GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 22-34
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm (The End)
Gọng Kềm Lịch Sử
17. Sự Can Thiệp của Hoa Kỳ
Bác sĩ Quát là một chính khách có kinh nghiệm chánh trị kỳ cựu, có chí quyết tâm, có những xét đoán sâu sắc và những suy nghĩ mẫu mực, đứng đắn. Ông đã là từng là Đổng Lý Văn Phòng Phủ Thủ Tướng trong chánh phủ Trần Trọng Kim và đã hai lần làm Bộ Trưởng Quốc Phòng. Nếu Nguyễn Khánh thiếu lập trường và kinh nghiệm chính trị bao nhiêu thì bác sĩ Quát lại tháo vát và vững chắc bấy nhiêu.
Bác sĩ Quát có lẽ là người có thể đảm đương được trách nhiệm khi Nguyễn Khánh bị trục xuất. Nhưng dù ông có khả năng mấy chăng nữa thì tình hình lúc đó cũng hết sức khó khăn và khả năng của ông chưa chắc đã làm thay đổi được tình hình.
Dĩ nhiên chính bác sĩ Quát không hề cảm thấy điều này. Ông là một chính trị gia hết sức tự tin. Trong suốt những năm dài dằng dặc, kể cả những năm bị gạt ra khỏi chính trường, bác sĩ Quát vẫn không hề thối chí trong việc cố gắng tranh đấu để có thể phục vụ ở một cương vị nào đó trong chính quyền. Lúc này, cơ hội đã đến ông nhất định không chịu bỏ lỡ. Hơn nữa, ông tin rằng ông có thể củng cố chính phủ và tạo được cho đất nước một sự ổn định cần thiết cho việc kiến tạo dân chủ và độc lập. Bác sĩ Quát nhận định rằng: Vấn đề chính là tìm cách giải quyết hết những khó khăn quân sự, nhất là vấn đề của các tướng trẻ. Ông cho rằng ông có thể khắc phục được họ.
Nhưng lần này những khó khăn đang chờ đợi bác sĩ Quát thật là khủng khiếp. Nếu vấn đề bắt đầu làm lại từ đầu là việc dễ dàng vào năm 1954 và năm 1963 thì vào năm 1965 các biến cố đã thay đổi hoàn toàn khung cảnh chính trị của đất nước. Cơ hội dung hòa những khác biệt giữa các đoàn thể tôn giáo và chính trị bằng một chánh sách đoàn kết trước đây đã hoàn toàn mất hẳn. Đất nước lúc này đang chìm đắm trong tình trạng chia rẽ và xáo trộn. Những tư lệnh cao cấp của quân đội, nguyên là những nhân viên nhận lệnh trực tiếp từ chánh phủ, giờ đây đã xem chánh trường như một vùng chiến địa đòi hỏi những nỗ lực đấu tranh chẳng khác nào những đấu tranh ngoài chiến trường. Lúc này, những tướng tá đã tự chia bè, kết phái chống đối lẫn nhau. Dù họ đồng lòng khinh miệt những nhân viên dân sự, chính bản thân các tướng tá cũng nghi kỵ lẫn nhau. Mặt khác, chính những nhân viên dân sự cũng khinh miệt các tướng tá và các nhân viên quân đội. Công giáo nghi ngờ phật giáo. Phật giáo nghi ngờ công giáo. Những người Miền Nam không còn tin tưởng những người miền Bắc đang chung sống với họ. Có lẽ tệ hơn cả là trong khoảng một năm rưỡi kể từ khi ông Diệm bị lật đổ thì ý kiến thiết lập một chánh phủ đoàn kết các tầng lớp quốc gia đã bị bôi nhọ hoàn tòan.
Bác sĩ Quát bắt tay vào việc giữa bầu không khí chính trị phức tạp của năm 1965 trong một môi trường không hề có lấy một điểm sáng nào để có thể hy vọng thành công. Tuy ông là một nhà chính trị có nhiều kinh nghiệm, bác sĩ Quát vẫn không có uy quyền gì thiết thực để làm hậu thuẫn. Về điểm này, trường hợp của ông cũng giống như trường hợp của những phần tử quốc gia khác. Tất cả đều phải gánh chịu những hậu quả tai hại của một thập niên độc tài ở Việt Nam. Trong suốt thời gian ông Diệm cầm quyền, chưa có bất kỳ nhân vật quốc gia nào có được cơ hội cho phép họ đóng góp hoặc cổ động dân chúng ủng hộ cho các chương trình của họ. Thực ra, vì cố tránh việc các đảng viên quốc gia có thể vận động ủng hộ, ông Diệm đã ra lệnh cấm nhóm họp đảng phái. Còn các tướng lãnh thì dĩ nhiên chẳng bao giờ lại có mảy may suy nghĩ về những vấn đề dân chủ như vậy. Kết quả là mặc dù đã nỗ lực nhưng vì không có uy quyền thiết thực để hành động nên bác sĩ Quát vẫn không giải quyết được khó khăn. Ảnh hưởng thực sự của ông chỉ hoàn toàn nằm trong phạm vi kinh nghiệm và một số người ủng hộ ông.
Trong số những người ủng hộ ông, tôi là người đã từng làm việc với ông lâu nhất. Vì mối liên hệ chặt chẽ từ lâu giữa hai chúng tôi, tôi sẵn lòng đóng góp mọi đề nghị và ý kiến riêng của tôi với bác sĩ Quát. Nhưng vào ngày 14 tháng 2, khi bác sĩ Quát ngỏ lời mời tôi cộng tác với ông trong chính phủ mà ông đang thành lập, tôi đã cảm thấy vô cùng ngần ngại. Tôi đã thấy rõ những yếu đuối thực thụ của chánh quyền ông Quát, nhưng tôi lại bị lương tâm thúc đẩy và cho rằng mình nên nỗ lực hết sức bất kể thành đạt hay không.
Biết rõ những ý nghĩ của tôi về những sự khó khăn và phức tạp của tình hình lúc đó, bác sĩ Quát cố thuyết phục tôi. Ông Quát nói rằng ông đã có nhiều kinh nghiệm về việc giải quyết các vấn đề khó khăn trong quân đội vì ông đã hai lần làm Bộ Trưởng Quốc Phòng. Khi giải quyết xong các khó khăn trong quân đội, ông sẽ đứng ra đương đầu với những khó khăn đang xâu xé các đoàn thể tôn giáo và các đoàn thể chính trị. Hơn nữa, chúng tôi còn có thể soạn thảo một bản hiến pháp phản ảnh những lý tưởng mà chúng tôi đã từng ôm ấp, hoài bão từ lâu.
Tuy rằng lý luận của bác sĩ Quát vô cùng hấp dẫn, những linh tính của tôi lại hoàn toàn khác hẳn. Mặc dầu vậy, khi ông Quát đã đi đến mức tận cùng, tôi biết mình chẳng còn đường chọn lựa. Ông Quát than rằng: "Vào giờ phút này mà anh còn bỏ tôi à?" Hết phương lựa chọn, tôi đành chấp nhận cộng tác với chánh phủ của bác sĩ Quát. Chiếu theo chức vụ lúc này thì tôi là Bộ Trưởng tại Phủ Thủ Tướng trong chánh phủ ông Quát.
Chính quyết định tham gia chánh phủ của tôi lúc này đã khiến hàng loạt biến cố dồn dập đẩy tôi bước vào một thập niên sôi động nhất trong đời tôi. Đây là một giai đoạn mà tôi phải tiếp xúc với những nhân vật trong cả chánh trường Việt Nam lẫn chánh trường quốc tế. Đây cũng là giai đoạn tôi có dịp mục kích vấn đề bè phái ở Việt Nam, cũng như vấn đề bè phái trong những đoàn thể Hoa Kỳ phục vụ ở Việt Nam. Lúc tôi nhậm chức thì chánh phủ của bác sĩ Quát đã vô cùng bấp bênh, không chút hy vọng có thể thành công hoặc trường tồn lâu dài. Cùng những đồng nghiệp khác tôi chia xẻ một cảm giác quyết tâm "cắn răng" làm hết sức mình. Lúc này, tôi chưa hề đoán trước được rằng rồi đây tôi sẽ có dịp mục kích những biến cố lịch sử to tát và bi thảm của Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi chưa hề biết rằng tôi sẽ có dịp mục kích tấn thảm kịch Việt Nam-Hoa Kỳ, và mục kích gần như trọn vẹn từ buổi đầu, từ lúc hy vọng còn manh nha, cho đến tận những màn bi kịch rụng rời lúc cuối. Khi nhậm chức tôi cũng chưa biết trước được rằng quyết định mấu chốt nhất, quyết định đáng được đặt vấn đề nhất đã được đưa ra ở Hoa Thịnh Đốn rồi. Tôi lại càng không biết trước rằng sau này, vì tôi là mối dây liên lạc giữa bác sĩ Quát với người Hoa Kỳ, nên chính tôi lại được mời vào để chánh thức hóa những quyết định đã được Hoa Thịnh Đốn đưa ra từ trước.
Đối với Hoa Kỳ thì vấn đề can thiệp vào Việt Nam có thể được xem là biến cố quan trọng nhất của họ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Đối với Việt Nam thì đây quả là một trong những biến cố quan trọng nhất cho toàn thể Việt Nam. Tuy vấn đề Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam quan trọng, lớn lao là thế mà chính sách đó lại được thực thi trong một khung cảnh thật hỗn loạn và vào giữa lúc cả hai chánh phủ gần như hoàn toàn không hiểu nhau. Khoảng thời gian giữa tháng 12 năm 1964 và tháng 6 năm 1965 là một giai đoạn của những quyết định phức tạp và khó hiểu. Trong giai đoạn này, cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều quyết định thỏa thuận những chính sách gần như mâu thuẫn hẳn với những mục tiêu về lợi ích quốc gia và uy tín cho cả hai. Về phía Hoa Kỳ, tuy đã có những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến tranh Đại Hàn, Hoa Kỳ vẫn quyết định lao mình vào chiến tranh lục địa ở Á Châu. Về phía Việt Nam, mặc dù việc đổ quân vào Miền Nam hoàn toàn đi ngược những suy xét của các nhà lãnh đạo Việt Nam, và mặc dù mới chỉ thoát ách 100 năm đô hộ của người ngoại quốc, mà Việt Nam vẫn chấp nhận để một quốc gia ngoại quốc đổ quân trấn đóng ngay trên lãnh thổ. Tại sao những quyết định mâu thuẫn như vậy lại có thể xảy ra?
Đây là một câu hỏi phức tạp có thể được trả lời bằng nhiều cách giải thích hợp lý khác nhau. Một trong những lời giải thích minh bạch nhất từ phía Hoa Kỳ là những tài liệu chưa in của ông William Bundy. Ông Bundy nguyên là Phụ Tá Ngoại Trưởng Đặc Trách Đông Nam Á và Thái Bình Dương Sự Vụ và cũng chính là người đã tham dự vào tất cả những cuộc thảo luận đã dẫn đến những quyết định can thiệp của Hoa Kỳ vào cuối năm 1964 ở cả Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lẫn tòa Bạch Ốc. Hơn nữa, ông đã tham dự phần lớn các cuộc thảo luận được tổ chức trong giai đoạn Hoa Kỳ sắp đưa ra quyết định can thiệp. Về phía Việt Nam, kể từ khi những cuộc tấn công không lực vừa mới bắt đầu, nhân vật chính là bác sĩ Quát và tôi. Ông Quát không hề để lại bất cứ tài liệu nào nói về các biến cố can thiệp (Bác sĩ Quát chết trong nhà tù thành phố Hồ Chí Minh năm 1981.) Vào thời gian này tôi đang giữ chức bộ trưởng tại phủ thủ tướng và cũng là mối dây liên lạc chánh phủ của bác sĩ Quát với tòa đại sứ Hoa Kỳ. Những tài liệu chánh thức dùng giải thích những sự kiện sau đây phần nhiều trích ra từ những tài liệu của ông Bundy và tài liệu của riêng tôi tích trữ từ các giấy tờ điện tín, nhật ký, chú thích... cũng như từ những tài liệu riêng do chính tôi thu thập. Những tài liệu khác cũng phần nhiều được trích từ những tài liệu đã được xuất bản như Hồ Sơ Ngũ Giác Đài (Pentagon Papers), tài liệu của Gareth Porter, hồi ký của tổng thống Lyndon Johnson, của đại sứ Maxwell Taylor và Phó đại sứ Alexis Johnson và của các nhân vật khác của Hoa Kỳ. Thêm vào đó, tôi đã phỏng vấn hầu hết những người Hoa Kỳ tham gia cũng như những người Việt Nam đã ở vào những cương vị hiểu biết trong quá khứ.
Những diễn biến lịch sử dẫn đến việc Hoa Kỳ quyết định can thiệp tường thuật dưới đây phản ảnh suy tư của cả những người có trách nhiệm trong chánh phủ Hoa Kỳ lẫn những nhân viên trong chánh phủ Việt Nam. Khung cảnh toàn cuộc được dựng lại bằng nhiều nguồn tin khác biệt từ nhiều khía cạnh. Khi tổng kết những khung cảnh so le và nhìn rõ được sự thiển cận của các chính sách can thiệp, chẳng hạn như thái độ quá tự tin của Hoa Kỳ, như tình trạng hiểu lầm giữa hai chánh phủ Hoa Kỳ và Việt Nam, hoặc tình cảnh bất lực của chánh phủ Việt Nam, khung cảnh có lẽ khó thể khiến người quan sát tránh khỏi sững sờ. Nếu đem so sánh tầm mức quan trọng của quyết định can thiệp và cách thức Hoa Kỳ can thiệp thì khung cảnh quả là một tấn thảm kịch hãi hùng. Biến cố đánh dấu sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam bắt đầu khi các cố vấn Hoa Kỳ được gửi sang để giúp đỡ quân đội mới thành hình của ông Diệm vào năm 1954. Giữa năm 1961 và năm 1964, số lượng nhân viên của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã nhảy vọt từ 900 lên đến 23,000. Nhưng mặc dầu sự giúp đỡ có phần đáng kể, các huấn luyện viên và các cố vấn Hoa Kỳ chỉ đóng một vai trò giảng dạy nhỏ hẹp trong các hoạt động quân sự của Miền Nam. Vì Hoa Kỳ chỉ đóng vai cố vấn nên bất kỳ lúc nào con số nhân viên của Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng có thể tăng hoặc giảm. Sự hiện diện của các nhân viên Hoa Kỳ chỉ đáp ứng đơn thuần những đòi hỏi "cố vấn và giúp đỡ," hoàn toàn khác hẳn với những can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ về sau.
Nếu không kể những cuộc oanh tạc trả đủa của Hoa Kỳ đối với Hà Nội sau biến cố vịnh Bắc Việt thì hành động can thiệp trực tiếp bằng quân sự của Hoa Kỳ ở Việt Nam bắt đầu vào tháng 2 năm 1965. Nếu chỉ nói riêng về các kế hoạch quân sự của Hoa Kỳ thì ngay cả từ trước năm 1964 Hoa Kỳ đã có sẵn những kế hoạch để đối phó với trường hợp leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Tuy thế, những kế hoạch của Hoa Kỳ lại chỉ là những kế hoạch soạn sẵn để đề phòng những trường hợp bất trắc khẩn cấp chứ không phải là những kế hoạch được soạn thảo để áp dụng ngay trong thực tế nếu chiến cuộc kéo dài. Trong khi Hoa Kỳ vẫn chưa có lập trường rõ rệt về vấn đề liệu có nên can thiệp bằng quân sự hay không thì Bắc Việt lại gia tăng những cuộc khủng bố ở Miền Nam Việt Nam nhằm thẳng vào các nhân viên và quân đội của Hoa Kỳ. Trong một cuộc khủng bố ở khách sạn Brink trong Lễ Giáng Sinh năm 1964, Việt Cộng đã đặt chất nổ khiến hai nhân viên của Hoa Kỳ bị thiệt mạng và 58 nhân viên khác bị thương. Rồi vào tháng 2, năm 1965 Việt Cộng lại đặt chất nổ ở một trại lính Hoa Kỳ là trại Holloway khiến 8 binh sĩ Hoa Kỳ bị thiệt mạng và 100 binh sĩ khác bị thương. Cuộc khủng bố xảy ra ngay giữa lúc cố vấn an ninh của Hoa Kỳ là ông McGeorge Bundy đang ở Việt Nam quan sát tình hình. Để trả đủa lại những sự khiêu khích trắng trợn của Việt Cộng, Hoa Kỳ bắt đầu phát động chiến dịch oanh tạc Rolling Thunder . Chiến dịch này chánh thức mở màn sự can thiệp bằng quân sự của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Lúc bác sĩ Quát bước vào nhậm chức thì chiến dịch Rolling Thunder đang trên đà phát động. Máy bay của Hoa Kỳ đang dội bom vào những mục tiêu của Bắc Việt ở những đường mòn Hồ Chí Minh chạy dọc theo biên giới Lào và Cam Bốt từ Bắc vào Nam.
Hoa Kỳ bắt đầu phát động chiến dịch oanh tạc Rolling Thunder vào khoảng tháng 12-1965, khi chánh quyền Nguyễn Khánh đang đi vào giai đoạn khủng hoảng cuối cùng. Mục tiêu chính của chiến dịch oanh tạc là cắt đứt những đường giao thông của cộng sản và tiêu diệt những căn cứ Bắc Việt đã thiết lập khi chuyển quân vào Miền Nam Việt Nam. Vào lúc này, vẫn chưa ai có thể tiên đoán được rằng chiến dịch oanh tạc chính thật là bước đầu tiên của một kế hoạch đang biến dần thành kế hoạch can thiệp quân sự lớn lao của Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Riêng về phương diện ngoại giao thì những nhân viên ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã thảo luận vấn đề dùng không lực của Hoa Kỳ để đối phó với Bắc Việt từ trước cả khi có biến cố vịnh Bắc Việt. Khi cân nhắc những ưu và khuyết điểm của kế hoạch can thiệp bằng không lực, những người trong nhóm soạn thảo chính sách của Hoa Kỳ vẫn phân vân chẳng hiểu họ có nên can thiệp hay không? Sở dĩ nhóm soạn thảo chính sách của Hoa Kỳ phân vân là vì họ vẫn chưa cân nhắc được ảnh hưởng của những yếu tố phức tạp khác trên trường chính trị quốc tế.
Nếu đứng trên phương diện chiến lược mà luận thì Việt Nam quả thật là một sự thử thách của chính sách ngăn chận thế lực cộng sản và bảo vệ tự do dân chủ ở tất cả các quốc gia trong khối đồng minh trên thế giới (containment policy). Dĩ nhiên, khi Việt Nam không thể chống chọi được với Bắc Việt mà Hoa Kỳ vẫn muốn chính sách containment thành công thì họ phải can thiệp bằng quân sự ở Việt Nam. Mặt khác, Hoa Kỳ vẫn sợ rằng sự can thiệp của họ có thể bị Nga và Tàu cho rằng họ có ý muốn khiêu khích các thế lực cộng sản. Nói rõ hơn thì họ sợ rằng sự can thiệp của họ ở Việt Nam có thể khiến cuộc chiến Việt Nam bành trướng thành một cuộc thế chiến.
Vì đã thấy rõ những yếu tố phức tạp của sự can thiệp nên Hoa Kỳ muốn giảm thiểu sự can thiệp của họ đến mức tối đa. Có lẽ họ cho rằng giải pháp vẹn toàn nhất là giúp chánh phủ Việt Nam cải thiện và củng cố quân đội Việt Nam để Miền Nam Việt Nam có thể tự đối phó với Bắc Việt thì họ có thể vẫn áp dụng được chính sách containment mà không cần phải can thiệp bằng quân sự. Chính vì thế nên lúc nào Hoa Kỳ cũng muốn tình hình chánh phủ của Việt Nam ổn định để họ có thể áp dụng được giải pháp can thiệp nửa vời như một giải pháp vẹn toàn.
Mặc dầu trong năm 1964, nhóm soạn thảo kế hoạch do ông Bundy đứng đầu có đề ra nhiều giải pháp khác nhau, cho tới hạ tuần tháng 11 năm 1964 vẫn chưa hề có giải pháp nào đáng được gọi là quyết định. Lúc đó, đại sứ Taylor Maxwell vừa từ Sài Gòn trở về Hoa Thịnh Đốn. Ông đã trở lại để thuyết trình cho nhóm soạn thảo kế hoạch làm việc dưới quyền ông Bundy. Lúc này nhóm soạn thảo đang làm việc trong giai đoạn cuối và những giải pháp của họ sắp được đệ trình lên tổng thống.
Vì đại sứ Taylor vừa mới từ Sài Gòn trở về và nhóm soạn thảo kế hoạch lại đang ở vào giao đoạn chót, tình hình đã khiến đại sứ Taylor đứng vào cương vị chủ chốt và tại thời điểm này, quan niệm của ông thật vô cùng quan trọng. Vào ngày 27 tháng 11, bản báo cáo của ông vừa thành thật lại vừa vô cùng bi quan. Đại sứ Taylor viết rằng tình trạng xáo trộn ở Việt Nam có thể được coi như một "chứng bệnh kinh niên" của chánh phủ. Ông cho rằng đây là một "yếu điểm trầm trọng." "Nếu chánh phủ Việt Nam không đủ khả năng để tiếp tay với những nỗ lực của Hoa Kỳ thì những nỗ lực tiếp trợ của Hoa Kỳ chẳng qua chỉ là những nỗ lực vô ích, chẳng khác nào những nguồn năng lực có thể khiến một chiếc bánh xe quay tròn, nhưng lại không thể truyền đi được sức mạnh của những vòng quay." Đại sứ Taylor cho rằng "Nếu muốn thúc đẩy tình hình biến chuyển thì phải thiết lập ngay một chánh phủ vững chãi ở Việt Nam."
Khi Ngoại Trưởng Dean Rusk trực tiếp hỏi phải theo phương pháp cụ thể nào để chánh phủ Việt Nam có thể hoạt động khả quan hơn thì đại sứ Taylor trả lời rằng giới lãnh đạo Việt Nam phải được loan báo những "tin tức thiết thực," họ cần phải biết rõ giải pháp của Hoa Kỳ cùng với những dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng "nói chuyện nghiêm chỉnh về vấn đề thực sự đương đầu với Miền Bắc." (Ông nhấn mạnh điều này.) Đại sứ Taylor cho rằng những tin tức thiết thực có thể khích lệ chánh phủ Việt Nam điều hành hữu hiệu hơn. Giữa lúc đại sứ Taylor đang trình bày ý kiến thì Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara lại nêu câu hỏi: Nếu ngay cả khi những tin tức cần thiết đã được loan báo rồi mà chánh quyền Sài Gòn vẫn không thay đổi thì liệu Hoa Kỳ có đủ lập luận để oanh tạc miền Bắc hay không? Rồi chính ông McNamara đã trả lời rằng Hoa Kỳ sẽ có đủ lập luận để oanh tạc. Đại sứ Taylor cũng đồng ý với ông McNamara và cho rằng khi tình thế đã tuyệt vọng thì những hành động mạnh mẽ có thể sẽ khiến Việt Nam đoàn kết lại với nhau.
Khi rút tỉa từ những ý kiến phát biểu trong cuộc trao đổi giữa hai ông McNamara và ông Taylor, ông William Bundy đã diễn tả những hành động mạnh mẽ kêu gọi Việt Nam đoàn kết có thể ví như một hiện tượng "chạm điện." Theo ông Taylor thì "ý kiến về nỗ lực cuối cùng -chữa trị bằng phương pháp 'giật dây,' tương tự như phương pháp giật dây một động cơ cho nổ máy có thể là một giải pháp thích nghi."
Bốn ngày sau, vào ngày 1 tháng 12, Tổng Thống Lyndon Johnson chánh thức chấp nhận đề nghị của nhóm soạn thảo chính sách. Chủ trương của chính sách mới đòi hỏi Hoa Kỳ phải gia tăng áp lực với Bắc Việt. Nếu cần, cách gia tăng áp lực sẽ bao gồm cả việc tấn công bằng không lực vào những căn cứ quân sự quan trọng của Bắc Việt. Nhưng theo ý tổng thống Johnson thì trước tiên đại sứ Taylor nên cố gắng dùng hết sức tạo sự đoàn kết giữa những người quốc gia Việt Nam. Tổng thống Johnson nhắn nhủ đại sứ Taylor: "Nếu muốn thực thi chánh sách oanh tạc không lực thì ông phải tìm cách nối kết toàn thể các lãnh tụ chánh trị hiện thời." Đây là những lời nhắn nhủ đại sứ Taylor vẫn ghi nhớ khi trở về Sài Gòn, nhưng chỉ một tháng sau ông đã gửi một bức điện tín rất dài về Hoa Thịnh Đốn, báo cáo rằng những cố gắng của ông đã hoàn toàn thất bại. Đại sứ Taylor quay lại Việt Nam để thực thi chỉ định của tổng thống Johnson vào giữa lúc chánh quyền tướng Khánh đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Lúc này các tướng trẻ đang nổi loạn và vụ bắt cóc các nhân viên Thượng Hội Đồng vừa xảy ra. Tuy đã cố hết sức hàn gắn và hô hào đoàn kết, những nỗ lực của đại sứ Taylor vẫn hoàn toàn vô hiệu. Việt Nam chẳng hề có bất kỳ ý niệm nào về việc cần phải đoàn kết cả. Trái lại, thái độ mạnh ai nấy sống lộ rõ ở khắp các nẻo đường Sài Gòn. Đại sứ Taylor cho rằng Việt Nam có thái độ này vì họ đã có một cảm giác chung rằng đất nước đã đến hồi bỉ vận và Hoa Kỳ có lẽ cũng chỉ đến khoanh tay đứng nhìn mà thôi. Ông Bundy còn nhớ đại sứ Taylor đã phát biểu: "Kể cả những thang thuốc mạnh nhất cũng không đủ hiệu lực. Giờ đây chẳng còn cách nào khác hơn là phải giải phẫu con bệnh." Những suy luận của đại sứ Taylor đã khiến ông Bundy nhận định: "Nếu theo chủ kiến của đại sứ Taylor thì cả vấn đề củng cố tinh thần lẫn vấn đề củng cố những hoạt động chính trị của Việt Nam đều lệ thuộc rất nhiều vào việc thực thi những chương trình oanh tạc không lực."
Vào ngày 1, tháng 12-1964, ngoài những yếu tố vừa kể, những yếu tố khác còn lại có ảnh hưởng đến việc tổng thống Johnson chấp thuận quyết định thực thi chương trình oanh tạc là: Vấn đề cần phải trả đủa những cuộc tấn công của Việt Cộng và thể hiện sự quyết tâm của Hoa Kỳ, nhất là vấn đề cần phải gia tăng áp lực để buộc Bắc Việt phải thu nhỏ tầm hoạt động. Tài liệu cho thấy quyết định oanh tạc cũng lệ thuộc rất nhiều vào lập luận "hà hơi tiếp sức" của đại sứ Taylor vào cuối tháng 11, khi ông đưa ý kiến lần đầu và rồi sau đó vẫn tiếp tục giữ vững quan điểm trong những buổi thuyết trình tương tự kế tiếp vào đầu tháng giêng. Tất cả những buổi thuyết trình đều nhấn mạnh vào vấn đề cần phải có một động cơ cấp thiết thúc đẩy những người Việt Nam đoàn kết lại với nhau.
Điều cuối cùng đáng chú ý trong lập luận của đại sứ Taylor về việc đề nghị chương trình oanh tạc Bắc Việt là: Tuy ủng hộ chính sách tấn công bằng không lực, đại sứ Taylor đã chấp thuận một phần cũng là vì đây còn là một phương sách giữ cho Hoa Kỳ khỏi phải đi sâu vào những vấn đề quân sự phức tạp. Phó Đại Sứ Alexis Johnson đã phát biểu: "Thật ra, vì là những người làm việc ở tòa đại sứ, chúng tôi còn mong mỏi một điều khác. Chúng tôi hy vọng rằng chiến dịch oanh tạc Rolling Thunder sẽ xoa dịu những yêu cầu, đòi hỏi các lực lượng bộ binh Hoa Kỳ phải trực tiếp can thiệp." Họ nghĩ rằng chương trình oanh tạc sẽ khiến những người hiếu chiến giảm bớt áp lực đòi hỏi Hoa Kỳ phải đổ quân. Vào tháng 2, cả đại sứ Taylor lẫn các phụ tá của ông đều bị áp lực về vấn đề phải đổ quân Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Tuy thế, những suy nghĩ cẩn trọng của Hoa Kỳ lại chẳng hề đi đôi với bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Việt Nam. Vì nằm trong trạng huống của một chánh phủ đầy những rối ren trong nội bộ, ông Nguyễn Khánh làm gì còn có thời giờ suy nghĩ về biến chuyển của những chương trình oanh tạc. Ông Khánh không hề ở vào cương vị có thể đồng ý hoặc chối từ -Ở vào thời điểm này, ông Khánh gần như không còn nói chuyện được với đại sứ Taylor. Hơn nữa, các tướng lãnh lại suy nghĩ ngược hẳn với ý kiến của đại sứ Taylor. Họ không hề thấy việc đâu lưng đoàn kết là cần thiết. Thật ra, vào những ngày tàn tạ của chánh quyền Nguyễn Khánh, các tướng lãnh chia rẽ chẳng phải do những nguyên nhân xuất phát từ thái độ mạnh ai nấy sống như đại sứ Taylor đã xét đoán mà là do những mâu thuẫn và xung khắc phát xuất từ những đố kỵ và tham vọng cá nhân. Đối với các nhóm quân nhân đang chú tâm vào việc tranh quyền thì chương trình oanh tạc chỉ là một chuyện tự nhiên Hoa Kỳ phải làm và chẳng ai cần thắc mắc cả. Do đó, nỗ lực tiếp sức mạnh mẽ của Hoa Kỳ vào lúc này là một việc làm đơn phương, không thể nào có thể gọi là quyết định hỗn hợp của cả hai chánh phủ Hoa Kỳ và Việt Nam.
Tuy quyết định oanh tạc ảnh hưởng đến vấn đề can thiệp trầm trọng là thế mà khi bắt đầu nắm quyền vào ngày 18 tháng 2-1965, chánh phủ Việt Nam vẫn chẳng duyệt lại tình hình. Tôi tin chắc rằng ông Khánh cũng chẳng quan tâm gì đến việc báo cáo với bác sĩ Quát về những kế hoạch của Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ một cuộc đàm thoại ngắn ngủi trong tuần đầu lúc tôi bắt đầu làm việc, khi bác sĩ Quát lưu ý rằng đại sứ Taylor sẽ ghé qua tường trình với chúng tôi về những chương trình oanh tạc. Sau đó, cứ hai tuần một lần, đại sứ Maxwell Taylor và ông Alexis Johnson lại đến phủ thủ tướng mang theo một xấp bản đồ để chỉ cho chúng tôi những mục tiêu đang bị oanh tạc. Vai trò hoạt động quân sự đơn phương của Hoa Kỳ được coi là chuyện tự nhiên cho đến nỗi chính phủ Việt Nam không thèm đưa cả vấn đề vào chương trình nghị sự ở mỗi kỳ họp hàng tuần. Vấn đề can thiệp chẳng những đã không nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ Việt Nam mà cũng chẳng hề được nhắc nhở gì đến trong bất kỳ chương trình nghị sự hỗn hợp Mỹ-Việt nào của tôi và cố vấn tòa đại sứ Melvin Manfull. Lúc này, tôi và ông Melvin Manfull là hai nhân viên cùng nhận lãnh trách nhiệm soạn thảo các chương trình nghị sự cho bác sĩ Quát, đại sứ Taylor và các phụ tá chính của họ.
Quyết định về việc xử dụng không lực Hoa Kỳ trên lãnh thổ Việt Nam (khác với quyết định oanh tạc) cũng được tiến hành rập khuôn như trường hợp trước, không hề có sự thỏa thuận hoặc thảo luận đặc biệt nào trước với chánh phủ Việt Nam. Thực thi một chính sách có ảnh hưởng hệ trọng đến toàn thể dân chúng mà lại không cần đếm xỉa gì đến vấn đề thương thảo, nhận định chung của cả hai chánh phủ thật là một việc ngoài mức tưởng tượng. Tuy thế, áp lực của tình hình đã khiến những người lãnh đạo của cả hai quốc gia cùng đồng ý rằng: Thực ra, vấn đề vẫn chưa nghiêm trọng đến mức cần phải thảo luận với chính phủ Sài Gòn chứ đừng nói tới việc phải liệu xem mức độ cần thiết thực sự đã đến độ nào! Một bên thì các nhà chức trách quân sự Hoa Kỳ, dưới áp lực của tình hình chiến sự, có lẽ đã nghĩ rằng vấn đề không quan trọng và chưa cần phải thảo luận với chánh phủ Việt Nam. Và một bên thì còn đang lặn ngụp, trăn trở với những vấn đề cấp bách, không có đủ thời giờ mà nghĩ quá xa đến những vấn đề phức tạp. Lúc này, chánh phủ Việt Nam đang xoay sở khốn đốn vì thiếu thốn phương tiện chỉnh đốn lại các hỗn loạn di lại từ trước. Tư thế lặn hụp, trăn trở, cố ngoi đầu lên khỏi mặt nước đã khiến Việt Nam phải để các tổ chức quân sự tự đương đầu với chiến cuộc trong mọi vấn đề.
Dù rằng việc quyết định dùng các lực lượng không quân Hoa Kỳ đã là một vấn đề đáng lưu tâm, việc đổ bộ của Hải Quân Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 3-1965 lại còn đáng chú tâm hơn. Đối với Hoa Kỳ thì quyết định đổ bộ hải quân là một quyết định đánh dấu giai đoạn khởi đầu nhập cuộc chiến tranh lục địa Á Châu. Đối với dân chúng Việt Nam thì vấn đề đổ bộ cho thấy quân đội ngoại quốc lại chiếm đóng ở Việt Nam thêm một lần nữa. Vào thời gian này, mối liên hệ giữa tôi và bác sĩ Quát đã vượt xa quan hệ đơn thuần giữa cấp trên và cấp dưới. Mười lăm năm tình nghĩa đã biến chúng tôi thành thân thiết gần như "anh em." Chúng tôi vẫn thường bàn luận với nhau về những vấn đề khúc mắc, khó xử. Riêng về vấn đề hiện diện của quân đội ngoại quốc ở Việt Nam thì chúng tôi cùng đồng quan điểm đã từ lâu. Bất kể tầm mức cần thiết về vấn đề quân sự có quan trọng tới mức nào, cả hai chúng tôi đều dứt khoát cho rằng để quân đội ngoại quốc nhập cuộc là tự chuốc lấy một vấn đề khó khăn vô tả. Vào năm 1953, chúng tôi đã từng ở vào một tình trạng hết sức khó xử khi tham gia vào chánh quyền của ông Bảo Đại. Chính kinh nghiệm của những việc khó xử đó đã khiến chúng tôi phải ngần ngại. Chúng tôi sợ rằng rồi đây những người không ở trong tình trạng của chúng tôi sẽ lại rơi vào bộ máy tuyên truyền của cộng sản để kết án chúng tôi là bù nhìn. Nếu bị kết án bù nhìn chẳng những cá nhân chúng tôi phải chịu đựng chỉ trích mà cả chính nghĩa của Miền Nam Việt Nam cũng vì thế mà bị suy tổn. Chúng tôi cho rằng chỉ có thể để Hoa Kỳ can thiệp bằng quân sự nếu quả thật đã đến đường cùng và chẳng còn biện pháp nào khác hơn.
Vào tháng 3 năm 1965, tuy trong bụng lo lắng nhưng tôi vẫn nghĩ rằng Hoa Kỳ có lẽ sẽ chánh thức yêu cầu chánh phủ Việt Nam thỏa thuận cho họ đổ quân vào Việt Nam. Lúc này, có thể việc Hoa Kỳ yêu cầu đổ quân là một việc hợp lý vì họ có thể xin chánh phủ Việt Nam chánh thức cho phép họ bảo vệ các căn cứ của Hoa Kỳ đã được thiết lập ở phía bắc bờ biển Đà Nẵng. Tuy đã biết trước vấn đề yêu cầu, nhưng thời khóa biểu chất chồng đã khiến tôi chẳng thể dành hết mọi thì giờ mà nghĩ tới chuyện này. Tôi chỉ tự nhủ thầm rằng sẽ có lúc tôi tìm cách đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của các buổi họp hỗn hợp hàng tuần giữa đại sứ Taylor và bác sĩ Quát. Như tôi đã trình bày khi trước, phần lớn các chương trình nghị sự đều do tôi và ông Manfull soạn thảo.
Nhưng biến cố đã đi ra ngoài sự tiên liệu của tôi. Rạng ngày mùng 8 tháng 3, tôi bỗng nhận được điện thoại của bác sĩ Quát mời đến nhà ông lập tức vì có việc cần. Khi tôi đến nơi thì ông Melvin Manfull đã có mặt. Nhà ngoại giao Hoa Kỳ trông có vẻ bình thản nhưng bác sĩ Quát thì có vẻ căng thẳng trông thấy. Chưa mời tôi ngồi, bác sĩ Quát đã nói rằng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã đổ bộ vào Đà Nẵng. Tình hình đòi hỏi tôi và ông Manfull phải viết một bản báo cáo hỗn hợp để xác nhận là chánh phủ Việt Nam đồng ý cho phép Thủy Quân Lục Chiến của Hoa Kỳ đổ bộ vào Việt Nam. Bác sĩ Quát nhắn tôi: "Biên càng ngắn càng tốt. Chỉ mô tả sự kiện rồi khẳng định rằng chúng ta đã đồng ý mà thôi."
Vì tôi đã đoán trước việc tướng Westmoreland sẽ yêu cầu đổ quân, nên những tin tức mới nhất này không hề làm tôi ngạc nhiên, nhưng khung cảnh bất ngờ và thiếu chuẩn bị đã làm tôi bực mình. Tôi nắm tay bác sĩ Quát, dẫn ông vào phòng kế cận, hỏi: "Có việc gì đặc biệt xảy ra mà chúng ta chưa biết không? Tại sao họ lại hành động bất ngờ như vậy?"
Bác sĩ Quát cố giữ bình tĩnh, nhưng giọng ông vẫn thật căng thẳng: "Anh ơi, họ đang đổ bộ vào bờ biển. Họ đã lên bờ rồi. Anh hãy thảo ngay bản thông cáo rồi chúng ta sẽ bàn luận chuyện này sau!"
Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, tôi và ông Manfull đã soạn thảo xong bản thông cáo hỗn hợp thông báo việc hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã đổ bộ "với sự thỏa thuận của chánh phủ Việt Nam." Khi nhà ngoại giao Hoa Kỳ vừa đi khỏi, tôi lại trở lại ngay vấn đề và hỏi bác sĩ Quát. Ông Quát cho biết nhiều ngày trước đây, ông và đại sứ Taylor có "trao đổi ý kiến" về vấn đề cần phải gia tăng việc phòng thủ Việt Nam. Trong cuộc trao đổi ý kiến sơ khởi, đại sứ Taylor có đề cập đến vấn đề Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ. Theo lời bác sĩ Quát thì đây chỉ mới là vấn đề trao đổi ý kiến tổng quát. Ông cũng cho biết rằng lúc thảo luận ông đã đưa ý kiến rằng ông rất ngần ngại nếu người Mỹ phải trực tiếp can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc thảo luận tuy bác sĩ Quát chưa yêu cầu Hoa Kỳ đổ quân nhưng ông cũng chưa tỏ ý chống đối. Bác sĩ Quát cho biết đại sứ Taylor đã "đồng ý với phần lớn các quan điểm của ông."
Khi tôi hỏi tại sao chúng tôi lại phải đương đầu với một biến chuyển đột xuất như vừa rồi thì bác sĩ Quát trả lời rằng: "Tôi nghĩ chính đại sứ Taylor cũng phải ngạc nhiên. Khi sáng ông ta có viện lẽ rằng đây chẳng qua chỉ là một vấn đề do tình hình ở các căn cứ không lực bắt buộc vào lúc này."
Hôm sau, các tờ báo Sài Gòn đã đăng tải những hình ảnh khác hẳn những biến động bất ngờ đã đến với chúng tôi ngày hôm trước. Hình ảnh các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ được các thiếu nữ mặc áo dài mang vòng hoa đón tiếp nồng nhiệt được đăng ngay trong những trang đầu. Theo các hình ảnh đăng tải thì đây có vẻ là một cuộc đón tiếp chánh thức và trọng thể. Mấy ai biết rõ sự thật ẩn sau những vòng tay chào đón rộng mở và những khuôn mặt hớn hở tươi vui? Theo tài liệu của ông Bundy, và hồi ký của các ông Alexis Johnson, Taylor và Westmoreland thì chính bản thân đại sứ Taylor cũng "vô cùng ngần ngại" khi đồng ý việc đổ quân. Vào ngày 22 tháng 2-1965, ông Taylor cũng đã trình bày quan điểm "dè dặt" của ông Quát với bộ ngoại giao. Ông Bundy viết rằng: "Đại sứ Taylor dứt khoát khước từ vấn đề Hoa Kỳ đổ quân. Ông chống đối tất cả mọi cuộc đổ quân bất kể quân số và chỉ đồng ý có thể để một lực lượng an ninh [dùng vào việc phòng thủ các căn cứ Không Lực ở Đà Nẵng.]"
Theo lời tường thuật của ông Bundy thì đại sứ Taylor đã suy luận rất minh bạch về những bất lợi gây ra khi quân đội Hoa Kỳ nhập cuộc. Tuy nhiên, vào ngày 24 tháng 2, chỉ 2 ngày sau, tướng Westmoreland đã gửi riêng một đề nghị về Hoa Thịnh Đốn đòi hỏi 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến phải đổ bộ cấp tốc vào Đà Nẵng để bảo vệ các căn cứ không lực. Tướng Westmoreland cũng nhắn thêm rằng đại sứ Taylor đã đồng ý với ông về việc này.
Đề nghị của tướng Westmoreland được chuyển đến Bộ Tổng Tham Mưu rồi Bộ Tổng Tham Mưu lại nhân cơ hội yêu cầu một lữ đoàn viễn chinh gần 5000 binh sĩ bao gồm cả pháo binh và chiến đấu cơ yểm trợ. Theo lời Phó đại sứ Johnson thì khi nghe tin cả đại sứ Taylor cùng ông đều "kinh ngạc." Kế hoạch đổ quân của Bộ Tổng Tham Mưu lần này vượt xa tầm mức quân sự cần thiết và là điều họ chưa hề tưởng đến bao giờ. Họ nhất định bác bỏ đề nghị đổ quân. Đêm đó, một giải pháp dung hòa được thông qua. Trong giải pháp này, cả Phó đại sứ Johnson lẫn đại sứ Taylor đều đồng ý cho phép 3500 Thủy Quân Lục Chiến được đổ bộ vào Việt Nam. Họ quyết định thật "lưỡng lự" và chỉ thỏa thuận với điều kiện đây là con số tối đa. Hơn nữa, họ còn nhấn mạnh khi những đội quân Việt Nam đã đủ sức thay thế thì những đội quân Hoa Kỳ phải rút lui ngay. Vào ngày 26 tháng 2 Bộ Quốc Phòng chuyển lời đề nghị lên tổng thống trong một bữa ăn trưa. Trong bữa ăn trưa, tổng thống Johnson đã đồng ý chấp thuận lời yêu cầu. Theo ông Bundy thì vào lúc này chánh phủ Hoa Kỳ chưa hề tham khảo ý kiến Bộ Ngoại Giao.
Diễn biến cho thấy ngay trong nội bộ Hoa Kỳ đã có một hố ngăn cách lớn lao. Những cơ quan quân sự không hề ngần ngại khi cần hành động ngược lại với quan niệm của các cơ quan dân sự hoặc tự ý liên lạc với tổng thống. Việc đổ bộ hiển nhiên là việc đại sứ Taylor không hề hay biết. Các nhân viên tham mưu chẳng thèm đoái hoài gì đến việc thông báo trước với ông. Khi việc đổ quân xảy ra bất ngờ, đại sứ Taylor vô cùng phẫn nộ. Cuộc cãi vã giữa ông và tướng Westmoreland găng cho đến mức ông đã nhắc nhở tướng Westmoreland về vấn đề ai giữ chức vụ quan trọng hơn ai. Đại sứ Taylor còn phẫn khích hơn khi khám phá được rằng lúc đổ quân, những đội quân Thủy Quân Lục Chiến đã mang theo cả xe tăng, đại pháo lưu động và nhiều khí cụ nặng khác mà nếu đem dùng vào việc "phòng thủ căn cứ" thì quả là một điều hoàn toàn vô lý.
Có lẽ đại sứ Taylor đã cảm thấy mình bị qua mặt. Ông đã bác bỏ giải pháp quân sự, rồi lại gượng gạo đồng ý cho phép một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến phòng vệ đóng ở Đà Nẵng vào lúc đầu. Sau đó lại cho phép một tiểu đoàn thứ hai đổ vào để bảo vệ tiểu đoàn thứ nhất. Chỉ mới thoáng một cái mà quân số hai tiểu đoàn đã lên đến 3500. Chẳng những thế, cả đại sứ Taylor lẫn Phó đại sứ Alexis Johnson đều cho là mình hãy còn may mắn đã giới hạn được con số quân nhỏ như vậy. Chỉ vẻn vẹn hai ngày sau, tin tức về việc đổ quân lại lan ra khiến cho các đồng nghiệp của đại sứ Taylor ở Bộ Ngoại Giao không tài nào có đủ thời giờ hoặc cơ hội xem xét lại những đề nghị của các viên chức tham mưu quân sự. Để kết thúc quá trình, các tham mưu trưởng đã không báo trước với ông về việc đổ bộ. Hơn nữa, khi các đội binh thủy quân lục chiến đổ bộ, họ đã ào ạt ùa vào chẳng khác nào cuộc đổ bộ vào bãi biển Iwo Jima hồi Đệ Nhị Thế Chiến thay vì chỉ đổ bộ một cách kín đáo như đại sứ Taylor đã nghĩ.
Theo các tài liệu thì dù rằng ở giai đoạn nào, đại sứ Taylor cũng rất ngần ngại khi phải để Hoa Kỳ đổ quân chánh thức tham dự chiến cuộc. Tuy vậy, ý kiến của ông đã bị Hoa Thịnh Đốn bác bỏ và cuối cùng, vì không còn đường chọn lựa, đại sứ Taylor đành phải miễn cưỡng đi theo. Việc đại sứ Taylor đột ngột thay đổi quan niệm chính là vì ý kiến của ông đã bị bác bỏ. Và cũng vì vậy mà ông đã phải yêu cầu bác sĩ Quát chấp thuận quyết định của Hoa Kỳ, trong khi trên thực tế thì quyết định đã được chấp hành trước cả lúc ông bắt đầu ngỏ lời yêu cầu. Hậu quả tai hại của những biến cố bất ngờ ngày càng lộ rõ. Vấn đề liệu bác sĩ Quát có thể trì hoãn hoặc bác bỏ được cuộc đổ quân hay không lại là một vấn đề khác. Bản thân bác sĩ Quát cũng là người mới nắm quyền và quyền lực của ông còn phụ thuộc rất nhiều vào quân đội. Thực sự thì tuy bác sĩ Quát chưa chính thức bác bỏ việc đổ quân mà đã bị đặt vào một tình trạng của sự đã rồi. Đại sứ Taylor đã trình bày thành thực rằng quân Hoa Kỳ sẽ chỉ đóng một vai trò phòng vệ hạn hẹp. Hơn nữa, vấn đề đóng quân chẳng qua chỉ là một vấn đề tạm thời. Bác sĩ Quát đã đồng ý thỏa thuận việc đổ quân. -Ít ra cũng là đồng ý thỏa thuận vào giai đoạn này. Có lẽ bác sĩ Quát nên hành động khác, nhưng nhìn lại tình hình lúc đó, tôi không thể tự dối mình mà bảo rằng nếu bác sĩ Quát có hỏi thì tôi đã cho ý kiến khác. Trong tình cảnh chánh phủ mới lúc đó vừa nắm quyền và hãy còn mơ hồ, hẳn nhiên việc chúng tôi có thể chống đối khi Hoa Kỳ tự ý hành động đã hẳn là một việc không hề thực tế.
Tuy nhiên một khi quyết định can thiệp đã được thực thi thì những diễn biến tuần tự kế tiếp chỉ là những bước cố định nằm trong một tiến trình bắt buộc. Vấn đề can thiệp quân sự và can thiệp chính trị thật chẳng khác nào việc thụ thai. Vấn đề có "thụ thai nửa chừng" chỉ là một vấn đề lệch lạc và ảo tưởng. Chỉ mới hai tuần sau khi 3500 Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ vào Đà Nẵng thì Tư Lệnh quân đội Harold K. Johnson đã gửi lời yêu cầu tổng thống Johnson xin phép cho thêm ba sư đoàn bao gồm hai sư đoàn Hoa Kỳ và một sư đoàn Đại Hàn đổ vào Việt Nam để tăng viện. Đại sứ Taylor lại bác bỏ. Khi trót thỏa thuận việc cho phép Thủy Quân Lục Chiến Đổ Bộ, đại sứ Taylor đã bị viễn ảnh can thiệp lớn rộng của Hoa Kỳ ám ảnh dằn vặt và phải chịu đựng rất nhiều đau khổ. Tuy tôi không rõ đích thực bác sĩ Quát cùng ông Taylor bàn luận ra sao nhưng bác sĩ Quát đã nhiều lần cho biết rằng ông và đại sứ Taylor cùng đồng quan điểm về vấn đề phải giới hạn vai trò của Thủy Quân Lục Chiến ở Đà Nẵng.
Đại sứ Taylor đã trả lời những yêu cầu của tướng Harold Johnson bằng cách đánh điện tín về Tòa Bạch Ốc rằng ông nhất định không đi xa hơn con số Thủy Quân đang đóng ở Đà Nẵng. Vào tháng ba, khi được triệu hồi về Hoa Thịnh Đốn, ông vẫn khăng khăng, một mực quyết định giữ vững lập trường. Hiển nhiên là lúc này đại sứ Taylor đanh tranh luận kịch liệt cùng tướng Westmoreland và các nhân viên tham mưu quân sự về vấn đề đổ quân bành trướng các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Tuy thế, đại sứ Taylor không phải là người duy nhất ra mặt chống đối. Gần như tất cả những nhân viên dân sự ở Hoa Thịnh Đốn cũng đều chống đối như ông.
Vào ngày 1, tháng 4, trong một cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia, tổng thống Johnson đã cho cả hai bên, các cố vấn quân sự cũng như các cố vấn dân sự một phần những điều họ đòi hỏi. Thay vì 2 sư đoàn như những sĩ quan tham mưu đã yêu cầu, tổng thống chỉ thỏa thuận cho phép hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến được đổ bộ vào Việt Nam mà thôi. Theo ông Bundy thì việc giới hạn quân số là do đại sứ Taylor cùng nhiều nhân viên dân sự khác đã hết lòng can gián. Tuy thế, để đổi lại vấn đề cắt giảm quân số, những đội quân Hoa Kỳ đóng ở Đà Nẵng lại được phép nới rộng hoạt động thay vì chỉ được phép "phòng vệ căn cứ" như đã đề ra lúc đầu. Lúc này các đội quân được phép đóng một vai trò "chủ động hơn" trong cuộc chiến. Hơn nữa, những đội thủy quân lục chiến mới sẽ được hai mươi ngàn nhân viên binh nhu và quân cụ đi theo yểm trợ. Đây tuy là giải pháp dung hòa nhưng đại sứ Taylor vẫn giữ được thế thượng phong. Ít nhất ông cũng đã trì hoãn được phần nào các cuộc đổ quân khổng lồ của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Trong tất cả các quyết định kể trên, quyết định quan trọng nhất là quyết định cho phép các đội quân Thủy Quân Lục Chiến nới rộng và bành trướng phạm vi hoạt động. Quyết định này đã khiến quan niệm "phòng vệ căn cứ," nguyên là yếu tố chính của cuộc đổ quân lúc đầu chuyển thành "chiến lược bao bọc," một chiến thuật cho phép các đội quân Thủy Quân Lục Chiến được phép chiến đấu trong phạm vi 80 cây số quanh căn cứ. Hơn nữa, khi tình hình khẩn cấp, các đội quân của Hoa Kỳ còn có thể chiến đấu nếu có lời yêu cầu của chính phủ Việt Nam. Đây là lần đầu tiên các lực lượng Hoa Kỳ được phép đóng một vai trò chủ động trên chiến trường Việt Nam.
Vào thượng tuần tháng 4, đại sứ Taylor trở lại Sài Gòn để yêu cầu bác sĩ Quát "cùng thỏa thuận" với quyết định của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ về việc gia tăng các đội quân tiếp tế và tăng cường trách nhiệm của các đội quân Hoa Kỳ. Đầu tiên bác sĩ Quát chưa hiểu rõ được tình hình. Lúc này chúng tôi hoàn toàn mù tịt về việc Hoa Kỳ sắp mang thêm 20,000 quân yểm trợ và sắp bành trướng cả quân số lẫn nhiệm vụ của các đội quân Hoa Kỳ. -Chỉ mới hai tuần lễ trước, chúng tôi đã ngạc nhiên về việc hai tiểu đoàn Hoa Kỳ đổ bộ và đã biết rất rõ đại sứ Taylor không hề hưởng ứng vấn đề đổ quân, thế mà giờ đây chính ông lại đưa ra những chính sách hoàn toàn đi ngược lại với những quan niệm khi trước.
Đại sứ Taylor là người già giặn kinh nghiệm ngoại giao, nhưng dĩ nhiên ông vẫn không cho chúng tôi biết những mâu thuẫn đã đưa đến giải pháp dung hòa của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ. Hơn nữa, chính chúng tôi cũng chẳng biết đây là giải pháp dung hòa. Tất nhiên đại sứ Taylor khó thể tiết lộ rằng: "Thật ra, chúng tôi cũng bối rối như các ông về việc lo liệu cho tình hình được khả quan hơn. Chúng tôi cũng chẳng biết nên làm gì và cũng đang bàn cãi sôi nổi. Đây có lẽ là giải pháp hoàn hảo nhất của chúng tôi tuy rằng riêng tôi vẫn không ủng hộ giải pháp này." Vì vừa mù tịt về những quá trình dẫn đến kế hoạch của Hoa Kỳ, lại vừa chẳng biết gì về những dự định, toan tính thực tiễn của giải pháp cuối cùng nên chúng tôi khó thể lượng định đúng mức hoặc hợp lý được giá trị của những kế hoạch do Hoa Kỳ đưa ra.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn nghĩ rằng có lẽ Hoa Kỳ đang hành động theo một kế hoạch khéo léo kiện toàn nào đó mà họ không muốn thố lộ. Chúng tôi đã chẳng biết rõ chi tiết việc Hoa Kỳ lượng định tình hình ra sao mà cũng chẳng rõ những nhóm cố vấn đã xét đoán tầm mức cần thiết của chúng tôi là thế nào mặc dù hơn ai hết chúng tôi biết rất rõ những nhu cầu của chính mình. Điều chúng tôi cần nhất là ổn định tình hình chính trị nội bộ để có thể có cơ hội đóng góp vào những cố gắng chiến tranh. Đây là điều kiện tiên quyết căn bản dẫn đến việc giải quyết những vấn đề khác như kinh tế, chính trị, xã hội và quân sự trong việc xây dựng tương lai lâu dài của đất nước. Chúng tôi phải tìm cách vượt qua những vấn đề đang đe dọa bao trùm lấy tất cả chúng tôi, chẳng hạn như những lủng củng, hỗn loạn nội bộ, do ông Ngô Đình Diệm và các tướng tá đã gây ra. Dĩ nhiên chúng tôi rất cần những giúp đỡ quân sự. Nhưng vào tháng 3 và tháng 4 năm 1965, câu hỏi liệu Hoa Kỳ nên thực thi những chánh sách giúp đỡ ra sao chính là câu hỏi mà chúng tôi vẫn chưa thể tự mình trả lời. Cả tôi lẫn bác sĩ Quát đều không đồng ý việc phải Mỹ Hóa chiến tranh Việt Nam nhưng vấn đề phải làm thế nào để có thể xử dụng đúng cách những nỗ lực giúp đỡ của một đồng minh khổng lồ là quả là vấn đề mà cho đến lúc này chúng tôi mới bắt đầu suy nghĩ. Vào giữa lúc đang suy xét vấn đề thì chúng tôi đã phải đương đầu với những quyết định chuyển quân ào ạt của Hoa kỳ.
Lúc đó chúng tôi không tài nào hiểu được trọn vẹn mục đích thực thụ của những yêu cầu do Hoa Kỳ đưa ra. Mặc dầu tin tưởng vô biên vào khả năng của đồng minh Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn muốn biết họ đang suy nghĩ thế nào, nhất là trong việc tìm hiểu cho rõ ràng, mạch lạc những lời yêu cầu đổ quân ăn khớp ra sao với những kế hoạch lớn lao của toàn cuộc. Bác sĩ Quát cũng đã khổ tâm không kém gì đại sứ Taylor vì việc phải cùng lúc đối phó với cả những rối ren của việc đổ quân lẫn những khó khăn xuất phát từ việc Hoa Kỳ thiếu thành thật. Trong cơn bối rối, ông đã nhờ tôi tìm hiểu dự định của Hoa Kỳ.
Lúc này tuy Việt Nam đã có đại sứ ở Hoa Kỳ, đại sứ lại là tướng Trần Thiện Khiêm, người đã giúp tướng Khánh đảo chánh và cũng chính là người đã đưa ông Khánh sang Hoa Kỳ sau khi chánh quyền tướng Khánh bị lật đổ. Tướng Khiêm nguyên là một nhân vật có nhiều thủ đoạn nhưng lúc đó ông vừa mới tới Hoa Kỳ và lại là một quân nhân nên sự hiểu biết của ông về chính trị Hoa Kỳ thật là giới hạn. Bởi thế, tôi bị buộc phải tìm hiểu từ những nguồn tin phía trong Sài Gòn. Tôi liên lạc với tất cả. Từ các nhân viên Ngoại Giao như đại sứ Taylor, phó đại sứ Alexis Johnson, những bạn bè đang phục vụ trong các chương trình Hoa Kỳ cho đến những nguồn tin từ phía báo chí, nhất là những phóng viên am hiểu tình hình của cả hai phía Mỹ Việt chẳng hạn như phóng viên Jerry Rose của báo The Saturday Evening Post. Tuy vậy tôi vẫn thấy mình chẳng khác nào một con ếch ngồi đáy giếng trong chuyện ngụ ngôn, chỉ nhìn thấy một phần phiến diện, nhỏ bé của thế giới bên ngoài và đến ngay cả những phần này cũng bị méo mó, thiên lệch.
Dù sao đi nữa thì ngay khi tôi còn đang dự định mở cuộc thăm dò rộng rãi thì tòa đại sứ Hoa Kỳ ngỏ ý muốn chánh phủ Việt Nam trả lời về lời yêu cầu đổ bộ thêm quân. Hậu quả là vào ngày 6 tháng 4 năm 1965, vì chẳng còn làm cách nào khác hơn được, bác sĩ Quát đã bị buộc phải đồng ý thỏa thuận việc để Hoa Kỳ đổ quân thêm và mở rộng tầm hoạt động của các đội quân đã trấn đóng. Khi chánh phủ hai bên đã đồng ý thỏa thuận thì quyết định tối quan trọng được thông qua: Quân đội Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò độc lập trong cuộc chiến Việt Nam. Đây chính là quyết định mà ông William Bundy gọi là "một bước ngoặt" của toàn cuộc. Trong nội bộ Hoa Kỳ thì yếu tố chính dẫn đến quyết định này là do cả thất vọng lẫn bối rối. Thất vọng vì không biết phải làm gì và bối rối vì chẳng thể để mặc tình hình bấp bênh như hiện tại. Lúc này Hoa Kỳ đang phải đương đầu với những đòi hỏi phải có hành động thiết thực và giới lãnh đạo quân sự -Các tướng William Westmoreland, Harold Johnson và các tư lệnh tham mưu- đã cho rằng vấn đề phải can thiệp quân sự là việc dĩ nhiên. Ngược lại, các lãnh đạo dân sự lại cho rằng để quân đội Hoa Kỳ can thiệp không phải là một giải pháp đúng để giải quyết vấn đề. Tuy thế các nhà lãnh đạo dân sự lại chẳng biết làm gì hơn là tự nhủ thầm phải canh chừng hết sức thận trọng để khi cần thì đánh đổi những nguyên tắc căn bản ban đầu mà chọn lấy những giải pháp dung hòa. Trong khi đó thì chánh phủ Việt Nam lại là một chánh phủ mới vừa nắm quyền, chưa thể củng cố được nội bộ và chẳng thể làm gì khác hơn là nhắm mắt đi theo. Chánh phủ Việt Nam là một chánh phủ thiếu thốn cả từ quyết tâm cho đến khả năng để có thể chịu đựng được áp lực của Hoa Kỳ. Đối với Hoa Kỳ thì vấn đề cần phải có sự hiểu biết song phương có lẽ là chuyện không cần thiết, trong khi đối với chúng tôi là những đồng minh nhỏ bé thì việc đòi hỏi phải có sự thông cảm và hiểu biết song phương lại là việc hoàn toàn nằm ngoài tầm với.
Những tiến trình của các kế hoạch do Hoa Kỳ đặt ra cứ nối tiếp theo nhau trong một khung cảnh gần như áp đặt, Hết "Oanh Tạc Không Lực," rồi "Tấn Công Để Phòng Thủ," và rồi cuối cùng "Trực Tiếp Can Thiệp Bằng Quân Sự." Chỉ khoảng chín tháng sau, các đội quân Thủy Quân Lục Chiến ban đầu đã chuyển thành một quân đội với tổng số 200,000 quân bao gồm cả các binh lính Hoa Kỳ lẫn những binh lính từ những đồng minh khác. Tất cả đều đến Việt Nam vì những lý do tương tự như những lý do vừa kể. Mục đích chính của quyết định do tổng thống Lyndon Johnson đưa ra vào ngày 1 tháng 4 là tiếp trợ quân nhu, khí cụ, gia tăng quân số và phạm vi hoạt động của những đội quân Thủy Quân Lục Chiến để yểm trợ Việt Nam. Nếu đây quả là một giải pháp dung hòa thì cách giải quyết này cũng vẫn không phải là một giải pháp vĩnh cửu. Vào ngày 11 tháng 4, vì không bằng lòng với lời yêu cầu của Bộ Tổng Tham Mưu, tướng Westmoreland đã điện thoại cho Thủy Sư Đô Đốc Ulysses Grant Sharp, Jr., tổng tư lệnh của hạm đội Thái Bình Dương, nói rằng ông vẫn cần thêm ít ra là một lực lượng vào cỡ sư đoàn không lực 173 của quân đội Hoa Kỳ lúc đó. Sau những cuộc bàn bạc giữa những nhân vật lãnh đạo quân sự cao cấp, vào ngày 14 tháng 4, Bộ Tổng Tham Mưu đã ra lệnh cho sư đoàn không lực 173 đóng quân ở Việt Nam.
Khi trở lại Sài Gòn sau những cuộc tranh cãi quyết liệt ở Hoa Thịnh Đốn, đại sứ Taylor cho rằng tổng thống Johnson đã đồng ý giảm thiểu và giới hạn những can thiệp quân sự. Tuy thế, khi nhìn thấy rõ rằng trong thực tế vấn đề lại khác hẳn, đại sứ Taylor cảm thấy vô cùng khó chịu. Trong một bức điện gửi đến Ngoại Trưởng Dean Rusk tuy với lời lẽ nhẹ nhàng, đại sứ Taylor vẫn không dấu hết được cảm giác bực tức. Ông điện rằng: "Gần đây, những hành động liên quan đến việc đổ quân đã khiến tôi có ấn tượng về thái độ nóng nảy của một vài cơ quan về vấn đề cần phải đổ quân vào Việt Nam. Đây quả là một thái độ thật là khó hiểu... Hành động của các cơ quan này hoàn toàn tương phản với những chính sách Hoa Thịnh Đốn đã đề ra [vào ngày 1 tháng 4]."
Hôm sau, đại sứ Taylor nhận được điện tín trả lời của Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng John McNaughton. Lời lẽ của bức điện chẳng hề làm ông suy giảm phẫn nộ: "Giới lãnh đạo tối cao tin rằng tình hình Miền Nam Việt Nam đang tan rã. Để hỗ trợ cho những cuộc tấn công Miền Bắc, chúng ta phải có một hoạt động nào đó giúp Việt Nam đạt được thắng lợi. Ngoài những đề nghị khác bản điện tín còn có kèm theo cả những lời đề nghị yêu cầu đại sứ Taylor thỏa thuận việc chuyển quân nhanh chóng của sư đoàn không lực 173. Sau này phó Đại Sứ Alexis Johnson đã viết thêm rằng: "Chúng tôi hoàn toàn tối tăm mặt mũi vì những hồ sơ đề nghị. Cuộc đổ quân ồ ạt, gần như thể một con đê đã vỡ toang hoác khiến những người 'chậm chạp' như chúng tôi chẳng thể sửa chữa hoặc ngăn chận kịp thời."
Vào ngày 17 tháng 4, để đối phó với những biến chuyển không hoàn toàn như ý, đại sứ Taylor đã gửi một bức thư dài cho cả hai ông Dean Rusk ở Bộ Ngoại Giao và ông McGeorge Bundy ở tòa Bạch Ốc. Trong bức điện tín, ông tường trình những biến chuyển nhanh chóng và phức tạp của tình trạng lúc này. Một trong những vấn đề ông Taylor đã đề cập đến là việc bác sĩ Quát có thể phản đối việc đóng quân. Ông đã viết rằng: "Việc minh xác tầm mức cần thiết trong vấn đề đổ quân thật vô cùng quan trọng. Trước khi đặt vấn đề của chúng ta ra với chánh phủ Việt Nam, tôi phải biết rõ ràng vấn đề là gì và lý do ra sao. Việc thuyết phục chánh phủ Việt Nam thỏa thuận cho phép một lực lượng với quân số lớn lao đến đóng ngay trong lãnh thổ Việt Nam nhất định sẽ phải gặp nhiều khó khăn trừ khi lý do cần thiết đã trở nên rõ ràng và minh bạch."
Những khác biệt trong quan niệm của đại sứ Taylor và bộ tham mưu đã đưa đến một cuộc họp căng thẳng vào ngày 19 tháng 4 ở Honolulu. Cuộc họp do Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara chủ tọa và bao gồm nhiều nhân vật lãnh đạo như đại sứ Taylor, ông William Bundy và ông McNaughton. Sau hai ngày bàn cãi "quyết liệt", đại sứ Taylor đã bị thuyết phục ngả theo ý kiến chung về việc đề nghị gia tăng quân số (tới 82,000) và về sự thỏa thuận đề nghị một số quân khoảng 7250 binh sĩ từ "một đệ tam quốc gia." Theo ông Alexis Johnson thì đây là một sự "đồng ý miễn cưỡng." Lại thêm một lần nữa đại sứ Taylor đã nhượng bộ những ý kiến riêng của ông để đổi lại một giải pháp dung hòa. Theo như sự thỏa thuận thì những lực lượng Hoa Kỳ không được phép tự do tấn công và chỉ có thể hoạt động trong những vùng ven biển quanh căn cứ. Lúc này theo ông Bundy thì những quân nhân Hoa Kỳ tin rằng việc giới hạn tầm hoạt động của các đội quân sẽ được chấp hành nghiêm chỉnh. Nhưng ông Bundy cũng nói thêm: "Những giới hạn bắt buộc quân đội phải tự khống chế các hoạt động có thể sẽ khiến những viên chức quân sự phục vụ trong quân đội [Hoa Kỳ] mang một quan niệm bi quan hơn (và thực tiễn hơn) về những gì có thể xảy ra." Đối với những người Việt Nam thì tháng 4 là tháng của những yêu cầu liên tiếp từ phía Hoa Kỳ. Theo như nghị định do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đưa ra, bác sĩ Quát đã chấp thuận việc đóng quân của những tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến và 20,000 quân tiếp trợ. Một tuần lễ sau đó, dư luận lại đồn đãi về việc đòi hỏi các đồng minh khác phải thêm quân tiếp trợ. Trong khi đại sứ Taylor nỗ lực giới hạn những kế hoạch lớn lao đang lũ lượt gởi đến từ Hoa Thịnh Đốn thì tâm trạng bác sĩ Quát ngày càng lo âu. Cho tới lúc này, tuy vẫn vô cùng ngần ngại, ông vẫn bị buộc phải ngả theo tình thế. Theo tôi thấy thì bác sĩ Quát cũng đã biết rõ ràng sự can thiệp của những đội quân Thủy Quân Lục Chiến là một sự can thiệp chỉ có tính cách tạm thời. Tuy chỉ có rất ít binh sĩ Hoa Kỳ hiện diện ở Việt Nam vào lúc này, việc đòi hỏi gia tăng thêm quân lực hiển nhiên là việc sắp đến. Nhưng ngoài cách thỏa thuận ra chúng tôi còn có thể phản ứng bằng cách nào khác hơn chăng? Trước tiên thì câu trả lời dường như phụ thuộc vào việc lượng định tình hình quân sự của các giới chức quân sự Việt Nam. Nếu vòng đai phòng vệ của Việt Nam đang tan vỡ vì những cuộc tấn công của cộng sản Bắc Việt thì hẳn nhiên chúng tôi không còn đường chọn lựa. Mặt khác, nếu các giới chức quân sự nghĩ rằng tình thế vẫn còn khả quan hơn vậy thì chúng tôi sẽ có cơ hội chống trả lại áp lực của Hoa Kỳ một cách hữu hiệu hơn.
Khi đại sứ Taylor từ Honolulu trở về Việt Nam thì tôi đã bắt đầu tham khảo ý kiến của các tướng lãnh Việt Nam. Vào ngày 24 tháng 4, đại sứ Taylor tường thuật cho bác sĩ Quát những ý kiến chung rút ra từ những cuộc tranh cãi ở Hawaii. Lúc này bác sĩ Quát đã hiểu rõ sự nghiêm trọng của những biến chuyển sắp tới. Thật sự thì từ nhiều tuần trước đây, ông đã dành rất nhiều thời giờ để suy nghĩ. Khi đại sứ Taylor đến gặp ông Quát để nâng số quân Hoa Kỳ ở Việt Nam lên đến 82,000, bác sĩ Quát đã trả lời rằng ông cần thời giờ để đo lường những ảnh hưởng chính trị và quân sự nếu Hoa Kỳ gia tăng quân số ở Việt Nam. Ngay sau khi đại sứ Taylor vừa đi khỏi, ông Quát chạy ngay đến văn phòng tôi. Lúc gặp tôi, dường như ông không còn dấu được vẻ hốt hoảng. Ông hỏi ngay như thể cố trút cả nỗi lo âu vào câu hỏi: "Có chuyện gì ngoài chiến trường mà chúng ta không biết rồi sao?" Vào lúc này, bác sĩ Quát không còn tìm được bất cứ lý do nào khác để giải thích lời yêu cầu đổ quân của Hoa Kỳ với quân số to lớn như vậy vào Việt Nam.
Những suy nghĩ của tôi cũng chẳng lấy gì làm khác bác sĩ Quát. Mặc dù vừa mới hội họp với các sĩ quan trước đấy mấy hôm, hiển nhiên chúng tôi lại phải tham khảo với họ chi tiết hơn thêm một lần nữa trước khi có thể quyết định bất cứ chuyện gì.
Cuối tuần đó, tôi và bác sĩ Quát liền bắt đầu ngay những buổi họp liên tục với tất cả các vị chỉ huy cao cấp của Việt Nam. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của riêng từng người về việc lượng định tình hình quân sự về cả các giai đoạn ngắn hạn cũng như dài hạn. Ngoài ra chúng tôi còn trình bày thêm những nghi ngờ của riêng chúng tôi cũng như tham khảo ý kiến của các tướng lãnh về vấn đề này. Vì chánh quyền Việt Nam lúc này vẫn chưa có cơ quan nào có thể ví như Hội Đồng An Ninh Quốc Gia để xem xét những vấn đề quan trọng nên những những cuộc thảo luận của chúng tôi không mang tính cách chánh thức. Nhưng dù sao đi nữa thì những quan niệm của chúng tôi vẫn phản ảnh trung thực ý kiến chung của các chính trị gia và các tư lệnh Việt Nam lúc này. Tuy chẳng có gì đáng gọi là thủ tục chánh thức về những cuộc tham khảo, cả tôi lẫn bác sĩ Quát đều đã biết rằng dù có nhìn tình hình bằng một nhãn quan chánh trị hoặc quân sự đi chăng nữa thì việc gạt bỏ những quan niệm của các tướng lãnh vẫn không phải là việc dễ dàng. Hơn nữa, chính bản thân chúng tôi cũng có những sự ngần ngại riêng đối với vấn đề để cho Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam. Với tư cách là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng, tôi thường phải đối phó với những vụ khiếu nại và kiện tụng mỗi khi có những vụ rắc rối hoặc tai nạn xe cộ liên quan đến quân đội Hoa Kỳ. Vì thế, tôi đã biết rất rõ những khó khăn đi đôi với vấn đề gia tăng quân đội Hoa Kỳ. Tầm hiểu biết của tôi bao gồm từ những vụ tai nạn đơn giản như những tai nạn do xe nhà binh cán người cho đến những vụ vi phạm luật lệ xảy ra hàng ngày. Hơn nữa, từ khi Pháp còn chiếm đóng, tôi đã từng phải đối phó với những khó khăn cũng liên quan đến những vấn đề tương tự như vấn đề phàn nàn Mỹ-Việt lúc này. Trước đây, trong những cuộc đàm phán ở Élysée với Pháp vào đầu thập niên 1950, trách nhiệm của tôi lúc đó là tìm cách giải quyết những vấn đề khó khăn khi phải thiết lập một lực lượng Việt Nam để Pháp có thể giao trả dần độc lập. Những cuộc thảo luận lúc đó cũng là những phàn nàn Pháp-Việt gần giống như vấn đề của quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam lúc này. Mặt khác, bác sĩ Quát vốn vừa là Bộ Trưởng Quốc Phòng, vừa là thượng cấp của tôi lúc trước nên cũng nhạy cảm không kém gì tôi. Theo sự suy nghĩ của chúng tôi thì có lẽ cả hai chúng tôi đều quá nhạy cảm, có thể việc chúng tôi ráo riết tham khảo ý kiến chẳng qua cũng chỉ là do những kích động của sự nhạy cảm mà thôi.
Việc tìm hiểu những câu trả lời của các giới chức quân sự là việc mà chúng tôi có thể đoán trước được phần nào. Theo tình hình lúc này thì những giới chức quân sự nhận định rằng: Tuy những trận chiến lớn sắp sửa mở màn, Việt Nam không hề ở vào bất kỳ tình cảnh ngặt nghèo nào đáng kể. Nhưng những nhận định của họ về tình hình lâu dài của chiến cuộc lại hoàn toàn khác hẳn. Lúc này đã có những đơn vị của ít nhất là hai sư đoàn (sư đoàn 324 và 304) chính qui Bắc Việt đang tấn công ráo riết vào Miền Nam và mức độ xâm nhập đang ngày càng tăng. Hơn nữa, vì thiếu thốn nhân lực và thời gian để huấn luyện các binh sĩ, việc tăng cường quân đội để chống lại những lực lượng mới của Việt Cộng là một việc vô cùng khó khăn. Sau khi thẩm định tình hình các tướng lãnh đã kết luận rằng: Bất kể sự hiện diện của những đội quân Hoa Kỳ có tạo ra khó khăn gì đi nữa thì việc gia tăng quân đội Hoa Kỳ vẫn là một lợi điểm lớn lao đối với Việt Nam.
Lạ lùng thay, phản ứng của các chính trị gia cũng không khác các tư lệnh quân sự là mấy. Một vài người quá khích đã lấy làm thích thú về viễn ảnh của một cuộc chiến tranh chống cộng quốc tế. Vài người khác lại dễ dãi bỏ qua tất cả những vấn đề thuộc mặt trái của cuộc đổ quân.
Khi lượng định những vấn đề khó khăn bác sĩ Quát đã cho rằng những sĩ quan cao cấp đều chịu ảnh hưởng của các cố vấn quân sự Hoa Kỳ. Và vì vậy nên nếu ý kiến của họ có trùng hợp với ý kiến chung của các viên chức quân sự Hoa Kỳ thì cũng là một việc dễ hiểu. Chẳng khác gì những đồng nghiệp Hoa Kỳ, các tướng lãnh Việt Nam cũng chỉ quan sát mọi việc qua ống kính quân sự hạn hẹp. Sự huấn luyện và kinh nghiệm quân sự nghề nghiệp đã làm giảm khả năng suy nghĩ của họ về những vấn đề khác, chẳng hạn như ảnh hưởng xã hội hoặc tâm lý của việc gia tăng quân số Hoa Kỳ ở Việt Nam. Nhưng nếu lấy tiêu chuẩn an ninh quốc gia làm chuẩn để suy xét thì việc bác bỏ quan niệm của họ là một việc vô cùng khó khăn. Và nếu lấy những suy xét chính trị làm chuẩn thì việc bác bỏ những suy xét của họ lại còn là việc viễn vông hơn nữa.
Khi phải đương đầu với quyết định cuối cùng, bác sĩ Quát hoàn toàn đơn độc. Vì là thủ tướng của một quốc gia đang giữa lúc chiến tranh, ông đã phải xử dụng uy quyền từ một chỗ đứng mong manh và đầy đe dọa. Đã có lúc bác sĩ Quát nói với tôi rằng ở vào những giây phút hiểm họa, ông chỉ còn biết trông chờ vào "lương tâm cùng những linh tính chánh trị của riêng bản thân ông." Có thể ông đã bác bỏ những đề nghị của Hoa Kỳ trên phương diện lý thuyết, nhưng những thực tế chính trường đã khiến ông chẳng thể thoát khỏi những áp lực khủng khiếp của Hoa Kỳ. -Đây là một điều mà những giới chức quân sự phục vụ dưới quyền ông cũng cùng đồng quan điểm.
Ở những giai đoạn cuối, bác sĩ Quát đã thực sự hành động theo linh tính. Ông vẫn ôm ấp hy vọng rằng rồi đây tình hình sẽ khả quan hơn và lúc đó ông sẽ có khả năng để thay đổi. Lúc đó, ông sẽ có một khả năng khác hẳn trường hợp yếu thế lúc này. Vì suy nghĩ như thế nên vào ngày 28 tháng 4, bác sĩ Quát thông báo với đại sứ Taylor rằng Việt Nam đã thỏa thuận lời yêu cầu mới của Hoa Kỳ. Những cánh cửa ngăn chận giờ đây đã được mở rộng. Công bằng mà luận thì ngay cả cho đến lúc những gia tăng quân sự đã khởi đầu, Tổng Thống Lyndon Johnson và chánh phủ Hoa Kỳ vẫn muốn đàm phán với Bắc Việt. Nhưng đối với chánh quyền Việt Nam thì vấn đề bàn bạc những giải pháp hòa bình cũng mờ mịt chẳng kém gì những ý định của Hoa Kỳ về phương diện quân sự. Nếu nhìn từ một cương vị nhất định nào đó thì quyết định không tham khảo ý kiến Việt Nam của Hoa Kỳ chẳng qua cũng dễ hiểu. Những quá khứ hỗn loạn và những tương lai mờ mịt của Việt Nam đã khiến chánh phủ Sài Gòn chẳng thể đóng trọn vai trò của một đồng minh mà Hoa Kỳ có thể tham khảo ý kiến về phương diện ngoại giao. Tuy rằng những chánh sách của Hoa Kỳ có liên hệ chặt chẽ đến vấn đề sinh tử của Việt Nam mà vì hoàn toàn mù tịt về mọi vấn đề, nên chánh quyền Việt Nam vẫn không đóng góp được gì nhiều vào việc soạn thảo những giải pháp chính trị cũng như quân sự.
Dĩ nhiên là chúng tôi vẫn thông báo về những tiến triển của các giải pháp hòa bình đang diễn ra công khai ở Hoa Kỳ. Chẳng hạn như tin tức về những bài diễn văn của tổng thống Johnson ở đại học John Hopkins vào ngày 7 tháng 4, hoặc những tin tức về quyết định ngưng dội bom vào ngày 10 tháng 5. Ngay cả vào những lúc sớm hơn, như vào khoảng tháng ba, ông Alexis Johnson cũng đã thông báo cho Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ về những dự định trong việc kêu gọi một cuộc hội nghị khác ở Geneva do Anh Quốc và Liên Xô đứng ra làm chủ tọa. Nhưng chúng tôi chỉ biết rất ít về những việc bí mật quan trọng, chẳng hạn như những vụ thăm dò Bắc Việt, những điều mà Hoa Kỳ đã ngầm đưa ra với đại sứ J. Blair Seaborn của Gia Nã Đại, nguyên là nhân viên của phái đoàn kiểm soát quốc tế, hoặc những tiếp xúc của Hoa Kỳ với đại sứ Trung Hoa ở Warsaw, và Mai Văn Bộ, đại diện của Bắc Việt ở Ba Lê. Chúng tôi biết rằng Hoa Kỳ vẫn còn cố gắng tìm tòi, dọ dẫm qua nhiều sự móc nối khác nhau, nhưng chúng tôi chỉ có thể cho rằng những móc nối bí mật chẳng qua chỉ là một trong những giải pháp vận động thông thường mà thôi. Tuy chúng tôi chẳng nghi ngờ gì Hoa Kỳ nhưng vấn đề thiếu hiểu biết dường như lúc nào cũng dẫn đến sự nghi kỵ.
Trong những diễn biến vừa kể, mặc cho Hoa Kỳ hết sức dùng cả những biện pháp công khai lẫn các biện pháp bí mật, Hà Nội vẫn lạnh lùng ngoảnh mặt. Rốt cuộc, vì chẳng thể ảnh hưởng gì được Hà Nội nên dư luận lại trở về các đề tài chính trị hoặc quân sự của chánh phủ Sài Gòn. Vào mùa thu 1965, khi Hoa Kỳ đã quyết định Mỹ Hóa Chiến Tranh Việt Nam thì họ trực tiếp vào cuộc bằng cách áp đặt chính sách can thiệp dưới một khung cảnh đột xuất và cao ngạo. Cách can thiệp khác thường của họ đã khởi nguồn một câu chuyện lịch sử thật dài và vô cùng quan trọng. Họ vào cuộc với những mục tiêu rõ rệt: Giúp đỡ đồng minh và cố gắng nuôi dưỡng, phát triển một nền dân chủ độc lập ở Việt Nam. Giúp Việt Nam ổn định và củng cố để chống lại cộng sản. Nhưng một khi những chánh sách mang mục đích cao đẹp của họ thất bại thì hậu quả đã di lại những tổn thương trầm trọng và vĩnh cửu. Tôi không có ý kết án rằng Hoa Kỳ phải một mình chịu nhận tất cả mọi trách nhiệm và hậu quả. Đúng ra thì những người lãnh đạo Việt Nam phải chịu phần lớn trách nhiệm. Ngoài những nhân vật lãnh đạo ra, trách nhiệm thất bại có thể được qui một phần về những phần tử quốc gia đã chia rẽ quá mức trong thời gian chiến tranh. Hậu quả của sự chia rẽ đã khiến các đoàn thể quốc gia suy nhược đến độ họ chẳng còn có thể tiếp tục tự vệ khi họ bị buộc phải tự mình đối phó với cuộc chiến.
Nhưng qua suốt 11 năm Hoa Kỳ can thiệp, nếu đứng trên phương diện ngoại giao mà luận thì những chính sách của Hoa Kỳ quả đã gây ra rất nhiều hậu quả đáng tiếc. Đầu tiên, trong thời gian vào khoảng đầu thập niên 1950, thì người Hoa Kỳ nhất định nhắm mắt không can thiệp. Họ đã an nhiên mục kích số phận thăng trầm của cả hai giới độc tài dân cũng như quân sự của Việt Nam. Khi ông Diệm nắm quyền thì tòa đại sứ Hoa Kỳ đã đưa ra những chiêu bài "hợp pháp", "chưa hợp thời" và cố tình để mặc những phần tử quốc gia tự mình xoay sở trong khung cảnh bất lực. Rồi vào năm 1963, khi các tướng lãnh đảo chánh ông Diệm thì Hoa Kỳ gần như vẫn nhắm mắt làm ngơ và tuy đã chấp thuận với đề nghị đảo chánh của các tướng lãnh, nhưng nếu cần, Hoa Kỳ vẫn vui lòng chối bỏ sự can thiệp. Trong suốt cả một thập niên dường như họ đã cố tình bưng mắt đứng ngoài, hoặc chỉ can thiệp nhẹ nhàng cho có lệ. Cuối cùng, vào năm 1965, ngay giữa khi Việt Nam đang gặp những khủng hoảng chính trị và đang ở vào lúc xáo trộn thì họ lại quyết định rằng đó là lúc họ cần can thiệp trực tiếp. Họ ào ạt đổ quân. Họ ra sức thiết lập các căn cứ và tự đưa ra những chiến dịch oanh tạc. Họ hành động một cách bất chợt và đơn phương, không thèm đếm xỉa gì đến việc tham khảo ý kiến của chánh phủ Việt Nam. Những hành động quyết đoán và chủ quan của họ đã khiến họ tự dồn mình vào một phương vị bế tắc. Rồi họ tự đi đến kết luận: Phải Mỹ Hóa chiến tranh Việt Nam. Và khi chính sách của họ thất bại thì họ lại tháo lui thật phũ phàng. Họ tự tìm lấy những giải pháp hòa bình dễ dàng cho họ và bỏ mặc đồng minh -bất kể đồng minh của họ là quốc gia nào- phải tiếp tục ở lại chịu trận.
Vốn đã tình cờ hiện diện vào lúc Hoa Kỳ cố tự tròng lấy trách nhiệm vào người, tôi cũng lại tình cờ hiện diện vào lúc Hoa Kỳ cố cởi bỏ những trách nhiệm họ đã tự tròng vào khi trước. Có lẽ ngoại trừ phương pháp can thiệp khác thường này, Hoa Kỳ chẳng thể còn bất cứ cách thức can thiệp nào khác có thể hủy hoại đồng minh khốc liệt hơn!
Gọng Kềm Lịch Sử
18. Bác Sĩ Quát và Các Tướng Lãnh
Vào mùa xuân 1965 tuy những biến chuyển chính trị đã chuyển chiến cuộc Việt Nam nguyên là một cuộc nội chiến, thành một mâu thuẫn có tính cách quốc tế, đây vẫn không phải là biến cố độc nhất chiếm lĩnh tất cả những chú ý của bác sĩ Quát. Khi bác sĩ Quát bắt đầu nhậm chức thì ảnh hưởng của các tướng lãnh và các hội đồng quân sự hãy còn rất mạnh do đó ông đã chủ trương rằng phải nỗ lực cầm cự vào lúc ban đầu. Ông đã cố ổn định tình hình quân sự, cố đương đầu với những vấn đề chia rẽ đảng phái ở Sài Gòn, cố bắt đầu những cuộc ứng cử địa phương và soạn thảo hiến pháp. Tuy bác sĩ Quát đã cố chuyển những nỗ lực đầu tiên về những điều cơ bản trên, tình hình phức tạp và hỗn loạn của chánh phủ dân-quân sự lúc đó đã rối ren đến mức mọi chuyện gần như xảy ra cùng một lúc. Tầm mức lớn lao của diễn biến đã vượt khỏi cả phạm vi chiến cuộc lẫn phạm vi của những hoạt động mà Hoa Kỳ đã tính toán lúc đó.
Những biến chuyển lúc này dập dồn chẳng khác nào như tất cả mọi chuyện đều xảy ra cùng một lúc. Bác sĩ Quát nhậm chức đã được bốn tháng mà tôi vẫn có cảm tưởng như ông vừa mới nhậm chức chỉ có vài ngày trước. Có lẽ ông Henry Kissinger đã diễn tả đúng hệt tâm trạng chúng tôi khi nói rằng chính trị gia là những người luôn luôn bị buộc phải lựa chọn vào những lúc họ không những chỉ mù tịt về tương lai mà còn mù tịt cả về tình trạng hiện tại nữa." Vào thời gian này, gần như tôi chưa bao giờ có dịp để nhận định cho rõ được những phương hướng tổng quát để làm việc cho hữu hiệu. Gần như tôi chẳng bao giờ có đủ thời giờ, dù chỉ là những khoảng thời giờ thật ngắn cho phép tôi suy nghĩ thấu đáo về căn nguyên của những vấn đề khó khăn.
Tuy tình cảnh rối ren, bận rộn và khó nhọc là thế mà bác sĩ Quát vẫn quyết tâm giữ vững những chủ định ban đầu. Ông Quát nhận định rằng vấn đề khó khăn chính của chính phủ trong thời gian này là vấn đề của các tướng lãnh trẻ. Nếu ông có thể thuyết phục các tướng trẻ chú tâm vào tình hình chiến cuộc thay vì chính trị thì ông cho rằng đã tiến được nửa bước. Và nếu ông có thể hô hào khiến họ làm hậu thuẫn thì đây quả là một bước vẹn toàn. Tuy thế, vấn đề đối phó với các tướng trẻ chẳng phải là nỗi lo âu duy nhất của bác sĩ Quát. Ngoài vấn đề này ra ông còn phải tìm cách xoa dịu những lực lượng chánh trị đang hăm he gạt phắt chính phủ của ông ra ngoài.
Khi đương đầu với các tướng lãnh, bác sĩ Quát đã có rất nhiều lợi điểm. Lợi điểm đầu tiên của bác sĩ Quát là uy tín của chính ông. Vì đã từng là Bộ Trưởng Quốc Phòng, ông đã giữ được mối giao hảo với nhiều sĩ quan chủ chốt và rất quen thuộc với những vấn đề quân sự khó khăn. Những kinh nghiệm đặc biệt về quân sự của bác sĩ Quát đã khiến các tướng lãnh coi ông khác hẳn các thành viên dân sự khác. Họ xem ông là một người đáng tin cậy và họ sẵn lòng cộng tác. Lợi điểm thứ hai của bác sĩ Quát là kể từ tháng 2 năm 1965, đại sứ Taylor và ông Alexis Johnson đã nói thẳng với các tướng lãnh rằng các tướng lãnh chẳng thể vừa phục vụ quân đội, vừa hoạt động chính trị được. Họ chỉ có thể chọn một trong hai, nếu họ muốn làm chính khách thì cũng chẳng có gì khó khăn, chỉ cần họ cởi bỏ quân phục và gia nhập hàng ngũ của những chính khách là xong. Lợi điểm thứ ba và có lẽ cũng là lợi điểm quan trọng nhất của bác sĩ Quát là việc các tướng lãnh vẫn chống đối lẫn nhau. Bất kỳ họ suy nghĩ về một chánh phủ dân sự ra sao, các tướng lãnh cũng nhất định không để những nhóm quân sự khác nắm được thực quyền. Vì muốn tránh vấn đề phải để một nhóm quân sự khác nắm quyền, họ đã đồng ý để bác sĩ Quát đứng ra điều hành mọi chuyện.
Với ba lợi điểm vừa kể, vào đầu tháng 5 bác sĩ Quát cùng tôi đã hội họp với những sĩ quan cao cấp để thuyết phục họ giải tán Hội Đồng Quân Lực. Hội Đồng Quân Lực nguyên là một tổ chức mà những quân nhân đã dùng làm khí cụ nhằm gây áp lực từ khi tướng Nguyễn Khánh nắm quyền. Tuy giải tán Hội Đồng chưa hẳn đã là chấm dứt hoàn toàn những ảnh hưởng của quân sự vào chính trị nhưng việc này cũng có thể xem là một bước trong tiến trình đó.
Khi đương đầu với những khó khăn trong các đoàn thể dân sự thì bác sĩ Quát ít thành công hơn. Có thể vì ông đã giải tán được Hội Đồng Quân Lực và thành công phần nào khi giải quyết những khó khăn quân sự nên bác sĩ Quát đã trở nên lạc quan và do đó thiếu thận trọng. Tuy chẳng ai chỉ trích bác sĩ Quát khi ông đặt trọng tâm vào vấn đề quân sự, nhưng lúc đó có vài người cho rằng bác sĩ Quát có ý xem thường các đoàn thể dân sự đối lập có ảnh hưởng đáng kể. Họ cho rằng bác sĩ Quát cần phải để ý ông Phan Khắc Sửu nhiều hơn. Trước đây, ông Sửu chính là vị quốc trưởng già đã từ chối không chịu ký sắc lệnh chấm dứt nhiệm vụ một vài vị tướng và vì vậy đã góp phần thúc dục, đẩy mạnh cuộc bắt cóc các thành viên của Thượng Hội Đồng hồi tháng 11, 1964.
Vào tháng 5, ông Sửu già nua vẫn là quốc trưởng và vẫn khó tính giống hệt trước đây. Khoảng cuối tháng 5, ông Sửu lại bắt đầu khởi sự một cuộc khủng hoảng chánh phủ thứ hai. Lúc này nạn thiếu gạo đang bắt đầu hoành hành. Nạn khan hiếm gạo phát sinh là do Việt Cộng đã làm gián đoạn đường liên lạc giữa Sài Gòn và các tỉnh. Giá gạo tại thủ đô bỗng nhiên nhảy vọt và nhiều ngày sau, chánh phủ đã bị buộc phải can thiệp. Tuy thế, trong suốt một tuần và rồi hai tuần mà chánh phủ vẫn không đưa ra được giải pháp nào thiết thực. Vào lúc này những người có trách nhiệm trực tiếp là Tổng Trưởng Nội Vụ và Tổng Trưởng Kinh Tế vẫn chẳng hề quan tâm đến bổn phận của mình. Vào tuần lễ thứ ba, tình trạng thiếu khả năng của họ đã khiến bác sĩ Quát vô cùng phẫn nộ khi ông lại phải bắt tay vào việc. Bác sĩ Quát hành động dứt khoát bằng cách thay thế một lúc hai Bộ Trưởng. Đây là một sự chọn lựa có tính cách quyết định ảnh hưởng đến sự sống còn của chính phủ của ông.
Nhưng không may, trong những tháng trước đây, ông Quát lại chưa có dịp nào để xoa dịu các chính khách đối lập khác. Những chính khách đối lập với ông Quát đa số là những chính khách của các phe nhóm địa phương, một trong những người đối lập nguy hiểm nhất là những chính khách Miền Nam. Thường thì những chính khách người Nam vẫn cảm thấy rất khó chịu khi phải để những chính khách người Bắc nắm quyền và lúc nào họ cũng cố tìm cách đảo ngược tình hình. Việc bác sĩ Quát yêu cầu hai bộ trưởng từ chức đã đem lại cho họ một dịp may hiếm có và con người khó tính của ông Sửu đã khiến họ có được một khí cụ tuyệt vời. Theo nguyên tắc thì sắc lệnh chỉ có hiệu lực sau khi đã được ông Sửu ký. Nhưng lúc này, vì ông đang được những đoàn thể "Người Nam" cùng những đoàn thể công giáo ngấm ngầm khuyến khích nên ông Sửu lại không chịu ký. Chẳng bao lâu sau hành động của ông Sửu đã khiến chánh phủ ông Quát sa vào một cuộc khủng hoảng chính trị không có đường giải quyết.
Khi chánh quyền bị rơi vào tình thế tiến thối lưỡng nan, bác sĩ Quát đã cố xoay sở để giải quyết vấn đề, nhưng vì không có hiến pháp nên ông chẳng thể vận động cách nào khác hơn. Còn ông Sửu thì lại một mực khăng khăng nhất định không chịu ký. Trước đây ông đã chẳng để Nguyễn Khánh lay chuyển, lúc này ông Sửu cũng nhất định chẳng để ai lay chuyển. Đã thế, sau lưng ông Sửu, những chính khách Miền Nam còn mượn dịp để triệt hạ bác sĩ Quát bằng mọi giá. Ông Quát đã phải tìm đến Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ là một người Nam để nhờ giảng hòa. Tuy cụ Đỗ đã cố gắng thuyết phục nhưng vì cụ đã từng sống tại Miền Bắc khá lâu nên lại bị coi như người thân Bắc và những lời cụ đưa ra hoàn toàn bị bỏ ngoài tai.
Có lẽ khi cuộc khủng hoảng tiếp diễn và tình hình chuyển thành tấn thối lưỡng nan thì việc các tướng lãnh tự bước vào giải quyết vấn đề là việc khó thể tránh khỏi. Thật ra thì trong khi cố gắng xoay sở tháo gỡ tình hình, bác sĩ Quát cũng có nói chuyện với vài tướng tá nhưng ông vẫn không thuyết phục được họ ủng hộ. Các tướng tá đã lập luận rất rõ ràng: "Đấy, các ông xem, chúng tôi đã rời bỏ chính trường rồi. Vậy mà một khi chúng tôi đi khỏi thì các ông lại không thể điều hành được mọi chuyện." Có thể bác sĩ Quát cũng có khả năng thuyết phục một vài tướng tá và vận động họ cùng về phe với ông nhưng sau lưng các tướng tá trẻ lại còn các tướng tá khác trẻ hơn. Họ là những cấp tá đầy tham vọng và những tư lệnh trẻ chưa hoàn toàn hài lòng với những chân trời nhỏ hẹp của mình. Đối với họ thì đây quả là lúc thời cơ hành động đã chín mùi. Những tướng tá trẻ hẳn nhiên là một đoàn thể mà các tướng lãnh khác khó thể bỏ qua.
Vào ngày 11 tháng 6, trong một buổi họp kéo dài tại Phủ Thủ Tướng, tình trạng tấn thối lưỡng nan chấm dứt. Độ khoảng 40, 50 các tướng lãnh, ông Sửu, bác sĩ Quát và các phụ tá đều hiện diện tại cuộc họp. Tất cả chen chúc trong một căn phòng nhỏ hẹp ở Phủ Thủ Tướng. Tuy bác sĩ Quát vẫn cố toan tính thay đổi hai vị Bộ Trưởng vào lúc cuối, các tướng tá đã đòi hỏi chánh phủ phải giải quyết tình trạng khó xử ngay tại phòng họp. Họ tuyên bố sẽ không khoanh tay nhìn chính phủ bế tắc. Biết rằng việc gì phải đến đã đến, giữa những lời phát biểu ý kiến sôi động, bác sĩ Quát tuyên bố sẽ từ chức và giải tán chánh phủ. Quyết định từ chức của bác sĩ Quát đã buộc ông Sửu cũng phải từ chức theo. Chính trường lúc này đã được dọn sạch để cho các tướng lãnh và các quân nhân bắt đầu nhập cuộc. Chẳng bao lâu họ đã thiết lập hai ủy ban quân sự: Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch và quốc trưởng và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do tướng Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch và Thủ Tướng. Đây quả là một màn kết thúc cay đắng cho cuộc thí nghiệm chính phủ dân sự ở Miền Nam Việt Nam. Ngay sau khi chánh phủ sụp đổ, ông Alexis Johnson đã than rằng ông thật "vô cùng thất vọng!" Vào lúc này Hoa Kỳ đã đặt rất nhiều hy vọng vào bác sĩ Quát. Họ bắt đầu tin rằng ông Quát là người có khả năng ổn định những khó khăn chính trị tại Việt Nam. Khi ông Quát thất bại, Hoa Kỳ đã thất vọng sâu xa. Nỗi thất vọng của họ dường như bao gồm thêm cả cảm giác khó chịu khi họ thấy mình hoàn toàn bất lực. Họ giống như những người phải đứng ngoài nhìn tận mắt những việc ngang tai trái ý mà chẳng thể làm gì khác hơn. Lúc này họ lại phải đương đầu với một tầng lớp lãnh đạo quân nhân mới. Trước đây, khi tiếp xúc với các tướng trẻ, đại sứ Taylor đã gặp nhiều khó khăn. Chính ông Taylor cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc phải đương đầu với các tướng tá trẻ khi họ đứng vào cương vị lãnh đạo quốc gia. Trong hồi ký ông đã ghi lại một cách khô khan rằng: "[Hoa Kỳ] chẳng có lý do gì đáng để chào mừng việc [ông Kỳ] nhậm chức thủ tướng cả."
Nhưng cho dù là tương lai đang chờ đón những nhóm người mới nhậm chức có là gì đi nữa thì lúc đó tôi cũng đã sắp sửa kiệt sức. Tôi đã trải qua suốt bốn tháng khủng hoảng và căng thẳng liên tục. Tuy lúc này, cả thể xác lẫn tâm thần đều kiệt quệ, tôi vẫn cảm thấy an ủi là đã trút được gánh nặng. Đã đến lúc tôi cần một thời gian nghỉ ngơi dài hạn và xa rời mọi chuyện.
Nhân dịp niên học của các con tôi sắp hết, tôi quyết định cùng toàn thể gia đình ra nghỉ tại bãi biển Nha Trang. Lúc nhìn những bờ cát Nha Trang trắng mịn, tôi thầm nghĩ có lẽ đây cũng là một dịp tốt để nghỉ ngơi cùng gia đình và tạm thời quên đi cả chiến tranh lẫn chính trị.
Khung cảnh Nha Trang lúc này thật tuyệt vời hơn tất cả. Buổi sáng chúng tôi thư thả băng qua con vịnh dẫn đến một hòn đảo ngoài khơi, nơi cư ngụ của những dân chài. Khi đến nơi, chúng tôi lang thang dọc theo bờ biển, thả bộ dưới những hàng dừa đong đưa, nhìn những người thợ chài đi lưới vào lúc rạng đông khi mặt trời nhẹ tỏa ra những tia sáng linh động, lấp loáng trên mặt biển. Lúc này tôi sống hoàn toàn tự do, chẳng khác nào một kẻ đang thung dung an hưởng những vẻ đẹp tao nhã của đất trời. Niềm phấn khởi dào dạt dâng cao đến mức tôi quên hết mọi sự và chỉ nghĩ đến việc tổ chức lại Ban Điều Hành của tờ Saigon Post. Tôi đã có ý tổ chức lại tờ báo từ hồi tháng 2, trước cả khi bác sĩ Quát ngỏ lời mời tôi vào làm việc với chánh phủ của ông.
Lúc này có lẽ tôi chẳng bao gìờ có thể ngờ là mình sẽ lại được mời cộng tác với chính quyền mới. Tuy thế chỉ một, hai ngày sau khi đang cùng gia đình nghỉ mát tại Nha Trang, tôi lại nhận được lời yêu cầu của chính quyền mới. Đây là lời yêu cầu của thủ tướng mới là tướng Nguyễn Cao Kỳ, yêu cầu tôi lập tức trở về thủ đô. Vì đã quá gần gũi bác sĩ Quát -gần gũi đến mức nhiều người đã cho rằng tôi với ông chẳng khác gì hình với bóng- nên việc ông Kỳ đứng ra mời tôi cùng về làm việc là chuyện tôi chẳng thể nào tin được. Thật sự thì tôi vô cùng ngờ vực. Trong quá khứ tôi đã từng gặp ông Kỳ và cũng có thảo luận đôi lần về các vấn đề quân sự nhưng mối liên hệ giữa tôi và ông Kỳ thật chẳng khác gì mối liên hệ giữa tôi và đồng nghiệp của ông là ông Nguyễn Văn Thiệu; một mối liên hệ tuy thân mật và đứng đắn nhưng vẫn chẳng thể gọi là gần gũi. Hơn nữa, theo những biến cố vừa xảy ra thì sự hiện diện của tôi đối với chánh phủ lúc này có thể coi như một bất lợi chính trị rõ rệt. Thứ nhất, tôi không phải là người trong nhóm quân nhân. Thứ hai, tôi đã phục vụ trong một chính quyền dân sự vừa mới sụp đổ. Theo lẽ, thì tôi nên được "cho phép" chìm vào quên lãng trong cuộc sống của một cá nhân với đời sống an bình.
Vì vậy, khi trở về Sài Gòn tôi đã sững sờ khi nghe ông Kỳ ngỏ lời mời tôi cộng tác. Ông đề nghị tôi làm Phụ Tá Đặc Biệt đặc trách các vấn đề kế hoạch có liên quan đến ngoại viện. Ông Kỳ đã "nói chuyện" với bác sĩ Quát và theo lời ông thì chắc chắn bác sĩ Quát cũng sẽ liên lạc với tôi về việc này. Ông Kỳ bàn luận về tình hình chính trị đang căng thẳng và nhấn mạnh vấn đề cần tiếp tục giữ vững mối giao hảo với Hoa Kỳ. Đây vốn là việc mà tôi vẫn làm trước đây. Ông Kỳ cho biết ông muốn tôi tiếp tục nhiệm vụ giữ vững mối giao hảo với Hoa Kỳ. Ông cũng chẳng đoái hoài hỏi xem tôi có nhận lời hay không.
Tôi dùng khoảng thời gian còn lại trong ngày để liên lạc với bạn bè trong chính giới và bàn bạc với bác sĩ Quát. Đúng như ông Kỳ đã nói trước. Bác sĩ Quát khuyên tôi nhận lời. Cũng như ông Kỳ, bác sĩ Quát nêu ra những vấn đề cần thiết trong việc giữ vững liên lạc với Hoa Kỳ "vững chừng nào tốt chừng đó." Ông cho rằng việc các tướng lãnh tỏ ra chú tâm vào vấn đề này là một điều khả quan. Theo ý kiến riêng ông thì: "Mọi việc sẽ khả quan hơn nếu chúng tôi có thể theo dõi hành động của các tướng lãnh." Lời phát biểu của bác sĩ Quát cho thấy ông vẫn chưa hoàn toàn buông bỏ tất cả sự nghiệp chính trị. Tuy bác sĩ Quát chưa hề phát biểu rõ ràng, tôi cũng đã mơ hồ cảm thấy ông vẫn muốn giữ vững mối dây liên lạc với quân đội. Đây chính là một trong những lý do khiến ông muốn tôi nhận lời. Tôi biết rằng trong thâm tâm các biến cố đã làm ông cay đắng. Có lẽ ông vẫn không thật sự muốn tôi hợp tác với chính phủ mới. Dầu sao đi nữa thì ông cũng đã quyết định tự rút lui cho các ông Thiệu, Kỳ; ông cũng đã từ chức và giữ được mối giao hảo tốt đẹp với cả hai. Nếu ông còn có bất kỳ tia hy vọng nào về vấn đề trở lại chính trường thì tia hy vọng đó cũng phụ thuộc một phần vào mối dây liên hệ giữa ông và hai ông Thiệu, Kỳ. Vào lúc này, kinh nghiệm cho thấy rằng chính phủ mới có thể sẽ không đứng vững được lâu. Và ai có thể đoán trước được những việc xảy ra về sau? Bác sĩ Quát nói thêm: "Hơn nữa, sau khi gia nhập chính phủ, nếu anh cảm thấy không thể phục vụ được thì vài tháng sau lúc nào cần anh cũng có thể từ chức với lý do sức khỏe."
Tuy cho rằng mình hiểu bác sĩ Quát, tôi cũng đã tự suy xét kỹ lưỡng. Trước hết, tôi vô cùng ngần ngại về việc phải đứng ra hợp tác cùng với các tướng lãnh không hề có chút quan niệm cơ bản thế nào là chính phủ. Thứ hai, tôi biết rằng dù bác sĩ Quát có nói gì đi nữa thì sự kiện người cộng tác gần với ông nhất trong chánh phủ cũ, nay lại làm việc cùng chánh quyền mới vẫn là một việc khó thể chấp nhận. Sự việc này sẽ khiến dư luận hành lang Sài Gòn bàn bạc phê bình suốt một đời và tôi sẽ phải chịu đựng rất nhiều điều tiếng vì những lời nói ra, nói vào của các giới chính trị tại Sài Gòn. Mặt khác, tôi vừa mới lấy lại được phần nào sức lực khi được nghỉ mấy ngày vừa qua ở Nha Trang. Tham gia chánh phủ mới là một ý kiến vô cùng hấp dẫn. Tôi mới 42 tuổi, còn quá trẻ để tự nguyện rút lui vào bóng tối của quên lãng. Sau khi trằn trọc thâu đêm về việc lựa chọn, sáng hôm sau tôi đến văn phòng ông Kỳ chấp nhận lời mời hợp tác. Những tuần đầu làm việc với ông Kỳ thật là khó chịu. Tuy ông và tất cả những người trong nhóm của ông đều cố đối xử thân thiện với tôi, nhưng việc tôi là một "người ngoài," là một "kẻ xâm nhập" vào vòng thân hữu của họ là việc đã rõ rành rành. Giữa bầu không khí khó chịu này, tôi cố chú tâm vào những trách nhiệm nằm trong lãnh vực riêng của công việc, cố soạn thảo những vấn đề có tính cách cấp thiết trong lãnh vực ngoại giao. Tôi chỉ gặp ông Kỳ khi có lời yêu cầu.
Nhưng tình trạng này không kéo dài được lâu. Tôi được mời hợp tác chính là vì kinh nghiệm nghề nghiệp trong việc giao dịch với Hoa Kỳ. Vì quen thuộc nên những nhân viên Hoa Kỳ vẫn muốn tìm hiểu mọi việc qua tôi trong lúc tình hình đang lộn xộn. Do đó, những vấn đề tòa đại sứ Hoa Kỳ trình bày với tôi toàn là những vấn đề hệ trọng cần được thủ tướng lưu tâm. Mặt khác, ông Kỳ cũng cảm thấy thuận tiện khi dùng tôi làm mối dây liên lạc để dò dẫm, tìm hiểu phản ứng của Hoa Kỳ đối với những chính sách do ông đề ra. Ở giữa tình thế lúc này, vị tân thủ tướng vốn dĩ chẳng hề quen thuộc với cả những cách điều hành chánh phủ lẫn những phương pháp ngoại giao bắt đầu tham khảo ý kiến tôi. Khi vấn đề hợp tác đã khiến chúng tôi gần gũi nhau hơn thì vào những lúc tôi phải thuyết trình, ông Kỳ thường mời tôi cùng ăn trưa tại Phủ Thủ Tướng.
Thật trái hẳn với sự dự liệu của tôi, ông Kỳ hiểu vấn đề rất nhanh và cũng rất chịu khó lắng nghe. Mặc dù ông chưa có kiến thức chính trị sâu sắc và vẫn chưa hẳn là một chính khách chững chạc, ông Kỳ rất có duyên và có tính chân thật tự nhiên bẩm sinh dễ gây thiện cảm. Tuy ông Kỳ có một cái tật là hay phát biểu ẩu tả và tuy lối sống đặc biệt của ông hoàn toàn đi ngược với quan niệm riêng của tôi về tư cách của một nhà chính trị cầm đầu chính phủ, tôi vẫn cảm thấy ông Kỳ, dù có tật bộp chộp và thiếu thận trọng, nhưng nói chung thì vẫn là người có tâm địa tốt và thật thà.
Tôi đã tường trình với ông Kỳ về những biến cố của việc Hoa Kỳ đổ quân trong những tháng về trước. Tôi cũng đã trình bày những quan niệm của bác sĩ Quát về việc đổ quân của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Một mặt ông Kỳ tỏ vẻ nhận biết những nghi ngờ của bác sĩ Quát. Mặt khác, ông lại bị áp lực nặng nề vì những loạt tấn công của các đơn vị Bắc Việt to lớn vào tháng 7 năm 1965 và những tổn thất do các vụ nổ bom gây ra, chẳng hạn như vụ nổ bom ở nhà hàng Mỹ Cảnh trên bến Sài Gòn. Ông Kỳ lập luận rằng việc quan trọng nhất là việc ổn định tình hình quân sự và một khi muốn chu tất việc này thì chúng tôi phải cần những lực lượng bộ binh của Hoa Kỳ.
Chúng tôi không hề biết rằng ngay trước cả khi thay đổi chánh phủ, tướng Westmoreland đã yêu cầu tiếp viện thêm một số quân vượt xa con số mà cả hai chánh phủ đã thỏa thuận vào tháng 4. Vẫn như thường lệ, chúng tôi hoàn toàn mù tịt về những cuộc tranh luận ở Hoa Thịnh Đốn lúc này. Cuộc bàn cãi chia làm ba phe gồm những người ủng hộ việc leo thang quân sự như Bộ Trưởng McNamara, những người muốn tiếp tục chánh sách trung dung và Thứ Trưởng Ngoại Giao George Ball. Tuy đơn độc một mình, Thứ Trưởng George Ball là một nhân vật có ảnh hưởng rất mạnh. Ông đã khởi xướng những cuộc thảo luận về vấn đề cần phải giảm dần những can thiệp quân sự và từ từ rút ra khỏi Việt Nam. Từ trước tới nay, cả chánh quyền của ông Thiệu, ông Kỳ lẫn chánh quyền của bác sĩ Quát đều cho rằng Hoa Kỳ biết rất rõ những chính sách của họ và đang hoạch định kế hoạch để chu toàn mục đích. Dĩ nhiên đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Quan niệm này đã trở thành yếu tố nổi bật trong mối bang giao giữa hai quốc gia và dần dà chuyễn thành một yếu tố chủ chốt dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại đối với chiến cuộc.
Trong khi đó, quân đội Hoa Kỳ đã thực sự thay đổi tất cả bộ mặt cuộc chiến Việt Nam. Trong những ngày cuối tháng 7, chúng tôi biết rằng sư đoàn không lực 173 của Hoa Kỳ đã tấn công vào những căn cứ của Việt Cộng ở chiến khu Đ, một vùng rừng núi rậm rạp phía Tây Bắc, Sài Gòn. Đây là cuộc tấn công đầu tiên của các lực lượng bộ binh Hoa Kỳ. Ngoài ra còn một vấn đề khác quan trọng không kém là cuộc tấn công đã được những phi đoàn B-52 cất cánh từ Guam oanh tạc trước dọn đường. Những quyết định quan trọng về việc Hoa Kỳ đổ quân trong nhiều tháng trước giờ đây đang được thi hành. Nếu nhìn từ một phương vị nào đó thì những hoạt động tấn công có vẻ thiếu phần hứng khởi. Những đội quân Hoa Kỳ rất ít khi có dịp đụng độ với đối phương. Hơn nữa, vì chiến khu Đ chỉ là nơi dân cư thưa thớt nên chẳng ai để ý đến những cuộc oanh tạc chiến lược khổng lồ. Tuy vậy, một khi đã biết về những hoạt động của Hoa Kỳ thì tất cả Miền Nam đều cảm thấy vững tâm. Chiến dịch oanh tạc cho thấy đồng minh Hoa Kỳ đã chánh thức tham dự chiến cuộc và chúng tôi có thể tin tưởng vào họ. Sự vững tâm đã làm trôi tất cả mọi e dè về việc cho phép người Ngoại Quốc đổ quân vào Việt Nam. Chiến dịch oanh tạc đã phá tan những viễn tượng đe dọa thất bại quân sự do các cuộc tấn công lớn rộng và ráo riết của Bắc Việt trước đây.
Mặt khác, các vấn đề khó khăn đi đôi với việc đổ quân Hoa Kỳ bắt đầu xuất hiện. Những đồ tiếp tế và vật dụng lũ lượt đổ vào Việt Nam làm ứ nghẽn các hệ thống phân phối trong nước. Cảng Sài Gòn đầy dẫy những tàu đợi chờ rỡ hàng trong khi các thuyền trưởng xôn xao tranh cãi về quyền ưu tiên. Những công trình xây cất vĩ đại dường như mọc ra khắp nơi đi liền với những khó khăn không thể nào tránh được chẳng hạn như vấn đề khó khăn luật pháp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam khi cùng hợp tác.
Trong hạ tuần tháng 7, trong khung cảnh những hoạt động nhộn nhịp để sửa soạn cho chiến tranh thì có tin rằng Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara sẽ ghé Sài Gòn vào ngày 16. Để chuẩn bị cho cuộc thăm viếng, ông Kỳ nhờ tôi soạn thảo một bản ghi chú bao gồm những câu hỏi cần thiết để ông có thể đưa ra khi gặp Bộ Trưởng McNamara. Đây là một công việc tôi chú hết tâm sức để làm ngay. Theo tôi thì Bộ Trưởng McNamara là một trong những ngôi sao sáng của chánh phủ Hoa Kỳ. Ông có lẽ là cố vấn quan trọng nhất của tổng thống Johnson. Khi suy nghĩ đến bộ trưởng McNamara và những ấn tượng sắp đến của ông về chúng tôi, tôi cảm thấy hơi căng thẳng. Chuyến thăm viếng của bộ trưởng McNamara là một dịp quan trọng để ông Kỳ có thể xem xét toàn thể chánh sách chiến lược của Hoa Kỳ đối với chiến tranh Việt Nam. Đương nhiên chúng tôi biết rõ rằng lúc này đang có gần 80,000 binh sĩ Hoa Kỳ đóng tại Việt Nam và ít nhất thì Hoa Kỳ cũng đang dò dẫm thử nghiệm các chiến thuật tấn công. Nhưng thực sự mục đích quân sự của họ là gì? Họ muốn chiếm được những gì và họ có thể hài lòng khi đoạt được những kết quả nào? Họ toan tính chiến lược ra sao? Rút tỉa từ những kinh nghiệm từ tháng 3 và tháng 4 -Từ cuộc đổ quân gia tăng tiếp liền sau đó- Tôi đã soạn thảo một bản ghi chú cho ông Kỳ vào ngày 14, bao gồm những câu hỏi về chính sách như sau: * Mục đích chung của Hoa Kỳ về cuộc chiến là gì: Thắng lợi quân sự? Đốc thúc đàm phán? * Nếu là đốc thúc đàm phán thì cương vị và mục đích của cuộc đàm phán là gì? * Nếu mục đích là thắng lợi quân sự thì thắng lợi này được định nghĩa ra sao? Chánh thức bắt Việt Cộng đầu hàng? Chánh thức bắt Miền Bắc phải đầu hàng? Tấn công chiếm Miền Bắc? Hay chỉ ngăn chận những cuộc xâm lăng của Việt Cộng và Miền Bắc? * Mục đích của Hoa Kỳ về vấn đề chỉ huy quân sự hỗn hợp hoặc chỉ huy quân đội hợp nhất là gì? * Hoa Kỳ sẽ đổ bao nhiêu quân vào Việt Nam? Thời hạn chiếm đóng là bao lâu?
Những câu hỏi trên và những câu hỏi khác liên quan đến vấn đề liên hệ tới những dự định của Hoa Kỳ, nhất là những dự định có ảnh hưởng đến những biến chuyển kinh tế và chính trị Việt Nam ra sao được soạn thảo nhằm mục đích tạo dịp cho ông Kỳ có thể duyệt xét một cách tổng quát tình hình chung với vị Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ. Nếu nhìn bằng quan điểm lịch sử thì có lẽ điểm ly kỳ nhất là chính những câu hỏi mà tôi soạn thảo cho ông Kỳ đã tự diễn tả rõ rệt chiều hướng chính của những nỗ lực quân sự liên hiệp. Vào mùa hạ năm 1965, Việt Nam hoàn toàn mù tịt về những chiều hướng này. Tôi đề nghị ông Kỳ nên thúc dục mạnh mẽ để tìm những câu trả lời mà tôi cho là tối cần thiết trong việc hoạch định đường hướng cho những hoạt động của chúng tôi lúc bấy giờ.
Trong chuyến viếng thăm, Bộ Trưởng McNamara đã sang Sài Gòn cùng ông Henry Cabot Lodge, vị đại sứ mới đến để thay thế đại sứ Taylor. Chúng tôi đã biết ông Lodge từ khi ông bắt đầu cầm quyền tại Sài Gòn vào năm 1963-1964. Bộ Trưởng McNamara cũng đã từng đến Việt Nam năm 1964 khi tổng thống Johnson yêu cầu ông cùng vận động với tướng Khánh. Tuy vậy, vào lúc này uy danh của Bộ Trưởng McNamara đã lừng lẫy đến độ gần như khuất lấp cả con người ông. Ông nổi tiếng là người thông minh xuất chúng với một bộ óc gần như bộ óc của máy điện toán và được xem là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong chánh quyền Hoa Kỳ. Vì vậy, lúc đến văn phòng ông Kỳ để bàn bạc, tôi đã ra công chuẩn bị, tiên liệu rất nhiều.
Khi cuộc họp với phái đoàn Hoa Kỳ bắt đầu, chúng tôi ngồi thành hai phía đối diện: Bên Hoa Kỳ là Bộ Trưởng McNamara, Phó đại sứ Alexis Johnson, ông Lodge và các viên chức phụ tá khác. Phía Việt Nam là ông Kỳ, ông Thiệu, tôi và những tư lệnh quân sự. Tôi được xếp ngồi ở một vị trí thuận lợi để có thể đưa những bản ghi chú cho ông Kỳ khi cuộc họp tiếp diễn.
Tuy vừa mới trải qua một cuộc hành trình dài mà tổng trưởng McNamara dường như vẫn vô cùng sáng suốt. Mới mở màn ông đã chuyển trọng tâm cuộc họp cuộc họp về những điều chính do ông soạn thảo. Những lập luận của tổng trưởng McNamara vừa thân thiện lại vừa rất chính xác. Khi cuộc họp bắt đầu kéo dài, ông luôn luôn ghi chép vào những tờ giấy ghi chú vàng nho nhỏ. Ông đã đưa ra hàng loạt câu hỏi về những con số, tổ chức, chánh trị, quân nhu, quân cụ... như thể ông đang cố thâu thập dữ kiện và yếu tố cho một phương trình toán học khổng lồ. Hiển nhiên vì đắm chìm trong những suy nghĩ riêng tư, bộ trưởng McNamara chẳng hề để ý gì đến những người xung quanh. Theo tôi thấy thì dường như ông không hề cảm thấy cần phải lượng định nhân vật đang ngồi đối diện thẳng với ông là ông Nguyễn Cao Kỳ. Tôi tự hỏi phải chăng ông Kỳ đối với ông cũng chẳng có gì khác lạ?
Khi cuộc họp kết thúc, tuy đã có đề cập đại cương đến các kế hoạch phòng vệ, xây dựng nông thôn, tuy đã có khẳng định phần nào rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giúp đỡ, tổng trưởng McNamara vẫn không đả động gì đến những câu hỏi tôi đã ra công soạn thảo. Có lẽ ông Kỳ còn quá nhút nhát và thiếu kinh nghiệm về cách đưa ra câu hỏi. Theo như diễn biến thì có lẽ bộ trưởng McNamara và phái đoàn của ông chỉ có ý muốn thâu thập dữ kiện hơn là trình bày rõ hơn về những chánh sách và kế hoạch của họ. Sau buổi họp, tôi đã đề nghị rằng ông Kỳ nên gặp riêng Bộ Trưởng McNamara để khung cảnh nói chuyện được thuận lợi hơn. Tuy ông Kỳ có ngồi lại với Bộ Trưởng McNamara, những câu hỏi trong bản ghi chú của tôi vẫn chẳng có giải đáp nào rõ rệt cả. Khi Bộ Trưởng McNamara rời Việt Nam, chúng tôi gần như chẳng biết gì hơn thêm trước khi ông đến.
Tuy vậy, sau này chúng tôi được biết thêm rằng ngay khi ông còn ở Việt Nam, Bộ Trưởng McNamara đã nhận được một bức điện tín do phụ tá của ông là ông Cyrus Vance từ Hoa Thịnh Đốn gửi sang, báo rằng Tổng Thống Johnson đã đồng ý thỏa thuận lời yêu cầu của tướng Westmoreland về vấn đề nâng quân số lên đến 125,000. Vào ngày 28 tháng 7, trong một cuộc họp báo tại tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Hoa Kỳ thông báo quyết định gia tăng quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam. Và Đây cũng là một hình thức thông báo chánh thức đối với chúng tôi.
Gọng Kềm Lịch Sử
19. Con Đường Dẫn Đến Hiến Pháp
Ngày 28 tháng 7, tổng thống Johnson mở cuộc họp báo. Đúng hai ngày sau thì Bộ Tổng Tham Mưu yêu cầu đổ quân với số quân 193,300. Con số yêu cầu vượt quá con số tổng thống đã đồng ý hồi tháng 4 gần 70,000. Chẳng bao lâu sau, lời yêu cầu này lại được chấp thuận. Thế là đà đổ quân ào ạt như thác tích tụ từ tháng 2 không còn chuyển hướng được nữa. Kể từ lúc này, tại Hoa Thịnh Đốn, cuộc xung đột dữ dội giữa phe chủ trương ôn hòa và phe chủ trương trực tiếp can thiệp đã bắt đầu ngã ngũ. Trong cuộc xung đột ý kiến đó, những người ủng hộ chính sách "hòa hoãn, trung dung" và "từng bước thận trọng" ở Hoa Thịnh Đốn đã hoàn toàn rớt vào thế hạ phong.
Khi nhìn lại vấn đề lúc đó thì quả thật những quyết định đổ quân của Hoa Kỳ cũng không lấy gì làm khó hiểu. Vào tháng 6, Hoa Kỳ đã bắt đầu thất vọng. Họ đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam và vào rồi khi những khó khăn chính trị vừa mới được giải quyết thì những khó khăn khác lại bùng ra. Chánh phủ mới của những "Tướng Trẻ" lại xuất hiện. Đây là một chánh phủ của những người không có gì bảo đảm cả. Sau này, ông Bill Bundy đã nhận xét rằng: "Tình thế thật là đen tối và ảm đạm. Nếu vấn đề [Việt Nam] lúc này đơn thuần chỉ là vấn đề bảo vệ một đồng minh mà thôi, thì tôi cam đoan Hoa Kỳ sẽ rút lui vì cho rằng họ 'đã chịu đựng hết sức rồi.'" Tuy thế những cân nhắc về vấn đề chiến lược đã loại bỏ cách lựa chọn này. Về sau Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng McNaughton có cho tôi biết rằng khi Hoa Kỳ quyết định can thiệp vào Việt Nam thì 90% của quyết định đó được đặt căn bản trên vấn đề chiến lược. Nếu quả thật 90% của quyết định can thiệp được đặt trên vấn đề chiến lược của Hoa Kỳ thì rõ ràng là chiến cuộc Việt Nam đã chuyển thành một vấn đề của riêng Hoa Kỳ.
Vào tháng 7, chánh phủ Sài Gòn đã đóng một vai trò gần như thụ động trong những biến động đổ quân lớn lao. Hoa Kỳ mang quân ồ ạt vào Việt Nam như thể vào chỗ không người. (Vào lúc sau này ông Dean Rusk nói với tôi: "Hễ chúng tôi muốn làm điều gì, chắc chắn chúng tôi sẽ làm được điều đó!"), và Việt Nam đã để Hoa Kỳ mặc nhiên dìu dắt không một lời phản kháng. Đến sau tháng 7 năm 1965 thì những cuộc đổ quân của Hoa Kỳ đã ồ ạt và nhanh chóng đến mức chẳng ai còn đủ thời giờ để đặt vấn đề hoặc suy nghĩ sâu xa gì thêm.
Cuộc biểu dương lực lượng của một cường quốc lớn nhất thế giới quả là một khung cảnh đặc biệt gây nhiều ấn tượng cho người mục kích. Cảnh tượng đổ quân đã khiến Việt Nam hoàn toàn vững tâm. Mới vài tuần trước đây thì cuộc tấn công phối hợp của Việt Cộng và quân đội chính qui Bắc Việt vào lúc giao mùa Xuân Hạ vẫn còn đe dọa. Nhưng giờ đây, trước ấn tượng của cuộc đổ quân, những lo âu đó bỗng nhiên tan biến. Một cảm giác tự tin mới mẻ khác thường thình lình bùng ra và rồi đất nước lại chuyển mình để đối phó với những khó khăn khi phải tiếp nhận cuộc đổ quân đó.
Những trại lính thiết lập bằng lều cho quân nhân Hoa Kỳ mọc ra khắp nơi chẳng khác gì những khu phố nhỏ. Xung quanh những khu trại là những người Việt Nam trong giới kinh doanh và tiểu thương cạnh tranh lẫn nhau lập những dịch vụ thương mãi và lợi dụng hàng ngàn cơ hội do tình hình đưa đến. Công trình xây cất bùng ra khắp nơi. Dường như Hoa Kỳ muốn làm tất cả cùng một lúc. -Nhà kho, trại, đường, cầu, bãi đáp trực thăng, hải cảng, phi trường. Họ muốn thay đổi cả bộ mặt Việt Nam. Các công ty thầu khoán Hoa Kỳ đến Việt Nam giữa lúc quân đội Hoa Kỳ đổ quân đã tuyển mộ một lúc cả hàng ngàn nhân công, thu hút hết tất cả năng lực của giới lao động. Xe cộ lũ lượt như thắt nút trên đường phố, đĩ điếm tràn ngập ở khắp mọi nơi. Phi cơ vận tải và phản lực cơ chiến đấu rầm rĩ đáp xuống phi trường với một nhịp độ đinh tai nhức óc.
Mâu thuẫn thay, nếu tất cả những hoạt động náo nhiệt đã làm phấn khởi toàn dân Sài Gòn thì chính những hành động này cũng là những hành động đã chuyển hướng nhìn của họ ra khỏi khung cảnh chiến cuộc. Ngoại trừ những tiếng phản lực tại phi trường Tân Sơn Nhất và những binh lính mang đồng phục xanh ngoài đường phố, không còn dấu hiệu nào khác có thể chứng tỏ rằng Việt Nam đang giữa lúc chiến tranh. Sài Gòn lúc này giống như một thành phố đang tràn ngập các vật dụng trợ cấp và đang mất phần chủ động. Những dự trình xây cất liên tục còn được tăng cường thêm bằng những chuyến hàng hóa ồ ạt, trong số có nhiều thứ mà người dân Sài Gòn chưa hề thấy qua bao giờ. Họ nhìn những kho hàng PX khổng lồ chứa đầy những vật liệu mà họ chưa hiểu cả cách dùng và rồi tự hỏi không hiểu đây là những quân đội thế nào mà lại có thể kéo theo những thứ xa hoa đến vậy? Dĩ nhiên người dân vẫn được nhắc nhở về chiến cuộc. -Bằng những bảng cáo phó đóng khung viền đen đăng tải thường xuyên trên báo chí và bằng những đám tang thỉnh thoảng lại diễn hành quanh co trên những nẻo đường lưu thông của phố thị. Nhưng chẳng hiểu bằng cách nào đó, người ta vẫn có cảm tưởng rằng chẳng có sự liên hệ nào giữa những cuộc đụng độ dữ dội ở nông thôn và những đời sống thịnh vượng tại thủ đô thành thị.
Trong khung cảnh đó, có lẽ chánh phủ Sài Gòn đã được hưởng lợi lộc nhiều nhất. Cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều cảm thấy vững tâm ẩn sau tấm khiên chống đỡ của Hoa Kỳ. Khi nhìn thấy tương lai trước mặt, họ cảm thấy phấn khởi và vô cùng tự tin. Đây là lần đầu tiên họ cảm thấy chánh phủ của họ thật là vững chãi. Ông Thiệu và ông Kỳ nguyên là những nhân vật lãnh đaọ đứng trong một chính thể bấp bênh. Trong vòng chỉ mới hai năm chính thể này đã sáu lần thay đổi chính phủ. Thế mà giờ đây họ lại biến thành những người lãnh đạo đã giải tỏa được những khó khăn quân sự và có uy tín đối với quốc tế. Bỗng dưng họ trở nên có uy tín đối với quốc dân, bỗng dưng họ trở thành những người có thể nhìn thấy tương lai Việt Nam qua những cuộc viện trợ binh nhu của Hoa Kỳ.
Nhờ vào những thời gian rảnh tay hiện tại, khi các lực lượng quân sự của Việt Cộng đang bị đẩy lui, ông Thiệu và ông Kỳ bắt đầu bắt tay vào một chương trình tăng cường và cải tổ các lực lượng quân đội Việt Nam. Những viện trợ về khí cụ và tài chánh đã đưa đến việc thiết lập những trung tâm đào tạo khổng lồ tại Nha Trang và Vũng Tàu. Những trung tâm này đã tuyển mộ hàng ngàn người để huấn luyện. Quân đội Việt Nam bắt đầu tiến tới một quân số gần bằng quân số Bắc Việt.
Trong khi đó, Hoa Kỳ tự đảm nhận lấy tất cả các trách nhiệm điều hành trận chiến. Họ tuần tự đổ quân và phối trí các lực lượng, tấn công vào các lực lượng chính qui của Cộng Sản và dành cho quân đội Việt Nam nhiệm vụ bình định và xây dựng lại nông thôn. Trong nhiều trận đụng độ lớn, các lực lượng Hoa Kỳ đã cắt tỉa các lực lượng Việt Cộng, buộc đối phương phải chuyển đổi chiến lược và rút lui về quanh biên giới Cam Bốt và những vùng rừng già rậm rạp, hiểm trở. Tướng Westmoreland, tổng tư lệnh chiến trường Hoa Kỳ đã soạn thảo một chiến thuật gồm ba điểm "truy nã, tiểu trừ" rồi "quét sạch, giữ vững" và cuối cùng là "bình định nông thôn," nhằm mục đích dành cho quân đội Sài Gòn cơ hội thiết lập chánh quyền địa phương cho những khu vực an toàn.
Nếu đứng trên quan điểm chiến thuật mà luận thì gần như mọi hoạt động trong giai đoạn đầu do những vị tư lệnh cao cấp Hoa Kỳ chủ trương có thể được coi là chiến thắng. Họ đụng độ, gây thương vong và buộc địch quân phải rút lui về căn cứ. Tuy nhiên những thành công này vẫn chưa phải toàn diện. Thường thường, những đội quân chính qui của địch quân vẫn tránh né được những cuộc đụng độ và ngay cả khi phải thực sự đụng độ, những đội quân Bắc Việt vẫn có một khả năng lẩn tránh hữu hiệu. Hơn nữa, vì chính sách của Hoa Kỳ không cho phép quân đội Hoa Kỳ hoạt động ngoài ranh giới Việt Nam nên quân đội của tướng Westmoreland bị cấm không được phép truy kích vào những căn cứ của quân đội Bắc Việt tại Lào và Cam Bốt. Đây là những nơi các đội quân Bắc Việt có thể nghỉ ngơi, tụ họp lại và nhận thêm tăng cường từ Miền Bắc.
Vì vậy, tính cách lưu động và hỏa lực khổng lồ của quân đội Hoa Kỳ chưa bao giờ nắm phần quyết định chủ chốt. Vì quân đội Bắc Việt vẫn có thể vượt khỏi tầm phát hiện, vẫn có thể tản mác vào rừng rậm, vẫn còn có những căn cứ bất khả xâm phạm dọc theo biên giới nên chính họ -chứ không phải là những người Hoa Kỳ- mới là những người có khả năng điều khiển nhịp độ và cường độ của những cuộc chiến tranh. Đối với Cộng Sản thì cả bán đảo Đông Dương đều là chiến trận, trong khi các lực lượng bộ binh Hoa Kỳ chỉ được phép loay hoay trong phạm vi Miền Nam Việt Nam.
Nhược điểm lớn lao và tự tạo của Hoa Kỳ đã cho phép kẻ thù giữ thế tiên cơ chiến lược. Nhìn lại 20 năm vừa qua, những chiến lược gia Hoa Kỳ hiện thời cho rằng vào năm 1965 quân đội Hoa Kỳ không nên đổ hàng trăm ngàn quân vào Việt Nam để chiếm lấy chiến trường. Thay vào đó, theo ý những người như đại tá Harry Summers, tác giả quyển Chiến Lược Luận (On Strategy), một tác phẩm được xem như một công trình nghiên cứu chiến tranh thì những lực lượng Hoa Kỳ nên giới hạn tầm hoạt động của họ trong phạm vi giúp đỡ Việt Nam trước hết trong việc ổn định quân sự và rồi sau đó trong việc thiết lập một hàng rào hữu hiệu để cắt đứt những cuộc đổ quân và khí cụ từ Miền Bắc vào.
Những cách làm việc quyết đoán của Hoa Kỳ đã khiến các tư lệnh cao cấp Việt Nam vô cùng hoài nghi. Nhưng trên lãnh vực này, cũng hệt như trên mặt trận chính trị, người Việt Nam hoàn toàn chẳng làm gì cả, hoặc nói đúng hơn thì chẳng thể làm gì cả. Riêng về phía Việt Nam thì tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, là một trong những người độc nhất ủng hộ việc chặt đứt đường mòn Hồ Chí Minh. Vốn là người có kinh nghiệm đã tham gia các hoạt động tại Lào trong chiến tranh Pháp, ông đã hiểu tường tận các lực lượng Cộng Sản có thể lợi dụng những căn cứ địa hữu hiệu đến mức độ nào. Sau cuộc chiến tôi hỏi tướng Viên tại sao những viên chức quân sự Việt Nam không đẩy mạnh quan điểm của họ với Hoa Kỳ? Câu trả lời của ông đã phản ảnh rõ rệt sự suy nghĩ của các tư lệnh Việt Nam lúc đó. Tướng Viên trả lời rằng: "Chúng tôi không đủ sức mạnh để có thể tự mình quét sạch các căn cứ địa và lời nói của chúng tôi dĩ nhiên chẳng hề có chút ảnh hưởng nào vào việc điều động các lực lượng Hoa Kỳ." Đã vậy, chúng tôi còn lệ thuộc nặng nề vào Hoa Kỳ trên mọi phương diện. Ý kiến của chúng tôi đối với Hoa Kỳ gần như không đáng kể."
Thật ra thì mặc dù cuộc chiến là cuộc chiến của chính chúng tôi và đất nước là đất nước của chính chúng tôi mà khi đất nước lâm vào vòng nguy hiểm thì chúng tôi chỉ được phép đóng một vai trò thụ động nhỏ nhoi đến nỗi tiếng nói của chúng tôi hoàn toàn vô hiệu lực. Dĩ nhiên, một trong những lý do khiến vấn đề này có thể xảy ra là do mặc cảm của chúng tôi với đồng minh. Một lý do khác nữa là do chúng tôi đã tin tưởng vào Hoa Kỳ một cách mù quáng. Lúc nào chúng tôi cũng cho rằng dù chánh sách của Hoa Kỳ có thế nào chăng nữa thì khi nhìn từ phương vị toàn cuộc, những kế hoạch thực thi nhất định cũng sẽ ăn khớp khít khao. Đối với chúng tôi thì Hoa Kỳ nắm giữ những tài nguyên và uy quyền to lớn đến mức họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Bất chấp mọi sự, chúng tôi tin rằng họ sẽ thành công.
Sự thật thì tuy chiến thuật của tướng Westmoreland có bị hoài nghi, nhưng chiến thuật đó vẫn mang lại chút ít thành công. Cứ mỗi khi bị buộc phải đụng trận, địch quân lại bị tổn thất nặng nề và bị buộc phải tháo lui. Diễn biến này cho phép chúng tôi có được những giây phút quý giá để tăng cường các lực lượng và mở rộng ảnh hưởng của chánh phủ Việt Nam vào những vùng ngoài tầm với trước đây. Tầm mức hiệu quả tuy không lớn lao nhưng thật là đều đặn. Và khi tình hình quân sự đã khả quan hơn thì tình hình chính trị cũng chuyển hướng khả quan theo. Đúng vào giữa lúc tình hình khả quan và đã có một vài thành công rõ rệt thì Tổng Thống Johnson quyết định mời các tướng Thiệu, Kỳ đến tham dự một cuộc họp thượng đỉnh ở Honolulu. Đây là cuộc họp đầu tiên giữa những vị lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam. Lúc đó các cơ quan ngôn luận và giới báo chí đã tỏ vẻ nghi ngờ thiện chí của chánh phủ Hoa Kỳ. Nhiều cơ quan ngôn luận Hoa Kỳ cho rằng cuộc họp thượng đỉnh chỉ là một ngón đòn của tổng thống Johnson nhằm đánh lạc hướng và khiến dân chúng ít chú tâm đến cuộc hội thảo sắp được truyền hình của Ủy Ban Ngoại Giao ở Thượng viện Hoa Kỳ. Ủy Ban Ngoại Giao nguyên là một ủy ban có tầm ảnh hưởng rất rộng lớn do Thượng Nghị Sĩ phản chiến William Fullbright lãnh đạo. Những thông báo về cuộc họp thượng đỉnh được chánh phủ Johnson đưa ra chỉ vẻn vẹn một tuần trước khi buổi hội thảo bắt đầu đã cho thấy đây là một sự ngẫu nhiên đáng ngờ. Nhưng dù là do động lực nào thúc đẩy đi chăng nữa thì đối với chánh quyền Sài Gòn và nhất là đối với hai ông Thiệu, Kỳ có lẽ thời điểm của cuộc họp thượng đỉnh chẳng thể đến vào một thời điểm nào khác tốt hơn được.
Vào tháng 2, năm 1966, ông Nguyễn Văn Thiệu và ông Nguyễn Cao Kỳ chỉ mới nắm quyền có 6 tháng. Trước sáu tháng này vẫn chưa ai biết rõ về họ. Họ nguyên là những lãnh đạo của nhóm Tướng Trẻ và là những người đã đóng góp một phần vào việc đẩy tướng Nguyễn Khánh ra khỏi chính trường. Rồi sau đó họ lại là người thừa hưởng chính quyền từ chính phủ dân sự của bác sĩ Phan Huy Quát. Mặc dù ông Thiệu và ông Kỳ đã có một số uy tín quân sự, nhưng họ vẫn chưa chứng tỏ được khả năng lãnh đạo chính trị. Vậy mà chỉ mới sau nửa năm nắm chính quyền, họ đã thành công đáng kể, nhất là trong việc củng cố vững mạnh quân đội và thiết lập những chương trình bình định nông thôn. Hơn nữa, vào lúc này tuy các đoàn thể chánh trị và tôn giáo vẫn chưa bỏ hẳn những ý định chống đối nhưng ít ra họ cũng không còn biểu tình ngoài đường phố hoặc tổ chức bạo động để chống chánh phủ. Đối với Việt Nam thì đây quả là một thành công đáng kể. Kết quả là sự nghiệp của ông Thiệu và ông Kỳ bỗng tiến sang một bước ngoặt mới. Họ là những tướng lãnh nhà binh đang trở thành những nhân vật lãnh đạo chính trị chánh thức. Bởi vậy, cuộc họp thượng đỉnh đối với họ thật sự là một biến cố quan trọng đặc biệt. Cuộc họp đã khiến hai ông Thiệu, Kỳ có cơ hội trực tiếp tìm hiểu ý muốn của Hoa Kỳ qua giới lãnh đạo cao nhất. Đây là một cơ hội hiếm hoi từ trước đến nay Việt Nam vẫn chưa bao giờ có được. Cuộc họp thượng đỉnh đã khiến cương vị của hai ông Thiệu, Kỳ trở nên vững vàng. Chính cuộc họp cũng đã góp phần tạo nên hình ảnh của họ như những nhân vật lãnh đạo của đất nước.
Dĩ nhiên, phản ứng của họ đối với biến chuyển này hoàn toàn khác biệt. Mặc dù từ trước đến nay, ông Thiệu và ông Kỳ vẫn là hai người thông minh và xuất sắc nhất trong nhóm các tướng trẻ, họ vẫn gần như hai nhân vật không có điểm gì chung. Vào năm 1966 thì ông Thiệu, người Nam, mới có 42 tuổi và ông Kỳ, người Bắc, mới có 35 tuổi. Họ đã không phải là bạn cùng học lại cũng chẳng phải là bạn thân thiết với nhau. Từ nhân cách, tính tình cho đến cách suy luận vấn đề, họ đều hoàn toàn khác biệt. Những người Việt Nam thường kháo nhau rằng: Nếu có thể bỏ hai ông Thiệu, Kỳ vào cái cối mà giã thì có lẽ chất hỗn hợp này sẽ hoàn hảo hơn tính tình riêng của hai người cộng lại rất nhiều.
Vì bị buộc phải đấu lưng hợp sức, chánh phủ của hai ông Thiệu, Kỳ và các tướng tá đồng nghiệp đã thiếu luật bầu cử mà lại cũng chẳng có hiến pháp. Trong chánh phủ thì ông Kỳ đóng một vai trò nổi bật. Ông là thủ tướng, người đứng đầu Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương và là người điều hành công việc hàng ngày trong nước. Tuy vậy, quyền lực thật sự lại thuộc về một nhóm quân sự gọi là Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do ông Thiệu làm chủ tịch.
Vốn là người trầm lặng và từng trải hơn ông Kỳ, ông Thiệu đã phục vụ lâu năm hơn và có nhiều kinh nghiệm chính trị hơn. Vì đã mục kích nhiều cuộc thay đổi chính phủ, ông Thiệu cảm thấy rõ ràng hơn ông Kỳ những nguy hiểm của một cương vị nổi bật quá sớm khi tình hình chưa được hoàn toàn ổn định. Ngược lại, ông Kỳ lại thiếu thận trọng. Ông không chút e dè khi thu hút tất cả những sự chú tâm về phía mình. Chẳng hạn như việc ông Kỳ đã đi làm bằng trực thăng, mặc dù chỉ sống cách Phủ Thủ Tướng có 3 ki-lô-mét. Mỗi sáng khi ông đến thì cả Phủ Thủ Tướng đều bị chấn động vì tiếng trực thăng. Đến nơi ông Kỳ lập tức nói chuyện ngay với bất kỳ nhà báo nào đang có mặt tại đó, không hề sửa soạn gì trước. Trong khi ông Kỳ điều hành chánh phủ và được đa số quần chúng chú tâm thì ông Thiệu lại vận động ở hậu trường, củng cố thực quyền và nỗ lực cố đem những ảnh hưởng của mình vào việc hoạch định chính sách. Việc liên minh giữa ông Thiệu và ông Kỳ đã hẳn chỉ là một việc liên minh tạm thời. Ngay từ lúc đầu, họ đã xem nhau như đối thủ và luôn luôn vận động để tranh đoạt ngôi thứ. Tuy vậy, khi tranh ngôi đoạt thứ, họ cũng ngấm ngầm đồng ý rằng ngày nào chiến cuộc còn khốc liệt thì ngày đó họ còn cần phải cùng nhau giữ vững chính phủ. Đối với cả hai nhân vật vừa mới bước chân vào cương vị lãnh đạo thì Honolulu là một biến cố trọng đại. Vào ngày nhận được giấy mời, họ đã huy động toàn thể chánh quyền để chuẩn bị cho cuộc họp. Bộ Tổng Tham Mưu được ủy nhiệm phân tích tình hình quân đội và liệt kê những nhu cầu cấp thiết cần viện trợ. Tướng Nguyễn Đức Thắng, Bộ Trưởng đặc trách xây dựng nông thôn, được lệnh thảo một bản báo cáo tường tận về những chương trình bình định nông thôn. Riêng tôi phải lao mình vào việc xếp đặt toàn thể chương trình. Khó khăn hơn nữa, tôi còn được ủy nhiệm thảo một bản diễn văn chánh thức để Thủ Tuớng Kỳ đọc tại hội nghị thượng đỉnh.
Trong một thời gian ngắn ngủi, và đang trong hoàn cảnh phải xếp đặt những việc cần phải làm khác thì việc soạn diễn văn cho ông Kỳ quả là một thử thách lớn lao. Tuy thế, tôi vẫn cho đây là một cơ hội. Lúc này, tôi đã hoàn toàn hòa mình vào làm việc với một chánh phủ quân nhân. Trong những tháng vừa qua, tôi đã nhận thấy ông Thiệu và ông Kỳ có lẽ là những người có thiện chí. Tuy có đố kỵ và theo đuổi những tham vọng cá nhân, họ vẫn chưa tệ đến nỗi quên cả chánh phủ. Hơn nữa, nhờ có Hoa Kỳ can thiệp, họ đang thành công rực rỡ. Lúc này, họ đang lợi dụng cơ hội. Nhất là những cơ hội để củng cố quân đội quốc gia.
Tuy nhiên, mặc dù đang có nhiều lợi điểm, chánh phủ vẫn thiếu một đường hướng chính trị rõ rệt. Họ vốn là những quân nhân chưa hề suy nghĩ sâu xa về các vấn đề chính trị hoặc xã hội. Nhưng theo tôi thấy thì họ cũng rất cởi mở và ít nhất là ở một mức độ nào đó, họ cũng là những người còn có thể sửa đổi được. Và về riêng phương diện này thì ông Kỳ có vẻ dễ dàng thay đổi hơn ông Thiệu. Thật sự thì tôi đã âm thầm bắt đầu làm những việc trong phạm vi khả năng để chuyển hướng chú ý của ông Kỳ vào những quan niệm cải cách xã hội, kinh tế và những vấn đề của một chánh phủ hợp hiến. Tôi đã cố xoay chuyển sự chú tâm của ông về những vấn đề liên quan đến hoài bão của bác sĩ Quát và hoài bão của những người trong nhóm chúng tôi trong suốt gần hai thập niên khi trước. Trong những bài diễn văn soạn thảo cho ông Kỳ, tôi đã nhấn mạnh những chủ đề như cố mang lại công bằng trong xã hội, cố tạo ra những cơ hội phát triển giáo dục, kinh tế, tự do tín ngưỡng và các quyền lợi bất khả xâm phạm của người dân. Tôi cũng đã mạnh dạn đưa ra vấn đề cần phải chuyển hướng chánh phủ để dẫn đến một chánh phủ dân chủ hợp hiến. Đứng vào cương vị của một người soạn thảo diễn văn, tôi đã cố không che đậy những sự thật ác nghiệt rằng chế độ Việt Nam lúc này là một chế độ chưa được gọi là dân chủ. Tôi đã cố không phủ nhận rằng cải cách đang ở một mức độ quá chậm và những căn bệnh quá khứ quả đã gần như nan y. Nhưng theo như một trong những lời viết của bài diễn văn thì tiền đề quan trọng hơn cả là: "[Chúng tôi đã] có một mục tiêu xứng đáng để tranh đấu không những chỉ để chống lại Cộng Sản mà còn để phát triển một quốc gia yêu chuộng tự do cá nhân và đang ở vào một tình trạng đang cần phải cải tiến."
Đối với tôi thì đây không phải chỉ là vấn đề ngôn từ mà chính là những mục tiêu thực thụ cần phải đạt được nếu Việt Nam muốn có những nỗ lực đoàn kết cần thiết để chống cự lại cuộc tàn sát của các kẻ thù hung hiểm giáo điều. Phần lớn ý kiến của tôi vẫn chưa được chuyển thành những chương trình có kế hoạch hẳn hòi, nhưng đây chẳng qua chỉ vì ông Thiệu và ông Kỳ cũng vừa mới bắt đầu chú tâm đến các vấn đề mà thôi.
Lạ lùng thay, ông Kỳ lại có vẻ hưởng ứng những cuộc thảo luận về vấn đề cải cách. Có lẽ ở một mức độ nào đó, ông đã bị những quan niệm dân chủ ảnh hưởng. Tầm mức ảnh hưởng có lẽ vừa đủ để ông có thể đề cập thẳng thắn và tự dấn thân dần vào việc. Mỗi lần ông đưa vấn đề ra trước công luận là mỗi bước ông xa rời cương vị độc đoán và tiến gần đến những mục tiêu dân chủ hơn. Những gì ông đưa ra trước công luận không phải là những điều có thể dễ dàng rút lại hoặc có thể dễ dàng xem thường.
Trong tình trạng vừa kể, tôi bắt đầu thảo bài diễn văn mà ông Kỳ sẽ đọc tại Honolulu. Mặc dù ông Kỳ rất cởi mở với những quan niệm cách mạng xã hội, cả tôi lẫn các cộng sự viên của tôi đều không rõ ông sẽ vui lòng tranh đấu đẩy mạnh việc thực thi những quan niệm đó đến mức độ nào với các tướng trẻ. Vả chăng nếu Việt Nam công khai hứa sẽ cải cách và công khai đưa ra một thời hạn nhất định với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tại cuộc họp thượng đỉnh thì hẳn nhiên các biến chuyển về sau không dễ gì thay đổi được.
Vì trong tâm suy nghĩ như thế nên tôi đã thảo một bài diễn văn hết sức đầy đủ và thiết tha đưa vấn đề cải cách đi xa đến mức tột cùng cởi mở của ông Kỳ. Trong những vấn đề đưa ra, song song với vấn đề cần thiết phải đạt được chiến thắng trong chiến cuộc tôi cũng đề cập đến những lý tưởng xây dựng quốc gia, thiết lập hiến pháp và quay về với chánh phủ dân sự. Tôi đã hòa hợp rất khéo những điều tôi muốn nói và những điều ông Kỳ nghĩ là ông có thể sẽ theo. Bài diễn văn vừa đưa ra những khuynh hướng mạnh dạn của ông Kỳ, vừa nêu lên tầm mức cần thiết của những dự định đã được đưa ra. Trong khi đó tôi cũng tránh liên lạc với những người trong nhóm ông Thiệu, những người mà tôi biết sẽ quan niệm lệch lạc khi nhìn thấy những hoạt động của tôi vào lúc này.
Nỗ lực của tôi quả thật mong manh vô độ. Trước đây, ông Thiệu đã nhiều lần xem xét cẩn thận những bài diễn văn tôi soạn thảo cho ông Kỳ. Vốn là người thận trọng, ông Thiệu lúc nào cũng tránh những việc hứa hẹn. Trước đây, trong những bài diễn văn tôi soạn, ông đã không hài lòng với rất nhiều đoạn. Thường thường, phụ tá của ông gọi tôi để bàn luận nếu không về vấn đề này thì cũng về vấn đề khác. Họ nêu rõ cả những thay đổi và những đoạn cần phải cắt bỏ. Những lúc như vậy tôi thường tìm đến ông Kỳ, nhờ ông thảo luận lại với ông Thiệu để chúng tôi có thể giữ được những điểm chính. Đôi khi ông Kỳ chấp nhận, có lúc ông chối từ, và một khi ông Kỳ đã khước từ thì tôi đành phải nhượng bộ. Phần lớn những điều tôi đưa ra đều tùy thuộc vào những liên hệ phức tạp giữa ông Kỳ và ông Thiệu, vì thế kết quả thường rất khó đoán. Nhưng kết cục thì trong bài trình bày ở Honolulu, những vấn đề mấu chốt chẳng hạn như vấn đề kinh tế và vấn đề cần phải có một chánh phủ dân sự đã được giữ lại y nguyên.
Ngoài những bản diễn văn, tôi còn sửa soạn thêm một bản ghi chú và đã liệt kê tất cả những câu hỏi quan trọng mà tôi nghĩ ông Kỳ nên đưa ra khi nói chuyện với Tổng Thống Johnson. Tương tự như bản ghi chú tôi đã viết cho chuyến thăm viếng Bộ Trưởng McNamara trước đây, bản ghi chú tôi viết cho ông Kỳ lại nhấn mạnh một lần nữa vấn đề chúng tôi cần phải hiểu rõ những chiến lược trường kỳ cũng như phải hiểu rõ những vấn đề Hoa Kỳ cho là hệ trọng. Nói chung thì sau một tuần lễ tích cực chuẩn bị, tôi đã cảm thấy hài lòng và tự tin rằng những nỗ lực của chúng tôi sẽ giúp Việt Nam ứng đối trôi chảy trong cuộc họp sắp đến tại Honolulu. Tôi cũng hài lòng và hồi hộp vì trong cuộc hội thảo chung bàn luận về những diễn tiến của cuộc họp thượng đỉnh , tòa đại sứ Hoa Kỳ đã không làm áp lực gì mạnh với chúng tôi. Tôi đã cho cả hai người bạn thân tại tòa đại sứ là ông Edward Lansdale và vị cố vấn chính trị mới là ông Philip Habib rõ về nội dung của những bài diễn văn. Tuy cả hai đều rất hài lòng vì những hứa hẹn dự định dân chủ của chúng tôi, họ vẫn có vẻ chú tâm vào các chương trình bình định nông thôn. Họ khuyên rằng chúng tôi nên chuẩn bị kỹ lưỡng để đương đầu với các cơ quan báo chí quốc tế tại cuộc họp thượng đỉnh.
Giám đốc phòng thông tin Hoa Kỳ là ông Barry Zorthian đã bỏ ra rất nhiều thời giờ bàn luận với tôi về cách chuẩn bị trả lời những câu hỏi của các phóng viên báo chí. Ông nhấn mạnh sự bạo dạn của họ khi săn tin và nhắc nhở chúng tôi phải chuẩn bị. Vấn đề phải hội kiến với toàn thể các cơ quan báo chí tại cuộc họp thượng đỉnh là một trong những điều làm tôi hồi hộp. Ngoài những trường hợp tiếp xúc cá nhân với riêng từng ký giả, từ trước tới nay tôi chưa hề phải đương đầu với các ký giả của Hoa Kỳ. Tôi vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn vào khả năng Anh Ngữ của mình. Khả năng Anh Ngữ của ông Kỳ lại còn tệ hơn. Tôi đã nhắc đi nhắc lại ông Kỳ rằng nếu bất cứ khi nào gặp khó khăn, ông nên hỏi để tôi có thể nhảy vào sửa chữa hoặc bổ sung chi tiết. Tuy thế, tôi biết ông Kỳ không hề sợ hãi. Nhất là đối với phóng viên báo chí thì lúc nào ông cũng phát biểu thẳng thừng.
Vào ngày 6 tháng 2, chúng tôi rời sân bay Tân Sơn Nhất trên chiếc máy bay đặc biệt của Tổng Thống Johnson. Tất cả chúng tôi đều cùng nửa hồi hộp, nửa hy vọng. Cùng đi với chúng tôi là đại sứ Henry Cabot Lodge và những nhân viên của tòa đại sứ. Chúng tôi cho đây là một cuộc hội kiến lịch sử. Vì là người mới bắt tay vào việc, tôi rất thán phục cách dự liệu kỹ lưỡng của Hoa Kỳ. Tôi còn hồi hộp hơn khi xem bản liệt kê danh sách những nhân vật trong phái đoàn Hoa Kỳ. Ngoài Tổng Thống Johnson, danh sách bao gồm cả Ngoại Trưởng Rusk, Bộ Trưởng McNamara, các ông Rostow, Harriman, Wheeler và những nhân vật lừng danh khác. Đây là một cuộc hội tụ của gần hết những người mà về sau ký giả David Halberstam đã gọi là: Những nhân vật kiệt xuất và lừng danh nhất (The Best and The Brightest). Khi đọc qua tên tuổi các đại biểu Hoa Kỳ, bạn thân của tôi là Ngoại Trưởng Trần văn Đỗ đã nửa đùa nửa thật nói rằng: "Tụi mình là những đám người tí hon đang phiêu lưu vào vùng đất Guilliver huyền thoại đây!"
Ấn tượng của chúng tôi còn mạnh hơn khi máy bay đáp xuống phi trường quân sự ở Honolulu. Ngay giữa con đường trải nhựa mênh mông là một khán đài chào mừng sừng sững cắm đầy quốc kỳ. Quang cảnh phía hông cho thấy vị Tổng Thống Hoa Kỳ khổ người to lớn vượt hẳn lên khỏi hai vị tướng Việt Nam đứng cạnh trông lồ lộ chẳng khác nào biểu tượng rõ rệt về vai trò thực thụ của hai chánh phủ. Nhưng nếu khổ người của tổng thống Johnson vượt khổ bao nhiêu thì diễn văn chào mừng của ông lại thân mật và hiền hòa bấy nhiêu. Chẳng những ông nói về "chiến thắng chống xâm lược" và ông còn nói đến "khắc phục đói kém, bệnh hoạn và thất vọng." Ông đề cập đến vấn đề "y tế, giáo dục, nông nghiệp và kinh tế," và về "một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân." Hẳn nhiên đây là một bài diễn văn chính trị, nhưng những cảm quan diễn tả dường như phát ra tự đáy lòng và lời lẽ bài diễn văn đã khích lệ tất cả những người mang tâm hoài bão việc tạo dựng một tương lai tốt đẹp cho Việt Nam sau chiến cuộc.
Thực sự thì vào lúc này tôi chẳng có bao nhiêu thời giờ để suy nghĩ sâu thêm. Vì là người giữ vai trò phối hợp phái đoàn, tôi phải xem xét kỹ lưỡng mọi vấn đề đâu vào đấy cho phiên họp ngày hôm sau. Trời mới vừa chớm tối tôi đã nhập bọn cùng những đồng nghiệp người Hoa Kỳ để cùng soạn thảo một bản thông cáo chung nhằm đưa ra khi cuộc họp thượng đỉnh kết thúc vào ngày hôm sau. Bất cứ ai đã là người tham gia vào những cuộc họp có tính chất quốc tế cũng đều biết việc soạn thảo là một công việc đã đòi hỏi rất nhiều công phu và lại chỉ mang lại những kết quả thật nhỏ nhoi. Tuy thế đây là việc những người tổ chức bắt buộc phải làm. Nhất là vì bản thông cáo phải được soạn ngay trước khi buổi họp bắt đầu, nhưng vì trước đây tôi chưa bao giờ có dịp tham gia những công việc soạn thảo tương tự nên lúc này chẳng những tôi đã lao hết mình vào cuộc với tất cả nhiệt huyết mà còn thực sự tin tưởng rằng tôi quả đang đóng góp vào việc tạo dựng lịch sử.
Không có điều gì trong bản tin có thể khiến tôi suy nghĩ khác hơn. Khi việc hoàn tất thì một bản thảo được gọi là bản tuyên ngôn Honolulu đã bao gồm rất nhiều điều tổng quát. Trong bản tuyên ngôn Hoa Kỳ và Việt Nam cùng cam kết "sẽ bảo vệ Việt Nam chống xâm lược, tranh đấu cải cách xã hội, tạo dựng một chánh phủ tự do, độc lập và xây dựng hòa bình." Đối với Việt Nam thì vấn đề khó nhất là vấn đề phải cam kết "soạn thảo một bản hiến pháp dân chủ vào những tháng sắp tới, đưa ra cho dân chúng Việt Nam thảo luận và bổ túc rồi hợp thức hóa bản hiến pháp đó bằng phương pháp bỏ phiếu kín và thiết lập chánh phủ dân chủ qua thể thức bầu cử." Việc phải mang bản soạn thảo về cho ông Thiệu và ông Kỳ ký kết đối với tôi quả là một việc ngại ngùng. Những phát biểu hỗn hợp Mỹ-Việt về việc bảo vệ đất nước thoát khỏi ách xâm lược và ngay cả những đề nghị cải cách xã hội có lẽ cũng chẳng gặp khó khăn gì, nhưng đòi hỏi ông Thiệu và ông Kỳ phải công khai hứa hẹn soạn thảo hiến pháp và chuẩn bị bầu cử lại là một vấn đề hoàn toàn khác hẳn.
Tuy thế thật là ngạc nhiên và sung sướng cho tôi, việc lại diễn ra khác hẳn như tôi dự liệu. Cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều chẳng để ý gì đến nội dung của bản soạn thảo mặc dù lời lẽ các điều kiện trong bản soạn thảo thật là chi tiết. Họ đã quá hân hoan vì các biến cố trong ngày. Việc họ hứa rõ sẽ cải tổ trên giấy trắng mực đen trong một tài liệu quốc tế mà chính họ không thể nào từ bỏ được đã khiến tôi cảm thấy vui mừng vô hạn.
Cuộc họp chánh thức mở màn vào ngày kế tiếp, trong một hội trường tại nơi đặt bản doanh Tư Lệnh Thái Bình Dương. Hai phái đoàn tản ra quanh một chiếc bàn bầu dục khổng lồ, nhưng đối với những người trong phòng thì rõ ràng chỉ có một nhân vật đáng kể. Tổng thống Johnson hoàn toàn chế ngự buổi họp. Phong thái lãnh đạo rõ rệt của ông nổi bật qua khổ người to lớn và sự chú tâm nhất loạt của các cố vấn của ông. Mỗi lần ông nghiêng người về phía đối diện để nhấn mạnh những điều muốn nói là mỗi lần ông tạo ra những ấn tượng khó quên cho những đại biểu Việt Nam.
Tổng thống Johnson chú tâm lắng nghe bài diễn văn của ông Kỳ và rồi lại chú tâm nghe tướng Thắng trình bày các chương trình bình định nông thôn. Thỉnh thoảng ông lại ngắt lời tướng Thắng để đưa ra câu hỏi hoặc ra lệnh cho những phụ tá ngồi phía sau. Những lời ông nghị luận vừa mạch lạc lại vừa đi rất sát vấn đề. Đôi khi cũng có vài câu văn vẻ. Có lúc ông ngỏ ý "muốn xem Bộ Da Chồn treo trên tường." Đây là một thành ngữ mà cả phái đoàn đều mù mờ. Lúc đó, vì coi tôi như một chuyên viên Anh ngữ nên nhiều người đã quay lại hỏi tôi rằng: "Ông ấy nói cái gì thế?"
Nhưng việc Tổng Thống Johnson dùng chữ thế nào để diễn tả tư tưởng không phải là vấn đề chính. Đại ý toàn thể bản thông cáo đã được trình bày quá rõ ràng. Ông muốn nhìn thấy những kết quả thực tiễn từ cả hai phiá Mỹ Việt. Qua thái độ quả quyết của tổng thống Johnson chẳng ai có thể nhầm lẫn những điều ông mong mỏi. Về phía phái đoàn Việt Nam thì ông Thiệu có lẽ vì lý do gì riêng muốn ông Kỳ đóng vai trò lãnh đạo nên đã phát biểu rất ít. Ông Rusk cũng ngồi yên lặng với khuôn mặt nghiêm trang như Phật trong khi Tổng Trưởng McNamara vẫn hí hoáy ghi chép trên những mảnh giấy vàng như bao giờ.
Khi chúng tôi nghỉ trưa, tất cả đều cảm thấy mình đã bắt đầu một hội nghị hết sức hứng khởi. Chiều đó, lúc hai phái đoàn chia thành từng nhóm để tiến hành công việc thì ông Thiệu và ông Kỳ đến họp riêng cùng tổng thống Johnson.
Theo tôi nhận định thì dường như vị tổng thống Hoa Kỳ vừa mới tái đắc cử và đang đứng trên đỉnh cao uy quyền gần như chẳng có điểm nào giống với hai vị tướng lãnh Việt Nam -ngoại trừ một điểm hiển nhiên là cả ba đều cùng cam kết chống lại một kẻ thù chung.- Tuy thế, những phù hợp cá nhân đã khiến cả ba đều mỉm cười tươi vui, mãn nguyện sau suốt hai giờ gặp gỡ. Những cử chỉ thật tâm và thân thiện của tổng thống Johnson đã hoàn toàn thuyết phục được hai nhân vật lãnh đạo của Việt Nam. Ông đã gây được thiện cảm của cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ. Có lúc tổng thống Johnson và ông Kỳ cùng châu đầu bên những tách cà phê như thể họ là đôi bạn thân đã từ lâu.
Mặc dầu các vấn đề tại cuộc họp vẫn chưa được duyệt lại kỹ lưỡng, tất cả chúng tôi đều cho đây là một cuộc họp thành công. Buổi họp ở Honolulu đã cho Tổng Thống Johnson cơ hội gặp gỡ các tư lệnh quân sự cùng các cố vấn cao cấp của ông và nhấn mạnh với họ về tầm quan trọng của vấn đề bình định nông thôn. Ông đã có dịp gặp gỡ và thẩm định các tướng tá lãnh đạo Việt Nam. Ông còn được họ hứa sẽ soạn thảo hiến pháp và tiến hành bầu cử.
Có lẽ yếu tố quan trọng nhất là cuộc họp Honolulu đã giúp tổng thống Johnson tránh được những lời chỉ trích rằng ông chỉ dựa vào bạo lực quân sự để giải quyết vấn đề. Để trả lời cho những chỉ trích của giới phản chiến lên án ông đã dựa vào bạo lực quân sự để giải quyết vấn đề chính trị, tổng thống Johnson đã nhấn mạnh y tế, giáo dục, sách vở, phân bón và điện hóa những vùng thôn quê. Cuộc thảo luận đã khẳng định những cam kết xây dựng nông thôn và đã nhận định lại rằng: Nếu không có những chương trình hữu hiệu để dân chúng có thể ủng hộ thì dù có tất cả sức mạnh uy quyền trên thế giới cũng chẳng thể nào thành công.
Cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều hân hoan tột độ. Họ đã được chánh quyền Hoa Kỳ tận lực ủng hộ. Hoa Kỳ chẳng những chỉ giúp đỡ họ bằng viện trợ quân sự mà còn giúp đỡ cả đến việc củng cố chính phủ của Việt Nam. Ông Kỳ đã vui mừng vượt mức. Ông đã làm bạn được với tổng thống Hoa Kỳ và được giới báo chí triệt để chú ý. Nỗi vui mừng dào dạt đến nỗi ông Kỳ chẳng còn để ý đến chuyện đặt câu hỏi với những đề tài tôi đã soạn thảo trong bản ghi chú. Khi tôi hỏi ông về các vấn đề trong bản ghi chú thì ông gạt phắt đi rằng: "Ông xem đấy, lão già ấy đã thật thà quá mức rồi, làm sao mà mình còn nghi ngờ gì lão ta được nữa?"
Mặc dù ông Kỳ chưa hỏi đến những vấn đề tôi đã liệt kê, tôi cũng vẫn cảm thấy có đủ lý do để hài lòng. Không những bài diễn văn đưa ra đã buộc chặt chánh phủ của hai ông Thiệu, Kỳ phải giữ lời hứa thực hiện những cải cách xã hội như tôi mong mỏi mà cả tổng thống Johnson cũng đặc biệt chú tâm đến nội dung của bản trình bày. Khi gặp riêng ông Kỳ, ông đã ngỏ lời hỏi ông Kỳ cho biết rõ chi tiết hơn về "cuộc cách mạng xã hội" mà ông Kỳ đã đề cập đến trong bài diễn văn. Vì bản diễn văn trùng đúng với ý tổng thống Johnson, ông Kỳ còn nhận ra rằng thực sự chính tôi là nhân vật chính đã giúp ông nâng cao uy tín với vị tổng thống Hoa Kỳ. Từ nay trở đi, giữa những nhóm cộng sự của ông Kỳ, tôi không còn là người ngoài nữa. Những biến chuyển khả quan đã khiến tôi cảm thấy lâng lâng trên đường trở lại. Lúc này tôi không còn phải bận tâm với những nỗi lo lúc nào cũng canh cánh về việc chánh phủ Việt Nam có thể lại xáo trộn như những năm 1963-1964 trước đây. Sau các cơn biến động của những năm về trước, giờ đây tôi đã tình cờ bước vào một khúc giao lưu của lịch sử. Đây là một thời điểm hết sức đặc biệt vì mục tiêu của Hoa Kỳ và những tiến trình của một nền dân chủ đang được cả hai dân tộc ủng hộ. Cuối cùng các biến cố đã chuyển theo khuynh hướng qui tụ và ổn định thay vì suy sụp và tan rã.
Gọng Kềm Lịch Sử
20. Bước Thứ Hai
Vào lúc hội nghị Honolulu kết thúc, chúng tôi còn hân hoan hơn vì được biết Tổng Thống Johnson sẽ cử Phó Tổng Thống Hubert Humphrey sang Việt Nam cùng lúc phái đoàn Việt Nam trở về. Tuy Phó Tổng Thống Humphrey không đến dự hội nghị Honolulu, Tổng Thống Johnson vẫn cho rằng nếu gửi ông sang Việt Nam thì Hoa Kỳ có thể tiếp tục nâng cao được tinh thần chính phủ Việt Nam. Vì vậy Phó Tổng Thống Humphrey đã được ủy nhiệm sang Á Châu. Ông dự định đến Sài Gòn trước tiên và sau đó sẽ ghé thăm những nước lân cận. Tuy Việt Nam lúc này đang ở vào giai đoạn chiến tranh, vị Phó Tổng Thống Hoa Kỳ vẫn nhìn tình hình với đôi mắt khả quan. Chẳng những thế, quan niệm cấp tiến của ông Humphrey lại còn trùng đúng với chủ trương nhấn mạnh cải cách xã hội, kinh tế của Tổng Thống Johnson. Sự hiện diện của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ trên chuyến bay trở về đã khiến phái đoàn chúng tôi vô cùng phấn khởi. Những tin tưởng khởi xuất từ cuộc họp thượng đỉnh lại càng vững vàng thêm.
Khổ thay, cả những uy tín của cuộc họp thượng đỉnh cũng vẫn chưa đủ để ông Thiệu và ông Kỳ thoát khỏi được tất cả những khủng hoảng nội bộ đã nhiều phen lật đổ các chánh quyền Việt Nam trước đây. Ít nhất thì cũng là một lần nữa, những phong trào đảo chánh của đời sống chính trị Việt Nam lúc đó lại khiến hai tướng lãnh phải dùng đến áp lực quân sự. Vào tháng 3 năm 1966, chỉ mới chưa tròn một tháng sau cuộc họp Honolulu thì những âm mưu đảo chánh lại được phát động. Lần này mưu toan đảo chánh lại do các đoàn thể Phật Giáo. Họ đã hợp tác cùng với một tư lệnh quân đội có nhiều thế lực và tham vọng đang trấn ở quân đoàn I giáp giới Miền Bắc là tướng Nguyễn Chánh Thi.
Sự thật thì cuộc đụng độ đã ngấm ngầm từ nhiều tháng trước. Tướng Thi là một người háo động đã tham gia rất nhiều vụ dấy động trong suốt cuộc đời binh nghiệp, kể cả những vụ đảo chánh lẫn chống đảo chánh. Ông chính là một trong những người đã cầm đầu cuộc đảo chánh hụt ông Diệm lần đầu vào năm 1960. Cuộc đảo chánh đầu tiên của tướng Thi đã mở màn cho những ý tưởng đảo chánh về sau này. Năm 1964, ông hỗ trợ Tướng Nguyễn Khánh truất phế những tướng tá đã lật đổ ông Diệm. Rồi ông lại liên kết với nhóm Tướng Trẻ để trục xuất tướng Khánh năm 1965. Thành tích quá khứ và oai quyền lãnh chúa Miền Bắc đã khiến tướng Thi tự coi mình thừa khả năng điều hành chính phủ. Hoặc giả ít nhất ông cũng cho rằng nếu đem so sánh với ông Thiệu và ông Kỳ thì khả năng của ông cũng chẳng kém gì.
Thủ đô của vùng một là Huế, nguyên là một thành phố thuộc vùng tướng Thi cai quản và cũng là nơi lãnh tụ Phật Giáo Thích Trí Quang cùng các lãnh tụ Phật Giáo khác cư ngụ. Tuy kể từ khi ông Thiệu và ông Kỳ nắm quyền, các phái đoàn Phật Giáo đã khá im lặng, họ vẫn chưa thực sự hài lòng. Vì các đoàn thể Phật Giáo vẫn không có chỗ đứng nào trong chánh phủ nên giờ đây thái độ chống quân nhân của họ còn mãnh liệt hơn. Ông Thiệu là người công giáo. Ông Kỳ tuy là người Phật Giáo nhưng vẫn không đủ kiên nhẫn để xoa dịu những đoàn thể Phật Giáo.
Vào đầu tháng 3-1966, hai nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng nội bộ của Việt Nam là nỗi bất bình của Tướng Thi và những thất vọng chánh trị của các đoàn thể Phật Giáo. Cuộc khủng hoảng bắt đầu trong một chuyến ông Kỳ đến Huế. Khi ông Kỳ đến Huế, một lãnh chúa tại đây đã quay lại hỏi thuộc hạ: "Ê, anh chàng này đến làm gì ở đây vậy?" Trong cơn phẫn nộ, ông Kỳ không chỉ xem đây là một sự nhục mạ cá nhân. Ông lên án hành động của vị tư lệnh miền Trung là một hành động thách thức chánh quyền. Ít nhất thì đây cũng là nguyên nhân của mọi việc hỗn loạn vào lúc ban đầu. Cũng có thể ông Kỳ đã cố tình tìm dịp đương đầu trực tiếp với tướng Thi để giải quyết cho xong vấn đề của một vị tướng hay la lối ầm ỹ. Dù thế nào đi nữa thì khi quay về Sài Gòn, tất cả những người trong giới lãnh đạo ở Sài Gòn cũng hoan nghênh việc ông Kỳ đã đứng ra đương đầu trực tiếp với tướng Thi. Chính những hành động của ông Kỳ với tướng Thi đã khiến các đoàn thể Phật Giáo ở Huế khởi đầu những cuộc biểu tình đòi hỏi chánh phủ quân nhân phải từ chức. Đây là những cuộc biểu tình quái dị do những ám ảnh đảo chánh điên cuồng thôi thúc.
Vào ngày 26 tháng 3 năm 1966, những chuyện xung đột cá nhân mở đầu đã chuyển thành một cuộc nổi loạn toàn bộ ở miền Trung. Những đoàn biểu tình và các chánh quyền địa phương đã chiếm giữ những đài truyền thanh ở Huế và Đà Nẵng. Họ tuyên bố trung lập, không về phe nào cả. Nếu ông Kỳ không gửi đại diện đến để hứa rõ với những đoàn thể Phật Giáo rằng chánh quyền sẽ tổ chức một quốc hội lập hiến và sẽ thiết lập một chánh phủ dân sự vào cuối năm thì có lẽ đã có một cuộc đụng độ quân sự.
Mặc dầu ông Kỳ đã thành công trong việc xoa dịu nổi loạn, những cuộc biểu tình còn sót lại vẫn chỉ bớt dần ở một mức độ rất chậm. Đã vậy, việc đại sứ Lodge ủng hộ ông Kỳ lúc cuộc khủng hoảng phát động đã khiến sự phẫn nộ của Phật Giáo chuyển hướng thẳng vào Hoa Kỳ. Vào ngày 4 tháng 5, màn cuối của tấn kịch bắt đầu do một lời tuyên bố thiếu cân nhắc điển hình của ông Kỳ. Khi được hỏi về thủ tục của cuộc họp quốc hội mà ông đã hứa với các đoàn thể Phật Giáo, ông Kỳ trả lời rằng: Tuy cuộc họp sẽ tiến hành như ông hứa, nhưng chánh quyền sẽ tiếp tục nắm chánh quyền cho đến khi hiến pháp chánh thức được đưa ra. Trong khi chưa ai biết rõ chi tiết những điều ông Kỳ đã hứa trước đây thì các lãnh tụ Phật Giáo bỗng công khai lên án ông Kỳ đã nuốt lời hứa. Những biến cố xuống đường lại phát động.
Lần này thì xô sát quân sự là việc khó thể tránh khỏi. Ở Đà Nẵng, ông Kỳ đã lẹ làng chuyển những tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến để đàn áp. Sau nhiều ngày chiến đấu, đa số Phật Tử và những quân nhân chống đối đã bị đè bẹp. Tuy thế, một tình trạng nguy hiểm đã diễn ra khi tướng Lewis chống đối cách dùng Không Quân oanh tạc những toán nổi loạn. Ông dọa sẽ bắn hạ những máy bay đàn áp nếu ông Kỳ phát động oanh tạc. Cuối cùng ông Kỳ đồng ý nhượng bộ và hứa sẽ chỉ dùng Bộ Binh để dẹp những cuộc xuống đường mà thôi. Sau một tuần lễ nghiêm trọng, tình hình Đà Nẵng trở lại bình thường.
Mặc dầu vậy, Huế lại là một câu chuyện khác hẳn. Tại đây những cuộc đụng độ vẫn tiếp tục dâng cao khi một nhóm phật tử xuống đường thiêu hủy tòa thư viện vào ngày 26 tháng 5 và rồi đã thiêu hủy cả tòa lãnh sự Hoa Kỳ vào ngày 30 tháng 5. Trước đây đã có đôi lúc những cuộc biểu tình bắt đầu với những giọng điệu chống Mỹ nên việc hai tòa Bin-Đinh của Hoa Kỳ bị thiêu hủy cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Tuy sau biến cố Đà Nẵng những nhóm xuống đường không còn hy vọng gì thành công, cho mãi tận đến tháng 7, những sôi sục ở Huế mới tạm ổn định. Khi mọi sự đã qua thì người gây ra mọi sự là tướng Thi đã bị buộc phải rời khỏi Việt Nam, tưởng cũng không cần phải nói thêm rằng ông bị trục xuất sang Hoa Kỳ.
Tuy cuộc nổi loạn ở Huế quả có kéo dài với nhiều cường độ khác nhau trong hơn ba tháng, nhưng sau khi những biến động nổi loạn đã qua thì giai đoạn có thể gọi nôm na là giai đoạn bạo động của Việt Nam đã thật sự kết liễu. Trong suốt ba năm kể từ sau khi ông Diệm bị đảo chánh thì nội bộ Việt Nam càng ngày càng lũng đoạn. Sự suy sụp của chánh phủ Việt Nam lúc này phát xuất là do hậu hoạn của một thập niên độc tài và đàn áp di lại. Tuy vậy, khi những giai đoạn khủng hoảng Phật Giáo kết liễu thì một giai đoạn ổn định mở đầu và đã kéo dài cho đến những ngày cuối của chánh quyền Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975. Dĩ nhiên vào lúc này, chưa ai biết rõ rằng đây là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới. Ngược lại tất cả đều cho rằng đây là một giai đoạn cần phải cố gắng nỗ lực mà không được quyền đòi hỏi gì ở tương lai. Cũng vào thời gian này, các biến chuyển phức tạp khác lại xuất phát ngoài chiến trường.
Lúc này, quân đội Việt Nam đã có dịp mục kích cách Hoa Kỳ điều hành quân đội. Chẳng hơn gì dân chúng, các quân nhân Việt Nam cũng thấy rõ những số lượng quân nhu đang được chuyển vào để phục vụ các quân nhân Hoa Kỳ. Họ nhìn thấy những kho hàng PX khổng lồ với hàng dẫy đồ lạ lùng, nhằm xoa dịu những nỗi khốn khó của các binh lính viễn chinh Hoa Kỳ đang ở 10,000 dặm xa rời quê hương. Những quân nhân Việt Nam đã mục kích một giòng quân nhu vô tận được chuyển tới các đội quân Hoa Kỳ. Họ biết Hoa Kỳ đang sử dụng những số lượng mìn và bom khổng lồ. Chẳng những thế, họ còn biết Hoa Kỳ đang sử dụng một cách phí phạm. Cách phí phạm đạn dược của Hoa Kỳ gây cho họ nhiều ấn tượng đặc biệt. Một mặt họ lấy làm tức giận, mặt khác họ lại bắt đầu tin rằng đây có thể là một phương pháp hữu hiệu để dẫn đến thắng lợi. Chỉ ít lâu sau họ đã quen ngay. Chính thói quen này là một thói quen chết người về sau, khi Hoa Kỳ thình lình rút bỏ viện trợ.
Hơn nữa, khi quân đội Hoa Kỳ ráo riết phát động chiến thuật truy kích và tiểu trừ (Search and Destroy Operation), họ đã gây ra nhiều khó khăn ở miền quê. Thường thì nguyên tắc của quân đội Hoa Kỳ là "dùng đạn dược để giảm thiểu tổn thất cho binh sĩ." Một trong những thí dụ điển hình là tất cả các cuộc hành quân bất kể lớn nhỏ, đều được các đội pháo binh hoặc thủy quân dùng B-52 hoặc những loại yểm trợ tương tự để "bắn dọn đường." Một hậu quả tai hại của chiến thuật này là yếu tố bất ngờ gần như mất hẳn. Những cuộc hành quân lớn thường chỉ đụng độ với một vài toán bắn tẻ của địch quân hoặc tấn công vào những căn cứ địa tàn dư còn sót lại. Quan trọng hơn nữa là vấn đề lãng phí đạn dược còn gây ra tổn thất lớn lao cho dân quê và các nông dân trú ngụ trong phạm vi của các cuộc hành quân.
Đã đành rằng trong bất kỳ cuộc chiến nào cũng phải có những tổn thất dân sự nhưng có lẽ chiến thuật của Hoa Kỳ đã làm tăng thêm tầm mức thương vong. Đầu tiên thì chiến thuật của Tướng Westmoreland là tìm cách di chuyển lực lượng về những vùng cao nguyên hẻo lánh hoặc dọc theo biên giới Lào và Cam Bốt. quân đội Hoa Kỳ cũng có soạn thảo chi tiết những luật lệ chiến đấu (ROEs - Regulation Of Engagement) cùng chánh quyền Việt Nam để có thể giảm thiểu những tổn thất tài vật và nhân mạng cho dân chúng.
Tuy những nỗ lực của Tướng Westmoreland cũng có ích nhưng trên thực tế, vấn đề áp dụng những nguyên tắc được đề ra quả là nan giải. Việc phải truy kích địch quân lẩn trốn trong các làng mạc không phải là việc dễ dàng. Một trong những chiến thuật chính của quân đội du kích là trà trộn chung vào với dân quê để ẩn nấp. Biết được tật thường xuyên dội pháo mỗi khi đụng trận của Hoa Kỳ, du kích Bắc Việt cố chuyển hướng pháo hoặc oanh tạc vào dân chúng để vận động lòng căm phẫn của họ đối với binh lính Hoa Kỳ. Đã vậy, tuy trên mặt thủ tục tất cả những cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ đều cần phải có các chức trách địa phương cho phép mà trên mặt thực tế vấn đề lại hoàn toàn khác hẳn. Những nhà chức trách quân sự của cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều ít để ý đến các nơi dân chúng địa phương trú ngụ. Hậu quả là những cuộc dội bom lệch lạc và không phân biệt đã gây ra vô số thương tổn đáng tiếc.
Đối với một cuộc chiến như cuộc chiến Việt Nam, vì không phân biệt rõ ràng được ranh giới và hơn nữa, vì du kích Bắc Việt lại cố ý trà trộn vào với thường dân nên những tư lệnh quân sự khó thể ngăn ngừa những tổn thất đáng tiếc. Tôi và nhiều người khác đã gặp tướng Westmoreland nhiều lần để trình bày các vấn đề khó khăn của tình hình. Chúng tôi biết rằng hậu quả của tấn bi kịch thương vong dân sự thật vô cùng lớn lao và những ảnh hưởng xấu đang lan tràn trong dư luận thế giới, nhưng chúng tôi đang tham gia một cuộc chiến mà cả chiến địa lẫn cường độ đều do địch quân định đoạt. Tình cảnh quả thật mâu thuẫn đến độ khó tưởng: Tuy Việt Cộng và Miền Bắc đang lãnh đạo cái mà họ gọi là Chiến Tranh Nhân Dân, nhưng khi chiến cuộc lôi kéo dân chúng vào vòng máu lửa thì mọi trách nhiệm lại bị đổ hất lên đầu Hoa Kỳ và Việt Nam Việt Nam. Đây là một gánh nặng mà chúng tôi đã phải mang trong suốt khoảng thời gian còn lại của chiến cuộc.
Vào năm 1966 những tổn thất dân sự và những hủy hoại ở miền quê đã khiến dư luận thế giới ngày càng chống đối Hoa Kỳ. Kể từ trước tháng 7, chỉ có những chỉ trích nhẹ nhàng nhưng trong tháng 7, những các đồng minh Âu Châu bỗng nhiên chỉ trích dữ dội, nhất là sau khi máy bay Hoa Kỳ dội bom tấn công vào những khu vực kỹ nghệ và các khu vực xăng gần Hà Nội và Hải Phòng. Thủ tướng Harold Wilson tuyên bố: Người dân Anh Quốc "không ủng hộ" các chiến dịch oanh tạc và Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle lên án những cuộc dội bom là "một cuộc leo thang thiếu suy xét trong chiến tranh ở Việt Nam."
Rồi đây, trong nhiều năm tới, khi đề tài dư luận bắt đầu đặt câu hỏi "đúng", "sai", khi các cuộc dội bon về sau này thường hướng thẳng vào những vùng đông dân cư và khi dân chúng bị buộc phải tản cư trong những chuyến tản cư đầy bi thảm thì thế giới lên án gắt gao hơn. Dĩ nhiên khi phải trực diện với những hậu quả kinh hoàng và tình cảnh khốn khổ của dân chúng các ký giả khó thể hiểu rằng chiến thuật và chiến lược của Cộng Sản được đặt căn bản trên những lý thuyết sắt máu của bạo động cách mạng. Dĩ nhiên họ chẳng thể hiểu được rằng đây là một phương sách chủ trương lợi dụng yếu tố nhân sự để làm bàn đạp tiến đến thắng lợi chiến cuộc. Nếu những phóng viên và ký giả đã không nhìn thấy điểm này thì những độc giả và khán thính giả của họ còn mù mịt hơn. Hậu quả là giữa năm 1966, những cuộc tranh luận khốc liệt, và những chỉ trích có tính cách đạo đức một chiều của những người phản chiến ở Hoa Kỳ đã bắt đầu có tiếng vang.
Trong năm 1966, những khuyết điểm điển hình của chiến cuộc Việt Nam đã bắt đầu lộ rõ. (Chẳng hạn như những tổn thất đáng tiếc xảy ra khi Hoa Kỳ áp dụng chiến thuật truy kích và tiêu diệt, những chỉ trích ngày càng nhiều của thế giới khi Hoa Kỳ dội bom vào những vùng đông dân cư). Tuy thế, nếu nhìn từ một khía cạnh khác thì vẫn có những biến chuyển khả quan. Đã đành rằng lúc này quân đội Hoa Kỳ vẫn chưa tiêu diệt hết được Việt Cộng nhưng tình hình quân sự tạm được ổn định và vào tháng 7, khi khủng hoảng Phật Giáo kết liễu, chánh phủ Việt Nam đã có thể tiến hành việc bầu cử quốc hội lập hiến như đã hứa vào lúc trước.
Có lẽ đối với các quốc gia có truyền thống dân chủ từ lâu thì bầu cử chỉ là một vấn đề hết sức đơn giản nhưng đối với Việt Nam thì đây quả là một ý niệm hãy còn rất mới mẻ. Vì vậy, vấn đề đầu tiên cần được thảo luận là làm thế nào để phổ biến quan niệm bầu cử và cho dân chúng thấy đây là một vấn đề quan trọng. Để vận động bầu cử, chánh phủ đã huy động sự đóng góp của các nhà văn nghệ sĩ ở Sài Gòn cũng như ở nhiều địa phương khác. Ý kiến bầu cử được phổ biến khéo léo vào những bài hát để cổ động dân chúng đi bầu. Đài truyền thanh lúc nào cũng đầy những chương trình nhạc cùng những chương trình phác họa đại cương những chủ đề liên quan đến vấn đề bầu cử. Những đoàn kịch nghệ và những gánh hát đã đi khắp các vùng quê, vừa dựng kịch, vừa lập những chương trình văn nghệ nhằm cổ động bỏ phiếu. Theo tôi thì những nỗ lực này vừa vui lại vừa có hiệu quả. Theo lời điệp khúc của một bài hát mà ai cũng đã nghe đi nghe lại thì: "Tương lai chúng ta tùy thuộc vào nền dân chủ." Trong nhiều tháng ròng rã lời nhắn nhủ bầu cử đã lan ra khắp cả Việt Nam.
Vào lúc các chiến dịch vận động bầu cử đang phát động mãnh liệt thì một Ủy Ban đặc biệt lo việc soạn thảo các luật lệ bầu cử đã được lựa chọn từ nhiều đoàn thể chính trị và tôn giáo khác biệt. Chẳng bao lâu sau, Ủy Ban đã bắt đầu thảo luận dữ dội về vấn đề xác định những tiêu chuẩn cho các ứng cử viên. Tuy vấn đề loại trừ hoàn toàn các thành phần Cộng Sản là vấn đề không có gì rắc rối, nhưng lại có cả những ứng cử viên có khuynh hướng "trung lập." Sau cùng thì cán cân ngả về phía những người mang lập trường cứng rắn: Bất cứ ai công khai ủng hộ "giải pháp thiên cộng" đều không đủ tiêu chuẩn làm ứng cử viên. Đây là một cách giải quyết vấn đề thật đơn giản, nhưng tôi hoàn toàn chẳng để tâm vì thật ra cũng chẳng có khó khăn gì nhiều liên quan đến vấn đề này. Đây chỉ là một quốc hội tạm thời được ùy nhiệm soạn thảo hiến pháp. Sau khi hiến pháp hoàn tất, tất cả quốc hội lập hiến sẽ tự động giải tán. Cuối cùng những ứng cử viên tự nguyện đã tụ tập thành một cử tri đoàn đông đảo. Họ bao gồm luật sư, giáo sư, nông gia, các cựu quân nhân, và các nhà báo cùng với những chính trị gia và đại biểu của các đoàn thể tôn giáo.
Ngày 11 tháng 9 năm 1966 là ngày bầu cử Quốc Hội Lập Hiến. Mặc dù Việt Cộng đe dọa sẽ có bạo động và các đoàn thể Phật Giáo cảnh cáo rằng cuộc bầu cử có thể bị tẩy chay, dân chúng vẫn hưởng ứng vô cùng nhiệt liệt. Họ đi lũ lượt hàng đoàn đến nơi bỏ phiếu, phần đông đều mặc quần áo thanh lịch như thể quần áo dùng vào mỗi dịp hội hè. Trong một cuộc bầu cử với 630 ứng cử viên và 7 triệu người đăng ký đi bầu, đã có hơn 5 triệu người bỏ phiếu và 117 ứng cử viên đắc cử được tuyển làm đại biểu cho quốc hội lập hiến. Tuy vẫn có một vài trường hợp bất hợp lệ nhưng nói chung thì cuộc bầu cử vẫn là một thành công đáng kể. Đối với một quốc gia đang lúc chiến tranh và chưa hề có truyền thống bầu cử thì đây đúng là một biến cố lớn lao có ảnh hưởng quan trọng đến tương lai về sau. Theo lời một người Hoa Kỳ bạn tôi thì: "Quang cảnh [của người Việt Nam] vui vẻ, hội hè vững tin vào tương lai tỏa ra khắp nơi đã mang cho chúng tôi [những người Hoa Kỳ] rất nhiều hy vọng."
Quang cảnh bầu cử cũng đã khiến tôi vô cùng phấn khởi. Một khi tiến trình dân chủ đã bắt đầu thì đà cải tiến thường một ngày một tăng. Khi mọi người đã biết họ có thể đóng góp tiếng nói của mình vào chánh phủ, khi họ đã thấy rằng những chính trị gia bị buộc phải chú tâm đến họ thì việc họ tự tạo một guồng máy chính quyền dân chủ là việc không thể nào tránh khỏi. Những nhu cầu cần thiết sẽ khiến quần chúng lấy ý kiến chung làm khuôn mẫu áp dụng. Chính trị sẽ chuyển hướng thành những cuộc tranh luận công khai để cùng tìm giải pháp thay vì chỉ là những vận động áp dụng bạo lực và thủ đoạn dùng vào việc theo đuổi những tham vọng cá nhân.
Cuộc bầu cử là một trong những bước khởi đầu của tiến trình dân chủ đó. Tuy đây chỉ là một quốc hội lập hiến và chánh phủ quân nhân vẫn giữ quyền thỏa thuận hoặc bác bỏ hiến pháp vào lúc chót, nhưng ông Thiệu và ông Kỳ không dễ gì bác bỏ được các tiến trình dân chủ. Những tiến trình này đã bắt đầu và rồi đây chánh phủ quân nhân sẽ chẳng còn đường nào chọn lựa.
Vào mùa thu năm 1966 Sài Gòn đã thực sự tiến được một bước dài. Đây là lần đầu tiên trong rất nhiều năm đất nước có được một chánh phủ hoàn toàn không phải lo lắng sợ sệt vì những cuộc đảo chánh sắp tới hoặc vì những cuộc nổi loạn phe nhóm. Đây là lần đầu tiên đất nước có được một chánh phủ có thể hoạt động bình thường trong công việc quản trị cũng như trong công việc điều hành chiến cuộc. Chúng tôi đã đi qua giai đoạn đầu của những tiến trình nhằm chuyển đổi chính phủ Việt Nam thành một chính phủ dân chủ hợp hiến.
Qua nhiều năm cơ cực và thất vọng, giờ đây những thành quả dân chủ đã được cả Hoa Thịnh Đốn lẫn Sài Gòn nhiệt liệt hoan nghênh. Tổng Thống Lyndon Johnson đã quyết định lợi dụng tình thế để làm giảm bớt ảnh hưởng của các phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ và Âu Châu đang ngày càng gia tăng.
Trong những tháng trước, những nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã thành công trong nỗ lực tạo dựng một khối liên minh gồm nhiều nước ở Á Châu và Thái Bình Dương. Tất cả các quốc gia trong khối liên minh này đều đồng ý cùng tham gia tiếp trợ Việt Nam chung với Hoa Kỳ. Thái Lan, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Úc và Tân Tây Lan đã gửi cả binh lính hoặc những đơn vị tiếp trợ giúp đỡ Việt Nam. Thành quả Ngoại Giao của Hoa Kỳ đã đến đúng vào lúc tinh thần dân chúng Việt Nam đang phấn khởi. Những niềm phấn khởi phát sinh là do những cuộc bầu cử quốc hội lập hiến vừa xong. Tuy chiến cuộc vẫn chưa hoàn toàn đến hồi ngã ngũ, Tổng Thống Johnson đã nhận thấy đây là một cơ hội tốt để tỏ cho thế giới rõ Hoa Kỳ đã có đồng minh trong cuộc chiến. Hơn nữa, ông muốn nhấn mạnh rằng công cuộc bảo vệ độc lập của Việt Nam đang mang lại thành quả và Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất ủng hộ Việt Nam.
Trước sự thúc đẩy của tổng thống Johnson, Tổng Thống Phi Luật Tân là Ferdinand Marcos đã đồng ý đứng ra tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở Manila vào cuối tháng 10. Tại đó hầu hết các giới lãnh đạo của các quốc gia có gửi binh sĩ sang Việt Nam đều được mời tham dự. Sự thực, trong nỗ lực gom góp thêm viện trợ, Tổng Thống Johnson còn sửa soạn chương trình thăm viếng các quốc gia này. Do một sự tình cờ, Manila lại rơi đúng vào vị trí trung tâm của cuộc hành trình dài 17 ngày mà Tổng Thống Johnson đã dự định. Manila vì vậy đã trở thành một nơi hội họp thuận tiện nhất.
Mặc dầu cuộc hội họp thượng đỉnh của 7 quốc gia ở Manila rõ ràng là một trong vận động nằm trong một chánh sách thuyết phục dân chúng lớn lao hơn của Tổng Thống Johnson, đối với chúng tôi đây cũng là một công việc tự nó không kém phần quan trọng và chúng tôi hoan nghênh cổ võ hết mình cho buổi họp. Vì là một quốc gia đang bị uy hiếp ở tầm mức sinh tử, Việt Nam cần được quốc tế công nhận và bảo đảm. Tình trạng ổn định mới mẻ ở Sài Gòn và những tiến triển gần đây về vấn đề tự do bầu phiếu đã khiến chúng tôi cho rằng lúc này đúng là lúc để mở màn giai đoạn nâng cao uy tín trên lãnh vực ngoại giao cho chánh phủ Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh tính cách quốc tế của chiến cuộc Việt Nam. Vì bị buộc phải chấp nhận để cho các đơn vị người ngoại quốc đóng quân ở Việt Nam, chúng tôi cảm thấy rằng một lực lượng quốc tế sẽ được xem là ít đe dọa đối với chủ quyền và tự ái của chúng tôi hơn là quân đội của chỉ một quốc gia. Chúng tôi nhận xét rằng: Nếu phải để cho quân đội ngoại quốc đóng quân ở Việt Nam thì chính phủ Việt Nam vẫn có thể giữ được nhiều uy tín hơn nếu những lực lượng trấn đóng là những lực lượng quốc tế. Đã đành rằng dù chọn cách nào thì vấn đề chọn lựa của chúng tôi chẳng qua cũng chỉ là những sự chọn lựa bất đắc dĩ, nhưng giữa hai điều bắt buộc phải chọn chúng tôi cho rằng cho phép một lực lượng quốc tế đóng quân ở Việt Nam vẫn là một điều dễ chấp nhận hơn.
Kể từ sau ngày hội nghị Honolulu trở đi thì càng ngày tôi càng đi sâu vào các quyết định ngoại giao. Vào thời gian này nội các lại cải tổ và tôi được bổ nhiệm làm Phụ Tá Ngoại Trưởng kiêm Phụ Tá Đặc Biệt của Thủ Tướng. Việc thay đổi là do những sự xung đột giữa hai phe quân nhân và dân sự trong chánh phủ của hai ông Thiệu-Kỳ. Một trong những nhân viên dân sự là Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ người mà lúc nào tôi cũng kính trọng và coi như bậc đàn anh của tôi. Cụ Đỗ là một người ôn hòa và ít đồng ý với những ý kiến táo bạo của giới quân nhân. Nhiều phần tử trong giới quân nhân lại cho là cụ ôn hòa quá. Vào tháng ba, nhân có dịp cải tổ chánh phủ, nhiều quân nhân không ưa cụ đã vận động để thay thế cụ.
Tuy thế, ông Phillip Habib (cố vấn Bộ Trưởng ở tòa đại sứ Hoa Kỳ lúc bấy giờ) lại rất trọng cụ Đỗ. Khi nghe dư luận Sài Gòn đồn đãi về việc chính phủ dự định thay thế cụ Đỗ, ông Phillip Habib chạy đến văn phòng tôi để tìm hiểu thêm. Tôi nói với ông Phillip Habib rằng ông Kỳ và những người trong nhóm quân nhân có dò hỏi tôi xem tôi có thể thay thế cụ Đỗ không nhưng tôi đã trả lời là không thể được.
Khi cả hai chúng tôi bàn luận chi tiết thêm thì ông Habib lại còn lo lắng hơn. Cụ Đỗ là người được các giới ngoại giao kính trọng và tôi là một người có tiếng đã hợp tác chung với Hoa Kỳ nhiều năm. Nếu cả hai chúng tôi đều không chịu nhận trách nhiệm ở Bộ Ngoại Giao thì còn ai có thể làm việc được? Biết đâu nhân vật mới chẳng là một nhân vật hội đủ tiêu chuẩn cần thiết của các quân nhân nhưng sẽ khiến tòa đại sứ Hoa Kỳ phải gặp nhiều khó khăn? Ông Habib có vẻ chống đối việc cải cách. Cuối cùng thì tất cả những người tham gia đề xướng cải cách đều thỏa thuận như sau: Ông Đỗ vẫn là Ngoại Trưởng nhưng tôi sẽ là Phụ Tá Ngoại Trưởng Đặc Trách những vấn đề đặc biệt. Tuy những tướng lãnh mang lập trường cứng rắn vẫn không hoàn toàn hài lòng nhưng vì tòa đại sứ đã bằng lòng nên họ vẫn phải gật đầu chấp nhận. Đối với tôi thì đây là một thắng lợi đáng kể. Trong cuộc tranh chấp với các thành phần quân nhân, lần này tôi đã giữ thêm được một đồng nghiệp cùng đồng quan điểm với tôi mà lại có tầm hiểu biết thấu đáo về những chính sách ngoại giao. Ảnh hưởng của tôi trong việc thiết lập chánh sách lại gia tăng thêm. Đây quả là một thắng lợi quý giá trong những cố gắng tiến dần đến để thiết lập một chánh phủ hợp hiến.
Kể từ ngày sau cuộc họp thượng đỉnh ở Honolulu trở đi, tôi đã làm việc ở Bộ Ngoại Giao, cố gắng cải tiến mối bang giao với các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á và tìm cách nâng cao hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Vì thế, việc chuẩn bị cho cuộc họp ở Manila lại chất chồng lên vai tôi cũng là chuyện tự nhiên.
Ngoài mặt thì 4 vấn đề chính của chương trình nghị sự ở Manila là: Nhận xét tổng quát về tình hình chiến sự, duyệt lại những đề nghị hòa bình từ trước tới nay, nhận định những chiến lược nhằm kết thúc chiến cuộc và soạn thảo chương trình an ninh cho các vùng. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi sửa soạn cho cuộc hội nghị tôi đã thấy rõ ràng những vấn đề ưu tiên của 7 quốc gia hoàn toàn khác biệt và những vấn đề quan trọng lại quá nhiều, không thể sắp xếp tất cả mọi vấn đề vào hai ngày hội nghị được. Những vấn đề tiệc tùng, nghi lễ, thủ tục hội họp và những thủ tục khác đã choán hết phần lớn thì giờ. Khoảng thời gian còn sót lại chỉ vừa đủ để 7 quốc gia có thể bày tỏ tinh thần đoàn kết. Thật sự thì chỉ riêng sự có mặt của 7 vị nguyên thủ quốc gia cùng ngồi lại với nhau để cứu xét các vấn đề khó khăn cũng đủ khiến cuộc họp biến thành quan trọng.
Cuộc họp thượng đỉnh ở Manila cũng chẳng khác gì các cuộc họp thượng đỉnh những lần trước đây, nhân vật nổi bật nhất vẫn là tổng thống Johnson. Ông bàn luận hăng say về chánh sách của Hoa Kỳ ở Á Châu, về vấn đề kêu gọi hòa bình và việc cần phải thể hiện quyết tâm chống lại sự xâm lăng của cộng sản. Tổng thống Johnson tuyên bố: "Đối với những người ủng hộ tự do, đối với những người có trách nhiệm, đối với những người có lương tâm, ngoài cách phải đứng lên chống lại những hành động xâm lược có lẽ chẳng còn cách nào khác." Tuy không phải tất cả các vị nguyên thủ quốc gia đều là những người có tài hùng biện trôi chảy, nhưng tất cả đều đồng ý với tổng thống Johnson. Trong cuộc họp vị thống chế đầu bạc Kittikachorn của Thái Lan rất ít khi lên tiếng. Tổng thống Phác Chánh Hy của Nam Hàn lại còn im lặng hơn nữa. Nhưng cả Thủ Tướng Úc Đại Lợi Harold Holt (Thủ Tướng Harold Holt đã có tiếng là người ủng hộ lập trường của Tổng Thống Johnson.) lẫn Thủ Tướng Tân Tây Lan Keith Holyoake đều mạnh dạn phát biểu ý kiến rằng hai quốc gia Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan sẽ dốc lòng ủng hộ. Về phần Tổng Thống Ferdinand Marcos thì vui mừng trông thấy trong vai trò chủ tọa. Ông lăng xăng chạy từ vị lãnh đạo này sang vị lãnh đạo khác, cố làm cho sự hiện diện của mình được mọi người chú ý.
Sau hai ngày hội họp, tất cả những vị nguyên thủ tham dự đều ký kết vào một bản tuyên ngôn. Có lẽ đã có nhiều nhân vật phản chiến cho rằng bản tuyên ngôn chỉ chứa đầy những ngôn từ rỗng tuếch và khiếm khuyết những chất liệu thực tiễn, nhưng riêng chúng tôi vẫn lấy làm hài lòng, ít nhất thì cũng là hài lòng do cả những khẳng định hậu thuẫn mới mẻ lẫn những lời hứa rút lui của Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh một khi Cộng Sản Bắc Việt chấm dứt xâm lược.
Tiếp theo nghi lễ ký kết là một cuộc diễn hành từ khách sạn Manila tới Phủ Tổng Thống là Malacan Palace. Đây là một nghi lễ long trọng. Dẫn đầu là các vị quốc trưởng đi chung một hàng. Khổ người của Tổng Thống Johnson cao vượt hẳn lồ lộ trong hàng quốc trưởng. Sau lưng các quốc trưởng là các Bộ Trưởng và sau chót là những nhân viên tùy tùng của các phái đoàn. Xung quanh là những đám đông hoan hô. Hàng trăm ký giả, nhiếp ảnh gia tới lui nhộn nhịp biến đoàn người thành một cuộc diễn hành của 7 quốc trưởng. Hiển nhiên phía Hoa Kỳ đã vô cùng hân hoan. Thật ra cũng chẳng có vị quốc trưởng nào tỏ ý than phiền về việc dư luận quốc tế đã chú ý quá nhiều đến họ trong buổi diễn hành.
Trong buổi tiệc tối đó, gần như tất cả mọi người đều vui vẻ hòa mình trong bầu không khí hội hè thoải mái. Tuy thế riêng tôi lại hoàn toàn khác hẳn. Ngày hôm trước, những chuyện lủng củng dai dẳng giữa tôi và những tướng lãnh Việt Nam đã diễn ra trong một khung cảnh căng thẳng không mấy tốt đẹp. Chuyện xảy ra khi ông Thiệu, ông Kỳ và tôi đang dùng bữa tối cùng Tướng Nguyễn Hữu Có và tướng Cao Văn Viên. Tướng Có, nguyên là một trong những người có lập trường quân sự cứng rắn trước đây đã vận động để thay thế cụ Trần Văn Đỗ. Trong một phút đùa cợt ông Có đã nói: "Lần này khi về Sài Gòn chúng ta phải cắt gân Bùi Diễm mới được." Tôi đã giận dữ trả lời đại khái rằng: "Tôi đang làm việc cho quốc gia, tôi không thích nghe những lời chỉ trích vô lối cho dù rằng những lời chỉ trích đó chỉ là đùa cợt." Nghe tôi trả lời, Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên đã nửa đùa nửa thật: "Phải rồi, thằng nào mà đụng đến anh thì tôi dùng Dù tôi đánh bỏ mẹ nó đi." Tướng Có đã nhượng bộ và nói nhỏ rằng đây chỉ là chuyện nói giỡn cho vui. Tuy thế, hành động của Tướng Có vẫn khiến tôi cảm thấy buồn bã. Lời ông đùa bỡn là một dấu hiệu rõ rệt cho thấy những áp lực của giới quân nhân mà tôi đã mơ hồ cảm thấy vào lúc trước chẳng phải hoàn toàn do ảo tưởng.
Khi buổi tiệc tối sắp kết thúc, tất cả những người khác trong phái đoàn Việt Nam cũng cảm thấy căng thẳng chẳng kém gì tôi nhưng lý do khiến họ căng thẳng lại hoàn toàn khác hẳn.
Sáng sớm ngày đó, ông Phil Habib đã sang chỗ trú ngụ của chúng tôi xin phép được nói chuyện với riêng hai ông Thiệu và Kỳ. Ông Habib cho biết Tổng Thống Johnson đã quyết định đích thân đến thăm căn cứ của Hoa Kỳ ở vịnh Cam Ranh ngay sau cuộc họp. Nhưng vì lý do an ninh, ông sẽ không ghé Sài Gòn.
Chúng tôi đã hiểu những lý do an ninh quá rõ: Chỉ riêng những diễn biến khủng bố thường xuyên ở Sài Gòn cũng đã đủ lý do khiến Hoa Kỳ phải đề cao cảnh giác. Tuy thế, chúng tôi vẫn cảm thấy nhục nhã vì việc này. Quyết định bất ngờ của Tổng Thống Johnson đã khiến chúng tôi không có đủ cả thời giờ để chuẩn bị cuộc tiếp đón cho đúng nghi lễ tiếp tân. Bởi vậy, vào ngay cả những khi buổi tiệc của tổng thống Marcos đang đến hồi vui nhộn nhất, chúng tôi vẫn lo lắng triền miên về chuyện phải cố gắng trở về để kịp thời sắp đặt những nghi lễ tiếp tân tối thiểu cho Tổng Thống Johnson vào ngày hôm sau.
Mặc dầu chúng tôi đã cố giữ thể diện mà chuyến viếng thăm Cam Ranh của Tổng Thống Johnson vẫn làm cho chúng tôi phải bẽ mặt. Vị Tổng Thống Hoa Kỳ đã có thời giờ thăm viếng cả 6 thủ đô Á Châu mà lại không hề bước chân đến Sài Gòn, thủ đô của một đồng minh nơi hơn 300,000 binh lính Hoa Kỳ đang chiến đấu. Dĩ nhiên chúng tôi hiểu rằng lúc này đang giữa lúc chiến tranh và Hoa Kỳ không thể để bất kỳ sơ hở nào có thể ảnh hưởng đến việc an nguy của vị Tổng Thống của họ. Nhưng việc Hoa Kỳ công khai ngờ vực khả năng bảo vệ của chúng tôi thật quả đã làm chúng tôi mất mặt. Những người lãnh đạo Việt Nam đã phải cố gắng âm thầm nuốt liều thuốc đắng. Họ vẫn không hề hay biết rằng rồi đây trong những năm tới sẽ còn có những liều thuốc khác đắng hơn đang đợi chờ họ. Đây là một phần của cái giá Việt Nam phải trả cho sự lệ thuộc vượt mức của Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Tổng Thống Johnson đã đến Cam Ranh vào ngày 26, tháng 10-1966. Ông chỉ ghé đây khoảng nửa ngày. Khi nói chuyện với những binh lính tụ họp để hoan hô ông, ông đã tuyên bố: "Chúng tôi xin hứa sẽ không bao giờ để các anh, các chiến hữu của các anh, 15 triệu dân Việt Nam và hàng trăm triệu người Á Châu khác đang tin tưởng vào Hoa Kỳ phải thất vọng. Chúng ta phải chứng minh rằng ngay tại nơi này -tại Miền Nam Việt Nam- ý đồ xâm lược của cộng sản chắc chắn không thể thành tựu."
Gọng Kềm Lịch Sử
21. Đại Sứ tại Hoa Thịnh Đốn
Tôi từ Manila trở về lử người vì mệt. Cơn cúm khốc liệt bắt đầu từ lúc ở Manila đã khiến tôi phải nằm liệt giường gần một tuần lễ. Thời gian tĩnh dưỡng đã cho tôi cơ hội suy nghĩ. Tôi nhận ra rằng mình đã quá mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác. Những xích mích ngấm ngầm giữa tôi với những người trong giới quân nhân trong nhiều tháng qua đã khiến tôi hao tổn khá nhiều tinh thần. Trường hợp tướng Có nói đùa về tôi ở Manila chẳng qua chỉ là một trong những triệu chứng rõ rệt gần đây nhất mà thôi.
Sự thật thì nhiều tướng lãnh trong giới quân nhân ngày càng khó chịu vì những chính sách của thủ tướng Kỳ, nhất là việc ông Kỳ đi mạnh quá và nhanh quá vào con đường dân chủ. Khi gạt bỏ ra ngoài chính phủ một vài thành phần tham nhũng và bất tài, ông Kỳ đã vô tình tạo ra những chống đối mãnh liệt. Khó thể tấn công ông Kỳ trực tiếp, những quân nhân đã đổ hết phẫn nộ vào tôi vì hẳn nhiên tôi là người đứng sau ông Kỳ.
Ông Kỳ cũng bị những người Nam chỉ trích rằng ông tin tưởng vào những người Bắc Kỳ thái quá. Trong những câu chuyện chỉ trích, chính tôi cũng lại là một thí dụ điển hình. Để tránh chỉ trích, ông Kỳ đã cố cải tổ chánh phủ của mình. Tuy những thay đổi của ông Kỳ hoàn toàn không nhắm vào tôi, những chỉ trích ngày càng tăng vẫn khiến tôi phải bận tâm ít nhiều.
Khi nhìn lại mọi việc, tôi thấy ít ra mình cũng đã đạt được một phần các mục tiêu ban đầu. Tôi đã hài lòng một phần vì ở Việt Nam lúc này, giai đoạn đầu của việc thiết lập một chính phủ hợp hiến đã bắt đầu và chẳng bao lâu nữa, quốc hội lập hiến cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Càng nghĩ, tôi lại càng thấy rằng đã đến lúc mình nên rút lui. Quyết định rút lui của tôi lúc này một phần là do những bực dọc vì phải chịu đựng những chỉ trích hoàn toàn vô căn cứ. Vả lại tôi quan niệm rằng mình phải biết lúc nào nên ở, nên đi. Nếu cần rút lui tôi cho rằng mình nên tự ý rút lui trước thay vì đợi đến lúc thực sự bị người ta đẩy ra ngoài.
Sau khi đã hoàn toàn bình phục, tôi đến gặp ông Kỳ để bàn về vấn đề từ chức. Khi nói chuyện với ông Kỳ, tôi chỉ đề nghị sơ qua rằng có lẽ đây đúng là lúc tôi nên rút lui. Tôi nói với ông Kỳ tôi hiểu rất rõ việc ông Kỳ đang phải chịu rất nhiều chỉ trích của cả những người Nam lẫn của các tướng lãnh về việc có quá nhiều người Bắc trong chính phủ. Vì tôi chính là một trong những mục tiêu chính của sự chỉ trích, nếu tôi rút lui có thể ông Kỳ sẽ có nhiều cơ hội hơn. Hơn nữa, ông Kỳ luôn luôn có thể tham khảo ý kiến của tôi từ phía bên ngoài.
Nghe tôi trình bày xong ông Kỳ không hề phát biểu ý kiến. Ông chỉ trầm ngâm một lát, rồi lại tiếp tục với những vấn đề khác. Tuy thế, tôi biết mình đã chọn đúng lúc để ngỏ lời. Lúc tôi đưa ra ý kiến cũng chính là khi ông Kỳ đang suy nghĩ dữ dội về việc cải tổ chính phủ của ông. Ít lâu sau, trong một lần gặp khác với ông Kỳ, tôi lại trở lại câu chuyện rút lui mà tôi đã bàn với ông khi trước. Lần này thì ông Kỳ phát biểu rằng nếu cần rút lui, có lẽ tôi nên làm đại sứ chứ không nên về hưu.
Ý kiến của ông Kỳ đã làm tôi vô cùng ngạc nhiên, nhưng khi cân nhắc kỹ vấn đề, tôi cho rằng đây có lẽ cũng là một ý kiến hay. Vì lúc trước, khi còn làm việc ngoại giao, tôi vẫn thường đến Tokyo, do đó tin đồn bắt đầu lan tràn rằng tôi đã được chọn làm đại sứ ở Nhật. Nhưng những tin đồn này lại tan biến ngay. Ít lâu sau, ông Kỳ cho vời tôi vào nói rằng: "Nếu có phục vụ ở nước ngoài thì ông sẽ là đại sứ ở Hoa Thịnh Đốn chứ không phải Tokyo." Thường thì mỗi khi cần cử đại sứ sang bất kỳ quốc gia nào khác, chánh phủ Việt Nam cũng phải thông báo cho chánh phủ nước đó và đợi họ chấp thuận. Vì vậy, trước khi tôi có thể sang Hoa Kỳ, các thủ tục ngoại giao đã kéo dài trong nhiều tuần lễ. Tuy thế, chẳng bao lâu sau Lễ Giáng Sinh năm 1966, tôi và gia đình đã có mặt ở phi trường Tân Sơn Nhất để bắt đầu chặng bay đầu tiên của chuyến hành trình sang Hoa Kỳ.
Tuy mong được phục vụ ở Hoa Thịnh Đốn, tôi vẫn lo âu rằng không biết rằng mình có đủ khả năng để làm tròn nhiệm vụ hay không? Tôi hy vọng được nhậm chức thật âm thầm nhưng những hy vọng của tôi tan biến ngay khi đến Hoa Thịnh Đốn. Hành trình đến Hoa Thịnh Đốn của tôi được loan báo ầm ĩ trên hai tờ New York Times và Washington Post. Theo tờ Post thì tôi là một trong những "cố vấn quan trọng nhất" của Thủ Tướng Kỳ; trong khi đó, tờ Times viết rằng tôi đóng "một vai trò quan trọng trong việc thiết lập cả các chính sách về nội bộ cũng như về ngoại giao." Lúc này, bất kỳ vấn đề là gì, hễ có dính dáng đến Việt Nam đều là tin tức, vì vậy, việc tôi nhậm chức đã trở thành tin tức đáng kể. Hai mục báo đã khiến dư luận Hoa Kỳ chú ý đến tôi. Vị trí khác biệt bất ngờ đã khiến tôi cảm thấy vô cùng bỡ ngỡ vào lúc ban đầu.
Hai ngày sau khi tôi đến tòa Bạch Ốc để trình ủy nhiệm thư thì nghi lễ nhậm chức đại sứ bắt đầu. Nếu so sánh với những thủ tục lễ nghi của các nước khác, chẳng hạn như Anh Quốc thì thủ tục lễ nghi của Tòa Bạch Ốc tuy không có những chuyến xe ngựa kéo đi quanh những nơi lịch sử như Court of Saint James, nhưng lại có những nét uy nghi của một nền dân chủ. Bên ngoài là Thủy Quân Lục Chiến dàn hàng đứng chào, bên trong văn phòng tổng thống ngọn lửa ấm áp tỏa ra từ những chụm củi cây đối chọi dường như hoàn toàn với thời tiết lạnh lẽo và những khung cảnh tuyết trắng xóa phía ngoài. Lúc nhìn quanh căn phòng, bất chợt đầu óc tôi lóe lên ý nghĩ rằng có lẽ mình đã vượt một chặng đường dài lắm kể từ khi xếp hàng đứng đợi Thiếu Tá Patti và Tướng Gallagher ở Hà Nội hơn hai chục năm về trước.
Tổng thống Johnson chào đón tôi thật niềm nở. Lúc này tuy không phải là lúc để nói chuyện nhiều về các vấn đề quan trọng mà ông vẫn hỏi tôi về tình hình Việt Nam như thể vấn đề Việt Nam là vấn đề mà ông thường xuyên suy nghĩ. Sau vài phút nói chuyện ngắn ngủi, Tổng Thống Johnson giới thiệu tôi với những ký giả của Tòa Bạch Ốc. Họ là những người đã có đầy đủ những câu hỏi chuyên nghiệp soạn thảo kỹ lưỡng đang chờ tôi trả lời.
Mối giao thiệp giữa tôi và giới báo chí tiếp tục nảy nở và khoảng một tuần lễ rưỡi sau tôi được mời nói chuyện qua chương trình Gặp Gỡ với Giới Báo Chí (Meet The Press). Đây là một biến cố tôi chờ đợi chẳng khác nào một con cừu đang chờ đợi ngày lên đường vào lò sát sinh. Tuy ở Việt Nam, tôi đã có kinh nghiệm với những phóng viên ngoại quốc nhưng tình thế lúc đó lại khác hẳn. Lúc đó người nắm cương vị chủ chốt là tôi nhiều hơn là họ. Lần này, những phóng viên lừng danh trong giới báo chí như Lawrence Spivak, Max Frankel, Peter Lisagore, Carl Rowan, và Ron Nessen sẽ liên tục phỏng vấn tôi trong suốt nửa giờ. Trước khi phỏng vấn tôi thì một phóng viên có tiếng ôn hòa là phóng viên Spivak đã nói chuyện chi tiết với tôi để thử xem liệu trình độ Anh Ngữ của tôi có đủ vượt qua những thử thách của cuộc phỏng vấn hay không. Tuy thế, cho đến lúc câu chuyện của ông Spivak đã chấm dứt mà cả hai chúng tôi vẫn chẳng thể quyết định được rõ ràng. Chúng tôi bèn mời ông Đặng Đức Khôi đến tòa đại sứ đến để nếu cần thì sẽ có người thông dịch giúp.
Ông Đặng Đức Khôi là người đã sống ở Hoa Kỳ rất nhiều năm. Ông chẳng những đã thông thạo Anh Ngữ mà còn có nhiều nhận xét rất tinh tế về văn hóa Hoa Kỳ. Ông đã trình bày rõ ràng những điều căn bản khi gặp giới báo chí và nhấn mạnh những tâm trạng nghi ngờ, đối nghịch vốn dĩ là bản tính của đa số phóng viên Hoa Kỳ. Trong khi chúng tôi cùng nhau sửa soạn cho buổi phỏng vấn, ông Khôi đã đưa ra những câu hỏi hóc búa nhất -về tham nhũng, về việc các viên chức Việt Nam lúc nào cũng lạc quan quá mức, về tật hay tuyên bố mạnh dạn của ông Kỳ và về các cuộc thương thuyết hòa bình -Ông Khôi đã đưa ra gần như tất cả các câu hỏi có thể đưa ra.
Tôi trả lời bằng cách đi thẳng vào vấn đề. Chẳng hạn như tôi không thể nào chối cãi rằng không hề có tham nhũng ở Việt Nam. Vấn đề tham nhũng chẳng những đã đầy dẫy mà còn lộ liễu đến mức độ đáng xấu hổ. Nhưng tôi có thể giải thích tại sao tham nhũng lại hoành hành dữ dội như vậy và đưa ra những chính sách chống tham nhũng chính phủ hiện đang áp dụng. Khi đã chuẩn bị kỹ càng cho cuộc phỏng vấn, tôi cảm thấy an tâm hơn. Dầu sao tôi cũng đã trực tiếp đương đầu với vấn đề này gần ba năm trường và đã có đủ dữ kiện để trả lời gần như mọi câu hỏi.
Khi cuộc phỏng vấn chính thức diễn ra tôi đã có thể tự trả lời, không phải phiền đến ông Khôi. Tuy tôi chưa hề biết trước rằng những câu trả lời cho một cuộc phỏng vấn truyền hình lúc nào cũng phải ngắn, gọn, vốn liếng Anh Ngữ của tôi vẫn đủ cho phép tôi trả lời rất tường tận những câu hỏi được đưa ra. Phái đoàn phỏng vấn hỏi những câu hỏi thật sát với vấn đề, nhưng hễ cứ khi nào tôi đưa lời bổ túc các ý kiến đã phát biểu thì phóng viên Spivak lại ngắt lời để tiếp tục đưa ra những câu hỏi khác. Sau hai ba lần liên tục như vậy, tôi đã nhận ra rằng mình phải lao mình vào thử thách. Bất kể trên thực tế nội dung của các câu hỏi đưa ra phức tạp đến độ nào, phái đoàn phỏng vấn vẫn yêu cầu tôi trả lời thật ngắn và thật chi tiết.
Họ muốn biết rõ về các vấn đề chẳng hạn như liệu Sài Gòn có điều đình với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam hay không? Tôi trả lời rằng "Không" vì MTGP thật sự do Hà Nội cầm đầu, và rồi tôi nói thêm rằng bất kỳ lúc nào chúng tôi cũng vui lòng đàm phán với Bắc Việt. Những người phỏng vấn lại hỏi rằng MTGP cũng đang chiến đấu, tại sao Việt Nam lại chẳng thể điều đình với họ. Làm sao tôi có thể giải thích chỉ một đôi câu ngắn ngủi để họ có thể hiểu rõ được những kinh nghiệm bản thân tôi đã trải qua khi phải đối phó với những tổ chức Việt Minh vào thời kháng Pháp hoặc trình bày tường tận được rằng MTGP là một tổ chức mới được thiết lập vào năm 1960, trong lần họp hội nghị thứ ba của đảng ở Hà Nội, vào lúc đảng bắt đầu khẳng định rõ rệt chủ trương: Phải giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước bằng vũ lực? Trước những khoản thời gian gấp rút, eo hẹp đến gần như chớp mắt, làm sao tôi có thể diễn giải mạch lạc được mọi vấn đề như: MTGP là một tổ chức do Bắc Việt tổ chức ở Hà Nội và mãi đến năm 1959 tổ chức này mới xâm nhập vào Miền Nam Việt Nam. Kể từ năm 1964 toàn thể các sư đoàn Bắc Việt đều đã hoạt động toàn lực. COSVN, một tổ chức cầm đầu cách mạng ở MNVN chính là một chi nhánh do đảng Cộng Sản thiết lập và lãnh đạo. Cả Hoa Thịnh Đốn lẫn Sài Gòn đều biết rất rõ những vấn đề vừa kể. (Sau năm 1975, chính những thành viên của đảng Cộng Sản cũng đã xác nhận những sự kiện trên trong các tài liệu chiến tranh Việt Nam.) Nhưng làm sao tôi có thể thuyết phục được các phóng viên khi họ cứ nhất định khăng khăng cho rằng tất cả đều chỉ là những chuyện bịa đặt vô căn cứ?
Tuy phải đối phó với những câu hỏi hóc búa trong một thời gian cực kỳ ngắn ngủi, khi cuộc phỏng vấn kết thúc, tôi vẫn cảm thấy hài lòng. Tôi cũng rất ngạc nhiên vì bầu không khí căng thẳng của buổi phỏng vấn. Hiển nhiên sự thể cho thấy tôi vẫn còn phải học hỏi rất nhiều, nhất là về cung cách cẩn trọng của những phóng viên Hoa Kỳ khi thâu thập tin tức. Tuy thế, tôi đã vượt qua được mọi thử thách. Về sau, tôi còn được biết rằng tuy nghề nghiệp thường buộc giới báo chí phải đứng vào tư thế đối nghịch với chính quyền, rất nhiều ký giả là những người cởi mở và vô cùng đứng đắn.
Trong những tuẫn lễ đầu ở Hoa Thịnh Đốn, tôi đã bỏ ra rất nhiều thì giờ để gọi những cú điện thoại theo thủ tục của giới ngoại giao. Tôi cũng bắt đầu tiếp xúc với những nhân vật trong chánh phủ Hoa Kỳ, những dân biểu quốc hội và các Thượng Nghị Sĩ. Khoảng thời gian đầu, thời tiết Hoa Thịnh Đốn chuyển tuyết. Hương vị mùa đông đến với gia đình chúng tôi bằng những cụm tuyết trắng và những cơn gió lạnh trong một khung cảnh hoàn toàn trái ngược với bầu không khí nhiệt đới của Sài Gòn.
Nếu so sánh thời tiết và khung cảnh đời sống thì đời sống gia đình tôi ở Hoa Thịnh Đốn còn khác biệt với Sài Gòn xa hơn nữa. Tại Sài Gòn cuộc chiến là một phần của khung cảnh đời sống và vì vậy, tiềm thức của những người sống ở Việt Nam đã quen với vấn đề chiến cuộc. Chẳng những thế, ngay ở Sài Gòn, chiến cuộc lại còn có vẻ xa rời, gần như chỉ là một cái gì đó vẫn còn ở xa. Nhưng ở Hoa Thịnh Đốn là một nơi cách tầm nguy hiểm cả 10,000 dặm mà kỳ lạ thay, chiến cuộc lại gần như kề sát. Mỗi sáng khi tôi thức dậy thì tờ Times và tờ Post đã đăng tải những tin tức về chiến tranh Việt Nam thật chi tiết; Sau khi đọc qua những tin tức tường trình trên hai tờ báo, tôi dùng những khoản thời giờ còn lại trong ngày để đối phó với vấn đề chiến cuộc và rồi về đêm tôi lại theo dõi màn ảnh truyền hình để nghe thêm tin tức. Lúc này tôi chưa biết rằng mình đang mục kích chiến tranh Việt Nam qua một nhãn quan khác biệt: Chiến tranh Việt Nam qua màn ảnh Ti Vi. Lúc này tôi chưa hề thấy rõ những ấn tượng đang ăn vào tiềm thức những khán thính giả khi họ theo dõi cuộc chiến Việt Nam qua dư luận của giới báo chí và qua màn ảnh truyền hình. Dĩ nhiên tôi lại càng chưa thể nhận định được đây chính là một trong những phương diện khác biệt của chiến cuộc. Tôi lại càng chưa thể nhận định được rồi đây chính những hậu quả phát xuất từ những hình ảnh tôi đang mục kích sẽ dần dà ăn mòn sự kiên nhẫn của dân chúng Hoa Kỳ và trở thành nguyên nhân chính buộc Hoa Kỳ phải chấm dứt can thiệp.
Nhịp độ cuộc sống ở Hoa Thịnh Đốn cũng hoàn toàn khác biệt. Trước đây, khi còn ở Sài Gòn, vì là cố vấn đặc biệt của ông Kỳ nên tôi đã phải đương đầu với những cuộc khủng hoảng kéo dài tưởng chừng như chẳng bao giờ dứt. Gần như lúc nào cũng có hàng loạt các khó khăn luôn luôn chờ đợi tôi, chẳng những thế mà khó khăn cũng là một khủng hoảng đáng kể đòi hỏi phải được lập tức giải quyết. Mặc dù tôi quả có đối phó được với những vấn đề khó khăn ở Sài Gòn, nhưng tôi vẫn phải xoay sở thật khốn khổ. Trong khi đó thì ở Hoa Thịnh Đốn tôi thức dậy mỗi sáng, thong thả đọc thật kỹ tờ nhật báo, rồi mới bắt tay vào việc sửa soạn thời khóa biểu cho những cuộc họp mặt trong ngày. Thỉnh thoảng mới có một vài biến chuyển bất ngờ và chẳng có gì đáng gọi là khủng hoảng. Cuộc sống hàng ngày chỉ là một cuộc sống bình lặng trật tự chẳng khác nào những đợt tuyết thỉnh thoảng vẫn rơi âm thầm bên ngoài. Nếu so sánh đời sống êm ả ở Hoa Thịnh Đốn lúc này với cuộc sống của tôi trong những năm về trước ở Việt Nam, khi tôi phải làm việc liên tục dưới áp lực thường xuyên để đối phó với những khó khăn ở Sài Gòn thì đây quả là một sự thay đổi đáng kể.
Đối với tôi thì Hoa Thịnh Đốn quả thực là một thử thách lớn lao. Chỉ riêng một việc tìm hiểu quốc hội Hoa Kỳ cũng đã là một công việc vô cùng phức tạp và khó khăn. Hạ viện bao gồm 435 dân biểu. Thượng Viện bao gồm 100 Thượng Nghị Sĩ chưa kể đến hàng trăm những nhân viên phụ tá và hàng chục những ủy ban, tiểu ban. Chỉ nội việc tìm cách ghi rõ danh sách và tìm hiểu về các hoạt động của các dân biểu, Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ cũng chẳng khác nào phải tìm cách băng qua một khu rừng rậm chưa hề được khai phá.
Tôi được may mắn là có một số người bạn giúp đỡ giới thiệu với những người cần phải quen biết ở thủ đô Hoa Kỳ. Sau khi đến Hoa Thịnh Đốn được một thời gian ngắn thì tôi gặp Thượng Nghị Sĩ Everett Dirksen, lãnh tụ thiểu số của Thượng Viện. Có lẽ do mối hảo cảm đặc biệt nên chúng tôi vừa gặp nhau đã hợp nhau ngay. Ông Dirksen giải thích tỉ mỉ cho tôi những lề lối làm việc và sự quan trọng của từng nhân vật trong quốc hội. Một trong những vấn đề ông dặn tôi phải lưu ý là việc nên tìm gặp những nhân vật đứng đầu các ủy ban quan trọng, chẳng hạn như ủy ban ngoại giao và ủy ban quân sự. Chính ông đích thân dàn xếp những cuộc gặp gỡ lúc đầu cho tôi.
Tuy những cuộc gặp gỡ vào lúc ban đầu thật là hữu ích, lúc này tôi vẫn chưa hề biết rằng rồi đây nhiều cuộc gặp gỡ sẽ trở thành những mối giao hảo lâu bền và kéo dài đến cả khi tôi không còn phục vụ ở Hoa Thịnh Đốn nữa. Một cuộc gặp gỡ điển hình đã biến thành mối giao hảo lâu bền về sau là cuộc gặp gỡ giữa tôi và thượng nghị sĩ George Aiken của tiểu bang Vermont. Theo lời bà Aiken thì "Ông Thống Đốc" đã coi tôi như một người em luôn cần bao bọc. Chúng tôi hay cùng nhau nói chuyện, lúc thì trong văn phòng riêng của ông, khi thì ở tòa đại sứ mỗi lần ông bà đến dùng bữa tối với chúng tôi. Vào những dịp như vậy ông vẫn thường giúp cho tôi rất nhiều ý kiến.
Vì ông là bạn thân của Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield, lãnh tụ đa số của Thượng Viện, nên ông Aiken thường nói rõ cho tôi nghe những quan niệm của ông Mansfield. Ông cũng thường chuyển những ý nghĩ của tôi cho ông Mansfield và các thượng nghị sĩ khác trong cả hai đảng dân chủ và Cộng Hòa. Ông Aiken là một người dân vùng New England chất phác, đứng đắn và rất dí dỏm.
Những ý kiến của Thượng Nghị Sĩ Aiken lúc nào cũng sát với thực tế. Ông nhắc nhở tôi rất nhiều về việc phải sửa soạn trước, phải biết rõ quan niệm và khuynh hướng của các dân biểu hay thượng nghị sĩ trước khi đến gặp họ. Ông cho rằng tôi không nên bỏ thời giờ nói chuyện với những người đã có định kiến về cuộc chiến Việt Nam. Ông Aiken cũng khuyên tôi không nên quá lạc quan trong vấn đề nhận diện ai là bạn và phải luôn luôn cố gắng giữ vững những mối giao hảo đã gầy dựng được.
Có lẽ đối với những nhân vật trong chính giới ở Hoa Thịnh Đốn thì tất cả những điều này chỉ là những nhận xét tối thiểu, nhưng đối với một người chưa hề tiếp xúc với đời sống truyền thống dân chủ như tôi thì đây lại là những điều thật mới lạ. Tôi không khỏi vài phần sững sờ khi nhận chân ra rằng mình đang tiếp xúc trực tiếp với một xã hội sống động trong một bầu không khí và lề lối dân chủ. Đây là một xã hội vừa linh hoạt, vĩ đại, lại vừa phức tạp bội phần. Tất cả những dân biểu đều là đại biểu của những địa phương đã bầu cho họ. Mỗi dân biểu đều có những khó khăn riêng. Phần nhiều thái độ của họ đối với vấn đề Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào các vấn đề khó khăn của những địa phương mà họ đại diện. Họ chỉ suy nghĩ về chiến cuộc Việt Nam một cách gián tiếp và những câu hỏi chính của họ thường là: Cuộc chiến Việt Nam có ảnh hưởng gì đến dân chúng trong những tiểu bang mà họ đại diện hay chăng? Đây là một điều rất lạ đối với tôi. Tôi thường nghĩ rằng vấn đề Việt Nam phải là vấn đề chính của nhiều dân biểu nhưng vào năm 1967 thì những nhận định của tôi không đúng hẳn.
Một khám phá khác không kém phần ly kỳ là tuy trong số những người tôi tiếp xúc có rất nhiều người đứng ở những cương vị cao mà vẫn không hề có tầm hiểu biết bao quát như tôi đã lầm tưởng. Trong các cuộc họp với những dân biểu Hoa Kỳ, đã nhiều lần tôi chú tâm sửa soạn chờ nghe những lời nghị luận sâu sắc của họ nhưng rồi lại phải giật thót người vì những ý kiến được đưa ra chẳng những đã thật ngờ nghệch mà còn phản ảnh rõ rệt sự thiếu hiểu biết của những người phát biểu. Tệ hơn nữa là những người phát biểu lại trình bày sự ngờ ngệch của họ thật công khai và không hề có ý dấu diếm. Đã không biết bao nhiêu lần tôi phải sững người vì những câu hỏi vượt ngoài sức tưởng tượng. Có lẽ nếu đứng trên một phương diện nào đó thì việc các dân biểu, thượng nghị sĩ chỉ biết rõ về những tiểu bang họ đại diện và mù tịt về vấn đề quốc tế chỉ là một chuyện tự nhiên. Nhưng việc phải tiếp xúc với những dân biểu chỉ quan tâm tới những vấn đề địa phương lúc nào cũng làm tôi khó chịu. Tôi phải cố gắng sửa đổi quan niệm để chấp nhận rằng trong số những người đang bỏ phiếu định đoạt số phận Việt Nam lại có cả những kẻ chưa hề biết rằng Việt Nam đã có lần là thuộc địa Pháp. Đối với tôi thì vấn đề cần sửa đổi để thích ứng với những thực tế loại này là những bài học vô cùng khó khăn.
Tôi cũng không thể hiểu được những dân biểu chống chiến tranh một cách triệt để như các Thượng Nghị Sĩ McGovern, Fullbright và Church. Mặc dù ông Aiken đã nhiều lần có ý giới thiệu tôi với họ, tôi vẫn không hề có ý muốn gặp họ bao giờ. Không phải tôi ngần ngại về việc phải đối phó với những ý kiến của họ mà vì tôi cảm thấy cung cách của họ thật là cao ngạo và thiếu lịch sự. Đã có vài dân biểu chống đối chiến tranh nhưng họ vẫn là những người thành thật và đứng đắn. Chẳng hạn như Thượng Nghị Sĩ Mansfield. Tuy là người phản đối chiến tranh, ông cũng là người hiểu biết lý luận cũng như còn tỏ vẻ quan tâm đến những vấn đề phức tạp của chiến cuộc và ông cũng nhận định rõ ràng rằng quyết định chấm dứt chiến tranh sẽ là một quyết định quan trọng có liên quan đến vấn đề định đoạt số mệnh của hàng chục triệu gia đình Việt Nam.
Đã đành rằng trong khi bàn luận về vấn đề liệu có nên giúp đỡ Việt Nam hay không thì những người như Thượng Nghị Sĩ McGovern và Fullbright có quyền trình bày quan điểm riêng, nhưng thái độ và những luận điệu lăng mạ của họ đối với giới lãnh đạo Việt Nam thật hoàn toàn bất công. Thượng Nghị Sĩ McGovern đã gọi ông Thiệu là "viên tướng tham nhũng" và phát biểu rằng ông Kỳ không xứng đáng lãnh "dù chỉ là một xu nhỏ viện trợ của Hoa Kỳ." Tuy chính tôi cũng có những dè dặt riêng đối với ông Thiệu và ông Kỳ, nhưng thật sự thì Thượng Nghị Sĩ McGovern biết gì về những cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Miền Nam Việt Nam? Từ chiếc ghế Thượng Viện, liệu ông đánh giá đúng được bao nhiêu nỗ lực của Miền Nam Việt Nam? Phải chăng ông ta không hiểu rõ được rằng nếu còn có được một cơ hội cho Miền Nam Việt Nam thì cơ hội đó phải đến từ những cố gắng để củng cố cho những mầm mống dân chủ mong manh đang bắt đầu được phát triển? Phải chăng ông ta không hiểu rõ được rằng từ bỏ Miền Nam Việt Nam có nghĩa là chối bỏ giá trị của tất cả những điều mà ông đang quyết tâm bảo vệ?
Nhưng thay vì được nghe những cuộc bàn cãi tranh luận thâm thúy, những điều tôi thấy hoàn toàn chỉ là những ngôn từ dễ dãi hời hợt của những nhà lãnh tụ khi họ đồng hóa chiến cuộc Việt Nam với trường hợp giúp đỡ hay ủng hộ tướng này hay tướng nọ. Đây là một hành động tự kiêu, tự đại và đồng thời cũng là một hành động lăng mạ, sỉ nhục Việt Nam. Đã nhiều lần tôi lên tiếng cùng giới báo chí khi lời lăng mạ của họ có phần quá đáng và có lần tôi đã yêu cầu họ phải xin lỗi công khai trước dư luận. Mối liên hệ duy nhất giữa tôi và những nhóm phản chiến cực đoan chỉ có thế.
Cùng lúc tôi bắt đầu làm quen với quốc hội thì tôi cố gắng thiết lập những mối liên lạc với chánh quyền. Một trong những nhà chức trách mà tôi thường xuyên gặp gỡ vào lúc này là ông William Bundy, phụ tá Ngoại Trưởng đặc trách Viễn Đông và Thái Bình Dương Sự Vụ. Chúng tôi biết nhau vì đã cùng làm việc ở nhiều hội nghị Việt Mỹ trước đây. Ông Bundy nguyên là một trong những người thuộc nhóm thân cận của tổng thống Johnson, vì vậy ông được biết hầu hết những chánh sách quan trọng trong chính phủ Hoa Kỳ. Chẳng bao lâu sau ông trở thành nguồn dây liên lạc chính giữa tôi và chánh quyền Hoa Thịnh Đốn. Hơn nữa, ông còn là người cùng làm việc với tôi hàng ngày. Khi đã trở thành thân thiết với ông Bundy, tôi cảm thấy có thể trình bày thành thật với ông những quan niệm của Việt Nam. Tuy là người có tiếng văn hoa, nhưng ông Bundy vẫn thường trực tiếp trình bày quan niệm của Hoa Kỳ một cách thực tế chứ không câu nệ những thể thức ngoại giao rườm rà thường làm lu mờ đi ý chính của các vấn đề bàn luận.
Mối liên hệ giữa tôi và Ngoại Trưởng Dean Rusk thì có vẻ hình thức hơn, tuy vậy nhưng mỗi khi cần, tôi vẫn thường được dịp thẳng thắn trao đổi ý kiến với ông. Ngoại Trưởng Rusk vốn là người kiên cường và tự tin. Ông cho rằng Hoa Kỳ phải tiếp tục cương vị của một đồng minh lúc nào cũng giữ vững lập trường và lời hứa. Ông Rusk quan niệm Việt Nam là một cuộc thử thách đầu tiên với những chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Con người ông Rusk lúc nào cũng hết sức nghiêm trang và mang một vẻ cương quyết khó thể lay chuyển. Ông là hiện thân của Hoa Kỳ trong những cương quyết âm thầm, luôn luôn đi sát với các chủ định ngoại giao. Ấn tượng ban đầu của tôi về ông còn trở nên rõ rệt hơn khi tôi thấy ông ở riêng trong một thế giới biệt lập của chính mình. Phòng làm việc của ông ở tầng lầu thứ 7 của Bộ Ngoại Giao được trang trí thật đơn giản và toát ra một vẻ nghiêm trang đến gần như ngột ngạt.
Hai người bạn thân khác tôi quen ở tòa Bạch Ốc là ông Bill Jorden, phụ tá của cố vấn an ninh quốc gia Walt Rostow và ông Robert Komer, phụ tá đặc biệt của tổng thống về vấn đề kinh tế ở MNVN. Qua hai nhân vật này, tôi có thể cảm thấy gần như trực tiếp áp lực mà vị tổng thống Hoa Kỳ phải chịu đựng khi ông cố dung hòa các chánh sách để thỏa mãn cả những nhu cầu của đồng minh lẫn những đòi hỏi của các vấn đề khó khăn trong nước, nhất là khi những dư luận phản đối ông đang ào ạt ngày càng gắt gao. Tôi thường nói chuyện với các nhân viên Hoa Kỳ trong những buổi ăn trưa ở sứ quán Việt Nam. Bầu không khí thảnh thơi ở sứ quán thường cho phép chúng tôi trò chuyện thoải mái và lâu dài hơn. Khung cảnh dễ chịu và thức ăn ngon, khác hẳn vối không khí căng thẳng của những buổi họp thường khiến chúng tôi bàn luận thật lòng hơn và nhờ vậy tôi có thể hiểu được rành mạch những suy tư của chánh phủ Hoa Thịnh Đốn.
Cả hai ông Komer và Jorden đều là những nhân vật khác thường. Ông Komer khổ người cao và gầy. Trong số tất cả những người tôi đã gặp thì ông có lẽ là người hiếu động nhất. Ông cho rằng bất kỳ bài toán khó nào cũng đều có một đáp số thỏa đáng. Nếu đáp số chưa được đích xác hoàn toàn thì chẳng qua chỉ là vì nỗ lực giải đáp chưa được đặt đúng mức. Lập luận của ông đã khiến ông được mệnh danh là "Một bố đuốc đang cháy." Khi trình bày những quan tâm của tòa Bạch Ốc trong việc nhận định những vấn đề phức tạp nhiều mặt của chiến cuộc Việt Nam ông Komer suy diễn vừa mạnh mẽ lại vừa lưu loát. Dĩ nhiên những quan tâm của Tòa Bạch Ốc luôn được tôi gửi thẳng về Sài Gòn bằng điện tín.
So với ông Komer thì ông Jorden lại là một loại người khác hẳn. Ông là người trầm lặng, khiêm tốn và gần như dè dặt. Tuy thế, khi trình bày những hiểu biết về cái nhìn của Hoa Thịnh Đốn thì ông vô cùng tinh tế. Vì xuất thân từ ngành báo chí, ông Jorden đã hiểu cặn kẽ những khó khăn của MNVN. Ông giúp tôi trình bày những khó khăn của Sài Gòn cho phù hợp với những nỗi quan tâm của tòa Bạch Ốc. Đây là một sự giúp đỡ lớn lao khi tôi phải nỗ lực chuyển về Sài Gòn những đề nghị của tôi. Nhìn từ một phương diện nào đó thì ông đã làm cho quan niệm của hai quốc gia gần lại với nhau. Tôi không hề ngạc nhiên khi ông Jorden đã điều đình thành công vụ vịnh eo biển Panama (The Panama Canal) lúc sau này.
Qua ông Jorden tôi gặp ông Walt Rostow lần đầu ở văn phòng cố vấn an ninh quốc gia. Lúc này văn phòng cố vấn an ninh quốc gia vẫn còn nằm ở tầng lầu dưới của tòa Bạch Ốc. Ông Rostow chào tôi với một nụ cười thật tươi như thể đang đón chào một người bạn đồng nghiệp cùng làm nghề giáo sư đang ghé chơi và bàn luận những đề tài học đường. Thật ra những cuộc bàn luận với ông Rostow luôn luôn có vẻ là những cuộc bàn luận có tính cách học giả hơn là những cuộc bàn luận ngoại giao. Quan niệm của ông về những phát triển kinh tế và chính trị đối với những nước còn đang phát triển trùng hợp rất nhiều với những quan niệm của tôi. Tuy rằng trong những quan niệm của ông thỉnh thoảng cũng có một vài điểm có vẻ không thích hợp với trường hợp đặc biệt của chiến cuộc Việt Nam, nhưng ông quả là một người hiểu biết uyên bác hiếm có về thế giới Cộng Sản.
Những người chỉ trích ông Rostow cho rằng ông là một trong những nhân vật diều hâu, luôn luôn sẵn sàng ủng hộ những biện pháp mạnh. Chẳng hạn như ông đã cho rằng Hoa Kỳ nên đổ bộ vào Bắc Việt. Riêng về vấn đề can thiệp vào Việt Nam thì ông đã cho rằng Hoa Kỳ cần can thiệp để -để ủng hộ các quốc gia nhược tiểu vừa mới thoát ách thực dân kiến thiết chính trị và kinh tế. Đối với tôi thì lý luận của ông Rostow dĩ nhiên khác những lý luận của chính quyền Hoa Kỳ lúc đó. Hoa Kỳ lúc đó cho rằng họ cần can thiệp để có thể giữ vững thế quân bằng chính trị toàn cầu và ngăn chận sự xâm lược của Cộng Sản.
Vào cuối tháng 2 năm 1967, giữa lúc tôi đang cố gắng tạo dựng những ngọn dây liên lạc ở Hoa Thịnh Đốn thì Sài Gòn có lệnh triệu hồi tôi về để tham khảo ý kiến. Căn cứ vào những mối liên lạc gần gũi giữa tôi cùng chánh quyền Sài Gòn và tầm mức quan trọng của "yếu tố Hoa Kỳ" đối với những biến cố của Việt Nam thì việc họ triệu hồi tôi về cũng chẳng có gì là lạ cả: Quốc Hội Lập Hiến đã soạn xong bản dự thảo hiến pháp. Giờ đây đã đến lúc Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia phải quyết định chấp nhận hoặc phế bỏ bản dự thảo hiến pháp. Nói rõ hơn thì chánh phủ quân nhân lúc này phải tự buông bỏ chánh quyền hoặc chối bỏ tất cả những lời hứa ở hội nghị Honolulu lúc trước. Cùng một lúc với những tin ở Sài Gòn về việc Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia phải có quyết định về bản dự thảo hiến pháp thì cũng có tin là lại sẽ có một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Việt nữa sắp sửa được triệu tập.
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 01-16
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 22-34
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm (The End)
.
Bác sĩ Quát có lẽ là người có thể đảm đương được trách nhiệm khi Nguyễn Khánh bị trục xuất. Nhưng dù ông có khả năng mấy chăng nữa thì tình hình lúc đó cũng hết sức khó khăn và khả năng của ông chưa chắc đã làm thay đổi được tình hình.
Dĩ nhiên chính bác sĩ Quát không hề cảm thấy điều này. Ông là một chính trị gia hết sức tự tin. Trong suốt những năm dài dằng dặc, kể cả những năm bị gạt ra khỏi chính trường, bác sĩ Quát vẫn không hề thối chí trong việc cố gắng tranh đấu để có thể phục vụ ở một cương vị nào đó trong chính quyền. Lúc này, cơ hội đã đến ông nhất định không chịu bỏ lỡ. Hơn nữa, ông tin rằng ông có thể củng cố chính phủ và tạo được cho đất nước một sự ổn định cần thiết cho việc kiến tạo dân chủ và độc lập. Bác sĩ Quát nhận định rằng: Vấn đề chính là tìm cách giải quyết hết những khó khăn quân sự, nhất là vấn đề của các tướng trẻ. Ông cho rằng ông có thể khắc phục được họ.
Nhưng lần này những khó khăn đang chờ đợi bác sĩ Quát thật là khủng khiếp. Nếu vấn đề bắt đầu làm lại từ đầu là việc dễ dàng vào năm 1954 và năm 1963 thì vào năm 1965 các biến cố đã thay đổi hoàn toàn khung cảnh chính trị của đất nước. Cơ hội dung hòa những khác biệt giữa các đoàn thể tôn giáo và chính trị bằng một chánh sách đoàn kết trước đây đã hoàn toàn mất hẳn. Đất nước lúc này đang chìm đắm trong tình trạng chia rẽ và xáo trộn. Những tư lệnh cao cấp của quân đội, nguyên là những nhân viên nhận lệnh trực tiếp từ chánh phủ, giờ đây đã xem chánh trường như một vùng chiến địa đòi hỏi những nỗ lực đấu tranh chẳng khác nào những đấu tranh ngoài chiến trường. Lúc này, những tướng tá đã tự chia bè, kết phái chống đối lẫn nhau. Dù họ đồng lòng khinh miệt những nhân viên dân sự, chính bản thân các tướng tá cũng nghi kỵ lẫn nhau. Mặt khác, chính những nhân viên dân sự cũng khinh miệt các tướng tá và các nhân viên quân đội. Công giáo nghi ngờ phật giáo. Phật giáo nghi ngờ công giáo. Những người Miền Nam không còn tin tưởng những người miền Bắc đang chung sống với họ. Có lẽ tệ hơn cả là trong khoảng một năm rưỡi kể từ khi ông Diệm bị lật đổ thì ý kiến thiết lập một chánh phủ đoàn kết các tầng lớp quốc gia đã bị bôi nhọ hoàn tòan.
Bác sĩ Quát bắt tay vào việc giữa bầu không khí chính trị phức tạp của năm 1965 trong một môi trường không hề có lấy một điểm sáng nào để có thể hy vọng thành công. Tuy ông là một nhà chính trị có nhiều kinh nghiệm, bác sĩ Quát vẫn không có uy quyền gì thiết thực để làm hậu thuẫn. Về điểm này, trường hợp của ông cũng giống như trường hợp của những phần tử quốc gia khác. Tất cả đều phải gánh chịu những hậu quả tai hại của một thập niên độc tài ở Việt Nam. Trong suốt thời gian ông Diệm cầm quyền, chưa có bất kỳ nhân vật quốc gia nào có được cơ hội cho phép họ đóng góp hoặc cổ động dân chúng ủng hộ cho các chương trình của họ. Thực ra, vì cố tránh việc các đảng viên quốc gia có thể vận động ủng hộ, ông Diệm đã ra lệnh cấm nhóm họp đảng phái. Còn các tướng lãnh thì dĩ nhiên chẳng bao giờ lại có mảy may suy nghĩ về những vấn đề dân chủ như vậy. Kết quả là mặc dù đã nỗ lực nhưng vì không có uy quyền thiết thực để hành động nên bác sĩ Quát vẫn không giải quyết được khó khăn. Ảnh hưởng thực sự của ông chỉ hoàn toàn nằm trong phạm vi kinh nghiệm và một số người ủng hộ ông.
Trong số những người ủng hộ ông, tôi là người đã từng làm việc với ông lâu nhất. Vì mối liên hệ chặt chẽ từ lâu giữa hai chúng tôi, tôi sẵn lòng đóng góp mọi đề nghị và ý kiến riêng của tôi với bác sĩ Quát. Nhưng vào ngày 14 tháng 2, khi bác sĩ Quát ngỏ lời mời tôi cộng tác với ông trong chính phủ mà ông đang thành lập, tôi đã cảm thấy vô cùng ngần ngại. Tôi đã thấy rõ những yếu đuối thực thụ của chánh quyền ông Quát, nhưng tôi lại bị lương tâm thúc đẩy và cho rằng mình nên nỗ lực hết sức bất kể thành đạt hay không.
Biết rõ những ý nghĩ của tôi về những sự khó khăn và phức tạp của tình hình lúc đó, bác sĩ Quát cố thuyết phục tôi. Ông Quát nói rằng ông đã có nhiều kinh nghiệm về việc giải quyết các vấn đề khó khăn trong quân đội vì ông đã hai lần làm Bộ Trưởng Quốc Phòng. Khi giải quyết xong các khó khăn trong quân đội, ông sẽ đứng ra đương đầu với những khó khăn đang xâu xé các đoàn thể tôn giáo và các đoàn thể chính trị. Hơn nữa, chúng tôi còn có thể soạn thảo một bản hiến pháp phản ảnh những lý tưởng mà chúng tôi đã từng ôm ấp, hoài bão từ lâu.
Tuy rằng lý luận của bác sĩ Quát vô cùng hấp dẫn, những linh tính của tôi lại hoàn toàn khác hẳn. Mặc dầu vậy, khi ông Quát đã đi đến mức tận cùng, tôi biết mình chẳng còn đường chọn lựa. Ông Quát than rằng: "Vào giờ phút này mà anh còn bỏ tôi à?" Hết phương lựa chọn, tôi đành chấp nhận cộng tác với chánh phủ của bác sĩ Quát. Chiếu theo chức vụ lúc này thì tôi là Bộ Trưởng tại Phủ Thủ Tướng trong chánh phủ ông Quát.
Chính quyết định tham gia chánh phủ của tôi lúc này đã khiến hàng loạt biến cố dồn dập đẩy tôi bước vào một thập niên sôi động nhất trong đời tôi. Đây là một giai đoạn mà tôi phải tiếp xúc với những nhân vật trong cả chánh trường Việt Nam lẫn chánh trường quốc tế. Đây cũng là giai đoạn tôi có dịp mục kích vấn đề bè phái ở Việt Nam, cũng như vấn đề bè phái trong những đoàn thể Hoa Kỳ phục vụ ở Việt Nam. Lúc tôi nhậm chức thì chánh phủ của bác sĩ Quát đã vô cùng bấp bênh, không chút hy vọng có thể thành công hoặc trường tồn lâu dài. Cùng những đồng nghiệp khác tôi chia xẻ một cảm giác quyết tâm "cắn răng" làm hết sức mình. Lúc này, tôi chưa hề đoán trước được rằng rồi đây tôi sẽ có dịp mục kích những biến cố lịch sử to tát và bi thảm của Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi chưa hề biết rằng tôi sẽ có dịp mục kích tấn thảm kịch Việt Nam-Hoa Kỳ, và mục kích gần như trọn vẹn từ buổi đầu, từ lúc hy vọng còn manh nha, cho đến tận những màn bi kịch rụng rời lúc cuối. Khi nhậm chức tôi cũng chưa biết trước được rằng quyết định mấu chốt nhất, quyết định đáng được đặt vấn đề nhất đã được đưa ra ở Hoa Thịnh Đốn rồi. Tôi lại càng không biết trước rằng sau này, vì tôi là mối dây liên lạc giữa bác sĩ Quát với người Hoa Kỳ, nên chính tôi lại được mời vào để chánh thức hóa những quyết định đã được Hoa Thịnh Đốn đưa ra từ trước.
Đối với Hoa Kỳ thì vấn đề can thiệp vào Việt Nam có thể được xem là biến cố quan trọng nhất của họ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Đối với Việt Nam thì đây quả là một trong những biến cố quan trọng nhất cho toàn thể Việt Nam. Tuy vấn đề Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam quan trọng, lớn lao là thế mà chính sách đó lại được thực thi trong một khung cảnh thật hỗn loạn và vào giữa lúc cả hai chánh phủ gần như hoàn toàn không hiểu nhau. Khoảng thời gian giữa tháng 12 năm 1964 và tháng 6 năm 1965 là một giai đoạn của những quyết định phức tạp và khó hiểu. Trong giai đoạn này, cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều quyết định thỏa thuận những chính sách gần như mâu thuẫn hẳn với những mục tiêu về lợi ích quốc gia và uy tín cho cả hai. Về phía Hoa Kỳ, tuy đã có những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến tranh Đại Hàn, Hoa Kỳ vẫn quyết định lao mình vào chiến tranh lục địa ở Á Châu. Về phía Việt Nam, mặc dù việc đổ quân vào Miền Nam hoàn toàn đi ngược những suy xét của các nhà lãnh đạo Việt Nam, và mặc dù mới chỉ thoát ách 100 năm đô hộ của người ngoại quốc, mà Việt Nam vẫn chấp nhận để một quốc gia ngoại quốc đổ quân trấn đóng ngay trên lãnh thổ. Tại sao những quyết định mâu thuẫn như vậy lại có thể xảy ra?
Đây là một câu hỏi phức tạp có thể được trả lời bằng nhiều cách giải thích hợp lý khác nhau. Một trong những lời giải thích minh bạch nhất từ phía Hoa Kỳ là những tài liệu chưa in của ông William Bundy. Ông Bundy nguyên là Phụ Tá Ngoại Trưởng Đặc Trách Đông Nam Á và Thái Bình Dương Sự Vụ và cũng chính là người đã tham dự vào tất cả những cuộc thảo luận đã dẫn đến những quyết định can thiệp của Hoa Kỳ vào cuối năm 1964 ở cả Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lẫn tòa Bạch Ốc. Hơn nữa, ông đã tham dự phần lớn các cuộc thảo luận được tổ chức trong giai đoạn Hoa Kỳ sắp đưa ra quyết định can thiệp. Về phía Việt Nam, kể từ khi những cuộc tấn công không lực vừa mới bắt đầu, nhân vật chính là bác sĩ Quát và tôi. Ông Quát không hề để lại bất cứ tài liệu nào nói về các biến cố can thiệp (Bác sĩ Quát chết trong nhà tù thành phố Hồ Chí Minh năm 1981.) Vào thời gian này tôi đang giữ chức bộ trưởng tại phủ thủ tướng và cũng là mối dây liên lạc chánh phủ của bác sĩ Quát với tòa đại sứ Hoa Kỳ. Những tài liệu chánh thức dùng giải thích những sự kiện sau đây phần nhiều trích ra từ những tài liệu của ông Bundy và tài liệu của riêng tôi tích trữ từ các giấy tờ điện tín, nhật ký, chú thích... cũng như từ những tài liệu riêng do chính tôi thu thập. Những tài liệu khác cũng phần nhiều được trích từ những tài liệu đã được xuất bản như Hồ Sơ Ngũ Giác Đài (Pentagon Papers), tài liệu của Gareth Porter, hồi ký của tổng thống Lyndon Johnson, của đại sứ Maxwell Taylor và Phó đại sứ Alexis Johnson và của các nhân vật khác của Hoa Kỳ. Thêm vào đó, tôi đã phỏng vấn hầu hết những người Hoa Kỳ tham gia cũng như những người Việt Nam đã ở vào những cương vị hiểu biết trong quá khứ.
Những diễn biến lịch sử dẫn đến việc Hoa Kỳ quyết định can thiệp tường thuật dưới đây phản ảnh suy tư của cả những người có trách nhiệm trong chánh phủ Hoa Kỳ lẫn những nhân viên trong chánh phủ Việt Nam. Khung cảnh toàn cuộc được dựng lại bằng nhiều nguồn tin khác biệt từ nhiều khía cạnh. Khi tổng kết những khung cảnh so le và nhìn rõ được sự thiển cận của các chính sách can thiệp, chẳng hạn như thái độ quá tự tin của Hoa Kỳ, như tình trạng hiểu lầm giữa hai chánh phủ Hoa Kỳ và Việt Nam, hoặc tình cảnh bất lực của chánh phủ Việt Nam, khung cảnh có lẽ khó thể khiến người quan sát tránh khỏi sững sờ. Nếu đem so sánh tầm mức quan trọng của quyết định can thiệp và cách thức Hoa Kỳ can thiệp thì khung cảnh quả là một tấn thảm kịch hãi hùng. Biến cố đánh dấu sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam bắt đầu khi các cố vấn Hoa Kỳ được gửi sang để giúp đỡ quân đội mới thành hình của ông Diệm vào năm 1954. Giữa năm 1961 và năm 1964, số lượng nhân viên của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã nhảy vọt từ 900 lên đến 23,000. Nhưng mặc dầu sự giúp đỡ có phần đáng kể, các huấn luyện viên và các cố vấn Hoa Kỳ chỉ đóng một vai trò giảng dạy nhỏ hẹp trong các hoạt động quân sự của Miền Nam. Vì Hoa Kỳ chỉ đóng vai cố vấn nên bất kỳ lúc nào con số nhân viên của Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng có thể tăng hoặc giảm. Sự hiện diện của các nhân viên Hoa Kỳ chỉ đáp ứng đơn thuần những đòi hỏi "cố vấn và giúp đỡ," hoàn toàn khác hẳn với những can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ về sau.
Nếu không kể những cuộc oanh tạc trả đủa của Hoa Kỳ đối với Hà Nội sau biến cố vịnh Bắc Việt thì hành động can thiệp trực tiếp bằng quân sự của Hoa Kỳ ở Việt Nam bắt đầu vào tháng 2 năm 1965. Nếu chỉ nói riêng về các kế hoạch quân sự của Hoa Kỳ thì ngay cả từ trước năm 1964 Hoa Kỳ đã có sẵn những kế hoạch để đối phó với trường hợp leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Tuy thế, những kế hoạch của Hoa Kỳ lại chỉ là những kế hoạch soạn sẵn để đề phòng những trường hợp bất trắc khẩn cấp chứ không phải là những kế hoạch được soạn thảo để áp dụng ngay trong thực tế nếu chiến cuộc kéo dài. Trong khi Hoa Kỳ vẫn chưa có lập trường rõ rệt về vấn đề liệu có nên can thiệp bằng quân sự hay không thì Bắc Việt lại gia tăng những cuộc khủng bố ở Miền Nam Việt Nam nhằm thẳng vào các nhân viên và quân đội của Hoa Kỳ. Trong một cuộc khủng bố ở khách sạn Brink trong Lễ Giáng Sinh năm 1964, Việt Cộng đã đặt chất nổ khiến hai nhân viên của Hoa Kỳ bị thiệt mạng và 58 nhân viên khác bị thương. Rồi vào tháng 2, năm 1965 Việt Cộng lại đặt chất nổ ở một trại lính Hoa Kỳ là trại Holloway khiến 8 binh sĩ Hoa Kỳ bị thiệt mạng và 100 binh sĩ khác bị thương. Cuộc khủng bố xảy ra ngay giữa lúc cố vấn an ninh của Hoa Kỳ là ông McGeorge Bundy đang ở Việt Nam quan sát tình hình. Để trả đủa lại những sự khiêu khích trắng trợn của Việt Cộng, Hoa Kỳ bắt đầu phát động chiến dịch oanh tạc Rolling Thunder . Chiến dịch này chánh thức mở màn sự can thiệp bằng quân sự của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Lúc bác sĩ Quát bước vào nhậm chức thì chiến dịch Rolling Thunder đang trên đà phát động. Máy bay của Hoa Kỳ đang dội bom vào những mục tiêu của Bắc Việt ở những đường mòn Hồ Chí Minh chạy dọc theo biên giới Lào và Cam Bốt từ Bắc vào Nam.
Hoa Kỳ bắt đầu phát động chiến dịch oanh tạc Rolling Thunder vào khoảng tháng 12-1965, khi chánh quyền Nguyễn Khánh đang đi vào giai đoạn khủng hoảng cuối cùng. Mục tiêu chính của chiến dịch oanh tạc là cắt đứt những đường giao thông của cộng sản và tiêu diệt những căn cứ Bắc Việt đã thiết lập khi chuyển quân vào Miền Nam Việt Nam. Vào lúc này, vẫn chưa ai có thể tiên đoán được rằng chiến dịch oanh tạc chính thật là bước đầu tiên của một kế hoạch đang biến dần thành kế hoạch can thiệp quân sự lớn lao của Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Riêng về phương diện ngoại giao thì những nhân viên ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã thảo luận vấn đề dùng không lực của Hoa Kỳ để đối phó với Bắc Việt từ trước cả khi có biến cố vịnh Bắc Việt. Khi cân nhắc những ưu và khuyết điểm của kế hoạch can thiệp bằng không lực, những người trong nhóm soạn thảo chính sách của Hoa Kỳ vẫn phân vân chẳng hiểu họ có nên can thiệp hay không? Sở dĩ nhóm soạn thảo chính sách của Hoa Kỳ phân vân là vì họ vẫn chưa cân nhắc được ảnh hưởng của những yếu tố phức tạp khác trên trường chính trị quốc tế.
Nếu đứng trên phương diện chiến lược mà luận thì Việt Nam quả thật là một sự thử thách của chính sách ngăn chận thế lực cộng sản và bảo vệ tự do dân chủ ở tất cả các quốc gia trong khối đồng minh trên thế giới (containment policy). Dĩ nhiên, khi Việt Nam không thể chống chọi được với Bắc Việt mà Hoa Kỳ vẫn muốn chính sách containment thành công thì họ phải can thiệp bằng quân sự ở Việt Nam. Mặt khác, Hoa Kỳ vẫn sợ rằng sự can thiệp của họ có thể bị Nga và Tàu cho rằng họ có ý muốn khiêu khích các thế lực cộng sản. Nói rõ hơn thì họ sợ rằng sự can thiệp của họ ở Việt Nam có thể khiến cuộc chiến Việt Nam bành trướng thành một cuộc thế chiến.
Vì đã thấy rõ những yếu tố phức tạp của sự can thiệp nên Hoa Kỳ muốn giảm thiểu sự can thiệp của họ đến mức tối đa. Có lẽ họ cho rằng giải pháp vẹn toàn nhất là giúp chánh phủ Việt Nam cải thiện và củng cố quân đội Việt Nam để Miền Nam Việt Nam có thể tự đối phó với Bắc Việt thì họ có thể vẫn áp dụng được chính sách containment mà không cần phải can thiệp bằng quân sự. Chính vì thế nên lúc nào Hoa Kỳ cũng muốn tình hình chánh phủ của Việt Nam ổn định để họ có thể áp dụng được giải pháp can thiệp nửa vời như một giải pháp vẹn toàn.
Mặc dầu trong năm 1964, nhóm soạn thảo kế hoạch do ông Bundy đứng đầu có đề ra nhiều giải pháp khác nhau, cho tới hạ tuần tháng 11 năm 1964 vẫn chưa hề có giải pháp nào đáng được gọi là quyết định. Lúc đó, đại sứ Taylor Maxwell vừa từ Sài Gòn trở về Hoa Thịnh Đốn. Ông đã trở lại để thuyết trình cho nhóm soạn thảo kế hoạch làm việc dưới quyền ông Bundy. Lúc này nhóm soạn thảo đang làm việc trong giai đoạn cuối và những giải pháp của họ sắp được đệ trình lên tổng thống.
Vì đại sứ Taylor vừa mới từ Sài Gòn trở về và nhóm soạn thảo kế hoạch lại đang ở vào giao đoạn chót, tình hình đã khiến đại sứ Taylor đứng vào cương vị chủ chốt và tại thời điểm này, quan niệm của ông thật vô cùng quan trọng. Vào ngày 27 tháng 11, bản báo cáo của ông vừa thành thật lại vừa vô cùng bi quan. Đại sứ Taylor viết rằng tình trạng xáo trộn ở Việt Nam có thể được coi như một "chứng bệnh kinh niên" của chánh phủ. Ông cho rằng đây là một "yếu điểm trầm trọng." "Nếu chánh phủ Việt Nam không đủ khả năng để tiếp tay với những nỗ lực của Hoa Kỳ thì những nỗ lực tiếp trợ của Hoa Kỳ chẳng qua chỉ là những nỗ lực vô ích, chẳng khác nào những nguồn năng lực có thể khiến một chiếc bánh xe quay tròn, nhưng lại không thể truyền đi được sức mạnh của những vòng quay." Đại sứ Taylor cho rằng "Nếu muốn thúc đẩy tình hình biến chuyển thì phải thiết lập ngay một chánh phủ vững chãi ở Việt Nam."
Khi Ngoại Trưởng Dean Rusk trực tiếp hỏi phải theo phương pháp cụ thể nào để chánh phủ Việt Nam có thể hoạt động khả quan hơn thì đại sứ Taylor trả lời rằng giới lãnh đạo Việt Nam phải được loan báo những "tin tức thiết thực," họ cần phải biết rõ giải pháp của Hoa Kỳ cùng với những dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng "nói chuyện nghiêm chỉnh về vấn đề thực sự đương đầu với Miền Bắc." (Ông nhấn mạnh điều này.) Đại sứ Taylor cho rằng những tin tức thiết thực có thể khích lệ chánh phủ Việt Nam điều hành hữu hiệu hơn. Giữa lúc đại sứ Taylor đang trình bày ý kiến thì Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara lại nêu câu hỏi: Nếu ngay cả khi những tin tức cần thiết đã được loan báo rồi mà chánh quyền Sài Gòn vẫn không thay đổi thì liệu Hoa Kỳ có đủ lập luận để oanh tạc miền Bắc hay không? Rồi chính ông McNamara đã trả lời rằng Hoa Kỳ sẽ có đủ lập luận để oanh tạc. Đại sứ Taylor cũng đồng ý với ông McNamara và cho rằng khi tình thế đã tuyệt vọng thì những hành động mạnh mẽ có thể sẽ khiến Việt Nam đoàn kết lại với nhau.
Khi rút tỉa từ những ý kiến phát biểu trong cuộc trao đổi giữa hai ông McNamara và ông Taylor, ông William Bundy đã diễn tả những hành động mạnh mẽ kêu gọi Việt Nam đoàn kết có thể ví như một hiện tượng "chạm điện." Theo ông Taylor thì "ý kiến về nỗ lực cuối cùng -chữa trị bằng phương pháp 'giật dây,' tương tự như phương pháp giật dây một động cơ cho nổ máy có thể là một giải pháp thích nghi."
Bốn ngày sau, vào ngày 1 tháng 12, Tổng Thống Lyndon Johnson chánh thức chấp nhận đề nghị của nhóm soạn thảo chính sách. Chủ trương của chính sách mới đòi hỏi Hoa Kỳ phải gia tăng áp lực với Bắc Việt. Nếu cần, cách gia tăng áp lực sẽ bao gồm cả việc tấn công bằng không lực vào những căn cứ quân sự quan trọng của Bắc Việt. Nhưng theo ý tổng thống Johnson thì trước tiên đại sứ Taylor nên cố gắng dùng hết sức tạo sự đoàn kết giữa những người quốc gia Việt Nam. Tổng thống Johnson nhắn nhủ đại sứ Taylor: "Nếu muốn thực thi chánh sách oanh tạc không lực thì ông phải tìm cách nối kết toàn thể các lãnh tụ chánh trị hiện thời." Đây là những lời nhắn nhủ đại sứ Taylor vẫn ghi nhớ khi trở về Sài Gòn, nhưng chỉ một tháng sau ông đã gửi một bức điện tín rất dài về Hoa Thịnh Đốn, báo cáo rằng những cố gắng của ông đã hoàn toàn thất bại. Đại sứ Taylor quay lại Việt Nam để thực thi chỉ định của tổng thống Johnson vào giữa lúc chánh quyền tướng Khánh đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Lúc này các tướng trẻ đang nổi loạn và vụ bắt cóc các nhân viên Thượng Hội Đồng vừa xảy ra. Tuy đã cố hết sức hàn gắn và hô hào đoàn kết, những nỗ lực của đại sứ Taylor vẫn hoàn toàn vô hiệu. Việt Nam chẳng hề có bất kỳ ý niệm nào về việc cần phải đoàn kết cả. Trái lại, thái độ mạnh ai nấy sống lộ rõ ở khắp các nẻo đường Sài Gòn. Đại sứ Taylor cho rằng Việt Nam có thái độ này vì họ đã có một cảm giác chung rằng đất nước đã đến hồi bỉ vận và Hoa Kỳ có lẽ cũng chỉ đến khoanh tay đứng nhìn mà thôi. Ông Bundy còn nhớ đại sứ Taylor đã phát biểu: "Kể cả những thang thuốc mạnh nhất cũng không đủ hiệu lực. Giờ đây chẳng còn cách nào khác hơn là phải giải phẫu con bệnh." Những suy luận của đại sứ Taylor đã khiến ông Bundy nhận định: "Nếu theo chủ kiến của đại sứ Taylor thì cả vấn đề củng cố tinh thần lẫn vấn đề củng cố những hoạt động chính trị của Việt Nam đều lệ thuộc rất nhiều vào việc thực thi những chương trình oanh tạc không lực."
Vào ngày 1, tháng 12-1964, ngoài những yếu tố vừa kể, những yếu tố khác còn lại có ảnh hưởng đến việc tổng thống Johnson chấp thuận quyết định thực thi chương trình oanh tạc là: Vấn đề cần phải trả đủa những cuộc tấn công của Việt Cộng và thể hiện sự quyết tâm của Hoa Kỳ, nhất là vấn đề cần phải gia tăng áp lực để buộc Bắc Việt phải thu nhỏ tầm hoạt động. Tài liệu cho thấy quyết định oanh tạc cũng lệ thuộc rất nhiều vào lập luận "hà hơi tiếp sức" của đại sứ Taylor vào cuối tháng 11, khi ông đưa ý kiến lần đầu và rồi sau đó vẫn tiếp tục giữ vững quan điểm trong những buổi thuyết trình tương tự kế tiếp vào đầu tháng giêng. Tất cả những buổi thuyết trình đều nhấn mạnh vào vấn đề cần phải có một động cơ cấp thiết thúc đẩy những người Việt Nam đoàn kết lại với nhau.
Điều cuối cùng đáng chú ý trong lập luận của đại sứ Taylor về việc đề nghị chương trình oanh tạc Bắc Việt là: Tuy ủng hộ chính sách tấn công bằng không lực, đại sứ Taylor đã chấp thuận một phần cũng là vì đây còn là một phương sách giữ cho Hoa Kỳ khỏi phải đi sâu vào những vấn đề quân sự phức tạp. Phó Đại Sứ Alexis Johnson đã phát biểu: "Thật ra, vì là những người làm việc ở tòa đại sứ, chúng tôi còn mong mỏi một điều khác. Chúng tôi hy vọng rằng chiến dịch oanh tạc Rolling Thunder sẽ xoa dịu những yêu cầu, đòi hỏi các lực lượng bộ binh Hoa Kỳ phải trực tiếp can thiệp." Họ nghĩ rằng chương trình oanh tạc sẽ khiến những người hiếu chiến giảm bớt áp lực đòi hỏi Hoa Kỳ phải đổ quân. Vào tháng 2, cả đại sứ Taylor lẫn các phụ tá của ông đều bị áp lực về vấn đề phải đổ quân Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Tuy thế, những suy nghĩ cẩn trọng của Hoa Kỳ lại chẳng hề đi đôi với bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Việt Nam. Vì nằm trong trạng huống của một chánh phủ đầy những rối ren trong nội bộ, ông Nguyễn Khánh làm gì còn có thời giờ suy nghĩ về biến chuyển của những chương trình oanh tạc. Ông Khánh không hề ở vào cương vị có thể đồng ý hoặc chối từ -Ở vào thời điểm này, ông Khánh gần như không còn nói chuyện được với đại sứ Taylor. Hơn nữa, các tướng lãnh lại suy nghĩ ngược hẳn với ý kiến của đại sứ Taylor. Họ không hề thấy việc đâu lưng đoàn kết là cần thiết. Thật ra, vào những ngày tàn tạ của chánh quyền Nguyễn Khánh, các tướng lãnh chia rẽ chẳng phải do những nguyên nhân xuất phát từ thái độ mạnh ai nấy sống như đại sứ Taylor đã xét đoán mà là do những mâu thuẫn và xung khắc phát xuất từ những đố kỵ và tham vọng cá nhân. Đối với các nhóm quân nhân đang chú tâm vào việc tranh quyền thì chương trình oanh tạc chỉ là một chuyện tự nhiên Hoa Kỳ phải làm và chẳng ai cần thắc mắc cả. Do đó, nỗ lực tiếp sức mạnh mẽ của Hoa Kỳ vào lúc này là một việc làm đơn phương, không thể nào có thể gọi là quyết định hỗn hợp của cả hai chánh phủ Hoa Kỳ và Việt Nam.
Tuy quyết định oanh tạc ảnh hưởng đến vấn đề can thiệp trầm trọng là thế mà khi bắt đầu nắm quyền vào ngày 18 tháng 2-1965, chánh phủ Việt Nam vẫn chẳng duyệt lại tình hình. Tôi tin chắc rằng ông Khánh cũng chẳng quan tâm gì đến việc báo cáo với bác sĩ Quát về những kế hoạch của Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ một cuộc đàm thoại ngắn ngủi trong tuần đầu lúc tôi bắt đầu làm việc, khi bác sĩ Quát lưu ý rằng đại sứ Taylor sẽ ghé qua tường trình với chúng tôi về những chương trình oanh tạc. Sau đó, cứ hai tuần một lần, đại sứ Maxwell Taylor và ông Alexis Johnson lại đến phủ thủ tướng mang theo một xấp bản đồ để chỉ cho chúng tôi những mục tiêu đang bị oanh tạc. Vai trò hoạt động quân sự đơn phương của Hoa Kỳ được coi là chuyện tự nhiên cho đến nỗi chính phủ Việt Nam không thèm đưa cả vấn đề vào chương trình nghị sự ở mỗi kỳ họp hàng tuần. Vấn đề can thiệp chẳng những đã không nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ Việt Nam mà cũng chẳng hề được nhắc nhở gì đến trong bất kỳ chương trình nghị sự hỗn hợp Mỹ-Việt nào của tôi và cố vấn tòa đại sứ Melvin Manfull. Lúc này, tôi và ông Melvin Manfull là hai nhân viên cùng nhận lãnh trách nhiệm soạn thảo các chương trình nghị sự cho bác sĩ Quát, đại sứ Taylor và các phụ tá chính của họ.
Quyết định về việc xử dụng không lực Hoa Kỳ trên lãnh thổ Việt Nam (khác với quyết định oanh tạc) cũng được tiến hành rập khuôn như trường hợp trước, không hề có sự thỏa thuận hoặc thảo luận đặc biệt nào trước với chánh phủ Việt Nam. Thực thi một chính sách có ảnh hưởng hệ trọng đến toàn thể dân chúng mà lại không cần đếm xỉa gì đến vấn đề thương thảo, nhận định chung của cả hai chánh phủ thật là một việc ngoài mức tưởng tượng. Tuy thế, áp lực của tình hình đã khiến những người lãnh đạo của cả hai quốc gia cùng đồng ý rằng: Thực ra, vấn đề vẫn chưa nghiêm trọng đến mức cần phải thảo luận với chính phủ Sài Gòn chứ đừng nói tới việc phải liệu xem mức độ cần thiết thực sự đã đến độ nào! Một bên thì các nhà chức trách quân sự Hoa Kỳ, dưới áp lực của tình hình chiến sự, có lẽ đã nghĩ rằng vấn đề không quan trọng và chưa cần phải thảo luận với chánh phủ Việt Nam. Và một bên thì còn đang lặn ngụp, trăn trở với những vấn đề cấp bách, không có đủ thời giờ mà nghĩ quá xa đến những vấn đề phức tạp. Lúc này, chánh phủ Việt Nam đang xoay sở khốn đốn vì thiếu thốn phương tiện chỉnh đốn lại các hỗn loạn di lại từ trước. Tư thế lặn hụp, trăn trở, cố ngoi đầu lên khỏi mặt nước đã khiến Việt Nam phải để các tổ chức quân sự tự đương đầu với chiến cuộc trong mọi vấn đề.
Dù rằng việc quyết định dùng các lực lượng không quân Hoa Kỳ đã là một vấn đề đáng lưu tâm, việc đổ bộ của Hải Quân Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 3-1965 lại còn đáng chú tâm hơn. Đối với Hoa Kỳ thì quyết định đổ bộ hải quân là một quyết định đánh dấu giai đoạn khởi đầu nhập cuộc chiến tranh lục địa Á Châu. Đối với dân chúng Việt Nam thì vấn đề đổ bộ cho thấy quân đội ngoại quốc lại chiếm đóng ở Việt Nam thêm một lần nữa. Vào thời gian này, mối liên hệ giữa tôi và bác sĩ Quát đã vượt xa quan hệ đơn thuần giữa cấp trên và cấp dưới. Mười lăm năm tình nghĩa đã biến chúng tôi thành thân thiết gần như "anh em." Chúng tôi vẫn thường bàn luận với nhau về những vấn đề khúc mắc, khó xử. Riêng về vấn đề hiện diện của quân đội ngoại quốc ở Việt Nam thì chúng tôi cùng đồng quan điểm đã từ lâu. Bất kể tầm mức cần thiết về vấn đề quân sự có quan trọng tới mức nào, cả hai chúng tôi đều dứt khoát cho rằng để quân đội ngoại quốc nhập cuộc là tự chuốc lấy một vấn đề khó khăn vô tả. Vào năm 1953, chúng tôi đã từng ở vào một tình trạng hết sức khó xử khi tham gia vào chánh quyền của ông Bảo Đại. Chính kinh nghiệm của những việc khó xử đó đã khiến chúng tôi phải ngần ngại. Chúng tôi sợ rằng rồi đây những người không ở trong tình trạng của chúng tôi sẽ lại rơi vào bộ máy tuyên truyền của cộng sản để kết án chúng tôi là bù nhìn. Nếu bị kết án bù nhìn chẳng những cá nhân chúng tôi phải chịu đựng chỉ trích mà cả chính nghĩa của Miền Nam Việt Nam cũng vì thế mà bị suy tổn. Chúng tôi cho rằng chỉ có thể để Hoa Kỳ can thiệp bằng quân sự nếu quả thật đã đến đường cùng và chẳng còn biện pháp nào khác hơn.
Vào tháng 3 năm 1965, tuy trong bụng lo lắng nhưng tôi vẫn nghĩ rằng Hoa Kỳ có lẽ sẽ chánh thức yêu cầu chánh phủ Việt Nam thỏa thuận cho họ đổ quân vào Việt Nam. Lúc này, có thể việc Hoa Kỳ yêu cầu đổ quân là một việc hợp lý vì họ có thể xin chánh phủ Việt Nam chánh thức cho phép họ bảo vệ các căn cứ của Hoa Kỳ đã được thiết lập ở phía bắc bờ biển Đà Nẵng. Tuy đã biết trước vấn đề yêu cầu, nhưng thời khóa biểu chất chồng đã khiến tôi chẳng thể dành hết mọi thì giờ mà nghĩ tới chuyện này. Tôi chỉ tự nhủ thầm rằng sẽ có lúc tôi tìm cách đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của các buổi họp hỗn hợp hàng tuần giữa đại sứ Taylor và bác sĩ Quát. Như tôi đã trình bày khi trước, phần lớn các chương trình nghị sự đều do tôi và ông Manfull soạn thảo.
Nhưng biến cố đã đi ra ngoài sự tiên liệu của tôi. Rạng ngày mùng 8 tháng 3, tôi bỗng nhận được điện thoại của bác sĩ Quát mời đến nhà ông lập tức vì có việc cần. Khi tôi đến nơi thì ông Melvin Manfull đã có mặt. Nhà ngoại giao Hoa Kỳ trông có vẻ bình thản nhưng bác sĩ Quát thì có vẻ căng thẳng trông thấy. Chưa mời tôi ngồi, bác sĩ Quát đã nói rằng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã đổ bộ vào Đà Nẵng. Tình hình đòi hỏi tôi và ông Manfull phải viết một bản báo cáo hỗn hợp để xác nhận là chánh phủ Việt Nam đồng ý cho phép Thủy Quân Lục Chiến của Hoa Kỳ đổ bộ vào Việt Nam. Bác sĩ Quát nhắn tôi: "Biên càng ngắn càng tốt. Chỉ mô tả sự kiện rồi khẳng định rằng chúng ta đã đồng ý mà thôi."
Vì tôi đã đoán trước việc tướng Westmoreland sẽ yêu cầu đổ quân, nên những tin tức mới nhất này không hề làm tôi ngạc nhiên, nhưng khung cảnh bất ngờ và thiếu chuẩn bị đã làm tôi bực mình. Tôi nắm tay bác sĩ Quát, dẫn ông vào phòng kế cận, hỏi: "Có việc gì đặc biệt xảy ra mà chúng ta chưa biết không? Tại sao họ lại hành động bất ngờ như vậy?"
Bác sĩ Quát cố giữ bình tĩnh, nhưng giọng ông vẫn thật căng thẳng: "Anh ơi, họ đang đổ bộ vào bờ biển. Họ đã lên bờ rồi. Anh hãy thảo ngay bản thông cáo rồi chúng ta sẽ bàn luận chuyện này sau!"
Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, tôi và ông Manfull đã soạn thảo xong bản thông cáo hỗn hợp thông báo việc hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã đổ bộ "với sự thỏa thuận của chánh phủ Việt Nam." Khi nhà ngoại giao Hoa Kỳ vừa đi khỏi, tôi lại trở lại ngay vấn đề và hỏi bác sĩ Quát. Ông Quát cho biết nhiều ngày trước đây, ông và đại sứ Taylor có "trao đổi ý kiến" về vấn đề cần phải gia tăng việc phòng thủ Việt Nam. Trong cuộc trao đổi ý kiến sơ khởi, đại sứ Taylor có đề cập đến vấn đề Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ. Theo lời bác sĩ Quát thì đây chỉ mới là vấn đề trao đổi ý kiến tổng quát. Ông cũng cho biết rằng lúc thảo luận ông đã đưa ý kiến rằng ông rất ngần ngại nếu người Mỹ phải trực tiếp can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc thảo luận tuy bác sĩ Quát chưa yêu cầu Hoa Kỳ đổ quân nhưng ông cũng chưa tỏ ý chống đối. Bác sĩ Quát cho biết đại sứ Taylor đã "đồng ý với phần lớn các quan điểm của ông."
Khi tôi hỏi tại sao chúng tôi lại phải đương đầu với một biến chuyển đột xuất như vừa rồi thì bác sĩ Quát trả lời rằng: "Tôi nghĩ chính đại sứ Taylor cũng phải ngạc nhiên. Khi sáng ông ta có viện lẽ rằng đây chẳng qua chỉ là một vấn đề do tình hình ở các căn cứ không lực bắt buộc vào lúc này."
Hôm sau, các tờ báo Sài Gòn đã đăng tải những hình ảnh khác hẳn những biến động bất ngờ đã đến với chúng tôi ngày hôm trước. Hình ảnh các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ được các thiếu nữ mặc áo dài mang vòng hoa đón tiếp nồng nhiệt được đăng ngay trong những trang đầu. Theo các hình ảnh đăng tải thì đây có vẻ là một cuộc đón tiếp chánh thức và trọng thể. Mấy ai biết rõ sự thật ẩn sau những vòng tay chào đón rộng mở và những khuôn mặt hớn hở tươi vui? Theo tài liệu của ông Bundy, và hồi ký của các ông Alexis Johnson, Taylor và Westmoreland thì chính bản thân đại sứ Taylor cũng "vô cùng ngần ngại" khi đồng ý việc đổ quân. Vào ngày 22 tháng 2-1965, ông Taylor cũng đã trình bày quan điểm "dè dặt" của ông Quát với bộ ngoại giao. Ông Bundy viết rằng: "Đại sứ Taylor dứt khoát khước từ vấn đề Hoa Kỳ đổ quân. Ông chống đối tất cả mọi cuộc đổ quân bất kể quân số và chỉ đồng ý có thể để một lực lượng an ninh [dùng vào việc phòng thủ các căn cứ Không Lực ở Đà Nẵng.]"
Theo lời tường thuật của ông Bundy thì đại sứ Taylor đã suy luận rất minh bạch về những bất lợi gây ra khi quân đội Hoa Kỳ nhập cuộc. Tuy nhiên, vào ngày 24 tháng 2, chỉ 2 ngày sau, tướng Westmoreland đã gửi riêng một đề nghị về Hoa Thịnh Đốn đòi hỏi 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến phải đổ bộ cấp tốc vào Đà Nẵng để bảo vệ các căn cứ không lực. Tướng Westmoreland cũng nhắn thêm rằng đại sứ Taylor đã đồng ý với ông về việc này.
Đề nghị của tướng Westmoreland được chuyển đến Bộ Tổng Tham Mưu rồi Bộ Tổng Tham Mưu lại nhân cơ hội yêu cầu một lữ đoàn viễn chinh gần 5000 binh sĩ bao gồm cả pháo binh và chiến đấu cơ yểm trợ. Theo lời Phó đại sứ Johnson thì khi nghe tin cả đại sứ Taylor cùng ông đều "kinh ngạc." Kế hoạch đổ quân của Bộ Tổng Tham Mưu lần này vượt xa tầm mức quân sự cần thiết và là điều họ chưa hề tưởng đến bao giờ. Họ nhất định bác bỏ đề nghị đổ quân. Đêm đó, một giải pháp dung hòa được thông qua. Trong giải pháp này, cả Phó đại sứ Johnson lẫn đại sứ Taylor đều đồng ý cho phép 3500 Thủy Quân Lục Chiến được đổ bộ vào Việt Nam. Họ quyết định thật "lưỡng lự" và chỉ thỏa thuận với điều kiện đây là con số tối đa. Hơn nữa, họ còn nhấn mạnh khi những đội quân Việt Nam đã đủ sức thay thế thì những đội quân Hoa Kỳ phải rút lui ngay. Vào ngày 26 tháng 2 Bộ Quốc Phòng chuyển lời đề nghị lên tổng thống trong một bữa ăn trưa. Trong bữa ăn trưa, tổng thống Johnson đã đồng ý chấp thuận lời yêu cầu. Theo ông Bundy thì vào lúc này chánh phủ Hoa Kỳ chưa hề tham khảo ý kiến Bộ Ngoại Giao.
Diễn biến cho thấy ngay trong nội bộ Hoa Kỳ đã có một hố ngăn cách lớn lao. Những cơ quan quân sự không hề ngần ngại khi cần hành động ngược lại với quan niệm của các cơ quan dân sự hoặc tự ý liên lạc với tổng thống. Việc đổ bộ hiển nhiên là việc đại sứ Taylor không hề hay biết. Các nhân viên tham mưu chẳng thèm đoái hoài gì đến việc thông báo trước với ông. Khi việc đổ quân xảy ra bất ngờ, đại sứ Taylor vô cùng phẫn nộ. Cuộc cãi vã giữa ông và tướng Westmoreland găng cho đến mức ông đã nhắc nhở tướng Westmoreland về vấn đề ai giữ chức vụ quan trọng hơn ai. Đại sứ Taylor còn phẫn khích hơn khi khám phá được rằng lúc đổ quân, những đội quân Thủy Quân Lục Chiến đã mang theo cả xe tăng, đại pháo lưu động và nhiều khí cụ nặng khác mà nếu đem dùng vào việc "phòng thủ căn cứ" thì quả là một điều hoàn toàn vô lý.
Có lẽ đại sứ Taylor đã cảm thấy mình bị qua mặt. Ông đã bác bỏ giải pháp quân sự, rồi lại gượng gạo đồng ý cho phép một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến phòng vệ đóng ở Đà Nẵng vào lúc đầu. Sau đó lại cho phép một tiểu đoàn thứ hai đổ vào để bảo vệ tiểu đoàn thứ nhất. Chỉ mới thoáng một cái mà quân số hai tiểu đoàn đã lên đến 3500. Chẳng những thế, cả đại sứ Taylor lẫn Phó đại sứ Alexis Johnson đều cho là mình hãy còn may mắn đã giới hạn được con số quân nhỏ như vậy. Chỉ vẻn vẹn hai ngày sau, tin tức về việc đổ quân lại lan ra khiến cho các đồng nghiệp của đại sứ Taylor ở Bộ Ngoại Giao không tài nào có đủ thời giờ hoặc cơ hội xem xét lại những đề nghị của các viên chức tham mưu quân sự. Để kết thúc quá trình, các tham mưu trưởng đã không báo trước với ông về việc đổ bộ. Hơn nữa, khi các đội binh thủy quân lục chiến đổ bộ, họ đã ào ạt ùa vào chẳng khác nào cuộc đổ bộ vào bãi biển Iwo Jima hồi Đệ Nhị Thế Chiến thay vì chỉ đổ bộ một cách kín đáo như đại sứ Taylor đã nghĩ.
Theo các tài liệu thì dù rằng ở giai đoạn nào, đại sứ Taylor cũng rất ngần ngại khi phải để Hoa Kỳ đổ quân chánh thức tham dự chiến cuộc. Tuy vậy, ý kiến của ông đã bị Hoa Thịnh Đốn bác bỏ và cuối cùng, vì không còn đường chọn lựa, đại sứ Taylor đành phải miễn cưỡng đi theo. Việc đại sứ Taylor đột ngột thay đổi quan niệm chính là vì ý kiến của ông đã bị bác bỏ. Và cũng vì vậy mà ông đã phải yêu cầu bác sĩ Quát chấp thuận quyết định của Hoa Kỳ, trong khi trên thực tế thì quyết định đã được chấp hành trước cả lúc ông bắt đầu ngỏ lời yêu cầu. Hậu quả tai hại của những biến cố bất ngờ ngày càng lộ rõ. Vấn đề liệu bác sĩ Quát có thể trì hoãn hoặc bác bỏ được cuộc đổ quân hay không lại là một vấn đề khác. Bản thân bác sĩ Quát cũng là người mới nắm quyền và quyền lực của ông còn phụ thuộc rất nhiều vào quân đội. Thực sự thì tuy bác sĩ Quát chưa chính thức bác bỏ việc đổ quân mà đã bị đặt vào một tình trạng của sự đã rồi. Đại sứ Taylor đã trình bày thành thực rằng quân Hoa Kỳ sẽ chỉ đóng một vai trò phòng vệ hạn hẹp. Hơn nữa, vấn đề đóng quân chẳng qua chỉ là một vấn đề tạm thời. Bác sĩ Quát đã đồng ý thỏa thuận việc đổ quân. -Ít ra cũng là đồng ý thỏa thuận vào giai đoạn này. Có lẽ bác sĩ Quát nên hành động khác, nhưng nhìn lại tình hình lúc đó, tôi không thể tự dối mình mà bảo rằng nếu bác sĩ Quát có hỏi thì tôi đã cho ý kiến khác. Trong tình cảnh chánh phủ mới lúc đó vừa nắm quyền và hãy còn mơ hồ, hẳn nhiên việc chúng tôi có thể chống đối khi Hoa Kỳ tự ý hành động đã hẳn là một việc không hề thực tế.
Tuy nhiên một khi quyết định can thiệp đã được thực thi thì những diễn biến tuần tự kế tiếp chỉ là những bước cố định nằm trong một tiến trình bắt buộc. Vấn đề can thiệp quân sự và can thiệp chính trị thật chẳng khác nào việc thụ thai. Vấn đề có "thụ thai nửa chừng" chỉ là một vấn đề lệch lạc và ảo tưởng. Chỉ mới hai tuần sau khi 3500 Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ vào Đà Nẵng thì Tư Lệnh quân đội Harold K. Johnson đã gửi lời yêu cầu tổng thống Johnson xin phép cho thêm ba sư đoàn bao gồm hai sư đoàn Hoa Kỳ và một sư đoàn Đại Hàn đổ vào Việt Nam để tăng viện. Đại sứ Taylor lại bác bỏ. Khi trót thỏa thuận việc cho phép Thủy Quân Lục Chiến Đổ Bộ, đại sứ Taylor đã bị viễn ảnh can thiệp lớn rộng của Hoa Kỳ ám ảnh dằn vặt và phải chịu đựng rất nhiều đau khổ. Tuy tôi không rõ đích thực bác sĩ Quát cùng ông Taylor bàn luận ra sao nhưng bác sĩ Quát đã nhiều lần cho biết rằng ông và đại sứ Taylor cùng đồng quan điểm về vấn đề phải giới hạn vai trò của Thủy Quân Lục Chiến ở Đà Nẵng.
Đại sứ Taylor đã trả lời những yêu cầu của tướng Harold Johnson bằng cách đánh điện tín về Tòa Bạch Ốc rằng ông nhất định không đi xa hơn con số Thủy Quân đang đóng ở Đà Nẵng. Vào tháng ba, khi được triệu hồi về Hoa Thịnh Đốn, ông vẫn khăng khăng, một mực quyết định giữ vững lập trường. Hiển nhiên là lúc này đại sứ Taylor đanh tranh luận kịch liệt cùng tướng Westmoreland và các nhân viên tham mưu quân sự về vấn đề đổ quân bành trướng các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Tuy thế, đại sứ Taylor không phải là người duy nhất ra mặt chống đối. Gần như tất cả những nhân viên dân sự ở Hoa Thịnh Đốn cũng đều chống đối như ông.
Vào ngày 1, tháng 4, trong một cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia, tổng thống Johnson đã cho cả hai bên, các cố vấn quân sự cũng như các cố vấn dân sự một phần những điều họ đòi hỏi. Thay vì 2 sư đoàn như những sĩ quan tham mưu đã yêu cầu, tổng thống chỉ thỏa thuận cho phép hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến được đổ bộ vào Việt Nam mà thôi. Theo ông Bundy thì việc giới hạn quân số là do đại sứ Taylor cùng nhiều nhân viên dân sự khác đã hết lòng can gián. Tuy thế, để đổi lại vấn đề cắt giảm quân số, những đội quân Hoa Kỳ đóng ở Đà Nẵng lại được phép nới rộng hoạt động thay vì chỉ được phép "phòng vệ căn cứ" như đã đề ra lúc đầu. Lúc này các đội quân được phép đóng một vai trò "chủ động hơn" trong cuộc chiến. Hơn nữa, những đội thủy quân lục chiến mới sẽ được hai mươi ngàn nhân viên binh nhu và quân cụ đi theo yểm trợ. Đây tuy là giải pháp dung hòa nhưng đại sứ Taylor vẫn giữ được thế thượng phong. Ít nhất ông cũng đã trì hoãn được phần nào các cuộc đổ quân khổng lồ của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Trong tất cả các quyết định kể trên, quyết định quan trọng nhất là quyết định cho phép các đội quân Thủy Quân Lục Chiến nới rộng và bành trướng phạm vi hoạt động. Quyết định này đã khiến quan niệm "phòng vệ căn cứ," nguyên là yếu tố chính của cuộc đổ quân lúc đầu chuyển thành "chiến lược bao bọc," một chiến thuật cho phép các đội quân Thủy Quân Lục Chiến được phép chiến đấu trong phạm vi 80 cây số quanh căn cứ. Hơn nữa, khi tình hình khẩn cấp, các đội quân của Hoa Kỳ còn có thể chiến đấu nếu có lời yêu cầu của chính phủ Việt Nam. Đây là lần đầu tiên các lực lượng Hoa Kỳ được phép đóng một vai trò chủ động trên chiến trường Việt Nam.
Vào thượng tuần tháng 4, đại sứ Taylor trở lại Sài Gòn để yêu cầu bác sĩ Quát "cùng thỏa thuận" với quyết định của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ về việc gia tăng các đội quân tiếp tế và tăng cường trách nhiệm của các đội quân Hoa Kỳ. Đầu tiên bác sĩ Quát chưa hiểu rõ được tình hình. Lúc này chúng tôi hoàn toàn mù tịt về việc Hoa Kỳ sắp mang thêm 20,000 quân yểm trợ và sắp bành trướng cả quân số lẫn nhiệm vụ của các đội quân Hoa Kỳ. -Chỉ mới hai tuần lễ trước, chúng tôi đã ngạc nhiên về việc hai tiểu đoàn Hoa Kỳ đổ bộ và đã biết rất rõ đại sứ Taylor không hề hưởng ứng vấn đề đổ quân, thế mà giờ đây chính ông lại đưa ra những chính sách hoàn toàn đi ngược lại với những quan niệm khi trước.
Đại sứ Taylor là người già giặn kinh nghiệm ngoại giao, nhưng dĩ nhiên ông vẫn không cho chúng tôi biết những mâu thuẫn đã đưa đến giải pháp dung hòa của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ. Hơn nữa, chính chúng tôi cũng chẳng biết đây là giải pháp dung hòa. Tất nhiên đại sứ Taylor khó thể tiết lộ rằng: "Thật ra, chúng tôi cũng bối rối như các ông về việc lo liệu cho tình hình được khả quan hơn. Chúng tôi cũng chẳng biết nên làm gì và cũng đang bàn cãi sôi nổi. Đây có lẽ là giải pháp hoàn hảo nhất của chúng tôi tuy rằng riêng tôi vẫn không ủng hộ giải pháp này." Vì vừa mù tịt về những quá trình dẫn đến kế hoạch của Hoa Kỳ, lại vừa chẳng biết gì về những dự định, toan tính thực tiễn của giải pháp cuối cùng nên chúng tôi khó thể lượng định đúng mức hoặc hợp lý được giá trị của những kế hoạch do Hoa Kỳ đưa ra.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn nghĩ rằng có lẽ Hoa Kỳ đang hành động theo một kế hoạch khéo léo kiện toàn nào đó mà họ không muốn thố lộ. Chúng tôi đã chẳng biết rõ chi tiết việc Hoa Kỳ lượng định tình hình ra sao mà cũng chẳng rõ những nhóm cố vấn đã xét đoán tầm mức cần thiết của chúng tôi là thế nào mặc dù hơn ai hết chúng tôi biết rất rõ những nhu cầu của chính mình. Điều chúng tôi cần nhất là ổn định tình hình chính trị nội bộ để có thể có cơ hội đóng góp vào những cố gắng chiến tranh. Đây là điều kiện tiên quyết căn bản dẫn đến việc giải quyết những vấn đề khác như kinh tế, chính trị, xã hội và quân sự trong việc xây dựng tương lai lâu dài của đất nước. Chúng tôi phải tìm cách vượt qua những vấn đề đang đe dọa bao trùm lấy tất cả chúng tôi, chẳng hạn như những lủng củng, hỗn loạn nội bộ, do ông Ngô Đình Diệm và các tướng tá đã gây ra. Dĩ nhiên chúng tôi rất cần những giúp đỡ quân sự. Nhưng vào tháng 3 và tháng 4 năm 1965, câu hỏi liệu Hoa Kỳ nên thực thi những chánh sách giúp đỡ ra sao chính là câu hỏi mà chúng tôi vẫn chưa thể tự mình trả lời. Cả tôi lẫn bác sĩ Quát đều không đồng ý việc phải Mỹ Hóa chiến tranh Việt Nam nhưng vấn đề phải làm thế nào để có thể xử dụng đúng cách những nỗ lực giúp đỡ của một đồng minh khổng lồ là quả là vấn đề mà cho đến lúc này chúng tôi mới bắt đầu suy nghĩ. Vào giữa lúc đang suy xét vấn đề thì chúng tôi đã phải đương đầu với những quyết định chuyển quân ào ạt của Hoa kỳ.
Lúc đó chúng tôi không tài nào hiểu được trọn vẹn mục đích thực thụ của những yêu cầu do Hoa Kỳ đưa ra. Mặc dầu tin tưởng vô biên vào khả năng của đồng minh Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn muốn biết họ đang suy nghĩ thế nào, nhất là trong việc tìm hiểu cho rõ ràng, mạch lạc những lời yêu cầu đổ quân ăn khớp ra sao với những kế hoạch lớn lao của toàn cuộc. Bác sĩ Quát cũng đã khổ tâm không kém gì đại sứ Taylor vì việc phải cùng lúc đối phó với cả những rối ren của việc đổ quân lẫn những khó khăn xuất phát từ việc Hoa Kỳ thiếu thành thật. Trong cơn bối rối, ông đã nhờ tôi tìm hiểu dự định của Hoa Kỳ.
Lúc này tuy Việt Nam đã có đại sứ ở Hoa Kỳ, đại sứ lại là tướng Trần Thiện Khiêm, người đã giúp tướng Khánh đảo chánh và cũng chính là người đã đưa ông Khánh sang Hoa Kỳ sau khi chánh quyền tướng Khánh bị lật đổ. Tướng Khiêm nguyên là một nhân vật có nhiều thủ đoạn nhưng lúc đó ông vừa mới tới Hoa Kỳ và lại là một quân nhân nên sự hiểu biết của ông về chính trị Hoa Kỳ thật là giới hạn. Bởi thế, tôi bị buộc phải tìm hiểu từ những nguồn tin phía trong Sài Gòn. Tôi liên lạc với tất cả. Từ các nhân viên Ngoại Giao như đại sứ Taylor, phó đại sứ Alexis Johnson, những bạn bè đang phục vụ trong các chương trình Hoa Kỳ cho đến những nguồn tin từ phía báo chí, nhất là những phóng viên am hiểu tình hình của cả hai phía Mỹ Việt chẳng hạn như phóng viên Jerry Rose của báo The Saturday Evening Post. Tuy vậy tôi vẫn thấy mình chẳng khác nào một con ếch ngồi đáy giếng trong chuyện ngụ ngôn, chỉ nhìn thấy một phần phiến diện, nhỏ bé của thế giới bên ngoài và đến ngay cả những phần này cũng bị méo mó, thiên lệch.
Dù sao đi nữa thì ngay khi tôi còn đang dự định mở cuộc thăm dò rộng rãi thì tòa đại sứ Hoa Kỳ ngỏ ý muốn chánh phủ Việt Nam trả lời về lời yêu cầu đổ bộ thêm quân. Hậu quả là vào ngày 6 tháng 4 năm 1965, vì chẳng còn làm cách nào khác hơn được, bác sĩ Quát đã bị buộc phải đồng ý thỏa thuận việc để Hoa Kỳ đổ quân thêm và mở rộng tầm hoạt động của các đội quân đã trấn đóng. Khi chánh phủ hai bên đã đồng ý thỏa thuận thì quyết định tối quan trọng được thông qua: Quân đội Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò độc lập trong cuộc chiến Việt Nam. Đây chính là quyết định mà ông William Bundy gọi là "một bước ngoặt" của toàn cuộc. Trong nội bộ Hoa Kỳ thì yếu tố chính dẫn đến quyết định này là do cả thất vọng lẫn bối rối. Thất vọng vì không biết phải làm gì và bối rối vì chẳng thể để mặc tình hình bấp bênh như hiện tại. Lúc này Hoa Kỳ đang phải đương đầu với những đòi hỏi phải có hành động thiết thực và giới lãnh đạo quân sự -Các tướng William Westmoreland, Harold Johnson và các tư lệnh tham mưu- đã cho rằng vấn đề phải can thiệp quân sự là việc dĩ nhiên. Ngược lại, các lãnh đạo dân sự lại cho rằng để quân đội Hoa Kỳ can thiệp không phải là một giải pháp đúng để giải quyết vấn đề. Tuy thế các nhà lãnh đạo dân sự lại chẳng biết làm gì hơn là tự nhủ thầm phải canh chừng hết sức thận trọng để khi cần thì đánh đổi những nguyên tắc căn bản ban đầu mà chọn lấy những giải pháp dung hòa. Trong khi đó thì chánh phủ Việt Nam lại là một chánh phủ mới vừa nắm quyền, chưa thể củng cố được nội bộ và chẳng thể làm gì khác hơn là nhắm mắt đi theo. Chánh phủ Việt Nam là một chánh phủ thiếu thốn cả từ quyết tâm cho đến khả năng để có thể chịu đựng được áp lực của Hoa Kỳ. Đối với Hoa Kỳ thì vấn đề cần phải có sự hiểu biết song phương có lẽ là chuyện không cần thiết, trong khi đối với chúng tôi là những đồng minh nhỏ bé thì việc đòi hỏi phải có sự thông cảm và hiểu biết song phương lại là việc hoàn toàn nằm ngoài tầm với.
Những tiến trình của các kế hoạch do Hoa Kỳ đặt ra cứ nối tiếp theo nhau trong một khung cảnh gần như áp đặt, Hết "Oanh Tạc Không Lực," rồi "Tấn Công Để Phòng Thủ," và rồi cuối cùng "Trực Tiếp Can Thiệp Bằng Quân Sự." Chỉ khoảng chín tháng sau, các đội quân Thủy Quân Lục Chiến ban đầu đã chuyển thành một quân đội với tổng số 200,000 quân bao gồm cả các binh lính Hoa Kỳ lẫn những binh lính từ những đồng minh khác. Tất cả đều đến Việt Nam vì những lý do tương tự như những lý do vừa kể. Mục đích chính của quyết định do tổng thống Lyndon Johnson đưa ra vào ngày 1 tháng 4 là tiếp trợ quân nhu, khí cụ, gia tăng quân số và phạm vi hoạt động của những đội quân Thủy Quân Lục Chiến để yểm trợ Việt Nam. Nếu đây quả là một giải pháp dung hòa thì cách giải quyết này cũng vẫn không phải là một giải pháp vĩnh cửu. Vào ngày 11 tháng 4, vì không bằng lòng với lời yêu cầu của Bộ Tổng Tham Mưu, tướng Westmoreland đã điện thoại cho Thủy Sư Đô Đốc Ulysses Grant Sharp, Jr., tổng tư lệnh của hạm đội Thái Bình Dương, nói rằng ông vẫn cần thêm ít ra là một lực lượng vào cỡ sư đoàn không lực 173 của quân đội Hoa Kỳ lúc đó. Sau những cuộc bàn bạc giữa những nhân vật lãnh đạo quân sự cao cấp, vào ngày 14 tháng 4, Bộ Tổng Tham Mưu đã ra lệnh cho sư đoàn không lực 173 đóng quân ở Việt Nam.
Khi trở lại Sài Gòn sau những cuộc tranh cãi quyết liệt ở Hoa Thịnh Đốn, đại sứ Taylor cho rằng tổng thống Johnson đã đồng ý giảm thiểu và giới hạn những can thiệp quân sự. Tuy thế, khi nhìn thấy rõ rằng trong thực tế vấn đề lại khác hẳn, đại sứ Taylor cảm thấy vô cùng khó chịu. Trong một bức điện gửi đến Ngoại Trưởng Dean Rusk tuy với lời lẽ nhẹ nhàng, đại sứ Taylor vẫn không dấu hết được cảm giác bực tức. Ông điện rằng: "Gần đây, những hành động liên quan đến việc đổ quân đã khiến tôi có ấn tượng về thái độ nóng nảy của một vài cơ quan về vấn đề cần phải đổ quân vào Việt Nam. Đây quả là một thái độ thật là khó hiểu... Hành động của các cơ quan này hoàn toàn tương phản với những chính sách Hoa Thịnh Đốn đã đề ra [vào ngày 1 tháng 4]."
Hôm sau, đại sứ Taylor nhận được điện tín trả lời của Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng John McNaughton. Lời lẽ của bức điện chẳng hề làm ông suy giảm phẫn nộ: "Giới lãnh đạo tối cao tin rằng tình hình Miền Nam Việt Nam đang tan rã. Để hỗ trợ cho những cuộc tấn công Miền Bắc, chúng ta phải có một hoạt động nào đó giúp Việt Nam đạt được thắng lợi. Ngoài những đề nghị khác bản điện tín còn có kèm theo cả những lời đề nghị yêu cầu đại sứ Taylor thỏa thuận việc chuyển quân nhanh chóng của sư đoàn không lực 173. Sau này phó Đại Sứ Alexis Johnson đã viết thêm rằng: "Chúng tôi hoàn toàn tối tăm mặt mũi vì những hồ sơ đề nghị. Cuộc đổ quân ồ ạt, gần như thể một con đê đã vỡ toang hoác khiến những người 'chậm chạp' như chúng tôi chẳng thể sửa chữa hoặc ngăn chận kịp thời."
Vào ngày 17 tháng 4, để đối phó với những biến chuyển không hoàn toàn như ý, đại sứ Taylor đã gửi một bức thư dài cho cả hai ông Dean Rusk ở Bộ Ngoại Giao và ông McGeorge Bundy ở tòa Bạch Ốc. Trong bức điện tín, ông tường trình những biến chuyển nhanh chóng và phức tạp của tình trạng lúc này. Một trong những vấn đề ông Taylor đã đề cập đến là việc bác sĩ Quát có thể phản đối việc đóng quân. Ông đã viết rằng: "Việc minh xác tầm mức cần thiết trong vấn đề đổ quân thật vô cùng quan trọng. Trước khi đặt vấn đề của chúng ta ra với chánh phủ Việt Nam, tôi phải biết rõ ràng vấn đề là gì và lý do ra sao. Việc thuyết phục chánh phủ Việt Nam thỏa thuận cho phép một lực lượng với quân số lớn lao đến đóng ngay trong lãnh thổ Việt Nam nhất định sẽ phải gặp nhiều khó khăn trừ khi lý do cần thiết đã trở nên rõ ràng và minh bạch."
Những khác biệt trong quan niệm của đại sứ Taylor và bộ tham mưu đã đưa đến một cuộc họp căng thẳng vào ngày 19 tháng 4 ở Honolulu. Cuộc họp do Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara chủ tọa và bao gồm nhiều nhân vật lãnh đạo như đại sứ Taylor, ông William Bundy và ông McNaughton. Sau hai ngày bàn cãi "quyết liệt", đại sứ Taylor đã bị thuyết phục ngả theo ý kiến chung về việc đề nghị gia tăng quân số (tới 82,000) và về sự thỏa thuận đề nghị một số quân khoảng 7250 binh sĩ từ "một đệ tam quốc gia." Theo ông Alexis Johnson thì đây là một sự "đồng ý miễn cưỡng." Lại thêm một lần nữa đại sứ Taylor đã nhượng bộ những ý kiến riêng của ông để đổi lại một giải pháp dung hòa. Theo như sự thỏa thuận thì những lực lượng Hoa Kỳ không được phép tự do tấn công và chỉ có thể hoạt động trong những vùng ven biển quanh căn cứ. Lúc này theo ông Bundy thì những quân nhân Hoa Kỳ tin rằng việc giới hạn tầm hoạt động của các đội quân sẽ được chấp hành nghiêm chỉnh. Nhưng ông Bundy cũng nói thêm: "Những giới hạn bắt buộc quân đội phải tự khống chế các hoạt động có thể sẽ khiến những viên chức quân sự phục vụ trong quân đội [Hoa Kỳ] mang một quan niệm bi quan hơn (và thực tiễn hơn) về những gì có thể xảy ra." Đối với những người Việt Nam thì tháng 4 là tháng của những yêu cầu liên tiếp từ phía Hoa Kỳ. Theo như nghị định do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đưa ra, bác sĩ Quát đã chấp thuận việc đóng quân của những tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến và 20,000 quân tiếp trợ. Một tuần lễ sau đó, dư luận lại đồn đãi về việc đòi hỏi các đồng minh khác phải thêm quân tiếp trợ. Trong khi đại sứ Taylor nỗ lực giới hạn những kế hoạch lớn lao đang lũ lượt gởi đến từ Hoa Thịnh Đốn thì tâm trạng bác sĩ Quát ngày càng lo âu. Cho tới lúc này, tuy vẫn vô cùng ngần ngại, ông vẫn bị buộc phải ngả theo tình thế. Theo tôi thấy thì bác sĩ Quát cũng đã biết rõ ràng sự can thiệp của những đội quân Thủy Quân Lục Chiến là một sự can thiệp chỉ có tính cách tạm thời. Tuy chỉ có rất ít binh sĩ Hoa Kỳ hiện diện ở Việt Nam vào lúc này, việc đòi hỏi gia tăng thêm quân lực hiển nhiên là việc sắp đến. Nhưng ngoài cách thỏa thuận ra chúng tôi còn có thể phản ứng bằng cách nào khác hơn chăng? Trước tiên thì câu trả lời dường như phụ thuộc vào việc lượng định tình hình quân sự của các giới chức quân sự Việt Nam. Nếu vòng đai phòng vệ của Việt Nam đang tan vỡ vì những cuộc tấn công của cộng sản Bắc Việt thì hẳn nhiên chúng tôi không còn đường chọn lựa. Mặt khác, nếu các giới chức quân sự nghĩ rằng tình thế vẫn còn khả quan hơn vậy thì chúng tôi sẽ có cơ hội chống trả lại áp lực của Hoa Kỳ một cách hữu hiệu hơn.
Khi đại sứ Taylor từ Honolulu trở về Việt Nam thì tôi đã bắt đầu tham khảo ý kiến của các tướng lãnh Việt Nam. Vào ngày 24 tháng 4, đại sứ Taylor tường thuật cho bác sĩ Quát những ý kiến chung rút ra từ những cuộc tranh cãi ở Hawaii. Lúc này bác sĩ Quát đã hiểu rõ sự nghiêm trọng của những biến chuyển sắp tới. Thật sự thì từ nhiều tuần trước đây, ông đã dành rất nhiều thời giờ để suy nghĩ. Khi đại sứ Taylor đến gặp ông Quát để nâng số quân Hoa Kỳ ở Việt Nam lên đến 82,000, bác sĩ Quát đã trả lời rằng ông cần thời giờ để đo lường những ảnh hưởng chính trị và quân sự nếu Hoa Kỳ gia tăng quân số ở Việt Nam. Ngay sau khi đại sứ Taylor vừa đi khỏi, ông Quát chạy ngay đến văn phòng tôi. Lúc gặp tôi, dường như ông không còn dấu được vẻ hốt hoảng. Ông hỏi ngay như thể cố trút cả nỗi lo âu vào câu hỏi: "Có chuyện gì ngoài chiến trường mà chúng ta không biết rồi sao?" Vào lúc này, bác sĩ Quát không còn tìm được bất cứ lý do nào khác để giải thích lời yêu cầu đổ quân của Hoa Kỳ với quân số to lớn như vậy vào Việt Nam.
Những suy nghĩ của tôi cũng chẳng lấy gì làm khác bác sĩ Quát. Mặc dù vừa mới hội họp với các sĩ quan trước đấy mấy hôm, hiển nhiên chúng tôi lại phải tham khảo với họ chi tiết hơn thêm một lần nữa trước khi có thể quyết định bất cứ chuyện gì.
Cuối tuần đó, tôi và bác sĩ Quát liền bắt đầu ngay những buổi họp liên tục với tất cả các vị chỉ huy cao cấp của Việt Nam. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của riêng từng người về việc lượng định tình hình quân sự về cả các giai đoạn ngắn hạn cũng như dài hạn. Ngoài ra chúng tôi còn trình bày thêm những nghi ngờ của riêng chúng tôi cũng như tham khảo ý kiến của các tướng lãnh về vấn đề này. Vì chánh quyền Việt Nam lúc này vẫn chưa có cơ quan nào có thể ví như Hội Đồng An Ninh Quốc Gia để xem xét những vấn đề quan trọng nên những những cuộc thảo luận của chúng tôi không mang tính cách chánh thức. Nhưng dù sao đi nữa thì những quan niệm của chúng tôi vẫn phản ảnh trung thực ý kiến chung của các chính trị gia và các tư lệnh Việt Nam lúc này. Tuy chẳng có gì đáng gọi là thủ tục chánh thức về những cuộc tham khảo, cả tôi lẫn bác sĩ Quát đều đã biết rằng dù có nhìn tình hình bằng một nhãn quan chánh trị hoặc quân sự đi chăng nữa thì việc gạt bỏ những quan niệm của các tướng lãnh vẫn không phải là việc dễ dàng. Hơn nữa, chính bản thân chúng tôi cũng có những sự ngần ngại riêng đối với vấn đề để cho Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam. Với tư cách là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng, tôi thường phải đối phó với những vụ khiếu nại và kiện tụng mỗi khi có những vụ rắc rối hoặc tai nạn xe cộ liên quan đến quân đội Hoa Kỳ. Vì thế, tôi đã biết rất rõ những khó khăn đi đôi với vấn đề gia tăng quân đội Hoa Kỳ. Tầm hiểu biết của tôi bao gồm từ những vụ tai nạn đơn giản như những tai nạn do xe nhà binh cán người cho đến những vụ vi phạm luật lệ xảy ra hàng ngày. Hơn nữa, từ khi Pháp còn chiếm đóng, tôi đã từng phải đối phó với những khó khăn cũng liên quan đến những vấn đề tương tự như vấn đề phàn nàn Mỹ-Việt lúc này. Trước đây, trong những cuộc đàm phán ở Élysée với Pháp vào đầu thập niên 1950, trách nhiệm của tôi lúc đó là tìm cách giải quyết những vấn đề khó khăn khi phải thiết lập một lực lượng Việt Nam để Pháp có thể giao trả dần độc lập. Những cuộc thảo luận lúc đó cũng là những phàn nàn Pháp-Việt gần giống như vấn đề của quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam lúc này. Mặt khác, bác sĩ Quát vốn vừa là Bộ Trưởng Quốc Phòng, vừa là thượng cấp của tôi lúc trước nên cũng nhạy cảm không kém gì tôi. Theo sự suy nghĩ của chúng tôi thì có lẽ cả hai chúng tôi đều quá nhạy cảm, có thể việc chúng tôi ráo riết tham khảo ý kiến chẳng qua cũng chỉ là do những kích động của sự nhạy cảm mà thôi.
Việc tìm hiểu những câu trả lời của các giới chức quân sự là việc mà chúng tôi có thể đoán trước được phần nào. Theo tình hình lúc này thì những giới chức quân sự nhận định rằng: Tuy những trận chiến lớn sắp sửa mở màn, Việt Nam không hề ở vào bất kỳ tình cảnh ngặt nghèo nào đáng kể. Nhưng những nhận định của họ về tình hình lâu dài của chiến cuộc lại hoàn toàn khác hẳn. Lúc này đã có những đơn vị của ít nhất là hai sư đoàn (sư đoàn 324 và 304) chính qui Bắc Việt đang tấn công ráo riết vào Miền Nam và mức độ xâm nhập đang ngày càng tăng. Hơn nữa, vì thiếu thốn nhân lực và thời gian để huấn luyện các binh sĩ, việc tăng cường quân đội để chống lại những lực lượng mới của Việt Cộng là một việc vô cùng khó khăn. Sau khi thẩm định tình hình các tướng lãnh đã kết luận rằng: Bất kể sự hiện diện của những đội quân Hoa Kỳ có tạo ra khó khăn gì đi nữa thì việc gia tăng quân đội Hoa Kỳ vẫn là một lợi điểm lớn lao đối với Việt Nam.
Lạ lùng thay, phản ứng của các chính trị gia cũng không khác các tư lệnh quân sự là mấy. Một vài người quá khích đã lấy làm thích thú về viễn ảnh của một cuộc chiến tranh chống cộng quốc tế. Vài người khác lại dễ dãi bỏ qua tất cả những vấn đề thuộc mặt trái của cuộc đổ quân.
Khi lượng định những vấn đề khó khăn bác sĩ Quát đã cho rằng những sĩ quan cao cấp đều chịu ảnh hưởng của các cố vấn quân sự Hoa Kỳ. Và vì vậy nên nếu ý kiến của họ có trùng hợp với ý kiến chung của các viên chức quân sự Hoa Kỳ thì cũng là một việc dễ hiểu. Chẳng khác gì những đồng nghiệp Hoa Kỳ, các tướng lãnh Việt Nam cũng chỉ quan sát mọi việc qua ống kính quân sự hạn hẹp. Sự huấn luyện và kinh nghiệm quân sự nghề nghiệp đã làm giảm khả năng suy nghĩ của họ về những vấn đề khác, chẳng hạn như ảnh hưởng xã hội hoặc tâm lý của việc gia tăng quân số Hoa Kỳ ở Việt Nam. Nhưng nếu lấy tiêu chuẩn an ninh quốc gia làm chuẩn để suy xét thì việc bác bỏ quan niệm của họ là một việc vô cùng khó khăn. Và nếu lấy những suy xét chính trị làm chuẩn thì việc bác bỏ những suy xét của họ lại còn là việc viễn vông hơn nữa.
Khi phải đương đầu với quyết định cuối cùng, bác sĩ Quát hoàn toàn đơn độc. Vì là thủ tướng của một quốc gia đang giữa lúc chiến tranh, ông đã phải xử dụng uy quyền từ một chỗ đứng mong manh và đầy đe dọa. Đã có lúc bác sĩ Quát nói với tôi rằng ở vào những giây phút hiểm họa, ông chỉ còn biết trông chờ vào "lương tâm cùng những linh tính chánh trị của riêng bản thân ông." Có thể ông đã bác bỏ những đề nghị của Hoa Kỳ trên phương diện lý thuyết, nhưng những thực tế chính trường đã khiến ông chẳng thể thoát khỏi những áp lực khủng khiếp của Hoa Kỳ. -Đây là một điều mà những giới chức quân sự phục vụ dưới quyền ông cũng cùng đồng quan điểm.
Ở những giai đoạn cuối, bác sĩ Quát đã thực sự hành động theo linh tính. Ông vẫn ôm ấp hy vọng rằng rồi đây tình hình sẽ khả quan hơn và lúc đó ông sẽ có khả năng để thay đổi. Lúc đó, ông sẽ có một khả năng khác hẳn trường hợp yếu thế lúc này. Vì suy nghĩ như thế nên vào ngày 28 tháng 4, bác sĩ Quát thông báo với đại sứ Taylor rằng Việt Nam đã thỏa thuận lời yêu cầu mới của Hoa Kỳ. Những cánh cửa ngăn chận giờ đây đã được mở rộng. Công bằng mà luận thì ngay cả cho đến lúc những gia tăng quân sự đã khởi đầu, Tổng Thống Lyndon Johnson và chánh phủ Hoa Kỳ vẫn muốn đàm phán với Bắc Việt. Nhưng đối với chánh quyền Việt Nam thì vấn đề bàn bạc những giải pháp hòa bình cũng mờ mịt chẳng kém gì những ý định của Hoa Kỳ về phương diện quân sự. Nếu nhìn từ một cương vị nhất định nào đó thì quyết định không tham khảo ý kiến Việt Nam của Hoa Kỳ chẳng qua cũng dễ hiểu. Những quá khứ hỗn loạn và những tương lai mờ mịt của Việt Nam đã khiến chánh phủ Sài Gòn chẳng thể đóng trọn vai trò của một đồng minh mà Hoa Kỳ có thể tham khảo ý kiến về phương diện ngoại giao. Tuy rằng những chánh sách của Hoa Kỳ có liên hệ chặt chẽ đến vấn đề sinh tử của Việt Nam mà vì hoàn toàn mù tịt về mọi vấn đề, nên chánh quyền Việt Nam vẫn không đóng góp được gì nhiều vào việc soạn thảo những giải pháp chính trị cũng như quân sự.
Dĩ nhiên là chúng tôi vẫn thông báo về những tiến triển của các giải pháp hòa bình đang diễn ra công khai ở Hoa Kỳ. Chẳng hạn như tin tức về những bài diễn văn của tổng thống Johnson ở đại học John Hopkins vào ngày 7 tháng 4, hoặc những tin tức về quyết định ngưng dội bom vào ngày 10 tháng 5. Ngay cả vào những lúc sớm hơn, như vào khoảng tháng ba, ông Alexis Johnson cũng đã thông báo cho Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ về những dự định trong việc kêu gọi một cuộc hội nghị khác ở Geneva do Anh Quốc và Liên Xô đứng ra làm chủ tọa. Nhưng chúng tôi chỉ biết rất ít về những việc bí mật quan trọng, chẳng hạn như những vụ thăm dò Bắc Việt, những điều mà Hoa Kỳ đã ngầm đưa ra với đại sứ J. Blair Seaborn của Gia Nã Đại, nguyên là nhân viên của phái đoàn kiểm soát quốc tế, hoặc những tiếp xúc của Hoa Kỳ với đại sứ Trung Hoa ở Warsaw, và Mai Văn Bộ, đại diện của Bắc Việt ở Ba Lê. Chúng tôi biết rằng Hoa Kỳ vẫn còn cố gắng tìm tòi, dọ dẫm qua nhiều sự móc nối khác nhau, nhưng chúng tôi chỉ có thể cho rằng những móc nối bí mật chẳng qua chỉ là một trong những giải pháp vận động thông thường mà thôi. Tuy chúng tôi chẳng nghi ngờ gì Hoa Kỳ nhưng vấn đề thiếu hiểu biết dường như lúc nào cũng dẫn đến sự nghi kỵ.
Trong những diễn biến vừa kể, mặc cho Hoa Kỳ hết sức dùng cả những biện pháp công khai lẫn các biện pháp bí mật, Hà Nội vẫn lạnh lùng ngoảnh mặt. Rốt cuộc, vì chẳng thể ảnh hưởng gì được Hà Nội nên dư luận lại trở về các đề tài chính trị hoặc quân sự của chánh phủ Sài Gòn. Vào mùa thu 1965, khi Hoa Kỳ đã quyết định Mỹ Hóa Chiến Tranh Việt Nam thì họ trực tiếp vào cuộc bằng cách áp đặt chính sách can thiệp dưới một khung cảnh đột xuất và cao ngạo. Cách can thiệp khác thường của họ đã khởi nguồn một câu chuyện lịch sử thật dài và vô cùng quan trọng. Họ vào cuộc với những mục tiêu rõ rệt: Giúp đỡ đồng minh và cố gắng nuôi dưỡng, phát triển một nền dân chủ độc lập ở Việt Nam. Giúp Việt Nam ổn định và củng cố để chống lại cộng sản. Nhưng một khi những chánh sách mang mục đích cao đẹp của họ thất bại thì hậu quả đã di lại những tổn thương trầm trọng và vĩnh cửu. Tôi không có ý kết án rằng Hoa Kỳ phải một mình chịu nhận tất cả mọi trách nhiệm và hậu quả. Đúng ra thì những người lãnh đạo Việt Nam phải chịu phần lớn trách nhiệm. Ngoài những nhân vật lãnh đạo ra, trách nhiệm thất bại có thể được qui một phần về những phần tử quốc gia đã chia rẽ quá mức trong thời gian chiến tranh. Hậu quả của sự chia rẽ đã khiến các đoàn thể quốc gia suy nhược đến độ họ chẳng còn có thể tiếp tục tự vệ khi họ bị buộc phải tự mình đối phó với cuộc chiến.
Nhưng qua suốt 11 năm Hoa Kỳ can thiệp, nếu đứng trên phương diện ngoại giao mà luận thì những chính sách của Hoa Kỳ quả đã gây ra rất nhiều hậu quả đáng tiếc. Đầu tiên, trong thời gian vào khoảng đầu thập niên 1950, thì người Hoa Kỳ nhất định nhắm mắt không can thiệp. Họ đã an nhiên mục kích số phận thăng trầm của cả hai giới độc tài dân cũng như quân sự của Việt Nam. Khi ông Diệm nắm quyền thì tòa đại sứ Hoa Kỳ đã đưa ra những chiêu bài "hợp pháp", "chưa hợp thời" và cố tình để mặc những phần tử quốc gia tự mình xoay sở trong khung cảnh bất lực. Rồi vào năm 1963, khi các tướng lãnh đảo chánh ông Diệm thì Hoa Kỳ gần như vẫn nhắm mắt làm ngơ và tuy đã chấp thuận với đề nghị đảo chánh của các tướng lãnh, nhưng nếu cần, Hoa Kỳ vẫn vui lòng chối bỏ sự can thiệp. Trong suốt cả một thập niên dường như họ đã cố tình bưng mắt đứng ngoài, hoặc chỉ can thiệp nhẹ nhàng cho có lệ. Cuối cùng, vào năm 1965, ngay giữa khi Việt Nam đang gặp những khủng hoảng chính trị và đang ở vào lúc xáo trộn thì họ lại quyết định rằng đó là lúc họ cần can thiệp trực tiếp. Họ ào ạt đổ quân. Họ ra sức thiết lập các căn cứ và tự đưa ra những chiến dịch oanh tạc. Họ hành động một cách bất chợt và đơn phương, không thèm đếm xỉa gì đến việc tham khảo ý kiến của chánh phủ Việt Nam. Những hành động quyết đoán và chủ quan của họ đã khiến họ tự dồn mình vào một phương vị bế tắc. Rồi họ tự đi đến kết luận: Phải Mỹ Hóa chiến tranh Việt Nam. Và khi chính sách của họ thất bại thì họ lại tháo lui thật phũ phàng. Họ tự tìm lấy những giải pháp hòa bình dễ dàng cho họ và bỏ mặc đồng minh -bất kể đồng minh của họ là quốc gia nào- phải tiếp tục ở lại chịu trận.
Vốn đã tình cờ hiện diện vào lúc Hoa Kỳ cố tự tròng lấy trách nhiệm vào người, tôi cũng lại tình cờ hiện diện vào lúc Hoa Kỳ cố cởi bỏ những trách nhiệm họ đã tự tròng vào khi trước. Có lẽ ngoại trừ phương pháp can thiệp khác thường này, Hoa Kỳ chẳng thể còn bất cứ cách thức can thiệp nào khác có thể hủy hoại đồng minh khốc liệt hơn!
Gọng Kềm Lịch Sử
18. Bác Sĩ Quát và Các Tướng Lãnh
Vào mùa xuân 1965 tuy những biến chuyển chính trị đã chuyển chiến cuộc Việt Nam nguyên là một cuộc nội chiến, thành một mâu thuẫn có tính cách quốc tế, đây vẫn không phải là biến cố độc nhất chiếm lĩnh tất cả những chú ý của bác sĩ Quát. Khi bác sĩ Quát bắt đầu nhậm chức thì ảnh hưởng của các tướng lãnh và các hội đồng quân sự hãy còn rất mạnh do đó ông đã chủ trương rằng phải nỗ lực cầm cự vào lúc ban đầu. Ông đã cố ổn định tình hình quân sự, cố đương đầu với những vấn đề chia rẽ đảng phái ở Sài Gòn, cố bắt đầu những cuộc ứng cử địa phương và soạn thảo hiến pháp. Tuy bác sĩ Quát đã cố chuyển những nỗ lực đầu tiên về những điều cơ bản trên, tình hình phức tạp và hỗn loạn của chánh phủ dân-quân sự lúc đó đã rối ren đến mức mọi chuyện gần như xảy ra cùng một lúc. Tầm mức lớn lao của diễn biến đã vượt khỏi cả phạm vi chiến cuộc lẫn phạm vi của những hoạt động mà Hoa Kỳ đã tính toán lúc đó.
Những biến chuyển lúc này dập dồn chẳng khác nào như tất cả mọi chuyện đều xảy ra cùng một lúc. Bác sĩ Quát nhậm chức đã được bốn tháng mà tôi vẫn có cảm tưởng như ông vừa mới nhậm chức chỉ có vài ngày trước. Có lẽ ông Henry Kissinger đã diễn tả đúng hệt tâm trạng chúng tôi khi nói rằng chính trị gia là những người luôn luôn bị buộc phải lựa chọn vào những lúc họ không những chỉ mù tịt về tương lai mà còn mù tịt cả về tình trạng hiện tại nữa." Vào thời gian này, gần như tôi chưa bao giờ có dịp để nhận định cho rõ được những phương hướng tổng quát để làm việc cho hữu hiệu. Gần như tôi chẳng bao giờ có đủ thời giờ, dù chỉ là những khoảng thời giờ thật ngắn cho phép tôi suy nghĩ thấu đáo về căn nguyên của những vấn đề khó khăn.
Tuy tình cảnh rối ren, bận rộn và khó nhọc là thế mà bác sĩ Quát vẫn quyết tâm giữ vững những chủ định ban đầu. Ông Quát nhận định rằng vấn đề khó khăn chính của chính phủ trong thời gian này là vấn đề của các tướng lãnh trẻ. Nếu ông có thể thuyết phục các tướng trẻ chú tâm vào tình hình chiến cuộc thay vì chính trị thì ông cho rằng đã tiến được nửa bước. Và nếu ông có thể hô hào khiến họ làm hậu thuẫn thì đây quả là một bước vẹn toàn. Tuy thế, vấn đề đối phó với các tướng trẻ chẳng phải là nỗi lo âu duy nhất của bác sĩ Quát. Ngoài vấn đề này ra ông còn phải tìm cách xoa dịu những lực lượng chánh trị đang hăm he gạt phắt chính phủ của ông ra ngoài.
Khi đương đầu với các tướng lãnh, bác sĩ Quát đã có rất nhiều lợi điểm. Lợi điểm đầu tiên của bác sĩ Quát là uy tín của chính ông. Vì đã từng là Bộ Trưởng Quốc Phòng, ông đã giữ được mối giao hảo với nhiều sĩ quan chủ chốt và rất quen thuộc với những vấn đề quân sự khó khăn. Những kinh nghiệm đặc biệt về quân sự của bác sĩ Quát đã khiến các tướng lãnh coi ông khác hẳn các thành viên dân sự khác. Họ xem ông là một người đáng tin cậy và họ sẵn lòng cộng tác. Lợi điểm thứ hai của bác sĩ Quát là kể từ tháng 2 năm 1965, đại sứ Taylor và ông Alexis Johnson đã nói thẳng với các tướng lãnh rằng các tướng lãnh chẳng thể vừa phục vụ quân đội, vừa hoạt động chính trị được. Họ chỉ có thể chọn một trong hai, nếu họ muốn làm chính khách thì cũng chẳng có gì khó khăn, chỉ cần họ cởi bỏ quân phục và gia nhập hàng ngũ của những chính khách là xong. Lợi điểm thứ ba và có lẽ cũng là lợi điểm quan trọng nhất của bác sĩ Quát là việc các tướng lãnh vẫn chống đối lẫn nhau. Bất kỳ họ suy nghĩ về một chánh phủ dân sự ra sao, các tướng lãnh cũng nhất định không để những nhóm quân sự khác nắm được thực quyền. Vì muốn tránh vấn đề phải để một nhóm quân sự khác nắm quyền, họ đã đồng ý để bác sĩ Quát đứng ra điều hành mọi chuyện.
Với ba lợi điểm vừa kể, vào đầu tháng 5 bác sĩ Quát cùng tôi đã hội họp với những sĩ quan cao cấp để thuyết phục họ giải tán Hội Đồng Quân Lực. Hội Đồng Quân Lực nguyên là một tổ chức mà những quân nhân đã dùng làm khí cụ nhằm gây áp lực từ khi tướng Nguyễn Khánh nắm quyền. Tuy giải tán Hội Đồng chưa hẳn đã là chấm dứt hoàn toàn những ảnh hưởng của quân sự vào chính trị nhưng việc này cũng có thể xem là một bước trong tiến trình đó.
Khi đương đầu với những khó khăn trong các đoàn thể dân sự thì bác sĩ Quát ít thành công hơn. Có thể vì ông đã giải tán được Hội Đồng Quân Lực và thành công phần nào khi giải quyết những khó khăn quân sự nên bác sĩ Quát đã trở nên lạc quan và do đó thiếu thận trọng. Tuy chẳng ai chỉ trích bác sĩ Quát khi ông đặt trọng tâm vào vấn đề quân sự, nhưng lúc đó có vài người cho rằng bác sĩ Quát có ý xem thường các đoàn thể dân sự đối lập có ảnh hưởng đáng kể. Họ cho rằng bác sĩ Quát cần phải để ý ông Phan Khắc Sửu nhiều hơn. Trước đây, ông Sửu chính là vị quốc trưởng già đã từ chối không chịu ký sắc lệnh chấm dứt nhiệm vụ một vài vị tướng và vì vậy đã góp phần thúc dục, đẩy mạnh cuộc bắt cóc các thành viên của Thượng Hội Đồng hồi tháng 11, 1964.
Vào tháng 5, ông Sửu già nua vẫn là quốc trưởng và vẫn khó tính giống hệt trước đây. Khoảng cuối tháng 5, ông Sửu lại bắt đầu khởi sự một cuộc khủng hoảng chánh phủ thứ hai. Lúc này nạn thiếu gạo đang bắt đầu hoành hành. Nạn khan hiếm gạo phát sinh là do Việt Cộng đã làm gián đoạn đường liên lạc giữa Sài Gòn và các tỉnh. Giá gạo tại thủ đô bỗng nhiên nhảy vọt và nhiều ngày sau, chánh phủ đã bị buộc phải can thiệp. Tuy thế, trong suốt một tuần và rồi hai tuần mà chánh phủ vẫn không đưa ra được giải pháp nào thiết thực. Vào lúc này những người có trách nhiệm trực tiếp là Tổng Trưởng Nội Vụ và Tổng Trưởng Kinh Tế vẫn chẳng hề quan tâm đến bổn phận của mình. Vào tuần lễ thứ ba, tình trạng thiếu khả năng của họ đã khiến bác sĩ Quát vô cùng phẫn nộ khi ông lại phải bắt tay vào việc. Bác sĩ Quát hành động dứt khoát bằng cách thay thế một lúc hai Bộ Trưởng. Đây là một sự chọn lựa có tính cách quyết định ảnh hưởng đến sự sống còn của chính phủ của ông.
Nhưng không may, trong những tháng trước đây, ông Quát lại chưa có dịp nào để xoa dịu các chính khách đối lập khác. Những chính khách đối lập với ông Quát đa số là những chính khách của các phe nhóm địa phương, một trong những người đối lập nguy hiểm nhất là những chính khách Miền Nam. Thường thì những chính khách người Nam vẫn cảm thấy rất khó chịu khi phải để những chính khách người Bắc nắm quyền và lúc nào họ cũng cố tìm cách đảo ngược tình hình. Việc bác sĩ Quát yêu cầu hai bộ trưởng từ chức đã đem lại cho họ một dịp may hiếm có và con người khó tính của ông Sửu đã khiến họ có được một khí cụ tuyệt vời. Theo nguyên tắc thì sắc lệnh chỉ có hiệu lực sau khi đã được ông Sửu ký. Nhưng lúc này, vì ông đang được những đoàn thể "Người Nam" cùng những đoàn thể công giáo ngấm ngầm khuyến khích nên ông Sửu lại không chịu ký. Chẳng bao lâu sau hành động của ông Sửu đã khiến chánh phủ ông Quát sa vào một cuộc khủng hoảng chính trị không có đường giải quyết.
Khi chánh quyền bị rơi vào tình thế tiến thối lưỡng nan, bác sĩ Quát đã cố xoay sở để giải quyết vấn đề, nhưng vì không có hiến pháp nên ông chẳng thể vận động cách nào khác hơn. Còn ông Sửu thì lại một mực khăng khăng nhất định không chịu ký. Trước đây ông đã chẳng để Nguyễn Khánh lay chuyển, lúc này ông Sửu cũng nhất định chẳng để ai lay chuyển. Đã thế, sau lưng ông Sửu, những chính khách Miền Nam còn mượn dịp để triệt hạ bác sĩ Quát bằng mọi giá. Ông Quát đã phải tìm đến Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ là một người Nam để nhờ giảng hòa. Tuy cụ Đỗ đã cố gắng thuyết phục nhưng vì cụ đã từng sống tại Miền Bắc khá lâu nên lại bị coi như người thân Bắc và những lời cụ đưa ra hoàn toàn bị bỏ ngoài tai.
Có lẽ khi cuộc khủng hoảng tiếp diễn và tình hình chuyển thành tấn thối lưỡng nan thì việc các tướng lãnh tự bước vào giải quyết vấn đề là việc khó thể tránh khỏi. Thật ra thì trong khi cố gắng xoay sở tháo gỡ tình hình, bác sĩ Quát cũng có nói chuyện với vài tướng tá nhưng ông vẫn không thuyết phục được họ ủng hộ. Các tướng tá đã lập luận rất rõ ràng: "Đấy, các ông xem, chúng tôi đã rời bỏ chính trường rồi. Vậy mà một khi chúng tôi đi khỏi thì các ông lại không thể điều hành được mọi chuyện." Có thể bác sĩ Quát cũng có khả năng thuyết phục một vài tướng tá và vận động họ cùng về phe với ông nhưng sau lưng các tướng tá trẻ lại còn các tướng tá khác trẻ hơn. Họ là những cấp tá đầy tham vọng và những tư lệnh trẻ chưa hoàn toàn hài lòng với những chân trời nhỏ hẹp của mình. Đối với họ thì đây quả là lúc thời cơ hành động đã chín mùi. Những tướng tá trẻ hẳn nhiên là một đoàn thể mà các tướng lãnh khác khó thể bỏ qua.
Vào ngày 11 tháng 6, trong một buổi họp kéo dài tại Phủ Thủ Tướng, tình trạng tấn thối lưỡng nan chấm dứt. Độ khoảng 40, 50 các tướng lãnh, ông Sửu, bác sĩ Quát và các phụ tá đều hiện diện tại cuộc họp. Tất cả chen chúc trong một căn phòng nhỏ hẹp ở Phủ Thủ Tướng. Tuy bác sĩ Quát vẫn cố toan tính thay đổi hai vị Bộ Trưởng vào lúc cuối, các tướng tá đã đòi hỏi chánh phủ phải giải quyết tình trạng khó xử ngay tại phòng họp. Họ tuyên bố sẽ không khoanh tay nhìn chính phủ bế tắc. Biết rằng việc gì phải đến đã đến, giữa những lời phát biểu ý kiến sôi động, bác sĩ Quát tuyên bố sẽ từ chức và giải tán chánh phủ. Quyết định từ chức của bác sĩ Quát đã buộc ông Sửu cũng phải từ chức theo. Chính trường lúc này đã được dọn sạch để cho các tướng lãnh và các quân nhân bắt đầu nhập cuộc. Chẳng bao lâu họ đã thiết lập hai ủy ban quân sự: Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch và quốc trưởng và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do tướng Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch và Thủ Tướng. Đây quả là một màn kết thúc cay đắng cho cuộc thí nghiệm chính phủ dân sự ở Miền Nam Việt Nam. Ngay sau khi chánh phủ sụp đổ, ông Alexis Johnson đã than rằng ông thật "vô cùng thất vọng!" Vào lúc này Hoa Kỳ đã đặt rất nhiều hy vọng vào bác sĩ Quát. Họ bắt đầu tin rằng ông Quát là người có khả năng ổn định những khó khăn chính trị tại Việt Nam. Khi ông Quát thất bại, Hoa Kỳ đã thất vọng sâu xa. Nỗi thất vọng của họ dường như bao gồm thêm cả cảm giác khó chịu khi họ thấy mình hoàn toàn bất lực. Họ giống như những người phải đứng ngoài nhìn tận mắt những việc ngang tai trái ý mà chẳng thể làm gì khác hơn. Lúc này họ lại phải đương đầu với một tầng lớp lãnh đạo quân nhân mới. Trước đây, khi tiếp xúc với các tướng trẻ, đại sứ Taylor đã gặp nhiều khó khăn. Chính ông Taylor cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc phải đương đầu với các tướng tá trẻ khi họ đứng vào cương vị lãnh đạo quốc gia. Trong hồi ký ông đã ghi lại một cách khô khan rằng: "[Hoa Kỳ] chẳng có lý do gì đáng để chào mừng việc [ông Kỳ] nhậm chức thủ tướng cả."
Nhưng cho dù là tương lai đang chờ đón những nhóm người mới nhậm chức có là gì đi nữa thì lúc đó tôi cũng đã sắp sửa kiệt sức. Tôi đã trải qua suốt bốn tháng khủng hoảng và căng thẳng liên tục. Tuy lúc này, cả thể xác lẫn tâm thần đều kiệt quệ, tôi vẫn cảm thấy an ủi là đã trút được gánh nặng. Đã đến lúc tôi cần một thời gian nghỉ ngơi dài hạn và xa rời mọi chuyện.
Nhân dịp niên học của các con tôi sắp hết, tôi quyết định cùng toàn thể gia đình ra nghỉ tại bãi biển Nha Trang. Lúc nhìn những bờ cát Nha Trang trắng mịn, tôi thầm nghĩ có lẽ đây cũng là một dịp tốt để nghỉ ngơi cùng gia đình và tạm thời quên đi cả chiến tranh lẫn chính trị.
Khung cảnh Nha Trang lúc này thật tuyệt vời hơn tất cả. Buổi sáng chúng tôi thư thả băng qua con vịnh dẫn đến một hòn đảo ngoài khơi, nơi cư ngụ của những dân chài. Khi đến nơi, chúng tôi lang thang dọc theo bờ biển, thả bộ dưới những hàng dừa đong đưa, nhìn những người thợ chài đi lưới vào lúc rạng đông khi mặt trời nhẹ tỏa ra những tia sáng linh động, lấp loáng trên mặt biển. Lúc này tôi sống hoàn toàn tự do, chẳng khác nào một kẻ đang thung dung an hưởng những vẻ đẹp tao nhã của đất trời. Niềm phấn khởi dào dạt dâng cao đến mức tôi quên hết mọi sự và chỉ nghĩ đến việc tổ chức lại Ban Điều Hành của tờ Saigon Post. Tôi đã có ý tổ chức lại tờ báo từ hồi tháng 2, trước cả khi bác sĩ Quát ngỏ lời mời tôi vào làm việc với chánh phủ của ông.
Lúc này có lẽ tôi chẳng bao gìờ có thể ngờ là mình sẽ lại được mời cộng tác với chính quyền mới. Tuy thế chỉ một, hai ngày sau khi đang cùng gia đình nghỉ mát tại Nha Trang, tôi lại nhận được lời yêu cầu của chính quyền mới. Đây là lời yêu cầu của thủ tướng mới là tướng Nguyễn Cao Kỳ, yêu cầu tôi lập tức trở về thủ đô. Vì đã quá gần gũi bác sĩ Quát -gần gũi đến mức nhiều người đã cho rằng tôi với ông chẳng khác gì hình với bóng- nên việc ông Kỳ đứng ra mời tôi cùng về làm việc là chuyện tôi chẳng thể nào tin được. Thật sự thì tôi vô cùng ngờ vực. Trong quá khứ tôi đã từng gặp ông Kỳ và cũng có thảo luận đôi lần về các vấn đề quân sự nhưng mối liên hệ giữa tôi và ông Kỳ thật chẳng khác gì mối liên hệ giữa tôi và đồng nghiệp của ông là ông Nguyễn Văn Thiệu; một mối liên hệ tuy thân mật và đứng đắn nhưng vẫn chẳng thể gọi là gần gũi. Hơn nữa, theo những biến cố vừa xảy ra thì sự hiện diện của tôi đối với chánh phủ lúc này có thể coi như một bất lợi chính trị rõ rệt. Thứ nhất, tôi không phải là người trong nhóm quân nhân. Thứ hai, tôi đã phục vụ trong một chính quyền dân sự vừa mới sụp đổ. Theo lẽ, thì tôi nên được "cho phép" chìm vào quên lãng trong cuộc sống của một cá nhân với đời sống an bình.
Vì vậy, khi trở về Sài Gòn tôi đã sững sờ khi nghe ông Kỳ ngỏ lời mời tôi cộng tác. Ông đề nghị tôi làm Phụ Tá Đặc Biệt đặc trách các vấn đề kế hoạch có liên quan đến ngoại viện. Ông Kỳ đã "nói chuyện" với bác sĩ Quát và theo lời ông thì chắc chắn bác sĩ Quát cũng sẽ liên lạc với tôi về việc này. Ông Kỳ bàn luận về tình hình chính trị đang căng thẳng và nhấn mạnh vấn đề cần tiếp tục giữ vững mối giao hảo với Hoa Kỳ. Đây vốn là việc mà tôi vẫn làm trước đây. Ông Kỳ cho biết ông muốn tôi tiếp tục nhiệm vụ giữ vững mối giao hảo với Hoa Kỳ. Ông cũng chẳng đoái hoài hỏi xem tôi có nhận lời hay không.
Tôi dùng khoảng thời gian còn lại trong ngày để liên lạc với bạn bè trong chính giới và bàn bạc với bác sĩ Quát. Đúng như ông Kỳ đã nói trước. Bác sĩ Quát khuyên tôi nhận lời. Cũng như ông Kỳ, bác sĩ Quát nêu ra những vấn đề cần thiết trong việc giữ vững liên lạc với Hoa Kỳ "vững chừng nào tốt chừng đó." Ông cho rằng việc các tướng lãnh tỏ ra chú tâm vào vấn đề này là một điều khả quan. Theo ý kiến riêng ông thì: "Mọi việc sẽ khả quan hơn nếu chúng tôi có thể theo dõi hành động của các tướng lãnh." Lời phát biểu của bác sĩ Quát cho thấy ông vẫn chưa hoàn toàn buông bỏ tất cả sự nghiệp chính trị. Tuy bác sĩ Quát chưa hề phát biểu rõ ràng, tôi cũng đã mơ hồ cảm thấy ông vẫn muốn giữ vững mối dây liên lạc với quân đội. Đây chính là một trong những lý do khiến ông muốn tôi nhận lời. Tôi biết rằng trong thâm tâm các biến cố đã làm ông cay đắng. Có lẽ ông vẫn không thật sự muốn tôi hợp tác với chính phủ mới. Dầu sao đi nữa thì ông cũng đã quyết định tự rút lui cho các ông Thiệu, Kỳ; ông cũng đã từ chức và giữ được mối giao hảo tốt đẹp với cả hai. Nếu ông còn có bất kỳ tia hy vọng nào về vấn đề trở lại chính trường thì tia hy vọng đó cũng phụ thuộc một phần vào mối dây liên hệ giữa ông và hai ông Thiệu, Kỳ. Vào lúc này, kinh nghiệm cho thấy rằng chính phủ mới có thể sẽ không đứng vững được lâu. Và ai có thể đoán trước được những việc xảy ra về sau? Bác sĩ Quát nói thêm: "Hơn nữa, sau khi gia nhập chính phủ, nếu anh cảm thấy không thể phục vụ được thì vài tháng sau lúc nào cần anh cũng có thể từ chức với lý do sức khỏe."
Tuy cho rằng mình hiểu bác sĩ Quát, tôi cũng đã tự suy xét kỹ lưỡng. Trước hết, tôi vô cùng ngần ngại về việc phải đứng ra hợp tác cùng với các tướng lãnh không hề có chút quan niệm cơ bản thế nào là chính phủ. Thứ hai, tôi biết rằng dù bác sĩ Quát có nói gì đi nữa thì sự kiện người cộng tác gần với ông nhất trong chánh phủ cũ, nay lại làm việc cùng chánh quyền mới vẫn là một việc khó thể chấp nhận. Sự việc này sẽ khiến dư luận hành lang Sài Gòn bàn bạc phê bình suốt một đời và tôi sẽ phải chịu đựng rất nhiều điều tiếng vì những lời nói ra, nói vào của các giới chính trị tại Sài Gòn. Mặt khác, tôi vừa mới lấy lại được phần nào sức lực khi được nghỉ mấy ngày vừa qua ở Nha Trang. Tham gia chánh phủ mới là một ý kiến vô cùng hấp dẫn. Tôi mới 42 tuổi, còn quá trẻ để tự nguyện rút lui vào bóng tối của quên lãng. Sau khi trằn trọc thâu đêm về việc lựa chọn, sáng hôm sau tôi đến văn phòng ông Kỳ chấp nhận lời mời hợp tác. Những tuần đầu làm việc với ông Kỳ thật là khó chịu. Tuy ông và tất cả những người trong nhóm của ông đều cố đối xử thân thiện với tôi, nhưng việc tôi là một "người ngoài," là một "kẻ xâm nhập" vào vòng thân hữu của họ là việc đã rõ rành rành. Giữa bầu không khí khó chịu này, tôi cố chú tâm vào những trách nhiệm nằm trong lãnh vực riêng của công việc, cố soạn thảo những vấn đề có tính cách cấp thiết trong lãnh vực ngoại giao. Tôi chỉ gặp ông Kỳ khi có lời yêu cầu.
Nhưng tình trạng này không kéo dài được lâu. Tôi được mời hợp tác chính là vì kinh nghiệm nghề nghiệp trong việc giao dịch với Hoa Kỳ. Vì quen thuộc nên những nhân viên Hoa Kỳ vẫn muốn tìm hiểu mọi việc qua tôi trong lúc tình hình đang lộn xộn. Do đó, những vấn đề tòa đại sứ Hoa Kỳ trình bày với tôi toàn là những vấn đề hệ trọng cần được thủ tướng lưu tâm. Mặt khác, ông Kỳ cũng cảm thấy thuận tiện khi dùng tôi làm mối dây liên lạc để dò dẫm, tìm hiểu phản ứng của Hoa Kỳ đối với những chính sách do ông đề ra. Ở giữa tình thế lúc này, vị tân thủ tướng vốn dĩ chẳng hề quen thuộc với cả những cách điều hành chánh phủ lẫn những phương pháp ngoại giao bắt đầu tham khảo ý kiến tôi. Khi vấn đề hợp tác đã khiến chúng tôi gần gũi nhau hơn thì vào những lúc tôi phải thuyết trình, ông Kỳ thường mời tôi cùng ăn trưa tại Phủ Thủ Tướng.
Thật trái hẳn với sự dự liệu của tôi, ông Kỳ hiểu vấn đề rất nhanh và cũng rất chịu khó lắng nghe. Mặc dù ông chưa có kiến thức chính trị sâu sắc và vẫn chưa hẳn là một chính khách chững chạc, ông Kỳ rất có duyên và có tính chân thật tự nhiên bẩm sinh dễ gây thiện cảm. Tuy ông Kỳ có một cái tật là hay phát biểu ẩu tả và tuy lối sống đặc biệt của ông hoàn toàn đi ngược với quan niệm riêng của tôi về tư cách của một nhà chính trị cầm đầu chính phủ, tôi vẫn cảm thấy ông Kỳ, dù có tật bộp chộp và thiếu thận trọng, nhưng nói chung thì vẫn là người có tâm địa tốt và thật thà.
Tôi đã tường trình với ông Kỳ về những biến cố của việc Hoa Kỳ đổ quân trong những tháng về trước. Tôi cũng đã trình bày những quan niệm của bác sĩ Quát về việc đổ quân của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Một mặt ông Kỳ tỏ vẻ nhận biết những nghi ngờ của bác sĩ Quát. Mặt khác, ông lại bị áp lực nặng nề vì những loạt tấn công của các đơn vị Bắc Việt to lớn vào tháng 7 năm 1965 và những tổn thất do các vụ nổ bom gây ra, chẳng hạn như vụ nổ bom ở nhà hàng Mỹ Cảnh trên bến Sài Gòn. Ông Kỳ lập luận rằng việc quan trọng nhất là việc ổn định tình hình quân sự và một khi muốn chu tất việc này thì chúng tôi phải cần những lực lượng bộ binh của Hoa Kỳ.
Chúng tôi không hề biết rằng ngay trước cả khi thay đổi chánh phủ, tướng Westmoreland đã yêu cầu tiếp viện thêm một số quân vượt xa con số mà cả hai chánh phủ đã thỏa thuận vào tháng 4. Vẫn như thường lệ, chúng tôi hoàn toàn mù tịt về những cuộc tranh luận ở Hoa Thịnh Đốn lúc này. Cuộc bàn cãi chia làm ba phe gồm những người ủng hộ việc leo thang quân sự như Bộ Trưởng McNamara, những người muốn tiếp tục chánh sách trung dung và Thứ Trưởng Ngoại Giao George Ball. Tuy đơn độc một mình, Thứ Trưởng George Ball là một nhân vật có ảnh hưởng rất mạnh. Ông đã khởi xướng những cuộc thảo luận về vấn đề cần phải giảm dần những can thiệp quân sự và từ từ rút ra khỏi Việt Nam. Từ trước tới nay, cả chánh quyền của ông Thiệu, ông Kỳ lẫn chánh quyền của bác sĩ Quát đều cho rằng Hoa Kỳ biết rất rõ những chính sách của họ và đang hoạch định kế hoạch để chu toàn mục đích. Dĩ nhiên đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Quan niệm này đã trở thành yếu tố nổi bật trong mối bang giao giữa hai quốc gia và dần dà chuyễn thành một yếu tố chủ chốt dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại đối với chiến cuộc.
Trong khi đó, quân đội Hoa Kỳ đã thực sự thay đổi tất cả bộ mặt cuộc chiến Việt Nam. Trong những ngày cuối tháng 7, chúng tôi biết rằng sư đoàn không lực 173 của Hoa Kỳ đã tấn công vào những căn cứ của Việt Cộng ở chiến khu Đ, một vùng rừng núi rậm rạp phía Tây Bắc, Sài Gòn. Đây là cuộc tấn công đầu tiên của các lực lượng bộ binh Hoa Kỳ. Ngoài ra còn một vấn đề khác quan trọng không kém là cuộc tấn công đã được những phi đoàn B-52 cất cánh từ Guam oanh tạc trước dọn đường. Những quyết định quan trọng về việc Hoa Kỳ đổ quân trong nhiều tháng trước giờ đây đang được thi hành. Nếu nhìn từ một phương vị nào đó thì những hoạt động tấn công có vẻ thiếu phần hứng khởi. Những đội quân Hoa Kỳ rất ít khi có dịp đụng độ với đối phương. Hơn nữa, vì chiến khu Đ chỉ là nơi dân cư thưa thớt nên chẳng ai để ý đến những cuộc oanh tạc chiến lược khổng lồ. Tuy vậy, một khi đã biết về những hoạt động của Hoa Kỳ thì tất cả Miền Nam đều cảm thấy vững tâm. Chiến dịch oanh tạc cho thấy đồng minh Hoa Kỳ đã chánh thức tham dự chiến cuộc và chúng tôi có thể tin tưởng vào họ. Sự vững tâm đã làm trôi tất cả mọi e dè về việc cho phép người Ngoại Quốc đổ quân vào Việt Nam. Chiến dịch oanh tạc đã phá tan những viễn tượng đe dọa thất bại quân sự do các cuộc tấn công lớn rộng và ráo riết của Bắc Việt trước đây.
Mặt khác, các vấn đề khó khăn đi đôi với việc đổ quân Hoa Kỳ bắt đầu xuất hiện. Những đồ tiếp tế và vật dụng lũ lượt đổ vào Việt Nam làm ứ nghẽn các hệ thống phân phối trong nước. Cảng Sài Gòn đầy dẫy những tàu đợi chờ rỡ hàng trong khi các thuyền trưởng xôn xao tranh cãi về quyền ưu tiên. Những công trình xây cất vĩ đại dường như mọc ra khắp nơi đi liền với những khó khăn không thể nào tránh được chẳng hạn như vấn đề khó khăn luật pháp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam khi cùng hợp tác.
Trong hạ tuần tháng 7, trong khung cảnh những hoạt động nhộn nhịp để sửa soạn cho chiến tranh thì có tin rằng Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara sẽ ghé Sài Gòn vào ngày 16. Để chuẩn bị cho cuộc thăm viếng, ông Kỳ nhờ tôi soạn thảo một bản ghi chú bao gồm những câu hỏi cần thiết để ông có thể đưa ra khi gặp Bộ Trưởng McNamara. Đây là một công việc tôi chú hết tâm sức để làm ngay. Theo tôi thì Bộ Trưởng McNamara là một trong những ngôi sao sáng của chánh phủ Hoa Kỳ. Ông có lẽ là cố vấn quan trọng nhất của tổng thống Johnson. Khi suy nghĩ đến bộ trưởng McNamara và những ấn tượng sắp đến của ông về chúng tôi, tôi cảm thấy hơi căng thẳng. Chuyến thăm viếng của bộ trưởng McNamara là một dịp quan trọng để ông Kỳ có thể xem xét toàn thể chánh sách chiến lược của Hoa Kỳ đối với chiến tranh Việt Nam. Đương nhiên chúng tôi biết rõ rằng lúc này đang có gần 80,000 binh sĩ Hoa Kỳ đóng tại Việt Nam và ít nhất thì Hoa Kỳ cũng đang dò dẫm thử nghiệm các chiến thuật tấn công. Nhưng thực sự mục đích quân sự của họ là gì? Họ muốn chiếm được những gì và họ có thể hài lòng khi đoạt được những kết quả nào? Họ toan tính chiến lược ra sao? Rút tỉa từ những kinh nghiệm từ tháng 3 và tháng 4 -Từ cuộc đổ quân gia tăng tiếp liền sau đó- Tôi đã soạn thảo một bản ghi chú cho ông Kỳ vào ngày 14, bao gồm những câu hỏi về chính sách như sau: * Mục đích chung của Hoa Kỳ về cuộc chiến là gì: Thắng lợi quân sự? Đốc thúc đàm phán? * Nếu là đốc thúc đàm phán thì cương vị và mục đích của cuộc đàm phán là gì? * Nếu mục đích là thắng lợi quân sự thì thắng lợi này được định nghĩa ra sao? Chánh thức bắt Việt Cộng đầu hàng? Chánh thức bắt Miền Bắc phải đầu hàng? Tấn công chiếm Miền Bắc? Hay chỉ ngăn chận những cuộc xâm lăng của Việt Cộng và Miền Bắc? * Mục đích của Hoa Kỳ về vấn đề chỉ huy quân sự hỗn hợp hoặc chỉ huy quân đội hợp nhất là gì? * Hoa Kỳ sẽ đổ bao nhiêu quân vào Việt Nam? Thời hạn chiếm đóng là bao lâu?
Những câu hỏi trên và những câu hỏi khác liên quan đến vấn đề liên hệ tới những dự định của Hoa Kỳ, nhất là những dự định có ảnh hưởng đến những biến chuyển kinh tế và chính trị Việt Nam ra sao được soạn thảo nhằm mục đích tạo dịp cho ông Kỳ có thể duyệt xét một cách tổng quát tình hình chung với vị Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ. Nếu nhìn bằng quan điểm lịch sử thì có lẽ điểm ly kỳ nhất là chính những câu hỏi mà tôi soạn thảo cho ông Kỳ đã tự diễn tả rõ rệt chiều hướng chính của những nỗ lực quân sự liên hiệp. Vào mùa hạ năm 1965, Việt Nam hoàn toàn mù tịt về những chiều hướng này. Tôi đề nghị ông Kỳ nên thúc dục mạnh mẽ để tìm những câu trả lời mà tôi cho là tối cần thiết trong việc hoạch định đường hướng cho những hoạt động của chúng tôi lúc bấy giờ.
Trong chuyến viếng thăm, Bộ Trưởng McNamara đã sang Sài Gòn cùng ông Henry Cabot Lodge, vị đại sứ mới đến để thay thế đại sứ Taylor. Chúng tôi đã biết ông Lodge từ khi ông bắt đầu cầm quyền tại Sài Gòn vào năm 1963-1964. Bộ Trưởng McNamara cũng đã từng đến Việt Nam năm 1964 khi tổng thống Johnson yêu cầu ông cùng vận động với tướng Khánh. Tuy vậy, vào lúc này uy danh của Bộ Trưởng McNamara đã lừng lẫy đến độ gần như khuất lấp cả con người ông. Ông nổi tiếng là người thông minh xuất chúng với một bộ óc gần như bộ óc của máy điện toán và được xem là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong chánh quyền Hoa Kỳ. Vì vậy, lúc đến văn phòng ông Kỳ để bàn bạc, tôi đã ra công chuẩn bị, tiên liệu rất nhiều.
Khi cuộc họp với phái đoàn Hoa Kỳ bắt đầu, chúng tôi ngồi thành hai phía đối diện: Bên Hoa Kỳ là Bộ Trưởng McNamara, Phó đại sứ Alexis Johnson, ông Lodge và các viên chức phụ tá khác. Phía Việt Nam là ông Kỳ, ông Thiệu, tôi và những tư lệnh quân sự. Tôi được xếp ngồi ở một vị trí thuận lợi để có thể đưa những bản ghi chú cho ông Kỳ khi cuộc họp tiếp diễn.
Tuy vừa mới trải qua một cuộc hành trình dài mà tổng trưởng McNamara dường như vẫn vô cùng sáng suốt. Mới mở màn ông đã chuyển trọng tâm cuộc họp cuộc họp về những điều chính do ông soạn thảo. Những lập luận của tổng trưởng McNamara vừa thân thiện lại vừa rất chính xác. Khi cuộc họp bắt đầu kéo dài, ông luôn luôn ghi chép vào những tờ giấy ghi chú vàng nho nhỏ. Ông đã đưa ra hàng loạt câu hỏi về những con số, tổ chức, chánh trị, quân nhu, quân cụ... như thể ông đang cố thâu thập dữ kiện và yếu tố cho một phương trình toán học khổng lồ. Hiển nhiên vì đắm chìm trong những suy nghĩ riêng tư, bộ trưởng McNamara chẳng hề để ý gì đến những người xung quanh. Theo tôi thấy thì dường như ông không hề cảm thấy cần phải lượng định nhân vật đang ngồi đối diện thẳng với ông là ông Nguyễn Cao Kỳ. Tôi tự hỏi phải chăng ông Kỳ đối với ông cũng chẳng có gì khác lạ?
Khi cuộc họp kết thúc, tuy đã có đề cập đại cương đến các kế hoạch phòng vệ, xây dựng nông thôn, tuy đã có khẳng định phần nào rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giúp đỡ, tổng trưởng McNamara vẫn không đả động gì đến những câu hỏi tôi đã ra công soạn thảo. Có lẽ ông Kỳ còn quá nhút nhát và thiếu kinh nghiệm về cách đưa ra câu hỏi. Theo như diễn biến thì có lẽ bộ trưởng McNamara và phái đoàn của ông chỉ có ý muốn thâu thập dữ kiện hơn là trình bày rõ hơn về những chánh sách và kế hoạch của họ. Sau buổi họp, tôi đã đề nghị rằng ông Kỳ nên gặp riêng Bộ Trưởng McNamara để khung cảnh nói chuyện được thuận lợi hơn. Tuy ông Kỳ có ngồi lại với Bộ Trưởng McNamara, những câu hỏi trong bản ghi chú của tôi vẫn chẳng có giải đáp nào rõ rệt cả. Khi Bộ Trưởng McNamara rời Việt Nam, chúng tôi gần như chẳng biết gì hơn thêm trước khi ông đến.
Tuy vậy, sau này chúng tôi được biết thêm rằng ngay khi ông còn ở Việt Nam, Bộ Trưởng McNamara đã nhận được một bức điện tín do phụ tá của ông là ông Cyrus Vance từ Hoa Thịnh Đốn gửi sang, báo rằng Tổng Thống Johnson đã đồng ý thỏa thuận lời yêu cầu của tướng Westmoreland về vấn đề nâng quân số lên đến 125,000. Vào ngày 28 tháng 7, trong một cuộc họp báo tại tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Hoa Kỳ thông báo quyết định gia tăng quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam. Và Đây cũng là một hình thức thông báo chánh thức đối với chúng tôi.
Gọng Kềm Lịch Sử
19. Con Đường Dẫn Đến Hiến Pháp
Ngày 28 tháng 7, tổng thống Johnson mở cuộc họp báo. Đúng hai ngày sau thì Bộ Tổng Tham Mưu yêu cầu đổ quân với số quân 193,300. Con số yêu cầu vượt quá con số tổng thống đã đồng ý hồi tháng 4 gần 70,000. Chẳng bao lâu sau, lời yêu cầu này lại được chấp thuận. Thế là đà đổ quân ào ạt như thác tích tụ từ tháng 2 không còn chuyển hướng được nữa. Kể từ lúc này, tại Hoa Thịnh Đốn, cuộc xung đột dữ dội giữa phe chủ trương ôn hòa và phe chủ trương trực tiếp can thiệp đã bắt đầu ngã ngũ. Trong cuộc xung đột ý kiến đó, những người ủng hộ chính sách "hòa hoãn, trung dung" và "từng bước thận trọng" ở Hoa Thịnh Đốn đã hoàn toàn rớt vào thế hạ phong.
Khi nhìn lại vấn đề lúc đó thì quả thật những quyết định đổ quân của Hoa Kỳ cũng không lấy gì làm khó hiểu. Vào tháng 6, Hoa Kỳ đã bắt đầu thất vọng. Họ đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam và vào rồi khi những khó khăn chính trị vừa mới được giải quyết thì những khó khăn khác lại bùng ra. Chánh phủ mới của những "Tướng Trẻ" lại xuất hiện. Đây là một chánh phủ của những người không có gì bảo đảm cả. Sau này, ông Bill Bundy đã nhận xét rằng: "Tình thế thật là đen tối và ảm đạm. Nếu vấn đề [Việt Nam] lúc này đơn thuần chỉ là vấn đề bảo vệ một đồng minh mà thôi, thì tôi cam đoan Hoa Kỳ sẽ rút lui vì cho rằng họ 'đã chịu đựng hết sức rồi.'" Tuy thế những cân nhắc về vấn đề chiến lược đã loại bỏ cách lựa chọn này. Về sau Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng McNaughton có cho tôi biết rằng khi Hoa Kỳ quyết định can thiệp vào Việt Nam thì 90% của quyết định đó được đặt căn bản trên vấn đề chiến lược. Nếu quả thật 90% của quyết định can thiệp được đặt trên vấn đề chiến lược của Hoa Kỳ thì rõ ràng là chiến cuộc Việt Nam đã chuyển thành một vấn đề của riêng Hoa Kỳ.
Vào tháng 7, chánh phủ Sài Gòn đã đóng một vai trò gần như thụ động trong những biến động đổ quân lớn lao. Hoa Kỳ mang quân ồ ạt vào Việt Nam như thể vào chỗ không người. (Vào lúc sau này ông Dean Rusk nói với tôi: "Hễ chúng tôi muốn làm điều gì, chắc chắn chúng tôi sẽ làm được điều đó!"), và Việt Nam đã để Hoa Kỳ mặc nhiên dìu dắt không một lời phản kháng. Đến sau tháng 7 năm 1965 thì những cuộc đổ quân của Hoa Kỳ đã ồ ạt và nhanh chóng đến mức chẳng ai còn đủ thời giờ để đặt vấn đề hoặc suy nghĩ sâu xa gì thêm.
Cuộc biểu dương lực lượng của một cường quốc lớn nhất thế giới quả là một khung cảnh đặc biệt gây nhiều ấn tượng cho người mục kích. Cảnh tượng đổ quân đã khiến Việt Nam hoàn toàn vững tâm. Mới vài tuần trước đây thì cuộc tấn công phối hợp của Việt Cộng và quân đội chính qui Bắc Việt vào lúc giao mùa Xuân Hạ vẫn còn đe dọa. Nhưng giờ đây, trước ấn tượng của cuộc đổ quân, những lo âu đó bỗng nhiên tan biến. Một cảm giác tự tin mới mẻ khác thường thình lình bùng ra và rồi đất nước lại chuyển mình để đối phó với những khó khăn khi phải tiếp nhận cuộc đổ quân đó.
Những trại lính thiết lập bằng lều cho quân nhân Hoa Kỳ mọc ra khắp nơi chẳng khác gì những khu phố nhỏ. Xung quanh những khu trại là những người Việt Nam trong giới kinh doanh và tiểu thương cạnh tranh lẫn nhau lập những dịch vụ thương mãi và lợi dụng hàng ngàn cơ hội do tình hình đưa đến. Công trình xây cất bùng ra khắp nơi. Dường như Hoa Kỳ muốn làm tất cả cùng một lúc. -Nhà kho, trại, đường, cầu, bãi đáp trực thăng, hải cảng, phi trường. Họ muốn thay đổi cả bộ mặt Việt Nam. Các công ty thầu khoán Hoa Kỳ đến Việt Nam giữa lúc quân đội Hoa Kỳ đổ quân đã tuyển mộ một lúc cả hàng ngàn nhân công, thu hút hết tất cả năng lực của giới lao động. Xe cộ lũ lượt như thắt nút trên đường phố, đĩ điếm tràn ngập ở khắp mọi nơi. Phi cơ vận tải và phản lực cơ chiến đấu rầm rĩ đáp xuống phi trường với một nhịp độ đinh tai nhức óc.
Mâu thuẫn thay, nếu tất cả những hoạt động náo nhiệt đã làm phấn khởi toàn dân Sài Gòn thì chính những hành động này cũng là những hành động đã chuyển hướng nhìn của họ ra khỏi khung cảnh chiến cuộc. Ngoại trừ những tiếng phản lực tại phi trường Tân Sơn Nhất và những binh lính mang đồng phục xanh ngoài đường phố, không còn dấu hiệu nào khác có thể chứng tỏ rằng Việt Nam đang giữa lúc chiến tranh. Sài Gòn lúc này giống như một thành phố đang tràn ngập các vật dụng trợ cấp và đang mất phần chủ động. Những dự trình xây cất liên tục còn được tăng cường thêm bằng những chuyến hàng hóa ồ ạt, trong số có nhiều thứ mà người dân Sài Gòn chưa hề thấy qua bao giờ. Họ nhìn những kho hàng PX khổng lồ chứa đầy những vật liệu mà họ chưa hiểu cả cách dùng và rồi tự hỏi không hiểu đây là những quân đội thế nào mà lại có thể kéo theo những thứ xa hoa đến vậy? Dĩ nhiên người dân vẫn được nhắc nhở về chiến cuộc. -Bằng những bảng cáo phó đóng khung viền đen đăng tải thường xuyên trên báo chí và bằng những đám tang thỉnh thoảng lại diễn hành quanh co trên những nẻo đường lưu thông của phố thị. Nhưng chẳng hiểu bằng cách nào đó, người ta vẫn có cảm tưởng rằng chẳng có sự liên hệ nào giữa những cuộc đụng độ dữ dội ở nông thôn và những đời sống thịnh vượng tại thủ đô thành thị.
Trong khung cảnh đó, có lẽ chánh phủ Sài Gòn đã được hưởng lợi lộc nhiều nhất. Cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều cảm thấy vững tâm ẩn sau tấm khiên chống đỡ của Hoa Kỳ. Khi nhìn thấy tương lai trước mặt, họ cảm thấy phấn khởi và vô cùng tự tin. Đây là lần đầu tiên họ cảm thấy chánh phủ của họ thật là vững chãi. Ông Thiệu và ông Kỳ nguyên là những nhân vật lãnh đaọ đứng trong một chính thể bấp bênh. Trong vòng chỉ mới hai năm chính thể này đã sáu lần thay đổi chính phủ. Thế mà giờ đây họ lại biến thành những người lãnh đạo đã giải tỏa được những khó khăn quân sự và có uy tín đối với quốc tế. Bỗng dưng họ trở nên có uy tín đối với quốc dân, bỗng dưng họ trở thành những người có thể nhìn thấy tương lai Việt Nam qua những cuộc viện trợ binh nhu của Hoa Kỳ.
Nhờ vào những thời gian rảnh tay hiện tại, khi các lực lượng quân sự của Việt Cộng đang bị đẩy lui, ông Thiệu và ông Kỳ bắt đầu bắt tay vào một chương trình tăng cường và cải tổ các lực lượng quân đội Việt Nam. Những viện trợ về khí cụ và tài chánh đã đưa đến việc thiết lập những trung tâm đào tạo khổng lồ tại Nha Trang và Vũng Tàu. Những trung tâm này đã tuyển mộ hàng ngàn người để huấn luyện. Quân đội Việt Nam bắt đầu tiến tới một quân số gần bằng quân số Bắc Việt.
Trong khi đó, Hoa Kỳ tự đảm nhận lấy tất cả các trách nhiệm điều hành trận chiến. Họ tuần tự đổ quân và phối trí các lực lượng, tấn công vào các lực lượng chính qui của Cộng Sản và dành cho quân đội Việt Nam nhiệm vụ bình định và xây dựng lại nông thôn. Trong nhiều trận đụng độ lớn, các lực lượng Hoa Kỳ đã cắt tỉa các lực lượng Việt Cộng, buộc đối phương phải chuyển đổi chiến lược và rút lui về quanh biên giới Cam Bốt và những vùng rừng già rậm rạp, hiểm trở. Tướng Westmoreland, tổng tư lệnh chiến trường Hoa Kỳ đã soạn thảo một chiến thuật gồm ba điểm "truy nã, tiểu trừ" rồi "quét sạch, giữ vững" và cuối cùng là "bình định nông thôn," nhằm mục đích dành cho quân đội Sài Gòn cơ hội thiết lập chánh quyền địa phương cho những khu vực an toàn.
Nếu đứng trên quan điểm chiến thuật mà luận thì gần như mọi hoạt động trong giai đoạn đầu do những vị tư lệnh cao cấp Hoa Kỳ chủ trương có thể được coi là chiến thắng. Họ đụng độ, gây thương vong và buộc địch quân phải rút lui về căn cứ. Tuy nhiên những thành công này vẫn chưa phải toàn diện. Thường thường, những đội quân chính qui của địch quân vẫn tránh né được những cuộc đụng độ và ngay cả khi phải thực sự đụng độ, những đội quân Bắc Việt vẫn có một khả năng lẩn tránh hữu hiệu. Hơn nữa, vì chính sách của Hoa Kỳ không cho phép quân đội Hoa Kỳ hoạt động ngoài ranh giới Việt Nam nên quân đội của tướng Westmoreland bị cấm không được phép truy kích vào những căn cứ của quân đội Bắc Việt tại Lào và Cam Bốt. Đây là những nơi các đội quân Bắc Việt có thể nghỉ ngơi, tụ họp lại và nhận thêm tăng cường từ Miền Bắc.
Vì vậy, tính cách lưu động và hỏa lực khổng lồ của quân đội Hoa Kỳ chưa bao giờ nắm phần quyết định chủ chốt. Vì quân đội Bắc Việt vẫn có thể vượt khỏi tầm phát hiện, vẫn có thể tản mác vào rừng rậm, vẫn còn có những căn cứ bất khả xâm phạm dọc theo biên giới nên chính họ -chứ không phải là những người Hoa Kỳ- mới là những người có khả năng điều khiển nhịp độ và cường độ của những cuộc chiến tranh. Đối với Cộng Sản thì cả bán đảo Đông Dương đều là chiến trận, trong khi các lực lượng bộ binh Hoa Kỳ chỉ được phép loay hoay trong phạm vi Miền Nam Việt Nam.
Nhược điểm lớn lao và tự tạo của Hoa Kỳ đã cho phép kẻ thù giữ thế tiên cơ chiến lược. Nhìn lại 20 năm vừa qua, những chiến lược gia Hoa Kỳ hiện thời cho rằng vào năm 1965 quân đội Hoa Kỳ không nên đổ hàng trăm ngàn quân vào Việt Nam để chiếm lấy chiến trường. Thay vào đó, theo ý những người như đại tá Harry Summers, tác giả quyển Chiến Lược Luận (On Strategy), một tác phẩm được xem như một công trình nghiên cứu chiến tranh thì những lực lượng Hoa Kỳ nên giới hạn tầm hoạt động của họ trong phạm vi giúp đỡ Việt Nam trước hết trong việc ổn định quân sự và rồi sau đó trong việc thiết lập một hàng rào hữu hiệu để cắt đứt những cuộc đổ quân và khí cụ từ Miền Bắc vào.
Những cách làm việc quyết đoán của Hoa Kỳ đã khiến các tư lệnh cao cấp Việt Nam vô cùng hoài nghi. Nhưng trên lãnh vực này, cũng hệt như trên mặt trận chính trị, người Việt Nam hoàn toàn chẳng làm gì cả, hoặc nói đúng hơn thì chẳng thể làm gì cả. Riêng về phía Việt Nam thì tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, là một trong những người độc nhất ủng hộ việc chặt đứt đường mòn Hồ Chí Minh. Vốn là người có kinh nghiệm đã tham gia các hoạt động tại Lào trong chiến tranh Pháp, ông đã hiểu tường tận các lực lượng Cộng Sản có thể lợi dụng những căn cứ địa hữu hiệu đến mức độ nào. Sau cuộc chiến tôi hỏi tướng Viên tại sao những viên chức quân sự Việt Nam không đẩy mạnh quan điểm của họ với Hoa Kỳ? Câu trả lời của ông đã phản ảnh rõ rệt sự suy nghĩ của các tư lệnh Việt Nam lúc đó. Tướng Viên trả lời rằng: "Chúng tôi không đủ sức mạnh để có thể tự mình quét sạch các căn cứ địa và lời nói của chúng tôi dĩ nhiên chẳng hề có chút ảnh hưởng nào vào việc điều động các lực lượng Hoa Kỳ." Đã vậy, chúng tôi còn lệ thuộc nặng nề vào Hoa Kỳ trên mọi phương diện. Ý kiến của chúng tôi đối với Hoa Kỳ gần như không đáng kể."
Thật ra thì mặc dù cuộc chiến là cuộc chiến của chính chúng tôi và đất nước là đất nước của chính chúng tôi mà khi đất nước lâm vào vòng nguy hiểm thì chúng tôi chỉ được phép đóng một vai trò thụ động nhỏ nhoi đến nỗi tiếng nói của chúng tôi hoàn toàn vô hiệu lực. Dĩ nhiên, một trong những lý do khiến vấn đề này có thể xảy ra là do mặc cảm của chúng tôi với đồng minh. Một lý do khác nữa là do chúng tôi đã tin tưởng vào Hoa Kỳ một cách mù quáng. Lúc nào chúng tôi cũng cho rằng dù chánh sách của Hoa Kỳ có thế nào chăng nữa thì khi nhìn từ phương vị toàn cuộc, những kế hoạch thực thi nhất định cũng sẽ ăn khớp khít khao. Đối với chúng tôi thì Hoa Kỳ nắm giữ những tài nguyên và uy quyền to lớn đến mức họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Bất chấp mọi sự, chúng tôi tin rằng họ sẽ thành công.
Sự thật thì tuy chiến thuật của tướng Westmoreland có bị hoài nghi, nhưng chiến thuật đó vẫn mang lại chút ít thành công. Cứ mỗi khi bị buộc phải đụng trận, địch quân lại bị tổn thất nặng nề và bị buộc phải tháo lui. Diễn biến này cho phép chúng tôi có được những giây phút quý giá để tăng cường các lực lượng và mở rộng ảnh hưởng của chánh phủ Việt Nam vào những vùng ngoài tầm với trước đây. Tầm mức hiệu quả tuy không lớn lao nhưng thật là đều đặn. Và khi tình hình quân sự đã khả quan hơn thì tình hình chính trị cũng chuyển hướng khả quan theo. Đúng vào giữa lúc tình hình khả quan và đã có một vài thành công rõ rệt thì Tổng Thống Johnson quyết định mời các tướng Thiệu, Kỳ đến tham dự một cuộc họp thượng đỉnh ở Honolulu. Đây là cuộc họp đầu tiên giữa những vị lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam. Lúc đó các cơ quan ngôn luận và giới báo chí đã tỏ vẻ nghi ngờ thiện chí của chánh phủ Hoa Kỳ. Nhiều cơ quan ngôn luận Hoa Kỳ cho rằng cuộc họp thượng đỉnh chỉ là một ngón đòn của tổng thống Johnson nhằm đánh lạc hướng và khiến dân chúng ít chú tâm đến cuộc hội thảo sắp được truyền hình của Ủy Ban Ngoại Giao ở Thượng viện Hoa Kỳ. Ủy Ban Ngoại Giao nguyên là một ủy ban có tầm ảnh hưởng rất rộng lớn do Thượng Nghị Sĩ phản chiến William Fullbright lãnh đạo. Những thông báo về cuộc họp thượng đỉnh được chánh phủ Johnson đưa ra chỉ vẻn vẹn một tuần trước khi buổi hội thảo bắt đầu đã cho thấy đây là một sự ngẫu nhiên đáng ngờ. Nhưng dù là do động lực nào thúc đẩy đi chăng nữa thì đối với chánh quyền Sài Gòn và nhất là đối với hai ông Thiệu, Kỳ có lẽ thời điểm của cuộc họp thượng đỉnh chẳng thể đến vào một thời điểm nào khác tốt hơn được.
Vào tháng 2, năm 1966, ông Nguyễn Văn Thiệu và ông Nguyễn Cao Kỳ chỉ mới nắm quyền có 6 tháng. Trước sáu tháng này vẫn chưa ai biết rõ về họ. Họ nguyên là những lãnh đạo của nhóm Tướng Trẻ và là những người đã đóng góp một phần vào việc đẩy tướng Nguyễn Khánh ra khỏi chính trường. Rồi sau đó họ lại là người thừa hưởng chính quyền từ chính phủ dân sự của bác sĩ Phan Huy Quát. Mặc dù ông Thiệu và ông Kỳ đã có một số uy tín quân sự, nhưng họ vẫn chưa chứng tỏ được khả năng lãnh đạo chính trị. Vậy mà chỉ mới sau nửa năm nắm chính quyền, họ đã thành công đáng kể, nhất là trong việc củng cố vững mạnh quân đội và thiết lập những chương trình bình định nông thôn. Hơn nữa, vào lúc này tuy các đoàn thể chánh trị và tôn giáo vẫn chưa bỏ hẳn những ý định chống đối nhưng ít ra họ cũng không còn biểu tình ngoài đường phố hoặc tổ chức bạo động để chống chánh phủ. Đối với Việt Nam thì đây quả là một thành công đáng kể. Kết quả là sự nghiệp của ông Thiệu và ông Kỳ bỗng tiến sang một bước ngoặt mới. Họ là những tướng lãnh nhà binh đang trở thành những nhân vật lãnh đạo chính trị chánh thức. Bởi vậy, cuộc họp thượng đỉnh đối với họ thật sự là một biến cố quan trọng đặc biệt. Cuộc họp đã khiến hai ông Thiệu, Kỳ có cơ hội trực tiếp tìm hiểu ý muốn của Hoa Kỳ qua giới lãnh đạo cao nhất. Đây là một cơ hội hiếm hoi từ trước đến nay Việt Nam vẫn chưa bao giờ có được. Cuộc họp thượng đỉnh đã khiến cương vị của hai ông Thiệu, Kỳ trở nên vững vàng. Chính cuộc họp cũng đã góp phần tạo nên hình ảnh của họ như những nhân vật lãnh đạo của đất nước.
Dĩ nhiên, phản ứng của họ đối với biến chuyển này hoàn toàn khác biệt. Mặc dù từ trước đến nay, ông Thiệu và ông Kỳ vẫn là hai người thông minh và xuất sắc nhất trong nhóm các tướng trẻ, họ vẫn gần như hai nhân vật không có điểm gì chung. Vào năm 1966 thì ông Thiệu, người Nam, mới có 42 tuổi và ông Kỳ, người Bắc, mới có 35 tuổi. Họ đã không phải là bạn cùng học lại cũng chẳng phải là bạn thân thiết với nhau. Từ nhân cách, tính tình cho đến cách suy luận vấn đề, họ đều hoàn toàn khác biệt. Những người Việt Nam thường kháo nhau rằng: Nếu có thể bỏ hai ông Thiệu, Kỳ vào cái cối mà giã thì có lẽ chất hỗn hợp này sẽ hoàn hảo hơn tính tình riêng của hai người cộng lại rất nhiều.
Vì bị buộc phải đấu lưng hợp sức, chánh phủ của hai ông Thiệu, Kỳ và các tướng tá đồng nghiệp đã thiếu luật bầu cử mà lại cũng chẳng có hiến pháp. Trong chánh phủ thì ông Kỳ đóng một vai trò nổi bật. Ông là thủ tướng, người đứng đầu Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương và là người điều hành công việc hàng ngày trong nước. Tuy vậy, quyền lực thật sự lại thuộc về một nhóm quân sự gọi là Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do ông Thiệu làm chủ tịch.
Vốn là người trầm lặng và từng trải hơn ông Kỳ, ông Thiệu đã phục vụ lâu năm hơn và có nhiều kinh nghiệm chính trị hơn. Vì đã mục kích nhiều cuộc thay đổi chính phủ, ông Thiệu cảm thấy rõ ràng hơn ông Kỳ những nguy hiểm của một cương vị nổi bật quá sớm khi tình hình chưa được hoàn toàn ổn định. Ngược lại, ông Kỳ lại thiếu thận trọng. Ông không chút e dè khi thu hút tất cả những sự chú tâm về phía mình. Chẳng hạn như việc ông Kỳ đã đi làm bằng trực thăng, mặc dù chỉ sống cách Phủ Thủ Tướng có 3 ki-lô-mét. Mỗi sáng khi ông đến thì cả Phủ Thủ Tướng đều bị chấn động vì tiếng trực thăng. Đến nơi ông Kỳ lập tức nói chuyện ngay với bất kỳ nhà báo nào đang có mặt tại đó, không hề sửa soạn gì trước. Trong khi ông Kỳ điều hành chánh phủ và được đa số quần chúng chú tâm thì ông Thiệu lại vận động ở hậu trường, củng cố thực quyền và nỗ lực cố đem những ảnh hưởng của mình vào việc hoạch định chính sách. Việc liên minh giữa ông Thiệu và ông Kỳ đã hẳn chỉ là một việc liên minh tạm thời. Ngay từ lúc đầu, họ đã xem nhau như đối thủ và luôn luôn vận động để tranh đoạt ngôi thứ. Tuy vậy, khi tranh ngôi đoạt thứ, họ cũng ngấm ngầm đồng ý rằng ngày nào chiến cuộc còn khốc liệt thì ngày đó họ còn cần phải cùng nhau giữ vững chính phủ. Đối với cả hai nhân vật vừa mới bước chân vào cương vị lãnh đạo thì Honolulu là một biến cố trọng đại. Vào ngày nhận được giấy mời, họ đã huy động toàn thể chánh quyền để chuẩn bị cho cuộc họp. Bộ Tổng Tham Mưu được ủy nhiệm phân tích tình hình quân đội và liệt kê những nhu cầu cấp thiết cần viện trợ. Tướng Nguyễn Đức Thắng, Bộ Trưởng đặc trách xây dựng nông thôn, được lệnh thảo một bản báo cáo tường tận về những chương trình bình định nông thôn. Riêng tôi phải lao mình vào việc xếp đặt toàn thể chương trình. Khó khăn hơn nữa, tôi còn được ủy nhiệm thảo một bản diễn văn chánh thức để Thủ Tuớng Kỳ đọc tại hội nghị thượng đỉnh.
Trong một thời gian ngắn ngủi, và đang trong hoàn cảnh phải xếp đặt những việc cần phải làm khác thì việc soạn diễn văn cho ông Kỳ quả là một thử thách lớn lao. Tuy thế, tôi vẫn cho đây là một cơ hội. Lúc này, tôi đã hoàn toàn hòa mình vào làm việc với một chánh phủ quân nhân. Trong những tháng vừa qua, tôi đã nhận thấy ông Thiệu và ông Kỳ có lẽ là những người có thiện chí. Tuy có đố kỵ và theo đuổi những tham vọng cá nhân, họ vẫn chưa tệ đến nỗi quên cả chánh phủ. Hơn nữa, nhờ có Hoa Kỳ can thiệp, họ đang thành công rực rỡ. Lúc này, họ đang lợi dụng cơ hội. Nhất là những cơ hội để củng cố quân đội quốc gia.
Tuy nhiên, mặc dù đang có nhiều lợi điểm, chánh phủ vẫn thiếu một đường hướng chính trị rõ rệt. Họ vốn là những quân nhân chưa hề suy nghĩ sâu xa về các vấn đề chính trị hoặc xã hội. Nhưng theo tôi thấy thì họ cũng rất cởi mở và ít nhất là ở một mức độ nào đó, họ cũng là những người còn có thể sửa đổi được. Và về riêng phương diện này thì ông Kỳ có vẻ dễ dàng thay đổi hơn ông Thiệu. Thật sự thì tôi đã âm thầm bắt đầu làm những việc trong phạm vi khả năng để chuyển hướng chú ý của ông Kỳ vào những quan niệm cải cách xã hội, kinh tế và những vấn đề của một chánh phủ hợp hiến. Tôi đã cố xoay chuyển sự chú tâm của ông về những vấn đề liên quan đến hoài bão của bác sĩ Quát và hoài bão của những người trong nhóm chúng tôi trong suốt gần hai thập niên khi trước. Trong những bài diễn văn soạn thảo cho ông Kỳ, tôi đã nhấn mạnh những chủ đề như cố mang lại công bằng trong xã hội, cố tạo ra những cơ hội phát triển giáo dục, kinh tế, tự do tín ngưỡng và các quyền lợi bất khả xâm phạm của người dân. Tôi cũng đã mạnh dạn đưa ra vấn đề cần phải chuyển hướng chánh phủ để dẫn đến một chánh phủ dân chủ hợp hiến. Đứng vào cương vị của một người soạn thảo diễn văn, tôi đã cố không che đậy những sự thật ác nghiệt rằng chế độ Việt Nam lúc này là một chế độ chưa được gọi là dân chủ. Tôi đã cố không phủ nhận rằng cải cách đang ở một mức độ quá chậm và những căn bệnh quá khứ quả đã gần như nan y. Nhưng theo như một trong những lời viết của bài diễn văn thì tiền đề quan trọng hơn cả là: "[Chúng tôi đã] có một mục tiêu xứng đáng để tranh đấu không những chỉ để chống lại Cộng Sản mà còn để phát triển một quốc gia yêu chuộng tự do cá nhân và đang ở vào một tình trạng đang cần phải cải tiến."
Đối với tôi thì đây không phải chỉ là vấn đề ngôn từ mà chính là những mục tiêu thực thụ cần phải đạt được nếu Việt Nam muốn có những nỗ lực đoàn kết cần thiết để chống cự lại cuộc tàn sát của các kẻ thù hung hiểm giáo điều. Phần lớn ý kiến của tôi vẫn chưa được chuyển thành những chương trình có kế hoạch hẳn hòi, nhưng đây chẳng qua chỉ vì ông Thiệu và ông Kỳ cũng vừa mới bắt đầu chú tâm đến các vấn đề mà thôi.
Lạ lùng thay, ông Kỳ lại có vẻ hưởng ứng những cuộc thảo luận về vấn đề cải cách. Có lẽ ở một mức độ nào đó, ông đã bị những quan niệm dân chủ ảnh hưởng. Tầm mức ảnh hưởng có lẽ vừa đủ để ông có thể đề cập thẳng thắn và tự dấn thân dần vào việc. Mỗi lần ông đưa vấn đề ra trước công luận là mỗi bước ông xa rời cương vị độc đoán và tiến gần đến những mục tiêu dân chủ hơn. Những gì ông đưa ra trước công luận không phải là những điều có thể dễ dàng rút lại hoặc có thể dễ dàng xem thường.
Trong tình trạng vừa kể, tôi bắt đầu thảo bài diễn văn mà ông Kỳ sẽ đọc tại Honolulu. Mặc dù ông Kỳ rất cởi mở với những quan niệm cách mạng xã hội, cả tôi lẫn các cộng sự viên của tôi đều không rõ ông sẽ vui lòng tranh đấu đẩy mạnh việc thực thi những quan niệm đó đến mức độ nào với các tướng trẻ. Vả chăng nếu Việt Nam công khai hứa sẽ cải cách và công khai đưa ra một thời hạn nhất định với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tại cuộc họp thượng đỉnh thì hẳn nhiên các biến chuyển về sau không dễ gì thay đổi được.
Vì trong tâm suy nghĩ như thế nên tôi đã thảo một bài diễn văn hết sức đầy đủ và thiết tha đưa vấn đề cải cách đi xa đến mức tột cùng cởi mở của ông Kỳ. Trong những vấn đề đưa ra, song song với vấn đề cần thiết phải đạt được chiến thắng trong chiến cuộc tôi cũng đề cập đến những lý tưởng xây dựng quốc gia, thiết lập hiến pháp và quay về với chánh phủ dân sự. Tôi đã hòa hợp rất khéo những điều tôi muốn nói và những điều ông Kỳ nghĩ là ông có thể sẽ theo. Bài diễn văn vừa đưa ra những khuynh hướng mạnh dạn của ông Kỳ, vừa nêu lên tầm mức cần thiết của những dự định đã được đưa ra. Trong khi đó tôi cũng tránh liên lạc với những người trong nhóm ông Thiệu, những người mà tôi biết sẽ quan niệm lệch lạc khi nhìn thấy những hoạt động của tôi vào lúc này.
Nỗ lực của tôi quả thật mong manh vô độ. Trước đây, ông Thiệu đã nhiều lần xem xét cẩn thận những bài diễn văn tôi soạn thảo cho ông Kỳ. Vốn là người thận trọng, ông Thiệu lúc nào cũng tránh những việc hứa hẹn. Trước đây, trong những bài diễn văn tôi soạn, ông đã không hài lòng với rất nhiều đoạn. Thường thường, phụ tá của ông gọi tôi để bàn luận nếu không về vấn đề này thì cũng về vấn đề khác. Họ nêu rõ cả những thay đổi và những đoạn cần phải cắt bỏ. Những lúc như vậy tôi thường tìm đến ông Kỳ, nhờ ông thảo luận lại với ông Thiệu để chúng tôi có thể giữ được những điểm chính. Đôi khi ông Kỳ chấp nhận, có lúc ông chối từ, và một khi ông Kỳ đã khước từ thì tôi đành phải nhượng bộ. Phần lớn những điều tôi đưa ra đều tùy thuộc vào những liên hệ phức tạp giữa ông Kỳ và ông Thiệu, vì thế kết quả thường rất khó đoán. Nhưng kết cục thì trong bài trình bày ở Honolulu, những vấn đề mấu chốt chẳng hạn như vấn đề kinh tế và vấn đề cần phải có một chánh phủ dân sự đã được giữ lại y nguyên.
Ngoài những bản diễn văn, tôi còn sửa soạn thêm một bản ghi chú và đã liệt kê tất cả những câu hỏi quan trọng mà tôi nghĩ ông Kỳ nên đưa ra khi nói chuyện với Tổng Thống Johnson. Tương tự như bản ghi chú tôi đã viết cho chuyến thăm viếng Bộ Trưởng McNamara trước đây, bản ghi chú tôi viết cho ông Kỳ lại nhấn mạnh một lần nữa vấn đề chúng tôi cần phải hiểu rõ những chiến lược trường kỳ cũng như phải hiểu rõ những vấn đề Hoa Kỳ cho là hệ trọng. Nói chung thì sau một tuần lễ tích cực chuẩn bị, tôi đã cảm thấy hài lòng và tự tin rằng những nỗ lực của chúng tôi sẽ giúp Việt Nam ứng đối trôi chảy trong cuộc họp sắp đến tại Honolulu. Tôi cũng hài lòng và hồi hộp vì trong cuộc hội thảo chung bàn luận về những diễn tiến của cuộc họp thượng đỉnh , tòa đại sứ Hoa Kỳ đã không làm áp lực gì mạnh với chúng tôi. Tôi đã cho cả hai người bạn thân tại tòa đại sứ là ông Edward Lansdale và vị cố vấn chính trị mới là ông Philip Habib rõ về nội dung của những bài diễn văn. Tuy cả hai đều rất hài lòng vì những hứa hẹn dự định dân chủ của chúng tôi, họ vẫn có vẻ chú tâm vào các chương trình bình định nông thôn. Họ khuyên rằng chúng tôi nên chuẩn bị kỹ lưỡng để đương đầu với các cơ quan báo chí quốc tế tại cuộc họp thượng đỉnh.
Giám đốc phòng thông tin Hoa Kỳ là ông Barry Zorthian đã bỏ ra rất nhiều thời giờ bàn luận với tôi về cách chuẩn bị trả lời những câu hỏi của các phóng viên báo chí. Ông nhấn mạnh sự bạo dạn của họ khi săn tin và nhắc nhở chúng tôi phải chuẩn bị. Vấn đề phải hội kiến với toàn thể các cơ quan báo chí tại cuộc họp thượng đỉnh là một trong những điều làm tôi hồi hộp. Ngoài những trường hợp tiếp xúc cá nhân với riêng từng ký giả, từ trước tới nay tôi chưa hề phải đương đầu với các ký giả của Hoa Kỳ. Tôi vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn vào khả năng Anh Ngữ của mình. Khả năng Anh Ngữ của ông Kỳ lại còn tệ hơn. Tôi đã nhắc đi nhắc lại ông Kỳ rằng nếu bất cứ khi nào gặp khó khăn, ông nên hỏi để tôi có thể nhảy vào sửa chữa hoặc bổ sung chi tiết. Tuy thế, tôi biết ông Kỳ không hề sợ hãi. Nhất là đối với phóng viên báo chí thì lúc nào ông cũng phát biểu thẳng thừng.
Vào ngày 6 tháng 2, chúng tôi rời sân bay Tân Sơn Nhất trên chiếc máy bay đặc biệt của Tổng Thống Johnson. Tất cả chúng tôi đều cùng nửa hồi hộp, nửa hy vọng. Cùng đi với chúng tôi là đại sứ Henry Cabot Lodge và những nhân viên của tòa đại sứ. Chúng tôi cho đây là một cuộc hội kiến lịch sử. Vì là người mới bắt tay vào việc, tôi rất thán phục cách dự liệu kỹ lưỡng của Hoa Kỳ. Tôi còn hồi hộp hơn khi xem bản liệt kê danh sách những nhân vật trong phái đoàn Hoa Kỳ. Ngoài Tổng Thống Johnson, danh sách bao gồm cả Ngoại Trưởng Rusk, Bộ Trưởng McNamara, các ông Rostow, Harriman, Wheeler và những nhân vật lừng danh khác. Đây là một cuộc hội tụ của gần hết những người mà về sau ký giả David Halberstam đã gọi là: Những nhân vật kiệt xuất và lừng danh nhất (The Best and The Brightest). Khi đọc qua tên tuổi các đại biểu Hoa Kỳ, bạn thân của tôi là Ngoại Trưởng Trần văn Đỗ đã nửa đùa nửa thật nói rằng: "Tụi mình là những đám người tí hon đang phiêu lưu vào vùng đất Guilliver huyền thoại đây!"
Ấn tượng của chúng tôi còn mạnh hơn khi máy bay đáp xuống phi trường quân sự ở Honolulu. Ngay giữa con đường trải nhựa mênh mông là một khán đài chào mừng sừng sững cắm đầy quốc kỳ. Quang cảnh phía hông cho thấy vị Tổng Thống Hoa Kỳ khổ người to lớn vượt hẳn lên khỏi hai vị tướng Việt Nam đứng cạnh trông lồ lộ chẳng khác nào biểu tượng rõ rệt về vai trò thực thụ của hai chánh phủ. Nhưng nếu khổ người của tổng thống Johnson vượt khổ bao nhiêu thì diễn văn chào mừng của ông lại thân mật và hiền hòa bấy nhiêu. Chẳng những ông nói về "chiến thắng chống xâm lược" và ông còn nói đến "khắc phục đói kém, bệnh hoạn và thất vọng." Ông đề cập đến vấn đề "y tế, giáo dục, nông nghiệp và kinh tế," và về "một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân." Hẳn nhiên đây là một bài diễn văn chính trị, nhưng những cảm quan diễn tả dường như phát ra tự đáy lòng và lời lẽ bài diễn văn đã khích lệ tất cả những người mang tâm hoài bão việc tạo dựng một tương lai tốt đẹp cho Việt Nam sau chiến cuộc.
Thực sự thì vào lúc này tôi chẳng có bao nhiêu thời giờ để suy nghĩ sâu thêm. Vì là người giữ vai trò phối hợp phái đoàn, tôi phải xem xét kỹ lưỡng mọi vấn đề đâu vào đấy cho phiên họp ngày hôm sau. Trời mới vừa chớm tối tôi đã nhập bọn cùng những đồng nghiệp người Hoa Kỳ để cùng soạn thảo một bản thông cáo chung nhằm đưa ra khi cuộc họp thượng đỉnh kết thúc vào ngày hôm sau. Bất cứ ai đã là người tham gia vào những cuộc họp có tính chất quốc tế cũng đều biết việc soạn thảo là một công việc đã đòi hỏi rất nhiều công phu và lại chỉ mang lại những kết quả thật nhỏ nhoi. Tuy thế đây là việc những người tổ chức bắt buộc phải làm. Nhất là vì bản thông cáo phải được soạn ngay trước khi buổi họp bắt đầu, nhưng vì trước đây tôi chưa bao giờ có dịp tham gia những công việc soạn thảo tương tự nên lúc này chẳng những tôi đã lao hết mình vào cuộc với tất cả nhiệt huyết mà còn thực sự tin tưởng rằng tôi quả đang đóng góp vào việc tạo dựng lịch sử.
Không có điều gì trong bản tin có thể khiến tôi suy nghĩ khác hơn. Khi việc hoàn tất thì một bản thảo được gọi là bản tuyên ngôn Honolulu đã bao gồm rất nhiều điều tổng quát. Trong bản tuyên ngôn Hoa Kỳ và Việt Nam cùng cam kết "sẽ bảo vệ Việt Nam chống xâm lược, tranh đấu cải cách xã hội, tạo dựng một chánh phủ tự do, độc lập và xây dựng hòa bình." Đối với Việt Nam thì vấn đề khó nhất là vấn đề phải cam kết "soạn thảo một bản hiến pháp dân chủ vào những tháng sắp tới, đưa ra cho dân chúng Việt Nam thảo luận và bổ túc rồi hợp thức hóa bản hiến pháp đó bằng phương pháp bỏ phiếu kín và thiết lập chánh phủ dân chủ qua thể thức bầu cử." Việc phải mang bản soạn thảo về cho ông Thiệu và ông Kỳ ký kết đối với tôi quả là một việc ngại ngùng. Những phát biểu hỗn hợp Mỹ-Việt về việc bảo vệ đất nước thoát khỏi ách xâm lược và ngay cả những đề nghị cải cách xã hội có lẽ cũng chẳng gặp khó khăn gì, nhưng đòi hỏi ông Thiệu và ông Kỳ phải công khai hứa hẹn soạn thảo hiến pháp và chuẩn bị bầu cử lại là một vấn đề hoàn toàn khác hẳn.
Tuy thế thật là ngạc nhiên và sung sướng cho tôi, việc lại diễn ra khác hẳn như tôi dự liệu. Cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều chẳng để ý gì đến nội dung của bản soạn thảo mặc dù lời lẽ các điều kiện trong bản soạn thảo thật là chi tiết. Họ đã quá hân hoan vì các biến cố trong ngày. Việc họ hứa rõ sẽ cải tổ trên giấy trắng mực đen trong một tài liệu quốc tế mà chính họ không thể nào từ bỏ được đã khiến tôi cảm thấy vui mừng vô hạn.
Cuộc họp chánh thức mở màn vào ngày kế tiếp, trong một hội trường tại nơi đặt bản doanh Tư Lệnh Thái Bình Dương. Hai phái đoàn tản ra quanh một chiếc bàn bầu dục khổng lồ, nhưng đối với những người trong phòng thì rõ ràng chỉ có một nhân vật đáng kể. Tổng thống Johnson hoàn toàn chế ngự buổi họp. Phong thái lãnh đạo rõ rệt của ông nổi bật qua khổ người to lớn và sự chú tâm nhất loạt của các cố vấn của ông. Mỗi lần ông nghiêng người về phía đối diện để nhấn mạnh những điều muốn nói là mỗi lần ông tạo ra những ấn tượng khó quên cho những đại biểu Việt Nam.
Tổng thống Johnson chú tâm lắng nghe bài diễn văn của ông Kỳ và rồi lại chú tâm nghe tướng Thắng trình bày các chương trình bình định nông thôn. Thỉnh thoảng ông lại ngắt lời tướng Thắng để đưa ra câu hỏi hoặc ra lệnh cho những phụ tá ngồi phía sau. Những lời ông nghị luận vừa mạch lạc lại vừa đi rất sát vấn đề. Đôi khi cũng có vài câu văn vẻ. Có lúc ông ngỏ ý "muốn xem Bộ Da Chồn treo trên tường." Đây là một thành ngữ mà cả phái đoàn đều mù mờ. Lúc đó, vì coi tôi như một chuyên viên Anh ngữ nên nhiều người đã quay lại hỏi tôi rằng: "Ông ấy nói cái gì thế?"
Nhưng việc Tổng Thống Johnson dùng chữ thế nào để diễn tả tư tưởng không phải là vấn đề chính. Đại ý toàn thể bản thông cáo đã được trình bày quá rõ ràng. Ông muốn nhìn thấy những kết quả thực tiễn từ cả hai phiá Mỹ Việt. Qua thái độ quả quyết của tổng thống Johnson chẳng ai có thể nhầm lẫn những điều ông mong mỏi. Về phía phái đoàn Việt Nam thì ông Thiệu có lẽ vì lý do gì riêng muốn ông Kỳ đóng vai trò lãnh đạo nên đã phát biểu rất ít. Ông Rusk cũng ngồi yên lặng với khuôn mặt nghiêm trang như Phật trong khi Tổng Trưởng McNamara vẫn hí hoáy ghi chép trên những mảnh giấy vàng như bao giờ.
Khi chúng tôi nghỉ trưa, tất cả đều cảm thấy mình đã bắt đầu một hội nghị hết sức hứng khởi. Chiều đó, lúc hai phái đoàn chia thành từng nhóm để tiến hành công việc thì ông Thiệu và ông Kỳ đến họp riêng cùng tổng thống Johnson.
Theo tôi nhận định thì dường như vị tổng thống Hoa Kỳ vừa mới tái đắc cử và đang đứng trên đỉnh cao uy quyền gần như chẳng có điểm nào giống với hai vị tướng lãnh Việt Nam -ngoại trừ một điểm hiển nhiên là cả ba đều cùng cam kết chống lại một kẻ thù chung.- Tuy thế, những phù hợp cá nhân đã khiến cả ba đều mỉm cười tươi vui, mãn nguyện sau suốt hai giờ gặp gỡ. Những cử chỉ thật tâm và thân thiện của tổng thống Johnson đã hoàn toàn thuyết phục được hai nhân vật lãnh đạo của Việt Nam. Ông đã gây được thiện cảm của cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ. Có lúc tổng thống Johnson và ông Kỳ cùng châu đầu bên những tách cà phê như thể họ là đôi bạn thân đã từ lâu.
Mặc dầu các vấn đề tại cuộc họp vẫn chưa được duyệt lại kỹ lưỡng, tất cả chúng tôi đều cho đây là một cuộc họp thành công. Buổi họp ở Honolulu đã cho Tổng Thống Johnson cơ hội gặp gỡ các tư lệnh quân sự cùng các cố vấn cao cấp của ông và nhấn mạnh với họ về tầm quan trọng của vấn đề bình định nông thôn. Ông đã có dịp gặp gỡ và thẩm định các tướng tá lãnh đạo Việt Nam. Ông còn được họ hứa sẽ soạn thảo hiến pháp và tiến hành bầu cử.
Có lẽ yếu tố quan trọng nhất là cuộc họp Honolulu đã giúp tổng thống Johnson tránh được những lời chỉ trích rằng ông chỉ dựa vào bạo lực quân sự để giải quyết vấn đề. Để trả lời cho những chỉ trích của giới phản chiến lên án ông đã dựa vào bạo lực quân sự để giải quyết vấn đề chính trị, tổng thống Johnson đã nhấn mạnh y tế, giáo dục, sách vở, phân bón và điện hóa những vùng thôn quê. Cuộc thảo luận đã khẳng định những cam kết xây dựng nông thôn và đã nhận định lại rằng: Nếu không có những chương trình hữu hiệu để dân chúng có thể ủng hộ thì dù có tất cả sức mạnh uy quyền trên thế giới cũng chẳng thể nào thành công.
Cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều hân hoan tột độ. Họ đã được chánh quyền Hoa Kỳ tận lực ủng hộ. Hoa Kỳ chẳng những chỉ giúp đỡ họ bằng viện trợ quân sự mà còn giúp đỡ cả đến việc củng cố chính phủ của Việt Nam. Ông Kỳ đã vui mừng vượt mức. Ông đã làm bạn được với tổng thống Hoa Kỳ và được giới báo chí triệt để chú ý. Nỗi vui mừng dào dạt đến nỗi ông Kỳ chẳng còn để ý đến chuyện đặt câu hỏi với những đề tài tôi đã soạn thảo trong bản ghi chú. Khi tôi hỏi ông về các vấn đề trong bản ghi chú thì ông gạt phắt đi rằng: "Ông xem đấy, lão già ấy đã thật thà quá mức rồi, làm sao mà mình còn nghi ngờ gì lão ta được nữa?"
Mặc dù ông Kỳ chưa hỏi đến những vấn đề tôi đã liệt kê, tôi cũng vẫn cảm thấy có đủ lý do để hài lòng. Không những bài diễn văn đưa ra đã buộc chặt chánh phủ của hai ông Thiệu, Kỳ phải giữ lời hứa thực hiện những cải cách xã hội như tôi mong mỏi mà cả tổng thống Johnson cũng đặc biệt chú tâm đến nội dung của bản trình bày. Khi gặp riêng ông Kỳ, ông đã ngỏ lời hỏi ông Kỳ cho biết rõ chi tiết hơn về "cuộc cách mạng xã hội" mà ông Kỳ đã đề cập đến trong bài diễn văn. Vì bản diễn văn trùng đúng với ý tổng thống Johnson, ông Kỳ còn nhận ra rằng thực sự chính tôi là nhân vật chính đã giúp ông nâng cao uy tín với vị tổng thống Hoa Kỳ. Từ nay trở đi, giữa những nhóm cộng sự của ông Kỳ, tôi không còn là người ngoài nữa. Những biến chuyển khả quan đã khiến tôi cảm thấy lâng lâng trên đường trở lại. Lúc này tôi không còn phải bận tâm với những nỗi lo lúc nào cũng canh cánh về việc chánh phủ Việt Nam có thể lại xáo trộn như những năm 1963-1964 trước đây. Sau các cơn biến động của những năm về trước, giờ đây tôi đã tình cờ bước vào một khúc giao lưu của lịch sử. Đây là một thời điểm hết sức đặc biệt vì mục tiêu của Hoa Kỳ và những tiến trình của một nền dân chủ đang được cả hai dân tộc ủng hộ. Cuối cùng các biến cố đã chuyển theo khuynh hướng qui tụ và ổn định thay vì suy sụp và tan rã.
Gọng Kềm Lịch Sử
20. Bước Thứ Hai
Vào lúc hội nghị Honolulu kết thúc, chúng tôi còn hân hoan hơn vì được biết Tổng Thống Johnson sẽ cử Phó Tổng Thống Hubert Humphrey sang Việt Nam cùng lúc phái đoàn Việt Nam trở về. Tuy Phó Tổng Thống Humphrey không đến dự hội nghị Honolulu, Tổng Thống Johnson vẫn cho rằng nếu gửi ông sang Việt Nam thì Hoa Kỳ có thể tiếp tục nâng cao được tinh thần chính phủ Việt Nam. Vì vậy Phó Tổng Thống Humphrey đã được ủy nhiệm sang Á Châu. Ông dự định đến Sài Gòn trước tiên và sau đó sẽ ghé thăm những nước lân cận. Tuy Việt Nam lúc này đang ở vào giai đoạn chiến tranh, vị Phó Tổng Thống Hoa Kỳ vẫn nhìn tình hình với đôi mắt khả quan. Chẳng những thế, quan niệm cấp tiến của ông Humphrey lại còn trùng đúng với chủ trương nhấn mạnh cải cách xã hội, kinh tế của Tổng Thống Johnson. Sự hiện diện của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ trên chuyến bay trở về đã khiến phái đoàn chúng tôi vô cùng phấn khởi. Những tin tưởng khởi xuất từ cuộc họp thượng đỉnh lại càng vững vàng thêm.
Khổ thay, cả những uy tín của cuộc họp thượng đỉnh cũng vẫn chưa đủ để ông Thiệu và ông Kỳ thoát khỏi được tất cả những khủng hoảng nội bộ đã nhiều phen lật đổ các chánh quyền Việt Nam trước đây. Ít nhất thì cũng là một lần nữa, những phong trào đảo chánh của đời sống chính trị Việt Nam lúc đó lại khiến hai tướng lãnh phải dùng đến áp lực quân sự. Vào tháng 3 năm 1966, chỉ mới chưa tròn một tháng sau cuộc họp Honolulu thì những âm mưu đảo chánh lại được phát động. Lần này mưu toan đảo chánh lại do các đoàn thể Phật Giáo. Họ đã hợp tác cùng với một tư lệnh quân đội có nhiều thế lực và tham vọng đang trấn ở quân đoàn I giáp giới Miền Bắc là tướng Nguyễn Chánh Thi.
Sự thật thì cuộc đụng độ đã ngấm ngầm từ nhiều tháng trước. Tướng Thi là một người háo động đã tham gia rất nhiều vụ dấy động trong suốt cuộc đời binh nghiệp, kể cả những vụ đảo chánh lẫn chống đảo chánh. Ông chính là một trong những người đã cầm đầu cuộc đảo chánh hụt ông Diệm lần đầu vào năm 1960. Cuộc đảo chánh đầu tiên của tướng Thi đã mở màn cho những ý tưởng đảo chánh về sau này. Năm 1964, ông hỗ trợ Tướng Nguyễn Khánh truất phế những tướng tá đã lật đổ ông Diệm. Rồi ông lại liên kết với nhóm Tướng Trẻ để trục xuất tướng Khánh năm 1965. Thành tích quá khứ và oai quyền lãnh chúa Miền Bắc đã khiến tướng Thi tự coi mình thừa khả năng điều hành chính phủ. Hoặc giả ít nhất ông cũng cho rằng nếu đem so sánh với ông Thiệu và ông Kỳ thì khả năng của ông cũng chẳng kém gì.
Thủ đô của vùng một là Huế, nguyên là một thành phố thuộc vùng tướng Thi cai quản và cũng là nơi lãnh tụ Phật Giáo Thích Trí Quang cùng các lãnh tụ Phật Giáo khác cư ngụ. Tuy kể từ khi ông Thiệu và ông Kỳ nắm quyền, các phái đoàn Phật Giáo đã khá im lặng, họ vẫn chưa thực sự hài lòng. Vì các đoàn thể Phật Giáo vẫn không có chỗ đứng nào trong chánh phủ nên giờ đây thái độ chống quân nhân của họ còn mãnh liệt hơn. Ông Thiệu là người công giáo. Ông Kỳ tuy là người Phật Giáo nhưng vẫn không đủ kiên nhẫn để xoa dịu những đoàn thể Phật Giáo.
Vào đầu tháng 3-1966, hai nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng nội bộ của Việt Nam là nỗi bất bình của Tướng Thi và những thất vọng chánh trị của các đoàn thể Phật Giáo. Cuộc khủng hoảng bắt đầu trong một chuyến ông Kỳ đến Huế. Khi ông Kỳ đến Huế, một lãnh chúa tại đây đã quay lại hỏi thuộc hạ: "Ê, anh chàng này đến làm gì ở đây vậy?" Trong cơn phẫn nộ, ông Kỳ không chỉ xem đây là một sự nhục mạ cá nhân. Ông lên án hành động của vị tư lệnh miền Trung là một hành động thách thức chánh quyền. Ít nhất thì đây cũng là nguyên nhân của mọi việc hỗn loạn vào lúc ban đầu. Cũng có thể ông Kỳ đã cố tình tìm dịp đương đầu trực tiếp với tướng Thi để giải quyết cho xong vấn đề của một vị tướng hay la lối ầm ỹ. Dù thế nào đi nữa thì khi quay về Sài Gòn, tất cả những người trong giới lãnh đạo ở Sài Gòn cũng hoan nghênh việc ông Kỳ đã đứng ra đương đầu trực tiếp với tướng Thi. Chính những hành động của ông Kỳ với tướng Thi đã khiến các đoàn thể Phật Giáo ở Huế khởi đầu những cuộc biểu tình đòi hỏi chánh phủ quân nhân phải từ chức. Đây là những cuộc biểu tình quái dị do những ám ảnh đảo chánh điên cuồng thôi thúc.
Vào ngày 26 tháng 3 năm 1966, những chuyện xung đột cá nhân mở đầu đã chuyển thành một cuộc nổi loạn toàn bộ ở miền Trung. Những đoàn biểu tình và các chánh quyền địa phương đã chiếm giữ những đài truyền thanh ở Huế và Đà Nẵng. Họ tuyên bố trung lập, không về phe nào cả. Nếu ông Kỳ không gửi đại diện đến để hứa rõ với những đoàn thể Phật Giáo rằng chánh quyền sẽ tổ chức một quốc hội lập hiến và sẽ thiết lập một chánh phủ dân sự vào cuối năm thì có lẽ đã có một cuộc đụng độ quân sự.
Mặc dầu ông Kỳ đã thành công trong việc xoa dịu nổi loạn, những cuộc biểu tình còn sót lại vẫn chỉ bớt dần ở một mức độ rất chậm. Đã vậy, việc đại sứ Lodge ủng hộ ông Kỳ lúc cuộc khủng hoảng phát động đã khiến sự phẫn nộ của Phật Giáo chuyển hướng thẳng vào Hoa Kỳ. Vào ngày 4 tháng 5, màn cuối của tấn kịch bắt đầu do một lời tuyên bố thiếu cân nhắc điển hình của ông Kỳ. Khi được hỏi về thủ tục của cuộc họp quốc hội mà ông đã hứa với các đoàn thể Phật Giáo, ông Kỳ trả lời rằng: Tuy cuộc họp sẽ tiến hành như ông hứa, nhưng chánh quyền sẽ tiếp tục nắm chánh quyền cho đến khi hiến pháp chánh thức được đưa ra. Trong khi chưa ai biết rõ chi tiết những điều ông Kỳ đã hứa trước đây thì các lãnh tụ Phật Giáo bỗng công khai lên án ông Kỳ đã nuốt lời hứa. Những biến cố xuống đường lại phát động.
Lần này thì xô sát quân sự là việc khó thể tránh khỏi. Ở Đà Nẵng, ông Kỳ đã lẹ làng chuyển những tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến để đàn áp. Sau nhiều ngày chiến đấu, đa số Phật Tử và những quân nhân chống đối đã bị đè bẹp. Tuy thế, một tình trạng nguy hiểm đã diễn ra khi tướng Lewis chống đối cách dùng Không Quân oanh tạc những toán nổi loạn. Ông dọa sẽ bắn hạ những máy bay đàn áp nếu ông Kỳ phát động oanh tạc. Cuối cùng ông Kỳ đồng ý nhượng bộ và hứa sẽ chỉ dùng Bộ Binh để dẹp những cuộc xuống đường mà thôi. Sau một tuần lễ nghiêm trọng, tình hình Đà Nẵng trở lại bình thường.
Mặc dầu vậy, Huế lại là một câu chuyện khác hẳn. Tại đây những cuộc đụng độ vẫn tiếp tục dâng cao khi một nhóm phật tử xuống đường thiêu hủy tòa thư viện vào ngày 26 tháng 5 và rồi đã thiêu hủy cả tòa lãnh sự Hoa Kỳ vào ngày 30 tháng 5. Trước đây đã có đôi lúc những cuộc biểu tình bắt đầu với những giọng điệu chống Mỹ nên việc hai tòa Bin-Đinh của Hoa Kỳ bị thiêu hủy cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Tuy sau biến cố Đà Nẵng những nhóm xuống đường không còn hy vọng gì thành công, cho mãi tận đến tháng 7, những sôi sục ở Huế mới tạm ổn định. Khi mọi sự đã qua thì người gây ra mọi sự là tướng Thi đã bị buộc phải rời khỏi Việt Nam, tưởng cũng không cần phải nói thêm rằng ông bị trục xuất sang Hoa Kỳ.
Tuy cuộc nổi loạn ở Huế quả có kéo dài với nhiều cường độ khác nhau trong hơn ba tháng, nhưng sau khi những biến động nổi loạn đã qua thì giai đoạn có thể gọi nôm na là giai đoạn bạo động của Việt Nam đã thật sự kết liễu. Trong suốt ba năm kể từ sau khi ông Diệm bị đảo chánh thì nội bộ Việt Nam càng ngày càng lũng đoạn. Sự suy sụp của chánh phủ Việt Nam lúc này phát xuất là do hậu hoạn của một thập niên độc tài và đàn áp di lại. Tuy vậy, khi những giai đoạn khủng hoảng Phật Giáo kết liễu thì một giai đoạn ổn định mở đầu và đã kéo dài cho đến những ngày cuối của chánh quyền Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975. Dĩ nhiên vào lúc này, chưa ai biết rõ rằng đây là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới. Ngược lại tất cả đều cho rằng đây là một giai đoạn cần phải cố gắng nỗ lực mà không được quyền đòi hỏi gì ở tương lai. Cũng vào thời gian này, các biến chuyển phức tạp khác lại xuất phát ngoài chiến trường.
Lúc này, quân đội Việt Nam đã có dịp mục kích cách Hoa Kỳ điều hành quân đội. Chẳng hơn gì dân chúng, các quân nhân Việt Nam cũng thấy rõ những số lượng quân nhu đang được chuyển vào để phục vụ các quân nhân Hoa Kỳ. Họ nhìn thấy những kho hàng PX khổng lồ với hàng dẫy đồ lạ lùng, nhằm xoa dịu những nỗi khốn khó của các binh lính viễn chinh Hoa Kỳ đang ở 10,000 dặm xa rời quê hương. Những quân nhân Việt Nam đã mục kích một giòng quân nhu vô tận được chuyển tới các đội quân Hoa Kỳ. Họ biết Hoa Kỳ đang sử dụng những số lượng mìn và bom khổng lồ. Chẳng những thế, họ còn biết Hoa Kỳ đang sử dụng một cách phí phạm. Cách phí phạm đạn dược của Hoa Kỳ gây cho họ nhiều ấn tượng đặc biệt. Một mặt họ lấy làm tức giận, mặt khác họ lại bắt đầu tin rằng đây có thể là một phương pháp hữu hiệu để dẫn đến thắng lợi. Chỉ ít lâu sau họ đã quen ngay. Chính thói quen này là một thói quen chết người về sau, khi Hoa Kỳ thình lình rút bỏ viện trợ.
Hơn nữa, khi quân đội Hoa Kỳ ráo riết phát động chiến thuật truy kích và tiểu trừ (Search and Destroy Operation), họ đã gây ra nhiều khó khăn ở miền quê. Thường thì nguyên tắc của quân đội Hoa Kỳ là "dùng đạn dược để giảm thiểu tổn thất cho binh sĩ." Một trong những thí dụ điển hình là tất cả các cuộc hành quân bất kể lớn nhỏ, đều được các đội pháo binh hoặc thủy quân dùng B-52 hoặc những loại yểm trợ tương tự để "bắn dọn đường." Một hậu quả tai hại của chiến thuật này là yếu tố bất ngờ gần như mất hẳn. Những cuộc hành quân lớn thường chỉ đụng độ với một vài toán bắn tẻ của địch quân hoặc tấn công vào những căn cứ địa tàn dư còn sót lại. Quan trọng hơn nữa là vấn đề lãng phí đạn dược còn gây ra tổn thất lớn lao cho dân quê và các nông dân trú ngụ trong phạm vi của các cuộc hành quân.
Đã đành rằng trong bất kỳ cuộc chiến nào cũng phải có những tổn thất dân sự nhưng có lẽ chiến thuật của Hoa Kỳ đã làm tăng thêm tầm mức thương vong. Đầu tiên thì chiến thuật của Tướng Westmoreland là tìm cách di chuyển lực lượng về những vùng cao nguyên hẻo lánh hoặc dọc theo biên giới Lào và Cam Bốt. quân đội Hoa Kỳ cũng có soạn thảo chi tiết những luật lệ chiến đấu (ROEs - Regulation Of Engagement) cùng chánh quyền Việt Nam để có thể giảm thiểu những tổn thất tài vật và nhân mạng cho dân chúng.
Tuy những nỗ lực của Tướng Westmoreland cũng có ích nhưng trên thực tế, vấn đề áp dụng những nguyên tắc được đề ra quả là nan giải. Việc phải truy kích địch quân lẩn trốn trong các làng mạc không phải là việc dễ dàng. Một trong những chiến thuật chính của quân đội du kích là trà trộn chung vào với dân quê để ẩn nấp. Biết được tật thường xuyên dội pháo mỗi khi đụng trận của Hoa Kỳ, du kích Bắc Việt cố chuyển hướng pháo hoặc oanh tạc vào dân chúng để vận động lòng căm phẫn của họ đối với binh lính Hoa Kỳ. Đã vậy, tuy trên mặt thủ tục tất cả những cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ đều cần phải có các chức trách địa phương cho phép mà trên mặt thực tế vấn đề lại hoàn toàn khác hẳn. Những nhà chức trách quân sự của cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều ít để ý đến các nơi dân chúng địa phương trú ngụ. Hậu quả là những cuộc dội bom lệch lạc và không phân biệt đã gây ra vô số thương tổn đáng tiếc.
Đối với một cuộc chiến như cuộc chiến Việt Nam, vì không phân biệt rõ ràng được ranh giới và hơn nữa, vì du kích Bắc Việt lại cố ý trà trộn vào với thường dân nên những tư lệnh quân sự khó thể ngăn ngừa những tổn thất đáng tiếc. Tôi và nhiều người khác đã gặp tướng Westmoreland nhiều lần để trình bày các vấn đề khó khăn của tình hình. Chúng tôi biết rằng hậu quả của tấn bi kịch thương vong dân sự thật vô cùng lớn lao và những ảnh hưởng xấu đang lan tràn trong dư luận thế giới, nhưng chúng tôi đang tham gia một cuộc chiến mà cả chiến địa lẫn cường độ đều do địch quân định đoạt. Tình cảnh quả thật mâu thuẫn đến độ khó tưởng: Tuy Việt Cộng và Miền Bắc đang lãnh đạo cái mà họ gọi là Chiến Tranh Nhân Dân, nhưng khi chiến cuộc lôi kéo dân chúng vào vòng máu lửa thì mọi trách nhiệm lại bị đổ hất lên đầu Hoa Kỳ và Việt Nam Việt Nam. Đây là một gánh nặng mà chúng tôi đã phải mang trong suốt khoảng thời gian còn lại của chiến cuộc.
Vào năm 1966 những tổn thất dân sự và những hủy hoại ở miền quê đã khiến dư luận thế giới ngày càng chống đối Hoa Kỳ. Kể từ trước tháng 7, chỉ có những chỉ trích nhẹ nhàng nhưng trong tháng 7, những các đồng minh Âu Châu bỗng nhiên chỉ trích dữ dội, nhất là sau khi máy bay Hoa Kỳ dội bom tấn công vào những khu vực kỹ nghệ và các khu vực xăng gần Hà Nội và Hải Phòng. Thủ tướng Harold Wilson tuyên bố: Người dân Anh Quốc "không ủng hộ" các chiến dịch oanh tạc và Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle lên án những cuộc dội bom là "một cuộc leo thang thiếu suy xét trong chiến tranh ở Việt Nam."
Rồi đây, trong nhiều năm tới, khi đề tài dư luận bắt đầu đặt câu hỏi "đúng", "sai", khi các cuộc dội bon về sau này thường hướng thẳng vào những vùng đông dân cư và khi dân chúng bị buộc phải tản cư trong những chuyến tản cư đầy bi thảm thì thế giới lên án gắt gao hơn. Dĩ nhiên khi phải trực diện với những hậu quả kinh hoàng và tình cảnh khốn khổ của dân chúng các ký giả khó thể hiểu rằng chiến thuật và chiến lược của Cộng Sản được đặt căn bản trên những lý thuyết sắt máu của bạo động cách mạng. Dĩ nhiên họ chẳng thể hiểu được rằng đây là một phương sách chủ trương lợi dụng yếu tố nhân sự để làm bàn đạp tiến đến thắng lợi chiến cuộc. Nếu những phóng viên và ký giả đã không nhìn thấy điểm này thì những độc giả và khán thính giả của họ còn mù mịt hơn. Hậu quả là giữa năm 1966, những cuộc tranh luận khốc liệt, và những chỉ trích có tính cách đạo đức một chiều của những người phản chiến ở Hoa Kỳ đã bắt đầu có tiếng vang.
Trong năm 1966, những khuyết điểm điển hình của chiến cuộc Việt Nam đã bắt đầu lộ rõ. (Chẳng hạn như những tổn thất đáng tiếc xảy ra khi Hoa Kỳ áp dụng chiến thuật truy kích và tiêu diệt, những chỉ trích ngày càng nhiều của thế giới khi Hoa Kỳ dội bom vào những vùng đông dân cư). Tuy thế, nếu nhìn từ một khía cạnh khác thì vẫn có những biến chuyển khả quan. Đã đành rằng lúc này quân đội Hoa Kỳ vẫn chưa tiêu diệt hết được Việt Cộng nhưng tình hình quân sự tạm được ổn định và vào tháng 7, khi khủng hoảng Phật Giáo kết liễu, chánh phủ Việt Nam đã có thể tiến hành việc bầu cử quốc hội lập hiến như đã hứa vào lúc trước.
Có lẽ đối với các quốc gia có truyền thống dân chủ từ lâu thì bầu cử chỉ là một vấn đề hết sức đơn giản nhưng đối với Việt Nam thì đây quả là một ý niệm hãy còn rất mới mẻ. Vì vậy, vấn đề đầu tiên cần được thảo luận là làm thế nào để phổ biến quan niệm bầu cử và cho dân chúng thấy đây là một vấn đề quan trọng. Để vận động bầu cử, chánh phủ đã huy động sự đóng góp của các nhà văn nghệ sĩ ở Sài Gòn cũng như ở nhiều địa phương khác. Ý kiến bầu cử được phổ biến khéo léo vào những bài hát để cổ động dân chúng đi bầu. Đài truyền thanh lúc nào cũng đầy những chương trình nhạc cùng những chương trình phác họa đại cương những chủ đề liên quan đến vấn đề bầu cử. Những đoàn kịch nghệ và những gánh hát đã đi khắp các vùng quê, vừa dựng kịch, vừa lập những chương trình văn nghệ nhằm cổ động bỏ phiếu. Theo tôi thì những nỗ lực này vừa vui lại vừa có hiệu quả. Theo lời điệp khúc của một bài hát mà ai cũng đã nghe đi nghe lại thì: "Tương lai chúng ta tùy thuộc vào nền dân chủ." Trong nhiều tháng ròng rã lời nhắn nhủ bầu cử đã lan ra khắp cả Việt Nam.
Vào lúc các chiến dịch vận động bầu cử đang phát động mãnh liệt thì một Ủy Ban đặc biệt lo việc soạn thảo các luật lệ bầu cử đã được lựa chọn từ nhiều đoàn thể chính trị và tôn giáo khác biệt. Chẳng bao lâu sau, Ủy Ban đã bắt đầu thảo luận dữ dội về vấn đề xác định những tiêu chuẩn cho các ứng cử viên. Tuy vấn đề loại trừ hoàn toàn các thành phần Cộng Sản là vấn đề không có gì rắc rối, nhưng lại có cả những ứng cử viên có khuynh hướng "trung lập." Sau cùng thì cán cân ngả về phía những người mang lập trường cứng rắn: Bất cứ ai công khai ủng hộ "giải pháp thiên cộng" đều không đủ tiêu chuẩn làm ứng cử viên. Đây là một cách giải quyết vấn đề thật đơn giản, nhưng tôi hoàn toàn chẳng để tâm vì thật ra cũng chẳng có khó khăn gì nhiều liên quan đến vấn đề này. Đây chỉ là một quốc hội tạm thời được ùy nhiệm soạn thảo hiến pháp. Sau khi hiến pháp hoàn tất, tất cả quốc hội lập hiến sẽ tự động giải tán. Cuối cùng những ứng cử viên tự nguyện đã tụ tập thành một cử tri đoàn đông đảo. Họ bao gồm luật sư, giáo sư, nông gia, các cựu quân nhân, và các nhà báo cùng với những chính trị gia và đại biểu của các đoàn thể tôn giáo.
Ngày 11 tháng 9 năm 1966 là ngày bầu cử Quốc Hội Lập Hiến. Mặc dù Việt Cộng đe dọa sẽ có bạo động và các đoàn thể Phật Giáo cảnh cáo rằng cuộc bầu cử có thể bị tẩy chay, dân chúng vẫn hưởng ứng vô cùng nhiệt liệt. Họ đi lũ lượt hàng đoàn đến nơi bỏ phiếu, phần đông đều mặc quần áo thanh lịch như thể quần áo dùng vào mỗi dịp hội hè. Trong một cuộc bầu cử với 630 ứng cử viên và 7 triệu người đăng ký đi bầu, đã có hơn 5 triệu người bỏ phiếu và 117 ứng cử viên đắc cử được tuyển làm đại biểu cho quốc hội lập hiến. Tuy vẫn có một vài trường hợp bất hợp lệ nhưng nói chung thì cuộc bầu cử vẫn là một thành công đáng kể. Đối với một quốc gia đang lúc chiến tranh và chưa hề có truyền thống bầu cử thì đây đúng là một biến cố lớn lao có ảnh hưởng quan trọng đến tương lai về sau. Theo lời một người Hoa Kỳ bạn tôi thì: "Quang cảnh [của người Việt Nam] vui vẻ, hội hè vững tin vào tương lai tỏa ra khắp nơi đã mang cho chúng tôi [những người Hoa Kỳ] rất nhiều hy vọng."
Quang cảnh bầu cử cũng đã khiến tôi vô cùng phấn khởi. Một khi tiến trình dân chủ đã bắt đầu thì đà cải tiến thường một ngày một tăng. Khi mọi người đã biết họ có thể đóng góp tiếng nói của mình vào chánh phủ, khi họ đã thấy rằng những chính trị gia bị buộc phải chú tâm đến họ thì việc họ tự tạo một guồng máy chính quyền dân chủ là việc không thể nào tránh khỏi. Những nhu cầu cần thiết sẽ khiến quần chúng lấy ý kiến chung làm khuôn mẫu áp dụng. Chính trị sẽ chuyển hướng thành những cuộc tranh luận công khai để cùng tìm giải pháp thay vì chỉ là những vận động áp dụng bạo lực và thủ đoạn dùng vào việc theo đuổi những tham vọng cá nhân.
Cuộc bầu cử là một trong những bước khởi đầu của tiến trình dân chủ đó. Tuy đây chỉ là một quốc hội lập hiến và chánh phủ quân nhân vẫn giữ quyền thỏa thuận hoặc bác bỏ hiến pháp vào lúc chót, nhưng ông Thiệu và ông Kỳ không dễ gì bác bỏ được các tiến trình dân chủ. Những tiến trình này đã bắt đầu và rồi đây chánh phủ quân nhân sẽ chẳng còn đường nào chọn lựa.
* * * * *
Vào mùa thu năm 1966 Sài Gòn đã thực sự tiến được một bước dài. Đây là lần đầu tiên trong rất nhiều năm đất nước có được một chánh phủ hoàn toàn không phải lo lắng sợ sệt vì những cuộc đảo chánh sắp tới hoặc vì những cuộc nổi loạn phe nhóm. Đây là lần đầu tiên đất nước có được một chánh phủ có thể hoạt động bình thường trong công việc quản trị cũng như trong công việc điều hành chiến cuộc. Chúng tôi đã đi qua giai đoạn đầu của những tiến trình nhằm chuyển đổi chính phủ Việt Nam thành một chính phủ dân chủ hợp hiến.
Qua nhiều năm cơ cực và thất vọng, giờ đây những thành quả dân chủ đã được cả Hoa Thịnh Đốn lẫn Sài Gòn nhiệt liệt hoan nghênh. Tổng Thống Lyndon Johnson đã quyết định lợi dụng tình thế để làm giảm bớt ảnh hưởng của các phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ và Âu Châu đang ngày càng gia tăng.
Trong những tháng trước, những nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã thành công trong nỗ lực tạo dựng một khối liên minh gồm nhiều nước ở Á Châu và Thái Bình Dương. Tất cả các quốc gia trong khối liên minh này đều đồng ý cùng tham gia tiếp trợ Việt Nam chung với Hoa Kỳ. Thái Lan, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Úc và Tân Tây Lan đã gửi cả binh lính hoặc những đơn vị tiếp trợ giúp đỡ Việt Nam. Thành quả Ngoại Giao của Hoa Kỳ đã đến đúng vào lúc tinh thần dân chúng Việt Nam đang phấn khởi. Những niềm phấn khởi phát sinh là do những cuộc bầu cử quốc hội lập hiến vừa xong. Tuy chiến cuộc vẫn chưa hoàn toàn đến hồi ngã ngũ, Tổng Thống Johnson đã nhận thấy đây là một cơ hội tốt để tỏ cho thế giới rõ Hoa Kỳ đã có đồng minh trong cuộc chiến. Hơn nữa, ông muốn nhấn mạnh rằng công cuộc bảo vệ độc lập của Việt Nam đang mang lại thành quả và Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất ủng hộ Việt Nam.
Trước sự thúc đẩy của tổng thống Johnson, Tổng Thống Phi Luật Tân là Ferdinand Marcos đã đồng ý đứng ra tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở Manila vào cuối tháng 10. Tại đó hầu hết các giới lãnh đạo của các quốc gia có gửi binh sĩ sang Việt Nam đều được mời tham dự. Sự thực, trong nỗ lực gom góp thêm viện trợ, Tổng Thống Johnson còn sửa soạn chương trình thăm viếng các quốc gia này. Do một sự tình cờ, Manila lại rơi đúng vào vị trí trung tâm của cuộc hành trình dài 17 ngày mà Tổng Thống Johnson đã dự định. Manila vì vậy đã trở thành một nơi hội họp thuận tiện nhất.
Mặc dầu cuộc hội họp thượng đỉnh của 7 quốc gia ở Manila rõ ràng là một trong vận động nằm trong một chánh sách thuyết phục dân chúng lớn lao hơn của Tổng Thống Johnson, đối với chúng tôi đây cũng là một công việc tự nó không kém phần quan trọng và chúng tôi hoan nghênh cổ võ hết mình cho buổi họp. Vì là một quốc gia đang bị uy hiếp ở tầm mức sinh tử, Việt Nam cần được quốc tế công nhận và bảo đảm. Tình trạng ổn định mới mẻ ở Sài Gòn và những tiến triển gần đây về vấn đề tự do bầu phiếu đã khiến chúng tôi cho rằng lúc này đúng là lúc để mở màn giai đoạn nâng cao uy tín trên lãnh vực ngoại giao cho chánh phủ Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh tính cách quốc tế của chiến cuộc Việt Nam. Vì bị buộc phải chấp nhận để cho các đơn vị người ngoại quốc đóng quân ở Việt Nam, chúng tôi cảm thấy rằng một lực lượng quốc tế sẽ được xem là ít đe dọa đối với chủ quyền và tự ái của chúng tôi hơn là quân đội của chỉ một quốc gia. Chúng tôi nhận xét rằng: Nếu phải để cho quân đội ngoại quốc đóng quân ở Việt Nam thì chính phủ Việt Nam vẫn có thể giữ được nhiều uy tín hơn nếu những lực lượng trấn đóng là những lực lượng quốc tế. Đã đành rằng dù chọn cách nào thì vấn đề chọn lựa của chúng tôi chẳng qua cũng chỉ là những sự chọn lựa bất đắc dĩ, nhưng giữa hai điều bắt buộc phải chọn chúng tôi cho rằng cho phép một lực lượng quốc tế đóng quân ở Việt Nam vẫn là một điều dễ chấp nhận hơn.
Kể từ sau ngày hội nghị Honolulu trở đi thì càng ngày tôi càng đi sâu vào các quyết định ngoại giao. Vào thời gian này nội các lại cải tổ và tôi được bổ nhiệm làm Phụ Tá Ngoại Trưởng kiêm Phụ Tá Đặc Biệt của Thủ Tướng. Việc thay đổi là do những sự xung đột giữa hai phe quân nhân và dân sự trong chánh phủ của hai ông Thiệu-Kỳ. Một trong những nhân viên dân sự là Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ người mà lúc nào tôi cũng kính trọng và coi như bậc đàn anh của tôi. Cụ Đỗ là một người ôn hòa và ít đồng ý với những ý kiến táo bạo của giới quân nhân. Nhiều phần tử trong giới quân nhân lại cho là cụ ôn hòa quá. Vào tháng ba, nhân có dịp cải tổ chánh phủ, nhiều quân nhân không ưa cụ đã vận động để thay thế cụ.
Tuy thế, ông Phillip Habib (cố vấn Bộ Trưởng ở tòa đại sứ Hoa Kỳ lúc bấy giờ) lại rất trọng cụ Đỗ. Khi nghe dư luận Sài Gòn đồn đãi về việc chính phủ dự định thay thế cụ Đỗ, ông Phillip Habib chạy đến văn phòng tôi để tìm hiểu thêm. Tôi nói với ông Phillip Habib rằng ông Kỳ và những người trong nhóm quân nhân có dò hỏi tôi xem tôi có thể thay thế cụ Đỗ không nhưng tôi đã trả lời là không thể được.
Khi cả hai chúng tôi bàn luận chi tiết thêm thì ông Habib lại còn lo lắng hơn. Cụ Đỗ là người được các giới ngoại giao kính trọng và tôi là một người có tiếng đã hợp tác chung với Hoa Kỳ nhiều năm. Nếu cả hai chúng tôi đều không chịu nhận trách nhiệm ở Bộ Ngoại Giao thì còn ai có thể làm việc được? Biết đâu nhân vật mới chẳng là một nhân vật hội đủ tiêu chuẩn cần thiết của các quân nhân nhưng sẽ khiến tòa đại sứ Hoa Kỳ phải gặp nhiều khó khăn? Ông Habib có vẻ chống đối việc cải cách. Cuối cùng thì tất cả những người tham gia đề xướng cải cách đều thỏa thuận như sau: Ông Đỗ vẫn là Ngoại Trưởng nhưng tôi sẽ là Phụ Tá Ngoại Trưởng Đặc Trách những vấn đề đặc biệt. Tuy những tướng lãnh mang lập trường cứng rắn vẫn không hoàn toàn hài lòng nhưng vì tòa đại sứ đã bằng lòng nên họ vẫn phải gật đầu chấp nhận. Đối với tôi thì đây là một thắng lợi đáng kể. Trong cuộc tranh chấp với các thành phần quân nhân, lần này tôi đã giữ thêm được một đồng nghiệp cùng đồng quan điểm với tôi mà lại có tầm hiểu biết thấu đáo về những chính sách ngoại giao. Ảnh hưởng của tôi trong việc thiết lập chánh sách lại gia tăng thêm. Đây quả là một thắng lợi quý giá trong những cố gắng tiến dần đến để thiết lập một chánh phủ hợp hiến.
Kể từ ngày sau cuộc họp thượng đỉnh ở Honolulu trở đi, tôi đã làm việc ở Bộ Ngoại Giao, cố gắng cải tiến mối bang giao với các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á và tìm cách nâng cao hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Vì thế, việc chuẩn bị cho cuộc họp ở Manila lại chất chồng lên vai tôi cũng là chuyện tự nhiên.
Ngoài mặt thì 4 vấn đề chính của chương trình nghị sự ở Manila là: Nhận xét tổng quát về tình hình chiến sự, duyệt lại những đề nghị hòa bình từ trước tới nay, nhận định những chiến lược nhằm kết thúc chiến cuộc và soạn thảo chương trình an ninh cho các vùng. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi sửa soạn cho cuộc hội nghị tôi đã thấy rõ ràng những vấn đề ưu tiên của 7 quốc gia hoàn toàn khác biệt và những vấn đề quan trọng lại quá nhiều, không thể sắp xếp tất cả mọi vấn đề vào hai ngày hội nghị được. Những vấn đề tiệc tùng, nghi lễ, thủ tục hội họp và những thủ tục khác đã choán hết phần lớn thì giờ. Khoảng thời gian còn sót lại chỉ vừa đủ để 7 quốc gia có thể bày tỏ tinh thần đoàn kết. Thật sự thì chỉ riêng sự có mặt của 7 vị nguyên thủ quốc gia cùng ngồi lại với nhau để cứu xét các vấn đề khó khăn cũng đủ khiến cuộc họp biến thành quan trọng.
Cuộc họp thượng đỉnh ở Manila cũng chẳng khác gì các cuộc họp thượng đỉnh những lần trước đây, nhân vật nổi bật nhất vẫn là tổng thống Johnson. Ông bàn luận hăng say về chánh sách của Hoa Kỳ ở Á Châu, về vấn đề kêu gọi hòa bình và việc cần phải thể hiện quyết tâm chống lại sự xâm lăng của cộng sản. Tổng thống Johnson tuyên bố: "Đối với những người ủng hộ tự do, đối với những người có trách nhiệm, đối với những người có lương tâm, ngoài cách phải đứng lên chống lại những hành động xâm lược có lẽ chẳng còn cách nào khác." Tuy không phải tất cả các vị nguyên thủ quốc gia đều là những người có tài hùng biện trôi chảy, nhưng tất cả đều đồng ý với tổng thống Johnson. Trong cuộc họp vị thống chế đầu bạc Kittikachorn của Thái Lan rất ít khi lên tiếng. Tổng thống Phác Chánh Hy của Nam Hàn lại còn im lặng hơn nữa. Nhưng cả Thủ Tướng Úc Đại Lợi Harold Holt (Thủ Tướng Harold Holt đã có tiếng là người ủng hộ lập trường của Tổng Thống Johnson.) lẫn Thủ Tướng Tân Tây Lan Keith Holyoake đều mạnh dạn phát biểu ý kiến rằng hai quốc gia Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan sẽ dốc lòng ủng hộ. Về phần Tổng Thống Ferdinand Marcos thì vui mừng trông thấy trong vai trò chủ tọa. Ông lăng xăng chạy từ vị lãnh đạo này sang vị lãnh đạo khác, cố làm cho sự hiện diện của mình được mọi người chú ý.
Sau hai ngày hội họp, tất cả những vị nguyên thủ tham dự đều ký kết vào một bản tuyên ngôn. Có lẽ đã có nhiều nhân vật phản chiến cho rằng bản tuyên ngôn chỉ chứa đầy những ngôn từ rỗng tuếch và khiếm khuyết những chất liệu thực tiễn, nhưng riêng chúng tôi vẫn lấy làm hài lòng, ít nhất thì cũng là hài lòng do cả những khẳng định hậu thuẫn mới mẻ lẫn những lời hứa rút lui của Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh một khi Cộng Sản Bắc Việt chấm dứt xâm lược.
Tiếp theo nghi lễ ký kết là một cuộc diễn hành từ khách sạn Manila tới Phủ Tổng Thống là Malacan Palace. Đây là một nghi lễ long trọng. Dẫn đầu là các vị quốc trưởng đi chung một hàng. Khổ người của Tổng Thống Johnson cao vượt hẳn lồ lộ trong hàng quốc trưởng. Sau lưng các quốc trưởng là các Bộ Trưởng và sau chót là những nhân viên tùy tùng của các phái đoàn. Xung quanh là những đám đông hoan hô. Hàng trăm ký giả, nhiếp ảnh gia tới lui nhộn nhịp biến đoàn người thành một cuộc diễn hành của 7 quốc trưởng. Hiển nhiên phía Hoa Kỳ đã vô cùng hân hoan. Thật ra cũng chẳng có vị quốc trưởng nào tỏ ý than phiền về việc dư luận quốc tế đã chú ý quá nhiều đến họ trong buổi diễn hành.
Trong buổi tiệc tối đó, gần như tất cả mọi người đều vui vẻ hòa mình trong bầu không khí hội hè thoải mái. Tuy thế riêng tôi lại hoàn toàn khác hẳn. Ngày hôm trước, những chuyện lủng củng dai dẳng giữa tôi và những tướng lãnh Việt Nam đã diễn ra trong một khung cảnh căng thẳng không mấy tốt đẹp. Chuyện xảy ra khi ông Thiệu, ông Kỳ và tôi đang dùng bữa tối cùng Tướng Nguyễn Hữu Có và tướng Cao Văn Viên. Tướng Có, nguyên là một trong những người có lập trường quân sự cứng rắn trước đây đã vận động để thay thế cụ Trần Văn Đỗ. Trong một phút đùa cợt ông Có đã nói: "Lần này khi về Sài Gòn chúng ta phải cắt gân Bùi Diễm mới được." Tôi đã giận dữ trả lời đại khái rằng: "Tôi đang làm việc cho quốc gia, tôi không thích nghe những lời chỉ trích vô lối cho dù rằng những lời chỉ trích đó chỉ là đùa cợt." Nghe tôi trả lời, Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên đã nửa đùa nửa thật: "Phải rồi, thằng nào mà đụng đến anh thì tôi dùng Dù tôi đánh bỏ mẹ nó đi." Tướng Có đã nhượng bộ và nói nhỏ rằng đây chỉ là chuyện nói giỡn cho vui. Tuy thế, hành động của Tướng Có vẫn khiến tôi cảm thấy buồn bã. Lời ông đùa bỡn là một dấu hiệu rõ rệt cho thấy những áp lực của giới quân nhân mà tôi đã mơ hồ cảm thấy vào lúc trước chẳng phải hoàn toàn do ảo tưởng.
Khi buổi tiệc tối sắp kết thúc, tất cả những người khác trong phái đoàn Việt Nam cũng cảm thấy căng thẳng chẳng kém gì tôi nhưng lý do khiến họ căng thẳng lại hoàn toàn khác hẳn.
Sáng sớm ngày đó, ông Phil Habib đã sang chỗ trú ngụ của chúng tôi xin phép được nói chuyện với riêng hai ông Thiệu và Kỳ. Ông Habib cho biết Tổng Thống Johnson đã quyết định đích thân đến thăm căn cứ của Hoa Kỳ ở vịnh Cam Ranh ngay sau cuộc họp. Nhưng vì lý do an ninh, ông sẽ không ghé Sài Gòn.
Chúng tôi đã hiểu những lý do an ninh quá rõ: Chỉ riêng những diễn biến khủng bố thường xuyên ở Sài Gòn cũng đã đủ lý do khiến Hoa Kỳ phải đề cao cảnh giác. Tuy thế, chúng tôi vẫn cảm thấy nhục nhã vì việc này. Quyết định bất ngờ của Tổng Thống Johnson đã khiến chúng tôi không có đủ cả thời giờ để chuẩn bị cuộc tiếp đón cho đúng nghi lễ tiếp tân. Bởi vậy, vào ngay cả những khi buổi tiệc của tổng thống Marcos đang đến hồi vui nhộn nhất, chúng tôi vẫn lo lắng triền miên về chuyện phải cố gắng trở về để kịp thời sắp đặt những nghi lễ tiếp tân tối thiểu cho Tổng Thống Johnson vào ngày hôm sau.
Mặc dầu chúng tôi đã cố giữ thể diện mà chuyến viếng thăm Cam Ranh của Tổng Thống Johnson vẫn làm cho chúng tôi phải bẽ mặt. Vị Tổng Thống Hoa Kỳ đã có thời giờ thăm viếng cả 6 thủ đô Á Châu mà lại không hề bước chân đến Sài Gòn, thủ đô của một đồng minh nơi hơn 300,000 binh lính Hoa Kỳ đang chiến đấu. Dĩ nhiên chúng tôi hiểu rằng lúc này đang giữa lúc chiến tranh và Hoa Kỳ không thể để bất kỳ sơ hở nào có thể ảnh hưởng đến việc an nguy của vị Tổng Thống của họ. Nhưng việc Hoa Kỳ công khai ngờ vực khả năng bảo vệ của chúng tôi thật quả đã làm chúng tôi mất mặt. Những người lãnh đạo Việt Nam đã phải cố gắng âm thầm nuốt liều thuốc đắng. Họ vẫn không hề hay biết rằng rồi đây trong những năm tới sẽ còn có những liều thuốc khác đắng hơn đang đợi chờ họ. Đây là một phần của cái giá Việt Nam phải trả cho sự lệ thuộc vượt mức của Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Tổng Thống Johnson đã đến Cam Ranh vào ngày 26, tháng 10-1966. Ông chỉ ghé đây khoảng nửa ngày. Khi nói chuyện với những binh lính tụ họp để hoan hô ông, ông đã tuyên bố: "Chúng tôi xin hứa sẽ không bao giờ để các anh, các chiến hữu của các anh, 15 triệu dân Việt Nam và hàng trăm triệu người Á Châu khác đang tin tưởng vào Hoa Kỳ phải thất vọng. Chúng ta phải chứng minh rằng ngay tại nơi này -tại Miền Nam Việt Nam- ý đồ xâm lược của cộng sản chắc chắn không thể thành tựu."
Gọng Kềm Lịch Sử
21. Đại Sứ tại Hoa Thịnh Đốn
Tôi từ Manila trở về lử người vì mệt. Cơn cúm khốc liệt bắt đầu từ lúc ở Manila đã khiến tôi phải nằm liệt giường gần một tuần lễ. Thời gian tĩnh dưỡng đã cho tôi cơ hội suy nghĩ. Tôi nhận ra rằng mình đã quá mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác. Những xích mích ngấm ngầm giữa tôi với những người trong giới quân nhân trong nhiều tháng qua đã khiến tôi hao tổn khá nhiều tinh thần. Trường hợp tướng Có nói đùa về tôi ở Manila chẳng qua chỉ là một trong những triệu chứng rõ rệt gần đây nhất mà thôi.
Sự thật thì nhiều tướng lãnh trong giới quân nhân ngày càng khó chịu vì những chính sách của thủ tướng Kỳ, nhất là việc ông Kỳ đi mạnh quá và nhanh quá vào con đường dân chủ. Khi gạt bỏ ra ngoài chính phủ một vài thành phần tham nhũng và bất tài, ông Kỳ đã vô tình tạo ra những chống đối mãnh liệt. Khó thể tấn công ông Kỳ trực tiếp, những quân nhân đã đổ hết phẫn nộ vào tôi vì hẳn nhiên tôi là người đứng sau ông Kỳ.
Ông Kỳ cũng bị những người Nam chỉ trích rằng ông tin tưởng vào những người Bắc Kỳ thái quá. Trong những câu chuyện chỉ trích, chính tôi cũng lại là một thí dụ điển hình. Để tránh chỉ trích, ông Kỳ đã cố cải tổ chánh phủ của mình. Tuy những thay đổi của ông Kỳ hoàn toàn không nhắm vào tôi, những chỉ trích ngày càng tăng vẫn khiến tôi phải bận tâm ít nhiều.
Khi nhìn lại mọi việc, tôi thấy ít ra mình cũng đã đạt được một phần các mục tiêu ban đầu. Tôi đã hài lòng một phần vì ở Việt Nam lúc này, giai đoạn đầu của việc thiết lập một chính phủ hợp hiến đã bắt đầu và chẳng bao lâu nữa, quốc hội lập hiến cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Càng nghĩ, tôi lại càng thấy rằng đã đến lúc mình nên rút lui. Quyết định rút lui của tôi lúc này một phần là do những bực dọc vì phải chịu đựng những chỉ trích hoàn toàn vô căn cứ. Vả lại tôi quan niệm rằng mình phải biết lúc nào nên ở, nên đi. Nếu cần rút lui tôi cho rằng mình nên tự ý rút lui trước thay vì đợi đến lúc thực sự bị người ta đẩy ra ngoài.
Sau khi đã hoàn toàn bình phục, tôi đến gặp ông Kỳ để bàn về vấn đề từ chức. Khi nói chuyện với ông Kỳ, tôi chỉ đề nghị sơ qua rằng có lẽ đây đúng là lúc tôi nên rút lui. Tôi nói với ông Kỳ tôi hiểu rất rõ việc ông Kỳ đang phải chịu rất nhiều chỉ trích của cả những người Nam lẫn của các tướng lãnh về việc có quá nhiều người Bắc trong chính phủ. Vì tôi chính là một trong những mục tiêu chính của sự chỉ trích, nếu tôi rút lui có thể ông Kỳ sẽ có nhiều cơ hội hơn. Hơn nữa, ông Kỳ luôn luôn có thể tham khảo ý kiến của tôi từ phía bên ngoài.
Nghe tôi trình bày xong ông Kỳ không hề phát biểu ý kiến. Ông chỉ trầm ngâm một lát, rồi lại tiếp tục với những vấn đề khác. Tuy thế, tôi biết mình đã chọn đúng lúc để ngỏ lời. Lúc tôi đưa ra ý kiến cũng chính là khi ông Kỳ đang suy nghĩ dữ dội về việc cải tổ chính phủ của ông. Ít lâu sau, trong một lần gặp khác với ông Kỳ, tôi lại trở lại câu chuyện rút lui mà tôi đã bàn với ông khi trước. Lần này thì ông Kỳ phát biểu rằng nếu cần rút lui, có lẽ tôi nên làm đại sứ chứ không nên về hưu.
Ý kiến của ông Kỳ đã làm tôi vô cùng ngạc nhiên, nhưng khi cân nhắc kỹ vấn đề, tôi cho rằng đây có lẽ cũng là một ý kiến hay. Vì lúc trước, khi còn làm việc ngoại giao, tôi vẫn thường đến Tokyo, do đó tin đồn bắt đầu lan tràn rằng tôi đã được chọn làm đại sứ ở Nhật. Nhưng những tin đồn này lại tan biến ngay. Ít lâu sau, ông Kỳ cho vời tôi vào nói rằng: "Nếu có phục vụ ở nước ngoài thì ông sẽ là đại sứ ở Hoa Thịnh Đốn chứ không phải Tokyo." Thường thì mỗi khi cần cử đại sứ sang bất kỳ quốc gia nào khác, chánh phủ Việt Nam cũng phải thông báo cho chánh phủ nước đó và đợi họ chấp thuận. Vì vậy, trước khi tôi có thể sang Hoa Kỳ, các thủ tục ngoại giao đã kéo dài trong nhiều tuần lễ. Tuy thế, chẳng bao lâu sau Lễ Giáng Sinh năm 1966, tôi và gia đình đã có mặt ở phi trường Tân Sơn Nhất để bắt đầu chặng bay đầu tiên của chuyến hành trình sang Hoa Kỳ.
Tuy mong được phục vụ ở Hoa Thịnh Đốn, tôi vẫn lo âu rằng không biết rằng mình có đủ khả năng để làm tròn nhiệm vụ hay không? Tôi hy vọng được nhậm chức thật âm thầm nhưng những hy vọng của tôi tan biến ngay khi đến Hoa Thịnh Đốn. Hành trình đến Hoa Thịnh Đốn của tôi được loan báo ầm ĩ trên hai tờ New York Times và Washington Post. Theo tờ Post thì tôi là một trong những "cố vấn quan trọng nhất" của Thủ Tướng Kỳ; trong khi đó, tờ Times viết rằng tôi đóng "một vai trò quan trọng trong việc thiết lập cả các chính sách về nội bộ cũng như về ngoại giao." Lúc này, bất kỳ vấn đề là gì, hễ có dính dáng đến Việt Nam đều là tin tức, vì vậy, việc tôi nhậm chức đã trở thành tin tức đáng kể. Hai mục báo đã khiến dư luận Hoa Kỳ chú ý đến tôi. Vị trí khác biệt bất ngờ đã khiến tôi cảm thấy vô cùng bỡ ngỡ vào lúc ban đầu.
Hai ngày sau khi tôi đến tòa Bạch Ốc để trình ủy nhiệm thư thì nghi lễ nhậm chức đại sứ bắt đầu. Nếu so sánh với những thủ tục lễ nghi của các nước khác, chẳng hạn như Anh Quốc thì thủ tục lễ nghi của Tòa Bạch Ốc tuy không có những chuyến xe ngựa kéo đi quanh những nơi lịch sử như Court of Saint James, nhưng lại có những nét uy nghi của một nền dân chủ. Bên ngoài là Thủy Quân Lục Chiến dàn hàng đứng chào, bên trong văn phòng tổng thống ngọn lửa ấm áp tỏa ra từ những chụm củi cây đối chọi dường như hoàn toàn với thời tiết lạnh lẽo và những khung cảnh tuyết trắng xóa phía ngoài. Lúc nhìn quanh căn phòng, bất chợt đầu óc tôi lóe lên ý nghĩ rằng có lẽ mình đã vượt một chặng đường dài lắm kể từ khi xếp hàng đứng đợi Thiếu Tá Patti và Tướng Gallagher ở Hà Nội hơn hai chục năm về trước.
Tổng thống Johnson chào đón tôi thật niềm nở. Lúc này tuy không phải là lúc để nói chuyện nhiều về các vấn đề quan trọng mà ông vẫn hỏi tôi về tình hình Việt Nam như thể vấn đề Việt Nam là vấn đề mà ông thường xuyên suy nghĩ. Sau vài phút nói chuyện ngắn ngủi, Tổng Thống Johnson giới thiệu tôi với những ký giả của Tòa Bạch Ốc. Họ là những người đã có đầy đủ những câu hỏi chuyên nghiệp soạn thảo kỹ lưỡng đang chờ tôi trả lời.
Mối giao thiệp giữa tôi và giới báo chí tiếp tục nảy nở và khoảng một tuần lễ rưỡi sau tôi được mời nói chuyện qua chương trình Gặp Gỡ với Giới Báo Chí (Meet The Press). Đây là một biến cố tôi chờ đợi chẳng khác nào một con cừu đang chờ đợi ngày lên đường vào lò sát sinh. Tuy ở Việt Nam, tôi đã có kinh nghiệm với những phóng viên ngoại quốc nhưng tình thế lúc đó lại khác hẳn. Lúc đó người nắm cương vị chủ chốt là tôi nhiều hơn là họ. Lần này, những phóng viên lừng danh trong giới báo chí như Lawrence Spivak, Max Frankel, Peter Lisagore, Carl Rowan, và Ron Nessen sẽ liên tục phỏng vấn tôi trong suốt nửa giờ. Trước khi phỏng vấn tôi thì một phóng viên có tiếng ôn hòa là phóng viên Spivak đã nói chuyện chi tiết với tôi để thử xem liệu trình độ Anh Ngữ của tôi có đủ vượt qua những thử thách của cuộc phỏng vấn hay không. Tuy thế, cho đến lúc câu chuyện của ông Spivak đã chấm dứt mà cả hai chúng tôi vẫn chẳng thể quyết định được rõ ràng. Chúng tôi bèn mời ông Đặng Đức Khôi đến tòa đại sứ đến để nếu cần thì sẽ có người thông dịch giúp.
Ông Đặng Đức Khôi là người đã sống ở Hoa Kỳ rất nhiều năm. Ông chẳng những đã thông thạo Anh Ngữ mà còn có nhiều nhận xét rất tinh tế về văn hóa Hoa Kỳ. Ông đã trình bày rõ ràng những điều căn bản khi gặp giới báo chí và nhấn mạnh những tâm trạng nghi ngờ, đối nghịch vốn dĩ là bản tính của đa số phóng viên Hoa Kỳ. Trong khi chúng tôi cùng nhau sửa soạn cho buổi phỏng vấn, ông Khôi đã đưa ra những câu hỏi hóc búa nhất -về tham nhũng, về việc các viên chức Việt Nam lúc nào cũng lạc quan quá mức, về tật hay tuyên bố mạnh dạn của ông Kỳ và về các cuộc thương thuyết hòa bình -Ông Khôi đã đưa ra gần như tất cả các câu hỏi có thể đưa ra.
Tôi trả lời bằng cách đi thẳng vào vấn đề. Chẳng hạn như tôi không thể nào chối cãi rằng không hề có tham nhũng ở Việt Nam. Vấn đề tham nhũng chẳng những đã đầy dẫy mà còn lộ liễu đến mức độ đáng xấu hổ. Nhưng tôi có thể giải thích tại sao tham nhũng lại hoành hành dữ dội như vậy và đưa ra những chính sách chống tham nhũng chính phủ hiện đang áp dụng. Khi đã chuẩn bị kỹ càng cho cuộc phỏng vấn, tôi cảm thấy an tâm hơn. Dầu sao tôi cũng đã trực tiếp đương đầu với vấn đề này gần ba năm trường và đã có đủ dữ kiện để trả lời gần như mọi câu hỏi.
Khi cuộc phỏng vấn chính thức diễn ra tôi đã có thể tự trả lời, không phải phiền đến ông Khôi. Tuy tôi chưa hề biết trước rằng những câu trả lời cho một cuộc phỏng vấn truyền hình lúc nào cũng phải ngắn, gọn, vốn liếng Anh Ngữ của tôi vẫn đủ cho phép tôi trả lời rất tường tận những câu hỏi được đưa ra. Phái đoàn phỏng vấn hỏi những câu hỏi thật sát với vấn đề, nhưng hễ cứ khi nào tôi đưa lời bổ túc các ý kiến đã phát biểu thì phóng viên Spivak lại ngắt lời để tiếp tục đưa ra những câu hỏi khác. Sau hai ba lần liên tục như vậy, tôi đã nhận ra rằng mình phải lao mình vào thử thách. Bất kể trên thực tế nội dung của các câu hỏi đưa ra phức tạp đến độ nào, phái đoàn phỏng vấn vẫn yêu cầu tôi trả lời thật ngắn và thật chi tiết.
Họ muốn biết rõ về các vấn đề chẳng hạn như liệu Sài Gòn có điều đình với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam hay không? Tôi trả lời rằng "Không" vì MTGP thật sự do Hà Nội cầm đầu, và rồi tôi nói thêm rằng bất kỳ lúc nào chúng tôi cũng vui lòng đàm phán với Bắc Việt. Những người phỏng vấn lại hỏi rằng MTGP cũng đang chiến đấu, tại sao Việt Nam lại chẳng thể điều đình với họ. Làm sao tôi có thể giải thích chỉ một đôi câu ngắn ngủi để họ có thể hiểu rõ được những kinh nghiệm bản thân tôi đã trải qua khi phải đối phó với những tổ chức Việt Minh vào thời kháng Pháp hoặc trình bày tường tận được rằng MTGP là một tổ chức mới được thiết lập vào năm 1960, trong lần họp hội nghị thứ ba của đảng ở Hà Nội, vào lúc đảng bắt đầu khẳng định rõ rệt chủ trương: Phải giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước bằng vũ lực? Trước những khoản thời gian gấp rút, eo hẹp đến gần như chớp mắt, làm sao tôi có thể diễn giải mạch lạc được mọi vấn đề như: MTGP là một tổ chức do Bắc Việt tổ chức ở Hà Nội và mãi đến năm 1959 tổ chức này mới xâm nhập vào Miền Nam Việt Nam. Kể từ năm 1964 toàn thể các sư đoàn Bắc Việt đều đã hoạt động toàn lực. COSVN, một tổ chức cầm đầu cách mạng ở MNVN chính là một chi nhánh do đảng Cộng Sản thiết lập và lãnh đạo. Cả Hoa Thịnh Đốn lẫn Sài Gòn đều biết rất rõ những vấn đề vừa kể. (Sau năm 1975, chính những thành viên của đảng Cộng Sản cũng đã xác nhận những sự kiện trên trong các tài liệu chiến tranh Việt Nam.) Nhưng làm sao tôi có thể thuyết phục được các phóng viên khi họ cứ nhất định khăng khăng cho rằng tất cả đều chỉ là những chuyện bịa đặt vô căn cứ?
Tuy phải đối phó với những câu hỏi hóc búa trong một thời gian cực kỳ ngắn ngủi, khi cuộc phỏng vấn kết thúc, tôi vẫn cảm thấy hài lòng. Tôi cũng rất ngạc nhiên vì bầu không khí căng thẳng của buổi phỏng vấn. Hiển nhiên sự thể cho thấy tôi vẫn còn phải học hỏi rất nhiều, nhất là về cung cách cẩn trọng của những phóng viên Hoa Kỳ khi thâu thập tin tức. Tuy thế, tôi đã vượt qua được mọi thử thách. Về sau, tôi còn được biết rằng tuy nghề nghiệp thường buộc giới báo chí phải đứng vào tư thế đối nghịch với chính quyền, rất nhiều ký giả là những người cởi mở và vô cùng đứng đắn.
Trong những tuẫn lễ đầu ở Hoa Thịnh Đốn, tôi đã bỏ ra rất nhiều thì giờ để gọi những cú điện thoại theo thủ tục của giới ngoại giao. Tôi cũng bắt đầu tiếp xúc với những nhân vật trong chánh phủ Hoa Kỳ, những dân biểu quốc hội và các Thượng Nghị Sĩ. Khoảng thời gian đầu, thời tiết Hoa Thịnh Đốn chuyển tuyết. Hương vị mùa đông đến với gia đình chúng tôi bằng những cụm tuyết trắng và những cơn gió lạnh trong một khung cảnh hoàn toàn trái ngược với bầu không khí nhiệt đới của Sài Gòn.
Nếu so sánh thời tiết và khung cảnh đời sống thì đời sống gia đình tôi ở Hoa Thịnh Đốn còn khác biệt với Sài Gòn xa hơn nữa. Tại Sài Gòn cuộc chiến là một phần của khung cảnh đời sống và vì vậy, tiềm thức của những người sống ở Việt Nam đã quen với vấn đề chiến cuộc. Chẳng những thế, ngay ở Sài Gòn, chiến cuộc lại còn có vẻ xa rời, gần như chỉ là một cái gì đó vẫn còn ở xa. Nhưng ở Hoa Thịnh Đốn là một nơi cách tầm nguy hiểm cả 10,000 dặm mà kỳ lạ thay, chiến cuộc lại gần như kề sát. Mỗi sáng khi tôi thức dậy thì tờ Times và tờ Post đã đăng tải những tin tức về chiến tranh Việt Nam thật chi tiết; Sau khi đọc qua những tin tức tường trình trên hai tờ báo, tôi dùng những khoản thời giờ còn lại trong ngày để đối phó với vấn đề chiến cuộc và rồi về đêm tôi lại theo dõi màn ảnh truyền hình để nghe thêm tin tức. Lúc này tôi chưa biết rằng mình đang mục kích chiến tranh Việt Nam qua một nhãn quan khác biệt: Chiến tranh Việt Nam qua màn ảnh Ti Vi. Lúc này tôi chưa hề thấy rõ những ấn tượng đang ăn vào tiềm thức những khán thính giả khi họ theo dõi cuộc chiến Việt Nam qua dư luận của giới báo chí và qua màn ảnh truyền hình. Dĩ nhiên tôi lại càng chưa thể nhận định được đây chính là một trong những phương diện khác biệt của chiến cuộc. Tôi lại càng chưa thể nhận định được rồi đây chính những hậu quả phát xuất từ những hình ảnh tôi đang mục kích sẽ dần dà ăn mòn sự kiên nhẫn của dân chúng Hoa Kỳ và trở thành nguyên nhân chính buộc Hoa Kỳ phải chấm dứt can thiệp.
Nhịp độ cuộc sống ở Hoa Thịnh Đốn cũng hoàn toàn khác biệt. Trước đây, khi còn ở Sài Gòn, vì là cố vấn đặc biệt của ông Kỳ nên tôi đã phải đương đầu với những cuộc khủng hoảng kéo dài tưởng chừng như chẳng bao giờ dứt. Gần như lúc nào cũng có hàng loạt các khó khăn luôn luôn chờ đợi tôi, chẳng những thế mà khó khăn cũng là một khủng hoảng đáng kể đòi hỏi phải được lập tức giải quyết. Mặc dù tôi quả có đối phó được với những vấn đề khó khăn ở Sài Gòn, nhưng tôi vẫn phải xoay sở thật khốn khổ. Trong khi đó thì ở Hoa Thịnh Đốn tôi thức dậy mỗi sáng, thong thả đọc thật kỹ tờ nhật báo, rồi mới bắt tay vào việc sửa soạn thời khóa biểu cho những cuộc họp mặt trong ngày. Thỉnh thoảng mới có một vài biến chuyển bất ngờ và chẳng có gì đáng gọi là khủng hoảng. Cuộc sống hàng ngày chỉ là một cuộc sống bình lặng trật tự chẳng khác nào những đợt tuyết thỉnh thoảng vẫn rơi âm thầm bên ngoài. Nếu so sánh đời sống êm ả ở Hoa Thịnh Đốn lúc này với cuộc sống của tôi trong những năm về trước ở Việt Nam, khi tôi phải làm việc liên tục dưới áp lực thường xuyên để đối phó với những khó khăn ở Sài Gòn thì đây quả là một sự thay đổi đáng kể.
Đối với tôi thì Hoa Thịnh Đốn quả thực là một thử thách lớn lao. Chỉ riêng một việc tìm hiểu quốc hội Hoa Kỳ cũng đã là một công việc vô cùng phức tạp và khó khăn. Hạ viện bao gồm 435 dân biểu. Thượng Viện bao gồm 100 Thượng Nghị Sĩ chưa kể đến hàng trăm những nhân viên phụ tá và hàng chục những ủy ban, tiểu ban. Chỉ nội việc tìm cách ghi rõ danh sách và tìm hiểu về các hoạt động của các dân biểu, Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ cũng chẳng khác nào phải tìm cách băng qua một khu rừng rậm chưa hề được khai phá.
Tôi được may mắn là có một số người bạn giúp đỡ giới thiệu với những người cần phải quen biết ở thủ đô Hoa Kỳ. Sau khi đến Hoa Thịnh Đốn được một thời gian ngắn thì tôi gặp Thượng Nghị Sĩ Everett Dirksen, lãnh tụ thiểu số của Thượng Viện. Có lẽ do mối hảo cảm đặc biệt nên chúng tôi vừa gặp nhau đã hợp nhau ngay. Ông Dirksen giải thích tỉ mỉ cho tôi những lề lối làm việc và sự quan trọng của từng nhân vật trong quốc hội. Một trong những vấn đề ông dặn tôi phải lưu ý là việc nên tìm gặp những nhân vật đứng đầu các ủy ban quan trọng, chẳng hạn như ủy ban ngoại giao và ủy ban quân sự. Chính ông đích thân dàn xếp những cuộc gặp gỡ lúc đầu cho tôi.
Tuy những cuộc gặp gỡ vào lúc ban đầu thật là hữu ích, lúc này tôi vẫn chưa hề biết rằng rồi đây nhiều cuộc gặp gỡ sẽ trở thành những mối giao hảo lâu bền và kéo dài đến cả khi tôi không còn phục vụ ở Hoa Thịnh Đốn nữa. Một cuộc gặp gỡ điển hình đã biến thành mối giao hảo lâu bền về sau là cuộc gặp gỡ giữa tôi và thượng nghị sĩ George Aiken của tiểu bang Vermont. Theo lời bà Aiken thì "Ông Thống Đốc" đã coi tôi như một người em luôn cần bao bọc. Chúng tôi hay cùng nhau nói chuyện, lúc thì trong văn phòng riêng của ông, khi thì ở tòa đại sứ mỗi lần ông bà đến dùng bữa tối với chúng tôi. Vào những dịp như vậy ông vẫn thường giúp cho tôi rất nhiều ý kiến.
Vì ông là bạn thân của Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield, lãnh tụ đa số của Thượng Viện, nên ông Aiken thường nói rõ cho tôi nghe những quan niệm của ông Mansfield. Ông cũng thường chuyển những ý nghĩ của tôi cho ông Mansfield và các thượng nghị sĩ khác trong cả hai đảng dân chủ và Cộng Hòa. Ông Aiken là một người dân vùng New England chất phác, đứng đắn và rất dí dỏm.
Những ý kiến của Thượng Nghị Sĩ Aiken lúc nào cũng sát với thực tế. Ông nhắc nhở tôi rất nhiều về việc phải sửa soạn trước, phải biết rõ quan niệm và khuynh hướng của các dân biểu hay thượng nghị sĩ trước khi đến gặp họ. Ông cho rằng tôi không nên bỏ thời giờ nói chuyện với những người đã có định kiến về cuộc chiến Việt Nam. Ông Aiken cũng khuyên tôi không nên quá lạc quan trong vấn đề nhận diện ai là bạn và phải luôn luôn cố gắng giữ vững những mối giao hảo đã gầy dựng được.
Có lẽ đối với những nhân vật trong chính giới ở Hoa Thịnh Đốn thì tất cả những điều này chỉ là những nhận xét tối thiểu, nhưng đối với một người chưa hề tiếp xúc với đời sống truyền thống dân chủ như tôi thì đây lại là những điều thật mới lạ. Tôi không khỏi vài phần sững sờ khi nhận chân ra rằng mình đang tiếp xúc trực tiếp với một xã hội sống động trong một bầu không khí và lề lối dân chủ. Đây là một xã hội vừa linh hoạt, vĩ đại, lại vừa phức tạp bội phần. Tất cả những dân biểu đều là đại biểu của những địa phương đã bầu cho họ. Mỗi dân biểu đều có những khó khăn riêng. Phần nhiều thái độ của họ đối với vấn đề Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào các vấn đề khó khăn của những địa phương mà họ đại diện. Họ chỉ suy nghĩ về chiến cuộc Việt Nam một cách gián tiếp và những câu hỏi chính của họ thường là: Cuộc chiến Việt Nam có ảnh hưởng gì đến dân chúng trong những tiểu bang mà họ đại diện hay chăng? Đây là một điều rất lạ đối với tôi. Tôi thường nghĩ rằng vấn đề Việt Nam phải là vấn đề chính của nhiều dân biểu nhưng vào năm 1967 thì những nhận định của tôi không đúng hẳn.
Một khám phá khác không kém phần ly kỳ là tuy trong số những người tôi tiếp xúc có rất nhiều người đứng ở những cương vị cao mà vẫn không hề có tầm hiểu biết bao quát như tôi đã lầm tưởng. Trong các cuộc họp với những dân biểu Hoa Kỳ, đã nhiều lần tôi chú tâm sửa soạn chờ nghe những lời nghị luận sâu sắc của họ nhưng rồi lại phải giật thót người vì những ý kiến được đưa ra chẳng những đã thật ngờ nghệch mà còn phản ảnh rõ rệt sự thiếu hiểu biết của những người phát biểu. Tệ hơn nữa là những người phát biểu lại trình bày sự ngờ ngệch của họ thật công khai và không hề có ý dấu diếm. Đã không biết bao nhiêu lần tôi phải sững người vì những câu hỏi vượt ngoài sức tưởng tượng. Có lẽ nếu đứng trên một phương diện nào đó thì việc các dân biểu, thượng nghị sĩ chỉ biết rõ về những tiểu bang họ đại diện và mù tịt về vấn đề quốc tế chỉ là một chuyện tự nhiên. Nhưng việc phải tiếp xúc với những dân biểu chỉ quan tâm tới những vấn đề địa phương lúc nào cũng làm tôi khó chịu. Tôi phải cố gắng sửa đổi quan niệm để chấp nhận rằng trong số những người đang bỏ phiếu định đoạt số phận Việt Nam lại có cả những kẻ chưa hề biết rằng Việt Nam đã có lần là thuộc địa Pháp. Đối với tôi thì vấn đề cần sửa đổi để thích ứng với những thực tế loại này là những bài học vô cùng khó khăn.
Tôi cũng không thể hiểu được những dân biểu chống chiến tranh một cách triệt để như các Thượng Nghị Sĩ McGovern, Fullbright và Church. Mặc dù ông Aiken đã nhiều lần có ý giới thiệu tôi với họ, tôi vẫn không hề có ý muốn gặp họ bao giờ. Không phải tôi ngần ngại về việc phải đối phó với những ý kiến của họ mà vì tôi cảm thấy cung cách của họ thật là cao ngạo và thiếu lịch sự. Đã có vài dân biểu chống đối chiến tranh nhưng họ vẫn là những người thành thật và đứng đắn. Chẳng hạn như Thượng Nghị Sĩ Mansfield. Tuy là người phản đối chiến tranh, ông cũng là người hiểu biết lý luận cũng như còn tỏ vẻ quan tâm đến những vấn đề phức tạp của chiến cuộc và ông cũng nhận định rõ ràng rằng quyết định chấm dứt chiến tranh sẽ là một quyết định quan trọng có liên quan đến vấn đề định đoạt số mệnh của hàng chục triệu gia đình Việt Nam.
Đã đành rằng trong khi bàn luận về vấn đề liệu có nên giúp đỡ Việt Nam hay không thì những người như Thượng Nghị Sĩ McGovern và Fullbright có quyền trình bày quan điểm riêng, nhưng thái độ và những luận điệu lăng mạ của họ đối với giới lãnh đạo Việt Nam thật hoàn toàn bất công. Thượng Nghị Sĩ McGovern đã gọi ông Thiệu là "viên tướng tham nhũng" và phát biểu rằng ông Kỳ không xứng đáng lãnh "dù chỉ là một xu nhỏ viện trợ của Hoa Kỳ." Tuy chính tôi cũng có những dè dặt riêng đối với ông Thiệu và ông Kỳ, nhưng thật sự thì Thượng Nghị Sĩ McGovern biết gì về những cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Miền Nam Việt Nam? Từ chiếc ghế Thượng Viện, liệu ông đánh giá đúng được bao nhiêu nỗ lực của Miền Nam Việt Nam? Phải chăng ông ta không hiểu rõ được rằng nếu còn có được một cơ hội cho Miền Nam Việt Nam thì cơ hội đó phải đến từ những cố gắng để củng cố cho những mầm mống dân chủ mong manh đang bắt đầu được phát triển? Phải chăng ông ta không hiểu rõ được rằng từ bỏ Miền Nam Việt Nam có nghĩa là chối bỏ giá trị của tất cả những điều mà ông đang quyết tâm bảo vệ?
Nhưng thay vì được nghe những cuộc bàn cãi tranh luận thâm thúy, những điều tôi thấy hoàn toàn chỉ là những ngôn từ dễ dãi hời hợt của những nhà lãnh tụ khi họ đồng hóa chiến cuộc Việt Nam với trường hợp giúp đỡ hay ủng hộ tướng này hay tướng nọ. Đây là một hành động tự kiêu, tự đại và đồng thời cũng là một hành động lăng mạ, sỉ nhục Việt Nam. Đã nhiều lần tôi lên tiếng cùng giới báo chí khi lời lăng mạ của họ có phần quá đáng và có lần tôi đã yêu cầu họ phải xin lỗi công khai trước dư luận. Mối liên hệ duy nhất giữa tôi và những nhóm phản chiến cực đoan chỉ có thế.
Cùng lúc tôi bắt đầu làm quen với quốc hội thì tôi cố gắng thiết lập những mối liên lạc với chánh quyền. Một trong những nhà chức trách mà tôi thường xuyên gặp gỡ vào lúc này là ông William Bundy, phụ tá Ngoại Trưởng đặc trách Viễn Đông và Thái Bình Dương Sự Vụ. Chúng tôi biết nhau vì đã cùng làm việc ở nhiều hội nghị Việt Mỹ trước đây. Ông Bundy nguyên là một trong những người thuộc nhóm thân cận của tổng thống Johnson, vì vậy ông được biết hầu hết những chánh sách quan trọng trong chính phủ Hoa Kỳ. Chẳng bao lâu sau ông trở thành nguồn dây liên lạc chính giữa tôi và chánh quyền Hoa Thịnh Đốn. Hơn nữa, ông còn là người cùng làm việc với tôi hàng ngày. Khi đã trở thành thân thiết với ông Bundy, tôi cảm thấy có thể trình bày thành thật với ông những quan niệm của Việt Nam. Tuy là người có tiếng văn hoa, nhưng ông Bundy vẫn thường trực tiếp trình bày quan niệm của Hoa Kỳ một cách thực tế chứ không câu nệ những thể thức ngoại giao rườm rà thường làm lu mờ đi ý chính của các vấn đề bàn luận.
Mối liên hệ giữa tôi và Ngoại Trưởng Dean Rusk thì có vẻ hình thức hơn, tuy vậy nhưng mỗi khi cần, tôi vẫn thường được dịp thẳng thắn trao đổi ý kiến với ông. Ngoại Trưởng Rusk vốn là người kiên cường và tự tin. Ông cho rằng Hoa Kỳ phải tiếp tục cương vị của một đồng minh lúc nào cũng giữ vững lập trường và lời hứa. Ông Rusk quan niệm Việt Nam là một cuộc thử thách đầu tiên với những chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Con người ông Rusk lúc nào cũng hết sức nghiêm trang và mang một vẻ cương quyết khó thể lay chuyển. Ông là hiện thân của Hoa Kỳ trong những cương quyết âm thầm, luôn luôn đi sát với các chủ định ngoại giao. Ấn tượng ban đầu của tôi về ông còn trở nên rõ rệt hơn khi tôi thấy ông ở riêng trong một thế giới biệt lập của chính mình. Phòng làm việc của ông ở tầng lầu thứ 7 của Bộ Ngoại Giao được trang trí thật đơn giản và toát ra một vẻ nghiêm trang đến gần như ngột ngạt.
Hai người bạn thân khác tôi quen ở tòa Bạch Ốc là ông Bill Jorden, phụ tá của cố vấn an ninh quốc gia Walt Rostow và ông Robert Komer, phụ tá đặc biệt của tổng thống về vấn đề kinh tế ở MNVN. Qua hai nhân vật này, tôi có thể cảm thấy gần như trực tiếp áp lực mà vị tổng thống Hoa Kỳ phải chịu đựng khi ông cố dung hòa các chánh sách để thỏa mãn cả những nhu cầu của đồng minh lẫn những đòi hỏi của các vấn đề khó khăn trong nước, nhất là khi những dư luận phản đối ông đang ào ạt ngày càng gắt gao. Tôi thường nói chuyện với các nhân viên Hoa Kỳ trong những buổi ăn trưa ở sứ quán Việt Nam. Bầu không khí thảnh thơi ở sứ quán thường cho phép chúng tôi trò chuyện thoải mái và lâu dài hơn. Khung cảnh dễ chịu và thức ăn ngon, khác hẳn vối không khí căng thẳng của những buổi họp thường khiến chúng tôi bàn luận thật lòng hơn và nhờ vậy tôi có thể hiểu được rành mạch những suy tư của chánh phủ Hoa Thịnh Đốn.
Cả hai ông Komer và Jorden đều là những nhân vật khác thường. Ông Komer khổ người cao và gầy. Trong số tất cả những người tôi đã gặp thì ông có lẽ là người hiếu động nhất. Ông cho rằng bất kỳ bài toán khó nào cũng đều có một đáp số thỏa đáng. Nếu đáp số chưa được đích xác hoàn toàn thì chẳng qua chỉ là vì nỗ lực giải đáp chưa được đặt đúng mức. Lập luận của ông đã khiến ông được mệnh danh là "Một bố đuốc đang cháy." Khi trình bày những quan tâm của tòa Bạch Ốc trong việc nhận định những vấn đề phức tạp nhiều mặt của chiến cuộc Việt Nam ông Komer suy diễn vừa mạnh mẽ lại vừa lưu loát. Dĩ nhiên những quan tâm của Tòa Bạch Ốc luôn được tôi gửi thẳng về Sài Gòn bằng điện tín.
So với ông Komer thì ông Jorden lại là một loại người khác hẳn. Ông là người trầm lặng, khiêm tốn và gần như dè dặt. Tuy thế, khi trình bày những hiểu biết về cái nhìn của Hoa Thịnh Đốn thì ông vô cùng tinh tế. Vì xuất thân từ ngành báo chí, ông Jorden đã hiểu cặn kẽ những khó khăn của MNVN. Ông giúp tôi trình bày những khó khăn của Sài Gòn cho phù hợp với những nỗi quan tâm của tòa Bạch Ốc. Đây là một sự giúp đỡ lớn lao khi tôi phải nỗ lực chuyển về Sài Gòn những đề nghị của tôi. Nhìn từ một phương diện nào đó thì ông đã làm cho quan niệm của hai quốc gia gần lại với nhau. Tôi không hề ngạc nhiên khi ông Jorden đã điều đình thành công vụ vịnh eo biển Panama (The Panama Canal) lúc sau này.
Qua ông Jorden tôi gặp ông Walt Rostow lần đầu ở văn phòng cố vấn an ninh quốc gia. Lúc này văn phòng cố vấn an ninh quốc gia vẫn còn nằm ở tầng lầu dưới của tòa Bạch Ốc. Ông Rostow chào tôi với một nụ cười thật tươi như thể đang đón chào một người bạn đồng nghiệp cùng làm nghề giáo sư đang ghé chơi và bàn luận những đề tài học đường. Thật ra những cuộc bàn luận với ông Rostow luôn luôn có vẻ là những cuộc bàn luận có tính cách học giả hơn là những cuộc bàn luận ngoại giao. Quan niệm của ông về những phát triển kinh tế và chính trị đối với những nước còn đang phát triển trùng hợp rất nhiều với những quan niệm của tôi. Tuy rằng trong những quan niệm của ông thỉnh thoảng cũng có một vài điểm có vẻ không thích hợp với trường hợp đặc biệt của chiến cuộc Việt Nam, nhưng ông quả là một người hiểu biết uyên bác hiếm có về thế giới Cộng Sản.
Những người chỉ trích ông Rostow cho rằng ông là một trong những nhân vật diều hâu, luôn luôn sẵn sàng ủng hộ những biện pháp mạnh. Chẳng hạn như ông đã cho rằng Hoa Kỳ nên đổ bộ vào Bắc Việt. Riêng về vấn đề can thiệp vào Việt Nam thì ông đã cho rằng Hoa Kỳ cần can thiệp để -để ủng hộ các quốc gia nhược tiểu vừa mới thoát ách thực dân kiến thiết chính trị và kinh tế. Đối với tôi thì lý luận của ông Rostow dĩ nhiên khác những lý luận của chính quyền Hoa Kỳ lúc đó. Hoa Kỳ lúc đó cho rằng họ cần can thiệp để có thể giữ vững thế quân bằng chính trị toàn cầu và ngăn chận sự xâm lược của Cộng Sản.
Vào cuối tháng 2 năm 1967, giữa lúc tôi đang cố gắng tạo dựng những ngọn dây liên lạc ở Hoa Thịnh Đốn thì Sài Gòn có lệnh triệu hồi tôi về để tham khảo ý kiến. Căn cứ vào những mối liên lạc gần gũi giữa tôi cùng chánh quyền Sài Gòn và tầm mức quan trọng của "yếu tố Hoa Kỳ" đối với những biến cố của Việt Nam thì việc họ triệu hồi tôi về cũng chẳng có gì là lạ cả: Quốc Hội Lập Hiến đã soạn xong bản dự thảo hiến pháp. Giờ đây đã đến lúc Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia phải quyết định chấp nhận hoặc phế bỏ bản dự thảo hiến pháp. Nói rõ hơn thì chánh phủ quân nhân lúc này phải tự buông bỏ chánh quyền hoặc chối bỏ tất cả những lời hứa ở hội nghị Honolulu lúc trước. Cùng một lúc với những tin ở Sài Gòn về việc Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia phải có quyết định về bản dự thảo hiến pháp thì cũng có tin là lại sẽ có một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Việt nữa sắp sửa được triệu tập.
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 01-16
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm 22-34
GỌNG KÌM LỊCH SỬ -Hồi Ký- Bùi Diễm (The End)
.
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...