. .

Monday, October 8, 2012

Tiễn đưa thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đến nơi an nghỉ cuối cùng

Người Việt, Saturday, October 06, 2012 4:20:06 PM

Tác giả ‘Hoa Ðịa Ngục’ về cõi thiên đàng

Ngọc Lan/Người Việt

SANTA ANA (NV) - Ðông đảo bạn bè, đồng hương, những người mến mộ ý chí của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, đã cùng thân nhân ông có mặt tại nhà thờ Ðức Mẹ La Vang vào sáng sớm Thứ Bảy, 6 tháng 10, để tham dự lễ di quan người thi sĩ-ngục sĩ này.
Linh cữu thi sĩ Nguyễn Chí Thiện được gia đình và bạn hữu đưa đến nhà quàn Melrose Abbey ở thành phố Anaheim để hỏa thiêu. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Theo chương trình, thánh lễ di quan bắt đầu từ lúc 8 giờ, nhưng nhiều người đến sớm hơn để còn kịp nhìn thấy gương mặt nhà thơ lần cuối, trước khi nắp quan tài được đóng lại.


Túc trực bên di hài nhà thơ là vợ chồng ông Nguyễn Công Giân, anh trai nhà thơ, và những bằng hữu thuộc Diễn Ðàn Giáo Dân.

Linh Mục Nguyễn Văn Luân, giám quản nhà thờ Ðức Mẹ La Vang, làm chủ tế cho thánh lễ này.

Ở tận Oxnard, cách nơi diễn ra đám tang hơn một tiếng rưỡi lái xe, ông Nguyễn Hoàng Thành, ngoài 70 tuổi, đến dự tang lễ nhà thơ Nguyễn Chí Thiện vì lòng “ái mộ” nhân cách của người đã khuất.

Ông Thành cho biết: “Tôi là người tị nạn cộng sản, ông Thiện cũng là nạn nhân của cộng sản, là người chống Cộng từ bao năm nay, bị tù đày nhưng không bao giờ ông khuất phục trước mọi sự đàn áp. Tôi ái mộ những người có ý chí như ông, và từ sự ái mộ đó mà tôi đến đây dự tang lễ, dù tôi với ông Nguyễn Chí Thiện không hề quen biết.”

Ðó cũng là tâm tình của anh Nguyễn Thiên Thanh, ở thành phố Westminster. Bỏ qua những thú vui thường có vào mỗi sáng Thứ Bảy hàng tuần, anh Thanh dành thời gian đến viếng nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, chỉ vì một lẽ duy nhất: “Tôi kính phục những người như ông.”

Ðứng nơi cuối giáo đường nhà thờ, ông Sơn Trần, ở thành phố Stanton, người “chỉ biết anh Nguyễn Chí Thiện qua báo đài” nhưng ông vẫn dành thời gian đến “để đưa tiễn linh hồn anh lần cuối” vì “tôi cảm thấy mến phục ảnh vì ảnh là một con người đã sống trong 'đất địch' nhưng lại dám nói lên nỗi lòng, nói lên sự bạo tàn của chế độ cộng sản. Tôi không được như anh, nên tôi rất mến phục anh.”

Ngoài gia đình người anh trai là Nguyễn Công Giân ở tiểu bang Virginia, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện không có gia đình nhỏ của riêng mình. Ông chỉ có tình thương, sự quan tâm chăm sóc của những người bạn, những người bằng hữu, những người yêu mến, kính phục tài năng và nhân cách của ông.

Và họ mang những tâm tình đó đến viếng ông, tiễn đưa ông, đầy thánh đường Ðức Mẹ La Vang.

Sau nghi lễ tại nhà thờ, linh cữu nhà thơ Nguyễn Chí Thiện được đưa đến nhà quàn Melrose Abbey ở thành phố Anaheim để hỏa thiêu.

Tại đây, lần cuối cùng, những lời tiếc thương, bày tỏ sự kính trọng về thi sĩ Nguyễn Chí Thiện của những người thân sơ, một lần nữa được đọc lên.

Có mặt trong tang lễ cũng như theo linh cữu nhà thơ ra nhà quàn là bà Jean Libby đến từ San Jose. Bà Libby là một giáo sư đại học về hưu, là người bạn, cũng là người giúp thi sĩ Nguyễn Chí Thiện “đưa thơ văn ông ra thế giới rộng lớn.”

Nói chuyện với phóng viên Người Việt, bà Libby cho biết: “Tháng 10 năm 2004, tôi mời ông Thiện đến nói chuyện tại một buổi hội thảo tại trường đại học tôi đang dạy, để nói rõ hơn về lịch sử Việt Nam, chiến tranh Việt Nam, chế độ cộng sản Việt Nam mà trong những quyển sách ở California đã không nói rõ và nói đúng.”

Thoạt đầu, theo lời bà Libby, bà không có ý định phiên dịch thơ văn Nguyễn Chí Thiện ra tiếng Việt vì “tôi không biết tiếng Việt.”

“Nhưng trong lần gặp gỡ đó, ông đề nghị tôi giúp ông mang thơ văn ông đến với thế giới rộng hơn và tôi đồng ý.” Bà Libby kể.

Bà nói trong sự xúc động, “Ông Thiện đã dạy tôi nhiều điều từ trong thơ, trong những gì ông viết. Tôi vẫn còn học thêm nhiều điều nữa từ những tác phẩm ông để lại.”

Có mặt trong những giờ phút sau cùng của tang lễ là cô Anh Trần, cũng đến từ San Jose. Theo lời Anh Trần, cô quen biết nhà thơ từ 15 năm nay, khi còn nhỏ xíu, do “mỗi lần đến San Jose là bác Thiện ở nhà của ba má em.”

Anh Trần nói bằng tiếng Việt xen tiếng Mỹ của những người trẻ lớn lên tại Hoa Kỳ: “Em biết bác Thiện cũng 15 năm rồi. Mỗi lần nói chuyện, bác Thiện đều dạy cho em về Việt Nam, về những tập tục cổ truyền Việt Nam, chia sẻ với em rất nhiều những câu chuyện của bác trong thời gian ở tù, nói cho em nghe nhiều điều không có trong sách vở. Những lần nói chuyện với bác Thiện, em học được nhiều thứ lắm.” Cô gái bật khóc.
Những nén nhang cuối cùng trước giờ hỏa thiêu nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Ðúng 10:45 phút sáng, linh cữu nhà thơ Nguyễn Chí Thiện được bạn hữu đưa vào lò hỏa táng. Anh trai nhà thơ, và cả nhà văn Trần Phong Vũ, người đã vuốt mắt lần cuối cho nhà thơ, đều từ chối làm công việc nhấn nút khai hỏa lò thiêu. Có lẽ, như một người có mặt trong đám tang đã nói: “Không mấy ai có thể làm công việc đau đớn đó được.” Nhân viên nhà quàn thực hiện trách nhiệm này, thay cho tất cả.

Trời đầu Thu không chói nắng, cũng không u ám. Dịu nhẹ cơn gió đưa ông, thi sĩ-ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện, về nơi thanh thản nhất.

----------------------------------

Một vì sao vừa tắt


Ngày 2 tháng 10 năm 2012
Tim ngừng đập
Một vì sao vừa tắt
Chó thôi sủa, mèo thôi kêu
Những con quạ đen thôi cụng ly chửi rủa
Giữa hàng triệu trái tim thương tiếc
Kẻ vô sĩ vẫn huyên thuyên
Kệ chúng nó – Anh vẫn thường nói vậy
Vì tên anh thánh thiện vẫn hơn người

Ngày 16 tháng 7 năm 1979
Bên hàng rào sứ quán
Hoa địa ngục nở hoa
Khi anh ưởn ngực bước vào tù
Những người dũng cảm cũng ngã nón
Phường tiểu nhân vẫn hung hăng
Thuở anh làm người thì chúng chẳng ra đời

27 năm thử lửa địa ngục
Quỷ sa tăng cũng cúi đầu khuất phục
Anh vẫn đứng, sừng sửng như núi
Chỉ có kẻ lòng lợn tim trâu mới lên giọng dạy đời
Kệ chúng nó – Anh vẫn hiền hoà nói vậy
Vì tên anh hướng thiện lúc làm người

Ngày 6 tháng 10 năm 2012
Thân về cát bụi
Hồn lìa trần nhưng uy dũng vẫn còn đây
Anh không chết vì tên anh đã là lịch sừ
Là chứng nhân “Tã trắng thắng cờ hồng”

Đỗ Thành Công

(Tưởng nhớ anh Nguyễn Chí Thiện)

––-

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...