. .

Thursday, December 9, 2010

Vinashin 'phải tự trả nợ'-tin BBC

...ông hứa: "Chính phủ sẽ tái cơ cấu các dự án của Vinashin và hỗ trợ Vinashin làm ăn có lãi để có thể tự trả nợ."
Ông Phúc không giải thích về quá trình "làm ăn có lãi", vốn đòi hỏi phải có thời gian, trong khi khoản nợ phải trả đã cận kề.
Những ngày gần đây, thông tin về việc Vinashin đứng trước nguy cơ vỡ nợ đưa ra dồn dập, tăng áp lực lên Chính phủ Hà Nội đòi hỏi can thiệp....

Vinashin 'phải tự trả nợ'
tin BBC, Cập nhật: 05:18 GMT - thứ năm, 9 tháng 12, 2010

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc nói Chính phủ Việt Nam sẽ không trả nợ thay Vinashin, một tuyên bố dường như mâu thuẫn với cam kết "giúp" tập đoàn sắp vỡ nợ mà Bộ Chính trị đưa ra trong kết luận hồi tháng Bảy năm nay.*

Ngày 20/12 này, Vinashin sẽ phải thanh toán khoản tiền 60 triệu đôla đầu tiên cho một nhóm chủ nợ nước ngoài.

Vinashin vay qua Credit Suisse một khoản tín dụng 600 triệu đôla thông qua phát hành trái phiếu vào năm 2007 và theo kế hoạch sẽ phải trả làm mười khoản, mỗi khoản cách nhau sáu tháng.

Tháng trước, lãnh đạo tập đoàn này đã gửi thư xin khất, nhưng nay có tin các chủ nợ không chấp thuận.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói với các nhà báo tại Hà Nội hôm thứ Tư 08/12 rằng Vinashin "sẽ phải tự trả nợ".

Tuy nhiên ông hứa: "Chính phủ sẽ tái cơ cấu các dự án của Vinashin và hỗ trợ Vinashin làm ăn có lãi để có thể tự trả nợ."

Ông Phúc không giải thích về quá trình "làm ăn có lãi", vốn đòi hỏi phải có thời gian, trong khi khoản nợ phải trả đã cận kề.

Những ngày gần đây, thông tin về việc Vinashin đứng trước nguy cơ vỡ nợ đưa ra dồn dập, tăng áp lực lên Chính phủ Hà Nội đòi hỏi can thiệp.

Mới đây nhất, nguồn tin "thân cận" với chủ nợ Credit Suisse đánh tiếng qua thông tấn xã Đức rằng yêu cầu hoãn nợ của Vinashin sẽ không được chấp thuận.

Điều này đồng nghĩa uy tín của Việt Nam sút giảm và các khoản vay trong tương lai của không chỉ Vinashin, mà các công ty Việt Nam khác và cả của chính phủ, sẽ gặp khó khăn.
Can thiệp hay không?
Cho dù Bộ trưởng Phúc dường như đã cố tách bạch trách nhiệm của Vinashin, một số quan sát viên cho rằng Chính phủ Việt Nam sẽ không thể đứng nhìn.

Ông Ayumi Konishi, trưởng đại diện của Ngân hàng Phát triển Á châu tại Việt Nam, nói: “Tôi nghĩ Chính phủ sẽ tìm cách giúp họ".

"Cùng lúc, Chính phủ cũng muốn nói rõ rằng nợ nần là trách nhiệm của Vinashin."

Đang có kêu gọi Chính phủ không nên thuận theo áp lực bên ngoài mà gánh vác nợ nần thay cho Vinashin.

Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng Chính phủ phải nhận một phần trách nhiệm vì các yếu kém kinh doanh trong những năm qua của tập đoàn này.

Mới đây thông tin rằng Chính phủ sẽ không bảo đảm cho các tập đoàn quốc doanh đã khiến Tập đoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam, Vinacomin, bị Tổ chức tư vấn đầu tư quốc tế Standard & Poor's (S&P) đánh tụt bậc trên bảng thang điểm độ khả tín của họ.

Standard & Poor’s hiện còn đang "treo" thang bậc của Vinashin.

Tổng cộng tập đoàn này nợ tới 86 nghìn tỷ đồng (4,4 tỷ đôla Mỹ), tương đương 4,5% GDP của Việt Nam.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng thừa nhận tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà Tài trợ cho Việt Nam (CG) tại Hà Nội hôm thứ Tư, rằng "Vinashin là bài học của chúng tôi".

Nhiều nước ngoài thì cho rằng ở Việt Nam còn nhiều Vinashin khác.
Kịch bản cho Vinashin

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Sean Doyle nói tại hội nghị CG rằng nhiều công ty, tập đoàn nhà nước ở Việt Nam "thiếu hiệu quả tới mức trở thành gánh nặng kinh tế cho Chính phủ và các ngân hàng".

Nhóm chủ nợ nước ngoài của Vinashin đã có cuộc họp hôm thứ Tư, nhưng kết quả chưa được chính thức công bố.

Trong khi số phận khoản thanh toán nợ 60 triệu đôla đang chờ hồi kết, hãng thông tấn Reuters đưa ra một số kịch bản cho tập đoàn này.

Theo Reuters, các ngân hàng thông thường muốn đàm phán để cho hoãn nợ thay vì siết nợ bằng cách chia lẻ hay thanh lý tài sản của công ty.

Bởi vậy giới ngân hàng trông đợi các chủ nợ của Vinashin cho phép tái cơ cấu lại khoản tiền vay.

Nếu như các bên cùng thống nhất một Thỏa thuận tái cơ cấu có hạn kỳ, thì họ sẽ phải cùng làm việc để đưa ra lộ trình tái cơ cấu cả công ty vay nợ lẫn khoản vay.

Bên cho vay sẽ trông đợi một lãi suất cao hơn, và có thể sẽ thu thêm phí.

Tập đoàn KPMG trong khi đó vừa chính thức xác nhận đã được trao trách nhiệm tư vấn tài chính về khoản vay 600 triệu đôla qua Credit Suisse cho Vinashin.
-------------------------
*: Bộ Chính trị kết luận (tháng 7/2010):

- Trong xử lý nợ của Tập đoàn, nhất là những khoản liên quan đến ngân sách nhà nước, Chính phủ cần có phương án khả thi, phù hợp với các quy định của pháp luật VN và thông lệ quốc tế.
- Không gây khó khăn, đổ vỡ cho các tập đoàn, tổng công ty khác cũng như các tổ chức tín dụng.
- Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc VN, các cấp uỷ đảng Trung ương và địa phương có trách nhiệm phối hợp cùng các cơ quan của Chính phủ thực hiện những chính sách, biện pháp phù hợp để giúp Vinashin.
(Nguồn: TTXVN)

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...