mx=91&lmt=5
lại nói về những cái "xe văn hóa"
Tiếp tục chuyện "Xe đạp cởi truồng"
Tự comment
Tiếp tục câu chuyện khó nghe
Văn hóa âm nhạc,câu chuyện không bao giờ hết

Từ 81 – 85
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=81&u=85&mx=91&lmt=5
lại cái chuyện "Nụ cười sơn cước"
Đính chính về Nụ cười sơn cước
Trả lời các friends tôi yêu quý nhất
Trả lời một vấn đề đặt ra bởi các friends trẻ mà tôi yêu
Thật buồn khi lang thang trên mạng

Từ 86 – 90
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=86&u=90&mx=91&lmt=5
Thư ngỏ gửi Lính già
Ai bảo đi xế hộp là sướng
Khai ly lich that tha
Bài rap số2
Bài Rap số 1

Từ 91
http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p?l=91&u=91&mx=91&lmt=5
Tôi làm blogger ở tuổi 81

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...