. .

Sunday, May 20, 2012

TAM QUYỀN PHÂN LẬP LÀ GÌ? [bài 2] - Lê Tùng Châu

TAM QUYỀN PHÂN LẬP LÀ GÌ?  [bài 2]
Lê Tùng Châu

==> (TAM QUYỀN PHÂN LẬP LÀ GÌ? [bài 1] - Lê Tùng Châu)


(Tiếp theo bài 1)
CƠ QUAN HÀNH PHÁP: CHÍNH PHỦ

Định Nghĩa: Cơ quan hành pháp tức Chính Phủ (hay Nội Các) là cơ quan đại diện quyền lực bề mặt của quốc gia, thi hành luật pháp, điều hành quốc vụ trong nước và đại diện cho đất nước trong bang giao quốc tế.

Cơ quan Hành Pháp do dân bầu cử trong 1 cuộc phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nhiệm kỳ phổ biến hiện nay của Hành Pháp là 4 năm theo hiến định.

Hình thức:
Tùy mỗi nước, ta phân biệt các hình thức của hành pháp như sau:

Nhất đầu: Do một người duy nhất đứng đầu.
Hình thức hành pháp nhất đầu được áp dụng trong Thổng Thống Chế (*) như Hoa Kỳ, Đài Loan, Nam Hàn, VNCH (đệ nhất cộng hòa)...: Thổng Thống do dân bầu đứng đầu hành pháp.

Hoặc áp dụng trong Nội Các Chế (*) như ở Anh quốc, Nhật bản: Thủ Tướng đứng đầu Chính phủ.

Với hình thức này, chính phủ mạnh và hữu hiệu trong việc điều hành quốc gia nhưng dễ mang mầm mống độc tài nếu Lập Pháp và Tư Pháp không có thực quyền theo đúng tinh thần tản quyền của Tam Quyền Phân Lập, hoặc hiến pháp không đủ độ rắn để ngăn ngừa độc tài phát sinh, nhất là trong 1 quốc gia mà quyền Tự Do Ngôn Luận (báo chí và truyền thông) không được tôn trọng hoặc quyền lập hội, chính đảng đối lập bị hành pháp đương nhiệm ngăn cấm hay man trá (dựng ra đối lập cuội để che mắt dân chúng)

Lưỡng đầu: Hành pháp được điều khiển bởi 2 người, Tổng Thống và Thủ Tướng Chính Phủ.

- Thổng Thống có vai trò Quốc Trưởng.
- Thủ Tướng Chính Phủ (có thể do Tổng Thống chỉ định với sự chuẩn thuận của Quốc Hội) đứng đầu Chính Phủ (gồm các Bộ trưởng và Thứ trưởng).

Cho đến nay, dù lưỡng đầu hay nhất đầu, thì hành pháp thường quy về nhất đầu nghĩa là người có thực quyền hoặc là Tổng Thống (trong Tổng Thống chế) hoặc Thủ Tướng (trong Nội Các chế) vị Quốc Trưởng hoặc Quốc Vương hoặc Nữ Hoàng... chỉ là vai trò hình thức không có thực quyền.

Cho dù là ai, Thổng Thống hay Thủ Tướng Chính Phủ cùng với Nội Các của mình (các Bộ Trưởng) thực thi chính sách quốc gia do mình đề ra và chính sách đó phải được Quốc Hội chuẩn y.

CƠ QUAN TƯ PHÁP: TÒA ÁN

Định Nghĩa: Là cơ quan công quyền quan trọng trong việc gìn giữ Công Bằng và Kỷ Cương cho sinh hoạt quốc gia. Nó có vai trò tối quan trọng đem lại bầu khí công minh, chính đại trong việc thi hành chính sách quốc gia, tuân thủ hiến pháp và luật pháp (đối với chính phủ cũng như với dân chúng).
Cơ quan tư pháp do một Chánh Án tối cao hay Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện đứng đầu, bên dưới gồm một số phụ tá.
Chánh Án tối cao và các vị phụ tá do Tổng Thống bổ nhiệm với sự chuẩn thuận của Quốc Hội, và tại vị suốt đời nếu hội đủ năng lực và điều kiện làm việc.
Tối Cao Pháp Viện ra quy chế nghiêm ngặt về trình độ tư pháp và đạo đức cá nhân để tuyển bổ Thẩm Phán xử án phân bố khắp các Tòa Án trong hệ thống tư pháp toàn quốc.

Tính Độc Lập:
Là một cơ quan công quyền khách quan và cẩn trọng khi cầm cân nẩy mực xét định tội trạng, TÒA ÁN là chốn trông chờ, nương tựa của dân chúng khi gặp sự hiếp đáp hay bất công, vì họ thường là tầng lớp cô thế trước quyền thế lấn át của giới chức chính phủ. Đây [Tòa Án] là nơi cuối cùng họ tin tưởng và trông mong sẽ được cứu thoát khỏi bất công, oan khuất hoặc những đe dọa hãm hại từ bất cứ đâu.
Một xứ sở văn minh và nhân đạo thực sự phải có một nền tư pháp độc lập và nghiêm minh khả dĩ bảo vệ người dân chứ không phải về hùa với chính quyền.
Nền tư pháp đó luôn lấy tôn chỉ
- Mọi người dân trong nước đều bình đẳng trước pháp luật.
- Không ai bị coi là có tội trước khi nhận phán quyết của Tòa Án qua 1 quá trình xử án hợp lệ

trong quá trình thực thi Luật Pháp quốc gia.

Cao hơn nữa, là một cơ quan quyền uy giữ giềng mối quốc gia, Tư Pháp còn là nơi canh giữ sự nghiêm minh của Hiến Pháp và Luật Pháp nếu bị hoặc Lập Pháp hoặc Hành Pháp vi phạm hoặc câu kết với nhau, bao che cho nhau (nếu có) vì khi 2 cơ quan này vi phạm thì chỉ người dân bị thiệt, tức là bất công đã xảy ra, lúc này nếu không có quyền tối thượng của Tối Cao Pháp Viện thì không một đoàn thể dân sự nào trong nước có thể can thiệp và trừng phạt những hành vi vi hiến hay phạm pháp của chính quyền.

Vì thế tính độc lập của tư pháp rất trọng yếu.

- Độc lập với Lập Pháp: Nhà lập pháp không được xen vào quyền xử án hoặc can thiệp để sửa đổi một án quyết.
Ngược lại, Thẩm phán cũng không được lấn sân của nhà làm luật.

- Độc lập với Hành Pháp: Chính phủ và nhân viên hành pháp mọi cấp không thể xử án. Quyền xử án là quyền duy nhất của Tư Pháp. Hành pháp không thể can thiệp quá trình xử án, không có bất kỳ quyền hạn nào tác động tới hoạt động của Tư Pháp. Khi chưa có án quyết của Tòa Án, thì mọi luận tội đều không có giá trị pháp lý (illegal)
Ngược lại, Tư Pháp không thể xâm lấn công việc hành chánh.

Quy chế:

Bất khả bãi miễn: Thẩm phán sau khi được tuyên bổ được hưởng quyền bất khả bãi miễn. Vị trí Thẩm phán của họ chỉ có thể bị chuyển đổi hoặc hủy bỏ theo / trong trường hợp luật định (ví dụ, quả tang phạm pháp) chứ không bởi quyền hành của cơ quan hành pháp.

Thẩm phán xử án một cách độc lập dựa trên Luật Pháp và lương năng.

Phụ cấp đặc biệt: Thẩm phán được hưởng lương cao và các phụ cấp nhà ở, phương tiện, gia nhân...để họ được hoàn toàn yên tâm về đời sống, có như vậy họ mới giữ trọn tính khách quan, nghiêm minh và giữ được lương tâm trong sạch khi tại vị.

Trừng phạt: Trong trường hợp vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, hoặc phạm pháp, Thẩm phán bị định đoạt bởi Hội Đồng Thẩm Phán trong việc xét xử, quyết định tội trạng và chế tài. Hội Đồng này do các Thẩm Phán bầu lên

Tuyển bổ:

- Hoặc cử tri toàn quốc sẽ bầu lên Thẩm Phán quốc gia. Với cách này, vị thế của Tư Pháp sẽ độc lập tuyệt đối với Hành Pháp và Lập Pháp vì cùng bình đẳng, do dân cử.

- Hoặc Tổng Thống bổ nhiệm Chánh Án tối cao và các phụ tá (phải được Quốc Hội chuẩn thuận), sau đó Tối Cao Pháp Viện tự tổ chức tuyển bổ Thẩm phán cho ngành mình.

(còn tiếp)
------------
(*): xin xem tiếp [TAM QUYỀN PHÂN LẬP LÀ GÌ? [bài 3] - Lê Tùng Châu ]:

Các Thể Chế Chính Trị trên thế giới

- Tổng Thống Chế
- Nội Các Chế
- Quốc Hội Chế

-

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...