. .

Monday, May 11, 2009

Công An Hà Nội, Hải Phòng Tăng Cường Bố Ráp Dân Chủ - Việt Báo


Công An Hà Nội, Hải Phòng Tăng Cường Bố Ráp Dân Chủ

Việt Báo Chủ Nhật, 5/10/2009, 12:00:00 AM




Bản tin sau gửi từ VN, cho thấy công an bố ráp dữ dội.

TIN NHANH KHẨN CẤP TỪ VIỆT NAM



Sáng hôm qua ngày 7/5/2009, bộ công an và sơ công an TP Hải Phòng đã tổ chức bắt giữ ông Nguyễn Văn Tính tại nhà riêng ở địa chỉ ngõ Cột Còi, phường Hà Lãm, quận Kiến An sau đó họ lại đem ông trở lại giam tại trại tù B14 thuộc xã Thanh Liệt, quận Thanh Trì ngoại thành Hà Nội.


Công an bộ từ Hà Nội và sở công an Hải Phòng đã tiến hành bắt giữ cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Tính đông tới 14-15 sĩ quan, lần này toán công an trên đã không khám nhà nhưng có đọc lệnh bắt giam khẩn cấp ông Tính. Theo đó công an cho biết ông đã vi phạm điều 88 của bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam mà án tù có thể tối đa lên tới 20 năm.


Trước đấy ông Nguyễn Văn Tính đã bị bắt giam 4 tháng tại trại B14 nhưng sau đó được tạm thả ra khi hết lệnh tạm giam 4 tháng.

Trong thời gian tạm trở về nhà ông liên tục bị công an trên bộ triệu tập thẩm vấn và đe doạ nhiều lần sẽ bắt giam trở lại. Gần đây họ còn cho người đến nhà nói với ông Tính trong phiên toà xét xử ông Nguyễn Xuân Nghĩa sắp tới nếu ông chỉ im lặng không cãi hay biện hộ cho mình trước hội đồng xét xử thì nhà nước sẽ xử nhẹ cho ông, đồng thời sẽ tìm việc làm thích hợp có thu nhập cao giúp gia đình ông đỡ khó khăn, nghèo túng. Thế nhưng ông không chấp nhận đề nghị đó của phía công an. Mặt khác ông còn tuyên bố sẽ biến phiên toà xử ông và các nhà hoạt động dân chủ thành phiên toà giống như chế độ phát xít Hít le của Đức Quốc xã đã xử lãnh tụ CS Bungari - Đimitơrôp phải trắng án vào năm 1936.


Sáng qua trước khi bị khoá tay dẫn giải lên xe ô tô chở tù, ông đã nói với tất cả công an có mặt thực hiện lệnh bắt giam mình : " Tôi tin rằng tất cả những gì chính quyền và công an các ông làm hôm nay đối với những người như tôi sẽ bị lịch sự phán xét trong nay mai...".


Hiện nay mọi liên lạc gọi về vợ ông Nguyễn Văn Tính là bà Dương Thị Hài theo số máy : 0126 - 638 - 3166


Tin từ Hà Nội sáng nay hồi 7 giờ 30 phút


Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn - Tổng biên tập Tập San Tự Do Dân Chủ đã bị gần 20 công an của 4 cấp từ phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm và sở công an TP Hà Nội bất ngờ đặt chốt bao vây chặt chẽ rồi đánh lừa mời ông ra tiệm Càfe số 12 cùng Ngõ Tràng Tiền nói là bàn việc giúp làm hộ chiếu xuất cảnh.

Chủ toạ buổi liên hoan gặp mặt chiều ngày 31/01/2007, Nhà báo, phó tổng biên tập Tập san TDDC Nguyễn Khắc Toàn phát biểu khai mạc buổi gặp mặt thân mật giữa các anh chị em dân chủ do tờ Tập san Tự Do Dân Chủ (TDDC) tổ chức nhân dịp năm mới Đinh Hợi 2007.

Ông Nguyễn Khắc Toàn đã nói không tin là phía công an Hà Nội có thiện chí như vậy với mình, nhưng vì họ đưa lực lượng đến quá đông áp đảo và có thể dùng vũ lực rất thô bạo với mình và làm mẹ ông đang ốm nặng lên cơn cao huyết áp nguy hiểm đến tính mạng. Thế nên ông Toàn đã chủ động đi xuống tiệm nước nói trên để nói chuyện với họ, chỉ chờ có thế tất cả số công an trên đã ép ông phải lên xe ô tô của công an thành phố Hà Nội rồi chở thẳng vào trụ sở 2 của sở công an tại số 6 đường Quang Trung thị xã Hà Đông.

Tại đây sĩ quan an ninh điều tra an ninh trung tá Bạch Hưng Tân đã thẩm vấn các hoạt động tranh đấu dân chủ của nhà báo này suốt từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn đã thẳng thắn trả lời các hoạt động của mình là trong khuôn khổ pháp luật trong nước cũng như hoàn toàn phù hợp với công ước quốc tế về nhân quyền mà đảng và nhà nước CSVN đã tham gia ký kết với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên phía công an cho biết cần thiết sẽ bắt chấp dư luận trong và ngoài nước khi cần thiết để bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ XHCN và bảo vệ chủ nghĩa MacLê nin.


Toàn bộ cuộc trấn áp trên do đại tá Ngô Thái Chun phó phòng PA 38 chỉ đạo và cùng áp giải ông Toàn đi thẩm vấn.

Viên sĩ quan an ninh Bạch Hưng Tân thông báo thứ hai tuần tới sẽ áp giải buộc nhà báo Nguyễn Khắc Toàn phải vào phòng PA 24 của công an TP HN tại thị xã Hà Đông để tiếp tục làm việc xung quanh các bài viết và các trả lời phỏng vấn của ông với các đài phát thanh quốc tế và hải ngoại, nhất là với đài Việt Nam Sydney Radio tai Úc Châu.

Chúng tôi sẽ thông tin để quý vị biết rõ mọi tình hình đàn áp nhân quyền trong nước khi có được thông tin mới nhất.


Ngày 9/5/2009

Nhóm phóng viên dân chủ, nhân quyền Việt Nam tường trình và đưa tin

-----> Thông tin liên quan

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

XIN XEM BÀI LIÊN QUAN TRÊN THÔNG LUẬN:

Bắt Nguyễn Văn Tính:
để làm gì và chứng tỏ cái gì?

Thông Luận

Đăng ngày 25/09/2008 lúc 13:59:35 EDT (TL 229)

“… Việc bắt Nguyễn Văn Tính còn tệ hơn cả một tội ác. Nó là một sai lầm tố giác bản chất gian ác và tồi tàn của chế độ …”

Đợt khủng bố chính trị tiếp tục. Sau bẩy anh em dân chủ Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội, Trần Đức Thạch, Ngô Quỳnh, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Túc, Vũ Hùng; sau nhiều giáo dân công giáo tham gia đấu tranh bằng lời cầu nguyện để đòi lại đất Thái Hà và Tòa Khâm Sứ, sau nhiều dân oan, đến lượt ông Nguyễn Văn Tính ở Hải Phòng bị bắt. Nhưng vụ bắt Nguyễn Văn Tính có một cái gì khác. Bất ngờ và không thể giải thích.

Hôm qua, 24-9-2008, công an Hải Phòng đã đến nhà ông Nguyễn Văn Tính, tại phường Quán Trứ, quận Kiến An, Hải Phòng đưa ông tới sở công an. Vài giờ sau, họ áp giải ông về nhà đọc lệnh bắt ông về tội "tuyên truyền chống nhà nước xã hôi chủ nghĩa", chiếu theo điều 88 bộ luật hình sự, rồi còng tay đem đi. Công an cũng đã khám nhà nhưng không tìm thấy một tài liệu hay tang vật nào có thể được dùng để buộc tội ông cả. Việc khám nhà đã diễn ra rất nhanh chóng vì một lý do giản dị: nhà ông Tính quá nhỏ và quá xơ xác, gia đình ông quá nghèo, thiếu thốn ngay cả những vật dụng sinh sống tối cần thiết. Ông và gia đình đã bị chính quyền cộng sản đầy đoạ từ hơn 40 năm qua và đẩy vào cảnh cùng cực tuyệt đối.

Nguyễn Văn Tính sinh ngày 8-3-1942 tại Hải Phòng. Ông tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1962, một trình độ học vấn cao vào thời điểm đó. (Ông Đỗ Mười, lúc đó là bí thư thành ủy Hải Phòng, sau đó lên tới thủ tướng và tổng bí thư Đảng Cộng Sản không có bằng tiểu học). Sau đó ông chọn nghề dạy học.

Nguyễn Văn Tính

Khúc quanh của đời ông đã đến đầu năm 1964. Nguyễn Văn Tính là một thanh niên yêu nước, nhiều suy tư và dũng cảm. Trước sự bần cùng hoá toàn diện của dân chúng trong khi cuộc nội chiến Nam Bắc trở thành đẫm máu và được đảng cộng sản nâng lên thành một cuộc "chiến tranh thần thánh giải phóng miền Nam và chống Mỹ cứu nước", Hồ Chí Minh được đề cao như một lãnh tụ thiên tài và một cha già dân tộc, Nguyễn Văn Tính không thể ngồi yên. Ông viết thư cho chủ tịch Hồ Chí Minh và thủ tướng Phạm Văn Đồng vạch trần những sai lầm của chế độ, phản bác chủ nghĩa Mác – Lênin và lên án cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Có thể có rất nhiều người ở miền Bắc lúc đó cũng nghĩ như ông, nhưng Nguyễn Văn Tính đã là người duy nhất dám lên tiếng.

Lá thư dĩ nhiên không có hồi âm. Quá bức xúc với tình trạng nguy ngập của đất nước, Nguyễn Văn Tính đi thêm một bước táo bạo khác: thành lập đảng Nhân Dân Cách Mạng với mục tiêu lật đổ chế độ cộng sản. Trong hai năm ông đã thành lập được bốn cơ sở tại Hải Phòng. Để tiếp cận và tranh thủ giới công nhân ông bỏ nghề dạy học, xin vào làm cán bộ trong Tổng Cục Địa Chất. Ngày 14-01-1967 bị phát hiện và bị bắt. Sau 20 tháng giam giữ ông bị đem xét xử trước tòa đại hình. Trước tòa Nguyễn Văn Tính dõng dạc xác nhận lập trường và mục tiêu hành động của mình. Nhờ tuổi trẻ và cũng vì chưa có hành động cụ thể nào ngoài việc kết nạp đảng viên, ông thoát án tử hình, chỉ bị xử 7 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Sau 7 năm tù đày, ông bị kiểm soát chặt chẽ và bị gạt ra ngoài sinh hoạt xã hội, lâm vào cảnh đói khổ cùng cực. Ông phải kiếm ăn từng ngày bằng những nghề tay chân như khuân vác, đạp xích lô mà vẫn không yên thân. Sự nghèo đói sau cùng đã khiến ông kiệt quệ, mất cả sức lao động, gia đình chỉ sống nhờ bà vợ buôn thúng bán bưng. Một cuộc sống đầy đoạ có thể còn tệ hơn cái chết. Năm 2006 Nguyễn Văn Tính tìm gặp Nguyễn Thanh Giang mà ông đã từng biết 40 năm trước ở Tổng Cục Địa Chất và gia nhập ban biên tập bán nguyệt san Tổ Quốc. Ông không thể đóng góp gì khác ngoài những bài viết vì quá thiếu thốn và cũng đã quá suy nhược về thể xác. Ông mắc nhiều chứng bệnh.

Dù sau này có những người nhờ may mắn được hoàn cảnh thuận lợi đã học hỏi được nhiều hơn, đã đạt tới trình độ hiểu biết hơn ông và đóng góp cho cuộc vận động dân chủ nhiều hơn ông, Nguyễn Văn Tính vẫn phải được nhìn một cách công bằng: ông đã là người yêu nước dũng cảm nhất miền Bắc trước 1975. Ông cũng càng xứng đáng được quý mến vì ông đã phải trả một giá rất đắt, quá đắt.

Nhưng tại sao chính quyền cộng sản lại bắt Nguyễn Văn Tính lúc này? Ông chưa hề tham gia một cuộc biểu tình nào và cũng không có ý định tham gia. Ông đã quá già yếu và suy kiệt để còn có thể là một đe doạ, dù nhỏ, cho bất cứ ai. Có những điều vô lý quá sức đến mức độ không thể giải thích. Người ta chỉ có thể đưa ra giả thuyết là tên ông nằm trong một danh sách "các thành phần nguy hiểm" đã có từ lâu rồi và trong sự lo sợ phập phồng trước cuộc đấu tranh của người Công Giáo, của những Phật tử, của cả một khối dân oan hàng triệu người, và trước một trào lưu dân chủ hoá ngày càng thêm sức thu hút, chính quyền cộng sản đã hốt hoảng nhìn đâu cũng thấy một mối nguy, nhìn ai cũng thấy là một đối thủ nguy hiểm. Và phản ứng điên loạn.

Việc bắt Nguyễn Văn Tính còn tệ hơn cả một tội ác. Nó là một sai lầm tố giác bản chất gian ác và tồi tàn của chế độ.

Thông Luận

----------------------------------------------------------------------------------

XIN XEM BÀI LIÊN QUAN TRÊN web ledinh

Buổi nói chuyện của Chương trình Từ Cánh Đồng Mây với Giáo Sư NGUYỄN VĂN TÍNH


từ Hải Phòng (VN), Ông Nguyễn Văn Tính nói :

"Saigon là hòn ngọc viễn đông.Sau 75, Sàigòn xơ xác, tiêu điều, vì chính sách bao cấp của CSVN.Thời buổi bây giờ là thời buổi của qủy!”








Xin bấm PLAY


Tin về cựu tù chính trị NGUYỄN VĂN TÍNH được tạm thời tại ngoại chờ xét xử


Như quý vị đã biết, ngày 27 Tết âm lịch vừa qua nhằm vào ngày 22 /01/2009 bộ công an CSVN đã thả cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Tính 69 tuổi quê TP Hải Phòng và dân oan Nguyễn Kim Nhàn hiện cư trú tại Bắc Giang ra khỏi trại tù B 14 sau đúng 4 tháng tạm giam để điều tra vì "tội" tham gia treo biểu ngữ trên cầu Lai Cách tỉnh Hải Dương hồi cuối tháng 8/2008. Việc tạm thả ông Tính chỉ là chế độ tại ngoại cấm không được đi khỏi nơi cư trú để chờ xét xử trong nay mai như trường hợp của tôi mà thôi.

Từ khi ra khỏi tù ông Tính đã trả lời phỏng vấn một số đài phát thanh và diễn đàn Paltak trên Mạng Hải ngoại của cộng đồng người Việt định cư ở bên ngoài về tình hình giam giữ và lập trường đấu tranh dân chủ của bản thân ông…

Ông Nguyễn Văn Tính nguyên trước kia là cán bộ địa chất sau là một cựu tù chính trị đã lâu năm. Ông đã cùng 18 công dân khác tại TP Hải Phòng tham gia sáng lập ra Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam từ năm 1963 với mục tiêu lật đổ chế độ CS miền Bắc để thiết lập thể chế dân chủ tự do nên đã bị bắt giam vào năm 1967 sau đó bị xử tù 8 năm. Đến năm 1973 ông cùng nhiều tù nhân chính trị ở miền Bắc đã được thả khỏi trại cải tạo theo quy định bắt buộc của hiệp định Paris tái lập hoà bình tại Đông Dương.

Năm 1986 ông gửi thư kiến nghị với đảng và nhà nước CSVN đòi đổi mới chính trị và dân chủ hoá nên lại bị công an đe doạ khủng bố bắt bớ. Trong các năm 2006-2007 nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã bắt liên lạc được với ông từ đó chính thức tham gia Phong trào đấu tranh đòi dân chủ hoá nước nhà. Ông Tính đã lên Hà Nội trực tiếp nhờ nhà báo Nguyễn Khắc Toàn chuyển hồ sơ cho toà sứ quán Hoa Kỳ để đi tỵ nạn chính trị, sau đó được anh Toàn phân tích động viên nên ông đã từ bỏ ý định này và gia nhập phong trào tranh đấu dân chủ khá tích cực, nhiệt tình. Ông đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược các hải đảo và lãnh thổ của Việt Nam trứơc toà sứ quán Trung Cộng hồi cuối năm 2007 cùng với nhiều anh chị em dân chủ Hải Phòng.

Căn nhà nơi gia đình ông cư trú tại phường Lãm Hà, thị trấn Kiến An, Hải Phòng thường xuyên bị đặt chốt bao vây canh gác nhằm ngăn chặn ông lên thủ đô đấu tranh và gặp gỡ anh chị em dân chủ trên thành phố này. Như vậy ông đã 2 lần vào tù và nhiều lần bị công an CSVN đàn áp khốc liệt. Trong mấy năm qua ông Tính đã viết 12 -14 bài góp phần vận động dân chủ hoá nước nhà và đã được đăng tải rộng rãi trên mạng internet. Hoàn cảnh gia đình tuy rất nghèo khổ nhưng ông luôn luôn sống lạc quan, tin tưởng vào công cuộc đấu tranh dân chủ, tự do của đất nước nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn trong tương lai không xa nữa…

Vừa ra tù, ông Tính cũng công khai phát biểu phản đối nhà cầm quyền về việc vừa qua khi lúc còn bị bắt giam thì các cơ quan truyền thông của nhà nước độc tài CSVN, như đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân của bộ chính trị CSVN, báo công an nhân dân, đài truyền hình Việt Nam và Hải phòng…đã đồng loạt đưa tin vu cáo ông đã khai báo và xuyên tạc về các anh chị em dân chủ khác như về ông Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Xuân Nghĩa….Hiện nay công an Hải Phòng theo sự chỉ đạo từ trung ương tiếp tục theo dõi và giám sát ông rất chặt chẽ.

Phóng viên LÊ THANH TÙNG
thường trú tại Sóc Sơn, Hà Nội
Hồi 21 giờ 30 ngày 07/2/2009

Email: aiquocle@gmail.com

-----------------------------------------------

Bài Liên Quan (from Thông Luận)

Bốn mươi năm nhớ lại một phiên toà
(Vụ án Đảng Nhân dân Cách mạng)






Phạm Đỉnh:
Năm 1964, chàng trai địa chất Nguyễn Văn Tính, 22 tuổi, đã đứng lên thành lập đảng “Nhân dân cách mạng“. Anh bị kêt án 7 năm tù và 5 năm mất quyền công dân. Ra tù, anh bị đẩy ra sống vất vưởng bên lề xã hội, lúc đạp xe xich lô, lúc phụ giúp vợ bán riêu bán bún …. Anh sống vật vờ, vô hồn suốt non nữa thế kỷ qua. Và, bỗng thức dậy khi đọc tập san Tổ Quốc.Sau một thời gian nấp dưới bút danh Hoàng Hải Minh, nay, ông già ngót 70 dám ngang nhiên công khai danh tính -Nguyễn Văn Tính- qua hồi ký dưới đây:

Cũng là vì nước vì dân
Cũng là phải chịu muôn phần gian lao
Những tù rày ước mai ao
Bốn mươi năm ấy biết bao thác ghềnh


12-9-1967 – 12-9-2007! Vâng! bốn mươi năm thác ghềnh thật, và cũng bốn mươi năm rồi đấy nhỉ?

Đây là một phiên toà xử vụ án Đảng Nhân dân Cách mạng của Toà án thành phố Hải Phòng. Tuy đã bốn mươi năm song trí nhớ của tôi vẫn còn minh mẫn để nhớ lại một cách chính xác về toàn bộ diễn biến của phiên toà và hôm nay tôi viết ra đây, hoàn toàn là sự thật và không có một điều gì thêm bớt hoặc cường điệu hoá. Bởi vì còn biên bản phiên toà ngày ấy, hiện nay vẫn được lưu giữ tại Pháp viện tối cao; hơn nữa trong bài này tôi chỉ nêu lên tranh luận một số điểm cơ bản của phiên toà. Còn tất nhiên vụ án như trên có rất nhiều tình tiết, như: Toà hỏi về mục đích, tôn chỉ, điều lệ, cương lĩnh, cờ Đảng, sự hoạt động, các cuộc họp có liên quan đến người này người khác. Song với khuôn khổ có hạn không thể kể hết được. Thời kỳ ấy tôi dám đưa ra các quan điểm của mình tranh luận trước toà đã là ghê gớm lắm rồi, chứ không như ngày nay. Đã tiến bộ rất nhiều. Và việc làm của tôi cũng là chuyện tày đình, song bây giờ kể ra đây cũng chỉ là để ghi lại chuyện cũ.

Tôi bị bắt tối ngày 14 tháng 1 năm 1966 tức là ngày 23 tháng chạp (12) âm lịch ngày cúng vua Táo năm 1965 tại xó Năm Mẫu (trụ sở của Liên đoàn địa chất 2 Uông Bí- Quảng Ninh), và bị giải về Hải Phòng lúc 12 giờ đêm ngày 14-1-1966, giam tại trại giam 175 Trần Phú, nay là Nguyễn Đức Cảnh Hải Phòng.

Ngày hôm sau tôi nhận lệnh tạm giam 4 tháng với tội danh ‘‘Tổ chức Đảng phái phản động’’. Hết 4 tháng tôi nhận tiếp lệnh thứ hai, và về sau không có lệnh nữa. Sau hơn 20 tháng bị giam giữ, ngày 25-8-1967 tôi nhận được bản cáo trạng và giấy báo ra toà vào ngày 5 tháng 9 năm 1967. Đến ngày 5-9 Toà báo hoãn. Trong thời gian hoãn tôi đã xin giấy và bút mực viết bản bào chữa dài 6 trang vở học sinh để tự bào chữa cho mình.

Sáng ngày 12-9-1967, cửa phòng giam mở, quản giáo gọi tôi đi Toà. Tôi vội mặc quần áo. Khi ra đến phòng thường trực tôi đã thấy các đồng sự của tôi mặc quần áo tù sọc đen trắng đứng đầy cả. Đến lượt tôi, trực ban Công an là Nguyễn Văn Tô khi khám người tôi có thu giữ bản bào chữa của Tôi. Tôi nói là: Không có luật sư nào dám bào chữa cho tôi thì tôi phải bào chữa lấy chứ ! Nhưng trực ban nhất định không nghe và đem quẳng vào sọt rác. Về sau tôi được biết ông Thiếu úy Nhiễu nhặt ở sọt rác ra xem và có phàn nàn rằng: bản bào chữa của ngừời ta như thế này mà đem vứt đi thật là phí ! Bởi vì trình độ của ông Nhiễu là 10/10 và Trung sĩ Tô chỉ có lớp 3. Đến phần mặc quần áo tôi nhất định không mặc quần áo sọc đen trắng vì tôi cho rằng tôi chưa có tội (nếu ngày đó mà còn có bức ảnh ở Toà thì thấy tôi mặc chiếc áo sơ mi quần âu). Sau đó chúng tôi bị khoá tay và đẩy lên xe ô tô bịt kín.

Nơi xử chúng tôi chính là Trụ sở của Toà án Hải Phòng, nằm ở số 41 đường Trần Phú. Toà án này trước đây là của Thực dân Pháp để lại với kiểu kiến trúc mái bát úp tường nửa mộc nửa chính trông rất đẹp. Khi chúng tôi đến thì Toà đã đông nghịt người, cảnh sát áp giải chúng tôi vào phòng cách ly sau đó dẫn ra các ghế ngồi dành cho bị cáo, kể cả khi ra trước vành móng ngựa cũng không bị khoá tay như bây giờ. Tôi nhìn xuống thì tất cả các hàng ghế dành cho các đại biểu đã ngồi hết còn nhân dân thì tập trung đứng vòng ngoài. Phiên toà đại hình nhưng không có loa phóng thanh, không có phóng viên báo chí hoặc thông tin đại chúng nào hết.

8h kém 15’ Toà rung chuông, tất cả các quan toà, thư ký, công tố, uỷ viên lục tục kéo ra và ai ngồi vào vị trí người đó. Đúng 8h phiên toà khai mạc. Chánh án nhắc mọi người đứng dậy và công bố giới thiệu phiên toà với các thành phần:
1. Đoàn Như Khuê phó Chánh án Hải Phòng ngồi ghế Chánh án
2. Lê Xuân Phùng Bí thư thành uỷ Đảng xã hội Giám đốc Sở giáo dục Hải Phòng ngồi ghế hội thẩm.
3. Nguyễn Anh Đề Bí thư thành đoàn Thanh niên lao động Việt Nam ngồi ghế hội thẩm.
4. Thư ký phiên toà (tôi không nhớ tên)
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố, cử nhân Luật Lại Vũ Phùng phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Hải Phòng.

Sau phần thủ tục các cử tọa ngồi xuống và lần lượt các bị cáo được gọi ra trước vành móng ngựa. Tôi được gọi ra đầu tiên và các cộng sự của tôi lần lượt ra đứng hai bên và đằng sau tôi. Chánh án đề nghị Viện kiểm sát đọc cáo trạng truy tố tôi và các cộng sự với tội danh ‘‘Tổ chức Đảng phái phản động’’ với danh nghĩa ‘‘Đảng nhân dân cách mạng’’. Mở đầu cáo trạng viết: ‘‘Nguyễn Văn Tính là một thanh niên sống trong gia đình nghèo. Tính tự học đến lớp 10 và thi đỗ… Đọc đến đoạn này nhân dân và các đại biểu xôn xao cả lên họ xì xào ca ngợi.

Tiếp theo là nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Nguyễn Văn Tính đã sáng lập ra Đảng nhân dân cách mạng với Tuyên ngôn, cương lĩnh, điều lệ và cờ Đảng. Sau đó Tính đi tuyên truyền vận động Nguyễn Văn Đồn, Nguyễn Văn Sử, Nguyễn Văn Vinh, Phạm Văn Trà, thành lập Đảng ở nhà Nguyễn Văn Sử ngày 1-9-1964 rồi sau đó đến Lương Văn Tình, Nguyễn Văn Phong, Phạm Văn Dấn, Phạm Văn Quang…với mục đích là đánh đổ chế độ Miền Bắc đi theo con đường xã hội dân chủ mô hình như Ti Tô, (Tổng thống Nam Tư lúc đó). Cách thực hiện là tuyên truyền vận động quần chúng để gây cơ sở thành lập chi bộ ở các nơi. Tổ chức bí mật cho vững chắc chờ khi nhân dân giác ngộ, thời cơ chín muồi sẽ khởi nghĩa; xã nào cướp chính quyền xã đó, huyện nào cướp chính quyền huyện đó. Sau đó dùng lực lượng quần chúng nhân dân nhất tề kéo về thành phố Hải Phòng bao vây Sở Công an, bao vây doanh trại quân đội và chiếm Đài phát thanh kêu gọi hạm đội 7 của Mỹ vào Cảng Hải Phòng để nhận viện trợ vũ khí, lương thực.vv., tiến tới thành lập mặt trận dân tộc giải phóng Miền Bắc… Cáo trạng đọc xong thì các cộng sự của tôi trở về ghế ngồi còn tôi đứng lại để toà thẩm vấn.

Chánh án hỏi lý lịch:
- Anh Tính anh cho biết anh họ gì? Tên gì?
- Trả lời: Thưa Toà tôi họ Nguyễn còn tên thì Toà vừa mới gọi
- Hỏi: Sinh quán và trú quán?
- Trả lời: Thôn Đại Trà- xã Đông Phương- huyện Kiến Thụy – Hải Phòng
- Trú quán: Liên đoàn địa chất 2 Uông Bí- Quảng Ninh
- Hỏi: anh bao nhiêu tuổi?
- Trả lời: Sinh năm 1942 đến nay vừ tròn 25 tuổi
- Hỏi: Ngày anh thành lập Đảng, anh bao nhiêu tuổi?
- Trả lời: Tôi 22 tuổi (ngày 1-9-1964)
- Hỏi : Cha anh tên gì ?
- Trả lời : Nguyễn Văn...
- Hỏi : Mẹ
- Trả lời : Hoàng Thị...
Hỏi : Cha mẹ anh còn sống hay chết ?
- Trả lời : Tôi không biết.
- Chánh án: Cha mẹ anh mà anh lại không biết còn sống hay chết?
- Trả lời: Khi còn ở ngoài xã hội thì cha mẹ tôi còn sống; gần hai năm nay tôi ở trong trại giam tôi không nhận được tin tức gì về cha mẹ tôi cho nên tôi không biết cha mẹ tôi còn sống hay chết. (gần 2 năm mà tôi bị cắt tiếp tế tới 18 tháng không nhận được một cái gì).

Thẩm vấn lý lịch xong, Chánh án hỏi:

- Anh Tính! anh cho biết động cơ nào anh làm chính trị?

- Trả lời: xuất phát từ nhân dân đói khổ tôi làm chính trị.

Lời lẽ Tôi đanh thép khiến hội trường như vỡ tung ra, nhân dân đẩy cả cảnh sát bảo vệ để xô chen vào xem mặt tôi. Tôi còn nghe thấy, ai đó nói: “ xứng đáng là đầu vụ, như thế mới là thủ lĩnh chứ!”. Chánh án phải kêu gọi trật tự. Đại diện công tố Nhà nước đứng lên. Ông Phùng nói:

Thưa Toà án và các vị đại biểu. Hôm nay toà án nhân dân thành phố Hải Phòng mở phiên toà xét xử công khai Nguyễn Văn Tính và đồng bọn. Nếu vào thành phần khác, giai cấp khác chúng tôi sẽ rút ngắn phiên toà; song thành phần này chúng tôi sẽ kéo dài phiên toà; hôm nay không xong thì ngày mai tiếp, ngày mai không xong thì ngày kia. Mục đích nhằm đánh đổ toàn bộ quan điểm và lý luận của Tính trước toà án này. Không những làm cho Tính thấy mà còn cho các đại biểu ngồi dưới kia thấy được đường lối của Đảng và Nhà nước trong bước đường tiến lên CNXH. Vậy toà cho phép bị cáo cãi, cứ cãi.

Ông Nguyễn Văn Tính


Phần tranh cãi

Về dân cày (nông dân)

Tôi cho rằng phải giải tán ngay HTX nông nghiệp trả lại ruộng đất cho nông dân trước năm 1960. Để dẫn chứng tôi hỏi Toà: Người nông dân ăn mấy bữa?

Toà không trả lời.

- Tôi nói: phải ăn 3 bữa. Thực tế là sáng ra đồng cuốc ruộng người nông dân phải ăn thật no, còn kèm theo mo cơm nắm cùng con cá khô hoặc muối vừng và tích nước. Cuốc đến 11h người nông dân lên bờ ăn cơm, nghỉ đến 1giờ cuốc tiếp; về nhà ăn bữa cơm cuối ngày. Thử hỏi 3 bữa cơm đó mất bao nhiêu gạo? Phải mất 1kg! Thế mà HTX nông nghiệp chỉ cho ăn 10 kg đến 12kg thóc một tháng. Người nông dân sống thế nào ta làm con tính từ thóc ra gạo là 70% , vậy một tháng một người chỉ được ăn từ 7 đến 9 kg gạo, như vậy chỉ được hai bữa cháo chứ không có cơm, hơn nữa cấm chợ ngăn sông không cho buôn bán một thứ gì, toà không nhìn thấy dân ư, khắp các chợ búa chốn nông thôn đói lắm, người nào người ấy xanh xao ốm yếu!

Phần này Toà và Viện kiểm sát ngồi yên. Sau này ông cụ Vố bố anh Vinh, Đảng viên của tôi có nói khi tôi ra tù: ông cãi như máy quan toà cứng họng không trả lời được. Một nhân chứng nữa là chị vợ anh Nguyễn Văn Đồn, hiện nay còn sống. Khi Tôi ra tù, anh Đồn vẫn chưa được thả, tôi có đến thăm, chị nói: Trước đây cũng giận chú lắm. Vì chú đưa chồng tôi vào vòng lao lý, nhưng khi nghe chú cãi ở phiên toà thì Tôi hiểu được việc của chồng tôi và chú làm.

Về tự do dân chủ và nhân quyền

Tôi nói: “Việt Nam dân chủ cộng hoà độc lập tự do hạnh phúc”, các chữ ấy đều ở chủ nghĩa Tam dân: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Ở Miền Bắc nước ta có độc lập nhưng không có tự do, mà không có tự do thì làm gì có hạnh phúc?

Tôi đang định dẫn chứng để chứng minh thì đại diện Viện kiểm sát ngắt lời. Ông Phùng nói:

Thưa toà án và các vị đại biểu: Tính nói đúng: có độc lập thì mới có tự do, có tự do thì mới có hạnh phúc, song tự do của nhân dân ta ngày nay là tự do có tổ chức, tự do yêu nước, chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước chứ không có kiểu tự do như của anh ta. Tự do đĩ điếm, tự do nói bừa, tự do nghiện hút, tự do vô tổ chức để đi đến chỗ làm loạn à, tự do lật đổ chính quyền mà chúng ta đã đổ bao xương máu để bảo vệ nó. Chúng ta không thể chấp nhận cái kiểu tự do tư sản như tên Tính nghĩ được…

Về mục tiêu xoá bỏ mậu dịch quốc doanh, xoá đi bỏ bế quan toả cảng

Tôi cho rằng phải cho dân mở rộng thị trường, buôn bán với các nước, mở rộng thương cảng thì ta mới tạo nên sự cạnh tranh và đem về lợi nhuận cho ngân sách. Tôi nói Miền Bắc hiện nay là sống nhờ viện trợ của nước ngoài chứ nếu không có viện trợ ấy thì nhân dân điêu đứng đến đâu? Phần này toà không cho nói tiếp.

Xóa nhoà giai cấp để đi đến chỗ nhà nước toàn dân, tôi cho rằng hiện nay không còn đấu tranh giai cấp nữa, mà phải sử dụng tất cả những tài năng để xây dựng đất nước xã hội tiến lên. Tất cả các cơ quan Nhà nước phải có tầng lớp trí thức nắm quyền chứ không còn phân biệt giai cấp nào được nắm quyền, vì vậy phải là một Nhà nước toàn dân.

Đại diện Viện kiểm sát: ông Lại Vũ Phùng: chúng ta xây dựng một chế độ chính quyền vô sản thì chúng ta luôn luôn phải đấu tranh giai cấp chứ chúng ta không được thủ tiêu nó, nếu thủ tiêu đấu tranh giai cấp là chúng ta đã buông lỏng chuyên chính vô sản và càng không thể như kiểu Tính nói để rồi bọn phản động lăm le ngóc đầu dậy, bon tư sản, bọn địa chủ chúng lại có cơ hoành hành. Vậy chúng ta không bao giờ buông lỏng đấu tranh giai cấp mà luận điểm của Tính là luận điểm của bọn xét lại muốn thủ tiêu chế độ CNXH mà thành lập theo kiểu của chúng…..

Tôi định tranh luận, nhưng toà không cho phép

Về tội bán nước

Cáo trạng Viện Kiểm sát buộc tội tôi là: sau khi cướp chính quyền Hải Phòng, Tính kêu gọi hạm đội 7 của Mỹ vào Cảng Hải Phòng để nhận viện trợ…

Tôi cho rằng đã từng là giáo viên đứng trên bục giảng về 4000 năm lịch sử của dân tộc Việt Nam chống xâm lược thì không bao giờ rước voi dày mả tổ nhưng bước đường đi nó phải là như thế. Dù luật hình của các ông có xử bắn tôi đi nữa thì trước sau tôi cũng không nhận làm tay sai cho xâm lược. Tôi thử hỏi các vị quan toà nếu sau khi tôi thành công việc cướp chính quyền, đầu tiên tôi phải có vũ khí, tiền bạc, lương thực v. v… Vậy tôi lấy ở đâu? Tôi đi ký với Liên Xô, với Trung Quốc bạn của các ông hay sao? và rõ ràng tôi phải đi tìm Hoa Kỳ để nhận viện trợ và sự hỗ trợ của họ. Lê Nin còn cắt ba tỉnh miền Đông cho Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ký cho Pháp vào Đông Dương. Đấy có phải là những hành động bán nước? Còn chúng tôi chỉ có nhận viện trợ của Hoa Kỳ chứ chúng tôi có cho quân đội Hoa Kỳ vào đâu.

Đại diện Viện Kiểm sát:

- Anh Tính! Anh hãy quay mặt lại cho các đại biểu ngồi dưới kia thấy cái mặt non choẹt búng ra sữa của anh mà dám làm cái việc tày đình là âm mưu lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân, và còn âm mưu dâng chế độ ta cho Mỹ. Anh Tính anh còn ngây thơ về chính trị lắm? Không bao giờ một con cáo già như đế quốc Mỹ cho anh viện trợ mà lại không đẩy anh đi vào quỹ đạo của cái gậy và củ cà rốt. Anh nói anh chỉ nhận viện trợ của Mỹ chứ không cho Mỹ vào, thực hất là che đậy cái âm mưu bán nước của anh, biến anh thành tay sai như Ngô Đình Diệm mà thôi…
*

Sau một ngày thẩm vấn, cũng lạ thay cho sức khoẻ của tôi, vì tôi ra toà chỉ còn bộ xương. Trong nhà tù tôi đã tuyệt thực, nhịn ăn 3 ngày để phản đối (có ghi trong cáo trạng) hơn 20 tháng giam giữ thì tôi bị cắt tiếp tế tới 18 tháng, liên tục phải ăn cơm bi (ba lạng gạo mục một ngày); mỗi bữa nắm lại tròn như viên bi tự nhõn gọi là “cơm bi”, thức ăn chỉ cú vài chục ngọn rau muống già nấu muối.Cơ thể tôi suy nhược. Song điều gì đã làm cho tôi đứng vững suốt một ngày thẩm vấn, tranh luận, người tôi cứ nóng ran như có sinh khí vô hình nào đó.

Sang ngày hôm sau (13-9-1967), buổi sáng toà thẩm vấn các cộng sự của tôi. Buổi chiều đại diện Viện Kiểm Sát đọc bản luận tội và đề nghị án.

Kết tội!

Ông Lại Vũ Phùng nói: Thưa Toà án và các đại biểu, tất cả những điểm thẩm vấn trước Toà từ hôm qua đến hôm nay. Với bị cáo Nguyễn Văn Tính và đồng bọn không phải thực tế xã hội ngày nay là không có những điều Tính và đồng bọn nêu ra: nào là HTX nông nghiệp, nào là mậu dịch quốc doanh phải xếp hàng rồng rắn, nào là chế độ tem phiếu phân phối. Nhưng trên bước đường tiến lên CNXH nhất định phải gian nan; vì vậy chúng ta phải thắt lưng buộc bụng để rồi ‘‘ Tam niên khổ ải vạn đại hạnh phúc’’. Hơn nữa chúng ta đang dốc toàn lực vào công cuộc giải phóng dân tộc chống Mỹ cứu nước, vì vậy ngày nay chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, những khó khăn đó không phải chỉ có Nguyễn Văn Tính đã đề cập đến mà nhân dân ta mà ngay cả cán bộ Đảng viên cũng có kêu ca phàn nàn khó chịu. Đó là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân mà Nguyễn Văn Tính đứng đây và cùng đồng bọn đều xuất thân từ thành phần giai cấp, nhưng Nguyễn Văn Tính đã biến từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân trở thành mâu thuẫn địch ta để y đã trở thành tên phản Cách mạng hết sức nguy hiểm…

Tội bán nước:

ông Lại Vũ Phùng nói: Từ hôm qua cho đến hôm nay Tính vẫn khăng khăng kiên định không nhận tội làm tay sai bán nước cho xâm lược. Xét cho đến cùng, đây cũng không phải là tính chất ngoan cố của Tính.

Ông ta đề nghị xử Tôi từ 7 đến 8 năm tù giam và 5 năm quản chế ở địa phương.

Cuối cùng Toà tuyên án tôi 7 năm tù giam và 5 năm mất quyền công dân, bị quản chế ở địa phương (vì chưa có vũ trang). (Thực chất án tuyên là thế, song hết án có về hay không mới là quan trọng; bởi vì tù chính trị cứ khi nào yên mới được về, có người án 3 năm mà ở tới 8 năm như anh Phạm Văn Dấu, anh Nguyễn Văn Đồn bị ỏn 5 năm mà ở tới 8 năm. Tôi thuộc diện may là hết án thì cũng vừa đúng Hiệp định Pari về Việt Nam, nên chỉ quá án 15 ngày). Và vào tháng 10, ngày mồng 10 tôi bị khoá tay đưa ra khỏi trại tạm giam Trần Phú để đẩy lên chiếc xe ô tô đã bịt kín, đỗ ngay tại cổng trại. (Đường phố Hải Phòng vào buổi chiều ngày 10-10-1967 vắng tanh không một bóng người vì đang bắn phá ác liệt) để đi thụ án trên trại giam Trung ương. Tay bị xích nhưng tôi vẫn giơ cao và chúc các ông Yến, ông Chương, ông Nhiễu, bà Phong những sĩ quan công an có lòng nhân từ với tù nhân, rồi ứng khẩu đọc mấy câu.
“ Nghĩ mình ngoài nhục trong vinh
Biết bao nhiêu dặm trường đình sẽ đi
Gian lao nào có sá chi
Một lòng một dạ quyết vì nhân dân
Và rồi tôi đã đi gần hết các trại giam ở miền bắc Tân Lập- Phú Thọ, An Thịnh – Tuyên Quang, Vinh Quang – Vĩnh Phú, Phong Quang- Lào Cai, những nhà tù trong thời kỳ ấy là vô cùng kinh khủng.

Hải Phòng, ngày 5 tháng 9 năm 2007
Nguyễn Văn Tính


No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...