. .

Friday, May 22, 2009

VN : Thiếu Hụt Nguồn Nhân Lực Lành Nghề

VN : Thiếu Hụt Nguồn Nhân Lực Lành Nghề
VnExpress, Thứ ba, 19/5/2009, 15:15


Nhân lực Việt Nam từng là lợi thế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhờ đức tính cần cù, chi phí nhân công thấp, nhưng nay đang bị chê vì thiếu hụt trình độ chuyên môn.


Tại buổi gặp gỡ lãnh đạo cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 18/5, nhiều doanh nghiệp khẳng định Việt Nam là một trong những nước được ưa thích nhất trong khu vực Đông Nam Á, song sự thiếu hụt nguồn nhân lực lành nghề đang là vấn đề đáng lo ngại. Các doanh nghiệp ngoại đang phải cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút ứng cử viên xuất sắc trong thị trường lao động. Tuy nhiên chỉ những công ty lớn thắng cuộc bởi họ có đủ tiềm lực để giữ chân người tài.

Lao động Việt Nam cần cù, khéo léo nhưng chất lượng làm việc còn chưa cao. Ngay cả lao động làm các công việc phổ thông như thợ điện, thợ sửa ống nước, nhân viên phục vụ... để tìm ra người lành nghề không hề dễ.


Ông Harry Beirnaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bỉ-Luxembourg tại Việt Nam nói tới hiện tượng phổ biến ở các tòa nhà mới xây là chất lượng công trình nhanh xuống cấp, hệ thống điện, điều hòa kém chất lượng. Ông Harry Beirnaert cho rằng đây không chỉ là lỗi của người giám sát công trình mà còn do sự thiếu tay nghề của công nhân.

Chất lượng nhân lực không được đào tạo tốt còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác như du lịch, dịch vụ. Đây sẽ là một thiệt thòi lớn khi ViệtNam vốn được coi là điểm đến hấp dẫn thu hút các khách du lịch nước ngoài. "Nhân lực kém chất lượng tưởng như là vấn đề nhỏ hóa ra lại tác động rất lớn lên nhiều khu vực có liên quan khác, đặc biệt là du lịch. Nhân viên không được đào tào tốt, ngành du lịch dịch vụ sẽ khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế", ông Harry Beirnaert nói.

Thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối đầu là xác định kỹ năng cần thiết của những ngành "hot" tại Việt Nam trong tương lai. Nhiều doanh nghiệp cho rằng hệ thống giáo dục đang vận hành khá tốt nhưng lại theo đuổi những mục tiêu đã lạc hậu. Bởi vậy, phương pháp dạy và học phù hợp với việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường là vấn đề cần quan tâm

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu đưa ra ví dụ, giả sử trong tương lại ngành tài chính ngân hàng có khoảng 50.000-60.000 người theo học, kỳ vọng có khoảng 15.000 người song thưc tế chỉ có 5.000 người đáp ứng được những kỹ năng cần thiết. "Số lượng như vậy là quá ít. Để đỡ lãng phí, doanh nghiệp cần đào tạo cho các đối tượng này những kỹ năng cơ bản gì để họ đáp ứng được",vị đại diện này nói.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 230 trường đang đào tạo khoảng hơn 1,3 triệu sinh viên. Nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra ngỡ ngàng khi chứng kiến có nhân viên tốt nghiệp đại học không thể làm được một phép toán đơn giản. "Tôi có cảm giác nhiều sinh viên ra trường chưa sẵn sàng để làm việc, khả năng làm theo nhóm còn chưa cao", ông Andrew Yeo, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Singapore nói.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam thừa nhận lao động Việt Nam dồi dào, cần cù, trẻ, năng động, nhưng chưa tận dụng được hết ưu thế. Việt Nam thiếu đội ngũ kỹ thuật cao, người lao động chủ yếu cung cấp bởi khu vực nông nghiệp nông thôn. Trong khi các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến tác phong công nghiệp, ý thức kinh doanh thì lao động Việt Nam chưa đáp ứng được.

Ông Lộc cho rằng cần đào tạo theo nhu cầu xã hội, chất lượng giáo dục không chỉ cần chú trọng ở bậc đại học, mà còn ở việc dạy nghề, giáo dục cơ bản và tiểu học. Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo để xác định nhu cầu nhân lực, chuyên môn, đồng thời đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm và tạo điều kiện để lao động có điều kiện thực hành. "Tôi cho rằng đã đến lúc giáo dục bắt tay với doanh nghiệp để hợp tác đào tạo nhằm cung ứng cho thị trường những lao động chất lượng nhất", ông Lộc nhấn mạnh.

Hoàng Lan

* * * * *


Các công ty nước ngoài ở Việt Nam khó tuyển dụng được lao động chuyên nghiệp
Quỳnh Như, phóng viên đài RFA 2009-05-16


Kể từ khi mở cửa thị trường, Việt Nam đã đón nhận nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư. Tuy nhiên lâu nay, những nhà đầu tư chủ yếu tận dụng lực lượng lao động lương thấp của Việt Nam; trong khi đó việc tìm kiếm lao động chuyên nghiệp địa phương đối với họ không dễ dàng gì.


Tương lai của dân tộc tùy thuộc rất nhiều vào nền giáo dục nói chung và đặc biệt là nền giáo dục đại học. AFP photo


Mời quý vị nghe Quỳnh Như tường trình.

Với một lực lượng lao động trẻ, đông đảo trong nước như hiện nay, việc tuyển dụng nhân viên có trình độ tại các công ty nước ngoài tưởng như sẽ không gặp những trở ngại lớn. Nhưng thực tế không phải như vậy.

Intel Corp., tập đoàn công nghệ thông tin điện tử hàng đầu đã triển khai dự án đầu tư trị giá một tỉ đôla để xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất các chip điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.

Nhà máy cần một đội ngũ kỹ sư giỏi, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao làm việc tại nhà máy. Năm ngoái công ty đã tổ chức một cuộc thi tuyển dụng nhân viên. Có khoảng 2.000 ứng viên là những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của 5 trường đại học hàng đầu tại Việt Nam tham gia. Các ứng viên làm một bài thi trắc nghiệm dài bằng tiếng Anh về kiến thức các môn: Vật lý, Toán, kỹ thuật điện tử. Và kết quả là họ chỉ tuyển được 40 ứng viên.

Ông Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc Intel tại Việt Nam và Đông Dương cho rằng, điều này không có gì là đáng ngạc nhiên vì các ứng viên được đào tạo có kiến thức cơ bản nhưng chưa có hiểu biết nhiều về lãnh vực chế tạo chip điện tử; và Intel phải bắt đầu từ đầu việc đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên sau khi tuyển dụng.

Phát ngôn viên của Công ty ông Nick Jacobs thì cho biết cuộc thi sát hạch không chỉ nhằm mục đích tuyển dụng mà còn là một dịp để đánh giá khả năng của những sinh viên đã tốt nghiệp.

Nhược điểm của giáo dục VN

Báo chí Việt Nam và các Websites đã đưa tin về kết quả cuộc thi tuyển dụng của Intel, thế là câu chuyện đã nhanh chóng được lan truyền. Cộng đồng các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam bàn luận về nhược điểm của hệ thống giáo dục Việt Nam là không đào tạo ra những lao động có chuyên môn. Đó chính là khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại các quốc gia Đông Nam Á.

Trong một báo cáo của tổ chức Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho thấy chưa tới 15% đội ngủ giảng viên của các trường Đại học có bằng cấp tiến sĩ trong vòng 10 năm trở lại đây.

Học sinh, sinh viên được đào tạo theo kiểu học thuộc lòng, mà không có tư duy. Thay vì được dạy để hiểu thế nào là kinh tế thị trường thì người sinh viên được bảo phải học thuộc lòng Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành từ năm 1987.

Tệ nạn gian lận, tham nhũng

Ngoài ra hệ thống các trường học cũng nhiễm tệ nạn tham nhũng trong xã hội Việt Nam, với việc quay cóp, gian lận trong thi cử, và đầy dẫy tệ nạn mua bán bằng cấp. Cho nên không ngạc nhiên chút nào khi thấy những kết quả đào tạo yếu kém. Báo chí trong nước đã trích dẫn nguồn tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chỉ có 30% sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Kỹ năng làm việc của lao động Việt Nam, đặc biệt các lao động mới ra trường là nỗi lo thường trực của doanh nghiệp. Theo ý kiến của nhiều chủ doanh nghiệp, và các cán bộ phụ trách nhân sự thì nguyên nhân chính của thực trạng này nảy sinh ngay từ trong giảng đường, sinh viên chỉ được học kiến thức mà chưa được rèn luyện kỹ năng. Nhiều doanh nghiệp đã phải đào tạo lại sinh viên khi ra trường và vừa đào tạo vừa phải lo lắng vì nhân viên luôn có ý định nhảy việc, tìm công việc mới để có thêm "kinh nghiệm".

Thị trường chất xám khan hiếm

Hầu hết các công ty tư vấn tuyển dụng đều đưa ra nhận xét rằng thị trường chất xám của Việt Nam đang rất khan hiếm và mang tính cạnh tranh cao.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty N.A. Topjobs, Văn phòng đặt tại TPHCM cho biết:

“Nguồn nhân lực ở Việt Nam nói chung hiện tại còn khan hiếm lắm. Các ngành nghề như dược phẩm, truyền thông, marketing thực sự còn khan hiếm lắm; những chuyên ngành về technical, social đều còn khan hiếm. Nói chung tìm ứng viên rất khó chứ không hề đơn giản đâu; nghĩa là nguồn chất xám ở Việt Nam rất hiếm và mức cạnh tranh khá là cao. Cho nên mình phải bỏ rất nhiều thời gian để đi tìm nguồn chất xám này. Và rất nhiều head-hunter cạnh tranh. Mình săn lùng tìm kiếm cũng rất là hiếm vì các ứng cử viên đang hài lòng với công việc hiện tại thì khả năng đổi việc của họ rất thấp.”

Đồng quan điểm với bà Lan Phương, cô Lê Phương Trâm, Phụ trách Bộ phận tuyển dụng của Công ty Ungvien Service Commercial Co., Ltd nói thêm:

“Tìm các ứng viên cho phù hợp với vị trí của nhà tuyển dụng là điều không phải dễ bởi vì họ đòi hỏi rất là cao. Và các công ty tư vấn tuyển dụng luôn phải cố gắng hết sức để tìm ứng viên. Dĩ nhiên bên cạnh đó thì còn phải tìm hiểu về văn hóa của công ty tuyển dụng để thông báo cho ứng viên biết, nếu ứng viên đồng ý thì mới có thể giới thiệu được.”

Cần phải đào tạo lại

Còn các khách hàng thì có ý kiến gì?

Ông Bùi Văn Hoà, Giám đốc Motorola Việt Nam, bày tỏ ý kiến: “Khá nhiều người xin việc không định vị được bản thân, thiếu ý thức nghề nghiệp. Hầu hết nhân viên được tuyển dụng vào phải qua đào tạo lại”.

Còn ông Hoàng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Hoàng thì cho biết Công ty có nhu cầu tuyển dụng khá nhiều vị trí cao cấp và sẵn sàng trả chi phí cho người giới thiệu nhưng thị trường này thực sự khan hiếm.

Ông Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc Intel tại Việt Nam và Đông Dương nhận định rằng, nguồn lao động trẻ có trình độ tại Việt Nam rất có tiềm năng. Tuy nhiên khi tuyển dụng vào doanh nghiệp cần phải bỏ thời gian đào tạo lại mới có thể tin tưởng giao việc được. Ông Phúc cũng cho biết thêm là Intel đã liên kết với các trường Đại học lớn như Đại học Bách khoa TPHCM để đặt hàng và liên kết đào tạo. Có như vậy, nguồn lao động trẻ của Việt Nam mới được trui rèn và thích ứng được với môi trường làm việc quốc tế một cách nhanh chóng.

Việt Nam đã bắt đầu gia nhập vào nền kinh tế thế giới và đã có những bước phát triển nhất định. Nhưng để đáp ứng phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế hội nhập thì chúng ta phải có sự đầu tư đúng mức vào nguồn nhân lực, đây là một trong những yếu tố quyết định đến nền kinh tế xã hội của đất nước trong tương lai.



Các Bài Liên Quan :


BÀI 1

ĐẠI HỌC hay PHỔ THÔNG "CẤP 4" ?
19/04/2009 07:59 (GMT + 7)

(TuanVietNam)- Để tạo ra bước ngoặt trong các trường ĐH, để sớm nâng các ĐH thành những trung tâm NCKH thực sự, cần có một chiến lược mang tầm quốc gia với nhiều chủ trương, biện pháp cấp bách, đồng bộ…

Về nguyên lý, trong giáo dục đại học (ĐH), hai nhiệm vụ - nghiên cứu khoa học và giảng dạy, đều quan trọng, tác động với nhau, bổ sung cho nhau và thúc đẩy lẫn nhau.

Và trong thực tế, nghiên cứu khoa học (NCKH) là một tiền đề không thể thiếu để bảo đảm chất lượng đào tạo. Vì qua nghiên cứu, người thầy mới có thể luôn được nâng cấp trình độ, cập nhật các tri thức mới mẻ trong lĩnh vực chuyên môn của mình, nhờ đó, sinh viên có cơ may được tiếp thu bài giảng bao gồm những kiến thức tiên tiến của thời đại và được tiếp cận các hoạt động thực hành, các kỹ năng NCKH.

Ở tất cả các nước phát triển trên thế giới, các trường ĐH vừa là lò đào tạo trí thức, vừa là nơi sản sinh ra những công trình khoa học.
Ảnh: ccm.edu

Từ chân lý đó, ở tất cả các nước phát triển trên thế giới, các trường ĐH vừa là lò đào tạo trí thức, vừa là nơi sản sinh ra những công trình khoa học, những sáng kiến phát minh góp phần làm giàu có thêm kho tàng trí tuệ, thúc đẩy nền văn minh, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân loại. Hơn thế nữa, rất nhiều phát minh lớn, nhiều giải thưởng Nobel cao quý đã ra đời từ các phòng thí nghiệm của các ĐH.

Chẳng hạn, một thí nghiệm nổi tiếng, mang tính kinh điển trong khoa học hạt nhân, tạo ra “phản ứng phân hạch hạt nhân” dưới tác dụng của hạt trung tử (neutron). Thí nghiệm đó được thực hiện tại một phòng thí nghiệm thuộc ĐH Rome (Ý), bởi một nhóm giảng viên dưới sự lãnh đạo của người thầy vật lý, Enrico Fermi, năm 1934.

Và một ĐH khác - ĐH Chicago (Hoa Kỳ), cũng chính GS E. Fermi, tiếp tục mạch công trình nghiên cứu nói trên, năm 1942, đã chỉ đạo xây dựng thành công lò phản ứng hạt nhân đầu tiên, mở đường khai thác nguồn năng lượng hạt nhân khổng lồ phục vụ nhân loại.

Cũng như các ĐH Rome (University of Rome) và Chicago (Chicago University) nói trên, nhiều ĐH danh tiếng khác trên thế giới đều là những trung tâm NCKH với những phòng thí nghiệm nghiên cứu hiện đại, có đội ngũ chuyên gia hàng đầu đã và đang sản sinh ra những phát minh to lớn về các lĩnh vực khác nhau: Khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, kinh tế học, xã hội nhân văn, văn hoá nghệ thuật…

Ở Hoa Kỳ là ĐH Harvard University, Yale University, Massachusetts Institute of Technology.... Ở Vương Quốc Anh là ĐH Oxford University, Cambridge University... Ở Pháp là ĐH Paris University, Collège de Sorbonne…. Ở Nhật Bản là ĐH Tokyo University, Kyoto University….Ở Trung Quốc là ĐH Thanh Hoa, ĐH Bắc Kinh…Trên thế giới là như vậy, lẽ nào ở đất nước ta, các ĐH của ta lại đi ngoài quỹ đạo chung đó, chân lý đó.

Việt Nam: Nhiều ĐH là phổ thông “cấp 4”?

Ảnh: bnm.ie

Ở nước ta, khoảng một thế kỷ qua, hàng trăm trường ĐH lần lượt ra đời. Trong những hoàn cảnh rất khó khăn, một số trường đã cố gắng phát triển cả tiềm năng giảng dạy và tiềm năng NCKH, đạt được những thành tựu nhất định trong công cuộc đào tạo đội ngũ trí thức cho đất nước.

Tuy nhiên, thành tựu đó vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội hiện nay. Chất lượng đào tạo ĐH nhiều trường còn thấp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu nằm ở tiềm lực và trình độ NCKH non yếu của bản thân các trường ĐH.

Lấy số lượng và chất lượng các bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế làm tiêu chí, chúng ta sẽ thấy nền ĐH nước ta đang nằm phía sau, khá xa, so với ĐH các nước như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Cụ thể hơn, có thể so sánh số lượng bài báo công bố vào năm 2004 của hai ĐH khoa học hàng đầu VN (ĐHQG Hà Nội và ĐHQG T/p. HCM) với hai ĐH tương tự của Thái Lan (ĐH Chulalongkorn và ĐH Mahidol).

Con số đó ở hai ĐH của nước ta là 54, còn ở hai ĐH của Thái Lan là 881, như vậy, tính riêng số lượng, “ta” thua kém “bạn”- một nước khu vực, mà GDĐH chưa phải loại mạnh, đến những trên 10 lần!

Từ đó có thể hình dung bức tranh chung của hàng trăm trường ĐH khác trong toàn quốc. Đặc biệt với các trường xa các thành phố lớn, xa các trung tâm nghiên cứu quốc gia, hoặc hàng loạt ĐH mới mở gần đây.

Tình trạng nghiên cứu ứng dụng cũng không thật khả quan. Các nghiên cứu ở các trường ĐH, và cả nhiều viện nghiên cứu, chưa đáp ứng được những yêu cầu cấp bách đặt ra bởi các ngành công, nông nghiệp, kinh tế, xã hội… của đất nước.

Tình trạng chung của các trường ĐH nước ta là nghèo về thiết bị NCKH, thiếu các nhà NCKH đầu đàn, nguội lạnh không khí NCKH. Nhà trường và các giảng viên ĐH thường xem nhẹ, hoặc chỉ thực hiện một cách hình thức, mang tính đối phó với nhiệm vụ NCKH.

Do đó, khá phổ biến phương pháp thầy giảng- trò ghi, còn sinh viên ít được cập nhật những tri thức hiện đại, ít tiếp cận những kỹ năng NCKH, lúng túng trước những vấn đề cuộc sống đặt ra khi bước vào đời.

Các ĐH như vậy thực ra chẳng khác biệt mấy về chất, so với các trường phổ thông, hoặc như trước nay chúng ta vẫn nói, đó chỉ là các “trường phổ thông cấp 4”.

Với tình trạng nói trên, làm sao chất lượng đào tạo, hay trình độ của sinh viên tốt nghiệp ĐH nước ta có thể đạt được tầm chung của thế giới hiện nay? Điều này, các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã đánh giá.

Theo nguồn số liệu thống kê của WEF, yếu tố “đào tạo và giáo dục ĐH” của VN được đánh giá 3,94 điểm và xếp vào hạng thứ 98, trong tổng số trên 100 nước tham gia khảo sát. Còn theo các chuyên gia của WEF, ở Việt Nam có ba yếu tố - lạm phát, hạ tầng và lao động có trình độ - được liệt vào “những vấn đề đáng lo ngại nhất”. “Lao động có trình độ” ở đây, chính là sản phẩm đào tạo của hệ thống ĐH và cao đẳng.

Sự xếp hạng và đánh giá của WEF nói trên là cảnh báo “đỏ” đối với nền giáo dục ĐH và nói riêng, đối với thực trạng NCKH của phần lớn các trường ĐH nước ta.

Giải pháp và trách nhiệm

Ảnh: nuim.ie

Cũng nên công bằng nhìn nhận, nhà nước và xã hội đã và đang có những đầu tư nhất định để nâng cấp các trường ĐH.

Chẳng hạn, kinh phí đầu tư cho NCKH được tăng mạnh hàng năm, đã vượt con số 400 triệu USD/năm và được phân bổ về cho các cơ sở NCKH, trong đó có các trường ĐH. Nhà nước cũng đã phê duyệt thành lập 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (PTNTĐ).

Nhưng với một đất nước hơn 80 triệu dân, khoản tiền 400 triệu USD trên thực ra không lớn. Nếu phân chia ra, mỗi trường ĐH chỉ có thể nhận được một mẩu nhỏ bé “chiếc bánh ngân sách” nói trên.

Con số 17 PTNTĐ cũng vậy. Trong thực tế chỉ có 4 trong tổng số 17 PTNTĐ nói trên được phân về cho ngành ĐH. Trong khi số lượng trường ĐH đến con số hàng trăm!

Như vậy, để tạo ra bước ngoặt trong các trường ĐH, sớm nâng các ĐH thành những trung tâm NCKH thực sự, cần có một chiến lược mang tầm quốc gia với nhiều chủ trương, biện pháp cấp bách, đồng bộ.

Một là, xây dựng và bổ sung các phòng thí nghiệm hiện đại, các viện nghiên cứu trong trường ĐH. Xây dựng tiềm lực NCKH phải là điều kiện cấp phép bắt buộc đối với các ĐH mới. Bổ sung và nâng cấp tiềm lực này, kèm theo kế hoạch và lộ trình xác định, cũng là cấp bách đối với hầu hết các ĐH đang hoạt động ở nước ta.

Hai là, bồi dưỡng và tăng cường nguồn nhân lực cho các ĐH. Bằng con đường tổ chức và cả chính sách khuyến khích để các giảng viên ĐH thực hiện cân bằng hai chức năng, đó là lên lớp giảng dạy và NCKH. Mặt khác, cần phải thu hút nguồn nhân lực bậc cao từ các viện nghiên cứu về bổ sung cho đội ngũ giảng dạy và lãnh đạo các phòng thí nghiệm mới ở các ĐH, bằng các chính sách cụ thể.

Chẳng hạn, thay thế chủ trương “Phong tặng GS/PGS ” hiện nay bằng chủ trương “Bổ nhiệm GS/PGS ”. Ưu tiên bổ nhiệm GS/PGS theo những vị trí cụ thể, còn thiếu trong hệ thống chuyên môn của các ĐH, trước hết cho các ĐH ở xa, ĐH mới v.v....

Ba là, gắn kết hữu cơ các viện nghiên cứu quốc gia, viện thuộc các bộ, ngành với các trường ĐH. Biện pháp này đã từng được nêu ra, nhưng hầu như không thể triển khai được trong thực tế. Ở đây tâm lý “cát cứ” kiểu tiểu nông đã vượt lên lợi ích chung của các ĐH và của cả bản thân các viện nghiên cứu. Vì vậy, không thể thực hiện biện pháp này nếu nhà nước không thực sự hỗ trợ, quyết đoán.

Bốn là, khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp (trong và ngoài nước) đầu tư xây dựng các trung tâm NCKH trong các trường ĐH, với mục tiêu việc đào tạo nhân lực sát với yêu cầu của doanh nghiệp và mặt khác, các kết quả NCKH gần gũi và phục vụ trực tiếp các yêu cầu đặt ra trong đời sống kinh tế- xã hội đất nước.

Kinh nghiệm bao năm qua cho thấy các biện pháp trên đây, dù tâm huyết đến mấy, dù được xem là đúng đắn đến nhường nào cũng không thể biến thành thực tế, nếu không được sự tham gia của những chủ thể trong nhà trường ĐH, trong các viện nghiên cứu, nếu không biến thành quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo các bộ ngành liên quan. Đặc biệt, khi chiếc “đũa thần”- uy lực cao nhất của cấp cao nhất đất nước chưa mạnh mẽ vung lên.

  • Trần Thanh Minh



BÀI 2


Trường đại học hạn chế nghiên cứu khoa học của sinh viên?

20/04/2009 06:59 (GMT + 7)


(TuanVietNam)- Muốn thay đổi tình trạng NCKH trong sinh viên hiện nay phải có sự thay đổi từ cả ba chủ thể: Nhà trường – sinh viên – các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần sử dụng các sản phẩm khoa học. Không thể có sản phẩm khoa học chất lượng một khi nhà trường không định hướng, hỗ trợ; sinh viên không thiết tha với NCKH...


>> Đại học hay phổ thông “cấp 4”?



Đó có vẻ như là sự vô lý, nhưng tiếc thay lại là sự thật, khi nhìn vào ba điều kiện có ý nghĩa quyết định tới chất lượng của các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các trường ĐH nước ta hiện nay, nhất là các đề tài mang tính ứng dụng.

Thiếu không gian khoa học

Muốn nghiên cứu khoa học (NCKH), trước hết sinh viên phải được đặt trong một không gian thực sự khoa học. Nhưng liệu trường ĐH của ta hiện nay đã có một không gian NCKH thực sự chưa? Và tại sao môi trường ấy lại chưa đủ sinh khí làm nảy nở ra nhiều cá tính độc đáo và những sinh viên có bản lĩnh trong NCKH?

Hết môn học này đến môn học khác, hết năm học này đến năm học khác, những ngày tháng nơi giảng đường ĐH của mỗi sinh viên không chỉ gắn với những kỳ thi, với đủ loại thông tin, từ các môn chung đến các môn chuyên ngành và còn gắn với rất nhiều những tiểu luận môn học, niên luận, báo cáo khoa học hàng năm, rồi sau này, trước khi ra trường là đồ án hoặc khoá luận tốt nghiệp.

Muốn NCKH, trước hết sinh viên phải được đặt trong một không gian thực sự khoa học. Ảnh: thomashawk.com

Điều đó có nghĩa là sinh viên trong trường ĐH phải có khá nhiều sản phẩm khoa học, nhưng có một thực tế, những sản phẩm này được hoàn thành xuất phát bởi kế hoạch học tập theo hạn định, bởi nhiệm vụ bắt buộc nhiều hơn là từ sự yêu thích thực sự.

Chính vì thế, nên đa phần trong số đó là những sản phẩm dở dang, vì dù có yêu thích đi nữa, sinh viên thường cũng không có đủ thời gian, đủ điều kiện và địa chỉ cụ thể đón nhận sản phẩm của mình để tiếp tục sự say mê[1].

Góp phần làm hạn hẹp không gian khoa học còn phải kể đến một rào cản tâm lý xã hội vô hình nhưng đang tồn tại, đó là tâm lý không dung dưỡng cho những cá tính trội vượt. Tâm lý đó chúng ta không nhìn thấy, sờ thấy, nhưng nó đang hiện hữu và là trở ngại ngầm không nhỏ cho sự phát triển xã hội, và môi trường NCKH trong trường ĐH nói riêng.

Sinh viên vẫn đang được đặt trong một môi trường, một không gian mà ở đó người ta vẫn ưa "dàn hàng ngang cùng tiến" hơn sự nổi trội của tài năng cá nhân. [2].

Với quan niệm đó, môi trường ĐH hiện nay đang hạn chế không ít khả năng phát hiện vấn đề, khả năng phản biện của người học - những khả năng rất cần cho NCKH.

Đã là khoa học thì không có sự cao thấp, không phải cứ là những người có học hàm học vị cao thì luôn luôn đúng.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, trước những vấn đề cần có thông tin nhiều chiều, cần những góc nhìn khác nhau để tiếp cận toàn diện các vấn đề. Người thầy không còn là người độc quyền ban phát kiến thức, càng không phải là người luôn đúng.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp, nhưng đôi khi do nhận thức hời hợt khiến nhiều người ngộ nhận rằng người thầy luôn đúng. Điều đó vô tình cổ vũ cho lối học thụ động, một chiều ở sinh viên. Dẫn đến một thực tế, nhiều sinh viên biết thầy chưa đúng, cách tiếp cận của thầy còn phiến diện, lạc hậu, một chiều nhưng lại không dám phản đối, không dám nói khác đi. NCKH đối với nhiều sinh viên hiện nay là sự “nói theo thầy, viết theo thầy”, hiếm khi bắt gặp cách “làm khác thầy”.

Thiếu kết nối đời sống học thuật và đơn đặt hàng từ thực tiễn

Đề tài nghiên cứu nào cũng vậy, dù ở bất kỳ chuyên ngành nào, vấn đề đáng nghiên cứu trước hết phải thực sự đang gặp vướng mắc về lý luận hoặc thực tiễn. Đó là công việc đi tìm lời giải thích và thực hiện các dự báo cho các câu hỏi mà khoa học và thực tiễn chưa có đáp án[3]. Trước khi định hình một đề tài khoa học như thế, người ta phải có sự kết nối.

Trong khoa học, nhất là các ngành khoa học xã hội và nhân văn, luôn cần đến sự kế thừa và phát triển. Đa phần các đề tài của sinh viên hiện nay đều mắc một lỗi khá giống nhau là không nêu được và không đánh giá được những kết quả của những công trình đã nghiên cứu trước đó.

Một khi không đánh giá được tình hình nghiên cứu, sinh viên sẽ không biết được mình đang đứng ở đâu, không thấy được những gì người khác đã làm, những gì còn đang bỏ ngỏ, để mà nghiên cứu tiếp. Chính vì thiếu sự kết nối, thiếu đánh giá những thành quả mà người khác đã làm, cả trong nước và thế giới, khiến nhiều công trình của sinh viên cũng thường thiếu giá trị khoa học thực sự. Đối với các ngành khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng, tình hình càng không mấy khả quan hơn.

Hơn nữa, nhiều đề tài của sinh viên hiện nay chưa mang được hơi thở cuộc sống do chưa được gắn với những địa chỉ cụ thể. Từ trước tới nay, chưa có sự bắt tay chặt chẽ giữa việc sinh viên NCKH và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học. Khi chưa có sự gắn kết như thế thì những đề tài nghiên cứu của sinh viên sẽ không thể mang tính thực tiễn và tính ứng dụng cao.

Ảnh: static.flickr.com

Thiếu kỹ năng, phương pháp

Người thầy có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động NCKH của sinh viên, cụ thể là gợi mở các vấn đề và hướng đi hợp lý, rèn luyện cho sinh viên một số kỹ năng tư duy, kỹ năng đọc, kỹ năng viết, kỹ năng phản biện; trợ giúp tìm tài liệu, hướng dẫn phương pháp nghiên cứu; tư vấn, giải đáp băn khoăn, chỉnh sửa sai sót. Đáng buồn, nhiều nơi sinh viên chưa được hưởng sự định hướng một cách khoa học, đầy đủ như vậy.

Không ít trường vẫn quan niệm NCKH của sinh viên chỉ là hoạt động phong trào. Mà đã là phong trào, không phải nhu cầu tự thân, nghiêm túc, bền bỉ, sẽ rất dễ nảy sinh hiện tượng chạy theo thành tích, làm đối phó, có tính thời điểm, và chất lượng không cao.

Tệ hại hơn, có ý kiến còn cho rằng công tác này chỉ là sự tập dượt cho sinh viên nghiên cứu, còn NCKH thực sự phải dành cho bậc tiến sĩ. Cách nghĩ này định kiến và nguy hiểm vì vô hình đã hạ thấp, thậm chí phủ nhận thành quả NCKH của sinh viên ngay từ trong trứng nước.

Cũng chính vì thiếu định hướng, sự tương tác giữa nhà trường với xã hội nên không ít sinh viên gặp khó khăn khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp để nghiên cứu thực tế, xin số liệu, xin được phỏng vấn chuyên gia v.v

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phòng ốc thiếu thốn, trang thiết bị nghèo nàn, lại không có chi phí để khảo sát, đo đạc, thí nghiệm thì chúng ta chưa thể hy vọng và đòi hỏi sẽ có nhiều những công trình khoa học thực sự chất lượng của sinh viên có tính ứng dụng cao.

Chương trình học hiện nay khá nặng với rất nhiều môn học lý thuyết, nhưng lại rất hiếm các môn học về phương pháp nghiên cứu chuyên ngành - một kỹ năng quan trọng của những người lao động tri óc. Sinh viên ở nhiều trường ĐH vẫn chưa được học môn phương pháp NCKH, chưa được học cách xây dựng đề tài, và khi bắt tay vào thực hiện thì lúng túng, hầu hết đều loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, làm gì và muốn đạt kết quả nào, cho ai.

Muốn thay đổi tình trạng NCKH trong sinh viên hiện nay phải có sự thay đổi từ cả ba chủ thể: Nhà trường – sinh viên – các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần sử dụng các sản phẩm khoa học. Không thể có sản phẩm khoa học chất lượng một khi nhà trường không định hướng, hỗ trợ; sinh viên không thiết tha với NCKH; các cơ quan, doanh nghiệp không hợp tác trong việc ứng dụng các sản phẩm khoa học.

Khắc phục những hạn chế trên có rất nhiều việc cần phải làm, và làm một cách đồng bộ, nhưng có lẽ cần phải chọn một khâu trọng tâm nhất, đó chính là sự chủ động hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp từ phía nhà trường, là sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, cách định hướng cho người học từ chính các giảng viên.

Nguyễn Minh Tuấn (CHLB Đức)



[1] Thiếu không gian, thiếu động lực, hàng năm biết bao nhiêu những đồ án, khoá luận, đề tài khoa học của sinh viên được thực hiện, trong đó có khá nhiều đề tài làm rất tốt, được giải cao, nhưng rồi gần như tất cả vẫn chỉ nằm đâu đó lặng lẽ, trang nghiêm trên giấy tờ rồi đi vào sự quên lãng đáng sợ.
[2] Một sinh viên giỏi, hay phát biểu nhiều thì rất dễ không được lòng các bạn trong lớp; một sinh viên thẳng thắn chỉ ra sai lầm trong khoa học của một thầy cô giáo nào đó, không khéo sẽ bị coi là vô lễ, thậm chí sẽ phải chịu tác dụng ngược lại; một cử nhân mới tốt nghiệp mà lại tỏ ra giỏi hơn những đồng nghiệp khác hoặc nếu giỏi hơn cả lãnh đạo nữa thì người đó có thể sẽ gặp không ít khó khăn.
[3] Một công trình khoa học dù ở cấp độ nào, tôi cho rằng cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

-. Tính mới: Đề tài được thực hiện không trùng lặp hoàn toàn với các công trình khoa học trước đó.

-. Tính thời sự: Xã hội hiện nay đang quan tâm, thể hiện trên TV, mạng, báo chí, diễn đàn…

-. Tính thực tiễn: Đề tài phải giải quyết các hiện tượng xã hội đang diễn ra, hoặc sắp diến ra trong tương lai gần đối với đất nước hoặc 1 địa phương, hoặc đáp ứng được những đòi hỏi của một địa chỉ cụ thể.

-. Tính khả dụng: Khi sản phẩm hoàn thành, có thể được ứng dụng ngay để giải quyết các vấn đề đang đặt ra, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, không bị lệ thuộc quá nhiều vào điều kiện khách quan.

-. Tính hợp lý: Phải chứng minh được bằng những lý thuyết, những lập luận logic, những thông tin và số liệu thống kê, điều tra, …

-. Tính kế thừa: Có sự đánh giá, sự tận dụng được những kết quả có sẵn của các công trình nghiên cứu trước đó, từ đó thể hiện công trình của mình với bước tiến mới so với các công trình trước đó.


No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...