BÀ TRẦN THỊ LỆ VÀ MẬT VỤ CỘNG SẢN
trong buổi "làm việc" sáng ngày thứ 7, 2-10-2010 (Nguồn : Đối Thoại)
Không hiểu điều gì đã xảy đến với nền hành pháp và tư pháp Việt nam khi công dân Việt nam hiện nay lại rơi vào tình trạng bị trừng phạt tập thể, vốn là một phương pháp độc ác nham hiểm và man rợ tưởng chỉ có trong sách vở phim ảnh nói về các thời đại lạc hậu xa xưa lắm lắm rồi, nhưng Việt nam giờ vẫn thế.
Chuyện là thế này, hôm nay vào lúc sáng sớm ngày thứ 7 của tuần, bà Trần thị Lệ, mẹ luật sư Lê thị Công Nhân lại nhận được một cú điện thoại của nữ mật vụ Yến – A42 Bộ Công an mời bà ra công an phường làm việc.
Hàng tháng nay việc bà Lệ bị mật vụ cộng sản mời ra phường làm việc đã thành một thông lệ, một truyền thống tốt đẹp cần phải được phát huy, cứ như thể ngành công an đã nghiên cứu phát minh ra được một cách thức làm việc mới vô cùng hay ho và hấp dẫn vậy. Đó là: không làm việc trực tiếp với đối tượng (nhân vật chính) mà lại đi vờn vã với các nhân vật phụ nhằm mục đích gây áp lực chung, đe dọa tập thể, tưởng chừng bình thường nhưng lại vô cùng hiệu quả. Xin nói lại cho rõ, tất cả những lần mật vụ cộng sản mời bà Lệ đi làm việc thì nội dung đều là về Lê thị Công Nhân, mà Công Nhân thì đã bước qua tuổi 32 cách đây 3 tháng.
Trong gia đình Lê thị Công Nhân có 2 người thường xuyên bị mật vụ A42 mời đi làm việc đó là em rể Trần Kim Thành – một thợ sửa xe máy, và mẹ là bà Trần thị Lệ, trước đây thì còn có thêm anh rể là Tạ Quang Hiển, nay đã đi công tác xa. Và đương nhiên sau mỗi cuộc làm việc như vậy thì gia đình “đương sự” luôn bị căng thẳng không ít thì nhiều.
Cuộc làm việc sáng nay cũng không có gì mới, vẫn những nội dung cũ rích đến muôn năm của đảng và bác (của cộng sản !). Cụ thể là: Công Nhân đã hoạt động trở lại bằng các cuộc trả lời phỏng vấn, liên lạc với người nước ngoài (người tây và người Việt Nam ở nước ngoài), một cách bất hợp pháp (? !); làm thơ thì cũng được thôi, nhưng từ thơ đến tù cũng gần lắm đấy nhá (? !); đặc biệt Công Nhân coi thường pháp luật chưa bao giờ đi trình diện (? !); thường xuyên vi phạm án quản chế đi ra khỏi phường mà không xin phép và có sự đồng ý của chính quyền (? !); đặc biệt nhấn mạnh “Đảng và nhà nước rất khoan dung nhưng luôn sẵn sàng trấn áp tất cả những kẻ phản kháng ngoan cố ..v..v..” (Bỗng dưng lại nhớ đến “Đảng vô cùng anh minh và rất mực nhân từ” trong Đêm giữa ban ngày của bác Vũ Thư Hiên quá !).
Ngoài ra có một nội dung tương đối mới là lân đầu tiên kể từ khi Lê thị Công Nhân ra tù mật vụ cộng sản đã chính thức đề cập đến việc bắt giữ Công Nhân và tống cô vào tù trở lại vì vi phạm lệnh quản chế chiểu theo điều 304 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Theo điều luật này Lê thị Công Nhân có thể bị đi tù từ 6 tháng đến 3 năm vì cố ý không chấp hành bản án tòa đã tuyên có hiệu lực pháp luật. Mật vụ, thậm chí đã in sẵn ra giấy trắng phau phau mực đen xì xì điều luật 304 đó và trao tận tay bà Lệ, kèm theo đó là Nghị định 53/2001/NĐ-CP về quản chế, với mục b khoản 2 điều 11 được đánh dấu màu nõn chuối sáng ngời (Thật là chu đáo quá đi thôi !), nguyên văn “Trường hợp cố ý không chấp hành quy định về quản chế mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành thi hành án theo điều 304 Bộ Luật Hình sự”.
Ngoài ra “đồng chí công an khu vực” đại úy Nguyễn Xuân Sơn còn tranh thủ tham gia buổi làm việc của “các đồng chí trên Bộ về” bằng cách nhảy vào và tố với bà Lệ là Lê thị Công Nhân đã “hỗn” khi không cho anh ta và “đồng chí Hòa trưởng công an phường mới nhậm chức” vào khi 2 người này nhất quyết vào nhà bà Lệ cho bằng được khi bà Lệ đi vắng vào nửa đầu tháng 9 vừa rồi. Hôm đó Lê thị Công Nhân đã từ chối thẳng thắn rằng “Xin lỗi tôi không tiếp công an trong nhà, đó là nguyên tắc của tôi, và đây là nhà tôi, có việc gì thì các anh là đại diện cho cơ quan nhà nước, cứ theo đúng quy định trình tự thủ tục pháp luật mà mời hoặc triệu tập hoặc cưỡng chế đương sự làm việc, và phải làm việc tại cơ quan công quyền của nhà nước.” Nhưng 2 anh công an này đã tỏ ra nhiệt tình tới mức độ xúc phạm người khác khi khăng khăng đòi vào nhà người dân mà k hề có bất kỳ giấy tờ, lý do chính đáng nào. Thậm chí khi Công Nhân đã bước chân xuống cầu thang khu tập thể rồi mà “đồng chí Sơn” vẫn kiên quyết bám trụ đòi vào nhà cho bằng được, và to tiếng thóa mạ Công Nhân “chị là người không có văn hóa lịch sự, khách đến nhà không tiếp” thì Công Nhân hết chịu nổi cái văn hóa cộng sản, cộng với đứng cách xa hơn chục mét, đã to tiếng lại rằng “Ông đừng có đứng trước của nhà người khác khăng khăng đòi vào nhà người ta, người ta không cho vào thì bảo là bất lịch sự, dẹp ngay cái kiểu văn hóa ấy đi nhé” . “Đồng chí Hòa” thì lịch sự hơn một tí khi chữa ngượng bằng một câu nói tương đối khó hiểu nhưng cố hiểu thì vẫn hiểu được, rằng “Chúng tôi đi thăm nhà người dân trong địa bàn là chuyện bình thường, là công việc của chúng tôi, là tình cảm con người với nhau (Vô duyên lãng xẹt !)”. Công Nhân trả lời “Vâng, nó là bình thường, thì người dân họ tiếp các anh là chuyện bình thường, và nếu họ không tiếp thì cũng là bình thường. Các anh hãy tập cách làm việc chuyên nghiệp đi, đừng nhập nhèm công tư, tình cảm - công việc như vậy. Tôi chẳng biết tí ti gì về anh để mà nói chuyện tình cảm quý mến hay ghét bỏ ở đây. Tôi đã nói rõ rồi, tôi không tiếp công an trong nhà, vậy thôi.”
Thực ra thì câu nói của “đồng chí Sơn” nêu trên là còn lịch sự chán so với câu nói hàng khủng của chính anh này trước đây. Một lần vào tháng 4 anh ta lại cương quyết đòi vào nhà thăm gia đình Công Nhân, Công Nhân đi ra hành lang cầu thang tập thể và nói là “Tôi không tiếp công an trong nhà, có việc gì yêu cầu anh làm đúng quy trình thủ tục mời công dân đi làm việc.” thì anh ta gào lên rằng “Tôi là công an tôi có quyền vào nhà bất kỳ ai bất kỳ lúc nào tôi muốn.” Ngay lập tức Công Nhân phản công (thực ra là Công Nhân chỉ chờ có thế !), rằng “Cái gì ? Chú nói cái gì hở ? Vào nhà bất kỳ ai và bất kỳ lúc nào à ? Chỉ có bọn đạo tặc mới thế. Nhớ nha, chính mồm chú nói nha, nửa tiếng nữa chú sẽ thấy câu nói của chú được đăng báo.” Nhưng sau đó vì tội nghiệp “chú công an” nhiệt tình cách mạng lỗi thời này mà Công Nhân đã không kể lại câu chuyện đó cho báo giới dân chủ. Nhưng đến hôm nay thì cô không chịu nổi cái tính tủn mủn thù vặt của “đồng chí Sơn” này nữa khi mà anh ta nuôi ấm ức mãi đến hôm nay mới rình đi tố cô với mẹ cô, đành phải kể ra thôi.
Cuối buổi làm việc, mật vụ Yến, với một thái độ vô cùng kiên quyết tuyên bố sẽ có buổi đến tận nhà làm việc với Công Nhân, và còn nói rằng, “chúng tôi có quyền làm như vậy” không cần biết chủ nhà có tiếp mình hay không (Kinh dị !). Lê thị Công Nhân cho biết, khi nghe mẹ kể như vậy, cô tuyên bố “Nếu họ quyết tâm bằng mọi cách vào tận nhà để đe dọa con như vậy, mà con không thể tiếp tục sống bình thường ở nhà được, con sẽ ra đường sống, đi bụi đời luôn. Không thể chịu nổi cộng sản nữa rồi ! Nhà người ta mà chúng coi như nhà hoang.”
Nền độc tài vẫn tiếp tục tồn tại trong niềm tự hào đạt đến đỉnh điểm mà không biết là tự hào vì cái gì. Phong trào đấu tranh dân chủ vẫn tiếp tục chiến đấu trong sự kiên cường bất khuất tới cùng dù không biết đến bao giờ mới thành công. Tóm lại là cuộc sống vẫn tiếp tục, và dân chủ là điều không thể đảo ngược. Mọi điều chống lại nền dân chủ đều là tội ác, khiên cưỡng, lỗi thời, lãng phí và thật sự là ngu xuẩn.
Hãy thức tỉnh vì bạn vẫn còn có thể thức tỉnh!
Thứ bảy, 2-10-2-10
FNA Cánh chim hòa bình từ Hà nội
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...