Thứ Bảy ngày 15 tháng 11 năm 2008
Vấn đề điều hành xuất cảng lúa gạo 2008, được xem như bản giao hưởng đồng quê trình tấu bởi các nhạc công kém cỏi và điều khiển bởi một nhạc trưởng không xuất sắc.
Trong tuần qua Quốc Hội CSVN đã chất vấn chính phủ nặng nề về chuyện nông dân bị thiệt hại lớn, do quyết định ngừng ký hợp đồng xuất cảng hồi cuối tháng 3 đầu năm. Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu tỉnh Đồng Nai đã phát biểu hết sức ấn tượng: "Khi nhạc công có lỗi, nhạc trưởng có nhận trách nhiệm hay không?"
Hậu quả của một quyết định tai hại, đã làm hàng triệu tấn lúa hè thu và thu đông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ứ đọng không có đầu ra, cứ nghe tâm sự của nông dân thì sẽ thấy được họ chịu ảnh hưởng lớn lao thế nào: "Tôi kẹt khoảng ba mươi mấy tấn đó, cất nhà chứa, ra chợ mua bao rồi đem về chứa chứ làm sao giờ. Có người để ngoài sân, có ngừơi cất nhà, chất lên tới nóc nôm na chất cây là như chất củi vậy đó.
Hoặc hơn thế nữa: "Nông dân kêu trời không thấu luôn, phải chịu mà chưa biết tính sao. Anh biết không, bây giờ có một số nhà bị đại lý vật tư vô nhà để xiết nợ. Đó là tôi thấy ở chính địa phương tôi ."
Trong những ngày 11, 12, 13 tháng 11-2008, diễn đàn quốc hội CSVN sôi nổi hẳn lên, các đại biểu thay phiên chất vấn các bộ trưởng Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát, bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và cả thủ tứơng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, chung quanh vấn đề lúa gạo và quyền lợi nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bị truy vấn tới tận cùng nên 2 vị bộ trưởng Cao Đức Phát và Vũ Huy Hoàng đã phải nhận trách nhiệm về dự báo sai sản lượng lúa gạo và tham mưu sai cho thủ tứơng Nguyễn Tấn Dũng. Bộ trưởng Cao Đức Phát tuyên bố chịu trách nhiệm trứơc chính phủ và quốc hội và sẵn sàng nhận mọi hình thức kỷ luật của quốc hội theo pháp luật.
Đến tháng 7 chính phủ giải toả lệnh cấm thì là lúc giá gạo thế giới đã sụt giảm mạnh, gạo ngon cũng chỉ bán được 600 đôla/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam chào bán chỉ hơn 300 đôla mà vẫn không ký được hợp đồng.
TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển ở Hà Nội từng có nhận xét về vấn đề này: "Lẽ ra mình nghe nhiều ý kiến khác nhau, có lúc ngừơi ta sợ rằng mất mùa ngừơi ta sợ cái này cái kia?cho nên lúc mà giá lúa cao nhất thì bảo là dừng xuất cảng hoặc tạm ngừng xuất cảng. Nhưng mà ngay khi đó GS Võ Tòng Xuân ở Đại Học An Giang đã cảnh báo ngay là không có chuyện thiếu lương thực, an ninh lương thực rất bảo đảm, lúc đó lẽ ra phải cứ để xuất cảng gạo bình thường".
Ngày 13/11 Thủ tứơng CSVN Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục bị quốc hội chất vấn về vấn đề lúa gạo. Một ngày sau khi các bộ trưởng đã nhận trách nhiệm về dự báo sai, lúc này ông Dũng mới tiết lộ một vài điều khá chấn động.
Theo VNExpress, ông Dũng nói rằng, trứơc khi chính phủ quyết định dừng ký hợp đồng xuất cảng gạo, không chuyên gia nào dám nói với ông là vụ đông xuân sẽ được mùa hay mất mùa, rất khó cho ông lựa chọn quyết định.
VNExpress tường thuật rằng khi thủ tứơng bộc bạch những lời này, phía dứơi hội trường, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khá trầm tư.
Trong một thời gian dài và ngay cả trong phiên chất vấn tại Quốc Hội cả ông Dũng và các bộ trưởng vẫn vin vào nhóm từ 'Dừng ký hợp đồng xuất cảng gạo chứ không ngừng xuất cảng gạo'.
Chẳng lẽ các bộ trưởng Cao Đức Phát, Vũ Huy Hoàng lại không biết rằng, không cho ký hợp đồng thì doanh nghiệp nào dám bỏ tiền đi mua gạo vừa kẹt vốn, chịu lãi ngân hàng và cũng không có đủ kho để trữ.
Một vụ mùa ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ kéo dài từ 75 ngày tới 90 hoặc 100 ngày và các địa phương thu hoạch sớm trễ khác nhau. Đặc thù hoạt động lúa gạo ở miền tây là giải phóng hàng hoá rất nhanh đối với nông dân cũng như doanh nghiệp.
Thời Báo Kinh Tế Việt Nam trích nhận định của ông Nguyễn Trung Nhân, Đại biểu Quốc Hội đơn vị Cần Thơ cho rằng: "Ngừng ký hợp đồng xuất cảng còn nguy hại hơn ngừng xuất cảng'.
Sự việc đó theo đại biểu Nhân đã gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân cũng như doanh nghiệp xuất cảng. Ngừng ký hợp đồng tức là ngừng ký giá cao.
Đọc các bài tường thuật của báo chí, có thể nhận ra một điểm lâu nay ít ai chú ý. Đó là việc thủ tứơng CSVN Nguyễn Tấn Dũng có mục tiêu khác khi quyết định chỉ đạo dừng ký hợp đồng xuất cảng ngày 25/3.
Nay ông Dũng nói rõ hơn việc tạm dừng ký hợp đồng xuất cảng gạo nhắm tới mục tiêu chống lạm phát, chính phủ đã sợ rằng cho ký hợp đồng ngay thời điểm cao giá, có thể doanh nghiệp vét gạo trong nứơc để xuất cảng, đẩy giá lương thực trong nứơc khiến lạm phát tăng lên.
Ông Nguyễn Tấn Dũng biện giải rằng: "Tuy dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất cảng gạo vừa qua đựa trên cơ sở lợi ích tổng thể của đất nứơc và đã cơ bản đạt được các yêu cầu. Thủ tứơng tán dương thành quả xuất cảng gạo năm nay mang lại 2 tỷ 800 triệu USD, lãi 1 tỷ 700 triệu đô la tức 60%.
Đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề phần lãi vừa nói rơi vào đâu, chỗ nào. Vì báo cáo cũng nói nông dân chỉ lãi 5, 4%. Vậy tại sao nông dân là ngừơi sản xuất trực tiếp lại nghèo nhất, bị bóc lột nhiều nhất, phải làm gì để nông dân hưởng lợi".
Trả lời đài RFA, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập cũng nhiều lần lên tiếng về sự thiệt thòi của nông dân Việt Nam: "Hiện nay ngừơi nông dân sản xuất ra lúa gạo, nhưng mà cái cơ chế bảo vệ lợi ích chính đáng của họ là chưa được hình thành. Vì ngừơi nông dân, hội Nông Dân hiện nay chưa có những hoạt động hữu hiệu, để bảo vệ lợi ích của họ trong quá trình bán lúa gạo. Cho nên đấy cũng là ý kiến cần phải tham khảo, cần có sự thảo luận để có cơ chế để bảo vệ lợi ích của ngừơi nông dân."
Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long chắc là không thể hiểu được là làm cho lúa ế, gạo xúông giá là giúp kiềm chế lạm phát, nhưng từng có ngừơi than thở 'xin đừng cấy lúa trên lưng nông dân'. Và các Đại biểu quốc hội trong đó có ông Nguyễn Trung Nhân xác định rằng Nhà nứơc phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người nông dân.
Đại biểu Nhân nhấn mạnh trên VNEconomy rằng, dự báo sai là một chuyện, còn lại là do bản lĩnh ngừơi điều hành chính sách chưa được tốt lắm. Trước vấn đề như vậy đưa ra một quyết sách vội vàng gây ra thiệt hại quá lớn.
VNEconomy nêu câu hỏi
'Có ý kiến cho rằng một số quyết định vừa qua có thể chịu tác động từ các cuộc vận động chính sách mang màu sắc lợi ích nhóm'
Đại biểu Nguyễn Trung Nhân đáp rằng:
'Phát triển theo mô hình thị trường thì xung đột lợi ích nhóm lúc nào cũng có, nhiều hay ít mà thôi'.
Ông Nhân nhắc lại rằng các đại biểu quốc hội đã nhận định 'một số chính sách vừa qua không hợp lòng dân, không mang lại lợi ích cho đại đa số ngừơi dân, nhưng mang lại ích lợi cho một tập đoàn lợi ích nào đó' và theo ông Nhân ở Việt Nam hiện đang có chuyện như vậy.
Vị đại biểu Cần Thơ cho rằng, về vấn đề gạo thì tác động của các tập đòan lợi ích đến điều tiết chính sách không lớn. Còn với nhiều ngành khác như xe hơi, dầu khí, sắt thép, điện lực, bưu chính viễn thông chẳng hạn, những ngành còn tồn tại tình trạng bao cấp lớn, những ngành có nhiều tập đoàn lớn thì ảnh hưởng của các nhóm lợi ích cũng lớn.
Là đại biểu từ vựa lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Trung Nhân đã xác định trách nhiệm những người gây thiệt hại cho hàng triệu nông dân trong vùng. Theo ông, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính sách xuất nhập khẩu, còn Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn trách nhiệm về dự báo, khuyến cáo, liên quan đến sản phẩm xuất cảng. Và sau hết thủ tứơng là ngừơi điều hành cao nhất, các bộ vẫn là ngừơi thừa hành. Ra quyết định là chính phủ ký, vậy thì chính phủ phải chịu trách nhiệm.
TIN MỚI LIÊN QUAN
Nam Nguyên, phóng viên RFA 2009-05-20
Điều hành xuất khẩu gạo
Gạo, từ lâu đã trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, với lượng bán ra nứơc ngoài mỗi năm trên dưới 5 triệu tấn.
Thế nhưng người nông dân dường như chỉ là những kẻ đứng bên lề, không có tiếng nói dù bị chi phối bởi hoạt động điều hành xuất khẩu gạo.
Trên nguyên tắc, Tổ điều hành xuất khẩu gạo bao gồm Bộ Công Thương và nhiều đại diện các Bộ, Ngành khác, tuy vậy chính phủ thường đưa ra các quyết định dựa vào đề nghị của Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam.
Hiệp Hội này có các thành viên chủ chốt là các tổng công ty lương thực Nhà nước và một số các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo.
Phải chăng vì các tổng công ty lương thực nắm giữ 61% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, nên từ nhiều năm qua vai trò Chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam do Tổng Giám Đốc Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam Trương Thanh Phong kiêm nhiệm.
2008 là năm kim ngạch xuất khẩu gạo đạt cao nhất từ trứơc tới nay gần 3 tỷ đô la, nếu chỉ nhìn vào con số này thì nhiều người tỏ ra hài lòng với ngành lương thực. Tuy vậy năm 2008 là năm, ngừơi tiêu dùng nội địa và nông dân chịu nhiều thua thiệt.
Người dân Việt Nam chưa quên cơn sốt gạo hồi cuối tháng 4, khi mọi người chen lấn mua gạo với giá cắt cổ. Đến cuối năm lại xảy ra tình trạng lúa hè thu đầy nhà đầy sân vùng đồng bằng sông Cửu Long, được mùa nhưng lúa bán không ai mua.
Nhóm lợi ích?
Toàn bộ chuỗi sự kiện vừa nói liên quan tới quyết định ngừng xuất khẩu gạo hồi tháng 3/2008, hay nói cho thật đúng là lệnh ngừng ký hợp đồng xuất khẩu mới vào khi giá gạo thế giới lên cao chưa từng có.
Cuối tháng 2 năm nay 2009 lại có quyết định ngừng ký mới hợp đồng xuất khẩu và chỉ được giải toả vào đầu tháng 5 vừa qua.
Nhận định về chuỗi sự kiện vừa nói, TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển IDS một tổ chức độc lập ở Hà Nội phát biểu:“Ở đây tôi e rằng có những nhóm lợi ích họ có ảnh hưởng gì đó đến chuyện chính sách chăng. Bởi vì nhiều khi người ta nhìn cái lợi ích của một số công ty hơn lợi ích của hàng chục triệu nông dân.
Có lẽ nông dân phải nên tập hợp lại bằng kiểu gì đó, để bản thân ngừơi sản xuất có thể có tiếng nói xứng đáng hơn trong chuyện xuất khẩu. Để lập lại một sai lầm cũ, tôi nghĩ điều ấy rất là đáng tiếc.”
Vừa rồi là nhận định của một chuyên gia nghiên cứu chính sách. Phía doanh nghiệp, nhiều ngừơi tỏ ra bất bình, họ thông qua báo chí đề nghị hạn chế bớt quyền lực của Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam.
Báo Tiền Phong Online ngày 12/5/2009 trích lời ông Phạm Vỹ Bền giám đốc công ty cổ phần Tháp Sơn ở Đồng Tháp, công ty này mỗi năm xuất khẩu 40 ngàn tấn gạo. Ông Bền nói rằng sự kiện ngừng xuất khẩu hồi tháng 3 năm 2008 xuất phát từ quyền lợi cục bộ của Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam.
Một tờ báo khác là Lao Động Online ngày 16/5/2009 cũng trích phát biểu của doanh nhân Phạm Vỹ Bền nói rằng, Hiệp Hội Lương Thực VN có quyền lực cao hơn cả Luật Doanh Nghiệp. Bởi nếu thiếu con dấu cho đăng ký hợp đồng của Hiệp Hội thì doanh nghiệp không thể làm thủ tục xuất khẩu được.
Nhiều bất bình
Chuyện này đã xảy ra trên thực tế, Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam từng đột ngột công bố lệnh ngừng đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo kể từ 21/2 nếu doanh nghiệp giao hàng trong 6 tháng đầu năm. Quyết định này ảnh hưởng 340 ngàn tấn gạo mà nhiều doanh nghiệp đã ký bán cho bạn hàng nứơc ngoài.
Hơn hai tháng sau, phải đợi tới khi các doanh nghiệp và cả chính quyền địa phương kiện lên thủ tứơng, thì Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam mới cho đăng ký lại.
Ông Nguyễn Hùng Linh, một nhà xuất khẩu gạo có uy tín ở Kiên Giang đề nghị nên công khai minh bạch hoạt động điều hành xuất khẩu gạo. Ông nói:
“Điều hành xuất khẩu gạo trứơc khi dừng phải công khai, cần một thời gian nhất định để các doanh nghiệp ngừơi ta chủ động được trong ký kết, chứ không phải dừng ngang thực thi hiệu lực ngay, điều này kẹt cho doanh nghiệp.
Trong lúc doanh nghiệp ký hợp đồng nhưng chưa đăng ký được, mà ngừng ngang thì doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn trong ký kết giữa các doanh nghiệp và các nứơc mua gạo Việt Nam.”
Doanh nghiệp bất bình về cách điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp Hội Lương Thực VN là điều dễ hiểu, ngay cả giới chức chính quyền cũng đặt vấn đề.
Trên Lao Động Online ngày 16/5/2009, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang một trọng điểm lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long cũng phải lên tiếng phê phán, ông nói rằng Hiệp Hội Lương Thực Việt nam thực chất chỉ chăm chăm cho lợi ích của mình, tiếng là Hiệp Hội Lương Thực nhưng hàng triệu nông dân chân lấm tay bùn làm ra hạt lúa lại bị đẩy ra rìa.
Một chuyên gia thị trường nói với chúng tôi. Hiệp Hội Lương Thực trên nguyên tắc là một tổ chức ngành nghề, nếu họ chăm lo cho quyền lợi của họ thì đâu có gì đáng trách nhất là chuyện Việt Nam đề cao cơ chế thị trường. Tuy nhiên theo chuyên gia này, vấn đề đặt ra là, tại sao một tổ chức ngành nghề lại có thể can thiệp sâu vào chính sách điều hành của chính phủ như vậy.
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...