. .

Thursday, December 15, 2011

Đọc lại báo vẹm cũ nhân sự việc Blogger Điếu Cày, Bùi Hằng bị bắt giam không án

LTC: Nhân gần đây, CSVN ngang nhiên bắt người cầm tù như việc Blogger Điếu Cày Nguyễn văn Hải (giam thêm đã 14 tháng -tính đến nay- sau khi đã mãn hạn tù theo án định, hay Blogger Bùi thị Minh Hằng bỗng nhiên bị cưỡng giam vào "trại phục hồi nhân phẩm" -một cách giam tù trá hình mà không có án, không ra tòa-, LTC xin mời bạn đọc theo dõi một tin tương tự đã hơn 2 năm trước, CA cộng sản cũng đã tự tiện bắt người một cách phi pháp chẳng khác nào hành vi bắt cóc của kẻ cướp, qua bài sau đây (bài đăng trên báo đỏ đàng hoàng nhé!)

NCT, Thứ Ba, 28/04/2009-8:55 AM)

Tỉnh Kiên Giang: Vì sao công an lại bắt giữ người trái pháp luật?


Báo Người cao tuổi nhận được đơn thư khẩn cấp của hàng trăm hộ dân huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, tố cáo công an tỉnh Kiên Giang bắt giữ trái pháp luật đối với ông Võ Trung Kiên (74 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội NCT ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B, huyện An Minh và bà Nguyễn Thị Sảnh (70 tuổi), gia đình liệt sĩ trú tại ấp Cán Gáo, trong khi họ đang tới UBND tỉnh Kiên Giang để tố cáo, kiến nghị xung quanh việc tham nhũng đất đai xảy ra tại huyện này.


Theo đơn trình bày, năm 2001 tập thể nhân dân phát hiện một số cán bộ lợi dụng chiếm đất rừng, là tài sản của quốc gia để chia nhau. Nhân dân đã có rất nhiều đơn gửi đến tỉnh, huyện tố cáo, kiến nghị nhưng vẫn không được trả lời. Ngược lại, công an sở tại triệu tập bất cứ ai đi tố giác, khiếu kiện lên cơ quan công an, yêu cầu dân kí cam kết không khiếu kiện, tố cáo nữa, làm người dân hết sức hoang mang.

Đến đầu năm 2008, tập thể nhân dân đến trụ sở tiếp dân của Trung ương tại TP Hồ Chí Minh. Cơ quan tiếp dân yêu cầu dân cử đại diện. Nhân dân đã nhất trí cử ông Võ Trung Kiên và bà Nguyễn Thị Sảnh, là những người có uy tín đại diện nhân dân làm việc với các cơ quan. Ngày 18-4-2008, UBND tỉnh Kiên Giang mời dân đến giải quyết tại văn phòng UBND huyện An Minh, do ông Văn Hà Phong, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh trực tiếp giải quyết theo đơn và hứa sẽ trả lời bằng văn bản.

Thế nhưng, nhân dân chờ đợi mãi vẫn không nhận được câu trả lời như ông Văn Hà Phong đã hứa. Ngày 28-2-2009, nhân dân lại tổ chức đến phòng tiếp dân của UBND tỉnh Kiên Giang để hỏi về các kiến nghị của dân. Do trời đã tối, cán bộ tiếp dân đề nghị bà con nghỉ lại, để sáng hôm sau giải quyết. Song đến khoảng hơn 23giờ cùng ngày, thì công an bất ngờ đến giải tán và bắt hai người đại diện là ông Võ Trung Kiên và bà Nguyễn Thị Sảnh, giữ tại trại tạm giam của công an tỉnh cho đến nay đã gần hai tháng.

Việc bắt giữ hai người nói trên không hề có lệnh bắt giữ của cấp có thẩm quyền, không có quyết định tạm giam cũng như quyết định khởi tố bị can như luật định. Ngày 1-3-2009, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện An Minh mới có thông báo số 15 và 16 gửi UBND xã Đông Hưng B với nội dung: Bắt giữ bị can để tạm giam vì tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” đối với ông Võ Trung Kiên và bà Nguyễn Thị Sảnh. Cùng ngày, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Kiên Giang cũng ra thông báo số 04/TB-PC14 và số 05/TB-PC14 cùng nội dung với hai thông báo của công an huyện An Minh.

Nhân dân tố cáo, kiến nghị về việc một số cán bộ chiếm đất rừng chia nhau, đúng sai là do UBND và các cơ quan hữu quan trả lời cho dân biết. Việc nhân dân đến văn phòng tiếp dân của UBND tỉnh kiến nghị với chính quyền thì không phải là phạm pháp. Công an tỉnh Kiên Giang bắt giữ người như vậy là trái pháp luật. Cứ cho là hai công dân nói trên có tội, thì công an tỉnh Kiên Giang vẫn vi phạm một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tiết d, Khoản 1, Điều 80 Bộ luật này quy định: Trong trường hợp Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Điều 81 quy định trong trường hợp bắt khẩn cấp phải có căn cứ để cho rằng, người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Khoản 4 Điều luật này quy định: “Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan để xét phê chuẩn...”. Khoản 1, Điều 83 Bộ luật này quy định: “...trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt”.

Trong trường hợp này, công an tỉnh Kiên Giang không có các thủ tục như trên đã nêu là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, hai công dân mà công an tỉnh Kiên Giang đang bắt giữ là những người già yếu, phải được cho tại ngoại theo quy định. Khoản 2, Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác...”.

Như vậy, các hành vi của cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Kiên Giang đã đủ yếu tố cấu thành tội hình sự, quy định tại Điều 123: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, Khoản 1: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”; Khoản 2: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: Tiết a) Có tổ chức; Tiết b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn...”.

Đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong tỉnh, đặc biệt là công an tỉnh Kiên Giang tiến hành điều tra xác minh và xử lí đúng pháp luật, tránh gây oan sai cho người vô tội.

Hoàng Linh

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...