. .

Friday, October 1, 2010

Một xã hội ứng xử theo luật rừng! - Nhật Hiên, thông tín viên RFA

Một xã hội ứng xử theo luật rừng!
Nhật Hiên, thông tín viên RFA
2010-09-29
Tuần vừa qua, có khá nhiều chuyện xảy ra trong đời sống xã hội của Việt Nam khiến dư luận đau xót và phẫn nộ. Dung lượng của một bài điểm Blog chỉ có thể kể ra một vài vụ việc nổi cộm nhất.


Hình chụp từ youtube, cảnh một CSGT đánh dân được lan truyền trên youtube

Sao nỡ vô lương tâm đến thế!?


Một trong những sự việc khiến mọi người bàng hoàng bởi sự vô cảm, táng tận lương tâm của con người đối với nhau là việc chiếc “xe điên” cán chết người xảy ra tại ngã tư Lý Thường Kiệt – Hàng Bài, Hà Nội vào khoảng 22g 30 đêm 18.9. Thay vì dừng lại ứng cứu người bị nạn, chiếc xe lại phóng tới cán qua một trong hai nạn nhân đang nằm ngay trước đầu xe và bỏ chạy. Nhiều người dân chứng kiến sự việc đã phẫn nộ đuổi theo yêu cầu dừng lại nhưng chiếc xe vẫn tiếp tục chạy. Trong quá trình chạy trốn, chiếc xe tiếp tục tông vào một xe gắn máy, rồi lại gây tai nạn tiếp cho một đôi nam nữ trên một xe gắn máy khác trước khi buộc phải dừng lại. Được biết, công an TP. Hà Nội đã tạm giữ người điều khiển xe là Nguyễn Minh Trí, một kỹ sư.
Trong khi đó, dù được đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay, nhưng nạn nhân-một thanh niên mới 17 tuổi tên Cao Xuân Thắng đã chết vì bị vỡ ngực và tổn thương nội tạng quá nặng.
Trước thông tin người "lái xe điên”là một kỹ sư và những người ngồi cùng trên xe cũng đều là cán bộ kỹ thuật, công nhân viên nhà nước, nhà báo Phan Lợi tức blogger Bút Lông gọi đây là hiện tượng “Thừa bằng cấp, thiếu lương tâm”: “Người ta xót thương cái chết oan khuất của chàng trai trẻ với ước mơ thành phi công bao nhiêu thì người ta căm phẫn trước sự vô cảm của nhóm thanh niên được coi là trí thức kia bấy nhiêu. Hơn thế, tới nay bốn thanh niên đi cùng trên ôtô còn chưa một lần thăm viếng gia đình nạn nhân, cũng như không có một lời chia buồn, xin lỗi...
Tiếp sau vụ tài xế container cán người ba lần ở TP.HCM, đây là vụ thứ hai gây xôn xao lớn. Bởi vì nói như cha của Thắng: “Nếu là những người được học hành đàng hoàng thì thái độ vô cảm, vô lương tâm của họ là không thể chấp nhận được”.
Chả lẽ đây là "quả ngọt" của nền GD ưu việt? Dư luận đang chờ câu trả lời từ kết quả điều tra của Công an Hà Nội.”
Sau cái chết của người thân, gia đình Thắng đã lập trang blog “Xin hãy đòi lại công bằng cho em Thắng” trên Facebook. Sự chia sẻ, đồng cảm từ mọi người thật bất ngờ.
Theo báo VietnamNet: “Hàng vạn người đòi công bằng cho nạn nhân “xe điên”: “Chỉ trong hơn 1 ngày, trang Facebook do người thân của Thắng lập ra đã trở thành tiêu điểm của cộng đồng mạng. Lúc 17h chiều 21/9, con số thành viên page này đã đạt mức 4.300 người, đến 13h chiều 22/9 là 12.000 người, 14h chiều 23/9 là 19.300, tức là trung bình mỗi giờ có thêm 300-400 người ủng hộ, và con số này đang tăng nhanh từng phút.
Đây là vụ việc có tốc độ lan tỏa chưa từng thấy trên các trang mạng xã hội ở Việt Nam.
Vụ việc đã gây xúc động sâu sắc cho nhiều người, một phần do nạn nhân còn quá trẻ (Thắng mới 17 tuổi, trước mắt em là kỳ thi đại học và một tương lai rộng mở). Không chỉ trên trang Facebook chính thức, trên trang cá nhân của Thắng và chị gái cũng xuất hiện vô số lời an ủi, chia buồn, và những lời cầu chúc cho Thắng được ra đi thanh thản…”
Trước đó, bài viết đầy nước mắt “Xin hãy đòi lại công bằng cho em tôi” của chị gái Thắng cũng đã được đăng lại trên rất nhiều trang báo mạng khác nhau. Và những hình ảnh, những lời tâm sự, chia sẻ của bạn bè Thắng vẫn được tiếp tục post lên như một cách để nhớ về người bạn trẻ vui tính, hòa đồng, đã phải từ giã cuộc đời quá sớm…

Công an chẳng khác nào hung thần với dân !

phapluat.vn-250.jpg
Anh Quản Văn Sùng không đội mũ bảo hiểm nên bị một số công an xã đánh phải nhập viện hôm 08/9/2010. Photo courtesy of phapluatxahoi.vn


Lại thêm một vụ công an hành hung dân lành. Báo Pháp luật và xã hội ngày 26.9 đăng bài “Công an dùng điếu cày đánh dân?” kể lại việc anh Quản Văn Sùng, xã Thiệu Hợp, Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa vì không đội mũ bảo hiểm do có việc đột xuất phải đi từ làng này sang làng kia nên bị một số công an xã đánh phải nhập viện, trong đó chính ông ông Tươi (Trưởng CA xã Thiệu Hợp, Thiệu Hóa) đã dùng điếu cày đập mạnh vào cổ anh. Theo báo Pháp luật và xã hội: “Chiều ngày 8-9, anh Sùng đã được người nhà đưa tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Theo hồ sơ bệnh án, anh Sùng nhập viện vì có triệu chứng chấn động não, cùng nhiều vết thương trên cơ thể. Sau 9 ngày điều trị, anh Sùng được xuất viện để về nhà điều trị…
Sáng 25-9, trao đổi với PV, ông Lê Hùng Lan (Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp) cho biết: “Vụ việc anh Sùng đi xe không đội mũ bảo hiểm, bị CA xã bắt và hai bên đã xảy ra xô xát, khi về trụ sở CA xã có bị một anh CA xã vỗ lên đùi một cái là có thật”. Khi dẫn lại bài báo trên, trang blog Dân làm báo giật tít: “Bị Công an “vỗ lên đùi” một cái, dân nhập viện 9 ngày vì động não” và bình ngắn: “Thật … không đỡ nổi với trò nói dối không biết ngượng của ông chủ tịch xã”.
Việc công an thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người dân chỉ vì những lỗi nhỏ trong vi phạm giao thông đã xảy ra rất nhiều lần, thậm chí gây ra thương tật hoặc tử vong cho người dân. Dư luận vẫn còn nhớ một vụ một thanh niên tên Nguyễn Văn Khương ở tỉnh Bắc Giang chở bạn gái đi mua đồ ăn cũng vì không đội mũ bảo hiểm, bị công an bắt phải về đồn làm việc và đánh đập đến tử vong chỉ sau đó hơn nửa tiếng.
Bức xúc trước cái chết oan uổng của người thân, gia đình anh Khương đã đưa thi thể anh lên UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết và hàng ngàn người dân đã đi theo dài hàng cây số, biến vụ việc thành một cuộc bạo động, giật đổ cả cánh cổng trụ sở UBND tỉnh Bắc Giang. Hay vụ một nữ sinh viên tên Hoàng Thị Trà được bạn trai chở đi chơi bằng xe máy ở Thái Nguyên, cũng không đội mũ bảo hiểm nên bị hai người công an mặc thường phục đuổi theo và bắn nát đùi trong tháng 8 vừa qua.
Trang blog Freelecongdinh bình luận: “Cái tâm lý luôn xem người vi phạm là những kẻ “phạm tội nguy hiểm”, thậm chí sẵn sàng rút súng bắn thẳng vào dân lành… có lẽ đã ăn sâu vào trong não trạng của CA. Đến lúc cần báo động về bản chất côn đồ ngày càng lộng hành của những kẻ có chút quyền lực trong tay.
Người vi phạm giao thông không phải là những tên tội phạm nguy hiểm. Hành vi xem thường mạng sống người dân là không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh. Những kẻ côn đồ khoác áo Công an nhân dân phải được nghiêm trị, để giữ gìn kỷ cương phép nước.”
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vừa qua đã lên tiếng báo động về tình trạng nhiều người dân bị tử vong do khi bị công an Việt Nam bắt giữ. Trong thông cáo, tổ chức Human Rights Watch đưa ra 19 vụ bạo hành của công an, gây thiệt mạng 15 người. Tất cả những vụ này đều được loan báo trên các cơ quan truyền thông Nhà nước trong 12 tháng qua.
Con số này tất nhiên chỉ là những vụ mà tổ chức này nắm được thông tin, thực tế chắc chắn cao hơn nhiều. Ngay trong những vụ được dư luận biết đến này, nguyên nhân cái chết cũng không được phía công an thừa nhận mà thường đổ thừa là nạn nhân tự tử chết, hoặc bị đột quỵ v.v…
Blogger Tạ Phong Tần viết bài mỉa mai: “Thời buổi sao lắm người treo cổ?” “Túm lại, tất cả những vụ “treo cổ” kể trên đều có đặc điểm chung là trước khi “treo” nạn nhân rất khỏe mạnh, không có lý do gì chán đời đến mức muốn chết cả, người thì gia đình đang êm ấm hạnh phúc, người thì trẻ tuổi tương lai phía trước đang rộng mở, người thì bỗng dưng “đùng đùng” bỏ lại “vợ dại, con thơ”... lại cùng nhau “đột nhiên thiếu suy nghĩ.” Trước khi chết không di ngôn, không thư từ trối trăn. Hành vi của nạn nhân khi còn sống, nếu phạm tội cũng đều ở mức nhẹ hều đâu đến nỗi phải “chạy trốn sự trừng phạt của pháp luật,” mà cũng chưa chắc là “trừng phạt” được nếu cứ công tâm “cầm cân nảy mực” cứ pháp luật quy định thi hành. Có lẽ chính vì cái sự “không trừng phạt được” nên dẫn đến việc các nạn nhân đều phải chọn “chỗ đẹp” để “treo” là nhà tạm giữ, tạm giam của cơ quan công an. Tức cảnh sinh... sự, tôi cũng bắt chước người xưa mà “mần thơ” rằng: “Nhà giam (giữ) mà biết nói năng/ Thì mồm nhiều kẻ hàm răng chẳng còn.”

Nồi cao áp "ổn định" đã bật tung nắp

condau-31-250.jpg
Bàn thờ anh Nguyễn Thành Năm và người vợ góa - Chị Hồng Anh. Photo courtesy of JB Nguyen Huu Vinh

cảm giác cả một xã hội từ quan chức, công an cho đến dân thường đều đối xử với nhau ngày càng tàn tệ. Họa sĩ, blogger Đinh Tấn Lực gọi đây là tình trạng “Nồi cao áp “ổn định” đã bật tung nắp”:
“Từ ngày 01 tới 24-9-2010, tức là chỉ mới hơn 3 tuần đầu của tháng, và chỉ trên duy nhất mục Pháp Luật của tờ Người Lao Động (dành cho giai cấp công nhân), đã có 210 bản tin hình sự… Nhưng đáng lưu tâm nhất là đã có tới 69 tin liên quan tới án mạng (mưu sát/cố sát/ngộ sát…), tức là chiếm non 33% tổng số tin.
Có lẽ các báo khác cũng loan tải một lượng tin có tỷ lệ tương tự (ngoại trừ loại báo giật gân CAND có thể có tỷ lệ cao hơn).
Tỷ lệ này nói lên điều gì, nếu không phải là mô tả đến chi tiết cận cảnh của một nồi cao áp có tên là “ổn định” đã bật tung nắp đậy?”
Dẫn lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Á châu của HRW, nói: “Thông tin về các vụ bạo hành của công an đang ngày càng nhiều một cách đáng báo động ở Việt Nam, gây quan ngại nghiêm trọng rằng các sai phạm này khá phổ biến và có tính hệ thống“, blogger Đinh Tấn Lực nhấn mạnh:“Cụm từ khóa trong nhận định này là “có tính hệ thống”. Đó là hòn đá ném đi, còn hòn chì ném lại-tức cách đối xử của người dân với công an ra sao? Tác giả viết:
“Thử tìm cụm từ “chống người thi hành công vụ”, Google cho biết có khoảng 259.000 kết quả.
Tất nhiên, có nhiều kết quả trùng lấp, lặp lại. Dù vậy, con số gần 26 vạn đó cũng phản ánh một thực trạng khó chối cãi là nhân dân phản ứng lại công an/giám đốc/bí thư ủy, và ngay cả với trộm cướp, ở nhiều cấp độ và bằng nhiều phương thức có thể nghĩ ra”

Sau khi liệt kê hàng loạt vụ nhân dân tự phát đánh, giết công an hay những vụ chém giết lẫn nhau khác, blogger Đinh Tấn Lực nhận xét: “Có lẽ sẽ không có ai đành đoạn cổ võ cho nguyên nhân/tiến trình/hệ quả của loại phản ứng đầy cảm tính đó. Người ta chỉ có thể phần nào cảm thông cho hoàn cảnh tức nước vỡ bờ của quần chúng tay trắng và tay không bị dồn vào đường cùng ở đây…Hệ quả, khắp nơi, trên cả nước, là một xã hội sinh hoạt theo lối giang hồ.”
Một xã hội giang hồ, và một nhà nước vô trách nhiệm, vô chính phủ thể hiện trong cách điều hành quản lý kém cỏi “mạnh ai nấy quyết định theo ý riêng, bất chấp lệnh lạc hàng ngang hay hàng dọc (chủ tịch tỉnh Hà Giang là một điển hình phổ biến). Qua đó, các chính sách sai quấy từ trung ương càng bức tử nhân dân khi về tới địa phương xã ấp, khiến nhân dân phải tự xử lý vì không tìm đâu ra công lý. Cũng bởi đó, ở tâm vĩ mô và mặt tiền của chế độ, các hệ quả đen tối xảy ra liên tục, từ Dung Quất tới Vinashin, từ thành nhà Mạc tới “Đường Về Thăng Long”…”
Tác giả kết luận: “Hiện trạng vô chính phủ của VN ngày nay, với một nồi cao áp “ổn định” đã bật tung nắp đậy, nhắc nhớ cho nhiều người về tình hình của Ba Lan thời 1987-1988, hay của Liên Xô 1989-1990. Nó là đêm trước của đổi mới bởi nhân dân.
Quả thật, đảng đã đẩy dân ngày càng xích gần lại hơn nữa, với nhau, và với khát vọng tự quyết/tự cường.”


Sự ổn định giả tạo mà từ trước đến nay nhà nước Việt Nam vẫn luôn luôn trưng ra như một thành quả của chế độ độc đảng để hù dọa nhân dân rằng đa nguyên, đa đảng như các nước dân chủ khác là loạn, rõ ràng đã không thể che dấu được những bất ổn trầm trọng bên trong của nó, trên mọi lĩnh vực xã hội. Một khi tình trạng này tiếp tục kéo dài nhưng lại chưa thể kết thúc được để chuyển sang một hình thái xã hội khác tốt đẹp hơn thì sự tàn phá của nó đối với nền tảng đạo đức xã hội, giáo dục, nhân cách của con người là vô cùng nặng nề và sẽ tốn rất nhiều thời gian để xây dựng lại!

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...