. .

Thursday, May 26, 2011

Thị trường chứng khoán VN có nguy cơ sụp đổ -Người Việt

Tin từ SGTT, Người Việt và BBC:

Thị trường chứng khoán VN có nguy cơ sụp đổ
Người Việt, Wednesday, May 25, 2011 6:40:33 PM

SÀI GÒN (TH) - Giới đầu tư chứng khoán, không riêng gì người ngoại quốc, ngay cả người Việt Nam cũng đua nhau bán đổ bán tháo cổ phiếu “bỏ của chạy lấy người” suốt 10 phiên giao dịch gần nhất.


Hình ảnh vắng vẻ ảm đạm của thị trường chứng khoán Hà Nội (HNX-index) trong phiên giao dịch ngày 23 tháng 5, 2011. Cả giới đầu tư ngoại quốc cũng như người Việt Nam đua nhau bán tống bán tháo vì tin tức kinh tế Việt Nam quá tồi tệ. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)
Tin tức ngày Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011 cho thấy trong ngày này, chỉ số chứng khoán của Thị Trường Chứng Khoán Sài Gòn (Vn-Index) tuột mất thêm 16.23 điểm (tương đương 4.03%) và chỉ còn có 386.36 điểm.

Tại Thị Trường Chứng Khoán Hà Nội (HNX-index) cũng giảm mất 2.87 điểm (tương đương 3.99%) chỉ còn 69.01 điểm sau 12 phiên mất giá liên tiếp.

“Làn sóng bán tháo tiếp tục bao phủ thị trường. Cổ phiếu lớn nhỏ bị đổ ra bán sàn với số lượng lớn, trong khi lượng đặt mua nhỏ giọt.” Bản tin về thị trường chứng khoán Sài Gòn của báo điện tử VNExpress ngày Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011 mà báo này nói “chưa có điểm dừng” và “chỉ có bên cung, còn phía cầu ít ỏi.”

Tương tự, thị trường Chứng khoán Hà Nội cũng “bán nhiều hơn mua.”

Các nhà đầu tư tài chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam cảm thấy hãi hùng khi thấy lạm phát ở Việt Nam ngày càng tăng tốc.

Theo kinh tế gia Prakriti Sofat của ngân hàng Barclays Bank chi nhánh Singapore, lạm phát ở Việt Nam vào hai tháng tới có thể lên đến 22% hay 23% nếu nhà cầm quyền Hà Nội không đưa ra các biện pháp kềm chế mạnh hơn nữa.

Tình hình này có thể dẫn tới tình trạng không những các người đầu tư chứng khoán ở Việt Nam trở thành tay trắng mà nhiều ngân hàng cũng chết chìm theo, ảnh hưởng không nhỏ cho cả nền kinh tế vốn đang khốn đốn vì lạm phát.

Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 25 tháng 5, 2011, khoảng 11,200 tỉ đồng (tương đương với $560 triệu USD) trị giá tín dụng chứng khoán có nguy cơ trở thành “khoản nợ khó đòi” của các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán. Báo này cũng nhắc lại vụ chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị công ty chứng khoán Hà Thành mới đây đã bỏ trốn để lại khoản nợ trên 80 tỉ đồng, tạo áp lực nặng nề cho những ai cố cầm giữ thế cân bằng của thị trường đầy rủi ro này.

Cũng theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đã cho vay tổng cộng 3,320 tỉ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn của họ cho các nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán. Theo dữ liệu của báo Ðầu Tư hồi tháng 3 năm nay, các ngân hàng thương mại đã cho các nhà đầu tư chứng khoán vay gần 10,000 tỉ đồng.

Một loạt sự kiện dồn dập diễn ra, từ việc ngân hàng thương mại siết chặt tín dụng đối với thị trường chứng khoán; công ty chứng khoán bán tháo bán đổ cổ phiếu để cắt lỗ; các nhà đầu tư bán cổ phiếu lấy tiền để rút chân dần khỏi thị trường đầy nguy cơ... đã tạo hàng loạt áp lực xấu đến sự tồn vong của thị trường chứng khoán non trẻ tại Việt Nam.

Người ta lo ngại trước tiên là sự sụp đổ của một loạt công ty chứng khoán đe dọa hệ thống ngân hàng thương mại trong một tương lai không xa, chắc chắn sẽ gây hiểm họa không ít cho nền kinh tế Việt Nam.

Tờ SGTT viết: “Với một hệ thống tài chính trong đó hầu hết các công ty chứng khoán đều hoặc là công ty con hoặc có liên hệ mật thiết với các ngân hàng thương mại, thì sự sụp đổ của các công ty chứng khoán ắt sẽ liên lụy đến hệ thống ngân hàng. Ðây là điều mà các cơ quan quản lý cần đặc biệt phải lưu ý trong thời gian tới.” - (TN)
-------------------------------------
Nguy cơ vỡ nợ tín dụng chứng khoán

SGTT.VN - Gần 11.200 tỉ đồng khoản phải thu của các công ty chứng khoán (CTCK) cùng với lo ngại về việc phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi tại nhiều CTCK đã khiến cho lo lắng về tình trạng nợ xấu của các khoản cho vay chứng khoán có thể gia tăng
Không chỉ có vậy, nghi án lãnh đạo một CTCK bỏ trốn để lại khoản nợ hơn 100 tỉ đồng do thua lỗ từ những tài khoản mà mình bảo lãnh càng khiến cho thị trường trở nên u ám. Song song với đó là việc chỉ số chứng khoán hai sàn đang sụt giảm mạnh. Áp lực bán cổ phiếu thu hồi nợ ngày càng lớn hơn. Áp lực thu hồi vốn này không chỉ diễn ra đối với CTCK mà còn cả đối với các ngân hàng

Với một hệ thống tài chính trong đó hầu hết các CTCK đều hoặc là công ty con hoặc có liên hệ mật thiết với các NHTM, thì sự sụp đổ của các CTCK ắt sẽ liên lụy đến hệ thống ngân hàng. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật













Hiện nay, các khoản cho vay chứng khoán trên thị trường chủ yếu được tài trợ bằng hai nguồn vốn, đó là nguồn vay từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và nguồn vốn vay từ các CTCK.

Các NHTM có thể cho vay đầu tư chứng khoán đối với các CTCK và các nhà đầu tư chứng khoán. NHTM cho CTCK vay có thể thông qua hạn mức hoặc qua cầm cố các chứng khoán. Theo thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán của TLS, CTCK có thị phần môi giới lớn nhất năm 2010, các khoản vay nợ ngắn hạn lớn nhất của công ty chủ yếu là vay nợ ngân hàng và các công ty tài chính. Giá trị các khoản vay này lên tới 3.320 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng nguồn vốn của TLS. Ngoài ra, các NHTM còn cho các nhà đầu tư vay để kinh doanh chứng khoán dưới hình thức cầm cố cổ phiếu hoặc cầm cố các tài sản khác để lấy tiền kinh doanh chứng khoán. Không những thế, nhiều khách hàng còn vay ngân hàng với mục đích vay tiêu dùng để có thể có dòng tiền đầu tư chứng khoán. Theo số liệu từ báo Đầu tư chứng khoán ngày 9.3.2011, tổng dư nợ các loại tín dụng mà các NHTM cấp cho hoạt động đầu tư chứng khoán đến cuối năm 2010 ước khoảng gần 10.000 tỉ đồng.

Cho vay chứng khoán gồm những khoản nào?

Trong khi đó, nguồn vốn mà các CTCK cho vay lại đối với thị trường cũng không phải là nhỏ. Theo số liệu từ VnEconomy ngày 4.5.2011, tổng số khoản phải thu đến hết quý 1/2011 của một số CTCK lên đến 11.202 tỉ đồng. Con số thực tế về các khoản cho vay của CTCK có thể còn cao hơn nữa khi mà nhiều CTCK còn cho vay lách dưới hình thức các hợp đồng đầu tư ngắn hạn hay các khoản mục khác trên bản báo cáo tài chính. Trên báo cáo kiểm toán 2010 của TLS, giá trị các khoản đầu tư ngắn hạn của TLS cũng lên tới 634 tỉ đồng, trong đó có các khoản mục: hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty đầu tư tài chính Thăng Long, các hợp đồng ba bên hợp tác hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh thu lợi tức cố định với cá nhân, cổ phiếu đầu tư của công ty theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân… Một loạt các hình thức hợp đồng khác nhau nhưng về bàn chất thì có thể đều là các hợp đồng mà CTCK tài trợ tiền đầu tư chứng khoán cho khách hàng.
Với một hệ thống tài chính trong đó hầu hết các CTCK đều hoặc là công ty con hoặc có liên hệ mật thiết với các NHTM, thì sự sụp đổ của các CTCK ắt sẽ liên lụy đến hệ thống ngân hàng. Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần đặc biệt phải lưu ý trong thời gian tới.

Để có nguồn tài trợ như vậy, ngoài việc CTCK vay tiền từ ngân hàng, vay các tổ chức khác, nguồn vốn chủ sở hữu thì còn có một nguồn vốn khác là huy động từ các khách hàng cá nhân dưới các dạng hợp đồng khác nhau với lãi suất huy động rất cạnh tranh so với NHTM. Trong thời điểm từ đầu năm 2011 đến nay, khi mà trần lãi suất huy động 14% vẫn tiếp tục được giữ nguyên thì nhiều CTCK đã tìm cách thu hút nguồn tiền từ tài khoản của các nhà đầu tư tạm thời chưa đầu tư và sử dụng nguồn tiền này để tự mình thực hiện cho vay. Hiển nhiên, tài sản cầm cố để đảm bảo cho các khoản vay này cũng chỉ là cổ phiếu


Áp lực thu hồi các khoản cho vay

Chỉ thị 01 của NHNN yêu cầu các NHTM phải giảm tỷ trọng dư nợ phi sản xuất xuống dưới mức 22% vào cuối tháng 6.2011 và tiếp tục giảm xuống mức 16% vào cuối năm nay. Do việc tài trợ vốn cho các khoản vay bất động sản, tiêu dùng thường kéo dài lâu hơn cho vay chứng khoán nên các NHTM sẽ tập trung vào việc thu hồi nợ các khoản cho vay này. Những khoản cho vay lớn qua các CTCK có giá trị lớn và cho vay các khách hàng đầu tư chứng khoán sẽ được NHTM chú trọng

Còn đối với các CTCK, khi bị NHTM thu hồi các khoản cho vay, các CTCK này sẽ buộc phải giảm việc tài trợ vốn đầu tư cho khách hàng, thu hồi các khoản cho vay trước khi đáo hạn thông qua việc giảm tỷ lệ cầm cố cổ phiếu của các nhà đầu tư. Với việc giá cổ phiếu giảm mạnh từ đầu năm đến nay, cụ thể HNX-Index đã giảm 37%, VN-Index giảm trên 16%, thì nhiều cổ phiếu đã ở ngưỡng giải chấp. CTCK tiếp tục yêu cầu nhà đầu tư phải bán cổ phiếu để thu tiền về

Những rủi ro khi gửi tiền cho CTCK ngày càng gia tăng khi đã có trường hợp, khách hàng kiện CTCK vì việc không trả lại tiền làm cho khách hàng lo ngại và rút khoản tiền gửi tại CTCK theo hình thức hợp tác đầu tư. Nhà đầu tư rút tiền gửi CTCK theo hình thức hợp tác đầu tư giống như việc khách hàng rút tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Do không phải là ngân hàng, CTCK không thể tiếp cận trực tiếp ngân hàng Nhà nước để xin hỗ trợ thanh khoản, nên nếu như có nhiều khách hàng đồng thời rút tiền, khả năng mất thanh khoản tại các CTCK hoàn toàn có thể xảy ra.

Vòng xoáy giải chấp
Để đảm bảo thanh khoản, các CTCK buộc phải bán chứng khoán từ doanh mục tự doanh cũng như danh mục cổ phiếu repo của khách hàng bất chấp việc giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch xuống rất thấp. Đối với các nhà đầu tư, do thị trường giảm sâu, cộng với lãi suất đối với lĩnh vực phi sản xuất tăng cao lên mức 24 – 25%, nên nhiều nhà đầu tư đã quyết định cắt lỗ để trả nợ gốc và lãi các NHTM. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa sáng sủa thì càng có nhiều nhà đầu tư chán nản. Khi mà không những chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà cả nhà đầu tư tổ chức đồng thời phải xả hàng cắt lỗ thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức rơi vào vòng xoáy suy giảm

Vì không có dòng tiền mới vào thị trường nên bất chấp giá đã giảm sâu khối lượng giao dịch vẫn ở mức rất thấp, hiện chỉ còn ở mức 30 triệu cổ phiếu/phiên, giảm còn 1/3 so với khối lượng giao dịch trong thời kỳ thị trường bùng nổ. Chỉ số VN-Index đã trải qua tới chín phiên giảm điểm còn HNX-Index cũng trải qua hơn mười phiên giảm điểm, với tốc độ tăng dần. Điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư có bán hết cổ phiếu cũng không đủ để trả nợ cho CTCK. Nhiều tài khoản vô chủ xuất hiện để mặc cho CTCK tự xử lý. Đây có lẽ là lý do khiến cho chủ tịch HĐQT của CTCK Hà Thành đã phải bỏ trốn khi các tài khoản mà ông này bảo lãnh đều thua lỗ đến hơn 80 tỉ đồng.

Hệ luỵ tới hệ thống tài chính
Như vậy, khởi đầu từ việc các NHTM thu hẹp cho vay chứng khoán, dẫn đến các CTCK cắt lỗ, rồi đến lượt các nhà đầu tư rút tiền khiến dòng tiền vào thị trường bị rút ra ngày một nhiều, tất cả tạo thành một vòng xoáy suy giảm chưa có hồi kết

Nợ xấu gia tăng của các CTCK ảnh hưởng gián tiếp đến các NHTM. Các CTCK không phải là ngân hàng nhưng trong thời kỳ khó khăn về vốn lại thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ như một ngân hàng từ nhận gửi huy động và cho vay. Tất cả các hoạt động này được hợp thức hoá qua hợp đồng uỷ thác và repo hay đòn bẩy tài chính. Song, điểm khác biệt là tài sản đảm bảo chỉ là cổ phiếu và khi thị trường giảm thì tài sản đảm bảo trở thành tài sản khó phát mại vì giá trị quá thấp. Khi khách hàng rút vốn, CTCK có khả năng bị mất thanh khoản và không thể trả các khoản vay gốc cũng như lãi cho các NHTM đúng hạn.

Với một hệ thống tài chính trong đó hầu hết các CTCK đều hoặc là công ty con hoặc có liên hệ mật thiết với các NHTM, thì sự sụp đổ của các CTCK ắt sẽ liên luỵ đến hệ thống ngân hàng. Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần đặc biệt phải lưu ý trong thời gian tới.

Nguyên Minh Cường
----------------------------------------------------------------------------------------

Giới đầu tư vào cổ phiếu VN ‘bán tháo’
Lạm phát tăng hàng tháng từ 08/2010 và VN Index sắp xuống dưới ngưỡng 400 điểm.
Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu trong phiên thứ chín liên tục do mất niềm tin vào bất ổn kinh tế và lạm phát ở mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2008.
Chỉ số chứng khoán VN Index sụt giảm 3,6%, đứng ở mức 402,59 điểm vào hôm thứ Ba 24/05. Cổ phiếu tại Trung Tâm Giao Dịch Chứng khoán Tp HCM mất giá trị 16,7% kể từ ngày 11 tháng Năm.
Tổng vốn hóa thị trường (market cap) tại Việt Nam chỉ hơn 30 tỷ USD, chưa được bằng một phần ba GDP hàng năm, và giá trị giao dịch hàng ngày trung bình khoảng 30 triệu USD, được xem là thị trường cỡ nhỏ, theo Financial Times.
Giới giao dịch chứng khoán và các nhà đầu tư lo ngại về lạm phát, tăng tới 19,78% so với một năm trước theo số liệu công bố vào ngày thứ Ba.
Họ cũng lo lắng về ảnh hưởng từ lãi suất đi vay cao đối với doanh nghiệp trong bối cảnh chính phủ triển khai các kế hoạch bình ổn nền kinh tế vốn phát triển nhanh nhưng thiếu vững chắc.
‘Bán tháo’
Fiachra MacCana, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty môi giới Chứng khoán Tp HCM được Financial Times trích dẫn nói giới đầu tư đã tới ngưỡng “buông cổ phiếu”.
"Thị trường đang rơi tự do vì chúng ta đang trong giai đoạn cuối cùng của thị trường bị tụt dốc (bear market), khi tất cả mọi người phủi tay và quăng mọi thứ qua cửa sổ," ông MacCana nói.
Chính phủ Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình ấn tượng 7% hàng năm trong thập niên qua khi nhà chức trách bơm tín dụng mạnh.
Nhưng việc bơm tín dụng đã phải trả giá bằng thực trạng lạm phát cao, tiền đồng bị mất giá, thâm hụt cán cận thương mại và thâm hụt ngân sách lớn cũng như các vấn đề tài chính tại các công ty nhà nước.
Trong tháng Hai chính phủ công bố một gói các biện pháp thắt chặt tài chính và tiền tệ để giải quyết những vấn đề này.
Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thấy thuyết phục rằng giới lãnh đạo Cộng sản, thường đưa ra chính sách trên cơ sở đồng thuận, có được ý chí chính trị để lèo lái con tàu kinh tế qua được cơn sóng gió bằng việc thực hiện những thay đổi phải trả giá.
Ông MacCana được trích dẫn nói “sẽ có đau đớn và mất mát rất lớn và chúng ta thấy gần như chắc chắn rằng quý Ba hay quí Tư sẽ chứng kiến việc hạ cánh thiếu an toàn" ông nói.
-------------------------------


XEM THÊM: Kinh tế VN ‘lao đao mức nghiêm trọng’ (BBC)

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...