. .

Friday, February 10, 2012

Tiến trình thông qua dự luật “Nhân Quyền Việt Nam 2012”-tin RFI

RFI, Thứ năm 09 Tháng Hai 2012 - Trọng Nghĩa

Hạ viện Mỹ khởi động tiến trình thông qua dự luật “Nhân Quyền Việt Nam 2012”

Dân biểu Mỹ Chris Smith.

Một dự thảo luật cấm Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam nếu Hà Nội không cải thiện tình trạng nhân quyền vừa được một tiểu ban Hạ viện Mỹ thông qua...
Dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề nhân quyền và châu Phi, thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện vào hôm qua 08/02/2012 đã cho biết là tiểu ban ông phụ trách đã nhất trí thông qua một dự luật mới về Nhân quyền Việt Nam.

Mang tên “Vietnam Human Rights Act of 2012”, với ký hiệu HR 1410, bản dự luật này được điều chỉnh từ một dự luật cũ vào năm 2011, từng được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua trước khi bị bỏ rơi tại Thượng viện. Mục tiêu của văn kiện này được nêu rõ là nhằm phát huy tự do và dân chủ tại Việt Nam (To promote freedom and democracy in Vietnam).

Phát biểu trong buổi họp giới thiệu dự luật, ông Chris Smith giải thích lý do khiến ông bắt buộc phải đề xuất trở lại dự luật này. Đó là vì chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của chính người dân họ. Đối với ông Smith : “Đã đến lúc chính phủ Mỹ cần gửi một thông điệp rõ ràng cho chế độ Việt Nam là họ cần phải chấm dứt các vi phạm nhân quyền đối với chính công dân của họ”.

Để gây sức ép với Việt Nam, dự luật HR 1410 do đó đã dự trù chốt các khoản viện trợ Mỹ không có mục đích nhân đạo cho chính phủ Việt Nam ở mức của năm 2011, trừ phi Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận là Việt Nam đã có “tiến bộ đáng kể” trong việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo và ngôn luận, cũng như nỗ lực đấu tranh chống tệ nạn buôn người.

Dự luật cũng đòi hỏi Việt Nam trả tự do cho các tù nhân bị giam giữ “vì đấu tranh ôn hòa cho quyền tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ”, trong đó có linh mục Nguyễn Văn Lý.

Tiến trình thông qua dự luật về nhân quyền Việt Nam tuy nhiên mới ở bước khởi đầu. Sau khi được thông qua ở cấp tiểu ban, văn kiện này cần phải được lần lượt chấp thuận tại Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện, rồi tại toàn thể Hạ viện và sau cùng là tại Thượng viện.

Cho dù đã được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua hai lần trong các khóa họp trước, dự luật này đã bị Thượng viện tẩy chay, thậm chí không được mang ra xem xét. Lần này, dân biểu Chris Smith hy vọng cục diện sẽ thay đổi.


-

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...