. .

Saturday, February 12, 2011

Mubarak từ chức, tin cập nhật chi tiết

Mubarak từ chức, tin cập nhật chi tiết từ BBC, RFA, VOA, FRI


Tin cập nhật (AP) – Chính phủ Thụy Sĩ vừa tuyên bố phong tỏa toàn bộ tài sản của cựu Tổng Thống Mubarak và gia đình của ông ta tại Thụy Sĩ.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Thụy Sĩ cho biết đã có lệnh phong tỏa các trương mục ngân hàng ngay lập tức nhưng không cho biết chi tiết về những tài sản khác.  Lời tuyên bố này đã được đưa ra ngay sau khi tin tức ông Mubarak từ nhiệm chức vụ tổng thống sau 30 năm cai trị Ai Cập.
Bộ Trưởng Kinh Tế Thụy Sĩ Widmer-Schlumpf, cũng không trả lời vào chi tiết khi được báo chí hỏi về số tiền gia đình ông Mubarak đang gửi tại Thuy Sĩ.
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Ngân Hàng Quốc Gia Thụy Sĩ, chỉ riêng trong năm 2009, ngân hàng đã nhận được 3.6 tỷ đồng Thuỵ Sĩ, tương đương với 3.5 tỷ Mỹ Kim từ Ai Cập.
(theo hãng thông tấn AP)
Trong khi đó thì tin tức mới nhất từ một viên chức chính quyền cho hay Tổng Thống Mubarak và gia đình đã lên máy bay rời khỏi Cairo đến một trung tâm nghỉ mát Red Sea Resort ở bờ biển Sharm el-Sheikh, cách thủ đô Cairo 400 cây số, trong khi những người biểu tình đang tràn ngập trên đường phố tiến về dinh Tổng Thống và trụ sở đài truyền hình quốc gia.



Đó là kết quả của 18 ngày biểu tình của người dân Ai Cập. Họ đã cắm trại biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak tại quảng trường Tahrir. (Ảnh: BBC)

BBC, 03:49 GMT - thứ bảy, 12 tháng 2, 2011

Tổng thống Hosni Mubarak đã tuyên bố từ chức sau nhiều tuần biểu tình rầm rộ của người dân tại Cairo và các thành phố khác.

Tin đưa ra được hàng nghìn người dân có mặt tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo hò reo chào đón.
Quảng trường này trong mấy tuần nay đã trở thành trung tâm điểm của cuộc biểu tình chống chính phủ.
Ông Mubarak cầm quyền 30 năm nay, với chính sách dập tắt bất đồng và chống đối, đồng thời bỏ tù các nhân vật chỉ trích.

Tổng thống Barack Obama tuyên bố rằng nay Ai Cập cần chuyển sang chế độ dân sự và dân chủ.
Ông Obama nói đây không phải là dấu chấm hết, mà là sợ khởi đầu và nhiều khó khăn còn chồng chất ở phía trước. Thế nhưng ông tin rằng người dân sẽ tìm được câu trả lời.
Tổng thống Obama nói: "Người dân Ai Cập đã lên tiếng, tiếng nói của họ đã được nghe thấy".
"Ai Cập sẽ không bao giờ còn như trước kia nữa."
"Người dân đã nói rõ rằng họ sẽ chỉ chấp nhận một nền dân chủ thực sự."


Dân chúng Ai Cập vui mừng trước tin Mubarack từ chức. (Hình: AP)


'Cầu Thượng đế phù hộ'

Khi thông báo về việc ông Mubarak từ chức, Phó Tổng thống Omar Suleiman cho hay ông tổng thống đã trao quyền điều hành cho quân đội.
Ông Suleiman nói trên truyền hình nhà nước rằng chỉ huy quân đội đã lãnh trách nhiệm.
Ông nói: "Nhân danh Thượng đế nhân từ, trong những hoàn cảnh rất khó khăn mà Ai Cập đang phải gánh chịu hiện nay, Tổng thống Hosni Mubarak đã quyết định sẽ từ chức và đã trao cho ủy ban cao cấp của lực lượng vũ trang quyền lãnh đạo đất nước".

"Cầu Thượng đế phù hộ cho tất cả mọi người."
Sau đó, một sỹ quan quân đội đã đọc thông cáo, ca ngợi ông Mubarak về các cống hiến của ông nhưng thừa nhận quyền lực của người dân.
Thông cáo nói: "Không có gì cao hơn quyền lực của nhân dân".
Ủy ban cao cấp của quân đội do Bộ trưởng Quốc phòng Mohamed Hussein Tantawi lãnh đạo.
Các điện tín của sứ quán Mỹ tại Ai Cập rò rỉ trên Wikileaks từng mô tả Tướng Tantawi là "gìa nua và bảo thủ", nhưng cam kết không tham chiến thêm nữa với Israel.
Ông Mubarak đã rời Cairo và hiện có mặt tại khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh trên bờ Hồng Hải, nơi ông có dinh thự riêng.
Tại thủ đô, hàng nghìn người tập trung bên ngoài dinh Tổng thống, tại quảng trường Tahrir và bên ngoài đài Truyền hình Trung ương.
Họ hò reo với thông điệp: "Nhân dân đã lật đổ chính quyền".
Lãnh đạo phe đối lập Mohamed ElBaradei thì nói: "Đây là ngày sung sướng nhất đời tôi."
"Không thể tưởng tượng nổi niềm vui và hạnh phúc của mỗi người Ai Cập khi tự do và nhân quyền được khôi phục."
Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood), phong trào đối lập vốn bị cấm ở Ai Cập, thì khen ngợi quân đội đã giữ lời hứa.
Cựu lãnh đạo phong trào này tại Quốc hội Mohamed el-Katatni nói: "Tôi hoan nghênh người dân Ai Cập và tri ân các liệt sỹ. Đây là ngày chiến thắng của toàn dân Ai Cập. Mục tiêu cuối cùng của cách mạng đã đạt được".
Ayman Nour, đối thủ của ông Mubarak trong kỳ chạy đua chức tổng thống năm 2005, nói đây là ngày vĩ đại nhất trong lịch sử Ai Cập.
"Dân tộc này vừa tái sinh. Đất nước này vừa tái sinh, và đây là nước Ai Cập mới."
Amr Moussa, cựu ngoại trưởng Ai Cập, thì tuyên bố sẽ rời chức vụ tổng thư ký Liên đoàn Ả rập "trong vài tuần tới". Hãng thông tấn Mena của Ai Cập đưa tin ông có thể tranh cử chức tổng thống.
Phóng viên BBC tại Cairo nói thông báo của phó tổng thống đã khiến người dân ngỡ ngàng: trong cả thành phố, các lái xe bóp còi trong khi nhiều người bắn súng chỉ thiên.

Tuy nhiên phóng viên của chúng tôi nhận xét việc quân đội nay nắm quyền điều hành khiến mọi việc giống như một cuộc đảo chính quân sự.
Hiến pháp đã bị vi phạm vì đáng ra Chủ tịch Quốc hội phải nắm quyền lãnh đạo chứ không phải chỉ huy quân đội.

Thay đổi lịch sử

Trong khi đó trên toàn Trung Đông và Bắc Phi, kể cả Tunisia, người dân ăn mừng cho thay đổi tại Ai Cập.
Đại diện cho Liên đoàn Ả rập, ông Moussa nói các sự kiện tại Ai Cập cho cơ hội xây dựng đồng thuận trong nước.
Iran cũng mô tả đây là "chiến thắng vĩ đại".
Một quan chức cao cấp của Israel bày tỏ hy vọng rằng việc ông Mubarak ra đi sẽ không "thay đổi quan hệ vốn hòa bình với Cairo".
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon thì nói ông tôn trọng "quyết định khó khăn" được đưa ra vì lợi ích của người dân, và kêu gọi một sự chuyển giao "hòa bình và có trật tự".
Lãnh đạo châu Âu cũng phản ứng tích cực trước thông tin ông Mubarak từ chức.
Người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Bá tước Ashton, nói châu Âu tôn trọng quyết định này.
Bà nói: "Điều quan trọng là quá trình đối thoại phải được thúc đẩy nhằm thiết lập một chính phủ nhiều thành phần, phản ánh được nguyện vọng và mang lại ổn định cho người dân Ai Cập".
Thủ tướng Anh David Cameron nói đây là "cơ hội vô cùng quý báu để kiến tạo một chính quyền có khả năng đoàn kết người dân".
Ông cũng kêu gọi chuyển tiếp sang một chế độ dân sự và dân chủ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hoan nghênh sự "thay đổi lịch sử" ở Ai Cập.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Ai Cập đã tiến tới một giai đoạn quan trọng của lịch sử.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu hôm 25/01 nổ ra do tình trạng bất bình của người dân trước nạn thất nghiệp, nghèo đói và tham nhũng.
Trước đó, người dân Tunisia cũng đã biểu tình lật đổ Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali.
-------------------------------

RFA 11.02.2011

Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức


Ông Hosni Mubarack đã quyết định rời khỏi chức vụ Tổng thống Ai Cập và chỉ định Hội đồng Quân lực cao cấp điều hành đất nước.



AFP PHOTO/ Al-Masriya TV

Trong một thông báo đọc trên truyền hình hôm 11-2-2011, Phó tổng thống Ai Cập Omar Suleiman tuyên bố Tổng thống Hosni Mubarak đã từ chức.
Chiều tối thứ Sáu ngày 11-2-2011, Phó Tổng thống Omar Suleiman loan báo sự kiện này trong một diễn từ ngắn trên đài truyền hình nhà nước.
Hàng chục ngàn người biểu tình ở Quảng Trương Tahir Thủ đô Cairo đã reo hò cuồng nhiệt trước thông tin Tổng thống Hosni Mubarack đã từ chức, rời bỏ quyền lực sau ba thập niên cai trị độc đoán trên đất nứơc Ai Cập.
Ông Mubarack và gia đình hiện có mặt ở Khu nghỉ mát Sharm-el-Shiekh vùng Biển Đỏ.
Đài truyền hình Nhà nước loan báo, ông Mubarack có thể xuất hiện trên màn ảnh nhỏ với bài diễn văn quan trọng vào tối Thứ Sáu theo giờ địa phương.
------------------------------
"Triều đại" Mubarak đã kết thúc
Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA
2011-02-11

Hàng triệu người dân Ai Cập vẫn đứng chật mọi ngã đường ở thủ đô Cairo và những thành phố lớn, hô to những khẩu hiệu mang nội dung chào mừng một quốc gia vừa hồi sinh sau 30 năm bị cai trị bởi chế độ độc tài Hosni Mubarak.


AFP photo
Cairo bùng nổ niềm vui khi cuộc cách mạng lật đổ ông Mubarack thành công hôm 11/2/2011.

Hình ảnh phổ biến trên các đài truyền hình quốc tế cho thấy dân chúng Ai Cập hân hoan đón chào ngày hội mới của quốc gia, đánh dấu sự thành công của một cuộc cách mạng huy hoàng sau gần 3 tuần lễ đấu tranh không ngừng nghỉ. Rất nhiều người đã gục đầu khóc vì sung sướng và vì hãnh diện đã góp phần cho cuộc cách mạng mới thành công.
Trên trang mạng xã hội, khôi nguyên Nobel Hòa Bình và cũng là lãnh tụ đối lập hàng đầu Mohamed ElBaradei viết rằng Ai Cập đã thật sự tự do và mọi người đều hãnh diện về quốc gia của họ.
Trước đó khi trả lời phiỏng vấn của đài truyền hình Al-Jazeera, ông ElBaradei nói rằng người dân Ai Cập đã được giải phóng, và kêu gọi mọi người tận dụng điều quý báu này để cùng xây dựng đất nước tự do, dân chủ, theo đúng với nguyện vọng đã nuôi từ bao nhiêu năm qua.
Tình hình của Ai Cập thay đổi trong không đầy 24 tiếng đồng hồ, kể từ khi Tổng Thống Hosni Mubarak đọc bài diễn văn hồi khuya hôm qua, nói rằng sẽ không từ chức nhưng trao quyền lãnh đạo cho phó Tổng Thống Omar Suleiman.
Ngay sau đó một làn sóng người đã đua nhau tràn ra đường, tiến về Dinh Tổng Thống và đóng chốt trước trụ sở Đài Truyền Hình Quốc Gia, tiếp tục làm áp lực buộc ông Mubarak phải từ chức. Cuối cùng, nhà lãnh đạo 82 tuổi này đã cùng với gia đình lên máy bay rời Cairo. Tin tức nói là cựu tổng thống Ai Cập hiện đang có mặt ở khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh thuộc Hồng Hải.
Khi thông báo tin Tổng Thống Hosni Mubarak từ chức, Phó Tổng Thống Omar Suleiman cũng cho biết một hội đồng quân nhân sẽ được thành lập để điều hành guồng máy lãnh đạo quốc gia, và một cuộc bầu cử tự do, dân chủ, công bằng sẽ được tổ chức vào tháng Chín tới đây. Tuy nhiên cũng có dư luận nói rằng có thể cuộc bầu cử sẽ diễn ra sớm hơn.
Một số nhà quan sát đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại vì không rõ quân đội của Ai Cập sẽ thực hiện bước tiến dân chủ như thế nào. Hiện giờ quân đội đang nằm dưới quyền điều khiển của Thống Chế Mohamed Hussein Tantawi, vị Bộ Trưởng Quốc Phòng thân tín của ông Mubarak.
Ngay chính các viên chức Mỹ hiểu rõ tình hình chính trường Ai Cập cũng nói là Thống Chế Tantawi, 72 tuổi, là người không ủng hộ đổi mới và chủ trương phải có biện pháp mạnh với tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo. Tổ chức này là một trong những tổ chức đối lập bị cấm hoạt động dưới thời Mubarak, nhưng được dự đoán sẽ giữ một vai trò quan trọng trong chính trường tương lai.
Ông Essam el-Erian, phát ngôn viên của tổ chức này nói với hãng thông tấn AFP rằng thành công là thành công của mọi người Ai Cập, đồng thời ngợi khen quân đội đã giữ đúng lời hứa đứng về phía nhân dân.
Tại Washington, Tổng Thống Barack Obama nói rằng dân chúng Ai Cập đã cất tiếng nói bày tỏ quyết định của họ, và việc làm này đã tạo khí thế cho người dân toàn cầu. Nhiều vị dân cử Mỹ cũng đã lên tiếng cho rằng quyết định từ chức của ông Mubarak là quyết định sáng suốt.
Các quan chức Nhà Trắng nói rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì có thể làm để duy trì mối quan hệ đang có với quân đội Ai Cập, là lực lượng lãnh trách nhiệm duy trì an ninh và ổn định cho quốc gia đến khi một chính phủ dân cử thành hình. Dưới thời ông Mubarak, số tiền Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Ai Cập lên đến 1.3 tỷ dollars.
Tổng thư ký NATO là ông Anders Fogh Rasmussen cũng đưa ra phát biểu mang nội dung tin tưởng Ai Cập sẽ ổn định và cuộc chuyển quyền sẽ diễn ra êm thắm.
Thủ Tướng Đức là bà Angela Merkel thì  nhắc nhở những nhà lãnh đạo tương lai của Ai Cập đừng quên xây dựng hòa bình cho vùng Trung Đông, và tiếp tục tuân thủ bản hiệp ước hòa bình mà Ai Cập đã ký kết với Israel trước đây.
--------------------------

VOA, Thứ Sáu, 11 tháng 2 2011
Luis Ramirez | Cairo  Thứ Sáu, 11 tháng 2 2011
Nhân dân Ai Cập đã đạt được mong ước

Sau 18 ngày biểu tình phản kháng, ông Hosni Mubarak đã phải từ chức Tổng thống Ai Cập, chấm dứt gần 3 thập niên cai trị quốc gia đông dân nhất trong thế giới Ả Rập.

Tổng thống Hosni Mubarak đã từ chức và yêu cầu quân đội kiểm soát đất nước
Tổng thống Hosni Mubarak đã từ chức và yêu cầu quân đội kiểm soát đất nước

18 ngày với các cuộc biểu tình đôi khi mạnh bạo đã buộc người từng cai trị nước này cả gần 30 năm phải bước xuống. Ngày thứ Sáu đã là ngày mà những người biểu tình phản kháng mong chờ. Tin từ chức đã được Phó Tổng thống Omar Suleiman tuyên bố trên đài truyền hình nhà nước.

Ông Suleiman nói Tổng thống Mubarak đã từ chức và yêu cầu quân đội kiểm soát đất nước. Phó Tổng thống kết thúc bản tuyên bố với câu: “Xin Thượng Đế giúp đỡ tất cả mọi người.”

Hàng ngàn người đã tiến về quảng trường Tahrir tại thủ đô Cairo để nhập vào hàng ngũ hàng chục ngàn người đã có mặt tại đó. Anh Eman Saad nói:

“Phản ứng của tôi ư! Thật là một điều kỳ diệu! Tự do!”

Ngay tại quảng trường Tahrir, mọi người đều vui mừng hớn hở. Những người biểu tình nói rằng đây chính là ngày họ mong chờ từ bao nhiêu thập niên. Tình hình đón mừng trong những giờ khắc đầu tiên xảy ra trong ôn hòa, tuy nhiên người ta cũng nghe được tiếng súng lẻ tẻ tại trung tâm Cairo vào lúc chạng vạng tối thứ Sáu tại Cairo. Cùng ngày này, tin tức cho hay ông Mubarak đã đến Sharm el Sheikh, khu du lịch của Ai Cập bên bờ Hồng Hải.

Theo hiến pháp Ai Cập, chủ tịch quốc hội sẽ trở thành Tổng thống, nhưng với sự nắm quyền của quân đội, không rõ điều này có xảy ra hay không.

Tương lai chính trị của Ai Cập coi như vẫn còn mơ hồ.


Một số cảnh đặc biệt tại quảng trường Tahrir

Thông tín viên VOA Elizabeth Arrott có mặt tại quảng trường Tahrir tối thứ Sáu và tả lại phản ứng của những người có mặt tại đó sau khi nghe tin Tổng thống Hosni Mubarak từ chức.

Không khí tại quảng trường Tahrir giống như đang lên đồng, nhiều người hô to 'Chào mừng một nước Ai Cập mới' 
Không khí tại quảng trường Tahrir giống như đang lên đồng, nhiều người hô to 'Chào mừng một nước Ai Cập mới'


Không khí tại quảng trường Tahrir giống như đang lên đồng, nhiều người hô to “Chào mừng một nước Ai Cập mới.”

Sau khi có tin quân đội sẽ làm chủ tình hình và Quốc hội sẽ giải thể, người Ai Cập đã lũ lượt đổ ra đường.

Người ta ôm hôn nhau, hát hò những bài yêu nước, có người cúi đầu cầu nguyện.

Bài hát quen thuộc “Quân đội với nhân dân là một” đã trở thành hiện thực, và nhân dân ăn mừng một phần vì bây giờ quân đội đang kiểm soát tình hình.

Nhiều người cho rằng có gì mà vui khi quân đội đứng ra nhận lãnh trách nhiệm nhưng trong thực tế, chế độ mà nhân dân muốn lật đổ đã lên nắm quyền nhờ quân đợi.

Có những tiếng nói khác cũng cần được lắng nghe, nhiều người đã hát bài “Chỉ có Thượng Đế mới làm chế độ ra đi.”

Một hình ảnh đáng chú ý khác là những người Ky-tô giáo đã đứng chung với những người Hồi giáo.

Sau 18 ngày biểu tình nói chung là ôn hòa, vậy mà cũng có đến ít ra là 300 người chết. Nhiều diễn giả lên tiếng trước đám đông thề quyết đeo đuổi cuộc tranh đấu của những người đã chết.

Quảng trường Tahrir, Cairo, trung tâm của cuộc nổi đậy của người dân Ai Cập đòi lật đổ chế độ toàn trị.
Quảng trường Tahrir, Cairo, trung tâm của cuộc nổi đậy của người dân Ai Cập đòi lật đổ chế độ toàn trị.
REUTERS/Asmaa Waguih

Người dân Ai Cập như nổ tung trong niềm vui sướng









Ai Cập vĩnh biệt thể chế độc tài

(Hình: AP và AFP/Getty Images)


CAIRO, Ai cập - Hình ảnh hàng trăm ngàn người Ai Cập biểu tình ở thủ đô Cairo vui mừng trước sự kiện Tổng thống Hosni Mubarak từ chức vào tối 11 tháng 2, chấm dứt thể chế độc tài kéo dài suốt 29 năm qua.
Hàng trăm ngàn người biểu tình vui mừng trước tin ông Mubarak từ chức.

Tin ông Mubarack từ chức được Phó Tổng thống Ai Cập, Omar Suleiman tuyên bố trên truyền hình Ai Cập vào tối Thứ Sáu (tức buổi sáng giờ California) 11 tháng 2, 2011.


Người biểu tình trèo cả lê xe tăng của quân đội ăn mừng.
Người phụ nữ này đã bật khóc vì vui sướng.
Quân đội Ai Cập đã đứng về phía người biểu tình và gây sức ép để ông Mubarak từ chức.


Một người biểu tình đưa hai ngón tay thành hình chữ V, biểu tượng của chiến thắng.
Người ta thể hiện niềm vui sướng bằng đủ cách mà họ nghĩ ra.
Những người biểu tình đã trải qua 18 ngày tranh đấu liên tục.
Người ta phất cờ trên khắp các đường phố Cairo.
Tổng Thống Hosni Mubarak, 82 tuổi, là nhà lãnh đạo Ai Cập suốt 29 năm bằng chế độ cảnh sát trị nay phải từ bỏ quyền lực.
Cuộc biểu tình thành công phần lớn nhờ vào sự ủng hộ của quân đội.

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...