. .

Sunday, June 21, 2009

Làm mứt tết cạnh nhà vệ sinh


Làm mứt tết cạnh nhà vệ sinh

Tuổi Trẻ, Thứ Hai, 21/12/2009, 08:21 (GMT+7)


TT - Ở TP.HCM, một số lò làm mứt tết bằng chân, vừa khạc đàm vừa cho mứt vào bao trên giường, võng, hố rác, nhà vệ sinh. Người làm dưa cải nhảy luôn vào hồ ngâm cải để tắm và ngủ. Trong khi đó, chủ một cơ sở sản xuất lạp xưởng thừa nhận làm món này ít người giữ được vệ sinh thực phẩm.

Một lò mứt ở khu cư xá P.1, Q.3 cho nhân công làm việc cạnh nhà vệ sinh - Ảnh: Đức Thanh

Các mặt hàng thực phẩm như lạp xưởng, bánh mứt, cải chua... đang được tập trung chế biến để kịp tung ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đến một số cơ sở sản xuất những mặt hàng này mới thấy hãi hùng về chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vừa hút thuốc vừa ngâm chân vào chậu mứt me bên cạnh ống cống - Ảnh: ĐỨC THANH

Lối vào những “lò” sản xuất mứt tết tại khu cư xá ở phường 1, quận 3, TP.HCM sặc mùi ngây ngấy vì tắc đường cống, vì các loại hóa chất. “Đặc sản” hàng tết của người dân ngụ hẻm này làm ra là các loại mứt tắc, me, chùm ruột, cóc, xoài... Từ khâu tách vỏ, giẫm đạp, chế biến đến vô bao bì sản phẩm hầu hết đều được làm ở những mặt bằng như nhà vệ sinh, trên giường, võng, hố rác... cùng dụng cụ sản xuất phơi bày nhếch nhác, dơ bẩn tràn lan khắp hẻm.

Vừa khạc đàm vừa làm mứt

Giẫm đạp, ngồi lên đống mứt chùm ruột cho vào bao bì - Ảnh: S.BÌNH

Sẽ xử phạt thật nghiêm

Đại tá Nguyễn Hữu Vinh, phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an, cho biết: “Đến hẹn lại lên, vào những ngày cuối năm các mặt hàng tết trên thị trường luôn nhộn nhịp về số lượng. Nhưng chất lượng thì người tiêu dùng hãy hết sức thận trọng những thực phẩm không rõ nguồn gốc. Chúng tôi đã, đang và sẽ kết hợp với các đơn vị khác triển khai giám sát, kiểm tra và xử lý thật nghiêm những cơ sở sản xuất vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường trong những ngày cận tết để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra trong lĩnh vực này. Trong đó sẽ kiểm tra và xử lý thật nghiêm các cơ sở vi phạm mà báo Tuổi Trẻ phát hiện".

Tại một hộ chuyên làm mứt chùm ruột, ba thanh niên và một đứa trẻ ở trần, mồ hôi ướt đẫm, thay phiên nhau ngâm trái chùm ruột sống mà nhào nặn, chà bóp, thỉnh thoảng lại gãi chân sồn sột rồi làm tiếp. Có người đứng dậy, một tay đốt thuốc lá, một tay níu cột nhà, rồi dùng chân đạp. Phía trong, người phụ nữ đổ chùm ruột đã tẩm đường đỏ lòm ra nền nhà cáu bẩn, nhớp nhúa. Hai người xắn quần, một người ngồi xổm lên đống mứt ngổn ngang, một người kéo đám mứt vào giữa hai chân, vừa gãi đầu vừa chùi mũi, thỉnh thoảng ho sù sụ, khạc nhổ đàm... và cho mứt vào bao bì.

Cách đó khoảng 30m, một nhóm nhân công đang làm mứt me trong căn nhà ẩm thấp, chật chội lên tiếng: “Ra ngoài cho thoáng tụi bay ơi”. Sau đó cả nhóm đem nguyên liệu chế biến mứt me ra khu nhà vệ sinh ở phía sau bốc mùi tanh tưởi nồng nặc cùng ruồi nhặng bu đầy và quần áo phơi tứ tung. Một người gác chân lên bàn gỗ, người khác ngồi bệt xuống đất bóc vỏ me, thi thoảng đứng dậy mang cả thùng me vừa lột vào trong nhà vệ sinh rửa...

Cạnh hiên nhà gần đó, những chậu đựng mứt me tẩm đường hóa chất sền sệt, ruồi bu đen kín đang được một người đàn ông cởi trần ngồi chờ phơi khô. Đôi chân ông này vô tư để vào... chậu, vừa hút thuốc lá, gạt tàn trong đám mứt vừa đọc báo. Tương tự, tại các lò khác, những nồi nấu mứt các loại với khói bụi nhem nhuốc bay lên trong ngõ hẻm. Vài người đàn ông làm công việc khuấy, trộn... cứ trần trùng trục mặc cho mồ hôi rơi vãi vào nồi.

Cải chua ướp... mồ hôi

Vừa nhào trộn, vừa tắm trong bồn nước ngâm cải chua tại cơ sở sản xuất ở P.Phú Trung, Q.Tân Phú - Ảnh: SƠN BÌNH

“Lò” sản xuất cải chua bán tết là một ngôi nhà tạm bợ, tường vôi loang lổ, trước đây dùng để chứa ve chai, nay được che chắn lại kiểu dã chiến trên đường Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú. Bên trong có hai phản đá to dùng để đập cải và bốn hồ nước bằng nhựa màu xanh nhạt để rửa và ngâm cải chua. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng mang về chế biến chủ yếu là cải quá đát ở chợ vì ế ẩm lâu ngày, được thu mua lại giá rẻ hoặc lượm lặt từ những bắp cải thối vứt ở bãi rác.

Do khu này khá vắng vẻ nên cánh cửa gỗ của “cơ sở” được mở toang, người đi đường có thể thấy rõ gần chục nhân công nam nữ thay phiên nhau giũ đập, giẫm đạp cho rơi bớt những lá cải bị hư. Tiếp theo, họ mang cải vào hồ nước tiếp tục nhào trộn, rồi xả nước nhiều lần. Đặc biệt, những lần xả nước về cuối, khi cải giảm thối thì các nhân công nam tranh thủ cởi quần áo nhảy vô tắm luôn với... cải. Họ kỳ cọ ngay trong hồ ngâm cải chua rất lâu vì tiết trời nóng bức, có người do tăng ca mệt quá nên ngủ gật ngay trong hồ.

Cũng do không gian chật hẹp nên phía trong cùng gian nhà chỉ quây một nhà vệ sinh tạm bợ và một bộ ván ngả lưng cho thợ khi mệt mỏi nên xem như nhân công ở đây không chỉ tắm chung mà còn... cùng ăn, cùng ngủ với cải chua đã sơ chế thành phẩm được chất thành khối sơ sài cạnh nhà vệ sinh.

ĐỨC THANH - SƠN BÌNH

“Mấy ai làm lạp xưởng mà không vi phạm!“

Các nhân công cởi trần làm lạp xưởng ở cơ sở NL - Ảnh: S.BÌNH

Xưởng sản xuất lạp xưởng NL nằm trên đường Trịnh Đình Thảo, phường Phú Trung, quận Tân Phú. Bà chủ cơ sở N. quảng cáo: “Hàng của tôi là chất lượng tuyệt đối, có giấy phép kinh doanh” nhưng khi biết chúng tôi muốn tham quan cơ sở, bà N. tỏ vẻ khó chịu và từ chối.

Tìm mọi cách thâm nhập vào trong, chúng tôi phát hiện các nhân công cởi trần làm việc trong môi trường oi bức, nóng nực. Người nào cũng mồ hôi nhễ nhại, không ai có đồ bảo hộ lao động, thùng thịt xay, mỡ xay được tẩm hóa chất đặt dưới nền nhà. Các công đoạn đều thực hiện bằng tay trần... Bà N. khẳng định muốn đặt hàng rẻ tiền cũng có, chỉ 40.000 đồng/kg lạp xưởng, giá còn thấp hơn so với nguyên liệu đầu vào!

Trước đó vài ngày, Phòng cảnh sát môi trường (PC36), Công an TP.HCM phối hợp cùng thanh tra Sở Y tế TP kiểm tra cơ sở sản xuất lạp xưởng Mai Quế Lộ (hộ kinh doanh Hồng Phát, đường Nguyễn Sơn, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú) - một cơ sở sản xuất lâu năm và có tiếng - nhưng vẫn phát hiện hàng loạt sai phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Chính chủ một cơ sở sản xuất lạp xưởng ở quận Tân Phú thừa nhận: “Thú thật có mấy ai chế biến mặt hàng này mà không vi phạm an toàn vệ sinh...”!

..............................

Ý kiến bạn đọc:

* Đọc xong bài viết này tôi mới cảm thấy sợ thật sự. Càng gần Tết, nhu cầu về các mặt hàng thực phẩm cho ngày Tết ngày càng nhiều, vậy mà nhiều cơ sở sản xuất lại chạy theo lợi nhuận mà quên đi sức khỏe của những người xung quanh. Tôi dám chắc chính bản thân họ cũng khônng dám dùng sản phẩm do họ làm ra. Vậy chẳng khác nào là đầu độc người khác?

Năm 2009 liên tục xuất hiện những thông tin về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà chính quyền và các cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính, tại sao không làm mạnh tay hơn nữa?

PHẠM THỊ HOÀNG OANH


* Thật là kinh khủng khi đọc bài này của hai phóng viên Đức Thanh - Sơn Bình. Xin các cơ quan chức năng hãy vào cuộc để người dân chúng tôi an tâm khi mua hàng, cứ như vầy chắc tết này chúng tôi không dám mua hàng ngoài quá.

KIM TUYẾN


* Qua các hình ảnh thấy được, tôi thật sự bất ngờ vì sự vô tâm của các cơ sở sản xuất. Ngoài những mặt hàng mứt thì còn biết bao nhiêu mặt hàng khác được sản xuất và bán vào dịp tết Canh Dần 2010 này. Mong rằng các ngành chức năng sớm vào cuộc để kiểm tra nghiêm ngặt, ngăn chặn triệt để những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng thực phẩm trong nước.

Rất cảm ơn các phóng viên đã cung cấp thêm cho người tiêu dùng những hình ảnh và thông tin để người tiêu dùng có thể cẩn thận hơn trong cách dùng các mặt hàng tết.

NGUYỄN TÍN NHIỆM


* Thật hãi hùng khi biết sự thật về việc sản xuất mứt tại những cơ sở này. Thiết nghĩ các cơ quan công an, y tế và chính quyền nên vào cuộc: xử lý thật nghiêm khắc, phạt thật nặng, cấm sản xuất đối với những đơn vị này. Hơn nữa chúng ta nên có luật kiểm dịch, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm phải theo đúng quy trình sản xuất từ lúc bắt đầu cho đến thành phẩm và bán ra thị trường. Đồng thời phải kèm theo mã số đăng ký, giấy phép sản xuất dù chỉ là một gói kẹo nhỏ. Không nên coi nhẹ sức khỏe người tiêu dùng.

PHAN LẠC ĐÔNG QUÂN


* Dẫu biết tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta ngày càng đáng báo động, nhưng đọc xong bài báo này tôi thấy thật sự sợ hãi và bất bình. Không biết những người làm ra các sản phẩm này nghĩ gì, họ còn có chút ý thức nào không? Mỗi ngày đọc báo lại thấy bao nhiêu thực phẩm mất vệ sinh bị phanh phui, riết rồi không biết sẽ phải ăn gì nữa.

NGUYỄN THỊ BÌNH AN


No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...