. .

Wednesday, April 15, 2009

Dương Thu Hương nói chuyện với cán bộ Ban tổ chức Trung ương đảng CS ngày 1.3.90

Dương Thu Hương – Paris (2005)
LTC : Khoảng cuối năm 1990, Trần đình Khánh, một người bạn đàn em của tôi ở Suối Nghệ, Bà Rịa (đã theo gia đình đi HO qua Mỹ giữa năm sau đó) có trao cho tôi bản chép tay của chính Khánh nội dung bài nói chuyện này của Dương Thu Hương trên giấy ngà kẻ ngang thời đó. Hiện tôi vẫn còn giữ bản chép tay này và nhiều năm sau tôi mới đánh máy lại được và nay khi đối chiếu với các nơi có đăng bài này (trong đó bản của lyenson Diễn Đàn Việt Nam Thư Quán) tôi đã chỉnh sửa đôi chỗ thiếu sót và post lên đây để hầu bạn đọc.

Nói chuyện với cán bộ Ban tổ chức Trung ương đảng Cộng sản ngày 1.3.90 - Dương Thu Hương


- Chị quan tâm tới những ý kiến nào trong Bộ Chính trị ?

- Tôi có đọc, nhưng không quan tâm. Xét cả hai mặt chính kiến và con người. Bộ Chính trị hiện nay không có gương mặt nào đáp ứng được ý nguyện của dân chúng. Nếu có, thực chất cũng chỉ là nhân vật đệm, đứng ở vi trí chuyển tiếp của lịch sử. Tôi là nhà văn của dân chúng, tôi ngồi bệt xuống cỏ và không có ham muốn gần gũi một đường dây nào đó trong số những người lãnh đạo cao nhất.

- Chị nghĩ gì về tình hình Đông Âu và ảnh hưởng của nó tới Việt Nam ?

- Đông Âu không phải là Việt Nam, Việt Nam không phải là Đông Âu. Nhưng khát vọng sống của con người thì như nhau. Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện xã hội ở mỗi nơi, cách mạng sẽ xảy ra tương ứng với các quy định lịch sử đó.

- Chị dự đoán ra sao ?

- Tôi lo ngại. Một nỗi lo ngại lẽ ra một người đàn bà không đáng phải chịu đựng. Nếu Đảng và Nhà nước không có một chương trình cải cách thật sự và triệt để, không tìm được một mô hình xã hội tiến bộ thích hợp với các điều kiện lịch sử Việt Nam thì chắc chắn sẽ xảy một cuộc lưu huyết. Với tất cả những dồn nén của vài thập kỷ qua, với sự cường hào hóa của bộ máy quan liêu trên mọi miền đất nước, với tình trạng tuyệt vọng của đám đông trước tương lai (đặc biệt là tầng lớp thanh niên), với khát vọng sống được kích thích bởi các luồng thông tin không thể cản trở ngoài biên giới đưa vào, không thể nào tránh biến động. Dân tộc ta đã đổ máu quá nhiều, cần hết sức tránh những khổ đau không cần thiết. Các nghĩa trang và bãi tha ma rải đầy mảnh đất Việt Nam. Không nên gia tăng con số kinh hoàng.

Điều lo ngại thứ hai của tôi là cơn biến động xã hội nếu không được kiểm soát sẽ lại dẫn dân chúng tới tình trạng vô chính phủ hỗn loạn, tình trạng cát cứ hoặc các tổ chức "phản động" với tiền đầu tư (1 vài tỷ đôla chẳng hạn) sẽ phá hoại tất cả. Lúc ấy, xương máu của 10 triệu người sẽ trở thành bùn đất. Lúc ấy, mọi nỗ lực của một dân tộc sẽ thành hư không.

- Theo chị, điều cốt lõi của cải cách xã hội là gì ?

- Theo tôi, có hai điểm chốt. Điều thứ nhất phải bỏ ngay nguyên tắc chuyên chính vô sản. Chuyên chính vô sản là mô hình chính quyền thời chiến do Lênin đề ra. Vô sản chuyên chính với kẻ thù. Nhưng khi giai đoạn chiến tranh đã qua, bộ máy nhà nước tổ chức theo nguyên tắc chuyên chính sẽ hướng toàn bộ sức mạnh bạo lực của nó vào nhân dân. Không còn sự chuyên chính của người vô sản với kẻ thù mà chỉ còn sự chuyên chính của bộ máy quan liêu với những người vô sản, sự chuyên chính của thư lại với nền dân chủ. Đây không còn là một giả thuyết mà là một thực tế kinh hoàng. Nhân danh đại diện cho nền chuyên chính vô sản, Stalin đã tiêu diệt 10 triệu đảng viên, chiến sĩ và nhân dân Liên Xô. Nhân danh bảo vệ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Marx Lénine, Mao Trạch Đông đã tiêu diệt 65 triệu người.


Nguyên tắc chuyên chính gắn liền với nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực chất hai nguyên tắc này bảo đảm cho mô hình một xã hội độc tài và cực quyền. Trong xã hội đó, toàn bộ quyền hành được thâu tóm vào một nhóm rồi vào một cá nhân. Những cá nhân này là những thực thể siêu quyền. Họ đứng trên luật pháp, trên các hệ thống giá trị xã hội, không một sức mạnh nào dù là pháp luật, đạo đức hay dư luận có thể kiểm soát và kiềm chế được quyền hành của họ. Con người là con người, không phải thần thánh. Quyền lực trao vào tay bất cứ cá nhân nào mà không có hệ thống kiểm soát cũng sẽ tha hóa họ. Ở đâu có chuyên chính, ở đó có độc quyền. Con đường của độc quyền là sự xu nịnh và hối lộ, thói tham nhũng và sự bạo ngược với dân chúng. Trong cơ chế xã hội kiểu này, bất cứ ai có ý kiến khác biệt đều bị quy kết là “kẻ thù của nhân dân”, bị tù đày, thủ tiêu hoặc triệt mọi đường sinh sống. Mao Trạch Đông đã hạ thủ Lưu Thiếu Kỳ và những người khác phe nhóm. Stalin đã giết hàng vạn tướng lãnh và cán bộ cũng với một chiêu bài “kẻ thù của nhân dân”. Cần phải nói thêm rằng mô hình xã hội kiểu này đã đẻ ra một hệ thống những tên chỉ điểm, những con người kiếm chác phần thưởng bằng tố cáo, phản bội, vu khống người khác. Một mô hình xã hội như thế bóp nghẹt mọi khả năng phát triển, tước đoạt quyền sống của các công dân, biến họ thành những con cừu chỉ biết cúi đầu tuân phục. Trong một xã hội như thế, những con người có nhân cách bị tha hóa, bị dày đạp và những lũ sâu mọt đục khoét dân chúng ngày một gia tăng. Sự phát triển của tội ác và sa đọa tinh thần là hiển nhiên vì không có cơ chế hãm.

Tôi nói gọn lại : xã hội ta chỉ có thể được cải cách và phát triển khi nó thủ tiêu 2 nguyên tắc đã quá lạc hậu và man rợ : chuyên chính, tập trung. Có thể sẽ có người hỏi : “còn bọn tội phạm hoặc bọn phản động ?”. Tôi nghĩ điều này thật dễ dàng nhận xét. Tất cả các quốc gia xây dựng trên nguyên tắc dân chủ đều có bộ máy an ninh chống tội phạm, chổng gián điệp cực kỳ hữu hiệu. Ở những nước phát triển, văn hóa tinh thần và vật chất ở mức cao, án tử hình đã được xóa bỏ nhưng pháp luật lại rất nghiêm minh. Tình trạng an ninh của một quốc gia dựa trên nhiều điều kiện nhưng những điều kiện không thể thiếu được là :

1. Pháp luật phải đứng trên mọi quyền năng và trước hết những người có quyền năng cao nhất phải phục tòng pháp luật.

2. Bộ máy hành pháp phải bao gồm những con người có tri thức và có lương tri. Muốn có tri thức phải có học vấn tương xứng với trách nhiệm. Muốn có lương tri phải có lý tưởng xã hội và điều kiện sinh tồn để gìn giữ lương tri. Người ta không thể bắt một kẻ ăn mày có nhân cách. Không thể bắt một người công an trong sạch khi lương tháng chỉ đủ ăn mỗi ngày hai bát phở. Tình trạng công an bỏ qua những vụ hành hung chém giết nhau mà chạy theo việc phạt những người bán hàng rong để lấy tiền phần trăm đã chứng tỏ điều này. Bộ máy hành pháp mà không đảm bảo cho các nhân viên của nó có tri thức và lương tri cần thiết ắt phải tha hóa và một khi đã tha hóa nó sẽ trở thành đối tượng của một cuộc cách mạng trong tương lai.

3. Tình trạng dân trí phải được cải thiện. Người dân phải được giáo dục kiến thức về luật pháp, về quyền và trách nhiệm công dân đối với luật pháp.

Vậy thì, không thể lấy lý do chống tội phạm và phản động mà duy trì nền chuyên chính. Việc truy lùng bọn tội phạm là cần thiết. Nhưng mượn cớ truy lùng tội phạm để hù dọa dân chúng, đánh đòn gió với trào lưu cải tổ, công khai và dân chủ là không nên. Những người khao khát với sự tiến bộ của quốc gia, hiến thân cho cuộc đấu tranh dân chủ là bộ phận tiên tiến nhất của trí thức, quân đội, công nhân và nông dân. Họ không phải là những tên tù hình sự. Sự mập mờ đánh tráo các khái niệm, sự vu khống trắng trợn và tàn bạo đã xảy ra không phải một lần ở các nước rập theo mô hình xã hội chuyên chính vô sản - tập trung dân chủ mà tiêu biểu là xã hội thời Stalin và Mao. Ký ức của con người chưa hề phai mờ những ấn tượng đó. Cho nên, hai khái niệm chuyên chính vô sản và tập trung dân chủ đã gắn liền với mô hình xã hội khủng khiếp nhất, u ám nhất trong thời đại này.

- Chị nghĩ thế nào về phương án liên kết Việt Nam với Trung Quốc và Triều Tiên ?

- Tôi nghĩ nếu chính phủ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc thì nhân dân ta sẽ rất hoan nghênh. Nhưng nếu Đảng và Nhà nước Việt Nam muốn liên minh chặt chẽ với Đảng và Nhà nước Trung Quốc + Triều Tiên + Cuba thì chính Đảng và Nhà nước đã thách thức với khát vọng dân chủ của quần chúng, đạp thẳng vào mặt nhân dân. Chưa ai quên máu người dân vô tội và binh lính Việt Nam ở biên giới năm 1979, chưa ai quên tiếng súng và tiếng xe tăng của lính Trung Quốc trên quãng trường Thiên An Môn. Đê tiện thay, chính những tên đao phủ của sinh viên Trung Quốc lại chính là bọn lính đánh sáu tỉnh phía Bắc Việt Nam năm 1979. Người Việt Nam bình thường cũng biết ở Triều Tiên việc thừa tự ngai vàng của con Kim Nhật Thành đã được ghi vào hiến pháp. Như vậy danh từ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Triều Tiên là một mớ từ ngụy trá dán hờ hững lên một chế độ phong kiến cực quyền tàn bạo và thối nát; không chỉ chúng tôi những trí thức mà đa số những người dân VN có thông tin đều căm thù đến tận xương tủy những chế độ độc tài phong kiến trá hình này. Marx và Lénine chỉ là nước sơn phết lem nhem lên những xã hội trại lính kiểu Á Đông. Thực chất, trong loại xã hội này, những quan điểm lạc hậu nhất của Marx và Lénine đã được người cầm quyền sử dụng để che đậy nền độc tài phong kiến.

- Chị nghĩ gì về Fidel Castro ?

- Trước đây, có thời ông ta là một chiến sĩ can đảm, nhiệt huyết và nhiều thủ đoạn. Nhưng ông ta cầm quyền quá lâu - Mô hình chuyên chế + tập trung dân chủ đã biến ông ta thành một hoàng đế bạo ngược. Ông ta đã bị quyền lực tha hóa tới một mức độ đáng kinh ngạc. Bây giờ, tôi cho rằng Fidel là một gã độc tài thứ thiệt mắc chứng cuồng dâm và hoang tưởng.

- Về thành tựu Cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng mấy thập kỷ qua, chị đánh giá ra sao ?

- Trong nhưng thập kỷ qua, thành công vĩ đại nhất của Đảng là Đảng đã khai thác thành công khả năng giữ nước của dân ta. Lòng yêu nước là mỏ vàng lớn nhất trong gia tài người Việt. Đảng đã đúc kết từ mỏ vàng ấy những khối vàng ròng. Chủ nghĩa Marx không tham dự gì vào thắng lợi này. Có chăng, nó chỉ là nhãn hiệu dán lên thiên đường mơ ước của người Việt Nam : Độc lập - Dân chủ - Tự do - Hạnh phúc. Người Việt không có truyền thống triết lý, không có nhiều kiến thức triết học. Một dân tộc nô lệ vùng lên tìm đường sống, tìm thiên đường của mình. Người ta hiến dâng cuộc đời, hiến dâng của cải, hiến dâng cả xương thịt của con cháu không phải để chứng minh cho học thuyết của một Marx hay ông Kăng nào đó mà vì một nước Việt độc lập tự do hạnh phúc trong tương lai. Một nước Việt xứng đáng với dân tộc Việt. Qua những cuộc chiến tranh, trên 10 triệu người dân Việt đã hy sinh. Nhưng dân chủ, tự do và hạnh phúc vẫn còn là mực tiêu đấu tranh, còn ở phía trước. Trên 10 triệu sinh linh, cả một mỏ vàng ròng chỉ đổi được hai từ độc lập. Nhưng Hồ Chủ tịch cũng đã dự đoán : Độc lập mà không có hạnh phúc thì thứ độc lập đó thật vô ích. Vậy vấn đề còn lại : Làm sao đem lại hạnh phúc cho dân ? Làm sao có tự do, dân chủ ? Điều khủng khiếp nhất trong quá khứ là xương máu dân chúng đã bị tiêu xài một cảch hoang phí. Chiến tranh bảo vệ tổ quốc, giá nào cũng chấp nhận. Nhưng còn cuộc chiến ở Campuchia ! Phải, tôi biết những vụ tàn sát của lính Pôn Pốt ở An Giang - Tây Ninh... Nhưng tại sao cuộc chống trả của chúng ta không dừng lại ở mảnh đẩt biên giới mà lại kéo tới tận Phnompênh và Báttambang ? Vì chúng ta phải ngăn nạn diệt chủng, cũng giống như quân đội đồng minh tiêu diệt lũ phát xít Đức. Vâng, nhưng nếu vậy tại sao sau ngày 1.9.1979 chúng ta không rút quân về ?... Bởi vì bất cứ lý do nào chúng ta cũng không thể dành phần thắng trước tòa án của công luận thế giới... Một dân tộc yêu tự do thì không thề xâm phạm tự do của một dân tộc khác. Một quốc gia bảo vệ quyền độc lập thì không nên tước đoạt quyền độc lập của quốc gia khác cho dù lý do hành động ấy có thánh thiện tới đâu.

Pan-mơ đã từng dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối Mỹ trong cuộc chiến Mỹ - Việt Nam và cũng lại dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối Việt Nam trong cuộc chiến Việt Nam - Pôn Pốt (tất nhiên ta hiểu rằng sau lưng Pôn Pốt là Bắc Kinh). Ông Pan-mơ có lý. Thế giới đổi thay. Lối ứng xử và suy nghĩ của những người lãnh đạo quốc gia nào không phù hợp với sự đổi thay ấy thì quốc gia của họ bị chối bỏ. Cuộc chiến tranh Campuchia để lại thất thiệt nặng nề cho Việt Nam trên trường ngoại giao quốc tế. Một ngọn đèn nặng nề âm ỉ. Nó vô hiệu hóa bao nhiêu vinh quang của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Tại sao những người lính VN chết tại Campuchia lại không được biết những dư luận của nhân loại về hành vi của họ, về sự hy sinh và đau đớn bầt khả chia sẻ ? Tại sao ? Nếu bây giờ không thì mai sau sẽ có. Lịch sử buộc tất cả trả lời.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là các anh có thể không chịu được những ý tưởng của tôi, có thể bỏ tù hoặc thủ tiêu tôi nhưng súng không đẻ ra tình yêu và niềm tin, bạo lực không cưỡng hiếp được chân lý.


No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...