. .

Thursday, July 28, 2011

Nhân sĩ Sài Gòn tưởng niệm binh sĩ Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ biên giới và hải đảo

Nhân sĩ Sài Gòn tưởng niệm binh sĩ Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ biên giới và hải đảo

Bài và Hình Ảnh Tổng Hợp từ Vietland Thụy My (RFI) - Hôm nay 27/7/2011 nhân ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ ở Việt Nam, một số nhân sĩ, trí thức ở Thành phố Hồ Chí Minh cùng với câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm tất cả những người đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và hải đảo. Đó là những người đã hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như trong hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam.
...ông Nguyễn đình Đầu (đeo cà vạt)
Về hai cuộc chiến tranh biên giới, ngày 17/02/1979 quân Trung Quốc đã tràn vào xâm lược toàn bộ các tỉnh của Việt Nam nằm dọc theo biên giới Việt – Trung.
Trận chiến này kéo dài đúng một tháng, gây nhiều thiệt hại cho cả hai bên. Trước đó quân Khmer Đỏ, được Trung Quốc trang bị và hậu thuẫn, cũng đã tấn công toàn tuyến biên giới Tây Nam của Việt Nam vào ngày 12/12/1978, sau nhiều lần xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam và thảm sát rất nhiều thường dân Việt.

Về hải đảo, đây là lần đầu tiên những chiến sĩ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước đây, đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 khi quân Trung Quốc tràn lên xâm chiếm quần đảo này của Việt Nam, đã được vinh danh cùng với các liệt sĩ phía Bắc đã ngã xuống trong trận hải chiến chống quân Trung Quốc xâm lược đánh chiếm một số đảo tại Trường Sa năm 1988.

Đến dự buổi lễ tưởng niệm có nhiều nhà trí thức nổi tiếng như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, giáo sư Tương Lai, Nguyễn Phương Tùng, các văn nghệ sĩ như nhà thơ Đỗ Trung Quân, Nguyễn Duy, các khuôn mặt trong phong trào sinh viên Sài Gòn trước đây như các ông Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm…Đặc biệt có sự hiện diện của bà quả phụ Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng chiếc Nhật Tảo, tức HQ-10, đã tuẫn tiết theo tàu trong trận hải chiến ngày 18/01/1974, nhằm chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc thuộc quần đảo Hoàng Sa bị quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Cũng trong buổi lễ tưởng niệm này, những người tham gia đã giơ cao các khẩu hiệu « Ủng hộ kiến nghị 10/07/2011 của nhân sĩ, trí thức gởi Quốc hội và Bộ Chính trị », « Phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam », « Hòa bình và công lý cho Biển Đông », « Yêu cầu nhà cầm quyền không đàn áp biểu tình yêu nước của nhân dân ».

Sau đây là tâm sự của bà Huỳnh Thị Sinh, vợ góa cố Trung tá quân đội Việt Nam Cộng Hòa Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng tàu Nhật Tảo, khi lần đầu tiên được mời tham dự một buổi lễ trong đó tên của người chồng quá cố đã 35 năm qua và các đồng đội trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974, được nhắc đến cùng với các liệt sĩ Trường Sa 1988.


Tôi cũng rất cảm động vì tự nhiên bao nhiêu năm rồi không ai nhắc nhở tới, mà ngày hôm nay tôi được hân hạnh mời đi dự buổi lễ thương binh liệt sĩ. Thành ra tôi thấy cảm động lắm !

Bao nhiêu năm qua, sau ngày giải phóng thì tôi cũng có đi làm. Tôi xin vô làm ở hợp tác xã của phường. Rồi sau một thời gian, hợp tác xã giải tỏa thì tôi coi như bị thất nghiệp ở nhà không làm gì hết. Cũng sống nhờ mấy cháu, đứa cho chút đỉnh vậy thôi, chứ đâu làm được gì. Thì lúc đó mình cũng bán cái này cái kia ở trong nhà để sinh sống qua ngày, với lại nuôi các cháu ăn học tới lớn rồi gả chồng thôi, chứ đâu có đi làm gì cô.

Lúc đó con tôi cũng còn nhỏ quá, con gái lớn mới có 9 tuổi, con gái giữa 6 tuổi còn con gái út ba tuổi. Lớn lên thì mới nói, các cháu mới hiểu biết, chứ còn lúc nhỏ đâu nói được. Nó chỉ ngồi buồn sao không thấy ba về thôi.

Mà hiện giờ tôi đang ở tạm nhà của mấy chị em, chứ không phải nhà của tôi. Tại vì tôi phải chờ tái định cư mới có nhà, mà chờ cũng khoảng năm năm nữa mới có.



Lần đó bà có biết là ông Thà đi Hoàng Sa chiến đấu với quân Trung Quốc không ?

Tôi cũng không biết nữa ! Trong chuyến đi cuối cùng, ông Thà nói với tôi là đi công tác ở Đà Nẵng. Tôi thấy sao ông cứ xách va-li về hoài – lúc đó nhà tôi đang ở chung cư – ông đứng dưới đất kêu tôi, nói là không đi được vì tàu bị hư chờ sửa chữa. Thì sửa chữa tàu xong rồi, chuyến công tác đó ông đi ra Hoàng Sa là đụng nhau với Trung Quốc luôn.

Còn những đồng đội của ông Thà sau đó bà có gặp ai không ?

Dạ không có, ít có gặp ai lắm. Tại vì mấy người đó chắc họ cũng chết hết rồi hay sao đó, theo tôi nghĩ vậy đó. Ở trên tàu đó có ông Nguyễn Thành Trí là Hạm phó. Nghe mấy anh kể lại là ổng đào thoát xuống bè, nhưng mà ra máu nhiều quá nên cũng chết luôn. Cũng giống như ông Thà của tôi, chết theo tàu luôn không có xác.

Khi ông Thà mất đi, ở Bộ Tư lệnh Hải quân người ta có tới làm lễ truy điệu tại nhà tôi. Tôi chỉ biết ông Thà làm Hạm trưởng chiếc tàu Nhật Tảo số 10 hình như cũng được hai năm hay hơn. Mà thường thường ổng đi tàu không à, khoảng hai tháng, ba tháng mới về. Mà về thì ổng ở chừng mười ngày, nửa tháng lại đi nữa. Ông đi vòng vòng ra Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu…Sau chuyến công tác cuối cùng là ổng mất luôn, thành ra tôi đâu có biết ! Ổng chỉ nói là ổng đi công tác ở ngoài Đà Nẵng thôi. Nhưng mà qua ngày sau thì có tin báo về là các tàu đang đánh nhau với Trung Quốc, thì tàu của ổng bị bắn chìm và ổng chết ở trên tàu luôn. Thì chỉ biết vậy thôi. Mà tôi cứ trông đợi hoài, đợi hoài, coi có tin tức gì của ổng không. Đến buổi chiều hôm sau thì có người báo tin là ổng đã chết theo tàu rồi, mà tàu cũng chìm luôn rồi.

Hổng có mộ cô à ! Hàng năm mình nhớ ngày mất là bao nhiêu thì mình làm giỗ thôi. Chứ còn đâu có mộ gì đâu mà đi ra ngoài đó cô !

Tôi cũng không ngờ ngày hôm nay tôi lại được quan tâm thì tôi cũng rất là mang ơn.

Xin rất cảm ơn bà Huỳnh Thị Sinh, tức bà quả phụ Ngụy Văn Thà.

Thụy Mi - RFI

Bài phát biểu của GS Tương Lai trong lễ tưởng niệm tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây nam và ở

Danlambao - Vào lúc 9 giờ sáng ngày 27/07/2011, nhân kỷ niệm 64 năm ngày thương binh - liệt sỹ, một số nhân sỹ, trí thức đã phối hợp với Câu lạc bộ Phaolo Phan Văn Bình tổ chức buổi lễ tưởng niệm tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây Nam và trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

danlambao xin được gửi đến bạn đọc văn bản bài phát biểu của Giáo sư Tương Lai trong buổi lễ này.


* Xin chân thành cảm ơn một bạn đọc tại Sài Gòn đã có mặt tham dự buổi lễ tưởng niệm và gửi đến bạn đọc danlambao văn bản này.
Lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây Nam và Hoàng Sa-Trường Sa được dự kiến tổ chức vào sáng nay 27/7 tại 43 Nguyễn Thông quận 3 TP.HCM



Photo vietlist.com.us
Hộ tống hạm VNCH HQ-10 dự trận Hoàng Sa 1974- Photo vietlist.com.us

Vinh danh anh hùng tử sĩ


4 chiến hạm VNCH chiến đấu tại Hoàng Sa 1974- Photo Vietlist.com.us

Đây là lần đầu tiên một lễ tưởng niệm được lên kế hoạch tổ chức mà chủ thể là tất cả những ai đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Việt Nam, trong đó có những liệt sĩ Hải quân quân đội nhân dân trong trận Gạc Ma 1988 và cả những tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa trong trận chiến Hoàng Sa Ngày 18/1/1974.

Được biết giới nhân sĩ trí thức TP.HCM phối hợp với Câu lạc bộ Phao lô Nguyễn Văn Bình tổ chức buổi tưởng niệm hiếm có, lồng vào khung cảnh Ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam.

Ý tưởng về vấn đề này được thực hiện giữa lúc chủ quyền biển đảo của Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng và người dân Việt Nam sục sôi lòng yêu nước với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bị chính quyền trấn áp.

Nhà nghiên cứu lịch sử địa lý Nguyễn Đình Đầu 91 tuổi, người thay mặt ban tổ chức ký tên trên thư mời nói là, buổi lễ diễn ra ở địa điểm sinh hoạt câu lạc bộ nên không cần phải xin phép.

Đáp câu hỏi của Nam Nguyên là có thể xem lễ tưởng niệm như một hình thức vinh danh những người đã chết vì bảo vệ lãnh thổ Việt Nam không phân biệt là quốc gia hay cộng sản. Cụ Nguyễn Đình Đầu đáp:

“Đúng như thế, nhất là những người đã hy sinh rồi thì không nên phân biệt ý thức hệ hay về phương diện chính trị. Nhưng thế nào cũng có tác động về phương diện chính trị, tôi làm việc này thuần túy trên phạm vi tinh thần, cầu nguyện cho những người đã hy sinh cho tổ quốc.

Những chiến sĩ bên này hay bên kia nhưng đều là bảo vệ đất đai của tổ quốc. Chúng tôi cũng cầu nguyện và tôn vinh cả những đồng bào nạn nhân của những lực lượng thù địch ngoại bang chống phá Việt Nam.”



Bộ đội sơn cước Trung Quốc bỏ mình trên đường vào Việt Nam- 1979- Photo mai-thanh-hai blog

Không phân biệt ý thức hệ

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc ở TP.HCM nói với chúng tôi ông không ở trong Ban Tổ Chức nhưng ông sẽ đến dự lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến 1979 chống Trung Quốc xâm lăng miền Bắc, hay trong cuộc chiến Tây Nam mà ông từng tham gia, cũng như cuộc chiến bảo vệ biển đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa:

“Tất cả những ai đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước thì đều trân trọng. Nhưng mà hoàn cảnh Việt Nam hiện nay cũng còn những ý kiến khác nhau, mặc dù ai cũng muốn thực hiện điều mọi người nói là hòa giải và hòa hợp.

Riêng tôi, chỉ có thể phát biểu như thế này, lần đầu tiên tôi đến nghĩa trang quốc gia Arlington ở thủ đô Washington Hoa kỳ tôi thấy ở khu chôn những người lính Mỹ trong cuộc nội chiến Nam Bắc 1861-1865 thì chôn chung một chỗ không phân biệt ai là ta ai là địch ai là bạn ai là thù.

Vấn đề đó đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều và tôi nghĩ rằng có thể đó là một trong những lý do để Mỹ trở thành một trong những siêu cường.”



Tối 26/7 khi trả lời chúng tôi nhà nghiên cứu sử Nguyễn Đình Đầu nói rằng việc tổ chức buổi lễ tưởng niệm có thể gặp một ít trở ngại nhưng cụ tin rằng nó sẽ vẫn diễn ra.

Đối với quan ngại chính quyền sẽ cản trở buổi lễ vì có thể có biểu tình hay biểu dương để phản kháng Trung Quốc, cụ Nguyễn Đình Đầu phát biểu:

“Chúng tôi làm với tính cách một nghi lễ đối với những người đã hy sinh vì tổ quốc hay là nạn nhân ngoại xâm. Kỳ này chúng tôi làm sẽ không kết nối các công việc trong các phạm vi khác.

Buổi lễ này hoàn toàn có tính cách nghi lễ cầu siêu tôn vinh những người đã hy sinh vì tổ quốc hay là nạn nhân chiến cuộc. Theo tôi biết sẽ không có sự biến chuyển sang mít tinh biểu tình…”


Trong lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây Nam và ở Hoàng Sa Trường Sa dự kiến tổ chức vào 9giờ sáng 27/7 tại 43 Nguyễn Thông Quận 3 TP.HCM, sẽ có phát biểu của nhà nghiên cứu sử Nguyễn Đình Đầu, Giáo sư Tương Lai, ông Lê Hiếu Đằng, ông Huỳnh Tấn Mẫm.

Các nhân sĩ trí thức này cũng là những người dẫn đầu cuộc biểu tình phản kháng Trung Quốc lần đầu ở TP.HCM hôm 5/6/2011.

Nam Nguyên, phóng viên RFA

bà quả phụ Ngụy văn Thà (áo bông tím) đứng sau ông Lê Hiếu Đằng (áo đen)

Ông Lê Hiếu Đằng


Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (bìa trái), GS Tương Lai (bìa phải)


Nhà thơ Đỗ Trung Quân


Nhà thơ Nguyễn Duy





Bà Quả phụ Ngụy Văn Thà


GS-PTS Nguyễn Phương Tùng




Tôi là một người con của dòng máu Việt Nam. Tôi có cha hy sinh trong cuộc chiến trên dải đất này. Hơn bốn nươi năm rồi, không biết cha tôi khi thác xuống xương cốt có còn ở nơi đâu?

Người ta nói người dương thì không biết nhưng người âm thì biết cả trần gian và âm phủ.

Than ôi dã tràng xe cát Biển Đông!

Có phải số phận đắng cay hay địa mạch Đất nước là vậy?

Biết bao nhiêu lớp người đã ngã xuống trên mảnh đất Việt Nam. Lịch sử nào đã biến Việt Nam thành nghĩa trang quốc tế.

Nhân ngày này tôi xin thành khẩn cúi đầu thắp ba nén hương cho những hương hồn của người tử trận trên mảnh đất Việt Nam!

Người đã chết không ai coi là thù nữa. Người Việt Nam cùng là con một Mẹ, người Việt Nam không bao giờ chiến thắng người Việt Nam.

Khẩn cầu cho vong linh của Quý vị được siêu thoát!

Khẩn cầu cho linh hồn Quý vị được đoàn tụ với gia tiên!

Mong Quý vị ở xứ sở vĩnh hằng rút bài học từ dương gian mà đoàn kết; không phân biệt giới tính; không phân biệt người trong nước, người nước ngoài; không phân biệt Bắc – Nam; không phân biệt “địch, ta”; không phân chia giai cấp; đừng ai chuyên chính với ai!

Mong Quý vị ở chốn vĩnh hằng hãy đại xá cho nhau để chung sống một gia đình!

Rừng, biển, lòng đất không phải là môi trường riêng của người sống mà còn là môi trường của người chết nữa.

Khẩn cầu Quý vị hãy phù hộ cho người dương không đói khát, bớt tham lam mà bớt phá rừng, bớt đào bới lòng đất, bớt hủy hoại biển cả… mà động long mạch, làm cho hồn, cốt các vị không được mát mẻ, yên ổn!

Khẩn cầu Quý vị linh thiêng hãy vật chết tươi phường bán nước, hại dân, rước ngoại bang vào đào xới giang sơn Tổ tiên, hủy hoại thuần phong mỹ tục!

Nước Việt Nam hồn thiêng sông núi bất tử.

Khẩn cầu Quý vị linh thiêng hãy phù hộ, độ trì cho những người yêu nước Việt Nam có trí sáng, tâm bền, “chân cứng đá mềm” mà giữ được giang san tổ tông muôn đời!

Cầu khấn hương hồn các Quý vị hãy linh thiêng mà tác phù cho đất nước Việt Nam, cho đất nước của các Quý vị, cho tất cả gia đình của các Quý vị cùng đoàn kết và thịnh vượng!

Lạy bốn lạy!

Thăng Long – Hà Nội, 22/7/2011
Hà Đình Sơn

-

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...