. .

Tuesday, December 20, 2011

Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Il qua đời-RFA

Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Il qua đời-RFA

Kim Jong-il qua đời: phản ứng từ Việt Nam, BBC, 19-12-11

Các câu hỏi về cái chết của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il, VOA, 19 tháng 12 2011

RFA 12.19.2011
Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Il đã qua đời hôm thứ Bảy 17-12-2011, sau một cơn nhồi máu cơ tim, thọ 69 tuổi.


Tin của Bình Nhưỡng cho hay lãnh tụ Kim Jong-il từ trần lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày thứ Bảy, lúc đang đi trên xe lửa để đi thăm dân chúng ở ngoài thủ đô.
Bản tin cũng nói là ông Kim Jong-il chết vì bị nhồi máu cơ tim, đồng thời cũng nói là tất cả các đảng viên, quân đội và dân chúng phải bày tỏ lòng trung thành với tân lãnh tụ Kim Jong-un, là con trai của ông Kim Jong-il.


Hầu như không ai biết rõ cho tiết liên quan đến tân lãnh tụ Bắc Hàn. Tin tức tình báo chỉ nói Kim Jong-un năm nay chưa tới 30 tuổi, từng du học ở Thụy Sĩ.

Tang lễ của ông Kim Jong-il sẽ được cử hành vào ngày 28 tháng 12 ở Bình Nhưỡng, tức là ngày thứ Tư tuần tới. Dân chúng được chỉ thị để tang cho ông Kim Jong-il từ ngày hôm nay cho đến ngày 29.

Hãng thông tấn Bắc Hàn cho biết sẽ không mời các quốc gia cử phài đoàn tham dự lễ tang.

Con trai ông út của ông là Kim Jong Un sẽ được đưa lên thay cha nắm quyền cai trị Bắc Hàn.

Phản ứng của thế giới

Một số nước đã lên tiếng về cái chết của lãnh tụ Bắc Hàn.

Chính phủ Trung Quốc nói rằng sửng sốt và đau buồn khi đựoc tin ông Kim Jong-il từ trần, đồng thời hứa sẽ ủng hộ tân lãnh tụ của Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng William Hague của Anh Quốc thì hy vọng giới lãnh đạo mới ở Bắc Hàn hiểu rằng phải hợp tác với cộng đồng quốc tế để cải thiện đời sống của người dân.

Ngoại Trưởng Pháp Alain Juppe nói là Paris theo dõi sát những biến chuyển chính trị và quân sự xảy ra ở Bình Nhưỡng, bảo thêm rằng ông hy vọng sẽ có ngày người dân Bắc Hàn thấy được tự do.

Ông Jack Lang, cựu đặc sứ của Tổng Thống Pháp về Bắc Hàn thì cho rằng ông hy vọng các nước sẽ nắm bắt cơ hội để bắt tay với nhà lãnh đạo mới của Bắc Hàn, khởi đầu những cuộc đàm phán không thể thực hiện được khi lãnh tụ Kim Jong-il còn sống.

Cũng xin được nói thêm là tin lãnh tụ Bắc Hàn từ trần đã khiến cho thị trường chứng khoán Châu Á và Châu Âu tụt điểm, chứng tỏ mọi người đều lo âu nguy cơ bất ổn có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
-------------------------------

BBC-19-12-11

Việc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-il qua đời thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân và chính giới Việt Nam.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã mau chóng gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị phát biểu: "Chúng tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Triều Tiên trước việc đồng chí Kim Jong-il, Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng CHDCND Triều Tiên, Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Triều Tiên đã từ trần".

"Chúng tôi tin tưởng nhân dân Triều Tiên sẽ vượt qua mất mát to lớn này, tiếp tục nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước."

Ngay sau tin ông Kim Jong-il qua đời, BBC cũng đã hỏi ý kiến một số người Việt Nam về phản ứng của họ.

Bà Nguyễn Thị Lợi, phu nhân ông Lê Quảng Ba, đại sứ đương nhiệm của Việt Nam tại Bình Nhưỡng, đồng thời là chủ tịch Hội phụ nữ ngoại giao đoàn tại Bắc Triều Tiên cho biết là bà được tin này khi đang chuẩn bị đến đặt vòng hoa nhân kỷ niệm sinh nhật của bà Kim Jong-suk, thân mẫu của ông Kim Jong-il.

Bà cho biết cho đến trưa ngày 19/12 thì mọi hoạt động ở Bình Nhưỡng vẫn diễn ra bình thường và Bắc Hàn vẫn đang tiến hành các hoạt động tưởng niệm bà Kim Jong-suk, bao gồm một buổi lễ tưởng niệm tại lễ đài văn hóa Triều Tiên và một buổi hòa nhạc.

Tuy nhiên đến trưa thứ Hai thì tất cả các hoạt động đều bị hủy.



Dân Bắc Hàn khóc tập thể Kim Jong-il

Chìm trong tang thương

“Tất cả người dân Triều Tiên hiện đang rất đau buồn,” bà cho biết, “Đâu đâu cũng thấy than khóc rất thương cảm.”

Bà nói là hiện giờ ở Bình Nhưỡng mọi hoạt động đều ngừng hoàn toàn, các chợ, công sở và trường học đều đóng cửa.

“Ngay tại trường con trai tôi học là trường quốc tế, con tôi đi về nói tất cả các thầy cô giáo chỉ có đứng mặc niệm và khóc,” bà nói.

Bà Lợi tin rằng chính phủ Bắc Hàn sẽ để ông Kim Jong-il yên nghỉ trong lăng giống như cha ông là cố Chủ tịch Kim Il-sung.

Bà kể rằng kể từ khi bà sang Bình Nhưỡng, bà đã thấy người dân Bắc Hàn ‘vô cùng yêu thương kính trọng’ hai vị lãnh tụ của họ.

“Hai cha con [Kim Il-sung và Kim Jong-il] đều vĩnh viễn nằm trong trái tim của người dân Triều Tiên dù [Kim Il-sung] đã chết cả chục năm nay,” bà nói và cho biết thêm rằng người dân Triều Tiên cũng có tình cảm tương tự với Kim Jong-un, người sẽ kế vị cha lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Giải thích lý do tại sao Kim Jong-un lại được tôn sùng dù anh ta vẫn còn trẻ và chỉ mới xuất hiện trên chính trường Triều Tiên, bà Lợi nói đó là vì anh ta cùng một gia đình với Kim Il-sung và Kim Jong-il.

“Họ đều cùng một tư tưởng, một ý chí thống nhất từ Chủ tịch Kim Nhật Thành [Kim Il-sung] cho đến cháu,” bà giải thích.

Về tình hình Bắc Hàn sau khi Kim Jong-il qua đời, bà Lợi nói bà tin rằng sẽ ‘không có biến động gì lớn’.

“Tới giờ này dù Chủ tịch Kim Nhật Thành [Kim Il-sung] đã mất từ lâu nhưng toàn bộ ý chí, phương thức lãnh đạo cũng đều như khi [Kim Il-sung] còn sống,” bà nói, “Dù Kim Jong-il mất và Kim Jong-un lên thay thì vẫn thế thôi.”

Bà nói thời gian bà ở Bình Nhưỡng bà đã ‘tận mắt nhìn thấy những thành quả của nhân dân Triều Tiên’.

“Tình hình Triều Tiên vẫn phát triển, rất tốt. Người dân lạc quan và tin tưởng vào sự lãnh đạo của chủ tịch [Kim Jong-il].”

Bà nói là dù kinh tế Triều Tiên rất khó khăn nhưng ‘người dân hoàn toàn vô tư’

“Họ xây dựng một công trình trên 20 tầng chỉ trong vòng một năm mà đã thấy sừng sững,” bà nói, “Tất cả mọi người đều đoàn kết vừa lao động vừa hát.”

Bà Lợi nói bà rất ấn tượng với chương trình biểu diễn nghệ thuật Arirang hoàng tráng mà bà có dịp chứng kiến ở Bình Nhưỡng: kéo dài ròng rã từ tháng 8 đến tháng 9 tại một sân vân động có sức chứa 16 vạn người, tức là lớn gấp đôi sân vận động Tổ chim ở Bắc Kinh.

Bà gọi đó là một chương trình ‘vĩ đại’ và không thể tưởng tượng một đất nước còn gian khổ như Triều Tiên lại làm được như vậy.

Quan hệ không nồng ấm

Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc, cho rằng cái chết của Kim Jong-il chắc chắn sẽ có tác động đến tình hình Bắc Triều Tiên.

“Ý chí thống nhất của người Triều Tiên sẽ có cơ hội sáng sủa hơn,” ông nói.

Tuy nhiên ông cho rằng cần phải có thời gian để Bắc Hàn có sự thay đổi gì lớn vì chế độ chính trị ở đây đã rất nhiều năm và ‘phá vỡ cơ cấu như thế cần có thời gian.’

“Cái chết này tạo ra một tình thế, nhưng tận dụng tình thế đó như thế nào tùy thuộc vào người dân [Bắc Hàn],” ông nói.

Ông nói giữa Việt Nam và Triều Tiên cũng có điểm tương đồng nhưng khác biệt lại rất nhiều.

“Hai nước giống nhau ở hai cuộc chiến tranh [chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam], nhưng trong khi Việt Nam đã thống nhất thì Triều Tiên vẫn đang chia cắt và sự cách biệt giữa hai miền quá xa,” ông nhận xét.

Hai chế độ chính trị Việt Nam và Bắc Hàn dù cùng là chủ nghĩa xã hội nhưng ‘bản chất rất khác nhau’, ông nói, và quan hệ giữa hai nước cũng ‘tế nhị’.

“Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, chính Triều Tiên ủng hộ Pol Pot chống lại Việt Nam,” ông nhắc lại.

Tướng về hưu Nguyễn Trọng Vĩnh cũng nhắc lại việc cố Chủ tịch Kim Il-sung đã từng ủng hộ Pol Pot chống Việt Nam và gọi đó là thời kỳ phai nhạt quan hệ giữa hai nước sau khi Việt Nam thống nhất.

“Họ có vẻ ghen tức với Việt Nam vì không thống nhất được [Triều Tiên],” ông nói, và nhấn mạnh ông Kim Jong-il ‘cũng không mặn mà gì’ đối với Việt Nam vì ông cũng theo đường lối của cha ông.

Quan hệ giữa Việt Nam – Bắc Hàn dưới thời ông Kim Jong-il cũng không phát triển gì dù gần đây Việt Nam cũng có giúp Bắc Hàn gạo để cứu đói cho người dân của họ, ông nói

“Thế giới đánh giá ông Kim Chính Nhật [Kim Jong-il] không có tài năng gì ghê gớm,” ông nói, “Ông ta để cho nước Triều Tiên đói nhưng vẫn đi làm vũ khí hạt nhân và kinh tế kém nhưng lại rất khoa trương.”

Tướng Vĩnh nói cái chết của Kim Jong-il không có tác động gì đối với Việt Nam cả và bản thân ông không thích kiểu gia đình trị cha truyền con nối của Bắc Triều Tiên.

Còn về ‘thay đổi’ ở Bắc Hàn sau cái chết này thì ông nói là ‘khó lắm’ vì ‘người ta quản lý chính trị chặt chẽ lắm kể từ ông Kim Nhật Thành.”

"Vui và phấn khởi"

Trong khi đó, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Khắc Toàn nói với BBC rằng ông rất ‘vui và phấn khởi’ vì ’24 triệu người dân Bắc Hàn sẽ có cơ hội thay đổi thể chế chính trị’ của đất nước họ.

Ông nhận xét chế độ Bắc Hàn là chế độ ‘phong kiến trá hình nhưng khoác áo chủ nghĩa cộng sản’ và ‘chế độ toàn trị’ này là ‘tệ hại nhất trong các quốc gia cộng sản còn sót lại trên thế giới’.

Ông nói thay đổi có thể đến với Bắc Triều Tiên nếu ‘các nhà lãnh đạo hiện nay của Đảng Lao động Triều Tiên nhận thấy trở ngại lớn nhất cho việc thay đổi chế độ chính trị hết sức phản động và hết sức tai hại cho đất nước chính là sự cai trị của dòng họ Kim mà Kim Nhật Thành đã tạo ra từ năm 1948 cho đến nay’.

Ông giải thích rằng các nhà lãnh đạo cấp tiến xung quanh Kim Jong-il đã thấy thế giới xung quanh họ ngày nay đã có nhiều thay đổi và họ sẽ không dễ dàng để cho một kẻ vô danh tiểu tốt như Kim Chính Vân [Kim Jong-un] chỉ mới 28 tuổi và chưa có kinh nghiệm chấp chính ‘đè đầu cưỡi cổ’, trong đó có những nhà lãnh đạo cựu trào đã hoạt động cùng thời với ông nội của Kim Jong-un.

Tuy nhiên ông Toàn cũng nhìn nhận ‘cơ hội’ này cũng rất khó khăn vì người dân Bắc Hàn đã sống trong ‘một chế độ hà khắc hết sức chặt chẽ trong hơn 60 năm’ và chế độ Bắc Hàn có sự ‘hậu thuẫn to lớn’ của ‘cộng sản Trung Quốc và cả nước Nga hiện nay’.

“Cả Nga và Trung Quốc đều muốn tạo vùng đệm trên bán đảo Triều Tiên để tạo đối trọng với thế giới dân chủ của Mỹ, Nhật, Hàn,” ông nhận xét.

Về phía giới lãnh đạo chính trị của Việt Nam, ông Toàn dự đoán sẽ phản ứng với sự kiện này ‘một cách khách quan’.

“Giới lãnh đạo Việt Nam cũng mong muốn Bắc Hàn theo gương Trung Quốc và Việt Nam thay đổi về kinh tế và hội nhập với thế giới để không chịu sự sụp đổ như các nước cộng sản [Liên Xô và Đông Âu],” ông nói.

“Nếu có sự thay đổi tan hoang đột ngột khốc liệt ở Bắc Triều Tiên thì sẽ không có lợi gì cho chế độ độc tài toàn trị của Việt Nam và Trung Quốc,” ông đánh giá.
--------------------------
VOA, Thứ Hai, 19 tháng 12 2011

Các câu hỏi về cái chết của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il

Đài VOA đã liên lạc với thông tín viên Steve Herman ở Seoul để ghi nhận phần hỏi đáp về cái chết của lãnh tụ Bắc Triều Tiên.

VOA: Thông báo rõ ràng đã được đưa ra trên đài truyền hình nhà nước một cách rất chính thức, tuy nhiên các quan sát viên đều nói họ không thấy trước được việc sẽ xảy ra, mặc dầu nhà lãnh đạo này đã có nhiều vấn đề về sức khỏe trong vài năm vừa qua, có phải không thưa anh Steve Herman?

Steve Herman: Dấu hiệu duy nhất cho thấy có thể có sự cố xảy ra chỉ vài giờ đồng hồ trước thông cáo, khi có lời loan báo rằng sẽ có thông cáo đặc biệt và giữa trưa, giờ Triều Tiên, trên đài phát thanh và truyền hình của Bắc Triều Tiên. Tin không hoàn toàn bất ngờ ở điểm là đã có những mối quan ngại về sức khỏe của ông Kim Jong Il mấy năm nay rồi kể từ khi dường như ông đã bị một cơn đột quỵ cách đây mấy năm – mặc dầu trong những hình ảnh video mới đây thì trông ấy có vẻ đã hoàn toàn bình phục sau cơn đột quỵ về mặt ông có thể đi lại bình thường theo như quan sát trên video, nhưng trong những ngày gần đây thì đã không có sự đi lại nào bất thường được phát hiện hay tiết lộ bởi các chính phủ nước ngoài.

Bắc Triều Tiên nói rằng ông đã qua đời hôm thứ Bảy vào lúc 8 giờ 30 trên một chuyến xe lửa trong khi đang thực hiện một trong những chuyến thăm chỉ đạo và ông từ trần vì một cơn đau tim và tất cả các nỗ lực hồi sinh ông đã thất bại. Cũng đã có một thông báo tương đối nhanh ngay sau đó của thông tấn xã chính thức Bắc Triều Tiên nói rằng người con thứ ba của ông Kim Jong-Il là Kim Jong-Un là “người kế nhiệm vĩ đại” cho lý tưởng cách mạng của thân phụ. Đây một lần nữa có thể là một bất ngờ phần nào ở chỗ chúng ta thấy loại ngôn từ này được sử dụng ngay sau khi loan báo cái chết của ông Kim Jong-Il, nhưng các động thái đã được xếp đặt và được công khai loan báo từ hồi tháng 9 năm ngoái để đặt ông Kim Jong-Un làm người kế nhiệm. Jong-un xấp xỉ 30 tuổi, có rất ít kinh nghiệm hành chính hay kinh nghiệm nào khác trước khi được bổ nhiệm vào một số chức vụ cao trong đảng cộng sản Bắc Triều Tiên, cũng như khi được chỉ định làm một vị tướng lãnh 4 sao.

VOA: Trong phần lớn năm vừa qua, người ta đã thấy tiến trình kéo dài chuẩn bị cho ông Kim Jong Un làm người lãnh đạo sắp tới, nhưng anh nói rằng về mặt thông báo chính thức thì có phải hôm nay là lần đầu tiên ông ta được đề cập đến theo cách này?

Steve Herman: Đây là lần đầu tiên ngôn từ đặc biệt này được sử dụng. Bản dịch câu trích dẫn chính xác của thông tấn xã chính thức ở Bình Nhưỡng là ông Kim Jong-Un là “người kế nhiệm vĩ đại cho lý tưởng cách mạng về tự túc và là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của đảng, quân đội và nhân dân.” Bản tin còn nói tiếp rằng sự lãnh đạo của ông Jong-Un đem lại một “bảo đảm chắc chắn về sự khả tín đưa đến sự hàon thành lý tưởng cách mạng đã được khởi đầu bởi các bậc cha ông.” Do đó đây là một loại ngôn từ khá mạnh. Và lại còn có một bản tin bằng Anh ngữ của Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên từ Bình Nhưỡng nói rằng mọi ngưòi trong nước, đảng viên, công nhân viên chức và dân chúng cần phải trung thành với sự lãnh đạo của ông Kim Jong-Un kính mến và kiên quyết bảo vệ và củng cố thêm cho sự đoàn kết một lòng của đảng, quân đội và nhân dân. Như thế rõ ràng đó là một cố gắng rất mau chóng để nói “đây là một người kế nhiệm, và mọi người cần phải trung thành với người kế nhiệm thuộc thế hệ thứ ba của dòng họ Kim sẽ lãnh đạo Bắc Triều Tiên."

VOA: Các cơ quan truyền thông nhà nước của đã nói rằng tang lễ của ông Kim Jong-Il sẽ được cử hành vào ngày 28, anh trông đợi sẽ thấy gì trong những ngày sắp tới trong khi chúng ta theo dõi sát những vì đang xảy ra trong nội bộ hàng ngũ lãnh đạo cấp cao nhất của chính phủ Bắc Triều Tiên?

Steve Herman: Tôi nghi là nếu chúng ta nhìn vào lịch sử sau cái chết của lãnh tụ dựng nước Kim Il-Sung thì Bắc Triều Tiên sẽ rất thận trọng, có thể sẽ không có mấy lời được đưa ra ngoài việc ca ngợi di sản của ông Kim Jong-Il và có lẽ chỉ lập lại những thông báo nói rằng ông Kim Jong-Un là người thừa kế vĩ đại và hãy trung thành với ông ta. Chúng ta không thấy dấu hiệu nào là sẽ có một lễ quốc táng trọng thể ở điểm sẽ có các quan khách nước ngoài trên toàn thế giới đến viếng, nhưng có thể sẽ là một chỉ dấu nếu như họ có mời các quan khách từ thế giới bên ngoài thì đấy là họ sẽ đi theo một đường hướng mới thực sự đáng ngạc nhiên. Và chúng ta cũng sẽ chờ đợi để xem họ sẽ dành sự tiếp đón ra sao với giới truyền thông nước ngoài muốn vào nước để tường thuật tang lễ hoặc xem liệu họ có nói là quý vị sẽ chỉ có thể theo dõi diễn biến này trên các cơ quan truyền thông nhà nước của chúng tôi.

VOA: Các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã bị đình trệ lâu nay, nhưng trong vài tuần vừa qua, chúng ta đã thấy có nhúc nhíchm nhiều cuộc họp và các cuộc thảo luận chính thức có thể sẽ nối lại các cuộc đàm phán đó?

Steve Herman: Trung Quốc đã kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán. Và đã có một số nỗ lực dò dẫm được thực hiện theo hướng đó. Đã có những cuộc gặp gỡ liên lạc giữa các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ và cũng có những cuộc họp riêng giữa các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên. Cả Hoa Kỳ lẫn Nam Triều Tiên đương nhiên không có bang giao chính thức với Bắc Triều Tiên. Các đặc sứ Mỹ đã họp tại New York hồi tháng 7 với một số nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên, và rồi tại Geneva vào tháng 10. Và cũng có một cuộc họp cấp thấp hơn được tổ chức ở Bắc Kinh hồi tuần trước với hy vọng có thể có thể diễn ra một vòng đàm phán thứ ba giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên. Nay rõ ràng ta có thể trông đợi là vào lúc Bắc Triều Tiên đang tang gia bối rối thì sẽ không có bất cứ cuộc chuẩn bị nào thêm, nhưng dĩ nhiên sẽ có sự theo dõi rất sát xem Bắc Triều Tiên sẽ đón nhận ra sao và họ sẽ tìm cách trở lại những cuộc đàm phán sơ bộ thuộc loại này mau chóng như thế nào sau tang lễ.

VOA: Vậy ta có thấy dấu hiệu nào về phản ứng của Nam Triều Tiên hay Nhật Bản, Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào có liên quan?

Steve Herman: Các vị tổng thống của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã được các giới chức ở Seoul thông báo qua điện thoại sau khi có thông cáo. Nam Triều Tiên đã được đặt trong tình trạng báo động và cơ bản nói rằng tất cả những người trong chính phủ đều phải đề cao cảnh giác. Nhưng đây là những phản ứng được trông đợi của Nam Triều Tiên, nằm sát biên giới một nước mà trên nguyên tắc vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh kể từ sau cuộc hưu chiến năm 1953. Nhật Bản đã nói rằng họ đang theo dõi sát tình hình và đã công bố thông cáo gửi lời chia buồn với Bắc Triều Tiên, cho đến giờ này thì chưa có thông cáo từ phía Hoa Kỳ. Một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đã nói rằng Hoa Kỳ đang theo dõi sát các bản tin về cái chết của ông Kim Jong-Il và tổng thống Hoa Kỳ đã được thông báo và đang tiếp xúc với các đồng minh của Mỹ ở Nam Triều Tiên và Nhật Bản và lập lại lời bình luận mà ta thường nghe là Hoa Kỳ có cam kết với sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Nay có các bản tin ở Seoul nói rằng quân đội Nam Triều Tiên cho biết họ đã yêu cầu lực lượng Hoa Kỳ củng cố sự sẵn sàng và gia tăng hợp tác về tình báo và một lần nữa thì đây là những điều đã được trông đợi. Nay các chuyên gia phân tích quân sự sẽ nói rằng ta không muốn đi đến chỗ cảnh giác ở mức cao bởi vì điều đó sẽ khiến cho Bắc Triều Tiên nghĩ rằng có thể có một điều đe dọa nào đó sắp xảy ra. Dường như ở điểm này, bởi vì ta không thấy có gì đáng kể xảy ra cả về phía Bắc Triều Tiên nữa, cho nên cả Bắc và Nam Triều Tiên đều rất thận trọng về mặt quân sự ở điểm này để khỏi gây kinh động quá đáng đối với các nước liên hệ.

VOA: Sau một biến cố như thế này tại một quốc gia bí mật và khép kín như thế, và tại một nơi mà ông Kim Jong-Il đã từng nắm quyền kiểm soát toàn bộ về mọi mặt của chính sách đối ngoại và trong nước, ta có trông đợi có thể sẽ có thay đổi nhanh chóng hay không hay chỉ là phỏng đoán mà thôi?

Steve Herman: Tất cả phần lớn chỉ là phỏng đoán. Và tôi cũng cho rằng khi ta thấy những thông cáo đang được đưa ra và sẽ được đưa ra trong vài ngày sắp tới từ phía các chuyên gia và các nhà phân tích cùng với những người theo dõi Bắc Triều Tiên lâu nay, thì đây có thể là một thời kỳ ổn định và liệu anh chàng trẻ tuổi này có thực sự ứng phó với nhiệm vụ lãnh đạo đất nước này theo một đường lối rất tàn nhẫn như cha và ông nội của anh ta hay không. Tôi nghĩ chúng ta cũng cần phải nhìn trở lại vào sự nghi ngờ mà ông Kim Jong-Il đã được đón nhận sau cái chết của thân phụ ông ta là nhà lập quốc Kim Il-Sung. Và có một số người rất khả kính đã nghĩ rằng vì tai tiếng về lối sống hoang tàng và sự thiếu kinh nghiệm ông Kim Jong-Il sẽ không đáp ứng được nhiệm vụ, vậy mà ông ta đã giữ cho đất nước ít nhất vẫn còn nguyên vẹn. Nay sự khác biệt lớn là ông Kim Jong-Un tiếp nhận chức vụ vào một thời điểm ông ta có rất ít thời gian hơn để chuẩn bị dưới sự chỉ giáo của thân phụ so với những gì mà ông Kim Jong-Il đã được lãnh giáo dưới trướng của ông Kim Il-Sung và ông Kim Jong-Un cũng ít tuổi hơn nhiều, vì chưa đến 30. Do đó, đây phần lớn chỉ là những điều phỏng đoán về những gì sẽ xảy ra ở đây và có lý đo để các nhà phân tích nói với chúng ta rằng chúng ta cần phải tỏ ra rất quan ngại và hy vọng vào những gì tốt nhất.

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...