xuân tàm đáo tử ty phương tận
lạp cự thành hôi lệ thủy can
(Lý Thương Ẩn)
lạp cự thành hôi lệ thủy can
(Lý Thương Ẩn)
$pageIn
Lời Mở
Được mấy anh em chí cốt khích lệ, yêu cầu tôi viết thuật lại những sự chuyện chính mình từng trải, từng sống qua chưa hề có nơi sách báo ấn phẩm nào, sau nhiều ngày tự thắng lướt được cái biếng lười, tôi bèn ngồi xuống bàn cạnh những trang giấy trắng.
Phần lớn tập thuật ký này là những chuyện có thật tôi đã sống qua. Thỉnh thoảng tôi cũng dành đôi ba chuyện riêng cho những nhận định của chính mình rút ra từ những thực tế sống động đó, dẫu có thể bị trách -hoặc khen- là thiên kiến chủ quan của một cá nhân, tôi cũng xin được nói ra, vì thật khó mà không nói gì khi mình nhìn thấy rõ chớ không mù, và thật khó mà đôi tay không bị lấm bẩn trừ phi ta tụ thủ bàng quan trước thế sự.
Sự thật được tôn trọng tuyệt đối trong những dòng ghi chép này, kể cả tên người, địa danh, chỉ đôi khi phải bất đắc dĩ viết tắt vì lý do bảo mật trong tình thế hiện thời.
Trong nhiều tình tiết, tôi buộc phải ghi rõ ra nhiều chi tiết liên đới trước là để tôn trọng chứng lý của sự việc chứ không tùy tiện nói khống, sau là để người đọc thấy được sự việc trong một toàn thể, tuy nhiên các chi tiết ấy sẽ được ngắn gọn giản lược vừa đủ để dẫn dắt mà không làm mờ đi nét chính của câu chuyện.
Đây cũng không phải là những kể lể cà kê lắm lời của một đời cá nhân làm phiền thì giờ người khác, mà chỉ những chuyện nào thực có ý nghĩa giúp bạn đọc suy tư, đối chiếu và rút ra nhận định … mới được viết thuật lại. Chủ đích là ghi lại những văn minh, nhân bản, thanh bình và giàu tri thức của miền Nam quốc gia mà tôi đã sống. Đó là những chuyện chưa từng có ai kể trên Web và chỉ riêng người có từng trải qua mới có chất liệu để dựng lại chân thực một thuở vàng son.
Mong rằng qua đây, nhiều lớp bạn trẻ sanh sau black April 1975 sẽ có cơ hội thấy đúng, biết đúng, hiểu đúng một nền văn minh mà họ không biết tới hoặc biết sai vì bị xuyên tạc, bôi bẩn (ngớ ngẩn) và bị nhồi sọ ác ý thấp hèn của giặc cộng. Do đó tôi xin miễn nói về mình, bạn đọc sẽ thấy thấp thoáng ra trong những chuyện thuật lại này một chứng nhân vừa kịp trưởng thành trong nền văn minh tự do dân chủ của miền Nam quốc gia thì bị đoàn tàu lịch sử tàn nhẫn kéo tới và thế hệ chúng tôi phải chịu cảnh lót đường cho đoàn tàu đó nghiến lên. Trong hoàn cảnh đó hoặc người ta cam chịu cầu an chờ chết, hoặc cố đốt lên một ngọn nến, giữ ánh sáng trong đêm và tìm cách truyền đăng khi nến chưa tàn và chờ ngày mai trời sáng lại.
Hoi An
44th black April
_________
Nếu không có gì thay đổi, sách sẽ được dàn thành 4 phần:
- Thời thơ ấu Hội An
- Kinh tế mới Darlac
- Độc hành Dặm mỏi
- Nổi trôi Thế cuộc
_________
$pageOut $pageIn 01
Đó là năm 1976, 1977, ở một khu gọi là "kinh tế mới" có tên "Khuê Ngọc Điền", cách thị xã Ban Mê Thuột khoảng 50 cây số, đây là một vùng mất an ninh trong thời VNCH, vốn thuộc địa phận của tỉnh Ban Mê Thuột cũ, khu "kinh tế mới" nằm sát chân dãy núi dài Chư Yang Lak nối với Chư Yang Bung, khởi từ ngã ba Lak (Lạc Thiện) buôn Yang Reh đổ xuôi xuống thấp dần tận Khuê Ngọc Điền rồi xuống tới dưới buôn Chư Phăng (dân "kinh tế mới" thường gọi là Hòa Lễ hay buôn Chí Phèng có khi chỉ gọi giản dị là "buôn Phèng")... mà VC đưa dân thành phố từ Hội An, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Bình Định, Quảng Ngãi ... lên đây sống với núi rừng hoang dã sau khi chúng đã đe dọa chiếm mất nhà cửa và bắt Cha, Chú của họ đi tù đày không án trong các trại tù cải tạo của chúng lập ra ngay đầu tháng 4 / 1975 [chú ý: Vùng I chiến thuật thất thủ trước Saigon 1 tháng: ngày 29 tháng 3 / 1975]. Phần lớn người thành phố bị VC hốt lên "kinh tế mới" là người nhà của các viên chức chế độ quốc gia.
Tôi gặp rồi kết thân với một người anh bạn, lớn hơn tôi 2 tuổi, anh Dương Mạnh Cường, người Nha Trang, anh lưu lạc lên khu "kinh tế mới" này dạy học, trong hàng ngũ giáo viên phổ thông cấp II của Việt cộng (tức là Trung học Đệ nhất Cấp thời quốc gia).
Vì tuổi tác không xa biệt nhau nhiều nên tôi với anh Cường thân nhau nhanh lắm, nhứt là nhờ cây đàn guitar nữa ... 2 đứa "trẻ" chưa thèn mô quá tuổi 20 cả, cứ tối tối là chuyện vãn không ngớt bên mấy cái bánh tráng sắn nướng với mấy ly trà và cafe nhạt, thời ấy kham khổ vô cùng làm gì có giọt rượu nào mà mong điểm tô những đêm vọng tưởng đó...Vậy mà chuyện trò không dứt nào là Lý thuyết về Vi Tích [Vi phân và Tích phân của Newton và Leibniz] vì tôi bén nhọn về Toán, rồi cuốn The Story of Philosophy của Will Durant -chủ đề Triết học vì Cường rất giỏi Triết [cuốn này là trong gia tài sách của tôi và tôi có đem theo từ Hội An lên] bản Việt dịch "Câu Chuyện Triết Học" do 2 dịch giả khả kính Trí Hải & Bửu Đích dịch năm 1971, do Nha Tu thư và Sưu khảo – Viện Đại học Vạn Hạnh in lần đầu ở Sài Gòn cùng năm. Trí Hải là bút hiệu của Ni cô Phùng Khánh mà Trung niên Thi sĩ Bùi Gíáng thường gọi là Mẫu Thân bát ngát của ông]. Anh Cường thi và trúng tuyển vào Phân Khoa Báo Chí của Viện Đại học Vạn Hạnh niên khóa 1974-1976 [học trình của Khoa Báo Chí chỉ 2 năm] ... tiếc là anh -cũng như tôi- bị gãy gánh giữa đường công danh học vấn vì bầy quỷ đỏ đã từ trong rừng đem cái man rợ tràn ra phố phường...
Một đêm bên ngọn đèn dầu hỏa, vừa nghe tiếng voi gầm vượn hú sát nách dãy Chư Yang Lak bạt ngàn và hoang dại, vừa nhắc lại chuyện học ở Vạn Hạnh -khoảng cuối 1974, anh Cường kể lại một kỷ niệm trong một giờ học Triết với thầy Trần Bích Lan [tên thật của thi sĩ Nguyên Sa], sinh viên đang làm bài tập ... Có lẽ do Cường có bộ râu quai nón, tướng người cao to đẹp choai y như Alain Delon mà Giáo sư Trần Bích Lan bỗng bước tới gần -Cường ngồi đầu bàn gần cuối giảng đường- và cười cười hỏi Cường: "biết yêu chưa?". Cường ngớ người nhìn ông và bẽn lẽn đáp: "dạ chưa" Thế là ông bảo ông biết yêu từ thuở 13 và cao hứng đọc sang sảng bài thơ "Tuổi Mười Ba" của ông luôn ...
Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngọt ngào... tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng
Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba ...
Cả giảng đường bỗng buông hết bút viết và nhào nhao xin thầy cho "khất nợ" bài tập, và xin thầy dành khoảng thì giờ còn lại của buổi học để đọc và giảng thơ cho sinh viên nghe.
Ôi, có chút kỷ niệm xưa nhỏ nhoi vậy đó, mà nay bỗng thấy LuuGia nhắc tới Nguyên Sa là mình chợt khựng lại nhớ về một buổi thánh thiện xa xưa của tuổi trẻ VNCH, thấy mình đã may mắn biết bao khi đã kịp trưởng thành khôn lớn thành người trong thời quốc gia và thấy thương thay cho các anh chị em bạn nhỏ bất hạnh không may vì phải sanh sau đẻ muộn sau 1975, bị bầy quỷ đỏ 3 đình trùm cái giẻ đỏ máu lên là đành tan cả 1 đời!
______
anh Cường chịu không nổi đám "chuyên dốt vô sản" của cái gọi là trường học VC ở kinh tế mới nên bỏ chạy về lại quê nhà khoảng 1981 và 2 đứa tôi mất liên lạc luôn từ đó tới nay
$pageOut$pageIn 02
Gia đình tôi dọn lên khu “kinh tế mới” thuộc tỉnh Darlac vào tháng 12 / 1976. Cả nhà thuê riêng 1 chuyến xe ba lua [poids lourd -tiếng Pháp / truck –tiếng Anh] và khởi hành giã từ phố Hội vào trưa ngày 16 / 12 / 1976. Tôi sẽ dành 1 chương riêng viết về khu “kinh tế mới” của cộng sản ngay sau black April, đẩy dân thị thành lên núi rừng hoang mạc, một “chính sách” bất trí và bất nhân của chúng.
Một năm sau, nơi núi rừng hoang dã tôi đã có 2 người bạn mới, là giáo viên bên trường cấp II, là anh Dương Mạnh Cường và anh Nguyễn Nho Cư (người Ban Mê Thuột, cỡ tuổi tôi, thư sinh nho nhã hiền lành ít nói và là người đã tặng tôi score độc tấu guitar bản nhạc Jomeo et Julliet của Nina Rota, ấn bản cũ đâu thời 1967, 68 khổ rộng như các sheet music quen thuộc ở miền Nam trước 1975. Đây là bản solo guitar score -độc tấu guitar- khó nhai với trình độ tôi thời ấy vì có 1 trường canh có 1 "thử thách lớn": 1 thế bấm đồng thời với ngón 1 bấm note Fa ở ngăn 1 dây số 6 và ngón 4 bấm note La ở ngăn 5 dây số 1).
Gọi là trường cấp II cho oai chứ thực ra đó là 1 khu nhà gạch xây đã hoang tàn, một thời là Khu Dinh Điền của chính sách Di dân Lập ấp của chính quyền đệ nhất cộng hòa Ngô Đình Diệm 1956 – 1960. Về sau, vì không giữ được an ninh khu này cho nên di dân bỏ hết về thành và sau cuộc chính biến 1 tháng 11 / 1963 thì khu này bị bỏ hoang luôn. Vùng này sát vách 2 dãy núi lớn Chư Yang Lak và Chư Yang Bung một thời là nơi giao tranh ác liệt những năm đầu chiến tranh Vietnam, và về sau VC cũng bỏ ngỏ luôn vì không dàn trải nổi nhân lực.
Dân “kinh tế mới” mới sau 1975 dọn lên có được bao nhiêu học trò cho cam, cho nên trường cấp II đó lúc bấy giờ chỉ có 2 lớp, lớp 6 và lớp 7, mỗi lớp chừng một đôi chục học trò. Cả 2 ông Cường và Cư đều dạy môn Văn [thời trước, chúng tôi không gọi trơ chỉ 1 chữ “văn” thô thiển như vậy, mà gọi là Quốc Văn, với bậc trung học đệ nhất cấp thì Quốc Văn chia làm 2 phần là Kim Văn và Cổ Văn. Khi lên đệ nhị cấp thì còn duy chỉ 1 tên Quốc Văn, riêng lớp đệ nhất –lớp 12- thì có thêm 1 môn khá lý thú và nặng ký: môn Triết, gồm 4 phần: Luận Lý Học, Tâm Lý Học, Đạo Đức Học và Siêu Hình Học. Triết là môn học rất giá trị làm thay đổi, lột xác một học trò trung học thuần túy trở thành một chính nhân chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa Đại Học]
Mấy anh cũng như tôi, những thư sinh mặt trắng, ham học và dùi mài kinh sử cả 12 năm ròng chỉ chờ giờ ứng thí lập thân với đời, bọn tôi còn chưa hết bàng hoàng khi bị buộc phải chấp nhận một sự đổi đời quá bất ngờ và tàn khốc. Anh Cường chỉ còn 1 năm nữa là tốt nghiệp Cử Nhân Báo Chí [chú ý: khoá Báo Chí đầu tiên - thuộc Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn của Viện Đại Học Vạn Hạnh, khai giảng 1969, và đến 1971 có 22 Cử Nhân Báo Chí tốt nghiệp]. Anh Cư thì cũng như tôi, riêng tôi đã được Má tôi hứa hậu thuẫn bạc tiền cho tôi đi du học Canada (nếu tôi thi Tú Tài Toàn mà đỗ được thứ hạng từ Bình trở lên. Hồi đó, thi đỗ Tú Tài Toàn –còn gọi là Tú Tài Phần 2 hoặc Tú Tài 2- hạng Tối Ưu thì nghiễm nhiên được hưởng du học Học bổng Quốc gia, không đỗ được hạng Tối Ưu mà muốn đi du học tự túc thì phải đỗ thứ hạng từ Ưu xuống tới Bình. 2 hạng Bình Thứ và Thứ là thấp nhất, phải chịu học đại học –dĩ nhiên phải qua thi tuyển gắt gao- trong nước. Sinh viên du học tự túc không được chính phủ đài thọ học bổng mà phải tự lo liệu các phí tổn trong suốt học trình ở xứ người, chỉ được hỗ trợ về mặt thủ tục, giấy tờ mà thôi. Ngoài ra, cả 2 thành phần, du học học bổng hay tự túc đều không bị phân biệt, miễn tốt nghiệp học trình và hạnh kiểm tốt là khi quay về quê nhà được trọng dụng ngay.
Sống giữa cảnh núi rừng đầy bất trắc với muông thú hiểm nguy rình rập, còn chưa tỉnh người sau cú sốc đổi đời cay đắng, hoàn cảnh đó đã đưa những anh em cựu học chúng tôi thân nhau mau chóng dễ dàng và nhận mặt nhau trong tinh thần quốc gia không chút gìn ý giữ kẽ gì hết, dù ở ngay trong một cảnh sống chung với kẻ thù là bầy thú dép râu nón cối trong rừng ra dốt nát nghễnh ngãng đến phì cười bao bận.
Những đêm Cường - Cư sang nhà tôi chơi, chỉ đạm bạc với bánh tráng sắn chấm nước mắm, hút thuốc lào và thì thầm trò chuyện, vậy mà bao giờ câu chuyện cũng quy về chỗ chủ đề mất miền Nam tự do. Vì chúng tôi là nạn nhân nóng hổi và trực tiếp rõ ràng nhất của thảm kịch đó cho nên khi chụm đầu bên ngọn đèn dầu, giữa mái nhà tranh cạnh núi rừng hoang dã, các chuyện đời sống kham khổ hay thiếu đói hay lao nhọc vẫn chỉ là thứ yếu. Đó là khoảng từ 1977 – 1980.
Thời trước 1975, anh Cường học báo chí ở Saigon, nên có hiểu biết rộng và quảng giao với nhiều thành phần ký giả trong cũng như ngoài nước thạo tin tức thời sự, anh kể lại rằng, anh và các bạn đã biết trước thảm họa đang chực chờ đổ ập xuống miền Nam chỉ khoảng 1 tháng trước black April. Vào tháng 3 / 1975, có một “phái đoàn” báo chí đến gặp gỡ sinh viên khoa báo chí Đại Học Vạn Hạnh. Sau mấy ngày làm việc, trước khi từ giã, một cô trong số mấy cô ký giả trẻ của tờ The Guardian, một nhật báo thiên tả của Anh quốc, nói với Cường: “Chúng tôi đến thăm khoa báo chí và Saigon một tháng trước khi miền Nam hoàn toàn bị nhuộm đỏ”. Anh em không ai không sững sờ và kinh ngạc, nhưng không hoảng loạn.
Đoàn ký giả The Guardian còn tiết lộ, giới ký giả và quan sát viên quốc tế đều biết trước Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi miền Nam vì về mặt chiến lược trong chính sách toàn cầu của họ ở A Phú Hãn (Afghanistan) họ đã thuận đánh đổi chế độ quốc gia Nam Việt Nam với Nga sô. Một bối cảnh kịch tính khác của thảm kịch ta không thể không nhắc tới, đó là vụ bê bối Watergate hồi 1972 đã dây dưa khiến Tổng Thống Nixon 1 phải từ chức vào 1974, việc này có tác động rất lớn đến việc mất miền Nam vào black April 1975.
10 năm sau, khi lớn khôn và cố tìm hiểu thêm qua cuốn "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập" của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng (và nhiều sách khác sau này), tôi mới biết chi tiết anh Cường nói đó không sai nhưng chỉ có vai trò khá nhỏ trong toàn thể tấn thảm kịch “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” [một tựa sách khác của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng 2].
Nhớ lại những giờ khắc kỷ niệm quý báu hiếm hoi thời son trẻ đó vẫn theo hoài trong ký ức tôi. Việc cộng sản chiếm được miền Nam với chúng tôi nói riêng, với toàn dân miền Nam nói chung, vẫn còn là một sự thể lạ lùng, nếu không bảo là nghịch lý khó chấp nhận, và bọn tôi vẫn không thể chấp nhận được cho đến tận hôm nay, khi nhìn ra non sông đã tan nát từ núi rừng, sông bể, từ con người bằng xương bằng thịt đang còn thở cho chí những người đã nằm xuống.
“Hai mươi năm đàn trẻ thơ nay đã lớn
Và chàng trai nay đã già
Những người xưa đã nằm xuống
Và rừng núi đã héo nhòa ...” 3
_____________
(1) Richard Nixon [1913-1994], thuộc đảng Cộng Hòa, Tổng Thống thứ 37 của Mỹ đắc cử 2 nhiệm kỳ, nhiệm kỳ đầu (1968–1972) và nhiệm kỳ sau (1972–1976). Đại để vụ bê bối Watergate hồi 1972 là vì nghe lén đối thủ (đảng Dân Chủ) trong chiến dịch tranh cử Tổng Thống. Vì Tổng Thống phạm tội vi hiến cho nên Nixon phải từ chức nếu không phải chịu bị bãi nhiệm một cách mất danh dự.
(2): Nguyễn Tiến Hưng: Tổng trưởng Kế hoạch của Đệ nhị Cộng hòa từ năm 1973 đến 1975, Phụ tá về tái thiết và là Cố vấn về kinh tế của Tổng thống Thiệu [1923-2001].
Ông đã viết các sách chủ đề giải mật chiến tranh Vietnam như:
- “Palace File” bằng Anh ngữ (542 trang do Harper & Row Publishers xuất bản 1986), được dịch ra tiếng Việt với tựa "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập" (bản Việt dịch của Cung Thúc Tiến -tức nhạc sĩ Cung Tiến- và Nguyễn Cao Đàm)
- "Khi Đồng Minh Tháo Chạy" bằng tiếng Việt 705 trang do Hứa Chấn Minh xuất bản 2005.
- "Tâm Tư Tổng thống Thiệu", dày hơn 700 trang bằng tiếng Việt do Hứa Chấn Minh xuất bản 2010. Sách có rất nhiều tài liệu mới, được Thư khố Hoa Kỳ giải mật sau này khi đã hết hạn bảo mật và đặc biệt trong đó có kèm 150 trang tài liệu Anh ngữ để độc giả dễ tham khảo.
- "Khi Đồng Minh Nhảy Vào" bằng tiếng Việt 882 trang do Hứa Chấn Minh xuất bản 2016.
(3): lời nhạc phẩm "Hai Mươi Năm" sáng tác năm 1995 của Phan Văn Hưng và Nam Dao
$pageOut$pageIn 03
Một khi đã không chấp nhận cộng sản, không chấp nhận cảnh huống bị bó thân trai nơi địa ngục cộng sản, một thứ địa ngục tồi tàn thấp kém ngu dốt mà mình đang mắc phải, tôi đã nghĩ tới chuyện vượt biên.
Một buổi chuyện trò khác khoảng mùa Thu 1979, tôi với Cường bỗng không hẹn mà gặp nhau trên cùng ý định vượt biên đó: vượt bằng đường bộ.
Tôi đã nhiều lần đứng hàng giờ nhìn lên “tảng đá” hình thang (chỉ cần bước ra ngay sau lưng nhà tôi nhìn về hướng Tây là tảng đá ấy hiện rõ mồn một vì nó nằm án ngữ trên cao điểm nhất của dãy núi Chư Yang Lak) tưởng tượng đển chuyến băng bộ vượt núi rừng mà có ngày mình sẽ đi. Tôi biết được rõ tên chính thức các dãy núi, đồi địa hình quanh vùng là nhờ may mắn được nhìn thấy và săm soi kỹ tấm bản đồ không ảnh cỡ lớn –do người Mỹ chụp trước 1975- toàn vùng Darlac-Ban Mê Thuột do anh Chư, một người bạn cùng Xã, nhỏ hơn tôi độ 2, 3 tuổi còn cất giữ. Chư là người Mường cũng đi kinh tế mới tới vùng này từ ngay sau black April 1975 và quần thể người Mường cùng quần tụ vào ở thôn 5 (tôi ở thôn 1). Tôi quen Chư khoàng mùa Hè năm 1977 khi cả 2 cùng được Xã kinh tế mới tôi mới đến cử đi học 1 khóa huấn luyện “nghiệp vụ” 3 tháng để trở về làm việc văn phòng cho chính quyền xã. Thực ra tôi chả cần phải “đi học” gì ráo, dư sức làm tất cả mọi việc văn thư giấy tờ mà lúc ấy, cái gọi là “chính quyền cách mạng” của VC gồm toàn bọn ngu dốt, rất sợ động tới giấy bút, chữ nghĩa và các con số. Nhưng hình như chúng nhận được một cái “lệnh” nào đấy, buộc các nhân viên mới tuyển vào làm hành chánh xã phải qua lớp học do chế độ mới tổ chức.
Nên nhớ, tất cả cán bộ chủ chốt nắm quyền ở các địa phương ngay sau 1975 thảy đều do bọn “cán cuốc” từ trong rừng, bưng biền hay chiến khu ra nắm giữ nên hầu hết trình độ của họ chỉ ở mức biết chữ, thậm chí đến Chủ tịch Xã còn viết không ra chữ nữa, khi đặt bút ký các giấy tờ, biểu mẫu, ông ta phải mất cả phút đồng hồ mới “nặn” ra nổi 1 thứ gọi là chữ ký hay nói đúng hơn là chữ viết của loài mèo cào: “nguyễn hòa”. Ngoài bọn cán ngố này còn có 1 bọn khác gọi là “đoàn cán bộ tăng cường” từ Thái Bình vào, bọn này cũng không hơn gì, trình độ học vấn vô cùng thấp kém dốt nát làm tôi kinh ngạc, mặt mày chân cẳng cứ như mới lội từ dưới ruộng lên, mở miệng ra là nói như một cái máy cùng 1 giọng điệu, cùng 1 câu lời như thể đã được lập trình sẵn, thèm ăn ngon, ăn bất cứ thứ gì không kén chọn và biếng lười ngủ nghỉ vô độ, chuyên uống trà Bắc đậm đặc, có người còn nghiện trà đến nỗi nhai từng chút trà sống không cần pha nước sôi, và hút thuốc lào liên tu bất tận.
Trước thực tế đó, họ buộc phải tuyển dụng người từ chế độ cũ, cho dẫu khi khai báo với họ, tôi đã nói thẳng Cha tôi là cấp sĩ quan chỉ huy ban truyền tin Ty Cảnh sát Quốc gia tỉnh, đang ở tù cải tạo không có án nên không biết mấy năm mới thả về; anh trai tôi là sĩ quan tốt nghiệp khóa 5 Chiến tranh Chính trị Dalat. Tôi khinh ghét họ nên khai toẹt ra cốt để họ chê chán, được thì làm không được thì thôi chẳng cần, và tay Chủ tịch còn đang ngần ngừ chưa quyết nhưng khi kịp thấy tôi tiện tay mau lẹ kẻ giúp họ mấy cái biểu mẫu thống kê và điền chữ viết vào thì họ không tha tôi nữa! Thời đi học, tôi thường được thầy cô và bạn hữu khen là chữ đẹp, “chữ người lớn”.
Buổi làm thủ tục ghi danh vào khóa học “nghiệp vụ” đó (ở một cơ quan chế độ cũ, tôi đoán là Ty Điền Địa của tỉnh Darlac, tọa lạc tại ngay Cây số 3 thị xã Ban Mê Thuột), ngẫu nhiên tôi và Chư cùng vào một lượt. Khi nghe tôi khai trình độ học vấn và định móc túi lấy văn bằng trưng ra, một ông trung niên vẻ quyền uy nói giọng Bắc 54 buông sõng với nhân viên ghi danh: “Tú Tài 2” mà không cần xem bằng. Chư cũng khai học lớp 11 trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Thế là tôi với Chư “nhận mặt” nhau –như thể là chiến hữu- ngay lúc ấy. Về sau tôi tìm hiểu thì ra ông trung niên là Phó Ty Điền Địa, được VC giữ lại làm việc trong khoảng thời gian họ còn thiếu quá nhiều nhân lực đó. Quả là lớp người trí thức cũ có một dáng dấp, một phong thái của người có thực học không nhầm vào đâu được.
Sau đợt đó, tôi thân thiết với Chư, và thường xuống nhà anh chơi, nhà sàn, dĩ nhiên (thôn 5 cách thôn 1 độ 3, 4 cây số), được Mẹ và các em Chư yêu mến như khách quý. Chư có giọng nói của người Bắc 54, truyền cảm, nhỏ nhẹ, trầm ấm đầy nam tính, nhưng ẩn đàng sau cái lối phong nhã khiêm tốn đó là cả 1 con người rắn rỏi, cơ bắp tay chân rắn khỏe đen ngăm sạm, và lì lợm không biết sợ bất cứ 1 thứ gì. Tôi càng ngạc nhiên hơn về trình độ quân sự của Chư. Lúc ấy tôi mới dần dà hiểu ra, qua lời Chư rỉ rả kể, khóa sinh Thiếu Sinh Quân ngoài chương trình học trung học phổ thông, còn phải học qua tất cả các khoá huấn luyện quân sự chuyên nghiệp như một chiến binh thực thụ. Những khóa sinh Thiếu Sinh Quân tốt nghiệp Tú Tài 2 thường rất ít khi thi tuyển vào các trường đại học dân sự mà hầu hết đích nhắm của họ đều là Trường Võ bị Quốc gia Dalat hoặc ít nữa cũng là Trường Đại học Chiến tranh Chính trị Dalat hoặc Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Họ là con nhà Võ, sau cấp học phổ thông ai cũng chỉ muốn nối chí Cha vào con đường binh nghiệp [chú ý: trường Thiếu Sinh Quân chỉ tuyển mộ những con cái của tử sỹ QLVNCH và các anh chị được chính phủ đài thọ mọi chi phí ăn học cho đến khi ra trường thành tài nhận nhiệm sở]
Một lần, Chư mở tấm bản đồ không ảnh anh cất giữ như bửu bối, cùng tôi xem địa hình địa vật vùng Ban Mê Thuột vốn nằm trong Cao nguyên Darlac, nơi người Thượng hầu như gồm toàn sắc tộc người Edeh. Về hành chánh, tỉnh Darlac gồm tỉnh lỵ là thị xã Ban Mê Thuột và 3 quận: Phước An, Buôn Hồ và Lạc Thiện. Lần theo tấm bản đồ tôi nhớ rõ, về mạn Tây, Ban Mê Thuột giáp với tỉnh Quảng Đức (Tỉnh lỵ là thị xã Gia Nghĩa và gồm 4 quận Khiêm Đức, Kiến Đức, Đức Lập, và Đức Xuyên. Tỉnh này hầu như gồm toàn sắc tộc người M’nong). 2 quận Kiến Đức, Đức Lập ở nách phía Tây của Quảng Đức là giáp với biên giới Cambodge.
Từ dãy núi Chư Yang Lak ngay sau lưng nhà tôi, nếu đi ngược về hướng Bắc (hướng đi lên thị xã Ban Mê Thuột) độ 3 cây số là đến ngay đầu dãy núi Chư Yang Bung (2 dãy núi này nối liền nhau), tại đây là 1 buôn rộng lớn người Edeh có tên là buôn Jang Reh (dân kinh tế mới trong vùng thường gọi tắt là buôn Ré), ở đây có nguyên một xã toàn người Hội An và một ít người từ Đà Nẵng cũng lên từ 1975-1976. Đi lên độ một cây số nữa là gặp ngã ba, đó là ngã ba Lạc Thiện. Rẽ trái là qua Lạc Thiện, rẽ phải là đi về Ban Mê Thuột (khoảng gần 50 cây số). Vậy để đi về phía biên giới với Cambodge thì cần phải tiếp cận với một trong 2 quận Kiến Đức hoặc Đức Lập của tỉnh Quảng Đức. Tôi nghe Chư nói, người M’nong ở các buôn làng chập chùng rừng núi giáp biên giới Cambodge đều có trình độ học vấn cao, có nhiều người giỏi tiếng Pháp và nhiều viên chức chế độ cũ.
Tôi đem những hiểu biết này nói với anh Cường khi bàn tính lộ trình vượt biên. Chỉ là những tính toán tổng thể thôi, còn nhiều việc phải trù bị lắm cho kế hoạch này như lương khô, giày nón, áo quần và … vũ khí.
Chưa đầy 1 tháng sau, Cường về thăm nhà Nha Trang và khi lên lại đem theo 2 món “nhà nghề”: 1 khẩu rouleau loại thường được trang bị cho Cảnh sát Quốc gia, với 1 hộp chừng vài chục viên đạn, và một địa bàn có phương giác, loại địa bàn nhà nghề của dân biệt kích nhảy núi, kim chỉ Nam có gắn dạ quang, vỏ sơn màu nhà binh. Tôi với anh chờ khi đêm tối cả nhà tôi đã đi ngủ hết mới sang căn nhà + vườn bên cạnh (vốn của một nhà cũng từ Hội An đi kinh tế mới nhưng chịu không nổi đã bỏ về từ 1977, nên nhà tôi nghiễm nhiên trưng dụng làm chỗ nghỉ tạm và canh tác khoảng đất vườn rộng cả sào Tây đó luôn). Sau khi xem thỏa mắt các thứ “đồ chơi”, tôi giúp anh gói kỹ rouleau với hộp đạn trong nhiều lần bọc túi nilon và chôn xuống đất ngay đầu giường tôi chờ ngày đem ra dùng. Mọi việc hoàn toàn bí mật không ai biết cả. Riêng cái địa bàn, anh gói gọn cất vào người.
Những ngày tháng sau đó, tôi không sao tránh khỏi những suy nghĩ phân vân âm ỉ thầm trong lòng. Đi thì quyết đi rồi, nhưng nghĩ tới Mẹ mình và bầy em dại, thêm người Cha đang trong trại tù nữa. Nơi đây, tôi còn một người bạn gái rất đỗi hiền lành, yêu kiều rất mực, người mà suốt cuộc đời tôi chưa thể tìm thấy được ai đáng quý đáng yêu đáng trọng hơn thế. Và nguyên một tuyển tập sách quý dù đã đọc xong tôi vẫn quyến luyến rất nhiều nếu bỏ đi.
Sang đầu năm 1980, tôi có cảm tưởng anh Cường có sự thay đổi dùng dằng không quyết gì đấy. Những chuyến anh về thăm nhà dài hơn thường lệ, tôi đoán anh sẽ sớm bỏ việc dạy học ở chốn khỉ ho cò gáy này, và quả nhiên chỉ đôi ba chuyến lên – về như thế, một hôm từ dưới nhà anh lên lại, anh gặp tôi bảo muốn đào lấy súng đạn đem đi, mà không nói rõ những ý định sắp tới.
Sau lần đó, tôi không gặp lại anh nữa. Tôi chỉ tự giải đoán là anh có kế hoạch khác, vượt biên bằng thuyền với thân nhân chẳng hạn, nhà anh có tới 10 anh em, anh là con cả, tôi còn nhớ anh hay nhắc tới chú em Út còn nhỏ lắm mà mọi người ai cũng gọi yêu là “Mười râu” vì cu cậu còn nhỏ mà nhiều râu cũng râu quai nón như anh. Thời đó, tiếng là “hòa bình” không còn súng nổ đạn bay nhưng dân miền Nam hầu hết sống trong tâm trạng căng thẳng như thời chiến, một cuộc chiến khác có khi còn nghiệt ngã hơn chiến tranh, tôi nghĩ anh Cường cũng còn không sao quyết chắc được việc gì nhất định nếu có những dự tính khác thì làm sao dám nói ra điều gì với mình, ngộ nhỡ nói mà không làm được thì sao …
Tôi không nghe tự lòng mình tiếc nuối nhiều lắm, chỉ là một chút hụt hẫng khi đang giữa chừng hăng hái của một tâm tình bão giông của tuổi trẻ mà bị mất đà bất thần … Phần vừa hụt mất 1 ý định phần vừa thiếu vắng một người bạn thiết. Những ai đã ở vào hoàn cảnh “kinh tế mới” như thế rồi sẽ hiểu bạn thân còn quý hơn cả cơm áo.
Tôi vẫn tiếp tục sống những ngày kế đó với nhiều công việc, bổn phận và nhiều tính toán ngổn ngang mà không hay biết mình những biến chuyển lớn đang chờ mình phía trước có tác động không nhỏ tới đời mình nhiều năm về sau. Năm đó tôi vừa 22 tuổi.
$pageOut
$pageIn 04
Sơ lược
Nhớ lại thuở ban đầu tôi quen biết Dương Mạnh Cường và kết thân luôn là nhờ ở Toán học. Tôi theo ban B ở trung học đệ nhị cấp, còn Cường thì tôi không hỏi nhưng cứ đoán là anh theo ban C cho nên mới học Báo Chí ở Đại học Vạn Hạnh. Thời quốc gia, trung học đệ nhị cấp (từ lớp đệ Tam đến đệ Nhất) được phân ban, gồm ban A (Lý, Hóa, Vạn Vật), ban B (Toán, Lý, Hóa), ban C (Triết, Văn chương, Ngoại ngữ), ban D (Văn chương, Cổ ngữ). Sau khi học xong đệ nhất cấp (từ lớp đệ Thất đến đệ Tứ), học sinh tự chọn ban tùy ý khi bước lên đệ nhị cấp. Nếu lỡ học một năm đệ Tam mà vì lý do gì đó muốn đổi sang ban khác thì lên đệ Nhị vẫn xin đổi được. Việc chọn ban theo học không chỉ là chọn theo khiếu bén nhọn của mỗi học trò mà còn có ý nghĩa lớn với cách tính điểm số theo hệ số trong các kỳ thi các kỳ thi và chương trình, môn học sẽ nặng nhẹ khác nhau tùy theo ban.
Tôi không nhớ rõ từ đâu mà dẫn tới tôi với Cường gặp nhau nơi một bài toán Nguyên Hàm hóc búa: tính Nguyên Hàm của tích của hàm số mũ với hàm số Log [Log = Logarit Neper với chữ L viết hoa, cơ số là hằng số e = 2,71828; để phân biệt với log = logarit thập phân, cơ số 10].
ʃ eˣ Log x
Cả hai giải không được bài toán đó (dĩ nhiên, là bởi không thể lấy Nguyên Hàm của tích của 2 hàm số đó, là điều mà mấy năm sau tôi mới tìm biết ra được). Nhưng từ đây, một trao đổi thú vị về Vi – Tích nổ ra râm ran nóng bỏng giữa 2 đứa tôi. Vi phân và Tích phân, phát minh quan trọng vào cuối thế kỷ thứ 17 và là nền tảng của Giải Tích học làm thay đổi văn minh nhân loại sau đó 2 thế kỷ, luôn là một đề tài hấp dẫn với bọn tôi bấy giờ.
Và cũng từ đây, ký ức tôi quay về với một người Thầy mà tôi –và nhiều bạn học- rất ngưỡng mộ, kính sợ vì tầm hiểu biết quá rộng bao trùm của ông và biết ơn ông vì được thụ nhận nơi ông một phương pháp truyền kiến thức siêu tuyệt có một không hai, ngắn gọn, chính xác, cao tột và giúp hiểu rộng nhớ lâu và giúp mở đường cho môn đồ rộng bước về sau nếu chịu khó cầu học trên đường đời.
Đó là thầy Thích Tuệ Không.
Không ai biết ông từ đâu về ngự ở thành phố Hội An khoảng 1971.
Không ai biết ông có phải là Tăng sĩ Phật giáo hay không dù ông mang tăng thân với đầu đã xuống tóc, ăn chay trường và không bao giờ mặc cái gì khác hơn là tăng y nâu sồng.
Không ai biết trình độ học vấn của ông tới đâu, có văn bằng gì, nhưng không ai không chết khiếp trước ông vì ông giỏi mọi mặt, từ giáo khoa cho bọn học trò trung học như Toán, Lý, Hóa, Triết, Văn chương, Thi phú… cho đến kiến thức phổ thông, chính trị sử quan, khoa học, ngoại ngữ Anh-Pháp, địa lý và cổ văn. Thầy dạy Toán của bọn tôi ở trường trung học Trần Qúy Cáp Hội An, ông Nguyễn Như Thọ rất thân và thần phục thầy Tuệ Không. Về sau từ 1973 thầy Thọ là Trưởng Ty Giáo Dục Quảng Nam, có soạn sách giáo khoa (Toán) luyện thi Tú Tài thời Trung Tâm Trường Thi Saigon xuất bản khoảng 1972 - 1975… là người đã nói: “bọn mình chỉ đáng xách dép cho thầy Tuệ Không mà thôi” mỗi khi lên lớp dạy bọn tôi ở trường. Nên biết, thầy Thọ với thầy Nguyễn Hữu Ngọc là 2 tên tuổi Giáo sư Toán ‘huyền thoại” của trường Trần Qúy Cáp Hội An suốt thập niên 1960’s, tức mười năm trước khi ngôi sao Thích Tuệ Không xuất hiện. Thầy Thọ còn bảo, thầy Tuệ Không là một túi thơ Đường, thêm nữa, ông có biệt tài làm Văn Tế hay tuyệt và mau lẹ.
Thời tôi bắt đầu theo học với Thầy Tuệ Không -1972- tôi đã thấy biết ông Phó Tỉnh Trưởng thường hay đến Vô Ưu Tịnh Cốc của thầy chơi và nói chuyện hàng giờ, mỗi khi thấy 1 chiếc xe hơi đen bóng đậu trước Cốc là học trò biết ngay thầy có khách là ai. Các ông Trưởng Ty cũng thường đến Cốc thăm Thầy và ông nào cũng giữ phép tắc cung kính. [Cũng nên biết thời trước các Ty Sở trưởng đều là người có thực học, các vị đều phải đỗ Tú Tài rồi ứng thí vào Viện Quốc Gia Hành Chánh (trên đường trần Quốc Toản Saigon) theo học 5 năm một học trình nặng ký và rất rộng từ kinh tế, chính trị, bang giao v.v... khi tốt nghiệp mới được bổ nhiệm vào các chức vụ các Ty Sở trưởng (sau 1969 – 1970), còn trước 1967-68 các vị tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh làm tới Phó Quận Trưởng Hành Chánh hoặc Chủ Sự Tòa Hành Chánh Tỉnh hoặc Phó Tỉnh Trưởng.]
Không ai biết tuổi tác Thầy thế nào nhưng trong trí óc non nớt của tôi còn đọng lại, thời ấy ông chưa tới bốn mươi. Ông có một tướng lạ là hai tay dài tới đầu gối, lưng dài sọc và bước chân đi sải những sải bước lớn bọn học trò theo không kịp.
Ông nói giọng nửa Bắc nửa Nam, tiếng nói sang sảng dứt khoát, thích ăn trầu và mỗi khi dạy học thường uống rất nhiều nước. Một buổi dạy học 4 giờ đồng hồ ông phải uống tới 4, 5 bình chè lá to.
Ông đặc biệt thích và thương những học trò giỏi, chăm chỉ và chịu khó tìm hiểu, rất thích được học trò hỏi hàng bao nhiêu câu hỏi cũng được để làm sáng tỏ bài học. Ông không ngại nhọc công khi có học trò tới học hỏi, dù có 1 đứa ông cũng nhiệt thành như trong một lớp đông. Dường như cái kho hiểu biết của ông quá tràn, cần xẻ chia bớt cho vơi nhẹ đi hay sao ấy. Ông cực kỳ thông minh và ứng biến nhậm lẹ mọi chuyện trong đó sắc bén nhất là Tu Từ Học. Và còn một điều kỳ diệu: Thầy Tuệ Không dạy học trò hoàn toàn miễn phí.
Không ai biết Ông được nhà Mạnh Thường Quân nào đứng ra nhận lãnh phần cán đáng nơi ở cũng là nơi dạy học trò, thường cũng chỉ rất đơn sơ đạm bạc và đặt tên là Vô Ưu Tịnh Cốc nhưng chứa bên trong là lượng học trò đầy ắp và lượng kiến thức bao trùm và sắc cạnh khác hẳn chương trình giáo khoa của Bộ Quốc Gia Giáo Dục hiện hành. Do đó những bạn học sinh nào chịu học với thầy, tôi nhận thấy về sau khi đã lớn đã già, vẫn còn mang đậm một cái nét riêng xuất thân từ cái lò Vô Ưu Tịnh Cốc huyền thoại đó. Từ đó tôi bỗng nhận ra rằng Vai trò Cá nhân người Thầy cùng Bản lãnh Truyền thụ luôn phải được đặt ưu tiên hàng đầu trong một nền Giáo Dục chân chính.
$pageOut$pageIn 05
Lý thuyết về Vi Tích
Một nền Giáo Dục chân chính, là gì? Nếu bạn hỏi vậy, tôi xin thưa:
Là nền Giáo Dục dạy con người thành người. Giản dị như Cha Mẹ muốn dạy con nên người, nền Giáo Dục chân chính phải chăm lo gieo trồng cho cây giống mọc lên, lo chăm cho cây ưu khỏe không nhiễm bệnh, lo vun bồi cho cây lớn mạnh rồi cây sẽ tự biết tìm phương tăng trưởng theo sức sống tiềm ẩn sẵn có trong mỗi loài không loài nào giống loài nào chả khác chi thực tế quần thể nguyên sinh màu mỡ nơi thiên nhiên mà không ai không biết, một thực tế giản dị mà không ai chối cãi lại được và không cần phải lý thuyết vẽ vời lắm lời rối mắt ù tai. Đó là nền Giáo Dục của Tự Do và tôn trọng Nhân Bản (Humanity): lấy giá trị con người làm tối thượng.
Nếu có một nền Giáo Dục nào khác muốn biến con người thành con cừu thì đó là Tà Giáo. Nó không cho người ta làm người mà chỉ muốn bắt người ta nói, học thuộc và nghĩ rặt một giáo điều do nó vẽ ra để nô dịch hóa con người. Nó không cho người ta suy và nghĩ khác với kiểu nghĩ suy của nó. Nó tước đoạt Tự Do của Người. Đó là Tà đạo Phi nhân (unhuman miscreance) của Quỷ đọa chà đạp con người, nó đè bẹp giá trị con người xuống đất đen, nó xây dựng ngôi vị thống trị ngông cuồng cho nó trên cái Chết của Người.
Nền Giáo Dục chân chính ươm mầm sáng kiến và khuyến khích Sáng tạo phát sinh, tạo ra nhân tài phát minh, đem lại sự Sống cho nhân loại, làm con người thành Người và xây dựng trần gian đầy ánh sáng thăng hoa.
Còn Tà Giáo, Tà Đạo làm ung thối hạt mầm sáng chế sáng kiến, thui chột nhân tài và chỉ đem lại sự Chết cho muôn loài, hạ sát tính Người, biến con người thành con Thú, dìm cõi thế trong đêm đen tăm tối của địa ngục trần gian.
Ngồi điểm lại ký ức về những người Thầy, những bậc Ân Sư như Thầy Thích Tuệ Không, Thầy Vũ Ngọc Châu (tức nhà văn Chu Ngym Vũ – nhà dịch thuật Chu Minh Thụy, tôi sẽ viết riêng trong một chương sau), quý Thầy cô, Giáo sư đã dạy tôi thời Tiểu học cho đến hết Trung học ở Hội An trước 1975 … tôi đã tự nghiệm ra những điều đó, và mạnh dạn viết ra những định nghĩa đó.
Bài học đầu tiên làm trí tôi lóe sáng ra, lột xác không còn là một đứa trẻ nít nữa (khi mới sang tuổi 15) là bài “Lý thuyết về Vi-Tích” của Thầy Tuệ Không. Dàn bài quen thuộc của ông cho mỗi bài học quan trọng là: “Đại Cương – Định nghĩa – Tính chất - Ứng dụng” Tôi đã ghi chép cẩn thận từng lời ông trong một cuốn vở học trò (cuốn vở 100 trang mang nhãn hiệu “Cyclo máy” quen thuộc thời đó), tiếc là quá nhiều “binh biến” hơn 4 chục năm qua tôi đã không còn giữ tập vở lại được, nhưng những lời Thầy dạy tôi còn nhớ như in nhất là nơi phần lời giới thiệu của 2 mục Đại Cương và Ứng dụng.
Từ đây, những khái niệm Tân Toán học với các thuật ngữ toán mới toanh như tập hợp, trường, các phép căn bản như giao ∩, hội ∪, hàm ⊂, cao hơn như Phép Áp, Hàm số v.v…), các phép toán Giới hạn, Đạo hàm, Vi phân, Nguyên hàm (Tích phân) v.v… bỗng dễ hiểu sáng tỏ và đầy hấp dẫn, lôi cuốn học trò vào một chân trời khám phá đầy hăng say thú vị, Toán học không còn “khô khan” hay cứng nhắc như người ta thường nghĩ nữa.
Cũng từ đây, bọn học trò tụi tôi lao vào những phép biện luận, những bài Khảo sát Hàm số đầy “mộng mơ” như hàm bậc 2 (Parabol), hàm nhất biến, hàm hữu tỷ (Hyperbol), hàm tuần hoàn (hàm lượng giác) và độc đáo nhất là hàm vô tỷ (có biến số x nằm dưới căn số bậc 2 √ ̅ ) một cách thích thú, giải xong bài toán vẽ cẩn thận những đường biểu diễn trên hệ trục tọa độ Descartes đẹp như mơ trên trang giấy tinh khôi, ai còn dám bảo Toán học không phải là một bài thơ khác của trí tuệ con người?
Cũng từ ông, ngay năm học đệ Nhị đó, tôi được mở mắt khi nghe ông giảng thêm 2 nền hình học khác Euclide, phi Euclide (non-Euclidean), đó là hình học Lobachevsky (Nikolai Ivanovich Lobachevsky, người Nga [1792-1856]) và hình học Riemann (Bernhard Riemann, người Đức [1826-1866].
Nếu định đề Euclide bảo rằng “từ một điểm ngoài một đường thẳng, người ta chỉ có thể vẽ được một được đường thẳng khác song song với đường thẳng đó và chỉ một mà thôi” thì với Lobachevsky: “từ một điểm ngoài một đường thẳng, người ta có thể vẽ được vô số đường thẳng khác song song với đường thẳng đó”, và với Riemann: “từ một điểm ngoài một đường thẳng người ta không vẽ được đường thẳng nào song song với đường thẳng đó cả”.
Hình học Euclide cho ta mặt phẳng, là hình học phẳng.
Hình học Lobachevsky cho ta mặt phẳng cong.
Hình học Riemann cho ta mặt cầu đa chiều.
Nếu Euclide có công khai sinh ra ngành Hình học cổ điển từ hai ngàn năm trước thì Lobachevsky và Riemann khai sinh ra ngành Không gian học tân kỳ. Lý thuyết hình học toán học của cả Lobachevsky lẫn Riemann còn giúp phát triển Vi-Tích và ngành Giải tích học, có tầm quan trọng mở đường cho phát minh Thuyết Tương Đối của Albert Einstein (1879-1955, người Đức) vào năm 1905.
Hiểu biết này làm tất cả bọn học trò như tôi mở thêm một tầm mắt lớn mà không chờ tới ngày bước vào Đại học, có tầm giá trị lớn cho người học toán trong suy tư trước vạn vật: sự độc tôn độc tài chỉ là một thứ ảo vọng vô nghĩa và vô giá trị. Một điều có thể từng là chân lý thống trị, sẽ tới một ngày nọ, dù mau dù lâu, sẽ bị lật đổ và thay thế.
Trên tất cả, toán học cho người học trò một phép suy tư và ứng xử đầy luận lý (logically), nói có sách mách có chứng, tự biết đúng biết sai, không dám nói càn, không ngụy biện, biết tôn trọng sự thật và biết tự chế. Toán học như chiếc dây cương ghì giữ bản tính ngông cuồng mông muội vốn dĩ của con người, toán học còn là cây kim chỉ nam không cho người lạc lối giữa cuồng mê tham vọng thấp hèn vì chỉ một thoáng buông thả cho những dục vọng mê tâm xâm chiếm thì đường biểu diễn trên biểu đồ sinh đạo chỉ còn một hướng chĩa xuống lối về vô cực âm -∞.
Trên một ý nghĩa khác, Thầy Tuệ Không đã dạy Toán như thể làm thơ để gieo những bài học Toán lý thú thời trung học mọc sâu nơi tâm trí học trò cho đến lớn và có phải chăng một người Thầy dạy Toán không chỉ giỏi Toán mà còn cần giỏi Triết học và Văn chương Thi phú nữa?
[ còn tiếp ]
$pageOut $pageIn 06
Triết, Thơ Đường và Văn Tế
Triết
Một buổi học sáng (giờ vào học là 7:30AM) tháng Mười (1974), là khoảng thời gian đầu mùa mưa trong năm, Hội An thường có những đợt mưa dầm. Sáng đó dù trời mưa tôi vẫn chăm chỉ tới lớp đúng giờ và ngạc nhiên khi thấy lớp vẫn đông đủ (thường là sĩ số không dưới 50), là giờ học Toán. Tôi có cảm tưởng hôm ấy Thầy Tuệ Không có tâm trạng gì không vui thì phải, giọng ông trầm nhỏ lại chứ không vang to sang sảng như mọi khi. Và cả lớp còn ngạc nhiên hơn khi ông không nói gì, quay lên bảng viết một mạch 8 đề toán hình học giải tích bằng … Anh ngữ!!!
Cũng cần phải nói rõ là trong bao năm đi học với ông, tôi chưa bao giờ thấy ông cầm trên tay bất kỳ một tài liệu sách vở gì hết. Cái Thầy cần nhất là cảm hứng, khi thì ông giảng bài thao thao mạch lạc với Toán, Lý Hóa khi thì hùng biện, uyên áo với Triết, khi thì thơ mộng bay bổng với Quốc Văn, Thơ Truyện … tất cả đều cứ như từ cái kho vô tận nào trong bộ óc thông tuệ của ông tuôn chảy ra theo lời giảng hoặc qua bàn tay thoăn thoắt viết nhanh những dòng trên bảng, từ bài học cho đến đề toán.
Các bạn học không ai bảo ai, cũng không ai dám hớt lẻo nhào nhao như mọi khi khi thấy một sự lạ, tất cả im lặng nhanh tay chép lấy chép để các đề toán đang hiện dần ra trên tấm bảng đen. Đây là lần đầu Thầy ra đề Toán bằng tiếng Anh! Thời trước, học trò trung học chúng tôi luôn biết 2 ngoại ngữ, hoặc Anh văn -sinh ngữ chính- và Pháp văn -sinh ngữ phụ, hoặc ngược lại, cho nên việc chép đề toán Anh ngữ là bình thường thông suốt chả khó gì. Cái khó là dịch các đề ấy sang tiếng Việt là việc mà vốn trình độ học sinh bậc trung học đương thời sẽ gặp chút nan giải ban đầu còn lạ lẫm vì chưa từng được học, chưa từng làm quen.
Chừng nửa giờ đồng hồ sau, khoảng hơn 8 giờ sáng, bên ngoài trời vẫn mưa rả rích, tấm bảng đen đã đầy kín những dòng phấn trắng thì một “cu cậu” bạn học đi trễ xuất hiện ở cửa lớp, vừa rụt rè cởi áo mưa ra vừa đưa mắt dè dặt nhìn Thầy.
Ông hững hờ quay ra: “mấy giờ rồi anh?”
- Dạ thưa Thầy trời mưa. Anh vòng tay lễ phép trả lời.
Cả lớp ai cũng ái ngại thầm lo cho anh chàng đi học trễ … thì bỗng ông Thầy buông phấn cười thích thú:
- Các anh nghe chưa, tôi hỏi mấy giờ thì anh ta trả lời trời mưa!
Lần đầu tiên trong một buổi học sáng gió mưa trời buồn, mới thấy ông Thầy cười. Ông còn chưa hết thú vị, đi đi lại lại nói nhẩm: “mình hỏi mấy giờ thì anh ta bảo trời mưa”.
Ông bảo người đi trễ: “anh vào đi”
Cả lớp bỗng hiểu ra, thì ra ông Thầy rất thích với những trường hợp câu chữ hỏi đáp có tính Tu Từ Học dù nhỏ như thế.
- “mấy giờ rồi anh?” = tại sao anh đi trễ?
- “Dạ thưa Thầy trời mưa” = vì trời mưa nên mới bị trễ
Chỉ vậy thôi đó, mà ông thích và cười, bầu không khí hơi căng thẳng ban nãy như được giải tỏa, cả lớp lại nhào nhao vui lên.
Không Toán nữa, từ không khí cởi mở vui lây đó, ông bảo anh mới vào chép các đề toán trên bảng để ông chuyển sang dạy Triết. Hôm nay các anh sẽ học Francis Bacon.
Thỉnh thoảng Thầy vẫn nổi hứng bất chợt như thế, chỉ cần một lý do hợp tình hợp lý nào đó là cũng gây hứng cho ông. Tôi thấy ông đặc biệt thích Triết học. Ông viết lên bảng dòng chữ Francis Bacon thật đẹp, và “điệu đàng” nữa. Bài học hôm ấy là “Kinh nghiệm”. Tôi vẫn tiếc nhiều những tập vở thời đi học với Thầy nay đã bị mất hết. Nhưng tôi không bao giờ quên cái ấn tượng ông để lại nơi học trò qua những bài giảng Văn –Thơ - Triết ứng khẩu đầy thơ mộng, bay bổng và đẹp như một dải lụa đào. Những bài giảng ấy không bao giờ có trên bất cứ sách hay ấn bản nào dù là khảo cứu hay sách giáo khoa. Các sách giáo khoa Triết (dành cho lớp 12 ABCD bậc trung học) thì cốt cung cấp kiến thức đúng là “giáo khoa”, rõ ràng và vừa đủ. Các sách khảo cứu thì mở rộng nhiều nhưng tùy vào cách diễn đạt và văn phong của mỗi tác giả, sách sẽ có lối trình bày ít nhiều mang nét riêng của tác giả đó. Nói chung cả sách khảo cứu khảo luận hay sách giáo khoa Triết (mà tôi đã đọc hồi đó -ít, cũng như sau này – rất nhiều) tôi nhận thấy vẫn có một vẻ hơi “cứng nhắc”, chứ không “mềm như lụa” của Thầy Tuệ Không, trừ có sách của một vị: Trung niên Thi sĩ Bùi Giáng [1926-1998].
Trong lối Thầy Tuệ Không giảng Triết, tôi có cảm tưởng ông không nhìn các Triết gia hay các chủ đề Triết học bằng / qua cái lăng kính của Cái Tôi tiểu ngã, mà ông như đã thể nhập với Cái Ngã của nhà Triết học hay của chính chủ đề. Francis Bacon [1561-1626] là Triết gia người Anh chủ trương Duy Nghiệm (Empiricism), nhưng qua lối Thầy Tuệ Không giảng, bọn học trò chúng tôi không còn thấy khô khan quá hay uẩn áo quá hay xa vời quá, mà bài “Kinh nghiệm” sáng hôm ấy được cả lớp háo hức thu nhận một cách ngọt ngào và khó quên.
Thơ Đường và Văn Tế
Tôi không thạo và không thích lắm thơ Đường, nhưng ắt là không phải tự dưng mà nhiều Giáo sư, nhân sĩ Quảng Nam tôn ông là “một túi thơ Đường”.Dưới đây là một bài thơ Đường của ông mà một anh bạn học lớn hơn tôi lớp còn nhớ:
Hội An cảm đề
An Hội khách hoài cảm nước non,
Phố thi hồn mộng phải chăng còn?
Ngàn mai cánh nhạn tin hồ hải,
Khách lữ đường xa ý sắt son.
Chan chứa tứ thơ trời đất mộng,
Luyến lưu tình ngọc lối đường mòn.
Lan tràn nước sóng triều dương động,
Nhàn tác cảm đề vận ví von.
o O o
Sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 chiến sự gia tăng ác liệt nhất là ở Vùng I. Nhiều quận ở miền ngược của Quảng Nam như Quế Sơn, Thượng Đức không còn được an ninh tốt như trước. Nhiều lớp học trò trung học từ các nơi ấy phải tản cư về tỉnh lỵ Hội An học tiếp. Các bạn thường hay về quê nhà định kỳ lấy gạo xuống Hội An trọ học, và có lần vào 1973, một xe đò chạy đường Hội An - Quế Sơn bị trúng mìn do VC cài đặt, đã bị nổ tung, hành khách chết thảm rất nhiều trong đó có đến tám học sinh trường Trần Quý Cáp.
Lần đó, Ty Giáo Dục Quảng Nam tổ chức một lễ truy điệu trọng thể. Theo lời thỉnh cầu của Thầy Nguyễn Như Thọ lúc ấy là Trưởng Ty Giáo Dục, Thầy Thích Tuệ Không đã sáng tác bài “Văn Tế Học Sinh Trần Quý Cáp Hội An Tử Nạn Vì Mìn Của Việt Cộng”.
Tôi may mắn còn nhớ được (thiếu đoạn chót) bài Văn Tế đó, xin chép ra đây hầu bạn đọc:
Văn Tế Học Sinh Trần Quý Cáp Hội An Tử Nạn Vì Mìn Của Việt Cộng
“Than Ôi,
Gió thảm mưa sầu trời tung đất nổ
Phố Hội An vẫn đó học trình
Bao người tuổi trẻ vô phần
Đường non Quế bỗng đâu bão tố
Nhớ Linh xưa,
Đất nước văn giai con nhà lễ độ
Tại thôn dã ân cần tháo vát
Tiếng song phương đồng tọa không hờn
Vào học đường chăm chỉ siêng năng
Danh ngũ phụng tề phi chẳng hổ
Úy thôi rồi,
Xuân trẻ mịt mờ vàng son loang lổ
Khởi từ thấy côn đồ sanh loạn
Bao kẻ gan sôi
Vừa kịp nghe môn đệ tử thương
Lắm người lệ đổ
Thương là thương tuổi trẻ hữu tình
Thầy bạn buồn, Cha Mẹ khổ, con đường xưa cam gởi thiên thu
Tiếc là tiếc đầu xanh vô tội
Gia đình tủi, học đường sầu, cuốn sổ mới đành theo vạn cổ
Từ đây,
Tre quạnh quẽ niềm hoài cổ độ
Đành xa vời lạc lõng cửu trùng thiên
Măng mơ màng giấc mộng tuyền đài
Thôi vĩnh viễn nhạt nhòa tam xích thổ.......
.............................
(nhân đây, xin bạn cựu học nào còn nhớ bài văn tế này thì bổ túc giúp tôi với, chân thành cám ơn trước).
$pageOut$pageIn 07
Thầy Tuệ Không và Cha Lê Như Hảo
Thất thủ Hội An – Đà Nẵng
Những ngày xám xịt ảm đạm đến với Hội An rất sớm, chẳng bao lâu sau cái Tết Ất Mão hạnh phúc cuối cùng của dân miền Nam quốc gia chúng tôi, khi mất Quảng Trị, rồi mất Huế, (làm ta nhớ tới việc Tướng Giai bị Tòa Án Quân Sự Mặt Trận lột lon, bỏ tù vì để mất Quảng Trị trong thời điểm tiền-mùa hè đỏ lửa 1972), trong khoảng thời gian kế đó, đầu tháng 3 / 1975, tôi còn nhớ có đọc trên một tờ báo, báo gì không nhớ rõ vì tôi còn nhỏ quá, một bài viết của Phan Nhật Nam đau đớn và tức tối phân tích, nhận định tại sao vô lý bỏ Kontum...
Tôi có cảm tưởng một sự biến lớn đang đến gần, từ mất Phước Long, mất Quảng Trị, Huế rồi Ban Mê Thuột, Kontum, lẽ nào sau cái xám hoang mang ấy là đỏ hẳn?
Trong không khí dầu sôi lửa bỏng đó, trường tôi lại tổ chức thi Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt cho cả trường, sớm hơn thường lệ hơn 1 tháng, càng tăng thêm một vẻ gì gấp gáp đổ vỡ gần kề.
Không một người dân nào ở quê tôi mà lại không kinh hãi giặc cộng, dù họ ở vào tầng lớp nào, bởi những giết chóc kinh hoàng nom thấy rõ ràng hiển nhiên mà VC đã gây ra trong hàng chục năm chiến tranh, cho nên khi lệnh báo động đỏ loan ra vào trưa ngày 21 tháng 3 / 1975, ai ai cũng nghĩ đến việc bỏ Hội An chạy ra Đà Nẵng, nơi gần nhất còn an ninh, như là một phản ứng thoát thân sống còn tự nhiên. Cả nhà tôi bỏ chạy ra Đà Nẵng vào chiều tối ngày 21 tháng 3 / 1975.
Hồi ấy Tỉnh Trưởng Quảng Nam là Đại Tá Phạm Văn Chung 1, về sau nhờ thầy Tuệ Không- tôi mới biết là Đại Tá lệnh cho Tòa Hành Chánh tỉnh đưa xe đến mời Cha Hảo (Cha Phêrô Lê Như Hảo 2, Cha đỡ đầu của Tổng Thống Thiệu) ra Đà Nẵng cho an toàn, nhưng Cha Hảo không chịu đi, bỏ giáo dân, mãi gần đến giờ G, Cha mới tạm lánh ra Đà Nẵng trú tại nhà thờ Thanh Bồ Đức Lợi.
Sau nhiều chỗ ở nhờ khác nhau trong vòng có mấy ngày, ngày 27 / 3/ 1975 cả nhà tôi đến trú tạm trong trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) Đà Nẵng, 1 ngôi nhà nhỏ đơn sơ nhìn sang bên kia đường là Tòa Thị Chính Đà Nẵng (tôi quên tên đường rồi). Lúc này trụ sở VNQDĐ gần như không còn ai.
Lúc 3 giờ chiều ngày 29 tháng 3 / 1975 tôi chứng kiến xe tăng cộng sản tiếp cận Tòa Thị Chính. Chiếc xe tăng của Nga chở vài bộ đội VC nón cối trông xơ xác chẳng có chút gì là một cuộc gọi là tiến chiếm chiến thắng cả. Gần như tất cả các cơ quan quân sự dẫn dân sự của thị xã Đà Nẵng đã di tản vào Nam hết vào trước đêm 28 / 3/ 1975. VC vào một thành phố bỏ không, chả chiến thắng đánh đấm gì!!!
Sáng hôm sau, 30 / 3, tôi chở Má tôi bằng xe Honda về thăm nhà Hội An, bà quá sốt ruột vì 8 ngày trước khi vội đi nên quên chưa cúp cầu dao điện, một phần khác bà cũng muốn về nghe ngóng tình hình xem sao, nếu ổn thì dời cả nhà về lại vì bầy con dại, cảnh ở tản cư rất bất tiện. Cha tôi thì ôm súng đi trú với các đồng chí VNQDĐ của ông ở một nơi bí mật khác cũng ở Đà Nẵng, không liên lạc được.
Nhờ chuyến về Hội An ngày 30 /3 đó mà tôi mới có một cơ duyên hãn hữu gặp được Cha Lê Như Hảo, Cha Chánh Xứ Nhà Thờ Đạo Hội An.
Sau khi thăm nhà qua loa yên ổn là vừa gần trưa, thấy còn sớm, nhớ tới Thầy Tuệ Không nên tôi nói Má tôi cùng lên Cốc thăm Thầy có an ổn không. Cả thành phố tuy yên tĩnh nhưng sinh động ngày nào, nay chỉ còn là một cái xác không hồn, người đâu chẳng thấy, phố phường như những con đường chết ngay cả đám nón cối dép râu cũng không thấy nhiều như tôi tưởng tượng khi còn ở Đà Nẵng. Cả thành phố vắng tanh.
Hai Mẹ con tới Cốc (ở gần Ngã Ba Tin Lành) là gần 11:00AM. Gặp được Thầy Tuệ Không ngay. Ông từng xuống nhà tôi chơi rồi, hồi ấy ông thương tôi lắm vì thấy tôi siêng học, giải sạch một cuốn bài tập Lượng Giác dày cộm đến độ làm ông cũng ngạc nhiên ... nên ông thương tôi ra mặt, nhiều lần hẹn giờ bảo tôi lên chở ông xuống nhà thăm Ba Má tôi vài lần, tôi rất lấy làm vinh dự.
Tôi không thấy Thầy tỏ vẻ gì lo sợ nhưng không dấu được nỗi chán chường. Ông gây cho tôi cái cảm giác tuy mơ hồ “rằng Saigon cũng lâm nguy”. Cốc đã đơn sơ nay như nhuốm vẻ tiêu điều thê lương hơn. Lớp học với bàn ghế học trò phấn trắng bảng đen tri thức ngày nào, nay chơ vơ ảm đạm.
Gặp lại Má tôi với tôi, ông rất mừng khi cả nhà tôi an toàn hết. Ông mời Má tôi uống nước chè, ân cần căn dặn nhiều thứ phải đối phó với cộng sản trong những ngày tới nhất là dặn kỹ về Ba tôi phải lánh đi khỏi như thế nào. (Năm đó Ba tôi 52 tuổi-cùng tuổi với Tổng Thống Thiệu, Má tôi 42).
Khi 2 Mẹ con tôi hỏi lại Thầy, tỏ vẻ lo âu cho Thầy, thì ông trầm ngâm, nói mơ hồ không tự tin lắm, rằng ông có 1 người bạn, ông Trần Trung Đặng, là 1 VC cao cấp về tiếp quản Hội An ngày Hội An thất thủ 28 /3 / 1975 (trước Đà Nẵng 1 ngày). Nhưng tôi không tin. Không tin mà không dám nói gì hết. Nỗi thương đau mất mát trong những giờ khắc đó chẳng khác nào nỗi bi thương của một người có tang, có khi còn đau hơn nỗi đau tang tóc nhiều lần!!! Nỗi bi thương tận tim máu đã biến con người mình thành vụt lớn lên trước tuổi, già đi trước tuổi và lòng sùng tín vào chính nghĩa quốc gia sừng sững bền bỉ như núi cao không gì lay động được. Phải nhiều năm sau tôi mới biết linh cảm đó của mình không sai. Việt cộng đã giết hại Thầy năm 1981 bằng thuốc độc.
Trước khi từ giã, ông lấy giấy bút viết vội một lá thư bỏ vô phong bì, nhờ Mẹ con tôi mang ra trao tận tay cho Cha Lê Như Hảo ở khu Gíao xứ Thanh Bồ Đức Lợi Đà Nẵng, chỉ vẻn vẹn vậy thôi, không có địa chỉ cụ thể nào. Ông cho biết, ông với Cha Hảo rất thân nhau, là điều mà trong suốt những năm theo học với ông tôi không biết.
Tôi phải lùng tìm hết hơi mới được gặp Cha để trao tận tay thư của Thầy Tuệ Không, vì giáo dân không chịu chỉ chỗ trú của Ngài. 2 Mẹ con tôi gặp được Cha Hảo là đã gần 4 giờ chiều ngày 30 / 3 / 1975, tại một căn nhà bình thường trong khu Gíao xứ đầy cát trắng. Cha mừng khi có thư nhưng cũng như Thầy Tuệ Không, không vui gì. Cha đọc thư xong, ít hỏi han chúng tôi vì có lẽ việc trao thư đã nói lên tất cả đây là những con người hoàn toàn tin cậy được. Cũng như Thầy Tuệ Không, Cha căn dặn Má tôi nhiều về Cha tôi, không cho Cha tôi về lại Hội An vì thể nào cũng gặp họa. Cha có nói với Má tôi về Tổng Thống Thiệu, nguyên văn: “... đã không nghe lời tôi, đi nhiều nước cờ bậy quá ...”.
Đó là lần cuối cùng tôi không còn gặp lại 2 vị tiền bối khả kính là Thầy tôi và Cha Hảo nữa.
Tháng Tư đen, tôi mất nước, đồng bào tôi mất nước, người yêu tự do miền Nam mất tự do, thế hệ chúng tôi mất hết tương lai. Mất cho tới hôm nay và nhìn thấy còn nhiều người khác, nhiều thế hệ khác sanh sau chúng tôi vẫn đang mất nặng nề mà hoặc họ biết hoặc lờ đi không đủ dũng khí để thừa nhận là bị mất. Mất hết vào tay một bầy quỷ đỏ khát máu, ngu si, vô học dốt nát và phản quốc-bán nước.
Tháng Tư đen 2019
LTC
1 Đại tá Phạm Văn Chung, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 369 TQLC/VNCH, đơn vị có công lớn sau khi di tản khỏi Quảng Trị vào ngày 1-5-1972 đã rút về trấn thủ chắc nịch phòng tuyến Mỹ Chánh, chận họng hoàn toàn đường tiến quân của Bắc Việt, nhờ đó quân ta đã lập được hàng rào an toàn cho Thừa Thiên Huế trong suốt trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 khi Cộng sản Bắc Việt lột mặt nạ xua quân qua vùng giới tuyến - phi quân sự vỹ tuyến 17 để ra mặt xâm lăng VNCH vào đầu tháng 4 - 1972. [ TQLC = Thủy Quân Lục Chiến ]
2 Cha Phêrô Lê Như Hảo [1925-2012]
Quê làng Phú Hạ, Túy Loan, quận Hiếu Đức, tỉnh Quảng Nam
1962 - 1974: Quản xứ Trà Kiệu
1974 - 2003: Quản xứ & Quản hạt Hội An
$pageOut$pageIn 08
Hội An miền quê hương văn vật nhân hòa
Là tỉnh lỵ của một tỉnh nhỏ đầu Vùng I Chiến thuật, nằm cách quốc lộ số 1 10 cây số về hướng biển, sát với bờ biển Cửa Đại, An Hải … Hội An nhờ vậy mà được yên tĩnh, trầm lặng. Hội An là một trung bình cộng của 2 tính cách sinh động xô bồ của Đà Nẵng và cổ kính âm u của cố đô Huế.
Không ai phủ nhận tính cách ham học của người Hội An, dẫu trong bao năm chiến tranh, không khí khuyến học đã có nếp từ xa xưa ở đây vẫn bền bỉ ngự trị. Trường trung học Trần Qúy Cáp là nơi hun đúc nhân tài cho Quảng Nam nói riêng, cho toàn quốc nói chung và bầu khí Trị Học ấy là truyền thống mặc nhiên từ thuở Ngũ Phụng Tề Phi 1
Là người được may mắn và vinh dự sinh ra và lớn lên ở Hội An, tôi chứng kiến rõ nguyên quãng đời niên thiếu ở Hội An quê tôi, một truyền thống hay chữ, ham học, ngự trị tất cả mọi lĩnh vực đời sống. Một giá trị chung mặc nhiên, phổ quát với tất cả mọi tầng lớp công dân là Duy Học, nghĩa là Học Tài của cá nhân là thước đo, là chuẩn định cho vị trí, cho giá trị cũng như địa vị của người đó trong xã hội.
Người có quyền thế, chức vị hoặc chủ hãng buôn, giới trọc phú v.v.… tuy họ có mãnh lực trong các mối tương tác xã hội nhưng đứng trước người có Học Tài tay trắng dù trẻ tuổi hay cao tuổi, những ưu thế quyền uy kia vẫn tự nhiên bị lếp vế và tỏ rõ sự nhún nhường, kính trọng, một cách tự giác. Cái bầu khí Trị Học được trọng thị rõ ràng như thế đã khiến người người ham học và tôn trọng tài năng. Bầu khí đó như một thỏa ước bất thành văn duy trì trật tự xã hội, một trật tự mọi người tự nguyện tuân theo mà không cần bất kỳ một thứ luật lệ luật pháp (hay “quy định” “quy trình” nói theo lối lưu manh điếm đàng của chế độ cộng sản Hà nội gần đây) nào can thiệp.
Thời trung học, trong lớp tôi có một bạn là cháu của ông Tỉnh trưởng, hai bạn là con của ông Trưởng Ty Cảnh Sát, nhưng các bạn ấy lặng lẽ khiêm nhường vì học lực họ trung bình. Niên khóa 1970-1971, trường tôi có anh Nhi (lớn hơn lứa tôi 6 lớp) học rất giỏi, đã đỗ Tú Tài hạng Tối Ưu, được du học học bổng quốc gia, đem vinh dự về cho trường. Anh Nhi chỉ là con của một bác xích lô ở xóm Kiến Thiết, nhưng tương lai và triển vọng địa vị của anh trong vòng vài năm tới như đã được phân định cao thấp rõ ràng mà con nhà các thế quyền hay triệu phú không thể nào có được.
Người có học là có trình độ thực, thậm chí lắm khi họ khiêm nhường, ẩn dấu bớt tài năng vì ai cũng ngại sự lố lăng khoe mẽ tự phụ. Người học kém hơn cũng tự biết thân biết phận, chăm lo trau dồi thêm cho bằng chúng bạn, tuyệt không có lối hí hố bố láo như thời cộng sản sau này, lại càng không bao giờ có cái gọi là “bằng giả” một cách quái thai quái gở như cộng sản đã sản sinh ra trong gần 2 chục năm vừa qua. Một học sinh lớp đệ Tam e dè kiêng nể một anh, chị học đệ Nhị và càng thua kém trước các anh, chị lớp đệ Nhất, vì trình độ xa biệt thấy rõ. Trên - dưới rõ ràng, một hệ tôn ti trật tự hiển nhiên! Năm học đệ Tam, tôi đã đi dạy kèm các bạn đệ Ngũ, đệ Tứ một cách dễ dàng và nhờ đó tôi tự túc mua các sách giáo khoa hoặc tự điển cần thiết mà không phải níu áo Mẹ xin tiền.
Ngoài kiến thức giáo khoa trung học lẫn kiến thức phổ thông bọn tôi được các Giáo sư dạy cho, thì Thư Viện của trường là cả một kho hiểu biết ngút ngàn. Tại đây, từ những năm đệ Tam đệ Nhị, tôi đã được đọc (tại chỗ hoặc mượn về) tạm kể ra như: “Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn” by Nguyễn Mạnh Côn [1920-1979], NGUYỄN ĐÌNH VƯỢNG xb Saigon 1960, “Chữ Thời” Thanh Bình xb Saigon 1967, "Căn Bản Triết Lý Trong Văn Hóa Việt Nam" Ra Khơi xb Saigon 1967 của Linh Mục Kim Định [1915-1997],Tuyển tập Thơ Nguyên Sa [1932-1998], rất nhiều truyện ngắn truyện dài của nhóm Tự lực Văn đoàn, của Mai Thảo [1927-1998], Duyên Anh [1935-1997], và nhiều truyện dịch từ các tác phẩm văn chương Anh-Pháp đình đám đương thời. Cũng không thiếu các tạp chí biên khảo-văn chương-thời sự giá trị như Bách Khoa, Văn, Văn Học, Phổ Thông, Thời Nay 2 v.v…
Một thành phố như vậy thì lấy đâu ra cảnh nhậu nhẹt rượu chè tệ nạn trộm cắp? Không hề có án mạng, trộm cướp, lừa đảo! Đi tìm mỏi mắt cũng không có lấy một quán bán rượu. Rất ít hàng quán có bán bia rượu vì chẳng có bợm nhậu chứ không vì bị ai cấm cả. Không bao giờ, trong suốt những năm niên thiếu tôi sống ở đó, mà có lấy một cảnh ẩu đả, đánh nhau vì rượu, không bao giờ có cảnh đàn ông về nhà bạo hành vợ con vì say xỉn. Ngày Tết, chỉ lẻ tẻ vài sòng “bầu cua gà cá”, “tài xỉu” bày lộ thiên ở hẻm xóm Si Ca, hoặc trong chỗ khuất Đình Ông Voi bên kia đường mà phần lớn cũng chỉ các trẻ nhỏ tới đặt chơi vài đồng bạc lẻ, tuyệt nhiên không ai cấm cũng không có cảnh ăn thua sát phạt và không hề cần tới Cảnh sát cho phép hay cấm đoán.
Hôm nay, sau 44 năm cộng sản tru lời red dog của chúng trên non sông gấm vóc này, nghĩ lại thuở thiếu thời Hội An của tôi, quả thật chẳng khác nào đó là một chốn thiên đường hạ giới. Nếu giả bộ quên đi đạn mìn khủng bố giết chóc do VC gây ra trong những ngày tháng chiến tranh, thì Hội An quả là đã có được một thời đoạn thanh bình văn vật cao quý hiếm có trước 1975.
Nghĩ tới đó ta không thể nào quên ơn sâu đậm của các anh lính chiến QLVNCH đã hy sinh đời trai trẻ nơi tiến tuyến gìn giữ cho chốn hậu phương được hưởng những giờ phút yên bình mầu nhiệm ngay giữa lòng cuộc chiến xâm lăng ác liệt của tập đoàn cộng sản Bắc Việt.
Hội An khi cộng sản tràn về
Hiểu rõ những thời khắc văn minh yên lành xưa của Hội An mới hiểu hết được những hoang mang ngơ ngác, những bi thương nghịch cảnh khi Hội An rơi vào tay cộng sản.
Những cán binh cộng sản những đặc công những kẻ nằm vùng … không đủ sức cai quản một vùng thiên đường mà họ mới chiếm được. Chiến tranh đã im đạn bom. Chỉ còn lại một cuộc chiến khác đó là cuộc chiến của Trí Tuệ và Học Tài. Điều đó tỏ rõ nơi lòng người, nơi từng góc phố, xóm làng Hội An. Những buổi “họp” dân do các cán binh cộng sản dép râu nón tai bèo hoàn toàn lạc điệu, ngớ ngẩn và bất lực trước những con người thị dân Hội An đầy nội lực học vấn. Cái ngu si thường đi đôi với cái thú vật. Cái gọi là “chính quyền cách mạng” bỗng chới với giữa lòng phố Hội, họ chỉ còn cách đe nẹt hù dọa bằng bạo lực và tiểu xảo khôn vặt dối trá của bọn người vô học hung tàn.
Một sự thay đổi xám đen bất ngờ và mau lẹ xảy đến đã làm đảo lộn đời sống Hội An. Lớp thị dân ưu tú vốn nhà nào cũng có thân nhân là quân cán chính viên chức chế độ cũ nay bỗng bị hụt hẫng trước đời sống thường nhật. Thân nhân họ bị cầm tù không án gọi là “cải tạo” đã làm mất đi chỗ dựa là đồng lương công chức xưa kia … đã đẩy những người còn lại trong gia đình (là vợ con người tù) vào chỗ tự lực cánh sinh. Và lối thoát duy nhất với đa số là nghĩ tới đời sống nông tang trồng khoai trồng lúa để tìm phương sống còn cấp thiết. Những bộ salon, chiếc tivi tủ lạnh bán đổ bán tháo, những căn nhà bán vội bán vàng bỏ thị thành mà chạy về thôn quê đã từ từ diễn ra. Những bữa cơm độn khoai sắn bắp đã mau chóng xảy ra trong từng gia đình, nhu yếu phẩm khan hiếm và đời sống bị đe dọa từng ngày. Cái học cao quý và ưu thế xưa, nay buộc phải nhường chỗ cho cơm áo. Cái khát vọng học thức nơi tâm trí nay phải chịu nhẫn nhịn trước nhu cầu của bao tử. Có thực mới vực được đạo!
Hội An kinh tế mới
Trong bối cảnh đó những chiêu dụ, kêu gọi, hứa hẹn về một thứ có tên gọi là “kinh tế mới” đã diễn ra, khoảng tháng 8 / 1975. Các buổi họp khối, phường xảy ra liên tiếp, trong đó các cán bộ cộng sản dụ dỗ người Hội An “đi” kinh tế mới ở Darlac. Họ nói, gia đình nào có thân nhân đang bị tù cải tạo mà chịu “đăng ký” đi kinh tế mới thì người tù sẽ được giảm tù; một gia đình đi kinh tế mới được nhận 6 tháng “lương thực” v.v…
Rất nhiều nhà không cầm cự nổi đã dần dần chấp nhận đi kinh tế mới mà họ không sao biết được những gì sẽ chờ họ nơi núi rừng hoang dã, với những phương tiện và cách thức mưu sinh mà họ hoàn toàn lạ lẫm chưa từng biết đến bao giờ. Nhưng sự cùng đường bí lối đã khiến nhiều người chịu bỏ phố thị mà đi về nơi hoang dã. Thực tế chỉ một năm sau, lượng người bỏ vùng kinh tế mới tìm về lại phố phường đã lên đến hơn hai phần ba.
May 2, 2019
LTC
1 Khoa thi Đình năm Mậu Tuất 1898, niên hiệu Thành Thái thứ X, tỉnh Quảng Nam có tới 5 người đỗ Tiến Sĩ
2 Tạp chí Thời Nay là tờ bán nguyệt san ra mắt số đầu tiên (01) vào ngày 01 - 9 - 1959. Giám đốc: Nguyễn Văn Thái, chủ biên : Trần Nhã, Thư ký tòa soạn: Khánh Giang và nhiều cộng tác viên khác như Linh Bích, Thẩm Dương, Song Thao, Hoài Thương, Tạ Sương Phụng . . . và từ 1959 đến 1975, tờ báo ra đều đặn, mỗi tháng 2 số, hằng năm cứ đến số ngày 01/9 thì ra số đặc biệt kỷ niệm ngày sinh nhật của báo và đến Tết thì có số Xuân, các số Xuân và số đặc biệt thì dày hơn số thường kỳ.
Đến ngày 01/9/1972, số 309 là số đặc biệt Kỷ Niệm sinh nhật thứ 13, Thời Nay lấy chủ đề đăc biệt về Thế Vận Hội 1972 được tổ chức ở Đức, số sau 310 (ngày 15/9/1972) với chủ đề đặc biệt về Đức quốc và là số cuối cùng có đánh số vì lý do Bộ Thông Tin Miền Nam lúc đó ra sắc lệnh số 007 về báo chí đã đổi hình thức xuất bản, nên đến 01/10/1972 Thời Nay vẫn tiếp tục ra số mới với hình thức Giai phẩm không đánh số. Giai Phẩm ra được 57 số đến ngày 10/03/1975 là số cuối cùng.
$pageOut$pageIn 08 bis
phũ phàng mưa đuổi gió theo
trời làm cơn lụt chó leo bàn thờ
Tôi tạm gác Post 09: “Kinh tế mới Darlac” sang kỳ tới, dành kỳ này cho vài ba chuyện vui vui về những ngu ngáo của dép râu, và một câu chuyện có thật: chuyện chơi chữ rất có ý nghĩa của Hội An sau ngày miền Nam bị nhuộm đỏ.
Quân Dịch, dịch tả dịch hạch?
Qủa thật như tôi đã nói trong Post trước: Bom đạn Chiến tranh đã im tiếng, lập thời, phe cộng sản bị du vào một cuộc chiến khác đó là cuộc chiến của Trí Tuệ và Học Thức mà họ từ thua tới thua và lộ nguyên hình là 1 đoàn người man di mọi rợ.
Những tầng lớp nằm vùng ở miền Nam theo cộng, từ Huỳnh tấn Mẫm trở xuống, thảy đều là những kẻ học lực kém, lười học và trí năng ở vào hàng thấp, không biết phân biệt chánh tà phải quấy thiện ác … cho nên để khỏi thua chúng bạn sinh viên cùng lứa, họ đã chạy theo những lời chiêu dụ xách động làm loạn của bọn Võ văn Kiệt Trần bạch Đằng trong R, nấp dưới cái vỏ danh từ là “đấu tranh”, “thành phần thứ ba” v.v… như là một cách thế làm nổi đặng gượng lại cái vị thế vô thân phận của họ trước giá trị hiển nhiên của người sinh viên chân chính miền Nam thời quốc gia.
Đến Mẫm mà còn bất trí như vậy thì bọn cán ngố dép râu ngoài trò khôn vặt, khủng bố vặt, làm sao có nổi chút kiến thức gì trong đầu. Hình như để chống đỡ cái lếp vế trí tuệ đó, để chứng tỏ cái vai trò chủ mới của thành phố, họ rất khoái tổ chức họp hành, cứ 2, 3 hôm lại có 1 buổi họp, họp khối, họp phường v.v… đến phát nản với những buổi cán bộ cộng sản ê a những bài nói vu vơ vớ vẩn, lắm khi nói không thành lời, câu chữ tiếng Việt nói còn không xong. Một bữa họp như thế ở Đình Ông Voi, khoảng tháng 9 / 1975, cũng y như công thức cũ, 1 anh cán ngố thao thao ca bài ca con cá về chủ nghĩa mác lê vô địk, về mỹ ngụy bán nước, bỗng anh ta cao hứng nhảy sang giải nghĩa chữ “quân dịch” khi nói về chính sách quân dịch của VNCH. Trong đầu óc cán bộ VC hễ tìm ra được trò mèo nào hòng nói xấu chính quyền quốc gia, thì với họ đó là hành vi “chính trị”, địch hỏng ta hay, địch thua ta thắng.
Anh ta cao hứng xướng rằng, quân dịch là 1 bệnh dịch, dịch bắt lính y như các bệnh dịch như dịch hạch dịch tả là những bệnh dịch tai hại v.v…
Ngồi bên dưới toàn là bọn học sinh Trung học đệ nhị cấp đi “họp” thay mặt cho gia đình, anh ta còn chưa đáng làm học trò của họ vốn ăn học, hiểu biết đầy mình… Vài ba thằng bạn với tôi không nhịn được cười với lối giải nghĩa chữ “dịch” tùy tiện thế kia. Thì bỗng ở giữa hàng ngồi, có anh Có dong tay có ý kiến, rồi thong thả bước lên trong sự ngạc nhiên của cán ngố lẫn đông đảo mọi người.
Anh Có điềm đạm giải nghĩa 2 chữ quân dịch: Quân dịch là do dịch sang tiếng Việt chữ “military service”, nghĩa là dịch vụ về quân sự hay nói gọn bằng chữ Hán-Việt là “quân vụ” hay “quân dịch”. Chữ dịch bệnh, Anh ngữ là “epidemic” không dính dáng gì tới chữ dịch trong “quân dịch” cả.
Nói xong anh Có bước xuống. Cả buổi họp cười ồ lên vỗ tay tán thưởng trong sự sượng sùng xấu hổ của anh cán ngố và anh ta cho giải tán ngay, không họp hành gì nưã.
Anh Có, là đàn anh cùng trường trung học Trần Qúy Cáp của tôi, anh lớn hơn lứa tôi 4 lớp, năm 1975 đang là sinh viên năm thứ Tư của trường Đại học Sư phạm Huế khoa Ngoại ngữ (Anh ngữ) sắp ra trường.
Bán cho tớ cái Nọc Cà phê
Hồi quốc gia, Má tôi buôn bán hàng Quân Tiếp Vụ, nên quen biết nhiều các hàng tạp hóa trong thành phố, trong số đó có cô Đê (tôi gọi bằng cô vì cổ xấp xỉ tuổi Má tôi mà độc thân) thân thiết như hai chị em kết nghĩa. Cô Đê có một cửa hiệu tạp hóa lớn trên đường Cường Để, chuyên bán đủ loại hàng nhu yếu cho trẻ con và phụ nữ. Chuyện sau đây do cô Đê kể lại.
Một hôm khoảng tháng 5, 6 / 1975 có 2 anh bộ đội nón cối hăm hở bước vào cửa hiệu cô Đê dáo dác nhìn các hàng bày trong hiệu tìm kiếm một lúc rồi la lên (giọng Bắc 75): “Đích thị đây rồi”.
Cô bước ra hỏi, anh cần mua hàng gì?
Anh ta chỉ ngay vào mớ soutien (tức là cái soutien-gorge hay có khi còn gọi là corset –tiếng Pháp) đang treo móc lủng lẳng trên hàng dây trên cao.
Cô Đê ngạc nhiên quá, hai anh là đực rựa mà mua làm gì món đồ “phụ tùng” dành cho mấy nàng thế kia? Cô sợ anh ta nhầm, bèn hỏi kỹ lại món đó có đúng là thứ anh cần mua hay không?
Một anh trả lời nóng nảy và chắc nịch: “Đích thị rồi”.
“Anh mua mấy cái?”
“1 cái thôi”.
Cô tức cười lắm nhưng ráng nhịn, anh ta cần mua, đòi mua thì mình phải bán thôi, mà vẫn tức cười vì không rõ anh ta sẽ “đeo” nó vào như thế nào? Mà tại sao 2 anh mà chỉ mua có 1 cái? Anh ta có “cái quái” gì trên người mà cần đeo cái soutien cơ chứ? v.v…
Nhưng vẫn chưa hết dịp để cười.
Cô tháo bó soutien xuống lấy ra một cái định gói cho khách, thì một anh nói:
‘không, tớ chỉ mua 1 chiếc thôi”.
Không hiểu, cô Đê bảo: “thì đây là 1 cái chớ không phải 2 cái”.
Anh ta tỏ ra sành sõi, lấy tay chạm ngay vào chỗ nhô nhọn lên của cái soutien và bảo, “chúng tớ chỉ cần mua 1 chiếc này thôi”.
Đến đây thì dù đã muốn cười vỡ bụng mà cô Đê vẫn cố ráng nhịn và hỏi thêm: “mấy anh mua 1 chiếc để làm gì?”
Anh ta trả lời: “để nọc cà phê”.
Trời đất thiên địa ơi!!! Cô ráng hỏi câu nữa: “nghĩa là anh chỉ mua 1 bên này thôi ấy hả?”.
“Vâng, chính thế”. 2 anh hả hê trả lời, và đứng nhìn sững cô Đê lấy kéo cắt “1 bên” cho anh ta, một anh còn chen vào:
“cắt luôn mấy cái dây nhợ lòi thòi kia luôn đi, chỉ cần nọc cà phê thôi, làm chi mà bày lắm thứ dây nhợ thế không biết?”
Cô kể lại cho Má tôi câu chuyện này và 2 chị em ôm nhau cười chảy nước mắt!
Cà Phê Đạo
Cô Đê có người em trai đi lính Biệt Động Quân, tên Rê, mà người Hội An quen gọi luôn cả họ là Hà Rê. Hà Rê có vẻ bặm trợn nhưng thực ra hiền lành, như bao người dân Hội An vậy (xin bạn đọc thông cảm không phải tôi quá ca tụng quê hương mình đâu), chẳng rõ ông có bị đi tù VC không, nhưng chỉ biết rằng sau một thời gian VC xáo trộn khuấy đảo mọi thứ, bắt bỏ tù viên chức cũ, chiếm nhà cửa của kẻ chiến bại, thiết lập hộ khẩu, đổi tiền miền nam ra tiền VC khoảng tháng 9 / 1975 v.v... rồi thì Hội An cũng dần dà mặc nhiên lấy lại cái không khí vốn dĩ của mình tuy rằng bây giờ lai tạp đủ điều, nhất là thò ra những khuôn mặt nịnh hót tâng công (mà dân gian biếm nhẽ gọi là cách mạng ba mươi), và Hà Rê lại xuất hiện, lại có mặt thường nơi cố hữu trước kia của anh em: Café Đạo.
Ở Hội An, không ai là không biết Café ĐẠO do ông Đạo làm chủ quán. Nhà tôi ở gần đó (đối diện Tiểu Khu Quảng Nam) chỉ vài phút đi bộ là có thể mua ly café về cho Cha tôi mỗi sáng.
Café Đạo, nằm ngay ngã tư Lê Lợi - Phan Chu Trinh, là nơi mọi tầng lớp thị dân thường ghé lại làm tách café sáng trước khi đi làm, và là nơi được mệnh danh là trung tâm tin tức của thành phố, bởi Hội An nhỏ xíu, có chuyện gì xảy ra chỉ một lát sau cả thành phố đều hay, và thông tin thường vào cũng như ra là từ Café Đạo.
Café Đạo nghiễm nhiên là một vị trí, một “địa danh” gắn liền với Hội An, với đời sống thực sự ấm hơi thở nóng hổi mạch sống sinh động của cả một cộng đồng nhỏ bé thân thiện.
Và cái tổ ấm đó ra sao sau ngày Hội An rơi vào tay cộng sản? Chẳng hiểu vì sao, nó vẫn sống còn, dù được dời vào trong hẻm gần đình Ông Voi, gần phở Liến, gần café Dung. Khách bây giờ có còn mấy ai, giữa không khí khủng bố, trả thù, tang tóc, sợ hãi, sợ đủ thứ, từ bị quy tội, chụp mũ, bỏ tù, thủ tiêu cho đến mất nhà cửa, tài sản, và gần nhất là nỗi sợ đói thường trực, đói cơm không có ăn, còn nói chi tới cà phê cà pháo !?? Café Đạo vẫn hiện hữu thật là lạ, bởi nó như ở trên mây ngay trên chính quê nhà mình.
Trong tình thế đó mà có câu chuyện tôi được nghe một người bạn đàn anh kể lại sau đây mới thật là ly kỳ.
Như đã thành truyền thống, sáng mồng một Tết nào ông Đạo cũng đãi khách tách café đầu năm (không tính tiền), và khách đến quán thường là những “thường trú dân” của Café Đạo, ở đó người người gặp nhau mừng chúc Xuân, chuyện trò năm mới thân tình ấm cúng như ở nhà mình. Truyền thống ấy vẫn còn ngay cả khi Hội An đã bị nhuộm đỏ.
Sáng mồng một Tết Bính Thân 1976, tức là chỉ 7 tháng sau khi miền Nam thất thủ, như bao năm trước, Hà Rê đến quán- bây giờ vắng nhiều gương mặt thân quen bởi bao cảnh tang thương dày xéo đã diễn ra- gom mọi người lại ngồi chung một bàn (ít khách lắm), với vẻ trịnh trọng, ông yêu cầu mọi người yên lặng.
Trong im lặng theo dõi của mọi người, Hà Rê bước đến bàn thờ giữa quán, đốt mấy nén nhang, bắc ghế cho cao, đứng lên và long trọng khấn vái quỷ thần, rồi tay cầm nhang, tay cầm tách café của mình, quay mặt xuống anh em đang ngồi hướng lên kính cẩn, ông nói rõ ràng:
May, 3, 2019
LTC
$pageOut$pageIn 09
“Kinh tế mới Darlac”
Tà Sách của Tà Quyền
Với rất nhiều dân thị thành miền Nam sau black April 1975, chỉ nghe truyền miệng 3 chữ “Kinh tế mới” một cách loáng thoáng rồi tự tưởng tượng ra chứ không biết tường tận nó là cái giống gì. Chỉ những ai đã đẫm mình trên những chỗ mà người cộng sản gọi là “Kinh tế mới” mới biết mặt thực của nó thế nào.
Chữ “Kinh tế mới” xuất hiện tại Hội An khoảng tháng 6 / 1975 khi VC nhắm tới nhiều gia đình bị thất thế chao đảo, đời sống bị đảo lộn trong cuộc thế mới. Dưới danh xưng “Ủy ban quân quản”, VC vận động bà con bằng họp hành chiêu dụ ngon ngọt … thực ra chỉ là cốt nhắm đưa thị dân lên ở hẳn tại 2 vùng: Đức Minh (tỉnh Quảng Đức) và Kim Châu (tỉnh Darlac). Đây là một thứ “chủ trương” tùy tiện, bất tài, bất trí của cộng sản Bắc Việt, gây những xáo trộn và bất ổn không cần thiết, tuyệt không có ý nghĩa gì hết sau khi đã thắng cuộc một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đằng đẵng 20 năm vừa chấm dứt. Trong não trạng của bọn người Ba đình cuồng cộng Nga-Tàu, họ luôn căm thù giới tiểu thương và trí thức tiểu tư sản, họ luôn nghĩ tới một trò duy nhất đó là cướp đoạt những thành quả trí óc cũng như tài sản của hai giới này bất cứ khi nào có thể cướp được như lịch sử đã xác chứng cho ta thấy họ vẫn duy trì trò cướp bóc đó suốt 44 năm qua.
Khoảng tháng 9 / 1975, họ đưa 1 đoàn người gồm toàn những “lao động chính”, tức những thanh niên trai tráng trẻ khỏe của gia đình nào chịu “đăng ký” đi “Kinh tế mới”, lên 2 vùng đất đó trước, cấp cho 3 tháng “lương thực” với vài cây cuốc, rựa loại thổ tả bá láp chả dùng được … để làm những căn nhà tranh tre lá, nền đắp đất thô sơ, và trồng trước ít khoai sắn và gọi đó là “đợt 1”. Sau đó những anh thanh niên này về lại Hội An đưa cả nhà lên luôn, đó là “đợt 2” và cũng là cuối cùng. Cái gọi là “lương thực” đó chỉ là một số gạo vốn là chiến lợi phẩm họ (VC) thu được nơi các kho gạo lớn ở miền Nam sau khi Saigon thất thủ.
Từ đây, cả gia đình nạn dân “kinh tế mới” được họ cho nốt 3 tháng “lương thực” còn lại và chấm hết, họ phủi tay hoàn toàn, bỏ mặc cộng đồng người vốn quen sống nơi văn minh thị thành hàng 2 chục năm giờ đây kể như phải hoàn toàn tự lực cánh sinh, tự thích nghi mà sinh tồn nơi núi rừng hoang dã, không điện nước, không một phương tiện cơ giới văn minh quen thuộc nào của phố phường xưa, tự cày cuốc đất hoang bằng đôi tay đôi chân trần mà trồng trọt, tự chặt phá cây cỏ núi rừng để làm nhà cửa vì tất cả các chòi tranh gọi là nhà tạm “đợt 1” đã hư hỏng ngay trong năm đầu tiên. Một sự đổi đời nghiệt ngã ngặt nghèo đối với thị dân vùng quốc gia và là một tà sách lưu manh vô nhân đạo tận cùng của đoàn lũ người-thú cộng sản tự nhận là quân giải phóng.
Địa Hình
Qua năm 1976, đoàn người bị đưa đi Đức Minh bỏ về hết, chỉ còn lại khu Kim Châu.
Gọi là 'khu Kim Châu' là vì thời đó khu kinh tế mới chưa có địa danh chính thức. Thực ra, vùng khu kinh tế mà dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Bình Định mới dọn lên là nằm sâu vào trong Kim Châu, đi quá thêm nhiều chục cây số.
Nếu đi từ miền Trung lên Darlac theo đường quốc lộ 21 thời đó thì phải đi theo quốc lộ số 1 vào tới ngã ba Ninh Hòa rồi rẽ phải, đi tiếp qua Trung Tâm huấn luyện Dục Mỹ cũ và băng lên đèo Phượng Hoàng, băng qua quận Khánh Dương, qua quận Phước An nữa là còn cách Ban Mê Thuột chỉ 30 cây số nhưng khi đến cây số 5 tức còn cách thị xã Ban Mê Thuột 5 cây số) thì rẽ trái, gặp ngay trường Nông Lâm Súc Darlac bên tay phải đường lộ, bên kia đường là một rừng cây Giá Tỵ ngút ngàn cao hàng chục met (hoặc còn gọi là Giã Tỵ, một loại cây thẳng tắp cao vút và nghe nói người ta lấy gỗ loại cây này để làm báng súng). Từ đây, đường trải nhưa đã hết, một con lộ đất + đá 4cm X 6cm cứng và tạm bằng phẳng kiên cố nhưng không trải nhựa dẫn vào khu Trung Hòa, hai bên là đồn điền café đầu tiên (của người Bắc di cư 1954, do Tổng Thống Ngô Đình Diệm đưa số lớn vào đây khai khẩn những năm đầu mới vào Nam), thứ nhì là khu Kim Châu, đi qua tiếp một đèo nhỏ gọi là đèo Giang Sơn cũng chính là khu đồn điền café Giang Sơn thứ ba và cuối cùng của quần thể người Bắc di cư ở vùng này.
Cả 3 vùng Trung Hòa, Kim Châu và Giang Sơn đều là vùng giáo dân Công giáo thuần thành và chống cộng khét tiếng. Vào lập nghiệp đã lâu trên vùng đất Basalt với cây cafe cho nên dân chúng 3 vùng này có đời sống rất cao, nhiều nhà cửa với lầu đúc kiên cố, chợ búa sầm uất, nhiều ngôi giáo đường ngay mặt lộ với đường điện sinh hoạt và các phương tiện máy móc cơ giới, xe cộ đi lại văn minh không khác chi một thành phố giữa chốn đồn điền. Tôi có dịp được quen biết với mấy người bạn cùng lứa ở vùng này và đã được họ đưa về Kim Châu chơi vài lần khoảng 1978, tận mắt chứng kiến trình độ dân trí cũng như đời sống kinh tế của toàn vùng là cao đáng nể.
Tại 3 nơi này nhất là Kim Châu với Giang Sơn, VC không thể khống chế được ngay, dù trong 3 năm sau 1975, các nơi khác VC đã lập được “ủy ban nhân dân” nhưng tại vùng này chỉ là “ủy ban quân quản” nghĩa là họ chưa hoàn toàn làm chủ được tình thế. Rất nhiều vụ cán bộ VC bị thủ tiêu bí mật trong vùng này, mất tích luôn, cán bộ biệt tăm mất xác, có vào mà không có ra, có đi mà không có về. Các Cha Xứ quản xứ quản hạt thời trước 1975 vẫn chăn giáo dân bình thường như không hề có chuyện biến động gì xảy ra cả. Cho tới 1978, VC phải tập trung tấn công nhà thờ Giang Sơn, bắt Cha Chánh Xứ và các thành viên hội đồng giáo xứ, và kể từ 1979 vùng này mới tạm “yên” nhưng mối nguy hiểm cho cán bộ VC vẫn còn, không ai dám chắc sẽ thế nào.
Với người Ban Mê Thuột, hễ nói đến Kim Châu là ai cũng biết nhưng đi sâu vào trong vào xa hơn nữa thì chưa có địa danh chính thức nên không ai biết, vì thế người Hội An đi kinh tế mới thuận miệng gọi là khu Kim Châu cho dễ định vị hướng đi nếu tính từ thị xã Ban Mê Thuột vào hoặc từ Ninh Hòa lên.
Qua khỏi Kim Châu là đến một đèo thấp nhỏ gọi là đèo Giang Sơn, ta sẽ đến cầu sắt Giang Sơn. Qua cầu, đi thêm chứng 5 cây số nữa là đến ngã ba Lạc Thiện, đi thẳng tiếp là vào thị trấn Lạc Thiện tỉnh Quảng Đức (độ 50 cây số), còn rẽ trái đi thêm độ 1 cây số là đến một buôn người Thượng Edeh, buôn Jang Reh. Tại đây là bắt đầu của khu dân cư kinh tế mới từ các tỉnh miền Trung lên, nhiều nhất là Hội An, Đà Nẵng. Qua khỏi Jang Reh độ 3 cây số là bắt đầu một dọc dài các khu kinh tế mới của dân từ nhiều tỉnh (như đã nói ở trên) trải dài khoảng 7 cây số là xuống đến khu kinh tế mới gồm nhiều thị dân từ Đà Nẵng có tên: khu Khuê Ngọc Điền, là nơi có họp chợ đầu tiên trong vùng nhưng chỉ 1 ngày mỗi tuần. Nếu đi tiếp sâu vào độ 3 chục cây số nữa là đến khu kinh tế mới chót cùng: buôn Chư Pheng gồm nhiều thị dân Hội An dọn lên 1975, 1976 (người ta còn gọi là buôn Phèng hay Hòa Lễ).
Đời Sống
Vì không hiểu biết nông tang cũng như chưa quen kịp với đời ruộng nương cần lao, cho nên việc gieo trồng cây nông nghiệp như lúa, bắp, khoai sắn của đồng bào hoàn toàn chưa có kinh nghiệm và cảnh thiếu ăn kéo dài ít nhất trong 2 năm liền, nhiều gia đình trong hơn nửa năm ròng không biết tới một hạt cơm, chỉ thuần khoai, sắn, bắp qua ngày chờ mùa gặt lúa. Phải từ 1978 trở đi nông phẩm thu hoạch mới khấm khá hơn trước và nhà nào cũng có nuôi ít nhất một vài con heo hay đàn gà để “có thịt” trong bữa ăn hay bữa giỗ, ngày Tết. Nhưng lượng người chán nản, vô vọng bỏ về lại thành phố đã nhiều hơn quá nửa trong hai năm trước. Số còn chấp nhận ở lại là vì hoặc gia đình đông con hoặc không còn cách nào khác buộc phải bám lấy núi rừng, đương thân dầm mưa nắng lao nhọc mà tìm đường sống. Những đứa trẻ chỉ mới 10 tuổi cũng là một nông dân thứ thiệt với ngày ngày cuốc đất trồng khoai thành thạo, trơ lưng mình trần mặt mày da dẻ chân tay đen nhũi như một người Thượng chính cống.
Người thành thị văn minh sáng lạn hôm nào nay chỉ còn là một quần thể xác xơ như một bộ lạc người man di nào trong xa xưa. Khi màn đêm buông xuống, mỗi nhà chỉ hắt ra một ngọn đèn dầu hỏa tù mù. Không có chợ búa gì cả. Mọi phương tiện đi lại dù đi làm trong rừng trong núi hoặc giáo viên đi dạy học, học trò đi học … tất cả đều đi bộ, những đoạn đường dài hàng 5, 10 cây số. Nhà nào có được một chiếc xe đạp là cả một gia tài. Tôi còn nhớ lâu lắm Má tôi mới rủ vài người bạn hàng xóm đi chợ Khuê Ngọc Điền cách 7 cây số, cả đi lẫn về là 14 cây số. Đi bộ. Đi từ sáng tinh sương mà mãi tới 11 giờ trưa mới về tới nhà quang gánh trên vai, đôi chân phủ đầy bụi đường đất đỏ. Khi miền Nam tự do rơi vào tay giặc thì thảm họa đâu chỉ riêng ai, nó không tha từng người dân lành vô tội dù họ ở bất cứ tầng lớp nào.
May, 4, 2019
LTC
$pageOut $pageIn 10
Bị Fulro tấn công
FULRO (Front Unifié pour la Libération des Races Opprimées – Liên minh Mặt trận Đấu tranh Giải phóng các Sắc tộc bị Áp bức) là một tổ chức của người Thượng, một lực lượng trang bị quân sự hơn là chính trị, nhưng mục đích là đấu tranh chính trị đòi thiết lập quyền tự trị cho sắc tộc người Thượng ở cao nguyên Darlac, Di Linh. Tổ chức này với nhiều thành phần sắc dân thiểu số cao nguyên phức tạp, đã âm ỉ phát khởi từ trước 1960 khi chính quyền đệ nhất cộng hòa tìm cách bình định mọi phe phái và thâu tóm quyền hành riêng vào một tay gia đình họ Ngô, trong bối cảnh đó có một số đầu lĩnh người Thượng đã bị quân đội đệ nhất cộng hòa bắt và cầm tù sau vài cuộc giao tranh. Khi 2 anh em ông Diệm – Nhu bị lật đổ và hạ sát ngày 2 / 11 / 1963 thì các nhân sự ấy được trả tự do và nuôi chí hướng cũ.
Năm 1964, cùng với nhiều tổ chức người Thượng, người Việt gốc Miên (Kampuchéa-Krom) …họ gộp chung lại lấy tên chính thức là Fulro với hiệu kỳ [xem ảnh, theo sách TÌM HIỂU PHONG TRÀO TRANH ĐẤU F.U.L.R.O. (1958 – 1969) by Nguyễn-trắc-Dĩ, do Bộ Phát Triển Sắc Tộc VNCH ấn hành 1969] và lực lượng võ trang hơn 10 ngàn quân đã được hình thành nhưng hoạt động không gây bao nhiêu tiếng vang trong 10 năm từ 1965 đến 1975 của đệ nhị cộng hòa vì các cánh quân của quân đội miền Nam VNCH có trình độ có tổ chức và có hỏa lực mạnh hơn đã dễ dàng đè bẹp các cuộc nổi dậy phá phách nhỏ lẻ của Fulro.
Fulro không chấp nhận cộng sản và sẵn sàng thỏa hiệp với chính phủ quốc gia để mong được quyền tự trị ở 2 vùng cao nguyên kể trên (thuộc lãnh địa của Vùng II chiến thuật VNCH).
Do đó, khi miền Nam rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, Fulro vẫn duy trì hoạt động với nhiều sự dè dặt và nghi kỵ. Vùng căn cứ địa hùng hậu nhất của họ vẫn là 2 tỉnh Quảng Đức và Darlac.
Thôn tôi ở là thôn 1 gồm hầu hết người Hội An (tỉnh Quảng Nam) và Tam Kỳ (tỉnh Quảng Tín) là vùng nằm ngay sát chân núi Chư Yang Lak, dãy núi này sát vách với biên địa tỉnh Quảng Đức, với rừng rậm bạt ngàn núi cao hiểm trở, là nơi nhiều toán quân Fulro dùng làm căn cứ địa vì có lợi thế cao độ nhất vùng.
Một đêm cuối mùa khô đầu mùa mưa năm 1977 (thường là vào tháng Tư Âm lịch trong năm), tại một cuộc “họp Tổ” tại nhà một thôn dân thôn 1 với chừng mười mấy “lao động chính”, khoảng 8 giờ tối, trời tối đen như mực, bên ngoài đường không một bóng người và nhiều nhà đã tắt đèn đi ngủ sớm. Từ ngoài đường nhìn vào, ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu hoả từ ngôi nhà tranh hắt ra cộng với tiếng nhiều người nói xôn xao trong cuộc “họp” quả là một mục tiêu lý tưởng để khai hỏa. Một, rồi hai tràng đạn ngắt quãng vang lên, đích nhắm là căn nhà đang sáng đèn. Cùng với tiếng súng nổ là những tiếng quát tháo bằng tiếng người Thượng Edeh rền lên giữa đêm tối vắng yên tĩnh, trong khoảnh khắc đã gieo kinh hoàng khó quên cho đoàn lưu dân kinh tế mới.
Không có một sự chống cự nào vì bên trong là thường dân chứ không phải là bộ đội VC như Fulro có lẽ tưởng nhầm. Người ở những căn nhà sát đường nơi toán quân Fulro đi qua và khai hỏa, sau này kể lại rằng, họ nghe tiếng chân đi rầm rập, tiếng xì xào một thoáng trước khi toán quân này nổ súng. Quân Fulro làm chủ tình hình hoàn toàn trong độ gần nửa giờ và vì không có sự kháng cự cho nên họ lặng lẽ rút đi mà không bắn thêm phát đạn nào nữa.
Cuộc tấn công, rất may, không gây ra cái chết nào, chỉ có 4 anh thanh niên “lao động chính” bị trúng đạn, bị thương không nặng lắm. Họ được vài cựu quân nhân quân y VNCH (cũng là thôn dân kinh tế mới) sơ cứu và băng bó cầm máu tạm thời với tất cả phương tiện thô sơ có trong tay. Phải cả giờ sau người trong thôn mới dám cùng nhau thức dậy khi tin chắc là quân Fulro đã rút đi, bà con chạy xuống Xã cách đó độ 3 cây số báo tin. Phải mất thêm nhiều giờ đồng hồ nữa, 4 người bị thương mới được 1 chiếc xe nhà binh của bộ đội VC ngoài quận Phước An (cách hơn 30 cây số với đường sá rất xấu, khó đi) vào chở đi ra cấp cứu ở bệnh viện Ban Mê Thuột (cách hơn 50 cây số).
Cuộc tấn công của Fulro lần đó đã gợi ngay trong trí tôi một sự yếu kém và nhát sợ thấy rõ của bọn gọi là “chính quyền Xã”. Trong đêm vắng, những tràng đạn M-16 dễ vang đi rất xa nhờ lợi thế truyền âm của vách đá núi rừng trải dài, dẫu người ở xa hàng nhiều cây số cũng không thể không nghe. Thế nhưng không một tên công an hay du kích nào –vốn thường ngày vẫn tỏ vẻ hùng hổ với thường dân- xuất hiện trong suốt buổi tối đó lẫn nhều buổi khác kế tiếp. Bọn chúng sợ chết.
Người bị thương chỉ nằm bệnh viện độ 1 tuần là về lại nhà tĩnh dưỡng chờ lành hẳn vết thương, nhưng cuộc tấn công đã gây kinh hãi cho tất cả mọi người trong vùng lẫn cho bọn VC địa phương. Mấy tháng kế đó, nhiều nhà lẳng lặng cuốn gói về lại quê cũ Quảng Nam (cách khoảng 600 cây số) bất chấp đời sống dưới ấy khó khăn thế nào và những gì sẽ chờ đợi họ ra sao. VC cũng làm lơ không cố ý ngăn chận những vụ bỏ cuộc này. Vùng thôn 1 còn lại chả bao nhiêu người.
Những người còn ở lại là những hoàn cảnh đã hết cách tính toán xoay xở, tất cả mọi người không ai bảo ai nhưng cùng im lặng liều mạng đối mặt với “giấc mơ” kinh tế mới muôn đời hão huyền của những mồm mép leo lẻo của bầy cán bộ VC chỉ mới hơn 1 năm trước đó.
May. 5, 2019
Hoi An
$pageOut $pageIn 11
Hiện tượng Văn hóa về Nông thôn
Nhu cầu Chia xẻ, Quần tụ
Nếu trong tập biên khảo Thủ Đoạn Chính Trị” (1) của Vũ Tài Lục [1930-2016], tác giả đã viết:
Những gia đình sau gần 2 năm chống chọi giữa rừng thiêng nước độc, phương tiện kiếm sống thuần trồng trọt như người thượng cổ cùng với bao hiểm họa khác, mà vẫn chịu chấp nhận ở lại vì phần lớn họ là tầng lớp ưu tú cũ trong thời quốc gia. Nay phố phường xưa đã thay ngôi đổi chủ, một bọn chủ mới man di, láo bịp và “chuyên chính vô học” [chữ của cụ Nguyễn Hiến Lê, trong tập Hồi Ký 1979-1984 của ông], nếu ở lại nơi ấy, họ có được tiếng nói gì? Chỗ đứng nào? Tương lai nào dành cho họ?
Nơi ở mới tuy hoang dã nhưng “khuất mắt” được bao điều chướng mắt chướng tai, nó như một chỗ ẩn náu bất đắc dĩ và đoàn thị dân Hội An bằng vào một bản năng sinh tồn từ trong vô thức, như đã tự tìm lại thuộc tính người muôn thuở, đó là xẻ chia, quần tụ. Nơi đây, bây giờ không thiếu những quân cán chính cũ một thời, Giáo sư trung học, văn sĩ, viên chức hành chánh, An ninh Quân đội, lính Biệt kích, Thám báo, Quân cảnh, Cảnh sát, Quân Y, cán bộ Xây dựng Nông thôn, học sinh trung học v.v… dù muốn dù không họ đã nghiễm nhiên quần tụ thành một cộng đồng mang một trình độ học thức rất cao, một lãnh địa văn hóa với tính cách quốc gia thấy rõ, đối nghịch lại với tính “đỏ” của cộng sản vô thần cho dù chúng không ngớt huênh hoang với chiến thắng trời cho black April 1975.
Những câu chuyện thì thầm kể cho nhau nghe trong những buổi vào rừng làm rẫy hay nhỏ to bên ly trà chén rượu … đã làm nên chất keo dính gắn bó mọi người lại với nhau để chỏi lại với cảnh ngộ nghịch thường bất hạnh.
Tại đây, người ta san sẻ nhau hiểu biết cũ về mọi lĩnh vực, trong đó những thành phần trí thức trẻ với vốn kiến thức tài liệu, sách báo, tạp chí, âm nhạc miền Nam quốc gia … từ Hội An đem theo bằng sách giấy hoặc còn lưu ngay trong chính tâm trí mỗi người, đã chiếm phần quan trọng cho đời sống quần thể mới, tuy thực tại trước mắt là đầy ngao ngán đắng lòng nhưng nhờ tri thức, người ta không thấy vô vọng vì mù lòa. Knowledge is Power-Tri Thức là Sức Mạnh (Francis Bacon).
Những buổi vác rựa vác cuốc đi làm rẫy một mình, khi buột miệng huýt sáo vang lên trong rừng thẳm những giai điệu của bản Love Is Blue (music by André Popp, lyric by Pierre Cour, 1967. Lời Việt Phạm Duy: “Tình Xanh Ngát’) hay “Serenade” của Franz Schubert (sáng tác 1828, lời Việt Phạm Duy: "Dạ Khúc") tôi bỗng nghiệm ra điều kỳ diệu đó từ những bài học Triết khi xưa với Thầy Tuệ Không. Những giai điệu tình cảm thanh cao không chỉ làm mê đắm lòng người bao thế hệ mà còn có sức bật giúp người thấy mình vẫn còn nguyên khối tinh tuyền nhân bản trong một hoàn cảnh vô luân và phi nhân.
Còn hiểu biết là còn Niềm Tin. Những chiếc Radio quý giá xưa, giờ đây luôn chiếm 1 chỗ quan yếu trong đời sống, nó làm tai-mắt cho người sống trong cảnh hoang vu nhưng không hoang dại nhờ ở những bản tin từ 2 đài phát thanh quan trọng là VOA (Voice of America - đài Tiếng nói Hoa kỳ) và BBC Luân Đôn phát thanh 2 phiên hằng đêm bằng sóng ngắn (SW – short wave) đã giúp chúng tôi cập nhật không sót một diễn biến nào từ các biến động ngay tại Việt Nam lẫn tình hình thế giới sau 1975. Cũng tại “kinh tế mới” này, từ 1977, tôi đã nghe những buổi phát thanh đầu tiên, vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần, tập Hồi Ký “Trong Gọng Kềm Lịch Sử” (In The Jaws of History) của Đại Sứ Bùi Diễm (Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ từ 1967-1971 dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu) qua giọng dịch thuật và giọng đọc của Đỗ Văn, trưởng Ban Việt ngữ BBC thời đó (Đại Sứ Bùi Diễm viết tập hồi ký này bằng Anh ngữ, 10 năm sau, bản Việt dịch của Phan Lê Dũng mới được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1987).
Ngoài những bản tin thời sự, BBC còn có chuyên mục Tạp chí Đông Nam Á, 10 phút mỗi tối thứ Sáu hàng tuần, rất quý giá bổ ích vì trong đó là những phân tích và tổng hợp tin từ các quan sát viên quốc tế, nhiều nhất là từ tờ Tạp chí Kinh tế Viễn Đông [FEER (Far Eastern Economic Review), bản doanh ở Hong Kong, thành lập 1946 và đã đóng cửa vào 2009] về tình hình kinh tế & chính trị của chế độ Hà Nội với tương quan trong vùng và thế giới, cho thính giả quốc nội biết người cộng sản đang đi những bước đi gì.
Thật không sao kể xiết những xúc động trong tâm khi nghe những tài liệu, tin tức như thế vào những năm 1977, 78 … Một bức màn mù mờ bí mật, một phương trình chưa giải ra nghiệm số là Chiến tranh Việt Nam dần được giải rõ vì sao Bắc Việt có thể chiếm được miền Nam trong khi họ, miền Bắc cộng sản là cả một “quốc gia” đói nghèo, lạc hậu và học tài vô cùng kém cỏi nếu không muốn nói thẳng là DỐT vì bị trị bởi một chế độ độc tài ngu dân, vì từ bọn lãnh tụ cho đến các cái gọi là quan chức, cán bộ bên dưới đều vô học, nói láo, háo thắng và tàn ác. Cuốn “Trong Gọng Kềm Lịch Sử” vẫn còn âm vọng những ấn tượng lớn trong tôi cho đến tận bây giờ dù sau 44 năm chúng ta đã có đủ thì giờ và tài liệu dồi dào để nhận mặt được do đâu mà có cái nghịch lý, cái khổ nạn quái gở khiến miền Nam bị nhuộm đỏ.
Tìm Lại Thăng Bằng
Tôi nhận thấy rằng, tri thức duy trì lý trí còn âm nhạc-nghệ thuật gìn giữ tình cảm cho con người, đó là 2 mệnh đề song lập giản dị làm nên tính người.
Tri thức đòi hỏi chữ nghĩa sách vở tài liệu, và làm cho người sáng trí mắt tinh, ngăn ta khỏi dẫm những bước đi nhầm.
Âm nhạc cần tâm tình chân thực sáng trong và làm cho người thấy tình yêu nhiệm mầu, giúp thuần hóa những bản năng thấp hèn tiềm ẩn.
Sau bao giông bão, chúng tôi như dần tìm lại được sự thăng bằng là nhờ ở hai gia tài ấy, mà vốn ở miền Nam quốc gia không hề thiếu tác giả lẫn tác phẩm.
Lượng đồ sộ sách báo tạp chí 20 năm Văn học Miền Nam vẫn còn lưu giữ được nhiều cho đến hôm nay cho dù bị cộng sản ra sức đốt phá hủy diệt ngay sau 1975, và hiện vẫn được nhiều người già có trẻ có, tìm cách phục hồi lại, là một minh chứng.
Về sách, tôi có 1 cú liều chạy vào Saigon năm 1978 để mua sách cũ, thời đó, đi Saigon từ kinh tế mới Darlac là cả 1 hành trình y như 1 cú “vượt biên” nho nhỏ vậy, tôi sẽ kể trong một kỳ sau. Về nhạc thì vùng tôi ở không thiếu nhân tài, trong đó nổi trội nhất vẫn là người bạn gái yêu kiều của tôi, người rất mực hiền lành đạo hạnh dễ thương và rất thành thạo hầu hết những nhạc phẩm thời quốc gia 20 năm lẫn những khúc nhạc tiền chiến xưa cũ.
Tại đây, cứ vài hôm là lại có những đêm thơ và nhạc riêng tư, cao đẹp diễn ra trong đêm vắng, nay nhà này, mai nhà khác, từng nhóm nhỏ lặng lẽ quây quần bên cây đàn guitar và chỉ với một vài chung rượu thanh đạm hiền lành. Lớp trẻ và trung niên mặc nhiên cùng tìm tới bên nhau “ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng” [thơ Hoài Khanh].
Tại đây những tình khúc nhạc Việt ngân lên chen lẫn với dòng thơ Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên “tình cũng khó theo thời cơm áo khó” … Những buổi mạn đàm quanh thi tập Đoạn Trường Vô Thanh của Phạm Thiên Thư (của tôi may mắn giữ được và mang theo) để hiểu ý nghĩa của nhạc phẩm “Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu” do Phạm Duy phổ nhạc, để cùng nhau tư lự vì sao có cảnh đời lý tưởng thần tiên như một “…. gã từ quan lên non tìm Động Hoa Vàng ngủ say” (thơ Phạm Thiên Thư).
Tại đây những nhạc khúc guitar độc tấu của F. Tarrega, F. Sor, V. Lobos, L. V. Beethoven đã được tấu lên dù với cây đàn đã cũ, bộ dây sắt tội nghiệp và trình độ player còn non nớt, nhưng nhớ lại cứ tưởng như tiếng nhạc thuở nào là những giọt cường toan nhỏ vào lòng những tâm hồn bị thọ thương “sinh nhầm thế kỷ” đang trầm ngâm lắng lại lòng mình trước cảnh quốc phá gia vong.
Tại đây các lớp nhỏ đàn em (sinh khoảng 1960 và nhỏ hơn) được bọn tôi làm gương và ươm mầm nhân ái. Không gì huyền nhiệm cho bằng văn học nghệ thuật trong việc giáo huấn con người một cách tự nhiên, khiến họ vừa thành người vừa tự biết khám phá nơi họ có một giá trị riêng biệt và một tâm thể tự do bất khả xâm.
Cũng tại đây, những mối tình luyến ái nẩy nở, những đôi trai gái biết hẹn hò, biết cho và nhận hơi ấm của tình yêu … để ít ra giữa đường khổ nạn, con người vẫn luôn chứng tỏ là một sinh thể độc đáo và cao đẹp lạ lùng.
Đoàn nạn dân kinh tế mới Hội An, nhờ chút vốn văn hóa tự do & nhân bản của miền Nam mà đã tự tìm lại một trạng thái cân bằng cho chính mình, đồng thời đã tiếp tục gieo hạt giống văn nghệ, nhân ái và tri thức giữa chốn rừng xanh đầy hung hiểm và xa lạ.
Vậy ai dám bảo văn hóa không quý hơn châu báu bạc vàng?
May 6, 2019
Hoi An
$pageOut $pageIn 12
Về Saigon mua Sách
Sách Quý là Người Bạn Đường
Hội An thất thủ ngày 28 / 3 / 1975. Đà Nẵng thất thủ ngày 29 / 3 / 1975 cũng kể như đánh dấu ngày Vùng I chiến thuật thất thủ.
Nhà tôi từ Đà Nẵng dọn về lại Hội An ngày 4 / 4 / 1975.
Tôi chứng kiến ngay cảnh hoang tàn cả 2 nghĩa xác và hồn của thành phố chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi yêu quê tôi biết bao và tôi biết nhiều người sinh ra lớn lên ở đây cũng nhận rõ một tình yêu Hội An như mình, một cách tiên nghiệm lạ kỳ, một tình yêu bền bỉ không thể và không cần lý giải.
Cha tôi bị cầm tù, gia đình tôi đảo lộn tan nát theo mọi nghĩa nhất là về phần hồn, vẫn sinh hoạt đi lại vào ra nhưng giờ đây cái đau buồn của kẻ mất nước cứ dần thấm vào hồn từng ngày qua.
Trong tâm tôi vẫn mong đây chỉ là cơn ác mộng ngắn và hy vọng, trông chờ một kết cục sáng lạn ngày sắp tới khi quân đội quốc gia từ Saigon sẽ quay lại tái chiếm lãnh thổ như đã làm được hồi tháng 11 / 1972 khi tái chiếm Quảng Trị. Trong những ngày trông chờ đó, chiếc Radio Toshiba 4 pin của Japan là người bạn chí thiết của tôi cùng với tập Bút ký “Mùa Hè Đỏ Lửa” của Phan Nhật Nam (Sáng Tạo xuất bản, Saigon 1972). Hằng đêm, tôi đóng kỹ cửa nhà, nghe các buổi phát thanh của đài Saigon đến sau 11 giờ thì ôm “Mùa Hè Đỏ Lửa” đọc lại từng dòng nóng hổi dù tôi đã thuộc lòng từ trước. Đêm 22 / 4 / 1975 khoảng hơn 8 giờ, tôi nghe trực tiếp phát thanh buổi nói chuyện cuối cùng khá dài của Tổng Thống Thiệu, tuyên bố từ chức. Tình hình chiến sự 1 tuần tiếp đó càng u ám hơn cứ mỗi ngày qua. Đến chiều tối ngày 29 / 4 / 1975, khi đài Saigon bắt đầu “chuyển giọng” phát những ca khúc đậm mùi “hòa giải”, lời nhạc nói rõ muốn “bắt tay anh em một nhà” với VC, tôi biết thời khắc tệ nhất chẳng còn xa.
Từ một thanh niên mới lớn, có thể nói là vừa mới thoát xác khỏi một đứa trẻ, tôi bỗng ý thức một nỗi đau khó tả. Tôi lội bộ ra nhà thằng bạn học thân nhất là L. P. Qúy (đã tạ thế gần chục năm rồi, vì bệnh) ở phía sau Nghĩa Địa Hội An và hai thằng, lần đầu tiên trong đời học sinh thánh thiện, cùng nhau im lặng châm 2 điếu thuốc Capstan dù trước đó bọn tôi không biết hút thuốc bao giờ. Anh Mười Em, một đàn anh học ban C, lớn hơn tôi 1 lớp ở trường trung học Trần Qúy Cáp, người nho nhã nghệ sĩ, ở nhà đối diện bước qua thấy 2 đứa hút thuốc, ngạc nhiên quá, anh chỉ cười nói vẻn vẹn: “hai đạo sĩ hút thuốc lá”.
Qúy là con thứ Sáu trong một nhà anh tài gồm 8 anh em, Mẹ mất sớm, bố là một nhân sĩ người Đại Lộc trong tay đầy thơ Đường và nghề Hán văn, ông anh bốn của Qúy là thi sĩ Tần Tố Như. Tại nhà này, tôi từng ăn dầm nằm dề học thi, làm toán với Qúy trong những năm trung học. Và cũng chính nơi đây những ngày giờ sắp mất miền Nam, tôi đã được tiếp cận các sách của Nghiêm Xuân Hồng (Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng - Quan Điểm tái bản, Saigon 1964), của Vũ Tài Lục (Thân Phận Trí Thức - Việt Chiến xb, Saigon 1970), của Vũ Khắc Khoan (Những Người Không Chịu Chết, Kịch, An Tiêm xb, Saigon 1972) … trong đó Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng là bổ ích và nặng ký hơn Thân Phận Trí Thức đối với tâm trạng tôi hồi đó. Nói bổ ích là bởi Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng cho người đọc một bức đồ hình tổng quát cô đọng về cộng sản một cách rõ ràng và căn bản nhất như tựa sách đã nói.
Đối với bao thế hệ thanh niên có học ở miền Nam thời với tôi, tôi thấy có rất ít bạn biết rõ Cộng sản LÀ GÌ? Về sau, tôi còn nhận ra khá nhiều lớp lớn hơn tôi vẫn không biết rõ điều thắc mắc chính đáng ấy. Trong tâm tưởng dân miền Nam nói chung, mọi người chỉ nhận thức Cộng sản nhiều phần bằng Cảm tính hơn là Lý tính, đó là Cộng sản là một tập đoàn, một giáo phái, một tà phái độc ác, độc tài phi nhân, chủ trương Duy Vật. Nhưng thế nào là Duy Tâm, Duy Vật, thì đa số không biết hoặc biết mù mờ. Nếu “phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” [Truyện Kiều, Nguyễn Du] Cộng sản xuất phát từ đâu, diễn tiến thế nào, vì sao di họa tới Việt Nam … thì lại càng nhiều người không biết, cho đến tận hôm nay sau 44 năm quê hương bị nhuộm đỏ, bị tàn phá tan nát, vẫn còn khá nhiều người chỉ biết một cách chắp vá rời rạc ngẫu nhiên chớ không biết cho chính đáng bài bản. Sách của Nghiêm Xuân Hồng sẽ giải rõ cho ta điều cần biết ấy, về lý thuyết, chủ thuyết … tức là về mặt TRI. Và sách Vũ Tài Lục sẽ cho người đọc rõ hơn bối cảnh mang đậm tính “chính trị thuật” của việc du nhập chủ nghĩa cộng sản sang Châu Á nói riêng và thế giới nói chung … tức là về mặt HÀNH.
Tôi mang hết các sách ấy theo mình lên “kinh tế mới” và chậm rãi gặm nhấm từng dòng như tụng kinh hằng đêm dưới ánh đèn dầu hỏa tù mù sau một ngày lao lực nhọc nhằn ngoài rừng, rẫy. Càng đọc càng sáng ra. Phải mất hơn 1 năm tôi mới lãnh hội hết 2 tập sách quý giá đó. Lần theo Thư mục in ở bìa sau, tôi thèm khát có ngày sẽ mua được các tập còn lại của 2 ông, Nghiêm Xuân Hồng [1920-2000] và Vũ Tài Lục [1930-2016].
Tâm trạng tự nhiên của con người là khi ta không biết một điều gì cần yếu, chưa đạt được một yêu cầu gì quá nhu yếu cho tâm ta, thì trong ta luôn có một nỗi thôi thúc dò tìm cho bằng được.
“Human knowledge and human power meet in one; for where the cause is not known the effect cannot be produced” (Francis Bacon) [tạm dịch: Hiểu biết và Sức mạnh của con người tuy hai mà một. Vì hễ Nhân mà còn không biết thì làm sao biết đâu là Quả]
Nói rộng ra, không biết rõ kẻ địch thì làm sao biết được mình muốn gì, sẽ đi tới đâu sẽ làm những gì, làm sao xây dựng được một mặt trận chiến đấu?
Sách cũ ở Saigon
Một ngày tháng 3 / 1978, từ một cái cớ riêng, có chút việc bực mình trong nhà, tôi bèn nhân cơ hội bỏ nhà đi Saigon, nơi tôi chưa từng biết trước 1975. Qúy đang ở đó, cuối năm 1975 hắn bất ngờ vào đoàn tụ với Cha, để căn nhà Hội An lại cho một người anh em chú bác, trước khi đi có để lại cho tôi một thư từ giã và có ghi rõ địa chỉ ở Saigon (bữa hắn đi tôi không có ở nhà vì trúng ngày đi thăm nuôi Cha trong trại tù cải tạo ở Phú Túc, Hiếu Đức, Quảng Nam).
Tôi mò đến nhà Qúy ở đường Trương Minh Ký [tức cùng một đường nối với Trương Minh Giảng, tính từ ngã tư Nguyễn Huỳnh Đức về hướng Lăng Cha Cả] lúc 4 rưỡi sáng, hắn đang ngủ gà ngủ gật trông nom 1 quầy nước giải khát với tủ thuốc lá ngay trước nhà bán thâu đêm luôn, thời ấy, người Saigon đổ xô nhau buôn buôn bán bán, kiếm kế độ nhật trong buổi mạt thời chó leo bàn thờ…
Hắn ngạc nhiên vô cùng, cứ tưởng tôi đã chết mất xác trên kinh tế mới rồi. Khi biết tôi chạy vào Saigon là để mua sách cũ, hắn hăng hái ngay.
9 giờ sáng, 2 thằng chở nhau bằng xe đạp có mặt ngay chợ sách cũ ở đường Bùi Quang Chiêu (một con đường nhỏ chừng vài trăm mét nối 2 đường Ký Con và Calmette, song song với đường Trần Hưng Đạo, khu Saigon). Kẻ tham sách như thấy mê man ngay trước một hàng dãy dày đặc cơ man nào là sách cũ, toàn sách quý cùng với những bộ tự điển dày cộm đủ loại. Tôi lao vào tìm thư mục Nghiêm Xuân Hồng và Vũ Tài Lục như đã định, nhắm mắt bỏ qua bao nhiêu là tạp chí quý giá như Văn, Bách Khoa cũng như sách của nhiều tác giả khác... vì tiền trong túi có hạn.
Tôi mua được mấy cuốn ưng ý nhất là:
Vũ Tài Lục: Thủ Đoạn Chính Trị - Việt Chiến xb, Saigon 1970
Nghiêm Xuân Hồng:
Lịch Trình Diễn Tiến Của Phong Trào Quốc Gia Việt Nam - Quan Điểm xb, Saigon 1957,
Cách Mạng và Hành Động - Quan Điểm 1963,
Xây dựng nhân sinh Quan - Quan Điểm 1960
Luyến Ái Quan - Quan Điểm 1961
Biện Chứng Giải Thoát Trong Giáo Lý Trung Hoa - Quan Điểm 1967
Người lội mua sách rất đông, già có trẻ có, các sách tôi mua có giá bán với tiền lúc ấy là 5 đồng, 7 đồng mà tôi củng không có ý niệm là mắc hay rẻ bởi vì với một kẻ đã quá khao khát thì có bao nhiêu cũng không hề gì, bao nhiêu cũng là rẻ cả.
Tôi về lại kinh tế mới sau gần 1 tuần tha thẩn Saigon với bạn, không muốn ở lại thêm phần vì nóng lòng về chỗ yên ổn để đọc, phần vì Saigon đã thay ngôi đổi chủ, ở lại càng buồn thêm chớ ích gì.
Tôi “tụng” những tập sách quý báu ấy suốt mấy năm liền, đêm đêm âm thầm ngồi vào chiếc bàn con với cây đèn dầu hỏa, lần dở từng trang trí tuệ giải sáng cho mình biết bao vấn đề mà nghe lòng thầm biết ơn hai vị học giả uyên thâm và chính nhân quân tử ấy, những vị Thầy lớn dù mình chưa từng được gặp mặt bao giờ nhưng trong tâm tôi coi các ông như những đại ân sư của đời mình.
Về sau này, nghĩ lại, tôi chợt ý thức rằng, có lẽ những tháng năm ở rừng khi xưa, tôi đã vô tình tự học nghiêm chỉnh một giáo trình còn hơn cả Đại học, những chủ đề uyên bác mở rộng ra sử quan, thế giới quan mà có lẽ lúc trước những khóa sinh theo học Viện Quốc gia Hành chánh đã miệt mài mòn quần trên ghế giảng đường để nghiên cứu học hỏi?
May 7, 2019
Hoi An
$pageOut $pageIn 13
Một câu chuyện án mạng cũ ở Hội An 1960
Trong những câu chuyện kể cho nhau nghe những lúc đi làm ngoài rừng rẫy kinh tế mới, tôi nhớ nhất câu chuyện án mạng ly kỳ cũ ở Hội An khoảng 1960, chuyện do bác Văn (đã tạ thế cũng đã 2 chục năm rồi) kể trong một buổi sáng mồng 4 Tết Mậu Tuất 1978.
Dân kinh tế mới Darlac ăn Tết không dài, chỉ qua 3 ngày Tết là quay về với cái nhịp sống khổ đời lao nhọc cũ, lại rựa cuốc lên vai vào rẫy lo cuốc dọn đặng chuẩn bị cho vụ mùa gieo tỉa sẽ đến vào đầu mùa mưa là khoảng tháng Tư Âm lịch, vụ mùa quyết định có thu đủ hạt lúa miếng cơm cho cả năm hay không.
Bác Văn, người Bắc di cư, là Thượng sĩ già Công binh đóng ở Tiểu Khu Quảng Nam. Ông là bậc Cha Chú lão làng, sống ở Hội An ngay sau 1954, có vốn sống phong phú sành nhiều chuyện đời. Ông có lối sống khá phong lưu nhàn nhã và vẫn giữ nếp ấy trong chuỗi ngày dài kinh tế mới. Ông thích đi câu hơn là đi làm rẫy ruộng, và mỗi khi đi làm ông thường ngồi kéo thuốc lào rồi kể đủ thứ chuyện xưa cho đàn em cháu nghe nhiều hơn là lao lực cuốc xới như đám trẻ.
Mồng 4 Tết, mấy bác cháu, chừng hơn 10 người, cùng nhau đi làm ở một miếng rẫy đất đen gọi là “ruộng xa”, một đoạn đường đi bộ chừng 2 cây số, băng qua một cánh rừng tre le với những trảng cỏ tranh rậm rì. Sáng ấy, mùi vị ngày Xuân vẫn còn lưu nơi hương rừng ngai ngái chưa tan, đoàn nông dân bất đắc dĩ uể oải băng rừng khá trễ, gần 9 giờ sáng mà mới đi ngang khu rừng tre tức mới được phân nửa độ đường, một anh trong bọn cao hứng nói bác Văn ngồi nghỉ chơi và kể chuyện, để ngày mai đi làm cũng được. Gì chớ nghỉ làm, kể chuyện thì bác Văn chẳng từ chối. Cả bọn tìm một bóng mát dưới một lùm tre le to, ngồi lại bày bánh mứt dư vị ngày Tết với các điếu cày, các bi đông nước rôm rả một lúc rồi im lặng lắng nghe một câu chuyện mà bác Văn chưa từng kể trước đây.
Chuyện ly kỳ như ciné, xảy ra ở một căn nhà gần góc Phở Bắc “Tân Bắc” (nếu tôi nhớ không nhầm tên quán phở) ở cuối đường Phan Chu Trinh, khoảng 1960. Đó là nhà của cặp vợ chồng son, chồng là Trung úy Hưng, vợ là cô Khánh, một thiếu nữ nhan sắc mặn mà vào hàng hoa khôi của Hội An thời đó. Ngôi nhà nhỏ chỉ có hai vợ chồng ở, ngoài ra thân thuộc hai bên không ai ở cùng nhà ấy vì họ đều có nhà riêng ở cùng thành phố Hội An.
Hưng chơi khá thân với một người bạn là Trung úy Toàn (nếu tôi nhớ không nhầm tên).
Hưng là sĩ quan An ninh Quân đội, còn Toàn là Y sĩ quân y, còn độc thân.
Cả hai đều có nhiệm sở ngay tại Hội An thuộc Tiểu Khu Quảng Nam. Thời đó cấp bậc Trung úy là khá to, uy quyền tỏa rộng nhiều lĩnh vực và uy tín thuộc vào hàng tinh hoa của tỉnh, Hưng có uy thế hơn Toàn, có xe Jeep và tài xế riêng.
Người ta thấy cặp vợ chồng Hưng Khánh thường đi chơi chung với với Toàn, khi thì các quán ăn khi thì bờ biển Cửa Đại những ngày hè. Theo nhiều người biết chuyện sau này nói lại, họ thường thấy Toàn đến nhà Hưng chơi không ít lần cả những lúc Hưng vắng nhà. 3 người có vẻ thân thiết với nhau và nơi một thành phố nhỏ xíu như Hội An thì ấn tượng họ gieo vào dư luận là những người trẻ có địa vị và tương lai còn rộng mở phía trước, Hưng với Toàn mới hơn ba mươi còn Khánh chưa tới ba mươi.
Suốt hơn một năm trời sau khi Hưng và Khánh thành hôn, tình thân hữu bè bạn giữa họ với Toàn vẫn bình thường diễn ra trơn tru thắm thiết. Cho đến một hôm, Hưng nhận thấy con chó mà anh mới nuôi giữ nhà được ít lâu tỏ một vẻ thân thiện với Toàn, nó không còn gầm gừ hay sủa Toàn như những người lạ khác đến nhà như mọi khi nữa mà còn quẫy đuôi mừng Toàn, có vẻ quấn quýt mỗi khi Toàn đến như thể đó là một người thân chứ không phải khách lạ.
Công việc của 2 sĩ quan trẻ vẫn bình thường ở nhiệm sở ngay tại Hội An, riêng Hưng thỉnh thoảng phải có những chuyến công tác xa vắng nhà độ vài ngày, còn Toàn thì hầu như chẳng đi đâu xa khỏi Hội An cả.
Nên biết, An ninh Quân đội VNCH là một ngành gần như Tình báo Quân đội, nhiệm sở ở tỉnh là Phòng Nhì (Ban 2) Bộ Chỉ huy Tiểu Khu Tỉnh. An ninh Quân đội nắm vững hồ sơ quân bạ cũng như các hành vi, lập trường ngoài đời của từng quân nhân không loại trừ người quân nhân đó mang cấp bậc lớn nhỏ thế nào. Ngoài ra, Ban 2 An ninh Quân đội còn phải dò tìm, phân tích, theo dõi và khai thác tất cả các tin tình báo từ phía đối phương, phát hiện kịp thời các âm mưu điệp báo của địch và có biện pháp đáp trả thích đáng, có thể nói An ninh Quân đội là một đội ngũ vừa là tình báo vừa là phản gián quân sự và quốc phòng cho QLVNCH.
Một sĩ quan cao cấp Ban 2 như Hưng thì không thể không sinh nghi bất cứ chuyện gì cho dù bắt nguồn từ một mầm mống rất nhỏ mà vốn với nhiều người khác có thể lơ là bỏ qua không lưu ý. Anh bí mật thả vài quả dò kể từ mối nghi ngờ dấy lên trong lòng về mối giao hảo giữa Toàn với người vợ trẻ mới cưới của mình, cô Khánh, nhưng Hưng làm một cách kín đáo vừa vì tôn trọng vợ vừa tôn trọng bạn.
Những chuyến đi công tác xa Hội An vài ngày trước đây, anh vẫn thường có người tài xế riêng, là một binh nhất An ninh Quân đội thuộc cấp. Kể từ khi trong lòng dấy mối nghi nan, anh tìm cách đi công tác xa vắng nhà nhiều chuyến hơn, và những lần ấy anh không cần tài xế, tự lái xe Jeep đi một mình và bí mật cho người tài xế đó ở lại Hội An, cải trang dò xét theo dõi nhà anh mỗi khi đêm xuống. Độ nửa năm, sau vài chuyến công tác như vậy, anh có được báo cáo “tình báo” từ người tài xế tín cẩn rằng, chỉ một lần đầu Toàn đến nhà Hưng chơi độ 7 giờ tối và ra về lúc 9 giờ, còn ba, bốn lần kế tiếp thì Toàn đến muộn hơn, sau 8 giờ và ra về khi đã gần 12 giờ đêm, trong tất cả những ngày Hưng còn ở xa chưa về. Những lần Toàn đến nhà Hưng, lần nào chú chó cũng được đưa ra xích bên ngoài cửa chính, chỉ khi nào Toàn ra về chú chó mới được cho vào nhà lại.
Hưng còn thận trọng cứ mỗi lần đi công tác Vùng II chiến thuật như Kon Tum, Pleiku hay Ban Mê Thuột, anh đều gọi điện đàm từ các máy truyền tin sở tại về cho Toàn, rồi cho Khánh, chuyện trò thăm hỏi thông thường khi vắng nhà… như là một cách cố ý tự định vị cho cả hai biết anh đang thực có ở những nơi đó.
Lần quyết định sau cùng, xảy ra trong một chuyến Hưng đi công tác Kon Tum. Cũng nên biết thời ấy, từ Hội An đi Kon Tum phải đi vào tình Bình Định, đến ngã ba cầu Bà Di rẽ phải lên đèo Mang Yang rồi qua đèo An Khê để tới Pleiku (tỉnh Pleiku) sau đó đi theo quốc lộ 14 để qua Kon Tum (tỉnh Phú Bổn). Kon Tum nằm ở phía Tây của Hội An-Quảng Nam, cách một đoạn đường đi gần 600 cây số nếu đi theo lộ trình vừa nói.
Có một con lộ khác để đi Kon Tum mà gần với Hội An hơn, rút ngắn tới 2 / 3 độ đường, đó là con lộ gọi là quốc lộ 14B, từ Kon Tum chạy xuống đâm chênh chếch theo hướng Đông Bắc của quốc lộ số 1, chạy thẳng về ngay sát chân cầu Vĩnh Điện tức là chỗ giao với quốc lộ 1. Vĩnh Điện chỉ còn cách Hội An có 10 cây số. Con lộ 14B này có từ thời Pháp, đường rất xấu và vắng tanh nên đã lâu không ai dám đi cả và nó gần như bị bỏ hoang cho tới ngày miền Nam thất thủ black April 1975.
Lần đó, Hưng depart từ Hội An nhưng không đi theo lộ trình cầu Bà Di mà dùng lộ 14B ở sát cầu Vĩnh Điện đi lên, chỉ mỗi mình anh biết việc đó ngay cả người tài tế cũng không biết. Anh muốn đi dò thử trước độ hiểm trở của con lộ khi bất thần mạo hiểm quay về lại trong đêm mà anh đã tính toán trước. Lần này, anh bảo người tài xế vừa theo dõi kỹ nhà anh như bao lần trước, và ngay đúng lúc Toàn vào nhà (như quả đúng là 8, 9 giờ tối như thường lệ), khi chú chó đã được xích ngoài cửa nhà thì phải chạy về ngay nhiệm sở gọi bằng tổng đài nội bộ gặp anh ở Kon Tum để báo ngay cho anh biết không chậm trễ.
Cũng như mọi lần, khi đã tới Kon Tum, anh gọi điện đàm về nhà cho Khánh biết và bảo sẽ về lại trong độ hai, ba ngày nữa. Cuộc gọi đó là gần 7 giờ tối.
Hưng nhận được cuộc gọi của người tài xế (từ Ban 2 An ninh Quân đội Hội An) lúc 8 giờ 15, xác nhận Toàn đã vào nhà, chú chó đã được xích ngoài cửa, đó cũng là cuộc gọi cuối của người tài xế coi như đã hoàn thành nhiệm vụ mà Hưng yêu cầu. Chỉ chờ có thế, Hưng đã nai nịt gọn gàng sẵn sàng chờ cả hơn một giờ đồng hồ qua, liền phóng lên xe chạy theo lộ 14B về lại Vĩnh Điện. Đường vừa xấu, vừa chạy xe một mình trong đêm tối trên một con lộ bỏ hoang lâu ngày, tuy là khoảng cách Kon Tum - Hội An đã rút ngắn lại, có gần hơn nhiều nhưng cũng phải hơn trăm cây số, Hưng đã mạo hiểm bất chấp mọi hiểm nguy từ đường sá cho tới nguy cơ bị VC phục kích dọc đường, nên nhớ dạo đó con lộ này xem như bị mất an ninh, vài tên du kích cộng sản vườn có thể bất thần nhảy xổ ra chận xe hoặc tấn công khi thấy một chiếc xe Jeep nhà binh pha sáng đèn chạy trong đêm như thế.
Hưng về tới Hội An gần 12 giờ đêm tức mất gần 4 giờ đồng hồ, một khoảng thời gian “không tưởng”, không thể với tất cả mọi người thời đó, chạy bằng xe Jeep nhà binh trong đêm từ Kon Tum về Hội An! Anh đậu xe ở khoảng trống phía trước một Garage xe hơi cách nhà vài chục thước, bước về nhà bế chú chó quay lại xe xích nó lên băng ghế sau rồi nhanh chân quay về nhà. Tất cả chỉ vẻn vẹn chưa tới 2 phút
Anh nhẹ nhàng tra chìa mở khóa cửa vào nhà êm ru như một bóng ma. Rút khẩu súng lục một tay, tay kia cầm sẵn chìa khóa phòng ngủ nhưng khi anh đẩy nắm cửa thì cửa phòng không khóa. Trong ánh đèn ngủ mờ mờ, người đàn bà lõa thể bật dậy ngay, hét lên 1 tiếng kinh hoàng và xô vội người đàn ông trên bụng xuống, nhào tới như muốn che chắn cho anh ta nhưng tầm đạn trong tay người chồng đi nhanh hơn. Hai phát đạn trúng ngay đích đã thổi bật thây người đàn ông văng bắn vào tường, một vệt máu loang dài trên tấm drap trắng. Khánh hoàn toàn vô sự.
Hưng lầm lì im lặng, không một lời nào kể từ khi bước về lại nhà mình, có lẽ chỉ mới chưa đầy 4 phút cả thảy cho một quyết định kéo dài gần một năm trời. Anh đóng cửa phòng ngủ lại, quay ra phòng khách, tay vẫn cầm súng, tay kia quay số điện thoại gọi cuộc đầu tiên cho sở cảnh sát Hội An. Cuộc gọi thứ nhì là gọi cho gia đình Ba Mẹ vợ.
Bác Văn kể tiếp, phiên tòa xử vụ án mạng đó diễn ra rất nhanh sau cái chết của Toàn, và diễn tiến phiên tòa cũng nhanh gọn vì gia đình bên vợ Hưng lại là nhân tố tích cực biện hộ cho Hưng trắng án. Và quả Hưng được trắng án thật. Cùng với tư pháp của chính quyền, dư luận cũng là một công lý khác, và hầu như tất cả đều đồng tình với việc làm chính đáng của Hưng. Thật là một vụ án mạng có một không hai ở Hội An đã hơn 60 năm trước mà những ai ở vào thời đó biết câu chuyện hẳn là nay cũng không ít người đã ra người thiên cổ từ lâu rồi.
May 8, 2019
Hoi An
$pageOut $pageIn $pageOut các Phần tiếp theo ==>
.
Được mấy anh em chí cốt khích lệ, yêu cầu tôi viết thuật lại những sự chuyện chính mình từng trải, từng sống qua chưa hề có nơi sách báo ấn phẩm nào, sau nhiều ngày tự thắng lướt được cái biếng lười, tôi bèn ngồi xuống bàn cạnh những trang giấy trắng.
Phần lớn tập thuật ký này là những chuyện có thật tôi đã sống qua. Thỉnh thoảng tôi cũng dành đôi ba chuyện riêng cho những nhận định của chính mình rút ra từ những thực tế sống động đó, dẫu có thể bị trách -hoặc khen- là thiên kiến chủ quan của một cá nhân, tôi cũng xin được nói ra, vì thật khó mà không nói gì khi mình nhìn thấy rõ chớ không mù, và thật khó mà đôi tay không bị lấm bẩn trừ phi ta tụ thủ bàng quan trước thế sự.
Sự thật được tôn trọng tuyệt đối trong những dòng ghi chép này, kể cả tên người, địa danh, chỉ đôi khi phải bất đắc dĩ viết tắt vì lý do bảo mật trong tình thế hiện thời.
Trong nhiều tình tiết, tôi buộc phải ghi rõ ra nhiều chi tiết liên đới trước là để tôn trọng chứng lý của sự việc chứ không tùy tiện nói khống, sau là để người đọc thấy được sự việc trong một toàn thể, tuy nhiên các chi tiết ấy sẽ được ngắn gọn giản lược vừa đủ để dẫn dắt mà không làm mờ đi nét chính của câu chuyện.
Đây cũng không phải là những kể lể cà kê lắm lời của một đời cá nhân làm phiền thì giờ người khác, mà chỉ những chuyện nào thực có ý nghĩa giúp bạn đọc suy tư, đối chiếu và rút ra nhận định … mới được viết thuật lại. Chủ đích là ghi lại những văn minh, nhân bản, thanh bình và giàu tri thức của miền Nam quốc gia mà tôi đã sống. Đó là những chuyện chưa từng có ai kể trên Web và chỉ riêng người có từng trải qua mới có chất liệu để dựng lại chân thực một thuở vàng son.
Mong rằng qua đây, nhiều lớp bạn trẻ sanh sau black April 1975 sẽ có cơ hội thấy đúng, biết đúng, hiểu đúng một nền văn minh mà họ không biết tới hoặc biết sai vì bị xuyên tạc, bôi bẩn (ngớ ngẩn) và bị nhồi sọ ác ý thấp hèn của giặc cộng. Do đó tôi xin miễn nói về mình, bạn đọc sẽ thấy thấp thoáng ra trong những chuyện thuật lại này một chứng nhân vừa kịp trưởng thành trong nền văn minh tự do dân chủ của miền Nam quốc gia thì bị đoàn tàu lịch sử tàn nhẫn kéo tới và thế hệ chúng tôi phải chịu cảnh lót đường cho đoàn tàu đó nghiến lên. Trong hoàn cảnh đó hoặc người ta cam chịu cầu an chờ chết, hoặc cố đốt lên một ngọn nến, giữ ánh sáng trong đêm và tìm cách truyền đăng khi nến chưa tàn và chờ ngày mai trời sáng lại.
Hoi An
44th black April
_________
Nếu không có gì thay đổi, sách sẽ được dàn thành 4 phần:
- Thời thơ ấu Hội An
- Kinh tế mới Darlac
- Độc hành Dặm mỏi
- Nổi trôi Thế cuộc
_________
$pageOut $pageIn 01
Nhắc tới Nguyên Sa, bỗng nhớ ...
Đó là năm 1976, 1977, ở một khu gọi là "kinh tế mới" có tên "Khuê Ngọc Điền", cách thị xã Ban Mê Thuột khoảng 50 cây số, đây là một vùng mất an ninh trong thời VNCH, vốn thuộc địa phận của tỉnh Ban Mê Thuột cũ, khu "kinh tế mới" nằm sát chân dãy núi dài Chư Yang Lak nối với Chư Yang Bung, khởi từ ngã ba Lak (Lạc Thiện) buôn Yang Reh đổ xuôi xuống thấp dần tận Khuê Ngọc Điền rồi xuống tới dưới buôn Chư Phăng (dân "kinh tế mới" thường gọi là Hòa Lễ hay buôn Chí Phèng có khi chỉ gọi giản dị là "buôn Phèng")... mà VC đưa dân thành phố từ Hội An, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Bình Định, Quảng Ngãi ... lên đây sống với núi rừng hoang dã sau khi chúng đã đe dọa chiếm mất nhà cửa và bắt Cha, Chú của họ đi tù đày không án trong các trại tù cải tạo của chúng lập ra ngay đầu tháng 4 / 1975 [chú ý: Vùng I chiến thuật thất thủ trước Saigon 1 tháng: ngày 29 tháng 3 / 1975]. Phần lớn người thành phố bị VC hốt lên "kinh tế mới" là người nhà của các viên chức chế độ quốc gia.
Tôi gặp rồi kết thân với một người anh bạn, lớn hơn tôi 2 tuổi, anh Dương Mạnh Cường, người Nha Trang, anh lưu lạc lên khu "kinh tế mới" này dạy học, trong hàng ngũ giáo viên phổ thông cấp II của Việt cộng (tức là Trung học Đệ nhất Cấp thời quốc gia).
Vì tuổi tác không xa biệt nhau nhiều nên tôi với anh Cường thân nhau nhanh lắm, nhứt là nhờ cây đàn guitar nữa ... 2 đứa "trẻ" chưa thèn mô quá tuổi 20 cả, cứ tối tối là chuyện vãn không ngớt bên mấy cái bánh tráng sắn nướng với mấy ly trà và cafe nhạt, thời ấy kham khổ vô cùng làm gì có giọt rượu nào mà mong điểm tô những đêm vọng tưởng đó...Vậy mà chuyện trò không dứt nào là Lý thuyết về Vi Tích [Vi phân và Tích phân của Newton và Leibniz] vì tôi bén nhọn về Toán, rồi cuốn The Story of Philosophy của Will Durant -chủ đề Triết học vì Cường rất giỏi Triết [cuốn này là trong gia tài sách của tôi và tôi có đem theo từ Hội An lên] bản Việt dịch "Câu Chuyện Triết Học" do 2 dịch giả khả kính Trí Hải & Bửu Đích dịch năm 1971, do Nha Tu thư và Sưu khảo – Viện Đại học Vạn Hạnh in lần đầu ở Sài Gòn cùng năm. Trí Hải là bút hiệu của Ni cô Phùng Khánh mà Trung niên Thi sĩ Bùi Gíáng thường gọi là Mẫu Thân bát ngát của ông]. Anh Cường thi và trúng tuyển vào Phân Khoa Báo Chí của Viện Đại học Vạn Hạnh niên khóa 1974-1976 [học trình của Khoa Báo Chí chỉ 2 năm] ... tiếc là anh -cũng như tôi- bị gãy gánh giữa đường công danh học vấn vì bầy quỷ đỏ đã từ trong rừng đem cái man rợ tràn ra phố phường...
Một đêm bên ngọn đèn dầu hỏa, vừa nghe tiếng voi gầm vượn hú sát nách dãy Chư Yang Lak bạt ngàn và hoang dại, vừa nhắc lại chuyện học ở Vạn Hạnh -khoảng cuối 1974, anh Cường kể lại một kỷ niệm trong một giờ học Triết với thầy Trần Bích Lan [tên thật của thi sĩ Nguyên Sa], sinh viên đang làm bài tập ... Có lẽ do Cường có bộ râu quai nón, tướng người cao to đẹp choai y như Alain Delon mà Giáo sư Trần Bích Lan bỗng bước tới gần -Cường ngồi đầu bàn gần cuối giảng đường- và cười cười hỏi Cường: "biết yêu chưa?". Cường ngớ người nhìn ông và bẽn lẽn đáp: "dạ chưa" Thế là ông bảo ông biết yêu từ thuở 13 và cao hứng đọc sang sảng bài thơ "Tuổi Mười Ba" của ông luôn ...
Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngọt ngào... tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng
Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba ...
Cả giảng đường bỗng buông hết bút viết và nhào nhao xin thầy cho "khất nợ" bài tập, và xin thầy dành khoảng thì giờ còn lại của buổi học để đọc và giảng thơ cho sinh viên nghe.
Ôi, có chút kỷ niệm xưa nhỏ nhoi vậy đó, mà nay bỗng thấy LuuGia nhắc tới Nguyên Sa là mình chợt khựng lại nhớ về một buổi thánh thiện xa xưa của tuổi trẻ VNCH, thấy mình đã may mắn biết bao khi đã kịp trưởng thành khôn lớn thành người trong thời quốc gia và thấy thương thay cho các anh chị em bạn nhỏ bất hạnh không may vì phải sanh sau đẻ muộn sau 1975, bị bầy quỷ đỏ 3 đình trùm cái giẻ đỏ máu lên là đành tan cả 1 đời!
______
anh Cường chịu không nổi đám "chuyên dốt vô sản" của cái gọi là trường học VC ở kinh tế mới nên bỏ chạy về lại quê nhà khoảng 1981 và 2 đứa tôi mất liên lạc luôn từ đó tới nay
$pageOut$pageIn 02
Miền Nam Thất Thủ Không Bất Ngờ
Gia đình tôi dọn lên khu “kinh tế mới” thuộc tỉnh Darlac vào tháng 12 / 1976. Cả nhà thuê riêng 1 chuyến xe ba lua [poids lourd -tiếng Pháp / truck –tiếng Anh] và khởi hành giã từ phố Hội vào trưa ngày 16 / 12 / 1976. Tôi sẽ dành 1 chương riêng viết về khu “kinh tế mới” của cộng sản ngay sau black April, đẩy dân thị thành lên núi rừng hoang mạc, một “chính sách” bất trí và bất nhân của chúng.
Một năm sau, nơi núi rừng hoang dã tôi đã có 2 người bạn mới, là giáo viên bên trường cấp II, là anh Dương Mạnh Cường và anh Nguyễn Nho Cư (người Ban Mê Thuột, cỡ tuổi tôi, thư sinh nho nhã hiền lành ít nói và là người đã tặng tôi score độc tấu guitar bản nhạc Jomeo et Julliet của Nina Rota, ấn bản cũ đâu thời 1967, 68 khổ rộng như các sheet music quen thuộc ở miền Nam trước 1975. Đây là bản solo guitar score -độc tấu guitar- khó nhai với trình độ tôi thời ấy vì có 1 trường canh có 1 "thử thách lớn": 1 thế bấm đồng thời với ngón 1 bấm note Fa ở ngăn 1 dây số 6 và ngón 4 bấm note La ở ngăn 5 dây số 1).
Gọi là trường cấp II cho oai chứ thực ra đó là 1 khu nhà gạch xây đã hoang tàn, một thời là Khu Dinh Điền của chính sách Di dân Lập ấp của chính quyền đệ nhất cộng hòa Ngô Đình Diệm 1956 – 1960. Về sau, vì không giữ được an ninh khu này cho nên di dân bỏ hết về thành và sau cuộc chính biến 1 tháng 11 / 1963 thì khu này bị bỏ hoang luôn. Vùng này sát vách 2 dãy núi lớn Chư Yang Lak và Chư Yang Bung một thời là nơi giao tranh ác liệt những năm đầu chiến tranh Vietnam, và về sau VC cũng bỏ ngỏ luôn vì không dàn trải nổi nhân lực.
Dân “kinh tế mới” mới sau 1975 dọn lên có được bao nhiêu học trò cho cam, cho nên trường cấp II đó lúc bấy giờ chỉ có 2 lớp, lớp 6 và lớp 7, mỗi lớp chừng một đôi chục học trò. Cả 2 ông Cường và Cư đều dạy môn Văn [thời trước, chúng tôi không gọi trơ chỉ 1 chữ “văn” thô thiển như vậy, mà gọi là Quốc Văn, với bậc trung học đệ nhất cấp thì Quốc Văn chia làm 2 phần là Kim Văn và Cổ Văn. Khi lên đệ nhị cấp thì còn duy chỉ 1 tên Quốc Văn, riêng lớp đệ nhất –lớp 12- thì có thêm 1 môn khá lý thú và nặng ký: môn Triết, gồm 4 phần: Luận Lý Học, Tâm Lý Học, Đạo Đức Học và Siêu Hình Học. Triết là môn học rất giá trị làm thay đổi, lột xác một học trò trung học thuần túy trở thành một chính nhân chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa Đại Học]
Mấy anh cũng như tôi, những thư sinh mặt trắng, ham học và dùi mài kinh sử cả 12 năm ròng chỉ chờ giờ ứng thí lập thân với đời, bọn tôi còn chưa hết bàng hoàng khi bị buộc phải chấp nhận một sự đổi đời quá bất ngờ và tàn khốc. Anh Cường chỉ còn 1 năm nữa là tốt nghiệp Cử Nhân Báo Chí [chú ý: khoá Báo Chí đầu tiên - thuộc Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn của Viện Đại Học Vạn Hạnh, khai giảng 1969, và đến 1971 có 22 Cử Nhân Báo Chí tốt nghiệp]. Anh Cư thì cũng như tôi, riêng tôi đã được Má tôi hứa hậu thuẫn bạc tiền cho tôi đi du học Canada (nếu tôi thi Tú Tài Toàn mà đỗ được thứ hạng từ Bình trở lên. Hồi đó, thi đỗ Tú Tài Toàn –còn gọi là Tú Tài Phần 2 hoặc Tú Tài 2- hạng Tối Ưu thì nghiễm nhiên được hưởng du học Học bổng Quốc gia, không đỗ được hạng Tối Ưu mà muốn đi du học tự túc thì phải đỗ thứ hạng từ Ưu xuống tới Bình. 2 hạng Bình Thứ và Thứ là thấp nhất, phải chịu học đại học –dĩ nhiên phải qua thi tuyển gắt gao- trong nước. Sinh viên du học tự túc không được chính phủ đài thọ học bổng mà phải tự lo liệu các phí tổn trong suốt học trình ở xứ người, chỉ được hỗ trợ về mặt thủ tục, giấy tờ mà thôi. Ngoài ra, cả 2 thành phần, du học học bổng hay tự túc đều không bị phân biệt, miễn tốt nghiệp học trình và hạnh kiểm tốt là khi quay về quê nhà được trọng dụng ngay.
Sống giữa cảnh núi rừng đầy bất trắc với muông thú hiểm nguy rình rập, còn chưa tỉnh người sau cú sốc đổi đời cay đắng, hoàn cảnh đó đã đưa những anh em cựu học chúng tôi thân nhau mau chóng dễ dàng và nhận mặt nhau trong tinh thần quốc gia không chút gìn ý giữ kẽ gì hết, dù ở ngay trong một cảnh sống chung với kẻ thù là bầy thú dép râu nón cối trong rừng ra dốt nát nghễnh ngãng đến phì cười bao bận.
Những đêm Cường - Cư sang nhà tôi chơi, chỉ đạm bạc với bánh tráng sắn chấm nước mắm, hút thuốc lào và thì thầm trò chuyện, vậy mà bao giờ câu chuyện cũng quy về chỗ chủ đề mất miền Nam tự do. Vì chúng tôi là nạn nhân nóng hổi và trực tiếp rõ ràng nhất của thảm kịch đó cho nên khi chụm đầu bên ngọn đèn dầu, giữa mái nhà tranh cạnh núi rừng hoang dã, các chuyện đời sống kham khổ hay thiếu đói hay lao nhọc vẫn chỉ là thứ yếu. Đó là khoảng từ 1977 – 1980.
Thời trước 1975, anh Cường học báo chí ở Saigon, nên có hiểu biết rộng và quảng giao với nhiều thành phần ký giả trong cũng như ngoài nước thạo tin tức thời sự, anh kể lại rằng, anh và các bạn đã biết trước thảm họa đang chực chờ đổ ập xuống miền Nam chỉ khoảng 1 tháng trước black April. Vào tháng 3 / 1975, có một “phái đoàn” báo chí đến gặp gỡ sinh viên khoa báo chí Đại Học Vạn Hạnh. Sau mấy ngày làm việc, trước khi từ giã, một cô trong số mấy cô ký giả trẻ của tờ The Guardian, một nhật báo thiên tả của Anh quốc, nói với Cường: “Chúng tôi đến thăm khoa báo chí và Saigon một tháng trước khi miền Nam hoàn toàn bị nhuộm đỏ”. Anh em không ai không sững sờ và kinh ngạc, nhưng không hoảng loạn.
Đoàn ký giả The Guardian còn tiết lộ, giới ký giả và quan sát viên quốc tế đều biết trước Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi miền Nam vì về mặt chiến lược trong chính sách toàn cầu của họ ở A Phú Hãn (Afghanistan) họ đã thuận đánh đổi chế độ quốc gia Nam Việt Nam với Nga sô. Một bối cảnh kịch tính khác của thảm kịch ta không thể không nhắc tới, đó là vụ bê bối Watergate hồi 1972 đã dây dưa khiến Tổng Thống Nixon 1 phải từ chức vào 1974, việc này có tác động rất lớn đến việc mất miền Nam vào black April 1975.
10 năm sau, khi lớn khôn và cố tìm hiểu thêm qua cuốn "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập" của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng (và nhiều sách khác sau này), tôi mới biết chi tiết anh Cường nói đó không sai nhưng chỉ có vai trò khá nhỏ trong toàn thể tấn thảm kịch “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” [một tựa sách khác của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng 2].
Nhớ lại những giờ khắc kỷ niệm quý báu hiếm hoi thời son trẻ đó vẫn theo hoài trong ký ức tôi. Việc cộng sản chiếm được miền Nam với chúng tôi nói riêng, với toàn dân miền Nam nói chung, vẫn còn là một sự thể lạ lùng, nếu không bảo là nghịch lý khó chấp nhận, và bọn tôi vẫn không thể chấp nhận được cho đến tận hôm nay, khi nhìn ra non sông đã tan nát từ núi rừng, sông bể, từ con người bằng xương bằng thịt đang còn thở cho chí những người đã nằm xuống.
“Hai mươi năm đàn trẻ thơ nay đã lớn
Và chàng trai nay đã già
Những người xưa đã nằm xuống
Và rừng núi đã héo nhòa ...” 3
_____________
(1) Richard Nixon [1913-1994], thuộc đảng Cộng Hòa, Tổng Thống thứ 37 của Mỹ đắc cử 2 nhiệm kỳ, nhiệm kỳ đầu (1968–1972) và nhiệm kỳ sau (1972–1976). Đại để vụ bê bối Watergate hồi 1972 là vì nghe lén đối thủ (đảng Dân Chủ) trong chiến dịch tranh cử Tổng Thống. Vì Tổng Thống phạm tội vi hiến cho nên Nixon phải từ chức nếu không phải chịu bị bãi nhiệm một cách mất danh dự.
(2): Nguyễn Tiến Hưng: Tổng trưởng Kế hoạch của Đệ nhị Cộng hòa từ năm 1973 đến 1975, Phụ tá về tái thiết và là Cố vấn về kinh tế của Tổng thống Thiệu [1923-2001].
Ông đã viết các sách chủ đề giải mật chiến tranh Vietnam như:
- “Palace File” bằng Anh ngữ (542 trang do Harper & Row Publishers xuất bản 1986), được dịch ra tiếng Việt với tựa "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập" (bản Việt dịch của Cung Thúc Tiến -tức nhạc sĩ Cung Tiến- và Nguyễn Cao Đàm)
- "Khi Đồng Minh Tháo Chạy" bằng tiếng Việt 705 trang do Hứa Chấn Minh xuất bản 2005.
- "Tâm Tư Tổng thống Thiệu", dày hơn 700 trang bằng tiếng Việt do Hứa Chấn Minh xuất bản 2010. Sách có rất nhiều tài liệu mới, được Thư khố Hoa Kỳ giải mật sau này khi đã hết hạn bảo mật và đặc biệt trong đó có kèm 150 trang tài liệu Anh ngữ để độc giả dễ tham khảo.
- "Khi Đồng Minh Nhảy Vào" bằng tiếng Việt 882 trang do Hứa Chấn Minh xuất bản 2016.
(3): lời nhạc phẩm "Hai Mươi Năm" sáng tác năm 1995 của Phan Văn Hưng và Nam Dao
$pageOut$pageIn 03
"Dự định vượt biên bằng đường bộ"
Trang 24 tập sách ảnh “Cao Nguyên Việt Nam Quê Hương Yêu Dấu” (NXB Gấm Hoa, Saigon 1969) - by Nguyễn Cao Đàm |
Một buổi chuyện trò khác khoảng mùa Thu 1979, tôi với Cường bỗng không hẹn mà gặp nhau trên cùng ý định vượt biên đó: vượt bằng đường bộ.
Tôi đã nhiều lần đứng hàng giờ nhìn lên “tảng đá” hình thang (chỉ cần bước ra ngay sau lưng nhà tôi nhìn về hướng Tây là tảng đá ấy hiện rõ mồn một vì nó nằm án ngữ trên cao điểm nhất của dãy núi Chư Yang Lak) tưởng tượng đển chuyến băng bộ vượt núi rừng mà có ngày mình sẽ đi. Tôi biết được rõ tên chính thức các dãy núi, đồi địa hình quanh vùng là nhờ may mắn được nhìn thấy và săm soi kỹ tấm bản đồ không ảnh cỡ lớn –do người Mỹ chụp trước 1975- toàn vùng Darlac-Ban Mê Thuột do anh Chư, một người bạn cùng Xã, nhỏ hơn tôi độ 2, 3 tuổi còn cất giữ. Chư là người Mường cũng đi kinh tế mới tới vùng này từ ngay sau black April 1975 và quần thể người Mường cùng quần tụ vào ở thôn 5 (tôi ở thôn 1). Tôi quen Chư khoàng mùa Hè năm 1977 khi cả 2 cùng được Xã kinh tế mới tôi mới đến cử đi học 1 khóa huấn luyện “nghiệp vụ” 3 tháng để trở về làm việc văn phòng cho chính quyền xã. Thực ra tôi chả cần phải “đi học” gì ráo, dư sức làm tất cả mọi việc văn thư giấy tờ mà lúc ấy, cái gọi là “chính quyền cách mạng” của VC gồm toàn bọn ngu dốt, rất sợ động tới giấy bút, chữ nghĩa và các con số. Nhưng hình như chúng nhận được một cái “lệnh” nào đấy, buộc các nhân viên mới tuyển vào làm hành chánh xã phải qua lớp học do chế độ mới tổ chức.
Nên nhớ, tất cả cán bộ chủ chốt nắm quyền ở các địa phương ngay sau 1975 thảy đều do bọn “cán cuốc” từ trong rừng, bưng biền hay chiến khu ra nắm giữ nên hầu hết trình độ của họ chỉ ở mức biết chữ, thậm chí đến Chủ tịch Xã còn viết không ra chữ nữa, khi đặt bút ký các giấy tờ, biểu mẫu, ông ta phải mất cả phút đồng hồ mới “nặn” ra nổi 1 thứ gọi là chữ ký hay nói đúng hơn là chữ viết của loài mèo cào: “nguyễn hòa”. Ngoài bọn cán ngố này còn có 1 bọn khác gọi là “đoàn cán bộ tăng cường” từ Thái Bình vào, bọn này cũng không hơn gì, trình độ học vấn vô cùng thấp kém dốt nát làm tôi kinh ngạc, mặt mày chân cẳng cứ như mới lội từ dưới ruộng lên, mở miệng ra là nói như một cái máy cùng 1 giọng điệu, cùng 1 câu lời như thể đã được lập trình sẵn, thèm ăn ngon, ăn bất cứ thứ gì không kén chọn và biếng lười ngủ nghỉ vô độ, chuyên uống trà Bắc đậm đặc, có người còn nghiện trà đến nỗi nhai từng chút trà sống không cần pha nước sôi, và hút thuốc lào liên tu bất tận.
Trước thực tế đó, họ buộc phải tuyển dụng người từ chế độ cũ, cho dẫu khi khai báo với họ, tôi đã nói thẳng Cha tôi là cấp sĩ quan chỉ huy ban truyền tin Ty Cảnh sát Quốc gia tỉnh, đang ở tù cải tạo không có án nên không biết mấy năm mới thả về; anh trai tôi là sĩ quan tốt nghiệp khóa 5 Chiến tranh Chính trị Dalat. Tôi khinh ghét họ nên khai toẹt ra cốt để họ chê chán, được thì làm không được thì thôi chẳng cần, và tay Chủ tịch còn đang ngần ngừ chưa quyết nhưng khi kịp thấy tôi tiện tay mau lẹ kẻ giúp họ mấy cái biểu mẫu thống kê và điền chữ viết vào thì họ không tha tôi nữa! Thời đi học, tôi thường được thầy cô và bạn hữu khen là chữ đẹp, “chữ người lớn”.
Buổi làm thủ tục ghi danh vào khóa học “nghiệp vụ” đó (ở một cơ quan chế độ cũ, tôi đoán là Ty Điền Địa của tỉnh Darlac, tọa lạc tại ngay Cây số 3 thị xã Ban Mê Thuột), ngẫu nhiên tôi và Chư cùng vào một lượt. Khi nghe tôi khai trình độ học vấn và định móc túi lấy văn bằng trưng ra, một ông trung niên vẻ quyền uy nói giọng Bắc 54 buông sõng với nhân viên ghi danh: “Tú Tài 2” mà không cần xem bằng. Chư cũng khai học lớp 11 trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Thế là tôi với Chư “nhận mặt” nhau –như thể là chiến hữu- ngay lúc ấy. Về sau tôi tìm hiểu thì ra ông trung niên là Phó Ty Điền Địa, được VC giữ lại làm việc trong khoảng thời gian họ còn thiếu quá nhiều nhân lực đó. Quả là lớp người trí thức cũ có một dáng dấp, một phong thái của người có thực học không nhầm vào đâu được.
Sau đợt đó, tôi thân thiết với Chư, và thường xuống nhà anh chơi, nhà sàn, dĩ nhiên (thôn 5 cách thôn 1 độ 3, 4 cây số), được Mẹ và các em Chư yêu mến như khách quý. Chư có giọng nói của người Bắc 54, truyền cảm, nhỏ nhẹ, trầm ấm đầy nam tính, nhưng ẩn đàng sau cái lối phong nhã khiêm tốn đó là cả 1 con người rắn rỏi, cơ bắp tay chân rắn khỏe đen ngăm sạm, và lì lợm không biết sợ bất cứ 1 thứ gì. Tôi càng ngạc nhiên hơn về trình độ quân sự của Chư. Lúc ấy tôi mới dần dà hiểu ra, qua lời Chư rỉ rả kể, khóa sinh Thiếu Sinh Quân ngoài chương trình học trung học phổ thông, còn phải học qua tất cả các khoá huấn luyện quân sự chuyên nghiệp như một chiến binh thực thụ. Những khóa sinh Thiếu Sinh Quân tốt nghiệp Tú Tài 2 thường rất ít khi thi tuyển vào các trường đại học dân sự mà hầu hết đích nhắm của họ đều là Trường Võ bị Quốc gia Dalat hoặc ít nữa cũng là Trường Đại học Chiến tranh Chính trị Dalat hoặc Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Họ là con nhà Võ, sau cấp học phổ thông ai cũng chỉ muốn nối chí Cha vào con đường binh nghiệp [chú ý: trường Thiếu Sinh Quân chỉ tuyển mộ những con cái của tử sỹ QLVNCH và các anh chị được chính phủ đài thọ mọi chi phí ăn học cho đến khi ra trường thành tài nhận nhiệm sở]
Một lần, Chư mở tấm bản đồ không ảnh anh cất giữ như bửu bối, cùng tôi xem địa hình địa vật vùng Ban Mê Thuột vốn nằm trong Cao nguyên Darlac, nơi người Thượng hầu như gồm toàn sắc tộc người Edeh. Về hành chánh, tỉnh Darlac gồm tỉnh lỵ là thị xã Ban Mê Thuột và 3 quận: Phước An, Buôn Hồ và Lạc Thiện. Lần theo tấm bản đồ tôi nhớ rõ, về mạn Tây, Ban Mê Thuột giáp với tỉnh Quảng Đức (Tỉnh lỵ là thị xã Gia Nghĩa và gồm 4 quận Khiêm Đức, Kiến Đức, Đức Lập, và Đức Xuyên. Tỉnh này hầu như gồm toàn sắc tộc người M’nong). 2 quận Kiến Đức, Đức Lập ở nách phía Tây của Quảng Đức là giáp với biên giới Cambodge.
Từ dãy núi Chư Yang Lak ngay sau lưng nhà tôi, nếu đi ngược về hướng Bắc (hướng đi lên thị xã Ban Mê Thuột) độ 3 cây số là đến ngay đầu dãy núi Chư Yang Bung (2 dãy núi này nối liền nhau), tại đây là 1 buôn rộng lớn người Edeh có tên là buôn Jang Reh (dân kinh tế mới trong vùng thường gọi tắt là buôn Ré), ở đây có nguyên một xã toàn người Hội An và một ít người từ Đà Nẵng cũng lên từ 1975-1976. Đi lên độ một cây số nữa là gặp ngã ba, đó là ngã ba Lạc Thiện. Rẽ trái là qua Lạc Thiện, rẽ phải là đi về Ban Mê Thuột (khoảng gần 50 cây số). Vậy để đi về phía biên giới với Cambodge thì cần phải tiếp cận với một trong 2 quận Kiến Đức hoặc Đức Lập của tỉnh Quảng Đức. Tôi nghe Chư nói, người M’nong ở các buôn làng chập chùng rừng núi giáp biên giới Cambodge đều có trình độ học vấn cao, có nhiều người giỏi tiếng Pháp và nhiều viên chức chế độ cũ.
Tôi đem những hiểu biết này nói với anh Cường khi bàn tính lộ trình vượt biên. Chỉ là những tính toán tổng thể thôi, còn nhiều việc phải trù bị lắm cho kế hoạch này như lương khô, giày nón, áo quần và … vũ khí.
Chưa đầy 1 tháng sau, Cường về thăm nhà Nha Trang và khi lên lại đem theo 2 món “nhà nghề”: 1 khẩu rouleau loại thường được trang bị cho Cảnh sát Quốc gia, với 1 hộp chừng vài chục viên đạn, và một địa bàn có phương giác, loại địa bàn nhà nghề của dân biệt kích nhảy núi, kim chỉ Nam có gắn dạ quang, vỏ sơn màu nhà binh. Tôi với anh chờ khi đêm tối cả nhà tôi đã đi ngủ hết mới sang căn nhà + vườn bên cạnh (vốn của một nhà cũng từ Hội An đi kinh tế mới nhưng chịu không nổi đã bỏ về từ 1977, nên nhà tôi nghiễm nhiên trưng dụng làm chỗ nghỉ tạm và canh tác khoảng đất vườn rộng cả sào Tây đó luôn). Sau khi xem thỏa mắt các thứ “đồ chơi”, tôi giúp anh gói kỹ rouleau với hộp đạn trong nhiều lần bọc túi nilon và chôn xuống đất ngay đầu giường tôi chờ ngày đem ra dùng. Mọi việc hoàn toàn bí mật không ai biết cả. Riêng cái địa bàn, anh gói gọn cất vào người.
Những ngày tháng sau đó, tôi không sao tránh khỏi những suy nghĩ phân vân âm ỉ thầm trong lòng. Đi thì quyết đi rồi, nhưng nghĩ tới Mẹ mình và bầy em dại, thêm người Cha đang trong trại tù nữa. Nơi đây, tôi còn một người bạn gái rất đỗi hiền lành, yêu kiều rất mực, người mà suốt cuộc đời tôi chưa thể tìm thấy được ai đáng quý đáng yêu đáng trọng hơn thế. Và nguyên một tuyển tập sách quý dù đã đọc xong tôi vẫn quyến luyến rất nhiều nếu bỏ đi.
Sang đầu năm 1980, tôi có cảm tưởng anh Cường có sự thay đổi dùng dằng không quyết gì đấy. Những chuyến anh về thăm nhà dài hơn thường lệ, tôi đoán anh sẽ sớm bỏ việc dạy học ở chốn khỉ ho cò gáy này, và quả nhiên chỉ đôi ba chuyến lên – về như thế, một hôm từ dưới nhà anh lên lại, anh gặp tôi bảo muốn đào lấy súng đạn đem đi, mà không nói rõ những ý định sắp tới.
Sau lần đó, tôi không gặp lại anh nữa. Tôi chỉ tự giải đoán là anh có kế hoạch khác, vượt biên bằng thuyền với thân nhân chẳng hạn, nhà anh có tới 10 anh em, anh là con cả, tôi còn nhớ anh hay nhắc tới chú em Út còn nhỏ lắm mà mọi người ai cũng gọi yêu là “Mười râu” vì cu cậu còn nhỏ mà nhiều râu cũng râu quai nón như anh. Thời đó, tiếng là “hòa bình” không còn súng nổ đạn bay nhưng dân miền Nam hầu hết sống trong tâm trạng căng thẳng như thời chiến, một cuộc chiến khác có khi còn nghiệt ngã hơn chiến tranh, tôi nghĩ anh Cường cũng còn không sao quyết chắc được việc gì nhất định nếu có những dự tính khác thì làm sao dám nói ra điều gì với mình, ngộ nhỡ nói mà không làm được thì sao …
Tôi không nghe tự lòng mình tiếc nuối nhiều lắm, chỉ là một chút hụt hẫng khi đang giữa chừng hăng hái của một tâm tình bão giông của tuổi trẻ mà bị mất đà bất thần … Phần vừa hụt mất 1 ý định phần vừa thiếu vắng một người bạn thiết. Những ai đã ở vào hoàn cảnh “kinh tế mới” như thế rồi sẽ hiểu bạn thân còn quý hơn cả cơm áo.
Tôi vẫn tiếp tục sống những ngày kế đó với nhiều công việc, bổn phận và nhiều tính toán ngổn ngang mà không hay biết mình những biến chuyển lớn đang chờ mình phía trước có tác động không nhỏ tới đời mình nhiều năm về sau. Năm đó tôi vừa 22 tuổi.
$pageOut
$pageIn 04
Thầy Tuệ Không part 01
Sơ lược
Nhớ lại thuở ban đầu tôi quen biết Dương Mạnh Cường và kết thân luôn là nhờ ở Toán học. Tôi theo ban B ở trung học đệ nhị cấp, còn Cường thì tôi không hỏi nhưng cứ đoán là anh theo ban C cho nên mới học Báo Chí ở Đại học Vạn Hạnh. Thời quốc gia, trung học đệ nhị cấp (từ lớp đệ Tam đến đệ Nhất) được phân ban, gồm ban A (Lý, Hóa, Vạn Vật), ban B (Toán, Lý, Hóa), ban C (Triết, Văn chương, Ngoại ngữ), ban D (Văn chương, Cổ ngữ). Sau khi học xong đệ nhất cấp (từ lớp đệ Thất đến đệ Tứ), học sinh tự chọn ban tùy ý khi bước lên đệ nhị cấp. Nếu lỡ học một năm đệ Tam mà vì lý do gì đó muốn đổi sang ban khác thì lên đệ Nhị vẫn xin đổi được. Việc chọn ban theo học không chỉ là chọn theo khiếu bén nhọn của mỗi học trò mà còn có ý nghĩa lớn với cách tính điểm số theo hệ số trong các kỳ thi các kỳ thi và chương trình, môn học sẽ nặng nhẹ khác nhau tùy theo ban.
Tôi không nhớ rõ từ đâu mà dẫn tới tôi với Cường gặp nhau nơi một bài toán Nguyên Hàm hóc búa: tính Nguyên Hàm của tích của hàm số mũ với hàm số Log [Log = Logarit Neper với chữ L viết hoa, cơ số là hằng số e = 2,71828; để phân biệt với log = logarit thập phân, cơ số 10].
ʃ eˣ Log x
Cả hai giải không được bài toán đó (dĩ nhiên, là bởi không thể lấy Nguyên Hàm của tích của 2 hàm số đó, là điều mà mấy năm sau tôi mới tìm biết ra được). Nhưng từ đây, một trao đổi thú vị về Vi – Tích nổ ra râm ran nóng bỏng giữa 2 đứa tôi. Vi phân và Tích phân, phát minh quan trọng vào cuối thế kỷ thứ 17 và là nền tảng của Giải Tích học làm thay đổi văn minh nhân loại sau đó 2 thế kỷ, luôn là một đề tài hấp dẫn với bọn tôi bấy giờ.
Và cũng từ đây, ký ức tôi quay về với một người Thầy mà tôi –và nhiều bạn học- rất ngưỡng mộ, kính sợ vì tầm hiểu biết quá rộng bao trùm của ông và biết ơn ông vì được thụ nhận nơi ông một phương pháp truyền kiến thức siêu tuyệt có một không hai, ngắn gọn, chính xác, cao tột và giúp hiểu rộng nhớ lâu và giúp mở đường cho môn đồ rộng bước về sau nếu chịu khó cầu học trên đường đời.
Đó là thầy Thích Tuệ Không.
Không ai biết ông từ đâu về ngự ở thành phố Hội An khoảng 1971.
Không ai biết ông có phải là Tăng sĩ Phật giáo hay không dù ông mang tăng thân với đầu đã xuống tóc, ăn chay trường và không bao giờ mặc cái gì khác hơn là tăng y nâu sồng.
Không ai biết trình độ học vấn của ông tới đâu, có văn bằng gì, nhưng không ai không chết khiếp trước ông vì ông giỏi mọi mặt, từ giáo khoa cho bọn học trò trung học như Toán, Lý, Hóa, Triết, Văn chương, Thi phú… cho đến kiến thức phổ thông, chính trị sử quan, khoa học, ngoại ngữ Anh-Pháp, địa lý và cổ văn. Thầy dạy Toán của bọn tôi ở trường trung học Trần Qúy Cáp Hội An, ông Nguyễn Như Thọ rất thân và thần phục thầy Tuệ Không. Về sau từ 1973 thầy Thọ là Trưởng Ty Giáo Dục Quảng Nam, có soạn sách giáo khoa (Toán) luyện thi Tú Tài thời Trung Tâm Trường Thi Saigon xuất bản khoảng 1972 - 1975… là người đã nói: “bọn mình chỉ đáng xách dép cho thầy Tuệ Không mà thôi” mỗi khi lên lớp dạy bọn tôi ở trường. Nên biết, thầy Thọ với thầy Nguyễn Hữu Ngọc là 2 tên tuổi Giáo sư Toán ‘huyền thoại” của trường Trần Qúy Cáp Hội An suốt thập niên 1960’s, tức mười năm trước khi ngôi sao Thích Tuệ Không xuất hiện. Thầy Thọ còn bảo, thầy Tuệ Không là một túi thơ Đường, thêm nữa, ông có biệt tài làm Văn Tế hay tuyệt và mau lẹ.
Thời tôi bắt đầu theo học với Thầy Tuệ Không -1972- tôi đã thấy biết ông Phó Tỉnh Trưởng thường hay đến Vô Ưu Tịnh Cốc của thầy chơi và nói chuyện hàng giờ, mỗi khi thấy 1 chiếc xe hơi đen bóng đậu trước Cốc là học trò biết ngay thầy có khách là ai. Các ông Trưởng Ty cũng thường đến Cốc thăm Thầy và ông nào cũng giữ phép tắc cung kính. [Cũng nên biết thời trước các Ty Sở trưởng đều là người có thực học, các vị đều phải đỗ Tú Tài rồi ứng thí vào Viện Quốc Gia Hành Chánh (trên đường trần Quốc Toản Saigon) theo học 5 năm một học trình nặng ký và rất rộng từ kinh tế, chính trị, bang giao v.v... khi tốt nghiệp mới được bổ nhiệm vào các chức vụ các Ty Sở trưởng (sau 1969 – 1970), còn trước 1967-68 các vị tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh làm tới Phó Quận Trưởng Hành Chánh hoặc Chủ Sự Tòa Hành Chánh Tỉnh hoặc Phó Tỉnh Trưởng.]
Không ai biết tuổi tác Thầy thế nào nhưng trong trí óc non nớt của tôi còn đọng lại, thời ấy ông chưa tới bốn mươi. Ông có một tướng lạ là hai tay dài tới đầu gối, lưng dài sọc và bước chân đi sải những sải bước lớn bọn học trò theo không kịp.
Ông nói giọng nửa Bắc nửa Nam, tiếng nói sang sảng dứt khoát, thích ăn trầu và mỗi khi dạy học thường uống rất nhiều nước. Một buổi dạy học 4 giờ đồng hồ ông phải uống tới 4, 5 bình chè lá to.
Ông đặc biệt thích và thương những học trò giỏi, chăm chỉ và chịu khó tìm hiểu, rất thích được học trò hỏi hàng bao nhiêu câu hỏi cũng được để làm sáng tỏ bài học. Ông không ngại nhọc công khi có học trò tới học hỏi, dù có 1 đứa ông cũng nhiệt thành như trong một lớp đông. Dường như cái kho hiểu biết của ông quá tràn, cần xẻ chia bớt cho vơi nhẹ đi hay sao ấy. Ông cực kỳ thông minh và ứng biến nhậm lẹ mọi chuyện trong đó sắc bén nhất là Tu Từ Học. Và còn một điều kỳ diệu: Thầy Tuệ Không dạy học trò hoàn toàn miễn phí.
Không ai biết Ông được nhà Mạnh Thường Quân nào đứng ra nhận lãnh phần cán đáng nơi ở cũng là nơi dạy học trò, thường cũng chỉ rất đơn sơ đạm bạc và đặt tên là Vô Ưu Tịnh Cốc nhưng chứa bên trong là lượng học trò đầy ắp và lượng kiến thức bao trùm và sắc cạnh khác hẳn chương trình giáo khoa của Bộ Quốc Gia Giáo Dục hiện hành. Do đó những bạn học sinh nào chịu học với thầy, tôi nhận thấy về sau khi đã lớn đã già, vẫn còn mang đậm một cái nét riêng xuất thân từ cái lò Vô Ưu Tịnh Cốc huyền thoại đó. Từ đó tôi bỗng nhận ra rằng Vai trò Cá nhân người Thầy cùng Bản lãnh Truyền thụ luôn phải được đặt ưu tiên hàng đầu trong một nền Giáo Dục chân chính.
$pageOut$pageIn 05
Thầy Tuệ Không part 02
Lý thuyết về Vi Tích
Một nền Giáo Dục chân chính, là gì? Nếu bạn hỏi vậy, tôi xin thưa:
Là nền Giáo Dục dạy con người thành người. Giản dị như Cha Mẹ muốn dạy con nên người, nền Giáo Dục chân chính phải chăm lo gieo trồng cho cây giống mọc lên, lo chăm cho cây ưu khỏe không nhiễm bệnh, lo vun bồi cho cây lớn mạnh rồi cây sẽ tự biết tìm phương tăng trưởng theo sức sống tiềm ẩn sẵn có trong mỗi loài không loài nào giống loài nào chả khác chi thực tế quần thể nguyên sinh màu mỡ nơi thiên nhiên mà không ai không biết, một thực tế giản dị mà không ai chối cãi lại được và không cần phải lý thuyết vẽ vời lắm lời rối mắt ù tai. Đó là nền Giáo Dục của Tự Do và tôn trọng Nhân Bản (Humanity): lấy giá trị con người làm tối thượng.
Nếu có một nền Giáo Dục nào khác muốn biến con người thành con cừu thì đó là Tà Giáo. Nó không cho người ta làm người mà chỉ muốn bắt người ta nói, học thuộc và nghĩ rặt một giáo điều do nó vẽ ra để nô dịch hóa con người. Nó không cho người ta suy và nghĩ khác với kiểu nghĩ suy của nó. Nó tước đoạt Tự Do của Người. Đó là Tà đạo Phi nhân (unhuman miscreance) của Quỷ đọa chà đạp con người, nó đè bẹp giá trị con người xuống đất đen, nó xây dựng ngôi vị thống trị ngông cuồng cho nó trên cái Chết của Người.
Nền Giáo Dục chân chính ươm mầm sáng kiến và khuyến khích Sáng tạo phát sinh, tạo ra nhân tài phát minh, đem lại sự Sống cho nhân loại, làm con người thành Người và xây dựng trần gian đầy ánh sáng thăng hoa.
Còn Tà Giáo, Tà Đạo làm ung thối hạt mầm sáng chế sáng kiến, thui chột nhân tài và chỉ đem lại sự Chết cho muôn loài, hạ sát tính Người, biến con người thành con Thú, dìm cõi thế trong đêm đen tăm tối của địa ngục trần gian.
Ngồi điểm lại ký ức về những người Thầy, những bậc Ân Sư như Thầy Thích Tuệ Không, Thầy Vũ Ngọc Châu (tức nhà văn Chu Ngym Vũ – nhà dịch thuật Chu Minh Thụy, tôi sẽ viết riêng trong một chương sau), quý Thầy cô, Giáo sư đã dạy tôi thời Tiểu học cho đến hết Trung học ở Hội An trước 1975 … tôi đã tự nghiệm ra những điều đó, và mạnh dạn viết ra những định nghĩa đó.
Bài học đầu tiên làm trí tôi lóe sáng ra, lột xác không còn là một đứa trẻ nít nữa (khi mới sang tuổi 15) là bài “Lý thuyết về Vi-Tích” của Thầy Tuệ Không. Dàn bài quen thuộc của ông cho mỗi bài học quan trọng là: “Đại Cương – Định nghĩa – Tính chất - Ứng dụng” Tôi đã ghi chép cẩn thận từng lời ông trong một cuốn vở học trò (cuốn vở 100 trang mang nhãn hiệu “Cyclo máy” quen thuộc thời đó), tiếc là quá nhiều “binh biến” hơn 4 chục năm qua tôi đã không còn giữ tập vở lại được, nhưng những lời Thầy dạy tôi còn nhớ như in nhất là nơi phần lời giới thiệu của 2 mục Đại Cương và Ứng dụng.
Đại Cương: Muốn tính một đại lượng, người ta chia đại lượng đó ra thành những phần thật nhỏ sau đó hội chúng lại. Vi-Tích là một phát minh Toán học quan trọng của hai nhà toán học là Newton và Leibniz và đã khiến cả hai tranh dành ảnh hưởng vì gần như được phát minh đồng thời.
Ứng dụng: Vi-Tích là một lợi khí để khảo sát và tính tiết diện, thể tích của các mặt ghềnh hoặc vô định hình mà từ trước kia vẫn chưa có phép tính nào cho phép ta tính được. Cùng với Hình học Không gian, Vi-Tích sẽ còn hứa hẹn một sự phát triển đa dạng, mở ra ngành Hình học Giải tích, triển mở chân trời toán học sang các mặt diện, các đại lượng hàm bất kỳ mà vốn xưa kia còn bị bó gọn trong các hình kỷ hà học đơn giản định khuôn sẵn trong nền hình học phẳng Euclide quen thuộc. (Euclide: nhà Toán học cổ Hy Lạp, sanh khoảng năm 300 trước Công lịch, người khai sinh ra ngành Hình học phẳng)
Từ đây, những khái niệm Tân Toán học với các thuật ngữ toán mới toanh như tập hợp, trường, các phép căn bản như giao ∩, hội ∪, hàm ⊂, cao hơn như Phép Áp, Hàm số v.v…), các phép toán Giới hạn, Đạo hàm, Vi phân, Nguyên hàm (Tích phân) v.v… bỗng dễ hiểu sáng tỏ và đầy hấp dẫn, lôi cuốn học trò vào một chân trời khám phá đầy hăng say thú vị, Toán học không còn “khô khan” hay cứng nhắc như người ta thường nghĩ nữa.
Cũng từ đây, bọn học trò tụi tôi lao vào những phép biện luận, những bài Khảo sát Hàm số đầy “mộng mơ” như hàm bậc 2 (Parabol), hàm nhất biến, hàm hữu tỷ (Hyperbol), hàm tuần hoàn (hàm lượng giác) và độc đáo nhất là hàm vô tỷ (có biến số x nằm dưới căn số bậc 2 √ ̅ ) một cách thích thú, giải xong bài toán vẽ cẩn thận những đường biểu diễn trên hệ trục tọa độ Descartes đẹp như mơ trên trang giấy tinh khôi, ai còn dám bảo Toán học không phải là một bài thơ khác của trí tuệ con người?
Cũng từ ông, ngay năm học đệ Nhị đó, tôi được mở mắt khi nghe ông giảng thêm 2 nền hình học khác Euclide, phi Euclide (non-Euclidean), đó là hình học Lobachevsky (Nikolai Ivanovich Lobachevsky, người Nga [1792-1856]) và hình học Riemann (Bernhard Riemann, người Đức [1826-1866].
Nếu định đề Euclide bảo rằng “từ một điểm ngoài một đường thẳng, người ta chỉ có thể vẽ được một được đường thẳng khác song song với đường thẳng đó và chỉ một mà thôi” thì với Lobachevsky: “từ một điểm ngoài một đường thẳng, người ta có thể vẽ được vô số đường thẳng khác song song với đường thẳng đó”, và với Riemann: “từ một điểm ngoài một đường thẳng người ta không vẽ được đường thẳng nào song song với đường thẳng đó cả”.
Hình học Euclide cho ta mặt phẳng, là hình học phẳng.
Hình học Lobachevsky cho ta mặt phẳng cong.
Hình học Riemann cho ta mặt cầu đa chiều.
Nếu Euclide có công khai sinh ra ngành Hình học cổ điển từ hai ngàn năm trước thì Lobachevsky và Riemann khai sinh ra ngành Không gian học tân kỳ. Lý thuyết hình học toán học của cả Lobachevsky lẫn Riemann còn giúp phát triển Vi-Tích và ngành Giải tích học, có tầm quan trọng mở đường cho phát minh Thuyết Tương Đối của Albert Einstein (1879-1955, người Đức) vào năm 1905.
Hiểu biết này làm tất cả bọn học trò như tôi mở thêm một tầm mắt lớn mà không chờ tới ngày bước vào Đại học, có tầm giá trị lớn cho người học toán trong suy tư trước vạn vật: sự độc tôn độc tài chỉ là một thứ ảo vọng vô nghĩa và vô giá trị. Một điều có thể từng là chân lý thống trị, sẽ tới một ngày nọ, dù mau dù lâu, sẽ bị lật đổ và thay thế.
Trên tất cả, toán học cho người học trò một phép suy tư và ứng xử đầy luận lý (logically), nói có sách mách có chứng, tự biết đúng biết sai, không dám nói càn, không ngụy biện, biết tôn trọng sự thật và biết tự chế. Toán học như chiếc dây cương ghì giữ bản tính ngông cuồng mông muội vốn dĩ của con người, toán học còn là cây kim chỉ nam không cho người lạc lối giữa cuồng mê tham vọng thấp hèn vì chỉ một thoáng buông thả cho những dục vọng mê tâm xâm chiếm thì đường biểu diễn trên biểu đồ sinh đạo chỉ còn một hướng chĩa xuống lối về vô cực âm -∞.
Trên một ý nghĩa khác, Thầy Tuệ Không đã dạy Toán như thể làm thơ để gieo những bài học Toán lý thú thời trung học mọc sâu nơi tâm trí học trò cho đến lớn và có phải chăng một người Thầy dạy Toán không chỉ giỏi Toán mà còn cần giỏi Triết học và Văn chương Thi phú nữa?
[ còn tiếp ]
$pageOut $pageIn 06
Thầy Tuệ Không part 03
Triết, Thơ Đường và Văn Tế
Triết
Một buổi học sáng (giờ vào học là 7:30AM) tháng Mười (1974), là khoảng thời gian đầu mùa mưa trong năm, Hội An thường có những đợt mưa dầm. Sáng đó dù trời mưa tôi vẫn chăm chỉ tới lớp đúng giờ và ngạc nhiên khi thấy lớp vẫn đông đủ (thường là sĩ số không dưới 50), là giờ học Toán. Tôi có cảm tưởng hôm ấy Thầy Tuệ Không có tâm trạng gì không vui thì phải, giọng ông trầm nhỏ lại chứ không vang to sang sảng như mọi khi. Và cả lớp còn ngạc nhiên hơn khi ông không nói gì, quay lên bảng viết một mạch 8 đề toán hình học giải tích bằng … Anh ngữ!!!
Cũng cần phải nói rõ là trong bao năm đi học với ông, tôi chưa bao giờ thấy ông cầm trên tay bất kỳ một tài liệu sách vở gì hết. Cái Thầy cần nhất là cảm hứng, khi thì ông giảng bài thao thao mạch lạc với Toán, Lý Hóa khi thì hùng biện, uyên áo với Triết, khi thì thơ mộng bay bổng với Quốc Văn, Thơ Truyện … tất cả đều cứ như từ cái kho vô tận nào trong bộ óc thông tuệ của ông tuôn chảy ra theo lời giảng hoặc qua bàn tay thoăn thoắt viết nhanh những dòng trên bảng, từ bài học cho đến đề toán.
Các bạn học không ai bảo ai, cũng không ai dám hớt lẻo nhào nhao như mọi khi khi thấy một sự lạ, tất cả im lặng nhanh tay chép lấy chép để các đề toán đang hiện dần ra trên tấm bảng đen. Đây là lần đầu Thầy ra đề Toán bằng tiếng Anh! Thời trước, học trò trung học chúng tôi luôn biết 2 ngoại ngữ, hoặc Anh văn -sinh ngữ chính- và Pháp văn -sinh ngữ phụ, hoặc ngược lại, cho nên việc chép đề toán Anh ngữ là bình thường thông suốt chả khó gì. Cái khó là dịch các đề ấy sang tiếng Việt là việc mà vốn trình độ học sinh bậc trung học đương thời sẽ gặp chút nan giải ban đầu còn lạ lẫm vì chưa từng được học, chưa từng làm quen.
Chừng nửa giờ đồng hồ sau, khoảng hơn 8 giờ sáng, bên ngoài trời vẫn mưa rả rích, tấm bảng đen đã đầy kín những dòng phấn trắng thì một “cu cậu” bạn học đi trễ xuất hiện ở cửa lớp, vừa rụt rè cởi áo mưa ra vừa đưa mắt dè dặt nhìn Thầy.
Ông hững hờ quay ra: “mấy giờ rồi anh?”
- Dạ thưa Thầy trời mưa. Anh vòng tay lễ phép trả lời.
Cả lớp ai cũng ái ngại thầm lo cho anh chàng đi học trễ … thì bỗng ông Thầy buông phấn cười thích thú:
- Các anh nghe chưa, tôi hỏi mấy giờ thì anh ta trả lời trời mưa!
Lần đầu tiên trong một buổi học sáng gió mưa trời buồn, mới thấy ông Thầy cười. Ông còn chưa hết thú vị, đi đi lại lại nói nhẩm: “mình hỏi mấy giờ thì anh ta bảo trời mưa”.
Ông bảo người đi trễ: “anh vào đi”
Cả lớp bỗng hiểu ra, thì ra ông Thầy rất thích với những trường hợp câu chữ hỏi đáp có tính Tu Từ Học dù nhỏ như thế.
- “mấy giờ rồi anh?” = tại sao anh đi trễ?
- “Dạ thưa Thầy trời mưa” = vì trời mưa nên mới bị trễ
Chỉ vậy thôi đó, mà ông thích và cười, bầu không khí hơi căng thẳng ban nãy như được giải tỏa, cả lớp lại nhào nhao vui lên.
Không Toán nữa, từ không khí cởi mở vui lây đó, ông bảo anh mới vào chép các đề toán trên bảng để ông chuyển sang dạy Triết. Hôm nay các anh sẽ học Francis Bacon.
Thỉnh thoảng Thầy vẫn nổi hứng bất chợt như thế, chỉ cần một lý do hợp tình hợp lý nào đó là cũng gây hứng cho ông. Tôi thấy ông đặc biệt thích Triết học. Ông viết lên bảng dòng chữ Francis Bacon thật đẹp, và “điệu đàng” nữa. Bài học hôm ấy là “Kinh nghiệm”. Tôi vẫn tiếc nhiều những tập vở thời đi học với Thầy nay đã bị mất hết. Nhưng tôi không bao giờ quên cái ấn tượng ông để lại nơi học trò qua những bài giảng Văn –Thơ - Triết ứng khẩu đầy thơ mộng, bay bổng và đẹp như một dải lụa đào. Những bài giảng ấy không bao giờ có trên bất cứ sách hay ấn bản nào dù là khảo cứu hay sách giáo khoa. Các sách giáo khoa Triết (dành cho lớp 12 ABCD bậc trung học) thì cốt cung cấp kiến thức đúng là “giáo khoa”, rõ ràng và vừa đủ. Các sách khảo cứu thì mở rộng nhiều nhưng tùy vào cách diễn đạt và văn phong của mỗi tác giả, sách sẽ có lối trình bày ít nhiều mang nét riêng của tác giả đó. Nói chung cả sách khảo cứu khảo luận hay sách giáo khoa Triết (mà tôi đã đọc hồi đó -ít, cũng như sau này – rất nhiều) tôi nhận thấy vẫn có một vẻ hơi “cứng nhắc”, chứ không “mềm như lụa” của Thầy Tuệ Không, trừ có sách của một vị: Trung niên Thi sĩ Bùi Giáng [1926-1998].
Trong lối Thầy Tuệ Không giảng Triết, tôi có cảm tưởng ông không nhìn các Triết gia hay các chủ đề Triết học bằng / qua cái lăng kính của Cái Tôi tiểu ngã, mà ông như đã thể nhập với Cái Ngã của nhà Triết học hay của chính chủ đề. Francis Bacon [1561-1626] là Triết gia người Anh chủ trương Duy Nghiệm (Empiricism), nhưng qua lối Thầy Tuệ Không giảng, bọn học trò chúng tôi không còn thấy khô khan quá hay uẩn áo quá hay xa vời quá, mà bài “Kinh nghiệm” sáng hôm ấy được cả lớp háo hức thu nhận một cách ngọt ngào và khó quên.
Thơ Đường và Văn Tế
Tôi không thạo và không thích lắm thơ Đường, nhưng ắt là không phải tự dưng mà nhiều Giáo sư, nhân sĩ Quảng Nam tôn ông là “một túi thơ Đường”.Dưới đây là một bài thơ Đường của ông mà một anh bạn học lớn hơn tôi lớp còn nhớ:
Hội An cảm đề
An Hội khách hoài cảm nước non,
Phố thi hồn mộng phải chăng còn?
Ngàn mai cánh nhạn tin hồ hải,
Khách lữ đường xa ý sắt son.
Chan chứa tứ thơ trời đất mộng,
Luyến lưu tình ngọc lối đường mòn.
Lan tràn nước sóng triều dương động,
Nhàn tác cảm đề vận ví von.
Sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 chiến sự gia tăng ác liệt nhất là ở Vùng I. Nhiều quận ở miền ngược của Quảng Nam như Quế Sơn, Thượng Đức không còn được an ninh tốt như trước. Nhiều lớp học trò trung học từ các nơi ấy phải tản cư về tỉnh lỵ Hội An học tiếp. Các bạn thường hay về quê nhà định kỳ lấy gạo xuống Hội An trọ học, và có lần vào 1973, một xe đò chạy đường Hội An - Quế Sơn bị trúng mìn do VC cài đặt, đã bị nổ tung, hành khách chết thảm rất nhiều trong đó có đến tám học sinh trường Trần Quý Cáp.
Lần đó, Ty Giáo Dục Quảng Nam tổ chức một lễ truy điệu trọng thể. Theo lời thỉnh cầu của Thầy Nguyễn Như Thọ lúc ấy là Trưởng Ty Giáo Dục, Thầy Thích Tuệ Không đã sáng tác bài “Văn Tế Học Sinh Trần Quý Cáp Hội An Tử Nạn Vì Mìn Của Việt Cộng”.
Tôi may mắn còn nhớ được (thiếu đoạn chót) bài Văn Tế đó, xin chép ra đây hầu bạn đọc:
Văn Tế Học Sinh Trần Quý Cáp Hội An Tử Nạn Vì Mìn Của Việt Cộng
“Than Ôi,
Gió thảm mưa sầu trời tung đất nổ
Phố Hội An vẫn đó học trình
Bao người tuổi trẻ vô phần
Đường non Quế bỗng đâu bão tố
Nhớ Linh xưa,
Đất nước văn giai con nhà lễ độ
Tại thôn dã ân cần tháo vát
Tiếng song phương đồng tọa không hờn
Vào học đường chăm chỉ siêng năng
Danh ngũ phụng tề phi chẳng hổ
Úy thôi rồi,
Xuân trẻ mịt mờ vàng son loang lổ
Khởi từ thấy côn đồ sanh loạn
Bao kẻ gan sôi
Vừa kịp nghe môn đệ tử thương
Lắm người lệ đổ
Thương là thương tuổi trẻ hữu tình
Thầy bạn buồn, Cha Mẹ khổ, con đường xưa cam gởi thiên thu
Tiếc là tiếc đầu xanh vô tội
Gia đình tủi, học đường sầu, cuốn sổ mới đành theo vạn cổ
Từ đây,
Tre quạnh quẽ niềm hoài cổ độ
Đành xa vời lạc lõng cửu trùng thiên
Măng mơ màng giấc mộng tuyền đài
Thôi vĩnh viễn nhạt nhòa tam xích thổ.......
.............................
(nhân đây, xin bạn cựu học nào còn nhớ bài văn tế này thì bổ túc giúp tôi với, chân thành cám ơn trước).
$pageOut$pageIn 07
Thầy Tuệ Không part 04
Thầy Tuệ Không và Cha Lê Như Hảo
Thất thủ Hội An – Đà Nẵng
Những ngày xám xịt ảm đạm đến với Hội An rất sớm, chẳng bao lâu sau cái Tết Ất Mão hạnh phúc cuối cùng của dân miền Nam quốc gia chúng tôi, khi mất Quảng Trị, rồi mất Huế, (làm ta nhớ tới việc Tướng Giai bị Tòa Án Quân Sự Mặt Trận lột lon, bỏ tù vì để mất Quảng Trị trong thời điểm tiền-mùa hè đỏ lửa 1972), trong khoảng thời gian kế đó, đầu tháng 3 / 1975, tôi còn nhớ có đọc trên một tờ báo, báo gì không nhớ rõ vì tôi còn nhỏ quá, một bài viết của Phan Nhật Nam đau đớn và tức tối phân tích, nhận định tại sao vô lý bỏ Kontum...
Tôi có cảm tưởng một sự biến lớn đang đến gần, từ mất Phước Long, mất Quảng Trị, Huế rồi Ban Mê Thuột, Kontum, lẽ nào sau cái xám hoang mang ấy là đỏ hẳn?
Trong không khí dầu sôi lửa bỏng đó, trường tôi lại tổ chức thi Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt cho cả trường, sớm hơn thường lệ hơn 1 tháng, càng tăng thêm một vẻ gì gấp gáp đổ vỡ gần kề.
Không một người dân nào ở quê tôi mà lại không kinh hãi giặc cộng, dù họ ở vào tầng lớp nào, bởi những giết chóc kinh hoàng nom thấy rõ ràng hiển nhiên mà VC đã gây ra trong hàng chục năm chiến tranh, cho nên khi lệnh báo động đỏ loan ra vào trưa ngày 21 tháng 3 / 1975, ai ai cũng nghĩ đến việc bỏ Hội An chạy ra Đà Nẵng, nơi gần nhất còn an ninh, như là một phản ứng thoát thân sống còn tự nhiên. Cả nhà tôi bỏ chạy ra Đà Nẵng vào chiều tối ngày 21 tháng 3 / 1975.
Hồi ấy Tỉnh Trưởng Quảng Nam là Đại Tá Phạm Văn Chung 1, về sau nhờ thầy Tuệ Không- tôi mới biết là Đại Tá lệnh cho Tòa Hành Chánh tỉnh đưa xe đến mời Cha Hảo (Cha Phêrô Lê Như Hảo 2, Cha đỡ đầu của Tổng Thống Thiệu) ra Đà Nẵng cho an toàn, nhưng Cha Hảo không chịu đi, bỏ giáo dân, mãi gần đến giờ G, Cha mới tạm lánh ra Đà Nẵng trú tại nhà thờ Thanh Bồ Đức Lợi.
Sau nhiều chỗ ở nhờ khác nhau trong vòng có mấy ngày, ngày 27 / 3/ 1975 cả nhà tôi đến trú tạm trong trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) Đà Nẵng, 1 ngôi nhà nhỏ đơn sơ nhìn sang bên kia đường là Tòa Thị Chính Đà Nẵng (tôi quên tên đường rồi). Lúc này trụ sở VNQDĐ gần như không còn ai.
Lúc 3 giờ chiều ngày 29 tháng 3 / 1975 tôi chứng kiến xe tăng cộng sản tiếp cận Tòa Thị Chính. Chiếc xe tăng của Nga chở vài bộ đội VC nón cối trông xơ xác chẳng có chút gì là một cuộc gọi là tiến chiếm chiến thắng cả. Gần như tất cả các cơ quan quân sự dẫn dân sự của thị xã Đà Nẵng đã di tản vào Nam hết vào trước đêm 28 / 3/ 1975. VC vào một thành phố bỏ không, chả chiến thắng đánh đấm gì!!!
Sáng hôm sau, 30 / 3, tôi chở Má tôi bằng xe Honda về thăm nhà Hội An, bà quá sốt ruột vì 8 ngày trước khi vội đi nên quên chưa cúp cầu dao điện, một phần khác bà cũng muốn về nghe ngóng tình hình xem sao, nếu ổn thì dời cả nhà về lại vì bầy con dại, cảnh ở tản cư rất bất tiện. Cha tôi thì ôm súng đi trú với các đồng chí VNQDĐ của ông ở một nơi bí mật khác cũng ở Đà Nẵng, không liên lạc được.
Nhờ chuyến về Hội An ngày 30 /3 đó mà tôi mới có một cơ duyên hãn hữu gặp được Cha Lê Như Hảo, Cha Chánh Xứ Nhà Thờ Đạo Hội An.
Sau khi thăm nhà qua loa yên ổn là vừa gần trưa, thấy còn sớm, nhớ tới Thầy Tuệ Không nên tôi nói Má tôi cùng lên Cốc thăm Thầy có an ổn không. Cả thành phố tuy yên tĩnh nhưng sinh động ngày nào, nay chỉ còn là một cái xác không hồn, người đâu chẳng thấy, phố phường như những con đường chết ngay cả đám nón cối dép râu cũng không thấy nhiều như tôi tưởng tượng khi còn ở Đà Nẵng. Cả thành phố vắng tanh.
Hai Mẹ con tới Cốc (ở gần Ngã Ba Tin Lành) là gần 11:00AM. Gặp được Thầy Tuệ Không ngay. Ông từng xuống nhà tôi chơi rồi, hồi ấy ông thương tôi lắm vì thấy tôi siêng học, giải sạch một cuốn bài tập Lượng Giác dày cộm đến độ làm ông cũng ngạc nhiên ... nên ông thương tôi ra mặt, nhiều lần hẹn giờ bảo tôi lên chở ông xuống nhà thăm Ba Má tôi vài lần, tôi rất lấy làm vinh dự.
Tôi không thấy Thầy tỏ vẻ gì lo sợ nhưng không dấu được nỗi chán chường. Ông gây cho tôi cái cảm giác tuy mơ hồ “rằng Saigon cũng lâm nguy”. Cốc đã đơn sơ nay như nhuốm vẻ tiêu điều thê lương hơn. Lớp học với bàn ghế học trò phấn trắng bảng đen tri thức ngày nào, nay chơ vơ ảm đạm.
Gặp lại Má tôi với tôi, ông rất mừng khi cả nhà tôi an toàn hết. Ông mời Má tôi uống nước chè, ân cần căn dặn nhiều thứ phải đối phó với cộng sản trong những ngày tới nhất là dặn kỹ về Ba tôi phải lánh đi khỏi như thế nào. (Năm đó Ba tôi 52 tuổi-cùng tuổi với Tổng Thống Thiệu, Má tôi 42).
Khi 2 Mẹ con tôi hỏi lại Thầy, tỏ vẻ lo âu cho Thầy, thì ông trầm ngâm, nói mơ hồ không tự tin lắm, rằng ông có 1 người bạn, ông Trần Trung Đặng, là 1 VC cao cấp về tiếp quản Hội An ngày Hội An thất thủ 28 /3 / 1975 (trước Đà Nẵng 1 ngày). Nhưng tôi không tin. Không tin mà không dám nói gì hết. Nỗi thương đau mất mát trong những giờ khắc đó chẳng khác nào nỗi bi thương của một người có tang, có khi còn đau hơn nỗi đau tang tóc nhiều lần!!! Nỗi bi thương tận tim máu đã biến con người mình thành vụt lớn lên trước tuổi, già đi trước tuổi và lòng sùng tín vào chính nghĩa quốc gia sừng sững bền bỉ như núi cao không gì lay động được. Phải nhiều năm sau tôi mới biết linh cảm đó của mình không sai. Việt cộng đã giết hại Thầy năm 1981 bằng thuốc độc.
Trước khi từ giã, ông lấy giấy bút viết vội một lá thư bỏ vô phong bì, nhờ Mẹ con tôi mang ra trao tận tay cho Cha Lê Như Hảo ở khu Gíao xứ Thanh Bồ Đức Lợi Đà Nẵng, chỉ vẻn vẹn vậy thôi, không có địa chỉ cụ thể nào. Ông cho biết, ông với Cha Hảo rất thân nhau, là điều mà trong suốt những năm theo học với ông tôi không biết.
Tôi phải lùng tìm hết hơi mới được gặp Cha để trao tận tay thư của Thầy Tuệ Không, vì giáo dân không chịu chỉ chỗ trú của Ngài. 2 Mẹ con tôi gặp được Cha Hảo là đã gần 4 giờ chiều ngày 30 / 3 / 1975, tại một căn nhà bình thường trong khu Gíao xứ đầy cát trắng. Cha mừng khi có thư nhưng cũng như Thầy Tuệ Không, không vui gì. Cha đọc thư xong, ít hỏi han chúng tôi vì có lẽ việc trao thư đã nói lên tất cả đây là những con người hoàn toàn tin cậy được. Cũng như Thầy Tuệ Không, Cha căn dặn Má tôi nhiều về Cha tôi, không cho Cha tôi về lại Hội An vì thể nào cũng gặp họa. Cha có nói với Má tôi về Tổng Thống Thiệu, nguyên văn: “... đã không nghe lời tôi, đi nhiều nước cờ bậy quá ...”.
Đó là lần cuối cùng tôi không còn gặp lại 2 vị tiền bối khả kính là Thầy tôi và Cha Hảo nữa.
Tháng Tư đen, tôi mất nước, đồng bào tôi mất nước, người yêu tự do miền Nam mất tự do, thế hệ chúng tôi mất hết tương lai. Mất cho tới hôm nay và nhìn thấy còn nhiều người khác, nhiều thế hệ khác sanh sau chúng tôi vẫn đang mất nặng nề mà hoặc họ biết hoặc lờ đi không đủ dũng khí để thừa nhận là bị mất. Mất hết vào tay một bầy quỷ đỏ khát máu, ngu si, vô học dốt nát và phản quốc-bán nước.
Tháng Tư đen 2019
LTC
1 Đại tá Phạm Văn Chung, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 369 TQLC/VNCH, đơn vị có công lớn sau khi di tản khỏi Quảng Trị vào ngày 1-5-1972 đã rút về trấn thủ chắc nịch phòng tuyến Mỹ Chánh, chận họng hoàn toàn đường tiến quân của Bắc Việt, nhờ đó quân ta đã lập được hàng rào an toàn cho Thừa Thiên Huế trong suốt trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 khi Cộng sản Bắc Việt lột mặt nạ xua quân qua vùng giới tuyến - phi quân sự vỹ tuyến 17 để ra mặt xâm lăng VNCH vào đầu tháng 4 - 1972. [ TQLC = Thủy Quân Lục Chiến ]
2 Cha Phêrô Lê Như Hảo [1925-2012]
Quê làng Phú Hạ, Túy Loan, quận Hiếu Đức, tỉnh Quảng Nam
1962 - 1974: Quản xứ Trà Kiệu
1974 - 2003: Quản xứ & Quản hạt Hội An
$pageOut$pageIn 08
Kinh Tế Mới? part 01
Hội An miền quê hương văn vật nhân hòa
Là tỉnh lỵ của một tỉnh nhỏ đầu Vùng I Chiến thuật, nằm cách quốc lộ số 1 10 cây số về hướng biển, sát với bờ biển Cửa Đại, An Hải … Hội An nhờ vậy mà được yên tĩnh, trầm lặng. Hội An là một trung bình cộng của 2 tính cách sinh động xô bồ của Đà Nẵng và cổ kính âm u của cố đô Huế.
Không ai phủ nhận tính cách ham học của người Hội An, dẫu trong bao năm chiến tranh, không khí khuyến học đã có nếp từ xa xưa ở đây vẫn bền bỉ ngự trị. Trường trung học Trần Qúy Cáp là nơi hun đúc nhân tài cho Quảng Nam nói riêng, cho toàn quốc nói chung và bầu khí Trị Học ấy là truyền thống mặc nhiên từ thuở Ngũ Phụng Tề Phi 1
Là người được may mắn và vinh dự sinh ra và lớn lên ở Hội An, tôi chứng kiến rõ nguyên quãng đời niên thiếu ở Hội An quê tôi, một truyền thống hay chữ, ham học, ngự trị tất cả mọi lĩnh vực đời sống. Một giá trị chung mặc nhiên, phổ quát với tất cả mọi tầng lớp công dân là Duy Học, nghĩa là Học Tài của cá nhân là thước đo, là chuẩn định cho vị trí, cho giá trị cũng như địa vị của người đó trong xã hội.
Người có quyền thế, chức vị hoặc chủ hãng buôn, giới trọc phú v.v.… tuy họ có mãnh lực trong các mối tương tác xã hội nhưng đứng trước người có Học Tài tay trắng dù trẻ tuổi hay cao tuổi, những ưu thế quyền uy kia vẫn tự nhiên bị lếp vế và tỏ rõ sự nhún nhường, kính trọng, một cách tự giác. Cái bầu khí Trị Học được trọng thị rõ ràng như thế đã khiến người người ham học và tôn trọng tài năng. Bầu khí đó như một thỏa ước bất thành văn duy trì trật tự xã hội, một trật tự mọi người tự nguyện tuân theo mà không cần bất kỳ một thứ luật lệ luật pháp (hay “quy định” “quy trình” nói theo lối lưu manh điếm đàng của chế độ cộng sản Hà nội gần đây) nào can thiệp.
Thời trung học, trong lớp tôi có một bạn là cháu của ông Tỉnh trưởng, hai bạn là con của ông Trưởng Ty Cảnh Sát, nhưng các bạn ấy lặng lẽ khiêm nhường vì học lực họ trung bình. Niên khóa 1970-1971, trường tôi có anh Nhi (lớn hơn lứa tôi 6 lớp) học rất giỏi, đã đỗ Tú Tài hạng Tối Ưu, được du học học bổng quốc gia, đem vinh dự về cho trường. Anh Nhi chỉ là con của một bác xích lô ở xóm Kiến Thiết, nhưng tương lai và triển vọng địa vị của anh trong vòng vài năm tới như đã được phân định cao thấp rõ ràng mà con nhà các thế quyền hay triệu phú không thể nào có được.
Người có học là có trình độ thực, thậm chí lắm khi họ khiêm nhường, ẩn dấu bớt tài năng vì ai cũng ngại sự lố lăng khoe mẽ tự phụ. Người học kém hơn cũng tự biết thân biết phận, chăm lo trau dồi thêm cho bằng chúng bạn, tuyệt không có lối hí hố bố láo như thời cộng sản sau này, lại càng không bao giờ có cái gọi là “bằng giả” một cách quái thai quái gở như cộng sản đã sản sinh ra trong gần 2 chục năm vừa qua. Một học sinh lớp đệ Tam e dè kiêng nể một anh, chị học đệ Nhị và càng thua kém trước các anh, chị lớp đệ Nhất, vì trình độ xa biệt thấy rõ. Trên - dưới rõ ràng, một hệ tôn ti trật tự hiển nhiên! Năm học đệ Tam, tôi đã đi dạy kèm các bạn đệ Ngũ, đệ Tứ một cách dễ dàng và nhờ đó tôi tự túc mua các sách giáo khoa hoặc tự điển cần thiết mà không phải níu áo Mẹ xin tiền.
Ngoài kiến thức giáo khoa trung học lẫn kiến thức phổ thông bọn tôi được các Giáo sư dạy cho, thì Thư Viện của trường là cả một kho hiểu biết ngút ngàn. Tại đây, từ những năm đệ Tam đệ Nhị, tôi đã được đọc (tại chỗ hoặc mượn về) tạm kể ra như: “Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn” by Nguyễn Mạnh Côn [1920-1979], NGUYỄN ĐÌNH VƯỢNG xb Saigon 1960, “Chữ Thời” Thanh Bình xb Saigon 1967, "Căn Bản Triết Lý Trong Văn Hóa Việt Nam" Ra Khơi xb Saigon 1967 của Linh Mục Kim Định [1915-1997],Tuyển tập Thơ Nguyên Sa [1932-1998], rất nhiều truyện ngắn truyện dài của nhóm Tự lực Văn đoàn, của Mai Thảo [1927-1998], Duyên Anh [1935-1997], và nhiều truyện dịch từ các tác phẩm văn chương Anh-Pháp đình đám đương thời. Cũng không thiếu các tạp chí biên khảo-văn chương-thời sự giá trị như Bách Khoa, Văn, Văn Học, Phổ Thông, Thời Nay 2 v.v…
Một thành phố như vậy thì lấy đâu ra cảnh nhậu nhẹt rượu chè tệ nạn trộm cắp? Không hề có án mạng, trộm cướp, lừa đảo! Đi tìm mỏi mắt cũng không có lấy một quán bán rượu. Rất ít hàng quán có bán bia rượu vì chẳng có bợm nhậu chứ không vì bị ai cấm cả. Không bao giờ, trong suốt những năm niên thiếu tôi sống ở đó, mà có lấy một cảnh ẩu đả, đánh nhau vì rượu, không bao giờ có cảnh đàn ông về nhà bạo hành vợ con vì say xỉn. Ngày Tết, chỉ lẻ tẻ vài sòng “bầu cua gà cá”, “tài xỉu” bày lộ thiên ở hẻm xóm Si Ca, hoặc trong chỗ khuất Đình Ông Voi bên kia đường mà phần lớn cũng chỉ các trẻ nhỏ tới đặt chơi vài đồng bạc lẻ, tuyệt nhiên không ai cấm cũng không có cảnh ăn thua sát phạt và không hề cần tới Cảnh sát cho phép hay cấm đoán.
Hôm nay, sau 44 năm cộng sản tru lời red dog của chúng trên non sông gấm vóc này, nghĩ lại thuở thiếu thời Hội An của tôi, quả thật chẳng khác nào đó là một chốn thiên đường hạ giới. Nếu giả bộ quên đi đạn mìn khủng bố giết chóc do VC gây ra trong những ngày tháng chiến tranh, thì Hội An quả là đã có được một thời đoạn thanh bình văn vật cao quý hiếm có trước 1975.
Nghĩ tới đó ta không thể nào quên ơn sâu đậm của các anh lính chiến QLVNCH đã hy sinh đời trai trẻ nơi tiến tuyến gìn giữ cho chốn hậu phương được hưởng những giờ phút yên bình mầu nhiệm ngay giữa lòng cuộc chiến xâm lăng ác liệt của tập đoàn cộng sản Bắc Việt.
Hội An khi cộng sản tràn về
Hiểu rõ những thời khắc văn minh yên lành xưa của Hội An mới hiểu hết được những hoang mang ngơ ngác, những bi thương nghịch cảnh khi Hội An rơi vào tay cộng sản.
Những cán binh cộng sản những đặc công những kẻ nằm vùng … không đủ sức cai quản một vùng thiên đường mà họ mới chiếm được. Chiến tranh đã im đạn bom. Chỉ còn lại một cuộc chiến khác đó là cuộc chiến của Trí Tuệ và Học Tài. Điều đó tỏ rõ nơi lòng người, nơi từng góc phố, xóm làng Hội An. Những buổi “họp” dân do các cán binh cộng sản dép râu nón tai bèo hoàn toàn lạc điệu, ngớ ngẩn và bất lực trước những con người thị dân Hội An đầy nội lực học vấn. Cái ngu si thường đi đôi với cái thú vật. Cái gọi là “chính quyền cách mạng” bỗng chới với giữa lòng phố Hội, họ chỉ còn cách đe nẹt hù dọa bằng bạo lực và tiểu xảo khôn vặt dối trá của bọn người vô học hung tàn.
Một sự thay đổi xám đen bất ngờ và mau lẹ xảy đến đã làm đảo lộn đời sống Hội An. Lớp thị dân ưu tú vốn nhà nào cũng có thân nhân là quân cán chính viên chức chế độ cũ nay bỗng bị hụt hẫng trước đời sống thường nhật. Thân nhân họ bị cầm tù không án gọi là “cải tạo” đã làm mất đi chỗ dựa là đồng lương công chức xưa kia … đã đẩy những người còn lại trong gia đình (là vợ con người tù) vào chỗ tự lực cánh sinh. Và lối thoát duy nhất với đa số là nghĩ tới đời sống nông tang trồng khoai trồng lúa để tìm phương sống còn cấp thiết. Những bộ salon, chiếc tivi tủ lạnh bán đổ bán tháo, những căn nhà bán vội bán vàng bỏ thị thành mà chạy về thôn quê đã từ từ diễn ra. Những bữa cơm độn khoai sắn bắp đã mau chóng xảy ra trong từng gia đình, nhu yếu phẩm khan hiếm và đời sống bị đe dọa từng ngày. Cái học cao quý và ưu thế xưa, nay buộc phải nhường chỗ cho cơm áo. Cái khát vọng học thức nơi tâm trí nay phải chịu nhẫn nhịn trước nhu cầu của bao tử. Có thực mới vực được đạo!
Hội An kinh tế mới
Trong bối cảnh đó những chiêu dụ, kêu gọi, hứa hẹn về một thứ có tên gọi là “kinh tế mới” đã diễn ra, khoảng tháng 8 / 1975. Các buổi họp khối, phường xảy ra liên tiếp, trong đó các cán bộ cộng sản dụ dỗ người Hội An “đi” kinh tế mới ở Darlac. Họ nói, gia đình nào có thân nhân đang bị tù cải tạo mà chịu “đăng ký” đi kinh tế mới thì người tù sẽ được giảm tù; một gia đình đi kinh tế mới được nhận 6 tháng “lương thực” v.v…
Rất nhiều nhà không cầm cự nổi đã dần dần chấp nhận đi kinh tế mới mà họ không sao biết được những gì sẽ chờ họ nơi núi rừng hoang dã, với những phương tiện và cách thức mưu sinh mà họ hoàn toàn lạ lẫm chưa từng biết đến bao giờ. Nhưng sự cùng đường bí lối đã khiến nhiều người chịu bỏ phố thị mà đi về nơi hoang dã. Thực tế chỉ một năm sau, lượng người bỏ vùng kinh tế mới tìm về lại phố phường đã lên đến hơn hai phần ba.
May 2, 2019
LTC
1 Khoa thi Đình năm Mậu Tuất 1898, niên hiệu Thành Thái thứ X, tỉnh Quảng Nam có tới 5 người đỗ Tiến Sĩ
2 Tạp chí Thời Nay là tờ bán nguyệt san ra mắt số đầu tiên (01) vào ngày 01 - 9 - 1959. Giám đốc: Nguyễn Văn Thái, chủ biên : Trần Nhã, Thư ký tòa soạn: Khánh Giang và nhiều cộng tác viên khác như Linh Bích, Thẩm Dương, Song Thao, Hoài Thương, Tạ Sương Phụng . . . và từ 1959 đến 1975, tờ báo ra đều đặn, mỗi tháng 2 số, hằng năm cứ đến số ngày 01/9 thì ra số đặc biệt kỷ niệm ngày sinh nhật của báo và đến Tết thì có số Xuân, các số Xuân và số đặc biệt thì dày hơn số thường kỳ.
Đến ngày 01/9/1972, số 309 là số đặc biệt Kỷ Niệm sinh nhật thứ 13, Thời Nay lấy chủ đề đăc biệt về Thế Vận Hội 1972 được tổ chức ở Đức, số sau 310 (ngày 15/9/1972) với chủ đề đặc biệt về Đức quốc và là số cuối cùng có đánh số vì lý do Bộ Thông Tin Miền Nam lúc đó ra sắc lệnh số 007 về báo chí đã đổi hình thức xuất bản, nên đến 01/10/1972 Thời Nay vẫn tiếp tục ra số mới với hình thức Giai phẩm không đánh số. Giai Phẩm ra được 57 số đến ngày 10/03/1975 là số cuối cùng.
$pageOut$pageIn 08 bis
Chó leo bàn thờ
phũ phàng mưa đuổi gió theo
trời làm cơn lụt chó leo bàn thờ
Tôi tạm gác Post 09: “Kinh tế mới Darlac” sang kỳ tới, dành kỳ này cho vài ba chuyện vui vui về những ngu ngáo của dép râu, và một câu chuyện có thật: chuyện chơi chữ rất có ý nghĩa của Hội An sau ngày miền Nam bị nhuộm đỏ.
Quân Dịch, dịch tả dịch hạch?
Qủa thật như tôi đã nói trong Post trước: Bom đạn Chiến tranh đã im tiếng, lập thời, phe cộng sản bị du vào một cuộc chiến khác đó là cuộc chiến của Trí Tuệ và Học Thức mà họ từ thua tới thua và lộ nguyên hình là 1 đoàn người man di mọi rợ.
Những tầng lớp nằm vùng ở miền Nam theo cộng, từ Huỳnh tấn Mẫm trở xuống, thảy đều là những kẻ học lực kém, lười học và trí năng ở vào hàng thấp, không biết phân biệt chánh tà phải quấy thiện ác … cho nên để khỏi thua chúng bạn sinh viên cùng lứa, họ đã chạy theo những lời chiêu dụ xách động làm loạn của bọn Võ văn Kiệt Trần bạch Đằng trong R, nấp dưới cái vỏ danh từ là “đấu tranh”, “thành phần thứ ba” v.v… như là một cách thế làm nổi đặng gượng lại cái vị thế vô thân phận của họ trước giá trị hiển nhiên của người sinh viên chân chính miền Nam thời quốc gia.
Đến Mẫm mà còn bất trí như vậy thì bọn cán ngố dép râu ngoài trò khôn vặt, khủng bố vặt, làm sao có nổi chút kiến thức gì trong đầu. Hình như để chống đỡ cái lếp vế trí tuệ đó, để chứng tỏ cái vai trò chủ mới của thành phố, họ rất khoái tổ chức họp hành, cứ 2, 3 hôm lại có 1 buổi họp, họp khối, họp phường v.v… đến phát nản với những buổi cán bộ cộng sản ê a những bài nói vu vơ vớ vẩn, lắm khi nói không thành lời, câu chữ tiếng Việt nói còn không xong. Một bữa họp như thế ở Đình Ông Voi, khoảng tháng 9 / 1975, cũng y như công thức cũ, 1 anh cán ngố thao thao ca bài ca con cá về chủ nghĩa mác lê vô địk, về mỹ ngụy bán nước, bỗng anh ta cao hứng nhảy sang giải nghĩa chữ “quân dịch” khi nói về chính sách quân dịch của VNCH. Trong đầu óc cán bộ VC hễ tìm ra được trò mèo nào hòng nói xấu chính quyền quốc gia, thì với họ đó là hành vi “chính trị”, địch hỏng ta hay, địch thua ta thắng.
Anh ta cao hứng xướng rằng, quân dịch là 1 bệnh dịch, dịch bắt lính y như các bệnh dịch như dịch hạch dịch tả là những bệnh dịch tai hại v.v…
Ngồi bên dưới toàn là bọn học sinh Trung học đệ nhị cấp đi “họp” thay mặt cho gia đình, anh ta còn chưa đáng làm học trò của họ vốn ăn học, hiểu biết đầy mình… Vài ba thằng bạn với tôi không nhịn được cười với lối giải nghĩa chữ “dịch” tùy tiện thế kia. Thì bỗng ở giữa hàng ngồi, có anh Có dong tay có ý kiến, rồi thong thả bước lên trong sự ngạc nhiên của cán ngố lẫn đông đảo mọi người.
Anh Có điềm đạm giải nghĩa 2 chữ quân dịch: Quân dịch là do dịch sang tiếng Việt chữ “military service”, nghĩa là dịch vụ về quân sự hay nói gọn bằng chữ Hán-Việt là “quân vụ” hay “quân dịch”. Chữ dịch bệnh, Anh ngữ là “epidemic” không dính dáng gì tới chữ dịch trong “quân dịch” cả.
Nói xong anh Có bước xuống. Cả buổi họp cười ồ lên vỗ tay tán thưởng trong sự sượng sùng xấu hổ của anh cán ngố và anh ta cho giải tán ngay, không họp hành gì nưã.
Anh Có, là đàn anh cùng trường trung học Trần Qúy Cáp của tôi, anh lớn hơn lứa tôi 4 lớp, năm 1975 đang là sinh viên năm thứ Tư của trường Đại học Sư phạm Huế khoa Ngoại ngữ (Anh ngữ) sắp ra trường.
Bán cho tớ cái Nọc Cà phê
Hồi quốc gia, Má tôi buôn bán hàng Quân Tiếp Vụ, nên quen biết nhiều các hàng tạp hóa trong thành phố, trong số đó có cô Đê (tôi gọi bằng cô vì cổ xấp xỉ tuổi Má tôi mà độc thân) thân thiết như hai chị em kết nghĩa. Cô Đê có một cửa hiệu tạp hóa lớn trên đường Cường Để, chuyên bán đủ loại hàng nhu yếu cho trẻ con và phụ nữ. Chuyện sau đây do cô Đê kể lại.
Một hôm khoảng tháng 5, 6 / 1975 có 2 anh bộ đội nón cối hăm hở bước vào cửa hiệu cô Đê dáo dác nhìn các hàng bày trong hiệu tìm kiếm một lúc rồi la lên (giọng Bắc 75): “Đích thị đây rồi”.
Cô bước ra hỏi, anh cần mua hàng gì?
Anh ta chỉ ngay vào mớ soutien (tức là cái soutien-gorge hay có khi còn gọi là corset –tiếng Pháp) đang treo móc lủng lẳng trên hàng dây trên cao.
Cô Đê ngạc nhiên quá, hai anh là đực rựa mà mua làm gì món đồ “phụ tùng” dành cho mấy nàng thế kia? Cô sợ anh ta nhầm, bèn hỏi kỹ lại món đó có đúng là thứ anh cần mua hay không?
Một anh trả lời nóng nảy và chắc nịch: “Đích thị rồi”.
“Anh mua mấy cái?”
“1 cái thôi”.
Cô tức cười lắm nhưng ráng nhịn, anh ta cần mua, đòi mua thì mình phải bán thôi, mà vẫn tức cười vì không rõ anh ta sẽ “đeo” nó vào như thế nào? Mà tại sao 2 anh mà chỉ mua có 1 cái? Anh ta có “cái quái” gì trên người mà cần đeo cái soutien cơ chứ? v.v…
Nhưng vẫn chưa hết dịp để cười.
Cô tháo bó soutien xuống lấy ra một cái định gói cho khách, thì một anh nói:
‘không, tớ chỉ mua 1 chiếc thôi”.
Không hiểu, cô Đê bảo: “thì đây là 1 cái chớ không phải 2 cái”.
Anh ta tỏ ra sành sõi, lấy tay chạm ngay vào chỗ nhô nhọn lên của cái soutien và bảo, “chúng tớ chỉ cần mua 1 chiếc này thôi”.
Đến đây thì dù đã muốn cười vỡ bụng mà cô Đê vẫn cố ráng nhịn và hỏi thêm: “mấy anh mua 1 chiếc để làm gì?”
Anh ta trả lời: “để nọc cà phê”.
Trời đất thiên địa ơi!!! Cô ráng hỏi câu nữa: “nghĩa là anh chỉ mua 1 bên này thôi ấy hả?”.
“Vâng, chính thế”. 2 anh hả hê trả lời, và đứng nhìn sững cô Đê lấy kéo cắt “1 bên” cho anh ta, một anh còn chen vào:
“cắt luôn mấy cái dây nhợ lòi thòi kia luôn đi, chỉ cần nọc cà phê thôi, làm chi mà bày lắm thứ dây nhợ thế không biết?”
Cô kể lại cho Má tôi câu chuyện này và 2 chị em ôm nhau cười chảy nước mắt!
Cà Phê Đạo
Cô Đê có người em trai đi lính Biệt Động Quân, tên Rê, mà người Hội An quen gọi luôn cả họ là Hà Rê. Hà Rê có vẻ bặm trợn nhưng thực ra hiền lành, như bao người dân Hội An vậy (xin bạn đọc thông cảm không phải tôi quá ca tụng quê hương mình đâu), chẳng rõ ông có bị đi tù VC không, nhưng chỉ biết rằng sau một thời gian VC xáo trộn khuấy đảo mọi thứ, bắt bỏ tù viên chức cũ, chiếm nhà cửa của kẻ chiến bại, thiết lập hộ khẩu, đổi tiền miền nam ra tiền VC khoảng tháng 9 / 1975 v.v... rồi thì Hội An cũng dần dà mặc nhiên lấy lại cái không khí vốn dĩ của mình tuy rằng bây giờ lai tạp đủ điều, nhất là thò ra những khuôn mặt nịnh hót tâng công (mà dân gian biếm nhẽ gọi là cách mạng ba mươi), và Hà Rê lại xuất hiện, lại có mặt thường nơi cố hữu trước kia của anh em: Café Đạo.
Ở Hội An, không ai là không biết Café ĐẠO do ông Đạo làm chủ quán. Nhà tôi ở gần đó (đối diện Tiểu Khu Quảng Nam) chỉ vài phút đi bộ là có thể mua ly café về cho Cha tôi mỗi sáng.
Café Đạo, nằm ngay ngã tư Lê Lợi - Phan Chu Trinh, là nơi mọi tầng lớp thị dân thường ghé lại làm tách café sáng trước khi đi làm, và là nơi được mệnh danh là trung tâm tin tức của thành phố, bởi Hội An nhỏ xíu, có chuyện gì xảy ra chỉ một lát sau cả thành phố đều hay, và thông tin thường vào cũng như ra là từ Café Đạo.
Café Đạo nghiễm nhiên là một vị trí, một “địa danh” gắn liền với Hội An, với đời sống thực sự ấm hơi thở nóng hổi mạch sống sinh động của cả một cộng đồng nhỏ bé thân thiện.
Và cái tổ ấm đó ra sao sau ngày Hội An rơi vào tay cộng sản? Chẳng hiểu vì sao, nó vẫn sống còn, dù được dời vào trong hẻm gần đình Ông Voi, gần phở Liến, gần café Dung. Khách bây giờ có còn mấy ai, giữa không khí khủng bố, trả thù, tang tóc, sợ hãi, sợ đủ thứ, từ bị quy tội, chụp mũ, bỏ tù, thủ tiêu cho đến mất nhà cửa, tài sản, và gần nhất là nỗi sợ đói thường trực, đói cơm không có ăn, còn nói chi tới cà phê cà pháo !?? Café Đạo vẫn hiện hữu thật là lạ, bởi nó như ở trên mây ngay trên chính quê nhà mình.
Trong tình thế đó mà có câu chuyện tôi được nghe một người bạn đàn anh kể lại sau đây mới thật là ly kỳ.
Như đã thành truyền thống, sáng mồng một Tết nào ông Đạo cũng đãi khách tách café đầu năm (không tính tiền), và khách đến quán thường là những “thường trú dân” của Café Đạo, ở đó người người gặp nhau mừng chúc Xuân, chuyện trò năm mới thân tình ấm cúng như ở nhà mình. Truyền thống ấy vẫn còn ngay cả khi Hội An đã bị nhuộm đỏ.
Sáng mồng một Tết Bính Thân 1976, tức là chỉ 7 tháng sau khi miền Nam thất thủ, như bao năm trước, Hà Rê đến quán- bây giờ vắng nhiều gương mặt thân quen bởi bao cảnh tang thương dày xéo đã diễn ra- gom mọi người lại ngồi chung một bàn (ít khách lắm), với vẻ trịnh trọng, ông yêu cầu mọi người yên lặng.
Trong im lặng theo dõi của mọi người, Hà Rê bước đến bàn thờ giữa quán, đốt mấy nén nhang, bắc ghế cho cao, đứng lên và long trọng khấn vái quỷ thần, rồi tay cầm nhang, tay cầm tách café của mình, quay mặt xuống anh em đang ngồi hướng lên kính cẩn, ông nói rõ ràng:
“Kính thưa quỷ thần chứng giám, lạy tạ trời đất quê hương, thưa anh em bạn hữu có mặt hôm nay,Nói xong, ông cắm nhang vào bát, bước xuống nâng ly café lên cùng với anh em, trong sự cảm động, ngạc nhiên, thích thú của mọi người, trong đó có cả ông Đạo nữa!!!
“Thực dân dùng bá đạo, Cộng sản dùng tà đạo, còn anh em chúng tôi dùng Café Đạo”.
May, 3, 2019
LTC
$pageOut$pageIn 09
Kinh Tế Mới? part 02
“Kinh tế mới Darlac”
Tà Sách của Tà Quyền
Với rất nhiều dân thị thành miền Nam sau black April 1975, chỉ nghe truyền miệng 3 chữ “Kinh tế mới” một cách loáng thoáng rồi tự tưởng tượng ra chứ không biết tường tận nó là cái giống gì. Chỉ những ai đã đẫm mình trên những chỗ mà người cộng sản gọi là “Kinh tế mới” mới biết mặt thực của nó thế nào.
Chữ “Kinh tế mới” xuất hiện tại Hội An khoảng tháng 6 / 1975 khi VC nhắm tới nhiều gia đình bị thất thế chao đảo, đời sống bị đảo lộn trong cuộc thế mới. Dưới danh xưng “Ủy ban quân quản”, VC vận động bà con bằng họp hành chiêu dụ ngon ngọt … thực ra chỉ là cốt nhắm đưa thị dân lên ở hẳn tại 2 vùng: Đức Minh (tỉnh Quảng Đức) và Kim Châu (tỉnh Darlac). Đây là một thứ “chủ trương” tùy tiện, bất tài, bất trí của cộng sản Bắc Việt, gây những xáo trộn và bất ổn không cần thiết, tuyệt không có ý nghĩa gì hết sau khi đã thắng cuộc một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đằng đẵng 20 năm vừa chấm dứt. Trong não trạng của bọn người Ba đình cuồng cộng Nga-Tàu, họ luôn căm thù giới tiểu thương và trí thức tiểu tư sản, họ luôn nghĩ tới một trò duy nhất đó là cướp đoạt những thành quả trí óc cũng như tài sản của hai giới này bất cứ khi nào có thể cướp được như lịch sử đã xác chứng cho ta thấy họ vẫn duy trì trò cướp bóc đó suốt 44 năm qua.
Khoảng tháng 9 / 1975, họ đưa 1 đoàn người gồm toàn những “lao động chính”, tức những thanh niên trai tráng trẻ khỏe của gia đình nào chịu “đăng ký” đi “Kinh tế mới”, lên 2 vùng đất đó trước, cấp cho 3 tháng “lương thực” với vài cây cuốc, rựa loại thổ tả bá láp chả dùng được … để làm những căn nhà tranh tre lá, nền đắp đất thô sơ, và trồng trước ít khoai sắn và gọi đó là “đợt 1”. Sau đó những anh thanh niên này về lại Hội An đưa cả nhà lên luôn, đó là “đợt 2” và cũng là cuối cùng. Cái gọi là “lương thực” đó chỉ là một số gạo vốn là chiến lợi phẩm họ (VC) thu được nơi các kho gạo lớn ở miền Nam sau khi Saigon thất thủ.
Từ đây, cả gia đình nạn dân “kinh tế mới” được họ cho nốt 3 tháng “lương thực” còn lại và chấm hết, họ phủi tay hoàn toàn, bỏ mặc cộng đồng người vốn quen sống nơi văn minh thị thành hàng 2 chục năm giờ đây kể như phải hoàn toàn tự lực cánh sinh, tự thích nghi mà sinh tồn nơi núi rừng hoang dã, không điện nước, không một phương tiện cơ giới văn minh quen thuộc nào của phố phường xưa, tự cày cuốc đất hoang bằng đôi tay đôi chân trần mà trồng trọt, tự chặt phá cây cỏ núi rừng để làm nhà cửa vì tất cả các chòi tranh gọi là nhà tạm “đợt 1” đã hư hỏng ngay trong năm đầu tiên. Một sự đổi đời nghiệt ngã ngặt nghèo đối với thị dân vùng quốc gia và là một tà sách lưu manh vô nhân đạo tận cùng của đoàn lũ người-thú cộng sản tự nhận là quân giải phóng.
Địa Hình
Qua năm 1976, đoàn người bị đưa đi Đức Minh bỏ về hết, chỉ còn lại khu Kim Châu.
Gọi là 'khu Kim Châu' là vì thời đó khu kinh tế mới chưa có địa danh chính thức. Thực ra, vùng khu kinh tế mà dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Bình Định mới dọn lên là nằm sâu vào trong Kim Châu, đi quá thêm nhiều chục cây số.
Nếu đi từ miền Trung lên Darlac theo đường quốc lộ 21 thời đó thì phải đi theo quốc lộ số 1 vào tới ngã ba Ninh Hòa rồi rẽ phải, đi tiếp qua Trung Tâm huấn luyện Dục Mỹ cũ và băng lên đèo Phượng Hoàng, băng qua quận Khánh Dương, qua quận Phước An nữa là còn cách Ban Mê Thuột chỉ 30 cây số nhưng khi đến cây số 5 tức còn cách thị xã Ban Mê Thuột 5 cây số) thì rẽ trái, gặp ngay trường Nông Lâm Súc Darlac bên tay phải đường lộ, bên kia đường là một rừng cây Giá Tỵ ngút ngàn cao hàng chục met (hoặc còn gọi là Giã Tỵ, một loại cây thẳng tắp cao vút và nghe nói người ta lấy gỗ loại cây này để làm báng súng). Từ đây, đường trải nhưa đã hết, một con lộ đất + đá 4cm X 6cm cứng và tạm bằng phẳng kiên cố nhưng không trải nhựa dẫn vào khu Trung Hòa, hai bên là đồn điền café đầu tiên (của người Bắc di cư 1954, do Tổng Thống Ngô Đình Diệm đưa số lớn vào đây khai khẩn những năm đầu mới vào Nam), thứ nhì là khu Kim Châu, đi qua tiếp một đèo nhỏ gọi là đèo Giang Sơn cũng chính là khu đồn điền café Giang Sơn thứ ba và cuối cùng của quần thể người Bắc di cư ở vùng này.
Cả 3 vùng Trung Hòa, Kim Châu và Giang Sơn đều là vùng giáo dân Công giáo thuần thành và chống cộng khét tiếng. Vào lập nghiệp đã lâu trên vùng đất Basalt với cây cafe cho nên dân chúng 3 vùng này có đời sống rất cao, nhiều nhà cửa với lầu đúc kiên cố, chợ búa sầm uất, nhiều ngôi giáo đường ngay mặt lộ với đường điện sinh hoạt và các phương tiện máy móc cơ giới, xe cộ đi lại văn minh không khác chi một thành phố giữa chốn đồn điền. Tôi có dịp được quen biết với mấy người bạn cùng lứa ở vùng này và đã được họ đưa về Kim Châu chơi vài lần khoảng 1978, tận mắt chứng kiến trình độ dân trí cũng như đời sống kinh tế của toàn vùng là cao đáng nể.
Tại 3 nơi này nhất là Kim Châu với Giang Sơn, VC không thể khống chế được ngay, dù trong 3 năm sau 1975, các nơi khác VC đã lập được “ủy ban nhân dân” nhưng tại vùng này chỉ là “ủy ban quân quản” nghĩa là họ chưa hoàn toàn làm chủ được tình thế. Rất nhiều vụ cán bộ VC bị thủ tiêu bí mật trong vùng này, mất tích luôn, cán bộ biệt tăm mất xác, có vào mà không có ra, có đi mà không có về. Các Cha Xứ quản xứ quản hạt thời trước 1975 vẫn chăn giáo dân bình thường như không hề có chuyện biến động gì xảy ra cả. Cho tới 1978, VC phải tập trung tấn công nhà thờ Giang Sơn, bắt Cha Chánh Xứ và các thành viên hội đồng giáo xứ, và kể từ 1979 vùng này mới tạm “yên” nhưng mối nguy hiểm cho cán bộ VC vẫn còn, không ai dám chắc sẽ thế nào.
Với người Ban Mê Thuột, hễ nói đến Kim Châu là ai cũng biết nhưng đi sâu vào trong vào xa hơn nữa thì chưa có địa danh chính thức nên không ai biết, vì thế người Hội An đi kinh tế mới thuận miệng gọi là khu Kim Châu cho dễ định vị hướng đi nếu tính từ thị xã Ban Mê Thuột vào hoặc từ Ninh Hòa lên.
Qua khỏi Kim Châu là đến một đèo thấp nhỏ gọi là đèo Giang Sơn, ta sẽ đến cầu sắt Giang Sơn. Qua cầu, đi thêm chứng 5 cây số nữa là đến ngã ba Lạc Thiện, đi thẳng tiếp là vào thị trấn Lạc Thiện tỉnh Quảng Đức (độ 50 cây số), còn rẽ trái đi thêm độ 1 cây số là đến một buôn người Thượng Edeh, buôn Jang Reh. Tại đây là bắt đầu của khu dân cư kinh tế mới từ các tỉnh miền Trung lên, nhiều nhất là Hội An, Đà Nẵng. Qua khỏi Jang Reh độ 3 cây số là bắt đầu một dọc dài các khu kinh tế mới của dân từ nhiều tỉnh (như đã nói ở trên) trải dài khoảng 7 cây số là xuống đến khu kinh tế mới gồm nhiều thị dân từ Đà Nẵng có tên: khu Khuê Ngọc Điền, là nơi có họp chợ đầu tiên trong vùng nhưng chỉ 1 ngày mỗi tuần. Nếu đi tiếp sâu vào độ 3 chục cây số nữa là đến khu kinh tế mới chót cùng: buôn Chư Pheng gồm nhiều thị dân Hội An dọn lên 1975, 1976 (người ta còn gọi là buôn Phèng hay Hòa Lễ).
Đời Sống
Vì không hiểu biết nông tang cũng như chưa quen kịp với đời ruộng nương cần lao, cho nên việc gieo trồng cây nông nghiệp như lúa, bắp, khoai sắn của đồng bào hoàn toàn chưa có kinh nghiệm và cảnh thiếu ăn kéo dài ít nhất trong 2 năm liền, nhiều gia đình trong hơn nửa năm ròng không biết tới một hạt cơm, chỉ thuần khoai, sắn, bắp qua ngày chờ mùa gặt lúa. Phải từ 1978 trở đi nông phẩm thu hoạch mới khấm khá hơn trước và nhà nào cũng có nuôi ít nhất một vài con heo hay đàn gà để “có thịt” trong bữa ăn hay bữa giỗ, ngày Tết. Nhưng lượng người chán nản, vô vọng bỏ về lại thành phố đã nhiều hơn quá nửa trong hai năm trước. Số còn chấp nhận ở lại là vì hoặc gia đình đông con hoặc không còn cách nào khác buộc phải bám lấy núi rừng, đương thân dầm mưa nắng lao nhọc mà tìm đường sống. Những đứa trẻ chỉ mới 10 tuổi cũng là một nông dân thứ thiệt với ngày ngày cuốc đất trồng khoai thành thạo, trơ lưng mình trần mặt mày da dẻ chân tay đen nhũi như một người Thượng chính cống.
Người thành thị văn minh sáng lạn hôm nào nay chỉ còn là một quần thể xác xơ như một bộ lạc người man di nào trong xa xưa. Khi màn đêm buông xuống, mỗi nhà chỉ hắt ra một ngọn đèn dầu hỏa tù mù. Không có chợ búa gì cả. Mọi phương tiện đi lại dù đi làm trong rừng trong núi hoặc giáo viên đi dạy học, học trò đi học … tất cả đều đi bộ, những đoạn đường dài hàng 5, 10 cây số. Nhà nào có được một chiếc xe đạp là cả một gia tài. Tôi còn nhớ lâu lắm Má tôi mới rủ vài người bạn hàng xóm đi chợ Khuê Ngọc Điền cách 7 cây số, cả đi lẫn về là 14 cây số. Đi bộ. Đi từ sáng tinh sương mà mãi tới 11 giờ trưa mới về tới nhà quang gánh trên vai, đôi chân phủ đầy bụi đường đất đỏ. Khi miền Nam tự do rơi vào tay giặc thì thảm họa đâu chỉ riêng ai, nó không tha từng người dân lành vô tội dù họ ở bất cứ tầng lớp nào.
May, 4, 2019
LTC
$pageOut $pageIn 10
Kinh Tế Mới? part 03
Bị Fulro tấn công
FULRO (Front Unifié pour la Libération des Races Opprimées – Liên minh Mặt trận Đấu tranh Giải phóng các Sắc tộc bị Áp bức) là một tổ chức của người Thượng, một lực lượng trang bị quân sự hơn là chính trị, nhưng mục đích là đấu tranh chính trị đòi thiết lập quyền tự trị cho sắc tộc người Thượng ở cao nguyên Darlac, Di Linh. Tổ chức này với nhiều thành phần sắc dân thiểu số cao nguyên phức tạp, đã âm ỉ phát khởi từ trước 1960 khi chính quyền đệ nhất cộng hòa tìm cách bình định mọi phe phái và thâu tóm quyền hành riêng vào một tay gia đình họ Ngô, trong bối cảnh đó có một số đầu lĩnh người Thượng đã bị quân đội đệ nhất cộng hòa bắt và cầm tù sau vài cuộc giao tranh. Khi 2 anh em ông Diệm – Nhu bị lật đổ và hạ sát ngày 2 / 11 / 1963 thì các nhân sự ấy được trả tự do và nuôi chí hướng cũ.
Năm 1964, cùng với nhiều tổ chức người Thượng, người Việt gốc Miên (Kampuchéa-Krom) …họ gộp chung lại lấy tên chính thức là Fulro với hiệu kỳ [xem ảnh, theo sách TÌM HIỂU PHONG TRÀO TRANH ĐẤU F.U.L.R.O. (1958 – 1969) by Nguyễn-trắc-Dĩ, do Bộ Phát Triển Sắc Tộc VNCH ấn hành 1969] và lực lượng võ trang hơn 10 ngàn quân đã được hình thành nhưng hoạt động không gây bao nhiêu tiếng vang trong 10 năm từ 1965 đến 1975 của đệ nhị cộng hòa vì các cánh quân của quân đội miền Nam VNCH có trình độ có tổ chức và có hỏa lực mạnh hơn đã dễ dàng đè bẹp các cuộc nổi dậy phá phách nhỏ lẻ của Fulro.
Fulro không chấp nhận cộng sản và sẵn sàng thỏa hiệp với chính phủ quốc gia để mong được quyền tự trị ở 2 vùng cao nguyên kể trên (thuộc lãnh địa của Vùng II chiến thuật VNCH).
Do đó, khi miền Nam rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, Fulro vẫn duy trì hoạt động với nhiều sự dè dặt và nghi kỵ. Vùng căn cứ địa hùng hậu nhất của họ vẫn là 2 tỉnh Quảng Đức và Darlac.
Thôn tôi ở là thôn 1 gồm hầu hết người Hội An (tỉnh Quảng Nam) và Tam Kỳ (tỉnh Quảng Tín) là vùng nằm ngay sát chân núi Chư Yang Lak, dãy núi này sát vách với biên địa tỉnh Quảng Đức, với rừng rậm bạt ngàn núi cao hiểm trở, là nơi nhiều toán quân Fulro dùng làm căn cứ địa vì có lợi thế cao độ nhất vùng.
Một đêm cuối mùa khô đầu mùa mưa năm 1977 (thường là vào tháng Tư Âm lịch trong năm), tại một cuộc “họp Tổ” tại nhà một thôn dân thôn 1 với chừng mười mấy “lao động chính”, khoảng 8 giờ tối, trời tối đen như mực, bên ngoài đường không một bóng người và nhiều nhà đã tắt đèn đi ngủ sớm. Từ ngoài đường nhìn vào, ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu hoả từ ngôi nhà tranh hắt ra cộng với tiếng nhiều người nói xôn xao trong cuộc “họp” quả là một mục tiêu lý tưởng để khai hỏa. Một, rồi hai tràng đạn ngắt quãng vang lên, đích nhắm là căn nhà đang sáng đèn. Cùng với tiếng súng nổ là những tiếng quát tháo bằng tiếng người Thượng Edeh rền lên giữa đêm tối vắng yên tĩnh, trong khoảnh khắc đã gieo kinh hoàng khó quên cho đoàn lưu dân kinh tế mới.
Không có một sự chống cự nào vì bên trong là thường dân chứ không phải là bộ đội VC như Fulro có lẽ tưởng nhầm. Người ở những căn nhà sát đường nơi toán quân Fulro đi qua và khai hỏa, sau này kể lại rằng, họ nghe tiếng chân đi rầm rập, tiếng xì xào một thoáng trước khi toán quân này nổ súng. Quân Fulro làm chủ tình hình hoàn toàn trong độ gần nửa giờ và vì không có sự kháng cự cho nên họ lặng lẽ rút đi mà không bắn thêm phát đạn nào nữa.
Cuộc tấn công, rất may, không gây ra cái chết nào, chỉ có 4 anh thanh niên “lao động chính” bị trúng đạn, bị thương không nặng lắm. Họ được vài cựu quân nhân quân y VNCH (cũng là thôn dân kinh tế mới) sơ cứu và băng bó cầm máu tạm thời với tất cả phương tiện thô sơ có trong tay. Phải cả giờ sau người trong thôn mới dám cùng nhau thức dậy khi tin chắc là quân Fulro đã rút đi, bà con chạy xuống Xã cách đó độ 3 cây số báo tin. Phải mất thêm nhiều giờ đồng hồ nữa, 4 người bị thương mới được 1 chiếc xe nhà binh của bộ đội VC ngoài quận Phước An (cách hơn 30 cây số với đường sá rất xấu, khó đi) vào chở đi ra cấp cứu ở bệnh viện Ban Mê Thuột (cách hơn 50 cây số).
Cuộc tấn công của Fulro lần đó đã gợi ngay trong trí tôi một sự yếu kém và nhát sợ thấy rõ của bọn gọi là “chính quyền Xã”. Trong đêm vắng, những tràng đạn M-16 dễ vang đi rất xa nhờ lợi thế truyền âm của vách đá núi rừng trải dài, dẫu người ở xa hàng nhiều cây số cũng không thể không nghe. Thế nhưng không một tên công an hay du kích nào –vốn thường ngày vẫn tỏ vẻ hùng hổ với thường dân- xuất hiện trong suốt buổi tối đó lẫn nhều buổi khác kế tiếp. Bọn chúng sợ chết.
Người bị thương chỉ nằm bệnh viện độ 1 tuần là về lại nhà tĩnh dưỡng chờ lành hẳn vết thương, nhưng cuộc tấn công đã gây kinh hãi cho tất cả mọi người trong vùng lẫn cho bọn VC địa phương. Mấy tháng kế đó, nhiều nhà lẳng lặng cuốn gói về lại quê cũ Quảng Nam (cách khoảng 600 cây số) bất chấp đời sống dưới ấy khó khăn thế nào và những gì sẽ chờ đợi họ ra sao. VC cũng làm lơ không cố ý ngăn chận những vụ bỏ cuộc này. Vùng thôn 1 còn lại chả bao nhiêu người.
Những người còn ở lại là những hoàn cảnh đã hết cách tính toán xoay xở, tất cả mọi người không ai bảo ai nhưng cùng im lặng liều mạng đối mặt với “giấc mơ” kinh tế mới muôn đời hão huyền của những mồm mép leo lẻo của bầy cán bộ VC chỉ mới hơn 1 năm trước đó.
May. 5, 2019
Hoi An
$pageOut $pageIn 11
Kinh Tế Mới? part 04
Hiện tượng Văn hóa về Nông thôn
Nhu cầu Chia xẻ, Quần tụ
Nếu trong tập biên khảo Thủ Đoạn Chính Trị” (1) của Vũ Tài Lục [1930-2016], tác giả đã viết:
"Kháng chiến bùng nổ, dân chúng thành thị tản cư về đồng ruộng tạo ra hiện tượng văn hóa về nông thôn.thì sau black April 1975, nạn dân vùng quốc gia từ các thành phố bị VC dồn lên khu kinh tế mới rừng hoang của chúng, đã thực sự tạo ra Hiệu Ứng “Văn hóa về Nông thôn” rõ ràng nhất.
Quân Nhật đánh vào phía Bắc nước Trung Hoa trí thức và dân Trung Hoa miền Bắc chạy xuống miền Nam làm thành hiện tượng văn hóa Nam Di."
Những gia đình sau gần 2 năm chống chọi giữa rừng thiêng nước độc, phương tiện kiếm sống thuần trồng trọt như người thượng cổ cùng với bao hiểm họa khác, mà vẫn chịu chấp nhận ở lại vì phần lớn họ là tầng lớp ưu tú cũ trong thời quốc gia. Nay phố phường xưa đã thay ngôi đổi chủ, một bọn chủ mới man di, láo bịp và “chuyên chính vô học” [chữ của cụ Nguyễn Hiến Lê, trong tập Hồi Ký 1979-1984 của ông], nếu ở lại nơi ấy, họ có được tiếng nói gì? Chỗ đứng nào? Tương lai nào dành cho họ?
Nơi ở mới tuy hoang dã nhưng “khuất mắt” được bao điều chướng mắt chướng tai, nó như một chỗ ẩn náu bất đắc dĩ và đoàn thị dân Hội An bằng vào một bản năng sinh tồn từ trong vô thức, như đã tự tìm lại thuộc tính người muôn thuở, đó là xẻ chia, quần tụ. Nơi đây, bây giờ không thiếu những quân cán chính cũ một thời, Giáo sư trung học, văn sĩ, viên chức hành chánh, An ninh Quân đội, lính Biệt kích, Thám báo, Quân cảnh, Cảnh sát, Quân Y, cán bộ Xây dựng Nông thôn, học sinh trung học v.v… dù muốn dù không họ đã nghiễm nhiên quần tụ thành một cộng đồng mang một trình độ học thức rất cao, một lãnh địa văn hóa với tính cách quốc gia thấy rõ, đối nghịch lại với tính “đỏ” của cộng sản vô thần cho dù chúng không ngớt huênh hoang với chiến thắng trời cho black April 1975.
Những câu chuyện thì thầm kể cho nhau nghe trong những buổi vào rừng làm rẫy hay nhỏ to bên ly trà chén rượu … đã làm nên chất keo dính gắn bó mọi người lại với nhau để chỏi lại với cảnh ngộ nghịch thường bất hạnh.
Tại đây, người ta san sẻ nhau hiểu biết cũ về mọi lĩnh vực, trong đó những thành phần trí thức trẻ với vốn kiến thức tài liệu, sách báo, tạp chí, âm nhạc miền Nam quốc gia … từ Hội An đem theo bằng sách giấy hoặc còn lưu ngay trong chính tâm trí mỗi người, đã chiếm phần quan trọng cho đời sống quần thể mới, tuy thực tại trước mắt là đầy ngao ngán đắng lòng nhưng nhờ tri thức, người ta không thấy vô vọng vì mù lòa. Knowledge is Power-Tri Thức là Sức Mạnh (Francis Bacon).
Những buổi vác rựa vác cuốc đi làm rẫy một mình, khi buột miệng huýt sáo vang lên trong rừng thẳm những giai điệu của bản Love Is Blue (music by André Popp, lyric by Pierre Cour, 1967. Lời Việt Phạm Duy: “Tình Xanh Ngát’) hay “Serenade” của Franz Schubert (sáng tác 1828, lời Việt Phạm Duy: "Dạ Khúc") tôi bỗng nghiệm ra điều kỳ diệu đó từ những bài học Triết khi xưa với Thầy Tuệ Không. Những giai điệu tình cảm thanh cao không chỉ làm mê đắm lòng người bao thế hệ mà còn có sức bật giúp người thấy mình vẫn còn nguyên khối tinh tuyền nhân bản trong một hoàn cảnh vô luân và phi nhân.
Còn hiểu biết là còn Niềm Tin. Những chiếc Radio quý giá xưa, giờ đây luôn chiếm 1 chỗ quan yếu trong đời sống, nó làm tai-mắt cho người sống trong cảnh hoang vu nhưng không hoang dại nhờ ở những bản tin từ 2 đài phát thanh quan trọng là VOA (Voice of America - đài Tiếng nói Hoa kỳ) và BBC Luân Đôn phát thanh 2 phiên hằng đêm bằng sóng ngắn (SW – short wave) đã giúp chúng tôi cập nhật không sót một diễn biến nào từ các biến động ngay tại Việt Nam lẫn tình hình thế giới sau 1975. Cũng tại “kinh tế mới” này, từ 1977, tôi đã nghe những buổi phát thanh đầu tiên, vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần, tập Hồi Ký “Trong Gọng Kềm Lịch Sử” (In The Jaws of History) của Đại Sứ Bùi Diễm (Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ từ 1967-1971 dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu) qua giọng dịch thuật và giọng đọc của Đỗ Văn, trưởng Ban Việt ngữ BBC thời đó (Đại Sứ Bùi Diễm viết tập hồi ký này bằng Anh ngữ, 10 năm sau, bản Việt dịch của Phan Lê Dũng mới được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1987).
Ngoài những bản tin thời sự, BBC còn có chuyên mục Tạp chí Đông Nam Á, 10 phút mỗi tối thứ Sáu hàng tuần, rất quý giá bổ ích vì trong đó là những phân tích và tổng hợp tin từ các quan sát viên quốc tế, nhiều nhất là từ tờ Tạp chí Kinh tế Viễn Đông [FEER (Far Eastern Economic Review), bản doanh ở Hong Kong, thành lập 1946 và đã đóng cửa vào 2009] về tình hình kinh tế & chính trị của chế độ Hà Nội với tương quan trong vùng và thế giới, cho thính giả quốc nội biết người cộng sản đang đi những bước đi gì.
Thật không sao kể xiết những xúc động trong tâm khi nghe những tài liệu, tin tức như thế vào những năm 1977, 78 … Một bức màn mù mờ bí mật, một phương trình chưa giải ra nghiệm số là Chiến tranh Việt Nam dần được giải rõ vì sao Bắc Việt có thể chiếm được miền Nam trong khi họ, miền Bắc cộng sản là cả một “quốc gia” đói nghèo, lạc hậu và học tài vô cùng kém cỏi nếu không muốn nói thẳng là DỐT vì bị trị bởi một chế độ độc tài ngu dân, vì từ bọn lãnh tụ cho đến các cái gọi là quan chức, cán bộ bên dưới đều vô học, nói láo, háo thắng và tàn ác. Cuốn “Trong Gọng Kềm Lịch Sử” vẫn còn âm vọng những ấn tượng lớn trong tôi cho đến tận bây giờ dù sau 44 năm chúng ta đã có đủ thì giờ và tài liệu dồi dào để nhận mặt được do đâu mà có cái nghịch lý, cái khổ nạn quái gở khiến miền Nam bị nhuộm đỏ.
Tìm Lại Thăng Bằng
Tôi nhận thấy rằng, tri thức duy trì lý trí còn âm nhạc-nghệ thuật gìn giữ tình cảm cho con người, đó là 2 mệnh đề song lập giản dị làm nên tính người.
Tri thức đòi hỏi chữ nghĩa sách vở tài liệu, và làm cho người sáng trí mắt tinh, ngăn ta khỏi dẫm những bước đi nhầm.
Âm nhạc cần tâm tình chân thực sáng trong và làm cho người thấy tình yêu nhiệm mầu, giúp thuần hóa những bản năng thấp hèn tiềm ẩn.
Sau bao giông bão, chúng tôi như dần tìm lại được sự thăng bằng là nhờ ở hai gia tài ấy, mà vốn ở miền Nam quốc gia không hề thiếu tác giả lẫn tác phẩm.
Lượng đồ sộ sách báo tạp chí 20 năm Văn học Miền Nam vẫn còn lưu giữ được nhiều cho đến hôm nay cho dù bị cộng sản ra sức đốt phá hủy diệt ngay sau 1975, và hiện vẫn được nhiều người già có trẻ có, tìm cách phục hồi lại, là một minh chứng.
Về sách, tôi có 1 cú liều chạy vào Saigon năm 1978 để mua sách cũ, thời đó, đi Saigon từ kinh tế mới Darlac là cả 1 hành trình y như 1 cú “vượt biên” nho nhỏ vậy, tôi sẽ kể trong một kỳ sau. Về nhạc thì vùng tôi ở không thiếu nhân tài, trong đó nổi trội nhất vẫn là người bạn gái yêu kiều của tôi, người rất mực hiền lành đạo hạnh dễ thương và rất thành thạo hầu hết những nhạc phẩm thời quốc gia 20 năm lẫn những khúc nhạc tiền chiến xưa cũ.
Tại đây, cứ vài hôm là lại có những đêm thơ và nhạc riêng tư, cao đẹp diễn ra trong đêm vắng, nay nhà này, mai nhà khác, từng nhóm nhỏ lặng lẽ quây quần bên cây đàn guitar và chỉ với một vài chung rượu thanh đạm hiền lành. Lớp trẻ và trung niên mặc nhiên cùng tìm tới bên nhau “ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng” [thơ Hoài Khanh].
Tại đây những tình khúc nhạc Việt ngân lên chen lẫn với dòng thơ Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên “tình cũng khó theo thời cơm áo khó” … Những buổi mạn đàm quanh thi tập Đoạn Trường Vô Thanh của Phạm Thiên Thư (của tôi may mắn giữ được và mang theo) để hiểu ý nghĩa của nhạc phẩm “Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu” do Phạm Duy phổ nhạc, để cùng nhau tư lự vì sao có cảnh đời lý tưởng thần tiên như một “…. gã từ quan lên non tìm Động Hoa Vàng ngủ say” (thơ Phạm Thiên Thư).
Tại đây những nhạc khúc guitar độc tấu của F. Tarrega, F. Sor, V. Lobos, L. V. Beethoven đã được tấu lên dù với cây đàn đã cũ, bộ dây sắt tội nghiệp và trình độ player còn non nớt, nhưng nhớ lại cứ tưởng như tiếng nhạc thuở nào là những giọt cường toan nhỏ vào lòng những tâm hồn bị thọ thương “sinh nhầm thế kỷ” đang trầm ngâm lắng lại lòng mình trước cảnh quốc phá gia vong.
Tại đây các lớp nhỏ đàn em (sinh khoảng 1960 và nhỏ hơn) được bọn tôi làm gương và ươm mầm nhân ái. Không gì huyền nhiệm cho bằng văn học nghệ thuật trong việc giáo huấn con người một cách tự nhiên, khiến họ vừa thành người vừa tự biết khám phá nơi họ có một giá trị riêng biệt và một tâm thể tự do bất khả xâm.
Cũng tại đây, những mối tình luyến ái nẩy nở, những đôi trai gái biết hẹn hò, biết cho và nhận hơi ấm của tình yêu … để ít ra giữa đường khổ nạn, con người vẫn luôn chứng tỏ là một sinh thể độc đáo và cao đẹp lạ lùng.
Đoàn nạn dân kinh tế mới Hội An, nhờ chút vốn văn hóa tự do & nhân bản của miền Nam mà đã tự tìm lại một trạng thái cân bằng cho chính mình, đồng thời đã tiếp tục gieo hạt giống văn nghệ, nhân ái và tri thức giữa chốn rừng xanh đầy hung hiểm và xa lạ.
Vậy ai dám bảo văn hóa không quý hơn châu báu bạc vàng?
May 6, 2019
Hoi An
$pageOut $pageIn 12
Kinh Tế Mới? part 05
Về Saigon mua Sách
Sách Quý là Người Bạn Đường
Hội An thất thủ ngày 28 / 3 / 1975. Đà Nẵng thất thủ ngày 29 / 3 / 1975 cũng kể như đánh dấu ngày Vùng I chiến thuật thất thủ.
Nhà tôi từ Đà Nẵng dọn về lại Hội An ngày 4 / 4 / 1975.
Tôi chứng kiến ngay cảnh hoang tàn cả 2 nghĩa xác và hồn của thành phố chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi yêu quê tôi biết bao và tôi biết nhiều người sinh ra lớn lên ở đây cũng nhận rõ một tình yêu Hội An như mình, một cách tiên nghiệm lạ kỳ, một tình yêu bền bỉ không thể và không cần lý giải.
Cha tôi bị cầm tù, gia đình tôi đảo lộn tan nát theo mọi nghĩa nhất là về phần hồn, vẫn sinh hoạt đi lại vào ra nhưng giờ đây cái đau buồn của kẻ mất nước cứ dần thấm vào hồn từng ngày qua.
Trong tâm tôi vẫn mong đây chỉ là cơn ác mộng ngắn và hy vọng, trông chờ một kết cục sáng lạn ngày sắp tới khi quân đội quốc gia từ Saigon sẽ quay lại tái chiếm lãnh thổ như đã làm được hồi tháng 11 / 1972 khi tái chiếm Quảng Trị. Trong những ngày trông chờ đó, chiếc Radio Toshiba 4 pin của Japan là người bạn chí thiết của tôi cùng với tập Bút ký “Mùa Hè Đỏ Lửa” của Phan Nhật Nam (Sáng Tạo xuất bản, Saigon 1972). Hằng đêm, tôi đóng kỹ cửa nhà, nghe các buổi phát thanh của đài Saigon đến sau 11 giờ thì ôm “Mùa Hè Đỏ Lửa” đọc lại từng dòng nóng hổi dù tôi đã thuộc lòng từ trước. Đêm 22 / 4 / 1975 khoảng hơn 8 giờ, tôi nghe trực tiếp phát thanh buổi nói chuyện cuối cùng khá dài của Tổng Thống Thiệu, tuyên bố từ chức. Tình hình chiến sự 1 tuần tiếp đó càng u ám hơn cứ mỗi ngày qua. Đến chiều tối ngày 29 / 4 / 1975, khi đài Saigon bắt đầu “chuyển giọng” phát những ca khúc đậm mùi “hòa giải”, lời nhạc nói rõ muốn “bắt tay anh em một nhà” với VC, tôi biết thời khắc tệ nhất chẳng còn xa.
Từ một thanh niên mới lớn, có thể nói là vừa mới thoát xác khỏi một đứa trẻ, tôi bỗng ý thức một nỗi đau khó tả. Tôi lội bộ ra nhà thằng bạn học thân nhất là L. P. Qúy (đã tạ thế gần chục năm rồi, vì bệnh) ở phía sau Nghĩa Địa Hội An và hai thằng, lần đầu tiên trong đời học sinh thánh thiện, cùng nhau im lặng châm 2 điếu thuốc Capstan dù trước đó bọn tôi không biết hút thuốc bao giờ. Anh Mười Em, một đàn anh học ban C, lớn hơn tôi 1 lớp ở trường trung học Trần Qúy Cáp, người nho nhã nghệ sĩ, ở nhà đối diện bước qua thấy 2 đứa hút thuốc, ngạc nhiên quá, anh chỉ cười nói vẻn vẹn: “hai đạo sĩ hút thuốc lá”.
Qúy là con thứ Sáu trong một nhà anh tài gồm 8 anh em, Mẹ mất sớm, bố là một nhân sĩ người Đại Lộc trong tay đầy thơ Đường và nghề Hán văn, ông anh bốn của Qúy là thi sĩ Tần Tố Như. Tại nhà này, tôi từng ăn dầm nằm dề học thi, làm toán với Qúy trong những năm trung học. Và cũng chính nơi đây những ngày giờ sắp mất miền Nam, tôi đã được tiếp cận các sách của Nghiêm Xuân Hồng (Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng - Quan Điểm tái bản, Saigon 1964), của Vũ Tài Lục (Thân Phận Trí Thức - Việt Chiến xb, Saigon 1970), của Vũ Khắc Khoan (Những Người Không Chịu Chết, Kịch, An Tiêm xb, Saigon 1972) … trong đó Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng là bổ ích và nặng ký hơn Thân Phận Trí Thức đối với tâm trạng tôi hồi đó. Nói bổ ích là bởi Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng cho người đọc một bức đồ hình tổng quát cô đọng về cộng sản một cách rõ ràng và căn bản nhất như tựa sách đã nói.
Đối với bao thế hệ thanh niên có học ở miền Nam thời với tôi, tôi thấy có rất ít bạn biết rõ Cộng sản LÀ GÌ? Về sau, tôi còn nhận ra khá nhiều lớp lớn hơn tôi vẫn không biết rõ điều thắc mắc chính đáng ấy. Trong tâm tưởng dân miền Nam nói chung, mọi người chỉ nhận thức Cộng sản nhiều phần bằng Cảm tính hơn là Lý tính, đó là Cộng sản là một tập đoàn, một giáo phái, một tà phái độc ác, độc tài phi nhân, chủ trương Duy Vật. Nhưng thế nào là Duy Tâm, Duy Vật, thì đa số không biết hoặc biết mù mờ. Nếu “phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” [Truyện Kiều, Nguyễn Du] Cộng sản xuất phát từ đâu, diễn tiến thế nào, vì sao di họa tới Việt Nam … thì lại càng nhiều người không biết, cho đến tận hôm nay sau 44 năm quê hương bị nhuộm đỏ, bị tàn phá tan nát, vẫn còn khá nhiều người chỉ biết một cách chắp vá rời rạc ngẫu nhiên chớ không biết cho chính đáng bài bản. Sách của Nghiêm Xuân Hồng sẽ giải rõ cho ta điều cần biết ấy, về lý thuyết, chủ thuyết … tức là về mặt TRI. Và sách Vũ Tài Lục sẽ cho người đọc rõ hơn bối cảnh mang đậm tính “chính trị thuật” của việc du nhập chủ nghĩa cộng sản sang Châu Á nói riêng và thế giới nói chung … tức là về mặt HÀNH.
Tôi mang hết các sách ấy theo mình lên “kinh tế mới” và chậm rãi gặm nhấm từng dòng như tụng kinh hằng đêm dưới ánh đèn dầu hỏa tù mù sau một ngày lao lực nhọc nhằn ngoài rừng, rẫy. Càng đọc càng sáng ra. Phải mất hơn 1 năm tôi mới lãnh hội hết 2 tập sách quý giá đó. Lần theo Thư mục in ở bìa sau, tôi thèm khát có ngày sẽ mua được các tập còn lại của 2 ông, Nghiêm Xuân Hồng [1920-2000] và Vũ Tài Lục [1930-2016].
Tâm trạng tự nhiên của con người là khi ta không biết một điều gì cần yếu, chưa đạt được một yêu cầu gì quá nhu yếu cho tâm ta, thì trong ta luôn có một nỗi thôi thúc dò tìm cho bằng được.
“Human knowledge and human power meet in one; for where the cause is not known the effect cannot be produced” (Francis Bacon) [tạm dịch: Hiểu biết và Sức mạnh của con người tuy hai mà một. Vì hễ Nhân mà còn không biết thì làm sao biết đâu là Quả]
Nói rộng ra, không biết rõ kẻ địch thì làm sao biết được mình muốn gì, sẽ đi tới đâu sẽ làm những gì, làm sao xây dựng được một mặt trận chiến đấu?
Sách cũ ở Saigon
Một ngày tháng 3 / 1978, từ một cái cớ riêng, có chút việc bực mình trong nhà, tôi bèn nhân cơ hội bỏ nhà đi Saigon, nơi tôi chưa từng biết trước 1975. Qúy đang ở đó, cuối năm 1975 hắn bất ngờ vào đoàn tụ với Cha, để căn nhà Hội An lại cho một người anh em chú bác, trước khi đi có để lại cho tôi một thư từ giã và có ghi rõ địa chỉ ở Saigon (bữa hắn đi tôi không có ở nhà vì trúng ngày đi thăm nuôi Cha trong trại tù cải tạo ở Phú Túc, Hiếu Đức, Quảng Nam).
Tôi mò đến nhà Qúy ở đường Trương Minh Ký [tức cùng một đường nối với Trương Minh Giảng, tính từ ngã tư Nguyễn Huỳnh Đức về hướng Lăng Cha Cả] lúc 4 rưỡi sáng, hắn đang ngủ gà ngủ gật trông nom 1 quầy nước giải khát với tủ thuốc lá ngay trước nhà bán thâu đêm luôn, thời ấy, người Saigon đổ xô nhau buôn buôn bán bán, kiếm kế độ nhật trong buổi mạt thời chó leo bàn thờ…
Hắn ngạc nhiên vô cùng, cứ tưởng tôi đã chết mất xác trên kinh tế mới rồi. Khi biết tôi chạy vào Saigon là để mua sách cũ, hắn hăng hái ngay.
ảnh chụp đường Bùi Quang Chiêu năm 1969 by Brian Wickham |
ảnh chợ sách Bùi Quang Chiêu 1979. sau 1975, VC đổi tên đường Bùi Quang Chiêu thành Đặng thị Nhu |
Tôi mua được mấy cuốn ưng ý nhất là:
Vũ Tài Lục: Thủ Đoạn Chính Trị - Việt Chiến xb, Saigon 1970
Nghiêm Xuân Hồng:
Lịch Trình Diễn Tiến Của Phong Trào Quốc Gia Việt Nam - Quan Điểm xb, Saigon 1957,
Cách Mạng và Hành Động - Quan Điểm 1963,
Xây dựng nhân sinh Quan - Quan Điểm 1960
Luyến Ái Quan - Quan Điểm 1961
Biện Chứng Giải Thoát Trong Giáo Lý Trung Hoa - Quan Điểm 1967
Người lội mua sách rất đông, già có trẻ có, các sách tôi mua có giá bán với tiền lúc ấy là 5 đồng, 7 đồng mà tôi củng không có ý niệm là mắc hay rẻ bởi vì với một kẻ đã quá khao khát thì có bao nhiêu cũng không hề gì, bao nhiêu cũng là rẻ cả.
Tôi về lại kinh tế mới sau gần 1 tuần tha thẩn Saigon với bạn, không muốn ở lại thêm phần vì nóng lòng về chỗ yên ổn để đọc, phần vì Saigon đã thay ngôi đổi chủ, ở lại càng buồn thêm chớ ích gì.
Tôi “tụng” những tập sách quý báu ấy suốt mấy năm liền, đêm đêm âm thầm ngồi vào chiếc bàn con với cây đèn dầu hỏa, lần dở từng trang trí tuệ giải sáng cho mình biết bao vấn đề mà nghe lòng thầm biết ơn hai vị học giả uyên thâm và chính nhân quân tử ấy, những vị Thầy lớn dù mình chưa từng được gặp mặt bao giờ nhưng trong tâm tôi coi các ông như những đại ân sư của đời mình.
Về sau này, nghĩ lại, tôi chợt ý thức rằng, có lẽ những tháng năm ở rừng khi xưa, tôi đã vô tình tự học nghiêm chỉnh một giáo trình còn hơn cả Đại học, những chủ đề uyên bác mở rộng ra sử quan, thế giới quan mà có lẽ lúc trước những khóa sinh theo học Viện Quốc gia Hành chánh đã miệt mài mòn quần trên ghế giảng đường để nghiên cứu học hỏi?
May 7, 2019
Hoi An
$pageOut $pageIn 13
Kinh Tế Mới? part 06
Một câu chuyện án mạng cũ ở Hội An 1960
Trong những câu chuyện kể cho nhau nghe những lúc đi làm ngoài rừng rẫy kinh tế mới, tôi nhớ nhất câu chuyện án mạng ly kỳ cũ ở Hội An khoảng 1960, chuyện do bác Văn (đã tạ thế cũng đã 2 chục năm rồi) kể trong một buổi sáng mồng 4 Tết Mậu Tuất 1978.
Dân kinh tế mới Darlac ăn Tết không dài, chỉ qua 3 ngày Tết là quay về với cái nhịp sống khổ đời lao nhọc cũ, lại rựa cuốc lên vai vào rẫy lo cuốc dọn đặng chuẩn bị cho vụ mùa gieo tỉa sẽ đến vào đầu mùa mưa là khoảng tháng Tư Âm lịch, vụ mùa quyết định có thu đủ hạt lúa miếng cơm cho cả năm hay không.
Bác Văn, người Bắc di cư, là Thượng sĩ già Công binh đóng ở Tiểu Khu Quảng Nam. Ông là bậc Cha Chú lão làng, sống ở Hội An ngay sau 1954, có vốn sống phong phú sành nhiều chuyện đời. Ông có lối sống khá phong lưu nhàn nhã và vẫn giữ nếp ấy trong chuỗi ngày dài kinh tế mới. Ông thích đi câu hơn là đi làm rẫy ruộng, và mỗi khi đi làm ông thường ngồi kéo thuốc lào rồi kể đủ thứ chuyện xưa cho đàn em cháu nghe nhiều hơn là lao lực cuốc xới như đám trẻ.
Mồng 4 Tết, mấy bác cháu, chừng hơn 10 người, cùng nhau đi làm ở một miếng rẫy đất đen gọi là “ruộng xa”, một đoạn đường đi bộ chừng 2 cây số, băng qua một cánh rừng tre le với những trảng cỏ tranh rậm rì. Sáng ấy, mùi vị ngày Xuân vẫn còn lưu nơi hương rừng ngai ngái chưa tan, đoàn nông dân bất đắc dĩ uể oải băng rừng khá trễ, gần 9 giờ sáng mà mới đi ngang khu rừng tre tức mới được phân nửa độ đường, một anh trong bọn cao hứng nói bác Văn ngồi nghỉ chơi và kể chuyện, để ngày mai đi làm cũng được. Gì chớ nghỉ làm, kể chuyện thì bác Văn chẳng từ chối. Cả bọn tìm một bóng mát dưới một lùm tre le to, ngồi lại bày bánh mứt dư vị ngày Tết với các điếu cày, các bi đông nước rôm rả một lúc rồi im lặng lắng nghe một câu chuyện mà bác Văn chưa từng kể trước đây.
Chuyện ly kỳ như ciné, xảy ra ở một căn nhà gần góc Phở Bắc “Tân Bắc” (nếu tôi nhớ không nhầm tên quán phở) ở cuối đường Phan Chu Trinh, khoảng 1960. Đó là nhà của cặp vợ chồng son, chồng là Trung úy Hưng, vợ là cô Khánh, một thiếu nữ nhan sắc mặn mà vào hàng hoa khôi của Hội An thời đó. Ngôi nhà nhỏ chỉ có hai vợ chồng ở, ngoài ra thân thuộc hai bên không ai ở cùng nhà ấy vì họ đều có nhà riêng ở cùng thành phố Hội An.
Hưng chơi khá thân với một người bạn là Trung úy Toàn (nếu tôi nhớ không nhầm tên).
Hưng là sĩ quan An ninh Quân đội, còn Toàn là Y sĩ quân y, còn độc thân.
Cả hai đều có nhiệm sở ngay tại Hội An thuộc Tiểu Khu Quảng Nam. Thời đó cấp bậc Trung úy là khá to, uy quyền tỏa rộng nhiều lĩnh vực và uy tín thuộc vào hàng tinh hoa của tỉnh, Hưng có uy thế hơn Toàn, có xe Jeep và tài xế riêng.
Người ta thấy cặp vợ chồng Hưng Khánh thường đi chơi chung với với Toàn, khi thì các quán ăn khi thì bờ biển Cửa Đại những ngày hè. Theo nhiều người biết chuyện sau này nói lại, họ thường thấy Toàn đến nhà Hưng chơi không ít lần cả những lúc Hưng vắng nhà. 3 người có vẻ thân thiết với nhau và nơi một thành phố nhỏ xíu như Hội An thì ấn tượng họ gieo vào dư luận là những người trẻ có địa vị và tương lai còn rộng mở phía trước, Hưng với Toàn mới hơn ba mươi còn Khánh chưa tới ba mươi.
Suốt hơn một năm trời sau khi Hưng và Khánh thành hôn, tình thân hữu bè bạn giữa họ với Toàn vẫn bình thường diễn ra trơn tru thắm thiết. Cho đến một hôm, Hưng nhận thấy con chó mà anh mới nuôi giữ nhà được ít lâu tỏ một vẻ thân thiện với Toàn, nó không còn gầm gừ hay sủa Toàn như những người lạ khác đến nhà như mọi khi nữa mà còn quẫy đuôi mừng Toàn, có vẻ quấn quýt mỗi khi Toàn đến như thể đó là một người thân chứ không phải khách lạ.
Công việc của 2 sĩ quan trẻ vẫn bình thường ở nhiệm sở ngay tại Hội An, riêng Hưng thỉnh thoảng phải có những chuyến công tác xa vắng nhà độ vài ngày, còn Toàn thì hầu như chẳng đi đâu xa khỏi Hội An cả.
Nên biết, An ninh Quân đội VNCH là một ngành gần như Tình báo Quân đội, nhiệm sở ở tỉnh là Phòng Nhì (Ban 2) Bộ Chỉ huy Tiểu Khu Tỉnh. An ninh Quân đội nắm vững hồ sơ quân bạ cũng như các hành vi, lập trường ngoài đời của từng quân nhân không loại trừ người quân nhân đó mang cấp bậc lớn nhỏ thế nào. Ngoài ra, Ban 2 An ninh Quân đội còn phải dò tìm, phân tích, theo dõi và khai thác tất cả các tin tình báo từ phía đối phương, phát hiện kịp thời các âm mưu điệp báo của địch và có biện pháp đáp trả thích đáng, có thể nói An ninh Quân đội là một đội ngũ vừa là tình báo vừa là phản gián quân sự và quốc phòng cho QLVNCH.
Một sĩ quan cao cấp Ban 2 như Hưng thì không thể không sinh nghi bất cứ chuyện gì cho dù bắt nguồn từ một mầm mống rất nhỏ mà vốn với nhiều người khác có thể lơ là bỏ qua không lưu ý. Anh bí mật thả vài quả dò kể từ mối nghi ngờ dấy lên trong lòng về mối giao hảo giữa Toàn với người vợ trẻ mới cưới của mình, cô Khánh, nhưng Hưng làm một cách kín đáo vừa vì tôn trọng vợ vừa tôn trọng bạn.
Những chuyến đi công tác xa Hội An vài ngày trước đây, anh vẫn thường có người tài xế riêng, là một binh nhất An ninh Quân đội thuộc cấp. Kể từ khi trong lòng dấy mối nghi nan, anh tìm cách đi công tác xa vắng nhà nhiều chuyến hơn, và những lần ấy anh không cần tài xế, tự lái xe Jeep đi một mình và bí mật cho người tài xế đó ở lại Hội An, cải trang dò xét theo dõi nhà anh mỗi khi đêm xuống. Độ nửa năm, sau vài chuyến công tác như vậy, anh có được báo cáo “tình báo” từ người tài xế tín cẩn rằng, chỉ một lần đầu Toàn đến nhà Hưng chơi độ 7 giờ tối và ra về lúc 9 giờ, còn ba, bốn lần kế tiếp thì Toàn đến muộn hơn, sau 8 giờ và ra về khi đã gần 12 giờ đêm, trong tất cả những ngày Hưng còn ở xa chưa về. Những lần Toàn đến nhà Hưng, lần nào chú chó cũng được đưa ra xích bên ngoài cửa chính, chỉ khi nào Toàn ra về chú chó mới được cho vào nhà lại.
Hưng còn thận trọng cứ mỗi lần đi công tác Vùng II chiến thuật như Kon Tum, Pleiku hay Ban Mê Thuột, anh đều gọi điện đàm từ các máy truyền tin sở tại về cho Toàn, rồi cho Khánh, chuyện trò thăm hỏi thông thường khi vắng nhà… như là một cách cố ý tự định vị cho cả hai biết anh đang thực có ở những nơi đó.
Lần quyết định sau cùng, xảy ra trong một chuyến Hưng đi công tác Kon Tum. Cũng nên biết thời ấy, từ Hội An đi Kon Tum phải đi vào tình Bình Định, đến ngã ba cầu Bà Di rẽ phải lên đèo Mang Yang rồi qua đèo An Khê để tới Pleiku (tỉnh Pleiku) sau đó đi theo quốc lộ 14 để qua Kon Tum (tỉnh Phú Bổn). Kon Tum nằm ở phía Tây của Hội An-Quảng Nam, cách một đoạn đường đi gần 600 cây số nếu đi theo lộ trình vừa nói.
Có một con lộ khác để đi Kon Tum mà gần với Hội An hơn, rút ngắn tới 2 / 3 độ đường, đó là con lộ gọi là quốc lộ 14B, từ Kon Tum chạy xuống đâm chênh chếch theo hướng Đông Bắc của quốc lộ số 1, chạy thẳng về ngay sát chân cầu Vĩnh Điện tức là chỗ giao với quốc lộ 1. Vĩnh Điện chỉ còn cách Hội An có 10 cây số. Con lộ 14B này có từ thời Pháp, đường rất xấu và vắng tanh nên đã lâu không ai dám đi cả và nó gần như bị bỏ hoang cho tới ngày miền Nam thất thủ black April 1975.
Lần đó, Hưng depart từ Hội An nhưng không đi theo lộ trình cầu Bà Di mà dùng lộ 14B ở sát cầu Vĩnh Điện đi lên, chỉ mỗi mình anh biết việc đó ngay cả người tài tế cũng không biết. Anh muốn đi dò thử trước độ hiểm trở của con lộ khi bất thần mạo hiểm quay về lại trong đêm mà anh đã tính toán trước. Lần này, anh bảo người tài xế vừa theo dõi kỹ nhà anh như bao lần trước, và ngay đúng lúc Toàn vào nhà (như quả đúng là 8, 9 giờ tối như thường lệ), khi chú chó đã được xích ngoài cửa nhà thì phải chạy về ngay nhiệm sở gọi bằng tổng đài nội bộ gặp anh ở Kon Tum để báo ngay cho anh biết không chậm trễ.
Cũng như mọi lần, khi đã tới Kon Tum, anh gọi điện đàm về nhà cho Khánh biết và bảo sẽ về lại trong độ hai, ba ngày nữa. Cuộc gọi đó là gần 7 giờ tối.
Hưng nhận được cuộc gọi của người tài xế (từ Ban 2 An ninh Quân đội Hội An) lúc 8 giờ 15, xác nhận Toàn đã vào nhà, chú chó đã được xích ngoài cửa, đó cũng là cuộc gọi cuối của người tài xế coi như đã hoàn thành nhiệm vụ mà Hưng yêu cầu. Chỉ chờ có thế, Hưng đã nai nịt gọn gàng sẵn sàng chờ cả hơn một giờ đồng hồ qua, liền phóng lên xe chạy theo lộ 14B về lại Vĩnh Điện. Đường vừa xấu, vừa chạy xe một mình trong đêm tối trên một con lộ bỏ hoang lâu ngày, tuy là khoảng cách Kon Tum - Hội An đã rút ngắn lại, có gần hơn nhiều nhưng cũng phải hơn trăm cây số, Hưng đã mạo hiểm bất chấp mọi hiểm nguy từ đường sá cho tới nguy cơ bị VC phục kích dọc đường, nên nhớ dạo đó con lộ này xem như bị mất an ninh, vài tên du kích cộng sản vườn có thể bất thần nhảy xổ ra chận xe hoặc tấn công khi thấy một chiếc xe Jeep nhà binh pha sáng đèn chạy trong đêm như thế.
Hưng về tới Hội An gần 12 giờ đêm tức mất gần 4 giờ đồng hồ, một khoảng thời gian “không tưởng”, không thể với tất cả mọi người thời đó, chạy bằng xe Jeep nhà binh trong đêm từ Kon Tum về Hội An! Anh đậu xe ở khoảng trống phía trước một Garage xe hơi cách nhà vài chục thước, bước về nhà bế chú chó quay lại xe xích nó lên băng ghế sau rồi nhanh chân quay về nhà. Tất cả chỉ vẻn vẹn chưa tới 2 phút
Anh nhẹ nhàng tra chìa mở khóa cửa vào nhà êm ru như một bóng ma. Rút khẩu súng lục một tay, tay kia cầm sẵn chìa khóa phòng ngủ nhưng khi anh đẩy nắm cửa thì cửa phòng không khóa. Trong ánh đèn ngủ mờ mờ, người đàn bà lõa thể bật dậy ngay, hét lên 1 tiếng kinh hoàng và xô vội người đàn ông trên bụng xuống, nhào tới như muốn che chắn cho anh ta nhưng tầm đạn trong tay người chồng đi nhanh hơn. Hai phát đạn trúng ngay đích đã thổi bật thây người đàn ông văng bắn vào tường, một vệt máu loang dài trên tấm drap trắng. Khánh hoàn toàn vô sự.
Hưng lầm lì im lặng, không một lời nào kể từ khi bước về lại nhà mình, có lẽ chỉ mới chưa đầy 4 phút cả thảy cho một quyết định kéo dài gần một năm trời. Anh đóng cửa phòng ngủ lại, quay ra phòng khách, tay vẫn cầm súng, tay kia quay số điện thoại gọi cuộc đầu tiên cho sở cảnh sát Hội An. Cuộc gọi thứ nhì là gọi cho gia đình Ba Mẹ vợ.
Bác Văn kể tiếp, phiên tòa xử vụ án mạng đó diễn ra rất nhanh sau cái chết của Toàn, và diễn tiến phiên tòa cũng nhanh gọn vì gia đình bên vợ Hưng lại là nhân tố tích cực biện hộ cho Hưng trắng án. Và quả Hưng được trắng án thật. Cùng với tư pháp của chính quyền, dư luận cũng là một công lý khác, và hầu như tất cả đều đồng tình với việc làm chính đáng của Hưng. Thật là một vụ án mạng có một không hai ở Hội An đã hơn 60 năm trước mà những ai ở vào thời đó biết câu chuyện hẳn là nay cũng không ít người đã ra người thiên cổ từ lâu rồi.
May 8, 2019
Hoi An
$pageOut $pageIn $pageOut các Phần tiếp theo ==>
.
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...