. .

Tuesday, June 9, 2009

MỘT BÀI BÁO LẠ : THAM NHŨNG hay TÀN PHÁ QUỐC GIA ???



Lê Tùng Châu : Thật hiếm hoi lâu ngày mới có một "cây bút" viết báo đảng ăn lương đảng mà nói như thế này về cái đảng ăn hại kia. Viết về "chủ trương lớn" gọi là khai thác thiên nhiên (mà thực ra là Tàn Phá xứ sở) mà lại "nấp" dưới Title Tham Nhũng !!! Mời bạn coi tí để biết, kẻo mai mốt đảng lại bắt gỡ bài xuống đi thì uổng lắm vậy !!!


Tham nhũng đe dọa tương lai quốc gia

Vietnamnet, 13:06' 09/06/2009 (GMT+7)

- Người dân cần được minh bạch thông tin và giám sát được việc làm của những người thay mặt cho họ sử dụng các nguồn lực quốc gia. Thực hiện được “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tệ tham nhũng sẽ bị chặn đứng.

Khi nói về tài nguyên, chúng ta thường nghĩ đó là "của trời cho". Vì vậy, mỗi địa phương, vùng miền ra sức khai phá, sử dụng tùy khả năng tài chính và điều kiện kỹ thuật của mình. Nếu sử dụng sai, không hợp lý, ta thường chỉ nói đến lãng phí hoặc cùng lắm là qui hoạch sai. Người sai phạm có thể chỉ bị nhắc nhở, hoặc chỉ bị xử lý rất nhẹ.

Khai thác bừa bãi tài nguyên

Ảnh: VNN
Đất đai, tài nguyên không thể sinh sôi, nảy nở. Cha ông ta đã đổ bao mồ hôi và xương máu mới giành lại được từ tay kẻ thù từng tấc đất, biến những vùng đất hoang thành ruộng đồng trù phú, biến thiên nhiên hung dữ thành danh thắng. Có người nói khi lật từng tấc đất, sẽ hiện lên bộ mặt của cả dân tộc. “Thời gian hiện ở mỗi tầng văn hóa”. Lịch sử nối nhau hiện lên. Có máu xương. Có tiếng khóc. Có những cuộc chia ly.

Tài nguyên, khoáng sản, đất đai, những danh thắng… là của cả dân tộc. Không ai có quyền sử dụng cho mục đích cá nhân, dòng tộc, không ai có quyền nhân danh nhân dân để ban phát hoặc khai thác bừa bãi.

Để làm được điều đó, cần phải minh bạch thông tin. Nhiều “đầy tớ của dân” thời gian qua lợi dụng chức quyền chiếm đất đai hoặc ban phát cho người thân. Họ bưng bít thông tin, không công khai những việc làm của mình. Có thể nói, thời gian qua, ở bất cứ địa phương nào cũng có chuyện tham nhũng đất đai khiến quần chúng bức xúc: Đồ Sơn, Hóc Môn, Khánh Hòa, hay Tam Đảo...

Vụ cấp đất sai nguyên tắc ở Phú Quốc cho thấy được mức độ nghiêm trọng của việc tùy tiện sử dụng tài sản quốc gia. Đã phải thu hồi toàn bộ các lô đất rừng phòng hộ rộng 744.000m2 ở khu vực Bãi Vòng, xã Hàm Ninh; 408.000m2 đất rừng ở khu vực cây số 10, xã Dương Tơ; 38 lô đất cấp cho cán bộ tỉnh, huyện ở ấp Vũng Bầu, xã Cửa Cạn... Vụ án Nguyễn Đức Chi và khu nghỉ dưỡng Rusalka, những dự án đầu tư vào Bãi Dài - bắc bán đảo Cam Ranh hay tại Vườn Dừa - Sông Lô cũng là những dẫn chứng.

Các dự án cho nước ngoài đầu tư ở những vị trí đẹp thời gian vừa qua đã đem lại cho địa phương những thay đổi lớn. Các khu nghỉ dưỡng, những khu vui chơi giải trí, những bãi biển đẹp ẩn mình đã được đánh thức… Tiềm năng nếu không khai thác thì mãi mãi chỉ là tiềm năng. Vấn đề là khai thác như thế nào và hiệu quả kinh tế ra sao. Chúng ta không thể chấp nhận việc tiềm năng được khai thác nhưng nhân dân vẫn nghèo đói do phải di dời, không còn đất đai canh tác.

Chúng ta nói nhiều đến qui hoạch nhưng có thể nói đây là lĩnh vực phạm phải nhiều sai lầm và yếu kém nhất. Dư luận đã phê phán về những phong trào như “xi măng lò đứng”, “chương trình mía đường”, hay “phong trào xây dựng sân golf”, các tỉnh thì thi nhau làm cảng biển, sân bay…

Chỉ riêng về dự án sân golf, cả nước hiện nay đã có 144 dự án được cấp phép hoặc có chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện. Các nhà khoa học cho rằng: Sân golf là một "trò chơi tốn đất", bởi diện tích bình quân của mỗi dự án hiện nay là 203ha, nhưng cả nước mới chỉ có khoảng 5.000 thành viên chơi golf, chưa đến một nửa số này chơi thường xuyên - mà trong đó chỉ khoảng 10% là người Việt Nam.

Cứ thử làm một phép tính đơn giản, chúng ta sẽ kinh ngạc với diện tích đất dành cho các dự án sân golf này, đặc biệt là diện tích đất “bờ xôi, ruộng mật” đã bị tàn phá. Trải qua nhiều thế kỷ cha ông ta mới tạo được những mảnh ruộng phì nhiêu, để con cháu chỉ cần một vài chữ ký đẩy ngược nó về thời xa xưa. Cuối cùng rồi “hòa cả làng”, những sai phạm ấy chẳng ai chịu trách nhiệm chỉ có nhân dân là mất đất.

Dư luận đã nhiều lần lên tiếng về việc các quan chức bật đèn xanh cho lâm tặc phá hoại rừng quốc gia như ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Kon Tum… Có người đã nói rất chí lý rằng, chặt một cây có thể chỉ cần một vài phút, song để có một cái cây như vậy phải cả hàng trăm năm. Chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt những kẻ phá rừng, còn ai cho phép, ai bật đèn xanh và đằng sau đó là gì thì không làm cho rõ.

Trọng tội

Rồi việc đào bới tài nguyên trong lòng đất - những của cải không tự nhiên sinh ra, không phải là vô tận... Chúng ta khai thác như thế nào, hợp tác với ai, lộ trình và hiệu quả ra sao, phải công khai hay mạnh ai nấy làm, có bao nhiêu khai thác bằng hết? Chúng ta có nghĩ đến thế hệ mai sau, có giành cho thế hệ mai sau hay không, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong muốn?

Rõ ràng người dân cần minh bạch thông tin. Khi điều này trở thành hiện thực, nhân dân có thể giám sát được việc làm của những người thay mặt dân. Khẩu hiệu chúng ta đề ra: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng việc thực hiện nó đến nay vẫn còn khoảng cách. Bất cứ ở đâu, khi những người đứng đầu làm tốt những điều trên thì tệ tham nhũng sẽ bị chặn đứng.

Hiện Việt Nam đang hợp tác với nước ngoài trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Chuyện nước ngoài cho vay tiền theo dạng ODA để làm dự án và họ trúng thầu những dự án đó cũng bình thường. Nhưng cái không bình thường chính là không sòng phẳng trong việc đấu thầu. Dư luận đã từng lên tiếng có vụ nhà thầu không đáp ứng cả về tài chính, năng lực lẫn kỹ thuật lại thắng thầu. Phải chăng đằng sau sự thắng thầu là sự không không minh bạch? Là cái gì chi phối?

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội khi trả lời báo chí trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra (5/2009) cho rằng: Chỉ định thầu mà không đề cao lương tâm và trách nhiệm thì cũng phát sinh tiêu cực. Đấu thầu cũng thế, sẽ phát sinh tiêu cực dưới dạng “quân xanh, quân đỏ”.

Và đấy chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Việc tham nhũng này là trầm trọng, nguy hiểm, không chỉ dừng lại ở mất thể diện quốc gia khi những vụ việc như vậy được phát hiện mà quan trọng hơn có những vụ còn nguy hiểm đến an ninh quốc gia.

Trả lời Báo Tuổi Trẻ, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng: “Công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta có kết quả, có răn đe song chưa triệt được tận gốc. Mà chưa triệt tận gốc thì nó lại xì chỗ này, chỗ khác và xì trầm trọng hơn. Trầm trọng hơn ở chỗ: tham nhũng không phải một người mà trở thành đường dây từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Mình trị chỗ này, chỗ này chựng lại một chút; trị chỗ kia, chỗ kia chựng một chút. Nhưng số tinh vi đông hơn nhiều, nó che chắn thành dây, mình khó phát hiện”.

Tham nhũng nào cũng là tội. Nhưng tội tham nhũng làm tổn hại hình ảnh Tổ quốc, lợi ích quốc gia phải là tội trọng. Và chúng ta cần gióng lên hồi chuông về tội trọng này.

Nguyễn Đăng Tấn

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...