. .

Thursday, July 9, 2009

Nguyễn Chí Thiện hay Lý Đông A? - Minh Võ

by Minh Võ


Nguyễn Chí Thiện hay Lý Đông A?

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện lúc mới ra tù 1991, chụng với chị (Nguyễn thị Hảo) và cháu

DCVOnline: Ngày 18/6/2006, Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ và hội người Việt Quốc Gia vùng Hoa Thịnh Đốn đã tổ chức buổi giới thiệu 700 bài thơ trong toàn bộ cuốn “Hoa Địa Ngục” của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện tại trường Luật George Mason Metro Campus, Arlington, VA.

Ngày 27 tháng 8, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, một lần nữa ra mắt “Hoa Địa Ngục” tại San Jose, California.


Cùng chủ đề, DCVOnline xin gởi đến bạn đọc chương 13 của cuốn Phản Tỉnh Phản Kháng của tác giả Minh Võ do Thông Vũ xuất bản năm 1999 và tái bản năm 2004.





“Triệu cuộc đời khổ oan
Nát tan trăm ngàn mảnh
Chắp lại mới hóa thành
Mấy vần thơ ai oán.”


Nguyễn Chí Thiện


Thoạt tiên chúng tôi nghĩ không nên xếp Nguyễn Chí Thiện cùng với những tác giả phản tỉnh trong soạn phẩm này. Thơ của ông là thơ chống cộng mạnh mẽ, đầy xác tín, như phát xuất từ tim gan, từ tiềm thức hay do trực quan huyền bí mà thành. Và tôi nghĩ ông đã đứng trong hàng ngũ những người quốc gia chống cộng ngay từ đầu. Nhưng rồi đọc kỹ tác phẩm của ông tôi thấy ông cũng đã có lần “lầm lỡ” như trong bài thơ: “Mỗi lầm lỡ” sau đây: “Cuộc đời tôi có nhiều lần lầm lẫn Lầm nơi, lầm lúc, lầm người. Nhưng cái lầm to uổng phí cả đời Là đã nghe và tin cộng sản”.

Vì vậy mà mới có chương này.

Cách đây hai chục năm, vào lúc 9 giờ sáng ngày thứ hai 16-7-1979, đúng lúc cửa tòa đại sứ Anh ở đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội mở ra, có một người Việt Nam khoảng 40 tuổi chạy xồng xộc vào để trao một tập thơ mang tựa đề Hoa Địa Ngục, lại có mấy chữ Pháp: “Fleurs de l'Enfer” bên dưới. Bốn nhân viên Việt Nam và công an gác cửa đã không cản được(1) ông ta trao tập thơ tận tay các viên chức ngưòi Anh, kèm theo còn có một lá thư viết bằng Pháp văn đại ý nhân danh hàng triệu nạn nhân của chính quyền Hà Nội độc tài áp bức xin cho phổ biến tập thơ để tố cáo những tội ác của nhà cầm quyền. Người chuyển tập thơ và bức thư đã bị bắt ngay khi ra khỏi cửa toà đại sứ. Ai cũng hiểu là sau đó chỉ có ngục tù, biệt giam hay cấm cố. Đó là chưa kể cho đến nay vẫn còn có người bảo ông đã bị thủ tiêu rồi. Có đọc bài “tôi không tiếc” ông viết năm 1971 có chép trong tập thơ đó ta mới hiểu được tại sao ông dám liều mạng làm một hành động điên rồ như trên. Bài “tôi không tiếc” chỉ vẻn vẹn có 5 câu:

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện cùng anh trai là Trung Tá VNCH Nguyễn Công Giân, 2008 Nguồn Ảnh: Trần phong Vũ

“Tôi không tiếc khi bị đời sa thải,
Thân thể vùi tan rữa, hóa bùn đen.
Những vần thơ trong đêm tối đê hèn,
Cùng rệp muỗi viết ra mà bị mất.
Tôi sẽ tiếc khóc âm thầm trong đất.”


Mười một năm sau nằm trong nhà lao dĩ nhiên ông không biết rõ số phận tập thơ mà ông liều chết trao cho người ngoài ra sao, nhưng ông tin tưởng ở Trời Phật, ở Thượng Đế:

“Mệnh ta có Trời, bay sao hại nổi ta”

Và:

“Thượng Đế nhân từ sẽ mở lối ra
Ta sẽ vượt qua
Thơ sẽ bay xa”
(1982)(**)



Tập thơ không mất. Và nó đã bay xa thật. Nó đã được chuyển về Luân Đôn rồi trao cho giáo sư Patrick Honey thông thạo Việt Ngữ (người đã giới thiệu cuốn From Colonialism to Communism của Hoàng Văn Chí, xin xem chương 1). Ông Honey có quan hệ mật thiết với đài BBC trong nhiều thập kỷ, nên tập thơ được chuyển tới tay Đỗ Văn, tức Đỗ Doãn Qũy, là một trong những nhân viên cốt cán của ban Việt Ngữ đài BBC. Mùa hè năm sau, 1980, ông Châu Kim Ngân, cựu bộ trưởng Tài Chính VNCH(2):, nhân chuyến viếng thăm Anh Quốc là nơi ông đã tu nghiệp hồi cuối 1963, đầu 1964 và đã từng có những liên hệ với đài này, đã được ủy thác để đem về trao lại ông Nguyễn Thanh Hoàng (bt hiệu Hồ Anh, chủ nhiệm bn nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong) để yêu cầu phổ biến ở Mỹ.

Một tháng sau, ở Mỹ xuất hiện một tập thơ mang tựa đề: “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực”, nhưng lại không phải do Văn Nghệ Tiền Phong in. Mãi đến tháng 10 Văn Nghệ Tiền Phong mới cho ra được một tập thơ nội dung hầu như y nguyên nhưng với tựa đề khác: “Bản chúc thư của một người Việt Nam” (tác giả: Khuyết danh). Cuối sách, Tạp Chí Văn Nghệ Tiền Phong có mấy lời gửi độc giả, giải thích vì sao chưa có bản dịch Anh ngữ, đồng thời cũng cho biết có người muốn tranh giành bản quyền in, nói thẳng ra là đánh cắp tập thơ. Văn Nghệ Tiền Phong cho in tập thơ với giá bán 150 xu, có thể là lỗ vốn, đồng thời tuyên bố “mọi người đều có toàn quyền in lại, phổ nhạc hoặc dịch thuật.”

Lúc ấy thì chưa ai biết tác giả của “Bản chúc thư”. Mãi đến tháng 11 năm 1985, hơn 6 năm sau ngày tập thơ được trao cho sứ quán Anh tại Hà Nội, nhờ có bà chị ông Thiện là Nguyễn Thị Hảo được phép vào tù thăm em, người ta mới biết tác giả tập thơ là Nguyễn Chí Thiện. Nhưng khi tin này loan ra ngoại quốc thì có người tin có người không. Trong số những người không tin có các ông Lê Tư Vinh, Trần Ngọc Ninh (bác sĩ, giáo sư thạc sĩ y khoa cựu bộ trưởng) và nhà báo Nguyễn Thị Bình Thường. Những vị này đều viết trên tờ Vạn Thắng của ông Lê Tư Vinh rằng tác giả chính là lãnh tụ đảng Duy Dân, Thái Dịch Lý Đông A. Họ còn bảo đó là tiếng pháo lệnh của đảng trưởng ban ra để tổng tấn công vào thành trì cộng sản. Một trong những lý do được viện dẫn cho lập luận lạ lùng này là hào khí và văn phong của tập thơ giống hệt văn phong trong tập “Huyết Hoa” và những tác phẩm khác của Lý Đông A.

Cuối năm 1992 ông Trần Nhu, một bạn tù với Nguyễn Chí Thiện đã viết một cuốn sách mỏng bác bỏ những ý kiến trên. Chứng cứ mạnh nhất của ông là lý thuyết gia Lý Đông A đã mất năm 1946, lúc đó vai trò của Tôn Đức Thắng chưa ai biết và cũng chẳng có địa vị gì trong chính quyền. Trong thơ của Nguyễn Chí Thiện thì lại có nói đến “bác Hồ và bác Tôn” (Bác Hồ rồi lại bác Tôn, cả hai đều thích ôm hôn nhi đồng. Nước da hai bác màu hồng, nước da các cháu nhi đồng màu xanh. Giữa hai cái mặt bành bành, những khăn quàng đỏ bay quanh cổ cò). Như vậy không thể nào là của Lý Đông A được. Nhưng các tác giả trong “Vạn Thắng” không phục vì họ nghĩ Lý Đông A vẫn còn sống. Năm 1946 ông chỉ mất tích, tuy nhiều người lúc ấy quả quyết ông bị Việt Minh thủ tiêu rồi, cũng như trường hợp ông Trương Tử Anh, đảng trưởng đảng Đại Việt.

Gần đây ngay sau khi Nguyễn Chí Thiện xuất hiện tại Mỹ bằng xương bằng thịt, vẫn còn có người bảo đây chỉ là Thiện giả, vì Thiện thực đã bị cộng sản giết rồi. Và họ lý luận rằng cứ đọc thơ của Thiện sau này so với tập Hoa Địa Ngục thì thấy kém xa. Hơn nữa từ khi sang Mỹ không thấy ông Thiện làm thơ.

Nhắc lại những ý kiến trên chỉ là để thêm tin tức chứng tỏ ông Nguyễn Chí Thiện là người gây sôi nổi về nhiều mặt. Chứ thực ra đến nay thì những lập luận cho rằng đây là Nguyễn Chí Thiện giả không còn đứng vững được. Bằng chứng cụ thể nhất là khi tới Mỹ ông đã đến ở nhà người anh ruột ở Virginia trong một thời gian khá lâu. Mà người anh ruột này lại là trung tá quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị “học tập cải tạo” 13 năm, gần bằng nữa thời gian ở tù của ông em “ngục sĩ”.

Đúng là Nguyễn Chí Thiện là người gây sôi nổi, hào hứng trong giới truyền thông Việt Nam hải ngoại, nếu không nói là trên khắp thế giới. Vì thơ ông đã được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức và Tiệp Khắc. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, người đã từng dịch nhiều tác phẩm thi ca Việt Nam sang Anh ngữ, gần đây cũng dịch 9 phần 10 những bài thơ của Nguyễn Chí Thiện trong tác phẩm “Hoa Địa Ngục” thành “The flowers of hell” dày 552 trang, ra mắt tại miền Đông ngày 21/4/1996. Tại hội nghị của Văn Bút Quốc Tế ở Hambourg, Đức năm 1986 thơ của Nguyễn Chí Thiện cũng được trình bày qua các bản dịch Đức ngữ và Anh ngữ (do dịch giả Huỳnh Sanh Thông). Sau đó ít lâu tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi, với sự khuyến khích của Văn Bút VN hải ngoại (lúc ấy do luật sư Trần Thanh Hiệp làm chủ tịch), cũng đã dịch đúng 100 bài thơ tiêu biểu nhất của NCT, kể cả trường thi Đồng Lầy, ra tiếng Đức: “Echo Aus Dem Abgrund” (Tiếng Vọng Từ Đáy Ngục).

Nguyễn Chí Thiện đã được 3 giải thi văn quốc tế. Ông còn được Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, dưới thời nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn làm chủ tịch, hai lần (1990 và 1991) đề nghị nêu tên ông làm ứng tuyển viên giải Nobel về văn chương, bằng vào những vần thơ tiên tri sự sụp đổ của chế độ cộng sản thế giới như: “Sẽ có một ngày con người hôm nay, vứt súng, vất cùm, vứt cờ, vứt đảng.” Hai câu thơ này ông viết 20 năm trước khi Liên Xô sụp đổ.


Vài hàng về cuộc đời nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

Theo nhà báo chuyên nghiệp Chử Bá Anh trên tờ Phụ Nữ Diễn Đàn của ông tháng 12 năm 1991 thì Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1933(3): tại phố Hàng Bột, Hà Nội. Độc Thân, có hai người chị: bà Hoàn sinh năm 1921 và bà Hảo sinh năm 1923 quê Hải Phòng. Ngoài ra ông còn có một người anh ruột tên là Nguyễn Công Giân, cựu trung tá Việt Nam Cộng Hòa từng tham gia phái đoàn Hội Nghị Paris 1973. Sau 1975 trung tá Giân bị bắt đi “cải tạo” 13 năm. Hiện ở tiểu bang Virginia, miền Đông Hoa Kỳ.

Trước khi bị bắt Nguyễn Chí Thiện dạy Anh, Pháp văn tại tư gia. Lần thứ nhất ông bị bắt giam trong hai năm vì cho ra báo “Vì Dân”. Lần thứ hai, vì có chân trong “phong trào Đoàn Kết”, nên lại bị bắt giam ba năm từ 1961 đến 1964. Lần thứ ba ông bị giam từ 1967 đến 1977 đúng vào thời gian có “vụ án xét lại chống đảng”. Trong 10 năm tù lần này “…tôi nằm xà lim hơn 8 năm, sống bẩn thỉu hôi hám như một con chuột cống, có điều thua con chuột cống ở chỗ đói, rét, ốm, đi không vững.” Khi được ra khỏi xà lim ông có bị giam cùng trại với Vũ Thư Hiên hơn một năm. Lần thứ tư ông bị giam 12 năm 3 tháng . Đó là khi ông xông vào tòa đại sứ Anh ở Hà Nội để trao tập thơ Hoa Địa Ngục như đã nói trên. Lần này ông bị giam ở Hải Phòng 6 năm sau đó bị chuyển về Hỏa Lò ở Hà Nội. Ông được tha ngày 22 tháng 10 năm 1991, cùng dịp với nhà văn nữ Dương Thu Hương, nhà văn Doãn Quốc Sĩ và linh mục dòng tên Lê Đan Quế. Những người này được thả cách nhau chỉ ít ngày do sự can thiệp mạnh mẽ của Văn Bút Quốc Tế. Ký giả Đoàn Văn của tờ Phụ Nữ Diễn Đàn cho biết chính thủ tướng Anh John Major đã đích thân can thiệp cho nhà thơ Nguyễn Chí Thiện được phóng thích. Không kể hàng trăm tổ chức người Việt hay người ngoại quốc đua nhau can thiệp cho ông từ nhiều năm trước.

Vì tên tuổi ông đã vang khắp thế giới nên lần này được tha ra ông sống tương đối thoải mái hơn những lần trước, mặc dầu sức khỏe rất yếu kém, vừa bị đau thần kinh, đau tim, sa trực tràng và một con mắt xem không còn rõ. Ngày 2 tháng 6 năm 1993 ông đã có thể tiếp nhà báo Nam Trân và trả lời 16 câu hỏi của cô tại ngay tư gia ở đường Nguyễn Công Trứ, Hà Nội.

Việc ông Nguyễn Chí Thiện được sang Mỹ theo chương trình ODP là nhờ bà Đỗ Mùi, chủ nhiệm báo Việt Nam Tự Do tại San Jose đã yêu cầu ông Noboru Masuoka, đại tá không quân hồi hưu, người Mỹ gốc Nhật đứng ra can thiệp với đại sứ Việt Cộng Lê Văn Bàng tại Liên Hiệp Quốc. Ông Masuoka cũng gửi thư cho tổng thống Bill Clinton và ngoại trưởng Christopher cùng nhiều nhân vật có thế lực khác trong chính phủ Mỹ cho ông được đứng ra bão lãnh cho nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Cuộc vận động và thủ tục tiến hành trong hơn một năm mới xong vì một vài trở ngại về phía chính quyền Hà Nội cũng như phía Mỹ. Ban đầu thử nghiệm phổi của ông dương tính, vì trước ông đã từng bị lao phổi. Năm 1960, khi mới đi tù được ít tháng ông đã bất nhẫn vì cảnh tù tội quá cực khổ, nên đã nghĩ mình không thể chịu đựng được 10 năm:

“Thời gian hỡi, ta van ngươi nói thật.
Ngày bão bùng hoa nổ có lâu không?
Năm, mười năm ta có thể chờ trông.
Có thể để cho ngươi làm khổ.
Nhưng lâu quá ta dùng dao cắt cổ.
Chặt đứt đầu ngươi dù đứt cả đời ta.”
(4)


Nhưng rồi sau 27 năm tù tội, cuối cùng Nguyễn Chí Thiện đã thấy được bến bờ tự do. Tuy rằng Hoa Tự Do chưa thực sự nở trong nước cho bao ngưòi cùng cảnh ngộ với ông trước đây.

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đặt chân lên đất Mỹ ngày 1 tháng 11 năm 1995. Sau mấy tiếng đồng hồ dừng chân ở San Francisco, ông được đưa đến Thủ Đô Hoa Kỳ rồi về ở nhà ông Nguyễn Công Giân là anh ông ở thành phố Herndon, thuộc tiểu bang Virginia. Tại hai phi trường San Francisco và Dulles ông đã được nhiều nhà báo và những người ngưỡng mộ ông đón tiếp nồng nhiệt. Trong năm 1996 ông đã đi diễn thuyết nhiều nơi trên đất Mỹ rồi cả Âu châu và Úc châu. Ở đâu ông cũng được rất đông thính giả ca ngợi về những lời chống cộng đanh thép, hùng hồn của ông. Trong năm 1997-1998 ông ở cùng với nhà văn Vũ Thư Hiên trong một căn nhà do một tổ chức văn hóa Pháp cấp tại thành phố Strasbourg. Gần đây người ta có thấy ông xuất hiện cùng với Bùi Tín trong đám tang ông Lê Đình Điểu, chủ nhiệm tờ “Thế Kỷ 21” ở Quận Cam.

(Còn tiếp)


Bấm vào link để xem Nguyễn Chí Thiện giới thệu Hoa Địa Ngục tại San Jose: Video (phần 2) Video (phần 3)
Chú Thích (1): Theo cố ký giả Chử Bá Anh (Phụ Nữ Diễn Đàn số 113, 1993) thì có xô xát và gây tiếng động nên ba người Anh ở trong phòng trong mở cửa ra kịp lúc (**) Năm 1984 ông lại viết với niềm tin ở Trời: “Cộng sản đày ta sống trong chết dở Muốn ta tàn tắt cùng Thơ Song ta tin có Trời kia cứu trợ Tất cả dần dà ta sẽ vượt qua…”. Rồi 3 năm sau (1987) Ông lại viết: “Cố sống cầu Trời Phật Cứu Thơ qua ngục thất.” (2): Nổi tiếng thời đệ nhị Cộng Hòa là một chính khách liêm khiết giữa một môi trường dễ nhiễm vi khuẩn tham nhũng là bộ tài chính. (3): Phụ Nữ Diễn Đàn số 95, tháng 12 năm 1991, trang 2. Hai năm sau, có chỗ (PNDĐ 113, tháng 6, 1993, trang 16) ông lại viết ngày sinh là 27-2-1939. Còn ông Minh Thi thì lại nói sinh năm 1937. (4): Trích bài “Thời gian hỡi” làm năm 1960. SĐD trang 52.

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...