. .

Monday, April 20, 2009

BÁO ĐỘNG VỀ TÌNH TRẠNG TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

- Tiểu Khảo- Nguyễn Văn Lục


BÁO ĐỘNG VỀ TÌNH TRẠNG TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

Từ nay đoạn đường tôi đi
Qua hàng thông lạnh gió vi vu sầu
Một mình lặng lẽ cúi đầu
Quanh tôi tất cả nhuộm mầu tóc tang



Mới đây, một người bạn đã gửi cho tôi một thư liên quan đến tôn giáo. Trong lá thư, người bạn đã gửi kèm một số hình ảnh về buổi lễ giỗ linh mục Nguyễn Văn Vinh, vào ngày 13/10/2007, do nghĩa tử là linh mục Hoàng Đức Oanh, giám mục địa phận Kontum làm chủ tế. Được biết Lm Vinh trước đây du học với quý Lm Nguyễn Huy Mai và Lê Văn Lý (giáo sư ngữ học đại học Văn Khoa Sài gòn, đồng thời sau này là Viện trưởng viện đại học Đà Lạt)

Năm 1959, Lm Nguyễn Văn Vinh bị đi tù cộng sản miền Bắc và bị đầy lên trại Cổng trời và chết rũ tù ở đó.

Đặc biệt trong buổi lễ giỗ này tại giáo xứ Ngọc Lũ, cách Hà Nội 90 cây số, nơi để di cốt Lm Nguyễn Văn Vinh, tôi nhận thấy số người tham dự lễ giỗ rất ít. Lèo tèo có một số người, kể cả con nít. Một nhà xứ có hơn 100 năm lịch sử thành lập mà ra nông nỗi này. Một buổi lễ giỗ long trọng mấy khi có, thêm giám mục ở xa về cử hành lễ. Đếm đi đếm lại không biết được bao nhiêu?

Ghế ngồi trong nhà thờ, nhiều chỗ còn bỏ trống. Lác đác và rời rạc. Không khí buổi lể đã hẳn không rộn lên tiếng kinh cầu nguyện. Có cái gì cho thấy dấu hiệu của suy tàn?

Nên biết rằng các xứ đạo miền Bắc trước đây phần lớn là những xứ đạo toàn tòng theo nghĩa cả làng đều theo đạo. Có gần 400 giáo xứ như thế trên khắp các địa phận miền Bắc.. Nhà thờ đông nghẹt giáo dân đi lễ. Chủ nhật, thường phải cử hành thêm một hai lễ.
Một giáo xứ như Ngọc Lũ nay chỉ còn lèo tèo mấy chục làm tôi suy nghĩ về hiện trạng tôn giáo hiện nay và có bài viết này.

Bài viết nhằm lôi ra ánh sáng một số thực trạng, một số sự kiện liên quan đến tôn giáo để cảnh giác mọi người và để thấy được sự xâm nhập của cộng sản vào các tôn giáo như thế nào? Tôi cũng tham khảo ý kiến các bạn bè cả Phật giáo lẫn Thiên Chúa giáo để bổ túc ý kiến cho bài viết có chừng mực.

Mong là bài viết được đọc trong tinh thần đó.



1. Nhìn lại các giáo hội Thiên Chúa giáo và Phật giáo miền Bắc trước và hiện nay

Theo ông Minh Võ, trong cuốn sách mỏng tựa đề: “Sách lược xâm lăng của Cộng Sản” :


Về tình báo, cộng sản không trừ một lãnh vực nào mà họ không tìm cách đặt gián điệp vào, Albert Vassart, một thành phần trong ban bí thư đảng Pháp cộng, sau khi ra khỏi đảng, tiết lộ rằng: Năm 1936, Mạc Tư Khoa đã ra lệnh cho gửi những đảng viên chọn lọc, vững lập trường vào các chủng viện công giáo để sau này có thể trở thành linh mục”

(Trích “Sách lược xâm lăng của Cộng Sản” của Minh Võ, trang 111, in lần thứ ba, California, 2007).

Sách lược cài người xâm nhập vào các tôn giáo của 70 năm trước đây liệu vẫn còn được áp dụng bây giờ? Chắc là có, nhiều ít thì tuỳ nơi, tuỳ miền Không có con số nào chính xác nói về điều này. Nhưng một điều rất rõ rệt là tình trạng các tôn giáo ngoài Bắc trước đây và trong Nam hiện nay là tình trạng báo động đỏ, báo động suy thoái.

Trước đây, ở ngoài Bắc thiếu vắng tu sĩ, linh mục, thiếu vắng con chiên bổn đạo, thiếu vắng sư sãi và phật tử. Sinh hoạt tôn giáo hầu như bị tê liệt và có dấu hiệu xuống cấp hoặc xoá trắng. Và nhìn thấy một tương lai hầu như tuyệt vọng.

Trong Nam hiện nay thì khá hơn nhiều. Sinh hoạt tôn giáo xem ra vẫn sinh động, nếu không nói phồn thịnh. Nhưng không thể căn cứ vào số người đi chùa hoặc đi nhà thờ để đánh giá thực chất của một tôn giáo.

Nói về mức độ xâm nhập, cài đat người vào trong các tôn giáo, tôi đã có dịp hỏi hai vị chức sắc của Thiên Chúa giáo và Phật giáo, một ở Sài gòn, một ở Huế. Vị linh mục bề trên nghĩ rằng cũng có thể người cộng sản cài đặt các tu sinh vào để sau này trở thành linh mục.

Nhưng linh mục bề trên cho biết, việc tu luyện để trở thành một linh mục không phải là dễ. Phải nhiều năm tu tập. Khó mà tu giả được vì sẽ bị phát hiện. Người ta có thể tu gìả, đóng kịch đi tu, nhưng không thể đóng kịch trong suốt mười mấy năm tu học. Và càng không thể đóng kịch cả đời. Sẽ có lúc bị phát hiện và bị mời ra khỏi chủng viện. Hiện nay, chưa phát hiện được một trường hợp cụ thể nào.

Nhưng kinh nghiệm một giám mục ở Balan làm gián điệp cho cộng sản bị phát hiện cho thấy truyện gì cũng có thể xảy ra..Hội đồng giám mục hiện nay cũng có thể có trường hợp bị mua chuộc? Ai có thể dám chắc được điều gì xảy ra và sẽ không xảy ra?

Vị sư ở ngoài Huế thì bi quan hơn cho rằng trong số các tăng sinh tu học, hầu hế gốc gác từ ở thôn quê, con cái các gia đình nghèo… Nhiều người lấy việc tu học như cái cớ để có chỗ ăn học và cũng thật khó biết ai là tu thật ai là tu giả?

Nhưng một điều rất rõ rệt là cho đến hiện nay, sinh hoạt tôn giáo ở miền Bắc, nhất là phía Phật giáo kể như bị xoá sạch đến không còn gì nữa. Tôi dã chứng kiến tận mắt cảnh đó nơi các chùa chung quanh Hà Nội..Tất cả các chùa này đều trở thành cơ sở quốc doanh. Không có một chùa nào được xây cất lên ở Hà Nội kể từ năm 1954 đến nay. Chùa chiền trở thành nơi cúng bái, cầu đảo, thờ từ Phật đến Quan Công, Quang Trung xuống cấp đến trở thành mê tín, dị đoan. Ai đã có dịp đi chùa Hương hẳn đã chứng kiến cảnh đó.

Đó là thứ tôn giáo mà cộng sản muốn có, muốn duy trì.

Thượng toạ Thích Quảng Độ trong Nhận định về những sai lầm tai hại của Đảng cộng sản VN đối với dân tộc và Phật giáo VN đã viết như sau về hiện trạng chùa chiền ở Hà Nội:


Ht Quảng Độ, Giải Rafto 2006 (Đang bị quản thúc tại chùa)
Nguồn: rafto.no/Photo: International Buddhist Information Bureau (IBIB), Paris


Trước năm 1954, chùa Quán Sứ là trụ sở Trung ương của giáo hội Phật giáo miền Bắc, trong đó có viện Phật học đào tạo tăng ni, trường turng học Khuông Việt dạy chương trình thế học, nhà in Đuốc Tuệ, in nguyệt san Phương Tiện và kinh sách, có thư viện v.v… Nhưng sau khi cộng sản tiếp thu Hà Nội thì viện Phật học giải tán để tăng ni ở đâu về đó về lo việc tăng gia sản xuất, trường trung học Khuông Việt đóng cửa, thư viện khóa kín, nguyệt san Phương Tiện đình bản và nhà in Đuốc Tuệ bị chiếm dụng. Nghĩa là tất cả mọi hoạt độ của giáo hội hoàn toàn bị đình đốn, hệt như trong miền Nam năm 1975.

(Trích Nhận định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng Sản VN đối với dân tộc và Phật giáo VN).

Cũng trong tinh thần đó, xin trích dẫn bài viết: “Mấy ý kiến về phong trào thanh thiếu nhi Phật tử ở ngoài Bắc hiện nay” của Giang Nam, đăng ngày 25/10/2007, trên Giao Điểm để làm rõ thêm vấn đề.

Ông Giang Nam cũng nhìn nhận rằng:


“Đội ngũ đông đảo, tổ chức chặt chẽ, hoạt động có bài bản là ở trong Nam. Trong khi đó miền Bắc nói chung, thậm chí ở các tỉnh thành như Hưng Yên, Nam Định phong trào thanh thiếu niên Phật tử, vai trò dường như chưa có gì. Nay nhìn lại đội ngũ.. thấy có nhiều điều cần suy nghĩ.. nếu không muốn rơi vào tình trạng đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi, để rồi èo uột mà tan rã.”


Và ông trông chờ vào Đại hội VI của GHPGVN.

Sự trông chờ của ông vào đại hội VI có căn bản gì không, vì cần tìm hiểu xem thực chất của đại hội V1 này do ai chủ trì, ai là người đứng đầu? ai cầm chịch bên trong?

Tôi chỉ có tài liệu viết về giáo hội Thiên Chúa giáo miền Bắc mà tôi có thể tóm gọn trong vài dòng: một giáo hội rút lui vào thầm lặng, kiên trì, ẩn nhẫn và bất hợp tác. Điển hình là Hồng Y Trịnh Như Khuê và những cộng sự viên của ngài như các Lm Vinh, Thông, Quynh, Oánh. Tất cả đều bị đi tù hay bị quản trong nhiều năm hoặc bị chết trong tù.

Ngày nay nghĩ lại thì cái tình thế đối đầu lúc bấy giở bắt buộc hai bên nhà nước cộng sản và tôn giáo phải sống như thế, phải nghĩ như thế và phản ứng như thế. Họ nghi kỵ, dò xét và trấn áp bằng bạo lực.

Và hiểu được. Phải chăng, cái tinh thần đó thể hiện qua vị chủ chiên là Hồng yTrịnh Như Khuê của những ngày đầu của giáo hội sau bức màn tre qua lời tường thuật của lm Lễ trong hồi ký: Tôi phải sống. Lm Lễ kể rằng có đi dạo với Hồng y Trịnh Văn Căn (người kế vị hồng y Trịnh Như Khuê) trên sân thượng, ông Hồng y có ý chỉ cho Lm Lễ thấy một đường hình quả trám khổng lồ trên sân thượng như có ai mài rửa, chà sát trên đó. Và cho biết đó là dấu tích vết chân của Hồng y Trịnh Như Khuê, trong suốt 20 năm bị quản chế, ngài đã chỉ đi bách bộ trên sân thượng này. Vì đi bách bộ nhiều năm nên những bước đi của Ngài đã tạo thành đường mòn hình quả trám như vậy. Nghe câu chuyện này, tôi quá thương cho hoàn cảnh Đức hồng y tiên khởi của Việt Nam và cho giáo hội miền Bắc lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, không phải là không có những con chiên ghẻ, đã xa lìa đàn, đã sa đà đi trật đường. Xin trích dẫn một cuốn sách của giám mục Nguyễn Văn Sang, một cuốn sách làm nhiều người Thiên Chúa giáo phải xấu hổ khi phải đọc. Biết làm sao, ở đâu cũng có người ngay lành và kẻ không ngay lành.

Cuốn sách chỉ có hai mục đích: xưng tụng mình và tán tụng chế độ.

Sau này, trong cuốn băng thu lại buổi nói chuyện ở Thị Nghè về chuyến đi Roma. LM Sang khoe là cả chuyến bay, chỉ có mình LM là có thông hành ngoại giao. Chỉ mất 5 phút là khai báo xong mọi thủ tục. Từ Đức Giáo Hoàng, Hồng y ở Roma đều khen ông trẻ, năng động, khéo quá. Trong buổi khai mạc Hội nghị truyền giáo, LM Sang kể lại lời phát biểu của Hồng y Rossi:

“sau cùng ngài hướng về phía tôi nói: ‘chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh sự có mặt của giám mục Nguyễn Văn Sang’… Cả hội trường vỗ tay như pháo nổ, hoan hô và chào mừng những đứa con của giáo hội VN và của đất nước anh hùng vừa chiến thắng ngoại xâm”

(trang 38-39).

Kể ông Hồng y này cũng thuộc bài nhanh thật, biết xử dụng chữ Đất nước anh hùng? Hay phải chăng chỉ là chữ nghĩa của Giám mục Nguyễn Văn Sang gán vào miệng ông Hồng y?


“LM Nhật Bản thì khen tôi nói tiếng Pháp rõ ràng và hay lắm, lại nói được tiếng Anh, tiếng Đức.. Kem Ý ăn vừa ngon ngọt, vừa bổ khiến tôi đâm nghiện, không mấy ngày không ăn.. Thấy họ, tôi tiếc cho đời mình không có điều kiện để học hành kỹ càng đến nơi đến chốn… Song nhiều lần, tôi cũng tự an ủi mình và nói đùa với nhau: Chả gì ta cũng tốt nghiệp đại học nhân dân, 25 năm sống trong lòng dân tộc, dưới chế độ xã hội chủ nghiã, hỏi có bằng nào hơn không?”

(Trang 61)

Thật là ngượng.


“Tôi gặp một anh lính nguỵ, tôi nảy ra ý định thử anh chàng lính ngụy một phen bèn hỏi thẳng anh ta:
– Cậu đã ra Bắc học tập cải tạo, cậu thấy sự đạo ngoài đó ra sao?

Anh lính nhìn tôi một lúc rồi hăng hái nói:

– Hết trơn đạo rồi còn đâu, mấy ông LM, bà phước vô khám hết trơn à. Nằm ở trại Hỏa lò suốt ba tháng trời, tôi hổng nghe tiếng chuông nhà thờ, chùa chiền gì hết.

Mấy ông LM bụm cười môi cười không nổi. Còn tôi, cáu quá, muốn bạt tai anh lính nguỵ mấy cái, vì dám đưa tin thất thiệt cả với “ông cụ đạo miền Bắc” chính cống đang đứng trước mặt hắn, xong tôi lại thương hại, chỉ vì hắn muốn xin ăn trong những ngày lang thang trên đất khách quê người, nên đành phải tung tin thất thiệt đó ra. Thôi cũng tha thứ cho những con người đáng thương đó”.

Ai cần được tha thứ và ai đáng thương hơn ai?


“Tôi coi cuốn phim: Những chặng đường lịch sử… Nhưng hình ảnh cuối trong phim như làm tim tôi ngưng đập. Rõ ràng có cảnh tôi làm lễ và giảng lễ đêm sinh nhật năm 1972 ở nhà thờ Lớn Hà Nội.. Ôi, hình ảnh khiêm tốn của tôi được chọn để ghi vào những chặng đường lịch sử của Dân tộc, mà tôi có công lao gì đâu. Cuốn phim này cũng được chiếu rộng rãi trong cả nước, nên mọi người đều thấy tôi đêm đó mặc lễ phục trắng, thêu những bông huệ tười đẹp, và họ đến thăm tôi, ca ngợi...”

Phần tôi, chán chả muốn đọc.

Nhưng dầu vậy, tôi vẫn còn chút tin rằng sức mạnh tinh thần, sức mạnh siêu nhiên vẫn có cơ làm thay đổi được nhiều chuyện, có thể chuyển hoá con người và xã hôị. Tôi đã ngạc nhiên không ít, khi ở một giáo xứ, cách Hà Nội, 60 km và thấy rằng bằng cách nào mà họ còn giữ được tất cả hồ sơ hộ tịch của, 6. 7 chục năm về trước? Giấy tờ chứng nhận đã rửa tội, giấy tờ hôn phối vẫn được bảo trì qua những biến thiên thời cuộc và chiến tranh? Thật ngỡ ngàng và cảm phục. Nhà thờ không có Lm từ nhiều năm nay. Vẫn có các quý ông trùm, ông quản sớm tối đánh chuông để con chiên bổn đạo đi đọc kinh. Tinh thần vẫn còn đó. Tôi đã đến một nhà xứ, cách Hà Nội 45km. Vẫn giữ nề nếp cũ, vẫn tâm tình kính nể Lm xứ, vẫn nếp sống đạo như thể không đổi thay. Tôi ngồi ăn với Đức ông Oánh (vừa mới qua đời), con chiên bổn đạo vẫn khép nép khi có việc phải vào “hầu” đức ông.

Phong kiến lắm. Nhưng thế còn hơn là buông xuồng, coì thường các vị chức sắc trong giáo hội?

Tôi ngạc nhiên không ít. Cái người thay đổi, cái người mất gốc gác, mất niềm tin lại chính là tôi chứ không phải họ.

Họ như những hòn đá tảng, gan lì và cam chịu.

Nay thì thử nhìn chung các tôn giáo lớn, Phật giáo và Thiên Chúa giáo đã tồn tại ra sao? Tình trạng tôn giáo nói chung ở miền Bắc đã được đánh giá rất sát qua nhận định của ông Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ cộng sản từng làm việc nhiều năm công tác Phật giáo ở miền Nam Việt Nam, trước khi bị khai trừ khỏi đảng cộng sản VN vào năm 1990.

Những điều ông Đỗ Trung Hiếu viết ra phải được coi là trung thực và tin được. Ông Đỗ Trung Hiếu đã nhận xét về tôn giáo trong một tập sách mỏng: “Phật giáo thống nhất, hồ sơ thống nhất Phật giáo”. Theo ông Đỗ Trung Hiếu, chính sách tôn giáo đã theo chỉ thị 20 của Ban bí thư TWĐ, theo đó:


– Hệ thống tổ chức Phật giáo phải nằm trong MTTQ Việt Nam. Có nghiã là họ điều động, giám sát và đưa ra đường lối.
– Đạo Phật phải gắn với dân tộc, nay thì phải gắn với xã hội chủ nghĩa. Gắn với XHCN có nghĩa là trở thành một tổ chức trong một tổ chức rộng lớn.
– Nhân sự tiêu biểu sẽ là những người của Giáo hội PGVNTN. Nhưng nhân sự hành động phải là các nhà sư của ta.

Vậy ai là những nhà sư mà chính quyền cộng sản gọi họ là “Những nhà sư của ta? Ai trong số họ?”

Theo ông Đỗ Trung Hiếu, tình trạng tôn giáo ở miền Bắc thật thê thảm:


“Hầu hết chùa, nhà thờ ở miền Bắc mà tôi đã đến thăm đều rêu phong, tàn tạ. Các nhà sư (sư ông, sư bà) lẩm cẩm, sợ sệt, một báo cáo cụ, hai bá cáo cụ. Các linh mục, giám mục đóng kín cửa lạc hậu với thời cuộc. Phật tử gần như không còn gì nữa, chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín, cúng bái linh tinh. Và rất e dè trước khách lạ. Tín đồ Thiên Chúa giáo thì khổ cực, hằn sâu trong mắt họ những nét u uẩn thâm nghiêm, nhưng rực lửa và sẵn sàng bốc cháy khi có mồi. Đó là mối nguy lớn, chứ không phải sự thành công của tôn giáo vận”
(Trích Hồ Sơ Thống Nhất Phật Giáo , Đỗ Trung Hiếu, trang 53, xb Tin Paris, 1994).

Đọc đoạn văn trên thấy có 3 điều: về cơ sở vật chất thì bị bỏ hoang, tiêu điều, không tu sửa. Thượng Toạ Quảng Độ khi bị giam cầm ở ngoài Bắc cũng nói đến một ngôi chùa hầu như bị bỏ hoang như thế. Nhưng quan trọng hơn, tinh thần và nhân cách của các vị tu hành thì không còn nữa. Do bị đe doạ, trùy dập, các vị trở thành nhút nhát, nếu không nói mất hẳn nhân cách con người. Việc sinh hoạt tôn giáo thì xuống cấp biến thái thành truyện câu lợi, mê tín, dị đoan.

Và tôi thấy tệ hại hơn nữa là khi nói chuyện về vấn đề này với một số người thì họ coi là chuyện thường, chuyện tự nhiên. Họ mất cảnh giác hay họ ăn phải bả cộng sản? Thế thì chết thật. Họ có màng gì tương lai giáo hội của họ đâu? Ở Hải ngoại, tôi thực sự chưa thấy những ưu tư, lo ngại hay báo động nơi các tạp chí, diễn đàn Phật giáo về vấn đề này. Trong nước thì tờ tạp chí Văn Hoá Phật giáo hay Net cố đô chỉ thấy những bài viết đẹp, bài viết tròn, bài viết vô tội vạ, bài viết về mưa Huế, nắng Phú Xuân. Ta có nên cứ tiếp tục viết như thế không và tiếp tục đọc như thế không? Tôi thật sự không hiểu được.

Những nhận xét của ông Đỗ Trung Hiếu, theo tôi, cũng trùng hợp với nhận xét của Hoà thượng Quảng Độ sau này khi nói rằng, theo đánh giá của người cộng sản,


Thiên chúa giáo được coi như cứt gà, còn Phật giáo được coi như phân gà. Công giáo tuy là số ít, nhưng khó trị, khó tiêu diệt hơn phật giáo nên giống cứt gà, dính vào khó rửa, dính vào quần áo thì chỉ có cắt chỗ quần áo đó đi. Còn Phật giáo dễ tiêu diệt, như phân gà khô, chỉ cần gạt một cái là sạch.
(Trích trong Nhận Định về những sai lầm tai hại của Đảng cộng sản VN đối với dân tộc và Phật giáo, Hòa thượng Thích Quảng Độ)

Sự so sánh tuy có hơi thô lỗ, nhưng cho dù là phân gà hay cứt gà thi hoàn cảnh cả hai giáo hội cũng là hoàn cảnh báo động về một sự suy thoái đáng lo ngại?

Và ai có thể bảo đảm rằng cứt gà sẽ mãi mãi là cứt gà? Và một ngày nào đó, cứt gà trở thành phân gà?

Tuy nhiên về tôn giáo, phải tin tưởng vào mặt tinh thần, mặt siêu nhiên và tin tưởng rằng vẫn có những người con của Phật, có một tấm lòng như tỏ bày tâm sự của HT Quảng Độ khi mô tả ngôi chùa:


“Ngôi chùa nhỏ cũ kỹ tiêu sơ, đã dột nát, nhện giăng tơ từ đầu pho tượng này sang đầu pho tượng kia. Nhưng vẫn còn những con người: những người hiền lành tốt bụng, thấm đượm tình người và nếu không có họ, thì thế giới này chỉ là cái chuồng thú khổng lồ không hơn không kém”
(Trích Thích Quảng Độ trong nhà tù giam lỏng tại một ngôi chùa)


2. Tình trạng tôn giáo ở miền Nam sau khi Cộng sản thắng

Tôi chỉ có thể tóm gọn là tình hình chung là cả hai tôn giáo đều có ý hướng cộng tác với chính quyền cộng sản vào những ngày đầu sau 30/4/1975.

Lịch sử đã sang trang. Hãy làm những điều gì thiết thực, ngay cả hoà giải, nhượng bộ. Do những đòi hỏi thực tế, tình hình chính trị lúc bấy giờ, thấy cần thiết phải làm như vậy. Và cả hai giáo hội đã làm như thế: Hiến hết, cho hết, giải tán hêt. Không tiếc nuối, không than vãn kỳ kèo, không mặc cả. Năn nỉ xin cho vì sợ người ta không nhận.

Trong không đầy một tháng trời, rã ngũ, cởi áo, các cơ sở trường học, cơ sở xã hội, nhà in, viện nọ viện kia cùng một lúc mất hết. Trước 75 thì đòi, đòi cho bằng được, dù chỉ là cái phất phới của một lá cờ. Sau 1975 thì không ai bảo ai, tự nguyện, tự hiến.

Đó là một tâm trạng hoảng hốt quá độ. Sau này nhiều chức sắc hối hận, vì đã quá dại dột . Cho rồi đòi không dễ. Giáo sư Lê Mạnh Thát (nguyên là Thượng toạ Thích Tri Siêu) vào năm 2006 đã hãnh diện nói: bây giờ không còn chế độ xin-cho mà là đòi.

Nhưng đòi với một giá nào thì không biết.

Về nhân sự, sau 1975, phía Phật giáo có gần 20 chục ngàn tu sinh Phật giáo đã tản hàng. Sau này cắt nghĩa sự giảm sút này để bào chữa cho chế độ cộng sản, TT Minh Châu cho là có nhiều tu sinh thời trước 1975 đi tu, vào chùa chỉ để trốn lính. Bây giờ, nước nhà độc lập thì bỏ chùa về nhà làm ăn bình thường.

Giải thích như thế là một cách bội nhọ giáo hội Phật giáo trước 1975 chỉ là chỗ chứa những thành phần trốn lính, bất hảo trong xã hội.

Cơ cấu bên Thiên Chúa giáo cũng tản hàng vì các cơ sở vật chất không còn nữa. Nhất là phía các hàng tu sĩ và nữ tu.. Coi như không còn nữa. Ai lo cho số phận của họ? Nhất là đối với những người thuộc phái nữ đã luống tuổi? Phần các vị linh mục thì một số đi tù, một số đi học tập, một số đã trốn được ra nước ngoài. Số còn lại vẫn bám trụ nơi các nhà xứ trên khắp miền Nam.

Còn Lm xứ, còn giáo dân thì còn sinh hoạt đạo giáo.

Và người ta có cảm tưởng chung là thêm nhiều người theo đạo, thêm nhiều người đi nhà thờ. Càng khó khăn, đời sống thêm nhiều nỗi đau, nỗi nhục như đi kinh tế mới, đi học tập, đi tù vượt biên thì đảo ngược: Các nhà thờ mỗi buổi lễ chật cứng người tham dự.

Lòng đạo vẫn còn đó. Như một nâng đỡ, một bám víu cuối cùng.

Các lãnh đạo tôn giáo cố giữ được cái thế thăng bằng, thế đu giây, thế thì phải thế, thế cùng, thế kẹt, thế có thể bùng nổ và đã nổ bùng vài lần như các vụ Vinh Sơn, vụ Khâm sứ toà thánh.

Nhưng cũng cần nói cho rõ, Đức Lm Bình là thế cùng, thế kẹt, thế chẳng đặng đừng, thế gọng kìm. Còn thế của TT Thích Minh Châu, thế của Nguyễn Ngọc Lan là thế chấp nhận, thế hợp tác, thế sẵn sàng, thế hoan hỉ.

Dựa theo tờ báo Công giáo và Dân tộc, số 747, ra ngày11/3/1990 thì kể từ sau 1975, việc truyền chức linh mục của Thiên Chúa giáo bị suy giảm đến trì trệ. Năm 1963-64, có 21 lm được truyền chức. Cao điểm năm 1968-1969 có 61 linh mục. Năm 1974-1975, còn có 22. Nhưng kể từ 1975 đến 1990, trong suốt 15 năm, chỉ còn có 23 tân linh mục. Trung bình một năm có hơn một người được truyền chức.

Đối với tổ chức tôn giáo, không còn cán bộ là một cách tự tiêu hủy. Nhà xứ không có cha, con chiên như mất cái đầu tầu, như rắn không đầu.

Sự suy giảm như thế ở phía Thiên Chúa giáo có thể áp dụng cho giáo hội Phật giáo được không?

Thực tế thì cả hai giáo hội đã chịu sức ép nặng nề của chính quyền cộng sản và tùy theo khả năng ứng xử mà mỗi giáo hội tồn tại theo cách thức của họ.

Riêng đối với giáo hội Phật giáo, nhà nước đã chọn họ làm mục tiêu đầu tiên, đã đi bước đầu trong việc cơ chế trong một Giáo Hội Phật giáo VN. Điều đó họ chưa làm được trong hiện tại đối với giáo hội Thiên Chúa giáo. Chưa làm không có nghĩa là không làm. Nhưng ít ra họ cũng cài đặt một vài người trong cái guồng máy tổ chức địa phận của Đức Lm Bình .. Đó là trường hộp lm Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần..mà tôi gọi bọn họ là tứ nhân bang. Nhiều người biết mà đành im lặng. Và nay đã đi qua ba đời giám mục. Người ta vẫn tự an ủi là ít ra Huỳnh Công Minh cũng là gạch nối, trung gian cần thiết giữa chính quyền và giáo hội.

Đó là nói tới cái lợi thực tế, cái lợị trước mắt. Nhưng đứng về mặt lý luận và lý tưởng, mặt tổ chức, mặt nhân sự thì điều đó không thể chấp nhận được. Người ta không thể đo lường hết được hết cái tai hại khi chọn lựa một linh mục thiếu phẩm chất trong số những người được tuyển chọn, chưa kể chọn lựa những người đã bị cài đăt, bị mua chuộc bởi chính quyền cộng sản.

Câu hỏi của tôi là giáo hội Thiên Chúa giáo còn chịu đựng sức ép đó được bao lâu nữa? Nay thì đã có dấu hiệu, chính quyền cộng sản đã mua chuộc được một số thẩm quyền cấp cao, tức là nơi các giám mục. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy có những vị đã không làm trọn hết trách nhiệm được giao phó. Chúng tôi cũng hiểu cái giới hạn của một người Việt ở Hải ngoại khi nhìn lại giáo hội bên nhà. Tư cách gì khi chúng ta ngồi ở đây để phê phán việc làm giáo hội bên nhà mà mỗi ngày họ phải đương đầu, mỗi ngày phải đối phó và tìm ra những chọn lựa thiết thực và khôn ngoan nhất cho chính mình?

Nói thì dễ, có ở trong chăn mới biết chăn có rận? Nhưng đôi khi không nói không được. Nghe biết mà không nói, không góp phần thì có thờ ơ quá chăng? Nhưng Phải nói bằng thứ ngôn ngữ nào để đôi bên còn có thể chia xẻ được? Và sự thể nay đã trở thành đề tài tranh cãi cho hai bên: Một phe đứng về phía Hội đồng Giám mục, bênh vực thái đô im lặng không lên tiếng trước vụ Lm Lý bị xử ra toà. Một phe phê phán thẳng thừng? Vấn đề là làm thế nào đặt để quyền lợi Giáo hội lên trên hết?

Còn nhớ trước đây, vào ngày 11/4/1984, Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, địa phận Huế đã gửi một văn thư cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Quốc Hội để biện bạch tranh cãi về pháp lý trong vụ xử án lm Nguyễn Văn Lý? Có điều gì khác biệt giữa thái độ của TGM Nguyễn Kim Điền và Hội đồng giám mục hiện nay?


Việc thống nhất Phật giáo

Có thể nói, đây là mối quan tâm hằng đầu của chính quyền cộng sản. Sau hai lần đại hội thống nhất Phật giáo vào năm 1951 và 1964. Đây là lần thứ ba tổ chức Hội nghị thống nhất Phật giáo. Sự thống nhất Phật giáo lần này chỉ nhằm một mục đích duy nhất: biến giáo hội Phật giáo VN trở thành một tổ chức bù nhìn cho cộng sản. Nếu năm 1963, có thể gọi là một cuộc tranh đấu dành sự độc lập và tự chủ cho Phật giáo thì 1981, Phật giáo thống nhất mang nặng ý nghĩa chính trị hơn là tôn giáo. Nhiều điều tôi nghĩ là “bí mật”, là không nên nói, nay cần phải rêu rao trên mái nhà để cảnh thức và báo động.

Tài liệu của ông Đỗ Trung Hiếu cho biết một phái đoàn do cụ Phạm Thế Long (nhà sư quốc doanh ở ngoài Bắc đến văn phòng Viện hoá đạo GHPGVNTN để bàn chuyện thống nhất Phật giáo. Lý do là vì đất nước đã thống nhất thì Phật giáo cũng phải thống nhất.

Nhưng có lần TT Huyền Quang hỏi ông Nguyễn Văn Hiếu, lúc đó là bộ trưởng văn hóa, về việc thống nhất; Ông này cho biết thống nhất là tốt, nhưng thống nhất các tổ chức PG yêu nước, chứ thống nhất làm gì với Phật giáo phản động? Ai là phản động đây? Trước đó thì cố hoà thượng Trí Thủ, các TT Trí Tịnh, Minh Châu (từ 1976 cho đến 1992, các ông đều ứng cử vào quốc hôi cộng sản) mỗi lần đi họp về đều thúc ép TT Huyền Quang gia nhập. Ông Trí Tịnh, trị sư trưởng trung ương giáo hội nhà nước đã đến chiếm luôn văn phòng Viện hoá đạo Ấn Quang làm văn phòng và từ đó buộc tất cả các tổ chức GHPGVNTN từ trung ương tới các địa phương phải hạ bảng hiệu để trương bảng hiệu của giáo hội nhà nước lên thay.

Việc thống nhất bao gồm những điểm chính sau đây:

– Thống nhất Bắc tông với Nam tông và khất sĩ
– Thống nhất về mặt tổ chức
– Thống nhất về chính trị. Có nghiã là sẽ ở trong Mặt trận Tổ quốc

Nhân sự sẽ là người của ta. Cụ thể những thành phần chủ chốt sẽ là:
– Hoà thượng Minh Nguyệt, tham gia cộng sản từ 1945, tù Côn đảo 15 năm, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thành Uỷ TP Hồ Chí Minh.
– Hoà thượng Thích Đôn Hậu, thoát ly năm 1968 vào chiến khu. Chính ông gửi thư cho Lê Duẩn, Chủ tich Tôn Đức Thắng, Chủ tịch quốc hội Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu về việc thống nhất Phật giáo VN.
– Hoà thượng Phạm Thế Long, đại diện Phật giáo miền Bắc
– Thượng Toạ Thích Minh Châu, Trí Thủ, Trí Tịnh, Thiện Siêu đều ngả theo cộng sản.
– Thượng Toạ Trí Tuệ, trị sự trưởng giáo hội nhà nước.

Và cộng sản đưa ra chủ trương, theo đó:

– Phải tranh thủ được Hoà Thương Thích Đôn Hậu và viện Tăng thống, hoà thượng Thích Trí Thủ, Thượng toạ Trí Quang và Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.
– Giải quyết cho bằng được số cực đoan quá khích. Đứng đầu là TT Thích Huyền Quang, TT Thích Quảng Độ bằng biện pháp thuyết phục là thượng sách. Thuyết phục hai TT Huyền Quang và Quảng Độ không được trong việc thống nhất Phật giáo năm 1981, chính quyền dùng biện pháp mạnh: quản thúc TT Huyền Quang tại Bình định và TT Quảng Độ tại Thái Bình, tại chùa Long Khánh, xã Vũ Đoài.

Chỉ còn lại TT Thích Trí Quang cần phải thuyết phục.

Theo ông Đỗ Trung Hiếu, trước khi đi gặp TT Trí Quang thì ông Xuân Thủy đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến vị sư này.

Cụ Xuân Thủy hỏi ông Đỗ Trung hiếu:

– Anh nghĩ thế nào về TT Thích Trí Quang?
– Thưa bác, đây là một nhà sư uyên thâm Phật học, hoạt động chính trị thông minh.
– Quan điểm chính trị của TT Thích Trí Quang ra sao?
– Thưa bác, cháu biết TT Trí Quang từ năm 1959 trong cuộc đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, TT Trí Quang là linh hồn của phong tráo Phật giáo miền Trung, và sau đó là nhà chiến lược của GHPGVNTN. TT đứng trên lập trường dân tộc. Nhưng ý anh Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) khác cháu.
– Trần Bạch Đằng nói sao?
– Anh Tư Ánh nói TT Trí Quang là CIA chiến lược. Cháu hỏi bằng cớ? Anh Tư Ánh nêu những sự kiện.
– Anh có thể bố trí cho tôi gặp TT Trí Qaung được không?
– Thưa bác cháu cố gắng.

Tôi sắp xếp thầy Trí Quang dự lễ thất tuần Hoà thượng Trí Độ. Tôi điện báo cáo nội dung gặp TT Trí Quang với cụ Xuân Thủy và điện cho anh Huy ở 34 Ngô Quyền, xin ban tôn giáo chính phủ yểm trợ. Hai hôm sau, TT Trí Quang nhắn tôi đến chùa Ấn Quang chơi. Thượng toạ Trí Quang cám ơn và đổi ý không ra Hà Nội vì sức khoẻ yếu. Ít hôm sau gặp cụ Xuân Thủy, cụ cho biết, công an Pp Hồ Chí Minh quá nhiệt tình đến xin tự nguyện mua vé máy bay và giúp phương tiện cho TT Trí Quang đi Hà Nội. TT Trí Quang lại biết người đó là công an nên nghĩ có vấn đề, liền hủy cuộc đi. Cụ Xuân Thủy cười: “Cọp vừa hé đầu ra miệng hang, ta lại vụng về làm cọp thụt vào rồi. Thôi đợi lúc khác”


Về TT Thích Trí Quang

TT Thích Trí Quang: Biểu tượng cua Phật giáo 1963-1968
Nguồn: NVL


Trước và sau 1963, TT Trí Quang được coi như linh hồn của phong trào tranh đấu Phật giáo chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm và các chính quyền kế tiếp. Nhưng sau vụ tướng Kỳ dẹp bàn thờ Phật ở Đà nẵng và nhất là ở Huế, hậu quả của việc này được coi như một một gáo nước lạnh làm nguội đi ngọn lửa Thích Quảng Đức.

Việc tuyệt thực 100 ngày của TT Trí Quang mà vẫn có thể sống và khoẻ mạnh đã thực sự chấm dứt cuộc đời tranh đấu của vị tu hành này. TT chọn rút lui và quy ẩn.

Sau 1975, TT có thể là cái đích số một mà cộng sản muốn nhắm tới để ám hại. Và TT đã khôn ngoan né tránh được thay vì chịu chung số phận như TT Thích Thiện Minh.

Nếu trong chính trị, mỗi khi muốn giải quyết một xung khắc nội bộ hoặc muốn khai trừ một người một cách êm đẹp, người ta cho một chức đại sứ để đi cho khuất mắt. Trong chế độ cộng sản, thay vì đi làm đại sứ, một người muốn yên thân thì chọn hay được chọn làm công việc dịch thuật. Ngoài Bắc, có Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường. Trong Nam Gs Lê Mạnh Thát và TT Trí Quang đều xoay ra dịch thuật. Nói như thế thì ở miền Nam trước đây, tôi chưa thấy một ai phải bất đắc dĩ làm công việc dịch thuật như vậy.

Tuy vậy, vị tất đã yên thân. Trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo, người cộng sản đã có chủ đích loại TT ra ngoài (neutraliser). Xin trích dẫn lại những lời phát biểu của TT Thích Trí Quang trước khi Giáo hội Phật giáo VN được thành lập bao gồm trong 5 điểm sau đây:
1.Về mặt đạo, thống nhất PGVN tức là phát huy bản sắc duy nhất của Phật là giác ngộ.
2.Về mặt tổ chức, thống nhất Phật giáo VN tức là Phật giáo VN chỉ có một tổ chức có tư cách pháp nhân ở trong nước và quan hệ quốc tế. Tất cả chịu sự lãnh đạo duy nhất của trung ương.
3.Về mặt xã hội, Mọi hoạt động xã hội đều phải tuân theo sự lãnh đạo của Trung ương giáo hội.
4.Về nhân sự, thống nhất Phật giáo VN tức là các vị cao tăng đức độ được tăng ni Phật tử cả nước tín nhiệm chứ không phải là sự thỏa thuận hay áp đặt theo yêu cầu chính trị.

Có lẽ chỉ có câu cuối chót nhận định của TT Trí Quang có một ý nghĩa rõ ràng và minh bạch, muốn loại trừ vấn đề chính trị ra khỏi tôn giáo. Tất cả những nhận định ở 3 phần trên chỉ có tính cách lý thuyết và nói cho xong chuyện để được yên thân.

Cũng vì lẽ đó, sau hơn hai giờ nói truyện với TT Trí Quang, ông Đỗ Trung Hiếu đã nhận xét một cách mỉa mai như sau:


“Thưa Thượng toạ, những điểm thầy nêu ra, cá nhân tôi đồng tình… Còn thực tế thường nhiêu khê không như ý mình muốn, không như lý tưởng mình tôn thờ. Và nhắc nhở thầy Trí Quang: thầy là người lịch duyệt hẳn dễ thông cảm”
(Trích buổi đàm đạo giữa TT Trí Quang và ông Đỗ Trung Hiếu)

Sau 1981, vai trò TT Trí Quang kể là không còn nữa..

Sau tất cả đoạn trích dẫn ở trên cho thấy là việc thống nhất Phât giáo dưới mắt người cộng sản chỉ là tổ chức thế nào để có thể kiểm soát được toàn bộ giáo hội phật giáo thống nhất.
Để thưởng công, sau khi tổ chức xong vụ thống nhất Phật giáo, Ban tôn giáo mỗi người được lên một bậc lương, riêng anh Nguyễn Quang Huy lên hai bậc lương, lên Vụ trưởng vụ tôn giáo ban Dân vận Trung ương. Và theo ông Đỗ Trung Hiếu, Đại hội thống nhất Phật giáo thành công. Chủ tịch Phạm Văn Đồng tiếp đoàn đại biểu. Hầu hết số 140 đại biểu miền Nam ở chùa quán sứ và nhà khách chính phủ mở liên hoan thâu đêm. Thường vụ thành ủy đánh giá việc thống nhất Phật giáo VN là một thành công kỳ diệu… Nhưng tôi (ĐTH) thấy kết quả không đứng đắn lắm nên tìm cách rút lui.

Kể từ nay trên giấy tờ, chỉ còn một tổ chức, MỘT giáo hội Phật gíao mà thôi.

Một tổ chức giáo hội như thế thì con đường trần thế hẳn là mở rộng để cho bất cứ ai còn tham sân si có cơ trục lợi. Chẳng hạn đã có lần ông Đỗ Trung Hiệú đã chọn ra 11 vị đi phó hội sang Cam pu chia, sang “giải độc” sau khi Việt Nam xâm chiếm xong Cam Bốt. Ngoài TT Minh Châu, nay đổi ra Bắc Tông, tất cả còn lại là Nam Tông cộng thêm mẫu số chung là cộng sản. Đó là các nhà sư như Bửu Chơn, trưởng đoàn, Giới Nghiêm, Siêu Việt, Minh Châu, Thịện Tâm, Danh Dĩnh, Danh Bận, Danh Đệm, Danh Ấm, cư sĩ Danh Ôn, nhà thơ Hải Như, Đỗ Thế Đồng, tức Đỗ Trung Hiếu.

Người của thời cuộc (2003...): Gs Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng ĐH Phật giáo (750 Nguyễn Kiệm, F.4, Quận Phú Nhuận, Saigon, Vietnam, Tel: (84-8) 844 2358 – 750 2186 Fax: (84-8) 844 3416 – 997 4447, Email: dhpgvn@vbu.edu.vn
Nguồn: vesakday.net


Và cứ thế, giáo hội Phật giáo Việt Nam lấn lướt GHPGVNTN mà điển hình là sự chọn lựa Gs Lê Mạnh Thát trong vai trò Phó Viện trưởng viện Phật học thay thế dần chỗ của TT Thích Minh Châu. Lê Mạnh Thát lúc này là con người của thời cuộc trong tư thế tốt đạo đẹp đời, nối kết giữa đảng nhà nước và tôn giáo. Tư thế của ông là lưỡng tính. Ông khước từ chức vị Thượng toạ và trên tấm danh thiếp, ông để là giáo sư. Ngoại diện, ông để tóc dài, mặt mũi tươi tốt, mặc áo cánh như một cư sĩ. Nhà nước cung cấp xe cộ, tài xế là một chú tiểu. Tôi nhìn đạo Phật qua hai mẫu người: chú tiểu và Gs Lê Mạnh Thát. Phục vụ là một lô các ni cô chắc là tập sinh trong một cung cách rất là phong kiến, nhà ở dành cho các đại gia giầu có, một mảnh đất 30 mẫu cho việc xây cất đại học. Ông có đủ những thứ mà người đời mơ ước, mong đợi trong cuộc đời này.

Ông ăn nói tự nhiên và tự hào không giấu giếm mà bất cứ ai gặp ông cũng nhận thấy như thế.

Tôi biết như thế và tôi cũng nhận thức rõ những người đã gặp ông có thể cũng cảm nhận như thế. Chỉ có điều, không một ai muốn bày tỏ công khai. Có lẽ chỉ còn ông Đỗ Trung Hiếu đã cảm thức được điều này, sau khi đại hội Phật giáo thống nhất 1981 thành công.

Tôi chỉ có một điểm thắc mắc, con người gs Lê Mạnh Thát đến 90% là thế tục từ trong ra ngoài lại giữ vai trò huấn luyện đạo đức tinh thần, đức khổ hạnh, lòng khiêm cung, ăn chay niệm Phật. Đồng thời ông phải là gương mẫu cho tăng ni sinh. Những người sau này sẽ là những vị đại đức, thượng toạ? Hãy thử hình dung ra diện mạo những vị đại đức tương lai sẽ như thế nào?



Kết luận chung


Điểm thứ nhất, tôi đã đọc một thư của Bộ Văn Hoá thông tin, do ông Đỗ Quý Doãn, vụ trưởng vụ báo chí gửi cho Hội đồng giám mục VN về việc cho in một ấn bản thông tin vào ngày 26/7/2001. Nghĩa là giấy cho phép in cách đây chưa được 10 năm, trong đó cho phép HDGMVN được in một bản thông tin 2 tháng một kỳ, dày 50 trang và số lượng bản in là 100 bản. Có gần 7 triệu người công giáo VN chia nhau đọc 100 bản thông tin này. Mà đây chỉ là giấy cho phép xuất bản tạm thời.

Con đường tranh đấu cho tự do tôn giáo còn dài và đầy cam khổ đòi hỏi sự kiên trì và hy sinh nhiều lắm.

Chính ở những quy định luật pháp trong việc cho phép hay không cho phép này để thấysự giới hạn tự do thông tin và tự do tôn giáo nằm ở chỗ nào.

Không phải cứ cho đi lễ nhà thờ, đi chùa là có tự do tôn giáo? Phải nhìn nhận những trở ngại cho tự do tôn giáo từ chỗ nào.

Điểm thứ hai, tôi nhìn lại những cái chết của đại đức Thích Huệ Hiền, tự nguyện tự thiêu cùng với 11 vị tăng ni khác vào tháng 11/ 1975, tại Rạch Gòi, cách thành phố Cần Thơ 50 cây số đã bị rơi vào quên lãng. Xác 12 vị bị lôi ra vệ đường, sau đó tẩm xăng và đốt. Phần còn lại chôn chung vào hai quan tài. Thiền Viện dược sư sau đó bị san bằng.

Trong biên bản về những cái chết này do Huỳnh Châu Sổ, phó thanh tra trung ương từ Hà Nội vào kết thúc biên bản điều tra có nội dung như sau:

– Huệ Hiền trước đây làm chỉ điểm cho CIA, Mỹ nguỵ
– Huệ Hiền đã dâm ô, hủ hoá với mấy ni cô, sợ việc đổ bể nên y đã tự tử và đốt chùa
– Đặc biệt thầy Huệ Thành, sư phụ của đại đức Huệ Hiền cũng công nhận như vậy.

Xin lưu ý biên bản này hoàn toàn trái ngược với bức thư tuyệt mệnh của đại đức Thích Huệ Hiền đề ngày 29 tháng chín, Ất mão (ngày 02/11/1975).

Tôi chua chát so sánh cái chết của Bồ tát Thích Quảng Đức và 12 cái chết của 12 vị tăng ni ở Rạch Gòi. Tôi cũng chua chát nhắn những vị đang vinh danh Quách Thị Trang những ngày gần đây. Xin hãy nhớ cho cô nhi viện Quách Thị Trang ở đường Trần Quốc Toản, phía sau Việt Nam quốc tự nay đả bị dập bảng hiệu GHPGVNTN và thay thế bằng một rạp chiếu bóng. Những điều này, chúng tôi chỉ ghi lại chứng từ của TT Thích Quảng Độ, viết tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, tháng 1/1992.

Điểm thứ ba, Chính quyền cộng sản đã làm chủ ngôi nhà Phật giáo mà không cần đến luật số 10 của Bảo Đại nữa, không tốn phí người đi dẹp biểu tình, không mất công giải độc những vụ tự thiêu, không có những Thích Quảng Đức nữa, không có hình ảnh những ông Thích Trí Quang ngồi điềm nhiên toạ thị thách thức cả một chế độ nữa. Và cũng không nhận được những lời phẫn uất của những phật tử từng tự hào tranh đấu cho Phật giáo. Nay thì họ đồng loạt im thin thít.

Còn về phần chính quyền cộng sản. Họ không mất một cái gì và họ được tất cả. Phật giáo mất hết tư thế một giáo hội Phật giáo duy nhất, độc lập và tự do. Tôi không mường tượng đựợc sau cái chết của TT Huyền Quang và Quảng Độ thì tương lai Phật giáo sẽ đi về đâu?
Sau buổi liên hoan mừng Đại hội thống nhất thành công, ông Đỗ Trung Hiếu một mình lang thang ở hồ Hoàn Kiếm, nhìn về cầu Thê Húc và tưởng rằng thuyền của vua Lê đi nhanh về phía ông… Nhưng khi thuyền rồng tới gần ông thì ông mới chợt nhận ra vị cao tăng trên thuyền rồng chính là Hoà thượng Thích Trí Độ. Ngài cất tiếng đôn hậu nói rằng:

– Anh Mười (tức Đỗ Trung Hiếu), tôi biết tấm lòng anh. Anh gắng giúp quý thầy trong Nam giữ đạo được yên lành.

Đây phải chăng cũng là một message của Hoà thượng Thích Trí Độ gửi đến tất cả Phật tử miền Nam.

Và tôi có một nhận xét cuối cùng về hậu quả xâm nhập của chính quyền cộng sản vào hai tôn giáo lớn ở Việt Nam như sau:
– Đối với Thiên Chúa giáo, có sự xâm nhập và mua chuộc được cá nhân các thành phần tu sĩ, giáo dân ở mọi giai tầng, từ linh mục trong nhà xứ đến giám mục địa phận. Và ngay cả xâm nhập vào trong thành phần Hội Đồng giám mục VN... Nhiều khi chỉ cần một ông giám mục mất bản chất cũng có thể gây tác hại nghi kỵ, gây hiểu lầm giữa các vị khác. Nhưng ít ra tiếng nói của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng vẫn là tiếng nói trung thực đại diện cho quyền lợi giáo hội mà họ là đại diện. Ít là như thế.

– Đối với Phật giáo thì chính quyền cộng sản xâm nhập và lãnh trọn quyền lãnh đạo trong tổ chức giáo hội, thông qua cái được gọi là GHPGVN.. Từ tổ chức này, uy quyền và sự áp lực, chế tài của GHPGVN áp đặt trên các khuôn hội và các cá nhân từ quý vị lãnh đạo cấp cao đến cấp dưới của Phật giáo Việt Nam. Những người hay quý vị tu sĩ nào còn đứng ngoài tổ chức trên sẽ mất hết mọi quyền lợi tinh thần, vật chất cũng như pháp lý và có thể bị coi là thành phần bất hảo, chống lại nhà nước có thể bị cấm di chuyển, bị đe doạ, bị bắt giữ bất cứ lúc nào.

Đó là số phận dành cho quý vị Hoà thượng, thượng toạ, đại đức, tu sĩ, tăng ni còn một lòng một dạ với Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cũ. Họ sẽ tồn tại và sống còn được bao lâu theo như lời di huấn mong ước của Hoà Thượng Thích Trí Độ?




© DCVOnline, LTC đăng lại sau khi sửa ít lôĩ morasse và ngôn từ

Về đoạn thơ ở đầu bài : là trích trong bài MẤT CẢ CUỘC ÐỜI của Hòa Thượng Thích Quảng Độ :

Xuân này tôi mất mẹ rồi,
Cũng là mất cả cuộc đời còn chi!
Từ nay đoạn đường tôi đi,
Qua hàng thông lạnh gió vi vu sầu.
Một mình lặng lẽ cúi đầu,
Quanh tôi tất cả nhuộm mầu tóc tang!
Bước đi nghĩa địa lan man,
Chết rồi hay sống điêu tàn như nhau.
Ðầu Xuân Bính Dần (1986)


* * *


No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...