Cuộc chiến về “Sự Thật Hồ Chí Minh”
Hà Giang, thông tín viên RFA2009-08-11
LTC : Bạn đọc chú ý links download film ở bên dưới bài này.Cuốn phim “Sự Thật về Hồ Chí Minh” được Phong trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn thực hiện, vừa được phổ biến về VN cách đây hơn 3 tuần, đã gây xôn xao dư luận, khiến nhà nước Hà Nội vừa phải chính thức lên tiếng phản bác.Trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này, Hà Giang tìm hiểu và tường trình đến quý thính giả việc Báo điện tử của Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 5/8 đã đăng bài viết “Những thước phim trái sự thật, trái đạo lý" lên án những người làm phim là xuyên tạc, bôi nhọ Hồ Chí Minh, với mục đích làm suy yếu, hy vọng làm sụp đổ Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Phim “Sự thật về Hồ Chí Minh”
Cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” đã được nhanh chóng phổ biến về Việt Nam qua nhiều ngả đường, ngay sau buổi ra mắt rầm rộ tại Nam Cali tháng trước, và tiếp tục tại các tiểu bang khác ở Hoa kỳ. Sau khi về đến VN, tuy được truyền đi một cách lén lút như một món hàng quốc cấm, nhưng từ những ngày đầu tiên, phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” đã tạo ngay được tiếng vang đáng kể.
Lý do là nội dung phim phơi bầy những sự thật vẫn bị dấu kín, và đưa ra một hình ảnh trái ngược với chân dung một Hồ Chí Minh từ trước đến giờ vẫn được sách vở trong nước mô tả như một ông thánh.
Giới trẻ Việt Nam, vốn luôn luôn khát khao những luồng thông tin đa chiều, đã nồng nhiệt tiếp tay phát hành cuộn phim, bằng cách nhân lên, rồi truyền tay cho nhau xem, hay tải nó lên mạng lưới internet qua nhiều trương mục của You Tube, rồi từ đó quảng bá trên hàng trăm blogs khác nhau.
Nhờ thế, mỗi trương mục You Tube đăng tải cuốn phim này đã được hàng chục ngàn người vào xem, tạo ra những tiếng bàn tán râm ran trong sân trường hay trên các diễn đàn điện tử.
Hà Nội phản bác
Sau gần 3 tuần lễ im lặng, nhà cầm quyền Việt Nam cuối cùng đã chính thức tấn công cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” bằng cách cho đăng bài viết có tên “Những thước phim trái sự thật, trái đạo lý" trên trang mạng báo điện tử của Đảng Cộng Sản Việt Nam, và sau đó, đăng lại trên những trang mạng khác của nhà nước như Quân Đội Nhân Dân và Hà Nội Mới.
Không ai ngạc nhiên về việc phản công của nhà nước! Nhưng nhiều người cho rằng nội dung bài viết thiếu sức thuyết phục, vì nó đưa ra kết luận mà không có dẫn chứng.
Đọc hết bài viết “Những thước phim trái sự thật, trái đạo lý" người ta chỉ thấy những câu lên án cuộn phim có dụng ý xấu một cách chung chung như: “Mục đích của những người làm phim đã rõ ràng, đó là thông qua việc xuyên tạc, bôi nhọ Hồ Chí Minh, họ hi vọng có thể làm suy yếu, đi đến làm sụp đổ Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn”.
“Rồi những câu miệt thị những nhân chứng sống trong cuốn phim như cựu đại tá Bùi Tín, nhà văn Vũ Thư Hiên với những câu như: “họ là những kẻ đào tẩu khỏi Tổ quốc, phản bội lý tưởng đã theo đuổi, nhiều chục năm nay không ngừng viết sách, viết báo, lên các đài phát thanh vu cáo, bôi nhọ, xuyên tạc về Hồ Chí Minh.” ;
“Rồi đến câu kết luận: “Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam được cả thế giới ca ngợi, ngay cả kẻ thù cũng phải kính nể, chắc không thể hao tổn một chút uy tín nào trước sự vu cáo của những người làm phim. Rất tiếc nhóm làm phim đã cố tình chối bỏ chân lý đó để tung lên mạng những thước phim vừa trái sự thật vừa trái đạo lý thông thường với một vĩ nhân”.
Tuyệt nhiên, người ta không thể tìm thấy bất cứ một bằng chứng cụ thể nào được đưa ra để phản bác lại điều mà bài báo gọi nguyên văn là “những bằng chứng bịa đặt, không căn cứ.”
Dư luận nói gì?
Sau khi đọc bài viết, một phụ nữ hiện đang sống tại Hoa Kỳ đặt câu hỏi:
“Cái sự thật về huyền thoại Hồ Chí Minh nó sai điểm nào đâu? Những nhân chứng sống, còn sống, những người còn sống, những người sống gần với Hồ Chí Minh nói về Hồ Chí Minh, thì bạn có tin hay không?”
Ông Nguyễn Chính Kết, thành viên khối 8406, hiện đang ở Hoa kỳ, nói:
“Đây là một phản ứng để mà nói lấy được của cộng sản Việt Nam thôi. Đó là điều mà họ vẫn rất thường làm, trước những sự thật mà người trong nước hay người hải ngọai nói lên. Bất kỳ một sự thật nào, cho dù thật tới đâu, khi mà bất lợi cho đảng cộng sản, bất lợi cho sự cai trị của họ, họ luôn luôn nói rằng đó là xuyên tạc, đó là phản sự thật, đó là bóp méo sự thật. Họ chỉ bác bỏ những điều mọi người nói bất lợi cho họ mà thôi, và họ không trưng dẫn chứng cớ, họ không đưa ra lập luận nào hay bằng chứng nào để mà chứng minh cho luận điệu của họ cả.”
Phê bình lập luận thiếu xác thực của bài viết đăng trên báo cuả đảng cộng sản Việt Nam, một thành viên của diễn đàn điện tử X-càfé đã viết:
“DVD này hàm chứa thông tin tập trung về cụ Hồ. Có nhiều thông tin rất mới chớ không phải chỉ những thông tin lượm lặt trên mạng mà ai cũng có thể tìm được và có được (nếu như chịu khó bỏ thời gian ra tìm).
Nếu chính phủ cho rằng cụ Hồ là đại diện quốc gia hoặc cụ Hồ thuộc về chính phủ và chính phủ cần bảo vệ cụ Hồ như thể bảo vệ cho danh dự của quốc gia thì chính phủ nên có những phản hồi xác thực, lý lẽ và chính diện để bác bỏ giá trị của chiếc DVD ấy!”
Thành viên ký tên là Lê Văn Tuấn chia sẻ tâm sự qua những hàng chữ sau:
"Phải công nhận là người Việt ở hải ngoại có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn thông tin và do đó biết nhiều chuyện hơn người ở trong nước. Tôi còn nhớ cách đây khoảng 7, 8 năm, ông anh tôi ở nước ngoài về chơi, trong 1 buổi cơm gia đình đã bảo rằng ông Hồ chính là tác giả của "Những Mẩu Chuyện ..." tự viết sách ca ngợi mình. Thế là ông ấy đã bị phản đối kịch liệt từ nhiều người, suýt nữa thì đi đến cãi vã to tiếng.
Chẳng hiểu sao mọi người khi nghe lãnh đạo bị chỉ trích lại cảm thấy như chính mình bị xúc phạm. Theo tôi đó chính là do mặc cảm, một kiểu tinh thần dân tộc quá độ và không đúng chỗ, không chấp nhận mình thua kém. Tôi cũng cảm thấy hơi bị sốc lúc đó.
Nhưng nhờ vậy mà tôi bắt đầu nghi ngờ, tìm hiểu rồi khám phá. Từ đó tôi không dễ dãi tiếp nhận thông tin chính thức nữa. Sau này có Internet thì việc tìm hiểu sự thật đã dễ dàng hơn nhiều lắm."
Trong một buổi thảo luận của “Diễn đàn tranh luận dân chủ” trên Paltalk với sự tham dự của cả người trong nước lẫn hải ngọai. Một người đã xem cả cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” lẫn đọc bài phản bác, bày tỏ:
“Họ phỏng vấn hầu hết tất cả những người va chạm với thực tế của Hồ Chí Minh, và những nhà sử học, hoặc là những nhà nghiên cứu từ Pháp cho đến Mỹ. Về giá trị của những nhân vật nói về Hồ Chí Minh nó có trọng lượng. Tự bản thân của những nhà bình luận này nó có giá trị rồi, họ không thể tuyên truyền một cách cẩu thả. Thành thử cái khả tín trong cuốn băng nó có bởi những người bình luận trong đó.
Điều thứ hai, anh có thể dẫn chứng trong cuộn băng đó, những người nói về tội ác của Hồ Chí Minh hay những dẫn chứng lịch sử về Hồ Chi Minh có điều gì sai? Còn nói chung chung là cuốn băng này nó thiếu thuyết phục, hay là nó phản tuyên truyền, mà không dẫn chứng được, không thuyết phục được người nghe!”
Một blogger khác cho rằng có lẽ người phải viết bài “Những thước phim trái sự thật, trái đạo lý” cũng khổ tâm với luận điệu mơ hồ của mình lắm, cho nên đã không dám lấy tên thật, mà dùng bút hiệu “Chính nghĩa”, một bút hiệu bị cho là hơi mỉa mai trong trường hợp này.
Một điều đáng chú ý là người viết tuy đã bỏ công miệt thị những nhân chứng trong cuốn phim, nhưng đã viết sai tên của họ, chẳng hạn như Trương Nhân Tuấn thì gọi là Trần Nhân Tuấn, và cựu đại sứ Bùi Diễm thì lại gọi trại ra là Bùi Diễn.
Cựu đại tá CS Bùi Tín thì thấy tội nghiệp cho người viết. Ông nói:
“Các quan ở trên ra lệnh cho là bộ phim này nguy hiểm quá, cho nên là phải đập lại! Thế nhưng mà những người viết bài cũng khó xử. Lệnh ở trên là phải viết, phải lên tiếng, nhưng mà đập lại làm sao nổi? Cho nên là họ cũng buộc lòng phải viết như thế. Tôi nghĩ là nhưng người viết ra, không chắc đã xem kỹ bộ phim, và viết ra thế họ cũng không tin những điều mà họ nói.”
Một thành viên khác của diễn đàn X-Càfé đã tỏ phản ứng với bài viết này bằng cách đưa lên những câu hỏi rất rạch ròi:
“Vụ cụ Hồ là danh nhân văn hóa thế giới đã được đảng và nhà nước ta đính chính công khai và rộng rãi chưa hay tiếp tục bịa chuyện và đăng báo?
Vụ cụ Hồ có mấy vợ (xuất hiện trong các sách viết về cụ mà cũng có cuốn đã được dịch ra tiếng Việt nhưng lờ chi tiết cụ có vợ) đã được đảng và nhà nước ta đính chính công khai chưa hay vẫn tiếp tục... lờ?
Vụ cụ Hồ là "Trần Dân Tiên" và "T. Lan" (lỡ buột miệng nói ra và sau đó xóa béng trên trang web) đã được đảng và nhà nước công bố rộng rãi chưa, hay là vẫn tiếp tục lập lờ?
Vụ cụ Hồ giả vờ đi Pháp để ở nhà có chuyện CCRD và sau đó về đóng trò "mèo khóc chuột" nhưng vẫn công bố chiến dịch "thần thánh" ấy thành công rực rỡ, đã được đảng và nhà nước công bố chưa hay vẫn tiếp tục sơn phết?
Vụ cụ Hồ phán rằng "Xuân này hơn hẳn mấyXxuân qua" khi mà bao nhiêu người dân vô tội ở miền Trung đã chết thảm (chớ chẳng phải Mỹ Ngụy) đã được đảng và nhà nước vạch ra chưa?
Thế thì việc gì phải hao giấy, tốn mực để viết một bài... phản đòn? Quả thật là phí công!”
Đánh giá tác dụng của bài viết, cựu đại tá Bùi Tín nói:
“Nó có tác dụng ngược lại. Tức là những bạn đọc đọc được cái bài đó lại càng thử tìm kiếm xem là cái bài báo đó nói thật hay không, cho nên càng kích thích cái tò mò của họ. Do đó mà cái bài báo đó có tác dụng ngược lại, nó gần như là quảng cáo cho bộ phim này. Và bộ phim mới ra thì tôi đã được rất nhiều bạn người Pháp, báo Pháp hỏi là bộ phim này đã có bản tiếng Anh và tiếng Pháp chưa? Dư luật họ rất mong là sớm có được bản tiếng Anh tiếng Pháp.”
Ông Nguyễn Chính Kết đồng ý cho rằng sự hữu hiệu của cuốn phim tỉ lệ thuận với phản ứng của nhà nước:
“Càng nói đúng về ông Hồ Chí Minh bao nhiêu thì họ sẽ phải phản ứng lại bằng cách là nói là mình xuyên tạc họ bấy nhiêu. Và nếu mà họ còn phản ứng về cuốn phim này nhìều chừng nào thì đó cũng là một dấu hiệu cho thấy rằng cuốn phim này đã đánh đúng vào yếu huyệt của họ.”
Ông nói thêm:
“Đây là một trong những phản ứng đầu tiên của họ về vấn đề này. Chắc chắn rằng họ sẽ có nhiều bài phản ứng khác nữa. Cuốn phim này theo tôi nó là một cuốn phim rất có giá trị, vì có những nhân chứng sống động, là những nhà nghiên cứu thật sự, nổi tiếng, trong đó có những nhà nghiên cứu ngọai quốc, họ dựa theo những tài liệu của nhiều tác giả có giá trị khác nhau ở trên thế giới.”
Dư luận cho rằng cuộc chiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” đã thực sự bắt đầu, và các tranh cãi về ông sẽ ngày càng sôi nổi. Phần thắng sẽ nghiêng về bên nào có thể đưa ra những dẫn chứng xác thực thay cho những lập luận mơ hồ.
Nhưng đa số cho rằng cuộc chiến quan trọng hơn là việc đòi hỏi quyền được biết sự thật, và xã hội nào biết tôn trọng quyền tìm hiểu và chia sẻ thông tin của người dân, bằng cách tạo cơ hội cho họ được tiếp xúc với thông tin đa chiều sẽ là một xã hội được phát triển lành mạnh.
Chương trình Câu Chuyện Hàng Tuần đến đây xin tạm kết thúc, Hà Giang hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới, mong quý vị đón theo dõi…
Links for downloading :
Phần 1 (74.14 Mb)
Phần 2 (65.82 Mb)
Phần 3 (69.55 Mb)
Phần 4 (70.24 Mb)
Phần 5 (58 Mb)
Phần 6 (99.51 Mb)* * *
You are here » Home » Kho Lưu Thời Sự » Cuộc chiến về “Sự Thật Hồ Chí Minh” - Hà Giang, thông tín viên RFA
Tuesday, August 11, 2009
Cuộc chiến về “Sự Thật Hồ Chí Minh” - Hà Giang, thông tín viên RFA
Nhãn:
Kho Lưu Thời Sự
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...