. .

Saturday, December 11, 2010

'Đổi đường lối quan trọng hơn nhân sự'-BBC pv TS Tréglodé

...Mục tiêu cuối cùng và tối thượng của Đảng Cộng sản Việt Nam có thể nói là duy trì quyền lực mà đảng này và các thành viên chóp bu của nó đã nắm được từ hơn nửa thế kỷ qua. Vì vậy có thể nói, trong vòng 20 năm trở lại đây, chúng ta có thể thấy có một thay đổi trong phương châm tỏ ra thiên hơn về quốc gia dân tộc của đảng. Tức là từ một đảng rất quốc tế chủ nghĩa, chuyển sang một đảng tỏ ra rất ‘quốc gia dân tộc’, ‘rất yêu nước’....


'Đổi đường lối quan trọng hơn nhân sự'
BBC pv TS Tréglodé
Cập nhật: 12:50 GMT - thứ sáu, 10 tháng 12, 2010 

Một chuyên gia từ Pháp bình luận về khả năng thích ứng của Đảng Cộng sản Việt Nam và cho rằng còn phải mất nhiều thời gian, tiến trình dân chủ hóa mới đến.

TS Tréglodé nói thay đổi nhân sự không quan trọng bằng chuyển đổi đường lối tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI

Phân tích vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam trước kỳ đại hội của Đảng vào đầu năm 2011, Tiến sĩ Benoit de Tréglodé, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Đương Đại của Pháp (IRASEC, Bangkok), đã đưa ra dự đoán của mình về xu thế thay đổi dân chủ trong và ngoài đảng cầm quyền.

Ông cũng bình luận về vai trò của Trung Quốc và Phương Tây, hai xu hướng bên ngoài đang tác động tới đường hướng của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam từ Đổi mới tới nay.

Thế nhưng trước hết Tiến sỹ Tréglodé bình luận về khả năng thích ứng của Đảng Cộng sản Việt Nam khi nhìn vào đường lối và diễn từ chính trị của họ:

Tiến sỹ Tréglodé: Điểm quan trọng đầu tiên để hiểu vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam từ một nửa thế kỷ qua là khả năng thích nghi đáng kinh ngạc của nó. Có nghĩa là đảng luôn luôn thích ứng với nhiều biến cố trong từng giai đoạn. Về mặt sử học, một điều rất quan trọng là phải hiểu được vị trí của đảng này trong xã hội Việt Nam. Người ta nghiên cứu tư duy, diễn từ và chủ đề mà nó lựa chọn. Chẳng hạn trong một giai đoạn trước đây, Đảng có tên gọi là Đảng Lao động hồi những năm 1950-1960. Sau thống nhất đất nước và đổi mới, mỗi một giai đoạn, đảng đều biến đổi để thích ứng với tình hình cụ thể trong từng thời điểm.
Chẳng hạn, phương châm của Đảng không giống với luận điệu mà họ đưa ra cách đây hai chục năm. Từ thời điểm sụp đổ của Bức tường Berlin và khối Đông Âu, Đảng này đã không quyết định giống như các đảng cộng sản khác ở Đông Âu để thay đổi tên gọi của mình, hay thay đổi một cách đáng kể hệ tư tưởng của đảng. Nó chỉ quyết định đơn giản là sửa đổi lập trường để đồng thời tôn trọng quan hệ 'đồng minh' với Đảng Cộng sản Trung Quốc và đồng thời tính toán trải qua từng giai đoạn khác nhau làm sao duy trì được quyền lực nói chung và quyền lực mà tầng lớp cao nhất của đảng lâu nay vẫn nắm giữ.

Mục tiêu cuối cùng và tối thượng của Đảng Cộng sản Việt Nam có thể nói là duy trì quyền lực mà đảng này và các thành viên chóp bu của nó đã nắm được từ hơn nửa thế kỷ qua. Vì vậy có thể nói, trong vòng 20 năm trở lại đây, chúng ta có thể thấy có một thay đổi trong phương châm tỏ ra thiên hơn về quốc gia dân tộc của đảng. Tức là từ một đảng rất quốc tế chủ nghĩa, chuyển sang một đảng tỏ ra rất ‘quốc gia dân tộc’, ‘rất yêu nước’. Có một quá trình chuyển đổi từ một đảng với tư tưởng Hồ Chí Minh, vốn trộn lẫn trong đó nhiều yếu tố như tinh thần, đạo đức, văn hóa Khổng Nho, chuyển sang tinh thần phòng thủ, tự bảo vệ chủ thuyết như hiện nay. Dường như đây là một trong những yếu tố giải thích vì sao họ đứng vững tới nay.

Đồn đoán nhân sự

BBC: Có thể dự đoán được gì về thay đổi lãnh đạo của đảng ở Đại hội XI tới đây, nhất là với một số nhân vật cao cấp như các ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng hay Phùng Quang Thanh…?

Tiến sỹ Tréglodé: Thông thường trước ngưỡng những sự kiện quan trọng của như đại hội đảng CSVN, vẫn diễn ra các đồn đoán, dự đoán khác nhau, mà các chi tiết thay đổi từng tháng một. Vai trò phân tích sử học về đảng phái chính trị của chúng tôi không nhất thiết phải tập trung vào việc bàn xem ai sẽ chiếm giữ ba vị trí tạm gọi là tam đầu chế trong đảng cộng sản ở Việt Nam. Hiện có những đồn đoán khá rõ ràng rằng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cũng như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là những người sắp rời khỏi các vị trí của mình hiện nay, vì lý do giới hạn tuổi tác.

Ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là sẽ tiếp tục cương vị Thủ tướng Chính phủ hiện nay của ông. Sau đó, người ta cũng bàn về việc ai sẽ kế vị các chức vụ mà các ông Triết và Mạnh để lại. Người ta cũng nói tới khả năng ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim Chủ tịch Quốc Hội, sẽ trở thành Tổng Bí thư, kế vị ông Mạnh, mặc dù ông Trọng về mặt tuổi tác cũng đã 66 tuổi. Tuy nhiên như đã nói, những đồn đoán hay giả thuyết này không ở trọng tâm, hay không thực quan trọng đối với cách đặt vấn đề và nghiên cứu của chúng tôi. Điều quan trọng hơn là đại hội đảng lần thứ XI tới đây có thực sự đem lại đổi mới nào thực sự về mặt tư duy cũng như cải tổ thực sự từ bên trong đảng hay là không.

BBC: Có thể dự đoán ra sao về tương lai của đảng cộng sản trong trung hạn cũng như dài hạn. Liệu sẽ diễn ra một ngày mà ĐCS cùng tồn tại với nhiều đảng phái khác ở Việt Nam, trong một nền chính trị đảng phái đa nguyên và dân chủ?

Tiến sỹ Tréglodé: Trong 20 năm qua đã có nhiều quan sát và phân tích nước ngoài luận bàn về mở cửa chính trị của Việt Nam. Theo đó nhiều người khi đó cho rằng chính sách mở cửa kinh tế sẽ dần tác động tới mở cửa về chính trị. Tuy vậy, qua năm tháng, người ta thấy có sự trái ngược với dự đoán này. Cuộc đổi mới từ những năm 1980 của Việt Nam đã đem lại một số cởi mở về mặt xã hội, nhưng đã không đem lại một sự cải tổ căn bản, gốc rễ về hệ thống chính trị, nhất là so với hiện tượng và xu hướng khá phổ biến có sự điều chỉnh, hiện đại hóa về chính trị của nhiều nhà nước ở khu vực Đông Nam Á.

Người ta không thấy nhất thiết có sự liên hệ trong trường hợp của Việt Nam, mà theo đó, quá trinh biến đổi nội bộ thể chế phải trải qua một cơn khủng hoảng về mở cửa. Thể chế chính trị của VN không còn hoàn toàn giống với chính nó hồi những năm 1990, thế nhưng đồng thời, chắc chắn rằng có một sự tái sản xuất, sự tái tục về thế hệ quyền lực cũng như về tầng lớp cao cấp nắm quyền của đảng.

Gần đây người ta nhắc nhiều tới các vụ bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến, các blogger, các nhà hoạt động về nhân quyền vốn xảy ra thường xuyên hơn ở Việt Nam. Thời gian một năm trở lại trước Đại hội đảng, hiện tượng xảy ra nhiều hơn thường lệ các vụ bắt giữ thể hiện một nền chính trị nội bộ với những khẳng định về quyền lực, ảnh hưởng, quyền lực độc tôn, kể cả về tinh thần, giữa một đối thủ cạnh tranh này so với đối thủ khác trong nội bộ, cũng như trong xã hội.

Hiện tượng bắt bớ cũng như thể hiện quyền lực này không chỉ xảy ra trước thềm Đại hội đảng lần thứ XI mà có thể nói là sự lặp lại một kịch bản đã xảy ra trước thềm các đại hội một vài năm trước đây như Đại hội đảng lần thứ IX hay thứ X. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu những sự kiện và cách thức này ở thời điểm năm 2010 có thể tạo ra những ảnh hưởng và tác động ra sao tới toàn thể xã hội.

Và tôi thấy rằng mặc dù đã xuất hiện một số yếu tố mới trong hai chục năm từ Đổi mới, với sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu mới ở đô thị có giáo dục và học vấn tốt hơn, mặc dù có sự bàn luận tự do hơn ở Việt Nam ở trên đường phố, các quán café, nhà hàng với việc người dân Việt Nam hiện nay tỏ ra phê phán nhiều hơn đối với các tầng lớp lãnh đạo (họ phát biểu nhiều hơn về các chủ đề chính trị, họ ít tỏ ra sợ hơn so với trước đây), nhưng tầng lớp lãnh đạo vẫn luôn luôn tỏ ra xa cách, vẫn có một khoảng cách và khác biệt rộng lớn như người ta vẫn nói giữa, tầng lớp lãnh đạo đảng và nhân dân.

Theo quan điểm riêng của tôi, dân chủ và quá trình dân chủ hóa từ bên trong ở Việt Nam vẫn còn cần lâu dài về mặt thời gian để có thể đạt được. Về tâm thế, quá trình này vẫn đang có những diễn tiến, nhưng tôi thấy về mặt nguyên tắc và căn bản, biến đổi thể chế ở Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng xảy ra, để dẫn dắt nhân dân với những yêu cầu cao vốn đòi hỏi thay đổi và cải tổ từ bên trong một cách lâu dài.

(Phần thứ nhì cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Benoit de Tréglodé sẽ được đăng trong những ngày tới. BBC cũng đang giới thiệu các bài liên quan tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến vào tháng 1/2011)

Việt Nam theo mô hình gì?
Cập nhật: 10:41 GMT - thứ ba, 14 tháng 12, 2010
Tiếp tục loạt bài về chính trị Việt Nam trước Đại hội XI của Đảng Cộng sản, BBC xin giới thiệu phần thứ nhì bài phỏng vấn với Tiến sĩ Benoit de Tréglodé, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Đương đại của Pháp (IRASEC).

Trong bối cảnh hiện nay, có ít nhất hai nhân tố khác tác động tới mô hình chính trị tại Việt Nam: Trung Quốc và Phương Tây.

BBC đặt câu hỏi rằng trước ảnh hưởng mạnh về chính trị của láng giềng cộng sản Trung Quốc, có phải Phương Tây, gồm Hoa Kỳ, Pháp, Anh và nhiều nước khác, do các ràng buộc quyền lợi kinh tài, lại tỏ ra yếu đi trong tác động về dân chủ với Việt Nam, tiến sĩ Tréglodé trả lời:

Tiến sỹ Tréglodé: Đặt vấn đề phát triển một mô hình chính trị tự chủ ở Việt Nam, độc lập hoàn toàn với mô hình hiện hữu ở Trung Quốc, có vẻ là một điều không thể có. Người ta từng nói tới dân chủ hóa trong nội bộ đảng ở Bắc Kinh cách đây một thời gian, và cũng nói tới sau đó một quá trình dân chủ hóa nội bộ trong Đảng ở Việt Nam.

Thực ra, giữa hai quốc gia cộng sản, hai mô hình có những tương tác nhân quả, với sự thay đổi ở Trung Quốc và theo đó là sự biến đổi, phát triển và thích nghi diễn ra trong trường hợp Việt Nam.

Đó là chưa kể, có những quan hệ lịch sử, chính trị, văn hóa ăn sâu giữa hai quốc gia. Gần đây Trung Quốc cũng thể hiện một ý chí rõ ràng trong chính sách ảnh hưởng chính trị của mình tới các nước láng giềng phía Nam của nước nay, mà trong đó có Việt Nam.
Về vai trò của phương Tây đối với dân chủ và cải cách ở Việt Nam, ngoài các yếu tố như Việt Nam là một thị trường năng động với hàng trăm nghìn người gia nhập thị trường lao động hàng năm, mức tăng trưởng thường niên trên dưới 7%, các cam kết của nước này khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới, ý muốn hợp tác với các đối tác quốc tế…, về mặt dài hạn, có thể thấy trong 25 năm qua, Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể về quan hệ đối tác.

Và các đối tác này cũng có những tác động nhất định vào nước này. Chẳng hạn, hai đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong năm 2010 là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Đương nhiên từ quan hệ đối tác kinh tế trọng yếu này, các mối liện hệ về chính trị cũng phát triển rất nhanh, không kém những quan hệ xuất nhập khẩu, thương mại khác. Việt Nam xuất khẩu rất nhiều tới các quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Singapore, và đối tác hàng đầu ở châu Âu là Đức. Nhưng Việt Nam cũng xuất khẩu với số lượng quan trọng tại châu Á, tới các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Bắc Á.
Mặt khác, trong một thời gian dài nhiều đối tác đầu tư hàng đầu ở Việt Nam là các quốc gia ở châu Á. Do đó đã có một chiều hướng châu Á hóa các quan hệ chính sách và chính trị ở Việt Nam mà ở phía Bắc, đó là quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, quan hệ với nhiều quốc gia phương Tây cũng được tính đến.

Do đó, lẽ dĩ nhiên xuất hiện một phương thức cân bằng hóa quyền lực hoặc tìm kiếm phương thức này trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, từ không chỉ góc độ kinh tế, mà còn ở góc độ chính trị và chiến lược.
BBC cũng hỏi Tiến sĩ Tréglodé về một sự trở lại của Hoa Kỳ về mặt chính trị tại Việt Nam sau giai đoạn 'làm quen' trên 10 năm trước, ông cho biết:

Tiến sỹ Tréglodé: Đối với các nước phương Tây, sau một giai đoạn ở những năm 1990, với nhiều đối tác đầu tư nước ngoài tỏ ra mệt mỏi trong việc làm ăn với Việt Nam và ra đi khỏi thị trường vì nhiều lý do, trong mấy năm gần đây đã có sự thay đổi. Và người ta thấy đã có sự trở lại của nhiều đối tác Phương Tây. Chẳng hạn như Hoa Kỳ đã trở lại với sự nhấn mạnh. Pháp cũng đã trở lại và coi Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong quan hệ ở khu vực Đông Nam Á.

Ở đây cũng có những lý do về mặt kinh tế, như Việt Nam trải qua 20 năm trở thành một thị trường tiêu thụ quan trọng, mà người ta có thể kiếm tiền ở đây. Nhưng cũng có lý do về mặt chính trị, chẳng hạn như Việt Nam đã biết quản lý khá tốt sự gia nhập của mình vào các diễn đàn quốc tế. Ví dụ có thể ghi nhận vai trò của nước này trong nhiệm kỳ ngắn làm chủ tịch với tư cách thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, hay trong việc tổ chức các diễn đàn khu vực Asean đăng cai tại Việt Nam. Do đó người ta thấy có thể có những yếu tố tin cậy nhất định để trở lại.

Và cuối cùng, liên quan tới điểm này, một ví dụ diễn biến gần đây là sự kiện ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton đã mượn diễn đàn Asean mở rộng tại Hà Nội hồi tháng Bảy để có những phát biểu mang tính chất tuyên ngôn chiến lược về lập trường mới nhất của Hoa Kỳ đối với an ninh Biển Đông, điều mà đã làm cho Bắc Kinh khá bất ngờ. Và cũng có thể thấy rằng nhiều nước phương Tây, cũng trong vòng kỳ vọng của Việt Nam, cũng muốn trở lại quốc gia này như một cánh cửa mới, mở ra trong khu vực cho những vấn đề quan tâm và liên quan của mình, mà trong số đó, bao gồm các nước như Hoa Kỳ, Nga, một số quốc gia châu Âu và ngoài ra là cả Nhật Bản nữa.

Tiến sỹ Benoit de Tréglodé là chuyên gia Việt Nam học và hiện giữ chức Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Đương đại (IRASEC) của Pháp, có trụ sở đóng tại Bangkok, Thailand. BBC sẽ tiếp tục giới thiệu các bài liên quan tới Đại hội Đảng XI tháng 1/2011.

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...