. .

Sunday, June 7, 2009

Sắp Giới Thiệu “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn”

Quận Cam : Sắp Giới Thiệu “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn”



Tập “Hồi Ký của Một Thằng Hèn” của Tô Hải sẽ được ra mắt vào tuần sau.

Tủ sách Tiếng Quê Hương cùng với một số cơ quan truyền thông trong Cộng Đồng nam California sẽ tổ chức một buổi sinh hoạt giới thiệu tác phẩm “Hồi Ký của Một Thằng Hèn” của nhạc sĩ lão thành Tô Hải.


Buổi sinh hoạt sẽ khai diễn lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy ngày 13 tháng 6 năm 2009 tại Hội trường Lê Đình Điểu, nhật báo Người Việt, tọa lạc ở số 14771 đường Moran, thành phố Westminster, California 92683.

Một số thân nhân của nhạc sĩ Tô Hải hiện định cư tại Hoa Kỳ và nhà văn Uyên Thao, người chủ trương tủ sách Tiếng Quê Hương, sẽ có mặt trong buổi giới thiệu sách này.

Mời đồng hương tới tham dự.

Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc với:

Bà Hoàng Vĩnh: ĐT (714) 892-9414
MC Đinh Quang Anh Thái: ĐT (714) 719-3033
Ông Trần phong Vũ: ĐT (949) 495-6752


Dưới đây là vài nét về Tác Giả Tô Hải

Tô Hải tức Tô Đình Hải sinh ngày 24-9-1927 tại Hà Nội, nguyên quán Tiền Hải, Thái Bình. Bắt đầu học chữ và học nhạc tại các trường soeur Hà Nội.
Mùa thu 1945, vừa đậu xong Bac I (tú tài I chương trình Pháp) thì gia nhập Vệ Quốc Đoàn, tốt nghiệp hai trường Quân Chính Nguyễn Huệ Khóa 1 và Lục Quân Trần Quốc Tuấn Khóa V nhưng chưa bắn phát đạn nào. Cả đời làm lính, ông luôn “bị” bố trí làm "văn" do năng khiếu ca nhạc. Từ 1947, tên Tô Hải đã được biết đến với các ca khúc Nụ Cười Sơn Cước, Trở Lại Đô Thành…
Sau 1954, ông lao vào học tập âm nhạc kinh điển vì đã sớm ý thức về cộng sản và hiểu rõ vị thế của vai trò “hát lên hát xuống các khẩu hiệu tuyên truyền.”
Do đó, đã xuất hiện một Tô Hải compositeur thay cho một Tô Hải chansonnier với các tác phẩm viết cho hợp xướng, giao hưởng… Nhưng từ đây, Tô Hải đã bị quy kết là “mất lập trường”, “vô chính trị”, “không theo đúng đường lối văn nghệ vô sản”… trở thành phần tử bị ngờ vực, mặc dù ông từng được trao nhiều giải thưởng của Nhà Nước.
Đầu thập niên 1960, ông đã tìm cách từ bỏ tư cách đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, ra khỏi Quân Đội, chuyên luyện tay nghề bằng đủ thể loại âm nhạc, nhưng vẫn không thể tìm được điều kiện theo đuổi giấc mơ làm nghệ thuật vì những áp lực mà bất kỳ người dân nào dưới chế độ Cộng Sản đều phải nhận chịu.
Sau 1975, ông được điều vô Sài Gòn ngay những ngày đầu nhưng đã nhận rõ hướng sa đoạ trong đời sống do mưu đồ thủ quyền đoạt lợi của những kẻ nhân danh cách mạng vô sản.
Ông xin về hưu non, ở ẩn tại ngoại ô Nha Trang từ 1986, để tránh phải nhận chỉ thị buộc viết cái gì, viết thế nào, viết cho ai....
Dù được trao tặng nhiều giải thưởng, huân chương, huy chương do những nhân vật như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đức Lương… ký, nhưng trái hẳn với nhiều đồng nghiệp khác, trong nhà ông không hề có dấu tích nào về các giải thưởng, huân chương, huy chương này.
Ông dồn tất cả sức lực cuối đời vào các bài viết trên blog, viết hồi ký về cuộc đời văn nghệ cách mạng khốn khổ của mình và bạn bè, và khi còn di chuyển được đã tham gia cùng những người trẻ biểu tình phản đối việc nhường biển, nhường đất cho Bắc Kinh.
Hiện nay, ở tuổi 83, ông sống tại Sài Gòn, bệnh tật, di chuyển khó khăn nhưng “vấn làm việc nằm” bên computer và là blogger già nhất nước tiếp tục kêu gọi sự thức tỉnh từ bỏ chế độ Cộng Sản để tìm lại sự sống cho người dân đã bị hủy hoại từ mùa Thu 1945.

Đặc biệt, trong phần giải thích tiêu đề “VÌ SAO TÔI VIẾT HỒI KÝ?” trong tập Hồi Ký, tác giả Tô Hải đã viết, trích:
“...Hậu thế sẽ thắc mắc: làm sao mà từ năm 1945 đến đầu thế kỷ 21, nhân tài đất Việt ở miền Bắc Việt Nam —một thứ Đàng Ngoài của lịch sử lặp lại — ít ỏi đến thế?
Tác phẩm của họ đâu rồi, ngoài lèo tèo mấy bài thơ của Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán...? Chẳng có một tiểu thuyết, một đoạn văn nào đáng được trích giảng trong các trường từ tiểu, trung đến đại học hay sao? Vậy mà trong suốt thời kỳ đất nước ta nằm dưới “sự lãnh đạo vô cùng sáng suốt” và “duy nhất đúng đắn” của những tên “xuất thân thành phần cơ bản”, trình độ học thức ở mức “đánh vần được chữ quốc ngữ”, các văn nghệ sĩ công chức ở nơi này vẫn được nhà cầm quyền trao tặng “Giải thưởng Nhà Nước”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và đủ thứ bằng khen giấy khen, được trang trọng lồng kính treo kín những bức tường phòng khách! Thử hỏi những tác phẩm được khen nức khen nở ấy giờ đâu rồi?
Té ra tất cả đã bị lịch sử xếp xó.
Hơn thế nữa, những tác giả được Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa khen hàng loạt nọ trong thực tế còn là những kẻ bán rẻ lương tâm đã lợi dụng các loại hình văn nghệ để ca ngợi những điều bất nhân, bất nghĩa bị cả nhân loại phỉ nhổ: khuyến khích con đấu cha, vợ tố chồng; hô hào kích động người cùng một nước chém giết lẫn nhau; ra sức ngợi ca những tên sát nhân khét tiếng như Stalin, Mao Trạch Đông… thậm chí, còn quỳ gối khấu đầu tạ ơn những tên đao phủ và cái tổ chức tội ác là “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, dạy những đứa trẻ bập bẹ biết nói: “tiếng đầu lòng con gọi Stalin!” Nhục nhã thay cho những kẻ cam tâm bợ đít, luồn trôn kẻ giết cha mình!
Vậy mà cho tới cuối thế kỷ 20 vẫn còn những kẻ u mê cứ tưởng các “tác phẩm” tuyên truyền cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cho hận thù dân tộc, cho đấu tranh giai cấp của chúng là giá trị lắm!
Cứ xem chúng tâng bốc nhau, nịnh bợ nhau, bôi xấu nhau, kiện cáo nhau, để được nhận cái… vết nhơ một thời làm lính văn nghệ của Đảng thì thấy.
Không thể nín nhịn mãi, nhân dịp người ta tổ chức mừng sinh nhật 70 tuổi của tôi để ghi công những năm làm nô bộc của tôi, tôi đã công khai phủ nhận tuốt tuột những gì tôi gọi là “tranh cổ động bằng âm thanh” trên Tivi Sài Gòn. Tôi kiên quyết không cho phát lại những gì tôi được nhà cầm quyền ngợi khen suốt quá trình sáng tác. Để nhắc đến những tác phẩm của tôi, tôi chỉ đồng ý lên một chương trình do chính tôi soạn thảo và đặt tên. Nó gồm những tiếng nói của trái tim bị cấm đoán, bị lên án, thậm chí bị trù dập suốt nửa thế kỷ.
Sau hết, dựa vào thời cơ “Đổi Mới”, nhờ những bạn bè đồng tình với tôi và còn giữ được một số quyền hành cuối cùng trước khi về hưu, chương trình Nửa Trái Tim Tôi của Tô Hải đã ra mắt trọn một tiếng đồng hồ với toàn những “tác phẩm bỏ tủ lạnh”, với những lời tuyên bố gây “sốc” mạnh trong giới làm nhạc ăn lương.
Những đồng nghiệp thực sự có tài và có tâm sự giống tôi thì hài lòng. Số này, khi trả lời phỏng vấn, cũng chỉ dám nhận một cách khiêm tốn con số ít ỏi những gì mình làm ra xứng đáng được gọi là tác phẩm.
Còn số khác, những “nhạc sĩ” bám chặt thành tích 500, 1000 bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác, động viên con em ra chiến trường hiện còn tiếp tục lải nhải kể công với Đảng để xin “tí tiền còm” nhân danh giải này giải nọ thì tự ái, nổi khùng,
Họ gọi tôi là “tên phản động”.
Trả lời những câu hỏi của báo chí hoặc truyền thanh, truyền hình tôi luôn nhắc lại nguyên lý bất diệt của nghệ thuật: “Chỉ những gì từ trái tim mới đến được trái tim”! Nhưng trái tim của tôi, hỡi ôi, gần một thế kỷ qua lại không đập vì...tôi! Nó bị trói buộc, bị cưỡng bức phải đập vì những cái xa lạ với tôi: vì Đảng, vì hai cuộc chiến, vì những tín điều nhập khẩu từ các nước cộng sản Nga, Tầu.
May thay, thời thế rồi cũng đổi thay.
Liên Xô, “quê hương của cách mạng vô sản toàn thế giới”, “ngọn đuốc soi đường cho nhân loại” sụp đổ cái rụp. Thần tượng Marx, Lénine, Stalin gần 70 năm được tôn thờ hơn cả Chúa Trời bị đập tan!(...)
...Với niềm tin vô bờ bến rằng ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam đã đến rất gần, dù có chậm hơn ở các nước bậc cha ông, anh cả, anh hai đến vài ba thập kỷ, niềm tin ấy vẫn cháy bỏng trong tôi thúc giục tôi vứt bỏ mọi sợ hãi, mọi hèn kém để ngồi vào computer.” (hết trích)

Kính mời độc giả tới dự buổi giới thiệu tập Hồi Ký của nhạc sĩ Tô Hải để biết về một thời bi thảm ở quê nhà.

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...