. .

Friday, March 27, 2009

Việt Minh, Ngươi Đi Đâu

by Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung là một bút hiệu khác của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn [1920-1979]. Ông còn ký Nguyễn Kiên Trung tác phẩm quý "Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử" (Saigon 1958) là tác phẩm cùng với "Việt Minh Ngươi Đi Đâu" vạch trần những gian ác của chế độ cộng sản Bắc Việt ngay sau Hiệp định Geneve 1954 chia đôi đất nước.



==> Download PDF book [Mediafire, 13 MB]

Lời Giới Thiệu by Le Tung Chau

Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn sinh quán tại Hải Dương, ngụ cư ở Hà Nội. Thiếu thời, ông học ở Hà Nội. Ông có khiếu viết báo và văn chương từ rất sớm. Năm 1939, ông cộng tác với báo Đông Pháp, 1945 với báo Thống Nhất. Có nguồn tin nói rằng năm 1942-1943, ông từng là sĩ quan trong quân đội Nhật Bản, khi đội quân này đổ bộ vào Bắc Kỳ vào tháng 9 năm 1940.
Năm 1949-1950, Nguyễn Mạnh Côn làm nhân viên Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn (sau còn gọi là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, hay còn gọi là Trường Sĩ quan Lục quân 1) ở Sơn Tây.
Năm 1951, ông hồi cư về Hà Nội, rồi đi dạy học tư.
Năm 1954, ông di cư vào Nam, làm việc ở Đài Phát Thanh Sài Gòn.
Thời gian này, ông viết nhiều sách, truyện, cộng tác với các báo ở Saigon như: Tạp Chí Bách Khoa, Văn, Nhật báo Tia Sáng, Tin Mai...và là Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút Tạp Chí Chỉ Đạo (1956-1961), một tuần san của Quân Đội miền Nam, Chủ Bút báo Văn Hữu...
Ông đoạt Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1957 và vào năm 1975, ông được mới vào Hội Ðồng Giám Khảo Văn Chương Toàn Quốc

Những sáng tác của Ông thuở đầu -sau di cư vào Nam 1954- phần nhiều là về chính trị sử quan và cuộc tương tranh quốc-cộng Việt Nam sau 1954 như Hồi Ký ĐEM TÂM TÌNH VIẾT LỊCH SỬ (1958), Lạc Đường Vào Lịch Sử (1965), Hòa Bình... Nghĩ Gì... Làm Gì (1969); nhưng về sau ngày càng thiên nhiều về các dự tri và lý thuyết khoa học mà truyện ngắn GIẤC MƠ CỦA ĐÁ -1966- là một thành công khá tiếng tăm của ông, truyện đoạt Giải thưởng Tổng Thống VNCH 1973.

Ông cũng là người dự báo trước trên văn đàn miền Nam về những ảnh hưởng và triển vọng của ngành Information do Mỹ khơi mào vào đầu thập niên 1960 mà lúc ấy còn quá mới mẻ (IT, tức Information Technology ngày nay) với đại chúng (bài "Khí Thiêng Khi Đã Về Trần" viết nha6n cái chết của Hồ chí Minh ngày 2 tháng 9 / 1969, đăng trên Tạp chí Bách Khoa số 305). Ông còn nhiều sáng tác dưới dạng truyện, tiểu thuyết nhưng qua đó cốt mượn cớ nhằm diễn bày quan điểm về Lịch Sử ví dụ Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn -1960-, những Lý Thuyết hoặc Dự Thuyết của ông về Khoa Học (nhất là ảnh hưởng của Thuyết Tương Đối của Einstein) như Mối Tình Màu Hoa Đào (1967), về mối tương quan mật thiết và khoa học giữa Tình Dục với Tình Yêu và sự kết hợp Nam Nữ trong giòng thân phận con người như Tình Cao Thượng (1968), Yêu Anh Vượt Chết (1969).
Ngoài ra ông còn viết rất nhiều bài tiểu luận về đủ mọi loại đề tài Văn Nghệ rất có giá trị khác đăng rải rác trên các tờ báo, tạp chí đứng đắn và có nhiều độc giả nhất của miền Nam trước 1975 ... tiếc là nay các tạp chí đó đã bị thất lạc khá nhiều.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, cùng với những nhà văn - thơ tài danh khác của miền Nam như nhà văn Hồ Hữu Tường, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn đình Toàn, Duyên Anh, Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Cung Trầm Tưởng, Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền, Nhạc sĩ Vũ Thành An, Trường Sa v.v..., Nguyễn Mạnh Côn bị chính quyền cộng sản miền Bắc -vừa mới thắng trận- cầm tù trong trại tập trung cải tạo, các vị nhân sĩ nhân tài này của đất nước đã trở thành người tù không án không tiền khoáng hậu trong Sử Việt cận đại...
Nguyễn Mạnh Côn qua đời ngày 1 tháng 6 năm 1979 trong trại tù Xuyên Mộc, Bà Rịa, trước ngày từ trần của nhà văn Hồ Hữu Tường chỉ vài tháng.

Ngày nay, nhìn lại thảm cảnh đất nước suy vi trầm trọng về văn hóa văn nghệ và học vấn trên mọi mặt, chúng ta không khỏi tiếc nhớ tiếc thương và tiếc hận một thảm họa tận diệt nhân sĩ nhân tài đã xảy ra cách đây ngót 4 chục năm, và cũng bởi khởi từ cái NHÂN đó, việc xứ sở ngày hôm nay phải nhận chịu trả QUẢ khốc hại như thế là điều tất yếu.


No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...