CHƯƠNG THỨ SÁU
HOA KHOA HỌC DÂN CHỦ KẾT THÀNH QUẢ CỘNG SẢN
Những gì không mang lợi cho tổ ong thì cũng vô ích cho con ong.
MARC AURÈLE
Anh có biết con châu chấu không? Nếu sống rời rạc, nó chỉ nhảy lung tung rồi chẳng chóng thì chày nó sẽ bị đứa trẻ chộp được và buộc chỉ xích chân. Nhưng nếu châu chấu họp đàn thì thôi không còn gì mạnh hơn, cả một cánh đồng lúa chín kia sẽ nhẵn nhụi trong phút chốc chẳng sức gì cản nổi.
LÃO XÁ
Cách mạng Tân Hợi
Thời gian Nghĩa hòa đoàn làm loạn ở Bắc Kinh đã tạo nên một hiện tượng chính trị đáng chú ý là Thượng Hải thay thế Bắc Kinh làm trung tâm văn hóa. Trước đây Bắc Kinh từ đời nọ qua đời kia vẫn là nơi phát xuất và trung tâm văn hóa, nay văn hóa di chuyển xuống miền Nam. Lý do là phần tử trí thức tiến bộ tránh né tình trạng hỗn loạn khủng bố của Nghĩa hòa đoàn nên di tản xuống miền Nam. Trên mặt chính trị thủ đô bị tám nước hoành hành đem đến sỉ nhục cho T.Q. nhưng trên văn hóa thì lại là một hoàn cảnh có lợi. Phần tử trí thức tiến bộ rời bỏ Bắc Kinh ra đi với tâm lý càng quyết liệt hơn với cách mạng, với canh tân bởi vì họ thấy rõ ràng những hành động chính trị thần quyền cổ lổ không còn hiệu lực gì nữa trước chiến hạm, đại bác.
Ở Bắc Kinh, sau khi bị tám nước Tây phương chiếm giữ, sinh hoạt và trật tự của nhân dân hoàn toàn bị phá hoại. Phần tử trí thức hủ lậu cay chua bi phẫn trở về với triết lý Lão Trang sống lối tuyệt thánh khí trí, phần tử trí thức quen lối giáo dục nô tài thì từ bỏ phụng sự Mãn Châu quay sang phụng sự Tây phương. Các sĩ đại phu đua nhau nịnh nọt Tây, họ đi mua thánh giá về đeo, kinh về đọc. Họ trước là nô lệ Mãn nay là nô lệ Tây. Trong khi Thượng Hải tư tưởng cầu tiến bộ hừng hực bốc lửa thì Bắc Kinh đi mua quần áo giày dép cũ của Tây phương về mặc. Trong khi thi ca Thượng Hải bồng bột với khí thế cách mạng thì ở Bắc Kinh thi nhân ca tụng tình yêu người đẹp của T.Q. với thống đốc Tây già (kịch thơ Trại Kim Hoa).
Uông Tinh Vệ hành thích Nhiếp Chính Vương không thành bị hạ ngục, Vệ làm bài thơ tứ tuyệt sau đây:
Khảng khái ca Yên thị
Thung dung tác sở tù
Dẫn đao thành nhất khoái
Bất phụ thiếu niên đầu
Thi ca cách mạng đã chuyển tới hành động cách mạng. Năm Tân Hợi cuộc khởi nghĩa ở Vũ Xương bùng nổ, chừng hai tháng sau cách mạng hoàn thành. Hai tháng! thật là một cuộc cách mạng chớp nhoáng, một kỳ tích của lịch sử. Tuy nhiên cũng phải nhận rằng sở dĩ nhanh chóng như vậy là vì Tân Hợi chẳng qua chỉ là cái quả chín, hoa nụ của nó đã có từ lâu rồi. Cũng như cuối đời Tần, khi Trần Thiệp-Ngô Quảng trương cờ khởi nghĩa khắp nước ứng theo nên nhà Tần vong mệnh trong phút chốc. Khởi nghĩa Ngô Quảng-Trần Thiệp chỉ là trái chín, hoa nụ của nó là hoạt động cách mạng của các vong thần vong dân cứu nước cả mấy chục năm trước. Cách mạng Tân Hợi là sự gom góp vận động Mậu Tuất vận động Nghĩa hòa đoàn do phần tử trí thức lãnh đạo, những bang hội giang hồ và nông dân làm thành.
Bang hội giang hồ là gì?
Trên tổ chức là những đảng hội bí mật Hồng Môn. Trên đơn vị cá nhân theo ý nghĩa “élite” của Paréto là những cao thủ của mọi tầng lớp sinh hoạt xã hội mà chúng ta thường đọc trong kiếm hiệp danh từ “cao thủ” võ lâm. Có lẽ chữ cao thủ để phiên dịch danh từ élite của Paréto sát nghĩa hơn hết.
Như đã nói ở trên bây giờ tìm hiểu thêm. Các đảng hội bí mật tức các tổ chức bang hội của T.Q. phát triển từ khi nhà Minh mất ngôi. Dưới thống trị Mãn Thanh, các tổ chức bang hội không ngừng đấu tranh phục quốc, tên tuổi nhất gồm có: Bạch Liên giáo, Thiên Địa hội, Tam hợp hội, Ca Lão hội. Các hội này lại phân chia ra làm nhiều chi phái nhỏ như Chủy Thủ hội, Song Đao hội, v.v…
Địa bàn của Bạch Liên giáo hoạt động là miền Nam Hoa Bắc.
Địa bàn của Tam hợp hội hoạt động là miền Hoa Nam. Đất khởi nghĩa của cách mạng Tân Hợi là miền Hoa Nam, khởi đầu do Hưng trung hội của Tôn Trung Sơn.
Tôn Trung Sơn là con của một gia đình trung nông. Sau khi họ Tôn ra đời thì gia đình ông bỏ ruộng nương ra tỉnh doanh thương, vì doanh thương mà liên hệ nhiều với ngoại quốc mà Tôn Trung Sơn du xuất du Anh quốc theo học. Tốt nghiệp về nước, thấy sự thất bại của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu trong công cuộc vận động cải cách và biến pháp, ông liền tổ chức một đoàn thể cách mạng, lấy tên là Hưng trung hội với cương lĩnh chính trị: Đuổi giống Mãn khôi phục Trung Hoa sáng lập hợp chủng chính phủ.
Trong Hưng trung hội có một người tên là Trịnh Sĩ Lương cấp bậc đàn anh của bang hội giang hồ Hồng Môn. Trịnh Sĩ Lương là bạn học với Tôn Trung Sơn. Nhờ giới thiệu của Lương, Tôn Trung Sơn thiết lập quan hệ với Hồng Môn và đảng hội với Hồng Môn về sau chính là chủ lực vũ trang của cách mạng Tân Hợi vậy bởi lẽ Hồng Môn là chủ tể hầu hết các tổ chức lục lâm ở miền Nam. Tôn Trung Sơn theo học Tây phương từ tấm bé cho nên ông phản đối lề lối cách mạng của Nghĩa hòa đoàn. Nhưng Hưng trung hội của họ Tôn trên tính chất chẳng khác Nghĩa hòa đoàn bao nhiêu, cả hai đều lấy bang hội giang hồ làm cơ sở.
Tổ chức bang hội giang hồ nặng mùi mê tín và lạc hậu xa cách hẳn tư tưởng tiến bộ của Tôn Trung Sơn thế mà hai bên kết hợp được với nhau. Tại sao? Dưới một tình thế cần thiết nào đó, chính trị có thể thiết lập hai khuynh hướng trái ngược, vả lại bấy giờ chỉ quảng đại quần chúng lạc hậu mới có dũng khí hoạt động thôi, còn phần tử trí thức vì hay suy nghĩ nên thường gia nhập phong trào chậm trễ.
Giữa Nghĩa hòa đoàn và Tam hợp hội có một điểm khác nhau là Tam hợp hội nhờ phần tử trí thức tiến bộ nên đã tiến bộ hơn.
Từ Hưng Trung Hội đến Đồng Minh Hội
Đầu thế kỷ thứ 20, người đi du học mỗi lúc mỗi đông. Nhật Bản là điểm chuyển vận để người T.Q. tiếp thụ văn minh Tây phương. Đồng thời ở trong nước các trường mới mở ra cũng nhiều, xã hội T.Q. đang dâng lên phong khí mới.
Lưu học sinh ở Nhật tổ chức Thanh niên hội để làm cách mạng, rồi đến Ái quốc học xã do Sái Nguyên Bồi lãnh đạo, Hoàng Hưng ở Nhật về nước thành lập Hoa hưng hội. Ở Hồ Bắc thanh niên học sinh tổ chức khoa học bổ tập sở. Ở Thượng Hải có Quang phục hội.
Thanh niên trí thức ồ ạt hoạt động cách mạng dưới nhiều hình thức bí mật công khai hợp pháp bất hợp pháp. Họ tuyên truyền dân chủ, sách vở chính trị được in ra rất nhiều khiến cho ngòi bút Lương Khải Siêu vốn tung hoành lâu nay bị lu mờ.
Cách mạng từng đấu tranh tư tưởng ra không chỉ nhằm thống trị Mãn Thanh, còn kịch liệt bài bác chủ trương của phái cải tạo. Phần tử trí thức cách mạng nhận rằng ngoài việc suy đảo đế chế không còn con đường cứu nước nào khác nữa. Phải cải lương biến pháp mấy năm trước đây là tiến bộ, dẫn đạo cách mạng, bây giờ trở thành lạc hậu làm vướng chân cách mạng.
Hưng trung hội nhập với Tam hợp hội để mong vận dụng các cao thủ giang hồ, trước phong trào cách mạng của thanh niên trí thức không thể không sửa đổi, do đó Tôn Trung Sơn liền đem Hưng trung hội liên kết với Quang phục hội và Hoa hưng hội để thành lập Đồng minh hội. Hưng trung hội nay chỉ còn là bộ phận để giữ mối quan hệ với đám giang hồ cao thủ mà thôi.
Thanh niên trí thức rất hoan nghênh việc làm của họ Tôn, họ đồng lòng bầu họ Tôn làm lãnh tụ Đồng minh hội. Đặc chất của Đồng minh hội là trung tâm lãnh đạo cách mạng đã về tay phần tử trí thức.
Hội viên Đồng minh hội tăng gia cực mau, chỉ non năm năm trời con số ba trăm lên tới vài vạn. Hoạt động ít lâu Đồng minh hội đã chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, tuyên ngôn xác định cương lĩnh chính trị đuổi Mãn, khôi phục Trung Hoa xây dựng Dân quốc, chia lại ruộng đất. Cơ quan ngôn luận của Đồng minh hội là tờ Dân báo. Trên Dân báo Tôn Trung Sơn trình bày chủ nghĩa tam dân của ông. Sau khi Đồng minh hội đưa ra chủ nghĩa tam dân để tiến hành cách mạng dân chủ thì bắt đầu một cuộc tử chiến với phái cải lương biến pháp.
Chính biến Mậu Tuất, Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu là thần tượng được phần tử trí thức sùng kính. Khi Đồng minh hội thành lập Khang Lương vẫn giữ mãi điệu kèn cũ nên bị đả kích thậm tệ.
Ở thời kỳ Hưng trung hội, Tôn Trung Sơn còn đau lòng vì toàn thể học sinh đồng tình với Khang Lương. Sang thời kỳ Đồng minh hội sinh viên học sinh bỏ dần Khang Lương.
Thanh niên trí thức hăng hái can đảm không kém bang hội giang hồ nhất tề tham gia lưu huyết đấu tranh.
Uông Tinh Vệ mưu sát Nhiếp Chính Vương.
Từ Tích Lân đâm tuần phủ An Huy. Lân bị bắt và bị đánh đập đến chết.
Nữ sĩ Thu Cẩn cùng Từ Tích Lân mưu đồ khởi nghĩa bị xử tử. Tô Mạn Thù thi sĩ, đòi giết Khang Hữu Vi để tiêu diệt bọn bảo hoàng.
Những tháng trước cách mạng Tân Hợi, hầu như hết thấy phần tử đoàn kết dưới lá cờ cách mạng. Về phía thống trị, bấy giờ mới đi thu nhặt lý luận, phương pháp biến pháp, cải lương để đối kháng với cách mạng.
Một cuộc cách mạng ôn hòa?
Ngày 10-10-1911 là ngày cách mạng Tân Hợi khai hỏa khởi nghĩa ở Vũ Xương. Tháng 12 chiếm Nam Kinh. Tôn Trung Sơn được bầu làm Tổng Thống lâm thời. Nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa Vũ Xương là “phong trào đường sắt”. Chính phủ Mãn Thanh cấu kết với tư bản ngoại quốc để cướp bóc của thương gia, dẫn đến vận động thỉnh nguyện của thương giới rồi vận động phản kháng của học sinh.
Việc đường sắt là việc tranh lợi giữa quan lại và thương gia. Trên ý thức chính trị là sự phản đối chính phủ cướp bóc và là cuộc đấu tranh giai cấp giữa nhà buôn với quan lại.
Chính phủ Mãn Thanh sợ xung đột lan rộng mới sai Đoan Phương đem quân lên trấn áp. Đoan Phương chết trong hỗn loạn, mặc dầu vụ đường sắt im hơi nhưng nó đã rải ra một lớp chất dẫn hỏa để đợi cách mạng châm lửa. Ngọn lửa ấy từ Vũ Xương mang đến. Quân cách mạng chiếm toàn thành Vũ Xương rồi liền triệu tập hội nghị quyết định:
a) Tuyên bố Trung Quốc là Trung Hoa dân quốc gồm các giống Mãn, Mông, Hồi, Hán, Tạng.
b) Phế trừ niên hiệu hoàng triều Mãn Thanh.
c) Hiệu triệu các tỉnh khởi nghĩa lật đổ chính phủ Mãn.
d) Tôn trọng lợi ích của các nước trên lãnh thổ Trung Hoa.
e) Quốc kỳ gồm năm màu đỏ, vàng, lam, trắng, đen.
Năm điều trên chứng tỏ nhận thức của cách mạng Vũ Xương tương đối cao.
Chỉ có một điểm lầm lẫn là cử Lê Nguyên Hồng làm đô đốc. Lê Nguyên Hồng là tư lệnh tân quân của chính phủ Mãn Thanh. Lê Nguyên Hồng không phải là người cách mạng nên khi được cách mạng đưa lên chức đô đốc để bổ cáo an dân, Hồng không ký tên, cách mạng phải bắt Hồng ký bằng súng. Đành rằng cách mạng cần dùng đám tân quân của Hồng nhưng đưa Hồng vào hàng lãnh tụ cách mạng là một việc kém tính toán, lưu hại về sau. Phần tử trí thức cách mạng hãy còn thiếu tự tin.
Lần lượt trong khoảng thời gian năm mươi ngày, các tỉnh khác cũng theoVũ Xương khởi nghĩa.
Cách mạng Tân Hợi thành tựu nhanh chóng.
Cách mạng Tân Hợi đồng thời cũng là cách mạng ôn hòa.
Vì quá nhanh chóng và ôn hòa nên mới dẫn tới bao năm không ngừng hỗn chiến. Nó cũng nói lên khí chất của phần tử trí thức đương thời. Phần tử trí thức lãnh đạo cách mạng Tân Hợi dùng tư tưởng triết học Nho gia vào cách mạng. Không giết người và triệt để áp dụng điều hòa chủ nghĩa. Chỉ cần đổi cờ, cắt đuôi sam, không nhận hoàng đế Mãn Châu là cách mạng rồi. Vì thế các quan chức Mãn Thanh bị giết rất ít, dân gian cũng tránh được khổ ải hãi hùng. Lắm nơi mọi người vẫn ngủ an giấc, sáng dậy để nghe tin hoàng đế bị truất phế. Đỡ được cho dân điều đại bất hạnh. Tuy nhiên nếu luận về bản thân cách mạng thì thật không triệt để chút nào. Không triệt để nên sau này vấn đề lãnh đạo gặp nhiều trở ngại khó khăn phức tạp làm cho nội bộ chia rẽ, cựu thế lực trỗi dậy, gây thành một thời kỳ ảm đạm.
Hướng về Trung Hoa
Nhật bắt tay Pháp đuổi học sinh đông du và các lãnh tụ cầm đầu phong trào đông du.
Đông kinh nghĩa thục bị giải tán.
Phần tử trí thức âm thầm đau xót.
Một buổi tối mùa đông năm Tân Hợi, ông Phương Sơn đang nằm đọc sách thì ông Chân Thiết xồng xộc vào hỏi: Nằm làm gì đó? Người ta thành công rồi đó có biết không. Người ta thành công rồi mà mình vẫn nằm chờ chết ở đây ư?
Nói xong ông ôm mặt khóc hu hu.
Ông Phương Sơn ngạc nhiên hỏi:
- Chuyện gì thế? Ai thành công?
- Tôn Văn chứ còn ai nữ. Họ thành công trước mình rồi.
Ông Phương Sơn vẫn bình tĩnh:
- Tin tức ở đâu thế? Sao báo Tàu không thấy nói.
- Đi với tôi thì biết. Bọn Hoa kiều đang mở hội ở hàng Buồm để kỷ niệm ngày mồng mười tháng mười dân quân thắng ở Vũ Xương. Lại mà xem.
- Thế thì đi.
Lát sau, hai ông rẻ khỏi phố Mã Mây một chút đã thấy người ta nô nức tiến về phía hội quán Quảng Đông. Không nhìn cảnh chưng đèn rực rỡ ở cửa cũng không nhận nét mặt hoân hoan của Hoa kiều, hai ông len lỏi tới một chỗ dán những tờ báo cáo, đọc những tin cuối cùng về trận Vũ Xương rồi trở ra, xuôi về phía hàng Ngang.
Ông Chân Thiết nói trước:
- Ngẫm người mà thẹn cho mình.
Ông Phương Sơn cười:
- Việc gì mà thẹn. Người ta làm trước thì thành công trước, mình làm sau thì thành công sau chứ gì?
- Thành công cách nào? Cứ nằm chết dí ở đó mà đòi thành công?
- Thế chú có chương trình gì không?
- Tôi sẽ qua bên đó. Chắc Tôn Văn và bọn Vân Nam du học sinh còn nhớ tôi. Thế nào họ chẳng giúp mình.
Tối đó hai ông đi lang thang hết những phố có Hoa kiều như hàng Ngang, hàng Bồ, rồi trở về hàng Gai, hàng Đào mà bùi ngùi nhớ lại thời hoạt động của Nghĩa Thục. Đồng chí nay đã mỗi người mỗi nơi mà nước nhà thì biết bao giờ mới đổi thay. Khi chia tay ông Chân Thiết nói:
Thế nào tôi cũng qua Trung Quốc càng sớm càng hay (trích Đông Kinh Nghĩa Thục của Nguyễn Hiến Lê).
Phần tử trí thức thuộc phái Nho gia của chúng ta sau khi đã thất vọng với người Nhật nay thấy cách mạng Tân Hợi thành công hết thảy đều hướng vọng về phía Trung Hoa. Hoạt động cách mạng Việt chuyển qua thời kỳ mới. Chiến sĩ cách mạng lấy Trung Hoa làm trung tâm hoạt động cách mạng. Họ hy vọng ở cách mạng Tân Hợi sẽ là người đồng chí, họ muốn học hỏi ở cách mạng Tân Hợi những kinh nghiệm cần thiết.
Diễn tiến của cách mạng Tân Hợi
Cơn sóng dữ cách mạng nhấn chìm một khu vực rộng lớn ở Trung Hoa. Chính phủ Mãn Thanh liền đưa Viên Thế Khải lên hàng lãnh đạo tối cao. Viên Thế Khải lợi dụng phe cách mạng thiếu tổ chức và lãnh đạo thống nhất đưa ra đề nghị giảng hòa. Khải yêu cầu nói chuyện với Lê Nguyên Hồng. Đa số đảng viên cách mạng từ lâu vẫn có mặc cảm với thanh uy của Viên Thế Khải nên trong lúc hoang mang đã mắc mưu họ Viên.
Tôn Trung Sơn ở nước ngoài vầ nhận chức Tổng Thống, ông thấy phái hệ trong hàng ngũ cách mạng hết sức phức tạp. Không thể nắm được nếu thiếu thời giờ. Ông tuy được dân chúng ngưỡng mộ nhưng thanh vọng của Viên Thế Khải đối với ông lại cao hơn.
Mặc khác, các phe phái ủng hộ cách mạng có thực quyền bắt đầu lủng củng. Lê Nguyên Hồng và Hoàng Hưng tranh giành nhau quyền lãnh đạo, khiến cho các phần tử tiến bộ bất mãn. Lê Nguyên Hồng thấy mình khó có thể đứng lâu dài với cách mạng liền bí mật cấu kết giảng hòa với Viên Thế Khải.
Quân lực của Khải cố nhiên không thể đánh bại lực lượng võ trang của cách mạng, nhưng nếu cứ tiếp tục vừa dùng áp lực vừa lợi dụng chia rẽ nội bộ của phe cách mạng thì Viên Thế Khải cũng là một mối nguy hại lớn cho cách mạng. Phần tử trí thức T.Q. vốn sẵn quan niệm “tòng long” đối với cách mạng. Tòng long nghĩa là theo rồng như kiểu đi theo Tấn Trùng Nhĩ bôn ba để khi về cùng hưởng phú quý với Tấn Trùng Nhĩ hoặc đi theo Lưu Bang là vận hên theo Hạng Vũ là vận xui. Bởi thế trong hàng ngũ cách mạng, đại đa số nhìn cách mạng bằng con mắt lợi ích cá nhân cho nên khi Viên Thế Khải mới thắng vài trận nhỏ, phe cách mạng đã có nhiều người lo ngại cho sự nghiệp mình mới khởi vận mà đã sớm bị phá hủy. Sự lo ngại ấy làm thành chủ trương tranh chủ Viên Thế Khải gia nhập hàng ngũ cách mạng, lấy mồi lãnh tụ để câu nhử.
Về việc này một nhà văn Cộng sản viết như sau:
“Tên quỷ quyệt Viên Thế Khải đã dựa vào sự ủng hộ của chủ nghĩa đế quốc, lấy giai cấp mãi biện, giai cấp địa chủ làm cơ sở lợi dụng nhược điểm của cách mạng. Khải tấn công cách mạng bằng lối vừa đánh vừa lay. Đánh để cho cách mạng nhượng bộ, lay để cho cách mạng lơi lỏng đấu trí cách mạng. Nói thế vẫn là lối quy loại máy móc mà công sản thường nói. Sự thật là các cựu quan liêu Trung Quốc lúc ấy không hề có quan niệm về giai cấp một cách rõ rệt. Còn giai cấp mãi biện và địa chủ thì kịch liệt chống đối nhau, làm sao Viên Thế Khải có thể hợp hai giai cấp này thành một chiến tuyến. Những hành động của Viên Thế Khải thuần là lợi ích cá nhân, chẳng có mảy may ý niệm giai cấp nào. Tập đoàn của Viên như Phùng Ngọc Chương, Đoàn Kỳ Thụy v.v… cũng vậy, họ chỉ biết nhìn quyền lợi cá nhân, họ vâng lệnh chủ soái và bất biết giai cấp mãi biện, giai cấp địa chủ là gì. Tóm lại nếu lấy lý luận giai cấp để phê phán Viên Thế Khải sợ đi quá sự thật.
Phần Tôn Trung Sơn, ông phản đối giảng hòa, ông nói: nếu mục đích cách mạng không đạt thì không có gì để nghị hòa. Nhưng trận doanh cách mạng quá phức tạp, đa số cấp công cận lợi, mỗi phe nhóm làm việc theo ý riêng khiến cho Đồng minh hội tan rã.
Với nội bộ lủng củng như thế mà tiếp tục chính sách quân sự thì không thể được. Nghị hòa là con đường duy nhất.
Phần hoàng triều Mãn Thanh nay đã hoàn toàn bị cô lập. Các người hữu dụng tập trung dưới lá cờ Viên Thế Khải vì Viên Thế Khải nắm trọn vẹn binh quyền. Biết không còn cựa quậy gì được nữa nên hoàng triều tuyên cáo thoái vị.
Cách mạng đảng đành chịu nhận một thắng lợi rẻ tiền để mất ngôi vị Tổng Thống vào tay Viên Thế Khải. Thấy làm tới được Viên Thế Khải liền thu xếp lên ngôi vua. Cách mạng Dân quốc bị áo long bào của Viên Thế Khải phủ lên trên. Phần tử trí thức do tâm chất “tòng long” nên đa số bằng lòng làm quan của dân quốc. Số khác quy tụ về phía Nam tiếp tục chủ trương của Tôn Văn, cách mạng chưa thành công, các đồng chí phải nỗ lực, hình thành cuộc đấu tranh vũ trang Nam Bắc.
Cách mạng chưa thành công là bởi tại phần tử trí thức kém tu dưỡng, kém đào luyện chính trị.
Sự phân loạn trên chính trị cũng là sự phân loạn của phần tử trí thức. Phần tử trí thức sau khi dân quốc thành lập họ thích làm quan dân quốc, quên mất lý tưởng cách mạng cho nên cách mạng Tân Hợi rất mau chóng thoát ly nhân dân. Lúc cách mạng bùng nổ, nhân dân hạ tầng tại các thành thị vui mừng, nông dân hoan hô. Đến khi chính phủ dân quốc rơi vào tay Viên Thế Khải, đại chúng bàng hoàng như bị dội gáo nước lạnh. Thấy Viên Thế Khải còn lên đế vị nữa, nhiệt tình đại chúng nguội hẳn.
Viên Thế Khải bội phản cách mạng nói cho đúng ra là phản kháng tối hậu của hoàng triều Mãn Thanh mượn Khải làm đại biểu. Quan liêu cựu trào tiếc nuối chế độ điển chương tiền triều, sĩ đại phu hãi sợ sự đổi mới quá mau nên xúm lại biến Viên Thế Khải thành tên nô lệ hoàn cảnh.
Cái tài của Khải bất quá chỉ là “trung nhân chi tài” ở mức trung bình, trí thức hẹp hòi hạn chế mà lại vọt lên ngôi vị quá cao. Đó là bi kịch cho đời Viên Thế Khải, cũng là bi kịch cho quốc gia.
Năm 1914 đại chiến bùng nổ ở Âu Châu. Nhật Bản thừa cơ hội các nước Anh, Pháp, Đức, Nga mãi xâu xé nhau, thừa cơ hội Viên Thế Khải tứ diện thù địch, muốn bành trướng thế lực ở Trung Hoa. Nhật ép buộc Viên Thế Khải chịu ký hiệp ước 21 điều. Hiệp ước này làm cho dân chúng phẫn nộ, phong trào chống Nhật nổi lên khắp nơi trong toàn quốc, đâu đâu cũng chửi rủa Viên Thế Khải. Viên Thế Khải lo buồn, sức già khó chịu đựng thành bệnh nặng mà chết.
o0o
Khai trí tiến đức - tây hóa
Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp phát triển chương trình khai thác Đông dương sau khi đã tạm thời dập tắt được các cuộc kháng cự của nhân dân ta và chiếm đóng được hầu hết lãnh thổ Việt Nam. Ngoài sự thiết lập một bộ máy làm việc cho chúng, tạo ra một tầng lớp viên chức và một tầng lớp những người buôn bán hàng hóa của chúng hay thành phần mãi biện, Pháp liền nghĩ cách đặt bên cạnh biện pháp bạo lực một bộ máy thống trị văn hóa giáo dục. Chúng tung ra tay sai để tuyên truyền ca tụng nền văn minh nô dịch. Phần khác cũng là để ngăn chặn tư tưởng Tân Hợi tràn xuống. Do sáng kiến của toàn quyền Sarraut và chánh sở mật thám, hội Khai trí tiến đức ra đời. Mục đích của hội này là thừa cái chủ ng hĩa khai hóa của nhà nước mà dùng cái cách chính đáng để giúp cho sự mở mang trí thức, giữ gìn đạo đức trong quốc dân An nam, truyền bá khoa học của Thái Tây, nhất là học thuyết tư tưởng nước đại Pháp.
Cơ quan ngôn luận của hội Khai trí Tiến Đức là tờ Nam Phong do Phạm Quỳnh điều khiển. Tờ Nam Phong số 20 có đăng tải thêm để bổ túc cho chủ trương của hội là: Gây mối liên lạc giữa các bậc thượng lưu Tây Nam, dung hòa hai cái văn hóa Đông Tây và cổ động cho chủ nghĩa Pháp Việt đề huề.
Phạm Quỳnh viết để chống lại những ai còn nghĩ tới những lộn xộn đánh Pháp, hãy quên đi thù cũ, dĩ vãng là dĩ vãng không nên mở lại vết thương trong lòng người đã phải bao nhiêu thời gian mới hàn gắn được.
Theo Quỳnh thì nhiệm vụ của người bản xứ bây giờ là làm sao tự học canh tân để theo kịp người.
Nam Phong ví nước Pháp như vị thiên sứ đi rắc hoa thơm cho nhân loại, người An Nam hãy lấy những bông hoa thơm đó mà gột rửa mọi nếp cũ thối tha của mình. Hãy đồng đẳng đã rồi hãy đòi bình đẳng với người Tây và mệnh danh những cuộc bạo động ái quốc là cổ hủ đáng bỏ rọ trôi sông, Phạm Quỳnh viết:
Một đàng chủ nghĩa quốc gia An Nam, vì không chủ trương độc lập, không che dấu ý tưởng ly khai nào, chẳng những chấp nhận một cách thẳng thắn nền thống trị Pháp mà còn công nhận nó là cần thiết như một áo giáp chống lại những nguy hiểm từ bên ngoài, đàng khác sự bảo hộ kia được thực hiện theo một tinh thần rộng rãi và lý tưởng là truyền thống của nước Pháp sẽ phải giải thoát dần dần dân tộc mình bảo vệ chứ không phải sát nhập tiêu diệt nó… Ngày nay không có phân biệt người nào là vị nước Pháp, người nào là phản đối nước Pháp, chỉ nên phân biệt người nào là ái quốc, tức vị nước Pháp, ai phản đối nước Pháp tức là người không ái quốc vì làm ngăn trở cái công nước Pháp kinh doanh cho giống nòi An Nam được cường thịnh.
Mặc dầu bọn Tây lại cố gắng hoạt động mang lợi khí văn hóa để hòng đánh lạc hướng phản tỉnh của dân tộc, nhưng bọn trí thức thư lại chim mồi chỉ dụ dỗ được một số ít người có quan hệ quyền lợi với thực dân mà thôi.
Bởi thế trong thời gian chiến tranh bên “mẫu quốc” trên giải đất Việt vẫn không ngớt những cuộc bạo động xảy ra do ảnh hưởng Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông du Tân Hợi âm vang lại. Các cuộc bạo động lớn nhất là trận cướp phá đồn bốt do Việt Nam Quang Phục hội cầm đầu, vụ phá khám lớn Saigon, âm mưu khởi nghĩa của Vua Duy Tân, binh lính Thái Nguyên nổi dậy đánh phá.
Nhưng rồi mọi cuộc hoạt động đều thất bại vì lẽ thiếu lãnh đạo cho nên bạo động khởi nghĩa chỉ rộp lên rồi bước ngay vào cái thế phiêu lưu cho đến lúc không đủ chống với sức đàn áp của địch thì quỵ xuống mà tiêu đi không còn tiếp nối nữa.
Nói phiêu lưu vì bạo động thường làm đơn độc thiếu kế hoạch có quy mô lớn, thiếu tổ chức chặt chẽ, thiếu phối hợp những điều kiện chủ quan với khách quan. Tuy mục đích đề ra là giành độc lập nhưng khởi nghĩa lại không đề ra đ ược sự giải quyết những thắc mắc chính thiết thân với sinh hoạt chung cho cả dân tộc, cho từng tầng lớp người trong xã hội, vấn đề ruộng đất, vấn đề kiến thiết sẽ đước giải quyết ra sao, không được ai đặt ra. Thất bại là bởi tại phần tử trí thức lãnh đạo khởi nghĩa bạo động kém tu dưỡng, kém đào luyện chính trị.
o0o
Tình cảnh xã hội trong thời kỳ vận động ngũ-tứ
Ngày 4 tháng 5 năm 1919, từ hừng đông tại Bắc Kinh học sinh sinh viên tụ tập diễn hành qua Thiên An Môn phản kháng hiệp ước Versailles, đòi xé bỏ hiệp ước bất bình đẳng Trung-Nhật. Quân đội giải tán, súng nổ máu chảy, nộ trào dân lên. Ngày đó mở đầu một cuộc vận động tư tưởng chính trị, vận động văn học. Ngũ Tứ nghĩa là mồng 4 tháng 5.
Viên Thế Khải đang mải mê với giấc mộng đế vương thì bên Âu châu xảy ra đại chiến, sinh hoạt kinh tế nhân dân T.Q. do cuộc đại chiến đó chuyển hướng.
Trước kia kinh tế quốc dân thật là cùng khốn, tài quyền ở cả trong tay người ngoại quốc và dương vụ phái (như kiểu comptoir de l’Inde một tổ chức mãi hiện). Nay vì chiến tranh Âu châu nên công nghiệp dân tộc hưng thịnh. Công xưởng dệt khoảng chừng ba năm tăng lên gấp bảy lần. Kỹ nghệ sợi gấp sáu lần. Kỹ nghệ bộ mì tăng gấp 15 lần, v.v… Kỹ nghệ nhẹ phát triển, thợ thuyền có công ăn việc làm, mậu dịch hồng phát, nghiệp vụ ngân hàng bành trướng. Sinh hoạt thoải mái. Nhờ sinh hoạt dễ chịu con em các nhà nghèo được ăn học mỗi ngày đông đảo. Chương trình giáo dục tam tự kinh, ấu học quỳnh lâm, thiên gia thi mất dần rồi được thay thế bằng những môn học: quốc tế tri thức khoa học, toán học, thương phẩm, v.v… Tin tức Âu chiến làm cho người Trung Quốc sáng mắt, cùng một lúc tạo ra sự thoái trào của kinh tế xâm lược Anh, Pháp, Đức. Nhưng tránh được Tây phương thì lại rơi vào tayNhật Bản. Trong việc làm ăn cạnh tranh Nhật Bản lúc nào cũng thắng người T.Q. cả trên thương mại lẫn kỹ nghệ. Thái độ nhù nhờ yếu kém của tập đoàn Viên Thế Khải tạo ra cho Nhật Bản nhiều cơ hội chiếm ưu thế tuyệt đối. Kinh tế T.Q. bị Nhật Bản chèn ép còi cọp dần. Bởi vậy phong trào phản kháng xâm lược chuyển hướng tập trung cả vào Nhật Bản.
Nhật Bản đồng minh với Anh tuyên chiến với Đức nên Anh để cho Nhật xơi hết những quyền lợi ở Sơn Đông thay thế Đức. Nhật mang quân chiếm Sơn Đông, Viên Thế Khải nhượng bộ. Chiếm Sơn Đông rồi Nhật đưa ra 21 điều buộc Viên Thế Khải chấp nhận.
Âu chiến đem lại cho T.Q. một thời cơ hồi phục, nhưng thời cơ đó lóe lên chưa được bao lâu đã bị Nhật bản dập tắt.
Phần tử trí thức phát khởi đấu tranh. Cuộc đấu tranh không phải chỉ chống Nhật, còn nhằm vào đánh bật gốc chính quyền Viên Thế Khải. Họ nhận thấy cách mạng triều đại chẳng đi đến đâu, dân chủ hay quân chủ chẳng khác gì nhau nếu chỉ làm cái công việc thay đổi quan danh.
Phe cách mạng trong tân chánh bây giờ hoàn toàn biến ra những tượng gỗ, dân chúng hết tin tưởng. Tôn Trung Sơn gắng sức hoạt động và gây được rất ít kết quả, các chi phái cách mạng khác rơi vào tình trạng cô độc đấu tranh. Nhìn các đảng phái khuynh loát nhau, tranh giành nhau, phần tử trí thức chán ghét và thờ ơ.
Ai ai cũng cùng chung một ý nghĩ: Trung Quốc đang cần cuộc cách mạng mới.
Ngũ tứ vận động thành hình.
Người giác ngộ trước nhất là Tôn Trung Sơn, ông biết rằng hành động cách mạng múa may thôi không đủ phải có lý luận cách mạng mới xong. Tôn Trung Sơn rút về tô giới viết cuốn “Tôn Văn học thuyết”.
Khởi sự bằng cách mạng tư tưởng cách mạng văn học
Dân chủ giả sauTân Hợi không thể cứu nước. Chỉ biết cải cách chính trị mà không có phương pháp kiến thiết khoa học cũng không thể cứu nước.
Do nhận định trên mà vận động Ngũ Tứ trương ra hai tiêu đề: Dân chủ và Khoa học.
Phần tử trí thức gây dựng vận động Ngũ Tứ đa số không dính dấp đến trí thức Tân Hợi, cũng không quan hệ chi với các phe phái “du dân chính trị”, Họ là những con người mới.
Vận động được khai mở bằng tờ Tân thanh niên. Tờ báo này ra đời giữa lúc Viên Thế Khải tiếp thụ 21 điều của Nhật Bản, giữa lúc việc xưng đế nhộn nhịp ở Bắc Kinh, giữa lúc đảng viên cách mạng Tân Hợi quốc dân đảng thất vọng buồn thảm.
Số 1 đăng bài kính cáo thanh niên của Trần Độc Tú, còn toàn bộ tờ báo đi vào chủ trương phản kháng quân chủ và đặc quyền hô hào chính trị dân chủ. Trong số 1 còn có bài “Thanh niên tự giác và quốc gia cộng hòa” do Trần Độc Tú viết, là hai bài gây sóng gió. Chủ đích của Tân thanh niên là vận động đề cao nhân quyền, phủ nhận truyền thống T.Q. Những lời văn quá khích đầy lý luận của Mậu Tuất và Tân Hợi xuống lạc hậu. Đối với Tân thanh niên, tư tưởng Mậu Tuất chỉ là chuyển biến cục bộ, mặc Tây đi giày Tàu. Bây giờ cần phải đổi cả xương cốt nghĩa là toàn bộ Tây hóa. Tân thanh niên xuất hiện chia hẳn hàng ngũ trí thức ra làm hai trận doanh: thủ cựu phái và cách mạng tân phái.
Số 6, Tân thanh niên lại ném ra một trái bom tư tưởng nữa. Đó là bài “Khổng Tử bình nghị” của Dị Bạch Sa phản đối Khổng giáo, phản đối lễ pháp và phản đối quan niệm luân lý cũ. Bài Khổng Tử bình nghị đến tay người đọc đúng lúc Viên Thế Khải lên ngôi Vua và tỉnh Vân Nam khởi nghĩa các tỉnh miền Tây Nam tiếp nhau phản đối đế chế. Trung ương chính phủ cơ hồ suy sụp đến nơi. Trước cơn cuồng phong của thực tế chính trị, phần tử trí thức càng thấy rằng đòi hỏi chính trị biến đổi là cần thiết nhưng biến đổi chính trị không phải là biến đổi chính phủ là là biến đổi tư tưởng. Vì nghĩ vậy nên trí thức lãnh đạo vận động Ngũ Tứ không xao động vội vã trực tiếp can dự thực tế chính trị lúc đó, họ tiếp tục đi con đường cách mạng văn hóa, cách mạng tư tưởng.
Hồ Thích viết bài: Sửa đổi văn học để chính thức phát khởi cuộc cách mạng văn học. Ông đưa ra ba điểm:
a) Lật đổ văn học quý tộc a dua, tô vẽ tỉ mẩn để kiến thiết văn học quốc dân bình dị, trữ tình.
b) Lật đổ văn học cổ điển phô trương thối tha để kiến thiết văn học tả thực, chân thành, mới mẻ.
c) Lật đổ văn học sơn lâm, u tối loanh quanh để kiến thiết văn học xã hội, thông tục dễ hiểu.
Bài sửa đổi văn học của Hồ Thích tuy bề ngoài chỉ hạn chế trong phạm vi văn học nhưng trên thực tế nó đã ảnh hưởng sâu xa đến phương thức sống, đến tư tưởng. Phản đối văn học quý tộc đề xướng văn học quốc dân hàm chứa ý thức bình dân cách mạng, phản đối văn học cổ điển chủ trương văn học tả thực là phản đối truyền thống. Phản đối văn học sơn lâm u tối, xây dựng văn học xã hội là kêu gọi văn nhân bỏ mộng đi vào thực cảnh, rời tháp nhà xuống đường phố.
Chính quyền Viên Thế Khải mải mê đối phó với thực tế chính trị không chú ý mấy việc làm của Tân thanh niên nhưng thanh niên khắp mọi nơi thì bị Tân thanh niên khích động mãnh liệt. Thanh niên trí thức bất mãn càng sâu bao nhiêu họ càng đi tìm ở văn học một xuất lộ. Được thể, Tân thanh niên quá khích hơn. Phần tử quá khích nổi tiếng Tiền Huyền Đồng và Chu Thụ Nhân tức văn hào Lỗ Tấn. Phần tử tương đối ôn hòa lạc quan là do Hồ Thích làm đại biểu. Tiểu Huyền Đồng đòi dùng tinh thần khoa học để tiêu diệt nhọt độc quốc túy Khổng học. Hồ Thích yêu cầu: nuôi dưỡng tập quán hoan nghênh tư tưởng mới, tư tưởng tự do, ngôn luận tự do. Tuy nhiên cả hai phái quá khích lẫn ôn hòa lạc quan đều có chung một rễ cái là phản đối Khổng học lũng đoạn tự học thuật, phản đối chuyên chế kinh điển.
Từ đấu tranh tư tưởng đến vận động thị uy
Âu chiến kết thúc, nước Đức bại trận. Trung Quốc ở bên kia phía đồng minh và cũng là nước thắng trận. Năm 1919 ở hòa Ba Lê, đại biểu Trung Quốc lên tiếng đòi hủy bỏ bảy điều của hiệp ước ký kết giữa T.Q. và liệt cường giành đặc quyền cho các nước Tây phương trên lãnh thổ Trung Hoa, đồng thời đòi thủ tiêu 21 điều do Viên Thế Khải ký với Nhật, trao trả tỉnh Sơn Đông.
Nhưng hòa hội Ba Lê không ghi vào chương trình bàn cãi hai thỉnh cầu của đại biểu Trung Quốc. Đã vậy hòa hội Ba Lê còn ghi lên vài điều kiện minh xác việc Nhật chiếm Sơn Đông từ tay Đức là hợp pháp.
Thanh niên trí thức bây giờ đã có một nhận thức chính trị khá trưởng thành và phổ biến, họ căm phẫn hành động ức chế của hòa hội Ba Lê. Chiều ngày 3 tháng 5 năm 1919 hơn một ngàn đại biểu sinh viên và học sinh tập hợp tại trường đại học bắc Kinh khai hội quyết định ngày 4 tháng 5 toàn thể xuống đường biểu tình.
Biểu tình ngày 4 tháng 5 là phản ứng quyết liệt của phần tử trí thức đối với sỉ nhục ngoại giao. Khẩu hiệu của họ là:Phế trừ 21 điều- Không ký hiệp ước Versailles- Thâu hồi tỉnh Sơn Đông- Trung Quốc của người Trung Quốc. Ngần ấy khẩu hiệu rõ ràng quy vào mục tiêu phản kháng đế quốc Nhật. Trong khi chính phủ lại thân Nhật, đa số cấp bậc cao trong chính phủ ít nhiều đều do Nhật nâng đỡ hoặc phù trợ. Cuộc biểu tình được chính phủ nhìn nhận như một tử thù.
Sáng 4-5 chừng sáu bảy ngàn thanh niên trí thức có mặt trước Thiên An Môn. Họ đi thành hàng tiến về phía sứ quán Nhật Bản. Quân cảnh chận lại. Đoàn biểu tình hướng về nhà Tào Nhữ Lâm- người ký kết hiệp ước Versailles. Mặc dầu quân cảnh gác chống giữ, thanh niên học sinh ồ ạt sấn lên đốt phá. Lúc ấy nhà Tào Nhữ Lâm đang có hội họp bộ trưởng tổng trưởng mạnh ai nấy thoát. Đến buổi trưa khẩu hiệu vận động biến thành đả đảo chính phủ vô năng. Buổi tối hàng loạt sinh viên học sinh bị bắt. Ngày hôm sau, các trường ở Bắc Kinh tổng bãi khóa phản đối chính phủ đàn áp học sinh sinh viên. Chính phủ tiếp tục thi hành biện pháp mạnh. Thanh niên trí thức phẫn nộ tổ chức đội diễn thuyết, đội phát truyền đơn hoạt động trên toàn thành Bắc Kinh. Học sinh sinh viên tổ chức bắc Kinh học hiệu liên hợp hội, tung ra từng đội nhỏ quấy phá mọi nơi.
Việc chính phủ Bắc Dương (danh từ chỉ định chính quyền Viên Thế Khải) đàn áp học sinh gây bất mãn toàn quốc. Tôn Trung Sơn, Khang Hữu Vi cùng nhiều nhân vật danh tiếng tới tấp đánh điện hoan nghênh sinh viên và học sinh. Giáo sư Sái Nguyên Bồi viện trưởng viện đại học Bắc Kinh bị bức bách từ chức, ông rời Bắc Kinh. Tình trạng gay go vẫn tiếp tục. Ngày 20, quân cảnh bao vây cuộc hội của các đại biểu học sinh sinh viên. Học sinh sinh viên leo tường trốn chạy và bất ngờ tụ tập tại nơi khác in bãng hiệu triệu kêu gọi toàn nước ủng hộ cuộc đấu trang. Đầu tháng sáu chính phủ bắt giam 3000 học sinh sinh viên. Thế là các tỉnh nổi lên một lượt, học sinh 14 tỉnh bãi khóa hưởng ứng. Ở Thương Hải bãi công bãi thị hưởng ứng. Bắc Dương chính phủ đành nhượng bộ.
Vận động Ngũ Tứ thành công huy hoàng.
Nhà văn Mã Bân viết:
Đây là cuộc vận động yêu nước do phần tử trí thức lãnh đạo. Về tính chất nó tương tự vận động Mậu Tuất nhưng vì thời đại khác nhau nên Ngũ Tứ tiến bộ tích cực và rộng rãi hơn Mậu Tuất. Hoạt động Mậu Tuất chỉ hạn chế trong bản thân giai cấp trí thức còn vận động Ngũ Tứ cũng lãnh đạo bởi phần tử trí thức nhưng các giai tầng khác đều ủng hộ. Thậm chí nhân vật hai đoàn thể ghét bỏ nhau như Khang Hữu Vi và Tôn Trung Sơn nay cũng gặp nhau trên sự vui mừng đối với Ngũ Tứ. Đặc điểm vận động Ngũ Tứ là thuần xuất từ lòng ái quốc không có đảng phái lãnh đạo.
Tiếng Chuông Rè…
Trong một số xuất bản năm 1918 tờ Nam Phong có đăng tải bài Rồng Nam phun bạc đánh đổ Đức tặc: “Này đồng bào ta thử ngẫm mà xem, cả cái vận mệnh của Việt Nam tổ quốc ta, cái tổ quốc đáng yêu của ta chẳng phải là cầm lỏng trong cái cuộc đấu tranh kinh thiên động địa này ra. Giống An Nam ta còn sinh tồn được trên mặt đất này, quốc dân ta còn giữ được cái hy vọng tối thiết ở trong lòng ta chẳng phải là nhờ cái tài chí của đại Pháp sao?”
… Nam Phong đứng chủ chốt việc cổ động quyên tiền giúp mẫu quốc. Nam Phong cũng đứng chủ chốt đem văn minh Thái Tây để lòe bịp vạch đường chỉ lối lạc đường nhu cầu tiến bộ của dân ta. Bọn Tây lại, bọn trí thức thông ngôn đã thành công trong công việc ngăn chặn vận động tư tưởng để dễ bề đàn áp các cuộc vận động, cho nên suốt mấy năm Âu chiến bạo động không bành trướng được, tư tưởng cách mạng cũng tiêu trầm.
Đến năm 1921, ở các thành thị phương tiện ấn loát ngày một phát triển, sinh viên học sinh hấp thụ tư tưởng mới đã khá đông, nhà văn nhà báo cũng nhiều thì lại thấy vang dội lên những tiếng đòi hỏi đấu tranh, lúc ôn hòa, lúc kịch liệt gây thành những vụ chống đối. Đấu tranh dân chủ của thời kỳ này mang tính chất một cuộc vận động ái quốc lãnh đạo bởi phần tử trí thức mới chịu ảnh hưởng tư tưởng Tây phương. Lá cờ đấu tranh cầu tiến bộ đã chuyển tay từ sĩ đại phu sang trí thức Tây học. Đấu tranh mang hình thức mới. Báo chí là công cụ chính của đấu tranh và tầng lớp thị dân đông đảo là nòng cốt lực lượng.
Trong Nam kỳ năm 1922 xuất hiện tờ báo Thổ dân diễn đàn của Nguyễn Phú Khai và Bùi Quang Chiêu đả kích Thống đốc Nam kỳ tiêu biểu cho chính quyền thực dân.
Kịch liệt và yêu nước là tờ Tiếng Chuông Rè (cloche fêlée) của nhóm Nguyễn An Ninh.
Ngoài Bắc có Nam Đồng thư xã, Duy Tân thư xã, Giác Quần thư xã xuất bản nhiều sách vở yêu nước như cuốn Tiếng kêu của Việt Quyên và các tập di cảo của Phan Chu Trinh.
Tại hải ngoại, lá thư vạch tội vua bù nhìn Khải Định của Phan Chu Trinh đã gây nên luồng dư luận rất sôi nổi. Cuộc vận động này về sau biến diễn thành những vụ biểu tình đòi thả cụ Phan Bội Châu năm 1925, biểu tình bãi công bãi khóa đi đám táng cụ Phan Chu Tring tạ thế ở Saigon năm 1926, vụ liệt sĩ Phạm Hồng Thái tử tiết sau khi ném bom giết hụt toàn quyền Martin (1924) mở đầu cho một giai đoạn đấu tranh mới.
Cộng Sản xuất hiện
Tháng 10 năm 1917, chính quyền Xô Viết lãnh đạo nước Nga. Năm 1919 trên tờ Tân thanh niên số năm Lý Đại Khâm viết hai bài báo nhan đề: Thứ dân thắng lợi của chủ nghĩa Bôn-sê-vich. Đó là lần đầu tiên dân chúng T.Q. được giới thiệu biến cố lịch sử trọng đại đồng thời đây cũng là gạch nối giữa vận Ngũ Tứ với cách mạng vô sản để đưa đến việc thành lập Cộng sản đảng sau này.
Ngũ Tứ đón nhận hai bài báo của Lý Đại Khâm như một sự giới thiệu tư tưởng mới cũng như đã đón nhận chủ nghĩa dân chủ Anh-Mỹ do bác sĩ Hồ Thích giới thiệu mà thôi. Dân chúng cùng phần tử trí thức hy vọng những tập đoàn đang trực tiếplãnh đạo thực tế chính trị chấp nhận tư tưởng mới để thay đổi chính trị. Nhưng tập đoàn cách mạng tức quốc dân đảng gần như mất hết quyền hành chỉ còn vài căn cứ địa ở miền, còn tập đoàn Bắc Dương sau khi Viên Thế Khải, quân phiệt cắt đất hùng cứ đánh lẫn nhau. Ngũ Tứ do sự phân liệt tranh chấp cũng thoái trào. Phần tử trí thức rơi vào khổ muộn. Chính trong tình thế khổ muộn, chính trong tình thế này, Cộng sản nhân khoảng trống không ai lãnh đạo đã lập đội ngũ tiến vào nắm lấy vận động Ngũ Tứ.
Năm 1920, quốc tế Cộng sản dòm ngó Trung Quốc và phái tới Thượng Hải một cán bộ cao cấp dưới cái tên hoàn toàn Trung Hoa là Ngô Đình Khang để bí mật liên lạc. Ngô Đình Khang gặp Trần Độc Tú rồi tổ chức tiểu tổ Mác xít. Phần Lý Đại Khâm về Bắc Kinh lập một tiểu tổ Mác xít nữa. Dựa vào quen biết với các phần tử trí thức đã tham gia Ngũ Tứ vận động. Tú và Khâm phát triển tổ chức Mác xít tại nhiều tỉnh khác. Tổng số đảng viên được 57 người. Đại hội đầu tiên gồm 12 đại biểu. Mao Trạch Đông là đại biểu của tỉnh Hồ Nam. Tiếp theo là tổ chức đảng vào các sinh viên du học, tiểu tổ hải ngoại thứ nhất lập ở Pháp có Lý Lập Tam, Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân và Vương Nhược Phi. Có thể nói những đảng viên tiền phong hết thảy đều là phần tử trí thức tiểu tư sản.
Kỳ đại hội thứ hai, qua một năm hoạt động mặc dầu số đảng viên đã tăng lên gấp đôi và tạo rất nhiều thành tích về vận động công nhân ở Thượng Hải, nhưng cũng vẫn là muối bỏ bể. Lần này đại hội quyết nghị một hoạt động sâu rộng hơn với chính cương mới.
1) Tiêu trừ nội loạn, đả đảo quân phiệt, kiến thiết hòa bình trong nước.
2) Đánh quỵ đế quốc quốc tế áp bách, giành độc lập hoàn toàn.
3) Thống nhất T.Q. kiến lập nước cộng hòa.
4) Nam nữ công nông có quyền tuyển cử không kể đối với cấp nghị hội nào.
5) Tự do bãi công, ngôn luận, lập hội, xuất bản.
6) Chế định pháp luật phụ nữ, pháp luật công nông.
Với chính cương ôn hòa trên, C.S nhằm mục tiêu ve vãn Tôn Trung Sơn.
Với chính cương dễ nghe trên, C.S được nhiều người ủng hộ, lần lần phát triển xuống miền Nam nơi hùng cứ của phe Quốc dân đảng.
Quốc dân đảng lúc trước Ngũ Tứ là vô địch cách mạng, chức vô địch ấy đã bị Ngũ Tứ đọat mất, lại thêm hai cánh quân sự thuộc Việt hệ và Quế hệ xung đột mang quân đánh lẫn nhau. Tôn Trung Sơn vô kế khả thi. Giữa lúc não lòng thì Cộng sản tìm đến tranh thủ họ Tôn. C.S không đến với Tôn Trung Sơn bằng dây liên lạc đặc vụ như C.S đã tranh thủ Trần Độc Tú, họ đến bằng đại diện chính thức của chính phủ Xô viết vì lẽ nếu đem so Trần Độc Tú với Tôn Văn thì thanh vọng Tôn Văn vẫn lớn hơn nhiều. Tôn Văn còn được coi như thủ não của chính phủ miền Nam. Đại diện của chính phủ Xô viết bấy giờ là Malin ủy viên trưởng các vấn đề thực dân địa và dân tộc. Bắt tay xong với Tôn Văn, C.S không để lỡ ngày giờ triệt để áp dụng kế hoạch tu hú đẻ nhờ. Các cán bộ cao cấp C.S dùng chiêu bài Quốc dân đảng để phát triển Cộng sản đảng. Họ vận động Tôn Văn đề ra chính sách “Liên Nga, dùng cộng giúp đỡ Công nông”. Hoa dân chủ khoa học đã chính thức kết thành quả Cộng sản. Phần tử trí thức sau một thời gian đằng đẵng bị áp bị xua đuổi một phần tự để buông xuôi theo dòng tiêu cực đi vào chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ, một phận căm hận phẫn nộ đi theo Cộng sản.
o0o
Năm 1925 tại Marseill sinh viên, thợ thuyền người Việt phát hành tờ Việt Nam hồn rồi tờ Lao động, tờ Phục Quốc rồi tờ Tái Sinh. Quan trọng hơn, nhà xuất bản Quan hải tùng thư cho in nhiều sách biên dịch chủ nghĩa Mác xít. Trong số đó có cuốn Án thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc gây ảnh hưởng vang dội. Nguyễn Ái Quốc còn viết nhiều bài báo khác bằng tiếng Pháp và tiếng Nga, chẳng hạn như bài Lê nin và các dân tộc thuộc địa đăng trên báo Sự thật để khóc cái chết của Lê nin: “Lê nin đã mất!...Chúng tôi vô cùng đau đớn trước sự tổn thất không thể nào đền bù được và chia sẻ nỗi buồn chung của nhân dân các nướoc với những người anh, người chị của chúng tôi. Song chúng tôi tin tưởng rằng Quốc tế Cộng sản và các chi bộ của nó, trong đó có các chi bộ ở các nước thuộc địa sẽ thực hiện được những bài học và những lời giáo huấn mà vị lãnh tụ để lại cho chúng ta. Làm những điều mà Người đã căn dặn chúng ta đó chẳng phải là phương pháp tốt nhất để tỏ tình yêu mến của chúng ta đối với Người hay sao.
Khi còn sống, Người là Cha, là thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội.
Lénine bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.
Những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc đánh dấu một khúc quanh lịch sử, hướng dẫn cuộc đấu tranh chống thực dân theo đường lối vô sản. Cộng sản bắt đầu xâm nhập vào đất nước bằng vận động văn học cầu tiến bộ, bằng vận động văn học yêu nước.
Tôn Trung Sơn và chính sách đi đôi
Thắng lợi Tân Hợi chưa vui được bao lâu thì sự phân hóa nội bộ của cách mạng đã nhận chìm thành quả thực tế của Tân Hợi.
Phân hóa nội bộ chia ra làm 4 loại:
1) Đi làm quan dân quốc. Thời gian và chức vị làm tiêu mòn cách mạng tính, hết lý tưởng và sống cẩu thả.
2) Ôm lấy thắng lợi Tân Hợi, thỏa thuận cùng quân phiệt miền Bắc giảng hòa.
3) Tiếp tục kiên trì đấu tranh.
Loại người thứ 4 có rất ít. Tôn Trung Sơn là thủ não của loại thứ 4. Lực lượng đã ít oi lại thêm sự giằng co của ba loại kia thành thử Tôn Trung Sơn đã không thể tiến quân vào lãnh đạo vận động Ngũ Tứ. Bởi vậy, sau Ngũ Tứ, Quốc dân đảng ở vào cái thế thật ảm đạm. Dân chúng và phần tử trí thức say mê khẩu hiệu khoa học dân chủ hơn là chủ nghĩa tam dân. Quân phiệt Bắc Dương coi như Quốc dân đảng không còn nữa. Nếu không có uy danh Tân Hợi chắc Quốc dân đảng đã tiêu rồi. Tôn Trung Sơn đang chới với trên dòng nước lũ thì C.S cầm phao đứng ttrên bờ quăng kèm theo các điều kiện. Tôn Trung Sơn bằng lòng Quốc Cộng hợp tác, chấp nhận cố vấn Borodine giúp đỡ Tôn Văn xây dựng quân lực.
Năm 1921, Tưởng Giới Thạch được cử làm giám đốc trường quân sự Hoàng Phố, cán bộ C.S Chu Ân Lai làm chính trị chủ nhiệm của trường.
Hợp tác Quốc Cộng là con dao hai lưỡi. Một mặt nó kích thích Quốc dân đảng hồi sinh vì phong khí chính trị mới và vì Nga giúp đỡ kiến quân, một mặt nó đem giang sơn Quốc dân đảng lúc ấy là vùng Quảng Đông chia cho C.S một nửa.
Phản ứng của phần tử trí thức với sự hợp tác Quốc Cộng ra sao? Đại lược có ba phương diện:
1) Phần tử trí thức ở các thành thị lớn ngấy chán những hỗn chiến của các quân phiệt hùng cứ cho nên rất vui lòng thấy cuộc hợp tác Quốc Cộng. Tứ Mậu Tuất đến nay, phần tử trí thức thành thị đã quen với tư tưởng Tây phương, họ không kinh hãi lý luận Cộng sản. Đôi khi họ còn chê trách Quốc dân đảng quá ôn hòa. Hơn nữa khuôn mặt Trần Độc Tú không có vẻ gì dữ dằn nếu nhìn hoạt động của ông ta trong vận động Ngũ Tứ.
2) Vận động Ngũ Tứ đã phá hết uy tín của truyền thống đánh đổ chuyên quyền học thuật cũ Khổng đạo, hoàn thành ý thức tự do luyến ái, kết hôn, v.v… nhưng về mặt kiến thiết trên căn bản dân chủ và khoa học thì chưa ra đâu vào đâu. Nay Ngũ Tứ thoái trào, thanh niên trí thức khổ tâm với cuộc sống tẻ nhạt, họ cần chất kích thích, lý thuyết cộng sản chính là chất kích thích đó.
3) Phản đối cuộc hợp tác là phần tử trí thức đã tiếp nhận thâm sâu lý tướng dân chủ Anh-Mỹ và phần tử trí thức bảo thủ. Phần tử dân chủ sợ C.S vì họ đã thấy cái cốt độc tài cực quyền bên trong. Phần tử bảo thủ sợ C.S vì quan niệm tư hữu đã ăn rễ quá mạnh trong đầu óc, ngay như chính sách bình phân địa quyền của Tôn Văn đưa ra cũng đã làm họ kinh ngạc rồi.
Phản ứng của chính phủ Bắc Kinh đối với hợp tác ra sao?
Lúc này Đoàn Kỳ Thụy đã thay thế Viên Thế Khải, tập đoàn Bắc Dương không coi trọng cuộc hợp tác, dưới mắt họ phương thức tư tưởng không đáng kể, họ chỉ chú ý đến thực lực và ảnh hướng ai có súng, nói vâng theo thế thôi. Họ nhìn Cộng sản đơn giản là một tập đoàn tiến bộ không đáng gờm bằng Tôn Văn. Tóm lại tập đoàn Bắc Dương với ý thức trên quả đã quá lạc hậu với đấu tranh chính trị.
Tình hình phía Bắc
Phía Nam Quốc dân đảng Cộng sản hợp tác, tuy hỗn loạn vẫn tiếp tục nhưng tiến bộ đã mở đầu.
Ngũ Tứ tuy phát sinh tại Bắc Kinh thế mà bao lời hô hào của thanh niên nhiệt huyết không thức tình đước giai cấp thống trị kỳ cựu. Bọn quan liêu sĩ đại phu vẫn mãi mê hoài vọng thời vua chúa vàng son.
Bây giờ cầm đầu trung ương là Đoàn Kỳ Thụy, Từ Thế Xương (xuất thân cạo heo) làm Tổng Thống. Tuy gọi là trung ương nhưng thực sự quân phiệt đã chia cắt tự cai quản địa phương của mình. Trong số quân phiệt có Ngô Bội Phu là người có thế lực nhất, không kể về thực lực, cả về uy danh Phu cũng chiếm thượng phong. Trước mắt dân chúng vẫn từng đau khổ nhục nhã vì ngoại xâm thì những khẩu hiệu “Không tiêu tiền ngoại nhân”, “Không ở Tô giới” của Ngô Bội Phu thật đáng mặt anh hùng, thứ anh hùng thổ sản. Ngoài ra Ngô Bội Phu còn được phần tử trí thức Mậu Tuất phò giúp. Khang Hữu Vi cùng tập đoàn của ông đặt hy vọng vào Ngô Bội Phu coi như con người duy nhất trong tương lai có thể thống nhất Trung Quốc. Xem thế đủ biết phần tử trí thức Mậu Tuất còn nặng tính chất bảo thủ ghê gớm. Đến khi Ngô Bội Phu liên kết với Tào Côn đánh bại Trương Tác Lâm chiếm giữ chính quyền trung ương, rồi Tào Côn lại phản Ngô Bội Phu để được bầu làm Tổng Thống thì uy danh của Ngô Bội Phu sụp đổ tan tành. Thổ sản anh hùng lộ mặt thật ra cũng nguyên vẹn chỉ là một loại quân phiệt đáng ghét.
Thượng Hải nơi trăm hoa đua nở
Năm 1921, về sau Ngũ Tứ thoái trào, các người lãnh đạo vận động như Trần Độc Tú, Lý Đại Khâm đã theo Cộng sản, Hồ Thích mờ dần. Nhưng cơn gió Ngũ Tứ đã thổi phấn nhụy vào các khu vực tự do để nở hoa tại đây.
Cùng bởi tại chính phủ Bắc Dương khinh thị nên Thượng hải là đất tốt cho văn hóa nở hoa. Khắp mọi tư tưởng Động Tây đều được tung ra vô chính phủ chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, văn học lý luận, v.v… Sự phong phú tư tưởng tạo ra không khí học vấn, thanh niên trí thức hứng thú đọc sách.
Chế độ Tô giới biến Thượng Hải thành ngã tư quốc tế trên mọi mặt: thương mại, chính trị, kinh tế, điệp báo…
Các hội đảng chính trị mọc lên như nấm.
Các hội văn học mọc lên như nấm.
Nhưng đem lại ảnh hưởng nhiều nhất, rộng rãi nhất cho thanh niên trí thức thì chỉ có Văn học nghiên cứu hội và Sáng tạo xã. Phần tử trí thức ngày xưa tuy đầu óc đầy ắp một chữ Quan nhưng trên truyền thống đồng thời cũng rất nặng với văn chương. Tâm hồn người Trung Quốc thường ghi khắc hai nhân vật lịch sử là Hán thọ Đình Hầu, Quan Vân Trường con người khảng khái tiết nghĩa được hiển thánh và Lý Thái Bạch một nhà thơ tài hoa, lận đận và phóng túng. Thanh niên trí thức do truyền thống thường yêu văn học hơn chính trị một bậc, chính trị chẳng qua chỉ là một xung động ngắn ngủi còn văn học mới miên trường vĩnh cửu.
Ngũ Tứ thoái trào, khẩu hiệu chính trị cũng phai nét trong lòng đại chúng nhưng vẫn nhiệt tâm với cách mạng văn học.
Cách mạng Tân Hợi oanh liệt với sắt máu khói lửa mà không đặt xong nền móng dân chủ. Trái lại vận động Ngũ Tứ với ít bài báo của thư sinh trong tay không có nửa tấc sắt đã làm ra “thiên hạ bạch thoại”.
Thắng lợi lớn nhất của văn học Ngũ Tứ là bộ môn tiểu thuyết. Trước kia tiểu thuyết hoàn toàn bị khinh thị nay ai ai cũng hân hoan đón đọc tiểu thuyết.
Văn học nghiên cứu là hậu thân của báo Tân Thanh liên tiếp nối mục tiêu cách mạng văn học gồm có những người sáng lập tên tuổi như:
Chu Tác Nhân, Chu Hy Tổ, Trịnh Chấn Đạc, Cù Thế Anh, Trầm Nhạn Bằng tức Mâu Thuẫn (hiện là Bộ trưởng Văn hóa Trung Hoa đại lục), Tôn Phục Viên, Tưởng Bách Lý, Vương Thống Chiêu, Ánh Tế Chi.
Văn học nghiên cứu hội xuất quân trước hết là đánh dẹp bọn nhà văn uyên ương Hồ điệp hay văn học hương phấn chuyên phụng sự thú vui của đời sống Tô giới sa đọa mà cứu vãn thanh niên trí thức.
Trong tuyên ngôn của hội văn học nghiên cứu có câu:
Thời kỳ coi văn học như một trò tiêu sầu, khiển hứng đã qua rồi. Chúng tôi nghĩ rằng văn học hẳn hoi là một công tác, công tác thiết yếu và các nhà văn phải thận trọng công tác ấy như một lẽ sống chết của bản thân mình.
Chủ trương của Văn học nghiên cứu hội là:
- Tả thực chủ nghĩa.
- Nhân sinh nghệ thuật.
Sáng tạo xã do nhóm lưu học sinh Quách Mạt Nhược, Úc Đạt Phu, Trương Tư Bình, Trịnh Bá Kỳ tổ chức.
Sáng tạo xã tính chất quá khích nóng nảy đối lập với văn học nghiên cứu hội.
Vừa nhảy vào vòng chiến, Sáng tạo xã liền đưa ra chủ trương văn nghệ giai cấp đấu tranh. Với luận điệu bạo cuồng quá khích họ đã phá vỡ khối u uất khổ muộn của thanh niên trí thức.
Văn học gia là những người tiên tri tiên giác của dân chúng cho nên thời kỳ lịch sử nào mà văn học giàu tinh thần cách mạng bao giờ cũng là nguồn gốc của vận động cách mạng của thời kỳ đó. Văn học cách mạng thường vẫn là giọt máu tâm linh trong thời gian trước cách mạng. Văn học gia là một đại biểu không chính thức của dân chúng. Văn học chẳng những không hun đúc nỗi phẫn uất thành sự đồng tình tụ tập, văn học còn tìm tòi phát hiện những quy luật và kỹ thuật tổ chức đấu tranh. Nắm được vận động cách mạng văn học có nghĩa là đã giữ được một nửa lãnh đạo quyền cách mạng.
-------------------------------
Việt Nam thanh niên đồng chí Hội là tiền thân của đảng Cộng sản hoạt động truyền bá tư tưởng Mác xít.
Việt Nam Quốc dân đảng mặc dầu đã có một mớ kinh nghiệm từ các cuộc đấu tranh trước mà vẫn không khỏi đi vào con đường phiêu lưu. Những lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng chỉ có tinh thần dũng cảm hy sinh với cái ý nguyện không thành công thì thành nhân nên liều khởi nghĩa hơn là khởi nghĩa có nghiên cứu khoa học. Cuộc bạo động Yên Bái nổ ra từ một tình thế đang tan vỡ của Việt Nam Quốc dân đảng giữa lúc mà kẻ thù đang khủng bố, bắt bớ ráo riết. Sự thất bại hầu như là tất nhiên. Sự thất bại của Việt Nam là sự thất bại của trí thức và giai cấp tư sản khi đương đầu với đế quốc về chính trị, quân sự. Sự thất bại này đã mở cửa cho tư tưởng Cộng sản tràn vào nắm trọn quyền lãnh đạo đấu tranh. Năm 1930 là năm 13 nhà ái quốc Việt Nam Quốc dân đảng lên máy chém thì cũng là năm đảng cộng sản thành lập.
Bao kinh nghiệm, từ vận động văn học đến bạo động rồi lại từ bạo động trở về vận động văn học ngót 40 năm cho biết tất cả nguyên nhân thất bại chỉ là thiếu hệ thống lãnh đạo thích hợp với sứ mệnh lịch sử và thời đại. Đến Việt Nam Quốc dân đảng vẫn vấp phải lỗi trên nghĩa là quá hấp tấp với bạo động, bạo động không được chú trọng bằng một cuộc cướp chính quyền có kế hoạch trên chính trị, trên quân sự, trên kinh tế với hệ thống tổ chức cơ sở vững vàng. Bạo động đối với Việt Nam Quốc dân đảng chỉ chú trọng gây phong trào yêu nước từ vài điểm ra toàn cõi với chút hy vọng thắng lợi không bao giờ chắc chắn. Nền tảng cho VNQD đảng cách mạng là:
- Nhân quyền dân chủ cách mạng 1789.
- Tam dân chủ nghĩa kèm theo một câu phương châm là: làm cách mạng dân tộc trước rồi làm cách mạng thế giới sau.
Tuy lấy những tư tưởng trên làm nền tảng nhưng tuyệt nhiên trên hoạt động Việt Nam Quốc dân đảng đã không hề tổ chức một cơ sở đấu tranh văn hóa để phổ biến, giáo dục hay phát huy những tư tưởng đó. Người ta không thấy một văn kiện hay tác phẩm nào dù bí mật hay công khai mổ xẻ lý luận hoặc tìm cách áp dụng cho hợp với hoàn cảnh. Ngay ở tầng lãnh đạo, đối với tư tưởng nền móng cũng mỗi người đi theo một hướng riêng, tự tìm hiểu và giải đáp lấy cách mạng Pháp và cách mạng Tân Hợi, Tam dân chủ nghĩa. Đến như phương châm làm cách mạng dân tộc trước, làm cách mạng thế giới sau thì lại làm vu vơ bắt nguồn từ chủ nghĩa Tam dân mà không có luận cứ gì cả. Nói về văn học, Việt Nam
Quốc dân đảng bấy giờ chỉ cho lưu truyền một số văn thơ u hoài bi ai hoặc hùng tráng phát xuất từ tinh thần yêu nước, từ cảm khái vong quốc. Tuyệt nhiên không có một lý luận nào dành cho đấu tranh, dành cho giáo dục huấn luyện, dành cho chiến lược chiến thuật, dành cho sự đặt mọi vấn đề thực tiễn của cách mạng. Lác đác một vài văn phẩm nói về chủ nghĩa Tam dân thì chỉ là những bản dịch y nguyên văn không dẫn giải phê phán cặn kẽ. Thiếu phấn đấu văn hóa nền hàng ngũ rất yếu về mặt tư tưởng, lý luận. Thiếu lý luận nên hành động lệch lạc không thống nhất. Mỗi nhóm theo được lối riêng tự mình đặt ra.
Trong khi ấy thì nhu cầu chỉnh thể cho sinh hoạt văn hóa dân tộc thời đại càng thêm bách thiết, các giá trị đã bị băng hoại mặc dầu đã trải mấy thời Duy Tân và Tây Du nhưng vẫn chưa khôi phục lại được mà còn mỗi ngày mỗi rạn nứt hơn lên do ảnh hưởng của những nguồn tư tưởng từ khắp nơi cùng những vụ biến động tại các nước láng giềng.
Quyết định khởi nghĩa liều lĩnh tất nhiên thất bại. Trong khi vì bị khủng bố, các cơ sở của đảng tan vỡ, lực lượng rời rạc, đánh liều một trận không thành công thì thành nhân, Việt Nam Quốc dân đảng đã lưu lại cho lớp người sau một bài học xương máu vô cùng quí giá nhưng lại chỉ có rất ít phần tử cách mạng quốc gia dân tộc thâu lượm được. Việt Nam Quốc dân đảng tan vỡ dần mòn để lại một “trống rỗng” trên chính trị, trên đấu tranh cách mạng. Lợi dụng những điều kiện khách quan thời đó, dựa vào mối liên hệ ruột thịt với đảng Cộng sản Pháp, đảng Cộng sản Việt Nam ra đời nhanh chóng bù đắp vào chỗ trống rỗng đó.
Bách gia tranh minh
Ngày 3 tháng 2 năm 1930 đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, chia sự học hỏi Tây phương ra làm hai đường. Đường dân chủ tư sản và đường Mác xít vô sản. Chia chính trị ra làm hai khuynh hướng Quốc gia và Cộng sản. Đảng Cộng sản thành lập cũng mang đến một lề lối đấu tranh mới mẻ như các phong trào Sô Việt Nghệ An, chống sưu chống thuế ở Hà Tĩnh gọi là những phong trào công nông.
Cuối năm 1931, thực dân Pháp tổ chức cho Bảo Đại hồi loan và tuyên truyền ầm ĩ cho cái gọi là chương trình cải cách của Bảo Đại đồng thời chúng cũng gieo rắc rối đồi phong bại tục, tổ chức các sòng bạc, mở thêm các tiệm nhảy nhà chứa. Nhớ lại khi Khải Định trao Bảo Đại cho người Tây đem về Pháp đào tạo có nói: “Đây là đứa con của tôi, mai sau sẽ kế nghiệp tôi mà cầm giềng mối nước tôi. Xin nhờ các ông đào tạo cho nó sao thì chúng tôi được nhờ vậy”. Nay thực dân Pháp đem Bảo Đại về để đào tạo một phong khí chính trị mới thì phong khí ấy chẳng qua cũng vẫn tiếp tục là phong khí chịu vỗ về yên phận mất nước. Phong khí mới của Bảo Đại chỉ có bọn thư lại tay sai là hoan nghênh hết mình mà thôi. Phần tử trí thức yêu nước chẳng vui chút nào. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã chấm dứt cái trò hề Pháp Việt đề huề nhưng nó cũng làm cho một số trí thức Tây học (tư sản) e dè với sự đương đầu đế quốc bằng những cuộc bạo động. họ quay sang đấu tranh chống phong kiến về mặt văn hóa lễ giáo. Tự lực văn đoàn xuất hiện đấu tranh cho quan niệm tự do luyến ái, đả kích chế độ đại gia đình và lễ giáo phong kiến, đề cao chủ nghĩa cá nhân tư sản. Tự lực văn đoàn cũng đem những hủ tục ở nông thôn ra chế giễu.
Phần tử trí thức trong Tự lực văn đoàn trên phương diện đấu tranh măc dầu có cái vỏ bài bác phong kiến thư lại nhưng bên trong mầm mống xu hướng thoát ly thực tế đấu tranh mọc lên quá nhanh đưa dẫn thanh niên trí thức trốn tránh vào thế giới của tình yêu lãng mạn. Họ đã vui chân đuổi theo nàng nghệ thuật của nghệ thuật bằng nhưng chủ nghĩa bướm trắng hồn bướm mơ tiên. Hai tác phẩm chứa đựng ý tứ khích lệ cách mạng như cuốn Tiêu Sơn Tráng sĩ, Đôi Bạn, mà cũng vẫn đầy tính chất tiêu cực thoát ly thực tế. Đành rằng thứ văn học cách mạng (Romantisme révolutionnaire) rất cần thiết cho sự khích lệ nhưng nếu nó cứ duỗi dài mãi vào tính chất tiêu cực thì chẳng mấy lúc nó sẽ tạo điều kiện cho tính chất suy đồi nảy nở. Quả như vậy, văn học lãng mạn càng đi vào con đường bế tắc khiến cho các khuynh hướng suy đồi nảy sinh ra rất nhiều. Có khuynh hướng muốn thoát ly hiện tại để trở về cái dĩ vãng được lý tưởng hóa, có khuynh hướng đi vào con đường trụy lạc tự hủy hoại cuộc đời bằng rượu mạnh, ma túy. Họ không biết gì đến những mâu thuẫn đang gay gắt diễn ra trong xã hội trong cũng như ngoài nước. Tác phẩm của họ vẫn quanh quẩn với những chủ đề chống lễ giáo phong kiến đề cao chủ nghĩa cá nhân.
Nhóm Tự lực văn đoàn cùng những phần tử trí thức theo họ trên phương diện cầu tiến bộ đã vô tình cùng bọn thư lại thông ngôn chia người trong nước thành hai thế giới với hai hệ thống tâm trạng khác nhau như hành tinh này với hành tinh kia. Giáo sư Paul Mus viết: Trong khi nông dân cố chống Pháp cho thấy Việt khác với Pháp thì trí thức lại đấu tranh cho mình được giống Pháp. Giáo sư Kim Định viết: “Cái thảm trạng của nước ta chính là ở chỗ đó. Từ đấy trí thức trở thành đầu không có thân. Ngược lại nông dân là thân không đầu. Thôn dân với thị dân mỗi ngày không thể hiểu nhau vì không cùng ngôn ngữ. Hãy đọc thêm đoạn dưới đây trích dẫn lời giáo sư Kim Định viết trong cuốn “Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam”:
“Thấy xã hội Tây Âu tiến bộ văn minh cường thịnh thì giới trí thức trưởng giả trăm người như một đều cho triết học lý niệm là căn do của sự tiến bộ kia. Cho nên dần dần trí thức đô thị ngộ nhận mọi giá trị cổ truyền cho thôn dân là không biết chi đến Tự Do, đến quyền lợi. Và từ đấy trí thức khởi đầu miệt thị Nho giáo”.
Ông Paul Mus nhận sét: Trong Âu hóa người trí thức Việt Nam khi nhận họ đứng vào hàng với ta, ta đã phá vỡ cơ cấu tinh thần của họ, quan niệm cổ truyền của họ và đặt lối xử thế cũng như chính bản thân họ ra khỏi môi trường xã hội đã hun đúc nên họ. Thế mà xã hội đó không sống bằng ý niệm trừu tượng, trái lại cả những quan niệm rất triết lý của họ không bao giờ xa lìa cơ cấu kinh tế, chính trị, gia đình xã thôn, nhưng tất cả bấy nhiêu điều thích nghi vào một cơ cấu một vũ trụ quan phát xuất tự đáy lòng mà Nho giáo là một sự biểu lộ cao nhất và chính thức nhất. Một khi đã cất mất lòng thâm tín vào những ý tưởng đó của Nho giáo thì toàn hệ thống không thể đứng nổi… Thế là Nho giáo tàn dần không còn nữa để mà tiêm sinh lực thiêng liêng cho các thể chế nên những thể chế này dễ đốc ra tệ đoan, trở thành dụng cụ khai thác thôn dân phụng sự cho sự lớn mạnh của nền văn hóa đô thị. Ngọn lửa nhân ái hết được đôn hậu ngào dần đi để trở thành đống tro tàn sau lũy tre xanh. Nếu mất phần ruộng công điền kể như mất phần “đất chở” thì giết chết Nho học kể như phá mất “trời che”. Người trên đã không còn học đạo thuật, không còn đôn hậu tình người bằng lễ nhạc, bằng giảng học thì lễ gia tiên còn lại có phần thiển cận thuộc giai đoạn bái vật và bao nhiêu cái đẹp xưa trở thành hủ tục sinh ra những tệ lạm đủ đề tài cho Tự lực văn đoàn khai thác cho trí thức chê bai dè bỉu văn hóa thôn dân sắp bị gọi bằng danh từ miệt thị là nhà quê. Nhà quê không phải là người (hiểu là cá nhân) mà chỉ là những thực thể bị nuốt trôi vào toàn thể. Ông Paul Mus viết: Trí thức không còn nhận định nổi được thôn dân thích bị nuốt trôi vào cộng thể vì nó không là đoàn lũ, nhưng là cộng thể đầy ắp tình người, nên đi đâu mặc lòng vẫn không sao quên được nơi quê tổ, nơi có bàn thờ tiền nhân. Những cu li làm trong các đồn điền được dư đồng nào hầu hết gửi về nhà. Và sau hết hạn khế ước thì liền trở về với quê cũ bỏ lại nơi đồn điền cái nhà đẹp hơn nơi quê hương, bỏ lại người vợ tạm mà thói tục cho phép lấy trong lúc đất khách quê người trước sự ngạc nhiên của người Tây phương, của trí thức trưởng giả đô thị. (trích trang 65, 66,67).
o0o
Nhà nghệ sĩ duy tâm bao giờ giải thích đến nghệ thuật cho là những cái sản vật thần bí mầu nhiệm của đấng thiêng liêng. Vì thế nên họ cho nghệ thuật có cái tính chất siêu phàm huyền diệu không quan hệ đến xã hội, không dính dáng đến nhân sinh. Họ cao hơi lớn tiếng đề xướng thuyết: nghệ thuật thuần túy (l’art pur) nghệ thuật thần tiên (l’art olympien) hay nghệ thuật vị nghệ thuật (l’art pour l’art)…
Trái với nghệ sĩ duy tâm, chúng tôi bao giờ cũng chủ trương nghệ thuật là một cái sản vật của sự sinh hoạt xã hội…
Tôi muốn đưa đây một ít chứng cớ mà tôi đã vội vàng sưu tập để chúng ta thấy rõ các nhà văn sĩ Tây phương người ta vẫn chủ trương lấy nghệ thuật làm cứu cánh cho nhân sinh.
Taine trong bản sách triết lý của nghệ thuật nói rằng: Nhà nghệ sĩ với quần chúng là một, nhà nghệ sĩ không thể là hạng người biệt lập.
Diderot bảo chúng ta rằng: Nghệ thuật phải có cái nhiệm vụ ca tụng những công nghiệp lớn lao, tốt đẹp, bênh vực cái lẽ phải, công kích sự đồi bại, chống chọi với đứa hung bạo.
Trong bản sách chúng ta phải làm thế nào? Tolstoi nói: Loài người đang gặp biết bao nhiêu sự khổ sở đau đớn rất tội nghiệp ai có thời giờ đâu mà ngao du đùa bỡn. Nhà nghệ sĩ hay nhà tư tưởng không bao giờ ngồi trên đỉnh núi thần tiên, họ phải luôn luôn ở trong cảnh hoạt động chan chứa cảm tình. Họ phải chỉ cho loài người thấy con đường giải thoát những sự khốn khổ ngày nay và tìm ra những cái tốt đẹp mới mẻ hơn.
Tôi muốn để nguyên một câu chữ Tây mà tôi không dịch sợ mất cái ý nghĩa hay của nó đi:
Le vrai art est l’ expression de la connaissance de la mission et du vrai bien de tous les hommes.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Quách Mạt Nhược một nhà văn sĩ về phái mới ở nước Tàu trong bài học giữ giai cấp đấu tranh có câu nghệ thuật là gì? Nghệ thuật là cái biểu hiện của nhân sinh. Câu ấy thật đúng. Không biểu hiện được nhân sinh thì không thành nghệ thuật nữa. Bao nhiêu sự thăng trầm biến chuyển trong xã hội về kinh tế về chính trị đều gián tiếp hay trực tiếp ảnh hưởng vào nghệ thuật…
Khi nghệ thuật dần dần xu hướng về mặt thần bí, huyền hoặc v.v…, nhà nghệ thuật chẳng những không khai sáng lại trở lại mê hoặc quần chúng. Nhà nghệ thuật hóa ra một người thù của quần chúng. Ông Tolstoi cho là “bọn cướp văn nghệ” (forbans de l’ art) thật đáng kiếp.
Bên cái nền nghệ thuật phản nhân sinh ấy, phản tiến hóa ấy ngày nay chúng ta thấy nhóm lên những nghệ thuật mới, tự lấy cái trách nhiệm diễn tả tình cảm tư tưởng của quần chúng và đề cao sự sinh hoạt của xã hội về tất cả mọi phương diện vật chất và tinh thần… Giữa cuộc phân tranh của xã hội trước những vấn đề sống còn của thời đại, nhân loại đương mong mỏi về phương diện tinh thần một hạng nghệ sĩ biết diễn dịch được nỗi lòng của họ, làm sao mà những sự đau thương, sự mong mỏi, sự buồn giận, sự vui sướng trong tâm khảm họ đều vẽ thành những bức tranh linh hoạt chan chứa cảm tình. Trái lại ai lấy nghệ thuật làm món chơi riêng, lấy nghệ thuật làm nghệ thuật, lấy nghệ thuật làm bùa mê người đều là vô tâm hay hữu ý đã nối giáo cho những lực lượng phản tiến hóa. Hạng nghệ sĩ ấy là hạng nghệ sĩ gian trá, hạng nghệ sĩ quái quỉ vậy (đăng trong T.T.T.B năm 1935).
Sau Hải Triều có Đặng Thái Mai, Trường Chinh tiếp nối dùng nhãn quan Mác xít xây dựng đường hướng văn học để sau này biến nó thành trào lưu văn học cách mạng của giai cấp vô sản. Văn học lãng mạn bị tấn công lùi dần vì lẽ nó không đáp ứng được nhu cầu đấu tranh mỗi ngày càng gay gắt của chính trị.
Trung Nhật chiến tranh
Sự biến ngày 18 tháng 9-1931
Từ khi chế độ dân chúng thành lập, vấn đề của Trung Quốc là: đối ngoại với Nhật Bản và đối nội với đảng Cộng sản. Trong sự đan kết phức tạp của hai mặt đấu tranh ấy khiến cho Trung Quốc không lúc nào ngớt chiến tranh.
Chính phủ Nam Kinh coi việc tác chiến với đảng Cộng sản làm công tác chủ yếu.
Chủ nghĩa đế quốc Nhật phát động chiến tranh xâm lược vào Trung Quốc qua nhiều mặt và cũng có nhiều nguyên nhân. Đại lược kể như sau:
1) Từ năm 1929, do kinh tế khủng hoảng các nướoc tư bản Âu Mỹ ở vào tình trạng nguy ngập. Công nhân thất nghiệp lên tới con số 20 triệu người. Nửa thế giới rơi vào cục diện ảm đạm. Nhật Bản lợi dụng thời cơ đó sử dụng chiến tranh xâm lược để tìm một xuất lộ. Dựa vào địa thế tiếp cận Trung Quốc, dựa vào những đặc quyền kinh tế sẵn có, Nhật Bản quyết tâm xâm lược quy mô.
2) Không thể để cho Tưởng Giới Thạch thung dung hoàn tất công cuộc thống nhất Trung Quốc.
3) Nắm ngay cơ hội Trương Tác Lâm mới chết, Trương Học Lương hãy còn bỡ ngỡ với chính quyền Đông Bắc.
4) Nạn lụt lội khiến chừng 50 triệu người lưu ly. Chính phủ Nam Kinh phải cực nhọc đối phó với vấn đề xã hội quá nặng nề đó.
5) Nhật đem phi cơ oanh tạc mấy nơi và phao vu là quân đội Trung Hoa phá hủy rồi lấy cớ đem quân oanh kích Phàn Dương Thành vào ngày 18 tháng 9.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tình cảm dân tộc bị thương tổn, bị vũ nhục nên quyết sách của Tưởng Giới Thạch không thể kêu gọi sự đồng tình của nhân dân.
Bởi vậy vấn đề kháng Nhật đã khiến cho quan hệ giữa chính phủ với nhân dân tắc nghẽn.
Phản ứng quyết liệt, nóng bỏng của phần tử trí thức đối với quyết sách của chính phủ là phản ứng của học sinh, sinh viên.
Phát động phong trào phản kháng đối với vụ 18 tháng 9 mười vạn học sinh tại Thượng Hải bãi khóa rồi đến công nhân họp tập bãi công. Tổc chức kháng Nhật Cứu quốc liên hiệp hội ra đời được học sinh, công nhân, tiểu thương hăng hái tham gia.
Thượng Hải xung phong vì Thượng Hải trung tâm văn hóa, trung tâm kinh tế, dân chúng ở Thượng Hải kiến văn rộng rãi đồng thời cũng chịu nhiều áp bức ngoại nhân hơn các nơi khác.
Thượng Hải nổi dậy rồi.
Vùng Hoa Bắc kế tiếp.
Toàn quốc vùng lên.
Ngày 28 tháng 9 học sinh, sinh viên Thượng Hải chính thức thỉnh nguyện quốc dân chính phủ Kháng Nhật. Tưởng Giới Thạch tiếp kiến đại biểu sinh viên học sinh hứa sẽ thâu phục lãnh thổ trong thời gian ba năm. Ba năm! người ta không thể xoa dịu nộ trào bằng lời hứa ba năm! Tháng 12 ba vạn học sinh tại Nam Kinh xô xát đổ máu với cảnh sát.
Thỉnh nguyện bị đàn áp. Dân chúng tự động tổ chức nghĩa dũng quân. Các thành thị nhỏ, huyện, trấn, xã thôn đều có thiết lập hội chiêu mộ Nghĩa dũng quân. Đâu đâu người ta cũng thấy những chàng thư sinh yếu ớt đứng lên cổ lệ cho phong trào kháng Nhật. Chính quyền địa phương trước phong trào ái quốc tự phát của dân chúng cũng hùa theo làm thành sự phân kỳ giữa trung ương với địa phương. Ở thượng tầng tổng chính sách là cố sức tránh chiến tranh với Nhật. Hạ tầng trái ngược hẳn đảng viên Quốc dân đảng tích cực hoạt động cho vận động ái quốc kháng Nhật. Về sau Cộng sản đã viết sai khi nhận rằng phong trào kháng Nhật hoàn toàn do họ phát động. Thực ra Cộng sản chỉ muốn quay hướng vận động ái quốc kháng Nhật vào mục đích suy đảo chính phủ quốc dân mà thôi. Nói cho đúng thì vận động yêu nước kháng Nhật chính là công lao của phần tử trí thức đóng góp phần lớn nhất.
Đảng Cộng sản lợi dụng cuộc xâm lược Nhật Bản hãm chính phủ Nam Kinh vào khó khăn nội ngoại, gắng sức khoáng triển lực lượng. Cơ cấu lãnh đạo trung ương cộng đảng đóng đô ở Thương Hải, nay thiên về Thụy Kim thuộc tỉnh Giang Tây lập chính phủ Sô Viết, tôn Mao Trạch Đông làm chủ tịch.
Các đảng muốn hoạt động ra sao mặc, nhân dân Trung Quốc chỉ nhìn nhận một điều là kháng chiến quyết mất còn với giặc ngoại xâm. Nhân dân sẽ theo kẻ nào trung thành với lời thề truyền thống: “Thời nhật táng dư cập nhữ giai vong”. (mặt trời hết sáng tao với mày cùng chết). Sự biến 18 tháng 9 đã làm thức tỉnh câu thề ấy, một trăm năm đau nhục rồi không thể chịu đựng hơn được nữa.
Văn học dân tộc chủ nghĩa lên địa vị lãnh đạo
Trước đây nhóm Vương Bình Lăng xướng xuất văn học dân tộc chủ nghĩa, phần bị tả phái đánh phá, phần vì quốc dân chính phủ ơ hờ nên không nảy nở mạnh được.
Sụ biến 18 tháng 9 khiến cho toàn dân phẫn uất, chủ nghĩa dân tộc bất cứ trên lãnh vực nào cũng trở nên quyến rũ. Vì thế văn học Trung Quốc sau vụ 18-9 có thể nói là văn học hoàn toàn xây dựng trên chủ nghĩa dân tộc. Phần tử trí thức vùng Đông Bắc chạy giặc Nhật vào Trung Nguyên với bao tâm tư ai trầm bi tráng buồn vì nỗi nhà tan hận vì nỗi nước mất. Họ đều hướng vào mục đích sau cùng phải đạt là kháng chiến khôi phục sơn hà. Hoa văn hóa nở đầu hết là hai khúc:
- Tùng hoa giang thương.
- Nghĩa dũng quân hành khúc.
Hai ca khúc ấy là sự phát tiết tình cảm ai trầm khích lệ của dân tộc. Chỉ với 1 tháng trời 2 ca khúc ấy đã lưu truyền khắp nước cho 600 triệu người khắp hang cùng ngõ hẻm, đồng ruộng rừng sâu núi cao cùng cất tiếng hát. Hoa văn hóa cũng nở trên các tường, các thân cây v.v… bằng các tác phẩm văn học với phong cách thật thô khoáng đó là khẩu hiệu. Quốc gia lâm nguy, một sớm một chiều không còn đủ thời gian cho sự gọt dũa. Hơn nữa tất cả mục đích của tác phẩm văn học bây giờ là cứu nước, bất cứ giá trị nghệ thuật nào đi xa quá công việc quốc gia dân tộc đều không được tồn tại.
Thế mà chính phủ quốc dân để lỡ không chịu phối hợp ngay lòng cuồng nhiệt dân tộc với chính sách văn hóa. Ì ạch như con trâu già kéo xe. Đối với cuộc tấn công văn hóa vẫn áp dụng chính sách “đội xếp mã tà” là bắt bớ, cấm đoán.
Thái độ trên làm nổi bật lên điểm khác biệt giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng:
Cộng sản đảng coi văn hóa làm tiên phong cho quân sự. Quốc dân đảng coi văn hóa làm phụ dung cho quân sự. Quốc dân đảng nghĩ cứ việc đánh thốc vào trung tâm hồng quân ở Giang Tây là tự khắc tiêu diệt luôn cả văn hóa Cộng sản.
Tưởng Giới Thạch dốc toàn lực vào mấy chiến dịch “vây tiễu giặc cộng” với phiên bản bảy phần quân sự, ba phần chính trị. Thực ra những chiến dịch đó hoàn toàn tiến hành với mười phần quân sự.
Để chống trả với chính trị tiễu phỉ của Quốc dân đảng, Cộng sản triệt để sử dụng mọi khẩu hiệu văn học dân tộc. Về sau Cộng sản biến nó đi và đưa ra Quốc phòng văn học và Thống nhất chiến tuyến dân tộc kháng Nhật.
Phải nhượng cho Quốc dân đảng quyền bá chủ quân sự, Cộng sản quyết chiếm cho được quyền bá chủ văn hóa. Kể từ vận động Ngũ Tứ, phong khí đọc sách học hỏi ở Trung Quốc khai mở cực rộng rãi. Sách cũ sách mới xuất bản nhiều không kể xiết, số tiêu thụ cũng rất cao rất nhanh. Giả thử chính phủ Quốc dân đưa ra đúng lúc một chính sách giáo dục văn hóa hợp thời thì làm sao CS có thể độc chiếm văn hóa.
Vì Quốc dân đảng bỏ lơ văn hóa, thanh niên trí thức với lòng ham học tất nhiên dễ dàng tiếp thụ tất cả những gì CS trao đến tay họ.
Vì chính sách giáo dục hình thức, lấy lệ nên học sinh đối địch với chính phủ tạo nên hiện tượng lấy quân sự áp bức giáo dục văn hóa.
Quân sự áp bức giáo dục văn hóa làm cho thanh niên trí thức quay ra nhiệt liệt ủng hộ Liên minh các nhà văn phái Tả.
Sau 18 tháng 9 đã có một cuộc tranh luận giữa văn hóa chủ nghĩa Tự Do với Tả phái về tính nguyên tắc của chủ nghĩa Tự Do. Người gây ra cuộc tranh luận là giáo sư Hồ Thu Nguyên, ông viết:
“Sự phát triển của nghệ thuật và văn hóa phải dựa vào cạnh tranh của các loại ý thức thì mới có cái thú muôn màu muôn sắc. Văn hóa Âu châu và văn hóa Trung Quốc đều phát đạt trước đời Tần đời Hy Lạp bởi được Tự Do biểu hiện, nó đã cứng nhắc lúc ý thức trung tâm hình thành. Dùng ý thức trung tâm để xén cắt văn đàn rút cục chỉ đào tạo nên một bọn nô tài, một ngòi bút xu phụng”.
Hồ Thu Nguyên công kích triệt để các nhà văn Tả phái phục tòng lề lối đấu tranh giai cấp bóp chết Tự do. Cùng phe phái với Hồ Thu Nguyên còn có Tiền Hạnh Thôn, v.v…
Phái Tả liền dàn quân ứng chiến gồm các danh tướng như Lỗ Tấn, Cù Thu Bạch, Chu Khởi Ứng, Phùng Tuyết Phong, v.v…
Trận chiến diễn ra chừng một năm trường. Kết quả phái Tự do chủ nghĩa bị cô lập. Cái ngôn ngữ quá Tự do làm cho Quốc dân đảng không ưa nghe mà CS thì coi như đại địch, Hồ Thu Nguyên đành im trống cuốn cờ. Ở giữa hai khối lớn gầm ghè khoảng an toàn bao giờ cũng quá hẹp mà chủ nghĩa tự do thì “khổ người” lại kềnh càng. Thất bại là lẽ đương nhiên vậy. Hồ Thu Nguyên thua trận, chủ nghĩa tự do văn học xơ xác. Nó bị cuồng trào văn học dân tộc chủ nghĩa xung kích xô chìm. Tự do chủ nghãi phải đợi hơn một năm sau mới trở dậy do Lâm Ngữ Đường xuất lĩnh điều khiển. Lâm Ngữ Đường chủ trì tờ bán nguyệt san Nhân Gian Thế đề cao các tác phẩm văn đọc để khiển hứng lúc nhàn rỗi. Với học vấn uyên bác của họ Lâm, tiểu phẩm văn của tờ Nhân Gian Thế có nhiều cây bút xuất sắc khác rất được thanh niên trí thức ưa đọc. Liên minh Tả phái thấy thế bèn chia quân đánh chặn, cho xuất bản một tạp chí tiểu phẩm văn khác lấy tên là tờ Thái Bạch dùng ngay loại văn tương tự chống lại nhóm U mặc (humour) Lâm Ngữ Đường.
Lối văn khiển hứng nhàn thích tuy không là văn đấu tranh nhưng nó lại có ma lực công dụng làm lơi lỏng đấu tranh giai cấp cho nên Tả phái ghét thậm tệ. Ghét là vì nó mang tới mọi người phong cách tự do xâm nhập dần dần vào huyết quản, khiến mọi người lúc bàn đến các vấn đề thiên hạ bỏ bớt bộ mặt hầm hè để đối xử với nhau thân thiết ôn nhã.
Văn U mặc nhàn thích hóa giải cái vẻ quan cách lên mặt của Quốc dân đảng cũng hóa giải luôn cả cái vẻ nhe nanh nhe vuốt của Cộng sản đảng. Đối với Lâm Ngữ Đường cả hai “quan” với “phỉ” chuyên hoành hành ngang ngược đều đáng sợ như nhau. Phần tử trí thức chấp nhận Nhân Gian Thế tức là tìm một lối giải thoát bớt không ngột ngạt căm thù của chính trị bao năm nay.
Nhưng sinh mệnh tiểu phẩm văn quá ngắn ngủi vì nguy cơ dân tộc đã sát nách không cho phép con người sống nhàn thích, cũng không cho phép ai trốn chạy. Đe dọa xâm lược khiến cho những người truy cầu đời sống thong dong phải quay về thực tế.
Trí thức khổ muốn trốn chạy tàn khốc của chính trị vào tháp ngà, nay họa mất nước buộc trí thức phải rời bỏ tháp ngà xuống đường phố.
Tiểu phẩm văn nhàn nhã suy tàn. Trên quân sự CS bị thất bại nặng phải bỏ Giang Tây, Thụy Kim chạy lên Diên An. Cộng sản đặt trọng tâm vào mặt trận văn hóa, lấy thắng lợi của văn hóa che chở cho thất bại quân sự.
Năm 1934 Trung cộng đưa ra sách lược tổ chức Thống nhất chiến tuyến phản đế. Năm sau CS phát hành: bức thư gởi đồng bào toàn quốc về việc kháng Nhật cứu nước- và hiệu triệu đình chỉ nội chiến, thiết lập chiến tuyến thống nhất dân tộc kháng Nhật.
Bỏ Thụy Kim lên Diên An là thời kỳ đen tối nhất của đảng Cộng sản. Để cứu vãn CS mở cuộc tấn công văn hóa bằng khẩu hiệu quốc phòng văn học. CS đã nắm vững tâm lý quần chúng căm thù giặc Nhật để chia đỡ gánh nặng thất bại quân sự.
Trí thức phần tử nhiệt thành yêu nước nên tự nhiên cũng nhiệt thành với quốc phòng văn học của đảng viên CS Chu Dương.
Thượng tuần tháng 10 năm 1936 tại Thượng Hải có bản tuyên ngôn đòi tự do ngôn luận và đoàn kết chống giặc như sau:
Chúng tôi là những người văn học, chúng tôi kêu gọi tất cả những người văn học khác không phân biệt phái cũ phái mới, hãy vì kháng Nhật mà liên hợp với nhau. Văn học là phản ảnh của sinh hoạt mà sinh hoạt thì rất phức tạp, nhiều mặt, nhiều giai tầng. Các tác giả các tập đoàn đối với văn học am hiểu và hứng thú khác nhau. Tân phái, cựu phái, tả phái, hữu phái dị biệt, nhưng vẫn chỉ có một người Trung Quốc, người Trung Quốc không muốn làm vong quốc nô. Động cơ kháng Nhật của mọi người cũng không ai giống ai nhưng tất cả vẫn chỉ có một lực lượng kháng Nhật. Chúng tôi không đòi hỏi thống nhất lập trường kháng Nhật. Chúng tôi kêu gọi thống nhất lực lượng kháng Nhật.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Chúng tôi yêu cầu đương cục chính phủ tức khắc khai phóng tự do ngôn luận cho nhân dân, hết thảy pháp qui chướng ngại cho tự do ngôn luận nên sớm hủy bỏ.
Tuyên ngôn trên do CS phát động mà nội dung lại hợp với mọi người. Tuyên ngôn chỉ nhấn mạnh hai điều kháng Nhật, Tự do ngôn luận. Đó là hai điều mong muốn chung của hầu hết thanh niên trí thức. Tự do ngôn luận trong bản tuyên ngôn thực ra chỉ là phụ thuộc vào mệnh đề kháng Nhật. Tự do ngôn luận ở đây có nghĩa là dùng Tự do ngôn luận kháng Nhật để Tự do truyền bá chủ nghĩa Cộng sản. Chủ yếu chính sách của Quốc dân đảng lúc ấy vẫn là theo đuổi điều đình hòa hoãn với Nhật, tiêu diệt cho xong Cộng sản. Bởi vậy trên báo chí, cơ quan kiểm duyệt không cho dùng chữ “quỉ” Nhật Bản hay “giặc” Nhật. Nếu cho ngôn luận tự do tất báo chí chửi rủa Nhật Bản sẽ làm chính sách hòa hoãn kia khó lòng thực hiện.
Bản tuyên ngôn ra đời, hết thẩy các nhà văn nhà báo tên tuổi hưởng ứng ký tên ngay. Bản danh sách thấy có Ba Kim, Lâm Ngữ Đường, Mâu Thuẫn, Quách Mạt Nhược, Trương Thiên Dực, Trịnh Chấn Đạc, Triệu Gia Bích, Lỗ Tấn, Phong Tử Khải, Vương Thống Chiêu, Hạ Cái Tôn Trần Vọng Đạo, v.v… Những người ký tên đa số không phải là Cộng sản. Trái lại những cán bộ văn hóa CS chính cống như Chu Dương, Trần Mẫn Dung thì lại không xuất hiện.
Trương Học Lương bắt Tưởng Giới Thạch
Tháng chạp năm 1936, vùng Đông Bắc tình hình chính trị giữa Nhật với người chỉ huy địa phương Trương Học Lương tự nhiên căng thẳng. Trương bị phong trào kháng Nhật cứu nước ảnh hưởng muốn khởi binh đánh Nhật đòi lại đất đai của ông cha đã bị Nhật chiếm. Quyết định của Trương Học Lương có thể khiếncho chính sách hòa Nhật tan vỡ nên Tưởng Giới Thạch bèn đích thân lên Tây An mong khuyên giải Trương Học Lương. Ở đây hai người đã to tiếng. Trương Học Lương liền sai quân bao vây bắt Tưởng Giới Thạch. Người chỉ huy vụ vây bắt là tướng Dương Hổ Thành. Cả nước kinh động Đại sứ Mỹ lên ngay Tân An, Chu Ân Lai cũng đến Tây An. Kết quả Trương Học Lương cho thả Tưởng Giới Thạch và Tưởng Giới Thạch phải hứa ít điều. Toàn vụ lịch sử gọi là vụ binh biến Tây An.
Vụ Tây An xảy ra đúng lúc CS phá vòng vây bỏ Giang Tây chạy lên Thiểm Bắc, lực cùng sức kiệt rồi nội bộ CS đầy xung đột mâu thuẫn. Trương Quốc Đào chống lại Mao Trạch Đông. Cao Cương tranh quyền lãnh đạo với Mao. Để khỏi bị cô lập, để đem nhân dân bao vây lại chống Quốc dân đảng nên CS vừa chạy vừa hô hào người Trung Quốc không giết người Trung Quốc. Người Trung Quốc phải đoàn kết đánh Nhật. Các sĩ binh Quốc dân đảng bị lời hô hào này mê hoặc nên không triệt để thi hành lệnh trên và lỏng tay cho CS trốn thoát thành thử cuộc vạn lý trường chinh mới hoàn thành.
Nay Tưởng Giới Thạch bị bắt ở Tây An, đại sứ Mỹ lân can thiệp, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai cũng lên gặp Trương Học Lương. Dư luận toàn quốc lo ngại cho sinh mạng của Tưởng Giới Thạch. Dù sao uy tín ông cũng rất lớn đương thời không ai đủ uy danh thế lực như Tưởng để lãnh đạo chiến tranh chống Nhật. CS biết thế lắm nên họ lúc ban đầu lên Tây An với mục đích liên kết với Trương Học Lương để hạ Tưởng, nhưng thấy khó lòng xong xuôi liền đổi kế hoạch ủng hộ Tưởng Giới Thạch để đòi hỏi một số điều kiện. Số điều kiện ấy đều đặt trên hai điểm căn bản là:
Tuyên bố kháng chiến chấm dứt nội chiến. Tưởng Giới Thạch bằng lòng. Ông trở về Nam Kinh ra lệnh cho quân đội thôi không truy kích CS ở Thiểm Bắc nữa. Thế là mười năm nội chiến tàn khốc kết thúc. Ở Nam Kinh với quyết định không nội chiến Tưởng Giới Thạch đã bị nhóm Uông Tinh Vệ phản đối khiến nội bộ Quốc dân đảng chia rẽ.
Vụ Tây An rõ ràng là viên thuốc hồi sinh cho đảng Cộng sản. Với tư cách và địa vị người hợp tác, tả phái tha hồ hoạt động công khai hoặc nửa công khai. Sách vở tuyên truyền lý luận của chủ nghĩa CS tràn ngập. Thấy thanh niên trí thức chỉ chú ý vào vấn đề kháng Nhật nên CS viết tuyên truyền phẩm bao giờ cũng dựa trên quan điểm kháng chiến.
Tây An chuyển Trung Quốc vào trang sử mới với tám năm kháng chiến oai hùng, nhưng đồng thời cũng là trang sử khai mở chính quyền Trung Quốc cho Cộng sản đảng.
Lư Cầu Kiều
Ngày 7 tháng 7 năm 1937, Nhật Bản xua quân tiến chiếm Lư Cầu Kiều. Uất hận tích lũy từ lâu, nay lại thêm sỉ nhục nữa, dân chúng phẫn nộ điên cuồng.
Vì chưa hoàn thành chuẩn bị chiến tranh, chính phủ Quốc dân vẫn muốn đối phó với vụ Lư Cầu Kiều bằng thái độ “hóa can qua vi ngọc bạch” (biến gươm dao thành nhung lụa) nghĩa là ngoại giao mềm dẻo. Một phần tại dân chúng nhất định không chịu, một phần tại quân Nhật làm quá nên chính sách mềm dẻo hỏng ngay từ đầu. Cực chẳng đã Tưởng Giới Thạch phải triệu tập hội nghị ở Lư Sơn, lên tiếng phản kháng sự lộng hành của quân đội Nhật, bắn tiếng sẽ kháng chiến tới cùng không nửa đường thỏa hiệp.
Phía Nhật, họ vẫn tin tưởng vào chiến lược chiếm đóng tất cả đô thị lớn rồi buộc Trung Quốc đầu hàng.
Tháng 8, Nhật đánh Thượng Hải và phải trả cho Thượng Hải một giá khá đắt, chính phủ Quốc dân tuyên cáo toàn quốc kháng chiến.
Kháng chiến bắt đầu. Giai tầng khắp nước biến hẳn tính chất. Thanh niên trí thức đổ xô lên tiền tuyến. Quan niệm “hảo nam bất đương binh” không còn nữa. Đại đa số coi việc vũ trang chiến đấu chống xâm lược là một nhiệm vụ thần thánh. Chính trị trên tầng cao, chú tâm thực hiện đoàn kết nội bộ. Tại Lư Sơn trong một cuộc đàm thoại, Tưởng Giới Thạch bày tỏ lòng tin tưởng đoàn kết. Cũng ở đây hai lãnh tụ đảng Cộng sản là Chu Ân Lai và Tần Bang Hiến họp mặt với các đảng viên cao cấp của Quốc dân đảng.
Trên mặt báo của Quốc dân đảng đăng toàn những bài của cán bộ cộng sản. Quách Mạt Nhược được phép về nước lập Cứu quốc hội. Một số cán bộ cao cấp cộng sản được phóng thích như Vương Tạo Thời, Trầm Quân Nho, Lý Công Phác, v.v…
Quốc phòng tham nghị hội mở cửa cho đủ mặt đại biểu Quốc dân đảng, Cộng sản đảng, Quốc xã đảng và Thanh niên đảng.
Văn học về đồng ruộng
Cuộc kháng chiến Trung Quốc có một đặc chất. Đó là Trung tâm văn hóa từ miền duyên hải di chuyển vào nội địa.
Từ cuối nhà Thanh trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị đều ở thành thị lớn vùng duyên hải. Sau Bắc phạt, định đô ở Nam Kinh. Thượng Hải biến thành trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế phồn thịnh chẳng kém gì Thiên Tân, Bắc Bình ngày xưa. Tuy chính phủ Quốc dân thành lập vẫn chưa thống nhất được toàn quốc. Miền Bắc quân nhân địa phương mặc dầu vẫn chịu thần phục trung ương nhưng tiếp tục theo đuổi tham vọng riêng. Lại thêm Nhật Bản thường xuyên đe dọa nên phần lớn phần tử trí thức phải rời Bắc chuyển xuống miền Nam khiến cho vườn văn hóa Bắc Kinh ngày càng cằn cỗi.
Trái hẳn, Thượng Hải phát triển không ngừng. Các ngân hàng lớn của Trung Quốc đều tập trung ở Thượng Hải. Thượng Hải cũng là khu tư lệnh của công thương nghiệp toàn quốc. Sách vở báo chí cung cấp ra khắp nước cũng đều ở Thượng Hải phát đi.
Ngày 18-7, Đông Bắc lọt vào tay Nhật, phần tử trí thức lưu vong, trừ một số ở lại Bắc Bình Thiên Tân còn hầu hết đến Thượng Hải.
Ngày 7-7 Bắc Bình Thiên Tân thất thủ, phần tử trí thức toàn vùng Hoa Bắc di chuyển xuống phía Nam.
Thượng Hải là tô giới ngoại quốc nên vẫn tiếp tục giữ được sắc thái yên ổn hòa bình nhiều năm nay. Đến lúc Thượng Hải bị luân hãm, trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị đó liền biến thành ngã tư gián điệp.
Thượng Hải trong tay Nhật mang ba bộ mặt:
- Mỗi gia đình thường có con em vào nội địa trực tiếp cầm súng đánh nhau với Nhật.
- Người vì hoàn cảnh không đi được thì ở lại tổ chức địa hạ chiến đấu.
- Một số theo Nhật phè phỡn đĩ thõa vô sỉ hoang dâm, hình ảnh trái ngược với chiến đấu lưu huyết oai hùng.
Chẳng riêng gì Thượng Hải, các thành thị khác cũng vậy, thanh niên trí thức tấp nập rời khu bị chiếm đóng đến các nơi hoang dã, về đồng ruộng. Họ từ bỏ lối sống du nhàn thích ứng với đời sống thôn dã. Với tâm hồn chứa chan ky vọng, họ khai phá đất hoang, giáo dục nông dân.
Ai cũng rõ, trước thời kỳ Bắc phạt số người mù chữ chiếm 90 phần trăm. Chính phủ Dân quốc tuy có làm giảm thiểu đi chút ít nhưng cũng không thấm vào đâu. Phần vì yếu phương tiện, phần vì phải đương đầu nội chiến thành ra với vấn đề giáo dục, chính phủ Quốc dân chỉ nói thôi mà không làm. Nay toàn bộ vấn đề giáo dục phổ thông do kháng chiến đã rơi vào tay phần tử trí thức.
Phần tử trí thức về nông thôn, gần gũi với cuộc sống chất phác nên những sáng tác cũng đượm sắc thái đại chúng, dễ hiểu, nhẹ nhàng. Các tác phẩm cao sâu đều không có đất sống. Phần tử trí thức ở nông thôn đã tự phát gây phong trào học tập, phong trào giáo dục đại chúng. Phần tử trí thức lưu vong bất luận gốc gác gia đình, bất luận chức nghiệp, tất cả lột bỏ nếp sống cũ hòa mình với sinh hoạt kháng chiến trên quân sự cũng như trên văn hóa. Đa số gom góp tiền chung in một tờ báo để giáo dục kháng chiến. Khắp nơi, báo viết tay có, báo in có, người ta tính có tới 5, 6 ngàn loại khác nhau. Phần chính phủ gồm các báo quân sự và báo đảng có 37 loại chính thức. Vì giao thông khó khăn nên bích báo là báo phổ thông nhất. Nhờ vậy mà tình trạng văn hóa thêm phồn thịnh. Trước kia nội địa là sa mạc của văn hóa nay mưa kháng chiến làm cho sa mạc đó tốt tươi cây lá.
Các lối vũ dân tộc được sưu tầm nghệ thuật hóa. Các vở kịch địa phương được khảo sát và chấn chỉnh lại. Các bản dân ca được thu góp phổ biến. Những xóm làng ở nơi hoang vu nhất nay cũng có tiếng ca điệu múa, người thôn xóm quây quần xem kịch.
Giai đoạn thứ nhất của kháng chiến, văn hóa Trung Quốc được triệt để đại chúng hóa. Những phần tử trí thức cao cấp nghĩa là những đại học giả không còn tự mình kiến lập trường phái nhỏ hẹp vì lẽ tất cả có bổn phận phải làm 600 triệu con người để sẻ núi lấp sông. Do đó văn hóa phân tán, phổ biến không có tập trung điểm. Công tác khải phát dân trí của kháng chiến không chỉ giới hạn trong các thành thị hoặc các thôn xóm kế cận đường giao thông. Nó lan tràn khắp núi cao rừng sâu.
Nam Kinh thất thủ, chính phủ thiên đô về Trùng Khánh nhưng trung tâm kháng chiến vẫn ở Vũ Hán. Nhật dùng đủ mọi độc kế mà không làm sao giải quyết nổi chiến trường vì toàn dân một lòng kháng Nhật. Ngọn lửa kháng chiến không tàn lụi chính là nhờ phần tử trí thức luôn luôn chăm sóc tiếp dần tiếp mỡ.
Giai đoạn kháng chiến thứ nhất, quốc cộng hợp tác thành thật, quốc phòng hội nghị mở rộng thành quốc dân tham chính hội. Tuy nhiên chỉ được hơn một năm lại phát hiện mâu thuẫn ngấm ngầm. Lý do là Quốc dân đảng ép các đảng phái khác phải tuân thủ Tam dân chủ nghĩa. Tam dân chủ nghĩa là chủ nghĩa của Quốc dân đảng đâu phải là chủ nghĩa của đảng Cộng sản, của đảng Xã hội hay đảng Thanh niên mà bắt phải tuân thủ. Riêng CS quỷ quyệt không cần hình thức nên tuân theo triệt để thực hiện chiến đấu cho chủ nghãi tam dân. Thấy tuyên ngôn đó, Quốc dân đảng chịu lắm dựa vào hình thức để mơn trớn lòng tự đại. Thái độ tự đại thật hão vì lúc ấy dân chúng không hề quan tâm đến đảng phái vấn đề.
Nói về vùng chiếm đóng thì đa số phần tử trí thức làm việc cho công tác địa hạ, tuyên truyền mật, lấy tin tức, tổ chức phá hoại, v.v…
Kế đến thành phần Hán gian ở vùng luân hãm thì số lớn là quan liêu chính phủ Bắc Dương. Từ khi chính phủ Dân quốc thành lập, họ bị đào thải, họ phần đông ở Hoa Bắc tiếp xúc thường xuyên với Nhật, Nhật xâm lăng, họ ra đầu hàng phục vụ để thỏa mãn tâm lý “quan” đã thâm căn cố đế. Sau đến tập đoàn bất đắc chí Uông Tinh Vệ. Trước Bắc phạt Uông Tinh Vệ lớn hơn Tưởng Giới Thạch. Khi chính phủ Quảng Châu thành lập Uông Tinh Vệ làm chủ tịch còn Tưởng mới chỉ là Tổng tư lệnh quân đội Bắc phạt. Tưởng và Uông nhiều lần xung đột nhưng cuối cùng Uông thua, ôm mối hận xâu sa với Tưởng nên đi với Nhật để rửa hận.
Uông Tinh Vệ là lớp người tiền phong, nhưng quá khứ đó không đủ biện hộ việc làm theo giặc của ông. Quốc dân thấy ông đi với Nhật, Quốc dân phỉ nhổ ông như một tên Hán gian.
Vùng chiếm đóng còn có bọn người khác nữa là bọn trụy lạc. Bọn này hầu hết xuất thân ở đám nhà giàu, trí thức lai căng. Họ tuy không phản đối kháng chiến nhưng họ rất sợ chiến tranh. Họ sống bám vào tô giới như những ký sinh trùng. Họ không làm hại kháng chiến nhưng họ gây nhiều thối tha.
Trí thức trụy lạc vùng luân hãm thường hay ngâm phong vịnh nguyệt. Họ làm văn học để chiều lòng chiều ý các tiểu thư lấp ló sau vườn. Họ hủ hóa các thanh niên học đường hồi ấy nổi danh có cuốn “nấm mồ chung” của Mục Thời Anh, ca tụng tùnh yêu u uất, say đắm. Lâm Ngữ Đường cũng cho xuất bản tở Tây Phong. Ý vị các bài viết trong Tây Phong về giá trị văn chương hay thì có hay nhưng chỉ để cho những người Trung Quốc không quan thiết lắm đến vận mạng Trung Quốc đọc.
Tại Thượng Hải dưới gót Nhật Bản còn có tác phẩm như “Phong tiêu tiêu” của Từ Vu mang nội dung đấu tranh, sắt máu. Phong tiêu tiêu đáng kể là cuốn tiểu thuyết hay tuy nhiên nó kênh kiệu gọt dũa quá thành ra không thực. Cuốn chuyện chứng minh lối nhìn của tô giới nửa Tây nửa Tàu đối với kháng chiến.
CHƯƠNG THỨ TÁM
NGƯỜI TRÍ THỨC VÀ NỘI CHIẾN
Chỉ biết bắt người khác làm mà không biết khẩn cầu người ta làm là một thái độ nguy hiểm.
MAURICE DRUON
Những người mà chúng ta gọi là giai cấp lãnh đạo gồm đa số là những kẻ đã không còn tiếp xúc với giai cấp bị lãnh đạo nữa.
MAURICE DRUON
Giai đoạn mới
Tháng 10 năm 1930, Quảng Châu và Vũ Hán theo nhau thất thủ. Kháng chiến trên mặt quân sự tiến vào một giai đoạn mới, cục diện thay đổi. Lúc chiến tranh mới khởi sự, Tưởng Giới Thạch từng tuyên thị đây là cuộc trường kỳ kháng chiến. Lòng ai nấy còn đang hăng hái phục cừu tuyết sỉ nên hai chữ trường kỳ chẳng thấm thiết gì, vả lại cũng chưa hiểu trường kỳ gian khổ ra sao. Đột nhiên Vũ Hán lọt vào tay giặc, chiến tuyến kéo dài, những trận đánh lớn quyết định không thấy xuất hiện. Tính kích thích của những trận đánh lớn không còn nữa. Chiến tranh trở thành ray rứt tiêu hao. Người ta thấy hiện tượng mệt mỏi chán nản từ trung ương lan xuống địa phương. Thủ phủ Trùng Khánh lãnh đạo chiến tranh bằng một giọng điệu tắc trách. Trong khi đó Cộng sản bành trướng mạnh. Trước vụ Tây An, quân sự của Trung Cộng như chiếc đèn hết dầu. Tây An đã đổ cho CS đầy lại bầu dầu, đến kháng chiến thì Trung Cộng có thêm hẳn một “phuy” dầu cách mạng vô sản tha hồ mà thắp.
Ban đầu, Quốc dân đảng rất mãn ý với thắng lợi hình thức đã bắt được CS phải cúi đầu tin tưởng Tam dân chủ nghĩa còn CS thì âm thầm nỗ lực nắm cơ hội 15 tháng kháng chiến cộng với những thắng lợi trên trận doanh văn hóa mà phát triển đảng. Bấy giờ Quốc dân đảng mới tỉnh ngộ vội vã củng cố lại quyền thống trị.
Trong đầu óc Tưởng Giới Thạch, ông có ý muốn hòa hợp Quốc dân đảng với CS đảng thành một đảng, cho nên ông thiết lập tổ chức Tam dân chủ nghĩa thanh niên đoàn. Ông hết sức kỳ vọng vào đoàn thể mới mẻ này. Ông đã tìm nhiều mưu kế để vét Chu Ân Lai và Tả Vũ Sinh, thanh niên đảng vào lưới của ông nhưng bất thành. Mưu của họ Tưởng chẳng những thất bại mà còn tác họa sau này, chính vì Tam dân chủ nghĩa Thanh niên Đoàn nên Quốc dân đảng vốn đã lắm phái hệ nay lại thêm hệ phái. Tam dân chủ nghĩa Thanh niên đoàn thành lập sau khi nhiệt thành kháng chiến lắng đọng, Tưởng Giới Thạch muốn dùng nó để đốt lên ngọn đuốc sáng năm cũ. Riêng ở điểm này thì Tưởng Giới Thạch được hài lòng phần nào.
Bây giờ nói đến ảnh hưởng quốc tế.
Chiến tranh Trung Nhật vừa chuyển sang giai đoạn cầm giữ dằng dai thì bên Âu châu Đức quốc xã gây chiến, Pháp bại trận đầu hàng. Cục thế biến chuyển bên ngoài làm cho dân khí phấn khởi chút đỉnh. Nhật với Đức là một phe, thế là từ nay Trung Quốc không phải cô độc chiến đấu nữa.
Mặt khác, chiến tranh Âu châu làm cho vật tư ở Trung Quốc càng ngày càng khan hiếm. Hải cảng lớn đã bị Nhật chiếm hết, giao thông nội địa cực kỳ khó khăn, vật giá vọt lên cao.
Năm 1940 là năm sinh hoạt kinh tế chiến thời nguy ngập, tiền tệ lạm phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân hậu phương.
Cái khổ thường dắt kèm cái nản. Cái nản ban đầu chỉ hiện ra qua giọng điệu ỉu xìu trên thượng tầng, nay nó lan ra khắp nước.
Tiền tệ lạm phát gây ra tình trạng hết sức kỳ quái, người theo kháng chiến thì cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Bọn bạo lợi tham nhũng gian thương chợ đen chợ đỏ thì hưởng đủ xa hoa. Một bên đắng cay tân khổ, một bên hoang dâm vô sỉ. Nhân tâm oán thán thật là lẽ đương nhiên.
Chính sách kinh tế chiến thời của chính phủ thất bại chiến tranh tất đem tới lạm phát. Khi quốc gia ấn định chính sách trường kỳ chiến tranh thì ít ra cũng định trước được biện pháp thích ứng tối thiểu không thể đợi nước vỡ ở đâu đắp đất ở đấy.
Hàng hóa thực ra đã khan hiếm từ lâu rồi, nhưng buổi ban đầu nhiệt huyết còn mạnh mẽ chạy trong tim nên ai nấy đều tự nguyện tiết kiệm để phục vụ cho kháng chiến thần thánh. Càng về sau thiếu thốn càng xóa mờ nhiệt tình. Chính phủ cấp thời khống chế vật giá, do những cơ sở khuyết điểm của kẻ thừa hành làm cho gian thương thả cửa hoành hành. Chợ đen, gian thương lại sinh sản ra cao lâu tửu quán, đĩ bợm. Kẻ anh hùng mã thượng mà mọi người ước ao không còn là chàng chiến sĩ khoác áo chinh y nữa mà là kẻ nhiều tiền bạc bạo lợi.
Công chức binh sĩ đồng lương cũng chẳng đủ nuôi miệng, một bao thuốc lá giá tiền bằng nửa tháng lương của một tiểu công chức, binh sĩ phải tự bện dép rơm mà đi.
Giai cấp bạo lợi tạo cho kháng chiến bộ mặt kỳ dị. Khi giai cấp bạo lợi thành hình rồi, mỗi cá nhân trong xã hội đều lấy tiền tài làm tiêu chuẩn nhân cách. Ai tung tiền nhiều, ai thừa thãi kẻ đó là thượng lưu nhân vật. Ngoài ra đều đáng chê bỏ.
Giữa xã hội bạo lợi, phần tử trí thức chính là một thứ đồ bỏ vào cấp thượng thặng.
Trí thức hầu như không ai khả dĩ làm nổi một Rhett Butler (Trong chuyện Cuốn theo chiều gió) xông pha buôn lậu, đầu cơ, quan cần thiết cho kháng chiến. Họ là những cán bộ trung cấp, đồng lương cực nhỏ nhoi, trong nhà ai nấy sắc mặt toàn một màu rau cỏ.
Ăn còn chẳng đủ lấy đâu ra mà học. Mãi lo ăn, lo sống nên dục cầu học hỏi cũng kém hẳn đi.
Văn học sáng lạng cách đấy một năm bây giờ khô héo, ngàn phần chưa sót được hai ba. Số sách xuất bản thụt xuống thảm hại.
Ngòi bút nhà văn trở nên chua chát. Hồi Vũ Hán chưa mất, văn học hướng toàn vào bộ hoạt động kháng chiến. Đến giai đoạn cầm giữ bây giờ nhìn thấy xã hội sa đọa với tiền bạc, các nhà văn giận dữ công kích, số nhà văn khác âm thầm lén trốn khỏi hiện thực đau lòng bằng giọng tiêu cực đắng cay. Đâu đâu văn học màu vàng cũng hiện ra.
Không khí đọc sách xẹp xuống. Kể cả bên phía tả. Sơ kỳ kháng chiến, sách thiên tả xuất bản nhiều lắm. Giờ phút này, thanh niên bị sinh hoạt thực tế áp bách quá cũng chẳng có mảy may hứng thú với bất cứ chủ nghĩa nào.
Chắn ngang trước mặt trí thức là vấn đề làm sao có cơm gạo sống qua ngày hôm nay, làm sao ngày mai không đói rét. Cái khổ cực quá quắt sở dĩ không làm cho người Trung Quốc từ bỏ đấu tranh chỉ là mối thù với Nhật quá sâu, thà chết để phục hận.
Chính phủ bất lực luôn cả việc nâng đỡ binh sĩ và các chức viên. Tất cả căm thù giai cấp bạo lợi. Vào thế giới quan chức lại càng thấy thối nát hơn, nạn tham nhũng hoành hành vô giới hạn. Các bạo quan để thích ứng với sinh hoạt cũ cố gắng xoay sở. Các tiểu quan dùng đủ mọi phương kế để thoát vòng đói khổ. Hiện tượng thượng hạ giao chinh lợi là chuyện đương nhiên vậy. Đói rét đe dọa thì liêm sĩ làm gì?
Cơn lốc bạo lợi lôi cuốn cả phần tử trí thức quay cuồng thổi bay luôn cả lòng tự tôn cố hữu của trí thức và thay thế vào đấy những mầm mống tự ti. Họ cảm thấy thân phận mình kém vế quá. Họ bây giờ mới nhận ra rằng “bách vô nhất dụng thị thư sinh” thật đúng.
Giai đoạn chiến tranh giằng co, tiếng kêu cấp cứu duy nhất là tiếng kêu “cải thiện đãi ngộ”. Bất cứ từ phía nào có tiếng kêu đó là tất cả mọi người quay hướng ngóng trông.
Giữa lúc ấy nội chiến Quốc Cộng bùng nổ trở lại.
Tại khu du kích Hoa Bắc, lực lượng quân sự CS phát triển mau lẹ. Những cuộc chạm súng lẻ tẻ với Quốc quân mỗi ngày mỗi nhiều. Ở lưỡng ngạn Trường Giang, Tân tứ quân Cộng Sản lên đến 10 vạn người. Với sự tămg vọt ấy, Quốc dân đảng lo ngại cái họa Cộng Sản uy hiếp cho nên qua một thời gian liên tục đụng độ nhỏ, nay chuyển thành đánh lớn, trước nay là đánh lén nhau rồi chối lới, nay đánh thẳng mặt rồi kết tội. Tháng 10 năm 1940, quân chính phủ tập trung lực lượng vây đánh chủ lực Tân tứ quân Cộng sản bắt được quận trưởng Hạng Anh. Tháng 1 năm 1941, chính phủ hạ lệnh triệt tiêu quân hiệu Tân tứ quân.
Vấn đề Quốc Cộng đã phân tán sự nhất trí kháng Nhật. Bản thân kháng chiến từ 1941 trở đi đã thành vấn đề thứ yếu.
Thời kỳ đen tối
Mã Bân viết:
Trước ngày kháng chiến thắng lợi, thực ra là thời kỳ đen tối của cuộc kháng chiến. Thời gian tiếp cận thắng lợi là thời gian mọi hy vọng tiêu tan.
Tháng 12 năm 1941, chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ. Bị đánh ở Trân Châu cảng, Mỹ tuyên chiến với Nhật. Nhưng vì Anh Mỹ thiếu chuẩn bị nên lúc đầu quân Nhật đánh thắng như chẻ tre.
Chiến tranh Thái Bình Dương một lần nữa làm cho kháng chiến Trung Quốc thêm phần hy vọng. Tuy vậy hy vọng ấy rất sớm tàn lụi. Bởi vì kinh tế kháng chiến không ngừng ác hóa, đồng tiền sụt giá không ngừng. Chính phủ không hề có một chính sách tốt và thi hành triệt để. Chính phủ chỉ có những phương pháp chữa chạy ngoài da. Đại chúng cơ cực. Thiểu số phát đạt. Kêu gọi không xong, dân chúng phản đối chính phủ. Khởi đầu cho tiếng nói phản đối là cơ quan dân hiến Tham chính hội. Cơ quan này trong kháng chiến tuy không thể gọi là đại biểu cho chính trị nghị hội, nhưng ít ra nó cũng là một đóa hoa dân chủ nở trong thời kháng chiến. Chiến tranh Quốc Cộng tái hồi. Không khí chính trị ngột ngạt. Sứ mạng Tham chính hội trước sự đôi bên đả nhau bằng súng ống, đành khoanh tay tự đặt vào cái thế cùng đường. Chính phủ đưa ra một danh sách để loại trừ C.S ra khỏi Tham-chính -Hội. Cộng Sản chống lại. Tham chính Hội vỡ sau khi đã vạch vòi chính sách đảng trị của Quốc dân Đảng.
Thay thế Tham chính Hội là tổ chức Trung Quốc dân chủ Chính đoàn đồng minh. Lãnh đạo tổ chức này là các trí thứ tên tuổi như Trương Lệ Quân, Lương Hôn Minh, Tả Vũ Sinh, Hoang Viêm Bồi, Chương Bá Quân, v.v… Tổ chức kết hợp bởi các đảng phái nhỏ từ trước tới giờ vẫn từng là khối đảng hoãn xung giữa Quốc Cộng. Về sau có thêm Cứu Quốc hội gia nhập làm cho thanh thế to lớn. Chính phủ Tưởng Giới Thạch đối với tổ chức Dân minh này trước sau vẫn không ưa, cũng không buồn đặt vấn đề tranh thủ. Vả lại lúc kháng chiến ngôi sao Tưởng Giới Thạch quá sáng, khối Dân minh dù thân thế to tát cũng không đọ lại, nên nằm yên. Nhưng từ năm 1944 thì dân chúng thích nghe tiếng nói của Dân minh. Và cũng từ năm này, tổ chức Dân minh do Cộng sản tranh thủ đã thành khuynh hướng thiên tả.
Trước ngày thắng lợi nội chiến và đấu tranh Quốc Cộng phá hoại kháng chiến rất nhiều. Sau vụ Tây An, Tưởng Giới Thạch được hoan nghênh như lãnh tụ duy nhất, được toàn dân yêu kính. Thế mà đến giai đoạn tương trì, tình cảnh đói khổ tham nhũng phá hủy uy tín của họ Tưởng. Khổng Tường Hi, Tống Tử Văn, Trần Lập Phu và Tưởng Giới Thạch thành bốn họ quyền hành nhất nước và cũng bị công kích oán ghét nhất nước.
Không để lỡ cơ hội, Cộng sản huy động một cuộc vận động tuyên truyền vĩ đại đả kích tứ Hoa Kỳ ào Tưởng, Tống, Khổng, Trần. Trợ giúp cho cuộc vận động tuyên truyền Cộng sản là Nhật Bản mở đại tấn công đánh đâu thắng đấy. Trận chiến đe dọa cả thủ phủ Trùng Khánh. Tưởng Giới Thạch đích thân điều khiển mặt trận cũng vẫn thua liểng xiểng. Nguyên nhân thua trận đều do tinh thần binh sĩ xuống thấp chưa chiến đấu đã chạy. Tinh thần quân đội xuống thấp là do xã hội bạo lợi “heo hậu phương no béo, ngựa chiến trường không có cỏ khô ăn”.
Đau khổ là toàn thể dân chúng.
Giác ngộ nguyên nhân đau khổ là phần tử trí thức.
Phần tử trí thức thức tỉnh toàn dân đối diện với tập đoàn Tưởng Giới Thạch tỏ lộ sự hoài nghi khả năng lãnh đạo của Quốc dân đảng.
Bên ngoài, các nước chê bai quân Trung Quốc vô dụng.
Đối với phần tử trí thức đây là một quốc sỉ trọng trong khi thế giới đang tiến gần đến thắng lợi thì Trung Quốc thảm bại hoàn toàn.
Cộng sản cho phát hành cuốn sách Trung Quốc Tân dân chủ nghĩa cách mệnh sử gồm 250 trang có ghi đậm mấy dòng sau đây:
“Trên kinh tế, hết thảy huyết mạch kinh tế đều nằm trong tay bốn đại gia tộc Tưởng, Tống, Khổng, Trần, một bọn quan liêu mải biện. Chúng lợi dụng chiêu bài kháng chiến để thu vét, tích lũy, điên cuồng làm giàu làm có”.
Hai bộ mặt của thắng lợi
Trong tiêu trầm thất vọng, trong đen tối Dân quốc Trung Hoa như chiếc xe cũ kỹ chạy đường trường đến đích thắng lợi với dáng dấp hết sức mệt nhọc.
Thắng lợi 4.
Tiếng tăm Tưởng Giới Thạch nổi dậy. Hàng trăm triệu người ở các vùng luân hãm (chiếm đóng) hướng về vị lãnh tụ kháng chiến khâm phục chiêm ngưỡng. Khu chiếm đóng thì sôi nổi như thế mà trái lại khu hậu phương thì nguội lạnh.
Ngày 10 tháng 8 Nhật Bản tuyên bố đầu hàng.
8 năm chiến tranh đằng đẵng kết thúc. Ở Trùng Khánh tin thắng lợi loan ra, mọi người vui sướng đến phát điên lánh nạn, tản cư hết rồi. Nguyện vọng “thanh xuân tác bạn bảo hoàn hương” rộng mở.
Nhưng thắng lợi chóng quá nên thắng lợi mang hai bộ mặt. Một mặt vui sướng và một mặt lo âu. Mặt vui sướng ở phía dân chúng, mặt lo âu ở phía tập đoàn lãnh đạo. Nhật Bản tuyên bố đầu hàng như tiếng sét nổ xuống, khiến cho Quốc dân đảng chưa kịp chuẩn bị tiếp thu di sản Nhật để lại.
Còn Cộng sản, họ đang tích cực sửa soạn tranh cướp đất đai với Quốc dân đảng, CS sẵn sàng cho một nội chiến đại quy mô.
Nhật Bản tuyên bố đầu hàng ngày 10 tháng 8 nhưng Nhật Hoàng chính thức tuyên cáo điều kiện đầu hàng lại là ngày 14-8. Lãnh tụ quân sự Cộng sản Chu Đức ngày 10-8 đã tức tốc ban bố lệnh giải giới quân Nhật và tiếp thu các khu vực chiếm đóng.
Chính phủ Dân quốc thì hạ lệnh không cho phép Cộng quân được tiếp nhận đầu hàng của Nhật. Dĩ nhiên CS không tuân lệnh. Thế là chiến tranh bùng nổ.
Có hai sự thực không thể chối cãi là:
- Quân đội CS nhờ kháng chiến đã lớn mạnh hơn nhiều.
- Người Trung Quốc sau 8 năm chiến tranh khổ sở không ai bằng lòng lại chiến tranh nữa.
Tưởng Giới Thạch bất đắc dĩ phải minh xác lập trường tỏ ý muốn hợp tác với CS lần thứ ba.
Đại sứ Mỹ thôi thúc Tưởng Giới Thạch thỉnh Mao Trạch Đông đến Trùng Khánh thương nghị hợp tác.
Mao Trạch Đông đến Trùng Khánh ngày 28-8.
Chính phủ Dân quốc công việc bộn bề, nào phải đàm phán với Cộng sản, nào phải tiếp thu Nhật đầu hàng, thêm trận tuyến Quốc Cộng rộng lớn đã có nhiều trận đụng độ tiến hành cuộc chiến tranh cướp đất.
Phần tử trí thức tản cư vào nội địa rất chú trọng đến cuộc đàm phán Quốc Cộng.
Phần tử trí thức khu luân hãm chỉ biết vui sướng với thắng lợi ngoài ra không biết chi khác nữa, bởi vì họ cho rằng: ta thắng rồi, bây giờ là lúc phải kiến thiết đất nước. Nội chiến tái phát là chuyện họ không tin.
Mao-Tưởng đàm phán. Mao Trạch Đông đòi cho đảng CS năm chủ tịch năm tỉnh, bốn phó chủ tịch bốn tỉnh, bốn phó thị trưởng, giữ nguyên 48 sư đoàn CS. Đòi thế có nghĩa là đòi chia đôi Trung Quốc cho nên Chính phủ Dân quốc không chịu.
Mao Trạch Đông ở Trùng Khánh tới một tháng rưỡi. Trong thời gian ấy lễ nghi đầu hàng tiến hành giữa Trung Nhật hoàn tất. Kháng chiến kể như kết thúc, Mao Trạch Đông rời Trùng Khánh về Diên An và công bố “ký lục hội đàm”. Nội chiến không thể tránh được.
Nói cho đúng, cuộc đàm phán hy vọng thêm một lần hợp tác nữa là kết quả của đầu óc quá giàu tưởng tượng. Mao, Tưởng qua hai lần hợp tác vẫn giữ nguyên vẹn người này mưu đồ nuốt chửng người khác. Tưởng lúc nào trong đầu cũng mang sẵn ý nghĩ tiêu diệt Cộng sản. Mao luôn luôn rình rập cơ hội để sát hại Quốc dân đảng.
Sở dĩ Mao lưu lại Trùng Khánh lâu như vậy mục đích chỉ là tiến hành công tác phân hóa nội bộ Quốc dân đảng. Tuyệt nhiên Mao không hề luyến tiếc hòa đàm.
Mỹ quốc phái tướng Marshall tới Trung Quốc để làm trọng tài cho cuộc điều đình Quốc Cộng thoát khỏi nội chiến. Hai bên ký hiệp định đình chiến và ban bố đình chiến lệnh. Hai bên thỏa thuận mở hội nghị hiệp thương chính trị ở Trùng Khánh. Lần này cũng hão huyền luôn vì cả hai bên đều thấy rằng không đánh nhau không xong.
Khi hội nghị hiệp thương chính trị bắt đầu thì cục diện Trung Quốc nhanh chóng ác hóa. Tiếp thu các chiếm đóng khu ở trong tình trạng cực hỗn loạn, dân chúng oán thán rầm trời. Cái phong khí quan lại trụy lạc trở lại. Mấy trăm triệu người sống trong đen tối của khu chiếm đóng lúc nào cũng yên trí hướng về ánh sáng của chính phủ kháng chiến. Họ chẳng khi nào ngờ vực lòng quả cảm trong sạch của những người đã từng gian khổ để đuổi giặc, thế mà bây giờ họ biết họ đã lầm. Bao nhiêu lòng nhiệt thành ủng hộ, đón mừng chỉ trong vài tháng tiêu tan.
Phần tử trí thức khu vực chiếm đóng đi tiên phong của phong trào uất hận tuyệt vọng. Tuyệt vọng và uất hận vì người có trách nhiệm tiếp thu khu luân hãm chẳng thèm biết rằng ở đây cũng có gian khổ đấu tranh. Nhân viên Trùng Khánh về Bắc Bình cho tập họp bọn giáo sư ngụy và học sinh ngụy để lên tiếng xỉ vả.
Tối trọng yếu là vấn đề kinh tế, thắng lợi làm cho tiền tệ khu chiếm đóng buộc phải mất gì đem đổi lấy tiền chính phủ kháng chiến. Với chính sách này, chính phủ Dân quốc đã làm mấy trăm triệu người phá sản trong một thời gian kỷ lục.
Quốc nạn mới khai thủy kể từ kháng chiến kết thúc Nga Sô thừa kế Nhật Bản đem quân đóng khắp miền Đông Bắc. Vì Nga Sô là đồng minh nên Tưởng Giới Thạch không ra mặt phản đối việc Nga gỡ hết máy móc cơ xưởng vùng Hoa Bắc nên ngầm phát động phong trào phản kháng trong dân chúng mà mục tiêu chính là nhằm đả kích Cộng Sản. Để đối phó Trung Cộng rầm rộ hơn chuyển phong trào dân tộc đả kích nội chính.
Chiến tranh Quốc Cộng lan tràn, vấn đề Đông Bắc hết quan trọng vì xương máu lại rơi đổ khắp nơi.
o0o
Kháng chiến thắng lợi, quân mệt mỏi, dân mệt mỏi chẳng bụng dạ nào còn hăng hái. Bề ngoài binh bại trên chính sách kinh tế nên ưu thế kia không thể tồn tại. Cái cảnh hoàng đế sai lũ dân đói khát trông lực chính phủ Quốc dân có vẻ chiếm ưu thế, nhưng bề trong tinh thần bì quyện của quân đội thêm thất thật thảm thương. Chiến tranh phá hoại cực nhanh chóng phong khí xã hội, đạo đức mất hết chỉ còn lại tham lam và vô sỉ. Tám năm trời gian khổ, khí tiết con người bị đói rét tiêu hủy không dễ chốc lát xây dựng được.
Trong chiến tranh, phần tử trí thức đã cố gắng chịu khổ mong giữ cho lòng trong sạch, thế mà xã hội bạo lợi chẳng để yên, nó miệt thị khinh rẻ bọn trí thức gàn dở vô dụng. Chiến tranh trong một lúc nào đó có thể làm biến mất chất cả một nền văn hóa.
Thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên trong chiến tranh ít được giáo dưỡng kỹ càng nên ưa phù phiếm, lấy sự xa hoa làm cao quý, tất cả mục đích sinh tồn chỉ là hưởng thụ hoang phí vậy thì chỉ có việc lao vào tranh đấu tranh thủ kim tiền.
Một xã hội như vậy, Cộng sản đánh thắng không khó khăn.
Văn hóa đấu tranh rơi vào tay Cộng sản
Tháng 9 năm 1939, thế chiến bùng nổ ở Á châu. Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương tìm mọi cách để canh chừng và kìm hãm dân tộc Việt. Chính sách khủng bố diễn ra ở khắp nơi. Tiếp đó, tình hình chính trị trong ngoài nước biến chuyển dồn dập. Tháng 6-1940 nước Pháp bị chiếm đóng, tháng 9 năm 1940 Nhật Bản thực sự xâm lược Đông Dương. Pháp bắt tay với Nhật chịu chia quyền với Nhật ở Đông Dương. Nhiều vụ khởi nghĩa của dân Việt nổi lên khắp nơi.
Năm 1941, CS cho ra đời mặt trận Việt Minh nêu khẩu hiệu giải phóng dân tộc, ra sức tranh thủ sinh viên, trí thức và tư sản. Lúc bấy giờ hàng ngũ các tầng lớp trí thức bị phân hóa, một bộ phận thân Nhật, một bộ phận tán thành Việt Minh, một bộ phận còn lưu luyến Pháp. Càng về sau, số thân Pháp ngày một ít, số thân Nhật thất vọng. Việt Minh liền thả màng lưới vơ vét.
Nhật Pháp biết không thể chỉ đàn áp mà dập tắt được sự chống đối của dân chúng. Chúng liền cho khôi phục các đồi phong bại tục, truyền bá những tư tưởng phản động, lập ra phong trào khỏe để lôi cuốn thanh niên đồng thời cũng chủ để cho thanh niên mải mê huy chương áo vàng quên mất chính trị. Các khuynh hướng văn học tiến bộ bị triệt để ngăn cấm.
Văn học lãng mạn chỉ còn làm công việc phỉnh nịnh thú vui đê cấp của độc giả.
Tự lực văn đoàn cũng hết thời lãnh đạo.
Văn hóa đấu tranh bị bỏ trống. Cộng sản bí mật phát hành tập Đề cương văn hóa Việt Nam. Công khai thì có nhà xuất bản Hàn Thuyên của nhóm đệ tứ Tờ rốt kít. Báo Tri Tân tranh đấu cho chủ nghĩa Dân Tộc và báo Thanh Nghị của một số nhà trí thức tiến bộ. Tuy báo này lại do Đặng Thái Mai người trí thức thiên tả thao túng. Trong bài nhan đề bàn về nguyên tác sáng tác.
“Lịch sử văn nghệ đã chứng thực rằng: một thời kỳ lịch sử vẫn có một nền văn học riêng. Và một nhà văn bao giờ cũng đại biểu cho một giai tầng xã hội Phú Tư Mã Tương Như đến nay còn truyền tụng là một lối văn chuyên môn mô tả vườn hoa và thú đi săn bắn của vua Hán. Lý Bạch là một người tôi hầu hạ nhà vua trong ban văn học!”. Ngót hai ngàn năm đế chế ở Trung Quốc đã sản sinh được một đội thị vệ văn học đua nhau múa bút, nặn lời viết nào là chiếu biểu, là trướng thượng thọ, nào là văn tế, nào là bia để mả. Những nhà văn cao cách hơn không thèm viết những lối văn ấy thì cũng ngồi mà gõ bằng bằng trắc trắc, tìm từ trong huấn hộ điển mô, lựa lọc những vế chữ đối cho chỉng để dâng các nhà quý tộc một ít văn chương tiêu khiển, hoặc để ca tụng, để ủng hộ chế độ chính tài. Trong lang văn đó nếu có kẻ gặp thời thì tới một địa vị cao quý, tâm tình họ được thư thái trong cảnh ngộ an nhàn thì chơi nơi dặm khách vui cùng nước non để vịnh nhưng cảnh vật thiên nhiên hoặc là nằm bẹp trong chốn thư phong, đập kinh chuyện ngày xưa ra mà tầm chương trích cú đem những danh ngôn đời trước đảo ngược đảo xuôi mà viết những bài văn chương thù tạc. Văn chương họ nếu chải chuốt bóng bẩy thì đã có bề trên đỡ đầu và được ấn hành lưu truyền tới đời sau. Một bọn nữa sinh chẳng gặp thời hóa ra sinh kế một ngày một đốn, họ viết thế nào viết cho ai? Thôi đành luẩn quẩn nhìn tháng trọng ngày qua, tự an ủi với cái cao vọng là văn thơ mình chỉ có thể tàng chi danh sơn, truyền chi hậu thế giấu vào chốn núi đẹp để truyền cho đời sau. Văn chương của bấy nhiêu nhà văn bất đắc chí nếu không kết tinh vào những khúc phẫn uất lâm ly thì cũng biểu hiện những mối tình hoài phóng khoáng và thoát tục những ý tưởng hoài nghi yếm thế.
Dưới chế độ phong kiến, địa vị nhà văn cố nhiên là cao quý hơn dân chúng. Tuy vậy đối với vua, họ chỉ là một lũ hề để làm vui cung điện miếu đường mà thôi. Lúc vua Càn Long nhà Thành hạ Giang Nam người văn thần được vua yêu quí hơn hết là Kỷ Hiểu Lam có vào can đừng đi. Càn Long cười gằn ra vẻ giận dữ trả lời rằng: Chú cũng dám can gián kia à? Chú đối với trẫm chẳng qua là một con đào hát, một thằng hề đồng, lâu nay nuôi nấng trong nhà để hầu làm vui mà thôi.
Văn học sử Pháp còn ghi lại những lời chua chát của nhà thi sĩ Marot. Ai cũng biết rằng đối với vua Phơ răng xoa, Marot chỉ là một vai “ba lơn” phải luôn luôn khẩn khoản với “bệ hạ” mà xin tiền ăn mặc. Marot đã viết trong một bài thơ hiện nay còn truyền:
Hạ thần biết nói gì hơn nữa? Tấm thân khốn khổ
Mà hạ thần mô tả cùng bệ hạ, bây giờ chỉ còn
Chút tinh thần yếu đuối rền rĩ than vãn
Và vừa khóc lóc, vừa cố hơi cố sức làm cho bệ hạ vui cười
Văn sĩ và thi sĩ thời phong kiến, nếu không sinh trưởng ở giai tầng quí phái thì chỉ là một con hát con đào của quí tộc.
Sau khi giai tầng quí tộc đã bị bọn thị dân khuynh loát sau khi qui mô kinh tế đại địa chủ đã vỡ lỡ và sinh hoạt xã hội đã kiến thiết trên một nền tảng mới thì văn học dần dần biến tướng. Các thành phố lớn đã thành chỗ tập trung các nhà văn. Trên các thị trường to nhỏ, tác phẩm văn học cũng như trăm ngàn món hàng khác, phải chịu luật cạnh tranh thương trường chi phối. Viết xong một cuốn sách, nhà văn phải cần một nhà xuất bãn, cần mà cả trên món tiền nhuận bút cò kè bớt một thêm hai, cần quảng cáo cần có người tiêu thụ cho, nghĩa là phải cần chiều thời thương, phải hợp với nhu yếu sở thích của độc giả thì đối với ông chủ nhà xuất bản, các ông nhà văn cũng chỉ là một bác thợ trí thức làm khoán mà thôi. Ông nào được tín nhiệm thì tiền công được cao, ông nào không được đặc ân ấy thì sẽ bị bỏ rơi và tha hồ mà bực tức mà buồn bã mà viết những câu văn căm giận hoặc chán chường! Nhiều nhà đại biểu của văn học tư sản cũng đã cảm thấy những nỗi thất vọng trong tình cảnh mới của làng văn. Ngay từ 1667, Boileau nhà văn cổ điển Pháp đã viết:
Ngay sau lúc một nhà thi sĩ nẩy nở trong khuôn ấn loát
Là lúc chàng đã thành nô lệ của khách mua
Trong một xã hội mà ai cũng nhận rằng vạn tội bất như bần và chỉ có đồng tiền đủ thế lực để đi trước, đứng trên trong một thời kỳ mà bọn trọc phú càng vô lương tâm càng ngu xuẩn chừng nào lại càng hách dịch kiêu căng với thiên tài với trí tuệ của chúng thì phường trí thức chỉ có hai đường đi một là xa hẳn giai tầng mình, hy sinh hết bản ngã của mình dựa theo sở thích của lũ hãnh tiến, lũ “parvenus” để mà in sách mà bán văn chương hê ha ngâm vịnh theo luận điệu duy tâm, say sưa với hình ảnh của mình, viết những bộ tiểu thuyết ngắn hay dài, đem giọng lãng mạn mà tiêu khiển các ông bà, cô cậu tư sản trong lúc chúng ngáp dài ngáp ngắn, trước cái mặt quầy đã trơn lỳ dưới bàn tay vơ đi vét lại, trên một bậc nữa thì viết những sách dài sùng sục về triết học về lý luận về xã hội học, kinh tế học, để tán dương ủng hộ một chế độ đã đèo mình tới địa vị cao quí. Nói tóm lại họ chỉ là một lũ đỉ bút mực. Hai là nhà văn đã cố sức giữ lấy lòng trinh bạch và không chịu hy sinh bản ngã, thì lẽ tất nhiên phải đọa lạc, phải nghèo khổ, tha hồ cho lửa cơ đốt ruột dao hàn cắt da. Trong tình cảnh ấy nếu nhà văn không buồn rầu chán nản, không thốt ra những đoạn văn lãng mạn sầu não lâm ly, thì tất là phải bực tức giận dữ, tìm một lối văn để biểu hiện những tư tưởng mới đã lĩnh hội được trong sự mâu thuẫn của sinh hoạt. Vì vậy nên trong những buổi giao thời, trong một chế độ sắp đổ nát là một lối văn tân tiến, một nền văn học tiên tiến phải xuất hiện. Giải nghĩa danh từ thiên tai của một nhà triết học hiện đại chủ trì rằng thiên tài không phải là ngưòi đã rút trong trí khôn của mình những ý nghĩ hoàn toàn mới mẻ để đổi mới cục diện thế giới, cải tạo xã hội mà thiên tài chỉ là một nhân cách đào luyện trong cuộc sinh hoạt xã hội và đã nhận thấy trong xu hướng đại chúng của một phương pháp thích nghi để giải quyết những sự khủng hoảng của thời đại.
Để kết luận Mai đưa vào bài luận văn của mình một lập lý bênh vực cho văn học vô sản hiện đang lên tại tổ chức xô viết. Những điều Mai ca tụng thì nhà văn Ba Lan danh tiếng là Milosz trong cuốn tư tưởng mắc bẫy (La pensée captive) đã công kích kịch liệt.
Tiếp theo Đặng Thái Mai là Trường Chinh viết bài: Mấy nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa mới lúc này. Bài này nhằm mục đích đả kích nhà xuất bản Hàn Thuyên, khởi sự cho cuộc đấu tranh chính thức giữa đệ tam và đệ tứ quốc tế để nắm quyền lãnh đạo vận động văn hóa, đồng thời cũng là cuộc đấu tranh giữa đảng cộng sản Pháp với âm mưu tư bản Pháp định dùng đệ tứ bẻ gẫy đệ tam.
Trường Chinh lập luận: Vấn đề văn hóa được đặt ra một cách hăm hở nhiệt liệt, nhưng không ai để ý đến phương châm vận động văn hóa mới.
Việc tìm nguyên tắc vận động là phải nhìn ngay vào tình trạng văn hóa nước Việt Nam hiện tại.
Xét văn hóa Việt Nam lúc này thấy ba hiện tượng:
a) Vì còn là một thuộc địa cho nên văn học hợp pháp hầu hết phải bội tinh thần dân tộc độc lập. Kỹ nghệ, yếu kém nên hành chính khác nhau, sinh hoạt các vùng sai biệt nên văn hóa Việt Nam thiếu thống nhất.
b) Vì là một nước nông nghiệp nên đầu óc đồng bào ta rất non kém trên khoa học. Trình độ yếu kém về khoa học ảnh hưởng không tốt đến các ngành văn học nghệ thuật khiến cho những sản phẩm văn hóa mang đầy tính chất huyền bí phản thực tại.
c) Bệnh mù chữ trầm trọng không kém gì nạn đói, văn học nghệ thuật là đặc quyền của bọn quyền quí nên văn học không có rễ đại chúng, kết quả là cằn cỗi héo non.
Để kết luận, bài này cho rằng vận động tân văn hóa lúc này phải theo ba nguyên tắc, ba khẩu hiệu: dân tộc hóa- khoa học hóa- đại chúng hóa. Gần cuối bài, Trường Chinh lên tiếng công kích nhóm tân văn hóa Hàn Thuyên đã dám tự nhận là khoa học, nhưng đã phản lại duy vật biện chứng tức là phản khoa học. Nhóm Hàn Thuyên tự nhận không dám bênh vực quyền lợi văn hóa cốt yếu của đại chúng, họ tỏ ra yếu sịu trước những thủ đoạn tuyên truyền của viện văn hóa Nhật Bản hay của nhà xuất bản Alexandre de Rhodes. Đáng lẽ phải tập trung văn hóa để chống lại văn hóa thoái bộ phong kiến và văn hóa phát xít thì họ lại thi hành chính sách văn hóa chia ngọn lửa đấu tranh vào các nhà văn hóa dân tộc của Tri Tân và Thanh Nghị.
Bài của Trường Chinh chẳng có điểm nào mới mẻ đặc sắc, nó chỉ là sự nhai lại nhưng kinh nghiệm những khẩu hiệu của vận động Ngũ Tứ. Tuy nhiên bài này cho người ta thấy Cộng sản hết sức chú ý đếm mặt đấu tranh văn hóa.
Tiêu diệt tờ rốt kít trí thức
Tên trùm mật thám Marty của thực dân Pháp ở Đông Dương có ghi lại nhiều điểm quan trọng trong cuốn: “Góp phần tìm hiểu các phong trào quốc gia" y thường tỏ ý chê bai tỉ dụ như nói về Tân Việt đảng y viết:
“Đoàn thể chính trị không được tổ chức, không có chương trình và phương tiện hoạt động nhất định để đạt tới mục tiêu nhất định, không có liên lạc giữa các đảng viên: mỗi người hành động theo ý mình mà không tiên đoán những cản trở trên đường.
Những người cách mạng này không biết gì về tình hình chính trị Đông Dương. Họ cũng không thảo nổi một kế hoạch thích nghi với hoàn cảnh. Ai cũng muốn cho An Nam độc lập nhưng không ai ấn định phương thức hoạt động. Người thì chủ trương dùng võ lực chiếm lại xứ sở, người thì chủ trương ôn hòa với người Pháp (theo bản dịch của giáo sư Nguyễn Văn Trung).
Nói về Quốc dân đảng y viết:
Những luật lệ của họ bắt chước cương lĩnh của Quốc dân đảng Trung Hoa; chủ nghĩa của đảng chỉ được phác họa sơ sài. Tất cả những gì người ta biết được là đảng chủ trương dân chủ xã hội. Những lãnh tụ không bao giờ xác định ý tưởng của họ về những vấn đề xã hội và những tầng lớp của xã hội An Nam mà họ nhằm tuyên truyền, hình như cũng không để ý nêu lên những vấn đề đó trước khi chấp nhận những lời tuyên truyền của họ… Những truyền đơn của Quốc dân đảng chỉ thấy hô hào bạo động nổi loạn. Sự nghèo nàn về văn tự của Quốc dân đảng ở tại chỗ họ không đưa ra một chương trình xã hội nào. Chính mình còn không biết sẽ đưa xứ sở đến đâu nên các lãnh tụ đảng cũng rất ít để ý đến việc giáo dục đảng viên. Vì thế họ chỉ đưa ra những nhận định thông thường về việc nước bị mất và nước Pháp vô nhân đạo trong các tài liệu của họ (theo bản dịch của giáo sư Nguyễn Văn Trung). Trái lại khi nhận định về các cuộc vận động của Cộng sản Marty đã viết để nói rõ sự nguy hiểm của các cuộc vận động này:
“Những rối loạn mà Cộng sản đã gây nên trong những năm 1930-1931 trong một vài vùng ở xứ An Nam là những vụ trầm trọng nhất mà chính quyền địa phương phải đối phó đàn áp từ trước khi nước Pháp chiếm đóng xứ này… Có điều không thể chối cãi được là những nguyên nhân vẫn có thể bó buộc phải đưa đến những hậu quả tương tự và sự phục sinh của đảng Cộng sản Đông Dương tạo thành một mối nguy hiểm trầm trọng cho trật tự công cộng mà chính phủ có bổn phận phải làm tê liệt nó.
Qua nhận định của Marty vốn là tên thực dân cáo già, một tên tình báo nhà nghề rất am tường tình hình, người ta có thể thấy được ngay rằng: kể từ sau khởi nghĩa Yên Bái của những người quốc gia yêu nước thất bại thì Cộng sản đã nắm được lãnh đạo quyền đấu tranh chính trị ở Việt Nam. Đối với thực dân Pháp chỉ có Cộng sản mới là một thứ đảng mới đảng của thời đại với hệ thống thế giới chọi với hệ thống đế quốc thế giới. Các đảng phái quốc gia không thể đương đầu với thực dân từ gốc rễ của nó. Các đảng phái quốc gia nhiều lắm chỉ mới nhìn thấy Trung Quốc hay Nhật Bản là cùng. Các đảng phái quốc gia lại rất ít kinh nghiệm đấu tranh thứ nhất là kinh nghiệm chính quyền, lật chính quyền, giành chính quyền và giữ chính quyền. Bằng cớ rõ rệt nhất là nội các Trần Trọng Kim, nội các được thành lập sau khi Nhật Bản lật chính quyền Pháp tại Đông Dương, khi Nhật Bản đầu hàng, ông Trần Trọng Kim lại tự ý rời khỏi Thủ Tướng phủ ra ở ngoài phố để chờ giao quyền cho Việt Minh.
Tuy nhiên không phải chỉ riêng Cộng sản chỉ có những điều kiện ưu việt nói trên. Còn người anh em thù hận tức là nhóm tờ rốt kít chia sẻ những điều kiện đó. Cho nên CS để đấu tranh giành chính quyền, trong sách lược chiến tuyến thống nhất có thể bắt tay đoàn kết hay liên hiệp với các đảng phái quốc gia, để mượn danh nghĩa dân tộc. Nhưng CS nhất định phải giết, phải tiêu diệt bọn tờ rốt kít. Đúng kế hoạch đã thảo ra từ lâu, khi đệ tam quốc tế CS cướp được chính quyền Đông Dương thì các lãnh tụ đệ tứ như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, v.v… (cũng là những người trí thức nhiều thành tích đấu tranh nhất) lần lượt bị thủ tiêu.
Kháng chiến
Nửa đêm hôm 14 tháng 9-1946, ông Hồ Chí Minh đến gõ cửa Moutet nói:
Tôi đến đây bằng lòng ký tạm ước.
Ký xong ông than thở với một người Pháp:
“Tôi vừa ký một bản án tử hình của tôi”.
Ngày 15 ông Hồ Chí Minh xuống Marseille, thợ thuyền tiếp đón ông lạnh nhạt thờ ơ khác hẳn với sự tiếp đón lúc trước. Hồ Chí Minh hiểu ý họ nên đứng ra ngập ngừng giải thích về lý do phải ký tạm ước. Thợ thuyền không thỏa mãn với những lời giải thích quanh co hô to:
Việt gian!
Việt gian!
Đệ tứ quốc tế đã tổ chức và vận động phản đối Hồ Chí Minh ngày hôm đó.
Trong khi ấy ở Hà Nội phe quốc gia đã bị tiêu diệt lần mòn vì quá ư tin tưởng vào lòng thành thật cộng tác giữa hai ông già Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh. Lề lối chính trị “tòng long” cố hữu của phe quốc gia hoàn toàn phá sản trước thỏa hiệp Pháp-Cộng sản bẫy Tầu ra khỏi Việt Nam. Quân đội Trung Hoa về nước thì phe Quốc gia cũng hết chỗ bấu víu xô nhau chạy.
Mặc dầu có tạm ước Moutet nhưng tại Đông Dương, đô đốc D’Argen-Lieu vẫn hối thúc tay chân của ông tìm mọi cách gây hấn. Ngày 20 tháng 11 một vụ bé xé ra lớn, đại tá Dèbes hạ lệnh pháo kích Hải Phòng. Đô đốc D’Argen-Lieu đánh điện khen ngợi tướng Vally người đã cho phép Dèbes làm dữ.
Ngày 30 tháng 11, Quốc hội Hanoi nhóm họp, gửi thông điệp sang Ba Lê yêu cầu Quốc hội Pháp làm trọng tài giải quyết các vụ lưu huyết vừa xảy ra. Trong thông điệp có ghi:
“Dân tộc Việt Nam chúng tôi cương quyết muốn hợp tác với dân tộc Pháp, yêu cầu Quốc hội Pháp can thiệp bằng cách gửi qua một ủy ban điều tra tại chỗ”.
Quốc hội Pháp gửi Sainteuy qua Hanoi gặp Hồ Chí Minh. Hai người đều đồng ý là tất cả đã quá chậm. Hà Nội đã khởi sự tản cư.
Ngày 17 tháng 12 Chính phủ Léon Blum được tấn phong. Việc làm đầu tiên của ông Blum là gửi Montet qua Đông Dương, ngày 19 tháng 12 Montet lên đường qua Saigon. Ngay tối hôm ấy súng đã nổ khắp Hanoi.
Trước lòng căm phẫn của toàn thể nhân dân Việt, trước sự khiêu khích khinh mạn của quân đội Pháp, Chính phủ Việt Minh không thể tiếp tục chính sách thỏa hiệp với Pháp được nữa. Tiếp theo kháng chiến Nam Bộ là kháng chiến toàn quốc.
Ngày 2 tháng 1 Montet tới Hanoi đi quan sát và ở tại đấy 2 ngày rồi về Saigon tuyên bố:
“Tôi hết sức buồn thấy thảm trạng ở Hanoi. Tôi muốn tai nghe mắt thấy và bây giờ tôi có đủ bằng cớ rằng Việt Nam đã mưu tính bạo động từ lâu.
Tôi nói rõ lập trường của tôi: đêm 19 tháng 12 tại Hanoi đã xảy ra do mưu tính kia và chúng tôi phải dùng võ lực đối phó… Chừng nào quân đội lập lại trật tự rồi chừng đó mới có thể nghiên cứu vấn đề chính trị”.
Thế là mọi hy vọng điều đình cũng tiêu tan luôn qua lời tuyên bố của Montet.
Quyền lãnh đạo kháng chiến
Lãnh đạo quyền trên cơ bản ý nghĩa là quyền lực căn bản quyết định phương hướng căn bản của một công cuộc. Công năng của nó giống như bánh lái của chiếc xe hay kim chỉ nam của chiếc tàu biển.
Lãnh đạo quyền kháng chiến chống Pháp do CS nắm giữ thì công cuộc kháng chiến không còn chỉ là việc giữa dân tộc thuộc địa giành độc lập đánh đuổi đế quốc thực dân mà còn duỗi rộng vào nhiều quan hệ khác.
Bởi vậy khi Trung Cộng tiến sát biên giới Hoa Việt và đất Tàu được đặt làm hậu cứ cho bộ đội Việt thì Trung Cộng ra ngay điều kiện đòi hỏi chính phủ Hồ Chí Minh phải chấm dứt tình trạng mù mờ nghĩa là phải công khai đứng vào trận tuyến Cộng sản. Những năm 1950-1951 hàng ngũ kháng chiến phải chịu sự thanh trừng lớn lao, tất cả những phần tử yêu nước không Cộng sản đều bị loại bỏ. Chiến tranh tiếp tục đẩy tình thế ra khỏi tay chính Pháp cũng như ra khỏi tay dân tộc Việt để trở thành chiến tranh giữa hai khối tư bản và xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh đi Bắc Kinh thì De Lattre cũng đi Hoa Kỳ. Cố vấn Nga Tầu vào Việt Nam thì cố vấn Hoa Kỳ cũng lên đường tới Đông Dương.
Trên tư tưởng, trên văn hóa cuộc kháng chiến chống Pháp cũng được tiến hành bằng ý thức kháng chiến là hình thức cao của đấu tranh giai cấp.
Kháng chiến được tiến hành với hai tâm lý căm thù thực dân và căm thù giai cấp. Văn học kháng chiến mấy năm đầu là văn học yêu nước nhưng mấy năm sau là văn học Mác Xít đấu tranh giai cấp. Hình dáng người chiến sĩ yêu nước mở đầu để thay thế vào đó hình dáng người anh hùng lao động công nông và những nỗi uất hận nghẹn ngào của lão Hạc (nhân vật tiểu thuyết của Nam Cao) và Chí Phèo (cũng của Nam Cao) của Điền với tâm trạng :
“Chao ôi đẹp lắm. Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp,biết bao người quằn quại nức nở nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình. Biết bao nghiến răng và chửi rủa. Biết bao cực khổ và lầm than. Không không Điền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy, sự thật giết chết những ước mơ lãng mạn, gieo trong đầu óc Điền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Điền muốn trốn tránh sự thực nhưng trốn tránh làm sao được. Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ. Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa cũng cùng một cảnh khổ như Điền. Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của con người ta. Tiếng đau khổ vang dậy mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh. Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón nhận lấy tất cả những vang động của đời…”
(Trích trong truyện ngắn Trăng Sáng, Nam Cao)
CHƯƠNG THỨ CHÍN
LUÂN LẠC VÀ PHÁN TỈNH
Sự cùng thể bách chi nhân, đương nguyên kỳ sơ tâm.
(Trích THÁI CĂN ĐÀM)
Bà mẹ Karl Marx thường phàn nàn với các bạn hữu của con bà: “Giá thằng Marx nhà tôi nó chịu khó đi kiếm chút tư bản còn hơn cả ngày nó loay hoay với công việc luận về tư bản”.
Chính hiệp
Do những vận động phản đối nội chiến của phần tử trí thức toàn quốc nên ngày 31 tháng 1 năm 1946 sau 20 ngày thảo luận tại Trùng Khánh, hội nghị hiệp thương gồm đại diện Cộng sản đảng, Quốc dân đảng, các đảng và nhân sĩ không đảng phái đã thông qua 5 nghị án.
1- Đối với vấn đề tổ chức chính phủ, hiệp nghị xác định.
a) Sửa đổi tổ chức chính phủ quốc dân, tăng thêm người vào chính phủ để sung thực ủy viên hội.
b) Ủy viên chính phủ do chủ tịch chính phủ tuyển nhiệm từ những nhân sĩ trong hay ngoài Quốc dân đảng.
c) Khi chủ tịch chính phủ yêu cầu thì các đảng phái đề cử trong trường hợp chủ tịch không đồng ý các đảng phái phải đề cử người khác.
d) Khi chủ tịch chính phủ muốn tuyển nhiệm người không đảng phái thì nếu người ấy bị một phần ba phản đối, chủ tịch phải tìm người khác.
e) Nửa danh sách ủy viên do Quốc dân đảng đảm nhiệm, nửa số kia sẽ do các đảng phái và nhân sĩ hiền năng đảm nhiệm.
f) Quốc dân chính phủ cũng được gọi là cơ quan tối cao quốc sự có quyền lực qua thảo luận và quyết định nguyên tắc lập pháp, những châm phương thi hành chính sách, đại kế quân chính, dự toán và kế hoạch tài chính.
2- Cương lĩnh hòa bình kiến quốc bao quát 9 chương “tổng tắc”, quyền lợi nhân dân chính trị, quân sự ngoại giao kinh tế tài chính giáo dục văn hóa, cứu tế, kiều vụ.
a) Chương tổng tắc quy định: Các đảng phái trong nước đoàn kết nhất trí kiến thiết Tân Trung Quốc thống nhất tự do- Thực hành chính trị dân chủ hóa, quân đội quốc gia hóa và đảng phái bình đẳng hợp pháp- Dùng phương pháp chính trị để giải quyết xung đột chính trị để phát triển và bảo vệ hòa bình quốc gia.
b) Chương nhân dân quyền lợi quy định: Bảo vệ tư do thông tin, cư trú, di tản, kết xã, tập hội, xuất bản, ngôn luận, tín ngưỡng, tôn giáo, tư tưởng, thân thể của mọi người dân- Nghiêm cấm những cơ quan không phải là cảnh sát hay tư pháp bắt giam, thẩm vấn, xử tội nhân dân.
c) Chương chính trị quy định: Chỉnh đốn lại cơ cấu hành chính các cấp, giản hóa thủ tục hành chính, thực hành phân tầng phụ trách- Dùng người không được kỳ thị phe phái, phải căn cứ vào năng lực hạnh kiểm- Cấm chỉ kiêm chức. Gắt gaothi hành chế độ giám sát. Nghiêm trừng tham ô. Tích cực thi hạnh tự trị địa phương- Thực hành bầu cử từ dưới lên trên- Quyền hạn trung ương phải áp dựng nguyên tắc phân quyền (chia đều)- Mỗi nơi có thể tùy điều kiện nơi mình thi hành chính sách một cách linh động nhưng không được vi bội pháp lệnh Trung ương.
d) Chương quân sự quy định: Kiểm chế quân đội phải hợp với nhu yếu quốc phòng- Phải y theo chính thế dân chủ và tình hình trong nước để cải cách quân chế- Thực hành Quân Đảng phân lập- Quân dân phân trị- Cải tiến giáo dục quân sự- Sung thực trang bị. Kiện toàn nhân sự để kiến thiết một quân độ quốc gia hiện đại hóa- Quân đội toàn quốc phải y theo kế hoạch chỉnh quân.
e) Chương tài chình kinh tế quy định: Đề phòng sự phát triển của tư bản quan liêu, nghiêm cấm quan lại lợi dụng quyền thế địa vị để đầu cơ, lũng đoạn trốn thuế, lạm dụng công khoán và công cuộc giao thông- Thực hành giảm tô giảm tức, bảo vệ tá điền, khoáng đại việc cho nông dân vay tiền- nghiêm cấm cho vay nặng lãi để cải thiện sinh hoạt nông dân- Tiến hành pháp lệnh ruộng đất để chóng đạt tới mục đích người cày có ruộng- Thực hành pháp lệnh lao động cải thiện lao động điều kiện- Tài chính công khai, triệt để thi hành chế độ dự toán và quyết toán- Giảm chi xuất, bình hành thâu chi- Phân định tài chính Trung ương và địa phương- Ổn định tiền tệ, công bố việc sử dụng ngoại tệ- Cải cách thuế chế.
f) Chương giáo dục văn hóa quy định: Bảo vệ học thuật tự do. Không lấy tư tưởng tôn giáo hay chính trị can thiệp vào hành chính học đường- Trong dự toán quốc gia phái tăng gia kinh phí tỉ xuất cho sự nghiệp văn hóa giáo dục- Đình chỉ mọi kiểm soát bưu điện báo chí, xuất bản, điện ảnh đã áp dụng lúc chiến tranh.
4- Vấn đề thảo Hiến pháp, hiệp nghị quy định: Tổ chức ủy viên hội thẩm nghị việc thảo Hiến pháp- Sửa đổi thẻo án Hiến pháp của Quốc dân đảng đặt định nguyên tắc sửa đổi hiến chương.
5- Vấn đề quân sự, hiệp nghị quy định: Chế độ quân đội phải cải cách y theo chính chế dân chủ và tình hình trong nước- Cải thiện chế độ trưng binh- Giáo dục quân đội phải tuân theo nguyên tắc kiến quân: vĩnh viễn đứng ngoài quan hệ cá nhân, quan hệ đảng phái- Thực hành quân đảng phân trị, bất cứ cá nhân hay đảng phái nào cũng không được dùng quân đội làm công cụ tranh chấp chính trị- Thực hành quân dân phân trị, tất cả những quân nhân hiện dịch không được kiêm nhiệm chức vụ hành chính- Quân đội Quốc dân đảng cũng như quân đội Cộng sản trong các khu giải phóng cùng phải nhanh chóng chỉnh biên.
Phần tử trí thức khắp nước đón mừng 5 nghị án trên như cơn mưa đến trong vùng khô hạn. Họ nghĩ đây là một đoàn kết lý tưởng, lòng yêu nước chung đã lấn át hết thẩy mọi quyền lợi, ý đồ chính trị riêng tư. Nhưng sự thực diễn ra trái ngược hẳn mà người trí thức còn bị lầm lẫn bởi cái tâm chất cao quý của họ. Quyền lợi tranh chấp chính trị thường luôn luôn gạt trí thức ra ngoài và làm sáng mắt họ.
Năm nghị án khi đem ra thi hành, mỗi bên Quốc Cộng đều căn cứ trên sức mạnh vũ trang mà diễn đạt ý nghĩ văn kiện theo lý lẽ súng ống của mình. Khoảng chừng ba tháng sau hiệp định, đình chiến gần như bị hoàn toàn xé bỏ và sáu tháng sau thì quyết nghị chính hiệp cũng mất hiệu lực.
Ngày 20 tháng 7-1946 một tờ báo của đối phương “Lấy chiến tranh tự vệ đập tan cuộc tấn công của Tưởng Giới Thạch” như sau:
“Tưởng Giới Thạch phá hoại hiệp định đình chiến, phá hoại quyết định chính hiệp, tại Đông Bắc đã đánh chiếm Trường Xuân Tứ Bình của ta. Hiện tại ở Hoa Đông Hoa Bắc đang chuẩn bị đại tấn công ta. Chỉ có chiến tranh tự vệ đập tan cuộc tấn công của Tưởng Giới Thạch rồi mới có thể khôi phục hòa bình.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Phương pháp tác chiến thắng Tưởng Giới Thạch là vận động chiến Nhân thử, sẽ có một số địa phương, một số thành thị mà chúng ta phải tạm thời dời bỏ. Đó không phải là miễn cưỡng mà là cần thiết. Tạm thời rời bỏ những địa phương ấy, đô thị ấy để tranh thủ thắng lợi tối hậu. Điểm này toàn đảng và toàn dân các vùng giải phóng phải thông hiểu để chuẩn bị tinh thần…”
o0o
Quân của Quốc dân chính phủ mặc dầu tập trung hơn hai triệu mà vẫn không hoàn toàn kiểm soát được hai thiết lộ Bình Hán và Bồ Tân, hai động mạch của Trung Quốc. Mặc dầu đã huy động tới ba bốn trăm ngàn mà quân tinh nhuệ Quốc dân đảng vẫn không làm chủ được tình thế Đông Bắc.
Thế đủ rõ binh sĩ sau kháng chiến đã chán ghét chiến tranh, dân chúng cũng không cổ vũ ủng hộ hành động quân sự. Dân tâm sĩ khí như vậy còn vấn đề cấp dưỡng, chiến lược chiến thuật và vũ khí thì sao?
Năm 1946 Quốc quân còn giữ ưu thế trên chiến trường là bởi tại ở hậu phương cục thế kinh tế vẫn an toàn, ở tiền phương binh sĩ vẫn còn hy vọng đánh mạnh thắng mau. Nhưng rồi mỗi ngày một rõ rệt nội chiến không thể nào tốc chiến tốc quyết mà ở hậu phương thì chính sách kinh tế tài chính Tống Tử Văn đã làm cho đời sống cực kỳ nguy khốn.
Kinh tế đã vỡ trước quân sự. Trải 8 năm sinh hoạt khốn khổ sĩ quan và binh sĩ những ước mong qua thắng lợi sẽ đến những ngày vui no ấm. Ngờ đâu yên vui không thấy mà no ấm cũng chẳng thấy có. Trong lòng ai nấy mang một mối tuyệt vọng đáng sợ.
Năm 1947 Quốc quân truy trên chiến trường còn mở được mấy cuộc tấn công lớn vào sào huyệt của Cộng sản nhưng vẫn chưa làm tổn thương nặng nề đến thực lực Cộng quân.
Mùa thu 1948 Cộng quân phát động phản công, quốc quân tan vỡ toàn diện. Toàn thể đại lực Trung Quốc rơi vào tay Cộng sản.
Sự thất bại của Quốc quân không phải là thua trên quân sự mà là thua trên chính trị và kinh tế. Quân sự thất bại chẳng qua chỉ là hình thức.
Với hai lần họp Quốc dân đại hội (chế biến và hành hiến) cơ tầng nội bộ Quốc dân đảng hoàn toàn băng hoại. Với một lần đổi đồng Kim viên, dân tâm mất hết tin tưởng.
Đại hội đại biểu quốc dân chế hiến được triệu tập ngày 12 tháng 11 năm 1946 thì trước đó một tháng quân chính phủ tấn công Trương Gia Khẩu. Hai tin cùng được đăng tải trên một mặt báo. Đại hội này, Quốc dân đảng kéo được Dân xã đảng và Thanh niên đảng tham gia nên lấn quyền chế định hiến pháp. Cộng sản hết hy vọng đấu tranh nghị trường.
Thấy điều đình hết hy vọng, tướng Marshall đặc sứ Mỹ về Hoa Kỳ. Đại biểu đàm phán của Cộng sản cũng triệt thoái.
Tháng 5 năm 1948, Quốc dân đại hội hành hiến được triệu tập. Danh sách đại biểu đưa ra gây nên cuộc xung đột lớn về sự phân phối trong nội bộ Quốc dân đảng. Rất nhiều đảng viên già của Quốc dân đảng bị gạt ra ngoài uất ức kẻ thì tuyệt thực, kẻ thì mang quan tài đến trụ sở đòi chức đại biểu, kẻ thì xin ra đảng, kẻ thì hoạt động phá hoại đảng.
Thêm vào đấy là vụ tranh chức Phó tổng thống càng làm cho phái hệ Quốc dân đảng phân liệt trầm trọng. Quế hệ ủng hộ Lý Tôn Nhân còn Trung Ương thì ủng hộ Tôn Khoa. Các đại biểu cứ bầu cho Lý Tôn Nhân. Trung Ương sau vụ này chẳng còn thể thống gì nữa. Lý Tôn Nhân Phó Tổng thống rồi liền lãnh đạo Quế hệ nhục mạ Trung Ương đảng.
Phần tử trí thức nhìn cuộc tranh chấp nội bộ Quốc dân đảng với nụ cười mỉa mai chua chát.
Quốc dân đảng trong những năm tháng chấp chính chưa hề giải quyết suôi sỏa vấn đề thuế thâu. Trừ thuế điền, thuế quan ra các hạng thuế khác đều ẩu tả không có phiêu chuẩn nhất định. Dự toán chi xuất từ năm này qua năm khác thường trông cậy vào máy in giấy bạc và đắp. Đến khi quốc hội rã đám thì máy in giấy bạc tha hồ tung hoành vô cấm kỵ làm cho pháp tệ phá sản. Lòng tin vào chính phủ xuống độ như hàn thử biểu, mới đầu là quan binh hết tin tưởng rồi đến đại biểu quốc dân đại hội rồi cuối cùng là các tướng lãnh cao cấp.
Trong khi ấy khu vực Cộng sản khoáng triển không ngừng kiểm soát tới hơn một triệu dân. Nạn nhân phía Bắc chạy xuống phía Nam cũng nhiều. Họ kể kể những hành động tàn ác của Cộng sản. Nhưng chẳng một ai để ý vì kinh tế quá kiệt quệ rồi không còn hơi sức đâu nghe chuyện khác ngoài chuyện gạo ăn.
Sang đến giai đoạn quốc hội hành hiến, nội các mới đặt vấn đề cải cách tiền tệ lên hàng đầu, cho phát hành đồng kim viên.
Cục diện kinh tế sau kháng chiến cho đến thời gian quốc hội hành hiến đã ác hóa cực độ. Sĩ quan binh sĩ bữa đói bữa no thâm oán chính phủ. Nhân dân bất hợp tác với chính phủ, chính phủ làm gì mặc kệ, dân lo thân dân. Công chức trung cấp cũng bất hợp tác với chính phủ làm cho hiệu lực hành chính binh sĩ bất hợp tác với chính phủ khiến cho hiệu năng quân sự thành con số không.
Phát hành đồng kim viên làm cho hy vọng trở lại với mọi người…
Hỡi ôi! Hy vọng đó như hoa đàm một lần hiện rồi tiêu tan. Chính sách tốt mà thi hành ẩu. Vật giá vùn vụt leo thang, dân chúng từ thâm oán chuyển sang phẩn nộ.
Đồng kim viên là một trò bịp để vét vàng của dân. Dân nông thôn và tiểu thành thị quý vàng như sinh mạng. Nông dân không ruộng đất, coi vàng như ruộng đất. Đồng kim viên ra đời đổi lấy vàng rồi y theo hạn kỳ đổi trả. Kết quả kim viên khế sụt giá ầm ầm. Dân chúng bị chùy kim viên đánh cho chết giấc.
Phẫn nộ lên cao! Tâm lý người nào cũng muốn trả hận. Nếu tự mình làm không được thì mong Cộng sản làm hộ.
Kim viên phá sản làm cho cả hệ thống tín dụng của chính phủ sụp đổ. Tiếng nói của chính phủ không một ai muốn nghe nữa. Tình hình thảm đạm như thế hỏi làm sao quân đội không vỡ? Trong hai tháng toàn vùng Đông Bắc rơi vào tay Cộng sản, quốc quân mất 40 vạn quân. Chiến dịch thứ hai là khu vực Trường Giang quốc quân mất 50 vạn quân. Rồi đến Trương Gia Khẩu Bắc Bình, Thiên Tân luân hãm, quốc quân thiệt trên 50 vạn.
Ba trận thua lớn chưa từng thấy làm cho nội bộ rối loạn. Tưởng Giới Thạch bị hạ bệ. Lý Tôn Nhân xuất diện cầu hòa với Cộng sản. Trí thức Quốc dân đảng như Trần Bố Lôi, Đới Truyền Hiền tự sát. Một số khác lên tiếng yêu cầu chính phủ đổi chiến lược cố thủ Hoa Ham và Tây Nam. Nhưng quá chậm, lòng quân sĩ đã chán nản cùng cực với phái hệ, với kinh tế nghèo đói. Vài tướng lãnh như Trương Trị Trung đầu hàng Cộng sản. Ít nhiều thư sinh mặt trắng làm thơ cảm hoài. Và Cộng sản vẫn tiếp tục tiến đều, 23 tháng 4-1949 Nam Kinh thất thủ.
Lúc mới nắm chính quyền, Trung Cộng rất mềm dẻo. Thái độ mềm dẻo chẳng kéo dài bao lâu. Nỗi đau đớn đầu tiên mà nhân dân Trung Quốc tiếp nhận là bao nhiêu tập tục tư tưởng truyền thống bị đánh bật gốc.
Phần tử trí thức được Cộng sản xem xét đến trước nhất. Có ước chừng một phần ba bị xử tử, giam cầm hoặc đi học tập lao động. Số còn lại bị nhồi tư tưởng CS như nhà bếp nhồi vịt hầm. Đó là phương pháp cải tạo tư tưởng.
Phần tử trí thức yêu tự do thoát khỏi đại lục sống kiếp lưu vong. Họ không sống với chế độ Tưởng Giới Thạch. Tản mác lang thang nhưng trong lòng mỗi người đều hoài bão tranh đấu cho một trang sử mới.
Một lực lượng chính trị mới
Người Pháp trở lại Đông Dương bằng cách mạng danh nghĩa chống chính phủ Cộng sản mới nổi lên ở đây nói các nước Đồng minh đã cùng Pháp thắng trận kết thúc thế giới chiến thứ 2. Người Pháp nổ súng đánh quân của chính phủ Hồ Chí Minh với cớ cần phải tìm những người Quốc gia chân chính để nói chuyện. Nhưng toàn bộ chính sách với bề ngoài tiến bộ của Pháp đã bị rơi “mặt nạ” trước cái chết của bác sĩ Nguyễn Văn Thinh. Ông Thinh đã treo cổ tự tử vì hổ thẹn với dân chúng và vì uất ức với thái độ khinh khi của Pháp. Tinh thần dân tộc tự quyết của Liên hiệp quốc bị Pháp xóa bỏ. Danh nghĩa chống Cộng sản của Pháp mất giá trị đối với những phần tử Quốc gia, trí thức tiến bộ. Ai ai cũng thấy bọn Pháp mới xảo quyệt chẳng kém chi bọn Pháp cũ. Tất cả mọi hy vọng hợp tác chính trị với người Pháp tiêu tận. Trí thức ở lại vùng Pháp mà tâm óc chán ghét Pháp, không ưa Cộng sản nhưng bội phục kháng chiến.
Hai năm trời Pháp không giải quyết xong vấn đề Đông Dương bằng vũ lực như Pháp đã từng tưởng tượng chỉ cần nửa thời gian đó. Trái lại tình hình mỗi ngày đen tối thêm.
Tại Trung Hoa, Quốc dân thua đậm, lục địa sớm chiều lọt vào tay Cộng sản. Chính phủ Hồ Chí Minh sẽ có thêm một hậu cứ mạnh lớn và một kho người vô tận với điều kiện công khai đứng vào hàng ngũ Cộng sản thay vì ngụy trang giải tán đảng Cộng sản như trước đây.
Để có thêm chính nghĩa một phần, để lấy điểm mà xin viện trợ của Hoa Kỳ một phần, Pháp quyết định “khênh” Bảo Đại về làm Quốc trưởng, Bảo Đại mang theo hiệp ước Hạ Long và tuyên ngôn độc lập.
Do chính sách nhỏ giọt, trả lại Độc lập một cách hết sức hà tiện, thâm ý Pháp chỉ muốn mượn Bảo Đại để dễ bề ăn nói trên ngoại giao quốc tế cho nên với dân chúng khu vực Bảo Đại cai quản chưa thành là khu vực quốc gia trước sau cũng chỉ là khu vực luân hãm.
Trí thức ở khu vực luân hãm không có sinh mệnh chính trị. Bất cứ sự hợp tác nào cũng bị Cộng sản kháng chiến mệnh danh là gian, là ngụy. Người hợp tác mang mặc cảm tự ti trước cơn sóng kháng chiến. Các chiến sĩ quốc gia, đảng phái bị Pháp khủng bố phải sống lén lút và bị Pháp dồn luôn vào thế chống Pháp sau khi bị kháng chiến xua đuổi.
Các chính phủ do Bảo Đại bổ nhiệm, chưa có chính phủ nào đi ra ngoài phạm vi hành chánh có tính cách tuyệt đối thể chế tự trị hẹp hòi. Các chính phủ đó không hề có một sinh mạng chính trị độc lập, chúng như những cành lá tầm gửi yếu ớt.
Các nhân vật lãnh đạo chính trị toàn thể đều là những công chức tay sai trung cấp của Pháp cũ, không hề đấu tranh cũng không hề được huấn luyện về chính quyền. Đối với dân chúng, đối với phần tử trí thức các chính phủ của họ được tiếp nhận như một mái tranh bên đường trú chân chờ cho qua cơn bão táp, cho thoát nạn Tây say bắn bừa, cho thoát cảnh chiến tranh hỗn độn. Dĩ nhiên ở tình trạng này không thể có một chính sách văn hóa đáng kể mặc dầu ông Bảo Đại đã đòi được thắng lợi to tát là hoàn toàn tự quản vấn đề giáo dục. Nhưng hoàn toàn tự quản trên giấy tờ thì làm gì? Nếu không được phần tử trí thức thành tâm hợp tác? Vả lại còn một sự thật đau xót khác phải thú nhận là trí thức khu luân hãm đại đa số còn ngờ nghệch với chính trị, đại đa số từ trước đến nay chỉ biết đi học câu cơm thì làm sao cáng đáng nổi một nền giáo dục độc lập trước trăm vạn biến cố chính trị chiến tranh dồn dập hết lớp nọ đến lớp kia? Đến ngay bản thân phần tử trí thức cũng còn cần phải giáo dục thêm nhiều nữa để theo kịp với lịch sử với thời đại còn nói gì đến đặt kế hoạch giáo dục dân nước. Người trí thức khu luân hãm đang còn choáng váng với những cơn sóng chính trị, còn đang ngơ ngẩn như lạc vào mê hồn trận thì nói gì đến chuyện dẫn dắt người khác. Vì vậy chính sách giáo dục của những chính phủ Bảo Đại đành rập theo khuôn mẫu thời Tây. Tính chất độc lập chỉ lộ tỏ ra bằng mấy văn phẩm cổ điển Việt như: Phạm Công Cúc Hoa, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, truyện Kiều v.v… Nói về văn học khu luân hãm thuần là văn học màu vàng theo với nhịp điệu của Paris-Hollywood, Le Satan conduit le bal, Mémoires d’une chanteuse Allemande v.v… Một lượt các pho truyện cổ của Tàu được đem in lại như Tam quốc, Đông chu, Thủy hử, Chiêu Quân, Ngũ hổ bình tây v.v… Rồi đến các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp, trinh thám rẻ tiền. Nói chung là loại văn phẩm cho khu vực luân hãm tù túng, phè phỡn nhưng không tương lai, không làm chủ được vận mạng. Riêng Nam Việt chỉ có một tác phẩm đấu tranh là cuốn tiểu thuyết “Nửa bồ xương khô” của Vũ Anh Khánh nhưng nó bị cấm ngay. Tuy nhiên thời kỳ này có một hiện tượng đáng mừng là người trí thức Việt bỡ ngỡ được sách Pháp tràn vào đủ các loại đưa dân đến những chân trời rộng rãi và tiến bộ.
Mặc dầu Pháp xảo quyệt và keo kiệt trong việc trả quyền tự chủ cho người Việt, nhưng chính trị vốn dĩ là một hành động tự sinh tự biến nên dù xảo quyệt dù keo kiệt Pháp vẫn không ngăn nổi một lực lượng lớn lên. Lực lượng ấy chính Pháp sinh ra nó rồi chính nó quét sạch dấu tích của quyền thống trị Pháp ở đây. Đó là lực lượng quân đội. Cuộc chiến tranh kéo dài Pháp không thể cáng đáng một mình, Pháp phải có người bạn đồng minh bản xứ. Pháp với Cộng sản trước việc Pháp tổ chức quân đội Việt đều đồng ý với nhau trên điểm lý luận là dùng người Việt đánh người Việt. Sự thực chính trị đây là một lực lượng chính trị mới, một lực lượng quốc gia chống Cộng trong chiến tranh quốc cộng sau này. Cả Cộng sản lẫn Pháp đều không mong muốn nó lớn lên, nhưng cả Cộng sản lẫn Pháp đều không ngăn được sức lớn của nó. Sự thực ấy diễn tiến như sau:
Những tháng đầu năm 1953, qua nhiều tường trình của Đại sứ Hawey từ Ba-lê gởi từ Anh quốc thì tinh thần người Pháp đối với Đông Dương càng ngày càng tỏ ra bi quan. Ai ai cũng đều mong mỏi chấm dứt chiến tranh. Các sĩ quan cao cấp thuộc bộ tham mưu Pháp đã nhỏ to công nhận sự rút lui không thể tránh được. Tất cả vấn đề chỉ còn làm thế nào để bảo toàn danh dự nước Pháp mà thôi.
Trước tình thế này, ông Eden nêu ra sáng kiến mời Tổng trưởng ngoại giao Hoa Kỳ cùng sang Paris hội đàm tay ba. Ở cuộc hội đàm lập trường của ông Acheson là không thể để cho vùng Đông Nam Á lọt vào tay Cộng sản nhưng đồng thời cũng không vì vùng này mà làm cho nổ cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Kết quả hội đàm, Mỹ thỏa thuận viện trợ thêm đô la cho Pháp với điều kiện cấp tốc bành trướng quân đội Việt Nam.
Cũng vào năm 1953, Pháp và Lào ký kết một hiệp ước trong đó Pháp cam kết cung cấp quân nhu, dành mọi sự dễ dàng về thương mại và cho một phái bộ quân sự đặt dưới quyền chính phủ Lào. Cả hai nước sẽ trao đổi các đại diện ngoại giao hoàn toàn bình đẳng. Mục đích của Pháp trong hiệp ước này là tách rời Lào riêng khi phải nói chuyện hòa bình thì nói chuyện Việt Nam thôi, không phải nói chuyện cõi Đông Dương. Cộng sản biết vậy nên để giảm uy tín Pháp, Việt Minh mở trận tấn công vào đất Lào, chứng minh rằng tất cả mọi bảo đảm của Pháp đều chẳng có giá trị gì hết. Mỹ lập tức phản ứng, ngoại trưởng Dulles họp báo tuyên bố: Mỹ sẽ hành động để trừng phạt Trung cộng, Mỹ sẵn sàng trả đũa. Tình hình trở nên căng thẳng tột độ. Ngoại trưởng Anh lên tiếng dàn hòa, nói đến việc chia cắt và cho đó là giải pháp tốt nhất. Ý kiến chia cắt được chấp thuận tại hội nghị Bá Linh với sự tham dự của ngoại trưởng Nga-sô Molotov. Số phận bị phân rẽ của Việt Nam không thể tránh được nữa. Ngày họp hội nghị Genève đã được các cường quốc quyết định. Và hội nghị Genève đã chuyển chính trị Việt Nam từ cuộc chiến tranh kháng chiến giải phóng dân tộc sang phân tranh Tư bản Cộng sản. Nước Việt Nam chia cắt làm đôi hình thành hai thế quốc-cộng. Nòng cốt lực lượng của thế Quốc gia là quân đội.
Nhân vị và trí thức
Vào thời kỳ mà chủ nghĩa hiện sinh lệch về bên tả các lãnh tụ hiện sinh như Jean Paul Sartre, Simone De Beauvoir, Francis Jeanson, Merleau Ponty bị khủng hoảng vì hiệu lực (efficacité) vì dấn thân (engagement) vì biện-chứng-pháp đã sang Nga, sang Trung Quốc v.v… Nhìn thấy những thắng lợi của Cộng sản để viết sách báo tuy không tán tụng nhưng thừa nhận thì chủ nghĩa nhân vị bột phát triển để lãnh đạo cuộc đấu tranh ý thức hệ với Cộng sản. Danh từ nhân vị chủ nghĩa danh từ Personalisme, cũng có nơi gọi là nhân cách chủ nghĩa. Chủ nghĩa nhân vị không phải mới mẻ gì, nó nhen nhúm từ 1908 và đã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau và nhiều danh xưng khác nhau. Nó từng được gọi là như ý chủ nghĩa (Voluntarisme), tự do triết học (Philosophy of Freedom), ý lực triết học (Idea Force), tinh thần thực tại luận (Spiritual Realisme), nhân cách lý tưởng chủ nghĩa (Personal Idealisme), nhân văn chủ nghĩa (Humanisme) và cuối cùng là nhân vị hay nhân cách chủ nghĩa (Personalisme). Chủ nghĩa nhân vị được phần tử trí thức công giáo tiến bộ nghiên cứu và hoàn thành.
Đặc điểm của chủ nghĩa nhân vị là áp dụng lập trường nhân cách thần luận (Théisme). Tiến bộ của thần luận trong chủ nghĩa nhân vị là thừa nhận thần là nội tại và siêu tuyệt nhưng không phải do phép lạ hay kỳ tích mà do người. Trên logique, chủ nghĩa nhân vị áp dụng lập trường thực hiện luận nhận rằng: sinh mệnh và sự biểu hiện sinh mệnh trên ngôn ngữ không bao giờ cố định và thường bị thực tại đốt phá. Trên luân lý, chủ nghĩa nhân vị lấy tự do làm căn bản, quyền tự do chọn lựa là tuyệt đối, chọn rồi sau mới bị sự phán xét của đạo đức hay vô đạo đức, nhưng tất cả mọi thành tựu với đạo mới thật là sáng tạo cao đẹp. Trên tôn giáo nhân vị, chủ nghãi nâng phẩm giá người như vị thần có nghĩa là sự biểu hiện tự ngã tối cao để khắc phục hết thảy những điều không chính thường. Nhân vị chủ nghĩa còn tự gọi là tự do triết học với lý luận nhân cáh là chí thượng giá trị mỗi cá nhân đều tự mình phát triển thể phách tâm trí, tinh thần trước những cơ hội mà xã hội cung cấp cho. Chủ nghĩa nhân vị tuyệt đối chống mọi hình thực của chủ nghĩa cực quyền.
Khi người Cộng sản Việt bằng bỏ cuộc kháng chiến dân tộc đứt đoạn để thực hiện cách mạng vô sản, chấp nhận vĩ tuyến 17 làm đường ranh giới cho hai khu vực ảnh hưởng thì ở Việt Nam phân ra hai chế độ. Miền Bắc là chế độ chủ nghĩa xã hội và miền Nam là khu vực của chế độ tư sản tự do. (Sở dĩ tôi không dùng thẳng hai chữ chế độ vì sự thực chế độ tư sản tự do chưa kiện toàn). Miền Nam nếu xét theo con mắt xã hội học thì trước sự phân đôi nó trở nên phức tạp không thuần nhất như miền Bắc. Hãy tạm đưa ra vài điểm đại lược sau:
Ở miền Bắc, Cộng sản về tiếp thu những khu vực Pháp chiếm, một số lớn dân chúng có thể là đầu mối của những xung đột đã lên tàu di cư. Chính quyền Bắc chỉ còn phải đối phó với vài khu vực như Bùi Chu, Phát Diệm và vài nơi có sắc dân thân Pháp.
Trái lại ở miền Nam, chính quyền Nam Việt đến tiếp thu các khu vực Cộng sản rải rác như răng lược, khó biết chính xác. Ở các nơi này, căn cứ vào hiệp ước ký kết, chỉ có bộ đội Cộng sản và cán bộ tập kết chuyển ra Bắc thôi, mà chuyện tập kết thật khó lòng kiểm soát. Dân chúng miền Nam đa số chưa biết rõ Cộng sản và vẫn còn mang tâm lý kháng chiến lãng mạn lịch sử. Thêm vào đấy là cuộc di cư vĩ đại của một triệu con người cùng nòi giống tiên rồng nhưng đã bị thực dân chia rẽ cho nên tình ý có nhiều điểm khác biệt làm cho nảy sinh các vấn đề ngại ngùng ngăn trở do yếu tố bất thuần nhất (Hétérogènes). Riêng số người di cư, trừ một số ít đã từng chiến đấu và không thể sống với Cộng sản, số còn lại thì 60% là công giáo, 40% ra đi vì không thể từ bỏ nếp sống cũ để thích ứng với cuộc sống hoàn toàn đổi mới do chế độ Cộng sản đặt ra.
Ông Ngô Đình Diệm với sự ủng hộ đặc biệt của Hoa Kỳ được đưa về chấp chánh toàn miền Nam kể từ vĩ tuyến 17 trở vào. Năm đầu ông phải đương đầu với vấn đề xã hội. Nhờ miền Nam sung túc phì nhiêu, nhờ viện trợ Mỹ đầy đủ, vấn đề xã hội miền Nam không những ổn định dễ dàng mà còn chuyển thành công cuộc thống nhất văn hóa lớn lao chưa từng có trong lịch sử. Sang năm thứ hai ông phải đương đầu với vần đề chính trị. Pháp thỏa thuận với Mỹ lặng lẽ rút lui nhưng còn những thế lực chính trị của Pháp ở lại. Nhờ chính phủ Ngô Đình Diệm là chính phủ đầu tiên mang nhiều sắc thái độc lập nhất kể từ lúc người Pháp đặt chân lên đây cho nên toàn dân nhiệt liệt ủng hộ. Quan trọng hơn hết là quân đội cũng ủng hộ để tiêu diệt các thế lực chính trị của Pháp qua trung gian (par personne interposé). Và từ đó quân đội lớn lên trong chiến tranh Việt-Pháp bây giờ thực sự trở thành một quân đội của quốc gia độc lập. Nhờ lực lượng quân đội ông Ngô Đình Diệm đã giải quyết vấn đề quét sạch các thế lực chính trị đối nghịch dễ dàng.
Chính phủ Diệm sau khi đã củng cố vững mạnh phải gánh vác hai sứ mạng trọng đại:
Thứ nhất là đấu tranh quốc tế chặn đứng ngọn sóng lan tràn của thế lực đỏ cho thế giới tư sản tự do.
Thứ hai là đấu tranh xây dựng một quốc gia chống Cộng sản.
Ông Ngô Đình Diệm có thành công không?
Mấy năm đầu sứ mạng ngăn chặn ngọn sóng đỏ có thành công. Ký giả thân cộng Burchett cũng thú nhận điều này. Nhưng thành công xét kỹ ra là nhờ thế cục nhiều hơn là giỏi giang.
Đến sứ mạng xây dựng một quốc gia để tạo ra hình thế Quốc Cộng thì ông Diệm lại thất bại ngay từ đầu. Ông Ngô Đình Nhu người trí thức của chính quyền Diệm trước khi về chấp chánh ông rất thận trọng bằng việc mang chủ nghĩa nhân vị về nước làm căn bản đấu tranh tư tưởng chống lại chủ nghĩa Mác xít. Nhưng ông đã lầm và chủ nghĩa nhân vị có gốc gác thần học không thể được người trí thức Việt vốn cho tôn giáo là mê tín chấp nhận. Chủ nghĩa nhân vị cũng không thể đi vào tâm hồn người công giáo chất phác vốn tin Chúa và phép lạ một cách tuyệt đối vì nó tự do quá. Thế là chủ nghĩa nhân vị bị bỏ sang một bên. Nghiên cứu nhân vị chủ nghĩa là công việc làm cho có lệ, chẳng một ai tin tưởng vào nó.
Nhờ được thế tốt, mọi việc trôi chảy dễ dàng. Uy tín ông Diệm bành trướng quá mau chóng. Qua tâm trạng say với quyền bính, qua sự phỉnh nịnh của quyền uy, các nhà lãnh đạo cho vứt xó mọi lý tưởng để thiết lập chế độ… chế độ Diệm và gia đình. Một trận tuyến quốc gia dân tộc đâu có bằng một trận tuyến anh minh Ngô Đình Diệm.
Những năm tháng thắng lợi to tát làm cho ông Nhu tưởng ông có một tài năng chính trị vô biên, ông không bao giờ nghĩ rằng ở Austerlitz, Napoléon là một thiên tài nhưng ở Moscou, Napoléon là một tên ibécile.
Phần ông Diệm, ông là người của tín ngưỡng. Ông tin Chúa nhưng lỗi lầm của ông là ông cũng tin Chúa tin ông ta. Ông ưa học thuyết Khổng Tử nhưng lỗi lầm của ông là ông ưa học thuyết này vì nó nói rằng địa vị ông bây giờ đứng ở đầu tam cương ngũ thường.
Bởi vậy thay vì gây dựng hình thế Quốc-Cộng, hai ông Nhu, Diệm đã gây dựng hình thế Diệm-Cộng. Cộng vào đấy, hai ông Ngô Đình Thục và ông Ngô Đình Cẩn gây dựng hình thể Công giáo, Cộng sản.
Dưới chế độ Diệm, phần tử trí thức đi theo đều bị biến thành bọn thư lại, thấp hơn nữa là gia nhân của một triều đại.
Do ảnh hưởng quốc tế thay đổi, một bộ phận lớn trí thức được đào tạo vào hoạt động thông ngôn. Vì hết chiến tranh, vì những cuộc di động của một số lớn người nên phong trào đi học dâng lên như nấm mà vẫn không đủ cung cho số cầu. Nhưng bởi không có một chính sách văn hóa đúng đắn, không có một chính sách giáo dục hẳn hoi, chỉ biết vá chấp nay đổi mai thay. Bởi chế độ Diệm đã đem thần tài vào học cung cho nên giáo dục rơi vào tình trạng hỗn tạp quái đản. Trên mặt văn học, chế độ phong kiến của gia đình Diệm không thể đi đôi với một nền văn học dua nịnh tâng bốc khiến cho hàng ngũ trí thức chia hẳn.
Phần tử trí thức phản kháng thì hoàn toàn tiêu cực, chui rúc vào tư tưởng tự do bằng một số từ ngữ tối nghĩa. Ở đó chủ nghĩa hiện sinh đã du nhập. Một số khác thì viết báo chửi tục để xả hơi, hoặc nói bóng gió chửi xiên xéo cho hả giận.
Năm khúc quanh
Ảnh hưởng chính trị Mỹ với Việt Nam có năm khúc quanh (virage)
1) Ngày 27-6-1950, Tổng Thống Truman tuyên bố gởi một phái bộ quân sự tới Đông Dương để cộng tác chặt chẽ với quân viễn chinh Pháp.
2) Pháp thua trận Điện Biên Phủ đặt thành vấn đề Mỹ phải thay Pháp trong chiến tranh Đông Dương? Tổng Thống Eisenhower áp dụng chính sách triết-trung giữa hai chủ trương: can thiệp quân sự và khoanh tay bỏ mặc. Người đại diện thi hành chính sách này là ông Ngô Đình Diệm.
3) Năm 1961 tại Washington xôn xao về tin chế độ Diệm hấp hối. Vấn đề đặt ra cho chính quyền Kennedy là làm thế nào tránh cho Việt Nam một sự sụp đổ? Có hai nhóm đưa ra giải pháp:
a/- Nhóm Harriman, Galbraith và H. White chủ trương chính trị đòi thay chính phủ Saigon, không ủng hộ chính thể Diệm, tách chính trị Saigon ra khỏi lệ thuộc quân sự.
b/- Nhóm Maxwell Taylor và W. Rostow chủ trương quân sự đề nghị gửi những bộ đội chiến thuật (groupement tactique) của Mỹ qua Việt Nam, ít thôi nhưng có sức quật (force de frappe) rất mạnh. Dean Rusk ủng hộ nhóm Taylor.
Cuối cùng nhóm Taylor và Rostow được Tổng Thống Kennedy nghe theo. Chấp nhận giải pháp quân sự có nghĩa là tăng cường luôn cả sự ủng hộ chính phủ Diệm. Ông đại sứ Nolting và tướng Harkins thi hành.
4) Năm 1963 nhiều quan sát viên Mỹ phàn nàn Hoa Kỳ không hề ủng hộ một chính phủ Việt Nam mà ủng hộ một gia đình phong kiến kỳ cục. Các chính khách Hoa Kỳ đã bắt đầu nhìn các ông Diệm, Nhu, Thục, Cẩn và bà Nhu bằng nhãn quan tâm lý bệnh học. Họ gọi những người ấy là bọn mất hết lý trí (déraison absolue) và chính phủ Diệm là chính phủ của những người điên (un government de fous).
Chiến tranh và chính trị phong kiến của Diệm đã làm cho chế độ suy yếu. Chế độ Diệm càng suy yếu thì bang giao giữa chế độ này với Hoa Kỳ càng tàn hoại. Hoa Kỳ muốn thay Diệm mà Diệm cứ cố nắm chặt chính quyền. Hoa Kỳ sửa soạn và rình rập một sai lầm là quật đổ người mà Hoa Kỳ đã tố cáo là điên. Tháng 5-1963, do kỳ thị tôn giáo của chế độ Diệm- Thục đã đến độ không thể chịu đựng hơn nữa, Phật giáo biểu tình phản đối giám mục Thục cấm treo cờ Phật giáo ngày Phật đản. Chính phủ huy động lực lượng cảnh sát đàn áp, bắn vào đám quần chúng Phật giáo. Phong trào lan rộng ra toàn quốc. Ông Thích Quảng Đức tự thiêu vang dội đấu tranh ra khắp thế giới. Tình hình nặng nề kéo non 6 tháng. Tháng 11 quân đội hươỏng ứng phong trào đấu tranh Phật gió nổi dậy đảo chính. Chế độ Diệm sụp đổ.
5) Ngày 28-7-1965 Tổng Thống Johnson loan báo với dân chúng Mỹ và thế giới ông đã quyết định gửi một số quân quan trọng sang dự chiến ở Việt Nam. Quyết định này nằm trong quyết định tham dự không hạn chế. (engagement illimité).
Ở khúc quanh thứ bốn, chính sách Hoa Kỳ đối với Việt Nam tạo ra cho miền Nam một tình cảnh chính trị mới.
a/- Chê độ Diệm bị lật.
b/- Quân đội nắm chính quyền.
Quân đội nắm chính quyền! đã gây ra sự phân liệt giữa phần tử trí thức và quân đội. Trước kia với chính quyền Diệm, kẻ phản đối được mệnh danh là một loại người bất hảo, ngay như vận động của nhóm trí thức Caravelle. Nhóm này mặc dầu cố tự gán ghép cho vận động danh từ trí thức mà cũng chính trị chẳng được ai công nhận. Nhưng bây giờ, ngay từ lúc tướng Nguyễn Khánh mới chỉnh lý “cách mạng” chưa được mấy ngày, ông đã gọi đích danh trí thức với giọng điệu mỉa mai trí thức phòng trà để mắng mỏ.
Mới đây tướng Thiệu ở ngôi vị Tổng Thống cũng gọi đích danh trí thức để tỏ nỗi bực dọc.
Tướng Khánh đả trí thức vì trí thức đòi quân đội hãy trở về trại và trả chính trị cho dân sự. Trí thức công kích tướng Khánh vì thấy quân đội cắt ngang khí thế bồng bột của ngày 1-11-1963 bị tưởng tượng là cách mạng.
Tướng Thiệu đả kích trí thức vì trí thức tỏ ra thiên tả trong phong trào hòa bình.
Hai vụ đã kích trí thức (gọi đích danh) cách nhau 4 năm. Sự khác biệt của hai vụ ấy là kết quả của khúc quanh thứ bốn sang thứ năm và khúc quanh thứ năm sang khúc quanh thứ sáu của chính trị Hoa Kỳ tại Việt Nam. Vấn đề mang một nội dung hết sức phức tạp không thể phê phán hồ đồ.
Do chiến tranh leo thang mở rộng, phần tử trí thức chẳng những không đạt được yêu cầu về trại, trái lại quân đội còn cuốn hút phần tử trí thức vào quân đội.
Xã hội quân đội
Quân đội nắm chính quyền là một điều tất nhiên không thể tránh được của lịch sử.
Tại sao?
Cách mạng theo Cộng sản chủ nghĩa không tự phát mà do chế tạo. Muốn xã hội biến động phải chiến đấu để tranh đoạt chính quyền. Chính quyền không thể tranh đoạt bằng vũ lực hay uy lực. Với chủ trương như thế nên đảng Cộng sản có lề lối tổ chức khác hẳn những chính đảng dân chủ Tây phương. Nó mang nhiều tính chất một thế hệ quân sự để tiến hành chiến tranh hơn là tính chất của một chính đảng.
Để chống lại tất phải có một tổ chức quân sự khác. Các chuyên viên chống Cộng của thế giới tự do nghĩ đến tổ chức quân đội và họ đem ra áp dụng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ châu La Tinh, các nước Á Rập, Ba Tư, Phi châu, Đông Nam Á. Quân đội đã được chấp nhận như một đảng mà ông Nguyễn Cao Kỳ đặt cho cái tên là “Đảng Kaki” để đương đầu với đảng Cộng sản.
Đảng Kaki là bài thuốc nhất thời rất cần thiết. Đảng Kaki đã nhiều lần chứng minh được hiệu lực của nó khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên đảng Kaki cũng có nhựng nhược điểm đáng kể:
Qua những ba động chính trị nội bộ luôn luôn xảy ra chứng minh rằng chưa ở nơi nào đảng Kaki đã thành công trong việc xây dựng một chế độ chính trị vững chắc với 4 điều kiện:
a) Một tinh thần truyền thống dân tộc.
b) Một tinh thần khoa học tiến bộ thời đại.
c) Một tinh thần cách mạng xã hội.
d) Một hệ thống tư tưởng đấu tranh.
Vì không kiến lập được chế độ nên sự ổn định không lâu dài. Những kiêu hãnh thắng lợi nhất thời tuy có đem lại sáng sủa cho một lúc nào đó, cuối cùng vẫn suy sụp.
Đảng Cộng sản là một tổ chức chính trị tổ chức với hình thức và tính chất quân sự, tiến hành đấu tranh với phương thức kết hợp kinh tế, xã hội, quân sự, chính trị. Còn quân đội hoàn toàn là một tổ chức quân sự đầy tính chất nhà binh mà không hề có tính chất đảng cho nên chỉ có hiệu lực đánh cộng sản trên mặt chiến tranh mà bỏ ngỏ mặt đấu tranh.
Bài học Trung Quốc cho thấy, phía Quốc dân đảng thì quân chỉ huy đảng còn phía Cộng sản thì đảng chỉ huy quân đã khiến cho thành quả quân sự, chính trị khác hẳn nhau.
- Với tâm lý chỉ huy, cấp bậc và kỷ luật, quân đội không chịu được bất cứ một sự phê bình chỉ trích nào nên quân đội không hợp tác được với phần tử trí thức nên công tác giáo hóa không hoàn thành tốt đẹp.
- Cho chiến trường là quan trọng hàng đầu nên chỉ chú trọng đào tạo xây dựng đội ngũ cầm súng mà lơ là việc xây dựng đội ngũ văn hóa. Không xây dựng đội ngũ trí thức; đội ngũ văn hóa hậu phương và tiền tuyến rời rạc, sinh hoạt thoái bộ:
- Tập trung nỗ lực vào chiến tranh nên mất thăng bằng trước các chiến dịch đấu tranh hòa hình.
- Người trí thức quân đội bị sinh hoạt quân đội bao biện nên nhận thức chính trị kém bén nhọn. Triết lý và tư tưởng hành động của họ là hành động để hành động như kiểu Saint-Exupery, L’homme doit se dépasser lui même dans l’action, n’importe quelle action. Nghĩa là tìm cái thú hành động trong mọi cuộc phiêu lưu.
Le but de l’action est indifférent, seule la démarche importe. Họ đã đi vào ảo-thuật trí thức (magic intellectuelle) để cố tạo ra một huyền thoại cho hành động. Đẹp và lãng mạn thì có nhưng chắc chắn là rất nghèo nàn trước chính trị thực tế.
Trở lại với thân phận phần tử trí thức
Gần một trăm năm qua đi là thời kỳ biến động lớn lao của lịch sử nhân loại và cũng là thời kỳ lịch sử vận động xây dựng lại đất nước chúng ta.
Trải bao nhiêu thử thách và lầm lỡ người trí thức đã cống hiến rất nhiều cho công cuộc xây dựng đó. Trong quá trình có những lúc trí thức rơi vào cảnh tượng hủ bại, có những lúc trí thức hoàn toàn là một kẻ học thành văn học vũ nghệ hóa dữ đế quốc gia (học cho rành văn vũ rồi bán thân cho đế quốc). Nhưng đó chỉ là chuyện hưng suy, sinh mệnh trí thức vẫn là trọng tâm của vận động lịch sử. Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghi nhiệm-trọng nhi đạo viễn vẫn mãi mãi là trách nhiệm của trí thức.
Giờ đây phần tử trí thức đang bị dồn vào một cơn khủng hoảng, khủng hoảng của lòng tin cậy. Người trí thức đang ngờ vực chính mình và ngờ vực luôn cả xã hội mình đang sống vì những giá trị thiêng liêng cách mạng yêu nước, nhân đạo đều bị cơn bão táp chính trị làm cho quay cuồng đảo lộn.
Tây phương chìm đắm ở trong ảo tưởng kiêu kỳ của sức mạnh kỹ thuật và địa vị ưu việt dân tộc đã gây thành cừu hận với các dân tộc nhỏ yếu. Tây phương tự hào mở một kỷ nguyên hy vọng cho loài người nhưng lại chính các nhà Tây phương đã cho thấy đời sống mỗi ngày càng khô cạn thất vọng và phi lý. Văn học của tuyệt vọng (la littérature du désespoir) đang thịnh hành ở nước họ.
Chủ nghĩa cộng sản chìm đắm trong ảo tưởng phương hướng lịch sử nên không ngừng đẩy nhân loại vào mọi cuộc chiến tranh mệnh danh là giải phóng, mệnh danh là cách mạng.
Các dân tộc nhỏ yếu chìm đắm vào ảo tưởng tự do giải phóng để dấn thân vào cái chết tức tưởi cho những âm mưu quốc tế.
Phần tử trí thức là phần tử tiên phong cho công cuộc tìm một xuất lộ. Trong sứ mạng ấy, người trí thức chắc chắn sẽ bị ghét bỏ, đầy ải thù hận đổ sát. Tuy nhiên lịch sử bao ngàn năm đã chứng minh rằng dù bị thù hận, đầy ải, đổ sát, người trí thức chân chính vẫn chẳng sờn lòng thoái chí, họ luôn luôn chiến đấu cho hoài bão đa nạn, hưng bang với thái độ lỳ lợm của Eluard:
Je ne regrette rien.
J’avance.
Như con tằm nhả cho hết tơ rồi mới chết. Như cây nến cháy cho hết bấc, lệ mới hết tuôn rơi.
Phải chăng hai câu thơ:
Xuân tàm đáo tử ti phương tận
Lạp cự, thành hôi lệ thủy can
của Lý Thương Ẩn đời đời nói lên thân phận của phần tử trí thức.Lạp cự, thành hôi lệ thủy can
Viết xong ngày 29-7-1969
MỤC LỤC
DẪN trang 5
PHẦN MỘT
THÂN PHẬN
CHƯƠNG THỨ NHẤT
Phẩm đức trang 11
CHƯƠNG THỨ HAI
Giá trị trang 17
CHƯƠNG THỨ BA
Thân phận trang 24
PHẦN HAI
VẬN ĐỘNG
CHƯƠNG THỨ BỐN
Chuyển hình kỳ trang 32
CHƯƠNG THỨ NĂM
Ngủ mê và tỉnh giấc trang 40
CHƯƠNG THỨ SÁU
Hoa khoa học và dân chủ trang 50
CHƯƠNG THỨ BẢY
Người trí thức với tổ quốc
CHƯƠNG THỨ TÁM
Người trí thức với nội chiến trang 72
CHƯƠNG THỨ CHÍN
Luân lạc và phản tỉnh trang 82
SÁCH THAM KHẢO
Căn Bản Triết Lý trong Văn Hóa Việt Nam Kim Định
Les intellectuels Louis Bodin
L’opium des intellectuels Raymond Aron
Situation des intellectuels Jean Canapa
L’intellectuels en guerre Louis Parrot
Les sources et le sens du commnunisme russe Nicolas Berdiaev
La morale de l’histoire André Gorz
Que faire? Lénine
L’éducation communisme Kalinine
L’aventure intellectuelle due siècle R.M. Albérès
L’ère des soupcons Nathalie Sarraute
L’anarchisme Daniel Guénin
L’homme révolté Albert Camus
Combat pour Berlin Joseph Goebels
Egypte Société militaire Abdel Malek
Une Foi aveugle Eric Hoffer
The intellectual as a political force Mc Williams Carey
L’histoire parallèle U.S.A André Maurois
The strangled cry John Strachey
La révolution introuvable Raymond Aron
Quốc sử Tân Luận Tiền Mục
Trang Tử tá lương
Trí thức phần tử chuyển hình kỳ Mã Bân
Bất đắc chí tập Trương Cữu Như
Trung Quốc cổ đại
Trí thức phần tử Hồ Thu Nguyên
Đông Tây đàm Âu Dương Thiên
Thuyết hoang tập Lâm Ngữ Đường
Tạo hóa nguyên thược
Thái căn đàm
Văn Minh luận hành Dư Anh Thời
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
THÂN PHẬN TRÍ THỨC BIÊN KHẢO CỦA VŨ TÀI LỤC DO VIỆT CHIẾN XUẤT BẢN NGOÀI ẤN BẢN THƯỜNG CÓ IN RIÊNG 100 CUỐN TRÊN GIẤY TRẮNG MỊN DÀNH RIÊNG TÁC GIẢ VÀ NHÀ XUẤT BẢN.
Giấy phép số 3-586 BTT/NBC/PHNT cấp tại Saigon ngày 1-9-1969
Bản đánh máy thực hiện tại Saigon, tháng 1-2008, bởi Lê thị Thanh Nguyệt
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...