LTC: Kính giới thiệu quý bạn đọc bài viết dưới đây của tác giả Bảo Như, như một Giới Thiệu cho thi tập Ngày Bão Loạn của Hương Giang, với một đồng cảm quý báu và một giọng văn nhẹ nhàng bám sâu vào lòng người...
Ngày Bão Loạn
Bảo Như
(bài do tác giả gởi cho LeTungChau Library)
Đã có những ngày bão loạn, và, thật lạ lùng, chúng được ghi lại trong những bài văn, thơ với một giọng văn tha thiết, những rung cảm êm ả như tiếng đồng lúa vi vu nơi những làng thôn quê hương trong thuở yên bình. Những nhân vật chính của thời bão loạn đó cũng xuất hiện trong những nét nhân bản, lý tưởng, trung thực nhất của họ qua tên gọi "chiến hữu"...
Chiến hữu ơi cho tôi đứng vững
Đi tiếp đoạn đường trước mặt gian nan
Tôi chỉ khóc một lần, một lần thôi, đã hứa
Sao lần này, lần nữa, chưa vơi ...
Trước mặt tôi là tuyển tập thi văn Ngày Bão Loạn của tác giả Hương Giang do Cội Nguồn xuất bản.
Trong Ngày Bão Loạn, các bài thơ và các đoản văn là những suy tư của tác giả về lý tưởng, về quê hương và về các chiến hữu của chị. Có một số nhỏ viết về các chiến hữu được trích dẫn từ những người viết khác vì đó là những tiểu sử, kỷ niệm, ký ức về nhân vật được nhắc tới mà chị không phải là chứng nhân trực tiếp. Số còn lại là tâm tình của chị, cho chính mình, cho các chiến hữu, hay cho mọi người? Có lẽ cho tất cả. Thơ hay văn, những người kháng chiến quân (KCQ) đó đều sống động, những hành động anh hùng của họ cũng trở nên tự nhiên, bình thường như nắng vàng, gió mát, đất nâu ...
Không hề hứa hẹn, không cần chứng minh
Anh lặng lẽ ra đi
Mang theo ước mơ của chúng ta
Ước mơ còn lấp lánh giữa bầu trời hôm qua
Mười năm những vì sao vẫn lấp lánh trong đêm
Khi mỗi cuộc đời của mình cũng giạt đi từ cơn gió
Người nằm nơi rừng hoang
Giấc mơ còn thơm mùi cỏ
Câu thơ gối đầu ngửa mặt nhìn trăng
Cho tôi một lần được nhắc về anh
Những tên người trộn cùng với đất
Đất thiêng liêng giữ nghìn điều không nói
Chỉ anh cùng những vì sao hiện hữu chứng minh
Và cứ thế tiếp nối, tình yêu, quê hương, lý tưởng quyện vào nhau thành những vần sóng sánh thiên nhiên.
Ta có một đời để đợi chờ nhau
Hạnh phúc không về như cơn mưa mau
Anh quay trở về đáp lời sông núi
Tình em mãi xanh như những đọt trầu.
Tôi đọc, và tôi cảm nhận được những lời lẽ đó không chút nào thậm xưng. Những người kháng chiến quân đã hy sinh, hơn hai mươi năm đã qua, hôm nay tập tâm bút ra đời. Và tác giả đã thố lộ trong buổi tối giới thiệu sách, một cuộc họp mặt rất "bỏ túi" giữa các thân hữu:
Có người nói chuyện đã xưa cũ quá, thôi nhắc lại làm gì. Nhưng với Hương thì những người Hương trao ước mơ của mình cho họ, sự ra đi của họ không bao giờ cũ cả. Và mình biết họ mà không viết cho mọi người biết là điều không đúng...
Chị nói trong ngấn lệ, và tôi rưng rưng ngồi nghe ... Phải lắm, chị Hương Giang. Chiến sĩ không bao giờ chết.
Mười kháng chiến quân được kể riêng trong mười tiểu đoạn. Họ không có cấp bậc đứng trước tên. Tất cả đều giản dị là "chiến hữu": Hoàng Cơ Minh, Dương Văn Tư, Huỳnh Văn Tiến, Đặng Quốc Hiền, Ngô Chí Dũng, Nguyễn Trọng Hùng, Phùng Tấn Hiệp, Trần Hướng Việt, Trần Thiện Khải, Võ Hoàng. Và còn rất nhiều tên "chiến hữu" khác được nhắc chung, sơ qua về một vài sinh hoạt trao đổi, những kết cục cuối đời họ…
Những người được đề cập trên, trước khi tham gia kháng chiến, đều đã tới được thế giới tự do, đã có vợ con hoặc người yêu, nhưng tự nguyện vào chiến khu với mục tiêu xâm nhập Việt Nam. Tám trong số họ là sĩ quan QLVNCH, chỉ riêng Ngô Chí Dũng là sinh viên du học tại Nhật, và Trần Hướng Việt là người Việt sinh trưởng tại Thái, chưa một lần biết Việt Nam, nhưng lạ lùng, lại yêu người Việt, nước Việt đến độ xé passport đi Mỹ, từ giã người yêu để gia nhập kháng chiến. Võ Hoàng, ngoài thân thế là một chiến sĩ Hải quân, còn là nhà văn nổi tiếng, làm thơ, viết nhạc, hội hoạ, giỏi cả võ, một người tài hoa đã để lại vợ và ba con trai.
...Có đôi mắt trẻ thơ nào lẩn trong bóng lá
Khi những vì sao vừa chợt rớt trên đồi
Giấc mơ nào nằm lại với đơn côi
Khi những câu thơ theo anh hoà với đất
Biên giới khóc gió đìu hiu vuốt mắt
Những cánh chim thôi đã bạt ngàn...
Tập tâm bút, không những là những dòng sử về những người "anh hùng áo vải" kháng chiến quân, mà chi tiết hơn sử, nó có trái tim, tâm tư, và sự hy sinh không kém phần dũng cảm của những ngừơi phụ nữ của họ phía sau.
Ai chia tay ai buổi chiều đi vội
Chiều chưa qua sao bống tối vây đầy
Một bàn tay nắm chặt bàn tay
Anh nắm chặt nhé, chút tình người ở lại
Em thèm được khóc như những ngày thơ dại.
Và những tình cảm và ước mơ của những kháng chiến quân phi thường trong nhân cách thật ra cũng bé nhỏ như bất cứ một người bình thường nào khác:
Hãy thương anh, lưng anh còn chiếc bóng
Chiếc bóng quê nhà đè mãi thêm đau
Anh sẽ về dạy con và cắt cỏ vườn sau
Sẽ ở bên em hết tháng này ... tháng nữa
Hãy yêu anh như thuở ban đầu em trót hứa
Như ngày nào em cãi mẹ lấy anh
Có những "lời trăn trối" đơn sơ tuyệt đẹp như chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã dặn dò đứa con trai lớn nhất 14 tuổi lúc đó thay cha tặng mẹ hoa hồng vàng vào mỗi sinh nhật của bà.
Không có bờ vai nào cho người vợ trẻ
Không cả tấm thẻ bài, không cả tuổi tên
Kể gì đến chuyện mai này ai nhớ ai quên
Biết bao lần tôi nhìn trên bầu trời đêm
Nghĩ về những câu thơ ngày xưa anh viết
"Chỉ người lính mới không sợ chết
Và cũng chỉ người lính thôi
Mới biết sự sống đáng quý đến nhường nào" *
(*) Hoàng Cơ Minh - Bút Ký Chiến Tranh
Như Pranee, người yêu của kháng chiến quân Trần Hướng Việt sau khi biết tin anh hy sinh đã bay qua Mỹ nhiều lần để thăm viếng cha mẹ anh như một người con dâu và đã ở vậy ôm mối tình bất diệt.
Một ngày nào cho tôi tìm tới nơi
Tìm dấu vết cây đàn nào bỏ lại
Dẫu chỉ một mảnh thôi, dù sợi dây đàn, hay cây viết cũ ...
Để nghe rừng còn vọng tiếng quân ca
Cho tôi ngồi lại nơi gốc cây
Đặt đôi bàn tay mình trên đất
Để anh nghe nhịp tim tôi đang đập
Những nhịp tim ngày nào dõi theo bước chân anh
Để tôi đọc những điều anh viết giữa bầu trời xanh
Khi nắm đất trên tay
còn hơi ấm
tình yêu anh để lại
Dù hầu hết các bài thơ đều được tác giả sáng tác trong tháng ngày chị cho là "bão loạn", nhưng tôi thường tìm thấy rất nhiều những hình ảnh trong veo của quê hương ngày cũ.
Con trăng mỉm cười khi em ngẩn ngơ
Vụ lúa thần nông xanh ngát đôi bờ
Gạo nặng khoang đầy tay dầm chưa mỏi
Thương vòng eo tròn, nước cũng bâng khuâng
Chắc hẳn những người gọi nhau là "chiến hữu" đó cũng vì những hình ảnh này mà họ ra đi, vì ước mơ một ngày trở về không trong vẻ vang, danh vọng, mà chỉ trong những nhỏ bé thân thuộc, đến tội nghiệp, miễn là có nhau.
Rồi sẽ có nhau ngày tôi trở lại
Tôi rửa tay nơi ãng nước bên ngoài
Bếp lửa nhà ai nhen từ quá khứ
Em đợi người về nói chuyện tương lai
Trên mái nhà xưa còn viên ngói vỡ
Thuở nhỏ tôi ngồi mơ ước bâng quơ
Mẹ già run run đón người sương gió
Đi cho bình yên non nước đợi chờ
Nhưng dẫu sao Ngày Bão Loạn cũng không thể thiếu được hình ảnh tả chân xã hội quê hương trong thời gian đó.
Đằng sau mỗi bức tường đập vỡ
Những tên cướp đường rất trẻ thơ ...
Tôi đã sống qua những lừa đảo không ngờ
Vẫn không tin nổi mắt mình đã thấy
Những thân hình mỏng manh như tờ giấy
Không áo, không súng, không dao
Lao vào đoàn xe
Cướp giật!
Rồi phóng vào giang sơn riêng của chúng...
Những tệ nạn xã hội làm sao không thể có trong một xã hội ly tán, tang thương?
Quê hương em có những ngày tan nát
Có bao người thân đi mãi không về
Bóng dáng cuộc đời tăm tối lê thê
Khi em lưng trần đắp bờ đắp đập
Quê hương còn mưa những ngày nước ngập
Cửa nhà trôi, trôi cả giấc mơ em
Điện cúp quanh năm hiu hắt ánh đèn
Giấu che giùm những mặt người xanh mét
Và từ ngày bão loạn đó cho đến tận giờ sau 36 năm hoà bình, vẫn tang thương và người ta vẫn tìm đường rời bỏ.
Dọc theo đường rãnh của từng vỉa hè
Những đứa trẻ ngủ quên đạp tung chiếc chăn rách
Những tấm thân gầy uột mong manh
Tôi cúi đầu với nỗi buồn đã mốc xanh
Ở một nơi mọi người đang lìa bỏ
Là quê hương mình đó anh!
Với trên 200 trang bề dầy trong tập thi văn, tác giả cũng dành được cho mình 4 trang, lược lại cuộc đời sinh ra trong chiến tranh, gắn bó những sinh hoạt của một gia đình có cha trong quân đội, để dẫn đến kết luận là "Đời tôi là một bài thơ". Chị những tưởng lá cờ quốc gia mình đã mãi mãi bị vùi giập, bại trận, nhưng lại được chào lại lá Quốc kỳ trong trang nghiêm, trở thành chiến hữu của những chiến sĩ VNCH, và thêm diễm phúc gặp người bạn đời cùng chí hướng. Lời thơ viết cho hai con trai:
Cuộc sống của mẹ luôn đầy ắp những ước mơ
Ước mơ hiền lành như khoai như lúa
Dẫu năm tháng đổi dời
dẫu lòng người cách trở
Dẫu mộng úa tàn
dẫu tình yêu dang dở
Mẹ có bao giờ để lòng mình héo khô!
Và hôm nay mẹ làm thơ
Kể cho con nghe những lạ lùng gắn bó...
Với tôi, tất cả 33 đoản văn, tường thuật đều là chính, 43 bài thơ đều chuyên chở những tâm tình riêng, với những hình ảnh, âm điệu rất đẹp riêng,về con người về đất nước. Nên tôi chỉ có thể trích theo ngẫu hứng để bạn đọc có ý niệm về tập tâm bút và thể loại thơ của Hương Giang. Một “kiểu” thơ theo tôi rất “cá tính” không niêm luật, không bằng trắc hay câu nệ số chữ, phân đoạn. Có lẽ vì là "tiếng lòng" nên không cần thiết bận tâm với những quy luật. Nó có thể ví như suối, như sông, chảy qua từng phần đất quê hương, thảng có lúc mãnh liệt thác ghềnh, và phần còn lại êm đềm, mênh mang tình tự.
Nếu có bao giờ tôi viết được một tập tâm bút của chính tôi, tôi không nghĩ nó có thể gần gụi với tôi hơn Ngày Bão Loạn. Cám ơn tác giả Hương Giang đã cho tôi những phút giây cảm xúc và một cảm giác rất đẹp, như đi đò trên dòng sông thơ mộng của quê nhà, vừa ngắm cảnh sắc quê hương, vừa nghe dòng sông bùi ngùi kể chuyện, câu chuyện của những con người cao cả, hào hùng và cũng rất lãng mạn của quê tôi, những người chẳng kể an nguy riêng, hy sinh mái ấm gia đình, đi làm chuyện dời sông, xẻ núi với ước mơ của cả một dân tộc trên vai.
Xin được chuyển những cảm nghĩ của tôi thành những vần thân ái gửi đến tác giả, đáp lại món quà tri ngộ mà chị viết để "Kính dâng những anh linh các con dân Việt Nam đã sống và chết cho Tự Do và Nhân Phẩm con người". Đồng thời, xin chúc mừng! Chị đã thành công, vì Ngày Bão Loạn rất xứng đáng. Văn thơ của chị đã diễn tả được những nét cao đẹp trong cuộc sống và cái chết của những người con quý của dân tộc đó.
Ngày Bão Loạn,
Những dòng thơ như dòng sông
Tình tự mênh mông
Đưa tôi về quê hương
Có những người trai muôn xưa cũ
Nhận giữ những ước mơ
Âm thầm đi, mịt mờ biên giới
Những ước mơ vẫn đợi
Mà người về trong di hình
Tổ Quốc Ghi Ơn
Như thước phim màu quay chậm
Sống động từng phiên ảnh xám, xanh, lạnh, ấm ...
Đẹp như tranh, hay in hằn nét đắng
Đều vô cùng khắng khít yêu thương
Hương Giang,
Dòng sông thơ trong sâu
Cho tôi xuôi dòng
Qua những nỗi đau
Những trang sử bi hùng…
Chú thích:
- Ngoài bài thơ cuối của người viết bài này, tất cả các đoạn thơ khác trong bài đều được trích ra từ Ngày Bão Loạn của thi sĩ Hương Giang.
- Những bài thơ trong Ngày Bão Loạn được viết cùng thời gian khi các anh ra đi, một số bài được viết sau này như : Vết cắt, Tôi, Viết Tình Ca, Chiến Hữu, Chiều Sâu Của Biển và một số bài thơ riêng tư. Những đoản văn nếu là của H viết thì là viết sau này khi soạn NBL. Những đoản văn người khác viết cũng tương tự như vậy, có bài được viết cùng thời, có bài do các KCQ còn sống sót viết lại. Tuy nhiên H cố tình chọn và xếp những bài thơ có nội dung liên quan đến người mình muốn nói đến để cùng nhau. (Hương Giang)
* * *
* *
*
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...