...Anh có hỏi tôi nghĩ gì khi làm câu thơ “Lưng khom dáng thú bụng phơi hình người?” (anh trích dẫn trên đầu truyện Dáng Thú của anh.) Câu trả lời hình như là một câu hỏi: “Cậu không thấy khi người ta đứng thẳng, cai bụng phơi ra sao? Có con thú nào phơi bụng ra đâu? Chỉ có thú vật mới phơi lưng ra mà thôi.”
Người Việt, Wednesday, March 28, 2012 5:30:24 PM
Viên Linh
So với các nước khác, trong giai đoạn 1954-1975, Việt Nam, hay riêng miền Nam, không thiếu những nhà văn chết trẻ. Hiện chúng ta đang bước vào năm thứ 37 ngày 30 Tháng Tư, đây là thời gian để chúng ta tưởng niệm tới những tài năng sớm mai một ấy.
Nhà văn Song Linh (1942-1970) mất năm 28 tuổi tại chiến trường Kiến Phong, được truy thăng thiếu tá. (Hình: Viên Linh) |
Họ chết, song văn phẩm của họ còn, nếu chúng ta tìm đọc lại những tờ báo cũ, chúng ta sẽ thấy họ. Nhiều người chưa có dịp in một cuốn thơ, cuốn văn riêng, vậy chính những tờ báo văn nghệ của miền Nam, nơi họ hiện diện, một cách trừu tượng, có thể coi là những nghĩa trang chung cho những văn tài mệnh yểu.
Những tờ báo được tham dự đông đảo trước hết là báo tuần. Trong thập niên '70, tuần báo văn học duy nhất của miền Nam là tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội. (Những tờ văn chương khác thảy đều xuất bản hàng tháng, trừ Bách Khoa là bán nguyệt san, tuy nhiên phần văn chương không nhiều). Tạp chí Nghệ Thuật cũng xuất bản hàng tuần, ra được 56 số, song đã đình bản vài tháng trước khi có Khởi Hành. Là cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội, với trên 700 hội viên trong mọi binh chủng, in trên 5000 ấn bản, phát hành rộng rãi trên khắp bốn vùng chiến thuật trong nhiều năm, nên người viết cho Khởi Hành đa số là quân nhân, người đọc cũng đa số là quân nhân.
Dư luận đã ngạc nhiên tại sao một tạp chí văn chương của quân đội lại quá tự do như đã thấy, để các nhà văn nhà thơ trẻ viết như phóng bút, và mặt khác, mời được hầu hết những trí thức văn nghệ sĩ tên tuổi của miền Nam. Báo của quân nhân, nhưng dù là quân nhân cũng phải mua mới có báo mà đọc (giá 20 đồng một số), nên vận mệnh của nó thực sự nằm trong tay bạn đọc. Không ai mua báo dở mà đọc bao giờ, cho nên tinh thần Khởi Hành ngay từ hồi chiến tranh vẫn là tinh thần tự do. Viết tự do, dù là quân nhân. Bởi thế, bài vở trên tờ báo này trước 1975 là sáng tác của Một Nền Văn Học Tự Do, sản phẩm của tâm thức và trí tuệ tuổi trẻ miền Nam lúc bấy giờ, quan trọng nhất là từ tháng 5, 1969 tới đầu 1973. Phần lớn các tác giả trẻ tuổi nổi tiếng nhất của miền Nam sau này đã xuất hiện từ Khởi Hành, lần đầu có bài được biết đến là từ Khởi Hành: Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Ðạt, Nguyễn Bắc Sơn, Võ Chân Cửu, các nhà phê bình Cao Huy Khanh, Nguyễn Nhật Duật; họa sĩ Chóe; nhà văn Cung Tích Biền...
Song Linh (1942-1970)
Từ trần 21 tháng 1, 1970, 28 tuổi, cố thiếu tá. Song Linh là bút hiệu của Nguyễn Văn Nghiêm, sinh 15 tháng 12, 1942 tại Nam Ðịnh, học Trường Thiếu Sinh Quân tại Hà Nội, xuất thân khóa 2 Sĩ Quan Ðặc Biệt, Nha Trang. Du học Hoa Kỳ 1966. Gục ngã tại chiến trường Kiến Phong.
Các nhà viết văn học sử Miền Nam, viết biên khảo về văn chương Miền Nam sẽ tìm thấy trên Khởi Hành những yếu tố sinh động nhất, điển hình nhất: các nhà văn nhà thơ viết trong tiếng súng, viết trên ba-lô, viết nằm trên ghế bố, như trường hợp Song Linh: “Tôi đang nằm viết trong đêm. Nơi Xóm Cạnh Ðền. Hỏa châu thoi thóp từ một đồn bót nào trong lãnh thổ Kiên Long [Kiến Phong]. Con rồng lửa đang phun những cầu vồng đạn lửa đỏ từ trên trời xuống một trận địa. Một đơn vị bạn nào đang chạm địch đâu đây? Nhìn qua mùng dưới ánh đèn bấm chập chờn. Muỗi từng đàn đậu đen như thóc và bay liệng lao xao...” [bài đăng trên KH số 42, 1970] Hãy tưởng tượng: người viết những dòng ấy từng du học ở Texas, Virginia; từng ngồi uống cà phê và đọc phụ trương Book Review của tờ The New York Times ở Greenwich Village, New York. Hai tháng sau anh ngã xuống ở nơi anh viết, trong khi đang bay trực thăng quan sát trận địa. Tôi gặp anh một đôi lần trước đó, khi anh về phép; da trắng trẻo, mặt thanh tú, lông mày rậm, vẻ thanh nhã... Khi viết bài anh là đại úy; bài đăng lên anh là cố thiếu tá, 28 tuổi!
Y Uyên (194?- 1969)
Từ trần 8 tháng 1, 1969, 26 tuổi. Về Y Uyên, xin nhắc lại bài đọc sách dành cho cuốn Tượng Ðá Sườn Non của anh đăng trên tờ Nghệ Thuật hồi năm 1966.
Bây giờ tuy không có bài đó dưới tay, tôi vẫn nhớ những điều đã viết về người tác giả trẻ này, nhân tác phẩm đầu tay của anh.
Ðiều mà tôi viết, một năm trước đây nhà văn Túy Hồng đã nhắc lại trên trang Văn Hóa Chính Trị của báo Tiền Tuyến: bốn năm trước Viên Linh gọi “Y Uyên là người viết về chiến tranh hay nhất mà tôi được đọc.” Câu nhận định ấy về một tác phẩm mong manh của một tác giả trẻ lần đầu có sách xuất bản, là một câu nhận định rất táo bạo.
Tác phẩm Y Uyên còn dang dở, một dang dở không ai tiếp tục nổi, bởi anh là người mang chiến tranh vào văn chương như mang một hình bóng ám ảnh thầm lặng nhưng ray rứt, xao xuyến, nặng nề, dài dặc trầm trầm mòn mỏi mãi mãi không kết thúc.
Tác giả nó cũng không kết thúc cho dù có còn sống: chiến tranh ở đó không còn là đề tài mà là đời sống, tác giả không trực tiếp nhận thấy nó, bởi đó là một bóng ma lẩn quất trong đêm tối huyền hoặc, chỉ cảm thấy vì âm khí lạnh lẽo u ám, chỉ cảm thấy vì bị vây hãm nặng nề, ráo riết.
Y Uyên không viết về chiến tranh “chó má” với những nhân vật không biết làm gì hơn là văng tục của những tác giả viết văn như viết phóng sự, viết hoạt cảnh sau này. Chiến tranh được dựng lại như hoạt cảnh, ký sự đã đẩy độc giả làm khán giả.
Chiến tranh trong tác phẩm Y Uyên kéo khán giả đó vào chụp vào mũi hắn ống hơi bình dưỡng khí, và hắn cảm thấy ngay áp lực điều-kiện-hóa giữa hai lá phổi. Nhà văn không đi trước để làm chứng nhân cho những phán xét sau này, nhà văn đi trước để được sống sót, cho dù có trở thành nạn nhân và dù đã chết.
Nhà văn Y Uyên (1943-1969), mất năm 26 tuổi khi bị phục kích gần đồn Nora, Phan Thiết, thiếu úy. (Tranh vẽ của Duy Thanh) |
Khi Y Uyên vào Sài Gòn, không còn nhớ ở đâu, có thể là ở nhà Nguyễn Ðình Toàn gần đài phát thanh Quốc Gia, đường Phan Ðình Phùng, chúng tôi đã cùng đánh một canh xì-phé vào ban ngày. Y Uyên trầm lặng, nói ít, diện mạo hơi ngăm ngăm, nhỏ người, da tóc khô. Ðụng nhau vài ván, Y Uyên muốn nhường. Sau khi lật bài thì tôi hiểu: anh chơi bài rất cao. Khuôn mặt lại không lộ vẻ gì nên đối thủ không thể đoán được. Anh có hỏi tôi nghĩ gì khi làm câu thơ “Lưng khom dáng thú bụng phơi hình người?” (anh trích dẫn trên đầu truyện Dáng Thú của anh.) Câu trả lời hình như là một câu hỏi: “Cậu không thấy khi người ta đứng thẳng, cai bụng phơi ra sao? Có con thú nào phơi bụng ra đâu? Chỉ có thú vật mới phơi lưng ra mà thôi.”
Y Uyên Nguyễn Văn Uy ra đời ở miền Bắc, di cư vào Nam năm 1954, sống nhiều ở Tuy Hòa, Phú Yên. Tỉnh lỵ nhỏ bé ấy, trong trí nhớ của người viết những dòng này, khô và dốc. Mưa to biến đường đi thành suối nước, chảy như thác cuốn. Trong sáu tác phẩm của anh để lại, người đọc thấy được không khí Tuy Hòa, buồn nản, trậm trì. Anh dạy học, rồi nhập ngũ, khi tử trận trong một trận phục kích ở bên đồn Nora, Phan Thiết, anh mới 26 tuổi. Ðó là ngày cuối cùng của anh ở đơn vị. Người sĩ quan trẻ nằm xuống trong mình đã có giấy thuyên chuyển, song chỉ lên đường vào ngày hôm sau.
Anh đã lên đường về nơi vô định. Tác phẩm Y Uyên: Bão Khô, tập truyện, Giao Ðiểm, 1966, 166 trang. Tượng Ðá Sườn Non, tập truyện, Thời Mới, 1966, 152 trang. Ngựa Tía, truyện dài, Giao Ðiểm, 1967, 170 trang. Quê Nhà, truyện, Trình bày, 1967, 168 trang. Ðuốc Sậy, tập truyện, Văn Uyển (số 20), 1969.
Vũ Hữu Ðịnh (1942-1981)
Sinh thời Vũ Hữu Ðịnh không có thi phẩm nào được xuất bản. Phải tới năm 1996, thi phẩm Còn Một Chút Gì Ðể Nhớ của anh, gồm 45 bài, mới được ấn hành, do sự đóng góp (công và của) của bằng hữu, nhất là của Trần Từ Duy. Một đêm thơ Vũ Hữu Ðịnh được tổ chức tại Phú Nhuận để ra mắt thi phẩm, qui tụ rất đông bạn hữu và người hâm mộ, và nhờ đó, bà Kim Vân, vợ nhà thơ, đã tu sửa được cho chồng một nấm mồ khang trang tại nghĩa địa Gò Cà, Ðà Nẵng. Bà là nhân vật trong bài thơ Cảm Ân Người Vợ Khổ của Vũ Hữu Ðịnh:
Lần nào em sinh nở
Anh cũng trên đường xa
Lần này em sinh nở
Anh cũng không có nhà.
Vũ Hữu Ðịnh tên thật là Lê Trung, sinh tại Thừa Thiên, 1942, mất 16 tháng 1 Tân Dậu (1981) bên bờ Sông Hàn, Ðà Nẵng.
-
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...