CSVN trả tự do và trục xuất Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy sang Mỹ - tin Tổng hợp
- Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy được trả tự do và sang Mỹ (RFI, Thứ sáu 24 Tháng Sáu 2011)
- Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy trả lời phỏng vấn RFA ngay khi đến Mỹ, (RFA, 2011-06-24)
* * *
Tú Anh
Nhà văn ly khai Trần Khải Thanh Thủy đã rời nhà tù Việt Nam sang Mỹ định cư.Tin này đã được giới chức chính quyền Hoa Kỳ và Việt Nam thông báo hôm nay, 24/06/2011. Tháng 2 năm 2010, nhà báo độc lập này bị quy tội « cố ý gây thương tích » và bị kết án tù 3 năm 6 tháng trong một vụ án mà giới nhân quyền tố cáo là dàn dựng.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và chồng (courtesy of freetrankhaithanhthuy.files.wordpress.com) |
Ngày hôm nay 24/06/2011, bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo « Trần Khải Thanh Thủy đã được sang Hoa Kỳ định cư vì lý do nhân đạo ».
AFP nhận định đây là một trường hợp hy hữu kể từ nhiều năm nay. Trên nguyên tắc thì phải đến tháng 8 năm 2013 thì nhà văn, nhà báo « lề trái » này mới mãn án tù.
Phát ngôn viên sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết thêm bà cùng cô con gái út 14 tuổi được nhập cư vào Hoa Kỳ.
AFP nhắc lại bà Trần Khải Thanh Thủy là một nhà văn được quốc tế biết đến. Bà bị kết án ba năm rưỡi tù giam với tội danh « cố ý gây thương tích ».
Bức ảnh mà công an đưa ra làm bằng chứng đã bị giới chuyên gia ảnh trên mạng phát hiện là ngụy tạo.
Tại tòa, nhà văn ly khai, thành viên danh dự của Văn Bút của Anh quốc, đã bác bỏ mọi lời cáo buộc và lên án chính quyền Việt Nam dàn dựng vụ án trong khi chính bà và chồng mới là nạn nhân của vụ hành hung ngay tại nhà riêng.
Bà Trần Khải Thanh Thủy cũng đã một lần bị giam suốt 9 tháng vào năm 2007.
Khi bà bị bắt năm 2009, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã bày tỏ quan ngại về thông tin bà « bị đánh đập và bị bắt » sau khi công khai ủng hộ nhóm dân chủ Hải Phòng.
Sinh năm 1960, bà Trần Khải Thanh Thủy tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội năm 1982. Bà dạy học và viết báo trước khi bị thôi việc vào năm 1999 vì các bài viết « không theo luồng ».
Khi đến San Francisco, bà Trần Khải Thanh Thủy đã được nữ dân biểu Loretta Sanchez, người cùng với Ngoại trưởng Hillary Clinton nỗ lực tranh đấu cho bà, tiếp đón.
Trong dịp này, dân biểu Loretta Sanchez kêu gọi Hà Nội trả tự do cho các tù nhân bất đồng chính kiến khác. Bà cũng kêu gọi cộng đồng thế giới quan tâm hơn vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.
Bà Trần Khải Thanh Thủy được trả tự do trong bối cảnh quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ có dấu hiệu biến đổi tích cực do tình hình căng thẳng với Trung Quốc.
-----------------------------
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy trả lời phỏng vấn RFA ngay khi đến Mỹ
Việt Hà, phóng viên RFA, 2011-06-24
Ngay sau khi được Việt Nam trả tự do và trục xuất sang Hoa Kỳ, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã dành cho Đài Á Châu Tự Do một cuộc phỏng vấn đặc biệt.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy (trái) cùng con gái sau khi đến California hôm 24-06-2011.(RFA) |
Dưới đây là nội dung cuộc trả lời phóng vân của Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy với phóng viên Việt Hà, sau khi bà đặt chân đến thành phố San Francisco, tiểu bang California.
Vẫn đam mê cầm bút
Việt Hà: Trước hết xin cám ơn Chị đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn và chúc mừng Chị được trả tự do, sang đến Mỹ an toàn. Muốn hỏi chị là khi đặt chân đến Hoa Kỳ, cảm giác đầu tiên của Chị là gì?
Trần Khải Thanh Thủy: Cảm giác đầu tiên của tôi là đi từ địa ngục đến thiên đường, và thậm chí vẫn không tin đó là sự thật.
Việt Hà: Chị có thể cho biết hoàn cảnh khi nhận được tin dược trả tự do là hoàn cảnh như thế nào, và lúc nhận được tin đó thì chị có cảm nghĩ ra sao?
Trần Khải Thanh Thủy: Tin này là tin được giữ bí mật cho đến phút chót. Mãi cho đến 3 giờ rưỡi chiều ngày 23/6 ở Việt Nam, tôi vẫn đang ở trong buồng giam, vẫn đang quần cộc, áo ba lỗ đánh vật với cái nóng gió Lam Sơn, nóng tới 37, 38 độ mà không có điện có quạt gì cả, thì cán bộ trại giam vào nói với tôi là chị mặc quần áo trại vào để ra gặp cán bộ.
Tôi cứ nghĩ là lại ra gặp cán bộ trại bình thường thôi, tôi cũng vội vàng mặc bộ quần áo của trại dầy, nặng, cũ kỹ, đội cái nón mê, đi theo cán bộ trại ra ngoài thì mới thấy lố nhó bóng dáng công an, an ninh mặc thường phục. Tôi đoán là sẽ có một biến cố gì đó đến với mình. Họ chỉ cho phép tôi được chuẩn bị có 5 phút, bảo rằng phía Mỹ đã bố trí vé máy bay cho tôi và bay ngay trong đêm nay, bây giờ vào lôi đồ đạc ra để họ đưa tôi đi.
Lúc ấy tôi vui mừng như là hai đầu gối reo hát trên nền gạch, run hết cả tay chân, cuống hết cả lên, không ngờ là sau 21 tháng trời chịu đựng, đến giờ phút ấy tự do đã lạc bước đến với mình.
Ngay lập tức tôi vào chuẩn bị các thứ, nhưng cũng không được phép chuẩn bị gì nhiều vì họ đi theo, nên tôi chỉ xách có cái túi. Lúc đó tôi vẫn còn đội cái nón mê ở trên đầu, họ bảo là bỏ cái nón lại chứ.
Việt Hà: Như vậy chị không kịp gặp anh Tân chồng chị ạ?
Trần Khải Thanh Thủy: Cả nhà tôi đợi ở sân bay Nội Bài, họ ấn định cho phép gặp nhau từ khoảng 8 giờ đến 9 giờ. Nhưng thực tế là khi tôi đến sân bay thì gia đình tôi vẫn chưa được vào, sau đó thì họ có bố trí cho gặp trong khoảng nửa tiếng dưới sự giám sát của họ, nhưng thực tế thì tôi nghĩ chỉ khoảng 15 phút, gồm có cả mẹ, em trai, em dâu và 2 cháu, đồng thời có cả chồng tôi.
Cô Đỗ Thủy Tiên, con gái nhà văn Trần Khải Thanh Thủy hiện đang ở Pháp, ảnh chụp năm 2010. RFA File Photo. |
Trần Khải Thanh Thủy: Nói chung đam mê của tôi là đam mê cầm bút và tính tôi là tính bộc trực thẳng thắn, từ bé đã ăn sâu trong máu rồi, nên tôi nghĩ là cứ phải sống thật với lòng mình, phải trung thực, vì trung thực là động lực để xã hội phát triển. Vì thế tôi hoàn toàn không tiếc nuối gì cả, nếu sau này có sống lại kiếp sau thì tôi cũng vẫn như thế thôi.
Sẽ tiếp tục đấu tranh
Việt Hà: Mọi người đều biết chị là người đấu tranh cho dân chủ, đấu tranh cho những người dân bị thiệt thòi, thế thì khi sang đến đất Mỹ xa xôi như thế này làm sao chị có thể tiếp tục con đường đó? Chị có nghĩ sẽ tiếp tục con đường đấu tranh đó không và chị sẽ làm gì?
Trần Khải Thanh Thủy: Nói thật ra, nếu như ở Việt Nam tôi không phải ở trong tù, nếu tôi được phép viết bài, được phép cầm bút, sử dụng ngòi bút dù chỉ là viết những bài bình thường thôi, thì có lẽ tôi cũng chẳng nghĩ đến chuyện phải chuyển bàn viết từ Hà Nội sang Mỹ. Tôi vẫn muốn ở lại để tiếp tục tranh đấu.
Như lần trước khi tôi ra khỏi tù, rất nhiều người bảo rằng chị đi sang Mỹ luôn đi, nhưng tôi nghĩ rằng khi con chim bị nhốt trong lồng, tiếng kêu của nó càng tha thiết, càng gợi cảm, càng thương tâm bấy nhiêu. Còn nếu con chim hòa giữa trời xanh thì nó sẽ bị lẫn với muôn vàn con chim khác. Vì thế cho nên tôi chấp nhận ở lại Việt Nam sau thời điểm ra tù lần trước, nhưng đến lần này vào trong tù thì kinh khủng quá, nó tước đoạt hết mọi quyền tự do của mình, cô lập mình.
Việt Hà: Bây giờ sang Mỹ, trước mắt chị có kế hoạch sẽ làm gì không?
Trần Khải Thanh Thủy: Tất nhiên kế hoạch thì rất nhiều, nhưng kế hoạch đầu tiên vẫn là được sống theo đúng ý mình, vì nước Mỹ vẫn là nước có nền tự do sớm nhất thế giới. Sang đây tôi sẽ tiếp tục cầm bút để giáng thẳng vào đầu Cộng Sản, những cái mà nó làm cho đời tôi điêu đứng, cũng như là những cái mà tước đoạt vận mạng dân tộc mình.
Phương châm sống của tôi là dùng tình thương để đưa hận thù, nhưng với Cộng Sản thì không thể nào dùng tình thương, không thể nào quên được những mối hận mà Cộng Sản đã gây cho cá nhân tôi, cho gia đình tôi cũng như cho cả đất nước Việt Nam.
Việt Hà: Nếu có một lời nhắn nhủ cho những người còn ở lại Việt Nam, những người đã cùng chị tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam, thì chị muốn nhắn gửi gì ạ?
Trần Khải Thanh Thủy: Nếu được phép thì tôi sẽ nói nói là xin mọi người hãy tiếp tục đứng lên, hãy tiếp tục tranh đấu cho một nước Việt Nam thật sự tự do, dân chủ, độc lập và hạnh phúc, chứ không phải là thứ tự do giả hiệu.
Đường đi của những nhà tranh đấu, những nhà dân chủ là đường đi muôn vàn khó khăn, bởi vì những người đi tiên phong bao giờ cũng gặp kiếp nạn. Người ta gặp kiếp nạn vì những cái xấu, cái ác của xã hội do cái đảng này lãnh đạo vẫn còn quá là nhiều, quá là mạnh.
Nhưng sự hy sinh của cái mới non trẻ không bao giờ là vô ích, cụ thể như là cá nhân tôi. Sự hy sinh của cái mới nó sẽ thổi bùng lên ngọn lửa khát khao về tự do, về độc lập, về nhân quyền, và đấy chính là khúc ca bi trang mà bây giờ tôi được hưởng. Cho nên mọi người hãy nhìn vào tấm gương tôi và hãy mạnh dạn đứng lên để đấu tranh với độc tài. Việt Nam bây giờ không còn là ốc đảo nữa, Việt Nam bây giờ đã hội nhập toàn cầu, sự tàn khốc của Cộng Sản đối với những người đấu tranh nhân quyền thì cả thế giới sẽ biết tới và sẽ có cả một hàng rào nhân ái của bà con vây bọc, để cho đảng Cộng Sản phải biết dừng lại và phải biết xấu hổ về việc làm của họ. Không việc gì phải sợ hãi cả.
Việt Hà: Cám ơn Chị rất nhiều và hy vọng sớm gặp Chị ở Washington D.C.
Trần Khải Thanh Thủy: Vâng ạ. Nếu được thế thì tốt quá.
Việt Hà: Vâng, xin cám ơn Chị.
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...