Lê Tùng Châu : Trong mấy ngày qua của trung tuần tháng 6 / 2009 này, một loạt sự kiện chính trị kinh tế xã hội dồn dập xảy ra tại Việt Nam. Đáng chú ý nhất vẫn là diễn biến chính trị, với việc Trung cộng "thử phổi" tập đoàn CS hanoi khi cấm ngư dân Việt Nam đánh cá ở biển đông như thể chúng đương nhiên có chủ quyền trong vùng lãnh hải còn tranh chấp chưa ngã ngũ mà biểu hiện im lặng cúi đầu khiếp nhược nhục nhã̉ mà tập đoàn CS hanoi chọn đã gậy uất ức, khinh bỉ rộng khắp trong lòng dân Việt Nam. Tiếp theo vẫn là những phản đối có tổ chức của hầu như tất cả các tầng lớp nhân dân nhất là trí thức, như các cựu "công thần" Nguyễn Huệ Chi (lập trang http://www.bauxitevietnam.info/ để tập hợp ý kiến quần chúng và bày tỏ phản đối quyết liệt), Dương Trung Quốc, ...gần đây nhất là sự kiện "hi hữu" Luật sư Cù Huy Hà Vũ đâm đơn kiện Nguyễn tấn Dũng ra tòa vì đã vi hiến khi ký quyết định bật đèn xanh cho Trung cộng vào Tây Nguyên khai thác bauxite. Ngược hẳn lại với thái độ khiếp nhược đê hèn trước sự lấn lướt không che đậy của Bắc Kinh, tà quyền hanoi lại "lên gân", hùng hổ với người trong nhà qua một vụ bắt bớ mới. Người Việt Nam yêu nước và dấn thân (dù ẩn mình hay công khai) tranh đấu cho Dân Chủ và Nhân Quyền không còn lạ gì khi tập đoàn CS hanoi tùy tiện vu cáo và bắt bớ, nhũng nhiễu các giới khi chúng tự cho là họ có ý "chống nhà nước" hòng vu họ vào cái tiếng "phạm pháp" để dễ bề bỏ tù họ mà bịt miệng, hoặc ít nữa là chơi trò "xã hội đen" khi chúng cho cả tiểu đội công an chìm, nổi giữ riệt Luật sư Lê Trần Luật lại Saigon, không cho đi ra bắc để bào chữa cho Giáo dân Thái Hà tháng trước khi Luật sư Luật đã được nhận giấy bào chữa của Tòa nhưng tên công an dẫn nhóm đệ tử theo bám anh đã nói "Tao đố mày ra được Hà Nội. Nếu cần 1 ngàn người để chặn mày chúng tao vẫn có", thì không ai còn có thể nghi nan gì về tính côn đồ mafia của tập đoàn CS hanoi nữa. Chúng đã "cùng đường". Một cách hiển nhiên !!! Lần này, với việc ngày 13 thứ bảy vừa rồi chúng bắt Luật sư Lê Công Định cũng không đi ra ngoài lề lối đó. Như thế, ta khỏi phải bàn cãi dông dài về khái niệm Chính/Tà giữa giới cầm quyền hiện nay và các chiến sĩ đấu tranh ôn hòa cho Nhân Quyền tại quốc nội. Tuy nhiên, để tiện việc thẩm định "ai có tội", những kẻ có súng CS hanoi hay người sĩ phu yêu nước thương nòi, tôi nghĩ tất cả chúng ta nên đọc CHÍNH Ý nơi bài Bào Chữa sau đây của Luật sư Định, sẽ góp ích cho chúng ta (và bao người khác) rất nhiều, những lập luận bình tĩnh, ôn hòa, minh bạch và khách quan khi phải đối đầu với bạo quyền CS hanoi trong giai đoạn thở những hơi tàn này của chúng, đặng chúng ta và các chiến hữu dân chủ khác yên lòng, vững tâm với Lý Tưởng của mình trước những luận điệu vô học, vô bằng, xuyên tạc, chà đạp nhân quyền được ngụy trang một cách thô bỉ dưới vỏ bọc Pháp Luật mà cộng sản thường dương ra. Một khi ta chứng minh cho chúng thấy chính cái nhà nước của chúng mới phạm pháp, vi hiến, thì sự Thắng Bại về Tư Tưởng coi như đã ngã ngũ, và chúng sẽ không dễ bắt nạt ai nữa. Một "bài bào chữa" nhưng thực ra là cả Tuyên Ngôn hùng hồn về Lý Tưởng Dân Chủ, Nhân Quyền phổ quát của nhân loại văn minh hiện nay. Nếu tại một nơi nào và ở một thời điểm nào mà luật pháp xem lòng yêu nước là tội phạm, thì thay vì trừng phạt những nhà yêu nước, hãy thay đổi luật pháp ấy.(Lê Công Định) Mong tất cả các bạn đọc kỹ (và nhớ nữa càng tốt), suy nghĩ kỹ để thấm sâu Lý Tưởng Dân Chủ, rồi chuyển cho nhiều người khác đọc bản văn quý báu này, ấy cũng là một công tác quan trọng trên chiến tuyến Chính-Tà hiện nay, đồng thời ta tự trang bị cho mình vũ khí phòng thân và tự vệ trong chiến trận sống còn này. Việc Ls Định bị việt cộng bắt hại cũng sẽ mở đầu cho đợt đàn áp mới đồng thời cũng sẽ là kích thích cho một làn sóng đấu tranh mới mà trong lòng bí ẩn của Lịch sử hôm nay, hiện chưa thể biết kết quả rồi sẽ ngả theo chiều hướng nào. Đó là bổn phận suy xét thấu đáo và quả cảm hành động của tất cả chúng ta vậy ! Tuy nhiên dù thế nào đi nữa, hình ảnh và tinh thần dấn thân tha thiết của Ls Lê Công Định và các đồng sự của ông cho tiền đồ của dân tộc sẽ mãi mãi là nguồn khích lệ vô bờ bến cho khát vọng Dân Chủ, Tự Do cho Việt Nam. Xin quý bạn vào trang này ký tên ủng hộ vận động CSVN trả tự do cho Luật Sư Lê Công Định ! Trân trọng và chân thành cám ơn.
Bản án sơ thẩm và các vấn đề
Nhận định về chứng cứ và nhân chứng
Phân tích
Kết luận và đề nghị
|
Phần nhấn mạnh (chữ đậm) do LTC edit
Các Thông Tin Liên Quan sau vụ Việt Cộng bắt Ls Lê Công Định
Ông Định gây nhiều phiền toái cho cộng sản
Tom Knutsson, Hiệp hội Luật sư Thụy Điển LinMat, X-cafe chuyển ngữ
13.06.2009
http://www.x-cafevn.org/node/1857
LS Lê Công Định
Luật sư Lê Công Định thách thức chế độ cộng sản. Cho dù chế độ làm bất cứ thứ gì để ngăn cản ông, ông vẫn không mệt mỏi tiếp tục làm việc. Trong cuộc đấu tranh cho nền dân chủ, ngành luật giữ một vai trò quan trọng.
Lê Công Định đã làm việc trong ngành luật hơn hai mươi năm. Ông có mở một văn phòng luật thương mại. Trong những năm gần đây ông ngày càng quan tâm tới vấn đề nhân quyền.
- Chính phủ không cho rằng có sự tồn tại các mục tiêu chính trị. Nhưng thực sự là có, ông nói tóm gọn.
Chúng tôi gặp mặt ở Hiệp hội Luật sư một ngày âm u mùa đông vào tháng 1 khi ông đến thăm Hiệp hội nhân dịp một hội thảo.
Theo ông Lê Công Định, Việt nam còn thiếu một Hiệp hội Luật sự đại diện cho cả nước. Trong năm 2009 tổ chức NBA Hiệp hội Luật sư Quốc gia sẽ bắt đầu hoạt động. NBA sẽ đại diện cho luật sự từ tất cả các tỉnh thành. Có một mâu thuẫn giữa luật sư từ miền Bắc và miền Nam trong Hiệp hội NBA mới này.
- Phần lớn các luật sư từ Hà Nội ở gần chính quyền trung tâm và sự quan liêu ở đó rất nặng nề. Luật sư ở phía Bắc lo sợ sẽ bị mất cái ghế và ảnh hưởng nghề nghiệp của họ. Ở phía Nam Việt Nam có một lịch sử dân chủ lâu đời hơn. Đó là một di sản không nên bị đánh mất, ông Định nói.
Một hoạt động quan trong của Hiệp hội Luật sư Quốc gia này sẽ là phát triển các mối quan hệ quốc tế. Ông Định nhấn mạnh rằng việc hợp tác với Hiệp hội Luật sư của các nước khác là quan trọng.
- Chúng tôi muốn thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các hiệp hội luật sư nước ngoài, ví dụ như Hiệp hội ở Thụy Điển. Chúng tôi đã học được nhiều điều từ phía các bạn. Cho dù nghề luật sư đã tồn tại rất lâu ở nước chúng tôi, việc phát triển nghề này đã ngưng lại sau chiến tranh ở VN. Bây giờ là lúc chúng tôi học tập. Đây là cách duy nhất cho chúng tôi phát triển nghề nghiệp.
Ông Định mô tả là nhiều phần của hệ thống pháp luật Việt Nam dựa trên hệ thống châu Âu. Vì vậy tất nhiên nên học tập từ Hiệp hôi Luật sư châu Âu khi muốn xây dựng một Hiệp hội chung cho cả nước. Đồng thời hệ thống của Mỹ cũng tốt để học tập.
Theo ông Lê Công Định, giới chức chính phủ Việt nam không vui vẻ gì khi thấy ngành luật trong nước thay đổi vị trí và tự định hình. Vì vậy chính phủ cố gắng bằng nhiều cách áp đặt sự ảnh hưởng của mình.
- Bởi vì luật sư là "người bạn của Dân chủ", nên giới chức chính trị không thích gì ngành nghề của chúng tôi, ông Định nói.
Lê Công Định kể rằng các cơ quan chức năng bằng nhiều cách khác nhau cản trở ông ấy và một ví dụ là họ cố gắng tìm bằng chứng để kết tội ông trốn thuế.
Không tồn tại tự do ngôn luận ở Việt Nam. Nhưng bởi vì chính phủ bề ngoài bày tỏ thái độ là phải chống tham nhũng, nên vẫn còn có thể đề cập và thảo luận vấn đề này.
- Ông kể là "Trong những năm gần đây tôi đã viết nhiều bài báo và đòi hỏi một hệ thống Hành pháp độc lập và sự thi hành các nguyên tắc và bảo vệ nhân quyền. Vì vậy mà tôi đã gặp rắc rối."
Có rất nhiều khó khăn khi các luật sư hành nghề ở Việt Nam. Ông Lê Công Định coi sự tham nhũng tràn lan trong hệ thống Luật pháp và tòa án là cản trở lớn nhất. Một trở ngại khác là sự miễn cưỡng, sự đối kháng của quan chức chính quyền, tòa án và chánh án đối với các luật sư. Một vấn đề nghiêm trọng khác là Việt nam còn thiếu một Ủy ban Chánh án độc lập.
Bất chấp những khó khăn đó, ngành học Luật khá phổ biến trong giới trẻ trong nước.
- Nhưng bởi vì chúng tôi thiếu một cơ chế để trừng phạt các luật sư phạm sai sót, nên có một số luật sư đã ảnh hưởng uy tín nghề này.
Tổng cộng có khoảng 4400 luật sư ở Việt Nam, nơi có dân số 89 triệu người. Số lượng luật sư là quá ít cho cả nước. Theo Lê Công Định, ngay cả nếu con số này tăng gấp ba lần cũng chưa đủ.
Việt Nam đang hướng tới gia tăng dân chủ. Tình hình kinh tế đã cải thiện qua nhiều năm tương tự như Trung quốc. Tầng lớp trung lưu đã cải thiện cuộc sống và sự phát triển này gia tăng sự đòi hỏi việc tôn trọng nhân quyền.
- Chúng tôi cần thay đổi trong hệ thống chính trị, nếu không mọi thứ sẽ đổ sụp. Người dân đã mất niềm tin vào sự dẫn dắt của Chính phủ, ông Lê Công Định nói thêm rằng:
- Tôi tin rằng trong vài năm nữa chúng tôi có thể bầu cử tự do. Việt Nam sẽ vượt qua Trung Quốc trong quá trình dân chủ. Hiện nay người dân Việt Nam đang tăng áp lực lên chế độ này.
Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là rất quan trọng trong quá trình này. Ngành luật sư và nông dân là hai nhóm chính yếu thúc đẩy việc hướng tới dân chủ hóa Việt Nam.
Chính phủ Việt nam tất nhiên điều khiển chặt quân sự và cảnh sát. Nhưng ông Định không nghĩ là tình hình sẽ phát triển đến một Bắc Triều Tiên mới.
- Chính phủ Việt Nam khôn hơn thế. Việt nam sẽ không trở thành Bắc Triều Tiên hay Cuba. Ông nói rằng chính phủ cố thỏa mãn lòng dân được chừng nào hay chừng đó, nhưng không đến mức thực hiện tự do thực sự.
Thay vì thế, ông thấy trước mắt những điều giống cái đã xảy ra ở Đông Đức. Người dân thay đổi mọi thứ hoàn toàn trong một thời gian ngắn.
- Đây là cách phổ biến nhất Chế độ Cộng sản tan rã trên thế giới.
Trong một nước Việt nam đổi mới mà ông hướng tới, ngành luật sư có một nhiệm vụ quan trọng:
- Những người nghèo và người bị thiệt thòi ở Việt Nam thực sự cần sự giúp đỡ về luật pháp, không chỉ để làm ăn mà còn để có công bằng, công lý nhiều hơn, ông Lê Công Định nói thêm:
Công lý thực sự rất quan trong cho chúng tôi bởi vì các tòa án không thể mang lại sự công bằng cho dân chúng nữa. Chúng tôi phải dùng các luật sư của mình để cố mang lại công bằng. Chúng tôi không thể chấp nhận một hệ thống toàn hối lộ và chúng tôi phải chống sự tham nhũng tràn lan.
Nguồn: Avokaten
Dư Luận Hải Ngoại và Quốc Tế
Vụ nhà chức trách Việt Nam bắt luật sư Lê Công Định đã nhanh chóng trở thành tin hàng đầu của các cơ quan truyền thông nước ngoài nói về Việt Nam.
Ngoài sự quan tâm của truyền thông, vụ bắt LS Định còn khiến các diễn đàn mạng sôi động với rất nhiều bình luận và có ngay một trang web vận động thả tự do cho ông.
Hết sức quan tâm
Các hãng thông tấn Reuters, AP, AFP đều có bài ngay về vụ bắt "Luật sư bảo vệ cho các nhà hoạt động dân chủ".
BBC News trang tiếng Anh 14/06 chạy tin "Vietnam holds high-profile lawyer" ở top trang châu Á-Thái Bình Dương, trên cả bài về khủng hoảng Bắc Hàn và chuyện Ấn Độ-Macau.
Truyền thông trong vùng, từ tờ Strait Times của Singapore đến bản tin của ABC, Úc cũng nói về vụ"Luật sư Việt Nam bị bắt".
Nhưng có sự khác biệt giữa ba nguồn tin tức, bình luận.
Truyền thông nước ngoài đưa tin và khi trích các báo trong nước hoặc cáo buộc của phía công an Việt Nam với những từ ngữ nặng nề như "phản động", "thù địch", đều để trong ngoặc kép.
Đặc biệt, được đài Tiếng nói Hoa Kỳ phỏng vấn ở Washington hôm Chủ Nhật, Đại sứ Michael Michalak cho biết ông ‘quan tâm và muốn tìm hiểu kỹ hơn' vụ luật sư Lê Công Định bị bắt.
VOA trích lời Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói thêm: "Có thể nói là luật sư Định từng làm việc với mọi thành phần trong xã hội nên tôi thấy khó có thể tin được là ông câu kết với các thế lực thù địch".
Trái lại, truyền thông Việt Nam, từ các tờ có tiếng là cởi mở, tiến bộ đến các tờ nặng tính quan phương như Quân đội Nhân dân, báo ngành công an, hay tờ Hà Nội Mới, đều đăng tin bắt LS Định giống nhau.
Điều này khiến cộng đồng mạng đặt câu hỏi về một sự chuẩn bị từ trước và "đặt hàng" đồng loạt mọi tờ báo phải đăng nội dung công an cung cấp.
Tờ Sài Gòn Giải Phóng sáng thứ Hai 15/06 đăng ý kiến của một số người dân về vụ bắt LS Lê Công Định.
Cả năm người được trích dẫn, từ một sinh viên tới Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM đều chỉ trích hành vi "vi phạm pháp luật" c̉ủa ông Định và kiến nghị "phải xử lý theo pháp luật một cách nghiêm minh nhất".
Bùng nổ trên mạng
Cũng chính cộng đồng mạng ngay từ phút tin về vụ bắt LS Định lan ra, đã bùng nổ với cuộc tranh luận về vụ việc.
Hai xu hướng chính đối chọi nhau hiện là:
Vụ bắt bất thường này là 'một đòn giáng vào giới tinh hoa, trí thức có lòng yêu nước', nhất là những người trẻ.
Họ cũng bày tỏ sự thương cảm với người họ coi là trẻ, có tài mà bị nạn.
Đối lại, với con số không cao, là dạng quan điểm nói 'nếu bị công an bắt thì chắc phải có tội', hoặc phê phán người bị bắt vì 'phản lại tổ quốc', hoặc hơi có tính cá nhân, không thích luật sư Lê Công Định.
Các trang blog cũng bàn sôi nổi về thân thế của ông Định, nhất là chuyện ông là chồng của Hoa hậu Ngọc Khánh.
Sau Lê Công Định sẽ còn là những ai? (blogger Linh)
Một ý kiến trên mạng Dân Luận bình rằng dù sao thì Hoa hậu Ngọc Khánh nên tự hào về chồng cô vì hai hoa hậu khác ở Việt Nam cũng có chồng bị bắt nhưng là vì tham nhũng hoặc lừa đảo, còn LS Định là vì yêu nước.
Một ý kiến gửi đến trang blog Dr Nikonian thì viết:
"Tôi không cho rằng việc bắt giữ luật sư Định là đúng đắn và có lợi cho hình ảnh VN trong giai đoạn này,"
Nhắc đến cả thời điểm quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, ý kiến này viết tiếp:
"Tôi mong là chính quyền VN không đến nỗi quá mù quáng để không cân nhắc hơn thiệt trong cuộc xử luật sư Định sắp tới."
Blogger 'bác Linh' thì đặt câu hỏi: "Sau Lê Công Định sẽ còn là những ai?"
Trong một phản ứng nhanh chưa từng thấy trước các sự việc liên quan đến chính trị Việt Nam, ngay từ ngày 13/06, đã có một trang mạng bằng tiếng Anh vận động lấy chữ ký ở đây
Điểm qua các chữ ký thấy nhiều người tên họ Việt Nam nhưng cũng có cả người Mỹ, Đức, Pháp, Canada tuyên bố họ ký tên yêu cầu thả tự do cho LS Định.
Việc bắt luật sư Lê Công Định ngày 13/6/2009 vừa qua, gây rúng động lớn trong dư luận. Nhưng nó cũng không ngoài dự liệu của anh. Hồi cuối 2008 an ninh điều tra đã trình hồ sơ lên bộ chính trị trung ương CSVN xin bắt cùng lúc 2 luật sư trong đó có Ls Lê Công Định.
Theo qui định của bộ máy nhà nước CSVN, các trường hợp bắt người liên quan đến ngoại giao, chính trị… đều phải trình trước từng trường hợp, kể cả bắt người đang phạm tội quả tang cũng phải báo cáo ngay lên bộ chính trị mới được phép tạm giữ… Bắt khẩn cấp thì cơ quan công an phải trình hồ sơ và báo cáo bộ chính trị quyết. Bắt tạm giam, thì viện kiểm sát phải trình hồ sơ và báo cáo bộ chính trị quyết. Không có một điều luật nào cho phép làm việc này, CSVN dùng các chỉ thị mật trong đảng để qui định việc này. Khi phổ biến các văn bản chỉ thị của đảng này, họ dùng một cuộc họp rồi bí thư phụ trách đọc cho đảng viên, cán bộ liên quan nghe, thế là phải chấp hành.
Việc làm này là vi hiến, vi phạm tố tụng – Nhưng bộ máy nhà nước CSVN từ xưa đến bây giờ vẫn thế, vẫn ngang nhiên chà đạp luật pháp do chính họ ban hành.
Cuối năm 2008 hồ sơ an ninh điều tra trình lên bộ chính trị xin bắt luật sư Lê Công Định chưa được bộ chính trị đồng ý bởi các tài liệu kèm theo an ninh điều tra không trình, mà chỉ có báo cáo của ngoại tuyến về các việc làm của luật sư Lê Công Định với các “thế lực thù địch” người Việt Hải Ngoại…
Điều quan trọng là luật sư Lê Công Định cũng biết điều này thông qua một người bạn. Nhưng anh không hề nao núng và tỏ vẻ sẵn sàng chấp nhận tất cả… Ngay như chuyến đi sang Thái hồi tháng 3/2009 vừa qua của anh, cũng được người này cảnh báo là đang bị đặc tình của an ninh theo sát. Luật sư Lê Công Định cho rằng việc sang Thái là công việc tiếp xúc khách hàng bình thường của một luật sư như anh. An ninh điều tra công an cộng sản đi theo càng hay, nó sẽ chứng minh các việc làm của anh hoàn toàn minh bạch. Còn câu chuyện bên lề bàn tán về quan điểm chính trị không thể là chứng cứ để bắt người…
Thực tế công an cộng sản đã cử đến 5 người chia làm hai nhóm độc lập để theo sát và cùng thuê khách sạn nơi luật sư Lê Công Định tạm trú… Ngoài ra lực lượng an ninh công an cộng sản còn cử cả đặc tình của họ là việt kiều bên Thái tham gia vào công việc theo dõi giám sát các hoạt động của luật sư Lê Công Định lúc ở Thái… Việt kiều này có biệt hiệu là “R” nhiều kiều bào bên Thái biết tiếng về sự giầu có của người này …
Hoàn toàn không có việc luật sư Lê Công Định sang Thái họp bàn lật đổ chính quyền việt gian cộng sản, lại càng không có việc anh soạn ra hiến pháp chuẩn bị sẵn cho việc thành lập nhà nước sau khi cộng sản đổ. Đây là cuốn hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa do một tập sinh ngành luật nhờ anh phân tích tính chất ưu việt cũng như lạc hậu của nó trong thời điểm trước 1975 và hiện tại… Sau khi phân tích anh tập hợp lại thành một bản văn mới, đã sửa đi những điểm được cho là lạc hậu… Cuộc gặp mặt khách hàng tại Thái hồi tháng 3/2009 mà viên thiếu tướng công an Nguyễn Hải Triều họp báo công bố rằng: “nhóm người này nhận định thời cơ đã đến vào đầu năm 2010…” Và sẽ tiến hành lật đổ nọ kia… Thực ra chỉ là cuộc nói chuyện thời sự kinh tế bình thường như bất cứ ai, tại bất cứ quán café nào ở Sài Gòn về khủng hoảng kinh tế tác động đến chính trị Việt Nam mà thôi… Tuy nhiên đặc tình tại Thái, và tổ công tác của an ninh điều tra có thu được một đoạn và trình lên bộ chính trị…
Luật sư Lê Công Định chủ trương tranh đấu cho quyền được lên tiếng của luật sư và của người dân Việt bằng chính hệ thống pháp luật của CSVN và bằng những điều ước quốc tế mà Việt gian cộng sản đã gia nhập… Anh là người có nhiều quan hệ với các chính trị gia các nước dân chủ tự do hàng đầu thế giới… Tuy nhiên anh rất kín tiếng.
Ngay trước khi bị bắt khoảng 2 giờ, anh đã được báo tin một cách ý tứ, nhưng anh vẫn cho rằng không có chuyện bắt người… Cùng lắm thì là các hành động quấy nhiễu mà thôi… Là người tài giỏi, và luôn nhìn xa trông rộng, anh cũng tiên lượng và chấp nhận những rủi ro khi dấn thân vào những công việc lên tiếng cho công lý của quốc gia dân tộc này… Việc bắt luật sư Lê Công Định, không có gì là bất ngờ với anh.
Trong khi chờ đợi những màn kịch do CSVN dựng lên và tinh thần bất khuất của luật sư Lê Công Định, chúng ta hãy tranh đấu cùng anh bằng mọi phương tiện và mọi khả năng… Không có chuyện khuất phục cộng sản - Bởi cộng sản đã làm gì, đã đưa dân tộc Việt đến đâu? ngày nay không ai còn mơ hồ được nữa.
Lê Sáng
Luật Sư Sẽ Không Còn Dám Bào Chữa ?
Thiện Giao RFA 2009-06-14
Vụ bắt luật sư Lê Công Định được cơ quan hữu trách Việt Nam “dọn đường dư luận” theo cung cách đã nhiều lần xảy ra trong quá khứ, nhưng không hoàn toàn tương đồng, ít ra về mặt ngôn ngữ sử dụng.
Cùng một ngày, nhiều tờ báo tại Việt Nam đồng loạt loan tin về vụ “bắt khẩn cấp” luật sư Lê Công Định. Những chi tiết bên lề của vụ bắt giữ có thể không giống nhau, nhưng phần mà báo chí mô tả và gọi là các “hoạt động” của luật sư Định thì khá giống nhau.
Giới quan sát trong nước cho rằng ngôn ngữ trong các bài báo nói về vụ bắt luật sư Lê Công Định được sử dụng một cách “thận trọng.”
Một số ý kiến khác cho rằng, nội dung những bài viết trên báo chí Việt Nam “mô tả luật sư Lê Công Định như là thành viên của tổ chức này, tổ chức kia” thông qua sự sắp xếp các sự kiện chỉ cho thấy luật sư này “bày tỏ những ý kiến không đồng nhất với quan điểm chính thống của Nhà Nước.”
Luật sư Định bị bắt khẩn cấp theo Điều 88, Bộ Luật Hình Sự của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trong đó qui định tội danh tuyên truyền chống phá Nhà Nước.
Ý kiến nhận định trong và ngoài nước cho đến nay vẫn xem Điều 88 là bất hợp lý, vi phạm quyền tự do ngôn luận được chính Hiến Pháp Việt Nam qui định.
Biến phiên tòa thành diễn đàn tuyên truyền
Báo chí trong nước viết rằng, trong số các hoạt động của Luật Sư Định, có cả việc “lợi dụng bào chữa cho một số đối tượng chống đối … để thực hiện ý đồ biến các phiên tòa thành diễn đàn tuyên truyền chống chế độ, xuyên tạc Hiến pháp, pháp luật, lên án chính quyền Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.”
Điều này khiến một số luật sư trong nước bày tỏ thái độ hoài nghi vì cho rằng công việc bào chữa của luật sư trong tương lai sẽ gặp rủi ro; và nội dung bào chữa có thể được dùng để chống lại chính luật sư ấy, khi cần thiết.
Bày tỏ bất đồng quan điểm là bôi nhọ Nhà Nước
Một nội dung khác cũng nói luật sư Lê Công Định tham gia “viết bài bôi nhọ một số lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, trong đó tập trung vào Thủ Tướng.” Điều này có nghĩa, những ý kiến bày tỏ sự không đồng ý, cho dầu là bày tỏ công khai, có thể bị xem là “bôi nhọ lãnh đạo.” Và sự “bôi nhọ” này, thay vì có thể giải quyết bằng một vụ kiện mang tính dân sự, đã phải được giải quyết bằng một đội ngũ công an cùng sự dọn đường dư luận của báo chí.
Phát biểu từ Sài Gòn, một người bạn của luật sư Lê Công Định là tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, chuyên viên về luật cạnh tranh, luật sở hữu trí tuệ, luật tổ chức Nhà Nước và Công Pháp Quốc Tế, nói rằng ông thấy “ngạc nhiên và buồn” trước vụ bắt luật sư Định. Tiến Sĩ Nguyễn Vân Nam cũng nói, hành động bắt luật sư Lê Công Định là “không có lợi cho Chính Phủ Việt Nam trong thời điểm hiện nay.”
“Tôi cảm thấy buồn vì hiện đất nước Việt Nam vẫn còn nhiều điều nóng bỏng mà toàn dân, Quốc Hội, cùng Chính Phủ phải quan tâm để ý. Không việc gì phải bắt một luật sư, một trí thức được nhiều người trong và ngoài nước biết đến như Luật Sư Lê Công Định. Việt Nam hiện nay không chỉ hội nhập kinh tế, mà còn muốn xây dựng một Nhà Nước pháp quyền. Tức là chúng ta ý thức được rằng việc hội nhập này là tiếp thu những giá trị nền tảng tinh thần của cả nhân loại. Trong đó đặc biệt có quyền tự do phát biểu ý kiến, tự do ngôn luận.”
Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam cũng bày tỏ, rằng việc bắt luật sư Định trong hoàn cảnh hiện nay có thể “khiến quốc tế nghi ngại.” Trong khi Việt Nam còn nhiều việc phải bàn, đặc biệt là vấn đề biên giới trên biển, khủng hoảng kinh tế, thì tại sao Việt Nam “để ý tập trung bắt một trí thức có những phát biểu có thể ngược lại quan điểm chính thống?”
Hệ thống tòa án Việt Nam hiện tại được tổ chức và vận hành thuần túy như một thành phần của bộ máy công quyền hơn là cơ quan tư pháp với vai trò duy trì công lý trong một cộng đồng có nhiều quyền lợi đa dạng.
Luật sư Lê Công Định
Là một luật sư nổi tiếng tại Việt Nam, ông Lê Công Định có nhiều phát biểu thẳng thắn, công khai với giới truyền thông trong và ngoài nước về nhiều lãnh vực khác nhau.
Bài viết “Vào Cuộc Cạnh Tranh Toàn Cầu,” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 25 tháng Hai, 2006, nói rằng những phát biểu thẳng thừng, “đôi khi gay gắt” của Luật Sư Định trong lãnh vực pháp lý “khiến không ít người khó chịu.”
Chẳng hạn, trong bài viết “Vai Trò Xây Dựng Án Lệ của Tòa Án,” luật sư Lê Công Định nói thẳng, rằng “Hệ thống tòa án Việt Nam hiện tại được tổ chức và vận hành thuần túy như một thành phần của bộ máy công quyền hơn là cơ quan tư pháp với vai trò duy trì công lý trong một cộng đồng có nhiều quyền lợi đa dạng. Tuy hành xử quyền tài phán, một trong ba quyền nền tảng của hệ thống quyền lực quốc gia, tòa án lại hoạt động như một cơ quan hành pháp, và các thẩm phán cũng chỉ đơn thuần là những công chức mẫn cán của bộ máy công quyền đó.”
Luật sư Lê Công Định bị Cục An ninh Điều tra, Bộ Công an Việt Nam, thực hiện lệnh bắt khẩn cấp bắt trưa ngày 13 tháng 6 vì họ nói Luật Sư có dấu hiệu phạm hai tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Các Luật Sư Nói Gì ?
BBC Vietnamese, 10:01 GMT - thứ hai, 15 tháng 6, 2009
Vụ bắt luật sư Lê Công Định hôm 13/06 đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận.
Vậy các luật sư VN, những đồng nghiệp của ông Định, nói gì về việc này?
BBC đã hỏi luật sư Phạm Vĩnh Thái, phó chủ tịch thường trực Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh và luật sư Cù Huy Hà Vũ từ Hà Nội.
LS Phạm Vĩnh Thái: Khi nghe tin tôi cũng hơi bị sốc. Thứ nhất là vì ông Định cùng trong giới luật sư , những người biết luật mà giờ đây lại chống lại pháp luật.
Thứ hai là, ông Định thuộc thế hệ sau chiến tranh, sinh năm 1968, khi giải phóng miền Nam thì ông ấy còn nhỏ. Được đào tạo, giáo dục, lớn lên trong nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà bây giờ lại cấu kết với những người khác để lật đổ chế độ hiện nay thì chúng tôi thấy sốc.
Bản thân tôi hơi sốc và nhiều đồng nghiệp của chúng tôi cũng thấy hết sức ngỡ ngàng trước việc này.
Còn đương nhiên nếu ông ấy chống lại pháp luật nhà nước Việt Nam thì sẽ bị pháp luật trừng trị thôi.
BBC: Dạ thưa, trong quá trình hành nghề cùng một thành phố, ông có tiếp xúc với LS Định nhiều hay không ạ?LS Phạm Vĩnh Thái: Tôi làm việc bên Hội Luật gia, ông Định thì sinh hoạt bên Đoàn luật sư, nên tôi cũng không có tiếp xúc gì nhiều với ông ấy.
Tuy nhiên chúng tôi cũng có biết nhau, tôi biết ông Định là luật sư trẻ, có năng lực, từng làm Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố.
BBC: Như ông nói ông Định và ông là hai thế hệ khác nhau. Vậy thưa ông, liệu sự chênh lệch giữa hai thế hệ có dẫn tới các nhận thức khác nhau về nhiều vấn đề hay không?LS Phạm Vĩnh Thái: Không, tôi cho rằng dù thuộc thế hệ nào đi chăng nữa, đã sống trong chế độ này thì hiểu biết không thể nào khác nhau nhiều lắm.
Tôi từng tham gia chiến đấu giành độc lập, giải phóng dân tộc rồi bảo vệ chính quyền này. Từ 17 tuổi tôi đã tham gia quân đội chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, rồi sau đó tham gia kiến thiết xây dựng đất nước Việt Nam.
Tôi nghĩ là dù thế hệ trước hay sau, đến thời điểm này thì nhận thức hiểu biết của mọi người về xã hội này đều không thể khác nhau nhiều lắm.
BBC: Thưa, thông tin về việc ông Lê Công Định bị bắt ông đọc được ở đâu ạ?LS Phạm Vĩnh Thái: Tôi đọc trên internet, rồi trên các báo của Việt Nam xuất bản hôm Chủ Nhật.
BBC: Một số báo đã giật tít như là cho rằng ông Định đã phạm tội, không hiểu ông có nhận thấy chi tiết đó không ạ?LS Phạm Vĩnh Thái: Tôi xin không bình luận về điều này vì báo chí họ có quyền đưa ra thế này thế khác.
Tuy nhiên theo luật pháp Việt Nam, phải qua điều tra, rồi qua công tố, xét xử và chỉ khi bản án có hiệu lực thì mới chính thức xác định có tội hay không.
"CHỜ CHỨNG CỚ"
Về phần mình, tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội nói ông đang trông chờ cơ quan chức năng làm tiếp các thủ tục tố tụng.
LS Cù Huy Hà Vũ: Việc cơ quan an ninh Việt Nam tiến hành bắt khẩn cấp các nhân vật mà họ cho là có tội thì cũng là hoạt động bình thường.
Chỉ có điều sắp tới đây, chúng ta sẽ phải theo dõi xem các chứng cứ mà cơ quan an ninh đưa ra để buộc tội ông Lê Công Định có xác thực hay không, và có đúng pháp luật Việt Nam hay không.
BBC: Khi đọc thông tin trên báo chí VN, ông thấy họ viết về chủ đề này như thế nào?LS Cù Huy Hà Vũ: Báo chí VN thì tôi thấy gần như chỉ phản ánh lại nội dung mà Tổng cục An ninh cung cấp cho các cơ quan báo chí thôi, tôi không thấy họ bình luận thêm gì.
BBC: Trong số các chi tiết mà các báo đăng tải là ông Lê Công Định đã tham gia viên soạn tài liệu phê phán đích danh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bản thân ông mấy hôm trước thì đã khởi kiện ông thủ tướng. Ông có liên hệ gì giữa hai việc này hay không và có quan ngại gì hay không?LS Cù Huy Hà Vũ: Chuyện cơ quan an ninh nói ông Định phê phán ông Nguyễn Tấn Dũng, tôi đọc báo chưa thấy có chứng cứ gì.
Thứ hai, nếu quả thực có việc phê phán về các hành vi không đúng pháp luật hay không có lợi cho dân cho nước thì đó cũng là chuyện bình thường.
Còn tôi khởi kiện ông Nguyễn Tấn Dũng ra tòa là theo một quy trình tố tụng đúng pháp luật Việt Nam, minh bạch, rõ ràng. Đơn kiện của tôi đàng hoàng, chính thức, nhận định Thủ tướng đã có hành vi trái pháp luật, mà ở đây là ban hành trái pháp luật một quyết định phê duyệt việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Việc khai thác này có hại cho đất nước cả về trước mắt lẫn lâu dài, bị công luận phản đối mạnh mẽ.
BBC: Ông Lê Công Định còn bị cáo buộc đã sử dụng một số phiên tòa bào chữa để tuyên truyền chống chế độ. Liệu việc này có làm cho các luật sư ngại ngần hơn khi bào chữa cho các bị cáo tạm gọi là "có vấn đề" hay không?LS Cù Huy Hà Vũ: Bản thân tôi thì không ngại ngần gì cả.
Là luật sư hành nghề, nếu được mời bào chữa và thấy đủ điều kiện có thể bảo vệ được, thì sẽ bảo vệ. Khi bảo vệ, thì phải làm hết mình, dùng hết căn cứ luật pháp, cho dù thân chủ của mình nằm trong vụ án chính trị hay vụ án loại khác.
CẢ CÁCH XƯNG HÔ CŨNG BỊ CHI PHỐI ?!
Thiện Giao, phóng viên RFA, Bangkok, 2009-06-15
Một vài bài báo dùng danh từ “luật sư Lê Công Định” hay “ông Lê Công Định” để nói về vụ cơ quan hữu trách “bắt khẩn cấp” luật sư này hôm 13 tháng Sáu vừa qua.Nhưng nhiều cơ quan truyền thông khác thì lại xưng hô trống không, thậm chí gọi người bị bắt là “y,” đồng thời khẳng định “dư luận quần chúng nhân dân đồng tình,
hoan nghênh các cơ quan bảo vệ pháp luật bắt khẩn cấp Lê Công Định…”
Giới quan sát cho rằng báo chí đã mô tả ông Định như một tội phạm ngay cả trước khi vụ án được khởi tố. Và điều này có thể dẫn đến một số hậu quả.
Phóng viên thiếu trình độ hay làm việc theo chỉ đạo?
Một nhà báo tại Việt Nam nhận định rằng cách thức báo chí đưa tin trong vụ “bắt khẩn cấp” luật sư Lê Công Định cho thấy truyền thông Việt Nam vẫn chưa rút ra được bài học từ các sự kiện trong quá khứ.
Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến đã từng bị báo chí mô tả như một tội phạm trong vụ PMU18 ngay cả trước khi ông bị bắt; nhưng rồi nhân vật này đã được tuyên bố gần như trắng án.
Tiếp theo là vụ hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải bị bắt giam vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn” trong khi đưa tin về vụ tham nhũng tại PMU18.
Gần đây hơn, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã gởi thư phản đối đến Tổng Biên Tập Báo Tuổi Trẻ vì một “thư độc giả” liên quan đến ông được đăng trên tờ báo này. Bức thư của Đại Sứ Hoa Kỳ có đoạn nói ông rất buồn khi đọc một bài báo mà cả ông và Tổng Biên Tập Phạm Đức Hải đều biết rằng đó là “một sự bịa đặt hoàn toàn.”
Các sự kiện vừa nêu đều có một vài điểm chung: Báo chí được sử dụng như công cụ để dọn đường dư luận, nhưng chính báo chí cuối cùng phải gánh chịu tất cả hậu quả, mà nặng nề nhất là hậu quả về mặt uy tín trong lòng độc giả.
Một blogger, có tên là Nguyễn Vạn Phú, viết trên blog của ông rằng trong vụ bắt luật sư Lê Công Định, “điều đáng buồn nhất là các bạn phóng viên vẫn quên trích nguồn, cứ lấy phát biểu của bên cơ quan an ninh điều tra như là lời văn của mình.”
Những rắc rối xảy đến cho báo chí trong quá khứ có nhiều vụ bắt nguồn chính yếu từ việc “lấy phát biểu của phía điều tra làm của mình.”
Hồi tháng Mười năm ngoái, báo chí đã từng được “chỉ đạo” khi đưa tin vụ xét xử các phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến. Các chỉ đạo được đưa ra sau khi ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, chủ trì một cuộc họp có cả Ban Bí Thư Trung Ương. Trong số các chỉ đạo được đưa ra, có nội dung yêu cầu báo chí “không được bình luận và suy diễn.”
Một đoạn băng ghi âm từng được đưa lên Internet và được công luận tin là âm thanh trong cuộc hội thảo với sự tham dự của Ban Tuyên Giáo, trong đó có ông Tô Huy Rứa, trung tướng công an Vũ Hải Triều đại diện Bộ Trưởng Bộ Công An và ông Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao.
Nội dung một vài trích đoạn cho thấy cơ quan hữu trách “không thiếu cách bắt” các ông Hải và Chiến. Câu hỏi “lúc nào bắt” chỉ là vấn đề của “dư luận” và “chính trị.”
“Bắt đúng vào lúc Đại Hội Phật Đản toàn thế giới tại Việt Nam. Hàng nghìn đại biểu, hàng trăm nhà báo. Chúng ta thiếu gì cách bắt, tôi chắc là ông Quắc, ông Huynh, ông Hải, ông Chiến không chạy trốn. Chúng ta không bắt lúc này thì bắt lúc khác. Trong tay mình mà có gì đâu. Tại sao lại bắt lúc Đại Hội Phật Đản toàn thế giới? Có người nói đây là vô chính trị. Một việc làm vô chính trị.”
“Báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên phản ứng dữ dội. Nhất là ngày 14, tôi đọc bài báo “Phải Trả Lại Tự Do Ngay Cho Các Nhà Báo Chân Chính,” tôi cứ tưởng đây là báo Mỹ cơ, chứ không phải báo mình.”
Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án của Tòa án
Cách đây một tháng, truyền thông Việt Nam cũng đã nhận hậu quả do làm theo “chỉ đạo.” Nguồn tin của chúng tôi cho biết 5 cơ quan truyền thông lớn trong nước đã nhận thư ‘cảnh cáo’ từ luật sư đại diện cho một người Ý trong vụ kiện Vietnam Airlines. Nguồn tin nói rằng, thân chủ đã yêu cầu luật sư của mình “sử dụng mọi công cụ và khả năng pháp lý.” Các cơ quan truyền thông Việt Nam thì bị cảnh cáo đã “xúc phạm” người khởi kiện hãng hàng không Vietnam Airlines.
Trở lại vụ “bắt khẩn cấp” luật sư Lê Công Định. Trong nhiều bản tin đăng tải đồng loạt ngày 13 tháng Sáu, độc giả có thể thấy: luật sư Lê Công Định được mô tả như một tội phạm, cho dầu ông chỉ mới bị bắt có mười mấy giờ đồng hồ trước đó, và cơ quan hữu trách cũng chưa khởi tố vụ án.
Ông Định cũng không hề có cơ hội được lên tiếng trong khi báo giới đồng loạt đưa tin từ cùng một nguồn, là Nhà Nước. Thậm chí, qua đến ngày hôm sau, báo Công An Nhân Dân khẳng định “Dư luận quần chúng nhân dân đồng tình, hoan nghênh các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt khẩn cấp Lê Công Định, sớm ngăn chặn những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của Định và đồng bọn.”
Là một luật sư, chắc chắn ông Định biết rất rõ nguyên tắc căn bản: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.” Cách thức báo chí đưa tin gần như kết luận trong vụ bắt luật sư Định lại một lần nữa mở ngỏ cho khả năng ông Định có thể kiện họ trong tương lai.
Blogger Nguyễn Vạn Phú nhận xét trong bài viết của ông, rằng đã có một số bản tin thể hiện sự chuyên nghiệp khi từ đầu đến cuối luôn luôn dùng từ “ông Lê Công Định” hay “luật sư Lê Công Định.” Trong khi đó, nhiều bản tin khác cứ nói trống không “Lê Công Định,” “Định” hay “y”… Câu hỏi đặt ra là: Tại sao người phóng viên cứ phải luôn bị nguồn tin chi phối, thậm chí chi phối đến cả cách xưng hô?
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...