SỰ THAY ĐỔI ĐÃ GÕ CỬA
Trần Lâm
Trần Lâm
....................................................................
.................................................Xin xem thêm toàn bài từ Thông Luận 2010
dưới đây là đoạn trích :
Biển Đông nổi sóng, hành động của chúng ta
Trung Quốc nói: Không gây chiến tranh, chỉ phát triển hoà bình, chúng ta có thể hiểu là không gây chiến với Mỹ và các nước lớn trong giai đoạn hiện nay, còn sau này là chuyện khác. Lại có thể hiểu lấn chiếm, tranh chấp, việc hàng ngày của Trung Quốc không phải là chiến tranh. Hôm nay, một viện nghiên cứu của Trung Quốc ra quyển sách xanh nói về việc Trung Quốc chú tâm phát triển hoà bình, ngày mai tức thì có việc Trung Quốc đánh đắm thuyền, bắt ngư dân Việt Nam. Hãy hiểu cái đa nghĩa trong ngôn từ của ông anh phương Bắc.
Lịch sử cổ đại đã ghi nhận hai cuộc bành trướng: “Pan romana” của Cesar và “Pan china” của Tần Thuỷ Hoàng. Thế là ta đang đương đầu với truyền thống bành trướng 5000 năm.
Luận điểm của Trung Quốc rất rắc rối: Có cái không phải là của mình cứ nhận là của mình, có tranh chấp thì không cho ai tham gia ý kiến, không chơi đa phương, chỉ chơi song phương, như bó đũa tách ra để bẻ gẫy từng chiếc. Không phải của mình nhưng cứ cãi bừa là của mình, dùng sức mạnh để lấn át, lấn át không được thì bàn chơi chung, chơi chung một thời gian thì đòi chia đôi với cái lý là đã nhận chơi chung thì là của chung, tức là mỗi bên 50 – 50. Một thời gian sau, kiếm cớ giở quẻ, đòi cả 100%. Cứ “được đằng chân thì lân đằng đầu”, rỉa dần như loài gặm nhấm và bền bỉ: “đời cha không xong thì đến đời con”. Rất buồn, Chu Ân Lai, người mà tôi ngưỡng mộ, lại chính là người đưa ra con bài “Gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” với Nhật Bản trong cuộc tranh chấp đảo Điếu Ngư, Biển Hoa Đông… Nhật Bản đã gạt phắt.
Các vụ kiện quốc tế thường kéo dài.
Vụ tranh chấp Biển Đông, có việc chỉ có Trung Quốc và Việt Nam, không có nước nào khác; có việc giữa Việt Nam và nước khác, không có Trung Quốc; có việc giữa nước khác với Trung Quốc không có Việt Nam. Cuối cùng là việc “cái lưỡi bò” Trung Quốc đề ra, thế giới phản đối.
Cuộc tranh chấp ở Biển Đông, đồng nhất với nội dung việc đăng ký thềm lục địa mà Liên Hợp Quốc vừa nhận hồ sơ.
Trong mớ rối bong bong này, tất phải tách ra từng vụ việc để xử lý, đồng thời ghép vào việc đăng ký thềm lục địa, để tránh trùng lặp, tránh bỏ xót, tránh một việc mà xử 2 lần.
Thiết nghĩ cần có một tổ chức để làm việc này.
Hình thức xử lý tranh chấp thì Trung Quốc đòi song phương, Asean thì đòi đa phương. Tuy không nói ra nhưng ai cũng thấy Trung Quốc mạnh quá, khôn ngoan quá, khó mà chọi được tay đôi với Trung Quốc.
Gọi là tranh chấp ở Biển Đông nhưng gần hết là tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Việt Nam thì ai cũng biết là bị Trung Quốc chi phối. Việt Nam thất bại thì coi như tất cả tan vỡ.
Vẫn có hy vọng, tuy bề ngoài là mong manh, xét cho cùng thì lại rất mạnh mẽ: “Việt Nam thừa bằng chứng để chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”. Dù Trung Quốc có nhiều mưu ma chước quỷ, Việt Nam còn mạnh đến mức dù bị mua chuộc, người đại diện cũng không dám “ngồi lên sự thật”.
Cũng cần nghiên cứu các thể chế để ràng buộc. Việc giải quyết các tranh chấp phải thực hiện nghiêm chỉnh, đồng thời có lối thoát, khi cuộc tranh chấp có dấu hiệu bất minh. Đó là quy định thêm các bước như: Kết định phải được Quốc Hội phê chuẩn, có khi phải thông qua trưng cầu dân ý.
Cũng còn có thể áp dụng nguyên tắc lấy hình thức để ràng buộc nội dung: Dù đa phương hay song phương, cuộc tranh chấp đều phải tổ chức công khai, có tranh luận, có giám sát, có thông tin báo chí.
Việc giải quyết xong các vụ việc ở Biển Đông, có thể phải mất dăm bẩy năm, thế mà tình hình Biển Đông lại cứ nóng lên từng ngày. Liệu có thể chấp nhận phương án sau:
Quy ước ứng xử tại Biển Đông đã được các nước Asean ký với Trung Quốc. Nhiều nước bày tỏ hoan nghênh quy ước này. Tiếc quy ước không có hiệu lực vì không có chế tài. Liệu ta có thể khôi phục quy ước, đồng thời nghiên cứu và ban bố chế tài, quy định việc theo dõi thực hiện, cùng một lúc sửa đổi bổ sung những điều cần thiết.
Khôi phục quy ước ứng xử tại Biển Đông là biện pháp tình thế, đồng thời là điều kiện để làm sáng tỏ bước đầu của vụ kiện, phục vụ cho việc xét xử cuối cùng tại Toà Án Quốc Tế Liên Hợp Quốc. Trung Quốc đã ký phần chính, không lẽ gì từ chối ký phần bổ sung.
Luật Biển của LHQ có điều khoản: Có chủ quyền theo thời hiệu:
Nước nào ở trên Biển Đảo quá 50 năm mà không có kiện cáo, tranh chấp thì được công nhận chủ quyền. Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa, đã đóng quân, đã ở, đã xây dựng gần 50 năm rồi, nếu ta im lặng thì mặc nhiên ta đã giao Hoàng Sa cho Trung Quốc. Việc phản đối, việc gửi công hàm này nọ, việc ra tuyên bố...chỉ là gây dư luận mà thôi, chưa phải là khởi kiện, một hành vi pháp lý. Đó là điều rất cần được quan tâm.
Truyền thông thế giới băn khoăn không hiểu vì sao một vụ việc lớn như Biển Đông trong khi dư luận thế giới rầm rộ, Trung Quốc còn rầm rộ hơn mà Việt Nam lại im lặng. Những người hiểu biết cho rằng lãnh đạo ta sợ Trung Quốc, bị Trung Quốc mua chuộc, bị khống chế nên có “Sự im lặng đáng sợ”, một sự im lặng biến thành trọng tội. Đến hôm nay, gió đã đổi chiều, sao ta không thuận theo thời thế, khơi động trong nhân dân lòng yêu nước, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc thành một phong trào rộng lớn?
Truyền thông thế giới có nhận xét: Không hiểu vì sao các nhà khoa học trong nước và ngoài nước không được nhắc nhở, khuyến khích tham gia cuộc đấu tranh giành Biển Đông. Nhiều người cho biết ở Pháp còn rất nhiều tài liệu lưu trữ về Biển Đông, lại là bản gốc… thế mà ta chưa thấy ai nghĩ đến việc khai thác.
Các luật gia phải là người đi đầu trong cuộc đấu tranh này, đó là thiên chức của họ. Chắc rằng trong lúc này các luật gia đang nhức nhối vì họ không thể “Cầm đèn chạy trước ôtô”. Nhà nước cần có ngay một “cú hích”.
Hãy nhanh chóng sửa sai, nếu không một ngày kia con dân Đất Việt sẽ ngửa mặt than trời: “Hỡi ôi! Mất nước mà chúng tôi không biết gì!”.
Việc Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa trong tay quân đội VNCH năm 1974, 58 chiến sĩ của VNCH đã hy sinh. Nhiều sĩ quan binh sĩ VNCH tham chiến ngày đó hiện còn sống ở Việt Nam, ở Mỹ… Chưa ai quên được 74 chiến sĩ Hải Quân của QĐND Việt Nam cũng đã ngã xuống trong trận Trung Quốc cưỡng chiếm Đảo Gacma trong nhóm đảo Trường Sa năm 1988.
Vậy mà Trung Quốc vẫn lu loa rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc! Thế thì Trung Quốc hãy chứng minh cho Thế giới biết Trung Quốc đã bị bọn “Tiểu Bá Việt Nam” ăn hiếp, cướp Hoàng Sa, Trường Sa của họ khi nào. Và như thế nào.
Xác minh một sự thật phải có chứng cứ, một chứng cứ mà không ai bác bỏ được là đủ để khẳng định một sự thật.
Hai vụ cưỡng chiếm trên còn người thực việc thực, hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh, còn có biết bao nhiêu chứng cứ khác nữa không ai có thể bác bỏ được rằng: Trước 1974 Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.
Nếu Đảng và Nhà Nước thực lòng có trách nhiệm với sự vẹn toàn lãnh thổ, tại sao chúng ta không làm một phóng sự điều tra, một cuốn phim để trình chiếu khắp thế giới, gặp gỡ những nhân chứng sống, những người đã từng tham gia trận chiến Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 hiện đang còn sống... tạo mọi điều kiện để họ nói hết những gì mà họ đã từng chứng kiến? Sự tránh né của lãnh đạo chúng ta đã khuyến khích Trung Quốc ngày càng thêm ngạo ngược, càng thêm hợm hĩnh, đồng thời đặt Asean và dư luận tiến bộ trên thế giới vào những căng thẳng, bối rối không cần thiết.
Giờ hành động đã điểm. Sự lo sợ, ngại ngần, bối rối, chần chừ…chỉ đưa đến thảm bại, dù ra đi đến phương trời nào, sự nhục nhã vẫn còn đấy!
Đôi điều suy tư
Có thể lấy các việc lớn xảy ra gần đây, có tầm vóc phản ảnh được tình hình đất nước để từ đó suy ra: chúng ta sẽ đi đến đâu.
Vụ Đại hội các nhà văn
Người họp kêu ca: không một văn kiện dù là ngắn gọn để vạch đường cho văn chương, lại có chuyện cho người này nói, “bịt miệng” người kia. Người được nói thì bị la ó. Dềnh dàng 5- 6 ngày mà kết quả bằng không.
Nhiều người buồn, “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”.
Chế Lan Viên: “Một nửa cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết”. Nguyễn Khải: “Văn chương của tôi…nay mai con cháu chỉ để bán cân”. Đổng Chi: “Tôi chỉ là thứ văn nô”. Những cây đại thụ của nền văn chương nước nhà đã tự phủ nhận.
Chính trị nào thì văn chương ấy. Văn chương nào thì Đại hội ấy. Văn chương thường đi trước chính trị, văn chương là “con chim báo bão” đối với chính trị. Văn chương thay đổi, chính trị sẽ đổi thay. Một nền văn chương đích thực tay trong tay, cùng nền chính trị dân chủ, tự do bước trên con đường mới. Đây là một hình ảnh đẹp không còn xa vời. Có gì mà phải buồn!
Vụ án Hà Giang
Đây là một vụ án về tội phạm tình dục có yếu tố lợi dụng chức quyền, xấu xa, bôi nhọ chính thể...
Nhưng mà hồi hai của vụ án mới là đáng bàn: Người ta đã huy động toàn bộ bộ máy an ninh, tư pháp vào việc che giấu vụ án, xuyên tạc vụ án, chủ tâm gây oan sai những người vô tội và như chưa hề có: nạn nhân biến thành thủ phạm mà lại là trẻ vị thành niên. Hồi hai bộc lộ vụ án đã được phát hiện từ 5 đến 6 năm nay. Rồi lại còn việc Giám đốc công an doạ tố cáo Bí thư Tỉnh uỷ…
Sự nghi ngờ: Hà Giang hẻo lánh còn thế, nơi đô hội có khi còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Đáng lý phải kêu hàng chục tội, bắt hàng trăm người mới đúng với tầm cỡ vụ án. Phải chăng vụ Hà Giang là tín hiệu dữ đến với hệ thống chính trị của ta?
Vụ Vinashin
Nếu tôi không nhầm thì việc này khởi đầu từ ông Phan Văn Khải. Tôi đã nghe ông ca ngợi những cái “Se bun” của Hàn Quốc. Rồi thấy các công ty mẹ, các công ty con ra đời. Rầm rộ một lối làm ăn mới.
Rồi lại thấy người ta phê phán: Hàn Quốc mở rộng sản xuất, mở rộng kinh doanh, thay đổi kỹ thuật, mở rộng thị trường thì người ta mới phải mở ra các công ty mẹ,công ty con. Có nghĩa là người ta đi trên con đường phát triển, không phát triển thì tàn lụi, không cạnh tranh thì phá sản. Cái vốn của người ta là vốn tư nhân, kinh doanh là kinh doanh độc lập. Mình là hoàn toàn khác.
Rồi báo chí lại kêu ầm lên: Các tổng giám đốc của ta chăm lo sửa sang trụ sở, mua sắm xe cộ, phương tiện. Người cầm đầu không đọc nổi bản quyết toán tài chính… Tiền nhà nước rót vào hết công ty mẹ lại đến công ty con...
Các nhóm lợi ích ập tới, các mưu ma, chước quỷ được mặc sức tung hoành.
Thế rồi tạo hoả mù…và Vinashin thoắt trở thành một hiện tượng kinh tế huy hoàng, hoành tráng nhất Việt Nam.
Rồi dư luận ầm ĩ: Công ty này của nhóm ông lớn này, công ty kia của nhóm ông lớn kia. Con tàu Hoa Sen được kích giá lên gấp đôi, chạy được hai chuyến không có khách, mang giấu biệt vào trong vịnh Hạ Long với hàng trăm người săn sóc hàng ngày.
Thế rồi lại có tin cơ cấu nợ được xé nhỏ ra để các công ty khác gánh nợ, coi như là tội lỗi không thuộc về ai, tiền nong không hề mất.
Vụ án đã được khởi tố, việc bắt người phạm tội đã dược thực hiện. Liệu vụ án này có được làm đến cùng không hay lại “chìm xuồng”?
Phải chăng đó chính là những tín hiệu về một sự sụp đổ là không tránh khỏi với khu vực kinh tế quốc doanh?
Mở rộng Hà Nội. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
Nghìn năm Thăng Long không có nổi một biểu tượng đỉnh cao nào về văn hoá - nghệ thuật, để lại một dấu ấn trong lòng nhân dân cũng như bè bạn quốc tế.
Lễ hội có dấu hiệu không lôi cuốn được lòng người, người nghèo không có điều kiện tiền bạc và khó khăn trong việc đi lại, người có tiền thì lại muốn rời xa thành phố để đi du lịch. Sự đầu tư tiền bạc của nhà nước cho lễ hội là khổng lồ (4,2 tỉ USD) nhưng hiệu quả thực không rõ…
Hà Nội mở rộng tới gần 4 lần! Người đời ngỡ ngàng. Mấy năm qua đã có lúc nói tới một Hà Nội bên Sông Hồng, vậy mà lại thay đổi bất thần. Nhiều điều về Hà Nội mở rộng mà người dân không hiểu.
Không có gì là lạ, đây là việc của Lý Công Uẩn, của Pi-e đại đế, của Napoleon, của Minh Trị Thiên Hoàng, nó không phải chỉ bó hẹp trong địa bàn Hà Nội, nó phải có tính toàn quốc. Hơn nữa nó là việc xây dựng đời sống đô thị theo nghĩa rộng, không phải chỉ bó gọn trong việc quy hoạch và xây dựng. Chúng ta không làm được, chúng ta sẽ mắc sai lầm, không phải chỉ có quyền lực là làm được tất cả, chúng ta là con đẻ của bao cấp và chiến tranh.
Chúng ta muốn để lại cái gì đầy ấn tượng, nhưng chúng ta không đủ tầm, đã phạm sai lầm, làm cho thủ đô trở thành hỗn loạn, bất hợp lý…
Vụ Biển Đông
Trung Quốc cứ tưởng ép được Việt Nam là xong việc. Việt Nam nghĩ sợ quá phải nghe Trung Quốc. Cả hai cùng không đếm xỉa đến nhân dân và thế giới. Ai ngờ các nước nhảy vào. Triển vọng là Trung Quốc không thể chiếm được Biển Đông.
Cái lợi cho nhân dân Việt Nam: trắng đen rõ ràng, đi với Trung Quốc là mất nước. Trước đây nhân dân Việt Nam đòi dân chủ, trọng tâm là nhìn vào những người lãnh đạo Việt Nam. Nay nhân dân Việt Nam đòi độc lập vừa nhìn vào giới lãnh đạo Việt Nam vừa nhìn vào Trung Quốc. Thế là khẩu hiệu đấu tranh Độc Lập và Dân Chủ được hoàn chỉnh. Cái thuyết “leo dây” tự nó đã phá sản. Con đường theo Trung Quốc là mất cả Đảng, mất cả dân tộc.
Mục tiêu đấu tranh, phương hướng đấu tranh, khẩu hiệu đấu tranh như được giản đơn dễ hiểu lợi cho việc dân chủ hoá đất nước.
Việc chấp nhận phương tây trở thành một điều bó buộc. Trung Quốc là tác giả của sự bẻ lái này của Việt Nam.
Vụ Biển Đông là một đột phá của tình hình, khiến tình hình chuyển biến mau lẹ hơn, rõ ràng hơn, giản đơn hơn.
Các vụ việc kể trên đủ để nói rằng chúng ta đều bất cập, quá nhiều sai sót trên phương diện quản lý tầm vĩ mô. Điều đó đã nói lên: Sự thay đổi là cấp thiết, là không thể đừng.
Trước đây tôi có nói với một vài người về các việc thay đổi, anh em đều cười, không thuận, không bác. Nay tôi xin nói lại cho rõ.
“Lobby chính trị” (Vận động hành lang)
Anh em cười, thấy hay hay. Theo tôi thì không có đảng đối lập, ai làm việc vận động chính trị là công an hỏi thăm ngay. Cần có một số người có tấm lòng, đi chuyện trò vận động từ từ, thời cơ đến thì phát triển, khó khăn thì ngừng lại. Đó là tiền đề của đảng đối lập. Có hai điều kiện: Người vận động là người không có ý định tham gia tổ chức, nếu không mọi người sẽ cho là vận động “xôi thịt”, là những người phải biết người biết của, có hiểu biết về chính trị, nói có người nghe, người tin. Người được vận động thì phải là người trong giới tinh hoa, quần chúng biết mặt, biết tên và có lòng tin, họ chịu dấn thân trong lúc khó khăn. Phải nghĩ đến điều kiện của một người làm chính trị trong cả 2 trường hợp trên. Có việc cứ tiến hành và cứ lớn dần. Khi đảng cầm quyền có dấu hiệu suy sụp, bỏ dần trận địa, bên tiếp tục dấn thân… tiến tới 2 bên ngồi vào bàn tròn. Trong việc chuyển đổi ở Ba Lan, việc hiệp thương, việc hội nghị bàn tròn tiến hành đến mấy chục cuộc họp kéo dài tới 6 tháng.
Thời điểm của việc vận động hành lang chấm dứt khi được một hai chục người thì chính họ sẽ chủ động tiến hành các bước tiếp theo. Trong tình hình hiện nay, việc đảng phái đối với nước ta là rất mới mẻ, nhưng vì mở rộng giao lưu quốc tế nên các kiến thức về đảng phái, nhiều người hiểu một cách sâu rộng. Những người được vận động đứng lên quyết định mọi viêc. Đó là lúc những người làm việc vận động hành lang có thể xoa tay trước một việc đã hoàn tất.
Tôi không hô hào bạo động, tôi không có âm mưu lật đổ, tôi chỉ quan sát và suy nghĩ, về cái về lý thuyết “tự vỡ”, cái trì trệ với cái tiến bộ, luôn tranh chấp, tôi mong cái tiến bộ tràn đầy, cái toàn trị thì khô kiệt. Sự thay đổi, cái cũ cứ ra đi cái mới cứ tiến dần. Tôi không phải “Gần chùa gọi Bụt bằng Anh”, nhưng tôi hiểu rằng lụt lội thì tượng gỗ trôi lềnh bềnh, tượng đất thì hoá bùn. Phải có tượng đồng bia đá trong lòng dân mới tồn tại được với thời gian.
Lúc này ta đang học Lý Công Uẩn: Nhìn xa trông rộng thấu hiểu lòng dân, còn chúng ta chỉ biết ra lệnh, nghe người ta nói là làm ngay.
Tách Đảng ra làm hai
Xã hội Việt Nam có phần nào giống Thái Lan, có hai thành phần chính: giới tinh hoa và giới đám đông. Hiện hai thành phần: Áo đỏ và áo vàng đang tranh chấp quyền lực ở Thái Lan.
Đứng về nguyên lý, đảng phái chính trị thường là thuộc về nhóm tinh hoa. Chúng ta đang bàn về dân chủ, về đa nguyên, về một đảng đích thực, nghĩa là chúng ta đang nghĩ tới giới tinh hoa Việt Nam.
Giới tinh hoa hiện nay nằm ở trong các ngành, trong các tổ chức kinh doanh… từng lĩnh vực họ đều biết nhau… Nếu nhóm vận động hành lang tìm được những người tiêu biểu thì tổ chức sẽ có máu, có xương, có tim, có óc.
Riêng giới tinh hoa hiện nay còn nằm trong đảng thì chúng ta đánh giá ra sao?
Đảng cộng sản thấy ai có tài đều tìm mọi cách để lôi cuốn vào Đảng. Đáng lẽ những người cầm quyền phải tôn vinh, phải lắng nghe, phải làm mọi cách cho trí thức hết lòng phục vụ nhân dân, ngược lại những người cầm quyền lại ép buộc những trí thức, những chuyên gia phục vụ các ý đồ sai trái ngang ngược của mình, sự rạn nứt là từ đó. Các ngành không được sự soi sáng của trí thức, của khoa học. bao nhiêu sai lầm và đổ vỡ đã chứng minh điều này. Trí thức và chuyên gia trong đảng như là bị tách rời khỏi xã hội. Cái chủ trương thay đổi là đổi ngôi là giao quyền hành cho trí thức, cho nhóm tinh hoa, đó chính là mục đích, thực chất của thay đổi.
Việc kết nạp lại là như vậy để giữ lấy tinh hoa, là dịp để thanh toán những người vào Đảng vì những lý do không chính đáng. Số này tôi tin là họ sẽ không nộp đơn xin kết nạp lại. Kết nạp lại thực chất là hình thức “Thanh Đảng”.
Một Đảng gồm giới tinh hoa, có tấm lòng, tự nó phải bước tới dân chủ đa nguyên.
Thực chất việc tách Đảng ra làm hai, việc kết nạp lại đảng viên là những cố gắng bảo toàn những giá trị vốn có của Đảng, của dân tộc, đẩy lùi được mọi mặc cảm bất lợi rất dễ xuất hiện trong lòng những người đảng viên biết tự trọng, có đức, có tài.
Vậy chuyển đổi có thể gây ra những lộn xộn không?
Xét trên bình diện quốc tế, việc “Hoa quân nhập Việt” là không thể xảy ra vì Trung Quốc đang muốn hoà hoãn, vẫn còn lép vế, việc tiến quân vào Việt Nam là một hành vi gây chiến tranh. Hành vi đó sẽ không bó hẹp trong phạm vi Việt Nam.
Xét trên bình diện trong nước, những người bị mất quyền, họ chẳng có lực lượng gì. Tôi biết có ông Bí thư tỉnh uỷ về hưu ngại ngần không dám ra đường, sợ người đời chửi đổng, gây sự.
Hiện nay nước ta là nhà nước độc đảng, thế thì làm sao có lực lượng đối kháng tranh quyền cướp vị bằng vũ trang được?
Về quân đội, gần đây đã có dấu hiệu án binh bất động trước những tranh chấp thuộc lĩnh vực dân sự.
Về công an, không thấy có một đảng nào khác ngoài Đảng Cộng Sản để họ bảo vệ, không có một nhân vật nào đủ tầm, đủ lực để lôi cuốn họ. Xét cho cùng, công an cũng xuất thân từ nhân dân lao động… Việc họ thẳng tay đàn áp nhân dân là khó có thể xảy ra.
Trong bài viết này, người viết chỉ nói lên việc thay đổi vào thời điểm “nhóm vận động hành lang” hoàn thành công việc. Bởi lẽ những người được mời đều có đủ hiểu biết và kinh nghiệm để làm việc nước… Hơn nữa bộ máy nhà nước vẫn giữ nguyên, công việc vẫn chạy đều, sự chuyển đổi vẫn tiến hành từ từ và yên ả.
Chuyển đổi thể chế sang dân chủ, quyền lực thuộc về dân, quyền lợi thuộc về dân. Hai việc chống tham nhũng và việc dân oan là việc phải làm nhưng không biết giao cho ai, không biết làm thế nào! Tôi xin đề cập đến hai việc này sau.
(06.2010-09.2010)
Trần Lâm
Đoàn Luật Sư Hải Phòng
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...