. .

Sunday, March 29, 2009

GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 22-34


GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 01-16
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 17-21
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm (The End)

Gọng Kềm Lịch Sử
22. Hiến Pháp Dân Chủ

Ở Sài Gòn lúc này bản Hiến Pháp đã được soạn thảo xong. Đây là bản Hiến Pháp đầu tiên, đánh dấu những nỗ lực dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc Hội Lập Hiến đã bỏ ra rất nhiều thời giờ soạn thảo bản hiến pháp. Nếu nhìn vào cả phạm vi lai lịch lớn rộng của các thành phần trong ban soạn thảo lẫn thời gian họ cùng nhau thảo luận trước khi đưa ra bản dự thảo hiến pháp thì có lẽ ai cũng có thể thấy rằng bản dự thảo của quốc hội lập hiến lúc đó là quả là một công trình đáng kể. Bản dự thảo Hiến Pháp đề nghị một chánh phủ bao gồm ba cơ quan chính là Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp. Cơ quan Lập Pháp gồm hai viện là Thượng Viện và Hạ Viện. Cơ quan Hành Pháp gồm Tổng Thống, Phó Tổng Thống và Thủ Tướng.
Nhìn vào quá trình chính trị của Việt Nam suốt trong khoảng hai thập niên 1950-1960 thì quả thật nét nổi bật nhất là đảo chánh và xáo trộn. Hết chế độ độc tài này cho đến chế độ độc tài khác thay phiên nhau đưa ra những chính sách chẳng có căn bản gì nhất định. Hết ông Diệm lật đổ Bảo Đại lại đến các tướng tá đảo chánh ông Diệm. Sau đó chính các tướng tá đảo chánh lại bị chỉnh lý để mở đường cho một chính phủ dân sự đầu tiên chỉ nắm quyền được trong vòng năm tháng. Cuối cùng thì chính phủ của Miền Nam Việt Nam lại được những người quân nhân đứng ra lãnh đạo. Bản Hiến Pháp lúc này có lẽ phản ảnh rõ hơn bao giờ hết sự quan tâm của những người soạn thảo Hiến Pháp đối với tình trạng xáo trộn của Việt Nam trong quá khứ. Guồng máy chính phủ do bản Hiến Pháp đề ra cho thấy những người soạn thảo Hiến Pháp đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề cần phải tìm cách để ngăn ngừa những trường hợp độc tài. Hiến Pháp đề nghị một guồng máy chính phủ bao gồm Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Thủ Tướng và cơ quan Lập Pháp. Vào lúc này thì câu hỏi chính là: Liệu những người trong chánh phủ quân nhân có đồng ý hay không? Đây có lẽ là lý do họ triệu tôi về để tham khảo ý kiến. Họ muốn biết rõ Hoa Kỳ suy nghĩ ra sao về vấn đề Hiến Pháp của Việt Nam.

Thật ra đây là một câu hỏi tôi có thể trả lời ngay. Việc Hoa Kỳ quan niệm ra sao đối với vấn đề thành lập một chánh phủ hợp hiến là một việc tôi đã rõ từ lâu. Quan niệm này mọi người cũng đã thấy rõ ở hội nghị Honolulu. Tuy thế, trước giờ khởi hành để về lại Việt Nam, tôi vẫn đến gặp ông Walt Rostow để duyệt lại tình hình tổng quát ở cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ. Ông Rostow khẳng định rằng chính phủ Hoa Kỳ chắc chắn đã đồng ý chấp thuận bản dự thảo Hiến Pháp và vấn đề công bố bản Hiến Pháp quả là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với tổng thống Johnson. Ông Rostow cho rằng tổng thống Johnson mong Việt Nam chấp thuận bản hiến pháp vì hai lý do. Thứ nhất, đây là một hành động để chứng tỏ rằng những quân nhân lãnh đạo Việt Nam là những người biết trọng lời hứa. Thứ hai là ông có thể dùng thành quả này để thuyết phục dân chúng Hoa Kỳ rằng việc Hoa Kỳ can thiệp là hoàn toàn xác đáng.

Kể từ năm 1967, Hoa Kỳ đã bắt đầu giảm dần những sự ủng hộ của họ đối với Việt Nam. Nguyên do của vấn đề giảm thiểu là vì nỗ lực can thiệp của họ chẳng mang lại thành quả nào cụ thể. Lúc này, tuy đã có khoảng 400,000 binh sĩ Hoa Kỳ đóng ở Việt Nam mà vẫn chưa ai nhìn thấy sự thành công nào rõ rệt. Vì thiếu những thành quả trên lãnh vực quân sự nên Hoa Kỳ thấy cần phải có những tiến triển trên lãnh vực chính trị. Những tiến triển này có thể cho phép chánh phủ Hoa Kỳ tuyên bố rằng: "Tuy chúng tôi vẫn chưa thể khẳng định được những thành công về mặt quân sự nhưng vẫn có những tiến triển khả quan trên những phương diện khác."

Nếu muốn có những thành quả chính trị ở Việt Nam thì dĩ nhiên Hoa Kỳ phải đẩy mạnh việc chấp thuận hiến pháp. Trước khi tôi lên đường, ông Robert Komer cũng tiết lộ rằng chính vấn đề này đã khiến chánh phủ Hoa Thịnh Đốn đang dự định một cuộc họp thượng đỉnh khác. Lần này thì cuộc họp được dự trù ở Guam, một hòn đảo ở Thái Bình Dương.

Tôi trở lại Sài Gòn vào ngày 6 tháng 3-1967, khi thành phố đang trong bầu không khí lạc quan. Lý do chính của sự lạc quan là do hai yếu tố: Thứ nhất: Bất kể cuộc chiến nghiêng ngửa ra sao thì mọi người vẫn có cảm tưởng là cuộc chiến vẫn còn ở xa. Thứ Hai: Việt Nam vẫn được một đồng minh vĩ đại đấu lưng giúp sức. Tình trạng này khiến Bắc Việt không thể nào đoạt được thắng lợi. Nhưng niềm lạc quan của Sài Gòn một phần khác cũng còn là vì bản Hiến Pháp lúc này đã được hoàn tất. Đây là một công việc đã chiếm lĩnh phần lớn tâm trí của nhiều đoàn thể chính trị trong suốt nửa năm trời.

Nhưng lúc này, ở Hoa Thịnh Đốn những người đang chỉ trích chiến cuộc lại gạt bỏ tất cả những tiến triển dân chủ ở Sài Gòn sau cuộc bầu cử. Đối với họ thì những phong trào dân chủ chẳng hạn như -Bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, soạn thảo hiến pháp mới và những cuộc bầu cử sau khi có hiến pháp chẳng qua chỉ là những bức họa trang trí mà Hoa Kỳ đang nóng lòng đắp điếm để cố giúp Việt Nam thể hiện phần nào bộ mặt dân chủ. Thật sự thì chánh quyền Johnson quả có lợi dụng những nỗ lực ở Việt Nam để thuyết phục dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ cho những chánh sách của họ, nhưng chính người dân Việt Nam cũng có chủ trương hẳn hoi về vấn đề dân chủ. Đây là việc khó thể chối cãi.

Sau 100 năm chung đụng với người Pháp, người dân Việt đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Một mặt thì họ bị tiêm nhiễm những ảnh hưởng xấu của người Pháp, chẳng hạn như về vấn đề bè phái, nhưng mặt khác họ cũng thấm nhuần được những ảnh hưởng có lợi cho vấn đề áp dụng dân chủ. Một trong những ảnh hưởng đáng kể là chính trị đã nhiễm vào tập quán của người dân Việt và nếu môi trường cho phép thì chắc chắn quan niệm dân chủ sẽ có dịp phát triển ở Việt Nam. Nếu chỉ nói riêng về khả năng tiếp nhận những quan niệm dân chủ thì người dân Việt quả hoàn toàn không khác gì những dân tộc khác. Khi đã có cơ hội để tìm hiểu và áp dụng những quan niệm dân chủ, người dân Việt Nam sẽ học hỏi vô cùng nhanh chóng. Hơn nữa, một khi tiến trình dân chủ đã bắt đầu thì đà cải tiến thường tự phát xuất mỗi ngày một nhanh.

Kết quả là ở Sài Gòn chẳng ai là người không tranh luận về vấn đề hiến pháp. Những đoàn thể chính trị đã bàn cãi sôi nổi, nhưng các giới lãnh đạo quân nhân lại còn bàn cãi sôi nổi hơn vì lúc này quyền quyết định chấp thuận hay không là ở trong tay họ. Đây là lúc các tướng lãnh sẽ phải chấp nhận hoặc bác bỏ thể thức dân chủ ngay trước dư luận trong nước và ngoài nước.

Dĩ nhiên các tướng lãnh không lấy gì làm vui vẻ chấp nhận bản hiến pháp mới này, nhất là những vị tư lệnh vùng chiếm đóng ở 4 quân khu. Họ sẽ bị mất mát rất nhiều quyền lợi. Nếu chính phủ Việt Nam là một chính phủ dân chủ thì những tư lệnh vùng sẽ phải phụ thuộc vào những người lãnh đạo chính trị. Hơn nữa, đối với những người sắp được bầu ra, họ hoàn toàn không có chút gì ảnh hưởng. Đây là vấn đề chính mà họ quan tâm. Những tư lệnh vùng lý luận rằng họ là những người đang điều động chiến cuộc và họ chẳng thể hao tổn thời giờ để đối phó với những sự rối ren, bất trắc của một chính phủ hợp hiến. Họ hoàn toàn không tin vào việc thành lập một chánh phủ dân sự.

Vừa đặt chân về tới Sài Gòn tôi đã bị lôi cuốn vào những cuộc tranh luận sôi nổi trong cả hai giới quân sự lẫn dân sự. Bất kỳ nơi nào tôi đến, câu hỏi đầu tiên vẫn là: "Người Hoa Kỳ phản ứng ra sao về vụ này?" Lúc nào tôi cũng trả lời: "Đương nhiên Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ việc chấp thuận bản hiến pháp, nhưng đối với tôi đây không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề quan trọng chính là chúng ta phải tự hỏi xem liệu hiến pháp có cho chúng ta thêm phần sức mạnh nào trong công cuộc tranh đấu chống cộng hay không?" Câu trả lời mạnh dạn của tôi là: "Có."

Tôi dùng hết cả thì giờ vào việc góp ý kiến với các ông Thiệu, ông Kỳ và các vị tướng lãnh khác. Tôi nói với họ rằng chúng ta phải hành động đi đôi với lời đã hứa trước kia ở Honolulu. Không có lý do gì có thể khiến chúng ta hành động trái nghịch lại với lời nói của chính mình. Hơn nữa, chúng ta phải tiến hành mọi việc cho kỹ càng, minh bạch càng sớm càng tốt.

Khi nói chuyện với ông Thiệu và ông Kỳ tôi thấy dường như mình đang đẩy vào một cánh cửa đã hé. Mặc dù ông Thiệu và ông Kỳ chưa quyết tâm đồng ý, tôi cho rằng họ đã ngấm ngầm chấp nhận ý kiến hiến pháp và bầu cử. Trước hết họ hiểu được tư thế của Hoa Kỳ. Họ cũng hiểu được tầm quan trọng của những lời họ phát biểu trước đây. Thứ hai là họ còn biết rằng Hiến Pháp vẫn không tước đoạt quyền lãnh đạo của họ. Nhất là khi chính họ sẽ giữ thế thượng phong trong việc điều hành các cuộc bầu cử tổng thống. Vì vậy, vấn đề đối với họ hoàn toàn khác hẳn đối với những vị tướng lãnh khác. Chẳng có gì đáng chống đối và hơn nữa lại có rất nhiều lý do chính đáng để họ được thêm uy tín khi tiến đến một chánh thể dân chủ. Theo cách nhìn của tôi thì rõ ràng tất cả mọi yếu tố đều là những yếu tố khả quan. Nếu ông Thiệu và ông Kỳ càng có nhiều lý do riêng để chấp thuận Hiến Pháp bao nhiêu thì việc chấp thuận lại có triển vọng càng nhiều bấy nhiêu. Vấn đề chính là làm thế nào để phát động mọi việc.

Cuối cùng, vào ngày 10 tháng 3-1967, ông Thiệu và ông Kỳ đã triệu tập một buổi họp chánh thức ở dinh độc lập. Cuộc họp bao gồm tất cả Bộ Trưởng và các Tư Lệnh quan trọng trong giới lãnh đạo quân sự. Sau khi đã tranh luận kỹ lưỡng và đề cập tất cả mọi khía cạnh cũng như chi tiết của vấn đề Hiến Pháp, ông Thiệu thúc dục tôi bày tỏ ý kiến. Khi giới thiệu tôi, ông Thiệu có ý thầm nhắc rằng những điều tôi sắp trình bày sẽ là ý kiến của Hoa Kỳ. Ông giới thiệu tôi là: "Một nhân vật của Hoa Thịnh Đốn."

Tôi trình bày ý kiến của tôi một cách ngắn gọn và nhắc lại rằng tôi đã ủng hộ việc soạn thảo bản hiến pháp kể từ lúc đầu. Sau đó tôi nói thêm: "Những kinh nghiệm trên chính trường quốc tế đã cho tôi thấy chánh quyền Việt Nam phải tỏ rõ quyết tâm tiến tới một chánh thể dân chủ hợp hiến. Hơn nữa, nếu không chấp thuận bản hiến pháp thì cũng chẳng còn giải pháp nào khác hơn." Khi tôi dứt lời, cuộc bỏ phiếu bắt đầu. Tất cả đều đồng lòng chấp thuận bản hiến pháp. Vài ngày sau, khi hiến pháp đã được công bố, thì ông Bill Bundy đến Sài Gòn và thông báo rằng Tổng Thống Johnson đã dự định một cuộc họp Thượng Đỉnh vào ngày 20 tháng 3-1967 ở Guam. Vì đã quen với những thủ tục tổ chức qua hai cuộc họp thượng đỉnh ở Manila và Honolulu lúc trước, tôi lại được đề cử sắp xếp mọi việc lần này. Nhờ đã có chút kinh nghiệm nên công việc sắp xếp lần này không còn hấp tấp và bỡ ngỡ như những lần trước. Tuy vậy, công cuộc sắp xếp lại gặp rắc rối vì một biến chuyển bất ngờ ở Liên Hiệp Quốc vào ngày 14 tháng 3-1967.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant là một người phản chiến. Ông ít có kinh nghiệm về những đòn phép của Bắc Việt và tin tưởng thật thơ ngây rằng Hà Nội sẽ vui lòng đàm phán Hòa Bình. Trước đây ông đã gặp các đại biểu của Hà Nội và sau khi cùng họ thảo luận các vấn đề đàm phán hòa bình, ông Thant có gửi một bản văn thư đến cho ông Arthur Goldberg, đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc. Trong bản văn thư đó, ông Thant chánh thức đề nghị việc đàm phán đình chiến và tạo dựng hòa bình giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Bắc Việt.

Nói chung thì Hoa Kỳ vẫn xem thường ông U Thant và có vẻ nghi ngờ các đề nghị đàm phán của ông, nhưng với bản tính nghi kỵ cố hữu của người Việt Nam thì sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời điểm mà ông U Thant đưa ra các đề nghị và thời điểm của cuộc họp thượng đỉnh ở Guam đúng là do Hoa Kỳ ngấm ngầm xếp đặt. Tại Việt Nam, tin đồn bắt đầu vang động rằng cuộc họp thượng đỉnh đã được dàn xếp để đẩy phần lợi về phía Hoa Kỳ và ép buộc Việt Nam vào thế yếu trong chiến cuộc. Hậu quả là chúng tôi đã phải bỏ ra rất nhiều thời giờ để trả lời ông U Thant và làm tất cả những gì chúng tôi có thể làm để đánh tan dư luận.

Cuộc họp thượng đỉnh ở Guam lần này là lần hội kiến thứ ba của Hoa Kỳ và các lãnh tụ MNVN. Lần này cả hai phái đoàn đều cố gắng đi thẳng vào vấn đề. Tổng Thống Johnson vẫn đi cùng những nhân vật quan trọng như Ngoại Trưởng Rusk, Bộ Trưởng McNamara, ông Walt Rostow và những tư lệnh quân sự tối cao khác. Ông Thiệu, ông Kỳ cũng cùng đi với các Bộ Trưởng cao cấp của Việt Nam.

Cuộc họp tiến hành vào ngày thứ hai, 20 tháng 3-1967. Ngoài việc duyệt lại tổng quát tình hình chiến sự, chương trình nghị sự còn bao gồm cả ba vấn đề chính: Những đề nghị đàm phán hòa bình của Tổng Thư Ký U Thant, những tiến triển chính trị ở Việt Nam và những nỗ lực đàm phán hòa bình. Tuy thế, khi mọi người vừa an vị thì Tổng Thống Johnson lại đưa thêm một vấn đề nữa vào chương trình nghị sự. Ông giới thiệu hai nhân vật mới của Hoa Kỳ là ông Ellsworth Bunker và ông Robert Komer. Ông Ellsworth Bunker sẽ là đại sứ ở Việt Nam thay thế đại sứ Henry Cabot Lodge và ông Robert Komer sẽ đến Việt Nam để điều hành chương trình xây dựng nông thôn trên cả hai lãnh vực quân và dân sự.

Chúng tôi đã biết về việc đề cử từ trước nhưng gần như tất cả phái đoàn Việt Nam đều tò mò về ông đại sứ mới. Đây chỉ là nói một cách nhẹ nhất. Ở thời điểm này cương vị đại sứ chẳng những đã ảnh hưởng các thể thức điều động chiến cuộc mà còn ảnh hưởng cả đến tình hình nội bộ của Việt Nam nữa. Những tháng kế tiếp sẽ là những giai đoạn chính trị tối quan trọng của Việt Nam vì cuộc bầu cử tổng thống Việt Nam đã được dự định vào mùa thu năm đó. Giữa lúc này bỗng nhiên một nhân vật hoàn toàn mới lạ lại bước vào chính trường Việt Nam.

Ông Ellsworth Bunker ngồi im tại bàn, không hề phát biểu gì nhiều. Khổ người ông dong dỏng cao và tuy đã nhiều tuổi mà trông ông vẫn có vẻ quắc thước và rõ ràng đầy ắp nghị lực. Ông vươn cổ về phía chúng tôi như thể muốn thu gọn tất cả các khuôn mặt Việt Nam vào một cái nhìn. Phong thái nghiêm trang của ông khiến người đối diện phải có đôi phần dè dặt. Chỉ ít lâu những người Việt Nam đã gọi ông là "Ông Già Tủ Lạnh." Lúc đó, chẳng một ai trong chúng tôi lại có thể ngờ rằng ông Bunker lại chính là một người bạn hết sức thành thực của Việt Nam về sau này.

Khi phần giới thiệu đã qua, hai phái đoàn bắt đầu chính thức thảo luận theo chương trình nghị sự. TT Johnson vẫn chủ tọa cuộc họp như thường lệ. Phong cách của ông thật linh hoạt. Nếu quả thật ông không còn tin tưởng hoàn toàn vào các nỗ lực can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam thì trong buổi họp hôm đó vẫn chưa ai nhận thấy có bất kỳ cử chỉ nào đáng ngờ. Ông quay về hướng các cố vấn và phụ tá vây quanh, đưa ra những câu hỏi, hỏi sâu thêm vào chi tiết và ra lệnh trong vẻ vững vàng của một vị nguyên thủ hoàn toàn tự chủ. Tuy lần này ông không còn dùng những câu thành ngữ khó hiểu như lần họp trước, TT Johnson vẫn đòi hỏi những thành quả cụ thể và cấp tốc.

Chỉ có một người duy nhất dường như không bị những cách trình bày cả quyết của Tổng Thống Johnson ảnh hưởng tí nào là Bộ Trưởng McNamara. Ông im lặng một cách vô cùng lạ kỳ và quên cả ghi chép vào những tờ giấy ghi chú màu vàng nho nhỏ như thường lệ. Thái độ trầm tư của ông thật là khó hiểu. Thực sự thì lúc đó tôi cũng không để ý nhiều đến thái độ trầm tư của ông. Mãi về sau này chúng tôi mới biết vị Bộ Trưởng Quốc Phòng đã nghi ngờ những nỗ lực can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Ở Guam, cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều có vẻ tự tin và hòa nhập dễ dàng với những người lãnh đạo Hoa Kỳ hơn bất kỳ lúc nào trước đây. Họ đã nắm quyền trong suốt hai năm trời và ở một mức độ nào đó đã trưởng thành trong khi làm việc. Hơn nữa, chỗ đứng của họ lại vững vàng hơn trước. Dĩ nhiên là vững vàng hơn nhiều so với lúc còn ở Honolulu, khi họ vẫn còn đang phải nỗ lực để tự tạo uy tín riêng. Hiện giờ, mới chỉ hơn một năm sau, họ đã có thể tuyên bố rằng mình đã chu tất lời hứa khi công bố hiến pháp và dàn xếp sửa soạn cho cuộc bầu cử toàn quốc. Đây là một giây phút hãnh diện cho họ nói riêng và cho toàn thể Việt Nam nói chung.

TT Johnson đón nhận những thành quả của Việt Nam thật nồng nhiệt. Ông có vẻ vẫn chú tâm vào cả hai phương diện: Về yếu tố nhân sự cũng như về chính trị toàn cầu. Ông thật khác với những người như Ngoại Trưởng Rusk, Bộ Trưởng McNamara. Những người này chỉ chú tâm đến những sách lược toàn cầu hơn là về bất cứ điều gì khác. Theo tôi thấy thì có lẽ trong thâm tâm tổng thống Johnson, những vấn đề có liên quan đến yếu tố nhân sự vẫn chiếm lĩnh phần lớn. Ở Honolulu ông đã tiếp xúc với ông Thiệu và ông Kỳ mặt đối mặt và kết cục đã quyết tâm giúp đỡ người Việt.

Cá tính này bộc lộ rõ rệt ở cuộc họp thượng đỉnh ở Guam khi quan hệ giữa ông và hai ông Thiệu, Kỳ ngày càng tiến triển. Cả chính cá nhân tôi cũng đã có lần được tổng thống Johnson chú tâm. Một lần, trong khi đang dùng bữa trưa, ông đã hỏi tôi có liên hệ gì với đặc sứ Bùi Viện, một đặc sứ được vua Tự Đức gửi sang Hoa Kỳ vào thời gian Tổng Thống Ulysses S. Grant hay không. Đầu tiên tôi không nhận rõ được là ông Johnson đang nói về ai nhưng sau ba bốn lần lập lại, tôi đã trả lời rằng giữa tôi và đặc sứ Bùi Viện thật chẳng có liên hệ gì cả. Đặc sứ Bùi Viện được Tổng Thống Ulysses S. Grant tiếp đón nhưng không được ủng hộ. Tôi cũng nói thêm rằng tôi là chắt nội của đặc sứ Bùi Dỵ, còn có tên là Bùi Ân Niên, cũng là đặc sứ cùng thời với đặc sứ Bùi Viện nhưng lại được cử làm đặc sứ sang Trung Hoa vào thời đó. Tổng thống Johnson có vẻ thất vọng nhưng cũng đề cập ngay trong buổi họp rằng chắc chắn tôi sẽ được nhiều may mắn hơn vị đặc sứ khi trước.

Điều làm tôi chú ý là việc Tổng Thống Johnson đã bỏ thời giờ cho lệnh các nhân viên thuộc cấp xem xét lai lịch của cả đến những nhân viên phụ tá của ông Thiệu và ông Kỳ để thiết lập những mối liên hệ cá nhân. Đây là cá tính nổi bật của Tổng Thống Johnson. Khi bàn luận với ông, tôi biết rằng mình đang bàn luận với một người nhìn vấn đề đặt trên quan niệm nhân sự. Bất kể ông thành bại ra sao, lúc nào tổng thống Johnson cũng quan niệm thất bại dựa trên phương diện nhân sự. Dù cho tầm mức cần thiết của quyết định thực sự quan trọng đến mức nào, ông vẫn bị ám ảnh nếu những quyết định này đưa đến hậu quả đau khổ cho người khác. Khi đã hiểu rõ cá tính của Tổng Thống Johnson, tôi cảm thấy có cảm tình với ông. Ngay cả sau khi ông đã rời Tòa Bạch Ốc, tôi vẫn giữ mối giao hảo với ông.

Trong suốt cuộc họp, chỉ có một tin xấu làm lệch lạc các chính sách xây dựng nông thôn là vấn đề khó khăn trong nỗ lực kiểm soát miền quê và kêu gọi nông dân hợp tác với chính phủ. Tại những vùng ở miền Trung, phẫn uất đối với chánh quyền Sài Gòn vẫn còn nhiều. Vì thế Việt Cộng đã tìm được cơ hội lợi dụng ở rất nhiều nơi. Tại những miền này và vài nơi khác Cộng Sản đã cố mở rộng ảnh hưởng và cố nắm phần chủ động, mặc dù mỗi lần chạm mặt, Việt Cộng vẫn bị đập tan không còn manh giáp.

Những tiến triển về xây dựng nông thôn không được khả quan cho lắm vì một phần lỗi lầm dẫn đến tình trạng này là do những hành động sai lầm của quân đội MNVN. Tuy quân số của quân đội Việt Nam đã tăng cường rất nhiều vào năm trước đây, việc huấn luyện những tân binh vào quân đội vẫn chưa hoàn toàn thành công. Một yếu tố quan trọng khác là do sự phân định trách nhiệm không được rõ rệt giữa quân đội chính qui và các lực lượng địa phương quân, nhất là giữa các đơn vị Hoa Kỳ và các đơn vị Việt Nam. Thường thì quân đội Việt Nam được lệnh phối hợp với quân đội Hoa Kỳ, nhưng khi đi vào chi tiết thì mọi việc hoàn toàn lộn xộn. Theo ông Robert Komer thì: "[Tình trạng khó khăn là] do hậu quả của sự thiếu phối hợp. Thay vì phối hợp thì các đoàn thể lại tranh chấp những phương tiện khan hiếm cho riêng tổ chức của mình. Thế là thay vì tìm cách hợp tác các đoàn thể lại tìm cách tranh chấp, cản trở lẫn nhau."

"Cản trở lẫn nhau" quả là cách diễn tả xác thực tình trạng ở Việt Nam lúc đó. Những công chức Việt Nam chưa hiểu rõ nhiệm vụ của mình thường được thượng cấp cho lệnh phối hợp hoạt động cùng các nhân viên Hoa Kỳ. Nhưng phối hợp với những nhân viên Hoa Kỳ nào? Có quá nhiều các cơ quan Hoa Kỳ cùng hoạt động ở miền quê. MACV, USAID, JUSPAO, CIA, DIA. Đó chỉ mới là danh sách sơ lược của một vài cơ quan. Thường thì các hoạt động cứ chồng chất lên nhau và lập lại y khuôn những hoạt động trước. Rồi thì các cơ quan bỏ ra hầu hết thời giờ để đối phó với nhau. Xây Dựng Nông Thôn là bổn phận và trách nhiệm của mọi người, nhưng rút cục chẳng phải là bổn phận và trách nhiệm của ai cả.

Cuộc họp thượng đỉnh ở Guam đương đầu với vấn đề cản chân dây chuyền bằng cách đề cử ông Robert Komer điều hành trông coi toàn thể mọi nỗ lực Xây Dựng Nông Thôn. Ông và tướng Nguyễn Đức Thắng được giao phó nhiệm vụ xếp đặt cho có qui củ những chương trình khác biệt. Lúc này, chương trình Xây Dựng Nông Thôn được soạn thảo để áp dụng ngay sau khi cuộc bầu cử Tổng Thống của Việt Nam chấm dứt. Chương trình Xây Dựng Nông Thôn nhằm mục đích tạo cho Việt Nam một thế đứng trong tương lai để có thể tự lực cánh sinh, khỏi cần đến quân đội Hoa Kỳ. Và nếu có cần thì cũng chỉ cần viện trợ kinh tế mà thôi.

Trên phương diện này, cuộc họp ở Guam đã khởi đầu chính sách "Việt Nam Hóa Chiến Tranh", một chánh sách mà hai năm sau Tổng Thống Nixon sẽ chánh thức áp dụng. Tuy thế, vào tháng 3 năm 1967, vẫn chưa ai nghe gì đến danh từ "Việt Nam Hóa Chiến Tranh." Lúc này, tên của các chương trình có liên quan đến chiến cuộc vẫn là "Chiến Tranh Ăn Mòn" ("war of attrition") hoặc "Tia Sáng Cuối Đường Hầm." Vì vẫn chưa ai biết rõ thời điểm kết thúc của chiến cuộc Việt Nam mà chính quyền Johnson lại muốn có thành quả rõ rệt nên Hoa Kỳ đã chuyển viện trợ cho Việt Nam cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự. Nỗ lực viện trợ của Hoa Kỳ thay đổi là vì họ muốn thấy thành quả một cách rõ rệt. Nếu chưa thể có những thành quả đáng kể về mặt quân sự thì ít ra chính phủ Hoa Kỳ cũng muốn thấy rằng sự ủng hộ của họ đã mang lại thành quả trên những lãnh vực khác chẳng hạn như kinh tế hoặc chính trị. Nói một cách rõ hơn thì Hoa Kỳ đã bắt đầu sốt ruột.

Chúng tôi cũng đã bàn bạc riêng với nhau về các vấn đề khó khăn. Mặc dù chưa có dấu hiệu gì rõ rệt cho thấy rồi đây Hoa Kỳ sẽ rút lui, tôi đã cố khuyên nhủ cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ về việc cần thiết phải sửa soạn trước tình trạng nội bộ của Việt Nam để phòng bị trường hợp phải đối phó với sự rút lui của Hoa Kỳ.

Nếu bảo rằng đây là những vấn đề đã chiếm lĩnh đầu óc chúng tôi khi đến họp ở Guam thì cũng không hoàn toàn đúng hẳn. Những suy nghĩ của chúng tôi, hoặc ít ra là của riêng tôi, hoàn toàn được dựa trên những điều mà tôi cho là thận trọng tối thiểu và hữu lý. Sau cuộc họp tất cả đều cho rằng đây là một cuộc họp với kết quả khả quan, tuy rằng nhận xét này vẫn có vẻ đúng cho phái đoàn Việt Nam hơn là cho phái đoàn Hoa Kỳ. Hoa Kỳ hứa sẽ tiếp tục viện trợ và tham khảo ý kiến Việt Nam trong mọi biến chuyển liên quan đến những đề nghị đàm phán hòa bình của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant. Chúng tôi vô cùng hài lòng khi thấy Hoa Kỳ có ý nhấn mạnh các chương trình Xây Dựng Nông Thôn. Nếu chúng tôi có lo lắng thì cũng chỉ là lo lắng cho những cuộc bầu cử sắp đến của Việt Nam mà thôi. Tại Việt Nam lúc này cuộc bầu cử đã đi đến giai đoạn tổng tuyển cử toàn quốc. Chỉ còn vẻn vẹn 5 tháng trước khi cuộc tổng tuyển cử bắt đầu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được tự do bầu cử Tổng Thống. Khi cuộc họp ở Guam kết thúc, ông Thiệu và ông Kỳ đã bắt đầu sửa soạn các chiến dịch vận động. Vì đã quen với sự hiện diện của tôi sau nhiều năm cộng tác ròng rã, hai ông Thiệu, Kỳ đã quên rằng tôi nay đã làm đại sứ và không còn là một nhân vật trong chánh phủ Sài Gòn nữa. Họ mời tôi cùng lên đường về nước. Vào lúc đó, tôi cũng vừa nhận được một lời mời khác của Tổng Thống Johnson. Ông muốn tôi cùng bay chung chuyến bay với ông về Hoa Thịnh Đốn. Đây là một cử chỉ thân thiện của ông. Do đó vào ngày 21-3, tôi chia tay các bạn bè VN để tháp tùng đoàn tùy tùng của TT Johnson trên chuyến bay riêng của ông ngược về hướng đông.

Chiếc phi cơ phản lực Air Force One được trang trí một cách hết sức tỉ mỉ. Con dấu Tổng Thống dường như được khắc vào tất cả mọi vật, kể cả từ khăn tay, gạt tàn thuốc cho đến những bộ dao nhỏ. Tôi vừa an vị trên chuyến bay thì một nhân viên đến mời tôi đến khu dành riêng của Tổng Thống để cùng ông xem phim. Tôi đến Cabin vào lúc Tổng Thống Johnson đang nằm dài trên chiếc ghế nghỉ cùng với các ông Rusk, McNamara và Rostow ngồi quanh chiếc Sofa bao quanh. Tôi ngồi chung vào với họ và chúng tôi cùng xem một cuốn phim tài liệu ngắn.

Cuốn phim trình bày vấn đề Trung Quốc đang sửa soạn để trở thành một cường quốc nguyên tử, nhưng tôi thấy mình không quan tâm vào màn ảnh bằng quan tâm đến những người đang ngồi xem phim. Tổng Thống Johnson ngồi xem thật trầm tư và phát biểu rất ít. Tôi tự hỏi không hiểu ông đang nghĩ gì và đoán rằng nếu ông đang suy tư về "yếu tố Trung Hoa" trong phương trình chiến cuộc Việt Nam thì có lẽ ông cũng không xem nhẹ Trung Hoa cho lắm. Tôi cũng suy nghĩ về những giới hạn Tổng Thống Johnson tự đặt ra khi cho lệnh phát động chương trình oanh tạc Bắc Việt. Giới hạn chương trình oanh tạc được đưa ra chẳng qua cũng chỉ để tránh khiêu khích Trung Hoa nhảy vào cuộc. Lúc này, chưa một ai trong chúng tôi có thể đoán trước được rằng chỉ độ vài năm sau, hai nước Xã Hội Chủ Nghĩa đang đậm đà trong một tư thế liên minh chính họ đã gọi là "Môi với Răng" lại có thể trở thành thù địch.

Chín giờ sau, máy bay đáp xuống căn cứ không lực Andrew bên ngoài Hoa Thịnh Đốn. Từ nơi này, chúng tôi lên trực thăng để đáp xuống bãi cỏ phía sau Tòa Bạch Ốc. Tại tòa đại sứ, vào ngày hôm sau, đúng với lệ thích lưu lại kỷ niệm của người Hoa Kỳ, tôi nhận được một tấm khung lồng bản ghi rằng tôi đã cùng Tổng Thống Johnson bay qua biển Thái Bình Dương trên chuyến bay Air Force One.

Gọng Kềm Lịch Sử
23. Khung Cảnh Hậu Trường

Khung cảnh yên tĩnh ở Hoa Thịnh Đốn vào cuối tháng 3 năm 1967 thực là phù hợp với tâm trạng phấn khởi của chúng tôi khi từ Guam trở về. Ở Hoa Kỳ lúc này những phong trào phản chiến vẫn tiếp diễn và ngày càng lan rộng, nhất là ở các khuôn viên đại học. Những Thượng Nghị Sĩ chống đối chiến tranh Việt Nam điển hình nhất trong lúc này là những Thượng Nghị Sĩ của đảng dân chủ như các Thượng Nghị Sĩ Morse, Church, McGovern và Fullbright. Tuy các cuộc chống đối đang lan rộng nhưng trong cuộc bầu cử quốc hội Hoa Kỳ năm 1966 đa số các dân biểu và thượng nghị sĩ của đảng Dân Chủ vẫn thắng cử ở cả Hạ lẫn Thượng Viện và thời hạn nhiệm kỳ của Tổng Thống Johnson hãy còn dài. Vào thời gian này vẫn chưa ứng cử viên nào khác có đủ uy tín để có thể đứng ra tranh cử với Tổng Thống Johnson. Riêng về vấn đề ủng hộ Việt Nam thì tuy Hoa Kỳ không còn ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ như những lúc trước đây nhưng tầm mức ủng hộ lúc này vẫn đủ để tổng thống Johnson có thể thuyết phục quốc hội đổ thêm quân vào Việt Nam, lần này với con số 470,000.

Những bản lượng định tình hình chính trị tôi gửi về Sài Gòn vào lúc này bao gồm tất cả những điều tôi tổng kết sau những buổi thảo luận của tôi với cả giới báo chí lẫn chính quyền Hoa Kỳ. Gần như chẳng ngày nào là ngày tôi không bàn luận với các ký giả kỳ cựu của giới báo chí. Trong thời gian này, tôi đã tiếp xúc với các ký giả Joseph Kraft và Murray Marder, ký giả của tờ Washington Post; Tom Wicker, Hedrick Smith và Neil Sheehan, ký giả của báo New York Times; Crosby Noyes, ký giả của Washington Star và anh em ký giả Kalb, lúc đó đang làm việc cho CBS. Quan niệm của họ phản ảnh một phạm trù ý kiến chính trị thật là bao quát. Những cuộc gặp gỡ với các ký giả thật là có ích. Trong số những ký giả tôi đã tiếp xúc cũng có vài người bị chỉ trích rằng họ đã chú tâm quá đáng vào các vấn đề của Hoa Thịnh Đốn và vì vậy những cái nhìn của họ đôi khi thiển cận, nhưng phần nhiều thì những nhận xét của các ký giả vẫn thật là vô giá đối với tôi.

Dư luận thường cho rằng nếu cứ chú ý đến các ý kiến của các ký giả thì người nghe thường khó tránh khỏi bị chủ kiến của họ ảnh hưởng. Chuyện thật không hẳn là vậy. Đã đành rằng các ký giả quả có chủ kiến, nhưng người nghe vẫn có thể phân tích vấn đề để tránh bị các chủ kiến đó ảnh hưởng. Hơn nữa, những câu chuyện của giới báo chí biết lại thường là những tin tức ít người biết đến. Đã nhiều lần những câu chuyện của họ khiến tôi phải suy nghĩ những việc tôi chưa hề biết đến, hoặc phải duyệt lại những điều mà tôi cho là đúng chắc rồi.

Đối với những ký giả có thiên kiến hoàn toàn lệch lạc với cuộc chiến Việt Nam chẳng hạn như các ký giả Anthony Lewis và Mary McGrory thì tuy tôi vẫn nhận định rằng họ cũng là một phần quan trọng của cuộc sống chính trị, nhung tôi không hề thấy có nhiệm vụ phải tiếp xúc với họ bao giờ. Dĩ nhiên chẳng phải tất cả các phóng viên báo chí đều phải chống chiến tranh, nhưng đa số họ đều là những người lúc nào cũng nghi ngờ tất cả những tin tức của các chánh phủ bất kể là chánh phủ Hoa Kỳ hay chánh phủ Việt Nam. Bản tính đa nghi thường khiến họ tự nhìn vấn đề qua lăng kính riêng của họ và tự bỏ qua những điều họ cho là không đi đôi với những điều họ thấy. Đôi khi họ còn tự xem mình là những nguồn tiên tri cho cuộc chiến Việt Nam. Tôi thường tự hỏi chẳng hiểu sao họ lại có thể quá chủ quan đến mức như vậy? Đa số các đại sứ ngoại quốc ở Hoa Thịnh Đốn rất ít khi được tiếp xúc với Tổng Thống Hoa Kỳ. Những dịp gặp gỡ nếu có cũng thường chỉ là vào khi có một vài buổi tiệc hàng năm. Chính ngay cả trong những dịp gặp gỡ này, cuộc tiếp xúc cũng không vượt qua khuôn khổ của những cái bắt tay. Phần nhiều các đại sứ đều làm việc thường xuyên với các nhân viên phụ tá Ngoại Trưởng. Tuy thế, vì chiến cuộc Việt Nam là một vấn đề trầm trọng nên trường hợp của tôi lại hoàn toàn khác hẳn. Tôi đã có dịp bàn luận với Tổng Thống Johnson ở cuộc họp thượng đỉnh, sau đó lại có dịp tiếp xúc với ông nhiều hơn khi tôi cùng bay với ông về Hoa Thịnh Đốn.

Vào ngày 19 tháng 4, mới chỉ vẻn vẹn bốn tuần sau hội nghị thượng đỉnh ở Guam, tôi lại được gặp tổng thống Johnson thêm một lần nữa. Lần này tôi được mời tham dự cuộc họp SEATO, một cuộc họp kín mời hầu hết các ngoại trưởng và đại sứ của Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Hồi Quốc, Thái Lan, Phi Luật Tân, Anh Quốc và Việt Nam. Cuộc họp cấm hẳn các phóng viên báo chí. Tôi đã biết đây chỉ là một buổi họp nặng phần nghi lễ và chỉ nhằm mục đích nhấn mạnh sự quan tâm của Tổng Thống Johnson về các vấn đề Á Châu. Vì vậy tôi cho rằng đây là một buổi họp không quan trọng.

Trong buổi họp ở Tòa Bạch Ốc hôm đó, trông Tổng Thống Johnson hoàn toàn phấn khởi. Ông mới trở về sau chuyến du hành Nam Mỹ. Chuyến đi thoải mái đã mang lại cho ông nhiều sinh lực. Ông đề cập đến những vị trí quan trọng trong chiến lược Đông Nam Á. Tuy tổng thống Johnson chưa đi thẳng vào vấn đề nhưng hẳn nhiên ông đã gián tiếp nói về Việt Nam. Cũng vào chiều đó, tôi đã sắp xếp một buổi họp khác ở sứ quán Việt Nam và cần phải quay về để sửa soạn. Lúc này tôi chỉ mong cuộc họp sớm chấm dứt nên những lời bình luận tổng quát của Tổng Thống Johnson đã khiến tôi cảm thấy vô cùng sốt ruột.

Bỗng nhiên, khi cuộc họp gần kết thúc thì lại có một tùy viên đến đưa cho tôi mảnh giấy nhỏ nói rằng Tổng Thống có ý muốn gặp tôi và Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ ngay sau cuộc họp. Trên đường đến văn phòng tổng thống, cả cụ Đỗ lẫn tôi đều vừa bỡ ngỡ, vừa tò mò lại vừa lo lắng chẳng hiểu có chuyện gì. Chúng tôi đoán chắc đã hẳn sẽ phải có chuyện gì khác thường! Khi cụ Đỗ hỏi tôi, tôi đã than rằng: "Lẽ ra đây phải là câu hỏi của tôi mới đúng! Ông vừa từ Sài Gòn sang, ông có thấy chuyện gì khác thường bên đó không? Có thể lại có biến chuyển gì rắc rối về vụ Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant nữa không?"

Chúng tôi vào văn phòng tổng thống đúng lúc Tổng Thống Johnson đang đàm đạo cùng Ngoại Trưởng Dean Rusk. Chúng tôi vừa vào thì Ngoại Trưởng Rusk kéo ngay ông Đỗ về một bên và Tổng Thống Johnson dẫn tôi đi về phía bàn giấy của ông. Ông quàng vai tôi chẳng khác nào đang khuyên nhủ một người bạn thân. Ông cúi xuống như để cố giảm bớt phần nào khoảng cách giữa chiều cao vượt khổ của ông và chiều cao của tôi rồi nói nhỏ rằng ông đã được báo cáo về cuộc bầu cử Tổng Thống của Việt Nam và cả về ông Thiệu lẫn ông Kỳ. Tổng Thống Johnson phân trần: "Ông xem, dĩ nhiên tôi nào phải là người có quyền phán đoán liệu xem ông Thiệu hoặc ông Kỳ mới là ứng cử viên xứng đáng. Theo tôi thì cả hai đều xứng đáng, nhưng xin ông nhắn họ rằng dù thế nào đi nữa, họ phải cố gắng giữ cho được sự ổn định chính trị ở trong nước. Vấn đề này vô cùng quan trọng."

Sự quan tâm của Tổng Thống Johnson về những vấn đề tranh chấp giữa ông Thiệu và ông Kỳ thật đã rõ rành rành. Ông Già (biệt danh của Tổng Thống Johnson) đã có quá nhiều gánh nặng trên vai rồi. Thế mà giờ đây ông lại phải quàng thêm một gánh nặng nữa tuy việc hoàn toàn không phải do lỗi nơi ông. Tôi cảm thấy cực kỳ hổ thẹn khi Tổng Thống Johnson trình bày vấn đề. Tuy vậy tôi cũng nói rằng tôi hiểu rõ những điều ông lo và sẽ cố hết sức chuyển lời nhắn của ông về Sài Gòn.

Trên đường quay về Tòa Đại Sứ, lúc đi xe chung với cụ Đỗ, chúng tôi lại cùng nhau bàn luận. Tôi hỏi cụ Đỗ chẳng hiểu tình hình Sài Gòn đã thật sự gay đến độ phải đặt vấn đề như Tổng Thống Johnson hay chưa, cụ Đỗ trả lời rằng theo ý cụ thì chưa. Cụ Đỗ cho biết rằng ở Sài Gòn lúc này dư luận đã đồn đãi rất nhiều về vấn đề những tướng lãnh nào sẽ ra tranh cử Tổng Thống. Có thể trong số các tướng lãnh đã có người có hành động khả nghi khiến cho Hoa Kỳ nghi rằng sẽ có đảo chánh. Cụ Đỗ cho rằng cho dù ông Thiệu và ông Kỳ có tranh chấp dữ dội đến độ nào đi nữa thì cả hai cũng đều hiểu rõ những trách nhiệm của mình. Vấn đề có đảo chánh ở Việt Nam thật khó thể xảy ra.

Nhưng những nhận định của cụ Đỗ vẫn chẳng làm tôi an tâm thêm chút nào. Tôi biết Tổng Thống Johnson chỉ mang vấn đề ra khi ông đã nhận được tin tức rõ rệt qua những cơ quan của Hoa Kỳ. Tuy thế ngoài cách nhắm mắt chuyển tin về Sài Gòn chúng tôi chẳng còn biết làm gì hơn. Chúng tôi cùng đồng ý rằng khi trở về Việt Nam, cụ Đỗ sẽ trình bày rõ ràng tất cả những điều Tổng Thống Johnson nhắn nhủ. Mặt khác, vì những liên hệ gần gũi giữa tôi và hai người lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, tôi sẽ cố gắng gặp riêng họ để tường trình khi có dịp trở về Sài Gòn. Ít lâu sau, cụ Đỗ trở lại Sài Gòn. Hẳn nhiên là những lời tường trình của cụ đã có ảnh hưởng lập tức, vì ngay sau khi cụ trở lại tôi có nhận được một bức điện tín của Thủ Tướng Kỳ mời tôi về nước để tham khảo ý kiến. Tuy thế nhưng vì lời mời đến ngay giữa lúc tôi đang dở dang thiết lập những mối liên lạc ở Hoa Thịnh Đốn nên tôi chưa thể lập tức trở về. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng lời yêu cầu của ông Kỳ cũng không lấy gì làm khẩn thiết. Vả lại, biết đâu cứ để thời gian cho ông Kỳ và ông Thiệu suy nghĩ lại chẳng là một ý kiến hay? Trong khi đó, Tướng Westmoreland đã đến Hoa Thịnh Đốn để tường trình trước quốc hội. Tôi viện vào biến cố này để ở lại Hoa Thịnh Đốn lâu hơn. Tôi nói với Sài Gòn rằng tôi cần ở lại quan sát phản ứng của quốc hội cùng dân chúng khi tướng Westmoreland chánh thức trình bày các bản báo cáo của ông. Tôi cũng muốn xem liệu Ngũ Giác Đài sẽ phản ứng ra sao với lời yêu cầu đổ quân tăng viện mới đây của tướng Westmoreland.

Khi tôi trở lại Sài Gòn thì trời đã vào cuối tháng năm. Lúc này mọi người đã biết rõ rằng cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều đứng ra tranh cử Tổng Thống. Lúc này chỉ còn một tháng nữa là hết hạn bầu cử nên cả các chính trị gia lẫn dân chúng ở Việt Nam đều hết sức chú tâm vào cuộc bầu cử. Ngoài hai ông Thiệu, Kỳ, còn có nhiều chính khách dân sự khác tuyên bố tranh cử. Nếu cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều tranh cử, số phiếu bị chia rẽ có thể sẽ đưa phần thắng đến cho một ứng cử viên dân sự. Lúc này, mọi người quan tâm đến cuộc bầu cử đến độ gần như chẳng ai để ý đến những biến chuyển quân sự đang diễn ra ngoài chiến trường. Dường như chẳng ai buồn để ý đến những cuộc đụng độ đang diễn ra dọc theo suốt mạn biên giới miền Trung.

Hầu hết ở khắp mọi nơi, đề tài bàn tán dường như chỉ là những vấn đề mâu thuẫn của hai giới dân-quân sự. Trong số những chính khách dân sự ra tranh cử có cả cựu quốc trưởng Phan Khắc Sửu và cựu Thủ Tướng Trần Văn Hương. Bác sĩ Quát không ra tranh cử; vì là người Bắc mà lại chẳng có thế lực nào làm hậu thuẫn nên ông cảm thấy mình không có đủ cơ hội thắng cử. Tuy rằng danh tiếng của những chính khách dân sự đứng ra tranh cử vào lúc này đã bị mất đi phần nào vì những sự xích mích và thất bại của giới dân sự trong quá khứ, nhưng ảnh hưởng của họ đối với những người đi bầu chưa chắc đã hoàn toàn mất hẳn. Hơn nữa, tuy đất nước đã có được một sự sự ổn định tương đối trong hai năm qua khi hai ông Thiệu, ông Kỳ nắm quyền nhưng nhiều người vẫn cho rằng không nên bầu một vị tướng vào chức vị Tổng Thống. Và tuy giới quân nhân đang nắm quyền điều động cuộc bầu cử nhưng lúc này quân đội lại chia rẽ vì cả hai ông Thiệu, Kỳ cùng đều ra tranh cử. Tôi về Sài Gòn vào đúng giữa lúc dư luận đang sôi nổi về vấn đề bầu cử.

Vào cuối tháng 5, những nhóm ủng hộ ông Thiệu và những nhóm ủng hộ ông Kỳ đã bắt đầu đụng độ một cách gay cấn. Ngoài mặt thì uy tín của ông Thiệu vẫn kém xa ông Kỳ. Vì là một nhân vật trẻ tuổi, ông Kỳ được một nhóm tướng tá trẻ đầy năng lực ủng hộ. Nhiều người trong nhóm các tướng tá trẻ cũng là người Bắc như ông Kỳ. Hơn nữa, vì là Thủ Tướng, ông Kỳ đã nắm gọn trong tay hầu hết mọi đầu dây uy quyền. Chẳng hạn như chính ông là người điều hành tất cả các cơ quan điều hành Bộ Nội Vụ và Bộ Thông Tin, trông coi việc phát thanh, truyền hình, điều hành các guồng máy cảnh sát, Công An, các lực lượng quân đội quanh thành phố. Ông Kỳ lại còn là Tư Lệnh Không Quân đứng đầu điều động cả toàn bộ không quân.

Trái lại, lực lượng của ông Thiệu lại gần như chẳng có gì cả. Ông tỏ ra là một nhân vật đứng đắn, vô cùng tự chủ và đối nghịch gần như hoàn toàn với cá tính hay chơi trội và phát biểu ẩu tả của ông Kỳ. Vì tôi là người Bắc nên nhiều người đã cho rằng tôi đứng về phe ông Kỳ. Chính ông Kỳ lại là người đã đưa tôi vào chính phủ. Hơn nữa, tôi đã từng là phụ tá đặc biệt của ông Kỳ trong gần suốt cả hai năm vừa qua. Đối với những dư luận hành lang đang sôi sục của Sài Gòn thì tuy là đại sứ của Việt Nam, tôi chính là một người thân tín của riêng ông Kỳ. Những người đồn đãi cho rằng tôi trở về Sài Gòn lúc này không nhằm mục đích gì hơn là để cố vấn và chuyển những lời ủng hộ của Hoa Thịnh Đốn về cho ông Kỳ.

Việt Nam thật không thể tin rằng Hoa Kỳ lại đứng vào cương vị trung lập trong cuộc bầu cử Tổng Thống lúc này. Họ nghĩ rằng Hoa Kỳ chắc chắn đang nỗ lực vận động ngấm ngầm sau hậu trường để ủng hộ cho ứng cử viên của riêng họ (Lại có "Bàn Tay Lông Lá của CIA" nhúng vào vụ này). Sự hiện diện của tôi ở Sài Gòn đã cho thấy rõ rệt ứng cử viên nào được Hoa Kỳ ủng hộ.

Riêng tôi vẫn cố giữ những ý nghĩ cá nhân cho riêng chính mình. Việc tôi quả thật một phần nào có hy vọng ông Kỳ thắng cử tuy đúng nhưng hoàn toàn là do những lý do khác hẳn những lý do mà dư luận đã buộc cho tôi. Vì đã có thời gian cộng tác gần gũi với ông Kỳ trong những hoạt động chính quyền, tôi tin rằng ông Kỳ là người chịu nghe lời thuyết phục. Ông Kỳ vốn là một nhân vật trẻ, háo động, dễ mến và ít kinh nghiệm về những hoạt động của chính phủ trên nhiều phương diện, nhưng ông cũng học hỏi rất nhanh và chịu khó nghe những ý kiến mới. Hơn nữa ông lại có cá tính can trường; ông có vẻ có tư phong của một người hùng. Thành ngữ ta có câu: "Điếc không sợ súng." Về một phương diện nào đó thì có lẽ ông Kỳ quả là "người điếc không sợ súng". Ông có thể chấp nhận thử thách mà không cần suy nghĩ nhiều về những hậu quả của sự thất bại. Chính ông Kỳ đã chấp nhận những quan niệm Hiến Pháp và cải cách xã hội trong những bài diễn văn đọc ở cuộc họp Thượng Đỉnh tại Honolulu, trong khi ông Thiệu lại là người luôn luôn trì hoãn đòi sửa đổi hết khoản này đến khoản khác.

Trong hai người thì ông Thiệu là người khó đối phó hơn. Ông Thiệu là người đa nghi và hay ngấm ngầm tính toán. Rất ít người có thể tin tưởng hoặc cộng tác gần gũi với ông Thiệu. Nếu đại sứ Bunker và tướng Westmoreland cho rằng những cá tính của ông Thiệu là những cá tính của một người tự chủ và biết suy xét thì tôi lại cho rằng những cá tính đó là những nhược điểm vì thiếu quyết đoán và do dự. Ông Thiệu có thể gật đầu khi trong bụng ông nghĩ trái lại. Tuy là người vô cùng kiên nhẫn và chịu khó, ông Thiệu không phải là một người có tầm mắt rộng lớn, có thể vượt được lên trên những mưu mô của một người làm chính trị tầm thường để trở thành một nhân vật cái thế. Bẩm chất của ông là thận trọng. Lúc nào ông cũng tìm hiểu mọi khía cạnh của vấn đề. Lúc nào ông cũng lý luận với đầy đủ mọi chiều hướng và lúc nào ông cũng tránh né để khỏi phải giải quyết trực tiếp các vấn đề.

Đã đành rằng ông Kỳ có tật phát biểu không thận trọng và hay hành động thất thường nhưng những lý do khiến tôi mong mỏi ông Kỳ thắng cuộc phần nhiều là do những nhận định kể trên. Tuy thế, ngoài mặt tôi vẫn hoàn toàn im lặng, đồng ý để mọi người bàn ra tán vào tất cả những điều họ để tâm suy nghĩ. Khi về Sài Gòn, tôi tường thuật lại với ông Kỳ về cuộc nói chuyện với Tổng Thống Johnson và về tình hình ở Hoa Thịnh Đốn nói chung. Một trong những điều tôi đề cập là vấn đề khuynh hướng ủng hộ của người dân Hoa Kỳ đã bắt đầu đi xuống. Tôi tường thuật lại những cuộc biểu tình, những cuộc trưng cầu dân ý và những chống đối của các sinh viên đại học ở Hoa Kỳ và những cuộc thăm dò của tôi với các nhân viên ngoại giao. Tôi cũng trình bày thật rõ rằng Hoa Thịnh Đốn đang lo những biến chuyển tranh cử ở Việt Nam có thể đưa đến những diễn biến bất lợi khiến quân đội Việt Nam chia rẽ và trở thành hai nhóm thù nghịch.

Tối đó ông Kỳ dẫn tôi đến Bộ Tư Lệnh không lực ở Biên Hòa để cùng dùng bữa tối với những nhân vật uy tín đang ủng hộ ông. Những nhân vật ở Bộ Tư Lệnh của ông Kỳ hôm đó bao gồm: Tướng Nguyễn Đức Thắng, Bộ Trưởng đặc trách chương trình Xây Dựng Nông Thôn; Tướng Nguyễn Bảo Trị, Bộ Trưởng Thông Tin; và tướng Lê Nguyên Khang, Tổng Tư Lệnh vùng thủ đô Sài Gòn. Tôi đã biết ông Kỳ nhất quyết đứng ra tranh cử và đối với ông và những người ủng hộ ông thì vấn đề chính chỉ là làm sao cho ông Thiệu phải bỏ cuộc.

Tôi cũng biết rằng sau nhiều cuộc tranh luận dằng co giữa hai phe, vài ngày trước đây tướng Thắng đã được chỉ định đứng ra làm áp lực khiến ông Thiệu phải tự mình bỏ cuộc. Tướng Thắng được chỉ định làm đại diện vì ông là một trong những người được Hoa Kỳ ủng hộ. Hơn nữa, hai ông Lansdale và Bob Komer, lại là đồng nghiệp của ông trong chương trình xây dựng nông thôn. Lời tướng Thắng do đó sẽ có tiếng vang hơn cả. Đã vậy, tướng Thắng lại còn có khả năng đặt vấn đề một cách ngắn gọn và trực tiếp.

Bởi vậy tướng Thắng đến gặp ông Thiệu và lạnh lùng nói thẳng với ông Thiệu rằng ngoài cách rút lui, ông Thiệu quả không còn cách nào khác để chọn lựa. Dĩ nhiên đây là một cuộc đụng độ gay cấn. Nhưng rút cục thì bất chấp những lời lẽ cộc lốc, rõ rệt của tướng Thắng, ông Thiệu đã trả lời rằng ông nhất định không chịu rút lui. Kể từ lúc đó, cục diện đã thay đổi rõ ràng thành hai phe và chẳng ai trong nhóm ông Kỳ biết phải hành động thế nào với phe đối nghịch. Đây là lý do chính khiến họ phải tham khảo ý kiến của tôi. Họ không trực tiếp nhờ tôi làm sứ giả giảng hòa, nhưng đứng trên cương vị của một đại sứ vừa từ Hoa Thịnh Đốn trở về, việc đã rõ ràng là dù sao đi nữa thì tôi cũng phải tới nói chuyện với ông Thiệu. Biết đâu tôi lại thuyết phục được ông trong cuộc nói chuyện cũng không chừng.

Ngày 25 tháng 5-1966, chỉ mới vài ngày sau đó, tôi đến gặp ông Thiệu nơi bàn giấy của ông ở Bộ Tổng Tham Mưu. Lúc này, ông Thiệu đang làm việc ở một văn phòng riêng nhỏ nhoi trông thật đơn độc. Đa số đồng nghiệp của ông đã về phe với ông Kỳ. Tôi báo cáo lại với ông Thiệu hệt như đã báo cáo với ông Kỳ trước đây. Tôi thuật lại cuộc nói chuyện giữa tôi và Tổng Thống Johnson và đưa ra nhận định của tôi về quan niệm của Hoa Thịnh Đốn, nhất là quan niệm sau khi Tướng Westmoreland đã báo cáo với quốc hội Hoa Kỳ vào cuối tháng 4. Chắc chắn ông Thiệu biết rõ thế nào tôi cũng đề cập đến những vấn đề khác nữa nên khi tôi vừa mới tường trình chung chung mọi việc xong thì ông đã bắt đầu nói về việc tranh cử.

Ông Thiệu nói rằng ông đã suy nghĩ kỹ càng mọi việc và đã tham khảo ý kiến của tất cả bạn bè. Ông đã quyết định đứng ra tranh cử và nhất định không chịu từ bỏ ý định. Ông Thiệu nói rằng đã đành tranh cử là vấn đề cam go, nhưng ông là người yêu nước và ông có quyền đứng ra tranh cử cũng như bao nhiêu người yêu nước khác. Ông nhất quyết không từ bỏ quyền tranh cử. Ông Thiệu nói rằng dù chỉ có hai phiếu bầu cho ông là của ông và bà Thiệu đi chăng nữa ông cũng vẫn đứng ra tranh cử. Ông đã quyết không thay đổi ý kiến.

Khi việc đã rõ ràng rằng chẳng có gì để nói thêm, tôi đứng dậy kiếu từ. Ông Thiệu bắt tay và ngỏ lời cám ơn tôi đã đến thăm ông. Ông nói thêm: "Ít nhất anh cũng không phải như hai thằng Thắng, thằng Trị." Đây là lời bình luận không mấy dấu diếm của ông Thiệu đối với những người ủng hộ ông Kỳ.

Sau khi đã thấy rõ cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều đứng ra tranh cử, tôi nán lại Sài Gòn thêm vài ngày, cố liên lạc với những đoàn thể chính trị khác để lượng định ảnh hưởng của toàn cuộc tranh cử. Tình hình chính trị ở Sài Gòn lúc này thật là hỗn loạn. Đây chỉ là mới nói một cách nhẹ nhàng. Ngoài hai viên tướng, còn có cả thảy 7 ứng cử viên dân sự. Những ứng cử viên dân sự lúc này cực kỳ phấn khởi vì những xích mích của các ứng cử viên quân nhân. Họ đang cố hết sức ngồi lại với nhau để làm tăng thêm uy tín. Đã có cả ứng cử viên ra tranh cử với lá phiếu hòa bình, ông Trương Đình Dzu vận động với những chủ trương mơ hồ rằng nếu thắng cử ông sẽ điều đình với Việt Cộng để xây dựng hòa bình. Ông Dzu nguyên là một nhân vật bướng bỉnh, một tay chạy chọt và là một tay buôn có tầm ảnh hưởng rộng chưa hề đứng ra tranh cử cho bất cứ chức vụ gì trước đây. Tuy không phải là một chính khách chuyên nghiệp, ông Dzu chính là một nhân vật thời cơ đã nhìn thấy một số phiếu hòa bình đang chờ đợi ông hay những ứng cử viên cổ võ hòa bình khác.

Lúc này ông Kỳ đã vận động đẩy mạnh những hoạt động tranh cử sơ khởi. (Mãi đến tận tháng 7 cuộc bầu cử chánh thức mới thực sự bắt đầu). Những chiến dịch vận động của ông Kỳ là do ông Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc cảnh sát đứng ra điều hành. Ở bất cứ nơi nào cũng có khẩu hiệu của ông Kỳ sơn trên khắp các bức tường: "Chánh phủ Nguyễn Cao Kỳ là chánh phủ của người nghèo." Ông Thiệu, trái lại, vẫn âm thầm xa rời, luôn luôn đi cùng những cố vấn riêng. Hình như ông Thiệu đang ra công đợi chờ ông Kỳ phạm phải một lỗi lầm nặng nề nào đó bằng những hành động thiếu suy nghĩ cách này hay cách khác.

Khi đã nhìn thấy rõ tình hình tranh chấp trong giới quân sự, tôi bắt đầu đi gặp thêm các chính trị gia khác. Một trong những ý kiến tôi được nghe khi đến gặp các chính trị gia trong chánh giới Sài Gòn là một liên danh của hai ông Thiệu, Kỳ sẽ là con đường chắc chắn dẫn đến một chánh phủ vững vàng. Bởi thế trước khi lên đường trở về Hoa Thịnh Đốn tôi có đến gặp lại ông Kỳ và hỏi thẳng thừng rằng liệu ông Kỳ có thể đứng chung một liên danh với ông Thiệu hay không? Ông Kỳ trả lời rằng không, chắc chắn chuyện vận động chung cùng với ông Thiệu là chuyện không bao giờ có thể xảy ra. Ông Kỳ cũng nhờ tôi nhắn với chánh phủ Hoa Kỳ là ông bảo đảm sẽ không có bất kỳ chuyện xáo trộn nào xảy ra và cuộc thay đổi từ chính quyền này sang chính quyền khác ở Việt Nam sẽ hoàn toàn êm đẹp.

Tôi trở về Hoa Thịnh Đốn, lòng tin tưởng vào lời hứa thành thật của ông Kỳ. Ông Kỳ đã hứa sẽ cố hết sức giữ đúng cả thể thức bầu cử lẫn sự đoàn kết trong quân đội. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa hoàn toàn chắc liệu ông có còn giữ được những ý định này khi phải thực sự đối phó với ông Thiệu vào ba tháng sắp tới hay không? Kết cục tôi chỉ biết chuyển lời hứa của ông Kỳ đến Bộ Ngoại Giao và Tòa Bạch Ốc. Một khi Hoa Kỳ đã nhận được lời nhắn của ông Kỳ thì có lẽ cả Tổng Thống Johnson lẫn Ngoại Trưởng Dean Rusk đều rất hài lòng, nhưng nếu nhìn vào những gì mới xảy ra ở Sài Gòn vào những thời gian gần nhất, tôi biết rằng lời hứa của ông Kỳ chưa chắc đã bảo đảm được tình trạng ổn định của Sài Gòn trong giai đoạn sắp tới. Vì vậy, lúc này tôi chỉ còn biết hy vọng hoặc nói đúng hơn là chỉ còn biết nguyện cầu cho mọi việc được hoàn toàn êm đẹp.

Gọng Kềm Lịch Sử
24. Cuộc Bầu Cử 1967

Đối với giới báo chí Hoa Kỳ thì tháng 6 và tháng 7, 1967 là những tháng chiến cuộc ở Việt Nam tương đối trầm lặng. Từ trước đến nay gần như lúc nào tin tức trong các trang đầu của những tờ báo Hoa Kỳ cũng là về cuộc chiến Việt Nam, nhưng lúc này những tin tức đăng trong trang nhất lại là những tin tức khác hẳn. Các tờ báo Hoa Kỳ bắt đầu đăng tin tức về Six Day War (Sáu Ngày Đụng Độ) của Trung Đông và tin tức về một cuộc họp bất ngờ của Tổng Thống Johnson với Thủ Tướng Nga Alexei Kosigin ở Glassboro, một tỉnh thuộc tiểu bang New Jersey. Kể từ lúc tôi bắt đầu làm đại sứ ở Hoa Kỳ cho đến nay thì có lẽ đây là khoảng thời gian nhàn nhất. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại có dịp được tạm nghỉ và không phải đối phó với những sự khó khăn thường xuyên. Có lẽ đây là một trong những cơ hội hiếm hoi cho phép tôi có được chút ít thời giờ để sinh hoạt bình thường như những đại sứ của các quốc gia khác.

Gia đình tôi đã dời căn apartment chật chội và dọn về một căn nhà nhỏ phía sau công viên Rock Creek của Hoa Thịnh Đốn. Lúc này vì nhà cửa đã có chỗ tiếp khách nên tôi và nhà tôi đã bắt đầu bắt tay vào việc tổ chức những buổi tiếp tân cần thiết cho công việc ngoại giao của tôi ở Hoa Thịnh Đốn. Chúng tôi thường tổ chức những buổi ăn trưa và ăn tối nho nhỏ ở tòa đại sứ rồi mời các dân biểu và Thượng Nghị Sĩ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đến tham dự. Lúc này, ở Hoa Thịnh Đốn, các dân biểu vẫn tranh luận sôi sục về cuộc chiến Việt Nam. Một số các dân biểu cho rằng Hoa Kỳ nên ủng hộ Việt Nam, nhưng một số khác lại cho rằng Hoa Kỳ không nên ủng hộ. Trong các buổi tiếp tân ở sứ quán Việt Nam, tuy các dân biểu vẫn chưa nhất loạt cho rằng Hoa Kỳ nên ủng hộ Việt Nam, nhưng nếu chỉ nói riêng về vấn đề thức ăn Việt Nam thì họ lại nhất loạt ủng hộ. Chẳng bao lâu sau chúng tôi đã nhận thấy ngay rằng tất cả các dân biểu đến sứ quán bất kể là dân biểu của đảng Dân Chủ hay dân biểu của đảng Cộng Hòa hình như cũng đều tận tình chiếu cố cho các món ăn Việt Nam.

Danh sách tiếp tân của sứ quán Việt Nam lúc này bao gồm Thượng Nghị Sĩ, dân biểu, nhân viên của các ủy ban, phóng viên báo chí, truyền thanh và những nhân viên trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Vì quốc hội Hoa Kỳ thường có những phiên họp bất thường nên những dân biểu và Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ là những người đến đi thất thường nhất. Ngoài những giờ giấc bất thường của quốc hội ra thì thỉnh thoảng những buổi tiếp tân của chúng tôi cũng bị các biến chuyển bất ngờ trên trường chính trị quốc tế làm gián đoạn, chẳng hạn như vào tháng 8, năm 1968 khi nghe rằng Nga đem xe tăng vào Tiệp Khắc để đàn áp những đoàn thể chống đối, Tướng Westmoreland và Thứ Trưởng Bill Bundy cùng nhiều nhân viên điều hành khác đã phải trở về nơi họ làm việc trước khi dùng món tráng miệng.

Tuy vấn đề tiếp tân ở sứ quán Việt Nam bao gồm cả xã giao lẫn chính trị, nhưng thường thì xã giao vẫn chiếm phần nặng hơn. Những buổi tiếp tân ở sứ quán Việt Nam là những dịp cho phép những nhân viên trong nhiều nhóm khác biệt hoặc đối lập trong chính trường Hoa Thịnh Đốn có dịp tiếp xúc với nhau. Họ thường đến dự các buổi tiếp tân ở sứ quán Việt Nam với tinh thần thân hữu hoặc ít ra thì họ cũng chào nhau để cố giữ lấy một mức lịch sự tối thiểu. Trong các cuộc tiếp tân ở sứ quán, đôi khi cũng có nhiều chuyện đáng nhớ. Chẳng hạn như có một đêm hai nhân viên Hoa Kỳ gốc Irish là ông Tom Corcoran đã cùng chơi dương cầm và hát chung một bản dân ca Irish với ông William Sullivan. Trong những lúc như vậy, dường như các dân biểu đều tạm rũ bỏ được những ám ảnh của chiến cuộc Việt Nam và tất cả đều cảm thấy áp lực thường xuyên dường như mất hẳn.

Lúc này, vì tôi vừa phải có mặt ở những cuộc tiếp tân do chính tôi tổ chức, lại vừa phải có mặt ở các buổi tiếp tân ở những nơi khác khi cần nên cuộc sống của tôi trở thành vô cùng bận bịu. Tôi cảm thấy dường như lúc nào mình cũng phải cố gắng cười duyên, hoặc nói chuyện. Nhưng đây là một công việc cần thiết. Tôi bắt đầu thấy rằng chính những buổi nhàn đàm và chuyện phiếm thường xuyên với các nhân viên ngoại giao đã giúp ích rất nhiều cho sự hiểu biết của tôi. Nếu không có những cuộc gặp gỡ qua các dịp tiếp tân như những dịp tiếp tân ở sứ quán thì có lẽ chẳng ai có thể hoạt động một cách có hiệu quả trong chính trường Hoa Thịnh Đốn được.

Tuy tôi đã cố gắng hết sức để thâu thập tin tức và tất cả những mẩu tin dù là tin tôi chánh thức nhận được hoặc tin tôi nghe được qua các câu chuyện, tôi cũng đều viết cả vào những bức điện văn gởi về Sài Gòn. Vậy mà đôi khi chính quyền Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn hài lòng, nhất là khi những đầu óc giàu tưởng tượng của MNVN phong phanh nhìn thấy ở một vài điểm nào đó, Hoa Kỳ có thể áp đặt những kế hoạch của họ vào Việt Nam và không cần tham khảo ý kiến. Cuộc họp thượng đỉnh của Hoa Kỳ và Thủ Tướng Nga ở Glassboro đã góp phần thúc đẩy những cảm giác nghi ngờ của Việt Nam. Tuy trong những bản báo cáo gửi về tôi đã nói rõ rằng cuộc họp thượng đỉnh của Hoa Kỳ và Nga ở Glassboro chỉ thảo luận những vấn đề toàn cầu của hai thế lực siêu cường mà Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn đòi hỏi tôi phải nói rõ những tin tức liên quan đến Việt Nam.

Sau này tôi được biết những yêu cầu kỳ quặc của Việt Nam một phần cũng là do những biến chuyển chính trị ở Sài Gòn. Trong giai đoạn này, các cuộc vận động bầu cử ở Việt Nam đang tiến đến giai đoạn chót. Chỉ còn một tuần nữa là hết hạn đăng ký ứng cử. Những ứng cử viên dân sự đang cố lượng định tình hình sau cuộc họp thượng đỉnh ở Glassboro để có thể áp dụng vào các cuộc vận động tranh cử sơ khởi và cuộc bầu cử sắp tới của họ. Cùng lúc đó, tin đồn về những xích mích giữa hai ông Thiệu, Kỳ đang ngày càng lan rộng. Một số dư luận cho rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có đảo chánh, một số khác lại cho rằng hai ông Thiệu, Kỳ, chắc chắn sẽ cùng đứng vào một liên danh.

Vào ngày 25 tháng 7-1967 thì cuộc họp của Tổng Thống Johnson và Thủ Tướng Nga Kosygin kết thúc. Lúc này tôi đang cố gắng trả lời những loạt câu hỏi của Sài Gòn về những kế hoạch của Hoa Kỳ. Tôi còn đang tìm cách để trấn an dư luận Sài Gòn thì một loạt câu hỏi khác lại chỉa thẳng vào tôi, lần này thì từ Hoa Thịnh Đốn. Cả Tòa Bạch Ốc lẫn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đều đã nghe được những tin đồn về việc sắp có đảo chánh ở Việt Nam. Họ hỏi tôi những tin đồn này có đúng hay không?

Những tin đồn mà Hoa Kỳ nghe được là những tin đồn phát xuất khi quân đội Sài Gòn bắt đầu tổ chức một buổi họp cho tất cả các tướng lãnh cao cấp của quân đội ở Việt Nam. Mục đích của cuộc họp này là để giải quyết ổn thỏa cho xong luôn một lần những xích mích giữa ông Thiệu và ông Kỳ. Người đứng ra tổ chức cuộc họp là Tướng Cao Văn Viên, lúc đó đang là Tổng Tham Mưu Trưởng kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng. Tôi nói chuyện được với ông Kỳ vào đúng giữa lúc cuộc họp đã tiến hành được một ngày và còn đang được tiếp tục vào ngày thứ hai. Ông Kỳ nhận được điện thoại của tôi trước khi ông đi dự buổi họp ngày hôm đó. Theo ban tổ chức dự định thì cuộc họp sẽ kéo dài ba ngày. Khi tôi nói với ông Kỳ rằng Hoa Kỳ đang nghi Việt Nam sắp có đảo chánh thì ông trả lời rằng chắc chắn sẽ không có đảo chánh. Ông còn nói thêm rằng: "Quân đội vẫn tin tưởng vào tôi. Chúng tôi hoàn toàn chủ động mọi chuyện và tôi vẫn tiếp tục vận động tranh cử."

Tôi nói chuyện với ông Kỳ ngày 29-7, vào lúc 8:00 giờ tối, giờ Hoa Thịnh Đốn (tức là khoảng 8:00 giờ sáng ngày 30 tháng 7 ở Sài Gòn.) Sau khi trấn an các nhân viên ngoại giao và chánh phủ Hoa Kỳ thì tôi sửa soạn đi ngủ. Tuy tôi không được biết chi tiết về cuộc họp của ở Sài Gòn nhưng thái độ quả quyết của ông Kỳ đã khiến tôi nghĩ rằng ông có vẻ hết sức tự tin. Tôi cho rằng có lẽ ông Kỳ đang vượt hơn hẳn ông Thiệu và sẽ là ứng cử viên độc nhất của quân đội.

Sáng 30 ngày 7, một người bạn gọi điện thoại đánh thức tôi dậy sớm để xem ngay tin tức. Tôi bật cái TV nhỏ đặt cạnh đầu giường và nghe rằng ở Sài Gòn đã có một biến chuyển bất ngờ mà người Pháp thường miêu tả là coup de théâtre. Tin tức loan báo rằng ông Thiệu và ông Kỳ sẽ cùng đứng chung vào một liên danh. Ông Thiệu sẽ là ứng cử viên tranh cử chức vụ Tổng Thống và ông Kỳ sẽ là ứng cử viên tranh cử chức vụ Phó Tổng Thống. Vì đã tiếp xúc với ông Thiệu khi trước, tôi chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi ông Thiệu đã không để các tướng lãnh thuyết phục ông phải lui bước. Nhưng việc ông Thiệu đã vận động khéo léo để qua mặt được ông Kỳ quả là một thành tích đáng kể.

Ba ngày trước Sài Gòn đã đánh điện gọi tôi về để tham khảo ý kiến, vì thế tôi không cần phải đợi lâu để tìm hiểu thêm về những diễn biến của cuộc bầu cử ở Việt Nam. Đây là lần thứ ba tôi trở lại Sài Gòn trong vòng sáu tháng. (Lần thứ hai mới vừa cách khoảng độ hơn tháng), mỗi chuyến bay kéo dài 24 tiếng một chiều. Hoa Kỳ vẫn thường dùng danh từ "shuttle" để diễn tả những chuyến bay liên tục rất ngắn và không dự định trước. Trên chuyến bay về Sài Gòn lẫn đó, tôi tự nhủ có lẽ phải có thêm một định nghĩa mới nữa cho danh từ "Shuttle" mới đủ để diễn tả hết ý nghĩa của những chuyến bay vừa bất thường, vừa liên tục và lại vừa dài như những chuyến bay của tôi vào lúc này.

Trước đây, khi cuộc bầu cử tổng thống của Việt Nam còn chưa bắt đầu thì đã có rất nhiều người trong cả chính trường Hoa Kỳ lẫn chính trường Việt Nam cho rằng ông Kỳ sẽ là ứng cử viên độc nhất của quân đội. Và khi liên danh Thiệu, Kỳ xuất hiện thì gần như tất cả đều cùng ngạc nhiên. Tuy thế, khi tôi tìm ra câu giải đáp thì sự việc cũng chẳng lấy gì làm khó hiểu. Theo tình hình của cuộc bầu cử mà nói thì liên danh Thiệu-Kỳ đã hẳn là một liên danh có rất nhiều lợi điểm. Thứ nhất: Trong những năm vừa qua hai vị tướng lãnh đã mang lại được phần nào ổn định cho Việt Nam và nếu so với những tình trạng xáo trộn hoặc vô chính phủ của Miền Nam Việt Nam trước đây thì chính phủ của họ rất đáng được ủng hộ. Thứ hai: Hai ông Thiệu, Kỳ đã quen tiếp xúc và cộng tác với Hoa Kỳ. Thứ ba: Đa số dư luận đều cho rằng nếu hai vị tướng có thể đứng chung vào một liên danh thì cá tính bất thường của ông Kỳ sẽ được bổ khuyết bằng sự cẩn thận của ông Thiệu.

Đương nhiên là lại một lần nữa dân chúng Việt Nam tin rằng những biến chuyển bất ngờ của cuộc bầu cử là hoàn toàn do cơ quan tình báo CIA đứng sau sắp đặt. Người dân Sài Gòn cho rằng đã có rất nhiều tướng tá bị CIA "dụ dỗ" hoặc ít ra thì cũng bị CIA ảnh hưởng ít nhiều. Trên thực tế thì chính Hoa Kỳ cũng ngạc nhiên chẳng kém gì những người Việt Nam và cũng phải đối phó với một sự đã rồi chẳng khác gì những người Việt Nam. Sự thật có thể đơn giản, nhưng vì nghi kỵ quá độ, mọi chuyện trở nên phức tạp.

Theo giới báo chí tường trình thì trong buổi họp của các tướng lãnh đôi khi cũng có một vài giây phút gay cấn. Theo các tin tức đăng tải thì cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều trình bày trường hợp của mình trước hội đồng tướng lãnh rồi chờ đợi quyết định -Nhiều tờ báo đăng rằng ông Thiệu không nén được cảm xúc và đã có lần không cầm được nước mắt. Thật sự thì câu chuyện tướng Viên kể cho tôi nghe lại có nhiều phần khác hẳn. Tướng Viên kể rằng đa số các tướng lãnh đều tin rằng nếu hai ứng cử viên của quân đội đều ra ứng cử thì số phiếu ủng hộ giới quân nhân sẽ bị phân đôi và đưa phần thắng về cho những ứng cử viên dân sự. Nếu biến cố này xảy ra thì chẳng mấy chốc chính quyền lại quay ngược trở lại những ngày đen tối, tê liệt lúc trước. Nếu cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều nhất quyết cùng ra ứng cử thì Hội Đồng Tướng Lãnh tin rằng chỉ còn một cách duy nhất là buộc cả hai cùng ra ứng cử trong một liên danh.

Vì muốn ý kiến của họ phải được tuyệt đối thi hành, Hội Đồng Tướng Lãnh nói rằng họ sẽ không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào không chịu thỏa thuận. Đầu tiên, Hội Đồng Tướng Lãnh áp dụng chủ trương của họ bằng cách tuyên bố sẽ loại bỏ tất cả những tướng lãnh không chịu thuận theo quyết định của Hội Đồng Tướng Lãnh. Sau đó, họ làm áp lực bắt ông Thiệu và ông Kỳ phải cùng đứng chung vào một liên danh. Đã có lúc cuộc họp căng thẳng đến nỗi cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều bị mời ra khỏi phòng họp. Lại có cả lúc Tổng Tư Lệnh vùng một là Tướng Hoàng Xuân Lãm đã tháo bỏ huân chương đặt trên bàn. Tướng Lãm quay nhìn ông Thiệu, ông Kỳ rồi nói rằng nếu họ không chịu đứng chung vào một liên danh thì tất cả các tướng lãnh khác đều cùng phải rút lui. Hai ông Thiệu, Kỳ chẳng còn đường nào khác để chọn lựa.

Khi vấn đề liên danh đã được hai ông Thiệu, Kỳ chấp thuận thì việc tranh cử được giải quyết theo hệ thống quân giai. Ông Thiệu là người phục vụ lâu hơn trong quân đội (Ông là tướng ba sao trong khi ông Kỳ là tướng hai sao.) và giữ chức vụ cao hơn nên đã chiếm được chỗ đứng đầu tiên. Để xoa dịu phần nào những ấm ức của ông Kỳ và các tướng tá trẻ, Hội Đồng Tướng Lãnh đã thiết lập một hội đồng gọi là Quân Ủy Hội. Họ bổ nhiệm ông Kỳ làm thủ tướng và các tướng trẻ trong nhóm ông nắm giữ các chức vụ quan trọng trong Quân Ủy Hội. Mục đích của Quân Ủy Hội là dùng những quyền lực ở hậu trường để khống chế bớt quyền lực của ông Thiệu nhưng chỉ ít lâu sau, thay vì kềm chế ông Thiệu, chính Quân Ủy Hội lại bị ông Thiệu kềm chế và giải thể (Lúc đó giới báo chí Hoa Kỳ gọi ông Thiệu là Sly Fox [một con cáo quỉ quyệt]). Nhưng đó là những chuyện tương lai về sau này. Vào ngày 7 tháng 7, khi đến Sài Gòn được ít lâu, tôi đã quyết định tự mình lượng định tình hình Việt Nam. Mặc dầu kể từ tháng giêng cho đến lúc đó, tôi đã quay lại Sài Gòn liên tiếp bốn lần nhưng chuyến đi nào của tôi cũng chỉ rất ngắn, chưa kể là tôi còn phải bận rộn vì có quá nhiều những việc phải làm. Lúc này, tôi muốn tự mình lượng định những biến chuyển của Việt Nam thay vì nhìn mọi việc qua lăng kính của chánh phủ. Tôi tự mình đi thăm mọi nơi và bắt đầu tiếp xúc rộng rãi với các chính trị gia và giới trí thức trong từng khu vực quận.

Đây là một chuyến đi vội vã. Tôi đi qua cả thảy 8 tỉnh trong vòng hai tuần lễ. Dĩ nhiên vì hoàn cảnh hạn hẹp, tôi không có đủ thời giờ để xem xét kỹ lưỡng mọi việc, nhưng đi qua đâu tôi cũng đều hỏi han và quan sát những cuộc tranh luận, cố gắng tìm hiểu xem người dân Việt Nam suy nghĩ thế nào về kết quả của cuộc bầu cử. Trong giới trí thức và trong trường chính trị thì câu hỏi lúc nào cũng là: "Hoa Kỳ thật sự đang muốn gì?" Trong giới thương gia và thường dân thì chỉ có một số rất ít để ý đến tình hình chính trị. Họ thường chú ý đến những vấn đề thực tế hơn của thương trường, nhất là khi cuộc sống đang ở tầm mức đắt đỏ và tệ nạn tham nhũng đang đầy rẫy ở khắp mọi nơi. Đối với những nông dân và những người ở miền quê thì những câu thắc mắc chiếm lĩnh đầu óc họ lại còn cụ thể hơn. Họ cần được bảo vệ để tránh khỏi các cuộc xô sát giữa quân đội quốc gia và cộng sản. Họ cũng muốn giá phân bón hạ thấp thêm.

Trong các cuộc đi tôi cũng thấy rằng các chiến dịch đi bầu trong năm 1967 tiến hành rất khả quan. Vì đã có kinh nghiệm với những cuộc bầu cử của Quốc Hội Lập Hiến trước đây nên lúc này Bộ Thông Tin lại vận động những nghệ sĩ thúc đẩy dân chúng đi bầu. Ở một vài nơi, cuộc bầu cử đã tự chuyển thành sôi nổi. Nhất là ở các thành phố, nơi những người tụ tập đi bầu có thể tranh luận, bàn cãi, khung cảnh chẳng có vẻ gì giữa lúc chiến tranh. Trong các cuộc thảo luận dân chúng thường xuyên chỉ trích chánh quyền thật công khai. Nhưng riêng ở những vùng miền quê hẻo lánh thì bầu không khí lại có vẻ trầm lặng. Dân chúng ở những miền này thường dè dặt và thận trọng hơn. Một trong những lý do khiến họ không dám trực tiếp hoan hô cuộc bầu cử là vì lúc nào Việt Cộng cũng đe dọa. Tuy thế, ngay cả ở những vùng này bầu không khí vẫn sinh động. Khung cảnh cho thấy số người tham gia vẫn thật đông đảo.

Công bằng mà luận thì hẳn nhiên cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1967 ở Việt Nam chưa phải là một cuộc bầu cử hoàn hảo và vẫn còn có rất nhiều khuyết điểm có thể bị dư luận chỉ trích. Chẳng hạn như chánh quyền hoàn toàn nắm quyền tổ chức bầu cử. Các vấn đề như - thiết lập các văn phòng bỏ phiếu, thúc dục dân chúng đi bầu, soạn thảo thể thức bầu cử và tổng kết số phiếu bầu đều do chính phủ quyết định. Dĩ nhiên những ứng cử viên khác chẳng thể có đủ người để trông coi kỹ lưỡng các văn phòng bầu cử trên toàn quốc. Và do vậy, tình trạng thiếu người kiểm soát có thể khiến chánh quyền lạm dụng số phiếu bầu cử. Hơn nữa, còn có một số khá đông dân chúng cư ngụ ở các vùng Cộng Sản chiếm đóng bị ngăn cấm không được phép tham gia các cuộc đi bầu. Nhưng nói chung thì khi chuyến đi kết thúc, tôi cảm thấy đây là một cuộc bầu cử có thể tạm gọi là dân chủ. Nếu đứng trên phương diện phân tích ưu khuyết điểm mà nói thì tổng kết con số ưu điểm hoàn toàn vượt xa khuyết điểm. Dù gì đi nữa thì cuộc bầu cử năm 1967 vẫn là một điểm khởi đầu, và một khi sự cải cách đã phát động thì dù cho những người phát động hãy còn do dự, phong trào cải cách cũng sẽ tự phát triển. Tuy công cuộc tranh đấu để tiến đến dân chủ vẫn còn đầy dẫy gian truân và trắc trở, tôi cho rằng cuộc bầu cử năm 1967 là một bước khởi đầu tốt đẹp của tiến trình đó.

Vào cuối tháng 7, tôi trở về Hoa Thịnh Đốn vừa kịp lúc để có thể sửa soạn cho chuyến thăm viếng của một phái đoàn Hoa Kỳ sắp sang Việt Nam. Mục đích của phái đoàn Hoa Kỳ là đến Việt Nam để có thể trực tiếp quan sát những diễn tiến của cuộc bầu cử trong ngày 3, tháng 9 sắp đến. Khi còn ở Sài Gòn, tôi cũng có bàn luận cặn kẽ trước với ông Thiệu và ông Kỳ về chuyến viếng thăm của phái đoàn Hoa Kỳ lần này. Do đó, khi trở về Hoa Thịnh Đốn tôi đưa ý kiến với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rằng chính quyền Việt Nam sẽ trực tiếp hướng dẫn chuyến thăm viếng. Tuy chánh phủ Hoa Kỳ vẫn có thể giúp đỡ chúng tôi ở Hoa Thịnh Đốn nhưng chúng tôi cho đây là công việc của Việt Nam chứ không phải của Hoa Kỳ.

Đại sứ Bunker cũng đồng ý với tôi về vấn đề này. Tôi đã bàn luận với ông Bundy ở Bộ Ngoại Giao Hoa Thịnh Đốn và ông Jorden ở Tòa Bạch Ốc, nhưng dường như là vì một thói quen bắt buộc, những nhân viên Tòa Bạch Ốc vẫn tự tay dàn xếp mọi chuyện. Họ quên cả việc phải thông báo danh sách của những người có tên trong phái đoàn cho tôi. Khi tin tức công bố nêu rõ danh sách của những người trong phái đoàn thăm viếng bao gồm các dân biểu, Thượng Nghị Sĩ của Hoa Kỳ và nhiều vị lãnh đạo tinh thần, tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Trước đó, tôi đã dự định gửi cho mỗi người trong phái đoàn một bức thư mời họ sang thăm Việt Nam, nhưng danh sách của họ đã được thông báo trước cả khi tôi có đủ thời giờ để gửi giấy mời. Có lẽ đây chỉ là một chuyện nhỏ nhưng cũng là một chuyện điển hình về việc Hoa Kỳ lúc nào cũng náo nức, tự tìm cách chu toàn mọi việc theo cách của họ. Hành động của họ đôi khi trở thành tự đại.

Ngoài những khi làm việc ở tòa đại sứ, tôi dùng khoảng thời gian còn lại của tháng 8 để tổ chức những buổi thuyết trình tổng quát cho những người trong phái đoàn sắp sang Việt Nam. Lúc này tôi đã biết quá rõ về kết quả của cuộc bầu cử; chỉ nội nhìn con số ứng cử viên dân sự cũng đủ để đoán được rằng liên danh của ông Thiệu và ông Kỳ sẽ đánh bạt tất cả. Tuy vậy tôi vẫn vô cùng lo lắng chẳng hiểu liệu những quan sát viên Hoa Kỳ với những quan niệm chủ quan của họ dựa trên 200 năm truyền thống dân chủ Hoa Kỳ sẽ suy nghĩ ra sao về những diễn biến của cuộc bầu cử sắp đến ở Việt Nam.

Chẳng những thế, lúc này những tờ báo phản chiến ở Hoa Kỳ lại còn đăng nhiều mục để chỉ trích cuộc bầu cử ở Việt Nam. Những tin tức đó còn làm cho phái đoàn quan sát của Hoa Kỳ thêm phần thiên lệch. Vào thời gian này gần như tất cả những biến chuyển khả quan ở Việt Nam đều bị giới báo chí và giới học giả thiên kiến vặn vẹo hoặc hoàn toàn bác bỏ. Ngay chính cuộc bầu cử cũng chẳng phải là một ngoại lệ. Tôi đã phải chứng kiến nhiều cảnh khó chịu khi những cơ quan thông tin của Hoa Kỳ cố tình làm lệch lạc những tiến triển dân chủ ở Việt Nam. Những sự thay đổi đáng kể trong trường chính trị Việt Nam lúc này là kết quả của cuộc tranh đấu mà tôi và những phần tử quốc gia khác đã nỗ lực xây dựng kể từ năm 1950 cho đến nay. Chúng tôi đã tranh đấu cho những tiến trình này từ trước cả khi có cuộc họp Honolulu. Tuy thế, đối với những người chỉ trích thì cuộc bầu cử chẳng qua chỉ là một tấn kịch do Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ làm đạo diễn chung với ông Thiệu và ông Kỳ. Vì họ đã nặng thành kiến ngay từ đầu nên những quan sát viên khó thể đo lường các biến chuyển bằng một tầm mắt khách quan. Đây thiết tưởng cũng là việc chẳng cần phải nói.

Những sự lo lắng của tôi còn nặng nề thêm một phần vì các nỗi lo cứ canh cánh bên mình, chẳng hiểu liệu cuộc bầu cử có tiến hành hoàn hảo hay không. Tôi đã nói với ông Thiệu và ông Kỳ rằng Việt Nam đang cần một cuộc bầu cử trong sạch. Họ thật sự không cần phải vận động mờ ám phía sau hậu trường. Hơn nữa, trong cuộc bầu cử năm 1967, khi thắng thế đã ngả quá rõ về họ, việc họ vận động bất hợp lệ là một việc chẳng ai có thể tha thứ được. Nhưng ông Kỳ và ông Thiệu không phải là những người hiểu biết tường tận những quan niệm dân chủ. Đã vậy, tôi lại không có mặt ở Việt Nam. Tình thế không khỏi làm tôi bồn chồn.

Vào ngày 3 tháng 9 năm 1967, khi cuộc bầu cử bắt đầu, chánh quyền Việt Nam tuyên bố đây là một ngày nghỉ lễ cho toàn thể Việt Nam. Vào ngày đó, dân chúng ăn bận quần áo như những dịp hội hè và đi bầu từng đoàn lũ lượt. Trong tổng số 6 triệu người đi bầu, hơn 5 triệu người thực sự bỏ phiếu. Con số đi bầu vượt quá 80% tổng số ghi tên. Hai ngày sau số phiếu được tổng kết và kết quả cuối cùng thật là một sự bất ngờ. Liên danh của hai ông Thiệu, Kỳ đắc cử, nhưng tuy đây là liên danh của hai nhân vật đang nắm quyền, mà chỉ có 35% số phiếu bầu cho họ. Trong khi đó, 17% số phiếu là phiếu bầu cho ông Trương Đình Dzu, vận động dưới nhãn hiệu hòa bình.

Những tình trạng tương tự cũng xảy ra trong cuộc bầu cử các Thượng Nghị Sĩ, nguyên là một cuộc bầu cử khác cũng diễn ra cùng lúc với cuộc bầu cử Tổng Thống. Trong số 60 Thượng Nghị Sĩ đắc cử, hơn một phần ba là những người tự mình đứng ra vận động hoặc tuyên bố rằng họ sẽ có chính sách ngược lại với chánh phủ.

Cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ dều có vẻ thất vọng về việc họ chỉ đắc cử với một kết quả thấp đến như thế. Nhưng chỉ ít lâu sau, ông Kỳ đã đưa ý kiến rằng: "Ít nhất thì kết quả cũng cho thấy rằng chẳng hề có bất kỳ hành động nào bắt buộc dân chúng phải bầu ngược lại với ý định riêng của họ. Ông Kỳ phát biểu: "Nếu quả có vận động thầm lén, ắt hẳn chúng tôi phải có một số phiếu vượt xa số phiếu mà chúng tôi đã có."

Lời tuyên bố của ông Kỳ được Hoa Kỳ và các quan sát viên quốc tế khác góp phần xác nhận. Nhận định khả quan của các quan sát viên quốc tế đã khiến tòa đại sứ Hoa Kỳ thêm phần tin tưởng khi nhận định rằng cuộc bầu cử hoàn toàn trong sạch. Các diễn biến khả quan của cuộc bầu cử đã khiến chánh phủ Hoa Kỳ hết sức hài lòng. Tuy rằng cuộc bầu cử không thay đổi được chiều hướng chiến cuộc, đối với tôi đây vẫn là một bước tiến quan trọng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đã nỗ lực để tổ chức được một cuộc bầu cử dân chủ thực sự. Chẳng những vậy, mà cuộc bầu cử lại được tổ chức trong một thời điểm khó khăn, khi đất nước đang bị phân đôi và chánh phủ Việt Nam vẫn phải đối phó với vấn đề chiến tranh. Trong khi Bắc Việt đang tiến hành những chiến dịch xâm lược vào Miền Nam và những nhân vật lãnh đạo ở Miền Nam Việt Nam lại là những quân nhân mà Việt Nam vẫn có thể tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ. Tôi coi đây là một thành công đáng kể của người quốc gia Việt Nam.

Gọng Kềm Lịch Sử
25. Sự Chuyển Đổi của Thời Cuộc

Những cuộc bầu cử ở Việt Nam tuy sôi nổi là thế mà vẫn chỉ là một phần của toàn thể khung cảnh Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đang trải qua một giai đoạn chính trị tương đối ổn định so với hai năm về trước và những đe dọa của Cộng Sản không còn rõ rệt, nhưng cũng vẫn còn rất nhiều khó khăn ở khắp mọi nơi đang tiềm ẩn phía dưới bề mặt yên tĩnh. Nhiều người Việt Nam đã tỏ vẻ thắc mắc khi nhận thấy Hoa Kỳ hiện diện gần như trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống hàng ngày. Họ cảm thấy bất bình khi Việt Nam phải lệ thuộc ngày một nhiều hơn vào đồng minh Hoa Kỳ. Tuy những nhân viên Hoa Kỳ hoàn toàn khác hẳn với những thực dân Tây về trước, người dân vẫn không thể tránh tự hỏi làm sao Việt Nam lại có thể vẫn giữ được chủ quyền và độc lập nếu người Hoa Kỳ lúc nào cũng đứng đầu điều hành mọi chuyện, từ cách hướng dẫn những phát triển kinh tế cho đến cách điều động chiến cuộc?

Nỗi lo lắng của họ còn tăng thêm vì những thói quen "tự mình hành động" của Hoa Kỳ. Chẳng hạn như tại các quận lị, người Hoa Kỳ đã nóng lòng thi hành các chính sách cho đến nỗi họ tự mình làm lấy mọi chuyện. Khi làm việc họ chỉ thông báo gọi là với các quận trưởng mà thôi. Ngoài ra, khi soạn thảo các kế hoạch quân sự, các sĩ quan Hoa Kỳ rất ít khi thông báo chi tiết cho các sĩ quan Việt Nam về những kế hoạch qui mô. Phần lớn Bộ Tham Mưu Việt Nam không hề được thông báo rõ những hoạt động thường nhật của các lực lượng Hoa Kỳ.

Chẳng những vậy, đến ngay cả những vấn đề đại cương về chiến lược cũng là một vấn đề tranh luận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Các tướng lãnh Việt Nam tin rằng chính sách tiêu diệt hiệu lực nhất là "tấn chiếm Bắc Việt," tấn công mạnh vào tận sào huyệt hoặc ít ra là phải tạo được một khí thế hăm dọa vượt lên trên vĩ tuyến 17. Nhưng những cố vấn Hoa Kỳ lại cho rằng đây là những ý kiến thiếu thực tế. Họ nói với những sĩ quan Việt Nam, dĩ nhiên với một cung cách rất lễ phép, rằng Việt Nam còn chưa giải quyết ổn thỏa được những việc khó khăn ngay trong nội bộ thì làm sao lại có thể dự định đến việc thôn tính Bắc Việt? Thật ra thì Hoa Kỳ vẫn còn bị những kinh nghiệm đau thương ở Đại Hàn ám ảnh. Họ vẫn cố dàn xếp để tránh khỏi bị nghi rằng họ có ý khiêu khích những người Trung Hoa hiếu chiến. Chánh sách của họ ở Việt Nam đã bị những bài học của chiến tranh Đại Hàn ảnh hưởng rất nhiều.

Nếu đứng trên quan niệm quốc tế mà luận thì có lẽ việc Hoa Kỳ tuyên bố rõ họ sẽ không tấn công Bắc Việt cũng dễ hiểu, nhưng dù sao đi nữa thì những người Việt Nam vẫn cho rằng việc Hoa Kỳ quyết định tuyên bố thẳng cho Bắc Việt biết rõ những dự định của Miền Nam Việt Nam cũng là một hành động hoàn toàn vô lý. Một khi Hoa Kỳ bị buộc phải hành động theo những họ lời tuyên bố thì dĩ nhiên những hoạt động quân sự của họ bị quản thúc trong những vòng đai của "một cuộc chiến tranh giới hạn." Khi tuyên bố không tấn chiếm Bắc Việt, Hoa Kỳ đã tự ép mình vào những quy ước đơn phương và rồi hành động như thể tin rằng khi họ tự đưa mình vào khuôn khổ như vậy thì Bắc Việt cũng sẽ tự động ép mình chung vào những quy luật họ đã đề ra. Dĩ nhiên Hoa Kỳ là một thế lực siêu cường và vì vậy những hành động của họ phải được phân tích qua một tầm nhìn tổng quát, bao gồm cả những yếu tố khác như phản ứng vủa Sô Viết và những ý định can thiệp của Trung Hoa. Nhưng đối với Việt Nam thì việc lại hoàn toàn khác hẳn. Đất nước Việt Nam lúc này đang đắm chìm trong chiến cuộc. Lãnh thổ Việt Nam đang bị xâm lấn. Việt Nam đang phải đối diện với những hiểm họa sinh tử. Tuy Hoa Kỳ vẫn tuyên bố rằng đây là cuộc chiến của Việt Nam, nhưng mỗi khi cần quyết định thì họ lại gạt bỏ hẳn những suy xét của Việt Nam ra ngoài.

Dĩ nhiên cũng có rất nhiều lý do chánh đáng khác cho phép Hoa Kỳ giải thích vấn đề vì sao họ lại hay tự mình hành động. Chẳng hạn như vấn đề khác biệt về tầm vóc của hai đồng minh, cá tính thụ động của người Việt, khuynh hướng cố tránh né những vấn đề cần trực diện của người Á Châu và khuynh hướng dễ đồng ý hoặc tỏ vẻ đồng ý của người Việt trong mọi vấn đề. Chẳng những thế, ấn tượng xấu của Hoa Kỳ về những người Việt Nam còn sâu đậm hơn vì phần đông các nhân viên Hoa Kỳ đều tin rằng đa số công chức và sĩ quan của Việt Nam đã làm việc không có hiệu quả mà lại còn tham nhũng nữa. Mặt khác, thì những người Việt Nam lại cho rằng người Hoa Kỳ không hiểu những tập tục và quan niệm của dân chúng Việt Nam. Hậu quả là việc hợp tác hữu hiệu giữa người Hoa Kỳ và Người Việt rất ít khi đạt được tới mức mọi người chờ đợi. Chẳng những vấn đề khó khăn đang đầy dẫy ở Việt Nam mà ngay cả ở Hoa Thịnh Đốn, bầu không khí cũng bắt đầu căng thẳng. Chiến cuộc vào mùa hạ năm 1967 có vẻ tương đối yên tĩnh, nhưng ở quốc hội một người bạn đã bảo tôi: "Ngoài mặt khung cảnh tuy mang vẻ an bằng phẳng lặng của mặt nước triều nhưng hãy coi chừng những giòng nước ngầm phía dưới." Lúc này Hoa Kỳ đã chịu rất nhiều tổn thất trong nỗ lực can thiệp vào cuộc chiến Việt Nam. Tuy thế, họ vẫn chưa hề gặt hái được những kết quả như ý. Những khó khăn mà Hoa Kỳ đang phải đối phó đã tạo nên một bầu không khí căng thẳng ngấm ngầm chưa hề thấy trong mấy năm về trước.

Tôi đã biết rõ rằng những nhân vật phản chiến lúc nào cũng chỉ biết chống chiến tranh một cách cực đoan và một chiều, nên lúc này, khi cần phải nhận định rõ tình hình thay đổi thực sự ra sao, tôi đã để hết tâm trí vào việc tìm hiểu ý kiến của những nhân vật từ trước đến nay vẫn ủng hộ chiến cuộc. Những người tôi đặc biệt chú tâm đến là Thượng Nghị Sĩ John Stennis của tiểu bang Mississippi, Thượng Nghị Sĩ Henry Jackson của Hoa Thịnh Đốn và Thượng Nghị Sĩ Strom Thurmond của tiểu bang South Carolina. Đây là những Thượng Nghị Sĩ vừa được nhiều người biết đến lại vừa có tầm ảnh hưởng lớn rộng đối với Ủy Ban Quân Sự (Arm Service Committee). Mặc dù những Thượng Nghị Sĩ kể trên vẫn tiếp tục ủng hộ chiến cuộc Việt Nam, càng ngày họ lại càng thất vọng hơn khi thấy Hoa Kỳ không hề có kế hoạch nào khác hơn ngoài chiến lược No-Win Limited Strategy (Giới Hạn Chiến Tranh và không lấy chiến thắng làm mục tiêu.)

Cả ba Thượng Nghị Sĩ vừa kể và nhiều nhân vật khác tôi đã tiếp xúc đều tỏ vẻ quan tâm đến những ảnh hưởng bất lợi và những phí tổn mà Hoa Kỳ phải gánh chịu ở Việt Nam. Vào ngày 10 tháng 8 năm 1967, TT Johnson đã đưa ra một bản dự thảo luật thuế đánh thêm 10% vào những nguồn lợi tức tư nhân và các công ty. Trước đây, những nhân viên chánh phủ lúc nào cũng bảo tôi rằng chắc chắn quốc hội sẽ thông qua đạo luật mới của tổng thống. Vậy mà lúc này họ lại tỏ ra lo lắng. Một chuyên viên trong quốc hội phục vụ trong Bộ Ngoại Giao đã bảo tôi: "Lại sắp bắt đầu một năm mới và chúng ta phải cẩn thận đề phòng."

Lúc đầu tôi tưởng việc nhận định rõ tình hình chắc cũng không lấy gì làm khó khăn, nhưng càng đi sâu vào vấn đề tôi lại càng nhận rõ tầm mức phức tạp của công việc. Cả Hoa Thịnh Đốn lẫn Sài Gòn đều thay đổi gần như liên tục. Giữa những khung cảnh xoay chuyển đó, tôi vừa phải đối phó với các biến cố đang xoay chuyển lại vừa phải cố dung hòa những khác biệt giữa hai cách nhìn vấn đề ở hai thủ đô. Tôi đã tiếp xúc với những phụ tá của các Thượng Nghị Sĩ. Những nhân viên phụ tá mà tôi tiếp xúc thường là những người trực tiếp đối phó với những vấn đề tỉ mỉ trong thực tế nên họ thường có tầm nhìn chi tiết hơn là thượng cấp của họ. Công việc lượng định và tái lượng định vấn đề diễn ra tưởng chừng như chẳng bao giờ dứt. Những đòi hỏi của công việc thật là vô bờ. Đã hơn một lần tôi tự hỏi liệu mình có thực sự đủ sức hay không?

Giữa những khung cảnh biến chuyển của cả hai thủ đô, chính tổng thống Johnson cũng đã cảm thấy chỗ đứng của mình bị lay chuyển. Khi giới báo chí và truyền thanh bắt đầu tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang sa lầy trong cuộc chiến Việt Nam và những dân biểu ở quốc hội Hoa Kỳ càng ngày càng chống đối gắt gao thêm, TT Johnson cho rằng đã đến lúc ông phải tích cực đối phó với tình thế. Để trình bày rõ thiện chí của mình đối với những người đang đòi hỏi phải có một giải pháp hòa bình, vào ngày 29 tháng 9, trong một buổi diễn văn chiếu khắp toàn quốc, tổng thống Johnson tuyên bố: Hoa Kỳ "sẽ ngưng tất cả các cuộc dội bom nếu đàm phán hòa bình giữa hai phe có hy vọng tiến triển." Lần này đề nghị của tổng thống Johnson đã có phần mềm mỏng hơn những đề nghị của ông khi trước. Trong lần đề nghị lần trước hai nhân viên trong Bộ Ngoại Giao của Pháp là ông Raymond Aubrac và ông Herbert Marcovich đã cố đứng ra làm môi giới để Hoa Kỳ có thể đàm phán với Bắc Việt. Lần này tuy hai nhân viên Pháp có báo trước rằng Hà Nội sẽ mềm dẻo hơn mà lời đề nghị của tổng thống Johnson vẫn bị Bắc Việt bác bỏ. Cuộc oanh tạc lại chuyển thành dữ dội.

Khi cuộc oanh tạc Bắc Việt ngày càng leo thang khốc liệt thì phản ứng của giới phản chiến ở Hoa Kỳ cũng trở nên khốc liệt theo. Vào tháng 10, đã có những cuộc chống đối rất lớn ở Ngũ Giác Đài bao gồm cả những nhân vật lừng danh ở Hoa Kỳ như hai văn hào Norman Mailer và Arthur Miller. Cùng lúc này, tờ Life, một tạp chí từ trước tới nay vẫn ủng hộ các chính sách của tổng thống Johnson đã lên án cuộc chiến trong mục bình luận. Khi quốc hội Hoa Kỳ mở đầu phiên họp mùa thu thì những cảnh tượng chống đối ồ ạt diễn ra ngay trước mắt các dân biểu và Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ. Lúc này, các dân biểu và Thượng Nghị Sĩ vừa mới trở lại quốc hội và những chuyến nghỉ mát thoải mái trong mùa hạ của họ vừa kết thúc. Khung cảnh căng thẳng của quốc hội đã khiến bầu không khí của buổi họp chuyển thành trầm trọng.

Kể từ đầu mùa thu năm 1967, tôi đã bỏ ra hầu hết thời giờ để lượng định những biến cố đang diễn ra ở Hoa Thịnh Đốn. Càng ngày tôi càng lo lắng vì thấy những phong trào phản chiến đang mỗi lúc một tăng. Những người bạn Hoa Kỳ vẫn bảo tôi rằng sự thiên kiến của giới truyền thông và những phong trào chống đối ở Hoa Kỳ lúc này chỉ phản ảnh một phần ý kiến của dân chúng Hoa Kỳ trong vùng Hoa Thịnh Đốn mà thôi, tôi vin vào ý kiến của họ để tự trấn an lấy mình. Và rồi để thử xem liệu những ý kiến của bạn bè có thực sự đúng hay không, tôi cũng bắt đầu tham gia những chuyến bay liên tục qua khắp hai vùng miền Tây và miền Nam Hoa Kỳ để thảo luận vấn đề chiến cuộc Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn gia tăng thêm thì giờ đến nói chuyện ở các đại học.

Không phải lúc nào những buổi thuyết trình của tôi ở các đại học cũng như ý muốn. Tại một đại học ở tiểu bang Massachuusetts tôi đã bước lên khán đài để đối mặt với một đám đông đang hung hăng hò hét khẩu hiệu và reo hò: "Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh." Khi họ bắt đầu ném trứng lên khán đài, những người tổ chức buổi nói chuyện nói rằng có lẽ tôi nên rút lui. Nhưng tôi vẫn quyết định ở lại. Tôi đứng im giữa hội trường cho đến khi những tiếng reo hò lắng xuống rồi mới cầm Micro. Nhìn lá cờ Mặt Trận Giải Phóng của Việt Cộng phất phơ bay lượn trong đám khán giả, tôi đã nói một cách hết sức bình tĩnh rằng: "tôi đến đây với một lòng tin. Tôi tin vào truyền thống Hoa Kỳ trong việc cho phép tất cả những người có ý kiến được phép tự do phát biểu. Đây là điều duy nhất tôi chờ đợi ở các quí vị." Sau khi tôi lên tiếng, đám đông bắt đầu yên lặng dần và tôi bắt đầu nói chuyện. Dĩ nhiên chấp nhận nhục nhã quả không phải là một chuyện dễ dàng nhưng tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Lúc này, tôi còn có được một vài cơ hội để trình bày ý kiến của phía Việt Nam với dư luận Hoa Kỳ. Cho đến những năm 1967-1968, khi các phong trào phản chiến đã tiến đến cao điểm thì những cơ hội đó hoàn toàn mất hẳn.

Vào ngày 17 tháng 9-1967, tôi lại trở về Việt Nam để tường trình với ông Thiệu và ông Kỳ về những biến chuyển mới nhất ở Hoa Kỳ. Trước đây, tôi cũng đã có trình bày vấn đề những chính sách của TT Johnson đang mất dần sự ủng hộ của dân chúng, nhưng lần này tôi cố đi trực tiếp vào chi tiết. Tôi đưa rõ chi tiết của những biến chuyển trong quốc hội, trong giới báo chí và tường thuật rõ những sự chống đối trên các nẻo đường phố, trong khuôn viên đại học. Tôi đưa ra cả những suy luận của riêng tôi lẫn những suy luận của nhiều nhân vật cao cấp khác trong giới quân sự Hoa Kỳ. Tôi có nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ rút lui trong vòng năm năm nữa. Việt Nam phải sửa soạn trước để đối phó với vấn đề này.

Cách ông Thiệu và ông Kỳ nhận những lời bình luận riêng của tôi đã khiến tôi không mấy hài lòng. Cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ có vẻ xem những điều tôi nói chỉ là những việc xa xăm. Tuy tôi không được biết tường tận mọi chi tiết xảy ra trong nội bộ Việt Nam, nhưng tôi vẫn thấy rằng đầu óc của ông Thiệu và ông Kỳ đã bị những khó khăn nội bộ chiếm lĩnh. Những khó khăn đó chắc hẳn là có dính dáng đến vấn đề tranh chấp nội bộ. Chẳng những vậy, cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều không hiểu rõ những mấu chốt phía sau hệ thống chánh phủ Hoa Kỳ. Họ chẳng thể hiểu rõ những áp lực của các khối nghiệp đoàn (interest groups) vào việc chính phủ kiến tạo chính sách trầm trọng đến độ nào. Tuy lần nào quay về Sài Gòn tôi cũng ra công trình bày những điểm đặc biệt của chính trị Hoa Kỳ, chưa lần nào tôi thấy rõ lời nói của mình có được chút hiệu lực nào thiết thực.

Trong khí đó thì ở Hoa Thịnh Đốn, Tổng Thống Johnson lại hết mực chú tâm vào các biến chuyển đang diễn ra ở Hoa Kỳ. Tên tuổi và chính sách của Tổng Thống Johnson gần như lúc nào cũng đi đôi với vấn đề chiến tranh. Chiến cuộc Việt Nam đối với ông thật là một yếu tố thập phần quan trọng. Ông luôn luôn tuyên bố rằng tình thế vẫn vững vàng, nếu không muốn nói là tiến triển khả quan. Vào ngày 2 tháng 10, ông đã bỏ thời giờ mời tôi cùng những đại sứ của Úc, Indonesia, Mã Lai, Đài Loan và Lào tới dùng bữa trưa ở Tòa Bạch Ốc. Tại đây ông lại trình bày thêm một lần nữa những chính sách đã công bố ở San Antonio về việc ngưng dội bom và quyết tâm kiến tạo hòa bình ở Đông Dương. Một tuần sau đó, để chứng tỏ rằng ông thực sự chú tâm đến vấn đề Đông Nam Á, ông lại bỏ thời giờ mời những giáo sư, viện trưởng của nhiều viện đại học Việt Nam đến Tòa Bạch Ốc để bàn luận vấn đề "kiến thiết quốc gia." Đây là một kế hoạch nằm trong chương trình xây dựng Việt Nam. Một trong những nhà tu được mời là Thượng Tọa Thích Minh Châu, nguyên là người đứng đầu viện đại học Vạn Hạnh. Tôi phải nhận rằng trong bộ áo tăng màu, ông Thích Minh Châu đã hiện diện như để nhắc nhở rằng không phải tất cả Miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn nhuộm màu chiến tranh.

Cả đại sứ Bunker lẫn Tướng Westmoreland đều cùng bay về Hoa Kỳ để cổ võ cho những chính sách thuyết phục dân chúng của Tổng Thống Johnson. Việc cả hai nhân vật kể trên đều có thể rời Việt Nam cùng một lúc đã chứng tỏ rằng tình hình Việt Nam không đến nỗi ảm đạm như lời tường thuật của giới truyền thông. Trong một buổi nói chuyện với chương trình Meet The Press (Gặp Gỡ với Giới Báo Chí), Tướng Westmoreland còn tuyên bố rằng: "Chỉ trong vòng hai năm nữa, các lực lượng Bắc Việt sẽ suy đồi đến mức chúng ta có thể rút dần các lực lượng quân sự về nước." Thật ra thì chỉ độ hơn một năm sau, TT Richard Nixon đã ra lệnh rút quân.

Nhưng tất cả mọi nỗ lực thuyết phục dư luận của Tổng Thống Johnson đều thất bại khi có tin Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara từ chức. Bỗng dưng Tòa Bạch Ốc tuyên bố thật bất ngờ rằng Bộ Trưởng McNamara đã từ chức và được đề cử làm giám đốc Ngân Hàng Quốc Tế. Không hiểu vì lý lẽ gì mà giới báo chí ở Hoa Thịnh Đốn lại chẳng mảy may hay biết gì trước về quyết định của Bộ Trưởng McNamara. Tuy đã có vài lời đồn đại rằng Bộ Trưởng McNamara đã bắt đầu thất vọng với chiến cuộc Việt Nam, nhưng vẫn chưa ai tiên đoán được rằng ông sẽ từ chức. Lời tuyên bố từ chức của ông đến chẳng khác nào một biến chuyển khác thường và bất ngờ trong chính giới ở Hoa Thịnh Đốn.

Quan hệ giữa tôi và Bộ Trưởng McNamara chỉ là những quan hệ thông thường giữa một người đại sứ và một Bộ Trưởng trong chính phủ Hoa Kỳ. Nói chung thì người Việt Nam vẫn coi ông là con người điện toán, lúc nào cũng đặt nặng tầm quan trọng của các dữ kiện thống kê lên trên những khía cạnh có liên quan đến vấn đề nhân sự. Dĩ nhiên ông chẳng quan tâm gì mấy đến vấn đề cần xây đắp các mối liên hệ tốt đẹp với người Việt Nam. Ngược lại, trong một xã hội như xã hội Việt Nam vốn đã có truyền thống xem trọng nhân cách và những sự giao thiệp cá nhân, thì dĩ nhiên chẳng ai lại đặt trọng tâm vào những con số thống kê của ông McNamara. Quan niệm của Bộ Trưởng McNamara do vậy quả là một quan niệm khác thường. Cũng có thể quan niệm chung của các nhân viên Việt Nam về ông hoàn toàn lệch lạc, nhưng dù sao đi nữa, kể từ khi ông buông ra câu hỏi "Ai là người cầm đầu?" với các tướng tá Việt Nam vào năm 1964 thì người Việt Nam vẫn cho rằng ông là một người lạnh lùng và kiêu ngạo.

Nhưng dù có thế nào đi nữa thì Bộ Trưởng McNamara vẫn là nhân vật chủ chốt điều hành chiến cuộc. Việc từ chức bất ngờ của ông đã khiến Sài Gòn vô cùng hoang mang. Thông thường thì những thay đổi, dù có là những thay đổi ở các cấp cao nhất trong chánh phủ Hoa Kỳ, vẫn khó có thể làm Việt Nam xôn xao, nhưng trường hợp của Bộ Trưởng McNamara lại hoàn toàn khác hẳn. Việc ông từ chức đã gây ra hàng loạt câu hỏi. Bất kể mọi người nhìn ông bằng quan niệm nào, Bộ Trưởng McNamara cũng vẫn là hiện thân của những nỗ lực của Hoa Kỳ đối với chiến tranh Việt Nam nói chung. Do đó, nhiều người Việt Nam đã tự hỏi phải chăng nỗi thất vọng của ông phản ảnh đích thực những chán chường của dư luận Hoa Kỳ? Và nếu đây là sự thực thì những nhà lãnh đạo trong chính quyền Hoa Thịnh Đốn đã bị nỗi thất vọng này ảnh hưởng đến độ nào? Nói một cách chi tiết hơn: Phải chăng việc Bộ Trưởng McNamara từ chức có nghĩa là chính sách của chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu đổi chiều?

Khi các bạn bè ở Hoa Thịnh Đốn và Bộ Ngoại Giao đưa lời trấn an, tôi cũng có gửi lời trấn an về Sài Gòn. Tuy thế, trong thâm tâm, tôi vẫn thắc mắc, tự hỏi chẳng hiểu nếu ngay cả những người như Bộ Trưởng McNamara mà còn quyết định bỏ cuộc thì viện trợ cho chiến cuộc còn tiếp tục được bao lâu nữa? Tôi cũng biết rằng chỉ còn vài tháng nữa là những cuộc vận động tranh cử tổng thống lại bắt đầu ở Hoa Kỳ.

Trong khi đó thì ở Việt Nam chiến cuộc vẫn tiếp diễn và không còn ở một mức độ rời rạc lẻ tẻ như trong mùa hạ trước đây. Vào giữa lúc Hoa Thịnh Đốn bắt đầu cố rũ bỏ can thiệp thì Bắc Việt lại gia tăng tấn công ào ạt. Trong một cuộc họp báo ở Hoa Thịnh Đốn, Tướng Westmoreland tuyên bố: "Tôi hy vọng Bắc Việt đang thử thách một kế hoạch nào đó, vì chính chúng tôi cũng đang cố dàn xếp cho cuộc đụng độ." Các biến cố vào cuối tháng cho thấy ông không cần phải đợi lâu.

Vào tháng 10 Bắc Việt đã gia tăng hoạt động rõ rệt trông thấy. Không khí yên tĩnh mùa hè năm 1967 dường như mất hẳn vì những chiến dịch phát động phối hợp các lực lượng du kích và các lực lượng chính qui của Bắc Việt. Những hoạt động của du kích Bắc Việt chỉ lẻ tẻ vào lúc trước đột nhiên gia tăng dữ dội. Chẳng những vậy, Bắc Việt còn huy động các lực lượng chính qui và dùng những đơn vị lớn lao để đánh chiếm những mục tiêu đã được chọn lựa. Vào ngày 29 tháng 10, hai trung đoàn của sư đoàn 9 Bắc Việt tấn công vào quận lị thành phố Lộc Ninh, một thành phố cách biên giới Cam Bốt khoảng vài ki-lô-mét. Lộc Ninh chỉ được những lực lượng địa phương của quân đội Việt Nam bảo vệ. Tuy các lực lượng địa phương ở Lộc Ninh vẫn còn thiếu kinh nghiệm chiến trường và không được trang bị đầy đủ, khi được các đơn vị Việt Nam cùng sư đoàn I Hoa Kỳ hỗ trợ, quân đội Lộc Ninh đã chiến đấu anh dũng, đẩy lui và bắt các đội quân Việt Cộng phải chịu nhiều tổn thất.

Một tháng sau, 4 Trung Đoàn Bắc Việt tấn công vào Dakto, một thị trấn hẻo lánh gần biên giới Lào. Các cuộc đụng độ trên vùng đất Dakto hiểm trở thật là dữ dội. Cuộc đụng độ đã khiến Sư đoàn Dù 173 của Hoa Kỳ phải chịu 100 tổn thất. Ngược lại các lực lượng đối phương bị tiêu diệt và lại phải rút về những căn cứ ở Lào. Tuy trong các trận đụng độ qui mô, quân đội Việt Nam vẫn thắng thế nhưng khả năng và tinh thần chiến đấu của những đơn vị Bắc Việt quả một điềm bất tường đáng ngại.

Tin tức tình báo cho thấy Bắc Việt đang chuyển quân vào Nam qua các đường mòn Hồ Chí Minh và hai trận đụng độ ở Lộc Ninh, Dakto đã khiến những chuyên viên phân tích tình báo ở Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn tiên đoán rằng Bắc Việt đang tổ chức một cuộc tấn công cực kỳ qui mô. Nhìn những căn cứ đổ quân của Việt Cộng gia tăng dọc theo các vùng Phi Quân Sự và Thung Lũng Khe Sanh, Tướng Westmoreland tiên đoán cuộc tấn công sẽ diễn ra ở miền Trung. Ông chuyển các đơn vị về miền Trung và tăng cường Thủy Quân Lục Chiến dữ dội cho các căn cứ đóng ở Khe Sanh.

Khi đã kết luận về những mục tiêu tấn công của Bắc Việt, những chuyên viên tình báo quyết định bỏ qua những tin tức nằm trong các tài liệu tịch thu được. Tài liệu tịch thu cho thấy Bắc Việt sắp mở một cuộc tổng tấn công khác hẳn cuộc tấn công các chuyên viên tiên liệu. Kế hoạch được mô tả trong các tài liệu tịch thu diễn tả một cuộc tổng tấn công đại qui mô vào khắp nơi trong suốt toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam phối hợp với cuộc tổng nổi dậy của toàn thể quần chúng, nhất loạt chiếm lấy các tỉnh và thành phố. Chiến lược diễn tả trong tài liệu tịch thu táo bạo và liều lĩnh đến mức chẳng ai có thể tin đây là sự thực. Cho đến mãi tận vài ngày trước Tết âm lịch những chuyên viên phân tích tình hình mới nhận chân được giá trị của những tài liệu họ đang nắm trong tay lúc này.

Gọng Kềm Lịch Sử
26. Tết Mậu Thân

Trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa từ thu năm 1967 sang đông thì tôi vẫn tiếp tục lượng định những chiều hướng của Hoa Kỳ về chiến cuộc Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn. Tôi cố theo dõi những cuộc vận động của Tổng Thống Johnson. Những cố gắng của tổng thống Johnson lúc này nhằm mục đích giữ vững sự ủng hộ của dân chúng Hoa Kỳ đối với chiến tranh ở Việt Nam. Trong lúc tôi đang cố gắng quan sát xem các cuộc thuyết phục của Tổng Thống Johnson ảnh hưởng dân chúng Hoa Kỳ ra sao thì ở Sài Gòn cuộc bầu cử Tổng Thống của Việt Nam đã kết thúc. Sài Gòn đang bắt đầu thiết lập chính phủ. Ông Thiệu đã giữ đúng lời hứa. Ông đồng ý để ông Kỳ chọn thủ tướng và sau đó hoàn toàn nhường quyền thiết lập chánh phủ lại cho ông Kỳ. Vì đã có thực quyền trong tay, ông Thiệu đã trở nên phần nào dễ dãi.

Kết quả là sau cuộc bầu cử, ông Kỳ cùng vị tân Thủ Tướng đã bận rộn tiếp xúc với nhiều đoàn thể chính trị và tôn giáo vì sự tham gia của các đoàn thể này vào chính phủ mới là một việc vô cùng cần thiết. Tôi được triệu hồi về nước vào tháng 9 cũng chính là để góp phần vào việc này.

Khi đang ở Sài Gòn thì vào ngày 17-10-1967, tôi nhận được một bức điện từ Hoa Thịnh Đốn báo rằng nhà tôi hạ sinh con trai ở bệnh viện của trường đại học George Washington. Ngày hôm sau tôi lên đường về Hoa Thịnh Đốn. Khi về Hoa Thịnh Đốn tôi lại tiếp tục những buổi nói chuyện. Tôi cũng suy nghĩ thêm về việc từ chức của Tổng Trưởng McNamara và cảm thấy lo lắng nhiều hơn khi thấy cuộc chiến ngày càng dữ dội. Từ trước đến nay, trong chiến cuộc Việt Nam, Tết không những chỉ là ngày nghỉ mà còn là giai đoạn tượng trưng cho hòa bình và hy vọng. Tết thường là những giai đoạn làm mốc để đánh dấu những thay đổi mới. Đã nhiều năm, Tết là một một dịp đình chiến được cả hai miền Nam, Bắc cùng chấp thuận. Tết là những dịp binh sĩ có thể về thăm gia đình và tề tựu cùng những người thân trong họ. Tết chính là giai đoạn nghỉ ngơi hiếm hoi cho cả hai chánh phủ giữa lúc giao tranh. Tôi đã nghĩ rằng Tết năm 1967 sẽ là một cơ hội tốt để gia đình tôi có thể quây quần, tạm quên mọi sự.

Vì vậy, nhân một mùa nghỉ ngắn, tôi và gia đình đã quyết định cùng đi trượt tuyết ở vùng Camelback, tiểu bang Pennsylvania. Camelback tuy không xa Hoa Thịnh Đốn là mấy nhưng cũng đủ xa để chúng tôi có thể thoát được sự căng thẳng của những vấn đề hàng ngày. Ngày đầu tiên ngay lúc đang còn trượt tuyết ở những con dốc, tôi đã nghe loa phóng thanh gọi tôi và thông báo rằng tôi phải về lập tức vì có điện thoại của tòa đại sứ. Khi tôi liên lạc được với tòa đại sứ thì những nhân viên ở tòa đại sứ cho tôi biết Sài Gòn đang bị các lực lượng Cộng Sản tấn công và chính quyền Hoa Kỳ đang cần gặp tôi gấp. Trong vòng một tiếng đồng hồ, tôi tụ họp gia đình, sửa soạn đồ đạc và lên xe hối hả trở về Hoa Thịnh Đốn.

Khi tôi về đến Tòa Đại Sứ thì trời vào khoảng 6,7 giờ tối. Tôi còn nhớ hôm đó là ngày 31 tháng giêng. Khi tôi về đến sứ quán thì những nhân viên ở tòa đại sứ đã có đầy đủ những báo cáo thâu được từ những nguồn tin của Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại Giao. Theo những Bản Báo Cáo thì hiển nhiên Việt Cộng đã phát động một cuộc tổng tấn công lớn vào Sài Gòn. Cuộc tấn công dữ dội cho đến mức đã có những đơn vị Cộng quân xâm nhập vào những một vài nơi cư trú ngay cạnh tòa đại sứ. Tuy chưa vào được tòa đại sứ nhưng những đơn vị Việt Cộng đã có lúc chiếm giữ được cả đài phát thanh. Đây quả là một cuộc tổng tấn công phối hợp với các cuộc nổi dậy ở tất cả các vùng. Cuộc tổng tấn công hoàn toàn bất ngờ cho cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam. Cả tòa Bạch Ốc đều sửng sốt vào lúc đầu. Cơn bàng hoàng sợ hãi kéo dài. Đến ngay cả khi Hoa Kỳ đã biết đại sứ Bunker hoàn toàn vô sự mà ông Rostow, ông Bill Jorden và các nhân viên tòa Bạch Ốc cũng chưa dám quả quyết liệu Việt Nam có thể chống giữ được hay không?

Lúc cuộc tấn công phát động thì ông Thiệu đang thăm viếng quê ngoại ở vùng đồng bằng Cửu Long nhưng ông Kỳ vẫn ở Sài Gòn để điều động mọi việc. Tôi đã cố gắng liên lạc với ông Kỳ bằng điện thoại. Lúc tôi liên lạc được với ông Kỳ thì tình hình đã khá ổn định. Ông Kỳ cho biết rằng chánh phủ Việt Nam đã làm chủ tình hình. Những đơn vị Việt Cộng gần tòa đại sứ Hoa Kỳ đã bị quét sạch. Hơn nữa, sự tiên liệu đề phòng an ninh của chính phủ ở đài phát thanh đã ngăn ngừa được mọi mưu toan của Việt Cộng trong việc lợi dụng đài phát thanh để kêu gọi cuộc tổng nổi dậy. Ông Kỳ nói thêm rằng có lẽ phải thêm một thời gian nữa quân đội Việt Nam mới có thể đẩy lui được toàn thể địch quân nhưng rõ ràng là cuộc tổng tấn công đã thất bại hoàn toàn. Mặc dầu có sự bất ngờ, tình thế đã được ổn định và địch quân đã bị tổn thất nặng nề.

Đang khi tôi hãy còn tổng kết vấn đề thì màn ảnh truyền hình Hoa Kỳ đã loan báo tin tức về các biến cố ở Sài Gòn. Những cuốn phim hình được chiếu vào lúc này tường trình những cảnh thật là kinh khiếp. Đài truyền hình chiếu cảnh đại sứ Bunker đang xem xét lại tòa đại sứ khi những xác chết Việt Cộng vẫn còn ngổn ngang trên mặt đất, cảnh Việt Cộng và binh lính Hoa Kỳ đang đánh xáp lá cà. Trong những cuốn phim chiếu có cả tiếng các viên sĩ quan chỉ huy hò hét ra lệnh vang lên ầm ỹ bên cạnh các phóng viên đang đổ xô vào nhau núp ngay gần sát cạnh chỗ giao tranh. Đến cả những người chuyên xem phim chiến tranh cũng chưa hề được mục kích những cảnh tương tự bao giờ.

Hai ngày sau đó, những nhân viên sứ quán cùng những tùy viên báo chí và quân sự của chúng tôi làm việc liên tục suốt hai mươi bốn giờ. Tôi tổng kết tất cả những bản báo cáo cùng những nguồn tin của cả Tòa Bạch Ốc lẫn Sài Gòn và đã có thể phác họa được khá đúng tình hình. Những lực lượng Việt Cộng đã phát động cuộc tấn công mở rộng ở khắp mọi nơi nhằm mục đích chiếm lấy thành phố và bắt đầu một cuộc tổng nổi dậy nhằm gây hoang mang cho những trung tâm dân cư và kêu gọi binh lính Việt Nam gia tăng đào ngũ.

Cuộc tấn công đã được Việt Cộng tổ chức bằng cách lợi dụng tất cả những yếu tố bất ngờ của ngày Tết. Cuộc giao tranh bắt đầu theo những tiếng pháo Tết. Vì thông lệ đốt pháo vào những dịp tết, đầu tiên chưa ai nhận rõ được rằng giao tranh đã xảy ra giữa hai phe. Hơn nữa, chiến thuật tấn công vào thẳng thành phố giữa ngay trung tâm hỏa lực của Việt Nam và Hoa Kỳ táo bạo đến độ những chuyên viên tình báo đã xem những tin tức thâu lượm được chẳng khác nào một chuyện đùa chơi. Tuy thế sự thể cho thấy đây hoàn toàn không phải một trò đùa. Trước khi cuộc tổng tấn công phát động Việt Cộng đã xâm nhập và chuyển vận được những vũ khí nặng vào các thành phố lớn. Mượn cơ hội hiếm có nhờ những ngày bận rộn của không khí trước Tết lúc mọi người đang sửa soạn cho ngày lễ lớn nhất năm, Việt Cộng đã chuyển các đơn vị vào thành phố bằng nhiều cách ngụy trang khéo léo. Vào lúc sau này, dân chúng nhớ lại rằng trước ngày Tết bỗng có những đám ma đông đảo khác thường len lỏi qua đường phố Sài Gòn. Những cuộc thẩm vấn tù nhân về sau cho thấy đã có rất nhiều đám ma giả: Những người đưa tang là du kích Việt Cộng trá hình và những quan tài họ khiêng chứa đầy vũ khí cùng chất nổ.

Vào đêm 31 tháng 1, Cộng Sản ra lệnh tấn công vào các mục tiêu đã chọn trong thành phố. Những mục tiêu họ chọn bao gồm: Dinh Độc Lập, những Bộ Tư Lệnh của cảnh sát và hải quân, Bộ Tổng Tham Mưu và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Vào lúc rạng đông, những cuộc tấn công phối hợp này được quân đội chính qui Bắc Việt tăng cường tấn công yểm trợ ở các khu vực ngoại ô phía Bắc và phía Nam thành phố. Kết quả của những kế hoạch do Việt Cộng sắp xếp thật là ác liệt. Một thành phố từ trước tới nay vẫn được coi là bất khả xâm phạm trong cuộc chiến tranh bỗng nhiên chìm trong hỗn loạn giao tranh ở khắp các nẻo đường. Địch quân đã chọc thủng được phòng tuyến ở nhiều nơi nhưng lại không giữ được những vị trí đã chiếm. Vào lúc tảng sáng những đơn vị Việt Cộng tấn công vào tòa đại sứ đã bị tiêu diệt. Đến giữa trưa thì viên lính du kích cuối cùng bị triệt hạ.

Tuy những chỉ huy cao cấp của Việt Cộng đã lợi dụng được yếu tố bất ngờ nhưng Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã huy động quân cảnh Sài Gòn phản ứng kịch liệt và ngăn chận kịp thời tất cả những tai họa lớn lao. Sau đó, những binh lính tăng cường của cả quân đội Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đã tập trung và chặn đứng các cuộc tấn công của quân đội chính qui Việt Cộng, buộc Cộng Sản phải rút lui.

Sài Gòn cũng là trường hợp điển hình cho các tỉnh khác. Ở những nơi như Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Châu Đốc, Mỹ Tho và các thành phố khác, những thành công đầu tiên của Việt Cộng lập tức tiêu tan. Những đơn vị cộng sản đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề do những hỏa lực tập trung của Hoa Kỳ và Việt Nam.

Chỉ có một nơi khung cảnh hoàn toàn khác hẳn là Huế. Tại đây địch quân chiếm giữ phần lớn thành phố và chiếm đóng suốt ba tuần. Những thương tổn của cả hai bên đều vô cùng trầm trọng. Khi bị buộc phải tháo lui khỏi những tỉnh lị khác, Cộng Sản đã quyết tâm giữ vững những tiền đồn ở cổ thành. Huế cũng chính là nơi những thương tổn dân sự lên cao hơn tất cả những nơi khác. Tại Huế, ngay sau khi cộng sản chiếm đóng thì Ủy Ban Nhân Dân và những đơn vị quân sự đặc biệt của cộng sản bắt đầu diệt trừ những thành phần mà họ cho là phản cách mạng. Khi giao tranh kết thúc, đã có gần 3000 người bị tàn sát kể cả những tu sĩ công giáo, những bác sĩ ngoại quốc, những ký giả và tất cả những người từ mọi tầng lớp vì lý do này hay lý do khác đã vô tình có tên trong sổ đen của cộng sản. Nhiều người bị đánh đập cho đến chết, nhiều người khác bị bắn và rất nhiều người khác nữa bị chôn sống. Đây là một trong những thí dụ điển hình về sự man rợ cùng tột của chính sách cộng sản. Nhưng được cái may là Huế lại là vùng duy nhất Việt Cộng chiếm đóng lâu được đến mức họ có thể áp dụng được uy quyền của họ.

Tuy những tin tức ông Kỳ cho tôi biết thật là khả quan và đây là những tin tức trong vòng 36 giờ đầu nhưng những tin tức của các giới báo chí, truyền thông Hoa Kỳ loan báo về Tết Mậu Thân lại hoàn toàn khác hẳn. Nhất là trên đài truyền hình, những cảnh tượng được chọn lựa nhằm gây cho người xem ấn tượng rằng Việt Nam đang phải đối phó với một hiểm họa có tầm vóc sinh tử. Các phóng viên đã bị những khung cảnh ác liệt của các cuộc giao tranh ám ảnh. Hàng đêm ống kính của họ trình bày những trận đánh nảy lửa khiến người xem chẳng thể quyết định rõ rệt bên nào đang thắng thế. Ngay cả những khi những bình luận gia đã nhìn vấn đề hoàn toàn chính xác mà họ vẫn tỏ ra nghi ngờ khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam.

Mặc dù tòa đại sứ Việt Nam chẳng thể làm cách nào để lấn át được những tin tức của giới truyền thông Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn thu thập tài liệu để soạn thảo các chương trình nói chuyện với báo chí và với những nhân viên trong các ủy ban của quốc hội có nhiệm vụ lượng định tình hình chiến cuộc Việt Nam. Trong dịp này, tôi thường tổ chức những bữa cơm trưa và mời đại diện các báo tới tới dùng bữa trưa để có dịp thảo luận chi tiết và làm sáng tỏ phần nào các tin tức và giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc tấn công. Tôi nhấn mạnh rằng tình thế chiến cuộc hoàn toàn khả quan, Việt Cộng đang bị tổn thất nặng nề. Sau đó tôi đưa ý kiến với các ký giả báo chí rằng vấn đề chính chẳng phải nằm ở câu hỏi liệu cuộc tấn công có thành công hay không mà thực sự là ở câu hỏi liệu cuộc tấn công có ảnh hưởng gì đến chiều hướng chính sách của Hoa Kỳ hay không?

Cuộc tấn công Mậu Thân sẽ ảnh hưởng dân chúng Hoa Kỳ ra sao? Đây là một câu hỏi làm tôi lo lắng không cùng. Dĩ nhiên vào lúc đầu tôi cũng bàng hoàng chẳng khác nào những nhân viên khác ở Tòa Bạch Ốc, nhưng ngay cả khi đã biết rõ rằng cuộc tấn công là một thất bại rõ rệt của Cộng Sản, những nỗi lo âu của tôi vẫn không hề suy giảm. Tôi hiểu rõ tầm ảnh hưởng tai hại của những tin tức và hình ảnh mà giới báo chí đã đưa ra. Những bức hình chụp, chẳng hạn như bức hình của ký giả Eđie Adams khi chụp tướng Loan bắn vào đầu một tên Việt Cộng thật là một cảnh tượng hãi hùng. Những bức hình này tuy phác họa thật khốc liệt những sắc thái man rợ nhất của chiến cuộc nhưng lại chẳng thể phơi bày được nội dung những cảnh chụp. Chẳng hạn như nếu chỉ nhìn vào bức hình thì không ai lại có thể biết được tên Việt Cộng bị Tướng Loan bắn chính là một tên sát nhân trong đội ám sát của Việt Cộng và chính hắn vừa mới hạ sát vô số thân nhân của các nhân viên cảnh sát. Hậu quả là khi khán giả vừa trông thấy bức hình, họ đã có ngay ấn tượng rằng đây là một cuộc chiến man rợ, đã hoàn toàn vượt qua giới hạn của những lý luận bình thường hoặc suy luận sâu xa. Tuy chẳng ai có thể định rõ tầm ảnh hưởng của giới báo chí khi họ trình bày những tin tức và hình ảnh chẳng hạn như tấm hình của Eđie Adams nhưng đây vẫn là một trong những điều khiến tôi lo ngại.

Ngay sau khi cuộc tấn công Tết Mậu Thân chấm dứt, quốc hội và chánh phủ Hoa Kỳ vẫn chưa bị ảnh hưởng gì nhiều. Những người có trách nhiệm vẫn tỏ vẻ lạc quan và tin tưởng. Việt Nam đã đánh bại một kế hoạch do Bắc Việt hoạch định cẩn mật và đẩy lui được những cuộc tấn công bất ngờ ở khắp mọi nơi trong nước. Không những chỉ đẩy lui mà Việt Nam còn đè bẹp cả cuộc tổng tấn công. Khi những tổn thất được tổng kết, con số thiệt hại của Bắc Việt lên từ khoảng 35,000 cho đến 40,000 binh lính. Đây là phân nửa binh lực của toàn thể quân đội Bắc Việt. Mặc dầu địch quân đã gọi cuộc tấn công Tết Mậu Thân là một cuộc "Tổng Tấn Công, Tổng Nổi Dậy" kỳ thật thì vẫn chưa hề có một cuộc nổi dậy nào cả. Tất cả những gì Cộng Sản huênh hoang gọi là "tình cảm cách mạng chứa chất trong tim người dân Miền Nam" chỉ là những điều hoàn toàn bịa đặt. Hy vọng khuấy rối và gây loạn bên trong quân đội Việt Nam cũng hoàn toàn thất bại. Ngược lại quân đội Việt Nam đã chứng tỏ rõ rệt khả năng phản công thật nhanh chóng và hiệu lực.

Tuy những thắng lợi quân sự quả hoàn toàn rõ rệt là thế mà những giới báo chí lại trình bày tin tức dưới một khía cạnh khác. Những ảnh hưởng tai hại của giới báo chí đã biến cuộc tấn công thất bại của Bắc Việt thành một biến cố làm mất uy tín của Việt Nam và Hoa Kỳ. Nói một cách chi tiết thì khi đối chiếu các phong trào vận động của Tổng Thống Johnson và khả năng thực sự của Bắc Việt thì những mâu thuẫn đã khiến dân chúng Hoa Kỳ dao động và không còn tin tưởng vào uy tín của chánh quyền Johnson nữa. Tuy mới đây, trong chuyến trở lại thăm viếng Hoa Kỳ cả Tướng Westmoreland lẫn đại sứ Bunker đều lạc quan mà lúc này ở Hoa Kỳ gần như tất cả đều mất hết lạc quan. Nghi vấn đã làm cả Quốc Hội lẫn giới báo chí sôi sục: Tại sao tình báo Hoa Kỳ lại có thể tiên đoán sự kiện sai lệch đến mức như vậy? Tại sao ngay giữa trung tâm hỏa lực, nơi cả nửa triệu quân Hoa Kỳ đang trấn đóng mà địch quân vẫn có thể tiến vào những thành phố và bao vây cả tòa đại sứ?

Các biến cố cho thấy rằng bất kể kết quả quân sự ra sao, cuộc tấn công đã ăn mòn dần uy tín của chánh phủ Johnson về mặt tinh thần. Cuộc tấn công đã khiến nhân dân Hoa Kỳ nghi ngờ uy tín của chánh quyền Johnson. Rồi từ đó, người dân Hoa Kỳ đã bắt đầu nghi ngờ cả toàn thể cuộc chiến Việt Nam.

Vào lúc ban đầu thì vẫn chưa có bất kỳ sự thay đổi chính thức nào quan trọng trên phương diện chính sách. Ít ra thì cũng chưa có thay đổi nào trầm trọng ở các cơ quan hành pháp. Ngược lại, trong những tuần lễ sau Tết, Tổng Thống Johnson lại tuyên bố rõ rệt rằng chánh quyền Hoa Kỳ hết lòng ủng hộ Việt Nam. Tuy thế, tôi đã bắt đầu nghe phong phanh nhiều điều đồn đại từ nhiều phía khác nhau. Có tin đồn rằng Bộ Trưởng Quốc Phòng Clark Clifford, người thay thế Bộ Trưởng McNamara, cố vấn thân tín nhất của Tổng Thống Johnson không còn ủng hộ cuộc chiến nữa. Những bạn bè của tôi trong giới quân sự Hoa Kỳ đã bảo tôi rằng vào lúc này, những phụ tá của Bộ Trưởng McNamara còn tại chức chẳng hạn như các nhân viên Paul Warnke, Leslie Gelb, Morton Halperin và nhiều nhân viên khác cũng có ý ủng hộ chính sách rút lui tuy họ vẫn chưa chánh thức tuyên bố công khai.

Tuy nhiên việc làm tôi lo lắng nhất là đề tài của một câu chuyện giữa tôi và phóng viên Hedrick Smith, một phóng viên của tờ New York Times. Vào khoảng cuối tháng 2, lúc phóng viên Hedrick Smith đang phụ trách một mục báo viết về lời yêu cầu đổ thêm quân của tướng Westmoreland thì ông có nhờ tôi dùng những liên lạc riêng để xác định xem liệu những mục tiêu trong lời yêu cầu của tướng Westmoreland có thiết thực hay không? Tôi đã thú thật với phóng viên Hedrick rằng tôi thật sự chẳng giúp đỡ được gì nhiều vì những viên chức Việt Nam rất hiếm khi được biết rõ ngọn ngành những kế hoạch của Hoa Kỳ, nhất là về những vấn đề như vấn đề quân số.

Nhưng câu chuyện chưa kết thúc tại đây. Câu hỏi của ông Smith đã khiến tôi linh cảm sẽ có việc khác thường xảy ra. Chẳng bao lâu sau tôi lại được tin rằng những lời yêu cầu của Tướng Westmoreland đã khiến hai phe bồ câu lẫn diều hâu của Hoa Kỳ tranh luận sôi nổi trong cả quốc hội lẫn chánh phủ. Đây quả là một biến chuyển đáng ngại. Lúc này uy tín chánh phủ Johnson đang bị sút giảm và cuộc tấn công Tết Mậu Thân cũng vừa mới xảy ra. Hơn nữa, chỉ còn vài tuần nữa là đến giai đoạn đầu của cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Những cuộc vận động sơ khởi để sửa soạn cho cuộc bầu cử lại sắp diễn ra ở tiểu bang New Hampshire. Tôi có linh cảm rằng yêu cầu đổ quân sẽ khơi sâu thêm các mâu thuẫn và ảnh hưởng đến các chính sách điều động chiến cuộc của Tổng Thống Johnson. Nếu đứng trên phương diện tâm lý và chính trị mà luận thì lời yêu cầu đổ thêm quân của Tướng Westmoreland đến vào một thời điểm thật là bất lợi.

Riêng đối với tôi thì vào giai đoạn này tôi vẫn thường tự hỏi: Phải chăng những biến chuyển ở Hoa Thịnh Đốn đã khiến Việt Nam bước qua một bước ngoặt giai đoạn? Câu hỏi này đã khiến tôi khắc khoải không cùng. Tôi cố hết sức thăm dò cho chính xác những biến chuyển bên trong chánh phủ Hoa Kỳ và báo cáo chi tiết về Việt Nam. Sau đó tôi bắt đầu vận động bằng cách ngỏ lời xin ông Thiệu và ông Kỳ gọi tôi về để tham khảo. Sau khi đã gửi điện yêu cầu được gọi về, tôi lại viện vào lý do sắp về Sài Gòn để yêu cầu được gặp Ngoại Trưởng Rusk, Bộ Trưởng Clark Clifford và nhiều nhân viên khác trong cả chánh phủ lẫn quốc hội Hoa Kỳ. Giữa lúc tôi còn đang trong giai đoạn gặp gỡ đầu tiên thì bản tin của phóng viên Hedrick được tờ New York Times đăng tải. Đề mục hiện rõ ngay trên trang đầu của tờ báo ngày 10 tháng 3 với hàng tít 8 cột to lớn: "Tướng Westmoreland yêu cầu gửi thêm 206,000 quân sang Việt Nam."

Quả nhiên phản ứng đối với lời yêu cầu tăng viện quân đến vừa nhanh chóng, vừa dữ dội thật chẳng khác gì những điều tôi linh cảm. Tại Quốc Hội, các Thượng Nghị Sĩ Fullbright, Mansfield, Robert Kennedy, cùng hàng loạt thượng nghị sĩ khác ở ngay trong đảng của Tổng Thống Johnson đồng nhất loạt lên tiếng chỉ trích. Ngoại Trưởng Rusk bị gọi đến để điều trần trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện. Buổi điều trần được trực tiếp truyền hình trên các đài Ti Vi. Cảnh tượng điều trần cho thấy một sự bất đồng ý kiến rõ rệt về chính sách giữa quốc hội và chánh phủ Hoa Kỳ.

Vào đúng lúc mọi việc đang xảy ra thì cuộc bầu cử sơ khởi ở New Hampshire lại bắt đầu. Trong cuộc bầu cử sơ khởi nhân lúc quốc hội đang chỉ trích chính phủ, Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthy đã mượn luôn diễn đàn báo chí và truyền hình để công kích kịch liệt các chính sách của chính phủ Johnson. Khi cuộc bầu cử sơ khởi kết thúc thì kết quả được đăng tải vào ngày 14 tháng 3. Tổng số phiếu cho thấy Thượng Nghị Sĩ McCarthy chỉ thiếu vẻn vẹn có 300 phiếu nữa là có thể thắng được Tổng Thống Johnson.

Giữa khi Hoa Thịnh Đốn đang xôn xao vì các diễn biến thì tôi vẫn tiếp tục cố gắng lượng định tình hình quốc hội. Đầu tiên tôi đến gặp một người bạn đang phục vụ ở quốc hội là Thượng Nghị Sĩ Aiken. Ông Aiken nguyên vừa là người hiểu biết, có nhận định hết sức chính xác và lại vừa hiểu rõ tình cảnh của tôi. Vào một sáng lạnh lẽo đầu tháng 3, tôi cùng dùng điểm tâm với Thượng Nghị Sĩ Aiken ở phòng ăn quốc hội để được nghe lời ông nghị luận. Nhận định của Thượng Nghị Sĩ Aiken còn làm tôi lo lắng thêm. Tôi có ghi lại nhận định đã được nghe trong buổi điểm tâm hôm đó: "Tuy Tổng Thống Johnson vẫn tin tưởng mãnh liệt vào các chính sách đã đề ra, ông ta không còn được những đảng viên khác trong đảng ủng hộ. Tôi không những chỉ nói đến các nghị viên phản chiến, hẳn ông cũng đã hiểu rõ ý kiến của họ! Ý tôi muốn nói những người từ trước đến nay vẫn ủng hộ TT Johnson, chẳng hạn như ông Stennis và ông Jackson. Lúc này Tổng Thống cũng chẳng còn được họ ủng hộ. Vài năm trước ông có thể đề cập đến "sự đồng thuận" của Hoa Kỳ về chiến cuộc Việt Nam, nhưng giờ đây việc đã hoàn toàn khác hẳn. "Sự đồng thuận" không còn nữa. Vả lại, nếu có còn sự đồng thuận chăng nữa thì sự đồng thuận cũng đang tan rã." Ngưng một chút ông nói thêm: "Tôi đoán rằng Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy cũng sắp ra ứng cử tổng thống. Lúc đó thì việc còn rõ ràng hơn."

Từ trước đến nay tôi thấy những nhận định của ông Aiken lúc nào cũng rất thành thật và chánh xác. Chắc chắn những nhận định của ông lần này cũng chuẩn xác chẳng khác gì những lần trước. Sau khi đã tiếp xúc với ông Aiken, tôi cho rằng có lẽ chẳng còn tin tức gì cần tìm hiểu thêm ở quốc hội nữa. Vì vậy tôi lại xoay sang tìm tin tức ở Tòa Bạch Ốc. Cuối cùng, khi duyệt lại tất cả những cuộc thảo luận với cả ông Aiken lẫn những nhân viên ở Tòa Bạch Ốc tôi kết luận rằng có lẽ trong giai đoạn khủng hoảng của các chánh sách Hoa Kỳ lúc này tôi nên gặp thẳng Tổng Thống Johnson, Ngoại Trưởng Rusk và Bộ Trưởng Quốc Phòng Clark Clifford. Tôi không hề nghĩ gì đến chuyện có thể ảnh hưởng tổng thống Johnson, nhưng tôi cho rằng nếu có cơ hội gặp riêng với ông, biết đâu tôi chẳng hiểu được phần nào những điều ông suy nghĩ. Vì suy nghĩ như thế nên khi đến gặp các ông Walt Rostow và Bill Jorden tôi đã hỏi họ chẳng hiểu tôi có thể gặp riêng tổng thống Johnson hay không. Cả hai đều trả lời rằng được. Thế là vào sáng ngày 18 tháng 3, ông Jorden gọi điện thoại báo cho tôi biết rằng tôi có thể gặp Tổng Thống Johnson tối đó.

Chiều đó tôi đến gặp ông Jorden để đánh lạc hướng giới báo chí. Rồi chúng tôi cùng đi bộ sang Tòa Bạch Ốc. Khi chúng tôi đến nơi thì Tổng Thống Johnson vẫn tiếp tôi thật là niềm nở chẳng khác gì những lần gặp trước. Lúc ngồi xuống, đối diện với tổng thống Johnson, tôi thấy dường như mình đang nhìn vào một người nào đó khác hẳn. Trông ông thật là mệt mỏi và tiều tụy. Người ông toát ra một vẻ ưu tư và trầm lặng khác hẳn trước đây. Dường như gánh nặng chiến cuộc Việt Nam đang vượt quá sức chịu đựng của ông. Có lẽ đây chẳng phải là lần thứ nhất tôi cảm thấy thông cảm với nỗi khổ tâm của ông.

Tôi mở đầu buổi họp bằng cách trình bày sơ lược quan điểm và những nhận định của Việt Nam. Tôi nói rằng dĩ nhiên ở Việt Nam lúc này vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi tin là Việt Nam đang nắm phần chủ động khi phải đối phó với những thử thách vừa qua trong Tết Mậu Thân. Bắc Việt đã phải chịu nhiều tổn thất và Việt Nam đang cố ổn định lại cuộc sống bình thường ở các vùng thôn quê để gây thêm tin tưởng cho dân chúng. Chiến thắng Mậu Thân đã khiến người dân Việt Nam thấy rõ rằng quân đội Miền Nam Việt Nam có thể đánh bại Cộng Sản và nhờ vào những niềm lạc quan đó, Việt Nam đã bắt đầu một cuộc tổng động viên tuyển mộ tất cả những thanh niên 18 tuổi. Đây là một cuộc tổng động viên mà trước đây Việt Nam vẫn cho rằng chẳng thể nào có thể thực hiện được. Riêng về vấn đề quân sự thì tôi nói rằng Việt Nam sẵn sàng nhận thêm những trách nhiệm mới. Nhưng quân đội Việt Nam vẫn còn đang thiếu khí giới, nhất là các súng ống có thể dùng vào cuộc tấn công. Chẳng có bao nhiêu đơn vị của Việt Nam được trang bị súng M-16, trong khi đó thì Bắc Việt lại được trang bị bằng những khẩu AK-47 tối tân của Trung Hoa.

Tổng Thống Johnson lấy làm ngạc nhiên khi tôi đưa ra điểm khác biệt về khí giới giữa quân đội Việt Nam và Bắc Việt. Ông quay sang nhờ ông Jorden ghi nhận điểm này. Ngoại trừ việc nhờ ông Jorden ghi nhận, Tổng Thống Johnson chỉ ngồi yên lặng trong suốt buổi họp, tay ông chống cằm, thỉnh thoảng ông lại rướn mắt nhìn qua vòng viền của chiếc tách như thể cố nhìn tôi cho rõ hơn. Tôi có cảm tưởng rằng phần lớn những điều tôi nói ông đều không nghe. Ông ngồi yên thả hồn theo những suy tưởng riêng.

Khi tôi dứt lời Tổng Thống Johnson ngồi yên khoảng một hoặc hai phút và phát biểu thật từ tốn: "Nếu chúng ta không thắng thì rắc rối to. Tôi đã cố hết sức rồi mà vẫn không nổi." Tôi phải cố nén ngạc nhiên mà lòng vẫn chưa thể tin được rằng đây là sự thật. Tôi không ngờ một người như Tổng Thống Johnson mà lại có thể thú nhận rằng ông không đủ sức. Tôi thầm suy nghĩ lời nói của ông và rồi kết luận rằng có lẽ ông chưa nói thẳng với tôi nhưng ông muốn tôi trình bày với ông Thiệu và ông Kỳ rằng ông không thể giữ được những lời ông đã cam kết với Việt Nam. Tuy vậy Tổng Thổng Johnson lại chẳng nói gì chi tiết thêm mà lại đổi sang đề tài cần trang bị M-16 cho các đơn vị Việt Nam. Ông nói rằng ông sẽ xem xét cẩn thận vấn đề này.

Trong suốt buổi họp hôm đó tôi chỉ ngồi với Tổng Thống Johnson có 40 phút. Tuy thế sau cuộc họp tôi đã biết rằng Hoa Kỳ đã quyết định thay đổi chính sách. Trong khi hai phía bồ câu và diều hâu tranh luận thì lần này phía bồ câu đã ảnh hưởng được tổng thống Johnson thay đổi chính sách về một chiều hướng mới. Tôi rời tòa Bạch Ốc vào lúc cuối ngày. Khung cảnh ban công ở Tòa Bạch Ốc vào lúc hoàng hôn vắng lặng chẳng khác nào một nơi bỏ hoang. Tôi bước đi mà lòng đầy ắp những suy tư, lo lắng. Đầu óc tôi quay cuồng vì những viễn ảnh tương lai mù mịt của Việt Nam.

Hai ngày sau tôi đến gặp ông Clark Clifford ở Ngũ Giác Đài. Trước đây tôi đã có gặp ông Clifford trong những buổi họp ở Sài Gòn. Bộ Trưởng Quốc Phòng Clifford nguyên vừa là bạn thân, lại vừa là người lúc nào cũng ủng hộ chính sách của tổng thống Johnson. Ở những buổi họp tôi gặp ông lúc trước ông Clifford thường trình bày vấn đề rất mạch lạc. Lời lẽ của ông đã chu đáo, khéo léo lại gọn ghẽ và chính xác chẳng khác nào ngôn ngữ của một luật sư quốc tế. Tôi vẫn nghĩ rằng cách ông diễn tả tư tưởng có lẽ còn khéo léo hơn cả những nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Đó là những ấn tượng của tôi về ông trong quá khứ, nhưng khi tôi gặp ông vào ngày 20-3-67 thì ông Clifford lại là một con người khác hẳn. Ông đã chẳng dùng những lời lẽ khéo léo hoa mỹ mà lại còn có vẻ thiếu kiên nhẫn trông thấy. Ông bảo tôi rằng ông đã được Tổng Thống Johnson cho biết chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ trang bị M-16 cho các đơn vị Việt Nam và ông sẽ cố gắng hết sức về việc này. Sau đó ông trực tiếp trình bày vấn đề thay đổi chính sách của chính phủ Hoa Kỳ: "Chúng tôi không còn thời giờ để nói chuyện ngoại giao nữa." Rồi ông lại ngầm ám chỉ những loạt tranh chấp triền miên giữa ông Thiệu và ông Kỳ: "Chúng tôi đã ngán nghe những chuyện xích mích đến tận cổ rồi. Dân chúng Hoa Kỳ đã chán chường lắm rồi và sức ủng hộ của chúng tôi cũng chỉ có giới hạn thôi." Khi chúng tôi chấm dứt buổi họp khó chịu đó, ông Clifford còn phát biểu một câu thất vọng gần giống như lời Tổng Thống Johnson khi trước: "Chúng ta phải tìm ra một giải pháp nào đó, nếu không thì rắc rối to!"

Cuối cùng, tôi đến gặp Ngoại Trưởng Rusk trước khi lên đường về Sài Gòn. Khi nói chuyện với ông Rusk tôi có cảm tưởng rằng cả ba nhân vật Hoa Kỳ -Tổng Thống Johnson, Ngoại Trưởng Rusk và Bộ Trưởng Quốc Phòng Clifford- đều đang cố nói rõ lập trường của Hoa Kỳ cho tôi biết. Mới chỉ một năm trước đây, ông Rusk đã từng nói: "Nếu người Hoa Kỳ quyết định làm việc gì thì chắc chắn họ sẽ làm được việc đó", vậy mà giờ đây ông lại nói rằng: "Chúng tôi không còn đường chọn lựa. Mục tiêu của chúng tôi giờ đây không phải là thắng lợi quân sự mà là Hòa Bình trong danh dự." Đây là lần đầu tiên tôi được nghe một danh từ đặc biệt như vậy. Trên chuyến bay về Sài Gòn năm 1968, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu "Hòa Bình trong danh dự" của ông Rusk. Lúc đó, tôi vẫn chưa biết được rằng sau này, vào tháng 10, năm 1972 tôi còn có dịp được nghe lại danh từ đặc biệt này một lần nữa khi ông Kissinger tuyên bố Hoa Kỳ đã đạt được "Hòa Bình trong danh dự" qua hiệp định Ba Lê.

Gọng Kềm Lịch Sử

27. Cuộc Đàm Phán Bắt Đầu

Sau khi chia tay ông Rusk, tôi trở về để thông báo cho Sài Gòn biết rằng lập trường của Hoa Kỳ về cuộc chiến Việt Nam đã bắt đầu lung lay. Vừa về Sài Gòn được một ngày tôi đã thông báo ngay các tin tức thật chi tiết với ông Thiệu và ông Kỳ. Tôi nói rằng Việt Nam phải đối diện với thực tế về việc rút quân của Hoa Kỳ ngay lúc này. Tuy tôi chưa chánh thức được nghe chánh phủ Hoa Kỳ tuyên bố những thay đổi trong tương lai nhưng qua các cuộc đàm luận với các ông Johnson, Clifford, và Rusk, tôi đã biết rất rõ những khuynh hướng thay đổi chính sách của Hoa Kỳ. Đã đành rằng Hoa Kỳ khó thể rút quân lập tức, nhưng việc rút quân của Hoa Kỳ trong tương lai là việc không thể nào tránh khỏi. (Đã có khoảng nửa triệu binh lính Hoa Kỳ trấn đóng ở Việt Nam vào thời gian đó.)

Khi nghe tôi tường trình, cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ có lẽ đều cho rằng đây là những âu lo hãy còn xa xăm. Tuy Hoa Kỳ rút quân là việc quan trọng, họ cho rằng vẫn còn nhiều thời giờ để lo liệu. Lúc này, đầu óc của cả hai còn đang bận rộn tìm cách khẩn cấp đối phó với những cuộc tấn công lẻ tẻ đợt hai của Việt Cộng. Mặc dù lúc tôi đặt vấn đề, cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều tỏ vẻ quan tâm, tôi vẫn thấy rõ ràng là họ chưa chú ý đúng mức. Tuy tôi cố trình bày vấn đề hết sức tỉ mỉ và tường tận mà khi cuộc tường trình kết thúc tôi vẫn có cảm tưởng có lẽ cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều chưa hiểu rõ những điều tôi muốn nói. Tôi tự hỏi phải chăng muốn thấu đáo ảnh hưởng của những biến cố đang xảy ra ngoài cách phải sống ở Hoa Kỳ không còn cách nào khác?

Đây không phải lần đầu, cũng chẳng phải lần cuối tôi thất bại trong việc dung hòa quan điểm của hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi còn nhận ra rằng vì ở Hoa Kỳ quá lâu, tôi đã bị những nhận thức thực tế ở thủ đô Hoa Kỳ chi phối.

Tết Mậu Thân là một thí dụ điển hình. Bầu không khí bi quan của Hoa Thịnh Đốn đã khiến tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy Sài Gòn có thể vượt qua cuộc tấn công hoàn toàn lạc quan và vô sự. Gần như tất cả mọi người Việt Nam đều thấy rõ bầu không khí tin tưởng phấn khởi sau Tết Mậu Thân. Tuy giao tranh vẫn còn rải rác đó đây trong những vùng lân cận quanh thành phố và Huế chỉ mới bắt đầu hồi sinh sau những cuộc tàn sát đẫm máu vừa qua, ở khắp nơi bầu không khí phấn khởi vẫn lộ rõ nét. Cuộc tấn công của Bắc Việt lúc Tết Mậu Thân chẳng những đã không lật đổ được chánh quyền Sài Gòn mà còn khiến quân đội Việt Nam tự tin hơn vì những kinh nghiệm vừa trải qua.

Những cuộc tấn công bất ngờ của Việt Cộng tuy ác liệt nhưng cuối cùng những viên chức quân sự và ngay cả đến dân chúng cũng đã thấy rõ rằng du kích quân chẳng phải thần thánh như lời đồn đãi. Hơn nữa, niềm phấn khởi tinh thần cùng những kết quả cụ thể hầu như ở khắp cả mọi nơi. Một trong những kết quả trông thấy là con số nhập ngũ nhảy vọt của quân đội Việt Nam, sự hình thành những đoàn thể tự nguyện nhằm mục đích giúp đỡ làng xóm chống lại những hoạt động xâm nhập của Cộng Sản. Những biến chuyển khả quan ở Việt Nam thật rõ rành rành. Nhưng rủi thay, những biến chuyển khả quan đó lại đến vào giữa lúc Hoa Thịnh Đốn bắt đầu thối chí.

Vào ngày 31 tháng 3-1968, Việt Nam đã cảm thấy những nỗi chán chường của Hoa Kỳ. Trong một buổi diễn văn được chiếu khắp nơi trên toàn cõi Hoa Kỳ (và ở cả Sài Gòn) Tổng Thống Johnson tuyên bố rằng ông sẽ không ra tranh cử. Tối đó, tôi cùng xem Ti Vi với ông Kỳ. Cả hai chúng tôi đều biết rất rõ ý nghĩa của lời tuyên bố. Chẳng bao lâu nữa, TT Johnson, người bạn thân tín nhất của Việt Nam sẽ bước ra khỏi chính trường. Những thế lực mới sẽ bước vào thay thế, sẽ lại có TT mới và những chính sách mới. Dù cho chính phủ mới có hoạt động dưới thể thức nào đi nữa thì chúng tôi cũng sắp sửa phải bắt đầu những bước gian truân, trắc trở trong tương lai.

Trước đây, Hoa Kỳ vẫn ít khi tuyên bố ngưng dội bom, nhưng tối đó, Tổng Thống Johnson lại tuyên bố hủy bỏ một cuộc dội bom khác. Mỗi lần Hoa Kỳ tuyên bố ngưng dội bom là mỗi lần Hoa Kỳ cố tình tính toán để nhử Hà Nội đến bàn đàm phán. Từ trước đến nay, tất cả những tính toán của Hoa Kỳ đều bị Bắc Việt khinh miệt bác bỏ, nhưng lần này chẳng hiểu sao Trung Ương Đảng Bộ Hà Nội bỗng nhiên lại hưởng ứng. Ba ngày sau Hà Nội tuyên bố sẵn sàng đàm phán. Lời tuyên bố khiến cả tướng Westmoreland lẫn đại sứ Bunker đều phải trở về Hoa Thịnh Đốn để tham khảo ý kiến. Theo tình hình lúc đó thì có lẽ chỉ độ vài ngày nữa là chánh quyền Sài Gòn sẽ phải đối phó với một tình thế hoàn toàn khác hẳn.

Trong những năm làm việc ở Hoa Thịnh Đốn, tôi vẫn thường nghe dư luận Hoa Kỳ nói rằng lý do tồn tại của chánh phủ Việt Nam chính là cuộc chiến tranh. Vì lẽ đó, Sài Gòn lúc nào cũng khước từ tất cả những nỗ lực đàm phán hòa bình. Sự thật thì trong cả trong cuộc chiến cũng như trong lúc mưu cầu hòa bình, chánh quyền Việt Nam chẳng hề có cơ hội để chọn lựa. Tuy chính Việt Nam đang nằm trong vòng hiểm họa sanh tử mà gần như trong cả toàn thể chiến cuộc Hoa Kỳ lúc nào cũng dành phần chủ động. Hoa Kỳ thường tự mình định nghĩa thế nào là những ưu điểm thuận lợi và thường ít khi chú ý đến những mong mỏi hoặc nhu cầu của Việt Nam. Lúc này, khi bị những ý kiến lạc quan ngây thơ của dân chúng Hoa Kỳ thúc đẩy, chánh quyền Hoa Kỳ lại nóng lòng cố đàm phán bằng mọi giá. Họ tin rằng đàm phán là cơ hội cho phép họ chính thức kết thúc những can thiệp quân sự ở Việt Nam.

Hầu hết tất cả những người Việt Nam có kinh nghiệm về chiến thuật và chiến lược của Cộng Sản đều biết rõ việc Bắc Việt tuyên bố đàm phán là chuyện hoàn toàn giả dối. Đây không phải là một nhận định quá đáng. Những người Việt Nam hiểu rõ thủ đoạn của Bắc Việt đều nhận chân được rằng lúc này Bắc Việt đang áp dụng những chiến thuật của giai đoạn "vừa đánh vừa đàm," "đánh rồi đàm, đàm rồi đánh."

Trên nguyên tắc thì "đánh và đàm" là chiến thuật Bắc Việt chuyên dùng đối phó với các đối phương mạnh hơn. Chiến thuật này sẽ được áp dụng khi đối phương của họ bắt đầu chán chường và mệt mỏi. -Chiến thuật "đánh và đàm" là chiến thuật họ dở ra chỉ vào khi thời cơ đã thuộc về họ. Trong giai đoạn này, đàm phán không phải là một chính sách để đưa đến thỏa ước mà chỉ là một đòn phép tâm lý nhằm khêu gợi hy vọng của đối phương rồi từ đó chia rẽ nội bộ đối phương. Chiến thuật chính, theo Cộng Sản là: "Khuyến khích và nuôi dưỡng những mâu thuẫn nội bộ đối phương." Đàm phán sẽ không đi đôi với việc giảm thiểu những nỗ lực đấu tranh mà trái lại sẽ đi đôi với những cuộc tấn công ráo riết để tạo áp lực khiến đối phương bị buộc phải đi đến đàm phán.

"Đánh và Đàm" không phải là những chiến thuật bí mật. Ngay cả các kế hoạch gia và các chính khách Hà Nội cũng đã bàn luận chiến thuật đánh và đàm thật cụ thể ngay trong những tờ tạp chí quan trọng của họ. Khi nhìn các chính khách Hoa Kỳ ùn ùn kéo nhau sang Ba Lê tôi đã thấy rõ họ chẳng hề hiểu biết tường tận những nhân vật họ đang nóng lòng đối diện trên bàn đàm phán. Chẳng những vậy, chúng tôi còn khó chịu hơn khi Hoa Kỳ vẫn không hề tham khảo ý kiến hoặc cho phép Việt Nam chánh thức góp phần vào cuộc đàm phán. Đàm phán dường như chỉ là công việc của riêng Hoa Kỳ và Bắc Việt. Tình trạng này vừa khiến chúng tôi phải lo lắng về những dự định của Hoa Kỳ lại vừa làm tăng thêm uy tín cho Việt Cộng. Hơn thế nữa, tình trạng này còn góp phần chứng thực thêm lời tuyên truyền: "chiến đấu chống lại quân xâm lược Hoa Kỳ" của Bắc Việt và làm giảm thiểu uy tín của chánh phủ Việt Nam.

Tuy biết rõ việc xảy ra là thế mà chúng tôi vẫn phải bó tay chịu đựng. Trên lý thuyết thì chúng tôi vẫn có thể phản đối hành động của Hoa Kỳ, nhưng hành động như vậy chẳng qua sẽ chỉ khiến dư luận Hoa Kỳ chống đối thêm và cho rằng Việt Nam lúc nào cũng hiếu chiến. Dư luận Việt Nam lại là một vấn đề khác. Những câu hỏi trong dư luận đã khiến chúng tôi bị buộc phải giải thích tại sao Hoa Kỳ lại nói chuyện với Bắc Việt. Chúng tôi đã nhấn mạnh rằng đây chỉ là những cuộc đàm phán mở đầu. Thực sự vấn đề chỉ là thủ tục và chẳng có gì quan trọng. Việc giải thích quả là một việc rắc rối và khó khăn vô kể. Vả lại vấn đề đàm phán hoàn toàn do Hoa Kỳ khởi đầu và do Bắc Việt hưởng ứng nên dù chúng tôi có nói gì đi nữa thì cuộc họp vẫn tiếp diễn. Vì chẳng còn đường chọn lựa, chúng tôi đành ráng sức chiều theo để giữ tình thân thiện giữa hai nước đồng minh.

Vào lúc này tình hình chính trị Hoa Kỳ đang ngày càng phức tạp và căng thẳng. Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng Thống. Các ứng cử viên (kể cả Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy) đang cố gắng vận động. Vào giữa lúc chính phủ Hoa Kỳ đang phải đối phó với cuộc đàm phán ở Ba Lê thì những biến chuyển ở Hoa Kỳ lại hết sức dồn dập. Giữa lúc tình hình đang thay đổi ào ạt như lúc này, tôi nghĩ rằng chỉ riêng một việc theo dõi được những biến chuyển ở Hoa Thịnh Đốn cũng đã chiếm hết cả thì giờ, nhưng ông Thiệu và ông Kỳ lại cảm thấy khác hẳn. Thay vì thông cảm những giới hạn thiết thực của tôi trong công vụ, họ lại nhìn tôi bằng con mắt khác. Vì thấy tôi có thể làm việc và tiếp xúc dễ dàng với người Hoa Kỳ nên ngoài những công việc chính ở Hoa Thịnh Đốn trong lúc này, họ còn cử tôi làm "quan sát viên chính thức" theo dõi những cuộc đàm phán hòa bình.

Không còn đường chọn lựa, tôi ở lại Sài Gòn để sửa soạn chương trình hành động rồi bay sang Hoa Thịnh Đốn để gặp những chính khách sắp đàm phán cùng Bắc Việt: Hai chính khách được Hoa Kỳ chọn lựa để đàm phán cùng Bắc Việt là ông Averell Harriman và Cựu Thứ Trưởng Quốc Phòng Cyrus Vance. Khi đến nơi tôi rất vui mừng vì được biết rằng hai người bạn cũ của tôi là ông William Jorden và ông Phillip Habib đều được cử vào phái đoàn đàm phán.

Ông Harriman, người có biệt danh là "con cá sấu già," cũng không phải là một nhân vật tôi hoàn toàn xa lạ. Ông là một nhà ngoại giao lão thành của đảng dân chủ nên khi mới đến Hoa Thịnh Đốn tôi vẫn thường đến thăm ông ở GeorgeTown. Mối liên hệ giữa hai chúng tôi thật tốt đẹp. Bất kỳ khi nào có dịp đi công du Việt Nam ông Harriman cũng đến gặp tôi để cùng bàn bạc.

Tuy chưa gặp Cựu Thứ Trưởng Cyrus Vance bao giờ, tôi đã nghe nhiều người đồn đãi về ông. Ông Cyrus Vance được rất nhiều người trong chính giới Hoa Thịnh Đốn kính trọng. Vừa về đến Hoa Thịnh Đốn tôi đã dàn xếp để cùng ăn trưa với ông Vance. Tôi mong gặp ông Vance để biết rõ hơn về người phó trưởng đoàn của phái đoàn đàm phán. Khi đã tiếp xúc với Cựu Thứ Trưởng Vance, tôi vô cùng phấn khởi vì thấy ông là người tôi có thể cùng hợp tác dễ dàng. Ông Vance là một người cực kỳ sáng suốt và có thể phân tích rành rẽ gần như tất cả mọi vấn đề. Ông có tầm nhìn bao quát của một luật sư quốc tế và hình như sinh ra chỉ để giải quyết những vấn đề phức tạp của thế giới. Khi bữa ăn trưa kết thúc, chúng tôi đã cùng đồng ý về các thể thức phối hợp hành động mà Hoa Kỳ và Việt Nam có thể áp dụng vào những cuộc đàm phán sắp tới.

* * * * *

Vào tháng 5, bầu trời mùa xuân ở Ba Lê thật đẹp. Tuy thế, cương vị quan sát viên của tôi ở đó lại có phần gượng gạo. Sự hiện diện của tôi rõ ràng chỉ là một sự chắp nối để cố giữ được một phần nào hình ảnh đoàn kết của Hoa Kỳ và Việt Nam. Trên thực tế thì có lẽ mọi người đều cũng biết rõ rằng tương lai Việt Nam sẽ được quyết định trên bàn đàm phán. Khung cảnh đàm phán ở Ba Lê lộ rõ hình ảnh của hai thành phần chính: Hoa Kỳ đang ở bên này, Bắc Việt bên kia, còn tôi thì lại lảng vảng mãi tận phía ngoài. Cảnh tượng gần như đập thẳng vào mắt mọi người và gây cho người xem một cảm tưởng rõ rệt rằng: "Đây là một cuộc chiến của Hoa Kỳ."

Tuy khung cảnh khó chịu là thế, tôi vẫn cho rằng đây là một dịp may và đã dự định cố hết sức lợi dụng cơ hội. Trong thâm tâm tôi tin chắc cuộc đàm phán sẽ chẳng giải quyết được gì. Bắc Việt đến đây không phải với mục đích hòa bình. Họ chỉ cố hòa hoãn, kéo dài thì giờ và gây chia rẽ cho nội bộ Hoa Kỳ. Khi đã nhận chân được rằng đây chỉ là những đòn phép của một nước cờ hoãn binh, tôi quyết định rằng chẳng có lý do gì khiến mình phải đứng khoanh tay bàng quan mặc cho Bắc Việt độc quyền tự tung tự tác. Lúc này, ngoài các thành phần đàm phán, ở Ba Lê còn có cả trăm ký giả đến để tường thuật các cuộc đàm phán nên tôi cho rằng nếu biết cách điều động mọi việc tôi có thể tạo ảnh hưởng đáng kể với báo chí quốc tế.

Khi tôi bắt đầu xoay sở để lợi dụng tình thế thì giai đoạn đàm phán đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt diễn ra ở Majestic Hotel. Dĩ nhiên chẳng có kết quả gì thực tiễn. Những người Bắc Việt trình bày ý kiến chẳng khác nào những cuộn băng đang được máy thu thanh phát lại. Họ chẳng phát biểu gì ngoài việc lập đi lập lại những câu tuyên truyền cứng ngắc rằng: Hoa Kỳ phải chịu tất cả mọi trách nhiệm; Hoa Kỳ phải ngưng tất cả các cuộc dội bom. (Khi ra lệnh ngưng dội bom, Tổng Thống Johnson không hề ra lệnh ngưng những cuộc dội bom phía dưới vĩ tuyến 20); Hoa Kỳ phải rút hết quân đội ra khỏi Việt Nam. Những người Hoa Kỳ, trái lại, có vẻ đứng đắn hơn. Dù sao thì họ cũng đến Ba Lê để đàm phán. Họ tránh chửi rủa, chịu khó lắng nghe và dò dẫm cố gắng tìm dịp để kéo Bắc Việt vào cuộc đàm phán thật sự. Họ có vẻ hy vọng và cho rằng chỉ nội việc hai bên có thể cùng ngồi vào bàn thương thuyết với nhau cũng đã là một điểm đáng kể rồi. Họ cho rằng vẫn còn rất nhiều thì giờ để tìm hiểu, vận động và giải quyết các vấn đề khó khăn giữa hai bên.

Những diễn biến trong những tuần lễ đầu của cuộc đàm phán hoàn toàn đi đôi với dự đoán của tôi. Đứng ở cương vị quan sát viên tôi chẳng hề có trách nhiệm nào thiết thực. Cứ hai hoặc ba lần một tuần, tôi lại rời khách sạn Claridge ở Champs-Élysée và đến tòa đại sứ hoặc để nghe tường trình về một buổi họp vừa chấm dứt, hoặc để cùng soạn thảo chương trình cho các buổi họp sắp đến. Trong cả hai trường hợp, cuộc gặp gỡ chỉ là thường lệ. Tất cả chẳng qua chỉ là những vấn đề trao đổi ý kiến hơn là bàn luận về những biến chuyển trong các cuộc đàm phán. Vì làm gì có biến chuyển để mà bàn bạc? Những bản báo cáo tôi gởi về Sài Gòn chẳng chứa đựng điều gì đáng chú tâm hoặc quan trọng. Nhờ vậy tôi có thể dùng tất cả thời giờ vào việc vận động báo chí và dư luận quốc tế.

Nếu đang lúc cần công khai phổ biến tư tưởng mà lại được gặp giới ký giả thì quả là tìm được một cơ hội bằng vàng. Tôi dành hầu hết tất cả thì giờ của tôi cho các cuộc phỏng vấn. Khi thì tôi gặp các phóng viên Andre Fontain, Claude Julien của báo Le Monde, lúc thì tôi gặp các ký giả Roger Massif, Nicholas Chatelain, và Max Clos của tờ Le Figaro. Tôi nhận lời để cho tờ Times của Luân Đôn, Đức cùng các tạp chí khác và cả đài truyền hình của Ý Đại Lợi phỏng vấn. Gần như ngày nào tôi cũng tường trình với các ký giả Hoa Kỳ. Trong số những phóng viên đã gặp lúc đó, tôi nhớ rõ nhất là các ký giả Stanley Karnow, Marvin Kalb, Peter Kallisher, James Wilde, Takashi Oka và Jessie Cook.

Trong các cuộc phỏng vấn tôi đã phải trả lời những câu hỏi đặt tôi vào những tình trạng lúng túng: Tại sao chúng tôi lại đến Ba Lê với tư cách quan sát viên? Tại sao Hoa Kỳ lại thay mặt chúng tôi bàn bạc mọi việc? Tuy thế, tôi vẫn tìm được cơ hội để nói rõ cương vị Việt Nam. Tôi khẳng định là Việt Nam quả thật mong mỏi hòa bình. Những mong mỏi này đã khiến Việt Nam hết lòng ủng hộ đàm phán, cho dù là phải chấp nhận một cuộc đàm phán song phương chỉ gồm Hoa Kỳ và Hà Nội mà thôi. Việc chúng tôi chẳng hề phản đối đàm phán song phương đã chứng tỏ mãnh liệt rằng Việt Nam đang mong mỏi hòa bình. Mặc dầu Việt Nam đã chấp nhận đàm phán song phương, tôi minh xác là Việt Nam vẫn nắm quyền quyết định vận mệnh của chính mình. Hơn nữa, nếu cần Việt Nam sẽ tự giữ quyền chủ động và sẽ tham dự bất kỳ cuộc đàm phán quan trọng nào có liên quan đến tương lai quốc gia. Sau đó tôi đề nghị một cuộc đàm phán trực tiếp giữa chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa và Bắc Việt để đàm phán có thể ngắn gọn và dễ dàng hơn.

Quả nhiên Bắc Việt lập tức khước từ đề nghị đàm phán trực tiếp hai miền như tôi đã tiên đoán. Khi những phóng viên hỏi Bắc Việt tại sao họ lại không chịu đàm phán với chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, họ đã trả lời: Vì đàm phán với Việt Nam là việc hoàn toàn vô nghĩa. Hiển nhiên một khi Hoa Kỳ đã đồng ý nói chuyện với họ thì không bao giờ họ lại đồng ý đàm phán thẳng với Miền Nam Việt Nam.

Vài ngày sau, khi tôi đã công bố đề nghị đàm phán trực tiếp với Bắc Việt thì tôi lại có dịp gặp Đức Khâm Mạng của giáo hoàng. Đức Khâm Mạng nguyên là người nổi tiếng quen biết và có liên lạc với mọi phía. Vì không tiện trực tiếp nhờ một vị lãnh đạo tinh thần làm người hòa giải các vấn đề chính trị nên lúc cùng Đức Khâm Mạng đàm đạo tôi đã nhẹ nhàng tỏ ý nhờ ông liên lạc với Bắc Việt. Tôi nói rằng nếu quả còn có cơ hội đàm phán nào mà chánh phủ Việt Nam vẫn còn chưa biết thì chúng tôi nhất định sẽ chẳng bỏ lỡ. Giải pháp này cũng bị Bắc Việt lạnh lùng bác bỏ. Thỉnh thoảng, khi có dịp gặp Đức Khâm Mạng, tôi vẫn hỏi thăm tin tức. Ông cho biết rằng phản ứng của Bắc Việt dù là trước dư luận hoặc trong những lúc gặp gỡ riêng tư cũng vẫn cứng ngắc không hề thay đổi. Hành động của họ lại khẳng định thêm một lần nữa rằng Hà Nội đến Ba Lê chỉ để thử thách tầm kiên nhẫn của những người Hoa Kỳ nóng lòng chớ không phải để bàn bạc những giải pháp hòa bình bất kể do ai đề ra.

Dù sao đi nữa thì những hoạt động của tôi cũng đã mang lại một vài thành quả. Nỗ lực của tôi đã khiến Việt Nam được báo chí thế giới thông cảm phần nào. Những vận động của tôi cũng đã mở đường khiến tôi có có dịp tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam ở Pháp. Cộng đồng Việt Kiều ở Pháp là một cộng đồng có ý thức chính trị rất cao và cộng đồng này vẫn thường chỉ trích chính quyền Việt Nam.

Từ trước đến nay, giới Việt Kiều sinh sống ở Pháp đã có truyền thống ủng hộ các phong trào tranh đấu chính trị của Việt Nam. Rất nhiều nhà cách mạng Việt Nam đã chung sống với họ hoặc lấy những ý tưởng của họ làm mục tiêu tranh đấu. Trong số có cả cụ Phan Chu Trinh và ông Hồ. Trong thời gian kháng Pháp, những Việt Kiều cư ngụ ở Pháp đã hoạt động vô cùng hữu hiệu. Họ đã cấp dưỡng tài chánh cho Việt Minh và đóng một vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng dư luận chống chiến tranh ở Việt Nam.

Tuy những đoàn thể ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong cộng đồng là những đoàn thể ủng hộ Cộng Sản, ngoài những đoàn thể này vẫn có những đoàn thể quốc gia đang hoạt động. Những phần tử quốc gia trong các cộng đồng Việt Kiều ở Pháp ủng hộ rất nhiều các thành phần quốc gia nằm trong những nhóm có lập trường khác biệt, nhưng ngay cả những phần tử quốc gia này cũng không ủng hộ ông Thiệu và ông Kỳ. Mục tiêu của tôi là cố tìm cách chuyển đổi những phẫn khích thù nghịch của những người Việt Nam ở đây thành sự ủng hộ.

Để hoàn thành mục tiêu, tôi tổ chức một buổi họp và mời rất nhiều phần tử nổi bật cùng đến tham dự. Tôi đã biết trước họ đến hoàn toàn với mục đích đối đầu. Trong cuộc họp, tôi vẫn dùng phương pháp đối diện trực tiếp với vấn đề như thường lệ. Tôi mở lời rằng: "Tôi biết các anh đang nghi ngờ chánh quyền Việt Nam nhưng chính tôi cũng đã từng là một sinh viên có hoạt động chính trị khi còn đi học. Bởi vậy tôi tin là tôi có thể hiểu được các anh phần nào. Tôi muốn các anh tạm quên cương vị đại sứ của tôi và chỉ xem tôi như một cựu sinh viên mà thôi. Ít nhất thì tất cả chúng ta cũng cùng là những người quốc gia. Chúng ta hãy cùng bàn luận về cả vấn đề quốc gia lẫn về vấn đề ông Thiệu, ông Kỳ. Tôi biết các anh đang gặp khó khăn với cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ. Nhưng tôi muốn biết thật rõ ràng. Xin cho tôi được nghe chính các anh phát biểu những vấn đề các anh không đồng ý. Đích thực các anh chống đối vấn đề gì?

Họ cũng trả lời câu hỏi của tôi rất thẳng thắn. Họ nói rõ rằng có hai điều họ không đồng ý. Thứ nhất là những chuyện tham nhũng dư luận đã đồn đãi. Thứ hai là chuyện ông Thiệu và ông Kỳ đã hành động chẳng khác nào tay sai của Hoa Kỳ.

Tôi đưa ra một quan niệm thật đơn giản để trả lời họ. Tôi trình bày rằng tuy chính tôi cũng là một nhân viên làm việc cho chánh quyền, việc này không có nghĩa là tôi có thể tự ý nói chuyện thẳng với ông Thiệu và ông Kỳ về mọi chuyện và cũng chẳng có nghĩa là tôi hoàn toàn không gặp khó khăn. Tôi nói với họ: "Các anh có thể nhìn ông Thiệu, ông Kỳ, phán rằng đây là những nhân vật tham nhũng rồi tiếp tục ngồi ngoài khoanh tay chẳng làm gì cả. Trong trường hợp này các anh phải đợi chờ cho đến lúc tự mình nắm quyền các anh mới có thể quét sạch, làm lại từ đầu như chính các anh mong mỏi."

"Nhưng tôi xin nói với các anh rằng nếu các anh tiếp tục đợi chờ những giây phút đó, các anh sẽ phải đợi chờ không biết đến bao giờ. Nếu các anh chỉ đợi chờ thì rồi đây Cộng Sản sẽ chiếm dần tất cả. Đối với chế độ độc tài Cộng Sản thì các anh chẳng có cơ hội gì cả. Với chánh quyền Việt Nam lúc này, thì ít ra các anh còn có cơ hội. Dĩ nhiên ai cũng muốn giữ cho mình trong sạch, nhưng trên lãnh vực chính trị những chuyện này có bao giờ là sự thực? Nếu các anh muốn chánh quyền Sài Gòn không còn tham nhũng thì các anh phải tự mình nhập cuộc. Các anh có cơ hội để làm việc này. Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Tôi đang nằm trong chăn nên tôi hiểu rất rõ chánh quyền hiện thời. Chính bản thân tôi cũng nhiều lúc không đồng ý với ông Thiệu và ông Kỳ, nhưng nếu theo về bên kia thì chúng ta chẳng còn bất kỳ cơ hội nào cả."

"Tôi biết rằng cũng có thể có vài người trong nhóm các anh đây sẽ báo cáo những chuyện tôi vừa nói về với ông Thiệu hoặc ông Kỳ. Chuyện đó đối với tôi chẳng có gì quan trọng. Chúng ta đều là những người trong nhóm quốc gia. Chúng ta cùng chung một lý tưởng. Ngoài cách cùng ngồi lại với nhau, chúng ta chẳng còn cách nào khác để chọn lựa. Nhưng việc này hoàn toàn tùy thuộc các anh."

Cuộc họp diễn ra gần trọn vẹn một ngày và rồi từ từ cách thuyết phục của tôi đã làm giảm dần những sự chống đối. Đây quả là những điều tôi có thể chuyển đạt dễ dàng đến các anh chị em sinh viên. Thật ra tôi đã có rất nhiều điểm chung với họ. Ít ra là cũng có những điểm tổng quát chung. Điều khác biệt duy nhất giữa chúng tôi là do những cách suy xét tôi đã học hỏi được từ những kinh nghiệm trong chính trường nhiều năm về trước. Có lẽ nhiều nhất là những sự suy nghĩ của tôi trong những năm tôi bị gạt ra khỏi chính trường. Bất kể đúng sai, tôi đã tin rằng mình lúc nào cũng phải tự đặt tay vào những chuyện có thể làm. Đây là con đường duy nhất để tránh những tai họa sâu xa. Tôi quan niệm rằng chẳng ai có thể đợi chờ một cơ hội hoàn toàn -Vì nếu cứ đợi chờ thì hoàn cảnh có thể buộc người đợi phải đi vào một hướng khắc nghiệt hơn. Trong khi đó thì nhập cuộc tức là đã tóm được một phần của cơ hội. Và nếu đã có được cơ hội thì dù rằng mới chỉ có được một phần của cơ hội, người đợi vẫn có thể cố gắng chuyển mọi việc về một hướng tốt đẹp hoặc ít ra cũng là một hướng tương đối khả quan hơn. Những khó khăn mà người vào cuộc phải chấp nhận sẽ được đền bù bằng những hy vọng trong tương lai. Nếu những người làm chánh trị chịu khó tìm cách lợi dụng tất cả mọi cơ hội khi nhập cuộc thì tôi tin rằng nỗ lực của họ có thể giúp họ thành công. Ngược lại, nếu họ chỉ khoanh tay đợi chờ, chắc chắn chẳng bao giờ họ có thể đoạt được mục đích.

Đây là những lời nhắn nhủ tôi đã cố gắng chuyển đến các sinh viên trẻ trong buổi gặp gỡ. Khi cuộc họp kết thúc -và bầu không khí đã khả quan hơn- Tôi nói rằng tôi không hề đến đây để vận động cho ông Thiệu hoặc ông Kỳ. Tôi đến đây chỉ để bàn luận vấn đề liên kết những phần tử quốc gia và tìm cách khiến họ cùng đâu lưng chống lại Cộng Sản. Tôi không đòi hỏi các anh phải hứa hẹn mà tôi cũng chẳng đòi hỏi bất cứ điều gì khác. Tôi cũng chẳng cần biết sau đó các anh sẽ làm gì, nhưng bất kể các anh quyết định ra sao, tôi vẫn mong rằng giữa chúng ta hãy còn một mối cảm thông của những người cùng đi chung một đường. Tôi muốn các anh hiểu rõ rằng lúc nào tôi cũng sẵn lòng ủng hộ các anh.

Buổi nói chuyện tương đối dai dẳng này chỉ là một trong những buổi tranh luận sôi nổi giữa tôi và những người hoạt động chính trị ở ngoại quốc. Trong suốt mùa hè năm 1968, thời khóa biểu của tôi từ thứ hai đến thứ sáu đầy dẫy hàng loạt những buổi họp tương tự, những cuộc phỏng vấn, những buổi tiếp xúc, những lần họp cùng các đoàn thể Hoa Kỳ, các đoàn thể Ngoại Giao Pháp, những lần phát biểu trên radio, trên đài truyền hình. Vào chiều thứ sáu, tôi ra phi trường Orly cố bắt kịp chuyến bay TWA lúc 4:30 về Hoa Thịnh Đốn. Tại đây, tôi làm việc cùng các nhân viên sứ quán cho tới thứ hai hoặc thứ ba, cố gắng tìm hiểu những tin tức thời sự và chiều hướng của cuộc bầu cử sắp tới ở Hoa Kỳ. Lúc này các chiến dịch vận động tranh cử của Hoa Kỳ đã đến giai đoạn sôi sục. Vào ngày thứ tư, tôi lại hối hả trở lại Ba Lê trên những chuyến bay Shuttle tốc hành nối liền Hoa Thịnh Đốn-Ba Lê của hãng Air France. Tôi bay nhiều đến độ gần như phi hành đoàn đã thuộc lòng tất cả những thói quen của tôi.

Nếu ở những giai đoạn bình thường khác thì chắc chắn những chuyến hành trình liên tục vượt Đại Tây Dương đã làm tôi kiệt sức, nhưng lúc này những chuyến tốc hành chỉ là những thói quen không hơn không kém. Tình thế đang sôi sục ở cả Pháp lẫn Hoa Kỳ. Biểu tình lúc nào cũng đầy đường phố. Cứ thỉnh thoảng lại có những cuộc ẩu đả giữa những người biểu tình và cảnh sát. Tại Hoa Kỳ, học sinh, sinh viên xuống đường để chống chiến tranh, nhưng ở Âu Châu phẫn khích lại chuyển thẳng ngay vào "chính quyền." Tại Pháp, nơi chúng tôi đáng nhẽ phải bàn bạc hòa bình mà cảnh tượng lại có vẻ thất thường đến độ gần như đang ngay giữa giai đoạn đầu của một cuộc cách mạng. Đã có lần những người chống đối buộc chúng tôi phải đáp xuống phi trường quân sự Bretigny thay vì phi trường Orly như thường lệ. Một lần khác máy bay chẳng thể đáp xuống Ba Lê mà lại phải cất cánh từ Brussels ngược về lại Hoa Thịnh Đốn. Tôi còn nhớ chuyến bay đó khá rõ. Ngày đó trùng vào ngày tôi trở về Hoa Kỳ để dự đám tang Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy. Vài ngày trước, ngay sau khi giai đoạn tranh cử vừa kết thúc thì ông bị ám sát.

Ngay giữa lúc tình hình đang cực kỳ xáo trộn tôi còn được gặp ông Richard Nixon ở New York. Lúc này ông đã là ứng cử viên tranh cử Tổng Thống của đảng Cộng Hòa. Cuộc gặp gỡ giữa tôi và ứng cử viên Nixon dần dà kết thành những liên hệ chính trị phức tạp vô tưởng. Hậu quả là tôi đã bị kết án cố mưu toan vận động bất hợp lệ để chuyển hướng kết quả của cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Cũng theo dư luận thì chính bà Anna Chennault là người đã đứng ra làm trung gian.


Gọng Kềm Lịch Sử
28. Vụ Anna Chennault

Sau khi Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy bị ám sát thì cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ chuyển thành một cuộc tranh cử giữa hai ông Hubert Humphrey và Richard Nixon. Tôi đã biết ông Humphrey từ nhiều năm trước. Chúng tôi quen nhau kể từ khi ông còn là Thượng Nghị Sĩ và mối giao hảo đó kéo dài cho đến khi ông làm Phó Tổng Thống. Kể từ khi ông đắc cử Phó Tổng Thống cho đến nay, lúc nào ông Humphrey cũng hết lòng ủng hộ những chính sách chiến tranh của Tổng Thống Johnson. Ông Humphrey ủng hộ các chính sách phát triển nông thôn của Tổng Thống Johnson một phần cũng vì là những chính sách đó rất hợp với khuynh hướng dân chủ cấp tiến của ông. Vì thế, khi Tổng Thống Johnson tuyên bố không ra ứng cử, thì Phó Tổng Thống Humphrey bị đặt vào một tình thế khó xử. Tuy ông Humphrey biết rõ rằng cách vận động tranh cử hữu hiệu nhất vào lúc này là tạm lánh xa những chính sách chiến tranh, nhưng ông lại không thể đi ngược lại những chủ trương của chính ông và Tổng Thống Johnson, nhất là khi Tổng Thống Johnson vẫn là người dẫn đầu trong đảng và hãy còn là đương kim Tổng Thống. Cương vị khó khăn của ông Humphrey là phải dung hòa tất cả mọi mâu thuẫn khi ra tranh cử.

Còn về phần ông Nixon thì tôi đã gặp ông từ năm 1953 khi ông đến viếng thăm Việt Nam. Lúc đó ông còn là Phó Tổng Thống dưới thời Eisenhower. Vào năm 1960, khi ông Nixon ra ứng cử tổng thống thì những hiểu biết của tôi về ông có rõ rệt hơn một chút. Tuy vậy, trong cuộc tranh cử năm 1960, tôi không ủng hộ ông Nixon mà lại ủng hộ một vị Thượng Nghị Sĩ trẻ khác cũng ra ứng cử lúc đó là Thượng Nghị Sĩ John F. Kennedy. Lúc Thượng Nghị Sĩ Kennedy đắc cử tôi đã cảm thấy hết sức vui mừng. Tôi đã hết lòng ủng hộ các đảng viên dân chủ kể từ năm 1960, nhưng vào năm 1968, vì chính quyền Johnson không được dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ và các đảng viên dân chủ lại đang vận động tranh cử bằng cách cố né tránh vấn đề Việt Nam nên tôi bắt đầu cảm thấy mình bắt đầu chú ý ứng cử viên Nixon nhiều hơn.

Vào giữa tháng sáu năm 1968, khi các vận động tranh cử đang ngày càng sôi nổi thì bà Anna Chennault bỗng đề nghị tôi đến gặp riêng ứng cử viên Nixon. Bà Chennault nguyên là vợ của Tướng Không Quân Claire Chennault, người đã chỉ huy đội bay lừng danh Flying Tigers ở Miến Điện trong thế chiến thứ hai. Sinh trưởng trong một gia đình Trung Hoa, sau khi thế chiến chấm dứt, bà trở thành một trong những người Hoa Kỳ gốc Á nổi bật. Bà đã hoạt động kêu gọi ủng hộ cho Trung Hoa và tham gia nhiều đoàn thể chính trị ở Hoa Thịnh Đốn.

Bà Chennault rất chú tâm đến vấn đề Việt Nam. Bà thường xuyên thăm viếng Việt Nam nhiều lần trước đây và cũng có một người chị sống ở Sài Gòn. Hơn nữa, công ty máy bay vận tải Flying Tigers của chồng bà sáng lập sau chiến cuộc cũng đã chuyên chở rất nhiều quân nhu và quân cụ cho cả Bộ Quốc Phòng Việt Nam lẫn Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Tôi gặp bà Chennault lần đầu ở Sài Gòn vào năm 1965, khi còn là phụ tá đặc biệt cho ông Kỳ. Lúc đó, ông Kỳ có tiếp xúc với bà Chennault rất nhiều. Tôi quen với bà Chennault là vì chúng tôi vẫn thường trò chuyện. Trong những cuộc nói chuyện với bà Chennault khi còn ở Việt Nam, tôi thường hỏi bà để biết rõ thêm về những tin tức ở Hoa Thịnh Đốn. Sau này, khi tôi sang làm việc ở Hoa Kỳ thì chính bà cũng là người đã giúp đỡ tôi làm quen với các hoạt động chính trị của Hoa Kỳ. Một trong những người mà bà Chennault giới thiệu với tôi là ông Tom Corcoran. Ông Corcoran nguyên là một chính trị gia nổi tiếng thuộc đảng dân chủ. Lúc chính sách New Deal, một chính sách nổi tiếng của đảng dân chủ, được tổng thống Roosevelt đưa ra để đối phó với những khó khăn về kinh tế của Hoa Kỳ trong thập niên 1930 thì ông Corcoran cực lực ủng hộ chánh sách đó. Những sự ủng hộ nồng nhiệt của ông Corcoran đối với chính sách New Deal đã khiến chính giới Hoa Kỳ gọi ông là New Dealer (Nhân vật New Deal) và gán cho ông biệt danh là Mr. Democrat. Chính ông Corcoran là người đã đưa bà Chennault vào những hoạt động chinh trị ở Hoa Thịnh Đốn. Sau này, ông Corcoran trở thành một trong những người bạn thân và cố vấn quan trọng của tôi. Bà Chennault cũng chính là người đã giới thiệu tôi với Thượng Nghị Sĩ Everett Dirksen, lãnh tụ Cộng Hòa ở Thượng Viện Hoa Kỳ. Lời giới thiệu của bà đã khiến ông Dirksen hưởng ứng vô cùng niềm nở và cho phép tôi tìm đến cầu viện ông Dirksen rất nhiều về sau.

Vào tháng sáu năm 1968, thì dư luận ngày càng chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ. Khi tôi, Thượng Nghị Sĩ John Tower của đảng Cộng Hòa và bà Chennault đang cùng dùng bữa tối ở Câu Lạc Bộ Georgetown thì bà Chennault bỗng đề nghị rằng tôi nên đến gặp vị ứng cử viên của đảng Cộng Hòa. Lúc này, bà Chennault đang vận động cho ứng cử viên Nixon. Bà cho biết rằng bà có thể dàn xếp cho tôi tiếp xúc với ứng cử viên Nixon rất dễ dàng. Đề nghị của bà Chennault quả là một đề nghị khác thường. Tôi hứa sẽ cho bà biết ý kiến sau khi suy nghĩ chín chắn lại vấn đề. Lúc này, những nhân viên phụ tá của tôi cũng đang nỗ lực vận động để chuyển vấn đề chiến tranh Việt Nam thành một đề tài cần được dư luận chú ý trong cuộc bầu cử Tổng Thống của Hoa Kỳ. Chính tôi cũng đang tìm cách đem vấn đề Việt Nam vào cuộc tranh cử. Thật không ngờ lúc này tôi lại có cơ hội được đích thân gặp mặt đối mặt với một trong những ứng cử viên.

Vấn đề gặp ông Nixon đã khiến tôi do dự là vì lúc này cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt vẫn còn tiếp diễn. Trong cuộc đàm phán đó, tôi là quan sát viên và được biết tường tận các chi tiết đàm phán của đảng dân chủ [Tổng Thống Johnson là người thuộc đảng Dân Chủ]. Trong khi đó thì ông Nixon lại là người của đảng Cộng Hòa. Cứ theo tình hình mà luận thì cơ hội gặp gỡ giữa tôi và ứng cử viên Nixon là một trong những cơ hội vô cùng hấp dẫn nhưng cũng lại là một trong những trường hợp vô cùng tế nhị đối với tôi. Vì thế, nếu không thận trọng khi đến gặp ông Nixon, tôi có thể gây những sự hiểu nhầm và có thể bị mang tiếng rằng tôi cố mưu toan để vận động sau lưng đảng Dân Chủ. Đây là một trong những điều tôi muốn tránh hoàn toàn. Tổng Thống Johnson là một người bạn tốt của Việt Nam. Hơn nữa, ông Humphrey lại có thể thắng cử. Tôi thực tình không muốn làm hại đến tình hữu nghị giữa Việt Nam và những người trong đảng Dân Chủ. Nhưng làm sao tôi có thể chối từ không gặp gỡ với ứng cử viên của đảng Cộng Hòa cho được? Khi đã cân nhắc mọi việc, tôi quyết định sẽ đến gặp ứng cử viên Nixon nếu bà Chennault nhận dàn xếp. Tuy thế, đây là sáng kiến của riêng cá nhân tôi chứ không hề có bất cứ chỉ thị nào của chính phủ Việt Nam cả. Tôi định sẽ tự mình làm hết mọi việc, không thông báo với Sài Gòn. Nếu về sau có gì trắc trở thì ông Thiệu có thể chối bỏ mọi sự và đổ lỗi cho riêng cá nhân tôi.

Vào đầu tháng 7, năm 1968, khi từ Ba Lê trở về Hoa Thịnh Đốn, tôi được thông báo rằng bà Chennault có thể dàn xếp cho tôi gặp ông Nixon. Theo như dự liệu thì tôi sẽ gặp ứng cử viên của đảng Cộng Hòa vào ngày 12 tháng 7. Theo quyển Kẻ Giữ Bí Mật và quyển Những Kẻ Mại Quyền thì vào lúc này tôi đã bị mật vụ CIA theo dõi. Hơn nữa, văn phòng An Ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ cũng đã dò xét tất cả những bức điện tôi gửi về Sài Gòn. Nếu đây là sự thực thì quả tình lúc đó tôi hoàn toàn không hề hay biết. Nhưng lúc này tôi cho rằng việc tôi định gặp ứng cử viên Nixon là một việc khó có thể dấu diếm. Tôi cho rằng dù tôi có dấu diếm cách nào đi nữa thì rồi đây chính quyền Johnson cũng sẽ biết rõ cuộc gặp gỡ giữa tôi và ứng cử viên Nixon.

Lúc này, tôi vẫn thường xuyên đến gặp ông William Bundy và ông Walt Rostow để tham khảo những vấn đề liên quan đến cuộc đàm phán hoà bình ở Ba Lê và cũng để sửa soạn cho cuộc hội nghị thượng đỉnh sắp đến giữa tổng thống Johnson và ông Thiệu. Vì thế, tôi đã mượn dịp để mang vấn đề tôi định gặp ứng cử viên Nixon ra thảo luận với ông William Bundy. Vì vừa là bạn thân, lại vừa là một trong những nhà Ngoại Giao kỳ cựu, ông Bundy hiểu rõ hoàn cảnh của tôi. Khi nói chuyện với ông Bundy, tôi có hứa là khi gặp ứng cử viên Nixon, những vấn đề thảo luận của chúng tôi sẽ chỉ là những vấn đề tổng quát. Chúng tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết hoặc nội dung của những cuộc đàm phán hòa bình ở Ba Lê.

Sau khi đã nói chuyện với ông Bundy và vững tâm rằng mình đã tìm được lối thoát cho một vấn đề khó khăn, vào ngày 12, tôi bay về Nữu Ước để gặp ông Nixon tại văn phòng nơi ông dùng điều động cuộc bầu cử ở khách sạn Pierre. Khi tôi đến nơi thì bà Chennault đã có mặt trong phòng đợi từ trước. Vài phút sau tôi được gặp cả ông Nixon lẫn ông John Mitchell, nguyên là luật sư và cố vấn riêng của ông Nixon. Tuy trước đây tôi có nghe lời đồn rằng ông Nixon là một người rất khó tính, nhưng hôm đó ông tiếp đãi tôi thật là niềm nở. Ông chăm chú nghe tôi tường trình đại cương tình hình Việt Nam và về việc cần thiết phải trang bị những binh sĩ Việt Nam bằng M-16 cùng những khí giới khác tối tân hơn. Trong khi bàn luận, ông Nixon đã hỏi tôi về múc độ lệ thuộc trầm trọng của Bắc Việt vào Liên Xô cũng như Trung Hoa và về các áp lực mà cả hai đại đồng minh của Bắc Việt có thể ảnh hưởng trực tiếp với chánh quyền Bắc Việt.

Khi cuộc bàn luận kết thúc, tôi có đề cập đến vấn đề các phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ đang ngày càng dâng cao. Tôi nói thẳng với ông Nixon những linh cảm của tôi về vấn đề Hoa Kỳ sẽ rút quân và đề nghị rằng Hoa Kỳ nên có những chương trình huấn luyện cho quân đội Việt Nam để họ có thể tự mình gánh vác mọi sự. Ông Nixon đồng ý tức thời. Vào lúc này, tôi chưa hề biết rõ rằng ứng cử viên Nixon đã bắt đầu suy nghĩ về việc thi hành cùng một lúc cả kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh lẫn đàm phán, nhưng chỉ trong vòng một năm sau đó, những kế hoạch này đã trở thành rường cột của chánh quyền Nixon. Sau cùng ông Nixon ngỏ lời cám ơn tôi đã đến gặp ông. Ông cũng nói thêm rằng nhân viên phụ tá của ông sẽ liên lạc với tôi qua ông John Mitchell và bà Anna Chennault. Tôi ra về khi cuộc họp kết thúc, lòng vô cùng phấn khởi, chẳng những vì những tiến triển tốt đẹp của cuộc họp mà còn là vì tôi đã giữ đúng lời hứa với ông Bundy và đã không động chạm gì tới việc đàm phán.

Sau đó, những chuyến bay liên tục qua Ba Lê, Hoa Thịnh Đốn và Sài Gòn đã khiến tôi quên hẳn cuộc họp với ứng cử viên Nixon. Tuy thế, chỉ vài tháng sau, buổi họp này lại thình lình trở lại ám ảnh tôi.

* * * * *

Vào ngày 18 tháng 7 Tổng Thống Johnson đến gặp ông Thiệu ở Honolulu. Tại đây, cuộc họp chẳng có gì khác hơn là những điểm tổng quát xác định lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và nhắc lại những cố gắng nhằm đem lại hòa bình. Trong khi đó đàm phán ở Ba Lê vẫn tiếp tục cứng nhắc, chẳng hề có dấu hiệu gì tiến triển và thời khóa biểu của tôi vẫn đặc nghịt giờ giấc những chuyến bay và những buổi thảo luận cần thiết. Một hôm, khi tôi từ Hawaii bay ngược về Hoa Thịnh Đốn để sửa soạn tham dự một buổi thảo luận thì bỗng nhà tôi chợt hỏi rằng liệu tôi đã biết mình đang lên đường đi đâu và đã biết rõ mình sắp sửa ăn nói ra sao chưa? Tôi trả lời rằng tài xế đã biết rõ địa điểm nhưng tôi thì lại chưa. Trả lời xong, tôi mới thấy rằng thời khóa biểu chất chồng đã khiến tôi không còn đủ sức để đối phó với tất cả những vấn đề khó khăn được nữa. Tôi đã bắt đầu kiệt lực vì những chuyến bay từ Ba Lê qua Hoa Thịnh Đốn cộng thêm những chuyến bay ở khắp Hoa Kỳ để thuyết trình. Bởi thế tôi nhất định yêu cầu Sài Gòn phải tìm người thay thế tôi làm việc ở Ba Lê. Vào ngày 28 tháng 8, tôi qua Ba Lê lần cuối để giới thiệu đại sứ Phạm Đăng Lâm với Thống Đốc Harriman và phái đoàn đàm phán Hoa Kỳ. Ông Lâm là nhân vật mới mà chính quyền Việt Nam gửi sang để thay thế tôi làm quan sát viên ở Ba Lê.

Hôm sau, tôi trở lại Hoa Thịnh Đốn. Tại Hoa Kỳ, cuộc bầu cử tổng thống đã thực sự phát động và chiến tranh Việt Nam trở thành một trong những đề tài tranh luận sôi nổi nhất của cuộc bầu cử. Về phía đảng Cộng Hòa thì ứng cử viên Nixon tuyên bố rằng ông đã có một kế hoạch bí mật để chấm dứt chiến tranh. Trong khi đó thì đảng Dân Chủ đang phải đối phó với những chống đối chiến tranh ngày một gắt gao và ông Humphrey đang cố vận động để có một thái độ không quá trùng hợp với lập trường và những chính sách của chánh phủ Johnson khi trước. Riêng đối với tôi thì đây chính là giai đoạn để trình bày tất cả mọi vấn đề của Việt Nam với tất cả những nhân vật có ảnh hưởng trong chính giới Hoa Kỳ. Tôi bắt đầu tiếp xúc thẳng với các Thượng Nghị Sĩ, các dân biểu của hai đảng, các nhà báo, các bình luận gia và tất cả những nhân vật mà tôi có thể liên lạc. Lúc này, vì đảng Dân Chủ đang cố tránh xa vấn đề chiến cuộc Việt Nam, tôi thấy mình càng ngày càng bị kéo hẳn về hướng đảng Cộng Hòa. Chỗ thuận lợi nhất để vận động các đảng viên Cộng Hòa là chỗ ở của bà Chennault. Vì giàu có, bà Chennault luôn luôn tổ chức những buổi họp mặt gặp gỡ hoặc tiệc tùng. Những buổi tiếp tân do bà tổ chức thường bao gồm gần như tất cả các nhân vật trong giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn. Vào tháng 10-1968, tôi đã liên lạc lại với bà Chennault. Lúc này bà là một trong những người đứng đầu Ủy Ban Gây Qũy nhằm mục đích vận động cho cuộc bầu cử của Ứng Cử Viên Nixon. Tôi cũng liên lạc với Thượng Nghị Sĩ John Tower, chủ tịch Ủy Ban soạn thảo chương trình Nghị Sự của đảng Cộng Hòa. Trong lúc vận động tôi đã gặp cả ông George Bush và nhiều đảng viên Cộng Hòa khác. Đây là một giai đoạn căng thẳng đối với các đoàn thể chính trị ở Hoa Kỳ. Thống kê cho thấy số phiếu của ứng cử viên Hubert Humphrey đang dẫn đầu.

Trong khi ở Hoa Kỳ cuộc tranh cử ngày càng dữ dội thì ở Ba Lê đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt vẫn tiếp diễn. Vào ngày 15 tháng 10 năm 1968, khi trở lại Hoa Thịnh Đốn để tham khảo ý kiến, ông Phil Habib đã đến gặp tôi và cho biết Bắc Việt đang hưởng ứng lời đề nghị ngừng thả bom ở những khu vực ở trên vĩ tuyến 17. (Lệnh ngưng dội bom của Tổng Thống Johnson không bao gồm mạn Nam Miền Bắc. Tại những khu vực mạn Nam, Cộng Sản vẫn tấn công những đội quân của Hoa Kỳ và Việt Nam tại vùng I) Để đổi lại, Bắc Việt vui lòng mở rộng đàm phán ở Ba Lê để có sự tham dự của chính phủ Việt Nam ở Sài Gòn -Những người mà họ cho là "tay sai" và "bù nhìn"- và đồng thời của cả Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, những người mà họ gọi là "Những đại biểu chân chính của Miền Nam Việt Nam."

Tôi đã biết những biến chuyển này từ trước qua những bức điện của Sài Gòn. Theo tôi thì ông Thiệu cho rằng sự nhượng bộ của Bắc Việt thật ra chỉ là những thủ đoạn dùng để ảnh hưởng cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ về một hướng có lợi cho ông Humphrey. Bắc Việt hưởng ứng đề nghị của tổng thống Johnson vào lúc này là vì họ đã thấy rõ quá trình chống cộng của ông Nixon. Khi nhận lời đàm phán với Hoa Kỳ, Bắc Việt vừa tránh được những cuộc dội bom của Hoa Kỳ lại vừa ảnh hưởng được cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ theo ý họ. Để đổi lại, họ bằng lòng bắt đầu một đợt đàm phán mới. Tầm mức quan trọng của đợt đàm phán này cũng lại do họ hoàn toàn quyết định. Nói tóm lại thì họ vẫn chẳng mất mát gì.

Khi Hoa Kỳ quyết định chấp nhận Mặt Trận Giải Phóng như một thành viên trong cuộc đàm phán thì ông Thiệu vô cùng phẫn nộ. Những phẫn nộ của ông không phải hoàn toàn vô cớ. Thật ra, vì được báo cáo riêng từ nhiều tháng trước, ông Thiệu đã biết rõ Hoa Kỳ sẵn sàng chấp thuận yêu cầu của Bắc Việt về vấn đề bao gồm cả MTGP vào cuộc đàm phán. Khi chấp nhận MTGP, Hoa Kỳ đã trình bày rằng họ vẫn xem cuộc đàm phán là một cuộc đàm phán của hai phe là phe Bắc và phe Nam và vì vậy dù Bắc Việt có đưa thêm bất kỳ đoàn thể nào vào đi nữa thì cuộc đàm phán tựu trung vẫn chỉ là một cuộc đàm phán giữa hai phe Nam, Bắc. Trước đây, vì bị áp lực của Hoa Kỳ nên dầu vẫn nghi ngờ và do dự, ông Thiệu có lẽ đã đồng ý điều kiện này vào tháng 7. Khi nhận lời, ông Thiệu nghĩ rằng Bắc Việt sẽ không bao giờ đồng ý đàm phán. Nhưng lúc này họ lại đồng ý, nhất là lại đồng ý vào một thời điểm khắc nghiệt: Chỉ trước thời gian bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Đây là một thời điểm mà Hoa Kỳ đang phải đối phó với các vấn đề khác bên trong nội bộ chẳng hạn như tình trạng kinh tế, nạn thất nghiệp, vấn đề an sinh xã hội. Áp lực của cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ đã khiến vấn đề chiến tranh Việt Nam biến thành một vấn đề nhỏ hơn những vấn đề to lớn khác mà Hoa Kỳ cần phải giải quyết. Lúc này đảng dân chủ bị buộc phải hành động ngay để giải quyết vấn đề chứ chẳng thể bỏ thêm thời giờ để xem xét kỹ càng mọi chuyện.

Tôi rất thông cảm với những sự lo lắng của ông Thiệu. Chính tôi cũng muốn Hoa Kỳ nói rõ rằng họ không công nhận Mặt Trận Giải Phóng dưới mọi hình thức. Hơn nữa, tôi cũng muốn Bắc Việt phải thảo luận trực tiếp với Miền Nam Việt Nam vì nếu không thì chúng tôi vẫn chỉ là những kẻ đứng ngoài nhìn kẻ khác định đoạt số phận của chính mình.

Đã năm tháng qua, Bắc Việt liên tục đòi hỏi Hoa Kỳ phải ngưng các cuộc dội bom, rút hết quân về và giải tán chánh quyền ông Thiệu. Càng ngày chúng tôi càng mục kích rõ ràng việc Hoa Kỳ mất kiên nhẫn. Tuy Hoa Kỳ đang mong mỏi Bắc Việt giữ đúng những nguyên tắc cơ bản khi đàm phán, chẳng hạn như: "Nếu chúng tôi hành động thế này thì các anh sẽ phải hành động thế kia." thế nhưng, những điều họ mục kích lại hoàn toàn khác hẳn. Họ thấy mình đã bị vướng vào các chính sách tuyên truyền và lý do duy nhất khiến họ vẫn còn trong cuộc là hy vọng của chính họ.

Theo tôi nhận xét thì chắc chắn các cuộc đàm phán còn kéo dài. Trong khi Hoa Kỳ đang bị những khó khăn trong nước xâu xé thì Cộng Sản chỉ cần giữ đúng quy tắc kiên nhẫn đợi chờ và nhất định không chịu nhượng bộ để thắng cuộc. Đây là những nguyên tắc căn bản của chính sách "Đánh và Đàm." Nếu họ áp dụng nguyên tắc này thì Hoa Kỳ nhất định sẽ phải chịu đựng những áp lực chính trị và những áp lực của dân chúng Hoa Kỳ, trong khi chính họ lại thảnh thơi và hoàn toàn không phải chịu đựng áp lực nào cả. Giữa lúc tình thế đang diễn ra như vậy thì chúng tôi lại được mời vào ngồi chơi xơi nước, chứng kiến mọi sự. Đây là những lý do đã khiến chúng tôi đòi hỏi rằng nếu Việt Nam vào cuộc thì đàm phán bắt buộc phải có những biến chuyển rõ rệt thực thụ.

Lúc này chúng tôi đòi hỏi Bắc Việt phải trực tiếp đàm phán và Hoa Kỳ phải tuyên bố không công nhận MTGP. Chúng tôi cũng biết hai điều kiện mà Việt Nam đòi hỏi là hai điều kiện khó khăn. Hơn nữa, vì Hoa Kỳ đã chấp nhận đàm phán với Bắc Việt rồi nên vấn đề đòi hỏi của Việt Nam lúc này sẽ khiến chúng tôi phải đối diện với một áp lực vô cùng khủng khiếp. Bởi vậy, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đụng độ nảy lửa sắp đến. Lúc này, tôi đã nhận được nhiều bức điện từ Sài Gòn cho tôi biết những cuộc điều đình giữa ông Thiệu và đại sứ Bunker. Sài Gòn cũng cho tôi những chỉ thị rõ rệt để hàng ngày thảo luận vấn đề với Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao. Hơn nữa, Sài Gòn còn cho lệnh tôi phải bỏ thì giờ thảo luận với ông Bundy, ông Rostow và gửi báo cáo thường xuyên về Việt Nam.

Sau cùng, sau không biết bao nhiêu bản ghi chú, diễn giải và minh xác giữa Hoa Thịnh Đốn, Sài Gòn và Ba Lê, ông Thiệu và đại sứ Bunker đã cùng thỏa thuận một bản thông cáo chung. Một trong những điều khoản chính của bản thông cáo chung là lời hứa mơ hồ của Hoa Kỳ về việc không công nhận MTGP như một thành phần độc lập cũng như bảo đảm rằng Bắc Việt sẽ "đàm phán trực tiếp và thực sự với Việt Nam." Một khi nguyên tắc này đã được chấp thuận thì Tổng Thống Johnson và ông Thiệu cùng tuyên bố ngừng dội bom, và cùng công bố bắt đầu một giai đoạn mới cho các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Ba Lê.

Tôi nhận được một bản thảo của tờ thông cáo chung qua điện văn vào ngày 29 tháng 10, chỉ bảy ngày trước khi bầu cử. Một phần của bản thông cáo chung là: "Cuộc gặp gỡ đầu tiên sẽ diễn ra tại Ba Lê vào [ngày, giờ ]. Những phái đoàn của Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ cùng đến tham dự buổi họp... Tôi nhấn mạnh sự chú ý của ông vào câu 'trực tiếp và thực sự đàm phán với Việt Nam'" Lúc này, cuộc tranh cử gay go ở Hoa Kỳ vẫn tiếp diễn, thống kê cho thấy số phiếu của ứng cử viên Humphrey đang ngang ngửa với số phiếu của ứng cử viên Nixon, đó là chưa kể đến vấn đề sai số trong khi thống kê được thiết lập. Vì thế khi Hoa Kỳ và Việt Nam tuyên bố ngưng dội bom thì đảng Dân Chủ hết sức vui mừng. Họ hy vọng rằng tin tức này sẽ làm thay đổi cục diện.

Rồi bỗng nhiên mọi diễn biến bất chợt dừng lại. Vào lúc 4 giờ sáng ngày 30 tháng 10, tôi giật mình tỉnh giấc vì tiếng chuông điện thoại của ông Hoàng Đức Nhã, bí thư của ông Thiệu. Ông Nhã nhắn rằng ông Thiệu đã duyệt lại tình hình và nhất định khước từ bản thông cáo chung của cả hai chánh phủ lúc trước. Ông Thiệu khước từ là vì những tin tức mới nhất của đại sứ Lâm vừa gửi về. Ông Nhã nói rằng ông Lâm đã điện về rằng: Hai ông Harriman và ông Vance cho biết Hoa Kỳ sẽ không chánh thức đòi hỏi vài điều khoản như đã đề ra trong bản dự thảo. Một trong những trường hợp điển hình là ông Harriman nói với đại sứ Lâm rằng Hoa Kỳ không thể nào bắt buộc Bắc Việt "đàm phán trực tiếp và thật sự" với Việt Nam được. Do đó, Hoa Kỳ khó thể bảo đảm chuyện này. Khi được tin, ông Thiệu quyết định bác bỏ lệnh gởi phái đoàn sang Ba Lê. Ông Lâm đã được triệu hồi về Sài Gòn để tham khảo ý kiến.

Sáng sớm hôm đó, thể theo những chỉ thị trực tiếp từ Sài Gòn, tôi tới Bộ Ngoại Giao yêu cầu ông Bundy minh xác những điều đại sứ Lâm đã thông báo với Sài Gòn. Tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận thái độ của Hoa Kỳ đối với vấn đề thay đổi ý kiến của ông Thiệu vào giây phút chót. Tuy thế, tôi vẫn chưa chuẩn bị đủ để tránh khỏi những kinh ngạc đang đón chờ tôi ở văn phòng ông Bundy.

Khi tôi đến, ông Bundy, người tôi vẫn coi là một người bạn tốt quên cả mời tôi ngồi. Ông nói với tôi một cách cộc lốc và lạnh lùng rằng không hề có bất kỳ sự liên lạc nào giữa cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ và những nỗ lực đàm phán ở Ba Lê. Nói xong ông đứng thẳng lên, xoay lưng về phía tôi như thể không muốn đối diện với tôi. Tôi vừa nhìn vào phía sau lưng ông vừa nghe những tiếng gằn giọng liên tiếp nối nhau. Qua những tiếng gằn, tôi nghe rõ một vài chữ như "thiếu đứng đắn" và "không thể chấp nhận được." Rồi vẫn quay lưng về phía tôi, ông bắt đầu phát biểu gần xa về việc gặp gỡ giữa tôi và ứng cử viên Nixon.

Toàn thể diễn biến làm tôi sững người. Nhưng tôi nhất định không chịu để bị tấn công dù ông Bundy có là bạn tôi hay không phải là bạn tôi. Tất nhiên ông Bundy đang hiểu lầm trầm trọng về những chuyện xảy ra giữa ứng cử viên Nixon và tôi. Bởi vậy, vừa lấy lại được bình tĩnh, tôi đã nói một cách quả quyết rằng tôi chưa hề làm bất cứ điều gì có thể đáng gọi là thương tổn đến mối liên hệ của cả hai quốc gia. Tôi nhắc nhở ông Bundy rằng vào ngày 1 tháng 7 tôi đã hứa sẽ không thảo luận chi tiết những cuộc đàm phán ở Ba Lê khi gặp ứng cử viên Nixon. Tôi chưa làm điều gì đi ngược lại với lời hứa đó. Những liên hệ giữa tôi và đảng Cộng Hòa chỉ là những liên lạc bình thường. Tôi hoàn toàn không đồng ý với những ám chỉ gần xa rằng tôi đã làm điều gì mờ ám.

Ông Bundy không tấn công tôi trực tiếp. Ông khó thể tiết lộ rằng chính phủ Hoa Kỳ đã bí mật rút tỉa tin tức từ những bức điện của tôi gửi cho chánh phủ Sài Gòn. Tôi cũng không muốn đôi co tranh luận cho tới đường cùng với ông. -Chẳng hạn như tự vệ bằng cách trực tiếp đòi hỏi ông cụ thể đưa ra việc ông cho là tôi và ứng cử viên Nixon đã cùng nhau thảo luận và nguyên do gì đã khiến ông suy luận như vậy. Kết quả là hai bên đều cố đè nén. Khi đã bắt đầu bình tĩnh, chúng tôi cùng sửa soạn tìm cách gỡ rối cho thế bí hiện tại. Vấn đề thật phức tạp vô kể và tuy chúng tôi đã cố gắng vượt mức, (Tại Sài Gòn, cả đại sứ Bunker cũng đã đến gặp ông Thiệu) việc giải quyết vấn đề vẫn thất bại. Ngày hôm sau, 31 tháng 10- 1968, trong một buổi diễn văn được chiếu trên khắp toàn quốc, Tổng Thống Johnson đã hành động thật quyết liệt. Ông tuyên bố rằng: "Hoa Kỳ đã bước vào giai đoạn đàm phán thực sự." Ông sẽ cho lệnh ngưng toàn thể các chiến dịch dội bom và mở rộng thảo luận ở Ba Lê. Những đại biểu của Việt Nam có quyền tham dự. Những đại diện của Mặt Trận Giải Phóng cũng có quyền tham dự tuy sự tham dự của họ không có nghĩa là Hoa Kỳ đã công nhận họ.

Một ngày sau đó, ông Thiệu tuyên bố mặc dù Việt Nam không hề chống đối việc ngưng dội bom, nhưng vì những lý do đặc biệt, Việt Nam sẽ không gửi phái đoàn nào sang Ba Lê tham dự đàm phán. Đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến, chánh phủ của hai đồng minh đã công khai tuyên bố rằng họ không cùng quan điểm. Thống kê cho thấy Phó Tổng Thống Humphrey được ủng hộ đông đảo sau khi Tổng Thống Johnson tuyên bố ngưng dội bom, nhưng lại mất ủng hộ sau khi ông Thiệu tuyên bố Việt Nam không hưởng ứng cuộc đàm phán. Như số phận oái oăm đã định, những sự xích mích và bất đồng ý kiến giữa hai chánh phủ lại xảy ra công khai vào ngày 1-11, ngày Lễ Quốc Khánh của Việt Nam. Việc này có nghĩa là vào ngay khi những đàm phán đang ở vào giai đoạn quyết liệt giữa Hoa Kỳ với Việt Nam và đúng vào lúc tòa đại sứ Việt Nam phải đối phó với báo chí và dư luận Hoa Kỳ thì tòa đại sứ lại phải sửa soạn một cuộc tiếp tân lớn với với hơn một ngàn quan khách. Số quan khách đó bao gồm những người của quốc hội Hoa Kỳ, của các cơ quan trong chính phủ Hoa Kỳ, của các phái đoàn Ngoại Giao và tất cả các tổ chức chính trị khác ở Hoa Thịnh Đốn.

Tuy thế, mọi diễn biến trong ngày lễ vẫn xảy ra chẳng khác gì thường lệ. Theo Hoa Thịnh Đốn thì đây là một buổi tiếp tân hết sức thành công. Trong buổi lễ, chánh phủ Hoa Kỳ đã cố tỏ ra vô cùng hòa nhã. Tất cả những người bạn của Miền Nam Việt Nam đều cùng hiện diện, kể cả các ông Rusk, Rostow, Bundy và các nhân viên cao cấp khác. Họ có mặt ngay trước giới truyền thanh, truyền hình như để xác nhận rõ ràng những chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chỉ là những xích mích nhỏ nhoi, không đáng kể.

Tuần lễ quốc khánh kết thúc thật vất vả và bận rộn. Tôi đã dùng cả hai ngày thứ hai và thứ ba để bàn luận cùng ông Bundy và ông Rostow. Tổng Thống Johnson đọc diễn văn vào thứ tư. Toà đại sứ phải sửa soạn tiếp rước một buổi tiếp tân trọng thể vào thứ năm. Ông Thiệu khước từ không tham gia đàm phán vào ngày thứ sáu và rồi tòa đại sứ lại phải tiếp hơn 1000 quan khách cũng vào ngày thứ sáu. Chưa bao giờ tôi thấy cần một ngày nghỉ như lúc này nhưng tình cảnh dĩ nhiên không hề cho phép.

Sáng hôm sau đó là ngày 2 tháng 10, một ngày thứ bảy mát mẻ và tràn đầy nắng ấm. Chỉ còn đúng ba ngày nữa là cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ bắt đầu. Mới sáng sớm, nhân viên trực ở tòa đại sứ đã điện thoại báo cho tôi biết có hai bức điện mật và khẩn của tổng thống Thiệu, tôi vội vã phóng xe trên con đường vắng vẻ tự hỏi chẳng hiểu lại có thêm khủng hoảng gì nữa đây. Khi đến nơi thì trong cả hai bức điện đều chẳng chứa đựng điều gì quan trọng. Dĩ nhiên những bức điện cũng chẳng chứa đựng điều gì có thể giúp tôi giải quyết những vấn đề nan giải lúc này. Tôi đang chuẩn bị về thì lại có một cú điện thoại khác của ông Saville Davis, một trong những ký giả kỳ cựu của tờ Christian Science Monitor. Ký giả Saville Davis cho biết ông cần gặp tôi về một việc tối quan trọng. Trước đây, thỉnh thoảng tôi vẫn ăn cơm trưa cùng ký giả Davis và vì vậy tuy đây là sáng thứ bảy tôi vẫn chẳng thể từ chối lời yêu cầu của ông được.

Vài phút sau ký giả Davis đã đến văn phòng tôi và cho tôi xem một bức điện dài ông nhận được của Beverly Deepe, một ký giả của tờ Monitor ở Sài Gòn. Theo như nguồn tin của cô Deepe cho biết thì đại sứ Bùi Diễm đã gửi điện cho Tổng Thống Thiệu khuyên ông không nên gửi phái đoàn đàm phán Việt Nam sang Ba Lê. Sau đó phóng viên Beverly chú thích thêm rằng dư luận đang ồn ào trong giới báo chí về việc ứng cử viên Nixon và Việt Nam đã cùng nhau thỏa thuận một kế hoạch cho cuộc chiến Việt Nam. Nội dung của kế hoạch này là Việt Nam sẽ trì hoãn các cuộc đàm phán ở Ba Lê nhằm làm giảm uy tín của ông Humphrey và dồn số phiếu bầu cử về phía ứng cử viên của đảng Cộng Hòa. Để đổi lại ân huệ này, khi đắc cử tổng thống Nixon sẽ ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ hơn các đảng viên dân chủ khi trước.

Tin tức làm tôi chết sững. Tôi âm thầm đọc lại lần thứ hai lòng nhủ thầm rằng đây chắc hẳn là những tin tức đã khiến ông Bundy tiếp đón tôi một cách phẫn nộ vài ngày trước. Tuy đã biết rõ rằng không có kế hoạch thầm kín nào cả, tôi vẫn không hiểu nổi tại sao một chuyện hiểu nhầm như vậy lại có thể xảy ra. Tôi không biết phải nói gì với ký giả Saville Davis, người đang nhờ tôi xác nhận những câu chuyện của Beverly Deep. Cả ông Saville lẫn tôi đều hiểu rõ rằng nếu được đăng tải câu chuyện sẽ chuyển thành một vụ sì- căng-đan có ảnh hưởng trầm trọng đến những kết quả của cuộc bầu cử.

Tôi biết đây không phải là chuyện có thể dễ dàng xác nhận qua một cuộc bàn luận ngắn gọn cho dù tôi biết rõ tất cả mọi câu trả lời. Hơn nữa, tất cả những câu tuyên bố của tôi đều vô cùng nguy hiểm. Ngay cả việc chối cãi thẳng thừng cũng sẽ đưa đến những lời đồn đãi bất lợi một khi câu chuyện được đăng tải và khiến tôi phải chịu một gánh nặng về việc can thiệp vào một cuộc bầu cử ngang ngửa, một cuộc bầu cử mà chỉ cần một sự đổi ý nhẹ nhất cũng có thể xoay chuyển cán cân trong việc quyết định ai là vị tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ. (Nên nhớ rằng ông Nixon đã thắng cử với số phiếu hơn không quá 1% tổng số phiếu.) Dĩ nhiên tôi vẫn có thể tránh né vấn đề bằng cách viện lẽ rằng về phương diện chính thức tôi không thể nói hết được, nhưng điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là phải làm cách nào để tránh cho những tin tức sai lầm này ảnh hưởng vào cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ. Tôi cũng không muốn bất kỳ ai dồn tôi phải quyết đoán trước khi tôi có đủ cơ hội suy nghĩ chín chắn về mọi việc. Tôi nói với ông Davis rằng: "Tôi không thể xác nhận mà cũng không thể cải chính bất kỳ điều gì. Vì là đại diện của một quốc gia, công việc của tôi là liên lạc với mọi chi nhánh của xã hội Hoa Kỳ và thông báo với chánh phủ Việt Nam những việc đang xảy ra tại đây. Những lời bình luận tôi gửi cho tổng thống Thiệu là những vấn đề tối mật và tôi sẽ không có lời tuyên bố gì cả về những vấn đề này."

Ông Davis rời tòa đại sứ đầu óc rối bời, không biết phải làm gì với bức điện. Theo như tôi biết thì tờ Monitor không hề đăng tải câu chuyện. Vì không thể biết rõ sự thật phía sau và cũng biết rõ tầm mức quan trọng khác thường của bức điện, họ đã hành động theo lương tâm. Việc khẳng định rằng ứng cử viên Nixon có thể thắng hay không một khi tin tức lan tràn về việc ông có ý phá hỏng những đàm phán hòa bình là một việc vô cùng khó nói. Về sau, ông William Safire, người soạn thảo diễn văn cho ông Nixon trong giai đoạn bầu cử đã viết trong quyển Before The Fall rằng "Nếu không có ông Thiệu thì có lẽ ứng cử viên Nixon khó thể thắng cử." Có thể câu xét đoán đã đặt quá nặng vấn đề đàm phán Ba Lê cũng như vấn đề Việt Nam, nhưng trong một cuộc bầu cử xít xoát như cuộc bầu cử năm 1968 thì việc gì cũng có thể xảy ra được.

Khi tiễn ông Davis xong, tôi ngồi xuống, cố suy nghĩ về những vấn đề ẩn phía sau câu chuyện của tờ Monitor. Vì ký giả Beverly Deepe viết rằng tôi đã khuyên Sài Gòn đừng gửi phái đoàn, tôi bắt đầu xem xét lại những bức điện đã gửi về cho ông Thiệu trong thời gian hai tuần lễ từ khi vấn đề bàn luận chi tiết khởi đầu. Trong những bức điện đã gửi, tôi tìm thấy một bức điện từ ngày 23 tháng 10, sáu ngày trước bức điện ngày 29 tháng 10 gửi từ Sài Gòn, cho tôi biết là đã có sự thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về việc Việt Nam gia nhập cuộc đàm phán ở Ba Lê ngày 28. Trong đó tôi ghi rằng: "Nhiều bạn bè thuộc đảng Cộng Hòa đã liên lạc với tôi và khuyên rằng chúng ta phải giữ vững thái độ cứng rắn. Từ những bản tường trình của báo chí, họ thấy rằng tổng thống (ông Thiệu) đã trở nên có phần kém cương quyết rồi." Trong một bức điện khác vào ngày 27-10 tôi viết: "Tôi vẫn thường xuyên liên lạc với những nhân vật phụ tá của ông Nixon," khi viết như thế, ý tôi muốn nói đến bà Anna Chenault, ông John Mitchell và Thượng Nghị Sĩ Tower.

Đây cũng là những lời nhắn có liên quan đến những việc liên lạc mà tôi gửi về Sài Gòn. Rõ ràng là tin tức chẳng hề cho thấy rõ rệt tôi có âm mưu gì với đảng Dân Chủ. Nhưng khi đặt hai mảnh tin lại với nhau và nhìn từ khung cảnh của một cuộc bầu cử căng thẳng, tôi đã thấy rằng những mảnh tin có đủ chứng cớ để cho bất kỳ ai sẵn sàng tin vào những gì mờ ám nhất. (Tôi chẳng hề biết tại sao những bức điện văn của tôi lại bị chánh phủ Hoa Kỳ hoặc Beverly Deepe biết rõ, nhưng tôi vẫn thấy khó chịu về việc họ đã biết rõ cả.) Mặt khác, việc đã quá rõ ràng là ông Thiệu có rất nhiều lý do để chống đối những cuộc đàm phán mở rộng mà chẩng cần phải bàn luận với bất kỳ ai. Hơn nữa, vào ngày 28 tháng 10, Ông Thiệu đã đồng ý ký bản thông cáo chung với Hoa Kỳ. Sau đó, ông khước từ ý định chỉ vì đại sứ Phạm Đăng Lâm đã báo cáo về những diễn biến không thực sự đi sát với những điều Hoa Kỳ đã đề ra khi trước. Nếu ông Thiệu đã quyết định không đồng ý thì lẽ nào ông còn phải trì hoãn cho đến phút chót để đổi ý?

Mặc dù đã biết rằng mình không hề có âm mưu gì mờ ám, tôi vẫn cảm thấy dường như có điều gì bí ẩn, nhất là vai trò của bà Anna Chennault. Tôi có cảm tưởng rằng bà đã tự mình có sáng kiến thúc đẩy phía Việt Nam Cộng Hòa và ông Nixon vào con đường cứng rắn đối với cộng sản để thủ lợi cho đảng Cộng Hòa. Chính bà là người đã liên lạc với ông John Mitchell và ông Richard Allen (Ông Allen là cố vấn ngoại giao của ông Nixon và rồi nhiều năm sau lại là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Reagan). Và chính bà cũng đã liên lạc với tôi cũng như đã tự liên lạc thẳng với ông Thiệu qua anh ông Thiệu là ông Nguyên văn Kiểu lúc đó đang là đại sứ ở Đài Loan. Trong giai đoạn phức tạp và hỗn loạn này, chẳng ai có thể khẳng định được những tin tức nào đã được chuyển cho những ai, vì thế tuy những diễn biến vừa kể có thể đưa đến những hậu quả lớn lao trên chính trường Hoa Kỳ, những gì được gọi là mưu toan của bà Anna Chennault sẽ chỉ mãi mãi là bí ẩn của lịch sử. Dù sao đi nữa thì vào ngày 5 tháng 11, chỉ ba ngày sau đó, ứng cử viên Nixon đã được bầu làm tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ. Biến cố này đã khiến tôi cho những diễn biến khó chịu lui luôn vào quá khứ. Vào ngày 9 tháng 11, khi tôi đang một mình làm việc trong văn phòng thì chuông cửa reo vang. Vì chẳng có tùy viên nào ở cạnh, tôi nhìn ra cửa sổ để xem ai nhấn chuông. Bên ngoài, một người đứng tuổi đang đứng cạnh cửa co ro tránh gió. Khi xuống đến nơi để hỏi xem ông ta cần gì, tôi đã giật nảy người vì nhận ra Thượng Nghị Sĩ Everett Dirksen. Tôi mời ông vào. Ông ngỏ ý xin lỗi về việc ghé tòa đại sứ bất ngờ mà không thông báo trước. Ông Dirksen cho biết sở dĩ ông đích thân đến gặp tôi là vì có một tin "tối quan trọng" cần cho tôi biết.

Khi chúng tôi vừa an vị thì ông Dirksen mở lời rằng: "Tôi đến đây nhân danh cả hai vị tổng thống, tổng thống Johnson và tổng thống Nixon." Tôi im lặng lắng nghe trong kinh ngạc. Lời nhắn tin thật là ngắn ngủi: "Việt Nam phải gửi ngay phái đoàn đại biểu tới Ba Lê trước khi việc trở nên quá trễ." Tôi chưa kịp hỏi rằng vì sao lại "quá trễ" thì ông Dirksen đã tiếp tục: "Tôi cũng cần khẳng định rõ rệt với ông rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ công nhận sự hiện diện của Mặt Trận Giải Phóng như một thành phần hoàn toàn biệt lập. Tôi xin xác nhận một cách tuyệt đối rằng Hoa Kỳ không bao giờ chủ trương ép buộc Việt Nam Cộng Hòa phải chấp nhận giải pháp chính phủ liên hiệp."

Ông Dirksen đã giúp tôi rất nhiều trong quá khứ. Cách viếng thăm khác thường của ông đã khiến tôi hết sức chú tâm đến vấn đề ông đang trình bày. Hơn nữa, tầm mức kính trọng của tôi đối với ông khiến tôi chẳng chút nghi ngờ gì về điều ông nói. Lòng vẫn còn kinh ngạc, tôi cám ơn ông đã đến cho biết tin và cũng nói rằng tôi sẽ chuyển ngay tin tức về cho ông Thiệu. Vài phút sau khi chào ông Dirksen, chuông điện thoại lại reo vang. Ký giả Joseph Alsop, một ký giả và bình luận gia nổi tiếng của Hoa Kỳ ngỏ lời xin được gặp tôi gấp. Tôi ngồi lặng trên ghế đợi ký giả Alsop và phân vân tự hỏi chẳng hiểu lại có chuyện gì nữa đây?

Ký giả Alsop là bạn thân của tôi đã từ lâu. Tôi đã biết ông từ những năm của thập niên 1960, khi ông đến thăm Việt Nam và gặp Bác sĩ Quát. Kể từ khi tôi đến Hoa Thịnh Dốn, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau thường xuyên. Tôi vẫn thường mua cả nước mắm cho ông. Ký giả Alsop và ông Dirksen là hai người tôi tin tưởng nhất trong nhóm bạn ở Hoa Thịnh Đốn. Cứ theo tình hình mà luận thì có lẽ chánh phủ Hoa Kỳ đang cố tạo ấn tượng về mức trầm trọng của tình hình với tôi bằng cách chọn những sứ giả hữu hiệu nhất.

Mười lăm phút sau ký giả Alsop lại ngồi đúng vào chiếc ghế mà ông Dirksen vừa mới rời khỏi. Khi tôi vừa bắt đầu lên tiếng về việc ông Nixon thì ký giả Alsop đã cắt lời: "Ông bạn ơi, tổng thống của ông bạn đang chơi một trò chơi nguy hiểm. Tôi mới gặp Ông Già hôm qua. Ông Già đang điên cuồng vì giận." Ký giả Alsop đã dứt câu mà tôi vẫn chưa liên tưởng được "Ông Già" là ai. Tuy thế, chỉ một phút sau tôi nhận ra là ông đang nói về tổng thống Johnson. Nhớ lại những lời ông Dirksen vừa nói nửa giờ trước đây, tôi hỏi ký giả Alsop: "Phải chăng Ông Già nhờ ông đến gặp tôi?"

"Không đúng hẳn," ông Alsop trả lời. Thực ra chính ký giả Alsop đã nói chuyện với Tổng Thống Johnson hôm trước. Hiển nhiên là TT Johnson đã mất hết kiên nhẫn vì những hành động bất ngờ của ông Thiệu. Sự khích động của TT Johnson đã khiến ký giả Alsop cảm thấy gần như bắt buộc phải cho tôi biết tin. Ký giả Alsop hút thuốc liên miên như thể đang cố tìm cách giảm bớt sự lo lắng. Ông khuyên tôi nên trở về Sài Gòn lập tức để nói chuyện với ông Thiệu.

Cũng trong ngày đó, tôi lại nhận được một cú điện thoại bất ngờ từ Bộ Ngoại Giao, hỏi tôi đã tiếp xúc với Thượng Nghị Sĩ Dirksen hay chưa? Vào giờ cơm tối, một chuyên viên của Bộ Ngoại Giao đến nhà tôi để đặt giây điện thoại trực tiếp về Sài Gòn. Đường giây này là đường giây an toàn của Ngũ Giác Đài. Ngay ngày hôm sau, nhằm ngày chúa nhật, tôi đến gặp ông Bundy để tổng kết lại tình hình. Tôi lên máy bay về Sài Gòn vào sáng thứ hai. Đây là lần đầu tiên trong vòng 4 tuần tôi mới có được ít phút rảnh rang để suy nghĩ. Tôi suy nghĩ về tầm quan trọng của các biến cố, về việc đảm nhiệm của vị tân tổng thống, về những chính sách khác biệt của chính phủ mới. Có lẽ những chính sách mới lại là những kế hoạch bí mật trong tương lai.

Gọng Kềm Lịch Sử
29. Tổng Thống Mới, Chính Sách Mới

Tôi trở về Sài Gòn ngày 13 tháng 11-1968. Vừa về đến nơi tôi đã tìm cách gặp ngay ông Thiệu và ông Kỳ. Tôi thuật lại câu chuyện khó chịu của tôi khi gặp ông Bundy và những lời nhắn nhủ khác thường của ông Dirksen và ông Alsop ở tòa đại sứ. Tôi cố tìm cách cho hai ông Thiệu và Kỳ thấy rõ được sự giận dữ và thiếu nhẫn nại của thượng nghị sĩ Dirksen. Tôi cũng không quên thuật lại những lời lẽ nghiêm nghị của ông Dirksen khi ông tuyên bố "đến gặp tôi nhân danh hai vị tổng thống Hoa Kỳ." Hôm sau, tôi tới Thượng Viện ở Sài Gòn để Thuyết trình trước Ủy Ban Ngoại Giao của Thượng Viện.

Vào ngày 16 tháng 11, tôi đến gặp đại sứ Bunker để trực tiếp tìm cách giải quyết vấn đề. Khoảng hơn một tuần lễ sau, sau khi đã trao đổi hàng loạt những đề nghị và các bản thảo, chúng tôi cùng nhau đề ra một số cách thức hợp tác chung mà chúng tôi cho là có thể phù hợp với cả hai quốc gia. Tôi cũng nói với đại sứ Bunker rằng đây có lẽ là một cơ hội tốt để hai chánh phủ có thể cùng cộng tác. Trước khi Hoa Kỳ chánh thức đưa ra chính sách để đối phó với Bắc Việt thì đây chính là một dịp mà Hoa Kỳ có thể thảo luận với Việt Nam về những vấn đề chẳng hạn như vấn đề đàm phán với Bắc Việt. Thực ra, tôi đã suy nghĩ về vấn đề này từ lâu rồi. Trong những tháng trước, khi còn ở Hoa Thịnh Đốn, tôi đã nhiều lần gửi điện về Sài Gòn để nói rõ tầm quan trọng của vấn đề cần phải có sự cộng tác chung giữa hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ.

Khi nghe tôi đề nghị rằng hai chánh phủ nên cùng nhau thảo luận cách đàm phán với Bắc Việt trước khi thực sự bắt tay vào việc, đại sứ Bunker đã hưởng ứng hết sức nhiệt liệt. Ông đề nghị tôi tìm cách để thuyết phục chánh phủ Việt Nam thực thi dự định đó. Đại sứ Bunker nguyên được cử làm đại sứ ở Việt Nam một phần quả là do ông đã có kinh nghiệm ngoại giao lão thành, nhưng một phần khác cũng là do mối cảm tình chân thật mà ông dành cho Việt Nam. Lúc nào ông cũng cố gắng xoay sở để có thể hướng những nỗ lực giúp đỡ của Hoa Kỳ đúng vào những lợi ích thiết thực nhất của Việt Nam. Mối giao hảo thân mật giữa chúng tôi một phần cũng là do những lý do này. Hơn nữa, khi cùng nhìn vào những vấn đề khó khăn và những mục tiêu của Việt Nam thì chúng tôi lại còn cùng đồng quan điểm. Cách suy luận của chúng tôi cũng gần giống nhau, nếu không muốn nói là hoàn toàn trùng hợp. Sau khi gặp đại sứ Bunker, tôi đến gặp ông Thiệu vào ngày 5 tháng 12, trước khi lên đường trở lại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây tôi đã nhiều lần gặp ông Thiệu để trình bày vấn đề cần phải tìm cách cộng tác với Hoa Kỳ cho hữu hiệu, nhưng lần nào ông Thiệu cũng chỉ hưởng ứng lấy lệ. Trong cuộc họp riêng, mặt đối mặt, lần này tôi hy vọng cuộc họp có thể sẽ khiến ông Thiệu lưu ý hơn. Tuy vậy, cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa tôi và ông Thiệu cũng chẳng lay chuyển được sự suy nghĩ của ông khác trước là bao. Bất kể tôi đề cập đến vấn đề ra sao, ông Thiệu vẫn có cách để chuyển hướng vấn đề. Lúc tôi đưa ý kiến thì ông vẫn lắng nghe, vẫn đưa ra những hứa hẹn tốt đẹp, nhưng rồi sau câu chuyện thì ông cứ lẳng lặng bỏ mặc, không giải quyết vấn đề một cách dứt khoát. Lúc nào ông cũng cố tìm cách trì hoãn để mặc cho vấn đề có thể tự giải quyết, hoặc sẽ trôi đi với thời gian. Quyết định một cách cả quyết là một điều ông Thiệu rất hiếm khi làm được. Đối với đa số những người lãnh đạo Việt Nam thì việc tổng thống Nixon đắc cử là một biến cố có chiều hướng thuận lợi; Họ đã thấy rõ vị tổng thống mới là người có lập trường chống cộng vững chắc. Sau một vài tháng lo sợ ngại ngùng, Việt Nam giờ đây hoàn toàn lạc quan và dư luận cho rằng tương lai đã có phần được bảo đảm.

Riêng tôi vẫn ít lạc quan hơn. Vì gần gũi với chính trường Hoa Thịnh Đốn hơn những người khác, tôi biết rằng một khi những diễn biến chính trị ở Hoa Kỳ đã hướng về một chiều hướng nhất định thì gần như chẳng còn cách nào để ảnh hưởng những diễn biến đó về một chiều hướng khác. Đã đành rằng chính quyền Nixon có thể ít bị các nhóm phản chiến chống đối hơn là chính quyền Johnson, nhưng đảng Cộng Hoà cũng quan niệm vấn đề chiến tranh Việt Nam chẳng khác gì đảng Dân Chủ. Thực sự thì Hoa Kỳ đã bắt đầu ở trên con đường đi ra. Hiện giờ câu hỏi không còn là: "Liệu Hoa Kỳ có rút quân hay không?" mà là: "Hoa Kỳ sẽ rút quân thế nào?" Vào ngày 23 tháng 9, khoảng một tháng trước khi cuộc bầu cử bắt đầu, tôi đã viết một bản báo cáo mật gửi cho ông Thiệu như sau: Như đã có dịp nhiều lần trước đây tường trình cùng Tổng Thống, chúng tôi thiển nghĩ rằng Hoa Kỳ đến nay đã có rất nhiều lầm lỗi trong chính sách ở Việt Nam, nhưng nếu thẳng thắn công nhận thì chúng ta cũng có nhiều lỗi lầm. Những năm trước đây, do tình trạng chính trị không được ổn định, do tình trạng xã hội phân hóa, do những vấn đề cấp bách của chiến tranh thúc đẩy, chúng ta đã để người Hoa Kỳ (vì sốt ruột, vì không hiểu tâm lý người Việt Nam) có những quyết định vội vàng ảnh hưởng không ít đến tình trạng ngày nay.

Lúc này, chính phủ Nixon sắp nhậm chức và lại chưa hoàn toàn quyết định một chính sách rõ rệt về vấn đề Việt Nam, chúng tôi thiển nghĩ không có dịp nào tốt hơn là dịp này để chúng ta có sáng kiến và thảo luận với chính phủ mới về một chính sách có lợi cho chúng ta. Nếu đặt giả thuyết là chúng ta chờ đợi chính phủ Hoa Kỳ có thái độ rõ rệt thì chúng tôi thiển nghĩ rằng: bộ máy Hoa Kỳ là một bộ máy hết sức nặng nề, một khi bộ máy đó đã chuyển vận và bước sang giai đoạn có quyết định, e rằng nếu những quyết định đó không có lợi cho chúng ta, sau đây khó lòng mà sửa lại được.

Vào mùa thu năm 1968, Tuy tôi đã biết chắc chắn rồi đây thế nào Hoa Kỳ cũng rút quân, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng những kế hoạch bí mật của TT Nixon trong cuộc bầu cử năm 1968 chẳng qua chỉ là những kế hoạch ông đưa ra nhằm mục đích tranh cử chứ lúc đó ông vẫn chưa có kế hoạch chính thức gì thiết thực. Theo như những tin tức tôi thu thập từ Bộ Ngoại Giao, từ Ngũ Giác Đài, từ CIA và từ đảng Cộng Hòa thì chẳng có kế hoạch gì rõ rệt cả. Có thể là ngay sau khi đắc cử, TT Nixon sẽ xem xét lại chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam để đưa ra những chính sách thiết thực hơn. Một khi họ đã có chủ trương nhất định để thiết lập chánh sách thì chánh phủ Hoa Kỳ sẽ soạn thảo kế hoạch cho phù hợp với những chủ trương đó.

Theo tôi thấy thì trong giai đoạn chuyển tiếp lúc này, rõ ràng là Việt Nam phải có sáng kiến để đóng góp trong việc soạn thảo kế hoạch của một chính phủ mới. Tôi cho rằng ông Thiệu nên chấp nhận vấn đề rút quân của Hoa Kỳ, xem đây là điều tất yếu, và rồi nỗ lực chuẩn bị mọi việc để phòng khi Hoa Kỳ rút lui. Tôi cho rằng ông Thiệu phải chuẩn bị để nếu Hoa Kỳ có rút quân thì họ sẽ phải rút quân theo những điều kiện của Việt Nam. Tất cả những kinh nghiệm trong quá khứ đều cho thấy rằng nếu Hoa Kỳ đã có chánh sách thì bất kể thái độ của Việt Nam ra sao, chắc chắn họ cũng vẫn hành động theo chánh sách của họ. Hậu quả là Việt Nam lúc nào cũng phải nhắm mắt đi theo vì chẳng còn đường nào khác để chọn lựa. Tuy thế, nếu Việt Nam biết tự mình chủ trương mọi việc cẩn thận và thấu đáo trước thì rồi chính Việt Nam cũng được góp phần quyết định. Trái lại, nếu không chuẩn bị trước thì rồi đây Việt Nam lại rơi vào tình trạng phải thụ động giống hệt khi trước.

Vào ngày 13 tháng 1-1969, một tuần trước khi tổng thống mới của Hoa Kỳ bắt đầu nhiệm chức, tôi có trình bày vấn đề rõ ràng với ông Thiệu. Trong bản tường trình gửi về, tôi tiếp tục đi vào chi tiết những điểm chúng tôi đã bàn luận trong tháng trước.

1)-Trong khi chính sách Hoa Kỳ chưa hoàn toàn được xác định, Tổng Thống cho cứu xét

toàn diện lại tình trạng quân sự, ngoại giao, chính trị và kinh tế để tiến tới một hệ thống

đề nghị hợp lý, rõ rệt bao gồm cả những phần nói trên, nhằm giải quyết vấn đề chiến

tranh.

2)-Trong một thời gian ngắn, (trung tuần tháng 2 là cùng) sau khi những đề nghị đã

được hoàn thành và không chờ đợi người Hoa Kỳ, yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ thảo luận

với chính phủ ta về những đề nghị đó. Kinh nghiệm đã cho biết rằng trong trận chiến

tranh hiện tại và trong giai đoạn qua, vị trí của Hoa Kỳ và Việt Nam đã có nhiều điểm

giống nhau, thế mà những sự sai lầm tai hại không phải là ít; trong giai đoạn tới, quyền

lợi hai nước chưa chắc đã hoàn toàn đi đôi. Nếu chúng ta không thẳng thắn nói rõ

những quan điểm thiết yếu của dân tộc, e rằng sẽ có những khó khăn lớn lao về sau.

3)-Đồng thời với việc khảo luận với chính phủ Hoa Kỳ về những đề nghị của chính phủ

ta, sắp đặt một chương trình khéo léo nhằm vào dư luận báo chí Hoa Kỳ và thế giới để

chứng tỏ chúng ta thiện chí tới mức tối đa cả trong việc điều đình tại Ba Lê cũng như

trong phần vụ cáng đáng lấy trách nhiệm trong cuộc chiến. Sau đó tôi trực tiếp đề cập đến vấn đề Hoa Kỳ rút quân: Trên đây chúng tôi có đề cập tới những khía cạnh quân sự ngoại giao và kinh tế. Trong vấn đề quân sự chắc chắn sẽ có trường hợp rút bớt quân đội Hoa Kỳ (rút bao nhiêu? Trong thời gian nào? Với điều kiện nào? v.v...) cũng như trong vấn đề ngoại giao sẽ có đường lối áp dụng với đối phương tại Ba Lê. Còn về vấn đề kinh tế thì nếu có quyết định rút dần quân đội Hoa Kỳ, quyết định này không khỏi không có ảnh hưởng tới kinh tế. (Tại cơ quan viện trợ Hoa Kỳ, chúng tôi đã thấy có những nghiên cứu dựa vào giả thuyết rút dần quân đội, tỉ dụ như nếu hàng tháng rút 10 ngàn quân, tức là hàng năm 120,000 quân, thì sở ngoại tệ của Việt Nam sẽ hụt đi là bao nhiêu và số viện trợ thương mại sẽ thay đổi ra sao?).

Trở về vấn đề quân sự và ngoại giao, chúng tôi đơn cử một vài thí dụ để chứng tỏ sự cần thiết phải đi trước dư luận bằng những sáng kiến, đề nghị mới.

Trong dịp cuối năm, Tổng Thống có đọc một bản thông điệp nói đến việc trong năm 1969 Việt Nam sẽ cáng đáng nhiều trách nhiệm trên chiến trường. Bản diễn văn đó đã được sự hưởng ứng của hầu hết dư luận báo chí. Tại Ba Lê, mỗi lần phái đoàn ta có một đề nghị gì mới, (bất kỳ đề nghị gì) là lập tức dư luận báo chí tỏ ý hy vọng.

Cũng vì những lý do đó mà chúng tôi tới kết luận rằng tỷ dụ như trên lĩnh vực quân sự, sau khi đã nghiên cứu kỹ càng vấn đề và kết luận rằng có thể đồng ý để một số quân đội Hoa Kỳ rút về và sau khi đã xác định được rõ là chính phủ mới của Hoa Kỳ trước sau cũng phải đến quyết định đó, chánh phủ ta nên công khai hóa vấn đề trước, đừng để cho Hoa Kỳ nói trước vì dư luận Hoa Kỳ và thế giới sẽ có cảm tưởng là chúng ta bị dồn ép vào thế bắt buộc phải nhận.

Chúng tôi nghĩ là với tình trạng dư luận Hoa Kỳ hiện tại (nghi ngờ thiện chí của Việt Nam) chỉ có những quyết định lớn như trên mới dành lại được cảm tình, còn những cố gắng bình thường (như diễn thuyết hoặc gởi phái đoàn) thì cũng chỉ có ảnh hưởng phần nào thôi.

Vấn đề điều đình tại Ba Lê cũng vậy; chúng tôi nghĩ: chỉ trừ một vài giới có những chủ trương cực đoan muốn chấm dứt chiến tranh bằng đủ mọi cách, phần đông dư luận Hoa Kỳ sẽ ủng hộ chúng ta nếu dư luận Hoa Kỳ thấy rõ rằng trên lãnh vực quân sự có hy vọng quân đội Hoa Kỹ sẽ dần dần rút về (không cần biết trong bao nhiêu lâu) tổn phí sẽ bớt dần, và trên lãnh vực ngoại giao chúng ta có những đề nghị hợp lý.

-KẾT LUẬN:

Những giới chính trị ở Hoa Kỳ lúc này cho rằng đối với vấn đề Việt Nam, Ông Nixon cần phải có thời gian và kiên nhẫn thì mới giữ được Cộng Sản khỏi thắng lợi. Do thái độ của ông từ trước tới nay qua việc bổ nhiệm các nhân vật rồi đây sẽ nhận trách nhiệm trong vấn đề này, các giới chính trị cho rằng ông đủ kiên nhẫn nhưng còn thời gian thì ông chỉ có một thời gian hết sức ngắn. Thời gian này tùy thuộc ở dư luận Hoa Kỳ và có ảnh hưởng được dư luận hay không điều đó cũng một phần còn tùy thuộc ở Việt Nam.

Với tình trạng trên, để kết luận, chúng tôi một lần nữa trân trọng đệ trình lên tổng thống và chính phủ ý kiến rằng hơn lúc nào hết, lúc này là lúc Việt Nam cần phải xiết chặt hàng ngũ, chỉnh đốn nội bộ để có thể có những sáng kiến và đề nghị đưa ra thảo luận với chính phủ Hoa Kỳ. Chưa chắc chúng ta đã có thể đạt tới sự thống nhất các quan điểm trên mọi lĩnh vực, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể giảm bớt được tình trạng lủng củng hiện tại và ngăn ngừa trường hợp bị xô đẩy vào những tình trạng khó khăn, bất lợi cho quyền lợi của đất nước.

Tuy đã nhiều lần đề cập đến bản báo cáo này trong những lần gửi điện về Sài Gòn về sau, tôi vẫn không được ông Thiệu trả lời. Tôi cũng yêu cầu được về Sài Gòn để góp ý kiến và đã nhiều lần thảo luận vấn đề này với ông Hoàng Đức Nhã nhưng ông Thiệu vẫn hoàn toàn im lặng.

Đối với tôi thì đây là chuyện khẩn cấp, nếu không muốn nói là chuyện sinh tử. Tôi cho rằng Việt Nam chỉ có thể ảnh hưởng trực tiếp được vào vấn đề Hoa Kỳ rút quân bằng cách tự có sáng kiến trước. Hơn nữa, nếu hành động trước, Việt Nam có thể vừa thể hiện được chính nghĩa lại vừa chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Việt Nam là một quốc gia độc lập đang được đồng minh Hoa Kỳ viện trợ chứ không phải một thuộc địa của Hoa Kỳ như dư luận vẫn thường chỉ trích. Nếu những cuộc đổ quân của Hoa Kỳ hồi năm 1965 đã khiến chánh phủ Việt Nam mất đi chính nghĩa thì giờ đây sự ra đi của họ có thể khiến Việt Nam lấy lại được hình ảnh độc lập và những chính nghĩa đã mất đi khi trước.

Lúc này tôi hiểu rất rõ những ảnh hưởng của dư luận Hoa Kỳ đối với các chính sách có liên quan đến chiến tranh Việt Nam của chánh quyền Nixon. Tuy thế, tôi lại chẳng biết phải làm cách nào để chuyển đạt được những hiểu biết của tôi cho chánh quyền Việt Nam. Càng cố sức trình bày tôi lại càng thấy những nỗ lực của tôi chẳng khác nào như nước đổ lá môn. Dường như chánh quyền Việt Nam không thể nào hiểu được những quan niệm chẳng hạn như những quan niệm về dư luận Hoa Kỳ, về tầm mức quyền hành có giới hạn của Tổng Thống Hoa Kỳ và tầm quan trọng của Quốc Hội Hoa Kỳ. Có lẽ vì Việt Nam đã đắm chìm quá lâu trong những chế độ bất chấp dư luận dân chúng, vì Việt Nam đã trải qua quá nhiều chánh quyền độc tài và vì ngay chính chánh quyền Việt Nam lúc đó cũng chẳng hề đếm xỉa gì đến quyền hạn của quốc hội Việt Nam nên chính quyền Việt Nam đã suy bụng ta ra bụng người và kết luận rằng chánh phủ Hoa Kỳ cũng hoạt động chẳng khác gì chánh phủ Việt Nam. Tôi cảm thấy dường như cả chánh phủ của ông Thiệu đều tin rằng bất kể chánh phủ Hoa Kỳ hoạt động ra sao, ý kiến đáng kể cuối cùng cũng vẫn là ý kiến của tổng thống Hoa Kỳ. Hình như họ cho là tòa đại sứ Việt Nam chỉ cần đệ trình tất cả những tin tức quan trọng cho tổng thống Hoa Kỳ hiểu rõ là đủ. Tôi tự hỏi nếu chánh quyền Việt Nam quan niệm như thế thì tại sao họ lại chẳng thấy rằng họ chỉ cần một người đưa tin liên lạc với Tổng Thống Hoa Kỳ đã là quá đủ? Nếu chánh quyền Việt Nam quan niệm như thế thì tại sao họ lại còn cần phải có một đại sứ Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn để vận động? Và nếu có vận động đi chăng nữa thì vận động với mục đích gì?

Trong khi đó đàm phán ở Ba Lê lại tái họp dưới công thức hai phe Bắc, Nam mà Việt Nam bắt buộc phải thỏa thuận vì áp lực của Hoa Kỳ trước đây. Tuy chánh quyền mới của Hoa Kỳ đang bận rộn sửa soạn ngày lễ nhậm chức mà Ngoại Trưởng được chỉ định Rogers đã gọi tôi và báo rằng chánh quyền sắp nhiệm hoàn toàn đồng ý với chánh quyền đương nhiệm trong vấn đề đàm phán. Đây là một nước cờ khéo léo chứng tỏ sự liên tục của chánh phủ Hoa Kỳ trong giai đoạn chuyển tiếp. Thực ra thì trên mặt thủ tục lúc đó ông Rogers chỉ mới là Ngoại Trưởng được chỉ định và ông Rusk vẫn là Ngoại Trưởng chánh thức của Hoa Kỳ. Có lẽ vì thế nên Ngoại Trưởng Rogers cũng nói thêm rằng đại sứ Ellsworth Bunker đã được lệnh của Ngoại Trưởng tại vị Dean Rusk và của chính ông về việc minh xác sẽ không có gì thay đổi trong các chánh sách của chánh phủ Hoa Kỳ. Cách nhắc khéo của ông Rogers cũng là cách Hoa Kỳ ngấm ngầm cảnh cáo một cách gián tiếp rằng Sài Gòn không nên khước từ như trước.

Trong suốt tháng giêng năm 1968, về phía Hoa Kỳ những chính sách đối với Việt Nam vẫn liên tục. Bất kể việc chuyển tiếp giữa hai chánh phủ Hoa Kỳ bất kể là gì đi nữa thì việc vẫn không ra khỏi chuyện những người trong chính phủ sắp nhiệm đang thay thế những người trong chánh phủ đương nhiệm. Những cuộc tiễn đưa bịn rịn của đảng Dân Chủ phản ngược gần như hoàn toàn với những buổi lễ nhậm chức vui vẻ của đảng Cộng Hòa. Tình cảnh khiến người nhìn không khỏi cảm thấy rằng một giai đoạn đã kết thúc và một giai đoạn mới sắp bắt đầu.

Đối với tôi thì đây là khoảng thời gian buồn vui lẫn lộn. Tuy thế, những cảm giác lo lắng vẫn vượt lên trên tất cả. Trong giai đoạn này, đã đành rằng Hoa Kỳ vẫn có lập trường cương quyết đối với chiến tranh Việt Nam, nhưng chánh quyền Hoa Kỳ đang bước sang một giai đoạn cực kỳ quan trọng. Các nhân vật trong chánh phủ mới của Hoa Kỳ đang thay thế những người trong chính quyền trước. Hai nhân vật mới nổi bật nhất là Tổng Thống Nixon và ông Kissinger. Cả hai đều là những nhân vật cương quyết và có bản lãnh nhưng cả hai đều hoàn toàn xa lạ với chúng tôi. Rồi đây hai nhân vật này sẽ đứng ra điều động cuộc chiến Việt Nam bằng những phương pháp riêng của họ.

Nhìn lại những sự kiện trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ thì trước đây, trong thập niên 1950, Tổng Thống Truman, người khởi đầu sự can thiệp của Hoa Kỳ vào chiến tranh Đại Hàn là người của đảng Dân Chủ. Và rồi sau đó Tổng Thống Eisenhower, người kết thúc sự can thiệp của Hoa Kỳ trong chiến tranh Đại Hàn là người của đảng Cộng Hòa. Khi chánh quyền Eisenhower kết thúc sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Đại Hàn thì ông Nixon là phó Tổng Thống. Vào thập niên 1960, Tổng Thống Kennedy, người khởi đầu sự can thiệp của Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam cũng là người của đảng Dân Chủ. Và lúc này Tổng Thống Nixon, lại tuyên bố ông sẽ chấm dứt sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Hơn nữa, ông Nixon lại là người của đảng Cộng Hòa. Liệu lịch sử có tái diễn hay không? Câu hỏi này luôn ám ảnh tôi khi tôi đến dự những buổi tuyên thệ, những cuộc diễn hành và những buổi tiếp tân trong giai đoạn khởi đầu của chánh phủ mới. Tôi rất thán phục những cung cách chuyển đổi chánh quyền tại Hoa Kỳ. - Quang cảnh chuyển đổi vừa nghiêm trang lại vừa linh hoạt. Thật đúng là cách giao chuyển quyền hành của một xã hội dân chủ. Tôi cũng cảm thấy một cảm giác buồn bã thoáng qua khi thấy Tổng Thống Lyndon Johnson ra về gần như chẳng ai chú ý. Ai có thể ngờ được chỉ mới hôm qua ông hãy còn là một nhân vật kiêu hãnh đã nắm trong tay tất cả giềng mối của những uy lực tột cùng?

Khi lễ nhậm chức kết thúc, tôi bắt đầu tìm hiểu lại tình hình Hoa Thịnh Đốn một mặt là để lượng định xem Việt Nam có thể trông đợi gì từ chính quyền của TT Nixon và mặt khác cũng là để xem liệu những dự đoán của tôi về những kế hoạch bí mật mà ông Nixon đã đề cập tới lúc trước có hoàn toàn đúng hẳn hay không? Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi và chánh phủ mới diễn ra bốn ngày sau đó, khi tôi có dịp hội kiến với ông Kissinger. Lúc này ông Kissinger đã được cử làm cố vấn an ninh quốc gia và đang làm việc ở tòa Bạch Ốc.

Tôi đến gặp ông với những ký ức của lần gặp ông đầu tiên vào năm 1966 ở Sài Gòn. Năm 1966 ông Kissinger đã đến Việt Nam để tìm hiểu tình hình cho đại sứ Henry Cabot Lodge. Lúc đó ông là một giáo sư ở trường đại học Harvard và nhân dịp ông qua Việt Nam tôi có tổ chức một bữa cơm cho ông để ông có dịp gặp một số chính khách Việt Nam, kể cả những thành phần chống đối chính phủ. Trong lần gặp đầu tiên, đã có rất nhiều người thắc mắc chẳng hiểu ông đến Việt Nam làm gì; tại sao ông lại hỏi nhiều câu hỏi đến thế; và tại sao giọng Anh Văn của ông lại đặc biệt như vậy? Tuy lúc đó tôi chưa biết rõ mục đích của ông Kissinger khi sang Việt Nam nhưng qua những buổi tiếp tân và những buổi họp giữa ông Kissinger và ông Kỳ, tôi đã kết luận rằng ông quả là người thông minh vượt bực. Tuy ông chưa hiểu gì nhiều về Việt Nam mà những câu hỏi của ông vẫn thực tiễn và đi thật sát với vấn đề. Những câu hỏi của ông hoàn toàn khác hẳn những câu hỏi tôi đã dự đoán cho một nhân vật xuất thân trong thế giới học đường như ông.

Lúc này vị giáo sư đang trên đà uy quyền và danh vọng. Tuy vậy trong cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc, khi chúng tôi đang cố tìm hiểu lẫn nhau, có lẽ cả tôi lẫn ông ta đều cùng chưa biết rằng về sau ông sẽ là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong chánh quyền Nixon. Khi gặp ông Kissinger, tôi đã thăm dò ý kiến của ông về vấn đề Việt Nam bằng cách đề cập đến lời tuyên bố của cựu Ngoại Trưởng Clark Clifford. Trước đó ông Clifford đã tuyên bố rằng nếu Việt Nam không chịu tham gia đàm phán với Bắc Việt thì Hoa Kỳ sẽ phải "tham dự một mình." Tôi phát biểu rằng vấn đề bất đồng ý kiến giữa hai quốc gia là một vấn đề hoàn toàn bất lợi; Vì nếu hai chính phủ không cùng đồng quan điểm về việc đàm phán thì rồi đây cả hai sẽ gặp rất nhiều khó khăn chẳng những với các vấn đề hiện tại mà còn với rất nhiều vấn đề khác về sau.

Vì đây là cuộc họp đầu tiên của tôi với ông Kissinger và chánh quyền mới cũng chỉ mới nhậm chức được vài ngày nên tôi cố tránh không dồn ông Kissinger phải bàn luận chi tiết vấn đề. Tuy nhiên có một điểm đáng chú ý mà tôi nhận thấy ngay là bất kể Hoa Kỳ hoạch định kế hoạch thế nào thì chính phủ mới cũng hết sức chú tâm vào vấn đề Việt Nam. Trong cuộc họp với ông Kissinger, tôi thấy rõ rằng chánh quyền Nixon đã bắt đầu tìm cách để giảm thiểu những sự khác biệt giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam. Vì thế, sau khi cuộc họp chấm dứt, tôi cảm thấy hài lòng. Tôi nhận định rằng cho đến lúc đó, Hoa Kỳ vẫn chưa có chánh sách rõ rệt và vì vậy chánh phủ Việt Nam vẫn còn có chút thời gian để có thể tìm cách đối phó với tình hình nếu Hoa Kỳ chuyển hướng. Sáng hôm sau, tôi đánh điện về cho ông Thiệu như sau: Hôm qua, trong cuộc họp đầu tiên với cố vấn Kissinger, tôi đã yêu cầu Hoa Kỳ tìm cách hợp tác với Việt Nam cho hữu hiệu hơn. Tôi nói rằng hai quốc gia cần phải hợp tác chẳng những chỉ để giải quyết những khó khăn lúc này mà còn để đối phó với những khó khăn tương lai nữa. Tôi cũng đã đòi hỏi chính quyền Hoa Kỳ phải giảm thiểu những thái độ thất vọng [chẳng hạn như đối với chánh quyền Sài Gòn] để tránh việc vô hình chung làm hại cho đối phương. Ông Kissinger có nói với tôi: Tổng Thống Nixon vừa mới cho nghiêm lệnh yêu cầu những nhân viên chánh phủ tránh thảo luận hoặc tuyên bố trước dư luận những vấn đề có liên quan đến Việt Nam. Trong cuộc họp, ông Kissinger cũng có đề cập vấn đề thiếu liên lạc giữa hai chánh quyền Việt Mỹ trong những tuần lễ vừa qua và yêu cầu tôi đến gặp ông ta thường xuyên hơn. Ông Kissinger còn nói rằng nói chung thì những mục tiêu cơ bản của hai chánh phủ Hoa Kỳ và Việt Nam chẳng có gì khác biệt, nhưng có lẽ Hoa Kỳ cần phải uyển chuyển trong vấn đề ngoại giao. Có lẽ một trong những danh từ mà tôi vẫn chưa hiểu rõ trong cuộc nói chuyện với ông Kissinger là danh từ "uyển chuyển" (Ông Kissinger đã dùng danh từ này hai lần) mà tôi đã lập lại nguyên văn khi tường trình với ông Thiệu. Ngay lúc mới nghe thì "uyển chuyển" gợi cho tôi một cảm tưởng mơ hồ rằng có lẽ Hoa Kỳ đang muốn tránh những vấn đề khó khăn trên mặt ngoại giao khi phải để cho một đồng minh yếu hơn tham gia vào những cuộc đàm phán. Lúc đó, tôi lầm tưởng rằng đây chỉ là một việc thận trọng vô hại và tự nhiên về phía Hoa Kỳ, nhưng chỉ vài năm sau, tôi đã có rất nhiều dịp để suy nghĩ và kết luận lại vấn đề. Lúc đó, tôi vẫn chưa biết rằng "uyển chuyển" chẳng phải là một danh từ thận trọng vô hại mà là một điềm bất tường báo hiệu một thái độ mới của chánh phủ Hoa Kỳ.

Sau khi gặp ông Kissinger, tôi còn đến gặp tất cả những nhân vật mới vừa nhậm chức. Tôi đặc biệt chú tâm vào những nhân vật có ảnh hưởng quyết định trong việc soạn thảo những chính sách về Việt Nam. Tôi đã ở Hoa Thịnh Đốn khá lâu và đã hiểu rõ tầm mức tranh chấp giữa Bộ này với Bộ khác và một đôi khi ngay cả trong nội bộ của một bộ nữa. Tuy tôi biết cố vấn Kissinger sẽ là người nắm giữ một cương vị vô cùng quan trọng nhưng tôi lại hoàn toàn mù tịt về tầm mức quan trọng trong cương vị của Ngoại Trưởng Rogers. Lúc này, tôi cũng chưa hề hay biết gì về những tranh chấp kịch liệt sẽ xảy ra giữa hai người về sau này. Theo những bạn bè của tôi ở Hoa Thịnh Đốn thố lộ thì vị Ngoại Trưởng mới nổi là người có tài đàm phán chứ không phải là người nhìn rộng thấy xa.

Lúc tôi đến gặp ông ở Bộ Ngoại Giao thì Ngoại Trưởng Rogers tiếp tôi rất niềm nở. Ông có vẻ ít nghiêm khắc hơn cựu Ngoại Trưởng Dean Rusk. Ông Rogers đã từng là Bộ Trưởng Tư Pháp dưới thời TT Eishenhower. Ông là một trong những nhân vật điển hình xuất thân từ những gia đình dòng dõi lâu đời ở miền đông nguyên là một nơi nổi tiếng là thủ đô văn hóa của Hoa Kỳ. Trông ông có vẻ là một người có kiến văn quảng bác hơn là một người thông minh xuất chúng. Tôi cũng cho cảm thấy có lẽ ông không phải là người cương quyết, quyền biến hoặc đặc biệt xuất sắc.

Những nhận định ban đầu của tôi còn rõ rệt hơn khi Ngoại Trưởng Rogers bắt đầu có chuyện xích mích với ông Kissinger. Có lẽ đối với những sử gia thì những chuyện xích mích giữa ông Kissinger và Ngoại Trưởng Rogers quả là một cuộc tranh chấp làm nổi bật tính chất đặc sắc của chính quyền Nixon, nhưng đối với những nhân viên ở các quốc gia khác đang phải đương đầu với những vấn đề khẩn cấp sôi bỏng như tôi thì việc tranh chấp giữa hai bên lại gây thêm một tầng khó khăn. Vì là đại sứ của Việt Nam tôi phải chính thức liên lạc với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và lẽ đương nhiên phải cố giữ mối giây liên lạc cho được tốt đẹp. Tuy thế, tôi cũng phải tự biết đâu là nơi chính phủ Hoa Kỳ đặt trọng tâm quyền lực để có thể thu thập tin tức cho được chính xác. Công việc của tôi trở thành khó khăn bội phần khi chuyện xích mích giữa vị cố vấn an ninh và vị Ngoại trưởng ngày càng kịch liệt.

Việc tranh chấp của họ gây khó khăn ra sao? Tôi xin đan cử một cuộc tranh chấp điển hình để nêu rõ những khó khăn đã gặp. Vào dịp Giáng Sinh cuối năm 1969, trước khi về Việt Nam để tường trình vấn đề Hoa Kỳ, tôi có đến gặp riêng hai ông Rogers và Kissinger trước khi rời Hoa Kỳ. Từ đầu cuộc chiến cho đến thời gian đó, Bắc Việt và Việt Nam vẫn ngưng bắn vào ngày Giáng Sinh và ngày Tết Tây. Lần đó, tôi đến gặp ông Rogers đúng vào giữa lúc đàm phán ở Ba Lê đang bế tắc và chẳng còn bao lâu nữa thì lại đến ngày Lễ Giáng Sinh sắp tới. Vì tình hình lúc đó như vậy nên ông Rogers cho ý kiến rằng Việt Nam nên tạm kéo dài những ngày ngưng bắn từ Lễ Giáng Sinh cho đến Tết Tây. Ông Rogers cho rằng nếu kéo dài những ngày ngưng bắn thì Việt Nam và Hoa Kỳ có thể sẽ khích lệ Việt Cộng đàm phán hòa bình thực lòng hơn ở Ba Lê. Ngay ngày hôm sau, khi đến gặp cố vấn Kissinger, tôi thông báo rằng Ngoại Trưởng Rogers hết lòng ủng hộ đề nghị ngưng bắn. "Ngưng Bắn?" Ông Kissinger cắt lời tôi, "Không được, ngưng bắn lúc này thì quá sớm." Sau khi ngừng lại giây lâu ông tiếp tục bằng giọng nói ồ ề ra lệnh cố hữu: "Tôi cũng xin thông báo với ông rằng chánh sách là do Tòa Bạch Ốc đưa ra chứ không phải Bộ Ngoại Giao!"

Ngoài hai ông Kissinger và Rogers tôi cũng có đến gặp Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird. Tôi đã biết ông Laird là nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong đảng Cộng Hòa. Khi còn là dân biểu ông đã là một trong những người vận động rất mãnh liệt để ủng hộ Việt Nam. Khi đến gặp Bộ Trưởng Laird lần này, mục đích của tôi là tìm hiểu thực sự xem vị vị dân biểu tháo vát hoạt động ra sao trong giới các tướng lãnh và quân sự ở Ngũ Giác Đài. Trong văn phòng Bộ trưởng, nơi ông McNamara và ông Clark Clifford làm việc trước đây, trông ông Laird ung dung tự tại như thể đã quen thuộc với nơi này từ lâu. Tuy trong chính quyền Nixon, những xích mích giữa Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao đã khiến người đứng ngoài nhìn vào khó thể quyết định được chính xác ai là người thực sự lập chính sách ngoại giao, nhưng việc lại khác hẳn ở Ngũ Giác Đài. Tôi đã biết rõ Bộ Trưởng Laird là người đứng đầu điều hành các vấn đề quân sự. Khi tôi đến gặp ông, ông Laird chỉ trả lời những câu hỏi dò dẫm của tôi bằng những nụ cười khéo léo. Những câu trả lời của ông chỉ chung chung chứ không hề biểu lộ một chi tiết nào cả.

Bộ trưởng tư pháp John Mitchell cũng là một nhân vật mới được bổ nhiệm tôi mong được gặp. Tuy trên mặt lý thuyết chức vụ Bộ trưởng tư pháp gần như chẳng có gì liên quan đến vấn đề Việt Nam nhưng vì ông là bạn thân của Tổng Thống Nixon nên tuy không phải là nhân viên của hội đồng an ninh, ông Mitchell vẫn thường được mời tham dự các cuộc họp của hội đồng an ninh quốc gia. Hơn nữa, ông Mitchell còn là người được TT Nixon tin cậy và ưa tâm sự. Tôi đã gặp ông một lần trước cuộc bầu cử. Khi gặp lại lần này, ông Mitchell đón tiếp tôi niềm nở như một người bạn thân. Nhờ Bộ Trưởng Mitchell mà sau này ngoài những tin tức chính thức của chính phủ Hoa Kỳ, tôi còn có thêm được rất nhiều những tin tức khác bên trong. Mối liên lạc với ông Mitchell là một trong những mối liên lạc tôi đã hơn một lần dùng đến trong những năm về sau.

Khi đã gặp hết tất cả các nhân vật của chính quyền mới ở Hoa Thịnh Đốn, tôi tiếp tục đến Ba Lê để có thể gặp luôn phái đoàn thương thuyết mới của Hoa Kỳ. Tuy bạn tôi là ông Phillip Habib vẫn ở lại phục vụ như một trong những thành viên cố định, ông Henry Cabot Lodge và ông Lawrence Walsh đã thay thế hai ông Averell Harriman và Cyrus Vance. Ông Habib giờ đây là nhân vật chính thúc đẩy những nỗ lực đàm phán của Hoa Kỳ.

Sau chuyến tiếp xúc với các nhân vật của chính quyền Nixon, tôi bắt đầu tổng kết tất cả những nhận định. Tôi kết luận rằng tại thời điểm này, chính sách của chính phủ Nixon còn đang thành hình và sự thành hình của những chính sách đó hãy còn phôi thai -Những sự thành hình lúc này, bất kể định nghĩa ra sao cũng chẳng thể gọi là chính sách cho được.- Nói một cách tổng quát thì sự thành hình của chính sách Nixon được dựa trên hai điểm chính: Thứ nhất, Hoa Kỳ hy vọng rằng Nga sẽ giúp họ khuyên giải Hà Nội đàm phán thực sự. Thứ hai, chánh quyền Hoa Kỳ cho rằng Sài Gòn sẽ không phản đối việc rút quân. Đây là một giả thuyết Hoa Kỳ chưa thể xác quyết. Nói chung thì Hoa Kỳ tin rằng Nga có thể làm áp lực bắt Hà Nội đàm phán. Hơn nữa, chính quyền Nixon còn cho rằng một khi quân đội Hoa Kỳ đã bắt đầu rút lui thì áp lực chống đối của dân chúng Hoa Kỳ cũng giảm theo. Trong suốt tháng hai và tháng ba, tôi liên lạc với Sài Gòn gần như hàng ngày bằng điện văn và tường trình tất cả mọi tin tức tôi thu lượm được về sự thành hình của chính sách Hoa Kỳ. Tôi vẫn thường tìm cách gặp ông Kissinger để trực tiếp tìm hiểu tin tức. Tôi bắt đầu hiểu rõ được những suy tư sâu sắc của ông, nhưng tôi cũng nhận thấy ông rất kín đáo và khéo tránh vấn đề. Tỉ dụ như có lần khi tôi hỏi về việc đàm phán ông Kissinger đã trả lời rằng: "Tổng thống của ông biết rất rõ. Ông ta là người hiểu rất thấu đáo vấn đề." Tối đó, tôi điện về Sài Gòn cố tìm hiểu kỹ lưỡng xem ông Thiệu thật sự có biết rõ vấn đề hay không? Tôi cũng điện cho ông Thiệu biết về việc tôi e ngại ông Kissinger không nói rõ mọi chuyện.

Trong khi tất cả chúng tôi còn mù mịt thì ông Kissinger đang ngày đêm bận rộn tìm cách đàm phán với Hà Nội: Vào ngày 20 tháng 12 ông Kissinger đã tìm cách đàm phán qua ông Jean Sainteny, một nhân viên ngoại giao của Pháp khi trước. Vào giữa tháng 3 ông Kissinger lại một lần nữa cố gắng đàm phán với Nga qua ông Cyrus Vance. Tuy những vận động qua ông Sainteny chỉ là những liên lạc môi giới cho những thông điệp giữa ông Kissinger và ông Hồ, những vận động của Hoa Kỳ qua ông Vance là những kế hoạch có tính toán kỹ lưỡng. Khi đàm phán với Nga, ông Kissinger đã tìm cách buộc Nga phải làm áp lực với Hà Nội bằng cách phối hợp những cuộc đàm phán vũ khí nguyên tử (SALT) chung với những cuộc đàm phán của chiến tranh Việt Nam. Ông Vance được phái đi Nga và cho thẩm quyền rộng để đàm phán với Nga Sô kể cả những vấn đề quân sự và chính trị. Cả hai nỗ lực vừa kể đều vô hiệu. Hà Nội vẫn bướng bỉnh ngoảnh mặt. Khi tôi được biết về những nỗ lực của ông Kissinger, tôi đã cảm thấy không được thoải mái cho lắm vì những hành động xé lẻ của ông. Cách hành động của ông Kissinger không đi đôi với những đề nghị "hợp tác gần gũi" giữa hai chánh quyền do chính ông đưa ra với tôi trước đây trong lần gặp đầu tiên.

Kỳ lạ thay, ngay trong khi ông Kissinger cùng ông Vance đang âm thầm tính toán kế hoạch thì hai chánh quyền Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với nhau trong cuộc gặp gỡ đầu tiên. Khi đi công du Âu Châu, tổng thống Nixon đã ngừng ở Pháp và xếp đặt chương trình để gặp ông Kỳ. Lúc này ông Kỳ đang ở Pháp và làm trưởng phái đoàn thương thuyết của Việt Nam. Ông Kỳ yêu cầu tôi bay sang Ba Lê để dự buổi họp. Khoảng đầu tháng 3, đại sứ Phạm Đăng Lâm (thành viên cố định của Việt Nam ở hội nghị), ông Kỳ và tôi đã đến họp với tổng thống Nixon, ông Kissinger, ông Lodge và ông Phillip Habib. Chúng tôi đã duyệt xét toàn bộ vấn đề. Đây là một cuộc họp dài trong một khung cảnh thân hữu. Vì những cuộc đàm phán chính thức giữa Việt Nam và Bắc Việt ở Ba Lê đều thất bại nên trong cuộc họp lần này cả hai chánh phủ đều cùng đồng ý rằng Hoa Kỳ nên để ông Lodge tiếp tục cố đàm phán với Hà Nội bằng những đường dây riêng bên ngoài. Ngoài việc chỉ định ông Lodge tiếp tục những nỗ lực đàm phán, cả tổng thống Nixon lẫn ông Kissinger đều chẳng hề đả động đến bất cứ giải pháp nào khác cả. Sau suốt chín tháng trường đàm phán Bắc Việt vẫn chỉ tiếp tục lập đi lập lại những đòi hỏi bắt buộc Hoa Kỳ phải tự mình rút quân và Việt Nam phải đầu hàng.

Ngay sau khi cuộc họp ở Ba Lê chấm dứt, tôi trở về Hoa Thịnh Đốn nhất định thúc đẩy ông Thiệu sửa soạn duyệt lại toàn diện tình hình và đưa ra những đề nghị mới. Tôi cho rằng đây là một điều tuyệt đối cần thiết để cùng Hoa Kỳ tiến đến một giải pháp chung. Tuy thế tôi vẫn không nhận được bất kỳ bức điện trả lời nào. Tôi biết rằng chẳng bao lâu nữa tổng thống Nixon sẽ bị buộc phải công bố những dự định về hòa bình. Giai đoạn chờ đợi Sài Gòn trả lời là một giai đoạn thất vọng sâu xa cho tôi. Lúc này tôi cho rằng sự im lặng của Việt Nam là do tính chần chừ và thiếu khả năng quyết định của ông Thiệu. Tôi biết đại sứ Bunker thế nào cũng khuyên ông Thiệu nên im lặng vì giai đoạn này là giai đoạn các chính sách của chánh phủ mới ở Hoa Kỳ đang bắt đầu thành hình. Hơn nữa, tôi còn biết rằng ông Kissinger đang vận động ngầm. Tôi thấy rằng bất kể chánh quyền Nixon tuyên bố với Việt Nam ra sao, Hoa Kỳ vẫn đang cố dùng mọi cách chuyển tiên cơ hành động về phía họ.

Trong khi tôi hãy còn đang lo âu về vấn đề Việt Nam phải có sáng kiến trước khi Hoa Kỳ đưa ra chính sách đối với cuộc chiến Việt Nam thì bỗng dưng lại phải bỏ thời giờ để đối phó với một vấn đề chẳng ăn nhập gì vào những vấn đề đang khiến tôi phải ngày đêm lo lắng. Lúc này quốc hội Việt Nam đang bắt đầu tìm hiểu các thể thức dân chủ và rồi thình lình gửi đi hàng loạt phái đoàn thăm viếng sang Hoa Kỳ. Chẳng hiểu bằng cách nào đó, nhiều dân biểu và rất nhiều nhân viên từ các cơ quan của chính phủ Việt Nam đã tìm được cách đi công du qua những phái đoàn "tìm hiểu." Còn nơi nào rõ rệt hơn để tìm hiểu những quá trình dân chủ hơn là ngay ở trung tâm một nước dân chủ lớn nhất thế giới? Từng toán công du thi nhau đến tòa đại sứ, đòi hỏi gần như bất tận về mọi nhu cầu. Tôi phải thường xuyên sắp xếp giờ giấc để những phái đoàn Việt Nam có thể gặp gỡ phía Hoa Kỳ. Hơn nữa, họ cũng có những nhu cầu du lịch hoặc mua sắm. Những lúc như thế họ thường gọi tòa đại sứ để giúp họ liên lạc. Chẳng bao lâu sau chúng tôi đã bắt đầu quen thuộc với những chuyện sắp xếp để đưa du khách đi thăm thác Niagara và những thắng cảnh nổi tiếng khác. Có lần lời yêu cầu được thăm viếng Salem đã làm chúng tôi điên đảo. Theo bản đồ của chúng tôi thì có cả hàng chục chỗ cùng mang tên Salem. Tuy thế lại chẳng ai trong chúng tôi đủ hiểu biết để quyết định phải đến chỗ nào và tại sao chỗ đó lại là nơi nhiều người thăm viếng. Lần khác, chúng tôi nhận được điện thoại than phiền rằng có một toán công du Việt Nam đang mặc đồ Pajama đi dạo trong một khách sạn sang trọng bậc nhất nước Mỹ. Họ hoàn toàn không để ý đến quan niệm ăn bận khác biệt giữa hai dân tộc Việt, Mỹ.

Giữa lúc những chuyện phức tạp này diễn ra thì Bộ Ngoại Giao thông báo cho tôi biết rằng Xuân Thủy, đại diện Hà Nội ở Ba Lê đã đồng ý nói chuyện riêng với đại sứ Henry Cabot Lodge. Buổi nói chuyện đầu tiên bắt đầu vào ngày 22 tháng 3. Vì chưa thảo luận được trước với Hoa Kỳ, Sài Gòn nhốn nháo lo lắng không hiểu những cuộc nói chuyện này rồi sẽ đi đến đâu. Tuy thế những lo âu của Việt Nam về việc đàm phán giữa Hà Nội cùng Hoa Kỳ diễn ra thật là ngắn ngủi. Không hiểu vì sao Xuân Thủy lại bằng lòng gặp riêng ông Lodge vì khi gặp gỡ, những đòi hỏi của anh ta vẫn chỉ là những lời lập lại y hệt những gì Bắc Việt đã tuyên bố công khai trước đây.

Năm ngày sau thì ở Hoa Kỳ lại có một biến cố khác. Vào ngày 28 tháng 3, cựu tổng thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower từ trần tại bệnh viện Walter Reed sau một cơn bệnh dai dẳng. Tối đó tôi được tin rằng ông Kỳ sẽ đến Hoa Thịnh Đốn thay mặt chánh quyền Việt Nam dự lễ đưa tang. Ông Kỳ dĩ nhiên cũng chỉ đến Hoa Kỳ như những quốc trưởng từ các quốc gia khác, chẳng hạn như Tổng Thống Charles de Gaulle của Pháp. Tất cả những vị quốc trưởng của các quốc gia khác đều đến Hoa Kỳ với mục đích chính là để để dự lễ đưa tang của ông Eisenhower. Tuy thế, vì tình trạng Việt Nam cũng đang là một trong những vấn đề cần được chú tâm nên tôi đã nhân cơ hội ông Kỳ đến Hoa Kỳ để sắp xếp cho ông đến gặp những dân biểu quốc hội đang ủng hộ Việt Nam và các nhân viên quân sự Hoa Kỳ ở Ngũ Giác Đài. Ngoài ra tôi còn sắp xếp cho ông đến gặp riêng Ngoại Trưởng Rogers, cố vấn Kissinger và Tổng Thống Nixon.

Vào ngày 1 tháng 4, tôi theo ông Kỳ đến toà Bạch Ốc. Ngay lúc này tổng thống Nixon cũng mời ông Kissinger và ông Ellsworth Bunker đến họp. Ngay cả trong lần họp này mà Tổng Thống Nixon và ông Kissinger vẫn không thổ lộ bất kỳ điều gì quan trọng về chiến lược của Hoa Kỳ. Tổng thống Nixon tỏ vẻ hài lòng về sự hợp tác gần gũi của hai chánh phủ Mỹ, Việt. Khi ông nhận định về cuộc chiến Việt Nam, tổng thống Nixon có nói rằng mục đích của cuộc đàm phán ở Ba Lê phải là hòa bình vĩnh cửu. Nếu cuộc đàm phán đó chẳng thể đạt được hòa bình vĩnh cửu, mà chỉ đạt được "một sự ngưng bắn tạm trong một khoảng thời gian nào đó" thì quả việc chẳng có ích lợi gì. Ông cũng yêu cầu chúng tôi phải đặt tin tưởng vào Hoa Kỳ.

Sau cuộc họp với Tổng Thống Nixon, chúng tôi còn tổ chức thêm một cuộc họp riêng khác với ông Kissinger nhưng sau cuộc họp đó chúng tôi cũng chẳng thu thập được thêm tin tức gì mới. Và rồi thật tình cờ, khi Ngoại Trưởng Rogers đến dùng bữa trưa ở tòa đại sứ, chúng tôi lại vô tình nghe được một số tin tức tương đối đáng lưu ý. Trong khi chúng tôi cùng ăn bữa trưa thì ông Rogers có vẻ hân hoan khác thường. Không chút quanh co, ông Rogers đi thẳng vào vấn đề. Ông nói rằng chẳng còn cách gì khác ngoài việc rút đi một ít quân Hoa Kỳ. Ông hỏi rằng nếu Hoa Kỳ rút quân thì họ phải làm thế nào để tăng cường quân lực Việt Nam và giúp Việt Nam đối phó được với thời cuộc? Về mặt chính trị, ông Rogers cũng dò hỏi những phương thức kết hợp để Mặt Trận Giải Phóng có thể tham gia chánh phủ một khi nhóm này lên tiếng từ bỏ bạo động và chấp nhận những tiêu chuẩn tranh đấu chính trị bằng những phương pháp hòa bình.

Cả ông Kỳ lẫn tôi đều không tin rằng Mặt Trận Giải Phóng sẽ tách rời với Hà Nội hoặc từ bỏ những mục đích tấn công bằng bạo lực do Trung Ương Đảng Cộng Sản Bắc Việt đề ra. Nhưng vì cả hai chúng tôi đều không biết ông Rogers đã mất đi khá nhiều quyền lực và không còn ảnh hưởng gì mạnh đối với những quyết định ngoại giao của Hoa Kỳ nên chúng tôi đã cho rằng đây có thể là những suy nghĩ về chiều hướng cuối của Hoa Kỳ.

Vào khoảng đầu tháng 4, nhờ vào nhiều nguồn tin ở Hoa Thịnh Đốn, tôi được biết ông Kissinger đã cho lệnh Ngũ Giác Đài nghiên cứu các chương trình rút quân. Tôi báo cho Sài Gòn biết về việc này và cũng nói thêm rằng đã đến lúc Việt Nam phải đối phó với sự thật. Những điểm căn bản trong kế hoạch Hoa Kỳ đã bắt đầu được áp dụng: Kế hoạch của Hoa Kỳ vào lúc này là một Kế Hoạch Lưỡng Đầu nhằm kết hợp việc rút quân (Chỉ sau một thời gian ngắn sau đó chương trình rút quân đã được gọi là Việt Nam Hóa Chiến Tranh) cùng những cuộc đàm phán bí mật. Thật sự kế hoạch rút quân sẽ ăn khớp ra sao với những cuộc đàm phán bí mật và Hoa Kỳ sẽ điều đình thế nào là điều chúng tôi hoàn toàn không rõ. Vì vậy tôi đã yêu cầu được gặp ông Kissinger để có thể tìm hiểu vấn đề thấu đáo hơn.

Vào ngày 6 tháng 5 năm 1969, tôi tới gặp ông Kissinger tại văn phòng. Trái với những điều tôi suy nghĩ từ trước, khi cuộc bàn luận kết thúc, tôi cảm thấy bớt bi quan. Ông Kissinger nói với tôi rằng tuy có rất nhiều "Trung tâm quyền lực" ở khắp mọi nơi trong Hoa Thịnh Đốn, nhưng Tòa Bạch Ốc thật sự vẫn nắm vai trò lãnh đạo. Sau đó ông Kissinger tiếp tục thảo luận vấn đề rút quân. Ông quả quyết với tôi rằng việc rút quân sẽ tùy thuộc vào khả năng của quân đội Việt Nam hơn là vào những áp lực của dân chúng Hoa Kỳ. Ngay cả sau khi quân đội Hoa Kỳ đã rút ra khỏi Việt Nam, một lực lượng tối thiểu cần thiết sẽ ở lại. Sau cùng, ông Kissinger lập lại một lần nữa rằng tổng thống Nixon luôn luôn chú ý đến tầm mức quan trọng của sự hợp tác giữa hai chánh phủ Mỹ Việt. Vì thế sẽ không có bất kỳ quyết định nào là quyết định chánh thức nếu Sài Gòn không được báo trước, chưa duyệt qua hoặc không đồng ý. Đặc biệt ông Kissinger muốn chính phủ Việt Nam hiểu rõ rằng vấn đề rút quân chắc chắn không phải là một tấm bình phong ngụy trang che dấu sự bỏ cuộc của Hoa Kỳ. Mặt khác, tôi đã biết rõ rằng cuộc điều đình giữa ông Lodge và Xuân Thủy sẽ chẳng đi đến đâu.

Gần như sau buổi họp này, mọi hoạt động bắt đầu tiến triển. Vào ngày 8 tháng 5 ở Ba Lê, Bắc Việt đưa ra một kế hoạch 10 điểm mà họ cho là sẽ kết thúc chiến cuộc một cách công bằng. Những điểm Bắc Việt đề ra cũng lại chẳng khác gì những điều đòi hỏi Hoa Kỳ phải đơn phương rút quân và Việt Nam phải tự động tuyên bố giải tán chánh phủ lúc đó.

Đề nghị do Bắc Việt đưa ra được Tổng Thống Nixon trả lời trong một buổi nói chuyện truyền hình toàn quốc với kế hoạch 8 điểm của Hoa Kỳ vào ngày 14 tháng 5-1969. Đây là kế hoạch sửa soạn kỹ càng nhất của Hoa Kỳ từ trước tới nay. Kế hoạch này đòi hỏi Bắc Việt phải rút quân cùng lúc với Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam. (Trước đây, Hoa Kỳ vẫn đòi hỏi Bắc Việt phải rút quân sáu tháng trước khi Hoa Kỳ bắt đầu rút quân) Tổng thống Nixon cũng tuyên bố Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận Mặt Trận Giải Phóng tham gia vào đời sống chính trị ở Việt Nam. Hơn nữa, Hoa Kỳ còn đồng ý để dân chúng được tự do bầu cử dưới sự giám sát của các ủy ban Quốc Tế. Ngay sau khi bài diễn văn của tổng thống Nixon chấm dứt, ở một buổi họp báo liền sau đó, ông Kissinger đã nhấn mạnh tính chất "uyển chuyển" của kế hoạch đưa ra và tuyên bố rằng kế hoạch này đã được Sài Gòn "thông qua."

Tất cả mọi diễn biến xảy ra thật là kinh ngạc. Tuy đã có trao đổi sơ qua với Sài Gòn, Hoa Kỳ vẫn chưa hề tham khảo với chính quyền Sài Gòn trong chi tiết và cũng chưa hề có sự đồng ý nào đáng kể của Việt Nam. Chưa có gì có thể gọi là "thông qua" từ phía Việt Nam cả. Thật ra, khoảng hai ngày trước khi có cuộc họp báo của ông Kissinger, tôi có được thông báo rằng đại sứ Bunker sẽ đưa kế hoạch của Hoa Kỳ cho ông Thiệu. Điện văn của tôi gửi cho ông Thiệu dặn ông trước về việc này được gửi đi vào ngày 12 tháng 5. Chính quyền Việt Nam không hề có đủ thời gian để bác bỏ kế hoạch của tổng thống Nixon. Việt Nam đã bị buộc phải chấp nhận những điều Hoa Kỳ vừa tuyên bố. Lề lối tham khảo lấy lệ lúc đó của Hoa Kỳ thực sự đã là những triệu chứng đầu tiên về những thái độ về sau này của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Những đòn phép bắt buộc cũng như những toan tính cưỡng bức độc đáo của chính quyền Nixon với đồng minh đã bắt đầu mở màn với chiêu thức độc đáo đầu tiên.

Gọng Kềm Lịch Sử
30. Trì Hoãn

Vào ngày 14 tháng 5-1969, đúng một tuần lễ sau khi Tổng Thống Nixon nói chuyện với dân chúng Hoa Kỳ trên đài truyền hình thì tôi nhận được chỉ thị của ông Thiệu nhắc tôi liên lạc với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh sắp tới của Việt Nam và Hoa Kỳ. Địa điểm họp lần này là ở đảo Midway, một hòn hoang đảo nằm giữa Thái Bình Dương.

Khi tin tức về cuộc họp thượng đỉnh được công bố thì chính quyền Nixon đã nhậm chức được năm tháng và tuần trăng mật của vị tân Tổng Thống Hoa Kỳ với dân chúng đã trôi qua. Lúc này đúng là một thời điểm vừa vặn để Tổng Thống Nixon chánh thức tuyên bố chính sách mới của Hoa Kỳ về vấn đề rút quân. Hơn nữa, cuộc họp thượng đỉnh lần này có lẽ cũng là để chính quyền Nixon có dịp làm tròn những điều họ đã nói với chính quyền Việt Nam khi trước. Trước đây, khi Tổng Thống Nixon còn chưa đắc cử, bà Anna Chennault có nói với tôi rằng nếu đắc cử, ông Nixon sẽ đi thăm Việt Nam hoặc sẽ gửi một phái đoàn đi thay. Khi Tổng Thống Nixon đắc cử, ông Thiệu có gửi một bức điện văn rất dài sang Hoa Kỳ để chúc mừng. Lúc đó, có lẽ vì muốn tránh tiếng đồn là Việt Nam đã can thiệp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ nên thay vì gửi điện văn thẳng đến ông Nixon, ông Thiệu lại gửi điện văn chúc mừng đến Bộ Ngoại Giao. Sau bức điện văn chúc mừng, ông Thiệu cũng đã nhiều lần nhắn tin một cách kín đáo về vấn đề gặp gỡ của cả hai chính phủ, nhưng cho tới tận tháng 5, những bức điện văn của ông Thiệu vẫn chưa được hồi âm.

Cuộc họp thượng đỉnh lần này chính là một cuộc họp để chính quyền Nixon có thể trình bày những chính sách mà Hoa Kỳ đã soạn thảo trong 5 tháng vừa qua. Ở thời điểm này thì dù có không hài lòng với các chính sách của Hoa Kỳ, có lẽ ông Thiệu cũng phải chấp nhận những chính sách Hoa Kỳ sắp đưa ra. Hơn nữa, chính ông Thiệu lại là người yêu cầu cuộc họp.

Vì cuộc họp được dự định vào ngày mùng 8 tháng 7 nên tôi cũng còn một khoảng thời gian khá dài. Vào cuối tháng 5, để sửa soạn cho cuộc họp thượng đỉnh đã rất nhiều lần tôi đến gặp ông Kissinger và ông Marshall Green, (Người thay thế ông Bill Bundy) Phụ Tá Ngoại Trưởng Đặc Trách Đông Nam Á và Thái Bình Dương Sự Vụ. Lúc này, vấn đề khó khăn chính của các cuộc họp giữa tôi và các nhân viên trong chính quyền Nixon là việc Hoa Kỳ không đồng ý rằng hai chính phủ cần phải có một bản thông cáo chung cho buổi họp. Tôi đã thấy rõ rằng Hoa Kỳ đến Midway chỉ nhằm một mục đích duy nhất: Thúc đẩy ông Thiệu chấp thuận việc Hoa Kỳ rút quân. Ngoài việc này ra họ cố gắng giảm thiểu tầm mức quan trọng của cuộc họp. Cuộc họp sẽ rất ngắn (chỉ khoảng 5 tiếng đồng hồ) và địa điểm họp là một nơi hẻo lánh, xa xăm. Tất cả cuộc họp chỉ nhằm một mục đích duy nhất là chính thức hóa sự đồng ý của Việt Nam về vấn đề Hoa Kỳ rút quân. Do đó, nếu nhìn cuộc họp theo quan niệm của Hoa Kỳ thì bản thông cáo chung quả đã chẳng có lợi ích gì cho Hoa Kỳ mà lại còn để cho Việt Nam có cơ hội đòi hỏi và yêu cầu về những vấn đề khác.

Dĩ nhiên, nếu đứng trên quan điểm của Hoa Kỳ thì việc ông Kissinger và ông Green không đồng ý về vấn đề phải có một bản thông cáo chung hoàn toàn có lý, nhưng nếu nhìn vấn đề bằng quan điểm của chúng tôi thì đây lại là một vấn đề thật cần thiết vì nhiều lý do. Lý do quan trọng thứ nhất là việc chúng tôi muốn hiểu rõ kế hoạch của chính quyền Nixon. Nếu rút quân là việc chẳng đặng đừng, chúng tôi vẫn muốn Hoa Kỳ rút quân theo một đường lối có lợi cho Việt Nam. Lý do thứ hai là việc rút quân sẽ phải đi song song với một kế hoạch để tăng cường khả năng của quân đội Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi muốn biết rõ Hoa Kỳ và Bắc Việt thật sự đàm phán ra sao. Và chúng tôi cũng muốn Hoa Kỳ tuyên bố họ không chấp nhận giải pháp của một chánh phủ liên hiệp bao gồm tất cả mọi thành phần kể cả Cộng Sản. Chúng tôi muốn Hoa Kỳ chánh thức công bố rõ các chính sách của họ trước khi chúng tôi gửi phái đoàn sang Ba Lê.

Đối với chúng tôi thì tất cả những yêu cầu vửa kể đều quan trọng. Vấn đề quan trọng thứ nhất chính là vì giá trị căn bản của những điều chúng tôi yêu cầu. Vấn đề quan trọng thứ hai là chúng tôi dự định dùng những điều chúng tôi yêu cầu để trấn an dư luận. Lúc này những lời đồn đãi hoàn toàn sai lạc về vấn đề Hoa Kỳ rút quân đã khiến dân chúng Việt Nam hoang mang và mất tinh thần. Khi nói chuyện cùng các nhân viên Hoa Kỳ, chúng tôi nêu rõ hai điều kể trên để thuyết phục những nhân viên Hoa Kỳ. Chúng tôi đã bàn luận dằng co khá lâu với hai ông Kissinger và Green, và rồi dần dà thuyết phục được họ chấp thuận bản thông cáo chung. Trong bản thông cáo chung đưa ra, Hoa Kỳ tuyên bố bác bỏ giải pháp thành lập một chính phủ liên hiệp, chấp thuận kế hoạch "thay thế một số đơn vị Hoa Kỳ bằng những lực lượng Việt Nam," và nhấn mạnh rằng chương trình rút quân sẽ được thi hành "song song từng bước tùy thuộc vào tình trạng an toàn của Việt Nam tại mỗi thời điểm."

Tuy rằng Việt Nam đã đồng ý chấp thuận bản thông cáo chung mà Hoa Kỳ vẫn lo rằng họ sẽ gặp khó khăn khi phải đối phó với vấn đề rút quân. Về mặt chiến lược thì rút quân là một phần của kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh (Vào lúc này chính phủ Nixon đang tìm cách để áp dụng một kế hoạch Lưỡng Đầu bao gồm hai phần quan trọng: Phần thứ nhất là Việt Nam Hóa Chiến Tranh và phần thứ hai là Kế Hoạch Đàm Phán.) Hơn nữa, Rút Quân cũng chính là kế trì hoãn mà chánh quyền Nixon dùng để đối phó với những phong trào phản chiến trong nước. Vì Hoa Kỳ đã đặt rất nhiều hy vọng vào kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh nên họ muốn chánh phủ Việt Nam thỏa thuận ngay để cho mọi việc được trôi chảy như dự liệu.

Sở dĩ Hoa Kỳ lo lắng vào lúc này là vì trước kia họ đã gián tiếp vận động và ép buộc Việt Nam phải chấp thuận vấn đề rút quân. Từ đó trở đi, Rút Quân đã trở thành một đề tài quen thuộc của dư luận và báo chí. Và rồi tất cả mọi người đều yên trí rằng Hoa Kỳ thế nào cũng rút quân. Những diễn biến phức tạp của vấn đề rút quân vì thế đã khiến những người trong cuộc có cảm giác là họ đang phải trực diện với một sự đã rồi. Thật ra thì kế hoạch rút quân chưa bao giờ được đệ trình lên cho chánh quyền Việt Nam thỏa thuận hoặc chống đối một cách chính thức. Do đó, cả Tổng Thống Nixon lẫn ông Kissinger đều không đoán trước được phản ứng của ông Thiệu ở cuộc họp ở Midway. Như ông Kissinger đã viết trong hồi ký: Chúng tôi sợ rằng "vấn đề rút quân sẽ khiến việc trở nên khó xử."

Tuy thế trong cuộc họp thượng đỉnh ở Midway ông Thiệu đã cố nhìn vào những khía cạnh tốt đẹp của buổi họp. Ông đã đưa ra cả đề nghị về việc "tái phối trí" các lực lượng Hoa Kỳ và cũng đồng ý chấp thuận đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt với điều kiện là ông phải được thông báo tường tận về các diễn biến.

Tuy ngoài mặt ông Thiệu cố tránh việc phải trực diện đối đầu với Hoa Kỳ, nhưng trong thâm tâm ông vẫn lấy làm bất mãn. Có lẽ ông Thiệu bất mãn nhất là việc ông bị buộc phải gặp Tổng Thống Nixon ở một nơi heo hút và chẳng có gì ngoài những bầy chim hải âu như ở hòn hoang đảo Midway. Tất cả chúng tôi có lẽ cùng đều bất mãn như ông. Nhìn vào cách tiếp tân cùa Hoa Kỳ, chúng tôi đã nhận thấy sự liên hệ của chúng tôi với Hoa Kỳ thật khác hẳn sự liên hệ của Bắc Việt với Sô Viết. Tuy chúng tôi biết rõ là sau lưng Bắc Việt, người Nga vẫn nói họ là những "kẻ cứng đầu quá lố," nhưng ít ra là trước công chúng, chánh phủ Nga vẫn linh đình trải thảm đón tiếp chánh phủ Hà Nội trong các cuộc tiếp tân. Ngược lại, đối với chúng tôi thì người đồng minh cùng chia xẻ một mục đích chung với chúng tôi lại coi chúng tôi như một thứ cùi hủi cần phải tránh xa. Vì hoàn cảnh bắt buộc, chúng tôi đã phải muối mặt chịu đựng nhưng chúng tôi không thể quên nổi cách tiếp tân rẻ rúng này. Việt Nam, trong suốt bốn ngàn năm lịch sử, dù là cộng sản hay không cộng sản cũng đã nổi tiếng về việc kém chịu đựng những sự nhục nhã. Cách tiếp tân của Hoa Kỳ lúc này đã tạo ra những vết thương khó quên. Dĩ nhiên ông Thiệu không bao giờ quên và nếu về sau này ông Kissinger đã phải phẫn nộ vì cung cách đối xử của ông Thiệu khi hai chánh phủ cùng gặp gỡ trong những buổi họp năm 1972, có lẽ ông cũng nên hiểu rõ vì đâu mà Việt Nam lại đối xử với ông như vậy.

Với những tổn thương tự ái sau cuộc họp, chúng tôi rời Midway vào lúc 5 giờ chiều (Phái đoàn Việt Nam đến đảo vào lúc 10 giờ sáng) ghé Đài Loan để nghỉ qua đêm rồi về thẳng Sài Gòn. Trên chuyến bay tôi cùng ông Thiệu sửa soạn cho cuộc họp sắp tới của ông Thiệu và giới báo chí. Mục đích chính của chúng tôi là trấn an dư luận. Chúng tôi tường trình về buổi họp Midway và nhấn mạnh đến những khía cạnh tốt đẹp của buổi họp thượng đỉnh này: Hoa Kỳ đã khẳng định rõ rệt rằng họ sẽ không chấp nhận giải pháp chánh phủ liên hiệp. Chúng tôi khẳng định rằng ngay cả việc Hoa Kỳ rút quân cũng có rất nhiều lợi điểm. Chúng tôi chẳng những đã chấp nhận mà còn hoan nghênh đề nghị rút quân, vì nếu Hoa Kỳ có thể rút quân thì việc đó có nghĩa rằng Việt Nam đã có thể hoàn toàn dựa trên sức mạnh của chính mình. Chúng tôi cũng nêu rõ rằng Việt Nam càng ít phụ thuộc vào Hoa Kỳ thì tình thế lại càng khả quan.

Sau cuộc họp báo, tôi trở về Việt Nam và ở Sài Gòn ngót hai tuần để thuyết trình về kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh. Khi các tổ chức của chánh phủ đã thấu triệt quan niệm Việt Nam Hóa Chiến Tranh, tôi lên đường trở lại Hoa Thịnh Đốn. Vừa đến Hoa Thịnh Đốn tôi đã bắt đầu dò dẫm ý kiến của Hoa Kỳ bằng cách đưa ra ý kiến rút quân của ông Thiệu. Ông Thiệu gọi kế hoạch này là "Chiến Tranh Trường Kỳ/Tổn Hại Thấp" ("Long haul/Low cost"). Nói chung thì ý kiến của ông Thiệu là: Dù Hoa Kỳ quan niệm thế nào đi nữa thì đối với Việt Nam cuộc chiến vẫn là một cuộc chiến tranh trường kỳ. Vì thế ông Thiệu đề nghị tìm cách giảm thiểu tối đa tất cả những tổn thất về sinh mạng cũng như về tài vật của Hoa Kỳ.

Vào ngày 24 tháng 7, tôi đến gặp Ngoại Trưởng Rogers ở Bộ Ngoại Giao để duyệt lại tình hình chung và cũng để đưa ra ít nhiều ý kiến về quan niệm của Việt Nam đối với vấn đề chiến tranh. Phản ứng của ông Rogers không khỏi làm tôi chú tâm. Ông Rogers cho rằng ý kiến của ông Thiệu quả là một ý kiến đáng bàn luận nhưng ông cũng nói thêm rằng giảm thiểu tổn thất của Hoa Kỳ ở Việt Nam vẫn không phải là phương sách toàn hảo để bảo đảm sự viện trợ của Hoa Kỳ. Theo ông thì khuyết điểm của kế hoạch "Chiến Tranh Trường Kỳ/Tổn Hại Thấp," nằm ở chỗ không ai có thể biết trước được là Hoa Kỳ nên giảm thiểu nhân mạng và tài vật đến tầm mức nào mới có thể khiến dân chúng Hoa Kỳ chấp thuận ủng hộ Việt Nam. Vì thế, để kêu gọi sự hỗ trợ của dân chúng Hoa Kỳ, Việt Nam cần phải gây dựng một chánh phủ đoàn kết có sự tham gia đông đảo của mọi khuynh hướng chính trị ở Việt Nam. Ông Rogers còn nói thêm rằng: "Hoa Kỳ không muốn gây trở ngại, không muốn áp bức bắt Việt Nam phải hợp tác với những phần tử chống đối. Nhưng các ông phải cố tìm cách để chứng tỏ với thế giới rằng chánh phủ của các ông không phải là một chánh phủ độc tài, không phải là một chánh phủ của riêng một đoàn thể nào ... Ông có rõ điều tôi muốn nói hay không?" (Chữ nghiêng là của tác giả)

Trong một cuộc họp khác ngay sau đó thì ông William Sullivan, Trưởng ban đặc trách về vấn đề Việt Nam lại đề cập vấn đề mà Ngoại Trưởng Rogers đã đưa ra ngày hôm trước. Ông nói rằng Ngoại Trưởng Rogers đã cho lệnh ông duyệt lại tất cả những điểm mà hai chánh phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đã đưa ra từ trước đến nay và tổng kết những điểm đó để có thể đưa ra một kế hoạch chung cho cả hai chánh phủ. Ông Sullivan đề cập cả cuộc họp của ông Rogers vào tháng 3 lẫn cuộc họp riêng của Tổng Thống Nixon và ông Thiệu ở Midway. Cuối cùng ông kết luận rằng: Nếu nhìn lại tất cả những điểm mà hai chánh phủ đã đưa ra thì có lẽ cả hai chính phủ đều cùng đồng ý rằng Việt Nam nên tìm cách để tổ chức một cuộc Tổng Tuyển Cử trong tương lai. Trong cuộc Tổng Tuyển Cử đó, tất cả các đoàn thể đều có quyền ứng cử trừ Mặt Trận Giải Phóng. Ông Sullivan cho rằng giải pháp Tổng Tuyển Cử có thể là một giải pháp thích ứng để giải quyết những khó khăn trong đời sống chính trị tương lai của Việt Nam.

Tôi nói với ông Sullivan rằng Việt Nam khó thể tổ chức một cuộc bầu cử như vậy nếu Bắc Việt chưa rút quân. Với tình thế đang bị đe dọa như lúc này, Việt Nam chắc chắn không thể buông lơi để tổ chức một cuộc bầu cử như ông Sullivan vừa đề cập. Hơn nữa, Việt Nam không thể nào tổ chức bầu cử ở các miền cộng quân đang chiếm đóng. Nghe tôi trình bày vấn đề xong, ông Sullivan hỏi ngược lại tôi rằng ông Thiệu có kế hoạch gì khác không? Tôi trả lời có lẽ chúng tôi sẽ chấp thuận tổ chức bầu cử nếu Bắc Việt chịu rút quân. Sau cùng, có lẽ vừa để ám chỉ tình trạng bế tắc của các cuộc đàm phán và vừa để bày tỏ sự sốt ruột của Hoa Kỳ, ông Sullivan nói rằng ông Henry Cabot Lodge đang ở Ba Lê để chờ đợi thêm những ý kiến mới. Nếu có thêm ý kiến mới thì ông Lodge có thể khuyến khích Bắc Việt đàm phán hữu hiệu hơn.

Cứ theo tình hình các cuộc họp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mà luận thì có lẽ lúc đó, Hoa kỳ đang cẩn thận dò dẫm phản ứng của Việt Nam về vấn đề Tổng Tuyển Cử. Cuộc bầu cử mà Hoa Kỳ đề cập chắc chắn sẽ bao gồm tất cả các thành phần đối lập không cộng sản và có thể bao gồm cả những thành phần của Mặt Trận Giải Phóng. Hoa Kỳ cho rằng nếu không có những phong trào cải cách rộng lớn, nếu không có một "chánh phủ đoàn kết có sự tham gia đông đảo của mọi khuynh hướng chính trị ở Việt Nam" như ông Sullivan đã đề cập thì Việt Nam khó thể được dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ. Hơn nữa, Hoa Kỳ tin rằng nếu Việt Nam chấp thuận tổ chức tổng tuyển cử tự do và nếu Bắc Việt đồng ý rút quân thì những phái đoàn đàm phán của Hoa Kỳ ở Ba Lê có thể đàm phán hữu hiệu hơn.

Vào thời gian này tôi đã biết rõ ông Kissinger đóng một vai trò hết sức quan trọng trên lãnh vực Ngoại Giao của Hoa Kỳ. Tôi cũng biết giữa ông Kissinger và Ngoại Trưởng Rogers có nhiều chuyện xích mích. Nhưng tôi vẫn chưa biết đủ để có thể ngờ được rằng đến cả Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng không mảy may hay biết gì về những vận động của ông Kissinger. Vì không ngờ những vận động của chính phủ Nixon lại có thể bí mật tới mức như vậy nên tôi đã thật lòng tin tưởng vào những lời phát biểu của hai ông Rogers và Sullivan. Vào ngày 1 tháng 7, khi tường trình ý kiến của Hoa Kỳ cho ông Thiệu, tôi đã tường trình thật chi tiết những cuộc bàn luận của tôi với hai ông Rogers và Sullivan.

Sau khi gặp ông Sullivan được ba ngày thì tôi đến gặp ông Kissinger để tiếp tục thảo luận thêm về những vấn đề tôi đã thảo luận với ông Sullivan. Ngoài ra tôi cũng muốn gặp ông Kissinger để xem ông Kissinger suy nghĩ khác với ông Rogers ra sao. Bức điện văn tôi gửi về cho ông Thiệu vào thời gian đó phản ảnh khá trung thực những khác biệt về quan niệm giữa hai ông Kissinger và Sullivan. Sau khi gặp ông Kissinger, tôi điện về như sau:

Trước khi tường trình tường tận về buổi họp giữa tôi và ông Kissinger, tôi xin trình để Tổng Thống rõ ở Hoa Thịnh Đốn có dư luận cho rằng ý kiến của ông Kissinger hoàn toàn khác với ý kiến của Ngoại Trưởng Rogers. Tôi xin thú thực rằng chính tôi cũng chưa thấy rõ sự khác biệt. Vì là đại sứ nên thế đứng của tôi có phần khó khăn và tế nhị. Tuy đã biết cả hai người, tôi vẫn phải vô cùng thận trọng.

Khi gặp ông Kissinger, tôi cũng đưa ra quan niệm "Chiến Tranh Trường Kỳ/Tổn Hại Thấp" của Việt Nam chẳng khác nào như khi tôi đến gặp Ngoại Trưởng Rogers. Ông Kissinger nói rằng ông "nhận thức được khó khăn [của Việt Nam]," khi Hoa Kỳ tự nhiên giảm thiểu quân số và từ từ rút lui. Ông Kissinger cũng có nói rằng cả ông lẫn Tổng Thống Nixon đều không hài lòng với kết quả của những cuộc đàm phán ở Ba Lê và rồi kết luận rằng Hoa Kỳ bắt buộc phải có giải pháp khác. Giải pháp đó ra sao lúc này ông vẫn chưa thể suy nghĩ tường tận được, nhưng Tổng Thống Nixon nhất định không phải là "vị Tổng Thống đầu tiên chịu thua cuộc chiến tranh." Ông Kissinger lại hỏi tôi "Theo ông thì giải pháp nào nên được đưa ra?"

Tôi trả lời rằng bất kể giải pháp của Hoa Kỳ có là giải pháp nào đi nữa thì chắc giải pháp đó cũng chẳng thể khác biệt gì nhiều với giải pháp "Triệt Thoái Trường Kỳ/Tổn Hại Thấp" của Việt Nam. Điều này có nghĩa là bất kể đàm phán ở Ba Lê kết thúc ra sao thì quân đội Hoa Kỳ cũng vẫn phải hiện diện ở Việt Nam trong một thời gian dài. Tôi nói với ông Kissinger: " Nếu bắt buộc Việt Nam phải áp dụng giải pháp tổ chức Tổng Tuyển Cử ngay khi Bắc Việt vẫn còn đóng quân để giải quyết những khó khăn thì chúng tôi cho rằng đây phải là giải pháp cuối cùng. Chúng tôi chỉ chấp thuận tổ chức Tổng Tuyển Cử ở giây phút chót và chỉ chấp nhận điều kiện này nếu chúng tôi bị buộc phải chọn hoặc giải pháp này hoặc đầu hàng và mất Việt Nam."

Ông Kissinger đồng ý nhưng vẫn bàn thêm: Ý kiến Tổng Tuyển Cử thật là hấp dẫn. Tôi cũng nhân tiện nói để cho ông Kissinger biết rõ rằng bầu cử chỉ là một trong những vấn đề mà chánh phủ Việt Nam đang chú tâm vào lúc này mà thôi. Việt Nam cũng có thể chọn một giải pháp khác. Hiển nhiên ai cũng thấy điều kiện phải có một cuộc Tổng Tuyển Cử là một điều kiện khó khăn, nhất là khi Việt Nam đang bị những nguy cơ rõ rệt đe dọa. Trong khi chúng tôi bàn luận, ông Kissinger hỏi thêm rằng nếu một số các yêu cầu của Việt Nam được thỏa thuận thì liệu Việt Nam có thể chấp nhận giải pháp tổng tuyển cử hay không? Tôi trả lời rằng nếu có thêm một số điều kiện thì có lẽ Việt Nam sẽ chấp thuận, nhưng tôi từ chối, không chịu bàn luận chi tiết những điều kiện nào là những điều kiện tiên quyết mà Việt Nam bắt buộc phải có trước khi chấp thuận tổ chức Tổng Tuyển Cử. Vì chưa bàn luận kỹ trước với Sài Gòn, lúc này tôi chưa thể trực tiếp đưa ra một cách rõ rệt những điều kiện của Việt Nam. Tuy thế ông Kissinger nhất định muốn tôi phải trả lời.

Ông hỏi tiếp "Tỷ dụ như việc Hà Nội rút quân ra khỏi Miền Nam Việt Nam, đây có phải là điều kiện thiết yếu tiên quyết mà chính phủ Việt Nam đòi hỏi trước khi chấp thuận Tổng Tuyển Cử hay chăng?"

Tôi trả lời rằng "Có, đây quả là một điều tiên quyết mà chánh phủ Việt Nam phải có trước khi đồng ý tổ chức một cuộc Tổng Tuyển Cử."

Ông Kissinger tiếp tục bàn luận và dò dẫm về việc đòi hỏi Bắc Việt rút quân. Ông hỏi: "Phải chăng nếu một kế hoạch đề ra bị quá nhiều điều kiện tiên quyết trói buộc thì kế hoạch đó sẽ giảm bớt tầm mức hấp dẫn?" Rồi có lẽ vì ông cho là những đòi hỏi của Việt Nam có phần quá đáng, ông Kissinger hỏi tiếp: "Việt Nam có thể nào chấp thuận cuộc Tổng Tuyển Cử ngay trong khi Bắc Việt hãy còn đóng quân ở Miền Nam Việt Nam hay không?"

Tôi trả lời rằng "Không, chắc chắn không thể nào có chuyện tổng tuyển cử khi quân đội Bắc Việt hãy còn đóng binh ở Miền Nam được."

Thực sự thì cũng như ông Rogers, ông Kissinger đang dò dẫm và cố tìm một giải pháp thích ứng để có thể áp dụng vào kế hoạch đàm phán ở Ba Lê. Trong khi bàn luận, ông Kissinger đã đưa ra nhiều đề tài khác nhau và có nói đến cả việc ông đang chú tâm tìm cách để giúp ông Thiệu đối phó với những khó khăn trong chính trị nội bộ Việt Nam, chẳng hạn như tìm cách "để những người quốc gia có thể ngồi lại với nhau." Khi cuộc họp kết thúc ông Kissinger nói thêm rằng ông biết tôi đã có gặp cả Ngoại Trưởng Rogers lẫn ông Sullivan rồi. Tuy nhiên nếu tôi vẫn muốn gặp Tổng Thống Nixon hoặc gặp riêng ông ta thì tôi có thể cứ "tự nhiên gõ cửa."

Sau khi gặp ông Kissinger, tôi cố suy nghĩ để có thể tìm cách kiểm chứng lại những điều ông đã đề cập trong buổi họp. Cuối cùng, tôi cho rằng cách hay nhất để duyệt lại vấn đề là đến gặp những phụ tá của ông Kissinger ở Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Rồi từ đó trở về sau thì cứ sau mỗi lần họp với ông Kissinger, tôi lại mời những nhân viên phụ tá của ông đến tòa đại sứ dùng bữa. Dĩ nhiên là tôi mời riêng từng người. -Trong số những người tôi mời có cả các ông John Negroponte, ông Richard Smyser và ông John Holdridge. Khi bàn luận cùng những nhân viên này tôi thường đưa vào những đề tài tôi đã thảo luận cùng ông Kissinger. Tôi cố gắng tìm hiểu để xem đâu là đề mục chính, đâu là đề mục phụ và đâu là những mục nhất thời. Những người tôi mời đến toàn là những nhân vật vừa có nhiều kinh nghiệm lại vừa thận trọng nhưng qua những cuộc nói chuyện thường xuyên ở những bữa cơm trưa, tôi cũng gặt hái được phần nào những điều tôi muốn biết.

Một trong những vấn đề tôi muốn tìm hiểu là vấn đề "tìm cách để những nhân vật quốc gia ở Việt Nam có thể cùng ngồi lại với nhau." Đây là vấn đề mà ông Kissinger đưa ra trong cuộc họp ngày 28 tháng 7. Với niềm hy vọng loé mầm, tôi cố dò dẫm hư thực qua các nhân viên phụ tá của ông. Nhưng sau khi tôi đã tận tình dò hỏi thì những điều tôi nghe được lại hoàn toàn khác hẳn. Tất cả những nhân viên phụ tá của ông Kissinger đều nói rằng theo họ thấy thì vấn đề kết hợp các thành phần quốc gia không phải là vấn đề ông Kissinger thực sự quan tâm. Mà cho dù đây có là vấn đề ông Kissinger quan tâm đi nữa thì đây vẫn không phải là vấn đề ông cho là chủ yếu.

Tôi cho đây là một điều không may. Sở dĩ tôi suy nghĩ như vậy là vì những quan niệm của tôi về Việt Nam đã thành hình trong nhiều năm trời kể từ khi tôi thực sự rời xa những chuyện tranh chấp có liên quan đến chính trị nội bộ Việt Nam. Nếu nhìn lại những năm vừa qua thì những tiến triển dân chủ ở Việt Nam thật là đáng kể. Kể từ năm 1967, tôi đã cố gắng đóng góp để chuyển dần chánh phủ Việt Nam, lúc bấy giờ hãy còn là một chánh phủ quân nhân, thành một chánh phủ hợp hiến. Vào năm 1966, Hội Đồng Lập Hiến được thành lập. Vào năm 1967, hiến pháp được ban hành. Cũng trong năm đó, cuộc bầu cử Tổng Thống, Phó Tổng Thống và các cuộc bầu cử Thượng Nghị Sĩ, dân biểu vào quốc hội đã được tổ chức. Nói chung thì những bước đầu tiên này đã một phần chứng tỏ rằng Việt Nam đang tiến những bước đầu trên con đường dân chủ. Tuy chánh phủ dân chủ sơ khởi của Việt Nam vẫn chưa hoàn hảo và nạn xích mích bè đảng vẫn còn ở ngay cả trong những ngành cao nhất của chính phủ. Nhưng dù sao đi nữa thì chánh phủ hợp hiến sơ khởi của Việt Nam vẫn là một chánh phủ với một quốc hội có khả năng hoạt động ở một mức độ dân chủ đáng kể.

Tuy trong thâm tâm quả thực tôi có rất nhiều phương diện không đồng ý với ông Thiệu nhưng đứng ở cương vị đại sứ của Việt Nam, tôi vẫn rất khó chịu khi phải nghe những lời phê bình khắc nghiệt và liên tục của giới báo chí Hoa Kỳ đối với chính phủ Việt Nam. Dư luận Hoa Kỳ lúc nào cũng lên án ông Thiệu là một nhân vật độc tài và chánh phủ Việt Nam là một chánh phủ không được dân chúng Việt Nam ủng hộ. Hậu quả là những lời phê bình đó đã khiến dân chúng Hoa Kỳ và nhất là quốc hội Hoa Kỳ có ấn tượng xấu đối với chánh phủ Việt Nam. Tôi cũng đồng ý với Ngoại trưởng Rogers rằng nếu không có những phong trào cải cách rộng lớn ở Việt Nam thì chánh phủ Việt Nam khó thể kêu gọi được sự ủng hộ của dân chúng Hoa Kỳ. Vì thế, một trong những đề tài chính tôi thường xuyên trình bày với ông Thiệu là Việt Nam phải tìm cách tổ chức được một chánh phủ đoàn kết lớn rộng với sự tham gia của tất cả các thành phần quốc gia. Tôi nói rằng Việt Nam cần phải hiểu rõ vai trò tối quan trọng của dư luận Hoa Kỳ vì dư luận Hoa Kỳ chính là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng những người có trách nhiệm lập chính sách trong chính phủ Hoa Kỳ. Hơn nữa, tôi còn nói rõ rằng Việt nam cần đào tạo những chuyên viên mới để chánh phủ có thể điều hành hữu hiệu hơn về cả hai mặt hành chánh và kỹ thuật. Việt Nam cần có những chuyên viên mới để thay thế cho những người thiếu khả năng và tham nhũng trong chánh phủ Việt Nam.

Tuy vậy, đối với những đề nghị của tôi đưa ra thì khả năng của tôi lại thật là hạn hẹp. Trước hết, tôi không còn dính dáng gì đến chính trị nội bộ của Việt Nam và lại ở cách xa Việt Nam cả 10,000 dặm. Thứ hai, tôi biết ông Thiệu vẫn không thật lòng tin tôi vì cho rằng tôi là một trong những người của ông Kỳ. Có lẽ trong thâm tâm ông Thiệu vẫn tin rằng tôi thuộc phe ông Kỳ. Thứ ba, vì tôi cộng tác gần gũi với người Hoa Kỳ nên ông Thiệu đã cho rằng tôi bị người Hoa Kỳ ảnh hưởng và vì thế quan điểm của tôi không còn khách quan và chuẩn xác nữa. Nhưng nói cho cùng thì khả năng của tôi bị hạn hẹp đối với những đề nghị của tôi đưa ra chính là vì vấn đề xây dựng một chánh thể dân chủ ở Việt Nam không phải là vấn đề mấu chốt trong các kế hoạch của Hoa Kỳ. Tuy rằng trong quá khứ, đại sứ Bunker đã nhiều lần đồng ý rằng chánh phủ Việt Nam phải cải cách, nhưng ông không phải là người có lập trường cương quyết về vấn đề phải xây dựng một chánh thể dân chủ ở Việt Nam. Hơn nữa, ông lại càng không phải là một trong những người có quyền quyết định các chánh sách của Hoa Kỳ. Hai ông Rogers và Sullivan thỉnh thoảng cũng có bàn luận vấn đề cải cách chánh phủ Việt Nam, nhưng ngoài ra họ chẳng làm gì hơn. Còn ông Kissinger thì lúc đó đang để tâm vào những khía cạnh phức tạp của những cuộc đàm phán, ngoại giao tay ba với Trung Quốc, Nga Sô, và những vấn đề quân sự, không còn tâm trí nào để suy tư về vấn đề dân chủ. Kết quả là có rất ít áp lực từ phía chánh quyền Nixon trong việc thúc đẩy ông Thiệu phải cải cách. Và ông Thiệu thì dĩ nhiên lại không phải là người tự mình nhìn thấy cần phải thay đổi.

Những khung cảnh phức tạp của vấn đề thúc đẩy ông Thiệu cải cách trong giai đoạn này được phản ảnh khá trung thực qua bức điện văn tôi gửi cho ông Thiệu vào ngày 28 tháng 6 và bức thư tay của ông Thiệu gửi trả lời tôi vào ngày 5 tháng 7. Tôi điện rằng:
Kể từ ngày trở lại Hoa Thịnh Đốn, tôi đã liên lạc với rất nhiều dân biểu, Thượng Nghị Sĩ và giới báo chí của Hoa Kỳ. Theo tôi thấy thì tuy chính quyền Nixon đã nỗ lực thuyết phục dư luận Hoa Kỳ trong sáu tháng vừa qua mà dân chúng Hoa Kỳ vẫn còn thiếu kiên nhẫn rất nhiều. Lúc này dư luận vẫn liên tục chỉ trích chánh phủ Việt Nam. Nếu tôi có thể tóm gọn vấn đề trong một câu phát biểu ngắn ngủi thì vấn đề là: Đối với những người chống đối -Tuy những người chống đối vẫn chỉ là thiểu số- thì vấn đề Việt Nam kể như đã chấm dứt. Nhưng chánh phủ Nixon và đa số những người khác vẫn cho rằng dân chúng Hoa Kỳ hãy còn ủng hộ Việt Nam. Sự ủng hộ của dân chúng Hoa Kỳ đang ở tầm mức nào? Đây là một vấn đề chẳng ai hiểu rõ. Tuy thế, nếu chúng ta có thể giữ được nguyên vẹn sự ủng hộ của Hoa Kỳ thì việc giữ nằm trong tay chúng ta nhiều hơn là chính quyền Hoa Kỳ. [chữ nghiêng là của tác giả].

Sau cùng tôi xin yêu cầu Tổng Thống những điều sau đây:

1. Chỉ thị cho tôi biết rõ phải làm gì (tôi không thể tiếp tục bàn luận vấn đề khó khăn [của chính trị nội bộ Việt Nam] khi không có chỉ thị rõ rệt.

2. Nếu Tổng Thống đã có chủ trương [về việc hoà hợp cuộc Tổng Tuyển Cử cùng những kế hoạch đòi hỏi Bắc Việt rút quân trước khi đàm phán ở Ba Lê], thì bất kể chủ trương đó là gì, Tổng Thống cũng phải tìm các trình bày chủ trương đó với dư luận thế giới. Vấn đề cần phải trình bày rõ ràng chủ trương của Việt Nam với báo chí quốc tế là một vấn đề hết sức quan trọng. Cách Việt Nam trình bày vấn đề cũng quan trọng chẳng kém gì những chủ trương mà Việt Nam đưa ra.
Ông Thiệu trả lời tôi bằng một bức thư viết tay:

Thân gửi Anh Diễm:

Xin anh bỏ qua vấn đề Tổng Tuyển Cử vào lúc này và chỉ thảo luận vấn đề Việt Nam Hóa Chiến Tranh mà thôi. Khi có dịp, tôi sẽ thông báo cho anh rõ vấn đề Tổng Tuyển Cử. ....Xin anh cố gắng đừng để ông Rogers qua mặt tôi. Ông ta phải nể mặt tôi về vấn đề Tổng Tuyển Cử.

Trong suốt khoảng thời gian của tháng 8 và tháng 9 năm 1969 ngày tháng trôi qua thật là chậm chạp. Lúc đó, tôi vẫn chưa hề mảy may hay biết việc ông Kissinger và đại diện Xuân Thủy của Bắc Việt đã bí mật gặp nhau. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai bên diễn ra vào ngày 4 tháng 8 ở Ba Lê tại tư thất của ông Jean Sainteny. Tuy thế đây chỉ là một cuộc gặp gỡ sơ khởi. Cả hai bên đều chẳng làm gì khác hơn là lập lại những đòi hỏi đã đưa ra khi trước. Vào ngày 7 tháng 9, thượng nghị sĩ Everett Dirksen từ trần trong lúc đương nhiệm. Tuy ông Dirksen có lâm bệnh trước lúc qua đời, việc ông từ trần quả là một biến động đột ngột. Tôi mất đi một người bạn thân ở thượng viện, một nơi mà càng ngày việc tìm bạn càng khó. Hai ngày sau lại có tin ông Hồ từ trần do Hà Nội loan báo. Ông Hồ qua đời vào lúc 79 tuổi sau một cơn bệnh dai dẳng. Cũng như những quan sát viên khác, tôi đã suy nghĩ về những người có thể thay thế ông Hồ và những ảnh hưởng vào chiến cuộc sau khi ông Hồ mất. Tuy thế, cuối cùng tôi nhận thấy việc ông Hồ qua đời hoàn toàn không có gì ảnh hưởng đến đường lối của Bắc Việt cả.

Trong suốt tháng 8 và tháng 9, tôi dành thì giờ đến tiếp xúc với những Cộng Đồng Việt Nam ở rải rác khắp nơi trong Hoa Kỳ, tiếp đón những phái đoàn "đi tìm sự thật" của Việt Nam. Tôi cũng thu xếp để có thể đến nói chuyện ở các trường đại học Hoa Kỳ. Khi đến nói chuyện ở các trường đại học Hoa Kỳ, tôi lại có dịp quan sát những hoạt động phản chiến trong giới sinh viên đang sắp sửa bùng lên và lúc đó thời gian lại trùng đúng vào lúc năm học mới bắt đầu khai giảng trở lại. Một trong những chuyện khá đặc biệt trong khoảng thời gian này là việc Tổng Thống Nixon chẳng hiểu sao lại mời gia đình tôi đến nghe giảng lễ ở Toà Bạch Ốc. Người giảng lễ hôm đó là linh mục Billy Graham. Khi nhận được lời mời, cả tôi lẫn nhà tôi đều hết sức ngạc nhiên. Hẳn nhiên lời mời không có ý nghĩa gì khác hơn là một cử chỉ thân thiện đối với gia đình chúng tôi, nhưng tôi vẫn chẳng hiểu tại sao một người chịu ảnh hưởng Khổng, Lão như tôi và một Phật tử sùng đạo như nhà tôi lại được vinh dự mời đi nghe giảng lễ ở Tòa Bạch Ốc như vậy. Riêng hai con gái của chúng tôi thì lại nhìn vấn đề một cách khác hẳn. Đi nghe giảng lễ ở Tòa Bạch Ốc đối với những đứa con tôi có nghĩa là mang những bộ áo dài, mặc những bộ quần lụa rất ít khi có dịp dùng đến. Đó là chưa kể đến những xoay sở khó khăn vì phải mang những đôi guốc cao gót rất dễ ngã khi đi đứng.

Tuy thế, chúng tôi vẫn cố gạt bỏ ngạc nhiên và đến Tòa Bạch Ốc vào giờ đã định. Cả bốn chúng tôi cùng ngồi nghe giảng với khoảng hơn bốn mươi người khác bao gồm cả gia đình Tổng Thống Nixon, gia đình Bộ Trưởng Tư Pháp Michell và các bạn bè khác của ông Nixon. Buổi giảng lễ thật là ngắn ngủi. Linh mục Graham thuyết giảng khoảng 15 phút về một đề tài gì đó mà tôi chẳng còn nhớ nữa. Riêng tôi đã dành gần hết thời giờ để quan sát những việc xung quanh, lúc thì liếc mắt nhìn con gái đang lục đục trên ghế, khi thì quan sát những người nghe lễ xung quanh để cúi đầu cho phải phép. Giữa bầu không khí lặng lẽ của chính trường vào thời gian đó, đây quả là một trong những chuyện đặc biệt đối với gia đình chúng tôi.

Nhưng những khoảng thời gian bình lặng như vậy chẳng mấy chốc đã thoáng vút qua. Vào khoảng tháng 10, tình hình chính trị ở Hoa Thịnh Đốn lại bắt đầu sôi động. Những tổ chức phản chiến lại thành lập một Ủy Ban tổ chức để phối hợp những cuộc biểu tình cho tất cả các tổ chức phản chiến tham gia. Ủy Ban tổ chức phản chiến này đã soạn thảo kế hoạch cho một cuộc biểu tình lớn gọi là Moratorium dự định vào ngày 15 tháng 10. Quốc Hội cũng đã họp trở lại sau thời gian nghỉ nhóm mùa hè và sẵn sàng muốn thúc đẩy chánh phủ phải rút ra khỏi Việt Nam. Vào ngày 5 tháng 10, năm 1969 tôi điện cho ông Thiệu:

Thành phần phản chiến ở quốc hội và các đại học càng ngày càng gia tăng. Rõ ràng là những đoàn thể phản chiến lại hoạt động trở lại. Chẳng bao lâu nữa Quốc Hội Hoa Kỳ lại có hội thảo về những vấn đề sau:

1. Một kế hoạch bắt buộc Hoa Kỳ phải rút quân vào năm 1970 (đây là kế hoạch của Thượng Nghị Sĩ Goodell). Tuy kế hoạch này khó thể được quốc hội thông qua, Ủy Ban Liên Hệ Ngoại Giao lại có dịp để bàn bạc vấn đề.

2. Cuộc biểu tình chống chiến tranh lớn mà giới phản chiến gọi là "cuộc biểu tình Moratorium" của sinh viên.

3. Duyệt lại Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt.

4. Thảo luận những dự định của ông Mansfield về việc rút quân, ngưng bắn, và gây áp lực để bắt chánh phủ Việt Nam tổ chức một cuộc Tổng Tuyển Cử cho phép cả các thành phần của Mặt Trận Giải Phóng tham gia.

Chúng ta phải sẵn sàng đối phó với rất nhiều chỉ trích, nhất là vào khoảng thời gian giữa trung tuần tháng 10 và trung tuần tháng 11. Khoảng thời gian đó đã được những đoàn thể chống đối chọn làm giai đoạn chính của cuộc biểu tình. Họ gọi giai đoạn này là "Giai Đoạn Moratorium." Một "Ủy Ban Tổ Chức mới" gồm nhiều người trong các giới sinh viên, tu sĩ, thanh niên, Phụ nữ Tranh Đấu cho Hoà Bình, Giới Kinh Doanh Tranh Đấu cho Hoà Bình, Vấn đề của tu sĩ cùng người ngoại đạo, Ủy Ban Luật Sư chống chiến tranh, và rất nhiều các hội chống đối khác. Mọi hoạt động chống chiến tranh đều được "Ủy Ban Tổ Chức phản chiến" điều động. Những nhân viên nằm trong các Ủy Ban phản chiến phần nhiều là những sinh viên làm việc cho Thượng Nghị Sĩ McCarthy. Họ đã chọn ngày 15 làm ngày mà tất cả học sinh trên toàn quốc đều nghỉ học để chống chiến tranh.... Vào ngày 15 tháng 10 họ tổ chức một cuộc diễn hành. Họ gọi cuộc diễn hành đó là "A March against Death."

Những cuộc biểu tình dữ dội trong tháng 10 năm 1969 đã thu hút hết tâm trí tôi. Tôi nghĩ rằng có lẽ đa số những người trong số hàng trăm ngàn người biểu tình gần như đều chẳng biết rõ những mục tiêu họ chống đối. Nhưng phải làm thế nào mới có thể khiến họ thấy rằng kiến thức của họ thật là phiếm diện và thỏa mãn những điều họ đòi hỏi có nghĩa là buộc Việt Nam phải đầu hàng trước một chế độ độc tài tàn nhẫn?

Thật ra thì hình như tất cả các cuộc biểu tình chống đối nói riêng, hoặc hiện tượng chống đối nói chung, đều chỉ là những hành động phản ảnh những ẩn ức trong tiềm thức của những người biểu tình đối với xã hội của họ. Tôi đã chứng kiến hàng loạt các cuộc biểu tình của các sinh viên ở Pháp và Đức và đã tự hỏi: Phải chăng những sinh viên biểu tình đang cố mượn vấn đề chống đối chiến tranh Việt Nam để thể hiện những bất mãn của họ đối với xã hội? Những sự bất mãn của họ của họ rõ ràng là không phải là do chiến tranh Việt Nam. Vấn đề chống đối chiến tranh đối với họ chẳng qua chỉ là một thứ phương tiện thuận lợi cho phép họ có cơ hội phát biểu ngay những cảm tưởng bất mãn của họ đối với xã hội Tây Phương lúc này mà thôi. Nếu không có chiến tranh Việt Nam thì những cuộc biểu tình này có xảy ra hay không? Phải chăng chính xã hội Tây Phương đang trải những cuộc khủng hoảng riêng?

Suy tư này cứ mãi dày vò tôi. Tôi đã biết rõ rằng Việt Nam đang tranh đấu cho lẽ phải và tôi chẳng hiểu tại sao lại có thể có nhiều người chống đối chiến tranh Việt Nam đến thế? Nhất là khi họ thật sự chẳng biết gì nhiều về cuộc chiến Việt Nam? Trong suốt khoảng thời gian tháng 10 và tháng 11 năm 1969, lúc nào tôi cũng bị vấn đề này ám ảnh. Tôi biết rằng đa số những người Việt Nam đều quan niệm rằng những người biểu tình chỉ là những người ngây thơ đang bị Cộng Sản hoặc các nhóm thiên tả ảnh hưởng. Nhưng riêng tôi lại thấy là vấn đề quả không đơn giản như vậy. Tôi có thể hiểu rằng chẳng ai muốn có chiến tranh. Chẳng ai muốn để thân nhân phải lăn mình vào lửa đạn. Dĩ nhiên là đứng trên quan điểm của Việt Nam thì họ sai, vì cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến xứng đáng với sự hy sinh và tranh đấu của họ. Nhưng dù sao đi nữa thì tôi vẫn hiểu được những điều lo lắng của một gia đình Tây Phương có thân nhân gia nhập quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam. Điều mà tôi quả thật không thể hiểu được là nguyên do gây ra sự bất mãn của những người Tây Phương. Lúc này, tôi đã bắt đầu thấy rõ rằng những cuộc biểu tình thật sự chỉ là những cuộc biểu tình của những người Hoa Kỳ đang bất mãn với xã hội của họ chứ chẳng phải những cuộc biểu tình của những người đang chống đối chiến tranh. Những cuộc biểu tình phức tạp của xã hội Tây Phương lúc này đã gây ra một hậu quả thật là bi thảm: Tương lai Miền Nam Việt Nam đang bị những khủng hoảng của xã hội Hoa Kỳ xô đẩy mà chính chúng tôi lại hoàn toàn bất lực trước những khủng hoảng đó. Hơn nữa nguyên do của những sự khủng hoảng cũng chỉ liên hệ đến chúng tôi một phần mà thôi.

Trước đêm Biểu Tình "March against Death" đã có một cuộc biểu tình ngay phía trước tòa đại sứ Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn. Khung cảnh những người chống đối bao vây tòa đại sứ thật chẳng khác nào một đoàn quân xung phong đang cố bao vây một tiền đồn. Có cả hàng trăm nhân viên cảnh sát đang tận lực ngăn cản những người biểu tình. Qua cửa sổ của tòa đại sứ, tôi cùng những nhân viên ở tòa đại sứ nhìn thấy lố nhố những mũ sắt, những xe cảnh sát và những ánh chớp đèn pin. Những người biểu tình vừa hò la, vừa ném đá và liệng chai lọ về phía tòa đại sứ. Họ biểu tình mãi cho đến thật khuya và rồi giải tán để sửa soạn cho cuộc chống đối ngày hôm sau.

Ông John Mitchell có nói với tôi rằng Tổng Thống Nixon không hề bị những cuộc biểu tình của các tổ chức phản chiến ảnh hưởng. Chính tôi cũng biết Tổng Thống Nixon không phải là người dễ bị lay chuyển. Tuy thế khi nhìn những cuộc biểu tình trước tòa đại sứ tôi không tin sự thật sẽ hoàn toàn như vậy. Trong thâm tâm tôi nghĩ rằng chắc chắn áp lực phản chiến thế nào cũng gia tăng và đến một lúc nào đó những áp lực này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến những chính sách của Hoa Kỳ đối với chiến tranh Việt Nam. Tổng Thống Nixon chỉ có thể trì hoãn để kéo dài thêm thời gian. Nhưng rồi đây, trong giai đoạn cuối, Việt Nam sẽ phải nhận chịu những áp lực phản chiến của dân chúng Hoa Kỳ một mình. Và lúc đó, Việt Nam chỉ còn biết trông chờ vào chính Việt Nam mà thôi.

Gọng Kềm Lịch Sử
31. Mất Tiên Cơ

Vào đầu tháng 10 năm 1969 thì những cuộc biểu tình của giới phản chiến ở Hoa Kỳ bùng ra ở khắp mọi nơi. Các ủy ban tổ chức phản chiến ở Hoa Kỳ gọi giai đoạn này là giai đoạn Moratorium. Vào giữa khi những người tổ chức phản chiến đang kêu gọi biểu tình thì Tổng Thống Nixon đã lên đài truyền hình để có thể trực tiếp thuyết phục dư luận Hoa Kỳ ủng hộ các chính sách của ông. Đây là một trong những buổi nói chuyện thành công của Tổng Thống Nixon. Trong buổi nói chuyện đó, ông trình bày tỉ mỉ hai kế hoạch chính của ông là: Việt Nam Hóa Chiến Tranh và Đàm Phán. Sau khi trình bày các kế hoạch, ông Nixon trực tiếp kêu gọi đại đa số những người Hoa Kỳ chưa có thái độ rõ rệt đối với vấn đề Việt Nam. Ông gọi họ là "đa số trầm lặng." và lên tiếng kêu gọi tất cả những người trong khối "đa số trầm lặng" đó ủng hộ ông.

Cuộc nói chuyện trực tiếp của Tổng Thống Nixon mang lại kết quả khả quan trông thấy. Ông đã thuyết phục được đa số dân chúng và rất nhiều các dân biểu, Thượng Nghị Sĩ trong quốc hội Hoa Kỳ. Ông đã trấn an được dư luận ngay vào lúc dân chúng Hoa Kỳ đang bị hoang mang vì các cuộc biểu tình. Ngay trong lúc Tổng Thống Nixon lên tiếng kêu gọi dân chúng thì những tổ chức phản chiến vẫn tiếp tục hoạt động ở khắp nơi và khoảng hai tuần lễ sau đó thì Ủy Ban tổ chức phản chiến đến Hoa Thịnh Đốn. Chính những toán tiên phuông của các tổ chức này đã biểu tình trước tòa đại sứ Việt Nam đêm trước. Khi cuộc biểu tình đến Hoa Thịnh Đốn thì số người tham gia lên đến 250,000. Những người biểu tình tràn ngập vào nhiều vùng trong thành phố, đập phá các cơ sở của chánh phủ và giương cao cờ Việt Cộng. Tuy thế, tin tức cho thấy rằng buổi nói chuyện của Tổng Thống Nixon lúc trước đã có ảnh hưởng. Con số thống kê cho thấy số người ủng hộ ông dâng cao và rồi vào tháng 12 thì những phong trào phản chiến bỗng nhiên lắng xuống.

Mặc dầu đa số các cuộc chống đối ở Hoa Kỳ lúc đó đang một ngày một giảm mà chẳng hiểu sao lúc nào tôi cũng vẫn bị ám ảnh rằng đây chỉ là phong ba tạm ngừng mà thôi. Trong những tháng về sau, khi duyệt lại các tin tức ở Hoa Kỳ tôi đã viết cho ông Thiệu như sau: "Chánh phủ Hoa Kỳ có thể trấn an dư luận nhưng chánh phủ Hoa Kỳ vẫn không thể nào đi ngược lại dư luận của dân chúng Hoa Kỳ. Chính vì thế nên dư luận của dân chúng Hoa Kỳ vẫn là một yếu tố quan trọng hơn cả. Tạm thời chúng ta đang yên ổn... nhưng điều này không có nghĩa là đã hết những khó khăn."

Trong một bản tường trình dài gửi về Sài Gòn vào ngày 12 tháng 3 năm 1969, tôi có nói với ông Thiệu rằng cả những người ủng hộ chiến cuộc Việt Nam lẫn những đoàn thể phản chiến ở Hoa Thịnh Đốn đều đang đưa ra những câu hỏi chính trị hóc búa. Chẳng hạn như: "Liệu chính phủ Việt Nam có đứng vững hay không? Phải chăng sự chia rẽ và phân hóa của các nhóm chính trị ở Việt Nam đã khiến chánh phủ Việt Nam ngày càng bị cô lập? Nói tóm lại, thì căn nguyên của mọi khó khăn là vì chánh phủ Hoa Kỳ phải quyết định các chính sách Việt Nam sao cho những chính sách đó không bị dư luận Hoa Kỳ chỉ trích. Chính sự liên hệ phức tạp này đã khiến vấn đề ủng hộ Việt Nam trở thành khó khăn bội phần. Trong giai đoạn này thì bất cứ lúc nào các tổ chức phản chiến cũng có thể biểu tình. Hơn nữa cuộc bầu cử Tổng Thống sơ khởi của Hoa Kỳ lại sắp sửa bắt đầu và giới phản chiến chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội đó."

Tôi đã được mục kích Tổng Thống Nixon thuyết phục dân chúng. Tôi cũng đã được nghe chính ông Nixon tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi Bắc Việt chịu chấp nhận một giải pháp đàm phán công bằng hoặc cho đến khi Việt Nam đã đủ sức để tự lực cánh sinh. Tuy thế, tôi vẫn quan niệm rằng Hoa Kỳ đang bắt đầu rút lui ra khỏi cuộc chiến Việt Nam. Tôi cho rằng năm 1970 chính là thời điểm đánh dấu một giai đoạn mới cho các kế hoạch rút quân của Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ, áp lực của dư luận và các tổ chức phản chiến ngày càng dâng cao. Rồi đây những áp lực đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các quyết định của quốc hội.

Quan niệm thực tế của tôi được rút ra từ những nhận xét tôi nghe được của các bạn bè thân. Một trong những người trực tiếp cho tôi biết rõ ý kiến của Hoa Kỳ là tướng William Depuy, người đã từng là phụ tá cho tướng Westmoreland, tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Miền Nam Việt Nam. Khi tướng Depuy nói chuyện với tôi ở một căn cứ quân sự ở tiểu bang North Carolina, ông đã phát biểu như sau:
"Tôi không phải là tổng thống Nixon; tôi cũng không phải là đại diện của chánh phủ Hoa Kỳ, nhưng tôi tin rằng chánh sách của Hoa Kỳ là: Vì rất nhiều lý do -từ cả những lý do phức tạp của tình hình quốc tế lẫn những lý do khác bên trong nội bộ Hoa Kỳ- chánh phủ Hoa Kỳ đã kết luận rằng Hoa Kỳ phải giải quyết vấn đề Việt Nam trong vòng 3, 4 hoặc 5 năm nữa. Trong vòng 5 năm tới, Hoa Kỳ sẽ tận lực giúp Miền Nam Việt Nam bằng tất cả mọi nỗ lực. Ngày nào quân đội Hoa Kỳ còn đóng binh ở Việt Nam thì ngày đó họ vẫn còn chiến đấu. Nhưng chánh phủ Việt Nam phải hiểu rằng Hoa Kỳ không thể làm gì hơn được nữa. Tôi không đặt hy vọng gì vào những cuộc đàm phán ở Ba Lê. Mà giả thử đàm phán ở Ba Lê có đạt được kết quả đáng kể đi chăng nữa thì đó cũng là việc đáng mừng. Nói tóm lại thì trong vòng 5 năm tới, nếu Việt Nam có thể tự lực cánh sinh thì đây quả là điều chúng tôi mong mỏi. Nhưng nếu sau 5 năm Việt Nam vì lý do gì đó -hối lộ, chia rẽ, thiếu đoàn kết- mà không thể tự lực cánh sinh thì Hoa Kỳ cũng chẳng thể làm gì khác hơn được."

Nhìn lại những bức điện văn và những bản tường trình gửi về Sài Gòn lúc đó, tôi cho rằng tôi đã tận lực trình bày để ông Thiệu có thể thấy được những biến cố Việt Nam qua lăng kính của một người đang chứng kiến những sự chia rẽ, chống đối và thay đổi lớn lao đang làm rung chuyển xã hội Hoa Kỳ. Tôi đã tường trình tất cả mọi chi tiết và đã nhiều lần nhấn mạnh tầm mức quan trọng của cả dư luận Hoa Kỳ, lẫn những ảnh hưởng xấu của cuộc biểu tình. Tôi đã tường thuật gần như tỉ mỉ từng chữ những cuộc thảo luận ở Hoa Kỳ có liên quan đến vấn đề cải cách của chính phủ Việt Nam. Tôi cũng nói với ông Thiệu rằng: Lúc này, ở Hoa Kỳ, thái độ của những người bạn đã ủng hộ Việt Nam là là "tant mieux hoặc tant pis," nghĩa là nếu [giúp Việt Nam] được thì càng tốt và nếu không thì cũng đành vậy." Những người ủng hộ Việt Nam đã làm tất cả những điều họ có thể làm, giờ là lúc chánh quyền Việt Nam phải tự lực cánh sinh hoặc sụp đổ. Và nếu chúng ta có thể đứng vững được thì đây quả là điều mọi người mong mỏi. Nếu chúng ta không thể đứng vững được thì mọi người đều cho rằng họ cũng chẳng thể làm gì hơn.

* * * * *

Vào ngày 17 tháng 3 năm 1969, những sự lo lắng của tôi bị chuyển hướng vì một cuộc đảo chánh ở Cam Bốt đã lật đổ Hoàng Tử Norodom Sihanouk. Cuộc đảo chánh diễn ra khi ông Sihanouk đang nghỉ mát ở Pháp. Người cầm đầu cuộc đảo chánh là Bộ Trưởng Quốc Phòng Lon Nol và phụ tá của ông ta là Sirik Matak. Chẳng hiểu nguyên do của cuộc đảo chánh ở Cam Bốt là gì mà tình thế hỗn loạn sau đảo chánh lại khiến những người Cam Bốt bắt đầu một chiến dịch khủng bố những người Việt cư ngụ ở Nam Vang và các khu vực miền đông Cam Bốt. Tuy từ trước tới nay, giữa Việt Nam và Cam Bốt vẫn có những xô xát về vấn đề khác biệt chủng tộc giữa hai quốc gia, nhưng chưa bao giờ mức độ xô xát lại khủng khiếp bằng lần này. Chúng tôi được những Việt Kiều ở Cam Bốt vượt thoát trở về kể lại thật chi tiết các vụ tàn sát ở đó. Khi tin tức về những cuộc tàn sát những người Việt kiều ở Cam Bốt đã rõ rệt, tôi đến gặp ông Green và ông Sullivan để yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp và tìm cách ngăn chận những vụ tàn sát đang xảy ra.

Tôi nói với ông Green rằng: Nếu Hoa Kỳ không chịu can thiệp thì tới một lúc nào đó chính phủ Việt Nam sẽ bị buộc phải hành động để binh vực những người Việt ở Cam Bốt. Chẳng bao lâu sau, Hoa Kỳ đã đứng ra hòa giải. Lon Nol và Sirik Matak cùng hứa rằng họ sẽ cố hết sức ổn định tình hình. Theo ông Green thì cả hai ông Lon Nol và Matak đều là những người đáng tin cậy. Tuy thế, những khu vực phía đông Cam Bốt lại là một nơi gần 40,000 quân Bắc Việt đang chiếm đóng và cả hai ông Lon Nol lẫn Matak đều không thể làm chủ được tình hình ở những nơi đó.

Ngoài vấn đề khủng bố, cuộc đảo chánh ở Cam Bốt còn phá vỡ cả thế quân bằng của các lực lượng quân sự đang hiện diện ở Cam Bốt. Trước đây, nhờ tài lãnh đạo khéo léo của ông Sihanouk, tất cả những lực lượng hiện diện ở Cam Bốt đều đứng trong một thế quân bằng. Trong thế quân bằng đó, Cam Bốt là một nước chánh thức trung lập và hoàn toàn đứng ngoài những sự tranh chấp của cuộc chiến tranh Việt Nam. Nguyên từ trước tới nay, quân đội Cam Bốt vẫn là những lực lượng yếu và không thể đối phó được với những lực lượng của Cộng Sản Bắc Việt bằng vũ lực. Vì thế, khi những lực lượng Bắc Việt đem quân vào chiếm đóng ở những khu vực Miền Đông Cam Bốt thì ông Sihanouk đã nhẫn nhịn làm lơ. Tuy thế, ông đã khôn khéo biểu lộ sự bất mãn của mình bằng cách cho phép Hoa Kỳ tự do dội B-52 vào những khu vực Bắc Việt chiếm đóng.

Vào cuối tháng 3 năm 1969, khi hoàng tử Sihanouk bị đảo chánh thì có lẽ vì không hiểu rõ được thực lực của Bắc Việt và cũng không thấy rõ được những ưu điểm trong tư thế trung lập của Cam Bốt nên Lon Nol đã cho lệnh quân đội hoàng gia Cam Bốt tấn công thẳng vào những căn cứ của Bắc Việt. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Lon Nol ra lệnh cho các lực lượng Cam Bốt tấn công vào căn cứ địa của Bắc Việt ở miền Đông Cam Bốt thì quân đội Miền Nam Việt Nam cũng bắt đầu tấn công vào các căn cứ của Bắc Việt dọc theo Cam Bốt. Quân đội Bắc Việt phản ứng bằng cách rút lui sâu vào những căn cứ ở phía Đông Bắc Cam Bốt. Rồi từ đó, thay vì trực tiếp chống trả với những cuộc tấn công của quân đội Miền Nam Việt Nam, những đơn vị Bắc Việt lại chuyển mũi dùi sang phía Tây và tấn công mãnh liệt vào những đội quân của Lon Nol. Chẳng những thế, Bắc Việt còn gia tăng huấn luyện những nhóm Khmer đỏ, nguyên là những toán du kích của Cam Bốt đang chống lại chánh quyền Cam Bốt lúc đó. Những toán du kích Cam Bốt này tuy nhỏ nhưng vô cùng hung hãn. Khi Bắc Việt tận lực né tránh các cuộc tấn công của quân lực VNCH và chuyển hướng tấn công sang mé Tây thì quân đội Cam Bốt lập tức phải chịu những áp lực quân sự nặng nề. Tuy quân đội Bắc Việt vẫn chưa đe dọa được Nam Vang nhưng những cuộc tấn công của phe Bắc Việt càng ngày càng lan rộng. Cứ theo đà tấn công ráo riết của Bắc Việt lúc đó thì rõ ràng là chánh phủ Cam Bốt đang cần viện trợ. Tuy thế ở Hoa Kỳ lúc này, hơn bao giờ hết, lại không phải là lúc để có thể dễ dàng xin viện trợ.

Sau nhiều tuần lễ Bắc Việt tấn công, tình trạng Cam Bốt càng ngày càng khó khăn. Cuối cùng, khi Bắc Việt phối hợp quân đội để tấn công thì Cam Bốt chỉ còn biết trông đợi viện trợ vào sự viện trợ của Hoa Kỳ. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1969, Tổng Thống Nixon ra lệnh cho quân đội Hoa Kỳ phối hợp với quân đội Miền Nam Việt Nam tấn công thẳng vào căn cứ và các đường tiếp vận của Bắc Việt. Khi ra lệnh tấn công, Tổng Thống Nixon nói rõ rằng quân Bắc Việt đang tập trung vào các căn cứ ở Cam Bốt. Nếu cứ để mặc cho Cộng Sản rảnh tay thì những nơi Bắc Việt đóng quân có thể trở thành "một cứ điểm ngày càng lớn rộng. Hơn nữa, Bắc Việt có thể dùng cứ điểm này làm đường tiếp vận để tấn công Miền Nam Việt Nam." Ông đề cập những hậu quả tai hại đối với quân đội Hoa Kỳ nếu Bắc Việt đánh bại quân đội Cam Bốt. Mới chỉ 10 ngày trước, ông đã nói rằng trong năm 1970 Hoa Kỳ sẽ rút 150,000 quân ra khỏi Việt Nam mà lúc này Tổng thống Nixon lại đi ngược lại lời tuyên bố mà ông đã đưa ra với dư luận. Tổng Thống Nixon nói rằng Hoa Kỳ phải hành động để "bảo vệ quân lính Hoa Kỳ đang đóng ở Việt Nam và giữ vững kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh." Hoa Kỳ chẳng thể nào khoanh tay trước "mũi dùi của cộng sản Bắc Việt".

Đã đành rằng khi Tổng Thống Nixon trực tiếp trình bày ý kiến với dân chúng Hoa Kỳ thì mục đích chính của cuộc nói chuyện là để thuyết phục dư luận, nhưng những nhận định mà ông đưa ra trong cuộc nói chuyện đó cũng rất chính xác. Viễn tượng cộng sản sẽ chiếm đóng suốt sáu trăm dặm dọc Cam Bốt và rồi từ đó tấn công thẳng vào Miền Nam Việt Nam đã khiến ngay cả những người lạc quan nhất cũng phải e ngại. Ngoài cách tấn công, Hoa Kỳ không còn cách nào khác để tránh biến trường hợp đó trở thành sự thật. Nếu Hoa Kỳ có thể tấn công một cách hữu hiệu vào những căn cứ của Bắc Việt ở Cam Bốt thì khả năng tấn công của Việt Cộng sẽ bị tê liệt trong một thời gian dài. Đây là một sự thật hiển nhiên khó có thể chối cãi được.

Nhiều kế hoạch gia của cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đã cho rằng đáng nhẽ Hoa Kỳ nên chọn cách này từ lâu rồi. Họ cho là Hoa Kỳ nên áp dụng kế hoạch tấn công ngay từ khi Việt Cộng chuyển quân chiếm đóng các khu vực chiến lược của Cam Bốt. Từ trước đến nay, cộng sản vẫn cố lợi dụng các căn cứ địa và các đường tiếp vận "bất khả xâm phạm" để chiếm lấy tiên cơ của quân đội Việt Nam. Nếu đứng trên phương diện quân sự mà luận thì những cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Cam Bốt quả là những thắng lợi đáng kể, nhưng có lẽ vì tôi đã bị những khung cảnh chia rẽ nội bộ của Hoa Kỳ ám ảnh quá nặng nên sau khi nghe Tổng Thống Nixon trình bày ý kiến với dư luận, tôi không hề cảm thấy phấn khởi vì những lợi điểm của lời tuyên bố đó đối với cuộc chiến Việt Nam mà lại cảm thấy lo lắng vì những hậu quả của lời tuyên bố đó đối với các phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ.

Cuộc tấn công phối hợp Mỹ, Việt bắt đầu vào ngày 30 tháng 4 năm 1969. Ngày 2 tháng 5 tôi gửi điện văn cho ông Thiệu để đệ trình những nhận xét đầu tiên của tôi vào lúc đó:
Thứ nhất. Quyết định của tổng thống Nixon [về việc ra lệnh cho quân đội Hoa Kỳ phối hợp với quân đội Việt Nam để tấn công ở Lào] đã khiến những nhóm phản chiến chống đối cực kỳ mãnh liệt. Lúc này hãy còn quá sớm nên chưa ai có thể biết được rồi đây những chống đối của những nhóm phản chiến sẽ ảnh hưởng tổng thống Nixon được đến mức nào. Trong khi đó thì sinh viên lại bắt đầu biểu tình trở lại. Có lẽ trong tuần tới thì mức độ chống đối còn gia tăng nhiều hơn.
Thứ hai. Trong khi phản ứng của dân chúng Hoa Kỳ đối với quyết định của Tổng Thống Nixon vẫn chưa hoàn toàn rõ rệt thì hai tờ báo thiên tả lớn đã lên tiếng kết án hành động của tổng thống Nixon. Tờ New York Times gọi những lý do mà Tổng Thống Nixon đưa ra để kết luận Hoa Kỳ phải tấn công là những "ảo tưởng chính trị" chứ không phải là những lý do thực tế. Tờ Washington Post lên án rằng quyết định của Tổng Thống Johnson là một quyết định "sai lầm, và thiếu suy xét"
Thứ ba. Tất cả những người đang theo dõi tình hình chính trị ở Hoa Kỳ đều cho rằng quyết định của ông Nixon là một sự liều lĩnh khác thường trên phương diện chính trị và quân sự... Nếu nhìn dư luận của Hoa Kỳ lúc này qua quan niệm của một người đứng trong nội bộ Hoa Kỳ thì hiển nhiên là quyết định của tổng thống Nixon sẽ gây ra rất nhiều điều bất lợi vì rằng quyết định của ông chẳng những đã khiến những người trong đảng Cộng Hòa chia rẽ mà còn khơi lại những cuộc tranh luận sôi nổi đang trôi dần vào im lặng.

Sau khi Tổng Thống Nixon ra lệnh cho quân đội Hoa Kỳ tấn công thì ở Hoa Kỳ những "cuộc tranh luận sôi nổi" lại bùng ra khắp nơi trên đường phố, trong các khuôn viên đại học, trên báo chí cũng như trong quốc hội. Tin tức về diễn hành chống đối, biểu tình và tố cáo đầy nghẹt xen lẫn với những bài tường trình tình hình chiến sự. Tình trạng mâu thuẫn của những mục đả kích đã làm xôn xao dư luận Hoa Kỳ và khiến cho tình trạng chống đối càng ngày càng dữ dội. Ở Ohio, chánh phủ đã phái Vệ Quốc binh đến giữ trật tự trực diện với những người chống đối. Tại đại học Kent State, Vệ Quốc binh đã nổ súng vào một đám sinh viên. Bốn thanh niên bị thiệt mạng. Ngay ngày hôm sau, khắp toàn quốc đều sôi sục. Tôi điện cho ông Thiệu rằng: "Bầu không khí ở Hoa Thịnh Đốn đang nặng nề vì những cuộc tranh luận sôi nổi bên trong quốc hội, vì những dự định của các nhóm biểu tình, dự định của các nhóm sinh viên và dự định của các đoàn thể phản chiến. Tin tức loan báo suốt ngày về chiến tranh ở Cam Bốt và những cuộc biểu tình đang xảy ra ở Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ có lẽ khó ai có thể tránh khỏi bị lôi cuốn vào bầu không khí sôi sục của dư luận lúc này."

Vào thứ bảy ngày 9 tháng 5 năm 1969, 100,000 người chống đối tụ tập tại một công viên phía sau tòa Bạch Ốc; Cảnh sát dùng xe buýt để dàn thành một hàng rào nhằm ngăn chận những người biểu tình. Cảnh tượng trông chẳng khác nào chính tổng thống Nixon đang bị bao vây. Những nhân viên được tôi phái đi xem xét tình hình vô cùng ngạc nhiên khi thấy số người tham gia vào các cuộc biểu tình và sự phẫn nộ của những nhóm phản chiến khi họ biểu tình.

Đúng ngay vào lúc dư luận Hoa Kỳ đang xôn xao vì các cuộc biểu tình thì ông Ellsworth Bunker trở lại Hoa Thịnh Đốn để tham khảo ý kiến. Nhân dịp này ông Bunker, ông Sullivan và ông Phillip Habib cũng kể cho tôi nghe những trận giao tranh của quân đội Việt Nam và Hoa Kỳ ở Cam Bốt. Họ nói rõ thời gian tấn công mà họ tiên liệu và những mục đích quân sự của Hoa Kỳ. Tuy những tin tức này có vẻ lạc quan, tôi vẫn chẳng thể nào quên được những cuộc biểu tình tôi thấy khi nhìn qua khung cửa sổ của tòa đại sứ hoặc những cuộc biểu tình tôi theo dõi trên Ti Vi hàng đêm. Nhìn những cuộc biểu tình đang xảy ra ở khắp mọi nơi, tôi có cảm tưởng rằng tất cả những nỗ lực trấn an dư luận của Tổng thống Nixon như Tuyên Bố Rút Quân, Việt Nam Hóa Chiến Tranh, kêu gọi " Đa số trầm lặng" dường như đều vô hiệu. Có lẽ khi áp dụng kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh, chính quyền Nixon đã vô tình kích thích sự thiếu kiên nhẫn của dân chúng Hoa Kỳ. Lúc này chánh phủ Hoa Kỳ đang ra công tìm một giải pháp khác. Dĩ nhiên, khi Tổng Thống Nixon và ông Kissinger cho lệnh quân đội Hoa Kỳ tấn công, thì trên phương diện quân sự họ đã chiếm được phần nào tiên cơ. Cuộc tấn công quả đã khiến Bắc Việt phải mất khoảng một năm để thiết lập lại căn cứ địa. Nhưng vì họ đã quyết định quá gấp rút và đã quyết định bất kể những chỉ trích của dư luận nên họ đã phạm phải một lỗi lầm quan trọng. Từ sau quyết định tấn công của họ trở đi, họ không còn được dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ. Trong các bản tường trình hàng ngày gửi về Sài Gòn tôi đã trình bày tất cả các diễn biến ở Hoa Kỳ thật chi tiết và khi tình trạng sôi sục ở Hoa Thịnh Đốn vừa mới giảm xuống đôi phần thì tôi yêu cầu được về Sài Gòn để có thể đích thân tường trình mọi việc.

Tôi đến Sài Gòn vào ngày 1 tháng 7. Vừa về đến nơi tôi đã tổ chức ngay những buổi tường trình cho các ủy ban lập pháp, hành pháp và đến họp riêng với ông Thiệu rất nhiều lần. Trong những buổi họp đó, tôi lại bắt đầu đề cập những đề tài mà tôi đã đưa ra với ông Thiệu không biết bao nhiêu lần rồi. Tôi nhấn mạnh ảnh hưởng của các phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ và cố nêu rõ những ảnh hưởng của dư luận Hoa Kỳ. Tôi nói rằng chánh phủ Việt Nam cần cải cách và đưa ra cả những đề nghị thiết thực trên phương diện này. Tuy trong các buổi tường trình với chánh phủ Việt Nam và với ông Thiệu, tôi biết mình đã nhiều lần lập lại vấn đề, nhưng tôi vẫn chẳng thể làm gì khác hơn. Và lần này, tôi lại nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng chánh quyền Việt Nam phải thấy rằng Việt Nam chưa thể đứng vững nếu không có sự viện trợ của Hoa Kỳ. Tôi nêu rõ vấn đề Hoa Kỳ có viện trợ cho Việt Nam hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quốc hội Hoa Kỳ. Và đã hẳn là quốc hội Hoa Kỳ sẽ quyết định dựa vào ý kiến của dư luận Hoa Kỳ. Điều đáng lo là lúc này dư luận của Hoa Kỳ lại đang chỉ trích cuộc chiến Việt Nam. Tuy từ trước tới nay, tổng thống Nixon quả có thuyết phục được dư luận một phần, nhưng lần này ông đã bị dư luận chỉ trích dữ dội khi ông quyết định cho lệnh quân đội Hoa Kỳ tấn công Bắc Việt ở Cam Bốt. Từ nay về sau, Tổng Thống Nixon sẽ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn mới có thể hy vọng lật ngược được thế cờ. Vì chính phủ Nixon đang gặp khó khăn như vậy nên tôi cho rằng Việt Nam cần phải cải cách chánh quyền, bài trừ nạn tham nhũng và thiếu khả năng trong chánh phủ để gây ấn tượng tốt với dư luận Hoa Kỳ. Tôi cho rằng Việt Nam cần thay đổi chẳng những chỉ xoa dịu bớt những chỉ trích của dư luận Hoa Kỳ mà còn để cải tiến chánh phủ. Những nạn hối lộ và chính trị bè cánh đã khiến cả chánh phủ lẫn quân đội của Việt Nam trở nên suy yếu. Nếu chánh phủ Việt Nam không tìm cách đưa những người có khả năng vào làm việc thì chẳng bao lâu nữa toàn thể guồng máy chính quyền sẽ lụn bại.

Trong những năm về trước, tôi đã nhiều lần thảo luận vấn đề Việt Nam cần phải xây dựng lại chánh phủ Việt Nam với đại sứ Bunker. Vì chúng tôi đã cùng thảo luận vấn đề này không biết bao nhiêu lần rồi nên quan niệm của cả hai chúng tôi gần giống hệt nhau. Đại sứ Bunker thường bảo tôi phải nói rõ vấn đề cần phải xây dựng lại chính phủ với ông Thiệu. Lần này, khi tôi đến gặp ông thì ông Bunker cũng nói rằng tôi nên tìm cách trực tiếp đặt vấn đề với ông Thiệu. Ông Bunker bảo tôi rằng: "Anh phải nói rõ cho ông Thiệu biết rằng ông ấy cần phải có những biện pháp để cải thiện tình hình trong nước và để gây ấn tượng tốt với dư luận Hoa Thịnh Đốn. Đây là điều kiện tiên quyết phải có để viện trợ có thể được tiếp tục." Dĩ nhiên là tôi đồng ý với những ý kiến của đại sứ Bunker. Tôi chỉ không đồng quan điểm với ông Bunker về cách phải trình bày thế nào để cho một người đa nghi và ngoan cố như ông Thiệu thật sự hiểu rõ được tầm mức quan trọng của vấn đề?

Trước đây, khi dư luận Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích sự tham nhũng của chánh phủ Việt Nam, ông Bunker đã cho lệnh các nhân viên của ông ngấm ngầm điều tra những nhân viên của chánh phủ Việt Nam ở các quận. Qua những cuộc điều tra đó, ông đã thu thập được rất nhiều bằng cớ cụ thể về vấn đề tham nhũng của đa số các nhân viên Việt Nam. Ông lên án rằng tệ nạn tham nhũng đang đầy dẫy trong chính quyền ông Thiệu. Và vào lúc này, khi chúng tôi đang cùng nhau tìm cách để giải quyết vấn đề thì ông Bunker đã cho tôi xem hồ sơ của những nhân viên hối lộ. Đại sứ Bunker nói rằng chính ông đã nói chuyện với ông Thiệu về tệ nạn tham nhũng. Và giờ đây ông muốn chính tôi phải đưa những hồ sơ điều tra của ông cho ông Thiệu.

Đây là một trong những lần tôi thực sự nổi nóng với đại sứ Bunker. Tôi bảo ông rằng: "Ông Ellsworth à, tôi sẽ nói chuyện với ông Thiệu và trong các cuộc họp riêng với ông Thiệu trước đây tôi cũng đã nhiều lần đề cập vấn đề này. Nhưng nếu cần phải làm áp lực với ông Thiệu thì chính ông mới là nhân vật chính. Vì ông là đại sứ của Hoa Kỳ nên chỉ có ông mới có thể trực tiếp ảnh hưởng ông Thiệu." Đại sứ Bunker vốn là người tế nhị. Lúc nào ông cũng trình bày vấn đề thật là nhẹ nhàng, kín đáo. Tôi có thể đoán trước được những phản ứng của ông khi ông đến gặp ông Thiệu. Cá tính tế nhị bẩm sinh của đại sứ Bunker đã khiến ông khó thể trực tiếp đề cập thẳng đến vấn đề chính một cách rõ ràng. Ngay cả khi ông bàn luận về vấn đề cải cách với ông Thiệu mà ông Bunker cũng vẫn cả nể và không nói hết những suy nghĩ của mình.

Phương pháp đặt vấn đề nhẹ nhàng của ông Bunker đối với ông Thiệu đã hơn một lần làm tôi khó nghĩ. Hơn ai hết, tôi biết rõ sự quan hệ gần gũi giữa ông Thiệu và ông Bunker. Tôi biết rằng trong tất cả các đại sứ Hoa Kỳ mà ông Thiệu đã từng giao thiệp thì ông Thiệu có thiện cảm với ông Bunker nhiều nhất. Trước đây, trong suốt thời gian ông Lodge làm đại sứ ở Việt Nam, ông Thiệu lúc nào cũng nghi ngờ ông Lodge và sau này, khi đại sứ Bunker về nước thì ông Thiệu lại chưa bao giờ có dịp tiếp xúc nhiều để biết rõ đại sứ Martin. Nhưng đối với ông Bunker thì sự liên hệ của ông Bunker đối với ông Thiệu lại khác hẳn. Trước đây, trong thời gian ông Thiệu vừa mới nhậm chức, ông Bunker đã tận tình giúp đỡ ông. Lúc đó, ông Thiệu vẫn chưa được nhiều người ủng hộ. Sự ủng hộ của ông Bunker đã làm gia tăng uy tín của ông Thiệu trong chánh phủ. Chính vì thế nên ông Thiệu rất biết ơn ông Bunker. Ông Bunker đã được ông Thiệu tin tưởng lại còn được quyền tự do ra vào dinh độc lập. Vì vậy tôi cho rằng ông Bunker có thể thuyết phục được ông Thiệu về vấn đề cần phải có cải cách. Tuy thế, cách can thiệp của ông Bunker lại quá lịch sự, quá nhẹ nhàng và vì thế lại không ảnh hưởng gì được ông Thiệu cả. Ít ra thì đây cũng là quan niệm riêng của tôi.

Riêng ông Thiệu thì dĩ nhiên chẳng bao giờ từ chối điều gì. Lúc nào ông Thiệu cũng đồng ý, thỏa thuận và hứa hẹn rồi sau đó đợi chờ xem mọi sự đưa đẩy đến đâu. Nếu cảm thấy Hoa Kỳ không làm áp lực mạnh mẽ, ông Thiệu sẽ dần dà bỏ mặc để cho vấn đề theo thời gian mà biến đi hoặc mất tính chất khẩn thiết vì nhiều vấn đề khác dồn đến khuất lấp mọi việc. Tính chần chừ bẩm sinh của ông Thiệu quả là một ngón đòn hữu hiệu đối với phương pháp nhẹ nhàng cả nể của đại sứ Bunker. Đã có lần tôi nghĩ đến lời của Bộ Trưởng Quốc Phòng Clark Clifford nói với tôi sau Tết Mậu Thân, lúc tôi đến chào ông để trở về Sài Gòn. Ông Clifford đã nói dằn từng chữ một: "Chúng tôi chán đến tận cổ rồi... Nhân dân Hoa Kỳ đã quá mệt mỏi và sự ủng hộ của chúng tôi chỉ có giới hạn mà thôi!" Đây là một câu nói thẳng không cần dùng những danh từ ngoại giao hoa mỹ. Lần đó, câu nói của ông Clifford đã khiến tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Tuy thế đây quả là một phương pháp hữu hiệu. Đã hơn một lần tôi mong mỏi đại sứ Bunker dùng phương pháp này với ông Thiệu.

Nhưng thực sự thì những vấn đề khó khăn không phải chỉ do cách làm việc của ông Bunker. Tuy lúc nào ông cũng nhẹ nhàng, đại sứ Bunker vẫn là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp lão thành có thừa khả năng để trình bày những chính sách của chánh phủ Hoa Kỳ. Vấn đề khó khăn thực sự là do từ trước đến nay các chánh sách của Hoa Kỳ chưa hề đặt nặng vấn đề phải bài trừ tham nhũng và xây dựng một chánh phủ dân chủ ở Việt Nam. Điều này đã rõ rệt kể từ trước cả khi ông Kissinger nắm quyền. Kể từ khi Hoa Kỳ can thiệp, các chính sách của Hoa Kỳ đã không chú trọng đến vấn đề phải cải thiện để xây dựng một chánh phủ dân chủ ở Việt Nam. Vì vậy những nỗ lực của Hoa Kỳ trong vấn đề này nếu có đi chăng nữa thì cũng chỉ là những nỗ lực của từng cá nhân. Vì thế, khi thấy rằng chính phủ Việt Nam cần phải cải tổ, đại sứ Bunker đã xoay sở bằng những phương pháp cá nhân. Ông đã cố đối phó với vấn đề cải thiện chính phủ Việt Nam một mình chẳng khác gì đại sứ Lodge lúc trước hay đại sứ Graham Martin vào lúc sau này.

Thật ra, nếu nói rằng Hoa Kỳ hoàn toàn bỏ qua vấn đề cải tổ thì cũng không đúng hẳn. Cả hai ông Rogers cùng Sullivan đều có để ý và thỉnh thoảng cũng có nêu lên vấn đề. Ông Kissinger cũng thế. Nhưng vấn đề chính lúc nào cũng nhằm vào những đề tài khác hẳn nếu không phải là đàm phán thì cũng là các sách lược quân sự hoặc ngoại giao với các đại cường quốc. Nói chung thì thái độ của các chánh phủ Hoa Kỳ đối với vấn đề nội bộ của chánh phủ Việt Nam gần giống hệt nhau. Vì họ thấy rằng tình trạng Việt Nam đã tạm ổn định hơn khi ông Thiệu lên nắm quyền nên khi cần phải dò dẫm hoặc làm áp lực mạnh với Việt Nam Hoa Kỳ lại đâm ra do dự. Thay vì chú tâm vào những vấn đề chính của chánh phủ Việt Nam thì họ lại chỉ chú trọng vào những sự an toàn hời hợt ngoài mặt. Có thể họ cho rằng vấn đề xây dựng dân chủ không cần thiết hoặc chẳng có mục đích gì thiết thực. Có lẽ vì họ phải bận tâm đeo đuổi những mục tiêu khác to lớn hơn nên chánh phủ Hoa Kỳ, nhất là chính quyền Nixon, chưa hề biết rõ rằng sự ổn định ngoài mặt của Việt Nam chẳng qua chỉ là một bức màn giả dối che đậy toàn thể những gì mong manh gần đổ vỡ phía dưới. Như thế, tầng lớp lãnh đạo cao nhất của Hoa Kỳ đã không nhìn rõ được thực trạng của đồng minh. Hơn nữa, khi đã tìm hiểu được rõ ràng về thực trạng của đồng minh thì họ lại bỏ qua, không hành động kịp thời. Trong suốt thời gian Hoa Kỳ can thiệp, họ vẫn chỉ nghĩ rằng ảnh hưởng của những vấn đề như vấn đề cải thiện để xây dựng một chính phủ dân chủ ở Việt Nam chỉ là một vấn đề thứ yếu. Phải đợi đến giai đoạn thử thách của họ và của Việt Nam vào năm 1975 họ mới nhận định được đúng tầm mức nguy hiểm của các chính sách can thiệp của họ trong suốt hai thập niên.

Vào ngày mùng 4 tháng 7 năm 1969, sau khi tôi trở về Sài Gòn được ba ngày thì Ngoại trưởng Rogers cùng đại sứ Sullivan cũng tới Sài Gòn để tiếp xúc với chính phủ Việt Nam. Đề tài chính của họ là đàm phán. Ông Rogers cho rằng đây là lúc Hoa Kỳ và Sài Gòn phải có sáng kiến và tìm cách mở lối cho Bắc Việt dễ dàng đàm phán. Lúc này, ông David K. E. Bruce được cử làm trưởng phái đoàn đàm phán Hoa Kỳ ở Ba Lê để thay thế cho ông Lodge (Ông Lodge đã từ chức từ tháng 10 trước đây và cho đến ngày đó vẫn chưa được thay thế.) Ông Bruce là một nhà Ngoại giao lão thành đứng tuổi và rất được kính trọng. Vì ông đã chấp nhận làm trưởng phái đoàn nên mọi người đều cho rằng có lẽ sẽ có nhiều điều mới lạ trong cuộc đàm phán.

Thật ra thì làm gì có điều gì mới lạ. Vào thời gian này những cuộc đàm phán bí mật giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt đã bắt đầu, tuy lúc đó tôi vẫn chưa biết gì cả. Trừ một vài người ra thì tất cả đều mù tịt về những cuộc đàm phán bí mật, kể cả Ngoại trưởng Rogers. Trên thực tế thì vào năm 1969 ông Kissinger đã nhiều lần gặp gỡ và ngấm ngầm đàm phán với các đại diện Bắc Việt. Trong những cuộc đàm phán bí mật đó, ông Kissinger hy vọng rằng ông sẽ tạo được những thành quả khác hơn những bế tắc của các cuộc đàm phán bốn bên đang diễn ra công khai ở Ba Lê. Nếu nhìn lại các kết quả đàm phán kể từ năm 1968, khi Bắc Việt hưởng ứng lời mời đàm phán của tổng thống Johnson cho tới tháng 7 năm 1969 thì cả hai bên vẫn chưa đạt được bất kỳ kết quả nào. Ngay cả đến đàm phán bí mật cũng lại chẳng khác gì đàm phán công khai, vẫn hoàn toàn bế tắc. Vào mùa hạ năm 1970, khi Hoa Kỳ tấn công vào Cam Bốt thì cuộc đàm phán lại bị đình trệ vì hai bên còn đang lượng định tình hình của các lực lượng quân sự sau cuộc tấn công. Đàm phán bí mật được dự trù tiếp tục vào tháng chín, vẫn bí mật với tất cả trừ những người trong cuộc. Dĩ nhiên ông Thiệu cũng biết việc đàm phán bí mật. Nhưng về sau ông thố lộ rằng ông không được thông báo tường tận chi tiết những trao đổi giữa Kissinger, Xuân Thủy và Lê Đức Thọ.

Riêng tôi thì vẫn không mảy may hay biết gì về các cuộc đàm phán bí mật. Vào ngày 30 tháng 7, tôi rời Sài Gòn về Hoa Thịnh Đốn, trên đường bay tôi ghé Ba Lê để gặp ông Kỳ, lúc này ông Kỳ đang theo dõi cuộc đàm phán chính thức ở Ba Lê. Trong thời gian này, vì không có việc gì quan trọng ở Sài Gòn nên ông Thiệu đã gửi ông Kỳ sang Ba Lê. Khi gửi ông Kỳ đi, có lẽ ông Thiệu cho rằng nếu ông Kỳ được rảnh tay thì nên để ông Kỳ rảnh tay ở Ba Lê hơn là ở Việt Nam. Mặt khác, nếu có chuyện gì không hay xảy ra ở Ba Lê thì ông Kỳ sẽ chịu lãnh hoàn toàn trách nhiệm. Cách vận động của ông Thiệu lúc này khó thể gọi là trung thực nhưng vì vô tâm nên ông Kỳ vẫn lên đường sang Ba Lê không chút đắn đo. Nhân dịp tôi ghé Ba Lê, trong một bữa ăn trưa với ông Philip Habib, tôi đã hỏi ông về tình trạng cuộc đàm phán. Có lẽ ông Habib cũng biết về những cuộc đàm phán bí mật, nhưng vì chưa tiện tiết lộ nên ông cũng không nói gì hơn với tôi là chưa có gì mới lạ cả.

Vào tháng 9 năm 1969, vì chẳng có biến cố nào đáng chú tâm trong các cuộc đàm phán ở Ba Lê và cũng chẳng có triệu chứng gì cho thấy sẽ có biến cố nào quan trọng sắp sửa xảy ra trong tương lai, ông Kỳ bắt đầu cảm thấy chán Ba Lê. Đằu tháng 9, ông Kỳ điện thoại nhờ tôi thu xếp cho ông sang thăm Hoa Kỳ vào đầu tháng 10. Ông nói rằng ông đã nhận được thư mời của tu sĩ Carl McIntire sang thăm Hoa Kỳ. Tu sĩ McIntire lúc này đang tổ chức một cuộc diễn hành gọi là "Diễn Hành Cho Chiến Thắng." Ông Kỳ có ý muốn nhận lời mời.

Tôi chưa hề nghe đến tên McIntire bao giờ nhưng khi tìm hiểu tôi thấy rằng tu sĩ McIntire là một nhân vật cực đoan, đang lãnh đạo một tổ chức cực hữu. Gần như ngay sau đó, tôi bắt đầu được các nhân viên Hoa Kỳ cho ý kiến dồn dập. Trước hết là ý kiến của ông Kissinger, sau đó là lời khuyên của các ông Rogers, Sullivan và Green, cuối cùng là ý kiến của tất cả những người được nghe chuyện ông Kỳ. Tất cả đều cho rằng chuyện ông Kỳ sang Hoa Kỳ lúc này là chuyện không nên. Nếu ông Kỳ đến viếng thăm Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của tu sĩ McIntire thì phe phản chiến sẽ chống đối cực kỳ mãnh liệt. Mà cuộc viếng thăm của ông Kỳ cũng chẳng mang lại lợi ích gì thiết thực (Họ không nói thẳng điều này) cho cuộc bầu cử sắp tới của chánh phủ.

Tôi không hiểu tại sao ông Kỳ lại chấp thuận lời mời của tu sĩ McIntire. Chẳng những tôi đã biết chắc rằng ông Kỳ không hề biết gì về tu sĩ McIntire tôi còn biết rõ rằng Việt Nam không nên cộng tác với những đoàn thể cực hữu. Tôi viết cho ông Kỳ bằng những lời lẽ cẩn trọng nhưng thật cứng rắn, khuyên ông rằng đây "không phải là lúc" ông nên nhận lời.

Ông Kỳ trả lời bằng cách mời tôi đến Ba Lê để sửa soạn cho cuộc họp của ông với ông Kissinger và ông David Bruce vào cuối tháng 9. Tôi đến Ba Lê lòng nhủ thầm rằng việc này diễn ra tuy chẳng hợp ý ông Kỳ nhưng việc tôi đến Ba Lê thật sự đáng mừng hơn việc ông Kỳ sang Hoa Thịnh Đốn rất nhiều. Vào cuối tháng 7, tôi và ông Kỳ đến họp với ông Kissinger, ông Bruce, ông Habib và một phụ tá đắc lực của ông Kissinger là ông Dick Smyser. Cuộc họp diễn ra tại tư thất của ông Kỳ gần Bois de Boulogne và chẳng có mục đích gì thiết thực. Trong suốt buổi họp chúng tôi chỉ bàn luận những vấn đề tổng quát chẳng hạn như phái đoàn Việt Nam và Hoa Kỳ phải có sáng kiến nhằm mục đích đẩy mạnh cuộc đàm phán. Lúc này, tôi lấy làm lạ không hiểu vì sao tôi lại được triệu đến Ba Lê chỉ để họp bàn về những chuyện chung chung chẳng đâu vào đâu như vậy. Sau này, khi tôi khám phá ra rằng Kissinger đã bí mật hẹn với Xuân Thủy vào ngày hôm sau để bàn luận chi tiết những điều Hoa Kỳ đưa ra từ nhiều tháng trước thì mọi sự trở nên sáng tỏ. Tôi và ông Kỳ chỉ là một phần của bức màn che đậy. Ngay cả khi đã nhìn lại vấn đề mà tôi vẫn còn kinh ngạc vì thủ đoạn của ông Kissinger có thế khéo léo đến độ vừa vờ vĩnh nói chuyện không đâu với phó tổng thống Việt Nam lại vừa dùng cuộc nói chuyện này làm bức bình phong che đậy những cuộc đàm phán bí mật với Cộng Sản. Dĩ nhiên đây là kiệt tác độc đáo của một nhân vật đặc biệt, một thành tích diễn xuất mà người Pháp gọi là theatre de fantome. Tuy thế kế hoạch của ông Kissinger vẫn chưa được tính toán kỹ lưỡng tới mức toàn hảo. Vì rằng một khi đàm phán bí mật bị phơi bày trước dư luận thì ông Kissinger đã làm mất hết sự tin tưởng của cả đồng nghiệp lẫn đồng minh.

Chỉ có một điểm lạc quan trong cuộc họp ngày 26 tháng 9 là sau buổi họp ông Kỳ đã bỏ ý định đến Hoa Kỳ để tham dự buổi Diễn Hành cho Chiến Thắng. Tuy thế, câu chuyện cũng chưa hẳn kết thúc ngay. Ngày 27-9, khi tôi về đến Hoa Thịnh Đốn thì có điện thoại của ông Kỳ. Dĩ nhiên tự ái của ông Kỳ đã bị tổn thương phần nào. Chưa nói đến vấn đề ông không hề hay biết gì về việc đàm phán bí mật của ông Kissinger! Rồi vào ngày mùng 2 tháng 10, tôi nghe tin rằng tuy ông Kỳ không đến Mỹ, ông sẽ gửi bà Kỳ đi thay. Câu chuyện đẩy đưa đã phá tan sự kiên nhẫn của tôi. Trong cuộc nói chuyện trên điện thoại với ông Kỳ ngay sau đó tôi đã trả lời một cách dứt khoát rằng: "Không được! Không thể nào có thể như vậy được!" Ngay hôm sau báo chí loan báo rằng vì "Trục trặc kỹ thuật" bà Kỳ không thể đến dự buổi diễn hành.

Nếu vào tháng chín ở Hoa Thịnh Đốn và Ba Lê chẳng có biến chuyển gì mới lạ thì ở Sài Gòn việc lại hoàn toàn khác hẳn. Tháng chín là tháng bầu cử bán phần thượng nghị sĩ cho quốc hội Việt Nam. Bầu không khí Sài Gòn thật là nhộn nhịp vì những cuộc tranh cử của các ứng cử viên và các danh sách tranh cử. Một trong những vấn đề đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của nhiều đoàn thể đã tạo nên nhiều khối phiếu khác nhau. Và những khối phiếu này lại ủng hộ những ứng cử viên hoàn toàn khác biệt. Một số ủng hộ tướng Trần Văn Đôn, người đảo chánh ông Diệm và sau đó ra khỏi quân đội để theo đuổi chính trị. Một số khác ủng hộ ông Võ Văn Mẫu, Ngoại Trưởng dưới thời ông Diệm; lại có cả một liên danh của các ứng cử viên Phật Giáo. Trong số ứng cử viên có rất nhiều người từ các nhóm đối lập, người ngoại cuộc có thể thấy những thành phần quốc gia trước kia hoạt động bí mật chẳng hạn như những người quốc gia trong các đảng Đại Việt, VNQĐD cũng đã bắt đầu bước vào hàng ngũ của những đoàn thể tranh cử công khai lúc này. Nói chung thì mọi người đều cho rằng đây là một cuộc bầu cử công bằng và có tính cách dân chủ.

Tuy báo chí Hoa Kỳ không hề đề cập gì nhiều về các cuộc bầu cử bán phần ở Việt Nam, những cuộc bầu cử này vẫn là những bước tiến đáng kể. Sau bầu cử năm 1969, Việt Nam đã tiến thêm được một bước trên con đường dân chủ như đã đề ra trong bản hiến pháp năm 1967. Những thay đổi chính trị trong chế độ Việt Nam được thể hiện rõ ràng qua những thành quả kể từ mùa xuân năm 1966. Vào năm 1966, cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều là những người lãnh đạo quân sự, nắm quyền chẳng kể gì đến hiến pháp. Vào thời gian đó thì những người ủng hộ ông Thích Trí Quang và tướng Nguyễn Chánh Thi không hề ngần ngại nếu họ thấy phải cần dùng đến vũ khí để chống đối chánh quyền. Thế mà giờ đây, dù gì đi nữa thì ông Thiệu cũng là một vị tổng thống hợp hiến. Hơn nữa, dưới chánh quyền ông, những người đối lập chẳng hạn như những người trong đoàn thể Phật Giáo đang được quyền tranh cử. Nếu đây không phải là dân chủ nhìn theo đôi mắt của Hoa Thịnh Đốn thì ít ra đây cũng là một bước tiến đáng kể so với tình trạng trước đây. Khi đem so sánh chính phủ Việt Nam và chánh phủ Bắc Việt -Một chánh phủ mà nhiều người phản chiến, thiên tả và nhiều Thượng Nghị Sĩ "chuộng hòa bình" khác trong quốc hội Hoa Kỳ vẫn cho là tốt đẹp hơn- thì chẳng ai có thể lầm lẫn được những điểm khác biệt trong chế độ dân chủ của Miền Nam Việt Nam với một chế độ áp bức và giáo điều như chế độ Cộng Sản của Bắc Việt.

Vào ngày mùng 7 tháng 10, tổng thống Nixon lại lên đài truyền hình để thuyết phục dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ ông. Nếu trước đây ông đã khiến dư luận phải phẫn khích khi quyết định cho lệnh quân đội Hoa Kỳ tấn công ở Cam Bốt thì giờ đây ông có vẻ ôn hòa hơn. Ông đưa ra một đề nghị hòa bình bao gồm cả vấn đề ngưng bắn trên toàn cõi Đông Dương, vấn đề đem lại hòa bình cho tất cả mọi khu vực, vấn đề đơn phương rút quân của Hoa Kỳ và một kế hoạch ổn định tình hình chính trị ở Việt Nam phản ảnh đúng "hiện trạng của các lực lượng chính trị ở Việt Nam."

Điều khoản cuối cùng làm tôi lo lắng vì rằng lời tuyên bố hình như muốn ám chỉ việc Hoa Kỳ có thể sẽ chiều theo dư luận để ép buộc chính phủ Việt Nam phải chấp nhận những điều bất lợi. Nhưng tầm quan trọng thực sự của vấn đề là việc Hoa Kỳ đã công khai nêu lên nguyên tắc tự mình đơn phương rút quân. Họ đã kín đáo từ bỏ những đòi hỏi yêu cầu nếu Hoa Kỳ rút quân thì Bắc Việt cũng phải rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đây là một thay đổi quan trọng của chánh sách Hoa Kỳ cho thấy chính sách đánh và đàm của Bắc Việt đã mang lại ít nhiều kết quả hữu hiệu trong việc bắt buộc Hoa Kỳ phải nhượng bộ. Trước đây Hoa Kỳ đã đòi hỏi Bắc Việt phải rút quân sáu tháng trước khi Hoa Kỳ bắt đầu rút quân. Một thời gian sau đó, thì Hoa Kỳ nhượng bộ và chỉ đòi hỏi Bắc Việt phải rút quân cùng lúc với quân đội Hoa Kỳ và vào lúc này thì Hoa Kỳ tự động rút quân đơn phương mà chẳng cần đòi hỏi điều kiện gì từ Bắc Việt cả.

Một thời gian ngắn sau khi tổng thống Nixon nói chuyện trên đài truyền hình thì tôi lại nhận được điện thoại của ông Kỳ cho biết ông sẽ sang Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng 10. Lần này chuyến đi của ông Kỳ không còn dính dáng gì đến ông McIntire. Cuộc bầu cử bán phần ở Hoa Kỳ cũng vừa chấm dứt. Đây là một thời gian an toàn hơn lúc trước. Tôi lập tức đến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để chuẩn bị cho chuyến đi của ông Kỳ. Chẳng bao lâu sau một chương trình nghị sự chi tiết đã được soạn thảo. Chương trình viếng thăm của ông Kỳ bao gồm các cuộc họp với tổng thống Nixon và ông Kissinger, những cuộc gặp gỡ với Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia và một cuộc gặp gỡ khác với Ủy Ban Ngoại Giao của Thượng Viện. Những chuyện đáng nhớ nhất của lúc đó bao gồm cả chuyến thăm viếng nông trại của cựu Tổng Thống Johnson, bữa tiệc tiếp tân của Phó Tổng Thống Spiro Agnew tổ chức và buổi gặp gỡ với Thống Đốc Tiểu Bang California lúc bấy giờ là ông Ronald Reagan.

Vào ngày 24, Tổng Thống Nixon mời chúng tôi họp cuộc họp đầu tiên trong một bữa điểm tâm cùng với các ông Kissinger, Sullivan và Holridge. Phần nhiều thời giờ của buổi họp đó được dành vào việc duyệt lại tình hình. Ông Kỳ đưa ra những vấn đề khó khăn kinh tế nếu Hoa Kỳ rút quân. Đặc biệt là những khó khăn của các quân nhân và các công chức. Ông Kỳ cũng bàn luận tổng quát về những khó khăn trong tương lai.

Riêng về vấn đề chính trị thì ông Kỳ có nói rằng chính ông và ông Thiệu đã bàn luận vấn đề sửa đổi hiến pháp để thay đổi guồng máy chính quyền Sài Gòn. Khi ông Kỳ bắt đầu đưa vấn đề này ra thì Tổng Thống Nixon ngồi thẳng người dậy (cả tôi cũng thế) và tỏ vẻ vô cùng chú tâm. Ông hỏi thêm ông Kỳ về những cuộc bầu cử vào tháng 9 sắp tới: "Thế còn việc bầu cử năm 71 thì sao?" Tuy Tổng Thống Nixon tỏ ý hoan nghênh tất cả những hoạt động dân chủ của Việt Nam, ông cũng khuyên Việt Nam không nên có hành động nào phương hại đến sự ổn định của chánh phủ. Ông nói rằng nếu nhìn bằng con mắt của một người làm chính trị, ông đã thấy rõ ràng trong cuộc bầu cử năm 1971 ở Việt Nam sẽ có nhiều ứng cử viên khác biệt ra tranh cử. Tuy thế ông vẫn hy vọng là những cuộc bầu cử sắp tới sẽ không làm Việt Nam xáo trộn và mất ổn định. Rồi quay sang phía tôi, tổng thống Nixon nói tiếp: "Ông đại sứ Diễm đây cũng đồng ý rằng nếu chúng ta làm bất cứ việc gì khiến Việt Nam trở nên mất ổn định thì vấn đề viện trợ cho Việt Nam quả không thể nào thực hiện được." Ông Kỳ đã hiểu rõ những sự cảnh cáo ngấm ngầm trong câu nói của Tổng Thống Nixon và đáp lời rằng: Chắc chắn cuộc bầu cử sẽ diễn ra vô cùng êm đẹp. Nếu cần ông Kỳ có thể bỏ hết quyền lợi cá nhân để bảo đảm cuộc bầu cử được thành công.

Tổng Thống Nixon vừa dứt lời thì giờ điểm tâm cũng chấm dứt. Sau khi mọi người chia tay, ông Kissinger mời tôi và ông Kỳ cùng đến văn phòng của ông để tiếp tục thảo luận. Cũng như Tổng Thống Nixon, ông Kissinger hết sức quan tâm đến vấn đề chánh phủ Việt Nam có thể có những quyết định táo bạo trên phương diện chính trị. Ông Kissinger khuyên rằng những quyết định táo bạo của Việt Nam có thể sẽ làm chậm đi cuộc bầu cử và " làm suy nhược cơ cấu luật pháp căn bản của Việt Nam." Có lẽ ông Kỳ không khỏi buồn cười khi những lời phát biểu tùy hứng của ông lại làm cho những người lãnh đạo Hoa Kỳ lo âu đến thế, ông Kỳ nói thêm rằng: "Nói cho cùng thì đây cũng chỉ mới là một ý định thế thôi chứ thực sự ông Thiệu và tôi cũng chưa hề cùng nhau thỏa thuận điều gì." Khi đã bình tĩnh hơn, ông Kissinger tỏ vẻ hài lòng và nói rằng tuy chánh phủ Việt Nam nên có giải pháp mới để cải thiện, giới lãnh đạo Việt Nam cũng nên tìm cách để giữ cho Việt Nam hoạt động ở một mức tương đối ổn định. Ông đề nghị rằng chánh phủ Việt Nam nên tránh tất cả những hành động có thể đưa Việt Nam vào tình trạng xáo trộn và bất ổn.

Thực sự thì cuộc họp với tổng thống Nixon và ông Kissinger chẳng hề đưa lại kết quả gì đáng kể. Chính tôi cũng chẳng mong mỏi bất kỳ kết quả nào. Tuy thế phản ứng của Tổng Thống Nixon và ông Kissinger đối với câu phát biểu vô tình của ông Kỳ đã khiến tôi chú tâm về thái độ e ngại của Hoa Kỳ khi chánh phủ Việt Nam muốn có những sáng kiến thay vì để mặc Hoa Kỳ dìu dắt. Cả tổng thống Nixon lẫn ông Kissinger đều muốn tình trạng Việt Nam hoàn toàn ổn định (Danh từ ổn định đã nhiều lần được đưa ra) trong khi họ nỗ lực kéo Hoa Kỳ ra khỏi vũng lầy Đông Dương.

Sau ngày họp, ông Kỳ và tôi bay xuống Texas để thăm viếng tổng thống Johnson ở nông trại riêng của ông gần chỗ bờ sông Pedernales. Cả ông Walt Rostow và ông Bill Jorden cũng đến tham dự làm cho khung cảnh có vẻ như một buổi họp của những người bạn cũ. Cựu tổng thống Johnson lúc nào cũng ân cần nhưng vì không còn ở cương vị của một vị Tổng Thống, nên ông có vẻ trầm tĩnh hơn trước. Ông chở chúng tôi đi xem cảnh chung quanh nông trại và nói rằng ông vẫn thường xuyên theo dõi tin tức chiến cuộc Việt Nam. Ông hỏi ông Kỳ: Liệu những cuộc tấn công vào mùa khô của Việt Cộng năm nay sẽ tác hại ra sao.

Có lẽ đây là câu hỏi chiếm lĩnh đầu óc tất cả mọi người. Ngay ngay hôm qua, ông Kissinger cũng đã hỏi một câu hỏi in hệt. Chẳng phải cuộc tấn công của Bắc Việt trong mùa khô năm nay có gì khác biệt, nhưng vì Hoa Kỳ đã rút đi 200,000 quân và những binh lính trấn đóng ở Việt Nam càng ngày càng lâm vào thế thủ. Năm 1971 là năm thử thách của kế hoạch Việt Hóa Chiến Tranh. Câu hỏi chính không phải là kẻ thù sẽ hành động ra sao mà là: Quân Đội Việt Nam sẽ ứng phó thế nào.

Hoa Kỳ đã bắt đầu rút quân và giờ phút thử thách của Việt Nam càng ngày càng gần. Trong những tháng tới, những yếu tố chính góp phần định đoạt tương lai Việt Nam bao gồm những vấn đề chẳng hạn như sự ủng hộ của Hoa Kỳ sẽ ở tầm mức nào? Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ có thái độ ra sao? Sức mạnh của quân đội Việt Nam thực sự ra sao và Hoa Kỳ dự định đối phó thế nào với cuộc chiến ở Việt Nam.

Sau chuyến viếng thăm cựu Tổng Thống Johnson thì những ngày thăm viếng còn lại của ông Kỳ đi vút qua thật nhanh và đầu óc mọi người lại bị những yếu tố khác quan trọng hơn ảm ảnh. Tối đó bữa tiệc phó tổng thống Agnew tổ chức diễn ra hoàn toàn tốt đẹp. Ngoại trừ một câu hỏi bất ngờ của ông Agnew "Chúng ta phải làm thế nào để xâm nhập lãnh thổ của Bắc Việt?" Câu hỏi khiến tôi đâm lo về việc liệu đề tài này sẽ dẫn hai vị phó tổng thống đến đâu. Cả hai ông đều nổi tiếng về việc thiếu thận trọng. May thay, ông Kỳ cũng ngạc nhiên như tôi và đã yên lặng để câu hỏi của phó tổng thống Agnew trôi qua.

Sau khi dự tiệc, ông Kỳ đến họp với Ủy Ban Ngoại Giao của Thượng Viện. Lúc này cuộc họp với Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện có thể là một cuộc tranh luận khó khăn. Nhưng có lẽ vì nể mặt thượng nghị sĩ George Aiken là người tổ chức cuộc họp nên tuy đa số những nghị sĩ phản chiến như ông Church, ông Cooper, ông Mansfield, ông Fullbright, ông Kennedy đều có đến tham dự mà buổi họp vẫn không xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Ông Kỳ đã tỏ ra khéo léo về vấn đề ngoại giao hơn bao giờ và các thượng nghị sĩ hiển nhiên cũng không muốn đi xa quá trong việc tranh luận với ông Kỳ.

Khi đưa ông Kỳ qua bờ biển mé Tây trong chặng đường đầu trở lại Việt Nam, tôi cảm thấy vô cùng thơ thới. Chuyến thăm viếng của ông Kỳ thành công thật là mỹ mãn. Khi nhìn máy bay cất cánh và nhìn ánh đèn Hoa Thịnh Đốn mờ dần, tôi như người vừa trút được gánh nặng khỏi vai. Mười bảy năm sau, khi nhìn lại vấn đề tôi không khỏi lấy làm kỳ vì những nỗi sợ hãi của một diễn biến chẳng có gì khác hơn là một cuộc thăm viếng của một nguyên thủ quốc gia đối với một đồng minh khác. Tuy thế đây quả là một trong những lúc cực kỳ khó khăn. Một mặt thì bầu không khí ở Hoa Thịnh Đốn lúc đó đang căng thẳng. Mặt khác thì ông Kỳ lại là một người có hành động thất thường và tình thế lúc này đã khiến chúng tôi coi chuyến viếng thăm là một thành tích đáng kể, không làm gì tổn thất đến những mục tiêu cùng nỗ lực của cả hai chánh phủ.


Gọng Kềm Lịch Sử
32. Cuộc Độc Cử

Vào tháng 2 năm 1971, sau khi ông Kỳ từ Hoa Thịnh Đốn trở về Sài Gòn được khoảng sáu tuần thì kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh bắt đầu bước vào giai đoạn thử thách. Ngược hẳn với sự tiên đoán của tôi, sự thử thách không phải là những cuộc phòng thủ tự vệ mà lại là những cuộc tấn công của quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào quân đội Bắc Việt.

Tôi bắt đầu có linh cảm về những sự thử thách của Việt Nam khi nhận được điện văn của ông Thiệu vào ngày mùng 1 tháng 2 cho lệnh tôi phải ngưng công bố những tin tức chiến sự có liên quan đến Lào và Cam Bốt cho đến khi có lệnh mới. Nhiều ngày sau đó, tôi nhận được một bức điện văn bằng mật mã cho biết quân đội Việt Nam sắp sửa tấn công vào các đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào. Cuộc tấn công ở Lào sẽ được phối hợp để những đơn vị của Việt Nam ở đó có thể tấn công cùng lúc với một cuộc tấn công tương tự khác ở Cam Bốt. Trong cả hai cuộc tấn công vừa kể, quân đội Việt Nam sẽ tự điều động các cuộc hành quân. Tuy Hoa Kỳ vẫn yểm trợ nhưng trong cả hai cuộc tấn công đều không có cố vấn người Mỹ. (Nghị Quyết Cooper-Church ban hành vào cuối năm 1970 đã cấm các đội quân Hoa Kỳ không được hoạt động phía ngoài ranh giới Miền Nam Việt Nam) Vào ngày mùng 7, phụ tá của ông Thiệu là ông Hoàng Đức Nhã điện thoại xin tôi giúp ý kiến nếu Việt Nam cần phải trình bày các cuộc hành quân với giới báo chí. Việt Nam đặt mật danh cho những cuộc hành quân này là Lam Sơn 719.

Chiến dịch Lam Sơn chứng tỏ sự lạc quan của ông Thiệu và các tướng lãnh Việt Nam. Tuy tôi không được rõ nhiều chi tiết về những cuộc hành quân, sự lạc quan của họ không mấy làm tôi ngạc nhiên. Mới tháng 7 trước đây, tôi đã ở lại Việt Nam suốt một tháng trường để quan sát. Trong những chuyến đi qua nhiều vùng khác biệt, tôi đã cố gắng tự mình tìm hiểu tình hình. Ở gần như tất cả các vùng đi qua, tôi đều thấy rằng tinh thần chiến đấu của các binh sĩ Việt Nam rất cao. Ít ra là về mặt tinh thần họ cũng tự tin là họ có thể đối phó được với việc rút quân của Hoa Kỳ một cách dễ dàng. Tôi có cảm giác là có lẽ họ đã đi tới kết luận rằng nếu tình trạng bó buộc thì sự hiện diện của Hoa Kỳ cũng chẳng phải là điều cần thiết. Cuộc hành quân vào Cam Bốt lúc này quả là một niềm khích lệ đối với họ. Dĩ nhiên trong cuộc hành quân đó, Hoa Kỳ vẫn còn hỗ trợ phần nào, nhưng quân đội Việt Nam đã chứng tỏ được rằng những đơn vị của họ hoàn toàn tự chủ. Khi cuộc hành quân kết thúc họ cảm thấy họ trở về như những người hùng đã chinh phục được Cam Bốt.

Sau khi kết thúc chuyến đi thăm những nơi quân đội Việt Nam đóng quân, tôi đã thấy tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam rất cao. Tuy thế tôi vẫn lo lắng chẳng hiểu quân đội Việt Nam có được huấn luyện đúng mức hoặc có được trang bị vũ khí đầy đủ hay chưa? Sở dĩ tôi lo lắng như vậy là vì tôi đã có dịp chứng kiến những cách làm việc tắc trách về phía Hoa Kỳ kể từ sau cuộc họp thượng đỉnh ở Midway. Thực ra thì sau cuộc họp ở Midway, quốc hội Hoa Kỳ có lập ra một Ủy Ban đặc trách để theo dõi các chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh. Tuy trên thủ tục thì Ủy Ban đặc trách này bao gồm cả các nhân viên của Tòa Bạch Ốc, của Ngũ Giác Đài, của tình báo CIA và của Bộ Ngoại Giao, nhưng trên thực tế thì vấn đề lại khác hẳn. Hoạt động của Ủy Ban đặc trách Việt Nam Hóa Chiến Tranh không hề có kế hoạch gì nhất định cả. Tuy cứ hai tuần lại có một lần họp, nhưng kỳ thật thì chẳng có gì đáng gọi là kế hoạch hoặc kỹ thuật tổ chức. Vấn đề Việt Nam Hóa Chiến Tranh tuy quan trọng là thế mà Hoa Kỳ vẫn chẳng chỉ định nhân vật nào làm người đứng đầu tổ chức. Theo dự định của Ủy Ban đặc trách thì đáng nhẽ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ phải đứng ra điều động chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh, nhưng trên thực tế thì Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ chỉ theo dõi một cách lơ là và chính tướng Creighton Abrams, người thay thế tướng Westmoreland vào năm 1968, cùng ông Cao Văn Viên và ông Thiệu đã phải đứng ra tự điều động một phần các kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh. Cách tổ chức lỏng lẻo này vừa thiếu hẳn những mục tiêu nhất định lại vừa thiếu phối hợp vì thế tầm mức hữu hiệu của chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh thật là khó đoán. Dĩ nhiên vẫn có những lớp huấn luyện cùng những đợt chuyển giao vũ khí nhưng ngoài những điểm tổng quát như vậy hình như chẳng còn gì đáng kể.

Cuộc hành quân Lam Sơn bắt đầu vào ngày mùng 8 tháng 2-1971. Ngay hôm sau đó, tôi đến Ngũ Giác Đài vừa để nghe tin tường trình, vừa để kiểm lại những tin tức tôi đã thâu nhận được từ Sài Gòn và cũng vừa là để xem giới quân sự Hoa Kỳ suy xét ra sao. Lúc đến nơi tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào khi thấy Hoa Kỳ có vẻ lạc quan đối với diễn tiến cuộc hành quân. Tình hình chiến sự Việt Nam đang tiến triển khả quan so với những mục tiêu chiến dịch Lam Sơn đặt ra. Tuy rằng cuộc tiến quân có phần hơi chậm, quân đội Việt Nam vẫn chưa gặp phải khó khăn nào đáng kể.

Khoảng một hai ngày sau, tin tức từ Sài Gòn cho thấy mọi sự vẫn tiến hành tốt đẹp và rồi sau đó tôi chẳng còn nhận được tin tức gì. Mặc dầu tôi đã đánh điện và yêu cầu Sài Gòn cho tôi biết rõ rệt chi tiết mà vẫn chẳng có tin tức gì của Sài Gòn cả. Tình trạng im lặng trái ngược vào lúc này so với những tin tức ồ ạt lúc đầu quả là kỳ quái. Tin tức từ Ngũ Giác Đài cho biết rằng quân đội Việt Nam đã gặp khó khăn gần tỉnh Tchepone nguyên là mục tiêu chính của cuộc hành quân và cũng là nơi Việt Cộng đặt căn cứ. Nhưng dường như cả Ngũ Giác Đài cũng không có tin tức gì rõ rệt về những khó khăn của quân đội Việt Nam.

Dần dà, qua những tin tức của Ngũ Giác Đài, của báo chí, và những tin tức từ Sài Gòn, tình hình chiến sự ngày càng rõ rệt. Bắc Việt đã tăng cường quân đội ở TChepone và khiến quân đội Việt Nam phải chịu nhiều tổn thất, nhưng vào ngày 8 tháng 3, trước khi lui về biên giới, quân đội Việt Nam đã tìm cách chiếm được Tchepone. Vì áp lực liên tục của Bắc Việt, tại vài nơi cuộc rút lui đã gặp khó khăn. Tuy thế, ở nhiều nơi khác những đơn vị Việt Nam đã mở đường rút lui vô cùng can đảm. Trong khi đó thì ở Hoa Kỳ, đài truyền hình đã chiếu những đoạn phim tài liệu quay cảnh binh sĩ Việt Nam đang bám vào những chiếc trực thăng tản cư. Những khúc phim đó đã đơn giản hóa vấn đề quá mức và hoàn toàn bóp méo sự thật. Hậu quả là những người xem phim đã có ấn tượng khó phai rằng quân đội Việt Nam đã hoàn toàn thất bại. Riêng về phương diện quân sự thì phản ứng đối với cuộc hành quân Lam Sơn thật là phức tạp. Một mặt thì một vài giới chức quân sự Hoa Kỳ đã lên án rằng quân đội Việt Nam chưa tấn công hết sức, nhưng trái lại, những giới chức quân sự Việt Nam lại cho rằng những ủng hộ không lực của Hoa Kỳ chỉ lúc có lúc không và không hoàn toàn hữu hiệu.

Vào giữa tháng 3 1971, thì cuộc tấn công Lam Sơn hoàn toàn kết thúc. Những phân tách gia bắt đầu tính toán, cân bằng những tổn thất nhân mạng, vật liệu và tinh thần của Việt Nam cùng những tổn thất của các hệ thống tiếp vận của Bắc Việt.

Bất kể là phản ứng về cuộc hành quân Lam Sơn phức tạp ra sao đối với giới quân sự, nhưng riêng về mặt dân sự thì phản ứng của dân chúng Hoa Kỳ thật là rõ rệt: Cuộc hành quân Lam Sơn đã khơi lại những sự chống đối vẫn còn âm ỉ trong dư luận Hoa Kỳ. Chống đối nổ bùng ngay vào lúc bắt đầu có tin tức về cuộc hành quân Lam Sơn. Càng ngày chống đối càng mãnh liệt và tiếp tục dâng cao đến cả nhiều tuần lễ sau khi cuộc hành quân Lam Sơn đã hoàn toàn chấm dứt. Vào ngày 24 tháng 4, gần 200,000 người chống đối tụ họp ở Hoa Thịnh Đốn và bắt đầu biểu tình suốt một tuần lễ ngay trên các đường phố. Trong giai đoạn này, hai nhân viên của chính quyền Việt Nam là ông Nguyễn Văn Huyền, chủ tịch Thượng Viện và ông Trần Văn Lắm Bộ Trưởng Ngoại Giao cũng có mặt ở Hoa Thịnh Đốn. Nhân cơ hội họ đang ở Hoa Kỳ tôi bèn hướng dẫn họ để họ có thể tự nhìn thấy những sự chống đối đã làm rung chuyển Hoa Thịnh Đốn từ nhiều năm qua. Chúng tôi cùng nhau lái quanh vòng đai phía ngoài những cuộc biểu tình trên một chiếc xe Buick màu nâu xám để tránh sự chú ý. Tôi cố lách đến sát chỗ những cuộc biểu tình để cho hai ông Huyền và Lắm có dịp thấy rõ những y phục rách rưới, những khuôn mặt căm phẫn của những người biểu tình và những khuôn mặt lầm lỳ, lạnh lùng của các Vệ Quốc Binh đứng giữ trật tự. Cả ông Huyền lẫn ông Lắm đều hết sức kinh ngạc. Vì cả hai ông vừa là bạn tôi lại vừa là những nhân vật quan trọng trong chính phủ, nên trước đây họ đã nhiều lần nghe tôi tường trình về những cuộc biểu tình dữ dội ở Hoa Kỳ. Tuy thế, sự kinh ngạc của họ cho thấy những điều họ được nghe lúc trước quả thật chưa thấm thía gì với những điều họ đang thấy lúc này.

Vào ngày 3 tháng 5-1971, số cảnh sát cùng vệ quốc binh canh gác ở Hoa Thịnh Đốn lên đến 10,000. Số người chống đối bị bắt lên đến cả trăm. Ngay ngày hôm sau trong một cuộc diễn hành đi về phía quốc hội Hoa Kỳ, lại có nhiều người khác bị bắt. Vào ngày 6 tháng 5-1971, cảnh sát bao quanh tòa đại sứ để ngăn chận một cuộc bao vây do những người chống đối tổ chức. Tuy cuộc bao vây thất bại, chúng tôi vẫn chẳng thấy tâm thần an ổn thêm được chút nào. Và rồi khoảng một thời gian ngắn sau đó thì những cuộc chống đối trở thành hỗn loạn và bạo động. Cuối cùng, tình trạng bạo động quá khích của các nhóm phản chiến đã khiến dân chúng Hoa Kỳ mất cảm tình với các cuộc chống đối. Nhũng người theo dõi sát tình hình lúc đó có thể thấy thống kê ủng hộ tổng thống Nixon có phần tăng. Nhưng tất cả những mức độ tăng giảm của các diễn biến đều chỉ là những biến chuyển tạm thời. Trong một bản tường trình dài gửi cho ông Thiệu vào ngày 14 tháng 5, năm 1971, lúc ghi lại những biến cố trong giai đoạn này tôi đã viết như sau: Hình ảnh nổi bật ở Hoa Thịnh Đốn lúc này là quang cảnh hàng ngàn sinh viên mang cờ Việt Cộng cùng những hình ảnh của 10,000 binh lính Hoa Kỳ được lệnh giữ trật tự đang tụ tập khắp nơi trên các đường phố. Tối đến Ti Vi lần lượt chiếu lại tất cả những quang cảnh chống đối ban ngày. Dĩ nhiên cảnh tượng không khỏi làm người dân Hoa Kỳ đặt câu hỏi: -Chừng nào cuộc chiến mới kết thúc? Câu hỏi ám ảnh này sẽ khiến một người dân Hoa Kỳ bình thường kết luận rằng Hoa Kỳ nên từ bỏ cuộc chiến Việt Nam hơn là tiếp tục. Hình ảnh chống đối luôn luôn ám ảnh tổng thống Nixon khi ông suy nghĩ về tương lai chiến cuộc Việt Nam... Trong khi đó những đoàn thể phản chiến lại quan niệm rằng việc rút quân của Hoa Kỳ vào lúc này thật đã quá muộn. Bây giờ thì câu hỏi ngắn gọn của họ chỉ là: -Chừng nào mới chấm dứt chiến tranh? Hay nói một cách khác thì thái độ của họ là: -Chúng tôi không cần biết hậu quả ra sao, miễn là chiến tranh phải chấm dứt.

Thật sự thì sau khi những cuộc biểu tình chống đối vào tháng 4 và đầu tháng 5-1971 giảm xuống, một ý nghĩ tai hại đã len lỏi vào đầu óc dân chúng Hoa Kỳ. Bất kể mục tiêu ngoại giao của Hoa Kỳ thế nào, bất kể những khát khao của những người Việt Nam muốn sống tự do ra sao, bất kể tất cả các cách lý luận từ bất kỳ quan niệm nào, đối với nhiều người dân Hoa Kỳ, cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến hoàn toàn sai lầm.

Đối với tôi thì quan niệm này thật là lệch lạc. Cứ nhìn vào lịch sử hiện đại để so sánh thì trước khi các nước ở Âu Châu tham gia thế chiến thứ hai để chống lại Hitler và Đức Quốc Xã, ở Âu Châu cũng đã có những cuộc biểu tình chống chiến tranh chẳng khác gì những cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Hoa Kỳ lúc này. Nếu so sánh những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam lúc này với những cuộc biểu tình trong thập niên 1930 ở Âu Châu và nhìn vấn đề theo một quan niệm lịch sử thì những cuộc biểu tình chống chiến tranh lúc này quả không khác gì những cuộc biểu tình chống chiến tranh của dân chúng Âu Châu lúc trước. Tuy thế trong sự so sánh đó có một điểm khác biệt quan trọng duy nhất đáng kể là trong thập niên 1930 nếu Anh và Pháp khoanh tay thì sự khoanh tay của họ chẳng khác nào tự vẫn. Nhưng hiện giờ, những cuộc biểu tình của các nhóm phản chiến chỉ đe dọa vấn đề sinh tử của một mình Việt Nam mà thôi, còn Hoa Kỳ thật ra chẳng hề hấn gì. Viễn tượng hãi hùng khi so sánh cảnh tượng đệ nhị thế chiến với chiến cuộc Việt Nam là khi Đệ Nhị Thế Chiến xảy ra, Âu Châu còn có Hoa Kỳ đứng sau hậu thuẫn cứu giúp. Nhưng đối với hoàn cảnh của Việt Nam lúc này thì chẳng có quốc gia nào đứng sau để cứu giúp Việt Nam nếu Hoa Kỳ rút đi cả.

Tôi biết rằng dầu sớm, dầu muộn, những đề tài của các nhóm phản chiến trong dư luận cũng sẽ ảnh hưởng các quyết định của quốc hội Hoa Kỳ. Vào ngày 15 tháng 5 năm 1971, tôi đã điện cho ông Thiệu như sau: "Hiện giờ những người chống đối chiến tranh đặt vấn đề một cách hết sức rõ rệt là: "Bao giờ thì chấm dứt chiến tranh?" chứ không phải là "Phải chấm dứt chiến tranh bằng cách nào?" Những tổ chức thiên tả và phản chiến năm nay đã khôn ngoan vận động sự thiếu kiên nhẫn của nhân dân Hoa Kỳ. Họ cũng khéo léo lợi dụng những khía cạnh về nhân đạo và luân lý của chiến cuộc Việt Nam."

Lúc này, những nhóm phản chiến không những chỉ đặt áp lực vào tổng thống Nixon mà còn cả vào quốc hội nữa. Tôi viết cho ông Thiệu rằng: "Nỗ lực của những nhóm phản chiến sẽ khiến chánh phủ Hoa Kỳ gặp phải rất nhiều khó khăn vì [những sự chống đối này sẽ ảnh hưởng quốc hội trực tiếp và] quốc hội bao giờ cũng nắm quyền tối thượng trong việc định đoạt ngân sách quốc gia... Nói tóm lại thì trong giai đoạn kế tiếp chính quyền Nixon sẽ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Chính quyền Nixon sẽ phải đối phó với dư luận và các phong trào phản chiến được tổ chức rất kỹ lưỡng."

Trong tất cả những lời khuyến cáo tôi gửi về chẳng có điều nào có thể gọi là quá xa sự thực. Vào mùa xuân năm 1971, quốc hội Hoa Kỳ đưa ra một loạt các đạo luật nhằm giảm thiểu khả năng giúp đỡ Việt Nam của chánh phủ Nixon. Các đạo luật giới hạn ngân sách chi tiêu cho các cuộc hành quân ở Lào và Cam Bốt rồi thì các đạo luật cắt hẳn những ngân sách đó, và sau cùng là các đạo luật bắt buộc Hoa Kỳ phải rút hết quân ở Việt Nam về. Tôi đã tham gia vào những trận chiến này, vận động, tranh luận vấn đề, trình bày lập trường và cố làm tất cả mọi việc để lật ngược thế cờ. Nhưng càng ngày tình trạng càng khắc nghiệt và số người ủng hộ Việt Nam giảm dần. Vào ngày 22 tháng 2, Đảng Dân Chủ đã đưa ra một quyết nghị yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ phải rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1972. Tuy rằng nghị quyết này chưa ép buộc được chánh phủ Nixon phải rút quân ngay, nghị quyết đó đã chuyển chiến cuộc Việt Nam thành một đề tài tranh chấp giữa hai đảng dân chủ và cộng hòa. Sau bốn tháng vật vã kế tiếp, chính thượng viện thông qua một quyết nghị đòi hỏi chánh phủ phải rút quân "càng sớm càng tốt." Mỗi ngày tôi lại mỏi mòn thêm vì mất dần đi ít nhiều ủng hộ và mỗi đêm tôi lại cố trình bày những kinh nghiệm tôi đang trải qua hàng ngày trong các bức điện gửi về Sài Gòn.

Khi tình trạng chống đối ở Hoa Kỳ ngày càng sôi sục thì lại có một vấn đề khó khăn khác từ từ xuất hiện: Cuộc bầu cử tổng thống Việt Nam dự trù vào tháng 9 đã gần kề. Vào ngày 14 tháng 5, sau khi tôi đã gửi cho ông Thiệu một bức điện văn dài:

Theo những nhận định chính trị ở Hoa Thịnh Đốn lúc này thì Hoa Kỳ đang chú tâm vào cuộc bầu cử ở Việt Nam. Hiện tại có hai dư luận nổi bật hoàn toàn khác biệt: Ý kiến thứ nhất cho rằng Hoa Kỳ nên gửi những phái đoàn quan sát viên với mục đích ngấm ngầm ngăn cản Hoa Kỳ vận động để ủng hộ tổng thống khi tổng thống ra ứng cử. Dự định này được gọi là Kế Hoạch Bầu Cử Việt Nam. Trái lại dư luận thứ hai lại cho rằng đây là một vấn đề riêng của nội bộ Việt Nam. Cả hai ông Sullivan cùng ông Holdridge đều đã hứa rằng Hoa Kỳ sẽ phối hợp với chúng ta trước khi có thái độ rõ rệt.

Thực sự thì chánh phủ Hoa Kỳ đã chú ý đến cuộc bầu cử ở Việt Nam từ đầu tháng 4. Trong lúc những cuộc biểu tình đang được tổ chức rầm rộ ở thủ đô Hoa Kỳ thì thực sự Hoa Kỳ không có thời giờ để chú tâm đến những vấn đề nội bộ của Việt Nam, nhưng một khi những cuộc biểu tình đã lắng xuống thì chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải trở lại lo về vấn đề này. Những chống đối chiến cuộc ngày càng tăng đã khiến Hoa Kỳ hoặc ít ra là một số nhân viên trong chánh phủ Hoa Kỳ ngày càng chú tâm vào vấn đề Việt Nam. Vào ngày 14, tôi đã điện về Sài Gòn như sau:

Nói tóm lại, nhiều nhân viên ở tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao đã hy vọng tổng thống chú tâm vào những vấn đề liệt kê phía dưới. Tất cả đều đồng ý rằng đây là những vấn đề có ảnh hưởng nhiều đến dư luận dân chúng Hoa Kỳ.

1. Khả năng của quân đội Việt Nam.

2. Thể thức bầu cử của Việt Nam.

3. Tham nhũng.

4. Vấn đề thuốc phiện.

5. Nỗ lực của Việt Nam trong việc liên lạc với giới báo chí quốc tế để tránh chỉ trích và gây ấn tượng tốt với thế giới.

Chính quyền Sài Gòn đã bắt tay vào tất cả những vấn đề tôi liệt kê trừ vấn đề soạn thảo các thể thức bầu cử. Thể thức bầu cử chắc chắn sẽ là mục tiêu chính cho mọi sự chú ý và theo dõi của dư luận Hoa kỳ. Vì nắm giữ vai trò vận động và liên lạc với các đoàn thể, tôi quan niệm rằng, cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh dân chủ của chánh phủ Việt Nam đối với cả Hoa Kỳ lẫn thế giới. Từ trước đến nay, Hoa Kỳ lúc nào cũng chú tâm vào những tệ trạng của chánh phủ Việt Nam, nhất là vấn đề tham nhũng và vấn đề đàn áp. Thật ra thì những chỉ trích về vấn đề tham nhũng cũng có phần đúng nhưng những chỉ trích của Hoa Kỳ về vấn đề đàn áp có vẻ quá khắc nghiệt. Còn về những tiến triển khả quan của chế độ Việt Nam chẳng hạn như vấn đề dân chủ vẫn phát triển trong khung cảnh chiến tranh thì lại không thấy những người chỉ trích hoặc chống đối ở Hoa kỳ nhắc nhở gì đến.

Riêng đối với tôi thì từ một vị trí cách xa Việt Nam quá nửa quả địa cầu, tôi thấy dường như những diễn biến chính trị ở Việt Nam đang cùng một lúc đi vào hai ngã. Một mặt những tiến triển cho thấy Việt Nam càng ngày càng biến dần để trở thành một chánh phủ dân chủ hợp hiến. Mới đây Việt Nam lại chứng tỏ điều này qua cuộc bầu cử Thượng Viện. Tại cả Thượng lẫn Hạ viện đều có những nhân vật chống đối chánh phủ đắc cử. Một trong những nhân vật chống đối điển hình đã đắc cử là ông Trần Văn Tuyên, giáo viên dạy tôi ở trường trung học Thăng Long cùng thời với ông Võ Nguyên Giáp. Kể từ năm 1966, các biến cố chính trị ở Việt Nam cho thấy chánh phủ Việt Nam đang cải thiện để tiến tới một chánh phủ hoàn toàn dân chủ.

Nhưng nếu nhìn qua một khía cạnh khác thì bên trong chánh phủ Việt Nam vẫn còn nạn bè cánh và tranh chấp. Nguyên do chính gây ra vấn đề này là bản tính thích quyền uy của ông Thiệu. Ông Thiệu lúc nào cũng muốn có quyền lực cá nhân và luôn nghi ngờ tất cả những người toan tính giới hạn quyền lực của ông. Tuy ông chính là tổng thống đắc cử của một nước dân chủ mà lề lối làm việc của ông lại không dân chủ chút nào. Những người do chính phủ ông thâu nhận đa số đều nhu nhược và thiếu khả năng. Và chính vì thế nên họ ít khi dám chống đối ông. Chính họ đã khiến thế giới bên ngoài nhìn vào chánh phủ Việt Nam như một chánh phủ lúc nào cũng thụ động và bất lực. Đã thế, ngay cả trong quân đội ông Thiệu cũng dùng người dựa trên quan điểm trung thành với ông hơn là tài năng. Hậu quả là những viên tướng bất tài đã lãng phí rất nhiều tài năng, lòng can đảm và nếu không nói đến cả tính mạng của những binh sĩ dưới quyền họ.

Đối với Hoa Kỳ là một nước đã đóng góp cả tài nguyên lẫn sinh mạng của binh sĩ cho Việt Nam thì những khía cạnh xấu của Việt Nam lúc nào cũng nổi bật còn những khía cạnh tốt đẹp thì lúc nào cũng mù mờ khó thấy. Vì tôi đang cùng làm việc với những dân biểu, Thượng Nghị Sĩ của quốc hội Hoa Kỳ nên tôi biết rằng cuộc bầu cử năm 1971 sẽ là một biến cố vô cùng quan trọng. Cuộc bầu cử này chính là cơ hội để Việt Nam có dịp thể hiện tính cách dân chủ của chính phủ Việt Nam. Nếu có một cuộc bầu cử công bằng, chính trực, Việt Nam sẽ gạt bỏ được tất cả những chỉ trích lên án việc Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ cho Việt Nam là việc sai lầm.

Vào tháng tư, tôi được tin là ông Kỳ sẽ đứng ra tranh cử với ông Thiệu. Tin tức cũng nói rằng Tướng Minh, người đảo chánh ông Diệm năm 1963 cũng dự định ra tranh cử. Rồi vào ngày 2 tháng 7-1971, quốc hội Việt Nam bắt đầu bàn luận về vấn đề luật lệ bầu cử. Theo hiến pháp năm 1967 thì cứ bốn năm lại có một cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng hiến pháp lại chưa quy định rõ rệt thể thức bầu cử. Lúc này quốc hội đang bàn luận chi tiết các thể thức này. Vào ngày 22 tháng 7, quốc hội thông qua một đạo luật đòi hỏi các ứng cử viên phải thâu thập được chữ ký của 40 người trong quốc hội hoặc chữ ký của 100 nhân viên trong các Hội Đồng địa phương. Đạo luật này có thể được coi là một âm mưu của ông Thiệu nhằm mục đích gạt bỏ những ứng cử viên đứng ra tranh cử với ông. Việc ban hành đạo luật đã khiến cuộc bầu cử mất đi tính chất công bằng. Tin tức chưa ghi rõ rệt ông Kỳ và tướng Minh có hội đủ tiêu chuẩn hay không nhưng việc ban hành đạo luật đã khiến mọi người thấy rõ ông Thiệu đang vận động ráo riết để có thể tái đắc cử. Tin tức ngày càng lan rộng về việc ông Thiệu đã dùng cả những phương pháp dọa nạt và hối lộ đối với nhiều dân biểu quốc hội.

Nhưng chỉ vài hôm sau thì tuy bị những điều khoản trong đạo luật bầu cử mà quốc hội Việt Nam vừa ban hành cản trở, tướng Minh đã tìm được cách hội đủ tiêu chuẩn. Riêng ông Kỳ thì lại không hội đủ tiêu chuẩn. Quá phẫn khích, ông Kỳ đòi hỏi tối cao pháp viện xét lại tính chất hợp pháp của đạo luật bầu cử do quốc hội ban hành. Thấy những diễn biến ngày càng phức tạp, tướng Minh đã bắt đầu ngần ngại về việc đứng ra tranh cử. Tuy lúc này thời gian hãy còn quá sớm để kết luận mọi việc, tôi bắt đầu cảm thấy thất vọng. Tôi đã hy vọng cuộc bầu cử sẽ mang lại phần nào những ấn tượng tốt đẹp có thể dùng vào việc ảnh hưởng các quyết định của quốc hội Hoa Kỳ. Thế nhưng diễn biến lúc này cho thấy những vận động rõ rệt của ông Thiệu đã làm cho bộ mặt của Việt Nam trên chính trường quốc tế trở nên khó coi.

Vào ngày 12 tháng 7, cố vấn của ông Thiệu là ông Hoàng Đức Nhã đến Hoa Thịnh Đốn để lượng định phản ứng của Hoa Kỳ. Ông Nhã ở lại một tuần với tôi và tôi đã dẫn ông đến gặp các giới trong chánh phủ và các dân biểu, Thượng Nghị Sĩ của Hoa Kỳ. Ông Nhã nói tiếng Anh rất lưu loát và là người thông minh. Vì đã tốt nghiệp ở một đại học ở Hoa Kỳ, ông Nhã hiểu rõ Hoa Kỳ hơn đa số những người Việt Nam khác. Tuy cách đặt vấn đề một cách thẳng thắn của ông đã khiến nhiều người cho rằng ông quá tự kiêu, tôi lại thấy ông dễ nói chuyện và rất cởi mở. Tôi tin rằng ông Nhã sẽ nhìn thấy ngay tầm mức quan trọng của việc cần phải có một cuộc bầu cử công bằng. Và tôi cũng tin rằng ông Nhã sẽ trình bày rõ rệt những nhận định này với ông Thiệu.

Đối với tôi, ông Nhã là người trung gian giữa tôi và ông Thiệu và tôi cũng khá hiểu ông Nhã để tin ông sẽ thận trọng trong vai trò tế nhị này. Nhưng tôi cũng biết rõ vị trí của tôi là một vị trí hết sức khó khăn. Quá trình liên hệ giữa tôi và ông Kỳ, cộng thêm những nghi ngờ của riêng ông Thiệu đối với tôi đã khiến những nhận định của tôi về cuộc bầu cử có thể bị giảm bớt đi ít nhiều giá trị. Trong quá khứ, tôi đã từng trải qua quá nhiều kinh nghiệm tranh chấp giữa ông Thiệu và ông Kỳ vì vậy trong những năm về sau này, lúc nào tôi cũng cố tránh không để bị vướng vào những sự mâu thuẫn và xích mích giữa ông Kỳ và ông Thiệu. Thật ra thì đã rất nhiều năm qua tôi không hề suy nghĩ thiên lệch chút nào giữa ông Thiệu và ông Kỳ. Vì hoạt động xa Sài Gòn, tôi không còn chú tâm đến những đụng độ cá nhân giữa các nhân vật Việt Nam nữa. Suy tư của tôi đã chuyển hẳn vào sự liên hệ của Việt Nam đối với Hoa Kỳ và các ảnh hưởng của sự liên hệ này đối với vấn đề sống còn của Việt Nam. Bởi vậy, sau khi ông Nhã ra về, tôi đã ngồi lại quan sát, phát biểu rất ít và chẳng hề quan tâm (ít nhất thì tôi cũng có cảm giác là vậy) đến việc yêu cầu được gọi về để tham khảo ý kiến. Ngay cả khi ông Kỳ còn đang dằng co kiện cáo trước tòa, tôi đã dẫn gia đình đi nghỉ mát một tuần ở Haiti.

Lúc tôi trở về thì Tối Cao Pháp Viện Việt Nam phán xét rằng đạo luật ban hành về việc bầu cử hoàn toàn hợp lệ. Như vậy ông Kỳ không hội đủ tiêu chuẩn để ra tranh cử. Sau quyết định của Tối Cao Pháp Viện Việt Nam, đại sứ Ellsworth Bunker trở lại Hoa Thịnh Đốn để tham khảo ý kiến. Thường thường mỗi khi trở về, đại sứ Bunker hay cùng tôi ăn trưa và chuyện trò rất lâu về những diễn biến đang xảy ra. Lần này tôi rất mong được gặp ông Bunker để tìm hiểu rõ tình hình Sài Gòn. Vào ngày 13 tháng 8-1971, tôi đã đến Bộ Ngoại Giao để gặp ông Bunker và ông Sullivan. Ngay sau đó, tôi đã gặp riêng ông Bunker. Cả hai ông Bunker, Sullivan và tôi đều lo ngại về những biến chuyển mới của cuộc bầu cử ở Sài Gòn mà giờ đây người ta đã bắt đầu gọi là cuộc độc cử. Vào ngày 14 tháng 8 tôi điện cho ông Thiệu:

Tôi vừa mới nói chuyện với hai ông Bunker và Sullivan trong mấy ngày qua. Trong lúc nói chuyện, cả hai ông đều lo rằng cuộc bầu cử ở Việt Nam sẽ chỉ có một ứng cử viên trong đó mà thôi. . . . Họ suy luận rằng nếu trường hợp này xảy ra thì quốc hội cùng nhân dân Hoa Kỳ sẽ có cơ hội tha hồ chỉ trích và Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi xin viện trợ. Họ cũng nói rằng tuy chánh phủ Hoa Kỳ là cơ quan hành pháp, nhưng ngân sách của Hoa Kỳ thật sự nằm trong tay quốc hội, nhất là trong tình cảnh hiện thời, những suy nghĩ của quốc hội Hoa Kỳ thật là vô chừng, khó đoán. Mới đây, Hạ viện cũng đồng ý với thượng viện từ chối không viện trợ quân sự cho Pakistan và Hy Lạp. So với một năm trước đây thì việc quốc hội quyết định như vậy thật khó thể tưởng tượng. Vì thế chánh phủ Hoa Kỳ đang dự định gửi một phái đoàn quan sát viên sang Việt Nam để theo dõi cuộc bầu cử. Tuy thế, đa số dân biểu đều cho rằng Hoa Kỳ chẳng nên gửi phái đoàn quan sát nào sang Việt Nam cả...

Về điểm này thì tôi cũng nhận xét thấy rằng những quan niệm của ông Bunker và ông Sullivan về cuộc bầu cử lại không phản ảnh toàn thể ý kiến của Hoa Kỳ. Ít ra thì đây cũng là những điều tôi cảm thấy khi gặp ông John Holdridge, phụ tá của ông Kissinger vào ngày 18. Qua ông Holdridge tôi thấy rõ rằng ông Kissinger đã xem vấn đề bầu cử hoàn toàn là vấn đề thứ yếu so với vấn đề phải có một tình hình "ổn định" ở Việt Nam. Về sau, chính ông Kissinger cũng xác nhận những suy nghĩ của tôi. Ông đã viết trong hồi ký rằng: Tuy những vận động của ông Thiệu "thiếu sáng suốt... cả tổng thống Nixon lẫn tôi đều không có ý định bỏ rơi ông Thiệu; Thật ra thì cắt bỏ viện trợ kinh tế và quân sự tức là vô hình chung hành động để hỗ trợ Bắc Việt. Chúng tôi cho rằng tiếp tục ủng hộ chánh quyền Sài Gòn thật sự không phải là một đặc ân dành cho ông Thiệu mà thật ra là hành động theo chiều hướng lợi ích quốc gia [đối với Hoa Kỳ]."

Thực ra thì trong giai đoạn này, ông Kissinger vẫn đang cố xoay sở để thực thi những kế hoạch ngoại giao của chính phủ Nixon. Lúc này ông Kissinger mới vừa bắt đầu mở màn đàm phán bí mật cùng Bắc Việt và đang sửa soạn để đàm phán với Trung Hoa. Vì vậy ông Kissinger chẳng muốn gì hơn là có một Việt Nam hoàn toàn ổn định. Theo cách nhìn của ông Kissinger thì cuộc bầu cử là một biến cố rủi ro, "khởi nguồn của những sóng gió bấp bênh và bất định." Nhưng vì đã chọn ủng hộ ông Thiệu và làm lơ trước những thao túng quyền hành của ông Thiệu, ông Kissinger đã vô tình chào đón cuộc độc cử của Việt Nam. Cuối cùng, diễn biến cho thấy trong tất cả các quyết định, quyết định làm lơ trước những vận động của ông Thiệu là quyết định tai hại nhất khiến Việt Nam suy sụp. Thực tình thì từ lúc đó cho đến bây giờ tôi vẫn cho là ông Kissinger thiếu sáng suốt.

Ngày 19 tháng 8, ngay ngày kế tiếp sau khi tôi gặp ông Holdridge thì tin tức từ Sài Gòn cho biết ông Minh đã tự động rút lui khỏi cuộc bầu cử. Rồi vào ngày 21, Tối Cao Pháp Viện Việt Nam chuyển đổi lại quyết định lúc trước, tuyên bố rằng thật ra ông Kỳ hội đủ điều kiện để ra tranh cử. Tuy thế, hai ngày sau ông Kỳ lại tuyên bố không ra tranh cử nữa. Vì cả ông Kỳ lẫn tướng Minh đều đã thấy rõ việc ông Thiệu quyết tâm kềm chế cuộc bầu cử, nên họ cho rằng nếu họ có đứng ra tranh cử thì cũng chỉ là cố làm một việc vẫy vùng vô hiệu. Vào ngày 2 tháng 9, ông Thiệu tuyên bố tuy không có ứng cử viên nào đứng ra tranh cử với ông, cuộc bầu cử Tổng Thống ở Việt Nam vẫn tiến hành như dự định.

Những tuyên bối của ông Thiệu đã kết thúc tiến trình dân chủ ở Việt Nam. Viễn tượng (và chẳng bao lâu sau viễn tượng này biến thành sự thật) độc cử đã khiến dân chúng Việt Nam cho rằng quan niệm dân chủ không phải là một quan niệm thực tế. Kể từ lúc đó trở đi, họ kết luận rằng chính trị là một vấn đề đã được quyết định sẵn. Theo họ thì cuộc độc cử đã khẳng định rõ thực chất của chánh phủ Việt Nam. Họ kết luận rằng dù cho nhìn từ bên trong hay bên ngoài, chánh phủ Việt Nam quả thật là một chánh phủ thối nát và áp bức.

Những hậu quả tai hại của việc thao túng quyền bính sẽ từ từ thâu hẹp ủng hộ của các đoàn thể bên trong Việt Nam và ăn mòn hàng ngũ các dân biểu, Thượng Nghị Sĩ ủng hộ Việt Nam trong quốc hội Hoa Kỳ. Cuộc độc cử đã khiến những nghị viên Hoa Kỳ phải suy nghĩ lại xem thực sự Việt Nam có xứng đáng được họ ủng hộ hay không? Đã đành rằng không hẳn tất cả những hậu quả vừa kể đều do cuộc độc cử năm 1971 gây ra, nhưng trong lịch sử dân chủ ngắn ngủi của Việt Nam, cuộc độc cử quả là một ngã rẽ quan trọng. Tại điểm này, chánh phủ Việt Nam đã gạt bỏ những mục tiêu dân chủ của quốc gia để thỏa mãn những tham vọng uy quyền của một chế độ độc tài.

Vào mùa thu năm 1971 tôi vẫn chưa hề có ý niệm rõ rệt gì về tương lai rồi sẽ ra sao, dĩ nhiên tôi chưa hề tiên liệu được những tai họa đang chờ đón Việt Nam. Tuy thế, tôi đã cảm thấy mệt mỏi và thất vọng. Vào ngày 2 tháng 10, khi nghe tin ông Thiệu chánh thức tái đắc cử, tôi nhận ra rằng mình đang bị đặt vào một tình trạng khó xử. Một mặt vì là đại sứ của một quốc gia có tổng thống vừa mới tái đắc cử, lẽ ra tôi phải xem đây là một dịp đáng mừng và phải đánh điện chúc mừng. Nhưng mặt khác, những lời chúc tụng quả không phản ảnh trung thực ý nghĩ của tôi. Có lẽ đây cũng chỉ là một điều nhỏ mọn, nhưng tôi đã phải suy nghĩ khốn khổ về cách phải làm thế nào để vừa tránh không làm trái với lương tâm lại vừa tránh phải đối xử một cách bất nhã với ông Thiệu vì dù muốn, dù không thì ông Thiệu cũng là tổng thống.

Sau khi đã bỏ ra một ngày một đêm suy nghĩ, tôi đi đến một kết luận có lẽ chỉ là một kết luận hiển nhiên đối với những người có đầu óc thực tế hơn tôi. Dĩ nhiên tôi chỉ có hai đường chọn lựa: Gửi điện văn chúc mừng hoặc là không gửi điện văn chúc mừng. Nếu tôi không gửi, chắc chắn sẽ có tin đồn gần, đồn xa, suy nọ luận kia. Nhưng nếu tôi gửi thì lại hóa ra tự mình từ bỏ tất cả những điều mà tôi đã trọn đời tranh đấu. Cuối cùng tôi quyết định chẳng gửi gì cả ngoài một bản tường trình lạnh lùng trình bày phản ứng của Hoa Kỳ đối với cuộc bầu cử.

Sau khi gửi bản tường trình tôi bắt đầu suy nghĩ đến việc từ chức. Tôi biết rõ ông Thiệu, và biết rõ rằng dù ông Thiệu có nói ra hay không về việc tôi cố ý không chúc mừng thì trong thâm tâm lúc nào ông cũng không quên nổi điều này. Ông Thiệu đã hiểu quá rõ tôi suy nghĩ ra sao về việc độc cử. Hơn nữa, có lẽ ông đã nghi ngờ tôi cùng về phe với đại sứ Bunker để làm áp lực ông và tôi nghĩ rằng rồi đây ông Thiệu cũng sẽ tìm cách thay thế tôi.

Càng suy nghĩ, tôi lại càng thấy rõ vấn đề và lại càng cho rằng lúc này quả là lúc tôi có thể ra đi gọn gàng. Tôi đã ở Hoa Thịnh Đốn gần 5 năm rồi; có lẽ khoảng thời gian phục vụ đã quá đủ. Đời sống sẽ thú vị hơn khi tôi được trở về với tờ Saigon Post. Thỉnh thoảng vào năm trước đây, tôi cũng đã suy nghĩ về việc bắt đầu khởi sự một tờ tuần báo khác hẳn những tờ báo hàng tuần khác. Trong chuyến về thăm Sài Gòn lần trước, tôi đã bàn luận với một số bạn trong giới nhà văn và báo chí. Tất cả đều cho đây là ý kiến rất hay. Ngay trong buổi bàn luận lúc đó thì ý kiến của tôi mới chỉ là một dự định nhưng lúc này tôi tự hỏi phải chăng đã đến lúc nên chuyển ý kiến này thành hành động?

Tôi quyết định về Sài Gòn nói chuyện cùng bạn bè khi ý kiến làm báo bắt đầu thôi thúc mạnh mẽ. Tuy thế khi gửi điện yêu cầu được về Sài Gòn tôi không hề nhận được điện hồi âm. Rõ ràng đây là một dấu hiệu gì đó. Tới lúc này, tôi yêu cầu được chánh thức cho phép quay về. Thay vì trả lời yêu cầu của tôi mạch lạc, ông Nhã đã điện thoại cho tôi nói vắn tắt rằng chúng ta sẽ "bàn luận chuyện này" sau. Bỗng dưng tôi linh cảm đã có diễn biến gì đó và tôi càng cảm thấy mình nên từ chức.

Hẳn nhiên là tôi đã tự đặt mình vào một hoàn cảnh khó xử. Dĩ nhiên, nếu cần ra đi thì việc tự tôi ra đi vẫn tốt hơn là đợi để ông Thiệu chính thức buộc tôi phải ra đi. Tôi chợt suy nghĩ về ông thân. Cả đời, ông đã sống cuộc sống thanh đạm của một nhà nho coi thường thế sự. Rồi tôi lại nghĩ đến ông chú tôi là cụ Kim vẫn thường nhắc nhở rằng: "con người ta ở đời làm việc gì cũng phải cho nó chững." Có lẽ tôi vẫn chưa hoàn toàn thừa hưởng trọn vẹn được những cách sống gạt hẳn thế sự ra ngoài của ông thân nhưng chắc chắn là tôi đã thừa hưởng một phần tính của ông thân và ông chú tôi về vấn đề cảm thấy rất khó chịu khi bị buộc phải làm việc gì. Tôi cũng chẳng hiểu đây là ưu điểm hoặc khuyết điểm, nhưng dù có là gì đi nữa thì chính những cảm nghĩ này cũng đã giúp tôi quyết định rất nhiều. Và giờ đây lại một lần nữa tôi quyết định dựa trên sự suy nghĩ đã thừa hưởng từ ông thân. Đây là lúc mà tôi nghĩ rằng tôi cần phải có quyết định từ giã chính trường.

Sau khi đã quyết định rõ rệt mọi sự, đầu tháng 12 tôi tường trình vấn đề thật chi tiết cho ông Thiệu. Bản tường trình tổng kết tất cả các vấn đề trong quá khứ cũng như những sự tiên liệu của tôi trong tương lai. Tôi dùng những thống kê lúc này để trình bày rằng tất cả những sự ủng hộ của Hoa Kỳ đang càng ngày càng cạn dần. Hoa Kỳ lúc này đã đặt câu hỏi về những vấn đề như liệu có nên để lại một ít quân khi rút lui hoặc liệu có nên viện trợ kinh tế cho Việt Nam hay không. Trong bản tường trình tôi nhắc lại một lần nữa những gì có lẽ đã trở thành thông lệ vào lúc này rằng mặc dầu chánh phủ Nixon vẫn còn một chánh sách ủng hộ tương đối vững vàng, một chánh phủ khác yếu hơn có lẽ đã phải buông trôi từ lâu. Nhưng rồi đây viện trợ và ngay cả đến vấn đề rút quân cũng sẽ tùy thuộc vào quốc hội Hoa Kỳ. "Chúng ta phải biết rằng, tuy tổng thống Hoa Kỳ nắm giữ quyền uy tối thượng trong tay, trên thực tế, những diễn biến chính trị vẫn thường làm ông giảm bớt rất nhiều uy quyền. Quan niệm rằng tổng thống Hoa Kỳ có thể làm được tất cả mọi điều ông muốn là một quan niệm sai lầm." Bản tường trình của tôi tiếp tục như sau:
Trong những tháng vừa qua, vì những lý do của cả chúng ta lẫn chánh quyền Hoa Kỳ, mức độ viện trợ cho chúng ta đã suy giảm đến độ chỉ còn một giọt thừa lại mà thôi. Nếu chúng ta lý luận rằng Hoa Kỳ đang tự động rút quân và Việt Nam quả không cần đến sự viện trợ của họ nữa thì chẳng còn gì để nói.
Nhưng nếu chúng ta vẫn nghĩ rằng ít nhất Việt Nam cũng còn cần viện trợ trong một thời gian ngắn nữa thì vấn đề cố gắng giữ lại viện trợ dĩ nhiên quan trọng. Cho dù Việt Nam đồng ý hoặc không đồng ý với những kết luận của dư luận hoặc chánh phủ Hoa Kỳ (chẳng hạn như về vấn đề bầu cử đơn phương, thối nát, thiếu đoàn kết v.v...) thì Việt Nam cũng không thể làm ngơ trước những thực tế chính trị này. Việt Nam không thể làm ngơ trước những diễn biến mà chính tổng thống Hoa Kỳ cũng không thể bỏ qua...
Chúng ta phải bắt đầu một chiến dịch mới nhằm vào dân chúng Hoa Kỳ cũng như các đoàn thể chính trị để chứng tỏ rằng Việt Nam ngày nay không còn cần đến "xương máu" của Hoa Kỳ nữa mà chỉ cần viện trợ về các mặt kinh tế, quân sự. Hơn nữa, chỉ cần những viện trợ này trong một thời gian ngắn mà thôi. Mặc dù có những khuyết điểm không thể tránh khỏi của một quốc gia chậm tiến trong thời chiến tranh, người Việt Nam xứng đáng được Hoa Kỳ viện trợ. Theo tôi thì một trong những điểm quan trọng nhất của chiến dịch này là hình ảnh của một nước Việt Nam đoàn kết, trong sạch, sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm của chính mình.

Như kết luận của bài tường trình nêu ra, tôi đang cố gói ghém tâm sự của tôi hơn là phát biểu bất kỳ điều gì đặc biệt mà chính phủ Sài Gòn vẫn chưa biết. Khi đọc lại bản tường trình, tôi có thể thấy những thất vọng của tôi phản ảnh thật rõ rệt qua những danh từ nổi bật như "lỗi lầm của chúng ta", và những đề cập không chút dấu diếm như "cuộc độc cử," "thối nát," "thiếu đoàn kết". Dù sao đi nữa thì đây cũng là một bản tường trình chót tôi ném vào khoảng không. Tôi cố đưa tất cả những điều tôi trình bày vào tài liệu. Nói tóm lại thì lời khuyên cuối cùng của tôi với ông Thiệu là sự lập lại một bài học hoàn toàn đơn giản mà riêng tôi đã học hỏi được ở Hoa Thịnh Đốn nhưng ông Thiệu thì chưa. Bài học đó là: "Tổng Thống Hoa Kỳ không phải hoàn toàn có thể tự quyết. Những người xin viện trợ phải biết phóng tầm nhìn vượt qua ông để quan sát cả quốc hội, phải biết phóng tầm nhìn vượt qua quốc hội để nhìn thẳng vào dư luận dân chúng và báo chí." Trong suốt năm năm trời tôi đã tìm đủ mọi cách để diễn tả điều này. Nhưng trong suốt giai đoạn tôi phục vụ ở Hoa Thịnh Đốn, tôi vẫn chưa học được cách phải làm thế nào để những điều tôi tường trình được ông Thiệu và các nhà lãnh đạo ở Việt Nam để ý.

Chẳng bao lâu sau, khi đã thảo xong bản tường trình cho ông Thiệu, tôi điện thoại về cho ông Nhã, nhắn rằng nếu ông Thiệu đang suy nghĩ về việc thay đổi đại sứ hoặc thay đổi chánh phủ, thì ông Thiệu cứ tự nhiên thay đổi chứ đừng nghĩ gì đến việc phải sắp đặt gì cho tôi cả. Sau một tháng yên lặng, tôi nhận được điện thoại của ông Trần Văn Lắm. Ông Lắm bảo tôi rằng chánh phủ quả thật đang có thay đổi ở một vài nhiệm sở. Tuy ông Lắm không hề nói rõ rằng tôi là một trong những người có tên trong danh sách thay đổi, nhưng ông muốn biết ý kiến của tôi về vấn đề này.

Thấy rằng việc ông Lắm điện thoại là một dấu hiệu rõ rệt, tôi lập tức soạn thảo một bức thư từ chức gửi ngay đến văn phòng ông Thiệu. Tôi nói rằng tôi đã phục vụ quá lâu và thấy rằng giờ là lúc tôi cần nghỉ ngơi để quay lại đời sống bình thường và chăm sóc gia đình, nhất là mẹ tôi giờ đã quá già. Nhiều ngày sau đó, ông Nhã điện thoại cho tôi báo rằng Tổng Thống Thiệu hiểu rõ tình thế của tôi và đồng ý nếu tôi thấy cần phải nghỉ ngơi. Hiện tại đang có rất nhiều thay đổi trong các chức vụ đại sứ và cả hai nơi Luân Đôn cũng như Canberra đều đang cần phải người mới bổ nhiệm. Liệu tôi có muốn thuyên chuyển đi một trong hai chỗ này hay chăng? Tối đó, tôi viết thư cho ông Thiệu ngỏ ý cám ơn những sự ưu đãi của ông đối với tôi, nhưng tôi đã quyết từ chức. Tôi nói với ông Thiệu lúc này đã đến lúc tôi nên trở về Sài Gòn rồi.

Gọng Kềm Lịch Sử
33. Hai Màn Ngoạn Mục

Vào ngày 25 tháng giêng năm 1972, khi tôi đang sửa soạn để rời Hoa Thịnh Đốn thì trong một buổi nói chuyện trực tiếp trên đài truyền hình thì Tổng Thống Nixon đã công bố những hoạt động bí mật của chánh quyền ông với Bắc Việt. Những điều ông công bố đã khiến dư luận xôn xao, kinh ngạc. Riêng đối với tôi thì những điều ông công bố đã xác nhận tất cả những điều mà tôi vẫn nghe từ trước tới nay. Tổng thống Nixon tuyên bố rằng ông Kissinger đã bí mật đàm phán với Bắc Việt kể từ năm 1969. Trong suốt giai đoạn đàm phán đó đã có cả thảy 12 cuộc họp, cuộc họp lần cuối là vào ngày 13, tháng 9 năm 1971. Trong cuộc đàm phán cuối cùng, Hoa Kỳ đã gửi cho Bắc Việt một đề nghị hòa bình nhưng vẫn chưa được Bắc Việt trả lời. Trong buổi nói chuyện lần này, tổng thống Nixon lên tiếng công khai hóa những đề nghị đã gửi cho Bắc Việt trước kia. Những điều kiện trong đề nghị đó như sau: Hoa Kỳ sẽ rút quân trong vòng sáu tháng và chấp nhận quốc tế đứng ra tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống ở Việt Nam cho phép tất cả các ứng cử viên từ "tất cả các đoàn thể chính trị" ở Việt Nam được quyền ứng cử. Ông Thiệu sẽ từ chức một tháng trước khi cuộc bầu cử bắt đầu. Bài diễn văn của Tổng Thống Nixon lần này là một ngón đòn chánh trị ngoạn mục để đánh vào cả dư luận quốc tế cũng như dư luận của các giới phản chiến.

Những tiết lộ về các cuộc đàm phàn bí mật của Hoa Kỳ với Bắc Việt trong bài diễn văn của tổng thống Nixon thật là ly kỳ và những tiết lộ về những cuộc đàm phán ở Bắc Kinh của ông Kissinger vào năm trước đây cũng ly kỳ không kém. Những tiết lộ đó đã khiến những đoàn thể phản chiến thấy mình bị hố nặng. Họ không khỏi chưng hửng khi thấy tất cả những đòi hỏi nhượng bộ của họ đã được chánh phủ Hoa Kỳ, một chánh phủ mà họ cho là sai lầm, chấp thuận từ lâu nhưng Bắc Việt vẫn hoàn toàn ngoảnh mặt.

Riêng phần tôi thì sự tuyên bố của Tổng Thống Nixon lại khiến tôi hết sức lo ngại cho tương lai Việt Nam. Thật khó ai có thể tưởng tượng được rằng ông Kissinger đã tự mình đàm phán bí mật cho cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam. Vào lúc này, chẳng ai biết rõ hơn tôi về việc những quyền lợi của Hoa Kỳ không còn đi đôi với sự sống còn của Việt Nam nữa. Tôi đã nhận thấy điều này kể từ khi chánh phủ Nixon bắt đầu nhậm chức. Thực ra thì việc rút quân của Hoa Kỳ và vấn đế sống còn của Việt Nam không phải là hai vấn đề hoàn toàn không thể đi đôi. Tuy thế, vấn đề đáng ngại là việc Hoa Kỳ đã tự đảm nhận trách nhiệm và tự tham gia các cuộc đàm phán như thể đây hoàn toàn là những cuộc đàm phán của riêng Hoa Kỳ. Vào đầu năm 1969, lúc chính phủ Nixon vừa mới nhậm chức, vì chần chờ và thụ động, ông Thiệu đã để mất cơ hội đóng góp vào các kế hoạch của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến Việt Nam khi các kế hoạch này hãy còn phôi thai. Kể từ đó tổng thống Nixon và ông Kissinger đã hoàn toàn chủ động các cuộc đàm phán với Bắc Việt. Trong suốt ba năm trường, điểm nổi bật của chính sách Hoa Kỳ trong việc đàm phán là cố giữ cho Việt Nam tạm ổn định và hoàn toàn thụ động. Tôi đã biết rõ ông Thiệu không hề tham gia soạn thảo các kế hoạch do ông Kissinger đề ra, chẳng những vậy, tôi cũng không biết ông Thiệu thật sự được báo cáo chi tiết rõ rệt đến độ nào? Chỉ cần nhìn vào lề lối hành động bí mật của ông Kissinger và tính hay né tránh vấn đề của ông Thiệu tôi cũng thừa biết rằng ông Thiệu và ông Kissinger khó có thể cùng nhau bàn luận vấn đề đàm phán một cách hữu hiệu cho được.

Tôi không muốn gửi điện hỏi ông Thiệu xem ông có thật sự biết rõ việc đàm phán của Hoa Kỳ hay không. Vụ bà Anna Chenault đã dạy tôi rằng những bức điện của tôi thật sự chẳng có gì an toàn, bởi vậy, thay vì gửi điện, tôi điện thoại cho ông Nhã. Nhưng ông Nhã lại có vẻ không muốn bàn bạc gì. Ông Nhã không hề nói rõ là ông Thiệu có hoàn toàn hài lòng về những cuộc đàm phán bí mật hay không mà chỉ nói vắn tắt rằng "chúng ta sẽ bàn bạc chuyện này sau."

Một thời gian ngắn sau khi Tổng Thống Nixon đọc diễn văn, đại sứ Bunker trở về Hoa Thịnh Đốn để tham khảo ý kiến. Như thường lệ, tôi mời ông Bunker đến tòa đại sứ để tôi có dịp nói chuyện với ông. Với tư cách là đại sứ của Hoa Kỳ ở Sài Gòn, ông Bunker thực sự đã là người trung gian giữa ông Kissinger và ông Thiệu. Tôi muốn gặp ông Bunker để có thể biết rõ phản ứng của ông Thiệu. Khi chúng tôi gặp nhau, ông Bunker nói với tôi rằng: "Như anh cũng biết, thăm dò phản ứng của ông Thiệu nào phải là chuyện dễ dàng." Ông Bunker nói rằng ông có chuyển tất cả những bản báo cáo của ông Kissinger cho ông Thiệu nhưng ông chẳng biết phản ứng của ông Thiệu thực sự ra sao.

Vào cuối tháng 2, thì tin tức về mọi việc bắt đầu sáng tỏ đôi phần khi ông Nhã đến Hoa Kỳ. Ông Nhã cho biết rằng tuy có được báo cáo, những tin tức báo cáo ông Thiệu nhận được rất là sơ sài. Thường thì ông Kissinger chỉ gởi một bản báo cáo rất ngắn cho ông Bunker để ông Bunker chuyển thẳng cho ông Thiệu. Ông Thiệu cũng được hỏi ý kiến về một số những điều tổng quát, nhưng không hề biết rõ chi tiết như ông mong mỏi. Đương nhiên ông Thiệu có rất ít cơ hội để bày tỏ quan niệm riêng. Ông đã gượng gạo đồng ý những vấn đề như vấn đề quốc tế sẽ đứng ra tổ chức cuộc bầu cử và vấn đề ông phải tự động từ chức tổng thống. Ông Thiệu chấp nhận những đòi hỏi của Hoa Kỳ vì hai lý do. Thứ nhất: Ông Thiệu cho rằng Bắc Việt sẽ không bao giờ chấp nhận những đề nghị của Hoa Kỳ. Thứ hai: Ông Thiệu muốn tránh việc phải đương đầu với tổng thống Nixon. Nói chung thì những diễn biến trong giai đoạn này là một triệu chứng tôi đã có dịp quan sát kể từ năm 1965. Kể từ khi Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp, lúc nào họ cũng nắm phần quyết định các chính sách đi đôi với vấn đề sinh tử của Việt Nam nhưng lại quyết định dựa trên những quyền lợi của Hoa Kỳ. Khi quyết định những chính sách có liên quan đến sự sống còn của Việt Nam Hoa Kỳ thường chẳng để ý gì đến chánh phủ Việt Nam, hoặc giả nếu có để ý đi chăng nữa thì họ cũng chỉ là để ý một cách rất sơ sài và hời hợt.

Thái độ làm việc độc đoán của Hoa Kỳ đã dẫn đến một tình trạng bế tắc trong sự cộng tác của cả hai quốc gia Mỹ, Việt. Hậu quả của những thái độ đó là do những thất bại của chánh phủ Hoa Kỳ trên bình diện luân lý đi đôi cùng với những thất bại của Việt Nam vì thiếu khả năng lãnh đạo, thụ động, và không đủ khả năng để nhận lãnh trách nhiệm quốc gia. Dĩ nhiên một trong những lý do chính khiến Hoa Kỳ có thái độ độc đoán khi cộng tác với người Việt cũng là do những đúc kết dị biệt giữa lịch sử Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhưng dầu gì đi nữa thì tôi vẫn qui lý do chính vào vai trò của những người lãnh đạo. Những lý do dó là: Bản tánh thích bí mật, thích mưu mẹo và vận động của ông Kissinger; Bản tính quanh co, lưỡng lự và hay tránh né vấn đề của ông Thiệu.

Vì gần gũi với cả hai phía, tôi đã có dịp quan sát sự liên hệ này kéo dài trong suốt những năm qua. Chẳng những thế, tôi còn nhìn rõ cả sự bất lực của tôi khi phải đối phó với vấn đề này. Khi viết thư từ chức, tôi đã nghĩ rằng ít nhất thì sau khi từ chức tôi cũng tránh được phần nào những thất vọng đi đôi với công việc. Nhưng lạ thay, dường như vấn đề từ chức của tôi vẫn chưa được Sài Gòn để ý. Tôi biết Sài Gòn chắc chắn đã nhận được thư từ chức của tôi rồi, nhưng chẳng hiểu sao chính phủ Sài Gòn vẫn âm thầm yên lặng, chẳng hề gửi lại cho tôi một chữ nói rằng ngày nào là ngày tôi chuyển nhiệm hoặc tỏ vẻ nhận biết yêu cầu từ chức của tôi.

Hậu quả là cho đến cuối tháng 3 năm 1971, tôi vẫn còn làm việc, vẫn còn loay hoay tìm hiểu tin tức của cả Sài Gòn lẫn Hoa Thịnh Đốn. Khi tin tức về những cuộc đàm phán bí mật được công bố, tôi lại càng cảm thấy lo lắng vì cách làm việc của ông Kissinger. Tôi không biết chẳng hiểu phải tìm cách nào để có thể tiên liệu cho đúng được các chiều hướng và quyết định của chính phủ Hoa Kỳ. Để tìm hiểu các vấn đề này, tôi đến gặp các phụ tá của ông Kissinger như các ông Holdridge, Negroponte và nhà báo kỳ cựu Marvin Kalb của đài CBS chuyên về các vấn đề ngoại giao. Ông Marvin Kalb là người đi sát với ông Kissinger và hiểu rõ cách làm việc của ông Kissinger. Tôi muốn hiểu rõ quan niệm "uyển chuyển," một danh từ tôi đã nghe ông Kissinger dùng trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và ông vào năm 1969. Lúc này danh từ "Uyển Chuyển" đã mang nhiều sắc thái của một điềm bất tường.

Trong khi những điềm bất tường về mặt chính trị chỉ mới manh nha thì những đe dọa về mặt quân sự lại rõ rệt hơn. Tuy vào ngày 13 tháng 9 năm 1972, Bắc Việt vẫn còn đàm phán mà vào tháng 10 họ đã chấm dứt các cuộc đàm phán. Lúc này đang là năm 1972, năm bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ và dĩ nhiên Việt Cộng vẫn còn nhớ những kết quả họ đã gặt hái được vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968 trong lần bầu cử tổng thống Hoa Kỳ trước đây. Ông Robert Thompson, một chuyên viên dầy kinh nghiệm chống du kích đã khẳng định rằng Việt Cộng sẽ mở cuộc tấn công trước tháng 10 để có thể lợi dụng dư luận trong giai đoạn Hoa Kỳ tiến hành cuộc bầu cử năm 1972. Ngoài những dự đoán của các chuyên gia, còn một yếu tố khác cho thấy Việt Cộng sắp sửa tấn công là yếu tố thời tiết. Thời tiết ở Việt Nam lúc này đang bắt đầu chuyển sang mùa khô. Tất cả những tin tức tình báo đều cho thấy Bắc Việt đã sửa soạn từ nhiều tháng trước. Vì tháng 7 là tháng thời tiết chuyển mùa nên trễ lắm là vào tháng 6 bắt buộc miền Bắc sẽ phải rục rịch. Lúc này đã vào giữa tháng 3. Thời khóa biểu của tôi đặc nghịt các cuộc họp với Bộ Ngoại Giao và những nhân viên quân sự. -Ông Sullivan, ông Wesmoreland, ông Laird, và nhiều tướng lãnh khác đang điều khiển chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh. Lúc này, quân số Hoa Kỳ ở Việt Nam đã giảm đến độ sự hiện diện của Hoa Kỳ gần như không đáng kể. Hơn nữa, Hoa Kỳ không còn giữ vai trò lãnh đạo quân sự. Vì thế nên, những trận đụng độ lúc này sẽ là những đụng độ của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản. Ở thời điểm này thì Đàm Phán, nguyên là phần đầu của chiến thuật lưỡng đầu, đã thất bại hoàn toàn. Giờ là lúc thử thách của phần hai. Kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh sắp bước vào giai đoạn thử thách. Một cuộc đụng độ lớn sắp bắt đầu. Câu hỏi chỉ còn là: Cuộc đụng độ sẽ xảy ra ở đâu và vào lúc nào. Vào ngày 30 tháng 3, quân đội Bắc Việt vượt qua vùng phi quân sự tấn công vào thành phố Quảng Trị. Lúc đầu chưa ai có thể xác định đây là một phần của cuộc tổng tấn công hay chỉ là một cuộc công kích dò dẫm. Nhưng trong vòng một tuần cuộc tấn công thứ hai bắt đầu từ biên giới Cam Bốt tấn công nhắm vào An Lộc, phía bắc Sài Gòn.

Khi Quảng Trị và An Lộc bị tấn công thì lúc nào tôi cũng gần như gắn liền với máy điện thoại. Tôi nói chuyện với chánh phủ Sài Gòn, với các nhân viên của tôi ở Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại Giao. Tôi cố theo dõi An Lộc trong những trận giao tranh ngày càng lan rộng. Tuy tôi đã đoán trước rằng thế nào Việt Cộng cũng tấn công, nhưng tôi quả thật chưa thể tiên đoán trước được tầm mức rộng lớn và dữ dội của những cuộc tấn công lúc này. Cả các đồng nghiệp của tôi ở Bộ Ngoại Giao và Ngũ Giác Đài hình như cũng kinh ngạc chẳng kém gì tôi. Vào tuần lễ thứ hai, đã có 12 sư đoàn Bắc Việt nhập trận. Một số quân khổng lồ từ Bắc Việt đang tiến vào xâm lược Việt Nam.

Giờ phút thử thách của quân đội Việt Nam làm tôi lo lắng. Một mặt, tôi vô cùng tin tưởng các đơn vị thiện chiến như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động của quân đội Việt Nam. Nhưng một mặt khác thì lúc này, sự hỗ trợ của quân đội Hoa Kỳ đã hoàn toàn mất hẳn. Tôi theo sát những diễn biến ở chiến trường và những chi tiết về sư đoàn 3 đang bị tấn công và cảnh quân đội Bắc Việt tiến dần tới vùng thủ đô Quảng Trị. Nhưng dù Tổng Thống Nixon đã áp dụng kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh, ông vẫn nhất định không bỏ mặc những cuộc tấn công của Bắc Việt. Vào ngày 5 tháng 4, phi cơ Hoa Kỳ dội bom vào những nơi tiếp vận của Bắc Việt, trong khi những hải quân và không quân của Hoa Kỳ sửa soạn nhập trận.

Vào ngày 15 tháng 4, khi những cuộc tấn công của Bắc Việt phát động toàn lực thì máy bay B-52 đã dội bom xuống Hà Nội và Hải Phòng. Đây là lần đầu tiên trong suốt bốn năm những thành phố như Hà Nội và Hải Phòng bị tấn công. Đối với tổng thống Nixon và ông Kissinger thì những cuộc tấn công này chứng tỏ sự quyết tâm của Hoa Kỳ. Nhưng giới phản chiến ở Hoa Kỳ lại có thái độ khác hẳn. Sinh viên Hoa Kỳ phản ứng tức thời. Biểu tình bùng ra khắp mọi nơi trên toàn quốc, một cuộc biểu tình trong khuôn viên đại học đã khiến hàng trăm sinh viên chống đối bị bắt. Tại thượng viện, Ủy ban Ngoại Giao của Thượng Nghị Sĩ Fullbright gọi Bộ trưởng Quốc Phòng Laird và Ngoại Trưởng Rogers ra điều trần trước quốc hội. Cuộc điều trần trước máy truyền hình diễn ra chẳng khác nào một cuộc đụng độ giữa hai vị hai vị Bộ trưởng và các Thượng Nghị Sĩ phản chiến.

Lúc này, cuộc chiến đã bước vào giai đoạn quyết định. Cộng sản đang thu thập tất cả mọi lực lượng tấn công mãnh liệt vào Miền Nam. Về phía Hoa Kỳ thì tổng thống Nixon đã cho lệnh các lực lượng hải quân và không quân của Hoa Kỳ tự do tấn công bất chấp các cuộc biểu tình hoặc sự chống đối của quốc hội Hoa Kỳ. Những cuộc biểu tình diễn ra ngày càng ồ ạt ở Hoa Thịnh Đốn đã khiến những quan sát viên của Hoa Kỳ hết sức theo dõi những trận đụng độ ở Việt Nam. Câu hỏi đơn giản của họ là: Liệu các lực lượng quân đội Việt Nam cùng với sự yểm trợ của Hoa Kỳ, có đủ sức bảo vệ Việt Nam không? Hay là những chính sách trong gần suốt 20 năm của Hoa Kỳ sẽ tiêu tan thành mây khói cùng với sự sụp đổ của Việt Nam?

Vào trung tuần tháng 4, vấn đề vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ. Vào ngày 21, ông Alexander Haig từ Việt Nam trở về mang theo những tin tức rõ rệt nhất. Tối đó tôi điện cho ông Thiệu: "Ông Haig cho rằng tinh thần quân đội Việt Nam rất cao. Trừ vài trường hợp lẻ tẻ, quân đội Việt Nam đã chiến đấu rất hữu hiệu. Ông Haig cũng đồng ý với những nhận định tình hình của chúng ta rằng các lực lượng Việt Nam vẫn còn có thể cầm cự trong một khoảng thời gian ngắn nữa. Việc duy nhất khiến ông Haig lo ngại là sự tổn thất của quân đội Việt Nam có thể khiến tinh thần chiến đấu của các binh sĩ Việt Nam suy giảm. Dư luận Hoa Kỳ cho rằng câu trả lời về sức mạnh của quân lực Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn phụ thuộc vào những trận đụng độ của quân đội hai miền Nam, Bắc và những phản ứng của quân đội Miền Nam Việt Nam."

Vào ngày 1 tháng 5, mạn bắc của Quảng Trị bị hai sư đoàn 304, 308 và xe tăng yểm trợ của Bắc Việt đánh chiếm. Sư đoàn 3 Bộ Binh của Việt Nam tan rã dưới áp lực của cuộc tấn công này. Khi Quảng Trị mất, những toán tàn quân của sư đoàn 3 và dân chúng Quảng Trị đã ùa ra đường phố để chạy tản cư. Trên nhiều đoạn đường tản cư nằm trong tầm pháo binh của Việt Cộng những đoàn tản cư đã bị dội pháo. Cả Huế lẫn Kom Tum đều bị đe dọa. Cách Sài Gòn khoảng sáu mươi dặm, gần biên giới Cam Bốt, lúc này An Lộc cũng đang bị bao vây.

Sau ngày mất Quảng Trị, Kissinger đến họp cùng Lê Đức Thọ ở Ba Lê. Đây là cuộc họp đầu tiên trong suốt 8 tháng. Sau này Kissinger viết lại rằng cung cách của Lê Đức Thọ thật là kiêu ngạo. Thọ đã cả quyết rằng Bắc Việt chắc chắn sẽ toàn thắng. Ít lâu sau tình thế cho thấy sự lạc quan của Thọ hãy còn quá sớm. Tuy những đơn vị của Việt Nam Cộng Hòa đã ngỡ ngàng vào lúc đầu vì tầm mức lớn rộng của cuộc tấn công cùng những xe tăng, đại pháo của Bắc Việt, chẳng bao lâu sau họ đã bắt đầu chấn chỉnh, chiến đấu mãnh liệt để giữ từng tấc đất. Trên tất cả các mặt trận Bắc Việt tấn công, những bước tấn của Bắc Việt đều bị chặn đứng. Quân đội Miền Nam Việt Nam đã anh dũng chiến đấu dưới sự yểm trợ của không quân Hoa Ký.

Trong ba mặt trận kể trên, An Lộc là nơi đẫm máu và bi thảm nhất. Nhìn dưới một khía cạnh nào đó thì đây chính là một trận đánh điển hình cho tất cả những trận đánh khác đang diễn ra khắp mọi nơi trong toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam. Thị Trấn An Lộc nằm ở giữa quốc lộ 13 và là một khu vực chỉ cách những căn cứ Việt Cộng ở Cam Bốt khoảng 15 dặm. Bên trên An Lộc là những triền thung lũng và những đồn điền cao su. Vào ngày 7 tháng 4 và ngày 9 tháng 7, An Lộc bị bao vây trong một chiến trận chẳng khác gì cuộc bao vây Stalingrad.

Tại An Lộc, Tướng Lê Văn Hưng có khoảng 6000 quân, bao gồm phần nhiều địa phương quân cùng với một số đơn vị của sư đoàn 5. Trong khi đó Việt Cộng đã tấn công ông bằng các sư đoàn 5, 7, 9, sư đoàn pháo binh 75 và ba tiểu đoàn thiết giáp. Tổng cộng số quân Bắc Việt dùng tấn công vào An Lộc kể cả các đơn vị chặn đường là 28,000. Vào ngày 11 tháng 4, Việt Cộng phá tan những tiền đồn phía trước An Lộc. Vào ngày 12 quân đội Bắc Việt vây kín thành phố An Lộc.

Ngày 13-7, sau khi đã pháo kích kịch liệt, đợt tấn công đầu của Việt Cộng tấn công thẳng vào các đơn vị của Miền Nam Việt Nam đang bị bao vây. Cuộc tấn công ngừng lại khi đã chiếm được một phần ba thành phố An Lộc. Hai ngày sau một cuộc tổng tấn công khác lại bắt đầu. Lần này Việt Cộng tiến sâu hơn, cuộc đụng độ diễn ra ngay tại những ngôi nhà trong thành phố cho đến khi Việt Cộng bị đẩy lui bằng những trận dội bom gần sát nơi Bộ Tư Lệnh của tướng Hưng.

Những người lính tử thủ và những người dân An Lộc lúc này chỉ sống nhờ những thực phẩm, thuốc men và vũ khí tiếp liệu bằng dù. Hơn hai phần ba những phần tiếp liệu rơi vào phía sau hàng tiền tuyến của quân đội Bắc Việt khi những máy bay tiếp vận C-130 phải di chuyển để tránh né những loạt tác xạ của súng phòng không. Tuy vòng đai tự vệ của quân đội An Lộc ngày càng thu hẹp, họ đã chiến đấu nhiều tuần trong tình trạng cô thế, thiếu binh sĩ, thiếu vũ khí và đã đẩy lui được những đoàn bộ binh và thiết giáp của Bắc Việt.

Một tháng sau, sư đoàn 5 và sư đoàn 9 Việt Cộng lại đồng loạt tấn công các mặt bắc, đông bắc, nam và tây. Rồi qua cửa phía Tây An Lộc, trung đoàn 272 của Việt Cộng tấn công thẳng vào những binh lính tự vệ Việt Nam. Vào lúc 10 giờ sáng, Việt Cộng đã chiếm những tòa Bin Đinh công cộng và chỉ còn cách Bộ Tư Lệnh của Tướng Hưng khoảng 150 thước. Ở mặt Bắc, Việt Cộng tấn công chọc thủng phòng tuyến của quân đội Việt Nam và vào gần đến trung tâm thành phố. Tại mặt Nam, các lực lượng Việt Cộng đang cố tiến qua những hàng rào tự vệ của quân lính Việt Nam lúc này đã kiệt sức và bị chấn động nhiều vì bom.

Rạng đông ngày 12 tháng 5, hai sư đoàn 5 và 9 của Việt Cộng lại tấn công vào trung tâm thành phố. Nhưng những binh sĩ Miền Nam cùng những phi công yểm trợ của cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ vẫn anh dũng chiến đấu. Oanh tạc cơ yểm trợ cùng những lằn đạn gần kiệt của quân đội Việt Nam đã đánh bật trả lại những cuộc tấn công hung hãn của Việt Cộng. Vào lúc cuối ngày, tình thế cho thấy quân đội Việt Cộng đã mất cả tinh thần lẫn nhuệ khí. Sau đợt tấn công cuối cùng vào An Lộc Việt Cộng đã dùng cạn khả năng tấn công.

Những ngày sau đó sư đoàn 5 Bắc Việt tháo lui để nghỉ ngơi và bù đắp những tổn thất trong lúc tấn công. Tuy thế sư đoàn 9 của Bắc Việt vẫn đóng quân bao vây thành phố và tấn công vào trung tâm An Lộc bằng những đơn vị nhỏ. Lúc này sự tự vệ của quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở An Lộc quả đã vượt trên tầm ước định của Bắc Việt. Vào cuối tháng 5, khi phần lớn các súng cao xạ bắn máy bay của Bắc Việt đã bị triệt hạ, trực thăng và máy bay chuyển vận đã có thể tới lui thường xuyên hơn. Cuối cùng, vào ngày 9 tháng 7, quân tiếp viện của sư đoàn 21 Việt Nam cùng những đơn vị khác chọc thủng vòng vây của sư đoàn 7 Bắc Việt dọc theo quốc lộ 13 và liên lạc được với những binh sĩ đang tử thủ ở An Lộc. Trong cuộc tấn công để chọc thủng vòng vây của Bắc Việt ở An Lộc, các đơn vị của Việt Nam Cộng Hòa đã đụng độ với sư đoàn 7 của Việt Cộng suốt hai tháng trường. Sau cuộc tấn công đó, quân đội Việt Nam Cộng Hòa thiệt hại mất 4000 quân, trong khi Bắc Việt thiệt hại 6000 quân.

An Lộc không phải là một chiến thắng có tính cách chiến thuật mà là một sự thành công thể hiện được sự trưởng thành của quân đội Việt Nam qua kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh. Mặc dầu kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh vẫn còn nhiều khuyết điểm, nhưng nói chung thì kế hoạch này vẫn thành công đáng kể. Chiến thắng An Lộc đã chứng tỏ khả năng chiến đấu kiêu hùng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Qua chiến thắng đó, quân đội Việt Nam đã chứng tỏ rằng họ có thể đẩy lui được những cuộc tấn công của các lực lượng Cộng Sản được trang bị đầy đủ hơn hẳn về mọi mặt. Chiến thắng An Lộc còn cho thấy rằng nếu có các lực lượng không quân yểm trợ, thì quân đội Việt Nam sẽ thừa sức chu toàn những nhiệm vụ được giao phó.

Đợt tấn công cuối cùng của Cộng Sản vào An Lộc bị đẩy lui vào ngày 12 tháng 5. Tuy Quảng Trị bị lọt vào tay Bắc Việt, nhưng quân đội Bắc Việt vẫn không đủ khả năng để tấn công vào Huế. Và cả những cuộc tấn công của Bắc Việt vào cao nguyên cũng thất bại. Khi tình thế đã rõ rệt rằng Miền Nam Việt Nam vẫn đứng vững sau cuộc tổng tấn công mùa xuân thì tôi bắt đầu chuẫn bị để từ chức. Vào cuối tháng 5, tôi bắt đầu sửa soạn từ giã các bạn bè trong giới ngoại giao, và vào đầu tháng 6, tôi đến tòa Bạch Ốc để chào tổng thống Nixon. Tôi và nhà tôi cùng ăn bữa trưa giã từ với ông bà Averell Harriman rồi đến dự một bữa trưa giã từ khác với ông bà George Aiken. Tôi gặp tất cả những bạn bè và đồng nghiệp và những cộng sự viên đã cùng làm việc với tôi trong suốt bao năm: Ông Rogers, ông Westmoreland, ông Laird, ông William Sullivan, ông Alexis Johnson, ông Alexander Haig, các nhân viên phụ tá của ông Kissinger như các ông John Holdridge và John Negroponte, và các bạn bè trong quốc hội như Thượng Nghị Sĩ Tower và dân biểu Clement Zablocki.

Buổi lễ giã từ thật là bịn rịn đối với rất nhiều người. Tôi cảm thấy dường như tôi đã ở Hoa Thịnh Đốn lâu lắm rồi. Dĩ nhiên là tôi đã tự ý rời Hoa Thịnh Đốn. Và vì thế tôi cho rằng tôi đã sửa soạn kỹ lưỡng trước khi giã từ. Tuy vậy, ở những phút cuối, khi chia tay bạn bè và những cộng sự viên tận tụy đã cùng làm việc với tôi trong nhiều năm, tôi cũng vẫn cảm thấy có đôi phần xao xuyến.

Từ phi trường Dulles International tôi và gia đình bay qua Ba Lê. Chúng tôi ở lại Ba Lê một tuần rồi mướn một chiếc xe Peugeot, cả gia đình chen chúc chạy thẳng route Napoléon tới Nice, Cannes và Grenoble, rồi vào St. Gervais, một tỉnh nhỏ nằm cạnh biên giới Thụy Sĩ, nơi chúng tôi đã từng trú ngụ suốt một năm khi nhà tôi phải đi dưỡng bệnh. Tại đây chúng tôi ghé thăm những người đã từng săn sóc nhà tôi hai mươi năm về trước, rồi đi thẳng sang Ý Đại Lợi.

Chuyến đi này quả thật là một chuyến du hành khó quên. Chúng tôi đến Geneva, vượt những ngọn núi Alps ở Ý Đại Lợi, vào thành phố Venice huyền thoại ở Áo và đi qua những nhà thờ sáng chói của thành phố Florence diễm lệ. Trong chuyến đi đó, chúng tôi hòa mình vào với những toán du khách khác để thưởng thức những cảnh đẹp xung quanh. Đôi khi chúng tôi chẳng còn nhớ rõ là mình đang ở đâu nữa. Tôi cảm thấy gia đình tôi lúc này chẳng khác nào một gia đình người Nhật đang trên đường du ngoạn.

Sau hai tháng du ngoạn du ngoạn, chúng tôi trở lại Ba Lê để sửa soạn cho chuyến bay về Sài Gòn. Lúc này là giữa tháng 8. Tôi vẫn chưa biết rằng Kissinger cùng Lê Đức Thọ đã tiếp tục những cuộc đàm phán bí mật. Tôi cũng chưa biết rằng hai bên đã hiểu rõ sức mạnh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa sau cuộc Tổng Tấn Công Mùa Xuân và đã bắt đầu thảo luận những vấn đề tổng quát của kế hoạch đàm phán.

Tạm thời những biến chuyển động trời này vẫn còn nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi. Tuy tôi đã trở về với bầu không khí chính trị sôi sục của Sài Gòn, nhưng lúc này tôi chỉ là một người ngoại cuộc. Tôi bắt đầu đến tòa soạn Saigon Post, tìm cách ghép mình vào kỷ luật làm việc hàng ngày của tòa báo. Tôi cũng đã bắt đầu sắp xếp để cho ra một tờ báo văn học nghệ thuật mà tôi đã nghĩ đến lúc trước. Tôi thu xếp các vấn đề tài chánh, mướn chủ bút và các văn sĩ và bắt đầu cho ra một tờ báo văn học nghệ thuật mà chúng tôi đặt tên là Gió Mới.

Dĩ nhiên là khi tôi quay lại thì Sài Gòn và cảm tưởng của tôi đối với đời sống Sài Gòn vẫn chẳng có gì thay đổi. Tôi lại bắt đầu chú tâm lắng nghe những diễn biến trong bầu không khí sinh hoạt của thành phố. Vì chiến cuộc ngày càng giảm dần nên những đa số những bạn bè tôi ở trong giới quân sự đều có vẻ phấn khởi hoặc ít ra thì họ cũng rất lạc quan. Họ đã nhiều lần bàn luận về trận đánh anh dũng bảo vệ An Lộc và họ cho rằng nếu đụng độ thực sự xảy ra thì Việt Nam có thể đối phó được với Bắc Việt. Tuy nhiên vấn đề đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt vẫn làm mọi người lo lăng. Ông Kissinger vừa đến Sài Gòn. Chuyến đi của ông cho thấy vấn đề quân sự đã tạm lắng xuống để nhường chỗ cho cho những cuộc đàm phán trên trường Ngoại Giao. Gần như ai cũng biết rằng rồi đây Kissinger và Lê Đức Thọ sẽ cùng đi đến một kết luận nhưng kết luận đó ra sao thì lại chẳng ai có thể đoán trước được.

Vào đầu tháng 9-1972, tôi đến dinh độc lập thăm ông Thiệu. Cuộc gặp gỡ hoàn toàn vui vẻ với những nụ cười, những cái bắt tay và những câu chuyện xã giao. Cả hai chúng tôi đều tránh nói đến chuyện chính trị. Trong những tháng kế tiếp sau đó, ông Thiệu lại nhiều lần mời tôi và nhà tôi đến dự những bữa tiệc vừa xã giao nhưng cũng vừa chính trị của ông. Có lẽ ông Thiệu đã cố dùng những buổi tiệc này để xoa dịu những sự khó chịu giữa chúng tôi trong quá khứ.

Vào giữa tháng 10, người thay thế tôi ở Hoa Thịnh Đốn là ông Trần Kim Phượng trở về Sài Gòn để sửa soạn cho cuộc gặp gỡ của ông Thiệu và Kissinger vào ngày 19-10. Trong thời gian ông Phượng ở Việt Nam, thì chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau. Qua ông Phượng tôi biết rằng Kissinger và Lê Đức Thọ đã đạt được một thỏa hiệp. Kissinger đến Sài Gòn lần này là để tìm cách thuyết phục ông Thiệu đồng ý.

Nếu chỉ nói riêng về việc đàm phán thì ý kiến của ông Phượng cũng trùng đúng với ý kiến của tôi. Ý kiến đó là: Hoa Kỳ đang tìm mọi cách để rút ra khỏi Việt Nam. Vấn đề chính của họ là làm thế nào để đạt được sự thỏa thuận của Bắc Việt. Lúc này tình thế cho thấy Bắc Việt đã đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của tổng thống Nixon và ông Kissinger: Trao trả tù binh và gián tiếp nhìn nhận chánh phủ Miền Nam Việt Nam. Để đổi lại, Hoa Kỳ sẽ rút quân toàn bộ, không để lại dù chỉ là những số quân tối thiểu như ở Đại Hàn trước đây. Hơn nữa, Hoa Kỳ cũng không bắt buộc Bắc Việt phải rút quân ra khỏi Miền Nam Việt Nam. Chúng tôi cùng nghĩ rằng thế nào Hoa Kỳ cũng sẽ chấp nhận. Dĩ nhiên, ông Thiệu sẽ cực lực phản đối những vấn đề đã được Hoa Kỳ thỏa thuận. Sự phản đối của ông Thiệu có thể sẽ đưa đến những tình trạng khó khăn. Tuy thế, cả hai chúng tôi đều biết rằng rồi đây ông Thiệu cũng sẽ phải đầu hàng vì những áp lực của Hoa Kỳ.

Khi bản dự thảo của hiệp định Ba Lê được công bố, ông Thiệu chẳng những chỉ phản đối mà còn tỏ vẻ phẫn nộ về nhiều điều khoản trong bản thỏa hiệp. Tin đồn càng ngày lan rộng về việc ông Thiệu không được thông báo gì về những điều đã được thỏa thuận giữa Kissinger và Lê Đức Thọ trong giai đoạn đàm phán cuối cùng. Dĩ nhiên ông Thiệu khó thể chấp nhận việc Kissinger đưa ra những sự đã rồi, nhất là trong một bản dự thảo đầy dẫy những thiếu sót và trước sau bất nhất như bản dự thảo của Kissinger và Lê Đức Thọ . Một trong những điểm khó thể chấp nhận là vấn đề bản dự thảo đã đề cập đến "ba quốc gia" Đông Dương tức là Việt Nam, Lào, Cam Bốt và chỉ đề cập đến một -chứ không phải hai- nước Việt Nam. Vào ngày 23 tháng 10, khi ông Kissinger rời Sài Gòn thì dư luận đồn rằng ông Thiệu đã bác bỏ những thỏa hiệp mà ông Kissinger đã điều đình. Ngày 24, ông Thiệu lên tiếng phản đối trên đài phát thanh, chính thức tuyên bố ông không chấp nhận bản dự thảo thỏa hiệp. Ông Thiệu nói rằng ông không chấp nhận bất kỳ một hình thức liên hiệp nào cả và không đồng ý về việc Hoa Kỳ cho phép Hà Nội vẫn được đóng quân trong lãnh thổ Miền Nam Việt Nam. Ông đưa ra đề nghị đàm phán trực tiếp giữa Sài Gòn và Hà Nội cũng như đàm phán trực tiếp giữa Sài Gòn và Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời của Việt Cộng.

Sau bài diễn văn của ông Thiệu, Sài Gòn lại xôn xao bàn luận về những áp lực của Hoa Kỳ cũng như về mức độ chịu đựng của ông Thiệu. Thái độ cứng rắn của ông Thiệu được dân chúng ủng hộ. Có lẽ đây là phản ứng tự nhiên của một quốc gia nhỏ bé phẫn hận trước những hành động của một đồng minh khổng lồ. Tuy thế, đây chỉ là những phản ứng ban đầu. Chẳng bao lâu sau tình thế cho thấy ông Thiệu không thể tiếp tục chống đối và đã bị buộc phải chấp nhận bản dự thảo thỏa hiệp của Hoa Kỳ và Bắc Việt. Sự thể cho thấy chánh phủ của ông Thiệu quả thật không thể chịu đựng nổi những sự mất mát lớn lao như mất tất cả những sự ủng hộ của Hoa Kỳ.

Trong tháng 10, tôi và ông Hoàng Đức Nhã gặp nhau thường xuyên hơn. Đây là một trong những giai đoạn khó khăn cho ông Nhã và ông Thiệu. Chánh phủ Việt Nam đã đưa cho ông Kissinger một bản liệt kê gồm 69 điều khoản cần thay đổi trong bản dự thảo thỏa hiệp mà ông Kissinger đã ký kết với Hà Nội. Tuy Kissinger hứa sẽ cố gắng hết sức, mọi người đều thấy rõ Lê Đức Thọ khó thể đồng ý với những điều khoản chính mà chánh phủ Việt Nam yêu cầu, nhất là vấn đề đòi hỏi Hà Nội phải rút quân. Đây đúng là một giai đoạn thử thách của ông Thiệu. Trong giai đoạn này ông Thiệu đã cố gắng đẩy Hoa Kỳ đi vào con đường ông mong mỏi. Riêng về phía Hoa Kỳ thì đây chính là giai đoạn mà họ cho là cần phải đe dọa ông Thiệu. Chánh quyền Hoa Kỳ đã đe dọa rằng nếu ông Thiệu không chịu ký kết thì Hoa Kỳ sẽ cắt đứt tất cả mọi viện trợ bất kể đến vấn đề sinh tử của Việt Nam. Vào ngày 6 tháng 10, tổng thống Nixon đã viết một bức thư nhắc nhở ông Thiệu về trường hợp của ông Ngô Đình Diệm vào năm 1963.

Riêng đối với ông Kissinger thì phản ứng của ông Thiệu là một sự kiện bất ngờ và đầy cay đắng. Ngay từ lúc đầu tiên ông Kissinger đã xem vai trò của chánh phủ Việt Nam trong các cuộc đàm phán chỉ là vai trò phụ. Chính vì vậy nên ông Kissinger đã cùng soạn thảo mọi việc với tổng thống Nixon và cố tránh tham khảo ý kiến với chúng tôi ít chừng nào hay chừng nấy. Khi Hoa Kỳ quyết định rút lui thì giới lãnh đạo Hoa Kỳ cũng quyết định một cách độc đoán chẳng khác gì chẳng khác gì khi họ tự ý nhập cuộc hoặc tự ý điều động cuộc chiến Việt Nam trong thời gian họ can thiệp. Trong khi đó, về phía Việt Nam thì vì không muốn phải đối đầu với Hoa Kỳ và vì những đe dọa bất an, ông Thiệu đã đóng trọn vai trò thụ động như Hoa Kỳ mong mỏi. Ông đã đồng ý -hoặc tỏ vẻ đồng ý- với tất cả những chính sách và đề nghị do Hoa Kỳ đưa ra. Thực ra thì những cách đối xử của Hoa Kỳ đã khiến ông Thiệu vô cùng phẫn uất. Tuy thế, ông vẫn cố nén sự phẫn uất vì cho rằng Bắc Việt sẽ chẳng bao giờ chấp thuận những điều khoản do Hoa Kỳ đưa ra.

Thế mà giờ đây, sau suốt bốn năm ngoan cố, Lê Đức Thọ đã bất ngờ đổi thái độ. Và khi Bắc Việt thay đổi thái độ thì việc gì phải đến đã đến. Từ trước đến nay ông Kissinger vẫn chưa bao giờ coi ông Thiệu là bạn cùng cộng tác nên vào giữa lúc ông đang có bản hòa ước trong tay, ông Kissinger chưa hề chuẩn bị đủ để đối phó với những thái độ bất ngờ của ông Thiệu. Trong khi đó, đối với ông Thiệu thì bản dự thảo thỏa hiệp thật chẳng khác nào một tờ giấy nợ bất ngờ tổng kết tất cả những lỗi lầm, thiếu sót ông đã bỏ qua khi đánh mất cơ hội hợp tác với Hoa Kỳ. Sau tất cả những năm tránh né và đồng ý gượng gạo, giờ đây ông Thiệu phải chấp nhận một bản hiệp định mà ông cho là bản hiệp định khai tử Việt Nam.

Những đàm phán giữa ông Kissinger và Lê Đức Thọ tiếp tục ở Ba Lê vào ngày 20 tháng 10. Hôm đó, Kissinger đem quà tặng cho hai đại diện đàm phán Bắc Việt: Một quyển sách chụp hình đại học Harvard cho Lê Đức Thọ và một đầu ngựa bằng Pha Lê cho Xuân Thủy. Sau đó, ông đưa ra 69 điều tu chỉnh và bổ túc của Việt Nam. Tuy đã có nhiều pha đàm phán thực sự, chẳng bao lâu sau Hoa Kỳ đã thấy chiến thuật đàm phán của Bắc Việt là lửng lơ, không hoàn toàn đi đến kết luận mà cũng không hoàn toàn từ chối đàm phán. Bắc Việt có vẻ như muốn kéo dài thời gian. Có lẽ Bắc Việt đã nhận ra rằng có thể trong cuộc nhóm họp trở lại sau ngày lễ Giáng Sinh có thể quốc hội mới được bầu lên của Hoa Kỳ sẽ cắt bỏ viện trợ cho Việt Nam. Dĩ nhiên họ cũng nóng lòng khai triển những sự bất đồng ý kiến giữa Hoa Kỳ cùng Việt Nam để chuyển những hiềm khích này thành hố thẳm.

Sau hơn ba tuần đàm phán vô hiệu, vào ngày 13 tháng 12, Lê Đức Thọ trở về Hà Nội để tham khảo ý kiến. Trước khi lên đường trở về, Thọ đã đồng ý hẹn ngày tiếp tục đàm phán vào sau ngày Lễ Giáng Sinh. Tuy thế, vào ngày 14, trong một cuộc họp ở văn phòng tổng thống cùng ông Kissinger và ông Haig, tổng thống Nixon đã kết luận rằng Bắc Việt đang chủ trương kéo dài thời gian. Ông cho rằng ngay cả vào lúc Bắc Việt đang dò dẫm tìm hiểu những hiềm khích thực sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, Bắc Việt cũng vẫn mưu toan buộc chánh phủ Hoa Kỳ phải đối phó với những đạo luật cắt giảm viện trợ của quốc hội.

Cả ba nhân vật tham dự cuộc họp đều cho rằng Hoa Kỳ cần phải gia tăng áp lực và chứng tỏ sức mạnh quân sự để buộc Bắc Việt phải đàm phán nhanh chóng hơn. Ba ngày sau, những trận mưa bom thay nhau rưới xuống Hải Phòng. Ngay ngày sau đó máy bay B-52 dội bom xuống các mục tiêu ở cả Hải Phòng lẫn Hà Nội. Cuộc dội bom vào ngày Lễ Giáng Sinh đã thực sự bắt đầu.

Cuộc dội bom là một dấu hiệu nhắn nhủ nhằm hai mục đích: Đối với trung ương đảng ở Hà Nội thì đây là một dấu hiệu chứng tỏ nếu Bắc Việt chịu đàm phán lập tức thì kết quả sẽ tốt đẹp hơn. Tổng thống Nixon nhất định không chịu ngồi yên khi Hà Nội cố ý kéo dài thời gian. Đối với Sài Gòn thì hành động của tổng thống Nixon đã chứng tỏ Việt Nam có thể tin tưởng vào ông trong việc đàm phán. Hành động của Tổng Thống Nixon cũng cho thấy ông không hề e dè khi hành động trái với ý kiến dư luận nếu thực tế đòi hỏi. Cùng với những chuyến tiếp liệu của chương trình Enhance Plus, (Chương trình Enhance Plus chủ trương tiếp tục viện trợ tối đa cho Việt Nam trước khi quốc hội Hoa Kỳ có thể cắt bỏ viện trợ) cuộc dội bom là một hành động chứng tỏ Hoa Kỳ đáng được tin cậy.

Vào đầu tháng 12, ông Thiệu mời tôi vào dinh độc lập để trao đổi những ý kiến về tình hình chung. Khi cuộc dội bom kết thúc ông Thiệu cho vời tôi trở lại. Lần này ông yêu cầu tôi đi Hoa Thịnh Đốn để chu toàn một sứ mệnh. Mặc dù các áp lực của Hoa Kỳ đang đè nặng, ông Thiệu vẫn muốn thuyết phục Hoa Kỳ phải cứng rắn hơn trong việc điều đình với cộng sản. Ông Thiệu nói với tôi rằng: "Tuy là đã trễ nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng làm những gì chúng ta có thể làm được. Tôi nhờ anh giải thích hộ với những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ rằng sự có mặt của quân đội Bắc Việt ở Miền Nam là một vấn đề sinh tử đối với Việt Nam Cộng Hòa. Có thể giờ phút này đã là quá trễ. Tôi cũng không rõ nữa. Nhưng như anh đã biết: Còn nước, còn tát."

Tuy đã gặp rất nhiều khó khăn với ông Thiệu, nhưng lúc này tôi cũng cảm thông được tình cảnh đặc biệt của ông và hơn nữa, tôi nghĩ rằng ý kiến của ông Thiệu về việc không chấp nhận cho phép Bắc Việt có quân đóng ở Miền Nam Việt Nam hoàn toàn đúng. Tôi cũng biết rõ chẳng khác gì ông Thiệu rằng rồi đây chúng tôi khó lòng mà có thể tránh né được áp lực của Hoa Kỳ. Tuy thế, tôi vẫn tin là những nỗ lực cuối cùng dù sao cũng vẫn có vẻ thích đáng. Vì không đề phòng trước cuộc dội bom vào lúc giáng sinh, Bắc Việt đã bị tổn thất nặng nề. Nếu ông Kissinger có thể làm áp lực mạnh hơn không chừng Bắc Việt sẽ lại mềm dẻo. Biết đâu đây chẳng là một cơ hội tốt để khai thác vấn đề?


Gọng Kềm Lịch Sử
34. Hiệp Định Ba Lê

Thể theo lời yêu cầu của ông Thiệu, tôi đến Hoa Thịnh Đốn vào sáng ngày 5 tháng giêng. Chiều hôm đó tôi cùng cụ Trần Văn Đỗ, ông Trần Kim Phượng (Đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ lúc này) đến gặp ông Kissinger tại văn phòng. Dĩ nhiên chúng tôi đến đây để tiếp tục cuộc thảo luận về bản dự thảo thỏa hiệp đã được Hoa Kỳ và Bắc Việt chấp nhận hồi tháng 10, nhưng sự hiện diện của tôi và cụ Đỗ một phần nào có tính cách tượng trưng. Vì một người là cựu ngoại trưởng, một người là cựu đại sứ, hai chúng tôi được mọi người biết đến như những người có tư tưởng ôn hòa, hiểu biết các quan điểm của Hoa Kỳ. Sự hiện diện của hai chúng tôi ở Tòa Bạch Ốc có nghĩa rằng lập trường của Việt Nam về sự có mặt của quân đội Bắc Việt ở Miền Nam là một lập trường được sự ủng hộ rộng rãi của đa số dân chúng Việt Nam.

Trong tất cả những năm tôi được biết ông Kissinger, lúc nào ông cũng cố tạo ra một bầu không khí dễ dãi, thân thiện để bắt đầu các vấn đề, cho dù là những vấn đề gay go nhất. Thường thì ông hay mở đầu bằng một vài câu bông đùa làm cho bầu không khí bớt căng thẳng đi. Nhưng lần này ông Kissinger không hề bông đùa. Tôi mở đầu câu chuyện bằng cách nói thẳng ngay rằng tại sao tôi phải trở lại Hoa Thịnh Đốn, rồi đi vào vấn đề Việt Nam không thể nào thỏa thuận điều kiện để cho Bắc Việt đóng quân ở Miền Nam Việt Nam như đã ghi trong bản dự thảo hiệp định Ba Lê được.

Ông Kissinger trả lời rằng việc Bắc Việt tiếp tục đóng quân đã được ông Thiệu mặc nhiên chấp nhận từ lâu. Ông Thiệu đã thỏa thuận việc này khi chấp thuận những nguyên tắc ngưng bắn tại chỗ vào tháng 5 năm 1971. Ông Kissinger tiếp lời: "Vì thế đưa ra vấn đề vào lúc này thật là quá trễ. Dầu sao tôi cũng sẽ cố gắng hết sức." Ông Kissinger cả quyết rằng ông không có ảo tưởng gì về những mưu đồ của Bắc Việt trong tương lai, nhưng theo ông thì tương lai của chính sách Hoa Kỳ và những "chiến lược toàn cầu" lệ thuộc vào việc ký kết hiệp định với Bắc Việt. Chính vì thế, ông cho rằng hơn lúc nào hết, lúc này chính là lúc Hoa Kỳ cần phải đoàn kết với Việt Nam. Ông Kissinger trình bày tư thế của Tổng Thống Nixon và ông từ trước đến nay. Ông nêu rõ rằng trong quá khứ, dù là những khi vấn đề chiến cuộc gay go, ông vẫn chưa bao giờ chịu chấp thuận những giải pháp thiển cận của giới phản chiến. Và giải pháp của ông đề ra lúc này không phải là một giải pháp một chiều chỉ nhằm gỡ rối cho Hoa Kỳ và bỏ mặc Việt Nam. Sau khi trình bày tỉ mỉ quan niệm của ông và Tổng Thống Nixon, ông Kissinger kết luận: Đối với tình thế hiện thời tổng thống Nixon và ông đã bị buộc phải quyết định một cách "lạnh lùng" rằng Hoa Kỳ bắt buộc phải ký kết hiệp định Ba Lê vào lúc này. Ngoài ra, ông Kissinger còn tin bản hiệp định sẽ đặt định một căn bản mới cho việc tiếp tục viện trợ cho Miền Nam Việt Nam. Ông cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng trả đủa nếu Việt Cộng vi phạm hiệp định.

Hôm đó, giọng ông Kissinger thật là sắc bén và cách nói chuyện của ông nặng vẻ chống chế. Ông tỏ vẻ bất bình về những tin đồn ở Ba Lê cho rằng ông xem nhẹ ý kiến của những người Miền Nam Việt Nam. Ông phát biểu rằng đây là những tin đồn nhảm nhí. Ông cũng tỏ vẻ bất bình vì những tin đồn khác cho rằng ông đang mưu tính đàm phán sách lược toàn cầu với Nga và một trong những đề mục của cuộc đàm phán đó là Hoa Kỳ sẽ giúp Nga ngăn cản sự ảnh hưởng của Tàu, bất kể đến lợi hại của Việt Nam. Cả hai vấn đề ông bất bình đều là hai vấn đề tự ông đưa ra chứ chính tôi lại chưa đề cập gì những việc đó cả. Tôi trình bày rằng tuy vấn đề Bắc Việt đóng quân ở Miền Nam Việt Nam chẳng làm thương tổn gì đến Hoa Kỳ, đây quả là vấn đề sinh tử của Việt Nam. Ông Kissinger cho biết ông hiểu tầm mức quan trọng của vấn đề và sẽ cố chuyển vấn đề tôi nêu vào việc thương thảo. Tuy thế tôi thấy rằng đây chỉ là một câu trả lời lấy lệ, chẳng có gì đáng tin cậy. Nói tóm lại chỉ có một điểm đáng chú ý trong cuộc tranh luận giữa tôi và ông Kissinger là việc ông Kissinger không muốn tranh luận trở lại những điểm mà Hoa Kỳ và Bắc Việt đã thỏa thuận khi trước. Cuộc họp của chúng tôi với ông Kissinger là một cuộc họp tràn đầy thất vọng. Chúng tôi chẳng thấy dấu hiệu nào chứng tỏ sự quyết tâm của ông Kissinger. Tuy rằng về phía Việt Nam chúng tôi chủ quan rằng cuộc dội bom vào lúc Giáng Sinh đã khiến Bắc Việt phải chịu nhiều tổn thất và phải đàm phán mềm dẻo hơn, nhưng sau khi gặp ông Kissinger, tôi thấy rằng Hoa Kỳ không suy nghĩ như chúng tôi. Rõ ràng là Hoa Kỳ cho rằng những tổn thất sau cuộc dội bom vào lúc Giáng Sinh vẫn chưa đủ để ông Kissinger có thể đàm phán quyết liệt cùng Bắc Việt trong lần đàm phán dự định vào ba ngày sắp tới.

Ngay ngày hôm sau ông Phượng, cụ Đỗ và tôi cùng được mời đến Bộ Ngoại Giao dùng bữa trưa với ông Alexis Johnson. Lúc đó ông Alexis Johnson đang làm việc dưới quyền Ngoại Trưởng Hoa Kỳ. Ngoài ông Johnson ra còn có cả ông Marshall Green, ông John Holdridge, đại sứ Sam Berger và ông Warren Nutter, phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng đặc trách an ninh quốc tế. Lại thêm một lần nữa tôi cùng ông Phượng trở lại vấn đề sự có mặt của quân đội Bắc Việt ở Miền Nam Việt Nam. Hai chúng tôi đều quả quyết rằng vấn đề này thực sự chưa được giải quyết ổn thỏa và đây quả là lúc có thể trở lại vấn đề. Ông Alexis Johnson không hề tranh luận. Trái lại, ông đồng ý rằng cả hai chúng tôi đều đúng trên mặt lý thuyết. Và ông hỏi lại chúng tôi rằng: Nhưng nếu áp lực của quốc hội đang càng ngày càng tăng và Bắc Việt cứ khăng khăng ngoan cố thì còn giải pháp nào khác nữa?

Sau khi bữa cơm trưa hôm đó chấm dứt, ông Johnson kéo tôi vào một góc phòng và nói nhỏ: "Với tư cách của một người bạn cũ, tôi xin nói với anh rằng, những thái độ cứng rắn của tổng thống Việt Nam trong những tháng vừa qua đã cho thấy rõ rằng ông ta chẳng phải là bù nhìn của bất cứ ai. Nếu tôi không lầm thì có lẽ lúc này ông Thiệu đang ở một trong những cao điểm của cuộc đời chính trị. Lúc này ông ta nên cố giữ những gì gặt hái được. Lúc này là lúc ông Thiệu phải nhận thấy rằng Hoa Kỳ không bao giờ đổi chính sách. Nếu Hoa Kỳ có thay đổi chiến lược thì chẳng qua cũng chỉ là để cố giữ nguyên những chính sách đã đề ra mà thôi. Nếu ông Thiệu từ chối không chịu chấp nhận ký một bản hiệp định, mà chính tổng thống Nixon đã chấp thuận thì hậu quả sẽ tai hại vô lường. Hoa Kỳ sẽ phải cắt đứt tất cả những sự liên hệ với Việt Nam. Và đến giây phút đó thì chính những sự liên hệ của tôi với Việt Nam cũng phải chấm dứt. Tất cả những người bạn mà Việt Nam còn sót lại cũng không còn cách gì khác hơn là hành động giống tôi. Đây là những điều hoàn toàn chân thật tôi nói như một người bạn của Việt Nam đã từ nhiều năm qua."

Tôi chống chế là Hoa Kỳ đã buộc ông Thiệu phải chấp nhận một tình trạng vô cùng nguy hiểm và lúc này là lúc Hoa Kỳ phải giúp ông Thiệu chu toàn trách nhiệm với người dân Việt Nam. Nhưng ông Johnson lại lộn ngược câu hỏi: "Liệu ông Thiệu có chịu để cho chúng tôi giúp đỡ ông hay không? (Có nghĩa là: Liệu ông Thiệu có chịu ký kết hay không?")

Ông Alexis Johnson quả thật là một người bạn cũ lâu năm của Việt Nam. Vào năm 1964-1965 ông là phó đại sứ dưới quyền đại sứ Maxwell Taylor. Trong những năm đó, ông đã cố gắng ngăn cản sự can thiệp ồ ạt của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Chính ông Alexis Johnson cũng cảm thấy thất vọng khi chánh phủ dân sự của bác sĩ Quát sụp đổ. Ngoài ra ông còn là người đứng đắn, hiểu biết và đã cộng tác gần gũi với tôi rất lâu. Thế mà giờ đây chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau như hai người điếc. Hố sâu ngăn cách đã quá rộng, chúng tôi chẳng còn cách nào có thể dung hòa các chánh sách của Hoa Kỳ và Việt Nam được nữa.

Tuy thế cuộc tranh luận vẫn còn tiếp tục. Sau khi hết giờ cơm trưa, ông Phượng, cụ Đỗ và tôi lại lên thẳng lầu 7 của Bộ Ngoại Giao để gặp Ngoại Trưởng Rogers. Khi đến nơi, chúng tôi trình bày tỉ mỉ mọi chuyện, và rồi nói với Ngoại Trưởng Rogers rằng sở dĩ chúng tôi phải yêu cầu Hoa Kỳ lưu ý là vì đây là một vấn đề có liên quan đến sự sinh tử của Việt Nam. Nếu các ông đặt mình vào tư thế của chúng tôi thì các ông sẽ thấy quả thật chúng tôi không hề có ý cản trở hòa bình. Chúng tôi chỉ yêu cầu những điều kiện tối cần mà thôi. Tôi nói rằng đối với Hoa Kỳ thì vấn đề Việt Nam chỉ là một trong những vấn đề chính trị. Nếu Hoa Kỳ thua cuộc ở Việt Nam thì vấn đề chỉ là một trang sử của Hoa Kỳ nhưng đối với chúng tôi thì dù có đồng ý, không đồng ý, hoặc đồng ý với điều kiện nào đi nữa thì tất cả vẫn chỉ là một vấn đề độc nhất: Đây là vấn đề sinh tử của Miền Nam Việt Nam.

Ông Rogers một mực cả quyết rằng tổng thống Nixon chưa bao giờ xem Việt Nam là một vấn đề thứ yếu. Khi bàn đến vấn đề Việt Nam ông Rogers lý luận rằng "những yêu cầu của chúng tôi quả đúng trên mặt lý thuyết (chẳng khác gì ông Johnson đã tuyên bố vài phút trước đây) nhưng, nếu chỉ có lý thuyết mà không có những sự kiện thực tế để bênh vực thì những lý thuyết đó cũng cầm bằng vô dụng. Vấn đề chỉ là chọn cách nào trong số những chọn lựa còn sót lại. Nhưng quả thật thì còn cách chọn lựa nào nữa? Còn con đường nào khác hơn nữa? Với áp lực quốc tế vào lúc này cùng những áp lực của quốc hội và dân chúng Hoa Kỳ, tình thế cho thấy tổng thống Nixon đã liều lĩnh vì Việt Nam quá nhiều rồi. Ông ta không thể nào đi xa hơn được nữa!"

Tôi cố dành thì giờ của những ngày còn sót lại, để đến họp với các Thượng Nghị Sĩ, các dân biểu và giới báo chí. Tôi quyết chí tìm cho bằng được những đầu mối có thể ảnh hưởng các chính sách của Hoa Kỳ có liên quan đến việc ủng hộ Việt Nam. Tôi đã tìm đến rất nhiều bạn bè cũ ở quốc hội như ông Hubert Humphrey, ông Jacob Javits, ông John Tower và ông George Aiken. Tôi nghĩ rằng sau khi gặp bốn Thượng Nghị Sĩ vừa kể, tôi sẽ thông tỏ phần nào tình hình của quốc hội Hoa Kỳ vào lúc này. Bốn Thượng Nghị Sĩ đều nói thẳng với tôi rằng quốc hội đã quyết ý chấm dứt chiến tranh. Tôi cũng chẳng thấy ngạc nhiên cho lắm. Cuộc dội bom vào dịp Lễ Giáng Sinh đã gây ra quá nhiều chống đối. Ngay cả những thượng nghị sĩ của đảng Cộng Hòa ủng hộ tổng thống Nixon khi trước cũng đã bắt đầu phản đối ông. Tổng thống Nixon không thể kêu gọi thượng viện ủng hộ được nữa. Từ trước tới nay, lúc nào Hạ Viện cũng đứng sau Thượng Viện trong những quyết nghị cắt giảm viện trợ cho Việt Nam. Thế mà giờ đây cả vấn đề này cũng thay đổi. Mới đây, Hạ Viện còn dẫn đầu Thượng Viện khi bỏ phiếu cho các quyết nghị cắt giảm viện trợ cho Việt Nam. Dĩ nhiên, trong quốc hội Hoa Kỳ chẳng có dân biểu hoặc Thượng Nghị Sĩ nào muốn đứng ra nhận lãnh trách nhiệm cho những nghị quyết cắt bỏ viện trợ, nhưng rất nhiều dân biểu đã tỏ thái độ bằng những cách gián tiếp khác. Họ tìm cách trì hoãn những nghị quyết viện trợ cho Việt Nam và cố giới hạn những quyền hạn của Tổng Thống Nixon về vấn đề viện trợ. Lúc này, tất cả bốn Thượng Nghị Sĩ đều đồng ý rằng vấn đề viện trợ cho Việt Nam có rất ít hy vọng được quốc hội chấp thuận. Tuy vậy, nếu Việt Nam chịu ký hiệp định Ba Lê thì họ cho rằng có thể quốc hội sẽ thay đổi thái độ. Cả bốn Thượng Nghị Sĩ đều nói nếu Việt Nam chịu ký hiệp định Ba Lê thì chính họ sẽ tìm cách vận động để thuyết phục quốc hội thông qua các nghị quyết viện trợ.

Khi cuộc họp kết thúc, cả hai ông Aiken và Tower vốn là hai bạn thân của tôi trong thượng viện, đều khuyên tôi rằng đây là lúc Việt Nam phải "thực tế" và hiểu rằng Hoa Kỳ thật sự chẳng còn làm gì hơn được nữa.

Tôi lại đến gặp các bạn bè trong giới báo chí, nhất là những người có nhiều liên lạc với ông Kissinger để cố tìm hiểu xem họa chăng còn có vấn đề gì đã bỏ qua mà không nhìn thấy chăng? Tôi tìm đến các ông Joe Kraft, Marvin Kalb, Murray Marder, ông Chalmers Roberts, tất cả đều có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về vấn đề ngoại giao. Tất cả những người tôi tìm đến đều cùng đồng ý kiến. Họ trình bày với tôi bằng cách này hay cách khác rằng chẳng còn gì để bàn luận. Họ đều đồng loạt cho rằng đã có một sự mặc nhiên đồng ý giữa các cường quốc về việc ngưng bắn. Họ quan niệm rằng đã có nhiều điều được hai bên thỏa thuận: Bắc Việt không còn đòi hỏi lật đổ ông Thiệu. Đây là một trong những điều mà Bắc Việt đã đòi hỏi trong suốt bốn năm. Để đổi lại, Hoa Kỳ sẽ không đòi hỏi Bắc Việt phải rút quân ra khỏi Miền Nam. Vì thế, sẽ không có biến chuyển gì quan trọng trong những cuộc đàm phán lúc này.

Vào ngày 9 tháng 1-1972 tôi đến gặp ông Alexander Haig mà trong lòng thất vọng não nề. Ông Haig là người có nhiều kinh nghiệm cả về mặt quân sự lẫn dân sự. Ông đã từng là phụ tá cho cả ông Kissinger lẫn tổng thống Nixon trong suốt 4 năm. Kinh nghiệm của ông Haig về vấn đề Việt Nam thật là hiếm có. Ông chẳng những chỉ hiểu biết Việt Nam trên mặt ngoại giao mà đã từng gia nhập cả quân đội tác chiến ở Việt Nam. Vì đã từng là tiểu đoàn trưởng ở Việt Nam trong thập niên 60 nên ông Haig hiểu rõ phong thổ và tánh tình người Việt. Kinh nghiệm đặc biệt này đã khiến ông có những nhận định chính xác về tình hình chiến cuộc Việt Nam. Trước đây, khi tôi còn là đại sứ của Việt Nam ở Hoa Kỳ, tôi đã nhiều lần gặp ông Haig. Lẽ dĩ nhiên tôi thấy tôi có thể nói chuyện với ông Haig rất dễ dàng.

Khi tôi đến văn phòng ông ở Ngũ Giác Đài, ông Haig cho biết ông vừa mới họp với tổng thống Nixon trong một cuộc họp rất dài. Ông Haig nói rằng Tổng Thống Nixon "hết sức lo ngại" vì những sự chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vì đây chính là cơ hội hiếm có mà Bắc Việt đã hết lòng mong mỏi. Tổng thống Nixon cũng "rất khó chịu" về thái độ của ông Thiệu khi thấy rằng ông Thiệu đang khước từ bản hiệp định trong khi chíng Tổng Thống Nixon đã chấp thuận bản hiệp định đó. Hành động của ông Thiệu đã khiến tổng thống Nixon không thể giúp ông.

Tôi cắt lời ông Haig để trình bày rằng chính chúng tôi cũng khó chịu không kém. Khi ông Kissinger và tổng thống Nixon mang bản dự thảo thỏa hiệp đến Sài Gòn vào tháng 10-1971, chúng tôi chưa hề được tham khảo ý kiến đầy đủ dù chỉ là trên những điểm chính của bản hiệp định. Ông Haig trả lời rằng: "Đúng, đây quả là một lỗi lầm lớn, một sai lầm đáng kể về phía chúng tôi." (Đây là nguyên văn câu nói của ông Haig. Ngay sau khi gặp ông Haig, tôi đã ghi lại các diễn tiến của cuộc họp và cũng đã gửi điện về Sài Gòn cho ông Thiệu biết rõ vào ngay đêm đó.)

Tôi nói với ông Haig: "Như ông đã biết, ngay từ khi tôi còn là đại sứ tôi cũng đã nhiều lần nói với ông rằng kể từ tháng 9 năm 1971 cho tới tháng 1 năm 1972 sự trao đổi ý kiến giữa hai chánh phủ không được đầy đủ."

"Đúng vậy," ông Haig trả lời, "đây là một trong những sai lầm, nhưng thái độ của các ông đối với ông Kissinger cũng có phần quá đáng. Tổng thống Việt Nam đã hiểu lầm ông Kissinger và một phần lỗi quả là do ông Kissinger. Nhưng dẫu sao thì lúc này tất cả đều là chuyện đã qua. Và ngay trong thời gian hiện tại, chẳng lẽ ông vẫn chưa thấy rõ tình cảnh của chúng tôi? Tổng thống Nixon chẳng còn xoay sở gì được nữa. Nếu Việt Cộng đã đồng ý nói chuyện triệt quân, đã đồng ý với mọi thủ tục ngưng bắn, đã đồng ý với mọi thủ tục ký kết thì Tổng Thống Nixon sẽ phải ký kết. Tôi biết chắc ý định của tổng thống Nixon là chấp thuận ký kết. Rồi đây, chính tổng thống Nixon sẽ chánh thức kêu gọi ông Thiệu hợp tác. Nếu ông Thiệu từ chối thì Hoa Kỳ sẽ phải cắt bỏ Việt Nam. Chính tôi cũng sắp sang Việt Nam và khi đó thì chắc chắn là chẳng ai có thể bưng mắt khi phải trực diện với sự thật."

Tôi trở về tòa đại sứ viết bản báo cáo cuối cùng cho ông Thiệu và sửa soạn sang Pháp cho kịp loạt đàm phán cuối cùng, bên tai tôi vẫn vẳng câu nói "trực diện với sự thật".

Chiều hôm đó, cụ Đỗ và tôi cùng bay sang Ba Lê. Tại đây Kissinger đã đàm phán cùng Lê Đức Thọ được ba ngày. Tuy chúng tôi vẫn chưa mảy may hay biết những điểm quan trọng đã được thỏa thuận. Vào ngày 8 tháng 1-1972, Kissinger cùng Lê Đức Thọ đã quyết định chú tâm vào hai vấn đề chính: Vùng phi quân sự và các thủ tục ký kết. Nếu vấn đề hiện diện của quân đội Bắc Việt có được bàn cãi đi chăng nữa thì cùng chỉ là một vấn đề bàn cãi suông. Ngay ngày hôm sau, ngày 9 tháng 1, vấn đề ranh giới vùng phi quân sự được hai bên thỏa thuận. Hai bên đều khẳng định sẽ có một hàng rào phân đôi hai miền Nam Bắc. Như vậy vấn đề cuối cùng còn lại chỉ là: Làm thế nào để chữ ký của Ngoại Trưởng Việt Nam sẽ không cùng xuất hiện với chữ ký của đại diện Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời. Từ trước tới nay chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa vẫn không chánh thức nhìn nhận chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời và vì không chánh thức nhình nhận chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời nên chánh phủ Việt Nam chưa bao giờ ký kết bất cứ điều gì với đoàn thể này. Tuy thế, ông Kissinger cho rằng đây chỉ là một vấn đề thủ tục hơn là hơn là một điểm có tính cách quan trọng thực tế.

Vào tối ngày 12 tháng giêng, năm nhà ngoại giao của Việt Nam họp mặt cùng các ông Kissinger, William Sullivan và nhiều nhân viên khác để thảo luận những diễn tiến của cuộc đàm phán. Tại Faubourg Saint-Honore, trong cuộc họp mặt tại tư thất của đại sứ Hoa Kỳ, ông Kissinger mở đầu bằng cách tấn công vào hai đặc sứ của Việt Nam là tôi và cụ Đỗ. Vì đã bị quá nhiều nhân viên Việt Nam truy vấn về các điều khoản đàm phán, ông Kissinger lúc này chào đầu chúng tôi với đề nghị rằng có lẽ cả hai chúng tôi nên về Việt Nam ngay để cho ông Thiệu biết rõ lập trường của Hoa Kỳ lúc này. Ông Kissinger lý luận rằng ông Thiệu ắt hẳn phải thấy đây là lúc Việt Nam nên ký kết để hiệp định Ba Lê có thể được công bố trước khi quốc hội Hoa Kỳ có cơ hội cắt viện trợ. Bởi vậy lúc này có lẽ là lúc Việt Nam nên hành động gấp để có thể ảnh hưởng quốc hội Hoa Kỳ. Ý Ông Kissinger có ý nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải khẩn cấp đàm phán. Cụ Đỗ đáp trả rằng việc phải đàm phán khẩn cấp với Cộng Sản là việc dễ dàng như trở bàn tay. Các ông chỉ cần thỏa thuận cho họ tất cả những điều họ đòi hỏi là xong.

Sau những câu chào đón hục hặc đó thì cuộc bàn luận có vẻ bớt xung khắc tuy rằng bên chúng tôi lúc nào bầu không khí cũng nặng nề, nghiêm trọng. Ông Kissinger tổng kết tình hình tất cả các cuộc đàm phán và chỉ ra những tiến triển khả quan. Ông trình bày những điểm khả quan trong những vấn đề như khẳng định vùng phi quân sự, tiếp tục viện trợ cho Việt Nam về mặt quân sự, tăng cường ủy ban giám sát quốc tế và những điểm khả quan trên nhiều phương diện khác. Khi ông Kissinger dứt lời thì phòng họp lặng yên trong vòng một phút rồi cụ Đỗ (theo như tôi nhớ) lên tiếng hỏi rằng: "Thưa ông Kissinger, những tiến triển ông vừa bàn đến quả thật quan trọng nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự hiện diện của các đội quân Bắc Việt ở Miền Nam Việt Nam. Vấn đề này đã được bàn bạc ra sao?" Ông Kissinger trả lời rằng:
Tuần này, tôi cũng đã bàn đến vấn đề rút quân của các quân đội Bắc Việt gần suốt ba tiếng đồng hồ mà cũng vẫn không đạt được thêm kết quả nào. Tuy nhiên, nếu những điều khoản liên quan đến các vùng phi quân sự ở Lào và Cam Bốt được giữ đúng như bản hiệp định đã đề ra thì trên mặt pháp lý Bắc Việt hoàn toàn không có lý do gì để đóng quân ở Miền Nam Việt Nam. Theo tôi thấy thì Bắc Việt chưa hề đòi hỏi chúng ta phải cho phép quân đội của họ đóng binh ở Miền Nam. Hơn nữa, trong tất cả các điều khoản của hiệp định Ba Lê cũng chẳng có điều khoản nào cho quyền họ đóng quân ở Miền Nam. Tôi có thể cho ông xem những phần trích dẫn trong các tài liệu đàm phán ghi chú lại những điều các đại diện Bắc Việt tuyên bố. Trong những tài liệu đó Bắc Việt tuyên bố rằng họ không hề có quân đóng ở Miền Nam. Chúng tôi có thể cho ông xem một bản chú thích trích dẫn những điều họ tuyên bố. Qua các điều tuyên bố trong tài liệu đó chúng tôi suy luận rằng họ không hề yêu cầu chúng ta phải cho phép họ đóng quân ở Miền Nam Việt Nam.

Có thể trên phương diện pháp lý thuần túy thì câu trả lời của ông Kissinger còn mang một ý nghĩa nào đó nhưng khi đem áp dụng vào một cuộc chiến giữa hai kẻ thù không đội trời chung thì câu trả lời đó đối với chúng tôi quả là một câu trả lời mang tính chất siêu hình hoàn toàn vô nghĩa. Theo tôi thì đây là một câu trả lời thiếu thành thật. Thử hỏi người Hoa Kỳ sẽ suy nghĩ ra sao nếu có một thành phần thứ ba đứng ra đàm phán cho Hoa Kỳ ký kết một hiệp định cho phép kẻ thù của Hoa Kỳ đóng quân dọc theo suốt biên giới Hoa Kỳ từ California qua New York rồi bằng vào một lô lý luận, kết luận rằng kẻ thù của Hoa Kỳ quả thật không có quyền hiện diện ở những nơi này trên mặt pháp lý?

Ông Kissinger tiếp tục nói thêm: "Chẳng bao lâu nữa, tổng thống của các ông sẽ phải quyết định liệu có chấp thuận cùng Hoa Kỳ ký kết hiệp định Ba Lê hay không. Qua lần từ chối ký kết vào tháng 10 vừa rồi, rất nhiều đòi hỏi của ông Thiệu đã được thỏa mãn: Một tỷ đô la vũ khí, ba tháng để sửa soạn ngưng bắn và một tình hình khả quan hơn rất nhiều. Nhưng rồi đây chúng ta sẽ phải trực diện với sự thật. Việt Nam phải thỏa thuận hoặc sẽ bị Hoa Kỳ cắt bỏ tất cả viện trợ."

Cuộc họp với ông Kissinger và ông Sullivan kéo dài đến nửa đêm. Khi trở về khách sạn, tôi lập tức bắt đầu soạn bản tường trình cho ông Thiệu, tóm tắt tất cả những nhận định của tôi sau suốt bảy ngày chống trả:
Qua các tổng kết của nhiều trường hợp, ý kiến quốc tế và nhất là ý kiến của dân chúng Hoa Kỳ, việc đã cho thấy Hoa Kỳ nhất định sẽ không trì hoãn vấn đề ký kết hiệp định hòa bình ở Việt Nam. Đúng hay sai không còn là vấn đề nữa. Vấn đề chính lúc này chỉ là câu hỏi: Chừng nào sẽ có Hòa Bình? Ngay dù chỉ là một nền hòa bình tạm bợ. Rồi đây, Việt Nam sẽ phải khốn khổ cố tránh né những chỉ trích của toàn thế giới để khỏi bị cô lập hoàn toàn.

Nếu nói riêng phía Hoa Kỳ thì tôi cho rằng Ngoại Trưởng Rogers, ông Kissinger và ông Haig trên một mức độ nào đó đã có vẻ như cố đe dọa chúng ta. Tuy thế, chúng ta cũng phải nhận thấy những khó khăn của Chánh Phủ Nixon. Một mặt họ không thể giải quyết vấn đề. Mặt khác, họ cảm thấy không thể đi sâu hơn được nữa. Theo như tôi thấy thì tổng thống Nixon không còn chỗ để xoay sở nữa. Tại Ba Lê ông Kissinger đã nói với tôi rằng, "Chắc ông cũng biết chúng tôi rất muốn chiến thắng về mặt quân sự, nhưng việc này vượt ngoài khả năng chúng tôi. Bây giờ là lúc chúng tôi phải tạm ổn định trước khi chúng tôi phải hoàn toàn bó tay."

Trong tình trạng thúc đẩy hòa bình của Hoa Kỳ và ý kiến chung của cả quốc tế cùng những thực tế chính trị ở Hoa Kỳ, tôi đã hết sức [tìm một giải pháp khác], bởi vì "Còn nước còn tát..." Nhưng quả thật tôi thấy mình đang ở trong một tình trạng cực kỳ thất vọng. Tôi khó thể thu thập bình tĩnh để đưa bất cứ lời khuyên hoặc đề nghị gì vào lúc này. Tuy thế, tôi biết rõ rằng chúng ta đang ở vào một khúc quanh lịch sử. Việc quyết định thật là khó khăn, phức tạp vô độ. Nhưng đây là việc không thể tránh được.

Theo tôi thì chúng ta phải phấn đấu với tất cả sức mạnh của chúng ta. Và chỉ vào lúc đó chúng ta mới nên quyết định. Việc quyết định nằm giữa hai sự chọn lựa: Khước từ vấn đề ký kết (và nhận lãnh tất cả mọi hậu quả vì quyết định của chúng ta) hoặc ký kết với hy vọng rằng mặc dầu bản hiệp định có rất nhiều khuyết điểm nhưng bằng vào sự đoàn kết của những người trong nhóm quốc gia cùng những hứa hẹn viện trợ của Hoa Kỳ, chúng ta sẽ có thể vượt qua mọi khó khăn. Dĩ nhiên, giữa hai cách chọn, chúng ta cũng có thể chọn cách thứ ba, cách này là chấp nhận hiệp định nhưng khước từ không ký kết. Dầu vậy, tôi xin nói ngay rằng nếu trên mặt lý thuyết cách chọn thứ ba có vẻ hấp dẫn thì trên thực tế cách chọn này vẫn chẳng khác gì cách chọn khước từ không chịu ký kết. Và trong trường hợp này, những hậu quả tai hại giữa chúng ta và Hoa Kỳ cũng vẫn chẳng khác gì [trường hợp chúng ta khước từ không chịu ký kết].

Tôi hoàn tất bản tường trình vào khoảng 4, 5 giờ sáng. Toàn thể bản tường trình dài khoảng hơn 25 trang. Khi tôi viết xong, bản tường trình được gửi thẳng về Sài Gòn.

Tôi biết rõ rằng cuối cùng ông Thiệu cũng sẽ phải ký kết. Nhưng bất kể kết cục ra sao, tôi vẫn muốn hết sức làm tất cả mọi việc để thuyết phục các đồng minh khác ngoài Hoa Kỳ. Trước tiên, tôi muốn trình bày cho họ hiểu rõ rằng Việt Nam quả thực không hề có ý ngăn cản hòa bình. Tôi muốn gây cảm tình với những đồng minh khác ngoài Hoa Kỳ vì cho rằng bất kể ông Thiệu có ký kết hay không thì việc vận động để các đồng mình khác ủng hộ Việt Nam vẫn là vấn đề quan trọng.

Với những toan tính này trong đầu, tôi đến gặp ông Robert Schumann, Ngoại Trưởng Pháp. Tuy rằng những liên hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam lúc này có hơi căng thẳng, ông Schumann vẫn đón tiếp tôi rất thân mật . Ông Schumann cho biết rằng Pháp sẽ đồng ý tham gia hội nghị quốc tế về vấn đề Đông Dương. Từ trước tới nay, tất cả những nước ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa đều đề cập đến 4 quốc gia ở Đông Dương là Bắc Việt, Việt Nam Cộng Hòa, Lào và Cam Bốt. Nhưng riêng Bắc Việt thì vẫn có ý coi Việt Nam là một quốc gia và đề cập đến Đông Dương như chỉ bao gồm 3 quốc gia. Việt Nam được đề cập đến như một chứ không phải hai quốc gia như thế giới vẫn thường quan niệm. Tuy rằng lúc này ông Kissinger và Bắc Việt đã cùng thỏa thuận rằng chỉ có 3 quốc gia ở Đông Dương, theo tôi biết thì trong lần đọc diễn văn mới đây, Tổng Thống Pompidou của Pháp đã đề cập đến bốn quốc gia ở Đông Dương. Ông có ý công nhận hai nước Việt Nam thay vì một như Kissinger đã đề trong hiệp định Ba Lê. Những phát biểu của tổng thống Pompidou không hề có gì vô ý cả. Lời nói của ông Pompidou là lời nói của một vị nguyên thủ quốc gia. Lời nói đó xác nhận rằng Pháp sẽ tiếp tục công nhận Việt Nam Cộng Hòa như một chánh phủ hợp pháp khác hẳn với chánh phủ Bắc Việt.

Trong khi ở Ba Lê, tôi cũng nhân cơ hội đến gặp một số nhà trí thức Pháp và Việt Nam. Tại đây tôi cố dùng cương vị ngoại giao của tôi để gián tiếp ảnh hưởng ông Thiệu. Tôi nói rõ cho ông Thiệu biết ý kiến của giới trí thức và giới ngoại giao ở Pháp về hiệp định Ba Lê, nhưng cố ý nhấn mạnh những điều trùng hợp với sự suy nghĩ của riêng tôi, nhất là về vấn đề đoàn kết. Tôi viết cho ông Thiệu rằng: "Dù chúng ta có được một hiệp định thỏa đáng [ở Ba Lê], nếu không có đoàn kết thì hiệp định này cũng chẳng đi đến đâu. Ngược lại, tuy bản hiệp định mang đầy khuyết điểm nhưng nếu chúng ta đều đồng lòng đoàn kết thì việc cũng chưa hẳn hoàn toàn vô vọng. Cho đến giờ phút này chúng ta cũng vẫn còn chưa tận dụng được những tiềm lực của quốc gia. Vẫn còn rất nhiều những nhân vật quốc gia chưa cộng tác với chính phủ."

Vào ngày 17, tôi rời Ba Lê sang Luân Đôn đến gặp Ngoại Trưởng Anh Quốc là ông Alec Douglas- Home. Ngoại Trưởng Douglas-Home nhấn mạnh rằng nếu có việc gì nước Anh có thể làm thì xin Việt Nam đừng ngần ngại. Ông Home còn giới thiệu tôi với nhiều dân biểu khác của quốc hội, nhất là những dân biểu cũng cùng ủng hộ Việt Nam như ông. Một trong những người ông Home giới thiệu với tôi là dân biểu James Callaghan của đảng Lao Động, người sau này là thủ tướng Anh Quốc. Ông Callghan cho tôi biết rằng trong những cuộc họp của các đảng xã hội quốc tế mới đây, Anh Quốc cùng Thủ Tướng Golda Meir của Do Thái đã tuyên bố ủng hộ Miền Nam Việt Nam.

Tôi trở về Ba Lê vào ngày 21 tháng 1-1972 khi có tin cho biết ông Thiệu chấp nhận bản dự thảo hiệp định. Ông Thiệu chỉ bỏ cuộc sau khi đã trao đổi hàng loạt thư từ với tổng thống Nixon và đã "trực diện với sự thật", chẳng những một mà rất nhiều lần. Diễn biến cuối cùng cho thấy ông Thiệu vẫn phải ký kết. Tổng thống Nixon đã nghiêm trang cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam nếu ông Thiệu chịu ký kết hiệp định Ba Lê, và cũng đã nghiêm trang cam kết cắt bỏ hoàn toàn viện trợ nếu ông Thiệu khước từ. Ông Thiệu hiểu rõ nếu không có viện trợ thì cả chánh phủ của ông lẫn Miền Nam Việt Nam đều không thể đứng vững. Với viện trợ của Hoa Kỳ, ít nhất ông cũng còn một cơ hội. Kết quả là vào ngày 23 tháng 1-1972, hiệp định đã được Lê Đức Thọ và Kissinger ký kết ở Ba Lê. Bốn ngày sau đó hiệp định được tất cả các đương sự ký kết. Hà Nội cùng chính phủ Lâm Thời ký chung trong một trang, Việt Nam cùng Hoa Kỳ ký chung trong một trang khác.

Một trong những lý do chính khiến ông Thiệu ký kết là việc Hoa Kỳ hứa sẽ mời ông sang Hoa Kỳ gặp tổng thống Nixon. Ông Thiệu cho là chuyến sang Hoa Kỳ đó là tối quan trọng vì hai lý do: Thứ nhất, nếu ông Thiệu được mời sang Hoa Kỳ để gặp Tổng Thống Nixon thì uy tín trong nước của ông Thiệu sẽ gia tăng. Thứ hai: Ông Thiệu muốn đo lường sự quyết tâm của Hoa Kỳ. Ông Thiệu cho rằng ông chỉ có thể khẳng định được thái độ của Hoa Kỳ nếu ông có dịp tiếp xúc mặt đối mặt với Tổng Thống Nixon. Đây là lần đầu tiên ông Thiệu sang Hoa Kỳ. Một trong những câu hỏi đã ám ảnh ông Thiệu trong suốt cuộc đời chính trị của ông là: "Hoa Kỳ thực sự tính toán, mong mỏi điều gì?" Chuyến sang Hoa Kỳ lần này là một cơ hội để ông có thể tìm ra câu trả lời.

Chuyến viếng thăm của ông Thiệu được dự trù vào ngày 3 tháng 4, năm 1972, ông Thiệu nhờ tôi đến Hoa Kỳ vào tháng hai để sửa soạn mọi việc. Trong khi đó, thì con gái lớn của chúng tôi đang học ở đại học Georgetown lại sắp sửa lập gia đình nên nhà tôi cũng cần phải sang Hoa Kỳ để sắp xếp. Bởi thế trong khi tôi lo sửa soạn cho cuộc họp của ông Thiệu và tổng thống Nixon thì nhà tôi cũng có nhiều việc riêng cần phải sắp xếp, lo liệu.

Việc sửa soạn chu tất cho chuyến viếng thăm đã khiến tôi liên lạc trở lại với những phụ tá của Tòa Bạch Ốc, với các dân biểu, Thượng Nghị Sĩ, Phóng viên và giới báo chí ở Hoa Thịnh Đốn. Tôi bắt đầu dò dẫm tình hình sau khi hiệp định Ba Lê được ký kết và đã cảm thấy những khác biệt đáng kể. Những áp lực chống đối đè nặng chỉ mới hai tháng trước đây đã tan biến. Vì tất cả binh lính Hoa Kỳ đã hồi hương và tất cả những tù binh đã được giao trả hoặc sẽ được giao trả, cơn sốt chống đối của Hoa Kỳ đã giảm dần.

Vào ngày 2 tháng 4, tôi bay từ Hoa Thịnh Đốn tới Honolulu nhằm đón máy bay ông Thiệu để có thể cùng ông sang Los Angeles và từ đó bay về hướng Nam sang San Clemente nơi tổng thống Nixon cư ngụ. Tưởng cũng không cần nói thêm rằng, so với Midway thì San Clemente quả dễ chịu hơn, nhưng đây vẫn không phải là Hoa Thịnh Đốn và tất cả chúng tôi đều không cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn. Chẳng hiểu vì sao một người rành rẽ về giao tế như tổng thống Nixon mà lại có thể không nhận thấy những ảnh hưởng của cuộc họp này đối với dư luận báo chí Việt Nam.

Nhưng tuy ông Thiệu có vẻ hơi thất vọng về nơi chốn gặp gỡ, ông đã xoay sở để có dịp bàn luận với vị tổng thống Hoa Kỳ. Tổng thống Nixon đã nói những câu ông Thiệu mong mỏi được nghe: "Ông có thể tin tưởng nơi chúng tôi. Hoa Kỳ chắc chắn sẽ phản ứng thích đáng nếu Bắc Việt vi phạm các điều khoản trong hiệp định Ba Lê." Trong khi ông Thiệu nói chuyện với tổng thống Nixon thì tôi và ông John Holdridge lại không đồng ý về vấn đề nên soạn thảo một bản thông cáo chung thế nào cho phù hợp. Tôi muốn bản thông cáo chung phải bao gồm những ngôn từ mạnh mẽ và chi tiết trong khi ông Holdridge lại có ý muốn dùng những ngôn từ tổng quát. Cuộc tranh luận cứ loay hoay mãi chẳng đi đến đâu và cho đến mãi khi bắt đầu món cocktail thì chúng tôi cũng giải quyết được vấn đề tranh luận.

Trong bữa ăn tối đó, tôi ngồi cạnh ông Graham Martin, người mà tôi được biết sẽ thay thế ông Ellsworth Bunker làm đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam. Lúc này ông Bunker đã làm đại sứ được sáu năm và đang sắp sửa về hưu. Dĩ nhiên là tôi cố tìm cách tìm hiểu ông Martin. Tôi đã bỏ ra rất nhiều thời giờ mà vẫn không đạt được kết quả như ý. Tuy tôi biết ông đã từng là đại sứ ở Thái Lan và đã có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với các quốc gia ở Á Châu, trong bữa ăn tối đó tôi vẫn chẳng biết được thêm điều gì. Cũng giống như tất cả những nhà ngoại giao khác, ông Martin lúc nào cũng giữ đúng phép xã giao nhưng ông lại rất ít nói và có vẻ hơi lạnh lùng. Tôi chẳng biết gì nhiều về ông và cũng chưa biết được rằng về sau ông lại là một đại sứ thiếu thực tế và quá chủ quan.

Tuy rằng ông Kissinger đã viết trong hồi ký rằng ông cảm thấy hổ thẹn về cung cách Hoa Kỳ đón tiếp ông Thiệu -có vẻ là một cuộc đón tiếp xã giao và quá giới hạn đối với những cuộc tiếp xúc có tính cách quốc gia như những cuộc gặp gỡ này- thật sự thì những nhân vật Việt Nam cảm thấy được khích lệ rất nhiều. Riêng ông Thiệu đã cho buổi gặp gỡ là một thành công. Ông đã được hứa ủng hộ viện trợ về các mặt kinh tế, quân sự cũng như được hứa rằng Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng trả đủa bằng những biện pháp quân sự nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định. Dĩ nhiên là tin tưởng của ông Thiệu tăng lên rất nhiều. Sau đó, chúng tôi bay về Hoa Thịnh Đốn. Trên đường về, ông Thiệu đã mở Champagne và ăn mừng ngày sinh nhật của ông trên máy bay.

Trong khi tất cả chúng tôi đang ăn mừng thì có lẽ chẳng ai có thể ngờ rằng lúc này, tổng thống Nixon đã bước sâu vào vũng lầy của vụ Watergate. Thực ra thì vào ngay cả khi Tổng Thống Nixon tiếp đón chúng tôi ở San Clemente thì chính ông cũng đang khốn đốn vì tuyệt vọng. Vụ Watergate lúc này sắp sửa được đưa ra trước dư luận và Tổng Thống Nixon đang cố xoay sở để gỡ rối cho tình thế nan giải ngay trong nội bộ Hoa Kỳ. Tuy thế, những gì chúng tôi mục kích trong cuộc tiếp xúc với ông lại hoàn toàn khác hẳn: Tổng Thống Nixon là một vị Tổng Thống đang ở vào lúc tột đỉnh của quyền uy. Đây là một vị tổng thống vừa mới tái đắc cử với gần như tổng số phiếu. Khi gặp ông Nixon ở San Clemente, chúng tôi không hề nhìn thấy bất cứ điểm gì có thể gọi là một điềm bất tường báo hiệu những phong ba sắp sửa xảy ra trên trường chính trị ở Hoa Thịnh Đốn. Chẳng một ai trong chúng tôi lại có thể ngờ rằng rồi đây thế đứng của tổng thống Nixon sẽ hoàn toàn khác hẳn với những ấn tượng của chúng tôi về ông ở San Clemente. Lúc đó, ông Nixon không còn có đủ quyền hạn để chu toàn những nhiệm vụ cơ bản nhất, chứ đừng nói đến ủng hộ Việt Nam vốn là một việc đòi hỏi rất nhiều cương quyết và can đảm.

Tại Hoa Thịnh Đốn, chúng tôi gặp phó tổng thống Spiro Agnew, người đứng ra tổ chức bữa tiệc tối để đón tiếp ông Thiệu. Ngay đêm sau đó, ông Thiệu đọc diễn văn ở Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia. Buổi diễn văn diễn ra hoàn toàn tốt đẹp. Ông Thiệu trình bày xuôi chảy vì tôi và ông Nhã đã hì hục suốt cả đêm hôm trước để sửa đổi lại bài diễn văn đã được những nhân viên của ông Thiệu soạn trước cho ông ở Sài Gòn. Chúng tôi đã sửa lại bài diễn văn cho phù hợp với những cử tọa đa nghi ở Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia của Hoa Kỳ. Dĩ nhiên trong buổi nói chuyện của ông Thiệu, cử tọa vẫn có những câu nghi vấn nhưng họ không hề có những câu hỏi có tính cách chống đối quá đáng như tôi đã lo.

Khi ông Thiệu đang ở Hoa Thịnh Đốn thì tình cờ vào lúc đó, ông Haig cũng đang ở Hoa Thịnh Đốn. Chúng tôi nhân dịp mời ông Haig đến tòa đại sứ để trao tặng ông Bảo Quốc Huân Chương của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tôi có dịp gặp ông Haig sau đợt đàm phán cuối cùng ở Ba Lê. Ông Haig cho biết ông sắp sang Việt Nam. Tin tức tình báo cho thấy đà xâm nhập cùng những kho tiếp vận của Việt Cộng đang ngày càng lan rộng. Tổng Thống Nixon đã ngỏ lời nhờ ông Haig đến xem rõ tình hình hư thực ra sao. Việc ông Haig được tổng thống Nixon gửi đi cũng là một niềm khích lệ đối với Việt Nam. Ông Haig là người hiểu biết, tinh tế và cứng rắn. Khi gửi ông đi, tổng thống Nixon chứng tỏ rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng hành động. Buồn thay, lúc ông Haig trở về để tường trình về những vi phạm trầm trọng của Bắc Việt thì vụ Watergate đã bắt đầu sôi sục và lúc đó Tổng Thống Nixon không còn đủ khả năng để đối phó.

Hai ngày sau khi gặp ông Haig ở tòa đại sứ, chúng tôi bay sang Châu Âu. Tại đây lại một lần nữa ông Thiệu mở Champagne ăn mừng chuyến đi thành công. Không khí ấm áp tỏa ra khắp cả máy bay. Ông Thiệu ngỏ lời cám ơn tất cả chúng tôi đã bỏ sức góp phần vào chuyến viếng thăm. Khi nhìn lại thì có lẽ đây là một trong những cao điểm của mối liên hệ phức tạp giữa tôi và ông Thiệu qua gần một thập niên. Ít nhất là vào lúc này cả hai chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhàng. Ông Thiệu có vẻ như không còn thủ thế, nghi ngờ như trước và tôi thì cũng không đến nỗi phải đè nén những nỗi thất vọng như những năm trước đây. Khi chiếc phản lực cơ 707 vượt qua Đại Tây Dương đêm đó, những tiệc tùng vui vẻ vẫn tiếp tục và vẫn chẳng một ai trong chúng tôi có thể nhìn thấy trước được những diễn biến của vụ Watergate sắp xảy ra trong tương lai. Tôi vẫn chưa nhìn thấy rõ những vụ điều trần mở màn cho việc điều tra vụ Watergate.

Tại Rome, ông Thiệu được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến. Sau đó phái đoàn Miền Nam Việt Nam ở Ba Lê đến gặp chúng tôi để duyệt lại những tiến triển trong cuộc đàm phán liên quan đến việc thực thi hiệp định Ba Lê. Bản tường trình của ông Phạm Đăng Lâm về những cuộc đàm phán thật là thất vọng. Tại Ba Lê, một cuộc nói chuyện tay ba đang diễn ra giữa những người điếc. Những cuộc đàm phán bao gồm những cuộc nói chuyện của Việt Nam Cộng Hòa và Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời, những cuộc thảo luận Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ và những cuộc nói chuyện của Hoa Kỳ và Bắc Việt. Tuy thế, lúc này chúng tôi chẳng còn coi trọng những chuyện đàm phán như trước nữa. Tất cả đều dửng dưng khi ông Lâm nói rằng chẳng có tiến triển gì đặc biệt. Tất cả chúng tôi đều đã cùng đoán trước được điều này. Chẳng hiểu về phía Hoa Kỳ thì ông Kissinger và các phụ tá đã hoan hỉ đến độ nào khi hiệp định Ba Lê được ký kết, nhưng về phía Việt Nam thì tất cả chúng tôi đều đã biết trước câu trả lời cho câu hỏi chính về hiệp định Ba Lê: "Liệu Hiệp Định Ba Lê có đem lại được hòa bình hay không?" Chúng tôi biết rõ rằng câu trả lời của câu hỏi này tùy thuộc vào một câu hỏi khác: "Liệu Hoa Kỳ có trả đủa thích đáng nếu Việt Cộng vi phạm Hiệp Định Ba Lê hay không?" Và chính chúng tôi vừa được nghe Tổng Thống Nixon xác nhận rằng "Có" ở San Clemente.

Tôi bay từ Âu Châu về Hoa Thịnh Đốn vừa kịp lúc con gái tôi làm lễ cưới cùng một sinh viên trẻ cũng cùng học với con gái tôi ở đại học Georgetown. Sau khi lễ cưới kết thúc, tôi cùng nhà tôi lại bay về Sài Gòn.


GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 01-16
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 17-21
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm (The End)

-

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...