Mấy ý nghĩ khi đọc "Thơ Tù"
Thi VũLao tù lửa bỏng hóa hồng liên
Thích Quảng Ðộ
Đêm ngày tôi dạy cái thằng tôi
Đạo pháp suy vi : bởi lẽ trời
Thấy kẻ phá chùa : khoanh tay đứng
Nhìn người đập tượng : nhắm mắt ngồi
Bắt bớ Tăng Ni : thây mẹ nó
Giam cầm Phật tử : mặc cha đời
Miễn được yên thân là khôn đấy
Can chi ậm oẹ để thiệt thòi
Thích Quảng Ðộ
Thơ đến giữa đời làm nên sự sống
Mấy chục năm qua có thứ chủ nghĩa lan tràn và quản giáo văn học gọi là hiện thực chủ nghĩa. Vì hám bám vào hiện thực còn ở nơi tương lai xa lắc, nên đoàn lớp văn nghệ sĩ theo trường phái này vừa đánh mất thực tại trước mắt, vừa đánh mất một sự thực nằm bên ngoài thực tại họ miêu tả. Đa số trong họ không biết rằng con người sống và nghĩ theo hình ảnh và sức tưởng tượng, còn thực tại họ chung đụng và nếp lý trí họ khuôn theo chưa bao hàm con người toàn vẹn. Giữa hư tưởng và các thực tại xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị, ai dám bảo cái nào thật cái nào giả. Các viễn kiến tôn giáo, hình ảnh thần linh, thượng đế, thiên đàng, địa ngục, thế giới bên kia... tuy hư tưởng như người ta bảo, nhưng lại quan yếu và thực hữu để định nghĩa và tìm hiểu thực tại xã hội qua các thời đại.
Làm sao quan sát và tìm hiểu một thời đại ? Y cứ vào chủ nghĩa hiện thực như khuôn vàng thước ngọc ? Hay quy chiếu theo lối sống, lối suy nghĩ, lối cảm nhận và mơ tưởng của con người ? Bởi vậy, hư tưởng cũng là một thực tại, và thực tại của hư tưởng khác với thực tại của ý thức hệ. Hư tưởng đi qua tình vượt thức vào cõi trí [1]. Ý thức hệ nhốt tù sáu thức vào tự ngã độc tôn.
Cho nên, lịch sử là nghệ thuật của những lần thử lửa. Các tác phẩm nghệ thuật và thi văn trở thành cơ bản để hiểu, nhằm tương kính, tương thuận, tương sinh với con người. Chữ hiểu trong các từ ngữ Tây phương là nắm lấy tay nhau mà đi, nếu không là đứng nhìn từ xa rồi với lấy (com-prendre, under-stand, ver-stehen...).
2
Khi một nhà tu Phật giáo làm thơ, người ta nghĩ ngay đến thơ thiền. Đánh giá như thế, tuy làm siêu thoát thơ nhưng đồng thời hạn chế trời thơ bát ngát.
Thơ thiền là thơ gì?
Do truyền thống bất lập văn tự của thiền, chẳng ai dám định nghĩa. Nhưng đa số các nhà bình luận thường quy chiếu thơ thiền theo ngôn ngữ thi ca thời Lý, thời Trần hay những thơ trích dẫn trong năm bộ Đăng lục đời Tống [2]. Nghĩa là thơ mang màu sắc siêu thoát ẩn tàng sau phong, hoa, tuyết, nguyệt, chim, rừng, trúc, suối... lung linh biểu tượng, hoặc thuần vị chùa chiền, chuông mõ, thoát tục... Thiếu các yếu tố ấy sẽ bị chê không phải thơ thiền, như Lý Tử Tấn, Lê Qúy Đôn từng hạ bút "thơ hay nhưng không giống khẩu khí nhà sư", "khẩu khí thiền sư" - "Thi tuy giai phi tăng gia ngữ". Các ngài có biết đâu khẩu khí vốn tự nó là một phạm trù, một giới hạn, chưa đạt cái toàn thể.
Vậy thơ thiền là gì ? Thơ tù của Hòa thượng Thích Quảng Độ có là thơ thiền không ?
Trả lời là định nghĩa, mà định nghĩa tất xa lìa thiền. Thiền vượt mọi giả danh để sống thực. Con mắt nó quay vào đâu, sự vật được chiếu sáng, tình cảm được trân ái. Thơ thiền không chỉ là kệ truyền pháp hay dòng thơ đạo lý, càng không phải bản báo cáo vượt chỉ tiêu hay bày tỏ quan điểm, lập trường. Hòa thượng từng đề cập tới cảnh thiền này :
Đối đầu trực diện từng giờ
Cuộc đời là một bài thơ tuyệt vời
Cảnh Thiền trước mắt người ơi
Đi tìm chẳng thấy trông vời càng xa
Cảnh Thiền, tr. 153
Thơ thiền bát ngát lung linh nơi mọi góc độ sinh hoạt trần gian theo những tấm lòng thiền rưng cảm. Phải có một tấm lòng thiền, thơ thiền mới hiển hiện. Cũng vậy, phải có một tấm lòng thiền mới khám phá ra thơ thiền khi đọc thơ.
Người có tâm thiền làm thơ, là sống cái tự do trước những điều bức tử nhân sinh. Trước thịnh suy không rúng động. Trước sống chết không sợ hãi : Thơ nắn ra nụ cười tự do phơi phới trên môi ngôn ngữ. Cảnh thơ là lý sống. Bài thơ là món quà truyền tâm.
Mặt khác, văn học luôn sáng tạo, cách tân, chuyển hóa. Văn học Phật giáo luân sinh chứ không luân hồi. Cho nên đọc thơ ngày nay chớ đem so chiếu với thơ mươi thế kỷ trước, thì mới bắt được mạch ngầm thiền vị trong sự sống vô biên hiện tại. Vô biên thì không có trung tâm điểm, chỗ nào cũng là trung tâm.
Cuộc sống, cảnh quan, thế giới ở các thế kỷ thứ XI, XII rất khác với ngày nay. Thời ấy, người ta treo ấn từ quan hay để cư tang cha mẹ là chuyện thường và dễ. Thời ấy vào núi tu tiên, đánh cờ, uống rượu, hay về vườn trồng cúc không là chuyện khó. Nhưng ngày nay, lao động và xưởng thợ lấn át các rừng tùng, xa lộ chồng chéo, xã hội nông nghiệp vác cày đi vào xã hội tiêu thụ. Thiên nhiên, cây cỏ đóng hộp trong các chung cư. Chính trường không chỉ có một diễn viên Vua - vua hiền hay vua ác - mà thay bằng cỗ máy độc tài, phát xít, nghiến nát dân lành. Nên ngôn ngữ, hình ảnh và tình ý thi ca hẳn phải khác.
3
Làm thơ là viết. Viết là lên đường.
Lên đường là truyền thống Phật giáo từ thời Đức Phật còn tại thế. Tăng sĩ là người không lập gia đình, không nhà cửa, mãi mãi lên đường... Đến thăm núi Linh Thứu (Gijjhakùta) với các hang động trú ẩn lúc đêm về ở ngoài thành Vương Xá (Rajir), mới hiểu hết ý nghĩa của sự lên đường ba nghìn năm trước, mà hiện nay lắm khi tha hóa thành lên giường ngủ kỹ.
Lên đường để tự giác và hoằng hóa muôn loài. Người lên đường là người của tất cả, thoát ly người-của-chính-mình (tự ngã) hay người-của-một-gia-đình-một-triều-đại-một-bè-phái (đại ngã).
Thế mà ngày nay, một cao tăng như Hòa thượng Thích Quảng Độ, bị cấm không được lên đường, chồn chân nơi cảnh tù đày, quản chế.
Lịch sử mấy nghìn năm Việt Nam, chưa thời đại nào Tăng sĩ bị tù đông như dưới triều đại Xã hội chủ nghĩa. Vào thời Lý, năm 1069, vua Lý Thánh Tôn đi đánh Chiêm Thành bắt vua Chế Củ và nhiều dân, lính làm tù binh đưa về Thăng Long. Trong số tù binh có một Tăng sĩ Phật giáo. Tình cờ được phát hiện, triều đình liền trọng dụng. Nhà sư trở thành vị tổ của một trong năm dòng Thiền Việt Nam : Thiền sư Thảo Đường. Thời Pháp thuộc, có số Tăng sĩ bị tù đày vì những vận động cho chủ quyền đất nước và bản sắc dân tộc. Nhưng không nhiều. Chùa chiền vẫn là chốn thanh tịnh, lắm khi là nơi che chở, nơi đào tẩu, ẩn náu cho những nhà yêu nước thương nòi. Nhớ lại thời đó, những bài thơ tù thời đó, thường là của các nhà Nho, như Thi tù tùng thoại của Cụ Huỳnh là một. Còn ngày nay, không chỉ người dân thường bị lùa vào các Trại tập trung Cải tạo, mà những đạo sư, bậc cao tăng cũng bị bắt đi. Số Tăng Ni bị áp bức, tù đày, quản chế tính tới số nghìn, giới nam nữ cư sĩ Phật tử tính tới số triệu.
Trong bối cảnh ấy, thơ tù thuộc giới Tăng sĩ, Phật tử nhiều vô kể. Tập Thơ Tù của Hòa thượng Thích Quảng Độ nằm trong tay bạn đọc hôm nay là một trong những biểu hiện kỷ nguyên tù đày dân tộc.
Từ những thước đất, phòng giam câm nín, từ các loa phóng thanh lạc điệu tiếng người phát vang ra rả, Thơ bật dậy bằng âm thanh hải triều, vỗ về con tim và gìn giữ trí nhớ.
4
Dưới các triều đại bạo ác, tù ngục biểu trưng sự hà khắc, bức hiếp. Kỷ nguyên tù Việt Nam ngày nay vượt xa lằn ranh tàn bạo, trở thành cuộc diệt chủng văn hóa và đạo đức. Vị thế người bị đẩy xuống tầng đáy hạ nhân, súc vật, ngạ qủy. Người đâu còn là người khi mất tiếng nói ? Người đâu còn là người khi hết được độc lập suy tư ? Lạ thay, ở nơi sơn cùng thủy tận lặng câm ma quái ấy, Thơ hiện lên như một niềm hy vọng.
Ai bảo chỉ có bạo lực và vũ khí mới thay đổi được thời cơ, quyền chính ? Không đâu. Thơ cải tử hoàn sinh. Thơ mang lại cái thật, cái lành, cái đẹp cho con người. Truyện thơ "Nghìn lẻ một đêm" là bằng chứng thơ văn cải tử hoàn sinh, thơ văn phá án tử hình : Vua Shâhriyâr vì hờn thù người vợ bạc tình đã giết hết phụ nữ sau mỗi đêm chăn gối. Nhưng đến phiên nàng Shahrâzâd, người kể chuyện tài ba vừa hấp dẫn vừa sáng tạo, vua say đắm lắng nghe và hồi hộp đợi chờ câu chuyện thi vị chẳng chịu kết thúc lúc đêm tàn. Đành chờ nàng kể tiếp đêm này qua đêm khác suốt ba năm ròng !
Đêm mở ra Ngày.
Ngày liên giao sự Sống. Đẩy cái chết như xua hoàng hôn tới chân mây bình minh. Một-nghìn-lẻ-một đêm truyện thơ đã cứu sống một-nghìn-lẻ-một án hành quyết phụ nữ dưới tay bạo chúa.
Bạo lực chỉ chiếm đất, không chinh phục lòng người như thơ văn.
5
Thơ là tồn tại người. Từ người, cỏ cây, hoa lá, chim chóc, sinh linh, vũ trụ sống dậy mỹ miều trong cái thật, cái lành, cái đẹp. Thơ không tải đạo, vì đạo tải thơ, rồi thơ quán đạo. Thơ là mùa màng con tim, khí hậu tâm hồn. Ở thời đại sắt và máu nơi xã hội Việt Nam phần tư cuối thế kỷ XX, khí hậu thơ Hòa thượng Thích Quảng Độ là khí hậu
Lao tù đâu thể nhiễm ô tâm này
Tự thuật, tr. 39
Sắt, máu, nhà tù kinh hãi đến thế, song với thơ mà cũng là nhà thiền, thì :
Cửa sắt xà lim ngăn gió lại
Sợ làm tan vỡ cuộc chiêm bao
Ai gọi, tr. 84
Xem chiêm bao thực hơn thực tại ư ? Không đâu. Chiêm bao hay thực tại đều chung cùng một giấc "mộng trung chi mộng" đó thôi. Tất cả biến dạng như bọt bóng giữa mùi thiền :
Ngục thất dầu sôi thành cam lộ
Lao tù lửa bỏng hóa hồng liên
Mùi thiền, tr. 79
Mùi thiền giữa tù ngục là thế, còn mắt thiền thấy chi ?
Qua kẽ xà lim chỉ mấy ly
Nhìn ánh triêu dương thật diệu kỳ
Thế giới ba nghìn đang chuyển động
Trong từng mảy bụi nhỏ vi ti
Vô thường, tr. 71
Tù xuân như chợ giữa trần gian
họp mặt đông vui đủ khách hàng
cụ già sù sụ ho giòn giã
con nít oe oe khóc nhịp nhàng
Xuân cảm, tr. 93
Con nít khóc là điều mới lạ giữa trần gian tù, ít thấy đâu ngoài Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các trại tập trung Đức quốc xã.
Nhà thơ Thích Quảng Độ thường lắng nghe tiếng con nít khóc trong tù.
Bài thơ "Đêm mưa nghe trẻ khóc”, tr. 59, là sự động tâm về hiện trạng lạ lùng này : con nít cũng ở tù. Nếu không có lời chú dưới bài thơ - Mẹ bé đi vượt biên bị bắt và sinh bé trong tù -, nếu người thơ không bị chế độ nhốt tù, thì toàn bài trở thành một bài ca tụng "Bác". Thế nhưng 4 chữ "Tại sao bé khóc" đánh đổ cả 324 chữ đọc nghe như thơ tô hồng chế độ. Nhà tù ấy trở thành nhà mồ, không chỉ chôn người lớn và trẻ nít, mà từ trong ra ngoài nhà tù, chế độ giam nhốt cả Miền Nam, một miền Nam biểu trưng cho ý lực tự do hơn là một vùng địa lý :
Đây là miền Nam trong căn phòng giam chật hẹp
âm u
Ngoài kia là miền Nam trong một nhà tù rộng lớn
...
toàn khu nhà tù chìm vào yên lặng
yên lặng như nấm mồ hoang vắng
giữa miền cát trắng bao la
và nằm trong căn nhà mồ
tôi không thấy gì nữa cả
trừ những bóng ma
vai mang khẩu súng AK
thỉnh thoảng chập chờn qua gang cửa gió
Trời đã sáng, tr. 61
Miền Nam như một ý lực tự do chứ không là đất đai địa lý phân biệt với miền Bắc. Dù thân tại tù ngoài Bắc, nhưng tác giả vẫn thấy và mến yêu phong cảnh xứ Bắc như bộ phận không lìa với toàn cảnh quê chung. Mỹ miều làm sao cảnh chiều quê đất Bắc :
Lúa vàng ngủ dưới bóng chiều
Lưng trời văng vẳng sáo diều xa đưa
Buồm mây tìm về bến mơ
Vài con chim lạc bơ vơ gọi đàn
Mái tranh khói quyện đầu làng
Dòng sông uốn khúc qua hàng thùy dương
Bóng ai thơ thẩn bên đường
Trông vời trời biển bốn phương gửi hồn
Chiều, tr. 189
Thanh bình xiết bao. Nhưng ai ngờ bao nhiêu tâm sự cháy lòng gửi gắm vào lúc hoàng hôn ? Thoạt đọc, ta có ý muốn đề nghị tác giả thay hai chữ "tìm về" trong Buồm mây tìm về bến mơ bằng chữ "vèo dạt" - Buồm mây vèo dạt bến mơ ? Nhưng chưa đề xuất đã tự thấy, nhạc điệu tuy đạt song tứ thơ sẽ kẹt lối. Vì sao ? Vì trước cảnh tan đàn lạc nghé sau 1975, kẻ hữu tâm như "Vài con chim lạc bơ vơ gọi đàn". Chả lẽ với tâm sự của người hữu tâm ưu tư lẽ đạo việc đời, bản thân chịu cảnh lưu đày, lại có thể trầm đắm giữa Chiều thu thân thiết đến quên gửi gắm nỗi riêng chung ?
"Tìm về bến mơ", là thơ bước đi tìm bến. Bến bình an xa tắp. Đạo và Nước còn lênh đênh. Cho nên con người "thơ thẩn bên đường" ấy chẳng ai khác hơn tác giả đang "trông vời trời biển bốn phương", tức trông cậy vào khối người Việt dân tộc trên năm châu thế giới. Với khối người này, tác giả thầm kín "gửi hồn" : gửi một Niềm tin son sắt, đợi chờ.
Vì :
Đạo pháp bao trùm màn ảm đạm
Giang sơn phủ kín lớp màu tang
...
Thẫn thờ đứng tựa khung cửa ngục
Nhìn bóng xuân sang mắt lệ tràn
Xuân sang, tr. 91
Ngày đứng âm thầm nhìn lá rụng
Đêm ngồi lặng lẽ đếm sao rơi
Muốn hỏi tri âm sầu viễn xứ
Tiếng nhạn kêu sương lạnh cả trời
Xuân cảm, tr. 179
"Tiếng nhạn kêu sương lạnh cả trời" gợi nhớ câu thơ đời Lý của thiền sư Không Lộ "Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư" (Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh, Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư [3]) nhưng lại rất khác giữa hai thời thế.
Xưa, đất nước văn minh, thái bình, con người tự tại vô ngại, tự do bước lên đỉnh núi chót vót gọi lên một tiếng làm lạnh cả hư không. Từ thời gian tu chứng - hữu thì - đến không gian thức tỉnh - hàn thái hư - sự đột biến giác ngộ - nhất thanh - chuyển thức cả khái niệm không-thời và thay đổi tận cùng thế phận con người : Người nô lệ thành người tự do, người vô minh thành người giác ngộ.
Nay, người bị lăng nhục, bị tù đày, sáu mối hoạt động của ngũ quan và thức giác hạn chế vào lỗ tai thôi. Dùng lỗ tai môi giới với thế giới mù mịt bên ngoài. Chốc chốc từ đâu vọng lại tiếng nhạn đơn chiếc, khiến xúc động tâm can và buốt lạnh cõi trời. Biết đâu "tiếng nhạn" ấy không là tiếng lòng của tác giả gọi lên bơ vơ giữa thời đại nhiễu nhương chưa có người đồng thanh tương ứng ? Thời đại mà tình đời đối đãi chỉ biết đem bước chân làm thước đo, đem hoa mà ví :
Bước đi nghĩa địa lan man
Chết rồi hay sống điêu tàn như nhau
Mất cả cuộc đời, tr. 188
Danh lợi trắng ngần bông huệ bạch
Nhục vinh đỏ thắm đóa hồng nhung
Đắc thất khoe hương nhành dạ lý
Thịnh suy phô sắc cánh phù dung
Tiếng hồng chung, tr. 78
Chí khí và đạo lý dân tộc thì :
Tiếng "quốc" tiếng "gia" im bặt cả
Chỉ nghe tiếng máy rống ò ò
Qua Đèo Ngang, tr. 133
Tây chẳng phải Tây, Đông chẳng Đông
Quỉ quái sinh ra lũ cuồng ngông
Mồ mả tổ tiên cày xới hết
Đình chùa miếu mạo phá bằng không
Ông bà xem nhẹ hơn con lợn
Bố mẹ coi như khúc gỗ thông
Mất gốc, tr. 178
Đạo pháp ngày nay đổ quá rồi
Mười người tu học chục người thôi
Chùa hoang cảnh vắng sư về tục
Khói lạnh hương tàn Phật bỏ rơi
Gọi tiểu, tiểu đâu còn mà gọi
Kêu di, di cũng tếch đi rồi
Chùa hoang, tr. 220
Sư về tục là chuyện thương tâm, vẫn chưa bi thảm cho bằng Sư chối bỏ truyền thống "bất bái quân vương", không qụy lụy đặt quyền chính ngang hàng Đức Phật để chấp nhận đứng gác bên hòm lãnh tụ ở Hà Nội trong bài "Sư Cụ và Đức Cha".
Nguyên năm 1980 ông Tôn Đức Thắng chết, chính quyền đưa một vị lãnh đạo Phật giáo (Nhà nước) và một vị Hồng y Công giáo đứng hầu hai bên quan tài như hai con trưởng, mỗi khi quan khách đến viếng thì hai con trưởng chắp tay lạy đáp lễ :
Bảy ngày hiếu phục cái thây ma
Thõng thượt Đức Cha đeo Thập giá
Thùng thình Sư Cụ khoác ca-sa
...
Danh lợi đã lừa hai cặp mắt
Lù lù đống mối tưởng mồ cha
Sư Cụ và Đức Cha, tr. 218
Hoặc lâm cảnh trái đời :
Hòa thượng thầy vua trong đời Lý
Thiền sư trị nước thuở triều Trần
Ngày nay sự nghiệp "phò Cách mạng"
Nhà sư "kiện tướng đội làm phân" !
Kiện tướng đội làm phân, tr. 215
Dù bị "Sống đọa đày như loài thú hai chân" (Trên đường lưu đày, tr. 128) Hòa thượng vẫn ung dung, hồn hậu :
Sống giữa trần ai cảnh phũ phàng
Con thuyền lướt sóng cứ hiên ngang
Đã tùng đâu sợ làn sương trắng
Là cúc nào kinh trận gió vàng
Tự thuật, tr. 127
Thông già đứng tựa sườn non lớn
Gió giật hò reo thổi chẳng xiêu
Tự than, tr. 161
Qua bao chế độ lưng vươn thẳng
Trải mấy phen tù lưỡi chẳng cong
Tự trào, tr. 205
Với tâm không lay động trước bao nghịch cảnh, thì khổ đau hay an lạc, tù đày hay tự do... những cặp đối đãi ấy khoác vai đi vào Tâm vô lượng :
Thời gian khoảnh khắc tại tâm ta
Sen nở vừa xong thấy Phật đà
Tâm cực lạc, tr. 68
Nghìn kiếp tóm thu thành một kiếp
Một hình biến hiện hóa nghìn hình
Vịnh Thiền sư Không Lộ, tr. 169
Do sự vật bình đẳng, nên người hay chiếc cầu ao đều có cùng chuyện "nước" phải thương lo :
Năm tháng nổi chìm chung với nước
Cùng nhau chia xẻ nỗi lao đao
Vịnh cái cầu ao, tr. 174
6
Ngoài những bài thơ Đạo lung linh huyền diễm, Thơ tù của Hòa thượng Thích Quảng Độ còn đặc sắc ở những bài trào phúng. Nét châm biếm bén nhọn nhưng không hiểm độc, đùa bỡn mà không ác, đả kích nhưng phóng khoáng, bất hại. Nó tiếp vận dòng thơ châm biếm tài ba của Hồ Xuân Hương, Tú Xương... tuy đẩy lên một chân trời khác. Hồ Xuân Hương cám cảnh phụ nữ bị chà nghiến trong một xã hội độc đoán, kỳ thị nam nữ thời thịnh Nho. Tú Xương thì cười cái nhố nhăng của thời thế, buổi giao thời xáo trộn nếp sống cổ truyền khi Pháp thuộc cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, giữa một xã hội ông hóa thằng, thằng hóa ông. Tú Xương nói lên bằng thơ, sĩ khí của các nhà Nho dân tộc, nhưng ông không tham gia vào các động thủ chống đối, phản kháng qua các phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX. Trong phạm vi hình ảnh và hoạt động văn chương châm biếm, Tú Xương cố thủ nơi vùng địa lý nhất định, là thị trấn Nam Định, mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ông.
Trái lại đề tài thơ châm biếm Thích Quảng Độ mang tính thế giới, đối diện với cả một chế độ bạo ác, hiện thân của chủ nghĩa Hư vô xuyên hành tinh (le Nihilisme planétaire), là chủ nghĩa Mác Lênin. Chủ nghĩa Hư vô của cộng sản biểu thị sự phủ nhận của sự phủ nhận (la négation de la négation) đối đầu với chủ nghĩa Tư bản man rợ (le Capitalisme sauvage) hiện hình qua sự xác nhận của sự xác nhận (l’affirmation de l'affirmation). Cặp đối đầu nhị nguyên và cực đoan này, Vô và Hữu, hình thành ra Hư vô chủ nghĩa tàn phá nhân loại. Đi đến đâu nó tàn phá tất cả, chẳng trừ ai, nhưng không bao giờ nó dám tàn phá chính nó, là nguyên nhân của vô minh, độc ác và khổ đau. Tới Việt Nam, chủ nghĩa Hư vô Mác xít biến nhà tu thành người tù, biến no thành đói, hạnh phúc thành khổ đau, ruộng lúa thành bo bo, cửa nhà thành ngục thất, con người thành đười ươi, tự do thành nô lệ, đổi trắng thay đen :
Có nói rằng không, không : khỏi đấm
Đen làm ra trắng, trắng : ngon xôi
Cú kêu ta bảo là oanh hót
Cuội gọi thì thưa : "Dạ, Bố đòi !"
Như thế mới là người khôn đó
Đêm ngày tôi dạy cái thằng tôi
Đêm ngày tôi dạy cái thằng tôi
Đạo pháp suy vi : bởi lẽ trời
Thấy kẻ phá chùa : khoanh tay đứng
Nhìn người đập tượng : nhắm mắt ngồi
Bắt bớ Tăng Ni : thây mẹ nó
Giam cầm Phật tử : mặc cha đời
Miễn được yên thân là khôn đấy
Can chi ậm oẹ để thiệt thòi
...
Gà khôn giấu mỏ nên trọn kiếp
Khỉ dại khoe răng mới bỏ đời
Sống chết mặc bay thì yên phận
Cả tàu nhịn cỏ chắc không xuôi
...
Tù ngục như ri cũng sướng rồi
Cơm pha hai bữa xơi vừa đủ
Nước lã đôi lần được nấu sôi
Thuốc thang bảo uống khi trái gió
Đường cháo cho ăn lúc trở trời
Nóng có vòi rồng tha hồ tắm
Buồn thì vỗ bụng hát nghêu chơi
Buồn thì vỗ bụng hát nghêu chơi
Trầm bỗng du dương giọng ốc nhồi
Võ vẽ làm thơ cho nhớ chữ
Tập tò ngâm vịnh để quên đời
Liên ngâm dại khôn, tr. 109
Thực tế ở chế độ Xã hội Chủ nghĩa trại lính này là gì ?
Không có gì quí hơn cái bánh bao
Cái bánh bao, tr. 122
Tăng ni trên toàn miền Bắc
đều đã góp phần tích cực nuôi heo
Ngày đầu lưu đày, tr. 135
Không gì hơn tự "ro"
Cổng nhà tù mở to
Độc "nập" và hạnh phúc
Xà lim tôi nằm co
Tiếng Liên Xô "vĩ đại"
Gọi nó là "ca xo"
Qúi hơn dồi chò, tr. 120
Không có gì quí hơn bo bo
Đói bụng ngồi nhìn cũng đủ no
Dẻo mềm rền quánh dường nếp một
Ngào ngạt thơm lừng như cơm tám
Ngọt lừ mát rợi tựa chè kho
Lịch sử bốn nghìn chừ mới có
Hoan hô độc lập và tự do
Bo bo, tr. 116
Ngả một con bê với mẹ bò
Đầu đuôi chân cẳng nó nấu xúp
Gan ruột phổi phèo nó bỏ kho
Tù ba nghìn đứa trong toàn trại
Phúc bảy mươi đời được bữa no
Quốc khánh, tr. 114
Nhà tù Xã hội ở lâu
Chẳng còn ai muốn về hầu tổ tiên
Hát ca nhảy múa như điên
Trần gian hạnh phúc cõi thiên nào bằng
- Anh nào cười vặn gãy răng !
Ở tù sướng lắm, tr. 123
Với sự thung dung của bậc cao tăng, ai bảo ở tù là khổ ? Ở tù sướng lắm chứ :
Có ai hơn tớ cái thung dung
Sáng bốn rãi khoai vừa lót dạ
Trưa hai lạng gạo đủ no lòng
Phe phảy mo cau khi nắng hạ
Co rò ổ rạ lúc mưa đông
Thung dung, tr. 207
Nhưng chả lẽ đời người chỉ ăn và ngủ thôi ư ? Ăn gì ? Ngủ ở đâu ? Trả lời xong, cái châm biếm, đả kích hiện ra. Làm sao im lặng không đả kích một cộng đồng tráo trở như thế ?
Nhà cháy phơi bày toàn mặt chuột
Đình xiêu lộ rõ rặt đầu dơi
Vành tai vênh váo chồn đắc thế
Nghểng cổ nghênh ngang cáo gặp thời
Bức tranh đời, tr. 209
Lang sói hiền từ khoe móng vuốt
Cáo chồn ranh mãnh trổ tài hay
Trăn rắn dịu dàng phô đầu lưỡi
Đế hoàng nào khác lũ đười ươi
Xem xiếc, tr. 105
Đến như đạo lý là bờ đê ngăn sóng dữ, đời hư. Thế mà nay còn gì ?
Đạo pháp cơ đồ sương buổi sớm
Quỉ ma sự nghiệp nắng ban trưa
Tự trào, tr. 97
Trước thời thế ấy, có số Tăng lữ thể hiện "bản thệ độ sinh" theo đường lối mấy ông nón tai bèo :
Giải khát anh tu năm ba "xị"
"Hồ hởi" anh đưa "đạo vào đời"
Sư tiến bộ, tr. 99
Hai bài "Gửi Sư Bà nghiện rượu", tr. 221, và "Gửi Sư Cụ đảng viên", tr.222, nói lên thảm nạn suy thoái đạo đức và xã hội vong tính ngày nay.
7
Trên đây là Nếp thơ đi trong Thơ Tù của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Cần một bài viết về ngôn ngữ thơ trong Thơ Tù nữa, vì cách dụng từ, chuyển câu, đối đáp, hình tượng và âm thanh thơ Thích Quảng Độ rất giàu, chỉnh, thâm hậu. Thử đọc câu tả chén cháo nếp do người tù tưởng tượng lúc nhìn nồi bo bo, tất nhận ra ngôn ngữ phong phú với cách quan sát thấu đáo :
Dẻo mềm rền quánh dường nếp một
Bo bo, tr. 116
Không thể tả hay hơn một bát cháo nếp, mà là nếp một, vừa dẻo vừa mềm nhờ được nấu rền đến độ đặc quánh. Hay tả mặt mày bọn đắc thế học làm sang trong bài “Đười ươi diện guốc đầm”, tr. 108. Tài tình thay cách dùng chữ.
Chữ tài tình, con mắt quan sát cũng tài tình khi sắp đặt sự vật chen bên nhau trong hiện thực đến độ siêu thực về nỗi tang thương của thời đại phi văn hóa, chẳng khác chi thời Hồng vệ binh ra tay làm Cách mạng Văn hóa bên Trung quốc :
Dưới án quyển kinh sâu cuốn tổ
Trên tòa tượng Phật nhện giăng tơ
Câu đối mối xông mùn đắp kín
Hoành phi mọt đục bụi che mờ
Vịnh chùa Long Khánh, tr. 139
Người hải ngoại xa nước lâu còn nhớ chăng hình ảnh con sâu cuốn tổ trắng như tơ, hình loa kèn bám vào bờ sách kinh giấy bổi hay giấy dó từ lâu không mở đọc ? Nhện giăng tơ từ tượng Phật này nối sang tượng Phật khác khiến cảnh chùa tiêu sơ, buồn thảm. Rồi những câu đối bằng gỗ sơn son thếp vàng treo trên cột chùa bỏ hoang theo chính sách tiêu diệt tôn giáo của nhà nước, nên hàng triệu con mối, trắng như loài rươi bám vào làm tổ, tha đất ẩm đắp lên mặt gỗ cho mềm ra để ăn - mối xông - xóa bay chữ nghĩa ngày trước - mùn đắp kín. Còn bức hoành phi treo ở gian chính lâm cùng cảnh ngộ lãng quên trên vật thể cũng như trong phi vật thể : mọt đục bụi che mờ !
Chỉ bốn câu thơ mà tới tấp những con chữ gợi hình mang uy lực tàn nhẫn phá phách. Khí thơ gấp, sự thơ ngổn ngang, chữ thơ diễn xuất bằng ngôn ngữ điện ảnh. Từ đó nói lên cuộc chiến tranh thầm lặng giữa thoái hóa chống văn hóa. Làm sao bộc lộ, nếu thiếu tay bút tài tình "điều chữ khiển hình" khéo léo như thế ?
Chữ và hình còn diễn tả dễ dàng xiết bao những tư tưởng triết học cao thâm, khúc mắc :
Nghìn kiếp tóm thu thành một kiếp
Một hình biến hiện hóa nghìn hình
Vịnh Thiền sư Không Lộ, tr. 169
Chữ luyến láy với ngôn ngữ bình dân, vẽ ra bức tranh xã hội lố lăng, lố lăng đến cả giới Tăng lữ bất trí, a dua, hay giới Phật tử cầu an, hèn nhát. Khác gì tâm địa AQ trong văn Lỗ Tấn :
Đạo pháp suy vi : bởi lẽ trời
Thấy kẻ phá chùa : khoanh tay đứng
Nhìn người đập tượng : nhắm mắt ngồi
Bắt bớ Tăng Ni : thây mẹ nó
Giam cầm Phật tử : mặc cha đời
Miễn được yên thân là khôn đấy
Can chi ậm oẹ để thiệt thòi
Liên ngâm dại khôn, tr. 109
Chữ nhẹ nhàng nhưng đanh thép như tuyên ngôn, như đại cáo ngày tàn không thể tránh của chế độ bạo ác độc tài, ngay vào lúc chế độ ấy đang trị vì trên chót đỉnh “đại thắng” qua bài Nhắn nhủ khổ đau, tr. 142, sáng tác năm 1982.
Văn đối ngẫu tự nhiên, đến độ người đọc quên bẵng mình đang đọc thơ xưa hay thơ mới, thơ Đường luật hay thơ tự do. Nhịp thơ thành nhạc, ý thơ chuyển vận sức sống câu, tứ thơ hoành tráng như tranh, tình thơ mang tấm lòng kinh thiên động địa :
Đã tùng đâu sợ làn sương trắng
Là cúc nào kinh trận gió vàng
Tự thuật, tr. 127
Về quan điểm, lập trường sống, chữ nghĩa dõng dạc minh định, sòng phẳng, chẳng cần ẩn nấp nơi ý tại ngôn ngoại :
Qua bao chế độ lưng vươn thẳng
Trải mấy phen tù lưỡi chẳng cong
Tự trào, tr. 205
Hoặc giản dị, nhẹ nhàng như hơi thở nhưng bất ngờ :
Màn đêm dày đặc phủ xà lim
Có vật gì rơi giữa khoảng im
Lắng mãi tôi nghe rồi mới biết
Thì ra tiếng động của con tim.
Tim động, tr. 88
Thân người rét buốt đến tận xương nơi tù ngục, nhưng ít ai cảm thấu cái lạnh tới “con hồn” làm bải hoải thân xác :
Xà lim lạnh thấm con hồn
Đố ai, tr. 90
Ðôi khi tự trào chân dung do mình vẽ vời ra (Tự trào, tr. 95, 96, 203), hoặc muốn làm khách thương đi bán buồn (Bán sầu, tr. 214, Bán buồn, tr. 215), bán trăng (Ngẫu hứng, tr. 192), hay gọi trăng trao đổi niềm tâm sự (Hỏi trăng, tr. 150, Trăng ốm, tr. 160, Trăng khỏe, tr. 163). Thế nhưng, dù tác giả tự tôn xưng hay thậm xưng (Oai, tr. 101, Hách, tr. 102), người đọc chỉ thấy bàng bạc một chân tình vô ngã, thay vì phô trương đại ngã huênh hoang như trong đa số thơ hôm nay.
Những câu thơ như:
Ngục thất dầu sôi thành cam lộ
Lao tù lửa bỏng hóa hồng liên
Mùi thiền, tr. 79
kể về hình tượng, ý nghĩa, tư tưởng, câu chữ, chẳng nhường bước thơ xưa - thơ muôn đời của nhân loại, mà thơ Đường, thơ Tống là một. Đây là những câu đẹp nhất trong những câu thơ đẹp nhất của thi ca Việt Nam hậu bán thế kỷ XX. Những câu như thế không hiếm trong Thơ Tù.
Tuy nhiên bài viết hôm nay, trọng tâm chưa muốn đi sâu vào phạm vi tu từ hay ngữ nghĩa học trong thơ Thích Quảng Độ.
8
Nhà tù thay lòng đổi dạ một số người. Nhưng không hiếm những người tù bất khuất. Bất khuất trước đối phương như Bá Di, Thúc Tề là quí. Tuy nhiên, quí và báu hơn, là đưa sự bất khuất thời gian lâm nạn kia tiếp biến thành động thủ cứu nguy trong những ngày đời còn sót : đẩy sĩ khí người quân tử lên đường hành động theo đại nguyện Bồ Tát.
Có người mang chí bất khuất, nhưng đến khi mất đối tượng là buông tay. Có người xun xoe hành động nhưng phương châm lại thiếu. Hòa thượng Thích Quảng Độ qua thơ văn cũng như trong đời sống thường nhật đã kết đôi tinh thần vô úy với con đường Bồ Tát. Hòa thượng không xem giai đoạn tù đày là "học vị" để khoe khoang hay chứng xác, mà chỉ là cuộc thử lửa với đạo tâm. Coi cái chết hay thương tích như không giữa vòng vây lang sói :
Xà lim trông hệt cái nhà mồ
Mỗi lần mở cửa tôi ra vô
Thấy như chôn rồi mà vẫn sống
Tử thần tôi sợ con cóc khô
Nói chuyện với tử thần, tr. 101
Tớ chẳng trèo cao mà ngã đau
Lỗ đầu thì lỗ có sao đâu
Hỏi thổ địa, tr. 208
Bài "Tu đạo" làm trong tù với văn phong hồn nhiên, giản dị, nhưng hàm dưỡng trọn vẹn yếu tính đương xứ tiện thị - Yathā-bhûtam - trong kinh văn Bát Nhã. Đọc như nghe một hiền nhân chuyện vãn vui cười, song nghĩ sâu thêm, khác chi một bài kệ truyền pháp :
Bao năm học đạo với tu trì
Tính lại ngày nay biết được gì ?
Được có một điều "không gì được"
Biết cùng cái lý "chẳng biết chi !"
Đi đứng nằm ngồi thường không khác
Uống ăn ngủ nghỉ vẫn như ri
Ma nghe nhếch mép cười mai mỉa
"Thế thì tu đạo để làm chi ?"
Tôi cười khì :
"Để như ri !"
Tu đạo, tr. 77
Đâu đó, nói về việc làm thơ, Hòa thượng khiêm tốn bảo rằng : "Võ vẽ làm thơ cho nhớ chữ" (Liên ngâm dại khôn, tr. 109). Hoặc :
Đường về quê cũ dừng chân tạm
Để với nhân gian góp nụ cười
Đỉnh chơi vơi, tr. 70
Thơ là người lữ hành xuyên qua những con chữ bất động, đánh thức diệu hữu giữa chân không. Huống chi còn "góp nụ cười" với nhân gian !
Thơ đi qua cuộc đời, lưu giữ những buồn vui, ngoại trừ các ô nhiễm và sự ác độc. Thơ đi qua cuộc đời không bằng hí luận, mà với nụ cười. Phải lắm, điều nổi bật nơi con người thi sĩ Thích Quảng Độ là tiếng cười. Một tiếng cười hiền, rất đỗi từ bi. Tiếng cười là sự tự do đầu tiên và cuối cùng mà con người nắm giữ, chẳng ai xâm phạm được. Thế sự thăng trầm, phong ba bão táp, biển dâu nghiêng lệch... vẫn không làm lay động hay xóa tan Nụ Cười kia trên đôi môi Đức Phật và những người con Ngài.
Nụ Cười là Nguồn Thơ bất tận nơi cõi nhân sinh.
Paris, xóm Linh Mai trên đồi Phong Lan
Giáp Tết Bính Tuất, 2006
Thi Vũ
THƠ TÙ của Hòa thượng Thích Quảng Độ, gồm 138 bài trích từ hai tập “Thơ trong Tù” và “Thơ Lưu Đày”, sáng tác thời gian bị tù và bị lưu đày (1977 – 1992) * Quê Mẹ ấn hành lần thứ nhất, Paris tháng 4.2006 * Thi Vũ trình bày bìa và trang bài w tranh họa của Nguyên Hạnh * Ỷ Lan thực hiện ấn loát * Toàn tập in trên giấy Hoàng mai.
© Editions Quê Mẹ, Paris 2006
Dépôt Légal 2ème trimestre – ISBN 2-906433-13-6
B.P. 63, 94472 Boissy Saint-Léger Cedex (France)
Telephone: Paris +33.1.45.98.30.85
Fax : Paris + 33.1.45.98.32.61
E-mail : queme@free.fr - Website : http://www.queme.net
[1] Theo Phật giáo, Thức là sự hiểu biết nhờ phân biệt, đối đãi giữa cái thấy (căn) với cái bị thấy (trần), tức do năng và sở đối đãi nhau mà biết. Còn Trí thì ly năng tuyệt sở, nghĩa là không do đối đãi mà biết, vì Trí là kết quả của định lực, quá trình thành tựu sau thời gian tu tập lâu dài, cũng gọi là trí tuệ bát nhã được khai triển trong Tam học (giới, định, huệ) hay Lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) chẳng hạn.
[2] Cảnh đức truyền đăng lục, Thiên thánh quảng đăng lục, Kiến trung tịnh quốc tục đăng lục, Liên đăng hội yếu, Gia Thái phổ đăng lục.
[3] Có khi chân bước lên đầu núi
Cất tiếng làm run chín cõi trời
.
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...