. .

Friday, September 14, 2012

Súng Mỹ trong ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Võ Văn Ty

by Võ Văn Ty, Diễn Đàn Thế Giới Người Việt 07/8/2012 - LTC saved 14/12/2012

LTC: Bài Khả Năng Quân Sự Hiện Tại Của Việt Nam tôi viết tháng 6 năm ngoái (đã đăng trên Đàn Chim Việt) qua cái nhìn chính trị.
Tình cờ hôm nay vào đọc comments của bạn đọc bên ĐCV, thì thấy một bạn đọc là Phan Liên trưng link tới một bài cũng cùng đề tài nhưng với cái nhìn quân sự chuyên nghiệp đáng nể phục của tác giả Võ Văn Ty, đăng trên Diễn đàn Thế Giới Người Việt (lúc 07-08-2012, 05:42 AM) với Title: Súng Mỹ trong ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Nên tôi copy lại ở đây để bổ túc tài liệu dẫn chứng và tiếp tục hầu độc giả của Lê Tùng Châu Library về chủ đề này.

Saigon, Sep. 14, 2012
LTC




Update 2016: Một số hình ảnh từ bài gốc đã được tôi phục hồi (vì trang Diễn Đàn Thế Giới Người Việt hiện đang bị broken - May 2016), sưu lục thêm hình ảnh và edit lại toàn bài cho thật rõ ràng phong phú và trực quan hơn nhiều.


Súng Mỹ trong ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Võ Văn Ty

Sinh ra ở miền Nam và chưa bao giờ được thấy và biết về Hà Nội ngoài những tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng… hay cuốn Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn. Với tất cả ngưỡng mộ thành thật về Hà Nội đất ngàn năm văn vật, Hà Nội ba mươi sáu phố phường, nên tôi đã xem lại đoạn phim video “Diễn binh kỷ niệm 1000 năm Thăng Long” hàng chục lần để tìm lại những cái đẹp của Hà Nội qua các tác phẩm văn chương ở miền Nam trước đây.

Ngay trong đoạn mở đầu của khúc phim này, người xem đã được mục kích cảnh tượng, quốc huy của nhà nước CHXHCN Việt Nam được đặt chễm chệ trên mặt trống đồng Đông Sơn, một biểu tượng văn hoá, văn minh của dân tộc có trước văn hoá Thăng Long ít nhất một ngàn năm trăm năm, có trước chế độ cộng sản hai ngàn năm trăm năm. Lịch sử bị đảo lộn, bóp méo. Cách bố trí và xảo thuật tuyên truyền quá lộ liễu, thiếu sự tôn kính tối thiểu đối với tổ tiên khi tạo nên hình ảnh văn hoá Đông Sơn cội nguồn của dân tộc đội quốc huy của nhà nước CSVN lên cao.
Văn hóa Thăng Long, đất ngàn năm văn vật, nơi tiền nhân Lý Công Uẩn đã khởi công xây dựng nằm ở đâu trong đoàn người mang súng đạn của của hai đế quốc đỏ và tư bản, và dưới rừng cờ của chủ nghĩa Karl Marx-Lenin phi dân tộc.


Những tĩnh từ kích động liên tục dồn dập của người xướng ngôn viên cũng làm người xem cảm thấy bỡ ngỡ và xa lạ “…Chiến sĩ Đặc Công đại diện cho binh chủng đặc biệt tinh nhuệ anh dũng tuyệt vời mưu trí táo bạo đánh diệt (?) thắng lớn…” Liệu đây có phải là ngôn ngữ trong thời đại hòa bình, đổi mới và hội nhập của Việt Nam không? Và hình ảnh những đơn vị quân đội lực lượng vũ trang nhân dân với súng đạn tua tủa, đánh bước rầm rập ở Hà Nội với lời lẽ huênh hoang về các chiến thắng mà thực chất là do các thế lực ngoại bang quyết định, sẽ làm người miền Nam nghĩ gì khi vết thương của cuộc chiến quốc - cộng vẫn còn đang bị chà xát. Thay vì khoe khoang các chiến thắng của phe CS trong quá khứ, tại sao không dồn nổ lực đề cao tình đoàn kết của toàn khối dân tộc???

Những hình ảnh sặc màu chiến tranh và trấn áp trong ngày đại lễ đất ngàn năm văn hiến làm người viết ngậm ngùi nghĩ đến ngày lễ Độc Lập, 4 tháng 7, của Mỹ ở Washington. Ở đó chỉ có đốt pháo bông tưng bừng, không có quân đội trong quân phục tác chiến rằn ri diễn hành, cũng chẳng thấy hình Washington vị cha già lập quốc của Mỹ ở đâu và càng không thấy hình của vị Tổng Thống đương nhiệm Obama nơi công cộng.
Mọi người, kể cả những du khách ngoại quốc, ùa ra đường vui chơi, nghe nhạc, uống bia, xem bắn pháo bông và tham dự "party". Không ai muốn nhìn những hình ảnh chiến tranh hận thù và chia rẽ trong ngày vui này. Ở những quốc gia không có hình tượng, khẩu hiệu sắt máu, phân biệt đảng phái, đồng chí, nhân dân anh hùng, hay quân phản động bán nước, v v…, con người trở nên thân thiện cởi mở để đến với nhau hơn. Tình đoàn kết và sức mạnh của dân tộc là ở chỗ đó.

Thế nhưng, khi thấy một số đơn vị được gọi là tinh nhuệ của Cộng sản Vietnam trong ngày đại lễ Thăng Long trang bị súng của Mỹ tới tận răng, người viết đã ngạc nhiên lẫn thích thú. Và chi tiết này trở thành đề tài cho bài viết (xin xem You Tube Video Clip và các ảnh dẫn chứng bên dưới bài)

* * *

Quan sát những đoạn phim Video khác cho thấy những đơn vị Đặc Công và ngay cả Cảnh Sát Biển, đều được trang bị loại súng Commando SMG (submachine gun) của Mỹ, tên in trên mặt súng (lower receiver) là AR-15 loại XM177E2 do hãng COLT sản xuất vào khoảng thời gian 1960-1970, tức là trên 40 tuổi. Loại súng này chỉ được phát cho các đơn vị thiện chiến như Biệt Kích hoặc Người Nhái của Mỹ và VNCH, hoặc các toán bảo vệ của phủ tổng thống và toán bảo vệ Không Quân của Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Quân đội VNCH thường gọi các khẩu AR-15/XM177E2 này là M-18. Đây là những chiến lợi phẩm mà cộng sản đã tịch thu được của VNCH sau khi miền Nam đã thất thủ, 1975.


Súng Commando SMG, AR-15/ XM177E2 nòng ngắn được biến cải từ hệ súng M-16, hậu thân của AR-10 do ông Eugene Morrison Stoner sáng chế vào năm 1956. Và sau hơn 50 năm với bao nhiêu lần sửa đổi cải thiện qua nhiều tên khác nhau như XM16E1, M-16A1, M16-A2, M-16A4 (nòng 20 inches (in), dành riêng cho USMC - Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ - binh chủng có nổ lực huấn luyện kỹ thuật bắn chính xác với súng nòng dài), M-4A1, M-4A2 (nòng 14.5 in). Các loại Commando nòng ngắn 11.5 in rất được các đơn vị người nhái SEAL và các toán bảo vệ yếu nhân ưa chuộng. Cũng loại súng này mà toán SEAL 6 của Mỹ đã bắn hạ Thủ lãnh Al-Qaeda, Osama bin Laden, ở Abbottabad, Pakistan vào ngày 2 tháng 5, 2011. Như thế quân đội CSVN đang sử dụng những vũ khí cổ lổ sĩ trên 40 tuổi, tiền thân của loại súng M16A4/M4A2/Commando hiện đại nhất của quân đội Mỹ hiện nay.

Nếu CSVN lựa chọn loại súng Commando này để trang bị cho cho các đơn vị thiện chiến của mình vì phẩm chất và tầm sát hại của loại vũ khí này cao, thì đó là quyết định thực tế và chuyên nghiệp. Có đến 80 quốc gia trên thế giới sử dụng loại súng này, ngay cả Trung Cộng (TC) cũng tự sản suất 8 triệu khẩu loại M-16/M4A1 và trang bị cho một số đơn vị của họ, nhưng không biết TC có mua bằng sáng chế của COLT hay không? Và CSVN có mua súng M16 do Trung Cộng sản xuất hay không? Kinh nghiệm cho biết, các cơ phận của súng loại M-16 tinh vi hơn súng AK của Nga, vì thế loại súng này nếu không do chính hãng Colt sản xuất với hệ thống phối kiểm chất lượng gắt gao theo điều kiện đặt mua hàng của quân đội Mỹ, mà do các công ty khác sản xuất không có phẩm chất cao sẽ bị kẹt đạn và mau hư hơn. Mỗi nòng súng M16/AR-15 chỉ bắn được khoảng 15 ngàn viên đạn, khoảng 2 hay 3 năm sử dụng mức độ trung bình, sau đó phải thay vì nòng súng bị mòn và lổ thông hơi trong nòng bị nở rộng. Súng VNCH để lại từ 1975 nếu không thay nòng thì chỉ là những món đồ cổ dùng để triển lãm diễn binh hay dùng để bắn những mục tiêu có khoảng cách vài chục thước.

Mỗi khẩu M-16, Carbine M4A2 hoặc Commando hãng Colt bán cho chính phủ Mỹ là 1100 USD, rẻ hơn các loại súng cá nhân của khối NATO và mắc gấp đôi súng AK của Nga và Trung Cộng. Một vài chi tiết khác để bạn đọc so sánh sự công hiệu của súng M16A4/M4A2/Commando với các loại súng tối tân của NATO. Bộ binh Anh dùng khẩu SA80, nhưng Lực Lượng Đặc Biệt Hoàng Gia Anh, Special Air Service (SAS), thì trang bị súng Mỹ M16A4/M4A2/Commando. Bộ binh của Úc Đại Lợi dùng khẩu Steyr AUG của Austria rất lợi hại và cũng là phát minh đầu tiên trên thế giới về băng đạn được nạp vào phía sau tay cầm (pistol grip) vì thế khẩu súng rất ngắn và gọn, thế mà Lực Lượng Đặc Biệt của Úc, Australian Special Forces (SASR) lại dùng súng Mỹ M16A4/M4A2/Commando.

Vũ khí tối tân nhất của quân đội Mỹ trên chiến trường Afghanistan và Iraq, súng M4A2 gắn súng phóng lựu M203, trên các đường rãnh có gắn ống nhắm Trijicon ACOG 4x32, bộ phận bắn tia hồng ngoại tuyến IR AN/PEQ-2A và đèn chiếu sáng mục tiêu. Tất cả trị giá khoảng 8500 USD - Ảnh: LTC / Chú thích ảnh by Võ Văn Ty


Người viết đã có cơ hội tác xạ các loại súng mới của Mỹ và hầu hết các loại súng cá nhân của khối NATO, đặc biệt khẩu HK G36 của Tây Đức có hình dáng của khẩu M-16 nhưng mỏng manh hơn và khẩu SIG SG 552 của Switzerland được chế tạo rất tinh vi. Cả hai loại súng này đều rất chính xác, bảo đảm và dễ kiểm soát luồng đạn đi khi bắn liên thanh (automatic). Nhưng các khẩu M16A4/M4A2/Commando của Mỹ vẫn chiếm thế thượng phong và được lựa chọn là vũ khí căn bản của các toán Commando trong các cuộc hành quân đột kích vào mật khu địch hay các trận đánh chớp nhoáng giải cứu con tin, vì một vài đặc điểm sau đây:

1. Khi bắn xong viên đạn cuối cùng trong băng đạn, cơ bẩm (bolt carrier) tự động gài lại phía sau để người bắn lật khẩu súng lên khoảng 45 độ nhìn vào buồng đạn kiểm soát súng đã hết đạn hay bị kẹt đạn. Động tác này mất khoảng ½ giây nhưng có thể quyết định người xạ thủ, các con tin hay tên khủng bố, ai sẽ bị bắn hạ trước. Hầu như các súng của NATO và AK của khối CS không có bộ phận sinh tử này, vì nếu súng đã kẹt đạn mà người bắn tưởng là hết đạn và tống thêm một băng mới rồi nạp thêm một viên đạn vào buồng đạn đã có một viên kẹt nằm trong đó. Trở ngại tác xạ này gọi là Double Feed Malfunction, tức là 2 viên đạn chui vào buồng đạn. Người nào bình tĩnh thông thạo nhất cũng mất tối thiểu 10 giây để tháo gỡ. Nếu lính quýnh kéo cơ bẩm lui tới là hư luôn súng. Và bạn đọc có thể tưởng tượng được tên khủng bố sẽ làm gì khi ngón tay của nó đặt trên một cái nút của những trái mìn, hoặc nó đang dí súng vào đầu những con tin, đó là chưa kể mạng sống của người bị kẹt đạn cũng sẽ cáo chung?

2. Súng M16A4/M4A2/Commando nạp băng đạn mới vào súng dễ và mau hơn súng của NATO và AK. Sau khi kiểm soát buồng đạn người bắn dùng ngón tay bóp cò bấm vào nút để băng đạn tự động rớt ra cùng lúc tay trái nạp băng đạn mới vào rồi trườn ngón tay trỏ trái bấm vào nút để cơ bẩm chạy lên đẩy viên đạn mới vào nòng. Động tác này nếu tập nhuần nhuyễn sẽ không quá 1 giây, trong khi đó, mũi súng vẫn nhắm vào mục tiêu, ngón tay bóp cò đã sẵn sàng trong tư thế bắn.

3. Súng phóng lựu M203 được gắn vào M-16/M4. Đây là phát minh độc đáo khởi nguồn từ khẩu M-79 mà CS thường gọi là "súng cối cầm tay". Khối CS không có vũ khí tương đồng để đối chọi với khẩu M-79, rồi M-203, của Mỹ. Về sau Nga bắt chước chế tạo khẩu GP-25 grenade launcher - 40mm gắn vào khẩu AK-74, đầu súng AK vốn đã nặng nay càng nặng thêm rất khó bắn. Người viết đã có cơ hội bắn khẩu M-203 song hành với M-4A2 rất dễ xử dụng, chỉ cần mười mấy trái đạn tập là người bắn có thể rót quả tạc đạn này xuống cách mục tiêu vài thước với khoảng cách 100-200 mét . Vũ khí này có tầm xa 400 mét và có thể bắn trực xạ lẫn cầu vồng.

4. Súng M16A4/M4A2/Commando hiện nay đã được biến cải và tối tân hơn nhiều so với loại súng AR-15/ XM177E1 của Mỹ và VNCH dùng trước đây. Đường khương tuyến bây giờ là 1/7 so với 1/12 của súng thời chiến tranh VN. 1/7 làm đầu đạn xoáy và công phá hơn, viên đạn “green tip” (NATO: SS109; U.S.: M855) nặng hơn, thuốc nổ mạnh hơn, làm đầu đạn bay xa hơn, vì có pha thêm chất thép nên xuyên thủng nhiều loại áo giáp. Súng lại có những đường rãnh, rail system, phát minh đầu tiên của Mỹ mà bây giờ các súng NATO cũng bắt chước. Các đường rãnh này dùng để gắn các bộ phận nhắm bằng tia hồng ngoại tuyến như AN/PEQ-2A (3000 USD), AN/PEQ-15A (4000 USD) Infrared Aiming Laser and IR Illuminator để tác xạ ban đêm, và các xạ thủ có thể dùng tia hồng ngoại tuyến để hướng dẫn trực thăng võ trang vào vùng và chỉ điểm mục tiêu để phi công bắn các loại hỏa tiễn không-địa như AGM-114 Hellfire (ASM).

Cũng xin trình bày thêm là kỹ thuật dùng tia IR hồng ngoại tuyến chiếu vào mục tiêu rồi dùng máy nhắm ban đêm (night vision) AN/PVS-14 (3500 USD) và AN/PVS-18 (6000 USD) để thấy được tia IR này, đã trở thành lỗi thời sau hai thập niên xử dụng trên các chiến trường. Kỹ thuật này còn có phần nguy hiểm nếu đối phương cũng được trang bị máy nhắm ban đêm, vì họ sẽ thấy được tia hồng ngoại từ đâu đến. Hiện nay quân đội Mỹ bắt đầu dùng nhiều về kỹ thuật FLIR (Forward looking infrared) hay Thermal Imaging, máy phát hiện mục tiêu do sức nóng từ cơ thể con người, động cơ xe, máy bay, v v. Đây là kỹ thuật cũ đã có từ thời chiến tranh VN nhưng mới vì máy nhắm này được làm nhỏ lại và gắn trên hệ thống đường rãnh của súng. Xạ thủ có thể dùng phối hợp với máy IR. FLIR dùng để phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa, và khi mục tiêu di chuyển đến gần thì dùng hệ thống IR để xác định ta hay bạn (FLIR nhìn rất xa nhưng hình bị nhòe khó thấy chi tiết của vũ khí và y phục, IR thấy rõ chi tiết nhưng chỉ vào khoảng vài trăm mét). Máy nhắm FLIR gắn trên súng M16A4/M4A2/Commando trị giá khoảng 20 ngàn USD. Các kỹ thuật FLIR và IR không được phép bán ra nước ngoài.

Ngoài ra còn có các máy nhắm mới như Holographic Weapon Sights rất công hiệu cho những mục tiêu gần. Người xạ thủ có thể vừa đi vừa bắn rất chính xác, một mắt nhìn vào máy nhắm qua vòng tròn ánh sáng trong máy nhắm uyển chuyển di động qua lại theo bước chân, mắt còn lại dùng để quan sát địa thế chung quanh mục tiêu. Máy nhắm này còn được gắn vào các súng đại liên 6 nòng minigun trên máy bay trực thăng.

* * *

Bài viết này chỉ nói về một khẩu súng nhỏ của quân đội Hoa Kỳ nhân dịp coi đoạn phim video “Diễn binh kỷ niệm 1000 năm Thăng Long” ở Hà Nôi. Vũ khí tối tân của Mỹ không ngừng lại ở một khẩu súng nhỏ, nó còn là một kho tàng khoa học kỹ thuật về máy bay tàng hình, phi cơ không người lái, hệ thống truyền tin qua các vệ tinh ngoài không gian, các loại bom JDAM (Joint Direct Attack Munition) tự động tìm đến mục tiêu vì tọa độ được GPS sắp đặt tính toán trong computer nối liền với những vệ tinh đang bay trong quỹ đạo, v v… là những đề tài đam mê của các bạn kỹ sư, khoa học gia, cựu chiến binh của 2 miền Nam Bắc… dĩ nhiên cũng là mục tiêu hấp dẫn của gián điệp Trung Cộng và Nga luôn luôn rình rập để đánh cắp.

Chuyến đi dọn đường của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từ 4 năm trước, ngày June 4, 2012

Ngày 4-6-2012 Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN Phùng Quang Thanh tuyên bố: Việt Nam có nhu cầu mua vũ khí của Mỹ và mong nước này bỏ cấm vận vũ khí sát thương. Người ta thấy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta chúm chím cười, giống như nụ cười tươi tắn của NT Clinton, đúng kỹ thuật ngoại giao nụ cười của Mỹ, như khi TT Nixon cười nụ thân ái với Thủ Tướng Chu Ân Lai ở Bắc Kinh thì các phi công Mỹ ở U-Tapao và Guam chuẩn bị các phi vụ B-52 rải thảm bom ở miền Bắc. Người Mỹ và VN giống nhau 1 điểm là hay cười, người Mỹ cười vì đã hiểu, VN cười vì chưa hiểu. Và BT Leon Panetta lờ đi không bàn thảo đề tài bán vũ khí này, cũng với một nụ cười ngoại giao kiểu Nixon.

Theo luật pháp nước Mỹ, BTQP Leon Panetta và NT Hillary Clinton không có quyền bỏ lệnh cấm vận. Người duy nhất có thể làm chuyện liều lĩnh là TT Obama, dùng “lệnh hành pháp” (executive order) qua mặt Quốc Hội để bỏ lệnh cấm vận VN. Đây là mùa bầu cử, thế lực của đảng Dân Chủ trong quốc hội Mỹ đang yếu thế, TT Obama chắc chắn không dám thò tay vào lò lửa để chọc giận Quốc Hội Mỹ trong thời gian gay cấn này. Quốc Hội Mỹ không phải là một bộ phận bù nhìn, và có khả năng làm TT Obama điêu đứng mất ăn mất ngủ.

Bộ phận sửa chữa lệnh cấm vận là do từ Quốc Hội. Các ủy ban của QH soạn thảo lui tới và kiểm chứng thái độ và thiện chí của VN về nhiều vấn đề và chắc chắn không chạy thoát được đề tài tự do, dân chủ và nhân quyền. Luật làm xong được đưa ra họp khoáng đại để biểu quyết, số phiếu bầu phải trên 2/3 mới thành luật. Sau đó đưa qua cho TT ký để thi hành. Nếu lệnh cấm vận được hủy bỏ, Bộ Ngoại Giao sẽ tu chính các điều lệ (Amendment), cấp giấy phép để cho phép các công ty sản suất vũ khí bán cho VN, xin xem ==> http://www.state.gov/j/drl/rls/hrrpt/humanrightsreport/index.htm#wrapper

Cấm vận là luật lệ và sự trừng phạt của Mỹ. Luật QH Mỹ không cho phép bán các kỹ thuật quân sự cho các nước CS và sự trừng phạt dành cho các chính quyền vi phạm nhân quyền kể cả đồng minh. VN bị cả 2 điều ngăn cấm trên.

Xác xuất Hoa Kỳ bán vũ khí và kỹ thuật quân sự cho quốc gia CS rất ít. Quan hệ bình thường hóa ngoại giao đồng minh là hai vị trí và điều kiện hoàn toàn khác biệt. Hoa Kỳ có quan hệ bình thường với hàng trăm quốc gia trên thế giới và vẫn có nhiều trường hợp bán hoặc tiếp tế súng đạn cho một số quốc gia có chính quyền độc tài như một số nước bên Trung Đông, Phi Châu v v, vì các nước này bảo vệ quyền lợi của Mỹ, như giúp truy lùng tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Nhưng, kỹ thuật quân sự cung cấp cho các quốc gia có thành tích đàn áp công dân của họ chỉ là kỹ thuật thấp (low tech weapons) và CSVN không có hy vọng mua được những loại chiến đấu cơ có khả năng không chiến lẫn oanh kích như F-16, F-15, F-18 v.v…

Không quân Trung Cộng (TC) có nhiều loại máy bay tối tân khác nhau, các máy bay hộ tống của TC có khả năng không chiến với máy bay VN là J-11, J-10, JF-17, J-8II, J-7, Su-27, Su-30, đặc biệt Su-27 và Su-30 do Nga chế tạo. VN cũng dùng các loại chiến đấu cơ SU của Nga. Như thế cả VN và TC đều xài chung một kỹ thuật và có thể áp dụng cùng một chiến thuật của các nước CS. Nếu đã biết tẩy nhau, bên nào có nhiều máy bay hơn bên đó sẽ thắng. Tuy nhiên các loại máy bay do TC và Nga chế tạo không phải là đối thủ của F-15, F-16, F-18 của Mỹ, chưa kể tới loại chiến đấu cơ "tàng hình" F-22 và F-35.

TC có thể dùng "chiến thuật biển người" cố hữu, lấy thịt đè người, dùng máy bay ồ ạt tấn công VN. Nhưng máy bay Mỹ như F/A-18 E/F Super Hornet với loại ra-đa tối tân AN/APG-79 đặt trước mũi phi cơ có thể nhìn lên tìm các mục tiêu trên cao hay nhìn xuống tìm những mục tiêu nhỏ đang di chuyển trên đường hay mặt nước, có thể giải được bài toán khó này. Người viết rất mê cái mode "chống biển người" của hệ thống AN/APG-79.

Ví dụ, một chiếc máy bay VN bị 6 chiếc SU của TC đang vây đánh hội đồng, một phi công VN khác đang lái F/A-18 E/F bay đến tiếp cứu dùng hệ thống AN/APG-79 lock on tất cả các máy bay, radar sẽ chớp nhoáng phân loại tín hiệu và nhận diện máy bay nào là bạn "friend" và chiếc nào là địch "foe", ngay sau đó phi công có thể dùng mode tự động bấm nút khai hoả các hoả tiễn tầm trung AIM-120 Advanced Medium-Range, Air-to-Air missile, có tầm xa khoảng 75 cây số. Hệ thống radar AN/APG-79 sẽ tự động hướng dẫn các hỏa tiễn phóng tới máy bay TC với vận tốc Mach 4 (Mach 4 = 1 361.16 m / giây, 4 lần vận tốc của âm thanh) nhưng chừa chiếc VN ra.

Hay hơn nữa, hệ thống AIM-120 còn gọi là fire-and-leave hay fire-and-forget (bắn rồi bỏ đi), nghĩa là khi hoả tiễn AIM-120 rời máy bay theo sự hướng dẫn của ra-đa chỉ trong thời gian đầu, sau đó sẽ activate kích hoạt một hệ thống radar nhỏ gắn trước đầu hoả tiễn và tiếp tục bay thẳng tới mục tiêu chỉ định ban đầu. Sau khi radar của AIM-120 hoạt động rồi thì chiếc F/A-18 E/F có thể "chém vè" bay nhào xuống núp sau những rặng núi để tránh radar và hoả tiễn phản công của địch. Không gì thích thú hơn khi chiếc phi cơ VN bị TC bao vây bỗng nhiên thấy địch quân bỏ chạy tán loạn (hệ thống countermeasures của SU sẽ báo động có hoả tiễn bay tới, nhưng chạy sao lại vận tốc March 4 của AIM-120) rồi lần lược nổ tung, biến thành những trái cầu lửa và rơi xuống...

Chiến đấu cơ F-18 F/A-18 Hornet mang dưới cánh và bụng 10 hoả tiễn AIM-120 và 2 hỏa tiễn tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder heat-seeking missile ở đầu cánh. F/A-18E/F Super Hornet lớn và mang nhiều bom đạn và hỏa tiễn hơn chiếc Hornet và trị giá khoảng 67 triệu USD.
Một ví dụ về trường hợp Hoa Kỳ không bán vũ khí tối tân (high tech) cho các quốc gia có thành tích vi phạm nhân quyền là Indonesia. Mặc dù là đồng minh của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh lạnh nhưng năm 1999 Hoa kỳ ban hành lệnh cấm vận đối với quốc gia này vì quân đội Indonesia can tội thảm sát thường dân ở East Timor. Năm 2005 Quốc Hội Mỹ hủy bỏ lệnh cấm vận vì Indonesia đã cải thiện nhiều về nhân quyền. Năm 2008 quốc gia này bắt đầu tiếp nhận các loại máy bay tối tân của Mỹ như chiến đấu cơ (fighter jet) F-16 và máy bay vận tải C-130.

Như thế, điều kiện tối thiểu để có vũ khí tối tân của Mỹ tùy thuộc vào tình trạng nhân quyền. Và các vũ khí hàng đầu của Mỹ chỉ dành riêng cho những đồng minh đáng tin cậy.

Các vụ bắt bớ nhà văn nhà báo và những người bất đồng chính kiến là vi phạm nhân quyền. Vụ cưỡng chế đất và những hành động đi ngược lại quyền lợi của người dân Văn Giang cũng được coi là vi phạm nhân quyền. Nạn nhân của những vụ vi phạm này hãy lập biên bản, thu thập hình ảnh và các đoạn phim video làm bằng chứng và chuyển giao tới các tổ chức nhân quyền như Amnesty International, Human Rights Watch hay các tổ chức đấu tranh của người VN, càng sớm càng tốt. Chính phủ Mỹ sẽ dùng tài liệu vi phạm nhân quyền này để đặt điều kiện với chính quyền VN trong các cuộc thảo luận mua bán vũ khí.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có văn phòng chuyên phụ trách các vấn đề liên hệ tới dân chủ, nhân quyền và lao động, Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor, và mỗi năm đều có phổ biến một cuốn tài liệu về những vi pham nhân quyền trên thế giới, xin xem ==> Country Reports on Human Rights Practices for 2011

Tin tức những vụ vi phạm nhân quyền hay các hoạt động dân chủ trên thế giới được các Sứ Quán Mỹ thu lượm và gởi về Washington. Cơ quan này cũng làm việc song song với Amnesty International, Human Rights Watch, và có tiếp xúc trực tiếp với các tổ chức đấu tranh của nguời Việt ở trong và ngoài nước. Tom Lantos Human Rights Commission của Quốc Hội Mỹ cũng làm việc sát cánh với văn phòng Human Rights của Bộ Ngoại Giao và ảnh hưởng nhiều đến luật cấm vận và các yêu sách để thảo luận agenda của Tổng Thống, Ngoại Trưởng và các Bộ Trưởng khi công du nước ngoài.

VN muốn mua súng của Mỹ để làm gì? Để tân trang các vũ khí của VNCH bỏ lại cách đây gần 40 năm, và dùng lại những món đồ cổ ấy như đã thấy trong đoàn diễn binh Thăng Long? Và dù VN mua được vũ khí tối tân hiện đại của Mỹ cũng chỉ là loại vũ khí tối tân hạng tồi, dành cho các nước độc tài nhưng hữu ích cho quyền lợi của Mỹ. Và VN có chống nổi TC khi xử dụng các loại vũ khí cổ và tối tân hạng nhì của Mỹ? Chắc là không, vì đánh nhau phải có nội lực. Nội lực của VN về quân sự, dân số, kinh tế, ngoại giao đều kém hơn đối phương. Chính sách đi hàng hai cũng không phải là một đáp số, vì nịnh hót quan thầy TC và ve vãn đế quốc tư bản chỉ làm chính quyền VN thêm mất uy tín và hèn kém.

Muốn được Mỹ trực tiếp can thiệp bảo vệ hay cung cấp các loại vũ khí tối tân số một, như Mỹ đang làm đối với các nước Nhật, Nam Hàn, Úc, Phillippine, v v… VN cần phải trở thành đồng minh của Mỹ. Theo chính thể đa đảng đa nguyên, chính phủ phải do chính người dân lựa chọn.

Nội lực của VN khi đó là tình đoàn kết dân tộc, trong đó, có 3 triệu người Việt ở hải ngoại sẽ đóng góp không nhỏ số kiến thức về chính trị, nhân văn, kinh tế và quân sự cho công cuộc bảo vệ chống ngoại xâm và phục hưng đất nước.

Ngày đó, đại lễ Thăng Long của dân tộc sẽ không có súng đạn tua tủa, ngôn ngữ sắt máu và những hình tượng khoét sâu lại vết thương chiến tranh, mà chỉ có Hà Nội-Thăng Long đất ngàn năm văn vật. Ngày đó, Nam Trung Bắc đoàn kết yêu thương, trong tự do và nhân bản.

Võ Văn Ty



Súng Mỹ trong Video Clip thu làm tài liệu Việt cộng làm trò "1000 năm Thăng Long" ở Ha Noi 10 / 2010



Một số ảnh lấy lại trên báo đỏ của Việt cộng từ 2010 đến 2014 trong những đợt Hanoi trình diễn diễu binh công cộng



-

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...