. .

Wednesday, May 2, 2012

Tại sao luật sư mù Trần Quang Thành được gọi là Daredevil? - Nguyễn Bảo Tư

...Ngay lập tức, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bắt giữ những người có liên quan tới vụ vượt thoát của ông Trần. Hai người em của ông Trần là Trần Quang Phục (Chen Guangfu) và Trần Khoa Quỹ (Chen Kegui) đều bị bắt ngày thứ Năm, 26 tháng Tư. Riêng ông Trần Khoa Quỹ đã bị một số người không mặc sắc phục đến bắt. Bọn chúng nhảy qua tường rào, bẻ khóa, đá cửa xông vào nhà trong đêm tối. Ông này đã cầm dao ở bếp để chống cự lại. Hành động của bọn công an Trung Cộng giống hệt với công an Việt Cộng: không có trát tòa, xử dụng bọn đầu gấu xã hội đen, dùng nhừng thủ đoạn đê tiện hèn hạ nhưng vô cùng dã man. Như vợ của luật sư Trần, bà Viên Vệ Tịnh (Yuan Weijing) đã bị quấn vào một cái chăn và bị đám côn đồ xúm vào đánh đập trong nhiều tiếng đồng hồ...

DCVOnline, 02-05-2012

Ngày 21 tháng Tư năm 2012 luật sư mù Trần Quang Thành (Chen Guangcheng - DCVOnline) đã trốn thoát khỏi sự canh gác chặt chẽ của công an Trung Cộng quanh nhà ông tại làng Đông Thạch Cổ (Dongshigu-DCVOnline), huyện Lâm Nghi (Linyi-DCVOnline), tỉnh Sơn Đông (Shandong -DCVOnline). Đến thứ Sáu 27 tháng Tư, tin tức về vụ đào thoát có một không hai này được các báo giấy và báo mạng tại Mỹ đồng loạt tung lên, cho biết ông Trần đã vào được bên trong Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh. Ngoài những hàng tít bình thường như “Chen Guangcheng Escapes House Arrest” còn có những tít lạ lùng hơn như “Holy Crap, A Chinese Daredevil!” Một người tật nguyền như ông Trần làm sao vượt ngục? Và tại sao người Mỹ lại gọi Trần Quang Thành là “Daredevil”?

Cuộc vượt thoát tài tình

Trần Quang Thành bị mù từ nhỏ, rồi vì mù nên không được vào trường đại học nên phải tự học thành luật sư. Ông bắt đầu lên tiếng bảo vệ quyền của những người nông dân và tàn tật từ năm 1998. Ông Trần cũng đấu tranh cho những phụ nữ bị buộc phải phá thai muộn và triệt sản dưới chính sách một con của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ông bị bắt giam năm 2006 và trả tự do năm 2011. Sau đó ông và gia đình bị quản thúc tại gia trong tình trạng hết sức khắc nghiệt, con gái ông không được đến trường. Công an còn lấy các tấm sắt che bít hết cửa sổ, tịch thu máy điện toán, máy xem DVD, máy chụp hình, đèn bấm, sách vở tài liệu cùng các món sở hữu khác, đồng thời đặt hai máy thu hình bên ngoài nhà. Có khoảng 60 công an canh gác đêm ngày để xua đuổi bất cứ ai muốn đến thăm.

Vòng vây “nội bất xuất, ngoại bất nhập” của công an thô bạo đến mức ngày 15 tháng 12, 2011, tài tử điện ảnh Christian Bale - người từng đóng vai Batman/Bruce Wayne trong 2 bộ phim Batman Begins và The Dark Knight - chỉ vì muốn đến thăm luật sư Trần mà bị hành hung, cho dù Bale đã thực hiện thành công bộ phim “Flowers of War” (Cánh Hoa Thời Loạn) được cho là sẽ đem lại giải Oscar cho Trung Cộng. Bale và đoàn quay phim CNN đã bị công an chặn lại ngay tại đầu làng, sau đó còn bị xe công an rượt theo cả một quãng đường để đuổi hẳn ra khỏi làng. Bản thân “Người Dơi” cũng bị la mắng và táng vào trán. Cho thấy Trần Quang Thành bị khống chế hết sức chặt chẽ. Mỉa mai thay, chưa đầy một năm sau, con người mù lòa này đã trốn thoát bất chấp cả một hàng rào công an mật vụ đêm ngày rình rập bao vây.

Sự việc bắt đầu từ lúc một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị và là một gương mặt đang lên, ông Bạc Hy Lai (Bo Xilai), bị cách chức bí thư thành ủy Trùng Khánh, còn giám đốc Công an Thành phố này là ông Vương Lập Quân (Wang Lijun) cũng bị cách chức và bị coi như là một kẻ “phản bội” vì có ý định xin tỵ nạn chính trị tại lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô. Trần Quang Thành tin rằng vụ việc họ Bạc sẽ mở màn cho một cuộc đấu đá kinh hoàng giữa các thế lực trong nội bộ Đảng Cộng Sản, và ông có thể trở thành nạn nhân của các cuộc thành trừng này. Lối thoát duy nhất là tìm một nơi an toàn để lánh nạn trong một thời gian. Ông Trần đem điều ấy nói với ông Hồ Giai (Hu Jia), một người bạn đấu tranh. Trong một cuộc gặp gỡ bí mật mà ông Hồ Giai phải cải trang kỹ lưỡng cả hai bàn bạc với nhau khoảng 1 tiếng, và rồi cùng đồng ý rằng chỉ có một chỗ “an toàn 100%”, đó là Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Chen Guangcheng và  Hu Jia (tại Bejing sau khi Trần Quang Thành trốn thoát)
Nguồn ảnh: Getty/AFP


Nhưng vấn đề khó khăn nhất là ông Trần phải tự mình thoát được vòng vây canh phòng của công an để ra được bên ngoài. Việc này với một người mắt sáng đã là rất khó khăn thì một người mù sẽ làm sao? Thế nhưng Trần Quang Thành không bỏ cuộc.

Sau 2 tháng trời chuẩn bị kỹ lưỡng, theo dõi cặn kẽ đường đi nước bước của đối phương, ông Trần tìm hiểu chính xác giờ thay ca của hai toán lính gác. Vào một đêm không trăng sao, đúng vào giờ thay đổi phiên gác, Trần Quang Thành lẻn ra ngoài. Ông phải leo qua một hàng rào cao, khi nhảy xuống chân lại bị trặc. Dù thế, ông vẫn khập khiễng băng qua 8 vòng canh gác của những kẻ côn đồ mặc thường phục (plainclothes thugs) trong bóng đêm. Trời tối đen như mực nhưng chính đó lại là lợi thế của ông Trần vì đối với một người mù thì đêm không khác gì ngày. Trên quãng đường vượt thoát, ông đã té ngã cả trăm lần nhưng ông lại đứng lên, tiếp tục, và cuối cùng tới được điểm hẹn.

Tại điểm hẹn, Trần Quang Thành gặp Hà Bội Dung (He Peirong) - còn có biệt hiệu Trân Châu (Pearl). Hà Bội Dung chở Trần đến Bắc Kinh (khoảng 8 tiếng lái xe). Tại đây, ông Trần gặp lại ông Hồ Giai. Ông này đã giúp ông thu một đoạn video clip gởi lời tới Thủ tướng Ôn Gia Bảo và phóng lên mạng YouTube. Tiếp theo đó, ông Trần được một người bạn đấu tranh khác là ông Quách Ngọc Sơn (Guo Yushan) chở đến một nơi trú ẩn khác. Hiện nay, Trần Quang Thành đã được Đại sứ quán Hoa Kỳ tiếp nhận. Theo ông Lý Kính Tùng (Li Jinsong) - luật sư của ông Trần năm 2006 - thì từ lâu ông Trần đã được nhiều quốc gia đề nghị cấp cho quy chế tị nạn nhưng ông đều từ chối vì quyết tâm ở lại trong nước để đấu tranh. (1)

“Thưa Thủ tướng Ôn. Dù rất khó khăn, tôi cũng đã trốn thoát.” Đó là câu mở đầu của Trần Quang Thành trong đoạn video clip dài 15 phút. Bằng lời lẽ lịch sự nhưng cứng rắn, ông Trần đưa ra 3 yêu cầu: Xử phạt nghiêm khắc những viên chức đã tra tấn gia đình ông trái với luật pháp; Bảo đảm an toàn cho những người thân của ông; Chính phủ phải có những biện pháp thực sự để chống tham nhũng.

Một người mù tay không tấc sắt, dám qua mặt cả một lực lượng công an trang bị vũ khí đến tận răng thì quả là một hành động rất ấn tượng, nhưng vì lý do gì mà nhiều người Mỹ gọi ông Trần là “Daredevil”? Đây lại là một câu chuyện khác.

Siêu nhân Daredevil

Daredevil là một super-hero (anh hùng siêu nhân) của truyện tranh Mỹ (comics) ra đời năm 1964. Daredevil tên thật là Matt Murdock. Khi còn nhỏ, cậu bé Matt đã bị mù trong một tai nạn xe vì muốn cứu một người ăn xin. Cha của Matt - Jack Murdock- là một võ sĩ đánh bốc và cũng là tay sai của một băng đảng xã hội đen có tên The Kingpin. Khi lên võ đài, Jack thường mặc một cái áo đỏ có hai chữ DD – “Dare Devil”. Trong một cuộc thi đấu, Jack bị buộc phải thua để bọn Kingpin thắng cá độ, nhưng Jack nhất định không chịu vì muốn để lại một tấm gương trung thực cho con. Và Jack đã bị bắn chết ngay trong đêm hôm ấy, ngay trước mặt đứa con trai của mình.

Quyết tâm trả thù cha, cậu bé Matt Murdock tìm thày học võ. Tuy không có thị giác nhưng những giác quan khác của Matt lại trở nên nhạy bén không ngờ. Không những Matt có thể nghe thấy rõ hơn người thường, cậu còn nghe được cả nhịp đập trái tim của người đối diện, từ đó biết được người kia nói thật hay nói dối, có sức khỏe mạnh hay yếu, v.v... Lớn lên, Matt học luật và trở thành luật sư. Anh giúp những người nghèo tìm công lý, đó là nhừng người nghèo đến mức có khi chỉ đủ sức trả công cho anh bằng một con cá! Thế nhưng, pháp luật không phải lúc nào cũng công minh, nhiều khi công lý đầu hàng tiền và quyền, và đó là lúc Matt Murdock sẽ khoác bộ đồ đỏ rực lên người, cùng với vũ khí là hai khúc đoản côn, Daredevil thay thần công lý trừng trị kẻ ác.

Có thể thấy, Trần Quang Thành giống với Matt Murdock ở nhiều điểm: bị mù từ nhỏ, lớn lên thành luật sư, cương quyết đấu tranh cho quyền lợi của những người thấp cổ bé miệng. Ngay cả vẻ bề ngoài, luật sư Trần cũng giống luật sư Murdock đến kinh ngạc, cũng mái tóc đen xõa ngang trán, cặp kính đen hình chữ nhật, giống đến cả khuôn mặt chữ điền và đôi môi cương nghị. Theo ông Hồ Giai, ông Trần cũng có khả năng “nghe rất tốt”. Nhưng tất cả những điều vừa kể không đủ để người Mỹ nhắc đến Trần Quang Thành như Matt Murdock dù rằng năm 2006 tạp chí Time đã bình chọn Chen Guangcheng là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới. Chỉ đến bây giờ, khi ông Trần dũng cảm và khôn khéo vượt qua vòng rào giam giữ bất chấp mọi nguy hiểm thì ông mới được người Mỹ thán phục, nhắc đến như là “The Chinese Daredevil”. Và tức nhiên, The Kingpin - băng đảng tội phạm - được ví cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Tưởng cũng nên ghi nhận rằng người Mỹ rất “cưng” những nhân vật super-hero của họ. Những Batman, Spiderman, Superman, Woverine, Spawn, v.v... tuy chỉ là nhừng nhân vật hoàn toàn tưởng tượng nhưng lại được ngưỡng mộ như những con người bằng xương bằng thịt vì họ là biểu tượng cho quan niệm anh hùng đặc biệt kiểu Mỹ. Gần đây, Thủ tướng Nga (nay là Tổng thống) Vladimir Putin được gọi là “Batman” nhưng đó chỉ để diễu thái độ độc đoán của ông Putin so với cái vẻ rụt rè “gà phải cáo” của “Robin” Medvedev mà thôi. Cho tới nay, dù truyện tranh Mỹ có cả hàng chục nhân vật super-hero (nam và nữ) nhưng chưa một người ngoại quốc nào được cái vinh dự có tên đi kèm với một nhân vật siêu nhân. Vì thế, khi có những nhà báo Mỹ đập đùi cái đét mà bảo “Holy crap, a Chinese Daredevil!” (Quỷ thần ơi, bây giờ lại có một Daredevil Tàu!), hay “Chen Guangcheng turns Daredevil on his captors" (Trần Quang Thành thành ra Daredevil với bọn bắt ông), hay, “Blind lawyer by day, Daredevil by night?” (Luật sư mù ban ngày, Daredevil ban đêm?) thì mới thấy hành động can trường của vị luật sư mù này đã được người Mỹ đánh giá cao đến mức nào. (2)

Những gì tiếp theo?

Ngay lập tức, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bắt giữ những người có liên quan tới vụ vượt thoát của ông Trần. Hai người em của ông Trần là Trần Quang Phục (Chen Guangfu) và Trần Khoa Quỹ (Chen Kegui) đều bị bắt ngày thứ Năm, 26 tháng Tư. Riêng ông Trần Khoa Quỹ đã bị một số người không mặc sắc phục đến bắt. Bọn chúng nhảy qua tường rào, bẻ khóa, đá cửa xông vào nhà trong đêm tối. Ông này đã cầm dao ở bếp để chống cự lại. Hành động của bọn công an Trung Cộng giống hệt với công an Việt Cộng: không có trát tòa, xử dụng bọn đầu gấu xã hội đen, dùng nhừng thủ đoạn đê tiện hèn hạ nhưng vô cùng dã man. Như vợ của luật sư Trần, bà Viên Vệ Tịnh (Yuan Weijing) đã bị quấn vào một cái chăn và bị đám côn đồ xúm vào đánh đập trong nhiều tiếng đồng hồ. Ông Hồ Giai đã bị bắt, còn ông Quách Ngọc Sơn và cô Hà Bội Dung đều bị theo dõi.

Thế nhưng tất cả những gian khổ trên không làm mờ đi niềm hân hoan của cộng đồng mạng Trung Hoa. Tin vượt ngục của luật sư mù Trần Quang Thành nổ ra như một tiếng sét giữa trời quang. Blogger Kinh Hối Lệ (Jing Huili) viết “Chưa bao giờ số phận của một người mù lại làm rúng động lương tâm của toàn dân tộc đến thế”. Các netizens cũng tỏ lòng đặc biết ái mộ đến Pearl-Hà Bội Dung vì lòng quả cảm của cô. Vụ việc cũng hé lộ một điều làm nức lòng người, đó là các tổ chức đấu tranh tại Trung Hoa đã tạo được một mạng lưới chặt chẽ và làm việc rất hữu hiệu.

Khỏi nói cũng biết nhà cầm quyền Bắc Kinh phát sốt về vụ “luật sư mù nghe gió kiếm” này. Theo ghi nhận của website China Digital Times, từ hôm 27 tháng Tư đến nay, một loạt từ ngữ đã bị chặn trên mạng Tân Lãng Vi Bác (Sina Weibo, một loại Google Search & Translate ở Hoa Lục), hầu hết là tên của những người có liên can đến vụ đào thoát. Ngoài tên ông Trần Quang Thành, còn có tên ông Hồ Giai cùng người vợ là bà Tằng Kim Yến. Từ “trân châu”, biệt hiệu của Hà Bội Dung cũng nằm trong danh sách đen, tương tự như “Lâm Nghi” tên huyện ông Trần, đến cả các từ tắt như GC (tức là Guang Cheng - Quang Thành), CNN, BBC, hai cơ quan truyền thông đưa nhiều tin về vụ này cũng bị cấm tiệt. Nực cười là ngay cả các từ hết sức bình thường như “manh nhân” hay “hạt tử” - nghĩa là “người mù” - cũng bị kiểm duyệt, thậm chí từ “sứ quán” cũng bị coi là nhạy cảm. (3)

Thế nhưng, quen thuộc với cách kiểm duyệt của chế độ đối với các thông tin bất lợi, cư dân mạng Trung Quốc đã lập tức sáng tạo ra cách đối phó. Theo hãng Reuters, trong những ngày qua, trên mạng Internet Trung Quốc đã xuất hiện thành ngữ “bước vào ánh quang”, để nói về vụ ông Trần Quang Thành, vừa gợi lên vụ ông đào thoát khỏi nơi tăm tối, vừa ám chỉ tên lót của ông là Quang.

Còn về phía Hoa Kỳ thì sao? Theo tin của báo Huffington Post, ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng Hòa - ông Mitt Romney - đã lên tiếng rằng Hoa Kỳ cần phải làm tất cả để bảo vệ người đấu tranh Trung Hoa vừa đào thoát này. Theo ông Romney, vụ việc của ông Trần Quang Thành đã mở rộng những vấn đề về nhân quyền, và Hoa Kỳ cần giúp Trung Hoa thay đổi chế độ cộng sản.

Mọi người còn nhớ vụ người bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng nhất Trung Quốc là giáo sư Phương Lệ Chi (còn được gọi là “Sakharov Trung Quốc”), đã trốn vào đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh ngay sau khi phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh (hay Sự kiện Thiên An Môn) bị đàn áp năm 1989. Ông đã phải tỵ nạn một năm ròng rã ở đấy, trong khi chờ đợi cuộc đọ sức giữa Washington và Beijin ngã ngũ. Ông đã qua Mỹ sau đó, và mới qua đời hồi tuần qua. Luật sư Trần Quang Thành rồi cũng sẽ chung số phận đó hay không?

Vào ngày 3 tháng Năm này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner sẽ đến Bắc Kinh tham gia cuộc Đối thoại Chiến lược Kinh tế Mỹ Trung thường kỳ giữa hai nước, một cuộc họp trên nguyên tắc là nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai cường quốc. Dư luận cho rằng việc xin lánh nạn của Trần Quang Thành sẽ đẩy Hoa Kỳ vào một vị thế rất khó xử, nhất là năm 2012 lại là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, bất cứ một sơ xuất nào của đảng Dân Chủ cũng có thể dẫn đến kết quả bất lợi cho Tổng thống Obama.

Ở đây có một sự kiện mà người viết không khỏi thắc mắc, mong có ngày tìm được giải đáp là việc tài tử Christian Bale đích thân đến thăm luật sư Trần Quang Thành có ý nghĩa gì không hay chỉ là một sự ngẫu hứng. Theo “truyền thống” comics, mỗi super-hero có một địa bàn hoạt động riêng như Batman là Gotham City còn Daredevil là Hell’s Kitchen, thế nhưng người này vẫn đến hỗ trợ cho người kia khi thực sự cần thiết. Việc “Batman – Bale” đến thăm “Daredevil – Chen” trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn dường như chuyên chở một thông điệp gì đó chứ không đơn giản là một cảm tình cá nhân bình thường. Có thể gọi đó là một cử chỉ “bật đèn xanh” từ phía Mỹ đến ông Trần hay không, nên ông Trần mới tin tưởng rằng Sứ quán Mỹ là nơi trú ẩn an toàn nhất?

Cuộc chuyển tiếp quyền lực tại Trung Hoa Lục Địa đang diễn ra những màn gay cấn, trong đó các nhóm quyền lực Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang đang bị các phe phái khác ra tay thanh trừng độc địa hơn cả thủ đoạn của các băng đảng Mafia. Bên cạnh đó là cuộc đấu tranh ngoan cường của những con người yêu chuộng tự do như Hồ Giai, Trần Quang Thành. Và tất cả chỉ mới là phần mở đầu cho những câu chuyện ly kỳ sắp tới.


© DCVOnline




Nguồn: (1). Washington Post: Chen Guangcheng, Chinese dissident went to U.S. Embassy for protection, Keith B. Richburg & Steven Mufson, 28/04/2012
(2). Những hàng chữ này được tìm thấy khi google với từ khóa “chen guangcheng daredevil”
(3). Cư dân mạng Trung Quốc tìm cách phá vỡ hàng rào kiểm duyệt vụ Trần Quang Thành, Trọng Nghĩa, 304/04/2012.

-------------
Cập nhật 2/5/2012:
Ông Trần Quang Thành rời Đại sứ quán Mỹ vì vợ bị đe doạ (http://dcvonline.net/modules.php?name=News&file=article&sid=9111)

Mark MacKinnon (The Globe and Mail)

BEIJING - Chen Guangcheng (Trần Quang Thành), người mù bất đồng chính kiến Trung Quốc đã là tựa đề những bản tin quốc tế khi vào tạm trú ở Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, đã được Đại sứ Mỹ Gary Locke hộ tống khỏi lãnh thổ ngoại giao.

Tin cho hay ông Chen được điều trị tại Bệnh viện Chaoyang (Triều Dương) tại Bắc Kinh trong khi vợ và con gái của ông đang ời Sơn Đông để gia đình đoàn tụ. Có tin cho hay ông Trần Quang Thành, đã nói rằng ông không muốn rời khỏi Trung Quốc, sẽ được phép di chuyển đến một vùng khác ở Trung Quốc, không phải sống với quan chức ở Sơn Đông, những có trách nhiệm quản thúc tại gia người luật sư tự học 40 tuổi ở làng Dongshigu (Đông Thạch Cổ) của ông trong 20 tháng qua.


Gia đình ông Trần Quang Thành - Nguồn ảnh: www.ChinaAid.org/Reuters

Theo một báo cáo của Reuters, ông Chen sẽ được chuyển đến “một môi trường an toàn,” nơi ông có thể theo học đại học. “Đây là một trường hợp đặc biệt liên quan đến hoàn cảnh ngoại lệ, và chúng tôi không trông mong sẽ tái diễn,” một viên chức Mỹ nói với Reuters.

Ông Chen đến Đại sứ quán Mỹ sáu ngày trước, sau khi được một mạng lưới ngầm giúp tổ chức cuộc trốn thoát táo bạo vào ban đêm từ nơi bị giam lỏng và một đoạn đường 500 km đến Bắc Kinh. Số phận của ông Chen đã được đẩy lên hàng đầu của chương trình nghị sự khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Bắc Kinh hôm thứ Ba cho một chuyến thăm đã định từ trước.

Trong khi ông Chen rời Đại sứ quán Mỹ dường như là kết quả của các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh rõ ràng là không hài lòng với toàn bộ sự việc. Tân Hoa Xã phàn nàn rằng ông Chen đã đến Đại sứ quán Mỹ “bằng phương tiện bất thường” và cho biết Bộ Ngoại giao TQ đã yêu cầu Washington có một lời xin lỗi chính thức.

“Phía Mỹ đã can thiệp vào nội bộ của Trung Quốc, và phía Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Liu Weimin nói.

Bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ đã giải quyết vụ việc “theo cách phản ánh sự lựa chọn của ông Chen và giá trị của chúng tôi,” và rất quan trọng để đảm bảo rằng Bắc Kinh giữ lời cam kết để ông ấy (Trần Quang Thành) không bị đàn áp nữa.

“Chính phủ Hoa Kỳ và người dân Mỹ cam kết sẽ liên lạc với ông Trần Quang Thành và gia đình của ông trong những ngày, tuần, và năm tới,” bà Clinton nói trong một tuyên bố sau khi ông Trần Quang Thành rời Đại sứ quán Mỹ.

Người ta đã thấy ông Chen trên một chiếc xe lăn bên trong Bệnh viện Triều Dương. Các viên chức đại sứ quán Mỹ cho biết ông đã bị thương ở chân trong cuộc trốn thoát từ làng Đông Thạch Cổ.

Một số bạn bất đồng chính kiến đã không ngờ ông Chen đột ngột rời Đại sứ quán Mỹ, và lo ngại về các chi tiết của những thoả thuận liên quan đến số phận của ông Trần Quang Thành. “Cả hai bên có lẽ đều đã phải chịu áp lực rất lớn,” hoạ sĩ Ai Weiwei (Ngải Vị Vị), người cũng đang sống dưới sự giám sát thường xuyên, cho biết qua điện thoại di động. “Không ai biết thỏa thuận là những gì.”

Ông Chen, người bị mù từ lúc bé, bắt đầu nổi tiếng - và làm quan chức chính phủ ở Trung Quốc nổi giận - như là một luật sư tự học tranh đấu cho người khuyết tật và nâng cao nhận thức trong quần chúng về việc cưỡng bức phá thai và triệt sản vì chính sách “ một con” khắc nghiệt của Trung Quốc.

Năm 2006, ông đã bị kết án bốn năm tù về tội “tụ tập đám đông làm cản trở giao thông”. Kể từ khi ông Thành ra khỏi tù, các nhà báo, nhà ngoại giao và những người hoạt động nhân quyền đã cố gắng đến thăm làng Đông Thạch Cổ. Tất cả đều bị đuổi về, một số còn bị hành hung. (Trong số những người nổi tiếng đã cố gắng và không đến thăm ông Chen được là diễn viên Christian Bale, người đã đi cùng với đoàn làm tin của CNN.

Sau khi trốn thoát, ông Thành đưa lời kêu gọi bằng YouTube tới Thủ tướng Ôn Gia Bảo để can thiệp trực tiếp vào vụ việc, một động thái xác định có sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Cộng sản TQ về vấn đề đổi mới chính trị. (Ông Ôn Gia Bảo được xem là đảng viên cộng sản thâm niên nhất trong những người ủng hộ cho sự cởi mở hơn, không thành viên nào khác trong 9 người của Ban thường vụ Bộ Chính trị ủng hộ lời kêu gọi dân chủ của ông.)

“Trần Quang Thành đã phải chạy trốn [vào Đại sứ quán Hoa Kỳ] để có được sự chú ý của lãnh đạo cấp cao. Điều này cho thấy rằng TQ không phải là một xã hội hợp pháp, và có tự do,” ông Jiang Weiping (Khương Duy Bình), một nhà báo Trung Quốc hiện đang sống lưu vong ở Toronto nói. “Không có tương lai cho một chính phủ sợ một người mù.”

Cập nhật -

Các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã đảm bảo an toàn cho ông Chen, nhưng The Associated Press đưa tin rằng gia đình ông Trần Quang Thành đã bị đe dọa.

Phát biểu qua điện thoại từ phòng bệnh viện ở Bắc Kinh tối thứ Tư, trong lo âu, ông Chen cho biết một viên chức Mỹ nói với ông rằng chính quyền Trung Quốc đe dọa đánh vợ ông đến chết nếu ông không rời khỏi Đại sứ quán Mỹ.

Ông Chen, người đã chạy trốn vào Đại sứ quán sáu ngày trước, rời toà Đại sứ theo một thỏa thuận, trong đó ông sẽ nhận được sự săn sóc y tế và được đoàn tụ với gia đình và được cho phép đi học tại đại học ở một nơi an toàn. Ông nói rằng giờ đây anh lo ngại cho sự an toàn của ông và muốn đi.

Zeng Jinyan, một người bạn thân của người bất đồng chính kiến​​, đã nói trước đó bà đã nói chuyện qua điện thoại với vợ và ông Trần Quang Thành khi ông đang ở bệnh viện. Giọng ông có vẻ thất vọng và nói với bà ấy vợ ông đã bị đe dọa, bà Zeng Jinyan nói.

“Ông nói những gì ông muốn là hoàn toàn khác [với những gì đã thoả thuận], nhưng vì không ai có thể bảo vệ vợ và con” - ông đã phải chấp nhận, bà Zeng đã nói với AP qua Skype.

Washington Post đã không đề cập đến các mối đe dọa như vậy trong bản tin về một cuộc trò chuyện ngắn với ông Chen với một trong những nhân viên của Washington Post tại Trung Quốc. Phóng viên Keith Richburg đã viết rằng ông đã nhận được một cú phone từ Đại sứ Mỹ, và đưa điện thoại để ông Chen nói chuyện, “giọng như vui vẻ”, và cho biết ông bình yên và đang trên đường đến bệnh viện.

Chai Ling (Sài Linh), một trong những lãnh tụ sinh viên tại Thiên An Môn (1989), hiện đang sống tại Boston, cho rằng phản ứng của Hoa Kỳ là không thể chấp nhận được. Ngoại trưởng Hillary Clinton phải đạt được thoả hiệp với Trung Quốc để gia đình ông Trần Quang Thành rời khỏi Trung Quốc, bà Sài Linh tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với CBC News chiều nay, 2/5/2012.


© DCVOnline
----
Nguồn: Chinese dissident Chen leaves U.S. embassy in Beijing. MARK MACKINNON. Beijing— Globe and Mail. Published Wednesday, May 02, 2012
- Chinese dissident Chen says authorities threatened his wife’s life. MARK MACKINNON. Beijing— Globe and Mail Update. Published Wednesday, May. 02, 2012 3:59AM EDT.

-------------------------------
Cập nhật 3/5/2012:
Có phải Obama đã phản bội một người hùng Trung Quốc? (http://dcvonline.net/modules.php?name=News&file=article&sid=9112)

Frida Ghitis Đặc biệt cho CNN


(CNN) - Khi người mù bất đồng chính kiến Trung Quốc Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) tổ chức cuộc trốn thoát ly kỳ khỏi nơi bị bắt giữ, ông đã tìm sự bảo vệ của người Mỹ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh. Sáu ngày sau đó, khi ông Chen rời toà đại sứ đến một bệnh viện địa phương, mọi việc tưởng như các viên chức Mỹ đã tìm được một giải pháp, như Bộ Ngoại giao nhận định, “phản ánh sự lựa chọn của ông ấy và giá trị của chúng tôi.”

Một viên chức tại Đại sứ quán Mỹ cho biết ông Chen đã rất biết ơn sự giúp đỡ của người Mỹ và ông đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton qua điện thoại, “Tôi muốn hôn bà.”

Nhưng tình thế đang bắt đầu thay đổi, có dấu hiệu cho thấy chính quyền Obama đã không bảo vệ ông Chen một cách hiệu quả.

Có phải Hoa Kỳ đã phản bội luật sư nhân quyền Trung Quốc?

Hoa Kỳ cho biết một thỏa thuận với Trung Quốc là ông Chen sẽ được trả tự do, được phép di chuyển cùng với gia đình đến một vùng khác và được theo học tại trường đại học. Tuy nhiên, Chen đã nói với CNN rằng chính phủ Mỹ đã làm ông thất vọng. Hoa Kỳ khẳng định rằng người hoạt động nhân quền tự ý muốn rời khỏi lãnh thổ ngoại giao và muốn ở lại Trung Quốc. Tuy nhiên, Chen cho biết ông lo ngại cho mạng sống của mình, và sự an toàn của vợ và muốn rời khỏi Trung Quốc. Đáng ngại hơn, ông tuyên bố rằng các quan chức Mỹ, thay vì tiếp tục sự bảo vệ của họ, đã áp buộc ông phải rời khỏi vùng an toàn ở Đại sứ quán.

Nếu điều này đúng thì đây là một vết nhơ đáng xấu hổ cho Hoa Kỳ. Cho đến nay, Tổng thống Obama đã có một hồ sơ lộn xộn về quyền con người. Đây là một thử nghiệm quan trọng cho một chính quyền ưa chuộng chủ nghĩa thực dụng hơn là phô trương những cảm xúc là vừa ý.

Yêu cầu đột xuất của ông Chen để tạm trú tại Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan dễ sợ cho Washington. Vài tháng trước đây, bà Clinton đã nói thay cho ông Trần Quang Thành, khi các nhóm nhân quyền cho rằng sự quản thúc ông tại nhà là hoàn toàn bất hợp pháp.

Tuy nhiên, Chen vượt thoát đến Đại sứ quán Mỹ vào thời điểm xấu nhất, với Ngoại trưởng Clinton đang đến Bắc Kinh để họp cấp cao về các vấn đề khác rất quan trọng.

Môjt cách nhẹ nhàng má ní thì mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc rất phức tạp. Hoa Kỳ cần hợp tác của Bắc Kinh về vấn đề Iran và Bắc Triều Hàn. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu và cũng là chủ nợ hàng đầu của Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc không bị lên lớp về nhân quyền, cho rằng đó là một cấu trúc đạo đức giả của phương Tây và được dùng cho các mục đích chính trị. Ngay cả khi vấn đề này có giá trị, Bắc Kinh nói, đó là một vấn đề nội bộ, không phải chuyện của Mỹ.

Chen, người đã bị mù từ khi còn nhỏ, là một luật sư tự học. Ông đã trở thành một người quyết liệt ủng hộ cho người nghèo và người khuyết tật và ông đã được chú ý khi ông phơi bày sự lộng hành trong chính sách một con của Trung Quốc, tố giác sự tàn bạo của cán bộ cấp dưới cưỡng bức hàng ngàn phụ nữ nghèo của Trung Quốc phải phá thai và triệt sản. Ban đầu, Bắc Kinh đã nghe lời tố cáo của ông và đã bắt giữ một số người phạm tội. Tuy nhiên, Chen cho biết hành động của Bắc Kinh chẳng đáng gì. Khi đã được quốc tế biết đến và ông lại càng cam kết tranh đấu cho dân quyền với chính phủ, chính quyền Trung Quốc đã quay lưng lại với ông.

Năm 2006, chính phủ Trung Quốc đã cho ông Chen đi tù về tội làm gián đoạn giao thông và làm thiệt hại tài sản; ông Chen phủ nhận nững cáo buộ này. Sau khi rời nhà tù bốn năm sau đó, ông và gia đình của ông đã được đặt dưới sự quảnc thúc khắc nghiệt tại nhà. Các nhóm vận động nhân quyền nói rằng gia đình ông đã chịu đựng đánh đập hàng ngày và chế độ ăn uống chết đói.

Ngày 29 Tháng Tư, dưới màn đêm, Chen trèo qua tường đã được xây xung quanh ngôi nhà của ông. Vì mù lòa nên là bóng tối đã cho ông một lợi thế hơn các nhân viên an ninh đang canh giữ ông. Ông đã giả bị ốm khiến nhân viên an ninh bớt cảnh giác.

Sau khi trèo qua bức tường, một mạng lưới những người hoạt động đã giúp ông, một trong số họ là He Peirong, lái xe 300 dặm đến Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Cô ấy hiện đang bị giam giữ.

Khi Tổng thống Obama đã được hỏi về Chen, ông cho biết ông đã biết được tình hình nhưng từ chối để giải quyết vấn đề và chỉ nói, “Mỗi khi chúng ta hội họp với Trung Quốc là vấn đề nhân quyền lại trỗi dậy.”

Obama đã làm những người hoạt động nhân quyền thất vọng ngay những ngày đầu lên cầm quyền của ông, ví dụ, ông chống lại việc hỗ trợ mạnh mẽ những người hoạt động ủng hộ dân chủ ở Iran, tuyên bố rằng “can thiệp” không có ích khi hàng trăm ngàn người đã xuống đường. Ông bị chỉ trích vì hủy bỏ một cuộc họp với Đạt Lai Lạt Ma, và cuối cùng TT Obama đã gặp Đạt Lai Lạt Ma nhưng phải tiễn khách về bằng cửa sau, hạ tầng quan trọng của cuộc họp, hầu vuốt ve Trung Quốc. Tiếp tục ủng hộ của ông (Obama) đối với một số chế độ độc tài và sự lãnh đạm, cùng chính sách bất nhất với các cuộc nổi dậy của khối Ả Rập cũng đã gây ra nhiều chỉ trích.

Đồng thời, chính sách ngoại giao thực dụng của ông dường như có kết quả, đặc biệt là ở Myanmar. Và những người hoạt động nhân quyền cho rằng Obama đã đi một chặng đường dài kể từ những bước đầu vụng về của ông.

Trường hợp của ông Chen, tuy nhiên, có thể trở thành biểu tượng. Nếu chính quyền Obama không thể giải thích những gì đã xảy ra không đúng, thì đây là cơ hội để các đối thủ đảng Cộng hòa và những người ủng hộ nhân quyền chỉ trích là ông (Obama) đã lóng ngóng quá tệ.
Frida Ghitis - Nguồn: CNN

Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu một lời xin lỗi từ Washington vì đã giúp ông Trần Quang Thành và đã can thiệp vào vần đề nội bộ của Trung Quốc. Nhưng chính quyền Obama, tuyên bố đã ứng xử đúng với các giá trị Hoa Kỳ trong trường hợp ông Chen, cần phải chứng minh rằng chính phủ này cũng có sức mạnh đạo đức để đứng lên bảo vệ cho các cá nhân can đảm đang tìm sự giúp đỡ của Mỹ.

Đây không phải là chỉ là vấn đề ông Trần Quang Thành. Đây là nguyên tắc phổ quát của quyền con người, và thực ra, đây là việc Hoa Kỳ sẵn sàng để bảo vệ nhân quyền trên sân khấu toàn cầu. Cả thế giới đang nhìn về Washington.

© DCVOnline
-------
Nguồn: Did Obama betray a Chinese hero? Frida Ghitis, Special to CNN. May 2, 2012 -- Updated 2234 GMT (0634 HKT)

Chú: Frida Ghitis là columnist về thế giới vụ cho The Miami Herald và World Politics Review. Là một cựu ký giả và nhà sản xuất của CNN, Frida Ghitis là tác giả cuốn “The End of Revolution: A Changing World in the Age of Live Television.”



-

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...