. .

Sunday, March 29, 2009

GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm (The End)


GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 1-16
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 17-21
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 22-34


Gọng Kềm Lịch Sử

35. Những Việc Cuối Cùng

Nếu nói về phương diện chính trị thì kể từ giữa năm 1973 trở đi, những biến cố bên trong Việt Nam và trên trường chính trị quốc tế sắp sửa ảnh hưởng đến sự sống còn của Việt Nam. Tuy thế, nếu chỉ nói riêng đến đời sống cá nhân thì cuộc sống của tôi lại hết sức thảnh thơi. Mặc dù những vấn đề trong cũng như ngoài nước đang ngày càng phức tạp, nhưng tôi và nhiều người Việt Nam khác vẫn cho rằng đây chỉ là những khó khăn bình thường như những khó khăn ở các giai đoạn bình thường khác trong lịch sử thế giới. Đã đành rằng nếu nói riêng thì ở Việt Nam vẫn có những tệ nạn tham nhũng và bè cánh trong chính phủ và nói chung thì dư luận thế giới vẫn đang xôn xao vì những xích mích giữa các quốc gia ở Trung Đông, nhưng đây không phải là những vấn đề khó khăn mà Việt Nam và thế giới chẳng thể nào giải quyết. Mặc dù lúc đó đã có tin tức về vụ Watergate ở Hoa Kỳ nhưng ở Việt Nam vẫn chưa ai có thể đo lường được vụ Watergate sẽ ảnh hưởng Hoa Kỳ đến độ nào. Và nếu chỉ nói riêng về sự hiện diện của các vấn đề khó khăn trong trường chính trị thì ở Việt Nam, có lẽ chưa có lúc nào tôi và những nhân viên khác trong chánh phủ không phải đối phó với những vấn đề khó khăn hết sức hiểm nghèo. Chẳng hạn như các khó khăn ở Huế hồi Tết Mậu Thân, các khó khăn trong trận tập kích mùa hè năm 1972..v.v. Hơn nữa, lúc nào chúng tôi cũng vượt qua.

Riêng về cuộc sống cá nhân thì lúc này tôi bắt đầu sống cuộc sống của một nhân viên ngoại giao bán phần. Tôi đã trở lại làm việc với tờ Post và tờ Gió Mới. Nhưng cũng cùng lúc này, ông Thiệu bắt đầu mời tôi làm đặc sứ. Tôi được gửi đi nhiều công tác khác biệt ở Á Châu, Âu Châu và Hoa Kỳ. Cuộc sống của tôi lúc này khiến tôi cảm thấy mình có thể làm việc trong một khung cảnh thật dễ chịu. Tôi là một công dân có đời sống cá nhân tự do, nhưng hoàn cảnh cũng đưa đẩy tôi gần gũi với chính phủ và tôi cảm thấy mình vẫn có thể tiếp tục đóng góp ít nhiều vào những điều to tát đáng kể hơn.

Thật ra, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những gì mà Việt Nam phải làm sau hiệp định Ba Lê và tôi cho rằng việc tôi có thể gặp gỡ ông Thiệu cũng là một dịp tốt để tôi có thể đóng góp ý kiến phần nào vào việc xây dựng quốc gia. Kể từ tháng giêng trước đây, tôi đã bắt đầu soạn thảo một kế hoạch chỉ rõ phương hướng cho các công việc của Việt Nam sau giai đoạn Hiệp Định Ba Lê. Kế hoạch của tôi gồm hai điểm chính: Thứ nhất: Chuyển hướng ngoại giao Việt Nam để tái tạo chính nghĩa cho chính quyền Việt Nam trên trường ngoại giao quốc tế. Thứ hai: Phải cải tổ chính phủ Việt Nam và tìm cách kêu gọi những người quốc gia khác tham gia chánh phủ. Vào giữa năm 1973, tôi bàn luận những ý kiến này với ông Hoàng Đức Nhã và sau đó trực tiếp, thường xuyên hơn với ông Thiệu.

Tôi nói rằng đây là lúc chính phủ Việt Nam nên trực diện với vấn đề Hoa Kỳ rút quân. Bất cứ chiến lược tương lai nào của Việt Nam cũng khó thể tránh khỏi bắt đầu bằng việc Hoa Kỳ rút quân. Tuy vấn đề Hoa Kỳ rút quân quả là một trong những vấn đề bất lợi cho Việt Nam, tôi cho rằng nếu nhìn qua một khía cạnh khác thì đây vẫn có thể là một lợi điểm. Trong suốt cuộc chiến, tôi đã khốn khổ vì sự hiện diện và ảnh hưởng cuả Hoa Kỳ trong mọi lãnh vực. Vào năm 1965, khi còn là Đổng Lý Văn Phòng cho chính phủ của bác sĩ Quát, tôi đã tham gia vào những biến cố dẫn đến việc đổ bộ của lính Hoa Kỳ. Lúc đó, cả tôi lẫn Bác Sĩ Quát đều đã hết sức lo lắng về những ảnh hưởng bất lợi khi để Hoa kỳ đổ quân vào Việt Nam. Sau này, khi là phụ tá cho ông Kỳ, tôi lại đồng ý là sự can thiệp của Hoa Kỳ chẳng qua chỉ là la lemoindre mal, một sự lựa chọn bất đắc dĩ. Nhưng cũng như nhiều nhân vật khác trong các đảng quốc gia, lúc nào tôi cũng lo rằng rồi đây hành động can thiệp của Hoa Kỳ sẽ khiến chính phủ Việt Nam Việt Nam phải chịu nhiều tai tiếng và mất đi rất nhiều chính nghĩa.

Vì thế, tôi nghĩ rằng Hiệp Định Ba Lê có thể là một khúc quanh trong đời sống chính trị của Việt Nam. Dĩ nhiên khi Hoa Kỳ rút đi trong một hiệp định cho phép Cộng Sản Bắc Việt tiếp tục đóng quân ở Việt Nam Việt Nam thì họ đã buộc chánh phủ Việt Nam phải chấp nhận một tình trạng nguy hiểm. Nhưng nếu nhìn vấn đề bằng một quan niệm khác thì việc Hoa Kỳ rút quân có thể được xem như một yếu tố có lợi cho Việt Nam. Khi Hoa Kỳ lui binh, ít nhất chánh phủ Việt Nam cũng có cơ hội vãn hồi lại được một phần những chính nghĩa đã mất đi khi Hoa Kỳ can thiệp. Vấn đề của chúng tôi là làm thế nào để xây dựng và tái tạo lại được những chính nghĩa đã mất.

Vì quan niệm như thế, tôi bắt đầu khai triển một kế hoạch nhằm chuyển hướng ngoại giao của chánh phủ Việt Nam để xóa tan những chỉ trích hiếu chiến và độc tài mà dư luận thế giới đã gán cho Việt Nam, và cũng để xây dựng hình ảnh của Việt Nam như một quốc gia độc lập, có chủ quyền và được cả thế giới công nhận. Muốn áp dụng một kế hoạch như vậy trên phương diện ngoại giao thì chính phủ Việt Nam cần phải tạo được những mối liên hệ tốt đẹp với các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á cũng như trên thế giới.

Vào những năm 1973-1974, chính những cuộc bàn luận với ông Thiệu đã góp phần thúc đẩy tôi thăm viếng các quốc gia khác ở Á Châu như Nam Dương, Mã Lai, Singapore, Ấn Độ, Nhật. Tôi cũng được phái sang Nhật và Anh Quốc để tìm các mối liên lạc và tìm viện trợ. Tại Nam Dương và Mã Lai, tôi đã tạo được những mối giao hảo tốt đẹp với những nhà lãnh đạo như ông Abdul Rahman của Mã Lai và Ngoại Trưởng Adam Malik của Nam Dương. Một trong những điều đáng quan tâm khi tôi cùng các lãnh tụ Đông Nam Á đàm luận là việc họ thường xuyên hỏi han về những cam kết của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Mối ưu tư của họ có thể gồm trong hai điều: 1) Liệu Việt Nam có đứng vững hay không? 2) Liệu Hoa Kỳ có đủ kiên nhẫn tiếp tục giúp đỡ Việt Nam hay không? Theo quan niệm của ông Suharto, tổng thống Nam Dương thì Đông Nam Á cần một Việt Nam vững mạnh để chống cộng sản. Vì thế vai trò của Hoa Kỳ trong việc này vô cùng quan trọng. Ông Suharto quan niệm rằng việc ông Thiệu chống đối là việc hoàn toàn đúng. Ông cho rằng bất kể Hoa Kỳ đã điều đình ra sao, ông Suharto nhận định là vẫn khó thể có một hiệp định hoàn hảo giữa chánh phủ Miền Nam Việt Nam và Bắc Việt.

Tuy thế, đây chỉ là ý kiến mà các lãnh tụ trong khối các quốc gia không liên kết phát biểu trong những cuộc nói chuyện riêng với nhau. Và khi cần phải phát biểu công khai thì họ lại tuyên bố khác hẳn. Ông Malik đã nói với tôi rằng: "Chắc ông cũng rõ là trước công chúng, chúng tôi chẳng thể nào phát biểu như mình suy nghĩ. Chính thật thì chúng tôi cũng chỉ là một quốc gia thuộc khối các quốc gia không liên kết và vì thế chúng tôi phải giữ kín thái độ bên ngoài." Tuy tôi không gặp trở ngại gì khi trao đổi với ông Malik và những nhân vật khác, tôi vẫn lấy làm lạ vì những thực tế chính trị trên trường ngoại giao quốc tế. Nếu đây là những cuộc gặp gỡ từ hai mươi năm trước có lẽ tôi đã phải sững sờ, nhưng giờ đây tôi chỉ âm thầm ghi lại mà thôi. Tôi đã thấy qua quá nhiều lần và biết rằng đây chẳng qua chỉ là những chuyện hàng ngày.

Riêng ở Ấn Độ thì tôi ít phải đụng chạm với những thực tế trong trường chính trị như ở các nước Nam Dương. Tuy thế, bầu không khí cũng khó chịu hơn. Lúc đầu tôi chỉ bàn luận với những người trong Bộ Ngoại Giao, nhưng rồi tôi cũng không tránh khỏi phải đối diện với bà thủ tướng Indira Gandhi khó tính của Ấn Độ. Những đồng minh quốc tế của Ấn Độ đã xếp nuớc Ấn vào hàng đồng minh với Nga. Và chính Nga cũng đã cung cấp cho Ấn Độ rất nhiều vũ khí. Từ trước tới nay bà Gandhi lúc nào cũng ủng hộ Cộng Sản Bắc Việt. Vì thế, chúng tôi chưa bao giờ có thể sắp xếp để hoàn toàn tiến đến quan hệ ngoại giao với Ấn Độ, nhưng chúng tôi cũng đã có thiết lập một mối dây liên hệ tổng quát qua lãnh sự quán của Việt Nam ở Ấn Độ. Vì tình trạng ngoại giao của Việt Nam đối với Ấn Độ thật là lỏng lẻo và tôi lại đang cố xây dựng lại những giềng mối Ngoại Giao của Việt Nam nên tôi đến Ấn Độ rất thường xuyên. Đất Ấn bao la đã gây cho tôi những ấn tượng hết sức đặc biệt. Dân số Ấn thật là vô bờ và tôi nghĩ rằng những nỗi thống khổ của người dân Ấn Độ có lẽ cũng vượt quá khả năng và giới hạn của con người. Có lần đi ngang qua một nơi ở Ấn Độ, tôi đã thấy hàng ngàn người dân Ấn ăn mặc rách rưới cứ túa ra xúm vào những người du khách để dành dựt những thứ vặt vãnh như bút máy, luợc chải đầu..v.v. Lần đó, tôi đã so sánh những vấn đề khó khăn của Ấn Độ với những khó khăn của Việt Nam. Tôi cho rằng nếu những khó khăn của Việt Nam không đơn giản hơn thì cũng không đến nỗi quá tầm tay với như những khó khăn của Ấn Độ.

Tuy ông Thiệu cảm thấy quan niệm việc thực hiện bang giao với các nước lân cận quả thật không mấy khó khăn nhưng ông lại cảm thấy chật vật khi phải đối diện với vấn đề cải tổ thứ hai mà tôi đã đề ra: Phải thống nhất chánh phủ bằng đoàn kết. Đây chính là quan niệm chính trị mấu chốt nhất của các thành phần quốc giao đã ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim khi trước. Đây cũng chính là quan niệm chính trị của những người đã cộng tác với bác sĩ Quát. Vì chính tôi cũng là người đã tham gia các đoàn thể chính trị này nên quan niệm của tôi cũng chẳng khác gì quan niệm của những người mà tôi đã từng có dịp cộng tác chung. Tôi đã cố gắng duy trì ý kiến về vấn đề cần đoàn kết trong những môi trường chính trị khắc nghiệt của Việt Nam kể từ khi những nhà lãnh đạo quân sự đứng ra thay thế chính phủ của bác sĩ Quát. Qua những chánh phủ quân sự, những nỗ lực tiến đến dân chủ đã bắt đầu phát triển và chứng tỏ một phần thành đạt khả quan để rồi cuối cùng chết hẳn sau cuộc độc cử năm 1971. Tuy thế, quan niệm của một quốc gia đoàn kết, tuyển dụng tất cả những nhân tài chính trị từ mọi đoàn thể vẫn chẳng phải là một quan niệm lỗi thời. Trái lại, vào năm 1973-1974, dường như đây là một đề tài càng lúc càng trở nên cần thiết cho vấn đề sống còn của Việt Nam.

Lúc này, những tình trạng khó khăn bên trong Việt Nam ngày càng gia tăng. Lệnh cấm dầu của Ả Rập ban hành vào mùa thu năm 1973 đã khiến lạm phát tăng vọt lên 50%. Nạn lạm phát cùng những sự giảm thiểu viện trợ của Hoa Kỳ đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam gần như khủng hoảng. Đối với đại đa số dân chúng, việc sinh nhai kiếm sống nuôi gia đình ngày càng khó khăn. Về mặt quân sự thì tin tức tình báo ước lượng rằng vào cuối năm 1973 những cuộc tải quân xâm nhập đã đưa con số binh quân đội Bắc Việt trấn đóng ở Miền Nam Việt Nam lên đến 13 sư đoàn. Các lực lượng này đã dùng các tiểu đoàn và có khi cả trung đoàn liên tục tấn công vào các đơn vị Việt Nam để dò xét phản ứng của Hoa Kỳ. Đầu tiên, vì sợ bị Tổng Thống Nixon trả đủa Hà Nội chỉ tấn công một cách dè dặt, nhưng cứ sau mỗi cuộc tấn công dò dẫm không bị B-52 phản công Hà Nội lại gia tăng tầm mức tấn công. Dần dần những nhịp tấn công trở nên ráo riết.

Khi những đe dọa xã hội, kinh tế và quân sự ngày càng lan rộng, vấn đề cần thiết phải cải tổ đã trở thành hiển nhiên. Chính ông Thiệu cũng biết rằng rất nhiều nhân viên làm việc trong chính quyền ông là những người tham nhũng và thiếu khả năng. Tuy vậy, ông lại không thể kêu gọi ủng hộ và cũng chẳng đủ quyết tâm để tiến hành cải tổ chính phủ. Tuy biết rất rõ những khó khăn và cũng rất thất vọng, ông vẫn chần chừ không chịu giải quyết. Mặc dù thấy rõ Việt Nam cần phải có một chánh phủ đoàn kết và cần phải tận dụng tất cả những tiềm lực của các các đoàn thể chính trị khác, nhưng vì bản tính đa nghi, và cố tật lưỡng lự, chần chờ, ông Thiệu vẫn để mặc cho mọi sự trôi qua. Có lẽ ông tin rằng dù cho chế độ của ông có thiếu khả năng đến đâu đi nữa thì Hoa Kỳ vẫn không thể bỏ rơi ông. Hoa Kỳ đã đầu tư quá nhiều xương máu cùng vật liệu vào Việt Nam. Hơn nữa, những đòi hỏi của chính sách toàn cầu và những lời hứa nghiêm trang của tổng thống Nixon sẽ không cho phép Hoa Kỳ khoanh tay để mặc Cộng Sản nắm phần chiến thắng.

Chính ngay cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao ông Thiệu lại vui lòng nghe tôi nói về những nhược điểm của chế độ Việt Nam và những yêu cầu phải lập tức sửa đổi. Nỗi thất vọng to lớn của tôi là việc ông Thiệu thường đồng ý với những chỉ trích của tôi.

Tôi còn nhớ trong một buổi họp Hội Đồng chính phủ thu hẹp do ông Thiệu đứng ra triệu tập vào tháng 3 năm 1974. Cuộc họp lần đó rơi vào đúng khi tôi sửa soạn đi công cán nước ngoài để tìm viện trợ. Mục đích của buổi họp là để các bộ trưởng trình bày với tôi về tình trạng kinh tế cùng quân sự lúc này rồi sau đó ông Thiệu sẽ cho tôi chỉ thị riêng. Trong những lần họp trước, những buổi họp thường kéo dài cả ngày trời mà vẫn chẳng đi đến quyết định gì cụ thể. Lần họp này cũng vậy, các bộ trưởng vẫn chỉ bỏ thời giờ tranh luận với nhau trong khi Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm ngồi đó mà đầu óc dường như đâu đâu, chẳng hề chú ý gì đến những việc đang xảy ra trước mặt. Quá giận, ông Thiệu đã phải chấm dứt cuộc họp. Khi chỉ còn lại mình tôi, ông Thiệu bày tỏ ý kiến của ông một cách bực tức: "Đó, anh có thấy rằng tôi phải chịu đựng như thế nào chưa?"

Nhưng ông Thiệu không bao giờ có đủ khích động để quyết định. Thay vì hành động, ông Thiệu chỉ đồng ý với những lời chỉ trích thậm tệ của tôi rồi yêu cầu tôi chu toàn công việc này hay công việc nọ. Ông Thiệu hứa rằng ông sẽ đối phó với vấn đề này sau khi tôi trở lại. Có lẽ ông Thiệu có ý muốn nói rằng cơ hội tốt nhất để cải tổ là khi quốc hội Hoa Kỳ đồng ý tăng viện trợ trên các mặt kinh tế và quân sự. Dường như ông Thiệu vẫn chưa hiểu rằng với tình thế Hoa Kỳ lúc này việc tăng viện trợ quả không có chút nào thực tế. Ông Thiệu cho rằng chỉ khi những ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam đã hoàn toàn vững vàng, ông mới có thể ra tay hành động quyết liệt. Và lúc đó sẽ là khi ông thật sự cải tổ. Bởi thế, với những chính sách chần chừ, chờ đợi, thời cơ bắt đầu vượt qua ông và qua cả Việt Nam.

Từ giữa năm 1973 cho đến năm 1974, tôi thường xuyên đến Hoa Kỳ, theo dõi các diễn biến ở Hoa Thịnh Đốn và làm tất cả mọi việc có thể làm được để giữ viện trợ khỏi bị cắt bỏ. Tôi theo dõi vụ Watergate với nỗi lo lắng ngày một gia tăng, ngạc nhiên khi thấy những nhân viên của tổng thống Nixon cảm thấy cần phải làm những việc họ đã làm. Lúc đầu tôi còn tin rằng rồi đây mọi việc sẽ được dàn xếp ổn thỏa. Làm sao một việc kỳ lạ thế này lại có thể phá hủy được cả một tổng thống Hoa Kỳ? Nhưng vào mùa thu năm 1973, tôi bắt đầu nhận thấy mức độ trầm trọng thực sự của vấn đề và bắt đầu lo lắng về những hậu quả do biến cố này gây ra. Vào cuối tháng 4, hai nhân viên thân tín nhất của tổng thống Nixon là ông Bob Haldemand và ông John Ehrlichman từ chức. Vào ngày 10 tháng 10, tin tức loan báo việc phó tổng thống Spiro Agnew cũng từ chức. Khoảng hơn một tuần lễ sau đó, ông Richardson và phụ tá ông là ông William Ruckelshaus tuyên bố từ chức khi ông Archibald Cox, công tố viên đặc biệt của vụ Watergate bị đuổi. Việc xảy ra vào lúc tôi đang ở Hoa Thịnh Đốn, cố xin đủ các viện trợ quân sự cho Việt Nam. Hành động của ông Richardson đánh thẳng vào Hoa Thịnh Đốn như một tiếng sét trên chính trường Hoa Thịnh Đốn. Qua rất nhiều ngày thành phố dường như tê liệt; chẳng còn ai để tôi có thể nói chuyện về các vấn đề viện trợ Việt Nam. Chánh phủ Nixon đang ngã quị và khả năng tự vệ của Việt Nam đối với những cuộc tấn công của kẻ thù càng trở nên mong manh bội phần.

Vào tháng 10, quốc hội cho thông qua một đạo luật tổng thống Nixon đã phủ quyết lúc trước, giới hạn quyền lực tổng thống trong việc dùng các lực lượng vũ trang. Lúc này ông không còn đủ quyền lực để nhận lãnh trách nhiệm cho những điều khoản trong hiệp định Ba Lê và cũng chẳng thể chu toàn những lời hứa ông tuyên bố ở San Clemente. Vào đầu năm 1974, tôi đã nhận xét rằng dù cho tổng thống Nixon còn có thể tại nhiệm đi chăng nữa, ông vẫn chẳng thể làm bất cứ việc gì cho Việt Nam như ông đã hứa từ trước.

Tất cả những diễn biến này, tôi đều đã bàn bạc chi tiết cùng ông Thiệu. Đầu tiên ông Thiệu không thể tin rằng một chuyện nhỏ nhặt tầm thường như thế lại có thể ảnh hưởng đến vị tổng thống Hoa Kỳ. Những khi tình thế ngày càng ngặt nghèo, ông Thiệu bắt đầu lo lắng. Vào tháng 3 năm 1974, ngay khi việc tố cáo còn đang tiếp diễn, ông Thiệu đã gửi tôi đến Hoa Thịnh Đốn để thẩm định tình hình và xem xét khả năng viện trợ của Hoa Kỳ. Trong chuyến đi tôi có gặp Phó Tổng Thống Gerald Ford cùng nhiều nhân vật đã từng cộng tác hoặc cho tin tức tôi trước đây. Nhưng những cuộc gặp gỡ quả thực không cần thiết. Dĩ nhiên chẳng cần phải những người có đầu óc tinh tế mới có thể hiểu rằng giữa tấn thảm kịch của chánh phủ Nixon, vấn đề Việt Nam là một vấn đề chẳng ai thèm chú tâm để ý.

Khi trở lại Việt Nam, tôi thấy ông Thiệu hoàn toàn đăm chiêu và ít nói năng. Tuy hiển nhiên là đang gặp khó khăn, ông Thiệu vẫn cố gắng dấu những điều ông suy nghĩ. Tôi tin là trong thâm tâm, ông Thiệu vô cùng hoang mang về cả tầm vóc khủng khiếp của những biến cố đang xảy ra ở Hoa Thịnh Đốn lẫn những hậu quả tai hại theo sau. Lúc này, chính tôi cũng đang hoang mang vì những điều như vậy. Vào ngày 9 tháng 8-1973, ông Thiệu cũng rúng động khi thấy tổng thống Nixon từ chức.

Tuy thế ngay sau đó ông Thiệu lại nhận được một lá thư do tân tổng thống Ford gửi đến như sau: "Tôi tưởng không cần phải viết rõ để thông báo với ông rằng một trong những nét chính của chánh sách Hoa Kỳ là tính cách liên tục của chính sách ngoại giao từ Tổng Thống này qua Tổng Thống khác." Tổng thống Ford viết rằng: "Hơn bao giờ hết, điều này hoàn toàn đúng vào lúc hiện tại. Những lời cam kết của Hoa Kỳ khi trước vẫn được Hoa Kỳ giữ đúng vào lúc này, dưới chánh phủ của tôi." Quá vui mừng, ông Thiệu cho mọi người xem lá thư của tổng thống Ford như thể ông đang nắm trong tay một tờ bảo đảm sinh tồn của Việt Nam. Khi nhìn ông Thiệu, tôi phân vân không hiểu trong thâm tâm ông có nhận định được rằng đây là một trong những điều mong manh nhất trong tất cả mọi điều mong manh, hay quả thực ông vẫn mù mờ chẳng thể nhận định rõ được rằng quyền lực của tổng thống Hoa Kỳ lúc nào cũng bị quốc hội kềm hãm?

Nếu tháng 8 quả là tháng của những tin tức đưa đến biến động lịch sử Watergate ở Hoa Thịnh Đốn thì ở Việt Nam, Sài Gòn vẫn tiếp tục chìm trong một bầu không khí phẳng lặng. Chúng tôi biết rõ rằng các lực lượng cộng sản vào lúc này đã thiết lập căn cứ quân sự ở Việt Nam với ý đồ cùng tầm mức khác hẳn những lần trước đây. Cộng Sản đang thiết lập nhiều ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam và đang tổ chức một mạng lưới liên lạc quân sự tinh vi. Lúc này Bắc Việt đã chuyển được cả hàng nghìn tấn nguyên liệu chiến tranh về các kho tiếp liệu của cộng sản gần nơi trận địa. Tuy thế, dù đã sẵn sàng về mọi mặt, trung ương đảng Bắc Việt vẫn chưa có quyết định chiến lược nào để mở cuộc tổng tấn công.

Việc từ chức của tổng thống Nixon đã khiến Bắc Việt quyết định táo bạo hơn. Vào tháng 9, các lực lượng cộng sản gia tăng phạm vi các mặt tấn công. Hiển nhiên những lãnh tụ Hà Nội tin rằng một khi tổng thống Nixon từ chức thì những dự định trả đủa chắc chắn phải giảm bớt. Đã hẳn là sự tin tưởng của họ không có gì sai lầm. Nhưng họ vẫn tiếp tục thử. Mùa khô, vốn dĩ là mùa phù hợp cho các cuộc tấn công lớn chỉ còn cách xa vài tháng. Hình như tình thế vẫn chưa đủ căng thẳng, vào giữa tháng 8, bất kể những lời khẳng định trấn an của tổng thống Ford quốc hội lại cố sức tìm cách cắt bỏ những viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam. Một trong những đạo luật cuối cùng của tổng thống Nixon là viện trợ cho Việt Nam 1.1 tỷ đô la. Nhiều ngày sau đó, quốc hội biểu quyết chỉ viện trợ 700 triệu mà thôi. Cuối cùng, vì nhiều chính sách khác biệt của các Bộ Quốc Phòng, số tiền chánh thức nhận được là 400 triệu. Nạn lạm phát cùng giá dầu tăng vọt đã khiến số tiền viện trợ này thật sự chẳng là bao.

Chỉ vài tuần lễ sau khi chánh quyền Nixon sụp đổ, chính ông Thiệu cũng phải đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng chính trị ở Việt Nam. Những khủng hoảng chính trị ở Việt Nam khởi đầu là do phong trào chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh. Trước đây linh mục Trần Hữu Thanh là người rất gần gũi với ông Ngô Đình Diệm. Phong trào chống tham nhũng của linh mục Thanh khởi đầu vì rất nhiều lý do, bao gồm cả những lý do thực tế lẫn những lý do chính trị. Chỉ trong vòng một tháng, Phong Trào Chống Tham Nhũng đã gây được nhiều ảnh hưởng trong dư luận. Linh mục Thanh tố cáo ông Thiệu, bà Thiệu và những nhân viên trong chính quyền ông Thiệu đúng vào lúc kinh tế đang suy sụp và nạn lạm phát đang ngày càng tăng. Những tầng lớp binh lính, sĩ quan cấp nhỏ, công chức, nông dân và công nhân lúc này đang khốn đốn vất vả. Ngay lúc chống đối, có lẽ phải đến cả 95% những người đang tìm kế sinh nhai bị buộc phải suy nghĩ về vấn đề kiếm sống trong tương lai. Bất kể nguyên do nào khiến họ phải vất vả, phong trào chống tham nhũng của linh mục Thanh vẫn là một nơi khiến họ có thể trút bỏ phần nào những nỗi bất bình mà họ đã phải chịu đựng. Dĩ nhiên một khi linh mục Thanh và nhiều chính trị gia khác đã lên tiếng chỉ trích tệ đoan ở các tầng lớp cao nhất thì những người đang thiếu đủ mọi bề khó thể ngồi yên.

Tuy vấn đề tham nhũng của chính phủ Việt Nam quả là trầm trọng, riêng cá nhân tôi không cảm thấy vấn đề tham nhũng là nguyên nhân chính tạo nên mọi chuyện. Tôi đã từng đi thăm nhiều nơi ở Đông Nam Á và đã mục kích vấn đề tham nhũng ở rất nhiều quốc gia. Nhưng vì hoàn cảnh Việt Nam lúc này đang giữa lúc chiến tranh nên tình trạng tham nhũng đã bị dư luận chỉ trích dữ dội hơn rất nhiều.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Phong Trào chống tham nhũng đã chuyển thành một chỗ phát tiết chẳng những cho các tầng lớp dân chúng mà còn là nơi phát tiết cho những chính trị gia đối lập với ông Thiệu. Kể từ khi ông Thiệu nắm quyền cho đến năm 1971, ông đã tuyển dụng phần đông những tay chân thân tín của ông và vì thế đã gây ra rất nhiều chống đối. Những người chống đối ông lúc này bao gồm cả những người thiên tả, những người trung lập, Phật Giáo, Công Giáo và ngay cả những người cực hữu. Chống đối dường như từ tất cả mọi mặt, và từ tất cả những đoàn thể đối lập. Lúc này, họ nhân cơ hội phát tiết tất cả thất vọng. Gần như tất cả mọi đoàn thể dưới sự lãnh đạo của linh mục Thanh đã biến thành một phong trào chống chính phủ thay vì chống tham nhũng. Mặt Trận Giải Phóng cũng dính líu vào các vụ chống đối và trong những chống đối hàng ngày chẳng ai có thể phân biệt được chống đối nào là do những đoàn thể hợp pháp tổ chức hoặc chống đối nào là do các ổ Việt Cộng bí mật sách động. Chỉ cần liếc nhìn vào tờ báo mỗi sáng cũng đủ thấy cả Miền Nam đang bùng cháy.

Trong khi đó thì bên trong chính phủ của ông Thiệu cũng đã có nhiều thay đổi. Lúc này, ông Hoàng Đức Nhã không còn làm việc trong chánh phủ nữa. Ông Thiệu đã bị áp lực trực tiếp của phía Hoa Kỳ buộc ông phải loại ông Nhã ra khỏi chính phủ. Tuy thế, vì tinh thần họ hàng, nên ông Nhã và ông Thiệu vẫn tiếp tục liên lạc với nhau. Vào cuối tháng 9, khi tôi cùng ông Nhã bàn luận về những sự chống đối đang xảy ra khắp nơi trên đường phố thì ông Nhã hỏi có thể giúp gì ông Thiệu để ra khỏi được cuộc khủng hoảng không? Chúng tôi bàn luận thêm rồi cố tìm cách làm giảm bớt các cuộc chống đối. Câu chuyện đẩy đưa và rồi ông Nhã cho tôi biết ông Thiệu sắp sửa lên đài truyền thanh để thuyết phục dân chúng. Ông Nhã hỏi tôi liệu tôi có thể soạn trước một bài diễn văn cho ông Thiệu được không?

Tôi nghĩ có lẽ đây cũng là một dịp để làm cho tình thế lắng dịu xuống và trả lời rằng nếu cần thì tôi cũng vui lòng góp sức. Cũng như nhiều người khác, tôi hiểu rất rõ những vấn đề tai hại ông Thiệu đã tự mình chuốc lấy khi cô lập hóa những người đầy khả năng có thể là đồng minh hoặc ít ra thì cũng có thể là một nhóm đối lập nhưng vẫn chung thành với ông. Và nếu chỉ nói riêng về chính phủ của ông Thiệu thì dĩ nhiên chẳng ai lại không thấy đa số nhân viên của ông Thiệu chỉ là những người tham nhũng và bất tài. Chẳng những vậy, những phong trào chống đối chính phủ bùng nổ còn cho thấy trong cơn phẫn khích dân chúng đã quên cả vấn đề sinh tử thật mong manh của Việt Nam. Lúc này là lúc Việt Cộng sắp sửa một cuộc tổng tấn công với tầm mức lớn rộng hơn tất cả những lần trước đây. Tôi thấy rõ rằng chính phủ Việt Nam cần phải tìm cách ổn định ngay những cuộc biểu tình chống đối. Và tôi cho rằng ông Thiệu nên kềm bớt phẫn nộ và chú tâm vào những hiểm họa đang kề gần sát sắp sửa phủ chụp xuống Việt Nam.

Để có thể thực sự giải quyết vấn đề, tôi đề nghị là ông Thiệu nên dùng bài diễn văn như một bước đầu tiên của kế hoạch xoa dịu dư luận. Tôi sẽ vui lòng soạn thảo phần diễn văn nhưng chỉ với điều kiện ông Thiệu phải thực thi những điều ông nói. Ông Nhã cho là chắc chắn ông Thiệu sẽ thỏa thuận, nhưng ông đề nghị tôi nên nói chuyện với Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống, Đại Tá Võ Văn Cầm trước. Khi nói chuyện với ông Cầm thì ông Cầm cũng hứa sẽ hết sức.

Tối đó, tôi bắt đầu soạn thảo diễn văn cho ông Thiệu. Đây chẳng qua là một bài diễn văn tôi đã dùng đi dùng lại nhiều lần trong rất nhiều năm. Tôi chuyển bài diễn văn cho hợp với tình trạng chống đối ở Sài Gòn lúc này:

Tuy tôi không hoàn toàn chấp nhận tất cả những lời lẽ buộc tội của linh mục Thanh và những người đối lập, tôi quả có nhận biết những tệ đoan trong chánh phủ và tôi nhận rằng việc đương đầu với những vấn đề này thật là cần thiết. Tôi vui lòng cùng các ông ngồi lại để bàn luận những cách ngăn ngừa tệ trạng. Nhưng tham nhũng không phải là vấn đề chính mà chúng ta cần đương đầu vào lúc này. Vấn đề chính mà chúng ta cần đương đầu vào lúc này còn trầm trọng hơn vấn đề tham nhũng. Đây là vấn đề sinh tử của quốc gia chúng ta. Như thế, tôi xin chúng ta cùng ngồi lại với nhau, nhưng không phải ngồi lại với nhau trong tư thế chánh phủ và những người đối lập mà là ngồi lại với nhau trong tư thế của những người yêu nước tuy có đang bất đồng ý kiến mà vẫn tạm dẹp hiềm khích cá nhân sang một bên vì quốc gia đang ở vào giờ phút sinh tử.

Theo tôi nghĩ thì đây chỉ là một lời mở đầu, chưa có gì cụ thể nhưng là một bước tiến quan trọng trong kế hoạch làm dịu bớt căng thẳng cũng như đưa ra vấn đề chính cần thiết cần được bàn luận.

Vài ngày trước, tôi đã chuyển cho đại tá Cầm bản diễn văn do tôi soạn thảo. Nhưng sau đó, tôi vẫn chưa hề nghe tin gì cả. Buổi tối hôm ông Thiệu đọc diễn văn là lúc tôi đang dùng bữa tối ở nhà một người bạn. Ông Thiệu đang nói chuyện với cả nước nhưng không phải bằng những ngôn từ tôi đã soạn cho ông. Thay vì tìm cách hòa hoãn, nhìn nhận vấn đề rồi từ đó tiếp tục bước tới, ông Thiệu bỏ thẳng vấn đề. Thay vì nói chuyện với những nhân vật đối lập, ông lại nói về Cộng Sản. Ông nói về những người cộng sản đang chống đối ông, về những người cộng sản đang đứng sau giật giây tất cả mọi chuyện. Thay vì chấp nhận chia xẻ một phần trách nhiệm và vui lòng thảo luận với các đoàn thể trong nước, ông Thiệu lại quyết định né tránh vấn đề.

Khi nghe bài diễn văn, tôi nghĩ thầm rằng có lẽ ông Thiệu đã cho mình là trung tâm của vũ trụ, đã tin rằng chính ông đang mang thiên mệnh. Nhìn ông Thiệu trên Ti Vi tôi thấy dường như ông không hề biết rằng ông đang nói chuyện cùng dân chúng cả nước. Dường như ông Thiệu đã mất hết thăng bằng, có lẽ những năm nắm giữ uy quyền đã khiến ông trở nên mê muội. Ông đã không hiểu những biến cố xảy ra ở Hoa Kỳ và giờ đây chính tôi tận mắt mục kích ông cũng không hiểu nổi chính cả những vấn đề đang xảy ra ngay ở Việt Nam. Nhìn ông Thiệu trên màn truyền hình tôi không khỏi ngột ngạt khi thấy rằng dù đang lúc thập tử nhất sinh mà ông Thiệu vẫn chẳng thể phóng tầm nhìn lên trên những vấn đề uy quyền cá nhân. Quan niệm của ông chỉ là quan niệm của một người làm chính trị, cố theo đuổi và giữ chặt quyền lực. Ngay cả khi kẻ thù đã đến cận kề, sửa soạn nuốt chửng tất cả mà ông Thiệu vẫn chưa nhận thấy ông phải đoàn kết với những đoàn thể đối lập để chống lại kẻ thù chung. Có thể ông Thiệu đã từ chối giải pháp đoàn kết vì ông thấy rằng ông không đủ tài để đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi. Thản hoặc có thể nhãn quan của ông đã khước từ không nhìn nhận những biến cố sắp sửa xảy ra.

Từ tháng 9-1974 cho đến tháng giêng năm 1975, những vấn đề xích mích nội bộ của Sài Gòn đã làm kiệt quệ tất cả sinh lực và chuyển cả hướng chú tâm của người dân Việt Nam. Miền Nam Việt Nam đã quên hẳn những hiểm họa đang rình rập đón chờ. Chánh phủ đã ngoan cố không chịu thương lượng, những nhóm đối lập lại quá mù quáng không thể nhìn thấy hiểm họa chỉ như mảnh treo chuông. Đa số những người dân Sài Gòn chỉ còn nghĩ đến cách kiếm cơm ngày hai bữa và quá bận rộn vì việc sinh nhai, không thể suy nghĩ về bất cứ vấn đề gì khác. Thật sự thì Sài Gòn đã đứng gần bên bờ vực sụp đổ vì những áp lực bên trong.

Ngay trong lúc Việt Nam đang kiệt lực thì các lực lượng Cộng Sản mở cuộc tấn công vào giữa tháng 12-1974. Sau ba tuần chiến đấu cam go, Phước Bình đã lọt vào tay Cộng Sản. Các lực lượng Việt Nam không hề phản công. Tại Hoa Thịnh Đốn, chánh quyền Ford cũng chẳng có hành động gì chứng tỏ Hoa Kỳ sẽ ra sức giứp đỡ. Khi chiến cuộc ngày càng lan rộng, tôi bắt đầu thấy mình đang bị dằng co giữa hai tâm trạng hoàn toàn trái ngược. Một mặt thì tôi đã thấy và hiểu rõ những gì đang xảy ra. Nhưng mặt khác, tôi lại không thể chấp nhận những điều trông thấy. Tôi cứ tự trấn an một cách giả dối rằng vấn đề khó khăn lần này chẳng qua cũng giống như vấn đề khó khăn của những lần trước đây, và rồi đây bằng cách nào đó Việt Nam cũng sẽ ổn định trở lại. Nói cho cùng thì chúng tôi cũng đã mục kích nhiều rồi. Chúng tôi đã mục kích Tết Mậu Thân, chúng tôi đã tái chiếm Huế. Chúng tôi đã cầm cự trong khung cảnh khốc liệt của An Lộc. Chúng tôi đã tái chiếm lại được Quảng Trị. Có những lần tưởng như đã đến bước đường cùng mà chúng tôi lại vẫn vượt qua được. Lần này thật ra có gì lấy làm khác biệt?

Tết năm 1975 rớt vào ngày tháng giêng. Ngay trước ngày tết, ông Thiệu lại phái tôi sang Ấn Độ để xiết chặt mối bang giao với Ấn Độ. Tôi cũng chẳng còn nhớ là mối bang giao nào cần phải xiết chặt vào lúc này nữa. Nhưng bất kể mối bang giao đó là gì, nhà tôi vẫn nhất quyết không cho tôi rời nhà vào ngày Tết đầu năm. Nhà tôi lý luận là tôi phải ở nhà để cùng ăn Tết với gia đình. Hơn nữa, nhà tôi còn nói thêm rằng chắc tôi cũng đã biết ngày đầu năm sẽ là ngày định đoạt may rủi cho suốt cả năm. Nếu vào ngày đầu năm mà tôi lại đi gặp người ngoại quốc thì trong năm còn biết may rủi thế nào được nữa?

Cuối cùng tôi nói với ông Thiệu vụ ngoại giao ở Ấn Độ sẽ phải hoãn lại; tôi sẽ đi khi sau Tết. Tôi ở lại Sài Gòn cho tới tận mãi tháng 2. Khi tôi trở lại thì một tháng mới đã lại bắt đầu. Đợt tấn công thứ nhì của Việt Cộng đã khởi đầu với những cuộc tấn công của nhiều sư đoàn vào vùng cao nguyên Ban Mê Thuật. Ban Mê Thuật bị tấn công bất ngờ và chỉ hai ngày sau đã lọt vào tay quân địch. Quân đội Việt Nam đã rút lui khỏi Ban Mê Thuật. Có lẽ bất kỳ một người nào khác thực tế hơn tôi cũng phải nhìn thấy ngay rằng đây là những giây phút cuối của Việt Nam. Tôi còn đang chưa biết phải làm gì thì vài ngày sau ông Thiệu cho gọi tôi vào để bàn luận về một sứ mạng cuối cùng.

* * * * *

Sứ mạng bất thành của tôi ở Hoa Thịnh Đốn kết liễu vào ngày 11 tháng 4 năm 1975, khi quốc hội bỏ phiếu khước từ việc gửi viện trợ khẩn cấp sang cho Việt Nam. Ba ngày sau ký giả Bob Shaplen gọi tôi. Ngày 17-4 tôi trở lại Sài Gòn, vừa kiệt sức vì cơn cảm cúm vẫn còn hoành hành, vừa bàng hoàng vì những biến cố xảy ra trong tuần trước. Khi gọi ông Thiệu ở văn phòng thì chánh văn phòng của ông Thiệu là ông Võ Văn Cầm nhắn rằng: "Tổng Thống đang xúc động vì mất Phan Rang. Tổng Thống nhắn rằng xin ông đại sứ để Thủ Tướng tiếp xúc với ông đại sứ trước, rồi sau đó Tổng Thống sẽ tiếp xúc với ông đại sứ sau." Thế là thay vì trực tiếp tường trình mọi chuyện với ông Thiệu, tôi lại được lệnh tường trình với các phụ tá của ông Thiệu trong một buổi họp chính phủ thâu hẹp.

Cuộc họp thật là ngắn ngủi và căng thẳng. Vài ông Bộ Trưởng bàn luận về việc có thể tiếp tục chiến đấu bằng cách thu quân về vùng đồng bằng Cửu Long và trấn thủ tại đó. Nếu đồn trú đủ lớn và cơ hội trấn thủ vững vàng thì Hoa Kỳ có gửi viện trợ không? Tôi nói với họ rằng "Vì mới về, tôi chưa được rõ tình hình trong nước nhưng đối với Hoa Kỳ thì mọi sự hoàn toàn kết thúc. Việt Nam sẽ chẳng nhận được bất kỳ loại viện trợ nào cả." Chắc chắn sẽ không có viện trợ gì thêm, không súng ống, không đạn dược, không thủy quân lục chiến, hoàn toàn không có gì. Họ ngồi đó, đắm chìm trong im lặng theo những suy tưởng riêng tư. Chẳng ai còn có đủ nghị lực để phá tan bầu không khí yên tĩnh của căn phòng.

Tại phòng họp tôi gọi tòa đại sứ Hoa Kỳ và được đại sứ Graham Martin mời đến gặp ông tức khắc. Từ trước tới nay ông Martin vốn vẫn là người lạc quan về khả năng thuyết phục của ông đối với Quốc Hội Hoa Kỳ. Trên đường tới gặp ông, tôi thắc mắc chẳng hiểu trong tình thế này thì một người lạc quan như ông Martin sẽ phát biểu gì. Vì là đại sứ, ông Martin tin là ông có thể giúp đỡ Việt Nam và hoàn thành được sứ mạng của ông là giữ được Việt Nam khỏi rơi vào tay Cộng Sản. Ngay cả trong những lúc hiểm nghèo nhất, dường như ông vẫn tin tưởng sứ mạng của ông rồi đây sẽ thành công. Mặc dù mối giao hảo giữa ông và ông Thiệu không mấy đằm thắm, đại sứ Martin vẫn ủng hộ ông Thiệu mạnh mẽ và đều đặn; có lẽ chẳng ai không cảm thấy rằng ông Martin đã chủ quan đến độ gần như không còn thực tế.

Tuy nhiên lúc này, khi phân nửa lãnh thổ của Việt Nam đã rơi vào tay Bắc Việt và chính phủ vẫn không hề có giải pháp nào khác để ngăn chận bước tiến kẻ thù, ông Martin đã thay đổi hoàn toàn. Trông ông xanh xao tiều tụy và đầy vẻ lo âu. Ông Martin hỏi tôi rằng: "Ông đã gặp ông Thiệu chưa?" Chính đại sứ Martin cũng chưa gặp ông Thiệu mấy lúc gần đây. "Tình trạng thật là trầm trọng. Không ai tại Sài Gòn, kể cả những nhân vật trong giới quân sự còn cho rằng ông Thiệu có thể tiếp tục làm tổng thống." Bất kể nguyên do sợ hãi của ông là gì, đại sứ Martin vẫn tránh bàn luận những vấn đề liên quan đến việc mất Việt Nam. Ông chẳng lượng định tình hình mà cũng không hề có kế hoạch gì thiết thực trong giai đoạn cuối cùng này. Ông chỉ muốn nói về ông Thiệu. "Ông Thiệu không còn có thể đứng vững -Ông Thiệu phải được báo cáo về việc này." Ngay cả vào lúc này mà ông Martin vẫn còn tin tưởng có thể tìm cách điều đình để ổn định tình thế với Bắc Việt. Ông Martin nói với tôi rằng: "Ông phải báo cho ông Thiệu biết rõ sự thật. Nếu cần chính tôi sẽ đến gặp ông Thiệu nhưng ông có thể nào gặp và nói rõ với ông Thiệu rồi liên lạc với tôi sau đó được không?"

Tôi rời tòa đại sứ và tự hỏi chẳng hiểu tại sao đến giờ phút này mà ông Martin vẫn tin rằng hãy còn những giải pháp chính trị có thể dùng ổn định tình hình, ngay dù chỉ là những giải pháp ngụy trang cho việc đầu hàng. Vài ngày sau, tôi thấy rằng nếu quả thật đại sứ Martin có suy nghĩ sai lầm thì ông cũng không phải là người độc nhất suy nghĩ theo chiều hướng sai lầm đó. Nhiều người khác, từ các nhà chính trị Việt Nam cho đến những viên chức ngoại quốc nhất là Pháp. Mọi người đều có vẻ thiên về chuyện điều đình. Bầu không khí sôi sục trở nên một đề tài cho những ý niệm vô nghĩa xa vời nhất. Vì đã chống ông Thiệu và ủng hộ giải pháp thương lượng cùng Bắc Việt, vài chính trị gia trong các "lực lượng thứ ba" thật sự tin tưởng rằng họ có thể là một nhịp cầu hòa giải giữa hai miền Nam, Bắc. Đã có nhiều người cho đây là một cơ hội để tạo danh tiếng, một cơ hội để làm bộ trưởng hoặc một chức vụ nào đó cao hơn nữa trong một chánh phủ "tạm thời." Dù chỉ là trong khoảng thời gian một hai ngày.

Trong giới ngoại giao ở Sài Gòn thì các nhà ngoại giao Pháp nổi bật nhất với đề nghị của họ là: "Đàm phán để ổn định tình hình." Những đề nghị của họ một phần là để lấy lại những uy tín đã mất trước đây trong những năm Việt Nam chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ và một phần cũng để sửa soạn cho họ những cơ hội tốt đẹp khi chiến tranh kết thúc. Hơn nữa, những đề nghị của họ cũng là do họ được Hà Nội khích lệ, vị đại sứ Pháp đã công khai đề nghị một giải pháp chính trị để kết thúc thù hận Nam, Bắc. Nhưng khi cố gắng đóng trọn vai trò "trung gian ngay thẳng," đại sứ Jean-Marie Merrillon đã vô tình giứp Hà Nội dồn Việt Nam vào thế bí và đánh lừa dư luận Hoa Kỳ trong lúc Việt Nam đang cố gắng tìm một giải pháp khác với chánh quyền ông Thiệu.

Tuy thấy rằng những nhà ngoại giao Pháp có thể dựa vào những đề nghị thương lượng để củng cố cương vị cho Pháp, tôi vẫn chẳng hiểu vì sao đại sứ Graham Martin lại có thể cùng suy nghĩ giống họ. Tôi gặp vị đại sứ Hoa Kỳ thêm một lần nữa vào thứ sáu ngày 18 tháng 4 và nói chuyện cùng ông trên điện thoại vào ngày thứ bảy. Ông Martin muốn hỏi rằng tôi đã gặp ông Thiệu hay chưa? Tôi vẫn chưa hề gặp ông Thiệu. Tuy tôi đã nhờ cả đại tá Cầm cùng tướng Trần Văn Đôn lúc này mới được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng quốc phòng nhắn lời mà ông Thiệu vẫn hoàn toàn im lặng. Sau khi nghe tôi thông báo, ông Martin kết luận: "Nếu vậy thì chính tôi phải đến gặp ông Thiệu."

Những ngày sau đó, tôi về lại chỗ ở thuê của tôi cố dành thời giờ thu xếp tất cả mọi chuyện. Chẳng hiểu bằng cách nào đó, một hệ thống máy in tôi đặt mua cho tờ Saigon Post từ cả năm về trước bỗng nhiên lại được chở đến. Thời gian lúc này cứ trôi qua vun vút, tôi dành đa số thời gian vào việc nói chuyện cùng những bạn bè và họ hàng đang lũ lượt kéo đến chật cả chỗ tôi ở. Người nào cũng nóng lòng hỏi thăm tin tức hoặc xin ý kiến. Tôi đã phải lập đi lập lại câu chuyện không biết bao nhiêu lần: "Đối với Hoa Kỳ thì cuộc chiến đã kết thúc và đối với chúng ta cuộc chiến cũng đã kết thúc." Mỗi lần tôi nói phản ứng của họ đều giống hệt như nhau. Đầu tiên họ lộ vẻ sững sờ -có nhiều khuôn mặt tôi đã quá quen thuộc- như thể họ chẳng thể tin được mức độ tàn nhẫn của sự thật. Sau đó họ yên lặng và cuối cùng họ gục đầu ra về, đắm chìm trong trầm mặc suy tư. Có lẽ họ đang nghĩ về gia đình và chính bản thân của họ. Những khoảng thời gian rảnh rỗi còn thừa lại tôi dùng vào việc thu xếp đồ đạc. Tôi lục đục mãi cho đến thật khuya, đọc kỹ lại những giấy tờ, những sưu tầm của cả một cuộc đời, đốt đi một ít và quyết định mang đi những giấy tờ còn lại.

Vào ngày 21 tháng 4 năm 1975, ông Thiệu từ chức. Tôi đã đoán trước được việc này; Tôi biết đại sứ Martin đã nói chuyện với ông Thiệu và ông Thiệu chẳng còn đường nào khác. Nhưng khi xem ông Thiệu trên màn truyền hình, tôi vẫn sững sờ. Cũng có thể tôi đã cảm thấy vậy vì quá kiệt quệ cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi lắng nghe khi ông Thiệu nói loạn xạ về ông Kissinger, về Hoa Kỳ và về những đàm phán có thể xảy ra, nửa khóc nửa cười trong cùng một lúc. Trong một giây phút ngắn ngủi, đầu óc tôi bỗng dưng tràn ngập suy nghĩ về những cảnh vô chính phủ sau khi ông Thiệu từ chức. Nhưng giây phút ngắn ngủi đó trôi qua thật nhanh. Khi hình ảnh của ông Thiệu biến mất trên màn truyền hình, tôi chỉ có thể nghĩ về một điều duy nhất: Thời cuộc đã đến hồi kết thúc.

Lúc này là lúc bắt buộc phải ra đi vì quân đội Việt Cộng đã sát gần Sài Gòn và tôi phải sửa soạn rất nhiều nếu tôi muốn mang theo mẹ và chị tôi đi. Vô hình chung, tôi đã chống đối ý niệm ra đi trong tiềm thức. Tôi đã cố đè nén những suy luận thực tế rằng nếu càng ở lâu lại càng phải xoay sở khó khăn hơn vào lúc ra đi. Tôi bước ra khỏi căn gác ngột ngạt để hít lấy ít không khí thoáng mát bên ngoài mà cũng là để nhìn lại thành phố một lần cuối. Khi đi bộ qua đường Nguyễn Huệ, tôi thấy người ta vẫn còn mua hoa ở các quầy bán đứng bên đường và tự hỏi làm sao họ còn có đủ bình thản trong tâm hồn để mua hoa vào lúc này. Tôi hít sâu vào bầu không khí của Sài Gòn lúc đó chẳng khác nào một du khách đang cố tìm ra những nét đặc biệt của nơi chốn mình viếng thăm. Tôi hít sâu như thể đang cố giữ lấy để về sau còn có thể nhớ lại những nét đặc biệt của khung cảnh lúc này.

Chuyến đi cuối cùng của tôi cũng là nhờ đại sứ Martin tự tay sắp xếp. Ngay lúc đầu tiên, ông đã ngỏ ý giúp tôi. Lúc này, khi tôi gọi lại báo rằng mọi sự đã sẵn sàng, ông lập tức thu xếp cho tôi cùng mẹ và chị tôi đáp chuyến máy bay của Hải Quân sang thẳng Bangkok, rồi từ Bangkok lộ trình của chúng tôi được sắp xếp để chúng tôi có thể đến Hoa Thịnh Đốn bằng một chuyến bay thương mại. Ngày đó, tôi bỏ thì giờ hỏi thăm bạn bè, phần đông tôi chắc chắn sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Tôi nhìn quanh nhà lần cuối rồi đưa chìa khóa cho chị người làm. Đêm cuối cùng tôi thức trắng, bỏ thì giờ khuyên mẹ tôi, lúc này đã chín mươi tuổi rằng đây là lúc phải lên đường bỏ lại nhà cửa và tất cả. Tôi cũng xem lại các giấy tờ một lần nữa, đốt thêm một ít, gói phần còn lại vào một chiếc va li lớn. Tôi nhét đầy những hình ảnh gia đình và một số tài liệu riêng trong một chiếc vali nhỏ hơn.

Trưa hôm sau, ông Joe Bennet, cố vấn chính trị ở tòa đại sứ Hoa Kỳ đến đưa chúng tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất, nơi một chiếc máy bay nhỏ đang đợi chúng tôi ngoài phi đạo. Tôi cùng mẹ và chị mang hành lý vào bên trong cùng nhau đợi suốt một giờ trước khi máy bay cất cánh. Cuối cùng máy bay chuyển bánh trên phi đạo và chỉ vài giây sau, chúng tôi đã ở trên không, nhìn Sài Gòn cùng các vùng ngoại ô lướt đi ngay phía dưới.

Khi những luống cây xanh của vùng đồng bằng Cửu Long hiện ra phía dưới, tôi đã rướn mắt để nhìn rõ những cánh đồng chiêm cùng những con kênh ngang dọc tạo thành những khung bàng bạc trải khắp vùng đồng bằng. Tự dưng buồn bã trào dâng như uất nghẹn. Nước mắt tôi làm mờ dần những hình ảnh thân yêu đang lướt xa phía dưới.



Lời Hậu Luận


Nếu không kể đến những hoàn cảnh đặc biệt đã cho phép tôi mục kích rõ những yếu tố phức tạp của cuộc chiến Việt Nam, và không kể đến những sự may mắn không cùng đã đưa tôi tránh khỏi những nỗi khốn khó mà những người khác đã gặp phải, thì cuộc đời tôi hoàn toàn giống hệt với cuộc đời những người Việt Nam khác trong cùng thế hệ. Những ước mơ, những nguyện vọng, những bất mãn và những thất vọng trong đời sống của tôi quả không khác gì họ.

Những người Việt Nam trong cùng thế hệ tôi chớm hiểu biết vào đầu những thập niên 1940 đã hy vọng rằng sau gần một thế kỷ sống như những công dân hạng nhì trong chính quốc gia của mình, rồi đây họ sẽ có cơ hội để phục hồi lại những niềm tự hào cho bản thân và dành lại được chủ quyền cho dân tộc. Họ cũng mong mỏi một ngày nào đó đất nước sẽ hòa bình để họ và con cháu họ được sống một cuộc sống an lành. Rủi thay, thay vì được độc lập, hòa bình và một đời sống an lành như họ mong mỏi, họ chỉ thấy toàn cách mạng, chiến tranh và tàn phá. Trong suốt ba thập niên, họ bị cuộn vào lớp sóng gió phong ba. Cho đến cả thời gian hiện tại tuy Việt Nam không còn phải đối phó với nạn ngoại xâm nữa mà những nỗi khốn khó của họ vẫn chẳng hề suy giảm. Nỗi khốn khổ của họ thật là một tấn thảm kịch vĩ đại của lịch sử.

Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Walter Cronkite vào năm 1963, tổng thống Kennedy phát biểu rằng: "Suy luận kỳ cùng thì đây là chiến tranh của họ [những người Việt Nam] và chính họ sẽ là những người phải tự định đoạt lấy phần thắng, bại." Có lẽ tất cả những người sống trong thế hệ chúng tôi đều muốn né tránh những trách nhiệm nặng nề của lời bình luận đó, nhưng chúng tôi vẫn chẳng biết làm cách nào để có thể chối bỏ được nhận định của tổng thống Kennedy. Những người dân Miền Nam, nhất là những người lãnh đạo Miền Nam Việt Nam, trong số có cả tôi, phải nhận chịu tất cả mọi trách nhiệm cho số phận của Miền Nam Việt Nam. Quả tình thì khi suy xét lại cuộc đời chúng tôi đã có rất nhiều điều đáng hối hận và đáng hổ thẹn. Nhưng mặt khác, cuộc chiến Việt Nam cũng là một cuộc chiến mang nhiều yếu tố phức tạp nằm ngoài khả năng của chúng tôi nói riêng và vượt quá giới hạn của khả năng con người nói chung. Chính những yếu tố phức tạp đó đã tạo nên những tình cảnh khắc nghiệt và buộc chúng tôi phải xoay sở trong những tình thế khó xử.

Yếu tố đáng kể đầu tiên là sự ngoan cố của Pháp khi họ khăng khăng nhất quyết đòi nắm quyền kiểm soát Việt Nam như một thuộc địa thay vì trao lại chủ quyền đúng lúc cho những phần tử quốc gia đang khao khát đợi chờ ngày độc lập. Yếu tố thứ hai là sự ám ảnh về ý thức hệ của những người cộng sản. Tuy chính quyền thực dân của Pháp đã bị lật đổ rời mà những người lãnh đạo cộng sản ở Việt Nam vẫn nhất quyết phải áp đặt cho bằng được những lý thuyết đấu tranh giai cấp của cộng sản trong toàn cõi Việt Nam. Yếu tố cuối cùng là sự can thiệp ồ ạt của Hoa Kỳ. Ba yếu tố này cùng kết hợp bóp méo những cơ cấu nguyên thủy và quá trình tiến hóa của Việt Nam từ giai đoạn sau thực dân trở đi, khiến cho cuộc đấu tranh của Việt Nam trở thành phức tạp và đẫm máu hơn những cuộc đấu tranh của các quốc gia khác cũng ở trong cùng hoàn cảnh.

Vì bị những giòng giao lưu mãnh liệt của cả ba yếu tố này xô đẩy, những phần tử quốc gia Việt Nam đã rơi vào những tình cảnh vô cùng khắc nghiệt. Trong đa số trường hợp, họ thường bị ép buộc phải chọn một trong những điều khó thể chọn lựa; nói đúng ra thì họ thường chẳng có gì để chọn lựa cả. Khi cuộc sống bị đe dọa, họ bị buộc phải tạm thời chấp nhận những loạt quyết định khó khăn đã làm giảm đi rất nhiều uy tín của họ. Từ biến cố này cho đến biến cố khác -đầu tiên với Pháp, sau đó với Bảo Đại, Ngô Đình Diệm và rồi cuối cùng với Hoa Kỳ và một chính phủ quân nhân. Lúc nào họ cũng loay hoay cố tạo ra vai trò cho chính mình để gây ảnh hưởng. Nhưng lúc nào họ cũng bị xô dạt ra ngoài, và những ảnh hưởng mà họ tạo được chưa bao giờ đủ mạnh để có thể ảnh hưởng đến những diễn tiến của thời cuộc. Ngay trong lúc chiến tranh còn đang tiếp diễn, đã có lúc tôi và nhiều người khác cùng thấy rằng đất nước có cơ hội để xây dựng dân chủ và phát triển kinh tế. Tuy thế càng lúc những cơ hội ban đầu lại càng mất dần đi và cuối cùng khi Miền Nam Việt Nam phải đương đầu với những cuộc tấn công qui mô của quân đội xâm lăng Bắc Việt được trang bị đầy đủ với súng ống của Nga thì vấn đề còn lại chỉ là chiến đấu để sinh tồn trong một tình cảnh bế tắc không lối thoát. Lúc này, những phần tử quốc gia đã bị buộc phải đấu lưng với những người Việt Nam khác chỉ biết thụ động buông trôi theo số mạng.

Khi nhìn lại tất cả những yếu tố phức tạp bên ngoài đã đưa đẩy cuộc đời chúng tôi thì sự can thiệp của Hoa Kỳ nổi bật rõ rệt hơn cả. Vì rằng chế độ thực dân của Pháp đã suy sụp hoàn toàn và chỉ còn là những chất liệu cho các sử gia tìm tòi, phân tích. Đối với yếu tố cộng sản thì chỉ có những người mù quáng hoặc cuồng tín mới có thể ủng hộ một chế độ khởi đầu bằng chiến tranh, bóc lột và những cuộc tản cư của đại đa số dân chúng. Như thế, nếu đứng trên phương diện lập chính sách mà kể thì trong ba yếu tố quan trọng vừa kể, chỉ còn sự can thiệp của Hoa Kỳ là một vấn đề mà những người có trách nhiệm trong chánh phủ Hoa Kỳ vẫn cần chú ý. Sau khi Hoa Kỳ thất bại ở Việt Nam, họ vẫn còn phải đối phó với những quyết định khó khăn tại các nơi khác. Những câu hỏi đúng, sai và những vấn đề luân lý đi đôi với những câu hỏi này vẫn là những vấn đề Hoa Kỳ hãy còn tranh luận khi họ thiết lập các chính sách ngoại giao. Ngay cả trong thời gian hiện tại, Hoa Kỳ vẫn còn xem xét, học hỏi những bài học rút ra từ sự can thiệp của họ ở Việt Nam và các đồng minh nhỏ hơn ắt hẳn cũng khó tránh khỏi việc nhìn số phận của Việt Nam để có thể tiên liệu những vấn đề họ có thể sẽ phải đối phó.

Nếu đi ngược lại lịch sử cận đại của Hoa Kỳ và bắt đầu nhìn vào những dư luận Hoa Kỳ trong thập niên 1960 thì giới phản chiến ở Hoa Kỳ lúc đó chỉ trích rằng những quyết định can thiệp của Hoa Kỳ vào lúc ban đầu là những quyết định sai lầm, vì thế, như một bình luận gia đã lên tiếng: "Hậu quả [của cuộc chiến Việt Nam] là những chuỗi sai lầm." Họ cho rằng chính sách can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam sai lầm là vì giới lãnh đạo của thập niên 1960 đã nhận định sai những mục tiêu quyền lợi của Hoa Kỳ. Khi quyết định các chính sách ngoại giao, giới lãnh đạo của thập niên 1960 đã nhận định sai cả tầm mức quan trọng của Việt Nam lẫn khả năng thực sự của Hoa Kỳ.

Tuy việc Hoa Kỳ định nghĩa thế nào là quyền lợi của họ chẳng phải là việc của tôi và cũng thực sự vượt quá khả năng của tôi, tôi vẫn tin rằng những định nghĩa này được đưa ra dựa trên những sự kiện hoàn toàn thực tế. Tôi còn nhớ rất rõ bầu không khí chính trị tại Hoa Kỳ trong mùa hè năm 1964, vào giữa lúc quốc hội Hoa Kỳ đưa ra nghị quyết vịnh Bắc Việt (Tonkin Resolution) và ngay đúng lúc ứng cử viên Barry Goldwater ra ứng cử. Lần đó là lần đầu tiên tôi đến Hoa Kỳ. Vào thời gian đó, toàn thể chánh phủ Johnson và gần như cả quốc hội Hoa Kỳ đều đã đồng lòng ủng hộ lời cam kết bảo vệ Miền Nam (nghị quyết được Thượng viện thông qua với 98% số phiếu và được Hạ viện thông qua với với toàn thể 416 số phiếu). Báo chí khắp nơi cũng tường trình rõ rệt không kém.

Hơn nữa, tình hình quốc tế trong thập niên 1960 còn cho thấy rõ rằng chánh sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với thế giới gần như đồng nhất. Chẳng ai có thể bảo rằng sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam chỉ đơn thuần là do vấn đề Bắc Việt hiếu chiến. Vào những năm Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp, Cộng Sản mới vừa tấn công Đại Hàn và đài phát thanh Trung Hoa đang phát thanh những quan niệm hiếu chiến nhất và bành trướng nhất: Khối Cộng Sản Trung Hoa toan tính hợp tác với tổng thống thiên cộng Sukarno của Nam Dương để thiết lập một khối liên minh cộng sản từ Bắc Kinh qua suốt qua Jakarta. Đối với những quốc gia vừa thoát ách thực dân và mới thiết lập được chánh phủ vào lúc đó tại Đông Nam Á thì những đe dọa của Trung Hoa quả là một đe dọa trầm trọng đáng kể. Tuy 25 năm sau, nhiều người trong giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã đua nhau chế diễu những đe dọa của Cộng Sản, nhưng trong thập niên 1960 những sự đe dọa của khối Cộng Sản đã khiến chánh phủ Hoa Kỳ lo lắng không cùng. Và nếu nhìn lại tình trạng chính trị vào thời gian đó thì chẳng có gì đáng gọi là phi lý trong quyết định can thiệp của Hoa Kỳ. Sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam, ngay cả trong lúc Hoa Kỳ đổ bộ để can thiệp, dường như cũng chỉ là những phát triển tự nhiên của các chính sách ngoại giao khác của Hoa Kỳ ở Âu Châu (chẳng hạn như Kế Hoạch Marshall, Kế Hoạch Không Vận ở Bá Linh, Hy Lạp) và Á Châu (như ở Đại Hàn). Tất cả những kế hoạch này đều được đặt ra nhằm ngăn chận sự bành trướng của Nga và Tàu (ít nhất thì vào đầu thập niên 1960, chưa ai có thể ngờ rằng về sau Nga và Tàu lại có chuyện xích mích). Đối với những quốc gia đã thành công trong việc xây dựng lại xứ sở và chánh phủ của họ sau thế chiến thứ II như các nước Tây Đức, Hy Lạp và Nam Hàn thì chánh sách can thiệp của Hoa Kỳ thật không có gì lầm lẫn hoặc dựa trên những chánh sách toàn cầu sai lệch. Ở Việt Nam chính sách này thất bại. Nhưng ngay cả sự thất bại ở Việt Nam cũng không phải là những sai lầm trên mặt lý thuyết mà là những sai lầm khi áp dụng. Theo tôi nhận xét thì những nguyên tắc căn bản của chiến thuật ngăn chặn các thế lực cộng sản và bảo vệ các quốc gia dân chủ chẳng có gì sai lầm. Trái lại, tôi cho đây là một điều Hoa Kỳ có thể lấy làm hãnh diện.

Vào thập niên 1960-1970 những người chỉ trích chiến cuộc tàn khốc hơn đã cho rằng sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam không những chỉ là một quyết định sai lầm mà còn là một quyết định không hợp với tiêu chuẩn đạo đức. Phần lớn những chỉ trích của họ đặt lý thuyết trên quan niệm rằng cuộc chiến Việt Nam là một cuộc nội chiến. Do đó, quyết định can thiệp của Hoa Kỳ là một quyết định sai lầm. Họ cho rằng sự can thiệp của Hoa Kỳ đã ngăn cản những người Việt đang tranh đấu để lật đổ một chế độ áp bức độc tài trong nước. Và rồi họ kết luận rằng sự can thiệp của Hoa Kỳ đi ngược lại với những nguyện vọng của dân chúng Miền Nam.

Theo tôi thấy thì giả thuyết này đã thu hút được đại đa số dân chúng Hoa Kỳ trong một thời gian dài là vì đây quả là một giả thuyết cho phép những người dân Hoa Kỳ đang bất mãn với xã hội có dịp để bày tỏ sự phẫn khích của họ trực tiếp với chánh phủ của họ. Nhưng trên thực tế thì ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến Việt Nam, cả Sài Gòn lẫn Hoa Thịnh Đốn đều biết chắc rằng Mặt Trận Giải Phóng là sản phẩm của đảng cộng sản Bắc Việt và nếu không có sự tổ chức, lãnh đạo, tiếp tế và kể từ năm 1964, nếu không có quân đội chính qui Bắc Việt thì chắc chắn đã chẳng có cách mạng hoặc chiến tranh. Một trong những thất vọng lớn nhất của tôi là việc chúng tôi chẳng thể dùng những sự hiểu biết đặc biệt của chúng tôi -bằng vào cả những chứng cớ hiển nhiên lẫn những kinh nghiệm cụ thể của bản thân- để thuyết phục được dư luận Tây Phương. Bất kể sự thật có là gì đi nữa, thì dư luận vẫn chỉ nhìn sự thật qua con mắt riêng của dư luận.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, khi tuyên truyền không còn là vấn đề quan trọng, trung ương đảng ở Hà Nội đã hất bỏ lớp ngụy trang. Trong bài diễn văn nói về chiến thắng 1975, Bí thư của đảng cộng sản Hà Nội là Lê Duẩn tuyên bố: "Đảng là người lãnh đạo duy nhất đã tổ chức, kiểm soát và điều khiển toàn thể cuộc đấu tranh của nhân dân Miền Nam kể từ ngày đầu tiên của cuộc cách mạng." Trong suốt cuộc chiến, Bắc Việt chưa bao giờ chánh thức công nhận họ có quân đóng tại Miền Nam. (Lê Đức Thọ còn giả vờ che đậy với Kissinger tuy rằng Kissinger đã biết rõ sự thể chẳng kém gì Thọ. Dĩ nhiên, Thọ cũng biết là Kissinger biết rõ mọi sự) Nhưng sau đó, đảng cộng sản vẫn thản nhiên dùng miếng võ lừa phỉnh này trên trường ngoại giao quốc tế. Chẳng những thế, họ còn lấy làm tự đắc đã lợi dụng được sự ngây thơ của thế giới Tây Phương. Năm 1983, trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Pháp, tướng Võ Ban của Bắc Việt đã tuyên bố: "Vào năm 1959, tôi vinh dự được đảng giao phó sứ mạng tấn công vào Miền Nam để giải phóng và thống nhất đất nước."

Trong những ngày các phong trào phản chiến đang ở đỉnh cao, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy những nhân vật lãnh đạo của giới phản chiến lại có thể tin tưởng hoàn toàn những điều Bắc Việt tuyên bố. Ngay cả cho đến bây giờ tôi cũng vẫn còn thắc mắc không hiểu họ có hổ thẹn gì về việc họ đã quá dễ tin và vô tình biến thành đồng lõa của Việt Cộng trong tấn thảm kịch Miền Nam hay không? Nhưng thử hỏi có ai còn giữ tin tức của họ? Và nói cho cùng thì đây chẳng qua cũng chỉ là một giai đoạn đã qua trong cuộc đời họ nói riêng cũng như chỉ là một chương sử của Hoa Kỳ nói chung.

Như thế vấn đề cuối cùng còn sót lại trong câu hỏi "đúng hay sai?" chỉ còn là: Liệu việc Hoa Kỳ can thiệp để ủng hộ cho một chế độ bị coi là tham nhũng và thiếu dân chủ như chế độ của Miền Nam Việt Nam chống lại cộng sản có đúng hay không? Ngay cả tại điểm này, câu trả lời cũng đã quá rõ. Nếu đem so sánh chế độ của Miền Nam với Miền Bắc thì cho dù ông Thiệu có tệ đến độ nào đi chăng nữa, Miền Nam vẫn còn có nhiều triển vọng để thay đổi. Ít ra thì ở Miền Nam người dân cũng còn có thể hy vọng nhìn thấy được tương lai và còn có thể tranh đấu cho những mục tiêu tốt đẹp. Hơn nữa, đã có nhiều chính trị gia, nhiều nhà trí thức cũng như nhiều nhà văn đã từng tranh đấu cho những mục tiêu này. Và nếu nói đến những thể chế của Bắc Việt thì ngoại trừ những lý thuyết gia, có lẽ chẳng ai có thể nghĩ đến việc đem so sánh hơn kém giữa Miền Nam với chế độ khủng bố khiếp hãi của Miền Bắc. Do đó, tôi cũng tin rằng chẳng ai lại đi đặt câu hỏi liệu những nỗ lực bảo vệ Miền Nam có đúng hay không?

Tôi nghĩ rằng những bài học về sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng chẳng dính líu gì nhiều đến vấn đề sách lược toàn cầu hoặc những câu hỏi đúng, sai trên phương diện luân lý và đạo đức. Những sai lầm của Hoa Kỳ nếu có thì phải là những khuyết điểm trong cách can thiệp của họ. Câu hỏi chính không phải là: "Có nên can thiệp hay không?" mà là: "Làm thế nào để can thiệp cho hữu hiệu?"

Trong quyển sách này tôi đã diễn tả khá tường tận những biến cố ở Việt Nam khi chánh phủ Johnson bắt đầu can thiệp. Vấn đề nổi bật nhất trong quá trình mù mờ và phức tạp của việc đổ quân (như ông Bill Bundy đã diễn tả) không phải là do thiếu kế hoạch hay thiếu chiến lược mà là thái độ chủ quan quá mức của Hoa Kỳ đối với đồng minh. Ở những cơ quan tối cao của chánh phủ Hoa Kỳ, chẳng hạn như Bộ Ngoại Giao, và Ngũ Giác Đài, gần như chưa có nhân viên nào xem chánh phủ Miền Nam là một cơ quan xứng đáng để họ cộng tác. Đại đa số những người Hoa Kỳ đến phục vụ ở Việt Nam trong thập niên 1960 đều đến Việt Nam với những lý do gần như không dính líu gì đến Việt Nam. Họ tự nắm lấy cục diện Việt Nam một phần vì nóng lòng với lý tưởng, và một phần khác là vì ngây thơ và chủ quan quá mức. Thái độ này kéo dài mãi cho đến ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Kể từ khi họ bắt đầu can thiệp cho đến khi họ rút khỏi Việt Nam, lúc nào Hoa Kỳ cũng hành động như thể cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến của riêng Hoa Kỳ. Dường như Hoa Kỳ cho rằng nếu Việt Nam có thể giúp sức thì việc tốt nhất mà Việt Nam có thể giúp sức là cứ đứng nguyên, đừng lung lay cục diện để Hoa Kỳ có thể làm việc.

Hậu quả về mặt quân sự của thái độ này là thay vì tìm những giải pháp hữu hiệu và cố giới hạn sự can thiệp của họ ở Việt Nam thì Hoa Kỳ lại tự khoác gánh nặng lên vai. Thực ra thì nếu giới lãnh đạo Việt Nam được tham khảo ý kiến vào năm 1965 thì có lẽ họ sẽ xin Hoa Kỳ đừng can thiệp hoặc chỉ xin Hoa Kỳ can thiệp với những nỗ lực quân sự hết sức giới hạn. Có lẽ họ chỉ xin Hoa Kỳ can thiệp quân sự ở những miền biên giới để có thể ổn định tình hình quân sự và chặn đứng sự xâm lược của Bắc Việt mà thôi. Một hiệp định giữa Hoa Kỳ, Miền Nam và Lào cho phép Hoa Kỳ đóng quân dọc theo vĩ tuyến thứ 17 như một hàng rào để ngăn chận Bắc Việt có lẽ là giải pháp thích hợp nhất vào lúc đó. Khi Hoa Kỳ đã đóng quân ngăn chận tại biên giới, kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh có thể được thi hành để huấn luyện đúng mức quân đội Miền Nam.

Một chiến thuật đơn giản như vậy có thể nào thành công không? Đây là một trong những câu hỏi "Nếu" trong phạm vi chiến cuộc Việt Nam. Đại tá Harry Summers, trong quyển Chiến Lược Luận (On Strategy) đã viết rằng chiến thuật này có thể thành công. Ông cũng kết luận rằng phân cách hai lực lượng Nam Bắc và rồi gia tăng sự huấn luyện cho những đơn vị của quân đội Miền Nam quả là giải pháp can thiệp hữu hiệu nhất của Hoa Kỳ. Dù gì đi nữa thì giải pháp này cũng thể hiện được những mục đích tối đẹp của quân đội Hoa Kỳ như những lực lượng bảo vệ hòa bình và giúp đồng minh Việt Nam thoát khỏi ách xâm lăng. Chiến thuật này cũng sẽ khiến Hoa Kỳ có thể giảm thiểu tổn thất về tài vật, đạn bom và nhân mạng của cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam và giúp Hoa Kỳ tránh được những chỉ trích của dư luận thế giới.

Tiếc thay, chính sách can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam lại là một chính sách khác hẳn kế hoạch của đại tá Summers về mặt quân sự. Và nếu nhìn trên phương diện ngoại giao thì chánh sách can thiệp của Hoa Kỳ thường là những chính sách được áp đặt một cách độc đoán bất kể thái độ của đồng minh. Chính thái độ này đã khiến Hoa Kỳ phải hứng lấy cả những hậu quả tai hại về mặt chính trị. Nếu chỉ xét riêng về các chính sách can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam thì có lẽ ai cũng phải thấy ngay rằng chính sách của Hoa Kỳ thiếu liên tục. Trong suốt cuộc chiến, các chính sách của Hoa Kỳ không thúc đẩy đều những tiến triển dân chủ ở Việt Nam. Dĩ nhiên xây dựng một chế độ dân chủ ở Việt Nam là một việc có nhiều triển vọng. Giữa năm 1965 và năm 1967, Việt Nam đã soạn thảo và công nhận hiến pháp, bầu cử tổng thống, phó tổng thống, các nhân viên lập pháp và thành công trong các cuộc bầu cử địa phương. -Tất cả những tiến trình này đều xảy ra vào giữa lúc Việt Nam đang có chiến tranh. Tuy rằng những tiến triển dân chủ ở Việt Nam trong năm 1960 quả là những tiến triển đáng kể nhưng có lẽ nếu những tiến triển dân chủ trong giai đoạn đó không ngẫu nhiên trùng hợp với những mục tiêu của chánh phủ Johnson thì những phong trào dân chủ ở Việt Nam vẫn khó thể thành công.

Rủi thay, những mục tiêu của chính quyền Johnson lại không dược tiếp tục. Khi chính quyền Nixon đưa ra chiêu bài "uyển chuyển" thì những mục tiêu dân chủ ở Việt Nam không còn được chú ý. Vào giai đoạn cuối thập niên 1960-đầu thập niên 1970, Hoa Kỳ chỉ đòi hỏi Sài Gòn chứng tỏ một vẻ mặt ổn định mong manh phía ngoài. Tuy Hoa Kỳ cũng biết rằng phương châm "uyển chuyển" có thể làm những tiến trình dân chủ ở Việt Nam suy nhược, nhưng họ lại không mấy chú tâm về điểm này. Vào năm 1969, ông Kissinger và tổng thống Nixon đã bắt đầu một cuộc cờ phức tạp, vận động ngoại giao giữa các thế lực siêu cường, vận động quân sự và đàm phán bí mật để kéo Hoa Kỳ ra khỏi vũng lầy Việt Nam. Giữa những biến số chập chồng của bài toán phức tạp này, họ cần phải có một Miền Nam hoàn toàn ổn định, bảo sao nghe vậy. Họ cho rằng nếu ông Thiệu có thể đáp ứng được điều này thì tất cả những hành động khác của ông đều không đáng kể.

Đây là một lỗi lầm trầm trọng đã đưa đến những bất lợi lớn lao cho cả hai chánh phủ Hoa Kỳ và Việt Nam. Thứ nhất, nếu chánh phủ Việt Nam là một chánh phủ tham nhũng và thiếu dân chủ thì quốc hội Hoa Kỳ có thể vin vào đó mà cho rằng Việt Nam không phải là một quốc gia xứng đáng để được Hoa Kỳ ủng hộ. Thứ hai, nếu chánh phủ Việt Nam quả là một chánh phủ tham nhũng thì đại đa số dân chúng Việt Nam sẽ thất vọng và thờ ơ với thời cuộc. Và rồi thay vì chú tâm vào việc xây dựng đất nước thì dân chúng lại chỉ đợi dịp để hưởng ứng các phong trào chống tham nhũng. Trong một buổi nói chuyện tại viện American Enterprise Institute, ông Charlaes Mohr, một phóng viên kỳ cựu của tờ New York Times tóm tắt gọn ghẽ rằng: "Chúng ta thất bại tại Việt Nam không phải vì chúng ta chưa tận lực làm áp lực với đối phương mà là vì chúng ta chưa tận lực làm áp lực với đồng minh." Dĩ nhiên, dùng áp lực để đòi hỏi cải cách và dân chủ là một vấn đề cực kỳ khó khăn, nhưng trong trường hợp Hoa Kỳ nắm phần chủ chốt thì các chánh sách ngoại giao của Hoa Kỳ vẫn có thể thành công .

Để có thể thành công trong vai trò này, có hai điều kiện tiên quyết cần phải có trước. Một là cương quyết đưa ra những chủ trương mạnh mẽ đồng nhất. Hai là chấp nhận hậu quả nếu những áp lực của Hoa Kỳ quả thật không có hiệu lực. Hoa Kỳ phải tìm cách nói với ông Ngô Đình Diệm hoặc ông Nguyễn Văn Thiệu, (hoặc ông Ferdinand Marcos hoặc ông Augusto Pinochet), "Chúng tôi không còn cách nào khác ngoài cách phải giữ vững những điều chúng tôi tin tưởng. Nếu vì lý do gì đó, ông không thể đồng ý với những nguyên tắc của chúng tôi thì quả thật chúng tôi chẳng thể làm gì khác hơn là bỏ mặc ông. Với những quyền lực và uy tín lớn lao, Hoa Kỳ không thể cho phép mình khoanh tay trước một nhân vật độc tài yếu hơn. Hoa Kỳ không thể để cho những nhân vật độc tài tin tưởng rằng vai trò của họ quan trọng đến nỗi Hoa Kỳ không thể làm gì khác hơn là phải ủng hộ họ. Nếu Việt Nam có một bài học để dạy thì bài học đó là không ai có thể cứu vớt được những người chẳng đếm xiả gì đến hành vi của họ. Thà là rút lui và chịu tổn thất còn hơn nhắm mắt đầu tư tài nguyên, xương máu và uy tín vào những nhân vật độc tài cầm quyền bất kể dư luận và ý kiến của dân chúng trong quốc gia của họ.

Tại Việt Nam tôi luôn tin tưởng rằng giữa những đoàn thể người Việt đứng đắn khó thể có việc bất đồng ý kiến về những vấn đề như bài trừ tham nhũng, cải cách kinh tế, thay đổi xã hội. Tôi cũng tin là các phương pháp dân chủ có thể được áp dụng tại Miền Nam chẳng khác gì tại những nơi khác. Khi bàn luận về những biến chuyển ngoại giao trong các thập niên ông đã tường trình, ký giả Rosenthal của tờ New York Times đã phát biểu: "Chính sách của chúng ta phải thế nào? Phải phản ảnh những điều chúng ta tin tưởng và tôn trọng. Niềm tin của chúng ta chính là Tự Do Chính Trị. Điều chúng ta tôn trọng cũng chính là Tự Do Chính Trị. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đem lại những điều này cho các quốc gia khác. Tuy thế, điều lúc nào chúng ta cũng có thể làm là bảo vệ những điều chúng ta tin tưởng... Việc này đòi hỏi hai yếu tố: Chúng ta phải sáng suốt, nhận định rõ tương lai và tư tưởng của chúng ta phải đồng nhất, trước sau như một. Những người Haiti, Phi Luật Tân, Đại Hàn, A Phú Hãn dường như đã nhận định rõ ràng những gì họ có thể yêu cầu từ chúng ta. Cả những người Tiệp Khắc và Ba Lan cũng vậy." Ông Rosenthal còn có thể nói thêm: Cả những người Miền Nam Việt Nam cũng thế.

Kinh nghiệm Việt Nam cho thấy những chính sách như ông Rosenthal đề xướng không phải chỉ là những vấn đề lý tưởng suông. Sau khi Hoa Kỳ đã thất bại ở Việt Nam thì đương nhiên giới lãnh đạo phải đặt câu hỏi: "Đối với những quốc gia bị dư luận Hoa Kỳ chỉ trích thì chánh phủ Hoa Kỳ phải giữ lời cam kết của họ với quốc gia đó tới mức nào?" Câu trả lời của ông Rosenthal còn nêu rõ rằng nếu Hoa Kỳ chỉ lập chánh sách dựa vào sách lược toàn cầu không thôi thì những chính sách đó không thể lâu bền. Vì vậy, trên phương diện ngoại giao, Hoa Kỳ cần phải đòi hỏi những điều kiện dân chủ tiên quyết trước khi cam kết giúp đỡ một quốc gia khác. Những đòi hỏi tiên quyết này không phải chỉ là những đòi hỏi lý tưởng thuần túy mà còn là những yếu tố quan trọng trong thực tế.

Trong những năm 1965-1967, chánh phủ Johnson đã hành động theo đặt căn cơ trên những quan niệm thực tế này. Những chánh quyền khác của Hoa Kỳ thỉnh thoảng cũng có những chính sách tương tự nhưng chưa bao giờ thực sự mạnh mẽ. Nếu nhìn lại lịch sử của Hoa Kỳ ở Việt Nam để tổng kết vấn đề thì sự cam kết của Hoa Kỳ ở Việt Nam chẳng qua vẫn chỉ là một sự cam kết dè dặt, bất nhất và thiếu liên tục. Hoặc nói một cách rõ hơn thì những chánh sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã bỏ qua yếu tố nhân sự. Hoa Kỳ chưa hề coi đồng minh là những người thực sự bình đẳng với họ (tôi không hề có ý muốn nói đến hàng ngàn người Hoa Kỳ đã làm việc vô cùng tận tụy bên cạnh những người Việt Nam). Khi giới lãnh đạo Hoa Kỳ lập chính sách, họ chỉ nghĩ về Việt Nam như một ý niệm trừu tượng của địa lý và chính trị, một yếu tố nằm trong sách lược toàn cầu của Hoa Kỳ. Điều này hoàn toàn đúng khi Hoa Kỳ tự can thiệp bằng cách đổ bộ vào Miền Nam. Điều này cũng hoàn toàn đúng khi Hoa Kỳ đứng ra lãnh đạo cuộc chiến. Và điều này đúng hơn cả khi Hoa Kỳ từ bỏ chiến cuộc.

Trong tất cả các giai đoạn can thiệp của Hoa Kỳ - Đổ bộ vào Việt Nam, Mỹ Hóa Chiến Tranh, Việt Nam Hóa Chiến Tranh, và sau cùng là rút lui - có lẽ giai đoạn rút lui sẽ ám ảnh người dân Miền Nam lâu nhất. Tuy ai cũng có thể thấy rằng đã có những lỗi lầm lớn lao trong cuộc chiến, nhưng cách Hoa Kỳ rút lui là một lỗi lầm lớn hơn tất cả mọi lỗi lầm khác; đây là một hành động không xứng đáng với một cường quốc lớn như Hoa Kỳ. Đây là một trong những lỗi lầm lớn lao mà sử sách sẽ còn mãi mãi khắc ghi trong khi những lỗi lầm khác chẳng hạn như những lỗi lầm trong chiến thuật Search and Destroy (Truy Lùng và Tiêu Diệt) nếu có còn được ghi chép thì chẳng qua củng chỉ là những chú thích nhỏ nhoi của lịch sử.

Không phải chính vấn đề rút lui là điều đáng hổ thẹn. Hoa Kỳ đã chiến đấu kham khổ và trường kỳ tại Việt Nam, và nếu cuối cùng tình thế bắt buộc Hoa Kỳ phải rút lui thì đây có thể là một tấn thảm kịch nhưng không phải là một điều đáng hổ thẹn. Tuy thế, những vận động chính trị cùng những cung cách tận tuyệt của chánh phủ Hoa Kỳ đối với Miền Nam vào năm cuối cùng trước lúc chiến tranh kết thúc quả là những điều đáng hổ thẹn. Phút giây xoay mặt không phải là những giây phút đẹp đẽ nhất của Hoa Kỳ và có vô số bài học cho cả Hoa Kỳ lẫn các đồng minh khác, nhất là những đồng minh nhỏ nhoi phải lệ thuộc vào Hoa Kỳ để tự vệ như Miền Nam Việt Nam.

Đối với ông Henry Kissinger, người đã tạo ra Hiệp Định Ba Lê, người ta có thể thông cảm về việc ông Kissinger đòi hỏi phải "uyển chuyển" hay nói rõ hơn là nắm thực quyền, khi ông phải đứng giữa điều khiển những đoàn thể khác biệt và ngoan cố (kể cả Bắc Việt, Miền Nam, Nga, Tàu và đôi khi ngay chính tổng thống Hoa Kỳ nữa) cùng hướng chung về một mục tiêu. Nhưng ông Kissinger đã tự khoác vào người một trách nhiệm kinh hoàng: Đàm phán chẳng những cho những sách lược toàn cầu của Hoa Kỳ mà còn cho chính vấn đề sinh tử của Miền Nam. Cả ông Kissinger lẫn tổng thống Nixon đều biết rõ rằng ông Thiệu chẳng thể làm gì nếu không có Hoa Kỳ viện trợ, nhưng họ đã chọn một cách giải quyết dễ dàng cho họ và chẳng kể gì đến đồng minh. Họ đã hoàn toàn giữ bí mật cho tới giây phút cuối và rồi dùng chiến thuật hứa hẹn và đe dọa đối với đồng minh. Thay vì thành thật, họ đã lừa gạt và sau đó đối xử tàn nhẫn với một đồng minh đã đấu lưng cùng họ trong suốt hai mươi năm.

Khi chọn phương pháp "uyển chuyển" tuy có lẽ cả ông Kissinger lẫn tổng thống Nixon đều tin tưởng rằng họ đã đạt được một hiệp định khả quan nhất trong tình trạng ngặt nghèo của khung cảnh đàm phán, nhưng dù sao thì sự lý luận của chính quyền Nixon vẫn chỉ là những cách biện luận cho một vấn đề đại đồng tiểu dị của những chánh sách ngoại giao ở Việt Nam kể từ lúc đầu. Những chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ thường khởi xuất bằng những mục đích đẹp đẽ nhưng lại thiếu hẳn những yếu tố thực tế cần phải có trong khi áp dụng. Khi họ áp dụng những chính sách ngoại giao, Hoa Kỳ thường áp đặt những chính sách của họ bất kể lợi hại ra sao đối với đồng minh.

Quốc hội Hoa Kỳ của những năm 1973, 1974 và 1975 cùng chia xẻ những tội lỗi tương tự khi họ nhẫn tâm phủi tay đối với Việt Nam. Tuy các Thượng Nghị Sĩ cùng các Dân Biểu bàn cãi rất nhiều về uy tín cùng những tiêu chuẩn đạo đức, nhưng thật sự thì họ vẫn quyết định mọi việc dựa trên những sách lược địa lý, chính trị toàn cầu và quyền lợi của riêng Hoa Kỳ. Họ quyết định một cách lạnh lùng, tuyệt tình, bất kể hậu quả đối với một quốc gia với hai mươi triệu dân và họ quyết định như vậy không phải vì xương máu của nhân dân Hoa Kỳ mà là vì một triệu đô la.

"Tại sao một cường quốc lớn như Hoa Kỳ lại có thể làm như vậy?" Đây là một câu hỏi của một người bạn cũ hỏi tôi lúc ở Sài Gòn khi có tin Hoa Kỳ cắt bớt viện trợ vào tháng 8 năm 1974. Người đặt câu hỏi nguyên là bạn cùng lớp với tôi từ ngoài Bắc. Vào năm 1974 thì ông ta đang là chủ một tiệm buôn. Ông ta hỏi tôi: "Ông là đại sứ, có lẽ ông biết rõ những điều này hơn tôi, nhưng ông có thể giải thích thái độ của Hoa Kỳ cho tôi được không? Khi họ muốn đến họ tự tiện đến. Khi họ muốn đi họ tự tiện đi. Chẳng khác nào một người hàng xóm vào nhà mình vung vãi tất cả mọi thứ rồi thình lình bỏ về vì thấy họ sai. Làm sao họ có thể làm những việc lạ đời như vậy?" Đây là một câu hỏi ngây thơ của một người không hiểu biết nhiều. Nhưng tôi thật không trả lời được. Theo tôi nghĩ thì cả ông William Fulbright, lẫn ông McGovern hoặc bất kỳ các nghị viên phản chiến nào khác cũng không thể trả lời được.

Nhưng lỗi lầm không phải hoàn toàn chỉ do những nghị viên phản chiến. Rất nhiều người cho là họ biết sự thật. Những phóng viên - tự cao như bất kỳ nhân vật nào khác - Ông Kissinger, ông Thiệu, Tổng Thống Nixon, và ngay cả tôi nữa. Thật ra, tất cả chúng tôi đều không hề biết rõ sự thật hoặc có biết rõ đi chăng nữa thì cũng không thật sự chú tâm đúng mức. Chúng tôi đã không nhìn thấy sự thực, dĩ nhiên kẻ thù của chúng tôi là những người đã mang lý tưởng sắt máu lại càng không thấy rõ sự thật. Sự thật ở cùng hàng triệu gia đình Việt Nam đang chịu đựng những thống khổ của tấn thảm kịch hãi hùng. Sự thật ở cùng với những người đang chịu đựng tuy họ là những người hiểu biết ít nhất. Sự thật của cuộc chiến Việt Nam đã bị chôn vùi cùng những nạn nhân, cùng những người đã nằm xuống, cùng những người bị xử phải quằn quại trong những bức màn im lặng áp bức từ lúc này và mãi mãi ở những thế hệ sau - một bức màn yên lặng mà thế giới gọi là hòa bình.


Thay Lời Kết

Lịch Sử Còn Dài...
Bùi Diễm


(Source : Báo Hoa Lư)
LTS: Ðây là phần kết của cuốn sách dầy hơn 600 trang, "Gọng Kìm Lịch Sử", của cựu Ðại Sứ Bùi Diễm sẽ được phát hành trong nay mai bởi nhà xuất bản Phạm Quang Khai. Hoa Lư xin chân thành cảm ơn cựu Ðại Sứ Bùi Diễm, với một sự ưu ái đặc biệt, đã cho phép Hoa Lư đăng phần kết của cuốn sách sắp được phát hành này của ông. Hoa Lư cũng xin phép được giới thiệu với các bạn trẻ trên thế giới, những người còn nặng lòng và mong mỏi một Việt Nam tự do và phú cường, hãy đón đọc cuốn "Gọng Kìm Lịch Sử" được viết bởi chính tác giả là người trong cuộc, để chúng ta có một cái nhìn hiểu biết và chín chắn về những sự kiện lịch sử liên quan đến những thăng trầm của đất nước trong khoảng thời gian 1944 đến năm 1975.


Trong cuốn sách bằng Anh ngữ In The Jaws of History được viết từ năm 1985, tôi đã dùng chương 36 trên đây, chính yếu là để trả lời một số lập luận sai lầm của các nhóm thiên tả hay phản chiến trong dư luận Hoa Kỳ về cuộc chiến tại Việt Nam. Tôi xin nhắc lại bối cảnh đó ở đây, trước khi đi sâu hơn vào hoàn cảnh của Việt Nam, khi trang sử của thời 45-75 đã được giở qua.
Tiếng súng đã chấm dứt từ 1975, nhưng trong các cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam từ đầu thập niên 80 mà tôi có dịp tham dự, nhiều người, đặc biệt trong giới giảng dậy tại các Ðại Học Mỹ, vẫn tiếp tục duy trì và bào chữa cho lập trường của họ, mặc dầu nhiều chứng cớ cụ thể sau cuộc chiến đã chứng tỏ họ sai lầm. Vì danh dự chung của người Việt, tôi nghĩ rằng cần phải trả lời những luận điệu này, và đó là lý do thúc đẩy tôi viết cuốn In The Jaws of History. Chương 36 của cuốn đó đã một phần nào tóm lược quan điểm của tôi khi nhìn lại sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam trong ba thập niên, từ 1945 đến 1975.
Vì mục tiêu chủ yếu là nêu ra một số sự thực trong quá khứ, để trả lời nhiều lập luận sai lầm, cuốn sách bằng Anh ngữ thực ra thiếu phần nhận xét hay suy tư về một số vấn đề vẫn thường là mối ưu tư chung của mọi nguời trong chúng ta, mỗi khi nói đến tương lai của đất nước. Cuốn sách chỉ gồm có một số cảm nghĩ và trình bầy cái nhìn có giới hạn và rất sơ lược của tôi về những gì đã được nhìn thấy từ lúc mới lớn lên, và đặc biệt về chính sách của Hoa Kỳ trong thời kỳ can thiệp vào Việt Nam. Từ ngày chiến tranh chấm dứt cho tới nay đã hơn 20 năm, một khoảng thời gian khá dài để cả một thế hệ người Việt ra đời. Trong khi đó, cục diện thế giới đã thay đổi và tại Việt Nam, tình hình cũng khác trước.
Trên bình diện quốc tế, sự sụp đổ của hầu hết các chế độ Cộng Sản ở Ðông Âu, và bất ngờ hơn nữa, sự tan rã của Liên Bang Xô Viết, thành trì của cả khối Cộng Sản Quốc Tế từ hơn 70 năm, đã thay đổi hoàn toàn cán cân lực lượng giữa hai khối Ðông Tây. Chiến tranh lạnh đã kết thúc, thế lưỡng cực đã tan biến, và còn lại chỉ có Hoa Kỳ, nay được xếp vào hạng siêu cường quốc về cả hai phương diện quân sự và kinh tế.
Ðồng thời với, và có thể là một phần động lực của những biến chuyển lịch sử trên đây, những tiến bộ về kỹ thuật điện tử từ hai thập niên trở lại đây, đã đưa một phần rất lớn nhân loại vào một thời đại thông tin nhanh chóng chưa từng thấy. Sự việc đó cũng đã khiến các chế độ độc tài không còn ngăn cấm được người dân trong nước đón nhận những tin tức hay trào lưu tư tưởng tiến bộ của thế giới bên ngoài như tự do, nhân quyền và dân chủ. Và cũng vì những tiến bộ này mà ngày nay hầu hết mọi vấn đề đều có tính cách toàn cầu, và không ai còn nói tới nền kinh tế của một nước (dầu lớn như Hoa Kỳ) hay một khối (như khối Liên Hiệp các nước Âu Châu), mà phải nói tới kinh tế toàn cầu.
Chế độ Cộng Sản ở Việt Nam cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của những thay đổi mọi mặt ở thế giới bên ngoài. Ðể sống còn, từ cuối thập niên 80, họ đã phải từ bỏ những chủ trương lỗi thời của quá khứ để ngả theo khuynh hướng kinh tế thị trường, mặc dầu đây mới chỉ là những bước nửa chừng, chưa dứt khoát vì vẫn sợ mất độc quyền chính trị đang có trong tay.
Vốn đã bi quan về tình hình đất nước vì biết rõ bản chất của chế độ Cộng Sản, và hiểu rõ việc xoay đổi lại thời cuộc chống lại chế độ độc tài chuyên chính này không phải là dễ sau khi họ đã chiếm miền Nam, tôi lại còn buồn hơn nữa vì những sự thật được phát giác về sau. Người dân không những bị nhồi sọ, kìm kẹp, một nguyên nhân chính khiến cho miền Bắc đã bị đoàn ngũ hóa và động viên cho cuộc chiến xâm lược miền Nam, họ còn phải sống rất cơ cực trong những năm chính chiến. Sau 1975, cuộc sống của toàn thể mọi nguời đã không được cải tiến, mà hàng trăm ngàn người miền Nam lại còn bị cầm tù, ngược đãi tàn tệ hay bị chế độ Cộng Sản cố tình hạ nhục trong các trại cải tạo. Tâm trạng đau buồn đó của tôi đã phần nào được ghi lại trong cuốn In The Jaws of History. Từ thời điểm đó đến nay, những đổi thay cũng cần được ghi nhận thêm, vì có thể báo hiệu cho nhiều chuyển động khác trong tương lai.
Trong những năm từ 1989 đến 1991, khi bức tường Bá Linh sụp đổ, thành trì của khối Cộng Sản Quốc Tế bắt đầu vỡ vụn: trước hết là các chế độ Cộng Sản ở Ðông Âu theo nhau sụp đổ, rồi đến lượt Liên Bang Xô Viết bị tan rã. Cuối năm 1991, tôi có dịp viếng thăm Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi và Ba Lan. Tìm hiểu về những lý do đưa đến sự sụp đổ nhanh chóng của các chế độ Cộng Sản ở những nước này, trong nhiều tuần lễ tôi tiếp xúc với nhiều giới khác nhau, nhất là với thế hệ các thanh niên đã sinh ra dưới chế độ Cộng Sản, do đó từ trước tới nay ít biết về thế giới bên ngoài, trong số có cả những sinh viên Việt Nam được Hà Nội gửi đi học ở ngoại quốc.
Qua những buổi tiếp xúc này, nhận xét đầu tiên của tôi là có lẽ trước đây tôi đã quá bi quan, nghĩ rằng những dân tộc đã bị Cộng Sản thống trị sẽ khó lòng thoát khỏi vòng kìm kẹp vì bị bưng bít, nhồi sọ với những hiểu biết sai trái và lại bị kiểm soát quá chặt chẽ, từ trong mỗi gia đình cho đến xóm làng, khu phố. Kinh nghiệm của chính lớp người trẻ này, theo như lời thuật lại của họ, cho tôi thấy rằng con người vẫn là con người. Nếu được thấy những chân trời khác vòm trời Cộng Sản, ước muốn của con người vẫn là tự do, vẫn là dân chủ. Dân chủ đến mức nào, trong điều kiện cụ thể ra sao thì chưa ai rõ, nhưng ước vọng tự do thì rõ rệt là một nhu cầu tự nhiên. Nhờ vào thông tin nhanh chóng của thời đại tín học, không một dân tộc nào có thể bị bưng bít như thời trước nữa. Ngoài ra, một khi đã tỉnh ngộ thì người dân hết sợ hãi, và công an, mật vụ có tổ chức chặt chẽ đến mấy chăng nữa thì cũng có thể bị tràn ngập và phải bó tay thúc thủ. Trong trường hợp "cách mạng nhung" như ở thủ đô Tiệp Khắc, mọi việc xẩy ra chỉ nội trong vài ngày, mặc dầu quân đội và công an của chế độ Cộng Sản Tiệp Khắc vẫn còn đó và ở các nước Cộng Sản Ðông Âu khác, người ta cũng thấy những diễn biến tương tự kéo sập đổ nhà cầm quyền.
Ðột biến lịch sử là chuyện không ai ngờ tới. Ai là người có thể đoán trước được, rằng chỉ trong vòng thời gian chưa tới hai năm, cả một khối những nước Cộng Sản Ðông Âu và Liên Xô lại sụp đổ? Trong lịch sử, người ta đã thấy nhiều biến động xẩy ra từ những chuyện không đâu. Tại Việt Nam cũng vậy, vì cái "nhân" của sự sụp đổ đã sẵn có, nếu có thêm được cái "duyên" thì chuyện bất ngờ rất có thể xẩy ra. Nhưng ngay cả trong trường hợp không có chuyện bất ngờ, thì chỉ nhìn vào những biến chuyển tự nhiên của con người từ thế hệ này qua thế hệ khác để thích ứng với thực tế khách quan của thế giới bên ngoài, chúng ta cũng có thể tin tưởng hơn vào tương lai của dân tộc. Dầu có muốn cưỡng lại, nhà cầm quyền Cộng Sản cũng không thể cản nổi đà tiến hóa tự nhiên đó.
Thành thực mà nói, thì sau chuyến viếng thăm Ðông Âu và được nhìn tận mắt những gì đã xẩy ra ở những nước trong vùng ấy, những cảm nghĩ của riêng tôi có phần lạc quan hơn trước. Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, nhất là vào lúc hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi, trong khi đó thì hàng trăm ngàn người khác phải chịu cảnh lao tù, khổ nhục trong các trại cải tạo, quả tôi có trải qua một thời kỳ bi quan và ngờ vực. Nhưng lúc này, có lẽ bớt bị ám ảnh bởi quá khứ và hướng về tương lai nhiều hơn, ngoài ra lại còn thêm được nhiều bài học mới, nên tâm trạng tôi cũng thay đổi, nhìn thấy ánh sáng nhiều hơn là bóng tối và nghĩ rằng những thay đổi theo chiều hướng tốt đưa tới tự do và dân chủ ở Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sau khi thất trận ở miền Nam, nếu vì lý do thất trận mà người Việt quốc gia có thể nghi ngờ về chính nghĩa của mình, thì ngày nay nhờ vào những gì đang xẩy ra ở Việt Nam, và đã xẩy ra trên thế giới, chính nghĩa đó càng ngày càng sáng tỏ. Trong đời sống của một dân tộc, và đặt vào chiều dài lịch sử, thời gian vài ba chục năm thực ra chỉ là một khoảnh khắc. "Ðất có tuần, dân có vận", các cụ mình từ xưa đã dạy như vậy. Chỉ tiếc rằng, khi theo đuổi một chủ thuyết không tưởng, những người Cộng Sản đã đẩy cả dân tộc vào một cuộc chiến không cần thiết về nhiều phương diện, làm tiêu hao tiềm lực của nhiều thế hệ người Việt ở trên cả hai miền.
Ngoài ra, nếu có suy ngược về những mục tiêu đã khiến người Việt Nam tranh đấu trong cả thế kỷ nay, thì độc lập là một khát vọng chung của mọi nguời. Và giải pháp của người Cộng Sản cuối cùng cũng được coi như đã thành hình. Nhưng điều đó có là độc lập thật sự chăng, khi mà ngày nay nhiều kế sách hay dự án, dù là do Hà Nội thi hành, cũng nằm ngoài phạm vi quyết định của người Việt Nam hay của chính những người lãnh đạo ở Hà Nội? Thứ nữa, liệu có phải chỉ có người Cộng Sản mới đem lại độc lập cho quốc gia không? Sau Thế Chiến II, nhiều quốc gia trên thế giới từng bị thực dân cai trị đã giành lại được độc lập sớm hơn Việt Nam hàng chục năm mà cũng không phải theo đường lối Cộng Sản, và khi so sánh với các quốc gia đó thì tình trạng đói khổ và thua kém của Việt Nam đã chứng tỏ rằng dân tộc Việt Nam đã phải trả một giá quá đắt khi bị đẩy vào đường lối của những người Cộng Sản. Hơn nữa, và nói cho cùng thì hạnh phúc con người cũng là mục tiêu, và phải là mục tiêu tối hậu. Nền độc lập của Cộng Sản không đem lại hạnh phúc, vì người dân vẫn sống trong bần cùng đói khổ. Họ không những không có tự do mà còn bị áp bức nghiệt ngã hơn cả dưới thời ngoại thuộc. Nền độc lập đó chỉ có giá trị hình thức, mà nỗi khổ đau và sự lụn bại của dân tộc thì là một thực tế bi đát.
Trong mấy chục chương của cuốn sách này, tôi nghiệm thấy một điều chua xót. Ðó là người Việt quốc gia luôn luôn bị đặt vào những trường hợp éo le khó xử. Hợp tác với Cộng Sản thì không xong, ở với Cộng Sản cũng không được, mà tạm thỏa hiệp với Pháp thì khổ tâm và mang tiếng, đến khi nhờ cậy vào Hoa Kỳ thì cũng chẳng thành. Viết như vậy, tôi không có ý bào chữa cho lỗi lầm của những người đã từng lãnh đạo miền Nam. Nhưng dựa vào những lỗi lầm đó để nói rằng xã hội miền Nam thối nát và lên án tất cả những người sống ở miền Nam là tay sai cho ngoại bang, hay tham nhũng, thì là điều bất công và không đúng. Khi miền Nam thất trận thì những người ở vị trí càng cao càng có trách nhiệm nặng. Nhưng không phải chỉ có họ mới là người có trách nhiệm. Khi "quốc gia hưng vong" thì đến người "thất phu cũng hữu trách", cho nên chúng ta không nên đơn giản trút hết trách nhiệm cho cá nhân người này hay người khác. Trách móc hay công kích nặng nề bằng những lời lẽ quá đáng không mang lại lợi ích gì, mà chỉ làm giảm thiểu công lao của đại đa số những người miền Nam đã tuần tự và kiên nhẫn trong gần 30 năm, để xây dựng được một quốc gia có quy củ nền nếp không thua kém gì những nước đã từng ở vào cùng cảnh ngộ ngay sau Thế Chiến II, hay làm lu mờ những sự hy sinh anh dũng của hàng trăm ngàn chiến sĩ trong Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa. Trên thế giới, trong số các quân đội thua trận, có được bao nhiêu tướng tá hay binh nhì đã tuẫn tiết để khỏi bị rơi vào tay địch. Tôi nghĩ đến trường hợp của các tướng Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, của Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh Trưởng Chương Thiện, nhưng còn biết bao nhiêu trường hợp của những quân nhân không tên khác?
Ngay cả đối với Hoa Kỳ cũng vậy, chúng ta nên có thái độ bình tĩnh và công bằng hơn. Trong suốt thời gian can thiệp vào Việt Nam, các chính quyền kế tiếp của Hoa Kỳ đã có nhiều lỗi lầm. Ðây là những lỗi lầm tai hại cho cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, và chính người Mỹ ngày nay cũng không phủ nhận. Tuy nhiên, không nên vì những lỗi lầm đó mà kết luận rằng dân tộc Hoa Kỳ đã cố tình bắt tay với Cộng Sản, phản bội miền Nam Việt Nam. Thất bại của Hoa Kỳ nằm trong phần thực hành nhiều hơn là trong mục tiêu hay bản chất của chính sách can thiệp. Ngoài ra, những mâu thuẫn trong chính sách Hoa Kỳ không phải chỉ có trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Ngay cả thời nay, trong rất nhiều trường hợp, chính sách Hoa Kỳ cũng đầy những mâu thuẫn, và hàng ngày theo dõi đời sống của "xã hội cởi mở" Hoa Kỳ, chúng ta cũng có thể thấy rõ điều đó.
Nhìn một cách khác, thì trong cái may cũng có cái rủi, và ngược lại... Trong quá khứ, miền Nam may mắn dược Hoa Kỳ, một nước giàu mạnh và có truyền thống tự do dân chủ, hỗ trợ cho cuộc chiến vì tự do của mình, nhưng điều không may là lại gặp phải một đồng minh quá lớn, thiếu tinh tế. Sau khi chủ quan ôm lấy mọi việc để giải quyết theo phương cách của mình, và thấy làm không xong, đồng minh đó chán nản bỏ cuộc. Công bằng mà nói, nếu không kể đến những ảnh hưởng xấu của sự can thiệp, kể cả tính chất quá đáng của một nền văn minh vật chất không phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam, thì trong hơn hai thập niên, mức sống của người dân miền Nam cũng phần nào được cải thiện nhờ nguyên tắc tự do kinh tế, và cả những khoản viện trợ của Hoa Kỳ khi chiến cuộc lan rộng và gây cản trở cho việc sản xuất. Chính không khí sinh hoạt cởi mở và thoải mái của miền Nam trong hơn 20 năm tự do đó đã khiến miền Nam lúc này đang là đầu máy kinh tế tạo ra nhiều đổi thay ở trong nước.
Dầu sao thì sự can thiệp của Hoa Kỳ phải được coi là một bài học cho dân tộc và các nhà cầm quyền Việt Nam về sau này... Tiếc thay người mình không mấy ai chịu khó nhìn vào những lỗi lầm của mình trước khi nhìn vào lầm lỗi của người. Ngoài ra, một số người lại có thêm một tật xấu khác. Khi nguyền rủa người Mỹ thì không hết lời, và bất kể sự thật hay công bằng, nhưng khi chạy theo người Mỹ thì cũng hết mình, không cần biết đến bản chất bất trắc của chính trị Hoa Kỳ ra sao. Hoa Kỳ là một siêu cường quốc giàu mạnh, có nhiều ảnh hưởng trên bàn cờ quốc tế, một xã hội cởi mở, có truyền thống dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Nếu nhờ vả được họ để nâng cao đời sống người dân và thực thi dân chủ thì không nên bỏ qua cơ hội. Nhưng đồng thời cũng phải hiểu rõ tính chất phức tạp và thường xuyên thay đổi của xã hội và chính trị Hoa Kỳ. Nên nhớ rằng kèm theo với bất cứ một sự trợ giúp nào cũng có những ràng buộc, vả lại không phải bất cứ thứ gì của Hoa Kỳ cũng là hoàn hảo tốt đẹp hay phù hợp với xã hội mình. Từ thể chế chính trị cho đến lối sống, Hoa Kỳ không nhất thiết đã là mẫu mực để người Việt Nam nhắm mắt bắt chước. Những bài học đó, giờ đây hẳn đã phải rõ ràng hơn cho mọi người trong chúng ta, sau khi cả triệu người đã có cơ hội sinh sống tại đây.
"Hết cơn bĩ cực, đến hồi thái lai". Từ đầu thập niên 40 đến nay, trong hơn nửa thế kỷ, Việt Nam đã phải chịu quá nhiều cơ cực, và khi bóng đêm đang trở thành đen đặc nhất, có lẽ trời cũng bắt đầu hừng sáng. Trong những năm gần đây, dầu cho nhà cầm quyền Cộng Sản buộc lòng phải "đổi mới", thì chính việc "đổi mới' đó cũng đưa đến nhiều đổi thay ngoài ý muốn của họ. Nói chung, người dân có đời sống dễ thở hơn trước, nên cũng có nhiều giải pháp ứng phó trước đây khó có thể mường tượng được. Nói một cách cụ thể hơn, người dân không còn sợ hãi chế độ như trước nữa, một khi họ trông thấy là những biện pháp giải tỏa nửa vời của chế độ đưa dẫn tới những bất công, họ chống đối để công khai bầy tỏ sự bất mãn. Những vụ biểu tình phản kháng như ở Thái Bình, Ðồng Nai trong thời gian gần đây chính là hậu quả tự nhiên của một xã hội đang chuyển mình.
Theo định nghĩa, đột biến là biến cố đột ngột xẩy ra ngoài sự tiên liệu của mọi người, như hiện tượng "cái xẩy nẩy cái ung" đã từng thấy trong lịch sử. Nhưng, ngoài biến cố bất ngờ đó, có một yếu tố bất khả kháng cũng đáng để chúng ta để ý. Nhà cầm quyền Cộng Sản sẽ khó có thể cưỡng lại khuynh hướng tự nhiên là phải nới lỏng sự kiểm soát người dân. Vì đã chót ngả theo kinh tế thị trường, chế độ chỉ có thể gặp hai ngả đường: hoặc là rơi vào khủng hoảng nếu thoái lui về tình trạng tập trung quản lý như trước, hoặc là phải tiếp tục việc đổi mới và thu hẹp dần phạm vi kiểm soát người dân. Trong trường hợp thứ nhất, khủng hoảng kinh tế hay xã hội đều dẫn tới khủng hoảng chính trị vượt khỏi khả năng chống đỡ của nhà cầm quyền. Trong trường hợp thứ hai thì khi chế độ thu hẹp dần phạm vi kiểm soát, sức năng động của xã hội và lòng khao khát tự do của con người sẽ mở rộng ảnh hưởng của người dân trên cả hai phương diện kinh tế và chính trị, với hậu quả tất nhiên là quyền lực sẽ tuột dần khỏi tay nhà cầm quyền. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian, mà cũng chẳng cần tới sự xâm nhập từ bên ngoài của những "thế lực thù nghịch" hay một âm mưu "diễn biến hòa bình" nào đó như nhà cầm quyền vẫn ưa tố cáo.
Ðặt vấn đề của đất nước vào khung cảnh của những đổi thay tất định như vậy, vấn đề dân chủ mà nhiều người ở trong và ngoài nước vẫn khát khao trông đợi thực ra là vấn đề lâu dài. Dân chủ phải là kết quả của những đấu tranh và xây dựng liên tục, bền bỉ, và đòi hỏi sự kiên nhẫn lẫn tinh thần dung hợp của mọi người. Từ chỗ mong muốn và đòi hỏi đến chỗ thực thi dân chủ, người ta phải trải qua một chặng đường dài, và sẽ gặp nhiều chông gai trắc trở. Trước hết phải có tinh thần tương nhượng và thực tập dân chủ ngay cả với những người theo đuổi cùng mục đích chung trên những ngả đường khác nhau. Ngoài ra, mọi người cũng cần hiểu, như cựu Thủ Tướng Anh Quốc Churchill đã nhận định: "Dân chủ chỉ là một thể chế ít tệ hại nhất trong số vài ba thể chế mà nhân loại đã thử nghiệm" Dân chủ không phải là chế độ hoàn hảo, lý tưởng, mà chỉ có thể hình thành sau nhiều giai đoạn thử nghiệm để dung hợp với tình trạng cụ thể của từng xã hội.
Trong suốt giai đoạn thử thách đó, Việt Nam cần có sự cởi mở về tâm lý để chấp nhận những dị biệt của một thế giới đa dạng và một xã hội đa nguyên, đồng thồi cũng cần sự khai phóng kiến thức để tìm ra những phương pháp tốt đẹp nhất, hay nói một cách khiêm tốn hơn, ít tệ hại nhất, cho quốc gia và xã hội. Trong một thời gian quá lâu, người Việt Nam chỉ biết có đấu tranh, do đó dễ trở thành cực đoan, điều đó là một trở ngại lớn cho tinh thần dân chủ. "Tôi muốn có dân chủ, nhưng phải là dân chủ theo ý của tôi" là một phản ứng phá vỡ tinh thần cởi mở cần thiết cho dân chủ.
Về nhu cầu khai phóng trí tuệ, chúng ta cũng cần phải đồng ý với nhau rằng, muốn canh tân đất nước để theo kịp đà tiến hóa của nhân loại vào thế kỷ tới, Việt Nam cần nhiều "chất xám". Ðào tạo chất xám cho xã hội phải là trọng tâm cố gắng của bất cứ nhà cầm quyền nào trong tương lai trước mắt. Do những biến cố đau lòng mà cũng là ngẫu nhiên của thời cuộc, một số thanh thiếu niên theo cha mẹ ra ngoại quốc tỵ nạn từ hơn hai chục năm trở lại đây, nay đã thành tài và có cơ hội thực tập cũng như trưởng thành trong những xã hội tân tiến. Ðó là chất xám quý báu cho tương lai xứ sở, nếu thế hệ trẻ này muốn trở về và có điều kiện để phục vụ một cách hữu hiệu.
Về ý muốn trở về thì tôi thấy có, vì trong những năm gần đây, qua những cuộc tiếp xúc với các thế hệ trẻ ở hải ngoại, tôi nghiệm thấy một điều rất phổ biến là, ngoại trừ một thiểu số thiếu sự hướng dẫn của cha mẹ quá bận rộn vì công việc làm ăn sinh sống, đa số tuổi trẻ Việt Nam đều tự nhiên khao khát làm một cái gì tốt đẹp cho Việt Nam. Thiện chí muốn đóng góp vào việc xây dựng quê cha đất tổ là một nguồn vốn tinh thần đáng mừng và đáng cổ võ. Nhưng còn điều kiện để cho thế hệ trẻ đó có thể đóng góp một cách thực sự hữu ích thì điều đáng buồn, là cho tới nay nhà cầm quyền trong nước chưa bao giờ đánh giá được đúng mức nguồn vốn quý giá này của dân tộc đang sống ở hải ngoại. Họ chỉ nghĩ đến những biện pháp lợi dụng nhất thời, và còn có thái độ thiếu đạo đức, thiếu sáng suốt, đòi hỏi những những nguời Việt ở hải ngoại phải chui qua cánh cửa chính trị của chế độ Cộng Sản. Họ chưa thoát khỏi được lý luận "yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa" nên chưa thể nào thuyết phục được mọi người góp phần vào công cuộc tái thiết và phát triển xứ sở.
Tuy nhiên, nếu nghĩ xa một chút thì những vấn đề trên đây cũng chỉ là những trở ngại giai đoạn mà thôi... Sự đổi thay tại Việt Nam là một điều tất nhiên và sự đào thải của chế độ Cộng Sản cũng vậy. Trong khi đó thì vấn đề chấn hưng và canh tân đất nước vẫn còn nguyên vẹn ở đó. Qua những dịp đi nói chuyện tại các đại học Mỹ, tôi đã có nhiều cơ hội gặp gỡ lớp người trẻ Việt Nam và vui mừng nhận thấy họ rất quan tâm đến quê hương; họ thường mong muốn tìm hiểu về hiện tình đất nước, và điều có thể làm được mà cũng hết sức cần thiết, là giúp họ mở rộng phạm vi giao tiếp và cung cấp cho họ những tin tức chính xác và trung thực về hiện tình Việt Nam. Rồi sau đó, cùng với họ tổ chức những sinh hoạt nghiên cứu để sửa soạn cho tương lai. Hô hào chống cộng là một chuyện, nhưng sửa soạn cho tương lai lại là một chuyện cần hơn nữa, vì Việt Nam thời hậu Cộng Sản chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Khi những trang của cuốn sách này được khép lại, tôi cũng xin có lời tâm sự. Nếu trước đây hơn 20 năm, lúc phải bỏ nước ra đi tôi bi quan bao nhiêu thì giờ đây tôi lạc quan bấy nhiêu. Tôi tin tưởng rằng trong một tương lai không xa, cơ hội sẽ đến với những người muốn đóng góp để xây dựng một nước Việt Nam thật sự tiến bộ và dân chủ, một xã hội công bằng và thịnh vượng cho mọi người dân Việt. Trang sử của thời 1945-1975 đã khép lại, nhưng đồng thời cũng mở ra một trang sử mới, mà tôi thành thật tin rằng sẽ không còn đen tối u buồn như trang sử mà thế hệ tôi đã nhìn thấy...

GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 1-16
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 17-21
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 22-34


MỤC LỤC


1. Gọng Kềm Lịch Sử
2. Thuở Ấu Thời
3. Những Tổ Chức Chính Trị Bí Mật
4. Đảng Đại Việt
5. Cách Mạng Tháng 8
6. Anh, Tàu, và Pháp
7. Khủng Bố
8. Trong Vòng Trốn Tránh
9. Giải Pháp Bảo Đại
10. Mùa Nghỉ Alpine
11. Lập Trường Ngoan Cố Của Pháp
12. Sự Lựa Chọn của Cựu Hoàng
13. Ông Diệm và Các Thành Phần Đối Lập
14. Đảo Chánh
15. Tình Hình Sau Đảo Chánh
16. Chánh Quyền Tướng Khánh
17. Sự Can Thiệp của Hoa Kỳ
18. Bác Sĩ Quát và Các Tướng Lãnh
19. Con Đường Dẫn Đến Hiến Pháp
20. Bước Thứ Hai
21. Đại Sứ tại Hoa Thịnh Đốn
22. Hiến Pháp Dân Chủ
23. Khung Cảnh Hậu Trường
24. Cuộc Bầu Cử 1967
25. Sự Chuyển Đổi của Thời Cuộc
26. Tết Mậu Thân
27. Cuộc Đàm Phán Bắt Đầu
28. Vụ Anna Chennault
29. Tổng Thống Mới, Chính Sách Mới
30. Trì Hoãn
31. Mất Tiên Cơ
32. Cuộc Độc Cử
33. Hai Màn Ngoạn Mục 34. Hiệp Định Ba Lê
35. Những Việc Cuối Cùng
36. Lời Hậu Luận


VÀI DƯ LUẬN….
Đỗ Văn, nguyên nhân viên Ban Việt Ngữ, đài BBC.

Cuốn gọng kìm lịch sử của cựu Đại sứ Bùi Diễm quả là hữu ích và có giá trị đặc biệt với lịch sử. Cuốn sách này còn được nhiều người hâm mộ vì phần nào trình bày được hoàn cảnh đặc biệt của những người cùng thế hệ với ông, trưởng thành đúng lứa tuổi phải dấn thân, nhập cuộc, hoặc cầm súng tranh đấu cho quê hương trong trạng huống rất bức bó eo hẹp, trước sự lựa chọn phức tạp giữa hai ngả đường quốc gia và cộng sản.

Vũ Quang, nguyên Đại Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa:

Cuốn Gọng Kìm Lịch Sử quả là tài liệu không thể thiếu nếu muốn tìm hiểu ngọn ngành về những khúc mắc quan trọng trong cuộc chiến việt nam, đặc biệt là mối liên lạc giữa Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. Được cơ hội có mặt tại các trung tâm quyền lực, tác giả là chứng nhân hãn hữu, và đôi khi cũng là một diễn viên trong hậu trường sân khấu chính trị tại Saigon và Hoa Thịnh Đốn... Đặc biệt hơn cả, có lẽ đây là cuốn hồi ký đầu tiên đã mô tả trung thực hoàn cảnh éo le của những người Việt Quốc Gia bị kẹt trong gọng kìm lịch sử...


Trần Dzũng Minh Dân, độc giả của thế hệ trẻ, nhân viên cơ quan không gian NASA của Hoa Kỳ.

Cuốn Gọng Kìm Lịch Sử không những hữu ích cho các học giả nghiên cứu lịch sử và chiến tranh Việt Nam từ 1944 đến 1975, mà còn đem lại cho lớp thế hệ sau một cái nhìn trung thực về những thăng trầm của đất nước và những nhân vật trực tiếp liên quan đến các sự kiện lịch sử đã đưa đẩy vận nước trong thời gian này...

"In the Jaws of History" was written by Bùi Diễm with David Chanoff. This book was translated into Vietnamese by Phan Lê Dũng in 1987.

Đại Sứ BÙI DIỄM

Tiểu Sử Sơ Lược

Sinh năm 1923 tại Phủ Lý, Hà Nam, Bắc Việt Nam.
Thời trung học, như đa số thanh niên Việt Nam lúc ấy, ông Bùi Diễm tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp với tinh thần quốc gia.
1945, Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt khi Bùi Diễm vừa tốt nghiệp Đại Học Hà Nội.
Trong giai đoạn này, Trần Trọng Kim, chú của Bùi Diễm, trở thành Thủ Tướng đầu tiên của Việt Nam trong chính quyền Bảo Đại.
Bùi Diễm rất gần với Trần Trọng Kim và liên lạc chặt chẽ với nhiều lãnh đạo của các phong trào quốc gia kháng chiến chống Pháp. Điều này khiến ông càng ngày càng dấn thân sâu hơn vào con đường chính trị Việt Nam.
Trong suốt 7 năm sau Thế Chiến II, ông hoạt động mạnh mẽ cho đảng Đại Việt, một đảng quốc gia lúc ấy trở thành nhóm bị Việt Minh săn đuổi và tìm cách triệt hạ vì cho là không theo đường hướng Cộng Sản của họ.
Từ năm 1954 đến 1963, Bùi Diễm tiền phong tờ báo Anh Ngữ đầu tiên tại Việt Nam, tờ Saigon Post.
Sau năm 1965, ông đi sâu hơn nữa vào chính trị miền Nam, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền. Ông là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng dưới thời Thủ Tướng Phan Huy Quát, Cố Vấn Đặc Biệt về Ngoại Vụ cho Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và là Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong vai trò này, ông Bùi Diễm là nhân vật chính trong cố gắng cuối cùng vận động Hoa Kỳ thông qua ngân sách 700 triệu đô la cần thiết để chống lại sự xâm lăng ồ ạt của Cộng Sản miền Bắc với sự hỗ trợ của hai cường quốc Cộng Sản Nga Xô và Trung Cộng. Sự thất thủ của miền Nam năm 1975 đã cho thấy sự tổn thất về sinh mạng, kinh tế, văn hóa, xã hội, tương lai bao thế hệ Việt kéo dài suốt 30 năm sau đó là một giá vô cùng đắt so với 700 triệu đô la.

Khi miền Nam Việt Nam thất thủ ngày 30/4/1975, Bùi Diễm và gia đình tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ.


Bạn đọc có thể tải sách về máy ở đây : -----> GỌNG KÌM LỊCH SỬ - Bùi Diễm



***

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...