. .

Wednesday, December 2, 2009

Nghịch Lý = Việt Cộng

Nhân thân tốt có thể thay công lý?
(phần 1)
Trân Văn, phóng viên đài RFA

2009-11-29

Vài ngày qua, sau khi xét xử phúc thẩm vụ án “lập quỹ trái phép”, xảy ra tại Nông trường sông Hậu, Tòa án thành phố Cần Thơ đã tuyên y án sơ thẩm, giữ nguyên hình phạt 8 năm tù đối với bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông Hậu, dư luận trong nước lại tiếp tục bàn về yếu tố “nhân thân tốt”.

Thời thế, “anh hùng” và bi kịch

Bà Trần Ngọc Sương, Kỹ sư nông nghiệp, Giám đốc Nông trường Sông Hậu là một phụ nữ nổi tiếng tại Việt Nam. Bà từng được tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (giai đoạn từ 1989 – 1999)”, được tặng các “Huân chương Lao động”, từ hạng nhất đến hạng 3, thậm chí năm 2002 còn được bầu chọn là “Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Bà Sương cũng đã từng là Đại biểu Quốc hội.

Nông trường Sông Hậu, do cha bà Sương là ông Trần Ngọc Hoằng thành lập năm 1979 và trực tiếp lãnh đạo cho đến khi bà Sương trở thành giám đốc kế nhiệm.

Báo chí Việt Nam kể rằng, ông Trần Ngọc Hoằng là người chỉ huy việc biến 7.000 héc ta đất hoang, nhiễm phèn trở thành ruộng lúa, cùng với các nhà máy chế biến nông sản, khu dân cư, có hệ thống đường, hệ thống điện, bệnh viện, trường học,... giúp nông dân là nông trường viên Nông trường Sông Hậu có nhà, có thu nhập đủ sống, con cái được đến trường, học hành thành tài,...

Đáng chú ý là từ giữa thập niên 1980, trong khi hệ thống nông trường, hợp tác xã, vốn được xem là nền tảng để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bắt đầu tan rã thì Nông trường Sông Hậu vẫn tồn tại như một trung tâm sản xuất nông nghiệp nổi tiếng. Cũng vì vậy, nó được xem như mô hình, chứng minh tính đúng đắn của chủ trương quốc hữu hóa, tập thể hóa đang bị chính thực tế phủ nhận.

Trong bối cảnh như thế, ông Trần Ngọc Hoằng, rồi bà Trần Ngọc Sương lần lượt được tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”. Riêng Nông trường Sông Hậu có đến hai lần được tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”...

Đầu năm ngoái, Nông trường Sông Hậu bị thanh tra và theo kết luận thanh tra, tại nơi hai lần được tôn vinh “Anh hùng Lao động” này, đã xảy ra vô số sai phạm trong đủ mọi lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất và giao đất, nợ phải thu, nợ phải trả, cách tạo nguồn thu và sử dụng nguồn thu, thực hiện quy chế dân chủ.

Phía Thanh tra cho biết, nợ phải thu ở Nông trường Sông Hậu lên tới cả trăm tỉ. So số liệu do nông trường báo cáo với số liệu kiểm tra thực tế, thanh tra phát giác có sự chênh lệch hơn 26 tỉ và chênh lệch về nợ phải trả là hơn 33 tỉ. Nông trường còn nợ ngân hàng hàng trăm tỉ...

Ngày 9 tháng 9 năm 2008, bà Sương bị khởi tố về tội “lập quỹ trái phép”. Theo Công an Cần Thơ, quỹ trái phép hình thành từ năm 1994, thời cha bà Sương còn tại vị và kéo dài cho đến năm 2007. Trong 13 năm, có 29 tỷ được bỏ vào quỹ trái phép và khoản tiền đó được chi vô tội vạ vào việc tiếp khách, biếu xén, tặng cho...

Tháng 8 năm nay, bà Sương cùng bốn thuộc cấp bị đưa ra xử sơ thẩm tại Tòa án huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Tại phiên xử sơ thẩm, bà Sương bị phạt 8 năm tù và bị buộc phải bồi thường 4,3 tỉ. Do bà Sương và một số thuộc cấp kháng cáo, hôm 19 tháng 11, Tòa án Cần Thơ đưa bà Sương ra xử phúc thẩm nhưng tuyên bố giữ nguyên mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bà Sương.

“Nhân thân tốt” vẫn chi phối tính nghiêm minh?

Tuy đã từng hết lời ca ngợi Nông trường Sông Hậu cũng như cha con bà Sương trong một thời gian dài, song từ khi kết luận thanh tra Nông trường Sông Hậu được công bố, cho đến sau khi bản án sơ thẩm vụ “lập quỹ trái phép” tại nông trường này được tuyên, hệ thống truyền thông tại Việt Nam chỉ thông tin về diễn biến, không có ý kiến riêng.

Dựa trên các thông tin này, người ta được biết, cuối năm ngoái, tuy bệnh nặng, được cho nghỉ hưu nhưng bà Sương vẫn “xin được tiếp tục phục vụ ít nhất một năm nữa”. Cũng theo báo chí Việt Nam, Thành ủy Cần Thơ đã từng khuyên bà Sương nghỉ hưu và nếu chấp nhận như vậy, bà sẽ được “hạ cánh an toàn” nhưng bà không nghe.

Hệ thống truyền thông tại Việt Nam chỉ trở thành ồn ào trước khi phiên xử phúc thẩm diễn ra hồi cuối tháng 10, rồi được hoãn cho đến ngày 19 tháng 11 vừa qua.

Đa số các bài viết và những ý kiến độc giả được chọn đăng trên một số cơ quan truyền thông đều xoay quanh công lao của cha con bà Sương, biến hàng ngàn héc ta đất hoang thành ruộng lúa, giúp hàng ngàn người nghèo an cư, lạc nghiệp, thay đổi số phận. Cũng như sự hy sinh của cá nhân bà Sương, không lập gia đình, dành toàn bộ thời gian, công sức cho Nông trường Sông Hậu. Hoặc là dù lãnh đạo một doanh nghiệp lớn, doanh thu xuất khẩu đạt hàng trăm triệu đô la nhưng đến cuối đời, bà Sương vẫn không có nhà, không có tài sản riêng, bệnh tật ngặt nghèo, rồi phải ra tòa, lãnh án tù.

Trước sự xôn xao của dư luận, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã lên tiếng, yêu cầu xem xét lại toàn bộ vụ án, Bộ trưởng Công an Việt Nam tiết lộ đã chỉ đạo Công an Cần Thơ báo cáo về quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Nông trường Sông Hậu. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam tuyên bố sẽ giám sát...

Một số tờ báo cũng như ý kiến của nhiều cá nhân bắt đầu so sánh bản án với yếu tố “nhân thân tốt”, yếu tố có công. Hai yếu tố vừa kể phủ kín nhiều tình tiết khác mà chính hệ thống truyền thông Việt Nam từng đề cập trước đó, khi thông tin về sai phạm ở Nông trường Sông Hậu - vốn có khá nhiều điểm tương đồng với những sai phạm mà người ta thường thấy tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty quốc doanh, như: Cho vay và xóa nợ tùy tiện, thua lỗ trầm trọng, dùng công quỹ mua sắm nhiều bất động sản nhưng để cá nhân đứng tên,...

Suốt quá trình điều hành Nông trường Sông Hậu, bà Sương có sai sót nào đến mức cần truy cứu trách nhiệm hình sự hay hoàn toàn vô tội như một số tờ báo vừa nêu? Chưa ai biết.

Theo dõi thông tin trên hệ thống truyền thông Việt Nam, người ta chỉ thấy khá nhiều thông tin mà trước và sau, mâu thuẫn với nhau. Năm ngoái, theo Kết luận Thanh tra, Nông trường Sông Hậu là “điểm nóng” về khiếu kiện kéo dài. Năm nay, hệ thống truyền thông Việt Nam cho biết có 110 nông dân xin đi tù thay bà Sương nhưng đến nay, chưa thấy tờ báo nào loan báo thêm về các chi tiết liên quan đến 110 nông dân đáng chú ý ấy.

Khi bào chữa cho bà Sương, ngoài việc chỉ trích các cơ quan bảo vệ pháp luật có sai sót nghiêm trọng về thủ tục, luật sư Nguyễn Đăng Trừng ví von, việc kết án bà Sương giống như nã đại bác vào quá khứ đã được tôn vinh. Bà Nguyễn Thị Bình, cựu Phó Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì nhận định, nếu so vụ án liên quan đến bà Sương với một số vụ án tham nhũng đã được xét xử gần đây thì bản án đã tuyên là không công bằng, quá bất công với bà Trần Ngọc Sương.

Cho đến nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam vẫn chưa xác định bà Trần Ngọc Sương có tham nhũng hay không. Nhiều người đã thử so sánh trường hợp bà Sương, với trường hợp ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Trưởng Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây, trong vụ PCI, trường hợp ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam để chứng minh rằng, bản án dành cho bà Sương rõ ràng là không thỏa đáng.

Tuy nhiên, khi xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vẫn là mơ ước của nhiều người thì có thể đề cao hai yếu tố “nhân thân tốt”, cũng như “có công”, lúc xem xét trách nhiệm hình sự để loại trừ các vi phạm pháp luật? Đó sẽ là nội dung bài kế tiếp, mời quý vị đón nghe.


Sau khi toà án sơ thẩm tuyên phạt bà Sương 8 năm tù, đồng thời buộc bà phải bồi thường 4,3 tỷ, dư luận đã lên tiếng đề nghị xem xét lại bản án, bởi theo họ bà Sương cũng có nhân thân tốt và nhiều công lao.



Bà Trần Ngọc Sương tại phiên tòa phúc thẩm hôm 19-11-2009.


Lần trước, Trân Văn đã tổng hợp và tường trình về những nội dung có liên quan đến vụ án “lập qũy trái phép”, xảy ra tại Nông trường Sông Hậu.

Một số cơ quan truyền thông tại Việt Nam, cũng như một số cá nhân đã so sánh bản án vừa nêu, với việc xử lý một số vụ việc khác, để đề nghị xem xét lại bản án.

Tuy nhiên, việc xem xét nhân thân hay công lao khi định đoạt hình phạt không sai nhưng tại sao việc chiếu cố nhân thân và công lao lại tạo ra nhiều rắc rối như vậy?

Đừng xúc phạm người thật sự tốt

Tuy không đồng tình với bản án mà Toà án Cần Thơ vừa tuyên, song không cơ quan truyền thông nào trong số những nơi đề nghị xem lại bản án phúc thẩm vụ lập qũy trái phép tại Nông trường Sông Hậu, phủ nhận sự tồn tại của “qũy trái phép” ở nông trường này. Những luật sư bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương lập luận rằng, “qũy trái phép” là hệ quả của cơ chế.

Trên các diễn đàn điện tử chính thống lẫn không chính thống và các blog, nhiều người tán thành lập luận đó. Theo họ, ai cũng thấy cơ chế quản lý – điều hành kinh tế và xã hội ở Việt Nam luôn luôn bất hợp lý.

Thậm chí, đã có những trường hợp chỉ vì cố tình “xé rào”, vượt thoát khỏi sự kềm toả của cơ chế, nhằm giúp kinh tế - xã hội phát triển lành mạnh mà bị kỷ luật, rồi sau đó vài chục năm, lại được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh như ông Kim Ngọc, cựu Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú.

Bà Sương có thể là một trường hợp giống vậy? Chưa có câu trả lời cho câu hỏi đó, bởi trong vụ Nông trường Sông Hậu, còn quá nhiều chi tiết do chính hệ thống truyền thông chính thống từng cung cấp, chẳng hạn tại Nông trường Sông Hậu đã xảy ra vô số sai phạm trong quản lý, sử dụng đất và giao đất, nợ phải thu, nợ phải trả, cách tạo nguồn thu và sử dụng nguồn thu, vi phạm việc thực hiện quy chế dân chủ,... song nay, chưa hề được báo chí Việt Nam phản biện khi họ lên tiếng bảo vệ cho bà Sương.


Yếu tố được những cơ quan truyền thông và những người lên tiếng bảo vệ bà Sương nhấn mạnh là bà Sương có nhân thân tốt vả nhiều công lao. Trả lời chúng tôi qua email, một luật sư Việt Nam, yêu cầu được ẩn danh, bảo rằng:

“Nhân thân tốt và có công vốn được nêu trong 19 trường hợp mà Nghị quyết 01 năm 2000 và Nghị quyết 01 năm 2006, của Hội đồng Thẩm phán Toà Tối cao liệt kê để các Toà cấp dưới áp dụng để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Tuy nhiên hai yếu tố ấy đã và đang bị lạm dụng, đặc biệt là khi xét xử những vụ án liên quan đến các tội phạm về tham nhũng và các tội phạm về chức vụ. Sự lạm dụng lớn tới mức hai yếu tố vốn có tính nhân đạo này đã cũng như đang bị xã hội dè bỉu.”

Luật sư yêu cầu được ẩn danh nhận định:

“Nếu bà Sương thật sự là người tốt, bị hàm oan, điều quan trọng là phải chứng minh bà ta bị oan. Trong những vụ án liên quan đến tham nhũng và chức vụ, khai thác các tình tiết nhân thân tốt và có công là một sự xúc phạm người thật sự tốt.”

Mục tiêu nhân đạo?

Tại sao trong những vụ án liên quan đến tham nhũng và chức vụ, việc khai thác các tình tiết nhân thân tốt và có công lại là một sự xúc phạm người thật sự tốt? Có đúng là hai yếu tố nhân thân tốt, có công, vốn có tính nhân đạo đang bị chính hệ thống bảo vệ pháp luật Việt Nam lạm dụng?

Chúng tôi đã thử lật lại báo chí Việt Nam và thấy, chỉ trong vòng một tháng, giai đoạn từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 10, có đến ba vụ mà việc vận dụng hai yếu tố nhân thân tốt, cũng như có công đã trở thành đề tài cho dư luận đàm tiếu.

Cuối tháng 9, nhờ được xem là có nhân thân tốt và có công. ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, kiêm Trưởng Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây, nghi can chính trong vụ nhận khoản tiền hối lộ lên tới 800.000 đô la của PCI, chỉ bị phạt ba năm tù, dù đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, chiếm đoạt 52 triệu đồng từ khoản tiền cho PCI thuê công thự.

Hình phạt này bị dư luận xem là vô lý, sự chỉ trích lớn tới mức, Viện Kiểm sát phải kháng nghị tăng hình phạt.

Sau đó, tới trường hợp ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (gọi tắt là TKV). Theo báo chí Việt Nam, ông Kiển đã để mặc cho các doanh nghiệp thành viên tự tung, tự tác nên chỉ trong vòng ba năm, từ 2005 – 2008, có đến 18 triệu tấn than bị khai thác lậu rồi xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, chưa kể ông Kiển còn vi phạm các quy định về quản lý dự án đầu tư, xây dựng công trình, gây cho TKV khoản thiệt hại khoảng 78 tỉ đồng,... song thay vì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì ông Kiển được động viên xin nghỉ hưu, bởi ông ta được xem là có công với ngành than.

Vụ thứ ba liên quan đến ông Chu Văn Thưởng – cựu Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tây. Giữa tháng 7 năm 2008, sau khi dự buổi liên hoan, mừng việc sáp nhập hai sở nông nghiệp phát triển nông thôn của Hà Tây và Hà Nội thành một, dù đã uống rượu, ông Thưởng vẫn bảo tài xế giao xe cho mình lái, rồi ông Thưởng đụng vào một xe hai bánh gắn máy, khiến người cha chết tại chỗ, người con bị trọng thương.

Sau khi gây tai nạn, ông Thưởng ra lệnh cho tài xế lái xe về Hà Tây, bỏ mặc những người bị nạn, người con tuy được dân chúng đưa đi cấp cứu nhưng đã chết trên đường đến bệnh viện. Chưa hết, ông Thưởng còn cấm bốn cán bộ đi chung xe tiết lộ việc ông ta gây tai nạn.

Cuối tháng 10 năm nay, ông Thưởng hầu toà vì “vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Toà án Hà Nội tuyên bố phạt ông Thưởng 36 tháng tù song cho hưởng án treo vì nhân thân tốt và có nhiều thành tích.

Khi được đề nghị nhận định về vụ án Chu Văn Thưởng, luật sư yêu cầu được ẩn danh bảo rằng:

“Cả cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát lẫn Toà án cùng nhạo báng công lý. Luật sư này phân tích: Ông Thưởng vi phạm điều 202 với nhiều tình tiết tăng nặng là phạm tội trong tình trạng say rượu, bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, cố ý không cứu giúp người bị nạn và hậu qủa được xem là đặc biệt nghiêm trọng vì làm chết nhiều người.

Bình thường, với những trường hợp có hàng loạt tình tiết tăng nặng như vậy, người phạm tội sẽ bị truy tố theo khoản 3 của điều 202, hình phạt dao động trong khoảng từ 7 năm đến 15 năm.


Chưa kể, ông ta còn có dấu hiệu vi phạm điều 309 “mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật”, do ông ta đã “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” khi “cưỡng ép người khác khai báo gian dối”, nên đây là một tình tiết tăng nặng, theo luật, ông ta phải bị phạt thêm từ 2 năm đến 7 năm tù.”

Ông nhận xét:

“Một kẻ có dấu hiệu phạm nhiều tội, tội nào cũng có tình tiết tăng nặng nhưng chỉ truy tố một tội, đã vậy còn vận dụng các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, có nhiều thành tích để chỉ phạt ba năm, rồi cho hưởng án treo là điều nằm ngoài sự tưởng tượng của nhiều người.”

Hôm 22 tháng 10, trả lời phỏng vấn của báo điện tử VietNamNet về những vấn đề có liên quan đến vụ PCI, ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ tuyên bố, đại ý, giảm nhẹ tội nhờ có nhân thân tốt là quy định của Bộ Luật Hình sự, dù xã hội muốn công bằng nhưng đó là chính sách, muốn thay đổi phải sửa luật.

Cũng theo ông Truyền, dù có sửa thì cuộc sống vẫn cần sự chiếu cố cho những người có nhân thân tốt, đó là những người chưa có tiền án, tiền sự hoặc những người mà cả gia đình cống hiến cho Tổ quốc, cho cách mạng, chỉ vì lỗi nào đó xử họ, làm cả một dòng họ, gia đình bị ảnh hưởng thì cũng nên xem xét.

Nhân thân tốt vẫn được hiểu là không có tiền án, tiền sự trước khi phạm tội nào đó, tuy nhiên, hình như yếu tố nhân thân tốt chỉ được vận dụng để giảm nhẹ hình phạt cho các viên chức chính quyền phạm pháp.

Dẫu cho “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” song hình như, các cơ quan bảo vệ pháp luật không quan tâm lắm đến việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, lúc quyết định hình phạt dành cho thường dân.

Tháng 8 năm nay, vì dùng một viên đá nhỏ, ném người trông trại vịt rồi vào trại vịt bắt hai con về làm mồi nhậu, ba nông dân ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đã bị Toà án huyện kết tội “cướp”, một người bị phạt năm năm tù, hai người bị phạt bốn năm tù, dù cả ba cũng có nhân thân tốt và họ có thêm một tình tiết giảm nhẹ khác là nạn nhân đã bãi nại.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...