. .

Friday, May 1, 2009

Ngày 30-4 Và Thuyền Nhân -Trần Khải

Ngày 30-4 Và Thuyền Nhân
TRẦN KHẢI

Căn Giữa

Sau 3 triệu người chết, cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào ngày 30-4-1975. Những ngày hòa bình buồn bã và sợ hãi bắt đầu. Không êm thắm tí nào, xã hội Việt Nam ở cả hai miền lúc nào cũng sôi động, kể cả cho tới bây giờ, vừa đúng 29 năm sau. Những giá trị lớn nhất mà nhân loại tìm kiếm vẫn còn vắng mặt ở quê nhà: tự do và dân chủ luôn luôn là điều cấm kỵ.

Một chương sử mới của dân tộc cũng hốt hoảng mở ra, khi người cộng sản tàn bạo tràn vào Nam tìm đủ phương kế để đánh cho kiệt quệ tiềm lực người dân, để không bao giờ có thể kháng cự lại nữa: bắt cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền, xiết hộ khẩu, bán gạo theo khẩu phần, đẩy đi kinh tế mới, con chaú ba đời liên hệ bị xua đuổi khỏi trường, cả nước đói tới xanh mặt... Những cuộc kháng cự địa phương liên tục bị trấn áp tàn bạo. Người người nhìn nhau ngờ vực. Nhà nhà soi mói vào bếp của nhau. Cả nước trở thành một nhà tù khổng lồ. Ngay cả nhiều người một thời vui mừng trước tình hình thống nhất, cũng tỉnh ngộ với cái giá phải trả quá lớn.

Lịch sử thuyền nhân bắt đầu, khi đồng bào chấp nhận liều thân ngoài biển để tìm một đường sống mong manh; chuyện y hệt như trong sách cổ từng ghi rằng dân chúng nhìn thấy nhà nước hà khắc còn hung ác đáng sợ hơn là cọp dữ.

Trước đó, thực sự, đã có hơn 130,000 người Việt rời nước trong các giây phút cuối cùng của cuộc chiến. Trong đó, khoảng 65,000 viên chức chính phủ và quân đội VNCH và các nhân viên người Việt của Hoa Kỳ và gia đình của họ được xem là "có cơ nguy bị trả thù" và được di tản trực tiếp bởi quân đội Mỹ; với thêm 65,000 người Việt tự rời nước bằng tàu chiến, phi cơ quân sự và tàu bè. Hầu hết được đưa về Guam trước, và sau đó vào định cư ở Hoa Kỳ.


Tính cho tới 25 năm sau ngày Sài Gòn thất thủ, đã có khoảng 3 triệu người tị nạn từ các nước Việt Nam, Lào và Cam Bốt - trong đó có tới 1.75 triệu người Việt Nam tị nạn qua đường bộ và đường biển. Họ đã được định cư hầu hết ở các nước Tây Phương và Uùc Châu. Trong đó, riêng chương trình United States East Asian Refugee Admissions Program (Chương Trình Tiếp Nhận Tị Nạn Đông Á Của Hoa Kỳ) đã định cư hơn 1.4 triệu người tị nạn Đông Dương, với khoảng 900,000 người từ Việt Nam. Và còn nhiều ngàn người khác đã chết trên đường rời bỏ Việt Nam trên các tàu bè mong manh - số người kém may mắn này không thể chính xác ước tính được.

Vào tháng 5-1975, với sự thúc giục của chính phủ Mỹ, Cao Ũy Tị Nạn LHQ - cơ quan quốc tế trực tiếp trách nhiệm bảo vệ người tị nạn và trợ giúp các chính phủ tìm giải pháp cho nhu cầu người tị nạn, kể cả định cư - đưa ra lời kêu gọi toàn cầu để nhận định cư người tị nạn Đông Dương. Đáp ứng lời kêu gọi đó, khoảng 25 nước nhận lời giúp, và chương trình đầu tiên này đã tiếp nhận định cư khoảng 11,000 tới 12,000 người Việt. Trong các năm kế ngay sau 1975, chỉ có một số người Việt rời nước bằng tàu thuyền. Họ đi tới nhiều nơi trong khu vực: tới Mã Lai, Thái Lan, Indonesia, Hồng Kông và Phi Luật Tân.

Nhưng từ năm 1977, số thuyền nhân rời Việt Nam bỗng nhiên tăng vọt. Các đợt tị nạn này phần lớn là do các chính sách tàn bạo mới tung ra của chính phủ Hà Nội. Từ việc kéo dài thời lượng cải tạo những viên chức chế độ cũ, cho tới việc chuyển sang chế độ kinh tế tập trung, mấy lần đổi tiền và thêm nhiều đợt "đánh giai cấp tư sản mại bản," rồi lại đưa người thành phố đi vùng kinh tế mới; đời sống dân Việt Nam càng lúc càng đói kém, càng căng thẳng. Sau khi bùng nổ cuộc chiến giữa Việt Nam và chính phủ Khmer Đỏ ở nước láng giềng Cam Bốt, chính phủ Hà Nội ra lệnh động viên và đưa quân tiến vào Nam Vang. Làn sóng thuyền nhân tăng vọt ngay.

Vào cuối năm 1977, hơn 15,600 người Việt đã đi thuyền tới các nước Đông Nam Á và Hồng Kông. Con số này vẫn còn tương đối thấp, nhưng việc họ tới vẫn gây báo động và không được đón nồng nhiệt. Các chính phủ trong khu vực không muốn để người tị nạn ở lại trên nước họ. Thậm chí họ không muốn gọi thuyền nhân là "người tị nạn." Lúc đó, thực sự tất cả các nước trong khu vực đều không gọi họ là tị nạn, mà chỉ dùng chữ "người rời quê hương" (displaced persons) để gọi.



Vào tháng 3-1978, Hà Nội ra lệnh quốc hữu hóa toàn bộ thị trường lúa gạo và các thị trường tiêu thụ tư nhân, và số người rời khỏi VN lại tăng vọt thêm, đại đa số đợt này là các doanh gia và tiểu thương gốc Hoa. Cuộc bỏ chạy này còn được thúc đẩy bởi chính phủ CSVN đã đưa khoảng 1.5 triệu người gốc Hoa rời khỏi cả Bắc và Nam Việt Nam, sau khi quy tội họ là trở ngại kinh tế VN. Nhiều người gốc Hoa lúc đó nằm trong danh sách "đối tượng theo dõi, tịch thu tài sản, và ép buộc đi Vùng Kinh Tế Mới."

Một số rời Bắc VN để vào Trung Quốc; vào lúc chính phủ CSVN đóng cửa biên giới với Trung Quốc vào tháng 7-1978, có khoảng 160,000 người gốc Hoa đã bỏ chạy hay bị trục xuất vào các tỉnh Guangxi và Yunnan của Trung Quốc. Con số này tăng thêm 8,000 người mỗi tháng cho tới cuối năm 1978, thì đã có khoảng 200,000 người Hoa trốn chạy sang Trung Quốc. (Tính toàn bộ, sẽ có khoảng 240,000 người Việt gốc Hoa trốn chạy và định cư ở Trung Quốc.)

Còn những người Việt khác, cũng hầu hết là gốc Hoa, bắt đầu trốn khỏi các phần khác của VN qua đường biển: phải trả tiền cho các đường dây đưa thuyền nhân đi bất hợp pháp, và thường thì các đường dây này có sự bao che của các cán bộ địa phương. Những tàu thuyền sử dụng càng lúc càng lớn hơn, theo nhu cầu kinh doanh, trong đó có chiếc có sức chở nhiều trăm người. Một số taù bè đi về hướng Bắc vào Hồng Kông, hoặc đi thẳng ra Biển Đông để tới Phi Luật Tân. Hầu hết thì hướng về Nam, qua Thái Lan, và khi lối đi này nguy hiểm vì hải tặc và cướp, họ chuyển hướng sang Mã Lai và rồi Indonesia.

Vào cuối năm 1978, Mã Lai bắt đầu ngăn cản tàu thuyền vào bờ; và nếu có tàu thuyền nào vào bờ được, thì lại bị kéo ra biển lại.

Vào tháng 11-1978, UNHCR đã có thể cho Đại Diện địa phương phỏng vấn một số thuyền nhân trên một trong các tàu thuyền không được phép vào bờ Mã Lai. Ông đã gửi qua điện tín bản phân tích và đề nghị lên bản doanh UNHCR tại Geneva, Thụy Sĩ.

Vào ngày 14-11-1978, để đáp ứng tình hình và điện tín cho người Đại Diện, UNHCR tuyên bố rằng "trong tương lai, các trường hợp tàu thuyền trốn chạy khỏi VN sẽ được cứu xét đương nhiên là quan tâm của UNHCR..." Với bản điện tín mang theo chính sách đó, UNHCR đang mở ra một chính sách sẽ kéo dài hơn một thập niên về sau để xem xét bất kỳ và tất cả các thuyền nhân VN là "quan tâm của UNHCR," nghĩa là đương nhiên họ có quy chế tị nạn, có sự bảo vệ của UNHCR.

Vào tháng 12-1978, Việt Nam tiến chiếm Cam Bốt, và một tháng sau đó thì Trung Quốc đưa quân vào tấn công Việt Nam, thúc đẩy thêm các đợt tị nạn mới.

Vào cuối năm 1978, gần 62,000 thuyền nhân ở trong các trại ở 9 quốc gia vùng Đông Nam Á và Đông Á, với hơn 46,000 người ở Mã Lai, 4,800 người ở Hồng Kông, và 3,600 người ở Thái Lan.

Đó là chưa kể Thái Lan lúc đó đang có hơn 140,000 người tị nạn chạy từ Cam Bốt và Lào sang.

Tính chung, khoảng 61,000 người Việt đã đổ bộ Mã Lai năm 1978 (trong đó 40,000 người tới chỉ trong vòng 3 tháng cuối cùng năm đó).Cùng lúc đó, Mã Lai đẩy ra biển khoảng 5,000 người Việt Nam. Riêng trong năm 1978, Hải Quân Mã Lai ngăn cản khoảng 51,400 người Việt trên 386 chiếc ghe không cho vào bờ Mã Lai.

Cũng trong năm 1978, có gần 49,000 thuyền nhân Việt vào bờ Indonesia.

Nhưng không có gì ngăn cản nổi làn sóng thuyền nhân. Trong lúc đó, số người chết ngoài đại dương cũng tăng theo.

Tính tới giữa năm 1979, hơn 700,000 người Việt đã rời quê hương. Trong khi khoảng 500,000 người đã được định cư, còn 200,000 người trong các trại tị nạn chờ định cư: 75,000 người tại Mã Lai, 49,000 người ở Hồng Kông, 43,000 người ở Indonesia, 9,500 ở Thái Lan, và 5,000 người ở Phi Luật Tân.

Vào tháng 6-1979, một hội nghị của Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) đưa bản tuyên bố chung, cảnh cáo rằng các nước liên hệ đã "tới tận cùng sức chịu đựng [tiếp nhận tị nạn] và đã quyết định không nhận thêm người mới tới."

Cùng lúc đó, Liên Hiệp Quốc họp để soạn ra sơ lược một chương trình đa phương mới cho tị nạn Đông Dương, đưa ra 3 mục tiêu chính của chương trình này: 1) ngăn chận việc nhà nước [CSVN] trục xuất người và việc đưa dân ra khỏi VN bất hợp pháp, 2) tái xác nhận một vài phần chương trình định cư để yêu cầu các chính phủ địa phương đừng đẩy ghe tàu tị nạn ra biển, và 3) tăng số nơi định cư ở Tây Phương để giảm số hồ sơ tị nạn còn chậm trễ trong các trại.

Vào ngày 30-6-1979, Tổng Thư Ký LHQ Kurt Waldheim đưa lời mời chính thức cho 71 quốc gia để họp một hội nghị quốc tế về tị nạn sẽ tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ vào các ngày 20-21 tháng 7-1979.

Hội nghị Geneva đã đưa ra kết quả chờ đợi, và đưa ra 4 biện pháp chính.

1. Để giảm nỗi lo cho các nước ASEAN và Đông Á về gánh nặng người tị nạn, khoảng 20 nước trong Hội Nghị hứa đón định cư thêm.

2. Nhiều nước hứa sẽ dùng Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự ODP để nhận dạng và chọn người Việt cho định cư theo các ưu tiên về tị nạn và di trú riêng mỗi nước.

3. Để giúp người tị nạn sớm hội nhập ở các nước định cư, đặc biệt cho người sẽ định cư ở Mỹ, các trung tâm tị nạn sẽ mở rộng thêm, để khám và chữa trị sức khỏe, để học Anh Văn và học cách hội nhập.

4. Việt Nam hứa ngăn cản việc vượt biên. [Điều này cũng gây tranh cãi trong nội bộ UNHCR và với các hội đoàn bênh vực người tị nạn khắp thế giới. Vì sự ngăn cản này như dường đã vi phạm Điều Khoản 13.2 trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, trong đó viết rằng "Bất kỳ ai cũng có quyền rời bỏ bất kỳ nước nào, kể cả quê hương của họ."]

Kết quả trực tiếp của Hội Nghị này là 2 Trung Tâm Tiến Hành Thủ Tục Tị Nạn được xây dựng hay mở rộng trong khu vực: một trung tâm trên Đảo Galang, Indonesia, và trung tâm kia ở tỉnh Bataan của Phi Luật Tân.

Nhờ kết quả Hội Nghị Tháng 7-1979, Hải Quân Mã Lai đã ngưng kéo ghe thuyền nhân ra biển. Ghe thuyền nhân được cho vào bờ làm thủ tục.

Nhưng cũng chính thời điểm này, quốc tế chú ý tới hiện tượng hải tặc tăng vọt ở Vịnh Thái Lan. Thí dụ, theo thống kê UNHCR, vào năm 1981, có 349 ghe trong số 452 ghe VN vào bờ Thái Lan đã bị tấn công ở mức trung bình 3.2 lần trong chặng đường ra khơi từ VN tới Thái. Trong số người đi ghe từ VN, có khoảng 881 người được ghi tên vào danh sách chết hay mất tích, có 578 phụ nữ bị hiếp dâm, và 228 phụ nữ bị bắt cóc. Đó là tháng 8-1981, trước khi quốc tế bắt đầu giải quyết bằng hàng loạt biện pháp chống hải tặc.

Chương trình ODP của Hội Nghị Tháng 7-1979 cũng giúp giảm làn sóng thuyền nhân. Theo tài liệu tổng kết lúc 25 năm sau 1975, đã có khoảng 4,600 cựu viên chức chính phủ Mỹ đã sang Hoa Kỳ định cư nhờ chương trình ODP. Có thêm khoảng 165,000 cựu tù nhân cải tạo và thân nhân trực hệ của họ được vào Hoa Kỳ.

Hơn 80,000 trẻ em Việt lai Mỹ và thân nhân trực hệ được vào Hoa Kỳ qua chương trình đặc biệt thiết lập bởi Quốc Hội Mỹ với luật Amerasian Homecoming Act of 1987.

Và sau khi người tị nạn Việt thời thập niên 1970s nhập tịch ở các nước định cư và làm giấy bảo lãnh cho thân nhân rời VN hợp pháp.

Dù vậy, làn sóng thuyền nhân vẫn đều đặn ra đi. Nhiều nước lại bắt đầu mất kiên nhẫn vì gánh nặng thuyền nhân. Hồng Kông là nước đầu tiên quyết định không tự động đón nhận người mới vào: sau ngày 16-6-1988, tất cả thuyền nhân tới Hồng Kông sẽ bị thanh lọc. Dù vậy, gần 34,000 người Việt đã tới Hồng Kông trong năm 1989, hầu hết hy vọng vào kịp trước khi cánh cửa tự động định cư bị đóng sập lại.

Mã Lai lại bắt đầu chính sách đẩy ghe thuyền nhân ra biển sau 10 năm không áp dụng, và đưa ra thời hạn kết thúc điều kiện định cư: ngày 14-3-1989.

Tình hình này buộc LHQ phải mở ra một hội nghị mới, tổ chức các ngày 13-14 tháng 6-1989. Trong hội nghị, khoảng 70 nước chấp thuận Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện 1989 (Comprehensive Plan of Action, viết tắt CPA). Mục tiêu chính lúc đó là giải quyết khoảng 100,000 thuyền nhân Việt đang trong các trại tị nạn khắp vùng Đông Nam Á và Hồng Kông, và đối phó với những người có thể ra đi các năm tới. Theo kế hoạch CPA, mỗi nước trong khu vực có một ngày ấn định để khép luôn cánh cửa tị nạn. Sau các ngày này, thuyền nhân phải bị thanh lọc; những ai rớt thanh lọc sẽ bị trả về VN.

Kết quả của CPA là số thuyền nhân giảm nhiều. Trong năm 1989, khoảng 70,000 thuyền nhân Việt rời bỏ VN. Trong năm 1992, chỉ có 41 người Việt tới các trại tị nạn.

Vào lúc CPA chính thức kết thúc vào ngày 30-6-1996, với tốn phí hơn 500 triệu Mỹ Kim, người Việt trong các trại Đông Nam Á và Hồng Kông hoặc là được cho định cư, hoặc là được chiêu dụ tự nguyện hồi hương về VN. Những người đầu tiên về VN là 75 người về VN từ Hồng Kông trong tháng 3-1989. Nhưng không phải ai cũng chịu tự nguyện hồi hương. Cho nên chính phủ Hoa Kỳ cho lập chương trình ROVR để sẽ tái phỏng vấn tại Việt Nam những thuyền nhân nào chịu về nước.

Tính tới năm 1999, có khoảng 1.75 triệu người Việt đã rời VN và được định cư - tại Hoa Kỳ, tại các nứớc Tây Phương và tại Trung Quốc. Trong số đó, Hoa Kỳ đón nhận 900,000 người, Canada, Uùc và Pháp đón nhận 500,000 người khác. Có khoảng 250,000 người Việt định cư luôn ở Trung Quốc, và 100,000 người khác tới các nước định cư khác.

Indonesia đóng cửa Trại Tị Nạn Galang vào ngày 8 tháng 9 năm 1996.

Cao Ũy Tị Nạn LHQ chính thức tuyên bố đóng cửa Trại Tị Nạn Galang vào ngày 9 tháng 9 năm 1996. Tính chung, đảo Galang đã đón nhận hơn 120,000 thuyền nhân Việt và Cam Bốt kể từ thập niên 1970s.

Nhóm cuối cùng 486 người Việt rớt thanh lọc đã rời Trại Galang trong tháng 9-1996. Tính chung trong cả năm này, có 3,117 người Việt tự nguyện hồi hương, và có 1,377 người bị cưỡng bách hồi hương. Từ đó, Indonesia biến Đảo Galang thành khu kỹ nghệ đặc biệt.

Trang sử thuyền nhân khép lại, để mở sang trang mới cho sự hình thành các cộng đồng người Việt hải ngoại, nơi lý tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền được trân trọng, và hy vọng rồi một ngày ngọn lửa lý tưởng này sẽ được đưa về lại quê nhà.

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn với các phương tiện mới: những trang web gửi và chuyển thông tin về quê nhà, phong trào dựng cờ vàng ở các thị xã Hoa Kỳ, tiếp sức các nhà hoạt động dân chủ và đòi quyền tự do tôn giáo. Ngọn lửa tự do không bao giờ bị dập tắt, dù là ở ngay tận quê nhà.

Trần Khải (Viet Bao Online)

Nguồn : web lyhuong

* * *

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...