Chủ nợ nói 'bị lừa' trong vụ Vinashin
Người Việt, Monday, May 16, 2011 7:53:40 PM Hà Nội sẽ khó vay tiền quốc tế
HÀ NỘI (TH) - Nếu nhà cầm quyền Hà Nội không trả số tiền mà Vinashin vay nợ như đã từng viết thư hậu thuẫn, họ sẽ không còn cơ hội vay tiền trên thị trường tài chính quốc tế vì coi như lừa gạt, đó là lời một trong người liên quan trong giới chủ nợ của hãng đóng tàu này.
Bảng hiệu của tập đoàn Vinashin ở Hà Nội. (Hình:AFP/Getty Images)
Một bài viết trên tờ Wall Street Journal hôm Thứ Hai mô tả như vậy về món nợ $600 triệu USD mà Vinashin vay của một tập thể khoảng 20 nhà đầu tư tài chính quốc tế với kỳ trả đầu tiên $60 triệu USD đáo hạn từ năm 2010 đến nay vẫn chưa trả.
Tập đoàn đóng tàu biển Vinashin phát triển nhanh chóng từ một công ty nhỏ, phù phép phình lên thành một tập đoàn đóng tàu cấp quốc gia, lại còn phát triển đa ngành lên thành 200 công ty lớn nhỏ, gồm cả chuyện nuôi heo, nấu rượu, mở khách sạn, đầu cơ địa ốc, xây dựng nhà máy điện.
Năm ngoái, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị, tổng giám đốc và một số quan chức cầm đầu tập đoàn đã bị giam. Những cáo buộc đầu tiên là “cố ý làm trái gây thiệt hại nghiêm trọng” rồi sau đó, có thể sẽ bị truy tố luôn cả tội danh tham nhũng.
Một số bài viết rải rác trên một số tờ báo tại Việt Nam tố cáo những người cầm đầu tập đoàn Vinashin đã lợi dụng cơ hội để vơ vét, làm giàu cho mình hơn là làm công việc được giao phó.
Khi bắt đầu biến công ty Vinashin thành một tập đoàn, chế độ Hà Nội, muốn biến nó thành một thứ “quả đấm thép” với tham vọng trở thành những đại công ty lớn về đóng tàu biển trên thế giới như của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cho nên, năm 2005, trọn số tiền $750 triệu USD mà Hà Nội bán công trái trên thị trường quốc tế đã trao cho Vinashin làm vốn kinh doanh. Sau đó, năm 2007, nhà cầm quyền Hà Nội viết một bức thư yểm trợ cho Vinashin vay thêm số tiền $600 triệu USD.
Nhưng khi tin tức lộ ra cuối năm ngoái là Vinashin không trả nổi kỳ trả đầu tiên.
“Trong cách hiểu của các nhà đầu tư tài chính, đây luôn luôn là món nợ được chính phủ hậu thuẫn.” Một nhân vật quen thuộc với vụ việc nói với báo WSJ: “Từ nay về sau, tiền cho vay sẽ không tới những nơi không được cư xử công bằng.”
Nhà cầm quyền Hà Nội và cả đại diện công ty Vinashin không trả lời các đề nghị của Wall Street Journal yêu cầu bình luận.
Việc xảy ra cho món nợ vay tại Vinashin tiêu biểu cho vấn đề vay nợ ở những thị trường đang phát triển. Vì muốn kiếm lời nhiều, năm nay, tư bản Mỹ đã đổ khoảng $5.6 tỉ USD vào các thị trường trái phiếu đang phát triển. Tuy nhiên, số tiền này chỉ nhỏ bằng phân nửa năm ngoái.
Chuyện rắc rối trả nợ của Vinashin sẽ là một sự đe dọa lớn đối với viễn ảnh kinh tế của Việt Nam. Hiện nước này lạm phát rất cao. Tháng 4, 2011 lạm phát lên tới 17.51% và tháng 5 này cũng chưa chắc đã thấp hơn.
Giới chuyên gia kinh tế tin rằng Việt Nam cần phải hấp dẫn thêm được nhiều đầu tư từ ngoại quốc hơn nữa để xây dựng hệ thống hạ tầng quá yếu kém, từ đường lộ đến thiết lộ, các nhà máy điện, giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng.
Trong phiên họp của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ở Hà Nội hồi đầu tháng, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải cho hay Việt Nam cần đến $300 tỉ USD đầu tư hạ tầng cơ sở nếu muốn tăng trưởng hơn nữa.
Nhà cầm quyền Hà nội cố đưa ra các biện pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kể cả giảm mức tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều kinh tế gia tin rằng những gì đã thi hành vẫn chưa đủ mạnh.
Hà Nội cũng cấm dân chúng mua bán vàng miếng và đô la tự do nhằm lấy lại niềm tin cho trị giá đồng nội tệ sau khi đã phá giá mấy lần.
Johanna Chua, kinh tế gia của ngân hàng Citigroup cho hay tiền đồng Việt Nam tăng giá 2% so với đồng đô la hồi tháng 4, chứng tỏ biện pháp có hiệu quả và đạt mục đích giữ cho tín dụng cấp phát dưới 16% cho năm nay so với 30% hồi năm ngoái.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng Vinashin sẽ tiếp tục làm tổn hại uy tín của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế và đồng thời làm chậm tiền đầu tư từ ngoại quốc chảy vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Tấn Dũng muốn biến tập đoàn Vinashin thành một kỹ nghệ dẫn đầu, đưa Việt Nam tới “công nghệ hóa.” Nhưng tham vọng biến thành bọt biển vì một phần là sự suy thoái toàn cầu, phần khác là sự tham nhũng cộng với khả năng quản trị thấp kém đã đẩy cả tập đoàn này xuống hố.
Tổng số công nợ của Vinashin vào năm 2008 là $4.4 tỉ USD trong khi cộng hết tài sản chìm nổi ngang dọc của họ cũng không đến được số đó.
Một trong những tổng công ty hàng đầu của Vinashin, nhà máy đóng tàu Nam Triệu ở Hải Phòng, bị khách hàng ở nước ngoài trả lại 7 tàu. Nam Triệu nợ lương của hơn 3,000 nhân viên nhiều tháng không trả, theo một bản tin của báo Thanh Niên tháng 7, 2010.
Nhiều công ty đóng tàu khác cũng nợ lương của công nhân suốt nhiều tháng vì không có tiền.
Trong một phiên điều trần ở Quốc Hội, ông Nguyễn tấn Dũng, thủ tướng và là người có quyền trên cùng trong hệ thống chỉ huy Vinashin, nói lời nhận trách nhiệm suông, nhưng không nói gì về giải pháp.
Theo WSJ, các chủ nợ của món nợ $600 triệu USD tỏ ra rất ngạc nhiên về thái độ làm lơ của nhà cầm quyền Hà Nội. Họ đã cố nhiều lần trong những tháng qua để tìm hiểu xem những gì đang xảy ra ở Vinashin. Một trong những điều đó là tập đoàn Vinashin đã bị cưa làm 3. Hai phần tài sản đã được chuyển giao cho tổng công ty tàu thủy Vinalines và tập đoàn dầu khí quốc doanh mà không hề có sự chấp thuận của các chủ nợ.
Không những thế, nhà cầm quyền Hà Nội lại lập đi lập lại nhiều lần là họ không có trách nhiệm gì đối với món nợ của Vinashin. Các chủ nợ bối rối không biết làm thế nào thu hồi được nợ.
Trong khi đó, tình hình tài chính của Vinashin lại càng bết bát hơn nữa.
“Họ không kiếm được tiền với các tàu họ đóng và nhà cầm quyền phải yêu cầu các ngân hàng địa phương cho vay thêm tiền cũng như kêu gọi các nhà cung cấp vật liệu tiếp cứu.” Một nhân vật thân cận với tình thế của Vinashin cho biết: “Nhưng thật tình thì người ta không thể biết chuyện gì đang diễn ra. Nó quá mù mờ.” (TN)
----------------------
Chủ nợ của Vinashin ‘cảm thấy bị lừa’
BBC, 15:54 GMT - thứ hai, 16 tháng 5, 2011
Vinashin đã đầu tư vào nhiều khu vực không liên quan tới ngành đóng tàu.
Bài viết trên báo tài chính The Wall Street Journal ra ngày 16/05 nhận định diễn biến này nhiều khả năng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới những kế hoạch cải thiện kinh tế của Việt Nam.
Các vấn đề xảy ra với Vinashin cho thấy những rủi ro khi đầu tư vào một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong các nước mới nổi lên trên thế giới, ít nhất là những gì có thể nhìn thấy trên bề mặt.
Chính phủ Việt Nam lập ra Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, cốt để trở thành tập đoàn có vị thế lớn trong thị trường đóng tàu quốc tế nhằm có thể cạnh tranh với các tập đoàn đóng tàu lớn mạnh của Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản.
Chính phủ cũng đã đổ toàn bộ số tiền 750 triệu đôla thu được từ lần phát hành trái phiếu chính phủ tại thị trường nước ngoài lần đầu tiên trong năm 2005 cho Vinashin.
Trong năm 2007, chính phủ Việt Nam viết thư bảo lãnh cho tập đoàn này để rồi họ có được thêm khoản vay 600 triệu đôla vốn bổ sung, thông qua hợp đồng đi vay được ngân hàng ở nước ngoài thu xếp.
Nhưng khi Vinashin vỡ nợ vào cuối tháng 12 năm ngoái, chính phủ đã từ chối trả nợ thay.
Đã có hàng chục định chế tài chính đầu tư vào các khoản cho Vinashin vay.
'Chủ nợ bị lừa'
Trong số này có Standard Chartered PLC, Credit Suisse AG, Depfa Bank PLC và quỹ đầu tư dạng hedge fund là Elliott Advisers Ltd.
Một số chủ nợ của Vinashin nay phàn nàn rằng họ đã 'bị lừa gạt'.
Đối với nhiều công ty tài chính khác, thư bảo lãnh của chính phủ là lý do duy nhất mà họ cảm thấy đủ an toàn để cho tập đoàn này vay.
Trong tháng này, một nhóm gồm hơn phân nửa các chủ nợ đã gửi một lá thư cho chính phủ của Việt Nam đòi thanh toán khoản nợ đầu tiên là 60 triệu đôla vốn đáo hạn từ tháng 12 năm ngoái.
"Đây luôn là khoản vay được chính phủ bảo lãnh theo cách hiểu của giới chủ nợ,” một người thạo tin liên quan tới diễn biến này nói với The Wall Street Journal.
"Trong tương lai, đồng vốn sẽ không đổ vào những nơi mà vốn không được đối xử đúng mực." Người này nói thêm.
The Wall Street Journal cho biết các quan chức tại Vinashin và giới chức chính phủ Việt Nam không phản hồi lại yêu cầu bình luận của báo này.
Các vấn đề với Vinashin cho thấy rõ những rủi ro mà các nhà đầu tư phải lĩnh hội khi họ bỏ tiền vào những thị trường nhỏ.
Bế tắc về việc Vinashin không trả được nợ có thể gây ra một mối đe dọa đáng kể đối với triển vọng của Việt Nam.
Chính phủ đã và đang phải vật lộn với mức lạm phát ngày càng tồi tệ.
Thực trạng chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng ngưỡng 17,51% vào tháng Tư và có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới làm phức tạp thêm triển vọng kinh tế trước mắt.
Thêm vào đó là những vấn đề liên quan tới niềm tin đối với tiền đồng, vốn bị phá giá năm lần kể từ giữa năm 2008.
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng Vinashin là gánh nặng đối với triển vọng của Việt Nam, gây tổn hại danh tiếng của Việt Nam đối với cả các công ty cho vay quốc tế và có khả năng làm chậm lại dòng vốn đầu tư nước ngoài giúp tạo đà cho nền kinh tế của đất nước này trong những năm gần đây.
Mục đích của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Mục đích là biến Vinashin thành một cỗ máy chế tạo có thể giữ cho ngành công nghiệp đóng tàu nằm trong tay nhà nước.
Thế nhưng dự án này đổ bể khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra trong năm 2008, để lại gánh nặng về nợ cho Vinashin với khoảng 4,4 tỉ đôla.
Các đơn hàng của công ty bị cắt giảm, làm tê liệt vốn hoạt động.
Mùa hè năm ngoái, nhà chức trách đã bắt một số quan chức hàng đầu của Vinashin, bao gồm cả cựu Tổng Giám đốc Phạm Thanh Bình, và cáo buộc họ khai man báo cáo tài chính để che dấu tình trạng thật về tài chính của tập đoàn này.
'Chính phủ tảng lờ'
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển một số đơn vị kinh doanh của Vinashin sang các tập đoàn khác.
Tất cả các hãng đánh giá tín nhiệm như Investors Service của Moody's, Standard & Poor's và Fitch Ratings đều đã hạ điểm xếp hạng tín dụng của Việt Nam trong những tháng gần đây, đa phần do các vấn đề tại Vinashin.
Thủ tướng Việt Nam đã xin lỗi về vai trò của mình trong việc quản lý yếu kém của Vinashin tại một phiên chất vấn ở quốc hội được truyền hình trực tiếp.
Các nhà đầu tư bị dính vào khoản cho Vinashin vay 600 triệu đôla nói họ rất ngạc nhiên về sự thờ ơ của chính phủ Việt Nam trước những quan ngại của họ.
Những chủ nợ đã cố gắng rất nhiều lần trong vài tháng qua để biết xem điều gì đang xảy ra với Vinashin.
Trong số các việc làm của chính phủ có cả việc chuyển một số đơn vị Vinashin sang các doanh nghiệp nhà nước khác mà không cần sự chấp thuận của các chủ nợ của tập đoàn này.
Mặc dù vậy, chính phủ Việt Nam đã nhiều lần nói rằng các khoản nợ của Vinashin không thuộc trách nhiệm của nhà nước, khiến chủ nợ của Vinashin không hiểu nổi làm sao để có thể lấy lại được tiền đã cho tập đoàn này vay mượn.
Trong khi đó, tình hình tài chính tại Vinashin dường như ngày càng bấp bênh hơn.
"Chúng tôi không kiếm thêm được tiền tự hoạt động đóng tàu và chính phủ đang yêu cầu các ngân hàng trong nước cho Vinashin vay thêm cũng như yêu cầu các nhà cung cấp hỗ trợ thêm," một người nắm rõ diễn biến tại Vinashin nói.
Người này nói thêm rằng "Nhưng người ta sẽ không thể biết chuyện gì đang xảy ra. Mọi thứ đều hết sức vẩn đục”.
-----------------------
Chủ nợ Vinashin được hợp đồng béo bở?
BBC, 12:49 GMT - thứ tư, 18 tháng 5, 2011
Một số chủ nợ của Vinashin không muốn gây sức ép quá nhiều với chính phủ vì các quan hệ làm ăn khác
Hãng Credit Suisse, một trong các chủ nợ của công ty đóng tàu vỡ nợ Vinashin, được chọn tư vấn trong vụ Vietcombank bán 20% cổ phần trị giá 500 triệu đôla.
Hãng tin Reuters trích một nguồn tin giấu tên nói Credit Suisse Group AG sẽ giúp Vietcombank trong thương vụ sẽ kết thúc trong năm nay hoặc đầu năm sau.
Tuy nhiên Reuters nói Credit Suisse từ chối bình luận.
Chính phủ Việt Nam sở hữu gần 91% ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Vietcombank, ngân hàng có tư nhân nắm cổ phần, lớn thứ hai ở Việt Nam về mặt tài sản.
Cổ phiếu của ngân hàng này tăng gần 5% lên 30.900 đồng trong ngày thứ Ba trong khi chỉ số Vietnam Index giảm 1,5%.
'Thất vọng'
Tạp chí có uy tín xuất bản tại Anh The Economist trong ngày thứ Ba cũng nhận định các chủ nợ của Vinashin có các mối làm ăn khác ở Việt Nam và không muốn khoản nợ của Vinashin, vốn được chính phủ bảo lãnh, ảnh hưởng tới công việc làm ăn nói chung của họ.
Vinashin đã không thanh toán được khoản trả nợ đầu tiên đến hạn hồi tháng mười Hai năm ngoái của khoản vay 600 triệu đô la mà các chủ nợ quốc tế do Credit Suisse dẫn đầu đã cho Vinashin vay với lãi suất 7,15% một năm hồi đầu năm 2007.
Các chủ nợ đã bày tỏ sự thất vọng khi chính phủ Việt Nam không giúp Vinashin trả nợ cho dù họ đã bảo lãnh khoản vay này.
The Economist nói chính phủ Việt Nam có vẻ không muốn tiếp tục bơm tiền vào các tập đoàn quốc doanh khổng lồ, nhất là những tập đoàn mà Hà Nội muốn cải tổ.
Vinashin nợ tới 4,4 tỷ đô la vào giữa năm ngoái và sẽ phải giảm số công ty con từ gần 300 xuống chỉ còn hơn 40 với số công nhân cũng giảm gần 20.000 người xuống còn 30.000 vào năm 2013.
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...